Cần sử dụng tiếng Việt cho súc tích

Trong bài này, tôi đề nghị cách viết và nói tiếng Việt cho súc tích, tức là tránh viết và nói tiếng Việt rườm rà, dư thừa chữ nghĩa. Làm được như vậy, bài viết và phát biểu chỉn chu hơn, độc giả hoặc khán/thính giả đỡ mất thời giờ đọc và nghe từ ngữ dư thừa, từ đó họ nhanh chóng nắm bắt ý nghĩa bạn muốn truyền tải. Việc này càng quan trọng đối với tài liệu khoa học-kỹ thuật.

Viet D2Dưới đây, ví dụ được in chữ nghiêng, còn chữ dư thừa được in đậm và gạch dưới.

Giảm thiểu sử dụng từ “đã” để chỉ quá khứ

Việc sử dụng từ “đã” một cách tùy tiện để chỉ quá khứ là hiện tượng phổ biến mà gần đây tôi mới nhận ra mình cũng mắc phải. Cần bỏ thói quen này.

Lấy ví dụ, bạn có thể hỏi tôi: “Cuối tuần rồi anh chị làm gì?” mà không cần dùng từ “đã”.

Rồi tôi có thể kể: “Chủ Nhật rồi, tôi tưới cây, rồi chúng tôi đi ăn phở, sau đó tôi đi dạo rồi về nhà xem phim, còn bà ấy lo chăm bể cá rồi đi siêu thị, tiện đường ghé thăm bà bạn.” Tôi có thể kể thêm vài chục sự kiện khác trong quá khứ mà không hề cần dùng chữ “đã”.

Nếu bạn để ý bản tin trên báo đài: khi đề cập đến mỗi sự kiện trong quá khứ, câu đầu có chữ “đã”, rồi các câu kế tiếp nói rõ thêm sự kiện đó mà có hoặc không có từ “đã” một cách tùy tiện, chẳng có lề luật gì cả.

Như trong tiếng Anh, sự kiện xảy ra trong quá khứ thì dùng động từ thì quá khứ (past tense) xuyên suốt cả đoạn văn (tuy rằng có lúc người ta dùng thì hiện tại để thường thuật một cách sinh động). Còn trong tiếng Việt, từ “đã” chỉ quá khứ nhưng hẳn nhiều người nghĩ không lẽ mỗi câu cứ dùng từ này! Thế là nảy sinh thói quen chỉ dùng từ “đã” ở câu đầu, sau đó là tùy tiện, cùng lắm cách vài câu kế tiếp dùng từ “đã” một lần!

Giống như câu thoại trên khởi đầu bằng “Chủ Nhật rồi”, một bản tin có thể khởi đầu bằng “Sáng hôm qua”, “Chiều ngày…”, kế tiếp không cần dùng từ “đã” bởi vì độc giả/khán giả hiểu đó là trong quá khứ rồi.

Cách dùng từ “đã”

Nên dùng từ “đã” khi muốn chỉ rõ một sự kiện diễn ra trước một sự kiện khác trong quá khứ, ví dụ:
* Khi tôi đến nhà người bạn thì anh ấy đã đi rồi: anh ấy đi trước rồi tôi đến sau.
* Cuốn sách kể lại những chuyện đã xảy ra trong quãng thời gian đó: chuyện xảy ra rồi sách kể lại sau.
* Cảnh sát cho biết đã bắt được thủ phạm: bắt trước rồi cho biết sau.

Bản thảo biên dịch mới nhất của tôi tránh dùng từ “đã” khi không cần thiết, nhưng biên tập cứ thêm từ này một cách tùy tiện, dẫn đến lỗi như trong ví dụ sau:
* Khi biết tính mạng mình bị lâm nguy, ông ấy đã bay đi lánh nạn: lỗi bởi vì bay đi diễn ra sau khi biết.

Nếu muốn dùng từ “đã” để nhấn mạnh việc nào trước, việc nào sau thì nên viết:
* Khi đã biết tính mạng mình bị lâm nguy, ông ấy đi lánh nạn.

Thật ra, việc dùng từ “đã” ở đây không cần thiết, nếu ta xem “biết” và “đi” thuộc về một chuỗi sự kiện, như trong ví dụ “Chủ Nhật rồi” ở trên.

Có thể dùng từ “đã” để nhấn mạnh thì quá khứ:
* Cảnh sát cho biết đã điều tra cặn kẽ: cho biết ở hiện tại, điều tra trong quá khứ.

Thật ra, không bắt buộc dùng từ “đã” để nhấn mạnh thì quá khứ:
* Cảnh sát cho biết cuộc điều tra khá cặn kẽ.

Viet C

Từ bây giờ, bạn nghe thời sự hoặc giở một tờ báo ra xem thì sẽ nghe hoặc thấy có nhiều từ “đã” không cần thiết. Rồi sau khi bạn viết xong một bài văn, một bản tin, một mẩu truyện, một báo cáo chuyên ngành…, khi dò lại bạn có thể xóa đi một số từ “đã” mà vẫn không làm sai lạc ý nghĩa.

Giảm thiểu từ “những” và “các”

Từ “những” chỉ số nhiều chưa xác định (Anh ngữ: indefinite), còn từ “các” chỉ số nhiều xác định (Anh ngữ: definite). Rất nhiều khi ta không cần nói rõ đó là số nhiều, hoặc là khi số ít hay số nhiều không quan trọng, khi đó ta nên giảm thiểu “những” và “các”.

Ví dụ hiển nhiên:
* Phim này không có những tình tiết mang tính giải trí: không có là không có, cần gì nhấn mạnh số nhiều!

Thường khi ta không cần nhấn mạnh số nhiều:
* Những bộ hành trên đường vội vã, những lá rụng ngập đầy bước chân họ.
* Trên đường đê, những phụ nữ gồng gánh ra chợ.
* Tính tôi vốn thích những câu chuyện lạ, những nhân vật khác thường.
* Những nỗ lực của các đội cứu hộ đang được chạy đua với thời gian
: không cần nhấn mạnh nhiều nỗ lực, nhưng cần nêu rõ nhiều đội cứu hộ.

Đặc biệt là tựa đề, tiêu đề cần ngắn gọn:
* Những việc không nên làm vào thứ 6 ngày 13: không cần nhấn mạnh số nhiều vì chẳng ai nghĩ chỉ có một việc.
* Những dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư đại tràng
: không cần nhấn mạnh số nhiều vì chẳng ai nghĩ chỉ có một dấu hiệu.

Việc quyết định cắt bỏ “những” và “các” là tùy bạn cân nhắc, bởi vì trong một số trường hợp cần nêu rõ số nhiều:
* Những nhà hàng kỳ quặc nhất thế giới: để tránh hiểu lầm là chỉ có một nhà hàng.
* Những người thợ xẻ (tựa đề): để tránh hiểu lầm là chỉ có một người

Giảm thiểu sử dụng từ “cái”

Tôi để ý nhiều người khi phát biểu trên TV dùng quá nhiều từ “cái” dư thừa mà bản thân họ không để ý. Từ đó ta nghe quá nhiều lần từ này được sử dụng một cách vô ích, ví dụ: nói đến cái phương án, trình bày cái kết quả, giải thích dựa trên cái ý thức, v.v. Có lẽ người phát biểu cần thời gian suy nghĩ, bèn đệm từ “cái” vào thêm??? Bạn cần để ý để tránh vấn đề này.

Giảm thiểu sử dụng từ “cũng”

Tôi nhận thấy chữ “cũng” được dùng vô tội vạ. Chữ “cũng” dùng để lặp lại hoặc bổ sung vào ý nào đó đã được nói trước, nếu không như thế thì nên bỏ chữ “cũng”.  Xem các ví dụ sau nên bỏ chữ “cũng”:

* Nhà thơ nhấn mạnh từng từ một. Khách khứa nghe cũng đều cười tủm tỉm. Không có ý cho biết việc gì trước đó gây cười.
* Nếu cháu quyết tâm, bác cũng xin giúp: Không có ý cho biết trước đó trước đó bác có động thái gì và bây giờ xin giúp.
* Dù làm việc ở đâu, cũng hãy nhớ những nguyên tắc này: việc nhớ không đi đôi với sự kiện nào khác.
* Lúc đầu anh ấy cũng còn có chút phân vân: trạng thái phân vân không đi đôi sự kiện nào khác.
* Khi con hầu tự tử, Vương phu nhân cảm thấy lương tâm cắn rứt, nàng an ủi: “Dì cũng chẳng nên buồn làm gì”: Trạng thái buồn không đi đôi với sự kiện nào khác.

Từ “cũng” là nhằm diễn tả một sự kiện đi đôi với một sự kiện khác, ví dụ:
* Anh ấy muốn đi, tôi cũng vậy: Anh ấy đi, tôi đi.
* Anh ấy nghe câu chuyện đó từ bản tin thời sự; tôi cũng biết rồi: Anh ấy nghe, tôi biết.
* Nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn: Có vui, có buồn.

Một số câu có từ “cũng” là hợp lý để chỉ số nhiều, như:
* Ai ai cũng biết: ý nói có nhiều người.
* Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu: ý nói vừa biết vừa hiểu.
* Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn: tát ao hồ đương nhiên là cạn, tát biển Đông cũng thế.
* Hôm nay ta cũng muốn trêu chọc nàng: đã có người trêu chọc, ta trêu chọc theo.

Nên sửa “cũng” thành “vẫn”

Nếu không có ý lặp lại hoặc bổ sung vào ý nào đó đã được nói trước thì có thể sửa cũng thành vẫn nhằm nhấn mạnh ý nghĩa:
* Mở miệng mà không nói “Hồng lâu mộng” thì đọc hết cả thi thư cũng vô ích!: tính chất vô ích không đi đôi với tính chất nào khác, nên dùng từ “vẫn” để nêu rõ sự tương phản giữa hành động “đọc hết” và kết quả “vô ích”.

Không cần thiết dùng “về” theo sau một số động từ

Khi dùng “về” theo sau động từ, hãy tự hỏi không có từ này thì sẽ ra sao. Bạn sẽ nhận thấy trong một số trường hợp, chẳng có hậu quả gì xấu. Ví dụ, từ “về” trong các câu sau là không cần thiết:
* Cuốn sách này giới thiệu về lịch sử văn hóa.
* Tài liệu này báo cáo về hiện trạng.

Giảm thiểu từ “người” khi điệp ý

Có một số cụm từ mang ý nghĩa người, thế nên không cần dùng từ “người” kèm theo những cụm từ như thế. Ví dụ:

* người ẩn sĩ: ẩn sĩ tức là người ở ẩn, dùng thêm từ “người” là điệp ý. Có thể dùng “chàng ẩn sĩ” để nêu rõ giới tính, giống như “cậu học trò” và “cô học trò”.
* người nghệ sĩ: nghệ sĩ tức là người làm nghệ thuật, dùng thêm từ “người” là điệp ý.

Giảm thiểu từ “phải” trước động từ

Nên dùng từ “phải” chỉ khi có nghĩa bắt buộc, sự cần thiết, hoặc điều kiện, hoặc hậu quả đương nhiên:

* Tôi phải đi ngay: chỉ sự cần thiết.
* Phải đủ điểm mới được lên lớp: chỉ điều kiện.
* Cửa nhà suy sụp nên ông phải về sống ở vùng ngoại ô: chỉ hậu quả đương nhiên.

Không nên dùng từ “phải” tùy tiện mà không có ý như nêu trên. Ví dụ như:

* Phim “Hồng Lâu Mộng” khiến nhiều người phải ôm trong lòng nỗi buồn: Phim chỉ gây nỗi buồn, không bắt buộc gì cả, và nỗi buồn chẳng phải là hậu quả đương nhiên.

Bỏ dấu ngoặc kép (hoặc ngoặc đơn) cho ẩn dụ hoặc ví von khi ý nghĩa rõ ràng

Ẩn dụ có nghĩa hoặc là hoán dụ (dùng từ đặc biệt để chỉ ý nghĩa thông thường) hoặc là cách ví von (giống như nghĩa bóng). Dấu ngoặc kép thường được dùng để chỉ ý nghĩa hoán dụ hoặc ví von, nhưng trong nhiều trường hợp không cần thiết khi mà ai cũng hiểu ý nghĩa thực sự.

Trong những ví dụ sau, ý nghĩa thật sự là quá rõ ràng nên không cần thiết dùng dấu ngoặc kép:

* Chiêm ngưỡng 2 cây mộc hương khủng, khách trả 3 tỷ đồng chủ vẫn chưa gật đầu: ai cũng hiểu cây thực sự chẳng gây khủng khiếp gì cả, và chủ có thể đồng ý bằng bất kỳ ngôn từ nào chứ không hẳn qua cái gật đầu.
* Bộ phim này đang gây sốt trên mạng: sốt không phải là triệu chứng bệnh lý.
* Một quả bom dẫn đường bằng laser xé toạc bầu trời đêm: dĩ nhiên là quả bom không thể thực sự xé toạc bầu trời.
* Cô ấy là ngôi sao sáng trong lĩnh vực điện ảnh: ai cũng hiểu cô ấy không phải thực sự là vì sao theo nghĩa vũ trụ học.
* Lối kể chuyện bậc thầy: ai cũng hiểu cách ẩn dụ, không có ý nghĩa trong mối tương quan thầy–trò.

Trong những ví dụ sau, ẩn ngữ hoặc cách ví von tuy nghe lạ tai đối với một số độc giả nhưng họ vẫn hiểu được, thế nên không cần thiết dùng dấu ngoặc kép:

* Chuyện tình ngỡ là tuyệt vọng lại ngân vang thành một bản tình ca sống động: ngân vang và bản tình ca là ẩn dụ: thực tế chẳng có âm thanh gì cả và chẳng có bản tình ca gì cả.
* Hợp đồng này trở thành quả đắng: thật sự không có vị đắng nào trong lưỡi.
* Cao Bằng được phủ xanh thêm 80.000 cây: không phải lấy màu xanh thật sự để bao phủ.
* Đồng Minh thua đau trong chiến dịch Market Garden: không có ý nghĩa đau đớn thật sự.
* FIFA đập tan hoài nghi về doping: ai cũng hiểu đập tan có nghĩa xóa bỏ hoàn toàn.

Có thêm ví dụ về ẩn ngữ mà ai cũng hiểu ý nghĩa thật sự, thế nên không cần thiết dùng dấu ngoặc kép:

* Thiếu quân trầm trọng, Đức chấp nhận nuôi lính đánh thuê.
* Tàu ngầm Đức thế kỷ 21 sinh ra chỉ để xuất khẩu.
* Có cách xóa sổ gout cấp tính mà không cần kiêng khem.
* Mỹ-Iran bên bờ vực chiến tranh, Nga-Nhật tìm cách tháo ngòi nổ.
* Chuyến thăm nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia.

Càng nghe lạ tai hơn nữa là cách dùng điển tích mà vẫn không cần dấu ngoặc kép, ví dụ như:

* Anh ta là tên sở khanh đối với những cô gái nhẹ dạ.
* Một số mạnh thường quân đóng góp cho sự phát triển thể thao tỉnh nhà.

Ngay lần đầu tiên, độc giả vẫn có thể lờ mờ đoán ra sở khanh là tiếng chỉ kẻ lọc lừa và mạnh thường quân chỉ người giúp đỡ vô vụ lợi – là hai trường hợp tên riêng viết hoa hóa thành nghĩa chung viết chữ thường. Tùy độc giả có thể tìm hiểu thêm để biết rõ hơn về nhân vật Sở Khanh lọc lừa trong truyện Kiều và nhân vật Mạnh Thường Quân hào hiệp đời Xuân Thu Chiến Quốc, bằng không nói chung họ vẫn hiểu được nghĩa chính.

Đặc biệt là trong những thành ngữ thông dụng, độc giả hiểu được ý nghĩa chính xác theo ngữ cảnh thì không cần dùng dấu ngoặc kép, như lợi bất cập hại, đánh bùn sang ao, thừa gió bẻ măng

Bạn có thể biện minh rằng có người không hiểu cách ẩn dụ hoặc ví von, cho nên cần thiết dùng ngoặc kép. Tôi tin rằng trong nhiều ngữ cảnh như nêu trên, thậm chí người đọc lần đầu tiên vẫn hiểu ra. Cùng lắm là sau 2, 3 lần đọc cách sử dụng ẩn ngữ hoặc ví von tương tự, cuối cùng độc giả sẽ hiểu. Thử đặt vấn đề theo cách khác: trong văn nói không thể hiện được dấu ngoặc kép thì không lẽ thính giả không hiểu đúng ý nghĩa, phải chờ đến khi đọc văn viết thấy dấu ngoặc kép mới hiểu hay sao?

Có thể dùng dấu ngoặc kép để thể hiện sự nghi ngờ hoặc trích dẫn, ví dụ như:

* Vụ “đầu độc” cựu điệp viên Nga Sergei Skripal: việc đầu độc là do cáo giác phía Anh quốc trong khi phía Nga bác bỏ, vì thế chưa thể xác định đúng là thật.
* Họ cho rằng có bằng chứng “không thể chối cãi”: đây là trích dẫn thông tin từ một phía, chưa rõ đúng hay sai.

Trong các ví dụ trên, khi nói đến “đầu độc” và “không thể chối cãi” diễn giả đưa lên hai ngón tay của mỗi bàn tay để khán giả hiểu ý nghĩa nghi ngờ.

Dấu ngoặc kép cũng cần thiết khi dùng thành ngữ như câu trích, ví dụ như:

* Bạn có thể giải thích thành ngữ “đánh bùn sang ao” có nghĩa là gì không?

Khi đã hiểu những nguyên tắc trên, bạn có thể cân nhắc việc dùng hoặc bỏ dấu ngoặc kép, ví dụ như:

* Trực thăng do anh “Hai Lúa” chế tạo không được cấp phép sử dụng: tên Hai Lúa ở đây có ý nói chung là nông dân.

Có thể sửa câu trên để có ý nói đó là anh nông dân nói chung:

* Trực thăng do một anh Hai Lúa chế tạo không được cấp phép sử dụng.

Dĩ nhiên là theo nghĩa thông thường thì không cần dùng dấu ngoặc kép, ví dụ như:

* Sự bất đồng ngôn ngữ khiến Công Phượng không thể tìm được tiếng nói chung – theo đúng nghĩa đen, với các đồng đội: đã nói rõ theo nghĩa đen mà còn dùng dấu ngoặc kép là dở hơi!

Bỏ từ ngữ dư thừa

Tôi nhận thấy trong nhiều trường hợp nên loại bỏ từ ngữ dư thừa, nhằm tạo văn phong súc tích mà độc giả và khán/thính giả không mất công đọc và nghe quá nhiều nhưng không nắm bắt thêm ý nghĩa nào khác.

Ví dụ dưới đây là trường hợp điển hình, thường thấy ngay cả trong các bài viết học thuật:

Xét nghiệm máu là xét nghiệm khá đơn giản và thường gồm các loại xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần
  • Xét nghiệm đường huyết
  • Xét nghiệm mỡ máu
  • Xét nghiệm men gan.

Tôi gạch bỏ những từ dư thừa nhằm giúp đoạn văn được súc tích hơn: mỗi đoạn chấm đầu dòng có nghĩa là loại xét nghiệm, như dòng trên chỉ ra.

Tôi nhận thấy trong nhiều trường hợp nên loại bỏ từ ngữ dư thừa, nhằm tạo văn phong súc tích mà độc giả và khán/thính giả không mất công đọc và nghe quá nhiều nhưng không nắm bắt thêm ý nghĩa nào khác.

Một số ví dụ dưới đây chỉ ra những từ ngữ trùng lặp mà chắc chắn cần loại bỏ:
* ngay tức khắc: chỉ cần dùng hoặc “ngay” hoặc “tức khắc”
* tất cả mọi người: chỉ cần dùng hoặc “tất cả” hoặc “mọi người”
* cấm không được : chỉ cần dùng “cấm” là đủ, kẻo có nghĩa kép là cho phép!
* ngăn không để: chỉ cần dùng hoặc “ngăn” hoặc “không để”
* liên tục 24/24: ý nghĩa trùng lặp quá rõ
* đứng giữa không theo bên nào: ý nghĩa trùng lặp quá rõ
* liều chết không màng sống: vẫn ý nghĩa trùng lặp
* tái lập lại: tái có nghĩa là lại, nên dùng “tái lập” hoặc “lập lại”
* ngày sinh nhật: nhật có nghĩa là ngày, nên dùng “sinh nhật” hoặc “ngày sinh”

Có một số trường hợp lấn cấn khi dùng từ Hán Việt, ví dụ như sông Trường Giang: Giang có nghĩa là sông, thế nên khi dịch ra tiếng nôm thành sông Sông Dài. Nếu chỉ dùng tên Trường Giang thì người đọc hoặc người nghe có thể không biết đó là con sông. Nên viết thành cách khác, chẳng hạn như dòng Trường Giang hoặc con sông tên Trường Giang. Những trường hợp tương tự là tên sông khác: Dịch Thủy, Hán Thủy; hoặc tên núi: Ngọc Sơn (ngọn núi cao nhất tại Đài Loan)…

Một ví dụ khác là tránh dùng “tiệc Hồng Môn yến”, bởi vì “yến” có nghĩa là “tiệc”. Dùng toàn chữ Hán-Việt “Hồng Môn yến” thì độc giả có thể không hiểu, nên chuyển qua “tiệc Hồng Môn”.

Thêm một số ví dụ về từ ngữ dư thừa vì từ ngữ đó không thêm ý nghĩa gì mới, nếu xóa bỏ sẽ giúp câu văn và lời nói được súc tích hơn:
* Chắc chắn quyển sách này sẽ chiếm vị trí trong đó, như một lẽ dĩ nhiên: chắn chắn có nghĩa là dĩ nhiên rồi.
*
Lời văn tuy bình dị, nhẹ nhàng nhưng đậm chất thơ trong đó: không lẽ đậm chất thơ bên ngoài lời văn!
* Anh ấy thiếu tính kiên định: chỉ cần nói thiếu kiên định là đủ, còn kiên định là cái tính hoặc bản chất hoặc là cái gì khác thì không cần nói ra trong trường hợp này.

Có nhiều trường hợp động từ “thực hiện” được dùng trước một động từ khác mà không thêm ý nghĩa nào. Nếu dùng động từ “chuẩn bị” hoặc đại loại như thế trước một động từ khác thì không có nghĩa thực hiện, nhưng động từ khác dùng một mình có nghĩa thực hiện rồi. Ví dụ:
* Báo cáo về việc thực hiện ưu đãi đầu tư: Hành động “ưu đãi” đã rõ nghĩa rồi, từ “thực hiện” không thêm ý nghĩa nào khác.

Nắm được nguyên tắc này, ta thấy có thể gạch bỏ từ “thực hiện” trong nhiều trường hợp như:
* hành trình thực hiện giải cứu đội bóng Thái
* thực hiện thanh toán cho chuyến bay

Ví dụ thường gặp khác về từ ngữ dư thừa:

* Biện pháp đảm bảo an toàn cho phương tiện tham gia giao thông: dĩ nhiên là biện pháp cho phương tiện đang giao thông, không phải cho phương tiện đang nằm một chỗ.
* Ông ấy không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh dưới bất kỳ hình thức nào: nếu chỉ cấm hành nghề thì có kẽ hở về pháp luật khi ông ấy làm giúp người mà không lấy tiền; và theo ngôn ngữ luật, cấm khám bệnh, chữa bệnh là đủ nghĩa, chỉ khi có ngoại lệ mới nêu ra.

Nếu xóa chữ dư thừa, các câu dưới đây sẽ ngắn gọn hơn rất nhiều, trong khi ý nghĩa vẫn không thay đổi:
* Hạng mục này sẽ bao gồm xây dựng các khu tái định cư nhằm phục vụ cho các khu nhà ở được sử dụng như nhà ở tái định cư cho những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Khu tái định cư đương nhiên là khu nhà ở, và ai cũng hiểu không chỉ có một hộ bị ảnh hưởng.
* Mặc dù việc xây tạo mạng lưới đường sá có thể thấy là rất có ích cho cộng đồng và các con đường rộng hơn có được nhiều chức năng thuận lợi hơn, tuy nhiên việc thu hồi đất để mở mang đường lại trở thành vấn đề nan giải chính vì sẽ là vô nghĩa khi tái định cư lại nhà dân vì mục đích này.
* Hướng dẫn
việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động: khi hướng dẫn thì việc bồi dưỡng là kế hoạch hoặc chủ trương, chế độ… sẽ được nêu ra.
* Hướng dẫn nội dung, hình thức kiểm tra an toàn–vệ sinh lao động: nội dung và hình thức gộp lại là tổng thể nên không cần nêu ra.

Vẫn còn một số ví dụ khác.

* bên nhau mãi mãi, không bao giờ chia lìa: ta rất thường thấy cụm từ “mãi mãi không bao giờ”!
* chỉ một lần thôi, không có lần thứ hai
* liên tục, không dứt
* nói huyên thuyên bất tận
* trạng thái chưa xong, chưa kết thúc
* thật là vô cùng tuyệt đẹp
* gốc gác, cội rễ  bình thường
* nhà nghèo, eo hẹp kinh tế
* liên miên không dứt
* tiêu hết toàn bộ số tiền
* danh thủ nổi tiếng

Trong những ví dụ trên, người viết muốn có ý thứ hai nhằm bổ sung cho ý thứ nhất, nhưng thật ra ý thứ nhất đã rõ nghĩa nên ý thứ hai chẳng bổ sung được gì.  Chỉ nên dùng một trong hai ý.

Từ đó, tôi có những đề nghị kế tiếp.

Tránh việc trùng lặp “sửa đổi” và “bổ sung”

Tôi để ý các văn bản pháp quy Việt Nam thường dùng cụm từ “sửa đổi, bổ sung”, hẳn là nhằm cho ý nghĩa đầy đủ nhưng thực sự không cần thiết. Bổ sung là một phần của sửa đổi. Khi muốn sửa đổi thì người ta có thể chỉnh lý, hoặc thêm hoặc bớt tùy ý, vì thế chỉ dùng từ “sửa đổi” là đủ. Cơ quan tư pháp Việt Nam dịch “sửa đổi, bổ sung” ra Anh văn là “amendment” tức tu chính, là cách dịch đúng, bởi vì từ này bao gồm chỉnh lý, kể cả thêm và bớt.

Tránh việc trùng lặp “mặc dù” và “tuy nhiên”

Chỉ dùng một trong hai cụm từ thôi. Một số biên tập không đồng ý với tôi, cho rằng như thế câu văn thiếu mượt mà. Tôi thì chú trọng đến yếu tố ngắn gọn. Khi nhiều người đã quen với văn phong này, tôi nghĩ họ sẽ không thấy thiếu mượt mà.

Ví dụ dưới đây nên tránh:
* Mặc dù là con nhà nghèo, nhưng họ vẫn lương thiện.

Viết ngắn gọn hơn thành:
* Là con nhà nghèo, nhưng họ vẫn lương thiện.
hoặc:
* Dù là con nhà nghèo, họ vẫn lương thiện.

Tránh việc trùng lặp “ngoài ra” và “còn”

Chỉ dùng một trong hai cụm từ thôi.

Ví dụ dưới đây nên tránh:
* Ngoài ra, bộ phim còn cho thấy nghề nhuộm tơ lụa thời Dân quốc.

Viết ngắn gọn hơn thành:
* Bộ phim còn cho thấy nghề nhuộm tơ lụa thời Dân quốc.
hoặc:
* Ngoài ra, bộ phim cho thấy nghề nhuộm tơ lụa thời Dân quốc.

Những trùng lặp trong tên riêng

Tôi nhận thấy một số tên riêng có từ ngữ trùng lặp, khiến cho tên thành dài dòng nhưng ý nghĩa không thêm là bao. Một số ví dụ dưới đây.

* Trung tâm Sâm và Dược liệu

Sâm là một phần của dược liệu, thế nên dùng từ “và” để kết hợp hai thứ thì không chỉnh. Cần phân biệt hai trường hợp sau:

  1. Khi B nằm ngoài A, ta nói: A và B
  2. Khi B là một phần của A, ta nói: A kể cả B

Trong trường hợp cái tên nêu trên, nếu đúng nghĩa thì nên gọi Trung tâm Dược liệu kể cả Sâm, nhưng như thế nghe lủng củng quá. Hẳn vì người ta muốn nhấn mạnh trung tâm này có thế mạnh về sâm, nhưng không nên đưa ý nghĩa đó vào cái tên với ngữ pháp không chỉnh.

* Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm

Tôi nghĩ chỉ cần đặt tên Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học là đủ. Việc điều tra tội phạm là một phần trong môn tội phạm học (criminology).

* Trung tâm Ngoại ngữ và Đào tạo Quốc tế

Khi nghe nói đến một trung tâm ngoại ngữ thì người ta nghĩ có chức năng đào tạo, cho nên không cần thêm “Đào tạo” vào cái tên. Không lẽ trung tâm còn có chức năng thông dịch thì cũng thêm “Thông dịch” vào cái tên hay sao?

* Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục

Cái tên vừa có sự trùng lặp nghĩa, vừa quá dài, khó nhớ. Nếu là tên Trung tâm Chất lượng giáo dục thì hoạt động cũng bao gồm khảo thí vốn có liên quan đến chất lượng giáo dục, còn việc quản lý thì đương nhiên phải có. Không lẽ khi với mục đích đảm bảo chất lượng giáo dục thì thêm “Đảm bảo” vào cái tên hay sao? Hoặc là những công việc khác như “Nghiên cứu” hoặc “Phát triển”?

Tôi bàn như trên để mong khi lập ra cơ sở mới, người ta bên đặt tên ngắn gọn, dễ nhớ. Một ví dụ hay là cái tên “Viện Tim”, giống như tên “Hearth Institute” ở một số nước. Họ đều bao gồm các hoạt động nghiên cứu, chữa trị và phát triển khoa tim nhưng không cần đưa những hoạt động đó vào cái tên.

Ta không nên ngại sự trùng tên. Ví dụ như bao nhiêu cơ sở vẫn mở “Trung tâm Ngoại ngữ” hoặc “Trung tâm Tin học” thì có sao! Nếu cần phân biệt thì viết thêm tên cơ sở chủ quản hoặc liên kết là được.

Không dùng đại từ “nó”

Trong nhiều trường hợp, đại từ “nó” là không cần thiết nếu ý nghĩa đã rõ ràng, ví dụ:
* Phim này thực sự là một thành công trọn vẹn về mặt nghệ thuật, và hoàn toàn xứng đáng với giải Oscar: nó tức là phim này.

Nói chung: viết ngắn gọn

Mỗi khi có thể được, tôi chọn cách viết ngắn gọn, để đỡ mất thời giờ của mình và giảm thiểu lỗi bàn phiếm, và cũng để người đọc đỡ mất thời giờ, đỡ mệt mắt. Ví dụ: viết Thế chiến 2 thay vì Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nếu thích hợp, tôi cũng thường dùng số thay vì viết ra chữ, để người đọc có thể nắm bắt ý nghĩa nhanh hơn thay vì bắt họ phải đánh vần. Ví dụ như:

* Tuổi teen tức là 13-19
thay vì:
* Tuổi teen tức là từ mười ba đến mười chín

Tránh viết ngắn gọn khi không rõ nghĩa

Trái với điểm trên, tôi tránh cách viết ngắn gọn khi có thể không rõ nghĩa. Ví dụ: người ta thường viết không-thời gian, nhưng người thiếu kiến thức cơ bản về Thuyết Tương đối có thể thấy khó hiểu, nên tôi viết không gian-thời gian.

Kết luận

Viet A3Bài này chỉ đưa ra một số ví dụ để gợi ý. Trước khi in ấn hoặc phát biểu, quá trình chuẩn bị văn bản gồm có 4 bước, trong đó bước biên tập là nhằm áp dụng những nguyên trắc nêu trên. Cần sắp xếp đủ thời giờ cho bạn viết xong rồi để đó một thời gian làm việc khác. Nhờ đó khi biên tập bạn có thể nhận ra những chỗ cần sửa chữa.

Khi rãnh rỗi, bạn cần nghe và đọc kỹ những gì người khác nói và viết, để tìm thêm một số trường hợp cần giảm thiểu từ ngữ dư thừa. Rồi từ đó, bạn nên tập thói quen viết và nói cho súc tích trong khi ý nghĩa bạn muốn truyền tải vẫn không đổi. Theo những đề xuất nêu trên, bạn thấy chỗ nào thực hiện được thì tiến hành. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên mà nhận thấy mình có thể cắt bỏ khá nhiều từ ngữ dư thừa!

Tôi mong thầy cô giáo để ý mà chỉnh sửa sai sót hiển nhiên khi học sinh làm văn và phát biểu.

Bạn cũng nên xem qua bài viết khác:
Cần sử dụng tiếng Việt cho đúng cáchhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/09/27/can-su-dung-tieng-viet-cho-dung-cach/

Biên soạn: Diệp Minh Tâm — Tháng 3/2020

2 thoughts on “Cần sử dụng tiếng Việt cho súc tích

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *