Bốn tuyệt tác cổ điển của Trung Quốc

Người Trung Quốc nói về “Tứ đại kỳ thư”, hoặc “Tứ đại danh tác”, nhằm chỉ 4 bộ tiểu thuyết được xem như là hay nhất của văn học cổ điển Trung Quốc:

  • Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc
  • Thủy hử của Thi Nại Am
  • Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung
  • Tây du ký của Ngô Thừa Ân

Hồng lâu mộng

Tiểu thuyết Hồng lâu mộng, hay tên gốc Thạch đầu ký, là một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại với hơn 100 triệu bản được xuất bản.

Tác phẩm ra đời vào khoảng giữa Thế kỷ 18, đời nhà Thanh, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết thêm và soạn thành sách.

Bối cảnh xã hội

Thời nhà Thanh, dưới triều Ung Chính và Càn Long (1723-1795) là giai đoạn kinh tế cực thịnh, nông nghiệp, thủ công nghiệp, khai khoáng, thương nghiệp đều phát triển phồn vinh. Các thành thị lớn như Nam Kinh, Dương Châu, Vũ Xương, Nhạc Châu… buôn bán sản xuất sầm uất, là những đô thị lớn. Nền kinh tế tự phát tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong lòng xã hội phong kiến chuyên chế mọt ruỗng đang trên đà tan rã, sản sinh ra một lớp thị dân thành thị, có những nhu cầu thẩm mĩ mới. Tây sương ký, Mẫu đơn đình, Liêu trai chí dị là những tác phẩm miêu tả tình yêu, những số phận, những buồn vui cá nhân… Đó chính là sự thăng hoa của cuộc sống tinh thần khác với trước đây của người thành thị. Hồng lâu mộng là sự thể hiện những tư tưởng của thời đại: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán những giáo điều cổ hủ đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do yêu đương và mưu cầu hạnh phúc, giải phóng cá tính, khao khát tự do bình đẳng, lý tưởng cho cuộc sống… Tất cả những điều này kế thừa tư tưởng dân chủ thời Minh và đầu thời Thanh, nhưng cũng là sản phẩm của ý thức tư tưởng thị dân đương thời.

Tác giả

Tác giả của Hồng lâu mộng là Tào Tuyết Cần, người Thẩm Dương, vốn dòng dõi người Hán, sau nhập tịch Mãn Châu. Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, gia đình đời đời tập tước Giang Ninh chức tạo, là một chức quan to phụ trách thu thuế tại Giang Ninh thành. Năm lần vua Khang Hi tuần du Giang Nam thì bốn lần ngự tại Tào phủ, cho thấy vị thế được trọng vọng của nhà này. Cuộc sống trong phủ vô cùng xa hoa vương giả.

Không những là nhà hào môn vọng tộc lẫy lừng mà nhà họ Tào còn có truyền thống văn chương thi phú. Ông nội Tào Dần là một danh sĩ nổi tiếng vùng Giang Ninh, đã từng in bộ Toàn đường thi nổi tiếng. Nhưng đến đời của Tào Tuyết Cần, tất cả sự giàu sang quyền quý huy hoàng của gia đình trở thành chuyện quá khứ. Gia đình gặp đại họa, cha mắc tội, bị cách chức, hạ ngục, tịch biên tài sản. Ông phải sống trong những ngày cay đắng nhất của đời mình với cảnh nghèo khổ, đi khắp nơi để mưu sinh.

Mười năm cuối đời ông dồn toàn bộ trí lực để tạo nên kiệt tác Hồng lâu mộng. Tác phẩm được ông sửa chữa 5 lần trong cảnh cùng khốn, ốm đau không tiền mua thuốc, con chết. Khi ông còn sống, tác phẩm chưa hoàn thành. Sau khi ông qua đời, hai mươi tám năm sau, Cao Ngạc dựa vào di thảo của ông để viết tiếp 40 hồi. Cao Ngạc cũng đổi tên Thạch đầu ký thành Hồng lâu mộng cho phù hợp với nội dung. 40 chương sau của Hồng Lâu Mộng được Cao Ngạc viết tiếp không hay như 80 chương đầu vì ông không có được trải nghiệm đau đớn trong cuộc đời như Tào Tuyết Cần. Mặt khác, 40 chương mang đến cho tác phẩm sự trọn vẹn, cho thấy họ Cao cũng là người đã sống với tác phẩm và đã nghiên cứu rất kĩ về văn phong của tác giả. Có lẽ ngoài Cao Ngạc không có người nào viết tiếp Hồng lâu mộng hay hơn ông.

Đến khoảng 1792-1793, Hồng lâu mộng được in và lưu truyền khắp Trung Quốc. Người ta cho rằng cốt truyện dựa trên hiện thực của chính dòng họ Tào Tuyết Cần trước đây, là chuỗi tự sự lớn nhất của đời ông, như là một sự nuối tiếc thời kỳ vàng son rực rỡ, đồng thời cũng phản ánh bản chất xã hội phong kiến Trung Quốc giai đoạn ông sống.

Cốt truyện

Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm.

Tiểu thuyết mở đầu bằng một huyền thoại: Nữ Oa luyện đá ngũ sắc vá trời, luyện được năm vạn lẻ một viên. Viên linh thạch còn thừa được đưa về trời chăm sóc cây tiên Giáng Châu. Thần Anh và Giáng Châu duyên nợ, chịu ơn nhau nên phải đầu thai xuống hạ giới để “lấy hết nước mắt của đời ta nhằm trả lại cho chàng”. Từ đó dẫn đến bao nhiêu oan gia phong lưu đều phải xuống trần để trả duyên nợ, sinh ra bao nhiêu chuyện sau này.

Đá thiêng hóa thành Giả Bảo Ngọc; cây thiêng hóa thành Lâm Đại Ngọc. Gia đình họ Giả vốn có nhiều công lao với triều đình, số lượng kẻ hầu người hạ có lúc lên tới 448 người, sống trong hai tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất Kinh thành. Ninh Quốc công và Vinh Quốc công là hai anh em ruột. (Công là tước vị lớn nhất, đứng dưới tước vương dành cho hoàng thất). Xem phả hệ trong hình dưới.

HLM pha he

Trong phủ Ninh quốc, Ninh quốc công Giả Pháp là trưởng, sau khi mất con lớn là Giả Đại Hóa tập tước. Con cả của Giả Đại Hóa là Giả Phụ mất sớm, con thứ Giả Kính tập tước. Giả Kính chỉ say mê tu tiên luyện đan nên nhường cho con lớn Giả Trân tập tước, con gái thứ là Giả Tích Xuân được đem sang ở trong phủ Vinh Quốc.

Giả Trân (vợ là Vưu Thị) có một con trai là Giả Dung (vợ là Tần Khả Khanh), hai cha con chẳng chịu học hành, chỉ lo chơi bời cho thỏa thích, đảo lộn cả cơ nghiệp phủ Ninh.

Trong phủ Vinh Quốc, sau khi Vinh quốc công Giả Diễn chết, con trưởng là Giả Đại Thiện tập tước. Sau khi mất, vợ Thiện là Giả Mẫu (họ Sử) trở thành người cầm cân nảy mực của gia tộc (như là hoàng thái hậu của hoàng tộc). Giả Mẫu có ba con, con trưởng là Giả Xá (vợ là Hình phu nhân) được tập tước. Xá có con trai là Giả Liễn (vợ là Vương Hy Phượng) và con gái (con nàng hầu) là Giả Nghênh Xuân. Em của Xá là Giả Chính (có vợ là Vương phu nhân) được Hoàng thượng đặc cách phong tước.

Gia Mau 2
Giả Mẫu ôm Đại Ngọc, bên tay trái là Vương Hy Phượng, bên tay phải là Lý Hoàn

Giả Chính có ba người con, con lớn Giả Châu (vợ là Lý Hoàn) mất sớm, để lại một con trai là Giả Lan; con gái thứ Nguyên Xuân được tiến cung làm phi tử; Giả Bảo Ngọc là cậu ấm hai, sinh ra đã ngậm một viên “Thông linh Bảo Ngọc”, là niềm hy vọng của gia đình họ Giả. Ngoài ra còn có Giả Thám Xuân và Giả Hoàn là con của nàng hầu Triệu Di Nương.

Giả Chính và Giả Xá còn có một em gái tên Giả Mẫn, lấy chồng là Lâm Như Hải người Cô Tô, làm quan Diêm chính thành Duy Dương, có một cô con gái tên Lâm Đại Ngọc. Bố mẹ mất sớm, Đại Ngọc được Giả mẫu đem về nuôi trong phủ Vinh Quốc.

Trong Vinh quốc phủ còn có gia đình của Tiết phu nhân, vốn là em gái Vương phu nhân, cùng con trai cả Tiết Bàn và con gái Tiết Bảo Thoa vừa vào Kinh cùng đến ở.

Vì con gái của Giả Chính là Nguyên Xuân được vua phong là Nguyên phi nên để mỗi lần về tỉnh thân, phủ Vinh quốc cho xây dựng vườn Đại quan cực kì tráng lệ huy hoàng. Khu vườn Đại quan này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi. Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc. Nhưng mọi người trong gia đình không muốn cuộc hôn nhân này diễn ra.

Hong lau mong
Vườn Đại quan để tiếp đón Nguyên Xuân

Trong khi đó, Bảo Thoa, người con gái đài các, sắc sảo, đức hạnh theo đúng khuôn phép chuẩn mực phong kiến lại luôn khuyến khích Bảo Ngọc học hành đỗ đạt để lọt vào tầm ngắm của các bậc huynh trưởng trong dòng họ. Lúc đầu, Bảo Ngọc còn phân vân trước tình yêu của Bảo Thoa, “gần cô chị thì quên khuấy cô em”; song dần dần, nhận thấy Bảo Thoa chỉ mong ngóng cái danh “lập than”, nên Bảo Ngọc đã dành trái tim mình cho Đại Ngọc, mong muốn lấy nàng làm vợ. Gia đình họ Giả coi đó là một tai họa.

Xây dựng nhân vật

Ba nhân vật chính được xây dựng như sau.

Giả Bảo Ngọc: Số phận và tính cách được tác giả miêu tả là không đơn giản. Đó là mâu thuẫn giữa khát vọng tự do và sự ràng buộc nặng nề của gia đình và xã hội phong kiến. Đó là tình yêu chân thành và quý báu như chính sinh mệnh của anh ta và lạ thay, anh ta hầu như chẳng làm được gì, chẳng chiến đấu dũng mãnh cách nào để đoạt lấy hạnh phúc! Mọi việc như bị phó mặc! Anh ta chưa bao giờ xứng đáng là một trang tu mi nam tử có lý tưởng, kiên định! Vấp phải những mâu thuẫn nghiệt ngã của thời đại, anh ta sinh ra đau thần kinh, mắc chứng “ngây”, cứ cười hì hì suốt ngày. Điều đó càng đẩy sâu anh ta vào bi kịch…

Lâm Đại Ngọc: Nhân vật này có một tính cách thú vị khác. Nàng yêu Bảo Ngọc, nhưng do thân phận của nàng, mỗi khi Bảo Ngọc ngỏ lời là nàng lại giận hờn, buồn tủi, làm ra vẻ cự tuyệt… Nàng là một nhân vật hiện ra với chiều sâu tâm lý đa dạng, được bộc lộ qua tình yêu, qua những quan hệ khác.

HLM_Bao&Dai
Đại Ngọc và Bảo Ngọc qua điện ảnh

Tiết Bảo Thoa: Đây là một tính cách gần như đối nghịch với Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc. Tiết Bảo Thoa là một nhân vật phụ nữ lý tính. Nàng còn ít tuổi mà đầy bản lĩnh, ở nàng tất cả đều đúng mực, hợp lý, logic, nàng là hiện thân của nguyên lý đạo đức phong kiến. Bao giờ nàng cũng là một người con gái sống cho gia đình, sống cho ý định người khác  –  và ý định đó luôn được nàng chấp nhận vì đó cũng chính là của nàng. Sự hòa hợp giữa nàng và gia pháp phong kiến là điều hoàn toàn tự nguyện. Nàng là người có học, xem nhiều sách, biết làm thơ. Với Bảo Ngọc, một người không yêu nàng, nhưng nàng theo sự sắp đặt của bề trên, lấy Bảo Ngọc không một chút tự ái; nàng làm bổn phận của người vợ. Nàng ít nhiều cũng yêu Giả Bảo Ngọc mà tự kiềm chế, và với tất cả sự chân tình, nàng muốn có hạnh phúc trong cuộc sống phong kiến với Bảo Ngọc.

Những nhân vật đáng kể khác là như sau.

HLM_Gia Nguyen Xuan
Giả Nguyên Xuân

Giả Nguyên Xuân: Nàng là con gái Giả Chính và Vương phu nhân, chị cả hơn Bảo Ngọc gần 10 tuổi, vì sinh vào đúng ngày mồng 1 tháng Giêng nên được đặt tên là Nguyên Xuân và cũng là cô cả trong Giả phủ tứ xuân. Nàng cũng là chị gái của Giả Thám Xuân, em chồng của Lý Hoàn, chị họ của Vương Hy Phượng, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Giả Nghênh Xuân, Giả Tích Xuân. Thuở nhỏ, Nguyên Xuân thường dạy Bảo Ngọc đọc sách viết chữ, sau này đến tuổi được tuyển vào cung làm Nữ sử, sau vài năm được phong Hiển Đức phi, coi giữ cung Phượng Tảo. Nơi nàng ở hoa lựu khắp nơi đỏ rực cảnh sắc như xuân, vì thế Nguyên Xuân được ví như hoa lựu.

Nguyên Xuân được vua ban ơn cho về thăm nhà một lần (hồi 17-18). Việc này khiến phủ Vinh Quốc xây dựng Đại Quan viên vô cùng tráng lệ, đẹp đẽ với đủ đình đài điện các trong nhiều tháng trời để Nương nương tỉnh thân vào ngày tết Nguyên tiêu. Về sau, Nguyên Xuân cho chỉ dụ về nhà, để Bảo Ngọc và đám nữ nhi trong phủ chia nhau đến ở các nơi trong Đại Quan Viên.

Giả Nghênh Xuân: Nàng là con của ông cả Giả Xá và một nàng hầu, là em gái cùng cha khác mẹ của Giả Liễn, em chồng của Vương Hy Phượng, em họ của Giả Nguyên Xuân, em họ chồng của Lý Hoàn, chị họ của Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc. Nàng là cô hai trong Giả phủ tứ xuân và là một trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách.

Giả Thám Xuân: Nàng là con gái Giả Chính và nàng hầu Triệu Di Nương, chị gái cùng cha cùng mẹ của Giả Hoàn, em gái cùng cha khác mẹ của Giả Châu, Giả Bảo Ngọc, Giả Nguyên Xuân, em dâu của Lý Hoàn, em họ của Giả Liễn, em họ chồng của Vương Hy Phượng, chị họ của Lâm Đại Ngọc. Thám Xuân là cô ba trong Tứ xuân Giả phủ và là một trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách.

HLM_Phuong Thu 3Vương Hy Phượng: Tên thường gọi của Vương Hi Phượng là Phượng thư hay mợ Hai. Nàng là con dâu của Giả Xá, Hình Phu nhân, vợ chính thất của Giả Liễn, mẹ của Giả Xảo Thư, cháu ruột của Vương Tử Đằng, Vương phu nhân, Tiết phu nhân. Nàng có đôi mắt phượng, mày cong lá liễu, vóc người óng ả, dáng điệu phong lưu, thật là: Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. Làn son chưa hé miệng như cười. Nàng thông minh sắc sảo, được Giả Mẫu và Vương phu nhân tín nhiệm rất cao, trở thành đại quản gia của Giả phủ. Ngồi trên bảo tọa quản lý mấy trăm người trong Giả phủ, Phượng thư dùng tài ăn nói và uy thế của mình để đạp dưới luồn trên với mục đích chiếm quyền và thầm tích lũy của cải.

Dù xinh đẹp nhưng Hy Phượng lại là người phụ nữ đanh đá, chanh chua, cay nghiệt và độc ác nên có biệt danh là Phượng Ớt.

HLM_Tan Kha Khanh 2Tần Khả Khanh: cháu dâu cả của Ninh quốc phủ, con dâu của Giả Trân và Vưu Thị, vợ của Giả Dung và cũng là con gái của Tần Nghiệp, chị gái của Tần Chung. Tần Khả Khanh là người có thân thế mơ hồ nhất. Sự xuất hiện của nhân vật này ngắn ngủi đến mức nhiều người không nhớ ra Tần Khả Khanh là ai trong số hơn 400 nhân vật của Hồng Lâu Mộng. Nhưng thật vô cùng thiếu sót nếu phủ nhận sự phức tạp và ngòi bút tinh tế của Tào Tuyết Cần trong việc mô tả nhân vật này, thậm chí nhà Hồng học Lưu Tâm Vũ còn đề xuất Tần học – chỉ nghiên cứu riêng về Tần Khả Khanh. Cuộc sống của Tần Khả Khanh có rất nhiều điều bí ẩn. Điều khiến nhiều người ngờ vực nhất là mối quan hệ loạn luân giữa Khả Khanh và bố chồng là Giả Trân, mặc dù không có một lời nào trong Hồng Lâu Mộng khẳng định chắc chắn điều đó. Bằng ngòi bút, Tào Tuyết Cần vẽ nên căn phòng của Tần Khả Khanh với cả hương và sắc, đầy những chi tiết gợi cảm. Từ đó người đọc có thể hình dung phần nào tố chất của Tần Khả Khanh.

Giả Mẫu: họ Sử, vốn là con nhà Sử gia, một tước hầu ở Kim Lăng nên còn được gọi là Sử Thái quân, lấy Giả Đại Thiện, sinh ra hai con trai Giả Xá, Giả Chính và một con gái Giả Mẫn. Bà có hai người con dâu: Vương phu nhân và Hình phu nhân và rất nhiều cháu chắt: Giả Bảo Ngọc, Giả Liễn, Giả Châu, Giả Nguyên Xuân, Giả Thám Xuân, Giả Nghênh Xuân (cháu nội); Lâm Đại Ngọc (cháu ngoại); Giả Xảo Thư (chắt nội); Sử Tương Vân (cháu họ). Giả mẫu là người có quyền hành tối cao trong Vinh quốc phủ và là một người sùng Phật, nhân hậu, hay giúp người nhưng cũng có đôi khi xử sự khá tàn nhẫn.

Giả Xá: ông cả của Vinh quốc phủ, con trai lớn của Giả mẫu, anh cả của Giả Chính, có vợ là Hình phu nhân và con trai Giả Liễn, con gái Giả Nghênh Xuân. Ông được miêu tả là người xảo trá, bội bạc lại tham lam, hám lợi, đồng thời cũng rất háo sắc, không đứng đắn.

Vương phu nhân: bà hai của phủ Vinh quốc, là vợ chính thất của Giả Chính, và là mẹ của Giả Châu, Giả Bảo Ngọc, Giả Nguyên Xuân. Bà vốn là nhị tiểu thư của nhà họ Vương, một nhà hào phú đất Kim Lăng, là cô ruột của Vương Hy Phượng. Vương phu nhân là người ăn chay niệm Phật, tính tình nhân đức, không hay đụng đến việc nhà mà giao hết cho cô cháu Phượng Thư. Dù vậy, thực tế vẫn có lúc bà hành động rất nhẫn tâm.

Tiết Bảo Cầm: Nàng vô cùng xinh đẹp, lộng lẫy hơn cả Bảo Thoa, được ví như cành mai thắm trong trời tuyết trắng. Nàng là em gái Tiết Khoa, em họ Tiết Bảo Thoa, Tiết Bàn. Nàng . Giả mẫu rất yêu quý nàng nên ví nàng còn đẹp hơn tranh, từng muốn nàng làm vợ của Giả Bảo Ngọc. Vương phu nhân cũng yêu quý nàng và nhận làm con nuôi. Nàng từ nhỏ đã chăm chỉ đọc sách viết chữ, bản tính vốn thông minh, thơ phú đều rất giỏi.

Đánh giá

Hồng lâu mộng được đánh giá là “tuyệt thế kì thư” (pho sách lạ nhất đời), thật sự phản ánh toàn diện và sâu sắc gương mặt văn hóa Trung Hoa.

Sự truyền bá rộng rãi của cuốn tiểu thuyết này dẫn đến việc ra đời một ngành học lấy tên là Hồng học. Giới nghiên cứu tổ chức định kỳ Hội thảo Hồng lâu mộng có quy mô toàn quốc. Sở nghiên cứu Hồng lâu mộng có tạp chí chuyên san để đăng tải những nghiên cứu về Hồng lâu mộng… Hồng học ngày nay trở thành một ngành học vấn ở phạm vi quốc tế. Trên thế giới chỉ có nhà soạn kịch vĩ đại Shakespeare là cũng có vinh dự này.

HLM_Thai hu ao canh
Thái hư ảo cảnh trong giấc mộng của Bảo Ngọc

Mao Trạch Đông đọc nhiều lần Hồng lâu mộng và những công trình nghiên cứu về tác phẩm này. Cuối cùng ông đưa ra một kết luận thật bất ngờ:
Mỗi người nên đọc cuốn tiểu thuyết này 5 lần trước khi muốn đưa ra bất kỳ một nhận xét gì về nó. Dẫu đã từng được cày nát qua nhiều thế kỷ, cuốn sách với hơn 600 nhân vật độc đáo và đa dạng Hồng lâu mộng vẫn là một kho chứa nhiều điều bí ẩn.

Thủy hử hay Thủy hử truyện

Tác giả đại danh tác này thường ghi là Thi Nại Am; cũng có người cho là của La Quán Trung.

Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự. Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Cốt truyện

Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Theo ý kiến các nhà nghiên cứu, quá trình thăng tiến của gian thần Cao Cầu chính là sự tố cáo cho chính sự thối nát của nhà Bắc Tống khi đó mà người chịu trách nhiệm cao nhất là hoàng đế Tống Huy Tông, một quân vương chơi bời, không quan tâm tới việc triều chính.

Cao Cau
Cao Cầu nhờ tài đá cầu mà tiến thân

Từ một thảo dân lông bông, Cao Cầu chủ yếu nhờ tài đá cầu mà trở thành sủng thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái uý. Mối liên kết giữa các gian thần Cao Cầu, Lương Trung Thư, Vương Tiễn… và bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới làm hại các trung thần của triều đình (Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh…) khiến họ lần lượt phải bỏ sự nghiệp đi theo Lương Sơn Bạc.

Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường… nên ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn.

Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, rồi sau đó tất cả đều tụ về Lương Sơn. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về Thủy hử, có những người con đường lên Lương Sơn vòng vo nhiều lần như Tống Giang, vì ông vốn mang tư tưởng trung hiếu với triều đình; lại có những người con đường lên Lương Sơn thẳng tuột như Lý Quỳ – ông coi việc làm phản khi bị hà hiếp là đương nhiên. Thủy hử phản ánh thực trạng trong xã hội phong kiến nhiều đời: “quan bức thì dân phản”, điều đó rất hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng lao động nghèo khổ bị bóc lột.

TH_mural Lu Zhishen 2
Lỗ Trí Thâm trổ tài nhổ bật thân cây

Điều khiến Thủy hử trở nên ly kỳ, hấp dẫn là ngoài tính cách đa dạng của các nhân vật, các tình tiết còn mang nhiều tính bất ngờ, thú vị cho người đọc. Người thủ lĩnh đầu tiên của Lương Sơn Bạc là Vương Luân, nhưng chính Vương Luân lại bị Lâm Xung giết để tôn Tiều Cái. Tiều Cái được xem là người khai sáng Lương Sơn, nhưng lại không thuộc vào số 108 vị anh hùng – không thuộc vào 36 vị thiên cang hay 72 vị địa sát – vì ông tử trận trước khi Lương Sơn tập hợp đủ 108 người. Tài năng, tính cách của các anh hùng Lương Sơn cũng phong phú, mỗi người một vẻ. Ngoài những người giỏi chinh chiến trên lưng ngựa như Quan Thắng, Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Tần Minh, Đổng Bình… đánh bộ như Lý Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm… còn một đội ngũ các tướng chuyên đánh thủy quân như anh em họ Trương, 3 anh em họ Nguyễn, Lý Tuấn; các quân sư tài ba như Ngô Dụng, Chu Vũ; những người di chuyển nhanh hoặc giỏi đột nhập như Đới Tung, Thời Thiên… Đặc biệt, trong các anh hùng Lương Sơn còn có 3 phụ nữ (Cố Đại Tẩu, Hỗ Tam Nương và Tôn Nhị Nương).

Đánh giá tác phẩm

Tác phẩm được độc giả đón nhận như hàng trăm truyện ngắn ly kỳ, có thể đứng độc lập như những tác phẩm riêng lẻ, nhưng dưới ngòi bút của Thi Nại Am chúng được xâu chuỗi liền mạch thành một hệ thống hoàn chỉnh. Kết cấu đó mang đặc sắc của những tác phẩm phát triển từ chuyện kể, và sợi dây quán xuyến toàn bộ tác phẩm là sự xung đột giữa chế độ phong kiến áp bức và tinh thần phản kháng mãnh liệt của các anh hùng hảo hán.

Từ những câu chuyện về các số phận đầy éo le trắc trở, như những dòng suối tuôn chảy về sông, Thủy hử đã dựng dậy vô số nhân vật có phong tục tập quán cũng như lời ăn tiếng nói của vùng thượng lưu và trung lưu sông Hoàng Hà. Phải dụng công lắm Thi Nại Am mới xây dựng được những nhân vật không những có “suy nghĩ và hành động phù hợp với giai cấp xuất thân và địa vị xã hội” mà còn có cá tính muôn màu muôn vẻ, hình dáng và lời nói không ai giống ai trong thực tế cuộc đời.

Tác phẩm xây dựng được tính cách nhân vật điển hình, rõ rệt, thậm chí dị biệt. Ngay trong một nhân vật, khi hoàn cảnh sống và địa vị xã hội thay đổi, tính cách cũng thay đổi theo, như Lâm Xung vốn là người hiền lành nhẫn nhục, nhưng khi ở miếu Thổ thần, hiểu thấu sự nham hiểm và tàn bạo của đám quan trên, ông lại trở nên ngỗ ngược, ngang tàng. Về sau, khi Tống Giang tha Cao Cầu, người tàn hại cả gia đình Lâm Xung, thì Lâm Xung là con người đau khổ, uất hận nhưng đành chịu theo kế sách của Tống Giang.

Tuy rằng được gọi là “anh hùng Lương Sơn Bạc” nhưng tính chất anh hùng còn lờ mờ. Lấy ví dụ, không thấy kể việc họ giúp dân nghèo từ tiền bạc họ cướp bóc được. Hoặc việc một số nhân vật vì bị chính nhóm Lương Sơn Bạc lập mưu hãm hại khiến không còn đường sống, đành phải quy phục ở Lương Sơn Bạc.

Tính cách lịch sử

Khởi nguồn của Thủy hử là các truyện kể, huyền tích dân gian về cuộc đời và hành vi của các thủ lĩnh Lương Sơn Bạc, thêm vào đó, cũng tồn tại nhiều văn bản truyện Thủy hử khác nhau nên tính xác thực về mặt lịch sử của tiểu thuyết này là không cao. Một trong những ví dụ rõ nhất là trên thực tế, Phương Lạp chưa từng bị tiêu diệt bởi quân lực của Lương Sơn. Phương Lạp thực sự xưng đế và bị tiêu diệt bởi những đội quân khác của triều đình nhà Tống chứ không phải quân Lương Sơn Bạc.

Bên cạnh những nhân vật hư cấu, một số nhân vật có thật trong lịch sử bị lắp ghép, thêm thắt, thậm chí làm sai lệch khiến cả gia tộc bị hàm oan như Võ Đại Lang, Phan Kim Liên. Trong lịch sử Trung Hoa, ở vùng huyện Thanh Hà, Hình Đài đúng là có các nhân vật Võ Đại Lang, Phan Kim Liên… nhưng họ sống vào đời Minh chứ không phải đời Tống và cuộc đời hoàn toàn khác xa những gì mà truyện viết.

Tam quốc diễn nghĩa

Nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (190-280) với khoảng 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Cần phân biệt với Tam quốc chí, được xem là chính sử.

Tam Quoc_ban doCốt truyện

Một trong những thành công lớn nhất của Tam Quốc diễn nghĩa là tính chất quy mô, hoành tráng của cốt truyện và nhân vật được tường thuật  và miêu tả một cách lôi cuốn. Bộ tiểu thuyết này có thể chia thành rất nhiều “truyện nhỏ” mà đa phần trong số đó có thể dựng được thành những bộ phim truyện đúng nghĩa, hoặc một tuồng kinh kịch, cải lương, hát bội. Tác phẩm gồm những phần chính sau đây.

Triều đình tranh giành quyền lực
Truyện lấy bối cảnh vào thời suy vi của nhà Hán, khi những hoàng đế cuối cùng của nhà Hán quá tin dùng hoạn quan mà gạt bỏ bề tôi trung trực. Triều đình ngày càng bê tha, hư nát, khiến kinh tế suy sụp và an ninh bất ổn. Đến đời Hán Linh Đế, năm 184, loạn giặc Khăn Vàng nổ ra do Trương Giác cầm đầu. Sau đó là sự xuất hiện của ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, cả ba người đều muốn dẹp loạn yên dân nên đã kết nghĩa với nhau ở vườn đào.

Ket nghia vuon dao B
Kết nghĩa vườn đào

Hà Tiến chỉ huy các quan đại thần dập tắt cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng. Hà Tiến là anh rể vua và nhờ đó được phong đại tướng quân của triều đình. Sau khi Hán Linh Đế mất năm 189, Hà Tiến lập Hán Thiếu Đế kế vị. Điều đó khiến Đổng thái hậu (mẹ của Hán Linh Đế) không hài lòng. Hà Tiến đầu độc giết bà ta để trừ họa. Sau đó Hà Tiến lại có mâu thuẫn với bọn hoạn quan nên muốn giết sạch hết bọn chúng để có uy quyền tuyệt đối trong triều. Hà Tiến lấy chuyện này bàn với Viên Thiệu. Viên Thiệu khuyên Hà Tiến nên triệu tập các trấn khắp cả nước vào Lạc Dương diệt hoạn quan.

Tiến phê chuẩn ngay, kêu gọi quân đội ở các trấn vào cung giết hoạn quan. Hành động này của Hà Tiến bị Tào Tháo phản đối và cho rằng ông là kẻ làm loạn thiên hạ. Bọn hoạn quan về sau cũng biết tin này, cũng lo đối phó trước. Khi mà mưu đồ diệt hoạn quan của Hà Tiến chưa thành thì ông lại bị chúng giết chết. Liền sau đó các quan đại thần do Viên Thiệu cầm đầu đem quân vào cung giết sạch đám hoạn quan này, báo thù cho Hà Tiến.

Trong số các quan lại nhận lệnh Hà Tiến để diệt hoạn quan có Đổng Trác, thứ sử Tây Lương. Đổng Trác nhân cơ hội này vào kinh làm loạn triều đình. Năm 190, ông ta phế truất Hán Thiếu Đế và lập Trần Lưu Vương lên làm hoàng đế, rồi làm tướng quốc nắm hết quyền triều chính vào tay mình. Thứ sử Đinh Nguyên phản đối hành động này, hắn ỷ có tướng hầu là Lữ Bố hộ vệ nên không sợ bị Đổng Trác hãm hại. Tuy nhiên Đổng Trác lại dùng kế mua chuộc Lữ Bố, nên Lữ Bố nổi lòng tham, giết Đinh Nguyên để quay theo Đổng Trác.

Chiến tranh loạn lạc giữa mười quân phiệt (190-200)
Hành vi tàn bạo, lộng quyền của Đổng Trác khiến quan lại vô cùng phẫn nộ, hội quân với Viên Thiệu để diệt Đổng Trác. Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi cũng đi theo liên quân diệt gian tặc. Lữ Bố thường xuyên được Đổng Trác sai đi trấn áp, có lần một mình Lữ Bố đấu với cả ba anh em Lưu, Quan, Trương nhưng sau đó phải rút lui vì kiệt sức. Năm 191, liên quân Viên Thiệu tập trung dưới chân thành Lạc Dương. Nghe theo lời của mưu sĩ Lý Nho, Đổng Trác bắt hoàng đế, quan lại, xua hàng trăm vạn dân chúng từ Lạc Dương về Trường An lập kinh đô riêng. Hắn còn sai Lữ Bố đào bới lăng mộ các vua nhà Hán trước đây để cướp vàng bạc châu báu, sau đó phóng hỏa thiêu cháy Lạc Dương rồi bỏ chạy. Liên quân của Viên Thiệu thừa cơ tiến vào Lạc Dương.

Trong thời kì Đổng Trác nắm quyền, vẫn còn nhiều trung thần như Vương Doãn đang tìm cách diệt trừ Trác. Một lần, Vương Doãn đã sử dụng liên hoàn kế qua con gái nuôi là Điêu Thuyền, từ đó Lữ Bố hận thù Đổng Trác. Cuối cùng năm 192, Đổng Trác bị giết bởi chính người con nuôi Lữ Bố, do cùng giành giật Điêu Thuyền. Thuộc hạ của Đổng Trác là Lý Nho cũng bị chém đầu.

Trong lúc đó, trong các quan lại trong liên quân chống Đổng Trác lại lục đục nội bộ với nhau, Tôn Kiên, cha của Tôn Sách và Tôn Quyền, lợi dụng lúc lộn xộn, lấy được ngọc tỉ truyền quốc. Viên Thiệu nghi ngờ, lệnh cho Lưu Biểu ở Kinh Châu đem quân đánh úp Tôn Kiên đang ở Giang Đông để đòi lại ngọc tỉ. Tôn Kiên chạy thoát nhưng quân sĩ tử thương quá nửa. Từ đó Tôn Kiên hận thù Lưu Biểu, chỉ chờ cơ hội báo thù. Cuối năm 191, Tôn Kiên dẫn quân đánh Kinh Châu và Tương Dương nhưng bị Lưu Biểu đánh bại, bản thân Tôn Kiên cũng bị tử trận. Con của Tôn Kiên là Tôn Sách phải đổi Hoàng Tổ vừa bắt sống được để lấy thi thể Tôn Kiên về an táng. Sau đó, Tôn Sách cùng các tướng dưới trướng chạy sang Hoài Nam nương nhờ Viên Thuật. Lúc đó liên quân chống Đổng Trác đã tan rã, các quan lại quay về địa phương của mình và bắt đầu giao chiến với nhau, quên cả chuyện quan trọng là diệt Đổng Trác. Nhiều anh hùng như Tào Tháo và Lưu Bị, mặc dù chưa chính thức được ban tước và quân, cũng bắt đầu xây dựng lực lượng riêng.

Viên Thiệu chỉ có 2 quận nhỏ là Quan Đông và Hà Nội. Có lúc lương thực bị cạn kiệt, Viên Thiệu phải mượn lương của lãnh chúa Hàn Phức ở Ký Châu. Bàng Kỷ bày mưu cho Viên Thiệu, nên Hàn Phức dâng Ký Châu cho Thiệu nhằm bảo vệ Ký Châu khỏi sự xâm phạm của Công Tôn Toản. Viên Thiệu lấy được Ký Châu mà không tốn một sức lực nào, cho Hàn Phức ở lại Ký Châu sống tới hết đời. Công Tôn Toản biết mình bị Viên Thiệu lừa gạt, lập tức cất quân báo thù. Kết quả là quân của Toản thảm bại, bản thân Toản suýt bị tướng của Viên Thiệu là Văn Xú bắt sống nếu không có Triệu Vân cứu.

Không lâu sau khi Đổng Trác bị giết chết, thuộc hạ khác của hắn là Lý Thôi và Quách Dĩ cùng Trương Tế, Phàn Trù đang đóng quân ở My Ổ cùng nhau nổi dậy làm loạn, báo thù cho chủ khi không được Vương Doãn xá tội. Con rể Đổng Trác là Ngưu Phụ cũng nổi dậy hưởng ứng. Lữ Bố diệt được Ngưu Phụ, chủ quan khinh địch nên Lý Thôi, Quách Dĩ tận dụng Lữ Bố là kẻ hữu dũng vô mưu để lập mưu đánh bại Lữ Bố. Chẳng bao lâu sau, bọn Thôi, Dĩ chiếm được Trường An, giết Vương Doãn, buộc Lữ Bố phải bỏ trốn. Lý Thôi, Quách Dĩ nắm vua Hiến Đế thay Đổng Trác.

Cuối năm 193, Mã Đằng và Hàn Toại câu kết với Hán Hiến Đế, đem quân vào Trường An diệt bọn Lý Thôi nhưng thất bại. Phàn Trù nhận lệnh truy kích nhưng lại tha Hàn Toại vì nể tình đồng hương. Lý Thôi nghi ngờ Phàn Trù làm phản nên sang năm 194 liền hành thích giết chết Phàn Trù trong một bữa tiệc.

Năm 193, Tào Tháo cho cha mình là Tào Tung từ quê nhà tới căn cứ Sơn Đông của mình, đi qua nghỉ đêm ở Từ Châu. Lãnh chúa Từ Châu là Đào Khiêm lệnh cho Trương Khải tiếp tục hộ tống Tào Tung về Sơn Đông. Nhưng Trương Khải lại có lòng tham, giết cả nhà Tào Tung để cướp tài vật. Tào Tháo vô cùng tức giận, đem quân đánh Từ Châu báo thù cho cha mình, quân Đào Khiêm chống cự rất khó khăn, phải liên thủ với Lưu Bị mới đẩy lui được quân Tào. Năm 194, Đào Khiêm ốm chết, Lưu Bị thay Đào Khiêm cai quản Từ Châu.

Sau khi bị Lý Thôi, Quách Dĩ đánh bại, Lữ Bố tạm thời chạy trốn, lưu vong một thời gian. Sau đó Lữ Bố thấy Tào Tháo lơi lỏng phòng bị nên tập hợp quân đội và thu phục mưu sĩ Trần Cung. Với tài túc trí đa mưu, Trần Cung giúp Lữ Bố thắng Tào Tháo bao nhiêu trận, đặc biệt là trận Bộc Dương năm 194. Tuy nhiên, Lữ Bố trúng kế của Tào Tháo nên thua nhiều trận quan trọng sau đó. Lữ Bố đành kết nghĩa với Lưu Bị ở Từ Châu, nhưng sau đó lại làm phản khi cướp Từ Châu. Lữ Bố muốn chuộc lỗi với Lưu Bị nên khi Viên Thuật đánh căn cứ Tiểu Bái của Lưu Bị thì Lữ Bố đã bắn kích viên môn, buộc tướng của Viên Thuật là Kỉ Linh phải giải vây rút về. Lữ Bố sau đó tiếp tục trở mặt đánh Lưu Bị và chiếm được Tiểu Bái. Lưu Bị dẫn quân về hàng Tào Thào làm thế lực Tào Tháo càng trở nên lớn mạnh.

Năm 195, ở Trường An, Dương Bưu và Chu Tuấn thấy bọn Thôi, Dĩ chuyên quyền, bày mưu với Hán Hiến Đế, buộc Lý Thôi và Quách Dĩ nảy sinh mâu thuẫn và trở mặt đánh lẫn nhau suốt 2 tháng, người chết vô số. Nhân lúc bọn chúng tiêu diệt nhau, Trương Tế họ tống vua Hán về Lạc Dương. Lý Thôi và Quách Dĩ nghe tin phải giảng hòa rồi đem quân đuổi theo bắt vua lại. Đổng Thừa, Dương Phụng, Từ Hoảng nhiều lần giúp vua đẩy lui được quân Lý-Quách nhưng binh lực cứ hao hụt dần. Hán Hiến Đế đành triệu Tào Tháo đem quân vào Trường An cứu giá, cả Lý Thôi và Quách Dĩ đều bị Tào Tháo đánh bại, sau đó bị giết.

Lúc này ở Hoài Nam, Tôn Sách không muốn ở với Viên Thuật nữa, ra sức tự lập. Tôn Sách lấy cớ đi đánh hai nghịch tặc nguy hiểm là Lưu Do và Nghiêm Bạch Hổ. Viên Thuật phê chuẩn. Năm 196, Tôn Sách đánh bại được Lưu Do, buộc hắn phải trốn chạy về Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Ngay sau đó thế lực Nghiêm Bạch Hổ cũng bị Tôn Sách đánh bại. Nhờ đó, Sách làm chủ Giang Đông, ly khai với Viên Thuật và gửi thư bắt hắn trả lại ngọc tỉ nhưng Thuật không chịu. Cuối năm 196, Trương Tế tử trận khi đi đánh Nam Dương, cháu là Trương Tú lên thay và đang rắp tâm đánh Hứa Đô cướp Hán Hiến Đế trước sự lơ là của Tào Tháo. Đầu năm 197, Trương Tú đại phá Tào Tháo ở trận Uyển Thành, tướng của Tào Tháo là Điển Vi và con trưởng của Tào Tháo là Tào Ngang đều phải hy sinh tính mạng của mình để cứu Tháo.

Nhưng quyền lực của Tào Tháo lại ngày một mạnh lên khi sở hữu Hán Hiến Đế, làm thừa tướng ở Hứa Xương. Nhờ uy danh đó mà về sau Tào Tháo dụ hàng được Trương Tú. Viên Thuật ở Hoài Nam do có ngọc tỉ truyền quốc nên cũng tự xưng đế dù chỉ nắm 2 quận.

Năm 198, Tào Tháo cất quân đánh Lữ Bố, chiếm Từ Châu, Tiểu Bái và Hạ Phi, giết được Lữ Bố. Viên Thuật thấy thế lực Tào Tháo đang rất hùng mạnh nên muốn đem ngôi vua sang trao cho anh hắn là Viên Thiệu để liên thủ nhưng không qua được mắt Tào Tháo. Năm 199, Tào Tháo sai Lưu Bị đem quân đánh Viên Thuật khi hắn đang đem ngọc tỉ và ngôi vua cho Viên Thiệu. Quân Viên Thuật thua to. Không lâu sau, Viên Thuật lâm bệnh qua đời và thế lực của Thuật hoàn toàn bị Tào Tháo tiêu diệt. Cũng trong năm 199, anh của Viên Thuật là Viên Thiệu tiêu diệt được kẻ thù phía Bắc của mình là Công Tôn Toản.

Tam quoc_Uong ruou luan anh hung 3
Tào Tháo mời Lưu Bị uống rượu và luận anh hùng

Tào Tháo nắm vua Hán, trở nên lộng quyền ngang ngược, khi quân phạm thượng, lấn lướt vua. Hán Hiến Đế không cam chịu thân phận đó, viết một mật chiếu cho Đổng Thừa, khuyên Thừa giết Tháo. Đổng Thừa lập ra hội Nghĩa trạng, tức là hội chống Tào Tháo. Ít lâu sau có sáu người tham dự là Vương Tử Phục, Chủng Tập, Ngô Thạc, Ngô Tử Lan, Mã Đằng và Lưu Bị. Về sau, Mã Đằng về Tây Lương, Lưu Bị về Từ Châu. Đổng Thừa giận họ nên phát bệnh, thái y Cát Bình phải chữa bệnh cho Thừa. Cát Bình phát hiện Thừa muốn diệt Tào Tháo, xin tham gia vào Nghĩa trạng. Nhưng Đổng Thừa mắc sai lầm nghiêm trọng khi đánh đòn người hầu của mình là Tần Khánh Đồng chỉ vì tội tư thông với con gái ông ta. Đồng oán giận, nói hết vụ hội Nghĩa trạng cho Tào Tháo biết. Tào Tháo liền giả bệnh, dụ Cát Bình tới chữa rồi bắt Bình tra tấn tới chết. Cả năm người bọn Đổng Thừa cùng cả gia quyến của Đổng Thừa đều bị chém đầu. Đó là vào tháng 1 năm 200.

Sau khi tiêu diệt Viên Thuật, Lưu Bị không về Hứa Đô mà giết thái thú Từ Châu là Xa Trụ, lưu lại Từ Châu để ngầm củng cố thế lực. Tào Tháo đã sai Lưu Đại và Vương Trung đem quân tới Từ Châu để giám sát Lưu Bị nhưng bị Lưu Bị dùng mưu đuổi về Hứa Đô. Ngay sau khi trừ Đổng Thừa, Tào Tháo dẫn quân đánh Từ Châu, Lưu Bị chạy về theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam còn Quan Vũ do cùng đường nên đầu hàng Tào Tháo. Về sau, Quan Vũ từ chối mọi ưu đãi của Tào Tháo, tự mình cưỡi ngựa qua 5 ải chém 6 tướng để về với Lưu Bị.

Tiền Xích Bích (200-208)
Sau khi ly khai Tào Tháo, Lưu Bị sang Ký Châu với Viên Thiệu. Song do Viên Thiệu không quyết đoán, chỉ biết tham lợi nhỏ, lại nghe lời xàm tấu nên Lưu Bị đành bỏ đi theo Lưu Tịch và Cung Đô. Trong chiến dịch quân sự đánh Viên Thiệu, Tào Tháo giành được thắng lợi ban đầu ở trận Bạch Mã và chiến thắng quyết định của Tào Tháo là tại trận Quan Độ cuối năm 200. Sang năm 201, Viên Thiệu lại thua một trận lớn khác với Tào Tháo ở Thương Đình nên từ đó bãi binh.

Năm 202, Viên Thiệu qua đời, các con là Viên Thượng, Viên Hy và Viên Đàm tàn sát lẫn nhau để chọn người thay thế. Tào Tháo thừa cơ hội đó mà đem quân tiêu diệt Viên Đàm năm 205, chiếm được Ký Châu. Viên Thượng và Viên Hy bỏ chạy sâu vào Liêu Đông. Tào Tháo đem quân tới truy kích thì nhiều trụ cột của Tào Tháo do không hợp thủy thổ mà bệnh chết như Quách Gia. Thấy hành quân khó khăn, Tào Tháo phải mượn tay thái thú Liêu Đông là Công Tôn Khang để giết Viên Thượng và Viên Hy vào năm 207. Thất bại của Viên Thiệu đặt cơ sở cho Tào Tháo củng cố quyền lực tuyệt đối khắp miền bắc Trung Quốc.

Cũng trong thời gian này, Lưu Bị thấy Tào Tháo quyền lực quá lớn, trước sau gì cũng cướp ngôi nhà Hán nên làm phản, lập được căn cứ ở Nhữ Nam, hai em kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi cũng tìm đường theo về. Năm 201, Lưu Bị tự đem quân đi tấn công Tào Tháo nhưng bị thất bại, cả Lưu Tịch và Cung Đô đều bị giết. Lưu Bị bèn tới Kinh Châu nhờ Lưu Biểu ,là một người anh họ xa, cho lánh nạn. Tại đó Lưu Bị thu phục mưu sĩ Từ Thứ. Với tài mưu lược, Từ Thứ giúp Lưu Bị thắng quân Tào nhiều trận. Nhưng Tào Tháo lập mưu bắt mẹ của Từ Thứ, buộc Từ Thứ phải theo mình. Trước khi rời bỏ Lưu Bị, Từ Thứ tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị. Sau ba lần đến thăm lều cỏ (tam cố thảo lư) của Gia Cát Lượng, Lưu Bị chiêu mộ được ông này làm quân sư.

TQ_tam co thao lu 2
Tam cố thảo lư: Lưu Bị đạp tuyết mời Khổng Minh làm quân sư

Sau khi trừ được Viên Thiệu, Tào Tháo lập tức nhòm ngó về phía nam. Khổng Dung can gián, khuyên Tào Tháo không nên nam chinh để tránh làm mất đại nghĩa. Tháo giận lắm, lập tức chém đầu Khổng Dung, cả nhà của Khổng Dung cũng đều bị xử trảm.

Năm 208, Lưu Biểu mất, để lại Kinh Châu cho hai con trai nhỏ là Lưu Kỳ và Lưu Tông. Tào Tháo biết tin, lập tức tự đem quân đi chiếm Tân Dã. Lưu Bị được lòng dân chúng thành Tân Dã nên trước viễn cảnh bị xâm chiếm, toàn bộ dân trong thành một lòng xin đi theo Lưu Bị. Lưu Bị đành đưa dân Tân Dã về thành Tương Dương của người con thứ của Lưu Biểu, tại đây Lưu Bị bị từ chối không cho vào thành. Không còn cách nào khác ông phải tiếp tục nam tiến xuống Giang Hạ, là thành của Lưu Kỳ, con trưởng của Lưu Biểu, do bị tướng cũ của Lưu Biểu là Sái Mạo hãm hại nên rời bỏ Kinh Châu. Ở Giang Hạ, Lưu Bị cuối cùng cũng tạm có được một chỗ đặt chân để chống lại cuộc tấn công dữ dội của Tào Tháo. Còn ở Kinh Châu, Sái Mạo đưa Lưu Tông làm chúa rồi định giết Lưu Kỳ để trừ họa, nhưng Lưu Kỳ đã theo Lưu Bị trốn về Giang Hạ. Tào Tháo sai người đưa thư tới chiêu hàng Lưu Tông. Lưu Tông đồng ý, dẫn tùy tùng về Hứa Đô đầu hàng, nộp Kinh Châu cho Tào Tháo. Rốt cuộc Lưu Tông lại bị Tào Tháo sai Vu Cấm giết chết.

Còn ở phía đông nam, Tôn Quyền vừa mới lên nắm quyền sau cái chết của người anh là Tôn Sách năm 200. Năm 208, Tôn Quyền giết được Hoàng Tổ ở Giang Hạ và thu phục được hai tướng của Hoàng Tổ là Tô Phi và Cam Ninh. Cả Tào Tháo lẫn Lưu Bị đều định liên kết với Tôn Quyền. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng tự mình đến quận Sài Tang và thuyết được Tôn Quyền hợp tác với Lưu Bị. Các bề tôi của Tôn Quyền chia thành 2 phe: đứng đầu phe chủ hàng là Trương Chiêu, đứng đầu phe chủ chiến là Chu Du. Tôn Quyền nghe theo Chu Du, quyết liên minh với Lưu Bị để đánh Tào Tháo. Mùa đông năm 208, Tào Tháo dẫn đại quân tiến xuống phía nam để thống nhất Trung Hoa và liên minh Tôn-Lưu tận dụng quân Tào kém về thủy chiến, tạo chiến công oanh liệt tại trận Xích Bích.

Hậu Xích Bích (208-220)
Sau khi thắng trận Xích Bích, liên minh Tôn-Lưu cùng giành nhau Kinh Châu. Năm 209, Chu Du dẫn quân đánh Nam Quận, đuổi được Tào Nhân nhưng Nam Quận đã bị Gia Cát Lượng chiếm mất trước đó, rồi cả Kinh Châu lẫn Tương Dương cũng lần lượt về tay Lưu Bị. Vận đen không ngừng đeo đuổi Đông Ngô khi Tôn Quyền dẫn quân đánh trận Hợp Phì thì bị Trương Liêu đánh bại.

TQ_Khong Minh
Khổng Minh

Từ đây về sau, Kinh Châu luôn là vấn đề gai góc giữa liên minh cũ: Tôn Quyền quyết tâm đòi trong khi Lưu Bị cứ trì hoãn, hết viện cớ này đến cớ khác. Từ chuyện này mà có thành ngữ “Lưu Bị mượn Kinh Châu”, chỉ việc vay mượn nhưng lần khân việc trả lại.

Với ý định loại trừ Lưu Bị, Chu Du bày mưu cho Tôn Quyền gả em gái cho Lưu Bị nhằm giam hãm ông này. Cũng do tài mưu lược của Gia Cát Lượng mà Lưu Bị thoát được về Giang Hạ cùng với người vợ mới. Năm 210, Chu Du mượn tiếng đánh Tây Xuyên nhưng thực ra là muốn chiếm Kinh Châu để Lưu Bị chủ quan không phòng bị, nhưng vẫn thất bại bởi những kế sách đúng đắn của Gia Cát Lượng. Thất trận, Chu Du buồn bã về Sài Tang rồi đổ bệnh, thổ huyết qua đời.

Sau 2 năm án binh bất động, Tào Tháo tiêu diệt luôn thế lực của Hàn Toại, Mã Đằng và đánh đuổi Mã Siêu (211) và Trương Lỗ (215), nhưng vẫn không thể thống nhất Trung Hoa. Tào Tháo cũng diệt trừ những kẻ phản loạn khác trong triều đình như Kim Vĩ và Phục Thọ. Về sau Mã Siêu quay lại đánh Tào Tháo ở trận Ký Thành để báo thù cho thất bại ở trận Đồng Quan nhưng vẫn đại bại. Siêu bỏ chạy, phiêu bạt qua Trương Lỗ, sau này theo về Lưu Bị.

Lưu Bị cũng dẫn quân Tây chinh đánh Lưu Chương, chiếm được Thành Đô (Ích Châu) năm 214. Nhưng Lưu Bị chịu nhiều tổn thất, đặc biệt là cái chết của mưu sĩ Bàng Thống. Do vậy mà Gia Cát Lượng được triệu đi Thành Đô. Ông giao quyền trấn giữ Kinh Châu cho Quan Vũ với tám chữ dặn dò: “Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền”. Quan Vũ hứa khắc ghi lời này trong tim nhưng về sau không làm theo, gây hậu quả vô cùng tai hại.

Sang năm 219, Lưu Bị muốn mở rộng đất đai khi sai Hoàng Trung đánh vào đất Hán Trung của Tào Tháo, giết được tướng Tào là Hạ Hầu Uyên. Tào Tháo tức giận đem quân đến cứu viện nhưng lại thất bại nặng nề phải rút về Trường An. Sau chiến thắng này, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung vương.

Khi Lưu Bị đánh Hán Trung thì Quan Vũ cũng đánh Tương Dương và Phàn Thành vào giữa năm 219. Tướng giữ Phàn Thành là Tào Nhân thua trận liên tiếp. Tào Tháo phải sai Vu Cấm và Bàng Đức đem quân đi cứu viện. Quan Vũ đánh thắng cả đại quân cứu viện, Vu Cấm bị bắt sống, Bàng Đức không hàng bị chém, Tào Nhân phải bỏ Phàn Thành mà chạy. Tào Tháo thấy tình hình nguy khốn đành phải liên minh với Tôn Quyền để đánh Quan Vũ. Tháo sai Từ Hoảng đem quân đóng ở Ma Pha khiêu chiến để dụ Quan Vũ đem quân ở Kinh Châu ra đánh.

Quan Vũ kiêu căng tự mãn, không những từ chối lời cầu hôn của Tôn Quyền để hai nhà làm thông gia, mà còn chửi mắng xúc phạm bên Đông Ngô. Cũng vì tự mãn mà Quan Vũ dồn hết binh lực ở Kinh Châu tới Ma Pha đánh Từ Hoảng, thành Kinh Châu gần như bỏ không. Tôn Quyền thừa cơ sai Lã Mông đem quân chiếm Kinh Châu. Quan Vũ nghe tin thì hoảng hốt, đem quân từ Ma Pha về định chiếm lại Kinh Châu thì thất bại và bị quân Ngô vây chặt ở Mạch Thành. Quan Vũ phải sai sứ sang Thượng Dung bảo Mạnh Đạt và Lưu Phong đem quân tới cứu viện nhưng họ không nghe theo. Nỗ lực phá vây của Quan Vũ cũng không thành, ông bị Tôn Quyền bắt giết vào cuối năm 219. Con của Quan Vũ là Quan Bình cũng bị chém đầu.

Ba anh hùng cùng xưng đế
Tình trạng giằng co giữa ba thế lực vẫn bế tắc cho đến khi Tào Tháo chết vào năm 220. Năm đó, con cả của Tào Tháo là Tào Phi ép phế Hiến Đế và lập ra nhà Ngụy. Đáp lại, năm 221, Lưu Bị tự xưng đế Thục Hán (để chứng tỏ vẫn mang dòng máu quý tộc nhà Hán nhưng đặt đô tại Thành Đô Thục). Trước khi lên ngôi, Lưu Bị cũng tập trung diệt trừ Lưu Phong và Mạnh Đạt vì trước đó họ đã không cứu Quan Vũ. Lưu Phong bị giết nhưng Mạnh Đạt thì chạy thoát và đầu hàng Tào Phi để khiêu khích Lưu Bị.

Lúc này, Tôn Quyền lại ngả về phía Ngụy. Ông chịu để Tào Phi phong vương nước Ngô. Tôn Quyền làm việc này nhằm tập trung lực lượng chống Lưu Bị do Lưu Bị khởi binh đánh Ngô để trả thù cho Quan Vũ đã bị Tôn Quyền giết chết.

Một loạt những sai lầm mang tính chiến lược do hành động nóng vội của Lưu Bị đã dẫn đến thất bại của quân Thục Hán trong trận Hào Đình. Tuy nhiên, Lục Tốn, đại đô đốc phía Ngô, không dám dấn sâu về phía tây. Vì tin vào đòn trừng phạt của Lục Tốn, Tào Phi phát động một cuộc xâm lược vào nước Ngô vì cho rằng quân Ngô vẫn còn ở ngoài địa phận. Cuộc tấn công bị đè bẹp bởi sự kháng cự quyết liệt của quân Ngô cùng với bệnh dịch bùng phát phía bên quân Ngụy.

Trong lúc đó tại nước Thục, Lưu Bị bị bệnh mà mất năm 223, để lại con trai Lưu Thiện còn nhỏ dại. Trương Phi đã chết nên Lưu Bị đành phó thác Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng chăm sóc. Nắm bắt cơ hội này, Tào Phi gắng mua chuộc một số lực lượng, trong đó có Tôn Quyền và các bộ tộc thiểu số để tấn công nước Thục. Một sứ giả của Thục thuyết được Tôn Quyền lui quân, nhưng Gia Cát Lượng vẫn phải lo xử lý quân của các bộ tộc thiểu số.

TQ_Liu Bei finds a guardian for his heir at Baidi City
Hình tem: trên giường bệnh Lưu Bị phó thác con côi cho Khổng Minh

Một trong những mưu lược tài ba cuối cùng của Thục Hán là Gia Cát Lượng tiến hành chiến dịch thu phục Mạnh Hoạch, thủ lĩnh bộ tộc người Man. Gia Cát Lượng bảy lần bắt sống Mạnh Hoạch, lần nào cũng cho thả ra nguyên vẹn. Mạnh Hoạch vì cảm động bởi mưu trí và lòng nhân từ của Gia Cát Lượng nên thề mãi mãi gắn bó với nhà Thục.

Khong Minh lam phep giai han
Khổng Minh làm phép giải hạn; Ngụy Diên bước vào

Trong lúc này, năm 227, Tào Phi cũng lâm bệnh mà chết. Gia Cát Lượng liền nhìn về phía bắc. Tuy thế, ông không còn sống được bao lâu nữa. Chiến thắng đáng kể cuối cùng của ông chống lại quân Ngụy có lẽ là chiêu hàng được Khương Duy về phía mình. Khương Duy trước đó là một tướng bên Ngụy, có tài năng quân sự. Sau 6 lần xuất quân ra Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng dù đánh thắng nhiều trận nhưng với quá nhiều khó khăn về tiếp tế và tướng Ngụy là Tư Mã Ý có mưu lược quân sự cao, chủ trương cố thủ không giao chiến, ông không thể đạt mục tiêu là đánh chiếm Trường An. Năm 234, Gia Cát Lượng mất.

Ở nước Ngô, năm 252 thì Tôn Quyền cũng qua đời. Các vua còn lại của Đông Ngô là Tôn Lượng, Tôn Hưu và Tôn Hạo đều chỉ là những kẻ bất tài khiến triều chính rối ren. Nước Ngô suy yếu từ đó.

Nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa
Cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa Ngụy và Thục thì phía Ngụy liên tục đổi ngôi. Nhà họ Tào ngày một yếu thế. Họ Tư Mã ở nước Ngụy liên tục lớn mạnh. Năm 263, Tư Mã Chiêu đem quân diệt Thục, bắt Lưu Thiện. Khương Duy tiếp tục tiến hành chiến dịch của Gia Cát Lượng chống lại Tào Ngụy, ngay cả sau khi Lưu Thiện đầu hàng. Khương Duy bày mưu kích động xung đột giữa hai tướng lớn phía Ngụy. Kế sách này tiến rất sát đến thành công. Thật không may, bệnh tim bộc phát ngay giữa trận đánh cuối cùng. Ông dùng kiếm tự vẫn, đánh dấu kháng cự cuối cùng của nhà Thục Hán.

Sau khi Tư Mã Chiêu qua đời, Tư Mã Viêm kế nghiệp. Cuối cùng, vào thời Tào Hoán, cháu đại thần Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm bắt Tào Hoán nhường ngôi giống như Tào Phi đã từng ép Hiến Đế, tức là Tấn Vũ Đế. Tấn Vũ Đế sau đó lập ra nhà Tấn vào năm 265.

Vua cuối cùng của Ngô là Tôn Hạo đến năm 280 bị Tấn Vũ Đế đánh bại. Cả ba vua cuối cùng của ba nước là Tào Hoán, Lưu Thiện và Tôn Hạo, được sống cho đến tận cuối đời. Và thế là thời đại Tam Quốc cuối cùng chấm dứt sau gần một thế kỷ đầy xung đột.

Một số tình tiết hư cấu

Vì lẫn lộn giữa chính sử Tam quốc chí và tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa nên có những bàn luận rôm rả về các đề tài hư cấu mà người tham gia cứ ngỡ là lịch sử. Một số tình tiết hư cấu thường được bàn luận như sau – mà người viết cáo lỗi trước nếu làm bạn mất hứng!

Kết nghĩa vườn đào: nếu sự kiện nổi bật này có thật thì lẽ ra chính sử phải chép, trong khi Tam quốc chí ghi ba người chỉ coi nhau như anh em.

Điêu Thuyền: nhân vật không có thật, trong khi lại được xếp vào “Tứ đại mỹ nhân” cùng ba người kia là nhân vật có thật: Đường Quý phi, Tây Thi, và Vương Chiêu Quân. Vì thế, các tuồng cải lương, hát bội thuật chuyện Phụng Nghi Đình là để xem cho vui mà thôi.

Quan Vũ chém Hoa Hùng: chiến công hào hùng này là hư cấu: người giết Hoa Hùng – bộ tướng của Đổng Trác – là Tôn Kiên.

Quan Vũ ra ba điều ước: nếu đúng là thật thì chính sử phải ghi chi tiết quan trọng này, nhưng không có sách sử nào ghi lại cả.

Quá ngũ quan trảm lục tướng”: mẩu truyện này quá nổi tiếng: Quan Vũ hộ tống hai chị dâu tìm về với Lưu Bị, trên đường đi chém sáu tướng của Tào Tháo vì bị ngăn cản, nhưng lại không có thật.

Tam anh chiến Lữ Bố”: cuộc tỉ thí này được ca tụng ngất trời, cũng được thể hiện qua nhiều bức họa, nhưng ba anh em Lưu Bị không tham dự đánh Đổng Trác nên không có cơ hội so tài với Lữ Bố.

Từ Thứ quy Tào: theo truyện thì Từ Thứ giúp Lưu Bị chống Tào Tháo, nên Tào Tháo sai người giả mạo nét chữ bà mẹ để viết thư dụ Từ Thứ. Từ Thứ đành bỏ Lưu Bị sang Tào Tháo để trọn đạo hiếu, nhưng người mẹ vì thế mà treo cổ tự tử. Sự thực: khi Gia Cát Lượng đến với Lưu Bị, Từ Thứ vẫn còn ở với Lưu Bị và cả hai người cùng làm mưu sĩ chống Tào. Khi Lưu Bị bị thua ở Đương Dương – Tràng Bản, chẳng những hai vợ của Lưu Bị bị bắt mà mẹ Từ Thứ cũng bị bắt tại đây. Tào Tháo sai mẹ Từ Thứ viết thư dụ con. Bà không cự tuyệt Tào Tháo như trong Tam quốc diễn nghĩa mô tả. Từ Thứ lúc đó mới sang Tào.

Khổng Minh nêu bài phú về hai Kiều để khích Chu Du: Tam quốc diễn nghĩa kể việc Khổng Minh gợi chuyện Tào Tháo xây đài Đồng Tước vì muốn bắt 2 nàng Kiều là vợ Tôn Sách và Chu Du, còn sai Tào Thực làm bài phú mà Khổng Minh đọc vanh vách. Sự thực là sau trận Xích Bích, Tào Tháo mới xây đài Đồng Tước và khi đó Tào Thực mới làm bài phú.

Thuyền cỏ mượn tên: mẩu truyện này thường được trích dẫn để nêu bật mưu lược của Khổng Minh. Trước trận Xích Bích nổi tiếng, có tình tiết Gia Cát Lượng đi cùng Lỗ Túc và 30 thuyền cỏ trong sương mù, khiến Tào Tháo không dám xuất quân mà chỉ hạ lệnh bắn tên ra. Thế là hàng chục vạn mũi tên cắm vào thuyền cỏ, Gia Cát Lượng thu tên về nộp cho Chu Du. Toàn cốt chuyện này là hư cấu.

“Tha Tào”: thành ngữ này quá phổ biến và qua đó Quan Vũ được ca tụng ngất trời là con người trọng tình nghĩa. Thật ra chính Lưu Bị phục kích đường rút lui của Tào Tháo ở Hoa Dung nhưng vì quân số quá ít nên không thể bắt được Tào Tháo.

Ngô Quốc thái đến chùa xem rể hiền: mẩu truyện lâm ly và hào hùng này không có thật: Ngô Quốc thái (vợ Tôn Kiên) chết rất lâu trước khi Tôn Thượng Hương được gả cho Lưu Bị.

Trương Phi chỉ có sức mạnh của con nhà võ? Thật ra Trương Phi còn nổi tiếng về nghệ thuật thi pháp, nhưng truyện không đề cập đến.

Tây Du Ký

Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của học giả Ngô Thừa Ân. Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Đường Tam Tạng đi lấy kinh.

Đường Huyền Trang là nhân vật có thật (khoảng 602–664), cũng thường được gọi là Đường Tam Tạng hay Đường Tăng, là một cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn ngữ ra tiếng Hán. Năm 629, Sư liều mình ra đi để hành hương chiêm bái quê hương Đức Phật, hy vọng tìm kiếm và nghiên cứu kinh điển mà hồi đó Trung Quốc chưa biết tới. Tập ký sự du hành của Sư (viết theo yêu cầu của nhà vua, người đã khâm phục và hỗ trợ Huyền Trang sau khi Sư vinh quang năm 645), có tên là Đại đường Tây vực ký, để lại cho hậu thế một nguồn tài liệu độc đáo về địa lý, xã hội và tập quán của miền Trung Á và Ấn Độ vào Thế kỷ 7. Nhiều miêu tả của Sư về các vùng đất đó đạt tới độ chính xác mà trong thế kỉ 19, 20, nhiều nhà du khảo phương Tây như Ariel Stein tham khảo tập ký sự đó như một sách hướng dẫn nhằm tìm lại và xác định những vị trí đã được tìm ra và rồi bị lãng quên trong nhiều thế kỷ.

Tác phẩm Tây du ký quá nổi tiếng nhờ các bộ phim truyền hình dài tập được chiếu đi chiếu lại, nên chỉ cần ghi đôi điều.

TDK_2

Điểm độc đáo của tác phẩm là ngầm chỉ ra những vấn nạn trong xã hội mà vẫn còn tính thời sự cho đến ngày nay. Lấy ví dụ: mỗi yêu quái phá phách con đường thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng đều được chống lưng! Vì lẽ đó mà mỗi khi đối phó với yêu quái, Tôn Ngộ Không cứ phải tìm hiểu thần tiên nào là bề trên, rồi bay lên gặp bề trên đó để khiếu nại. Kết quả thường là bề trên – có trường hợp là Phật Bà – chỉ thu phục yêu quái về cõi tiên chứ không thấy có hình thức kỷ luật gì cả! Rốt cuộc thì kẻ dưới nào không bị khiếu nại thì cứ tiếp tục tác yêu tác quái, bị khiếu nại rồi thì bề trên chống lưng kêu về là xong chuyện!

Nạn nhũng nhiễu còn được miêu tả một cách chua cay ở đoạn cuối: sau bao hiểm nguy, bốn thầy trò gặp hai Tôn giả dưới quyền Phật Tổ để nhận kinh thì hai vị đòi hối lộ, khi không có gì bỏ túi họ bèn phát kinh cho bốn thầy trò toàn là giấy trắng. Chưa hết: khi nghe cáo bạch về vụ việc này thì Phật Tổ chỉ cười, còn bảo việc lót tay như thế là chuyện thường ngày, và không có biện pháp kỷ luật gì đối với hai Tôn giả hết!

Đến cả Phật Bà, Phật Tổ mà tác giả còn dám mang ra châm biếm trong giai đoạn đó thì quả là độc đáo!

Tổng hợp: Diệp Minh Tâm

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *