Nhà quý tộc người Anh, Bá tước Spencer (1964- ) mang tước vị Bá tước Spencer thứ 9 trong dòng họ, có tên nguyên là Charles Edward Maurice Spencer, là em trai của Công nương Diana. Ông là tác gia, ký giả báo in, và nhân viên phát thanh truyền hình.
Công nương Diana (1961-1997), tước vị Princess of Wales [Công nương Xứ Wales] từ 1981 đến 1997, thành hôn với Thái tử Charles tháng 7 năm 1981. Diana và Thái tử Charles chính thức ly dị nhau từ tháng 8/1996. Sau khi ly dị, Diana vẫn được gọi là Lady Diana hoặc Princess of Wales, nhưng không còn được phép dùng tước vị Her Royal Highness [Công nương Hoàng gia].
Vào ngày 31 tháng 8 năm 1997, Diana bị tai nạn ô tô ở Thành phố Paris nước Pháp dẫn đến tử vong. Ngày 9 tháng 9, tang lễ Diana được cử hành ở Thánh đường Wesminster, London, và người em trai, Bá tước Spencer, đọc điếu văn. Tang lễ được trực tiếp truyền hình đến nhiều nước trên thế giới, và là một trong những sự kiện có số người xem truyền hình trực tiếp nhiều nhất.
Bài điếu văn này sau đó gây tranh cãi vì có ngôn từ bất mãn, ngầm chỉ trích Hoàng gia Anh (như trong câu “chị ấy không cần có tước vị hoàng gia”). Tuy thế, bài điếu văn được in trong một sách văn phạm tiếng Anh như là một ví dụ nổi bật vì được xem là một trong những bài diễn văn hay nhất trong Thế kỷ 20.
Bài điếu văn này được báo The Guardian (Anh quốc) xếp hạng 14 trong số những bài phát biểu vĩ đại của Thế kỷ 20.
Điếu văn
Hôm nay tôi đứng trước quý vị, người đại diện cho tang quyến, trong một đất nước đang đau buồn trước một thế giới đang bị sốc. Tất cả chúng ta cùng đồng lòng không những trong ước muốn bày tỏ sự thương tiếc đối với Diana, nhưng thật ra cần phải làm thế. Bởi do chính sự lôi cuốn khác thường của chị ấy mà hàng chục triệu người đang tham dự lễ tang này khắp khắp thế giới qua truyền hình và phát thanh, những người chưa bao giờ gặp chị ấy, mà trong những giờ đầu của buổi sáng Chủ Nhật cũng cảm thấy mất mát một người thật gần gũi với mình. Việc này thay cho lời ai điếu cho Diana còn có ý nghĩa hơn là lời ai điếu tôi đã mong mỏi dành cho chị ấy ngày hôm nay.

Phẩm chất của Diana là lòng trắc ẩn, nghĩa vụ, phong cách, và nét đẹp. Trên khắp thế giới, chị ấy là hiện thân cho lòng nhân văn vị tha, là người giương ngọn cờ cho quyền của người bị áp bức, chính là người con gái nước Anh đã vượt qua sự ngăn cách về quốc tịch, một người với gốc quý tộc tự nhiên nhưng lại không phân biệt giai cấp, một người mà năm rồi đã chứng tỏ rằng chị ấy không cần có tước vị hoàng gia mà vẫn tiếp tục phát tiết sức lôi cuốn đặc biệt của mình.
Hôm nay là cơ hội cho chúng ta nói lên câu “cảm ơn chị” đối với với cách chị ấy soi rọi cuộc sống của chúng ta, cho dù Thượng để chỉ ban cho chị ấy phân nửa cuộc đời. Tất cả chúng ta sẽ luôn cảm thấy bị lừa dối vì chị ấy bị mang đi khỏi chúng ta quá sớm, tuy vậy chúng ta phải biết tri ân vì chị ấy đã đồng hành với chúng ta. Chỉ bây giờ khi chị ấy đã ra đi, chúng ta mới thật sự nhận ra mình mất mát ra sao, và chúng ta mong chị ấy hiểu rằng cuộc đời không có chị quả thật là khó khăn, rất khó khăn. Trong tuần vừa qua, tất cả chúng ta cảm thấy tuyệt vọng vì sự mất mát, và chỉ có nghị lực trong thông điệp mà chị ấy đã truyền cho chúng ta trong những năm tháng của đời chị mới tiếp được nghị lực cho chúng ta tiến bước.
Dễ có sự thúc đẩy muốn vội vàng thần thánh hóa hoài niệm về chị ấy. Không cần thiết phải làm thế. Chị ấy đã vươn cao như là một con người với những phẩm chất độc đáo nên không cần được xem như là một vị thánh. Thật ra, nếu thánh hóa hoài niệm về chị ấy, ta sẽ đánh mất cái cốt lõi của cuộc đời chị, đánh mất luôn sự hóm hỉnh tinh quái một cách diệu kỳ với tiếng cười khiến gập cả người, niềm vui đối với cuộc đời được truyền đi mỗi khi chị nở nụ cười, và nét long lanh trong đôi mắt khó quên ấy, nguồn năng lượng ngút ngàn mà chị khó kìm nén.
Nhưng món quà lớn lao nhất của chị ấy là trực quan của chị, và đấy là món quà mà chị vận dụng một cách khôn khéo. Đấy là nền tảng cho những tố chất tuyệt vời khác của chị. Nếu ta phân tích tìm hiểu những gì tạo nên sức thu hút rộng rãi đó, chúng ta tìm thấy trong bản năng của chị ấy thật sự quan trọng trong cuộc đời của tất cả chúng ta.
Không có tính chất nhạy cảm thiên bẩm của chị ấy, chúng ta hẳn sẽ chìm lấp vào sự dốt nát tệ hại hơn trong nỗi thống khổ của những nạn nhân của AIDS và HIV, hoàn cảnh bi đát của những người vô gia cư, tình cảnh bị cách ly của những người bị bệnh hủi, sự tàn phá vô tội vạ của bom mìn chưa nổ. Có lúc Diana giải thích với tôi rằng chính nhờ những cảm xúc nội tại của chị ấy về những thống khổ đã giúp chị kết nối với cộng đồng những người bị bỏ bê.
Đến đây chúng ta biết được một sự thật về chị ấy. Đối với tất cả vị thế, sức mê hoặc, sự tán thưởng, trong thâm tâm Diana vẫn luôn là một người cảm thấy bất an, có tính gần như là trẻ thơ trong mong muốn làm điều tốt lành cho người khác hầu chị ấy có thể tự giải thoát mình khỏi cảm nghĩ sâu đậm là mình vô tích sự, trong đó những xáo trộn trong việc ăn uống chỉ là một triệu chứng. Thế giới cảm nhận phần này của tính cách chị và yêu mến chị vì tính chất dễ tổn thương của chị, trong khi ngưỡng mộ chị vì tính chân thật.
Lần cuối cùng tôi gặp Diana là vào ngày 1 tháng 7, sinh nhật của chị ấy, ở London, khi theo thông lệ chị không dành thời gian ăn mừng ngày đặc biệt này với bạn bè của chị, nhưng là khách mời danh dự trong một buổi tối gây quỹ từ thiện. Dĩ nhiên là chị ấy toát ra vẻ rạng rỡ, nhưng tôi vẫn muốn ghi nhớ những ngày tôi ở bên chị ấy trong tháng 3, khi chị đến thăm tôi và các con tôi tại nhà chúng tôi ở Nam Phi. Tôi lấy làm hãnh diện ở điểm là ngoại trừ thời gian chị ấy xuất hiện trước công chúng khi gặp gỡ Tổng thống Mandela, chúng tôi cố gắng ngăn chặn nhóm người săn ảnh lúc nào cũng theo đuổi để cố chụp lấy một bức ảnh có một mình chị. Cố gắng đó có ý nghĩa rất nhiều đối với chị ấy.
Đấy là những ngày mà tôi luôn trân quý. Đấy như thể là chúng tôi được trở lại thời trẻ nhỏ, khi chúng tôi giành rất nhiều thời gian bên nhau, hai đứa trẻ nhỏ nhất trong gia đình. Về mặt cơ bản, chị ấy không thay đổi gì cả từ lúc là người chị trông nom tôi như là em bé, hai chúng tôi đánh nhau ở trường học, và chịu đựng những chuyến đi lại dài bằng xe hỏa giữa hai gia đình để gặp tôi vào dịp cuối tuần. Đấy là sự tôn vinh đối với tính điềm đạm và nghị lực của chị mà dù cho cuộc sống kỳ lạ nhất sau thời thơ ấu, chị ấy vẫn không thay đổi, vẫn là chính mình.
Chắc chắn là vào lúc ấy chị ấy đang tìm kiếm một hướng đi mới trong cuộc đời của mình. Chị luôn nói về việc đi khỏi nước Anh, chủ yếu là do sự đối xử của báo chí. Tôi không nghĩ chị ấy hiểu được tại sao giới truyền thông lại chế nhạo những ý định thật sự tốt lành của chị, tại sao dường như luôn có người muốn dựa vào báo chí mà hạ thấp chị ấy. Quả thật là khó hiểu. Giải thích của tôi, và giải thích duy nhất, là điều tốt lành thật sự đang đe dọa những người ở đầu đối diện của dải phân bố đạo đức.
Có một điểm cần nhớ rằng trong số những điều trớ trêu về Diana, có lẽ điều trớ trêu nhất là như thế này: một cô gái mang tên của nữ thần săn bắn[i], cuối cùng lại là người bị săn đuổi nhất trong thời hiện đại. Chị ấy hẳn muốn chúng ta ngày hôm nay cam kết sẽ bảo vệ hai đứa trẻ yêu quý của chị, William và Harry, tránh khỏi số phận tương tự. Ở đây, chị Diana ạ, em sẽ thay mặt chị mà thực hiện việc này. Chúng ta sẽ không cho phép hai trẻ trải qua cùng nỗi khổ vốn thường đẩy chị vào nỗi tuyệt vọng thấm đẫm nước mắt. Và hơn nữa, thay mặt cho mẹ và các chị của chúng tôi, tôi cam kết rằng chúng tôi, gia đình ruột thịt của chị, sẽ làm tất cả những gì có thể nhằm tiếp tục con đường sáng tạo và yêu thương mà theo đó chị đang hướng hai đứa trẻ phi thường này, hầu tâm hồn của chúng không những được đắm chìm trong nghĩa vụ và truyền thống mà còn có thể ca hát như chị đã từng trù định.
Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng di sản trong đó hai trẻ sinh ra, và sẽ luôn tôn trọng và khuyến khích hai trẻ trong vai trò hoàng gia của chúng. Nhưng chúng tôi, cũng như chị, nhận ra sự cần thiết cho hai trẻ kinh qua càng nhiều khía cạnh của cuộc đời càng tốt, nhằm chuẩn bị cho hai trẻ về mặt tâm linh và xúc cảm trong những năm sắp đến. Tôi biết chị mong đợi ít nhất phải là thế.
Hai cháu William and Harry, ngày hôm nay chúng tôi quan tâm rất nhiều đến hai cháu. Mọi người đều trao đổi với nhau trong nỗi đau buồn về sự mất mát. Sự chịu đựng của hai cháu to tát đến mức nào thì chúng tôi không thể nào hình dung được.
Tôi xin chấm dứt bằng cách cảm tạ Ơn Trên đối với ân phước mà Người đã dành cho chúng ta trong thời khắc đau buồn này; đối với việc mang Diana đi vào lúc chị ấy đẹp đẽ nhất và sáng ngời nhất và khi chị ấy có niềm vui trong cuộc sống riêng tư.
Trên hết, chúng ta cảm tạ đối với cuộc đời của một phụ nữ mà tôi lấy làm hãnh diện được gọi là chị: một Diana độc đáo, phức tạp, khác thường và không ai thay thế được, với vẻ đẹp, cả bên ngoài và nội tâm, sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm tưởng của chúng ta.
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: YouTube – http://www.youtube.com/watch?v=_lfxYhtf8o4
Chú thích
[i] Nữ thần săn bắn: mang tên Diana trong thần thoại La Mã và thần thoại Hy Lạp.
[…] “Chị ấy không cần có tước vị hoàng gia” – Bá tước Spencer – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/dieu-van-cho-cong-nuong-diana-ba-tuoc-spencer/ […]