Chuyện kể: Bông hồng và tình mẹ

Gửi các cháu thiếu nhi:

Câu chuyện này nói về một tập tục ở Nhật Bản tạo cảm hứng cho một tập tục ở Việt Nam, trong đó liên quan đến văn học tạo cảm hứng cho âm nhạc.

Theo lời kể của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, năm 1962 ông đi nghiên cứu về Phật pháp tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ, sau đó ông về nghỉ hè tại Camp Ockanickon, Medford, thuộc bang New Jersey. Thiền sư viết bài văn ngắn mang tựa đề Bông hồng cài áo trong một căn lều bằng gỗ tại địa điểm này.

Trong một đoạn của bài văn trên, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết:

Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu… Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương…

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng có Ngày của Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân ở Tokyo, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày của Mẹ, theo tục Tây phương.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh giới thiệu tục lệ cài một bông hoa trên áo trong Ngày của Mẹ của người Nhật. Người được hoa trắng thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Thiền sư thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

carnation_red
Hoa cẩm chướng đỏ

Có lẽ vào thời gian 1962 lúc giới thiệu tục lệ của người Nhật, hoa cẩm chướng chưa được phổ biến ở Việt Nam, thế nên Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết về hoa hồng mà người Việt thấy quen thuộc.

Nhưng các cháu cũng nên biết qua về hoa cẩm chướng (Anh ngữ: carnation), có tên khoa học là Dianthus caryophyllus. Chữ “Dianthus” được tạo nên từ tiếng Hy Lạp “dios” (có nghĩa: Chúa) và “anthos” (có nghĩa: hoa), tức là hoa của Chúa, nói chung là loài hoa thiêng liêng. Truyền thuyết kể rằng, khi nhìn thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá, vì đau đớn và xót thương, Đức Mẹ Maria không kìm được nước mắt. Từ chỗ nước mắt bà rơi xuống mọc lên những bông hoa màu hồng. Đó chính là hoa cẩm chướng. Vì thế, người phương Tây xem hoa cẩm chướng thể hiện cho tình mẹ con nói chung.

Hoa cẩm chướng có nhiều màu, mỗi màu mang một ý nghĩa riêng. Cẩm chướng đỏ thường được nhiều người dùng để tỏ lộ sự tôn kính hoặc tình yêu thương, còn cẩm chướng trắng thể hiện lòng biết ơn.

Trở lại bông hồng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết một bài văn ngắn có tựa đề Bông hồng cài áo để gửi cho Phật tử Việt Nam mà ông gọi chung bằng “anh”, có đoạn như sau:

“Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên… Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ… Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.”

bong hong cai aoBài văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ dành cho giới Phật tử mà bất cứ ai đọc cũng đều xúc động bởi lời văn mộc mạc, gần gũi và chân thành mà Thiền sư dành cho tình mẹ.

Cũng từ bài văn cảm động này mà nghi thức “Bông hồng cài áo” trong lễ Vu Lan ra đời ở Việt Nam. Bông hoa trong nghi thức không nhất thiết là bông hồng. Tuy nhiên, khi trở thành tập tục thì bông hồng thường được dùng, hẳn vì bông hồng khá phổ biến ở Việt Nam. Thông thường trong nghi thức “bông hồng cài áo”, bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho người mất mẹ hoặc mất cha, và bông hồng trắng cho người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời.

bong hong cai ao ACác vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”. Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ đời hiện tại, người tu sĩ cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

Nhiều năm trôi qua, “Bông hồng cài áo” vẫn là nghi thức được thế hệ sau duy trì và tiếp nối trong mỗi mùa Vu Lan ở Việt Nam, như một cách nhắc nhở bản thân về đạo hiếu, cũng là đạo làm người.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa theo ý của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà viết ca khúc cũng mang tên Bông hồng cài áo. Các cháu thiếu nhi có thể nghe ca khúc này do Hồ Văn Cường hát ở trang web dưới đây:
https://www.youtube.com/watch?v=MD6dhOq_Gws

hoặc phần trình bày của ca sĩ Lưu Ánh Loan:
https://www.youtube.com/watch?v=1yUXd0MmPiA

Có câu chuyện khác liên quan đến bông hồng và người mẹ, các cháu cũng nên xem qua:

Chuyện kể: Hãy làm ngay việc tốthttps://tamdiepblog.wordpress.com/2019/11/11/chuyen-ke-hay-lam-ngay-viec-tot/

Diệp Minh Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *