Chuyện kể: Alexander Fleming và Sherlock Holmes

Gửi các cháu thiếu nhi.

Trước hết, bài này kể cho các cháu về ông Alexander Fleming, người để lại cảm hứng cho nhiều thế hệ sau ông. Kế tiếp, bài này kể về Sherlock Holmes, do một điểm mà hai nhân vật này giống nhau.

Alexander Fleming

Alexander Fleming sinh năm 1881, là nhà nghiên cứu ngành vi khuẩn học gốc Scotland. Sau khi tốt nghiệp Trường Bách khoa năm 16 tuổi, ông đi làm ở một hãng tàu thủy. Công việc ông làm là thư ký, sao chép các tư liệu bằng tay, giữ sổ sách kế toán, hồ sơ hàng hoá và hành khách. Ông làm công việc nhàm chán này suốt 4 năm.

Năm 1901, một cơ hội bất ngờ đến với Alexander Fleming: một ông chú có một phòng khám khá đông khách mới qua đời, để lại di sản cho tất cả các anh em nhà Fleming. Ông khuyên Alexander dùng số tiền của ông để lại mà theo học ngành y. Alexander Fleming rất thích ý tưởng này vì ông đã chán công việc nhàm chán ở hãng tàu thủy.

Cảm hứng thứ nhất từ Alexander Fleming: khi có cơ hội để vươn lên thì phải nắm bắt, đừng để cơ hội trôi qua một cách uổng phí.

Vào học trường y rất khó đối với Alexander Fleming bởi lúc này ông đã 20 tuổi, lớn tuổi hơn phần lớn các sinh viên năm thứ nhất, ông lại rời trường phổ thông từ năm 13 tuổi. Ông tìm một giáo viên dạy kèm vào các buổi chiều. Nhờ đó mà ông được nhận vào Trường Y Bệnh viện St Mary.

Cảm hứng thứ hai từ Alexander Fleming: cần có tinh thần phấn đấu, chịu khó, để vượt qua trở ngại.

Mục đích ban đầu theo học ngành y của Alexander Fleming chỉ là để rời khỏi công việc thư ký nhàm chán, không ngờ khi vào học ông cảm thấy rất thích thú với nghề này.

Cảm hứng thứ ba từ Alexander Fleming: cần tìm ra đúng ý hướng để yêu thích công việc của mình. Làm việc gì đó mà không thích thì không hay: tinh thần chán nản, công việc không đạt kết quả tốt.

Một số học sinh gặp phải vấn đề là không thích môn mình đang học, việc học như thể trở thành cực hình. Có cháu ghét học toán, có cháu không thích học môn lịch sử, vân vân. Nếu các cháu nghĩ quả là thần kỳ khi một vài con số trong đầu bài cho ta một con số trong đáp án, và nhiều khi con số này nói lên điều gì đó, thì quả là điều lý thú, và khi tìm ra điều lý thú đó các cháu sẽ thấy vui. Sau này nhiều khi các cháu sẽ phải cần làm một bài toán để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống, như thế không phải là hữu ích hay sao? Và khi học môn sử, các cháu có thể nhận ra những danh nhân làm cho cháu ngưỡng mộ, như thế không phải tuyệt vời hay sao?

Khi không thích làm việc gì đó, các cháu nên hỏi thầy cô, hỏi người lớn trong nhà để được hướng dẫn. Sau này, khi ra trường làm việc thì là chuyện khác: nếu chán nản với công việc thì các cháu có thể tìm cách đổi môi trường làm việc, hoặc đổi loại hình công việc, như Alexander Fleming đã làm.

Phần tôi, ngày xưa học giỏi môn văn nhưng kém toán cho dù nỗ lực hết mình. Đến khi chuẩn bị thi vào đại học chuyên nghiệp vốn sẽ ra đề toán theo trình độ lớp toán, tôi phải mượn một chồng sách toán của bạn về tự học bởi vì trước đó tôi học lớp sinh. Không thích học toán chút nào nhưng nghĩ đến mục đích phải vào trường đại học mình nhắm tới, tôi vẫn nỗ lực. Kết quả là tôi đỗ vào đại học chuyên nghiệp với thứ hạng cao.

Tương tự, các cháu cần tìm ra cho mình một động lực nào đó để cố làm được việc mà không phải ghét việc mình làm.

Alexander Fleming theo học chuyên ngành bác sĩ phẫu thuật. Trong quá trình học tập, ông chứng kiến nhiều bệnh nhân chết vì bị vi khuẩn xâm nhập cơ thể mà không một bác sĩ nào có thể trị được. Ông may mắn được theo học Giáo sư Almroth Wright, là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu chống lại các vi khuẩn gây bệnh.

Cảm hứng thứ tư từ Alexander Fleming: khi có người có năng lực và truyền cảm hứng cho mình thì lắng nghe họ mà học hỏi nơi họ, noi theo gương tốt của họ.

Sau khi đậu kỳ thi chuyên khoa giải phẫu, lẽ ra Alexander Fleming có thể hành nghề bác sĩ phẫu thuật, nhưng ông vẫn quyết định ở lại khoa vi khuẩn chủ yếu để nghiên cứu.

Cảm hứng thứ năm từ Alexander Fleming: khi đã chọn đúng con đường để theo đuổi, hãy tiếp tục theo đuổi, hãy phát huy để làm tốt hơn.

Petri dish
Đĩa Petri, làm bằng thủy tinh, gồm nửa dưới đựng chất dinh dưỡng, nửa trên là nắp đậy

Trong công việc, Alexander Fleming thường cấy vi khuẩn để nghiên cứu. Người ta tạo môi trường cấy vi khuẩn bằng cách nấu xương và thịt để thành một loại súp có nhiều chất dinh dưỡng, pha với thạch (Anh ngữ: agar) lấy từ rong biển để thạch cứng lại tạo bề mặt cho vi khuẩn phát triển, rồi rót vào đĩa Petri (Anh ngữ: Petri disc). Khi cấy vi khuẩn, người ta phết một ít chất liệu chứa vi khuẩn, ví dụ như một tí nước tiểu người bệnh, lên bề mặt của thạch trong đĩa Petri. Thông thường, ngày hôm sau nếu có vi khuẩn ta sẽ thấy trên bề mặt thạch dinh dưỡng những đốm gồm nhiều vi khuẩn sinh trưởng cùng nhau. Ta gọi đốm này là quần thể (Anh ngữ: colony). Nhà chuyên môn quan sát mầu sắc (trắng, vàng, đỏ…) và hình dáng của các đốm (viền tròn trịa hay nhăn nheo, nhô cao hay dẹp thấp…) mà có thể đoán đó là loại vi khuẩn gì.

A Fleming Petri dish
Đĩa Petri của Alexander Fleming: đốm trắng to ở mép dưới là mốc, kế cận xung quanh vi khuẩn sinh trưởng yếu

Trước kỳ nghỉ hè năm 1928, Alexander Fleming chỉ xếp chồng các đĩa cấy vi khuẩn tụ cầu lên băng ghế trong một góc phòng thí nghiệm mà không dọn dẹp. Một buổi sáng tháng 9 năm 1928, sau khi trở về từ kỳ nghỉ hè, Alexander Fleming đến phòng thí nghiệm. Ông nhìn thấy một đĩa Petri cấy một loại vi khuẩn cầu chùm (Anh ngữ: Staphylococcus). Đây là loại vi khuẩn thường sống trên da người, có thể gây bệnh khi người ta ăn thức ăn bị nhiễm bẩn vi khuẩn này. Alexander Fleming nhận thấy ở gần mép đĩa có một mảng mốc (một loại nấm li ti) phát triển. Trong đĩa cũng có các quần thể vi khuẩn cầu chùm đã được cấy vào từ trước. Bên cạnh mảng mốc đó, chỉ có một ít quần thể vi khuẩn, và những quần thể này lại nhỏ. Ở xa hơn mảng mốc thì có nhiều quần thể vi khuẩn, và những quần thể này to hơn.

Nếu như nhiều người khác thì họ hẳn đã nghĩ: “Đĩa đã bị mốc xâm nhập, thôi thì vứt bỏ nó đi, cấy vi khuẩn vào đĩa khác để nghiên cứu”.

Nhưng Alexander nổi tính tò mò, suy nghĩ: có vẻ như mảng mốc này tạo chất gì đó lan trong thạch khiến cho vi khuẩn cầu chùm không sinh trưởng được tốt xung quanh nó. Chất đó là gì? Nếu chất đó có khả năng ngăn chặn sự sinh trưởng của vi khuẩn cầu chùm, biết đâu nó có thể ngăn chặn sự sinh trưởng của vi khuẩn gây những  bệnh khác?

Cảm hứng thứ sáu từ Alexander Fleming: phải biết quan sát, và từ quan sát đó cần suy luận. Ban đầu suy luận có thể chỉ là đặt nghi vấn. Sau đó, cần tìm cách giải quyết nghi vấn này. Có thể chỉ giải quyết để thỏa mãn tính tò mò của cá nhân, nhưng biết đâu có thể dẫn đến một khám phá hữu ích nào đó. Các nhà nghiên cứu khoa học thường có tính tò mò, tự hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia… Từ đó, họ tìm cách giải tỏa mối tò mò. Nhiều phát minh khoa học được thành tựu từ đó.

Alexander Fleming
Alexander Fleming làm việc với đĩa Petri cấy vi khuẩn

Nhằm thỏa mãn tính tò mò, Alexander thử lại một lần nữa: cấy loại mốc đó vào một đĩa Petri mới và cấy các khuẩn cầu chùm sát cạnh nó. Kết quả thật đáng kinh ngạc: loại mốc này ngăn chặn một số vi khuẩn nguy hiểm nhất khiến cho chúng không thể phát triển.

Cảm hứng thứ bảy từ Alexander Fleming: chỉ có tính tò mò không chưa đủ; phải tò mò theo suy luận hợp lý để từ đó nghĩ ra cách giải quyết nghi vấn. Cách của Alexander là tạo ra điều kiện giống như đã quan sát để xem kết quả như thế nào. Nếu kết quả giống như lần quan sát trước thì một phần nghi vấn có thể sáng tỏ.

Alexander thử tiêm chất dịch lấy từ loại meo đó vào một con chuột và một con thỏ. Ông nhận thấy hai con vật không bị hậu quả gì. Ngay cả khi được pha rất loãng nó vẫn diệt được các vi khuẩn. Được biết tên loại mốc đó có tên khoa học là Penicillium, Alexander đặt tên chất dịch của nó mà ông mới phát hiện là penicillin. Đó là loại thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới, mở màn cho một loạt nghiên cứu các kháng sinh khác cho đến bây giờ.

Alexander Fleming nhận thấy cấy loại mốc Penicillium không phải là dễ. Sau khi cấy được mốc, thu được chất thuốc kháng sinh penicillin càng khó khăn hơn. Năm 1938, Alexander Fleming nhận được thư của hai nhà khoa học từ trường Đại học Oxford là Ernst Chain và Howard Florey, với lời đề nghị được hợp tác với ông để tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu về penicillin. Sự hợp tác của ba người mang lại thành công. Họ tìm ra phương pháp bào chế penicillin với khối lượng lớn, cứu chữa được thêm nhiều người bị bệnh do vi khuẩn. Do thành quả này, năm 1945 ba nhà khoa học Alexander Fleming, Florey và Chain cùng được trao Giải Nobel danh giá về Y học.

Cảm hứng thứ tám từ Alexander Fleming: nhiều khi làm việc đơn độc chỉ đạt kết quả hạn chế. Cần hợp tác với người khác và biết cách làm việc nhóm (team work) để đạt kết quả nhiều hơn.

Tháng 8/1942 tại bệnh viện St Mary, Alexander Fleming lấy chất dịch meo tên penicillin để tiêm cho bệnh nhân Harry Lambert bị viêm màng não – một bệnh vô phương cứu chữa thời bấy giờ. Harry Lambert khỏi bệnh sau một tháng điều trị.

Alexander Fleming_statute
Tượng Alexander Fleming tại Quy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định

Từ đó, tên tuổi Alexander Fleming nổi tiếng khắp thế giới và nổi tiếng mọi thời đại. Nhiều bác sĩ cho rằng thuốc khánh sinh penicillin là tiến bộ y học lớn lao nhất mà thế giới đã biết từ trước đến lúc này.

Trước những năm 1940, các bệnh viện đầy những người mắc các bệnh nhiễm khuẩn và phần nhiều bị chết. Nhờ có penicillin mà nhiều loại nhiễm khuẩn thông thường bị đẩy lùi. Alexander Fleming được xem là ân nhân của loài người, bởi vì thuốc penicillin cứu sống hàng triệu con người.

Trong việc tìm ra thuốc kháng sinh penicillin, đặc điểm quan trọng của Alexander Fleming là óc quan sát. Nói là “óc” bởi vì ông quan sát không chỉ bằng mắt, mà còn bằng cái đầu. Nhờ óc quan sát đó mà ông không làm như nhiều người khác: liếc qua cái đĩa Petri bị nhiễm mốc rồi mang đi đổ vào thùng rác. Riêng ông Fleming lại tự hỏi: Tại sao thế? Ông giữ lại cái đĩa Petri “bị nhiễm bẩn” đó để nghiên cứu.

Sau đó, ông làm việc nhóm để đạt kết quả rộng lớn hơn.

Sherlock Holmes

Sherlock Holmes
Sherlock Holmes

Việc phát hiện thuốc kháng sinh penicillin tương tự như cách làm của Sherlock Holmes, nhân vật giả tưởng trong một bộ sách trinh thám của Anh quốc và trong loạt phim truyền hình mang tên ông dựa theo bộ sách đó.

Sherlock Holmes là nhà thám tử tư có biệt tài phá án trong những vụ án bí ẩn mà cảnh sát phải bó tay. Thế nên tập truyện kể rằng mỗi khi cảnh sát gặp một vụ án hóc búa thì họ nhờ Sherlock Holmes giúp đỡ, và ông đều thành công.

Ông có người bạn thân là bác sĩ Watson. Trong một số vụ án, bác sĩ Watson đi theo Sherlock Holmes đến hiện trường gây án, thấy ông này quan sát chỗ này chỗ nọ, xem xét vật này vật kia.

Có một lần, sau khi Sherlock Holmes giải quyết được một vụ án khó khăn, bác sĩ Watson hỏi ông: “Tôi cũng nhìn thấy tất cả những gì ông nhìn thấy, thế mà tôi không nghĩ ra được gì, nhờ đâu ông tìm ra được hung thủ?”

Sherlock Holmes đáp: “Ông chỉ nhìn, còn tôi thì quan sát.”

Câu nói ngắn gọn đó nêu bật khả năng cốt lõi của Sherlock Holmes. Đó là: quan sát cẩn thận chứ không chỉ nhìn quanh nhìn quất. Từ đó Sherlock Holmes mới có thể suy nghĩ để tìm ra manh mối từ những gì quan sát được.

Như vậy, cả Alexander Fleming và Sherlock Holmes đều đi cùng một hành trình: từ quan sát, nghĩ ra một câu chuyện.

Đó là điều tôi đã kể cho các em trong “Câu chuyện của dòng sông”, trong đó tôi quan sát con chim bói cá bên bờ một con sông và nghĩ ra một câu chuyện.

Không chỉ nhìn bằng mắt, mà còn phải quan sát bằng trí óc.

Trong nghề nghiệp chuyên môn, tôi cũng áp dụng cùng nguyên tắc. Nhờ đó mà nhiều lúc tôi đi khảo sát thực địa sinh thái với người này, đi kiểm tra công trường xây dựng với người kia, rồi tôi về viết báo cáo.  Người đã cùng đi với tôi tỏ ý thán phục về những điều tôi viết mà họ không nghĩ ra được. Tôi kể cho họ mẩu chuyện về Sherlock Holmes. Họ đã nhìn, còn tôi đã quan sát.

Quan sát có suy nghĩ khác với nhìn hời hợt. Điều này đã được minh chứng là đúng.

Diệp Minh Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *