Câu chuyện này có nhiều phiên bản khác nhau đôi chút về tình tiết, và bài thơ trong chuyện cũng khác nhau một ít, nhưng điều này không đáng kể.
Ngày xưa, khá xưa… Quan phủ Vĩnh Tường mời một thầy đồ còn trẻ về dạy học cho đám học trò trong phủ.
Quan phủ có cô con gái trẻ nổi tiếng là ứng đáp trôi chảy, xuất khẩu thành thơ và sắc nước hương trời, vừa xinh xinh vừa đáo để.
Một buổi chiều, hết giờ dạy học, thầy đồ tản bộ ra trước ao sen, cũng là lúc cô tiểu thư con quan đang đứng dưới ao hái hoa sen. Có lẽ lúc ấy mãi say sưa thế nào mà cô chủ đứng yên quá, cho nên mặt nước ao phản chiếu lấp ló hình ảnh thầm kín… Ngày ấy phụ nữ mặc váy rộng mà lại không mặc nội y để che lấy “vùng vịnh”, nên mới có hình ảnh lung linh trên bóng nước… Vừa lung linh vừa thấp thoáng, thế mới làm khổ thầy đồ!
Anh đồ trẻ trông thấy, tức cảnh sinh tình, liền cất tiếng ngâm nga hai câu thơ sau đây:
Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc
Thủy diện vi mang bạng thổ thần
Dịch nghĩa:
Gió bụi tản mạn, hoa khoe màu
Trên mặt nước, con trai thè lưỡi ra
Có người dịch thơ như sau:
Gió đùa lởn vởn hoa đua sắc
Nước dọi lăn tăn bóng thổ thần
Sau đó, cô tiểu thư từ ao sen bước lên, đi qua chỗ thầy đồ dạy học thì thấy tờ giấy tờ giấy ghi hai câu thơ kia. Người bàng quan không hiểu rõ ý tứ thầm kín của hai câu thơ, nhưng cô tiểu thư biết thừa thầy đồ châm chọc mình! Phải làm sao đây? Chẳng lẽ mắng mỏ thầy đồ thì không đủ luận cứ, lại càng mất mặt thêm!
Vài hôm sau, nàng trao cho anh đồ trẻ bài thơ theo thể hát nói như sau:
Thầy đồ nọ vốn người tài bộ
Quảy cầm thư giáo thụ phủ Vĩnh Tường
Trước nha môn thiết lập học đường
Dạy dăm chữ chi hồ dả dã
Một buổi nọ, thầy đồ nhàn hạ
Đồ bước ra xem ả hái hoa
Ả hớ hênh, ả để đồ ra
Đồ trông thấy đồ ngâm nga tức khắc:
“Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc
Thủy diện vi mang bạng thổ thần”
Đồ ngâm rồi đồ đứng tần ngần
Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc
Suốt năm canh đồ nằm khôn nhắp
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia
Đồ đâu gặp gỡ làm chi!
Bài thơ sử dụng ngôn từ quá thâm thúy: thầy đồ pha lẫn với “đồ” của tiểu thư! Riêng câu kết nói đến cái đồ thứ ba, có tác dụng như một câu chửi mắng!
Từ ngày sau người ta không còn thấy bóng dáng anh đồ trẻ trong phủ nữa. Anh ta quá xấu hổ, lại không thể đối đáp gì được, chỉ có nước chuồn êm thấm!