“Chúng ta quyết định đi lên Mặt Trăng” – John F. Kennedy

John F. Kennedy (1917-1963), thường được đánh giá như là một trong những tổng thống Mỹ vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ và được so sánh với vị vua huyền thoại Camelot của lịch sử Anh. Ông là Tổng thống Công giáo đầu tiên của Mỹ, và là tổng thống trẻ tuổi nhất khi đắc cử (43 tuổi). Tuổi trẻ của ông là đại diện cho một thế hệ trẻ với khát vọng thay đổi. Ông kêu gọi dân chúng Mỹ tham gia vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước giàu mạnh hơn. Tài hùng biện và cách sử dụng ngôn từ của ông – thường có một ít khôi hài nhưng luôn nghiêm túc trong mục đích muốn diễn tả – tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ đương thời trong mỗi chủ đề ông muốn theo đuổi.

Sau khi Liên Xô đưa được con chó Laika lên không gian thì nước Mỹ thua kém rõ ràng, và nhiều người Mỹ cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Ngày 12 tháng 4 năm 1961, Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ. Thủ tướng Liên Xô Khrushchev khai thác thành tựu này như là chứng cứ cho thấy “tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội” so với “chủ nghĩa tư bản suy đồi”. Nước Mỹ cảm thấy thêm xấu hổ, e sợ bị tụt hậu và thua Liên Xô trong cuộc “chạy đua không gian”.

Sau khi tham khảo với các nhà chính trị và các nhà chuyên môn ở Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia (NASA), Tổng thống Mỹ John F. Kennedy quyết định tuyên cáo ý chí đưa người đầu tiên lên Mặt Trăng. Dưới đây là phát biểu của Tổng thống Kennedy tại Đại học Rice (Houston, Texas) ngày 12 tháng 9 năm 1962. Bài diễn văn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Kennedy, mang đến cho người Mỹ một giấc mơ, một mục tiêu chung và là nguyên nhân của niềm tự hào quốc gia.

Thực ra, đây là một bài giảng theo truyền thống sau khi Kennedy được trao tặng văn bằng giáo sư danh dự, và buổi lễ được tổ chức trong một sân vận động ngoài trời. Khí hậu nóng bức vì băng ghi hình cho thấy nhiều người dùng một mảnh giấy để quạt. Nhưng Kennedy, với tuổi trẻ, vẫn với bộ vest và cà-vạt, vẫn tỏ ra hùng hồn, sinh động, có lúc hạ thấp giọng để bông đùa, nói chung nghiêm túc theo tinh thần khoa học và sôi nổi với tinh thần yêu nước, có lúc đập hai bàn tay vào nhau để nhấn mạnh điểm quan trọng.

Bài diễn văn tạo nguồn cảm hứng cao cho toàn ngành khoa học-công nghệ Mỹ, và thể hiện một bước ngoặt trong chương trình không gian của nước này. Đặc biệt là câu nói nổi tiếng “Chúng ta quyết định đi lên Mặt Trăng” không có chủ ý mà được nói ra đến 3 lần do những tràng vỗ tay tán thưởng câu nói trước đó khiến cho Kennedy bị ngắt quãng mà phải lặp lại câu nói này.

Bài diễn văn này được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.

Bài giảng “Chúng ta quyết định đi lên Mặt Trăng”

Tôi đánh giá cao việc hiệu trưởng của các bạn trao cho tôi văn bằng giáo sư thỉnh giảng danh dự, và tôi xin trấn an các bạn rằng bài giảng đầu tiên của tôi sẽ vắn tắt.

Tôi rất lấy làm vui được đến đây, và tôi đặc biệt lấy làm vui được đến đây nhân cơ hội này.

John Kennedy DH Rice

Chúng ta gặp nhau trong một đại học nổi tiếng nhờ tri thức, trong một thành phố nổi tiếng nhờ tiến bộ, trong một bang nổi tiếng nhờ sức mạnh, và chúng ta sẽ cần đến cả ba yếu tố, bởi vì chúng ta gặp gỡ trong một giờ của thay đổi và thách thức, trong một thập kỷ của hy vọng và sợ hãi, trong một thời đại của cả tri thức và dốt nát. Tri thức của chúng ta càng tăng, sự dốt nát của chúng ta càng lộ ra.

Cho dù sự kiện nổi bật là phần lớn các nhà khoa học mà thế giới đã từng biết đến thì hiện nay vẫn còn sống và đang làm việc, cho dù sự kiện là nhân lực khoa học của riêng quốc gia này đang tăng gấp đôi mỗi 12 năm với tốc độ hơn ba lần so với dân số của chúng ta nói chung, cho dù như thế, những phạm vi bao la của điều chưa biết và điều chưa được giải đáp và điều chưa hoàn tất vẫn còn quá rộng so với sự hiểu biết tập thể của chúng ta.

Không ai có thể nắm bắt được chúng ta đã tiến bộ bao xa và nhanh như thế nào, nhưng các bạn thử cô đọng lịch sử thành văn 50 nghìn năm của nhân loại thành một khoảng thời gian nửa thế kỷ. Nói theo cách này, trong 40 năm đầu chúng ta hiểu biết rất ít, ngoại trừ là vào cuối giai đoạn này người tiến bộ biết cách dùng da thú để che thân. Thế rồi khoảng 10 năm trước, nói theo cách cô đọng, con người đi hẳn ra khỏi hang đá để xây dựng chỗ trú ẩn theo loại hình khác. Chỉ mới 5 năm trước đây, con người mới có chữ viết và sử dụng xe đẩy có bánh tròn. Kitô giáo bắt đầu chưa đến 2 năm trước. Máy in xuất hiện năm nay, và rồi không đầy 2 tháng trước, trong cả 50 năm lịch sử nhân loại, động cơ hơi nước cung ứng một nguồn năng lượng mới. Newton khám phá ý nghĩa của trọng lực. Tháng trước có đèn điện, điện thoại, ô tô và máy bay. Chỉ mới tuần rồi chúng ta bào chế penicillin, TV và năng lượng hạt nhân. Và bây giờ, nếu con tàu vũ trụ mới của Mỹ bay đến Sao Kim thành công, chúng ta sẽ vươn đến các vì sao trước nửa đêm hôm nay [tính theo thời gian cô đọng].

Đấy là một bước đi ngoạn mục, và một bước đi như thế không tránh khỏi tạo ra những rủi ro mới vì nó xua tan cái cũ, tạo ra sự dốt nát mới, những vấn đề mới, những mối nguy hiểm mới. Chắc chắn là những viễn cảnh rộng mở của không gian hứa hẹn chi phí cao và công việc khó khăn, cũng như phần thưởng lớn.

Vì thế, không lạ gì mà có một số người muốn chúng ta dừng lại nơi chúng ta đã đến để nghỉ một lát, để chờ đợi. Nhưng thành phố Houston này, bang Texas này, quốc gia Hoa Kỳ này không được gầy dựng bởi những người chờ đợi và nghỉ ngơi và muốn nhìn lại phía sau. [vỗ tay] Quốc gia này được chinh phục bởi những người tiến lên phía trước – và không gian cũng sẽ như thế.

William Bradford, vào năm 1630 kể lại việc thành lập Khu Định cư Plymouth Bay[1], nói rằng tất cả các hành động to tát và đầy vinh dự đi kèm với những khó khăn cực kỳ, cả hai phải được trù hoạch và vượt qua với lòng dũng cảm có trách nhiệm.

Nếu lịch sử cô đọng của tiến bộ nhân loại cho ta bài học nào đó, thì đó là: trong việc tìm kiếm tri thức và tiến bộ, con người phải cả quyết và không được nhụt chí. Việc thám hiểm không gian sẽ tiếp tục cho dù chúng ta tham gia vào hay không, đó là một trong những cuộc thám hiểm lớn lao nhất trong mọi thời đại, và quốc gia nào trông mong mình là nhà lãnh đạo của các quốc gia khác thì không thể đi sau trong cuộc chạy đua không gian này.

Những người đi trước chúng ta đảm bảo rằng quốc gia này cưỡi ngọn sóng đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp, ngọn sóng đầu trong phát minh hiện đại, ngọn sóng đầu trong năng lượng nguyên tử, và thế hệ này không muốn chìm lỉm trong nước cuộn ngược của thời đại không gian sắp đến. Chúng ta muốn mình là một phần của nó – chúng ta muốn mình dẫn đầu nó. [vỗ tay] Vì lẽ các cặp mắt của thế giới bây giờ ngước nhìn lên không gian, lên Mặt Trăng và lên các hành tinh xa hơn nữa, và chúng ta đã thề nguyền rằng chúng ta không muốn thấy không gian được quản trị bởi một lá cờ thù nghịch của chinh phục, mà bởi một băng-rôn của tự do và hòa bình. Chúng ta đã thề nguyền rằng chúng ta không muốn thấy không gian bị lấp đầy bởi vũ khí phá hủy hàng loạt, mà với những công cụ của tri thức và sự hiểu biết.

Tuy vậy, chỉ có thể làm tròn các lời thề nguyền của quốc gia này nếu chúng ta trong quốc gia này dẫn đầu, và vì thế chúng ta muốn là người dẫn đầu. [vỗ tay] Tóm lại, sự dẫn đầu của chúng ta trong khoa học và công nghiệp, những hy vọng của chúng ta về hòa bình và an ninh, những nghĩa vụ của chúng ta đối với chúng ta cũng như đối với những người khác, tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực này, phải giải được những điều huyền bí này, giải cho điều tốt lành của nhân loại, và trở thành quốc gia du hành không gian hàng đầu của thế giới.

Chúng ta giăng buồm trên biển mới này bởi vì có tri thức mới phải nắm bắt, có những quyền mới phải đón nhận – đón nhận và sử dụng cho sự tiến bộ của nhân loại. Vì lẽ khoa học không gian, giống như khoa học hạt nhân và mọi công nghệ, tự nó thiếu lương tri. Liệu nó sẽ trở thành một sức mạnh cho cái tốt hoặc cái xấu tùy thuộc vào con người, và chỉ cần Hoa Kỳ chiếm lấy vị trí hàng đầu là chúng ta có thể giúp quyết định liệu đại dương này sẽ là một biển của hòa bình hay là một chiến trường kinh khiếp mới. Tôi không nói rằng chúng ta phải đi hoặc sẽ đi mà không được bảo vệ chống lại sự lạm dụng thù nghịch, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có thể khám phá và làm chủ không gian mà không gieo rắc ngọn lửa chiến tranh, không lặp lại những lỗi lầm mà con người đã phạm phải khi ban bố mệnh lệnh khắp quả địa cầu.

Chưa có có cãi vã, chưa có thiên kiến, chưa có tranh chấp quốc gia ở không gian bên ngoài. Những rủi ro đều đối nghịch với tất cả chúng ta. Việc chinh phục không gian xứng đáng là điều tốt nhất cho cả nhân loại, và cơ hội cho hợp tác ôn hòa có thể không bao giờ đến nữa. Nhưng có người hỏi, tại sao là Mặt Trăng? Tại sao chọn nó làm mục tiêu của chúng ta? Và họ có thể hỏi tại sao leo lên đỉnh núi cao nhất? Tại sao 35 năm về trước bay qua Đại Tây Dương? Tại sao Rice thi đấu với Texas?[2] [vỗ tay]

Chúng ta quyết định đi lên Mặt Trăng… [vỗ tay] Chúng ta quyết định đi lên Mặt Trăng… [vỗ tay] Chúng ta quyết định đi lên Mặt Trăng trong thập kỷ này và làm những việc khác, không phải vì công việc dễ dàng, mà vì công việc khó khăn, vì mục tiêu ấy sẽ giúp tổ chức và đo lường những năng lượng và kỹ năng giỏi nhất của chúng ta, bởi vì thách thức đó chính là thách thức mà chúng ta sẵn lòng chấp nhận, loại thách thức mà chúng ta không muốn trì hoãn, loại thách thức mà chúng ta muốn thắng, và thắng những thứ khác nữa. [vỗ tay]

Chính vì những lý do ấy mà tôi xem quyết định năm rồi nhằm tăng tốc những nỗ lực trong không gian từ số thấp lên số cao[3] là một trong những quyết định quan trọng nhất trong chức vụ Tổng thống của tôi.

Trong 24 giờ qua[4], chúng ta đã thấy những cơ sở vật chất hiện đang được xây dựng cho cuộc thám hiểm vĩ đại nhất và phức tạp nhất trong lịch sử nhân loại. Chúng ta cảm nhận được mặt đất rung chuyển và bầu không khí vần vũ khi thử nghiệm tên lửa phụ Saturn C-1, mạnh gấp nhiều lần so với tên lửa Atlas đã phóng John Glenn, tạo ra năng lượng tương đương với 10 nghìn ô tô khi đạp chân ga sát xuống sàn xe. Chúng ta thấy vị trí nơi năm động cơ tên lửa F-1, mỗi cái mạnh bằng tám động cơ của Saturn kết hợp lại, sẽ được ghép vào nhau để tạo nên tên lửa Saturn hiện đại, được lắp ráp trong một tòa nhà mới sẽ được xây ở Cape Canaveral cao bằng tòa nhà 48 tầng, rộng bằng một khu phố, và dài gấp đôi chiều dài của sân thể thao này.

Trong 19 tháng qua, ít nhất 45 vệ tinh đã bay quanh Trái Đất. Chừng 40 trong số đó được chế tạo ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hiện đại hơn rất nhiều và cung ứng tri thức hơn rất nhiều cho con người trên thế giới so với các vệ tinh của Sô Viết. [vỗ tay & huýt sáo]

Tàu vũ trụ Mariner hiện đang trên đường đến Sao Kim là thiết bị phức tạp nhất trong lịch sử khoa học không gian. Độ chính xác của chuyến du hành này được so sánh với việc bắn một tên lửa từ Cape Canaveral cho nó hạ xuống sân vận động này giữa hai lằn vôi 40 yard[5].

Các vệ tinh Transit đang giúp tàu bè của chúng ta ngoài khơi đi theo một hải trình an toàn hơn. Các vệ tinh Tiros cung cấp cho chúng ta những báo động chưa từng có trước đây về giông bão, cũng giúp báo động cháy rừng và băng trôi.

Chúng ta đã gặp thất bại, nhưng những người khác cũng thế, tuy rằng họ không chịu nhìn nhận. Và những thất bại của họ có thể không được công khai [như chúng ta]. [vỗ tay & huýt sáo]

Chắc hẳn là chúng ta đang tụt hậu, và sẽ bị tụt hậu một thời gian trong chuyến bay có người lái. Nhưng chúng ta không muốn duy trì sự tụt hậu, và trong thập kỷ này chúng ta sẽ cải thiện và vượt lên trước. [vỗ tay & huýt sáo]

Sự tăng trưởng của nền khoa học và giáo dục của chúng ta sẽ được làm giàu bởi tri thức mới của chúng ta về vũ trụ và môi trường, bởi những kỹ thuật mới về học hỏi, lập bản đồ và quan sát, bởi những khí cụ và máy tính mới cho công nghiệp, y khoa, trong nhà cũng như ở trường học. Các cơ sở kỹ thuật, như là Đại học Rice, sẽ gặt được những thành quả này.

Cuối cùng, nỗ lực không gian, cho dù còn non trẻ, tự nó tạo ra nhiều công ty mới, và hàng chục nghìn việc làm mới. Các công nghiệp không gian và công nghiệp có liên quan đang tạo ra những nhu cầu mới về đầu tư và nhân lực có kỹ năng, thế nên thành phố này và bang này và vùng này sẽ chia sẻ được phần lớn trong sự tăng trưởng ấy. Nơi mà khi xưa là một cộng đồng tiền tiêu ở xa nhất trên biên cương miền Tây sau này sẽ là một cộng đồng tiền tiêu ở xa nhất trên biên cương khoa học và không gian. [vỗ tay] Houston, Thành phố Houston của các bạn, với Trung tâm Tàu Vũ trụ có Người lái, sẽ trở thành trái tim của một cộng đồng khoa học và kỹ thuật rộng lớn. Trong vòng 5 năm tới, Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia dự kiến sẽ tăng gấp đôi số khoa học gia và kỹ sư trong lĩnh vực này, gia tăng chi phí cho lương bổng và mua sắm lên 60 triệu đô la mỗi năm; để đầu tư 200 triệu đô la cho nhà máy và cơ sở thí nghiệm; và để điều động hoặc ký hợp đồng cho những nỗ lực không gian mới trị giá trên 1 tỉ đô là từ thành phố này.

Chắc chắn là những việc này tiêu tốn nhiều tiền. Kinh phí không gian cho năm nay là gấp ba lần so với tháng 1/1961, và cao hơn kinh phí không gian của tám năm trước đó cộng lại. Kinh phí này hiện ở mức 5 tỉ, tức 400 triệu mỗi năm – một con số lớn lao, cho dù vẫn còn thấp hơn số tiền mà chúng ta chi tiêu mỗi năm cho thuốc lá và xi-gà [vỗ tay] Chi phí không gian chẳng bao lâu sẽ tăng thêm nữa, từ 40 cent mỗi đầu người mỗi tuần đến trên 50 cent mỗi tuần cho mỗi đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở Hoa Kỳ, vì lẽ chúng ta đặt ưu tiên quốc gia cao cho chương trình này – dù rằng phần nào đó là do niềm tin và tầm nhìn, bởi lẽ chúng ta không biết được những lợi ích gì đang chờ chúng ta.

Nhưng thưa quốc dân, nếu tôi nói rằng chúng ta sẽ phóng lên Mặt Trăng, 240 nghìn dặm[6] từ trạm điều hành ở Houston, một tên lửa khổng lồ cao trên 300 feet[7], bằng chiều dài của sân chơi bóng này, làm bằng những hợp kim mới, một số trong đó chưa được phát minh, có khả năng chịu được nhiệt và áp suất nhiều lần cao hơn bây giờ, được lắp ráp với độ chính xác còn cao hơn đồng hồ đeo tay loại tốt nhất, mang theo tất cả thiết bị để đẩy, định hướng, kiểm soát, thông tin, thực phẩm và vật liệu để sinh tồn, theo một phi vụ chưa từng chịu thử thách, đến một thiên thể chưa được biết rõ, rồi an toàn trở về Trái Đất, tái xâm nhập bầu khí quyển với vận tốc 25 nghìn dặm[8] mỗi giờ, tạo nên sức nóng khoảng phân nửa sức nóng của Mặt Trời – nóng gần bằng ở đây – thực hiện mọi công tác và thực hiện đúng cách, và thực hiện trước khi thập kỷ này qua đi, thế thì chúng ta thật là quả cảm. [vỗ tay]

[nói nhỏ] Tôi là người làm mọi việc, thế nên các bạn cần giữ bình tĩnh trong một phút.[9]

Tôi nghĩ chúng ta sẽ thực hiện việc này, và tôi nghĩ chúng ta phải chi tiêu cho những gì cần chi tiêu. Tôi không nghĩ chúng ta hoang phí tiền bạc, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải thực hiện việc này. Và sẽ hoàn tất việc này trong thập kỷ 1960s. Việc này sẽ được hoàn tất trong khi một số các bạn vẫn còn đang theo học cao đẳng và đại học. Việc này sẽ được hoàn tất trong nhiệm kỳ của một số quý vị ngồi ở khán đài này. Nhưng phải hoàn tất việc này. Và phải hoàn tất trước cuối thập kỷ này. Tôi cảm thấy vui mừng vì đại học này đang đóng một vai trò trong việc đưa một người lên Mặt Trăng như là một công trình quốc gia trọng điểm của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Nhiều năm trước, nhà thám hiểm vĩ đại người Anh, George Mallory, người sau này bỏ mình trên Núi Everest, được hỏi tại sao ông leo lên núi ấy. Ông trả lời: “Bởi vì nó ở đó”.

Này, không gian ở đó, và chúng ta sẽ leo lên trên đó, Mặt Trăng cùng các hành tinh ở trên đó, những hy vọng mới về kiến thức và hòa bình ở trên đó. Vì thế, khi chúng ta giăng buồm chúng ta xin Ơn Trên ban phước cho cuộc phiêu lưu rủi ro nhất, nguy hiểm nhất và vĩ đại nhất mà con người từng tham gia.

Cảm ơn quý vị. [Cử tọa đứng dậy vỗ tay]

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: YouTube – http://www.youtube.com/watch?v=ouRbkBAOGEw

Sau đó, Mỹ dồn nguồn lực dồi dào vào chương trình không gian, và có lúc người ta ước tính khoảng 10% nhân lực của nước Mỹ tham gia vào chương trình không gian bằng cách này hay cách khác. Ngày 29 tháng 11 năm 1963, một tuần lễ sau khi Kennedy bị ám sát chết, Tổng thống Johnson (từ Phó Tổng thống lên thay thế) đổi tên Trung tâm phóng Apollo và Mũi Canaveral thành Trung tâm Không gian John F. Kennedy. Từ lúc ấy, Mũi Canaveral thường được gọi là Mũi Kennedy.

Chú thích

[1] Plymouth Bay: Khu định cư của những di dân từ Anh trong giai đoạn 1620-1691, nằm ở New Plymouth, Bang Massachusetts.

[2] Rice thi đấu với Texas: ý nói đến các trận đấu bóng đá Mỹ diễn ra hằng năm giữa Đại học Rice và Đại học Texas. Đội bóng Rice thường yếu hơn đội Texas, nhưng mỗi năm đội Rice vẫn hăng hái thi đấu trong giải truyền thống này. Không phải vì yếu hơn mà đội Rice chịu thua đội Texas. Do đó, Kennedy có ý nói không phải vì khó khăn mà không đi lên Mặt Trăng.

[3] Từ số thấp lên số cao: cách nói ví von, như cách sang số trong hộp số của ô tô để tăng tốc.

[4] Trong 24 giờ qua: Kennedy tính theo thời gian cô đọng 50 năm lịch sử nhân loại như đã nói.

[5] 40 yard gần bằng 36 mét.

[6] 240 nghìn dặm = 386 nghìn km.

[7] 300 feet = 91 mét.

[8] 25 nghìn dặm mỗi giờ = 40 nghìn km/giờ.

[9] Kennedy bông đùa, có ý nói chỉ có mình ông phải đọc diễn văn nên chịu nóng; và còn chơi chữ: trong tiếng Anh ông nói mọi người nên “stay cool”, dịch ra nghĩa đen là “giữ cho mát”.

One thought on ““Chúng ta quyết định đi lên Mặt Trăng” – John F. Kennedy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *