Công nương Diana (1961-1997) là vợ Hoàng Thái tử Charles của Anh quốc. Con trai lớn của bà là Hoàng tử William xếp thứ hai trong thứ tự kế vị ngôi vua của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và 15 vùng đất khác thuộc Khối Thịnh vượng chung.
Công nương Diana thường tham gia vào nhiều công tác phục vụ xã hội và cộng đồng, đặc biệt là những hoạt động gây quỹ từ thiện quốc tế, và hậu thuẫn các chương trình rà phá bom mìn cũng như chăm sóc nạn nhân vì mìn.
Đây là bài diễn từ nổi tiếng của Công nương Diana trong một hội nghị về mìn ngày 12 tháng 6 năm 1994 ở London, được đánh giá cao nhờ ngôn từ chứa đầy tình cảm, có tính thuyết phục và truyền cảm hứng.
Diễn từ chủ đạo trong hội nghị về mìn
Thưa Quý Bà và Quý Ông,
Tôi phải bắt đầu bằng cách chào mừng nồng hậu hội nghị này về mìn do Nhóm Cố vấn Mìn và Mạng lưới những Người sống sót Mìn tổ chức. Cần phải chào mừng bởi vì thế giới ít có ý thức về sự mất mát sinh mạng, chân tay và đất đai do các loại mìn chống cá nhân đang gây ra cho những người nghèo nhất trên trái đất. Đúng thế – trước khi đi đến Angola đầu năm nay, tôi ý thức rất ít về vấn nạn này.
Vì lẽ mìn gây giết người một cách lén lút. Một thời gian dài sau khi xung đột chấm dứt, từng nạn nhân vô tội chết hoặc bị thương, trên những quốc gia mà chúng ta ít nghe nói đến. Số phận cô đơn của họ không bao giờ được loan báo. Thế giới có quá nhiều điều bận tâm nên không cảm thấy động lòng với sự kiện là 800 người chết mỗi tháng – có nhiều phụ nữ và trẻ em trong số ấy. Còn những người thoát chết – và con số của họ lên đến 1.200 mỗi tháng – phải chịu khổ sở cùng cực do những vết thương và bị tàn tật suốt đời. Vào tháng giêng, cùng với Hội Chữ thập Đỏ tôi đi đến Angola, một quốc gia có 15 triệu quả mìn trong dân số, thưa Quý Bà và Quý Ông, 10 triệu người. Tôi đi với mong muốn kêu gọi sự quan tâm của thế giới đến vấn đề sống còn này nhưng cho đến giờ vẫn bị lãng quên.
Có người cố ý diễn giải chuyến thăm viếng của tôi là một phát biểu chính trị. Nhưng không phải thế. Tôi không phải là một nhân vật hoạt động chính trị. Như tôi nói lúc ấy, và bây giờ tôi muốn lặp lại, mối quan tâm của tôi là tình nhân đạo. Đấy là lý do tại sao tôi chú ý đến thảm kịch này của con người. Đấy là lý do tại sao tôi muốn đóng góp phần mình vào việc cấm loại vũ khí này trên toàn thế giới. Trong những ngày ở Angola, tôi tận mắt chứng kiến những khía cạnh của vấn nạn này. Trong những bệnh viện ở Luanda, thủ đô, và Huambo, nơi xảy ra chiến trận cách đây không lâu, tôi thăm viếng một số nạn nhân của mìn còn sống sót, và nhìn thấy những thương tích của họ. Tôi không muốn miêu tả những thương tích này, bởi vì theo kinh nghiệm của tôi làm như thế sẽ khiến cho nhiều người quay mặt khỏi chủ đề. Chỉ cần nói là, khi quý vị nhìn những thân người bị hủy hoại, một số là trẻ em, bị trúng mìn nổ, quý vị sẽ lấy làm ngạc nhiên là họ còn sống sót. Điều tàn nhẫn về những thương tích này là trong khi họ đều khốn khố thì những nguồn lực y khoa đều thiếu thốn.
Tôi có dịp tận mắt chứng kiến những trở ngại trong việc cải thiện sự chăm sóc y khoa ở phần lớn các bệnh viện. Dược phẩm, loại để chống đau, thậm chí thuốc gây tê và thuốc gây mê, thường thiếu thốn. Bác sĩ giải phẫu thường phải tiến hành cắt chân tay bị chấn thương mà không bao giờ có đủ phương tiện như chúng ta mong đợi phải có. Vì thế mà sự đau đớn của nạn nhân vượt quá mức tưởng tượng. Hơn nữa, sự chăm sóc y khoa khẩn cấp này chỉ là bước đầu trong cuộc đời họ. Đối với những người mà cuộc sống là đất đai, việc mất một chân hoặc một tay là thương tật nặng nề mà họ phải chịu cả đời. Tôi đã nhìn thấy công việc đáng quý của Hội Chữ thập Đỏ và những cơ quan khác để thay thế chân tay bị mất. Nhưng việc làm ra chân tay giả thì tốn kém và cũng là một ngành kinh doanh phức tạp. Đôi lúc, thương tích quá nặng khiến cho không thể nào lắp một chân hay tay giả. Không bao giờ có đủ nguồn lực để thay thế tất cả những chân tay bị mất.
Như Hội Chữ thập Đỏ đã nói: “Mỗi nạn nhân sống sót sẽ cần đến chi phí từ 2.000 đến 3.000 [Bảng Anh?] cho việc giải phẫu và chăm sóc chân tay giả.” Đấy là một gánh nặng cho mỗi người tàn tật mà một quốc gia nghèo khó không thể cáng đáng. Thế giới cần khẩn trương hướng lương tâm về điều này.
Ở Angola, cứ mỗi 334 người thì có một người bị cắt chân hoặc tay! Angola có tỷ lệ người bị cắt chân hoặc tay cao nhất thế giới. Làm thế nào lương tâm các quốc gia sản xuất và buôn bán các loại vũ khí ấy được yên ổn với sự tàn phá con người như thế?
Kinh nghiệm chính yếu thứ ba của tôi là nhìn thấy những gì đã được thực hiện, thật chậm chạp và nguy hiểm, để rà phá các loại mìn ấy. Ở vùng Kuito và Huambo, tôi bỏ ta một buổi sáng với một nhóm nhỏ của Halo Trust, có nhiệm vụ huấn luyện người Angola làm việc trên các bãi mìn và giám sát công việc của họ. Tôi nói về “nhóm chúng tôi” bởi vì những người làm việc cho Nhóm Tham vấn Mìn – hoặc trong trường hợp này là Halo Trust – tình nguyện làm công việc này thật ra đã phục vụ trong Quân đội chúng tôi. Nhân cơ hội này, tôi tuyên dương công việc mà những người ấy thực hiện thay mặt chúng tôi – những hiểm nguy mà họ gặp phải không chỉ giới hạn trong mìn. Hai thành viên của Nhóm Tham vấn Mìn ở Kampuchia, Chris Howes and Houn Horth, năm trước bị Khơ Me Đỏ bắt và số phận của họ chưa rõ ra sao. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện họ được trở về.
Các loại mìn được chế tạo một cách rất khéo léo. Nhiều loại được thiết kế nhằm giăng bẫy một người rà mìn thiếu cảnh giác. Khi có loại mìn nguy hiểm như thế, người rà mìn gọi một người trong nhóm giám sát và người này sẽ đến thay thế. Đấy là nguyên do tính mạng của họ luôn bị đe dọa. Sau chuyến đi Angola, tôi nghĩ lại rằng có thể bớt hiểm nguy nếu dùng kỹ năng được áp dụng trong việc chế tạo mìn vào những phương pháp tốt hơn để rà phá mìn. Nhiều loại mìn tương đối rẻ tiền, một bảng Anh hoặc ít hơn có thể mua được 5 quả mìn. Dò tìm, mang lên khỏi mặt đất rồi hủy bỏ thì tốn kém hơn nhiều – đôi lúc tốn kém gấp trăm lần.
Angola có đầy những người tị nạn trở về sau một cuộc chiến dài. Họ tạo ra một khía cạnh khác trong thảm kịch. Người tị nạn trở về nhà thường không biết gì về những điều kiện ở quê nhà. Họ biết về mìn, nhưng trên đường về họ muốn đi càng nhanh càng tốt. Hoặc họ tìm thấy mìn trên miếng đất ngày xưa của mình, và cố phá hủy nó. Có nhiều chuyện xảy ra như thế trên nước Angola. Những quả mìn ấy gây phần lớn thương vong cho những người đang cố đáp ứng nhu cầu cơ bản cho cuộc sống của họ. Mìn nổ trúng người mẹ hoặc người bà đang kiếm củi để nấu bữa ăn. Mìn sát hại trẻ em được sai bảo lấy nước cho gia đình.
Tôi có ấn tượng khi nhìn công việc của nhiều người từ các cơ quan trên thế giới về “Ý thức về Mìn”. Nếu có thể chỉ bảo trẻ em trong trường, nếu có thể cho người lớn biết phải làm gì và không được làm gì trong vùng bị đặt mìn, thì có thể cứu mạng sống con người và giảm thương tật.
Có ý kiến cho biết có khoảng 110 triệu quả mìn ẩn khuất đâu đấy trên thế giới – và trên một phần ba trong số đó là ở Châu Phi! Có lẽ Angola bị đặt mìn nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác, bởi vì chiến tranh diễn ra trong một thời gian dài, và lan ra nhiều vùng rộng. Vì thế mà quốc gia này có nhiều mìn vương vãi khắp nơi, và thêm nhiều nạn nhân sẽ chịu khốn khổ. Sau kinh nghiệm này, điều ấy đưa tôi đến một trong những kết luận chính.
Ngay cả nếu ngày mai thế giới quyết định cấm các loại vũ khí này, di sản kinh khủng của mìn đang hiện diện trên quả đất sẽ tiếp tục hoành hành những quốc gia nghèo khó. “Điều tệ hại mà con người tạo ra sẽ sống cùng con người”.
Vì thế, đối với tôi có vẻ như những người còn lại của chúng ta có nghĩa vụ.
Một trong những mục đích của tôi khi đi Angola là hậu thuẫn sự nghiệp của những người, như Hội Chữ thập Đỏ, vì lòng nhân đạo đang nỗ lực thúc đẩy việc cấm các loại vũ khí này trên toàn thế giới. Từ lúc ấy, chúng ta vui mà thấy rằng có một ít tiến bộ. Có những chỉ dấu cho thấy sự thay đổi trong tim – ít nhất ở một số vùng trên thế giới. Chúng ta nên lấy làm cảm kích một cách thận trọng về việc này. Nếu có thể đi đến việc cấm các loại vũ khí này trên toàn thế giới, thì nhìn xa về phía trước, điều này có nghĩa thế giới có thể là nơi chốn an toàn hơn cho con cháu của thế hệ này.
Nhưng ở nhiều vùng trên thế giới đang phát triển, thế hệ này sẽ không được nhẹ gánh, không được nghỉ ngơi. Thương vong do mìn đang hiện diện sẽ tiếp tục tăng.

Như tôi thấy ở Angola, rà phá mìn là công tác chậm chạp đến mức khốn khổ. Vì thế mà tâm trí tôi vẫn vướng bận một câu hỏi cốt lõi. Liệu chúng ta có nên nỗ lực thêm để tăng tốc công việc rà phá mìn, để giúp những người bị thương quay về đời sống như thế nào đấy, để tăng cường sự đóng góp của chúng ta cho viện trợ và phát triển?
Có nhiều công tác được thực hiện bởi các cơ quan và tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm giúp người dân ở Châu Phi và Châu Á cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Tuy thế, mìn vẫn phủ bóng đen lên nhiều công tác này. Việc tái định cư những người tị nạn có nhiều hiểm nguy. Đất đai mầu mỡ nằm ngoài tầm tiếp cận. Sự hồi phục sau chiến tranh bị trì trệ. Các nhân viên cứu trợ lâm vào cảnh nguy hiểm. Tôi mong mỏi thấy có thêm công tác được thực hiện cho những người đang sống trên “vùng đất không người” nằm giữa những sai trái của quá khứ và những nhu cầu cấp thiết của hiện tại.
Tôi nghĩ chúng ta có nghĩa vụ. Tôi cũng nghĩ việc này sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta, cũng như cho họ. Chúng ta càng khẩn trương chấm dứt cơn khốn khổ này trên quả đất do mìn gây ra, thì chúng ta càng có thể sẵn sàng bắt đầu các công tác xây dựng mà nhiều người sẽ góp sức vì sự nghiệp nhân đạo.
Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Famous quotes – http://www.powerfulwords.info/speeches/Princess-Diana/index.htm
[…] “Chúng ta có nghĩa vụ” – Công nương Diana – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/15/chung-ta-co-nghia-vu-cong-nuong-diana/ […]