
Bộ sách Little house on the prairie (Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên) hay gọi tắt là Bộ sách Ngôi nhà nhỏ (Little House series) của tác giả người Mỹ, bà Laura Ingalls Wilder (1867-1957) gồm có 9 tập. Bộ sách này thuật lại những kỷ niệm trong cuộc đời của chính tác giả, từ thuở còn bé đến tuổi trưởng thành.
Bộ sách Ngôi nhà nhỏ được ra mắt người đọc đầu tiên là nhờ công lao của con gái tác giả.[A] Khi tác giả đã ở tuổi hơn sáu mươi, con gái bà yêu cầu bà viết lại về cuộc sống của bà mà hẳn cô đã nghe mẹ kể theo từng quãng đời rời rạc. Thế là bà mẹ cầm bút viết theo trí nhớ, kể lại một câu chuyện có thật nhưng bây giờ ta nghe như là truyện cổ tích, với không gian đầy ắp tình người đôn hậu và trung thực, về một cuộc sống khổ nhọc, đôi lúc hiểm nguy khi vượt sông suối, hoặc bị thú dữ đuổi, hoặc mâu thuẫn với người Da đỏ…, nhưng vẫn có những niềm vui thú trong sáng, không khí gia đình ấm cúng, con trẻ được đùm bọc, các gia đình giúp đỡ nhau…
Hồi ức sống động của tác giả cũng vẽ lại đầy những chuyện phiêu lưu hồi hộp, căng thẳng, ly kỳ giữa chốn hoang dã mà văn học Việt Nam thường gọi là “chuyện đường rừng”. Điểm độc đáo của bộ sách là gia đình tác giả hay dời chỗ ở, và mỗi nơi chốn mới là cảnh sống mới với những thách thức mới, những gian khổ mới, đầy bất ngờ và nhiều kinh ngạc cho nhân vật trong truyện lẫn người đọc. Nhiều việc cả gia đình tác giả phải tự thân lo liệu. Lấy ví dụ: khi dời đến nơi chốn mới, gia đình phải tự thu dọn đồ dùng cần thiết rồi chất lên một xe goòng chạy rề rà giữa đồng nội không có đường đi rõ rang, và khi qua suối thì phải cho xe lội nước chứ không có cầu, ngay cả con chó yêu quý phải chạy theo chứ xe goòng không đủ chỗ cho thú cưng! Ở mỗi nơi chốn mới, cả hai gia đình Laura và Almanzo phải sống bằng cách tự cung tự cấp là chính: tự lo xây nhà, rồi tìm cách bẫy hoặc săn thú và nuôi gia súc để lấy thịt và da, phải tự làm lấy bơ, phó mát, bánh mỳ, bánh quy, lương khô để ăn trong mùa đông, làm nến, nuôi cừu để lấy lông rồi dệt len…
Ngoài ra, Bộ sách Ngôi nhà nhỏ cũng trình bày một cách sinh động toàn bộ khung cảnh gia đình, xã hội và kinh tế nước Mỹ từ giữa Thế kỷ 19 đến giữa Thế kỷ 20.
Điểm đặc sắc của bộ sách là những giá trị thực của đời sống được đề cao: sự cần cù, tính chân thật, tinh thần chia sẻ, sự thích ứng và chịu đựng, cách giải trí và chơi đùa thuần khiết của trẻ thơ… Bằng cách thuật lại những trải nghiệm từ ấu thơ đến khi trưởng thành, tác giả để lại cho những thế hệ sau một di sản quý báu: tìm hiểu và nhận biết quá khứ ông bà để tiếp thu những ý nghĩa cao đẹp cho cuộc sống của mình.

Ý nghĩa sinh thái–nhân văn cũng hiển hiện đây đó: con người dựa vào môi trường để sống nhưng không khai thác phung phí, mà biết cách bảo vệ và gìn giữ môi trường. Con người biết chăm lo cho môi trường hầu giữa môi trường và con người có sự hài hòa bền vững, và đấy là nguyên tắc sống chung với thiên nhiên quý giá mà các thế hệ sau này cần nắm giữ.
Xuyên suốt bộ sách, ta thấy phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống gia đình. Dưới bàn tay người mẹ “đa năng” như mẹ của Laura, ngôi nhà như là một nhà máy chế biến đủ các loại thực phẩm, sản phẩm bằng da, sản phẩm may mặc, thậm chí dược liệu…
Đặc biệt, bố của bé Laura là một người cha tuyệt vời. Ông làm được nhiều việc khác nhau, và khi làm việc, ông để cho các con quan sát và học hỏi. Cũng trong khi làm việc, ông còn kể chuyện cho lũ trẻ, có khi kể để thử tài suy luận của hai cô gái nhỏ. Ông cũng thường vừa hát vừa kéo vĩ cầm cho hai bé nghe trong những ngày mùa đông tù túng bọc quanh ngôi nhà. Bà mẹ cũng thường hát những bài dân ca cho ba trẻ nghe. Âm nhạc là một sắc thái đặc biệt trong Bộ sách Ngôi nhà nhỏ với những bài dân ca thời ấy, nhiều bài còn thịnh hành đến bây giờ.
Sống giữa thiên nhiên và nhiều khi chống chọi với thiên nhiên nhưng trẻ nhỏ vẫn được giáo huấn về lễ nghi, phép tắc, chẳng hạn: không được nói khi trong miệng còn đầy thức ăn, không được phép cho chó ăn trong khi bé đang ăn… Kỹ năng sống cũng được chỉ dạy cẩn thận, chẳng hạn chị em Laura được bố nhắc nhở khi đi xuống đừng đi sâu quá mắt cá chân…
Một đoạn trong thư của tác giả gửi những người hâm mộ nhỏ tuổi đúc kết ý tưởng của bộ sách như sau:
Ngày nay lối sống của chúng ta và các trường học của chúng ta đã khác biệt nhiều [so với những miêu tả trong bộ sách]; nhiều thứ làm cho cuộc sống và sự học hỏi dễ dàng hơn hẳn. Nhưng những điều cốt lõi thì không thay đổi. Vẫn là tốt nhất nếu ta sống lương thiện và chân thật; rút tỉa nhiều nhất từ những gì ta trải nghiệm; cảm thấy hạnh phúc đối với những niềm vui đơn giản, vẫn tỏ ra vui vẻ và can đảm khi gặp phải những điều không như ý.
Năm 1954, tác giả là người đầu tiên được trao Giải thưởng Laura Ingalls Wilder (lấy theo tên bà) của Hiệp hội Thư viện Mỹ. Giải thưởng này được trao ba năm một lần cho người có cống hiến quan trọng và lâu dài trong mảng sách văn học thiếu nhi.
9 tập của bộ sách là như sau.
Tập 1: Little house in the Big Woods: giai đoạn 1871-1872, lúc tác giả Laura Ingalls được 4-5 tuổi. Gia đình tác giả sống biệt lập trong một ngôi nhà nhỏ được xây bằng gỗ súc ở Pepin, bang Wisconsin. Họ định cư cách xa làng mạc, thậm chí cách xa họ hàng, kiên trì đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt để tạo dựng cuộc sống theo ý họ muốn. Giai đoạn này kéo dài không lâu, bởi vì nhiều người khai phá đến cư ngụ trong vùng, cạnh tranh với nhau về tài nguyên thiên nhiên.

Tập 2: Farmer boy: giai đoạn 1866-1867, có bối cảnh là gia đình của Almanzo Wilder, chồng tương lai của Laura, từ lúc cậu lên 9. Gia đình cậu bé Almanzo sống trong một trang trại gần thị trấn Malone, ở cực bắc Bang New York. So với cảnh sống giản dị của gia đình bé Laura như miêu tả trong Tập 1, gia đình cậu Almanzo tương đối bề thế hơn: cơ ngơi lớn hơn, nuôi nhiều gia súc hơn. Qua đó, Tập 2 đưa ra những sắc thái mới lạ trong đời sống của một trang trại Mỹ. Trong khi Tập 1 trình bày chủ yếu bức tranh đời sống của các bé gái thơ ấu, Tập 2 cho thấy những nét khác biệt trong đời sống các cậu con trai.
Tập 3: Little house on the prairie (cũng là tựa đề của cả bộ sách): giai đoạn 1873-1874, gia đình tác giả cư ngụ ở Independence, bang Kansas, khi Laura được 6-7 tuổi. Trong thời gian này, nước Mỹ đang mở rộng lãnh thổ về hướng tây, nên nhiều gia đình muốn dời về miền tây lập nghiệp. Gia đình bé Laura cũng nằm trong số này: họ dời đi sống trong một ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên gần Thị trấn Independence, Bang Kansas. Miền tây được đề cập trong tập sách này là vùng đất ở hướng tây so với vùng có nhiều người da trắng định cư ổn định ở miền đông. Xét theo toàn lãnh thổ nước Mỹ, vùng đất gia đình Laura đến định cư trong tập sách này là vùng trung-bắc của nước Mỹ. Cuộc sống ở Kansas có nhiều khó khăn và nguy hiểm hơn nơi chốn cũ.

Tập 4: On the banks of Plum Creek: giai đoạn 1874-1878, khi Laura được 7-9 tuổi, gia đình tác giả dời đi từ ngôi nhà nhỏ trong Lãnh thổ Da đỏ, băng qua Bang Kansas, Bang Missouri, Bang Iowa, và thêm một quãng đường dài để đến cư ngụ ở Bang Minnesota.
Tập 5: By the shores of Silver Lake: giai đoạn 1879-1880, khi Laura được 12-13 tuổi, gia đình tác giả dời đến De Smet, South Dakota. Gia đình nhận được thửa đất cấp cho dân đi khai phá.
Tập 6: The long winter: giai đoạn 1880-1881, gia đình tác giả tiếp tục cư ngụ ở South Dakota, khi Laura 13-14 tuổi, nhà Ingalls dời về Dakota. Gia đình trải qua một mùa đông rất khắc nghiệt, với những cơn bão tuyết thổi suốt 7 tháng.
Tập 7: Little town on the prairie: giai đoạn 1881-1882, khi Laura 14-16 tuổi. Gia đình cô tiếp tục ngụ ở De Smet, South Dakota. Laura nhận công việc đầu tiên nhưng vẫn tiếp tục học để mong có chứng chỉ dạy học lúc 16 tuổi.
Tập 8: These happy golden years: giai đoạn 1883-1885, khi Laura 16-18 tuổi, thuật lại mối quan hệ giữa Laura và Almonzo ở De Smet, bang South Dakota, cho đến khi hai người cưới nhau. Laura bắt đầu nghề dạy học
Tập 9: The first four years: giai đoạn 1871-1875, bao gồm 4 năm đầu sau khi Laura và Almonzo cưới nhau rồi cư ngụ ở bang. Khác với các tập trước, tác giả và em gái không biên tập bản thảo nên văn phong còn thô sơ. Bản thảo được tìm thấy trong đồ đạc của Rose, em gái của tác giả, sau khi cô này qua đời.
Liên hệ gia tộc
Để người đọc tiện theo dõi, những người thân thuộc của tác giả Laura Ingalls được trình bày trong biểu và được liệt kê dưới đây, gọi theo mối quan hệ với cô.
Alice: em con dì con già[B] của Laura, trưởng nữ của Dì Eliza và Chú[C] Peter, chị của Ella và bé Peter.
Bố: Bố của Laura tên là Charles, người con thứ hai trong số 9 con của Ông Bà Nội.
Carrie: em gái kế của Laura.
Charley: anh họ của Laura, con của Bác Henry và Cô Polly.
Docia: Cô Docia là em gái của Bố, chị của Cô Ruby, người thứ bảy trong số 9 con của Ông Bà Nội.
Eliza: Dì Eliza là em gái của Mẹ, người thứ sáu trong số 8 con của Ông Bà Ngoại.
Ella: em con dì con già của Laura, người thứ hai trong số 6 con của Dì Eliza và Chú Peter, em gái của Alice và chị của bé Peter.
George: Chú George là em trai của Bố, người con thứ tám trong số 9 con của Ông Bà Nội, em trai của Chú James.
Henry: Bác Henry là anh của Mẹ, người con thứ ba trong số 8 con của Ông Bà Ngoại, vợ bác tên là Polly.
James: Chú James là em trai của Bố, người con thứ năm trong số 9 con của Ông Bà Nội, anh của Chú George.
Libby: Cô Libby là vợ của Chú James.
Laura: bé Laura là người thứ hai trong số 5 chị em, mang tên theo Bà Nội[D], cũng là tác giả của Bộ sách Ngôi nhà nhỏ.
Lottie: tên thân mật của Dì Charlotte, em gái cùng mẹ khác cha của Mẹ, người con út trong số 8 con của Bà Ngoại. Bà Ngoại và Ông Ngoại trước có với nhau 7 con trong số đó có Mẹ. Sau khi Ông Ngoại trước qua đời, Bà Ngoại tái hôn rồi sinh ra Dì Lottie.
Mẹ: Mẹ của Laura tên là Caroline, người con thứ năm trong số 8 con của Bà Ngoại.
Mary: chị của Laura.
Peter (1): Chú Peter là chồng của Dì Eliza.
Peter (2): em con dì con già của Laura, con thứ ba của Dì Eliza và Chú Peter, mang tên theo cha, em trai của Alice và Ella.
Polly: Cô Polly là em gái của Bố, chị của Cô Ruby, cưới Bác Henry.
Ruby: Cô Ruby là em gái của Bố và cũng là em gái của Cô Polly, người út trong số 9 con của Ông Bà Nội.
Chú thích:
[A] Người con gái này tên là Rose, năm 1965 đến Việt Nam làm phóng viên ở tuổi 79.
[B] Người Bắc gọi là em con dì con già, người Nam gọi là em bạn dì.
[C] Người Bắc gọi là chú rể, người Nam gọi là dượng.
[D] Đối với người phương Tây, việc đặt tên con trùng với tên cha mẹ, ông bà là điều bình thường, trong khi đối với người phương Đông thì đấy là điều cấm kỵ.
Mời các bạn xem:
Tập 1- Ngôi nhà nhỏ trong Rừng Đại Ngàn: https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/25/ngoi-nha-nho-trong-rung-dai-ngan/
Tập 2- Cậu bé nông dân: https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/25/cau-be-nong-dan-bo-sach-ngoi-nha-nho/
Tập 3- Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên: https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/26/ngoi-nha-nho-tren-thao-nguyen/