Bill Gates có tên đầy đủ là William Henry Gates III (1955- ). Ông học xong chương trình trung học rồi ghi danh vào Đại học Harvard năm 1973. Ông không tốt nghiệp Havard, mà cùng với Paul Allen thành lập tập đoàn phần mềm Microsoft và từ đó chuyên tâm vào việc phát triển phần mềm vi tính. Ông cũng là tác giả và đồng tác giả của một số cuốn sách.
Sau này ông chuyển qua cống hiến nhiều cho con người khắp nơi, bằng cách quyên góp và ủng hộ những khoản tiền lớn cho các tổ chức từ thiện và nghiên cứu khoa học, cấp học bổng… thông qua Quỹ Bill & Melinda Gates mang tên ông và vợ ông, được thành lập năm 2000. Các lĩnh vực nhận được tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates bao gồm y tế (phòng chống sốt rét, lao, HIV…; chế tạo thuốc chủng ngừa, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình…), nước uống, vệ sinh môi trường (như nghiên cứu nhà vệ sinh không sử dụng nước cho 2,5 tỉ người trên thế giới không được tiếp cận với phương tiện vệ sinh), phát triển nông nghiệp, phát triển cộng đồng, v.v.
Ở Việt Nam, một đóng góp quan trọng của Quỹ Bill & Melinda Gates là cùng với tổ chức phi lợi nhuận Atlantic Philanthropies (Mỹ) tài trợ cho việc xây dựng một phòng thí nghiệm dioxin hiện đại để kiểm tra, theo dõi và xử lý các hóa chất độc hại tồn tại lâu dài trong môi trường.
Sau 30 năm kể từ khi rời khỏi Đại học Havard mà không tốt nghiệp, ngày 7 tháng 6 năm 2007 Bill Gates trở lại Đại học này để nhận Bằng Tiến sĩ Danh dự Luật học. Đồng thời, ông được trao vinh dự đọc Diễn văn Tốt nghiệp trước một cử tọa đông đảo gồm 15.000 người.
Ngay từ lúc Bill Gates được giới thiệu để tiến lên bục giảng, tất cả cử tọa đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô ông. Bằng ngôn từ dí dỏm khởi đầu và sau đó càng lúc càng nghiêm túc pha thiết tha, Bill Gates không đề cập gì nhiều đến phát triển phần mềm – lĩnh vực giúp ông trở thành tỉ phú đô la hàng đầu nước Mỹ. Thay vào đó, chủ đề của ông mang tính nhân văn: ông nói về những vấn nạn bất bình đẳng, đói nghèo, bệnh tật… trên toàn cầu, và làm thế nào đóng góp để khắc phục những vấn nạn ấy.
Diễn văn Tốt nghiệp Đại học Havard
Tôi đã chờ đợi trên 30 năm [cười khúc khích] để nói câu này: “Thưa cha, con đã luôn nói với cha rằng con sẽ quay lại và nhận văn bằng.” [vỗ tay & cười]
Tôi muốn cảm ơn Harvard đối với vinh dự kịp thời này. Năm tới tôi sẽ kiếm việc làm khác… và thật là hay khi cuối cùng tôi có một văn bằng đại học để ghi vào lý lịch chuyên môn của mình. [cười]
Tôi hoan nghênh các sinh viên tốt nghiệp ngày hôm nay vì đã chọn con đường trực tiếp hơn dẫn đến văn bằng của các bạn. Về phần mình, tôi chỉ lấy làm vui khi biết [tờ báo sinh viên] Crimson gọi tôi là “sinh viên bỏ học thành đạt nhất Harvard”. [cười] Tôi đoán đấy là lý do tôi được chọn làm sinh viên đại diện cho lớp đặc biệt của mình để đọc diễn văn tốt nghiệp. [cười] Việc mà người khác không làm thì tôi làm tốt nhất. [cười]
Nhưng tôi cũng muốn được công nhận là người đã dụ dỗ được Steve Ballmer([1]) rời bỏ trường kinh doanh. [vỗ tay & cười] Tôi là kẻ nêu gương xấu. [cười] Vì thế mà tôi được mời nói chuyện với các bạn nhân ngày các bạn tốt nghiệp. Nếu tôi được chọn để phát biểu lúc các bạn chọn nghề, [cười] thì hẳn số người trong các bạn ở đây ngày hôm nay sẽ ít đi. [vỗ tay & cười]
Harvard là một trải nghiệm phi thường đối với tôi. Cuộc sống hàn lâm đầy say mê. Tôi thường đến dự nhiều khóa giảng mà thậm chí tôi còn không ghi danh theo học. Cuộc sống ở ký túc xá quả là tuyệt. Tôi sống ở Radcliffe, trong tòa nhà Currier. Vào ban đêm, lúc nào cũng có nhiều người trong phòng trọ của tôi bàn luận nhiều chuyện, bởi vì ai nấy đều biết rằng tôi không màng thức dậy vào buổi sáng. [cười] Tôi trở thành đầu têu cho nhóm phản xã hội như thế. Chúng tôi bám vào nhau như là cách công nhận sự từ khước của tất cả những người theo xã hội ấy.
Radcliffe là nơi tuyệt vời để sống. Có nhiều phụ nữ hơn ở trên ấy, và phần lớn các anh chàng thuộc týp khoa học và toán. Cái tổ hợp ấy làm cho tôi có lợi thế ngon nhất, và hẳn các bạn hiểu tôi muốn nói gì. [cười] Chính ở đây mà tôi rút ra bài học buồn nhất là cải thiện lợi thế của bạn không bảo đảm thành công. [cười]
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi ở Havard xảy ra vào tháng 1 năm 1975, khi từ tòa nhà Currier tôi gọi điện cho một công ty ở Albuquerque, Mexico. Công ty này vừa bắt đầu làm ra những máy vi tính cá nhân đầu tiên trên thế giới. Tôi đề nghị bán cho họ phần mềm. Tôi lo họ nhận ra mình chỉ là một sinh viên sống trong ký túc xá rồi gác máy mà không thèm nói chuyện với tôi. Thay vào đó, họ trả lời: “Chúng tôi chưa sẵn sàng, một tháng sau anh hãy gọi lại.” Đấy lại là điều hay, bởi vì chúng tôi chưa viết ra phần mềm. [cười] Từ lúc ấy, tôi làm việc ngày đêm trong dự án nhỏ nhoi đó, đánh dấu chấm hết cho giáo dục đại học của tôi và bắt đầu một hành trình đáng kể với Microsoft.
Điều làm cho tôi nhớ nhất về Harvard là tôi được sống giữa nhiều nguồn năng lượng và trí tuệ thông minh đến thế. Cuộc sống đó có thể là hồ hởi, làm cho người ta e sợ, đôi lúc gây chán nản, nhưng lúc nào cũng đầy thánh thức. Quả là một đặc ân diệu kỳ – và cho dù tôi sớm rời bỏ, tôi thay đổi nhiều nhờ mấy năm ở Harvard, nhờ những tình bằng hữu mà tôi tạo dựng, và nhờ những ý tưởng mà tôi thực hiện ở đó.
Nhưng nhìn lại một cách nghiêm túc… tôi có một tiếc nuối lớn.
Tôi rời Harvard mà không có ý thức thực sự về những bất bình đẳng ghê gớm trên thế giới – những hố ngăn cách kinh khủng về sức khỏe, về giàu nghèo, và về cơ hội của hàng triệu người có cuộc sống tuyệt vọng.
Ở Harvard tôi học nhiều về những ý tưởng mới mẻ trong kinh tế học và chính trị học. Tôi được biết nhiều về những thành tựu trong các ngành khoa học. Nhưng những tiến bộ lớn lao nhất của nhân loại thì không ở chỗ những khám phá – mà ở chỗ những khám phá ấy được ứng dụng như thế nào nhằm giảm bất bình đẳng. [vỗ tay] Hoặc là qua nền dân chủ, hoặc qua nền giáo dục công mạnh mẽ, hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, hoặc cơ hội kinh tế rộng mở mà việc giảm bất bình đẳng là thành tựu lớn nhất của con người.
Tôi rời khuôn viên đại học mà không biết gì nhiều về hàng triệu người không có cơ hội học vấn trên đất nước này ở đây. Tôi cũng không biết gì cả về hàng triệu người sống trong đói nghèo và bệnh tật không gì diễn tả được ở các nước đang phát triển. Phải qua mấy thập kỷ tôi mới tìm hiểu được.
Các bạn tốt nghiệp thì đến Harvard vào thời điểm khác. Các bạn biết rõ hơn về những bất bình đẳng trên thế giới so với những lớp đến trước. Trong những năm các bạn ở đây, tôi hy vọng các bạn có cơ hội để suy ngẫm về việc làm thế nào – trong thời đại công nghệ tăng tốc này – cuối cùng chúng ta có thể nắm bắt những bất bình đẳng, và có thể giải quyết chúng.
Để thảo luận, hãy tưởng tượng mỗi tuần các bạn có vài tiếng đồng hồ và mỗi tháng các bạn có vài đô la để đóng góp cho một mục đích – và các bạn muốn sử dụng thời gian và số tiền ấy để có kết quả lớn nhất trong việc cứu giúp và nâng cao cuộc sống. Các bạn sẽ sử dụng ở đâu?
Đối với Melinda và tôi, thách thức vẫn là thế: làm cách nào chúng tôi có thể giúp đỡ tốt nhất cho nhiều người nhất với nguồn lực mà chúng tôi có.
Trong các cuộc thảo luận về câu hỏi này, Melinda và tôi được đọc một bài báo viết về hàng triệu trẻ em đang đối mặt với cái chết mỗi năm ở các nước nghèo do những bệnh mà từ lâu chúng ta đã giải quyết thành vô hại trên đất nước này. Bệnh sởi, sốt rét, viêm phổi, viêm gan B, sốt vàng. Một chứng bệnh mà thậm chí tôi chưa từng nghe nói đến, rotavirus, đang giết chết nửa triệu trẻ em mỗi năm – không có em nào trong số đó ở nước Mỹ.
Chúng tôi bị sốc. Chúng tôi chỉ ngỡ rằng nếu hàng triệu trẻ em đang đối mặt với cái chết và chúng có thể được cứu sống, thì thế giới cần đặt ưu tiên lên hàng đầu cho việc sáng chế và phân phối dược phẩm để cứu các em. Nhưng thế giới lại không làm thế. Chỉ cần không tới một đô la, có những cách can thiệp để cứu sinh mạng, nhưng những cách ấy không được thực hiện.
Nếu các bạn tin rằng mỗi cuộc sống có giá trị ngang nhau, thì điều ghê tởm là khi ta biết rằng một số cuộc sống được cho là đáng cứu và một số cuộc sống khác thì không đáng. Chúng ta tự nhủ: “Sự thật không thể như vậy được. Nhưng nó là sự thật, nó đáng cho chúng ta đặt lên hàng ưu tiên khi chúng ta cứu giúp.”
Thế là chúng tôi bắt đầu công việc của chúng tôi theo cùng cách thức mà có người ở đây đã bắt đầu. Chúng tôi hỏi: “Làm thế nào thế giới để cho các trẻ em ấy chết?”
Câu trả lời thì đơn giản, và đầy nhức nhối. Thị trưởng không tưởng thưởng việc cứu sinh mạng các trẻ em ấy, và các chính phủ không trợ giá cho việc này. Thế là các trẻ em ấy chết bởi vì cha mẹ chúng không có vị thế gì trên thị trường và không có tiếng nói gì trong hệ thống.
Nhưng các bạn và tôi có cả hai vị thế và tiếng nói.
Chúng ta có thể làm cho các lực thị trường làm việc tốt hơn cho người nghèo nếu chúng ta phát triển một nền tư bản có tính sáng tạo hơn – nếu chúng ta có thể kéo giãn tầm với của các lực thị trường để có thêm người được hưởng lợi nhuận, hoặc ít nhất đủ kiếm sống, để họ phục vụ những người đang chịu khổ ải vì những bất bình đẳng tồi tệ nhất. Chúng ta có thể thúc ép các chính phủ khắp thế giới sử dụng tiền thuế theo cách thức phản ánh tốt nhất giá trị của những người nộp thuế.
Nếu chúng ta có thể tìm ra những phương thức đáp ứng những yêu cầu của người nghèo qua đó tạo lợi nhuận cho doanh nhân và kiếm phiếu cho chính trị gia, thì tức là chúng ta đã tìm ra cách bền vững để giảm bất bình đẳng trên thế giới.
Bây giờ đây là công tác mở. Nó chẳng bao giờ kết thúc. Nhưng một nỗ lực có ý thức để đáp lại thách thức này có thể làm thay đổi thế giới.
Tôi lạc quan cho rằng chúng ta có thể làm được điều đó, nhưng tôi có nói chuyện với những người đa nghi vốn cho là chẳng có hy vọng gì. Họ bảo: “Sự bất bình đẳng đã có với ta từ lâu lắm rồi, và nó sẽ hiện diện với ta cho đến lúc cuối – đơn giản chỉ vì thiên hạ… không… quan tâm”.
Tôi hoàn toàn không đồng ý. Tôi tin rằng chúng ta có lòng quan tâm nhiều hơn là ta biết phải làm gì với nó.
Vào một lúc nào đó, tất cả chúng ta ở trên sân trường này đã thấy những thảm họa nhân loại làm đau xé con tim chúng ta, nhưng chúng ta lại không làm gì cả – không phải vì chúng ta không quan tâm, nhưng bởi vì chúng ta không biết nên làm gì. Nếu chúng ta đã biết phải giúp đỡ như thế nào, thì hẳn chúng ta đã hành động.
Rào cản để thay đổi không phải là quá ít lòng quan tâm, mà là vì quá phức tạp.
Để biến quan tâm thành hành động, chúng ta cần nhận ra một vấn đề, nhận ra một giải pháp, và nhận ra hiệu quả. Nhưng tính phức tạp lại ngăn chặn cả ba bước.
Ngay cả đối với sự phát triển của Internet và tin tức 24 giờ, giúp cho con người thật sự nhận ra vấn đề vẫn còn là chuyện phức tạp. Khi có một máy bay bị rớt, các quan chức lập tức tổ chức họp báo. Họ hứa sẽ điều tra, xác định nguyên nhân, và ngăn chặn những tai nạn tương tự trong tương lai.
Nhưng nếu các quan chức ấy tỏ ra trung thực đến mức cục súc, họ sẽ nói: “Trong số bao nhiêu người trên thế giới chết ngày hôm nay do những lý do có thể ngăn chặn được, chỉ có phân nửa phần trăm đi trên chuyến bay ấy. Chúng tôi kiên quyết sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết vấn nạn đã cướp đi sinh mạng của phân nửa phần trăm ấy.”
Vấn nạn không phải là tai nạn máy bay, mà là hàng triệu những cái chết có thể tránh được.
Chúng ta không được đọc nhiều về những cái chết ấy. Các phương tiện truyền thông chỉ loan tải tin tức mới – và hàng triệu người đang đối mặt với chết thì chẳng có gì là mới cả. Thế là vấn nạn này chìm vào hậu trường, nơi người ta dễ quên lãng. Nhưng ngay cả khi chúng ta nhìn thấy nó hoặc đọc về nó, vẫn khó mà lưu tâm mãi về các vấn nạn. Khó mà nhìn ra nỗi khổ ải nếu hoàn cảnh quá phức tạp đến nỗi chúng ta không biết phải trợ giúp như thế nào. Thế là chúng ta quay mặt đi.
Nếu chúng ta có thể thực sự nhìn ra vấn nạn thì đấy là bước thứ nhất, chúng ta đến bước thứ hai: luồn qua sự phức tạp để kiếm tìm giải pháp.
Nếu chúng ta muốn tận dụng mối quan tâm của mình thì thiết yếu phải tìm ra giải pháp. Nếu chúng ta có câu trả lời rõ ràng và minh chứng được mỗi khi một tổ chức hoặc một cá nhân hỏi “Tôi có thể giúp như thế nào?”, thế thì chúng ta có thể hành động – và chúng ta có thể đảm bảo rằng không có mối quan tâm nào của thế giới bị uổng phí. Nhưng sự phức tạp khiến cho khó mà vạch ra một tiến trình hành động cho những ai quan tâm – và khó mà làm cho sự quan tâm của họ biến thành kết quả.
Luồn qua sự phức tạp để tìm giải pháp cần đi qua bốn giai đoạn có thể đoán trước được: xác định mục đích, tìm phương thức có hiệu quả tốt nhất, giao công nghệ cho phương thức ấy, và cùng lúc, ứng dụng theo cách tốt nhất công nghệ mà bạn đã có – hoặc là cái gì đấy đặc biệt như là một loại dược phẩm mới, hoặc là cái gì đấy đơn giản hơn, như màn ngủ.
Nạn dịch AIDS cho một ví dụ. Dĩ nhiên mục đích rộng rãi là chặn đứng căn bệnh. Phương thức có lực đòn bẩy tốt nhất là phòng ngừa. Công nghệ lý tưởng phải là một loại thuốc chủng nhằm tạo tính miễn nhiễm trọn đời chỉ với một liều. Thế là các chính phủ, công ty dược phẩm và các quỹ đang tài trợ nghiên cứu thuốc chủng. Nhưng công việc của họ có thể mất cả thập kỷ, nên trước mắt chúng ta phải làm việc với những gì ta có trong tay – và phương thức phòng ngừa hữu hiệu nhất chúng ta đang có là giúp con người tránh hành vi tạo rủi ro.
Để theo đuổi mục đích ấy thì cần phải bắt đầu lần nữa chu kỳ gồm bốn bước. Đây là tiến trình. Việc thiết yếu là không bao giờ được ngừng suy nghĩ và ngừng làm việc – và không bao giờ làm theo kiểu chúng ta đã làm với bệnh sốt rét và bệnh lao trong Thế kỷ 20 – đấy là đầu hàng sự phức tạp và bỏ cuộc luôn.
Bước cuối cùng – sau khi nhận ra vấn nạn và tìm được phương thức – là đánh giá hiệu quả của công việc bạn làm, sẻ chia những thành công và thất bại hầu những người khác có thể rút tỉa bài học từ những nỗ lực của bạn.
Dĩ nhiên là bạn phải có con số thống kê. Lấy ví dụ, bạn phải chỉ ra được rằng một chương trình đang chủng ngừa cho thêm hàng triệu trẻ em. Lấy ví dụ, bạn phải chỉ ra được sự sụt giảm của số trẻ em chết vì các căn bệnh ấy. Việc này là thiết yếu nhằm không chỉ cải thiện chương trình, mà còn nhằm thu hút thêm đầu tư từ giới doanh nghiệp và chính phủ.
Nhưng nếu bạn muốn thôi thúc người ta tham gia, thì bạn phải chỉ ra thứ khác ngoài những con số; bạn phải truyền đạt hiệu quả của công việc đối với con người – hầu người ta có thể cảm nhận cứu một người tránh được cái chết thì có ý nghĩa như thế nào đối với gia đình người ấy.
Tôi còn nhớ mấy năm về trước, tôi đi Davos([2]) tham gia vào một ủy ban y tế toàn cầu thảo luận những cách thức để cứu sống hàng triệu sinh mạng. Hàng triệu! Các bạn hãy nghĩ đến sự phấn khích khi cứu sống chỉ một sinh mạng – rồi nhân nó lên hàng triệu lần. Tuy thế, đây là ủy ban tẻ nhạt nhất mà tôi chưa từng tham dự – chưa bao giờ. Quá tẻ nhạt đến mức ngay cả tôi cũng không chịu được. [cười]
Điều làm cho kinh nghiệm ấy nổi bật là tôi vừa đến từ một sự kiện nơi chúng tôi giới thiệu phiên bản 13 của một phần mềm, và chúng tôi làm cho thiên hạ nhảy nhót và reo hò vì phấn khích. Tôi thích người ta phấn khích vì phần mềm – nhưng tại sao chúng ta không thể tạo ra thêm phấn khích vì cứu mạng sống? [vỗ tay]
Bạn không thể làm cho người ta phấn khích nếu không giúp họ nhìn ra và cảm nhận được hiệu quả. Cách làm được điều này là một vấn đề phức tạp khác.
Tuy thế, tôi vẫn lạc quan. Vâng, sự bất bình đẳng luôn ở bên ta, nhưng những công cụ mà chúng tôi dùng để luồn qua sự phức tạp thì không ở bên ta từ lâu. Chúng là mới mẻ – chúng có thể giúp ta đạt hiệu quả cao nhất từ mối quan tâm – và vì thế tương lai có thể khác biệt với quá khứ.
Những sáng kiến có tính chỉ đạo đang diễn ra trong thời đại này – công nghệ sinh học, máy vi tính, và mạng Internet – cho ta cơ hội ta chưa từng có trước đây để chấm dứt đói nghèo và chấm dứt chết chóc do các căn bệnh phòng ngừa được.
Sáu mươi năm về trước, George Marshall([3]) đến dự buổi lễ tốt nghiệp ở đây và thông báo một kế hoạch nhằm hỗ trợ các quốc gia Châu Âu sau cuộc chiến. Ông ấy nói, tôi trích dẫn: “Tôi nghĩ có một khó khăn là vấn nạn có độ phức tạp khổng lồ đến nỗi chính khối lượng các sự kiện do báo chí và phát thanh trình bày cho công chúng khiến cho người bình thường cảm thấy rất khó mà đánh giá rõ ràng tình hình. Từ khoảng cách này thì không thể nào nắm bắt tầm quan trọng thực sự của tình hình.”
Ba mươi năm sau khi Marshall đọc bài diễn văn ấy, khi lớp của tôi tốt nghiệp mà không có tôi, công nghệ đang tiến bộ làm cho thế giới nhỏ hơn, rộng mở hơn, dễ nhìn thấy hơn, ít ngăn cách hơn.
Sự phát triển máy vi tính với giá rẻ dẫn đến một mạng mạnh mẽ giúp chuyển đổi các cơ hội học hỏi và thông tin. Điều kỳ diệu về mạng này là nó không chỉ thu ngắn khoảng cách và biến mỗi người thành hàng xóm của bạn. Nó cũng gia tăng một cách kỳ diệu con số những bộ óc thông minh mà chúng ta có thể mang đến để làm việc cùng nhau – và việc này nâng quy mô của sáng kiến đến mức đáng kinh ngạc.
Cùng lúc, cứ mỗi người tiếp cận được công nghệ này thì có năm người không tiếp cận được. Điều này có nghĩa là nhiều bộ óc có sáng kiến không được tham dự vào cuộc thảo luận này – những người có trí thông minh thực tiễn và nhiều kinh nghiệm có liên quan nhưng không có công nghệ để mài giũa tài năng của họ hoặc để đóng góp ý tưởng của họ cho thế giới.
Chúng ta cần có càng nhiều người càng tốt tiếp cận được với công nghệ này, bởi vì những tiến bộ ấy kích hoạt một cuộc cách mạng về những gì nhân loại có thể làm cho nhau. Những tiến bộ ấy không những giúp các chính phủ quốc gia, mà còn giúp các đại học, công ty, tổ chức nhỏ và thậm chí các cá nhân nhìn ra vấn nạn, nhìn ra phương thức, và đánh giá hiệu quả nỗ lực của họ nhằm giải quyết đói nghèo và tuyệt vọng mà George Marshall đề cập sáu mươi năm trước.
Thành viên của gia đình Harvard!
Trên sân trường này là một trong những tụ hội lớn lao nhất của tài năng tri thức của thế giới. Cho mục đích gì? Đúng thật là thành phần giảng huấn, cựu sinh viên, sinh viên và các ân nhân của Harvard vận dụng quyền hạn của mình nhằm cải thiện cuộc sống của những người trên đất nước này và trên toàn thế giới. Nhưng liệu chúng ta có thể làm hơn nữa được không? Liệu Harvard có thể cống hiến tri thức ở đây nhằm cải thiện cuộc sống của những người chưa từng nghe đến cái tên Harvard, được không?
Tôi xin có một đề xuất với các chủ nhiệm khoa và các giáo sư – những nhà lãnh đạo tri thức ở Harvard này: Khi quý vị tuyển dụng đội ngũ giảng huấn, ký hợp đồng theo nhiệm kỳ, rà soát lý lịch chuyên môn, và xác định những yêu cầu của bằng cấp, xin hãy tự hỏi:
Liệu các bộ óc tốt nhất của chúng ta có nên cống hiến nhằm giải quyết những vấn nạn lớn lao nhất của chúng ta hay không? Liệu Harvard có nên khuyến khích đội ngũ giảng huấn gánh vác những bất bình đẳng của thế giới hay không? [vỗ tay] Liệu sinh viên Harvard có nên học hỏi về bề sâu của cảnh nghèo khó toàn cầu… về tầm mức của nạn đói kém trên thế giới… thiếu nguồn nước sạch… con gái không được đến trường… trẻ em chết vì các chứng bệnh mà chúng ta có thể chữa được, hay không? Liệu những người được hưởng đặc quyền đặc lợi trên thế giới có nên tìm hiểu về cuộc sống của những người không có quyền lợi gì cả trên thế giới, hay không? [vỗ tay]
Đây không phải là những câu hỏi chỉ để hùng biện – quý vị cần trả lời bằng những chính sách của quý vị.
Mẹ tôi – người cảm thấy tràn đầy tự hào vào ngày tôi được chấp nhận vào học ở đây – không ngừng thúc giục tôi làm thêm cho những người khác. Ít ngày trước hôn lễ của tôi, bà chủ trì một sự kiện cô dâu, trong đó bà đọc to lên một bức thư về hôn lễ mà bà đã viết cho Melinda. Lúc ấy mẹ tôi đang yếu nhiều vì bệnh ung thư, nhưng bà thấy mình có thêm một cơ hội để phát đi thông điệp của mình, và khi đọc xong bức thư bà nói: “Những người được cho nhiều thì cũng được mong đợi nhiều.” [vỗ tay]
Khi các bạn xem xét những gì mà những người trên sân trường này được cho – về tài năng, đặc quyền đặc lợi, và cơ hội – thì không có giới hạn đối với những người trên thế giới đang mong đợi nơi chúng ta.
Đúng với hứa hẹn trong thời đại này, tôi muốn kêu gọi tất cả sinh viên tốt nghiệp ở đây hãy gánh vác một vấn đề – một vấn nạn phức tạp, một bất bình đẳng sâu sắc, và trở thành một chuyên gia về lĩnh vực này. Nếu các bạn đặt trọng tâm nghề nghiệp của mình vào việc này thì thật là phi thường. Nhưng các bạn không cần phải làm việc ấy để tạo nên tác động. Chỉ cần vài tiếng đồng hồ mỗi tuần, bạn có thể tận dụng sức mạnh ngày càng phát triển của Internet để tìm thông tin, tìm những người có cùng mối quan tâm, nhận ra những rào cản, và tìm kiếm những phương cách để luồn qua những rào cản ấy.
Đừng để sự phức tạp cản ngăn bạn. Hãy trở thành những nhà hoạt động. Hãy gánh vác những bất bình đẳng. Tôi tin chắc đấy sẽ là một trong những kinh nghiệm to tát nhất trong đời bạn.
Các bạn sinh viên tốt nghiệp đang trưởng thành trong một thời đại đáng kinh ngạc. Khi rời Harvard, các bạn có công nghệ mà những thành viên của lớp tôi không hề có. Các bạn có ý thức về bất bình đẳng toàn cầu, mà trước đây chúng tôi không có. Và với ý thức ấy, lương tâm có am hiểu của các bạn hẳn sẽ giằng xé nếu các bạn bỏ bê những người mà mình có thể thay đổi cuộc đời chỉ với nỗ lực khiêm tốn.
Các bạn có nhiều thứ hơn chúng tôi đã có lúc trước; các bạn phải bắt đầu sớm hơn và tiếp tục lâu dài hơn. Đã biết được điều mình cần biết, thì vì lý do gì các bạn không làm được?
Tôi hy vọng 30 năm sau các bạn sẽ quay lại Harvard mà hồi tưởng về những gì mình đã thực hiện bằng tài năng và năng lượng của mình. Tôi hy vọng các bạn sẽ tự phán xét mình không chỉ dựa trên những thành tựu chuyên môn của mình, mà còn dựa trên việc các bạn đã giải quyết tốt đến đâu những bất bình đẳng tệ hại nhất thế giới…. dựa trên việc các bạn đã đối xử như thế nào với những người ở xa xôi không có gì giống như bạn ngoại trừ tính chất con người của họ.
Chúc các bạn may mắn. [cử tọa đứng dậy vỗ tay]
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: YouTube – http://www.youtube.com/watch?v=g-JCL0RAXSU
Chú thích
[1] Steve Ballmer: tốt nghiệp Harvard năm 1977 với bằng cử nhân toán học ứng dụng và kinh tế. Năm 1980, khi đang theo học thạc sĩ ở Trường Kinh doanh Standford thì ông bỏ học để gia nhập Tập đoàn Microsoft. Năm 2000, ông trở thành Giám đốc Điều hành của Microsoft khi Bill Gates rời bỏ chức vụ này. Ông từ chức vào tháng 8 năm 2013.
[2] Davos: thị trấn ở Thụy Sĩ, nơi đóng trụ sở của tổ chức phi lợi nhuận Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEC), hàng năm tổ chức hội nghị thường niên ở đây.
[3] George Catlett Marshall, Jr. (1880-1959): Thống tướng Lục quân Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao trong giai đoạn 1947-1949. Ông soạn thảo kế hoạch tái thiết Châu Á mang tên ông: Kế hoạch Marshall, với kế hoạch đó ông được nhận Giải Nobel Hòa bình vào năm 1953.
[…] “Đừng để sự phức tạp cản ngăn bạn” – Bill Gates – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/82/ […]