Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979

 

Dẫn nhập

Tôi từng lang thang trên mạng để xem qua đề tài này, thấy tư liệu nào đáng quan tâm thì lưu lại để giữ làm nguồn tham khảo cho riêng mình. Bây giờ thấy nên đưa lại ra bốn phương cho những người quan tâm có nguồn tư liệu súc tích. Một loại kho tư liệu lịch sử đa chiều mà từng bài viết được để nguyên trạng theo thiên kiến của tác giả gốc, tùy bạn cân nhắc mà khai thác. Tôi không thể kiểm chứng thực hư đối với tư liệu nào, lại càng không thể nhận xét gì cả. Suy nghĩ như thế nào, đó là tùy nơi người đọc.

Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979 – Wikipedia

Dưới đây là bài rút gọn từ truy cập đã lâu: https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_bi%C3%AAn_gi%E1%BB%9Bi_Vi%E1%BB%87t%E2%80%93Trung_1979

Đây là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước.

Chiến tranh xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học” của Đặng Tiểu Bình, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên.

Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung chính thức được bình thường hóa.

Bối cảnh quan hệ Việt Nam–Trung Quốc

Phần này chủ ý dựa theo Edward C. O’dowd[1].

Tuy được sự giúp đỡ rất lớn của Trung Quốc trong chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam, các rạn nứt trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung Quốc bắt đầu thể hiện từ năm 1968. Hà Nội nhất định cùng lúc giữ mối quan hệ nồng ấm với cả Moskva lẫn Bắc Kinh, trong khi mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc đã lên cao.

Bất đồng quan điểm giữa Hà Nội và Bắc Kinh về cách tiến hành cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam trở nên rõ rệt. Bắc Kinh muốn Hà Nội chỉ tiếp tục chiến tranh du kích có giới hạn chống Hoa Kỳ, trong khi Hà Nội muốn tiến hành chiến tranh quy mô để thống nhất đất nước. Và hơn thế nữa, họ muốn trực tiếp đàm phán với Hoa Kỳ, không cần thông qua một nước nào làm trung gian. Sau sự kiện Tết Mậu Thân, Hà Nội bắt đầu đàm phán với Hoa Kỳ, trong khi đó Bắc Kinh phản đối.

Năm 1972, chuyến thăm của tổng thống Mỹ Nixon tới Bắc Kinh và thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem là một sự phản bội.

Năm 1975, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Lê Duẩn thẳng thừng từ chối đưa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc, phủ nhận quan niệm của Trung Quốc rằng chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô là mối đe dọa đối với các nước cộng sản châu Á. Ông rời Trung Quốc mà không tổ chức tiệc đáp lễ theo truyền thống, cũng không ký thỏa thuận chung. Cũng trong chuyến thăm này, Trung Quốc thông báo rằng sẽ không giữ mức viện trợ như đã hứa năm 1973.

Bắc Kinh bắt đầu nói về một Việt Nam “hắc tâm”, “vô ơn”, “ngạo ngược”. Viện trợ của Trung Quốc sau đó giảm mạnh và đến năm 1978 thì cắt toàn bộ. Điều kiện đầu tiên Trung Quốc đặt ra cho Việt Nam để nối lại viện trợ là phải từ chối tất cả các khoản viện trợ của Liên Xô.

Phần này chủ yếu dựa vào Nayan Chanda (1986) [2].

Khi Việt Nam ngày càng có quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô, Trung Quốc thấy mình bị đe dọa từ hai phía. Đồng thời, Việt Nam cũng đang cố gắng xây dựng mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ giữa 3 nước Đông Dương trong đó Việt Nam giữ vị thế đứng đầu. Cùng với thực tế rằng nước Việt Nam thống nhất trở thành một sức mạnh quan trọng trong vùng, làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Những điều này làm cho Trung Quốc lo ngại về một “tiểu bá quyền” Việt Nam và việc bị Liên Xô bao vây từ phía Bắc. Một nước Campuchia chống Việt Nam trở thành một đồng minh quan trọng đối với Trung Quốc.

Quan hệ Việt Nam–Campuchia ngày càng đi xuống, thể hiện ngay từ tháng 5 năm 1975 khi Khmer Đỏ cho quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu và bắt đi hàng trăm dân thường, lên cao trào vào những năm 1977-1978 khi Khmer Đỏ nhiều lần đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát hàng chục nghìn dân thường. Trong suốt thời gian đó và cả về sau, Trung Quốc luôn là nước viện trợ đắc lực cho Khmer Đỏ về vũ khí khí tài cũng như cố vấn quân sự. Bên cạnh các nỗ lực ngoại giao không thành nhằm xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc và Campuchia, Việt Nam tin rằng Trung Quốc đang sử dụng Campuchia để tấn công Việt Nam.

Từ năm 1973, Liên Hiệp Quốc bắt đầu thảo luận về vấn đề chủ quyền của các quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế trên biển. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa theo hiệp ước Pháp-Thanh kí kết năm 1887. Về phía Trung Quốc, với cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970 nước này tìm kiếm các nguồn khai thác dầu mỏ trên biển Đông sát với Việt Nam, một hành động mà theo Việt Nam là chiến lược bao vây đất nước họ. Tranh chấp giữa hai nước về hai quần đảo này bắt đầu ngay từ năm 1975 sau khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Một lý do nữa khiến căng thẳng Việt Nam–Trung Quốc leo thang đó là vấn đề Hoa kiều tại Việt Nam. Trước năm 1975, có khoảng 1,5 triệu người gốc Hoa sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, 15% sống ở phía Bắc vĩ tuyến 17 và 85% còn lại sinh sống ở miền Nam Việt Nam. Người Hoa đặc biệt có ảnh hưởng ở miền Nam Việt Nam, nơi họ hoạt động mạnh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại.

Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách buộc người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc họ sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ, ngược lại, Hà Nội và Bắc Kinh đồng ý trên nguyên tắc về việc cho phép Hoa kiều tự chọn lựa quốc tịch của mình.

Chính sách của Việt Nam từ năm 1976 bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhanh chóng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, với nỗi e ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng Hoa kiều để ép Việt Nam theo các chính sách của mình. Vấn đề Hoa kiều được chính phủ Việt Nam xem là một thử thách đối với chủ quyền quốc gia hơn là một vấn đề nội bộ đơn thuần.[3]

Chính sách một quốc tịch bắt đầu, Hoa kiều nếu không nhập quốc tịch Việt Nam sẽ bị cho thôi việc, các báo và cơ sở giáo dục tiếng Hoa cũng bị đóng cửa. Từ năm 1977 có 70.000 Hoa kiều từ Việt Nam quay về Trung Quốc.[4] Cho đến thời điểm xảy ra cuộc chiến có chừng 160.000 Hoa kiều hồi hương từ Việt Nam bằng đường biển hoặc đường bộ qua Cửa khẩu Hữu Nghị.[5]

Tuyên bố chủ quyền của nước Việt Nam thống nhất năm 1975 đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cách ứng xử của Việt Nam đối với người Việt gốc Hoa; và cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa ba nước Đông Dương được Bắc Kinh xem là nỗ lực nhằm thống trị Đông Dương và là ví dụ về sự hỗn xược của Việt Nam.

Từ tháng 8 năm 1975, Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh viện trợ kinh tế cho Việt Nam, cắt hoàn toàn vào tháng 6 năm 1978. Cũng năm 1975, Trung Quốc cho Campuchia vay không lấy lãi 1 tỷ USD và kí kết một hiệp ước quân sự bí mật với chính quyền Khmer Đỏ vào tháng 2 năm 1976 (Chen, 1987). Chính sách ngoại giao của Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á cũng được thay đổi theo hướng tăng cường quan hệ với khối ASEAN vốn ở thế đối đầu với các chính quyền cộng sản Đông Dương đồng thời cắt bỏ viện trợ của nước này đối với các đảng cộng sản ở Đông Nam Á.

Cuối năm 1978, căng thẳng giữa Việt Nam với cả Campuchia cũng như Trung Quốc đều lên một đỉnh mới.

Ngày 23 tháng 12 năm 1978, Quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc có được lý do để tuyên bố về cuộc chiến chống Việt Nam sắp tiến hành. Việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm tấn công Việt Nam cũng hết sức thuận lợi cho Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình vừa kết thúc chuyến công du sang Mỹ, cùng với việc ông ta lớn tiếng đe dọa “dạy cho Việt Nam một bài học”, Trung Quốc tỏ ra họ có được hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, hoặc ít nhất là Mỹ cũng im lặng tán thành. Ngoài ra việc Trung Quốc cắt nguồn viện trợ dầu cho Việt Nam vào cuối năm 1978, vốn chiếm tới hơn một nửa tiêu thụ dầu của Việt Nam, trong khi Liên Xô chưa kịp viện trợ bổ sung, cũng khiến dự trữ dầu chiến lược của Việt Nam bị thiếu hụt trong thời điểm quyết định khi quân Trung Quốc tấn công.

Thêm vào đó, việc Trưởng Ngân khố Mỹ Blumenthal của chính quyền Carter viếng thăm Trung Quốc vào 24 tháng 2 cũng có tác dụng như một lời khuyến khích ngầm Trung Quốc, và có tác dụng phụ đảm bảo với Trung Quốc tình hình tại vùng duyên hải Phúc Kiến đối diện với Đài Loan sẽ yên tĩnh trong thời gian đầu năm 1979, khiến Trung Quốc có thể yên tâm tái bố trí các lực lượng tại Phúc Kiến về hướng biên giới phía nam với Việt Nam.[6]

Với lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương, tháng 5 năm 1978, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút bớt chuyên gia về nước. Tháng 7, Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.

Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác” với Liên Xô.

Ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc ngừng tuyến xe lửa liên vận tới Việt Nam. Đầu tháng 1 năm 1979, đường bay Bắc Kinh–Hà Nội cũng bị cắt.

Trong khi đó, Đặng Tiểu Bình nổi lên trở thành người lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc. Đặng nhìn thấy cả rắc rối lẫn cơ hội trong mối quan hệ khó khăn với Việt Nam và cho rằng cách tốt nhất để nắm lấy những cơ hội này là một hành động quân sự.. Trong chuyến thăm Đông Nam Á tháng 12 năm 1978, tại một cuộc trả lời phỏng vấn được Trung Quốc truyền hình trực tiếp, Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học” mà ngày hôm sau báo chí chính thức của Trung Quốc cắt ngắn thành “phải dạy cho Việt Nam bài học”.[7]

Bối cảnh xung đột khu vực

Cùng lúc căng thẳng Việt Nam-Trung Quốc lên cao thì ở biên giới phía Tây Nam của Việt Nam, chính quyền Khmer Đỏ, với sự bảo trợ của Trung Quốc, cũng bắt đầu leo thang hoạt động quân sự xâm lấn miền Nam Việt Nam. Các xung đột lẻ tẻ ở khu vực này nhanh chóng bùng nổ thành Chiến tranh biên giới Việt Nam–Campuchia với hệ quả là Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ. Đứng trước tình hình đó, Trung Quốc quyết định tấn công xâm lược Việt Nam với lý do “dạy cho Việt Nam một bài học” (lời Đặng Tiểu Bình) nhưng mục đích chính là phân chia lực lượng quân đội của Việt Nam để giúp chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ[8].

Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu quân sự Tây phương, về mặt chiến lược, Trung Quốc thử nghiệm một cuộc chiến tranh biên giới có giới hạn để thăm dò khả năng tương trợ của Liên Xô, sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV), và ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (1978), trong đó có điều khoản về tương trợ quân sự. Nếu thỏa ước này được tuân thủ nghiêm ngặt, theo nhận định của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó sẽ là hiểm họa quốc phòng lớn vì đặt Trung Quốc vào tình thế lưỡng đầu thọ địch khi xảy ra chiến tranh với Việt Nam hoặc Liên Xô.

Về phía Liên Xô, nguy cơ bị cô lập về ngoại giao sau khi quan hệ Trung Quốc–Hoa Kỳ trở nên nồng ấm khiến Moskva buộc phải tìm cách tăng cường quan hệ đối với Việt Nam. Viện trợ kinh tế của Liên Xô cho Việt Nam tăng đều từ năm 1975 đến 1979 từ 450 triệu USD lên 1,1 tỷ USD, viện trợ quân sự cũng tăng mạnh do sự kiện xung đột Việt Nam Campuchia (từ 125 triệu USD năm 1977 lên 600 triệu năm 1978 và 890 triệu năm 1979).

Mục đích và mục tiêu của Trung Quốc

Tuyên bố chiến tranh của Bắc Kinh nói rằng đây là cuộc chiến để quân Trung Quốc “phản công” chống lại các khiêu khích của Việt Nam. Phát ngôn viên của Tân Hoa xã nói:

“Các lực lượng biên phòng Trung Quốc hành động khi tình hình trở nên không thể chấp nhận được và không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không muốn một tấc đất nào của Việt Nam. Cái chúng tôi muốn là một đường biên giới ổn định và hòa bình. Sau khi đánh trả các thế lực hiếu chiến đủ mức cần thiết, các lực lượng biên phòng của chúng tôi sẽ quay lại bảo vệ chặt chẽ biên giới của tổ quốc.”[9]

Nhiều nhà sử học phương Tây cho rằng cuộc chiến có những mục đích không rõ ràng, trong đó dễ thấy nhất là mục đích trừng phạt Việt Nam vì đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia – một đồng minh của Trung Quốc và là một trong những chế độ tàn bạo nhất của thế kỉ 20. Về sau, một số nhà sử học suy đoán rằng cuộc chiến có vẻ là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Đặng Tiểu Bình khi nó thể hiện rõ các khiếm khuyết của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Những người khác cho rằng Đặng Tiểu Bình gây ra chiến tranh để giữ cho quân đội bận rộn trong khi ông củng cố quyền lực và loại bỏ các đối thủ cánh tả từ thời Mao Trạch Đông.[10]

Theo Carl Thayer, trong mắt Trung Quốc, Hà Nội đã vô ơn với Bắc Kinh: sau khi được giúp đỡ trong cuộc chiến chống Mỹ thì quay sang bạc đãi cộng đồng người Hoa, quan hệ nồng ấm với Liên Xô mà khi đó Trung Quốc coi là kẻ thù, rồi lại tấn công quân sự lật đổ đồng minh Khmer Đỏ của Bắc Kinh. Trung Quốc muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã thách thức uy quyền và ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Đông Dương. Bên cạnh việc xâm lấn Việt Nam để “bình định vùng biên giới” sau nhiều năm căng thẳng với các xung đột ngày càng nhiều, Trung Quốc phải hành động để chứng tỏ uy tín của mình trong việc bảo vệ đồng minh Khmer Đỏ.[11]

Đối với Việt Nam, cuộc chiến là một phần trong kế hoạch bành trướng về phía Nam của Trung Quốc[12]. Theo phân tích của phía Việt Nam, mục tiêu chính của Trung Quốc trong hành động quân sự lần này gồm:

  • Nhanh chóng chiếm đóng vùng biên giới Việt-Trung, đặc biệt là các thị xã trọng yếu gồm Lạng Sơn (chốt chặn nối Quốc lộ 1A của Việt Nam với Trung Quốc), Cao Bằng và Lào Cai. Vùng chiếm đóng dự kiến với bề sâu chừng vài chục km sẽ được Trung Quốc sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công vào sâu nội địa Việt Nam.
  • Tiêu hao lực lượng chủ lực và làm suy yếu khả năng phòng ngự phía Việt Nam bằng việc quét sạch các đồn biên phòng, tiêu diệt một phần lực lượng quân địa phương và các đơn vị quân độc lập khác của Việt Nam.
  • Hủy diệt cơ sở hạ tầng và nền kinh tế ở các vùng chiếm đóng để đưa nền kinh tế Việt Nam tới chỗ sụp đổ.

Tương quan lực lượng tham chiến

Để tấn công Việt Nam, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 30 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối[13] và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau.

  • Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu, chỉ huy hướng tiến công vào đông-bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng.
  • Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh, đảm nhiệm hướng tây-bắc với trọng điểm là Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai).

Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch[14], chỉ riêng tại Quảng Tây có đến 215.000 dân công được huy động[15].

cac mui tien cong
Các mũi tiến công

Về phân phối lực lượng của Trung Quốc:

  • hướng Lạng Sơn có các Quân đoàn 43, 54, 55;
  • hướng Cao Bằng có các Quân đoàn 41, 42, 50;
  • hướng Hoàng Liên Sơn có các Quân đoàn 13, 14;
  • hướng Lai Châu có Quân đoàn 11;
  • hướng Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn.

Về phía Việt Nam, do phần lớn các quân đoàn chính quy (3 trong số 4 quân đoàn) đang chiến đấu ở Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (chủ yếu là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ.

Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam dọc biên giới Việt-Trung có khoảng 70.000 quân đóng ở các vị trí sau:

  • Sư đoàn 3, Lạng Sơn
  • Sư đoàn 316A, Sa Pa
  • Sư đoàn 346, Cao Bằng
  • Sư đoàn 325B, Quảng Ninh
  • Sư đoàn 345, Lào Cai
  • Sư đoàn 326, Phong Thổ, Lai Châu
  • Sư đoàn 346, Cao Bằng: nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều.

Còn có thêm:

  • Sư đoàn 327 và Sư đoàn 337 từ tuyến sau lên Lạng Sơn tiếp viện.
  • Lực lượng độc lập gồm các trung đoàn 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.
  • Quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội đề phòng Trung Quốc đổi ý tiến sâu vào trung châu.
  • Quân đoàn 2 là chủ lực của Bộ quốc phòng, ngày 27 tháng 2 được lệnh cơ động về để bảo vệ miền Bắc, đến ngày 5 tháng 3 bắt đầu triển khai trên hướng Lạng Sơn nhưng rốt cục không tham gia.

Diễn biến chuẩn bị

Từ tháng 10 năm 1978 cho đến 15 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc thực hiện hàng loạt các vụ tấn công thăm dò vào các vị trí phòng thủ của Việt Nam tại biên giới, với mục đích thu thập thông tin tình báo, đe dọa quân Việt Nam, và đánh lạc hướng khỏi mục tiêu chính của chiến dịch sắp tới. Các cuộc tấn công nhỏ này tăng dần về quy mô và tần số khi lực lượng Trung Quốc tập trung tại biên giới ngày càng đông. Không có tài liệu gì về các cuộc tấn công thăm dò của quân Việt Nam. Dấu hiệu đầu tiên của chiến tranh là việc Trung Quốc cắt đứt tuyến đường sắt Hữu Nghị nối liền hai nước vào ngày 22 tháng 12 năm 1978.

Đến cuối tháng 1 năm 1979, khoảng 17 sư đoàn chính quy Trung Quốc (khoảng 225.000 quân), tập trung gần biên giới với Việt Nam. Hơn 700 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom – 1/5 lực lượng không quân Trung Quốc – được đưa đến các sân bay gần biên giới.  Các động thái leo thang này của Trung Quốc được phía Việt Nam đề cập tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 11 tháng 2 năm 1979.

Ngày 7 tháng 2, Bắc Kinh báo trước về một chiến dịch tấn công Việt Nam với thông cáo chính thức của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phản đối việc quân đội Việt Nam tiến vào lãnh thổ Campuchia và đề nghị tất cả các quốc gia yêu hòa bình “dùng mọi biện pháp có thể để chấm dứt cuộc xâm lược dã man này”.

Về mặt ngoại giao, sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ từ tháng 12 năm 1978, trong chuyến thăm Washington từ 28 đến 30 tháng 1, Đặng Tiểu Bình nhận được sự ủng hộ cần thiết của đồng minh mới Hoa Kỳ trong kế hoạch tấn công Việt Nam. Tuy nhiên tổng thống Jimmy Carter cũng cảnh báo Đặng rằng vụ tấn công của Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ không thể nhận được sự ủng hộ về mặt ngoại giao hoặc quân sự quốc tế.

Ngày 15 tháng 2 năm 1979, nhân dịp 29 năm hiệp ước Trung-Xô về vấn đề Mông Cổ và thời điểm kết thúc chính thức Hiệp ước hợp tác Trung-Xô, Đặng Tiểu Bình tuyên bố Trung Quốc chuẩn bị tấn công giới hạn Việt Nam. Để cảnh báo Liên Xô và cũng nhằm ngăn chặn bị tấn công từ hai mặt, Trung Quốc đặt toàn bộ quân đội đóng dọc biên giới Trung-Xô vào tình trạng báo động đồng thời thiết lập một sở chỉ huy quân đội mới ở Tân Cương và di tản 300.000 dân khỏi vùng biên giới với Liên Xô.[16]

Để đối phó lại việc Trung Quốc tập trung bộ binh và vũ khí hạng nặng tại biên giới, cũng như việc các cuộc đột kích vũ trang ngày càng gia tăng, Việt Nam tiến hành chuẩn bị các vị trí phòng ngự, chuẩn bị tinh thần dân chúng sẵn sàng một khi chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên tại thời điểm đó Việt Nam vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ không tấn công, vì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa anh em. Thêm nữa, Việt Nam tin rằng đa phần nhân dân Trung Quốc không ủng hộ chiến tranh và sẽ phản đối chiến tranh nổ ra. Ngoài ra, tuyên bố của Đặng Tiểu Bình chỉ một tuần trước khi chiến tranh nổ ra, rằng chiến dịch quân sự của PLA (Quân đội giải phóng nhân dân: People liberation army) sẽ không dài hơn cuộc chiến 1962 với Ấn Độ, cộng với các tuyên bố của Đặng trước đó rằng chiến dịch quân sự này “giới hạn về không gian và thời gian”, khiến Hà Nội tin tưởng họ có khả năng cầm chân quân Trung Quốc tại các tỉnh biên giới.

Lực lượng Việt Nam đương đầu với cuộc tấn công của Trung Quốc chủ yếu là dân quân và bộ đội địa phương. Từ vài tháng trước khi chiến tranh nổ ra, Hà Nội tiến hành huấn luyện và trang bị vũ khí hạng nhẹ cho dân quân tại các tỉnh biên giới. Chỉ có một số đơn vị quân chính quy tham gia chiến trận, nhất là các đơn vị phòng thủ Lạng Sơn, nhưng ngay cả tại đây, lực lượng chủ yếu vẫn là dân quân và quân địa phương. Hà Nội giữ lại 5 sư đoàn chủ lực ở tuyến sau đề phòng Trung Quốc tiến sâu về đồng bằng, và đồng thời cũng để giới hạn việc cuộc chiến leo thang.

Chiến trận

Giai đoạn 1

Mặt trận Cao Bằng

Mat tran Cao Bang 2-19795 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, lực lượng Trung Quốc khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh.[17]

Cánh phía Đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn. Có hai hướng tiến song song:

  • hướng thứ nhất do quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn,
  • hướng thứ hai do quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê.

Ngoài ra còn có quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.

Mat tran Lang Son 2-1979

Cánh phía Tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự, có 3 hướng tiến công chính.

  • Hướng thứ nhất do các quân đoàn 13A và 11A dẫn đầu đánh từ vào thị xã Lào Cai.
  • Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang.
  • Hướng thứ ba do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu.

Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái. [18]

Quan TQ di chuyen
Quân Trung Quốc đang di chuyển tại Cao Bằng. Đi đầu là xe bọc thép K63.

Không quân và hải quân không được sử dụng trong toàn bộ cuộc chiến. Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân Trung Quốc vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có “lực lượng thứ năm” gồm những người Việt gốc Hoa cài cắm từ lâu trên đất Việt Nam. Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung Quốc mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với “lực lượng thứ năm” này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.

Tiến nhanh lúc khởi đầu, nhưng chẳng bao lâu quân Trung Quốc phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình và hệ thống hậu cần lạc hậu phải dùng lừa, ngựa và người thồ hàng. Hệ thống phòng thủ của Việt Nam dọc theo biên giới rất mạnh, với các hầm hào hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ. Kết quả là Trung Quốc phải chịu thương vong lớn.[19]

Trong ngày đầu của cuộc chiến, chiến thuật dùng biển lửa và biển người của Trung Quốc có kết quả tốt, họ tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 10 dặm và chiếm được một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở Tây Bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị, Thông Nông ở Đông Bắc. Quân Trung Quốc cũng vượt sông Hồng và đánh mạnh về phía Lào Cai.[20]

Trong hai ngày 18 và 19 tháng 2, chiến sự lan rộng hơn. Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao. Quân Trung Quốc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và cuối cùng cũng chiếm được Mường Khương, Trùng Khánh, và Đồng Đăng. Tại Móng Cái, hai bên giành giật dai dẳng. Cả hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung Quốc chết trong hai ngày đầu này. Sau hai ngày chiến tranh, quân Trung Quốc chiếm được 11 làng mạc và thị trấn, đồng thời bao vây Đồng Đăng, thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung-Việt.[21]

Trận chiến tại Đồng Đăng bắt đầu ngay từ ngày 17 và là trận ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tấn công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc. Cụm điểm tựa Thâm Mô, Pháo Đài, 339 tạo thế chân kiềng bảo vệ phía Tây Nam thị xã Đồng Đăng, do lực lượng của 2 tiểu đoàn 4, 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn. Lực lượng phòng thủ không được chi viện nhưng chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 22.

Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.[22]

Ngày 19 tháng 2, Đặng Tiểu Bình trong cuộc gặp với giới ngoại giao Argentina tuyên bố đây là cuộc chiến tranh hạn chế và Trung Quốc sẽ rút quân ngay sau khi đạt được mục tiêu giới hạn[23].

Cùng ngày, nhóm cố vấn quân sự cao cấp của Liên Xô tới Hà Nội để gặp các tướng lĩnh chỉ huy của Việt Nam. Moskva yêu cầu Trung Quốc rút quân. Liên Xô cũng viện trợ gấp vũ khí cho Việt Nam qua cảng Hải Phòng, đồng thời dùng máy bay vận tải chuyển một số sư đoàn chủ lực của Việt Nam từ Campuchia về.

Mặt trận Lào Cai

Đến 21 tháng 2, Trung Quốc tăng cường 2 sư đoàn và tấn công mạnh hơn nữa. Ngày 22, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị chiếm. Quân Trung Quốc chiếm thêm một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh. Chiến sự lan rộng tới các khu đô thị ven biển ở Móng Cái. Về phía Việt Nam, cùng lúc với việc triển khai phòng ngự quyết liệt, khoảng từ 3 đến 5 sư đoàn (gồm 30.000 quân) cũng được giữ lại để thành lập một tuyến phòng ngự cánh cung từ Yên Bái tới Quảng Yên với nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.[24]

Mat tran Lao Cai 2-1979

Ngày 23 tháng 2, Đặng Tiểu Bình nhắc lại tuyên bố về “cuộc chiến tranh hạn chế” và nói sẽ rút quân trong vòng 10 ngày hoặc hơn. Đây được xem là thông điệp nhằm ngăn Liên Xô can thiệp quân sự, đáp lại kêu gọi rút quân của Mỹ, xoa dịu các nước đang lo ngại về một cuộc chiến lớn hơn, và gây khó hiểu cho Việt Nam[25]. Trong khi đó, tuần dương hạm Sverdlov và khu trục hạm Krivak của Liên Xô rời cảng từ ngày 21 tiến về phía vùng biển Việt Nam. Liên Xô cũng bắt đầu dùng máy bay giúp Việt Nam chở quân và vũ khí ra Bắc. Hai chuyến bay đặc biệt của Liên Xô và Bulgaria chở vũ khí khí tài bay tới Hà Nội. Một phái đoàn quân sự của Liên Xô cũng từ Moskva bay tới Hà Nội.

Ngày 26 tháng 2, thêm nhiều quân Trung Quốc tập kết quanh khu vực Lạng Sơn chuẩn bị cho trận chiến đánh chiếm thị xã này.

Ngày 25 tháng 2, tại Mai Sao, Quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn được thành lập, lực lượng bao gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ quân khu 4 ra) và sau này có thêm sư đoàn 347 cùng các đơn vị trực thuộc khác.

Trong giai đoạn đầu đến ngày 28 tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp phải sự phòng ngự có hiệu quả của Việt Nam cũng như có chiến thuật lạc hậu so với phía Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng. Quân Việt Nam còn phản kích đánh cả vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh (Quảng Tây) và Malipo (Vân Nam) của Trung Quốc, nhưng chỉ có ý nghĩa quấy rối.

Giai đoạn 2

Phần này được trình bày theo Lịch sử Sư đoàn 3 Sao vàng.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27 tháng 2. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn. Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Trung Quốc điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía Đông Nam Lạng Sơn), tiếp tục đưa thêm quân mới từ Trung Quốc thâm nhập Việt Nam để tăng viện. Tại Lạng Sơn, các Sư đoàn 3, 337 của Việt Nam tổ chức phòng thủ chu đáo và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của quân Trung Quốc.

Từ ngày 2 tháng 3, Sư đoàn 337 trụ tại khu vực cầu Khánh Khê. Sư đoàn 3 chống trả 3 sư đoàn bộ binh 160, 161, 129, cùng nhiều tăng, pháo, tiến công trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu huyện Cao Lộc.

Dan binh TQ tai thuong
Dân binh Trung Quốc trong các đội tải thương

Suốt ngày 27, ở hướng Cao Lộc, sư đoàn 129 Trung Quốc không phá nổi trận địa phòng thủ của trung đoàn 141; ở hướng đường 1B, sư đoàn 161 bị trung đoàn 12 ghìm chân; ở hướng đường 1A, trung đoàn 2 vừa chặn đánh sư đoàn 160 từ phía Bắc vừa chống lại cánh quân vu hồi của sư đoàn 161 từ hướng Tây Bắc thọc sang. Nhưng 14 giờ ngày hôm đó, 1 tiểu đoàn Trung Quốc bí mật luồn qua phía sau bất ngờ đánh chiếm điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng. Mất điểm cao 800, thế trận phòng ngự của Việt Nam ở phía tây đường 1A từ Cốc Chủ đến điểm cao 417 bị chọc thủng.

Chiếm được điểm cao 800 và Tam Lung, nhưng trong suốt các ngày từ 28 tháng 2 đến 2 tháng 3, quân Trung Quốc vẫn không vượt qua được đoạn đường 4 km để vào thị xã Lạng Sơn, tuy đã dùng cho hướng tiến công này gần 5 sư đoàn bộ binh. Sau nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn, mà có trận quân phòng thủ Việt Nam đánh đến viên đạn cuối cùng, quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn ngày 2 tháng 3 sử dụng thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của quân đoàn 54 và dùng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng.

Chiều ngày 4, một cánh quân Trung Quốc vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.

Đến đây, phía Việt Nam điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tập kết sau lưng Quân đoàn 14.

Chiến dịch hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam

Vào năm 1979, trước việc Trung Quốc tấn công Việt Nam, Liên Xô khẳng định: Quân đội và nhân dân Xô Viết sẵn sàng sử dụng các giải pháp cuối cùng để thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình với đồng minh Việt Nam.

Ý định bảo vệ Việt Nam của Liên Xô là nghiêm túc nhưng nếu cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn nằm trong phạm vi đối phó của Việt Nam thì Liên Xô sẽ không can thiệp quân sự, chỉ khi Trung Quốc tiếp tục leo thang chiến tranh, ví dụ như uy hiếp Hà Nội và Hải Phòng, hoặc đồn trú lâu dài trên những vùng đất chiếm được, thì Liên Xô mới tham gia giải quyết xung đột. Mặc dù không có một tuyên bố chính thức nào đưa ra, nhưng Việt Nam sẽ không nhờ Liên Xô can thiệp quân sự trực tiếp, bởi truyền thống lịch sử của Việt Nam chưa bao giờ cầu viện bất cứ nước nào giúp đánh đuổi ngoại xâm. Tinh thần tự tôn của Việt Nam là một yếu tố quan trọng khiến Liên Xô không can thiệp quân sự nếu cuộc chiến vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát được, họ sẽ chỉ can thiệp trực tiếp nếu Việt Nam không còn khả năng chống trả (ví dụ như nếu Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt lãnh thổ Việt Nam).

Ngay sau khi chiến tranh biên giới Trung- Việt bùng nổ, Liên Xô viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai SA-7 “Strela-2M”, 30 tổ hợp phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka và 50 máy bay tiêm kích MiG-21bis. Trong thời gian diễn ra xung đột, các tàu vận tải Liên Xô và các nước XHCN khác liên tục cập cảng Hải Phòng để dỡ hàng quân sự cho Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1979 đến 1982, Liên Xô viện trợ 14 tổ hợp tên lửa phòng không S-75M “Volga” và 526 quả tên lửa V-755 (B-755). Từ năm 1984 đến năm 1987, Liên Xô chuyển giao tiếp 14 biến thể tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại hơn là S-75M3 cùng 866 quả đạn V-759 (B-759). Liên Xô cũng viện trợ 40 tổ hợp tên lửa S-125 “Pẹchora” và 1.788 quả tên lửa V-601 PD cũng trong giai đoạn nói trên[26].

Từ ngày 12 đến 26/3, với mục đích tạo áp lực quân sự lên Trung Quốc, theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, trên tất cả các quân khu vùng biên giới phía Đông, trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng và diễn tập hải quân có sử dụng đạn thật. Trong cuộc diễn tập lớn nhất lịch sử quân sự có sử dụng lực lượng của 20 sư đoàn binh chủng hợp thành và không quân với 200 nghìn quân nhân, 2.600 xe tăng, 900 máy bay và 80 chiến hạm. Kế hoạch diễn tập tiến hành tổ chức các cụm chủ lực không quân công kích trên các quân khu gần biên giới Trung Quốc.

Một bộ phận không quân đảm bảo vận tải trên lãnh thổ Việt Nam. Trong không đầy một tháng, Liên Xô tiến hành cơ động 20 nghìn quân của Việt Nam, hơn 1.000 đơn vị trang thiết bị chiến đấu, 20 máy bay quân sự và máy bay trực thăng, hơn 3 nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn và cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh từ Campuchia trở về miền Bắc Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột đến tháng 3/1979, theo đường vận tải biển, Liên Xô chuyển đến Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe thiết giáp, xe bộ binh cơ giới, 400 khẩu pháo và súng cối, 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và hàng nghìn tên lửa, 800 súng chống tăng RPG-7, 20 máy bay tiêm kích.[27]

Trung Quốc rút quân

Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Bắc Kinh tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh”, “chiến thắng” và bắt đầu rút quân. Cũng ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Ngày 7 tháng 3, Việt Nam tuyên bố rằng để thể hiện “thiện chí hòa bình”, Việt Nam sẽ cho phép Trung Quốc rút quân.

Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình xây dựng, từ nhà dân hay cột điện, tại các thị xã thị trấn Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn…[28]

Sư đoàn 337 của Việt Nam, lên tham chiến từ ngày 2 tháng 3 tại khu vực cầu Khánh Khê ở Lạng Sơn để chi viện cho các đơn vị đang chặn đánh quân Trung Quốc. Sư đoàn này đến nơi quá muộn để thay đổi cục diện trận đánh tại Lạng Sơn, nhưng  cùng sư đoàn 338 tổ chức phản kích đánh vào quân Trung Quốc rút lui qua ngả Chi Mã.

Ngày 18 tháng 3 năm 1979, Trung Quốc hoàn tất việc rút quân khỏi Việt Nam.

Tuyên truyền của Trung Quốc

Theo thói quen, Trung Quốc đề cao việc tuyên truyền chính trị cho binh sỹ và dân chúng của mình về chính nghĩa của họ trong việc cần thiết tiến hành cuộc chiến trừng phạt Việt Nam. Ngay từ trước khi quân Trung Quốc vượt biên giới đánh vào Việt Nam, cả hai bên lớn tiếng cáo buộc nhau có các hành vi gây hấn trên tuyến biên giới.

Theo phía Trung Quốc, quân Việt Nam tiến hành hơn 1100 vụ xâm nhập trên biên giới. Đối lại, Việt Nam cho biết việc quân Trung Quốc tiến hành khiêu khích diễn ra hàng ngày[29]. Cùng với việc quan hệ chính trị trở nên căng thẳng, số vụ xung đột vũ trang tại biên giới cũng tăng lên, từ khoảng 100 vụ năm 1974 lên tới hơn 900 vụ năm 1976. Việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 cũng như việc Việt Nam đưa quân tiếp quản Trường Sa cũng góp phần khiến nguyên nhân bất đồng giữa hai phía trở nên sâu sắc.

Trung Quốc tuyên truyền trong nhân dân rằng đây là cuộc chiến phản công chống Việt Nam để bảo vệ lãnh thổ quốc gia; tuyên truyền với quân đội rằng chiến dịch quân sự này được tiến hành để trừng phạt nhà cầm quyền Việt Nam, cụ thể là “bè lũ Lê Duẩn”, và rằng quân đội cần giành được sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam. Chiến dịch vận động quần chúng của Trung Quốc tỏ ra có kết quả với dân chúng và cán bộ Trung Quốc tại vùng biên, khiến họ có thể huy động hàng chục vạn dân công tham gia các hoạt động bảo đảm an ninh và tiếp tế cho quân đội.

Đối với dân thường Việt Nam, Trung Quốc bỏ ra nhiều công sức tuyên truyền lôi kéo người dân vùng biên, đặc biệt là với các dân tộc thiểu số sống vắt qua biên giới hai nước như Tày, Nùng (ở Trung Quốc gọi là dân tộc Choang), Dao, Hmong và các nhóm người thiểu số gốc Hoa. Kết quả là ngày đầu của cuộc chiến, có nơi, quân Trung Quốc được dẫn vòng qua đồn biên phòng tiến sâu vào đất Việt Nam mà không bị phát hiện. Phục vụ công tác dân vận tại các khu vực chiến sự, Trung Quốc còn thành lập các đơn vị đặc biệt mà nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức cũng như kiểm tra hoạt động của các đội vận động quần chúng trong tất cả các đơn vị quân. Theo đó, quân Trung Quốc tiến sang Việt Nam phải giảm tối thiểu những hành động gây xáo trộn, phiền hà đến dân chúng, tôn trọng phong tục tập quán, tài sản, cung cấp gạo, muối, dầu thắp, thuốc chữa bệnh… cho dân cư bản địa. Chính sách này được một số đơn vị Trung Quốc ở vùng Lào Cai thực hiện.[30]

Tuy nhiên, quân Trung Quốc thực hiện nhiều hành động như giết chóc, đốt phá, ngay cả sau khi tuyên bố rút quân. Hầu hết các thị xã thị trấn mà Trung Quốc chiếm được đều bị phá hủy một cách có hệ thống. Tại thị xã Cao Bằng, quân Trung Quốc dùng thuốc nổ phá sập bất cứ công trình gì từ công sở đến bưu điện, từ bệnh viện đến trường học, từ chợ đến cầu.. Tại Đồng Đăng, quân Trung Quốc lấy đi tất cả những gì có thể mang theo, từ xe đạp cho đến thanh ray tàu hỏa, những gì không mang được đều bị đập phá. Tại thị xã Cam Đường trên bờ sông Hồng, cách biên giới khoảng 10km, ngoài việc phá hủy thị xã, quân Trung Quốc còn cho đốt cả mỏ apatit.

O’Dowd tổng kết là chính sách dân vận của quân Trung Quốc tỏ ra không thành công đối với người dân Việt Nam. Ông lí giải rằng “người Việt Nam rất yêu nước, thấm nhuần tư tưởng chính trị, giỏi chịu đựng, không dễ bị lung lạc…” Ngoài ra, những hành động tàn phá, giết chóc dân thường, cũng như ngược đãi tù binh của quân Trung Quốc gây hại cho nỗ lực dân vận của họ.  Những hoạt động này một phần là do binh lính Trung Quốc sang Việt Nam bị sốc vì sự khốc liệt, sức kháng cự của quân Việt Nam cũng như của dân bản địa,  một phần nằm trong các phá hoại có kế hoạch và tổ chức, ví dụ như tại thị xã Lạng Sơn . Hoạt động lôi kéo người thiểu số tại biên giới của Trung Quốc cũng không đạt được kết quả mong đợi. Khi quân Trung Quốc từ quân khu Vân Nam rút về nước, tất cả những điệp viên và quân du kích người thiểu số mà họ gây dựng được khi chiếm đóng các khu vực biên giới trong thời gian chiến dịch đều bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ và xử tử.

Chiến tranh tâm lý của Trung Quốc với các lực lượng phòng thủ của Việt Nam cũng thất bại. Trong suốt cuộc chiến, hiếm có đơn vị nào của Việt Nam không đánh trả quyết liệt quân Trung Quốc. Quân Trung Quốc cuối cùng cũng hiểu rằng ngoài việc sử dụng sức mạnh quân sự, họ không có hy vọng giành thắng lợi trong chiến tranh tuyên truyền chính trị.

Phản ứng quốc tế

Ngay khi cuộc chiến nổ ra, Hoa Kỳ tuyên bố giữ vị trí trung lập và kêu gọi “sự rút quân lập tức của Việt Nam khỏi Campuchia và Trung Quốc khỏi Việt Nam”[31], nói rằng “việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam là sự tiếp nối của việc Việt Nam xâm lược Campuchia”. Nhưng theo đánh giá của Nayan Chanda, Hoa Kỳ là quốc gia phương Tây duy nhất gần như ủng hộ cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc; trái với lời lên án việc Việt Nam tiến đánh Khmer Đỏ là “một mối đe dọa cho hòa bình và ổn định trong khu vực”, tuyên bố của Mỹ về cuộc tấn công của Trung Quốc có hàm ý bào chữa rằng “việc Trung Quốc thâm nhập biên giới Việt Nam là kết quả của việc Việt Nam xâm lược Campuchia”.[32]

Ngoài Hoa Kỳ thì đa số các quốc gia phương Tây phản đối mạnh mẽ hành động quân sự của phía Trung Quốc, sự cô lập này đã ảnh hưởng khá lớn tới chính sách ngoại giao bước đầu mở cửa của Bắc Kinh khi đó.

Ngày 18 tháng 2, Liên Xô viện dẫn hiệp định ký với Việt Nam, thúc giục Trung Quốc “ngừng trước khi quá muộn” và đòi Trung Quốc rút quân lập tức và toàn bộ. Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, Liên Xô lên án cuộc tấn công của Trung Quốc là “hành động man rợ bất chấp đạo lý của kẻ cướp”, đòi Trung Quốc lập tức chấm dứt “cuộc chiến tranh xâm lược”, và cảnh báo Trung Quốc về lòng trung thành của Liên Xô đối với hiệp ước quân sự Xô-Việt. Ngoài ra, Liên Xô không có hành động can thiệp quân sự mà chỉ hỗ trợ vận chuyển bằng hàng không và triển khai hải quân ngoài bờ biển Việt Nam nhằm tránh đổ vỡ quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc. Liên Xô cũng cảnh báo Trung Quốc về việc đặt các lực lượng vũ trang Xô Viết ở Siberi vào tình trạng báo động đồng thời cung cấp cho Việt Nam các thông tin quân sự thu được từ vệ tinh do thám. Bản thân chính quyền Hà Nội, vốn giữ chiến thuật phòng thủ trong cuộc chiến, cũng từ chối sự tham gia của các phi công Liên Xô vào các trận đánh. Do không tham gia về quân sự, ngày 10 tháng 3, Liên Xô hứa sẽ tăng viện trợ quân sự cho Việt Nam.

Đêm hôm Trung Quốc tuyên bố rút quân, Cuba cảnh báo Trung Quốc là nước này sẽ hỗ trợ Việt Nam, kể cả việc đưa quân đến nếu cần. Sau khi biết tin Trung Quốc rút quân, nhật báo Pravda của Liên Xô cũng đưa ra bình luận rằng “Liên Xô hiểu được dã tâm của Bắc Kinh vì vậy đã không đáp lại những khiêu khích quân sự của Trung Quốc với mục đích duy nhất là làm leo thang căng thẳng giữa Liên Xô và Hoa Kỳ”.

Tại Liên Hiệp Quốc, tranh cãi kịch liệt xảy ra xung quanh vấn đề an ninh ở Đông Nam Á. Hai sự kiện Việt Nam đánh vào Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ và Trung Quốc đánh vào Việt Nam cùng được đưa ra bàn luận. Hội đồng Bảo An bị chia rẽ sâu sắc sau các cuộc họp vào các ngày cuối tháng 2. Các nước ASEAN muốn tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài rút quân về nước. Mỹ ủng hộ lập trường này.

Liên Xô tuyên bố không ủng hộ bất cứ nghị quyết nào không lên án Trung Quốc và đòi Trung Quốc rút quân. Ngày 23 tháng 2, Liên Xô cùng Tiệp Khắc đưa dự thảo nghị quyết trong đó lên án Trung Quốc xâm lược, đòi Trung Quốc rút quân và bồi thường chiến tranh cho Việt Nam, và kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.

Còn Trung Quốc thì chỉ trích Liên Xô “khuyến khích Việt Nam tấn công Trung Quốc và xâm lược Campuchia”. Ngày 24 tháng 2, Trung Quốc đưa dự thảo nghị quyết đòi Việt Nam “lập tức rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia”.

Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc không đi đến được một nghị quyết nào.

Kết quả cuộc chiến

Tuy Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng cả hai bên đều phải chịu thiệt hại nặng nề về người và của. Cuộc chiến để lại đặc biệt nhiều tác hại lớn cho phía Việt Nam. Ngoài các thương vong về con người, tổn thất cụ thể về cơ sở vật chất hạ tầng ở 6 tỉnh biên giới bị phá hủy do trận chiến, Việt Nam còn phải gánh chịu nhiều khó khăn, thiệt hại do thái độ và chính sách thù địch, vây hãm mà Trung Quốc và đồng minh của Trung Quốc gây ra trên các mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao…

Thương vong và thiệt hại

Theo nhà sử học Gilles Férier thì có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng, con số này phía Việt Nam thấp hơn một chút.[33]

Russell D. Howard cho rằng quân Trung Quốc thương vong 60.000 người, trong đó số chết là 26.000, một số nguồn khác cũng đồng ý với con số thương vong ít nhất khoảng 50.000 của phía Trung Quốc.

Theo tạp chí Time thì có khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng (con số này phía Trung Quốc là trên 20.000).

Cuộc chiến cũng gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.

Về phía Bắc Kinh, cuộc chiến ngắn ngày tiêu tốn của nước này khoảng 1,3 tỷ USD và làm ảnh hưởng lớn tới quá trình cải tổ kinh tế.

Về lâu dài, nó mở đầu cho hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và xung đột vũ trang dọc biên giới giữa hai quốc gia, buộc Việt Nam phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ dọc biên giới, gây hậu quả xấu đến nền kinh tế. Sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng biên giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều cột mốc biên giới cũng bị quân Trung Quốc phá hủy, gây khó khăn cho việc hoạch định biên giới sau này.

Đánh giá

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chiến thắng.

Phía Trung Quốc: Đặng Tiểu Bình khẳng định mặc dù có nhiều thất bại về quân sự nhưng Trung Quốc “đã đạt được chiến thắng về chính trị và chiến thắng chung cuộc”. Ông còn khẳng định quân Trung Quốc “đã có thể tiến thẳng tới Hà Nội nếu muốn”. Quan điểm ít phổ biến hơn là của Trần Vân (Phó Thủ tướng, một trong 5 nhân vật quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Chu Đức) rằng việc chiếm được Hà Nội không phục vụ được mục đích gì, cuộc chiến sẽ có chi phí nặng nề quá sức chịu đựng nếu kéo dài thêm 6 tháng nữa, và vì lý do tài chính không nên lặp lại một cuộc chiến không phân thắng bại như vậy.

Theo đánh giá của Chen[34], quân Trung Quốc có lẽ đạt được 50-55% các mục tiêu có giới hạn của mình. Bên cạnh thành công trong việc bám theo được khá sát các kế hoạch tiến quân và rút quân, quân Trung Quốc không đạt được kết quả như các mục tiêu đã công bố: họ không tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam; không chấm dứt được xung đột có vũ trang tại vùng biên giới; không buộc được Việt Nam rút quân khỏi Campuchia; không gây được ảnh hưởng lên chính phủ Việt Nam trong vấn đề Hoa kiều. Điểm yếu của quân Trung Quốc là vũ khí và phương tiện lạc hậu. Ngoài ra, họ đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Việt Nam. Sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu và tinh thần kém cũng nằm trong các điểm yếu của quân Trung Quốc.

Về quân sự, tác giả O’Dowd đánh giá rằng quân Trung Quốc thể hiện trình độ chiến đấu kém trong cuộc chiến. Tại Lạng Sơn, 2 quân đoàn Trung Quốc bị một trung đoàn Việt Nam cầm chân trong 1 tuần, một quân đoàn khác cần 10 ngày để lấy Lào Cai và Cam Đường – hai thị trấn cách biên giới không đến 15 km. Trung Quốc chiếm Cao Bằng vất vả đến mức cần ít nhất 2 quân đoàn để tiếp tục tấn công một thị xã mà Trung Quốc tuyên bố đã chiếm được. Tại Quảng Ninh, một trung đội Việt Nam cầm chân trong 5 tiếng đồng hồ một trung đoàn Trung Quốc đang trên đường chiếm núi Cao Ba Lanh giáp biên giới, gây thương vong cho 360 trong quân số 2800 của trung đoàn này.

Những tổn thất nhân mạng như vậy lặp lại trên toàn mặt trận và đem lại ít hiệu quả. Quân Trung Quốc không sử dụng được số quân đông một cách hiệu quả bằng các chiến thuật thích hợp và do đó không thể đạt được tốc độ hành quân như mong muốn của chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”. Đây là hậu quả của sự lạc hậu về chiến thuật tác chiến của quân đội Trung Quốc vốn gần như không được cải thiện kể từ sau chiến thuật biển người ở chiến tranh Triều Tiên những năm 1950. Thất bại về mặt chiến thuật buộc Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội nước này.

Trên phương diện quan hệ quốc tế, cuộc chiến Việt–Trung cho thấy rằng Trung Quốc, với sự ủng hộ từ phía Hoa Kỳ, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Việt Nam – một quốc gia cộng sản từng là đồng minh trong nhiều năm, kết quả chiến tranh cũng cho thấy Việt Nam đủ sức chống lại sự can thiệp quân sự đó mà không phải điều động quân chủ lực từ biên giới tây-nam và miền Nam Việt Nam. Những sự kiện từ cuộc chiến cho thấy mối quan hệ ngoại giao phức tạp Liên Xô–Trung Quốc–Việt Nam với kết quả là Trung Quốc không thể tung toàn bộ lực lượng vào cuộc chiến nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học” vì chịu sức ép từ phía Liên Xô, đồng thời Liên Xô cũng không sẵn sàng tung quân đội vào tham chiến bảo vệ đồng minh mà chỉ tập trung viện trợ kinh tế, quân sự. Điều này khiến cho rất nhiều người Việt Nam sau đó nghi ngờ về đồng minh Liên Xô cũng như đối với Liên Xô thật sự là một thất bại về uy tín. Kết quả cuộc chiến cũng cho thấy Trung Quốc bất lực trong việc hỗ trợ đồng minh Khmer Đỏ trong cuộc chiến với Việt Nam và thất bại trong việc điều chỉnh quan hệ ngoại giao để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Có quan điểm khác cho rằng Trung Quốc thất bại về quân sự nhưng lại đạt được một số thành công về chiến lược, trong đó có việc chứng tỏ cho các nước Đông Nam Á rằng họ sẵn sàng dùng vũ lực nếu vị thế và uy lực của mình bị thách thức.

Hậu chiến

Khi quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố họ không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam” . Trên thực tế, quân Trung Quốc chiếm đóng khoảng 60 km2 lãnh thổ có tranh chấp mà Việt Nam kiểm soát trước khi chiến sự nổ ra. Tại một số nơi như khu vực quanh Hữu Nghị Quan gần Lạng Sơn, quân Trung Quốc chiếm đóng các lãnh thổ không có giá trị quân sự nhưng có giá trị biểu tượng quan trọng. Tại các nơi khác, quân Trung Quốc chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam.

Việc Trung Quốc chiếm đóng các lãnh thổ biên giới làm cho Việt Nam căm giận, và giữa hai phía nổ ra một loạt trận giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực đó. Xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp diễn cho đến năm 1988, lên cao vào các năm 1984-1985. Trong tháng 5-6 năm 1981, quân Trung Quốc mở cuộc tấn công vào đồi 400 (mà Trung Quốc gọi là Pháp Tạp Sơn – 法卡山) ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Xa hơn về phía tây, quân Trung Quốc cũng vượt biên giới đánh vào các vị trí quanh đồi 1688 ở tỉnh Hà Tuyên. Giao tranh diễn ra hết sức đẫm máu với hàng trăm người thuộc cả hai bên thiệt mạng.

Tới năm 1984, quân Trung Quốc lại dùng nhiều tiểu đoàn mở các đợt tấn công lớn vào Lạng Sơn. Đặc biệt tại Hà Tuyên, từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1984, quân Trung Quốc đánh vào dải đồi thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn. Quân Trung Quốc chiếm một số ngọn đồi thuộc dải đồi này, giao tranh kéo dài dằng dai, nhưng không có nơi nào quân Trung Quốc tiến sâu được hơn vào lãnh thổ Việt Nam quá 5km, dù quân đông hơn nhiều.

Cuộc chiến năm 1979 cho Trung Quốc thấy sự lạc hậu của vũ khí cũng như chiến thuật mà quân đội nước này sử dụng, do đó, sau cuộc chiến là bắt đầu của một cuộc cải cách và hiện đại hóa mạnh đối với Quân giải phóng Trung Quốc, ngày nay công cuộc hiện đại hóa này vẫn tiếp tục. Ảnh hưởng trực tiếp có thể thấy là ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc tăng từ 15% năm 1978 lên 18% năm 1979.

Quan hệ xấu với Trung Quốc làm Việt Nam phải trả giá đắt. Việc Trung Quốc duy trì áp lực quân sự tại vùng biên giới trong suốt mười năm sau đó buộc Việt Nam cũng phải duy trì lực lượng phòng thủ lớn ở biên giới và miền Bắc. Cùng với việc bị sa lầy với chiến sự dai dẳng ở Campuchia mà Trung Quốc muốn kéo dài[35], Việt Nam bị cô lập trong mười năm đó trên trường quốc tế. Nền kinh tế yếu kém và bị Mỹ cấm vận phải căng ra duy trì một lực lượng quân đội lớn, và phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Sau năm 1979, tình hình kinh tế miền Bắc Việt Nam tệ hại đi rất nhiều so với thời kỳ trước. Trong khi đó, Trung Quốc phát triển mạnh từ năm 1978 do công cuộc cải tổ kinh tế của Đặng Tiểu Bình. 7 năm sau chiến tranh biên giới, Việt Nam mới bắt đầu thời kỳ Đổi Mới, khi đó chậm hơn Trung Quốc 8 năm.

Sau khi Liên Xô tan rã và Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, đến năm 1992 quan hệ giữa hai nước mới được bình thường hóa chính thức. Từ đó, ở Việt Nam cuộc chiến hầu như không còn được nhắc đến trong các phương tiện truyền thông đại chúng và được ghi rất sơ sài trong sách giáo khoa lịch sử.

Tại Trung Quốc, đa số cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến không muốn nhắc đến nó, trong khi hệ thống tuyên truyền vẫn gieo vào đầu người dân Trung Quốc ý tưởng là họ có chính nghĩa trong cuộc chiến “phản kích tự vệ” .

Ở Việt Nam, một số ca khúc có nội dung về cuộc chiến, ví dụ “Chiến đấu vì độc lập tự do” của Phạm Tuyên, không còn được lưu hành trên các phương tiện truyền thông chính thống, đó là theo một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam để ý chặt chẽ các nội dung báo chí liên quan đến quan hệ Việt-Trung[36], và báo chí hầu như không nhắc đến cuộc chiến. Theo giải thích của ông Dương Danh Dy, cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, thì Việt Nam “không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên”. Khi được hỏi về cuộc chiến từ 30 năm trước, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng từ nhiều năm trước lãnh đạo hai nước đã “thỏa thuận gác lại quá khứ và mở ra tương lai”.

Năm 2009, 30 năm sau cuộc chiến, Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành việc cắm 1971 mốc phân định biên giới sau khi hai chính phủ kí kết hiệp định biên giới, kết thúc đàm phán về các khu vực tranh chấp dọc biên giới.

Tuy nhiên, các vấn đề về biên giới lãnh thổ giữa hai nước vẫn tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là vấn đề lãnh hải.

Chú thích

[1] Edward C. O’dowd (2007). Chinese Military Strategy in the Third Indochina War. Routledge.

[2] Nayan Chanda (1986). Brother Enemy. The War after the War. Harcourt Brace Jovanovich.

[3] Nguyễn Khắc Viện (1999). Vietnam, une longue histoire. Harmattan.

[4] Laurent Cesari (1995). L’Indochine en guerres 1945-1993. Paris: Belin.

[5] “A War of Angry Cousins”. Tạp chí Time (5 tháng 3 năm 1979).

[6] China’s “Punitive” War on Vietnam: A Military Assessment, Harlan W. Jencks, Asian Survey, 19(8): 801-815.

[7]Nhớ lại đêm 17 tháng 2 năm 1979”. BBC (16 tháng 2 năm 1999).

[8]A Country Study: Vietnam – Foreign Relations – China”. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (tháng 12 năm 1987).

[9] “A War of Angry Cousins”. Tạp chí Time (5 tháng 3 năm 1979).

[10] Howard W. French, Malipo Journal; “Was the War Pointless? China Shows How to Bury It”, The New York Times, 1 tháng 3 năm 2005, truy nhập ngày 3/11/2008. Howard W. French, “In China, a war’s memories are buried, International Herald Tribute, 2 tháng 3 năm 2005

[11] Trọng Nghĩa, “30 năm sau cuộc chiến tranh biên giới, hai chính quyền muốn xóa nhòa quá khứ”, RFI, 16 tháng 2 năm 2009.

[12] Comrade B on the Plot of the Reactionary Chinese Clique Against Vietnam, Thư viện Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1979. (Dịch ngược: Việt Nam quyết tâm không cho phép Trung Quốc thực hiện kế hoạch bành trướng. Trận chiến vừa rồi [với Trung Quốc] mới chỉ là hiệp đầu… Hiện Trung Quốc có một âm mưu tấn công [chúng ta] để bành trướng về phía Nam)

[13] Lê Mậu Hãn (chủ biên) (2001). Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, 1945-2000. Hà Nội: NXB Giáo dục.

[14] Edward C. O’dowd (2007). Chinese Military Strategy in the Third Indochina War. Routledge: có khoảng 80 ngàn dân quân các huyện phía nam Vân Nam và Quảng Tây được huy động, hàng vạn dân công cũng được huy động.

[15] Zhang Xiaoming, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”, China Quarterly, Issue no. 184 (December 2005).

[16] Bruce Elleman (20 tháng 4 năm 1996). “Sino-Soviet Relations and the February 1979 Sino-Vietnamese Conflict”. 1996 Vietnam Symposium – Vietnam Center and Archive, Texas Tech University.

[17] “A War of Angry Cousins”. Tạp chí Time (5 tháng 3 năm 1979).

[18] “A War of Angry Cousins”. Tạp chí Time (5 tháng 3 năm 1979).

[19] King C. Chen (1987). China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications. Hoover Press.

[20] King C. Chen (1987). China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications.

[21] “A War of Angry Cousins”. Tạp chí Time (5 tháng 3 năm 1979).

[22] Lịch sử Sư đoàn 3 Sao vàng, Chương 7, Mục 3: Những điểm cao bất tử.

[23] King C. Chen (1987). China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications. Hoover Press.

[24] “A War of Angry Cousins”. Tạp chí Time (5 tháng 3 năm 1979).

[25] King C. Chen (1987). China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications. Hoover Press.

[26] Cuộc chiến tranh 17-2-1979: Ngưỡng can thiệp quân sự của Liên Xô, Báo Đất Việt, 07/03/2016.

[27] Giải mật cuộc tập trận quy mô chưa từng có năm 1979 (kỳ 1) Trịnh Thái Bằng, báo Tiền Phong cập nhật 08:42 ngày 04 tháng 03 năm 2013.

[28] Huy Đức (9 tháng 2 năm 2009). Biên Giới Tháng Hai (2009-1979). Báo Sài Gòn Tiếp Thị.

[29] “A War of Angry Cousins”. Tạp chí Time (5 tháng 3 năm 1979). Truy cập 16 tháng 2 năm 2009.

[30] Edward C. O’Dowd, Chinese Military Strategy in the Third Indochina War. Routledge: Theo tài liệu của Trung Quốc: đơn vị 56041 (một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 149, Quân đoàn 13, Quân khu Thành Đô) tại Lào Cai và đơn vị 33762 (một trung đoàn thuộc quân khu Vũ Hán) đã thực hiện tốt chính sách dân vận

[31] King C. Chen (1987). China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications. Hoover Press.

[32] Nayan Chanda (1986). Brother Enemy. The War after the War, tr 359..

[33] Gilles Férier (1993). Les trois guerres d’Indochine. Lyon: Presse universitaire de Lyon.

[34] King C. Chen (1987). China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications.

[35] Trong khi Trung Quốc công khai đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, tháng 12 năm 1979, Đặng Tiểu Bình nói với Thủ tướng Nhật Bản Masayoshi Ohira rằng “Trung Quốc nên giữ chân Việt Nam ở Campuchia vì như vậy họ sẽ phải chịu đựng khổ sở ngày càng nhiều và sẽ không thể với tay tới Thái Lan, Malaysia, và Singapore. Đó là hành động khôn ngoan.” Nayan Chanda (1986). Brother Enemy. The War after the War. Harcourt Brace Jovanovich.

[36] Nga Pham, “Vietnam tense as China war is marked”, BBC News, 16 tháng 2 năm 2009. Truy cập 17 tháng 2 năm 2009.

Thảo luận

Bổ sung của Huỳnh Tường Minh

Xin bổ xung thêm vài chi tiết về nguyên nhân, lực lượng tham chiến, và hậu quả. Nếu anh em thấy OK, xin cho thêm vào bài. Xin cám ơn, — Huỳnh Tường Minh 12:09, ngày 29 tháng 10 năm 2005 (UTC)

Nguyên nhân

Theo một số nhà nghiên cứu quân sự Tây phương, nguyên nhân Trung Quốc (TQ) tấn công Việt Nam (VN) năm 1979, ngoài việc công bố “dạy cho Việt Nam một bài học,” còn có các nguyên nhân sâu xa hơn về chiến thuật và chiến lược như sau

  • Về mặt chiến lược, năm 1978 Việt Nam gia nhập Comecon, và trong cùng năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô, trong đó có điều khoản về tương trợ quân sự. Theo nhận định của Quân Ủy Trung Ương Đảng Cộng sản TQ, đây là hiểm họa quốc phòng lớn dối với TQ, vì hiệp ước quân sự này đặt TQ vào tình thế lưỡng đầu thọ địch, nếu chiến tranh xảy ra với VN và Liên Xô can thiệp, hoặc chiến tranh xảy ra với Liên Xô và VN can thiệp. Trước tình huống đó, TQ quyết định thử nghiệm một cuộc chiến tranh biên giới có giới hạn để biểu lộ rõ khả năng tương trợ của Liên xô, và họ khôn ngoan tuyên bố trước là “dạy cho Việt Nam bài học” để giới hạn mức độ giao tranh và tổn thất.
  • Về mặt chiến thuật, nhà nghiên cứu quân sự Tây phương cho rằng TQ muốn thử nghiệm chủ thuyết phòng thủ linh động (active defense doctrine), đưa cuộc phòng thủ biên giới vào sâu lãnh thổ đối phương. Đồng thời họ cũng muốn giảm bớt áp lực cho quân đội chư hầu Pol Pot, vì theo họ VN sẽ đưa các đại đơn vị thiện chiến từ Kampuchea về miền Bắc

Lực lượng tham chiến

  • Phía TQ, các tài liệu Phương Tây cho biết có Đệ Tam Tổng Lộ quân (3rd Field Army), Đệ Tứ Thập Nhị Lộ quân (42nd Army) thuộc các Đại Quân khu Côn Minh và Quảng Châu, gồm 5 quân đoàn chủ lực và các đơn vị yểm trợ tổng cộng 17 sư đoàn trong đợt đầu, và sau đó thêm 8 sư đoàn bộ binh, tổng số 250.000 quân.
  • Phía VN, các đơn vị tham chiến gồm có các đơn vị thuộc Quân khu 1 và các đơn vị yểm trợ, gồm 11 sư đoàn và 9 trung đoàn biệt lập, chia làm hai tuyến phòng thủ, tổng số 100.000 quân.
  • Tuyến 1: Sư đoàn 325B, Sư đoàn 338, Sư Đoàn 3 Sao Vàng, Sư Đoàn 374, Sư Đoàn 304, Sư Đoàn 346, và các Trung Đoàn 43, 576, 244, 49 biệt lập. Các sư đoàn 325B, 304, 3 là các đại đơn vị thiện chiến, chịu trách nhiệm hướng Đông và Đông Bắc Lạng Sơn
  • Tuyến 2: Sư đoàn 312 Điện Biên, Sư đoàn 431, Sư đoàn 327, Sư đoàn 329, và Sư đoàn 242, và các Trung Đoàn 196, 38, 98 biệt lập.

Hậu quả

  • Về mặt chiến thuật, TQ thất bại vì VN không đưa các đơn vị ở Kampuchea về tham chiến, và quân TQ chịu tổn thất nặng.
  • Về mặt chiến lược, TQ thành công lớn vì chứng minh rõ bản chất không thật của hiệp ước tương trợ quân sự Liên Xô-VN, và chứng minh khả năng lưỡng đầu thọ địch sẽ không xảy ra. Tài liệu phương Tây còn cho rằng tai hại nhất cho VN là cuộc chiến này, vì nó cho thấy quân TQ còn yếu, đưa đến việc TQ dồn sức hiện đại hóa các đơn vị chủ lực của quân đội TQ. Điều này sẽ thấy rõ sau này trong Chiến tranh biên giới Việt Trung 1984-1988.

Tham khảo

Sino-Soviet Relations and the February 1979 Sino-Vietnamese Conflict”, Bruce Elleman, Tài liệu thư khố Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Việt Nam; “The Sino-Vietnam War-1979: Case Studies in Limited Wars” Colonel G.D. Bakshi, Bharat Rakshak Monitor – Volume 3(3) November-December 2000.

Tương quan lực lượng

Có một số điểm bổ sung:

  • Thứ nhất, biên chế Field Army (Dã chiến quân – tương đương phương diện quân hoặc cụm tập đoàn quân) và Army (binh đoàn – Bingtuan, tương đương tập đoàn quân) được quân đội Trung Quốc bãi bỏ vào năm 1955, cấp biên chế cao nhất của họ chỉ còn là Corp (quân đoàn – Juntuan).
  • Các đơn vị Trung Quốc thống kê chi tiết theo phía Trung Quốc gồm: Quân đoàn 11 (gồm Sư đoàn 31, 32, 33), (quân đoàn 41 gồm sư đoàn 121, 122, 123), Quân đoàn 13 (gồm Sư đoàn 37, 38, 39), Quân đoàn 14 (gồm Sư đoàn 40, 41, 42), Quân đoàn 42 (gồm Sư đoàn 124, 125, 126), Quân đoàn 43 (gồm Sư đoàn 127, 128, 129), Quân đoàn 50 (gồm Sư đoàn 148, 149, 150), Quân đoàn 54 (gồm Sư đoàn 160, 161, 162), Quân đoàn 55 (gồm Sư đoàn 163, 164, 165) và Sư đoàn 58 (Quân đoàn 20) tức là 28 sư đoàn chủ lực, chưa kể một số sư đoàn địa phương và binh chủng khác. Với biên chế một quân đoàn của Trung Quốc là 50.000 quân, một sư đoàn là 12.900 quân, tổng số quân của Trung Quốc phải từ 350.000 đến 500.000.
  • Danh sách các đơn vị Việt Nam có nhiều chi tiết sai hoặc thiếu (có lẽ vì đó là thống kê của nước ngoài): ví dụ, Sư đoàn 304 (thuộc Quân đoàn 2) không tham gia vì còn đang tham chiến ở Campuchia, Sư đoàn 312 (thuộc Quân đoàn 1) cũng không tham gia vì còn đang đóng quân ở Ninh Bình. Hoặc thiếu nhiều đơn vị như Sư đoàn 337 (ở Lạng Sơn), Trung đoàn 567 (ở Cao Bằng), Sư đoàn 316 và Trung đoàn 192, 218, 254 (ở Hoàng Liên Sơn tức Lào Cai)…
  • Phía Trung Quốc, các tài liệu phương Tây cho biết có Đệ Tam Tổng lộ quân (3rd Field Army), Đệ Tứ thập nhị Lộ quân (42nd Army) thuộc các Đại Quân khu Côn Minh và Quảng Châu, gồm 5 quân đoàn chủ lực và các đơn vị yểm trợ tổng cộng 17 sư đoàn trong đợt đầu, và sau đó thêm 8 sư đoàn bộ binh, tổng số 250.000 quân.
  • Phía Việt Nam, các đơn vị tham chiến gồm có các đơn vị thuộc Quân khu 1 và các đơn vị yểm trợ, gồm 11 sư đoàn và 9 trung đoàn biệt lập, chia làm hai tuyến phòng thủ, tổng số 100.000 quân.
  • Tuyến 1: Sư đoàn 325B, Sư đoàn 338, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Sư đoàn 374, Sư đoàn 304, Sư đoàn 346 và các Trung đoàn 43, 576, 244, 49 biệt lập. Các sư đoàn 325B, 304, 3 là các đại đơn vị thiện chiến, chịu trách nhiệm hướng đông và đông-bắc Lạng Sơn.
  • Tuyến 2: Sư đoàn 312 Điện Biên, Sư đoàn 431, Sư đoàn 327, Sư đoàn 329, Sư đoàn 242 và các Trung đoàn 196, 38, 98 biệt lập.

Thiếu dữ liệu

Trong phần hậu quả, cần phải nêu thêm sự thiệt hại về mặt nhân sự và tài sản của nhân dân Miền Bắc cũng như là các nhà máy và di tích bị quân Trung Cộng cố tình phá hủy. Nhiều người vùng biên giới bị mất mạng và các nhà máy ở Thái Nguyên, Tuyên Quang (như là nhà máy làm lương khô, nhà máy chế tạo ping pong Tiền Phong… đều bị xóa sổ  –  kể cả hang Pắc Pó.) Đây là những bằng chứng về sự dã man của cuộc chiến này mà thế hệ sau nên biết rõ.

Về cách gọi tên các đơn vị PLA: từ trước tới nay tất cả các tài liệu của Việt Nam trong nước đều gọi tên các cấp đơn vị theo thứ tự tăng dần như sau:

Sư đoàn (division) – Quân đoàn (corps) – Tập đoàn quân (army). Trong PLA (thời kỳ nội chiến) thì cấp army được gọi là binh đoàn, cao hơn binh đoàn là dã chiến quân (field army), tương đương phương diện quân (front) của Liên Xô hoặc cụm tập đoàn quân (group army) của Đức quốc xã trong thế chiến. Theo thông tin ở đây: http://www.china-defense.com/orbat/pla_orbat/pla_orbat_02.html thì cấp dã chiến quân (field srmy) và binh đoàn (army) được PLA bãi bỏ vào năm 1955. Cấp cao nhất còn lại là quân đoàn (corps). Theo tôi, do tổ chức quân đội của Việt Nam học từ tổ chức của Trung Quốc nên thông tin của các sách báo Việt Nam ở đây là đúng. Chẳng hạn như 55st Corps của Trung Quốc năm 1979 có 3 Sư đoàn 163, 164, 165, là đúng bằng một quân đoàn của Việt Nam. Ngoài ra các tài liệu từ quân đội Việt Nam vẫn nhắc đến các quân đoàn (corps) của PLA và không nói gì tới một cấp nào cao hơn (army hay field army).

Biên chế thông thường của một sư đoàn PLA là khoảng 10.000-13.000 người, nhân với 28 sư đoàn sẽ có số quân Trung Quốc khoảng trên 300.000 người. Đây mới chỉ là tính số bộ binh chủ lực, còn chưa tính quân thuộc các binh chủng xe tăng, pháo binh, hậu cần, không quân, hải quân… được huy động, chưa tính số quân địa phương, dân binh… cũng tham gia. Con số 250.000 như trên theo ý kiến cá nhân thấp hơn nhiều so với thực tế. Tài liệu Việt Nam thì cho rằng tổng cộng Trung Quốc huy động 600.000 người.

Về danh sách các đơn vị Việt Nam, hiện không có một tài liệu nào thống kê chính xác toàn bộ, tôi đã thử sưu tầm nhưng chỉ lập được một danh sách chưa hoàn chỉnh như sau:

  • Cấp sư đoàn: 3, 311, 316, 323, 328, 325B, 338, 346, 334 (công binh).
  • Cấp trung đoàn: 4 (thuộc sư 337), 52 (thuộc sư 337), 42 (thuộc sư 327), 43, 192, 196, 218, 254, 567, 741, 852, 12 (biên phòng), 16 (biên phòng), 166 (pháo binh), 268 (pháo binh), 272 (cao xạ)…

Thông tin về quân Trung Quốc mà các sách trên đưa ra được chú thích là từ “tài liệu nghiên cứu về địch của Bộ Tổng tham mưu Việt Nam”. Ngoài ra danh sách các đơn vị Việt Nam được tổng hợp (chưa đầy đủ) từ sách lịch sử một số quân đoàn, sư đoàn Việt Nam, các tập kí sự viết về những gương chiến đấu của Việt Nam…

Tham khảo thêm

“Trung Quốc dồn sức hiện đại hóa các đơn vị chủ lực và đã thành công. Điều này sẽ thấy rõ sau này trong Chiến tranh biên giới Việt Trung 1984-1988, khi Việt Nam tổn thất nặng nề”. Việc Việt Nam thiệt hại nặng trong giai đoạn 1984-1988 chỉ là do Trung Quốc nói thôi, chứ tài liệu phương Tây gần như không có. Truong Son 05:59, ngày 05 tháng 11 năm 2005 (UTC)

Chính danh

Sau khi Liên Xô tan rã, đến năm 1992 quan hệ giữa hai nước mới được bình thường hóa.

Theo như Hồi Ký Trần Quang Cơ việc bình thường hóa này không dễ dàng gì, giữa hai Đảng chỉ bằng mặt mà không bằng lòng, không còn là đồng chí, đồng minh cũng không.

Vì vậy đổ thừa tại Liên Xô chưa tan rã thì Việt Nam và Trung Quốc còn chưa hết mâu thuẫn là sai lầm lớn. Nó làm hỏng cả bài này vì giải thích sai bản chất cuộc chiến. Không phải tại Liên Xô gây ra cuộc chiến, không phải do Liên Xô tan rã thì hai bên mới làm hòa.

Hai nước bình thường hóa nhưng cũng chỉ có mức độ, mặc dù là hai nước hiếm hoi còn lại trên thế giới này có sự tương đồng về chế độ, hai đảng cầm quyền có chung lý tưởng, nhưng không còn là đồng chí vì sao? Vì quan điểm dân tộc, bành trướng còn lởn vởn trong đầu thì đồng chí sao được? Sao chính danh được?

Hiệp ước giữa VN và Liên Xô

Trong hồi ký Giọt nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan, ở chương cuối có nói về nội dung chính trong Hiệp định hữu nghị và hợp tác Việt–Xô, mà thực chất là một Hiệp định liên minh giữa 2 nước:

“Trong trường hợp một trong hai bên bị tiến công, hoặc bị đe dọa tiến công thì hai bên ký Hiệp định sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó, và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước.”

Hiệp định Việt–Xô này không hề có điều khoản nào quy định phải “tương trợ quân sự” với nhau kiểu “nếu nước này bị đánh thì nước kia phải đem quân giúp đỡ” v.v.

Cho nên cuộc chiến xâm lược VN của quân đội Trung Quốc cho dù kết quả thế nào thì cũng không thể chứng minh được “bản chất không thật” của Hiệp định Việt–Xô, vì không có điểm nào cho thấy Liên Xô làm trái với Hiệp định đó. Trong thời điểm lúc đó Liên Xô có những trao đổi với VN để tìm biện pháp thích đáng nhằm giải quyết tình hình, giúp đỡ VN về tiền bạc, vũ khí, tham vấn, và hoàn toàn ủng hộ VN, nhất là trên mặt trận tuyên truyền, ngoại giao. Liên Xô không dùng biện pháp quân sự để giúp cho VN đánh TQ không có nghĩa là chứng minh “bản chất không thật” của Hiệp định Việt Xô, bởi vì trong Hiệp định đó không hề đòi hỏi phải dùng đến quân lực để cứu bên kia.

Do nhung 03:39, ngày 24 tháng 10 năm 2007 (UTC)

Hiệp định chứ không phải là “Bản ghi nhớ” và càng không phải là “Hợp đồng nguyên tắc”. Ngay một “Hợp đồng kinh tế bình thường” là có quy định và ràng buộc cụ thể về trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên, kể cả biện pháp chế tài nếu bị vi phạm. Bạn Do nhung muốn hiểu “áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước” thế nào, nếu Liên Xô bị Trung Quốc tấn công? Việt Nam biểu tình ở Hà Nội ủng hộ Liên Xô trên mặt trận tuyên truyền và ngoại giao?

Nếu hiểu như bạn Do nhung thì Liên Xô ký cái Hiệp định này làm gì? Còn Việt Nam nữa, ký Hiệp định vô bổ này làm gì, để chọc giận anh hai Trung Quốc cho vui?

Có thể có những điều khoản chi tiết của Hiệp định giải thích từng từ ngữ mà người ta giữ bí mật không công bố, nên bạn hiểu sai về bản chất của từ “biện pháp thích đáng”.

Meomeo 09:52, ngày 24 tháng 10 năm 2007 (UTC)

Trong trường hợp một trong hai bên bị tiến công, hoặc bị đe dọa tiến công thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó, và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước.”

Thế bạn hiểu “biện pháp thích đáng” có nghĩa đem quân đánh nhau là đúng hay sa? Bạn cũng chỉ đặt giả định và phỏng đoán theo cách nghĩ và cách suy luận của riêng bạn mà thôi. Vấn đề còn có những điều khoản chi tiết “bí mật không công bố” hay không thì chưa biết. Nhưng không nên đưa giả định và suy đoán lên Wikipedia. Và rõ ràng trong khuôn khổ phạm vi của bản Hiệp định thì chỉ nhấn mạnh đến “dùng những biện pháp thích đáng”, tức là những biện pháp thích hợp sau khi 2 bên bàn bạc có thể là viện trợ, có thể là dùng những biện pháp chính trị để đạt được mục đích tương trợ lẫn nhau, không nhất định là cứ phải đem quân đánh ầm ầm thì mới là liên minh, mới là tương trợ. Không nên phỏng đoán rồi đặt giả định.

Do nhung 16:43, ngày 24 tháng 10 năm 2007 (UTC)

Tương quan lực lượng

Còn 1 vấn đề nữa, là số quân tham chiến của Trung Quốc, trong bài hiện ghi là 600.000 binh sĩ (Tương quan lực lượng tham chiến) trong khi VN là 100.000 quân, nhưng theo trao đổi của anh TruongSon và Huỳnh Tường Minh, và các tài liệu Tây Phương, số quân tham chiến của TQ chỉ khoảng 200 đến 300 ngàn. Số 600 ngàn cần sửa lại? Leedmi 18:25, ngày 9 tháng 11 năm 2007 (UTC)

Nếu bạn có nhiều số liệu từ nhiều nguồn, xin bạn làm ơn nêu hết ra. Xin đừng xóa số liệu phóng đại mà bạn biết.

Tài liệu có thể xem ngay trong bản Tiếng Anh của Wikipedia, có chú thích số liệu này. Thực sự thì con số 60 vạn không phải quá nhiều so với những cuộc chiến tranh trước đây giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng trong chiến tranh hiện đại thì nó quả là một con số khổng lồ. Theo Wikipedia tiếng Anh thì quân số Trung Quốc chỉ khoảng 85.000 Tran Quoc123 (thảo luận) 08:26, ngày 27 tháng 6 năm 2008 (UTC)

Ví dụ: bạn nên viết rằng vào năm 1979 phía Việt Nam đã phóng đại con số lính TQ tham chiến là 600 nghìn một cách cố tình hoặc do không nắm chính xác vì con số mà tài liệu TQ chính thức đưa ra là 200-300. Người đọc sẽ tự đoán định điều gì đó khi đọc đưọc nhiều thông tin, kể cả thông tin mà bạn cho là đúng hơn.

Với lại số liệu luôn không chính xác, ngay cả số người chết trong vụ sập cầu dẫn ở Cần Thơ mà nhà thầu Nhật Bản cũng lắp bắp mãi không biết là bao nhiêu. Sổ điểm danh và chấm công hàng ngày của một công trình dự án dân sự trong thời bình không mang tính mật, không nhằm lừa dối hậu thế mà còn sai lệch thì số liệu quân số tham chiến liệu có chính xác?

Nghilevuong 03:37, ngày 10 tháng 11 năm 2007 (UTC)

Biên giới 1979 trước biển người phương Bắc

https://vnexpress.net/longform/bien-gioi-1979-truoc-bien-nguoi-phuong-bac-3879866.html

Lời mở đầu

600.000 quân Trung Quốc được huy động để thực hiện một cuộc phá hoại rộng lớn trên đất Việt Nam. Mọi chuyện không như ý muốn của kẻ thù.

* * *

Nhiều năm sau này, người trong vùng vẫn nhớ cái đêm con trai cô Dén chết. Đoàn người sơ tán từ thị xã Cao Bằng, lần rừng về cầu Tài Hồ Sìn, tìm đường xuôi về Bắc Kạn, Thái Nguyên, những vùng chiến sự chưa lan tới. Gặp một trại lính Trung Quốc, đoàn người bấm nhau đi thật khẽ. Đúng lúc, từ phía nhà cô Dén có tiếng ọ ọe của trẻ con. Thằng bé bú no nê và được ủ ấm, đã thức giấc. Cô Dén loay hoay tìm cách để nó thôi khóc.

Ai nấy nín thở, có tiếng thì thào gắt gỏng. Dưới áp lực sống của hàng trăm con người, người mẹ bịt chặt miệng con để nó không còn phát ra tiếng kêu nữa. Thằng bé càng giãy, mẹ nó càng bịt chặt. Đoàn người vượt qua bản, thằng bé cũng không còn thở nữa. Nó mới hai tháng tuổi. Người mẹ ôm chặt con không nấc lên được tiếng nào. Một ngôi mộ cỏn con được đắp vội bên đường. Những bước chân nặng nề bước tiếp.

Đó là một khung cảnh biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2 năm 1979, nơi Đặng Tiểu Bình tuyên bố đang tìm kiếm “sự bình yên nơi biên viễn”.

* * *

Ngày 2 tháng 2 năm 1979, trên khán đài một buổi đua ngựa ở bang Texas, Mỹ, một người đàn ông châu Á thấp bé mặc bộ đồ Tôn Trung Sơn tối màu tay giơ chiếc mũ cao bồi, cười tươi. Khoảnh khắc đó, được các hãng thông tấn khắp thế giới truyền tải, trở thành một biểu tượng ngoại giao. Người đàn ông đó là Đặng Tiểu Bình, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

27 ngày sau khi quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung được ký kết, 28 tháng 1 năm 1979, chiếc Boeing 707 từ Bắc Kinh cất cánh, nhắm hướng Washington. Đặng Tiểu Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Mỹ.

Dang Tieu Binh-Jimmy Carter
Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter tháng 1/1979. Ảnh: UPI

Trong tiệc chiêu đãi cùng ngày, Đặng yêu cầu một cuộc gặp riêng với Tổng thống Jimmy Carter về vấn đề Việt Nam. Yêu cầu của Đặng được thực hiện ngay hôm sau. Hai mươi vị lãnh đạo đôi bên dành tròn 7 tiếng cho cuộc hội đàm, từ 10 giờ 40 đến 17 giờ 40.

Trong sáu tiếng đầu tiên, Đặng nhấn mạnh về “chủ nghĩa bá quyền của Liên Xô”, cảnh báo “nguy cơ chiến tranh bắt đầu từ Liên Xô”, “Mỹ chưa chống trả Liên Xô thỏa đáng”; “Mỹ và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng trong cuộc chiến này”.

Bàn đến Việt Nam, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đề nghị chuyển địa điểm sang phòng Bầu Dục. Cuộc họp rút xuống chỉ còn 8 người. Đặng Tiểu Bình đề cập đến “Việt Nam xâm lược Campuchia” để tiếp tay cho ý đồ bá chủ của Liên Xô. “Campuchia hy vọng Trung Quốc giúp đỡ, nhưng chúng tôi quá hiền lành”.

Ngày hôm sau, Việt Nam tiếp tục là chủ đề chính của cuộc hội đàm, lần này, của riêng Đặng và Carter. Trong biên bản cuộc họp có trích một phát biểu của Đặng: “Trung Quốc phải dạy Việt Nam một bài học”.

Jimmy Carter gọi ý định của Đặng là một “serious mistake” sai lầm nghiêm trọng, và từ chối giúp đỡ. Tổng thống Mỹ đích thân đọc một lá thư tay, nêu 8 lý do tại sao Trung Quốc không nên tấn công Việt Nam tại thời điểm này. Trong đó có “ảnh hưởng đến hình ảnh về một Cộng hòa nhân dân Trung Hoa yêu chuộng hòa bình”.

Đặng trả lời: “Cuộc chiến sẽ giới hạn trong quy mô nhỏ. Chúng tôi chỉ tìm kiếm một sự bình yên nơi biên viễn”.

Chương 1: Sự bình yên của họ Đặng

Mùa đông năm 1978, những người nước ngoài qua lại Nam Ninh, Côn Minh thường thấy từng đoàn xe lửa chở đầy binh sĩ, xe quân sự bít bùng kín bạt xuôi về phương Nam. Họ không biết những đoàn quân ấy đi đâu. Nhiều người dân Trung Quốc thì tin rằng đây là một cuộc hành quân diễn tập.

Cùng thời điểm ấy, đường phố huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây trở nên chật chội hơn, khi những tốp lính áo xanh tô châu thường xuyên đi lại. Vài chục lượt xe quân sự hoạt động mỗi ngày, làm đất đường cuộn tung lên. Huyện lị của tỉnh Quảng Tây cách đường biên giới vài chục cây số. Bên kia là Hà Quảng của Việt Nam.

Nhan Van Vinh
Cựu trinh sát Nhan Văn Dĩnh

Trong những người quan sát đoàn quân, có một người đàn ông Nùng hay mặc áo chàm đã phai. Ông Nhan Văn Dĩnh “sang thăm họ hàng” ở bên kia biên giới. Ông Dĩnh khi ấy, là đội trưởng trinh sát Đồn 167, công an vũ trang Sóc Giang, đóng ở Hà Quảng.

“Lính đỏ, thế là bộ đội chính quy của Trung Quốc rồi”, ông nhận ra Quân giải phóng Trung Quốc từ bộ quân phục màu xanh tô châu, phù hiệu đỏ trên cổ áo. Trước Tết Kỷ Mùi, lực lượng tập trung từ vài tiểu đoàn tăng lên cấp sư đoàn. Mang tin trinh sát về, ông Dĩnh thấy “trán chỉ huy nhăn lại”, dặn tiếp tục nắm tình hình.

Lịch sử bộ đội biên phòng Cao Bằng sau này thống kê, chỉ một ngày trước cuộc tấn công, dọc biên giới Cao Bằng có hơn 300 lần ôtô vận tải của Trung Quốc chở binh lính và quân nhu vào các cửa khẩu. Riêng cửa khẩu Tà Lùng, hơn 300 xe tải chở đá tập kết sẵn ở mốc 24, ý đồ lấp sông Bắc Vọng cho bộ binh và xe tăng tiến sâu vào huyện Quảng Hòa.

Trong ký ức của cựu trinh sát, vẻ mặt của người anh em bên kia biên giới bắt đầu “khó coi” từ sau ngày Việt Nam thống nhất, mùa xuân năm 1975. “Lúc mình sang làm việc, cái mặt của nó không được đẹp lắm, ăn nói cũng khác lắm lố”. Hai đồn công an vũ trang làm việc xong, không còn ngồi chung một mâm cơm nữa. Bên này thịt lợn, mời cơm, bên kia từ chối.

Xã Nà Sác của nữ dân quân Sầm Thị Đòng có chung 3,5 km đường biên với Trung Quốc. Dân hai bên trước nay uống cùng một mó nước, chung bãi chăn trâu, lấy củi cùng dãy núi Mã Lịp. Con gái bản Lũng Cát, Po Xà còn sang làm dâu Lũng Ỷ, Lũng Pình bên kia biên giới.

Nhưng từ những năm 1970, người bên kia hay gây chuyện, cứ tối trời là sang di dời cột mốc để lấn đất. “Ta gieo cây gì, nó nhổ cây ấy. Nó đợi ngô mình trồng có bắp, nó thả trâu bò sang ăn hết”.

Sam Thi Dong
Bà Sầm Thị Đòng

Có lần, nhóm dân quân xã vây bắt thám báo Trung Quốc từ bản Lũng Pỉa sang bản Lũng Loỏng. Cả ngày trời, Đòng chạy đường rừng, không nghỉ ăn cơm.

“Nếu người Việt Nam vào chợ thì đánh”, khẩu hiệu dán đầy các cột ở chợ Kẹp Nhìa ở Tịnh Tây; Bình Mãng bên kia biên giới… Nam giới sang thì bị nam giới đánh, nữ giới sang thì bị nữ giới đánh.

“Ở xã Sóc Hà này, người thôn Nà Sác bị bên kia ghét nhất. Sang bên ấy đi chợ, biết là dân Nà Sác, nặng thì nó đánh, nhẹ thì không bán hàng”, bà Sự nhớ lại những ngày còn căng thẳng.

Trước khi có cửa khẩu Sóc Giang hôm nay, con đường chạy qua trước cửa nhà bà Nguyễn Thị Sự từng là đường đất dẫn thẳng sang Bình Mãng, Trung Quốc.

Cái thôn ngót nghét bốn mươi nóc nhà người Nùng, nằm ngay chân đường biên giới bị ghét vì “lì lợm”, không để bên kia lấn một tấc biên giới. Họ sang gây chuyện, dân Nà Sác bỏ ruộng bỏ nương, cả làng kéo nhau lên đứng thành hàng rào chắn dọc đường biên giới.

Người già trong làng vẫn dặn con cháu “Sớc hạc pác pi” – “Giặc ác trăm năm”, luôn phải đề phòng. Nà Sác sẵn tre từ hồi đánh Pháp. Sau 1975, dân Nà Sác mỗi năm trồng thêm tre, vót thêm chông. Cuối 1978, chông sắt, chông tre cắm kín gần 7 km đường biên Sóc Hà.

Pháo sáng mỗi đêm vẫn nổ trên bầu trời biên giới, soi đường cho người “bên kia” sang Nà Sác thăm dò. Đội dân quân của Đòng vẫn cắt cử nhau đi gác bản làng bất kể trời sáng tối. “Đang ngủ, mõ tre cốc cốc hai tiếng là báo động, thì lạnh bao nhiêu cũng phải dậy, sương buốt bao nhiêu cũng phải đi lớ”.

Nhiều lần, đụng độ đến đổ máu. Người bên kia dọa bằng tiếng Nùng “Dân mày đông không bằng một phần dân tao, vũ khí của bọn mày cũng không bằng bọn tao”.

“Ra Giêng rồi biết tay nhau”, bên ấy dọa thêm.

“Chúng mày không sợ chết thì cứ đánh sang đây”, bên này cũng không vừa, đáp trả.

Từ mùa thu năm 1977, quân dân xã Nà Sác đào hào dọc biên giới, lập ba điểm chốt: Đồi Cháy, Po Xà, Lũng Cát và chốt phụ Kéo Lỉ trên dãy núi Mã Lịp. Dân quân xã thay nhau canh gác. Cuối năm 1978, bộ đội tỉnh Cao Bằng cũng bắt đầu về đóng tại các bản.

Năm ấy được mùa cả lúa cả ngô. Mỗi nhà trong bản Lũng Pỉa đều tích trữ một phần lương thực, chăn màn, quần áo để lên hang Ngườm Siêu. Người Nà Sác ăn Tết Kỷ Mùi không tiếng pháo tép. Đòng cũng mất ngủ từ đấy.

Cuộc xung đột vũ trang biên giới Việt–Trung năm 1979 liên quan mật thiết đến những rạn vỡ trong quan hệ Trung Quốc–Liên Xô. Điều này, không phải đến năm 1979, mà bộc lộ ngay từ những năm 1930, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đồng thời hai cuộc chiến kháng Nhật và nội chiến chống Quốc dân Đảng.

Việc Liên Xô duy trì quan hệ đồng thời với cả Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch, khuyến khích đôi bên liên kết chống Nhật không được Mao đồng thuận.

Trong thập niên 1950, Liên Xô viện trợ hơn 6 tỷ rúp cho công cuộc hồi phục Trung Quốc sau chiến tranh. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ca ngợi mối quan hệ của hai nước là “vĩnh cửu, bền vững không gì phá vỡ nổi, không ai có thể chia rẽ được”. Nhưng khi Liên Xô quyết định “chung sống hòa bình, quá độ hòa bình, cạnh tranh hòa bình” với Mỹ năm 1959, Trung Quốc phê phán chủ trương “ba hòa” của Liên Xô là “phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin”.

Sau thất bại của phong trào “đại nhảy vọt” năm 1960, Mao Trạch Đông quay sang đổ lỗi và phủ nhận đường lối của Liên Xô. Trung Quốc quyết tự đi tìm con đường khác. Tháng 7 cùng năm, Liên Xô ngừng viện trợ Trung Quốc.

Từ tháng 7/1963 đến tháng 8/1964, hai Đảng gửi 11 lá thư công khai đả kích lẫn nhau. Từ đầu năm 1968 đến tháng 3/1969, hơn bốn nghìn cuộc xung đột vũ trang nổ ra dọc biên giới Trung–Xô.

Tháng 2 năm 1972, Mỹ–Trung ký Thông cáo Thượng Hải, có điểm “Mỹ cam kết cùng Trung Quốc phối hợp chống ‘bá quyền’ Liên Xô”. Liên Xô đáp trả bằng cách đổ quân vào Ấn Độ, liên minh khống chế Trung Quốc từ biên giới phía Tây.

Năm 1974, Mao Trạch Đông đưa ra học thuyết “ba thế giới”, xếp Liên Xô vào “thế giới thứ nhất” ủ mưu bá quyền, cần chống lại.

Trở về từ chuyến thăm nước Mỹ, ngày 11 tháng 2 năm 1979, Đặng Tiểu Bình triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng, thông báo về kế hoạch chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”.

Ba ngày sau, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi thông tư tới Đảng bộ các tỉnh và đơn vị quân đội liên quan, giải thích về về cuộc “chiến tranh tự vệ”. Văn bản nhấn mạnh: chiến tranh sẽ diễn ra giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, và kết luận, hành động quân sự này sẽ “thúc đẩy hòa bình và ổn định dọc theo biên giới”.

Chương 2: Khai hỏa

Pháo nổ rạng sáng thứ Bảy, mùa xuân năm 1979.

Nông Thị Quyên năm ấy 19 tuổi, sống cách cửa khẩu Tà Lùng bảy cây số. Tối thứ Sáu, Quyên rủ mấy chị em xuống thị trấn Quảng Hòa xem chiếu bóng. Đoàn chiếu bóng của tỉnh đang chiếu bộ phim Em bé Hà Nội.

“Xem đến cảnh bé Ngọc Hà cổ quàng khăn tang, đi tìm nhà mình trong đống đổ nát Khâm Thiên sau đêm B52 rải thảm, mấy chị em cứ bíu chặt tay nhau, khóc”, bà Quyên nhớ lại.

Ở cách đó 60 km, tại thị xã Cao Bằng, trong rạp ngoài trời ven sông Bằng, người dân thị xã cũng ngồi trước màn chiếu, dõi theo bộ phim “Chiến đấu” của Liên Xô. Buổi chiếu bóng kết thúc lúc gần nửa đêm. Ai nấy chuẩn bị về nhà thì thấy mạn Trà Lĩnh, Quảng Hòa có nhiều ánh chớp lóe lên, thính tai còn nghe tiếng ì ầm.

“Không phải mùa mưa, sao có sấm chớp”, cậu bé Nông Vạn Ngàn 15 tuổi thắc mắc. Nhưng nỗi băn khoăn mau chóng lắng xuống, mọi người bàn tán về bộ phim, rồi tản  về nhà đi ngủ.

Mấy chị em Quyên cũng trở về nhà trong cơn mưa phùn lúc nửa đêm. Ra Giêng, khí trời còn lạnh. Đang lơ mơ trong chăn ấm, Quyên bị tiếng pháo rít ầm ầm qua mái nhà dựng dậy.

Nong Thi Quyen
Bà Nông Thị Quyên trong nghĩa trang liệt sĩ tại Cao Bằng

Cô nữ sinh lớp 10 trường cấp ba Quảng Hòa chỉ kịp vơ cái chăn, rồi nhảy xuống hầm chữ A dựng gần gốc nhãn. Cái hầm che chở cho năm người, rung lên bần bật khi loạt pháo mới nện xuống mặt đất. Ngớt pháo, cả nhà bò ra khỏi hầm. Cây nhãn bị pháo phạt gãy đôi, đổ rạp ngay miệng hầm.

Con nuôi người Trung Quốc của trưởng bản, hóa ra là thám báo. Đêm ấy hắn dẫn đường cho quân bên kia tràn sang. Bản Bó Tờ bị đốt sạch. “Nhà nào có Đảng viên hoặc người đi bộ đội, treo bằng khen, giấy khen, huân huy chương là chúng phá sập”. Nhà Quyên lợp mái tranh, trát vách đất, chúng cũng không tha.

Cuộc “trừng phạt giới hạn, quy mô nhỏ” của Đặng huy động 600 nghìn quân bộ binh, nhiều hơn số quân Mỹ đổ vào 21 năm chiến tranh với Việt Nam.

32 sư đoàn của tám trong tổng số mười đại quân khu có mặt trong cuộc động binh này. Một con số mà Hứa Thế Hữu, Tổng tư lệnh lực lượng tham chiến gọi là “Dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”.

Để “tiền pháo hậu xung”, Trung Quốc sử dụng 550 tăng thiết giáp Type-62, Type-59, Type-63, 480 khẩu pháo mặt đất, hơn 12.00 súng cối từ 76,2mm đến 152mm, 160mm và dàn hỏa tiễn 107mm đến 130mm. Không quân và hải quân cũng triển khai 200 tàu chiến; 706 máy bay tiêm kích J-5, J-6, J-7; 120 tiêm kích bom J-6, Q-5 và 122 máy bay ném bom H-5, H-6, để chi viện trong trường hợp cuộc chiến mở rộng.

Để đối phó với tình huống Liên Xô đổ quân đánh yểm trợ cho Việt Nam, mặt trận phía bắc Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Thẩm Dương, Bắc Kinh, Tế Nam, Lan Châu, Tân Cương được đặt chế độ báo động cao nhất. 300 nghìn dân cư tại đây được lệnh sơ tán.

Với lực lượng gấp mười lần, được yểm trợ bằng tăng và pháo, họ Hứa tin rằng sẽ nhanh chóng xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam, đánh chiếm các thị xã trong vòng vài ba ngày. Và nếu muốn, “không đến hai giờ có thể đánh xuống Hà Nội”.

Bên này biên giới, 600 nghìn quân chủ lực của Việt Nam đang bị chia nhỏ ở các chiến trường Campuchia, Lào; miền Nam và quanh Hà Nội. Tổng lực lượng phòng thủ biên giới lúc này chỉ có bảy sư đoàn, một lữ đoàn và dân quân sáu tỉnh, tổng cộng chưa đến 60 nghìn người.

Biển quân 600 nghìn chia làm hai nhánh Đông–Tây. Hứa Thế Hữu cầm cánh phía Đông, đánh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Dương Đắc Chí, Tư lệnh Đại quân khu Côn Minh đảm nhiệm cánh Tây, tấn công Lai Châu, Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên.

Tỉnh Cao Bằng với 333 km đường biên cùng 634 mốc quốc giới, dài nhất toàn tuyến, khiến Trung Quốc dốc vào đây 130 nghìn quân – gần một phần tư tổng số, chia hai hướng để đánh chiếm.

Theo nhiều tài liệu, cuộc chiến nổ ra rạng sáng 17 tháng 2 năm 1979. Nhưng trên thực tế, súng nổ rất sớm ở biên giới Cao Bằng. Lúc 21h ngày 16 tháng 2, quân Trung Quốc pháo kích dữ dội vào xã Cần Yên của huyện Thông Nông. Và gần nửa đêm, chúng mở rộng phạm vi sang mạn Trà Lĩnh, Hà Quảng.

tuong quan luc luong
Tương quan lực lượng của Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới

Tiếng pháo đầu tiên nổ ở bên kia biên giới, liền sau là tiếng mõ tre báo động hai nhịp một của dân quân tự vệ bản Lũng Pỉa, Hà Quảng. Sầm Thị Đòng vùng dậy, vơ lấy đôi lựu đạn và cái gậy tre ở góc nhà, chuẩn bị lên chốt chiến đấu.

Đứa em út 5 tuổi tỉnh giấc, khóc nghẽo nghẹt vì những tiếng nổ sáng lòe trời. Bà và mẹ chồng Đòng cùng sáu đứa em cuống cuồng dắt díu nhau lên hang Ngườm Siêu trú cùng dân bản. Ra đến cổng, mẹ chồng còn quay lại ôm vai con dâu mà khóc. “Con đi thế này, có chắc được quay về với mẹ không?”

Bố chồng Đòng cũng là dân quân, trực trên chốt từ trước Tết. Chồng cô là bộ đội biên phòng, chiến đấu ở Nậm Quét, Bảo Lạc, Cao Bằng. Giờ pháo đã nổ, Đòng cũng quyết đi.

Trời không lạnh lắm. Đòng vẫn mặc thêm hai cái quần, bốn cái áo, chít cái khăn lên đầu. Túi quần áo này, Đòng sắp sẵn từ trước Tết. “Nếu hy sinh, không có ai về nhà lấy đồ thay cho”. Nữ dân quân 24 tuổi đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của mình.

Sau lưng dân quân lên chốt, dân bản từng tốp lũ lượt kéo đi sơ tán. Những cánh đồng thuốc lá trồng từ trước Tết đã lên cao bằng cây cải. Cả vùng trời phía Bắc sáng lòe.

Tổ đội cối do Đòng làm đội trưởng có sáu dân quân nữ. Người ngoài đôi mươi như Đòng, như Liên hàng xóm, nhưng cũng có người chỉ mười sáu, mười bảy tuổi như Nga, như Xuân. Chẳng ai nặng được đến bốn chục cân. Tay không một bó đuốc, sáu cô gái băng hai cây số đường rừng sang hậu cứ ở bản Lũng Loỏng lấy vũ khí để sẵn sàng lên chốt Kéo Lỉ.

Khẩu cối 60mm nặng hai mươi cân, cùng bốn thùng đạn trên vai sáu cô gái leo thêm bốn km đường núi, lên đến chốt, cũng là khi trời tảng sáng. Tiếng pháo từ bên kia đã vãn. Giọng của tổ trinh sát C5 rè rè qua bộ đàm “chúng nó đang tiến vào”.

Sáu cô gái ngay lập tức vào vị trí. Đòng và Liên trực tiếp điều khiển cối. Bốn người còn lại lo chỉnh kính ngắm, núm vặn và tiếp đạn. Chỉ mươi phút sau, biển người bắt đầu tràn vào từ bên kia biên giới mỗi lúc một gần, không cần dùng đến ống nhòm trinh sát cũng thấy được: một rừng xe tăng lẫn người mặc đồ xanh lá, tay cầm súng dàn hàng ngang mà đi.

Ở đường hào phía trước, cách đó chưa đầy 100 m, bộ đội chủ lực và dân quân nam của xã cũng đang không ngừng chiến đấu. Trên chốt, các cô gái liên tục thả những quả đạn nặng hơn một cân vào nòng súng. Quả đạn bay theo đường vòng cung rồi rơi xuống, một đám khói bay lên cùng những cái xác người. Địch đông đến nỗi bắn đi hướng nào cũng sẽ có một cơ số chết, nhưng “càng bắn càng thấy nhiều người nữa đi ra”.

Quá buổi trưa, quân Trung Quốc tràn vào mỗi lúc một sâu, bốn bề xung quanh chỉ thấy xác người và khói lửa. Sáu người họ vẫn chưa ngơi một giây để uống được ngụm nước. Đồng đội ở hậu cứ đều đi hỗ trợ nhân dân sơ tán và vận chuyển thương binh, không có ai tiếp cơm, tiếp nước lên chốt. Cánh rừng giữa tháng hai không có quả gì ăn được, giờ cũng bị pháo đốt cháy xác xơ. Họ chỉ còn biết nhìn về phía trước mà bắn.

Giữa những tiếng mìn nổ của cả hai bên, hai đồng đội của Đòng lúc ấy bỗng thét lên đau đớn. Máu túa ra không ngừng trên đầu Nga và ở mạng sườn của Xuân. Họ bị mảnh pháo của địch găm trúng, ngã xuống đất. Đội cối chỉ còn bốn người chiến đấu. Thân và miệng khẩu cối nóng như rang suốt từ sáng. Đầu óc Đòng căng như dây đàn, vừa lo cho hai đồng đội, vừa lo chiến đấu. Đến bốn giờ chiều, bốn thùng đạn vừa hết cũng là khi bộ đội và dân quân nam lên giữ chốt thay cho đội của Đòng.

Nga và Xuân được dìu về hậu cứ chữa trị vết thương. Đòng và những người còn lại tiếp tục giúp dân sơ tán, cùng tiểu đoàn 127 di chuyển bộ đội bị thương và mai táng tử sĩ. Trung Quốc tiến vào từng bản làng ngóc ngách của Nà Sác.

Một đêm tháng hai mưa lâm thâm, Đòng cùng đồng đội được lệnh rút về thị trấn Xuân Hòa. Họ bỏ lại sau lưng, sáu cái huyệt đang đào dở và chục liệt sĩ chưa kịp mai táng.

bo doi VN
Bộ đội Việt Nam trên chiến trường biên giới, 1979

Bốn mươi năm trôi qua, bà Đòng vẫn nhớ những cái xác đỏ loét cụt chân, cụt tay, không nhận rõ mặt người mà đêm ấy bà bỏ lại. “Không sợ chết trên mặt trận, chỉ sợ nhớ về những xác người. Cứ nhắm mắt vào là lại thấy”.

Chương 3: Người người lớp lớp

Sáng 17 tháng 2 năm 1979, khi sương vừa tan, trung sĩ Hồ Tuấn trên chốt cao gần cửa khẩu Tà Lùng nghe tiếng hô vang động sau loạt pháo kích. Qua kính ngắm của khẩu 14,5 mm, Hồ Tuấn lạnh gáy khi thấy từng đợt sóng người tràn qua biên giới. Pháo dọn đường cho xe tăng tiến trước, tiếp đến bộ binh. Có cả kèn trống trợ oai. Đoàn quân lố nhố kéo dài hàng cây số, tắc lại phía sau cửa khẩu.

“Giặc đông như quân Nguyên, không cần ngắm bắn, cứ giã xuống đầu kiểu gì cũng trúng”, Hồ Tuấn giữ chắc khẩu KPV 14,5 mm, khai hỏa. Biển người vẫn dâng lên. Tay pháo thủ mỏi nhừ.

Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên cuối năm 1950, bên bờ sông Áp Lục, biên giới tự nhiên giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, quân Mỹ sửng sốt khi nhìn thấy lớp lớp sóng bộ binh “Chí nguyện quân” ào ạt tấn công. Lớp này ngã xuống, lớp khác lại tiến lên. Liên quân Mỹ–Hàn với vũ khí lợi hại, vẫn bị biển người đẩy ngược về phía sau vĩ tuyến 38. Chiến thuật “biển người” chống lại quân đội Quốc dân Đảng một lần nữa được quân Chí nguyện áp dụng thành công.

Mao Trạch Đông trong cuốn Chiến tranh trường kỳ khẳng định “Trong chiến tranh, vũ khí rất quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Con người mới chính là yếu tố quyết định”. Năm 1946, trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Mao nói: “Bom nguyên tử chỉ là con hổ giấy mà Mỹ đem dọa người”. Tư tưởng quân sự của Mao từ chỗ đề cao yếu tố con người lấn thêm một nấc: coi thường sức mạnh của vũ khí.

Ngay cả khi Mao qua đời, người kế nhiệm Hoa Quốc Phong vẫn ủng hộ tư tưởng này. Trong khi Đặng Tiểu Bình, người theo tư tưởng đổi mới, nhấn mạnh cải tổ Quốc phòng trong chương trình Bốn hiện đại hóa của Trung Quốc.

Hội nghị Công tác chính trị toàn quân” tháng 4–6/1978 trở thành một cuộc tranh luận giữa hai luồng tư tưởng và kết thúc không đạt được sự đồng thuận nào. Giữa lúc ấy, “cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam” diễn ra. Tư tưởng quân sự của Mao vẫn áp đảo.

Trấn giữ thị xã Cao Bằng trước tháng Hai, chỉ có Trung đoàn 567 bộ đội địa phương, chủ yếu là làm kinh tế. Năm 1978, xung đột biên giới leo thang. Trung đoàn nhận lệnh vào trấn giữ Quảng Hòa. Chiến sĩ đi đào hào, đắp công sự, cắm chông thay cho làm đường, trồng rừng.

Ho Tuan
Ông Hồ Tuấn

Tết Kỷ Mùi ấy, đơn vị Hồ Tuấn ăn Tết sớm một tháng. Đầu tháng Hai, đơn vị cấm trại, báo động cấp một, sẵn sàng chiến đấu. Hồ Tuấn đi ngủ sớm theo quân lệnh, sáng ngày mai có bài tập thể dục lúc 5h. Nhưng 4h30, kẻng báo động trong đơn vị vang dồn dập. Quân Trung Quốc tràn sang. Nhiều người vẫn đang mặc áo lót, chỉ kịp vơ lấy khẩu súng.

Tà Lùng thất thủ. Đêm 17 tháng 2, đơn vị Hồ Tuấn nhận lệnh rút về đèo Khau Chỉa. Các đại đội rải dọc đèo Khau Chỉa, từ đồi Nghĩa Trang đến đồi Không Tên, bắt đầu một cuộc chiến không cân sức. Khau Chỉa cách cửa khẩu Tà Lùng 12 cây số, gồm một dải đồi liên tiếp nhau. Con đèo án ngữ Quốc lộ 3 – huyết mạch dẫn về thị xã Cao Bằng. Vượt qua được vị trí này, xe tăng Trung Quốc tiến về thị xã chỉ mất một tiếng. Khau Chỉa trở thành yết hầu. Bằng mọi giá phải giữ.

Có thể nhìn thấy kế hoạch “hội quân” giữa 2 mũi tấn công của kẻ thù, thành hay bại, nằm ở việc chúng có vượt qua đèo Khau Chỉa hay không.

Cả trung đoàn khi ấy có ba khẩu 14,5 mm trực tiếp chiến đấu. Loại vũ khí phòng không chủ yếu của đơn vị nòng cốt trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp huyện đến tỉnh. Phiên bản ZPU-1 được Liên Xô sản xuất hàng loạt năm 1967, từ lời đề nghị của Việt Nam, nhằm đối phó với không quân Mỹ khi đánh du kích trong địa hình rừng rậm hoặc đồi núi. Loại vũ khí tưởng hoàn thành nhiệm vụ khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, nay một lần nữa tái xuất trong cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc.

“Chúng đánh có quy luật, thường bắn rạng sáng và nghỉ về đêm”, ông Hồ Tuấn tổng kết. Muốn tiến công chốt nào, chúng câu pháo vào trước và tập trung bắn. Pháo chuyển làn là bộ binh xung phong. Bộ đội Việt Nam chỉ chờ thế, mang pháo ra mà giã. Mỗi lần bộ binh Trung Quốc ào lên, pháo đại đội bắn không ngừng nghỉ, nòng đỏ như thép nung, vét cát tút không kịp. Bộ đội để dành nước uống dội vào nòng pháo cho nguội bớt. Bắn đến nỗi loa che lửa đầu nòng bay đi đâu, mất pittong đẩy về, khẩu pháo trong tay trung sĩ Tuấn chỉ còn bắn được phát một. Sau trung đoàn phải vác nòng mới lên thay thì mới bắn tiếp được.

Mười hai ngày trên đèo Khau Chỉa, Hồ Tuấn cầm cự chiến đấu bằng những vắt cơm dân quân Quảng Hòa chuyển lên. Vắt cơm trắng, thi thoảng độn chút muối vừng hoặc con cá mắm. Nhiều người gánh cơm đến lưng đèo thì trúng pháo. Đêm tranh thủ bên kia ngưng bắn, bộ đội lăn xuống lưng dốc tìm, nhặt những nắm cơm đã nhớt, dính đầy đất. Ông nghĩ “Không có dân quân tiếp tế, chắc bộ đội chết cả”.

Hôm nào nồi cơm khê là Quyên lại khóc. Chẳng hiểu sao, “cơm khê là bộ đội chết nhiều”. Sau đêm pháo nổ, Quyên cùng mấy chị em trong làng đi thẳng lên chốt, xin bộ đội cho tải đạn, tải thương. “Nó đốt nhà mình, giết dân mình rồi nên phải đi thôi”, bà Quyên vẫn nhắc lại quyết định của mình năm ấy trong nước mắt.

Những cô bé người Tày sống gần cửa khẩu, thường vỗ tay hoan hô mỗi lần thấy đoàn xe tải bít bạt kín thùng từ phía bên kia sang. Những chiếc xe chở gạo, đạn dược Trung Quốc viện trợ cho chiến trường Việt Nam đánh Mỹ. Những năm “còn tốt với nhau”. Những đồng bào người Tày, người Nùng chỉ quen làm nương rẫy, ngày xuân đi hội, uống rượu, giờ cầm súng đi thẳng lên chốt. Ai không cầm được súng thì nắm cơm tiếp tế cho bộ đội, hoặc tải thương, chôn cất tử sĩ.

Sau phút chốc bất ngờ, sự kháng cự của dân quân biên giới Việt Nam, có lẽ là điều mà Đặng Tiểu Bình hay Hứa Thế Hữu không dự tính được.

12 ngày không vượt được Khau Chỉa, Trung Quốc cay cú dồn quân ở thị xã Cao Bằng, theo hướng đèo Mã Phục đánh ngược lên biên giới. Ý định cùng cánh quân bên kia đèo Khau Chỉa tạo thành gọng kìm bóp chết Trung đoàn 567. Thị xã bị chiếm, liên lạc bị cắt. Từ đây, đơn vị Hồ Tuấn gần như bị cô lập và hoàn toàn chiến đấu độc lập.

Chúng đông, bắn không xuể, ngày nào cũng đông như cũ. Hồ Tuấn chỉ nghĩ “Giá mà bộ đội chủ lực về kịp thì biết tay. Nhưng xác định mình cũng là chủ lực rồi, nên cứ dần cho chúng tơi tả trước”. Khi ông bắn đến thùng đạn cuối cùng, các quân đoàn chủ lực của Việt Nam đang từ mặt trận Campuchia quay về.

Ngày 28 tháng 2, trung đoàn nhận lệnh rút khỏi Khau Chỉa, chờ phản công. Đại đội hy sinh chín người. Hồ Tuấn bị pháo văng vào đầu. Lúc nhận được lệnh rút, cũng là lúc bộ binh Trung Quốc xông lên đến gần chiến hào. Ông chỉ kịp tháo cơ bẩm, phá pháo, không để vũ khí rơi vào tay giặc, ném lại hai quả lựu đạn rồi lăn xuống lưng đèo. Hành quân về đến Quảng Uyên, đơn vị đụng một tiểu đoàn Trung Quốc, lại bắn nhau một trận long trời lở đất nữa rồi mới về hậu cứ.

Một trung đoàn bộ đội địa phương Việt Nam kìm chân một sư đoàn chủ lực Trung Quốc trong 12 ngày. Họ không tiến thêm được bước nào, ngoài quãng đường 12 cây số từ cửa khẩu Tà Lùng về đến đèo Khau Chỉa. Hơn 6.000 lính Trung Quốc bị tiêu diệt trong 12 ngày đêm ở hướng này. Bình quân mỗi ngày 500 lính, tương đương gần một tiểu đoàn.

Trận đánh giam chân ở đèo Khau Chỉa buộc Trung Quốc phải thay đổi chiến thuật ở Cao Bằng. Chúng chia quân thành những đơn vị cỡ tiểu đoàn cơ động để tìm kiếm, khóa đường, lùng sục. Nhưng vẫn không vượt qua được con đèo. Thất bại trong việc làm chủ Cao Bằng, Lạng Sơn “trong vài ba ngày”, thực quyền chỉ huy cuộc chiến từ Hứa Thế Hữu rơi vào tay Dương Đắc Chí.

Chương 4: Một bài học

24 tháng 2, từ hướng tiến công còn lại, Trung Quốc chọc thủng được phòng tuyến của quân dân và tiến vào thị xã Cao Bằng. Cái gì bằng bê tông, cao quá đầu gối, chúng ốp mìn cho nổ tung. Những cột điện bị mìn bẻ cong, không sửa được. Lúc rút quân khỏi thị xã, chúng đánh sập cầu Bằng Giang. Những trụ cầu nằm dưới lòng sông, chỉ còn lại hai mố. Cả thị xã còn một ngôi nhà lành lặn. Trong nhà có treo ảnh Mao Trạch Đông.

Mười ngày sau mở màn cuộc chiến, 27 tháng 2, quân Trung Quốc bắt đầu tấn công thị xã Lạng Sơn. Lính Trung Quốc cố chiếm từng căn nhà, góc phố để đánh bật lực lượng phòng ngự Việt Nam ra khỏi thị xã. Cho đến ngày 5 tháng 3, quân Trung Quốc đạt được mục đích. Để chiếm thị xã cách biên giới 15 cây số, Trung Quốc dốc toàn lực của 10 sư đoàn, mất mười sáu ngày. Mỗi ngày tiến được chưa đầy một cây số.

Mục đích của quân phương Bắc để lại một bình địa kéo dài dọc đường biên. Thị xã Lạng Sơn là nơi duy nhất bị chiến cuộc tàn phá. Năm thị xã còn lại đều là mục tiêu của cuộc phá hoại có hệ thống. Cao Bằng bị đánh sập tất cả những gì là bê tông có thể đứng vững. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc phá hoại gần như sạch sẽ cơ sở hạ tầng, tiện nghi xã hội căn bản, đẩy 3,5 triệu người dân biên giới vào cảnh không cửa nhà.

Nếu cố tiến xuống Hà Nội như lời tướng Hứa Thế Hữu tuyên bố, các cánh quân của Trung Quốc chắc chắn sẽ đụng độ với các đơn vị chủ lực Việt Nam vừa trở về từ mặt trận Tây Nam.

“Khi đó, các quân đoàn chủ lực của Việt Nam cơ động lên biên giới phía Bắc và vào vị trí chiến đấu, thậm chí là bao vây, sẵn sàng tiêu diệt các lực lượng xâm lược Trung Quốc. Nhưng chúng ta kiềm chế không đánh. Vì hòa bình, chúng ta để Trung Quốc rút quân. Các đơn vị cũng nhận lệnh để cho họ rút, không tổ chức truy quét”, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ với VnExpress.

CT-A
Khung cảnh chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979

Cuộc tấn công ồ ạt bằng biển người ban đầu tạo lợi thế bất ngờ cho Trung Quốc. Nhưng càng lấn sâu vào đất Việt Nam, cuộc chiến càng giảm dần tốc độ. Một tuần sau khai chiến, Trung Quốc buộc phải tuyên bố chiến tranh hạn chế và “sẽ rút quân sau mười ngày”.

Hứa gặp may khi Đặng tuyên bố rút quân vào ngày mùng 6 tháng 3 năm 1979. Mười hai ngày sau, Trung Quốc mới hoàn thành việc rút quân. Rút về sau ba mươi ngày đụng độ với các lực lượng bán vũ trang Việt Nam, Trung Quốc thông báo với thế giới “đã hoàn thành mục tiêu chiến tranh”.

Thông qua lệnh Tổng động viên, một ngày trước khi Trung Quốc rút quân, Hà Nội khi đó tuyên bố “Công cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của bọn phản động Trung Quốc bắt đầu”.

Chiến thuật biển người mà Trung Quốc sử dụng từ thời nội chiến dần vô dụng trước chiến tranh du kích của các lực lượng bán vũ trang Việt Nam. Chính cuộc chiến này khai tử chiến thuật mà quân đội Trung Quốc áp dụng với nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20. Tư tưởng quân sự của Mao hoàn toàn bị triệt bỏ.

“Dạy cho Việt Nam một bài học”, Trung Quốc nhận lại bài học về chiến thuật, chiến lược chiến tranh: quân đội Trung Quốc không thể đảm đương một cuộc chiến tranh hiện đại. Những tổn thất trong cuộc chiến cùng thất bại về vũ khí, chiến thuật buộc họ về sau, phải hiện đại hóa gấp quân đội.

CT-B

Chương 5: Khi khói tan

Tám mươi tư năm cuộc đời ông Nông Văn Niêm từng nhiều lần đánh võ tay không với người Trung Quốc để giữ đất Sóc Hà, từng bị họng súng kề ngực, đá ném thành thương tật.

Ông không nói được nhiều tiếng Kinh. Nhưng ông nhớ rõ ngày tiếng pháo rót sang cũng là ngày cha mình chết. Lúc ông cụ bị mảnh pháo văng vào bụng, người con đang giữ chốt cùng với dân quân Sóc Hà. Ông cũng nhớ mình mất một tháng hai mươi ngày đi bộ từ Nà Sác xuống Bắc Kạn tìm vợ con thất lạc.

Từ trên chốt trở về sau những ngày chiến đấu, ông thấy ngôi nhà sàn năm gian bị đạn pháo đánh sập một nửa phía sau. Những cột gỗ chống nhà sàn cũng bị gãy đổ. Ruộng ngô trước cửa nhà hôm ông lên chốt còn mới nhú xanh, trâu bò vợ ông vẫn hay chốt then trong chuồng. Bây giờ về lại, cha già mất, nhà đổ, ruộng ngô cháy, chuồng không thấy trâu bò.

“Chẳng ai quên đâu, nhớ hết đấy. Nhưng có ai hỏi đến thì mới nói thôi. Chiến tranh qua rồi thì yên ổn mà làm ăn thôi, chẳng ai thích đi gây sự trước cả”.

Tà Lùng, Trà Lĩnh và Sóc Giang, những nơi quân Trung Quốc từng tràn qua, giờ đều là những cửa khẩu được hưởng cơ chế Khu kinh tế cửa khẩu, theo quy định của Chính phủ từ năm 2014. Con đường từ cửa khẩu Tà Lùng về thành phố Cao Bằng trở thành tuyến thông thương chính, nơi có tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 123 triệu USD năm 2018. Những chiếc container từ bên kia biên giới, nhận giấy thông hành, xuôi Quốc lộ 3, qua đèo Khau Chỉa sẽ đưa hàng hóa đi khắp vùng.

Cuộc chiến không kết thúc ở tháng Hai. Cuộc chiến kéo dài mười năm sau đó. Quân Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng ở 10 điểm, liên tục tạo xung đột, quấy nhiễu để gây áp lực buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia. Đất nước cùng lúc gánh hai cuộc chiến.

Dải biên giới phía Bắc, một thời trở thành vành đai trắng vì đạn pháo và mìn. Một năm sau, mười người gia đình ông Niêm dắt díu nhau lộn về Hà Quảng. Cả Nà Sác khi ấy vẫn chưa nhà nào dám về. Cũng có những nhà không bao giờ về nữa.

Nong Van Niem
Ông Nông Văn Niêm trước căn nhà ở bản Nà Sác

Gia đình ông Niêm phải ở lại bản Giới, cách đó mấy cây số để đợi bộ đội gỡ hết mìn. Đúng mười năm, ông sống trong cảnh có nhà mà không dám về. Năm 1990, khi về lại nhà cũ, cỏ dại mọc ngang đầu. Ông lên rừng chặt củi, nhào đất sét ruộng, dựng lại ba gian nhà trên nền đất cũ. Vợ chồng trỉa lại ngô, nuôi lại lợn. Năm 1996, trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Sóc Giang động thổ thi công, bên kia lại gây chuyện. Ông Niêm đang cày ruộng cũng vứt đó, cùng dân Nà Sác kéo nhau ra cửa khẩu nói lý.

“Dân Nà Sác này nghèo, nhưng không sợ Trung Quốc đâu”, ông đứng dưới sân nhà, vốn là mặt ruộng chỉ về phía đường biên. Từ cái sân đất nhà ông nhìn lên, một hàng rào biên giới được phía Trung Quốc dựng lên. Cái hàng rào dây thép gai màu xanh lơ, cao quá đầu. Người ta cố sơn xanh khối thép ấy, nhưng vẫn khác hẳn màu xanh của cỏ cây nơi biên giới.

CT-C

Bốn mươi năm, bao nhiêu trận lũ sông Bằng vẫn không cuốn trôi được khối bê tông nằm ngay dưới chân cầu Bằng Giang mới. Một phần trụ cầu cũ bị đánh sập vẫn nằm đó. Dàn đèn ngũ sắc trên cầu Bằng Giang mới là điểm nhấn của toàn thị xã này về đêm. Ông Hồ Tuấn mở một quán nhậu chân gà nướng, ngay bên cây chân cầu ấy.

Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Uyên cách Khau Chỉa chưa đầy chục cây số, ông Hồ Tuấn đôi khi rẽ vào thắp hương cho đồng đội. 406 ngôi mộ nằm ở đây, có 250 mộ liệt sĩ Trung đoàn 567. Họ đều hy sinh tháng Hai năm 1979. Nhiều liệt sĩ nằm lại nghĩa trang các đồn biên phòng, các huyện biên giới từ Pa Nậm Cúm đến Pò Hèn đều có chung ngày giỗ. Nhiều ngôi mộ ở Vị Xuyên, Hà Giang thì mới hơn, từ 1984 đến 1989.

Người Cao Bằng như họ ít nhắc những đau buồn của cuộc chiến. Ký ức sẵn trong đầu, ai hỏi thì họ kể.

Những người sống ở đường biên này, không quên ngày hôm qua nhưng vẫn nhận thức được ngày hôm nay; nhớ như in thời chiến nhưng biết trân trọng thời bình; và cùng một gương mặt, họ luôn biết khi nào coi là thù, lúc nào, cần là bạn.

Bài: Thanh Lam, Hoàng Phương
Ảnh: Trần Mạnh Thường, Ngọc Thành
Đồ họa: Tiến Thành

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979

https://tuoitre.vn/40-nam-cuoc-chien-ve-quoc-1979-ky-1-bo-cay-but-cam-cay-sung-20190212092915431.htm – 12/02/2019

Kỳ 1: Bỏ cây bút cầm cây súng

TTO – 17-18 tuổi, tình nguyện gác việc học hành, bỏ lại cây bút cùng giảng đường để cầm súng xung phong lên biên giới phía Bắc. Rất nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại trên dặm dài biên cương.

Sáng sớm ngày 17-2-1979, 600.000 quân Trung Quốc bất ngờ tràn qua Việt Nam đồng loạt tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc, tàn sát người dân vô tội. Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước bảo vệ Tổ quốc.

Hàng ngàn sinh viên và giảng viên các trường đại học xung phong ra trận…

Ngày 9-3, Trung Quốc lui quân, nhưng thực tế cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài từ tháng 2-1979 cho đến tận năm 1988.

Trong 10 năm đó, những sinh viên học sinh 17-18 tuổi tình nguyện gác việc học hành, bỏ lại cây bút cùng giảng đường để cầm súng xung phong lên biên giới. Rất nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại trên dặm dài biên cương Tổ quốc.

Viết đơn bằng máu

Chúng tôi tìm đến phòng truyền thống của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) vào những ngày cuối năm Mậu Tuất.

Phong truyen thong
Một góc phòng truyền thống của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN, trưng bày bức huyết thư của thầy giáo Nguyễn Chiều, nguyên giảng viên khoa Khảo cổ học của trường – Ảnh: Hà Thanh

Dưới tấm bia “Tổ quốc ghi công” là tên tuổi 27 liệt sĩ sinh viên, giảng viên của trường và một lá thư đặc biệt được lồng trong tủ kính.

Bức thư ghi dòng chữ: “Cho tôi trở lại quân đội bảo vệ Tổ Quốc”, phía dưới ký tên Nguyễn Chiều, Sử 3Đ. Dòng chữ đó được viết bằng máu (người viết sau này là thầy giáo Nguyễn Chiều, giảng viên khảo cổ học khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau là Trường ĐH KHXH&NV).

Ngày ấy thầy Chiều vừa giải ngũ và đang theo năm thứ ba của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1972, đang theo học năm thứ nhất thì chàng sinh viên Nguyễn Chiều tình nguyện nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Đất nước thống nhất, năm 1976 ông ra quân và trở về trường tiếp tục theo học khoa sử.

Ngày 5-3-1979, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lệnh tổng động viên:

“Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa.

Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ…

Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”.

Lời kêu gọi được Trường ĐH Tổng hợp phổ biến toàn trường. Nghe phát động của trường, chàng sinh viên năm thứ 3 Nguyễn Chiều liền chạy vào lớp lấy giấy, cắn tay cho bật máu để viết dòng huyết thư như trên.

Cử nhân cầm súng

Sắp sửa bước sang tuổi 60, ông Nguyễn Hùng Minh, hiện là vụ trưởng Vụ Thi đua–Khen thưởng của Bộ Tài chính, nhớ rất rõ ký ức những năm tháng chiến đấu trên mặt trận biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên cũ (nay là Hà Giang).

Năm 1982, chàng trai trẻ Nguyễn Hùng Minh tốt nghiệp khoa kinh tế ngoại thương Trường ĐH Ngoại thương. Thay vì đi làm, Minh viết đơn tình nguyện tham gia quân đội để lên biên giới. Không chỉ có Minh, khi ấy cả Trường ĐH Ngoại thương có 31 sinh viên cùng viết đơn và cùng được nhập ngũ một ngày.

Ngày chia tay bạn bè, người thân ở ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) để lên biên giới, tất cả các sinh viên đều háo hức dù chưa từng biết đến chiến đấu, cũng không hề biết mình sẽ được đưa về mặt trận nào. Nhưng tất cả cùng chung một quyết tâm chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi huấn luyện thời gian ngắn ở Lào Cai, Nguyễn Hùng Minh được phân về đại đội 3, tiểu đoàn 4, trung đoàn 153, sư đoàn 356 và cơ động từ Lào Cai sang Hà Tuyên cũ đến điểm nóng Vị Xuyên, “nơi tiếng pháo ì ầm suốt ngày đêm”.

“Tôi làm đúng như lời hứa với mẹ, bạn bè khi trở về từ chiến tranh với hai hồ sơ: hồ sơ quân nhân và hồ sơ đảng viên. Sau khi bị thương, nằm viện hai tháng ở mặt trận Vị Xuyên, tôi được kết nạp vào Đảng năm 1985” – cựu binh Nguyễn Hùng Minh nhớ lại.

Tướng lĩnh xuất thân sinh viên, giảng viên

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, nhớ lại: “Tháng 8-1978, do yêu cầu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, lúc bấy giờ khoa ngữ văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội) động viên sinh viên nhập ngũ.

Tôi đăng ký ghi tên, đi khám sức khỏe. Lớp ngữ văn có ba người đi khám thì chỉ mình tôi đủ sức khỏe. Đến ngày 17-8-1978, tôi chính thức nhập ngũ và được phân về trung đoàn 977, sư đoàn 31, Quân đoàn 3, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Khi nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2-1979), đơn vị của Nguyễn Xuân Năng cũng được lệnh cấp tốc cơ động từ chiến trường Campuchia lên mặt trận biên giới phía Bắc. Năm 1981, tướng Năng trở về trường học nốt hai năm ngữ văn rồi tốt nghiệp đại học và được điều động về Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng). Năm 2008, ông được cấp trên điều động về làm phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Thiếu tướng anh hùng Lê Mã Lương, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 568, sư đoàn 328, chỉ huy tuyến phòng ngự ngã ba Thanh Thủy (Vị Xuyên), nhớ lại:

“Tháng 10-1978, khi tôi đang là thiếu tá, giáo viên khoa công tác Đảng – công tác chính trị của Học viện Chính trị quân sự thì Bộ tổng tham mưu điều động tôi chỉ huy 500 sinh viên quân sự rải từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Lai Châu.

Ngày 14-2-1979, Bộ Quốc phòng phân công tôi cùng bốn sĩ quan đi làm nhiệm vụ “đốc chiến” ở Lạng Sơn cùng với sư đoàn 312 – sư đoàn chủ lực, cơ động đầu tiên của quân đội ta bước vào cuộc chiến biên giới phía Bắc”.

Kỳ 2: Cái chết của người sinh viên năm nhất

TTO – ‘Trốn’ lên biên giới, vừa làm quen đồng đội, chưa kịp nhận quân phục, Phạm Quang Thành, sinh viên năm thứ nhất khoa toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, đã chết với cây súng trên tay và bộ quần áo sinh viên trên người.

Tháng 2-1980, tức một năm sau cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, khi làm thống kê chính trị cho tiểu đoàn 1, trung đoàn 2, sư đoàn bộ binh 3 (Quân đoàn 14), sĩ quan Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là tiến sĩ, giảng viên Trường đại học Phương Đông) chú ý đến các di vật của sinh viên tên Phạm Quang Thành.

Đơn chiến đấu

Đó là vài bức ảnh, mấy lá thư của người yêu và đặc biệt là lá đơn viết tay ngày 19-2-1979. Nội dung lá đơn như sau:

“Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam.

Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tôi xin trình bày một việc sau đây: Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng 17-2-1979 bọn phản động Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt.

Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu.

Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc nào.

Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình.

Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại, tôi càng tự hào bao nhiêu thì càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng.

Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó…”

Đơn được viết tại Hà Nội, ngày 19-2-1979.

Mặt sau lá đơn có dòng chữ: “Hi sinh anh dũng ngày 22-2-1979 tại đồi Thâm Mô, phía nam Đồng Đăng” – đó là chữ của anh Nguyễn Đình Loan, chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 1.

Đơn viết ngày 19-2-1979, tức chỉ ngày thứ hai sau khi Trung Quốc tấn công.

Con người dũng cảm

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nói:

“Nhìn ảnh chụp có ghi lớp dự bị A-1978 Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và thẻ thương binh loại 1, tôi đoán Thành đi chống Mỹ, bị thương, vào lớp dự bị xong đợi có kỳ thi mới vô chính thức. Đã là thương binh loại 1, lại đang là sinh viên một trường đại học danh giá lại còn tình nguyện đi chiến đấu.

Thành đã là thương binh nên rất khó xin đi chiến đấu. Vì vậy anh ấy mới viết đơn rồi quyết tâm từ Hà Nội lên thẳng Lạng Sơn, ra chiến trường tìm đến đơn vị nào đó xin vào để được chiến đấu.

Đó là người rất can đảm. Tôi đoán khi lên đến Lạng Sơn, Thành đã phải đi bộ ít nhất 17km mới đến được đồn Thâm Mô – nơi đơn vị tôi đang đóng quân để xin được vào chiến đấu.”

Nguyen Manh Hung
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Ảnh: My Lăng

Sự dũng cảm đặc biệt của người thanh niên ấy đã khiến ông Nguyễn Mạnh Hùng – cũng là một người lính trận – đau đáu, trăn trở.

Theo những thông tin còn lưu giữ, Phạm Quang Thành ở đại đội bộ binh 3, tiểu đoàn 1. Đó là đại đội bộ binh chiến đấu rất giỏi vì đại đội trưởng, trung đội trưởng đều trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh chiến đấu.

Ông Hùng tìm gặp người chỉ huy và những đồng đội còn sống trong đại đội 3 để nghe câu chuyện về Thành. Đồng đội kể tối 21-2, đơn vị đang chiến đấu ở đồn Thâm Mô thuộc huyện Văn Lãng, phía nam Đồng Đăng thì thấy một thanh niên mặc thường phục. Thời chiến, thấy người lạ đi đúng vào chỗ mình đang chiến đấu nên anh em bộ đội bắt giữ lại đưa đến gặp chỉ huy.

Anh ấy nói mình là sinh viên, muốn nộp đơn xin tham gia chiến đấu và trình cả thẻ thương binh, thẻ sinh viên. Lúc đó thật giả lẫn lộn nên anh em bộ đội cảnh giác vì sợ Hán gian trà trộn vào. Nhưng khi xem các giấy tờ và nhìn dáng vẻ của Thành, chỉ huy đơn vị liền đưa súng cho Thành và nói: “Vậy cậu hãy chiến đấu cùng chúng tôi!”.

Khi đó ở đồi Thâm Mô, tiểu đoàn 1 đã kiên cường chiến đấu chống lại hỏa lực quá mạnh của Trung Quốc xâm lược suốt từ ngày 17-2. Đến rạng sáng 22-2, đơn vị tổ chức phản công giành lại đồi Thâm Mô, đồi Chậu Cảnh. Đó là một trận chiến rất ác liệt. Đại đội 3 hi sinh và bị thương nhiều nhất so với các đại đội khác trong tiểu đoàn 1.

Gặp nhau mới chập choạng tối hôm trước, đến sáng hôm sau trở về sau cuộc chiến khốc liệt, đồng đội không thấy Thành đâu nữa… Anh đã hi sinh chỉ sau mấy tiếng đồng hồ làm quen với đồng đội. Đơn vị còn chưa kịp cấp quân phục. Thành chết với cây súng trên tay và bộ quần áo sinh viên trên người.

“Thành hi sinh, không có giấy báo tử gửi về nhà. Tôi bảo mình phải nỗ lực làm hồ sơ mau chóng xác nhận liệt sĩ cho Thành. Thành hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh như bao liệt sĩ khác đã ngã xuống” – tiến sĩ Hùng bồi hồi nhớ lại.

Ông cất công về trường nơi liệt sĩ Thành học tìm chủ nhiệm khoa, rồi tìm gặp các chỉ huy đại đội 3, nhờ họ xác nhận để hoàn chỉnh hồ sơ, lập báo cáo gửi Ban chính sách Trung đoàn 2 đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Thành.

Mười tháng sau, vào một ngày rét buốt, gia đình nhận giấy báo tử của liệt sĩ Phạm Quang Thành. Giấy báo tử do trung đoàn 2 ký ngày 16-12-1980. Anh được công nhận liệt sĩ và được truy tặng Huân chương Chiến công hạng 3. Trong giấy báo tử, Thành được công nhận là hạ sĩ của đại đội 3, tiểu đoàn 1 với ngày tái ngũ là 19-2-1979.

Đó là ngày anh viết đơn ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội) trong lúc chờ tàu đến lên Lạng Sơn…

“Em là thanh niên, không thể ngồi yên”

Đầu tháng 2-2019, ông Phạm Quang Lập (71 tuổi, hiện ở huyện Vũ Thư, Thái Bình, anh trai liệt sĩ Phạm Quang Thành) cho biết tháng 2-1979, anh Thành là sinh viên năm nhất khoa toán, còn ông Lập khi đó đang học năm tư khoa văn.

Ông Lập kể: “Sáng 19-2-1979, trường phát động mittinh phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Thành gọi tôi đi uống nước rồi nói: “Mai em đi chơi xa mấy ngày, anh ở nhà cứ ăn cơm trước, đừng đợi em”.

Ngày hôm sau tôi mở hòm gỗ ra mới thấy một lá thư viết ngắn gọn thế này: “Em là thanh niên, Tổ quốc đang lâm nguy, em không thể ngồi yên nhìn quân Trung Quốc xâm lược giày xéo đất nước mình nên em nguyện ra đi chiến đấu. Anh ở nhà chăm sóc bố mẹ”.

Kỳ 3: Khi tiếng súng vang lên

TTO – 5h sáng 17-2-1979, Chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra trong tâm thế hoàn toàn chủ động của quân bành trướng Trung Quốc và trong sự sửng sốt, ngỡ ngàng của quân dân Việt Nam!

thieu nhi Cao Bang1
Thiếu nhi Cao Bằng tiếp đạn cho bộ đội tháng 2-1979

4h sáng mùa đông ngày 17-2-1979. Dân ở bản Cô Ca, giáp biên của xã Bảo Lâm (Lạng Sơn), nhìn thấy hai phát pháo sáng từ bên kia biên giới bắn sang.

Buổi sáng 17-2 ở bản Cô Ca

“Sau này chúng tôi mới biết đó là pháo hiệu của quân Trung Quốc khi tấn công mình” – trung sĩ Chu Văn Thủy, năm nay 65 tuổi, hiện sống ở Bắc Giang, nói. Khi đó, trung sĩ Thủy là trinh sát của sư đoàn 3 (thuộc Quân khu 5), đang đóng chốt ở cột mốc 20 thuộc bản Cô Ca thì chiến sự bất ngờ xảy ra.

5h sáng, quân bành trướng Trung Quốc bắn pháo tấn công dồn dập vào các điểm cao 805, 811, bản Quốc Toóng và bản Cô Ca, nơi đơn vị trung sĩ Thủy đang đóng quân. Trung sĩ Thủy cùng đồng đội là những người lính đầu tiên chứng kiến cảnh quân Trung Quốc tràn sang Việt Nam sáng 17-2-1979.

Chiến tranh biên giới phía Bắc đã diễn ra, trong tâm thế hoàn toàn chủ động của quân bành trướng Trung Quốc và trong sự sửng sốt, ngỡ ngàng của quân dân Việt Nam!

“Toàn đơn vị được lệnh lên khu vực chiến đấu ngay – ông Thủy nhớ lại – Chúng tôi triển khai đội hình lên chốt nhưng quân Trung Quốc bắn chặn dồn dập hai bên đầu bản bằng cối và đại liên. Chúng tôi chỉ có hai trung đội. Chính trị viên Nhâm phân công một nhóm sang điểm cao 600 phía tay phải của bản Cô Ca”.

Khi nhóm của trung sĩ Thủy lên đó thì phát hiện lính Trung Quốc đang rồng rắn tiến qua, hướng lên điểm cao 805 và 811. Từ sáng đến trưa, địch dồn dập dùng hỏa lực bắn vào hai điểm cao 811 và 805. Ở hai điểm cao này chỉ có một ít trinh sát của Việt Nam. Khoảng 13h30 ngày 17-2-1979, địch chiếm được điểm cao. Đạn AK không thể đấu lại với hỏa lực pháo cối dày chít như mưa của địch.

“Đến 23h đêm ngày thứ tư, sư đoàn lệnh cho chúng tôi rút về thị xã Lạng Sơn. Các điểm cao Trung Quốc lấy hết rồi. Các đường mòn địch cũng đã chiếm. Con đường duy nhất lúc đó là… đi qua khe núi giữa hai điểm cao 805 và 811 địch đã làm chủ.

Chính trị viên Nhâm bảo bằng mọi giá chúng tôi phải lợi dụng đêm tối đưa dân theo con đường đó về thị xã Lạng Sơn. Nhưng chưa kịp đến Lạng Sơn thì anh đã hi sinh.

Máu thấm biên ải

“Khi nộp đơn xung phong lên biên giới, chúng tôi – những chàng trai mười tám, đôi mươi – không thể hình dung cuộc chiến lại cam go, ác liệt đến thế. Trời biên giới thì mưa mù, rét thấu xương nhưng anh em cũng chỉ phong phanh manh áo mỏng. Ăn uống cực kỳ kham khổ nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu và tin chắc sẽ có ngày im tiếng súng…” – nhạc sĩ Trương Quý Hải, một sinh viên bỏ giảng đường, xung phong ra chiến trường, cựu binh sư đoàn 356 chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên những năm 1985-1986, nhớ lại.

Người nhạc sĩ tài hoa kể tiếp: “Có những trận đánh vô cùng ác liệt, hàng trăm đồng đội ở sư đoàn 356 chúng tôi đã ngã xuống. Tôi và đồng đội đã tẩm liệm cho các anh. Cũng có rất nhiều liệt sĩ khi hi sinh mà chẳng có thông tin gì. Quy định của đơn vị là mỗi người lính trước một trận đánh đều được phát giấy, bút để ghi thông tin cá nhân, nhưng khi tìm thấy thi thể, nhiều người chỉ để giấy trắng”.

23 tuổi cầm súng ra trận, ông Nguyễn Hùng Minh (cựu chiến binh trung đoàn 153, sư đoàn 356) nhớ lại: “Cứ 5h sáng, pháo từ phía Trung Quốc lại bắn sang dữ dội. Bọn mình nằm chốt suốt nên quen cả quy luật bắn của chúng. Pháo địch bắn xa thì ta yên tâm chuẩn bị, nhưng pháo bắn gần, bắn đến đỉnh chốt và trườn xuống thì chúng tôi biết địch bắt đầu ào sang. Kinh nghiệm là thế nhưng có những trận pháo địch bắn như “đan quạt”, bắn từ xa đến gần thì việc bị dính đạn pháo rất khó tránh khỏi.

Lính hi sinh bởi đạn pháo khá nhiều. Mảnh đạn pháo của Trung Quốc rất độc. Trên trận địa mình từng chứng kiến nhiều chiến sĩ bị thương vì pháo, miệng cắn cành cây để đồng đội cưa sống chân, tay để chống hoại tử…”

Những ngọn đồi ác liệt

Trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc, ở mặt trận Lạng Sơn, đồi Chậu Cảnh và Không Tên cũng là cái tên gắn với trận đánh nổi tiếng. Chậu Cảnh là cụm đồi gồm 3 mỏm (A, B, C), cách thị xã Lạng Sơn khoảng 10km. Phía tây là đồi Không Tên. Gần đó là cao điểm 611, 811, 409.

“Đồi Chậu Cảnh là do bộ đội mình gọi chứ người dân không biết. Trong bản đồ cũng không có” – đại tá Đỗ Ngọc Ngòi, cựu chiến binh sư đoàn 3, cho biết.

Đại tá Ngòi kể: “Ngay từ đêm 16-2-1979, Trung Quốc đã cho quân vượt biên giới. Đồi Chậu Cảnh, đồi Không Tên chỉ cách chúng hơn một giờ đi bộ. 5h sáng 17-2, quân Trung Quốc đã có một tiểu đoàn ở đấy rồi. Lúc đó, bộ đội mình đang ở cách chốt khoảng 2km, chuẩn bị trồng sắn. Khi mình lên chúng đã chiếm chốt”.

“Ở đồi Chậu Cảnh, quân Trung Quốc đánh tiểu đoàn 2 (trung đoàn 2 – sư đoàn 3) bật khỏi trận địa. Vì chúng tập kích bất ngờ nên tiểu đoàn 2 hi sinh rất lớn, khoảng 200 người, trong đó có ba đại đội trưởng! Bây giờ mà cứ nhắc đến đồi Chậu Cảnh, đồi Không Tên là nhắc lại nỗi đau vì rất nhiều đồng đội chúng tôi đã nằm lại ở đây” – đại tá Ngòi nói.

Trong hai ngày 17 và 18-2, tiểu đoàn 2 rất nhiều lần phản kích nhưng không thành công. Sang ngày 19-2, tiểu đoàn 2 gần như bị xóa sổ! Những người còn sót lại phải rút về đồi Không Tên.

“Trận chiến ở đồi Không Tên cũng rất ác liệt. Quân số địch đông hơn mình nhiều. Vũ khí của địch 10 thì mình chỉ có 2! Chúng dùng toàn xe tăng. Anh Lê Đình Tươi, xạ thủ B40, thật sự là một anh hùng. Anh ấy bắn cháy ba xe tăng địch thì hi sinh. Chúng tôi chiến đấu khoảng bốn ngày thì không còn quân nữa. Hai trung đội của đại đội 5 bị xóa sổ” – cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoàn (lính đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 2) kể.

“Quân Trung Quốc đông như kiến”

Ông Hoàng Bá Thế, lính sư đoàn 3, nhớ lại: “Quân bành trướng Trung Quốc tràn lên như kiến, nhiều vô kể”.

Còn ông Nguyễn Thanh Hoàn cho hay: “Mình chỉ chống đỡ vì không chuẩn bị trước do quá bất ngờ. Mũi của trung đội 1, trung đội 2 thọc sâu bị thương vong, mất mát rất nhiều. Đại đội trưởng đại đội 5 Đồng Xuân Sinh hi sinh ngay buổi sáng! Chính trị viên Nguyễn Văn Hải cũng hi sinh ở trận đầu tiên”.

Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979

https://viettimes.vn/du-luan-trung-quoc-ve-chien-tranh-thang-2-nam-1979-mot-cuoc-chien-vo-nghia-trai-dao-ly-va-tham-bai-phan-1-315502.html

Thu Thủy / 13/2/2019

Phần 1: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại

VietTimes — Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày 17.2.1979, Trung Quốc huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn chủ lực với sự yểm trợ của hàng nghìn xe tăng, trọng pháo ồ ạt mở cuộc tiến công xâm lược vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Chính quyền Bắc Kinh khi đó nói, họ tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” để đáp trả “những hành động khiêu khích chống Trung Quốc của Việt Nam”, “chi viện cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia”… Rằng, họ đã giành chiến thắng và cuộc chiến “phản kích tự vệ” đó đã đạt được mục đích đề ra” v.v. và v.v.. Tuy nhiên, sau 40 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc hiểu biết, tôn trọng lẽ phải, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm phản bác lại những điều mà họ từng ngộ nhận; công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của “cuộc chiến tranh vô nghĩa” trái đạo lý ấy…

“Một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”

Dưới tiêu đề “Cựu binh tham chiến vạch ra 11 vấn đề bên trong của Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, diễn đàn Cường quốc của báo điện tử “Nhân dân Nhật báo” (bbs1.people.com.cn) ngày 13.7.2016 đăng hình ảnh cô nữ du kích người Tày súng trong tay đang dẫn giải toán tù binh Trung Quốc kèm theo chú thích: “Nữ binh Việt Nam giám sát các binh lính Trung Quốc bị bắt trong Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam năm 1979; mà đó là cả một đại đội đầu hàng tập thể”.

nu dan quan Cao Bang
Nữ dân quân Cao Bằng dẫn giải tù binh Trung Quốc

Dưới bức ảnh, tác giả viết: “Vào tết Thanh Minh năm nay, có cựu binh từng tham gia cuộc Chiến tranh Trung–Việt năm 1979 đã bằng những điều bản thân trải qua, lật tẩy 11 vấn đề bên trong cuộc chiến đang được yêu cầu phải quên đi ấy. Rất nhiều người lại nêu ra: tính mạng các binh sĩ chỉ có giá tiền ngang một con lợn liệu có đáng phải tham gia cuộc chiến tranh đó? Vì sao Trung Quốc đem tiền đi viện trợ nước khác ở khắp nơi mà không có những người bạn thực sự?

Trên Diễn đàn mạng Thiên Nhai (Chân trời, “Tianya.cn”) có đăng bài viết của tác giả lấy nick là “Shuqinghaigui” là biên tập viên của một tòa soạn báo, từng tham gia cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Người này cho biết ông 16 tuổi vào lính, 19 tuổi bị thương trở thành quân nhân tàn phế, nhiều năm nay đã viết bài và đi khắp nơi đói quyền lợi hợp pháp cho các lính bị thương khi xưa.

Cựu binh này viết với giọng thương cảm: “Chúng tôi đã tuổi quá ngũ tuần, đang già đi, một số chiến hữu bắt đầu nhớ lại cuộc chiến tranh mình đã trải qua năm xưa, cũng tức là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Cùng với thời gian qua đi, nay nhớ lại những hiện tượng kỳ quái khi đó, bỗng rút ra những kết luận mà chính bản thân cũng cảm thấy lạ lẫm”.

Nghia trang liet si TQ B
Nghĩa địa lính Trung Quốc chết trong Chiến tranh tháng 2.1979 tại huyện Malipho, Vân Nam (Ảnh tư liệu TQ)

Cựu binh này ý thức được rằng, khi mô tả liên quan đến cuộc chiến tranh sinh tử, mọi người thường thích nói quá lên. Mỗi khi đọc những bài viết kể lại cuộc chiến đó đều cảm thấy rất nhiều điều không đúng thực tế, đều tự mình thấy mình là người tự thân trải qua cuộc chiến, cần phải đứng ra nói vài điều, sửa đổi tận gốc. Ông bày tỏ, tuy ông không có quyền uy, nhưng những điều ông nói đều là sự trải nghiệm, cảm nhận hoặc khảo chứng chân thực về cuộc chiến tranh ấy.

Tác giả này viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam là một cuộc chiến có vấn đề nghiêm trọng về cả hoạch định lẫn chỉ huy, cần phải nhìn nhận lại… Cuộc chiến đó thương vong quá nhiều. Quân đội ta [tức Trung Quốc] không thể hiện được ưu thế về trang bị và chiến thuật; hệ thống hậu cần và tiếp tế hỗn loạn, thiếu sự hiệp đồng giữa bộ binh – xe tăng và mặt đất – trên không, không quân và tên lửa chiến lược không tham chiến. Vũ khí nhẹ quân lính sử dụng quá cũ, không thực hiện được áp chế hỏa lực…

Sĩ quan chỉ huy chiến trường hầu như không biết tác chiến hiệp đồng binh chủng, bộ thống soái cao nhất thì chiến lược hỗn loạn. Chiến tranh không đạt được mục đích “trừng phạt Việt Nam, phá hủy tiềm lực và tài nguyên, sát thương quân chủ lực và phá hoại chiến lược quân sự”, cũng không đạt mục tiêu chiến lược chính trị “làm Việt Nam tan rã, giúp chính phủ mới thân Hoa lên cầm quyền”. Tuy nhiên mục tiêu chính trị quan trọng trong nước là giải quyết vấn đề nắm quyền chỉ huy quân đội thì đã được giải quyết thuận lợi”.

Tác giả “Shuqinghaigui” nêu lên “11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ”, bao gồm:

  1. Về nguyên nhân gây chiến tranh, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, chính thức và khiến người ta tin phục. Thậm chí tướng Trương Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến/Tổng bộ Tham mưu (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) cũng thừa nhận trong hai cuốn sách của ông “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục”: về nguyên nhân của cuộc chiến tranh ấy, ngay Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao phải tiến hành.
  2. Mục đích chiến lược cơ bản không đạt được. Trong cuộc chiến tranh đó, chúng ta chiếm ưu thế tuyệt đối cả về binh lực lẫn hỏa lực, nhưng chúng ta không đạt được mục đích chiến lược là tiêu diệt 2 sư đoàn chủ lực 316A và 316B của Việt Nam.
  3. Trang bị tiên tiến chỉ để trưng bày. Khi đó ta có các trang bị hiện đại máy bay, xe tăng, tên lửa, nhưng do những người chỉ huy không biết tác chiến hiệp đồng nên các trang bị đó trở thành đồ trang trí. Vốn ra một chiếc máy bay có thể giải quyết được vấn đề phong tỏa, nhưng phải dùng đến cả trung đoàn bộ binh, đi ngược lại quan niệm giá trị trong chiến tranh.
  4. Bảo đảm hậu cần cực kỳ kém cỏi. Tôi [tác giả] bị thương ngày 19.2, nhưng mãi tới ngày 27.2 mới được chữa chạy bài bản, trong suốt thời gian đó chỉ được cho uống 1 viên Sulfonamide tác dụng chậm khiến vết thương nhiễm trùng, buộc phải tháo bỏ ngón chân cái ở chân trái. Nhiều thương binh do chưa được học cách sơ cứu đơn giản đã bị đưa ra chiến trường nên sau khi bị thương vì mìn, không biết cách cầm máu đã bị chết vì chảy kiệt máu. Một thương binh trước khi chết còn nắm tay tôi chửi rủa “Bọn quân y chó má, chết mẹ chúng nó đi!”
  5. Tấn công không có bài bản. Vừa khai chiến, bộ đội đã ào ạt kéo lên. Khi tôi [tác giả] ở điểm cao 796, nhìn xa nhìn gần, khắp mặt đất toàn là lính ta. Khi đó tôi đã phẫn nộ nói với Tham mưu trưởng: “Vào trong xóm tìm một đứa trẻ cũng không chỉ huy tồi như thế”. Một quả pháo, một loạt đạn của đối phương cũng quét sạch cả một mảng lớn lính ta.
  6. Pháo nhỏ bắn bừa, pháo lớn thì hạn chế. Hỏa lực pháo đi kèm bắn không hạn chế đạn, các loại trọng pháo 152 ly và 130 ly thì đều hạn chế, có lúc phải được Tổng bộ tham mưu phê chuẩn mới được bắn, nhưng lính thì tung không hạn chế.
  7. Hiện tượng tự thương trên chiến trường liên tiếp xảy ra. Để trốn tránh đi đánh nhau, một số binh lính sau khi vượt biên “đánh kẻ xâm lược” đã tự bắn vào chân mình.
  8. Mức tiền trợ cấp cho người bị thương vẫn là tiêu chuẩn thời Chiến tranh giải phóng (tức trước khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949). Chính sách chúng ta đề ra đã quá lạc hậu. Sau khi bị thương, tôi chỉ được cấp 15 tệ [Nhân dân tệ] tiền thương tật, đó là tiêu chuẩn thời Chiến dịch Hoài Hải [nội chiến với Tưởng Giới Thạch trước 1949]; chỉ bằng 1/100.000 mức tiêu chuẩn của Anh, Mỹ cùng thời kỳ, trong khi lúc đó GDP của Trung Quốc cũng không chênh lệch với các nước này lớn đến mức ấy.
  9. Tiền tuất cho lính tử trận chỉ tương đương giá một con lợn. Khi đó mỗi liệt sĩ chỉ được 300 tệ tiền tuất, đúng bằng giá một con lợn. [1 Nhân dân tệ hiện nay tương đương 3.500 VND]
  10. Tiền cho lính bị thương xuất ngũ còn thê thảm hơn. Sau khi tôi (tác giả) bị thương xuất ngũ, hơn chục năm đầu mỗi năm chỉ được nhận 30 tệ tiền xương máu. Năm 2010 sau 31 năm bị thương mới nhận được quà úy lạo của chính phủ. Đêm hôm đó, tôi nắm cái quà kỉ niệm ấy (cũng trị giá 300 tệ), một mình ngồi uống rượu; uống mãi, uống mãi, nước mắt chảy giàn giụa. Hơn 30 năm rồi, những cựu binh chúng tôi nhiều người vẫn chưa có nhà ở, chưa lấy được vợ!
  11. Những sách ghi chép chân thực về cuộc chiến tranh ấy không thể xuất bản được. Năm 2010, tôi [tác giả] căn cứ vào những gì mình đã trải qua viết được hai cuốn sách “Ghi chép của một thương binh chiến tranh Việt Nam” và “Thực sắc”, đăng lên mạng, gây bùng nổ khắp nước. Nhưng cuốn đầu được thông báo là “không thể xuất bản”. Sách về “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” không được kích động quá, chỉ được gọi là “Xung đột vũ trang cục bộ ở phía Nam”. Một cuộc chiến tranh làm đổ máu mấy chục vạn người mà không cho nói đến như thế, trong tương lai ai sẽ đi đánh nhau cho các người đây?

Cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” năm 1979, rất nhiều binh sĩ Trung Quốc đã trở thành vật hy sinh. Họ chết vì cái gì?”

11 vấn đề được người cựu binh đó nêu lên gây cộng hưởng trong cộng đồng mạng. Có cư dân mạng nêu lên quan điểm của bản thân về cuộc chiến tranh đó: cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” khiến mấy vạn người đổ máu hy sinh đó, về đối ngoại là để giải cứu “người anh em Khmer Đỏ”, về đối nội là để Đặng Tiểu Bình nắm quyền chỉ huy quân đội và thiết lập uy quyền.

Cũng có cư dân mạng đưa ra lời cảnh báo: đất nước này có đáng để anh đi liều mạng hay không? Liều mạng mà không được thừa nhận, sinh mạng chỉ đáng giá tiền một con lợn, chỉ dám ở đây oán trách, không cẩn thận sẽ bị đàn áp, bắt giam.

Cũng có người nêu lên điều đáng phải suy nghĩ: vì sao Trung Quốc viện trợ nước khác khắp nơi nhưng lại rất ít bạn bè?…”

Phần 2: “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất”

VietTimes — Diễn đàn Cường quốc của Nhân dân Nhật báo điện tử, cùng ngày 13.7.2016 đã đăng lại một bài viết được đăng tải trên trang web “China50plus.com” và lưu hành rộng rãi trên mạng với nhan đề “Một cuộc chiến tranh hèn nhát, bất lực và kém cỏi nhất”, cho rằng “sự thê thảm, ác liệt của cuộc chiến tranh khiến người ta kinh sợ”. Nhưng điều khiến người ta phẫn uất nhất là hàng mấy vạn binh lính Trung Quốc đang tuổi thanh xuân phơi phới đã phải chết thảm trong cuộc chiến tranh giống như trò chơi ấy.

Gây chiến tranh để dạy dỗ Việt Nam

Bài viết cho rằng, sau năm 1949, Trung Quốc đã tiến hành 4 cuộc chiến tranh với bên ngoài là Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh biên giới Trung – Ấn, Chiến tranh biên giới Trung – Xô và “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” – Thì “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là cuộc chiến đánh kém cỏi, bất lực nhất.

Tác giả viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là cuộc chiến tranh phát động nhằm vào Việt Nam, do Đặng Tiểu Bình chủ trì, ép buộc người lãnh đạo khi đó là Hoa Quốc Phong phải đồng ý tiến hành. Mục đích quân sự của cuộc chiến tranh đó là viện trợ chính quyền Khmer Đỏ ở Campuchia, buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Mục đích chính trị là dạy cho chính phủ Việt Nam thân Liên Xô một bài học. Đặng Tiểu Bình khi đó đang là Phó chủ tịch Quân ủy cũng có mục đích riêng của mình, đó là kiểm tra xem liệu mình có thể huy động quân đội được hay không, vì ông ta đã quyết định sẽ thay thế Hoa Quốc Phong, trở thành người lãnh đạo tối cao. Quân đội chỉ được sử dụng để “bảo gia vệ quốc”. Tôi phản đối dùng tính mạng, xương máu của binh sĩ để đạt được bất cứ mục đích nào khác. Đây là cuộc chiến hèn nhát, bất lực, kém cỏi nhất kể từ sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa!

Tôi nói với bạn bè, về ngoại giao, điều kỵ nhất là bộc lộ nanh vuốt, khẩu xuất cuồng ngôn. Có những điều chỉ được làm chứ không được nói, nói cũng phải khéo léo để được lòng người. Ông Đặng Tiểu Bình cuối năm 1978 đi thăm Mỹ đã thông báo với Nhà Trắng và lãnh đạo quốc hội Mỹ: Trung Quốc sẽ “dạy dỗ” Việt Nam. Đầu tháng 2.1979 sang thăm Nhật cũng thông báo với giới lãnh đạo cấp cao Nhật như thế. Chiến tranh còn chưa diễn ra, thuyết “Trung Quốc dạy cho Việt Nam bài học” đã gây phản ứng mạnh mẽ ở Mỹ và các nước phương Tây. Vì đây là giọng điệu của kẻ mạnh với người yếu, cha mẹ với con cái, đưa vào trong quan hệ quốc gia với quốc gia rõ ràng là thể hiện chủ nghĩa bá quyền ỷ mạnh bắt nạt yếu.

Ngày 7.12.1978, Quân ủy Trung ương họp, bổ nhiệm Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Quân khu Quảng Châu làm Tổng chỉ huy cánh quân Quảng Tây ở phía Đông, dưới quyền có 5 quân đoàn chủ lực, 3 sư đoàn pháo binh. Điều động Dương Đắc Chí, Tư lệnh Quân khu Vũ Hán đảo chỗ cho Vương Tất Thành, về làm Tư lệnh Quân khu Côn Minh, Tổng chỉ huy cánh quân Vân Nam phía Tây, nắm 4 quân đoàn chủ lực. Toàn bộ binh lực tiền phương tới 56 vạn quân, huy động hơn 1 triệu dân binh và dân công tham chiến.

Hua The Huu
Hứa Thế Hữu, chỉ huy cánh quân Đông đến động viên trước trận chiến. Ảnh: Tư liệu Trung Quốc.

Ngày hôm sau, 8.12, ban hành Quyết định và Mệnh lệnh tác chiến “phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Để đề phòng Liên Xô xuất quân trợ giúp Việt Nam, Quân ủy ra lệnh “Bất kể kết quả chiến đấu thế nào, sau khi chiếm được Cao Bằng và Lạng Sơn, không được ham đánh, lập tức rút về”. Lại bổ nhiệm Lý Đức Sinh làm Tổng chỉ huy chiến trường miền Bắc, quản binh lực các quân khu ở Đông Bắc, Hoa Bắc và Tây Bắc. Trung tâm chỉ huy tác chiến đánh Việt Nam đặt ở Tây Sơn, Bắc Kinh. Tổng chỉ huy là Đặng Tiểu Bình, Phó Tổng chỉ huy là Từ Hướng Tiền.

Ngày 17.2.1979, quân đội phát động cuộc tập kích bất ngờ Việt Nam trên mặt trận dài 500km (tác giả nhầm, Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung dài 1.200km). Việt Nam tuy có chuẩn bị, nhưng không đầy đủ. Họ cho rằng quy mô chiến tranh lớn nhất cũng chỉ như Trung Quốc đánh Ấn Độ khi xưa, nhưng không ngờ lực lượng Trung Quốc đông, hỏa lực mạnh như thế. Lực lượng đối kháng chính diện của Việt Nam chí có 4 sư đoàn gồm các sư đoàn 3, 346, 316A và 345, cùng một số đơn vị bộ đội địa phương.

Sau khi khai chiến, quân đội ta (Trung Quốc) ngày 20.2 chiếm được thị xã Lào Cai, ngày 23.2 chiếm được thị trấn Đồng Đăng ở cửa ngõ Lạng Sơn; ngày 25.2 chiếm được thị xã Cao Bằng; ngày 4.3 thì chiếm được thị xã Lạng Sơn. Chính phủ Việt Nam ra lệnh Tổng động viên, ngày 5.3, Trung Quốc ra tuyên bố rút quân; đến ngày 16.3 thì hoàn thành hành động rút quân, cuộc chiến tranh này kết thúc.

Chiến tranh rốt cục đã chết bao nhiêu người, hai bên đều không công bố con số. Sau chiến tranh, Diệp Kiếm Anh (Phó chủ tịch Quân ủy) và Lý Tiên Niệm (Phó Chủ tịch nước) đã nói trong phát biểu nội bộ: phía Trung Quốc tử vong 48 ngàn, phía Việt Nam cũng chết 48 ngàn người, nhưng Trung Quốc toàn là thanh niên trai tráng (bao gồm cả dân binh cáng thương chi viện mặt trận), còn Việt Nam thì bao gồm cả phụ nữ, người già… với ý tại ngôn ngoại là: Trung Quốc được không bằng mất.

Ngu xuẩn khiến hàng vạn lính chết thảm nơi chiến trường

Cuộc chiến tranh này cực kỳ ác liệt, thê thảm, nói máu chảy thành sông cũng không phải là quá, quân Việt Nam chống cự ngoan cường vượt quá dự kiến. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, thê thảm như thế do mấy nguyên nhân sau:

1. Trung Quốc dùng “chiến thuật biển người” để xung phong đánh trận địa đối phương, so với người Việt Nam đã được rèn luyện qua binh lửa chiến tranh thì kém xa. Lâu ngày sống trong hòa bình, ít được huấn luyện quân sự, chiến sĩ không biết đánh nhau, sĩ quan không biết chỉ huy, lại thiếu sự huấn luyện đánh rừng núi và đánh ban đêm; bộ đội tăng, thiết giáp và bộ binh không thể tác chiến hiệp đồng, vì thế đã phải trả giá rất lớn.

Tác giả nêu ví dụ: một tiểu đoàn Trung Quốc bị một nhóm 9 du kích Việt Nam phục kích quấy rối; hơn 300 người tập hợp đội hình bộc lộ trước hỏa lực của Việt Nam, gây nên thương vong nghiêm trọng.

Năm 1982 tôi [tác giả] tới khảo sát mậu dịch ở một xã biên giới ở Vân Nam, người xã trưởng kể lại: xã này 3 phía kề với đất Việt Nam, địa hình toàn đồi núi hiểm trở. Khi bắt đầu chiến tranh, quân đội Trung Quốc ào ạt tấn công trận địa của quân Việt Nam dưới sự yểm hộ của hỏa lực pháo binh. Kèn hiệu xung phong vừa thổi, các chiến sĩ xông lên ào ạt, hơn 100 người trong một đại đội, khi rút lui chỉ còn 2-3 chục. Liền thay bằng một đại đội khác tiếp tục xông lên, vẫn bị hy sinh phần lớn. Cuối cùng khi chiếm được mỏm đồi, thì phát hiện thấy trên đó chỉ có hơn 20 người lính Việt Nam. Ông ta nói, khi đó ông là người tổ chức dân binh cáng thương, tận mắt thấy khắp sườn đồi đều là thi thể lính Trung Quốc nằm la liệt, cảnh tượng rất thê thảm. Những người lính chết trận được đưa về chôn ở nghĩa trang liệt sĩ của huyện…

2. Quân đội Trung Quốc sử dụng đơn vị cơ giới hóa thọc sâu bao vây, nhưng quên rằng phía Bắc Việt Nam toàn là vùng núi và rừng rậm nhiệt đới, không lợi cho tác chiến tăng, thiết giáp. Quân Việt Nam được trang bị vũ khí chống tăng của Liên Xô và những loại thu được của Mỹ, dễ dàng hạ gục xe tăng của quân đội Trung Quốc. Có xe tăng khi đột kích, bộ binh chạy theo không kịp, xe tăng tổn thất rất lớn, có tới hơn 200 xe tăng bị phá hủy.

tang TQ 1
Xe tăng và lính Trung Quốc vượt cầu phao tiến sang Việt Nam. Ảnh: Tư liệu Trung Quốc.

Cách làm ngu xuẩn nhất là khi bộ binh đi kèm bộ đội thiết giáp thọc sâu bao vây, để tránh bị rơi khỏi xe đã dùng dây đeo ba lô buộc người vào xe tăng, có xe chằng buộc tới hai mươi mấy người. Kết quả là: khi bị phục kích thì không kịp thời nhảy xuống tác chiến được, trở thành những “cục thịt” nướng trên vỉ sắt. Các chiến sĩ chưa kịp tháo dây buộc đã chết thảm. Có xe tăng khi bị phá hủy, phía trên vẫn còn thi thể 4-5 lính bộ binh…

Ngoài ra, đâu đâu cũng là mìn do quân Việt Nam gài, thiết bị rà phá mìn của quân đội Trung Quốc lại thiếu. Trong tình huống chiến trường khẩn cấp đã phải dùng thân thể lính phá mìn, hy sinh rất lớn. Đồng thời, còn thỉnh thoảng xảy ra việc pháo binh đơn vị bạn bắn nhầm, nhân viên y tế thiếu, cứu chữa không xuể nên thương binh chết rất nhiều.

Thua đau quẫn trí, trở nên tàn bạo

3. Đánh giá không đầy đủ về ý chí chiến đấu của người Việt Nam nên bị hố to, điều này đã được đưa tỉ mỉ trong “Thông báo chiến sự”. Có người lính Trung Quốc cõng lính Việt Nam bị thương bị bắt đi xuống, không ngờ người tù binh đã bất ngờ cướp lựu đạn đeo trên thân người cõng, rút chốt để cùng chết. Có tù binh Việt Nam bị thương nặng đã dùng răng cắn đứt tai người đang cõng mình. Bộ đội địa phương Việt Nam có rất nhiều lính nữ (có lẽ đây là các nữ tự vệ nông, lâm trường), có người sau khi bị bắt đã nhân lúc lính Trung Quốc mất cảnh giác cướp súng bắn chết một lúc 7 – 8 người. Về sau cấp trên ra lệnh “không bắt tù binh nữa, cứ bắn chết hết”!

Việt Nam toàn dân là lính, “Thông báo chiến sự” nêu một ví dụ: đơn vị lính Trung Quốc đang hành quân, đột nhiên có đạn cối rơi vào giữa đội hình. Một tốp được cử đi lùng sục, chỉ thấy trên cánh đồng có mấy phụ nữ Việt Nam đang lao động, không thấy bóng dáng quân địch. Đơn vị tiếp tục hành quân, kết quả lại bị nã pháo, thương vong rất nhiều. Về sau phát hiện, những phụ nữ đó đều là dân quân, họ giấu khẩu súng cối ngay nơi đang trồng cấy, phía trên che bằng mấy cái nón, nhân lúc anh không để ý là họ nã cối. Anh đến lục soát thì họ giấu vũ khí đi, tiếp tục làm đồng như không có gì xảy ra. Sau này cấp trên ra lệnh, bất kể già trẻ trai gái, cứ giết tuốt khỏi bàn.

Một người bạn học hồi tiểu học của người viết là trung đoàn trưởng, sau này kể lại: quân đội vì thương vong quá lớn nên giết đến đỏ mắt. Cấp trên ra lệnh thực hiện chính sách tiêu thổ “tam quang” (ba sạch: tức giết sạch, đốt sạch, cướp sạch), mức độ tàn khốc khiến người ta khó có thể tưởng tượng nổi, mức độ phá hoại vượt xa không quân Mỹ ném bom khi trước; chỉ khác mỗi lính Nhật ở Trung Quốc khi xưa ở chỗ: không cưỡng hiếp phụ nữ!

thao do duong ray
Lính Trung Quốc tháo dỡ đường ray xe lửa để mang về Trung Quốc khi rút quân. Ảnh: Tư liệu Trung Quốc.

“Thông báo chiến sự” cũng đã đưa về tình hình tương tự, như các mỏ than của Việt Nam tập trung chủ yếu ở vùng Lạng Sơn, nhiều mỏ do Liên Xô viện trợ. Quân đội Trung Quốc khi rút đi đều phá hủy tất cả, nhà cửa của dân cũng đốt hết, gà vịt, trâu bò đều bắn hết rồi ăn. Sau khi đánh chiếm các thành thị, lính Trung Quốc không những phá hủy tất cả nhà cửa, mà đến cột điện cũng phá bỏ. Tất cả những thứ gì lấy được, kể cả đường ray xe lửa cũng tháo dỡ mang về nước.

Chiến thuật thua kém, chỉ huy hỗn loạn

4. Về mặt chiến tranh du kích, chúng ta tuy là thầy, người Việt Nam là trò, nhưng khi tác chiến thì thấy trò sau mấy chục năm chiến tranh đã vượt xa thầy. Họ vận dụng phương châm “địch tiến ta lui, địch dừng ta quấy, địch mệt ta đánh, địch lui ta đuổi” giỏi hơn chúng ta nhiều.

Vùng núi Việt Nam hang động thiên nhiên rất nhiều, lại thêm mấy chục năm xây dựng công sự nên hầu như hang nối hang, giống như địa cung. Quân Việt Nam khi chống trả không lại liền rút vào trong hang, đợi đại quân Trung Quốc đi qua liền chui ra đánh du kích, giết hại nhân viên hậu cần, gây khó khăn rất lớn cho việc tiếp tế hậu cần; đồng thời cũng rất khó tìm thấy sở chỉ huy của họ. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh khi nói chuyện đã chỉ rõ: chia cắt bao vây 3 sư đoàn quân Việt Nam, kết quả chẳng bắt nổi 1 chỉ huy cấp sư đoàn nào, thật đáng tiếc. Về sau, quân đội Trung Quốc đã cho phá hủy tất cả những hang động có thể có quân Việt Nam ẩn náu.

Ngoài ra, mật độ quân Trung Quốc rất dày đặc. Mấy chục vạn quân phân bố ở khu vực chiến trường chật hẹp, chỉ có mấy trục đường ken đặc quân đội nên dễ xảy ra xung đột. Người bạn của tác giả kể, ban đêm đóng quân dã ngoại, khắp sườn đồi đều là lính. Lúc này đặc công Việt Nam thường cải trang, giả danh vì biết nói tiếng Hán, trà trộn tập kích, gây nên thương vong lớn và gây hỗn loạn. Có đơn vị khi cán bộ và binh lính chết nhiều, trên cử cán bộ và binh lính mới bổ sung, người mới người cũ không quen nhau, cũng rất khó chỉ huy. Sự hỗn loạn nảy sinh từ chuyện này cũng là một trong những nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc bị thương vong nhiều.

5. Khi đó quân đội Trung Quốc chưa thực hiện chế độ quân hàm, sĩ quan chỉ huy đều mặc áo 4 túi, chiến sĩ áo hai túi. Sau khi bộ đội bị đánh tan tác, ai chỉ huy và có phục tùng nhau hay không trở thành vấn đề lớn. Có đơn vị sau khi cán bộ chỉ huy chết, cán bộ mới do trên điều về thì chiến sĩ không nhận biết người nào cấp chức gì nên rất khó chỉ huy, từ đó sinh ra trạng thái hỗn loạn. Đó cũng là một nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc thương vong lớn.

Tinh thần sa sút, sĩ khí bạc nhược

Có một số đơn vị sĩ khí rất kém. Trung đoàn 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50 đụng độ quân Việt Nam, đường rút lui bị cắt đứt, trung đoàn bộ đã ra quyết định các đơn vị phân tán phá vây một cách rất vô trách nhiệm. Kết quả là lần lượt bị quân Việt Nam chia cắt bao vây, bị rơi rớt lại 542 người, mất 407 khẩu súng các loại, trong đó hơn 200 người bị bắt sống, bao gồm Tham mưu trưởng trung đoàn, Chính trị viên tiểu đoàn và hơn chục cán bộ đại đội, trung đội trưởng. Có đơn vị sĩ quan dẫn cả đại đội đầu hàng tập thể. Một đại đội thuộc đơn vị X khi hành quân bị đơn vị nhỏ Việt Nam chỉ gồm hơn hai chục người bao vây, kết quả cán bộ chỉ huy đã vứt bỏ bộ đội một mình chạy về, lại còn giả vờ bị thương để chui vào bệnh viện; đơn vị về cơ bản bị quân Việt Nam diệt sạch.

Coi chiến tranh thành trò chơi luyện binh

Mục đích chiến tranh mà Trung Quốc đề ra ban đầu đều không đạt được. “Người anh em Khmer Đỏ” Polpot bị gục ngã trước sự tiến công của quân đội Việt Nam. Vấn đề là, binh sĩ Trung Quốc liệu có đáng phải đổ máu vì cái chính quyền như thế không?…

Cuộc chiến tranh này không những không đánh để thể hiện được quân uy, mà trái lại đã bộc lộ quá nhiều vấn đề. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan khi đó nói: “Cứ xem biểu hiện của quân đội Đại Lục khi đánh Việt Nam thì việc chúng ta bảo vệ Đài Loan không thành vấn đề!”

Sau chiến tranh, Đặng Tiểu Bình thành công chiếm được đại quyền lãnh đạo đảng, chính quyền, quân đội, Hoa Quốc Phong bị rớt đài. Nhưng đã mở ra cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 10 năm, biên giới Trung–Việt trở thành bãi luyện binh, các quân đoàn chủ lực thay nhau ra mặt trận. Trên thế giới liệu có mấy quốc gia coi chiến tranh thành bãi luyện binh? Chẳng khác nào trò chơi!

Trung Quốc và Việt Nam vốn “vừa là đồng chí vừa là anh em”; trong lúc vô cùng khó khăn, nhân dân Trung Quốc vẫn hy sinh rất lớn để giúp Việt Nam chống Mỹ. Nay chỉ với một cuộc chiến tranh, chẳng những bao nhiêu sự viện trợ trước đây bị xóa bỏ tất cả, mà cái được của chúng ta chỉ là mấy vạn nấm mộ của các quân nhân Trung Quốc và có thêm một kẻ thù hùng mạnh nữa…

linh TQ dau hang
Đại đội lính Trung Quốc thuộc Sư đoàn 150, Quân đoàn 50 đầu hàng tập thể ở Cao Bằng. Ảnh tư liệu

Tác giả kết luận: Trong danh sách các nhà quân sự của quân đội Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình chủ trì biên soạn, ông ta tự xếp mình đứng thứ 4. Mọi người đều biết, trong những năm tháng chiến tranh, Đặng Tiểu Bình luôn giữ vai trò chính ủy, cũng chưa từng có tác phẩm quân sự nào, căn bản chả dính dáng gì đến các nhà quân sự. Cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là sự chứng minh tốt nhất cho năng lực của ông ta.

Phần 3: “Một cuộc chiến phi nghĩa, kỳ quặc và thảm bại”

VietTimes — “Một cuộc chiến tranh vô nghĩa, kỳ quặc” là tiêu đề bài báo của một cựu binh đăng trên báo điện tử Thiết Huyết (Tiexue.net) ngày 18.7.2013. Tác giả viết: “Chiến tranh Triều Tiên chúng ta đạt được lợi ích là kiềm chế quân Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 38. Chiến tranh Giải phóng, chúng ta giải phóng được Trung Quốc Đại lục. Tôi thực sự không hiểu trong cuộc chiến tranh kỳ quặc năm 1979, rốt cuộc Trung Quốc đạt được cái gì? Chẳng được gì cả!”

Dưới đầu đề “Nhìn lại Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, tác giả Thường Thanh viết trên báo mạng “Botanwang.com” ngày 30.5.2013: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” có lẽ là cuộc chiến khiến mọi người Trung Quốc hiểu biết sự thật khó mở miệng nhất trong mọi cuộc chiến tranh với bên ngoài kể từ năm 1949…

Ngay khi đó đã có rất nhiều người nghĩ khác (với chính quyền) về giá trị của cuộc chiến tranh ấy. Lúc đầu, khi người ta nhìn thấy trên màn hình tivi hàng ngũ trùng điệp những binh lính Trung Quốc tuổi 18-20 kéo ra tiền tuyến, không khỏi cảm thán. Ít lâu sau lại thấy cảnh hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ xếp hàng ngay ngắn trong các nghĩa trang ở biên giới Tây Nam, sự đau xót khó nói thành lời. Một bạn học của tôi nói: “Trung Quốc chết toàn những nam nhi trai tráng đang tuổi thanh niên, còn phía Việt Nam toàn dân làm lính, cả trẻ già, gái trai. Sự đánh đổi thật không tương xứng”. Nhưng sự kinh dị còn ở phía sau: khi chiến tranh kết thúc chẳng ai biết, cũng không có cảnh cả nước ăn mừng thắng lợi, chỉ biết nó đã kết thúc rồi…

Nghia trang liet si TQ C
Một nghĩa trang lính Trung Quốc chết trong Chiến tranh Tháng 2.1979. Ảnh tư liệu Trung Quốc.

Tôi nghĩ, sở dĩ nó kết thúc mà khó mở miệng nói được là vì khó nói rõ ngọn ngành cho quốc dân về tính chất của cuộc chiến tranh đó. Nói trắng ra, cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” thực tế là áp dụng kế “Vây Ngụy cứu Triệu” để giải cứu quân đội Khmer Đỏ đang bị Việt Nam đánh… Tính chất của cuộc chiến tranh đó được quyết định bởi tính chất của Khmer Đỏ! Khmer Đỏ là học trò của Đại cách mạng Văn hóa Trung Quốc, nhưng còn “Xanh hơn cả Xanh”, sự tàn bạo của họ đối với chính dân tộc họ đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử loài người. Đảng Cộng sản Campuchia thành lập năm 1950, sau được gọi là Khmer Đỏ. Họ chiếm Phnom Penh ngày 17.4.1975, dựng lên “Cộng hòa Campuchia Dân chủ”, người lãnh đạo là Polpot đã áp dụng một chính sách khủng bố, diệt chủng tàn bạo….

Theo tính toán bảo thủ nhất, có khoảng 1,2 đến 3 triệu người Campuchia bị chết dưới sự cai trị của Khmer Đỏ, chiếm 1/4 dân số cả nước. Trong đó, có 215.000 người Campuchia gốc Hoa và gần như toàn bộ 20.000 người Campuchia gốc Việt. Tháng 5.1978, nội bộ Khmer Đỏ xảy ra phản loạn, những người nổi dậy do sư đoàn trưởng, Bí thư tỉnh ủy Heng Samrin cầm đầu chạy sang Việt Nam thành lập Mặt trận Dân tộc đoàn kết cứu nước Campuchia. Ngày 25.12.1978, dưới sự dẫn dắt của Heng Samrin, 100.000 quân Việt Nam phát động tấn công Campuchia. Một trong những lý do để Việt Nam tấn công khi đó là để cứu kiều dân nước họ. Nhân dân Campuchia khi đó không những không chống trả mà còn dẫn đường cho quân đội Việt Nam. Như vậy là, chỉ mất 2 tuần, vào ngày 7.1.1979, quân đội Việt Nam chiếm Phnom Penh, lật đổ ách thống trị tàn bạo Khmer Đỏ. Điều đó cho thấy rõ ràng chế độ Khmer Đỏ không chiếm được nhân tâm.

Hơn một tháng sau, Trung Quốc phát động “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Cái cớ xuất quân của Trung Quốc khi đó không phải là đi Campuchia để cứu viện chế độ Khmer Đỏ đã tàn sát và bức hại mấy chục vạn đồng bào người Hoa, mà là lấy cớ “Quân đội Việt Nam khiêu khích biên giới Trung Quốc và xâm lược Campuchia”. Dĩ nhiên, người Trung Quốc, trong đó có cả tôi [tác giả] khi đó đều không biết rốt cục Khmer Đỏ đã làm những gì. Báo thù cho Khmer Đỏ thì mọi người Trung Quốc khi đó không rõ sự thật đều chấp nhận, vì Khmer Đỏ là anh em và chiến hữu của Trung Quốc mà!

Nhưng điều khiến người Trung Quốc không hiểu được là thái độ đối xử của người Campuchia đối với quân đội Việt Nam. Ngày 7.1.2009, hơn 40.000 người CPC tụ họp ở Sân vận động Olympic quốc gia nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thoát khỏi chế độ thống trị Khmer Đỏ. Thủ tướng Hun Sen và nhiều nhà lãnh đạo, các đảng viên cũng tham dự. Chủ tịch Quốc hội Chea Seam phát biểu: ngày kỷ niệm này đánh dấu sự kết thúc trang đen tối nhất trong lịch sử Campuchia. Ông Chea Seam đặc biệt cám ơn nước láng giềng Việt Nam đã cứu vớt Campuchia, đánh giá cao sự hy sinh của quân đội Việt Nam để tiêu diệt chế độ tàn bạo Khmer Đỏ, kịp thời ngăn chặn cuộc diệt chủng lớn hơn. Thì ra hiệu quả khách quan của cuộc “xâm lược Campuchia” của quân đội Việt Nam lại là như thế….

Một người bạn từng tham gia cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” tranh luận với tôi, phê phán tôi đừng nên vô lễ với “những anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc”, nói “những chiến sĩ từ mặt trận cuộc chiến này trở về đều là những anh hùng”. Tôi không có ý kiến gì, nhưng cần hiểu như thế nào về tính chất cuộc chiến tranh này? Cuộc chiến tranh khiến người Mỹ mất mặt nhất là Chiến tranh Việt Nam hồi những năm 1970.

Năm 2004, khi G. Bush con và John Kerry tranh cử Tổng thống, ứng cử viên Đảng Dân chủ J. Kerry nói: “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh vô nghĩa, nhưng chúng ta không thể nói những binh sĩ tham gia cuộc chiến ấy không có cống hiến cho quốc gia”. Đó là một lời an ủi, có lẽ cũng thích hợp với những tướng sĩ Trung Quốc đã tham gia “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”.

“Một cuộc chiến thảm bại”

Để tiến hành cuộc chiến tranh 17.2.1979, Trung Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng không lồ gồm những quân đoàn chủ lực tinh nhuệ, được coi là thiện chiến nhất khi đó. Theo tiết lộ chính thức trên báo chí Trung Quốc gần đây thì việc tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” được quyết định tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 7.12.1978 và mệnh lệnh được ban hành vào ngày 8.12. (Điều này bác bỏ luận điệu của Bắc Kinh rêu rao họ tiến hành “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” là trừng phạt việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Bởi ngày 25.12.1978 quân tình nguyện Việt Nam mới phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phản công lật đổ chế độ diệt chủng Polpot).

Theo Nhân dân Nhật báo, cánh quân phía Quảng Tây do Hứa Thế Hữu chỉ huy gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149); cánh phía Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy gồm các quân đoàn 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 và lực lượng biên phòng, dân binh với tổng số quân hơn 500.000, số tràn qua biên giới là 202.000. Chỉ kéo dài 1 tháng (Trung Quốc tính từ 17.2 đến 16.3.1979), nhưng tổng cộng tiêu hao mất 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn, 268 xe quân sự, 48 xe tăng bị phá hủy, hư hỏng; bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bị bắt làm tù binh 239, bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến.

Thương vong lớn ngoài dự đoán là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải kết thúc sớm cuộc chiến. Trong 2 ngày đầu, Trung Quốc đã mất hơn 4.000 quân, đến mức quân y không kịp trở tay, nhiều người bị thương chết cho mất máu vì không được cấp cứu. Theo tài liệu nội bộ của Trung Quốc mới được công bố: bước vào giai đoạn tác chiến giằng co, tỷ lệ thương vong rất cao, thường là 90% đối với các đại đội xung kích, những đại đội này khi rút quân chỉ còn hơn chục người sống sót, mỗi tiểu đội chỉ còn 1-2 người.

Cuộc chiến phi nghĩa theo ý đồ một cá nhân

Trang web Honggehui của Trung Quốc ngày 25/2/2014 đăng bài “35 năm Chiến tranh Trung–Việt: ai là người thắng?”.

Tác giả bài báo bày tỏ nghi ngờ về luận điệu tuyên truyền Trung Quốc tiến hành chiến tranh đánh Việt Nam là để “Phản kích tự vệ”, cho rằng: “Mấy chữ Phản kích tự vệ sử dụng khi đó có lẽ rất không thiết thực. Đánh nhau, mọi người đều biết, cần phải tránh đánh cả hai phía, đó là việc lớn mà binh gia phải xét đến đầu tiên. Vì sao Việt Nam lại vừa giúp lực lượng nổi dậy của Hun Sen đánh Polpot, lại đồng thời khiêu khích Trung Quốc ở biên giới? Điều này rất không hợp lẽ thường!”

Khi đó tuyên truyền Việt Nam gây bao nhiêu vụ khiêu khích? Cứ cho là tuyên truyền hoàn toàn có thực đi chăng nữa thì họ cũng đâu có đánh sang đất ta? Sự việc hoàn toàn có thể giải quyết thông qua các con đường ngoại giao, chính trị. Lẽ nào chúng ta chỉ vì người hàng xóm đổ nước rửa chân trước cửa nhà mình mà dỡ nhà người ta, đốt nhà họ? Lẽ nào chỉ vì người bạn học thụi mình một quả mà mang dao ra đâm họ mười mấy nhát? Phát động một cuộc chiến tranh, đi “dạy một bài học” cho người bạn nhỏ không hề xâm lược nước mình, liệu có thể gọi đó là “tự vệ” được sao?…

Trên thực tế, cuộc chiến tranh năm 1979 hoàn toàn là phóng đại sự việc cho thích ứng với nhu cầu của người Mỹ, chỉ gây thiệt hại đau khổ mà không hề có chút lợi gì cho nhân dân hai nước Trung–Việt… Cuộc chiến tranh này khiến Trung Quốc cởi bỏ sự ràng buộc của ý thức hệ, một cuộc chiến đã khiến (Trung Quốc) được ngả vào hệ thống kinh tế thế giới do phương Tây chủ đạo, giành được cơ hội phát triển hiếm có. Xét về ý nghĩa đó, cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” không có gì khác là bản báo công. Thậm chí có tin đồn nói, ông X. [ám chỉ Đặng Tiểu Bình] chạy sang Mỹ nói sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”, nói nào là “trẻ con không vâng lời, phải quất vào mông”. Đó là những lời lẽ gì vậy? Chỉ vì Trung Quốc nước lớn hơn Việt Nam thì có tư cách dạy dỗ nước nhỏ sao?…

Thực ra, ý đồ thực sự của người nào đó dạy dỗ người bạn nhỏ Việt Nam vốn không nằm ở chỗ “tự vệ”. Đánh xong, quân quyền đã nắm được, Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng đều bị rớt đài. Đối ngoại làm hài lòng người Mỹ, đối nội thì di chuyển được mâu thuẫn xã hội, loại bỏ được những người khác chính kiến, thế thì ngu gì mà không đánh… Như lời tướng Lưu Á Châu đã nói: phát động chiến tranh Trung – Việt là vì “cần phải xác lập quyền uy tuyệt đối trong đảng. Muốn đánh nhau, muốn cải cách thì phải có quyền uy. Biện pháp xác lập quyền uy nhanh nhất là đánh nhau”. Cuộc chiến tranh này là đánh vì người Mỹ. Vả lại, người nào đó quả thật còn rất thích dạy dỗ người khác”.

Cao Thien Van
Tiến sĩ Cao Thiện Văn

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Cao Thiện Văn, nhà phân tích hàng đầu của Công ty “An Tín Chứng khoán” Thiên Tân (Essence Securities) ngày 28.7.2018 có bài diễn thuyết trong hơn 70 phút với chủ đề chính là quan hệ Trung–Mỹ và Chiến tranh thương mại Trung–Mỹ được đưa lên Youtube và được nhiều trang mạng đăng lại.

Đáng chú ý, trong bài nói này, Tiến sĩ Cao Thiện Văn công khai nói:

Tiến hành cái gọi là ‘Chiến tranh phản kích tự vệ’ đánh Việt Nam khi xưa là bản lập công về ngoại giao để Mỹ chấp nhận Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình sau khi được phục hồi làm một việc rất quan trọng, đó là quyết định đánh Việt Nam, ảnh hưởng đến mấy chục năm lịch sử sau đó của Trung Quốc. Trước năm 1979, Trung Quốc đã bỏ nhiều công sức giúp Việt Nam đấu tranh chống Mỹ. Trong một thời gian dài quan hệ Trung – Việt như anh em một nhà. Đặng Tiểu Bình từng nói, Trung Quốc mở cửa đối ngoại là mở cửa với Mỹ, không mở với Liên Xô hay châu Âu, cũng chẳng với Mỹ La tinh. Vấn đề là ở chỗ, tiền đề mở cửa với Mỹ là phải được Mỹ chấp nhận. Giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm viện Triều chống Mỹ, giúp Việt Nam, làm sao Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc?

Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam chính là lập công dâng lên Mỹ, khiến Mỹ vui vẻ giang rộng vòng tay và chấp nhận Trung Quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Jimmy Carter, nói với Carter: chúng tôi quyết định đánh Việt Nam. Sau đó, Mỹ đưa cho một bản danh mục liệt kê những thứ trang bị quân sự Mỹ cung cấp cho Trung Quốc để đánh Việt Nam. Đẳng cấp của số viện trợ quân sự Mỹ giành cho Trung Quốc vượt quá đẳng cấp những thứ Mỹ dành cho các đồng minh của họ khi đó. Mỹ nhanh chóng nâng cấp Trung Quốc thành quan hệ hữu hảo phi đồng minh, cho Trung Quốc được hưởng đãi ngộ cao hơn cả các nước đồng minh trên nhiều phương diện.

Vì sao Mỹ lại làm như thế? Có hai nguyên nhân: Một là, Mỹ bị xơi quả đắng ở Việt Nam nên căm thù. Hai là, Mỹ và Liên Xô nước lửa không dung nhau về ý thức hệ, Việt Nam là anh em của Liên Xô. Trung Quốc đánh Việt Nam cho thấy sự cắt đứt hoàn toàn của Trung Quốc với Liên Xô và chuyển hướng sang Mỹ. Điều này đã đặt cơ sở nền móng cho cải cách mở cửa của Trung Quốc. Vì vậy cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không phải được quyết định sau khi suy nghĩ giản đơn, mà là xem xét toàn diện cục diện toàn cầu và có sự mạo hiểm nhất định. Liên Xô không động binh với Trung Quốc bởi vì binh lực của họ bố trí ở biên giới Trung–Xô rất mỏng. Kỳ thực, Liên Xô không hiểu rõ về quan hệ Trung–Mỹ, sợ ném chuột vỡ bình quý, không dám ra tay hành động. Về phía Trung Quốc mà xét, đó là Đặng Tiểu Bình đem vận nước ra đánh cược, rất mạo hiểm.

Phần 4: Sự ô nhục chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc

VietTimes — Chiều ngày 16.3.1979, Chính phủ Trung Quốc tổ chức họp báo tại Bắc Kinh về cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Các nhà báo Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa không đến dự, còn các nhà báo phương Tây thì đều có mặt. Điều này thể hiện các nước phương Tây khi đó rất quan tâm đến tình hình chiến sự cụ thể vì họ đã nghe được đủ loại tin nhưng không được kiểm chứng, nên đều bị coi là tin đồn không đáng tin; nay Trung Quốc tổ chức họp báo thông tin về tình hình chiến sự đánh Việt Nam nên họ ùn ùn kéo đến

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa tuyên bố: “Quân đội chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ tác chiến ở biên giới phía Nam và đã rút hết về nước!” Dừng vài giây, Hoàng Hoa nói tiếp: “Hiện không còn bất cứ một người lính nào trên đất Việt Nam nữa!”

Nhưng thực tế, trong số hơn nửa triệu binh lính, dân binh, quân dự bị tham gia trận chiến này, vẫn còn mấy trăm người hiện đang không rõ tung tích. Trên chiến trường, không rõ tung tích có nghĩa thế nào thì ai cũng biết. Nên trong các buổi truy điệu, họ đều được coi là tử sĩ. Ngoài ra, còn có 239 người khi đó đang bị Việt Nam giam giữ trong các trại tù binh. Trong số đó, có nguyên vẹn một đại đội sau khi bị bao vây, mất liên lạc với trên đã họp chi bộ với sự có mặt của các cán bộ cấp trên và ra nghị quyết đầu hàng tập thể. Vụ này được coi là “sự kiện nhục nhã nhất” trong lịch sử quân đội Trung Quốc (PLA).

Vụ việc này nhiều lần được báo chí bàn luận, mổ xẻ, phân tích trong suốt nhiều năm qua, mới nhất là trên trang Tin hàng đầu mỗi ngày (kknews.cc) các ngày 1.5.2018,  22.7.2018, ngày 9.11.2018;  news.qq.com ngày 21.4.2018, trang DWNews ngày 28.4.2018 và Sohu.com ngày 6.9.2018.

Dai doi 8
Toàn bộ Đại đội 8 và các sĩ quan sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 448 bị dẫn giải về trại giam

“Trận chiến nhục nhã nhất” là nhan đề bài báo đăng trên mạng “Chiến lược” Trung Quốc (Chinaiiss.com) ngày 12.11.2013. Bài báo cho rằng đây là vết nhơ, sự kiện ô nhục trong lịch sử quân đội Trung Quốc. Trang Sohu.com ngày 6.9.2018 cũng chạy tiêu đề “Trận nhục nhã nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh, sau khi về nước Trung đoàn trưởng bị tống giam, Phó tư lệnh quân đoàn bị bãi chức”. Trang Tin tức hàng đầu mỗi ngày thì viết: Tuy Trung Quốc tuyên bố đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này, nhưng lại lựa chọn cách quên nó đi.

Trong chiến tích được công bố, phần thương vong không hề đả động đến những người bị bắt. Theo ghi chép về trao đổi tù binh dưới sự trung gian của Hội Chữ thập đỏ quốc tế thì số lính Trung Quốc bị phía Việt Nam bắt làm tù binh tổng cộng 239 người, trong đó có 219 người ở cùng một trung đoàn. Phía sau 219 tù binh này là sự kiện đầu hàng có tính chất xấu xa nhất trong lịch sử đạo quân mang tên “Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc – PLA”.

Theo thông tin trên báo chí Trung Quốc, “sự kiện nhục nhã chưa từng có trong lịch sử quân đội Trung Quốc” này diễn ra như sau:

Trước khi xảy ra cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” sư đoàn 150, quân đoàn 50 của Quân khu Thành Đô được khẩn cấp mở rộng biên chế từ sư đoàn loại B nâng lên thành sư loại A, được bổ sung thêm nhiều cựu binh đã qua rèn luyện điều động từ các đơn vị phía Bắc xuống và số lớn tân binh mới nhập ngũ, quân số từ hơn 6.000 tăng vọt thành hơn 11.000 người. Cán bộ các cấp phần lớn chưa có kinh nghiệm chiến đấu, sĩ quan chỉ huy cấp đại dội, trung đội đều mới được đề bạt. Tuy đã được huấn luyện khẩn cấp trước khi xảy ra chiến tranh nhưng chất lượng quân sự chưa được kiểm nghiệm. Sư đoàn trưởng là Lưu Đồng Sinh, Chính ủy Dương Chấn Đạo, sư đoàn 150 gồm 3 trung đoàn bộ binh có phiên hiệu 448, 449, 450 và trung đoàn pháo binh.

Ngày 21.2.1979, sư đoàn 150 hành quân bằng xe lửa và ô tô từ Tứ Xuyên vượt qua 3.000km tới mặt trận Quảng Tây, tập kết tại các khu vực Ninh Minh, Minh Giang trước ngày 5.3 làm nhiệm vụ dự bị, đề phòng quân đội Việt Nam đánh sang. Sau khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố rút quân, hầu hết sư đoàn 150 (trừ trung đoàn pháo binh) nhận lệnh của Sở chỉ huy tiền phương Quân khu Quảng Châu vượt biên sang Việt Nam qua cửa khẩu Thủy Khẩu làm nhiệm vụ càn quét ở phía Tây Cao Bằng dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh quân đoàn 41. Để giúp phối hợp với đơn vị bạn và tăng cường chỉ huy, quân đoàn 50 đã cử hai Phó tư lệnh quân đoàn là Quan Khoát Minh, Lâm Trung Hòa và Phó chính ủy Hầu Bồi Tụ lập thành tổ công tác về nằm vùng tại sư đoàn 150.

Sáng 7.3, trung đoàn 448 vào đến thị xã Cao Bằng theo đường số 3 qua cửa khẩu Thủy Khẩu sang Tà Lùng, huyện Phục Hòa, ít giờ sau tổ công tác nằm vùng của Quan Khoát Minh cũng tới. Theo hiệp đồng với quân đoàn 41 thì sư đoàn 150 được giao nhiệm vụ trong vòng 7 ngày phải càn quét, lùng sục tiêu diệt đối phương, tìm kiếm các kho vật tư của đối phương (nói trắng ra là cướp bóc, vơ vét của cải) và tìm kiếm, thu dung lính Trung Quốc bị thương, tử trận… trong khu vực phía tây Cao Bằng rộng 280 km2 mà sư đoàn 121, quân đoàn 41 đã bị quân dân Việt Nam đánh cho tơi tả trước đó.

Trung đoàn 448 được khẩn cấp nâng từ loại B lên loại A trước khi xảy ra chiến tranh, cán bộ chỉ huy các cấp đều chưa qua đánh trận. Ê-kíp chỉ huy bao gồm: trung đoàn trưởng Lý Thiệu Văn, Chính ủy Lý Triệu Bích, 3 trung đoàn phó: Hồ Khánh Trung, Lan Văn Bân, Vương Bảo Nhân, 3 phó chính ủy: Long Đức Xương, Điền Văn Siêu, Vương Khiêm Trí và Tham mưu trưởng Cao Lập Hoa, Tham mưu phó Phó Bồi Đức còn có 3 trung đoàn bộ binh và 5 đại đội trực thuộc, tổng quân số hơn 2.500 người.

Trong 3 ngày từ 7 đến 10.3, hoạt động của sư đoàn 150 được đánh giá là “hoàn thành nhiệm vụ”. Tối 10.3, quân đoàn 41 ra lệnh cho sư 150 ngừng tiến công, trong vòng 3 ngày phải tiến theo hướng Bắc vừa truy quét đối phương vừa hành quân về nước, ngày 14.3 phải rút về nước qua đường Bình Mãng (tức hướng Sóc Giang, Hà Quảng). Tuy nhiên khi lựa chọn đường rút về, giữa Phó tư lệnh quân đoàn 50 Quan Khoát Minh và Sư đoàn trưởng 150 Lưu Đồng đã bộc lộ mâu thuẫn. Lưu Đồng cho rằng đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ nên cứ rút quân theo đúng đường cũ đã sang (tức quốc lộ 3 qua cửa khẩu Tà Lùng), về nước an toàn là thắng lợi.

Còn Quan Khoát Minh lại cho rằng sư đoàn 150 chưa hoàn thành nhiệm vụ tìm diệt sinh lực và lùng sục tìm kiếm kho tàng của Việt Nam, nếu rút quân về theo hướng bắc hướng Thiên Phong Lĩnh thì có thể mở rộng chiến quả (vơ vét được nhiều của cải hơn). Hai bên mâu thuẫn gay gắt, không ai chịu ai. Sau khi biết tin, Bộ Tư lệnh quân đoàn 41 đã gửi điện ra lệnh cho sư đoàn 150 rút về theo đường cũ; nhưng bức điện quan trọng đã mã hóa đó đã bị một nhân viên cơ yếu sơ xuất hủy đi mà không dịch ra. Vì thế, cuối cùng Quan Khoát Minh đã ra lệnh cho sư đoàn chia làm 3 cánh rút về theo hướng Bắc như ý ông ta.

Hai trung đoàn 449 và 450 rút quân khá trót lọt, nhưng trung đoàn 448 thì không may mắn như họ. Theo ý Quan Khoát Minh, để thu được thêm nhiều vật tư, hàng hóa của Việt Nam thì phải “vạch cỏ đánh Thỏ” nên đã chia thành 2 cánh vừa rút vừa lùng sục tìm kiếm kho tàng trong các hang động

Sáng 11.3, cánh Tây của tiểu đoàn 2 gồm đại đội 8 đặc nhiệm có Sở chỉ huy tiền phương trung đoàn 448 với Trung đoàn trưởng Hồ Khánh Trung và Phó chính ủy Long Đức Xương đi kèm bị quân đội Việt Nam tập kích ở thôn Nà Ca (xã Minh Tân, huyện Nguyên Bình). Quân Việt Nam không đông, nhưng chiếm được địa thế có lợi, dùng súng máy bắn quét. Phía Trung Quốc bất ngờ, không kịp trở tay nên thương vong nặng nề.

Trung đoàn báo cáo lên trên, xin cứu viện. Sư đoàn 150 thấy tình hình nghiêm trọng nên đồng ý, định lệnh cho 2 trung đoàn 449, 450 quay lại cứu viện, nhưng bị tổ công tác của quân đoàn 50 bác bỏ, cho rằng tiểu đoàn 2 có thể tự phá vây được, chỉ đồng ý để trung đoàn 448 cử 2 đại đội do Tham mưu phó trung đoàn Phó Bồi Đức chỉ huy quay lại hỗ trợ phá vây, nhưng cả 2 đại đội này đều bị quân dân Việt Nam phục kích, đánh cho tan tác…

Sau mấy ngày bị bao vây, tiểu đoàn 2 và Sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn 448 bị đánh tơi tả, đạn dược lương thực cạn dần, không thấy quân cứu viện đến, tinh thần binh sĩ sa sút nghiêm trọng, triệt để mất ý chí chiến đấu chỉ biết co cụm chờ cứu viện. Ngày 13.3, Quân đoàn 41 được báo cáo tình hình một bộ phận trung đoàn 448, sư đoàn 150 bị bao vây, đã lệnh cho các đơn vị gần đó tới cứu viện, nhưng có đơn vị chưa đến nơi đã quay đầu. Sau này, có tin Quân ủy Trung Quốc cho rằng trung đoàn 448 bị bao vây ở vùng núi non hiểm trở, không huy động lực lượng lớn thì khó giải vây. Mà lúc này Trung Quốc đã tuyên bố rút quân, nếu triển khai hành động quân sự quy mô lớn sẽ gây ảnh hưởng xấu trên quốc tế nên đã ra lệnh các đơn vị cứu viện quay về.

Ngày 19.3.1979, Phó Bồi Đức, Long Đức Xương và các cán bộ chỉ huy gồm đại đội trưởng, chính trị viên đại đội 8, tiểu đoàn 2 đã tổ chức họp chi bộ đảng mở rộng, ra nghị quyết quyết định hạ vũ khí, kéo cờ trắng cả tập thể ra đầu hàng quân đội Việt Nam. Đây được cho là điều chưa từng có trong lịch sử quân đội Trung Quốc từ xưa đến nay.

Sau này khi tổng kết, chỉ riêng trong trận Nà Ca, Lãng Trang này, trung đoàn 448 bị tập kích thất lạc cả thảy 542 người, để mất vào tay đối phương 407 khẩu súng các loại, 202 người bị bắt làm tù binh, trong đó có Phó chính ủy Long Đức Xương, Tham mưu phó Phó Bồi Đức, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, đại đội trưởng, chính trị viên đại đội 8 cùng các cán bộ đại đội, trung đội… Số còn lại đều bị chết hoặc mất tích.

Sau chiến tranh, Dương Dũng, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đích thân dẫn đoàn cán bộ xuống quân đoàn 50 điều tra, tổng kết, xử lý vụ việc được coi là “ô nhục chưa từng có trong lịch sử quân đội” này. Phó tư lệnh quân đoàn Quan Khoát Minh bị kỷ luật cách chức, giáng cấp xuống cấp sư đoàn, trong quyết định kỷ luật ghi rõ: “tham sống sợ chết”, Phó tư lệnh Lâm Trung Hòa bị giáng chức, Phó chính ủy Hầu Bồi Tụ bị cảnh cáo trong đảng, các cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn, trung đoàn cũng bị kỷ luật hoặc điều chỉnh. Vụ việc được đưa thành giáo trình phản diện điển hình của việc tăng cường chỉ huy trong quân đội.

Từ tháng 5 đến tháng 6.1979, hai nước Trung–Việt tiến hành 5 đợt trao trả tù binh tại cửa khẩu Hữu Nghị nằm giữa Lạng Sơn và Quảng Tây. Đến ngày 22.6.1979, 239 tù binh Trung Quốc (thực ra là 238 người và hài cốt 1 tù binh bị chết trong trại do bị thương) đã được Việt Nam trao cho phía Trung Quốc. Tất cả họ bị đưa về “Lớp học tập” ở sân bay Ngô Vu ở ngoại ô Nam Ninh để thẩm tra, một số cán bộ chỉ huy có trách nhiệm trong vụ đầu hàng tập thể của trung đoàn 448 bị xử lý kỷ luật và chuyển cho tòa án quân sự trừng phạt. Lý Hòa Bình, đại đội trưởng và Phùng Tăng Mẫn, chính trị viên Đại đội 8 đặc nhiệm thuộc Tiểu đoàn 2 nhận án 10 năm tù giam vì tội “phản bội đầu hàng”.

Về biên chế tổ chức, trong đợt điều chỉnh biên chế quân đội năm 1985, quân đoàn 50 và Sư đoàn 150 với 4 trung đoàn trực thuộc cũng bị xóa phiên hiệu, vĩnh viễn không tồn tại trong biên chế của quân đội Trung Quốc nữa.

Lời kết:

Đã 40 năm trôi qua kể từ khi xảy ra cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979; hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ, Hiệp định phân định biên giới trên bộ đã được ký kết và công tác phân giới cắm mốc đã hoàn thành, biên giới trên bộ đã thực sự là đường biên giới hòa bình, hợp tác. Quan hệ về chính trị, ngoại giao hai bên chặt chẽ; hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch đang phát triển rất nhanh. Hai nước hiện nay đang tích cực phát triển quan hệ hợp tác toàn diện trên các mặt…

Chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc Tháng 2.1979 là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam–Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử, cần phải được nhìn nhận với sự thật đầy đủ. Cần thiết phải nhắc để nhân dân ta và các thế hệ sau ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Chiến tranh bảo vệ biên giới Tháng 2.1979 không thể bị lãng quên.

Cần phải đưa vào sách giáo khoa những sự thật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa và cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc. Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà ông cha đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống. Chúng ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Mọi người dân Việt Nam cần được biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay.

Bài viết

Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979-1984

http://lichsuvn.net/forum/showthread.php?t=2311 – 23-07-2007

Bài viết của Tô Mai Hồng (Xu Meihong, lẽ ra phải là Hứa Mai Hồng chứ nhỉ?), một cựu sĩ quan tình báo cao cấp từng phục vụ 15 năm trong quân giải phóng nhân dân Trung Hoa, vợ của Larry Engelmann, một giáo sư từng dạy tại đại học San Jose State University ở California, Hoa Kỳ.

Xu Meihong ra điều trần trước Ủy ban tình báo của Thượng viện Mĩ, và viết bài Chinese Ordeal đăng trên tạp chí Vietnam của CCB Mĩ. Tác giả đánh giá nguyên nhân, kết quả cuộc chiến theo góc nhìn của người TQ. Và do được lấy từ một trang web chống cộng nên không loại trừ khả năng trong đó có những chi tiết được cố tình bịa đặt nhằm bôi nhọ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bài post dưới đây chỉ sửa về mặt từ ngữ cho phù hợp với cách dùng của người Việt Nam (VD: Trung Cộng sửa thành Trung Quốc, Cao Miên sửa thành Campuchia…) và giữ nguyên nội dung – chiangshan.

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất giữa Pháp và Việt Nam và nhất là trong trận Điện Biên Phủ, thì sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam không những được coi như là vô cùng quan trọng mà còn có tính quyết định nữa. Qua cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai giữa miền Bắc và miền Nam với đồng minh Hoa Kỳ thì Trung Quốc cũng từng tỏ ra tích cực trong việc giúp đỡ nước “anh em xã hội chủ nghĩa” của họ.

Nhưng qua năm 1972, sau khi tổng thống Nixon viếng thăm Bắc Kinh rồi tiếp theo việc hai nước Trung-Mĩ tiến dần đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên lạnh nhạt. Sau khi Chu Ân Lai rồi đến Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, thì những mâu thuẫn giữa đôi bên ngày càng tăng thêm và trở nên trầm trọng. Đáng ghi nhất là vụ tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Nam Hải (biển Đông), vụ chuyển “lậu” những hàng hóa của Trung Quốc qua biên giới phía bắc Việt Nam, vụ ngược đãi kiều dân Trung Quốc ở Việt Nam và cuối cùng là vụ kình chống chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia do Trung Quốc bảo trợ.

Qua mùa thu năm 1978, Việt Nam phát động chiến dịch khủng bố Hoa kiều và trục xuất họ ra khỏi Việt Nam, đồng thời Việt Nam ra lệnh oanh tạc các căn cứ của Khmer Đỏ ở dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Đến tháng 7-1978, Trung Quốc ra lệnh hủy bỏ tất cả các dự án viện trợ cho Việt Nam.

Tháng 11 cùng năm đó, Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô, địch thủ nguy hiểm nhất của Trung Quốc, đồng thời Việt Nam chấp nhận cho Liên Xô đượcquyền sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của họ kể cả căn cứ Cam Ranh.

Trước những hành động khiêu khích của Việt Nam, Đặng Tiểu Bình trong chuyến công du Singapore vào tháng 11-1978, tuyên bố như sau về Việt Nam: “Trung Quốc từng viện trợ cho họ 200 tỷ USD, đó là chưa kể mồ hôi và xương máu của dân chúng tôi đổ ra để giúp cho họ, để rồi sự việc ngã ngũ như thế này đây! Cần phải trừng trị những kẻ vong ân bội nghĩa này mới được”.

Và để trả lời những đe dọa của Đặng Tiểu Bình, ngày 24-12-1978, Việt Nam tấn công CPC, đuổi quân Khmer Đỏ chạy ra biên giới Thái Lan, và chiếm thủ đô Phnom Penh. Đối với Trung Quốc, hành động tấn công CPC chứng tỏ rõ rệt ý đồ muốn làm bá chủ Đông Dương của Việt Nam, một hành động mà Trung Quốc không bao giờ chấp nhận.

Chỉ còn một giải pháp duy nhất để cứu Thái Lan và dạy cho Việt Nam một bài học là dùng biện pháp quân sự, và Trung Quốc cho dàn 225,000 quân dọc theo biên giới Hoa Việt. Ngày 17-2-1979, quân đội Trung Quốc bắt đầu tấn công. Trọng pháo của Hồng quân nhã đạn dữ dội vào vị trí của quân đội Việt Nam khiến cho một phóng viên Hoa Kỳ ở trong vùng phụ cận ví cuộc pháo kích này giống như một cuộc oanh tạc của những pháo đài bay B52, có khác là ở thời gian, vì B52 chỉ oanh tạc khoảng hơn một phút thôi, còn cuộc pháo kích này kéo dài hơn 20 phút, và sau đó, 85,000 quân Trung Quốc tràn qua biên giới, xuất phát từ 26 địa điểm khác nhau.

Cuộc chiến tranh “trừng phạt” này kéo dài 16 ngày, từ 17-2, đến 5-3-1979, là một cuộc chiến ác liệt và đẫm máu, vì chỉ trong một thời gian ngắn mà tổn thất của Hồng quân Trung Quốc – căn cứ theo bản báo cáo lên thượng cấp – có thể xấp xỉ với số tổn thất của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai.

Một sĩ quan Hồng quân Trung Quốc từng tham gia cuộc chiến cho biết:

“Đây là một cuộc chiến đẫm máu và vô cùng man rợ. Những bạn đồng ngũ của tôi – nhưng không tham gia các trận đánh ở Triều Tiên hay ở Ấn Độ hoặc chưa từng tham gia một cuộc chiến tranh nào khác – cho biết là họ không thể nào tưởng tượng được chiến tranh dã man, tàn độc như vậy. Một số lớn đơn vị ra mặt trận không được chuẩn bị kỹ càng về tinh thần cũng như về vũ khí, nên họ phải trả một giá rất đắt: đó là mạng sống của họ. Chỉ có một điều duy nhất làm cho anh em binh sĩ vô cùng hể hả là việc san bằng thị xã Lạng Sơn thành bình địa, mà chính bản thân tôi được chứng kiến tận mắt. Vụ phá hoại này làm cho chúng tôi vui lòng vì chúng tôi muốn trả thù bọn Việt Nam, và như một cấp chỉ huy của chúng tôi từng nói, “đó là một cái hôn tạm biệt” để cho bọn Việt Nam luôn nhớ mãi chúng ta.

Không phải riêng gì Lạng Sơn, mà tất cả các thị xã dọc theo biên giới Việt-Trung đều bị san bằng trước khi quân đội chúng ta rút lui khỏi Việt Nam; và chúng tôi không bao giờ ân hận hết, có đi chăng nữa là rất tiếc không có cơ hội để san thành bình địa hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Mấy tuần trước khi chiến tranh bùng nổ, quân đội Việt Nam mở chiến dịch khiêu khích Hồng quân và sau đây là lời khai của một sĩ quan nhân chứng: “Binh sĩ chúng tôi rất bực tức khi bị khiêu khích và nghĩ rằng bọn Việt Nam tưởng là chúng cũng mạnh tương đương với chúng ta vì được xếp vào hàng thứ 3 trên thế giới về quân lực, cho nên giờ đây chúng nghĩ rằng chúng muốn tác oai tác quái gì cũng được, vì chúng là bá chủ hiện nay trên bán đảo Đông Dương về lãnh vực quân sự”.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, chúng tôi có cơ hội để nghiên cứu và phân tích những bản báo cáo về hành quân tại các chiến trường thì thấy rằng Hồng quân Trung Quốc trả một giá quá đắt cho cuộc thắng trận này vì chưa được chuẩn bị kỹ càng trước khi tham gia cuộc chiến. Có rất nhiều đơn vị được đánh thức dậy từ sáng sớm tinh sương để chuẩn bị hành trang xong là lên đường ra mặt trận. Và qua ngày hôm sau là tham gia chiến đấu rồi. Còn đạn dược thì có rất nhiều lô quá hạn sử dụng từ lâu, cho nên lắm khi đạn tuy rơi trúng mục tiêu nhưng lại không nổ. Trong khi đó thì chúng tôi tìm thấy trong những vị trí mà chúng tôi đánh chiếm được của Việt Nam vô số vũ khí hiện đại được tiếp tế trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương thứ hai, còn đa số đạn dược của chúng ta gửi ra mặt trận được sản xuất trong thập niên 1950. Một số binh sĩ sử dụng hỏa tiễn chống tăng bị địch bắn chết vì đạn trúng đích nhưng không nổ.

Tuy nhiên trong cái rủi lại có chỗ may là nhờ đó mà về sau đồng chí Đặng Tiểu Bình mới phát động chiến dịch đổi mới vũ khí. Thật đáng tiếc là chúng ta không chịu rút ra những kinh nghiệm của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Chúng ta tin rằng Hoa Kỳ thua trận vì quân đội của họ không có niềm tin khi lâm chiến. Chính Chủ tịch Mao từng bảo chúng ta là một đội quân dù cho có vũ khí tối tân mấy đi nữa mà binh sĩ không có niềm tin ở mục tiêu chiến đấu của họ, thì họ không bao giờ mang lại chiến thắng cho chính họ được.

Nếu chúng ta tin và thực sự tin là khi chúng ta dùng hết tiềm năng quân sự của chúng ta vào cuộc chiến tranh “trừng phạt” này, thì quân đội của Việt Nam sẽ tan vỡ ngay trong vài giờ, và chúng ta sẽ chiếm Hà Nội, Hải Phòng trong một hay hai ngày mà thôi. Sau khi trừng phạt xong bọn vong ân bội nghĩa thì chúng ta rút quân về ngay. Nhưng đáng tiếc thay, mọi việc đến với chúng ta không được suôn sẻ cho lắm. Và chúng ta phải trả một giá rất đắt cho chiến thắng này. Một trong những vấn đề quan yếu trong cuộc chiến là việc sử dụng sao cho hữu hiệu đoàn quân cơ giới của chúng ta, căn cứ vào địa hình, địa vật của miền sơn cước Việt Nam cũng như rút ra những kinh nghiệm mà Hoa Kỳ thu thập được trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Nhưng rất tiếc là chúng ta không chịu học hỏi những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong khi điều động các đoàn quân thiết giáp của chúng ta. Đó là một hành động có thể nói là ngu xuẩn, vì mặc dầu chúng ta điều động các trung đoàn thiết giáp vượt qua biên giới trước tiên mà vẫn không nắm được ưu thế. Sau đây là một trường hợp điển hình:

Một nữ cán bộ Việt Nam đóng chốt tại một vị trí sát ngay biên giới, dùng hỏa tiễn (có lẽ là B40/B41) phá hủy lần lượt từng chiếc thiết giáp của chúng ta và phá liền 7 chiếc. Những trường hợp như thế này xảy đến cho rất nhiều trung đoàn, gây thiệt hại rất lớn cho Hồng quân của chúng ta.

Có những đơn vị thiết giáp tiền sát nhận được lệnh phải vượt qua những chiếc cầu ở biên giới nhưng cấp chỉ huy không biết ước lượng sức chịu đựng của những chiếc cầu này nên cho đoàn xe chạy qua cầu cùng một lượt – thay vì cho qua từng chiếc một – nên cầu bị gãy và cả đoàn chiến xa rơi cả xuống sông. Sở dĩ xảy ra những chuyện đáng tiếc như thế là vì các sĩ quan chỉ huy thiết giáp của chúng ta nghĩ rằng sĩ quan công binh của Việt Nam có trình độ cao, nhưng sự thật lại không phải thế.

Và đây là một trường hợp thật là hiếm có: một đoàn thiết giáp trên đường tiến quân gặp phải một ngọn đồi cao, dốc đứng choán cả lối đi. Viên sĩ quan chỉ huy đơn vị – vì muốn tiến nhanh – nên ra lệnh cho tất cả các xe thiết giáp phải trực chỉ leo thẳng lên đỉnh đồi. Vì độ dốc của đồi quá cao nên một số xe bị lật ngược trước khi lăn xuống chân đồi. Viên chỉ huy vẫn cứ ngoan cố, cho rằng vì lái xe kém nên xe mới bị lật, nên vẫn duy trì lệnh tiến quân. Cuối cùng 6 thiết giáp bị lật và không sử dụng được nữa. Còn viên sĩ quan chỉ huy đơn vị này thì bị truy tố ra trước tòa án mặt trận.

Rất nhiều binh sĩ bị đưa ra xử trước tòa án mặt trận trong cuộc chiến tranh “trừng phạt” này. Tuy nhiên, chỉ trong quân đội mới được biết những tin tức này mà thôi chứ đối với quần chúng thì những tin này vẫn bị ém nhẹm. Sự thiệt hại về nhân mạng cũng như về vũ khí tuy lớn nhưng vẫn không lớn bằng sự thiệt hại về uy tín của Hồng quân, vì mọi yếu kém của quân đội được phơi bày ra hết, nhất là về phương diện kỷ luật và tuân hành mệnh lệnh.

Vì bất tuân thượng lệnh mà từng xảy ra chậm trễ trong khi hành quân: tại một ngã tư vùng biên giới gần thị xã Lạng Sơn, một số lớn xe cộ của nhiều đơn vị đồng thời đến nơi đây cùng một lúc; và chả có đơn vị nào chịu nhường quyền ưu tiên cho đơn vị nào, nên chỉ trong chốc lát một cảnh kẹt xe hỗn loạn xảy ra ngay trước mắt [Giá có một đơn vị pháo của ta rót xuống thì hết kẹt xe ngay]. Lúc bấy giờ trong quân đội chúng ta chưa có vụ mang huy hiệu trên quân phục vì cấp lãnh đạo cho rằng mọi người lính đều ngang nhau, nên không thể nào phân biệt được ai là sĩ quan và ai là lính.

Vì giao thông bị tắt nghẽn quá lâu nên vị tư lệnh lộ quân XLI [quân đoàn 41? Có lẽ đơn vị khác vì quân đoàn 41 TQ tham chiến ở Cao Bằng] bèn đứng ra điều động sự giao thông, giống như tướng Patton từng làm khi ông chỉ huy quân đoàn III ở châu Âu. Nhưng khổ một nỗi là có một số sĩ quan trẻ ở các đơn vị khác, không thuộc lộ quân XLI nên nhất định không chịu nghe theo mệnh lệnh của ông và cứ đòi cho bằng được quyền ưu tiên qua trước vì họ không biết ông ta là ai. Thậm chí có người sỉ vả rằng ông là ai mà dám đứng ra dành quyền điều khiển việc giao thông tại nơi đây?

Khi ông cho biết mình là tư lệnh lộ quân XLI thì tiếng la ó lại càng to hơn nữa… vì họ cho rằng làm gì có chuyện một vị tư lệnh của một lộ quân lại chịu hạ mình xuống làm nhiệm vụ của một anh quân cảnh. Rồi trong tiếng la ó lại có xen lẫn tiếng: “Vậy tôi đây là tham mưu trưởng Hồng quân”, hoặc “Còn tôi là Đặng Tiểu Bình thì ông nghĩ sao?”. Trong lúc đó, một số sĩ quan phụ tá tư lệnh lộ quân XLI chạy đến giải thích thêm, nhưng cũng chả có ai chịu nghe và cuối cùng họ đi đến xô xát nhau làm cho người nào người nấy quần áo bê bết bùn. May sao, khi đó có một viên sĩ quan cao cấp kịp thời chạy đến và nhận diện được vị tư lệnh lộ quân XLI, và các viên sĩ quan đang tranh chấp nhau cũng biết mặt viên sĩ quan đến sau cùng, nên mọi việc được dàn xếp ổn thỏa. Cần nên ghi nhớ đây là một chuyện có thật.

Và sau đó mọi sự việc được báo cáo lên lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Hai năm sau cuộc chiến tranh “ trừng phạt Việt Nam”, lãnh tụ Đặng Tiểu Bình ra lệnh mọi binh sĩ của Hồng quân đều phải mang huy hiệu về quân hàm của họ trên bộ quân phục.

Một sĩ quan khác được phỏng vấn kể tiếp: “Rất nhiều binh sĩ của Hồng quân bị thiệt mạng vì bị chính quân ta pháo kích. Sở dĩ có chuyện đáng tiếc như vậy là vì sĩ quan pháo binh của chúng ta không được huấn luyện kỹ càng hoặc trong các đơn vị pháo binh không có sĩ quan trinh sát để cho tọa độ tác xạ, nên xạ thủ chỉ bắn phỏng chừng mà thôi. Nếu đi sâu vào vấn đề thì nguyên do cũng chỉ tại thiếu sự liên lạc giữa các vị chỉ huy từng vùng của mặt trận”.

Vấn đề tiếp liệu cũng gặp nhiều khó khăn vì chúng ta đưa ra mặt trận quá nhiều quân. Chúng tôi không rõ cấp chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ rút ra được gì trong khi chiến đấu với quân đội Việt Nam, chứ theo chúng tôi thì đánh nhau với Việt Nam không cần phải đưa ra thật nhiều quân mà chỉ cần đưa ra một số đơn vị được huấn luyện thật kỹ càng, nhất là về chuyên môn. Một vấn đề khác nữa là cấp chỉ huy của chúng ta cho rằng không dùng không quân để yểm trợ cho bộ binh cũng có thể thắng được Việt Nam; vì Việt Nam có rất nhiều tên lửa SAM do Liên Xô cung cấp, những tên lửa phòng không này từng hạ nhiều pháo đài bay B52 của Hoa Kỳ, nên cấp chỉ huy của chúng ta mới dè dặt khi nói đến việc sử dụng không quân.

Khi phát động chiến tranh rồi mới thấy là chúng ta thiếu hẳn phương tiện để liên lạc và phối hợp hành động giữa các đại đơn vị cùng được lệnh tấn công một mục tiêu chung. Đó là trường hợp của 2 sư đoàn tuy được lệnh tiến chiếm một thị xã nhỏ mà vẫn cứ tưởng là chỉ có riêng đơn vị của mình được lệnh này mà thôi. Ba sư đoàn được lệnh đánh chiếm Lạng Sơn và ai cũng tưởng rằng thị xã này có rất nhiều quân Việt Nam trấn giữ. Trước khi tấn công, pháo binh của ta nhả liên tục hàng trăm ngàn viên đạn đại bác trong vòng 8 tiếng đồng hồ vào thị xã này. Nhưng đến khi vào chiếm Lạng Sơn, chúng ta mới thấy đó là một thị xã bỏ ngỏ và chỉ có khoảng vài trăm thường dân còn sống sót nhưng đều bị điếc vì cuộc pháo kích, cho nên chúng ta cũng “giải thoát” hộ cho họ.

Khi cuộc chiến sắp chấm dứt, chúng ta huy động toàn bộ học viên sĩ quan trường công binh của Hồng quân đến đặt mìn trong từng nhà một của thị xã Lạng Sơn, tất cả những xác chết của dân chúng đều được chất thành từng đống và cũng được quấn mìn; khi mọi việc phá hoại được chuẩn bị xong xuôi, ai nấy đều rút ra khỏi thị xã, thì viên chỉ huy mới nhấn nút cho mìn nổ. Và Lạng Sơn, thị xã lớn nhất của Việt Nam ở vùng biên giới, kể từ nay trở thành bình địa và coi như bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Trong khi tiến xuống phía nam, một số lớn binh sĩ của chúng ta bị thiếu ngủ ngày này qua ngày khác, nên khi có lệnh dừng lại để nghỉ ngơi thì anh em rất hoan nghênh. Nhưng nào có nghỉ được phút nào đâu vì du kích Việt Nam chỉ rình có cơ hội đó để phục kích chúng ta. Đó là chưa kể hầm chông thì có khắp nơi, làm cho binh sĩ của chúng ta thiệt mạng cũng khá nhiều. Có nguồn tin cho hay là nhiều rừng tre ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh trở nên xơ xác vì tre bị đốn để làm hầm chông ở trên vùng Việt Bắc nhằm làm chậm cuộc tiến quân của quân ta.

Nạn mìn bẫy cũng làm cho quân ta chết khá nhiều, và vì vậy mà quân ta ít khi bắt tù binh vì gặp bất cứ dân Việt Nam nào họ cũng đều bắn hạ cho hả cơn giận. Về phía Việt Nam, binh sĩ họ cũng có những hành động tương tự như quân của chúng ta. Cho nên sau khi ngưng chiến và trao đổi tù binh thì chỉ có một số rất ít thôi vì đa số thì bị giết chết cả rồi.

Một trong những điều làm cho binh sĩ của chúng ta bực tức nhất là nữ du kích Việt Nam. Trong khi tiến phía nam, chỗ nào đi qua rồi là chúng ta coi như vùng đó là nơi an toàn, nhưng sự thật thì không phải như thế vì trên nội địa Việt Nam không có nơi nào có thể gọi là nơi an toàn đối với chúng tôi cả. Một đoàn xe tăng T59 đi hàng một trên một con đường núi nhỏ hẹp. Gặp khúc quanh ngặt, xe dẫn đầu phải chạy rất chậm mới có thể quẹo được; nhưng trong khi rẽ thì lỗ châu mai dùng để nhắm vẫn đứng yên bất động, không quay theo hướng của chiếc xe. Và chính lúc đó là lúc mà tên du kích dùng súng bắn vào lỗ châu mai và giết chết người lái xe. Lái xe của 7 chiếc xe tăng đều bị giết chết khi họ muốn quẹo xe và cả đoàn cơ giới đành phải dừng lại vì không có bộ binh đi theo hộ tống, và ai cũng tưởng gặp phải sức chống cự của một lực lượng hùng hậu của địch. Rồi mọi xe tăng đều bắt đầu xạ kích lung tung vì không thấy mục tiêu. Khi dứt tiếng súng thì cảnh vật lại trở về im lặng với cây rừng. Sau đó một chốc, một đại đội bộ binh được điều đến để lục soát trong vùng.

Cuối cùng họ bắt được một nữ du kích Việt Nam với một khẩu súng. Viên chỉ huy đoàn xe giận quá bèn cho lột trần cô ta, trói cả tay chân rồi ném ra giữa đường. Ông ta nhảy lên một chiếc xe và lái xe này chạy qua chạy lại nhiều lần qua cô gái cho đến khi chỉ còn một mớ thịt bầy nhầy trải trên mặt đường núi. Trong khi đó binh sĩ của ông ta lên tiếng cổ vũ rầm rĩ vang cả khu rừng. Cảnh tượng này cho ta thấy rằng Hồng quân của chúng ta không phải thiếu về vũ khí tối tân, mà thiếu sự chuẩn bị về tâm lý khi phát động cuộc chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”. Chúng ta cứ tưởng rằng cuộc chiến này sẽ là một cuộc chiến tranh quy ước và người dân thường không tham gia cuộc chiến như một người lính. Nhưng họ có biết đâu ở Việt Nam mọi người dân đều là lính cả; và chính điều này cho ta thấy là chúng ta chưa bao giờ chịu rút tỉa những bài học từ kinh nghiệm đã qua của Hoa Kỳ.

Phụ nữ Việt Nam thường hay giả vờ chào đón chúng ta, nhưng khi đến gần thì họ ném lựu đạn vào chúng ta hoặc cầm lựu đạn nhảy vào giữa đám quân của ta để cùng chết. Có một lần có một cô gái dân sự Việt Nam bị thương và được đưa vào điều trị tại một bệnh viện dã chiến của Hồng quân. Khi vào trong bệnh viện cô ta cho nổ quả lựu đạn mang trong người để tự sát và cũng để giết luôn một số người của chúng ta nữa.

Nói đến sự dã man của cuộc chiến tranh này thì quả thật không có bút nào tả xiết, nhất là khi binh sĩ Việt Nam đối xử với tù binh Trung Quốc. Mỗi khi chúng bắt được nữ binh của chúng ta, việc đầu tiên là chúng chia nhau hãm hiếp và sau đó chúng giết họ và quẳng xác lại để cho chúng ta tìm. Có lúc chúng hãm hiếp xong còn dùng dây kẽm gai xiên qua vú của những nữ tù binh ta, làm thành từng xâu năm sáu người để cho họ không thể di chuyển được. Có nhiều trường hợp chúng bắt nữ tù binh của chúng ta ngồi trên những chiếc xiên tre vót nhọn, hoặc khi bị họ từ chối thì chúng đá cho họ té nhào lên trên những cây xiên này.

Binh sĩ của chúng ta khi nghe kể lại những hành động dã man của quân đội Việt Nam thì họ rất căm thù và sau đó họ cũng đối xử như vậy với nữ tù binh Việt Nam [rõ ràng đây là một chiêu nhằm kích động binh lính TQ]. Một khi binh sĩ ta nổi cơn thịnh nộ thì họ cũng biết bắn, giết, đốt phá nhà cửa như điên, và họ rất lấy làm vui thích khi có dịp để trả thù lại quân đội Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh “trừng phạt “ này, chúng ta áp dụng chính sách tiêu thổ đối với Việt Nam. Ngay trong vùng Lạng Sơn có mỏ “lân tinh”, chúng ta cho công binh tháo gỡ toàn bộ máy móc và dụng cụ dùng để khai thác hầm mỏ này mang về Trung Quốc. Những gì không mang đi được như đường sá, nhà cửa, các con đường hầm, đều bị phá sạch.

Đối với người ngoại quốc, nhất là đối với Hoa Kỳ – nước đã thất bại ở Việt Nam – thì Trung Quốc không thành công trong cuộc chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”, nhưng sự thật thì ngược lại vì nhờ có cuộc chiến tranh này mà quân đội Trung Quốc rút được rất nhiều ưu khuyết điểm để ngày càng tiến bộ thêm lên.

Người có cha là lính Trung Quốc

https://www.bbc.com/vietnamese/forum/story/2009/01/090130_vivienne_story_1979.shtml – 04 Tháng 2 2009

Quách Tương Uy
Bài viết riêng cho BBCVietnamese.com

Lần đầu tiên tôi biết được chút gì về cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba là từ những câu chuyện của cha kể về “bọn xấu Việt Nam”.

Khi ông về nhà nhân được quân đội cho nghỉ phép vài tuần, ông thường chở tôi đi chơi bằng xe đạp. Đó là thời gian hạnh phúc cho tôi, khi ngồi ở yên sau, nghe tiếng chuông leng keng, và nghe những câu chuyện chiến tranh cha kể.

Chuyện của cha

Tôi thần tượng cha vì cống hiến trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, lại càng phục cha hơn vì những chuyện ông kể. Hình ảnh về “bọn xấu Việt Nam” trong cuộc chiến vẫn in sâu trong tôi, vẫn sinh động như ngày tôi còn là cô bé tám tuổi của 14 năm trước.

Cha kể “bọn xấu” đó lạnh lùng, tàn nhẫn trong “cuộc chiến đấu tự vệ trước Việt Nam”, rằng chúng dùng vũ khí Trung Quốc để giết lính Trung Quốc, rằng chúng dựng hàng rào phòng thủ bằng hàng hóa Trung Quốc từng viện trợ.

Tôi còn nhớ được cho hay người Việt “rất xấu và vô ơn” nên chúng tôi cần phải dạy cho họ bài học. Trong thời gian dài, tôi giữ ấn tượng về người Việt như những kẻ làm sởn gai ốc, mặt mũi lạnh lẽo, cầm súng trong tay. Cái tên “Việt Nam” nghe thật kỳ quái cho dù tôi cũng không hiểu thực ra nó như thế nào.

Tự tìm hiểu

Nhiều năm sau, trong lớp học lịch sử ở trường trung học, cuối cùng tôi tìm thấy Việt Nam – một đất nước thực sự – trên bản đồ thế giới, thật hơn cái hình ảnh đã ám ảnh tôi thời gian dài.

Cả bài giảng của giáo viên lẫn sách giáo khoa đều không đủ rõ ràng về những gì xảy ra trong cuộc chiến năm 1979. Điều duy nhất được nói là sự quan trọng của chiến thắng của Trung Quốc, mặc dù sự mô tả này cả lúc đó lẫn bây giờ với tôi đều rất mơ hồ.

Sau khi tôi vào Đại học Bắc Kinh, bắt đầu học ngành Quan hệ Quốc tế, tôi cố gắng xác lập một cái nhìn khách quan hơn về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979.

Bối cảnh Chiến tranh Lạnh và sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa định hình ý thức hệ và bản sắc hai quốc gia. Việc Việt Nam gần gũi Liên Xô và sự xâm lấn Campuchia khiến Trung Quốc mất đi ảnh hưởng trong khối cộng sản, và hằn sâu hơn chia rẽ với Trung Quốc. Đồng thời, sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa làm Trung Quốc rất muốn được xao lãng khỏi chuyện nội bộ.

Được tiếp thêm lửa từ những sự kiện “bài Hoa” ở Việt Nam cuối thập niên 1970 và rạn nứt quan hệ giữa hai nước vì Trường Sa, cuộc chiến Đông Dương lần ba cuối cùng nổ ra.

Cuộc chiến kết thúc bằng việc quân đội Trung Quốc rút lui vì thiếu tiếp viện và kinh nghiệm tham gia các cuộc chiến tranh hiện đại, nhưng “chiến thắng” không phải là từ tôi sẽ dùng để mô tả kết quả cuộc chiến cho cả Trung Quốc hay Việt Nam.

Kể câu chuyện mới

Quach Tuong Uy
Quách Tương Uy

Với tôi, điều quan trọng nhất là những bất hòa mà chiến tranh để lại và những ký ức bị bóp méo theo ý thức hệ thời gian đó hình thành nên di sản cuộc chiến. Những di sản đó, một số cụ thể như xung đột lãnh thổ kéo dài sang cả thập niên 1980. Một số không đo đếm được, giống như những câu chuyện của cha tôi, truyền lại những tư tưởng ám ảnh về một quốc gia sang cho thế hệ đi sau.

Ngày nay, 30 năm đã qua, và thanh niên hai nước bắt đầu quên đi cuộc chiến đẫm máu đó.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có triển vọng tốt hơn khi không có sự thù hằn vì di sản chiến tranh. Và tôi đoán đã đến lúc để tôi kể một số câu chuyện mới về Việt Nam cho cha nghe theo một ngôn ngữ hòa bình.

Vì chung cục, điều nguy hiểm nhất cho quan hệ Việt-Trung là hai nước vẫn nói ngôn ngữ bạo lực trong một thời đại hòa bình.

Đây là bài viết của một nữ sinh viên người Trung Quốc đang học ở London.

Xung đột 1979 là trách nhiệm của ai?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2009/02/090224_sino_viet_reflection_tc2 – 11 Tháng 2 2009

Tiến sĩ Hoàng Kim Phúc
Đại học Oxford, Anh Quốc

Năm tôi lên chín, Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Yếu tố chính trị trực tiếp nào đưa đến cuộc chiến năm 1979? Có phải là xu hướng “ly khai” của cộng đồng Hoa kiều phía Nam khi đòi giữ ngoại tịch và chối bỏ quốc tịch Việt Nam vào nửa cuối thập niên 70?

Hay là chính sách bài trừ tư bản mà cộng đồng Hoa kiều bị ảnh hưởng nhiều nhất? Hay đó là câu trả lời cho cuộc chiến của Việt Nam với Cambodia nhằm trừ khử Khme Đỏ, khi đó đang được Trung Quốc đỡ đầu?

Phải chăng Trung Quốc gây chiến để dằn mặt khi Việt Nam đang giao hảo chặt chẽ với Liên Xô và mở rộng ảnh hưởng tới Lào và Cambodia? Hay để Trung Quốc lấy điểm với Mỹ vì lúc đó chiến tranh lạnh vẫn đang căng thẳng?

Hay nó đơn thuần để giải quyết những xung đột nội bộ Trung Quốc để lại từ thời kỳ Tứ Nhân Bang? Tất cả những khả năng trên các sử gia phương Tây cho tới nay vẫn chưa ai có số liệu thật đầy đủ và thuyết phục.

Vết thương khó lành

Nhưng cho dù với bất cứ lí do gì thì đây cũng là một cuộc chiến hết sức man rợ và vô nhân đạo, vì chưa đầy 30 ngày mà gần một trăm ngàn người (60-100 ngàn theo các số liệu khác nhau) của cả hai phía bị thương vong.

Chừng nào những ẩn số lịch sử về nguyên nhân cuộc chiến chưa được sáng tỏ trước cộng luận và lịch sử thế giới thì chừng đó nguy cơ để xảy ra những tranh chấp tương tự giữa Trung Quốc và các nước láng giềng còn có cơ hội tái diễn, đặc biệt khi nền chính trị tại quốc gia khổng lồ này còn dựa trên nền tảng độc tài toàn trị.

Mặc dù cuộc chiến đẫm máu chính thức diễn ra khá ngắn ngủi nhưng những đợt pháo kích dai dẳng dọc tuyến biên giới, kéo dài nhiều năm sau đó mới để lại những “vết thương” khó lành trong kí ức đương đại của dân chúng Việt Nam, đặc biệt là dân miền Bắc.

Làng tôi sống khi ấy gồm ba xóm, nay thuộc quận Ba Đình, vậy mà cũng có tới hai anh đi bộ đội bị pháo chết trên “chốt”.

Từ “lên chốt” có lúc được nhiều thanh niên nhắc tới như “ác mộng”. Dù mục tiêu chiến lược của việc tấn công Việt Nam vẫn còn nhiều uẩn khúc lịch sử nhưng về mặt nào đó Trung Quốc thành công trong việc gây nên một tâm lý lo lắng bất ổn, pha sự sợ hãi trong các thành phần dân chúng Việt Nam.

Tuy nhiên điều Trung Quốc không lường hết là cuộc chiến 79 giống như một nhát cuốc tàn bạo, lật thẳng “tấm ván thiên” chôn nỗi căm thù sâu thẳm và âm ỷ của các dân tộc Việt với kẻ xâm lược ngàn năm từ phương Bắc.

Sự căm thù tưởng có lúc bị vùi lấp đi bởi “tấm tình đồng chí” môi hở răng lạnh, hay bởi những luận điệu tuyên truyền “Núi liền núi, sông liền sông” hữu hảo.

Xâm lăng 1979 đánh mạnh vào lòng tự hào của các dân tộc Việt, cái mà ở chừng mực nào đó giúp họ tồn tại anh dũng bên cạnh “đế quốc” Trung Hoa trong ngàn năm không bị đồng hóa, kể từ chiến thắng Bạch Đằng.

Mục đích Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học bằng cuộc chiến 1979 có lẽ cũng man dại và phản tác dụng không khác gì việc trước đó quân đội Mỹ ném bom rải thảm nhằm đưa Hà Nội quay lại “thời kỳ đồ đá”.

Về mặt lịch sử, chiến tranh 79 là một mũi tiêm chủng tái khởi động ý thức đề kháng mãnh liệt chống lại dã tâm tạo ảnh hưởng và “kiểm soát” của Trung Quốc với Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Với những kí ức và thông tin của riêng mình có được, tôi không hề nghĩ rằng cuộc chiến tranh 1979 chỉ dừng lại ở khẩu hiệu của Đặng là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Cuộc chiến kéo dài

Cuộc chiến không thực sự kết thúc sau năm 1979. Hơn thế, nó là một tính toán lâu dài, thậm chí nó là một phần trong cả một chính sách lớn của Trung Quốc với Việt Nam mà hành động phát lộ đầu tiên là đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Mặc dù trước đó lính Trung Quốc lấn chiếm bằng cách di dời cột mốc biên giới khi giúp chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm đường.

Sự ngẫu nhiên của số phận và nghề nghiệp cho tôi thêm tư liệu và thông tin để nhìn nhận chi tiết mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” rất mai mỉa này.

Với quyết tâm tìm cho ra mối quan hệ của một số loài muỗi sốt rét chính ở Việt Nam và mối tương quan dẫn truyền của nó qua biên giới Việt-Trung, tôi đi hàng chục chuyến công tác tại dọc tuyến biên giới Việt Trung.

Ở nhiều nơi khi tôi đến, danh nghĩa là cuộc chiến đã qua 20 năm, ký ức về sự man rợ của cuộc chiến như vừa mới hôm qua. Lần đầu đến Hà Giang, ngồi cạnh bác lái già chạy xe Hà Giang-Vị Xuyên, ông kể.

“Năm 79 nó sang, dân bên mình hoàn toàn bị bất ngờ, vì thế thiệt hại là vô kể.

”Nó rút đi đặt mìn giật sập bất cứ cái gì gọi là do tay con người tạo nên. Mìn nó còn gài lại vô số trong các khu dân cư, tỉnh lộ. Mà nào có yên, pháo nó còn “củng” sang đây liên tục tới năm 88-89.

”Thằng con tôi đi củi với hai thằng bé cùng lớp bị trúng mìn. Hai đứa chết, một đứa cụt hai chân, mù mắt”.

”Khu vực “Hữu nghị Quan”, dân các xã xung quanh kể lại là chiều hôm trước lính Tàu còn sang đá bóng với thanh niên địa phương và lính biên phòng Việt Nam. Tối hôm đó có chiếu bóng ngoài bãi, bọn lính Tàu còn sang chơi đầy, thế mà sáng hôm sau nó tấn công.”

Nhóm nghiên cứu của tôi “nằm” ở Cà Liểng, nơi có hẻm núi hẹp, độc đạo, mà xe tăng Trung Quốc vào Việt Nam ở ngả Cao Bằng. Một cô giáo bản, dân tộc Mèo “đen” sáng hôm đó chở ông bố xuống huyện khám bệnh. Tự dưng thấy rất nhiều xe tăng với “bộ đội” ngồi trên ở phía sau tiến tới. Ông cụ giơ tay chào nhưng sau thấy xe tăng cứ tiến sát như muốn nghiến lên chiếc xe đạp, ông kêu ầm lên để các chú “bộ đội” nghe thấy.

Đột nhiên thằng ôn vật ngồi trên tháp pháo rút súng làm đánh đùng một cái vào đầu ông cụ. Ông cụ lăn xuống chết tức khắc, cô con gái sợ quá quăng xe đạp lao vào rừng, chạy tắt xuống huyện đội. Lúc đó người ta mới ngã ngửa ra là Tàu đánh”. Dân Thạch An, Cao Bằng mạnh ai nấy chạy, giạt hết lên núi.

Vào sâu trong rừng, người đồng bào sau đó tìm thấy những vạt rừng phủ kín quần áo, võng, bạt, vỏ đồ hộp và phân… của bọn lính sơn cước Tàu. Chúng ém quân từ khá lâu trước đó. Từ đỉnh núi đồng bào địa phương nhìn ngay xuống bản, thậm chí sân nhà mình. Nhiều người phải liều mạng lẻn về để lấy muối, lấy dao, quần áo…

Chiều đến họ thấy hàng chục thằng lính Tàu “vật nhau” với những chiếc xe đạp của dân bỏ lại. Bọn lính này được tuyển mộ từ những vùng cực kỳ nghèo đói và lạc hậu của Hoa lục nên không biết ngay cả đi xe đạp.

Không ngạc nhiên rằng chúng hết sức tàn bạo và hung hãn. Đối với người dân tộc sống dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, căn nhà và các vật dụng thiết thân như con dao, cái cối đá, ngọn đèn dầu là những vật vô cùng quí giá. Nắm được tâm lí này, bọn lính Tàu được lệnh tàn phá mọi thứ dù là nhỏ nhất, trước khi rút đi.

Người dân các vùng từ Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai… đều kể cho tôi nghe những chi tiết khá tương tự rằng khi về lại nhà cũ, tất cả bị thiêu trụi. Những chiếc đèn dầu hỏa, vại dưa, chum nước, cối đá… đều bị đập vỡ, ngay cả những con dao bài giắt ở vách bếp cũng bị chặt vào nhau cho nát lưỡi dao, giếng nước bị sâp vì lựu đạn tống xuống.

Năm 1986, trong một chuyến thực tập hè ở Lương Sơn, Hòa Bình, tôi ở cùng những trung đoàn lính Việt nam đang tập đạn thật vì địa hình Lương Sơn tương tự Vị Xuyên, Hà Giang. Sau một tháng họ sẽ đi Vị Xuyên. Những người lính trẻ âu lo vì những tin tức ác liệt từ Vị Xuyên và các điểm nóng khác vẫn truyền về trong suốt nhiều năm sau 1979.

Đầu năm 1988, Trung Quốc tấn công Trường Sa, 74 bộ đội Việt Nam bị thiệt mạng.

Năm 1995, theo anh bạn học làm kiểm dịch sinh vật, tôi lên cửa khẩu Chi Ma. Mặc dù hai nước lúc đó đã “bình thường hóa” và thông thương buôn bán nhưng những dãy đồi trùng điệp liền kề với cửa ải này vẫn dày đặc các trận địa mìn.

Xung đột lẻ tẻ trên đường biên vẫn liên tiếp xảy ra. Ban đêm, các cột mốc bị di dời vào đất Việt Nam như cơm bữa. Nhiều năm trở lại đây, trên biên giới bộ cột mốc vẫn bị di chuyển.

Trên biển, Trung Quốc nhiều lần dùng tàu chiến tấn công thuyền đánh cá và giết hại ngư dân Việt nam. Sự leo thang trắng trợn tới mức báo động khi Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc huyện Tam Sa của Hải Nam cuối năm 2007, xua đuổi các công ty liên doanh thăm dò dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn của Việt nam và vừa rồi quyết định đầu tư 29 tỷ đôla để khai thác dầu trong hải phận Việt Nam.

Tiền Việt Nam giả được in bằng những kỹ thuật tinh vi từ Trung Quốc, tràn ngập qua các ngả biên giới vào Việt Nam. In bạc giả là một loại tội phạm nghiêm trọng ở mọi quốc gia. Sản xuất tiền giả để tung vào quốc gia khác là vi phạm luật pháp và công ước quốc tế. Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn im lặng trước những hoạt động tội phạm quy mô lớn này.

Rõ ràng sự tấn công Việt Nam bằng quân sự trên biển và đất liền, tấn công chính trị và ngoại giao, tấn công phá hoại kinh tế… kéo dài hàng chục năm sau cuộc chiến, qua nhiều đời Tổng bí thư của Trung Quốc ắt phải là mưu đồ làm cho nước láng giềng nhỏ bé phải “chảy máu” tới chết.

Người Mỹ từ lâu có trách nhiệm hỗ trợ rà gỡ bom mìn trong chiến tranh, sao tới nay người Trung Quốc vẫn tảng lờ những trận địa mìn nằm trên đất Việt?

Theo tính toán của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, sẽ còn mất hàng chục năm nữa để giải phóng các trận địa mìn nằm trên đất Việt, dọc biên giới phía Bắc.

Những trái mìn Made in China đang nằm trên đất Việt chính là những bằng chứng hiển nhiên để mỗi người dân Việt nam có cơ hội để đánh giá sự thành thật, thiện chí theo phương châm “16 chữ vàng” từ phía nước láng giềng khổng lồ phía Bắc này.

Trung Quốc rút bài học sau 1979

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2007/02/070216_chinalesson.shtml

– 16 Tháng 2 2007

[Font chữ Việt không tương thích với WordPress]

Điểm cuốn sách Biên Giới Việt Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ArtsAndLiteratureVnCnBorderIssue_NAn-20080120.html

2008-01-20
Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, kỳ này do Nguyễn An thực hiện và cùng trình bày với Thanh Trúc, điểm cuốn sách Biên Giới Việt–Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp do nhà Xuất bản Dũng Châu ấn hành tại Pháp năm 2005.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam có thể nói là lịch sử đấu tranh khi công khai khi ngấm ngầm với láng giềng phương bắc để sống còn, bởi người láng giềng ấy phải nói là vừa to, vừa lớn, vừa tinh nhanh, lại vừa tham lam, tâm địa khó lường và chưa bao giờ bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để lấn chiếm nước ta, về tinh thần, văn hoá cũng như về của cải, lãnh thổ.

Riêng về lãnh thổ, thì những khu vực bị dòm ngó nhiều nhất tất nhiên phải là vùng biên giới, kể cả trên đất liền lẫn biển cả. Những thủ đọan để lấn chiếm của Trung Quốc đối với Việt Nam thay đổi tùy theo hoàn cảnh cũng như tùy theo tình hình bang giao, mặc dù dã tâm lấn chiếm thì chưa bao giờ nguôi. Có khi họ đem quân trực tiếp xâm lăng hay quấy phá, đặt ách đô hộ lên nước ta.

Có khi họ dùng phương thức “diễn tiến hoà bình”, chẳng qua là một phương thức lấn chiếm kiểu tằm ăn dâu, tạo những “chuyện đã rồi” và sau đó, sẽ tìm cơ hội để “hợp thức hoá một tình trạng không thể cải sửa được.” Trong một chương trình tới, chúng tôi sẽ nói đến những trường hợp cụ thể của phương thức này trong tình hình mà mối bang giao giữa hai nước được kể là vô cùng thắm thiết, vừa là đồng chí vừa là anh em, môi hở răng lạnh mặc dù hễ có cơ hội, thì răng cũng cắn vào môi cái nào đáng cái đó.

Chính vì tình hình biên giới giữa hai nước như thế, nên những hiệp ước biên giới đã ký phải kể là những bước tiến lớn, bởi ít nhất chúng cũng giúp bảo đảm một tình trạng ổn định trong một thời gian nào đó, hay giúp biến những “tranh cãi” thành những “chịu đựng”. Trong vòng hơn một thế kỷ qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký với nhau hai hiệp ước về biên giới: Thứ nhất là công ước Pháp–Thanh năm 1887, được bổ sung bằng công ước 1895 và thứ hai là hiệp ước biên giới trên đất liền mới ký vào cuối năm 1999, được phân giới cắm mốc hai năm sau đó, và dự định sẽ hoàn tất nội trong năm nay.

Những bản hiệp ước này được toàn thể dân tộc theo dõi, tìm hiểu bởi mỗi tấc đất của tổ tiên để lại đều phải được coi như một phần máu thịt của người dân. Tuy nhiên, ngoại trừ bản văn của hiệp ước 1999 được công bố trên báo Nhân Dân hơn hai năm sau khi ký, còn quá trình đàm phán, những chi tiết thảo luận cũng như bản đồ thực địa đi kèm theo hiệp ước thì cho đến nay chưa người dân bình thường nào được biết.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn bỏ công sức ra tìm hiểu. Đó là lý do xuất hiện của một lọat những công trình về đường biên giới trên đất liền cũng như trên biển của Việt Nam và Trung quốc của các học giả, nhà nghiên cứu được đăng tải trên các trang mạng. Trong số này, “dài hơi” nhất có lẽ là cuốn sách Biên Giới Việt–Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp do nhà Xuất bản Dũng Châu ấn hành tại Pháp năm 2005.

Cuốn sách dầy 860 trang khổ 16cm X 21cm, bìa cứng chữ mạ vàng, được bọc ngoài bằng một bìa mỏng láng màu vàng làm nền cho tựa sách in màu nâu và bản đồ đoạn biên giới thứ năm, từ sông Hồng qua sông Đà, đến biên giới Lào thuộc Vân Nam của Ủy ban phân định 1887. Dưới cùng là hàng chữ Dũng Châu 2005.

Không kể lời dẫn nhập và cám ơn, sách gồm có 9 chương trình bày 8 chủ đề và một phần phụ lục. Riêng phần phụ lục đã chiếm 269 trang với những tài liệu minh họa cho những điều nói ở trên. Những tài liệu ấy bao gồm phóng ảnh các tài liệu nguyên thủy đã trích dẫn bằng tiếng Pháp hay Hán, cùng những bản đồ và hình ảnh mà tác giả sưu tầm được qua những ngày tháng lặn lội trong các thư viện và bảo tàng tại Pháp, Mỹ.

Tám chủ đề gồm có: Tìm hiểu hiệp ước Thiên Tân ngày 9 tháng sáu năm 1885 ký kết giữa nước Pháp và nhà Thanh của Trung Quốc. Trong chương này, tác giả trình bày bối cảnh địa lý chính trị tại Bắc Kỳ trước chiến tranh Pháp–Thanh kết thúc vào ngày ký hiệp ước. Ba chương kế tiếp tìm hiểu biên giới các vùng tiếp giáp tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.

Nếu mà nói về cơ duyên thì phải nhớ lại là vào khoảng năm 2000, 2001, thì có những nguồn tin từ trong nước đưa ra, sau khi có hiệp ước biên giới 1999 đó, nói là Việt Nam bị mất đất, mất biển…

Công trình nghiên cứu quy mô

Chương Năm được dành cho lãnh hải Việt Nam trong vịnh Bắc Việt. Chương sáu dành cho Hoàng Sa–Trường Sa. Chương Bảy nghiên cứu hiệp ước phân định biên giới tháng 12 năm 1999 và chương Tám so sánh đường biên giới quy ước 1887 với đường biên giới theo Hiệp ước 1999.

Truong Nhan Tuan
Ông Trương Nhân Tuấn 

Đây là một công trình nghiên cứu quy mô, có vẻ như của một chuyên gia lão thành về sử hay khảo cổ học, nhưng khi đọc tóm tắt tiểu sử tác giả in tại bìa trong, mới biết tác giả Trương Nhân Tuấn tên thật là Ngô Quốc Dũng, sinh năm 1956 tại Bạc Liêu, là một sinh viên Đại học Khoa học Saigon trước khi vượt biên rồi định cư ở Pháp, tiếp tục học và tốt nghiệp ngành Toán và Khoa học.

Vậy là giữa ngành học và công trình nghiên cứu của tác giả, có lẽ chỉ có một điểm chung là cái tinh thần lô gích của Toán học, và khi áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay, với tình trạng thiếu thông tin, thì sử dụng luận lý để lấp đầy những lỗ hổng ấy lại là một khả năng không thể không có của người nghiên cứu.

Câu hỏi đầu tiên của người đọc khi được biết tiểu sử của nhà nghiên cứu, là, cái cơ duyên nào đã đưa đẩy ông, từ một nhà khoa học thuần lý và thực nghiệm thành một nhà khoa học nhân văn là Sử học? Đây là câu trả lời của tác giả:

Nếu mà nói về cơ duyên thì phải nhớ lại là vào khoảng năm 2000, 2001, có những nguồn tin từ trong nước đưa ra, sau khi có hiệp ước biên giới 1999 đó, nói là Việt Nam bị mất đất, mất biển

Nói là ải Nam Quan bị mất rồi, đường biên giới ở ải Nam Quan bị dời vào bốn hay năm cây số lận. Sau đó thì ở hải ngoại có những tranh luận rất là đáng chú ý, khiến mình rất tò mò. Trước đó thì đã có viết lách chút ít, mà nay thấy cái chủ đề này cũng hay nên cũng muốn đi tìm sự thật, coi thử có mất đất mất biển hay là không.

Cái động lực là… tất cả những gì thiêng liêng đối với người Việt mình, chính là đất nước. Người Việt Nam mình hình như dính liền với đất nước của mình. Cho nên khi có chuyện gì xẩy ra liên quan đến đất nước của mình, thì mình cảm thấy cá nhân mình bị xúc phạm liền. Cho nên tôi quyết định đi tìm sự thật.”

Ai Nam Quan
Ải Nam Quan

Người cộng tác thân tín

Về quá trình hoàn thành cuốn sách mà lúc đầu ông chỉ muốn viết và tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi cấp thiết của mình thôi, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho biết:

Mới lúc đầu, mình tưởng mình chỉ mất chừng ba bốn tháng thôi, vì muốn đi tìm sự thật của việc này thì thấy cũng đơn giản, là có mất hay không, hay là ải Nam Quan mất từ đâu đến đâu, đại khái là vậy… Thác Bản Giốc nữa… nhưng khi mình bắt đầu bắt tay vào việc làm, thì mới thấy là công việc ấy không đơn giản. Từ dự trù kéo dài ba bốn tháng, đã kéo dài lên đến bốn năm, hơn bốn năm.”

Thac Ban Gioc
Thác Bản Giốc

Là một người vượt biên đến định cư tại Pháp, phải nhanh chóng hội nhập vào đời sống tại đất nước tạm dung, phải thích ứng với nhịp sống tại đó, vừa đáp ứng những yêu cầu của đời sống trước mắt cũng như phải chuẩn bị tương lai cho con cái, quả thật không dễ dàng chút nào khi phải để dành thời gian và công sức, tiền bạc cho những công trình nghiên cứu. Trường hợp của tác giả Biên giới Việt–Trung ra sao?

“Người cộng tác thân tín nhất có thể là nhà tôi thôi. Nhà tôi là người đã chia xẻ nhiều nhất với tôi trong cái việc thành hình cuốn sách này.”

Thế là rõ, và người phụ nữ đáng quý được tác giả trân trọng gọi là hiền nội kể lại những đóng góp của bà như sau:

Em không có đóng góp gì ở trong cuốn sách này. Em chỉ cố gắng làm tròn bổn phận của người vợ mà thôi. Em chỉ ủng hộ tinh thần, giúp đỡ cho ổng có nhiều thời gian để cho ổng hoàn thành quyển sách. Nhưng mà như anh cũng thấy đó, lúc đầu tưởng đâu chỉ vài ba tháng, mà rồi kéo dài đến bốn năm, hơn bốn năm!

Quả là một minh họa cho câu nói “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.” Khi được hỏi có những kỷ niệm nào đáng ghi nhớ trong suốt thời gian ấy, bà Ngô Quốc Dũng, nhũ danh Thanh Châu, và từ đó thành hình tên nhà xuất bản Dũng Châu nói:

Kỷ niệm, thì cũng có một vài kỷ niệm… Có những lúc mà ổng tìm ra được tài liệu nào quý hiếm đó anh, thì ổng lật đật chạy đi tìm em, hoặc điện thọai cho em, même là lúc đó em đang làm việc. Ông cũng cố gặp được em để khoe với em những gì ổng vừa tìm kiếm được. Lúc ấy thì hai vợ chồng vui lắm! Rồi, có những kỷ niệm khác thì, có khi phải làm tối, làm khuya đó… thì mình cũng phải chịu thôi (cười…)”

Tâm đắc

Trở lại với công trình nghiên cứu, khi được hỏi trong cuốn sách, ông tâm đắc với phần nào nhất, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho biết:

Đây là một cuốn sách tài liệu, nên cái tâm đắc nhất của mình chính là những khám phá của mình. Cái mà mình hãnh diện nhất, là mình đã tìm được, trình bày được những điểm mà đồng hương của mình đang thắc mắc, và cả đất nước mình đang cần đến nữa.

Cái tâm đắc khác nữa là qua công trình này, thì mình học thêm được những lãnh vực mà trước đó mình không biết chẳng hạn như về lịch sử hay pháp luật. Mặt khác nữa đó, là mình học thêm được chữ Hán.”

Sau cùng, khi trở lại với động lực ban đầu khiến ông bắt tay vào nghiên cứu, là tìm hiểu xem Việt Nam có mất đất mất biển không? Các thảo luận và đàm phán có công bằng không và liệu các hiệp ước này có giúp chấm dứt được những tranh chấp giữa hai nước láng giềng từng kéo dài nhiều thế kỷ không, tác giả nói:

Mặc dù bộ bản đồ đính kèm với hiệp ước năm 1999 chưa được công bố, nhưng qua những gì đã được công bố, qua các cuộc phỏng vấn thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng, hay mới đây là ông Vũ Dũng, thì ta thấy ở trên đất liền, có một số vùng đất đã bị đổi chủ, đã mất, và trên biển cũng đã thấy là ở trong vịnh Bắc Việt, Việt Nam bị mất khoảng 11.000 km2.

Về vấn đề công bằng hay không, thì tôi có thể khẳng định rằng hai hiệp ước biên giới trên đất liền cũng như trên biển là hai hiệp ước bất bình đẳng. Về vấn đề những tranh chấp có thể còn kéo dài nữa hay không, thì tôi cho rằng, một khi đã phân định rồi, thì khó mà đặt lại vấn đề lắm.”

Những chuyện liên quan đến biên giới Việt–Trung bao giờ cũng là những chuyện phức tạp và kéo dài, nên những công trình khảo cứu liên hệ cũng sẽ phải kéo dài và tiếp tục được nghiên cứu, cập nhật.

Đó cũng là ý hướng sắp tới của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn. Ông sẽ tiếp tục với sự hỗ trợ không mỏi mệt của hiền nội của ông. Tạp chí Văn học Nghệ thuật kỳ này xin dừng lại ở đây, với lời chúc tác giả Trương Nhân Tuấn tiếp tục công trình của mình, với sự yểm trợ quý giá và đáng trân trọng, gây xúc động của hiền nội Thanh Châu.

Việt Nam làm gì để tự vệ?

https://www.bbc.com/vietnamese/lg/vietnam/2009/02/090219_vuving_china_viet_tc2.shtml – 19 Tháng 2, 2009

Tiến sĩ Alexander Vuving

Ai sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ trong một thế giới vô chính phủ cũng phải canh cánh câu hỏi: Khi nào thì anh ta có thể đánh mình, và làm sao để mình không bị anh ta đánh?

Đây cũng là một câu hỏi thường trực cho các chính sách quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam, và anh hàng xóm khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc.

Quy luật lịch sử

Khi nào thì Trung Quốc có thể đánh Việt Nam? Tương lai không thể nói trước được, nhưng nếu lịch sử cho thấy có quy luật thì có nhiều khả năng quy luật đó sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong tương lai.

Lịch sử từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời có ba lần lớn và một số lần nhỏ hơn Trung Quốc ra quân đánh Việt Nam.

  • Lần thứ nhất năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa.
  • Lần thứ hai năm 1979, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới trên bộ, vào sâu nhiều chục cây số, phá hủy cơ sở vật chất, rồi rút về sau đúng một tháng.
  • Lần thứ ba năm 1988, Trung Quốc chiếm 6 bãi đá trong vùng lân cận các đảo do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, riêng vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) bắn cháy ba tàu vận tải và giết khoảng 70 thủy thủ của Hải quân Việt Nam.
  • Những lần đánh nhỏ hơn bao gồm các cuộc tấn công ở biên giới sau cuộc chiến 1979, liên tục cho đến năm 1988. Trong thời gian này, Trung Quốc chiếm được một số điểm cao chiến lược dọc biên giới như ở các huyện Vị Xuyên, Yên Minh (tỉnh Hà Giang) và Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Các cuộc lấn chiếm này dường như được hợp pháp hóa tại Hiệp ước biên giới trên bộ năm 1999.
  • Ngoài ra, trên quần đảo Trường Sa sau năm 1988, Trung Quốc chiếm thêm các bãi đá ở gần vị trí đóng quân của Việt Nam như Én Đất (Eldad Reef) và Đá Ba Đầu (Whitson Reef) vào các năm 1990, 1992, và sau đó chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở gần Philippin năm 1995.

Thế và Thời

Tư duy chiến lược Trung Hoa đặc biệt coi trọng chữ Thế và chữ Thời. Các cuộc tấn công Việt Nam cho thấy có một quy luật khá nhất quán trong việc Trung Quốc chớp thời cơ vào lúc thế của họ đi lên và thế của đối phương đi xuống để tung quân ra đánh.

Thời điểm tháng 1-1974, Trung Quốc đánh Hoàng Sa đang do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát là sau khi Mỹ cam kết chấm dứt can thiệp quân sự ở Việt Nam (Hiệp định Paris tháng 1-1973) và Quốc hội Mỹ cấm Chính phủ can thiệp trở lại (Tu chính án Case-Church tháng 6-1973), tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực và khiến cho Việt Nam Cộng hòa chới với không nơi nương tựa.

Trong khi đó thế của Trung Quốc đang dâng lên với việc Bắc Kinh trở thành một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (tháng 10-1971) và từ địa vị kẻ thù của cả hai siêu cường (Liên Xô và Mỹ) trở thành đối tác của Mỹ (với Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2-1972).

Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979 là để trả đũa Việt Nam đưa quân vào Campuchia nhưng cũng là khi thế của Việt Nam đi xuống trong khi thế của Trung Quốc đi lên.

Một tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô ký liên minh quân sự (tháng 11-1978) thì Trung Quốc và Mỹ cũng tuyên bố lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam đang bị thế giới ngoài phe Liên Xô tẩy chay vì chiếm đóng Campuchia nên thế của Việt Nam đang xuống rất thấp.

Các cuộc tấn công của Trung Quốc dọc biên giới trong các năm từ 1980 đến 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập với thế giới bên ngoài trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, cũng bị cô lập trên trường quốc tế (do đưa quân vào Afghanistan) và, cộng với những khó khăn kinh tế, phải đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc cũng như phương Tây.

Chiến dịch chiếm một phần Trường Sa năm 1988 của Trung Quốc khởi sự từ năm 1986, khi Liên Xô chuyển sang nhượng bộ chiến lược với phương Tây và Trung Quốc, đồng thời rục rịch rút lui ảnh hưởng khỏi Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.

Bài nói tại Vladivostok của lãnh tụ Liên Xô Gorbachov ngày 28-7-1986 tỏ ý Liên Xô sẵn sàng chấp nhận các điều kiện Trung Quốc đưa ra để bình thường hóa quan hệ Xô-Trung (Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan và giảm căng thẳng ở biên giới Xô-Trung, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia) đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Liên Xô ở châu Á, đồng thời cũng là chỉ dấu cho thấy thế của Liên Xô đi xuống và thế của Trung Quốc đi lên.

Trong các năm sau, việc Liên Xô rút lui trong khi Mỹ không trám vào đã thực sự tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực. Trong khi ấy Việt Nam vẫn bám vào Liên Xô mà không phá được thế bị cô lập. Một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang “đa phương hóa” chỉ được thông qua vào tháng 5-1988, hai tháng sau vụ đụng độ ở quần đảo Trường Sa.

Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam giai đoạn 1980-1988 có thể coi là dư chấn của cuộc chiến năm 1979. Các cuộc chiếm đảo ở Trường Sa thời kỳ 1990-1992 cũng có thể coi là dư chấn của chiến dịch năm 1988.

Thời kỳ 1980-1988, Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc.

Thời kỳ 1990-1992, tuy là những năm Trung Quốc bị phương Tây cô lập phần nào sau vụ Thiên An Môn, cũng lại là những năm Việt Nam mất hẳn chỗ dựa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong khi vẫn chưa được nhận vào ASEAN và chưa bình thường hóa quan hệ được với Mỹ.

Việt Nam làm gì?

Hiện nay Việt Nam có thể làm gì để Trung Quốc không đánh? Lý thuyết quan hệ quốc tế gợi ý năm phương pháp chính: 1) cùng chung một nhà, 2) ràng buộc bằng lợi ích, 3) ràng buộc bằng thể chế, 4) răn đe quân sự, 5) răn đe ngoại giao.

Phương pháp “cùng chung một nhà” xem ra không ổn vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, Trung Quốc rất thiếu cảm tình với Việt Nam và kinh nghiệm quan hệ với Việt Nam khiến Trung Quốc tin rằng Việt Nam hay tráo trở. Các cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy Việt Nam cùng với Mỹ và Nhật Bản là ba nước bị người Trung Quốc ghét nhất trên thế giới. Thứ hai, Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là đồng chí chứ không phải đồng minh. Thứ ba, lịch sử cho thấy quan hệ “gắn bó như môi với răng” giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn không ngăn được Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, nẫng tay trên người “đồng chí anh em” Bắc Việt.

Phương pháp “ràng buộc bằng lợi ích” sẽ không ngăn được Trung Quốc đánh ở Biển Đông vì lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông có vị trí rất cao trong chiến lược lớn của Trung Quốc. Biển Đông là yết hầu con đường tiếp tế vật tư và nhiên liệu cho Trung Quốc từ Trung Đông, châu Âu, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, với 2/3 lượng dầu khí nhập khẩu và 4/5 lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.

Biển Đông cũng là bàn đạp để khống chế Đông Nam Á, một khu vực mà nếu Trung Quốc khống chế được thì sẽ có thể quy phục được Nhật Bản và trung lập hóa cả Mỹ lẫn Ấn Độ, còn nếu Trung Quốc không khống chế được thì sẽ không thể ngoi lên địa vị đứng đầu châu Á. Trung Quốc không có lợi ích nào ở Việt Nam, kể cả trong hiện tại lẫn trong tương lai, lớn hơn lợi ích ở Biển Đông để Trung Quốc phải đánh đổi.

Phương pháp “ràng buộc bằng thể chế” càng khó ngăn cản Trung Quốc ra tay khi cần thiết vì Trung Quốc cũng như các nước lớn khác chỉ tuân thủ thể chế quốc tế nếu thể chế ấy phục vụ lợi ích chiến lược của họ. Trong trường hợp lợi ích chiến lược của họ đòi hỏi làm khác đi, họ sẽ có cách giải thích thể chế quốc tế theo kiểu riêng để biện minh cho hành động của mình.

Trung Quốc làm như thế khi xâm lăng Việt Nam năm 1979, nói rằng để trừng phạt Việt Nam xâm lăng Campuchia. Đây không phải là đặc điểm riêng của Trung Quốc mà các nước lớn đều như vậy. Mỹ và phương Tây đánh Nam Tư rồi tách Kosovo ra khỏi nước này, hay Nga đánh Gruzia rồi tách Nam Ossetia và Abkhazia ra khỏi nước này đều nói là dựa trên luật pháp và thể chế quốc tế, nhưng đó là luật pháp và thể chế quốc tế theo cách giải thích riêng của họ.

Phương pháp “răn đe quân sự” không phải là cách mà Việt Nam có thể làm với Trung Quốc trong lúc này vì Việt Nam không có vũ khí hạt nhân để răn đe chiến lược (trong khi Trung Quốc có) và lực lượng quân sự thông thường của Việt Nam hiện còn quá yếu để có thể tạo sức mạnh răn đe chiến thuật đối với Trung Quốc.

Còn lại duy nhất phương pháp “răn đe ngoại giao”. Phương pháp này là dùng quan hệ với các nước mạnh hơn Trung Quốc và áp lực của quốc tế để Trung Quốc không dám đánh Việt Nam. Hiện nay trong khu vực, Trung Quốc vẫn phải kiêng dè Mỹ, do đó Việt Nam quan hệ càng gần gũi với Mỹ bao nhiêu càng có tác dụng răn đe bấy nhiêu. Một điểm nữa Việt Nam có thể tận dụng là Trung Quốc muốn thế giới tin rằng họ không phải là mối đe dọa đối với các nước.

Nếu những lấn lướt ức hiếp của Trung Quốc với Việt Nam được thế giới quan tâm và hiểu như bước đầu của một mối đe dọa lớn hơn đối với họ thì thứ nhất, chúng có thể làm Trung Quốc yếu thế đi, và thứ hai, đó cũng là một lý do để Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn nếu có ý định đánh Việt Nam.

Bài học lịch sử

Quy luật rút ra từ lịch sử ba lần Trung Quốc đánh Việt Nam và qua phân tích năm phương pháp nói trên cho thấy để tránh không bị Trung Quốc đánh, Việt Nam phải làm được ba điều.

Thứ nhất, phải liên tục nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đặc biệt chú ý trong tương quan với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thêm bạn thì Việt Nam cũng phải có thêm bạn mạnh hơn và nếu Trung Quốc xích lại gần các nước thì Việt Nam còn phải xích lại gần các nước hơn. Không bao giờ được để Việt Nam ở thế cô lập hơn Trung Quốc trên thế giới.

Thứ hai, phải hết sức bén nhạy với cán cân quyền lực trong khu vực và phải lập tức mạnh dạn điều chỉnh chiến lược đối ngoại khi tương quan lực lượng trong khu vực biến đổi bất lợi cho Việt Nam.

Thứ ba, phải sáng suốt tìm ra ai là kẻ mạnh trong khu vực và đâu là chỗ yếu của Trung Quốc để thực hiện kế răn đe ngoại giao.

Trong dài hạn, chỉ có kết hợp răn đe ngoại giao (kết thân với nước lớn và tranh thủ dư luận thế giới) với răn đe quân sự (quân đội mạnh, đặc biệt hải quân và không quân) và liên tục nâng cao vị thế quốc tế của mình thì Việt Nam mới có thể tương đối yên tâm không bị Trung Quốc đánh.

Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được, nhất là khi anh hàng xóm đó chưa phải là kẻ mạnh nhất trong vùng.

Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả, tiến sĩ Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm), không nhất thiết phản ánh quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ Hoa Kỳ.

Hồi ức về cuộc chiến 1979

https://www.bbc.com/vietnamese/forum/story/2009/02/printable/090218_lecongdinh_memory_1979.shtml

Luật sư Lê Công Định
Viết riêng cho bbcvietnamese.com từ Sài Gòn

Ba mươi năm sau cuộc chiến 1979 tôi vẫn nhớ như in bầu không khí sôi sục trên đường phố và trong học đường sau khi lệnh tổng động viên được ban hành.

Năm ấy tôi vừa bước sang tuổi 11, còn quá trẻ để cầm súng lên đường ra chiến trường, nhưng cuộc chiến đã giục giã mọi trái tim yêu nước hướng về biên giới phía bắc, kể cả những thiếu niên mà công việc ưu tiên là học hành.

Tấm gương hy sinh

Mùa xuân năm 1979 tin tức từ chiến trường dồn dập gửi về khiến việc học hành của bọn học sinh chúng tôi chỉ là thứ yếu.

Hầu như trong mọi buổi học chúng tôi đều được nghe kể về tấm gương hy sinh của các chiến sĩ trong những trận đánh mà phần bất lợi luôn nghiêng về phía quân đội chúng ta. Dù vậy, sự dũng cảm và tinh thần quyết chiến của người lính Việt Nam đã giúp giữ vững giang sơn bờ cõi.

Ở các buổi sinh hoạt chung toàn trường của tôi lúc đó, các học sinh nghiêng mình trước di ảnh của Lê Đình Chinh. Đó là người anh hùng mà sự hy sinh lẫm liệt trong khi bảo vệ người dân không tấc sắt giữa vòng vây của quân xâm lược, luôn khiến tôi suy nghĩ về sự cần thiết phải duy trì cho quốc gia một quân đội hùng mạnh, đủ phương tiện và bản lĩnh sẵn sàng đánh trả mọi kẻ thù để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, cũng như khả năng sử dụng vũ lực một cách cần thiết khi nền hòa bình bị đe dọa.

Mỗi ngày chúng tôi đều tập hát và nghe từ đài phát thanh trên đường phố những bài ca kêu gọi thanh niên nhập ngũ, cả nhạc lẫn lời đều thấm đậm chất hào hùng, lay động lòng người. Những bài hát ấy từng khiến lứa thiếu niên cỡ tuổi tôi thời đó muốn xông pha nơi chiến trường với các bậc đàn anh của mình.

Giờ đây khi có dịp nghe lại giai điệu mạnh mẽ nhưng lãng mạn xưa, nhiều người không khỏi rung động nhớ đến năm tháng đau thương của cuộc chiến. Lớp lớp thanh niên ưu tú của đất nước đã ra đi không trở lại.

Chúng tôi cũng đau đớn đón nhận tin quân Trung Quốc đặt mìn phá hủy toàn bộ khu di tích lịch sử hang Pác-Pó, Cao Bằng. Dù muốn dù không, ấn tượng trong tôi về người lính Trung Quốc như đám người man rợ dần lớn lên từ đó, và tôi bắt đầu ý thức được sự tàn hại của chiến tranh đối với nền văn minh nhân loại.

Sự gây hấn và tuyệt tình của người anh em xã hội chủ nghĩa một thời khiến sau này tôi suy nghĩ nhiều, với nỗi ngờ vực, về khái niệm “tình đồng chí” và “quân đội nhân dân” được học ở trường.

Chính quyền lúc ấy không từ bất kỳ lời lẽ nặng nhẹ nào trên các phương tiện truyền thông để khơi dậy lòng căm thù của người dân đối với Trung Quốc.

Tôi còn nhớ trong suốt hơn 10 năm sau đó các sách báo xuất bản đều mang nặng tinh thần bài Hoa, tủ sách nhà tôi vẫn còn nhiều quyển như vậy, từ chính trị, lịch sử đến văn chương, nghệ thuật, do các nhà xuất bản như Sự Thật, Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, v.v… ấn hành.

Tinh thần bài Hoa mà chính quyền cổ súy đi vào tâm thức nhiều người Việt từ trẻ đến già. Do vậy, sẽ không lấy gì ngạc nhiên khi sự kiện Tam Sa xảy ra cuối năm 2007 nhiều người, đặc biệt là thanh niên, xuống đường phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh để bày tỏ tinh thần yêu nước của mình. Đó là lòng ái quốc được hun đúc từ gần ba mươi năm về trước kể từ cuộc chiến 1979.

Không thể lãng quên

Đành rằng ngày nay tình hình chính trị và ngoại giao quốc tế biến chuyển khác xa ba mươi năm trước, quan hệ Việt-Trung cũng không còn như xưa, song không vì thế chúng ta có thể lãng quên quá khứ đau buồn nhưng hào hùng đó của dân tộc.

Trái lại, các thế hệ người Việt cần luôn khắc ghi trong tâm khảm về mối hiểm họa luôn còn đấy do tham vọng bá quyền không ngừng của nước lân bang khổng lồ này.

Mối bang giao với Trung Quốc luôn tế nhị và trắc trở đối với chính quyền Việt Nam ở mọi thời đại, trong đó dung hòa giữa duy trì hòa bình để phát triển đất nước với bản lĩnh sẵn sàng đáp trả mọi khiêu khích về lãnh thổ là điều mà chính quyền hiện tại phải bận tâm giải quyết.

Hiểu và cân nhắc điều này khi bày tỏ phản ứng của mình đối với sự gây hấn của nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng là cách mà người dân có thể làm để giúp nhà nước “nhẹ gánh” phần nào trong lúc thực thi một chính sách ngoại giao đầy khó khăn như thế.

Dù vậy, hiểu hay không sự tế nhị về ngoại giao chắc chắn không phải là nghĩa vụ của người dân, mà nếu vi phạm sẽ bị trả giá bằng các hình phạt hay sách nhiễu từ phía chính quyền, bởi lẽ đối ngoại là công việc của nhà cầm quyền, chứ không phải của dân chúng.

Và đừng quên rằng đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước cũng không kém phần quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn, so với tranh thủ sự hài lòng của anh bạn láng giềng lắm mưu sâu kế độc.

Mặt khác, nếu việc bày tỏ lòng ái quốc của người dân bị kìm hãm hay bị nhìn bằng cặp mắt thiếu thiện cảm vì bất kỳ lý do gì, thì khi quốc gia hữu sự trong những tình huống tương tự, hoặc kể cả không tương tự cuộc chiến 1979, làm sao chính quyền có thể huy động được sức người sức của từ toàn dân cho công việc chung của đất nước?

Lúc đó dù sáng tác bao nhiêu bài hát khơi gợi tinh thần yêu nước, giục giã thanh niên lên đường, cũng không thể tìm lại được niềm tin, tinh thần hy sinh và bầu không khí hào hùng của ba mươi năm trước đây.

Nhớ lại đêm 17 tháng 2 năm 1979

https://www.bbc.com/vietnamese/indepth/story/2009/02/090216_duongdanhdy.shtml – 18 Tháng 2 2009

Dương Danh Dy
gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội

Tháng 9 năm 1977, tôi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cử sang làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu.

Quan hệ hai nước Việt Trung, từ lúc tôi ở trong nước đã xấu, lúc này càng xấu đi từng ngày.

Dòng “nạn kiều” dưới sự kích động của nhà đương cục Trung Quốc vẫn lũ lượt kéo nhau rời khỏi Việt Nam, một phần về Trung Quốc một phần đi sang các nước khác.

Lấy lý do cần có tiền để “nuôi nạn kiều”, ngày 13/5/1978 lần đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút một bộ phận chuyên gia về nước.

Không lâu sau đó, ngày 3/7/1978 chính phủ Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.

Xung đột biên giới trên đất liền, nhất là tại điểm nối ray trên đường sắt liên vận Hà Nội-Bằng Tường ngày càng tăng (có lúc có nơi xảy ra đổ máu).

Chuẩn bị tình huống xấu

Tháng 7 năm 1978 chúng tôi được phổ biến Nghị Quyết TW 4, tinh thần là phải thấu suốt quan điểm nắm vững cả hai nhiệm vụ vừa xây dựng kinh tế vừa tăng cường lực lượng quốc phòng, chuẩn bị tốt và sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác” với Liên Xô.

Đến tháng 12 năm 1978 mọi việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong đại sứ quán làm xong. Sứ quán nhận được máy phát điện chạy xăng (và cho chạy thử), gạo nước, thực phẩm khô được tích trữ đầy đủ, đại sứ quán mấy nước anh em thân thiết cũng nhận được các đề nghị cụ thể khi bất trắc xẩy ra…

Tôi được đồng chí đại sứ phân công đọc và lựa chọn các tài liệu lưu trữ quan trọng, cái phải gửi về nhà, cái có thể hủy.

Tháng 12 năm 1978 trong chuyến thăm mấy nước Đông Nam Á, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Đặng Tiểu Bình vừa hùng hổ vừa tức tối nói một câu không xứng đáng với tư cách của một người lãnh đạo một nước được coi là văn minh: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”.

Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan” – tức du côn, côn đồ.

Rồi ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đơn phương ngừng vận chuyển hành khách xe lửa liên vận tới Việt Nam, rất nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam từ Liên Xô Đông Âu trở về bị đọng lại trong nhà khách sứ quán chờ đường hàng không và cuối cùng đến đầu tháng 1 năm 1979 đường bay Bắc Kinh Hà Nội cũng bị cắt.

Đầu tháng 1 năm 1979 quân đội Việt Nam bất ngờ phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, chỉ trong thời gian ngắn đập tan sức chống cự của bè lũ Polpot, tiến vào giải phóng Phom Penh. Đây cũng là điều mà Đặng Tiểu Bình không ngờ.

Lại một quả đắng khó nuốt nữa đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc này.

‘Không đánh nhau không xong’

Cuối tháng 1 năm 1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, được Tổng thống Carter đón tiếp với nghi lễ rất cao, hai nước quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao, và không biết còn bàn bạc gì nữa? Trên đường về nước Đặng Tiểu Bình ghé qua Nhật Bản.

Trước những tình hình trên, một số anh em nghiên cứu chúng tôi khẳng định khá sớm: hai nước anh em thân thiết như răng với môi này không đánh nhau một trận không xong!

Lý trí mách bảo như vậy, thậm chí còn mách bảo hơn nữa: Trung quốc từng gây cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và nhất là với Liên Xô và cả hai lần họ đều bất ngờ ra tay trước. Thế nhưng về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được.

Không nói tới những khoản viện trợ to lớn có hiệu quả, những tình cảm thân thiết như anh em trước đây, mà ngay trong những giờ phút căng thẳng này, tôi vẫn không thể quên được những việc làm tốt hay tỏ ra biết điều của một số cán bộ Trung Quốc:

Năm 1977, Nhà máy dệt Vĩnh Phúc do Trung Quốc viện trợ cho ta, sau một hồi chạy thử vẫn không hiện đúng màu nhuộm cần thiết, một kỹ sư Trung Quốc bí mật cung cấp cho ta bí quyết. Khi các chuyên gia Trung Quốc khác thấy kết quả đó, không biết do ai chỉ đạo, họ “xử lý” một cách tàn bạo, anh bị đánh tới chết.

Khi đoàn chuyên gia Trung Quốc thi công cầu Thăng Long bị cấp trên của họ điều về nước, một số đồng chí để lại khá nhiều bản vẽ, tài liệu kỹ thuật về chiếc cầu này cho ta. Tôi biết chiếc cầu Chương Dương do ta tự thiết kế thi công sau này dùng một số sắt thép do phía Trung Quốc đưa sang để dựng cầu Thăng Long.

Mặc dù khi truyền hình trực tiếp, Trung Quốc không thể cắt được câu nói lỗ mãng của Đặng Tiểu Bình: Việt Nam là côn đồ, nhưng báo chí chính thức ngày hôm sau của Trung Quốc cắt bỏ câu này khi đưa tin (chỉ còn đăng câu “phải dạy cho Việt Nam bài học”, nghĩa là đỡ tệ hơn).

Chúng tôi đã làm gì?

Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc – mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về quy mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới.

Sau này những day dứt về dự báo không chính xác trên có phần giảm bớt, khi được biết có một số cán bộ trung cấp và một số đơn vị quân đội Trung Quốc chỉ sau khi tiến vào lãnh thổ nước ta rồi họ mới biết là phải đi đánh Việt Nam.

10 giờ tối ngày 17/2/79 (tức 9 giờ tối Việt Nam) tôi bật đài nghe tin của đài tiếng nói Việt Nam, không thấy có tin quan trọng nào liên quan đến hai nước, tôi chuyển đài khác nghe tin.

Khoảng 10 giờ 30 phút đồng chí Trần Trung, tham tán đại biện lâm thời (thời gian này đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh về Việt Nam họp) đến đập mạnh vào cửa phòng tôi: Dy, lên phòng hạnh phúc họp ngay, Trung Quốc đánh ta rồi!

Ít phút sau, một số đồng chí có trách nhiệm có mặt đông đủ. Đồng chí Trần Trung phổ biến tình hình nhà vừa thông báo: sáng sớm ngày 17/2, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới trên đất liền (6 tỉnh của Việt Nam lúc đó) với quy mô 20 sư đoàn bộ binh. Hai sư đoàn chủ lực của ta cùng với bộ đội địa phương và anh chị em dân quân du kích đang anh dũng chống trả.

Bộ phận dịch tiếng Trung, dưới sự chỉ huy của anh Thái Hoàng – Bí thư thứ nhất, gồm hai đồng chí Hoàng Như Lý, bí thư thứ ba và Chu Công Phùng cán bộ phòng chính trị, dịch văn bản một cách “ngon lành”; đồng chí Lê Công Phụng, bí thư thứ ba phụ trách phần dịch tiếng Anh cũng không vất vả gì; riêng phần tiếng Pháp, đồng chí Minh, phiên dịch tiếng Pháp do mới ra trường không lâu, nên có đôi lúc tỏ ra luống cuống.

Guồng máy dịch, in roneo, soát, sửa lại bản in nhanh chóng chạy đều, mọi người làm việc không biết mệt với lòng căm giận bọn bành trướng. Thi thoảng mấy câu chửi bọn chúng như kìm nén không nổi lại khe khẽ bật ra từ vài đồng chí. Không căm tức uất hận sao được?

Khi chúng tôi hoàn thành công việc thì trời hửng sáng (đài BBC sau đó đưa tin: tối ngày 17/2/1979 toàn Đại sứ quán Việt Nam để sáng đèn).

Những người ngoài 40, 50 chúng tôi sau một đêm vất vả không ngủ vẫn tỏ ra bình thường nhưng riêng hai đồng chí Phùng và Minh đang tuổi ăn tuổi ngủ, tuy được đồng chí Đặng Hữu – Bí thư thứ nhất, tiếp sâm, nhưng vẻ mặt sau một đêm căng thẳng lộ nét mệt mỏi. Thương cảm vô cùng.

Tuy vậy, chúng tôi nhanh chóng bước vào ngày làm việc mới với tất cả sức mạnh tinh thần và lòng căm thù bọn bá quyền, nước lớn.

Quá khứ 30 năm

Cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Bắc Kinh mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình gây ra, kết thúc đã 30 năm. Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước nhìn chung phát triển khá tốt.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh một điều, vì nghĩa lớn, chúng ta thực hiện đúng lời cam kết: không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng ở phía bên kia, một số kẻ không biết điều, vẫn thường xuyên, xuyên tạc sự thật lịch sử, rêu rao, tự cho là đã “giành thắng lợi”, là “chính nghĩa”, là “Việt Nam bài Hoa, Việt Nam chống Hoa, Việt Nam “xua đuổi nạn kiều”, Việt Nam “xâm lược Cămpuchia” v.v..

Cho đến hôm nay, một số cuốn sách lịch sử, sách nghiên cứu, không ít bài thơ, truyện, ký… vẫn nhai lại những luận điệu trên dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ được gần hai chục năm.

Tôi nghỉ hưu được hơn mười năm nhưng do vẫn tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc, nên thỉnh thoảng vẫn có dịp gặp các bạn cũ công tác tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây cũng như nhiều học giả Trung Quốc.

Không dưới một lần tôi thân tình và nghiêm túc nhắc họ: nếu các bạn chỉ nhận phần đúng trong những việc xảy ra trong thời gian trước đây, đổ hết lỗi cho cho người khác thì quan hệ Việt Trung dù ai đó có dùng những chữ vàng để tô vẽ cũng không thể nào xóa bỏ được những vết hằn lịch sử do người lãnh đạo của các bạn gây ra, quan hệ hai nước không thể nào thực sự phát triển tốt đẹp được, vì những hoài nghi lớn của nhân dân hai bên chưa được giải tỏa!

Mong rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nên nhớ chuyện sau: nếu không biết lời dặn của Chủ tịch Mao với đoàn cố vấn Trung Quốc khi sang giúp Việt Nam thời kỳ chống Pháp: ‘Tổ tiên chúng ta trước đây làm một số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là để trả nợ cho cha ông”; và nếu không thấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ tướng Chu tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà, thì chắc chắn những người Việt Nam thời đó không dễ quên được chuyện cũ để nhanh chóng hòa hiếu với Trung Quốc như sau đó đâu!

Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn.

Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên.

32 năm chiến tranh biên giới Trung-Việt

https://www.bbc.com/vietnamese/mobile/vietnam/2011/02/110216_sino_viet_war.shtml – 16 tháng 2, 2011

[Font chữ Việt không tương thích với WordPress].

Dĩ vãng cuộc chiến Việt-Trung

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2011/08/110830_china_vietnam_war – 30 tháng 8, 2011

Tiến sĩ Yinghong Cheng (Trình Ánh Hồng)
Gửi cho BBCVietnamese.com từ ĐH Delaware State, Mỹ

Khi chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam nổ ra năm 1979, tôi chỉ mới là anh sinh viên đại học. Là những “thanh niên yêu nước”, chúng tôi rất phấn khích vì sau thật nhiều năm, quân đội của chúng tôi hình như đã tìm ra đối tượng để biểu dương khả năng của mình.

Chúng tôi chờ đợi tin chiến thắng từ chiến trường, nhưng truyền thông nhà nước im lặng trong nhiều ngày như thể chẳng có gì xảy ra giữa hai nước, cho đến khi quân đội Trung Quốc chiếm Lạng Sơn. Truyền thông nhà nước ca ngợi chiến thắng và rồi tuyên bố vì quân ta đã hoàn thành sứ mạng “dạy một bài học” cho kẻ “bá đạo”, Trung Quốc nay sẽ lui quân.

Sự im lặng đó thực sự cho chúng ta biết nhiều điều vào ngày hôm nay. Nó lờ đi lo ngại của người dân quanh một cuộc chiến với nước láng giềng, cách hành xử đặc trưng của một chính phủ kiểm soát và lung lạc thông tin cùng dư luận. Ngoài ra, nó hé lộ sức kháng cự mà quân Trung Quốc gặp phải từ đối phương, một điều mà sẽ làm chính phủ Trung Quốc mất mặt.

Ngày hôm nay, chúng ta biết thêm nhiều chi tiết quanh cuộc chiến. Ví dụ, một số cựu chiến binh viết bài trên mạng về một kế hoạch quân sự gây sốc: viên tướng Trung Quốc chỉ huy cuộc xâm lăng đề nghị tiến đánh Lào, nước đồng minh với Việt Nam, để phân cắt Việt Nam làm hai và bao vây quân Việt Nam ở miền Bắc. Mục tiêu là hủy diệt một phần lớn quân Việt Nam, với khả năng chiếm luôn Hà Nội. Kế hoạch đó không được chấp nhận vì nó gây hại cho hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng để ý đến miền bắc của mình – Liên Xô sẽ không cho họ đi quá xa.

Nhưng một mục tiêu lớn của kế hoạch đó – hủy diệt Việt Nam thật nhiều để nước này không còn có thể thách thức Trung Quốc – đã được thực hiện. Bài báo này tự hào nói quân Trung Quốc đã nã đại bác không thương tiếc trên đường tấn công, và khi lui quân thì cũng phá hủy không thương tiếc. Bài báo viết: “Còn nhiều hơn những gì bọn Mỹ làm với Việt Nam.” Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn bị sốc không nói nên lời khi ông ta nhìn thấy những thiệt hại do quân Trung Quốc để lại.

Dĩ nhiên, những câu chuyện này không hoàn toàn mới cho tôi, nhất là phần nói về sự phá hủy. Nhưng điều làm tôi không thoải mái là giọng điệu các bài viết trên mạng: nó phấn khởi nhưng cũng tiếc nuối rằng đã không phá đủ và vì thế mà Việt Nam một lần nữa đang làm Trung Quốc giận dữ, thách thức Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa.

Những bài viết này không đại diện cho toàn thể nhân dân Trung Quốc, nhưng chừng nào đa số còn im lặng, chúng sẽ còn lan tỏa và lây nhiễm vào con người. Với vai trò cường quốc toàn cầu gia tăng của Trung Quốc và tình cảm dân tộc chủ nghĩa đi kèm, việc thiếu vắng tiếng nói đối lại thật đáng ngại.

Sau nhiều năm, hai câu hỏi về cuộc chiến vẫn chưa được trả lời. Thứ nhất, vì sao Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979? Câu trả lời của chính phủ Trung Quốc là Việt Nam khi ấy đang xâm lấn lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam đang hành hạ người Việt gốc Hoa, Việt Nam đồng minh với Liên Xô chống lại Trung Quốc, Việt Nam xâm lược Campuchia để lật đổ một chính phủ thân Trung Quốc.

Nhưng không có lý do nào ở trên thuyết phục chúng tôi về một cuộc chiến tàn khốc. Một giải thích, mà tôi có xu hướng tin tưởng hơn, là Đặng Tiểu Bình muốn có cơ hội thiết lập sự lãnh đạo tối cao thông qua việc điều động quân đội và đạt thành tựu quân sự.

Câu hỏi thứ hai gây thắc mắc hơn: các xung đột biên giới không phải là hiếm, nhưng vì sao người Trung Quốc bộc lộ sự thù ghét người Việt như vậy trong một cuộc chiến biên giới? Trong hai thập niên, họ đã là “đồng chí và anh em”, và bỗng dưng được mô tả là kẻ thù xấu nhất.

Nhưng với Trung Quốc, điều này cũng đã từng xảy ra. Người Nga được bảo là “anh em của chúng tôi” trong thập niên 1950 và rồi trở thành kẻ thù số một của Trung Quốc trong cuối thập niên 1960. Ấn Độ là bạn thân của Trung Quốc trong thập niên 1950 nhưng Trung Quốc cũng đánh nhau với Ấn Độ vào đầu thập niên 1960. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc bị lung lạc bởi nhu cầu chính trị của chính thể độc đảng, và ngày nay, nó cũng gần như y như vậy.

Thăm Hà Nội

Gần đây tôi có chuyến thăm Hà Nội. Tôi gặp nhiều trí thức và người dân bình thường. Hiện là một giáo sư người Mỹ gốc Hoa, tôi được tiếp xúc với góc nhìn của người Việt về câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện nhớ về sự tàn nhẫn của quân Trung Quốc trong cuộc chiến, mà ban đầu tôi không muốn tin vì chúng quá tàn nhẫn.

Nhưng tôi, từ kinh nghiệm sống ở đất nước Trung Hoa cộng sản, đã học được rằng dù sốc và vô lý đến đâu, nhiều câu chuyện về chính thể này sau đó trở nên đáng tin và rồi trở thành một phần sự thật lịch sử.

Đây là một ví dụ, mặc dù nó hơi cách xa năm 1979. Tôi quan tâm làm thế nào Trung Quốc của Mao áp đặt nhiều chính sách lên Bắc Việt Nam, đặc biệt là cải cách ruộng đất, cải cách tư tưởng, và nhiều chính sách trí thức–văn hóa trong thập niên 1950.

Tôi lờ mờ nhận biết rằng trong nhiều trường hợp, các chính sách của Trung Quốc bị bắt phải thực hiện. Nhưng như thế nào và trong những vụ cụ thể nào?

Trong chuyến thăm, có người giới thiệu với tôi cái tên Nguyễn Thị Năm. Bà từng là nhân vật nữ thuộc hàng lãnh đạo trong công cuộc tranh đấu chống Pháp. Gia đình bà giàu có nhưng bà tham gia cách mạng, dùng tiền gia đình hỗ trợ cách mạng. Nhưng sau khi có độc lập, chính sách cải cách ruộng đất của Trung Quốc ở Bắc Việt cần có nạn nhân. Bà bị đưa ra, và các cố vấn Trung Quốc cố gắng thuyết phục Hồ Chí Minh rằng cần xử bắn bà để làm gương cho phong trào. Có nhiều người giống bà đã tham gia cách mạng dân tộc, nhưng nay họ trở thành vô dụng, hoặc có ích theo một nghĩa khác. Ông Hồ rất miễn cưỡng, nhưng các cố vấn Trung Quốc thúc ép. Bà Nguyễn Thị Năm bị tử hình như người Trung Quốc muốn.

Trong cải cách ruộng đất ở Việt Nam, hàng trăm, hàng ngàn “phú nông” và những người ủng hộ họ bị bắn, bị tù hay đơn giản là bị đánh chết – một thói tục phổ biến trong cải cách ruộng đất của Trung Quốc trước đó.

Là sử gia viết về chính thể dạng này, người ta phải sẵn sàng cho việc đụng mặt, vào bất kỳ lúc nào, những hành vi con người như thế mà vốn thật khó giải thích nếu chiếu theo lý tính thông thường.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một sử gia người Mỹ gốc Hoa, là Phó Giáo sư thuộc Đại học Delaware State, Hoa Kỳ và nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Singapore.

TQ nói về chiến tranh biên giới 1979

https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2012/02/120216_chinaview_border_war – 16 tháng 2, 2012

Nhân dịp 33 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung, mời quý vị cùng điểm qua nguồn tin Trung Quốc nói về sự kiện này.

Gần đây, các trang mạng kể cả chính thống của Trung Quốc đăng tải một số bài viết về cuộc chiến biên giới 1979. Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy gửi từ Hà Nội bản dịch của ông cho bài trên mạng China.com, tựa đề “Trong cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam năm 1979: Vì sao không chia cắt Việt Nam, thương vong khi rút về lớn hơn khi tấn công?”.

Bài viết nhận định:

“Năm 1979, trong trận đánh trả tự vệ Việt Nam, quân đội Trung Quốc với thế nhanh chóng tấn công, quân Việt từng bước tan rã, quân đội Trung Quốc nhắm thẳng Hà Nội. Sau đó Trung Quốc tuyên bố trận đánh đã đạt mục đích, tự rút quân về nước”.

Tuy nhiên, bài này cũng thừa nhận:

“Lâu nay chúng ta luôn tuyên truyền và miêu tả rằng chúng ta đã thắng lợi và Việt Nam đã thất bại, nhưng cùng với thời gian những văn kiện của chính quyền và tư liệu của Việt Nam cho thấy, cuộc chiến này không lạc quan như tuyên truyền trước đây, trong đó có nhiều bài học nặng nề đau đớn khiến chúng ta không thể không phản tỉnh một cách sâu sắc”.

Các bài học đó là: Thứ nhất, kỷ luật quân sự nghiêm túc làm “quân ta” phải trả giá trầm trọng.

Ba kỷ luật lớn, tám điều chú ý mà quân đội ta giữ nghiêm đã phát huy tác dụng lớn trong cuộc nội chiến Quốc, Cộng; thế nhưng khi chúng ta vào Việt Nam đánh quân đội và chính quyền Việt Nam mà vẫn thực hiện ba kỷ luật lớn tám điều chú ý là tự trói chân trói tay mình lại, hy vọng dùng những cái đó để tranh thủ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân Việt Nam thì chẳng khác gì đàn gẩy tai trâu, tự chuốc lấy nhục.”

“Nhân dân Việt Nam không phải là công dân Trung Quốc, làm sao họ có thể gần gũi quân đội nước ngoài đánh vào đất nước họ?”

“Chiến tranh là chiến tranh, nhất là chiến tranh giữa các quốc gia, anh không thể hy vọng nhân dân nước khác đánh trống khua chiêng hoan nghênh anh xâm chiếm người ta, đó chẳng qua chỉ là trò bịt tai đi ăn cắp chuông, tự lừa dối mình và lừa dối người.”

Bài học thứ hai, theo bài trên China.com, là

“không quân phát triển trì trệ, lạc hậu không có sức công kích”.

“Thứ ba, hải quân Biển Đông lúc đó còn chưa phát triển. Cuộc chiến hoàn toàn diễn ra trên lục địa Việt Nam.”

Tác giả bài viết tỏ vẻ luyến tiếc về việc Trung Quốc không nhân cơ hội thu chiếm luôn các đảo ở Biển Đông.

“Đánh Việt Nam vừa để dạy bài học, vừa thu hồi lãnh thổ bị chiếm, vùng gần biên giói trên bộ bị Việt Nam chiếm giữ đã thu hồi hết, cớ làm sao không thu hồi các đảo, bãi trên Biển Đông bị Việt Nam chiếm giữ?”

“Điều giải thích duy nhất là hải quân của chúng ta chưa đủ, không chỉ chưa đủ để đánh lùi hải quân Việt Nam chiếm giữ đảo bãi của ta mà còn khó có thể đóng giữ ở đó, đánh lùi được kẻ địch tới xâm phạm. Điều khiến người ta lấy làm tiếc là các đảo bãi trên Biển Đông dưòng như đã bị các nước láng giềng xung quanh chia nhau chiếm hết rồi.”

Đặc biệt, bài viết còn cho rằng tới nay hải quân Trung Quốc

“vẫn chưa dùng tới sức đã có của mình để giải phòng và bảo vệ các đảo, bãi thiêng liêng đó”.

Lý do thứ tư gây ra tổn thất cho quân đội Trung Quốc được cho là vì “sức ép bên ngoài”.

“Khi quân đội ta đã tiến gần Hà Nội, dưói sức ép của thế lực quốc tế đứng đầu là Liên Xô, chúng ta không chỉ tuyên bố đình chỉ tấn công, mà còn công khai tuyên bố lập tức rút quân.”

“Đó là một sai lầm chính trị và quân sự to lớn, trước khi rút quân đã tuyên bố rút sẽ khiến kẻ thù dễ dàng có thời gian và không gian chuẩn bị phản kích, địch có chuẩn bị còn ta thì không, địch thong dong mà chúng ta vội vã, không bị thương vong lớn mới là chuyện lạ.”

Tổn thất lớn

Cho tới nay, thống kê vẫn chưa đồng nhất về con số thương vong của hai bên trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung, mà Trung Quốc khởi xướng với động cơ mà Bắc Kinh gọi là “đánh trả tự vệ”.

Phía Trung Quốc nói quân lính Việt Nam chết và bị thương vào khoảng 50.000-70.000, lính Trung Quốc khoảng 20.000.

Cũng trên mạng China.com từng đưa ra con số được nói là theo ghi chép từ hồ sơ mật về Trận Phản kích Tự vệ với Việt Nam, rằng Trung Quốc “tiêu diệt gần 6 vạn quân Việt Nam, trong đó hơn 42.000 đã chết và hơn 10.000 người bị thương, hơn 2.000 người bắt làm tù binh”.

Phía Việt Nam thì trong một số bản tin hiếm hoi nói tiêu diệt hơn 30.000 lính Trung Quốc.

Tạp chí Time của Mỹ lại đưa ra con số khá khác biệt: ít nhất 20.000 lính Trung Quốc thiệt mạng, trong khi số bộ đội Việt Nam chết chưa tới 10.000.

Hàng nghìn dân thường Việt Nam cũng thiệt mạng và thương vong.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979

https://thanhnien.vn/thoi-su/nhin-lai-chien-tranh-bien-gioi-1979-476927.html – 17/02/2013

Đúng vào ngày này 34 năm trước (17.2.1979), Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Tuy vậy cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa VN và Trung Quốc (TQ) kéo dài suốt 10 năm sau đó. Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Bộ Công an, với độ lùi về thời gian, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này là hoàn toàn cần thiết.

Kể từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Theo ông tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15… hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này? Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy là ngụy biện.

Le Van Cuong
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.

Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt-Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua.

Với độ lùi về thời gian, theo ông chúng ta có thể rút ra những điều gì từ cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm là khá đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979. Thế nhưng đến giờ phút này tôi có cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.

Vấn đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phải nhận thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ.

Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách nhiệm đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được. Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể lờ đi vấn đề lịch sử này được.

Tôi nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài và họ thắc mắc khá nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân TQ xâm lược năm 1979 lại không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của VN. Tôi phải chống chế với lý do rằng người VN muốn quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản phản bác tôi vì “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”. Họ nói rằng: “Chúng tôi biết người VN rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế cho trang sử chống ngoại xâm này được”.

Thứ hai, trong thế giới hiện đại toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có quốc gia nào hoàn toàn độc lập tuyệt đối. Ngay cả Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm về độc lập chủ quyền tuyệt đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi có 3 thứ là chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây chúng ta phân biệt chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn với lòng yêu nước chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Hai cái đó khác nhau. Người VN có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó là điều cần được phát huy trong 92 triệu người VN trong và ngoài nước.

Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia là những cái “dĩ bất biến”, những cái còn lại là “ứng vạn biến”. Những chuyện “16 chữ”, “bốn tốt” trong quan hệ với TQ là “ứng vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu không nhận thức được điều này thì rất nguy hiểm.

Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu chí để phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc gia hay không. Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7.2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy có một quan điểm bây giờ vẫn đúng, đó là: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh”. Đồng thời, cũng phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng và đối tác: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải đấu tranh.

Nhìn lại từ câu chuyện của 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong vấn đề biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ giữa VN và TQ?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tạo ra lòng tin, sự hữu nghị chân thật giữa hai nước là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và từ cả hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng có được trong vài ba năm tới đây. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định, giữ được độc lập tự chủ thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân. Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân tộc thì chắc chắn không có kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng ta cả.

Lịch sử VN cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc chính quyền mất dân. Năm 179 trước CN An Dương Vương để mất nước là do mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì mất dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những người trong nước chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Ng.Phong thực hiện

Vì sao TQ muốn quên cuộc chiến 1979?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/02/140220_carlthayer_1979 – 20 tháng 2, 2014

Nhân dịp 35 năm chiến tranh biên giới Việt–Trung, BBC có cuộc phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Úc, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao Bắc Kinh lại muốn lãng quên cuộc chiến nước này gọi là ‘chiến tranh tự vệ’ mà Trung Quốc đã ‘chiến thắng’.

BBC: Trung Quốc tuyên bố cuộc chiến năm 1979 là nhằm mục đích “dạy cho Việt Nam một bài học”, và một số nguồn nói quyết định giới hạn cuộc chiến trong vòng hai tuần đã được đưa ra nhiều tháng trước khi nó chính thức bùng nổ. Xét những yếu tố trên, ông đánh giá thế nào về mức độ thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến với Việt Nam?

Giáo sư Carl Thayer: Căng thẳng dọc biên giới Việt–Trung bắt đầu leo thang từ năm 1976 và dẫn đến kết cục là việc Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh với Việt Nam.

Bắc Kinh lên kế hoạch đánh Việt Nam từ năm 1978 nhưng sau đó đến tận giữa tháng Hai năm 1979, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.

Đặng Tiểu Bình có cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 16/2, một ngày trước khi nổ ra chiến tranh biên giới. Ông tuyên bố cuộc chiến sẽ được giới hạn về cả phạm vi lẫn thời gian, và lực lượng tham chiến chỉ bao gồm các lực lượng trên bộ. Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta nghĩ rằng họ có thể đạt được các mục tiêu đề ra chỉ trong vài ngày. Điều này không xảy ra.

Trung Quốc sử dụng việc chiếm được Lạng Sơn 3 tuần sau khi tiến quân qua biên giới để tuyên bố chiến thắng và đơn phương rút quân. Những mục tiêu mà Trung Quốc đề ra, trong đó có việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhằm giảm sức ép cho đồng minh Khmer Đỏ của họ, không thể đạt được. Việt Nam tiếp tục tấn công Khmer Đỏ và không rút quân khỏi Campuchia để tiếp viện cho biên giới phía Bắc.

Trung Quốc cũng muốn tiêu diệt các lực lượng chính của Việt Nam ở cấp sư đoàn đang đóng gần khu vực biên giới. Tuy nhiên Việt Nam giữ các lực lượng chính lại phía sau và Trung Quốc không thể loại các đơn vị này ra khỏi vòng chiến. Việt Nam chủ yếu chỉ sử dụng dân quân và bộ đội địa phương trong suốt cuộc chiến với Trung Quốc.

Một trong các mục tiêu khác của Trung Quốc là chiếm các tỉnh lớn như Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn, và phá hủy hệ thống phòng thủ cũng như cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt nam. Trung Quốc đạt được mục tiêu này, nhưng không phải chỉ sau vài ngày, mà là sau nhiều tuần giao tranh ác liệt và phải chịu thiệt hại nặng nề.

Không ngờ được thất bại

BBC: Một số ý kiến cho rằng Đặng Tiểu Bình phát động chiến tranh với Việt Nam vì ông ta muốn giữ cho quân đội bận bịu để rảnh tay giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Ông có đồng ý với điều này?

Giáo sư Carl Thayer: Trước Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 vào tháng 11-12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã được phục chức và có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đa số trong giới lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ. Đặng là người có quan điểm cứng rắn chống lại Việt Nam kể từ khi hai nước bắt đầu có xung đột về vấn đề Hoa kiều. Việc Việt Nam đưa quân vượt biên giới Tây Nam để tiến vào Campuchia tháng 12 năm 1978 có lẽ là một giọt nước tràn ly.

Khi Đặng Tiểu Bình có thể ra lệnh Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “dạy cho Việt Nam một bài học”, điều đó cho thấy ông ta là một lãnh đạo không có đối thủ. Bên cạnh đó, Đặng Tiểu Bình cũng cho rằng Trung Quốc có thể thu về những kinh nghiệm chiến trường cần thiết từ cuộc chiến với Việt Nam.

BBC: Nhiều sử gia cho rằng cuộc chiến là cách Đặng Tiểu Bình thử khả năng chiến đấu của quân PLA và nó phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội của ông ta, bởi nó làm bộc lộ nhiều điểm yếu của quân đội PLA thời bấy giờ. Ông nghĩ gì về điều này?

Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc đã thực hiện ‘4 hiện đại hóa’ một năm trước khi phát động chiến tranh với Việt Nam, trong đó hiện đại hóa quân sự được ưu tiên cuối cùng.

Việc thử khả năng chiến đấu của quân PLA không phải là điều Đặng Tiểu Bình muốn ưu tiên hàng đầu, mà thay vào đó, ông ta muốn có một chiến thắng vang dội trước Việt Nam, và cùng một lúc, thu về những kinh nghiệm quý giá trên chiến trường.

Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta không ngờ rằng quân PLA không đủ khả năng thực hiện ‘chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại’.

Vì sao muốn lãng quên?

BBC: Theo ông thì vì sao Trung Quốc lại muốn lãng quên một cuộc chiến mà họ gọi là ‘chiến tranh tự vệ’, nhất là khi họ đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến đó?

Giáo sư Carl Thayer: Ít có quốc gia nào muốn nhớ đến thất bại của mình trong chiến tranh. Trung Quốc cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Cái khó của Trung Quốc là làm sao có thể tưởng niệm chiến tranh biên giới mà không làm dấy lên nghi vấn về tuyên bố chiến thắng của Đặng Tiểu Bình.

Một mặt khác, nếu nhìn lại cuộc chiến biên giới năm 1979 thì có thể thấy là chính Trung Quốc, không phải Việt Nam, là nước đi xâm lược.

BBC: Cuộc chiến thay đổi những chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc như thế nào, thưa ông?

Giáo sư Carl Thayer: Cuộc chiến biên giới là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Bắc Kinh, buộc họ phải hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân PLA.

Trong cuộc chiến năm 1979, Trung Quốc sử dụng những đợt tiến công với quân số đông đảo như thời Chiến tranh Triều Tiên.

‘Chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại’ là chiến lược dùng để bảo vệ Trung Quốc trước một kẻ thù hiện đại hơn. Đó là một ‘chiến tranh nhân dân’ được sửa đổi để sử dụng cho việc xâm lược một nước khác. Trong ‘chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại’ vào năm 1979, quân PLA không sử dụng những loại vũ khí đặc biệt hiện đại. Yếu tố duy nhất của ‘chiến tranh nhân dân’ trong cuộc chiến năm 1979 đó là việc huy động dân quân cho công tác hậu cần vào bảo vệ hậu phương. Tuy nhiên ngay cả khi đó, các đơn vị của Việt Nam cũng vẫn có thể tiến qua biên giới của Trung Quốc nhằm “phản công để tự vệ”, dù họ không gây ra thiệt hại nặng nề.

Quan hệ Việt-Trung đã đóng băng hơn 10 năm và trong thời gian này, Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Khmer Đỏ.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc chỉ bắt đầu thay đổi sau sự sụp đổ của Liên Xô dưới thời Gorbachev. Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng chỉ thay đổi đáng kể sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 [chấm dứt cuộc chiến các phe phái tại Campuchia] và sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1989.

Nhìn lại cuộc chiến Việt-Trung năm 1979

http://nghiencuuquocte.org/2015/11/04/nhin-lai-cuoc-chien-viet-trung-nam-1979/ – 04/11/2015

by The Observer

Nguồn: Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”, The China Quarterly, Vol. 184 (12/2005), pp. 851-874.

Biên dịch: Thời Đại Mới

Lời người dịch: Thấm thoát đã hơn 30 năm từ ngày cuộc chiến Việt-Trung nổ ra năm 1979, và mặc dù cả hai nước đều cho là mình đã thắng, số lượng tài liệu được Trung Quốc và Việt Nam công bố về cuộc chiến tranh này vẫn còn rất ít. Bài viết dưới đây của một học giả gốc người Trung Quốc (hiện giảng dạy tại trường Cao đẳng Không chiến (Air War College) thuộc Bộ Không quân Mỹ) được đăng vào năm 2005 trên tờ China Quarterly, một tạp chí quốc tế có uy tín xuất bản tại Anh, là một công trình học thuật đáng chú ý về cuộc chiến tranh này. Để giữ sự trung thực so với nguyên bản, người dịch cố gắng truyền đạt cách diễn tả của tác giả. Khi đọc bài này, nhiều độc giả Việt Nam có thể sẽ cho rằng một số nhận xét của tác giả là rất chủ quan và nhiều vấn đề là khá nhạy cảm. Tuy nhiên bài viết này, ở mức độ nào đó, cung cấp nhiều thông tin đã được kiểm chứng và có giá trị sử liệu. Hy vọng bài viết này cũng tạo nên một sự thôi thúc để Trung Quốc, và đặc biệt là chính quyền Việt Nam, cung cấp thêm nhiều thông tin và bằng chứng để các nhà sử học cũng như thế hệ tương lai có một cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về cuộc chiến tuy ngắn ngủi nhưng đẫm máu này.

* * *

Mục đích của bài báo này là nhằm trình bày về cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 1979. Bài báo nhắc lại những mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc với Việt Nam và ảnh hưởng của những mối quan hệ này lên những toan tính chiến tranh của Bắc Kinh, cũng như vai trò của Đặng Tiểu Bình, chiến lược quân sự và sự chuẩn bị của Trung Quốc cho cuộc tấn công. Bài báo cũng chỉ ra cách thức tiến hành chiến tranh của Bắc Kinh mang màu sắc đặc thù Trung Quốc như thế nào: tính toán khi nào và sử dụng ra sao sức mạnh quân sự, mục tiêu quan trọng trong chiến tranh, và cơ sở trong việc nhận định về thắng lợi. Bài báo cũng điểm lại những hậu quả của cuộc xung đột ở cả hai lĩnh vực chính trị và quân sự, những bài học được rút tỉa dưới con mắt của chính người Trung Quốc.

Đầu năm 1979 Trung Quốc xâm lược Việt Nam, theo cách nói của lãnh đạo Trung Quốc là để “dạy cho Việt Nam một bài học” nhớ đời. Mặc dầu Bắc Kinh tự cho là đã thắng lợi nhưng nói chung trong giới học giả vẫn tồn tại nhiều tranh cãi cho rằng cuộc chiến tranh không diễn ra như Trung Quốc mong đợi vì trong cuộc xung đột này Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QGPND) tác chiến hết sức tồi tệ. Chính Trung Quốc chứ không phải Việt Nam rút ra một bài học từ cuộc chiến này. Các tài liệu của Trung Quốc về cuộc chiến tranh này vẫn được niêm phong rất cẩn mật do đó các thông tin về cuộc chiến không chỉ chắp vá chủ quan mà còn đáng ngờ về tính xác thực. Mặc dù có một ít tài liệu bằng tiếng Anh, nhưng phần nhiều chỉ là đồn đoán và không chính xác, lưu truyền không chính thức ở Hồng Kông và Đài Loan. Gần đây do việc kiểm soát thông tin của Bắc Kinh có phần lỏng lẻo hơn nên nhiều tài liệu lưu hành nội bộ về khả năng và kinh nghiệm của QGPND trong chiến tranh 1979 thấy xuất hiện rải rác trong các thư viện tại Mỹ và có thể truy cập trên Internet. Thêm vào đó, hồi ký của một số sĩ quan cao cấp Trung Quốc cũng cho thấy nhiều thông tin giá trị.

Dựa trên các tư liệu nghiên cứu của một số học giả hàng đầu, bài viết này cố gắng trình bày cái nhìn của người Trung Quốc đối với cuộc chiến Việt-Trung năm 1979. Đầu tiên là thảo luận về các mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc và Việt Nam và ảnh hưởng của các mối quan hệ này trên quyết định tấn công Việt Nam của Bắc Kinh, cũng như vai trò của Đặng Tiểu Bình. Kế đến là xét lại vai trò của QGPND bao gồm chiến thuật, chiến lược của Trung Quốc cho cuộc xâm lăng và những quan điểm riêng của QGPND về vận hành bộ máy quân sự. Cuối cùng là điểm lại những tác động của cuộc xung đột, trên cả hai lĩnh vực chính trị cũng như quân sự, và những bài học rút ra bởi chính người Trung Quốc. Bài báo cũng đưa ra những dẫn chứng về cách thức tiến hành chiến tranh của Bắc Kinh, chỉ ra tính đặc thù kiểu Trung Quốc trong tác chiến: không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự sau khi tính toán một cách cẩn thận khi nào và sử dụng ra sao; mục tiêu quan trọng của QGPND là giành và giữ thế chủ động trong tác chiến, và nền tảng cơ bản mà người Trung Quốc dựa vào đó để đánh giá thành công về mặt quân sự, đó là lợi thế địa chính trị hơn là hiệu suất tác chiến. Mặc dù bị người Việt Nam làm khốn đốn nhưng QGPND hoàn thành được mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, buộc Việt Nam phải chia lửa cho phòng tuyến ở biên giới phía bắc, và buộc quốc gia này phải giảm phiêu lưu quân sự ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, QGPND vẫn chưa rút ra được bài học từ cuộc chiến tranh này, đó là truyền thống và triết lý quân sự của Trung Quốc đã quá lỗi thời, điều này có thể cản trở công cuộc hiện đại hóa thay đổi bộ mặt của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Yếu tố văn hóa lịch sử

Bắc Kinh và Hà Nội từng là đồng minh thân thiết kể từ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất vào những năm đầu thập niên 1950. Thế thì tại sao sau đó nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa lại đi đến quyết định tiến hành chiến tranh với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào cuối năm 1978? Theo lý lẽ của Bắc Kinh thì dường như nguyên nhân là do “giấc mộng xưng bá” của Hà Nội ở khu vực Đông Nam Á; gây hấn ở biên giới với Trung Quốc và xâm phạm vào lãnh thổ của Trung Quốc; ngược đãi người Hoa ở Việt Nam; đi theo Liên Xô trong lúc nước này đang muốn mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Các nhà quan sát vào thời điểm đó và nhiều nghiên cứu sau này cho rằng mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh là làm giảm bớt áp lực quân sự lên Campuchia, buộc quân đội Việt Nam phải chia lửa ở mặt trận thứ hai.

Robert Ross (học giả người Mỹ, hiện là giáo sư ở Boston College – ND) thì cho rằng việc Trung Quốc sử dụng quân đội chống lại Việt Nam không phải là phản ứng trước sự bành trướng của Hà Nội ở Đông Dương mà là phản ứng trước sự về hùa của Việt Nam với Liên Xô nhằm bao vây Trung Quốc từ Đông Nam Á. Những nghiên cứu khác lại cho rằng Trung Quốc hành động như thế để làm mất thể diện của Liên Xô, nước đang đóng vai trò như một đồng minh tin cậy của Hà Nội trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Trong một nghiên cứu về mối quan hệ của Bắc Kinh với Hà Nội trước chiến thắng 1975, Trại Cường (Zhai Qiang) tác giả cuốn China and the Vietnam Wars, 1950-1975 – ND) cho rằng “chính sách thực dụng không chỉ là lời nói suông” được phát đi từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đề cập đến các mối quan hệ quốc tế. Mặc dầu họ tuyên bố chính họ là những môn đồ của chủ nghĩa quốc tế Mác–Lênin song họ lại kế thừa hoàn toàn cái di sản lịch sử của Trung Hoa: quan niệm Đại Hán theo đó Trung Quốc là cái nôi của thế giới. Các quốc gia nhỏ bé khác bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, là man di và phải là những chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặt khác, “niềm kiêu hãnh lịch sử và độ nhạy cảm văn hóa” là nhân tố chính có ảnh hưởng đến thái độ của người Việt Nam đối với Trung Quốc. Suốt chiều dài lịch sử của mình, người Việt Nam thích thú khi vay mượn và bắt chước nền văn minh cũng như thể chế Trung Quốc để làm nên bản sắc riêng, nhưng họ lại rất sắt đá trong việc bảo tồn di sản văn hóa và nền độc lập của họ. Họ yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ khi gặp khó khăn nội bộ, nhưng khi họ giành được tự do và thống nhất đất nước thì họ lại quay ra thù địch với Trung Quốc. Những hình ảnh được khắc ghi trong lòng các lãnh tụ và nhân dân hai nước về tình hữu nghị giữa hai quốc gia dường như đóng một vai trò đáng kể trong quyết định của Bắc Kinh khi tiến hành cuộc tấn công trừng phạt chống lại Việt Nam.

Từ đầu những năm 1950, Trung Quốc là người hậu thuẫn mạnh mẽ của Hà Nội trên cả hai lĩnh vực quân sự lẫn chính trị. Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng chống lại Pháp và đánh đuổi xâm lược Mỹ. Những nghiên cứu ngày nay chỉ ra rằng chính sách của Trung Quốc dành cho Hà Nội trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương đầu tiên là xuất phát từ việc cân nhắc nhiều mặt từ truyền thống lịch sử đến ý thức hệ cách mạng và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, thái độ bề trên của Bắc Kinh vẫn thống trị tư tưởng của họ trong quan hệ với Việt Nam. Mặc dầu các lãnh tụ Trung Quốc lặp đi lặp lại tuyên bố rằng Việt Nam sẽ được đối xử “bình đẳng” nhưng Trần Kiên (Chen Jian) lại thấy rằng chính những phát biểu hùng biện đó phản ảnh niềm tin mạnh mẽ rằng “họ đã nắm được vị thế để có thể chi phối mọi quan hệ với các nước láng giềng”.

Bắc Kinh luôn nói rằng họ không bao giờ gây sức ép về chính trị và kinh tế thông qua viện trợ vật chất và quân sự khổng lồ cho Hà Nội, nhưng họ lại muốn Hà Nội phải thừa nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đối với phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Thái độ này của Trung Quốc khiến Việt Nam, một quốc gia rất nhạy cảm với quá khứ đầy rẫy những rắc rối với Trung Hoa, trở nên tức giận. Mặc dầu có lúc Bắc Kinh và Hà Nội gọi nhau là “những người đồng chí anh em” nhưng sự thật thì mối ác cảm của người Việt Nam đối với Trung Quốc được Bắc Kinh nhận thức một cách rõ ràng.

Một tài liệu của Trung Quốc đề cập đến chiến tranh 1979 ghi lại những hoạt động được coi là thù nghịch của Việt Nam từ sau năm 1975 làm tổn thương mạnh đến quan niệm bề trên của người Trung Quốc. Bộ Chính trị Việt Nam thông qua một chính sách coi đế quốc Mỹ là kẻ thù lâu dài nhưng lại coi Trung Quốc là “kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp nhất”, và là “kẻ thù tiềm năng mới” mà Việt Nam phải chuẩn bị để chiến đấu. Trong một phản ứng với Trung Quốc, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh rằng các lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ phải tiến hành một cuộc tổng tiến công quân Trung Quốc, chủ động tấn công và phản công đánh đuổi kẻ thù bên trong và thậm chí cả bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, và biến cả miền biên giới thành mặt trận chống Tàu. Thái độ coi thường của Việt Nam đối với QGPND và sự cả tin vào sức mạnh quân sự của mình là chất xúc tác thúc đẩy quân đội Trung Quốc tiến hành chiến tranh. Lực lượng chiến đấu được tôi luyện của QĐND Việt Nam tham gia tác chiến hầu như liên tục trong nhiều thập kỷ và chiến thắng được hai cường quốc lớn phương Tây. Trong khi đó các chuyên gia Việt Nam cho rằng khả năng và tinh thần chiến đấu của QGPND là thấp kém và hạn chế. QĐND Việt Nam rất tự hào với vũ khí của Nga và các trang thiết bị quân sự thu hồi của Mỹ. Theo các hãng truyền thông của Việt Nam, các vũ khí đó hơn hẳn bất kỳ trang bị nào của QGPND.

Trong hơn hai mươi năm Trung Quốc viện trợ cho Hà Nội trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Khi Việt Nam bắt đầu ép buộc người Hoa ở miền bắc hồi cư và gia tăng bạo lực trên biên giới với Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc cho rằng Hà Nội vong ơn bội nghĩa trước những giúp đỡ và hy sinh của Trung Quốc. Những người Trung Quốc từng giúp đỡ những người cộng sản Việt Nam trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ cảm thấy như bị phản bội và hăm hở để “dạy cho Việt Nam bài học”. Trong số đó có Đặng Tiểu Bình, phó thủ tướng và là tổng tham mưu trưởng QGPND. Họ Đặng tỏ ra bực mình với thái độ khiếm nhã của Việt Nam đối với những giúp đỡ của Trung Quốc được sử sách ghi chép từ giữa những năm 1960.

Sự thù nghịch giữa hai nước tăng mạnh vào cuối những năm 1970, và ngày càng trở nên nhạy cảm, thậm chí có lúc Việt Nam được Trung Quốc gọi là đồ khốn nạn (wangbadan) trước một nhà lãnh đạo nước ngoài. Các nhà lý luận quân sự nói chung đều nhất trí rằng tình trạng “thù nghịch ở cả hai phía, giận dữ và căm thù đã hình thành và ngày càng sôi sục”. Sự láo xược của Việt Nam thể hiện qua những va chạm dọc biên giới mỗi ngày một tăng và sự ra đi ồ ạt của Hoa kiều tác động mạnh lên quyết định dùng vũ lực của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự.

Động thái của Trung Quốc trước cuộc tấn công

Vẫn chưa có những tài liệu chắc chắn nào cho thấy lúc nào và như thế nào Bắc Kinh ra quyết định tiến hành chiến tranh chống Việt Nam. Nayan Chanda, phóng viên Đông Nam Á kỳ cựu của Tạp chí Kinh tế Viễn đông (Far Eastern Economic Review) chỉ đưa ra được vài chi tiết cho rằng cấp lãnh đạo Trung Quốc ra quyết định “dạy cho Việt Nam bài học” vì thái độ “vô ơn và ngạo mạn” trong một cuộc họp Bộ Chính trị hàng tuần vào đầu tháng Bảy năm 1978. Tuy nhiên ông lại cho rằng trong cuộc họp đó cấp lãnh đạo Trung Quốc, khi thông qua quyết định tấn công Việt Nam, có vẻ như họ được thuyết phục rằng việc này chỉ để nhằm “làm suy yếu vị thế của Xô-viết trong thế giới thứ ba”.

Các nguồn tin mới đây từ Trung Quốc thì lại giả thiết rằng sự tính toán đến các phản ứng quân sự đối với cuộc khủng hoảng giữa Việt Nam và Trung Quốc là một quá trình hết sức chậm chạp vì khá lâu sau đó cũng không có một quyết định nào được thông qua. Hơn nữa, cuộc chiến khởi đầu được coi như là một xung đột cục bộ giữa hai nước chứ không phải là một phần của chiến lược chống bá quyền toàn cầu của Trung Quốc. Trong những năm đầu của thời kỳ hậu Mao, Bắc Kinh áp dụng chính sách lãnh đạo thừa kế. Chính sách lãnh đạo thừa kế này liên quan đến việc gia hạn năm công tác với chức năng tư vấn không chính thức cho các lãnh tụ cao cấp và các cấp thấp hơn như các viên chức chính phủ và sĩ quan quân đội để họ đảm nhận các vấn đề trước khi có quyết định cuối cùng.

Châu Đức Lễ (Zhou Deli), tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu, kể lại rằng vào tháng Chín năm 1978 có một cuộc họp được tổ chức trong bộ tổng tham mưu QGPND bàn về vấn đề “làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam”. Mối quan tâm ban đầu là vấn đề xung đột biên giới. Vấn đề này lúc đó được coi như nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nước từ năm 1976.

Một đề xuất sơ bộ đề nghị tiến hành một chiến dịch quy mô nhỏ nhằm vào một trung đoàn bộ đội địa phương thuộc huyện Trùng Khánh của Việt Nam nằm sát đường biên giới với tỉnh Quảng Tây. Tuy nhiên, sau khi một báo cáo của tình báo cho biết cuộc xâm lăng Campuchia của Việt Nam sắp xảy ra thì đa số người tham gia đều đồng ý rằng bất kỳ một hành động quân sự nào được tiến hành cũng đều phải gây được ảnh hưởng đáng kể với Hà Nội và tình hình ở Đông Nam Á. Mọi người đều khuyến cáo phải tiến công vào các đơn vị quân đội chính quy của Việt Nam trên một địa hình rộng lớn. Mặc dầu cuộc họp kết thúc mà không đưa ra bất cứ quyết định cụ thể nào nhưng nó cho thấy hình hài của một kế hoạch chiến tranh có thể xảy ra của Trung Quốc nhằm vào Hà Nội và có thể nó là những bằng chứng đầu tiên có liên quan đến những hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biên giới phía bắc của Việt Nam nhằm tạo áp lực lên thái độ được coi là hiếu chiến của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự quy mô lớn có thể làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế trong khu vực lẫn thế giới. Họ Đặng lập kế hoạch thăm chính thức Thái Lan, Mã Lai và Sinh-ga-po vào đầu tháng 11 năm 1978 nhằm dò xét và tìm sự hậu thuẫn của các nước này đối với chính sách của Trung Quốc lên Việt Nam. Trong chuyến thăm viếng, Đặng thuyết phục các nước chủ nhà rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực chống lại sự xâm lược của Việt Nam nếu nước này tấn công Campuchia. Trong nước, các phương tiện truyền thông đều đăng xã luận và bình luận về việc trừng phạt sự xâm lăng của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc và cảnh báo về một sự trả đũa có thể xảy ra.

Ngày 23 tháng 11 năm 1978, Bộ Tổng Tham mưu Trung Quốc triệu tập một cuộc họp khác. Tại đây một kịch bản mới về chiến tranh được bàn bạc kỹ lưỡng. Sau khi cân nhắc các khuyến cáo trước đó, Bộ Tổng Tham mưu quyết định mở rộng quy mô và thời gian của chiến dịch. Các kế hoạch nhằm vào các vị trí quân sự chính của Việt Nam và các thành phố bên kia biên giới của Vân Nam và Quảng Tây như các mục tiêu cần tấn công, ngăn chặn nhằm làm nhụt ý chí xâm lược của Việt Nam. Có một số ý kiến cho rằng các chiến dịch như thế không đủ rộng lớn vì mới chỉ đến các vùng hẻo lánh và không đủ sức răn đe tức thời Hà Nội. Tuy nhiên cuối cùng không có sự phản đối vì họ cho rằng ban lãnh đạo Trung ương đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề. Cuộc họp chỉ định hai quân khu Quảng Châu và Côn Minh sẽ thực hiện chiến dịch này. Ngoài ra cuộc họp cũng khuyến cáo về việc chuyển giao một lực lượng dự bị chiến lược QGPND bao gồm 4 quân đoàn và 1 sư đoàn lấy từ quân khu Vũ Hán và Thành Đô để củng cố cho mặt trận Quảng Tây và Vân Nam.

Ngày 7 tháng 12 năm 1978, Quân ủy Trung ương Trung Quốc triệu tập một cuộc họp, kéo dài khoảng 4 đến 5 giờ và quyết định phát động một cuộc chiến tranh hạn chế trên tuyến biên giới phía nam Trung Quốc để “giáng trả” Việt Nam. Ngày kế tiếp là việc chỉ thị cho hai quân khu Quảng Châu và Côn Minh tiến hành chiến dịch quân sự này với các đơn vị sẵn sàng chiến đấu từ ngày 10 tháng Giêng năm 1979. Chỉ thị này nêu rõ cuộc chiến tranh được hạn chế nghiêm ngặt trong vòng bán kính 50km từ đường biên giới và kéo dài trong 2 tuần. Binh pháp truyền thống của QGPND được nhấn mạnh đó là việc dùng hai đội quân nhằm “Tập trung biển người để bao vây quân địch từ hai bên sườn nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân địch bằng những trận đánh hủy diệt theo phương thức đánh nhanh rút gọn”. Tuy thời điểm cho mệnh lệnh này được hiểu là Trung Quốc phản ứng lại với sự xâm lăng Campuchia sắp xảy ra của Việt Nam, nhưng bằng cách dựng lên một chiến dịch quân sự lớn thậm chí trước khi quân đội Việt Nam vượt sông Mê-kông cũng thể hiện sự giận dữ từ nhiều năm do thái độ vô ơn của Việt Nam gây nên.

Đặng Tiểu Bình ra quyết định

Mặc dầu cỗ máy chiến tranh của Trung Quốc được khởi động từ đầu tháng 12 năm 1978, nhưng ngày tấn công chính xác vẫn chưa được ấn định. Những nghiên cứu ban đầu suy diễn rằng quyết định tấn công của Bắc Kinh xuất hiện từ Hội Nghị Công Tác Trung Ương vào khoảng 10 tháng 11 đến 15 tháng 12 năm 1978. Thực tế, cuộc họp này kêu gọi xem xét một nghị trình cải cách kinh tế trong vòng 10 năm, chấm dứt việc đề cập đến những di sản của Cách mạng Văn hóa. Đến nay vẫn chưa được biết là có cuộc thảo luận quan trọng về tình hình Đông Dương hay không. Tuy thế, cuộc họp củng cố vị trí của họ Đặng trong ban lãnh đạo, cho phép ông ta, dù chỉ là một trong năm phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhưng kiêm chức Tổng tham mưu trưởng quân đội, trở thành người ra quyết định về vấn đề Việt Nam.

Trong cuộc họp Quân ủy Trung ương vào trước đầu năm Dương lịch, họ Đặng chính thức đề xuất một cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam. Tất cả những người tham gia cuộc họp bao gồm cả chủ tịch ĐCSTQ Hoa Quốc Phong, theo như báo chí đưa tin, cũng ủng hộ đề xuất này. Cũng tại cuộc họp này Đặng chỉ định Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) làm chỉ huy chiến dịch ở đông Quảng Tây và Dương Đắc Chí (Yang Dezhi), Tư lệnh Quân khu Vũ Hán, chỉ huy ở miền tây Vân Nam, không dùng Vương Tất Thành (Wang Bicheng), Tư lệnh Quân khu Côn Minh. Để đáp ứng với việc thay đổi các cấp chỉ huy chiến trường, Đặng cử hai phó tổng tham mưu trưởng của ông ta đến Côn Minh để giám sát việc chuyển giao quyền lực và chuẩn bị chiến tranh. Không có một bộ tư lệnh trung tâm, hai quân khu sẽ tiến hành chiến đấu một cách độc lập không có phối hợp hoặc hiệp đồng. Cuộc họp cũng nhắc lại rằng cuộc tấn công phải được tiến hành chớp nhoáng và tất cả các đơn vị phải rút về sau khi đạt được mục tiêu của chiến dịch.

Các tài liệu hiện nay đều đưa ra giả thiết là có một vài lãnh tụ Trung Quốc phản đối việc tấn công Việt Nam, nhưng các tài liệu đó không thống nhất được là những lãnh tụ nào phản đối và phản đối theo hình thức nào. Khi Đặng là kiến trúc sư trưởng của kịch bản thì khó có ai dám thách thức được quyết định của ông ta, một con người đầy uy tín cũng như thâm niên trong đảng. Kiểm soát được Bộ Tổng Tham mưu Đặng có được các phương tiện thuận lợi nhất để thúc cỗ máy chiến tranh của Trung Quốc vận hành trước khi ban lãnh đạo Trung ương đưa ra một quyết định chính thức. Hành động giống như Mao, Đặng tham khảo ý kiến của các đồng sự tin cậy trong chỗ riêng tư trước khi ra quyết định và sau đó chỉ thực hiện quyết định khi có sự tán thành của Bộ Chính trị. Một trong những đồng sự gần gũi nhất của Đặng là Trần Vân (Chen Yun), một phó chủ tịch khác của ĐCSTQ và cán bộ trung kiên của đảng, có những đóng góp quan trọng cho quyết định tấn công Việt Nam.

Có một số quan tâm hàng đầu trong Bộ Chính trị: liệu Liên Xô có phản ứng bằng cách tấn công từ phía bắc khiến quân đội Trung Quốc phải chiến đấu trên hai mặt trận; liệu Liên Xô có nhân cơ hội để trục lợi từ tình hình chăng? Thế giới sẽ phản ứng lại thế nào? Và liệu chiến tranh với Việt Nam có làm trở ngại đến nghị trình mới của Trung Quốc là hiện đại hóa nền kinh tế?

Mối lo lớn nhất là phản ứng của Liên Xô. Theo các phân tích tình báo của Bộ Tổng Tham mưu, Moskva có thể sẽ tung ra 3 chiến dịch quân sự nhằm đáp trả cuộc xâm lăng của Trung Quốc và Việt Nam: một cuộc đột kích quân sự lớn bao gồm cả tấn công trực diện vào thủ đô Bắc Kinh; xúi giục các phần tử dân tộc thiểu số có vũ trang đang lưu vong ở Liên Xô quay về tấn công vào các tiền đồn Trung Quốc ở Tân Cương (Xinjiang) và Nội Mông (Inner Mongolia); hoặc sử dụng các cuộc giao tranh nhỏ gây ra sự căng thẳng biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, khi mà Liên Xô chưa có lực lượng đầy đủ để tiến hành bất cứ các hoạt động quân sự lớn nào chống lại Trung Quốc một cách ngay lập tức thì các lãnh tụ đảng, đặc biệt là Đặng, tin rằng một cuộc chiến tranh vào Việt Nam chớp nhoáng, có giới hạn, và mang tính tự vệ sẽ không kích thích đủ sự can thiệp của Moskva hay một làn sóng phản đối quốc tế nào.

Hai cuộc xung đột biên giới trước đó với Ấn Độ (1962) và Liên Xô (1969) minh chứng cho lập luận này. Ý định về một cuộc chiến tranh nhanh gọn cũng thuyết phục được một số phản đối trong nội bộ và biện hộ cho sự lựa chọn chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên các lãnh tụ Trung Quốc cũng không dám lơ là cảnh giác bằng cách đồng thời ra lệnh cho các đơn vị quân đội ở các quân khu miền bắc và tây bắc luôn ở vào tư thế sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp Liên Xô tấn công.

Cuộc họp vào ngày lễ Giáng Sinh quyết định hoãn lại thời điểm tấn công Việt Nam. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng lý do Bắc Kinh vẫn còn đắn đo là vì lo sợ phản ứng quốc tế. Chuyến công du nằm trong kế hoạch của Đặng đến Mỹ và Nhật được thu xếp để “thăm dò phản ứng dư luận”. Tuy nhiên những đồng sự thân cận của Đặng cho rằng ngay cả những sự chống đối của quốc tế, nếu có, cũng không ngăn cản được ông ta vì Đặng chưa bao giờ nhân nhượng bất cứ điều gì một khi ông ta đã quyết. Các lãnh tụ Trung Quốc cũng rất lo lắng vì không biết lực lượng của họ có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chiến tranh hay không. Binh lính Trung Quốc chưa tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh lâu dài nào, trong khi nhiều người trong quân đội không thể hiểu được vì sao cuộc chiến sắp xảy ra lại nhằm vào một đồng minh truyền thống và là một quốc gia láng giềng nhỏ bé.

Không lâu sau cuộc họp lễ Giáng Sinh, Đặng cử Dương Dũng (Yang Yong), Tổng Tham mưu phó, và Trương Chấn (Zhang Zhen), Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần lần lượt đến Vân Nam và Quảng Tây để thị sát điều kiện chiến đấu của bộ đội. Lo sợ binh lính chưa sẵn sàng chiến đấu, Trương lập tức đề nghị hoãn cuộc chiến lại một tháng. Sau này ông ta có kể lại rằng Quân ủy Trung ương đồng ý để lùi thời gian tấn công lại đến giữa tháng Hai. Dương làm một báo cáo trong đó có những đề xuất về kế hoạch cho chiến tranh, để trình bày ngày 22 tháng Giêng tại tư gia của họ Đặng trước sự hiện diện của các lãnh tụ chủ chốt của Quân ủy Trung ương. Có thể trong cuộc họp này các lãnh tụ Trung Quốc tái khẳng định quyết định tấn công của họ và định ra một khung thời gian cho “ngày N”.

Ngày tiếp theo, Bộ Tổng Tham mưu lại tổ chức một cuộc họp khác, tại đây kế hoạch chiến tranh được thông qua lần cuối và quân đội được lệnh sẵn sàng khởi sự vào ngày 12 tháng Hai. Để đề phòng tình hình có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, ban lãnh đạo Trung ương yêu cầu Hứa Thế Hữu phải dừng ngay các chiến dịch quân sự và rút lui ngay khi quân đội của ông ta chiếm được Lạng Sơn và Cao Bằng là hai thành phố chính của Việt Nam nằm gần biên giới.

Ngày 11 tháng Hai 1979, hai ngày sau khi Đặng trở về Bắc Kinh từ chuyến đi Mỹ và Nhật, cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng được triệu tập. Đặng trình bày rõ ràng lý do căn bản để đánh Việt Nam, và sau đó mệnh lệnh phát động cuộc tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng Hai năm 1979 được gửi tới các tư lệnh quân khu Quảng Tây và Vân Nam. Đây là ngày họp mà các thành phần không phải chủ chốt được tham dự lâu trong đó một số lý lẽ được đưa đẩy rằng thời điểm tấn công có thể liên quan mật thiết đến yếu tố thời tiết: vào mùa mưa, thường từ tháng Tư trở đi, nó có thể bất lợi cho việc tiến hành các chiến dịch quân sự, hoặc nếu tấn công sớm quá thì quân đội Liên Xô có thể dễ dàng vượt qua những con sông dọc biên giới Trung-Xô khi đó đang còn đóng băng.

Đặng và các lãnh tụ khác tính toán một cách cẩn thận tất cả các khả năng có thể có một khi quân đội của họ đã vượt qua biên giới Việt Nam. Họ giới hạn phạm vi, thời gian, và không gian cho một cuộc chiến tranh được gắn cái tên là “cuộc phản công tự vệ” để cố gắng giảm thiểu những phản ứng tiêu cực từ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, Đặng vẫn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến xảy ra, vẫn ban hành những chỉ thị và mệnh lệnh đặc biệt (điều này khác hẳn với phong cách lãnh tụ của Mao).

Gerald Segal (tác giả cuốn Trung Hoa tự vệ – ND) cho rằng động cơ đầu tiên của Trung Quốc khi tấn công Việt Nam là nhằm ngăn chặn tham vọng và ý đồ xâm lăng Đông Nam Á cùng với mối đe dọa của Việt Nam đang nhằm vào an ninh của Trung Quốc, lật tẩy sự nhu nhược của Liên Xô. Nhưng tính toán chính trị sai lầm cho thấy rằng các lãnh tụ Trung Quốc đặt chính họ vào thế khó khăn khi xây dựng một chiến lược trừng phạt Việt Nam mà không bao giờ có cơ hội thành công. Ý đồ được tuyên bố của Trung Quốc là “dạy cho Việt Nam bài học” biến mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến tranh thành một “hành động trả thù”. Từ đầu, Bắc Kinh giới hạn mục đích và chỉ đạo để cuộc chiến không vượt quá giới hạn của một cuộc xung đột biên giới tay đôi. Bộ chỉ huy quân sự ở Quảng Châu và Côn Minh được yêu cầu phải xây dựng các chiến lược tác chiến sao cho không chỉ hoàn thành mục tiêu là trừng phạt mà còn phải giới hạn chiến sự về thời gian lẫn không gian.

Câu hỏi thực tế cho những người lập kế hoạch quân sự Trung Quốc địa phương là đến chừng mực nào thì mục tiêu dạy cho Việt Nam bài học mới đạt được và đo lường được. Phương thức tác chiến thông thường của QGPND luôn luôn tạo nên một áp lực đặc biệt trong vấn đề tiêu diệt sinh lực địch (yousheng liliang). Một trong những truyền thống tác chiến của QGPND là chiến thuật biển người để đảm bảo thắng lợi. Khoảng giữa tháng Giêng 1979 hơn một phần tư quân đội thường trực của QGPND được đưa đến biên giới Trung-Việt, tổng cộng khoảng hơn 320.000. Theo kinh nghiệm chiến đấu của mình và dựa trên các bài bản chiến thuật của QGPND trong quá khứ, Hứa Thế Hữu trả lời những yêu cầu chiến tranh của ban lãnh đạo Trung ương bằng một chiến thuật gọi là niudao shaji (ngưu đao sát kê – dùng dao mổ trâu để cắt tiết con gà). Nguyên tắc chủ đạo khi giao chiến gồm ba điểm: tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng không phải điểm mạnh của quân địch; sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của địch tại những những điểm mấu chốt; các đơn vị xung kích phải hết sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công tất cả các con đường dẫn đến sào huyệt kẻ thù. Theo cách này Hứa tin rằng quân đội của ông ta có thể cắt nhỏ hệ thống phòng thủ của Việt Nam thành từng mảnh, đập tan mọi sự kháng cự, và sau đó tiêu diệt hết quân địch.

Theo tinh thần và chiến thuật đó, các quân khu Quảng Châu và Côn Minh xây dựng những kế hoạch tác chiến riêng của họ trong đó nhấn mạnh đến việc tiêu diệt các sư đoàn quân chính quy của Việt Nam dọc biên giới Trung–Việt. Chiến tranh có thể chia thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, hai mũi nhọn tấn công và Cao Bằng và Lào Cai nhằm bao vây và tiêu diệt các sư đoàn của quân đội Việt Nam tại đó đồng thời phát động các cuộc tấn công ở Đồng Đăng để ly gián Hà Nội về mục tiêu chiến tranh của Trung Quốc. Sau đó lực lượng QGPND ở Quảng Tây sẽ tập trung tấn công vào Lạng Sơn trong khi các cánh quân bạn ở Vân Nam sẽ giao chiến với sư đoàn quân Việt Nam ở Sa Pa. Tổng cộng 8 quân đoàn QGPND sẽ đồng thời tham gia tác chiến, một quân đoàn được giữ lại làm lực lượng trừ bị.

Bắc Kinh cũng tính đến khả năng tham chiến của không quân. Không quân của QGPND sẽ cam kết dùng 18 trung đoàn và 6 phi đội tăng phái để chuẩn bị hỗ trợ cho các chiến dịch mặt đất. Để tránh leo thang xung đột, Quân ủy Trung ương ra lệnh không lực chỉ trợ chiến bên trong lãnh thổ Trung Quốc, trong khi đó lại ra lệnh các đơn vị không quân sẵn sàng yểm hộ cho các chiến dịch dưới đất “nếu cần”, mặc dầu không đưa ra định nghĩa chính thức tình hình thế nào và bao giờ được coi là “cần”. Mệnh lệnh quy định rằng bất cứ chiến dịch nào bên ngoài không phận Trung Quốc đều phải được phép của Quân ủy Trung ương. Dựa trên những nguyên tắc này, một chiến lược yêu cầu các đơn vị không quân sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng trời và yểm trợ cho mặt đất. Khi chiến dịch dưới đất bắt đầu, cùng lúc không quân được lệnh xuất kích với tần suất cao trên không phận biên giới nhằm ngăn chặn không quân Việt Nam tham chiến. Nhân viên kiểm soát và điều hành hàng không cũng như các nhóm chỉ huy tác chiến được cử đến sở chỉ huy tiền phương của hai quân khu ở Quảng Châu và Côn Minh, các chỉ huy của các đơn vị không quân và một vài đơn vị phục vụ mặt đất cũng sẽ tham gia vào nhiệm vụ tấn công chính

Từ cuối tháng 12 năm 1978 đến hết tháng Giêng năm 1979 binh lính Trung Quốc bị cuốn hút vào các hoạt động huấn luyện chiến đấu và diễn tập. Vì trước đó hầu hết quân đội Trung Quốc chỉ tham gia vào sản xuất nông nghiệp trong một thời gian dài, những nỗ lực điên rồ vào giờ phút cận kề như vậy, dù là có ích, chắc chắn cũng không thể đủ được. Huấn luyện quân sự được tập trung nhiều vào những kỹ năng cơ bản của người lính như bắn, ném lựu đạn. Chỉ một vài đơn vị có khả năng tiến hành các cuộc huấn luyện có ý nghĩa về chiến thuật hoặc diễn tập cấp trung đoàn hoặc sư đoàn. Nhiều sĩ quan báo cáo rằng họ không thể đảm bảo các binh sĩ của họ có khả năng tác chiến. Việc các đơn vị bộ đội của QGPND chỉ được huấn luyện một cách sơ sài và không đầy đủ cho một cuộc chiến tranh hiện đại nhằm vào quân đội Việt Nam, những người có 25 năm kinh nghiệm chiến đấu trước khi có cuộc chiến tranh này dường như không được giới lãnh đạo Trung Quốc quan tâm.

Mặc dầu nhu cầu huấn luyện là cấp bách, nhưng QGPND vẫn tiếp tục với truyền thống quân sự của mình là sử dụng học thuyết chính trị để nâng cao tinh thần và để cải thiện hiệu năng chiến đấu. Cỗ máy tuyên truyền được thiết lập để thuyết phục binh lính rằng quyết định của ban lãnh đạo Trung ương là cần thiết và đúng đắn. Việt Nam thay đổi một cách xấu xa trở thành “Cuba ở phương đông”, tên “côn đồ ở châu Á” và “chó săn của Liên Xô”, đang cố theo đuổi tham vọng bành trướng. Chủ thuyết chính trị của Mác – mặc dầu được cả hai nước suy tụng – cũng không ngăn cản được việc Trung Quốc phát động một cuộc “chiến tranh tự vệ” chống lại quốc gia làng giềng nhỏ bé một khi quyền lợi dân tộc tối cao bị đe dọa. Các bài giảng, các cuộc họp quy tội Việt Nam với các bằng chứng, hiện vật, cũng như tranh ảnh được trưng bày nhằm gia tăng chủ nghĩa yêu nước và lòng căm thù kẻ địch. Ít nhất người ta cũng đưa ra một cách giải thích nghe có vẻ có lý cho những người lính bình thường, ít học về lý do tại sao lại cần phát động cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam, một đất nước từ lâu là anh em, đồng chí.

Chiến dịch quân sự

Cuộc tấn công được gọi là tự vệ của QGPND được tiến hành trong 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 17 đến 25 tháng Hai. Trong thời gian đó quân đội Trung Quốc theo dự tính sẽ đập tan tuyến phòng ngự đầu tiên của Việt Nam và đánh chiếm các thị xã Cao Bằng và Lào Cai, các thị trấn biên giới quan trọng là Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ ra vào Lạng Sơn. Giai đoạn hai từ 26 tháng Hai đến 5 tháng Ba là chiến dịch đánh Lạng Sơn và các vùng phụ cận phía tây, vùng Tây Bắc Sa Pa, và Phong Thổ. Giai đoạn cuối là nỗ lực bổ sung để dẹp yên các lực lượng địch còn sót lại trong quá trình phá hủy hệ thống quân sự tại khu vực biên giới với Trung Quốc trước khi hoàn thành việc rút quân vào ngày 16 tháng Ba. Các chiến dịch quân sự được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam dọc theo biên giới kéo dài đến 900 km từ đông sang tây. Trong 30 ngày, quân Trung Quốc tiến hành những trận đánh đẫm máu nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên.

Cuộc tấn công của Trung Quốc khiến Hà Nội bất ngờ. Tình báo Việt Nam dường như thất bại trong việc giúp ban lãnh đạo Hà Nội chuẩn bị trước cho cuộc xâm lược của Trung Quốc. Mặc dầu màn giễu võ dương oai (saber-rattling) của Bắc Kinh đã có từ trước đó vài tháng, nhưng lãnh đạo Việt Nam cũng không thể tin nổi “một nước Xã hội Chủ nghĩa anh em” lại có thể đi xâm lược mình. Khi một số lượng lớn quân Trung Quốc đã vượt qua biên giới, thủ tướng Phạm Văn Đồng và tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Văn Tiến Dũng còn đang ở Phnom Pênh. Mức độ dàn trải của chiến dịch của QGPND cũng đánh lừa được Bộ Tư Lệnh tối cao của quân đội Việt Nam trong việc nhận dạng các mũi nhọn và mục tiêu thực của cuộc tấn công. Trong lúc yêu cầu cấp bách Moskva thực thi nghĩa vụ theo hiệp ước hữu nghị và hợp tác mới ký giữa hai nước, phản ứng tức thời của Hà Nội là “để đáp trả ngay lập tức, sử dụng bất cứ sự kháng cự nào nhằm làm giảm ưu thế của quân Trung Quốc” Các trận đánh quan trọng xảy ra xung quanh các thị trấn biên giới như Sóc Giàng, Đồng Hệ, Đồng Đăng, Cao Bằng, Lào Cai và Cam Đường, qua việc tranh giành từng ngọn đồi, từng căn hầm. Cả hai bên đều thể hiện ý chí quyết liệt tiến công và phản công mặc cho thương vong nặng nề.

Vào ngày 20 tháng Hai, cố vấn Liên Xô kết luận rằng lực lượng phòng thủ dân quân tự vệ của Việt Nam sẽ không thể ngăn chặn được bước tiến của quân Trung Quốc. Đã có một khuyến cáo thiết lập cầu hàng không để chuyên chở ngay lập tức 30 000 quân từ Campuchia về để tăng cường cho tuyến phòng thủ Lạng Sơn và Hà Nội. Theo tài liệu của Xô Viết các cố vấn của họ có những nỗ lực phi thường để tìm và thuyết phục các lãnh tụ Việt Nam có những biện pháp đối phó cấp bách với tình hình. Không hiểu mục tiêu chiến tranh của Bắc Kinh, Hà Nội có những phản ứng hết sức chậm chạp đối với những diễn biến nhanh chóng trên chiến trường.

Mặc dầu QGPND chọc thủng phòng tuyến ngay từ đầu nhưng địa hình, đặc biệt là thiếu đường sá, cộng với sự kháng cự quyết liệt của quân chính quy, các đơn vị biên phòng, bộ đội địa phương Việt Nam nên quân Trung Quốc bị rơi vào thế bị động. Chính tình trạng này bộc lộ những điểm yếu và thiếu khả năng của quân Trung Quốc trong chỉ huy tác chiến, liên lạc và hậu cần bắt nguồn từ truyền thống binh pháp của QGPND. Trong một vài trường hợp, các chỉ huy mặt trận Trung Quốc thúc giục sự yểm trợ của không quân khi các giao tranh dưới mặt đất gặp sự kháng cự quyết liệt của quân đội Việt Nam. Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc không cho phép, thay vào đó là mệnh lệnh cho hải dựa vào sự hỗ trợ hỏa lực của pháo binh. QGPND cùng với những tướng lĩnh của nó được sinh trong một thể chế truyền thống, chỉ quen với tiền pháo hậu xung và biển người. Khẩu hiệu “Tinh thần của lưỡi lê” (The spirit of the bayonet) lại tiếp tục được đề cao. Kết quả cho thấy cuộc chiến tranh Việt-Trung năm 1979 là một cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn bạo.

Thành công của cuộc chiến tranh trừng phạt của QGPND phụ thuộc vào các chiến thuật xâm nhập, tấn công sườn và bao vây Cao Bằng. Tuy nhiên, hai sư đoàn đột kích thọc sâu không hoàn thành được dự định trong vòng 24 giờ. Địa hình núi non, với những cánh rừng rậm rạp lại không có đường và bị bộ đội địa phương và dân quân du kích Việt Nam phục kích khiến cho quân Trung Quốc gặp khó khăn không ngờ. Vì sự chậm trễ này mà Hứa Thế Hữu quyết định quay lại lập tức tấn công Cao Bằng, mặc dầu một quân đoàn của phó tư lệnh Ngô Trung (Wu Zhong) đã áp sát thành phố từ phía đông và phía nam. Tuy nhiên, do một cuộc điều tra về lý lịch chính trị trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa đang tiến hành, Vũ bị cách chức chỉ huy vào khoảng thời gian giữa chiến dịch. Qua đường dây nói, ngày 20 tháng 2, 1979, Hứa khẳng định lại việc bổ nhiệm trước đó rằng chiến dịch vẫn sẽ tiếp tục dưới sự chỉ huy của một cấp phó khác của ông thay vì dưới quyền chỉ huy của họ Ngô, thậm chí sau đó và quân đoàn ông ta vẫn chiến đấu theo đường của họ để tới Cao Bằng từ phía bắc. Ba ngày sau khi đến nơi, Hứa và các sĩ quan tham mưu của ông ta vẫn không nhận ra rằng chỉ có một số rất ít bộ đội Việt Nam chiến đấu để bảo vệ để cơ quan đầu não và chính quyền tỉnh rút lui. Sau đó ông ra lệnh tấn công vào thành phố. Chỉ sau vài giờ chiến đấu, quân Trung Quốc chiếm được thành phố.

Việc chậm trễ tiếp quản Cao Bằng làm đảo lộn kế hoạch ban đầu của QGPND. Kế hoạch này được thiết kế nhằm tìm kiếm những trận giao chiến nhanh chóng và quyết định. Quân đội Việt Nam phân tán thành những toán nhỏ và các đơn vị cỡ trung đội, ẩn trên núi non, rừng rậm và hang động, và tiếp tục phát động các cuộc phản công. Sự kháng cự không hề nao núng của bộ đội và dân quân Việt Nam buộc Trung Quốc phải thay đổi chiến thuật hoạt động của họ bằng cách chia quân thành những đơn vị cỡ tiểu đoàn để tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và tiêu diệt tại Cao Bằng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh và các khu vực Quảng Hòa. Các chiến thuật mới bao gồm khóa đường, lùng sục các ngọn đồi, tìm kiếm những hang động, săm soi mặt đất và cho nổ các hầm hào. Giao chiến dữ dội liên tục khiến hàng trăm chiến sĩ Việt Nam và dân thường bị giết. Cho đến ngày 06 Tháng Ba, theo các tài liệu tiếng Việt thu được cho thấy, thì dường như sư đoàn QĐND Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ Cao Bằng vẫn chưa bị tiêu diệt. Không tính đến việc chưa hoàn toàn kiểm soát được Cao Bằng, những tổn thất nặng nề của QGPND trong giai đoạn đầu cho thấy rằng chiến dịch gặt hái rất ít thành công.

Bắc Kinh ngày càng trở nên lo lắng về tiến triển của cuộc chiến nên hối thúc tư lệnh chiến trường ở Quảng Tây khởi sự càng nhanh càng tốt trận đánh quyết định vào Lạng Sơn, một cửa ngõ làm lá chắn cho Hà Nội từ phía bắc. Dường như không hài lòng với những gì xảy ra tại Cao Bằng, họ Hứa tổ chức lại kế hoạch tác chiến và kêu gọi binh lính tăng thêm sức chiến đấu trong trận đánh Lạng Sơn. Sáu sư đoàn quân Trung Quốc tham gia vào trận đánh quyết định này, bắt đầu vào ngày 27 tháng hai, được mở màn bằng một trận pháo kích dữ dội. Sau các trận chiến ác liệt, quân Trung Quốc lần đầu tiên kiểm soát chắc chắn được các điểm cao xung quanh và sau đó đánh chiếm phần phía bắc của thành phố vào ngày 02 Tháng Ba, ngày mà theo lịch trình sẽ ngưng các hoạt động quân sự.

Do bộ máy tuyên truyền của Hà Nội không thừa nhận thất bại của họ ở Lạng Sơn, Hứa quyết định tiếp tục đánh, thúc quân của ông ta vượt sông Kỳ Cùng, là ranh giới phân chia thành phố Lạng Sơn thành các huyện phía Bắc và phía Nam, để đánh chiếm toàn bộ thành phố, và sau đó phát triển xa về phía nam để đe dọa Hà Nội. Mặc dù quyết định của Hứa được Bắc Kinh thông qua, nhưng nó bị hủy bỏ vào ngày 05 tháng 3, ngay sau khi quân đội Trung Quốc chiếm phần phía nam của Lạng Sơn, với lý do được tuyên bố là họ đã đạt được các mục tiêu chiến tranh ban đầu.

Đánh giá cuộc chiến tranh của Trung Quốc với Việt Nam

Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 là một hoạt động quân sự lớn nhất mà QGPND đề xướng kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Dựa trên chiến lược của Mao là “trong mỗi trận đánh, tập trung một lực lượng tuyệt đối vượt trội so với kẻ thù”, Bắc Kinh triển khai chín quân đoàn chính quy cùng với các đơn vị đặc biệt và địa phương, tạo nên một đội quân hơn 300.000, tiến hành cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam trong một tháng. Các đơn vị không quân chiến đấu xuất kích 8.500 phi vụ tuần tra vùng trời, trong khi đó các đơn vị vận tải và trực thăng xuất kích 228 lần làm nhiệm vụ không vận; Hải quân cử một lực lượng đặc nhiệm (bao gồm hai tàu khu trục tên lửa và ba hải đội tàu trang bị tên lửa và ngư lôi tấn công nhanh) ra đảo Hoàng Sa (Xisha) nhằm đối phó với sự can thiệp của hải quân Liên Xô nếu có. Ngoài ra, các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam còn huy động hàng chục ngàn dân quân và dân công để hỗ trợ các chiến dịch quân sự.

Trong thời gian chiến tranh, quân Trung Quốc chiếm ba thị xã của Việt Nam và hơn một chục thành phố nhỏ và thị trấn dọc biên giới, họ tuyên bố đã giết và làm bị thương 57.000 bộ đội Việt Nam, đánh thiệt hại nặng bốn sư đoàn quân chính quy và mười trung đoàn trực thuộc khác, cùng với việc chiếm một lượng lớn vũ khí. Bắc Kinh khẳng định rằng cuộc chiến chống Việt Nam 1979 kết thúc với thắng lợi thuộc về Trung Quốc.

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu ngày nay đều thừa nhận rằng quân Việt Nam “trên tay” quân Trung Quốc trên chiến trường vì khả năng tác chiến yếu kém của QGPND và thương vong quá nặng như được báo cáo chính thức. Hà Nội cho rằng chỉ có dân quân và các lực lượng địa phương tham gia vào cuộc xung đột, và không áp dụng một chiến thuật phòng thủ nào nhưng tấn công liên tục chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Họ chỉ chịu mất Lạng Sơn và một số thành phố khác sau khi gây thương vong và thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc.

Đài Hà Nội vào thời gian đó thông báo rằng Việt Nam tiêu diệt và làm bị thương 42.000 quân Trung Quốc. Chỉ có một vài tài liệu chính thức của Việt Nam có giá trị cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về hiệu suất chiến đấu và thất bại của họ trong cuộc xung đột, trong khi đó các thông tin được đăng tải bởi các cá nhân trên mạng khi nói về con số tham gia thực tế và thương vong nặng nề của quân chính quy Việt Nam thì trái ngược nhau hoàn toàn. Mặc dù đánh giá lại cuộc chiến Việt Trung năm 1979 mà chỉ dựa trên nguồn thông tin từ Trung Quốc là phiến diện nhưng dầu sao điều này cũng có thể soi sáng một số vấn đề.

Một phương pháp đánh giá cái được cái mất của Trung Quốc là tập trung vào thương vong. Lúc đầu Bắc Kinh thừa nhận là có 20.000 binh sĩ Trung Quốc bị chết hoặc bị thương trong cuộc xung đột biên giới với Việt Nam. Một xu hướng mang tính học thuật hiện nay nghiêng về con số ước tính khoảng 25.000 QGPND thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ và 37.000 người khác bị thương. Gần đây có nguồn từ Trung Quốc phân loại thiệt hại của QGPND là 6.900 người chết và 15.000 người bị thương, tổng cộng thương vong là 21.900 thương vong trong một cuộc chiến với hơn 300.000 lính tham chiến. Trong bất cứ trường hợp nào thì thương vong của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh ngắn như vậy là quá cao, điều đó cho thấy một trong những đặc tính cố hữu trong chiến thuật và chiến dịch của QGPND là: sẵn sàng thí quân cho chiến thắng. Lãnh đạo Trung Quốc xem xét thương vong là một tiêu chí tương đối không quan trọng khi đánh giá thành công trong quân sự miễn sao họ tin rằng tình hình chiến lược tổng thể nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Theo quan điểm của Trung Quốc, cuộc chiến 1979 với Việt Nam là một biện pháp quân sự có tính toán nhằm trả đũa chính sách thù nghịch với Trung Quốc và sự bành trướng của Việt Nam tại Đông Nam Á cũng như tham vọng toàn cầu của Liên Xô. Mặc dù chiến dịch này bộc lộ nhiều điểm yếu của QGPND trong học thuyết quân sự hiện đại và chiến thuật, từ khởi đầu đến kết thúc, nhưng Trung Quốc nhanh chóng nắm giữ thế chủ động và nhịp độ của cuộc xung đột. Bắc Kinh gây bất ngờ cho Hà Nội không chỉ vì quy mô của chiến dịch, mà còn ở việc rút lui nhanh chóng và không bị sa lầy ở Việt Nam. Trung Quốc cũng thành công trong việc tiên liệu đúng phản ứng của Liên Xô qua việc bất lực và thiếu thiện chí đối với Việt Nam. Sự trông cậy vào Liên Xô trong hiệp ước hữu nghị về an ninh rõ ràng là một bài học chua xót cho Việt Nam.

Điều quan trọng hơn cả cuộc chiến Việt-Trung 1979 là khởi đầu cho một chính sách của Bắc Kinh làm “chảy máu” Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Hà Nội ra Đông Nam Á. Việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia sau cuộc tấn công của Trung Quốc là điều lãnh đạo của Trung Quốc mong mỏi nhưng họ không tiên liệu được rằng cuộc triệt thoái không diễn ra ngay lập tức mặc cho Trung Quốc tấn công Việt Nam ở phía bắc. Sau này Trung Quốc vẫn thi hành một lựa chọn chiến lược là duy trì áp lực quân sự lên Việt Nam kể cả sự đe dọa liên tục bằng lời nói về một cuộc tấn công thứ hai, và đôi khi tăng cường pháo binh bắn phá và những trận đánh lớn ở biên giới trong hầu hết thập kỷ 1980. Một nghiên cứu đầu thập niên 1990 kết luận: “Cuộc chiến tranh đạt được thành công nhất định khi nó được xem như một chiến thuật trong chiến lược chiến tranh tiêu hao kéo dài của Trung Quốc”.

Tương tự như thế, cuộc chiến tranh Việt-Trung năm 1979 không để lại hậu quả đáng kể cho Trung Quốc trên trường quốc tế mặc dù việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại Việt Nam cũng dấy lên những nghi ngờ của Indonesia và Malaysia, những nước luôn cảnh giác với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Sự chiếm đóng của Việt Nam ở Campuchia đe dọa Thái Lan, khiến làn sóng chống đối Việt Nam của các nước ASEAN tiếp tục gia tăng. Về mối quan hệ Trung–Mỹ, cuộc xâm lược trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc thể hiện thành công phần nào khi khi Washington vừa công khai lên án cả cuộc xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và cả cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam lại vừa chia sẻ mối quan tâm của Trung Quốc trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Nam Á. Ý chí sẵn sàng sử dụng vũ lực của Bắc Kinh, bất chấp gánh chịu thương vong, biến Trung Quốc thành “một bức tường ngăn chặn có giá trị” chủ nghĩa bành trướng Xô-Việt; Washington vào thời điểm đó tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để cân bằng cán cân với Liên Xô.

Giới lãnh đạo Việt Nam dường như không bao giờ hiểu hết các động thái chiến lược và mục tiêu chiến tranh của Trung Quốc, nhưng lại khăng khăng quan điểm cho rằng cuộc xâm lược năm 1979 trở thành màn mở đầu của một kế hoạch xâm lược dài hạn của Bắc Kinh vào chủ quyền và nền độc lập của Việt Nam. Sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân ngày 5 tháng 3, Hà Nội kêu gọi tổng động viên toàn quốc cho chiến tranh, thúc đẩy việc xây dựng các vị trí phòng thủ trong và xung quanh Hà Nội. Mặc dù đến cuối tháng 5, quân đội Trung Quốc trở lại trạng thái bình thường, Việt Nam vẫn tiếp tục đề phòng, duy trì số lượng lớn của quân đội dọc theo biên giới phía Bắc đối diện với Trung Quốc vào thời điểm mà nền kinh tế của Việt Nam đang “ở trong một tình trạng tồi tệ hơn lúc nào hết kể từ sau năm 1975”.

Kết quả là, Hà Nội phải dồn hết nỗ lực cho hai cuộc chiến tranh cùng một lúc, một ở Campuchia và một ở biên giới phía Bắc, dẫn đến một chi phí rất lớn của xã hội và kinh tế quốc gia, thu hút mọi nỗ lực của Hà Nội cần có cho việc hiện đại hóa nền kinh tế, và, quan trọng hơn, làm giảm tham vọng về địa chính trị của họ. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Việt Nam không hề nhận ra tính chất nghiêm trọng của tình hình, tiếp tục phụ thuộc vào Liên bang Xô viết cho đến khi nó sụp đổ vào năm 1991. Nếu có bất kỳ bài học mà người Việt Nam cần rút ra từ cuộc chiến 1979 với Trung Quốc, thì đó là Việt Nam, như một vị tướng Việt Nam sau này nhận xét, “phải học cách sống chung với anh hàng xóm to lớn”.

Nhắc đến vấn đề tại sao Trung Quốc phải nóng lòng khi sử dụng một lực lượng được chuẩn bị sẵn để chống lại Việt Nam vào năm 1979, các phân tích ở đây cũng phù hợp với khẳng định của các nghiên cứu khác là mối lo ngại về tính toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh, đủ để thúc đẩy QGPND không chỉ trong trách nhiệm bảo vệ mà còn phải tấn công nếu cần. Tranh chấp lãnh thổ và căng thẳng biên giới có vẻ như là yếu tố kích thích để thúc đẩy Bắc Kinh xem xét đến việc sử dụng vũ lực chống lại láng giềng phía nam của họ. Hơn thế nữa, cùng với sự cuồng phát của chủ nghĩa dân tộc đầy cảm tính hướng tới việc củng cố thêm tinh thần Đại Hán, theo đó cần phải có một sự trừng phạt nào đó với một đồng minh cũ đã dám phản bội và quay lưng lại với Trung Quốc. Tâm lý này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại một sự đồng thuận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Trung Quốc để hỗ trợ Đặng, kẻ đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ra các quyết định triển khai quân sự chống lại Việt Nam.

Về các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, điều luôn luôn làm nảy sinh những phản ứng thái quá của người Trung Quốc, quan điểm quân sự dường như trở thành yếu tố kiên quyết trong các quyết định để khởi đầu cho mọi thù địch hiện nay. Hội nghị cán bộ tháng Chín năm 1978, từ việc cung cấp các khuyến cáo cho ban lãnh đạo trung ương để đối phó với tình hình quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Việt Nam, là điểm khởi đầu cho một hoạt động quân sự lớn. Các phân tích quân sự về phản ứng có của Liên Xô cũng giúp làm sáng tỏ những lo ngại về rủi ro nếu có. Tuy nhiên, quân đội phải hy sinh chính họ cho tham vọng của ban lãnh đạo trung ương. Một khi quyết định được đưa ra để thực hiện cuộc xâm lăng trừng phạt Việt Nam, các tướng lĩnh hăm hở thực hiện nhiệm vụ của mình với sự thích thú triển khai tối đa lực lượng.

Những bài học được rút tỉa

Bất kể thành công về chiến lược của Trung Quốc như thế nào, một số vấn đề quan trọng vẫn cần được bàn lại. Ví dụ QGPND nhận thức thế nào về hiệu năng chiến đấu của họ ở Việt Nam, bài học nào rút ra từ chiến dịch, kinh nghiệm này ảnh hưởng đến suy nghĩ của QGPND về tương lai của họ đến mức nào? Là một phần trong truyền thống của QGPND, tất cả các binh sĩ tham gia vào cuộc xung đột được lệnh phải viết tóm lược kinh nghiệm chiến đấu của họ. Nhìn lại cuộc chiến, bộ chỉ huy QGPND cũng thấy những mâu thuẫn nội tại. Trong khi tuyên bố rằng Trung Quốc đã giành chiến thắng, họ cũng phải thừa nhận cái giá quá cao mà QGPND phải trả. Trong quan điểm của bộ chỉ huy QGPND, ở một chừng mực nào đó cần có đánh giá phần nào khách quan về những yếu kém của QGPND. Tuy nhiên, họ lại e ngại khuynh hướng đánh giá quá cao khả năng và hiệu năng chiến đấu của quân đội Việt Nam. Cùng chiều hướng đó, nên niềm tự hào dân tộc và định kiến văn hóa của họ chắc chắn sẽ ngăn cản họ đưa ra những kết luận thẳng thắn về kinh nghiệm của QGPND trong chiến tranh. Những kinh nghiệm đó có thể được tổng hợp thành sáu chủ đề sau:

Một trong những châm ngôn truyền thống của QGPND là “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Cuộc chiến Việt–Trung năm 1979 cho thấy QGPND quan tâm rất ít đến binh pháp và chiến thuật của QĐND Việt Nam trước khi họ tấn công Việt Nam. Kết quả là, quân đội Trung Quốc đánh giá thấp khả năng chiến đấu của các đối thủ của mình. Có thể từ chỗ lo sợ vì đã tung hô quá nhiều danh tiếng của quân đội Việt Nam, nên tài liệu quân đội QGPND kết luận rằng lực lượng chính quy của kẻ địch thiếu kiên trì trong tiến công và phòng ngự và có rất ít các chiến dịch hiệp đồng, nhưng lại thừa nhận rằng chiến thuật kiểu du kích, công binh và dân quân tự vệ của Việt Nam đã thành công đáng kinh ngạc trong việc kìm chân quân Trung Quốc giảm thế cân bằng khi họ lo tìm kiếm những trận đánh quyết định với quân chính quy của QĐND Việt Nam trong một cuộc chiến hạn chế.

Một sĩ quan Mỹ khi tổng kết kinh nghiệm của người Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, ghi nhận rằng không thể “để xâm nhập, bọc sườn, hoặc bao vây” vị trí cố thủ của quân đội Việt Nam “mà không bị thương vong rất nặng”. Chiến thuật của QGPND, thúc thật nhiều bộ binh tấn công xáp lá cà vào vị trí đối phương bất chấp tử vong cao, giải thích tại sao Trung Quốc dám khẳng định rằng quân đội Việt Nam không có khả năng trong phòng thủ bảo vệ vị trí của họ.

Những khó khăn bất ngờ trong tác chiến khiến người Trung Quốc rút ra bài học thứ hai từ cuộc xung đột liên quan đến tình báo và lập kế hoạch. Thiếu thốn thông tin từ lâu về một đồng minh truyền thống là một thách thức lớn cho việc lập kế hoạch chiến tranh và kế hoạch tác chiến của Trung Quốc. Các đánh giá về địa lý và địa hình của miền Bắc Việt Nam của QGPND thường dựa trên các bản đồ và thông tin địa lý đã lỗi thời, trong khi khả năng trinh sát chiến trường lại bị hạn chế. Một trong những sai lầm lớn của quân đội Trung Quốc là đánh giá sai số lượng lực lượng dân quân rất lớn trong dự đoán về sức mạnh quân sự Việt Nam. Kinh nghiệm của QGPND cho thấy, dân quân Việt thể hiện sức đề kháng không hề nao núng và thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ hơn vào các quân xâm lược hơn cả bộ đội chính quy QĐND Việt Nam.

Lúc đầu các nhà kế hoạch quân sự của QGPND tin rằng họ tập hợp được một lực lượng vũ trang vượt trội với tỷ lệ 8:1 để tấn công quân Việt Nam. Nhưng chỉ tính riêng tại khu vực Cao Bằng có 40.000 cho đến 50.000 dân quân khiến tỷ lệ lực lượng Trung Quốc chỉ còn hơn Việt Nam là 2:1. Trong suốt chiến dịch, QGPND không bao giờ cho thấy khả năng đè bẹp đối phương bằng mức vượt trội về quân số. Cuộc chiến tranh này còn cho thấy sự khó khăn như thế nào khi thực hiện các chiến dịch quân sự ở nước ngoài nếu dân chúng địa phương được huy động vào việc kháng cự.

Bài học thứ ba là về khả năng chiến đấu của QGPND vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng tác chiến phối hợp với nhiều binh chủng gồm xe tăng, đại bác, bộ binh cùng với một lực lượng không quân và hải quân yểm trợ. Lạc hậu trong binh pháp và chiến thuật khiến quân đội Trung Quốc không thể phối hợp một cách bài bản trong tác chiến. Trong khi đó ở Bắc Kinh, sự ràng buộc chính trị và tư duy quân sự lạc hậu đã bác bỏ phương án yểm trợ tác chiến của không quân. Các lực lượng mặt đất cũng cho thấy sự thiếu đồng bộ giữa bộ binh, xe tăng và các đơn vị pháo binh để có thể triển khai việc phối hợp tác chiến sao cho hiệu quả. Một ví dụ rõ ràng là bộ binh không bao giờ được huấn luyện kiến thức đầy đủ về phương án tấn công phối hợp với các đơn vị xe tăng. Lính bộ binh, những người bị buộc bằng dây thừng vào tháp pháo xe tăng để khỏi ngã khi hành quân bị mắc kẹt khi bị quân địch bắn hạ. Mặt khác, các đơn vị xe tăng thường phải chiến đấu không có bộ binh tháp tùng và thiếu liên lạc trực tiếp giữa hai bên nên phải chịu nhiều thiệt hại và tổn thất khôn lường. Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh 1979 dạy cho QGPND bài học giá trị về kỹ năng phối hợp tác chiến đa binh chủng.

Bài học thứ tư là về hiệu năng chỉ huy và điều khiển mà phần lớn bắt nguồn từ truyền thống và văn hóa của QGPND. Mối quan hệ cá nhân giữa sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ, vốn được vun trồng trong quá khứ, vẫn tạo nhiều rắc rối trong hàng ngũ QGPND. Khi mà mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên quan trọng hơn cả điều lệnh thì chẳng ngạc nhiên khi biết rằng các chỉ huy của Quân khu Quảng Châu sau này thừa nhận rằng họ cảm thấy khó chịu khi chỉ huy quân sĩ được chuyển từ Quân khu Vũ Hán và Thành Đô đến trong thời gian phục vụ chiến dịch. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nghe nhiều cấp dưới phàn nàn về phong cách chỉ huy của họ Hứa (Hứa Thế Hữu – ND) vì trước đó ông ta chưa từng chỉ huy họ. QGPND còn gặp khó khăn do nhiều sĩ quan chưa có kinh nghiệm trận mạc. Mặc dù nhiều sĩ quan có cấp bậc cao hơn và có thâm niên chiến đấu được cử đến để chỉ huy các đơn vị cấp thấp hơn để giúp đỡ chấp hành mệnh lệnh, nhưng khả năng tác chiến của QGPND vẫn thất bại vì các sĩ quan cấp thấp vẫn còn thiếu khả năng quyết đoán độc lập và phối hợp tác chiến trong những thời điểm quyết định. Tuy nhiên, cuộc chiến 1979 với Việt Nam khai sinh ra một thế hệ mới các cán bộ quân đội Trung Quốc có kinh nghiệm chiến trường, và nhiều người trong số họ hiện nay đang phục vụ tại các vị trí cao cấp của QGPND.

QGPND thiếu một hệ thống và cơ cấu cung cấp hậu cần hiện đại, để hỗ trợ cho những chiến dịch quân sự đòi hỏi di chuyển nhanh và ở vùng xa xôi. Các số liệu thống kê cho thấy trung bình mỗi ngày tiêu thụ đạn dược và nhiên liệu là 700 tấn cho mỗi loại. Hoạt động hậu cần là một lĩnh vực lớn để QGPND rút ra bài học. Vì không có đầy đủ dự trữ và phương tiện giao thông vận tải, khiến cả Quân khu Quảng Châu và Côn Minh phải đặt dưới cùng một hệ thống cung cấp, mà hệ thống đó chẳng bao giờ hoạt động thông suốt và hiệu quả. Một số lượng đáng kể các nguồn cung cấp bị mất hoặc là do quản lý kém hay bị Việt Nam phá hoại. Khi lực lượng của họ tiến sâu hơn vào lãnh thổ Việt Nam, để bảo vệ mình, các sĩ quan hậu cần phải rất khó khăn để giữ liên lạc không bị trệch hướng với đại quân.

QGPND kết luận rằng cần thiết phải tạo ra bộ chỉ huy về giao thông vận tải để đối phó với các vấn đề mà bộ đội của họ phải đối mặt trong chiến dịch. Kinh nghiệm này có vẻ vẫn còn giá trị cho Trung Quốc đến tận hôm nay khi cựu phó chỉ huy của Đại học Quốc phòng QGPND Trung Quốc phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về “kiểm soát truyền thông” vào năm 2002.

Bài học cuối cùng là làm thế nào để có thể diễn giải một học thuyết cũ về chiến tranh nhân dân vào các cuộc xung đột diễn ra bên ngoài biên giới Trung Quốc. Một trong những nguyên tắc của học thuyết chiến tranh nhân dân của Trung Quốc là việc huy động dân thường để hỗ trợ cho chiến tranh. Những kinh nghiệm chiến tranh 1979 chỉ ra rằng hầu như không thể đưa một lực lượng khổng lồ QGPND hoạt động ở nước ngoài mà không có sự ủng hộ chiến tranh của nhân dân trong nước. Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đánh thức lòng yêu nước của công chúng và lòng tự hào về người lính Trung Quốc. Biểu hiện mạnh mẽ của lòng yêu nước giúp QGPND nhận được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động từ người dân sống tại hai tỉnh biên giới. Tại riêng tỉnh Quảng Tây, hơn 215.000 cư dân địa phương được huy động để làm người vận chuyển, nhân viên bảo vệ và khuân vác để hỗ trợ tiền tuyến; và hơn 26.000 dân quân từ khu vực biên giới thực sự tham gia vào các hoạt động chiến đấu trực tiếp. QGPND vào thời điểm đó chỉ có một hệ thống cung cấp vá víu đòi hỏi các đơn vị phải tự túc hệ thống cung cấp trên chiến trường theo kiểu “hậu cần bán lẻ”. Chính quyền địa phương làm mọi việc dễ dàng cho binh lính bằng cách đơn giản hoá thủ tục, giúp họ nhận được đầy đủ vật chất và thực phẩm tươi trong thời gian ngắn nhất có thể. Kinh nghiệm này thuyết phục bộ chỉ huy QGPND rằng huy động chính quyền địa phương và dân chúng để hỗ trợ cho một cuộc chiến tranh vẫn là chìa khóa cho chiến thắng.

Những bài học mà Trung Quốc rút tỉa được từ cuộc chiến 1979 với Việt Nam có thể không được liền lạc, thiếu toàn diện và khó mà khách quan vì QGPND không đánh giá sự thành công về chiến dịch quân sự của họ trên cơ sở kết quả tác chiến mà là trên cơ sở các tác động của cuộc xung đột đến tình hình chung. Chịu ảnh hưởng sâu sắc lời dạy của Mao là chiến tranh về cơ bản là một vụ kinh doanh chính trị, miễn là Trung Quốc cho là họ đã thành công trong việc đạt được mục tiêu quân sự và chiến lược đề ra, còn các vấn đề gây ra từ thất bại của chiến thuật chỉ là thứ yếu. Đây cũng là lý do tại sao các bài học đó có những khác biệt đáng kể so với các nghiên cứu của phương Tây nơi mà nhiều thông tin tương đối khả tín, mặc dầu đôi khi vẫn thấy xuất hiện đây đó một chút thái quá do lạm dụng các nguồn tin hạn chế để kết luận về một vấn đề cực kỳ phức tạp. Các nghiên cứu của QGPND nhìn nhận rằng cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) tạo bất lợi và hủy hoại những truyền thống tốt đẹp của QGPND, và kết quả là, các lực lượng của Trung Quốc thực hành tác chiến tồi tệ trong chiến tranh.

Những bài học rút ra của QGPND tập trung nhiều vào cấp độ chiến thuật của chiến tranh với sự nhấn mạnh vào chỉ huy và kiểm soát, phối hợp tác chiến giữa các đơn vị, cơ cấu lực lượng và vũ khí hơn là chiến lược và triết lý mang tính học thuyết. Trong quá trình đánh giá kinh nghiệm chiến tranh 1979, QGPND có vẻ như không tìm cách che đậy hoặc bỏ qua thiếu sót về các hạn chế của họ vào thời điểm đó; tuy nhiên họ mắc sai lầm khi không đề cập đến những khiếm khuyết trong tư duy quân sự và binh pháp truyền thống.

Các nghiên cứu của phương Tây so sánh những bài học mà QGPND rút ra từ cuộc chiến Việt-Trung 1979 với việc đánh giá lại vào năm 1985 của ban lãnh đạo Trung Quốc về bản chất của chiến tranh hiện đại và các mối đe dọa đang rình rập Trung Quốc cộng với những nỗ lực tiếp theo để cải tiến và chuyên nghiệp hóa QGPND trong suốt những năm 1980. Bài học Việt Nam đối với QGPND và những cuộc giao tranh vẫn liên tục xảy ra trên biên giới Trung–Việt trong những năm 1980 giúp cho cho ban lãnh đạo Trung Quốc phải thực hiện những cuộc chuyển đổi chiến lược từ việc nhấn mạnh đến sự chuẩn bị cho chiến tranh tổng hợp đến việc chuẩn bị cho chiến tranh cục bộ và chiến tranh hạn chế theo xu hướng của thời gian. Trong quá trình chuyển đổi QGPND thành một lực lượng hiện đại vào những năm 1980, có rất ít những nỗ lực được thực hiện nhằm sửa chữa thiếu sót về tư duy quân sự, đó là thái độ luôn luôn coi nhẹ vai trò của của không quân.

Kết quả là, nếu có điều gì còn chưa trung thực trong việc rút kinh nghiệm của QGPND thì đó chính là bài học về ưu thế trên không hoặc yểm trợ không quân. Tài liệu của QGPND vẫn cho rằng việc hạn chế khả năng của lực lượng không quân Trung Quốc là lý do chính khiến không quân Việt Nam không tham gia vào xung đột. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) thậm chí còn nhận xét một cách lố bịch rằng hoạt động giả vờ của không quân Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại Việt Nam là một “đòn nghi binh khéo léo trong tác chiến không quân”. Nhận xét đó rõ ràng cho thấy vẫn còn sai lầm trong giới lãnh đạo Trung Quốc khi họ tiếp tục đánh giá chưa cao vai trò quan trọng của không quân trong chiến tranh hiện đại.

Tuy nhiên, tổng kết các kinh nghiệm của QGPND trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam cung cấp một cái nhìn hữu ích về việc giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc tiếp cận vấn đề chiến tranh và chiến lược như thế nào. Cái nhìn này cũng phù hợp với những phát hiện nằm trong các công trình nghiên cứu gần đây. Trước tiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thảo luận và tính toán thời điểm và như thế nào khi sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng không ngần ngại quyết định khởi chiến khi họ cho rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đang bị hăm doạ hoặc lâm nguy. Thứ hai, QGPND thể hiện quyết tâm giành và giữ thế chủ động tác chiến bằng việc triển khai quân số vượt trội (chiến thuật biển người). Thứ ba, ý thức về chiến thắng quân sự của Trung Quốc đặt nhiều hơn vào việc đánh giá kết quả địa chính trị khi đem so với phê phán về hiệu năng tác chiến trên chiến trường. Kể từ sau cuộc chiến 1979 với Việt Nam, QGPND tiến hành sửa đổi sâu rộng trong học thuyết quốc phòng, chỉ huy và điều khiển, chiến thuật tác chiến, và cơ cấu lực lượng, trong khi các hoạt động quân sự thế giới cũng chuyển đổi đáng kể từ khi cuộc chiến năm 1979.

Ngày nay, không ai nghĩ rằng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ lặp lại những gì họ đã làm trong chiến tranh biên giới với Việt Nam. Từ góc độ lịch sử, những nét đặc thù của người Trung Quốc bộc lộ trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam có thể vẫn còn có giá trị trong các giáo trình của học viện quân sự của Trung Quốc cũng như đối với những người hằng quan tâm đến phương pháp sử dụng sức mạnh quân sự của người Trung Quốc, không chỉ trong quá khứ mà cả với hiện tại và trong tương lai.

Bản dịch của một cộng tác viên, riêng cho tạp chí Thời Đại Mới.

Nguồn bản dịch: © Thời Đại Mới

Cuộc chiến 1979 thực sự đã ‘bắt đầu từ trước’

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39008535 – 17 tháng 2 2017

Quốc Phương
BBC Tiếng Việt

Cuộc chiến nổ ra ngày 17/2/1979 trên biên giới Việt–Trung thực ra đã nổ ra từ lâu trước đó, theo một nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử từ Đại học Huế của Việt Nam.

Bình luận với BBC hôm thứ Sáu nhân 38 năm đánh dấu cuộc chiến đẫm máu trên biên giới phía Bắc của Việt Nam sau khi Trung Quốc khởi binh tấn công trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, ông Hà Văn Thịnh nói:

“Tôi quan niệm hơi khác mọi người một chút, tôi cho rằng cuộc chiến tranh năm 1979 đã thực sự bắt đầu từ 19/01/1974 khi Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa, đó là bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam.

“Bắt đầu năm 1979 là đỉnh cao, năm 1988 nó biến thái, ngày 14/3/1988 chiếm Gạc Ma, một phần của Trường Sa, rồi tiếp đó, chúng ta biết đầu thế kỷ 21, nào là thành phố Tam Sa, nào là đường lưỡi bò (bản đồ đường chín đoạn).

“Rõ ràng là cuộc chiến tranh năm 1979 tôi nhấn mạnh là nó bắt đầu từ năm 1974, đến bây giờ nó vẫn đang tiếp diễn…

“Theo quan điểm của tôi, chừng nào mà đất đai, biển đảo, máu thịt của Tổ quốc vẫn bị xâm lược Trung Quốc chiếm đóng, thì chừng đó chưa thể coi là bạn được”.

Sử gia từ Huế chia sẻ một thống kê riêng của ông theo đó chỉ 5-10% sinh viên không thuộc ngành sử mà ông giảng dạy trong những dịp đánh dấu sự kiện biết được ngày 17/2/1979 là ngày gì và có ý nghĩa ra sao.

Khi được hỏi ông có tư vấn gì cho giới soạn thảo sách giáo khoa, giảng dạy, nghiên cứu và phổ biến lịch sử ở Việt Nam liên quan sự kiện trên và cuộc chiến Việt–Trung bắt nguồn từ đó, ông Hà Văn Thịnh nói:

“Tôi rất muốn góp ý là kính đề nghị các thầy, kính đề nghị các đồng nghiệp bằng tuổi tôi hoặc ít hơn tuổi tôi là cần phải tôn trọng lịch sử, cần phải tôn trọng sự thật. Chứ không thể nào chung chung, rồi mơ hồ, nửa biết, nửa không như vậy, trắng không ra trắng, đen không ra đen

“Trong hội đồng soạn thảo sách giáo khoa, có không ít các thầy của tôi, bây giờ bảo khuyên các thầy thì nó không đúng, nhưng với tư cách một học trò, tuy lớn tuổi rồi và cũng am hiểu đôi chút, tôi rất muốn góp ý là kính đề nghị các thầy, kính đề nghị các đồng nghiệp bằng tuổi tôi hoặc ít hơn tuổi tôi là cần phải tôn trọng lịch sử, cần phải tôn trọng sự thật.

‘Phải tạo áp lực’

Cũng hôm 17/2/2017, BBC có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thạch, nhà chủ xướng chương trình Sách hóa Nông thôn ở Việt Nam, ông cho BBC hay, hiện tại trong sách giáo khoa phổ thông ở nhà trường Việt Nam chí có vỏn vẹn ’11 dòng’ nói về cuộc chiến Việt–Trung năm 1979 với sự kiện mà ông gọi đích danh là ‘Trung Quốc xâm lược Việt Nam’.

Về ý nghĩa của việc người dân, nhất là giới trẻ, cần nắm được sự kiện 17/2/1979 nói riêng và những trang sử của quốc gia, kể cả những thăng trầm của dân tộc, nhà vận động văn hóa sách ở nông thôn Việt Nam nói:

“Những năm tháng, giai đoạn, những tấm thảm sử của đất nước, nếu người dân không biết, chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở chính mình là một đất nước đánh lại, chống lại được ngoại xâm, trước hết chúng ta phải tự cường, tự lực, phải có sức mạnh và phải biết đến những tấm thảm sử của dân tộc để chúng ta cùng nhau lao động, học tập, cùng nhau đặt nền tảng cho sự phát triển của quốc gia, để chúng ta có một sức mạnh…

“Bản thân sức mạnh là sự tự kháng đối với những thế lực mà muốn bành trướng, xâm chiếm quốc gia, thành ra việc chúng ta phải nhắc lại những câu chuyện của lịch sử là nghiễm nhiên và mỗi chúng ta phải nỗ lực.

“Nếu trường hợp sách giáo khoa thời gian tới người ta chưa làm, thì chúng ta phải tạo áp lực xã hội, tạo dư luận để buộc người ta phải đưa vào. Đấy là chuyện đương nhiên.

“Còn một mặt nữa, với tư cách công dân, những người hiểu biết… phải biết phổ biến nó, nói với những người xung quanh mình, nói với những đứa trẻ, với đồng nghiệp, với bạn bè của mình để sự nhận biết về lịch sử được lan truyền trong dân chúng là việc nghiễm nhiên”.

Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 qua các con số

http://www.bbc.com/vietnamese/39029505#orb-banner – 20 tháng 2 2017

Sau cuộc chiến đẫm máu năm 1979 cho đến nay hai nước Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa công bố toàn bộ các con số thương vong, theo giới quan sát quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều tài liệu của các học giả Phương Tây đã đề cập đến độ tàn khốc của cuộc chiến ngắn ngày này, gồm cả số quân tham chiến, số thương vong trong binh sỹ và thường dân Việt Nam bị giết.

Số quân tham chiến

Peter Tsouras viết trên Military History Magazine:

Trung Quốc tập trung 200 nghìn quân thuộc 20 sư đoàn, cùng 400 xe tăng và 1.500 khẩu pháo. Lực lượng của Quân Giải phóng (PLA) lên tới 70 nghìn quân chỉ ở vùng giáp Lạng Sơn.

Sư đoàn Sao Vàng của Việt Nam bảo vệ Lạng Sơn bị Trung Quốc đẩy lui. Trong vòng vài ngày sau, quân Trung Quốc bao vây, xóa sổ sư đoàn này và biến Lạng Sơn thành bình địa.

David Dreyer trong bài ‘The 1979-Sino-Vietnamese-Conflict’:

PLA chuẩn bị cho cuộc tấn công với 300-400 nghìn quân và khoảng 1.200 xe tăng cùng pháo binh, hỏa tiễn và các loại vũ khí hỗ trợ.

Ngày 17/02/1979, vào lúc 5 giờ sáng, chừng 100 nghìn quân Trung Quốc vượt biên giới vào Việt Nam sau các đợt pháo kích cấp tập.

Đối mặt với quân Trung Quốc ban đầu chỉ là 75-80 nghìn bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Việt Nam.

Có kinh nghiệm của gần 30 năm chiến tranh, phía Việt Nam chống trả dữ dội và chia thành các đơn vị nhỏ, cấp tiểu đội, tiểu tổ để dùng cách đánh du kích chống lại quân xâm lăng.

Đồi núi được biến thành pháo đài với đường hầm, hố chông. Phía Trung Quốc không tiến nhanh như họ muốn và phải trì hoãn kế hoạch đánh chiếm Cao Bằng.

Số thương vong

Không bên nào công bố số thương vong chi tiết.

Peter Tsouras viết:

Trung Quốc chỉ thừa nhận có 7.000 quân tử vong và 15 nghìn bị thương nhưng các nguồn Phương Tây ước tính có 28 nghìn quân Trung Quốc bị giết và 43 nghìn bị thương.

Phía Việt Nam không nói số thương vong trong quân đội nhưng nói nhiều về số 100 nghìn thường dân bị thiệt mạng.

Bách khoa Toàn thư Anh, Britannica:

Quân Trung Quốc chiến đấu vô cùng tồi tệ chống lại dân quân tiền tuyến của Việt Nam.

Sau ba tuần giao tranh với con số thương vong 45 nghìn (Việt Nam nói là gây ra cho phía Trung Quốc) Quân Giải phóng phải rút về.

Sam Brothers trong bài ‘The Enemy of My Enemy: The Sino-Vietnamese War of 1979 and the Evolution of the Sino-American Covert Relationship’ viết:

Phía Trung Quốc, theo một ước tính, có từ 20 nghìn đến 62.500 thương vong trong khi phía Việt Nam, dù số liệu còn mù mờ, là khoảng từ 35 nghìn đến 50 nghìn.

Nhưng cuộc xung đột chỉ xảy ra trong 27 ngày, với đúng 17 ngày giao tranh, mà tạo ra con số thương vong như vậy cho thấy sự man rợ (savage) của nó.

Liên Xô đã làm gì?

Sam Brothers:

Liên Xô có các chuyến bay TU-95D từ Vladivostok về phía Nam để theo dõi tình hình.

Một tàu tuần dương lớp Sverdlov và một tàu khu trục lớp Krivak cũng được cử đến tham gia đơn vị hải quân gồm 17 tàu có mặt tại bờ biển Việt Nam.

Moscow cũng cử sáu chiếc phi cơ vận tải Antonov-22 đến Hà Nội ngày 23/02, và có hai chuyến bay Liên Xô và Bulgraia từ Calcutta tới Hà Nội ngày 26/02/1979.

Tuy thế, Liên Xô không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến dù đã ký hiệp ước phòng thủ với Hà Nội.

Căng thẳng hậu chiến

Trang GlobalSecurity.org:

Cho đến cuối thập niên 1980, phía Việt Nam biến vùng biên giới thành các ‘pháo đài thép’ và dùng các đơn vị dân quân được huấn luyện tốt để phòng thủ trước Trung Quốc.

Ước tính 600 nghìn người được điều động vào các chiến dịch sẵn sàng chiến đấu để ngăn ngừa Trung Quốc tiến sang lần nữa… gây phí tổn tiền bạc lớn cho Việt Nam.

Giới quan sát nước ngoài cũng đánh giá rằng “các cuộc va chạm ở biên giới tiếp tục xảy ra trong suốt thập niên 1980, nổi bật là trận tháng 4/1984, khi quân Trung Quốc lần đầu tiên dùng vũ khí mới, súng Type 81 (AK-47 của Trung Quốc).

Hai nước phải đến 2007 mới hoàn tất việc ký kết xong hiệp định biên giới trên bộ, theo các bản tin quốc tế.

Dù cuộc chiến ‘phản kích tự vệ’ của Đặng Tiểu Bình nhắm vào Việt Nam là thất bại quân sự, Sam Brothers trong bài viết cũng trích lời ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore bày tỏ cái nhìn khác:

“Báo chí Trung Quốc coi hành động trừng phạt Việt Nam của người Trung Quốc là một thất bại nhưng tôi lại tin rằng nó đã thay đổi lịch sử vùng Đông Á.”

Đâu là nguyên nhân cuộc chiến Việt-Trung tháng Hai năm 1979?

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-39115964

Trương Nhân Tuấn
Nhà nghiên cứu ở Pháp

2 tháng 3 2017

BBC mới đăng lại bài viết của tác giả người Hung, Tiến sĩ Balazs Szalontai, tựa đề Đàm phán biên giới Việt Trung 1974-1978. Tác giả cho biết nguyên nhân chính đưa đến xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề “tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”:

“Tài liệu từ văn khố Hungary hé lộ cho thấy nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột Việt–Trung là một vấn đề mà Liên Bang Xô Viết chẳng có dính dáng gì tới: đó là cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.”

Dữ kiện này (nếu có thật) thì là chuyện ngạc nhiên. Vì nó trái ngược với tất cả các tài liệu (đã được giải mã) của các bên, từ phía Trung Quốc, Việt Nam hay Hoa Kỳ…

Trung Quốc mở đầu cuộc chiến khi xua quân tràn qua biên giới ngày 17/2/1979. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm từ tháng giêng 1974. Dĩ nhiên Trung Quốc không thể vịn vào “tranh chấp Hoàng Sa” để biện hộ cho hành vi xâm lược. Bởi vì quần đảo này đã yên ổn trong tay họ.

Về phía Việt Nam (VNDCCH), nếu xét sâu xa ở phương diện lịch sử thành hình biên giới Việt–Trung, vấn đề Hoàng Sa cũng là chuyện “đã rồi”, ít ra trong khoản thời gian từ năm 1958 cho đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Ngay cả lúc sau này VNDCCH thay đổi lập trường, thì kết luận “tranh chấp Hoàng Sa” là nguyên nhân đưa đến cuộc chiến cũng là điều khó thuyết phục.

Các học giả quốc tế, không ngoại lệ, đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu đưa đến cuộc chiến “Đông Dương lần thứ ba” là yếu tố Liên Xô mà Tiến sĩ Balazs Szalontai đã loại trừ.

Cuộc chiến nhìn từ phía Trung Quốc

Tác giả King C. Chen trong China’s War Against Vietnam kể lại buổi họp ngày 16/2/1979 tại Bắc Kinh do Hoa Quốc Phong chủ trì, 17 tiếng đồng hồ trước khi lệnh nổ súng ban ra. Đặng Tiểu Bình có bài thuyết trình cho các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc về bản chất và mục tiêu cuộc chiến. Theo họ Đặng, bản chất cuộc chiến là “hoàn kích tự vệ”. Cuộc chiến được “giới hạn” về thời gian, không gian cũng như về qui mô. Mục tiêu là dạy cho Việt Nam một “bài học”.

Gọi “hoàn kích tự vệ chiến”, tức đánh trả để tự vệ, bởi vì Việt Nam đã “trục xuất kiều dân người Hoa” cũng như bộ đội Việt Nam nhiều lần mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc, chiếm đất của Trung Quốc cũng như gây nhiều thiệt hại về nhân mạng.

Mục tiêu “cho Việt Nam một bài học”, bởi vì “Việt Nam cực kỳ ngạo mạn”, xâm lược Campuchia, khoa trương thế lực là “cường quốc thứ ba trên thế giới”.

Học giả Trung Quốc, Xiaoming Zhang, trong China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment, dẫn Nayan Chanda của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, nói rằng cấp lãnh đạo Trung Quốc, trong một cuộc họp Bộ Chính trị hàng tuần vào đầu tháng Bảy năm 1978, đã ra quyết định “dạy cho Việt Nam bài học” vì thái độ “vô ơn và ngạo mạn”.

Theo tác giả này, trong 20 năm Trung Quốc đã viện trợ cho Hà Nội trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng sau 1975, Việt Nam buộc người Hoa hồi cư đồng thời gia tăng chiến sự trên biên giới. Rõ ràng đây là thái độ phủi ơn và hống hách. Ngoài ra còn có vấn đề can thiệp quân sự vào Campuchia.

Tác giả cũng dẫn ý kiến của Châu Đức Lễ (Zhou Deli), tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu, trong một cuộc họp được tổ chức trong bộ tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tháng 9 năm 1978. Nội dung nói về “làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam”.

Ý kiến của Châu Đức Lễ (về việc Việt Nam chiếm đất của Trung Quốc) được củng cố nếu ta xét tài liệu “mật” của CIA Mỹ về cuộc chiến 1979 đã được bạch hóa. Theo tài liệu này thì Việt Nam chiếm khoảng 60 km² đất của TQ. Nhưng ý nghĩa của cuộc “phản công tự vệ chiến” (vì Việt Nam chiếm 60 km² đất của Trung Quốc) là không có căn cứ. Theo nghiên cứu của cá nhân, chuyện Việt Nam chiếm 60 km² đất của TQ là chuyện “bịa đặt” để Trung Quốc “lấy cớ” đánh Việt Nam.

Cuộc chiến đã xảy ra đúng như họ Đặng đã nói. Thời gian xung đột chỉ trong một tháng (quân Trung Quốc hoàn tất việc rút quân vào ngày 17/3/1979). Địa bàn chiến tranh chỉ ở các tỉnh biên giới. Về “qui mô”, Trung Quốc cũng giới hạn không sử dụng hải quân và không quân. Không có một dòng nào để ta có thể nghĩ rằng cuộc chiến biên giới 1979 có mối liên quan với vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Cuộc chiến nhìn từ học giả nước ngoài

Theo cái nhìn của cá nhân tôi, thuyết phục hơn hết là “nguyên nhân chiến lược”, dẫn từ tham luận Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War của học giả Carlyle Thayer, đọc tại Hội Nghị “An ninh và kiểm soát vũ khí tại Bắc Thái Bình Dương”, Đại học Quốc gia Úc (Canberra) tháng Tám năm 1987.

Theo học giả Carlyle Thayer, Trung Quốc (và cả khối ASEAN) lo ngại sự thành hình của “liên minh chiến lược Đông Dương” mà liên minh này thân Liên Xô. Quan niệm của Việt Nam “Đông Dương là một đơn vị chiến lược duy nhất, một chiến trường duy nhất”. Quan niệm này đã thể hiện qua hai cuộc “chiến tranh Đông Dương”, lần thứ nhất giữa Bắc Việt với “thực dân Pháp” và lần hai giữa Bắc Việt với “đế quốc Mỹ”. Cuộc chiến 1979 được gọi là “cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba”, Việt Nam gọi Trung Quốc là “bọn bành trướng bá quyền”.

Nếu khảo sát sơ lược các diễn tiến lịch sử đã qua, ta thấy lý thuyết của học giả Carlyle Thayer được chứng minh. Điều này cũng “ăn khớp” với cái nhìn từ Trung Quốc.

Khúc quanh làm sụp đổ quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ năm 1976, khi Liên Xô hứa hẹn viện trợ cho Việt Nam 3 tỉ đô la. Số tiền này bằng số tiền mà Mỹ hứa sẽ viện trợ, (nếu Việt Nam tôn trọng Hiệp định Paris). Việt Nam trở thành “vệ tinh” của Liên Xô từ lúc này.

Từ năm 1965 đến 1975, Liên Xô đã trở thành nhà cung cấp chính yếu các nhu cầu kinh tế và quốc phòng để Việt Nam tiếp tục chiến tranh với Mỹ. Mỹ và Trung Quốc đã có những thỏa thuận quan trọng từ năm 1972. Năm 1973 Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Tất cả những nỗ lực của Trung Quốc giúp cho Việt Nam, trong 20 năm (từ 1950 đến 1970) là 20 tỉ đô la, nhằm mục đích phòng thủ về phía nam. Sau khi đạt thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc hạn chế mọi viện trợ kinh tế và quốc phòng cho Việt Nam. Nhưng sau đó Liên Xô ảnh hưởng lên Việt Nam, đồng thời với Afghanistan cũng như Mông cổ và Bắc Hàn. Rốt cục Trung Quốc bị bao vây chặt chẽ từ bốn hướng bởi một kẻ thù chiến lược khác, nguy hiểm hơn cả Mỹ, vì Liên Xô có tham vọng về lãnh thổ còn Hoa Kỳ thì không.

Cũng năm 1976, những nhân vật thân Trung Quốc, như Hoàng Văn Hoan, bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất hết các chức vụ trong Đảng.

Phản ứng của Trung Quốc qua Ngoại trưởng Hoàng Hoa là lên án “chủ nghĩa xét lại Xô Viết” đồng thời công khai cảnh cáo trước Việt Nam về hậu quả của một cuộc xâm lấn Campuchia.

Tiếp tục theo đuổi sách lược (bài Hoa thân Liên Xô) của mình, Việt Nam làm đơn xin gia nhập khối COMECON, là khối tương trợ về kinh tế do Liên Xô đứng đầu.

Không thể tránh khỏi

Tại Hội nghị Đảng tháng 2/1978, Hà Nội quyết định phát động chiến dịch “đánh tư sản mại bản” ở miền Nam. Có đến 30.000 doanh nghiệp tư nhân ở miền Nam bị “quốc hữu hóa” mà đa số do người Hoa làm chủ. Chiến dịch thanh lọc mà Trung Quốc gọi là “nạn kiều” cũng được phát động cùng thời kỳ. Hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa, phần lớn đã sinh ra và lớn lên ở VN, không biết tiếng Hoa, cũng bị “trục xuất”.

Việc này tạo thành một cuộc “vượt biên” vĩ đại, bán chính thức, vì do chính công an Việt Nam đứng ra tổ chức. Hàng triệu người Việt Nam dùng vàng mua “vé” (trung bình 7 lượng vàng một đầu người) để lên những chiếc tàu đánh cá mong manh với hy vọng thoát thân. Trong khi hàng chục ngàn người Hoa sống ở miền Bắc thì theo đường bộ “vượt biên” trở về lục địa.

Đến thời điểm này nội bộ Đảng Trung Quốc đã lên kế hoạch “cho Việt Nam một bài học”.

Tháng Sáu năm 1978, Trung Quốc cho đóng cửa hàng loạt tòa lãnh sự ở Việt Nam. Cùng lúc Việt Nam chính thức gia nhập khối COMECON. Tháng 11, hai bên Việt Nam và Liên Xô ký kết hiệp ước an ninh hỗ tương.

Một tháng sau, ngày 25/1/1978 Việt Nam xua quân tiến vào lãnh thổ Campuchia. Tức nước vỡ bờ, cuộc chiến 17/2/1979 là điều tất yếu phải đến. Ta không hề thấy yếu tố Hoàng Sa “là nguyên nhân chính đưa đến cuộc chiến” trong bất kỳ lập luận nào của các học giả nước ngoài.

Bài phản ánh quan điểm và cách hành văn của người viết, tác giả cuốn Biên giới Việt-Trung 1885-2000: Lịch sử thành hình và những tranh chấp (2005).

Chiến tranh với Việt Nam 1979: Trung Quốc rút ra bài học gì?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39760652 – 2 tháng 5 2017

BBC có cuộc phỏng vấn với một học giả gốc Trung Quốc nói về cuộc chiến của Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam năm 1979.

Tiến sĩ Xiaoming Zhang, từ trường Air War College, Hoa Kỳ, là tác giả cuốn sách Deng Xiaoping’s Long War: The Military Conflict between China and Vietnam 1979-1991, ra mắt năm 2015.

Trong nghiên cứu này, ông đánh giá cuộc chiến nhìn từ quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Dang Tieu Binh-Jimmy Carter B.jpg
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đón tiếp Đặng Tiểu Bình tại Washington tháng Giêng 1979

Xiaoming Zhang: Dĩ nhiên, không sử gia nào bên ngoài Trung Quốc được tiếp cận trọn vẹn hồ sơ chiến tranh của Trung Quốc. Nhưng vẫn có nhiều nguồn Trung Quốc để giới sử gia được tìm hiểu cuộc chiến 1979 từ góc nhìn của Trung Quốc.

Ví dụ, có các báo cáo sau trận đánh của Quân Giải phóng Nhân dân, chứa đựng thông tin chi tiết về cách họ chuẩn bị, vận hành chiến tranh, cũng như thương vong họ chịu và số người họ giết. Các báo cáo này có thể không hoàn toàn chính xác vì lẫn lộn trong lúc đánh nhau, hay tổn thương trí nhớ vì sốc. Nhưng chúng vẫn có giá trị cho người viết sử.

Để so sánh, có vẻ như chính ra ở phía Việt Nam lại vẫn còn nhiều ‘huyền thoại’ về chiến tranh 1979. Ví dụ, ở tầm mức chiến lược, vì sao Lê Duẩn nghĩ Trung Quốc là kẻ thù số một sau chiến tranh Việt Nam? Ở mức thực tế, quân đội Việt Nam đánh giá cách đánh của họ thế nào trong chiến tranh? Tôi có đọc một số lịch sử quân sự Việt Nam và thấy chúng không khách quan, muốn định hình lịch sử có lợi cho họ mà ít dữ liệu thực tiễn.

BBC: Từ góc nhìn của Trung Quốc, vì sao Đặng Tiểu Bình muốn khởi chiến năm 1979?

Xiaoming Zhang: Chương hai trong cuốn sách của tôi trả lời câu hỏi này. Có nhiều nguyên do thúc đẩy Đặng tiến hành chiến tranh chống Việt Nam.

Nguyên do trước tiên và quan trọng nhất là cách Đặng phản ứng trước đe dọa của Liên Xô với Trung Quốc khi đó. Liên minh của Hà Nội với Moscow khiến Đặng tin rằng đe dọa của Liên Xô không chỉ từ phía bắc mà cả từ phía nam.

Sự tính toán của Đặng cũng xảy ra vào lúc ông ấy ngày càng lo ngại về sự sụt giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trong vùng và trên thế giới sau Chiến tranh Việt Nam. Yếu tố Liên Xô thúc Đặng tìm kiếm hợp tác chiến lược với Mỹ chống Moscow. Vì chính sách này nhấn mạnh đối đầu, nên tiếp cận của Bắc Kinh trước khủng hoảng quốc tế trong vùng trở nên cứng rắn và mang tính quân sự. Các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng tấn công trừng phạt Việt Nam sẽ là cú đòn đánh vào chiến lược bành trướng toàn cầu của Liên Xô.

Rốt cuộc có lẽ Trung Quốc đã phản ứng thái quá trước đe dọa của Liên Xô. Nhưng vào lúc đó, Đặng Tiểu Bình thực sự tin vào nó.

Còn có những yếu tố khác tác động quyết định gây chiến của Đặng, gồm chính trị trong nước và quan hệ với Mỹ. “Hành vi sai trái” của Việt Nam, đặc biệt là liên minh với Liên Xô, làm người Trung Quốc giận dữ. Họ muốn trừng phạt đồng minh phản bội sau nhiều năm Trung Quốc phải hy sinh giúp đánh Mỹ.

Các va chạm biên giới cũng khích động tình cảm người Trung Quốc. Yếu tố tình cảm đóng vai trò quan trọng để tạo nên sự đồng thuận trong giới lãnh đạo chính trị và quân sự ủng hộ Đặng gây chiến.

Quyết định đánh Việt Nam chủ yếu do đánh giá về tình hình chiến lược của Trung Quốc, nhấn mạnh liệu sự bành trướng của Liên Xô có tác động gì cho an ninh thế giới, và Trung Quốc cần có trách nhiệm gì để duy trì cân bằng quyền lực đại cường. Đặng tin rằng liên minh với phương Tây sẽ chứng tỏ Trung Quốc có giá trị trong cuộc đấu tranh chống Liên Xô bành trướng và rằng để đổi lại, phương Tây sẽ giúp Trung Quốc cải tổ kinh tế.

Ngoài ra, đấu tranh quyền lực trong đảng, cộng thêm phe nhóm trong quân đội, cũng khiến Đặng càng sẵn sàng có hành động quân sự chống Việt Nam. Theo ông ta, làm thế sẽ khuấy động ủng hộ trong nước và nước ngoài, tạo nên môi trường an toàn và ổn định để Trung Quốc hiện đại hóa.

Cuối cùng, tính cách và cách lãnh đạo độc tài của Đặng cũng đóng vai trò lớn.

Không có một nguyên do duy nhất giải thích. Khi kết hợp toàn bộ các yếu tố, dù chúng có lý hay không, Đặng Tiểu Bình tin rằng việc dùng vũ lực khi đó là cần thiết. Vì thế cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 trở nên tất yếu.

BBC: Theo đánh giá của ông, ai đã thắng cuộc chiến ngắn ngày này?

Xiaoming Zhang: Chiến tranh xảy ra nhằm đạt những mục tiêu chính trị nào đó. Vậy Bắc Kinh đề ra mục tiêu gì?

Công khai thì Trung Quốc nói chiến tranh nhằm dạy cho Việt Nam “bài học”. Nhiều người tưởng rằng “trừng phạt” là mục tiêu, để rồi kết luận thương vong nặng nề của Trung Quốc tức là họ đã không đạt được mục tiêu dạy cho Việt Nam “bài học”.

Trong sách, tôi không tán thành ý này. Đối với Đặng, dạy Việt Nam “bài học” là thông điệp không chỉ gửi cho Việt Nam mà cả cho Liên Xô, Mỹ và các nước phương Tây. Phản ứng của Việt Nam trước cuộc xâm lược là phòng thủ biên giới phía bắc, tiếp tục chính sách thù địch với Trung Quốc, dựa vào Liên Xô để có hỗ trợ tài chính và kinh tế. Để đáp lại, Mỹ và phương Tây từ 1979 có vẻ quan tâm hơn việc cung cấp hỗ trợ tài chính và công nghệ giúp Trung Quốc cải cách kinh tế. Mỹ không còn nghĩ Trung Quốc là đe dọa, tuy chưa phải là đồng minh. Vì thế Mỹ có thể dốc toàn lực để đánh bại Liên Xô trong thập niên cuối cùng của Chiến tranh Lạnh.

Bên trong Trung Quốc, Đặng không chỉ củng cố được quyền lực chính trị mà cũng thực hiện cả nghị trình cải tổ kinh tế.

Liên Xô ở trong tình thế nhiều khó khăn trong thập niên cuối của Chiến tranh Lạnh. Vừa phải cạnh tranh với Mỹ trên toàn cầu, Moscow cũng đối diện thách thức của Trung Quốc ở châu Á. Từ góc nhìn chiến lược, cả Việt Nam và Liên Xô đều gặp khó khăn hơn Trung Quốc. Vì thế Liên Xô rốt cuộc nhận ra họ không thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vào cuối thập niên 1980. Việt Nam phải tìm đến Trung Quốc, thừa nhận sai lầm chính sách từ 1978.

Rốt cuộc, Trung Quốc đã vượt mặt Việt Nam cả về chính trị và chiến lược.

Nói về hiệu quả trên chiến trường, Trung Quốc rút quân sau khi đạt được các mục tiêu chính – bao vây ba thành phố cấp tỉnh của Việt Nam, gây thương vong nặng nề cho bộ đội Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho nhà cửa. Quân Trung Quốc đúng là cũng bị thương vọng nặng trong cuộc chiến ngắn ngày, nhưng kết quả đó có thể chấp nhận được cho lãnh đạo Trung Quốc.

Nhưng tôi không tin rằng bộ đội Việt Nam chiến đấu tốt hơn quân Trung Quốc. Vấn đề thực sự là chúng ta vẫn không có đủ dữ kiện từ phía Việt Nam.

Để kết luận, cuộc chiến này cần được đánh giá dựa theo kết quả của chiến tranh, chứ không phải kết quả từ các trận đánh.

BBC: Trong con mắt lãnh đạo Trung Quốc, đâu là bài học từ cuộc chiến 1979? Nó có còn thích hợp cho chiến lược của Trung Quốc trong tương lai?

Xiaoming Zhang: Sau cuộc chiến 1979, Quân Giải phóng Nhân dân đánh giá toàn diện về hiệu quả trên chiến trường, với nhiều bài học rút ra.

Trong đó có việc thiếu tin tức tình báo, không có đủ quân do xuất hiện thêm dân quân Việt Nam tham gia đánh nhau, hợp tác và phối hợp kém giữa đơn vị bộ binh, pháo binh, xe tăng, hệ thống hỗ trợ hậu cần và chỉ huy tác chiến lạc hậu.

Các bài học này xác nhận lo ngại của Đặng về khả năng tác chiến hiện đại của Trung Quốc trong tương lai gần.

Vo Nguyen Giap A
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn quân Việt Nam trở về từ Campuchia hôm 28/9/1989

Sau 1979, Quân Giải phóng Nhân dân bắt đầu cải tổ nhằm gia tăng khả năng tiến hành chiến tranh lớn trước đối thủ lớn hơn như Liên Xô.

Từ 1985, Bắc Kinh không còn nghĩ rằng chiến tranh với Liên Xô sẽ phải xảy ra. Các va chạm biên giới khiến lãnh đạo Trung Quốc tin rằng quân đội cần tập trung chiến thắng các cuộc chiến địa phương quanh biên giới Trung Quốc trong điều kiện công nghệ cao. Việc này vẫn tiếp tục trong viễn kiến chiến lược hiện nay của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ không bao giờ có một cuộc chiến như 1979, tức là chỉ liên quan bộ binh. Nhưng các bài học từ 1979 vẫn thích hợp cho Quân Giải phóng Nhân dân.

Trong tương lai, nếu Trung Quốc có chiến tranh để bảo vệ lãnh thổ như Đài Loan và trên Biển Đông, Quân Giải phóng Nhân dân sẽ dùng mọi lực lượng từ không quân, hải quân, bộ binh, chiến tranh mạng, không gian.

Tôi không nghĩ là Trung Quốc trong tương lai sẽ lại dùng vũ lực chống láng giềng như 1979. Việc hiểu cuộc xâm lược Việt Nam 1979 chỉ có ý nghĩa nếu ta nghiên cứu nó trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh.

BBC: Người dân Trung Quốc nhớ hay quên cuộc chiến 1979?

Xiaoming Zhang: Khó mà trả lời toàn diện. Năm 1991, Bắc Kinh và Hà Nội có vẻ đã ngầm thỏa thuận để cấm hai nước công khai nói về cuộc chiến. Khi mà các mạng xã hội phát triển nhanh như gần đây, sự cấm đoán này không còn chỗ. Mạng xã hội cho phép cựu quân nhân và thành viên gia đình liên hệ với nhau. Nhiều câu chuyện cá nhân thời chiến, ký ức chiến tranh đã có trên mạng. Một số thậm chí được truyền thông chính thống công bố.

Ly Bang
Ông Lý Bằng là Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên thăm Việt Nam sau 21 năm, vào năm 1992

Những năm gần đây, vào ngày 17/2 và Tết Thanh Minh tháng Tư, hàng trăm, hàng ngàn người tự tổ chức để tới các nghĩa trang chiến tranh 1979 ở Quảng Tây và Vân Nam, tổ chức lễ tưởng nhớ những người hy sinh trong chiến tranh.

Suốt nhiều năm, các cựu quân nhân 1979 là nhóm xã hội ít ai quan tâm. Năm ngoái, sau nhiều cuộc biểu tình của họ, mới có các quy định mới của chính phủ tăng hỗ trợ cho cựu binh, mở rộng phạm vi hỗ trợ cho những người không được hưởng trước đây.

Có một hiện tượng xã hội là nhiều người Trung Quốc dùng cuộc chiến 1979 để bình luận về các vấn đề lãnh thổ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Từ quan điểm chính thức của Bắc Kinh, có lẽ chẳng nên nhớ tới cuộc chiến. Nó không phù hợp với chủ điểm chính về Trung Quốc của Tập Cận Bình, là về ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội.

Chừng nào thế hệ tham chiến còn sống, kỷ niệm về chiến tranh sẽ không bị người Trung Quốc lãng quên.

‘Nhớ tháng 2/1979 nhưng không kích động căm thù’

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43088305 – 17 tháng 2 2018

Nhớ lại cuộc chiến biên giới Việt – Trung ngày 17/2 là để ghi nhớ, nhưng không phải là để ‘kích động căm thù’, một cựu chiến binh Việt Nam nói.

“Cuộc Chiến Biên giới cần được nhớ lại, không phải để kích động, căm thù hay xiển dương cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà để tránh cho thế trẻ lại phải cầm súng. Việc này thật khó, nhưng tôi cũng chỉ biết mơ ước như vậy,” nhà báo Ngô Nhật Đăng, cựu chiến binh, nêu quan điểm với BBC Việt ngữ qua một phỏng vấn bút đàm:

Nhà báo Ngô Nhật Đăng: Ngày này cũng là ngày mà tôi lên biên giới. Tôi nhập ngũ vào tháng 8/1978 và tối ngày 17/2/1979 thì lên đường Biên giới, mặt trận Cao Bằng.

Ấn tượng thì nhiều, nhưng nhớ nhất có lẽ là khi qua Đèo Giàng gặp từng đoàn đồng bào có cả trẻ em chạy bộ trên đường, họ đi suốt ngày đêm.

Chúng tôi còn ở lại hậu cứ của sư đoàn ở Nà Phạc vài ngày sau khi chiến sự xảy ra. Tình hình lúc đó cũng căng thẳng do phía Việt Nam bị bất ngờ, để quân Trung Quốc tràn đến thị xã Cao Bằng, nhưng họ đã bị chặn lại với rất nhiều tổn thất. Sau đó, tôi được phiên chế vào một tiểu đoàn, nhận nhiệm vụ luồn vào sau lưng đối phương, gọi là tiểu đoàn “luồn sâu phá hoại”.

Kỷ niệm thì rất nhiều, nhưng sự khốc liệt, súng đạn, sự tàn phá tận diệt các cơ sở dân sự, nhà dân mới làm chúng tôi ngạc nhiên.

nguoi dan Lang Son
Người dân Lạng Sơn, gồm cả phụ nữ và trẻ em, chạy khỏi thị xã hôm 23/02/1979 sau khi quân Trung Quốc tấn công

Cả thị xã Cao Bằng hầu như không còn một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn.

BBC: Ông nhớ gì nhất về đồng đội cũ của ông trong dịp này?

Nhà báo Ngô Nhật Đăng: Ồ, nhớ lắm, chúng tôi lúc đó toàn lính trẻ, lần đầu đi chiến đấu, tôi lúc đó lớn tuổi nhất trong trung đội, 21 tuổi, còn phần lớn là 18,19 tuổi, có đứa mới 17, khai tăng tuổi để đi bộ đội. Nhớ nhất là những anh em đã bị chết.

Hàng năm, những người cùng nhập ngũ đều gặp nhau, nhưng những người cùng ra trận thì ít, xa xôi và mỗi đứa một ngả.

Tôi nhớ một anh quê Bắc Giang, hy sinh khi trong túi nhận được lá thư của gia đình báo, em ruột anh ấy cũng hy sinh ở mặt trận Lạng Sơn. Trong túi áo có lá thư. Thú thật, những ngày này, tới mãi gần đây cuộc chiến và sự hy sinh của những người lính ấy mới bắt đầu được truyền thông nhắc đến, đó cũng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.

BBC: Ông có thể nói rõ hơn về lá thư ở trong túi áo của người lính đó, nó đặc biệt ra sao?

Nhà báo Ngô Nhật Đăng: Vâng, khi chôn cất anh ấy, tìm lại những di vật chúng tôi tìm được lá thư, tôi vẫn nhớ những dòng chữ viết:

“Thầy vẫn khỏe, vợ con sinh tháng trước là con trai, nhưng em con hy sinh ở Lạng Sơn. U con đau buồn, ốm cả tháng nay…”

BBC: Gần 40 năm đã trôi qua kể từ ngày 17/2/1979, ông có ý tưởng gì về chuyện hàn gắn giữa cả hai bên Việt Nam–Trung Quốc xung quanh cuộc chiến này?

Nhà báo Ngô Nhật Đăng: Cám ơn câu hỏi rất hay, ý tưởng này tôi cũng đã nung nấu từ lâu. Chính năm 2014, BBC Tiếng Việt tạo điều kiện cho tôi sang Trung Quốc làm phóng sự, gặp gỡ các cựu binh Trung Quốc tham chiến thời đó.

Nơi tôi tham gia, lính Trung Quốc chết rất nhiều, việc đầu tiên mà chúng tôi phải làm sau khi họ rút đi, chúng tôi phải đi chôn cất lại, nhiều hố chôn tập thể chỉ vùi lấp sơ sài, thú rừng bới cả thi hài lộ lên mặt đất.

Nghia trang liet si TQ
Nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc ở Malipo. Các nguồn của Trung Quốc được AFP trích dẫn nói ít nhất 26 nghìn quân TQ bị giết sau bốn tuần giao tranh

Sau này, khi gặp được các cựu binh Trung Quốc, nói chuyện với họ, tìm thăm những nghĩa trang, tôi càng thấy sự tàn khốc của chiến tranh.

BBC: Là người từng trải qua mấy cuộc chiến, ông suy nghĩ gì về chiến tranh và hòa bình?

Nhà báo Ngô Nhật Đăng: Từng tham gia chiến tranh, chúng tôi rất hiểu cái giá của nó. Nhất là về mặt địa chính trị hai nước Việt–Trung có chung biên giới. Xử lý quan hê Việt- Trung thế nào để không xảy ra chiến tranh là điều đã mà trong suốt nhiều thế kỷ ông cha ta đã phải làm.

Và lịch sử cũng chỉ rằng, các triều đại Trung Quốc đều có âm mưu xâm lược Việt Nam và các cuộc chiến tranh đó họ đều thất bại từ khi Ngô Quyền đứng lên giành độc lập. Nhưng lịch sử cũng có bài học…

Trong 200 năm Vương triều nhà Lý, không nổ ra cuộc chiến tranh quy mô lớn nào. Vậy chúng ta rút gì từ bài học đó?

Khi gặp các cựu binh Trung Quốc, phỏng vấn nhiều người, đủ thế hệ nhất là những người trẻ, họ đều không muốn xảy ra chiến tranh.

Có một người nói:

“Nếu là kẻ thù thì phải đánh nhau thôi, nhưng tại sao chúng ta lại nỗ lực biến nhau thành kẻ thù?”

Chiến tranh là lựa chọn cuối cùng, nhưng là lựa chọn tồi tệ nhất, trách nhiệm lớn nhất suy cho cùng là các nhà chính trị. Và truyền thông cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để nhân dân hai nước hiểu nhau, bắt đầu là nhìn vào lịch sử, trả lại sự thật cho lịch sử, tìm ra nguyên nhân làm nảy sinh chiến tranh.

Vì thế, những này này, cuộc chiến tranh Biên giới cần được nhớ lại, không phải để kích động, căm thù hay xiển dương cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà để tránh cho thế trẻ lại phải cầm súng. Việc này thật khó, nhưng tôi cũng chỉ biết mơ ước như vậy.

BBC: Ông nghĩ sao về Trung Quốc ngày nay, đặc biệt các động thái của họ ở trên Biển Đông, nơi mà nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế cho rằng Bắc Kinh đã và đang tỏ ra ngày càng lấn lướt trong các tranh chấp và tuyên bố chủ quyền, từ câu chuyện đưa ra bản đồ Lưỡi bò cho đến các giàn khoan được đưa vào khu vực gây xôn xao dư luận và gần đây nhất là Tứ sa?

Nhà báo Ngô Nhật Đăng: Vâng, Trung Quốc đang làm cả thế giới lo ngại với việc họ chạy đua vũ trang gần đây, đặc biệt trên biển Đông, nhất là việc họ chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 và một số đảo của Trường Sa của Việt Nam. Trong thế kỷ này, Thái Bình Dương là huyết mạch của nền kinh tế thế giới, Biển Đông cũng là vị trí quan trọng trong con đường huyết mạch này.

Nhìn trên bản đồ, Trung Quốc chỉ có thể đi ra thế giới bằng đường biển, phía bắc có các cảng nước sâu nhưng đóng băng vào mùa đông, lui xuống phía Nam thì Đài Loan án ngữ, vùng biển Nam Trung Hoa thì biển nông và nhiều mưa bão, nên chỉ còn Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải.

Nhưng nếu nhìn thật sâu vào TQ ta thấy có các vấn đề sau.

Thứ nhất, họ không có chính danh trong việc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Thứ hai, dù tăng trưởng ngoạn mục nhiều năm, nhưng nền kinh tế Trung Quốc không phải là một nền kinh tế bền vững, chạy đua vũ trang sẽ là một gánh nặng.

Thứ ba, dù đông đảo, nhưng quân đội Trung Quốc không được đánh giá là một quân đội mạnh, nhất là chính sách một con, bạn thử tưởng tượng khi đứa con độc nhất hy sinh thì tác động tâm lý lên xã hội sẽ thế nào?

cuối cùng, nội bộ Trung Quốc còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Cộng đồng thế giới cũng sẽ không để họ làm mưa làm gió.

Không như ngày trước, vai trò của các nước nhỏ cũng rất quan trọng, Việt Nam cần phải có đối sách thích hợp, mềm mỏng nhưng không hèn yếu.

Ông Ngô Nhật Đăng hiện sinh sống tại Gò Công, Tiền Giang, là nhà báo tự do và là một Facebooker, ông từng tham gia Cuộc chiến biên giới Việt–Trung 1979. Cuộc phỏng vấn, phản ánh quan điểm riêng của người trả lời, được Quốc Phương của BBC thực hiện qua bút đàm hôm 16/2/2018.

Chiến tranh 1978-79: Nhắc lại thời VN ‘bớt bạn thêm thù’

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46445419

30 tháng 12 2018

Trước dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến 1979 các bạn đọc lại cuộc phỏng vấn với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ hồi 2009:

Tran Quang Co & John Kerry
Ông Trần Quang Cơ đón TNS Mỹ John Kerry đến Bộ Ngoại giao ở Hà Nội ngày 15/05/1993 để bàn về vấn đề POW/MIA. Các hãng thông tấn ghi rằng khi đó, ông Cơ là ‘quyền Bộ trưởng Ngoại giao’ của VN

Ông Trần Quang Cơ: Căn nguyên (của cuộc chiến Việt – Trung) là xung quanh vấn đề quyền lợi nước lớn, liên quan tới vấn đề Đông Dương. Nói sát ra, thì nó dính tới cuộc chiến ở biên giới Tây Nam.

Tháng Giêng 1979, Việt Nam giải phóng Phnom Penh, thì sau đó xảy ra sự kiện tháng Hai 1979. Lúc đó Trung Quốc cũng tuyên bố rõ ràng là ‘dạy cho Việt Nam một bài học’, và cụ thể là hòng cứu nguy cho Pol Pot.

Khi Pol Pot vào các tỉnh biên giới phía Nam, giết hại nhiều người thì việc đầu tiên Việt Nam phải làm là bảo vệ biên giới, bảo vệ người dân của mình.

Dân Việt Nam vừa mới hoàn hồn, vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh với Mỹ xâm lược, năm 1975 giải phóng đất nước, thì Pol Pot đã có chủ trương gây chiến và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Nhất định hành động như vậy phải có tác động của nước lớn rồi. Thí dụ, vũ khí lấy đâu ra? Bao nhiêu vũ khí ta bắt được, đều là từ Trung Quốc.

BBC: Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh trong cuộc chiến chống Mỹ. Vậy thưa ông, bắt đầu từ bao giờ quan hệ đó bắt đầu xấu đi?

Ông Trần Quang Cơ: Nói chung quan hệ hai bên cứ xấu đi dần dần. Thực tế, từ năm 1972, khi Kissinger và Nixon sang Trung Quốc, đàm phán với Bắc Kinh, thì quan hệ Mỹ – Trung đi vào hòa hoãn.

Thời bấy giờ thế giới tuy chỉ có hai cực, nhưng với ba siêu cường: Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, tình thế bắt đầu hòa hoãn. Liên Xô dưới quyền Gorbachev chủ trương muốn hòa hoãn với Trung Quốc vì lợi ích của Liên Xô, để cải thiện tình hình trong nước.

Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam.

Liên Xô là đồng minh duy nhất còn sót lại của ta, với Trung Quốc thì quan hệ xấu đi, còn Mỹ thì chưa hết dư âm của chiến tranh, mà lần đầu Mỹ bị thua như vậy.

Đối với vấn đề Campuchia, thì các nước nhất là năm quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thiên về lý luận là Việt Nam xâm lược Campuchia mà lờ đi cuộc diệt chủng của Pol Pot.

BBC: Lúc đó chắc là một giai đoạn vô cùng khó khăn cho ngành ngoại giao Việt Nam, thưa ông?

Ông Trần Quang Cơ: Đúng là rất khó khăn. Bởi vì khi đó vừa xong chiến tranh chống Mỹ thì lại xảy ra cuộc chiến Campuchia, mà Việt Nam lại đang rất cần sớm khôi phục hòa bình, để phát triển kinh tế.

Tìm giải pháp rút khỏi Campuchia mà vẫn bảo vệ chính nghĩa của mình là một điều vô cùng khó.

BBC: Bây giờ nghĩ lại, ông thấy lúc đó có những cơ hội gì bị bỏ lỡ, có những điều gì Việt Nam có thể làm khác không ạ?

Ông Trần Quang Cơ: Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ. Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép.

Lời Cụ Hồ nói là thêm bạn bớt thù, thời kỳ đó chúng ta không thực hiện được. Mà chúng ta lại bớt bạn thêm thù.

Một nước nhỏ hay trung bình như Việt Nam thì càng nhiều bạn càng tốt. Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép. Tôi mà là nước lớn tôi cũng ép. Mình thì chỉ loanh quanh mấy nước xã hội chủ nghĩa, anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc.

Khi đó Mỹ đã chìa tay với mình, đặt vấn đề bình thường hóa vô điều kiện thì Việt Nam lại đòi bình thường hóa có điều kiện. Sau đồng ý bình thường hóa vô điều kiện thì đã lỡ thời cơ. Họ đã bình thường hóa với Trung Quốc và quên Việt Nam rồi.

Một là không bình thường hóa với Mỹ sớm. Hai là không sớm gia nhập ASEAN. Lúc ấy ASEAN rất muốn Việt Nam vào khối vì họ nể sức mạnh mình đánh Mỹ. Nhưng mình lại không chơi…

Mao Trach Dong & Khmer Rouge
Ảnh tư liệu thập niên 1970: Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tiếp lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot (giữa) và Ieng Sary

Bên cạnh một nước lớn, Việt Nam phải chịu sức ép là vì ở khu vực thì anh lẻ loi, đối đầu, cứ khư khư ba nước Đông Dương bé xíu. Trên thế giới thì anh còn có mỗi Liên Xô thôi, mà Liên Xô lúc ấy cũng đã bắt đầu ngả cờ rồi.

BBC: Thưa ông, vào thời điểm tháng Hai 1979, ông đang ở đâu?

Ông Trần Quang Cơ: Tôi vừa ở New York về, đàm phán với Mỹ hỏng và Đặng Tiểu Bình vừa sang Mỹ.

BBC: Khi nghe tin Trung Quốc tấn công Việt Nam, suy nghĩ của ông là gì ạ?

Ông Trần Quang Cơ: … (im lặng)… Bất lực. Nhưng không ngạc nhiên.

Điều đó là tất nhiên thôi, sống ở môi trường đó mình phải lường trước được. Đáng lẽ chiến lược của mình phải là thêm bạn bớt thù để mạnh lên. Mình mạnh lên thì họ mới nể mình.

Mình càng ít bạn thì họ càng bắt nạt, thế thôi. Cũng giống như trẻ con ngoài phố ấy.

BBC: Thưa bây giờ ông nghĩ Việt Nam đã theo được đường hướng đa phương hóa đó chưa?

Ông Trần Quang Cơ: Tôi thấy Việt Nam đang theo đường hướng đó khá tốt, quan hệ được với nhiều nước và khá đa dạng. Ví dụ như là ‘chơi’ với cả Israel và cả Palestine.

BBC: Còn quan hệ với Trung Quốc thì sao? Có đánh giá là quan hệ hai bên đang tốt nhất từ trước tới nay, ông có đồng ý với ý kiến đó không?

Ông Trần Quang Cơ: Cái đó thì tùy ở vị trí từng người mà đánh giá. Tôi thấy quan hệ hiện giờ… tạm được (cười).

Tiểu sử nhà ngoại giao Trần Quang Cơ:

Ông Trần Quang Cơ, sinh năm 1920, phục vụ trong ngành ngoại giao 44 năm cho tới khi ông về hưu năm 1997. Trong thời gian đó, ông từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao. Ông qua đời vào tháng 6/2015 ở Hà Nội.

Tháng 7/1991, ông xin không nhận chức bộ trưởng Ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch và cuối năm 1993, ông tự ý xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 2001, ông cho ra hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ nói về các sự kiện ngoại giao thời hậu chiến. Tác phẩm này hiện được lưu truyền trên mạng internet.

Nhân kỷ niệm cuộc chiến 17 tháng 2

http://tamnhin.net.vn/nhan-ky-niem-cuoc-chien-17-thang-2-66528.html – 09/02/2019

Tôi nhập ngũ khi cuộc chiến 1979 đã lùi lại được gần 6 năm, chỉ còn phần cuối của cuộc chiến 1984. Nơi tôi đóng quân là thị xã Lào Cai hoang tàn, đổ nát và dày đặc mìn.

Do làm công tác quản lý quân lực, nên tôi có điều kiện la cà nói chuyện với những chỉ huy có mặt trong ngày Lào Cai thất thủ, kết hợp kiểm chứng qua lời kể của một số người dân còn bám trụ ở lại sau khi quân Trung Quốc rút đi và có thể đi đến khẳng định, bên Việt Nam hoàn toàn bất ngờ trước đòn tấn công ồ ạt của phía Trung Quốc.

Bất ngờ một trăm phần trăm. Cả những quân nhân có mặt trong ngày 17-2-1979 lẫn người dân (những người tôi hỏi) đều kể lại giống nhau rằng, vào đêm hôm trước, do là ngày nghỉ, nên bộ đội ta và một số bộ đội, dân thường Trung Quốc vẫn cùng nhau xem phim ở thị xã Lào Cai, như mọi kỳ nghỉ cuối tuần khác.

Chỉ mãi gần sáng, khi pháo binh Trung Quốc bắn vào sân bay Lào Cai, mọi người mới hốt hoảng hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy thì quân Trung Quốc đã tràn ngập ở bất cứ chỗ nào, từ trận địa trên chốt, lẫn các con đường chính. Hóa ra quân Trung Quốc cải trang thành dân thường, lợi dụng lính biên phòng ta đi xem phim, đã chiếm một số điểm chốt tiền tiêu!

Nhiều bộ đội Việt Nam bị giết chết ngay từ đêm ngày 16 mà không một ai hay biết. Hôm sau, khi chiến tranh chính thức nổ ra, để bảo toàn lực lượng, những người lính biên phòng và một số quân địa phương ít ỏi phải lùi xuống tuyến sau, lúc đầu là Cam Đường, Bến Đền, rồi thị trấn Lu thì dừng lại, chờ phản công.

Vì không hề có kháng cự đáng kể, nên lính và dân binh Trung Quốc tràn qua biên giới như đi vào chỗ không người, thả sức cướp bóc sâu vào hàng chục km. Chúng nhanh chóng đánh chiếm Cam Đường, nơi có mỏ Apatit. Toàn bộ thiết bị cơ giới ở đây đều bị Trung Quốc lấy đem về nước hoặc đốt cháy.

Mỗi cái xe Zin ba cầu mới tinh mà họ lấy đi, còn chở kèm theo mấy tấn quặng mang về làm 4 hiện đại hóa! Tại thị xã Lào Cai thì các cơ quan của nhà nước, của tổ chức quốc tế như trụ sở làm việc, trường học, văn phòng đại diện…, đều bị Trung Quốc giật mìn phá sập. Kho lương thực thì họ phá sau khi lấy hết thóc gạo. Gần sáu năm sau cuộc chiến, tôi vẫn còn kịp được chứng kiến di sản của sự tàn phá nhơ bẩn ấy.

Thời kỳ đó, quân đội Trung Quốc còn rất yếu, trang thiết bị lạc hậu, chiến thuật cổ lỗ, chủ yếu cậy đông để áp đảo đối phương. Nhiều người tiếc rằng, nếu phía Việt Nam chủ động đón lõng bằng trận địa bày ra từ trước để đánh địch (như từng xảy ra ở trận Chi Lăng thời Lê), có lẽ con số lính Trung Quốc phải phơi xác trên lãnh thổ Đại Việt không dừng lại ở ba vạn như ước tính của Hoa Kỳ. Đặng Tiểu Bình có thể cũng thắt cổ hoặc uống thuốc độc mà chết vì nhục, như tổ tiên của ông ta 200 năm trước.

Nhưng điều đó, may thay cho kẻ xâm lược, đã không xảy ra. Nhiều năm sau này, tôi vẫn cố công đi tìm lời giải thích vì sao phía Việt Nam hầu như không chuẩn bị gì đáng kể trước cuộc chiến tổng lực của Trung Quốc? Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh từ rất lâu trước đó, nhất là sau khi quân Việt Nam tiến vào Campuchia.

Vậy mà dọc tuyến biên giới từ Bát Xát đến thị xã Lào Cai, tại thời điểm tháng 2 năm 1979, chỉ có duy nhất một trung đoàn bảo vệ với hệ thống hầm thưa thớt, chủ yếu làm bằng cốt tre! Thật không thể tưởng tượng chúng ta lại mất cảnh giác một cách… tuyệt đối như vậy.

Khi cuộc chiến kết thúc, người ta mới biết Trung Quốc huy động một lực lượng quân sự khổng lồ, gấp gần 30 lần số quân Thanh tràn vào nước ta thế kỷ 18. Làm thế nào mà với trình độ tác chiến lạc hậu, bọn xâm lược có thể tập trung được tới 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, (chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau) và áp sát biên giới Việt Nam mà không hề gây ra bất cứ động tĩnh nào cho đối phương?

Rồi còn hàng triệu dân binh? Chúng không thể chui từ dưới đất lên chỉ sau một đêm! Chắc chắn nó phải được chuẩn bị nhiều ngày, với sự tham gia của hàng chục triệu người và không sự tài giỏi nào có thể giấu kín tuyệt đối mà không bị đối phương phát hiện, dù chỉ bằng mắt thường! Vậy mà đối phương là chúng ta thì lại hoàn toàn bất ngờ. Dù ai có đưa ra bằng chứng hoặc lời giải thích gì đi nữa, thì cái sự thật ấy vẫn không thay đổi.

Một câu hỏi đặt ra là chả lẽ tình báo của chúng ta bị “mù” hay bị vô hiệu hóa? Tôi không tin vào điều này. Tôi ngờ là có sự mù lòa từ ở tít thượng tầng? Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng xin bỏ ngỏ để mọi người tiếp tục suy ngẫm và đưa ra lời lý giải.

Tôi chỉ xin góp vào bằng một câu chuyện do một đại tá quân đội kể. Anh kể rằng, thực ra biên giới Tây Nam đã có chuyện đụng độ từ ngay năm 1975, nhưng phải mãi khi quân Pôn-pốt gây thảm sát ở đảo Thổ Chu, nhất là cuộc bắn giết đẫm máu ở thị trấn Ba Chúc, tỉnh biên giới An Giang, các “cụ” nhà ta mới tỉnh ra để thấy hóa ra nó là kẻ thù, chứ chẳng còn là đồng chí đồng hướng gì nữa (Còn gì nhục hơn khi là đồng chí với lũ diệt chủng và quan thầy của chúng).

Theo anh bạn tôi thì trước đó một hai năm, lính Khơ-me đỏ đã giết dân và lính ta tràn lan. Cũng bắn hàng loạt, chặt đầu, phanh thây, nhưng hễ cứ báo cáo lên là lại được trả lời đó chỉ là xô xát đơn thuần, chứ không phải chủ trương gây chiến của lãnh đạo Campuchia! Dù sao thì họ vẫn là những người đồng chí! Tình đồng chí lớn lắm??? (Viết đến đây tôi lại chợt nhớ lời của một ông thầy, khi ông bảo rằng, cái từ tàn phá văn hóa khủng khiếp nhất chính là từ đồng chí!)

Ngay giờ đây bất cứ ai cũng có thể vào từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia để đọc những dòng chua xót sau, như một phần lời xác nhận câu chuyện tôi vừa ghi lại:

“Từ ngày 30 tháng 4 năm 1977, quân Khmer Đỏ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công biên giới Tây Nam Việt Nam. Ngày 18 tháng 4 năm 1978 (tức là 12 tháng sau), chúng tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man. Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường”.

Lịch sử thường hay lặp lại, nhưng cơ may sửa chữa sai lầm thì không mấy khi. Nếu bị một cú “mù” tương tự như sự kiện 17-2 năm 1979, nhưng lần này là ở trên biển Đông, thì chúng ta mất sạch.

Tạ Duy Anh

Kỷ niệm chiến tranh 1979: Báo chí Việt Nam được bật đèn xanh?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47192473 – 12 tháng 2 2019

Báo chí Việt Nam năm nay được phép công bố ‘những trang sử đen tối’ nhân dịp 40 năm Chiến tranh Biên giới Việt–Trung, một nhà báo tự do, cựu chiến binh nói với BBC.

Nhìn từ góc độ lịch sử, cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng nói hôm 12/02 rằng “nhân dân sẽ không tha thứ cho những người lãnh đạo ‘hèn nhát’ với ngoại bang vì bất cứ mục tiêu nào”.

Thế nhưng, nhìn từ bình diện giao lưu con người, ông Đăng cho BBC biết từ Gò Công, tỉnh Tiền Giang rằng ông từng sang Trung Quốc để gặp gỡ cựu chiến binh và người dân phía bên kia biên giới và biết họ nghĩ gì.

“Tuy thời gian không dài, được gặp gỡ các cựu binh Trung Quốc, các bạn trẻ, những người dân thường tôi rất vui mừng nhận thấy không ai muốn chiến tranh Việt-Trung xảy ra một lần nữa.”

Trả lời BBC News Tiếng Việt, cựu trinh sát cấp tiểu đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở mặt trận tỉnh Cao Bằng năm xưa bình luận về câu hỏi liệu có phải năm nay báo chí Việt Nam được ‘bật đèn xanh’ viết nhiều hơn về Chiến tranh Biên giới 1979.

Ông Ngô Nhật Đăng: Vâng, đúng là có hiện tượng này, nhưng như chúng tôi thường nói với nhau là “báo chí được thở khe khẽ” nếu xét theo mức độ thông tin được báo chí chính thống đưa ra. Theo tôi có mấy lý do.

Thứ nhất là Nhà nước không thể làm ngơ trước dư luận nhân dân mỗi khi những ngày này tới, nhất là năm nay lại là năm chẵn tròn 40 năm.

Thứ hai là mối quan hệ của Trung Quốc và Việt Nam từ năm 1990 khi “bình thường hóa quan hệ” đến nay nếu nhìn trên bề mặt thì ta thấy càng ngày càng nồng ấm đến mức “Hợp tác toàn diện” nhưng thực chất đằng sau là một mối quan hệ không bình đẳng và càng ngày Việt Nam càng bị lấn lướt không chỉ trong ngoại giao, kinh tế mà còn cả về chủ quyền lãnh thổ.

Ít có một quốc gia nào nuốt nổi cái nhục nhã này và nhân dân sẽ không tha thứ cho những người lãnh đạo hèn nhát với ngoại bang vì bất cứ mục tiêu nào, do vậy báo chí được phép công bố những trang đen tối trong lịch sử quan hệ hai nước để xả bớt bức xúc của dân chúng (nếu điều này đúng thì thật tệ hại).

Thứ ba là chính sách mới của Mỹ với Trung Quốc, động thái gần đây của Hải quân Mỹ ở biển Đông, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều sắp diễn ra ở Hà Nội… một loạt động thái đáng chú ý ấy có thể cho ta thấy chính phủ Việt Nam có lẽ thấy tự tin hơn, có thể lựa chọn Mỹ là một đối tác đồng minh dù điều này sẽ làm phật lòng Trung Quốc.

Ngo Nhat Dang
Ông Ngô Nhật Đăng (đầu tiên, từ trái) trong lần sang Trung Quốc 5 năm về trước, gặp gỡ cựu chiến binh bên kia chiến tuyến và người dân Trung Quốc

Và, có thể đặt lại mối quan hệ với Trung Quốc bình đẳng hơn, là mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng có chung biên giới, chứ không phải là hai quốc gia cùng một ý thức hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” luôn luôn không đáng tin cậy như ta thấy trong lịch sử.

BBC: Tuyên truyền qua âm nhạc, phim ảnh của Việt Nam một thời chống Trung Quốc rất rầm rộ rồi im ắng qua nhiều năm, tình hình hiện nay ra sao?

Ông Ngô Nhật Đăng: Vâng điều này cũng bình thường, khi hai nước xóa bỏ mối quan hệ thù địch bước vào một trang mới, nhưng nó không bình thường ở chỗ là bị nghiêm cấm không được nhắc tới, ngay cả sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường cũng không có. Lớp trẻ sinh ra sau không hề biết đến cuộc chiến này, tức là trong lịch sử có một khoảng trắng, điều này là vô cùng tai hại.

Ta cũng có thể so sánh với Trung Quốc, trong suốt 10 năm từ 1979-1989, truyền thông đại chúng Trung Quốc hàng ngày đều có thời lượng lớn về cuộc chiến với Việt Nam mà họ gọi là “Phản kích tự vệ”. Phim ảnh, truyền hình đầy những hình ảnh các đoàn xe tăng, pháo binh, bộ binh xông lên như vũ bão “đè bẹp bọn tiểu bá VN”.

Khi tôi phỏng vấn một số người Trung Quốc vào thời đó mới 15, 17 tuổi họ đều nói: “Ước sao chiến tranh kéo dài để họ được đi đánh bọn ‘quỷ Việt Nam’.” Nhưng đến cuối năm 1989, một mệnh lệnh từ Quân ủy trung ương quân giải phóng Trung Quốc ban ra: Cấm không nhắc tới cuộc chiến đó nữa, nó gây bàng hoàng trong dân chúng và nhất là quân đội.

Một cựu sỹ quan Trung Quốc nói với tôi: Khi nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là “khách mời danh dự đặc biệt” xuất hiện tại Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh) chúng tôi bị sốc. Một hệ quả đi kèm là một số trí thức, nhà báo, cựu quân nhân (nhất là những người từng tham chiến) đi tìm hiểu về cuộc chiến này để tìm sự thật, hy vọng không lâu nữa chúng ta sẽ được biết về những công trình đó.

BBC: Người dân, cựu chiến binh Việt Nam nhân dịp này nghĩ gì và họ muốn nói lên điều gì?

Ông Ngô Nhật Đăng: Là một cựu chiến binh tôi mong muốn sẽ không có chiến tranh xảy ra, tất nhiên nếu để tự vệ bảo vệ Tổ quốc thì sẵn sàng.

Điều này đòi hỏi từ nhiều phía, nhất là từ nhà nước, lịch sử phải được nhắc lại thật nhiều, thật trung thực để có thể rút ra điều gì trong hiện tại, lịch sử không được hiểu đúng sẽ dẫn đến dễ bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, điều đó là nguy hiểm, đó không phải là yêu nước, chắc chắn không phải.

Đất nước phải phát triển giàu mạnh thì mới bảo vệ được chính mình không thể trông chờ bên ngoài. Điều duy nhất không thể khác là phải dân chủ hóa đất nước để động viên sức mạnh toàn dân tộc. Đây là điều không thể chần chừ câu giờ được nữa.

BBC: Với cá nhân ông, thì có phát hiện gì thêm và có gì muốn nói, sau 40 năm nhìn lại cuộc chiến này?

Ông Ngô Nhật Đăng: Cách đây 5 năm, một mơ ước từ lâu của tôi được thực hiện, đó là đi tìm những cựu binh phía bên kia để tìm hiểu những người một thời là “kẻ thù”, những lý do trực tiếp gây ra chiến tranh, tìm những “Hoa kiều” bị trục xuất khỏi Việt Nam, một trong những lý do mà nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng để phát động cuộc chiến.

Quan trọng hơn là họ nghĩ gì lúc đó, nghĩ gì về hiện tại khi chiến tranh đã lùi xa và mong ước gì cho tương lai vv…

Tuy thời gian không dài, được gặp gỡ các cựu binh Trung Quốc, các bạn trẻ, những người dân thường tôi rất vui mừng nhận thấy không ai muốn chiến tranh Việt- Trung xảy ra một lần nữa.

Nó cũng giải tỏa cho tôi nhiều băn khoăn trong suốt mấy chục năm và có thêm tin tưởng, như vậy nhân dân ở đâu cũng mong muốn hòa bình, họ cần phải được hiểu nhau, không cái gì làm tốt hơn điều đó là truyền thông lương thiện, trung thực.

Cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng nhập ngũ và là quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 5/1978 đến cuối năm 1982, ông tham gia ‘Cuộc chiến 79’ hay Cuộc chiến Biên giới ở mặt trận tỉnh Cao Bằng, khi đó ông thực hiện nhiệm vụ trinh sát tiểu đoàn “luồn sâu phá hoại” chuyên hoạt động sau lưng địch.

Biên giới tháng 2/1979: Sòng phẳng với lịch sử

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/bien-gioi-thang-2-1979-trung-quoc-am-muu-dung-thu-doan-507103.html – 12/02/2019

Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam cố gắng hết sức để giữ quan hệ tốt với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, kiên quyết không để bên nào lôi kéo đưa ra những phát ngôn làm mất lòng bên kia.

LTS: Mờ sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km. Họ vấp phải sự kháng cự ngoan cường của quân và dân Việt Nam trên toàn tuyến biên biên giới phía Bắc và buộc phải rút về nước.

Với tinh thần sòng phẳng với lịch sử, không kích động hận thù, Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet xin giới thiệu cuộc trò chuyện với Nghiên cứu sinh môn Lịch sử Vũ Minh Hoàng, Đại học Cornell (Hoa Kỳ) về một góc cuộc chiến này. Mời quý vị độc giả theo dõi.

Ông có những suy nghĩ như thế nào khi nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979?

NCS Vũ Minh Hoàng: Theo tôi, chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới phía Tây Nam nên được gọi bao trùm là Chiến tranh Đông Dương thứ ba (với Chiến tranh giành độc lập là Chiến tranh Đông Dương thứ nhất và Chiến tranh giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và liên minh Hoa Kỳ – Việt Nam Cộng Hòa là Chiến tranh Đông Dương thứ hai). Đây là một cuộc chiến tranh vô cùng nhức nhối và phức tạp, có liên quan cả đến lịch sử sâu xa giữa các dân tộc Trung Quốc–Việt Nam–Campuchia, đến những biến động chính trị trong khu vực sau Chiến tranh Đông Dương thứ hai, và đến cả tổng thể Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô, Trung Quốc, và Hoa Kỳ.

Trong ba cuộc chiến tranh Đông Dương, Chiến tranh Đông Dương thứ ba có ảnh hưởng trực tiếp nhất và lớn nhất tới sự hình thành của trật tự khu vực và thực trạng chính trị trong khu vực Châu Á–Thái Bình Dương ngày nay. Tuy nhiên, do thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hội nghị Thành Đô năm 1990 với mục đích giảm thiểu tối đa tuyên truyền gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ hai nước, hiện tại các nguồn thông tin trong cả hai nước về cuộc chiến này vẫn chưa được nghiên cứu và tuyên truyền rộng rãi.

Tôi tin rằng chủ ý cho điều khoản này tại Thành Đô là tích cực, muốn dẹp đi quá khứ đau thương và xây dựng một quan hệ tốt đẹp mới giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc. Nhưng về mặt thực hành thì chủ chương này vẫn chưa đạt được như cả hai nhà nước mong chờ.

Trong bối cảnh thế giới đã thay đổi rất nhiều, người dân ở cả hai nước có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn trước, nếu hai Chính phủ muốn đạt được mục đích của điều khoản này, sẽ phải làm điều trái ngược với chính lời văn của điều khoản đó, khẩn trương giải mật các tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh này, để các học giả, quan chức, và dân chúng có thể tự do thảo luận về lịch sử một cách thẳng thắn, có cơ sở. Đây là cách duy nhất để chúng ta đạt được mục tiêu chung sống hòa bình giữa hai dân tộc và dẹp tan những lời xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tôi nghe nhiều về việc khi ta vừa mới thống nhất đất nước, vừa mới hoà bình, tức là khi “sức ta cùng, lực ta kiệt” thì Trung Quốc cắt giảm viện trợ, xúi bẩy Hoa Kiều Việt Nam hồi hương và thậm chí, đứng sau Khơ-me đỏ tiến hành chiến tranh biên giới phía Tây Nam, và đỉnh điểm là lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm nước ta từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái. Góc nhìn của ông về những chuyện này như thế nào?

NCS Vũ Minh Hoàng: Việc Trung Quốc cắt giảm viện trợ sau khi Việt Nam thống nhất đất nước là tất nhiên.

Từ cuối thập kỷ 1960, thực lực của Trung Quốc giảm mạnh do Cách mạng Văn hóa, phải rút gần như tất cả dân quân tình nguyện về nước, và viện trợ giảm thêm sau khi Trung Quốc cải thiện quan hệ với Mỹ năm 1971-1972.

Tới năm 1975-76, khi các đoàn Việt Nam sang xin viện trợ, phía Trung Quốc báo là khả năng của Trung Quốc có hạn: thu nhập trung bình ở Việt Nam lúc đó cao hơn Trung Quốc; Mao Trạch Đông mới mất và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình chấn chỉnh nội bộ sau Cách mạng Văn hóa (mà khi đó chưa chắc là phe ôn hòa sẽ chiến thắng); và năm 1976 Trung Quốc lại gánh phải động đất ở Đường Sơn khiến hơn 240,000 người thiệt mạng (có những nguồn còn ước tính tới hơn 700,000 người thiệt mạng).

Cũng có một số quan điểm xem hành động cắt giảm viện trợ một cách vô cùng tiêu cực, là một thủ đoạn ép Việt Nam phải đi theo Trung Quốc và từ bỏ Liên Xô. Nhưng trong thực tế, Trung Quốc cắt hoàn toàn sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (CMEA) do Liên Xô dẫn đầu. Mà suy nghĩ rộng ra sẽ thấy, sau khi ta thống nhất, thì khi đó nước bạn lại rơi vào khó khăn, lúc đó ta cứ muốn viện trợ nhiều hơn sẽ là thiếu nhạy cảm và không hợp lý.

Trong các cuộc phỏng vấn sau khi chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 nổ ra, Đặng Tiểu Bình nêu rõ là ngoài lý do chiến lược, ông ta còn muốn trừng trị Việt Nam vì ghét thái độ. Tôi cho rằng việc Đặng Tiểu Bình sử dụng vũ lực để gửi thông điệp chính trị là vi phạm luật quốc tế và có tội đối với nhân dân cả hai nước.

Còn việc họ xúi bẩy Hoa Kiều hồi hương như thế nào thì vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Việt Nam đưa ra Sách trắng năm 1979, cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc đứng đằng sau một số cá nhân, tổ chức một số cá nhân, tổ chức hô hào xúi giục bà con người Hoa hàng loạt tháo chạy khỏi Việt Nam, nhằm chia rẽ nội bộ, gây náo loạn, giảm uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Phía Trung Quốc thì ngược lại, cáo buộc Việt Nam đàn áp người Hoa và ép họ nhập quốc tịch Việt Nam.

Vì lưu trữ cả hai bên vẫn chưa được bạch hóa, nên tìm hiểu lại câu chuyện xảy ra như thế nào rất khó khăn. Dựa trên một sổ phỏng vấn và điều tra lưu trữ, tôi có thể một phần tái tạo lại câu chuyện như sau:

Vì đã đổ nhiều xương máu trường kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam sau năm 1975 quyết tâm nhanh chóng hợp hóa miền Nam vào chế độ Xã hội Chủ nghĩa bằng những biện pháp cứng rắn như cải tạo hàng loạt và lâu năm với các nhân vật từng làm việc cho chế độ cũ, cải tạo tư sản ở miền Nam, thống nhất tiền tệ toàn quốc, và đưa tất cả các dân tộc thiểu số vào quốc tịch Việt Nam.

Tuy là với mục đích xây dựng xã hội chủ nghĩa, thống nhất đất nước, và không có chủ ý bài Hoa, những chính sách này ảnh hưởng đặc biệt mạnh tới quyền lợi nhất thời của cộng đồng người Hoa, do cộng động này ở Việt Nam, cũng như ở phần lớn các nước Đông Nam Á, chiếm đa số trong giới thương gia và nắm một phần lớn năng lực tài chính trong xã hội.

Tâm lý của họ cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi bối cảnh lịch sử của người Hoa ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Qua nhiều thế kỷ, cả dưới thời thực dân lẫn dưới những chính quyền dân tộc chủ nghĩa, người Hoa ở Đông Nam Á nhiều lần đối mặt với những chính sách bài Hoa, từ những trường hợp bị phân biệt đối xử trong hệ thống (Việt Nam Cộng hòa, UMNO ở Malaysia) tới nhiều trường hợp bị diệt chủng (1603 và 1639 ở Manila, 1740 ở Batavia, 1965 ở khắp Indonesia).

Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi số đông cộng đồng người Hoa hoảng hốt trước những chính sách mới của Chính phủ Việt Nam, và những tin đồn là mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa chỉ là trá hình cho biện pháp áp bức người Hoa, không cần Chính phủ Trung Quốc gieo cũng quá dễ nảy sinh và phát tán một cách hữu cơ trong một cộng đồng đa nghi.

Trong khi vai trò truyền thông của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn còn được bàn cãi, thời đó cũng như ngày nay, Bắc Kinh vẫn luôn trong tình trạng phải đấu tranh với Đài Bắc làm lãnh đạo và nơi nương tựa của dân Hoa Kiều hải ngoại toàn cầu, nên không thể không phản ứng mạnh mẽ khi tình hình cộng đồng Hoa Kiều ở Việt Nam trở nên căng thẳng.

Khi mà bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội xấu đi từ cuối năm 1977, hai bên có những xung đột biên giới và đàm phán biên giới bế tắc, và cả hai toan nghi ngờ ý đồ của nhau về lập trường chính trị trên bàn cờ quốc tế, nạn Hoa Kiều dấy lên vào tháng 3/1978 tựa như một que diêm khai hỏa một thùng thuốc nổ đã có sẵn vậy.

Nhìn lại, Chính phủ Việt Nam rất kiên nhẫn khi đợi đến tận xuân năm 1978 để tiến hành tái cơ cấu kinh tế miền Nam sau khi nắm vững kiểm soát chính trị. Tiếc thay, đó lại chính là thời điểm nhạy cảm về mặt ngoại giao để tiến hành những chính sách tái cơ cấu kinh tế này, không chỉ đối với quan hệ Việt-Trung mà cả với đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ và những nỗ lực hội nhập kinh tế khác của Bộ Ngoại giao trong những năm đó.

Việc Trung Quốc ủng hộ chế độ Khmer Đỏ là một vết nhọ trong những trang sử Trung Hoa, cũng như các nước khác, trong đó có các nước ASEAN và Hoa Kỳ, khi mà họ bỏ phiếu cho Khmer Đỏ giữ ghế ở Liên hợp quốc sau khi chính quyền này bị quân Việt Nam và quân Campuchia yêu nước lật đổ.

Trung Quốc ủng hộ nhiều nhất cho chế độ này, trợ cấp gần như toàn bộ vật liệu công nghệ, vũ khí, lương thực cho chế độ Khmer Đỏ.

Những nghiên cứu của các ông cho thấy những điều gì?

NCS Vũ Minh Hoàng: Hai học giả từng nghiên cứu ở cả lưu trữ Campuchia lẫn Trung Quốc là Andrew Mertha (từng trong ban hướng dẫn của tôi ở Cornell, hiện ở Johns Hopkins) và John Ciorciari (Đại học Chicago) đều kết luận rằng ý tưởng tấn công các nước láng giềng (có cả Lào và Thái Lan) là của nhóm Pol Pot–Ieng Sary. Trung Quốc đã tiếp tay cho chúng.

Theo Mertha, khi Trung Quốc viện trợ trạm radar tập trung vào vùng Tây Nam Campuchia nhằm phục vụ mục đích phát triển kinh tế và quốc phòng, Khmer Đỏ lại quyết xây ở vùng giáp biên giới với Việt Nam, nhằm phục vụ mục đích xâm lược vào lãnh thổ Việt Nam. Khi Trung Quốc viện trợ một sân bay muốn đặt trên sông Stung Svey Chek ở mạn Tây Bắc để tránh gây lo ngại cho Việt Nam, Khmer Đỏ lại kiên quyết xây ở Kampong Chhnang để phục vụ tốt hơn cho các chiến dịch quân sự ở biên giới với Việt Nam.

Nhà báo Nayan Chanda cũng viết về những chuyến ngoại giao con thoi của bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân của Thủ tướng Trung Hoa Chu Ân Lai) tới Phnom Penh để cố gắng thuyết phục Khmer Đỏ giảng hòa với Việt Nam, nhưng không ăn thua.

Cá nhân tôi nghiên cứu ở Thư viện Tổng thống Carter và Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, tìm được nhiều tài liệu chứng minh là cho tới giữa 1978, Trung Quốc vẫn ao ước có thể tranh thủ bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ để kéo Việt Nam khỏi vòng tay Liên Xô.

Tôi không khẳng định được là Trung Quốc không xúi giục Khmer Đỏ xâm chiếm Việt Nam, chỉ nói được rằng trong lưu trữ Khmer Đỏ và Hoa Kỳ được mở không có căn cứ cho lập luận này; và cho tới khi kho lưu Trung Quốc được mở hoàn toàn; mọi chứng cứ hiện hành cho thấy là Trung Quốc không thực sự muốn có chiến tranh giữa Khmer Đỏ và Việt Nam, nhưng cũng không kháng cự và thực sự cố gắng ngăn chặn cuộc chiến tranh này xảy ra khi đồng minh của mình quyết tâm tham chiến.

Tôi kết luận như vậy không phải là để xá tội cho giới lãnh đạo Trung Quốc: cho dù khả năng cao là họ không trực tiếp xúi giục Khmer Đỏ tấn công Việt Nam, họ tiếp tục trang bị quân sự cho chế độ này một khi hiểu rõ ý đồ của chúng, và vì vậy phải chịu liên lụy cho những hành động của chúng, cũng như các nước khác tiếp tay Khmer Đỏ cũng đều phải chịu một phần liên lụy phù hợp với cống hiến của họ cho cuộc cách mạng Khmer Đỏ.

Có quan điểm cho rằng, một trong những nguyên nhân nổ ra cuộc chiến Biên giới tháng 2 năm 1979 còn liên quan tới chiến lược của Việt Nam và nhằm phá sự liên kết, đoàn kết giữa Việt Nam – Liên Xô. Quan điểm của ông như thế nào?

NCS Vũ Minh Hoàng: Quan điểm này vừa đúng, vừa sai.

Đúng là vì đó đúng là quan điểm của Trung Quốc, như họ nêu rất rõ ở các kênh báo chí truyền thông đương thời.

Sai là vì Trung Quốc hoàn toàn hiểu lầm Việt Nam.

Sau chiến tranh, Việt Nam cố gắng hết sức để giữ quan hệ tốt với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, kiên quyết không để bên nào lôi kéo đưa ra những phát ngôn làm mất lòng bên kia.

Liên Xô nhiều lần mời Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế, nhưng Việt Nam vì nể Trung Quốc nên không chịu.

Chỉ tới khi quan hệ Việt-Trung xấu đi đáng kể mùa xuân năm 1978, Việt Nam mới gia nhập CMEA vào tháng 6 năm 1978, và chỉ khi Việt Nam không còn đường nào khác ngoài việc phải giải quyết tận gốc đe dọa từ Khmer Đỏ, mới ký Hiệp ước Hòa bình Hữu nghị với Liên Xô tháng 11 năm 1978, làm một hình thức quốc phòng.

Theo phỏng vấn của tôi với cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan, lúc đó là chuyên viên ở Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcova, Việt Nam thậm chí còn không báo trước với Liên Xô khi khởi đầu chiến dịch giải phóng Campuchia ngày 25 tháng 12 năm 1978. Tôi nể phục nhất là các bạn Liên Xô, sẵn sàng cam chịu làm đồng minh với một nước độc lập quyết liệt như Việt Nam.

Liên quan tới chuyến thăm Trung Quốc của Tống Bí thư Lê Duẩn hồi tháng 9/1975 và năm 1977, hai bên bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề biên giới lãnh thổ. Điều này liên quan thế nào tới quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học” của ông Đặng Tiểu Bình?

NCS Vũ Minh Hoàng: Việt Nam và Trung Quốc vẫn có nhiều bất đồng về biên giới lãnh thổ, mà tới nay vẫn tồn tại.

Khi Đặng Tiểu Bình sang công du Hoa Kỳ tháng 1 năm 1979 để ký kết Hiệp định bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ, ông trình bày kế hoạch dạy bài học cho Việt Nam, và quả nhiên là chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra gần như y hệt kế hoạch đó: quân Trung Quốc xâm chiếm các tỉnh miền Bắc, tàn phá cơ sở vật chất, và rút lui trong vòng một tháng.

Bài học Đặng Tiểu Bình muốn dạy Việt Nam là không thể trông cậy vào Liên Xô được.

Có một bài học ẩn ý mà Trương Tiểu Minh (Air War College) nhấn mạnh, đó là cho Quân đội Nhân dân Trung Quốc thấy được Cách mạng Văn hóa đã làm quân đội bị lạc hậu như thế nào, và Đặng Tiểu Bình có thể thay thế các vị trí quan trọng trong quân đội với những sỹ quan trung thành với ông ta.

Rõ ràng, Việt Nam không học bài học đó. Nhưng vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tuy có là một yếu tố làm xấu đi quan hệ song phương và dẫn đến chiến tranh, không nằm trong giáo trình của Đặng Tiểu Bình.

Nhìn vào thực tế, các quốc gia nào có chung đường biên giới thường dễ xảy ra “va chạm”. Là một nhà nghiên cứu, hẳn ông đọc nhiều về bang giao quốc tế, vậy, ông có gợi ý gì để các quốc gia nhỏ không bị lôi kéo, không bị trở thành quân cờ trên bàn cờ của các nước lớn?

NCS Vũ Minh Hoàng: Tôi không đồng ý với “thực tế” bạn nêu ra về các đường biên giới. Trên thế giới có rất nhiều đường biên giới, và phần lớn thời gian, gần như tất cả những đường biên giới này, trong đó bao gồm biên giới Việt-Trung và Việt Nam-Campuchia hiện nay, là nơi thương mại sầm uất, là cửa giao dịch hòa bình giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Tôi không muốn nói quá khái quát về vấn đề nước nhỏ, nước lớn, và biên giới hòa bình hay không, vì mỗi trường hợp có những đặc thù riêng, và có những phức tạp riêng khi phân định, và nhiều hơn nữa khi nói đến gìn giữ hòa bình.

Hiện tại, tôi tương đối hài lòng với biên giới Việt-Trung trên đất liền và Vịnh Bắc bộ, vì đã được phân định rõ ràng, và được hai bên tôn trọng.

Tháng 12 khi về Hà Nội, tôi có dự một buổi tọa đàm của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về các đề xuất của Trung Quốc cho các khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Diễn giả hôm đó là Phó Giáo sư–Tiến sỹ Nguyễn Anh Thu đã chia sẻ nhiều về việc nhiều quan chức Việt Nam hỏi chị nghiên cứu đề xuất của họ để làm gì, gạt ngay đi vì lý do an ninh–quốc phòng.

Tôi rất mừng là ở Việt Nam vẫn có những người như chị Thu, không dễ phật lòng, vẫn tận tụy lên từng tỉnh thành, phỏng vấn, khảo sát các lãnh đạo, doanh nghiệp địa phương để nắm rõ nhu cầu, mong ước, quan ngại của họ, và quay lại tham khảo các ý kiến các bộ ngành để trình lên Ban Kinh tế Trung ương.

Tôi tin là việc gắn bó lợi ích kinh tế hai nước vào thương mại biên giới là một trong những cách tốt nhất để giữ gìn hòa bình, vì khi đó cả hai sẽ có ít động lực để cho phép chiến tranh và phá hủy thành quả chung.

Đúng, chúng ta phải cẩn trọng, phải nghiên cứu kỹ lưỡng những cơ hội và rủi ro trước khi tiến hành, nhưng đừng ngay lập tức dập vùi những động thái tích cực phía bạn.

Như lời bài hát của ABBA trong bài Happy New Year, tôi mong là thỉnh thoảng chúng ta đều sẽ có một ước mộng về một thế giới nơi mỗi người hàng xóm đều là một người bạn.

Chúc mừng năm mới!

Xin cám ơn NCS Vũ Minh Hoàng đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet.

Thu Thủy thực hiện

Tướng Lê Mã Lương: Việt Nam dạy cho Trung Quốc 1 bài học trong chiến tranh biên giới 1979

https://vn.sputniknews.com/opinion/201902137057770-tuong-le-ma-luong-viet-nam-da-day-cho-trung-quoc-mot-bai-hoc-ve-chi-huy-chien-truong-trong-cuoc-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-1979/ – 13.02.2019

Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là cuộc chiến chính nghĩa. Chúng ta đã chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược Trung Quốc, Trí Thức Trẻ dẫn lời cho biết.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự VN — người từng lăn lộn, chiến đấu tại những cứ điểm ác liệt nhất ở khu vực biên giới phía Bắc trong 8 năm (1979-1987) không giấu được xúc động khi nhắc đến những dấu mốc không thể lãng quên.

Ông khẳng định đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc mà quân và dân ta đã chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược. Chúng ta cần tự hào về điều đó và cần nhắc nhớ cho các thế hệ hiện tại, mai sau về giai đoạn lịch sử này.

Một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của dân tộc ta

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã lùi xa 40 năm, ông đánh giá thế nào về cuộc chiến này trong dòng lịch sử của dân tộc?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Về bản chất, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược mà đối phương đã có ý đồ từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhằm đưa các nước Đông Nam Á vào trong quỹ đạo của Trung Quốc.

Việt Nam là nước có vị trí chiến lược, địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á. Nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ muốn nắm Việt Nam, khống chế bán đảo Đông Dương, tạo hành lang xâm nhập Đông Nam Á.

So do cuoc tan cong

Do đó, từ mờ sáng 17/2 đến 5/3/1979, Trung Quốc huy động 600.000 quân, mở cuộc tấn công quy mô lớn gồm nhiều quân đoàn, tập đoàn quân trên dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu).

Quân Trung Quốc tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng của các tỉnh biên giới, giết hại nhiều dân thường vô tội, như các vụ thảm sát kinh hoàng ở Kim Quang (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) hay giết hại 43 người dân (phần lớn là phụ nữ, trẻ em) rồi vứt xác xuống giếng ở thôn Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).

Ngày 5/3/1979, gần 20 ngày sau khi tấn công xâm lược Việt Nam, quân Trung Quốc chỉ tiến sâu được 10 km, đồng thời lực lượng bị tổn thất lớn, có nguy cơ sa lầy vào cuộc chiến này.

Mặt khác, trước sức ép của dư luận trong nước và thế giới, đặc biệt là việc Liên Xô (cũ) đưa lượng lớn binh sĩ, hỏa lực, áp sát biên giới Trung—Xô, đã buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải tuyên bố rút quân, chấp nhận thất bại cay đắng tại chiến tranh biên giới.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc tiếp tục kéo dài ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Hà Giang trong 10 năm sau đó (1979-1989), mà đặc biệt ác liệt ở Vị Xuyên — những năm 1984-1986. Rõ ràng, đây là cuộc chiến xâm lược thực sự, không đơn thuần như cách gọi “dằn mặt”, “đòn cảnh cáo”, “dạy bài học” mà Trung Quốc từng đưa ra.

Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, chiến tranh vệ quốc 1979 — kéo dài 10 năm sau đó, không phải một cuộc chiến quá dài, nhưng cũng không ngắn so với những gì chúng ta trải qua trước đó. Đây có thể coi như một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của dân tộc ta.

Một đội quân trang bị yếu kém, ô hợp, hôi của

Là người trực tiếp cầm súng, chỉ huy chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979 và 10 năm sau đó, ông đánh giá thế nào về quân Trung Quốc thời điểm đó?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trong khoảng 20 ngày của năm 1979, Trung Quốc huy động một lực lượng rất đông, lên tới 600.000 quân xâm lược Việt Nam.

Trước “chiến dịch biển người” như vậy, chưa bao giờ người lính chúng tôi lo lắng, sợ hãi. Khi bước vào chiến đấu thực tế với quân Trung Quốc, bản thân tôi mới thấy được nhiều điều bất ngờ. Bất ngờ bởi đến năm 1979, trang bị cho quân đội Trung Quốc lại yếu kém, ô hợp và hôi của như thế.

Mỗi người lính chỉ được trang bị một khẩu súng trường mà trong đó nhiều khẩu là loại từng xuất hiện trong chiến tranh thế giới thứ 2. Khi lực lượng chiến đấu của Trung Quốc đi trước hoặc chiếm được những vị trí, những đường phố của ta, thì phía sau là đội quân dân binh rất đông — vừa đảm bảo sức chiến đấu quân Trung Quốc, nhưng là đội quân ô hợp hôi của. Họ vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được.

Trong lịch sử, tôi chưa từng thấy quân đội của một nước lớn nào phát động chiến tranh lại đưa dân binh đi để vơ vét của cải như thế. Thậm chí họ còn bắt gà, bắt lợn và lội xuống các ao của dân bên đường để bắt cá, nếu không dùng được thì cho bộc phá giật nổ. Hành động của quân Trung Quốc khiến tôi liên tưởng đến năm 1945, khi quân Tưởng sang Việt Nam đi giải giáp quân đội Nhật.

Một điển hình cho việc đập phá — là khi tôi lên thư viện Lào Cai — nằm trên một sườn núi. Khi đó, quân Trung Quốc vào thư viện lấy sách ra xé và quẳng trắng xóa phía trước, rải dưới chân đồi. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi cảm nhận những kẻ đó hèn hạ, vô học đến mức nào.

Trong cuộc chiến, chưa có trận đánh nào mà quân Trung Quốc làm tê liệt nổi một đại đội của Việt Nam. Trong khi đó, bộ đội ta tổ chức những trận đánh và tiêu diệt gọn một đại đội của quân Trung Quốc.

Suốt tháng 2, đầu tháng 3/1979, mặc dù quân Trung Quốc đã phá hủy 5 thị xã, thị trấn: Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phong Thổ, Lào Cai nhưng các đơn vị biên phòng, lực lượng tự vệ, sư đoàn làm kinh tế, cùng 2 sư đoàn chiến đấu tinh nhuệ của ta (Sư đoàn 3 và 316) đã chặn đứng những bước tiến của địch.

Trong kế hoạch của quân đội Trung Quốc đặt ra, nếu có thể tiến sâu về Hà Nội thì cố gắng tiến sâu — nhưng đã không một đơn vị nào của Trung Quốc có thể vượt qua tuyến một (tuyến các tỉnh biên giới), để xuống tuyến hai — hướng về Hà Nội.

Qua cuộc chiến tranh này, Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc bài học về mặt chỉ huy chiến trường, dạy Trung Quốc về tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành. Đồng thời, chúng ta dạy cho Trung Quốc cách đánh phân đội nhỏ và những chiến thuật luồn sâu, chia cắt và chiến thuật bao vây, tiêu diệt những phân đội, đơn vị chiến đấu cơ bản của Trung Quốc.

Chúng ta đã dạy cho Trung Quốc nhiều bài học chứ không phải như Đặng Tiểu Bình nói “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta, vậy chúng ta cần làm gì để trả lại vị trí xứng đáng cho cuộc chiến chống quân xâm lược tháng 2/1979 trong lịch sử dân tộc?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Với chúng ta, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Chúng ta chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc.

Còn với Trung Quốc — đó là cuộc chiến phi nghĩa, vì họ đã bất ngờ phát động chiến tranh và đưa gần 60.000 quân tràn sang 6 tỉnh biên giới Việt Nam. Họ đã tàn sát dân thường và phá hủy nhiều công trình dân sinh của nước ta.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đã là một phần của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã mở sang một trang mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép lãng quên sự thật.

Sự thật ở đây là dân tộc chúng ta rất anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc — không sợ hãi mặc dù đối phương đã bất ngờ tấn công và họ mạnh hơn chúng ta nhiều lần. Chúng ta đã chiến đấu và giành thắng lợi cho dù có những tổn thất rất lớn. Hàng chục nghìn người lính và nhiều thường dân ngã xuống dưới làn đạn của quân xâm lược trong suốt giai đoạn 1979-1988.

Chúng ta không kích động, không gây hận thù, đơn giản là nói về lịch sử, nói về những gì cha anh đã phải trải qua để giữ gìn bờ cõi của Tổ quốc.

Đây là một phần của lịch sử và sự thật không ai được phép lãng quên, che mờ, chìm lấp. Còn nếu lãng quên cuộc chiến tranh biên giới 1979 là có tội với nhân dân, với những người đã ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng này.

Xin cảm ơn ông!

Tìm hiểu thái độ của Hoa Kỳ khi Đặng đánh VN năm 1979

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47230159 – 13 tháng 2 2019

Năm 1978–79, khi Mỹ–Trung chủ động tiến gần đến nhau, hai chính khách quan trọng nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ–Trung là Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ và Đặng Tiểu Bình, phó thủ tướng Trung Quốc.

Trong ngoại giao Mỹ, chiến lược détente (hòa hoãn) của Henry Kissinger đặt quan hệ Mỹ–Xô và Mỹ–Trung ngang nhau.

Zbigniew Brzezinski
Zbigniew Brzezinski

Nhưng Brzezinski, khi trở thành cố vấn an ninh của Tổng thống Jimmy Carter, chọn chiến lược công khai liên minh với một trong hai cường quốc cộng sản, buộc kẻ còn lại rơi vào sự cô lập. Ảnh hưởng ngày càng tăng của ông cố vấn, cùng với những tính toán của Bắc Kinh, là yếu tố quan trọng khiến sự tái lập quan hệ Mỹ–Việt trở thành bất khả.

Khi Jimmy Carter trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc, việc phục hồi quan hệ với Việt Nam được ông xem là một phần của quá trình hàn gắn vết thương cho nước Mỹ.

10 ngày sau khi nhậm chức tổng thống, Carter gặp Ủy ban Quốc hội về người Mất tích ở Đông Nam Á (Ủy ban Montgomery) và lặp lại lời hứa khi tranh cử là sẽ gửi phái đoàn đến Việt Nam để bàn vấn đề MIA. Khác với người tiền nhiệm Gerald Ford, Carter chỉ thị không đặt MIA làm điều kiện tiên quyết cho đàm phán.

Vấn đề tái lập quan hệ chính thức với Trung Quốc cũng nằm trên bàn nghị sự của tổng thống.

Nhưng Carter chỉ trích nặng nề lập trường của Nixon–Kissinger đối với Trung Quốc: “Chúng ta không nên bợ đỡ họ như cách Nixon và Kissinger đã làm.”

Ban đầu, Carter nghe theo đề nghị của Ngoại trưởng Cyrus Vance, là bình thường hóa quan hệ với cả Bắc Kinh và Hà Nội. Trong khi đó, đứng trên lập trường chống Liên Xô của một người Mỹ gốc Ba Lan, Brzezinski ngả về phía Trung Quốc để lên án cả Moscow và Hà Nội.

Với lập trường chống Liên Xô, Brzezinski, ngay từ đầu năm 1978, đã xem xung đột Việt Nam–Campuchia là một “cuộc chiến ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Liên Xô.”

Mỹ và Trung Quốc chính thức phục hồi quan hệ ngoại giao vào ngày đầu tiên của năm 1979. Một tuần sau, quân đội Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh.

Khả năng bình thường hóa quan hệ với Mỹ nay được đặt ra với điều kiện Hà Nội rút toàn bộ quân đội ra khỏi Campuchia.

Đặng Tiểu Bình, trong vai trò Phó Thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, bay đi Washington ngày 28/1/1979. Vài giờ sau khi tới Washington, ông Đặng ăn tối tại nhà cố vấn quốc gia Zbigniew Brzezinski. Tại đây, ông gây ngạc nhiên khi yêu cầu có cuộc họp đặc biệt với tổng thống Jimmy Carter để bàn chuyện Việt Nam.

Ngày 29/1 tại Phòng bầu dục, Đặng – cùng bộ trưởng ngoại giao Hoàng Hoa và thứ trưởng ngoại giao Zhang Wenjin – tiếp xúc với tổng thống Carter, phó tổng thống Walter Mondale, ngoại trưởng Cyrus Vance và Brzezinski.

Theo ghi chép của Brzezinski, lãnh đạo Trung Quốc tiết lộ quyết định sắp đánh Việt Nam. Ông Đặng nói để đáp trả sự bành trướng của Liên Xô, Bắc Kinh “thấy cần thiết kiềm hãm tham vọng của Việt Nam, cho họ một bài học hạn chế phù hợp”.

Đặng cũng nêu khả năng Liên Xô sẽ phản ứng ra sao. Trong “khả năng xấu nhất”, Trung Quốc “sẽ cầm cự” và chỉ yêu cầu Mỹ có “ủng hộ tinh thần” trên trường quốc tế.

Tổng thống Carter không phản hồi, mà chỉ nói Trung Quốc cần kiềm chế trong tình hình khó khăn.

Carter nói không nên đánh VN

Ngày hôm sau, ông Đặng nhận lá thư tay của Carter, nói Trung Quốc không nên đánh Việt Nam. Tổng thống Mỹ nói chiến tranh trừng phạt hạn chế không có tác dụng với việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia, và có thể kéo Trung Quốc vào hố sâu.

Có đánh giá khác nhau về lá thư tay này của Carter. Ví dụ, Gregg A. Brazinsky, trong sách Winning the Third World: Sino-American Rivalry during the Cold War (in năm 2017), cho rằng Nhà Trắng muốn tránh bị xem là đồng lõa với Trung Quốc nhưng cũng không muốn phá vỡ việc bình thường hóa với Trung Quốc. Vì vậy, giải pháp là lá thư tay của Carter. Mỹ hiểu rằng lá thư không đủ để ngăn cản Trung Quốc. Nhưng với việc viết thư, tổng thống Carter có thể làm im lặng những người chỉ trích trong khi không phải trừng phạt Trung Quốc.

Đến ngày 30/1, lại gặp Carter lần nữa, Đặng khẳng định phải trừng phạt Việt Nam và rằng quân Trung Quốc sẽ chỉ đánh ngắn ngày.

Zhang Xiaoming, trong cuốn Deng Xiaoping’s long war: the military conflict between China and Vietnam, 1979-1991 (in năm 2015) nói Đặng không tin rằng Mỹ sẽ lên án Trung Quốc vì hành động quân sự.

Khi quay về Bắc Kinh, Đặng dường như đánh giá rằng Mỹ đã không bác bỏ hay chỉ trích kế hoạch đánh Việt Nam, và đã có quan hệ chiến lược mới giữa hai nước để chống Liên Xô.

Hai ngày sau khi Đặng về Bắc Kinh, hôm 11/2, Bộ Chính trị Trung Quốc họp bàn. Tại đó, Đặng giải thích mục tiêu tấn công Việt Nam.

Quân khu Quảng Tây và Vân Nam nhận lệnh tấn công. Ngày 14/2, Trung ương đảng Trung Quốc gửi văn bản cho các chi bộ, quân khu, bộ ngành giải thích rằng cần đánh Việt Nam để tự vệ. Theo Zhang Xiaoming, văn bản nói rõ chiến tranh sẽ chỉ hạn chế về không gian, thời gian và quy mô.

Trước đó, ngày 6/2, cố vấn Brzezinski có văn bản gửi tổng thống Carter. Trong đó, Brzezinski nói Mỹ không nên công khai ủng hộ hay lên án việc Trung Quốc đánh Việt Nam.

Brzezinski khuyên Carter hãy kêu gọi rút toàn bộ quân các bên khỏi Đông Dương, tức là đòi cả Trung Quốc và Việt Nam rút quân. Nó sẽ giúp khủng hoảng kết thúc mà không làm bên nào có vẻ phải đầu hàng.

Theo Gregg A. Brazinsky, sau khi chiến tranh xảy ra ngày 17/2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Brzezinski tiếp tục giúp củng cố quan điểm của Trung Quốc, dù đôi khi Brzezinski gặp phản đối từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong suốt ba tuần khi chiến tranh nổ ra, Brzezinski thành công khi bác bỏ ý kiến của Bộ Ngoại giao Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc.

Trong lúc chiến sự diễn ra, Brzezinski mỗi buỗi chiều lại gặp đại sứ Trung Quốc Sài Trạch Dân để thông báo hoạt động của quân Liên Xô dọc biên giới Xô–Trung và cho hay những thông tin tình báo vệ tinh khác.

Từ đầu năm 1978 trở đi, cùng với ảnh hưởng gia tăng của Brzezinski, Washington không còn xem Hà Nội là một nước độc lập trong vùng mà là một “Cuba phương Đông”, tiêu biểu cho tham vọng bành trướng của Liên Xô.

Lập trường đối ngoại của Brzezinski tìm thấy điểm chung ở ban lãnh đạo Trung Quốc.

Moscow biết Đặng sẽ đánh VN nhưng tin rằng HN tự lo được

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47215657 – 13/2/2019

Một tài liệu ngoại giao của Mông Cổ thời XHCN cho hay từ ngày 9/02 năm 1979, Moscow đã biết Đặng Tiểu Bình sẽ tấn công Việt Nam.

Tuy thế, giới chức Liên Xô khi đó chia sẻ với Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ, ông D. Yondon. rằng Hà Nội thừa sức chống lại quân Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ – Liên Xô là quan trọng nhất

Tài liệu đã giải mật hiện được lưu trữ tại Wilson Center, Hoa Kỳ cho hay biên bản của Đại sứ quán Mông Cổ ở Moscow về chuyến thăm của Thứ trưởng Yondon đã bàn nhiều về căng thẳng trong khu vực châu Á.

Tiếp ông Yondon và phái đoàn Mông Cổ, vào hai dịp khác nhau, trong ngày 9 tháng 2/1979, là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Liên Xô Viktor Maltsev, và Vụ trưởng Vụ Viễn Đông I, Mikhail Kapitsa. Hai bên thảo luận về tình hình Mông Cổ, quan hệ Xô–Trung, căng thẳng Việt – Trung và tình hình Bắc Triều Tiên.

Phía Liên Xô lên án chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình sang Hoa Kỳ và cho rằng “chuyến đi nhằm đem Trung Quốc vào quỹ đạo và ô hạt nhân của Mỹ, giải tỏa vấn đề Đài Loan và ngưng thỏa thuận SALT-2”. Nhưng quan chức Liên Xô nói thẳng với đồng minh Mông Cổ rằng: “Quan hệ Trung–Mỹ phụ thuộc vào tầng vóc và mức độ của quan hệ Xô–Mỹ”, và rằng “Đặng đã phạm một sai lầm lớn”.

Quan chức Bộ Ngoại giao Liên Xô cười nhạo ông Đặng, trích báo Mỹ gọi ông ta là “có cá ăn thịt người biết cười’ (smiling barracuda).

Theo phía Liên Xô, báo Mỹ thừa hiểu nguy hiểm của việc Hoa Kỳ bị kéo vào một phe của chiến tuyến chống Liên Xô.

Bộ Ngoại giao Liên Xô cũng tin rằng mục tiêu xin trợ giúp tài chính từ Mỹ của ông Đặng để hỗ trợ Bốn Hiện đại hóa “sẽ không thành”.

Vụ trưởng Mikhail Kapitsa cũng cho khách Mông Cổ hay phía Liên Xô sẵn sàng hủy Hiệp ước Tương trợ Liên Xô–Trung Quốc ký từ năm 1950, nhưng đợi để phía Trung Quốc ra quyết định trước.

Liên Xô lo ngại về căng thẳng biên giới Việt–Trung

Về tình hình Việt Nam, ông Kapitsa nói:

“Những gì đang xảy ra ở biên giới Việt Nam khiến Liên Xô lo ngại ghê gớm. Trung Quốc đã tập trung 18 sư đoàn ở biên giới, nhưng quân đội Việt Nam có một triệu quân, và được trang bị tốt, huấn luyện tốt, có khả năng chiến đấu cao.”

“Nếu xảy ra chiến tranh đánh Việt Nam, đối thủ sẽ phải đánh tốt, nếu không sẽ bị nghiền nát. Và nếu xảy ra chiến tranh, dư luận thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam. Trung Quốc thực sự sợ Liên Xô. Nhưng Trung Quốc sẽ tấn công một cú vào Việt Nam. Nhiều khả năng họ làm như đã làm với Ấn Độ năm 1962, xâm nhập vào 20-30 km, sau đó họ sẽ tìm cách bắt sống nhiều bộ đội Việt Nam, để đáp trả việc Việt Nam bắt quân Trung Quốc ở Campuchia (?)”

Nhưng ông Kapitsa nói đùa rằng phía Việt Nam “có thể đánh ngược vào đất Trung Quốc 10-15 km”.

Phía Liên Xô nói cho đoàn khách Mông Cổ rằng “Nếu có nhu cầu tấn công Trung Quốc để bảo vệ Việt Nam, chúng tôi sẽ cho các anh biết”.

Liên Xô khẳng định các quân đoàn ở Viễn Đông và quân khu Zabaikal đã nhận các quân lệnh đặc biệt.

Sau đó, cuộc nói chuyện chuyển sang chủ đề Bắc Triều Tiên. Ở đây, quan chức Liên Xô phàn nàn rằng cũng lại Trung Quốc thúc đẩy Bình Nhưỡng gây ra lắm chuyện. Chẳng hạn, chính quyền Triều Tiên vừa ngưng các ấn bản tuyên truyền chống Moscow thì đã xin Liên Xô 2 tỷ USD vũ khí.

Ông Kapitsa cho hay, “chúng tôi sẽ chỉ cho họ 100 triệu mà thôi vì không có gì phải vội trong việc giúp Bắc Triều Tiên”.

Ông chia sẻ với ông Yondon rằng thời Khruschchev, Liên Xô đã vội vã làm thân với Albania không đạt gì, và nay, với Triều Tiên thì họ cần thận trọng.

Tuy vậy, ‘Anh Cả’ Liên Xô nói với Mông Cổ rằng: “Thế nhưng các anh cần giữ quan hệ thật tốt với Triều Tiên.”

Cuộc trao đổi đi tiếp sang đấu đá nội bộ Đặng Tiểu Bình – Hoa Quốc Phong tại Trung Quốc mà Liên Xô cho rằng như “hai con dê qua cầu” và một con “có thể lộn cổ xuống suối”.

Nhìn chung, trong trao đổi ngoại giao, quan chức Liên Xô không giấu sự ghét bỏ với lãnh đạo Trung Quốc. Ông Mikhail Kapitsa nói với thứ trưởng Mông Cổ rằng cả Đặng và Hoa “đều là hai kẻ lạc hậu trong tư duy và không biết điều hành kinh tế.”

Vào thời điểm đó, Liên Xô tin rằng “phải đến năm 2000, Trung Quốc mới đạt mức khai thác dầu bằng Liên Xô năm 1977”, và rằng chương trình hiện đại hóa kinh tế của Đặng Tiểu Bình cần 60% vốn nội bộ, và 40% từ bên ngoài mà Trung Quốc sẽ “không thể nào trả nổi”.

Ngày 17/02/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong cuộc chiến kéo dài đến 16/03.

Liên Xô lên án mạnh mẽ nhưng không tấn công Trung Quốc ở vùng Viễn Đông và chỉ hỗ trợ Việt Nam từ xa.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

https://thanhnien.vn/thoi-su/40-nam-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-khong-the-quen-1050993.html – 13/02/2019

Mai Thanh Hải

Kỳ 1: Không thể quên!

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 – 17.2.2019): Trên từng tấc đất, vạt rừng Tổ quốc, những người lính, người dân Việt đã kiên cường đánh trả quân xâm lược.

Sáng sớm 17.2.1979, Trung Quốc đưa hơn 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới ồ ạt tràn qua biên giới, tấn công 6 tỉnh phía bắc nước ta, tàn sát dân lành vô tội. Trên từng tấc đất, vạt rừng Tổ quốc, những người lính, người dân Việt đã kiên cường đánh trả quân xâm lược. Rất nhiều người đã ngã xuống, dựng nên trang sử hào hùng của dân tộc mà mỗi chúng ta mãi mãi không thể quên, không được phép lãng quên.

Trong căn nhà nhỏ nằm nép bên chợ Phố Ràng (TT.Phố Ràng, H.Bảo Yên, Lào Cai), cựu chiến binh Phan Doãn Năm (61 tuổi, quê H.Vũ Thư, Thái Bình) ngồi nhớ rành mạch những tháng ngày trực tiếp chống quân xâm lược, dù đã 40 năm trôi qua.

Đánh đến viên đạn cuối cùng

Tháng 7.1977, ông Năm nhập ngũ vào Công an nhân dân vũ trang (CANDVT, nay là Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái). Đầu tháng 1.1978, khi tình hình biên giới có dấu hiệu căng thẳng, ông được đưa về trường hạ sĩ quan cảnh sát bảo vệ (nay là trường trung cấp cảnh sát vũ trang) học võ thuật. Tháng 8.1978, hạ sĩ Phan Doãn Năm được rút về CANDVT Hoàng Liên Sơn làm tiểu đội trưởng huấn luyện chiến sĩ mới nhập ngũ. Cuối năm 1978, cả đại đội tân binh được chuyển phiên hiệu thành Đại đội 3 cơ động của CANDVT tỉnh, cấp tốc hành quân lên Mường Khương xây dựng trận địa, sẵn sàng chiến đấu.

“Tháng 12.1978, chúng tôi lên tới thôn Sả Chải của xã Pha Long. Việc đầu tiên là nhận điểm chốt, đào hầm hào công sự và ngăn chặn lính Trung Quốc xâm nhập biên giới”, ông Năm nhớ lại.

Đêm gần Tết Kỷ Mùi 1979, tổ công tác 4 người do ông làm tổ trưởng tuần tra đến ngã ba sông Xanh (đầu nguồn sông Chảy, giáp giới 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai, VN và bên kia là Trung Quốc) thì gặp tốp thám báo Trung Quốc gồm 8 tên. Lính Trung Quốc ỷ đông định bắt sống bộ đội ta nhưng bị đánh trả quyết liệt và ông Năm dùng võ thuật giải cứu đồng đội, đẩy địch về bên kia biên giới.

“Chúng tôi có mang đầy đủ súng đạn nhưng hồi ấy lệnh của trên là không được nổ súng trước”, ông Năm kể.

Rạng sáng 17.2.1979 là thứ bảy, 21 tháng giêng nên vẫn còn không khí tết. Lúc 2 giờ sáng, đang kiểm tra gác thì Tiểu đội trưởng Phan Doãn Năm nghe tiếng súng nổ bên kia biên giới. Lập tức, ông báo động đơn vị sẵn sàng chiến đấu và dẫn 1 tổ cơ động lên trận địa trên chốt, vừa lúc pháo binh từ bên kia biên giới bắn trùm lên toàn xã Pha Long. Sau khoảng nửa tiếng pháo dội cấp tập, ông Năm ra vị trí quan sát thì thấy xung quanh lô nhô toàn lính Trung Quốc. Thì ra chúng đã bao vây đơn vị từ lúc nào.

“Lúc ấy không đợi lệnh trên, tôi ra lệnh nổ súng đánh trả. Đánh nhau đến 9 giờ sáng thì chúng rút. Chúng tôi không thể liên lạc với trung, đại đội nên bảo nhau củng cố hầm hào công sự, tiếp tục chiến đấu. Từ tối 17 đến sáng 18.2, lính Trung Quốc ào ạt tấn công chúng tôi theo hiệu lệnh tù và nhưng không chiếm được chốt Sả Chải. Rạng sáng 19.2.1979, tiểu đội phải rút khỏi chốt vì sau 2 ngày đêm chiến đấu đã cạn kiệt đạn dược, đồ ăn nước uống”, ông Năm rành mạch.

Ông Lê Lừng, nguyên chiến sĩ Đại đội 3 CANDVT Hoàng Liên Sơn, kể lại: “Anh em có đường rút bởi anh Năm liều mình tiếp cận vị trí tập trung quân của địch, bắn liên tiếp 4 quả đạn B40 khiến chúng thương vong nặng, kêu khóc hoảng sợ giãn ra”.

Đêm 19.2.1979, Tiểu đội trưởng Phan Doãn Năm mới gặp được thượng úy Đại đội trưởng Vàng Seo Sáy và được biết “Các đơn vị trong đại đội bị mất liên lạc với nhau ngay từ rạng sáng 17.2 vì địch bao vây tấn công. Nhiều cán bộ trung đội đã hy sinh”. Nhận lệnh phối hợp cùng đồn Pha Long và chốt 177 của bộ đội địa phương cầm cự bảo vệ đồn bằng mọi cách, nhưng đến rạng sáng 23.2 Tiểu đội trưởng Phan Doãn Năm và chiến sĩ Nguyễn Văn Hiền cũng phải rút khỏi Pha Long bởi bộ đội bị thương vong, bị lạc và mỗi người chỉ còn nửa băng đạn AK.

Nhóm của ông Năm mất gần 2 ngày ở khu vực Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ và bị phục kích ngay bản Lũng Pâu của xã Tung Chung Phố. Lính Trung Quốc bắn như đổ đạn khiến ông bị gãy chân, nằm sau vách đá bắn tỉa cản đường cho đồng đội rút. Mãi đến khuya, khi lính Trung Quốc bỏ ý định bắt sống, ông mới bò lết gần 2 ngày đêm về TT.Mường Khương, trên lưng là khẩu AK hết đạn và ngực đeo quả lựu đạn “để giật nổ tự sát và diệt địch, nếu bị chúng bao vây bắt sống”.

Từ TT.Mường Khương, ông Năm được 2 nữ nhân viên thương nghiệp thay nhau cõng về xã Cao Sơn (H.Mường Khương), men theo bờ sông Chảy tới trạm phẫu thuật tiền phương ở đầu cầu Bảo Nhai. Hành trình của ông và 2 cô gái kéo dài 4 – 5 ngày đêm.

Xin được trở lại mặt trận

“Ngày tôi chiến đấu ở Mường Khương, mẹ và em tôi bị lính Trung Quốc giết hại. Cúng 100 ngày cho mẹ và em xong, bố tôi cũng nằm xuống”, người cựu binh lặng lại.

Thời điểm tháng 2.1979, gia đình ông Năm ở KP.5, khu Duyên Hải, TX.Lào Cai (nay là P.Duyên Hải, TP.Lào Cai). Ông là con thứ 4 trong gia đình, trên có 3 anh chị và sau ông là em gái Phan Thị Sáu đang học lớp 10. Rạng sáng 17.2.1979, Trung Quốc bất ngờ nã pháo và bắc cầu phao cho lính tràn sang tấn công TX.Lào Cai. Gia đình ông Năm cũng như hàng nghìn gia đình trong thị xã phải tứ tán chạy giặc. Anh trai Phan Nhật Quang đưa vợ vừa sinh con và bố Phan Doãn Năng đang ốm về phía sau. Chị gái Phan Thị Tư lạc đường, mãi mới tìm về Yên Bái với chị Phan Thị Lịch. Riêng mẹ Đoàn Thị Dần (lúc đó 54 tuổi) cùng cô út Phan Thị Sáu kẹt lại thị xã, lính Trung Quốc tràn vào bắn chết cả 2 mẹ con ngay ngã ba Công Ty, trên đường từ thị xã lên H.Bát Xát.

Đầu tháng 3.1979, khi đang nằm điều trị tại bệnh viện 6 tiền phương (lúc ấy đóng tạm ở xã Tây Cốc, H.Đoan Hùng, Phú Thọ), ông Năm bất ngờ thấy anh Quang và chị Tư đạp xe đến tìm và òa khóc: “Tìm thấy em rồi, nhưng vẫn không thấy mẹ và út đâu”. Ông nằng nặc xin ra viện, chống nạng về quê nội Thái Bình tìm mẹ nhưng không thấy, đành về lại đơn vị điều trị. Được mấy ngày thì nghe tin hàng xóm tìm thấy xác của mẹ và em nằm dưới tấm liếp ven đường, chỉ cách nhau vài mét. Không biết chính xác ngày mất, gia đình ông Năm lấy ngày 22.2 làm ngày giỗ cho 2 người thân.

Ngày cúng 100 ngày là 24.5.1979, vừa làm xong lễ thì bố Phan Doãn Năng không chịu nổi mất mát, ra đi theo vợ con. “Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc cướp đi nửa gia đình tôi. Hồi ấy, tôi xin được đi chiến đấu tiếp nhưng cấp trên không đồng ý vì là thương binh và cuối tháng 12.1980 cho tôi xuất ngũ”, ông Năm ứa nước mắt và cho biết gần 40 năm nay, sáng 17.2 nào ông cũng dậy sớm thắp 3 bát hương không có ảnh thờ…

Sau khi xuất ngũ, thượng sĩ Phan Doãn Năm chuyển ngành sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi tách tỉnh, ông chuyển công tác lên Viện Kiểm sát nhân dân H.Bảo Yên (Lào Cai) và năm 2011 nghỉ hưu với chức danh kiểm sát viên sơ cấp 4. Là thương binh 3/4 nên việc di chuyển đi lại rất khó khăn, mãi đến tháng 7.2016 ông mới có điều kiện quay trở lại chiến trường xưa Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) trong dịp cầu siêu cho đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2.1979.

Ông bảo:

“Tôi được sống, vẫn còn may mắn hơn những anh em đã hy sinh. Gia đình tôi tìm được thi hài người thân, còn may mắn hơn hàng nghìn gia đình mất mát trong thị xã. Đã có quá nhiều hy sinh, mất mát trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc nên tôi và đồng đội luôn tự dặn mình không thể quên, không được phép lãng quên”.

Kỳ 2: Anh hùng tuổi đôi mươi

Đối diện với họng súng quân xâm lược, những người lính tuổi đôi mươi dù lần đầu ra trận vẫn không hề run sợ, quyết cảm tử giữ biên cương Tổ quốc. Họ, trong mỗi người VN, luôn là những anh hùng.

Đánh đến viên đạn cuối cùng

Là người dân tộc Tày ở xã Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai), năm 1976 ông Phương nhập ngũ khi mới 20 tuổi vào bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay tách thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái). Tháng 1.1978, tỉnh Lai Châu thành lập Trung đoàn bộ binh 741. Do thiếu quân nên Bộ Quốc phòng điều động 2 tiểu đoàn của Hoàng Liên Sơn và ông Phương nằm trong số đó, biên chế vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 64 của Trung đoàn 741 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu, đóng quân ở xã Pa Nậm Cúm (H.Phong Thổ, Lai Châu).

“Chúng tôi ở chốt tiền tiêu cửa khẩu, nhìn bằng mắt thường thấy rõ mọi hoạt động bên kia, thấy họ tập trung xe pháo, binh lính và suốt ngày đêm chĩa loa sang nói xấu ta, đến điếc cả tai. Đêm 16.2 tự nhiên im phăng phắc, chính trị viên tiểu đoàn Tài Văn Khấn lên tận nơi nhắc nhở: Không đêm nay thì sáng mai sẽ xảy ra chiến sự, mọi người phải cảnh giác”, ông Phương nhớ lại.

4 giờ sáng 17.2.1979, pháo Trung Quốc bắn như mưa vào chốt. Sau đó là bộ binh tràn qua. Tuy chưa bao giờ nghe tiếng pháo, nhưng là người nhiều tuổi nhất và với vai trò tiểu đội phó, ông Phương động viên mọi người: “Chết vì pháo là rất ngớ ngẩn. Ít nhất phải đổi 1 mạng mình với 10 thằng bộ binh nó”. Lời động viên đã xốc cả chốt kiên cường chiến đấu, bẻ gãy 3 đợt tấn công của địch từ rạng sáng đến buổi tối. Rạng sáng 18.2.1979, tức tối vì còn duy nhất chốt tiền tiêu cản đường, phía Trung Quốc cho lính sơn cước bò lên bí mật tập kích.

6 giờ sáng, lạ vì tình hình yên ắng, ông Phương tập trung quan sát, thấy xung quanh tự dưng có nhiều… gốc chuối. Bắn một loạt AK vào “gốc chuối” gần nhất, thấy la hét tiếng Tàu và lăn lông lốc xuống dưới. Cả tiểu đội lập tức vào vị trí đánh trả cũng là lúc những “gốc chuối” bật dậy lao lên mép giao thông hào. Suốt ngày 18.2 ấy, chốt tiền tiêu bị pháo binh giã như giã giò nhưng vẫn kiên cường đánh trả gần 10 đợt tấn công của địch. Gần trưa, ông Phương bị ĐKZ bắn vào vị trí, ngất lịm trong đống đất. Khi tỉnh dậy, thấy tiểu đội trưởng Hoàng Văn Hóa nằm gục ngay cạnh, đầu vỡ toác nhưng ngón tay vẫn để trong vòng cò khẩu RPD. Tiểu đội hy sinh 6 người. Ông Phương động viên: “Ban ngày thế này, rút là chết. Cố cầm cự đến tối” và lệnh để sẵn lựu đạn trong túi áo từng người, nếu hết đạn mà bị bắt thì nổ diệt địch.

Đến chiều, cả chốt hy sinh hết, còn mỗi ông chạy đi chạy lại bốn phía chiến đấu và 2 thương binh nặng ngồi trong hầm lắp đạn. “Tôi sử dụng các loại súng, bắn mấy chục quả cối 60 mm đến điếc đặc. Chiều tối, xe tăng địch tràn lên. Tôi bắn quả B40 cuối cùng. Tranh thủ lúc chúng nhốn nháo, tôi ôm 2 thương binh lăn xuống chân đồi, trốn thoát”, người anh hùng nhớ lại.

Dìu đồng đội ra tới trạm T2 hậu cứ biên phòng cách đó 2 km vẫn thấy lính Trung Quốc sục sạo; đêm thấy rõ xe tăng và dân binh chúng rầm rập kéo ra Phong Thổ. Không thể rút theo quốc lộ, ông Phương buộc cây chuối thành bè, cho 2 thương binh ngồi trên và đẩy xuôi theo sông Nậm Na sang địa phận Sìn Hồ. 2 ngày đêm dắt, cõng thương binh, thức ăn chỉ là ngọn cây lau, cuối cùng ông cũng đưa được thương binh ra tới trung đoàn bộ ngoài Phong Thổ. “Mọi người ôm chúng tôi khóc, cứ nghĩ là tiểu đoàn bị xóa sổ hết rồi”, ông Phương cười, kể tiếp: “Hôm sau, tôi xin đi theo trung đội cảm tử vào giải vây cho Tiểu đoàn 1 bị bao vây ở Dào San. Cấp trên từ chối nhưng tôi bảo: Giờ ai biết lính Trung Quốc hơn tôi. Nghe xong các ông ấy đành chịu”.

Khí chất người lính

Giữa tháng 3.1979, sau khi quân Trung Quốc rút, binh nhất Hoàng Minh Phương được phong quân hàm trung sĩ. Cuối tháng 12.1979, ông được tuyên dương danh hiệu AHLLVT và về Yên Bái học tiếp lớp 6. Năm 1985, ông làm trợ lý chính sách tại Sư đoàn 326 (Quân khu 2). 1987 chuyển công tác về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn và 1988 thì xin nghỉ mất sức về quê hương với quân hàm đại úy.

Thời ấy, Cam Cọn là xã vùng sâu vùng xa của H.Bảo Yên, nằm giữa vùng đồi núi tiếp giáp dãy Hoàng Liên Sơn và sông Hồng. Người Tày ở Cam Cọn, dù có chăm chỉ đến mấy cũng phải gạt nước mắt nhìn lúa ngô bị đất sạt, nước lũ cướp mất và đành chịu cho lau lách lấn ruộng. Nhà ông cũng thế. Nhìn 3 đứa con 1 đến 5 tuổi, vợ vất vả làm ruộng không đủ gạo ăn, ông Phương nghiến răng “phải sống” và vác dao đi… khai hoang.

Sáng sớm nắm cơm vác dao, tối mịt mới lếch thếch về đến nhà. Cứ thế mấy năm liền, ông làm sạch được 6 sào đất trồng lúa, hoa màu. Thấy AHLLVT quá vất vả, lãnh đạo xã bố trí cho thêm 3 sào đất lúa, cộng với 3 sào có trước của vợ, thế là ông hì hục trồng cấy, biến hoang vu thành vùng cây trái tốt tươi.

Về địa phương, ông tham gia HĐND theo đề nghị của xã. 15 năm làm cán bộ, chức cao nhất là phó chủ tịch HĐND xã nhưng ông chưa khi nào đòi hỏi ưu tiên, chế độ. Các con ông đều được dạy phải tự lập mưu sinh, vươn lên bằng chính sức lực của mình… “Tôi bảo các con, giờ dù cuộc sống mưu sinh có vất vả thế nào, cũng còn sướng gấp vạn lần chiến tranh giặc giã. Mình con nhà nông gắn bó với ruộng vườn, cũng có cái an nhiên sung sướng mà người nhiều tiền của không có được”, người anh hùng nói và cả quyết: “40 năm trước, tôi ăn ngọn cây lau, uống nước lá mà vẫn chặn đường quân giặc và tìm được đường về với cuộc sống, cơ mà…”

Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến “kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ”

http://ttvn.vn/doi-song/chien-tranh-bien-gioi-1979-cuu-pho-thu-tuong-tq-mang-quan-doi-tac-chien-kem-coi-ngu-xuan-ho-do-8201915212521889.htm

Hải Võ – Đồ họa: Mạnh Quân | 15/02/2019

Quyết định tiến hành xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 đã được nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra trong một cục diện chính trị nội bộ như thế nào?

Thể chế chỉ huy quân sự của ở Trung Quốc.

Vào năm 1979, thể chế lãnh đạo quân sự của đảng Cộng sản Trung Quốc về cơ bản vẫn tiếp nối chế độ được hình thành từ năm 1954.

Tháng 9/1954, Quốc hội Trung Quốc khóa 1 quyết định thành lập Bộ Quốc phòng thuộc Quốc vụ viện, đồng thời Bộ chính trị Trung Quốc quyết định thành lập Quân ủy trung ương đảng thống lĩnh toàn bộ lực lượng vũ trang trong cả nước. Quan ủy trung ương báo cáo công tác với Bộ chính trị.

Ban đầu khi mới thành lập, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa được định hình như một thực thể, nhưng với việc Phó chủ tịch thường trực Quân ủy – nguyên soái Bành Đức Hoài – kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ này trên thực tế trở thành cơ quan phục vụ đối ngoại của Quân ủy trung ương.

Từ đây, việc Phó chủ tịch thường trực Quân ủy kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng trở thành một thông lệ. Nhân vật này là người nắm giữ binh quyền bên trong ĐCSTQ. Sau Bành Đức Hoài thì các nguyên soái khai quốc của Trung Quốc như Lâm Bưu, Diệp Kiếm Anh… đều từng kinh qua các chức vụ như thế.

Một năm trước khi Trung Quốc phát động cuộc xâm lược Việt Nam, tại kỳ họp Quốc hội khóa 5 tháng 2/1978, Phó chủ tịch Quân ủy Từ Hướng Tiền – cũng là một nguyên soái khai quốc – được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng và thay Diệp Kiếm Anh kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng.

Trước đó, tại Đại hội toàn quốc khóa 11 của ĐCSTQ tháng 8/1977, trong số 5 phó chủ tịch Quân ủy – gồm Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Lưu Bá Thừa, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn – không xuất hiện nhân vật “phụ trách công tác thường trực”. Thực tế, việc Từ làm Bộ trưởng Quốc phòng được coi là mặc định kiêm nhiệm vai trò Phó chủ tịch thường trực, nhưng không nêu rõ trong đại hội đảng như một cách “thỏa hiệp” với các nhân vật còn lại.

Dang Tieu Binh & Hua The Huu
Hứa Thế Hữu (phải), Tư lệnh chiến tuyến phía Đông, và Đặng Tiểu Bình (Ảnh: iFeng)

Việc bổ nhiệm Từ Hướng Tiền tại Quốc hội Trung Quốc được cho là đề xuất của Chủ tịch ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy, Thủ tướng Hoa Quốc Phong – người kế thừa của Mao Trạch Đông. Động thái này nhằm tạo “đòn bẩy” với hai nhân vật có quyền lực lớn vào thời điểm đó: Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình.

Như vậy, cơ chế chỉ huy quân sự khi Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam là: Hoa Quốc Phong làm thống soái tối cao, Từ Hướng Tiền chịu trách nhiệm báo cáo với Chủ tịch Quân ủy và Bộ chính trị, Đặng Tiểu Bình – Phó chủ tịch ĐCSTQ, Phó chủ tịch Quân ủy, Phó thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội – phụ trách trực tiếp chỉ huy quân sự. Hoạt động chỉ huy ở mặt trận được chia thành hai hướng Đông/Tây, giao cho Tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu và Tư lệnh quân khu Côn Minh Dương Đắc Chí.

Trong chuỗi chỉ huy này, Phòng tác chiến Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc sẽ báo cáo kế hoạch tác chiến đầu tiên tới Đặng Tiểu Bình, Đặng phê chuẩn xong sẽ chuyển cho Từ Hướng Tiền, Từ trình kế hoạch cho Quân ủy, Bộ chính trị Trung Quốc ra quyết sách, sau đó mệnh lệnh được gửi xuống các quân khu Quảng Châu, Côn Minh thi hành. Nói cách khác, Bộ tổng tham mưu Trung Quốc là đầu mối trước tiên trong toàn bộ kế hoạch quân sự xâm lược Việt Nam.

Trong cuốn tự truyện của mình, Từ Hướng Tiền – một trong số nhân vật then chốt của cuộc chiến – từ chối đề cập bất kỳ chi tiết nào về cuộc chiến tranh cuối cùng mà ông ta góp phần. Góc khuất trong chính trường Trung Quốc xoay quanh cuộc chiến phi nghĩa này cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn.

Ý đồ xâm lược bị phản đối

Ngày 16/1/1979, một tháng trước cuộc xâm lược, tân nhiệm Ủy viên Ban thường vụ Quân ủy trung ương, Chánh văn phòng Quân ủy Trung Quốc Cảnh Tiêu hé lộ những ý kiến được nêu ra ở Trung Quốc về kế hoạch chống lại Việt Nam.

Theo đó, tháng 11/1978, Phó chủ tịch ĐCSTQ Uông Đông Hưng và Chính ủy thứ nhất hải quân, Ủy viên Bộ chính trị Tô Chấn Hoa (qua đời tháng 2/1979) đề xuất đưa binh lính hoặc hải quân đến Campuchia nhằm hỗ trợ chế độ Pol Pot. Ủy viên bộ chính trị, tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu thì đề xuất tấn công Việt Nam.

Cảnh Tiêu cho hay, các lãnh đạo ĐCSTQ khi đó đã bác bỏ tất cả đề xuất sử dụng vũ lực. Trong cuốn sách China’s War with Vietnam, 1979, tác giả King C. Chen cho rằng báo cáo của Cảnh Tiêu chỉ nhằm che giấu kế hoạch thực sự của Bắc Kinh, bởi hoạt động bố trí binh lực cho cuộc xâm lược cơ bản đã được hoàn thành vào tháng 1/1979.

Cảnh Tiêu không đề cập vai trò của Đặng Tiểu Bình trong quá trình ra quyết sách nói trên, nhưng giai đoạn tháng 11/1978 trùng với thời điểm bùng lên cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt trong chính trường Trung Quốc.

Trong khi có các luồng ý kiến khác nhau về hướng sử dụng vũ lực của Trung Quốc, nguyên soái Diệp Kiếm Anh và đại tướng Túc Dụ được cho là đã chống lại chủ trương xâm lược Việt Nam. Theo trang Đa Chiều, lập trường của Diệp và Túc xuất phát từ mối lo ngại Liên Xô sẽ “động binh” ở biên giới phía Bắc Trung Quốc nếu Bắc Kinh dám tấn công Việt Nam, trong khi việc đầu tư chi phí cho một cuộc chiến tranh vào thời điểm nền kinh tế-xã hội Trung Quốc kiệt quệ sau Cách mạng văn hóa là quyết định không sáng suốt.

Đa Chiều cho hay, Túc Dụ từng bị phê bình trong sự kiện “chống chủ nghĩa giáo điều” trong quân đội. Đến năm 1979, Túc có cơ hội lật lại hồ sơ, nhưng vì thái độ không tham gia chiến tranh [xâm lược Việt Nam] mà hồ sơ này không bao giờ được xét lại.

Một phát biểu của thượng tướng Trần Tích Liên – cựu tư lệnh quân khu Thẩm Dương, quân khu Bắc Kinh, cựu tư lệnh pháo binh, cựu Phó thủ tướng Trung Quốc – vào tháng 1/1988, được chia sẻ lớn trên diễn đàn Tianya (Trung Quốc). Trong đó, đề cập cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979, Trần chỉ trích tư lệnh Hứa Thế Hữu là “tên điên, kẻ làm loạn, u mê”.

“Ba quân đoàn, hơn một chục sư đoàn, hành quân 60% cơ giới hóa, tấn công chiều sâu, nhưng ngay cả một tập đoàn quân phòng thủ của họ (Việt Nam) cũng không vây ráp được, cuối cùng dẫn đến tình trạng hở sườn, bị họ phản kích,” Trần nói. “Đây gọi là tác chiến kiểu gì? Là cuộc chiến kém cỏi, là cuộc chiến ngu xuẩn, là cuộc chiến hồ đồ…”

Sóng gió chính trường Trung Quốc

Sau khi thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lâm bệnh, tháng 1/1975, Đặng Tiểu Bình giữ chức Phó chủ tịch trung ương đảng, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quân ủy, Tổng tham mưu trưởng quân đội. Đặng được Mao Trạch Đông ủng hộ để chủ trì các sự vụ quan trọng trong đảng, nhà nước và quân đội, bắt đầu xúc tiến chỉnh đốn toàn diện tình hình hỗn loạn do Nhóm 4 tên gây ra trong Cách mạng văn hóa.

Cuộc đối đầu với Nhóm 4 tên leo thang, ngày 7/4/1976, hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc triệu tập không có sự tham gia của Đặng Tiểu Bình, ra quyết định tước toàn bộ chức vụ của Đặng.

Tháng 10 cùng năm, Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh,… tiến hành thanh trừng Nhóm 4 tên, kết thúc Cách mạng văn hóa.

Tại hội nghị trung ương 3 khóa 10 của ĐCSTQ từ 16-21/7/1977, Đặng Tiểu Bình chính thức được trở lại chính trường Trung Quốc lần thứ ba với việc khôi phục các chức vụ Phó chủ tịch đảng, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quân ủy kiêm Tổng tham mưu trưởng – đứng đầu Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân (PLA).

Ban đầu, quyền lực của Đặng không lớn như khi được gọi là “lãnh đạo tối cao” sau này. Thời điểm đó, Hoa Quốc Phong với sự hậu thuẫn của Uông Đông Hưng – cựu thân tín của Mao Trạch Đông – là một thế lực lớn kiểm soát trong đảng, nhà nước và chính phủ. Diệp Kiếm Anh giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy kiêm Bộ trưởng quốc phòng, trong khi Đặng Tiểu Bình phụ trách lĩnh vực ít quan trọng hơn như khoa học và giáo dục.

Trung Quốc leo thang đột biến các hoạt động xâm phạm, khiêu khích vũ trang ở biên giới phía Bắc Việt Nam sau khi Đặng trở lại chức vụ Tổng tham mưu trưởng, từ 812 vụ năm 1976, 873 vụ năm 1977 lên tới 2.175 vụ năm 1978, gây tình hình căng thẳng, phức tạp ở vùng biên giới nước ta.

Cạnh tranh trong chính trường Trung Quốc leo thang từ tháng 8/1977 và cao điểm vào tháng 12/1978. Nếu thời điểm tháng 11, ban lãnh đạo Trung Quốc còn bác đề xuất về xâm lược Việt Nam, thì mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt ngay sau chuyến công du Singapore của Đặng Tiểu Bình, với sự can thiệp của Trần Vân – người phụ trách hoạch định kinh tế kế hoạch dưới thời Mao Trạch Đông.

Dang Tieu Binh & Tran Van
Trần Vân (trái) và Đặng Tiểu Bình tại Di Hòa Viên, Bắc Kinh, năm 1952 (Ảnh: Wikipedia)

Bước ngoặt diễn ra vào ngày 12/11/1978 khi Trần Vân phát biểu tại Hội nghị công tác trung ương (kéo dài từ tháng 11 đến tháng 12), yêu cầu trung ương ưu tiên xem xét xử lý các vấn đề tồn đọng do Nhóm 4 tên gây ra, lật lại hàng loạt vụ thanh trừng trong Cách mạng văn hóa, và điều tra những người sai phạm. Thông điệp của Trần gây ra phản ứng lớn và dẫn đến những diễn biến đột phá của hội nghị.

Tháng 12/1978, tại Hội nghị trung ương 3 khóa 11 – diễn ra 3 ngày sau Hội nghị công tác trung ương, Trần đắc cử Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Phó chủ tịch đảng, đặc biệt là chức vụ Bí thư thứ nhất Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc – cơ quan đầy quyền lực quản lý các ban ngành chính pháp gồm công an, kiểm sát, tòa án, dân chính… Trần tuyên bố nhiệm vụ căn bản của Ủy ban là “gìn giữ quy định pháp luật đảng, chỉnh đốn tác phong đảng”.

Hoi nghi TW3
Hội nghị trung ương 3 khóa 11 của ĐCSTQ, ngày 18-22/12/1978. Từ trái: Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng. Hội nghị phê bình “Hai điều phàm là”, ngưng sử dụng khẩu hiệu “dùng đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh”, phủ định quan điểm phải tiến hành nhiều lần cách mạng văn hóa.

Cũng tại hội nghị này, Trần công khai phản đối học thuyết chính trị “Hai điều phàm là” của Hoa Quốc Phong. Học thuyết này bao gồm: Phàm là quyết sách Mao Trạch Đông thì phải kiên quyết bảo vệ; phàm là chỉ thị của Mao Trạch Đông thì phải trước sau tuân thủ. Tiếng nói của Trần Vân trở thành đòn bẩy quan trọng trong lộ trình đưa Đặng Tiểu Bình lên đỉnh cao quyền lực. Trước thời điểm được khôi phục chức vụ, Đặng đã có cuộc gặp ngày 24/5/1977 với hai nguyên lão Vương Chấn, Đặng Lực Quần để chỉ ra thuyết “Hai điều phàm là” không phù hợp với chủ nghĩa Marx, và tiếp tục nêu lập trường đối lập với Hoa Quốc Phong tại Hội nghị trung ương 3.

Trong khi mối quan ngại về sự can thiệp thực sự của Liên Xô vẫn chiếm đa số trong lãnh đạo đảng, ý kiến của các nguyên lão đã được trưng cầu. Lúc này, Trần Vân nhận định binh lực của Liên Xô ở biên giới Xô-Trung khuyết thiếu nghiêm trọng và phải điều binh từ châu Âu mất khoảng 1 tháng nếu muốn tấn công Trung Quốc. Trần kết luận, nếu thời gian tác chiến (xâm lược Việt Nam) rất ngắn thì khả năng Liên Xô ra tay là rất thấp.

Ezra F. Vogel, tác giả cuốn Thời đại Đặng Tiểu Bình, cho biết Đặng nghe theo cố vấn của Trần Vân và tuyên bố thời gian xung đột sẽ không kéo dài hơn chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 là 33 ngày. Đặng cũng xác định chỉ đánh bộ binh và không sử dụng không quân bởi biết rõ các phi công Việt Nam được huấn luyện thành thục trong chiến tranh hơn nhiều so với không lực Trung Quốc.

Vogel cho hay, bất chấp “sự phản đối phổ biến” của các thành viên trong Quân ủy trung ương, Đặng Tiểu Bình – bằng quyền lực chính trị mới với sự ủng hộ của những nhân vật như Trần Vân, và lập trường phải phản ứng cứng rắn với sức mạnh của Liên Xô – vượt qua những ý kiến phản đối cuộc xâm lược Việt Nam.

Giới chức ở Bắc Kinh tin rằng, Đặng Tiểu Bình phát động và chỉ huy chi tiết cuộc xâm lược nhằm thúc đẩy việc kiểm soát binh quyền sau đó.

Quyền lực đảo chiều sau cuộc chiến

Nhà phân tích chính trị người Hoa Nhuận Đào Diêm bình luận trên trang Đa Chiều, cho rằng kiểm soát quân đội là hành động tất yếu để Đặng Tiểu Bình nắm được quyền lực cao nhất ở Trung Quốc.

Trong số 5 Phó chủ tịch Quân ủy vào năm 1978, Đặng là nhân vật duy nhất không có hàm nguyên soái. Dù quản lý Bộ tổng tham mưu phụ trách chỉ huy quân sự trực tiếp, Đặng chỉ có thể giành lấy tiếng nói trong Quân ủy và trong đảng thông qua một cuộc chiến tranh.

Theo ông Nhuận, trong số phương án vào thời điểm đó, Đài Loan không phải lựa chọn khả thi do PLA không có hải quân hùng mạnh và sẽ phải đối đầu với Mỹ – đồng minh của Đài Loan, còn Bắc Kinh muốn xây dựng quan hệ với Mỹ.

Việc “gây sự” với Liên Xô ở phía Bắc cũng nằm ngoài lựa chọn, dù quan hệ hai nước đã tồi tệ đi trong hàng thập kỷ. Cho nên, bất chấp bị phản ứng nặng nề từ quốc tế khi động binh với nước ngoài, Việt Nam đã trở thành mục tiêu của Đặng.

“Phát súng” công luận đầu tiên nhằm vào nhóm Hoa Quốc Phong-Uông Đông Hưng xuất phát từ bài xã luận trên tờ Quang Minh Nhật báo tháng 5/1978 của Trưởng ban tổ chức trung ương ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, tiêu đề Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm thực tế, chỉ trích trực tiếp thuyết “Hai điều phàm là”.

Vấn đề này sau đó đã được triển khai thảo luận rộng rãi ở các tỉnh thành, quân khu của Trung Quốc. Những nhân vật như Trần Vân, Hồ Diệu Bang, Lý Tiên Niệm,… ủng hộ quan điểm chính trị thực dụng của Đặng Tiểu Bình, khiến phe Hoa-Uông trở thành thiểu số. Diệp Kiếm Anh, dù bất đồng quan điểm trong đề xuất sử dụng vũ lực với nước ngoài, cũng đồng thuận học thuyết của Đặng.

Kết thúc hội nghị trung ương 3 (18-22/12/1978), ngoài Trần Vân làm Phó chủ tịch đảng, những người ủng hộ Đặng Tiểu Bình như Hồ Diệu Bang, Đặng Dĩnh Siêu (vợ của Chu Ân Lai), Vương Chấn đều trở thành Ủy viên Bộ chính trị. Ba ngày sau, Bộ chính trị Trung Quốc quyết định lập Ban bí thư trung ương để hoạt động thay chức năng của Văn phòng trung ương đảng do Uông Đông Hưng quản lý, trong khi Hoa Quốc Phong phải tiến hành tự phê bình khuyết điểm về “đường lối cực tả sai lầm” – mở đầu cho cuộc chuyển giao quyền lực sang Đặng Tiểu Bình.

Sau khi Đặng Tiểu Bình thành công giành ảnh hưởng trong đảng để có thể phát động cuộc xâm lược Việt Nam, ảnh hưởng của Hoa Quốc Phong trong Quân ủy cũng không còn.

Quân đội Trung Quốc đã tổn thất nặng nề trong cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam.

Thống kê cho thấy PLA có đến 9 quân đoàn chủ lực bị tổn thất, 62.500 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu, 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn bị tiêu diệt hoặc thiệt hại nặng, 550 xe quân sự bị phá hủy – trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, 115 khẩu pháo và cối hạng nặng bị phá hủy…

Bất chấp thực tế này, ban lãnh đạo Trung Quốc vẫn tuyên bố “đã đạt được mục tiêu” khi ra lệnh rút quân ngày 5/3/1979.

Dù PLA phải trả cái giá rất đắt về người và của, cuộc chiến thực sự đã đảo chiều quyền lực ở Trung Quốc, với việc Dương Đắc Chí – chỉ huy mặt trận phía Tây trong cuộc xâm lược – được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng thay Đặng vào tháng 3/1980.

Một năm sau đó, Đặng Tiểu Bình trở thành Chủ tịch Quân ủy tại Hội nghị trung ương 6 khóa 11 vào tháng 6/1981 – thay thế Hoa Quốc Phong, rồi Chủ nhiệm Ban cố vấn trung ương ĐCSTQ tại Đại hội khóa 12 của đảng tháng 9/1982.

Hoa Quốc Phong được phê chuẩn từ bỏ các chức Chủ tịch đảng, Chủ tịch Quân ủy tại Hội nghị 6. Từ Đại hội 12, Hoa “trượt” ghế Ủy viên Bộ chính trị, các chức vụ Phó chủ tịch trung ương và Thường ủy Bộ chính trị cũng không còn tồn tại.

Khi Hoa Quốc Phong “xuống đài”, địa vị tối cao trong tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình được duy trì trong toàn bộ thập niên 1980 và cả nửa đầu thập niên 1990, cho đến khi Đặng chết (tháng 2/1997).

Chiến tranh biên giới 1979: Quân TQ thổi kèn tấn công bằng biển người nhưng vũ khí hiện đại nhất còn thua kém VN

http://ttvn.vn/doi-song/chien-tranh-bien-gioi-1979-quan-tq-thoi-ken-tan-cong-bang-bien-nguoi-nhung-vu-khi-hien-dai-nhat-con-thua-kem-vn-8201915211160478.htm

Chỉ Nhàn | 15-02-2019

Các loại vũ khí mà Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979 nhìn chung không hiện đại hơn chúng ta, thậm chí còn kém hơn.

Cách đây 40 năm về trước, rạng sáng ngày 17/2/1979, Bắc Kinh bất ngờ xua hơn nửa triệu quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam sau một thời gian dài tiến hành nhiều hoạt động gây hấn.

Theo các tài liệu phía ta tổng kết sau này, quân xâm lược Bắc Kinh huy động tới 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với tổng số binh sĩ lên tới 600.000 người. Đây được xem là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.

Về mặt vũ khí, chúng triển khai đến 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 948 máy bay sẵn sàng phía sau.

Số lượng thì đã rõ, tuy nhiên bây lâu nay không nhiều tài liệu nhắc tới cụ thể chủng loại vũ khí mà Bắc Kinh sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam 1979.

Vậy Quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam đầu năm 1979 đã sử dụng những loại vũ khí nào, có vượt trội hơn chúng ta khi đó hay không?

Huy động vũ khí hiện đại nhất cũng chỉ ngang ngửa!

Thực tế không có tài liệu nào ghi rõ chi tiết về chủng loại vũ khí mà quân Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. Hoặc cũng có thể những tài liệu như vậy chưa bao giờ được giải mã.

Chỉ biết rằng căn cứ theo hình ảnh tư liệu về cuộc chiến, thời điểm năm 1979, quân đội Trung Quốc có thể nói đã huy động tất cả những gì họ có trong tay, trừ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân ném vào cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Tiểu liên

Về mặt trang bị cá nhân, phần lớn các binh sĩ Trung Quốc sử dụng khẩu súng trường tấn công Type 56 (Việt Nam gọi là K56) được nước này tự sản xuất theo mẫu AK-47 và AKM Liên Xô. Type 56 có cấu tạo và nguyên lý hoạt động tương tự AK-47, chỉ có chút khác biệt nhỏ ở lưỡi lê và đầu ruồi. Súng dùng đạn 7,62x39mm, tốc độ bắn 600-650 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 300-400m, xa nhất 800-1.000m.

Ngoài Type 56, các binh sĩ Trung Quốc còn sử dụng phiên bản báng gấp Type 56-I (tương đương mẫu AKMS của Liên Xô). Thường khẩu này hay trang bị cho các đơn vị trinh sát đặc nhiệm hay lính tăng đòi hỏi khẩu súng gọn nhẹ.

trang bi linh TQ
Trang bị của một lính Trung Quốc bị quân dân bắt sống năm 1979. Vũ khí ngoài lựu đạn còn có khẩu súng carbine Type 56.

Đáng chú ý, cũng căn cứ vào tư liệu hình ảnh, ngoài tiểu liên Type 56, một phận không nhỏ binh sĩ Trung Quốc súng carbine bán tự động Type 56 sản xuất theo mẫu SKS của Liên Xô (Việt Nam thường biết tới cái tên CKC). Cơ bản thì carbine Type 56 không khác gì nhiều SKS khi dùng đạn 7,62x39mm, tốc độ bắn 35-40 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 400m.

Ngoài ra, lính Trung Quốc được ghi nhận là sử dụng mẫu súng trường tấn công Type 63 – thiết kế sản xuất trên cơ sở kết hợp khẩu Type 56 carbine và tiểu liên Type 56. Type 63 có hình dáng khá giống khẩu carbine, tuy nhiên nó sử dụng hộp tiếp đạn kiểu AK-47 nhưng chỉ có 20 viên. Tất nhiên, khẩu súng này bên trong có cơ cấu cơ khí khác biệt cho phép đạt tốc độ bắn liên thanh 680-725 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 100-800m.

Nhìn chung, trang bị cá nhân của binh sĩ Trung Quốc thời điểm năm 1979 chỉ ngang ngửa với Việt Nam, không có gì vượt trội hơn. Lúc bấy giờ, bộ đội ta cũng chủ yếu sử dụng AK/Type 56, CKC và có cả khẩu Type 63.

Trung liên – đại liên

Đối với loại vũ khí quan trọng dùng để tiêu diệt sinh lực địch tập trung, chi viện cho bộ binh chiến đấu, lính Trung Quốc năm 1979 được cho là chủ yếu sử dụng khẩu súng cũng tên là Type 56. Nó được Trung Quốc sản xuất trên cơ sở tham khảo khẩu RPD của Liên Xô. Súng sử dụng cỡ đạn 7,62x39mm với hộp tiếp đạn tang trống 100 viên, tốc độ bắn lý thuyết 650 phát/phút.

Ngoài ra, bộ binh Trung Quốc còn được cho là đã sử dụng khẩu trung liên đa công dụng Type 67 có chút tương đồng với dòng PK Liên Xô. Nó dùng đạn 7,62x54mmR, tốc độ bắn 650-700 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 800-1.000m.

Với đại liên, quân Trung Quốc có thể chủ yếu sử dụng khẩu Type 54 – chế theo mẫu DShK 12,7mm của Liên Xô với cùng tính năng.

chong tang Type 69
Lính Trung Quốc sử dụng súng chống tăng Type 69 và trung liên Type 56.

Súng chống tăng

Thời kỳ này, hỏa lực chống tăng của quân Trung Quốc cũng không hiện đại hơn Việt Nam. Chúng chủ yếu sử dụng khẩu Type 69 được làm trên cơ sở khẩu RPG-7 mà chúng ta thường gọi là B41. Khẩu này được Trung Quốc sản xuất vào năm 1969 để thay thế Type 56 (sản xuất trên cơ sở RPG-2, Việt Nam gọi là B40). Nó có cỡ nòng 40 mm, trọng lượng 5,6 kg, dài 910 mm, tầm bắn hiệu quả 200 m và xa nhất đạt tới 600 m.

Các loại đạn dành cho Type-69 đều do Trung Quốc sản xuất, khác biệt với đạn RPG-7 và không thể lắp chung cho nhau.

Đối với tên lửa chống tăng, năm 1979 được xem là năm ra đời của tổ hợp tên lửa HJ-73 (Hồng tiễn – 73) được Trung Quốc chế tạo theo mẫu AT-3 của Liên Xô. Tuy nhiên, không rõ việc chúng có sử dụng trong chiến với Việt Nam hay không.

Pháo – súng cối

Về loại hỏa khí quan trọng trong thành phần lục quân chuyên dùng để tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy các công sự kiên cố, Trung Quốc năm 1979 đã tung vào cuộc chiến xâm lược Việt Nam toàn bộ các khẩu pháo tốt nhất của mình từ cỡ 76-152mm.

Tuy nhiên, nhìn chung “vua chiến trường” Trung Quốc không có gì tốt hơn Việt Nam, quá lắm chỉ là ngang ngửa. Bởi đa số các loại pháo Trung Quốc sử dụng đều được sản xuất theo mẫu Liên Xô, mà Việt Nam cũng có trang bị y hệt. Thậm chí, nói một cách chủ quan, “hàng chính hãng” Việt Nam có thể tốt hơn hẳn.

luu phao TQ
Lựu pháo Type 54 122mm của lính Trung Quốc.

Có thể điểm qua một vài loại pháo, súng cối như khẩu lựu pháo Type 54 122mm được làm theo mẫu M30 122mm của Liên Xô. Pháo có tầm bắn 11,8km, tốc độ bắn 5-6 phát/phút.

Hay khẩu Type 66 152mm được làm theo khẩu D20 152mm của Liên Xô (cũ). Pháo có tầm bắn 17-18km với đạn pháo thông thường.

Hỏa lực pháo kéo bắn xa nhất mà Trung Quốc huy động xâm lược Việt Nam cũng chỉ là khẩu Type 59 130mm làm theo mẫu M46 130mm (bắn xa 27-28km) mà Việt Nam sử dụng rất thành công trong kháng chiến chống Mỹ.

Với súng cối, binh sĩ Trung Quốc sử dụng phổ biến khẩu Type 67 82mm được làm theo mẫu PM-41 Liên Xô với tầm bắn khoảng 3km. Ngoài ra, quân Trung Quốc có thể còn sử dụng súng cối hạng nặng 160mm Type 56 làm theo kiểu 160mm M1943 của Liên Xô. Khẩu này có tầm bắn 5,1km, nạp đạn bằng đuôi.

Tuy không quá nổi bật, nhưng có nhiều hình ảnh xác nhận việc quân xâm lược Trung Quốc đã sử dụng một vài loại pháo phản lực phóng loạt. Ví dụ như Type 70 được chế tạo vào cuối những năm 1960. Loại này thiết kế trên khung gầm xe thiết giáp chở quân Type 63 với bệ phóng 19 ống 130mm, tầm bắn khoảng 11km.

Ngoài ra, có thể quân Trung Quốc còn sử dụng cả các khẩu pháo phản lực Type 63 107mm (kéo xe hoặc là lắp trên thùng xe tải). Trong khi đó, Việt Nam có trong tay pháo phản lực BM-21 Grad thuộc loại hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.

Xe tăng–thiết giáp

Về tăng–thiết giáp, theo các thống kê sau này, quân Trung Quốc trang bị khoảng 550 xe tăng biên chế cho 6 trung đoàn. Chiếm đa số các xe tăng được sử dụng là loại tăng hạng nhẹ Type 62.

Mặc dù lúc bấy giờ, quân Trung Quốc có trong tay loại Type 59 tương đương với T-54 của Việt Nam, địa hình toàn đồi núi ở biên giới phía Bắc Việt Nam đã khiến chúng chỉ có thể sử dụng Type 62 với khả năng cơ động tốt. Cho nên, có thể xem Type 62 là loại xe tăng hiện đại nhất mà quân đội Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

tang Type 62
Bộ đội VN bắt sống xe tăng Type 62 của TQ

Type 62 là phiên bản giản lược từ Type 59 với giáp mỏng hơn (35-50mm), pháo nhỏ (rãnh xoắn 85mm), bù lại nó có tốc độ nhanh 60km/h trên đường bằng và 35km/h địa hình không bằng phẳng.

Đối với xe thiết giáp, quân Trung Quốc năm 1979 chủ yếu sử dụng loại xe thiết giáp chở quân Type 63 – “taxi chiến trường” tiêu chuẩn, tốt nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ. Nó vốn là thiết kế “độc lập” đầu tiên của Trung Quốc mà không đi “tham khảo Liên Xô”. Loại này nhìn chung bọc thép mỏng dày 14mm, trên nóc xe lắp giá súng máy 12,7mm nhưng thiếu tấm thép bảo vệ xung quanh khiến xạ thủ dễ bị tổn thương.

Không quân – Hải quân

Mặc dù được ghi nhận là đã “dự trù” sẵn số lượng hàng trăm máy bay chiến đấu cùng toàn bộ hạm đội Nam Hải hướng biển, nhưng hai lực lượng này không tham chiến.

Nói chung, trang bị vũ khí của quân Trung Quốc năm 1979, dù đã huy động mọi thứ tốt nhất có thể nhưng không hề khá hơn Việt Nam. Nếu không muốn nói rằng, vũ khí Trung Quốc tương tự Việt Nam. Thậm chí, bộ đội Việt Nam có lẽ còn trang bị tốt hơn như thế khi mà chúng ta vừa thu được số lượng lớn chiến lợi phẩm năm 1975.

Ưu thế của Trung Quốc lúc bấy giờ có lẽ là yếu tố bất ngờ, quân số cực đông và điều kiện hoàn cảnh thuận lợi khi mà Việt Nam đang dồn toàn lực đối phó quân Khmer Đỏ trên tuyến biên giới tây-nam. Điều đó khiến cho lực lượng phòng thủ khu vực biên giới phía bắc Việt Nam có phần “mỏng đi” khi chủ yếu gồm các sư đoàn bộ đội địa phương, cảnh sát vũ trang, dân quân tự vệ…

Thế nhưng, diễn biến 30 ngày chiến tranh và kết quả cuộc chiến lại cho thấy điều ngược lại, đông hơn nhưng không có nghĩa quân Trung Quốc giành được thắng lợi “hoàn hảo”. Ngược lại họ vấp phải sự kháng cự dữ dội của quân dân biên giới phía Bắc Việt Nam và hứng chịu thiệt hại nặng nề.

Theo thống kê từ phía Việt Nam, tổng lượng thương vong của quân xâm lược Trung Quốc lên tới 62.500 người.

Kết quả mỗi cuộc chiến, nguyên nhân thắng lợi hay thất bại vẫn luôn gây tranh cãi suốt hàng chục năm không thể ngã ngũ. Tuy vậy, việc Trung Quốc chịu thiệt hại tới 1/10 lực lượng xâm lược Việt Nam có lẽ một phần tới từ chiến thuật biển người cổ lỗ sĩ…

Đủ súng ống vẫn thổi kèn rồi dùng biển người tấn công!

Chiến thuật biển người là một chiến thuật quân sự mà trong đó, một bên dùng số lượng áp đảo của mình tấn công ào ạt đánh giáp lá cà, chấp nhận thương vong bởi lúc xung phong sẽ bị hoả lực của đối phương dễ dàng làm tiêu hao. Chiến thuật này tuy không phải xuất phát từ Trung Quốc nhưng lại được nước này sử dụng liên tục kể từ chiến tranh Trung–Nhật, nội chiến Quốc–Cộng và tới cả chiến tranh Triều Tiên. Cụ thể chiến thuật này bao gồm nhiều làn sóng người. Các làn sóng này liên tục tràn lên nhiều khi không có ranh giới rõ ràng giữa các đợt. Làn sóng đầu tiên được trang bị súng, các làn sóng sau thì không. Khi làn sóng đầu có vũ khí bị tiêu diệt thì những người sau nhặt súng và tiếp tục xung phong.

Ưu điểm của chiến thuật này là tiết kiệm trang bị số lượng súng trên đầu quân, có thể là một khẩu súng dùng cho ba đến bốn người lính. Hơn nữa nó tận dụng được lợi thế số lượng đông đảo của người Trung Quốc, lại cho kết quả rất nhanh khiến đối phương không kịp phản ứng.

Tuy nhiên, ở thời điểm năm 1979 quân đội Trung Quốc cũng gọi là trang bị tương đối hiện đại, mỗi người lính đều có súng ống đạn được đầy đủ. Thế nhưng, điều lạ là họ vẫn sử dụng tiếp kiểu đánh biển người. Thậm chí, họ vẫn áp dụng đúng “nguyên tác” thời xưa, thổi kèn tây làm hiệu lệnh rồi ào ào xung phong.

“Có một điểm rất buồn cười là họ tiến công rất cổ điển khi thổi kèn tây để làm hiệu lệnh cho lính xung phong. Tuy nhiên, cứ thấy nổ súng quân xung phong lại dừng lại”, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 316 trả lời Đại Lộ.

Với kiểu tấn công “ồ ạt như thác lũ”, có lẽ quân Trung Quốc khi đó nghĩ rằng họ sẽ khiến bộ đội Việt Nam sợ hãi. Thế nhưng, chúng đã lầm, bộ đội ta đã kiên cường đánh trả nhiều đợt tấn công của đối phương. Việc xông lên ồ ạt như vậy cũng “tạo điều kiện” cho hỏa lực phía ta “khỏi ngắm cũng trúng”.

Có thể nói, kết quả cuộc chiến là minh chứng rõ nét việc chiến thuật biển người của Trung Quốc hoàn toàn thất bại ở Việt Nam.

Ý kiến người Việt: Lịch sử chiến tranh 1979 ‘bị Trung Quốc bóp méo’

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47244557

15 tháng 2 2019

tuong niem
Một cuộc tưởng niệm cuộc chiến Biên giới 1979 của người dân Việt Nam

Đã có một sự tuyên truyền rất khác biệt giữa hai phía ở hai bên chiến tuyến của cuộc chiến Việt–Trung nổ ra vào ngày 17/2/1979, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên lịch sử ‘đã bị bóp méo’ bởi phía Trung Quốc, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, từ Bộ môn Trung Quốc học, Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói với Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC Tiếng Việt hôm 14/2/2019.

“Vừa rồi tôi có nghe nhà báo Tô Bình – một khách mời từ BBC Tiếng Trung cùng tham gia Bàn tròn – thuật lại những phản ứng của phía Trung Quốc, tôi thấy rõ ràng ở đây đã có một sự tuyên truyền rất khác biệt giữa hai phía, và sự thật của cuộc chiến tranh năm 1979 đã bị bóp méo rất nhiều.

“Ở góc độ của người Việt Nam, tôi thấy rõ ràng tên gọi ‘Phản kích tự vệ’ của cuộc chiến này như thế là không chính xác, rõ ràng là 6 tỉnh biên giới của Việt Nam bị xâm lược và không thể nói chuyện là [có] người anh hùng nào, hay tốt đẹp gì trong việc đi sang [Việt Nam], ở đây không có câu chuyện gì phải tự vệ, bởi vì tất cả mọi chuyện là xảy ra trên đất Việt Nam.

“Tại sao lại gọi là tự vệ? Một đất nước Trung Quốc từ sức người, sức của, từ diện tích cho đến sức dân đều lớn hơn Việt Nam rất nhiều, làm gì có câu chuyện là phải tự vệ với một nước Việt Nam rất là nhỏ, rất là bé, rất là nghèo nàn mà năm 1979 vừa mới ra khỏi bom đạn chiến tranh?”

‘Phản kích tự vệ?’

Nêu ý kiến ngay trước đó, tại Bàn tròn thứ Năm phần nội dung nhìn lại 40 năm cuộc chiến biên giới Việt–Trung, Nhà báo, Biên tập viên Ban BBC Tiếng Trung Tô Bình nói:

“Tôi lớn lên trong những năm thập niên 1980 ở Trung Quốc, ngay sau khi nổ ra cuộc chiến, tôi vẫn còn nhớ giai đoạn ngay sau cuộc chiến đó và suốt thời gian cuộc chiến. Cuộc chiến đậm nét và luôn luôn chiếm một thời lượng lớn trong truyền thông, tuyên truyền ở Trung Quốc.

“Có rất nhiều phim, những bài hát, họ ca ngợi lòng can đảm, quả cảm của những người lính Trung Quốc trong cuộc chiến tranh đó. Tôi vẫn còn nhớ như in một ca khúc, tựa đề là ‘Vinh quang nhuốm máu’ được hát trên truyền hình quốc gia Trung Quốc và trình chiếu trong chương trình tạp kỹ ở Gala lớn mừng năm mới, Tết nguyên đán Trung Quốc năm 1987.

“Ca khúc được một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến biên giới Trung – Việt, anh ta bị thương trong cuộc chiến tranh và phải ngồi xe lăn. Bài hát ngay lập tức trở thành một tiết mục nổi tiếng, cực kỳ ăn khách cho rất nhiều ca sỹ trong nhiều năm tiếp theo, mà trong số những người trình bày có phu nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viện. Bà là một ca sỹ nhạc nhẹ và bà đã trình bày bản đó.”

“Một số nhà bình luận cho rằng tất cả cái này là một phần của điều được gọi là chiến lược tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc để sử dụng cuộc chiến tranh mới xảy ra gần nhất lúc đó để đề cao tinh thần ái quốc và trung thành với Tổ quốc và Đảng Cộng sản v.v…”

Nhân dịp này, nhà báo từ ban BBC Tiếng Trung cũng cho biết sơ bộ những gì bà nhận biết được khi theo dõi dư luận ở Trung Quốc liên quan tròn 40 năm đánh dấu cuộc chiến, bà nói:

“Trên mạng xã hội của Trung Quốc, tôi cũng lướt qua mạng Sina Weibo – được coi là Twitter của Trung Quốc, chuỗi ký tự ‘cuộc chiến Phản kích Tự vệ’ như được biết ở Trung Quốc có khoảng 6 triệu lượt xem và 7 ngàn lời bình luận. Nếu quý vị biết mạng Sina này có tới 340 triệu người sử dụng thường xuyên hàng tháng, thì con số 6 triệu không phải là một con số lớn.

“Và trong số các bình luận trên mạng xã hội, thì tất cả chỉ tập trung vào một chủ đề là những hành động quả cảm anh hùng của Quân giải phóng Trung Hoa như thế nào, rồi sự hy sinh mà những người lính Trung Quốc đã trải qua để bảo vệ Tổ Quốc, nhưng gần như không có một cảm nhận hay bình luận gì về nguyên nhân của cuộc chiến cả. Cũng như những cái giá mà Trung Quốc hay Việt Nam đã phải trả về con người, cũng như là hậu quả lâu dài của cuộc chiến cho cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.”

‘Điều buồn phiền nhất’

Về phía mình, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận thêm:

“Tôi là một chứng nhân lúc ấy. Thực ra, tôi nghe những câu mà nhà báo Tô Bình nói thì tôi thực sự cảm thấy rất đau lòng và rất buồn vì sự thật của nó đã bị bóp méo ở phía Trung Quốc.

“Tuy nhiên, vì là một người nghiên cứu tôi cũng hiểu được tại sao lại phải tuyên truyền như thế và điều mà tôi cảm thấy buồn phiền nhất là ở trong câu Giáo sư Ngô Vĩnh Long có nhắc lại vừa rồi là Trung Quốc muốn ‘dạy cho Việt Nam một bài học’.

“Thực ra như thế còn chưa đầy đủ. Câu đầy đủ, khi mà Đặng nói, là: “Dạy cho Việt Nam vong ân, bội nghĩa một bài học”. Rõ ràng ở đây có một sự sai lầm, một sự hiểu nhầm hoàn toàn tính chất một cách đáng tiếc giữa hai người bạn.

“Mong muốn là câu chuyện đã qua 40 năm, đáng ra qua 30 năm có thể khép lại được rồi, 40 năm tôi mong nó sẽ khép lại và nó sẽ là một bài học cho những quốc gia như là Bắc Triều Tiên, hay là Nam Triều Tiên, để không mắc lại sai lầm tương tự, để không có những mất mát vô nghĩa như vậy nữa.”

Cũng nhân Bàn tròn nhìn lại bốn thập niên cuộc chiến, về khía cạnh soạn sách giáo khoa và nên đề cập đến cuộc chiến này ra sao để sự thật lịch sử được tôn trọng và phản ánh khách quan, đầy đủ, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng bình luận:

“Tôi nghĩ rằng sử của Việt Nam nên do Việt Nam viết, tuy nhiên Trung Quốc vẫn là nước láng giềng và lịch sử đã quy định rằng Việt Nam cũng chẳng thể chuyển nhà đi đâu được cả, nên tôi nghĩ rằng vẫn nên giữ tình hữu nghị với Trung Quốc.

“Tuy nhiên chúng ta cần phải sòng phẳng về mặt lịch sử. Bốn mươi năm cũng đã có một độ lùi lịch sử rồi, cần phải sòng phẳng với lịch sử, cần phải dạy cho các thế hệ người Việt những giá trị của Việt Nam, nhất là những giá trị quan trọng như là giá trị yêu nước.

“Và tôi cũng đồng ý với Giáo sư Ngô Vĩnh Long [khách mời cùng tham dự Bàn tròn] là cuộc chiến này đúng là cuộc chiến mà ông Đặng Tiểu Bình đã đặt Việt Nam vào thế không có một sự lựa chọn nào khác.

“Khi mà Tổ quốc bị xâm lược như vậy, thì tất nhiên người Việt Nam phải đứng lên để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ – giá trị toàn vẹn lãnh thổ là một giá trị xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam, thế thì cũng nên dạy cho toàn thể thế hệ sau về bài học lịch sử này của cha ông.

“Không phải để khắc sâu hận thù, mà để sau này rút kinh nghiệm: thêm yêu hòa bình và những người đứng trong cương vị lãnh đạo tuyệt đối không nên để cho những câu chuyện chiến tranh tương tự có thể xảy ra, vì đây là một tội ác, rõ ràng là một tội ác đối với chính dân tộc của mình,” nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Hà Nội chia sẻ quan điểm với BBC.

Chiến tranh biên giới 1979 được dạy thế nào trong chương trình mới

https://news.zing.vn/chien-tranh-bien-gioi-1979-duoc-day-the-nao-trong-chuong-trinh-moi-post916438.html

15/02/2019

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, việc trình bày lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam, phía Bắc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975 đến nay còn sơ lược.

Trong bài viết gửi Zing.vn, GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội, chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể – đề cập khía cạnh cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc trong sách giáo khoa (SGK).

Chưa được trình bày công phu trong SGK

Pham Hong Tung
GS.TS Phạm Hồng Tung

Trước tiên, cần khẳng định cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc (17/2-18/3/1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông (1979-1991) là quá trình lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, cũng giống như lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam (1975-1978), quá trình lịch sử này cho tới nay còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là nội dung giáo dục lịch sử trong trường phổ thông các cấp.

Trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành (bản in năm 2018 của NXB Giáo dục Việt Nam), lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc được trình bày ở cuốn Lịch sử 12, tại mục II “Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)” của Bài 25 “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1986)” với dung lượng 3 đoạn, 6 câu, 13 dòng.

Ở mục này, lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc được đề cập với dung lượng 2 đoạn gồm 4 câu, 11 dòng, cụ thể như sau:

Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia.

Nghiêm trọng hơn, sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”.

Trong khi đó, toàn bộ quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông hầu như không hề được đề cập trong SGK.

Điều đáng nói, trong những bản in trước đó gần 20 năm, dung lượng và mức độ chi tiết của SGK lịch sử lớp 12 dành cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam lớn hơn khá nhiều.

Chẳng hạn, sách Lịch sử 12, tập hai do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn và phát hành năm 2001, nội dung dành cho cuộc chiến tranh ở vùng biên giới Tây Nam chiếm khoảng gần 2 trang sách với 7 đoạn, 35 dòng, nhiều hơn gấp đôi dung lượng có trong sách Lịch sử 12, bản in năm 2018.

Ngay trong bản in năm 2001, lịch sử hai cuộc chiến tranh này đã được trình bày trong mối liên hệ gắn bó với nhau và với cả việc bình thường hóa, khôi phục “tình cảm láng giềng thân thiết, tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác vốn có từ lâu giữa Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Camphuchia, với tinh thần: “Cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hướng tới tương lai” cũng được nhắc đến.

Việc trình bày về lịch sử cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1975-1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay còn quá sơ lược, không tương xứng vị trí và ý nghĩa của những quá trình lịch sử đó; không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và càng không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam.

Hơn nữa, chỉ trong một số đoạn văn ngắn vừa được trích dẫn ở trên cũng đã lộ ra một số lỗi, sai sót cả về nội dung lịch sử và hình thức trình bày, diễn đạt.

Trong gần 20 năm qua, xu hướng chung của việc giảng dạy và cung cấp thông tin cho học sinh phổ thông về các quá trình lịch sử này ngày càng có chiều hướng cắt giảm, sơ lược hóa. Mặt khác, thực hiện chủ trương giảm tải của Bộ GD&ĐT, những năm gần đây, nội dung lịch sử nói trên đã được chỉ đạo “cắt giảm” một cách cơ học hoàn toàn khỏi nội dung giáo dục lịch sử trong nhà trường.

Thực tế này đã được nhiều nhà giáo, nhà khoa học chỉ ra. Chính vì vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục lịch sử trên sẽ được đổi mới khá căn bản, toàn diện và cẩn trọng.

Vấn đề chiến tranh trong chương trình phổ thông mới

Phương pháp giáo dục lịch sử trong trường phổ thông đã thay đổi, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, nên phải tránh sa đà vào việc trình bày diễn biến, yêu cầu học sinh học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc số liệu.

Trái lại, cần tập trung giúp học sinh nắm được phương pháp tìm hiểu về sự kiện, phân tích, đánh giá sự kiện và quá trình lịch sử. Theo đó, chỉ cần trình bày tóm tắt diễn biến chính, hướng dẫn học sinh thu thập, phê phán sử liệu có liên quan, phân tích làm rõ nguyên nhân, tính chất, vị trí và ý nghĩa (tác động) của cuộc chiến này.

Giáo viên phải hướng dẫn để học sinh tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp đã dẫn đến cuộc chiến, qua đó làm rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tính chất phi nghĩa trong các hành vi gây hấn, khiêu khích của kẻ xâm lược.

Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử về cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, giáo viên nói rõ cho người học rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai.

Để tránh việc dạy và học lịch sử trở thành phương tiện tuyên truyền, dễ bị lợi dụng và xuyên tạc, diễn đạt cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị.

Hòa giải lịch sử cần và nên được thực hiện thế nào

Các nhà giáo dục và sử học Đức và Pháp đã nêu một tấm gương mà giới sử học và giáo dục học Việt Nam và Trung Quốc rất nên tham khảo. Những nỗ lực hòa giải đầu tiên của họ đã bắt đầu được xúc tiến từ ngay sau Chiến tranh thế giới I, trải qua rất nhiều thăng trầm, thất bại, phải tới tận năm 2006, tập SGK lịch sử chung đầu tiên mới ra đời, được sử dụng cho nhà trường phổ thông ở cả Đức và Pháp. Đến nay, nhiều tập SGK chung như vậy được xuất bản và sử dụng.

Người Đức và người Pháp đã thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và Trung Quốc nhất định cũng sẽ thành công, nếu chúng ta cùng có trách nhiệm với tương lai của thế hệ trẻ hai nước, với tiền đồ của hai quốc gia, dân tộc.

Chỉ có thể bằng con đường hòa giải lịch sử (historical reconciliation), chúng ta mới góp phần “giải độc lịch sử”, bắc thêm nhịp cầu chắc chắn cho hai quốc gia, dân tộc vượt qua hận thù, định kiến của quá khứ, tiến đến bến bờ hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

Đặng Tiểu Bình và các mục tiêu của TQ trong cuộc chiến 1979

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46489149

17/2/2019

Cuộc chiến Biên giới 1979 nhằm ‘dạy cho Việt Nam một bài học’ là cơ hội Đặng Tiểu Bình xóa đi di sản quân sự Mao Trạch Đông và nhằm đạt ba mục tiêu chiến lược.

Nhưng ngày nay, cách nhìn các vấn đề quốc tế của Đặng đang bị âm thầm loại bỏ.

Chiến tranh chỉ là phương tiện

Ngày 16/2/1979, Trung ương Đảng TQ họp các tư lệnh quân đội để thông báo về cuộc chiến “phản kích tự vệ” nhằm vào cựu đồng chí, đồng minh Việt Nam. Hoa Quốc Phong chủ trì hội nghị và tuyên bố lý do Bắc Kinh cần trừng phạt “Việt Nam kiêu ngạo”, làm “tiểu bá” theo chân Liên Xô ở Đông Nam Á. Sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại Campuchia cũng là lý do để Trung Quốc ra tay.

Sau đó, Đặng Tiểu Bình, người vừa được phong làm tư lệnh tối cao của chiến dịch, phát biểu nêu ra mục tiêu của cuộc chiến không phải là chiếm đất, tấn công thủ đô Hà Nội mà nhằm cho Việt Nam “một bài học”.

Về quân sự, Trung Quốc muốn làm suy yếu nước láng giềng phía Nam, qua hai mục tiêu:

1- tàn phá tối đa các tỉnh giáp biên của Việt Nam
2- dừng lại chờ, chặn đánh quân chủ lực của Việt Nam phải rút về từ Campuchia

Nhưng Đặng cũng nói cho các tướng Trung Quốc biết đây sẽ là thử thách cho Quân Giải phóng, nhất là bộ binh. Các binh chủng không quân và hải quân Trung Quốc sẽ không trực tiếp tham chiến mà chỉ hỗ trợ, để tránh một cuộc chiến lan rộng.

Đây là lời hứa của Đặng với Jimmy Carter, nhưng cũng là cách nhằm “nắn gân” xem Liên Xô có tham chiến hay không. Tuy thế, Trung Quốc cũng đã tăng cường nhiều sư đoàn lên vùng biên giới với Liên Xô và di dời hàng vạn dân khỏi vùng sát đường biên để phòng ngừa.

Ngay từ giai đoạn 1982-83, các sử liệu công bố ở Phương Tây và châu Á đã xác nhận Đặng không nói dối về mục tiêu cụ thể của cuộc chiến 1979. Thậm chí, chỉ sang ngày 23/02, một tuần sau khi nhiều sư đoàn Trung Quốc tràn qua biên giới vào Việt Nam, và trước khi trận Lạng Sơn bắt đầu (ngày 27), Đặng công khai nói với quan chức châu Âu và Nhật Bản rằng Trung Quốc “sẽ rút quân trong khoảng 10 ngày, hoặc thêm đôi ba hôm nữa”.

Tuy báo Việt Nam gọi đây là chiến tranh xâm lược từ phía Trung Quốc, Bắc Kinh không hề có ý định chiếm đất.

Cuộc chiến 1979 có đạt được các mục tiêu?

Về quân sự, Trung Quốc đã không tiêu diệt được một sư đoàn quân chính quy nào của Việt Nam và còn bị tổn thất lớn. Thất bại này được Đặng Tiểu Bình biến thành động cơ cải tổ Quân Giải phóng, hiện đại hóa các quân binh chủng, thanh lọc các tướng còn lưu luyến thuyết ‘chiến tranh nhân dân’ của Mao.

Về kinh tế, quân Trung Quốc đã đạt mục tiêu tàn phá tối đa cơ sở hạ tầng các tỉnh biên giới Việt Nam – 80% nhà cửa ở nhiều thị trấn bị tiêu hủy toàn bộ, theo một số tài liệu.

Về ngoại giao, Trung Quốc không khiến Hà Nội rút quân ngay khỏi Campuchia hoặc thay đổi đường lối đối ngoại.

Tuy thế, về chiến lược, Trung Quốc đã thách thức thành công liên minh Moscow–Hà Nội, và chứng minh cho mọi đồng minh của Liên Xô rằng Moscow sẽ không ứng cứu họ khi cần.

Hoa Quốc Phong đã hỉ hả nói Bắc Kinh dám “vuốt râu gấu Nga” mà không sao.

Vì sao đánh ngắn ngày?

Dang Tieu Binh A
Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường và làm thay đổi Trung Quốc

Dù không thành công về quân sự, Đặng Tiểu Bình được ca ngợi ở Trung Quốc về các dự báo chiến lược. Chẳng hạn các phát biểu của tướng Triệu Nam Kỳ của Trung Quốc nhắc lại ngay từ năm 1975, sau Chiến tranh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã nói tình thế quốc tế không cho phép xảy ra Thế chiến 3 trong vòng 5 năm tiếp theo.

Đây là cơ hội cho Trung Quốc bỏ thuyết đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế, và tạo môi trường khu vực thuận lợi. Tự tin rằng không đại cường nào thiết tha với cuộc thế chiến mới, trong khung thời gian 5 năm đó, Đặng tấn công Việt Nam.

Vì Moscow không đem quân giúp Hà Nội như đã hứa trong hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1978, chữ tín của người Nga bị hạ bệ. Điều này có tác động mạnh đến cả các quốc gia cộng sản Đông Âu thời gian sau đó.

Qua cuộc động binh đầu tiên từ cuộc chiến Trung–Ấn hai thập niên trước đó, Bắc Kinh báo hiệu cho Đông Nam Á sự trở lại với vị thế một cường quốc quân sự.

Dù không thành công về quân sự, Đặng Tiểu Bình được ca ngợi ở Trung Quốc về các dự báo chiến lược. Chẳng hạn các phát biểu của tướng Triệu Nam Kỳ của Trung Quốc nhắc lại ngay từ năm 1975, sau Chiến tranh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã nói tình thế quốc tế không cho phép xảy ra Thế chiến 3 trong vòng 5 năm tiếp theo.

Đây là cơ hội cho Trung Quốc bỏ thuyết đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế, và tạo môi trường khu vực thuận lợi. Tự tin rằng không đại cường nào thiết tha với cuộc thế chiến mới, trong khung thời gian 5 năm đó, Đặng tấn công Việt Nam.

Vì Moscow không đem quân giúp Hà Nội như đã hứa trong hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1978, chữ tín của người Nga bị hạ bệ. Điều này có tác động mạnh đến cả các quốc gia cộng sản Đông Âu thời gian sau đó.

Qua cuộc động binh đầu tiên từ cuộc chiến Trung–Ấn hai thập niên trước đó, Bắc Kinh báo hiệu cho Đông Nam Á sự trở lại với vị thế một cường quốc quân sự.

Cách dụng binh nay thay đổi

Nhưng di sản lớn nhất Đặng để lại từ cuộc chiến 1979 là cách dùng binh của Trung Quốc. Theo Đặng, Trung Quốc chỉ có thể và chỉ nên dùng binh hạn chế về thời gian, nhanh gọn và không chiếm đất, giành dân, không kéo dài phức tạp.

Quân Giải phóng, theo quan điểm của Đặng, chỉ nên đánh ở biên giới gần.

Đặng ý thức được đường tiếp liệu trên bộ của Trung Quốc quá yếu kém, tốc độ di chuyển chậm. Cuối năm 1978, có tướng Trung Quốc đã khoe chỉ cần một tuần là họ có thể chiếm được Hà Nội. Nhưng trên thực tế, sau 18 ngày tấn công ồ ạt, chịu nhiều thương vong, Trung Quốc mới chỉ tiến tới Đồng Đăng.

Tuy thế, các bài học từ chiến tranh Trung–Việt làm thay đổi tư duy của quân đội Trung Quốc.

Sang thập niên 1980s, Quân Giải phóng bước vào hiện đại hóa toàn diện, giảm bớt bộ binh, tăng cường không quân, tên lửa và hải quân.

Nếu coi ngoại giao cũng là “dụng binh” thì sự nghiệp phục hưng Trung Quốc của Đặng tập trung vào các vùng biên: nhận về Hong Kong, Macau. Điểm nóng tiếp theo là Đài Loan mà Tập Cận Bình muốn “thu hồi” trong một hai thập niên tới.

Tập Cận Bình đã bỏ Thao quang Dưỡng hối?

Nhưng kỷ niệm 40 năm Cải cách Khai phóng 1978-2018, Trung Quốc có vẻ như giảm nhắc đến Đặng để đề cao Tập Cận Bình. Trong một triển lãm kỷ niệm ở Quảng Đông, người ta còn đề cao cha của ông Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân, hơn là Đặng Tiểu Bình.

Giới quan sát nước ngoài nay tin rằng với việc biến mình thành “hạt nhân của Đảng”, ông Tập Cận Bình đang bỏ chiến lược ẩn mình của Đặng Tiểu Bình. Lời dặn “Thao quang dưỡng hối” ông Đặng để lại cho các lãnh đạo thế hệ sau có khá nhiều ẩn ý.

Các đánh giá nổi bật nhất về câu nói này đến từ Fareed Zakaria, Lý Quang Diệu và Michael Pillsbury.

Zakaria của CNN dịch câu này là “Hide brightness, nourish obscurity”, và chú ý về vế thứ hai “chăm sóc, nuôi dưỡng sự mờ tối”.

Lý Quang Diệu thì tin rằng Đặng muốn “Thao quang dưỡng hối” trở thành chiến lược cho nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc.

Michael Pillsbury – chuyên gia chính trị thạo tiếng Trung, hiện tư vấn cho Donald Trump để đánh Trung Quốc bằng thương mại – cho rằng khái niệm “dưỡng hối” không còn được Tập áp dụng. Ông tin rằng “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình chỉ là ảo giác” (China’s peaceful rise is a mirage) mà Washington nên tỉnh táo nhận ra.

Cũng có ý kiến nói Đặng không hề bảo Trung Quốc phải “chịu nhục” như Câu Tiễn, hoặc “lấy khiêm làm đức” như Lưu Bị. Đặng muốn lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng cứ để mọi thứ mờ mờ tỏ tỏ là môi trường tốt nhất cho nước này.

Trong môi trường đó, tự tầm vóc vĩ đại và sức mạnh lên dần của Trung Quốc sẽ tạo thế mạnh điều chỉnh hành vi các nước khác.

Đặc biệt, Đặng Tiểu Bình đã để lại lời giải thích cho câu nói của mình, và điểm quan trọng thứ năm ông nhấn mạnh là “hòa bình, hòa hoãn với mọi quốc gia, không nhấn mạnh ý thức hệ của Đảng Cộng sản”. Nhưng lời khuyên này có vẻ như không còn được lắng nghe. Thay vì giữ tình trạng mờ ảo lâu dài, Trung Quốc đặt ra các thời hạn chặt như ‘Made in China 2025’, hoàn tất Hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa 2035, và phục hưng dân tộc 2050.

Tap Can Binh & Mao
Đĩa kỷ niệm trong một cửa hàng khi Đại hội Đảng diễn ra năm 2017. Việc thay đổi điều lệ Đảng đưa ông Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, bỏ qua Đặng Tiểu Bình

Về quân sự, Trung Quốc không chỉ triển khai ở các vùng biển lân cận, mà vươn đi rất xa, sang tận Djibouti đóng căn cứ.

Về kinh tế, sáng kiến Vàng đai và Con đường nay không chỉ nhằm kết nối lục địa Âu–Á mà còn vươn sang Châu Phi, xuống vùng Nam Thái Bình Dương.

Ý thức hệ cộng sản không giảm mà thành nội dung cho phát triển, như nhận định của Kerry Brown trong bài về năm ‘2018 không may mắn’ cho Trung Quốc.

Điều này tạo cảm giác cho dư luận Phương Tây rằng Trung Quốc muốn thay Liên Xô cũ làm đối thủ chính của họ. Một Trung Quốc dùng đồng tiền và công nghệ tư bản để xây dựng một thứ chủ nghĩa xã hội kiểu riêng là điều khó chấp nhận với các nước tư bản.

Một tài liệu của Quốc hội Mỹ tin rằng vào năm 2050, sức mạnh quân sự Trung Quốc, nếu cứ tiến triển theo đà hiện nay, sẽ bằng Hoa Kỳ.

Để đáp lại, bên cạnh thương mại, việc chặn ‘chuyển giao công nghệ cao cấp’ mà Hoa Kỳ đề xướng còn nhằm hạn chế hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Chiến tranh biên giới 1979 là trận đánh lớn cuối cùng trong thế kỷ 20 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Đó cũng là là trận chiến thứ ba bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, sau cuộc xâm nhập vào Himalaya năm 1962 đánh sang Ấn Độ, và Chiến tranh Triều Tiên 1951-53.

Sang thế kỷ 21, Trung Quốc chưa lâm chiến lần nào và cách xây dựng chiến lược quốc phòng đã thay đổi nhiều. Nhưng cục diện khu vực và quan hệ Trung Quốc với các nước đối thủ: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, khối Nato cũng đã thay đổi.

Bất cứ một xung đột nào xảy ra tới đây sẽ là phép thử với chính sách của chủ tịch Tập, người đã bỏ lại phía sau các bài học chiến tranh của Đặng Tiểu Bình.

Diễn biến 10 năm chiến tranh biên giới phía Bắc

https://vnexpress.net/longform/dien-bien-10-nam-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-3881788.html

Tổng quan

40 nam_A

 

40 nam_B

 

Lạng Sơn

Lạng Sơn là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong nửa sau cuộc chiến. Trung Quốc chỉ vào được thị xã một ngày trước khi tuyên bố rút quân.

4h30 ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc nã đạn pháo vào Lạng Sơn, hàng trăm dân ở thị trấn lên pháo đài Đồng Đăng trú ẩn. Đại đội 5 công an vũ trang Lạng Sơn được lệnh lên pháo đài, sẵn sàng chiến đấu.

Pháo đài Đồng Đăng nằm cách biên giới gần hai cây số, có ba tầng, được xây dựng từ thời Pháp.

Một tiếng sau, hàng chục nghìn lính Trung Quốc của các quân đoàn 43, 55 chia làm nhiều mũi đánh vào các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng và thị trấn Đồng Đăng với sự yểm trợ của nhiều xe tăng, pháo…

Đại đội 5 chỉ có súng AK, CKC, đại liên, B40… chống trả. Một xe tăng Trung Quốc bị bắn hạ. Phía quân ta, đại đội trưởng Trần Hà Bắc và nhiều chiến sĩ hy sinh.

Quân Trung Quốc ào lên, ném lựu đạn, xông vào cửa pháo đài, nhưng bị cản lại. Chúng tiếp tục pháo kích, dọn đường cho xe tăng áp sát, siết chặt vòng vây. Giằng co suốt năm ngày, đến 4h ngày 21/2, Trung Quốc nã pháo dữ dội, thêm nhiều chiến sĩ hy sinh.

Ngớt tiếng súng, Trung Quốc dùng loa kêu gọi chiến sĩ bên trong pháo đài đầu hàng. “Chúng tôi thà chết chứ không hàng”, ông Nông Văn Phiao – một chiến sĩ trong pháo đài khi ấy nhớ lại.

TQ ốp thuốc nổ vào cửa làm sập nhiều ụ pháo, thả lựu đạn cay qua các lỗ thông hơi, đổ xăng và dùng súng phun lửa phun vào ngách hầm của pháo đài. Hàng trăm dân thường và chiến sĩ thiệt mạng, chỉ sáu người sống sót. Tầng 1 pháo đài bị phá hủy, sáu người sống sót chạy xuống tầng 2, rồi tầng 3, đào đường hầm thoát ra. Trong bóng tối, đói khát, những công an vũ trang dùng cuốc, xẻng, tay không để bới đất, mở đường ra ngoài.

Cũng trên hướng Đồng Đăng, Đại đội 5 tiêu diệt hàng trăm địch, bắt sống 14 tên, bắn cháy ba xe tăng, ba xe kéo pháo, một xe xích chỉ huy, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện của đối phương.

Sau 10 ngày không đạt mục tiêu, 27/2 Trung Quốc điều quân đoàn 54 dự bị vào hỗ trợ các quân đoàn 43, 55 đánh từ ba hướng Đồng Đăng, Cao Lộc, Lộc Bình, nhằm vào thị xã Lạng Sơn. Các đơn vị chủ lực Quân khu 1 và lực lượng vũ trang của Lạng Sơn đánh chặn, giữ vững địa bàn.

40 nam_Nghia trang Hoang Dong
Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoàng Đồng (TP Lạng Sơn), nơi chôn cất nhiều chiến sĩ hy sinh ngày 17/2/1979. Ảnh: Ngọc Thành

 

Cao Bằng

40 nam_Cao Bang

Cao Bằng là tỉnh có đường biên dài nhất với Trung Quốc – 333km – trở thành mục tiêu phá hoại trọng điểm.

Từ đầu năm 1978, quân dân Cao Bằng đã cắm hàng triệu mũi chông tre lẫn chông sắt, dùng dây thép gai rào lấp các đoạn biên trọng yếu, “sẵn sàng đối phó với mọi khả năng xảy ra chiến tranh”.

Một năm sau, ngày 17/2/1979 Trung Quốc huy động hơn 130.000 quân từ hai quân đoàn 41, 42, hai trung đoàn địa phương Quảng Tây, bốn trung đoàn độc lập, cùng 225 xe tăng, 330 pháo đại bác tiến đánh Cao Bằng.

“Biển người” chia thành hai hướng: Thông Nông – Hà Quảng và Quảng Hòa – Đông Khê để hợp sức tiến về thị xã, tiêu diệt Sư đoàn 346 của Việt Nam. Đêm trước đó, pháo kích Trung Quốc đã dập nát các tuyến đường của Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, cắt liên lạc về thị xã.

40 nam_dan quan Cao Bang
Dân quân tự vệ Cao Bằng chặn đánh quân Trung Quốc. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Sau phút bất ngờ, quân dân Cao Bằng chủ động chặn đánh. Hướng Quảng Hòa, Trung đoàn 567 thuộc Bộ chỉ huy quân sự Cao Bằng giam chân địch 12 ngày ở chân đèo Khau Chỉa. Ở Nà Cáp, một đại đội của Tiểu đoàn đặc công 45 phục kích trên quốc lộ, phá hủy 17 xe vận tải Trung Quốc.

Trung Quốc mất 14 ngày mới chiếm được toàn bộ Hà Quảng, 18 ngày đánh được Trà Lĩnh, 22 ngày chiếm Trùng Khánh.

“Toàn bộ thị xã Cao Bằng bị phá. Cái gì bằng bê tông cao quá đầu gối là chúng đánh sập hoặc cho nổ tung”, ông Trần Hùng, nguyên Chủ tịch tỉnh Cao Bằng, thời điểm 1979 còn đeo hàm trung sĩ, nhớ lại.

Bà Nông Thị Kim Chung trào nước mắt kể về cái chết của mẹ: “Mẹ tôi có mái tóc dài nên chú út mới nhận được xác. Còn một đứa em gái tám tháng tuổi vẫn địu trên lưng”.

Mẹ bà Chung bị quân Trung Quốc sát hại ngày 9/3/1979, cùng với 42 phụ nữ và trẻ em trong thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An. Bảy người trong số đó đang mang thai. Mười người bị ném xuống giếng. Những người còn lại bị phân xác vứt bên bờ suối. Tất cả đều bị giết bằng lưỡi lê, búa bổ củi. Cuộc thảm sát diễn ra trên đường chúng rút quân.

40 năm sau, tấm bia thảm sát vẫn nằm trên gốc tre trong thôn Tổng Chúp. Dòng chữ khắc sâu vào bảng gỗ “Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước” như một biểu tượng về những đau thương Cao Bằng phải gánh.

Đầu năm 1984, Trung Quốc tiếp tục đưa quân đóng tại sáu điểm dọc biên giới Cao Bằng, tổ chức diễn tập, lấn chiếm, nổ súng, pháo kích vào xóm làng. Việc thông thương hai bên hoàn toàn chấm dứt, khép kín biên giới. Cao Bằng tiếp tục sống trong không khí chiến tranh.

Lào Cai

40 nam_Lao Cai

“Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí” – Bức điện cuối cùng của đồn Pha Long gửi về Bộ chỉ huy.

5h ngày 17/2/1979, trời tối đen như mực, gió rét, tiếng gà gáy rộ khắp bản Xả Chải, xã Pha Long (Mường Khương), cách đường biên giới 3 km. Chàng dân quân Sền Chẩn Tờ (22 tuổi) đang ăn cơm sáng rồi đi đổi ca gác. Trời bỗng lóe sáng, tiếng nổ “uỳnh” rung chuyển mặt đất, xô đổ cả mâm cơm. Đứa em út 4 tuổi của Tờ khóc ré lên.

Trung Quốc điều hai quân đoàn, một sư đoàn cùng một số trung đoàn địa phương với sự hỗ trợ của 100 xe tăng, 450 khẩu pháo chia làm hai cánh tiến đánh Lào Cai. Một cánh theo hữu ngạn sông Hồng đánh vào thị xã Lào Cai và Cam Đường. Một cánh theo tả ngạn sông Hồng đánh vào Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu.

Nằm trên đường tiến công của quân Trung Quốc, đồn Pha Long là mục tiêu đánh phá.

Sáng 18/2, từng lớp lính mặc đồ xanh lá tràn sang xã Pha Long. Tiếng hò hét lẫn trong tiếng đạn pháo rít liên hồi. Lính Trung Quốc lùng sục khắp bản, nhưng dân đã di tản hết lên hang từ một ngày trước. Thấy không bóng người, chúng phóng hỏa đốt sạch nhà cửa, nã đạn tới tấp vào đồn Pha Long.

Từ điểm cao, bộ đội biên phòng bắn AK liên thanh, quét đại liên và ném lựu đạn đáp trả. “Địch quá đông nên không cần ngắm bắn, cứ mỗi loạt nhả đạn, một hàng gục xuống, chúng lại tiếp tục nhao lên”, Sền Chẩn Tờ nhớ lại lúc giữ chặt khẩu CKC bóp cò, vai tê dại vì súng giật.

Một bức điện được gửi đến Bộ chỉ huy quận sự tỉnh vào trưa 18/2: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em còn lại kiên quyết chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu”.

Ngày 20/2, quân Trung Quốc bắn súng cối vào đồn Pha Long suốt ba giờ, lợi dụng trời tối tràn vào. Chiến sĩ dùng súng AK, lựu đạn, nhiều lúc đánh giáp lá cà với địch.

Trong cuộc họp dưới hầm đồn Pha Long bàn kế phá vòng vây, nhiều phương án đưa ra. Cuối cùng, 23h ngày 20/2, Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ đồn Trần Xuân Ngọc chỉ huy tám chiến sĩ còn khả năng chiến đấu, đưa 20 thương binh lách qua các cụm chốt của địch, trở về hậu cứ Suối Thầu. Đồn Pha Long giữ được 80% quân số, diệt được 740 tên địch.

Ở thị xã Lào Cai, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch ở các tiểu khu Duyên Hải, Kim Tân, Phố Mới, Cốc Lừu… Vì thế ngày 19/2 quân Trung Quốc mới vào được thị xã Lào Cai và ngày 25/2 mới chiếm được thị xã Cam Đường.

Được tăng cường lực lượng, ngày 5/3 Trung Quốc chiếm các mục tiêu Cốc San, Phố Lư và Sa Pa. Sau 17 ngày tiến công trên hướng Hoàng Liên Sơn, TQ tiến sâu được 40 km, nhưng cũng không còn khả năng tiếp tục do quân và dân Việt Nam chặn đánh.

Tháng 5/2013, tấm bia trấn ải được dựng bên hông đồn Pha Long. Chữ trên bia màu đỏ như máu ghi:

Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ.

40 nam_bia tran ai Pha Long

Đoạn thơ được dịch là

Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non
Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời
Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm
Rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc
Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây”.

Ở phía đối diện, một đài tưởng niệm ghi tên 37 người lính hy sinh khi đánh quân Trung Quốc tháng 2/1979 được dựng lên.

Lai Châu

40 nam_Lai Chau

Tại Lai Châu, sự chống trả quyết liệt của quân dân Việt Nam khiến Trung Quốc không tiến đủ sâu theo kế hoạch để hội quân với cánh từ Hoàng Liên Sơn (Lào Cai).

2h sáng ngày 17/2/1979, xã đội trưởng Tần Phù Quẩy về nhà nghỉ sau chuyến tuần tra dọc biên giới xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ). Vừa chợp mắt, nghe tiếng người dân chạy rầm rầm, ông bật dậy, thấy lính Trung Quốc rất đông đuổi đằng sau.

Nổ hai loạt đạn cảnh cáo địch cũng là thông báo cho bộ đội biên phòng, ông Quẩy ngạc nhiên khi thấy chúng không đáp trả như mọi lần. Đến 6h, pháo hiệu trên trời lóe sáng, ngay sau là loạt pháo kích từ bên kia biên giới. Ông Quẩy hiểu rằng quân Trung Quốc đã có lệnh nổ súng.

Hai sư đoàn của Trung Quốc cùng lực lượng dân binh, có xe tăng, pháo binh hỗ trợ, chia làm ba mũi tiến vào Lai Châu, mục tiêu chính là đánh chiếm thị trấn Phong Thổ. Trước đó nhiều tháng, chúng liên tục cử thám báo sang thăm dò, khiêu khích bên kia biên giới và đào tạo nhiều tên phản động phá hoại chính quyền.

Lai Châu lúc đó chỉ có lực lượng vũ trang địa phương đóng ở 10 đồn biên phòng, ba đại đội cơ động, một tiểu khu. “Xã Sì Lở Lẩu có đội dân quân tự vệ hơn 80 người, mỗi thành viên được phát một khẩu súng CKC, hoặc súng trường K43, K44 và hơn 100 viên đạn”, ông Quẩy kiểm lại.

Sát biên giới, Đồn biên phòng Sì Lở Lầu bị tấn công đầu tiên. Sau loạt đạn cối 82, quân Trung Quốc tràn lên, áp sát đồn. Địch đông, chiến sĩ bắn không kịp lắp đạn. Chính trị viên phó Nguyễn Vũ Tráng dùng đá ném làm địch tưởng lựu đạn nên dạt ra, giúp đồng đội có thời gian lắp đạn. Trong trận đầu, đồn Sì Lở Lầu hạ 250 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác.

Đến 23h ngày 17/2, pháo kích từ bên kia biên giới vẫn không ngừng nghỉ, đồn Sì Lở Lầu nằm trên điểm cao bị san bằng, 18 chiến sĩ hy sinh, số còn lại phải rút về đồn Dào San cách đó khoảng 50 km.

Nhằm giành lại đồn Sì Lở Lầu, trưa 6/3 một trung đoàn tăng cường của tỉnh Lai Châu và Đại đội 5 tiến đánh quân Trung Quốc. Giằng co suốt sáu tiếng, đồn trưởng Nguyễn Vũ Tráng ngã xuống trên điểm cao 243, khi đang chỉ huy khẩu đại liên bắn chi viện. Hết đạn, các chiến sĩ dùng lưỡi lê, báng súng đánh giáp lá cà với địch, mở đường rút vào rừng.

Trên toàn tuyến biên giới Lai Châu, quân Trung Quốc bị lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam chặn đánh, sau ba ngày mới tạo được bàn đạp ở khu vực biên giới. Sau 11 ngày dừng lại để củng cố và đưa thêm lực lượng dự bị vào, đến ngày 5/3, Trung Quốc chiếm được thị trấn Phong Thổ, nhưng bị quân dân Việt Nam đánh trả, phải rút lui.

Quảng Ninh

40 nam_Quang Ninh.jpg

Đồn Pò Hèn (Quảng Ninh) cùng với sự hy sinh của 86 chiến sĩ nơi đây trở thành một tượng đài cho sự quyết tử bảo vệ tổ quốc.

5h ngày 17/2/1979, cậu bé 9 tuổi Phùn Văn Huy ở bản Vầy Kháy, xã Hải Sơn (Móng Cái) giật mình tỉnh giấc vì tiếng đạn pháo. Chạy ra ngoài, nhìn về biên giới nơi có Đồn biên phòng Pò Hèn, Huy thấy cả vùng trời sáng rực.

8h sáng, một người lính đeo khẩu AK, cơ thể trầy xước tứa máu chạy vào nhà Tiểu đội trưởng dân quân Phùn Lỷ Khỏng. Lát sau cán bộ xã xuống hô hào dân sơ tán vào hang động ở lòng hồ Tràng Vinh, cách bản 7 km. Người già, trẻ nhỏ được sơ tán. Thanh niên và người trung tuổi ở lại trông bản.

Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, cán bộ thương nghiệp, nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ Móng Cái lên Pò Hèn đúng lúc tiếng súng xối xả của quân Trung Quốc dội vào đồn. Thấy nhiều chiến sĩ bị thương, chị Chiêm lao vào băng bó và cầm súng, lựu đạn đáp trả.

Đến khoảng 11h30, do quá chênh lệch lực lượng, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và cô gái 25 tuổi Hồng Chiêm hy sinh. Quân Trung Quốc tràn sang, san phẳng đồn biên phòng, bắn phá nhà kho của công nhân lâm trường Hải Sơn. 6 công nhân nấp dưới hầm bị ném lựu đạn làm sập hầm, vùi chết.

Cậu bé 9 tuổi Phùn Văn Huy 40 năm trước nay là Phó chủ tịch xã Hải Sơn. Từ sau trận Pò Hèn, Trung Quốc bắn pháo sang suốt nhiều năm. Những thanh niên như anh Huy tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ để bảo vệ dân bản.

Nền đất đồn biên phòng xưa, nay là Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn. Chị Hồng Chiêm được tạc tượng, đặt tại Trường THCS Bình Ngọc. Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác ca khúc về chị, có câu như: “Cô gái kiên trung, cuộc đời nêu sáng tấm gương/ Mang trong mình hào khí Trưng Vương/ Xinh tươi dịu dàng nhưng ngoan cường/ Vì nước non cô đã trở thành người dũng sĩ”.

Hôm đó Trung Quốc huy động hai sư đoàn bộ binh, một tiến công vào Thán Phún (Móng Cái), một vào Cao Ba Lanh (Bình Liêu). Đạn 82 mm, 60 mm, ĐKZ, đại liên, trung liên… bay tới tấp vào Móng Cái, Hoành Bồ, hòng phối hợp với cánh quân đang đánh ở Lạng Sơn.

Tại đồn Pò Hèn, một tiểu đoàn Trung Quốc đánh từ Tài Lồng Phìn, một tiểu đoàn khác đánh vào bản Mốc 12, phía sau đồn. Ba tiểu đoàn từ bên kia biên giới đi qua ngầm tràn đánh thẳng vào cổng chính với mục tiêu xóa sổ đồn biên phòng. Nhận lệnh báo động, 45 chiến sĩ đồn Pò Hèn cầm súng đánh trả.

40 nam_Quang Nim dai tuong niem

Hà Giang

40 nam_Ha Giang

Hà Giang là nơi chiến sự vẫn tiếp diễn khốc liệt trong nhiều năm sau 1979, như một “thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí” của TQ.

Ngày 17/2/1979, hai sư đoàn và một số trung đoàn địa phương của Trung Quốc chia làm ba mũi tiến công Đồng Văn, Mèo Vạc và Vị Xuyên. Quân dân Hà Giang bẻ gãy các mũi tiến công của địch sau hơn chục ngày chiến đấu.

Nhưng Hà Giang chưa thể thoát khỏi cuộc chiến như tuyên bố chiều 5/3 của Trung Quốc. Với phương châm “cưỡi lên tuyến biên giới, nhổ các điểm cao”, từ năm 1981 nhiều đơn vị lính Trung Quốc dưới sự yểm trợ của pháo binh đánh chiếm một số điểm cao ở Hà Giang.

“Vị Xuyên trở thành thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí của Trung Quốc. Chúng tính toán nơi đây địa hình hiểm trở, các lực lượng sẽ khó tiếp tế. Vị Xuyên không quá xa và quá gần Hà Nội, đánh vào dễ bề uy hiếp Thủ đô và có thể che đậy hành động của mình”, trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên chỉ huy mặt trận Vị Xuyên, phân tích.

Đến giữa năm 1984, Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép hàng chục điểm cao của Vị Xuyên. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch phản công giành lại.

Cựu chiến binh Đặng Việt Châu không thể quên trận xuất kích mở màn chiến dịch ngày 12/7. Những người lính vượt đỉnh Cốc Nghè trong đêm mưa, chia nhau từng hơi thuốc, ăn gạo sấy đã nhũn. “Chiến sĩ xin ăn hết phần cơm sấy dự phòng. Tiểu đoàn trưởng nghe xong, im lặng rồi đồng ý. Biết ngày mai có còn sống mà được ăn không nữa”, ông Châu kể.

Sau trận đánh, hàng trăm chiến sĩ hy sinh, Việt Nam không giành lại được các điểm cao, nhưng chặn được ý đồ vượt ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang của quân Trung Quốc.

Từ năm 1984 đến 1989, Trung Quốc điều hơn nửa triệu quân tiến công biên giới Hà Giang, tập trung vào Vị Xuyên. Họ trút xuống hơn hai triệu quả pháo, hàng nghìn trận đánh diễn ra trên mảnh đất này. Trong đó trận tháng 10/1986 khiến trung tướng Đặng Quân Thụy nhớ mãi. Hai tháng trước thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ sáu, người chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc lệnh: “Thời gian này phải đánh cho Việt Nam biết thế nào là quân uy, thế nào là quốc uy của Trung Quốc”.

Sớm 14/10, TQ bắn hàng trăm nghìn viên đạn vào các chốt phòng ngự của bộ đội Việt Nam ở phía Bắc suối Thanh Thủy. Bộ binh Trung Quốc sau đó ồ ạt tấn công các vị trí, đặc biệt là trận địa phòng ngự ở bình độ 1.100, đồi Đài, Lũng 840. Nhưng tất cả đều bị bộ đội đánh bật trở lại.

Suốt bốn ngày sau, TQ dùng pháo khống chế các trận địa phòng ngự của bộ đội Việt Nam, bắn sâu vào con đường vận chuyển từ thị xã Hà Giang lên phía trước để cắt đường chi viện. Ngày 19/10, TQ mở một cuộc tiến công lớn hơn, từ 0 giờ đến chiều tối vào các trận địa, nhưng thất bại.

Trung Quốc thiệt hại hai tiểu đoàn bộ binh, phải để lại nhiều xác chết và hai lá cờ kích động tinh thần binh lính. Một cờ đỏ ghi: “Một nhà mất, vạn nhà khổ/ Một người ngã, vạn người thay”. Một cờ trắng ghi dòng chữ: “Học tập Lâm Sinh Cơ – Đại đội 3, Quân khu Nam Ninh 3 lần anh hùng tự vệ”.

Chưa đạt được mục đích, ngày 5-8/1/1987, TQ mở cuộc tiến công lớn vào toàn bộ trận địa phòng ngự của bộ đội ở phía đông và tây sông Lô. Pháo bắn dày đặc, khói bao phủ mù mịt. Nhưng sau những giằng co, quân Trung Quốc vẫn phải rút lui.

Sau trận chiến tháng 1/1987, chiến sự ở Vị Xuyên giảm dần, chỉ còn bắn pháo và xung đột nhỏ năm 1988. Tới 1989, do các vị trí chiếm đóng bị cô lập, tiếp tục chịu tốn thất lớn, TQ phải chia thành nhiều đợt rút quân về nước.

Để giữ được Vị Xuyên, theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh, trong 10 năm khoảng 4.000 bộ đội hy sinh, hàng nghìn người bị thương. Hơn một nửa số liệt sĩ chưa thể về quê mẹ sau 40 năm.

40 nam_Ha Giang dai tuong niem

Vì nhiều lý do, cuộc chiến bảo vệ Vị Xuyên nói riêng, bảo vệ tuyến biên giới phía Bắc nói chung nhiều năm không được nhắc đến. Sách Lịch sử lớp 12 chỉ viết 11 dòng về cuộc chiến này.

Góp nhặt: Diệp Minh Tâm — 17-Feb-2019

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *