Gửi các cháu thiếu nhi:
Có hai người nổi tiếng bị hai căn bệnh khác nhau, nhưng bác sĩ đều không chữa được. Khi nghĩ về người này, tôi liên tưởng đến người kia. Đó là vì cả hai đều có ý tưởng đáng cho ta suy nghĩ.
Chuyện của Arthur Ashe
Tay vợt Arthur Ashe nổi danh một thời. Trên thế giới có bốn giải quần vợt danh giá nhất, ở Anh quốc, Hoa Kỳ, Pháp và Úc, được gọi chung là Grand Slam. Vận động viên quần vợt nào đoạt được một chức vô địch Grand Slam được xem là một thành công vượt bậc trong môn thể thao này. Arthur Ashe giành được ba chức vô địch Grand Slam. Không may, vào năm 1983 ông bị nhiễm một bệnh nan y, tức loại bệnh mà nền y học tiên tiến nhất vẫn không chữa được.

Arthur Ashe nhận được thư thăm hỏi từ các nơi trên thế giới, trong số đó có một câu hỏi:
“Tại sao Thượng Đế lại chọn ông cho căn bệnh quái ác như thế?”
Arthur Ashe trả lời:
“Trên khắp thế giới có 50 triệu trẻ em bắt đầu tập chơi quần vợt, 5 triệu người lớn lên còn theo đuổi quần vợt, 500.000 người trở thành tay vợt nhà nghề, 50.000 người tham gia vào các giải đấu quan trọng, 5.000 người được chọn tranh tài ở các giải Grand Slam, 50 người lọt vào vòng trong giải Wimbledon, 4 người vào bán kết, 2 người vào chung kết, rồi sau đó tôi nhận cúp. Lúc ấy, tôi không hề hỏi Thượng Đế: “Tại sao lại là tôi?” Thế nên bây giờ, trong khi đau đớn vì căn bệnh, tôi không nên hỏi Thượng Đế: “Tại sao lại là tôi?”
Chuyện của Randy Pausch
Mỗi người có số phận khác nhau do may rủi. Trong bài Chuyện kể: Thực hiện ước mơ của blog này, Giáo sư Randy Pausch đang bị ung thư mà bác sĩ bảo ông chỉ còn khỏe mạnh được vài tháng. Sau đó là những chuỗi ngày đau đớn trước khi qua đời.

Thế mà Giáo sư Randy Pausch vẫn muốn truyền tải cho các con ông và cho sinh viên của ông những suy nghĩ, kinh nghiệm trong đời mình. Đó là khi ông cho một “Bài giảng cuối cùng” mang tựa đề là “Really achieving your childhood dreams” (Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ.)
Sau đó, trong một buổi phỏng vấn trên TV, ông nói rõ mình không muốn được ai thương hại. Ngược lại, ông muốn truyền tải cho người xem TV những suy nghĩ tích cực.
Năm 2008, vào dịp lễ tốt nghiệp ở đại học ông dạy, ông vẫn muốn ngỏ ít lời nhắn nhủ các sinh viên sắp ra trường và sinh viên còn đang học. Chỉ hai tháng sau, ông qua đời vì căn bệnh ung thư.
GS Randy Pausch để lại cho các con ông và sinh viên của ông một di sản quý báu truyền nhiều cảm hứng. Ngoài ra, hàng chục triệu người trên thế giới đã đọc hoặc xem những phát biểu của ông đều thấy những lời ông nói là bổ ích.
Diệp Minh Tâm