“Chúng ta sẽ vượt qua” – Lyndon B. Johnson

Lyndon Baines Johnson (1908-1973) là tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ (1963-1969), sau khi làm phó tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ (1961-1963). Trước đó, ông là đại biểu hạ viện (1937–1949) và thượng nghị sĩ (1949–1961) kể cả 6 năm làm Thủ lĩnh Đa số Thượng viện.

Ông là tác giả những chương trình quốc nội được gọi chung là Xã hội Lớn (Great Society) nhằm xóa đói giảm nghèo, xóa bất công chủng tộc và nâng cao quyền dân sự, cũng như cải thiện bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường, và giáo dục. Nhờ những chương trình này mà ông được các sử gia đánh giá cao. Giữa thập kỳ 1960, nước Mỹ sục sôi vì những cuộc tuần hành tranh đấu cho quyền người da màu, dẫn đến những sự đàn áp của chính quyền gây thương vong.

Chỉ một tuần sau vụ đàn áp dẫm máu ở Thành phố Selma, Bang Alabama, ngày 15 tháng 3 năm 1965, trước Quốc hội Tổng thống Lyndon B. Johnson đọc một bài diễn văn – được xem là một trong những bài diễn văn hùng hồn nhất của ông – kêu gọi người Mỹ đoàn kết vì công lý cho toàn dân, không phân biệt da trắng hay da màu, bắc hay nam. Johnson có chủ ý lặp lại vài lần cụm từ “We shall overcome” (Chúng ta sẽ vượt qua), là tên và ca từ trong một ca khúc tranh đấu của người da màu, và sau đó trở thành tựa đề cho bài diễn văn của ông.

Các sử gia đánh giá nhiệm kỳ của Johnson là đỉnh điểm của chủ nghĩa tự do (liberalism) kể từ thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt, và bài diễn văn này là một ví dụ tiêu biểu.

Bài diễn văn dưới đây được đánh giá như sau:
*  Một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong Thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric)
*  Một trong 10 bài diễn văn của tổng thống hay nhất tạo chuyển biến cho nước Mỹ (trang mạng Interactive Voices, Inc.)
*  Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (Tạp chí TIME, Mỹ)
*  Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.

Diễn văn đọc trước Quốc hội Hoa Kỳ

Thưa Ông Chủ tịch Hạ viện, thưa ông Chủ tịch Thượng viện, thưa quý Đại biểu Quốc hội:

Tối nay, tôi phát biểu cho phẩm giá của con người và cho vận mệnh của nền dân chủ. Tôi kêu gọi tất cả đại biểu thuộc hai đảng, người Mỹ của mọi tôn giáo và mọi màu da, trong mọi lĩnh vực của đất nước này, tham gia với tôi trong sự nghiệp này.

Có những lúc lịch sử và số phận gặp nhau cùng một lúc ở cùng một nơi chốn để định hình điểm ngoặt quan trọng trong sự kiếm tìm tự do của con người. Ở Lexington và Concord[1] cũng thế. Ở Appomattox[2] cách đây một thế kỷ cũng thế. Ở Thành phố Selma, Bang Alabama, mới tuần rồi cũng thế. Nơi đây, những đàn ông và phụ nữ đã chịu khổ sở từ lâu phản đối một cách ôn hòa việc họ bị từ chối những quyền như là công dân Mỹ. Nhiều người bị tấn công một cách tàn nhẫn. Một người tốt – một con chiên của Chúa – bị giết chết.

Ta không thể nào hãnh diện về những gì đã xảy ra ở Selma. Không thể nào lấy làm tự mãn với việc tước bỏ trong một thời gian dài những quyền bình đẳng của hàng triệu người Mỹ. Nhưng theo những gì xảy ra tối nay thì có lý do để hy vọng và tin tưởng nơi nền dân chủ của chúng ta. Tiếng thét đau đớn, tiếng hát cầu nguyện và tiếng phản đối của những người bị áp bức triệu tập tất cả tính chất uy nghiêm của chính phủ vĩ đại này – chính phủ của quốc gia vĩ đại nhất trên quả đất. Nhiệm vụ của chúng ta ngay lập tức chính là nhiệm vụ cũ kỹ nhất và cơ bản nhất của quốc gia này: nhằm khắc phục lầm lỗi, nhằm thực thi công lý, nhằm phục vụ con người.

Trong thời đại này, chúng ta kinh qua những thời khắc khủng hoảng lớn lao. Cuộc sống của chúng ta được ghi dấu ấn với sự tranh luận về những chủ đề lớn lao – chủ đề chiến tranh và hòa bình, chủ đề của thịnh vượng và suy thoái. Nhưng hiếm khi có một chủ đề vạch trần chính con tim ẩn khuất của nước Mỹ. Hiếm khi chúng ta đối diện với một thách thức, không phải về sự tăng trưởng hoặc giàu có, về an sinh hoặc quốc phòng, mà là về những giá trị và những mục đích và ý nghĩa của quốc gia mà chúng ta thương yêu.

Vấn đề những quyền bình đẳng cho người Mỹ da mầu chính là chủ đề như thế.

Cho dù chúng ta thắng mọi kẻ thù, cho dù chúng ta nhân đôi tổng sản lượng và chinh phục các ngôi sao trên trời, mà thiếu bình đẳng trong chủ đề ấy, thì dân tộc và đất nước chúng ta vẫn sẽ thất bại. Bởi vì đối với một đất nước cũng như đối với một người, có câu chất vấn: “Nếu một người lấy được cả thế giới nhưng đánh mất linh hồn của mình thì được lợi gì?”

Không có vấn nạn cho người da màu. Không có vấn nạn cho miền Nam. Không có vấn nạn cho miền Bắc. Chỉ có một vấn nạn cho nước Mỹ. Và tối hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây như là những người Mỹ – không phải như là người Dân chủ hay người Cộng hòa. Chúng ta gặp nhau như là những người Mỹ để giải quyết vấn nạn ấy.

Đây là quốc gia đầu tiên trong lịch sử thế giới được tạo dựng với một mục đích. Những ngôn từ vĩ đại cho mục đích ấy vẫn vang vọng trong mọi con tim của người Mỹ, kể cả Bắc và Nam: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng[3], “chính phủ bởi sự đồng thuận của những người được quản trị[4], “cho tôi tự do hoặc cho tôi cái chết[5]. Đấy không chỉ là những ngôn từ khôn ngoan, hoặc chỉ là những lý thuyết rỗng tuếch. Dưới danh nghĩa những ngôn từ ấy mà người Mỹ chiến đấu và hy sinh trong hai thế kỷ qua, và tối hôm nay, trên khắp thế giới họ đứng lên như là những người bảo vệ nền tự do của chúng ta, sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ.

Những ngôn từ ấy là lời hứa cho tất cả công dân rằng họ phải được sẻ chia trong phẩm giá con người. Không thể tìm ra phẩm giá này trong của cải riêng của con người; không thể tìm thấy trong sức mạnh của anh ta, hoặc trong địa vị của anh ta. Nó thực sự nằm trong quyền con người của anh ta để được đối xử bình đẳng với tất cả những người khác. Nó nói rằng anh ta phải được chia sẻ tự do, phải được giáo dục con cái anh ta, phải được tạo dựng cho gia đình anh ta theo khả năng và phẩm giá của anh ta như là một con người. Áp dụng thử thách nào khác – như tước đoạt hy vọng của anh ta vì lý do màu da, hoặc chủng tộc, hoặc tôn giáo, hoặc sinh quán – thì không những là bất công, mà còn chối bỏ đất nước Mỹ và làm ô danh những người đã hy sinh cho nền tự do Mỹ.

Ông cha chúng ta tin rằng quan điểm cao quý ấy về quyền con người phải bén rễ trong nền dân chủ thì nó mới phát triển được. Quyền cơ bản nhất cho tất cả là quyền được chọn lựa người lãnh đạo của chính mình. Lịch sử của đất nước này, nói chung, là lịch sử của việc mở rộng quyền này cho toàn dân ta. Nhiều chủ đề về quyền dân sự thì rất phức tạp và khó khăn nhất. Nhưng về quyền cơ bản kia thì không có gì phải tranh cãi.

Mỗi công dân Mỹ phải có quyền bầu cử bình đẳng. Không có lý do nào để tước đoạt quyền này. Không có nghĩa vụ nào nặng nề đối với chúng ta hơn là nhiệm vụ chúng ta phải đảm bảo quyền này.

Tuy thế, sự kiện là ở nhiều nơi trên đất nước này, nhiều đàn ông và phụ nữ không được đi bầu chỉ bởi vì họ là người da màu. Mọi cách thức khéo léo được vận dụng nhằm tước đoạt quyền này. Người da màu có thể đi đăng ký cử tri để rồi được thông báo là mình đến không đúng ngày, hoặc bị muộn giờ, hoặc giới chức phụ trách không có mặt. Nếu anh ta kiên trì, cố đi đến cơ quan đăng ký [làm thủ tục] thì anh ta có thể bị loại bởi vì anh ta không thể đánh vần tên đệm của mình hoặc bởi vì anh ta viết chữ tắt trong đơn xin. Và nếu anh ta điền đơn xin đúng cách, anh ta phải qua một bài thi. Chỉ nhân viên đăng ký có quyền phán anh ta vượt qua bài thi hay không. Anh ta có thể được yêu cầu đọc toàn bộ bản Hiến pháp, hoặc giải thích những điều khoản phức tạp nhất trong các quy định của Bang. Và ngay cả người có bằng đại học vẫn không thể chứng minh mình biết đọc biết viết.

Vấn đề ở chỗ cách duy nhất để vượt qua các rào cản ấy là cho thấy nước da trắng. Kinh nghiệm chỉ ra rõ ràng là quy trình luật pháp hiện hành không thể vượt qua nạn kỳ thị có hệ thống và lắt léo. Không điều khoản nào mà chúng ta hiện có trong các sách luật – và tôi giúp đặt 3 quyển ở đây – giúp đảm bảo quyền bầu cử một khi quan chức địa phương nhất quyết muốn tước đoạt. Trong trường hợp như thế, nhiệm vụ của chúng ta là hiển nhiên đối với tất cả chúng ta. Hiến pháp nói rằng không được tước đoạt quyền bầu cử của bất kỳ ai chỉ vì lý do chủng tộc hoặc màu da. Tất cả chúng ta đã tuyên thệ với Thượng Đế nhằm hậu thuẫn và bảo vệ Hiến pháp ấy. Bây giờ chúng ta phải hành động theo lời tuyên thệ ấy.

Ngày Thứ Tư, tôi sẽ trình ra trước Quốc hội một dự thảo luật nhằm xóa bỏ những rào cản bất hợp pháp đối với quyền bầu cử.

Ngày mai, những nguyên tắc tổng quát của dự thảo luật này sẽ nằm trong tay các thủ lĩnh Dân chủ và Cộng hòa. Sau khi họ nhận được, những nguyên tắc ấy sẽ được trình ở đây như là dự thảo luật chính thức. Tôi lấy làm cảm kích đối với cơ hội được đến đây tối nay theo lời mời của cấp lãnh đạo để giải trình với các bạn của tôi, để giải thích quan điểm của tôi, và để thăm viếng những đồng nghiệp cũ của tôi. Tôi đã soạn thảo một phân tích bao quát về dự thảo luật mà tôi định chuyển đến văn phòng ngày mai, nhưng thay vào đó tôi sẽ chuyển đến tối nay. Nhưng tôi thực sự muốn thảo luận với quý vị, ngắn gọn, về những đề xuất chính của dự thảo luật này.

Dự thảo luật này sẽ xóa bỏ những hạn chế trong tất cả các cuộc bầu cử – cấp Liên bang, Bang và địa phương – vốn được áp dụng để tước đoạt quyền bầu cử của người da màu. Dự thảo luật này sẽ đặt ra một tiêu chuẩn đơn giản, đồng nhất mà không thể được sử dụng – cho dù có quy định lắt léo đến đâu – để xem thường Hiến pháp của chúng ta. Dự thảo luật này sẽ cho phép công dân đăng ký với Chính phủ Hoa Kỳ, nếu các quan chức Bang từ chối cho họ đăng ký. Dự thảo luật sẽ gỡ bỏ những vụ kiện tụng mất thời giờ, không cần thiết nhưng lại trì hoãn quyền bầu cử. Cuối cùng, Dự thảo luật này sẽ đảm bảo các cá nhân được đăng ký đúng cách sẽ không bị ngăn cấm bỏ phiếu.

Tôi hoan nghênh ý kiến từ tất cả Đại biểu Quốc hội – tôi tin chắc mình sẽ nhận được một số ý kiến – về cách thức củng cố luật này và làm cho nó có hiệu quả. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rõ ràng đây là cách duy nhất để thực thi mệnh lệnh của Hiến pháp.

Đối với những người tìm cách tránh né hành động của Chính phủ Quốc gia trong cộng đồng của họ, những người muốn và tìm cách duy trì sự kiểm soát thuần túy của địa phương trong các kỳ bầu cử, câu trả lời là đơn giản: hãy mở cửa các phòng phiếu cho tất cả cư dân của quý vị.

Hãy cho phép đàn ông và phụ nữ đăng ký và bầu cử cho dù màu da của họ ra sao.

Hãy mở rộng quyền công dân cho mọi công dân trên đất nước này.

Không có vấn đề về Hiến pháp ở đây. Mệnh lệnh của Hiến pháp là rõ ràng. Không có vấn đề về đạo đức. Tước đoạt quyền bầu cử của đồng bào Mỹ là sai – sai hoàn toàn. Không có vấn đề về quyền của các Bang hoặc quyền của quốc gia. Chỉ có cuộc đấu tranh cho quyền con người. Tôi tin chắc đấy sẽ là câu trả lời cho quý vị.

Nhưng lần cuối cùng một Tổng thống trình một dự thảo luật về quyền dân sự cho Quốc hội, nó có một điều khoản bảo vệ quyền bầu cử trong các cuộc bầu cử cấp Liên bang. Dự thảo luật về quyền dân sự ấy được thông qua sau 8 tháng tranh luận. Và khi dự thảo luật được Quốc hội gửi đến bàn giấy của tôi cho tôi ký thành luật, cốt lõi của điều khoản về bầu cử đã bị xóa bỏ. Lần này, về vấn đề này, không được trì hoãn, không được lưỡng lự, hoặc không được dung hòa với mục đích của chúng ta.

Chúng ta không thể, chúng ta không được, từ chối bảo vệ quyền của mọi người Mỹ được đi bầu trong tất cả các cuộc bầu cử mà họ muốn tham dự. Và chúng ta không nên, chúng ta không được chờ thêm 8 tháng trước khi có luật. Chúng ta đã chờ 100 năm và lâu hơn nữa, thời gian chờ đợi đã qua rồi.

Thế nên tôi yêu cầu quý vị hợp tác với tôi trong những giờ làm việc dài – vào buổi tối và cuối tuần nếu cần – để thông qua dự thảo luật này. Bởi lẽ từ khung cửa sổ nơi tôi ngồi với vấn nạn này của đất nước, tôi nhận ra rằng từ bên ngoài gian phòng này là lương tâm nổi giận của một quốc gia, nỗi quan ngại trầm trọng của nhiều quốc gia, và phán xét nặng nề của lịch sử đối với những hành động của chúng ta.

Nhưng cho dù chúng ta thông qua dự thảo luật này, cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Những gì diễn ra ở Selma là một phần của một phong trào rộng lớn hơn thấm vào mọi lĩnh vực và nước Mỹ. Đấy là nỗ lực của người da màu Mỹ nhằm đảm bảo cho họ ơn phước toàn vẹn của cuộc sống Mỹ. Sự nghiệp của họ cũng phải là sự nghiệp của chúng ta. Bởi vì không chỉ là người da màu, mà thật sự là tất cả chúng ta phải vượt qua di sản của sự cố chấp và bất công.

Và chúng ta sẽ vượt qua.

Là người có gốc rễ sâu ở miền Nam, tôi thấu hiểu những cảm nghĩ về chủng tộc là đau đớn như thế nào. Tôi biết khó khăn ra sao khi tái định hình những thái độ và cơ cấu của xã hội chúng ta. Nhưng một thế kỷ đã qua đi, hơn 100 năm đã qua đi kể từ khi người da màu được tự do. Và tối nay họ vẫn chưa được tự do hoàn toàn.

Hơn 100 năm trước, Abraham Lincoln, một Tổng thống vĩ đại thuộc đảng kia, ký bản Tuyên ngôn Giải phóng; nhưng việc giải phóng vẫn chỉ là tuyên ngôn chứ chưa thành hiện thực. Một thế kỷ đã trôi qua, trên 100 năm, kể từ khi có hứa hẹn về bình đẳng. Người da màu vẫn chưa được bình đẳng. Một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày hứa hẹn. Lời hứa chưa được thực hiện.

Thời điểm cho công lý đã đến. Tôi muốn nói với quý vị tôi thành thực tin rằng không sức mạnh nào có thể kéo dài thời điểm ấy. Ngay dưới mắt của con người và Thượng Đế, thời điểm ấy phải đến. Và khi nó đến, tôi nghĩ ngày ấy sẽ soi sáng cuộc sống của tất cả người Mỹ. Bởi vì không chỉ người da màu là nạn nhân. Có bao nhiêu trẻ em da trắng không nhận được nền giáo dục? Có bao nhiêu trẻ em da trắng sống trong cảnh bần cùng? Có bao nhiêu người da trắng mang nỗi khổ vì sợ hãi, bởi vì chúng ta tiêu hao năng lượng và vật chất để duy trì những rào cản của lòng thù hận và khủng bố?

Vì thế mà tôi muốn nói với tất cả quý vị ở đây, và với toàn dân tối nay: những người kêu gọi quý vị bám lấy quá khứ làm như thế với cái giá phải trả là tước đoạt tương lai của quý vị.

Quốc gia vĩ đại, giàu có và năng động này có thể tạo ra cơ hội và giáo dục và hy vọng cho mọi người, tất cả người da màu và da trắng, tất cả người Bắc và người Nam, người nông thôn và người thành thị. Những kẻ thù gồm có: đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật. Đấy là những kẻ thủ, chứ không phải đồng bào ta, không phải hàng xóm của ta. Và đối với những kẻ thù ấy – đói nghèo, bệnh tật và ngu dốt: chúng ta sẽ vượt qua.

Bây giờ, không ai trong chúng ta ở bất kỳ lĩnh vực nào nhìn những xáo trộn trong một lĩnh vực khác, hoặc nhìn những vấn nạn của láng giềng ta, mà cảm thấy có sự công bằng đáng tự hào. Thật sự là không có phần nào của nước Mỹ mà lời hứa về bình đẳng được làm tròn. Ở Buffalo cũng như ở Birmingham, ở Philadelphia cũng như ở Selma, người Mỹ đang đấu tranh cho thành quả của tự do. Quốc gia này là một. Những gì diễn ra ở Selma hoặc ở Cincinnati đều là mối quan tâm đúng lý của mọi người Mỹ. Nhưng mỗi người trong chúng ta hãy nhìn vào con tim mình và cộng đồng của mình, và mỗi người trong chúng ta kê vai vào gánh nặng để xóa bỏ bất công ở bất cứ nơi đâu.

Tối hôm nay trong hội trường lịch sử an bình này, chúng ta gặp gỡ những người từ miền Nam, một số người đã chiến đấu ở Iwo Jima[6]; những người từ miền Bắc đã mang Vinh quang Cũ[7] đến những góc thế giới xa xôi và mang về mà không bị tì vết; những người từ miền Đông và từ miền Tây chiến đấu bên nhau ở Việt Nam mà không phân biệt tôn giáo, màu da hoặc sinh quán. Những người từ mọi miền đã chiến đấu vì chúng ta 20 năm về trước.

Và bây giờ, trong những mối hiểm nguy chung này và những hy sinh chung này, miền Nam đóng góp danh dự và dũng cảm không kém bất kỳ các miền nào khác của nước Cộng hòa Vĩ đại – và trong vài trường hợp còn đóng góp nhiều hơn thế nữa.

Và tôi không có một chút nghi ngờ gì là những người tốt từ bất kỳ nơi nào của đất nước này, từ vùng Ngũ Đại Hồ đến vùng Vịnh Mexico, từ Cầu Vàng đến các bến cảng ven bờ Đại Tây Dương, bây giờ sẽ tập hợp với nhau trong sự nghiệp này nhằm xác nhận nền tự do cho mọi người Mỹ.

Tất cả chúng ta đều mang món nợ nghĩa vụ này; và tôi tin rằng tất cả chúng ta sẽ đáp ứng. Tổng thống của đồng bào đưa ra yêu cầu này với tất cả người Mỹ.

Người anh hùng đích thực trong cuộc tranh đấu này là người da màu Mỹ. Những hành động và phản đối của họ, lòng dũng cảm của họ dám chấp nhận rủi ro cho an toàn và thậm chí rủi ro cho mạng sống, đánh thức lương tâm của cả dân tộc. Những cuộc tuần hành của họ có chủ đích kêu gọi mối quan tâm đến sự bất công, có chủ đích tạo ra thay đổi, có chủ đích khơi dậy cải tổ. Họ kêu gọi chúng ta hãy làm tròn lời hứa của nước Mỹ. Và ai trong số chúng ta có thể nói rằng nếu không có lòng dũng cảm kiên trì của họ và lòng tin của họ vào nền dân chủ Mỹ thì chúng ta hẳn không tiến bộ như họ? Chính trong con tim cho bình đẳng có niềm tin khắc sâu đối với tiến trình dân chủ. Bình đẳng không dựa trên vũ khí hoặc hơi cay, mà trên sức mạnh của đạo đức đúng đắn; không dựa trên vũ lực mà trên tinh thần thượng tôn luật pháp. Đã có nhiều áp lực đè nặng lên Tổng thống của quý vị và sẽ có thêm áp lực vào những ngày sắp tới. Nhưng tối nay tôi cam kết với quý vị rằng chúng ta sẽ tranh đấu ở những nơi cần tranh đấu – trong phòng xử án, trong Quốc hội, và trong tâm tư con người.

Chúng ta phải duy trì quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Nhưng quyền tự do ngôn luận không mang theo nó quyền hô hào bắn giết trong một nhà hát đông người. Chúng ta phải duy trì quyền tự do hội họp. Nhưng quyền tự do hội họp không mang theo nó quyền ngăn chặn giao thông trên các tuyến đường công cộng.

Chúng ta có quyền phản đối và có quyền tuần hành với điều kiện không xâm phạm quyền hiến định của láng giềng chúng ta. Và tôi sẽ bảo vệ những quyền này khi đó mà tôi còn giữ chức vụ này. Chúng ta sẽ chống lại vũ lực, biết rằng từ những bàn tay của chúng ta vũ lực được áp dụng để đánh đổ chính những gì mà chúng ta mưu cầu: tiến bộ, thượng tôn luật pháp, và niềm tin nơi những giá trị Mỹ.

Ở Selma cũng như ở bất kỳ nơi nào khác, chúng ta kiếm tìm và cầu nguyện cho bình an. Chúng ta kiếm tìm trật tự. Chúng ta kiếm tìm đoàn kết. Nhưng chúng ta sẽ không chấp nhận bình an của những quyền bị hạn chế, hoặc trật tự vì sợ hãi áp đặt, hoặc đoàn kết vì phản đối bị đàn áp.

Ở Selma tối nay – và chúng ta có một ngày tốt đẹp ở đó – cũng như ở mọi thành phố khác, chúng ta làm việc theo cách giải quyết công bằng và an bình. Và chúng ta phải nhớ rằng sau bài diễn văn này tối nay, sau khi cảnh sát, đặc vụ FBI và cảnh sát tư pháp ra về, và sau khi quý vị nhanh chóng thông qua dự thảo luật này, dân cư Selma và dân cư các thành phố khác trên đất nước vẫn phải sống và làm việc với nhau. Và khi sự chú ý của quốc gia hướng qua chỗ khác, thì họ phải nỗ lực làm lành các vết thương và xây dựng cộng đồng mới. Khó mà làm những việc này trên vùng đất tranh đấu bạo động, như lịch sử của miền Nam tự nó cho thấy. Vì nhận ra điều này mà cả người da trắng và da màu cho thấy tinh thần trách nhiệm đầy ấn tượng trong những ngày gần đây – ngày Thứ Ba trước, và một lần nữa ngày hôm nay.

Dự thảo luật mà tôi đang trình với quý vị sẽ được biết đến như là dự thảo luật quyền dân sự. Nhưng, theo cảm quan rộng hơn, phần lớn chương trình mà tôi đang đề xuất là chương trình quyền dân sự. Mục tiêu của chương trình này là mở rộng hy vọng cho mọi người thuộc mọi chủng tộc. Bởi vì tất cả người Mỹ phải có quyền bầu cử. Và chúng ta sẽ trao cho họ quyền ấy. Tất cả người Mỹ phải có những đặc quyền công dân – cho dù chủng tộc nào chăng nữa. Và họ sẽ có những đặc quyền công dân – cho dù chủng tộc nào chăng nữa. Nhưng tôi muốn cảnh giác và nhắc nhở quý vị là thực thi những đặc quyền ấy cần nhiều điều kiện chứ không chỉ có quyền theo luật định. Cần một tinh thần được giáo dục và một thể chất lành mạnh. Cần một ngôi nhà tươm tất cùng cơ hội kiếm được việc làm và thoát ra khỏi cảnh nghèo đói.

Dĩ nhiên là người ta không thể cống hiến cho đất nước nếu họ không được học đọc hoặc học viết, nếu thể chất của họ còm cõi vì đói, nếu bệnh tật của họ không được chăm sóc, nếu đời sống của họ là vô vọng trong nghèo khổ và chỉ biết trông chờ nhận ngân phiếu an sinh. Vì thế mà chúng ta muốn mở những cánh cửa cơ hội. Nhưng chúng ta cũng sẽ nỗ lực giúp dân ta, da trắng cũng như da màu, để họ đi qua những cánh cửa ấy.

Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp đại học là làm giáo viên ở Cotulla, Bang Texas, trong một trường dạy các em gốc Mexico. Chỉ có ít học sinh nói được tiếng Anh, còn tôi không nói được tiếng Tây Ban Nha. Học trò của tôi nghèo, thường đến lớp mà không được ăn sáng, chịu đói. Cho dù còn nhỏ, chúng nhận biết nỗi đau của sự bất công. Có vẻ như chúng chẳng bao giờ biết được tại sao người ta ghét bỏ chúng. Nhưng chúng biết như thế, bởi vì tôi nhìn thấy điều đó trong mắt chúng. Tôi thường đi bộ về nhà muộn các buổi chiều tối, sau khi các tiết học chấm dứt, mong muốn có thể làm thêm được việc gì đó. Nhưng tôi chỉ có thể dạy học trò từ ít ỏi những gì tôi biết, hy vọng qua đó có thể giúp chúng vượt qua những nhọc nhằn trước mắt. Và theo cách nào đó quý vị không bao giờ quên được nạn đói nghèo và sự ghét bỏ gây hậu quả ra sao khi quý vị nhìn thấy những vết thương trên gương mặt toát niềm hy vọng của trẻ nhỏ. Lúc ấy, vào năm 1928, tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ đứng ở đây vào năm 1965. Thậm chí trong những ước mơ nồng nàn nhất tôi không hề nghĩ rằng tôi sẽ có cơ hội giúp con cái của những học trò đó và giúp những người như thế khắp đất nước này.

Nhưng bây giờ tôi thực sự có cơ hội này – và tôi muốn tiết lộ với quý vị một bí mật – tôi nhất quyết sẽ khai thác cơ hội này. Và tôi mong quý vị cũng sẽ cùng với tôi khai thác cơ hội này.

Đây là đất nước giàu có nhất và hùng mạnh nhất từng hiện diện trên địa cầu. Sức mạnh của những đế quốc ngày xưa không thể sánh bằng sức mạnh của chúng ta. Nhưng tôi không muốn là Tổng thống xây dựng đế chế, hoặc tìm kiếm sự vĩ đại, hoặc bành trướng quyền lực.

Johnson - We shall overcome

Tôi muốn là Tổng thống giáo dục con trẻ về những điều kỳ diệu của thế giới.

Tôi muốn là Tổng thống giúp nuôi ăn người đói kém và chuẩn bị cho họ trở thành người trả thuế thay vì là gánh nặng cho tiền thuế.

Tôi muốn là Tổng thống giúp người nghèo có con đường thoát nghèo và bảo vệ quyền bầu cử của tất cả công dân trong tất cả các kỳ bầu cử.

Tôi muốn là Tổng thống giúp chấm dứt thù hận giữa những đồng bào của họ, và cổ vũ cho tình thương yêu giữa những người thuộc mọi chủng tộc và mọi miền và mọi đảng phái.

Tôi muốn là Tổng thống giúp chấm dứt chiến tranh giữa những người anh em của quả đất này.

Và vì thế, theo yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện được quý mến và Thượng nghị sĩ Bang Montana, thủ lĩnh đa số, Thượng nghị sĩ Bang Illinois, thủ lĩnh thiểu số, Ông McCulloch, và các thành viên khác của hai đảng, tối nay tôi đến đây – không giống như Tổng thống Roosevelt có lần đích thân đến đây để phủ quyết một dự thảo luật bổng lộc, không giống như Tổng thống Truman có lần đến đây để thúc giục thông qua dự thảo luật đường sắt – nhưng tôi đến đây để yêu cầu quý vị chia sẻ công việc này với tôi, và chia sẻ với những người mà chúng ta phục vụ. Tôi mong muốn Quốc hội, Cộng hòa cũng như Dân chủ, thực hiện công việc này cho tất cả những người ấy.

Bên ngoài hội trường to tát này, xa ngoài kia ở 50 Bang, là những người mà chúng ta phục vụ. Những người có thể nói về những hy vọng sâu lắng và không thành lời như thế nào trong con tim họ tối nay khi họ ngồi đấy và lắng nghe. Tất cả chúng ta có thể đoán, từ chính cuộc sống của chúng ta, họ thấy việc mưu cầu hạnh phúc thường là khó khăn đến thế nào, mỗi gia đình nhỏ có bao nhiêu vấn đề. Trước nhất họ tự trông cậy cho tương lai của họ. Nhưng tôi nghĩ họ cũng trông cậy nơi mỗi người trong chúng ta.

Phía trên đỉnh của quốc huy Hoa Kỳ có câu bằng ngữ văn La-tinh: “Thượng Đế ủng hộ việc làm của chúng ta.” Thượng Đế sẽ không ủng hộ tất cả những gì chúng ta làm. Thay vào đó, nghĩa vụ của chúng ta là biến ý muốn của Thượng Đế thành điều thiêng liêng.

Nhưng tôi chẳng đặng đừng mà tin rằng Người đích thực thấu hiểu và rằng Người thật sự ủng hộ những gì chúng ta bắt đầu tối nay.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: American Rhetoric Top 100 Speecheshttp://www.americanrhetoric.com/speeches/lbjweshallovercome.htm

Sau khi dự thảo luật được Thượng Viện và Hạ Viện của Quốc hội Mỹ thông qua, vào tháng 8 năm 1965, Johnson ký ban hành Luật Quyền Bầu cử (Voting Rights Act) có hiệu lực ngăn cấm sự kỳ thị trong bầu cử. Luật này được xem như là thêm một bước ngoặt cho quyền dân sự ở Mỹ, sau khi Luật Quyền Dân sự (Civil Rights Act) được Johnson ký ban hành vào tháng 7 năm 1964.

Chú thích

[1] Lexington và Concord: thuộc Bang Massachusetts, là hai nơi cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ nổ ra năm 1775.

[2] Appomattox: Bang Virginia, nơi một trận đánh diễn ra ngày 09 tháng 4 năm 1865, là một trong những trận đánh cuối cùng trong cuộc Nội chiến Bắc-Nam của Mỹ, dẫn đến việc quân miền Nam đầu hàng quân miền Bắc.

[3] Ngôn từ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

[4] Ngôn từ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

[5] Câu nói lịch sử nổi tiếng trong một bài diễn văn của Patrick Henry (1736-1799) đọc tại Đại hội Virginia ngày 23 tháng 3 năm 1775 nhằm thuyết phục Nghị viện Bang Virginia thông qua nghị quyết cho Bang Vigirnia tham gia Cuộc chiến Cách mạng Mỹ.

[6] Iwo Jima: hòn đảo của Nhật nằm ở vùng tây Thái Bình Dương, nơi diễn ra những trận đánh dữ dội từ tháng Hai đến tháng Ba năm 1945, sau khi quân Mỹ đổ bộ lên đảo. Khoảng 6.800 quân Mỹ tử trận (trong đó có khoảng 6.000 Thủy quân Lục chiến). Nhật mất khoảng 21.000 quân.

[7] Vinh quang Cũ (Anh ngữ: Old Glory) là tên một lá cờ Mỹ của thuyền trưởng Driver do ông này gọi. Lá cờ này được may bởi bà mẹ trong khoảng thập kỷ 1820 để tặng cho con trai. Driver rất yêu quý lá cờ này, và khi làm thuyền trưởng một tàu săn cá voi ông mang nó trong hành trình đi vòng trái đất trong thời gian 1831-1832. Khi Driver tham gia cuộc Nội chiến Bắc-Nam, ông luôn mang lá cờ này theo bên mình nhưng giấu kỹ vì sợ đối phương tìm kiếm và tịch thu. Dần dà lá cờ Old Glory trở nên nổi tiếng toàn quốc. Hiện lá cờ Old Glory được trưng bày ở Viện Bảo tàng Smithsonian.

 

One thought on ““Chúng ta sẽ vượt qua” – Lyndon B. Johnson

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *