Chuyện kể đầu tiên: Câu chuyện của dòng sông

Dẫn nhập

Qua sự giới thiệu của một bạn đồng nghiệp, một số cô làm mẹ trẻ có con trong độ tuổi 6-10 dẫn các cháu tìm đến tôi để giao lưu và học hỏi nơi tôi. Các cô làm mẹ đóng tiền để download xuống một số sách giáo khoa nước ngoài về các môn khoa học, toán…, và dĩ nhiên là Anh văn. Các cô khá năng động, có khi cùng học với con, và muốn hiểu biết thêm, muốn con mình được học hỏi thêm.

Vì thế mà tôi có dịp đón tiếp các cô làm mẹ trẻ và các cháu. Đáp lại lời yêu cầu, tôi cho biết có thể giúp các cháu có thêm kiến thức và suy nghĩ bằng cách đóng vai trò là người kể chuyện (story teller). Trong e-mail đầu tiên, tôi đưa ra vài ví dụ khi thấy một hình ảnh trong sách giáo khoa của các cháu thì kể ra một câu chuyện.

Trong kỳ gặp gỡ vừa rồi, tôi thấy có cái gì chung quanh hay hay thì kể ra câu chuyện liên quan đến cái đó. Ví dụ như khi thấy một mẹ mang theo chiếc iPhone, tôi hỏi các cháu có biết biểu tượng của chiếc điện thoại đó là gì không. Có cháu đáp biết: đó là quả táo cắn dở. Tuổi nhỏ mà đã biết nhiều, hay thế! Tôi kể, nghe người ta nói (tuy có người nói khác) rằng ông Steve Jobs say mê làm việc trong một nhà để xe lúc còn chưa nổi danh, chưa có nhiều tiền, nhiều khi chỉ ăn táo khi làm việc.

Và bản thân ông Steve Jobs nêu nhiều gương cho ta noi theo, nhưng có một chuyện là các cháu không nên noi theo: ông ấy bỏ học giữa chừng! Giống như Bill Gates. Các cháu nên học hành cho có kết quả, bởi vì theo như bà Oprah Winfrey  – người dẫn chương trình TV nổi tiếng ở Mỹ –  kể lại: khi chỉ còn một môn học để tốt nghiệp đại học, bà lại bỏ giữa chừng. Chỉ vì bà đã quá thành công bên ngoài, có công việc cho thu nhập cao, thấy làm việc như thế hấp dẫn hơn đi học. Ông bố bà cứ than phiền mãi, nên cuối cùng bà trở về trường, học môn cuối cùng để lấy bằng đại học. Rồi bà nhận ra tại sao ông bố bắt bà phải học cho xong. Điều quan trọng ở đây không phải là tấm bằng, mà là kiến thức. Khi ta tiếp thu được kiến thức, ta có thể giữ nó mãi bên mình.

Trở lại quả táo cắn dở. Tôi nói ở nước tiên tiến, người ta thường ăn cả vỏ táo. Đó là điều nên làm, vì vỏ quả táo chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Nhưng tôi khuyên ta nên cẩn trọng ở Việt Nam: trái cây có thể còn lưu hóa chất ngoài vỏ, vì người trồng có thể làm chưa đúng cách, chưa đảm bảo được vệ sinh thực phẩm. Tốt hơn ta nên tránh ăn vỏ để phòng xa. Hãy gọt vỏ đi, rồi rửa trái cây cho sạch trước khi ăn.

Từ logo của iPhone, tôi đã lan man qua vài mẩu chuyện khác.

la mong bo Thêm một ví dụ. Kế chỗ chúng tôi đang ngồi có một cây đặc biệt. Lúc này không phải là mùa ra hoa nên chúng tôi không thấy hoa của nó. Nhưng lá của nó thì đúng là đặc biệt. Tôi nhặt một chiếc lá dưới gốc cây đó và chỉ cho các cháu xem: Đây là cây móng bò. Sở dĩ người ta gọi như vậy là vì lá gồm có hai mảnh trông giống như hai móng chính của con bò (chân bò có hai móng chính ở giữa, hai móng nhỏ hai bên).

Cây móng bò có nhiều loài, mỗi loài cho hoa có màu khác nhau: trắng, đỏ, tím… theo những mức độ đậm nhạt khác nhau. Loài cho hoa trắng pha tím nhạt mọc hoang nhiều ở vùng Tây-Bắc, được gọi là hoa ban trắng, đến mùa ra hoa cho phong cảnh đẹp. Khi kể đến đây, có người kêu ồ lên vì đã từng nghe nói đến hoa ban Tây-Bắc: hóa ra cây kế bên chúng tôi chính là họ hàng của hoa ban Tây-Bắc. Thế là tôi có một câu chuyện liên kết một cây các cháu chưa biết với một loài hoa có cháu đã nghe nói đến.

hoa ban Tay-Bac
Hoa ban Tây-Bắc

Tôi quên kể tiếp cho các cháu: Sau này nếu các cháu đi Hà Nội vào tháng 2, 3 trùng mùa hoa ban nở, các cháu sẽ biết đó là loài hoa ban từ Tây-Bắc được mang về nhân giống, và là họ hàng của loài cây mà “người kể chuyện” đã kể cho các cháu nghe.

hoa_Hoa ban Tay Bac trong long Ha Noi (Nang Ha)
Hoa ban Tây-Bắc trong lòng Hà Nội (Nắng Hạ)

Từ buổi gặp gỡ này, thấy các cô làm mẹ và các cháu đều có tinh thần hiếu học sôi nổi, muốn tìm hiểu, muốn khám phá, tôi được truyền cảm hứng. Nghĩ lại thấy lạ quá: tôi được yêu cầu truyền cảm hứng cho các cháu, nhưng chính các cháu truyền cảm hứng cho tôi!

Do đó, tôi mở thêm mục “Thiếu nhi” trong trang blog này, để đưa vào đây những bài viết dành cho thiếu nhi.

Dưới đây là bài đầu tiên mà tôi đã gửi cho các cháu.

Câu chuyện của dòng sông

Kỳ rồi tôi có chỉ cho các cháu con chim bói cá đang đậu ở xa nên các cháu không thấy rõ. Rồi khi nó kêu chát chúa tôi cho biết đó là tiếng kêu của con chim bói cá nọ. Nhờ có máy ảnh khá tốt nên tôi chụp được tấm ảnh dưới đây:

chim boi ca
Sả khoang cổ (collared kingfisher)

Có nhiều loài chim bói cá, cho nên các chuyên gia nghiên cứu về chim (trong ngành học chuyên môn gọi là điểu học) phân loại và gọi loài này là sả khoang cổ, tiếng Anh là collared kingfisher. Collared tức là mang vòng cổ (collar, giống như vòng cổ của chó), còn kingfisher chỉ chung các loài bói cá. Các cháu thấy không: cổ màu trắng giống như con chim mang vòng cổ vậy. Nếu các cháu tìm trên Google theo “sả khoang cổ” hoặc “collared kingfisher” thì sẽ thấy vô số miêu tả và hình ảnh về con chim này.

Tôi quên kể thêm cho các cháu: con chim này có đôi mắt rất tinh, có thể nhìn một con côn trùng hoặc một con cá nhỏ cách xa cả trăm mét. Nhờ vậy mà nó thể bay nhanh tới, và khó có con mồi nào thoát khỏi chiếc mỏ dài của nó.

Bức ảnh trên cho thấy điều gì? Cho tôi niềm vui, vì biết có chim bói cá bay qua lượn lại trên khúc sông này tức là sông còn có cá, tức là môi trường còn tốt. Khi ta không thấy con chim nào thì e rằng môi trường ở đó không tốt: không còn sâu bọ cho chim sâu, không còn cá cho chim bói cá.

Cho nên một nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ năm 1962 viết một quyển sách vẫn còn nổi tiếng đến tận bây giờ mang tựa đề The silent spring, sách dịch Việt ngữ có tựa đề Mùa xuân vắng lặng.

Ở tuổi các cháu thì chưa cần đọc sách này. Chỉ cần biết rằng mùa xuân là thời gian mà các loài chim ca hót líu lo ríu rít đủ thứ tiếng. Thế mà ở một nơi, mùa xuân lại vắng lặng, có nghĩa là môi trường đã bị hủy hoại, chim chóc chết, người ta không còn nghe tiếng chim kêu nữa. Cho nên nhà khoa học kia viết quyển sách có tựa như thế để báo động với người đọc về hiểm họa môi trường bị hủy hoại, tức con người bị ảnh hưởng xấu theo.

Cho nên tôi sống ở đây, còn nghe tiếng chim kêu thì thấy mừng!

Từ chuyện này, tôi muốn truyền tải cho các cháu một kinh nghiệm: khi ta thấy cái gì, thì nên tìm hiểu xem câu chuyện của cái đó là ra sao. Nhiều khi không khó đâu. Từ đó ta có thể hiểu ra đôi điều lý thú xung quanh cái đó.

Như ở đây: sự hiện diện của con chim bói cá kể cho ta biết về câu chuyện của dòng sông, từ đó là câu chuyện về chất lượng môi trường, tức liên quan đến cuộc sống con người ở đây. Con sông còn cá, thế thì người dân còn có thể bắt cá để ăn hoặc đem bán. Từ chuyện môi trường lan qua cuộc sống của con người. Môi trường liên quan đến con người là như thế đó.

Không phải nói lý thuyết suông đâu nhé! Để chứng minh, những ngày khác tôi chụp được các ảnh như ở trang sau. Chỉ trong một câu chuyện có 3 loài chim. Chim bói cá và cò ăn cá, còn chim én ăn côn trùng kể cả ruồi muỗi.

Môi trường thiên nhiên không còn có côn trùng là chuyện đáng buồn chứ đừng lấy làm vui, bởi vì như thế thiên nhiên đã mất cân bằng. Khi cân bằng là có đủ nhóm này nhóm kia. Không cân bằng là khi một nhóm biến mất, nhóm kia không sống được hoặc phải đi kiếm ăn nơi khác. Cho nên còn có chim én ở đây là điều đáng mừng.

Từ những ảnh này, các cháu rút ra được câu chuyện của dòng sông rồi chứ?

Rồi tôi sẽ kể cho các cháu những câu chuyện khác.

Thân ái,
Diệp Minh Tâm

Ghi chú: không phải vì tôi là chuyên gia môi trường nên nói về môi trường. Tôi mong các cháu, sau này, cho dù làm việc ở ngành nào: như bác sĩ, kỹ sư xây cầu đường, chuyên viên xã hội học, làm nhà giáo, nhà báo, lái máy bay hàng không, lái tàu đi biển, môi giới bán ô tô, bán bảo hiểm… vẫn nên tìm hiểu về những vấn đề môi trường. Môi trường luôn liên quan mật thiết với con người cho dù làm việc gì. Con người sống khỏe mạnh hay không là nhờ môi trường tốt hay không.

co tim ca

2 thuyen buong luoi

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *