Gửi các cháu thiếu nhi:
Trong bài này, tôi muốn giới thiệu đến các cháu những cảm hứng mà Giáo sư Randy Pausch người Mỹ muốn truyền tải cho sinh viên của ông. Tuy rằng các cháu chưa đến tuổi sinh viên, tôi vẫn mong các cháu biết đến câu chuyện của Giáo sư Rany Pausch. Câu chuyện không khó hiểu đâu, các cháu nhỏ tuổi vẫn hiểu được.
Randy Pausch nói về những ước mơ của ông thời thơ ấu và cách ông thực hiện những ước mơ đó.
Hẳn bây giờ các cháu đang mang ước mơ gì đó? Thế thì nên biết qua câu chuyện về việc thực hiện những ước mơ.
Ước mơ và thực hiện
Từ thời còn nhỏ, Rany Pausch đã có những ước mơ. Theo thời gian cho đến khi tốt nghiệp đại học rồi làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, ông vẫn theo đuổi những ước mơ đó. Ông kể lại như sau.
Ước mơ 1: Ở trong môi trường không trọng lực

Trên mặt đất có trọng lực, tức là sức hút thiên nhiên giúp cho con người và mọi loài vật đi đứng được trên mặt đất. Nếu không có sức hút này, mọi vật không được kiềm chế sẽ bay bổng.
Muốn ở trong môi trường vô trọng lực thì phải làm phi hành gia bay lên không gian. Hoặc ở trên một máy bay của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration – NASA) dùng để huấn luyện phi hành gia trước khi đưa họ lên không gian.
Khi máy bay lên đủ cao, phi công cho máy bay lao nhanh xuống. Trong khoảng 25 giây đồng hồ, người trên máy bay ở trong tình trạng không có trọng lực, lơ lửng giống như bay trong không gian.
Thực hiện Ước mơ 1. Ngoài việc huấn luyện phi hành gia, NASA cũng tiếp nhận sinh viên đại học lên máy bay không trọng lực. Sinh viên phải có thành tích đặc biệt nào đó hoặc có mục đích nghiên cứu nào đó liên quan đến tình trạng không trọng lực mới được nhận. Andy Pausch lập nên một nhóm nghiên cứu về công nghệ thực tế ảo (Anh ngữ: virtual reality – VR ) nên cả nhóm muốn lên máy bay của NASA để thử công nghệ VR trong môi trường không trọng lực. Lý do nghe khá thuyết phục.
Lúc đó Andy Pausch đã ở trong thành phần giảng dạy bậc đại học, và NASA chỉ nhận trò chứ không nhận thầy! Nhưng NASA cũng nhận nhà báo. Thế là Andy thông báo với NASA rằng ông đã rời khỏi nghề giảng dạy và đang làm nhà báo. Ông có thể dễ dàng kiếm được một thẻ nhà báo. Ông thuyết phục NASA rằng khi nhóm ông thực hiện nghiên cứu VR trong môi trường không trọng lực, họ cần có nhà báo theo dõi mà viết bài. Thế là Randy được nhận lên máy bay không trọng lực. Cả nhóm của Randy chỉ trải nghiệm tình trạng không trọng lực trong 25 giây, nhưng đó là một trải nghiệm khó quên.

Thế là Randy thực hiện được ước mơ đầu tiên thời tuổi nhỏ.
Ước mơ 2: Chơi trong Giải Liên đoàn Bóng đá Mỹ
Khác với túc cầu mà người Mỹ gọi là soccer chơi bóng hình tròn, bóng đá Mỹ chơi bóng hình bầu dục. Giải Liên đoàn Bóng đá Mỹ (National Football League – NFL) quy tụ những cầu thủ giỏi nhất của nền bóng đá Mỹ, vì thế được chơi trong NFL là một thành tựu quá đặc biệt mà nhiều cậu bé Mỹ không dám mơ ước. Thế mà Andy Pausch vẫn mơ ước!

Thực hiện Ước mơ 2. Khi còn nhỏ, Randy Pausch tập với một huấn luyện viên (HLV) tên Jim Graham, người vạm vỡ, cao gần 2 mét, đã từng chơi cho một đội trong Giải NFL. Ngày đầu tiên, các học trò trông thấy Jim mà khiếp sợ. Nhưng không thấy quả bóng nào cả. Một học trò nói: “Xin lỗi, thưa thầy, chẳng có quả bóng nào.” HLV Graham đáp: “Đúng vậy. Trên sân bóng có bao nhiêu cầu thủ?” Andy đáp: “Mỗi đội có 11, trên sân có 22 cầu thủ.” HLV Graham hỏi tiếp: “Đúng vậy. Có bao nhiêu cầu thủ chạm được bóng mỗi lần?” Trò đáp: “Có một.” Thầy nói: “Chính xác. Thế thì chúng ta sẽ tập theo cách 21 cầu thủ còn lại.”
Ý thầy nói là khi tập chơi bóng, trước hết phải tập không bóng. Đó là điều cơ bản. Andy nói: “Cơ bản, cơ bản và cơ bản. Bạn phải bắt đầu cho tốt từ cơ bản, nếu không bạn sẽ không đạt kết quả.”
Thầy Graham rất nghiêm khắc, luôn hò hét với Randy, như: “Làm vậy là sai.” “Làm sai rồi.” “Quay lại mà làm lại đi.” “Phạt hít đất.”
Sau buổi tập, trợ lý HLV đến nói với Andy: “Thầy Graham hành em dữ quá, phải không?” Andy đáp: “Phải.” Trợ lý nói: “Đó là điều tốt. Khi em làm sai mà không ai màng nói với em nữa, tức là họ bỏ cuộc rồi.”
Đó là bài học đi theo Randy Pausch suốt đời. Ông nói: “Khi bạn làm chưa đạt mà không ai màng nói gì với bạn thì chỗ làm đó không tốt. Người phê phán bạn là người yêu mến bạn và quan tâm đến bạn.”
Andy Pausch không được chơi trong Giải NFL. Trong số bao nhiêu người ước mơ điều này, chỉ có ít người đạt được: phải vừa khỏe mạnh vừa chơi bóng xuất sắc. Any không đủ xuất sắc. Ông tự nhủ: “Không sao cả. Khi theo đuổi ước mơ, tôi học được nhiều điều hay hơn là thực hiện được ước mơ.” Andy còn lĩnh hội được những điều hay trong khi tập chơi thể thao. Đó là tình đồng đội, tinh thần thể thao, tính kiên trì, vân vân.
Ước mơ 3: Có bài đăng trong World Book Encyclopedia
Khi còn nhỏ, nhà Andy Pausch có một bộ World Book Encyclopedia (Từ điển Bách khoa Thế giới). Đây là bộ sách từ điển đồ sộ của Mỹ. Vào năm 2019, bộ sách có 22 tập gồm tổng cộng 14.000 trang và trên 17.000 bài viết chuyên đề.

Có một bài viết đăng trong bộ từ điển bách khoa danh giá này thật là một vinh dự cho tác giả.
Thực hiện Ước mơ 3. Andy Pausch lập nên một nhóm nghiên cứu về công nghệ thực tế ảo (VR) lúc đó được xem là buổi sơ khai của công nghệ này. Trong công nghệ này, người tham gia mang một thiết bị trên đầu để mắt nhìn được hình ảnh và tai nghe được âm thanh. Họ nghe và nhìn một cảnh quan trông như thật. Hình ảnh có thể tương tác với người qua bộ phận cảm biến, ví dụ như tay lái mà người tham gia cầm tay lái này lái qua lại, hình ảnh hiện ra giống như khi người ấy thực sự đang lái xe. Thực mà ảo, ảo mà thực, nên mới có thuật ngữ “thực tế ảo”.
Vì thế, ban biên tập cho đăng bài viết về VR trong bộ từ điển bách khoa nói trên.
Thế là Randy thực hiện được ước mơ thứ 3 thời tuổi nhỏ.
Ước mơ 4: Vào vai Cơ trưởng Kirk
Trong bộ phim truyền hình nhiều tập Star Trek, nhân vật Cơ trưởng Kirk là mẫu người được khán giả ngưỡng mộ. Cũng như bao trẻ em khác, Andy Pausch xem nhân vật Cơ trưởng Kirk là thần tượng, và mơ ước mình được vào vai nhân vật này. Diễn viên đóng vai Cơ trưởng Kirk là William Shatner, người Canada, nhờ vai đó mà trở thành siêu sao dưới mắt nhiều khán giả.

Thực hiện Ước mơ 4. Andy Pausch đang nghiên cứu công nghệ VR. Ông lập nên một hiện trường ảo tương tự như khung cảnh của Star Trek. Người mang thiết bị VR có cảm tưởng như chính mình đang ở trong khung cảnh đó, như làm việc trên một con tàu không gian. Andy mời William Shatner đến, cho ông dùng thiết bị VR để sống lại trong khung cảnh Star Trek.

Andy cho biết: “Thật là thỏa lòng được gặp thần tượng thời thơ ấu, nhưng còn thỏa lòng hơn khi ông ấy đến xem những tiết mục do tôi thực hiện.”
Ước mơ 5: Có được nhiều thú nhồi bông
Nhiều trẻ em vẫn thích thú nhồi bông. Riêng Andy Pausch khi thấy nhiều người lớn ôm các con thú thú nhồi bông lớn trong các công viên giải trí, ông nổi lên ước mơ là mình cũng có nhiều thú nhồi bông, thú lớn.
Thực hiện Ước mơ 5. Những tưởng đó là ước mơ vặt vãnh lúc còn nhỏ, nhưng theo thời gian Andy Pausch thực sự muốn thực hiện ước mơ của mình. Ông phải tập các kỹ năng cần thiết nhằm đoạt giải thưởng là thú nhồi bông trong trò chơi ở các công viên giải trí.

Việc thực hiện ước mơ này mang lại một số lợi ích. Trước nhất là thỏa mãn niềm yêu thích khởi phát từ thời thơ ấu. Khi được thỏa mãn niềm yêu thích đòi hỏi sự kiên trì, con người có tinh thần phấn khởi, và từ sự phấn khởi này mà con người có thể thực hiện những ước mơ to tát hơn.
Ước mơ 6: Làm Imagineer cho Disneyland
Thời thơ ấu, giống như nhiều trẻ em khác, Pausch cũng được người lớn dẫn đi chơi ở công viên giải trí Disneyland. Randy hơn các trẻ em khác ở chỗ: không chỉ muốn tham gia các tiết mục giải trí ở Disneyland, mà còn muốn tự mình thực hiện tiết mục giải trí.
Các công viên giải trí Disneyland có chương trình nghiên cứu và phát triển gọi là Imagineering. Thuật ngữ Imagineering kết hợp imagine (tưởng tượng) và engineering (kỹ thuật). Các nhân viên thực hiện chương trình này được gọi là Imagineer, kết hợp imagine (tưởng tượng) và engineer (nhân viên kỹ thuật nói chung). Họ là kỹ sư, và chuyên viên tin học, kiến trúc sư, chuyên viên thiết kế ánh sáng, chuyên viên đồ hòa, nhà viết kịch bản… Họ làm việc theo nhóm để tạo ra những tiết mục cho các công viên giải trí Disneyland trên toàn thế giới.
Thực hiện Ước mơ 6. Randy Pausch cho biết lên máy bay không trọng lực của NASA còn dễ hơn là được Disney nhận làm Imagineer. Nhưng ông vẫn theo đuổi thực hiện ước mơ kế tiếp này. Randy Pausch kể, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông nghĩ rằng mình đã có đủ trình độ nên gửi đơn đến Disney xin làm Imagineer. Disney trả lời giống như nói: “Đi chỗ khác chơi.” Tuy rằng họ vẫn nhã nhặn viết: “Sau khi xem xét cẩn thận đơn xin việc của ông, hiện tại chúng tôi không có chỗ làm nào cần đến các kỹ năng của ông.”
Randy nghĩ mình vấp phải một trở ngại, giống như va phải một bức tường. Nhưng bức tường đó có mục đích của nó. Bức tường không phải để ngăn chặn ta. Bức tường cho ta cơ hội chứng tỏ năng lực của mình. Bức tưởng chỉ ngăn chặn người không đủ khát khao. Randy thấy trở ngại này chỉ ngăn cản được người khác chứ không ngăn cản được ông. Bởi vì ông có quyết tâm và kiên trì.
Randy Pausch là nhà nghiên cứu hàng đầu về công nghệ thực tế ảo thời bấy giờ, và ông đi trước thời đại. Trong khi đó Disney bắt đầu thực hiện trong vòng bí mật công nghệ thực tế ảo. Thế là Randy gọi cho Disney, nói mình đang lo thuyết trình cho Bộ trưởng Quốc phòng về công nghệ thực tế ảo, nên nhân tiện có thể cho Disney xem một ít tiết mục hiện đại nhất thế giới. Rốt cuộc, Disney được thuyết phục, thu nhận ông vào làm Imagineer cho họ.
Thế là Randy Pausch vượt qua được bức tường trở ngại. Ông thực hiện tiết mục Aladdin ngoạn mục cho Disneyland, trong đó khán giả trải nghiệm việc ngồi trên tấm thảm thần đang bay lượn. Tấm thảm nghiêng qua nghiêng lại tạo quang cảnh trên không trung mà khán quả thưởng thức qua thiết bị đeo lên đầu.

Kế tiếp, ông thực hiện tiết mục từ loạt phim nổi tiếng Pirates of the Caribbean (Cướp biển vùng Ca-ri-bê).
Qua những kinh nghiệm tiếp thu được, Randy Pausch thành lập bộ môn về thực tế ảo ở Đại học Carnegie Mellon, và thành lập chương trình thạc sĩ cho bộ môn này.
Tóm tắt những cảm hứng từ Randy Pausch
- Cứ ước mơ rồi nỗ lực để thực hiện ước mơ của bạn. Đồng thời, bạn có thể giúp người khác thực hiện ước mơ của họ.
- Khi tiến hành thực hiện ước mơ, hãy bắt đầu cho tốt với điều cơ bản.
- Khi có người chê bai, thậm chí trách mắng bạn vì bạn làm chưa tốt, đó là vì người ấy còn quan tâm đến bạn và mong mỏi bạn làm tốt hơn. Bạn nên cảm ơn người ấy và theo chỉ dẫn của họ mà làm cho tốt hơn.
- Khi gặp trở ngại, cần kiên trì, đừng bỏ dỡ kẻo ước mơ của bạn không thành.
- Bạn có thể đạt ước mơ không đúng cách mà bạn từng mong muốn, nhưng vẫn nên xem trọng thành quả của bạn.
- Nếu muốn thực hiện mà không thành công, bạn đừng lấy làm buồn khổ, bởi vì bạn có thể học được nhiều điều bổ ích hơn là chỉ đơn thuần đạt ước mơ.
- Cho dù ước mơ là vụn vặt, bạn cứ theo đuổi ước mơ đó. Cuối cùng bạn sẽ thấy như thế cũng mang lại lợi ích, từ đó giúp tinh thần bạn được hứng khởi mà theo đuổi những ước mơ to tát hơn.
“Bài giảng cuối cùng”
Các mẩu chuyện trên là do Giáo sư Randy Pausch kể lại trong “Bài giảng cuối cùng” (Anh ngữ: The last lecture) ở Đại học Carnegie Mellon. Đại học này thường mời những giáo chức trước khi về hưu hoặc rời khỏi trường cho “Bài giảng cuối cùng”. Trong bài giảng như thế, diễn giả đúc kết những kinh nghiệm, suy nghĩ của mình để truyền tải cho sinh viên. Vì thế, “Bài giảng cuối cùng” có nội dung quý giá đặc biệt, được nhiều người háo hức theo dõi.

Lúc này, Giáo sư Randy Pausch đang mắc bệnh ung thư. Sau khi được bác sĩ thông báo họ không thể trị dứt căn bệnh ung thư này, Randy xin nghỉ việc để toàn tâm sống với gia đình trong những tháng ngày cuối cùng của đời mình. Và ông nhận lời cho bài giảng cuối cùng ở Đại học Carnegie Mellon, mang tựa đề là “Really achieving your childhood dreams” (Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ), vào ngày 18 tháng 9 năm 2007.
Trước đó, có lẽ vì để tránh nói đến tiếng “cuối cùng” nghe bi thương như cuối cùng trong đời ứng với trường hợp của Randy nên trường Carnegie Mellon đổi tên loạt bài giảng này thành “Journeys” (Những hành trình). Mục đích nói là tạo một diễn đàn để chia sẻ những suy ngẫm và thấu hiểu trong những hành trình cá nhân và nghề nghiệp chuyên môn.
Nhưng Randy Pausch vẫn muốn gọi bài giảng của ông là thuộc loạt “Bài giảng cuối cùng”. Đó là vì ông có can đảm đối mặt với căn bệnh của mình chứ không tránh né gì cả. Ông e nếu tránh né thì mọi người sẽ thương hại ông, và ông không muốn người ta thương hại mình.
Đến cuối bài giảng, Giáo sư Randy Pausch đưa ra vài lời khuyên.
- Những trở ngại (mà Randy gọi là “bức tường”) nhằm giúp bạn thể hiện quyết tâm. Trở ngại chỉ ngăn chặn những người không thật sự muốn đạt đến những ước mơ thời tuổi nhỏ của họ. Nếu bạn có quyết tâm thì trở ngại không ngăn được bạn.
- Hãy lắng nghe khi người khác chê bai bạn. Bất kỳ ai cũng có lỗi lầm, nên bất kỳ ai cũng có thể bị chê. Bạn hãy xem lời chê bai giúp được bạn như thế nào, rồi theo đó mà tìm cách sửa chữa mình cho tốt hơn.
- Hãy thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã giúp bạn bằng cách này hay cách khác. Bạn thành công là nhờ họ.
- Đừng phàn nàn; chỉ cần làm việc chăm chỉ hơn. Đừng viện cớ tại thế này, tại thế nọ nên làm chưa tốt. Hãy hứa với người khác và tự nhủ trong lòng bạn sẽ làm tốt hơn.
- Mỗi người đều có điểm tốt nào đó. Bạn có thể chờ đợi một thời gian dài, phải kiên nhẫn chờ đợi để nhận ra điểm tốt của họ. Lúc đó họ có thể là bạn tốt, có thể là người giúp bạn trong việc gì đó.
- Phải chuẩn bị tốt. Ta chỉ có may mắn khi sự chuẩn bị đã sẵn sàng cùng cơ hội đang đến.
Quay lại Ước mơ 2: Chơi trong Giải Liên đoàn Bóng đá Mỹ
Sau khi thành tựu trong công việc, Randy Pausch trở thành người nổi tiếng và được trọng vọng. Khi biết một trong những ước mơ của Randy là chơi trong Giải Liên đoàn Bóng đá Mỹ, Liên đoàn mời ông đến, thu nhận ông làm cầu thủ thành viên, chơi cho Liên đoàn dù chỉ một ngày, bởi vì lúc này sức khỏe Randy đã yếu.
Dù chỉ trong một ngày, Randy vẫn hài lòng, xem như đã thỏa ước nguyện. Đó là vì việc kiên trì theo đuổi những ước mơ khác giúp ông đạt được ước mơ này.
Những sự kiện tiếp theo
Chỉ hơn 10 tháng sau khi cho “Bài giảng cuối cùng”, Randy Pausch qua đời. Di sản mà ông để lại cho thế hệ sau thật là quý giá. Ông có lời nhắn nhủ sinh viên của mình, nhưng ở cuối bài giảng ông cho biết lời nhắn nhủ là dành cho ba đứa con của ông.
Video của “Bài giảng cuối cùng” được đưa lên nhiều trang mạng trên Internet, và hàng chục triệu người tìm nghe bài giảng này. Hóa ra đó là bài giảng cũng bổ ích cho nhiều người trên thế giới.
Trong thời gian ngắn còn khỏe, Randy Pausch dựa trên “Bài giảng cuối cùng” để mở rộng ra nội dung, đọc và nhờ một người bạn ghi chép thành một quyển sách mang tựa đề The last lecture (Bài giảng cuối cùng). Quyển sách này đã được dịch ra Việt văn và phát hành ở Việt Nam.
Diệp Minh Tâm
[…] Thực hiện ước mơ: https://tamdiepblog.wordpress.com/2019/11/09/chuyen-ke-thuc-hien-uoc-mo/ […]