Abraham Lincoln (1809-1865) là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ tháng 3/1861 cho đến khi ông bị ám sát tháng 4/1865. Ông đưa Hoa Kỳ vượt qua cơn khủng hoảng hiến pháp, quân sự và đạo đức, tức cuộc Nội chiến Bắc-Nam. Cuối cùng, ông duy trì được thể chế Liên bang, bãi bỏ chế độ nô lệ, thi hành hiện đại hóa kinh tế-tài chính.
Khi gần kết thúc chiến tranh, Lincoln cố gắng giữ cho đất nước được thống nhất qua chính sách hòa giải phóng khoáng trong khi hai phe Bắc-Nam vẫn còn bất mãn với nhau. Đảng phái các bên đều chống lại ông, đặc biệt là phe miền Bắc muốn trừng trị miền Nam. Nhờ tài hùng biện kêu gọi trực tiếp đến người dân Mỹ, được báo chí loan tin rộng rãi khi chưa có phát thanh và truyền hình, quan điểm hòa giải của ông dần dà được các chính trị gia thuận theo. Sáu ngày sau khi Tư lệnh quân miền Nam, Tướng Robert E. Lee đầu hàng, Lincoln bị một người có cảm tình với phe miền Nam ám sát chết.
Các sử gia luôn xếp ông là một trong số ba tổng thống vĩ đại nhất của lịch sử nước Mỹ; hai người kia là George Washington và Franklin D. Roosevelt.
Năm 2012, cũng cùng với hai người kia, ông được Tạp chí TIME bình chọn là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.Đây là bài diễn văn rất nổi tiếng, và là một trong những bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ vì là biểu tượng cho những nguyên tắc cốt lõi của nước Mỹ: bình đẳng, tự do, dân chủ.
Bài diễn văn Gettysburg do Lincoln đọc ngày 19 tháng 11 năm 1863, tại Gettysburg. Gettysburg là vùng đất gần Thành phố Philadelphia, nơi xảy ra trận đánh ác liệt trong ba ngày 1-3 tháng 7/1863 giữa quân miền Bắc (Union) và quân miền Nam (Confederacy), tạo nên điểm ngoặt quan trọng trong cuộc Nội chiến của Hoa Kỳ (1861-1865). Số thương vong của quân miền Bắc lên đến 23.000, còn số thương vong của quân miền Nam là 25.000, cuối cùng Quân đội miền Bắc giành chiến thắng. Lincoln đọc bài diễn văn này khi khánh thành Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg, nhằm vinh danh những người ngã xuống trong trận đánh ở đây.
Khoảng 15.000 người đến tham dự buổi lễ, trong đó có thống đốc đương nhiệm của 6 trong số 24 tiểu bang thuộc Liên bang. Vai trò của Lincoln trong buổi lễ không được đặt nặng, theo tập quán mời một nhân vật nổi tiếng đến phát biểu đôi điều và cắt băng khánh thành, còn bài diễn văn chính được giao cho người khác và ông này phát biểu trên hai giờ đồng hồ.
Trái với các giai thoại, Lincoln không hoàn tất bài diễn văn trên tàu lửa và cũng không viết nó trên một bì thư. Bài diễn văn của Lincoln chỉ kéo dài khoảng 3 phút, so với những người khác phát biểu dài dòng hơn trước đó. Sau khi Lincoln dứt tiếng, những người dự khán vẫn còn im lặng hồi lâu. Có giải thích cho rằng người nghe không rõ Lincoln đã phát biểu hết chưa nên vẫn giữ im lặng, nhưng có nhiều người khác nói là đám đông cảm thấy xúc động mãnh liệt đến nỗi không thể tỏ lộ cử chỉ gì.
Bài diễn văn súc tích, đi thẳng vào vấn đề, ngôn từ văn vẻ nhưng dễ hiểu. Đây là một kiệt tác kinh điển về tính hùng biện trong lịch sử, được nhìn nhận là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tiến sĩ J. Rufus Fears (một trong những nhà hùng biện tài ba nhất thời hiện đại), cho rằng cùng với bản Hiến pháp và bản Tuyên ngôn Độc lập, bài diễn văn tạo ra nền tảng cho nền tự do Mỹ.[i] Đó cũng được xem là bước đầu trong việc tái thống nhất một quốc gia bị chia rẽ trong cuộc Nội chiến.
Bài diễn văn được đồng loạt đánh giá rất cao:
- Một trong 10 bài diễn văn của tổng thống hay nhất tạo chuyển biến cho nước Mỹ (trang mạng Interactive Voices, Inc.).
- Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.
- Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (Tạp chí TIME, Mỹ).
- Một trong 13 bài diễn văn hay nhất mọi thời đại (trang mạng MSN News).
- Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng TopTenz.net).
- Một trong 10 bài diễn văn truyền cảm hứng cao nhất trong lịch sử (trang mạng Urban Titan).
- Có một số phiên bản của bài diễn văn này, khác nhau về từ ngữ, cách chấm câu, và cấu trúc. Bản dịch dưới đây dựa theo phiên bản duy nhất có chữ ký của Lincoln, thường được gọi là “Phiên bản Bliss”, cũng là bản của Tòa Bạch ốc, và sau đó được khắc ở Đài Tưởng niệm Lincoln ở Washington D.C.
Bài diễn văn Gettysburg
Tám mươi bảy năm trước[ii], ông cha ta khai sinh trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và được hiến dâng cho niềm xác tín là mọi người khi sinh ra đều được bình đẳng.

Giờ đây chúng ta lâm vào một cuộc nội chiến lớn, đang thử thách xem quốc gia này – hoặc bất kỳ quốc gia nào được thai nghén và hiến dâng như thế – có thể tồn tại lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến ấy. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người hy sinh đời mình ở đây hầu quốc gia này có thể tồn tại. Đấy là điều hợp lẽ và thích đáng mà chúng ta cần phải làm.
Nhưng, theo một cảm quan rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng – chúng ta không thể tôn vinh – chúng ta không thể thánh hóa – mảnh đất này. Chính những con người dũng cảm chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, tôn vinh mảnh đất này, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta không thể thêm hay bớt.
Nhân thế sẽ chẳng quan tâm lắm và cũng chẳng ghi nhớ mãi những gì chúng ta nói nơi đây, nhưng họ sẽ không bao giờ quên những người ấy đã làm gì nơi đây.
Chính chúng ta, những người còn sống, phải cống hiến cho sự nghiệp dở dang mà họ – những người đã chiến đấu nơi đây – đã đề ra một cách cao quý. Chính chúng ta phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn lao còn lại trước mắt.
Đấy là: từ những người bỏ mình được vinh danh này, chúng ta tiếp nhận lòng tận tâm cao hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng.
Đấy là: chúng ta ở đây có quyết tâm cao hầu những người nằm xuống đã không hy sinh một cách vô ích.
Đấy là: quốc gia này, dưới ơn Chúa, nhất định tái sinh trong tự do.
Và đấy là: chính quyền của dân, do dân và vì dân, nhất định không lụi tàn khỏi trần thế.
Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn được khắc ở Đài Tưởng niệm Lincoln: National Museum of American History – http://americanhistory.si.edu/documentsgallery/exhibitions/gettysburg_address_1.html
* * *
Vào ngày 01 tháng 6 năm 1865, trong bài điếu văn cho Abraham Lincoln, Thượng Nghị sĩ Charles Sumner nói Lincoln đã nhầm khi cho rằng “Người ta sẽ ít chú ý hoặc nhớ lâu những gì chúng ta nói ở đây”. Ông nhận xét: “Người ta chú ý ngay, và sẽ nhớ mãi những gì ông ấy nói. Trận đánh [ở Gettyburgh] không quan trọng bằng bài diễn văn.”
Chú thích
[i] http://www.voices.com/articles/tv/top-ten-presidential-speeches.html
[ii] Tám mươi bảy năm trước: ý nói đến năm 1776, lúc bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ được soạn thảo.
[…] Bài diễn văn Gettysburg – Abraham Lincoln – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/15/bai-dien-van-gettysburg-abraham-lincoln/ […]