Ronald Reagan (1911-2004) là tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1981-1989. Sau khi nhận bằng cử nhân kinh tế và xã hội học, ông làm phát thanh viên cho đài phát thanh, rồi làm diễn viên điện ảnh và sau đó làm diễn viên truyền hình. Ông vượt qua tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter để đắc cử tổng thống, rồi bắt đầu những chính sách kinh tế rộng lớn dựa trên khía cạnh cung thay vì cầu.
Nhờ tài hùng biện, ông thuyết phục được đại đa số nhân dân Mỹ và nhiều nước đồng minh để đồng thuận với ông. Một số bài diễn văn của ông được đánh giá là có tính hùng biện cao trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trong các cuộc xếp hạng tổng thống Mỹ, Ronald Reagan luôn được đánh giá khá cao, thường ở trong nhóm 10 tổng thống Mỹ hàng đầu.
Trong số các bãi đổ bộ Ngày D trong Thế chiến II, bãi Mũi Hoc (Pointe du Hoc), ở miền Normandie nước Pháp, được giao cho Biệt động quân Mỹ, là vị trí khó khăn nhất. Mũi Hoc có những vách đá cao hơn 30m, nằm ở giữa hai bãi đổ bộ khác là Omaga và Utah. Quân Đức trú trong những lô cốt bê-tông chắc chắn trên Mũi Hoc có tầm quan sát bao quát trên bãi biển phía dưới và mặt biển ngoài xa. Vì thế, đại bác và súng liên thanh Đức gây nhiều thiệt hại cho tàu thuyền Đồng Minh gần bờ biển và quân đổ bộ.
Dưới lằn đạn xối xả của Đức, Biệt động quân Mỹ kiên trì hứng chịu nhiều thiệt hại, vẫn cố tìm cách xông lên bãi biển trống trải, rồi dùng dây thừng và thang leo tiến lên Mũi Hoc, truy lùng các khẩu đại pháo Đức mà tiêu hủy. Từng bước tiến đều đẫm máu với sự hy sinh khủng khiếp. Trong hai ngày kế tiếp, thiếu vắng tăng viện, họ phải đơn độc chống trả các cuộc phản công của Đức.
Ngày 6 tháng 6 năm 1984, kỷ niệm năm thứ 40 Ngày D, các cựu chiến binh Đồng minh chiến đấu trong cuộc đổ bộ Normandie và thân nhân họ của họ tề tựu ở Mũi Hoc. Nguyên thủ của các nước Đồng minh cũng có mặt: Nữ hoàng Elizabeth II của Anh, Vua Baudouin I của Bỉ, Thủ tướng Pierre Elliott Trudeau của Canada, Nữ hoàng Beatrix của Hà Lan, Đại Công tước Jean của Luxembourg, Tổng thống Ronald Reagan của Mỹ, và Vua Olav V của Na Uy.
Reagan đọc một bài diễn văn trong buổi lễ kỷ niệm, được đánh giá như sau:
* Một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong Thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).
* Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.
Diễn văn kỷ niệm 40 năm ngày D
Chúng ta đến đây để đánh dấu một ngày lịch sử, khi các lực lượng Đồng minh chiến đấu bên nhau để giành lại lục địa này cho nền tự do. Trong bốn năm dài, phần lớn Châu Âu nằm trong bóng tối khủng khiếp. Các quốc gia tự do sụp đổ, người Do Thái than khóc trong các trại tập trung, hàng triệu người kêu la xin được giải phóng. Châu Âu lâm vào cảnh đày đọa và thế giới cầu mong sự giải thoát cho họ. Nơi đây, ở vùng Normandie, cuộc giải thoát bắt đầu. Nơi đây, quân Đồng minh trụ vững và chiến đấu chống lại nền chuyên chế, trong một cuộc hành quân lớn lao chưa từng có trong lịch sử loài người.
Chúng ta đang đứng trên một mũi đất cô đơn, lộng gió trên bờ biển miền bắc nước Pháp. Không khí dìu dịu, nhưng bốn mươi năm về trước, chính vào thời điểm này, bầu không khí dầy đặc khói lửa và tiếng thét của con người, bầu không khí lấp đầy bởi tiếng súng chát chúa và tiếng gầm rú của đại bác. Vào lúc bình minh, sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944, 225 Biệt động quân Mỹ nhảy xuống từ tàu đổ bộ Anh rồi chạy đến chân những vách đá này.
Nhiệm vụ của họ nằm trong số những nhiệm vụ khó khăn nhất và táo bạo nhất trong cuộc đổ bộ: phải leo lên những vách đá cheo leo hoang vắng này để tìm cách tiêu diệt pháo của địch. Quân Đồng minh được báo rằng một số đại pháo mạnh nhất đã được bố trí ở đây, hướng tầm ngắm xuống các bãi biển để mong chặn bước tiến của Đồng minh.
Biệt động quân Mỹ nhìn lên và trông thấy quân địch ở rìa vách đá, đang bắn đại liên và ném lựu đạn xuống họ. Nhưng Biệt động quân bắt đầu tổ chức leo lên vách đá. Họ bắt các thang leo bằng dây thừng qua bề mặt các vách đá rồi bắt đầu leo lên. Khi một Biệt động quân ngã xuống, một người khác thế chỗ anh ta. Khi một dây thừng bị cắt, một Biệt động quân nắm lấy một dây thừng khác rồi leo lên. Họ kiên trì leo lên, bắn trả, và cố trụ vững. Chẳng bao lâu, từng người một, Biệt động quân lên được đỉnh vách đá, và khi chiếm lấy khu đất vững chắc trên mũi đá này, họ bắt đầu giành lại lục địa Châu Âu. Hai trăm hai mươi lăm người lính đã đến đây. Sau hai ngày chiến đấu, họ chỉ còn có chín mươi tay súng.
Phía sau chỗ tôi đứng đây là một đài tưởng niệm để hình tượng hóa những mũi lê đâm lên đỉnh các vách đá ấy. Và trước mặt tôi là những người đâm các mũi lê ngày ấy. Đấy là những chàng trai trẻ của Mũi Hoc. [vỗ tay] Đấy là những người chiếm được các vách đá. Đấy là những chiến sĩ góp công vào việc giải phóng một lục địa. Và đấy là những anh hùng góp công vào việc chấm dứt cuộc chiến. Thưa các bạn, tôi nhìn các bạn mà nhớ đến những câu trong bài thơ của Stephen Spender. Các bạn là những người “trong cuộc đời mình chiến đấu cho đời rồi để cho làn gió sinh động vinh danh bạn.”
Tôi nghĩ tôi biết được các bạn đang nghĩ gì vào lúc này – nghĩ rằng “Chúng tôi chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn; ngày hôm ấy ai cũng dũng cảm”. Đúng là ai cũng dũng cảm. Các bạn còn nhớ câu chuyện của Bill Millin thuộc Sư đoàn 51 Sơn cước không? Cách đây đúng bốn mươi năm, quân Anh bị ép nằm bẹp kế một cây cầu, khẩn trương trông chờ tăng viện.[1] Thình lình, họ nghe âm thanh kèn túi, và một số người nghĩ mình đang nằm mơ. Nhưng mà, không phải họ mơ đâu. Họ nhìn lên và thấy Bill Millin với chiếc kèn túi của anh ta, đi đầu đội quân tăng viện và không màng gì đến tiếng đạn bay veo véo chung quanh.
Lord Lovat[2] đi cùng anh ta – Lord Lovat từ Scotland, người điềm tĩnh cất tiếng khi bước lên cây cầu: “Xin lỗi, tôi đến chậm vài phút,” như thể ông đã bị muộn do ùn tắc giao thông, trong khi thật ra ông đến từ trận đánh đẫm máu trên Bãi Sword [Gươm] mà ông và binh sĩ dưới quyền vừa chiếm được.
Lại có lòng can trường đến mức hầu như không thể của quân Ba Lan, tự lót thân mình giữa quân thù và phần còn lại của Châu Âu. Lại có lòng dũng cảm không ai bằng của quân Canada vốn đã nhìn thấy những cảnh kinh hoàng của chiến tranh trên bãi biển này. Họ biết những gì đang chờ đón họ, nhưng họ không chùn bước. Và một khi đặt chân lên Bãi Juno, họ không bao giờ ngoái nhìn lại.
Tất cả những người này là một phần của những tên tuổi được vinh danh, toát lên niềm hãnh diện cũng sáng ngời như màu cờ của họ: [Reagan kể tên những đơn vị quân đội Đồng Minh tham gia].
Bốn mươi mùa hè trôi qua sau trận đánh mà các bạn tham gia ở đây. Vào ngày các bạn chiếm lấy vách đá này, các bạn còn là thanh niên; vài người trong số các bạn còn là trai mới lớn với những nguồn vui thời tuổi trẻ trước mặt. Nhưng các bạn lại chịu hy sinh tất cả ở đây. Tại sao? Tại sao các bạn làm việc ấy? Điều gì thôi thúc các bạn gạt qua một bên bản năng sinh tồn mà chấp nhận sẵn sàng hy sinh đời mình để chiếm lấy những vách đá này? Điều gì động viên tất cả binh sĩ của các đoàn quân để tập họp nơi đây? Chúng tôi nhìn các bạn, và bằng cách nào đấy chúng tôi biết câu trả lời. Đấy là đức tin và xác tín. Đấy là lòng trung thành và tình thương yêu.
Các binh sĩ ở Normandie xác tín rằng việc họ đang làm là đúng, xác tín rằng họ chiến đấu cho cả nhân loại, xác tín rằng một Thượng Đế công tâm sẽ ban phước cho họ trên bãi biển đầu cầu này, hoặc trên bãi biển kế tiếp. Đấy là lòng tin sâu sắc – và cảm ơn Chúa, cho đến giờ chúng ta vẫn chưa mất lòng tin ấy – rằng có sự khác biệt sâu sắc về đạo đức giữa việc sử dụng vũ lực để giải phóng và việc sử dụng vũ lực để xâm lược. Các bạn ở đây để giải phóng, không phải để xâm lược, vì thế mà các bạn cùng những người khác không hề nghi ngờ gì về lý tưởng của mình. Và các bạn đã đúng khi không nghi ngờ.
Tất cả các bạn đều biết rằng có một số lý tưởng đáng cho chúng ta hy sinh thân mình. Đất nước là đáng cho người ta hy sinh thân mình, và dân chủ là đáng cho người ta hy sinh thân mình bởi vì đấy là thể chế chính quyền danh giá sâu sắc nhất từng do con người lập nên. Tất cả các bạn đều yêu chuộng tự do. Tất cả các bạn sẵn sàng chiến đấu chống lại kẻ chuyên chế, và các bạn biết rõ nhân dân của quốc gia các bạn đang hậu thuẫn sau lưng mình.
Những người Mỹ chiến đấu ở đây buổi sáng hôm ấy biết rằng tin tức về cuộc đổ bộ đang lan nhanh về quê nhà qua màn đêm. Họ chiến đấu – hoặc cảm nhận trong con tim, dù họ không thể biết xác thực, rằng ở Georgia người ta đang ngồi đầy trong các nhà thờ lúc 4 giờ sáng. Ở Kansas người ta đang quỳ trên hiên nhà mà cầu nguyện. Và ở Philadelphia người ta đang dóng lên tiếng Chuông Tự do[3].
Còn có những điều gì khác nữa hỗ trợ những người lính trong Ngày D; niềm tin sắt đá rằng Ơn Trên sẽ phù hộ trong những sự kiện sẽ diễn ra ở đây; rằng Chúa là một đồng minh trong lý tưởng cao cả này. Vì thế, vào đêm trước cuộc đổ bộ, khi Trung tá Wolverton[4] yêu cầu lính dù của ông quỳ xuống cùng ông để cầu nguyện, ông bảo họ: “Đừng cúi đầu, mà hãy nhìn lên để các bạn có thể thấy Chúa và cầu xin ơn phước của Ngài đối với những gì chúng ta sắp làm.” Cũng trong đêm ấy, trên chiếc giường dã chiến của mình, Tướng Matthew Ridgway[5] đang lắng nghe trong màn đêm lời Chúa hứa với Joshua: “Ta sẽ không quên ngươi và cũng không bỏ rơi ngươi.”
Đấy là những gì thôi thúc họ; đấy là những gì định hình tình đoàn kết của Đồng minh.
Khi cuộc chiến kết thúc, cần phải xây dựng lại nhiều cuộc sống và cần phải trao lại nhiều chính quyền cho nhân dân. Có một số quốc gia ra đời. Trên hết, cần phải đảm bảo một nền hòa bình mới. Đấy là những nhiệm vụ nặng nề và ngoan cường. Nhưng các nước Đồng minh huy động sức mạnh từ sự xác tín, đức tin, lòng trung kiên và tình thương yêu đối với những người đã ngã xuống nơi đây. Họ chung tay xây dựng lại một Châu Âu mới. Trước nhất, có sự hòa giải tuyệt vời giữa những cựu thù, tất cả đều chịu khổ đau nặng nề. Hiệp Chủng quốc đóng góp phần mình, lập nên Kế hoạch Marshall[6] để hỗ trợ việc tái thiết các đồng minh của chúng ta và cựu thù của chúng ta. Kế hoạch Marshall dẫn đến liên minh Đại Tây Dương – một liên minh to tát còn phục vụ cho đến ngày hôm nay như là lá chắn cho tự do, cho thịnh vượng, và cho hòa bình.
Dù cho có những nỗ lực và thành tựu lớn lao, không phải mọi chuyện diễn ra sau chiến tranh đều thỏa đáng hoặc theo kế hoạch. Một số quốc gia được giải phóng đã mất đi. Nỗi buồn nặng nề nhất của sự mất mát này còn vang vọng đến thời đại của chúng ta qua các đường phố của Warsaw, Prague, và Đông Berlin. Quân đội Liên Xô đến vùng trung tâm của lục địa này rồi không chịu rời đi khi hòa bình đến. Họ vẫn còn ở đây mà không ai mời, không ai muốn, họ vẫn khăng khăng, gần bốn mươi năm sau chiến tranh. Vì việc này, lực lượng Đồng minh vẫn còn được triển khai trên lục địa này. Ngày hôm nay, giống như bốn mươi năm về trước, quân đội của chúng ta đóng ở đây chỉ với một mục đích: nhằm bảo vệ và phòng bị nền dân chủ. Những lãnh thổ duy nhất mà chúng ta nắm giữ là các đài tưởng niệm giống như ở đây, và các nghĩa trang nơi các anh hùng của chúng ta yên nghỉ.
Ở Mỹ, chúng tôi học được những bài học đắng cay từ hai cuộc thế chiến. Phải hiện diện ở đây sẵn sàng để bảo vệ hòa bình, như thế tốt hơn là mù quáng trú mình bên kia đại dương, chỉ đổ xô đến đáp ứng sau khi mất đi nền tự do. Chúng tôi rút tỉa được bài học là chủ nghĩa cô lập[7] đã không bao giờ và sẽ không bao giờ là cách phản ứng chấp nhận được đối với các chính quyền chuyên chế có mưu đồ của chủ nghĩa bành trướng. Nhưng chúng ta luôn nỗ lực sẵn sàng cho hòa bình, sẵn sàng ngăn chặn sự gây hấn, sẵn sàng đàm phán việc cắt giảm vũ khí, và vâng, sẵn sàng vươn ra lần nữa trong tinh thần hòa giải. Thật ra, không có sự hòa giải nào mà chúng ta mong chờ hơn là hòa giải với Liên bang Xô viết, sao cho chúng ta có thể cùng với nhau giảm thiểu nguy cơ chiến tranh, bây giờ và mãi mãi.
Quả là hợp lẽ để nhớ lại ở đây những tổn thất to lớn mà nhân dân Nga gánh chịu trong Thế chiến II. Hai mươi triệu người chết, một cái giá khủng khiếp vốn minh chứng cho cả thế giới thấy là cần phải chấm dứt chiến tranh. Từ tận đáy lòng, tôi muốn nói với các bạn rằng Hiệp Chủng Quốc không muốn có chiến tranh. Chúng tôi muốn xóa hẳn trên mặt quả địa cầu các loại vũ khí kinh khủng mà con người đang sở hữu trong tay. Tôi muốn nói với các bạn, chúng tôi sẵn sàng chiếm lấy bãi biển đầu cầu đó. Chúng tôi muốn nhận ra dấu hiệu từ Liên bang Xô viết cho thấy họ sẵn lòng tiến lên phía trước, họ chia sẻ với chúng tôi khát vọng và tình yêu hòa bình, và họ từ bỏ con đường chinh phục. Phải có sự thay đổi ở đó hầu cho phép chúng tôi biến hy vọng thành hành động.
Chúng ta sẽ mãi cầu nguyện rằng một ngày nào đó, thay đổi ấy sẽ đến. Nhưng bây giờ, đặc biệt là ngày hôm nay, chúng ta nên tái khẳng định lời cam kết với nhau, với nền tự do của chúng ta, và với liên minh bảo vệ nền tự do ấy.
Ngày hôm nay, chúng ta gắn bó với nhau bởi cùng những điều đã gắn bó chúng ta 40 năm trước, cùng những tình trung kiên ấy, cùng những truyền thống ấy, cùng những đức tin ấy. Chúng ta gắn bó với nhau do thực tế đòi hỏi. Sức mạnh của những đồng minh Mỹ là vô cùng hệ trọng đối với Hiệp Chủng Quốc, và việc đảm bảo an ninh nước Mỹ là tối cần thiết cho tự do lâu dài của các nền dân chủ Châu Âu. Lúc ấy chúng tôi ở bên các bạn; bây giờ chúng tôi vẫn ở bên các bạn. Những hy vọng của các bạn cũng là những hy vọng của chúng tôi, và định mệnh của các bạn là định mệnh của chúng tôi.
Nơi đây, ở nơi chốn mà phương Tây sát cánh bên nhau, chúng ta hãy có lời khấn nguyện với những người đã nằm xuống của chúng ta. Bằng hành động, chúng ta hãy chứng tỏ với họ rằng chúng ta hiểu được họ đã hy sinh vì điều gì. Hãy để hành động của chúng ta nói với họ ngôn từ mà Matthew Ridgway đã nghe: “Chúng tôi sẽ không quên người và cũng không bỏ rơi người.”
Được tiếp thêm nghị lực bằng tính can trường của họ, được động viên bằng lòng dũng cảm của họ và mang trong lòng hồi ức về họ, chúng ta hãy tiếp tục giữ vững những chân lý mà vì đó họ đã sống và chết.
Cảm ơn các bạn rất nhiều, và xin Ơn Trên phù hộ cho tất cả các bạn.
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: YouTube – http://www.youtube.com/watch?v=eEIqdcHbc8I
Chú thích
[1] Chờ tăng viện: trước đó, lính dù Anh được thả xuống bằng tàu lượn, nhanh chóng chiếm được những cây cầu qua Sông Orne và Kênh Caen. Quân Đức chỉnh đốn lại lực lượng rồi phản công. Lính dù Anh bị tiêu hao liên tục dưới hỏa lực của Đức, nhưng họ cố trụ vững đến gần kiệt sức. Khi Lord Lovat dẫn đoàn quân tiến gần đến cầu Kênh Caen, ông ra lệnh cho Bill Millin thổi to khúc nhạc của Scotland bằng kèn túi, làm cho cả hai bên Anh và Đức đang bắn nhau trong khu vực lấy làm vô cùng kinh ngạc.
[2] Lord Lovat là tước vị cha truyền con nối ở Anh. Lúc diễn ra cuộc đổ bộ lên Normandie, Simon Fraser (1911-1995) là Lord Lovat thứ 15, mang quân hàm thiếu tướng, chỉ huy Lữ đoàn 1 Lực lượng Đặc biệt của Anh.
[3] Chuông Tự do (Anh ngữ: Liberty Bell): một trong những biểu tượng của nền độc lập của Hoa Kỳ, được đặt tại Thành phố Philadelphia, Bang Pennsylvania, được dóng lên để đánh dấu việc công bố bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ vào ngày 08 tháng 7 năm 1776.
[4] Trung tá Robert L. Wolverton (1914-1944): Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 506, Sư đoàn 101 Không vận. Ông tử trận ở Normandie chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi cầu nguyện cùng 750 binh sĩ của tiểu đoàn dưới quyền. Bài cầu nguyện của ông được lưu truyền rộng rãi và được nhắc lại trong các buổi lễ tưởng niệm ông sau này.
[5] Matthew B. Ridgway (1895-1993) lúc đó là trung tướng (hai sao) Tư lệnh Sư đoàn 82 Không vận, lập kế hoạch hành quân cho lực lượng không vận trong chiến dịch đổ bộ, rồi cùng Sư đoàn 82 Không vận nhảy dù xuống Normandie. Sau này, ông được Tổng thống Reagan trao tặng Huân chương Tự do.
[6] Kế hoạch Marshall mang tên Ngoại trưởng Mỹ George Marshall: là chương trình của Mỹ nhằm viện trợ tái thiết các nước Tây Âu bị tàn phá trong Thế chiến II. Kế hoạch Marshall được thực hiện trong 4 năm, bắt đầu từ năm 1948.
[7] Chủ nghĩa cô lập thịnh hành ở nước Mỹ trước Thế chiến II, thậm chí được luật hóa, với chủ đích không muốn Mỹ bị lôi kéo vào các cuộc xung đột quốc tế.
[…] Diễn văn kỷ niệm 40 năm Ngày D – Ronald Reagan – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/dien-van-ky-niem-40-nam-ngay-d-ronald-reagan/ […]