Robert Francis “Bobby” Kennedy (1925-1968), là một chính trị gia người Mỹ, Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ ở Bang New York (1965-1968), và là một nhà đấu tranh nổi tiếng cho quyền dân sự. Được xem như là một hình tượng của chủ nghĩa tự do Mỹ trong thời hiện đại, ông là một trong các cố vấn của anh trai, Tổng thống John Kennedy, và là Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ trong giai đoạn 1961-1964.
Sau khi anh trai John Kennedy bị ám sát chết vào tháng 11 năm 1963, Robert Kennedy tiếp tục làm Tổng Chưởng lý dưới thời tổng thống Lyndon Johnson trong 9 tháng, sau đó ông từ chức rồi đắc cử Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ ở Bang New York. Đến tháng 3 năm 1968, Robert Kennedy bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống và là ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ.
Giữa thảm kịch ngày 04 tháng 4 năm 1968 do việc Martin Luther King bị sát hại, một thời khắc khó quên trong lịch sử nước Mỹ diễn ra tối hôm ấy, khi Robert Kennedy báo tin về cái chết của nhà đấu tranh cho người da màu, Martin Luther King, trong một cuộc tụ tập đông đảo của người da màu ở Thành phố Indianapolis, Bang Indiana. Cuộc tụ tập này thật ra đã được tổ chức để Robert Kennedy đến phát biểu nhằm tranh thủ sự đề cử của Đảng Dân chủ cho ông ứng cử tổng thống.
Ngay sau khi đáp máy bay đến Indianapolis, Kennedy được báo tin về cái chết của King. Cảnh sát địa phương khuyên Robert Kennedy không nên đến ra mắt ở cuộc tụ tập trong một khu nhà tồi tàn của người da màu thành phố vì e sợ ông sẽ bị nguy hiểm, càng nguy hiểm hơn đến mức cảnh sát e không thể bảo vệ được ông nếu cái chết của King được công bố. Nhưng Kennedy vẫn kiên quyết đến dự. Ông tự tay soạn thảo bài diễn văn mới trên đường đến cuộc tụ tập.
Kennedy đến và nhận thấy đám đông đang hồ hởi, nóng lòng chờ đợi nghe ông phát biểu cho việc tranh cử tổng thống. Ông bước lên thân sau của một xe tải được dùng làm bục diễn thuyết và hỏi liệu ban tổ chức đám đông đã biết về tin King bị ám sát hay chưa. Khi được trả lời là đám đông vẫn chưa biết, Kennedy thay đổi bài phát biểu soạn sẵn về việc tranh cử tổng thống.
Ông cầm một tờ giấy nhưng không nhìn vào tờ giấy này, mà luôn nhìn thẳng đến cử tọa, với giọng trầm ấm, chậm rãi, chỉ trong 5 phút mà lặp đi lặp lại nhiều lần những từ “thấu hiểu”, “cảm thông”, “thương yêu” và “đất nước chúng ta”…
Bài diễn văn này được đánh giá như sau:
- Một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong Thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).
- Một trong 25 bài diễn văn chính trị hàng đầu mọi thời đại (báo The Telegraph, Anh quốc).
Diễn văn ai điếu Martin Luther King
Thưa Quý Bà và Quý Ông,
Tối hôm nay tôi chỉ nói vài phút với quý vị. Bởi vì…
Tôi có một tin rất buồn cho tất cả quý vị; tôi nghĩ cũng là tin buồn cho tất cả công dân chúng ta và cho những người yêu hòa bình khắp thế giới, đó là: tối hôm nay Martin Luther King bị bắn và qua đời ở Memphis, Tennessee. [đám đông kêu rú]
Martin Luther King dành cuộc đời của ông cho tình thương và công lý giữa những con người với nhau. Ông qua đời trong nỗ lực của sự nghiệp ấy. Trong một ngày khó khăn này, trong thời khắc khó khăn này cho Hoa Kỳ, có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi chúng ta muốn đất nước mình như thế nào và chúng ta muốn đi theo đường hướng nào.
Đối với những người trong quý vị là người da màu – xét qua sự kiện hiển nhiên là có những người da trắng có tinh thần trách nhiệm – quý vị có thể ngập tràn niềm uất ức, nỗi thù hận, và khát khao muốn trả thù.
Chúng ta có thể đi theo đường hướng ấy như là một đất nước trong sự phân hóa sâu sắc thêm – giữa người da màu với người da màu, giữa người da trắng với người da trắng, bên này đầy lòng hận thù với bên kia. Hoặc chúng ta có thể cùng chung nỗ lực, như Martin Luther King đã làm, nhằm thấu hiểu, nhằm nhận thức, nhằm thay đổi cảnh bạo lực ấy – cuộc đổ máu ấy vốn đang lan khắp đất nước chúng ta – bằng nỗ lực nhằm thấu hiểu, cảm thông và yêu thương.
Đối với những người trong quý vị là người da màu dễ bị chất chứa với hận thù và hồ nghi về sự thiếu công lý trong hành động ấy, chống lại tất cả người da trắng, tôi chỉ có thể nói rằng trong thâm tâm tôi có cùng cảm nhận như thế. Một thành viên trong gia đình tôi bị sát hại, nhưng anh ấy[1] bị sát hại bởi một người da trắng.
Chúng ta cần phải có nỗ lực chung trên đất Hoa Kỳ, chúng ta cùng nhau nỗ lực để thấu hiểu, để vượt qua những thời khắc khó khăn này.
Nhà thơ mà tôi thích là Aeschylus[2]. Có lần ông ấy viết: “Ngay cả trong giấc ngủ của ta, nỗi đau không thể nguôi ngoai rơi từng giọt vào tim, cho đến khi, trong nỗi tuyệt vọng mà ta không tự chủ, sự sáng suốt hiện đến qua ân sủng uy nghiêm của Thượng Đế”.
Điều chúng ta cần ở Hoa Kỳ không phải là sự chia rẽ; điều chúng ta cần ở Hoa Kỳ không phải là lòng thù hận; điều chúng ta cần ở Hoa Kỳ không phải là bạo lực và tình trạng vô trật tự; nhưng chúng ta cần tình thương yêu và sự sáng suốt, lòng cảm thông đối với nhau, và cảm nghĩ về công lý đến những người vẫn còn chịu đau khổ trên đất nước ta, cho dù họ là người da trắng hoặc là người da màu. [vỗ tay, huýt sáo và reo hò hoan hô]
Vì thế mà tối nay tôi yêu cầu quý vị trở về nhà, đọc một lời cầu nguyện cho gia đình của Martin Luther King, vâng, hẳn là thế rồi, nhưng quan trọng hơn: đọc một lời cầu nguyện cho đất nước chúng ta, mà tất cả chúng ta yêu thương – lời cầu nguyện cho sự thấu hiểu và cảm thông mà tôi đã nói đến. Chúng ta có thể làm tốt trên đất nước này. Chúng ta sẽ có những thời khắc khó khăn. Trong quá khứ, chúng ta đã trải qua những thời khắc khó khăn. Trong tương lai, chúng ta sẽ có những thời khắc khó khăn. Đây không phải là kết cục của bạo lực; đây không phải là kết cục của tình trạng thiếu vắng luật pháp; đây không phải là kết cục của tình trạng vô trật tự. Nhưng đại đa số người da trắng và đại đa số người da màu trên đất nước này muốn sống bên nhau, muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta, và muốn công lý cho tất cả con người tuân thủ trên đất nước chúng ta. [vỗ tay, huýt sáo và reo hò hoan hô]
Chúng ta hãy cống hiến mình cho điều mà những người Hy Lạp viết ra nhiều năm về trước: để thuần hóa tính man rợ của con người và làm cho cuộc sống của thế giới này hiền hòa.
Chúng ta hãy cống hiến mình cho điều ấy, và đọc lời cầu nguyện cho đất nước chúng ta và cho nhân dân chúng ra.
Xin cảm ơn rất nhiều. [vỗ tay, huýt sáo và reo hò hoan hô]
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: http://www.youtube.com/watch?v=BCrx_u3825g
* * *
Sau bài diễn văn của Robert Kennedy, cho dù ở những thành phố lớn có xảy ra bạo loạn, Thành phố Indianapolis vẫn an bình.
Chỉ 36 ngày sau, đến phiên Robert Kennedy bị ám sát chết. Tại địa điểm ông đọc bài diễn văn trên, một đài tưởng niệm được dựng lên, gồm tượng của ông và tượng của Martin Luther King đối diện nhau. Đó là thể hiện sự nghiệp của hai người trong việc kết nối chủng tộc.
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: http://www.youtube.com/watch?v=BCrx_u3825g
Chú thích
[1] Anh ấy: tức Tổng thống John F. Kennedy, bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963.
[2] Aeschylus (525/524 tCN – 456/455 tCN): nhà thơ và cũng là kịch tác gia Hy Lạp cổ đại.
[…] “Chúng ta cần tình thương yêu và sự sáng suốt” – Robert Kennedy – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/bao-tin-cai-chet-cua-martin-luther-king-robert-kennedy/ […]