Anh trai trẻ xin việc
Gửi các cháu thiếu nhi:
Đây là câu chuyện về một anh lớn tuổi hơn nhiều so với các cháu. Nhưng câu chuyện có đôi điều hay hay mà tôi muốn kể cho các cháu.
Một anh trai trẻ có thành tích học tập xuất sắc đến một công ty lớn xin làm chức vụ quản lý. Anh đã vượt qua cuộc phỏng vấn đầu tiên, bây giờ ông giám đốc công ty muốn phỏng vấn anh trước khi quyết định. Ông giám đốc xem trong hồ sơ thấy anh trai trẻ mỗi năm từ trung học đến đại học đều đạt điểm cao nhất.
Ông giám đốc hỏi: “Anh có nhận được học bổng nào để đi học không?” Anh trai trẻ trả lời: “Thưa, không ạ.”
Ông giám đốc hỏi: “Có phải cha anh trả tiền học phí cho anh không?” Anh trai trẻ trả lời: “Cha tôi qua đời khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi làm lụng để nuôi tôi ăn học.”
Ông giám đốc hỏi: “Mẹ anh làm việc gì?” Anh trai trẻ trả lời: “Mẹ tôi là thợ giặt quần áo.”
Ông giám đốc yêu cầu anh trai trẻ đưa đôi bàn tay cho ông xem. Đôi bàn tay của anh chàng thật mềm mại và trơn bóng.
Ông giám đốc nói: “Tôi có một yêu cầu. Hôm nay về nhà, anh hãy rửa sạch đôi bàn tay của mẹ anh, rồi sáng mai trở lại gặp tôi.”
Anh trai trẻ cảm thấy lạ lùng về yêu cầu này, nhưng vẫn muốn theo ý ông giám đốc.
Khi về tới nhà, anh xin mẹ cho phép anh rửa bàn tay cho bà. Mẹ anh cảm thấy kỳ lạ, nhưng với cảm xúc lẫn lộn, bà đưa bàn tay ra. Anh trai trẻ chậm rãi rửa sạch đôi bàn tay của mẹ mình. Những giọt nước mắt của anh rơi xuống trong lúc anh làm việc này. Đây là lần đầu tiên anh nhận thấy đôi bàn tay của mẹ anh thật nhăn nheo, và có nhiều vết bầm tím. Một số vết bầm vẫn còn đau khiến cho mẹ anh rùng mình khi anh lau.
Đây là lần đầu tiên anh trai trẻ nhận ra chính đôi tay này đã giặt quần áo hằng ngày để kiếm tiền học phí cho anh. Các vết bầm trên tay là nỗi đau mà mẹ anh phải chịu đựng cho anh ăn học. Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của mẹ mình, anh lặng lẽ giặt sạch tất cả quần áo còn lại giùm cho mẹ. Đêm hôm đó, hai mẹ con nói chuyện thật lâu. Sáng hôm sau, anh đi đến văn phòng ông giám đốc.
Ông giám đốc để ý thấy những giọt nước mắt trong đôi mắt của anh trai trẻ. Ông hỏi: “Tại sao anh khóc?”
Anh trả lời: “Khi rửa tay cho mẹ tôi thì tôi mới biết được mẹ tôi đã cực khổ thế nào để lo cho tôi ăn học. Trong khi đó, tôi chưa hề giúp đỡ mẹ tôi, cũng không săn sóc gì cho bà. Tôi cứ nghĩ mọi thứ tôi nhận được là lẽ đương nhiên.”
Ông giám đốc nói: “Anh nói đúng. Trên đời không có thứ gì ta nhận là lẽ đương nhiên cả. Bây giờ, anh có cảm nghĩ như thế nào?”
Anh trai trẻ đáp: “Thứ nhất, bây giờ tôi mới biết thế nào là lòng biết ơn. Nếu không có mẹ tôi, có lẽ tôi không được học thành đạt như ngày hôm nay. Thứ hai, bằng cách cùng làm việc và giúp đỡ mẹ tôi, tôi mới nhận ra sự khó khăn và cực khổ thế nào để hoàn thành một công việc. Thứ ba, tôi bắt đầu hiểu được sự quan trọng và giá trị của mối liên hệ gia đình.”
Ông giám đốc nói: “Đây là những điều tôi muốn tìm nơi người quản lý của tôi. Tôi muốn tuyển dụng người hiểu giá trị về sự giúp đỡ, sự khổ cực của người khác để hoàn thành một công việc, và không coi tiền bạc là mục tiêu duy nhất của cuộc đời. Tôi đồng ý nhận anh.”
Sau khi được nhận vào công ty, người thanh niên này làm việc chăm chỉ, coi trọng mọi người, và được mọi người coi trọng lại.
Kể thêm
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bài văn Bông hồng cài áo, viết đại ý trong một đoạn:
Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Thế mà có đứa con đáng trách lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con… Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Thế mà đứa con đáng trách không nhìn kỹ mẹ…
Trong câu chuyện trên, ông giám đốc khuyên chàng thanh niên rửa tay cho mẹ cũng là theo ý của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: để anh nhìn kỹ mẹ.
Tiếng Anh có câu nói “Do not take it for granted”. Có nghĩa: đừng xem đó là lẽ đương nhiên mà có. Chẳng hạn như tiền đóng học phí của các cháu không phải là lẽ đương nhiên mà có. Các bữa ăn bổ dưỡng hằng ngày của các cháu không phải là lẽ đương nhiên mà có. Tất cả là từ nỗi cực khổ của ai đó và tình chăm lo của ai đó. Các cháu nên suy nghĩ về cái cực đó, cái tình đó để biết quý trọng đối với những thứ tốt đẹp mà các cháu nhận được.
Mặt khác, cho dù cháu nào không nhận đủ mọi thứ tốt đẹp thì đừng chán nản. Phải quý trọng đối với những gì các cháu nhận được dù ít hay nhiều. Trên thế gian có nhiều người thành đạt với thuở ban đầu khó khăn. Đó là nhờ họ không nản chí với nghịch cảnh, vẫn muốn tìm cách vượt qua mọi trở ngại. Chẳng hạn như những người mà có lẽ các cháu đã nghe qua tên của họ:
- Walt Disney, ông chủ hãng phim hoạt hình, sản xuất các phim nổi tiếng như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Aladdin, Câu chuyện đồ chơi, Vua sư tử…;
- Harrison Ford, diễn viên siêu sao trong loạt phim phiêu lưu mạo hiểm và khoa học giả tưởng Star Wars;
- Henry Ford, “ông vua xe hơi” của nước Mỹ, người thành lập công ty sản xuất thương hiệu xe Ford danh tiếng;
- Abraham Lincoln, tổng thống vĩ đại Hoa Kỳ, người giải phóng nô lệ.
Hoặc là người mà các cháu không biết tên nhưng thường trông thấy nhiều sản phẩm của ông ấy:
- Chung Ju-yung, người thành lập hãng ô tô Hyundai.
Để tìm hiểu thêm những người trên, các cháu hãy xem:
Chuyện kể: những người nổi tiếng vượt khó – https://tamdiepblog.wordpress.com/2019/11/11/chuyen-ke-nhung-nguoi-noi-tieng-vuot-kho/
Để thay đổi không khí, mời các cháu thưởng thức tiếng hát của ca sĩ nổi tiếng người Mỹ, Bruce Springsteen:
https://www.youtube.com/watch?v=whq2XZyMT9s
Người phụ nữ mà ca sĩ Bruce Springsteen mời lên sân khấu khiêu vũ với ông trong khi ông hát chính là mẹ ông. Đó là vào Ngày của Mẹ (Mother’s Day) năm 2014. Hai mẹ con dễ thương quá phải không?
Diệp Minh Tâm