Gửi các cháu thiếu nhi:
Có hai câu chuyện về việc làm thế nào cân một con voi để biết nó nặng mấy nghìn kí-lô-gam. (Voi là loài vật nặng nhất sống trên mặt đất đó!) Tôi muốn kể cho các cháu cả hai chuyện.
Câu chuyện thứ nhất: Tào Xung
Tào Tháo sinh năm 155, qua đời năm 220, làm thừa tướng bên Tàu, tương đương với chức thủ tướng bây giờ. Lúc câu chuyện xảy ra, con trai Tào Tháo tên là Tào Xung được 6 tuổi nhưng trí tuệ đã như người lớn.
Có một lần, nước kế bên tặng Tào Tháo một con voi lớn. Tào Tháo triệu tập các quan và Tào Xung cùng đi xem. Người của Tào Tháo đều chưa thấy voi bao giờ. Con voi này lại vừa cao vừa to. Mọi người xôn xao bàn tán, so sánh chân nó to như cái cột. Có người đến gần nó để so sánh thì còn đứng chưa đến bụng nó.
Tào Tháo chỉ vào con voi, nói: “Con voi này thật là to, nhưng rốt cuộc nó nặng bao nhiêu? Ai trong các người có cách cân con voi này không?”
Trời đất! Con voi to như thế, thời đó không có loại cân nào có thể cân nó được!
Có người nói cần giết con voi, xẻ thịt nó rồi cân từng miếng thịt và cuối cùng cộng lại tất cả các trọng lượng cân được. Đó là một cách làm đúng, nhưng không hợp với ý nghĩa thách đố của Tào Tháo: phải cân voi sống còn nguyên, chứ cân voi chết xẻ thịt thì ai chẳng làm được, cần gì phải đố!
Cậu bé Tào Xung cho biết mình có cách.
Trên sông có neo một chiếc thuyền. Tào Xung yêu cầu dắt voi xuống thuyền. Chiếc thuyền lập tức hạ xuống một chút. Đợi cho thuyền ổn định, Tào Xung nói với người thị vệ đứng bên cạnh: “Hãy đánh dấu mực nước ở mạn thuyền.” Người thị vệ rạch trên gỗ mạn thuyền một vết ngang với mực nước. Tiếp đó, Tào Xung yêu cầu dắt voi lên bờ. Chiếc thuyền lập tức nâng lên ở mực như trước.
Kế tiếp, Tào Xung yêu cầu quân lính mang những hòn đá lớn nhỏ từ trên bờ xuống thuyền. Con thuyền dần dần hạ xuống. Khi thuyền hạ xuống đến vị trí đã được đánh dấu thì Tào Xung kêu dừng lại.
Mọi người đều đồng thanh tán thưởng: “Cách nay quả là hay!” Thuyền chất đầy đá hạ xuống đến đúng mức như lúc thuyền chở con voi, thế thì số đá này nặng bằng con voi. Chuyển số đá này lên cân rồi cộng tổng trọng lượng lại thì đó cũng là trọng lượng của con voi.
Câu chuyện thứ hai: Lương Thế Vinh
Lương Thế Vinh sinh năm 1441, qua đời năm 1496, tức hơn 1.200 năm (hơn 12 thế kỷ) sau thời Tào Tháo. Lương Thế Vinh là nhà toán học, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Lương Thế Vinh vẫn được người đời quen gọi là Trạng Lường, nổi tiếng là thần đồng. Lý do là vì ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra rất giỏi trong việc đo lường. Ông đỗ Trạng nguyên (tương đương Tiến sĩ bây giờ) năm 1463.
Tương truyền có một đoàn sứ bộ từ bên Tàu sang nước ta. Vua cử Trạng nguyên Lương Thế Vinh đón tiếp họ. Nhân lúc đó có con voi đang kéo gỗ dưới sông lên, sứ Tàu bèn thách: “Vậy quan trạng có thể cân xem con voi kia nặng bao nhiêu được không?”
Lương Thế Vinh sai lính làm những việc theo cách thức như Tào Xung hơn 1.200 năm trước.
Từ chuyện này, một số tài liệu ca ngợi Lương Thế Vinh là thần đồng đất Việt, làm cho nhiều trẻ em Việt ngưỡng mộ và tự hào mình là người Việt.
Thế là thế nào?
Phải chăng là một sự trùng hợp kỳ lạ giữa Tào Xung và Lương Thế Vinh? Một số người cho là vậy. Nếu thầy cô các cháu cũng cho là vậy thì các cháu cứ tin là vậy đi nhé! Đừng có ý kiến gì khác.
Cả hai câu chuyện không được ghi trong sách sử, mà là giai thoại hoặc truyền thuyết, tức là người ta truyền miệng mà kể cho nhau, đời trước truyền đến đời sau. Sách sử ghi những chi tiết có thật, còn truyền thuyết thì… ta nghe sao hay vậy, sự thật ra sao thì ta không rõ.
Trong câu chuyện của Tào Xung, có thể – nhấn mạnh là chỉ có thể thôi – người lớn kể lại và cho rằng đó là ý tưởng của Tào Xung.
Trong câu chuyện của Lương Thế Vinh, biết đâu – nhấn mạnh là chỉ biết đâu thôi – người lớn đất Việt đọc chuyện về Tào Xung bên Tàu rồi đổi thành chuyện của Lương Thế Vinh. Cho nên trong một số sách và trang mạng, câu chuyện này bắt đầu bằng hai chữ “Tương truyền” hoặc được ghi là “giai thoại”. Tức là chuyện được kể trong dân gian, chứ các nhà viết sử không ghi lại.
Thậm chí cùng một hình vẽ dưới đây, một số người cho đó là minh họa câu chuyện của Tào Xung nhưng nhiều người dùng hình đó để minh họa “Trạng Lường cân voi”. Có thể nào người ta lấy hình bên Tàu rồi gán ghép cho bên ta? Hình vẽ cho thấy rõ ràng cậu bé khoảng 6 tuổi (Tào Xung) chứ không phải chàng trai ít nhất 22 tuổi (Lương Thế Vinh).
Có nhiều câu chuyện tương truyền hoặc giai thoại lắm. Các cháu nghe kể rồi thì chấp nhận vậy đi, đừng cãi lại người kể.
Từ hai câu chuyện trên, tôi muốn nhắn nhủ các cháu điều này: mình tự hào là người Việt thì được, để từ đó mình có tự tin, có tinh thần mà cầu tiến. Nhưng đừng tự hào thái quá bởi những câu chuyện tương truyền hoặc giai thoại ca ngợi người Việt. Chẳng hạn, đừng cho rằng trẻ em Việt giỏi còn trẻ em nước khác kém. Đó là thái quá.
Hồi còn nhỏ, tôi không được nghe dạy như thế. Cho nên ở tuổi 25, học giỏi, đọc nhiều nhưng không hẳn biết nhiều, đi ra nước ngoài học thêm, đầu óc tôi vẫn nghĩ rằng người Việt là giỏi hơn người ta. Đó là ý nghĩ sai. Nó khiến cho ta không nhận ra điểm yếu kém của mình, từ đó bớt động lực để học hỏi thêm, cuối cùng dễ thua người ta lắm! Ý nghĩ đó còn khiến mình khó hòa đồng với người ta. Cứ làm phách cho rằng mình giỏi hơn người ta thì ai muốn chơi với mình! Ý nghĩ như thế chỉ làm hại cho ta, mà dần dần tôi mới nhận ra để sửa đổi, và tôi nhắn nhủ các cháu: đừng mang ý nghĩ sai lầm như tôi hồi đó.
Hãy tự chứng tỏ mình giỏi cái đã! Các cháu cần chuyên cần học tập để hiểu biết thêm, để ganh đua với người. Học mãi và học mãi. Sau này, các cháu nên học suốt đời đó. Bản thân tôi vẫn từng học hỏi thêm khi đã lớn tuổi. Học được rồi, kiến thức là của ta mãi mãi. Đó là điều quan trọng.
Diệp Minh Tâm