Gửi các cháu thiếu nhi:
Đây là câu chuyện liên quan đến 5 người. Tên họ khó nhớ quá, nên ta tạm gọi họ là A, B, C, D và E. Họ cùng nhau đi vào một khu rừng, và rồi mỗi người trong bọn họ gặp một hoàn cảnh khác nhau.
Đi lạc trong rừng
Nhóm năm người đi vào một khu rừng rậm rồi bị lạc lối.
Anh A nói: “Tôi sẽ rẽ trái. Linh tính của tôi chỉ ra như vậy.”
Anh B khoác tay, nói: “Tôi không có linh tính gì hết nhưng muốn rẽ phải, bởi vì ‘phải’ cũng có nghĩa là ‘đúng’.”
Anh C nói: “Tôi muốn thử quay trở lại mà đi, hy vọng có thể trở về chỗ cũ.”
Anh D cãi lại: “Đã đi lạc trong rừng thì khó trở về chỗ cũ, nếu xui xẻo sẽ đi loanh quanh thôi. Tôi muốn đi về phía trước. Ta phải đi tiếp, rồi sẽ không còn rừng và ta sẽ tìm được nơi nào đó mới mẻ.”
Anh E lắc đầu, nói: “Các anh sai hết rồi. Có cách hay hơn. Tôi muốn leo lên một cây cao mà định hướng.”
Năm anh không thân thiết với nhau lắm, cho nên không ai chịu nghe ai và cũng không muốn đi cùng nhau. Vì vậy mà mỗi anh làm theo ý mình.
Anh E đi tìm một cây cao nhất rồi leo lên. Ở trên cao, anh thấy được bốn hướng của bốn anh kia sẽ dẫn đến đâu. Cũng nhờ ở trên cao, anh nhìn hướng đi thuận lợi nhất để ra khỏi khu rừng. Anh thấy mình đã tìm ra cách thức tốt nhất! Anh nghĩ bốn người kia đã sai. Họ không chịu nghe theo anh. Trong năm người, anh thấy chỉ mình là có hiểu biết! Anh E không biết rằng hoàn cảnh của bốn người kia là khác nhau, nhưng rốt cuộc họ đều thích ứng với hoàn cảnh của họ nhờ có hiểu biết.
Anh A rẽ trái rồi đi đến một khu rừng rậm rạp hơn. Nhờ đã chuẩn bị sẵn kiến thức về việc đi trong rừng, anh có thể nhận ra thứ gì ăn được và thứ gì không nên ăn vì có chất độc. Anh cũng biết đề phòng đối với những loại rắn, rết và côn trùng độc khác. Anh thực hành kỹ năng sống tồn nơi hoang dã, như biết tìm ra nguồn nước. Anh A biết con người nhịn ăn nhiều ngày vẫn sống được, nhưng nếu chỉ thiếu nước 2, 3 ngày thì rất nguy hiểm. Khi anh A ra khỏi khu rừng đó, anh kể lại cho người khác về những tình huống mà anh đã trải qua, và thoát khỏi hiểm nguy nhờ những kỹ năng sống tồn trong rừng.
Anh B rẽ phải rồi sau một quãng đường dài, chịu đói chịu khát vì không tìm ra được thức ăn và nước uống. Đi thêm nữa, anh B gặp thổ dân sống trong rừng. Ban đầu họ tỏ ra thù nghịch với anh vì nghĩ anh đến xâm chiếm lãnh thổ của họ. Tuy không nói được tiếng của họ, anh biết cách ra dấu và tỏ thái độ thân thiện với họ, kiên nhẫn làm cho họ hiểu mình không làm hại họ. Dần dà, họ cho anh ăn uống và chỉ cho anh cách sống trong rừng thẳm. Anh B cũng truyền đạt cho họ kiến thức của thế giới văn minh mà họ có thể áp dụng để cải thiện cuộc sống của họ. Hai bên giúp đỡ nhau như thế. Cuối cùng, họ dẫn anh B ra khỏi khu rừng để anh trở về nhà.
Anh C quay lại, vừa đi vừa nhặt sỏi, đá, cành cây làm dấu đường đã đi qua, để biết đường đi trở lại nếu cần. Hóa ra anh tạo một lối mòn trong rừng để những người khác có thể đi theo mà không sợ lạc. Nhờ vậy mà có người cũng đang đi trong rừng nhận ra lối mòn đó và đi theo anh C. Họ biết đường ra khỏi rừng và dẫn anh C ra theo.
Anh D đi thẳng về phía trước, cũng biết cách sống tồn trong rừng. Cuối cùng, anh đi đến một nơi mà chưa từng có ai đi đến. Anh D ghi chép các chi tiết cần thiết (anh vẫn giữ giấy bút bên mình), rồi khi trở về kể lại cho người khác nghe về khu rừng anh mới khám phá. Mọi người đều tôn vinh anh là nhà khai phá, tiên phong (pioneer).
Còn anh E nhờ leo lên cây cao và nhận ra mọi hướng, biết mỗi hướng có đặc điểm ra sao. Anh trở thành người hướng dẫn (guide). Người ta nhờ đến anh để hướng dẫn đi đến nơi có đặc điểm họ muốn.
Đúc kết
Các cháu thiếu nhi thân mến:
Đã lạc trong rừng thì nhiều khi khó nghĩ ra được phải đi hướng nào. Vì thế mà năm anh có năm ý nghĩ.
Anh A dựa theo linh tính, còn được gọi là trực giác (intuition), là thứ gì đó khó giải thích được, cho nên bốn anh kia không nghe theo.
Anh B dựa theo từ ngữ đồng âm, cho rằng ‘phải’ tức là ‘đúng’ (Anh ngữ đều là ‘right’). Cách nghĩ đó không hợp lý, cho nên bốn anh còn lại không nghe theo.
Anh C muốn quay lại nhưng đó không phải là giải pháp hay. Người ta thường khuyên rằng khi ta đi lạc, cách tốt nhất là nên dừng lại, đừng đi nữa kẻo bị lạc xa hơn. Đã có nhiều trường hợp xảy ra: trẻ đi lạc trong rừng rồi đi quay lại, tưởng rằng trở về chỗ cũ nhưng thật ra đi xa hơn, đúng như lời anh D nói. Nên dừng lại chỗ đi lạc để hy vọng người cùng đi với ta có thể biết đường mà tìm đến ta. Nếu ta đi lạc xa hơn thì họ càng khó tìm. Trong trường hợp của năm anh, vì đã đi xa quá, mất phương hướng, nên khó mà quay lại chỗ cũ.
Anh D muốn đi tiếp vì anh muốn khai phá. Người khai phá phải có kiến thức nhiều hơn người khác, đồng thời chấp nhận mạo hiểm, tức là rủi ro. Ở tuổi các cháu thì không nên mạo hiểm. Phải nghe lời người lớn để giữ an toàn cho mình, để mọi người đỡ lo lắng.
Anh E có phần đúng khi nghĩ rằng mình có cách hay hơn bốn anh kia. Nhưng anh E được may mắn vì rừng không rậm lắm nên anh có thể nhận ra những hướng khác biệt. Rủi lạc vào một khu rừng nhiệt đới (tropical forest, như rừng ở miền Trung Việt Nam) được bảo tồn nguyên vẹn thì anh E sẽ bị hoang mang. Khi đó, từ trên cao nhìn xuống anh không thể nhận ra đâu là đâu, chỉ toàn là cây và cây dầy đặc!
Cả năm người đều có sự chuẩn bị như thế nào đó trước khi đi vào rừng. Ta không nên làm bừa việc gì, mà cần chuẩn bị trước cho việc đó. Nhất là chuẩn bị kiến thức về kỹ năng sống tồn (survival skills) và biết tự bảo vệ (self-protection) khi đi vào nơi xa lạ.
Chỉ kiến thức thì chưa đủ. Cả năm người đều biết cách áp dụng kiến thức của riêng họ trong tình huống gặp phải. Tức là họ biết cách thích ứng (adaptation). Có người trong đầu sẵn kiến thức nhưng không biết cách thích ứng thì kiến thức đó không giúp ích được gì cho họ.
Tóm lại, đây là câu chuyện hay vì cho thấy mỗi người biết cách thích ứng trong mỗi hoàn cảnh khác nhau.
Trong đời, có khi ta không chọn được hoàn cảnh như mong muốn. Cho nên đã gặp hoàn cảnh nào thì cố gắng vận dụng mọi kiến thức để thích ứng với hoàn cảnh đó.
Diệp Minh Tâm
[…] Thích ứng với hoàn cảnh: https://tamdiepblog.wordpress.com/2019/11/12/chuyen-ke-thich-ung-voi-hoan-canh/ […]