Anh Nguyễn Đức Quang (1944-2011) là người thành lập và thành viên chủ chốt của Phong trào Du ca Việt Nam mà trang Wikipedia ghi “như một tổ chức thanh niên tự nguyện với mục đích giáo dục thế hệ trẻ thông qua các hoạt động văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng”.
Riêng anh Nguyễn Đức Quang có lần nói đến từ “troubadour”, tức là người hát rong (hoặc du ca viên) vào thời Trung cổ ở Châu Âu đi ca hát từ nơi này đến nơi kia. Anh Quang kể lại (qua Nguyễn Hoàng Linh): Chúng tôi làm việc như điên cuồng, sáng tác, tập tành, đi trình diễn, đi huấn luyện. Chúng tôi không còn biết đến một điều gì khác ở cái tuổi 20 lúc đó. Tôi không hiểu nhóm tôi sống bằng cách gì (…). Hễ có nơi nào “ới một tiếng”, là chúng tôi khăn gói lên đường. Về phương tiện di chuyển thì nơi nào ới, nơi đó chịu trách nhiệm. Còn ăn uống thế nào cũng xong, ngủ nghê chỗ nào mà chả được.

Lần đầu tiên tôi được biết đến anh Nguyễn Đức Quang là khi anh nhận lời “ới một tiếng” đến trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ vào năm 1965, trình diễn cùng với nhóm bạn của anh mà trong số đó tôi nhớ mãi chị Phương Oanh, Giảng viên Trường Quốc gia Âm nhạc (sau này là Giáo sư Âm nhạc Truyền thống Việt Nam ở Pháp). Tôi có ấn tượng lâu dài với phong cách biểu diễn của anh Quang và chị Phương Oanh: vừa dí dỏm vừa gần gủi với bọn học sinh chúng tôi lần đầu tiên được nghe những bài dân ca Việt Nam và Mỹ. Bọn chúng tôi ngồi quay quần quanh nhóm của anh Quang và chị Phương Oanh trong một phòng họp của trường, nghe một số bài dân ca của Việt Nam như Cái trống cơm, Cây trúc xinh… cùng một vài bài dân ca nước ngoài như Clementine, Greensleeves…

Qua nhóm của anh Nguyễn Đức Quang, được gọi là Ban Trầm Ca cùng đi hát với nhạc sĩ Phạm Duy, mà tôi bắt đầu yêu dân ca Việt lẫn dân ca nước ngoài, bởi vì một điều lạ lùng là thời đó, tuy có nghe radio nhiều nhưng tôi không hề được nghe dân ca Việt Nam, lại càng không có dân ca nước ngoài.
Rồi tôi bắt đầu tham gia vào các hoạt động Du ca. Trong một tiệc cưới của một đoàn viên Du ca, anh Quang hát một bài dân ca theo thể ballad (từng đoạn ngắn lặp đi lặp lại) mà anh viết lời Việt, đặt tựa là Chàng Năm Sún răng. Anh chọn hát bài dân ca này vì có đoạn cuối liên quan đến việc cưới hỏi. Ca từ bài hát dí dỏm, nhạc ngọt ngào, tôi nghe rất thích.
Vào những dịp sinh hoạt sau đó với nhóm Du ca của anh Quang, tôi không nghe anh hát lại bài dân ca này nữa. Rồi có dịp gặp anh Quang khi anh có chút thời giờ rảnh rỗi, tôi nhờ anh đọc để tôi ghi lại ca từ bài Chàng Năm Sún răng mà anh cho biết đó là bài dân ca của Joan Baez.
Một dịp khác, tôi đến nhà anh Quang thì thấy tập ca khúc của Joan Baez. Đó là một quyển sách có khổ khá lớn, có nhiều hình ảnh. Tôi xem qua ca từ của bài dân ca đó thì mới thấy nét tài hoa của anh Quang: anh chuyển thể ca từ theo ý nguyên tác mà cách điệu bay bướm, đúng theo chất dí dỏm của anh. Điểm độc đáo là câu cuối mỗi đoạn trong thể nhạc ballad lặp lại câu trên thì anh Quang cũng viết lặp lại như thế.
Chàng Năm sún răng
Dân ca Scotland – Lời: Nguyễn Đức Quang
Chuyện rằng một nhà buôn bán
ngụ ngay giữa chốn kinh thành kia
Giữ mãi như tiên trong nhà
một cô em rất ngoan và đẹp ghê
Ôi, rất ngoan và đẹp không chê!
Lòng nàng thì lại say mê
một anh lính rất ư đẹp giai
Hắn có tên nghe quen thuộc
gọi là “Năm Sún Răng” người ơi
Ôi, sún răng mà lại bô giai!
Một ngày nào vang tiếng súng
mùa chinh chiến kéo lan ngàn phương
Hắn quyết ra đi cho đời
bỏ quê hương với luôn người thương
Ôi, hắn xa cả người yêu thương!
Nàng bèn chạy vào tiệm may
dặn may đúng mốt anh chàng Năm
Hấp tấp khi may xong nàng
chạy lên boong cái con tàu buôn
Ôi, nó mang nàng về muôn phương!
“Làm ơn cho xem danh tánh
này ông hãy nói mau giùm đi!”
Chúm chím cô em tươi cười:
“Dạ tên Năm Sún Răng người ơi”
Ôi, sún răng mà lại bô giai!
“Làm sao mông ông to thế,
bàn tay bé, móng tay dài ghê?
Má thắm, đôi môi tươi hồng,
lại ra đây hứng mưa cà nông?”
Ôi, hứng mưa của đạn cà nông!
“Mặc dù mông tôi to thế,
bàn tay bé, móng tay dài ghê
Vững chí, tôi đâu lo gì
dù địch quân réo mưa đạn tuôn”
Ôi, dẫu cho đạn lạc mưa tuôn!
Và rồi nàng ta đã kiếm
tìm ra thấy cái con tàu buôn
Đến lúc trông ra anh chàng,
thì chàng ta ngã lăn bị thương
Ôi, ngã lăn vì đạn rơi chân!
Nàng bèn vội dìu chàng ta
về quê cũ đến ngay nhà thương
Bác sĩ chăm lo cho chàng,
chẳng bao lâu vết thương lành luôn
Ôi, vết thương trở thành yêu thương!
Mời bạn so sánh với ca từ nguyên tác dưới đây.
Jackaroe
Songwriters: Jerome J. Garcia / Joan C. Baez / Michael S. Hart
There was a wealthy merchant
in London he did dwell
He had a lovely daughter
the truth to you I’ll tell
Oh, truth to you I’ll tell
She had sweethearts a-plenty
and men of high degree
There was none but Jack the sailor
her true love e’re would be
Oh, her true love e’re could be
Now Jackie’s gone a-sailing
with trouble on his mind
To leave his native country
and his darling girl behind
Oh, his darling girl behind
She went into a tailor shop
and dressed in men’s array
And stepped on board a vessel
to convey herself away
Oh, convey herself away
“Before you step on board, sir
your name I’d like to know”
She smiled all in her countenance
“They call me Jackaroe”
Oh, they call me Jackaroe
“Your waist is light and slender
your fingers are neat and small
And your cheeks too red and rosy
to face the cannonball”
Oh, to face the cannon-ball
“I know my waist is slender
my fingers are neat and small
But it would not make me tremble
to see ten thousand fall”
Oh, to see ten thousand fall
The war soon being over
she hunted all around
And among the dead and dying
her darling boy she found
Oh, her darling boy she found
She picked him up all in her arms
and carried him to the town
And sent for a physician who
quickly healed his wounds
Oh, who quickly healed his wounds
This couple they got married
so well did they agree
This couple they got married
ao why not you and me?
Oh, so why not you and me?
Khi viết lời Việt, anh Quang biến tấu vài chi tiết nghe ra còn hay hơn nguyên tác, như lời ông thuyền trưởng “Your waist is light and slender”, anh chuyển thành “Làm sao mông cô to thế” thật là thú vị!
Hãy nghe Joan Baez hát và đệm guitar: https://www.youtube.com/watch?v=PDX7dMqVJis
Hoặc nghe cách trình bày khác: https://www.youtube.com/watch?v=hK14iKj-TcU
Nghe qua vài người nước ngoài trình bày bài dân ca này thì tôi cảm nhận anh Quang hát nghe ngọt hơn vì anh đã sửa chữa vài nốt nhạc ra sao đó, thêm một điểm tài tình của anh.
Diệp Minh Tâm