Động vật độc: nguy cơ và phòng tránh

Động vật độc có thể hiện diện trong nhà, ngoài vườn, trong nhà kho… của bạn, hoặc xuất hiện gần bạn khi bạn đi ra đồng ruộng, nương rẫy, đi dã ngoại vào rừng, lên núi, xuống biển, hoặc thưởng thức ẩm thực… Trong mỗi tình huống như thế, bạn có thể gặp nguy hiểm. Bài viết này trình bày một số động vật độc bạn có thể gặp và một số kỹ năng cơ bản để phòng tránh bị truyền nọc từ động vật.

Ong độc

Ong bao gồm 2 họ chính:

1. Họ Ong lông xù (Apidae), gồm ong mật, ong nghệ và ong bầu. Có lông xù, eo tương đối dày ở giữa ngực và bụng. Ngòi nọc có ngạnh, sau khi cắm vào da nạn nhân bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong bị chết, mỗi con ong chỉ đốt 1 lần.

Ong mật: đầu và lưng có lông xù, bụng trên có khoanh nâu, xen kẽ khoanh đen. Ong chúa dài 20-25 mm, ong đực 15-17 mm. Ong mật bản tính hiền, khi bị khuấy phá có thể đốt để tự vệ nhưng thường không truy đuổi. Riêng chủng ong mật lai Châu Phi có tính hung hăng hơn, lan rộng ở Bắc Mỹ, đốt chết nhiều người và gia súc, tàn phá các tổ ong mật địa phương. Hiện chưa có thông tin về sự hiện diện của ong mật lai Châu Phi ở Việt Nam.

Ngộ nhỡ bị một đàn ong mật đốt, chuyên gia khuyên bạn nên chạy đi nhanh theo một đường thẳng, ong mật sẽ không cố bay theo cho bằng được và may mắn là bản thân chúng không bay nhanh lắm.

Dvd_ong lai Chau Phi 2 Ong mật lai Châu Phi (trái) và ong mật Châu Âu (phải)

Ong nghệ – Bumble bees (Bombus sp.). Không thấy tài liệu nghiêm túc chỉ rõ chính xác ong nghệ gây tử vong, ngay cả thương tổn trầm trọng do nọc ong nghệ cũng không có thông tin. Trong một trường hợp ở Vĩnh Long vào tháng 7/2016, một phụ nữ 18 tuổi nói là bị ong nghệ đốt phải chữa trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy trong 4 ngày. Loài ong gây thương tổn này không được xác định rõ ràng, còn tình trạng nguy kịch được cho là do tiền sử dị ứng sốc phản vệ.

Dvd_ong nghe 3Ong nghệ thuộc chi Bomibus có trên 250 loài, chỉ đốt người khi bị khiêu khích. Thân dài 13-25 mm, hình dạng bầu bĩnh. Đầu và lưng có lông xù, vàng-đen hoặc đỏ-đen hoặc cam-đen. Vùng cổ và lưng trên có màu vàng nghệ, cánh cũng có màu vàng nghệ. Thường làm tổ dưới lòng đất hoặc trong vật liệu xốp, như cỏ khô, tổ nhỏ hơn tổ ong mật, chỉ chứa khoảng vài chục cá thể.

Giống như ong mật, ong nghệ ăn phấn và mật hoa, giúp ích trong việc thụ phấn của cây. Ong cái mang phấn trong một bộ phận được tạo từ 2 chân sau, được gọi là corbicola. Ong cho phấn hoa vào túi này và mang về tổ để nuôi ong con và ong chúa. Ong thợ chế biến phấn hoa thành mật ong cho ấu trùng ăn. Ong chúa và ong thợ hiếm khi đốt người trừ phi bị quấy phá.

Kim nọc không có móc như ông mật, nên một con ong có thể đốt nhiều lần. Vết chích chỉ gây đau nhức một thời gian ngắn. Ong nghệ có lợi cho nông nghiệp, vì thế cần tránh giết loại ong này nếu không thực sự cần thiết.

Ong bầu: toàn thân màu đen, hình dáng to tròn, có lông, bay chậm và phát ra tiếng ồn ầm ĩ, thường làm tổ đơn độc.

2. Họ Ong lông trơn hay Ong vàng (Vespidae), là những loài ong bắt mồi, ăn thịt chứ không thụ phấn, lấy mật. Có thân láng, vòng eo thon ở giữa ngực và bụng. Khi đậu, 2 cánh xếp dọc theo thân. Ngòi nọc trơn không ngạnh, vì thể một con ong có thể rút ngòi ra sau khi đốt và có thể đốt thêm nhiều lần. Riêng các loài đốt gây nhiễm độc nặng dẫn đến tử vong thuộc chi Vespa, ở Việt Nam có 10 loài, được đánh giá là những loài ong nguy hiểm nhất. Có vẻ như các loài ong thuộc chi Vespa ở các vùng nhiệt đới hung hãn hơn so với cùng loài ở các vùng ôn đới.

Ở đồng bằng, đa số những trường hợp bị ong đốt là do ong thuộc chi Vespa. Nọc của chúng rất mạnh, có thể đốt chết cả trâu, bò. Do vậy, đa số những trường hợp người bị chúng đốt thường tử vong. Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholine… Trong trường hợp bị ong đốt quá nặng, nạn nhân bị tím tái, sốc, trụy tim mạch…

Ong vò vẽ – Lesser banded hornet (Vespa affinis)

Đã có khá nhiều tai nạn gây tử vong được nói là do ong vò vẽ đốt, nhưng tên thông thường “ong vò vẽ” trong dân gian và các bản tin có thể chỉ chung một những loài ong có hình thái tương tự với nhau. Ngay cả tài liệu khoa học dùng tên “ong vò vẽ” cho hai loài Vespa affinisVespa velutina. Hình cho thấy 6 loài trong số 10 loài ong thuộc chi Vespa ở Việt Nam.

Ong vò vẽ Vespa affinis có kích thước trung bình: ong đực dài 26 mm, ong thợ 22-25 mm, ong cái đến 30 mm. Đặc điểm thường thấy là hai đốt bụng đầu tiên có màu vàng tạo nên một dải nổi bật. Đầu màu nâu hoặc đen, chân màu nâu sẫm. Có vài phân loài hoặc hình thái địa lý: ở Hong Kong và nam Trung Quốc có thân màu đen, hai đốt bụng đầu tiên màu vàng sẫm, hai bên đầu và ngực có vệt nâu-đỏ. Ở Đông Nam Á, không có vệt nâu-đỏ, dải bụng màu cam sáng.

Cách tốt nhất để tránh bị ong vò vẽ đốt là nhận biết chính xác tổ của ong vò vẽ và đặc điểm bên ngoài đặc trưng của loài này. Tổ ong vò vẽ hình oval, màu xám, bề mặt trông giống như giấy, thường có những gợn hình cung. Ong vò vẽ xây tổ ở những khu vực ngoài trời và thường cao hơn mặt đất, chẳng hạn như trên nhánh cây (có thể khó nhìn thấy!), trên cột điện hoặc trong bụi cây rậm rạp. Cũng có thể tìm thấy tổ ong vò vẽ trong hốc tường, mái nhà dưới mái hiên, trong chuồng gia súc, nhà kho hay garage.

dvd_2-to-ong-vespa

Ngoài việc ăn các loại côn trùng khác và sâu bướm được coi như loài dịch hại, một số ong vò vẽ còn ăn cả ong mật. Loài ong này cũng tìm đến xác chết động vật không phải để tìm thịt của xác chết, mà để tìm bắt ruồi. Cùng với mục đích đó, cũng như một số loài Vespa khác, ong vò vẽ tìm đến nơi có rác hữu cơ thu hút ruồi, nhặng. Ong vò vẽ không bị thu hút bởi đường trong thức ăn và nước uống như ong vàng. Ong vò vẽ bị thu hút bởi mùi mồ hôi của người và khi thấy người chạy, có khi đuổi theo cả quãng đường dài 200 mét. Vì vậy, nếu bạn bỏ chạy, chúng sẽ đuổi theo bạn, và thường sẽ phát tín hiệu pheromone cho những con khác cùng đuổi theo. Qua việc giao tiếp bằng pheromone, ong vò vẽ có khả năng đốt liên tiếp cùng một mục tiêu, gây thương tích trầm trọng.

Tham khảo

dvd_6-ong-vespa-2

Ong bắp cày – Black-tailed hornet (Vespa ducalis)

Điểm độc đáo là đuôi đen. Ong chúa dài 37 mm, ong thợ dài 24-32 mm. Khi trưởng thành, chỉ nhỏ hơn ong bắp cày khổng lồ châu Á một ít. Phân bố từ bắc Ấn Độ đến Nepal, Siberia (Nga), Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam (Bắc Bộ và Trung Bộ). Tổ nhỏ nhất trong chi Vespa, có trung bình 50 cá thể, được xây dưới mặt đất. Ong bắp cày thường tấn công tổ tò vò thuộc phân loài Polistinae (hình thái giống ong nghệ) để mang về ấu trùng nuôi con và phớt lờ tò vò trưởng thành. Chúng sẽ tấn công lại cùng một tổ tò vò với mục đích đó.

Tham khảo

Ong bắp cày khổng lồ châu Á – Asian giant hornet (Vespa mandarinia)

Đôi lúc bị nhầm với ong mặt quỷ. Loài bản địa khu vực ôn đới và nhiệt đới Đông Á, được xem là loài ong lớn nhất và nguy hiểm nhất. Ong chúa có thể dài hơn 50 mm, ong thợ 35-40 mm. Đầu màu vàng-cam, râu màu nâu với gốc màu vàng-cam. Bụng xen kẽ giữa các dải nâu sẫm hoặc đen và vàng-cam, đốt thứ 6 màu vàng. Đào đất làm tổ dưới đất, hoặc chiếm lĩnh hang chuột, sóc… Thích sống trong vùng rừng núi, hiếm khi ở vùng đồng bằng và độ cao.

Do bản tính hung dữ và trọng lượng cơ thể gấp 20 lần ong mật, một số ít ong bắp cày có thể giết hại số ong mật gấp cả trăm lần. Ong mật du nhập từ Châu Âu không thể chống chọi. Riêng một số chủng ong mật bản địa Châu Á có cách đối phó: chúng dẫn dụ ong bắp cày vào tổ rồi bao vây và dùng cánh để quạt cho không khí trong tổ nóng lên đồng thời nồng độ khí cacbonic cũng tăng lên. Ong bắp cày không chịu đựng giỏi đối với 2 yếu tố này, và sẽ chết trong khi ong mật chịu đựng được.

Phân bố từ Nga đến Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á kể cả Việt Nam, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka. Nọc chứa mandaratoxin gây độc đối với hệ thần kinh. Ở Nhật Bản, mỗi năm có 30-40 người tử vong vì loài ong này, còn ở Trung Quốc riêng năm 2013 có 41 người tử vong.

Tham khảo

Ong đen khiên – Black shield wasp (Vespa bicolor)

Loài nhỏ nhất trong chi Vespa: ong chúa 25 mm, ong đực 17-19 mm, ong thợ không quá 22 mm. Đây là loài ong bắp cày thường gặp nhất ở Hong Kong, cũng là vật thụ phấn của loài lan Dendrobium sinense ở Đảo Hải Nam, Trung Quốc. Thường bắt ong mật về tổ làm thực phẩm cho con non. Loài ong này cũng thích ăn thịt đỏ nên thường tìm đến nơi nướng thịt ngoài trời.

Tham khảo

Ong mặt quỷ, ong bắp cày châu Á – Asian hornet, yellow-legged hornet (Vespa velutina)

Ong chúa dài 30 mm, ong thợ 20 mm, ong đực 24 mm. Đặc điểm độc đáo là chân màu vàng. Đầu đen, mặt vàng, ngực nâu hoặc đen. Bụng nâu, mỗi đốt bụng có viền vàng phía sau, ngoại trừ đốt bụng thứ tư có màu cam. Các thể địa phương có màu khác nhau khiến cho việc phân loại khó khăn. Làm tổ trên cao thường gần khu dân cư như trên cành cây gần nhà, ban công mái hiên gie ra…, vì thế đặt ra vấn đề về an toàn. Hơn nữa, loài ong này hay chủ động tấn công người: không cần phải động vào tổ của nó nhưng khi làm việc hay đứng tụ tập đông người gần tổ của chúng, ngửi thấy mùi mồ hôi chúng sẽ bay ra đốt.

Nguồn gốc từ Đông Nam Á, nhưng thể Vespa velutina nigrithorax đã xâm lấn nhiều nước Châu Âu, đốt chết người và đe dọa ong mật bản xứ. Thức ăn của ông mặt quỷ đa phần là ong mật, và có xu hướng tấn công cùng một tổ ong mật hết lần này đến lần khác. Với mỗi tổ ong mật quỷ chứa đến vài nghìn cá thể, thiệt hại của nghành nuôi ong mật có thể khá nghiêm trọng. Ấu trùng và con non của loài này được dùng làm thực phẩm ở Trung Quốc, Đài Loan, Indonwsia và Thái Lan.

Tham khảo

Ong bò lỗ (Vespa soror)

Thân khá lớn, có lẽ là loài ong lớn thứ nhì: ong chúa 43-46 mm, ong đực trung bình 35 mm, ong thợ 26-39 mm. Thân mập mạp, đầu to và toàn màu vàng. Ngực đen với vết màu cam ở phần sau. Hai đốt bụng đầu tiên có màu vàng tươi và nâu-cam, các đốt bụng còn lại màu đen. Làm tổ dưới mặt đất, trong hốc đá… Loài ong này săn bắt châu chấu, bướm, chuồn chuồn, ve sầu, bọ ngựa và nhền nhện lớn, thậm chí ong bắp cày Vespa ducalisVespa tropica. Ong bò lỗ có thể tàn sát hàng loạt ong chủ nhà trước rồi mới tuần tự mang xác ong chủ nhà về tổ, trong khi một số cá thể khác vẫn canh gác nhằm bảo vệ tổ chủ nhà một cách mãnh liệt.

Ông bò lỗ có thể tấn công và rượt đuổi theo người một hồi lâu sau khi bị xâm phạm. Điều may mắn là loài ong này có xu hướng làm tổ cách xa khu dân cư. Có trường hợp các con ong va vào người mà không đốt, nhưng vẫn nên cẩn trọng. Phân bố ở bắc Thái Lan, nam Trung Quốc, Lào, bắc Việt Nam. Ấu trùng và con non của loài này được dùng làm thực phẩm ở Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Sinh cảnh: rừng ở cao độ 60-500 m.

Tham khảo

So cứu khi bị ong đốt

  • Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong.
  • Đặt người bị ong đốt nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể.
  • Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra.
  • Tuyệt đối không dùng tay nặn ép lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.
  • Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm
  • Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
  • Cho uống nhiều nước để loại thải các độc tố.
  • Đưa người bị đốt tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Cho dù không có triệu chứng nặng vẫn nên có kiểm tra y tế để phòng triệu chứng trở nặng hơn.

Theo lương y Cao Sơn, có thể dùng một số vật liệu để cấp cứu.

  • Mật ong: bôi chút mật ong lên vùng bị đốt sau khi đã rút ngòi ra. Mật ong có tính kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt, lại có khả năng giải độc tốt, có thể khiến vết đốt không bị sưng.
  • Lá tía tô: lấy một dúm lá tía tô tươi vò nát đến khi ra nước, rồi dùng dúm lá ướt đó bôi lên trên vết thương, sau vài phút vết thương sẽ hết buốt.
  • Kem đánh răng: bôi kem đánh răng có thể làm giảm vết sưng đỏ. Kem đánh răng có tính kiềm nhẹ vừa, có thể trung hòa tính axit của độc nọc ong, do vậy có tác dụng giải độc.
  • Tỏi: nghiền nát, đặt lên vết thương rồi buộc lại trong nửa giờ. Không dùng quá nhiều tỏi và giũ quá lâu vì tỏi rất nóng, chỉ cần 1, 2 tép tỏi là được.
  • Baking soda: trong nọc ong có 2 tuyến nọc, một chứa a xít, một chứa kiềm. Mà baking soda thì có khả năng trung hòa cả hay loại chất hóa học này. Nếu bị ong đốt, bạn hãy trộn bột baking soda với nước bôi lên vùng bị ong đốt và băng lại.
  • Các loại tinh dầu: như dầu tràm, dầu hoa oải hương, dầu bạc hà… vả cả dầu gió cũng có tác dụng giảm sưng đau.

Phòng tránh ong đốt

  • Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Khi đi dã ngoại, nếu thấy có một vài con ong thì có lẽ tổ của chúng ở gần đó. Nên đi ngược lại.
  • Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, đầu trần. Nên đội mũ có lưới che, mang găng tay, mặc quần áo dày và kín. Nhẫn, vòng tay, dây chuyền, đồng hồ tạo ra những hợp chất do oxid hóa với da khiến kích động một số loài ong, vì thế cần tránh mang các vật này ngoài thiên nhiên.
  • Cẩn trọng nếu muốn ăn uống ngoài trời, bởi vì mùi từ thực phẩm và thức uống chứa đường, mật dễ thu hút ong. Ngay cả mùi quả chín cũng thu hút ong. Mùi thịt, cá thu hút ong thuộc chi Vespa, như ong vò vẽ.
  • Dvd_khong dap ong 2Không bao giờ kích động hoặc trêu ong, càng không nên tìm cách giết ong… Một cuộn giấy báo hoặc vỉ đập ruồi có thể giết được một con ong, nhưng cũng đặt bạn trước rủi ro lớn. Một xác ong chết có thể bay mùi đặc biệt, ong ở tổ gần đó có thể nhận ra mùi xác chết đồng loại mà bay ra tấn công. Cũng vì lý do đó, đừng đùa nghịch với một xác ong mà bạn tìm được.
  • Không để hoang nhà cửa, các tầng nhà hoặc phòng bởi ong dễ đến làm tổ. Dân gian tin rằng tò vò làm tổ trong nhà là điềm hên, nhưng việc này có thể dẫn dụ loài ong khác vào để chiếm lấy ấu trùng tò vò làm thực phẩm.
  • Ở vùng nông thôn, gần nương rẫy, lùm bụi… tránh để rác vương vãi ngoài trời, bởi vì rác thu hút ruồi và ruồi thu hút các loài ong thuộc chi Vespa ăn thịt. Phải cho rác vào thùng có nắp đậy, hoặc túi nhựa bọc kín.
  • Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ ngay khi tổ ong mới xây.
  • Khi ong bay đến, không chạy mà nên đứng hoặc ngồi im, tránh cử động. Không xua, đập hoặc trêu tức nó bằng bất cứ cách nào. Nếu cảm thấy như bị tấn công, ong vò vẽ sẽ tấn công lại và báo cho đồng bọn trong tổ cùng bay ra tấn công.
  • Giữ bình tĩnh khi một con ong đậu lên người. Chuyển động đột ngột sẽ chỉ làm tăng rủi ro bị ong đốt. Đừng cử động đột ngột. Tốt nhất là nên chờ cho nó tự bay đi. Nếu chiến thuật này không có tác dụng, nên chậm rãi và nhẹ nhàng tránh đi.
  • Nếu bị ong tấn công, trước tiên cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác. Cũng có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi.
  • Nếu muốn loại bỏ tổ ong thuộc chi Vespa, hãy gọi thợ bắt ong chuyên nghiệp, đừng cố thử!

Tham khảo

Rắn độc

Trong số 84 loài rắn đã được xác nhận ở Việt Nam, có trên 30 loài rắn độc thuộc ba họ, gồm những loài rắn thường gặp sau:

Họ Rắn lục (Viperidae): có một cặp nanh khá dài, rỗng, để tiêm nọc từ tuyến nọc phía sau hàm trên, ngay dưới mặt. Bình thường, nanh được xếp lại dọc theo hàm trên. Khi cắn, miệng có thể mở ra 180 độ để hai nanh dựng lên mà chích nọc, gây rối loạn đông máu, xuất huyết. Một số loài thường gặp là như sau:

  • Rắn lục đuôi đỏ: phổ biến khắp cùng.
  • Rắn chàm quạp / khô mộc xà / lục nưa / lục Mã Lai: hiện diện tại nhiều tỉnh ở Đông Nam Bộ.
  • Rắn hổ bướm / hổ lục Russell / con nưa: ở rừng nhiệt đới, khu dân cư.
  • Rắn lục cườm: khá phổ biến ở nhiều tỉnh từ Bắc vào Trung Bộ.
  • Rắn lục miền Nam

Họ Rắn hổ (Elapidae): bao gồm cả rắn biển. Đầu hình bầu dục, không phân biệt rõ với cổ. Trong bộ răng thường có hai móc độc ở hai phía hàm trên. Móc độc thường lớn hơn hẳn các răng khác và có rãnh hoặc hình ống. Ở Việt Nam có 10 loài trên cạn, một số loài thường gặp là như sau:

  • Rắn hổ mang chúa: khắp cả nước Việt Nam.
  • Rắn hổ mèo / hổ mang Xiêm : ở đồng bằng, đồi núi, đất canh tác, khu dân cư.
  • Rắn hổ mang Trung Quốc: ở đồng ruộng vùng bình nguyên miền Bắc; hiếm gặp ở rừng rậm và núi đồi.
  • Rắn hổ đất / hổ mang đất / hổ mang một mắt kính / hổ phì: ở miền Nam, sinh cảnh như loài trên.
  • Rắn hổ bướm / hổ lục Russell
  • Rắn cạp nong / hổ lửa / mai gầm: phổ biến ở đồng bằng, trung du và miền núi. Được đưa vào Sách Đỏ của Việt Nam.
  • Rắn cạp nia nam / mai gầm bạc / cạp nong xanh (Bungarus candidus)
  • Rắn cạp nong đầu đỏ / cạp nia đầu vàng (Bungarus flaviceps): ở rừng mưa thấp

Họ Rắn nước (Colubridae): có 1.910 loài tính đến tháng 5/2018, chiếm trên phân nửa số loài rắn được biết hiện nay ở khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Bắc Cực. Chủ yếu không có nọc.

Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 người bị rắn độc cắn, nhiều người tử vong và số nguy kịch tính mạng rất cao, 13-14 % số người sống sót phải cắt chi, chi phí cấp cứu, chữa trị cực cao! Nói chung, triệu chứng xuất hiện 15-30 phút bị rắn độc cắn, và tử vong thường xảy ra ít nhất trong vài giờ, hoặc nhiều ngày thậm chí khi bị rắn độc nhất cắn. Ngay cả sau khi chết hoặc bị chặt đầu, đầu rắn vẫn có phản xạ cắn người.

Rắn độc thường có đầu hình tam giác, hai nanh độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Nanh độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt. Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương mắt, có thể từ đó gây nhiễm độc toàn thân.

Dựa theo thử nghiệm liều lượng của nọc độc, các nhà khoa học có thể xếp hạng các loài rắn từ độ độc mạnh nhất đến yếu nhất. Nhưng độ độc của nọc rắn không phải là yếu tố quyết định. Rắn càng nguy hiểm khi có lượng nọc độc nhiều, có thể cắn nhiều lần mà mỗi lần đều có nọc, và có bản tính hung dữ.

Rắn lục đuôi đỏ – White-lipped pit viper, green tree pit viper (Trimeresurus albolabris, Cryptelytrops albolabris)

Có màu xanh lá và phần đuôi màu nâu đỏ-nâu. Chiều dài con đực 60 cm, con cái dài 80 cm. Đây là loài duy nhất trong họ Viperidae đẻ con. Sau khi trứng được thụ tinh thì ở lại ngay trong bụng rắn mẹ và quây thành bào thai riêng biệt như của loài thú. Trong thời gian ấp trứng rắn mẹ vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc sinh con ra là lúc phần bụng chỗ hậu mở ra để con chui ra. Lúc rắn mẹ mang thai thì do cấu tạo đặc biệt nọc độc của nó tập trung nhiều nhất và hung dữ nhất.

Đây là loài có mặt hầu như trên khắp lãnh thổ Việt Nam từ Cao Bằng cho đến Kiên Giang, Minh Hải. Phần lớn thời gian sống trên cây, vì thế rắn khó được nhận ra. Thị lực của rắn lục rất tốt vào ban đêm nhưng ngược lại ban ngày thì thị lực yếu. Tuy vậy, có trường hợp người hái hoa ban ngày bị rắn lục đuôi đỏ trên nhánh cây gần đó phóng ra cắn.

Sinh cảnh: vùng đồi núi có độ cao dưới 400 m, rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi thuộc khu vực tây-bắc Việt Nam, đôi khi cũng cư trú ở các khu vực thành thị; Cần Thơ cũng có nhưng rất ít. Có thời gian rắn lục đuôi đỏ liên tiếp xuất hiện trong các khu dân cư ở Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Lý do được cho là biến đổi khí hậu.

dvd_ran-luc-duoi-do

Rắn chàm quạp / khô mộc / lục nưa / lục Mã Lai – Malayan pit viper (Calloselasma rhodostoma)

Dài khoảng 1 m, có 9 vảy che rắn chắc trên đầu. Hoa văn trên thân gồm 19-31 dấu hình tam giác sẫm màu trên nền nâu đỏ tía hoặc hung đỏ đậm nhạt, màu trơn hoặc lốm đốm, dễ nhầm với trăn dẫn đến tai nạn. Hoa văn của chúng như thế lẫn vào với lá khô, cành cây khô nên rất khó phát hiện. Rất nguy hiểm vì nọc rất độc, chỉ kém rắn biển, tuy hiếm gặp. Rắn chàm quạp có đặc điểm là sau khi cắn người thì thường nằm im tại chỗ, không di chuyển.

Phân bố: Ấn Độ, Cambodia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam: Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ đến An Giang.

Sinh cảnh: sống trên cạn trong rừng khô ráo từ thấp đến 2000 m. Ở Việt Nam, rắn chàm quạp chiếm tỉ lệ 19,4% các trường hợp rắn độc cắn nhập bệnh viện Chợ Rẫy, là một trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong và thường gặp ở vùng trồng nhiều cây cao su và cây điều.

Tham khảo

Rắn hổ bướm / hổ lục Russell / con nưa – Russell’s pit viper, chain viper (Daboia russelii)

Loài rắn gây nhiều tử vong nhất ở Châu Á, do sự phân bố rộng rãi (từ tiểu lục địa Ấn Độ đến Nam Trung Quốc, Đông Nam Á kể cả Việt Nam), bản tính hung dữ và sống gần khu dân cư. Dài trung bình 160 cm. Phần lưng có màu xám hoặc nâu với 3 hàng những đốm nâu sẫm chạy dọc theo thân, các đốm giữa lưng có thể nối nhau còn các đốm hai bên tách rời nhau. Các đốm này có vòng ngoài màu đen, vòng lại có viền trắng. Bụng có màu trắng hoặc kem hoặc hồng nhạt với những đốm đậm rải rác. Có người nhầm rắn hổ bướm con với trăn con nên nuôi trong nhà.

Sinh cảnh: rừng nhiệt đới, cận nhiệt đới nhưng có xu hướng tránh rừng rậm và đầm lầy, xâm nhập các khu dân cư vì săn chuột nhưng không đến gần con người như rắn hổ, cạp nong, cạp kia. Khi con người đi ra ngoại cảnh thì rất khó phát hiện rắn nằm dưới lá khô, cành cây khô.

dvd_ran-ho-buom

Rắn lục cườm – Brown spotted pit viper / Pointed-scaled pit viper (Protobothrops mucrosquamatus, Trimeresurus mucrosquamatus)

Con đực và cái dài tối đa lần lượt 112 cm và 116 xm. Lưng màu xám nhặt hoặc nâu-oliu, có những đốm nâu to viền đen, hai bên hông có những đốm nhỏ hơn, bụng màu trắng ngà phết nâu nhạt. Phân bố: đông-bắc Ấn Độ đến Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Việt Nam: khá phổ biến ở Núi Fansipan, cũng ở Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Gia Lai… Sinh cảnh: chuyên đi săn đêm tại các vùng ven suối và các con suối cạn, thức ăn gồm ếch nhái, các loài thú ăn thịt nhỏ…

Tham khảo

Rắn lục miền Nam – Vogel’s pit viper (Viridovipera vogeli)

Đỉnh đầu và thân màu xanh lục vừa, phần bụng màu xanh lục nhạt hơn, các vảy có viền đen nên trông thân rắn giống như tấm lưới. Một sọc trắng ở phần bụng thỉnh thoảng được viền màu cam hoặc đỏ đậm, chạy dọc theo hàng vảy đầu tiên trên thân. Đôi khi các con đực có đường sọc trắng sau mắt. Đuôi có màu nâu đỏ nhạt, nên có thể bị nhầm với rắn lục đuôi đỏ. Phân bố: Thái Lan, Lào, Cambodia, Việt Nam: Gia Lai, Đồng Nai, Lâm Đồng, Minh Hải.

Sinh cảnh: bụi rậm, lùm cây thấp của rừng thường xanh, nương rẫy ở độ cao 200-1200 m, thường gần bờ nước để săn ếch nhái.

Được coi là một trong những kẻ săn đêm máu lạnh, giỏi và khôn ngoan nhất trong các loài rắn, chỉ với một cú đớp mạnh, con mồi sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Tham khảo

dvd_ran-luc-mien-nam

Rắn hổ mang chúa / hổ mây – King cobra (Ophiophagus hannah)

Loài rắn độc lớn nhất thế giới, có thể dài đến 3-5 m. Khi bạnh cổ, mang không rộng như các loài rắn hổ mang. Đầu và phần lưng thường có màu nâu xám hoặc màu đen với những sọc ngang có màu nhạt hơn, phần dưới bụng có màu vàng nhạt hoặc màu trắng. Da của rắn sống ở nơi nhiều ánh sáng có màu sáng, và ngược lại nơi tối có màu sẫm.

So với các loài rắn độc khác, nọc độc hổ mang chúa không phải là mạnh nhất, nhưng lượng nọc nhiều hơn nên đây là yếu tố nguy hiểm. Con trưởng thành có thể tạo ra lượng nọc độc khoảng 400 mg, trong đó 1 mg nọc độc có thể giết đến 160 người trưởng thành. Một cú cắn của hổ mang chúa có thể giết chết cả động vật lớn như trâu, bò, và voi; người trúng nọc độc có thể tử vong rất nhanh. Con mồi của rắn hổ mang chúa chủ yếu là những loài rắn khác, thậm chí loài rắn này còn ăn thịt đồng loại.

Phân bố từ Ấn Độ đến Đông Nam Á, rộng khắp cả nước Việt Nam. Sinh cảnh rừng nhiệt đới, hang hốc ở trung du và vùng núi, nhưng ngày càng hiếm gặp ngoài thiên nhiên. Trong khi tất cả các loài rắn đều bị săn lùng, hổ mang chúa vốn dùng rắn làm thực phẩm chịu tổn hại hơn cả, nên được xếp vào hạng cần được bảo vệ. Thông thường, khi sống gần khu dân cư, đến thời kỳ lột da, rắn hổ mang chúa sẽ đi vào khu dân cư (nhất là nhà bếp), tìm nơi trú ẩn tốt và còn muốn được sưởi ấm. Do đó, con người rất dễ gặp nguy hiểm nếu sơ ý tiếp xúc với rắn và rắn cắn trả lại theo phản xạ tự vệ. IUCN xếp rắn hổ mang chúa vào hạng sắp nguy cấp (Vulnerable).

Tham khảo

Rắn hổ mèo / hổ mang Xiêm / hổ mang Đông Dương – Indochinese spitting cobra, Indochinese spitting cobra (Naja siamensis)

Dài trung bình 0,9-1,2 m. Màu sắc cơ thể có thể thay đổi từ màu xám sang màu nâu đen, với những hoặc sọc đốm trắng. Các đốm trắng có thể phủ hầu hết thân con rắn. Đầu thuôn dài phân biệt rõ với cổ. Lưng màu xám nâu từ nửa thân phía sau đến mút đuôi, có những đường màu đen kích thước không đều chạy ngang thân. Bụng màu vàng, bờ sau các tấm vảy bụng và những tấm vảy dưới đuôi có viền đen. Đầu màu xám nâu. Loài sống chủ yếu về đêm. Khi tức giận cổ phình to theo chiều trước sau chứ không bạnh sang hai bên như rắn hổ mang, thường phát ra tiếng kêu phì phì như mèo nên dân gian gọi là rắn hổ mèo.

Khi bị đe dọa vào ban ngày, có tính nhút nhát và ẩn náu trong hang gần nhất. Tuy nhiên, nếu bị đe dọa vào ban đêm, nó hung hãn hơn và có nhiều khả năng ngóc đầu lên, bành mang rồi phun nọc độc. Nếu không phun nọc thành công, nó sẽ dùng phương án cuối cùng là cắn. Khi cắn, loài này có xu hướng giữ và nhai ngấu nghiến. Rắn con sống độc lập ngay từ khi bắt đầu nở, dài khoảng 12–20 cm, có ngay hệ thống nọc độc phát triển đầy đủ, cần xử lý như là rắn trưởng thành. Phân bố: Đông Nam Á kể cả Việt Nam: Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh: đồng bằng, đồi núi, và đất canh tác, đôi khi lạc vào khu dân cư khi săn chuột.

Tham khảo

dvd_ran-ho-meo

Rắn hổ mang Trung Quốc – Chinese cobra, Taiwan cobra (Naja atra)

Đây là loài hổ mang chính ở Bắc Việt Nam, phân bố từ Nam Trung Quốc xuống các vùng Đông Nam Á tiếp giáp. Thường có màu sậm, nhưng có thể đen, xám, nâu, ngay cả vàng. Có hình 1 hoặc 2 tròng kính trên cổ mặt sau, nhưng có con không có. Thường sống ở đồng ruộng, lùm bụi, đồng cỏ; hiếm gặp ở rừng rậm và núi đồi. Được nuôi nhiều ở miền Bắc. IUCN xếp vào hạng sắp nguy cấp (Vulnerable).

Tham khảo

Rắn hổ đất / hổ mang đất / hổ mang một mắt kính / hổ phì – Monocled cobra (Naja kaouthia)

Dài 1,3-1,5 m, tối đa 2,3 m nhưng rất hiếm. Lưng màu oliu hoặc nâu hoặc đen. Khi rắn bạnh cổ, trên cổ ở mặt lưng có một vòng tròn màu sáng, ở giữa màu nâu đen. Tương tự như loài trên về môi trường sống, kích thước và sự xuất hiện. Rắn có thể phun nọc độc. Hiện diện trong làng mạc, nương rẫy, có thể bơi và trèo lên cây. Con non mới nở dài 20-35 cm, có ngay nọc độ và khả năng bạnh cổ. Phân bố rộng từ Bắc Ấn Độ đến Đông Nam Á kể cả Việt Nam: Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh: ruộng lúa, nương rẫy, bụi rậm, thậm chí khu dân cư và đô thị đến độ cao 1.000 m.

Tham khảo

dvd_ran-ho-dat

Rắn hổ mang Ấn Độ – Indian cobra, Indian spectacled cobra (Naja naja)

Đây là loài rắn hổ mang ở Ấn Độ thường thấy trên các phim, ảnh quốc tế. Là rắn độc cỡ lớn, dài trung bình 1 m trở lên, có thể dài tới 2 m. Lưng có màu vàng lục, nâu thẫm hoặc đen; đồng màu hoặc có những dải hoa văn như những vạch ngang đơn hoặc kép sáng màu. Loài rắn này được tôn kính trong thần thoại và văn hóa Ấn Độ, và thường được dùng bởi người giả làm đạo sĩ trong thuật “thôi miên” rắn. Khi bạnh cổ, trên cổ ở mặt lưng có hai vòng tròn (mắt kính) màu đen rìa màu sáng, được nối với nhau bằng một dải cong màu sáng (gọng kính).

Phân bố rộng, từ tiểu lục địa Ấn Độ đến Nam Trung Quốc và Đông Nam Á kể cả Việt Nam: miền Bắc Việt đến Quảng Bình, Quảng Trị. Sinh cảnh: thường ẩn trong hang chuột, hang mối ở đồng ruộng, làng mạc, vườn tược, bờ đê, gò đống, dưới gốc cây trong bụi tre. Trong nhiều trường hợp chúng bò vào hang chuột, nuốt chủ nhà rồi chiếm lấy hang. Cũng đi vào trang trại và vùng ngoại ô để săn chuột. Con sơ sinh dài 25-30 cm, ngay khi nở có khả năng bạnh cổ, cắn chết người. Nọc độc đối với thần kinh và đối với cơ. Nếu không được chữa trị, tỷ lệ tử vong là 20-30%.

Tham khảo

Rắn cạp nia bắc – Many-banded krait, Chinese krait (Bungarus multicinctus)

Vì lẽ hình thái tương tự như loài dưới, tên thông thường “rắn mai gầm bạc” và rắn vòng bạc” được chỉ chung cho cả 2 loài – việc này nên tránh.

Dài trung bình 1-1,5 m. Lưng có trên 40 khoanh đen xen kẽ với những khoanh màu kem hoặc trắng. Phân biệt với cạp nia nam ở chỗ có nhiều khoanh hơn. Bình thường khá nhút nhát, khi thấy người thường chạy trốn chứ không phải là chiến đấu, nhưng ban đêm có thể hung dữ hơn. Loài rắn độc thứ 4 trên thế giới, trên 50% vụ cắn gây tử vong. Phải có huyết thanh chống nọc trong vòng 6-12 giờ, nếu không kịp nạn nhân có thể bị hôn mê vĩnh viễn, thường đi đến tử vong. Loài này phân bố ở Trung Quốc và vùng tiếp giáp kể cả miền Bắc Việt Nam. Sinh cảnh: cây bụi, rừng cây gỗ, cánh đồng canh tác, rừng ngập mặn.

Tham khảo

dvd_ran-cap-nia-bac

Rắn cạp nia nam – Malayan krait, blue krait (Bungarus candidus)

Vì lẽ hình thái tương tự như loài trên, các tên thông thường “rắn mai gầm bạc”, “rắn hổ khoang” và “rắn vòng bạc” được chỉ chung cho cả 2 loài – việc này nên tránh kẻo tạo nhầm lẫn.

Dài tối đa 1,6 m. Thân có mặt cắt hình tròn, lưng có 25-34 khoang màu nâu sậm hoặc đen (dù tên tiếng Anh chỉ “blue”, không thấy màu xanh lam rõ rệt), khoang đầu tiên nối tiếp với đầu, xen kẽ với những khoang màu trắng hoặc xám nhạt; bụng màu trắng đồng nhất. Phân biệt với cạp nia bắc ở chỗ hàng vẩy trên lưng to hơn các vảy khác, và số khoang ít hơn. Đuôi hẹp dần thành điểm nhọn. Không chỉ đối với con mồi, chúng còn sẵn sàng cắn chết và làm thịt đồng loại. Xâm lấn hang chuột, ăn chuột rồi chiếm hang làm tổ. Rắn cạp nia thường hoạt động về đêm.

Nọc của chúng độc gấp 15 lần rắn hổ mang, gây tê liệt cơ bắp, hệ thần kinh. Nọc cạp nia nam gây tử vong tới 50% ngay cả khi điều trị bằng huyết thanh chống nọc độc; còn khi không điều trị bằng huyết thanh thì tỷ lệ tử vong là 70% đối với người. Rất may là loài này khá nhút nhát và có xu hướng lần trốn hơn là tấn công. Vì vậy, các trường hợp bị rắn cắn là khá ít. Phân bố: khắp Đông Nam Á. Sinh cảnh: gần nước, đồng lúa, bờ đê…

Tham khảo

Rắn cạp nong / hổ lửa / mai gầm – Banded krait (Bungarus fasciatus)

Nhằm phân biệt cạp nong (khoanh đen & vàng) và cạp nia (khoanh đen & trắng), để ý: trong hai chữ “nong” và “vàng” có “ng”.

Đặc điểm dễ nhận biết là thân có mặt cắt hình tròn, có những khoanh đen và khoanh vàng tươi hoặc vàng nghệ xen kẽ, các khoanh xấp xỉ bằng nhau. Có tiết diện ngang hình tam giác. Cỡ tương đối lớn, thường dài 1,5-2 m. Đầu lớn và ngắn, ít phân biệt với cổ, mắt tương đối nhỏ và tròn, thân thường nặng nề, đuôi ngắn, mút đuôi tròn, giữa sống lưng có một gờ dọc rất rõ. Đây là một trong những loài rắn cực độc, dù chúng ít khi chủ động tấn công con người. Thức ăn chủ yếu là rắn nhỏ, cũng ăn chuột, ếch nhái, kỳ nhông…

Phân bố rộng: trung Ấn Độ đến Đông Nam Á kể cả Việt Nam. Sinh cảnh: phổ biến ở đồng bằng, trung du và miền núi; ban đêm đi kiếm ăn ở bờ ruộng gần rừng, ven khe suối, vũng nước.

Cạp nong không săn đuổi mồi mà chúng thường nằm chờ cho con mồi đi qua. Chúng bơi giỏi và thường bò theo ánh lửa. Trong chiến tranh Việt Nam, loài rắn này được lính Mỹ gọi là “Two-step” có nghĩa sau khi bị cắn chỉ đi được 2 bước thì chết. Điều này không có thật, tuy nọc thật sự rất mạnh: đã có trường hợp một con bò lớn bị cắn chết ở Thái Lan.

Cũng có trường hợp rắn cạp nong bò vào nhà ban đêm, đến nơi người nằm ngủ và người cựa quậy nên bị cắn. Tin thời sự: một cháu bé 22 ngày tuổi ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) bị rắn cạp nong cắn tử vong khi đang ngủ trong nhà.

Tham khảo

Dvd_ran cap nong 2

Rắn hoa cỏ cổ đỏ / hoa cỏ bảy màu – Red-necked keelback (Rhabdophis subminiatus)

Loài bản địa của Châu Á này thuộc họ Rắn nước (Colubridae), dài 70-90 cm, có màu sắc rực rỡ rất dễ nhận biết: đầu màu nâu nhạt, xám hoặc ôliu; phần cổ rực rỡ nhất, cũng là dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất đặc trưng bởi màu đen, vàng và đỏ; lưng màu xanh ôliu, bụng màu xám. Sống gần nơi có nước để săn ếch nhái, nhưng ở Thái Lan có trường hợp rắn vào vườn nhà. Bản thân loài này không có nọc độc, nhưng lưu trữ nọc độc từ các loại con mồi mà chúng ăn (cóc, ếch nhái độc…) và tích trữ những nọc độc đó, chuyển hóa thành chất độc cho riêng mình.

Rắn không phóng nọc độc từ nanh trước rỗng như nhiều loài rắn độc khác. Thay vào đó, nọc độc chảy theo một rãnh của nanh sau đặc, vì thế rắn cần giữ nanh sau cắm phập vào con mồi vài chục giây để nọc độc có thể chảy xuống. Chỉ khi cắn con mồi có kích thước nhỏ như ếch nhái, con mồi mới bị tiêm nọc. Cùng cách này, ngón tay người bị cắn sẽ bị tiêm nọc. Còn khi rắn cắn con mồi lớn, hoặc cắn bắp chân người, nanh sau không thể tiêm nọc. Rất khó để điều chế huyết thanh kháng nọc rắn hoa cỏ cổ đỏ bởi vì thành phần nọc độc trong mỗi cá thể khác biệt nhau.

Triệu chứng khi bị loài này cắn là nôn mửa, máu khi nhỉ ra ngoài da không đông, nhưng lại đóng cục trong mạch máu, nội xuất huyết kể cả xuất huyết não, hoại thận. Vì thế, khi chữa trị cần chích thuốc, vết chích có thể liên tục rỉ máu. Loài rắn kỳ lạ này cũng được ghi nhận là tính tình bất ổn, hành động khó đoán: khi thì hiền lành, không tấn công vô cớ, có lúc hung hãn và sẵn sàng phun nọc độc.

Tham khảo

Rắn không có nọc

Nếu xác định được rắn không có nọc thì bạn vẫn phải cẩn trọng, bởi vì một số loài hung hăng vẫn có thể cắn. Vết cắn có thể gây dị ứng do rắn ăn cóc độc, ếch nhái độc… và thịt con mồi này có thể còn vướng trên răng của rắn. Một số loài rắn không có nọc nhưng dễ bị nhầm là rắn độc được trình bày dưới đây.

Rắn đuôi đỏ – Red-tailed green ratsnake (Gonyosoma oxycephalum), thuộc họ Rắn nước (Colubridae), nhìn từ xa rất giống rắn lục đuôi đỏ. Cũng giỏi leo cây. Điểm khác biệt là rắn đuôi đỏ lớn hơn: con cái dài 2,4 m, con đực nhỏ hơn chút ít, và đầu thuôn nhọn hơn. Tuy không có nọc nhưng khá hung hăng, vết cắn có thể gây dị ứng cho người mẩn cảm. Phân bố: Ấn Độ đến Đông Nam Á. Sinh cảnh: ở trên cây, ít khi xuống đất.

Rắn đai lớn – Greater green snake (Cyclophiops major). Thuộc họ Rắn nước (Colubridae). Dài 75–90 cm. Màu xanh lá khiến thoạt nhìn dễ nhầm là rắn lục, nhưng đầu thuôn nhọn hơn. Phân bố: Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Việt Nam. Sinh cảnh: rừng ẩm, đất nông nghiệp. Tính hiền, ít khi cắn.

Rắn ri voi / bồng voi / ri tượng – Bocourt’s water snake (Subsessor bocourti syn. Enhydris bocourti). Thuộc họ Rắn ri (Homalopsidae), loài đặc hữu Đông Nam Á. Lưng nâu sậm, có những vòng màu nhạt kéo dài xuống bụng khiến thoạt nhìn dễ nhầm là hổ mang chúa. Bụng màu kem. Sinh sống trong các đầm lầy, ao hồ nông và các môi trường nước tù đọng khác. Thức ăn của chúng chủ yếu là cá, nhưng cũng có thể ăn thịt cả ếch nhái non. Được nuôi nhiều để lấy thịt, vì thế có khả năng xổng chuồng đi lạc vào ao người khác.

dvd_6-ran-khong-doc

Rắn hổ trâu / hổ hèo / hổ dện / ráo trâu – Oriental rat snake (Ptyas mucosus): Tên nghe kinh khủng nhưng loài rắn này thật sự không có nọc. Màu và hoa văn khiến thoạt trông dễ nhầm là rắn hổ, có lẽ vì thế mà tên do dân gian đặt có cụm từ “rắn hổ”. Chuyên bắt chuột nên là loài có ích. Dài 2 m, đôi khi 3 m. Lưng hoặc đen, vảy có viền trắng mỏng hoặc nâu-xám với những vòng sáng khiến thoạt nhìn dễ nhầm là hổ mang chúa, bụng màu kem. Có thể xâm nhập khu dân cư để tìm bắt chuột, thường bị giết một cách oan uổng! Được nuôi phổ biến để lấy thịt. Được đưa vào Sách Đỏ của Việt Nam.

Rắn rào răng chó – Dog-toothed cat snake (Boiga cynodon). Dài 2 m, là loài bản địa châu Á. Màu và hoa văn khiến thoạt nhìn dễ nhầm là rắn chàm quạp. Loài rắn này ăn chủ yếu là chim nhỏ và trứng chim, nhưng cũng có thể ăn kỳ nhông, động vật có vú nhỏ… Được đưa vào Sách Đỏ của Việt Nam.

Rắn nước – Yellow-spotted keelback (Xenochrophis flavipunctatus). Thuộc họ Rắn nước (Colubridae). Dài trung bình 75 cm. Thân màu nâu xám, có các vân đen ngang ở trên và bên lưng, đôi khi xen kẽ các vệt nâu đỏ nhạt. Mặt trên đầu sẫm hơn, có hai vệt đen từ mắt tới các tấm mép trên thứ 6 và thứ 8, một vệt đen khác từ sau góc hàm đến gáy. Bụng màu trắng đục, mép trước của tấm bụng thường có viền đen. Săn cá và chuột làm thức ăn. Phân bố: Ấn Độ đến Nam Trung Quốc, Đông Nam Á kể cả Việt Nam: từ Bắc đến Nam, có rất nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long. Sinh cảnh: ao hồ, suối, đồng lúa, vùng nước ngọt ở độ cao tới 1.600m.

Phân biệt rắn độc và rắn không độc

Dựa vào tư thế loài rắn. Khi thấy bị đe dọa, rắn độc không lủi nhanh như rắn thường mà bò đi khá chậm rãi, hoặc thủ thế, chuẩn bị tấn công: cuộn tròn cơ thể lại, đầu ngóc cao, nhe răng ra, phình cơ thể, lao về phía bạn, phát ra tiếng kêu đe dọa, nếu là rắn hổ mang thì phùng mang đe dọa kẻ thù.

Dựa vào hình dáng đầu. Thông thường, đầu rắn độc khá lớn, có hình dạng tam giác, cổ nhỏ. Còn rắn thường thì đầu có dạng tròn hơn, nhỏ hơn (ngoại lệ như rắn biển, cạp nong, cạp nia lại có đầu giống rắn thường).

Hình: Rắn độc có nanh (fangs), hốc mắt (pit) và đầu hình tam giác.
Rắn không độc không có nanh và hốc mắt, đầu thường tròn.

dvd_hinh-dang-dau-ran

Dựa vào hình dạng đồng tử (con ngươi) của rắn. Đây có thể xem là cách dễ và nhanh nhất khi nhìn vào đôi mắt của rắn: nếu rắn độc thì đồng tử có dạng elip như mắt mèo, còn rắn thường có hình tròn như mắt người. Ngoài ra giữa mắt và lỗ mũi của rắn độc còn có một hốc nhỏ (Pit) mà rắn thường không có. Hốc này thấy rõ ở nhiều loại rắn độc, đây là bộ phận cảm biến nhiệt để phát hiện vị trí con mồi dựa vào nhiệt độ.

Hình: rắn độc (trái); rắn không độc (phải)

 

Dvd_dong tu ran 2Dựa vào cách sắp xếp vảy ở đuôi. Ở phần đuôi phía sau hậu môn, rắn độc có cách xếp vảy kép (double row of scales) so với cách sắp vảy đơn (single row of scales) của rắn thường.

Hình: Cách sắp xếp vảy phần đuôi của rắn độc (phải) và rắn thường (trái).

dvd_vay-duoi-ran

Dựa vào răng nanh, vết cắn. Khi rắn độc há miệng đe dọa, có thể nhận ra răng móc câu hay răng ống, là 2 chiếc răng lớn hơn các răng khác. Rắn độc để lại vết cắn có 2 dấu răng nanh to hơn các dấu răng khác, còn rắn không độc để lại vết cắn có những dấu răng bằng nhau.

dvd_vet-ran-can

Phòng tránh rắn cắn

  • Nói chung, rắn sợ người hơn là người sợ rắn. Vì thế, khi thấy người đến gần, rắn sẽ bò đi nơi khác để tránh né. Khi người sơ ý đến quá gần thì rắn mới cắn người do bản năng tự vệ. Ngay cả khi rắn đến gần người do săn chuột hay muốn tìm nơi ấm (khi người đang ngủ), rắn chỉ cắn để tự vệ khi người sơ ý chạm đến rắn. Hơn nữa, trừ rắn non thường cắn vô tội vạ, rắn thường muốn dè sẻn nọc để săn mồi trừ khi bất đắc dĩ.
  • Vì vậy, nguyên tắc chủ chốt là không đặt chân và tay ở nơi mà mắt bạn không thể quan sát như hốc kẹt trong nhà kho, lùm bụi, hố đá, dưới thân cây đổ, thảm cỏ cao, nước ngập, cành cây rậm rạp (nhiều loài rắn có khả năng leo lên cây để săn mồi)…
  • Khi đi ra ngoài thiên nhiên, nên mang giầy dày (giầy bốt da là tốt nhất), mặc quần dài vải dầy, áo tay dài vải giầy, nhằm giảm bớt nguy hại khi bị cắn.
  • Nên mang kính để phòng loài rắn có khả năng phun nọc độc.
  • Nơi có lùm bụi, cỏ cao, nước ngập… dùng một cây sào dài khua khoắng phía trước để rắn lẩn tránh trước khi đặt chân tới. Nhưng việc này không hiệu quả đối với rắn mẹ đang bảo vệ tổ.
  • Vì thế, nếu có thể được thì đi trên lối mòn, tránh xa lùm bụi, cỏ cao, nước ngập…
  • Tránh đi ra ngoài đồng vào ban đêm nếu không cần thiết, vì nhiều loài rắn đi săn mồi ban đêm và tỏ ra hung dữ hơn ban ngày.

Đối phó với tai nạn rắn cắn

  • Nên động viên bệnh nhân bị rắn cắn yên tâm, đỡ lo lắng. Sự kích động sẽ khiến cho nọc độc phát tán trong cơ thể nhanh hơn.
  • Với cùng lý do trên, tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại. Cố định chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp).
  • Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim.
  • Để cho máu nơi vết cắn chảy ra tự do trong 30 giây hầu một lượng nọc độc có thể chảy ra khỏi cơ thể. Biện pháp này giúp cứu sống nhiều người. Sau đó mới rửa vết thương, băng bó.
  • Tháo ra các món trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.
  • Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động.
  • Khẩn trương vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là bằng ô tô, đồng thời duy trì băng ép, cố định, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.
  • Không nên sử dụng garô, vì đây là biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, gây đau, chân tay rất dễ bị thiếu máu. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô. Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garô ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa đến tính mạng.
  • Không được trích, rạch, châm tại vùng vết cắn: các biện pháp này không có lợi ích, gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu và dây thần kinh, nhiễm trùng nặng thêm).
  • Việc hút nọc độc sẽ không có lợi ích, và việc chườm đá (chườm lạnh) đã được chứng minh có thể gây hại.
  • Không cho nạn nhân ăn uống bất kỳ thứ gì, cho đến khi nhân viên y tế cho phép.
  • Không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo sẽ không có ích lợi, khi đắp thuốc có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân.
  • Không nên cố gắng bắt hoặc giết rắn, còn nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.
  • Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả. Đừng tin các tiêu đề giật gân trên mạng như “chết trong tích tắc”, vì thế cần giữa bình tĩnh vì bạn sẽ có thời gian.

Cách xử lý khi có rắn bò vào nhà

  • Hãy bình tĩnh, tránh hành động bất chợt không cần thiết. Dùng một cây gậy dài để đuổi rắn đi. Một số loài rắn có tốc độ rất nhanh khi tấn công. Đảm bảo cây gậy có đủ độ dài và bạn có đủ không gian sau lưng để nhảy lùi lại.
  • Nếu thấy rắn nằm trên mặt phẳng như sàn nhà, trên bàn…, có thể dùng một tấm chăn mềm phủ lên. Con rắn sẽ bị mất phương hướng vì không nhìn thấy gì. Đồng thời, nó cũng cảm thấy an toàn hơn trong bóng tối. Sau đó tìm vật nặng ném lên thân, con rắn không thoát ra được.
  • Trong trường hợp rắn trốn trong góc nhà, cạnh tủ, hãy để yên và đừng động đến nó. Di chuyển mọi người, đặc biệt là trẻ con ra ngoài, hạn chế tiếp xúc ít nhất có thể. Sau đó mời chuyên gia đến xử lý con rắn đó.

Làm gì để tránh rắn vào nhà

  • Dọn dẹp nhà thường xuyên, nhất là không để thức ăn dư thừa, gạo… vương vãi, không để xung quanh có nhiều bụi cây, cỏ rậm rạp.
  • Không cho những con vật nhỏ như chuột, chim, ếch… sống trong nhà, do chúng là những thức ăn ưa thích của rắn độc hay không độc.
  • Rắc bột hùng hoàng – khắc tinh của rắn quanh nhà. Rắn sẽ bỏ đi ngay lập tức khi đánh hơi thấy mùi này.
  • Trồng cây đuổi rắn, như cây sả, rắn sẽ không muốn đến gần.
  • Nuôi chó hoặc mèo: đây là những con vật rất nhạy cảm khi có kẻ khác xâm phạm vào lãnh thổ của chúng. Vậy nên chúng sẽ phát hiện lập tức và có hành động lạ để thông báo cho chủ.

Tham khảo thêm:

Các loài rắn biển

Có nhiều tên gọi khác như [rắn] đẻn, [rắn] đẻn biển, [rắn] đẹn, [rắn] hèo, ông hèo v.v. Có khoảng 26 loài rắn biển đã được xác nhận ở Việt Nam, tất cả đều có nọc độc. Rắn biển có đặc điểm dễ nhận ra là phần đuôi dẹp hai bên, được dùng như mái chèo, và khác với lươn có da láng, rắn biển có vảy. Chiều dài trung bình 0.8-1.4 m. Không giống lươn thở bằng mang, rắn biển thở bằng phổi nên thỉnh thoảng phải ngoi lên mặt nước để thở. Vì lý do này, rắn biển thường hiện diện ở vùng nước nông.

Phần lớn rắn biển có nọc độc, và nọc có độ độc mạnh. Ở dưới biển, rắn thường không chủ động tấn công người. Vì thường bị hấp dẫn bởi sự phản sáng từ kim loại của dụng cụ bơi lặn, rắn có thể tiến đến gần người bơi lặn và quấn quanh dụng cụ. Nếu người này hốt hoảng có hành động mạnh bạo thì rắn có thể cắn để tự vệ. Ngư dân thường là nạn nhân của rắn biển khi họ kéo lưới có rắn biển bên trong, do phản ứng tự vệ rắn biển sẽ trở nên hung dữ. Tuy vậy, đến 65-80% trường hợp rắn biển cắn mà không phóng nọc độc, và đa số rắn biển khá hiền lành ngoại trừ khi bảo vệ tổ.

Phân bố: các vùng biển có nước ấm từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương; Đại Tây Dương, vùng Caribê và Biển Đỏ không có rắn biển. Có khi được tìm thấy ở các đoạn sông gần cửa biển, thậm chí 160 km từ bờ biển.

Dưới đây là một số rắn biển thường gặp ở Việt Nam.

Rắn biển thường – Beaked sea snake, hook-nosed sea snake, common sea snake, Valakadyn sea snake (Enhydrina schistosa)

Lưng có màu xám sậm, hông và bụng màu trắng nhạt; hoặc toàn thân màu oliu hoặc xám với những sọc ngang màu xám sậm, sọc có khi rất mờ nhạt làm cho toàn thân trông đều màu xám. Có thể lặn sâu đến 100 m trong 5 giờ trước khi trồi lên mặt nước để thở. Loài này có nọc độc mạnh. Trong tổng số các tai nạn rắn biển cắn, loài này gây ra trên 50% vụ, và cũng gây tỷ lệ tử vong đến 90%. Không chủ động tấn công người nhưng trở nên hung hăng khi bị chọc phá. Phân bố: khắp các vùng biển nhiệt đới, từ Biển Ả Rập, Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương kể cả Đông Nam Á và Việt Nam. Sinh cảnh: nước nông và đục ven biển, cửa sông, rừng ngập mặn.

Tham khảo

Rắn biển Belcher – Faint-banded sea snake, Belcher’s sea snake (Hydrophis belcheri)

Thân chỉ dài 0,5-1 m. Màu đa dạng: hoặc vàng nhạt với những vòng hẹp và sắc nét màu lục sẫm hoặc rộng và nâu mờ nhạt. Loài này được một tác giả cho là loài rắn độc nhất được biết đến trên thế giới, và nhiều nguồn cứ thế trích dẫn, nhưng có nguồn phản bác cho rằng có sự nhầm lẫn với rắn biển thường (Enhydrina schistosa): rắn biển Belcher độc nhưng không phải độc nhất, lại có tính hiền, chỉ cắn người khi bị kích động thái quá, và không tới 1/4 vụ cắn có nọc. Vì thế, không nên xem loài này là nguy hiểm, cần xử lý nhẹ nhàng rồi thả lại ra biển. Phân bố: khắp vùng biển Đông Nam Á và phía Bắc nước Úc.

Tham khảo

Rắn biển ô-liu – Golden sea snake, olive sea snake, olive-brown sea snake (Aipysurus laevis)

Chiều dài trung bình 1 m, có thể dài đến 2 m. Nọc có độ độc mạnh, nhưng loài này có tính hiền, không chủ động tấn công người bơi lặn. Phân bố rộng, từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương và Úc.

Tham khảo:

dvd_6-ran-bien

Rắn biển vàng – Yellow sea snake (Hydrophis spiralis)

Có lẽ là loài rắn biển dài nhất, trung bình 1,5 m, có khi tới 2,7 m. Màu vàng hoặc màu ôliu trên lưng, vàng ở bụng, có khi có những vòng xám hoặc đen. Phân bố rộng: từ Vịnh Ba Tư đến Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Tham khảo

Rắn biển bụng vàng – Yellow-bellied sea snake, yellowbelly sea snake, pelagic sea snake (Hydrophis platurus)

Dễ được phân biệt với các loài rắn biển khác do hai màu rõ rệt: lưng nâu hoặc xanh lam, bụng vàng, đuôi thường màu trắng với những vệt đen. Nọc có độc tính cao. Phân bố rộng nhất trong số các loài rắn biển: khắp các vùng biển nhiệt đới kể cả Việt Nam, ngoại trừ Đại Tây Dương, nhưng cũng được phát hiện ở Hàn quốc và Nhật Bản.

Tham khảo

Rắn cạp nia biển – Banded sea krait, banded sea snake, yellow-lipped sea krait (Laticauda colubrina)

Dễ được nhận biết do thân có những khoanh trắng hoặc xám pha xanh lam hoặc màu lam nhạt, xen kẽ với khoanh vòng đen. Dưới nước, cạp nia biển có thói quen kỳ lạ là hay quấn quanh chân người bơi lặn, và nếu người này quẫy đạp mạnh thì có thể bị cắn. Loài này có nộc độc mạnh vào hàng đầu của rắn biển nhưng không hung dữ, chỉ cắn người khi bị kích động. Phân bố rộng khắp Đông Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương kể cả Đông Nam Á. Thường trở về vùng biển nơi ra đời để giao phối và đẻ trứng. Sinh cảnh: con non sống dọc bờ biển, con trưởng thành dành nửa thời gian ngoài biển khơi và nửa thời gian trên đất, nên tạo nguy cơ cao đối với con người trên cạn.

Tham khảo

Động vật chứa độc tố tetrodotoxin

Tetrodotoxin (TTX) là loại độc tố mạnh gấp 1.200 lần so với xyanua, được tìm thấy trong cơ thể của một số loài cá nóc, bạch tuộc đốm xanh, ốc biển, cá bống vân mây… Nguy cơ gây tử vong do nuốt vào bụng, thấm qua da hoặc thở vào phổi độc tố TTX. Điều này có nghĩa là không những ăn cá thể chứa độc tố TTX, mà cầm nắm cá thể, cũng có thể bị ngộ độc. Tính đến thời điểm tháng 7/2018, chưa có thuốc giải cho độc tố TTX.

TTX được sản sinh bởi một số loài vi khuẩn trong biển có liên hệ đến động vật biển. Trong cá nóc, độc tố này tập trung ở buồng trứng, gan và da, nhưng một số cá thể còn chứa TTX trong thịt, gây độc cho người ăn cá nóc.

TTX không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Do đó, cho dù cá được nấu chín kỹ thì độc tố vẫn không mất đi. Thịt cá để lâu cũng vẫn chứa chất độc chứ không tan biến, ngay cả khi đã phơi hay sấy khô.

Sau khi trúng độc các triệu chứng thường xuất hiện 10-45 phút, đôi khi đến ba giờ.

Sơ cứu người bị ngộ độc tetrodotoxin

  • Ngay khi thấy dấu hiệu ngộ độc đầu tiên như tê lưỡi, tê môi, tê ngón tay nhưng người bệnh vẫn còn tỉnh táo, hãy tìm mọi cách gây nôn cho người bệnh. Đơn giản nhất là hình thức móc họng, ngoáy họng bằng lông gà hoặc cho uống mùn thớt theo kinh nghiệm dân gian.
  • Cho bệnh nhân uống than hoạt tính khi bệnh nhân còn tỉnh. Người lớn uống 30 g than hoạt pha với 250 mL nước quấy đều. Trẻ nhỏ từ 1-12 tuổi cho uống 25 g pha với 100-200 mL nước quấy đều. Trẻ nhỏ dưới một năm cho uống theo liều lượng 1g than hoạt/1kg cân nặng cơ thể pha với 50 mL nước quấy đều. Than hoạt tính có tác dụng hấp phụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa. Nếu cho bệnh nhân uống sớm trong vòng một giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả cao.
  • Không gây nôn mửa.
  • Trường hợp người bệnh đã rối loạn ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở phải khẩn trương thổi ngạt đường miệng–miệng hay miệng–mũi.
  • Sau khi đã sơ cứu, cần nhanh chóng tìm cách đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Tham khảo

Cá nóc

Suốt hơn nhiều chục năm qua, đã có quá nhiều vụ tử vong ở Việt Nam do ăn cá nóc; có lẽ số tử vong do cá nóc nhiều hơn là do bất kỳ loài sinh vật biển nào khác. Ngay cả những ngư dân kỳ cựu vẫn không lường hết hiểm nguy, vẫn ăn cá nóc do chính họ đánh bắt được. Nhiều người nhìn nhận có biết đến thông tin thịt cá nóc chứa độc tố, tuy nhiên họ vẫn cho rằng những nạn nhân bị ngộ độc do ăn phải cá nóc có độc hoặc không biết cách chế biến trong nhiều người khác vẫn ăn bình thường, nhưng chính họ cũng chế biến không đúng cách.

Đặc điểm quan trọng để nhận biết và phân biệt với các loài cá khác là cá nóc không có vây bụng và các vây đều không có gai cứng. Cá nóc có thân dài 5-40 cm, không có vảy, vây ngắn, đầu to, mắt lồi. Cá nóc có khả năng độc đáo là thân phình ra rất to và đẩy ra những lớp gai khi ở trạng thái phòng ngự. Ở Việt Nam có khoảng 67 loài cá nóc, trong số đó có 21 loài cá nóc độc và 10 loài được xếp vào hạng “độc tính rất mạnh”.

Cá nóc phân bố trên khắp các vùng biển từ Bắc đến Nam, nhưng chủ yếu từ Đà Nẵng đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Cho đến nay đã phát hiện được cá nóc ở vùng biển Việt Nam thuộc 4 họ. Họ Tetraodontidae chứa độc tố và có số lượng loài nhiều nhất: 21 loài. Ba họ còn lại thường không chứa độc tố gồm họ cá nóc hòm Ostraciidae, họ cá nóc nhím Diodontidae và họ cá nóc 3 răng Triodontidae.

dvd_ca-noc-phinh-to-2Một khả năng độc đáo của cá nóc là khi đối diện với kẻ thù thì thu nước (trên mặt biển thì thu không khí) vào dạ dày thật nhiều để cơ thể phình thật to. Cộng với những gai nhọn trên thân, kẻ thù sẽ nhận ra khó nuốt cá nóc trong trạng thái như thế.

Mặc dù các cơ quan chức năng cảnh báo về nguy cơ ngộ độc từ cá nóc, thậm chí đã có lệnh cấm ngư dân khai thác, vận chuyển, thu mua và tiêu thụ cá nóc dưới mọi hình thức, song ở nhiều địa phương vẫn tồn tại việc khai thác và buôn bán cá nóc như một mặt hàng hải sản phổ biến. Nhiều cơ sở chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cá nóc như cá nóc muối khô, nước mắm cá nóc, chả cá nóc… vẫn hoạt động. Vì vậy, các trường hợp ngộ độc và tử vong cá nóc vẫn xảy ra trên khắp cả nước, thậm chí ngay cả những vùng miền núi xa xôi như Đắc Lắc, Kom Tum… hoặc ở các tỉnh nội địa như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh… do ăn phải cá nóc đông lạnh, cá nóc khô.

Trong các bộ phận nội quan của cá nóc, trứng được xác định là bộ phận có hàm lượng độc tố tetrodotoxin (TTX) cao nhất, tiếp đến là gan, ruột, da, thịt, tinh sào và thấp nhất là mật. TTX nguy hiểm gấp 1.200 lần so với xyanua, và chỉ cần lượng chất độc có trong 1 con cá nóc cũng đủ giết chết 30 người trưởng thành. Chỉ cần ăn 10 gam cá nóc có độc tố là bị ngộ độc.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, thịt cá nóc lại là một món đặc sản được nhiều người ưa chuộng, Vì cá nóc có độc tố nguy hiểm, nên kỹ thuật chế biến cá rất quan trọng, nó quyết định tính an toàn của món ăn. Ở Nhật Bản, có luật lệ khắt khe dành cho những người phụ trách chế biến cá nóc, những đầu bếp ở Nhật phải trải qua 2-3 năm đào tạo bài bản và phải có giấy phép mới được chế biến cá nóc cho thực khách. Họ phải rất thận trọng khi xử lý một con cá nóc, bởi một sai lầm dù nhỏ có thể gây tử vong cho thực khách. Người tiêu thụ bình thường không thể mua cá nóc. Tuy vậy, hàng năm, Nhật Bản có khoảng vài chục ca ngộ độc cá nóc mặc dù quốc gia này đã có hệ thống giám sát, cảnh báo, chữa trị và quản lý hàng đầu thế giới.

Bản thân cá nóc không thể tự sinh tổng hợp được độc tố; chất TTX trong cá nóc là do các vi khuẩn cộng sinh – chủ yếu là nhóm PseudomonasVibrio và một vài loại khác – sinh tổng hợp ra. Do đó, nếu cá nóc được nuôi dưỡng cách ly thì độc tố không hiện diện. Hơn nữa, thịt cá thường không độc, nhưng khi cá chết, cá bị ươn thối, chất độc từ các bộ phận nội quan sẽ ngấm vào thịt cá khiến cho đó thịt cá trở nên độc. TTX trong các loài cá nóc khác nhau, ở các bộ phận khác nhau thì có hàm lượng khác nhau. Hàm lượng TTX trong cơ thể còn thay đổi theo mùa, vùng địa lý và giai đoạn phát triển của cá thể.

Bình thường TTX tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Khi cá bị ươn hoặc bị bầm dập, tetrodomin sẽ biến đổi thành TTX gây độc.

Hiện nay ngộ độc TTX chưa có thuốc phòng và điều trị.

Độc tính của nước mắm cá nóc

Viện Hải dương học Nha Trang sử dụng cá nóc chấm cam (Torquiener pallimaculatus) – là loài thường thu hoạch được sản lượng cao và nhiều người ưa sử dụng – để làm đối tượng nghiên cứu. Việc thí nghiệm được tiến hành trong vòng 1 năm, áp dụng cách làm nước nắm của người dân địa phương. Trong thực tế, chỉ sau 3-4 tháng kể từ thời điểm bắt đầu chế biến, sản phẩm nước mắm đã được các cơ sở sản xuất đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy vào thời điểm tháng thứ 3, độc tính còn tồn tại khoảng 49% – 37% so với ban đầu. Một người bình thường, chỉ sử dụng 25-50 mL nước mắm loại này có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong

Độc tố chết người trong nước mắm… cá nóc – https://dantri.com.vn/suc-khoe/doc-to-chet-nguoi-trong-nuoc-mam-ca-noc-1139834707.htm

Dưới đây là một số ví dụ về loài cá nóc ở Việt Nam được xếp vào hạng “độc tính rất mạnh”.

Cá nóc đầu thỏ mắt to – Green rough-backed puffer, green toadfish (Lagocephalus lunaris)

Phân bố rộng từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Chứa TTX trong cơ, gan và tinh hoàn. Đã có những trường hợp ngộ độc ở Nhật Bản do ăn thịt loại cá nóc này.

Cá nóc chuột viền đuôi, cá nóc chuột vằn mang – Immaculate puffer (Arothron immaculatus)

Điểm đặc biệt là có một đốm đen tròn phía sau mang. Thân có dạng hình trứng, vây lưng viền đen, bụng màu trắng, đuôi có viền đen. Hàm lượng độc tố cao xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10, nửa gram trứng có thể giết chết 1 người. Cũng được nuôi làm cá cảnh.

Cá nóc chuột – Valentin’s sharpnose puffer (Canthigaster valentini)

Cơ thể ngắn, tối đa chỉ khoảng 10 cm giống như hầu hết các loài cùng chi. Cá có bốn sọc khác biệt màu đen (yên ngựa) trên lưng. Đầu có màu xanh xám và cơ thể màu trắng lốm đốm với các đốm xanh xám. Đuôi và vây có màu vàng và có một dải sắc cầu vồng phía sau mắt. Sống trong các rạn san hô. Chứa TTX trong da, cơ…

dvd_6-ca-noc

Cá nóc chấm cam vằn mắt, cá nóc vằn mặt – Yellow-stripe toadfish (Torquigener brevipinnis)

Lưng xám pha xanh lục hoặc nâu nhạt hoặc xám đậm, có nhiều vòng tròn màu trắng, bụng trắng. Phân bố Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương và bắc Úc. Sinh cảnh: độ sâu 7-78 m vùng biển nhiệt đới.

Cá nóc răng mỏ chim – Smooth-backed blowfish, smoothback puffer (Lagocephalus inermis)

Loài được đánh bắt phổ biến, sản lượng khá.

Cá nóc chuột vân bụng – White-spotted puffer (Arothron hispidus)

Có kích thước trung bình, lưng có màu xám hoặc nâu với những đốm nhỏ màu trắng, bụng màu kem hoặc trắng có những vân xám hoặc nâu nhạt chạy dọc. Loài này được tìm thấy ở đông-nam Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phía đông Thái Bình Dương. Chúng sống ở độ sâu khoảng 3-35 mét. Môi trường sống của chúng gồm rạn san hô, đầm phá, cửa sông, các hồ thủy triều.

Nguyên tắc phòng tránh ngộ độc cá nóc

Không phải hễ ăn cá nóc thì bị ngộ độc, nhưng các trường hợp ngộ độc vẫn xảy ra thường. Đúng thật là thịt cá nóc rất ngon, nhưng không vì món ngon mà bạn đánh đố với sinh mạng của mình. Tuyệt đối không thử ăn cá nóc, thậm chí cá không rõ chủng loài, ở bất kỳ dạng tươi hoặc phơi khô (rất khó nhận ra cá khô là cá nóc hay không!), dù nấu hoặc nướng chín đến đâu. Có thể đợi đến khi đi Nhật Bản bạn có thể thử, nhưng giá món cá nóc cực kỳ cao và rủi ro tuy hiếm nhưng vẫn còn: dân Nhật vẫn chết hằng năm vì ăn cá nóc!

Tham khảo

Cá bống vân mây – Shadow goby (Yongeichthys criniger)

Loài cá này sống ở ven biển, các vùng cửa sông nước lợ. Ở Việt Nam, cá bống vân mây tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung. Đặc điểm nhận dạng loài cá này là đầu to, thân cá ngắn và tròn, toàn thân có nhiềm đốm màu nâu đỏ, mỗi bên thân có bốn vệt đen hình đám mây, màng vây lưng và màng vây đuôi có nhiều hàng đốm nâu hoặc đen. Độc tố tetrodotoxin tập trung hầu hết ở da cá bống vân mây.

dvd_2-ca-bong

Loài này dễ bị nhầm lẫn với cá bống hoa (Acanthogobius flavimanus) là một loài thủy sản có giá trị kinh tế. Ở Việt Nam đã xảy ra hiện tượng 16 bệnh nhân trong vụ ngộ độc tập thể ở thị trấn Lăng Cô thuộc Huế mà nguyên nhân là do nhầm loài cá này với cá bống hoa. Đây là một sự nhầm lẫn chết người khi một số báo chú giải rằng “cá bống vân mây còn gọi là cá bống hoa”, trong khi cá bống vân mây và cá bống hoa là hai loài khác nhau. Có thể do bề ngoài đều có các đốm trên da nên đã dẫn đến hiểu nhầm hai loài là một.

Bạch tuộc đốm xanh

Tháng 6/2004, một người đàn ông ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, tử vong do ăn món mực bạch tuộc đốm xanh. Năm người trong một gia đình khác cũng bị ngộ độc với cùng nguyên nhân, một phụ nữ tử vong. Bác sĩ ở bệnh viện cho biết khi xem xét, mẫu vật bạch tuộc đã xuống màu và biến dạng, nhỏ bằng đầu ngón chân, dài khoảng 6 cm. Gia đình nói cái này chắc do rủi ro nghề nghiệp chứ không có vấn đề gì, gia đình chỉ muốn làm đám tang yên ổn cho nạn nhân nên không làm kiểm nghiệm con bạch tuộc. Sau sự việc, gia đình nạn nhân đem đốt con bạch tuộc trên. Cũng theo giới y học và khoa học Thừa Thiên–Huế, đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp chết người nghi do bạch tuộc cắn tại Huế.

Tháng 7/2017, một phụ nữ ở tỉnh Thừa Thiên–Huế trong lúc kéo lưới đánh bắt hải sản bị một con bạch tuộc bò lên chân cắn chết. Hiện vật được thu giữ là con bạch tuộc đã cắn chết chị với những đốm xanh trên thân.

Có khả năng loài gây tử vong ở Thừa Thiên–Huế là bạch tuộc đốm xanh lớn (Hapalochlaena lunulata), dân gian gọi là mực dái. Loài này phân bố rộng ở vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương kể cả khu vực Biển Đông. Chúng thường sống ở các dải san hô, khe đá, có thể chúng còn ẩn mình trong vỏ con trai biển, chai lọ hoặc ống bơ vứt xuống dưới biển. Thường thì sau khi biển động hoặc cũng có thể do môi trường sống thay đổi, ta có thể thấy mực đốm xanh ở những nơi khác.

Bạch tuộc đốm xanh có chiều dài 6-20 cm, trên thân có nhiều đốm màu xanh dương. Những đốm này như những hoa văn trên thân, nhìn rất đẹp. Toàn thân bạch tuộc sẽ trở nên sặc sỡ với các đốm xanh hiện lên rõ nét khi chúng bị kích động, báo hiệu khả năng tấn công sắp tới. Vết cắn rất nhỏ, khó có thể nhận biết, nhưng nọc độc thường ngấm rất nhanh vào máu.

dvd_bach-tuoc-dom-xanh

Mang chất độc thần kinh tetrodotoxin (TTX) ở tuyến nước bọt, bạch tuộc đốm xanh là mối đe dọa thật sự đối với con người, đặc biệt là những ngư dân mỗi ngày dùng tay không để cầm nắm hải sản. TTX là chất độc thần kinh mạnh, có thể dễ dàng được phóng ra qua vết cắn để tấn công hay tự vệ khi bị đe dọa. Độc tố của một con bạch tuộc 25g có thể giết chết 10 người nặng 75kg. Thông thường sau khi bị loài bạch tuộc này cắn chừng 1 đến 5 phút sẽ xuất hiện triệu chứng nhiễm độc. Ngoài ra con người có thể bị ngộ độc do lầm tưởng bạch tuộc đốm xanh là bạch tuộc thường nên dùng chúng để chế biến các món ăn. Trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa, các triệu chứng ngộ độc có thể khởi phát từ 10 đến 20 phút sau khi ăn. Cũng như ở cá nóc, độc tố ở bạch tuộc rất độc và rất bền, có thể tồn tại với nồng độ cao ngay cả khi bạch tuộc đã chết và dù đã chế biến ở nhiệt độ cao.

Khác với cá nóc là loài thụ động, con người có thể cầm nắm, chỉ bị ngộ độc khi bị chế biến làm thức ăn, bạch tuộc đốm xanh là một loài hung dữ, có thể chủ động tấn công nếu cảm thấy bị đe dọa. Ngư dân có thể bị loài này cắn khi thò tay vào lưới cầm nắm hải sản. Ngoài ra người lặn biển hay đi bơi ở vùng nước có bạch tuộc đốm xanh cũng có thể bị chúng cắn.

Không những nên rất cẩn trọng với bạch tuộc đốm xanh ngoài thiên nhiên, cũng nên cẩn trọng khi mua hải sản: khó phân biệt so với những loài bạch tuộc khác, trừ khi con vật còn thật tươi có thể thấy những đốm xám mờ mờ.

dvd_3-bach-tuoc-dom-xanh

Tham khảo

So biển

Sam biển và so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới họ Sam (Xiphosuridae) có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda).

Sam biển, sam lớn – Tri-spine horseshoe crab, Chinese horseshoe crab (Tachypleus tridentatus). Loài này không gây ngộ độc. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn sam biển. Đuôi có gờ mặt lưng, mặt cắt ngang hình tam giác với 3 cạnh kéo dài đến tận cuối phần đuôi. Sam biển sống thành từng cặp cùng nhau cho đến hết đời. Chiều dài thân của sam biển thường khoảng 17-34 cm (không kể đuôi), con cái lớn hơn con đực. Phân bố: ven biển từ Đông Á đến Đông Nam Á, chịu được nhiệt độ lạnh giỏi hơn so biển. Sinh cảnh: dải cát tại khu vực có thủy triều cao.

dvd_sam bien so bien

so biển – Round-tailed horseshoe crab, Mangove horseshoe crab (Carcinoscorpius rotundicauda). Loài này có độc tố TTX. Nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so biển đã được ghi nhận, do nhầm lẫn với sam biển. So biển có hình thái rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Nhưng nếu thấy cá thể đơn lẻ thì chưa chắc đó là so biển bởi vì một con trong cặp sam biển có thể đã chết, đi lạc… Lại không thể dựa trên kích thước để phân biệt bởi vì sam biển chưa trưởng thành nhỏ bằng so biển trưởng thành. Đặc điểm phân biệt là đuôi không có gờ mặt lưng, và mặt cắt ngang hình trứng hay tròn. Chiều dài thân của so biển thường khoảng 20-25 cm (không kể đuôi), con cái lớn hơn con đực,  toàn thân màu xanh-nâu đậm.

Phân bố: ven biển nhiệt đới và vùng nước lợ từ India đến Trung Quốc, Hongkong, Đông Nam Á. Sinh cảnh: lạch nước ngọt.

Tham khảo

Phân biệt sam biển và so biển để tránh bị ngộ độc – http://khoahoc.tv/phan-biet-sam-bien-va-so-bien-de-tranh-bi-ngo-doc-63263
Tachypleus tridentatus – https://en.wikipedia.org/wiki/Tachypleus_tridentatus
Mangrove horseshoe crab – https://en.wikipedia.org/wiki/Mangrove_horseshoe_crab

Ốc độc

Có một số loài ốc biển bình thường không gây ngộ độc cho con người, nhưng đột nhiên trong thời điểm nào đó lại trở nên độc mà ta chưa thể biết nguyên nhân. Ở Việt Nam, có khá nhiều loài ốc được ghi nhận là nguyên nhân của các vụ ngộ độc. Dưới đây là vài ví dụ về ốc độc trong ẩm thực hiện diện ở Việt Nam.

Theo TS Đào Việt Hà ở Viện Hải Dương học đã từng chia sẻ với báo chí khi có một số vụ ngộ độc ốc biển xảy ra hồi năm 2013: “Một số loài ốc chỉ độc ở bộ phận nhất định (thường là tuyến nước bọt). Sở dĩ dẫn đến ngộ độc với các loài này là do con người bất cẩn, không loại bỏ phần độc trước khi ăn. Nhưng cũng có những loài ốc luôn luôn độc và hết sức nguy hiểm đến tính mạng nếu chúng ta vô tình ăn chúng.”

Ốc bùn răng cưa – Pimpled nassa (Nassarius papilosus)

dvd_oc-bun-gay-tu-vongỐc dài 30-50 mm, chứa độc tố tetrodotoxin (TTX) cực mạnh. Loài này phân bố từ Madagascar đến Thái Bình Dương kể cả Úc. Ở Việt Nam từ năm 2006 đến 2018 tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã xảy ra hàng chục trường hợp ngộ độc ốc bùn răng cưa chứa TTX.

Trong một trường hợp cấp cứu thất bại ở Bình Định, bác sĩ cho biết mức độ ngộ độc do ốc bùn răng cưa còn nhanh hơn cá nóc: sau khi ăn 1 con rưỡi lúc 17 giờ, nạn nhân tử vong lúc 23 giờ. Hình cho thấy con ốc gây tử vong trong ca này.

Loài ốc này không phân bố nhiều ở vùng biển Việt Nam, thỉnh thoảng ngư dân mới tìm thấy khi thu nhặt hải sản tự nhiên ven bờ biển. Chỉ do nhầm tưởng loài ốc nào sinh trưởng ở biển đều có thể ăn được mà họ không nghĩ đến hiểm họa ngộ độc từ những con ốc lạ.

Ốc bùn bóng – Acorn dog whelk (Nassarius glans glans)

Có hình dáng giống với ốc hương đen. Vỏ dài 15-50 mm, màu nền trắng-kem hoặc vàng-nâu những đốm nâu lớn nhỏ và những đường nâu đậm song song chạy ngang. Ốc này thường sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam. Tháng 1/2015, ba ngư dân đánh bắt hải sản cách bờ biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh về phía Đông Nam 37 hải lý, luộc ốc biển để ăn. Một lát sau, cả ba ngư dân đều lâm vào tình trạng đau đầu, tê liệt tay chân rồi hôn mê. Một tổ công tác Biên phòng lên tàu ra biển hỗ trợ nhóm ngư dân trên đi cấp cứu, nhưng khi đưa họ đến bờ thì cả ba người đều tử vong. Viện Hải dương học kết luận đó là ốc bùn bóng (Nassarius glans glans).

Ốc tù và – Triton, Saul’s triton (Charonia sauliae)

Các loài trong chi Charonia được gọi chung là ốc hoàng hậu, ốc nữ hoàng, đều phải được xem là có khả năng gây độc.

Ốc hương Nhật Bản – Japanese babylon, Japanese ivory snail (Babylonia japonica)

Loài này gây ngộ độc cho một người ở Khánh Hòa, Gần nửa giờ sau khi ăn, người này nôn mửa, môi và chân tay tê rần. Sau nhiều ngày được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa giải độc kết hợp cho thở máy, nạn nhân may mắn thoát chết. Loài ốc này vẫn được tiêu thụ rộng rãi ở Nhật Bản.

dvd_6-oc-doc

Ốc tù và gai miệng đỏ – Red-mouth frog shell (Tutufa lissostoma)

Vỏ dài 5-24 cm.

Ốc mặt trăng miệng vàng – Gold-mouth turban (Turbo chysostomus)

Tuy là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao nhưng cũng có tiền sử gây ngộ độc tại Việt Nam và một số nước khác.

Ốc đụn cái – Commercial top shell (Trochus niloticus, Tectus niloticus)

Phân bố rộng từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Vỏ dài 5-16 cm, đường kính 10-12 cm.

Ốc trám

Ví dụ như 3 loài ở Nha Trang – Oliva hirasei, Oliva lignariaOliva annulata – chủ yếu chứa độc tố saxitoxin do tảo biển tích lũy; TTX có ít hơn.

dvd_3-oc-oliva

Tham khảo

  • Hsiao-Chin Jen, Thi Anh-Tuyet Nguyen, Ya-Jung Wuc, Tung Hoang, Osamu Arakawa, Wen-Feng Lin, Deng-Fwu Hwang (2014). “Tetrodotoxin and paralytic shellfish poisons in gastropod species from Vietnam analyzed by highperformance liquid chromatography and liquid chromatographyetandem mass spectrometry”. Journal of food and drug analysis, 22: 178-188.

Ốc phóng nọc: Ốc cối

Các loài ốc cối hay còn gọi là ốc nón (tiếng Anh: cone snail) thuộc chi Conus có chiều dài 2,5-20 cm, hoa văn và màu sắc đa dạng. Có hàng trăm loài ốc cối sống ở môi trường biển nhiệt đới từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Đến nay, Việt Nam đã xác định được ít nhất ba loài ốc cối thuộc chi Conus chứa nọc độc có khả năng gây chết người.

dvd_cone-snails

Nọc độc gồm hàng trăm hợp chất protein của loài ốc cối được gọi là conotoxins, làm tê liệt cơ thể và thậm chí ức chế hô hấp, dẫn đến tử vong. Ốc thường ẩn mình dưới cát, chỉ để lộ một phần miệng lên trên. Khi có con mồi bơi ngang qua, ốc phóng nọc qua một mũi kim làm tê liệt con mồi rồi kéo con mồi vào miệng. Có khoảng 60 loài ốc có khả năng bắt mồi bằng nọc độc như thế, và chúng cũng có thể nguy hiểm với con người khi tay chạm phải hoặc chân dẫm đạp lên con vật. Đa số những trường hợp bị ốc độc chích là do người tiếp xúc cầm nắm chúng không đúng cách, vết chích thường là vết thương thủng sâu giống như vết chích của ong hay côn trùng.

dvd_cone-snail-bat-moiCác triệu chứng là:

  • Vết chích sưng, đau buốt, bị thẫm màu, xung quanh xuất hiện vằn hay vết chấm lốm đốm.
  • Tai điếc.
  • Nôn mửa, chóng mặt, mắt mờ.
  • Thở gấp, mạch yếu, bất tỉnh.
  • Nếu trúng nhiều độc tố: tê liệt, hôn mê sâu.

Dưới đây là 2 ví dụ về ốc cối hiện diện ở Việt Nam.

Ốc cối địa lý – Geography cone (Conus geographus)

Có độc tính cao nhất trong các loài ốc cối, được Viện Hải dương học Nha Trang xếp vào danh mục: “Các loài hải sản độc hại gây chết người”. Chiều dài trung bình 110 mm, đường kính ngang chỗ phình to là 55 mm (con lớn có thể dài đến 160 mm với đường kính ngang 75 mm). Vỏ có dạng hình trứng kéo dài, chóp xoăn thấp, có ngấn và viền ngoài tạo thành gờ. Vỏ có màu trắng hơi xanh chuyển sang hơi tím; vỏ ngoài trang trí hình mạng lưới mịn (hoặc không rõ) màu nâu.

Ở Việt Nam, ốc cối địa lý thường có ở ven biển phía Nam, từ Đà Nẵng đến Kiên Giang và các hải đảo. Đây là loài ốc đã gây ra một số trường hợp tử vong cho ngư dân Việt.

dvd_oc-coi

Ốc cối hoa lưới – Textile cone (Conus textile)

Có chiều dài trung bình khoảng 7 cm, đường kính nơi phình nhất của thân khoảng 3 cm. Chiều dài tối đa có thể đến 15 cm. Vỏ thuôn dài, chắc và nặng. Chóp xoắn có dạng hình nón nhọn, vòng xoắn đều và láng. Gờ vai của vỏ có cạnh cũng trơn, láng. Miệng vỏ dài và rộng, màu trắng; nơi mở to nhất nằm tại phía đầu. Màu sắc bên ngoài vỏ thay đổi, thường trắng-xanh nhạt, trên vỏ có hoa văn màu nâu hay vàng nhạt hình mạng lưới không đều. Hoa văn bao phủ hầu như toàn vỏ, kể cả nơi phần chóp, tạo thành một dạng lưới, trên nền của hoa lưới còn có thêm những vệt, khoang không đều cũng màu nâu.

Đây là loài ốc cối rất độc, gây nhiều trường hợp chết người nhất. Riêng tại Việt Nam, ốc có mặt trong vùng ven biển từ Đà Nẵng xuống đến Kiên Giang và các hải đảo.

Phòng tránh tai nạn do ốc cối

Phải rất thận trọng với ốc cối khi đi du lịch. Bạn và người nhà phải dè chừng khi đi chân trần trên bãi cát và thấy một vỏ ốc cối: con vật có thể còn sống! Chân trần của bạn có thể đạp trúng nó hoặc bạn có thể nhặt nó lên để đem về nhà làm kỷ niệm. Lúc đó, tai nạn bi thương có thể xảy ra. Cũng nên cẩn trọng khi tắm biển, lặn xem san hô: tay bạn có thể chạm vào một con ốc cối nằm thu mình dưới nền cát hoặc ẩn nấp trong rạn san hô.

Kết luận chung

Bài này vẫn còn sơ khai, chủ yếu tập trung vào các chủng loài động vật ở Việt Nam. Những nước khác có những động vật khác. Ví dụ như nước Úc có nhiều động vật mang độc chất rất mạnh mà phạm vi bài này không thể bao quát hết. Chúng ta cần trang bị kiến thức để nhận biết những động vật nào có thể gây độc cho con người, những trường hợp động vật xâm nhập nơi con người sinh sống, đi dã ngoại, nghỉ dưỡng, quan sát chung quanh, và từ đó cũng nên biết cách phòng tránh.

Lấy ví dụ, khi đi nghỉ dưỡng ở Maldives, khung cảnh quả là thần tiên, chỉ vì họ bảo vệ môi trường tốt quá nên ngay ở bãi tắm nước trong xanh, cát trắng xóa, người viết nhìn thấy một con rắn biển khoanh đen khoanh trắng xen kẽ. Đó rất có thể là một trong hai loài: rắn biển Belcher và rắn cạp nia biển, đều rất độc. Con rắn biển nằm im trên nền cát, nhưng tôi thầm nghĩ không hiểu khi chân trần của mình dẫm lên nó thì hậu quả sẽ ra sao! Cũng ở vùng biển này, người ta xây những căn hộ nhỏ trên bãi biển, khi nước triều lên tôi nhìn thấy cá đuối (có khả năng là loài chích nộc độc) và cá mập (tuy nhỏ nhưng có thể gây thương tích cho người) bơi lội tung tăng. Có những bậc thang cho du khách đi xuống ngâm mình, hoặc muốn bơi lội cũng được, và quả thật có người xuống để hòa mình với các chủng loài thiên nhiên. Tôi nghĩ trong vùng biển này, thảm họa có thể xảy ra! Tôi có góp ý với ban quản lý khu nghỉ dưỡng, không rõ có tác dụng gì không.

Mỗi khi ta đi chân trần trên bãi biển, mặc áo phông quần sọt đi trekking trong rừng, cắm trại giữa đồng hoang, ngắt một cành hoa dại, leo lên cây ngắm một giò lan rừng, ngồi trên một khúc gỗ mục để ngắm nhìn quang cảnh tuyệt mỹ, hoặc nấu nướng ăn picnic giữa thiên nhiên, v.v… đều phải cẩn trọng. Ngay cả khu dân cư Linh Đàm ở Hà Nội có rắn hổ mang xâm nhập và khu dân cư xưa kia tôi ở tại Bangkok thường thấy rắn lục đuôi đỏ. Cả hai nơi có điểm giống nhau là chung quanh có lùm bụi và mương nước. Ngoài thiên nhiên, thoạt trông có thể khó nhận ra một con rắn đang nằm im trên đất, hoặc một tổ ong vò vẽ giữa các cành cây rậm rạp, hoặc động vật độc dưới biển. Cần quan sát kỹ trên dưới, trái phải, gần xa trong mỗi bước đi của bạn.

Hình: thiên nhiên đẹp, nhưng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại!

dvd_hiem-hoa-tiem-an

Ở Việt Nam càng phải rất cẩn trọng, trong tình trạng các bệnh viện còn thiếu thốn huyết thanh kháng nọc rắn và càng thiếu huyết thanh kháng độc tố các động vật khác, phương tiện cứu hộ và sơ cứu lại sơ sài, thì mỗi người cần phải lo bảo vệ chính mình. Chưa nói đến độc tố nguy hiểm. Chân đạp lên một con cầu gai ở biển, hoặc bị một con rết đốt khi đặt tay lên lớp lá khô, hoặc bị vài con ong mật đốt trên cung phượt.., là đủ để phá hoại một chuyến du lịch chỉ vì cơ thể bạn quá mẩn cảm trong khi dân địa phương lại vô sự!

Mặt khác, không nên để bị lôi cuốn theo từ ngữ giật gân trong các bản tin, bài viết. Cần tỉnh táo nhận định cho đúng tầm quan trọng, để đừng bị “ớn lạnh” hoặc cảm thấy “khủng khiếp” hoặc ám ảnh sẽ “đi theo ông bà”. Không phải lúc nào tử thần cũng rình rập. Biết cách phòng chống thì ta được an toàn và không cần thiết lúc nào cũng phải giết hại động vật.

Ghi chú: bài này vẫn còn được mở, sẽ được cập nhật khi có thông tin mới.

Tổng hợp: Diệp Minh Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *