Giai thoại văn học về Thủ khoa Nghĩa

Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) người làng Long Tuyền, nay thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ông đỗ Giải nguyên trường hương Gia Định năm 28 tuổi (1835, Minh Mạng năm thứ 16), nên thường được gọi là Thủ khoa Nghĩa.

mo Thu khoa Nghia 2
Mộ Thủ khoa Nghĩa ở Bình Thủy, Cần Thơ

Giai thoại Bùi Hữu Nghĩa sửa thơ Đỗ Mục

Chuyện thứ nhất

Một bài thơ của Đỗ Mục thời Vãn Đường nói về tiết Thanh Minh như sau:

Nguyên văn bài thơ thất ngôn:

Thanh Minh
Thanh Minh thời tiết vũ phân phân
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ thị
Mục đồng giao chỉ Hạnh Hoa thôn

Dịch thơ:

Trời Thanh Minh mưa bay lất phất
Người trên đường lạnh đến nát lòng
Mới thử hỏi nơi nào bán rượu
Trẻ chăn trâu chỉ Hạnh Hoa thôn

Thế mà Bùi Hữu Nghĩa cho rằng bài thơ này quá dư thừa chữ nghĩa. Cụ đề nghị gọt dũa bài thơ, cắt bỏ 2 chữ ở mỗi câu, thành ra bài thơ ngũ ngôn như sau:

Thời tiết vũ phân phân
Hành nhân dục đoạn hồn
Tửu gia hà xứ thị
Giao chỉ Hạnh Hoa thôn

Dịch thơ [kèm lý do tại sao phải cắt chữ]:

Trời mưa bay lất phất
   [Tựa bài thơ là Thanh Minh rồi, cần gì phải lặp lại đó là thời tiết Thanh Minh! Nên cắt bỏ hai chữ “Thanh Minh”.]

Người lạnh đến nát lòng
   [Ơ hay, người không đi trên đường thì chẳng lẽ xuống ruộng mà đi! Nên cắt bỏ hai chữ “trên đường”.]

Hỏi nơi nào bán rượu
   [Muốn hỏi thì cứ hỏi ngay, cần gì phải mào đầu vòng vo! Nên cắt bỏ hai chữ “Mới thử”.]

Trẻ chỉ Hạnh Hoa thôn
   [Đi trên đường quê khi mưa lất phất mà gặp trẻ thì đó là trẻ chăn trâu thôi, phải tự hiểu lấy! Nên cắt bỏ hai chữ “chăn trâu”.]

Hóa ra bài thơ vẫn giữ nguyên nghĩa, nhưng Bùi Hữu Nghĩa cho rằng câu cú súc tích, chặt chẽ hơn, loại bỏ chữ dư thừa.

Chuyện thứ hai

Người Tàu từ xưa có một bài thơ nói về bốn cái khoái – mà nhiều người nước ta thường tấm tắc khen hay – như sau:

Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì

Dịch nghĩa:

Nắng lâu gặp mưa rào
Xa quê gặp bạn cũ
Đêm động phòng hoa chúc
Lúc tên đề bảng vàng

Nhưng theo ý Bùi Hữu Nghĩa thì 4 cái khoái này chỉ là “chuyện nhỏ”. Phải thêm vào đầu mỗi câu hai chữ nữa, thì 4 cái khoái đó mới thật là sướng khoái! Cụ thêm vào như sau:

Thập niên cửu hạn phùng cam vũ
Thiên lý
tha hương ngộ cố tri
Hòa thượng
động phòng hoa chúc dạ
Nột nho kim bảng quải danh thì

Dịch nghĩa:

Mười năm nắng lâu gặp mưa rào
   [Mười năm khổ gần chết vì khô hạn, mưa xuống mới thật là sướng khoái!]

Ngàn dặm xa quê gặp bạn cũ
   [Đi ngàn dặm gặp bạn cũ là quá khoái, có thể hỏi chuyện quê nhà, nhờ vã, mượn tiền…]

Hòa thượng đêm động phòng hoa chúc
[Đã tu lâu năm đến cấp hòa thượng mà được động phòng thì sướng làm sao!]

Trò dốt lúc tên đề bảng vàng
[Học dốt mà thi đậu, thế mới thật là sướng nhất trong đời học trò!]

Ngược lại, cụ Thủ khoa Nghĩa cho rằng bốn cái khoái đó nếu thêm vào hai chữ khác, thì trở thành bốn cái đại khổ. Cụ thêm vào như sau:

Diêm điền cửu hạn phùng cam vũ
Đào trái
tha hương ngộ cố tri
Thái giám
động phòng hoa chúc dạ
Cừu nhân kim bảng quải danh thì

Dịch nghĩa:

Ruộng muối nắng lâu gặp mưa rào
   [Ruộng muối nắng lâu tức gần đến lúc thu hoạch, thế mà lại gặp mưa, bao nhiêu vốn liếng công lao khó nhọc đi đong!]

Trốn nợ xa quê gặp bạn cũ
   [Xa quê tưởng đâu trốn nợ được, ai dè gặp lại cái thằng bạn cũ mắc dịch thì khổ rồi!]

Thái giám đêm động phòng hoa chúc
   [Làm thái giám thì còn non nước gì, thế mà phải vào động phòng thì cay đắng oái oăm quá!]

Kẻ thù lúc tên đề bảng vàng
   [Đã mệt mỏi với kẻ thù bình thường rồi, bây giờ hắn lại thi đỗ làm quan to thì đúng là khổ nạn!]

Giai thoại Câu đối với Tú tài Văn Bình

Chuyện xảy ra lúc Thủ khoa Nghĩa đã nghỉ hưu, về quê nhà vui cảnh điền viên.

Một anh Tú tài dò đường đến nhà Thủ khoa Nghĩa, đi mỗi chặng lại hỏi đường người địa phương rồi đi tiếp. Đến một ngôi nhà, thấy một ông già nên cũng hỏi đường đi tiếp.

Ông già hỏi:
–  Cậu là ai? Hỏi nhà ông Thủ khoa Nghĩa để làm gì?

Anh Tú tài trả lời:
–  Cháu là Tú tài tên Văn Bình, nghe nói ông Thủ khoa Nghĩa văn hay chữ giỏi nên cháu đến để thử tài ổng.

Ý cậu Văn Bình hẳn nghĩ cụ Bùi Hữu Nghĩa chỉ đỗ Tú tài như mình nên không giỏi hơn mình!

Ông già từ tốn nói:
–  Nhà ông Thủ khoa Nghĩa còn hơi xa, để tôi sai bọn trẻ đưa cậu đi. Nhưng chắc cậu đi đường đã mệt, vào đây uống chút nước rồi hẵng đi tiếp.

Tú tài Văn Bình đúng là đang khát nước nên vui mừng nhận lời.

Trong khi dùng trà, anh ta nhìn quanh quất thấy có mấy câu đối treo trong nhà, nên hỏi:
–  Chẳng hay bác cũng chơi câu đối hay sao?

Ông già cười:
–  Mấy câu đối này là do ông Thủ khoa Nghĩa viết cho tôi, chứ tôi có làm được câu đối gì đâu. Cùng lắm là đối từng chữ một thôi.

Tú tài Văn Bình nhà ta nghe thế, nóng máy, liền nói:
–  Vậy thì bác với cháu đối nhau từng chữ cho vui nhé?

Ông già đáp:
–  Cũng được. Để tôi ra chữ, cậu đối lại xem sao.

Tú tài chấp nhận.

Ông già ra chữ đầu:

Tú tài thấy quá dễ, đối lại:
Văn

Ông già khen “Văn” đúng là đối với “”, hay lắm! Rồi ra chữ kế tiếp:
Trắc

Tú tài cũng thấy quá dễ, đối lại:
Bình

Ông già khen “Bình” đối với “Trắc” thật là chỉnh! Rồi ra chữ kế tiếp:
Nam

Tú tài lấy làm ngạc nhiên vì cho đến giờ ông già đưa ra toàn là chữ quá dễ, đối lại:
Bắc

Ông già lại khen, rồi tiếp:

Tú tài chẳng khó khăn gì mà đối lại:
Cực

Ông già gật gù nói:
–  Khen cho cậu tìm đúng chữ “cực” để đối lại với chữ “”! Bây giờ hai ta ghép lại từng câu xem sao!

Hóa ra câu của ông già là:
Võ trắc nam vô
vốn không có nghĩa gì đặc biệt

Còn câu của Tú tài Văn Bình là:
Văn Bình bắc cực

Tú tài nhà ta lẩm bẩm hai câu đối, rồi hiểu ra ý nghĩa, mặt đỏ nhừ, nói:
–  Thế ra bác đây là Thủ khoa Nghĩa phải không?

Ông già cười, nhận phải.

Tú tài Văn Bình biết mình đã mắc bẫy ông già Thủ khoa Nghĩa, đành phải bái phục!

Nếu độc giả còn hoang mang về việc này thì cần nhờ người nói lái hộ câu trên.

Tản mạn: Vụ án Láng Thé

Có một thời gian Thủ khoa Nghĩa được bổ làm Tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long), dưới quyền của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện. Đa số cư dân Trà Vang thuộc tộc người Khmer.

Vào năm 1783, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh (về sau là vua Gia Long) bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải về đây trú ẩn, không những chúa được người Khmer chia sẻ lương thực mà còn tình nguyện theo phò giúp. Vì vậy, khi lên ngôi vua, Gia Long xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn cho tất cả người Khmer đến khai thác nguồn lợi thủy sản ở rạch Láng Thé thuộc huyện Trà Vang. Thấy nguồn lợi lớn, một số địa chủ người Hoa đem tiền lo lót Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện để giành quyền khai thác cá tôm ở con rạch trên.

Bị bức ép, tháng 10 năm Mậu Thân (1848), một số người Khmer do ông trưởng Sóc Nhêsrok dẫn đầu kéo đến gặp Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa để khiếu kiện. Biết được hành động gian tham của quan trên và hành động ỷ quyền của nhóm người Hoa, ông phán xử:

Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ (Gia Long) ban cho dân Thổ (Khmer), nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!

Nghe vậy, những người dân Khmer kéo nhau đến nhà những người Hoa tranh cãi dẫn đến xô xát, làm phía người Hoa chết 8 người.

Nhân cơ hội này, Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện cho bắt những người Khmer gây án, đồng thời bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa giam ở Vĩnh Long rồi giải về Gia Định, đệ sớ lên triều đình tố cáo ông đã kích động dân Khmer làm loạn và lạm phép giết người.

Nhận được tin dữ, vợ ông là Nguyễn Thị Tồn quá giang ghe bầu, vượt sóng gió ra tới tận kinh đô Huế – một cuộc hành trình với vô vàn hiểm nguy thời bấy giờ đối với một phụ nữ.

Bấy giờ, Phan Thanh Giản đang làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Thị Tồn tìm đến tư dinh ông Phan trình bày hết mọi việc, rồi nghe theo lời khuyên, bà đến Tam pháp ty gióng trống “kích cổ đăng văn” (đánh trống, đội đơn) kêu oan cho chồng. Tam Pháp Ty là cơ quan nhận đơn khiếu nại của người bị quan lại xử oan ức, gồmm có đại diện của Bộ Hình (Tư pháp), Viện Đô Sát (Viện Giám sát) và Đại Lý Tự (Tòa Phá án).

Sau sự kiện chấn động này, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, song phải chịu “quân tiền hiệu lực”, tức bị đày làm lính ở đồn Vĩnh Thông thuộc tổng Châu Phú (Châu Đốc), nhằm đoái công chuộc tội.

Tổng hợp: Diệp Minh Tâm

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *