Đào Duy Từ và Lũy Thầy

Nhân vật Đào Duy Từ

Dao Duy Tu
Đào Duy Từ

Đào Duy Từ (1572-1634) người gốc Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay), là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, được triều Nguyễn xếp vào hàng đệ nhất khai quốc công thần. Ông nổi tiếng thông minh và có hiểu biết rộng; Đại Nam thực lục ghi ông “thông suốt kinh sử, giỏi thiên văn thuật số”.

Nhiều nguồn ghi Đào Duy Từ bị cấm thi vì là con nhà kép hát đào ca – ngang thân phận với những kẻ nô tỳ – nên ông và gia đình bị xã hội và vua quan thời Lê Trịnh khinh khi với quan niệm hẹp hòi “xướng ca vô loài”.

Sự kiện không thể lập công danh ở Đàng Ngoài là yếu tố cốt lõi cho việc Đào Duy Từ phục vụ chúa Nguyễn.

Đại Nam liệt truyện chép về cha của Đào Duy Từ là Đào Tá Hán như sau.

Đào Tá Hán người huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Nghĩa. Tá Hán làm quan với nhà Lê, từ chức thổ quan, dần dần làm đến Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, Tổng trấn Quảng Nam Thiếu bảo, Trấn quận công. Tá Hán khi làm quan, chú trọng ban ân huệ, vỗ yên quân và dân, trăm họ yêu mến gọi là Trấn Bắc công.

Năm 1558 Thái Tổ Hoàng đế [Nguyễn Hoàng] vào trấn Thuận Hóa thường có giặc ở phía đông đến. Tá Hán đem quân Quảng Nam đi cứu ứng, giặc không dám phạm. Lại thường đem quân đi đánh các man Thạch Bích ở Quảng Nghĩa, theo ven núi đặt đồn để chống giữ, biên cảnh được yên. Lúc mới khai quốc, Tá Hán dự vào hàng có công lao. Năm 1568, Tá Hán ốm chết, tặng phong Thái bảo.

Có lẽ vì người con được xếp vào hàng Thượng đẳng Khai quốc Công thần nên Quốc sử quán triều Nguyễn không chép sự kiện Đào Tá Hán là kép hát.

Thời gian khởi đầu

Về thời gian khởi đầu của Đào Duy Từ, Trần Hưng (2019), Phan Khoang (1969) và Wikipedia_Đào Duy Từ kể lại như sau.

Năm 1558, sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc, Nguyễn Hoàng – con trai của Nguyễn Kim – sợ anh rể là Trịnh Kiểm ám hại, nên cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến ông Nguyễn Bỉnh Kiêm [Trạng Trình, làm quan nhà Mạc]. Bỉnh Khiêm không đáp mà chỉ vào non bộ trước sân nhà, ngâm câu thơ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dãy Hoành Sơn có thể yên thân muôn đời. [Đại Nam nhất thống chí: Đầu niên hiệu Gia Long đặt dinh Quảng Bình, lấy Hoành Sơn làm ranh giới: nửa núi ra phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nửa núi vào phía Nam thuộc tỉnh Quảng Bình.]

Theo đó, Nguyễn Hoàng mới nói với chị là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía nam.

Từ khi Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa năm 1558, bề ngoài tuy chưa ra mặt chống với họ Trịnh, nhưng bề trong hết sức lo sự phòng bị.

Năm 1613, Nguyễn Hoàng trước khi mất trối trăn với con là Nguyễn Phúc Nguyên: “Đất Thuận, Quảng phía bắc có Hoàng Sơn, Sông Linh Giang [Sông Gianh bây giờ] hiểm trở; phía nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi vững bề; núi sinh vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của những kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chỏi với họ Trịnh thì đủ xây dựng sự nghiệp muôn đời; nếu thế lực không địch được thì cố giữ đất đai để đợi thời cơ, chứ đừng bỏ hỏng lời dặn của ta.”

Sau đời Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu nuôi chí lớn hơn, mong thoát khỏi sự kềm tỏa của chúa Trịnh.

Thấy Đàng Trong ngày càng lớn mạnh, năm 1620 chúa Trịnh vô cớ gây chiến. Chúa Nguyễn quyết định hoàn toàn đoạn tuyệt với việc nộp cống thuế cho Đàng Ngoài.

Đến năm 1623 Trịnh Tùng chết, các con tranh nhau ngôi chúa làm loạn Bắc hà. Các mưu sĩ của chúa Nguyễn hiến kế rằng nhân cơ hội này đem quân đánh chiếm Đàng Ngoài, vì 3 năm trước chúa Trịnh vô cớ đem quân đánh Đàng Trong.

Thế nhưng Chúa Nguyễn Phúc Nguyên nói rằng: “Ta muốn nhân dịp này cử nghĩa binh để phò vua Lê, nhưng đánh người trong lúc có tang là bất nhân, thừa lúc người đang nguy là bất vũ. Huống chi ta với Trịnh có nghĩa thông gia”.

Ghi chú: Hai họ Trịnh–Nguyễn là thông gia lâu đời với nhau. Nguyễn Kim tức ông nội của Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái cho Trịnh Kiểm. Về sau, em gái của Nguyễn Phúc Nguyên được người cha Nguyễn Hoàng gả cho cháu nội của Trịnh Kiểm là Trịnh Tráng, như vậy Trịnh Tráng là em rể của Nguyễn Phúc Nguyên dù hai người ở hai bên chiến tuyến.

Nguyễn Phúc Nguyên sai sứ ra phúng. Hào kiệt khắp nơi hiểu nghĩa khí của chúa Nguyễn thì theo về rất đông.

Đào Duy Từ cũng vì thế mà đến. Ông nói với chúng bạn rằng: “Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận–Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền… Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương(A) về Hán, Ngũ Viên(B) sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời.” (Wikipedia_Đào Duy Từ)

Chú thích:

(A) Trương Lương làm mưu sĩ cho Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán.

(B) Ngũ Viên người Sở thời Xuân Thu, cha và anh bị Vua Sở giết bèn bỏ sang Ngô, phò tá Ngô vương Phù Sai chống lại Việt vương Câu Tiễn.

Riêng Phan Khoang (1969) kể: Vì là con nhà xướng hát nên Hiến ty Thanh Hóa không cho Đào Duy Từ dự khoa thi Hương. Ông bèn nói với người bạn rằng: Tôi nghe đất Thuận, đất Quảng hiểm trở mà dân giàu, vị chúa ở đây lại biết đãi người một cách khiêm nhượng, rõ cách xử sự của bậc bá vương; nếu ta đến theo rồi bày mưu định kế thì trên có thể làm được như Tề Hoàn(A), Tấn Văn(B), dưới cũng không thể mất được cái thế chân vạc.”

Chú thích:

(A) Tề Hoàn công, vị quân chủ của nước Tề thời Xuân Thu, người đầu tiên xưng bá chủ và được xếp hàng đầu trong Ngũ Bá (năm vị bá chủ)

(B) Tấn Văn công, vua thứ 24 của nước Tấn thời Xuân Thu, được xếp vào một trong Ngũ Bá.

Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: Năm 1625 Đào Duy Từ “đến theo” (?). Năm ấy [tức lúc ông 53 tuổi] có khoa thi hương ở Thanh Hoa, Hiến ty cho Duy Từ là con phường chèo, tước bỏ không cho vào thi. Duy Từ buồn bực quay về. Nghe tiếng chúa yêu dân quý học trò, hào kiệt đều quy phục, quyết chí đi theo, bèn một mình vào Nam.

Lúc này Duy Từ đã hơn nửa đời người (trên 50 tuổi) qua câu nói của Duy Từ trả lời phú ông họ Lê: “Hướng hành niên tương dĩ bán sinh” (Vả lại nay đã nửa đời người).

Theo đó, Đào Duy Từ chỉ phục vụ chúa Nguyễn Phúc Nguyên 8 năm cuối trong đời, và chính sử không có ghi chép gì về thời gian dài trước đó.

Theo Tôn Thất Thọ (2017b),

Trong bộ Đại Nam liệt truyện cũng do Quốc sử quán biên soạn thì lại ghi khác: Đi thi Hương với triều Lê, quan trường thấy là con nhà hát xướng bèn gạt tên, Duy Từ phẫn uất bỏ về. Nghe Thái tổ Hoàng đế [Nguyễn Hoàng] yêu dân trọng sĩ, hào kiệt hướng về, bèn quyết ý vào Nam…

Theo tác giả Dương Tụ Quán viết trong cuốn Đào Duy Từ – tiểu sử và thơ văn và đăng lại trên tạp chí Tri Tân số 163 ngày 19/10/1944 thì Đào Duy Từ không được dự kỳ thi Hương năm 1592, chứ không phải khoa thi Hương năm 1625.

Phải chăng Đào Duy Từ đã vào Nam ngay từ thời chúa Nguyễn Hoàng như Đại Nam liệt truyện chép, chứ không phải dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên như Đại Nam thực lục ghi? Vì lẽ sự ra đi do phẫn chí phải xảy ra rất gần năm 1592 là năm ông bị cấm thi (theo tác giả Dương Tụ Quán). Chẳng lẽ sau khoa thi đó, phải đến 33 năm sau mới tìm đường vào xứ Đàng Trong vì “mối hận” đã xảy ra từ mấy chục năm trước!?

Đặt ngược vấn đề: phải chăng vì tư tưởng yếm thế trong việc lập công danh mà Đào Duy Từ ẩn thân một thời gian dài, rồi về sau mới quyết định vào Nam vì biết chúa Nguyễn Phúc Nguyên tôn trọng bậc hiền tài, chứ không phải vì phẫn chí từ lâu?

Đại Nam thực lụcĐại Nam liệt truyện ghi hai sự kiện “thi hương” và “vào Nam” nhưng không đương nhiên có nghĩa sự kiện sau xảy ra gần sự kiện trước. Một trong ba trường hợp sau có thể xảy ra:

  1. Đào Duy Từ thi hương năm 1592 ở tuổi 20 rồi gặp Nguyễn Hoàng. Đến tuổi khoảng 54 ông vào Nam để phò tá con trai Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên. Ngoài ra, ta không biết gì về quãng thời gian 34 năm giữa hai sự kiện. Đào Duy An (2016) chỉ ghi Đào Duy Tử “ẩn nhẫn chờ thời” trong giai đoạn này.
  2. Đào Duy Từ thi Hương năm 1592 rồi vào Nam ít lâu sau đó như Tôn Thất Thọ (2017b) giả định, tức phục vụ chúa Nguyễn khoảng 40 năm. Điều này đi ngược với chính sử ghi Đào Duy Từ chỉ phục vụ chúa Nguyễn 8 năm. Tại sao Quốc sử quán gồm những nhà khoa bảng và học thuật lại nhầm lẫn chi tiết quan trọng 40 năm thành 8 năm?
  3. Đào Duy Từ thi Hương năm 1625 ở tuổi 53 tuổi và vào Nam ít lâu sao đó. Như vậy thì có hai điều khó lý giải:
    • Có câu chuyện Nguyễn Hoàng tìm đến gặp Đào Duy Từ sau khi Duy Từ thất bại trong thi Hương – không lẽ chi tiết đáng kể như vậy từ không thành có! Nhưng Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613 nên không thể nào gặp Duy Từ sau khoa thi Hương năm 1625.
    • Người tài giỏi như Duy Từ mà đợi đến 53 tuối mới đi thi.

Xem xét các mặt lô-gic, trường hợp thứ nhất nêu trên là hợp lý hơn cả. Hơn nữa, chính sử chép một sự kiện đáng kể: Khi gặp Duy Từ lần đầu tiên, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nói: “Sao khanh đến muộn thế!”

Vẫn còn có một sự kiện cần lý giải nếu Đào Duy Từ vào Nam lúc trên 53 tuổi: Năm 1631 (tức 6 năm sau) Nguyễn Hữu Tiến xin gặp Đào Duy Từ và sau đó Duy Từ này gả con gái, thế thì người con gái này có gốc gác ra sao? Nên nhớ bản thân Duy Từ được Trần Đức Hòa gả con gái cho sau khi vào Nam.

Đinh Bá Hòa (2012) và Hoàng Trọng (2016) lý giải như sau.

Theo ông Đào Duy Nhơn (Thôn Ngọc Sơn, Xã Hoài Thanh Tây, Huyện Hoài Nhơn, Bình Định), quyền trưởng tộc Đào, dòng họ hiện có 2 cuốn gia phả bằng chữ Hán, chép rằng Đào Duy Từ chỉ có một vợ là bà Cao Thị Nguyên, sinh ra hai người con là Đào Duy Huệ và Đào Thị Hưng.

Trong gia phả họ Trần thì người con gái mà Cống Quận Công Trần Đức Hòa gả cho Đào Duy Từ có tên là Trần Thị Phấn. Cả chính sử và dã sử đều chép Bà Phấn là vợ của Duy Từ, vậy tại sao bà không được ghi trong gia phả họ Đào? Ông Đào Duy Nhơn cho biết có nhà sử học lý giải rằng bà họ Trần không có con nên đi tu, tuy rằng khi bà mất, dòng họ vẫn thờ bà tại nơi bà tu. Theo quan niệm tam tòng tứ đức ngày xưa, phụ nữ không có con bị quy vào tội bất hiếu, có thể vì lẽ này bà họ Trần không được chép vào gia phả. Con cháu họ Đào cũng cho biết, không hiểu từ bao giờ tại vùng này, trai gái hai họ Trần và Đào không được lấy nhau mà coi nhau như anh em ruột thịt. Hiện nay tục này vẫn còn tuy không nghiêm ngặt.

Cũng theo ông Nhơn, gia phả không ghi rõ nhưng chắc chắn ông Đào Duy Từ và bà Cao Thị Nguyên kết hôn rồi sinh con từ thời còn ở Thanh Hóa. Sau khi đã thành danh dưới triều Sãi vương, Đào Duy Từ mới cho người đón vợ, hai con và dời mộ cha vào Phủ Hoài Nhơn. Rồi Đào Duy Từ gả con gái là Đào Thị Hưng cho Nguyễn Hữu Tiến. “Điều này chứng tỏ Đào Duy Từ đã có con ở Thanh Hóa với bà Cao Thị Nguyên trước khi vào Bình Định. Vì năm 1625, Đào Duy Từ vào Bình Định rồi mới kết hôn với bà Trần Thị Phấn thì không thể có con gái chung để gả cho ông được”, ông Nhơn phân tích.

Vậy thì đã rõ: người con gái mà Đào Duy Từ gả cho Nguyễn Hữu Tiến là con của người vợ cả, được sinh ra trước khi Duy Từ vào Nam.

Tài liệu cũng chép, bà Cao Thị Nguyên không theo ông vào Đàng Trong mà ở quê nhà phụng dưỡng cha mẹ Đào Duy Từ; ông chỉ mang các con vào sau khi đã thành danh (Đinh Bá Hòa, 2012).

Đại Nam liệt truyện, daoduytu.com.vn (no date) và Wikipedia_Đào Duy Từ kể giai đoạn kế tiếp trong cuộc đời Đào Duy Từ như sau.

Năm 1625, Đào Duy Từ một mình vào Nam. Ông đi đến Huyện Vũ Xương (Quảng Bình) hơn một tháng, nơi người ta không biết ông là ai. Ông đi tìm chúa Nguyễn nhưng đến nơi thì không gặp do chúa đã đi xa để kinh lý. Năm sau hết tiền tiêu, Duy Từ phải tìm đường khác: Nghe tin Khám lý Hoài Nhân Trần Đức Hòa là người có mưu trí lại được Chúa Sãi tin dùng, Duy Từ bèn vào Bồng Sơn, Phủ Quy Nhơn, để kiếm cơ hội lập thân. Ông ở tạm quán cơm, kể chuyện dân gian hay hát rong để độ nhật.

Một ngày Duy Từ nghe trong quán có mấy người kháo nhau rằng: Ở đây có một ông già hào hiệp, là một điền chủ có danh tiếng. Biết chuyện, Đào Duy Từ liền tìm đến. Đó là nhà phú hộ họ Lê ở Thôn Tùng Châu, cách nhà Trần Đức Hòa một con sông nhỏ.

Khi tiếp chuyện, ông già thấy ngôn ngữ, phong thái của Đào Duy Từ tỏ ra là người có học thức nên đón tiếp niềm nở. Nhưng khi hỏi đến tung tích thì Đào Duy Từ bịa ra rằng: “Tôi chỉ là con của một nhà nho ở Thuận Hóa, trước được cha mẹ cho ăn học, nhưng chẳng may các cụ mất sớm, muốn đi học nữa lại không có tiền, muốn làm nông cũng không có ruộng đất… Nay vào đây nghe cụ là một hào phú nên đến xin một chân chăn trâu sống cho qua ngày đoạn tháng.” Tâm ý của Duy Từ là ẩn mình, chờ đợi thờ cơ đồng thời dò xét chính sự Đàng Trong.

Ông già nhận Duy Từ vào chăn trâu cho mình. Vì đức độ của ông mà sau này Duy Từ nhận ông là cha nuôi.

Tuy đã đứng tuổi, nhưng Duy Từ tỏ ra rất cần mẫn, siêng năng. Trời nắng cũng như trời mưa, ngày ngày cứ sáng sớm ông lùa trâu đi, thả cho chúng tự do ăn cỏ, rồi tìm chỗ thanh vắng để tiếp tục dùi mài kinh sử, mãi chập tối mới đánh trâu về, làm cho gia chủ vừa lòng, chưa hề có tiếng chê trách. Không giống những người chăn trâu khác, tối đến Duy Từ đọc sách, ngâm thơ. (Văn Như Tước, 2019)

Dao Duy Tu chan trau (baophapluat.vn)
(Tranh minh họa: baophapluat.vn)

Vài ba tháng sau, qua buổi bình văn tại nhà phú ông họ Lê, Duy Từ để lộ chân tướng. Phú ông thấy Duy Từ là người biết rộng nghe nhiều nên không cho chăn trâu nữa, lại giới thiệu Duy Từ với Trần Đức Hòa. (Đại Nam thực lục tiền biênNam triều công nghiệp diễn chí đều chép Trần Đức Hòa được Chúa Sãi nhận làm em kết nghĩa.) Đức Hòa nói chuyện với Duy Từ, thấy không điều gì là không thông suốt, rất quý trọng, đem con gái gả cho.

Trước đó, Duy Từ từng ngâm bài thơ Ngọa long cương vãn, có ý ví mình với Khổng Minh.

Sau khi yên bề gia thất, Đào Duy Từ mới kể rõ chí hướng muốn phục vụ xã tắc cho bố vợ biết, đồng thời đưa bài thơ đó cho ông xem.

Ngọa Long cương vãn – Đào Duy Từ

[…]

Nam Dương có kẻ ẩn nho
Khổng Minh là chữ, trượng phu khác loài
Một mình vẹn đủ ba tài
Phúc ta gẫm ắt ý trời hậu vay
Điềm lành thụy lạ đã hay
Đời này sinh có tài này ắt nên.

[…]

Hưng vong bỉ thái có thì
Chớ đem thành bại mà suy anh hùng
Chốn này thiên hạ đời dùng
Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời
Chúa hay dùng đặng tôi tài
Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên.

Trần Đức Hòa xem đi xem lại bài Ngọa Long cương vãn của con rể, nhận thấy văn từ khoáng đạt, điển tích tinh thông, ý chí mạnh mẽ, hoài bão lớn lao, thì tấm tắc khen, nói rằng: “Duy Từ là Ngọa Long ngày nay đấy nhỉ?”

Năm 1627, quân Nguyễn đánh thắng quân Trịnh ở Nhật Lệ. Trần Đức Hòa nghe tin thắng trận, vào chúc mừng chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông ung dung lấy trong tay áo ra bài Ngọa long cương vãn dâng lên chúa và nói: “Đây là thầy đồ nhà tôi, Đào Duy Từ làm ra”.

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên xem xong bài Ngọa Long cương vãn, lấy làm lạ, lập tức bảo Trần Đức Hòa dẫn Đào Duy Từ vào yết kiến.

Vài ngày sau Duy Từ đến yết kiến, chúa mặc áo trắng, đi hài xanh, ra cửa hông để đợi. Duy Từ trông thấy, dừng bước, đứng yên, không vào. Chúa biết ý, lập tức mũ áo chỉnh tề rồi mới triệu vào.

Chúa cùng nói chuyện, bằng lòng lắm. Phán rằng: “Sao khanh đến muộn thế!” Liền phong làm Nha úy và Nội tán, tước Lộc Khê hầu. Chúa phong ngay chức tước cho một kẻ nô tỳ chăn trâu mà không màng đến lý lịch là con phường hát, đủ để thấy ông có nhận thức tinh tường thế nào.

Chức Nội tán không thấy ghi trong quan chế đời các chúa Nguyễn. Song xét theo mạch văn trong Đại Nam liệt truyện, ta có thể thấy rằng chức nội tán là một chức riêng mà Chúa Sãi đặc ban cho Đào Duy Từ. Còn Nha úy là chức quan trọng yếu trong bộ máy hành chính của chúa Nguyễn, coi sóc việc lễ nghi, tế tự, quân lương, thuế khóa (chuyên về thuế điền thổ và thuế thân), cũng quản lý kho hàng hoàng cung. Do đấy, có thể thấy rõ chức Nha Úy đứng đầu các cơ quan này thực là hệ trọng. (Trần Đăng Đại, bà và ông, 2011)

Đào Duy Từ phò tá Chúa Nguyễn Phúc Nguyên

Trước khi vào Nam, Đào Duy Từ đã dùng nhãn quan của mình quan sát kỹ lưỡng thời cuộc. Lần này gặp Chúa Nguyễn ông phân tích tình thế của Đại Việt. Ông cho rằng Đại Việt khá giống như thời Tam Quốc khi xưa với vua Lê chúa Trịnh – nhà Mạc – chúa Nguyễn.

Chúa Trịnh nắm thực quyền, chèn ép vua Lê, nhưng lại mượn danh nghĩa vua Lê chèn ép các nơi, giống như Tào Tháo xưa kia mượn danh vua Hán mà sai khiến và lấn áp chư hầu.

Nhà Mạc tuy để mất Thăng Long nhưng chạy đến đóng đô ở đất Cao Bằng, dựa vào địa hình hiểm trở giống Đông Ngô xưa kia, lại được nhà Minh hậu thuẫn. Nhà Minh luôn rình rập cơ hội Đại Việt chia rẽ để mượn cớ tiến đánh như cách “giúp Trần, cầm Hồ” xưa kia.

Xung đột Trịnh–Nguyễn chính thức bùng phát giữa Trịnh Tráng và Nguyễn Phúc Nguyên.

Chúa Nguyễn giữ vùng đất nhỏ bé ở Thuận–Quảng (từ Huế đến Quảng Nam) nhưng liên tục thực hiện di dân mở rộng bờ cõi về phương Nam, xây dựng được một số trung tâm thu hút thương gia trong ngoài nước đến buôn bán. Đời sống dân cư ngày càng an lạc, hiền tài khắp nơi quy tụ về phương nam, giống như xưa kia anh tài theo về Lưu Bị.

Chúa thường triệu Đào Duy Từ vào cung bàn bạc, Duy Từ giải bày hết cả những điều ấp ủ, biết gì nói hết.

Từ đây, Đào Duy Từ bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Duy Từ đưa ra sách lược giữ nghiệp gồm năm điểm chính (Đào Duy An, 2016):

  1. Thống nhất giang sơn: Ông khuyên Chúa Sãi nên nối nghiệp Tiên vương Nguyễn Hoàng, diệt Chúa Trịnh để thống nhất sơn hà. Trước nhất, thành lập nhà nước xứ Đàng Trong để việc tách rời khỏi triều đình Lê–Trịnh ở Đàng Ngoài.
  2. Mở mang bờ cõi: Đánh chiếm Chiêm Thành để mở mang bờ cõi phương Nam, làm thành một nước rộng lớn hơn Đàng Ngoài của Chúa Trịnh.
  3. Phát triển dân số và dân sinh: Chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang để sản xuất nông nghiệp; trước là có nhiều thóc gạo làm lương thực, sau là có nhiều người để tăng quân số, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển các đặc sản của Đàng Trong như: hồ tiêu, yến sào…. Giảm bớt sưu thuế cho dân đỡ khổ, nâng cao đời sống của dân, giúp đỡ họ làm ăn cày cấy, buôn bán. Mở nhiều trường học, ra lệnh cho mọi người đều phải đi học, dân có biết chữ mới biết yêu nước thiết tha. Làm được như thế dân không bị áp bức, lại được sống sung túc thì bao giờ cũng tận tâm phò Chúa.
  4. Chỉnh đốn nội trị: để thực hiện việc điều hành và quản lý xứ Đàng Trong, là đất nước mới thành lập. Chọn người tài giỏi có công tâm không kể thân sơ ra giúp nước, còn những kẻ tham nhũng thì trừng phạt và thải hồi. Xây dựng thể chế chính trị cũng như xây dựng các hệ thống văn bản pháp quy (hành chính, nghĩa vụ quân sự, thi tuyển công chức…) Ra sức khuyến học, tích cực tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn nhân tài phục vụ cho sự nghiệp vương triều. Ông tiến cử với chúa hai nhân tài nổi tiếng: Nguyễn Hữu Tiến (con rể ông) và Nguyễn Hữu Dật (quê Hà Trung, Thanh Hóa).
  5. Xây dựng quân đội: Muốn cho quân đội hùng hậu phải mộ thêm lính, xây đắp đồn lũy, huấn luyện cho quân lính có tinh thần, có kỷ luật. Ông là tổng công trình sư của các hệ thống thành lũy để giữ vững bờ cõi.

Phân tích của Đào Duy Từ thấu tình đạt lý, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nhìn thấy một tài năng kiệt xuất. Ông giao cho Duy Từ trách nhiệm quản quân cơ trong ngoài, và ban quyền tham dự triều chính. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay.” Dần dà dân gian lan truyền rằng chúa Sãi coi Duy Từ là thầy.

Đại Nam liệt truyện kế tiếp những việc sau.

Năm 1629 mùa đông, Trịnh Tráng muốn xâm lấn miền Nam, trước sai Nguyễn Khắc Minh đem sắc tấn phong chúa làm Thái phó Quốc công, giục ra Đông Đô đi đánh giặc. Khắc Minh đến nơi, chúa triệu quần thần đến bàn; Duy Từ nói : “Đó là chúa Trịnh mượn mệnh lệnh vua Lê để nhử ta đấy. Nhận sắc mà không đến, thì họ có cớ để trách ta được, nếu không nhận thì tất họ động binh. Việc hiềm khích ngoài biên cương một khi nổ ra, không phải là phước cho sinh dân! Hơn nữa phía ta, thành quách chưa kiên cố, quân sĩ chưa luyện tập, một khi giặc đến, lấy gì chống được? Chi bằng nay hãy tạm nhận sắc, cho họ không nghi, ta được chuyên tâm sửa sang phòng giữ bờ cõi. Rồi sau dụng kế trả sắc, thì họ không làm gì được ta”. Chúa nghe lời Duy Từ, hậu đãi sứ giả rồi cho về.

Duy Từ khuyên chúa đừng nộp lễ cống và phu thuế cho Trịnh. Chúa cho là khó. Duy Từ thưa rằng: “Thần nghe: dẫu có trí tuệ không bằng thừa thế. Đức tiên vương ta [tức Nguyễn Hoàng] oai vũ mưu lược không phải không thể chiếm giữ đất này. Nhưng trước kia tam ty thuộc tướng đều do chúa Trịnh thuyên bổ cắt đặt, hễ làm một việc gì đều bị họ ngăn trở, cho nên phải ẩn nhẫn đến nay. Bây giờ chúa thượng chuyên chế một phương, quan liêu đều do mình cắt đặt, một lời nói ra ai còn dám trái? Thần xin dâng một kế sách, hàng năm không phải nộp phu thuế nữa mà vẫn giữ được bờ cõi và có thể thành được đại nghiệp”.

Chúa hỏi kế sách thế nào. Duy Từ tâu rằng: “Nay, dựng nghiệp bá vương, cốt phải vẹn toàn. Người xưa nói không nhọc một lần thì không được rảnh lâu, không tốn công một lần thì không được yên mãi. Thần xin lấy quân và dân hai xứ (Thuận Hóa – Quảng Nam) đắp lũy dài, trên từ núi Trường Dục dưới đến bãi bùn Hạc Hải, nhân thế đất đặt lũy hiểm cho vững việc phòng bị ngoài biên, quân giặc dẫu đến cũng không làm gì được”.

Chúa nghe theo. Mùa xuân năm 1630, đại phát dân binh đắp Lũy Trường Dục, hơn tháng thì xong.

Năm 1630 mùa đông, Duy Từ khuyên chúa ra quân đánh lấy châu Nam Bố Chính để giữ vững cõi Nam. Chúa bèn sai Nguyễn Đình Hùng đánh úp, chém Tri châu Nguyễn Tịch mà giữ đất ấy, lấy Sông Gianh làm giới hạn Nam Bắc. Chọn dân làm lính đặt làm 24 đội thuyền.

Mùa thu năm 1631, Duy Từ nói cùng Chúa rằng: “Thần quan sát từ cửa biển Nhật Lệ đến Núi Đâu Mâu ở Động Hồi (Đồng Hới), bên ngoài có khe suối, bùn lầy đọng sâu, nhân đấy làm hào, bên trong đắp lũy dài thì còn hiểm trở gấp mười Lũy Trường Dục”. Chúa cho là rất khó. Duy Từ bèn cáo bệnh (không vào hầu, ở nhà) mượn cớ ngâm vịnh mà làm thơ phúng thích, lời rất khích thiết, Chúa mới chịu cho.

Duy Từ khéo can gián trước khi có việc, Chúa nhiều vị nể nên thường nghe theo. Ông thường khuyên Chúa lập phép duyệt tuyển để chọn đinh tráng làm lính (nghĩa vụ quân sự ngày nay) và thi hành phép khảo thí để thu nhận nhân tài” (thi công chức ngày nay). Các Chúa Nguyễn không mở trường công, để dân gian tùy ý lập trường tư dạy học, chính quyền chỉ tổ chức các kỳ thi. Việc học hành và thi cử dưới thời các Chúa Nguyễn rất thực dụng về việc chọn người tài: cốt chọn cho được người am hiểu việc nước để đáp ứng với nhu cầu dùng người lúc bấy giờ hơn là mặt văn chương.

Tuy sống ở đất Tùng Châu không lâu nhưng Đào Duy Từ đã có nhiều công tích đối với dân làng. Ông hướng dẫn nhân dân khai khẩn lập làng, mở đường giao thông, đào sông làm thủy lợi, phát triển sản xuất…

Nhờ các sáng kiến của Đào Duy Từ mà xứ Đàng Trong được giữ vững và mở rộng bờ cõi trải dài từ Sông Gianh đến Mũi Cà Mau.

Chúa Trịnh đã ruồng bỏ một nhân tài quan trọng vì không hợp lý lịch mà sau đó chính họ phải trả một cái giá không thể nào lường nổi.

Đào Duy Từ cũng có nhiều đóng góp về mặt văn học–nghệ thuật. Sinh thời ông viết bài thơ Ngọa Long cương ngâm với nội dung về Khổng Minh thời Tam Quốc khi còn ở chốn lều tranh), và Tư dung vãn ca ngợi cửa biển Tư Hiền ở Thừa Thiên.

Để huấn luyện tướng sĩ, Đào Duy Từ soạn tập binh thư Hổ trướng khu cơ hướng dẫn cách bài binh bố trận, cách chế tác và sử dụng các loại vũ khí, với nội dung vừa mang tính kế thừa các tri thức quân sự thời trước vừa có những phần phát triển sáng tạo của ông. Có thể sánh với Binh thư yếu lược của danh tướng Trần Hưng Đạo, đây là sách về nghệ thuật quân sự duy nhất của người Việt Nam còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. (Đào Duy An, 2016)

Năm 1634, Đào Duy Từ bị bệnh nặng. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đích thân đến thăm viếng. Đào Duy Từ khóc rồi thưa: “Thần gặp được thánh minh, chưa báo đáp được mảy may, nay bệnh đến thế này còn biết nói chi nữa!” Rồi Đào Duy Từ qua đời, thọ 63 tuổi. Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc.

Đào Duy Từ là ông tổ lớn sáng tác và đưa âm nhạc, điệu múa, hát bội… vào trong cung đình triều Nguyễn, sau gọi là “Nhã nhạc cung đình Huế”, được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” năm 2003. Ông viết vở tuồng Sơn Hậu và một số điệu múa Hoa đăng, Nữ tướng xuất quân… Vì thế mà ông được thờ tại Thanh bình từ đường ở Huế. Được xây dựng năm 1825 trong thời Minh Mạng, đây là nơi thờ cúng các thánh thần được suy tôn là thánh sư, tiên sư, tổ sư và những người khác có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu tuồng Huế và khu vực miền Trung.

Một số mẩu chuyện

Có nhiều mẩu chuyện gắn với Đào Duy Từ, phần lớn dựa theo những sự kiện lịch sử chứ không phải hoàn toàn là hư cấu.

Chuyện bà mẹ của Đào Duy Từ

Giai thoại dưới đây chủ yếu dựa theo Trần Hưng (2019), không ghi nguồn.

Vào giữa thế kỷ 16 ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tỉnh Gia, trấn Thanh Hoa (nay là xã Hải Nhân, huyện Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) có ông Đào Tá Hán. Khi còn là học trò nghèo, gặp lúc Lê–Mạc đánh nhau, Tá Hán đầu quân theo giúp vua Lê, làm cấm vệ quân ở kinh thành.

Nhân lúc Trịnh Kiểm thống lĩnh quan quân vừa chiếm được Thanh Nghệ làm căn cứ vững chắc cho nhà Lê, vốn có tài thơ ca, một lần vui với đám quân sĩ Tá Hán cao hứng làm bài ca kể công họ Trịnh, bắt đầu bằng hai câu sau:

Trang quốc sĩ ai bằng Trịnh Kiểm
Tỏ thần uy đánh chiếm hai châu.

Viên Xuất đội tố cáo Tá Hán đem tên húy của quận công đại tướng ra hò hát, khiến cho Tá Hán lo sợ vô cùng. Quan Trung quân nhận được giấy tố cáo, đòi Tá Hán vào hầu, thấy diện mạo khôi ngô lại còn ít tuổi, nghĩ thương tình mới cho sửa lại câu đầu:

Trang quốc sĩ ai bằng họ Trịnh
Tỏ thần uy bình định hai châu.

Dù vậy, Tá Hán vẫn bị phạt 20 roi và trục xuất khỏi đội quân. Về quê, ông theo một phường chèo học đàn hát. Vốn thông minh lại có phần đẹp trai, 2 năm sau ông trở thành nghệ nhân hát chèo nổi tiếng.

Một lần vào hội xuân, ông đi hát ở làng Ngọc Lâm, huyện Lục An, Thanh Hoa. Trong đêm hội xuân, tiếng hát của Đào Tá Hán làm rung động trái tim con gái ông Tiên chỉ làng Ngọc Lâm là Vũ Kim Chi. (Tiên chỉ là người có uy tín nhất trong làng, đứng đầu các lễ hội phong tục tín ngưỡng trong làng).

Thời bấy giờ, nghề ca hát bị xem là “xướng ca vô loài”, có địa vị thấp kém và bị xã hội xem thường. Vũ Kim Chi có địa vị cao quý, năm ấy 19 tuổi, đẹp nổi tiếng trong vùng, nhiều người có gia thế đến dạm hỏi nhưng chưa ưng ai. Việc bà có tình cảm và muốn lấy người hát xướng thì gặp phải nhiều phản đối nhưng bà bất chấp tất cả.

Cuối cùng gia đình chấp thuận, hai người đến được với nhau. Họ về làng Hoa Trai dựng nhà cửa, cuộc sống hạnh phúc. Năm 1572, bà Kim Chi sinh hạ được một bé trai và đặt tên là Đào Duy Từ.

[Liên quan tới giai thoại này, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh trong sách Tiếp cận kho tàng Foklore Việt Nam cho biết: gia phả họ Đào do bà Trần Thị Liên sưu tầm ở Bình Định chép vợ của Đào Tá Hân là bà Nguyễn Thị Mạch, không phải Vũ Thị Kim Chi, ngoài ra không thấy ghi chép gì về một người vợ nào khác nữa (Tôn Thất Thọ, 2017a).]

Hạnh phúc chẳng được bao lâu, năm 1576, ông Đào Tá Hán bị bệnh nặng và qua đời. Bà Vũ Kim Chi lúc này vẫn còn xinh đẹp nên nhiều người khá giả muốn cưới làm vợ, nhưng bà đều từ chối, quyết ở vậy nuôi con khôn lớn.

Đào Duy Từ lớn lên được cho học nơi phường hát. Nhưng phường hát chỉ học chữ cốt sao để ghi chép và hát cho đúng, mà Đào Duy Từ rất thông minh, đâu chỉ gói gọn vào việc học chữ để hát. Chẳng bao lâu thầy đồ trong làng không còn chữ để dạy nữa, vì thế mà cậu xin mẹ tìm thầy khác để học.

Thấy con thông minh lại ham học, Vũ Kim Chi ngậm ngùi, vì thời đó con nhà hát xướng không được phép đi thi. Nhưng tiếc tài học của con, bà quyết định tìm thầy cho con mình học tiếp.

Đến kỳ thi Hương, nhìn thấy con mình háo hức muốn đăng ký đi thi, Vũ Kim Chi không đành lòng, liền đem tiền và nhiều lễ vật đến nhờ xã trưởng làng Hoa Trai là Lưu Minh Phương đổi tên cho con mình sang họ Vũ của mẹ là Vũ Duy Từ để được đi thi.

Xã trưởng từ lâu đã mê nhan sắc của bà Kim Chi nhưng không có cơ hội, nên đồng ý giúp đỡ nhưng đòi xong việc thì phải làm vợ lẽ của y.

Kỳ thi Hương năm 1593, Đào Duy Từ đỗ Á nguyên, tức đỗ cao thứ nhì, bà Kim Chi vui mừng động viên con mình thi tiếp kỳ thi Hội.

Xã trưởng Lư Minh Phương thấy việc đổi tên thuận lợi nên gặp Kim Chi đòi làm vợ lẽ y như đã thỏa thuận. Nhưng bà Kim Chi khất đến lần khác vì con mình đang đi thi, làm thế khó hợp với lễ. Xã trưởng tức tối thưa chuyện này với Tri huyện Ngọc Sơn vốn là chỗ thân quen, nhờ ông ta xét xử và bắt bà Kim Chi phải chịu làm vợ y.

Không ngờ Tri huyện đem chuyện này bẩm báo lên trên, Đào Duy Từ vừa thi Hội xong thì liền bị bắt và tống giam, bị xóa tên dự thi, đánh tuột luôn Á nguyên.

Dao Duy Tu bi cam thi (kienthuc.net.vn)
(Tranh minh họa: kienthuc.net.vn)

Ở quê nhà, bà Kim Chi nhận được trát bắt lên quan tra hỏi. Bà Kim Chi vừa lo lắng cho con, vừa oán giận sự bất công của triều đình, phẫn uất thắt cổ tự tử. Đào Duy Từ nghe tin mẹ mất nhưng không được cho về chịu tang.

Tình bạn với Lê Thì Sĩ

Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án (1770–1815) kể rằng khi Đào Duy Từ thổ lộ với bạn thân của mình là Lê Thì Sĩ về ý định vào Nam để phò tá chúa Nguyễn, thì bạn ông không cùng quan điểm, nhưng cũng không ngăn cản, lại còn tìm cách giúp đỡ cho ông đi trót lọt. Thời gian sau, Lê Thì Sĩ được cử vào trấn thủ vùng Nhật Lệ, Đào Duy Từ nghe tin đã rút quân về, không giao chiến nữa để trả mối hàm ơn bạn ngày trước. Sự việc này ngoài tác giả Nguyễn Án ghi chép, không thấy sử sách nào ghi nhận (Tôn Thất Thọ, 2017a).

Giai thoại này gợi nhớ câu chuyện xảy ra dưới thời Chiến Quốc giữa Ngũ Viên và người bạn cũ tên gọi Thân Bao Tư. Ngũ Viên đem việc Sở Bình vương giết oan cha và anh mình nói cho Thân Bao Tư nghe, và định trốn sang nước khác, mượn quân về đánh Sở trả thù. Thân Bao Tư nói với bạn: “Nếu ta bảo nhà ngươi báo thù nước Sở thì ta là kẻ bất trung, mà bảo nhà ngươi đừng báo thù lại là đẩy nhà ngươi vào chỗ bất hiếu. Thôi tùy ý nhà ngươi, ta cũng vì tình bạn hữu mà không tiết lộ cho ai biết cả. Nhưng nhà ngươi định diệt Sở thì ta đây quyết cứu Sở, nhà ngươi định làm cho Sở nguy thì ta đây quyết giữ cho Sở yên!”

Đào Duy Từ gặp Nguyễn Hoàng

Không thể lập công danh qua con đường thi cử, Đào Duy Từ đau buồn thành bệnh nặng, nằm mê mệt ở nhà trọ, không về làng được.

Đoan Quận công Nguyễn Hoàng bấy giờ đang trấn thủ Thuận Hóa (bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay), được vua Lê Thế Tông triệu về bàn việc nước. Nhân dịp, Nguyễn Hoàng đến thăm quan Thái phó Nguyễn Hữu Liêu. Ông này kể trường hợp của Duy Từ và lấy bài vở của Duy Từ ra cho Nguyễn Hoàng xem (Nguyễn Hữu Liêu là chủ khảo kỳ thi đó). Đọc bài của Duy Từ, Nguyễn Hoàng biết đây là nhân tài kinh bang tế thế. Nguyễn Hoàng vốn có chí hùng cứ một phương, liền đến tận nhà trọ giúp đỡ tiền bạc cho Duy Từ uống thuốc và có ý định mời vào Nam giúp mình.

Một hôm Duy Từ vừa khỏi bệnh, Nguyễn Hoàng đến chơi, nhân thấy trên vách có treo bức tranh “Tam cố thảo lư” – là tích Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi ba lần đến nhà tranh của Gia Cát Lượng – Nguyễn Hoàng và Duy Từ vịnh một bài thơ liên ngâm để bày tỏ chí hướng của mỗi người.

tam co thao lu
Tranh minh họa: Tam cố thảo lư

Nguyễn Hoàng đọc:

Vó ngựa sườn non đá chập chùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công

Duy Từ tiếp thơ:

Đem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng

Nguyễn Hoàng tiếp:

Lãnh thổ đoạn chia ba xứ sở (A)
Biên thùy vạch sẵn một dòng sông (B)

Duy Từ kết:

Ví chăng không có lời Nguyên Trực (C)
Thì biết đâu mà đón Ngọa Long. (D)

Chú thích:

(A) Ba xứ sở chỉ thời Tam quốc và cũng có ý nói tam đầu chế: vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn.

(B) Một dòng sông chỉ Sông Gianh phân chia Trịnh-Nguyễn.

(C) Nguyên Trực tức Từ Thứ, vì theo mẹ mà phải về Tào tuy lòng còn ở Hán, khi từ giã Lưu Bị để lại lời tiến cử Gia Cát Lượng.

(D) Ngọa Long (rồng nằm) tức Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, được Nguyên Trực tiến cử, nên ba anh em Lưu đến nhà tranh như thể hiện trong bức tranh nêu trên.

Nguyễn Hoàng và Duy Từ rất hiểu ý nhau. Nhưng Nguyễn Hoàng không dám đón Duy Từ ngay vì sợ lộ cơ mưu. Ông nói với Duy Từ: “Lão phu về trước, xin đắp sẵn đàn bái tướng chờ đợi tiên sinh. Năm nay lão phu hơn 70 tuổi, nếu có thất lộc cũng sẽ di ngôn cho con cháu phải đón tiên sinh về dạy bảo”.

Kẻ chăn trâu lạ thường

Sách Việt sử giai thoại và Văn Như Tước (2019) ghi chép lại rằng, trong thời gian Đào Duy Từ chăn trâu cho phú hộ họ Lê, một hôm chủ nhà mời các nho sĩ hay chữ khắp vùng đến dự hội bình văn. Chập tối, sau khi tiệc tùng xong, mọi người còn uống trà hút thuốc, bàn luận chữ nghĩa văn chương, trao đổi kinh sách thánh hiền, không khí thật sôi nổi. Vừa lúc Đào Duy Từ lùa trâu về. Thấy đám đông khách khứa trò chuyện rôm rả, Duy Từ bèn lại gần, đứng ghếch chân lên bậc thềm nhìn, tay vẫn cầm chiếc roi trâu, vai đeo nón lá, lưng quấn khố vải…

Chủ nhà ngồi phía trong nhìn thấy cho là vô lễ, mắng:
– Kẻ chăn trâu kia! Hạng tiểu nhân biết gì mà dám đứng nhìn các quan khách đây là những bậc danh nho?

Duy Từ nghe mắng song không tỏ ra sợ hãi, cười rồi nói một cách thản nhiên:
– Nho có hạng nho quân tử, hạng nho tiểu nhân. Kẻ chăn trâu là kẻ ăn, người ở trong nhà thật đấy, nhưng cũng có kẻ tài ba xuất chúng chứ! Hiền ngu đã không giống nhau, thì lẽ cao thấp cũng khác nhau. Tôi thấy các ngài bình luận thi ca kim cổ, tôi vô cùng thích thú. Nếu các ngài rộng lượng cho tôi được nghe thì tôi đứng đây, còn nếu không cho phép thì tôi xin xuống bếp: “Kình nghê vui thú kình nghê; Tép tôm thì chịu vui bề tép tôm”.

Mấy người khách nghe Duy Từ là đứa chăn trâu mà nói lý như vậy, liền vặn hỏi:
– Vậy nhà ngươi bảo ai là nho quân tử, ai là nho tiểu nhân hả?

Đào Duy Từ chẳng cần nghĩ ngợi, nói luôn một mạch:

– Nho quân tử là người trên hiểu thiên văn, dưới tường địa lý, giữa thấu việc đời. Ở nhà lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng. Khi ra giúp việc cho nước nhà phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân và cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày binh bố trận, phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ. Còn nho tiểu nhân thì chỉ là bọn học vẹt, tìm từng chương, dò từng câu, mua danh, cầu lợi, khoe khoang câu văn, ngòi bút, hợm hĩnh cái giọng cười trăng, cợt gió, không thông hiểu sách thánh hiền, đạo nghĩa vua tôi. Nếu có được bổng lộc thì cũng chỉ lo làm sao cho được no vợ, ấm con, không quản gì là tiếng tăm kẻ hại dân, mọt nước, thật là đáng sợ!

Đám khách nghe Duy Từ nói thế, đều giật mình kinh ngạc, không ngờ một kẻ chăn trâu mà lý lẽ cứng cỏi làm vậy, bèn tò mò hỏi thêm:

– Còn chăn trâu anh hùng, kẻ chăn trâu tôi tớ thì nghĩa làm sao, nhà ngươi thử nói nghe luôn thể.

Duy Từ mỉm cười, ung dung trả lời:

– Chăn trâu anh hùng thì như Ninh Thích(A) phục hưng nước Tề, Điền Đan(B) thu lại thành trì cho nước Yên, Hứa Do(C) chăn trâu tại nơi rừng núi mà có thể biện bạch được tất cả lẽ thịnh–suy, còn–mất; Bách Lý Hề(D) chăn trâu ở Kẻ Hang mà biện bạch được lẽ bỉ–thái, thắng–bại, một thời lập nghiệp, muôn thuở lưu danh. Đó là những bậc chăn trâu anh hùng. Còn những bọn chỉ biết cam phận tôi tớ, chơi bời lêu lổng, khi vui thì reo hô hoán, khi giận thì chửi rủa, đánh đấm, chẳng kể gì thân sơ, làm cha ông phải xấu lây, xóm làng chịu điều oan. Đấy là hạng chăn trâu tiểu nhân cả!

Chú thích:

(A) Ninh Thích: Tướng quốc nước Tề là Quản Trọng gặp một người chăn trâu, mình mặc áo cộc, đầu đội nón rách ngồi trên lưng trâu, gõ sừng ca hát. Quản Trọng thử thách trình độ học thức. Ninh Thích ứng đáp rất rành mạch. Quản Trọng tiến cử Ninh Thích cho Tề Hoàn công. Ninh Thích được phong Đại phu, cùng với Quản Trọng coi việc quốc chánh.

(B) Ðiền Ðan: Người thời Chiến Quốc, có tài sử dụng trâu vào chiến trận. Có lần Ðiền Ðan cho cắm dao nhọn vào đầu trâu rồi buộc giẻ tẩm dầu vào đuôi trâu mà đốt, đàn trâu bị đốt nóng điên cuồng xông vào trận địa giặc.

(C) Hứa Do: Ẩn sĩ danh tiếng sống vào thời Đường Nghiêu. Vua Nghiêu nghe tiếng người giỏi bèn đến tìm, cố thuyết phục để nhường ngôi cho. Hứa Do từ chối, rồi ra bờ suối rửa tai coi như mình chưa từng nghe thấy gì cả. Bấy giờ, Sào Phủ cũng là ẩn sĩ trứ danh đang dắt trâu xuống uống nước. Sào Phủ nghe chuyện của Hứa Do liền dắt trâu đi chỗ khác vì không muốn cho trâu uống phải thứ nước đã hoen ố.

(D) Bách Lý Hề: Người nước Ngu, rất nghèo khổ, không người tiến cử nên không thể thi thố tài năng, đành phải tới ở chăn dê, bò cho một nhà để chờ cơ hội, nhưng rồi bị nước Sở bắt. Có người biết Bách Lý Hề là nhân tài, tiến cử ông với Tần Mục Công. Ông này dùng 5 tấm da dê để xin chuộc Bách Lý Hề, mà không dùng hậu lễ vì e nước Sở biết Bách Lý Hề là nhân tài mà giữ lại. Tần phong Bách Lý Hề làm Hữu tướng (tương đương thừa tướng thứ nhất), lúc ông này đã 70 tuổi.

Mọi người nghe Duy Từ đối đáp trôi chảy, sách vở tinh thông, nghĩa lý sâu sắc, càng thêm kinh ngạc, nhìn nhau, rồi đứng cả dậy, bước ra ngoài thềm mời Duy Từ cùng vào nhà ngồi.

Nhưng Duy Từ vẫn tỏ ra khiêm tốn chối từ. Cả bọn bèn dắt tay Duy Từ lên nhà, ép ngồi vào chiếu trên.

Phú hộ họ Lê rất ngạc nhiên, thấy kẻ đầy tớ chăn trâu nhà mình mà nói toàn chữ nghĩa nên còn ngờ, bèn giục mấy nhà Nho văn hỏi thêm, thử sức Duy Từ về kiến thức, sách vở cổ kim xem hư thực ra sao.

Các vị Nho học hỏi đến đâu, Đào Duy Từ đều đối đáp trôi chảy đến đó và tỏ ra không có sách nào chưa đọc đến, không có chữ nào không thấu hiểu, khiến cho cả bọn phải thất kinh, bái phục sát đất!

Chủ nhà cũng không kém phần sửng sốt, mới vỗ vai Duy Từ, đổi giận làm lành, mà rằng:

– Tài giỏi như thế, sao bấy lâu cứ giấu mặt không cho lão già này biết, để đến nỗi phải chăn trâu và chịu đối xử bạc bẽo theo bọn tôi tớ? Quả lão phu có mắt cũng như không. Có tội lắm! Có tội lắm!

Từ đó chủ nhà may sắm quần áo mới cho Duy Từ, xem ông là khách quý, mời giảng học, đối đãi hết sức trọng vọng.

Dao Duy Tu luan ban (kienthuc.net.vn)
(Tranh minh họa: kienthuc.net.vn)

Cuộc hôn nhân

Ngành Mai (2015) kể rằng trong khi Đào Duy Từ còn đang chăn trâu và chưa ai nhận ra thực tài của ông, nhà phú ông có cô Tâm là con gái út. Cô này để ý thầm yêu người chăn trâu của nhà mình, nhưng rồi chẳng đi đến đâu hết. Lý do là phú ông không chấp nhận, nói rằng: “Nó bất quá chỉ là một gã chăn trâu, nếu tài ba quán chúng sao không lều chõng trường thi, mà lại đem thân trôi nổi xứ người, chịu làm cái công việc mục đồng chăn trâu như vậy”?

Sau buổi gặp gỡ với các bậc nho gia, câu chuyện kẻ chăn trâu mà thông kim bác cổ lan đi rất nhanh.

Khám lý Phủ Hoài Nhân là Trần Đức Hòa hay tin thì cho mời Đào Duy Từ đến nhà chơi. Qua những lần trò chuyện đàm đạo văn chương, Trần Đức Hòa thấy Đào Duy Từ học vấn uyên thâm lại có chí lớn hơn người, hơn nữa nhân từ hiền lành, nên quý mến lắm. Thế rồi Trần Đức Hòa quyết định gả người con gái yêu của mình là Trần Thị Chính [có nguồn ghi tên Trần Kim Nương] cho Đào Duy Từ.

Sau khi họ Đào kết duyên với một tiểu thư họ Trần, đường hoạn lộ thênh thang rộng mở. Cha con phú hộ tiếc ngơ tiếc ngẩn.

Đào Duy Từ diện kiến Chúa Nguyễn

Khi nhận tin chúa triệu Đào Duy Từ vào, gia đình nhà vợ may sắm quần áo thật đẹp để Đào Duy Từ ra mắt nhà Chúa. Tuy nhiên Đào Duy Từ lại từ chối với lý do là mình chưa có chức tước gì cả.

Trần Đức Hòa dẫn con rể mình đến phủ Chúa, đến nơi thấy trước cửa có người ăn mặc xuềnh xoàng, cầm gậy đứng trước cửa hông, thái độ lơ đãng. Biết đấy là Chúa, Đào Duy Từ liền quay về không gặp. Khi bố vợ bắt quay lại gặp Chúa, Đào Duy Từ nói: “Thưa cha, vì con thấy chúa đang trong tư thế đi dạo với các cung tần mỹ nữ, chứ không có nghi lễ gì gọi là tiếp đón khách hiền. Nếu con lạy chào tất phạm vào tội.”

Sợ phạm tội với Chúa, Trần Đức Hòa nắm tay con rể bắt quay lại gặp, hai cha con cứ dùng dằng.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ xa quan sát, hiểu rằng Đào Duy Từ quả thật là kẻ tài giỏi khí khái, chứ không phải như những kẻ tầm thường khác chỉ biết quỵ lụy lấy lòng mong tiến thân. Chúa bèn bảo thái giám ra mời Đào Duy Từ đến sảnh đường, còn mình vào nội phủ mặc quần áo chỉnh tề đến sảnh đường.

Câu chuyện “Ta không nhận sắc”

Năm 1627, Trịnh Tráng cử binh tiến đánh vào cửa Nhật Lệ, quân bộ cùng tiến song song trên bờ. Quân nhà Nguyễn cố thủ, quân Trịnh tiến đánh mấy đợt không thắng đành rút lui.

Trần Đức Hòa ở Qui Nhơn nghe tin thắng lợi bèn ra Phú Xuân mừng chúa, luôn tiện dẫn theo rể quí Đào Duy Từ để tiến cử.

Năm 1628, Trịnh Sâm (có nguồn ghi: năm 1629, Trịnh Tráng) sai Lại bộ Thượng thư Nguyễn Khắc Minh đem sắc phong của vua Lê vào phong cho chúa Sãi trấn giữ hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam, tước Quốc công, và yêu cầu chúa Sãi ra Đông Đô để đi đánh họ Mạc ở Cao Bằng. Tình huống này tương tự như Tào Tháo thời Tam Quốc mượn danh nghĩa vua nhà Hán để trấn áp các chư hầu.

Chúa Nguyễn phân vân không biết có nên nhận hay không. Đào Duy Từ nêu ý kiến: “Đây là họ Trịnh mượn sắc mệnh vua Lê để nhử ta, nếu ta nhận sắc mệnh mà không đến thì họ có cớ nói được, nếu ta không nhận sắc mệnh thì họ tất động binh. Việc hiềm khích ngoài biên cương một khi nổ ra, không phải là phước cho sinh dân! Huống chi thành quách ta chưa bền vững, quân sĩ chưa luyện tập, địch đến thì lấy gì mà chống? Chi bằng hãy tạm nhận cho họ khỏi nghi ngờ để ta chuyên việc phòng thủ, rồi sau dùng kế trả lại sắc, bấy giờ họ không làm gì được ta nữa.”

Chúa nghe lời Duy Từ, hậu đãi sứ giả rồi cho về.

Duy Từ khuyên chúa đừng nộp lễ cống và phu thuế cho Trịnh. Chúa lấy làm khó nghĩ. Duy Từ tâu rằng: “Thần nghe: dẫu có trí tuệ không bằng thừa thế. Tiên vương ta oai vũ mưu lược không phải không thể chiếm giữ đất này. Nhưng trước kia tam ty thuộc tướng đều do chúa Trịnh thuyên bổ cắt đặt, hễ làm một việc gì đều bị họ ngăn trở, cho nên phải ẩn nhẫn đến nay. Bây giờ chúa thượng chuyên chế một phương, quan liêu đều do mình cắt đặt, một lời nói ra ai còn dám trái? Thần xin dâng một kế sách, hàng năm không phải nộp phu thuế nữa mà vẫn giữ được bờ cõi và có thể thành được đại nghiệp”.

Chúa hỏi kế sách thế nào. Duy Từ tâu xin đắp Lũy Trường Dực. Chúa nghe theo (xem thêm mục dưới).

Sau đó, Chúa lại hỏi Duy Từ về cách trả lại tờ sắc phong. Duy Từ thưa:

– Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc phong ở giữa, xong sắm đầy đủ lễ vật, lấy tướng Thần Lại là Văn Khuông (chưa rõ họ) làm sứ giả đi tạ ơn. Thần xin nghĩ sẵn hơn mười câu hỏi và trả lời để trao cho sứ giả mang đi, đến nơi sẽ theo đó mà ứng biến. Hễ trao xong mâm đồng cho họ Trịnh thì mau tìm cách về. Làm như thế, họ Trịnh sẽ mắc mưu ta.

Chúa theo lời, sai Văn Khuông đi Đông Đô. Duy Từ nghĩ sẵn hơn 10 câu vấn đáp trao cho Văn Khuông đem đi. Lại dặn dò đoàn sứ giả dâng xong mâm đồng cho họ Trịnh thì mau tìm cách về.

Văn Khuông đến. Trịnh Tráng mời vào yết kiến. Phan Khoang (1969) kể phần đối đáp dưới đây.

Trịnh Tráng: “Trước đây đòi nạp lễ cống triều Minh, đã lâu mà không thấy Nam chúa đem nạp là tại làm sao?”

Văn Khuông: “Voi và thuyền không phải lệ cống triều Minh, e người truyền lệnh nói không đúng, nên không dám vâng mạng.”

Trịnh Tráng: “Tại sao không cho con đến làm con tin?”

Văn Khuông: “Nam Bắc nghĩa như một nhà, đã cùng nhau thành tín thì còn dùng con tin làm gì?”

Trịnh Tráng: “Hoàng đế triệu Nam chúa đi đánh Cao Bằng, sao không đến?”

Văn Khuông: “Giặc Cao Bằng là giặc cùng đồ, quân ở Trung Đô thừa sức đánh. Chúa tôi vâng mạng giữ hai xứ Thuận–Quảng, phía Nam thì phải chống Chiêm Thành, phía Bắc phải đề phòng nhà Mạc, chỉ lo sợ không giữ yên cảnh thổ, nên không dám đi xa.”

Trịnh Tráng: “Đắp lũy Trường Dục, ý muốn chống lại mệnh Vua hay sao?”

Văn Khuông: “Đã vâng mạng giữ đất thì việc phòng thủ bờ cõi không thể không vững bền, sao gọi là chống mạng Vua!”

Trịnh Tráng: “Tướng tá ở miền Nam thế nào?”

Văn Khuông: “Tài kiêm văn võ như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật thì không chỉ vài chục người mà thôi.”

Trịnh Tráng: “Người ta nói Nam chúa là bậc anh hùng hào kiệt, thế mà không nghĩ đến việc đánh giặc lập công, sao vậy?”

Văn Khuông: “Chúa tôi không ham tửu sắc, không thích đàn ca, thường muốn đem ân huệ vỗ về dân đen, lấy uy tín cảm phục người xa. Ở phương Đông thì Ma Cao và Lạc Già [tức Malacca], ở phương Tây thì Vạn Tượng và Ai Lao… không nước nào là không sợ phục. Nếu có những bọn như Mãng(A), Tháo(B) tiếm lạm danh nghĩa, giết hại sinh dân thì Chúa tôi vì nghĩa mà đến đánh, xây công dựng nghiệp, không việc gì lớn hơn việc ấy.”

Chú thích:

(A) Vương Mãng là ngoại thích nhà Hán, từng bước lên nắm những chức vụ cao nhất, thao túng việc triều chính và cuối cùng cướp ngôi nhà Hán, lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Tân.

(B) Tào Tháo là thừa tướng và Ngụy Vương cuối thời Đông Hán, khuynh loát triều đình, luôn mượn danh nghĩa Hán đế mà trấn áp chư hầu, con là Tào Phi ép Hán Hiến đế nhường ngôi mà lập nên nhà Ngụy.

Trịnh Tráng nghe vậy thì lặng yên, lát sau, quay lại bảo triều thần rằng: “Sứ giả phương Nam ứng đối lưu loát như nước chảy, người phương Bắc ta không thể sánh kịp được.”

Nói rồi, tiếp đãi Văn Khuông rất hậu. Văn Khuông bưng mâm đồng chứa đầy vàng bạc dâng lên. Tráng nhận lấy. Ngay hôm đó, Văn Khuông lẻn ra khỏi cửa đô thành, theo đường biển mà trở về. Người họ Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy thì lấy làm lạ, bèn tách ra xem thì thấy ở trong có tờ sắc phong và một tấm thiếp viết:

Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch
.

Dịch nghĩa:

Mâu mà không nách
Mịch chẳng thấy vết
Ái rụng mất tim
Sức tới thì đánh

Bài thơ chẳng có ý nghĩa gì cả, nên triều thần không ai hiểu. Cuối cùng Trịnh Tráng phải cho mời một nhà nho thông thái tới giải nghĩa. (Có nguồn ghi nhà nho này là Phùng Khắc Khoan, nhưng ông mất năm 1613 và Văn Khuông đi sứ năm 1630, vì thế thời điểm không trùng khớp.)

Đọc xong, nhà nho giải thích như sau.

Mâu nhi vô dịch: chữ Mâu 矛 không có nét phẩy ở bên nách là chữ Dư 予
Mịch phi kiến tích: chữ Mịch 覔 bỏ chữ Kiến 見 thì còn lại là chữ Bất 不
Ái lạc tâm trường: chữ Ái rơi mất chữ Tâm 心 ở trong ruột thì thành chữ Thụ 受
Lực lai tương địch: chữ Lực 力 đứng ngang với chữ Lai 來 là chữ Sắc 勑

han_mau-du

Vậy, gộp cả bốn chữ mới lại thành câu: “Dư bất thụ sắc,” nghĩa là “Ta không nhận sắc mệnh.” Họ Nguyễn không chịu thần phục triều đình nên làm ra 4 câu thơ đó. Người soạn ra bài thơ phải là bậc hào kiệt của phương nam.

Nghe xong, Trịnh Tráng vội thét lính đuổi bắt Lại Văn Khuông, nhưng lúc đó Khuông cùng cả phái đoàn đã cao bay xa chạy rồi.

Trịnh Tráng muốn ra quân đánh chúa Nguyễn nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc giã nổi lên, đành phải hoãn lại.

Tráng giận lắm, sai người đuổi theo thì Văn Khuông đã đi xa rồi. Tráng muốn phát binh vào đánh, gặp Cao Bằng và Hải Dương có giặc, bèn thôi.

Văn Khuông về đến nơi, Chúa mừng lắm nói rằng: “Duy Từ là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay”, thưởng cho rất hậu, lại cho Văn Khuông thăng lên chức Cai Hợp.

Chùm thơ ba bài

Một chùm thơ này gồm ba bài đã có trong dân gian từ lâu; nhiều người tưởng rằng đó là ca dao thuần túy nên không biết ai là tác giả, nhưng người ta vẫn gắn với Đào Duy Từ.

Sau câu chuyện “Ta không nhận sắc”, Trịnh Tráng cho người dò la biết được việc Sãi Vương không nhận sắc phong đều do một tay Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa Trịnh tính cách làm sao để lôi kéo Duy Từ bỏ chúa Nguyễn mà về với triều đình vua Lê và chúa Trịnh. Ông sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!

Lời thơ nói đến chuyện anh (chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Bây giờ tiếc cho người con gái đã có chồng giống như Đào Duy Từ đã theo chúa Nguyễn. là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài, nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng, còn nếu không thì ngầm ý đe dọa.

Người ta đồn rằng Đào Duy Từ đã xây mộ cho cha mẹ tại Bình Định để tránh bị Đàng Ngoài khống chế theo cách làm của Gia Cát Lượng đón mẹ của Khương Duy vào Hán Trung thuở xưa. Vì thế Đào Duy Từ không sợ hãi chúa Trịnh trả thù. Ông trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

[Tôn Thất Thọ (2017a) cho rằng gán cho hoàn cảnh Đào Duy Từ lúc bấy giờ thì thật khó hiểu, khi chính ông là người tự nguyện vào Nam với chúa Nguyễn và giúp đỡ chúa rất nhiều, vì thế hoàn cảnh của ông hoàn toàn không phải chịu cảnh cá chậu chim lồng như lời ca dao đề cập.]

Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.

Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:

Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

Dụ dỗ, mua chuộc mãi mà không được, Trịnh Tráng tức lắm; từ chỗ mến phục chuyển sang căm ghét Duy Từ. Chúa tôi họ Trịnh đặt ra những bài hát như sau để đả kích ông:

Có ai về tới Đàng Trong
Nhắn nhe bố đỏ(A) liệu trông đường về
Mải tham lợi, bỏ quê quán tổ
Đất nước người dù có cũng không …

(A) Bố đỏ: có ý ám chỉ rằng Duy Từ họ Đào.

Từ đó, Đào Duy Từ xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc và một quân đội hùng mạnh.

Đào Duy Từ tỏ tấm lòng

Sau khi Lũy Trường Dục được xây xong, Đào Duy Từ vẫn chưa thật an tâm vì chưa thể ngăn chặn quân Trịnh khi đổ bộ vào cửa biển Nhật Lệ. Nhìn đỉnh Đâu Mâu ở Xã Lệ Kỳ thế núi hùng dũng cao vót Đào Duy Từ chợt nghĩ, Đâu Mâu như một vị tướng oai phong đứng trấn giữ một phương trời. Núi này có đỉnh cao nhất là 783 mét, được gọi theo hình dạng chiếc mão của chiến tướng xưa gọi là đâu mâu. Mũ được gọi là đâu mâu vì có hình dáng như một loại nồi thời cổ có tên là mâu. Dần dà, cái tên được nói trại thành “Đầu Mâu” do con người nghĩ về chiếc mũ đội lên đầu.

Nui Dau Mau
Núi Đâu Mâu

 

dau mau
Một kiểu đâu mâu: mặt trước, mặt sau, nhìn ngang
1: chỏm mũ, 2: thân mũ, 3: tai mũ, 4: dây buộc mũ

Trở lại núi Đầu Mâu, Duy Từ đi xuống theo con suối nhỏ dưới chân núi chảy dần về xuôi mỗi lúc một lớn ra thành một dòng sông. Duy Từ dừng chân ở một xóm nhỏ bên sông, hỏi tên biết là Làng Lệ Kỳ. Con suối nhỏ từ chân Núi Đầu Mâu chảy về hạ nguồn từ tây sang đông mỗi lúc mỗi rộng thêm. Đến Làng Lệ Kỳ gặp dòng Nhật Lệ chảy từ nam ra bắc, hai dòng nước đan vào nhau tạo nên những đợt sóng ngầm khi triều lên xuống.

“Đây mới đúng là vùng tử địa”. Vừa nói Đào Duy Từ vội rút ngọn giáo của người lính hầu cắm xuống cồn đất đang đứng.

Trở về phủ chúa, Đào Duy Từ xin cho đắp thêm một lũy từ chân Núi Đầu Mâu đến cửa Sông Nhật Lệ. Phía ngoài lũy có nước và bùn lầy rất sâu, có thể làm hào rãnh như thế “lũy hiểm hơn 10 lần lũy Trường Dục”.

Chúa Sãi thấy khó, còn e ngại.

Đào Duy Từ cáo bệnh ở nhà và làm bài thơ ngâm vịnh:

Nhà là lá, cột là tre
Ngày tháng an nhàn được chở che
Màn vải thưa giăng ngăn muỗi bọ
Giậu cây kín đáo giữ ong ve.

Cơm ba bữa chuộng rau cùng muối
Thích bốn mùa ưa rượu với chè
Muôn việc thỏa tình chăng ước muốn
Ước tôi hay gián, Chúa hay nghe.

Chúa Sãi nghe được, biết tấm lòng của Đào Duy Từ, mới bằng lòng để ông đắp thêm lũy mới. Đó là Lũy Đầu Mâu–Nhật Lệ.

Đánh giá

Triều Nguyễn đánh giá Đào Duy Từ rất cao. Đại Nam thực lục đánh giá ngắn gọn, kiệm lời nhưng vẫn làm nổi bật công lao to lớn của Đào Duy Từ: “Có tài lược văn võ, phàm đã mưu tính trù hoạch gì, hễ làm thì trúng thời cơ, giúp việc nước có 8 năm mà công nghiệp rỡ ràng, đứng hàng đầu công thần khai quốc”.

Năm 1805 dưới thời Gia Long, khi triều đình xét sự nghiệp công thần buổi đầu mở nước, xếp Duy Từ vào hạng Thượng đẳng Khai quốc Công thần, cho thờ ở Thái Miếu.

Năm Gia Long 4 (1806), triều Nguyễn xét công trạng, xếp Đào Duy Từ vào hàng thượng đẳng công thần (đứng đầu bậc khai quốc công thần), và thờ ông ở Thái miếu, còn được gọi là Thái tổ miếu.

Được thờ ở Thái miếu là vinh dự rất lớn lao vì đây là đền thờ 9 vị chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần (được tôn trọng hơn cả các vua Nguyễn), cùng 11 khai quốc công thần kể cả Nguyễn Hữu Tiến (rể của Đào Duy Từ), Nguyễn Hữu Dật (người chỉ huy đắp Lũy Trường Sa), Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, v.v.

Năm 1831, Vua Minh Mạng truy phong Đào Duy Từ tước Hoằng quốc công, chỉ đứng dưới tước vương dành cho hoàng thân quốc thích.

Năm 1810, Đào Duy Từ được đưa vào thờ tại Miếu Khai quốc Công thần, thường được gọi tắt là Miếu Công thần. Miếu này tọa lạc trên đất Làng An Bình, Xã Hương Hồ, Huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Miếu được dựng để thờ bốn vị công thần triều Nguyễn là Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, Thái bảo Anh Quốc Công Nguyễn Hữu Tiến, Thái phó Tỉnh Quốc Công Nguyễn Hữu Dật và Đô thống Chế Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Kính. Đây là bốn người đã có công giúp chúa Nguyễn dựng nghiệp ở đất phương Nam và được phong tặng tước hiệu Khai quốc Công thần.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng cảm đề một bài thơ đường luật, được đăng trên báo Tiếng Dân, số 3-1930:

Lộc Khê Đào Duy Từ

Bể dâu thay đổi mấy triều cương
Lũy cũ xanh xanh một giải trường
Rêu đá lờ mờ kinh Hổ trướng
Gió lau leo lắt phú Long Cương

Non sông trơ đó, Thầy đâu vắng?
Con cháu còn đây, giống vẫn cường
Công đức miệng người ghi tạc mãi
Ngàn thu mấy kẻ biết trông gương!

Văn Tạo (2013) đánh giá Đào Duy Từ là nhân vật cải cách trong lịch sử như sau.

Đổi mới về quân sự

Trước hết là cống hiến về lý luận quân sự. Công trình [ý nói đến tập binh thư Hổ trướng khu cơ] vừa kế thừa lý luận quân sự ở Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo, vừa có phát triển, đổi mới, bổ sung :

  • Phát triển sâu thêm tư tưởng lấy nhân nghĩa làm đầu của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi : “Vi đại nghĩa, thắng hung tàn”.
  • Đổi mới về kỹ thuật quân sự như xây đắp tường lũy, đánh hỏa công, sử dụng hỏa khí (hỏa hổ), pháo binh, đánh thủy lôi … mà thời Trần chưa có.
  • Bổ sung thêm những yếu tố quân sự lấy từ tri thức dân gian, sử dụng những nguyên, vật liệu cần thiết cho quân nhu, quân giới, hậu cần lấy từ cuộc sống dân gian.

Thứ đến là : Xây đắp tường lũy, cải tiến vũ trang. Trong cuộc nội chiến trường kỳ Trịnh–Nguyễn, xét tương quan lực lượng thì lúc này chưa có khả năng thống nhất được đất nước, nên thái độ tích cực nhất của Đào Duy Từ là cố giành cho được hòa bình, hưu chiến. Như vậy thì Đàng Trong phải làm sao cho vững mạnh, giữ yên được bờ cõi trước sự xâm lấn của Đàng Ngoài. Đào Duy Từ dựa vào biên giới tự nhiên là Sông Gianh, nuôi chí giữ yên bờ cõi bằng xây đắp tường lũy. Ông tâu với chúa: “Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh; trong thì đắp lũy…” gây hình thế hiểm yếu để bảo vệ cõi bờ. Cạnh đó là đổi mới việc tuyển quân, chọn tướng, tin dùng cả những bại tướng nhà Mạc chạy vào Nam, như Mạc Cảnh Huống, Mạc Kính Điển. Cải tiến vũ khí, ngoài bộ binh, tượng binh còn sử dụng pháo binh và súng tay đi kèm với pháo.

Đổi mới trong kinh tế

Vừa khuyến khích phát triển công, thương, vừa cải tiến thu chi tài chính. Biểu hiện cụ thể như giảm thuế thu bằng hiện vật, tăng thu thuế bằng tiền, bãi bỏ lệnh độc quyền của triều đình thu mua các sản vật công, nông nghiệp để nhân dân có thể tự do mua, bán với thương nhân trong và ngoài nước, thúc đẩy được cả công, nông nghiệp lẫn nội, ngoại thương cùng tiến lên… Sản xuất phát triển, nhà nước tăng thu thuế khóa bảo đảm cho sự vận hành của bộ máy quốc gia và chi phí quân lương.

Đổi mới văn hóa, khoa cử

Tuy vẫn tuyển chọn nhân tài qua khoa cử, nhưng đã coi trọng thực tế và thực dụng hơn. Cụ thể như ngoài thi văn sách ra, còn cho thi “Viết chữ Hoa văn”, người nào trúng được làm việc ở ba ty…

Về nghệ thuật, ông coi trọng các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, đặc biệt thúc đẩy phát triển nghệ thuật tuồng vốn là truyền thống của Đàng Trong. Đào Duy Từ cũng trở thành một trong những vị tổ sư của ngành hát tuồng. Còn về thơ văn thì các bài Tư dung vãn, Ngọa Long Cương ngâm của Đào Duy Từ đã mở đầu cho một trào lưu sáng tác thơ quốc âm ở Đàng Trong, làm phong phú thêm cho văn học dân tộc.

Tôn Thất Thọ (2017a) ghi về Đào Duy Từ như sau:

Nếu chỉ căn cứ vào chính sử, ta thấy cuộc đời Đào Duy Từ từ khi sinh ra (1572) đến khi làm quan cho chúa Nguyễn (sau năm 1627) hầu như không có sự biên chép rõ ràng. Vì thế, việc xuất hiện nhiều giai thoại xung quanh ông là điều dễ hiểu. Điều đó có thể giải thích là nhân dân ta vốn ngưỡng mộ các danh nhân, muốn tìm các câu chuyện đặc sắc để truyền tụng. Chuyện thực hay hư, hay đã được thêm bớt thì điều đó không quan trọng. Cho dù cuộc đời ông được bao phủ bởi một màn sương thì nhân dân vẫn tìm được nét nào đó có khả năng tương ứng với tài năng, với đức độ và vị trí của ông trong lịch sử để tạo nên. Những mẫu chuyện về các nhân vật nổi tiếng ngày xưa đem ghép cho ông không có gì xa lạ mà lại rất phù hợp, vì chính ông tự xem mình là Gia Cát Lượng!

Nhân dân quý trọng ông bởi ông là một kẻ sĩ biết chọn chúa mà thờ; một ẩn sĩ ở chốn lều tranh mà đã có cái nhìn chiến lược, biết thế phân định giữa thời cuộc rối ren. Cho đến khi được ra làm quan thì tỏ ra là một vị quan có tài năng về quân sự và một nhà chính trị lỗi lạc. Ông là một sĩ phu có hoài bão, có chí phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện tài năng để làm việc cho đời. Những giai thoại lịch sử về Đào Duy Từ xuất hiện chính là để bù vào những chỗ trống chưa biết về cuộc đời và hành trạng của ông. Nó cũng làm cho người đời sau không phải nhiều băn khoăn về một nhân vật tài đức và có thực.

Nhân dân nhiều thế hệ không có ý gì chê trách ông không trung thành với vua Lê chúa Trịnh; cũng không một ai nghĩ rằng ông đã giúp chúa Nguyễn vì ý đồ cát cứ chia cắt giang sơn, tất cả đều quý trọng ông ở một điểm: ông là một tài năng kiệt xuất và là một vị quan có nhân cách hiếm có của lịch sử nước nhà. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều địa phương trong nước như ở Làng Hoa Trai, Huyện Tỉnh Gia, Thanh Hóa; Làng Tùng Châu, Huyện Hoài Nhơn, Bình Định; Làng Lạc Giao, Buôn Ma Thuột nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ ông.

Lăng mộ và nơi thờ tự

Lăng mộ Đào Duy Từ

Vốn quê gốc ở Thanh Hóa, nhưng nơi Đào Duy Từ bắt đầu sự nghiệp để rồi trở thành một nhân vật lịch sử là đất Tùng Châu (nay thuộc Huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Vì thế, sau khi Đào Duy Từ qua đời, chúa cho đưa thi hài ông về mai táng tại đây.

“Tại đây” là tại đâu? Thông tin thiếu nhất quán.

  • Theo Nguyễn Trang (2008), mộ Đào Duy Từ còn ở ba nơi: một ở Thôn Diêm Tiêu, Xã Mỹ Trinh, Huyện Phù Mỹ; một ở Thôn Tài Lương, Xã Hoài Thanh; mộ còn lại ở Thôn Tấn Thạnh, Xã Hoài Hảo, Huyện Hoài Nhơn. Mộ ở Thôn Tấn Thạnh là mộ chính, hai mộ kia là “mộ gió” nhằm đánh lạc hướng của quân Trịnh phòng khi họ muốn báo thù.
  • Theo Anon. (2018) và Đào Duy An (2019): mộ Đào Duy Từ thuộc Thôn Phụng Du, Xã Hoài Hảo, Huyện Hoài Nhơn.
  • Theo Cổng thông tin điện tử UBND Tỉnh Bình Định (truy cập 10-4-2010), Xã Hoài Hảo có các tên thôn: Phụng Du 1, Phụng Du 2, Tấn Thạnh 1, Tấn Thạnh 2. Như vậy địa điểm chính xác của mộ không được cập nhật.

Khu lăng mộ được xây bằng đá ong có 4 trụ, phía trên là hình bông sen, trước đây khuôn viên Lăng rộng 32 mẫu ta tức 16 hecta, nay chỉ còn lại diện tích khoảng 150 mét vuông (Đào Duy Lộc, no date).

Trải qua thời gian và chiến tranh, lăng mộ bị hư hại nhiều; lần sửa sang gần đây nhất vào năm 1999 (Văn Lưu, 2009)

Hai ảnh của Văn Lưu (2009) dưới đây cho thấy sự thiếu chăm sóc dù là tối thiểu đối với lăng mộ của Đào Duy Từ. Dù cho ảnh được chụp vào thời điểm nào đi nữa, tình trạng lăng mộ bị bỏ bê như thế này là không chấp nhận được. Chí ít dòng tộc Đào Duy nên bỏ ra một chi phí nhỏ để làm một số công việc chăm sóc tối thiểu cho mộ một ông tổ được truy thăng đến tước Công, chỉ dưới tước Vương.

Mo Dao Duy Tu_cong (Van Luu 2009)
Cổng vào mộ của Đào Duy Từ

 

Mo Dao Duy Tu (Van Luu 2009)
Ngôi mộ của Đào Duy Từ

Đền thờ Đào Duy Từ ở vùng Lũy Thầy

Ngay từ thời xưa, đã có một đền thờ Đào Duy Từ ở Lũy Thầy. Đại Nam nhất thống chí cho biết đền thờ này nằm ở bên trái Võ Thắng Quan, miếu mạo uy nghiêm, bốn mặt cây cối xanh tốt, vì loạn lạc mà bị bỏ hư, sau người ta vì nhớ công lao Đào Duy Từ đắp bệ bằng đất cao hơn 80 cm. Cổng này nằm trong Lũy Đầu Mâu thuộc Làng Lệ Kỳ. Năm 1822 cây cối ở bốn bệ đất bị gió đổ hết.

Hữu Danh (2018) miêu tả thêm về đền thờ Đào Duy Từ ở vùng Lũy Thầy như sau.

Quá trình điền dã, khảo sát thực tế, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Bình (SN 1936, ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) để tìm hiểu thêm về Võ Thắng Quan cũng như thông tin về đền thờ Đào Duy Từ. Ông cho biết, lúc còn nhỏ ông thấy trên cổng Võ Thắng Quan có một cái lầu có mái che, phía ngoài cùng là vọng gác. Ở giữa có pho tượng hình một vị quan cao hơn 2m, không rõ làm bằng chất liệu gì nhưng được sơn son thếp vàng, đầu đội mũ có hia ở hai bên, dái tai to. Dưới chân tượng có 1 chữ Hán. Trước mặt pho tượng có một cái đỉnh đồng to, đường kính khoảng hơn 1m, hai bên có 2 cái tai như lư đồng truyền thống hiện nay.

Trên Võ Thắng Quan có hai khẩu súng thần công bằng đồng, lỗ súng khá to, người bình thường chui lọt. Trong giai đoạn cải cách ruộng đất (1956), phần vọng lâu của Võ Thắng Quan bị đập phá. Bức tượng, đỉnh đồng và hai khẩu súng thần công cũng biến mất không rõ nguyên do. Theo phỏng đoán, rất có thể sau khi đền đổ nát, quan quân và dân làng Lệ Kỳ đưa tượng Đào Duy Từ và đỉnh đồng lên trên Võ Thắng Quan để thờ cúng.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, tao loạn của chiến tranh, sự tàn phá của thiên nhiên và ý thức con người mà đến nay lũy Đầu Mâu, Võ Thắng Quan bị hư hỏng nhiều. Riêng đền thờ không còn lại vết tích gì.

Đền thờ Đào Duy Từ ở Xã Hoài Phú

Năm 1634, Chúa Sãi sai lập đền thờ Đào Duy Từ tại Thôn Tùng Châu, nay thuộc Thôn Cự Tài (có nguồn ghi là Cự Tài 1), Xã Hoài Phú, Huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Kinh phí do triều đình đài thọ và dĩ nhiên việc thờ phụng cũng do triều đình tổ chức. Từ đời Gia Long trở đi, đền thờ này được liệt vào hàng “Điển thờ của Nhà nước” và trước đây hằng năm đến ngày chánh giỗ của Đào Duy Từ được tổ chức tại đền thờ thì có quan đầu tỉnh đến dâng lễ tế, gọi là “quốc tế” (Đào Duy Lộc, no date).

Den tho Xa Hoai Phu (Huu Danh 2018)
Đền thờ Đào Duy Từ ở Xã Hoài Phú (Hữu Danh, 2018)

“Sắc tứ Đào quốc công từ” trước năm 1968 vẫn còn được treo ở gian giữa. Đền thờ bị hư hại trong chiến tranh, sau đó được con cháu đóng góp xây dựng lại. Hiện tại trong đền thờ còn một thần vị bằng gỗ, sơn son thếp vàng, khắc họ tên thụy hiệu cùng quan hàm tước vị của Đào Duy Từ và của phu nhân là Cao Thị Nguyên.

Ngoài ra, đền thờ còn lập bàn thờ cho ông Trần Đức Hòa (cha vợ) và bàn thờ cho phú ông họ Lê mà Đào Duy Từ tôn làm dưỡng phụ (cha nuôi) nên trong Đào tộc Phổ hệ chép là “Dưỡng tổ Lê Đại lang”.

Đình Tùng Châu

Còn được gọi Đình Cự Tài, là ngôi đình của Xã Tùng Châu thời chúa Nguyễn (cách đền thờ ở Thôn Cự Tài khoảng 1 km). Không rõ đình được xây dựng năm nào, nhưng được biết chắc chắn là khi chúa đời sau Chúa Sãi phong Đào Duy Từ làm “Vỹ quốc Gia mưu Phù vận Tán trị Chi thần” thì đình đã có, dân xã Tùng Châu được chúa cho phép rước sắc phong thần về thờ Đào Duy Từ làm Thành hoàng. Đình do dân lập nên việc thờ phụng Đào Duy Từ do dân Xã Tùng Châu trước kia rồi dân chín thôn sau này lo lấy.

Đình Tùng Châu bị tiêu hủy bởi sách lược tiêu thổ kháng chiến trong cuộc chiến chống Pháp.

Khu Từ đường ở Thôn Ngọc Sơn, Xã Hoài Thanh Tây

Năm 1859, Vua Tự Đức cho xây thêm từ đường tại nơi ở của Đào Duy Từ tức Thôn Ngọc Sơn, Xã Hoài Thanh Tây, Huyện Hoài Nhơn, Bình Định – là nơi thờ cha, mẹ ông và phu nhân, cách đền thờ ở Cự Tài khoảng 7 km.

Ngôi từ đường nguyên thủy bị dỡ bỏ để xây mới. Để đến khu từ đường, từ Thị trấn Bồng Sơn (Huyện Hoài Nhơn) đi thẳng khoảng 7 km, gặp bảng báo di tích, rẽ tay trái đi thẳng là đến nơi.

Các bàn thờ tại ngôi Từ đường được sắp xếp như sau:

  • Bàn thờ chính giữa là thờ cha và mẹ của Đào Duy Từ: Đào Tá Hán và Nguyễn Thị Mạch Nguyên (có nguồn ghi Vũ Thị Kim Chi, nguồn khác ghi Nguyễn Thị Minh)
  • Bàn thờ phía bên tay trái nhìn từ ngoài vào là thờ ông nội Đào Duy Từ: Đào Duy Trung
  • Bàn thờ bên tay phải là thờ Đào Duy Từ (có nguồn ghi thêm: vợ Cao Thị Nguyên)
  • Bàn thờ hai bên là thờ hậu duệ Đào Duy Từ.

Đào Duy An (2019) than thở:

Trớ trêu là ngày 15 tháng 10 năm 1994 Bộ Văn hoá-Thông tin cấp “Bằng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia Đền thờ Đào Duy Từ” cho từ đường Đào Duy Từ; không rõ nhà chức trách soi sử tổ tiên như thế nào?

Vì việc cấp bằng như thế nên tấm biển ở khu từ đường ghi “Di tích lịch sử đền thờ Đào Duy Từ” khiến cho nhiều người và nhiều trang mạng cứ đinh ninh đó là “đền thờ”, nên dễ gây nhầm lẫn với Đền thờ Đào Duy Từ ở Xã Hoài Phú. Đáng lẽ di tích có ý nghĩa thật sự như thế nào thì phải ghi như thế đó. Không lẽ người ta dị ứng với chữ “từ đường”?

Khu tu duong_duong vao
Đường vào khu từ đường

Đây là công trình thờ tự có quy mô tương đối hoàn chỉnh, gồm các kiến trúc chính: cổng, bình phong, trụ biểu và nhà từ đường. Tuy đã qua nhiều lần tu sửa, nhưng công trình này vẫn lưu giữ được những giá trị nguyên gốc về vật liệu, kết cấu kiến trúc, các họa tiết trang trí và cách thức bài trí, thờ tự bên trong. (Sao Ly, 2017)

Khu tu duong_tam quan
Tam quan của khu từ đường

Anon. (2008) và Trần Công Nhung (2015) miêu tả khu từ đường như sau.

Nhà từ đường nằm trong khuôn viên một thửa đất hình chữ T có diện tích 1.616 m2.

Khuôn viên có tam quan cao khoảng 6 m, hai mái lợp ngói âm dương, phía trên có bốn chữ lớn khắc “Quốc môn từ công” (cổng từ đường Quốc công) bằng mảnh sứ, hai bên đắp phù điêu hình con dơi cách điệu. Bốn trụ có họa tiết rồng uốn lượn.

 

Khu tu duong_binh phong
Bình phong của khu từ đường

Qua tam quan có sân nhỏ hình chữ nhật, kích thước 6,9m x 7,8m. kế đó là bình phong đắp hình long mã, lưng có hà đồ (long mã mang bức đồ) nổi trên mặt nước, mặt sau có khắc “Bách thế bất di” (Trăm đời không thay đổi).

Khu tu duong_toan canh mat truoc
Khuôn viên nhìn từ nhà từ đường

Hai bên mặt sau bình phong có đôi câu đối như sau:

Ngọc sơn chung tú Bắc
Bồng lãnh hiển danh Nam

Nguyễn Nam Ninh dịch:

Núi Ngọc hun đúc tinh hoa xứ Bắc
Non Tiên vẻ vang danh tiếng miền Nam

Cách đều bình phong 2,6 m về hai bên có hai cột trụ cao 4 m, trên đỉnh đắp tượng hạc đứng chầu đối xứng, phía sau là sân lớn hình chữ nhật với kích thước 15,4m x 14m, qua sân lớn đến nhà thờ [ngôi từ đường] được thiết kế kiểu nhà mái lá, một kiểu kiến trúc truyền thống ở Bình Định.

Khu tu duong_ngoi tu duong
Nhà từ đường

Trên bài vị Đào Duy Từ có dòng chữ “Ô Thủy tổ khảo nội tán Lộc khê hầu Đào công, tặng Khai quốc Công thần, đặc tiến Vinh lộc Đại phu, Đông các Đại học sĩ, Thái sư, Nhưng thủy Trung lương, phong Hoàng quốc công thần chủ”. Bài vị của vợ Đào Duy Từ viết “Ô Thủy tổ Tỉ Nội tán Lộc khê hầu Hoàng quốc công phu nhân, Trinh thục Cao thị thần chủ”.

Khu tu duong_noi that 440 nam ngay sinh (UBND Huyen Hoai Nhon)
Nội thất nhà từ đường (2012)

Trong nhà thờ [ngôi từ đường] còn có đôi câu đối nhưng nay đã sứt mòn, mờ không đọc được. [Hẳn đây là miêu tả cũ: ảnh năm 2012 cho thấy đôi câu đối rất rõ.]

Đền thờ ở Thanh Hóa

Tại Làng Nỗ Giáp, Xã Nguyên Bình, Huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, từ thời nhà Nguyễn nhân dân đã lập đền thờ Đào Duy Từ. Mộ tổ Đào Duy Từ cũng tọa lạc tại đây. Đền thờ được tu bổ, tôn tạo, giai đoạn 1 hoàn thành đầu năm 2019 (Sỹ Thành, 2019).

Den tho Dao Duy Tu Thanh Hoa (Sy Thanh 2019)
Gian thờ chính đền thờ Đào Duy Từ, Thanh Hóa (Ảnh: Văn Như Tước)

Đền thờ ở Buôn Mê Thuột

Đền thờ này ở Làng Lạc Giao, Thành phố Buôn Mê Thuột, nên được gọi là Đình Lạc Giao. Được lập năm 1929, đây là ngôi đình làng đầu tiên của những người Kinh từ đồng bằng lên đây lập nghiệp, thờ vị Thành hoàng của làng là Đào Duy Từ, do Vua Bảo Đại ra chiếu sắc phong năm 1932. Việc vua Bảo Đại sắc phong cho một đại thần của nhà Nguyễn chưa một lần đặt chân tới Cao nguyên làm Thành hoàng của Đình Lạc Giao là muốn ghi ơn người có công khai khẩn đất hoang mở mang bờ cõi, mong ông phù hộ cho những người dân miền Trung lên lập nghiệp trên quê mới.

Đình Lạc Giao cũng thờ cụ Phan Hộ, người có công khởi xướng thành lập Làng Lạc Giao.

Đình nằm tại ngã tư Đường Phan Bội Châu và Đường Điện Biên Phủ, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đak Lak. Lối vào chính điện được trang hoàng hai câu đối, hai bên chính điện là hai dãy nhà. Phía dãy nhà bên trái là điện thờ thành hoàng, trong đó có thờ các linh nam, linh nữ. Phía dãy nhà bên phải là nơi tiếp khách, trưng bày chứng tích.

Dinh Lac Giao
Đình Lạc Giao

Theo Bá Lục (2019), trong những năm 1928–1930, người Pháp tìm mọi cách ngăn cấm người Kinh lên Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên. Nhưng ông Phan Hộ, người Làng Đại Cát, Xã Ninh Phụng, Huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa, và một số thương nhân, lúc đi ngựa, có lúc đi voi vẫn tìm cách đi lại buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Êđê. Qua gặp gỡ giao lưu với các già làng Êđê và được sự giúp đỡ của ông Ama Thuột, ông Phan Hộ làm quen với nhiều người và gây được thiện cảm tốt. Điểu đặc biệt, ông thấy Buôn Ma Thuột là vùng đất rộng, bằng phẳng, màu mỡ, rất thuận tiện cho việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển đời sống. Đến năm 1928 ông quay về Khánh Hòa rủ thêm gần chục người là anh em, họ hàng, con cháu đến Buôn Ma Thuột thành lập làng, xây dựng mái đình lấy tên là Lạc Giao.

Để ghi nhớ mối tình đoàn kết này, ông Phan Hộ, xã trưởng xã Lạc Giao bấy giờ được phép chia đất cho một số đồng bào khai hoang, lập vườn, cất nhà trong phạm vi Lạc Giao và ông cũng dành một phần đất để dân làng dựng đình.

Tên Lạc Giao có ý nghĩa: Lạc là con Lạc cháu Hồng, Giao nghĩa là nơi bang giao Kinh– Thượng. Tên gọi Lạc Giao là lời giao ước an cư lạc nghiệp của đồng bào Kinh–Thượng cùng xây dựng vùng đất mới. (Trần Công Nhung, 2015)

Lũy Thầy: Công trình quân sự đặc sắc trong lịch sử Việt Nam

Ở Quảng Bình, từ dân quê đến nhà nho học thuở xưa, không mấy ai không biết đến câu ca dao:

Lũy Thầy ai đắp mà cao?
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu?

Lũy Thầy tức Lũy Đào Duy Từ là công trình quân sự đặc sắc của Đào Duy Từ (1572–1634) do ông làm tổng công trình sư, phụ trách việc điều nghiên và chỉ huy đào đắp. Hệ thống lũy này thể hiện tài năng quân sự và tầm nhìn chiến lược của nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ. Người dân Đàng Trong gọi hệ thống thành lũy này là Lũy Thầy để tỏ lòng tôn kính Đào Duy Từ như bậc thầy của chúa Nguyễn.

Bài viết này cố gắng đưa ra những thông tin được cho là đáng tin cậy sau khi đã phân tích những thông tin mâu thuẫn nhau trên Internet.

Thông tin cơ sở

Ý định xây dựng giang sơn độc lập ở phương Nam đã manh nha từ thời vị chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng (1525–1613) khi ông xin anh rể là Trịnh Tùng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558.

Năm 1613, trước khi chết, Nguyễn Hoàng dặn con là Nguyễn Phúc Nguyên (1563–1635) rằng: “Đất Thuận Quảng từ Hoành Sơn đến Hải Vân là nơi để cho người dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sỹ và gây cơ nghiệp muôn đời.” Tuân theo lời di huấn của cha, Nguyễn Phúc Nguyên lên nối nghiệp cha ra sức vỗ nuôi tướng tá, chăm lo phòng thủ, đặt quan ải, sửa đắp thành trì, trong ngoài mến phục.

Những gì Nguyễn Hoàng chưa làm được thì con ông là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên kế tục sự nghiệp dở dang. Chính Nguyễn Phúc Nguyên là người đầu tiên ra mặt chống họ Trịnh.

Chúa Trịnh biết thế, nên bắt đầu tìm nhiều cách để uy hiếp chúa Nguyễn như Đại Nam liệt truyện và Phan Khoang (1969) kể dưới đây.

Năm 1624, Trịnh Tráng cho người vào đòi thuế từ ba năm về trước. Chúa Sãi hậu đãi sứ giả, khéo léo nói: “Hai xứ Thuận–Quảng liền mấy năm không được mùa, dân gian thiếu ăn, vì thế không nỡ thu thuế. Đợi khi khác được mùa sẽ chở ra nạp vẫn chưa muộn.” Hai sứ giả phải về không.

Năm 1627, Trịnh Tráng rất muốn muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong phải thần phục, thậm chí muốn đánh Đàng Trong nhưng chưa có cớ, bèn sai người mang sắc của vua Lê vào khuyến dụ chúa Sãi, hứa sẽ gia cho tước Thượng công, và truyền lệnh “phải chỉnh sức tướng sĩ, voi ngựa, ghe thuyền, đến kinh bái yết để hợp với nghĩa làm tôi; còn nếu chấp mê, dùng binh chống cự thì khi uy trời đến, trong nháy mắt núi cao thành bình địa…”

Ngoài ra, sứ còn truyền đòi chúa Sãi phải cho con ra Bắc chầu (mục đích là làm con tin), đồng thời phải nạp 30 thớt voi đực cùng 30 thuyền đi biển để dùng vào lệ cống Nhà Minh. Chúa Sãi cười, nói: “Lệ cống nhà Minh chỉ có vàng và kỳ nam mà thôi, nay họ Trịnh đòi thêm ngoài các món ấy, ta không dám nghe theo; còn con ta đương sắm quân khí, sửa sang việc phòng bị ở biên giới, xin vài năm nữa ra chầu cũng không muộn.”

Về sắc phong, chúa Sãi chưa biết xử trí ra sao, bèn hội họp triều thần hỏi mưu kế. Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.

Trịnh Tráng lập tức phát quân đem theo vua Lê Thần Tông cùng đi, dẫn quân thủy bộ cùng tiến về Nam mượn cớ đi kinh lý các địa phương, nhưng lại sai tướng dẫn hai đạo tiến vào hội binh ở cửa Nhật Lệ.

Chúa Sãi cử các tướng dẫn quân chống trả. Quân hai bên đóng dinh lũy đối diện với nhau.

Kỵ binh Trịnh chủ động tấn công nhưng không chọc thủng được tuyến phòng thủ của quân Nguyễn. Phía Nguyễn có lợi thế là đại bác kiểu Bồ Đào Nha nên làm quân Trịnh sợ chạy dạt.

Trong lúc hai bên tiếp tục giằng co thì tướng Nguyễn Hữu Dật cho gián điệp nói phao lên là Trịnh Gia và Trịnh Nhạc mưu phản ở miền Bắc. Tráng nghe tin ấy trong bụng nghi ngờ, lại vì cớ bị thua luôn mấy trận, bèn dẫn quân về. (Khâm định Việt sử thông giám cương mục)

Trận đánh trên thúc đẩy nhà Nguyễn kiếm tìm chiến lược phòng thủ có căn cơ nhằm giữ vững cơ đồ Đàng Trong còn non trẻ.

Trận đánh trên thúc đẩy nhà Nguyễn kiếm tìm chiến lược phòng thủ vững chắc ở Quảng Bình nhằm giữ vững cơ đồ Đàng Trong còn non trẻ.

Tại sao phải phòng thủ ở Quảng Bình?

Năm 1604, đơn vị hành chính Phủ Tiên Bình được Nguyễn Hoàng đổi tên là Phủ Quảng Bình, và tên Quảng Bình được dùng từ đó cho đến bây giờ. Quảng Bình là vùng đất hẹp nhất theo chiều đông-tây của Việt Nam (50 km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông), núi đồi chiếm 85% diện tích, còn lại là đồng bằng và ven biển.

Cũng do đó mà việc phòng thủ vùng Quảng Bình là mối ưu tư dai dẳng của chúa Nguyễn.

Người ta phải tự hỏi vì sao chỉ phòng thủ ở Quảng Bình mà thôi. Theo Phan Khoang (1969), khi muốn tấn công Đàng Trong, quân Trịnh không thể đổ bộ ở một nơi nào khác rồi kéo đến phủ chúa Nguyễn ở Phước Yên, ở Kim Long, ở Phú Xuân hay sao? Quân Trịnh không thể đổ bộ vào một hải cảng nào ở phía nam Thuận Hóa, ở Thị Nại như vua Lê Thánh Tông đã làm, vì bấy giờ Chiêm Thành còn có lực lượng, sợ có thể bị kẹp vào giữa hai lực lượng Chiêm, Nguyễn thì không có đường thoát. Quân Trịnh cũng không thể đổ bộ ở một hải cảng nào gần hơn, như cửa Việt, cửa Eo (tức cửa Thuận An ngày nay) để rồi lên Sông Quảng Trị hay Sông Thuận An, vì các sông này chật hẹp, chiến thuyền lớn vào không tiện. Vả lại không binh gia nào lại đem quân xông thẳng vào kinh đô của địch là nơi phòng thủ chắc phải nghiêm ngặt rồi. Vậy muốn đánh Thuận Hóa, ắt phải đánh sông Nhật Lệ, đổ bộ lên đất Quảng Bình, rồi từ đó quân bộ, quân thủy mới chia ra mà đi công kích. Vì lẽ đó mà Quảng Bình trở thành đất chiến trường cho hai họ Trịnh, Nguyễn suốt nửa thế kỷ, trên đó hai lũy Trường Dục và Nhật Lệ là đối tượng của hai bên, bên này cố giữ đến cùng, bên kia cố lấy cho được.

Những năm tháng đầu khi mới có địa danh Quảng Bình thì nơi đây đã trở thành chiến địa của thời Trịnh–Nguyễn.

Năm 1627, Trịnh Tráng kèm Vua Lê Thần Tông cùng đi, lấy cớ là đi tuần du để xem xét phong tục ở các địa phương, quân thủy tiến vào cửa Nhật Lệ, quân bộ cùng tiến. Quân nhà Nguyễn cố thủ, quân Trịnh tiến đánh mấy đợt không thắng đành rút lui. Giữa lúc tình hình căng thẳng, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lo lắng, tìm kế hoạch lâu bền để đối phó với tình hình thì có sự xuất hiện của Đào Duy Từ.

Việc đầu tiên ông xin hiến một bản đồ, sai quân hai trấn đắp một lũy đài từ núi Trường Dục đến phá Hạc Hải. Thời xưa còn có tên Thiển Hải (có nghĩa biển cạn), phá Hạc Hải là vùng đất ngập lớn, cây lau rậm rạp, ăn thông ra biển, chỗ sâu chỗ cạn, có một đường lạch rất sâu, nước thường mặn, những lúc hạn hán có khi cạn,. Phá Hạc Hải ở phía đông-nam Võ Xá, bên phía tây đường Quốc lộ số 1A bây giờ, thuộc Xã Hồng Thủy và Gia Ninh. Phá kéo dài theo phương tây bắc-đông nam, dài khoảng 6-7 cây số, rộng 1-2,5 cây số, diện tích khoảng 12 cây số vuông, bắt đầu ở Mỹ Trung trở về phía đông nam (Ngọc Hiên Hiên, 2013).

Văn bia ở bến đò Cầu Dài do vua Thiệu Trị dựng năm 1842, chép về việc này như sau:

Năm 1630, Đào Duy Từ tâu cùng vua rằng: “Phàm mưu đồ sự nghiệp vương bá, cốt yếu là phải tìm cách vẹn toàn. Cổ giả có câu: ‘Không chịu khó nhọc một phen thì không được thong thả lâu dài, không chịu tốn kém một lần thì không được yên ổn mãi’. Thần xin đem quân dân hai trấn [Thuận Hóa–Quảng Nam] ra đắp trường lũy, chạy từ núi Trường Dục đến phá Học Hải, nhân theo địa thế hiểm yếu mà đặt đồn lũy để củng cố biên phòng, quân địch dù có kéo đến cũng không thể làm gì chúng ta được.”

Việc xây dựng Lũy Thầy

Chúa Nguyễn y theo lời Đào Duy Từ, ra lệnh đắp tuyến lũy đầu tiên, gọi là Lũy Trường Dục (nay thuộc Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình).

Căn cứ vào địa thế mà xét, Đào Duy Từ chọn Sông Nhật Lệ làm trọng tâm để xây thành, đắp lũy là cách nhìn về thế chiến lược. Nhật Lệ cách sông Gianh 30 km, phía sau lại dựa vào hình sông thế núi liên hoàn nối liền cánh đồng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, là chỗ dựa lâu dài vững chắc. Coi sông Gianh là tiền duyên của thế trận “tiến có thể đánh, lùi có thể giữ”.

Quân Trịnh mỗi khi thâm nhập vào thế trận này phải vượt qua tuyến phòng thủ Sông Gianh lại phải vượt qua Huyện Bố Chính (nay là Huyện Bố Trạch) là nơi nắng cháy đất cằn, dân cư thưa thớt. Vì thế, khi đến Nhật Lệ thì nhân lực đã cạn kiệt, mỗi khi quân Trịnh vây đánh lũy Trường Dục thì phải khiếp đầm lầy Võ Xá, là vùng có nhiều bùn lầy rất sâu. Từ đó, có câu ca:

Nhất sợ Lũy Thầy
Nhì sợ đầm lầy Võ Xá.

Trận địa đầm lầy Võ Xá, xét về địa thế sông núi Nhật Lệ, đi ngược dòng đến ngã ba Trận Xá, là nơi dòng Kiến Giang chảy về nhập với Sông Long Đại. Tại đây có mũi đất gọi là Đuồi Diện thuộc làng Cố Hiền, như một người khổng lồ giang hai tay đón đường thủy Nhật Lệ, tay trái vươn tới Trường Sơn, tay phải vươn tới phá Hạc Hải tạo ra vùng dân cư cánh quạt là huyện Quảng Ninh ngày nay. Trước khi nhập với sông Long Đại, dòng Kiến Giang còn đón nhận dòng nước sông Cẩm Ly, sông chảy dọc theo Quốc lộ 1A, có khoảng cách từ bờ cát đến bờ sông là đầm lầy Võ Xá, nay thuộc Xã Võ Ninh, Huyện Quảng Ninh.

Nui Than Dinh
Núi Thần Đinh bên Sông Long Đại (Ảnh: phongnhaexplorer.com)

Có thể xem núi Thần Đinh như một đài viễn vọng ở phía Tây, phá Hạc Hải ở phía Đông và Nam như bàn tay xòe ra, trong đó kín mít lau sậy, cỏ lác bí hiểm như đầm Dạ Trạch của Triệu Quang Phục, người không thông địa hình mà đi vào thì không biết lối ra. Ba vị trí: Trường Dục, Dinh Mười, đầm lầy Võ Xá liên kết với nhau thành một thứ trận đồ bát quái và sau này có lũy Động Hải cùng tạo nên trận đồ Động Hải.

Chúa Nguyễn trong công cuộc mở nước xuống cõi Nam vẫn phải tập trung quân lực để chống trả những đợt tấn công của họ Trịnh từ bắc Sông Gianh. Từ những ngày đầu của cuộc phân tranh Trịnh–Nguyễn, có thời điểm quân Trịnh dốc sức tiến sâu vào đến Sông Nhật Lệ (cách Sông Gianh khoảng 50 km dọc bờ biển), gây ra mối lo ngại thường trực cho triều đình chúa Nguyễn. Nếu để tình thế ấy kéo dài, Đàng Trong sẽ phải quy phục Đàng Ngoài một sớm một chiều. Nhằm bảo vệ cơ đồ, chúa Nguyễn giao cho Đào Duy Từ xây dựng hệ thống thành lũy bề thế và hữu ích. Về sau, hệ thống thành lũy này được gọi là Lũy Thầy, nhằm tôn vinh Đào Duy Từ mà chúa Nguyễn xem là người thầy.

Hệ thống Lũy Thầy

Lũy Thầy là một hệ thống thành lũy chủ yếu được đắp bằng đất, có nhiều ụ súng và vọng gác, được hình thành trên địa bàn Tỉnh Quảng Bình trong thời gian 4 năm (1630-1634) với tổng chiều dài gần 34 km.

Chiều cao của lũy thường 12 mét, có đoạn chỉ 3–6 mét tùy theo địa hình và mục đích. Phía ngoài có tường thành bao bọc, bên trong là doanh trại, công sự chiến đấu, kho lương được bố trí theo lối chữ Dĩ (迪) liên hoàn chặt chẽ với thành ngoài. Bề mặt đỉnh lũy luôn rộng rãi, binh sĩ hay ngay cả voi, ngựa có thể dễ dàng đi lại trên đó. Cứ mỗi đoạn 160 mét xây một pháo đài, đặt đại bác án ngự.

Tổng hợp các tư liệu, tác giả bài này vẽ hình dưới đây thể hiện hướng tuyến phỏng chừng của năm tuyến lũy, theo cách đơn giản hóa, tổng hợp từ Đoàn Xuân Tiến (2018), Trần Viết Ngạc (no date), Wikipedia_Lũy Thầy

Luy Thay_ban doNói chung, các tuyến lũy nằm dọc theo bờ nam các con sông chảy từ tây sang đông, tức là dựa vào sông như là một hào nước rộng tạo thành chướng ngại vật che chắn phía trước. Quân Trịnh từ phía bắc muốn đánh xuống phía nam phải vượt sông trước, bị hỏa lực bắn phá từ bờ nam, người nào sang sông được phải đối mặt với tuyến lũy.

Tên các đoạn lũy không nhất quán trong sử sách và các nguồn tham khảo. Bài viết này dùng các tên phổ cập nhất như sau.

1/ Lũy Trường Dục

Lũy Trường Dục, được xây năm 1630, nay thuộc Huyện Quảng Ninh. Dài khoảng 10 km, cao trung bình 3 m, chân luỹ rộng 6 mét. Cadière (1906) miêu tả: Lũy Trường Dục là một tường thành bằng đất, bắt đầu từ làng Trường Dục, dưới chân Núi Trường Sơn, chạy tới vùng động cát của phá Hạc Hải. Lũy chạy dọc theo bờ đông Sông Long Đại ở Xã Xuân Ninh, đến chỗ giáp Sông Nhật Lệ ở Làng Cổ Hiền rồi rẽ sang bờ nam Sông Kiến Giang xuống đến phá Hạc Hải nằm ở phía đông của lũy.

Mục đích là nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng Sông Nhật Lệ xuống đánh Đàng Trong. Vị thế chiến lược là rõ ràng: đầu tây là núi cao, đầu đông là vùng bùn lầy, lũy chắn ngang hai đầu. Lũy Trường Dục được hoàn thành chỉ trong vòng vài tháng nhờ đắp trên một lũy đã tồn tại trước đó. Nguyên thời Nguyễn Hoàng đang còn sống đã sai Trương Công Dà ra đắp Lũy Trấn Nhân, tức là tiền thân của Lũy Trường Dục.

Lũy được xây theo kiến trúc chữ “hồi” 囘 (các lũy về sau cũng thế) nên còn được gọi là Lũy Hồi Văn. Mặt ngoài có khung thành che chắn, bên trong là doanh trại, công sự chiến đấu, kho lương bố trí theo lối chữ “dĩ” 已 liên hoàn chặt chẽ với mặt lũy ngoài. Lũy được trang bị bằng vũ khí tự tạo của Đào Duy Từ.

2/ Lũy Đầu Mâu–Nhật Lệ

Lũy này còn được gọi là Lũy Động Hải, cách Lũy Trường Dục 20 km về phía bắc. Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi tuyến này là Lũy Trấn Ninh hoặc Trường thành Nhật Lệ, nhưng sau này tên Trấn Ninh được dùng cho đoạn lũy ở Thành phố Đồng Hới.

Mặc dù đã xây dựng được một chiến lũy Trường Dục bề thế, chúa Nguyễn Phúc Nguyên vẫn chưa yên lòng. Ông cử Đào Duy Từ và danh tướng Nguyễn Hữu Dật ra Quảng Bình khảo sát hình thế sông núi để xây thêm thành lũy. Theo lời khuyên của Đào Duy Từ, năm 1631 chúa Nguyễn cho đắp một tuyến lũy nữa kiên cố hơn cũng ở Huyện Quảng Ninh, dài 18 km, gồm có hai đoạn:

  • Lũy Đầu Mâu: bắt đầu từ Núi Đầu Mâu chạy dọc bờ nam Sông Lệ Kỳ khá rộng, hai bên là bùn lầy, đến Cầu Dài (là nơi Sông Lệ Kỳ chảy vào Sông Nhật Lệ).
  • Lũy Nhật Lệ: từ Cầu Dài chạy đến cửa Nhật Lệ. Lũy nay thuộc địa phận Huyện Quảng Ninh, các xã Phú Hải, Đồng Phú, Hải Thành (Thành phố Đồng Hới ngày nay).

Chiều cao Lũy Đầu Mâu–Nhật Lệ thường 12 mét, có đoạn chỉ 3–6 mét tùy theo địa hình và dụng ý sử dụng, phía ngoài đóng cọc gỗ lim, phía sau cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp để voi ngựa có thể bước lên và di chuyển dễ dàng trên mặt lũy. Cách 12-20 m xây một ụ đại bác, cách 4 m đặt một ụ súng phóng đá – tất cả tạo thành một công trình phòng thủ hiểm yếu và kiên cố. (Nguyễn Tiến Dũng, 2018; Trương Quang Nam, 2008)

Ghi chú: Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi “Lũy Trấn Ninh (tức là Lũy Đồng Hới) từ Núi Đâu Mâu đến cửa Nhật Lệ … dài 1120 trượng” [tức 4480 m]. Bài này ghi các tên theo nguồn khác để giữ nhất quán.

3/ Lũy Trường Sa

Năm 1633-1634 Nguyễn Hữu Dật nhận lệnh chỉ huy đắp nên Lũy Trường Sa. Dài tổng cộng 20 km, lũy này bắt đầu từ đụn cát Xã Quang Phú bây giờ (phía bắc Thành phố Đồng Hới), băng qua Sân bay Đồng Hới, vượt qua đường xe lửa, men theo miền gò đồi Xã Lý Ninh và gò đồi Lệ Kỳ Xã Vĩnh Ninh (Huyện Quảng Ninh) đến Vĩnh Tuy, theo triền núi Phúc Duệ, vượt ngã ba Sông Kiến Giang–Long Đại (Trần Xá–Cổ Hiền), qua Dinh Mười (Huyện Quảng Ninh) và vùng bùn lầy Võ Xá (Đào Duy An, 2018; Hiền Chi, 2014; Minh Phong, 2011).

Có thể phân Lũy Trường Sa thành 2 đoạn:

  • Đoạn Lũy Trường Sa Bắc: dài khoảng 8 km, từ đụn cát Xã Quang Phú (không loại trừ nối với Lũy An Náu) đến bờ trái Sông Nhật Lệ ở cửa biển, nối với Lũy Nhật Lệ.
  • Đoạn Lũy Trường Sa Nam: dài khoảng 12 km, từ bờ phải Sông Nhật Lệ ở cửa biển chạy đến Xã Hải Ninh.

Mục đích của Lũy Trường Sa là nhằm phòng thủ mặt biển và bảo vệ lũy Trường Dục ở đoạn phía Nam. Không chỉ có mục đích quân sự, Lũy Trường Sa còn có tác dụng ngăn bão và gió cho ngư dân bãi ngang, hạn chế cát bay lấn ruộng, góp phần ổn định địa hình ven biển.

Khác với các lũy trong đất liền, Lũy Trường Sa có thêm các đài hỏa hiệu.

4/ Lũy An Náu

Tin Quảng Bình (2016) chỉ cho biết lũy này chạy từ thượng nguồn Sông An Náu đến cửa biển. Sông An Náu tức là Sông Chánh Hòa bây giờ, chảy dọc theo rìa bắc Xã Lý Trạch, ở địa phận Huyện Bố Trạch.

5/ Lũy Trấn Ninh

Có những thông tin thiếu nhất quán về Lũy Trấn Ninh, nay thuộc Thành phố Đồng Hới.

Ghi chú: đừng nhầm với Phủ Trấn Ninh, nay là Xiêng Khoảng thuộc nước Lào.

Tin Quảng Bình (2016) cho biết Lũy Trấn Ninh được xây năm 1662 để bảo vệ thành Đồng Hới vốn là thành cổ, không phải là Thành Đồng Hới sau này vốn được xây năm 1812.

Tương tự, Trịnh Sinh (2019) cho rằng Lũy Trấn Ninh tiếp nối Lũy Đầu Mâu, chạy từ Cầu Dài, vòng sang phía tây thành Đồng Hới, bọc lấy Làng Đồng Phú, qua Hải Thành ra đến cửa sông Nhật Lệ. Phía ngoài lũy còn được đào hào vây quanh. Có điểm gây thắc mắc ở miêu tả “Lũy Trấn Ninh tiếp nối với Lũy Đầu Mâu chạy từ Cầu Dài”, bời vì như vậy là trùng lặp với Lũy Nhật Lệ.

Quan điểm hợp lý cho việc “vòng sang phía tây” có nghĩa là tuyến lũy chạy dọc theo mặt nam Thành Đồng Hới trước rồi mới vòng sang phía tây, sau cùng chạy theo mặt bắc thành này. Tức là thành Đồng Hới được bảo vệ bởi Lũy Nhật Lệ ở mặt đông, và bởi Lũy Trấn Ninh ở ba mặt còn lại.

Vì thế, hình vẽ hướng tuyến Lũy Trấn Ninh theo quan điểm trên, với một số giả định như sau:

  • Lũy Đầu Mâu: một nguồn xác nhận vết tích là đường Trương Định hiện giờ, phía tây Phường Phú Hải;
  • Lũy Nhật Lệ: đường Quách Xuân Kỳ hiện giờ ở mặt đông Thành Đồng Hới (Khuê Việt Trường, 2011), kéo dài theo đường Trương Pháp hiện giờ (Hoàng Táo, 2016);
  • Lũy Trường Sa: giả định vết tích là đường Võ Nguyên Giáp hiện giờ.
Luy Thay_Tp Dong Hoi
Lũy Thầy ở Thành phố Đồng Hới

Cần mở dấu hỏi về vị trí và ý nghĩa của Quảng Bình Quan so với Lũy Thầy.

Các tài liệu đều cho rằng Quảng Bình Quan là cửa Đông của Thành Đồng Hới, nhưng nhìn vị trí tương quan thì Quảng Bình Quan nằm cách xa Thành Đồng Hới hiện giờ về hướng Nam. Thành Đồng Hới xưa kia có ba cửa: Bắc, Đông và Nam. Phải chăng cửa Đông thông ra Sông Nhật Lệ, còn cửa Bắc và Nam nằm trên đường Quang Trung ngày nay?

Như vậy, phải chăng Quảng Bình Quan là cửa Nam? Nếu thế thì Thành Đồng Hới khi xưa (được bảo vệ bởi Lũy Trấn Ninh) có chu vi rất khác với Thành Đồng Hới do Gia Long cho xây năm 1812, khiến cho Quảng Bình Quan bây giờ đứng chơ vơ giữa khoảng trống mà Google Maps ghi là “Thành cổ Đồng Hới”.

Tác dụng của Lũy Thầy

Mặc dù Lũy Thầy được đắp bằng đất, nhưng là một công trình phòng thủ khá bề thế, kết hợp với con hào thiên nhiên là những dòng sông, vì thế lũy trở thành phòng tuyến quân sự lợi hại. Vị trí đắc địa của phòng tuyến kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo phát huy tác dụng triệt để. Mảnh đất phía bắc Quảng Bình hẹp, một bên dựa vào dãy Trường Sơn hiểm trở, một bên là Biển Đông, chỉ còn một lối tiến công là dải đồng bằng giống như thế thắt cổ chai.

Quân Trịnh từ bắc vào chỉ có thể dùng hai con đường: phía đông là đường theo bờ biển, nghĩa là dọc theo quốc lộ ngày nay, phía tây là đường núi. Còn bãi bùn làng Võ Xá bùn lầy không cho họ tiến vào khoảng giữa được. Ở hai đầu lũy, chúa Nguyễn có các chướng ngại vật. Hạm đội chúa Trịnh tiến theo Sông Nhật Lệ, còn bộ binh bộ kéo vào nam. Ở đây, họ gặp phải đồn binh hiểm yếu của Dinh Mười vốn là lỵ sở hành chính và quân sự của Quảng Bình, ở trên địa phận Làng Võ Xá hiện nay. Nơi này trải dài nhiều kí-lô-mét, ở phía bắc và phía nam đều có những đồn binh bảo vệ.

Trong suốt cuộc nội chiến Trịnh–Nguyễn, Lũy Thầy phải chống đỡ nhiều cuộc tấn công từ Đàng Ngoài của quân Trịnh.

** Năm 1633, con thứ ba của chúa Nguyễn là Phúc Anh bất mãn không được làm thế tử, bèn viết thư hẹn làm nội ứng cho Trịnh Tráng. Trịnh Tráng khởi binh nam tiến lần thứ hai, đóng ở cửa Nhật Lệ. Chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến làm tướng ra đánh. Trịnh Tráng đang đợi suốt hơn 10 ngày không thấy hiệu làm nội ứng của Ánh thì bị quân Nguyễn đánh úp, quân Trịnh hoảng loạn vứt bỏ xe pháo mà bỏ chạy. Trịnh Tráng rút về bắc, để lại con rể là Nguyễn Khắc Liệt trấn thủ châu Bắc Bố Chính

** Năm 1648, chúa Trịnh Tráng sai Lê Văn Hiểu khởi binh, dẫn bộ binh đánh Nam Bố Chính, còn thủy quân đánh cửa Nhật Lệ. Đây là cuộc nam tiến lần thứ tư. Quân Nguyễn do cha con Trương Phúc Phấn chỉ huy cố thủ tại Lũy Trường Dục. Quân Trịnh vượt qua lũy Nhật Lệ, chiếm được Thập Dinh (địa danh Dinh Mười ở Xã Duy Ninh, Huyện Quảng Ninh ngày nay), áp sát lũy Trường Dục, dùng đại bác bắn vỡ nhiều đoạn. Hai cha con tướng Nguyễn Trương Phúc Phấn cố thủ ở Lũy Trường Dục, lại nhân đó tìm cách vá lũy, bẻ gãy mọi cố gắng tiến xuống của quân Trịnh.

Quân Trịnh quay sang đánh vào vùng Võ Xá, khi chiếm được chỗ đứng chân lại bị quân Nguyễn chặn đánh ở Thập Dinh và đẩy xuống vùng đầm lầy Võ Xá vốn là một dải bùn sâu. Quân Trịnh bị sa lầy, tổn thất lớn tại đây.

Thế tử Nguyễn Phúc Tần tiến quân đến Xã An Đại, hội các tướng bàn rằng: “Quân họ Trịnh tuy nhiều nhưng người đánh giỏi có ít. Nếu ta nhân lúc ban đêm dùng voi xông vào, tất nhiên bên kia mất hết khí phách mà bỏ chạy tan vỡ, bấy giờ ta đem đại binh tiến đánh, thì đánh một trận cũng có thể bắt được.” Bèn sai phục quân ở Sông Cẩm La chặn đường quân Trịnh chạy về; một mặt sai Nguyễn Hữu Tiến đem 100 con voi đến canh năm xông vào trại quân Trịnh, quân bộ tiếp sau vào đánh phá.

Quả nhiên quân Trịnh thua to chạy về Bắc, lại gặp quân thủy của họ Nguyễn đón đường đuổi đánh mãi đến sông Lam Giang mới thôi. Quân Trịnh thiệt hại 3000 người. Trong thế trận tiến thoái lưỡng nan vì không có sự hỗ trợ từ đường thủy, chúa Trịnh buộc phải rút quân về Bắc. (Th.L, 2017)

** Năm 1672, chúa Trịnh Tạc dồn toàn lực đánh vào Đàng Trong sau khi đã diệt được họ Mạc ở Cao Bằng (1667). Trịnh Căn lĩnh thủy binh, Lê Thì Hiến lĩnh bộ binh. Quân Trịnh với lực lượng hùng hậu tiến đánh vào Lũy Nhật Lệ do Nguyễn Hữu Hiệp làm chủ tướng, cùng Hữu Dật và Nguyễn Mỹ Đức ra chống cự, tự chúa Phúc Tần ra tiếp ứng. Đây là lần giao tranh ác liệt nhất trong lịch sử cuộc nội chiến, quân Trịnh hăng hái đánh lũy mấy lần suýt hạ được nhưng Hữu Dật cố sức chống đỡ. Quân Trịnh đánh mãi không thắng, phải rút về Bắc Bố Chính.

Lũy Thầy đứng vững qua 7 cuộc tấn công của quân Trịnh, chấm dứt cuộc chiến gần 50 năm và mở ra hơn một thế kỷ hòa hoãn.

Xem thế thì tuy Lũy Trường Dục và Lũy Đầu Mâu–Nhật Lệ được xây hai lần riêng rẽ ở hai nơi, nhưng vẫn tạo thành một hệ thống phối hợp với nhau, chặn đứng được mọi cuộc tiến công của quân Trịnh.

Vì thế, phòng tuyến giăng ngang giữa núi và biển có hiệu lực như một cánh cửa đóng chặt con đường vào Nam, gần như bịt kín các lối ra vào và hoàn toàn khống chế các mũi tấn công khi có chiến sự xảy ra. Công trình bề thế này góp phần bảo vệ an toàn dinh trấn của chúa Nguyễn trước thù trong giặc ngoài thời kỳ đang đóng ở Quảng Trị, và khi đã dời vào Huế (từ năm 1774, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát).

Tóm lại, Lũy Thầy đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ chúa Nguyễn giữ vững cơ đồ Đàng Trong trong suốt gần 50 năm giao tranh ác liệt với chúa Trịnh, 1627–1672.

Riêng về Lũy Trường Sa, giáo sĩ người Pháp Cadière viết trong tập san Bulletin des amis du vieux Hue (Hội Đô thành hiếu cổ) năm 1918: “Lũy Trường Sa là biểu tượng lớn lao bảo vệ người Đàng Trong. Vị tướng chỉ huy trường lũy trọng yếu này là một danh tướng được chúa Nguyễn tin tưởng [đó là Nguyễn Hữu Cảnh]. Lũy thắng tuyệt đối quân Trịnh, bảo vệ muôn dân và cư dân trong vùng luôn coi chúa Nguyễn là bậc có công rất lớn cứu dân khỏi đao kiếm đàng Ngoài” (Minh Phong, 2011).

Kỳ tích Lũy Trường Sa chống nạn binh đao được kể trong Đại Nam thực lục rằng, vào năm 1671, nhà Trịnh cho 18 vạn quân đột nhập Trường Sa nhưng quân và dân trong vùng giữ vững 3 tháng, cuối cùng chúa Trịnh phải rút quân vì hao người, tốn của, sợ dân tình oán thán. Lũy Trường Sa được các nhà chiến lược quân sự phong kiến xem là công trình không chỉ kế sách binh lực mà còn có tính an dân. (Minh Phong, 2011)

Trong lịch sử Việt Nam, Lũy Thầy nổi tiếng là một hệ thống thành lũy đơn giản, dễ thi công, nhưng lại phát huy tốt nhất chức năng phòng thủ.

Hồi kết của Lũy Thầy

Lũy Thầy có một lịch sử oai hùng và hồi kết anh dũng không kém tuy đau thương (Đoàn Xuân Tiến, 2018; Wikipedia_Trận Trấn Ninh, 1802).

Hơn một trăm năm sau trận chiến ở vùng Lũy Thầy, vào năm 1774, lợi dụng tình hình Đàng Trong rối ren do sự yếu hèn, thối nát của quan tướng và con cháu Chúa Nguyễn cùng sự phản bội của Hoàng Văn Bật, Lê Thập Thí, quân Trịnh nam tiến lần nữa. Khi đó, tuy đã xây hơn trăm năm, các lũy vẫn vững chắc. Song lũy cao đất hiểm không còn giúp được nhà Nguyễn, bởi lòng người ly tán nên quân Trịnh phá vỡ được phòng tuyến Lũy Thầy. Nhờ các tướng Nguyễn làm nội ứng mở cửa đầu hàng, quân Trịnh chiếm được Quảng Bình.

Đến đây, Lũy Thầy xem như đã chấm dứt sứ mạng biểu tượng của mình trong cuộc Trịnh–Nguyễn phân tranh. Hơn mười năm sau, quân Tây Sơn của vị anh hùng Nguyễn Huệ đánh tan cả hai tập đoàn này để thống nhất đất nước, xóa nhòa giới tuyến. Nhưng sự hiểm yếu và lịch sử bi tráng của Lũy Thầy chưa dừng lại ở đó, nó chỉ thực sự dừng lại cùng với cái kết thúc nghiệt ngã của nhà Tây Sơn.

Vào đầu năm 1802, ở đây diễn ra trận kịch chiến cuối cùng giữa hai đoàn quân do quân vương mỗi bên cầm đầu: Vua Cảnh Thịnh bên Tây Sơn và Nguyễn Vương của nhà Nguyễn.

Quân Tây Sơn tấn công dữ dội Lũy Trấn Ninh và Lũi Đầu Mâu, nhưng đánh mãi vẫn không phá được. Vua Cảnh Thịnh toan ra lệnh rút quân về, nhưng nữ tướng Bùi Thị Xuân không chịu, xin cho ra đốc quân đánh tiếp. Rồi bà cưỡi voi xông xáo trên chiến trường từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng trận chiến vẫn dằng dai. Đánh một lúc nữa, quân Nguyễn dự tính tháo lui thì bất ngờ ở cửa Nhật Lệ, nhờ có gió đông-bắc thủy quân của chúa Nguyễn phá tan đội binh thuyền của Tây Sơn, lấy được 20 chiến thuyền (Quốc triều chánh biên toát yếu).

Tin này đến tai vua Cảnh Thịnh và các tướng tá khiến mọi người vô cùng thất vọng. Riêng Bùi Thị Xuân vẫn hăng hái truyền cho một đội quân khác đến thay cho đội đã rút lui. Quân Nguyễn bên trong tường lũy bắn ra như mưa rào. Quân Tây Sơn được lệnh ào ạt trèo tường vào Lũy Trấn Ninh. Nữ tướng giành lấy dùi trống thúc liên hồi. Nếu trận đánh cứ tiếp diễn luôn hai tiếng nữa như thế Lũy Trấn Ninh có lẽ phải thất thủ.

Nguyễn Vương và các tướng bấy giờ đã hoảng hốt, vội ra lệnh cho thủy quân vượt Sông Linh Giang đánh bọc hậu, có ý định chia lực lượng của nữ tướng họ Bùi hầu mở được một con đường máu để thoát thân. Một tướng Tây Sơn nhát gan thấy thế tưởng nguy liền ra lệnh quân dưới quyền rút lui. Được một lúc Bùi Thị Xuân mới biết. Sự kiện này làm những đạo quân còn đang chiến đấu nao lòng, đa số binh tướng Tây Sơn xin bà Bùi cho rút lui, tệ hơn nữa họ bỏ cả vũ khí đạn dược để chạy tháo thân. Cuối cùng, thế chẳng đặng đừng, nữ tướng họ Bùi cùng một số quân riêng hộ vệ Vua Cảnh Thịnh rút về phương Bắc. Thắng xong trận này, Nguyễn Vương về Phú Xuân để sắp đặt việc tức vị.

Lũy Thầy sau bao năm là mồ chôn của biết bao quân Trịnh, giờ lại là mồ chôn của quân Tây Sơn. Dù có vị nữ tướng Bùi Thị Xuân anh dũng, quân Tây Sơn tuy lăn xả lúc đầu nhưng vẫn bất lực trong việc vượt qua các tường lũy. Một lần nữa và là lần cuối, Lũy Thầy phù trợ cho quân nhà Nguyễn tuy đoàn quân này có lúc dao động. Trận Trấn Ninh là trận mang tính quyết định, đánh dấu hồi mạt vận của Tây Sơn.

Cùng năm 1802, Nguyễn Ánh chính thức vào Thành Phú Xuân lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, nghĩa là Gia Định và Thăng Long. Thành Đồng Hới được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 10 (1812), lúc đầu bằng đất, xây ngay trên mảnh đất xưa kia của Lũy Trấn Ninh, nghĩa là đã sau gần 2 thế kỷ.

Tám năm sau khi Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi, ông nhờ một sĩ quan người Pháp thiết kế lại thành Đồng Hới và xây lại bằng gạch (1824) theo kiểu Voban, thành luỹ quân sự hình múi khế. Đó chính là những bức tường gạch phủ rêu còn lại ngày nay.

Năm 1848, vua Thiệu Trị hành hương qua hệ thống thành lũy này, thấy cảnh hùng vĩ xúc động đặt thêm cho nó cái tên “Định Bắc trường thành” để nhớ ơn tổ tiên đã giữ vững cõi Nam.

Từ đó, có những câu ca dao:

Khôn ngoan qua được Thanh Hà
Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy.

(Thanh Hà: cửa Sông Gianh, trước gọi là Linh Giang, tạo nên ranh giới Đàng Trong–Đàng Ngoài nhiều năm.)

Có tài vượt nổi Sông Gianh
Dẫu thêm hai cánh Trường thành khó qua

Không những nổi tiếng, Lũy Thầy còn là di sản văn hóa vật thể chứng minh cho sự sáng tạo trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Vua Thiệu Trị đi qua hệ thống Lũy Thầy hùng vĩ này rất khâm phục trước công lao tổ tiên, nên đã ban cho lũy này tên mới là “Định Bắc Trường thành” (bức thành giữ yên mặt Bắc).

Những dấu tích của Lũy Thầy

Đến triều Nguyễn, giang sơn đã thống nhất, hệ thống Lũy Thầy không còn tác dụng, Do được đắp bằng đất nên đến ngày nay sau gần 400 năm, Lũy Thầy gần như đã bị hủy hoại hoàn toàn bởi tác động của thiên nhiên, các cuộc chiến tranh sau này, cùng sự phá hoại của con người và thiếu sự quan tâm về bảo tồn của chính quyền. Lại thêm trong những thập kỷ gần đây, dân địa phương đào xới khi canh tác, khiến cho thành đất dần bị san lấp dưới thảm thực vật mới. Do những yếu tố này kết hợp lại, nhiều đoạn Lũy Thầy biến mất hoàn toàn.

Theo Wikipedia_Lũy Thầy, đến nay Lũy Thầy chỉ còn di tích của 3 cửa:

  • Cửa Tấn Nhật Lệ: Wikipedia chỉ cho tên này nhưng không cho chi tiết nào.
  • Võ Thắng Quan (cổng Thượng);
  • Quảng Bình Quan (cổng Hạ).

Thật ra, còn có một số dấu tích khác, được trình bày chung dưới đây.

Dấu tích Lũy Trường Dục

Đại Nam nhất thống chí (1882) ghi rõ Lũy Trường Dục đã đổ nát, tức chỉ hơn 250 năm sau khi đắp lũy. Sách này cũng ghi đầu niên hiệu Gia Long (1802) nhân nền cũ đắp thêm, năm Minh Mạng thứ 5 (1825) tu bổ lại. Tuy vậy, đến ngày nay dấu tích rất khó nhận ra.

Bây giờ, đoạn Lũy Trường Dục từ bến đò Trung Quán (Xã Duy Ninh, Huyện Quảng Ninh) về thượng nguồn chỉ cao hơn mặt đường khoảng một mét. Một số đoạn được người dân trồng keo lai, bạch đàn để chắn gió, trong khi một số đoạn khác vẫn còn nhiều cây to (Hoàng Táo, 2016).

Dấu tích Lũy Trường Sa

Dấu vết các lũy nhỏ cắt ngang Lũy Trường Sa thường gặp bây giờ là ở Làng Sa Động và Làng Mỹ Cảnh (Hiền Chi, 2014). Ở đây xưa kia có đồn Sa Chùy (còn gọi là Mũi Dùi) và đồn Sa Phụ. Đồn Sa Chùy ở ngay cửa biển Nhật Lệ, hiện nay ở gần cuối Thôn Mỹ Cảnh. Đồn Sa Phụ ở ngay trước mặt trụ sở UBND Xã Bảo Ninh (Thôn Sa Động) bây giờ. Trước chiến tranh, ở đây người dân vùng biển Bảo Ninh còn thấy một đồi đất sét nằm trong lòng cát.

Luy Truong Sa_bia di tich
Bia di tích lịch sử Lũy Trường Sa, Xã Bảo Ninh (Hiền Chi, 2014)

Trong khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunspa Resort, Thôn Mỹ Cảnh, Xã Bảo Ninh, khoảng 1 km phía nam cửa Nhật Lệ, còn có một dấu tích của Lũy Trường Sa.

Luy Truong Sa_dau tich
Dấu tích Lũy Trường Sa, Xã Bảo Ninh (Hiền Chi, 2014)

Ảnh dưới đây không được ghi địa điểm.

Luy Truong Sa_dau tich (2)
Dấu tích khác của Lũy Trường Sa (Đào Duy An, 2018)

Dấu tích Tấn Nhật Lệ

Tấn ở đây là một hình thức cửa ngăn triều. Đại Nam Nhất thống chí chép về công trình này như sau: tấn ở Huyện Phong Lộc, cửa tấn rộng 300 m, thủy triều lên sâu 2,4 m, thủy triều xuống sâu 16 m, có nhiều đá rạn, hồi đầu triều chúa Nguyễn đặt xích sắt chặn ngang cửa biển để ngừa quân Trịnh.

Di tích Võ Thắng Quan (cổng Thượng)

Tên cũ của di tích này là Lý Chính Đại quan môn, có nghĩa là cửa chính lớn trên đường Thiên Lý Bắc–Nam. Đây là cửa quan của đoạn Lũy Đầu Mâu, bên Sông Lệ Kỳ thuộc Xã Vĩnh Ninh, Huyện Quảng Ninh (Đoàn Nguyệt, 2014). Cửa được xây dựng bằng gỗ lim, có chiều dài 2 trượng 1 thước tức 8,4 m, chiều ngang 2 trượng 5 thước tức 9,2 m (Đào Duy An, 2018). Đến năm 1826, triều đình Minh Mạng ban tiền để xây dựng lại bằng gạch đá và đổi tên thành Võ Thắng Quan như bây giờ.

Là công trình có giá trị phòng thủ nên trước đây, trong quá trình xây dựng, Võ Thắng Quan được làm rất kiên cố. Cổng dày, hai bên xây bằng gạch vồ. Để tạo độ kết dính cao, vôi, dây tơ hồng và mật mía được quết giã, sau đó trộn với cát tạo thành hỗn hợp vữa để xây nên cổng này. Phần mái cổng có một khung đỡ bằng gạch được xếp theo kiểu xiên dạng vòm tròn. Đây là thiết kế mang tính sáng tạo bởi theo nguyên tắc, vòm tròn có khả năng chịu lực cao. Với thiết kế xây dựng đặc biệt và vị trí có tính chiến lược như vậy nên Võ Thắng Quan được xem như một cửa ải quan trọng trên tuyến đường Thiên Lý Bắc–Nam lúc bấy giờ (Đoàn Nguyệt, 2014).

Bên cạnh đó, nhiều phát hiện xung quanh di tích lịch sử này phần nào nói lên giá trị lịch sử cũng như văn hóa, xã hội của dân tộc Việt trong thời điểm lúc bấy giờ. Ở dưới chân lũy Đầu Mâu, cách Võ Thắng Quan khoảng 3 km về phía Tây Nam, người dân đã phát hiện ra những phiến đá có khắc chữ Hán, 3 trong số nhiều phiến đá được mang về trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình. Nhiều thanh kiếm, giáo ở gần khu vực đoạn Lũy Đầu Mâu cũng được bà con phát hiện, cho thấy nơi đây có dấu tích của kho vũ khí ngày xưa.

Tuy vẫn còn giữ được phần nào dáng vẻ xưa, nhưng do sự bào mòn của thời gian, Võ Thắng Quan đang dần bị xuống cấp. Phần vọng lâu bị mất, phía tây-bắc của cổng bị nứt một đường dài, một số nơi gạch bị bong tróc.

Hai hình dưới đây cho thấy hai kiến trúc có phần khác biệt của Võ Thắng Quan. Tuy nhiên, không tìm thấy tài liệu nào về việc sửa chữa hoặc gia cố sau khi xây lại bằng gạch đá. Vì thế, ta có thể đoán đây là hai mặt khác nhau của Võ Thắng Quan.

Vo Thang Quan_di tich (1)
Di tích Võ Thắng Quan (1) (Thanh Tùng, 2019)

 

Vo Thang Quan_di tich (2)
Di tích Võ Thắng Quan (2) (Đào Duy An, 2018)

Vì lẽ nằm giữa vùng cây cỏ rậm rạp và không có đường đi vào, di tích Võ Thắng Quan bị bỏ phế và dần đi vào quên lãng.

Vo Thang Quan_xuong cap
Sự xuống cấp của Võ Thắng Quan (Đoàn Nguyệt, 2014)

Dấu tích đoạn Lũy Đầu Mâu

Trong cả hệ thống, đoạn lũy thuộc Làng Lệ Kỳ, Xã Vĩnh Ninh, Huyện Quảng Ninh là còn khá nguyên vẹn (Trương Quang Nam, 2008). Ở vùng này, vượt qua 4 lần suối, leo dốc như dựng đứng khoảng 30 phút thì tới chân Lũy Đầu Mâu–Nhật Lệ. Cả khu vực này núi non hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp. Đứng ở đỉnh núi cao nhất sẽ thấy tuyến lũy uốn lượn rõ ràng và rất đẹp trên một dãy núi hướng thẳng ra biển Đông, hai bên dãy núi là vực thẳm.

Luy Dau Mau_nhin tu tren cao
Dấu tích Lũy Đầu Mâu nhìn từ trên cao (Ảnh cắt từ video, Tin Quảng Bình, 2016)

Ngay dưới chân lũy có con đường rộng khoảng 4 m, được khoét lằn xuống mặt núi. Nhiều đoạn còn nguyên 5 tầng cấp, có đoạn chỉ còn 3 như những bậc thang có kè đá (Trương Quang Nam, 2008). Có những hố, hào đất (có lẽ là hào công sự) ở trên mặt lũy trải qua thời gian vẫn còn nguyên dạng, không bị vùi lấp, chỉ đôi chỗ bị cây mọc che khuất. Đứng ở đó có thể quan sát toàn cảnh Thành phố Đồng Hới ở phía bắc lũy.

Lũy Đầu Mâu thuộc Làng Lệ Kỳ, Xã Vĩnh Ninh, Huyện Quảng Ninh còn lưu hai tấm bia chữ Nho. Bia 1 ghi “Tiệp phòng thổ phần dĩ hạ” nghĩa là “Nơi biên thùy có thể đánh thắng giặc”; Bia 2 ghi “Tả tiệp thùy thổ phần dĩ hạ” nghĩa là “Có khả năng đặt súng hay chỗ đánh thắng được phần bên trái”.

Luy Dau Mau_bia
Hai tấm bia Lũy Đầu Mâu (Ảnh: Đào Duy An)

Hình dưới đây cho thấy một tấm bia khác trông mới hơn.

Luy Dau Mau_bia dau tich
Tấm bia dấu tích Lũy Đầu Mâu (Anon.c, no date)

Khu vực này rất cao, các lớp đá xếp làm thành lũy còn nguyên (Trương Quang Nam, 2008). Theo một số người dân trong vùng, có thể còn một vài tấm bia tương tự nằm ở vị trí khác.

Theo Hoàng Táo (2016), ở khu vực Xã Hiền Ninh, Huyện Quảng Ninh, dấu tích Lũy Đầu Mâu–Nhật Lệ còn lại vài đoạn thành đất cao khoảng 1 m và dài khoảng 1 km, bên trên còn một số cây to.

Luy Dau Mau_Xa Hien Ninh (Anh Hoang Tao)
Đoạn Lũy Đầu Mâu, Xã Hiền Ninh (Ảnh: Hoàng Táo)

Dân địa phương gọi khu vực này là động Trốc Trâu, hiện đã được “phân lô” giao đất cho người dân trồng rừng, lấy thành lũy làm ranh giới, phía bắc thuộc Thành phố Đồng Hới đã trồng tràm và keo lai, còn phía nam thuộc Huyện Quảng Ninh. Những người được giao đất trồng cây keo, tràm ngay trên chân lũy. Cứ mỗi lần trồng mới bà con lại khoét, lấn vào chân lũy một chút, thậm chí trồng cả keo, tràm tràn lên mặt lũy, khiến cho Lũy Đầu Mâu–Nhật Lệ bị hẹp dần, mai một dần… Như thế chỉ sau vài năm thì Lũy Đầu Mâu–Nhật Lệ sẽ biến mất bởi sự ăn mòn của rễ cây và những nhát cuốc đào hố trồng cây.

Một đoạn dấu vết khác hầu như phát lộ rất rõ nét tại Xã Vĩnh Ninh (bờ nam thượng nguồn Sông Lệ Kỳ, giáp giới với Xã Nghĩa Ninh).

Luy Dau Mau_Xa Vinh Ninh
Dấu tích đoạn Lũy Đầu Mâu, Xã Vĩnh Ninh

Thêm một hình ảnh dấu tích Lũy Đầu Mâu:

Luy Dau Mau_bia & Vo Thang Quan
Dấu tích Lũy Đầu Mâu với bia và Võ Thắng Quan (Thanh Tùng, 2019)

Ở Thành phố Đồng Hới, nay có thể nhìn thấy dấu tích đoạn Lũy Đầu Mâu từ đường Quách Xuân Kỳ và phía tây Phường Phú Hải, đoạn đê này giờ có tên đường là Trương Định. Tuyến đường này chạy song song và cách bờ nam Sông Lệ Kỳ khoảng 200 m.

Dấu tích đoạn Lũy Nhật Lệ

Ở Thành phố Đồng Hới, đoạn Lũy Nhật Lệ bây giờ chỉ còn một dải mô đất cao dọc theo cửa Sông Nhật Lệ, cây cối um tùm ở đường Trương Pháp dưới ngọn hải đăng Nhật Lệ (Hoàng Táo, 2016). Dưới chân có tấm bia khắc: “Phòng tuyến Nhật Lệ được xây dựng vào năm 1631, có chiều dài 12 km, cao 6 m, rộng 6 m thuộc hệ thống Trường Lũy Đào Duy Từ. Nơi đây đã từng diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai thế lực phong kiến Trịnh–Nguyễn trong gần 50 năm của cuộc nội chiến”.

Cùng một ảnh dưới đây (phongnhaexplorer.com) về đoạn lũy phía dưới ngọn Hải đăng Nhật Lệ được các nguồn ghi chú là Lũy Nhật Lệ hoặc Lũy Đồng Hới hoặc Lũy Trường Dục. Không thể nào đây là di tích của hệ thống Lũy Thầy bằng đất gần 400 năm trước và không có ghi chép gì về việc xây dựng lại bằng đá. Vì thế công trình xây bằng đá trong ảnh rất có thể là do người đời sau thực hiện, tức không còn có giá trị lịch sử.

Luy Nhat Le_hai dang
Dấu tích đoạn Lũy Nhật Lệ dưới Hải đăng Nhật Lệ

Dấu tích Lũy An Náu

Lũy An Náu được đắp dọc Sông Chánh Hòa. Bây giờ hầu hết địa bàn được canh tác nên dấu tích lũy này không còn (LPA, 2019).

Dấu tích Quảng Bình Quan (cổng Hạ)

Quảng Bình Quan hiện nay tọa lạc ở giữa bốn ngả đường: phía Tây là đường đi Đức Ninh, phía Đông đi xuống bến sông Nhật Lệ, phía Bắc là đường đi Hà Nội, phía Nam đến Cầu Dài cách đó khoảng 400 m rồi đi Huế.

Quảng Bình Quan được cho là cửa Đông Thành Đồng Hới, nhưng nhìn vị trí tương quan thì Quảng Bình Quan nằm cách xa Thành Đồng Hới về hướng Nam. Thành Đồng Hới xưa kia có ba cửa: Bắc, Đông và Nam. Phải chăng Quảng Bình Quan là cửa Nam? Nếu thế thì Thành Đồng Hới khi xưa có chu vi rất khác với Thành Đồng Hới do Minh Mạng cho xây, khiến cho Quảng Bình Quan bây giờ đứng chơ vơ giữa khoảng trống mà Google Maps ghi là “Thành cổ Đồng Hới”.

Theo Anon.a (no date), Quảng Bình Quan là một trong ba cửa ải của hệ thống Lũy Thầy. Hai cửa ải kia là Võ Thắng Quan (xem ở trên) và Cửa Thủ Ngự tại cửa biển Nhật Lệ – cùng địa điểm mà Wikipedia_Lũy Thầy ghi là Tấn Nhật Lệ (nhưng có rất ít thông tin về hai cái tên này). Nằm trên một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, Quảng Bình Quan vừa kiểm soát sự giao thông trên đường Thiên Lý Bắc–Nam ngày xưa vừa trấn giữ hướng tiến từ cửa biển Nhật Lệ vào, và cũng tạo cửa vào dinh Quảng Bình. Cần nhận rõ: dinh Quảng Bình hay dinh Trạm là địa danh xưa chỉ một đơn vị hành chính, không phải là dinh thự.

Quảng Bình Quan được xây dựng năm 1639, rồi năm 1826 Vua Minh Mạng cho gia cố Quảng Bình Quan bằng gạch đá và nâng cao thêm tầng tháp canh bằng loại gạch nung kiên cố. Sau khi khánh thành, nhà Vua cho đúc nổi hình ảnh Quảng Bình Quan vào Nghi Đỉnh đặt trước Thế Miếu trong Tử Cấm Thành. (Anon.c, no date).

Trước Cách mạng tháng 8-1945, Quảng Bình Quan phía đường Đức Ninh còn có hào ngoài thành, có cầu gạch vòng qua hào và phía ngã ba giữa hai con đường Đức Ninh và Cầu Rào (ngày xưa thời chúa Nguyễn là đường Thiên Lý và đường Thượng Đạo).

Quảng Bình Quan bị quân đội Pháp phá hủy khi họ rút khỏi Đồng Hới năm 1954. Sau đó miền Bắc xây lại.

Năm 1965, Quảng Bình Quan bị máy bay Mỹ ném bom san bằng, chỉ còn lại phần móng. Đến năm 1994, di tích này được xây lại trên đường Trần Phú, cách Cầu Dài vài trăm mét về phía bắc.

Ảnh dưới đây chỉ Quảng Bình Quan ngày xưa, dùng để so sánh với công trình được xây lại.

Quang Binh Quan_ngay xua(1)
Quảng Bình Quan ngày xưa (1) (Lam Giang, 2003)

Dư luận ở Đồng Hới cho rằng Quảng Bình Quan được xây lại không giống ngày xưa chút nào (Lam Giang, 2003).

Quang Binh quan_toan canh
Toàn cảnh Quảng Bình Quan ngày nay, mặt đông (Anon.a, no date)

Các đơn vị liên quan đến dự án xây lại Quảng Bình Quan có mở một cuộc tọa đàm với sự tham gia của một số cư dân Đồng Hới. Những người này trên 70 tuổi, thậm chí có người gần 90 tuổi. Thế nhưng những ý kiến đóng góp của họ không được các đơn vị chủ quản xem xét.

Theo ông Lại Văn Ly, nguyên Bí thư Thị ủy Đồng Hới, điểm sai dễ thấy nhất đó là cửa Đông thành Đồng Hới trong lịch sử không hề có hai tầng mái như khi đã phục chế xong, mà thật ra chỉ có một mái như mái phía dưới mà thôi. Mái cũ được lợp bằng loại ngói liệt chứ không phải lợp ngói âm dương màu vàng men như hiện nay. Điểm sai nữa là bậc đi lên cửa Đông (để canh gác hoặc đánh chuông) không phải là lối đi lên từ hai bên bằng cầu thang (hướng nam-bắc và bắc-nam), gắn liền bậc cấp với tường thành cổ, có bức tường che hình vòng cung như hiện nay.

Trước đây các bậc thang này chỉ đi lên theo hướng tây ra hướng đông, không hề có tường che hình vòng cung và không phải xây gắn vào tường thành như bây giờ, mà hai bậc cấp cũ chỉ nằm trên đất đắp phía trong tường thành mà thôi.

Ông Lê Văn Táo, năm nay gần 90 tuổi (tức sinh khoảng 1913), nhà chỉ cách cửa Đông xưa hơn 500 m, xác nhận những gì như ông Ly nói là hoàn toàn chính xác. Ông cho biết thêm: “Chiếc cầu vào cửa Đông mới phục chế xong hình cung, không giống với chiếc cầu cửa Đông xưa có mặt phẳng ngang”.

Ông Lê Ngọc Hà, cán bộ hưu trí, cũng là người dân gốc Đồng Hới, bổ sung: “Dưới cầu có một cống thoát nước cho hồ bao xung quanh thành, nhưng hình cái cống trước không phải choãi ra quá lớn như bây giờ. Cống trước đây được cuốn bằng gạch nên nếu khẩu độ của nó rộng như bây giờ sẽ bị sập ngay. Tôi còn nhớ hình chiếc cống xưa tương tự như chính cái vòm của cửa Đông bây giờ kia! Họ đã làm lại sai cái cống này rồi”.

Vẫn còn khá nhiều ý kiến (Lam Giang, 2003):

  • Tại sao không phục hồi toàn bộ di tích mà chỉ làm có cái cửa? Lại nằm đơn độc giữa một khoảng trống, không cho thấy sự kết nối với công trình này.
  • Tại sao không làm như trước kia? Trước kia phía trong thành, sát với hai bên cửa có một bờ taluy đất rất cao (lộ ra ngang ngực trên đỉnh tường thành) và rộng để lính tuần tra có thể đi lại; thậm chí Pháp còn cho xây cả một nhà canh trên taluy này.
  • Có nhiều ý kiến cho là ngày xưa cầu không có lan can.
  • Có bao nhiêu lớp gạch cuốn miệng cửa cống dưới cầu (hiện nay chỉ có một lớp)?
  • Cầu xưa có mố như hiện nay không?
  • Mặt cầu không thể nào được đổ bằng nhựa đường như hiện nay xưa. Liệu ngày xưa mặt cầu được lát bằng gạch hay đá?

Những ý kiến nêu trên so sánh giữa hai bức ảnh ở trên. Thật ra, có hai phiên bản Quảng Bình Quan ngày xưa: phiên bản do miền Bắc xây lại sau khi quân Pháp phá hủy, và phiên bản trước khi quân Pháp phá hủy. Vấn đề là sau này xây lại, người ta dựa theo phiên bản nào?

Ảnh dưới đây cho thấy một kiến trúc xưa khác của Quảng Bình Quan, ứng với miêu tả “nâng cao thêm tầng tháp canh” gia cố năm 1826 theo lệnh của Vua Minh Mạng.

Quang Binh Quan_ngay xua(2)
Quảng Bình Quan ngày xưa (2) (Anon.a, no date)

Kiến trúc Quảng Bình Quan xây lại gần giống như ảnh trên.

Như vậy, các nguồn ghi hai lần “phục chế giống như cũ” là không đúng.

Thành Đồng Hới là dấu tích Lũy Thầy?

Có nhầm lẫn giữa dấu tích Lũy Thầy với Thành Đồng Hới. Thậm chí một số nguồn gộp Thành Đồng Hới vào hệ thống Lũy Thầy, cho rằng thành này là di tích thời kỳ Trịnh–Nguyễn phân tranh! Lấy ví dụ, một nguồn ghi ảnh dưới đây là một đoạn Lũy Thầy trong cuộc chiến tranh Trịnh–Nguyễn (Mạnh Thành/TTXVN, 2014). Nếu so sánh với video trong Tin Quảng Bình (2016), ta thấy đó là một đoạn của Thành Đồng Hới được xây bằng gạch đá, chứ không phải Lũy Thầy được đắp bằng đất.

Thanh Dong Hoi (TTXVN)
Thành Đồng Hới, được ghi là “Lũy Thầy” (Nguồn: TTXVN)

Nhằm mục đích tri ân các chúa Nguyễn, vào năm 1812 Vua Gia Long ra lệnh xây Thành Đồng Hới trên nền đồn Động Hải (được xây năm 1774), sử dụng một phần của Lũy Trấn Ninh (Wikipedia_Thành Đồng Hới). Tòa thành được xây bằng đất, tọa lạc trên một vùng đất xung yếu trên con đường xuyên Việt, cách cửa biển Nhật Lệ khoảng 1.500 m.

Năm 1825, Vua Minh Mạng nhờ một sĩ quan người Pháp thiết kế lại thành Đồng Hới và xây lại bằng gạch đá theo kiểu kiến trúc Vauban nổi tiếng, có chu vi 469 trượng [tức 1876 m], mở ra 3 cửa (Đại Nam nhất thống chí).

Các tài liệu sau này ghi Thành Đồng Hới có chu vi chừng 1860 m, có ba cửa Bắc, Nam và Đông; riêng hai cửa Bắc và Nam đã đổ sập hoàn toàn (binhqb94, 2017).

Như vậy, Thành Đồng Hới như ta thấy bây giờ ra đời rất lâu sau Lũy Thầy (khoảng 180 năm), nên không thể xem là một phần của Lũy Thầy. Nói cách khác, Thành Đồng Hới chỉ là một công trình mang ý nghĩa tưởng niệm sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước chứ không vì mục đích chiến tranh, tương tự như các đài tưởng niệm khác khắp nơi.

Ngày nay, nhìn trên cao ta vẫn còn thấy rất rõ chu vi của Thành Đồng Hới, như trong hình dưới đây.

Thanh Dong Hoi
Thành Đồng Hới nhìn từ trên cao (Tin Quảng Bình, 2016)

Năm 1992, Bộ Văn hóa–Thông tin và Thể thao công nhận năm dấu tích Lũy Thầy là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, gồm: (1) Lũy Đào Duy Từ (2 địa điểm tại huyện Quảng Ninh và Thành phố Đồng Hới); (2) Cửa Nhật Lệ; (3) Quảng Bình Quan và (4) Thành Đồng Hới. Như vậy, khi gộp hạng mục (4), cái tên “dấu tích Lũy Thầy” là khiên cưỡng, như trình bày ở trên.

Để tóm tắt phần này, đáng lẽ những gì thật sự thuộc về lịch sử thì mới nên ghi là lịch sử, không nên gán ghép những phần được thêm vào sau này rồi cho đó là di tích lịch sử của thời đại trước.

Nguồn tham khảo và đọc thêm

Ghi chú: Điều đáng tiếc mà người tổng hợp bài này nhận thấy là sự thiếu nhất quán trong thông tin, thậm chí thiếu nhất quán về thông tin có tính thiêng liêng giữa trang mạng mà “bản quyền thuộc về Đền thờ Thái sư Hoàng quốc công” và trang mạng của “Dòng họ Đào Việt Nam”… Tên tác giả chịu trách nhiệm cho thông tin và ngày đăng tải thường không được ghi, các trang mạng sao đi chép lại, khiến cho việc tra cứu thông tin gốc gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa: nhiều hình ảnh không rõ ràng. Trong thời đại này, một máy ảnh không tốn kém vẫn có thể cho ảnh rõ nét, tại sao không thực hiện? Lại có một số hình ảnh nơi chốn trang nghiêm trông bôi bác, ví dụ như ảnh người mặc áo thun cộc tay đứng trước nhà từ đường khiến cho người tổng hợp không thể đăng tải ở đây được.

Vì vậy, tên tác giả bài viết hoặc hình ảnh chỉ nhằm giúp độc giả truy cập tài liệu chứ không hằn luôn thật sự là tác giả gốc, do tình trạng sao đi chép lại trên Internet.

Anon.a (no date). Quảng Bình Quan. https://dukhach.quangbinh.gov.vn/3cms/quang-binh-quan.htm

Anon.b (no date). Quảng Bình Quan– Biểu tượng của mảnh đất Quảng Bình. https://phongnhaexplorer.com/thong-tin-du-lich-quang-binh/quang-binh-quan.html

Anon.c (no date). Tìm hiểu về Lũy Đào Duy Từ (Lũy Thầy) – Quảng Bình. https://phongnhaexplorer.com/thong-tin-du-lich-quang-binh/luy-thay-luy-dao-duy-tu-quang-binh.html

Anon. (2008). Đền thờ Đào Duy Từ. http://www.baobinhdinh.com.vn/ditich-Festival/2008/4/57470/

Bá Lục (2019). Đình Lạc Giao. https://daklak.gov.vn/dia-danh-di-tich-thang-canh/-/asset_publisher/bDngMUmMrWIw/content/-inh-lac-giao/pop_up?_101_INSTANCE_bDngMUmMrWIw_viewMode=print

binhqb94 (2017). Thành Đồng Hới một di tích – nghệ thuật kiến trúc tại Quảng Bình. https://khamphadisan.com.vn/thanh-dong-hoi-mot-di-tich-nghe-thuat-kien-truc-tai-quang-binh/

Cadière, L.M. (1906). “Le Mur de Dong-Hoi: Étude sur l’établissement des Nguyễn en Cochinchine” (Lũy thành Đồng Hới: Nghiên cứu về sự thành lập nhà Nguyễn ở Đàng Trong), Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient (Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ).

daoduytu.com.vn (no date). Cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Đào Duy Từ (1572-1634). http://daoduytu.com.vn/khai-quoc-luu-su/cuoc-doi-va-su-nghiep-lay-lung-cua-dao-duy-tu-(1572-1634)

Đào Duy An (2016). Chuyện thầy của Chúa Sãi. http://www.viendongdaily.com/chuyen-thay-cua-chua-sai-eNGUKJhc.html

Đào Duy An (2018). Dấu tích Lũy Thầy. https://kontumquetoi.com/2018/12/14/dau-tich-luy-thay-dao-duy-an/

Đào Duy An (2019). Vương triều Nguyễn phụng thờ Đào Duy Từ như thế nào? https://www.facebook.com/congdonghodao/posts/2031354776967897/

Đào Duy Lộc (no date-a). Lăng Thái sư Hoằng quốc công Đào Duy Từ tại thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. http://daoduytu.com.vn/khai-quoc-luu-su/lang-thai-su-hoang-quoc-cong-dao-duy-tu-tai-thon-phung-du-xa-hoai-hao-huyen-hoai-nhon-tinh-binh-dinh

Đào Duy Lộc (no date-b). Đền thờ Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ. http://daoduytu.com.vn/den-lang-dinh-nha-tu-duong…-dao-duy-tu

Đinh Bá Hòa (2012). Gia thế Đào Duy Từ qua hai cuốn gia phả. http://www.baobinhdinh.com.vn/vanhoa-nghethuat/2012/2/122623/

Địa chí Quảng Bình (no date). Địa danh Quảng Bình và tiến trình lịch sử. https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/dia-danh-quang-binh-va-tien-trinh-lich-su.htm

Đoàn Nguyệt (2014). Võ Thắng Quan đang bị lãng quên? https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201409/vo-thang-quan-dang-bi-lang-quen-2118766/

Đoàn Xuân Tiến (2018). Lũy Thầy. https://tantienplt.violet.vn/entry/luy-thay-12422352.html

Hiền Chi (2014). Tìm về dấu tích Trường Sa cát lũy. https://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201404/tim-ve-dau-tich-truong-sa-cat-luy-2114800/

Hoàng Táo (2016). Dấu tích cuối cùng của lũy Thầy thời Trịnh–Nguyễn. https://vnexpress.net/thoi-su/dau-tich-cuoi-cung-cua-luy-thay-thoi-trinh-nguyen-3334838.html

Hoàng Trọng (2016). Người xưa qua thư tịch: Hai người vợ của danh nhân Đào Duy Từ. https://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-xua-qua-thu-tich-hai-nguoi-vo-cua-danh-nhan-dao-duy-tu-754837.html

Hữu Danh (2018). Đền thờ Hoằng quốc công Đào Duy Từ. https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa-van-nghe/201805/den-tho-hoang-quoc-cong-dao-duy-tu-2156414/index.html

Khuê Việt Trường (2011). Lũy Thầy – 400 năm còn một chút này. https://www.giaoduc.edu.vn/luy-thay-400-nam-con-mot-chut-nay.htm

Khuê Việt Trường (2016). Lũy Thầy – 400 năm còn một chút này. https://baomoi.com/luy-thay-400-nam-con-mot-chut-nay/c/32263581.epi

Lam Giang (2003). Cửa Đông thành Đồng Hới: phục chế, tôn tạo có… cách tân? https://tuoitre.vn/cua-dong-thanh-dong-hoi-phuc-che-ton-tao-co-cach-tan-6800.htm

Lê Khắc Niên (2013). Đào Duy Từ – Nguyễn Phúc Nguyên: Hiền tài chí lớn hội ngộ anh hùng. http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&macmp=26&mabb=9995

LPA (2019). Di tích Lịch sử Lũy Thầy Quảng Bình, điểm nối quá khứ và tương lai. http://diemdenquangbinh.vn/di-tich-lich-su-luy-thay-quang-binh-diem-noi-qua-khu-va-tuong-lai.htm#

Mạnh Thành/TTXVN (2014). Khơi dậy niềm tự hào truyền thống quê hương Quảng Bình. https://www.vietnamplus.vn/khoi-day-niem-tu-hao-truyen-thong-que-huong-quang-binh/256701.vnp

Minh Phong (2011). Lũy Trường Sa bên bờ Biển Đông. https://www.sggp.org.vn/luy-truong-sa-ben-bo-bien-dong-16718.html

Ngành Mai (2015). Đào Duy Từ và công cuộc phát triển nghệ thuật hát tuồng, hát bội. https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-0321-nm-03202015213516.html

Ngọc Hiên Hiên (2013). “Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”. https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201311/dau-mau-vi-but-hac-hai-vi-nghien-2111025/

Nguyen Rinh (2018). Lũy Thầy – Đào Duy Từ. https://phongnhatravel.vn/cam-nang/luy-thay-dao-duy-tu.html

Nguyễn Tiến Dũng (2018). “Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy” http://baodaklak.vn/channel/3624/201806/dau-rang-co-canh-kho-qua-luy-thay-5588653/

Nguyễn Trang (2008). Cần quan tâm đến các di tích danh nhân Đào Duy Từ. http://www.baobinhdinh.com.vn/vanhoa-nghethuat/2008/11/68914/

Phan Khoang (1969). Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777 – Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam. Nhà Xuất bản Khai Trí, Sài Gòn.

Phạm Xuân Lục (2014). Quảng Bình – Đất thiêng một cõi. http://www.bienphong.com.vn/quang-binh-dat-thieng-mot-coi/

Quốc sử quán triều Nguyễn (1852). Đại Nam liệt truyện, Trương Đăng Quế (tổng tài). Viện Sử học dịch, Nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2006.

Quốc sử quán triều Nguyễn (no date). Đại Nam nhất thống chí; không có tên tác giả. Viện Sử học phiên dịch và chú giải, Nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2006.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1884). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ biên), Viện Sử học Việt Nam dịch Nôm, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 1998.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1908). Quốc triều chánh biên toát yếu, Cao Xuân Dực (chủ biên). Nhà Xuất bản Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam, 2001.

Quốc sử quán triều Nguyễn (1909). Đại Nam thực lục, Trương Đăng Quế et al., Đào Duy Anh (hiệu đính bản dịch Nôm), Nhà Xuất bản Giáo dục, 2007.

Sao Ly (2017). Nâng cấp xếp hạng di tích Ðền thờ Ðào Duy Từ: Nâng tầm di tích, tôn vinh danh nhân. http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=89898

Tạ Đình Hà (2018). Về đền thờ người thiết kế, xây dựng di tích Luỹ Thầy. https://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201807/ve-den-tho-nguoi-thiet-ke-xay-dung-di-tich-luy-thay-2157922/

Th.L (2017). Qua lũy Đầu Mâu, nghe dư âm tiếng vó ngựa công thành. https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201711/qua-luy-dau-mau-nghe-du-am-tieng-vo-ngua-cong-thanh-2151457/

Thanh Tùng (2019). Truyền thuyết về Đền Hoằng Quốc Công trong Võ Thắng Quan. https://tinquangbinh.com/2019/07/817677/truyen-thuyet-ve-den-hoang-quoc-cong-trong-vo-thang-quan/

thivien.net Ngọa Long cương vãn – Thơ » Việt Nam » Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn » Đào Duy Từ. https://www.thivien.net/%C4%90%C3%A0o-Duy-T%E1%BB%AB/Ngo%E1%BA%A1-Long-c%C6%B0%C6%A1ng-v%C3%A3n/poem-rRDzJMSRqaDMbWpQsvyNBg

Tin Quảng Bình (2016). Cư dân Bàu Tró: Lũy Thầy, những mảnh ghép lịch sử. Video clip: https://www.youtube.com/watch?v=KoPhHrLCdks

Tôn Thất Thọ (2017a). Bàn về giai thoại chung quanh Đào Duy Từ. https://nghiencuulichsu.com/2017/03/29/ban-ve-giai-thoai-chung-quanh-dao-duy-tu/

Tôn Thất Thọ (2017b). Về thời điểm Đào Duy Từ vào Xứ Đàng Trong. https://nghiencuulichsu.com/2017/05/22/ve-thoi-diem-dao-duy-tu-vao-xu-dang-trong/

Trần Công Nhung (2015). Đền thờ Đào Duy Từ (kỳ 2). http://www.viendongdaily.com/den-tho-dao-duy-tu-ky-2-HnLbAJTI.html

Trần Đăng Đại, bà và ông (2011). Tìm hiểu về Lũy Trường Dục và Đồng Hới. https://dongten.net/2011/10/08/tim-hi%e1%bb%83u-v%e1%bb%81-luy-tr%c6%b0%e1%bb%9dng-d%e1%bb%a5c-va-d%e1%bb%93ng-h%e1%bb%9bi/

Trần Hưng (2019). Vị quân sư là đệ nhất khai quốc công thần của triều Nguyễn. Phần 1: https://trithucvn.net/van-hoa/vi-quan-su-la-de-nhat-khai-quoc-cong-than-cua-trieu-nguyen-p1.html; Phần 2: https://trithucvn.net/van-hoa/dao-duy-tu-vi-quan-su-la-de-nhat-khai-quoc-cong-than-cua-trieu-nguyen-p2.html; Phần 3: https://trithucvn.net/van-hoa/vi-quan-su-la-de-nhat-khai-quoc-cong-than-cua-trieu-nguyen-p3.html

Trần Viết Ngạc (no date). Thử tìm hiểu các chiến lũy thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1672) trên đất Quảng Bình qua các bản đồ cổ. http://chimviet.free.fr/lichsu/tranvietngac/tvns071_ChienLuyQuangBinh.htm

Trịnh Sinh (2017). Những điều ít biết về Lũy Thầy. http://www.bienphong.com.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-luy-thay/

Trương Quang Nam (2008). Những dấu tích cuối cùng của Lũy Thầy “kêu cứu”! https://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-dau-tich-cuoi-cung-cua-luy-thay-keu-cuu-315813.html

Văn Lưu (2009). Thăm đền thờ Đào Duy Từ. http://www.baobinhdinh.com.vn/binhdinhquaanh/2009/5/75746/

Văn Như Tước (2019). Đào Duy Từ – một nhân tài đặc biệt của quê hương Thanh Hóa. https://vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/chuyen-muc-khac/990-nam-danh-xung-thanh-hoa/dao-duy-tu-mot-nhan-tai-dac-biet-cua-que-huong-thanh-hoa.html

Văn Tạo (2013). Những nhân vật cải cách trong lịch sử: 6 – Đào Duy Từ. http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/441-Nhung-nhan-vat-cai-cach-trong-lich-su-6—Dao-Duy-Tu

Wikipedia_Đào Duy Từhttps://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0o_Duy_T%E1%BB%AB

Wikipedia_Lũy Thầyhttps://vi.wikipedia.org/wiki/L%C5%A9y_Th%E1%BA%A7y

Wikipedia_Thành Đồng Hớihttps://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_%C4%90%E1%BB%93ng_H%E1%BB%9Bi

_________________________________________

Tổng hợp: Diệp Minh Tâm, tháng 4/2020

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *