Không dùng dấu hỏi trong câu hỏi gián tiếp
Không dùng dấu hỏi khi không phải thực sự câu hỏi
Dùng dấu chấm than thay cho dấu hỏi
Kết hợp các dấu
Viết số hay viết chữ?
Đặt cụm từ bổ túc gần từ được bổ túc
Cần viết câu cho đầy đủ
Viết dấu chấm câu cho đúng
Hễ có từ “và” thì không dùng dấu phẩy?
Cách viết chữ hoa
Thêm ý kiến về cách viết hoa
Cấu trúc chặt chẽ
Không nên dùng từ địa phương?
Giữ văn phong nhất quán
Tránh viết điều hiển nhiên
Kết luận
Trong bài này, tôi đề nghị một số cách viết và nói tiếng Việt cho đúng. Làm được như vậy, người đọc hoặc nghe sẽ nắm bắt chính xác ý bạn muốn truyền tải.
Dưới đây, ví dụ được in chữ nghiêng, còn chữ có vấn đề được in đậm và gạch dưới.
Dùng “rất”, “khá” để bổ túc cho tĩnh từ, không bổ túc cho động từ hoặc danh từ
* rất thấm nỗi buồn man mác: nên sửa thành: thấm nỗi buồn rất man mác
* một khí hậu rất nhiệt đới: đây là cách viết hoa mỹ trong văn học, không phải là cú pháp chuẩn mực
Không dùng dấu hỏi trong câu hỏi gián tiếp
Câu hỏi trực tiếp thì tất nhiên phải có dấu hỏi:
* Cô bạn hỏi tôi: “Anh có quen biết ông ấy không?”
Nhưng câu hỏi gián tiếp thì không dùng dấu hỏi:
* Cô bạn hỏi tôi có quen biết ông ấy không.
* Tôi tự hỏi tại sao anh ấy nói thế.
Câu nghi vấn không dùng dấu hỏi:
* Xin ngài chỉ bảo cho biết chúng tôi nên làm như thế nào.
Không dùng dấu hỏi khi không phải thực sự câu hỏi
Có nhiều trường hợp ý nghĩa xem có vẻ là câu hỏi, nhưng không nên dùng dấu hỏi:
* Điện đài lầu gác rất là nguy nga, đâu phải là nhà suy sút?: không phải là câu hỏi thực sự, nên dùng dấu chấm.
* Ta trông anh quen lắm, nhưng không nghĩ ra được là ai?: Như trên, không phải là câu hỏi thực sự.
Dùng dấu chấm than thay cho dấu hỏi
Trong nhiều trường hợp, ý nghĩa không phải là hỏi mà là than thở, phủ nhận…, thế thì dấu chấm than thích hợp hơn:
* Con có bệnh tật gì đâu?: không có nghĩa hỏi bệnh tật gì, chỉ có nghĩa phủ định giống như “Con chẳng có bệnh tật gì cả!”
* Việc gì phải lo?: không có nghĩa hỏi việc gì, chỉ có nghĩa khuyên bảo giống như “Chả có việc gì phải lo!”
* Có người ấy giúp, còn sợ gì nữa?: không có nghĩa hỏi sợ gì, chỉ có nghĩa trấn an, giống như “Chả việc gì phải sợ!”
* Bồi bếp có phải là tôi mọi cho khách đâu?: không phải là câu hỏi thực sự, nên dùng dấu chấm than để tỏ ý thông cảm.
* Những nhà thi lễ như thế, có lẽ nào lại không biết dạy bảo con cháu?: không phải là câu hỏi thực sự, nên dùng dấu chấm than để tỏ ý than vãn.
Kết hợp các dấu
Đây là vấn đề thường thấy trong Việt văn. Trong Anh văn, người ta không dùng dấu chấm câu sau dấu hỏi hoặc dấu chấm than ở cuối câu cho dù theo sau dấu ngoặc kép, vì thế khi viết Việt văn tôi cũng theo nguyên tắc này.
* “Em ăn gì chưa?”. – nên sửa lại là “Em ăn gì chưa?”
* “Con nên cố mà chịu nhé!”. – nên sửa lại là “Con nên cố mà chịu nhé!”
Viết số hay viết chữ?
Xem ví dụ ba cách viết về thế kỷ dưới đây:
- Thế kỷ XIX: đây là cách viết cổ xưa. Ngày nay, người đọc ngày càng ít thấy số La Mã trong cuộc sống. (Như số La Mã thường hiện diện trên mặt đồng hồ ngày xưa, bây giờ hầu hết đồng hồ dùng số Ả Rập.) Vì thế, nếu dùng số La Mã thì người đọc có thể bị “khựng” lại để nhận ra đó là số gì rồi mới đọc tiếp.
- Thế kỷ Mười chín: có lúc tôi dùng cách viết nguyên chữ vì e dễ mắc phải lỗi bàn phím: nếu dùng số Ả Rập thì chỉ sai 1 phím là sai cả trăm năm! Sau này tôi nghĩ cách viết nguyên chữ khiến cho người đọc phải đọc từng chữ, nhịp đọc bị chậm lại.
- Thế kỷ 19: vì hai lý do nêu trên, tôi cho rằng đây là cách viết giúp người đọc nắm bắt ý nghĩa nhanh nhất vì con người có xu hướng đọc số nhanh hơn đọc chữ. Nhưng phải cẩn thận để tránh lỗi bàn phím!
Tránh dùng số khi “một” chỉ danh từ chưa xác định (tiếng Anh: infinitive) chứ không phải để đếm:
* Cha là một họa sĩ trác táng, mẹ là một vũ nữ người Pháp: “một” không phải để đếm, mà để chỉ họa sĩ và vũ nữ nào đó chưa được xác định rõ.
* Một lần, tôi đến thăm anh ấy: “một” không phải để đếm, mà để chỉ lần nào đó không được xác định rõ.
* Anh ấy bước 1 bước, rồi thêm 1 bước nữa: số “1” ở đây dùng để đếm, tuy vẫn có thể dung “một”.
Đặt cụm từ bổ túc gần từ được bổ túc
Nếu đặt cụm từ bổ túc sai vị trí dễ gây hiểu lầm, hoặc khiến cho người đọc phải “hoang mang” một khoảnh khắc rồi mới hiểu ra. Trong các ví dụ dưới đây, cách sắp xếp từ ngữ được gạch dưới dễ bị hiểu lầm:
Cần viết câu cho đầy đủ
Có một số cụm từ (phrase) mở đầu một mệnh đề (phrase) nhưng câu (sentence) được viết không đầy đủ.
Lấy ví dụ về cách viết “Xét rằng”. Rất nhiều bản hợp đồng có cụm từ như thế rồi chấm câu luôn, câu bị bỏ lửng. Nếu có nhiều hàng thì mỗi hàng nên kết thúc bằng dấu chấm phẩy, rồi mệnh đề phụ nghĩa cuối kết thúc bắng dấu chấm, do đó toàn bộ được xem là một câu đầy đủ:
Xét rằng […];
Xét rằng […];
Xét rằng […];
Nay bên A và bên A thỏa thuận như sau.
Cũng như trên, tránh kết thúc các mệnh đề được khởi đầu bằng các cụm từ như Mặc dù rằng, Dù cho…
Từ đó, cần để ý đến những lỗi viết thiếu một vế của câu ghép. Bạn nên tìm “câu cụt” và “câu què” trên Google để hiểu thêm về cách viết câu cho đầy đủ. Dĩ nhiên là trong văn học thường có cách viết lửng lơ, nhưng nên tránh trong tài liệu khoa học.
Viết dấu chấm câu cho đúng
Cần theo đúng những nguyên tắc sau (cũng áp dụng cho Anh văn, Pháp văn và ngôn ngữ tương tự):
- Dấu chấm, phẩy, chấm phẩy, hai chấm, ba chấm, dấu hỏi, chấm than: không được có khoảng trống phía trước và phải có 1 khoảng trống theo sau. Để ý: không có từ 2 khoảng trống trở lên giữa câu văn, trừ khi gạch đầu dòng. (2 khoảng trống theo sau các dấu chấm là thói quen đánh máy chữ ngày xưa.)
- Nên có dấu phẩy sau các từ như bởi vì, dù cho, nhưng, tuy rằng,… nhằm phân cách 2 ý khác nhau trong cùng một câu.
- Dấu mở: ngoặc đơn thường ( hoặc ngoặc kép “ hoặc ngoặc vuông [ phải có 1 khoảng trống phía trước và không có khoảng trống phía sau.
- Dấu đóng: ngoặc đơn thường ) hoặc ngoặc kép ” hoặc ngoặc vuông ] không có khoảng trống phía trước và có 1 khoảng trống theo sau trừ khi chấm xuống dòng.
- Dấu chấm than hoặc chấm hỏi: không cần dấu chấm câu theo sau cho dù có dấu ngoặc kép.
- Dấu ngoặc kép: những sách in theo đúng chuẩn mực quốc tế đặt dấu ngoặc kép bao gồm dấu phẩy, dấu chấm… bên trong, mà nhiều người Việt chưa quen với cách này: “Nhanh lên,” ông ấy hối thúc., hoặc Bài báo viết về “Người tốt việc tốt.” hoặc “Vâng,” cô ấy nói, “Tôi sẽ đi ngay.” hoặc Ông ấy viết vội vài dòng. (Lúc nào cũng sẵn giấy và viết.)
Hễ có từ “và” thì không dùng dấu phẩy?
Đây là cách biên tập ở các nhà xuất bản thường sửa bản thảo của tôi. Dấu phẩy vẫn cần thiết khi nối hai cụm từ khác nhau về tính chất, hoặc hai ý tưởng khác nhau:
* Con đường khá xa, và anh ấy không muốn đi bộ
* Đã có hai cô được giới thiệu, và anh ấy không muốn tiến đến hôn nhân với ai
* Ông ra lệnh cho vị Nguyên soái tổ chức tấn công, và vị này lập tức chuẩn bị phương án
Trong các ví dụ trên, có thể xóa chữ “và” rồi thay thế dấu phẩy bằng dấu chấm phẩy. Đây là cách viết súc tích trong Anh văn nhưng còn ít thấy trong Việt văn:
* Con đường khá xa; anh ấy không muốn đi bộ
* Đã có hai người được giới thiệu; anh ấy không muốn tiến đến hôn nhân với ai
* Ông ra lệnh cho vị Nguyên soái tổ chức tấn công; vị này lập tức chuẩn bị phương án
Cách viết chữ hoa
Tôi vẫn thường tranh luận với biên tập ở các nhà xuất bản, cho đến khi tìm được pháp quy: Quyết định 07/2003/QĐ-BGDĐT Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giao dục và Đào ban hành.
Tóm tắt như sau:
Tên người: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.
Chú ý: Tên danh nhân, nhân vật lịch sử được cấu tạo bằng cách kết hợp bộ phận vốn là danh từ chung với bộ phận tên gọi cụ thể cũng được coi là tên riêng và viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người: Ông Gióng, Bà Trưng, Đồ Chiểu, Đề Thám.
Tên địa lý: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.
Chú ý: Tên địa lý được cấu tạo bởi từ chỉ hướng hoặc bằng cách kết hợp danh từ chung, danh từ chỉ hướng với tên gọi cụ thể cũng được coi là danh từ tên địa lý, viết hoa như cách nêu trên: Bắc Bộ, Nam Bộ, Vàm Cỏ Đông, Trường Sơn Tây, Hồ Gươm, Cầu Giấy, Bến Thủy, Cửa Việt, Đèo Ngang, Vũng Tàu.
Từ đó suy ra: viết hoa danh từ chung về chức danh liên quan đến tên riêng: Người ta thấy Giáo chủ Joachim bước vào. Sau đó, nếu chức danh này được dùng riêng rẽ nhưng ai cũng hiểu chỉ người nào cụ thể thì vẫn viết hoa: Mọi người đứng lên chào Giáo chủ.
Xem xét ví dụ sau: Đà Nẵng là một thành [1] phố trực thuộc trung ương. Trên bản đồ, có thể thấy Thành [2] phố Đà Nẵng nằm trên bờ Sông [3] Hàn. WWF công bố Đà Nẵng là Thành [4] phố Xanh của Việt Nam. Người dân Thành [5] phố hẵn hãnh diện về danh hiệu này.
Lý do viết thường và viết hoa là như sau
- [1] viết thường: nói về đến thành phố chung chung
- [2] viết hoa: liên quan đến Đà Nẵng cụ thể
- [3] viết hoa: liên quan đến tên con sông cụ thể
- [4] viết hoa: từ nằm trong danh hiệu cụ thể
- [5] viết hoa: liên quan đến Đà Nẵng cho dù không lặp lại tên nàyChú ý: Tên người, tên địa lý và tên các địa tộc việt Nam thuộc các dân tộc thiểu số anh em có cấu tạo từ đa âm tiết (các âm tiết đọc liền nhau): Đối với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết: Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Tà-ôi. Kơ-pa Kơ-lơng.[Tôi ghi chú thêm: viết hoa từ đầu trong danh từ kép, không viết hoa các giới từ như “và”, “về”. Cách viết như thế là tương tự Anh văn (không viết hoa các giới từ như “and”, “for”, “in”…), riêng trong Pháp văn chỉ viết hoa chữ đầu: Centre national de la recherche scientifique, dịch ra Anh văn thì thành National Center for Scientific Research.]Lưu ý: viết về sự kiện chung chung vẫn dùng chữ thường: Các diễn đàn kinh tế cấp vùng thường thu hút nhiều chuyên gia về chính sách, Các tỉnh thường tổ chức hoành tráng hội nghị xúc tiến đầu tư.
- Tên sự kiện: viết hoa như tên cơ quan: Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ, Hội thảo khoa học Quốc gia về Kinh tế Việt Nam, Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Tỉnh Quảng Bình.
- Tên cơ quan, văn bản thỏa thuận: Viết hoa chữ cái đầu (cho dù ở giữa câu) và chữ đầu của mỗi từ kép, viết hoa mỗi từ trong tên riêng: Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng LHQ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp ước Hạt nhân START.
- Tên dân tộc: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết: Kinh, Tày, Sán Dìu, Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì.
Thêm ý kiến về cách viết hoa
- Chức vụ, cấp bậc liên quan tới người cụ thể: viết hoa chữ đầu: Thống tướng Douglas MacArthur, hoặc Tư lệnh Quân khu 7. Nếu chức vụ, cấp bậc là chung chung thì không viết hoa: thống tướng mang quân phù 5 sao, hoặc tư lệnh quân khu thường là thiếu tướng hoặc trung tướng.
- Vật thể thiên văn: viết hoa: Mặt Trăng, Mặt Trời, Trái Đất.
- Phương hướng: viết chữ thường khi chỉ hướng chung chung: miền bắc nước Ý; viết chữ hoa khi là một phần của tên riêng hoặc vùng cụ thể: vùng Nam Thái Bình Dương, hoặc nông dân miền Nam (chỉ vùng miền Nam của một nước cụ thể).
- Tháng và ngày: Tháng Hai, Tháng Ba…, Thứ Hai, Thứ Ba…: “Tháng” và “Thứ” viết chữ hoa vì là từ ghép trong tên riêng; “Tháng” không phải là thời khoảng một tháng chung chung.
- Tựa sách, phim, ca khúc: người Pháp chỉ viết hoa chữ đầu và tên riêng, và khi làm việc trong ngành khoa học thông tin (information science), tôi được huấn luyện nên viết như thế cho tất cả tựa sách: Nỗi buồn chiến tranh, Bắt trẻ đồng xanh, Giết con chim nhại, Cây đàn hạc Miến Điện. Được huấn luyện theo bài bản là vậy, tôi thấy nhiều tựa sách Việt văn áp dụng theo. Riêng người Anh-Mỹ vẫn viết tựa sách Anh văn theo cách viết tên cơ quan: The Sorrow of War, The Catcher in the Rye, To Kill a Mockingbird, The Burmese Harp. Tôi đành theo số đông mà thay đổi cách viết tùy theo tên Việt văn hoặc Anh văn. Có điều phiền toái là khi trong một bài viết có cả hai nhóm tựa Pháp và Anh-Mỹ. Trong trường hợp này, tôi theo số đông: viết theo Anh-Mỹ.
- Chữ viết tắt: viết hoa tất cả các chữ cái theo cách thường dùng, FYI (for your information), GDP (gross domestic product), IQ (intelligence quotient), LHQ (Liên Hiệp Quốc). Riêng từng cơ quan có cách viết riêng của họ, CIDA (Canadian International Development Agency hoặc Council for Interior Design Accreditation), Sida (Swedish International Development Cooperation Agency).
- Tựa chương, tiểu tựa: tôi chỉ viết hoa chữ đầu và tên riêng cho cả Việt văn và Anh văn, tuy một số tác giả Anh-Mỹ có thói quen viết như tựa sách nên tôi phải chiều theo họ. Xem 2 ví dụ dưới đây.
Cấu trúc chặt chẽ
Tôi thường có ý tránh viết cấu trúc lủng củng tuy thường dùng trong Việt văn, như Dù cho… nhưng… Tôi nghĩ chỉ cần dùng một trong hai từ này. Tương tự đối với Nhưng vì… cho nên… hoặc Tuy là … song… tránh dùng từ nối thứ hai. Biên tập ở các nhà xuất bản cho rằng viết như thế thì câu văn thiếu mượt mà, nhưng tôi thiên về cấu trúc chặt chẽ mà tôi tin người đọc sau khi quen thuộc sẽ không thấy thiếu mượt mà..
Không nên dùng từ địa phương?
Tôi thường nhận được ý kiến này từ biên tập ở các nhà xuất bản.
Tôi thì nghĩ ngược lại: đừng có ác cảm với từ địa phương, thế thì chỉ dùng từ “trung ương” thôi hay sao? Hình như cách biên tập là theo xu hướng sử dụng từ ngữ đơn giản, phổ thông. Làm như thế, tiếng Việt – vốn rất phong phú – dần dà sẽ nghèo nàn đi, trở thành đơn điệu, cứng nhắc. Cứ để người miền Nam nói và viết theo cách Nam Bộ, người thiểu số nói và viết theo cách miền núi, từ ngữ biến hóa theo từng mức độ vui buồn… thì ta sẽ cảm nhận được sự đa dạng và phong phú, hơn là chuyển thể những từ ngữ thấy “là lạ” thành “thân quen” (?!) Và còn có những từ ngữ chuyên ngành, chuyên dụng, tiếng lóng… không nên chuyển thành cách nói “đời thường”…
Từ ngữ lạ lẫm là để diễn tả đúng ý nghĩa theo ngữ cảnh, và trong ngữ cảnh đó người đọc sẽ hiểu. Thay vì giúp cho người đọc hiểu dễ dàng ngay lập tức, có lẽ nên để họ bỡ ngỡ chút ít lúc đầu rồi dần dà họ cũng hiểu ra và cảm nhận sự phong phú của ngôn ngữ Việt. Bạn hãy đọc Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam và gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư để nhận ra những sắc thái đa dạng đáng yêu của Việt ngữ! Nếu chuyển tất cả từ ngữ địa phương trong những truyện ngắn của Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư thành từ ngữ thông dụng thì ta sẽ không nhận ra cái hồn của con người vùng quê Nam Bộ.
Cũng vì thói quen dùng từ ngữ theo khuôn mẫu mà người ta hay nói đến thầy dạy tốt, trò học tốt, công nhân làm việc tốt, kỹ sư có sáng kiến tốt, nhà văn sáng tác tốt, v.v… – việc gì đáng biểu dương cũng chỉ cần một chữ “tốt” là xong. Xem ra tiếng Việt nghèo nàn quá!
Có lẽ vì cách dùng đi dùng lại từ ngữ thông dụng mà một số biên tập ở các nhà xuất bản không hiểu những từ ngữ sau (điều khó tin!), nên họ tìm cách sửa thành từ ngữ thông dụng:
chiều đãi – chống chế – có ấn tượng – chuyến hải hành – đoan chắc – hào hển – lễ lạc – ló dạng – luân vũ – người bàng quan – nguyên ủy – ngút ngàn – quân phù – quân sử – quốc vụ khanh – rúng động – tải trọng – trốn lánh – ức đoán – xách động
Tôi vẫn muốn dùng từ ngữ tuy lạ lẫm với một số người, bởi vì tôi tin trong từng ngữ cảnh người đọc vẫn sẽ hiểu ra ý nghĩa tôi muốn truyền tải. Dĩ nhiên là họ cần tra từ chuyên môn như “quốc vụ khanh”. Và họ phải làm quen với từ ngữ chuyên ngành, ví dụ như:
- Từ “ứng xử” nói về một hợp chất, là cách dùng chuẩn trong môn hóa, nhưng biên tập lại muốn chỉnh lý một cách máy móc thay vì tìm hiểu, do suy nghĩ thông thường là chỉ con người mới ứng xử trong khi hóa chất thì không.
- Sư đoàn tiến đến bắt tay với quân đang bị cầm chân: “bắt tay” là từ thông dụng trong quân sử.
- Đội quân đổ bộ lập đầu cầu trên bãi biển: “lập đầu cầu” cũng là từ thông dụng trong quân sử.
Giữ văn phong nhất quán
Xem ví dụ dưới đây về văn phong thiếu nhất quán.
Các chỉ số trong xét nghiệm công thức máu:
WBC (White Blood Cell) – Số lượng bạch cầu trong một thể tích máu
Giá trị bình thường khoảng từ 4.300 đến 10.800 tế bào/mm3
LYM (Lymphocyte – Bạch cầu Lympho)
Thường từ 20 đến 25%
HBG (Hemoglobin) – Lượng huyết sắc tố trong một thể tích máu
Giá trị thông thường ở nam là 13 đến 18 g/dl; ở nữ là 12 đến 16 g/d
MON (monocyte) – bạch cầu mono
Thường từ 4-8%
Nhận xét:
- Chỉ số thứ nhất và thứ hai chỉ ra đơn vị đo lường nhưng chỉ số thứ hai không có, người ta không biết tỉ lệ phần trăm của cái gì. Đáng lẽ nên ghi cho chỉ số thứ hai: “từ 20 đến 25% tổng số bạch cầu”.
- Chỉ cần ghi tên chỉ số ở dòng trên, và đơn vị của chỉ số ở dòng tiếp theo.
- Từ ngữ thiếu nhất quán khi giải thích ý nghĩa của chỉ số: thay đổi từ “Giá trị bình thường” đến “Thường” rồi đến “Giá trị thông thường” rồi trở lại “Thường”. Sự thiếu nhất quán này khiến cho độc giả và thính giả thoạt đầu có thể nghĩ đó là những ý niệm khác nhau, dần dà mới nhận ra chỉ là một ý niệm.
- Hai chỉ số đầu được cho giá trị bình thường “từ … đến …”; cách viết chỉ số thứ tư “từ 4-8%” vừa thiếu nhất quán vừa sai ngữ pháp: đã có “từ” thì phải có đến”, hoặc phải viết “trong khoảng 4-8%” tuy đúng nhưng lại thiếu nhất quán.
Tránh viết điều hiển nhiên
Một số ví dụ về điều hiển nhiên nên tránh:
Mỗi người có một chỉ số máu Triglyceride ở mức khác nhau. [Không lẽ ai ai cũng có chỉ số máu Triglyceride như nhau!]
Nếu cơ thể tích tụ Triglyceride quá lớn sẽ khiến chỉ số Triglyceride cao. [Không lẽ tích tụ quá lớn lại khiến chỉ số thấp!]
Kết luận
Bài này chỉ đưa ra một số ví dụ theo những gì tôi ghi nhận được. Bạn cần nghe và đọc kỹ để tìm thêm một số cách dùng tiếng Việt nhằm truyền tải đúng ý nghĩa của bạn.
Tôi mong thầy cô giáo cũng để ý mà chỉnh sửa sai sót khi học sinh làm văn và phát biểu.
Bạn cũng nên xem qua bài viết khác:
Cần sử dụng tiếng Việt cho súc tích – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/07/06/can-su-dung-tieng-viet-cho-suc-tich/
Biên soạn: Diệp Minh Tâm
[…] Bạn cũng nên xem qua bài viết khác: Cần sử dụng tiếng Việt cho đúng cách – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/09/27/can-su-dung-tieng-viet-cho-dung-cach/ […]