Chuyện kể: Đừng bỏ cuộc

Gửi các cháu thiếu nhi:

Câu chuyện dưới đây tùy người kể mà có những chi tiết khác biệt một chút. Tuy nhiên, kết luận của câu chuyện thì vẫn giống nhau.

Một cậu học trò luôn có điểm thấp trong lớp. Các thầy giáo và cô giáo thường giảng bài thêm ngoài giờ cho cậu, còn cha mẹ cậu luôn khuyên nhủ, khuyến khích và ngồi học cùng cậu, nhưng thành tích học tập của cậu vẫn không khá hơn. Bị bạn bè chê bai, thấy cha mẹ và thầy cô buồn, cậu học trò càng thêm chán nản.

Đến một lúc, vì quá nản chí, một buổi sáng thay vì đi đến trường, cậu đi lang thang theo hướng khác. Đi vô định. Tức là cậu không biết đi đâu hay làm gì, cứ đi thế thôi. Bước chân cậu tình cờ dẫn cậu đến một ngôi làng. Một anh nông dân trong làng thấy một cậu bé trong đồng phục học sinh đang một mình lang thang đến nơi này, cách ngôi trường khá xa, thì biết cậu có vấn đề gì đó. Anh bèn đến gần cậu hỏi lý do.

Cậu thật tình đáp vì mình cố học tập mãi mà không có kết quả tốt, cha mẹ và thầy cô đều buồn, nên cậu quá chán nản, không muốn học nữa, chỉ đi lang thang.

Anh nông dân hỏi: “Rồi em sẽ ra sao?”

Cậu họ sinh đáp: “Em không biết. Ra sao thì ra.”

Anh nông dân bảo: “Thế thì em đi với anh đến chỗ này. Anh có một chuyện muốn kể cho em nghe.”

Cậu học sinh nghe được kể chuyện trong khi không biết làm gì, nên vui vẻ đi theo anh nông dân.

Hai người đi đến một bìa rừng gần đó. Anh nông dân chỉ cho cậu xem: “Em thấy đó, trên mặt đất là lớp cây này cỏ nọ, nơi khác là dương xỉ, vươn lên cao là những cây tre mạnh khỏe. Dân làng ở đây có thể đốn tre xây dựng nhà cửa, cắt măng về nấu ăn, cắt dương xỉ và cỏ về phơi khô để đốt bếp. Vậy mà mười năm trước một vụ cháy rừng xảy ra, tre và các cỏ cây khác đều bị cháy trụi hết.”

fern & bamboo

Cậu học trò tò mò hỏi: “Thế tại sao bây giờ có cả tre và cỏ cây khác tươi tốt như thế này?”

Anh nông dân mỉm cười, nói: “Đó chính là điều anh muốn nói với em. Năm đầu sau vụ cháy rừng, bào tử dương xỉ và hạt cỏ nằm sâu dưới đất đâm mầm, dương xỉ và cỏ mọc lên. Năm thứ hai dương xỉ và cỏ tốt tươi thêm.”

Cậu học trò thắc mắc: “Thế còn tre cũng mọc lên hở anh?”

Anh nông dân nói: “Tre giống như em vậy đó.”

Cậu học trò vẫn không hiểu: “Thế là sao hở anh?”

Anh nông dân ôn tồn: “Hai năm đầu không có cây tre nào mọc lên. Giống như tình trạng của em bây giờ. Nhưng năm thứ ba, tre bắt đầu mọc lên, mọc mạnh gấp nhiều lần dương xỉ và cỏ trên mặt đất, đến năm sau cao hơn, rồi năm sau còn cao hơn nữa. Cho đến lúc này em thấy đó: tre vươn hẳn lên cao trong khi dương xỉ và cỏ chỉ phủ trên đất.”

Cậu học trò nôn nóng hỏi: “Tại sao vậy hở anh?”

Anh nông dân giải thích: “Bởi vì sau trận cháy rừng, các bào tử dương xỉ và hạt cỏ lên mầm nhanh, trong khi đó rễ tre nằm dưới đất cần có thời gian sinh trưởng trở lại rồi cây tre mới có thể đâm chồi lên được. Giống như việc học hành của em bây giờ: cần kiên trì rồi mới có ngày đạt kết quả. Nếu bỏ cuộc bây giờ thì không bao giờ em đạt được kết quả gì hết.”

Cậu học trò sáng mắt lên, nói: “Em hiểu rồi. Em như là cây tre, cần có thời gian để đạt kết quả trong việc học tập.”

Anh nông dân nói: “Đúng vậy. Em đừng so sánh em với ai hết. Giống như tre là tre, dương xỉ là dương xỉ. Ai làm tốt hơn em bây giờ thì mặc họ. Bản thân em phải nỗ lực rồi một ngày sau em sẽ làm tốt hơn họ.”

Cậu học trò cảm ơn anh nông dân, trở về trường quyết chí học, miệt mài học. Năm tháng dần qua, cậu học sinh kém cỏi ngày nào trở thành sinh viên xuất sắc và vượt qua nhiều người, giống như cây tre vượt qua các loại cỏ.

Kể thêm

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Các cháu đừng nghĩ câu chuyện nghe như chuyện cổ tích, không đáng tin. Thật ra, ngoài đời nhiều người có buổi ban đầu giống như cậu học trò trong truyện. Chỉ kể vài người nổi tiếng có trường hợp tương tự với cậu học trò đó:

  • Albert Einstein được xem là nhà vật lý nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20, người đã phát triển môn vật lý hiện đại thay cho vật lý cổ điển của Newton. Lúc còn bé Einstein nói rất khó khăn, ở tuổi 16 dự thi vào Trường Bách khoa Thụy Sĩ nhưng không đậu. Thế mà đến năm 26 tuổi, ông đưa ra những phát kiến về vật lý lý thuyết làm chấn động thế giới, và chẳng bao lâu sau đó được phong giáo sư.
  • Thomas Edison được xem là nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, nhưng thuở còn đi học, các giáo viên dạy Edison cho rằng ông “quá ngu ngốc nên không thể học bất cứ điều gì”. Thế mà cuối cùng ông có khoảng 1.500 bằng sáng chế trên toàn thế giới. Một số phát minh của ông như máy hát đĩa và bóng đèn điện làm thay đổi lịch sử của cuộc sống con người. Chính ông Edison có một câu nói nổi tiếng: “Nhiều người thất bại vì không biết được rằng họ đã đi gần đến thành công rồi bỏ cuộc.”
  • Alan Sugar là chủ công ty điện tử nổi tiếng Amstrad ở Anh quốc từ năm lên 21 tuổi, hiện sở hữu khối tài sản khoảng 1,4 tỉ bảng Anh (gần 1,8 tỉ đô la Mỹ). Ông có kết quả thấp trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở.
  • Steven Spielberg là đạo diễn lừng danh của nhiều phim bom tấn như Jaws (Hàm cá mập), E.T., Jurassic Park (Công viên Kỷ Jura), Schindler’s list (Danh sách của Schindler), vân vân. Thế mà trước đó, 3 lần ông nộp hồ sơ xin theo học tại trường điện ảnh thuộc Đại học Nam California, và bị từ chối cả 3 lần. Thất bại đường học hành, Steven không ngừng nỗ lực chứng tỏ bản thân trong sự nghiệp điện ảnh.

Còn nhiều, nhiều người như thế.

Vậy thì các cháu nên tin vào bản thân, luôn chịu khó, luôn phấn đấu lên nhé!

Diệp Minh Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *