“Chịu đựng những gì không thể chịu đựng được” – Hoàng đế Hirohito

Thiên hoàng Chiêu Hòa (Shōwa), tức Hoàng đế Nhật Bản với tên thật là Hirohito (1901-1989), làm vua từ năm 1926 đến 1989, có thời gian trị vì dài hơn bất cứ một Thiên hoàng nào khác trong lịch sử Nhật Bản, và là vị vua đầu tiên cho biết mình không phải là thần thánh như truyền thống hằng gieo rắc trong tâm trí dân Nhật.

Cuộc đời ông chứng kiến không ít sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Nhật. Ngày 26 tháng 7 năm 1945, Anh, Mỹ và Trung Hoa Dân quốc thông qua và gửi cho Nhật Bản Tuyên cáo Potsdam mang tính tối hậu thư, đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức nếu không sẽ bị “hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn”. Tuyên cáo cũng đề ra một số biện pháp áp dụng cho nước Nhật sau khi đầu hàng, nhằm loại bỏ nguy cơ phục hồi chủ nghĩa quân phiệt và nhằm dân chủ hóa nước Nhật. Tuyên cáo này đánh dấu sự thất bại của Nhật Bản khi định thông qua con đường ngoại giao để chia rẽ khối Đồng Minh, trước hết là chia rẽ Liên Xô-Anh-Hoa Kỳ.

Nhật Bản phớt lờ bản tuyên cáo và vẫn tiến hành chiến tranh. Sáu ngày sau khi quả bom nguyên tử thứ hai nổ trên Thành phố Nagasaki, đài phát thanh Tokyo báo trước cho dân chúng Nhật đón nghe một tin tối quan trọng. Lúc 12 giờ trưa ngày 15-8-1945, ở khắp nơi trên nước Nhật, mọi người quây quần bên chiếc radio, nghe diễn văn – mà đối với dân Nhật có giá trị như là chỉ dụ – của Hoàng đế Hirohito.

Lần đầu tiên, dân Nhật nghe được giọng nói của vị Hoàng đế mà họ tôn thờ như thần thánh. Bài diễn văn vẫn giữ chí khí của một quân vương, không một lần thốt ra từ “đầu hàng” nhưng ai cũng hiểu ra ý nghĩa này, tuy vẫn sai lạc ở vài điểm, như khi nói Nhật Bản “không hề có ý nghĩ xâm phạm quyền tự chủ của những quốc gia khác”.

Diễn văn kết thúc chiến tranh

Hỡi thần dân tốt và trung thành của Trẫm!

Hirohito
Hirohito thời Thế chiến 2

Sau khi suy nghĩ sâu sắc về những xu hướng tổng thể của thế giới và về tình hình thực tế diễn ra trên Đế quốc chúng ta hiện giờ, Trẫm quyết định giải quyết tình thế hiện nay qua một biện pháp khác thường.

Trẫm đã chỉ thị cho Chính phủ chúng ta thông báo cho các Chính phủ của Hoa Kỳ, Anh quốc, Trung Hoa và Liên Xô rằng Đế quốc chúng ta chấp nhận những điều khoản trong tuyên cáo chung của họ.

Phấn đấu cho thịnh vượng chung và hạnh phúc của tất cả các quốc gia – cũng như cho an ninh và bình yên của các thần dân Trẫm – là nghĩa vụ long trọng đã được lưu truyền qua các đấng tiên triều Đế quốc, và được Trẫm mãi ấp ủ trong tim.

Thật vậy, chúng ta tuyên chiến với Mỹ và Anh phát xuất từ ước muốn chân thành là đảm bảo sự tồn tại của Nhật Bản và sự ổn định vùng Đông Á, mà không hề có ý nghĩ xâm phạm quyền tự chủ của những quốc gia khác hoặc bành trướng lãnh thổ.

Nhưng bây giờ, chiến tranh đã kéo dài gần bốn năm. Dù cho mọi người đã làm tốt nhất – sự chiến đấu anh dũng của các lực lượng quân sự và hải quân, tính cần cù và chuyên cần của các công bộc nhà nước và công lao cống hiến của trên 100 triệu người – tình hình chiến sự diễn biến không nhất thiết có lợi cho Nhật Bản, trong khi xu hướng chung của thế giới chống lại lợi ích của Nhật Bản.

Hơn nữa, kẻ thù bắt đầu sử dụng một loại bom mới và tàn bạo, có sức mạnh tàn phá không kể xiết, lấy đi nhiều sinh mạng vô tội. Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu, việc này không những gây ra sự sụp đổ và sự xóa sổ chung cục của đất nước Nhật Bản, là còn đưa nền văn minh nhân loại đến chỗ diệt vong.

Nếu là như thế, làm thế nào Trẫm cứu được hàng triệu thần dân của Trẫm, hoặc làm thế nào Trẫm chuộc lỗi với anh linh của các đấng tiên triều Đế quốc? Đấy là lý do tại sao Trẫm đã ra chỉ thị chấp nhận những điều khoản trong tuyên cáo chung của các cường quốc.

Trẫm không đặng đừng bày tỏ cảm nghĩ sâu sắc nhất là lấy làm tiếc đối với những quốc gia đồng minh của chúng ta ở Đông Á, những người đã tích cực cộng tác với Đế quốc hướng về sự giải phóng Đông Á.

Ý nghĩ về những sĩ quan và binh sĩ cũng như về những người khác đã ngã xuống trên các chiến trường, những người hy sinh ở vị trí làm nghĩa vụ của họ, và những người gặp cái chết cùng tất cả tang quyến, đều làm cho Trẫm đau đớn cả ngày lẫn đêm.

An sinh của những người bị thương, những người chịu khổ đau vì chiến tranh, những người mất nhà cửa và mất kế sinh nhai là những đối tượng trong ước muốn sâu sắc của Trẫm. Những gian khổ và chịu đựng mà đất nước chúng ta trải qua từ nay về sau chắc chắn sẽ là to tát.

Trẫm có ý thức sâu sắc về những cảm nghĩ trong thâm tâm của mọi người – những thần dân của Trẫm. Tuy nhiên, theo những tiếng gọi của thời đại và định mệnh mà Trẫm dọn đường cho một nền hòa bình lớn lao cho tất cả các thế hệ về sau, bằng cách tỏ ra nhẫn nhục đối với những gì không thể nhẫn nhục được và chịu đựng những gì không thể chịu đựng được. Trong khả năng có thể cứu vãn và duy trì cơ cấu của Đế chế, Trẫm luôn ở bên các người, những thần dân tốt và trung thành của Trẫm, dựa trên lòng chân thành và chính trực của các người.

Hãy cảnh giác đối với bất kỳ sự bộc phát cảm xúc nào vốn có thể gây hệ lụy không cần thiết, và đối với bất kỳ sự đua tranh và xung đột huynh đệ nào vốn có thể gây hoang mang, làm cho các người lầm đường lạc lối và khiến cho các người mất lòng tin của toàn thế giới.

Hãy để cho cả dân tộc tiếp tục sống như là một gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, luôn vững niềm tin rằng mảnh đất thiêng liêng này sẽ không bao giờ lụi tàn, luôn nhớ đến những trách nhiệm nặng nề và con đường dài trước mặt. Hãy kết hợp toàn thể sức mạnh của các người nhằm cống hiến cho sự nghiệp gây dựng tương lai. Hãy trau dồi đường lối chính trực, tinh thần cao thượng, và quyết tâm làm việc hầu các người có thể củng cố vinh quang thiên phú của Đế chế và tiến bước cùng sự phát triển của thế giới.

Tất cả các người, thần dân của Trẫm, Trẫm chỉ thị cho các người hành động thể theo ý nguyện của Trẫm.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản dịch Anh văn: http://www.emersonkent.com/speeches/surrender_hirohito.htm

 

One thought on ““Chịu đựng những gì không thể chịu đựng được” – Hoàng đế Hirohito

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *