“Đó là một quả bom nguyên tử” – Harry Truman

Harry S. Truman (1884-1972) là tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1945-1953. Ông làm Phó Tổng thống dưới quyền Tổng thống Franklin D. Roosevelt, và lên làm Tổng thống sau khi Roosevelt qua đời.

Sau khi quả bom nguyên tử phát nổ trên không phận Thành phố Hiroshima ngày 06 tháng 8 năm 1945, cùng ngày ấy Tổng thống Harry Truman có bài diễn văn thông báo về sự kiện lịch sử này.

Thông báo về quả bom nguyên tử ở Hiroshima

Mười sáu tiếng đồng hồ trước, một máy bay Mỹ thả một quả bom xuống Hiroshima, một căn cứ quân sự quan trọng[A] của Nhật Bản. Quả bom này có sức mạnh hơn 20.000 tấn chất nổ TNT. Nó có sức mạnh hơn 2.000 lần sức công phá của “Grand Slam” của Anh quốc, là quả bom lớn nhất từng được sử dụng trong lịch sử chiến tranh.

Người Nhật bắt đầu cuộc chiến từ không trung ở Trân Châu Cảng. Họ đã phải trả giá nhiều lần. Và vẫn chưa tới hồi kết cuộc. Với quả bom này, chúng ta được thêm sức tàn phá mới và có tính cách mạng nhằm bổ sung sức mạnh đang lên của các lực lượng vũ trang của chúng ta. Có thêm bom theo dạng hiện tại được sản xuất, và những dạng mạnh hơn đang được phát triển.

Truman
Truman: Đó là một quả bom nguyên tử

Đó là một quả bom nguyên tử. Quả bom này khai thác năng lượng cơ bản của vũ trụ. Nguồn năng lượng mà Mặt Trời phát tiết được dùng để chống lại những kẻ đã mang chiến tranh đến vùng Viễn Đông.

Trước năm 1939, các nhà khoa học tin rằng theo lý thuyết có thể phóng thích năng lượng nguyên tử. Nhưng không ai biết được phương pháp cụ thể để thực hiện việc này. Tuy nhiên, đến năm 1942, chúng ta được biết rằng người Đức đang cật lực làm việc để tìm cách thêm năng lượng nguyên tử vào các guồng máy chiến tranh khác mà họ hy vọng nhờ đó đưa thế giới vào vòng nô lệ. Chúng ta có thể lấy làm cảm kích với Ơn Trên ở chỗ người Đức đã chậm trễ trong việc chế tạo các hỏa tiễn V-1 và V-2 với số lượng hạn chế, và càng lấy làm cảm kích vì họ không làm ra được bom nguyên tử gì cả.

Chiến trận trong các phòng thí nghiệm đặt ra những rủi ro định mệnh cho chúng ta giống như các chiến trận trên không, trên đất liền và trên mặt biển, và bây giờ chúng ta thắng chiến trận trong các phòng thí nghiệm cũng như đã thắng trong các chiến trận khác.

Bắt đầu từ năm 1940, trước trận tập kích Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ và Anh quốc cùng nhau chia sẻ kiến thức khoa học trong chiến tranh, và nhiều sự hỗ trợ vô giá cho các chiến thắng của chúng ta bắt nguồn từ sự hợp tác này. Có các nhà khoa học Mỹ và Anh làm việc với nhau, chúng ta bước vào cuộc chạy đua khám phá chống lại người Đức.

Hoa Kỳ có sẵn một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học lỗi lạc trong nhiều lĩnh vực tri thức cần thiết. Chúng ta có nguồn lực phong phú về công nghiệp và tài chính cần thiết cho dự án này, và các nguồn lực ấy có thể được phân bổ vào việc này mà không làm phương hại đến những nghĩa vụ chiến tranh thiết yếu khác. Trên đất Hoa Kỳ, công việc trong phòng thí nghiệm và các nhà máy sản xuất đã bắt đầu đáng kể và nằm ngoài tầm thả bom của địch, trong khi đó nước Anh bị không kích liên tục và vẫn còn bị đe dọa bởi khả năng có một cuộc xâm lăng. Vì những lý do này, Thủ tướng Churchill và Tổng thống Roosevelt đồng ý rằng thực hiện dự án ở đây là điều khôn ngoan.

Hiện chúng ta có hai nhà máy lớn và nhiều công trình nhỏ hơn chuyên sản xuất sức mạnh nguyên tử. Số người làm việc trong giai đoạn cao điểm lên đến 125.000, và hiện giờ có trên 65.000 người đang tham gia vào việc vận hành các nhà máy. Nhiều người đã làm việc hai năm rưỡi nay. Ít người biết được họ đang sản xuất cái gì. Họ thấy những khối lượng lớn đi vào và họ không thấy gì đi ra khỏi các nhà máy này, bởi vì kích thước của khối gây nổ rất là nhỏ. Chúng ta đã chi tiêu 2 tỉ đô la cho canh bạc khoa học lớn nhất trong lịch sử – và đã thắng.

Nhưng điều kỳ diệu lớn lao nhất không phải là quy mô của công việc, mức độ bảo mật, hoặc chi phí, mà là thành tựu của những bộ óc khoa học trong việc kết nối với nhau những mảng kiến thức phức tạp của nhiều người trong các ngành khoa học khác nhau để hòa vào một kế hoạch khả thi. Và cũng không kém kỳ diệu là năng lực của ngành công nghiệp để thiết kế, và lao động để vận hành, máy móc và phương pháp để thực hiện những việc chưa từng được thực hiện trước đây, sao cho phát kiến của nhiều bộ óc cùng hội tụ để tạo nên thành quả như mong đợi. Cả hai ngành khoa học và công nghiệp làm việc dưới sự hướng dẫn của Quân đội Hoa Kỳ, để rồi đạt đến sự thành công độc nhất vô nhị trong việc quản lý một vấn đề thật đa dạng nhằm đưa đến sự tiến bộ về tri thức trong một thời gian ngắn đáng kinh ngạc. Khó mà tin được có một sự kết hợp nào khác như thế trên thế giới. Kết quả đạt được dưới áp lực và không có thất bại.

Chúng ta hiện sẵn sàng phá hủy nhanh chóng hơn và toàn diện hơn mọi công trình mà Nhật Bản có trên mặt đất ở bất kỳ thành phố nào. Chúng ta sẽ phá hủy những bến tàu của họ, những nhà máy của họ, và những cơ sở thông tin liên lạc. Đừng ai nghĩ sai về việc này; chúng ta sẽ phá hủy toàn bộ sức mạnh chiến tranh của Nhật Bản.

Chính vì muốn tránh cho nhân dân Nhật Bản không bị tận diệt mà tối hậu thư ngày 26 tháng 7 được đưa ra ở Potsdam.[B] Các nhà lãnh đạo của họ bác bỏ tối hậu thư ấy. Nếu bây giờ họ vẫn không chấp nhận những điều khoản của chúng ta, họ có thể trông chờ cơn mưa hủy diệt từ trên không, mà từ trước đến giờ chưa từng thấy trên quả đất này. Phía sau cuộc tấn công này sẽ là những lực lượng trên biển và trên bộ với quân số và sức mạnh mà họ chưa từng thấy cùng với trình độ tác chiến mà họ đã biết rõ.

Ông Bộ trưởng Chiến tranh, người đích thân theo sát mọi giai đoạn của dự án, sẽ có phát biểu để cung cấp thêm chi tiết. Phát biểu của ông ấy sẽ cung cấp những sự kiện liên quan đến các cơ sở ở Oak Ridge gần Knoxville, Bang Tennessee, cơ sở ở Richland gần Pasco, Bang Washington, và một cơ sở gần Santa Fe, Bang New Mexico. Cho dù nhân viên ở các cơ sở này tham dự vào việc chế tạo những vật liệu được dùng trong quy trình sản xuất sức mạnh hủy diệt lớn lao nhất trong lịch sử, họ không bị nguy hiểm hơn so với những nghề nghiệp khác, bởi vì sự an toàn của họ được đảm bảo tuyệt đối.

Sự kiện là chúng ta có thể phóng thích năng lượng nguyên tử mở ra một kỷ nguyên mới trong sự hiểu biết của con người về các lực của thiên nhiên. Trong tương lai, năng lượng nguyên tử có thể bổ sung nguồn lực hiện nay có từ than đá, dầu hỏa và thủy lợi, nhưng vào lúc này nó không thể được sản xuất trên cơ sở cạnh tranh thương mại với các nguồn ấy. Trước khi đạt đến việc này thì cần một thời gian dài để nghiên cứu sâu rộng.

Thói quen của các nhà khoa học ở đất nước này hoặc chính sách của chính phủ này là không bao giờ giấu diếm đối với kiến thức khoa học của thế giới. Vì thế, bình thường mọi chi tiết liên quan đến năng lượng nguyên tử sẽ được công bố. Nhưng theo tình hình hiện nay, không có ý định tiết lộ những quy trình kỹ thuật của việc sản xuất hoặc tất cả những ứng dụng quân sự, trong khi chờ xem xét thêm những phương pháp để bảo vệ chúng ta và phần còn lại của thế giới nguy cơ hủy hoại bất ngờ.

Tôi sẽ đề xuất Quốc hội Hoa Kỳ xem xét ngay việc thành lập một ủy ban thích hợp để kiểm soát và sử dụng năng lượng nguyên tử trên nước Mỹ. Tôi sẽ xem xét thêm và có thêm đề xuất cho Quốc hội về việc làm thế nào năng lượng nguyên tử có thể trở thành một ảnh hưởng mạnh mẽ và có uy lực trong việc gìn giữ hòa bình thế giới.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: ClassBrainhttp://www.classbrain.com/artteenst/publish/article_99.shtml

Chú thích

[A] Căn cứ quân sự quan trọng: các sử gia sau này phân vân liệu Truman thực lòng không biết Hiroshima là một thành phố, hoặc ông biết nhưng cố ý dối trá?

[B] Tối hậu thư Potsdam: do Đồng minh đưa ra, đòi Nhật đầu hàng, nếu không Đồng minh sẽ tấn công nước Nhật, gây nên “sự tàn phá không tránh khỏi, toàn vẹn quê hương của người Nhật”. Tuyên bố này không nói gì đến bom nguyên tử. Chỉ hai ngày sau, Thủ tướng Nhật Kantaro Suzuki bác bỏ Tuyên bố Potsdam.

One thought on ““Đó là một quả bom nguyên tử” – Harry Truman

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *