“Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển” – Winston Churchill

Sir Winston Leonard Spencer-Churchill (1874-1965) là một nhà chính trị người Anh, nổi tiếng nhất do cương vị Thủ tướng Anh trong thời Thế chiến II. Ông từng là một người lính, nhà báo, tác gia, và họa sĩ. Churchill được xem là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh quốc và lịch sử thế giới. Riêng tài hùng biện của ông được đánh giá là kiệt xuất trong lịch sử, nhờ đó trong những giai đoạn khốn khó nhất ông giữ vững lòng tin của người Anh vào chiến thắng và động viên quân sĩ Anh nỗ lực chiến đấu chống Đức Quốc xã, động viên dân Anh chịu đựng gian khổ vì những cuộc không kích ác liệt của Đức.

Sau khi Thế chiến II bùng nổ năm 1939, Churchill được chỉ định làm Bộ trưởng Hải quân, là chức vụ ông đảm nhiệm thời Thế chiến I. Tháng 5 năm 1940, ông được cử làm Thủ tướng Anh.

Vào thời kỳ đầu của Thế chiến II, Churchill đọc 4 bài diễn văn lịch sử trước Hạ viện Anh. Mỗi bài diễn văn đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình hình chiến sự và chính trị ở mỗi thời điểm, cho thấy một cột mốc quan trọng trong lịch sử. Các bài diễn văn này cũng phân tích cán cân lực lượng cùng vị thế lợi và bất lợi của mỗi bên, rồi kêu gọi người Anh tiếp tục chiến đấu, tỏ rõ ý chí cương quyết không đàm phán với Đức và kiên định đi đến thắng lợi cuối cùng.

  Năm 1940, Thế chiến II chỉ mới diễn ra một năm nhưng Anh đã lâm vào vào tình thế khẩn trương. Không quân Anh bị suy yếu nhiều ở Pháp. Chỉ có hải quân là còn mạnh, nhưng chiến dịch chống lại cuộc xâm lăng của Đức ở Na Uy cho thấy máy bay Đức dễ gây tổn thất cho tàu chiến lớn. Bây giờ, không quân Đức chỉ mất 5 đến 10 phút bay qua Biển Manche là đến lãnh thổ Anh. Về phần Pháp, những đơn vị thiện chiến nhất đã bị tiêu diệt ở Bỉ và miền Bắc nước Pháp, phần lớn không lực nhỏ nhoi và lạc hậu bị tiêu diệt. Hai vị tướng nổi danh nhất là Thống chế Pétain và Đại tướng Weygand cũng không còn tinh thần chiến đấu chống lại đối thủ đáng gờm như thế.

Những sự kiện ảm đạm này chiếm lĩnh tâm tư của Thủ tướng Churchill khi ông đứng trước Hạ viện ngày 4 tháng 6 năm 1940 trong khi những con thuyền cuối cùng di tản binh sĩ Đồng minh từ Dunquerque vừa về đến Anh. Chính trong dịp này mà ông có bài diễn văn nổi tiếng, sẽ được ghi nhớ mãi và được xem là một trong số những bài diễn văn hùng hồn nhất trong nhiều thời đại.[1]

Bài diễn văn được đồng loạt đánh giá rất cao:

  • Hạng 3 trong số 10 bài diễn văn truyền cảm hứng hay nhất làm thay đổi lịch sử (Nhật báo Daily Mail, Anh quốc).
  • Hạng nhất trong số các bài diễn văn vĩ đại của Thế kỷ 20 (nhật báo The Guardian, Anh quốc).
  • Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness).
  • Một trong 13 bài diễn văn hay nhất mọi thời đại (trang mạng MSN News).
  • Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất (Tạp chí TIME, Mỹ).
  • Một trong 10 bài diễn văn truyền cảm hứng cao nhất trong lịch sử (trang mạng Urban Titan).

Diễn văn đọc trước Hạ viện

ChurchillTừ lúc phòng tuyến của Pháp ở Sedan và trên Sông Meuse bị vỡ vào cuối tuần lễ thứ hai Tháng Năm, chỉ có một sự rút lui nhanh chóng về Amiens và miền nam mới có thể cứu các Đại Quân đoàn[2] Anh và Pháp vốn trước đấy đã tiến vào Bỉ theo lời kêu gọi của Vua nước Bỉ.

Nhưng ban đầu người ta không nhận ra sự kiện chiến lược này. Bộ Tổng Tư lệnh Pháp hy vọng họ có thể bịt kín khoảng hở, và các Đại Quân đoàn ở miền bắc đang nhận lệnh. Hơn nữa, rút lui kiểu ấy hẳn đã có thể mang đến sự hủy diệt của Quân đội Bỉ tinh nhuệ gồm 20 sư đoàn và bỏ rơi toàn bộ nước Bỉ. Vì thế, khi ta nhận ra sức mạnh và cách bố trí của quân Đức và khi tân Thống chế Pháp Weygand nhậm chức thay thế Gamelin, các Đại Quân đoàn Anh và Pháp ở Bỉ nỗ lực giữ lấy vùng bên phải của Bỉ và nhường lại vùng bên phải của họ cho một Đại Quân đoàn Pháp mới được thành lập. Đơn vị này sẽ tiến qua Sông Somme với lực lượng mạnh để giữ vùng ấy.

Tuy nhiên, sức tiến công của Đức bùng nổ như một lưỡi hái sắc bén cắt quanh sườn phải và phía sau của các Đại Quân đoàn ở miền bắc. Tám hoặc chín sư đoàn cơ giới, mỗi sư đoàn có khoảng bốn trăm xe cơ giới thuộc nhiều loại khác nhau, nhưng được lựa chọn cẩn thận để bổ sung cho nhau và có thể chia thành nhiều đơn vị nhỏ tác chiến độc lập, cắt qua mọi tuyến giao thông liên lạc giữa chúng ta và các Đại Quân đoàn chủ lực của Pháp. Quân Đức cắt đứt các tuyến giao thông để tiếp thực phẩm và đạn dược của ta […]. Phía sau làn sóng quân cơ giới Đức là một số sư đoàn Đức được vận chuyển trên xe tải, và phía sau họ là Quân đội Đức và dân Đức di chuyển tương đối chậm, luôn sẵn sàng dày xéo lãnh thổ của các quốc gia tự do và chiếm lấy những tiện nghi mà họ chưa hề có.

Tôi đã nói lưỡi hái cơ giới ấy tiến gần đến Dunkirk[3] – gần đến nhưng không hẳn đã đến gần. Boulogne và Calais là những nơi xảy ra đụng độ trong cảnh tuyệt vọng. Lực lượng Vệ binh Anh phòng thủ Boulogne một ít lâu rồi nhận lệnh rút lui. Các đơn vị Anh với một tiểu đoàn tăng của Anh và 1.000 lính Pháp, tất cả gồm 4.000 người, bảo vệ Calais cho đến người cuối cùng. Thiếu tướng Anh được cho một tiếng đồng hồ để đầu hàng. Ông từ chối đầu hàng, và chiến sự khốc liệt trên đường phố diễn ra bốn ngày trước khi bầu không khí im lặng bao trùm Calais, đánh dấu một sự kháng cự đáng ghi nhớ. Chỉ có 30 người sống sót bị thương được Hải quân di tản, và chúng ta không được biết số phận của đồng đội họ. Tuy nhiên, sự hy sinh của họ không phải là vô ích. Ít nhất hai sư đoàn cơ giới Đức, thay vì tiến đánh Lực lượng Viễn chinh Anh[4], lại được điều đến để trấn áp họ. Quân Anh tạo thêm một trang sử oai hùng của các sư đoàn trang bị nhẹ, và thời gian kềm chân quân Đức cho phép tháo nước làm ngập phòng tuyến thủy Graveline để quân Pháp phòng thủ.

Thế là cảng Dunkirk được duy trì hoạt động. Khi nhận ra rằng các Đại Quân đoàn ở miền bắc không thể nào tái lập các tuyến thông tin đến Amiens kết nối với các Đại Quân đoàn Pháp chủ lực, thì chỉ còn một chọn lựa. Tình hình đúng là tuyệt vọng. Các Đại Quân đoàn Bỉ, Anh và Pháp hầu như bị bao vây. Đường rút lui duy nhất của họ là về một bến cảng duy nhất và các bãi biển gần đó.

Đúng một tuần trước, khi tôi yêu cầu Hạ viện lên lịch chiều nay để tôi có cơ hội tường trình, tôi đã e rằng tôi đành phải thông báo thảm họa quân sự tồi tệ nhất trong lịch sử lâu dài của chúng ta. Tôi đã suy nghĩ – và một số người am hiểu đồng ý với tôi – rằng có thể di tản 20.000 đến 30.000 quân. Nhưng có vẻ như chắc chắn rằng toàn bộ Đại Quân đoàn 1 của Pháp và toàn bộ Lực lượng Viễn chinh Anh phía bắc khoảng trống Amiens-Abbeville bị tan vỡ giữa đồng trống, nếu không thì cũng phải đầu hàng vì thiếu thực phẩm và đạn dược. Đấy là những diễn tiến khó khăn và nặng nề mà tôi đã kêu gọi Hạ viện và đất nước chuẩn bị tinh thần một tuần lễ trước. Cả gốc rễ, cốt lõi và bộ óc của Đại Quân đoàn Anh dựa trên đó chúng ta đã gầy dựng, và sẽ gầy dựng, những Đại Quân đoàn Anh vĩ đại cho các năm về sau trong cuộc chiến, lại có vẻ như sắp tiêu tán trên chiến trường hoặc bị đẩy vào cảnh tù đày nhục nhã và đói kém.

Đấy là viễn cảnh vào tuần trước. Nhưng thêm một cú có thể là chí mạng rơi xuống chúng ta. Vua nước Bỉ kêu gọi chúng ta đến tăng viện. Nếu vị quân vương này và Chính phủ của ông không tự rút ra khỏi Đồng minh, vốn đã cứu họ khỏi nạn diệt vong trong cuộc chiến trước, và nếu họ không lánh mình trong sự trung lập chết người, thì các Đại Quân đoàn Pháp và Anh ngay từ đầu đáng lẽ có thể cứu lấy không những Bỉ mà còn cứu được Ba Lan. Tuy thế, vào thời khắc cuối cùng khi Bỉ đã bị xâm lăng, Vua Leopold kêu gọi chúng ta đến tăng viện, và thậm chí vào thời khắc cuối cùng chúng ta đã đến. Ông ấy cùng Quân đội của ông, gần nửa triệu quân can trường và thiện chiến, bảo vệ sườn trái của chúng ta và vì thế giúp duy trì tuyến rút lui duy nhất về phía biển. Thình lình, không tham khảo trước, cũng không có thông báo rõ ràng, không được các bộ trưởng của ông tham mưu mà chỉ hành động một mình, ông phái một đặc sứ toàn quyền đến Bộ Tư lệnh Đức, xin cho Quân đội của mình đầu hàng, làm hở cả sườn và tuyến rút lui của chúng ta.

Tuần trước tôi yêu cầu Hạ viện khoan phán xét bởi vì nhiều sự kiện chưa được rõ ràng, nhưng bây giờ tôi nghĩ chúng ta có lý do mà đưa ra ý kiến về giai đoạn khốn khổ này. Sự đầu hàng của Quân đội Bỉ khiến cho quân Anh trong thời gian ngắn nhất phải bố trí cạnh sườn dẫn đến bờ biển có chiều dài hơn 30 dặm. Nếu không, tất cả các đơn vị sẽ bị cắt đứt, và tất cả sẽ cùng chung số phận mà Vua Leopold định đoạt cho một Quân đội tài giỏi nhất quốc gia ông từng gầy dựng. Vậy là, khi làm như thế và khi để lộ ra cạnh sườn ấy, như bất kỳ ai cũng có thể theo dõi diễn biến trên bản đồ mà nhận ra, liên lạc giữa quân Anh và hai trong số ba quân đoàn của Đại Quân đoàn 1 Pháp bị cắt đứt. Quân Pháp còn cách bờ biển xa hơn quân ta, và có vẻ như không thể nào đưa được nhiều quân Đồng minh đến bờ biển.

Quân địch tấn công dữ dội từ mọi mặt với sức mạnh lớn lao, và lực lượng chủ yếu của họ là Không lực áp đảo về số lượng, được ném vào trận chiến hoặc tập trung ở Dunkirk cùng các bãi biển. Dồn ép đến tuyến rút lui hẹp từ phía đông và phía tây, địch bắt đầu bắn pháo dọc bờ biển nơi mà tàu thuyền phải tiến vào hoặc rời đi. Họ rải mìn nam châm trong các luồng tàu và mặt biển; họ phóng nhiều đợt máy bay, đôi lúc theo đội hình trên một trăm chiếc, để ném bom xuống bến tàu duy nhất còn sót lại, và xuống những đụn cát mà quân ta nhắm đến để trú ẩn. Tàu ngầm Đức, một chiếc trong số đó bị tiêu diệt, và xuồng máy của Đức gây thiệt hại cho đoàn tàu di tản của ta vốn lúc đó đã bắt đầu hoạt động. Chiến sự ác liệt diễn ra trong bốn hoặc năm ngày. Tất cả các sư đoàn cơ giới hoặc những gì còn lại của Đức cùng với lực lượng bộ binh và pháo binh hùng mạnh tấn công tuyến rút lui ngày càng hẹp lại, ngày càng co thắt mà quân Anh và Pháp cố giữ vững.

Trong lúc đó, Hải quân Hoàng gia, với sự trợ giúp tình nguyện của vô số thủy thủ hàng hải, căng thẳng mọi dây thần kinh để đón nhận quân Anh và Đồng minh; 220 tàu chiến hạng nhẹ và 650 tàu các loại khác được điều động. Họ phải hoạt động dọc bờ biển khó khăn, thường là trong thời tiết xấu, trong khi bom và pháo rơi hầu như không ngớt. Và như tôi đã nói, vùng biển này đầy những mìn và thủy lôi. Trong những điều kiện này mà quân ta tiếp tục, ít khi nghỉ ngơi hoặc chẳng nghỉ ngơi gì cả, cả ngày lẫn đêm, đi từ chuyến này đến chuyến khác trong vùng nước hiểm trở, chở theo những binh sĩ mà họ cứu thoát được. Số người mà họ mang về là bằng chứng cho thấy sự tận tâm và hy sinh của họ. Các tàu bệnh viện mang được nhiều thương binh Anh và Pháp, được đánh dấu rõ ràng nhưng vẫn là đích nhắm cho bom của Quốc xã; nhưng nhân viên nam nữ trên tàu không bao giờ xao lãng nhiệm vụ.

Trong lúc đó, Không lực Hoàng gia vốn đã tham gia vào trận chiến tùy cự ly từ căn cứ quê nhà cho phép, bây giờ dành một phần lực lượng để chặn đánh oanh tạc cơ Đức và chiến đấu cơ Đức bay đông đảo để bảo vệ oanh tạc cơ. Họ phải chiến đấu dằng dai và dữ dội. Thình lình quang cảnh trở nên rõ ràng, tiếng va chạm và tiếng sấm ngưng bặt – nhưng chỉ trong một khoảnh khắc. Một phép mầu của sự cứu rỗi, được thành tựu bằng lòng dũng cảm, bằng quyết tâm, bằng kỷ luật hoàn hảo, bằng công tác xuất sắc, bằng nguồn lực, bằng kỹ năng, bằng lòng trung kiên không gì lay chuyển được, là hiển nhiên đối với tất cả chúng ta. Quân thù bị đánh bật trở lại bởi quân Anh và Pháp đang rút lui. Họ bị thiệt hại nặng nên không thể khiến cho quân ta phải ra đi vội vã. Không lực Hoàng gia giao chiến với bộ phận chính của Không lực Đức và gây thiệt hại với tỷ lệ bốn trên một. Hải quân huy động 1.000 tàu thuyền đủ loại, chở được 335.000 quân Pháp và Anh ra khỏi tử địa để về đến quê nhà và về với những công tác trước mắt.

Chúng ta phải rất cẩn thận mà đừng cho rằng sự cứu rỗi này là một chiến thắng. Không thể chiến thắng cuộc chiến bằng cách rút lui. Nhưng có một chiến thắng trong sự cứu rỗi này, mà ta phải ghi nhận. Đấy là chiến thắng của Không lực. Nhiều binh sĩ trở về không thấy Không lực chiến đấu; họ chỉ thấy các oanh tạc cơ thoát khỏi sự tấn công của Không lực. Họ đánh giá thấp thành quả của Không lực. Tôi đã nghe nói nhiều về chuyện này; đấy là lý do tại sao tôi muốn đề cập chi tiết. Tôi sẽ kể cho quý vị rõ về chuyện này.

Đấy là sự thử thách sức mạnh giữa Không lực Anh và Không lực Đức. Quý vị có thể nghĩ ra một mục tiêu to tát hơn cho Không lực Đức không? Mục tiêu là ngăn chặn cuộc di tản từ các bãi biển, và đánh chìm tất cả tàu thuyền tham gia lên đến con số hàng nghìn. Liệu có mục tiêu quân sự nào quan trọng hơn cho cuộc chiến hay không? Họ nỗ lực tối đa, và bị đánh lui; họ nhụt chí trong nhiệm vụ của họ. Chúng ta di tản được quân đội; và họ phải chịu thiệt hại gấp bốn lần thiệt hại của ta. Nhiều đội hình rất lớn của máy bay Đức – và chúng ta biết họ thuộc giống nòi rất dũng cảm – đôi lần tấn công đội hình Không lực Hoàng gia có số lượng chỉ bằng một phần tư, và họ đã phân tán theo những hướng khác nhau. Hai mươi máy bay Đức bị hai máy bay Không lực Anh đuổi đánh. Một máy bay Không lực Anh đã hết đạn nhưng vẫn lao theo một máy bay Đức cho rơi xuống biển. Tất cả các loại máy bay của ta – Hurricane, Spitfire và loại mới Defiant – và tất cả phi công của ta đều đã được minh chứng là vượt trội so với đối phương.

Khi xem xét chúng ta có lợi thế ra sao trong việc bảo vệ không phận đất nước chống lại cuộc tấn công từ bên ngoài, tôi phải nói rằng tôi dựa trên những sự kiện đó mà làm cơ sở cho những ý nghĩ thực tế và an tâm. Tôi sẽ vinh danh những phi công trẻ đó. Trong lúc này, Quân đội Pháp vĩ đại phải lùi bước và phân tán bởi ít nghìn xe cơ giới. Liệu lý tưởng của nền văn minh có thể được bảo vệ bởi kỹ năng và lòng tận tâm của ít nghìn phi công, hay không? Tôi nghĩ, trên cả thế gian, trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh, chưa bao giờ có cơ hội như vậy cho thế hệ trẻ.

Các Hiệp sĩ Bàn tròn[5], các nhà Thánh chiến, tất cả rơi vào quá khứ, không chỉ xa vời mà còn rời rạc lẻ tẻ. Những chàng trai trẻ ấy, mỗi buổi sáng ra đi để bảo vệ đất nước và bảo vệ những gì chúng ta làm đại diện, giữ trong tay những công cụ có sức mạnh siêu việt. […] Họ xứng đáng với lòng biết ơn của chúng ta, vì tất cả những con người quả cảm, qua nhiều cách và trong nhiều trường hợp, đang sẵn sàng và mãi vẫn sẵn sàng để hy sinh mạng sống và hy sinh tất cả cho quê hương.

[Churchill báo cáo những thiệt hại của Lục quân và tình hình trên lục địa Châu Âu]

Tôi trở lại với Lục quân. Trong một chuỗi dài những trận chiến dữ dội, có lúc trên chiến trường này, có lúc trên chiến trường kia, chiến đấu trên cả ba chiến trường cùng một lúc, những trận chiến có hai hoặc ba sư đoàn chống lại quân số tương đương hoặc có phần đông hơn, và chiến đấu dữ dội trên một số chiến trường cũ mà nhiều người trong chúng ta biết rõ – trong những trận đánh này chúng ta chịu thiệt hại là trên 30.000 thương vong và mất tích.

[…]

So với thiệt hại trên 30.000 người, chúng ta gây thiệt hại nặng nề hơn cho đối phương. Nhưng thiệt hại về vật chất của chúng ta là vô cùng to lớn. […] Chúng ta mất gần một nghìn phương tiện vận tải và tất cả xe cơ giới thuộc Lục quân ở miền bắc.

[…]

Cho dù chúng ta vui mừng vì một quân số đông đảo thoát được, và nhiều người có người thân trải qua một tuần lễ lo âu khổ sở, ta không nên bỏ qua sự kiện là những gì đã xảy ra ở Pháp và Bỉ là một thảm kịch quân sự to lớn. Quân đội Pháp đã suy yếu, Quân đội Bỉ đã bị mất, một phần lớn các tuyến phòng thủ mà chúng ta đặt nhiều tin tưởng đã bị phá hủy, nhiều huyện hầm mỏ và nhà máy có giá trị đã rơi vào tay kẻ thù, toàn bộ các cảng bờ biển Manche rơi vào tay của chúng với tất cả hệ quả bi thảm tiếp theo, và chúng ta phải đón chờ một cú đánh hầu như lập tức ở Pháp. Chúng ta được nghe nói Ông Hitler có một kế hoạch xâm lăng Anh quốc. Việc này đã được nghĩ đến từ trước. Khi Napoléon đóng quân ở Boulogne trong một năm với các chiếc thuyền đáy bằng và Quân đội Vĩ đại của ông, có người nói với ông: “Bên Anh có cỏ đắng.” Chắc chắn càng có thêm cỏ đắng kể từ khi Lực lượng Viễn chinh Anh trở về.

Tất cả vấn đề bảo vệ đất nước chống lại cuộc xâm lăng dĩ nhiên là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự kiện là hiện giờ chúng ta có lực lượng quân sự hùng mạnh không gì sánh được, mạnh hơn nhiều so với những gì chúng ta có vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc chiến này hoặc cuộc chiến trước. Nhưng tình trạng này sẽ không tiếp tục. Chúng ta sẽ không mãn nguyện với một cuộc chiến phòng thủ. Chúng ta có nghĩa vụ đối với Đồng minh của ta. Chúng ta phải gầy dựng Lực lượng Viễn chinh Anh một lần nữa, dưới quyền vị Tư lệnh dũng cảm, Lord Gort. Tất cả những việc này đã được chuẩn bị; nhưng trước mắt chúng ta phải đặt hệ thống phòng thủ đảo quốc này trong một hình thái tổ chức sao cho số lượng ở mức tối thiểu để tạo an ninh hữu hiệu và có thể thực hiện tiềm năng tấn công. Chúng ta đang tiến hành việc này. Nếu Hạ viện đồng ý, ta đưa việc này vào phiên họp kín thì tiện lợi nhất. Chính phủ không nhất thiết phải tiết lộ mọi chi tiết bí mật quân sự, nhưng chúng tôi muốn có những cuộc thảo luận tự do, mà không bị hạn chế bởi sự kiện là kẻ thù có thể biết được bí mật của chúng ta ngày hôm sau. Những ý kiến được tự do phát biểu bởi các Đại biểu Hạ viện có hiểu biết từ mọi miền đất nước sẽ là hữu ích đối với Chính phủ. Tôi hiểu rằng theo thủ tục cần phải yêu cầu việc này, mà Chính phủ của Hoàng thượng sẽ đồng ý.

Chúng tôi thấy cần thiết phải thực hiện một số biện pháp nghiêm ngặt hơn, không chỉ chống lại giặc ngoài và những phần tử đáng nghi thuộc quốc tịch khác, mà còn chống lại những thần dân Anh vốn có thể gây nguy hiểm hoặc phiền toái nếu chiến tranh lan đến Vương quốc Anh. Tôi biết những quy định mà chúng tôi đã đưa ra sẽ ảnh hưởng đến một số đông người là kẻ thù sôi sục của Đức Quốc xã. Tôi lấy làm tiếc đối với họ, nhưng đến lúc này và dưới áp lực hiện nay, tôi không thể phân biệt ai là ai như ý mong muốn. Nếu có hành quân nhảy dù và tiếp theo sau là chiến sự dữ dội, những người thiếu may mắn này nên lánh xa, như thế tốt cho họ và tốt cho ta. Tuy nhiên, còn có một tầng lớp khác mà tôi không đồng cảm chút nào. Nghị viện đã trao quyền cho chúng tôi để có biện pháp mạnh trấn áp hoạt động của những tổ chức bí mật, và chúng tôi sẽ hành xử quyền này cho đến lúc chúng tôi yên tâm, và hơn cả yên tâm, thấy rằng khối u này đã được cắt bỏ.

Trở lại vấn đề xâm lăng, và lần này tôi muốn trình bày sơ lược, tôi nhận thấy rằng chưa từng có lúc nào trong những thế kỷ dài mà chúng ta đảm bảo tuyệt đối với nhân dân ta chống được ngoại xâm. Trong những ngày của Napoléon, cùng một ngọn gió đáng lẽ có thể đưa tàu của ông ta vượt Biển Manche lại thổi dạt hạm đội ngăn chặn. Lúc nào cũng có cơ may, và chính cơ may đã kích động và hóa giải trí tưởng tượng của nhiều kẻ chuyên chế trên lục địa. Nhiều chuyện chỉ là truyền thuyết. Chúng ta được đảm bảo sẽ áp dụng những phương pháp mới, và khi chúng ta trông thấy kẻ thù tỏ lộ ác ý có sáng tạo và tài xâm lược khéo léo[6], chắc chắn chúng ta phải chuẩn bị đối phó với mọi mưu đồ, mọi biện pháp tàn bạo và phản trắc. Tôi nghĩ không có ý kiến nào là quá lạ lùng để bị gạt qua một bên, mà phải được xem xét tìm hiểu cẩn thận, và tôi mong như thế. Chúng ta không được quên sự đảm bảo vững chắc của sức mạnh hải quân và không quân nếu được phát huy tốt trong nước.

Cá nhân tôi tin chắc rằng nếu tất cả làm tròn nhiệm vụ, nếu không lơ là việc gì, và nếu mọi phương thức tốt nhất được triển khai như đang được thực hiện, một lần nữa chúng ta sẽ tự chứng tỏ khả năng bảo vệ đảo quốc, vượt qua bão tố chiến tranh, hóa giải mối đe dọa của kẻ chuyên chế. Chúng ta sẽ thực hiện những việc này trong nhiều năm nếu cần, trong cảnh đơn độc nếu cần. Dù sao đi nữa, đấy là những việc chúng ta sẽ nỗ lực làm. Đấy là quyết tâm của Chính phủ của Hoàng thượng – quyết tâm của mọi người. Đấy là ý chí của Nghị viện và nhân dân. Đế quốc Anh và Cộng hòa Pháp, kết nối với nhau trong lý tưởng và trong nhu cầu, sẽ bảo vệ cho đến chết mảnh đất quê hương của họ, hết sức hỗ trợ lẫn nhau như là những người đồng chí hướng. Ngay cả khi những dải đất rộng của Châu Âu và nhiều quốc gia xưa cũ và nổi tiếng sụp đổ hoặc rơi vào vòng kìm kẹp của Mật vụ và của mọi bộ máy kinh tởm của chế độ Quốc xã, chúng ta sẽ không nhụt chí hoặc cam nhận thất bại.

Chúng ta sẽ đi đến cùng, chúng ta sẽ chiến đấu ở Pháp, chúng ta sẽ chiến đấu trên biển và đại dương, chúng ta sẽ chiến đấu trên bầu trời với lòng tự tin ngày càng kiên định và với nghị lực ngày càng được củng cố, chúng ta sẽ bảo vệ đảo quốc của chúng ta với bất cứ giá nào. Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi đáp, chúng ta sẽ chiến đấu trên trận tiền và trên đường phố, chúng ta sẽ chiến đấu trên đồi núi.

Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng, và ngay cả nếu – mà tôi không hề tin là hiện thực – đảo quốc này hoặc một phần lớn của nó bị khuất phục và đang đói kém, thì Đế quốc của chúng ta phía bên kia bờ biển, được Hạm đội Anh vũ trang và bảo vệ, sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu cho đến khi Tân Thế giới, với mọi nghị lực và ý chí của nó, tiến lên để cứu nguy và giải phóng Cựu Thế giới.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi âm: The Fifties Webhttp://www.fiftiesweb.com/usa/churchill-fight-beaches.mp3

Chú thích

[1] William L. Shirer, The rise and fall of the Third Reich, 1960. Bản dịch của Diệp Minh Tâm: Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, 2007, Nhà Xuất bản Tri Thức.

[2] Đại Quân đoàn: thường có 2-4 quân đoàn, và một quân đoàn thường có 2-4 sư đoàn. Nếu tính mỗi sư đoàn thường có từ 10 đến 15 nghìn người, thì một đại quân đoàn thường có 100 đến 250 nghìn người.

[3] Dunkirk: tên viết theo Anh văn của địa danh Dunquerque, thuộc miền bắc nước Pháp, bên bờ Biển Manche, trông qua bên kia bờ là Anh quốc.

[4] Lực lượng Viễn chinh Anh: đơn vị đặc biệt do Anh thành lập để chiến đấu ở Châu Âu từ Thế chiến I, đến năm 1939 được điều đến trấn đóng vùng biên giới Pháp-Bỉ. Lúc này, Lực lượng gồm có 10 sư đoàn bộ binh được tổ chức thành 3 quân đoàn, một lữ đoàn thiết giáp và một không đoàn biệt phái gồm khoảng 500 máy bay.

[5] Hiệp sĩ Bàn tròn: Vua huyền thoại Camelot của Anh có một bàn tròn nơi ông ngồi họp với các Hiệp sĩ của mình. Bàn tròn là để chứng tỏ mọi người ngồi quanh được bình đẳng, có quyền tự do phát biểu ý kiến.

[6] Sáng tạo và tài xâm lược khéo léo: ý nói khi đánh qua Pháp, Đức đã vận dụng chiến thuật tài tình chưa từng thấy trước đó, ví dụ như Chiến tranh sấm sét (theo nghĩa tiếng Đức: Blitzkrieg): chiến thuật đánh tăng tổng lực dưới sự yểm trợ của máy bay nhằm thần tốc xuyên thủng phòng tuyến của đối phương và tiếp tục tiến công, để bộ binh theo sau làm công việc truy quét và bình định vùng mới chiếm được.

 

One thought on ““Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển” – Winston Churchill

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *