Simón Bolívar, tên đầy đủ là Simón José Antonio de la Santísima Trinidad Bolívar y Palacios (1783-1830), là nhà cách mạng nổi tiếng người Venezuela, người lãnh đạo các phong trào giành độc lập ở Nam Mỹ đầu Thế kỷ 19. Ông còn được gọi bằng danh hiệu “Nhà Giải phóng” (tiếng Tây Ban Nha: El Libertador), và ngày nay được xem là một nhân vật có tầm ảnh hưởng mạnh nhất trong lịch sử các nước Nam Mỹ vì đã đặt nền tảng cho nền dân chủ ở các nước này.
Sau khi chiến thắng quân đội Vương quốc Tây Ban Nha, Bolívar tham gia vào sự kết hợp một số dân tộc để lập nên quốc gia Gran Colombia (Đại Colombia), mà ông làm tổng thống trong giai đoạn 1819-1830. Ông cũng đặt nền tảng về lý tưởng dân chủ cho nhiều nước khác ở Nam Mỹ.
UNESCO lập ra giải thưởng Simón Bolívar, trao tặng hai năm một lần cho những người có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện lý tưởng của ông. Giải thưởng được trao lần đầu tiên ngày 24 tháng 7 năm 1983 nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Bolívar cho Nelson Mandela và vua Tây Ban Nha Juan Carlos I.
Trong khi các lực lượng của thực dân Tây Ban Nha vẫn còn chiếm đóng nhiều vùng đất ở Nam Mỹ, vào tháng 2 năm 1819 các nhà cách mạng tranh đấu cho độc lập tổ chức một đại hội ở thị trấn Angostura (nay là Ciudad Bolívar) ở Venezuela. Mục đích của họ là thành lập một nước cộng hòa Gran Colombia (Đại Colombia) bao gồm Colombia, Ecuador, Panama và Venezuela. Đại hội đề cử nhà lãnh đạo cách mạng Simón Bolívar làm tổng thống của nước cộng hòa độc lập mới.
Dưới đây là bài diễn văn của Simón Bolívar ngày 15 tháng 2 năm 1819 trước đại hội.
Diễn văn trước đại hội lập pháp
Kính thưa quý đại biểu lập pháp!
Tôi đặt vào tay quý vị quyền tư lệnh tối cao của Venezuela. Bây giờ nghĩa vụ cao cả của quý vị là cống hiến cho an sinh của nước Cộng hòa; vận mệnh và vinh quang của chúng tôi nằm trong tay quý vị; những bàn tay sẽ ký vào những nghị định thành lập nền Tự do. Vào lúc này, nhà Lãnh tụ Tối cao của nước Cộng hòa không còn là một công dân bình thường, và người ấy sẽ muốn giữ như thế cho đến ngày cuối cùng…
Khi Châu Mỹ được tách ra khỏi nền quân chủ Tây Ban Nha, họ thấy mình ở trong hoàn cảnh tương tự Đế quốc La Mã, khi đất nước rộng lớn ấy tan vỡ giữa Thế giới Cổ đại. Những lãnh thổ rời rạc còn lại thành lập nên những nước độc lập thể theo hoàn cảnh hay mối quan tâm của họ; nhưng với sự khác biệt ở chỗ mỗi nước tái thành lập hệ thống ban đầu cho riêng mình. Riêng chúng ta không duy trì vết tích gì của thời trước: chúng ta không phải là người Châu Âu hoặc người Ấn, nhưng là một sự pha trộn giữa cư dân nguyên thủy và người Tây Ban Nha.
Là người Châu Mỹ khi sinh ra và là người Châu Âu theo quyền lợi, chúng ta thấy mình bị vướng vào cuộc chiến với người Châu Mỹ bản địa để giành quyền làm chủ đất và còn đấu tranh với kẻ xâm lăng để tranh thủ quyền lợi trên quê hương của mình. Vì thế mà tình cảnh của chúng ta đầy rẫy khó khăn. Thêm nữa, hoàn cảnh của chúng ta luôn là thụ động, vị thế chính trị không có; sự khó khăn trong việc giành tự do càng thêm khốn khổ hơn bởi vì, trước đây, chúng ta bị giam hãm trong tình trạng nô lệ cùng quẫn; chúng ta không chỉ bị tước mất tự do, mà còn không có vị thế làm chủ trong những sự vụ nội bộ của mình.
Để tôi giải thích điều nghịch lý này. Dưới chế độ có quyền lực tuyệt đối, không ai có thể tranh chấp thẩm quyền gì cả. Ý muốn của kẻ chuyên chế là luật tối thượng được hành xử một cách độc đoán bởi thuộc hạ, những người tham gia vào sự đàn áp có tổ chức như là hậu quả của quyền hành mà họ nắm trong tay. Họ đảm trách các nhiệm vụ dân sự, chính trị, quân sự và tôn giáo. Nhưng trong khi thống đốc của Ba Tư là người Ba Tư, tể tướng của Hoàng đế Thổ là người Thổ, hãn vương dân tộc Tartar là người Tartar, và trong khi Trung Hoa có các đại thần người Hoa cho dù nằm dưới sự cai trị của Thành Cát Tư Hãn, thì ngược lại, Nam Mỹ chịu lệ thuộc hoàn toàn dưới Tây Ban Nha và thực tế là chúng ta bị tước mọi quyền tự chủ đối với các sự vụ trong nước và chính quyền nội bộ. Việc này khiến cho chúng ta không thể nào thấu hiểu được tiến trình của các sự vụ công; dưới con mắt của nhân dân chúng ta cũng không có được sự tôn trọng cá nhân trong cách thực thi quyền hành. Các bạn ạ, tóm lại là khi liên quan đến quản trị công chúng ta bị gạt qua một bên và bị cô lập khỏi các sự vụ trên thế giới.
Bị áp bức dưới ba cái ách ngu dốt, chuyên chế và nhũng lạm, chúng ta không thể nào có được sự học tập, quyền hành và phẩm giá. Và từ lúc chúng ta được giáo huấn bởi những người thầy độc ác như thế, những bài học mà chúng ta nhận được và những tấm gương mà chúng ta nghiên cứu đều có tính băng hoại. Chúng ta bị mê hoặc qua sự lừa dối thậm chí bằng bạo lực; và nạn nhũng lạm hạ thấp phẩm giá chúng ta còn hơn là do mê tín. Cảnh nô lệ đến từ tăm tối; một dân tộc ngu dốt là công cụ mù quáng dẫn đến sự tự hủy hoại; tham vọng và mưu đồ lợi dụng sự cả tin và thiếu kinh nghiệm của những người không đủ hiểu biết về những vấn đề chính trị, kinh tế hoặc dân sự; họ xem những ảo tưởng như là thực thể; họ nhầm lẫn việc xin xỏ với tự do, việc phản bội với lòng yêu nước, việc trả thù với công lý.
Những người như thế giống như người khiếm thị nhưng cơ thể còn đủ sức, lấy làm hăng hái vì cảm thấy sức mạnh mà tự tin tiến bước như người nhìn thấy tỏ tường, để rồi ngã xuống bất cứ cái hố nào và không còn có thể đi tiếp. Nếu những người như thế giành được tự do thì họ sẽ nhanh chóng mất tự do, bởi vì không có cách nào thuyết phục được họ rằng hạnh phúc nằm ở chỗ thực hành phẩm giá, rằng chính quyền pháp trị còn mạnh hơn luật lệ của kẻ chuyên chế do linh động hơn và đòi hỏi mọi người tuân thủ kỷ luật từ tâm, rằng đạo đức chứ không phải vũ lực là nền tảng cho pháp luật, và rằng thực thi công lý chính là thực thi tự do.
Vì thế, kính thưa quý đại biểu lập pháp, nhiệm vụ của quý vị càng khó khăn hơn bởi vì những người mà quý vị chọn lựa đã bị sai hỏng do những ảo tưởng dẫn dắt sai lạc và những động cơ có tính hủy hoại. Rousseau nói rằng tự do là món ăn trông hấp dẫn nhất, nhưng khó tiêu. Những đồng bào yếu đuối của chúng ta sẽ phải tăng cường thể chất của mình một thời gian dài trước khi có thể hấp thụ những dưỡng chất của tự do nuôi sống họ. Với chân tay tê cứng sau một thời gian dài trong gông cùm, thị lực kém cỏi vì bóng tối trong lao tù, và tinh thần kiệt quệ do nô dịch, liệu họ có thể tiến bước vững chắc đến ngôi đền của tự do hay không? Liệu họ có thể dõi mắt nhìn theo những tia sáng lộng lẫy mà mắt không chớp, và hít thở không khí trong lành chung quanh hay không?
Quý đại biểu lập pháp, hãy xem xét cẩn thận lựa chọn của mình. Đừng quên rằng quý vị sắp đặt nền móng cho một dân tộc mới, và rằng họ sẽ vươn lên một tầm cao mà thiên nhiên phú cho họ, nếu quý vị định hình nền móng ấy cho phù hợp với vị thế xuất chúng đang chờ đón họ. Nếu chọn lựa của quý vị không được tinh thần của Venezuela dẫn dắt nhằm tạo cảm hứng cho quý vị trong việc chọn ra loại hình và bản chất của chính phủ phù hợp vì hạnh phúc của nhân dân, và tôi nhắc lại: nếu quý vị không chọn lựa đúng đắn, thì những gì chúng ta đã bắt đầu sẽ chấm dứt trong nô dịch.
Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Eye on Leadership – http://eyeonleadership.com/Bolivar_web.pdf
Rất hay, nhưng cũng rất buồn là Venezuela ngày nay đang bị lãnh đạo độc tài dìm xuống bùn đen.
[…] “Ba cái ách ngu dốt, chuyên chế và nhũng lạm” – Simón Bolívar – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/27/ba-cai-ach-ngu-dot-chuyen-che-va-nhung-lam-simon-boliva… […]