Giới thiệu “Cây đàn Miến Điện”

Tác giả

Takeyama Michio (1903-1984) là học giả về văn chương Đức, cũng là nhà văn và nhà phê bình văn học. Ông tốt nghiệp Đại học Hoàng gia Tokyo chuyên ngành văn chương Đức. Sau một thời gian dạy học ở Tokyo, ông rời Nhật Bản đi du học ở Paris và Berlin.

Takeyama_Michio

Tên tuổi Takeyama nổi bật trong giới nhà văn Nhật Bản sau Thế chiến 2, nhờ những bài phê bình văn học đầy những nhận định xác đáng và lý luận đanh thép. Ông trở lại trường cũ năm 1949 và làm giáo sư tại đây ba năm. Ngoài ra, ông dồn nỗ lực vào công việc dịch thuật những tác phẩm văn học Đức sang tiếng mẹ đẻ.

Năm 2983, ông trở thành viện sĩ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nhật Bản, và cùng năm này nhận Giải thưởng Kikuchi Kan cho thành tựu văn học.

Tác phẩm Cây đàn Miến Điện

Cuốn Biruma no Tategoto (Cây đàn Miến Điện) xuất bản năm 1946 đem lại cho tác giả giải thưởng văn chương do cơ quan báo chí Mainichi trao tặng.

Đây là một câu chuyện cảm động, ghi những sinh hoạt của một đại đội binh sĩ Nhật Bản trong rừng nhiệt đới Miến Điện khi họ khám phá thấy rằng những thử thách trong chiến tranh còn cam go, gian khổ nhiều hơn là đương đầu với quân thù. Khí hậu không hợp, đất đai xa lạ, dân chúng khác biệt, tập quán đặc thù, cuộc vật lộn liên tục để chế ngự lòng nhớ quê hương và những cảm xúc do chiến tranh tạo nên đã biến một người bạn thân thiết thành một người xa lạ – tất cả đã kết hợp lại thành một cầu chuyện hấp dẫn, sinh động.

Cây đàn Miến Điện là một câu chuyện về Thế chiến 2; tuy nhiên, chủ đề của nó là chủ đề muôn thuở. Nhờ thế, với tình tiết hấp dẫn, lối kể hiện thực và lời văn đơn giản, kể từ khi ra đời, tác phẩm này đã lôi cuốn, thỏa mãn không biết bao nhiêu độc giả mà nói, ở trong cũng như ở ngoài nước. Ấy là chưa kể sự kiện nó đã được đưa lên màn ảnh và sân khấu.

Như tác giả quan niệm: chính vì thế hệ trẻ của dân tộc Phù Tang mà ông viết truyện này. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi xuất bản, tập truyện trở nên phổ thông ngay cả trong đám người lớn và được dịch sang tiếng Anh – đó là bản dịch của Hovvard Hibbett, xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1966.

Bề mặt, Cây đàn Miến Điện hấp dẫn, ly kỳ, kể chuyện những người thanh niên thường dân biến thành lính tráng, dấn thân vào một cuộc chiến mà họ không hiểu rõ hoàn toàn, rồi phải trải qua bao nhiêu gian truân, bi đát, não nề.

Trong tập truyện chẳng thiếu yếu tố phiêu lưu, bi đát và hài hước – cả ba kết lại tạo thành một truyện thời chiến đặc sắc. Song le, như tác giả đã nói, ông hy vọng độc giả sẽ không bắt gặp một truyện chiến tranh phiêu lưu nào khác nữa ở Miến Điện. Nếu truyện này đạt được mục đích, ít nhất nó cũng khiến độc giả suy ngẫm; như vậy tác giả lấy làm sung sướng lắm rồi.

Giới thiệu phim: Biruma no tategoto – The Burmese Harp (1956)

Điểm IMDb: 8.1

Đạo diễn: Kon Ichikawa

Diễn viên: Rentarô Mikuni (Captain Inouye), Shôji Yasui (Mizushima), Jun Hamamura (Ito)

Phim được quay tại Miến Điện, đen trắng dài 116 phút. Phim chuyển thể thành công cái hồn của sách nguyên tác, gây cảm xúc sâu lắng qua những đoạn như lúc Mizushima chôn các xác chết, hoặc lúc các tù binh Nhật kêu gọi đến nhà sư bên ngoài… nhưng cũng xem là một tuyệt tác về nghệ thuật, đặc biệt là bài Home, sweet home qua giọng hòa ca và tiếng đàn hạc.

The Burmese Harp lấy bối cảnh thời hậu chiến, nội dung tràn trề tình yêu nhân loại.

Burmese harp GCuốn phim nhuốm màu từ bi, bác ái của nhà Phật. Khán giả vừa được thưởng thức những âm điệu du dương tuyệt vời của cây Đàn hạc lại được du lịch Miến Điện, xứ Phật nghèo nàn lạc hậu đầy những chùa tháp. Chủ đề sâu sắc, nội dung cảm động, nhạc hay, điều đáng tiếc kỹ thuật thu hình xưa cũ, lạc hậu.

Đây là một bi kịch thời hậu chiến, chủ đề chống chiến tranh, nội dung mang nhiều ý nghĩa nhân bản tràn đầy tình yêu nhân loại. Nhà làm phim không có mục đích nói lên sự tàn ác của kẻ thắng trận mà ngược lại còn có khuynh hướng ca ngợi lòng nhân đạo của họ. Ở đây người Nhật không những chẳng chỉ trích người Anh mà còn cho thấy kẻ chiến thắng đối xử nhân đạo với họ, những tù binh chết cũng được họ làm lễ cầu nguyện và an táng tử tế. Lối làm phim này cho ta thấy tinh thần cao thượng của họ khi nói đến kẻ thù. Khác với Tây phương, người Đức, Nhật khi làm phim chiến tranh với tinh thần phản chiến không khoe khoang chiến thắng.

Phim có những đoạn vui, ngộ nghĩnh nhưng cũng đượm vẻ buồn man mác, nhất là đoạn cuối kết thúc bằng một cảnh cảm động đầy nước mắt.

Phim được vinh danh như sau:

  • Chung kết Giải Oscar cho Phim Nói tiếng Nước ngoài
  • Giải OCIC, Giải San Giorgio và Giải Đặc biệt về hình ảnh, cùng Chung kết Giải Golden Lion tại Liên hoan Điện ảnh Venise
  • Giải ưu hạng tại Mainichi Film Concours
  • Chung kết Giải Đạo diễn nước ngoài, Italian National Syndicate of Film Journalists.

Năm 1985, đạo diễn Kon Ichikawa thực hiện lại (remake) bằng phim mầu và các tài tử khác nhưng không thành công bằng phim cũ, chỉ được một vài giải thưởng nhỏ.

Bản dịch Cây đàn Miến Điện trích đoạn

Chiến sĩ Nhật Bản của chúng ta từ hải ngoại trở về quê hương tạo nên một hình ảnh đáng thương. Trông họ gầy gò, ốm yếu và mệt mỏi. Một số trong đám họ là phế binh, mặt mũi nhợt nhạt, nằm trên băng ca.

Tuy nhiên, trong đám lính hồi hương ấy lại có một đại đội gồm những người vui tươi, hớn hở, lúc nào cũng ca hát ngay cả những bài có nhiều đoạn khó hát, và họ hát rất hay. Khi tàu cập bến ở Yokosuka và họ đi lên bờ, những người ra đón họ lấy làm ngạc nhiên: Ai nấy cũng hỏi có phải họ đã nhận được khẩu phần phụ trội hay không, vì lẽ sao mà họ có vẻ vui tươi đến thế.

Những người này không có khẩu phần phụ trội, nhưng thực hiện cách ca hát tập thể trong suốt chiến dịch Miến Điện. Đại úy đại đội trưởng của họ, một nhạc sĩ trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp trường âm nhạc, đem hết nhiệt tình dạy chiến sĩ của mình ca hát. Chính việc ca hát giúp giữ vững tinh thần họ qua những chán nản hoặc khó khăn, và thắt chặt họ lại với nhau trong tình bạn, trong kỷ luật, qua những năm chiến tranh dài đằng đẵng. Nếu không có ca hát thì họ chẳng bao giờ trở về quê hương tổ quốc với tinh thần cao như thế.

Một trong những chiến binh này kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây.

Đại đội ca hát

1

Chắc chắn là chúng tôi đã hát rất nhiều. Dù sung sướng hay khổ sở, lúc nào chúng tôi cũng hát. Có lẽ bởi vì luôn luôn sống dưới sự đe dọa của trận mạc và chết chóc, nên chúng tôi cảm thấy ít nhất cần làm công việc duy nhất này cho thật tốt chừng nào còn sống. Dầu sao chúng tôi cũng đã đem hết sức lực và tâm hồn ra để hát. Chúng tôi thích những bài ca trang nghiêm, những bài ca có ý nghĩa sâu xa chứ không phải loại bài ca bình dân tầm phào. Dĩ nhiên, đa số anh em trước kia chỉ là nông dân hoặc công nhân, nhưng chúng tôi đã cố gắng học ít nhạc đồng ca hay hay.

Tôi vẫn còn nhớ lòng tràn đầy vui sướng ra sao khi chúng tôi đứng hát bên một bờ hồ.

Chúng tôi đã thực hiện một cuộc di hành dài qua rừng cây rậm rạp đi xuống một thung lũng. Bất thình lình một cái hồ hiện ra trước mặt với những ngôi nhà trắng toát trên bờ nước. Đó là một thôn làng, nơi ngày xưa một vị vua Miến Điện cất một lâu đài đá để nghỉ mát. Các ngôi nhà túm tụm vào nhau, tường quét vôi trắng, xây trên một cái vịnh nhỏ, một nửa chìm dưới sâu, đang soi bóng trên mặt nước. Những mái nhà chỏm tròn, những đỉnh tháp nhọn hoắt và những gác chuông lạ mắt đâm thẳng lên trời – bầu trời nhiệt đới chói chang.

Burmese harp D

Đã có bao giờ bạn nhìn thấy màu trắng đục như đá mắt mèo chưa? Vâng, bầu trời Miến Điện có đúng cái loại màu trắng ấy, đó đây lại thắm hơn vì những vệt ánh sáng lấp loáng màu ngũ sắc. Nhìn những ngọn tháp đá hoa cương theo hình trôn ốc xoắn tít lên một bầu trời như thế, bạn sẽ cảm thấy như thể đang sống trong mộng vậy.

Ba ngày liền đóng quân tại làng ấy, ngày nào chúng tôi cũng tập hát. Chúng tôi hát những bài đạo ca, những bài hát ngày xưa có tính cách nhớ nhà chúng tôi thích như bàiTrăng trên lâu đài hoang tàn những điệu vui vui như Les Toits de Paris, và ngay cả những bài ca Ý, Đức khó thuộc. Tại đó, bên mặt hồ nên thơ ấy, đại úy vui sướng múa đũa điều khiển trong khi anh em binh sĩ chúng tôi bị âm thanh của chính mình thốt ra lôi cuốn, say sưa hát hết bài này đến bài khác.

Một hôm, để chấm dứt buổi hát chúng tôi tập lại bài hát của đại độiHanyu no yadochia thành nhiều bè, hát đi hát lại nhiều lần. Hanyu no yadoTrở về mái nhà xưa là một bài hát mong nhớ, bài hát chẳng bao giờ không làm tâm hồn chúng tôi rung động. Trong lúc hát chúng tôi nghĩ đến gia đình và ao ước có thể cho gia đình nhìn thấy cảnh đẹp này, và nghe thấy tiếng chúng tôi đang hát.

Sau cùng, đại úy nói: “Được rồi, các bạn, hôm nay thế là đủ. Ngày mai, cũng vào giờ này, chúng ta sẽ tập cái gì mới. Đại đội tan hàng!” Thế rồi đại úy quay lại gọi một người trong bọn: “Ê, Mizushima, chú đã sẵn sàng cho phần đệm ấy chưa?”

Mizushima là một trung sĩ; người gân guốc, mảnh khảnh, tầm thước, nước da hầu như đen kịt vì ánh nắng, đôi mắt sâu hoắm mở to, trong vắt. Trước khi gia nhập đại đội, Mizushima không được học nhạc, nhưng có lẽ anh có tài thiên bẩm vì anh tiến bộ thật nhanh. Âm nhạc là đam mê duy nhất của anh; anh không nghĩ đến gì khác ngoài âm nhạc. Anh tự tay chế lấy cây đàn hạc đê hòa âm theo đội đồng ca của chúng tôi, và anh chơi đàn khéo đến độ chẳng bao lâu có thể đệm theo bất kỳ điệu nào chúng tôi hát.

Kể cũng kỳ lạ khi một đội quân tại một nơi xa xôi như Miến Điện lại mang theo nhạc cụ. Thế nhưng, chúng tôi có những thứ ấy – đủ mọi loại. Nếu những nhạc cụ khác nhau ấy mà được anh em binh sĩ chúng tôi gom góp cả lại thì bạn sẽ có một lô nhạc khí thật thú vị. Dù anh em chúng tôi đi tới đâu, vừa khi có thì giờ rảnh rỗi, là một người trong bọn sẽ chế ngay một nhạc cụ để dùng. Trong bọn chúng tôi cũng có những người thợ có thể chế biến thật tài tình những nhạc cụ tốt bằng vật liệu tầm thường nhất. Nhạc cụ gió gồm đủ thứ, từ một cây sậy đơn giản hoặc một ống tre với những lỗ tròn khoét ở trên mặt tới cái kèn trận làm bằng những bộ phận máy móc đã hỏng. Còn như những nhạc cụ gõ, tôi nhìn thấy những cái trống con bằng da mèo hoặc da chó căng trên các khung gỗ, và ngay cả cái trống lớn làm bằng thùng Xăng, một đầu bịt kín bằng một thứ da thú – anh em cho tôi biết đó là da hổ. Dù sao, cái trống ấy cũng là niềm tự hào của đại đội, và khi đánh lên thì vang khủng khiếp. Một vài đơn vị lại có cả đàn violon, đàn guitar, mặc dù khó mà tưởng tượng những thứ ấy đã được làm ra như thế nào.

Trong đại đội chúng tôi nhạc cụ được dùng nhiều nhất là một thứ đàn hạc, mô phỏng loại đàn hạc người Miến Điện thường sử dụng. Thân đàn làm bằng một ống tre dày lắp vào một ống tre khác uốn cong và gò chặt bằng những sợi dây đồng, thép, nhôm hoặc đuranhôm. Những sợi dây bằng da thì được dùng cho những nốt nhạc thấp hơn. Sau một thời gian làm việc thật cực nhọc, chúng tôi đã có thể sản xuất một lô nhạc cụ rập theo loại đàn hạc lạ kỳ này.

Trung sĩ Mizushima sử dụng loại đàn này rất thành thạo. Anh soạn đủ thứ hòa âm dành cho loại đàn này. Khi anh chơi, âm thanh phát ra nghe nửa giống dương cầm nửa giống tỳ bà Nhật Bản hòa với nhau và lửng lơ trong không gian. Mới thoạt nhìn, anh là hình ảnh ngộ nghĩnh của người lính, da sạm nắng, đầu đội mũ tác chiến, hai tay ôm nhạc cụ mỏng manh và biểu diễn như thể đang ở trong cơn thần trí hôn mê.

Khi được hỏi về phần nhạc đệm anh soạn cho bài Hanyu no yado, Mizushima tức khắc trỗi lên liền. Bài anh chơi nghe du dương và thú vị đến độ hình như chẳng khác gì một bản độc tấu. Những người lính khác xúm quanh lắng nghe, tay khoanh và mắt nhắm lại.

Không khí nặng nề, thơm tho và rất im lặng. Tiếng đàn hạc lướt qua mặt hồ, rồi từ ven rừng cây bên bờ hồ đối diện dội lại và lan trên mặt nước. Đó là một khu rừng gỗ tếch to lớn. Bạn có thể nhìn thấy nhũng con khỉ nhởn nhơ ở đó và nghe thấy đủ loại chim đấu giọng thi nhau hót.

Vào đúng lúc ấy, một con công từ nơi nào đó không biết vỗ cánh sà xuống, múa mấy đường ngay trước mặt chúng tôi, rồi lại bay đi. Cánh đập phành phạch trong không khí và lúc bay đi bóng nó lướt trên mặt hồ.

Thật là một kỷ niệm vô cùng thú vị.

2

Tuy nhiên, chiến tranh đã bắt đầu có nhiều bất lợi cho chúng tôi, sau cùng ai nấy cũng biết rõ rằng tình thế của chúng tôi đã tuyệt vọng. Chúng tôi bắt buộc phải chém vè chạy từ núi này đến núi kia qua những vùng đất xa lạ, cố gắng làm thế nào vượt dãy núi biên giới phía đông để đi sang nước Xiêm. Có lần chúng tôi cẩn thận chọn một lối mòn dốc thẳm và bấm bước hàng giờ trên con đường ấy. Lần khác chúng tôi vượt qua một cây cầu treo, đu đưa trong gió, bắc qua một hiệp đạo. Những chiếc xe cam nhông đã lần lượt hỏng máy, vì thế cuối cùng chúng tôi phải dùng xe bò chở đồ quân nhu hoặc vác trên vai mà đi. Chúng tôi sống bằng cách cướp phá bất kỳ nơi nào chúng tôi đi qua. Đó là thời gian đầy những nguy hiểm khủng khiếp.

Chúng tôi trải qua nhiều kinh nghiệm đau xót. Có nhiều lúc anh em nghĩ đã đến chỗ chết mất rồi. Nhưng vào những lúc như thế, cây đàn hạc của trung sĩ Mizushima tạo nên nhiều phép lạ.

Một đêm, cheo leo trên dãy núi, bất thình lình chúng tôi thấy bị quân thù bao vây. Chúng khép chặt vòng vây dần dần và tấn công chúng tôi trong một khe núi nhỏ hẹp. Chúng tôi lạc mất đường và chỉ còn có thể nhìn thấy xung quanh nhờ ánh sao chiếu lọt qua đám lá cây trên đầu. Chúng tôi bị bao vây tứ phía.

Quân thù tập hợp dọc triền núi bên phải và bên trái chúng tôi; chúng dùng đèn báo hiệu với nhau khi lùng kiếm chúng tôi. Trên đầu súng nổ rền trời. Đạn đại bác rít trong không khí nghe như tiếng một miếng vải lụa bị xé làm đôi. Vừa đúng lúc chúng tôi tưởng đã yên rồi, ai ngờ một tiếng nổ kinh hồn lại vang lên như sấm trong khe núi nhỏ hẹp; rồi đá, đất rào rào rơi xuống người chúng tôi.

Nghĩ rằng chắc chắn sẽ bị tiêu diệt, chúng tôi xô nhau núp dưới hàng cây, nằm trên mặt đất trong khe núi ẩm ướt, tối om. Tất cả anh em đều sửa soạn để chết. Chúng tôi ngồi đó nín hơi im lặng, lưng chụm vào nhau, mắt trố nhìn đêm tối. Tôi nghe thấy tiếng tim tôi đập thình thịch, hầu như ở ngay trong cuống họng ấy.

Những ngọn đèn trên triền núi lóe sáng báo hiệu nhanh hơn bao giờ hết, quết qua quết lại.

Lúc ấy hẳn là một người trong bọn chúng tôi đã mất hết. tinh thần, vì ở phía ấy có tiếng nói thều thào Nam Mô A-Di-Đà Phật!

Tôi nghe thấy tiếng mắng át ngay: “Suỵt!” Đó là Mizushima. Anh ấy thì thầm: “Quanh đây có thể có trinh sát của địch”.

Ai nấy lại im lặng. Tiếng đại bác lại nổ trên đầu; đạn lóe sáng phá tung gần ngay chỗ chúng tôi đến nỗi tất cả anh em hầu như chẳng còn nhìn thấy gì nữa; thỉnh thoảng chúng tôi nghe thấy đất, đá rào rào đổ xuống như mưa nặng hạt, hoặc một thân cây gãy tan tành.

Khi giây phút ấy đã tạm ngưng một chút, Mizushima mon men bò lên chỗ đại úy và thì thầm cái gì đó. Vài phút sau, anh bắt đầu một mình trèo lên mặt khe núi, mang theo cây đàn hạc. Trên trời sao đang lấp lánh, bạn có thể nhìn thấy bóng đen của anh ấy lẩn vào đám cây một lúc lâu, rồi biến dạng trên dãy núi.

Tôi không nhớ rõ sau đó bao lâu nữa (hình như chỉ một lúc ngắn thôi), chúng tôi nghe thấy tiếng cành cây kêu răng rắc trong lùm cây cách chỗ chúng tôi độ khoáng mười thước. Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng người luồn dưới các lùm cây thâm thấp. Hai người đang nói chuyện với nhau – bằng tiếng Anh.

Một giọng nói trẻ, rắn rỏi thốt ra: “Chẳng có ma nào ở đây hết. Chắc đó là một con thú rừng.”

Sau một lúc im lặng, người khác nói: “Tao thèm thuốc lá quá.”

Giọng nói thứ nhất cảnh cáo: “Nguy hiểm đấy! Cố mà nhịn đi.”

“Mày nói thế là thế nào hở? Yên rồi mà – chúng nó không quanh quẩn ở đây đâu.”

Chúng tôi nghe thấy tiếng đánh diêm và nhìn thấy một đốm lửa lóe lên ở hướng ấy. Hai tên lính Anh đang ngồi trên một tảng đá lớn. Ngọn lửa của que diêm soi sáng những cái má đỏ hồng và những con mắt xanh lè của chúng. Hai thằng này là trinh sát viên. Que diêm tắt ngay tức khắc. Chúng tôi nín thở và vẫn ngồi, bất động. Dù ở trong bóng tối chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy nhau rõ mồn một; tuy nhiên những thằng lính đối phương không nhìn thấy chúng tôi.

Một thằng bắt đầu huýt sáo nhè nhẹ. Thằng kia làm theo, ngân nga kéo dài, giọng trầm trầm.

Đó là một điệu hát chúng tôi biết gọi làÁnh đom đóm. Liền đó một thằng thở dài và nói: “Không hiểu bây giờ gia đình tao ra sao.”

Đúng lúc đó chúng tôi nghe tiếng đàn hạc từ phía bên kia dãy núi vọng lại. Thoạt đầu, đó là một điệu khúc nhẹ nhàng, buồn buồn; nhưng liền đó, tiếng nhạc trở nên vô cùng cảm động, một bản nhạc tức tịch, man rợ.

Đầu điếu thuốc lá rực sáng trong vẻ ngạc nhiên. “Cái gì thế?” Một trong hai thằng trinh sát kêu lên. “Tai tao đâu có điếc!”

“Không. Tao cũng nghe thấy. Dù là đứa nào đi nữa, thằng ấy chơi nhạc hay quá!”

Chúng tôi có thể nhìn thấy những ngọn đèn trên dãy núi xúm lại trong một lúc rồi cắm đầu đi xuống một thung lũng khác hướng thẳng về phía tiếng đàn.

Trong bóng tối gần chỗ chúng tô,i những thằng trinh sát đối phương đang nói chuyện rôm rả.

“Mình ra đó xem sao – có thể là tụi Nhật.”

“Đừng vớ vấn. Đó chắc là một làng thổ dân. Nhưng có lẽ họ biết tụi lính lùn ở đâu.” Hai thằng lính ấy leo ngược dãy núi.

Tiêng đàn im bặt một lúc, rồi lại trỗi lên ở phía xa hơn. Lúc một người trong đám anh em chúng tôi đi xem xét tình hình, anh ấy thấy ánh đèn của quân thù đang mờ dần, mỗi lúc một xa hơn, cách chỗ chúng tôi đang nằm.

Chúng tôi được cứu thoát như thế đấy.!

Sáng hôm sau, trung sĩ Mizushima quay về với anh em, người tím bầm, đầy sẹo.

Trong lúc bôn đào chúng tôi thường bị tụi Gurkha tấn công. Những tên lính hung dữ này mặc đồng phục màu xanh lá cây và đeo ở dây lưng da dao găm lưỡi cong. Chúng thường ngồi rình ở trên cây, rồi bất chợt tấn công quét sạch chúng tôi bằng những loạt tiểu liên tự động khi chúng tôi đi ở dưới. Chúng tôi sợ tụi Gurkha[1] này nhất, hơn bất cứ cái gì, và bất kỳ khi nào nghe tin tụi chúng ở làng bên, chúng tôi thường đi vòng quanh ngôi làng ây tránh đụng độ với chúng nó.

Nếu chúng tôi đến một khu rừng có vẻ nguy hiểm, trung sĩ Mizushima luôn luôn cải trang mặc quần áo Miến Điện và đi tiền sát.

Người Miến Điện trông rất giống người Nhật Bản chúng ta, trừ điểm họ có râu lún phún. Tuy nhiên, mới hai mươi mốt tuổi, Mizushima đã có râu lưa thưa rồi, và hai con mắt to sáng giống một người Miến Điện lắm. Anh có nước da thật sạm. Nhưng đặc biệt, tuy là một người rất can trường và táo bạo, song dường như anh lại có nét mặt buồn buồn, trầm tư mà những dân tộc nhiệt đới như người Miên Điện thường có; có lẽ là do khí hậu ngột ngạt của xứ sở họ. Và khi quấn quanh người cái sà-rông màu vàng ửng, anh trông giống hệt một thổ dân.

Anh xứng hợp với bộ quần áo Miến Điện đang mặc đến nỗi chúng tôi thường cười và nói với anh: “Này, Mizushima, cậu phải ở lại Miến Điện mới được. Tụi nó thích cậu ở đây đấy.”

Mizushima cũng cười, rồi cúi xuống nhìn chính mình. Anh thường lắp bắp nói thành câu một ít tiếng Miến Điện: “Tôi… người Miến Điện. Miến Điện là một xứ xinh đẹp.”

Anh thường ngụy trang như thế, rồi mang theo cây đàn hạc và lẩn vào trong rừng. Nếu thấy đường đi an toàn, anh sẽ đánh đàn và hát một bài ca bản xứ. Tức thì tất cả anh em chúng tôi rời chỗ ấn núp và lên đường.

Có lần Mizushima đi đúng ngay vào chỗ tụi Gurkha mai phục. Ngay trên đầu anh, một thằng Gurkha đang ngồi xoạc chân trên một cành cây tếch cao lớn. Gắn chặt môi dưới đỏ chót, có hàng râu lưa thưa che lấp, người thanh niên với cặp mắt sáng quắc ấy ngồi thụp xuống nhìn thằng lính. Khi đưa mắt quan sát tình hình, Mizushima phát hiện nhiều bóng người mặc đồng phục màu xanh lá cây lô nhô trên những cây cao, núp mình trong đám lá.

Quá muộn mất rồi để rẽ ngang. Tập trung hết can đảm, anh bắt đầu hát một bài ca của tu sĩ Miến Điện—và thẳng người bước đi dưới hàng cây cao lớn ấy.

Chắc thằng Gurkha cho rằng anh là một nhạc sĩ lang thang, vì nó ném một đồng tiền xuống cho anh. Bốn, năm tên lính khác bắt chước làm theo, vung tiền xuống đất. Mizushima cúi nhặt, rồi vừa gật đầu cảm ơn theo truyền thống Đông phương vừa đưa những đồng tiền lên ngang trán.

Thằng lính ngồi xoạc trên cành đu đưa hai chân một cách uể oải trong lúc quát lớn tiếng: “Này, có nhìn thấy thằng Nhật nào không hở?”

Mizushima giơ tay chỉ về phía ngọn núi xa. Thằng Gurkha gật đầu, rút con dao găm cong lưỡi ra khỏi bao, với tay cắt một trái cây thơm phức rồi ném xuống cho anh.

Mizushima lại cúi đầu cảm ơn. Đoạn đứng dưới cái cây đầy nhóc tụi Gurkha, anh gảy đàn chơi một bản nhạc cho chúng nó nghe – một điệu nhạc chúng tôi thường dùng để báo hiệu nguy hiểm.

Lần khác, một chuyện buồn cười xảy ra. Mizushima đã đi thám sát lâu rồi mà vẫn chưa về, nên chúng tôi bắt đầu lo lắng. Cuối cùng, vừa lúc sắp sửa phái một thám báo viên khác ra đi thì chúng tôi nghe thấy một bài hát nhè nhẹ – đó là dấu hiệu vô sự của chúng tôi – từ tận trong lòng rừng vọng ra.

Thở phào khoan khoái, chúng tôi bèn trực chỉ đi vào trong rừng và thấy Mizushima đang ngồi xổm trong đám cỏ cao, gảy đàn một cách rã rời chán nản.

Lúc đi tới chỗ anh, chúng tôi giật bắn mình khi thấy anh đang quấn một tàu lá chuối to tướng quanh thắt lưng thay vì cái sà-rông. Cái dọc chuối lòi ra ở sau lưng trông giống như đuôi một con chim.

Chúng tôi hỏi: “Sao mà cậu lại thế này hở?”

Anh giải thích, một thằng Miến Điện mặt mũi gớm ghiếc từ phía bên kia đường nhảy chồm tới anh và chĩa súng lục vào đầu anh. Đó là một tên cướp đường; bọn này bắt đầu xuất hiện khắp nơi, dùng vũ khí do quân đội Nhật Bản bỏ lại. Nhưng vì phần lớn người Miến Điện có thể bị cướp bóc tất cả mọi thứ, trừ cái sà-rông họ mặc, thế cho nên thằng cướp ấy mới hỏi xin Mizushima cái sà-rông.

Trong sứ mạng trinh sát ngụy trang như một người Miến Điện, Mizushima luôn luôn ra đi không mang vũ khí. Vì cái sà-rông mà mất mạng có lẽ có nghĩa là thất bại trong nhiệm vụ, nên anh phải làm theo ý tên cướp.

Tuy nhiên, điều lạ lùng về tụi cướp này là chúng mang theo rất nhiều lá chuối. Người Miến Điện không mặc gì bên trong sà-rông hết, không có ngay cả quần đùi. Nếu lấy cái sà-rông, bạn sẽ đẩy họ vào tình trạng xấu hổ một cách đáng thương hại; và do thế, vì lòng thương hại đối với các nạn nhân, tụi cướp đã có vật thay thế sẵn sàng đưa cho họ. Ngôn từ chúng dùng cũng dịu dàng. Chĩa súng vào anh, chúng nói: “Đổi cho tôi cái sà-rông đang mặc lấy tàu lá chuôi này nhé!”

Miến Điện là xứ sùng đạo Phật, nơi dân chúng sẵn sàng chấp nhận một mức sống vô cùng thấp. Họ là một dân tộc dễ thương – không có tính tham lam, hoặc nói một cách kém tử tế – không có tham vọng. Đó là lý do tại sao đã lẹt đẹt chạy sau cuộc cạnh tranh trong thế giới hiện tại, mặc dù tài nguyên thiên nhiên của họ rất phong phú, trình độ giáo dục của họ rất cao. Tại xứ này không bao giờ có phạm nhân tàn ác. Ngay cả tụi cướp mới võ trang này cũng cư xử theo thói nhã nhặn cổ truyền.

May mắn cho chúng tôi là tên cướp chú ý tới cái sà-rông của Mizushima chứ không phải cây đàn hạc.

Vì thế chúng tôi bắt gặp Mizushima ở đó, giữa đám cỏ hôi thối, dưới ánh nắng gay gắt, trần như nhộng trừ tàu lá chuôi che thân. Chúng tôi tiến đến chỗ anh, vỗ vai và nói: “Ngồi như thế này nghĩa là thế nào hở?” Cậu đang bị con cáo hoặc cái gì thôi miên phải không?”

Mizushima cười chữa thẹn, nhưng liền đối đáp câu chọc ghẹo của chúng tôi: “Tàu lá chuối làm đồ che thân mát đáo để. Các cậu thử mặc mà xem”.

3

Chúng tôi đi hoài đi hoài, vượt núi, vượt đồi, vượt thung lũng, vượt rừng cây. Thật chẳng khác gì những kẻ chạy trốn trong truyện cổ tích, ngay cả tiếng gió thổi cũng làm chúng tôi hoảng sợ.

Quân đội Anh thường nhảy dù xuống các làng dọc theo con đường chúng tôi đi để chặn bước tiến của chúng tôi. Làng này thường báo tin cho làng kia về chúng tôi và cất giấu thực phẩm của họ. Đôi lần, khi dừng chân trong một làng để nghỉ ngơi vì cần quá, chúng tôi thường nhận thấy thổ dân đã báo tin cho quân thù biết và chúng tôi bị tấn công liền.

Bao tháng ròng chúng tôi không thể lơi là việc canh gác đề phòng. Tuy nhiên có một số bộ lạc bản xứ cũng tử tế; và nhờ họ giúp đỡ, chúng tôi tiến dần dần qua dẫy núi.

Một hôm chúng tôi tới một làng trên đỉnh một vách đá cao. Người dẫn đường Miến Điện bảo chúng tôi rằng đến đây chúng tôi đã vượt qua mọi nguy hiểm rồi. Anh ta cao nhòng, đầu cạo nhẵn thín – bạn có thể nhìn thấy đường gân máu nổi bật trên cái sọ dừa. Anh ta vừa nói với chúng tôi vừa lau mồ hôi trán: “Nhìn kìa. Vượt qua cái đèo ấy, các ông sẽ tới đất Xiêm”.

Cảnh trí mênh mông trải ra trước mặt chúng tôi trông thật là ngoạn mục. Trong lúc chúng tôi đứng nhìn cảnh trí ấy, làn khí núi giá lạnh, buốt xương, tạt qua chúng tôi. Về hướng người dẫn đường đang chỉ tay, chúng tôi nhìn thấy một thứ sương mờ xanh xanh đang treo lơ lửng trên rừng cây rậm rạp trong một dãy núi ngập ánh mặt trời. Xa khỏi chỗ ấy là nơi quân đội Nhật Bản đóng.

Người dẫn đường nói: “Quanh đây không có lính Anh hoặc lính Ấn hay lính Gurkha đâu. Tối nay các ông có thể ngủ ngon”.

Trông có vẻ an toàn. Chúng tôi đã ở cách thật xa ngôi làng bên cạnh, và vách đá cheo leo trước mặt đâm thẳng xuống một hiệp lộ sâu thẳm, nơi chúng tôi có thể nhìn thấy một dòng sông với những thác nước bọt trắng xoá mãi tít phía dưới. Phía sau ngôi làng là một vách đá cao khác trên đó những con diều hâu đang lượn vòng. Giữa làng có một khoảng đất trống rộng rãi, và ở hai bên khoảng đất này là khu rừng – một rừng cây nhiệt đới thăm thẳm, tối om. Bạn khó lòng tưởng tượng một nơi ẩn náu tốt hơn cho khoảng năm mươi người lính Nhật.

Đại úy nói chúng tôi sẽ ở lại đây nhiều ngày, nghỉ ngơi và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn cuối cùng của cuộc di hành.

Lúc chúng tôi tới ngôi làng, người xã trưởng và nhiều người dân ra chào đón. Họ dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà rộng rãi mái lợp rơm, dựng lên ở ven khoảng đất trống rộng rãi ấy. Họ sửa soạn một bữa tiệc mời chúng tôi – có cả rượu nữa. Chúng tôi ăn uống thỏa thích.

Cho đến mới gần đây người Miến Điện vẫn một mực sống theo những lời răn của Phật nên họ chẳng bao giờ uống rượu. Tuy tập quán này đã bị phá vỡ ở các đô thị, song tại miền quê nó vẫn còn rất mạnh. Ngoài mặt trận hầu như chẳng làm sao mà kiếm được rượu. Nhưng trong dịp này dân làng hình như đã vất vả lắm để kiếm rượu cho chúng tôi.

Họ tiếp đón chúng tôi một cách trịnh trọng. Trước khi anh em nhận ra điều này thì bữa tiệc đã biến thành một cuộc liên hoan sinh động với nhiều hình thức giải trí khác nhau. Khoảng mười người thanh niên từ làng ra đứng thành một hàng và hát cho chúng tôi nghe một bài ca của họ. Tất cả họ điều có tóc xoăn và ánh mắt trong. Tuy nhiên, da họ không đen lắm – binh sĩ Nhật Bản chúng ta có nước da đen hơn. Họ đi chân đất và ở trần, trừ cái sà-rông màu sặc sỡ quấn quanh hông. Thoạt đầu bài ca họ hát nghe ồ ồ,, nhưng lắng nghe cho kỹ anh có thể bắt gặp một giọng hơi cao như than như vãn, nỉ nỉ non non. Bài ca hình như không chấm dứt; vừa lúc mình tưởng đã hết, nó lại dấy lên mãnh liệt hơn và tiếp tục hoài. Đó là thứ âm nhạc đều đều, sướt mướt, buồn rầu của miền nhiệt đới.

Người dẫn đường dịch lời ca cho chứng tôi nghe:

Xa xa trong đám mây dầy
Tuyết trên đỉnh Hi Mã Lạp Sơn óng ánh.
Chúng ta đắm mình trong suối tuyết dang tan,
Mãi đằng ấy, xa xa tim anh ẩn náu.
Tôi ước ao đem tim mình bừng chảy,
Tắm trong dòng suối giá băng.

Trong suốt lúc hát, nhiều món ăn cao lương mỹ vị được mang ra. Ông xã trưởng râu bạc phơ, má đỏ ửng, cứ rót rượu mời chúng tôi.

Một anh trong bọn quay lại hỏi ông ta: “Từ đây cụ có thể nhìn thấy núi Hy Mã Lạp Sơn không?”

Ông xã trưởng mỉm cười, những đường nhăn quanh mắt ông hoắm sâu lại. Đoạn thẫn thờ lấy hai tay vuốt chòm râu dài, ông trả lời: “Từ đây không thể nhìn thấy dẫy núi ấy. Chẳng có ai trong đám chúng tôi đã nhìn thấy bao giờ. Chúng tôi chỉ biết dẫy núi ấy qua những bài kinh và chuyện cổ tích mà thôi.”

Người Miến Điện quen thuộc với kinh kệ và chuyện cổ tích ngay từ lúc còn nhỏ. Chúng ta thường nghe thấy nhắc đến dẫy Hy Mã Lạp Sơn trong những bài ca, những chuyện kể của họ và nhìn thấy những bức họa hoặc điêu khắc truyền hình dẫy núi thiêng liêng này trong các chùa chiền của họ. Thảy họ đều nghĩ đến dẫy núi hùng vĩ ấy như tổ ấm của linh hồn và hy vọng khi chết sẽ hành hương về đó. Họ nói rằng những đỉnh núi phủ đầy tuyết ấy lẩn trong mây óng ánh dưới ánh mặt trời giống như đá hoa cương hoặc bạc thật dát mỏng – hình ảnh của cái đẹp thiêng liêng. Và tại chân dẫy núi đó, nghìn năm về trước, Thích Ca Mâu Ni ngồi trầm tư nghĩ ra một đường lối để giải thoát nhân loại, rồi Ngài đắc đạo đạt tới mức giác ngộ tuyệt đỉnh. Tất cả điều này là một phần tín ngưỡng cơ bản của người Miến Điện. Lắng nghe với điều ấy trong đầu óc, bạn có thể khám phá tính chất nguyện cầu trong bài ca của họ.

Khi dân làng chấm dứt, chúng tôi bắt đầu hát. Dẫu sao anh em cũng là “Đại đội Ca Hát” nổi tiếng mà. Chúng tôi hát đủ thứ bài hát, nhưng bài được hoan nghênh nhất là bài Trăng trên lâu đài hoang tàn. Đó là một tác phẩm hay thực sự. Dù cho chúng tôi tới đâu hoặc thính giả chất phác đến thế nào, bài ca ấy vẫn làm người ta say sưa, ngây ngất.

Bị tiếng hát quyến rũ, một đám dân làng đông đảo tụ tập lại lắng nghe. Người Miến Điện thích hội hè đình đám. Vào dịp thường nhất họ cũng kết xe hoa rồi ca hát và nhảy múa. Từ khi chúng tôi vào ngôi làng trong núi, dân chúng sống trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp, tươi cười trong lúc họ ganh đua nhau sáng tạo nhiều cách để làm cho anh em chúng tôi vui thích. Chúng tôi muốn dùng tiếng hát để cảm ơn họ.

Burmese harp C

 

Dân làng chăm chú lắng nghe như thể đang dự lễ. Những người già cả ngồi ở lối cổng vào.

Trẻ con tựa thành cửa sổ, cằm gối lên hai tay, ngó vào trong. Dưới tàn một cây dừa, tại chỗ đất trống trước nhà, những người đàn bà ngồi xổm, vai đìu con thơ. Tất cả đều im lặng; những cánh tay khẳng khiu, những bắp chân gầy teo khoanh lại theo lối ngồi đặc biệt Miến Điện.

Cái mà họ thích nhất ấy là cây đàn hạc của trung sĩ Mizushima. Anh ngồi trên một chiếc ghế, đặt cây đàn giữa hai đầu gối, rồi gẩy có vẻ say sưa hơn bao giờ hết. Trên thân cây đàn có mấy bông lan khoa và mấy chiếc lông chim màu đỏ làm vật trang điểm; khi anh dùng cả hai bàn tay bật thật mạnh những sợi dây thì những bông hoa và mấy chiếc lồng chim ấy rún rẩy như khiêu vũ.

Bất thình lình, từ giữa đám người đang đứng lắng nghe, một thiếu nữ bước ra nhẹ nhàng như đi trong không khí. Nàng khoảng chừng mười hai tuổi, mặc một chiếc váy bó chặt lấy người và một cái áo chẽn ôm lấy sát mình, chỗ thắt lưng đeo những đồ trang sức uốn cong trông tựa cánh chim. Tay chân nàng mềm mại, bóng lên óng ánh. Tóc vấn lại thành một cuộn, càng lên cao càng nhỏ dần, trông như thể đang đội một ngôi chùa nho nhỏ trên đầu.

Thiếu nữ đứng giữa gian phòng, đưa mắt nhìn đám khán giả xung quanh, rồi quyết định thế đứng của điệu vũ. Nàng ngả đầu sang một bên, duỗi thẳng tay trái về phía trước, các ngón tay thẳng tắp, rồi vừa đặt tay phải lên ngực, lòng bàn tay quay ra ngoài, vừa chặp ngón tay cái và ngón tay trỏ lại thành một vòng tròn. Đoạn, sẵn sàng vươn người ra biểu diễn bất cứ lúc nào, nàng đưa đôi mắt to đen lay láy nhìn người nhạc công một cách van lơn, mời mọc.

Mizushima bắt đầu đánh đàn. Điệu nhạc là một bài hát học trò ngày xưa mà anh soạn ra như một hành khúc.

Thiếu nữ bắt đầu múa. Nàng từ từ quay đầu hết bên này đến bên kia, bắt chéo chân rồi lại duỗi ra, cổ tay và tất cả các khớp xương tạo thành một loạt những góc vuông.

Đôi cánh tay và hai cẳng chân mảnh mai của nàng cử động, uốn éo một cách thẫn thờ. Bàn tay vẫy phía này rồi phía kia. Nàng lấy bàn chân từ từ vẽ những vòng tròn. Thật là một điệu vũ duyên dáng, lạ mắt, khó quên.

Những thanh niên làng kêu to tán thưởng, lấy hoa ném về phía nàng. Nhiều lần họ yêu cầu nàng múa lại. Cuối cùng khi điệu vũ chấm dứt, Muzushima đi tới một góc nhà, rồi vừa ngồi xuống vừa ôm chặt hai đầu gối trong lúc tiếng dân làng hoan hô vẫn tiếp tục vang lên.

Chúng tôi hỏi anh: “Chuyện này thì sao hở Mizushima? Liệu cậu muốn ở lại Miến Điện và chơi đàn hạc cho đến hết đời không?”

Mizushima là người ít nói, và lần này cũng thế. Anh chỉ mỉm cười, không hé một lời. Thế rồi anh nhìn thẳng về phía trước như thế đắm đuối suy nghĩ.

Anh nói: “Kể ra thì tớ thích xứ Miến Điện”. Hình như anh bị miền nhiệt đới quyến rũ lắm – ánh nắng tươi sáng, màu sắc sinh động, hình thức sinh hoạt đổi thay, phong tục tập quán lạ kỳ. Anh lấy làm tự hào là khi mặc chiếc sà-rông anh không bị phân biệt với người Miến Điện. Và tuy là một người thận trọng thi hành nhiệm vụ, song một cuộc sống tự nhiên, cởi mở, phóng túng hình như cũng lôi cuốn anh đáo để. Bất kỳ khi nào chúng tôi đi qua một nhạc sĩ lang thang người Miến Điện, Mizushima cũng thường nhìn người ấy với vẻ hầu như ganh tị.

Khi đi tiền sát, anh thường hóa trang như một nhạc sĩ lang thang. Câu chúng tôi nói đùa về chuyện anh ở lại Miến Điện cho đến hết đời có thể làm anh xúc động thấm thía.

Lại đến lượt chúng tôi phải hát – Trăng mùa Thu, Những bông hồng dại là những bài ca dễ thương chúng tôi đã biết từ thuở còn nhỏ tuổi. Khi hát chúng tôi quên mọi ưu phiền. Tất cả anh em đều có kỷ niệm quyện chặt với những bài ca này. Những người thân hiện ra trong tâm trí chúng tôi. “À, bây giờ mình nhớ ra rồi. Mẹ ở đó và các em trai… Mình nhớ khuôn mặt chúng nó như thế nào, chúng nó đang nói gì…” Đó là những ý nghĩ thầm kín: lúc chúng tôi hát trong những hoàn cảnh chưa bao giờ chúng tôi mường tượng ra: bị săn đuổi, tính mạng bị đe dọa, chót vót trên dãy núi tại một miền đất xa lạ.

Chúng tôi cứ hát, hát mãi; ai nấy dốc hết cảm xúc từng bị dồn ép vào bài ca.

4

Bất chợt chúng tôi thấy mọi người đã đâu đi hết, chỉ còn lại chúng tôi. Vì lý do nào đó, tất cả những người Miến Điện đã lẻn đi cả rồi.

Cô con gái nhỏ bé ấy, những ngươi thanh niên ấy – ngay cả ông xã trưởng lúc nãy quá bận rộn mời chúng tôi ăn uống- – cũng đã biến mất. Người dẫn đường cũng vậy, anh đã hứa thu xếp chỗ ngủ cho chúng tôi. Trong căn nhà chỉ còn lại chúng tôi đang hát cho những chiếc ghế lỏng chỏng và những thức ăn dư thừa nghe. Ngay cả bên ngoài, dưới các khung cửa sổ hoặc trên khoảng đất trống cũng không có một người Miến Điện nào lai vãng. Chẳng còn một bóng nào ở đây cả.

Kinh hoàng đè nặng chúng tôi, và có người quát to. “Ngừng hát ngay!”

Trước kia vẫn thường xảy ra chuyện binh sĩ chúng ta được tiếp đón niềm nở trong một làng Miến Điện, sau đó dân làng chuồn đi rồi quân thù phục kích tấn công. Đó là điều hình như bây giờ chúng tôi đang gặp phải.

Chúng tôi phải dàn đội hình ngay tức khắc, phải chiếm các vị trí chiến đấu, đem những đồ tiếp liệu sinh tử vào nơi an toàn, tìm chỗ núp cho chính mình và đào hố cá nhân. Có người cắm cổ chạy tìm súng hoặc lao vụt ra khỏi ngôi nhà.

“Khoan!” Đại úy, ra lệnh. Thế rồi giọng ông trầm xuống dắn dỏi: “Cứ tiếp tục hát đi.”

Sau đó ông bắt đầu thì thầm thật nhanh. “Chúng ta không thể để lộ là đã biết cái gì sắp xẩy tới. Chúng ta phải tiếp tục hát như thể không có gì trục trặc hết – nhưng đồng thời sẵn sàng đợi chúng nó vác xác đến. Tụi dân làng mới tản khỏi nơi đây chỉ có mấy phút mà thôi, vì thế quân thù chưa thể tấn công ngay được. Nhưng một khi biết chúng ta đang đào hố chiến đấu, chúng sẽ mò đến ngay.”

Chúng tôi nhận thấy ông nói đúng, và chúng tôi tiếp tục hát.

Trong khi đó, nhiều anh em bò qua nền nhà, dưới tầm mắt quan sát của quân thù, tiến tới chỗ tập trung vũ khí, rồi mang trở lại phân phát cho mọi người. Trong lúc vẫn ca hát bình thản và đều đều như thường, chúng tôi xỏ chân vào ghệt, thắt chặt dây đạn và cầm chắc súng ống và đạn dược dự phòng.

Chúng tôi hát hết bài Những bông hồng dại rồi bắt đầu hát bài khác. Vừa hát chúng tôi vừa bò trong bóng tối, rồi lấy ống nhòm nhìn vào rừng cây. Chúng tôi liền thấy một số lính Gurkha và nhiều lính Ấn Độ cuốn khăn trên đầu. Bạn có thể nhìn thấy chúng nó đang chạy từ hầm này sang hầm kia, tản mác trong đám cây để tạo thành một đường tấn công, vẫn cứ hát. Song ai nấy cảm thấy nôn nóng cả người. Bài chúng tôi hát là một bài ca buồn buồn, trang nghiêm, và chúng tôi hát bài ấy như thể đó là lần cuối cùng. Trong khi ấy, Đại úy bận túi bụi thì thầm ra lệnh chia anh em ra từng toán mười người, bảo đóng chốt ở những điểm chiến lược.

Khi bài ca chấm dứt, ông ra lệnh: “Vỗ tay đi! Cười lên!” chúng tôi làm như ông bảo, vừa vỗ tay vừa cười sặc sụa.

“Chúng mình không thể nói khi nào chúng nó sẽ khai hỏa”, ông tiếp lời, “song chúng mình cần tranh thủ từng phút chúng nó dành cho mình. Anh em cố giữ chúng nó bố trí ở xa cho đến tối, nếu có thể. Bây giờ, một lần nữa – tất cả cười lên!”

Chúng tôi lại vỗ tay và cười vang. Tuy nhiên, thật không phải chuyện dễ – trước hết, những khẩu súng máy từ trong rừng hẳn đang chĩa nòng ra phía chúng tôi, sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào.

Cuối cùng chỉ còn một công tác nữa phải làm, nhưng đó là một công việc cực kỳ quan trọng. Chiếc xe bò chứa những thùng đạn lại đứng chơ vơ ở ngoài khoảng trống, cần phải mang vào nơi an toàn và để gần chỗ anh em. Mặt khác, chúng tôi lại phải di chuyển chiếc xe ấy mà không để lộ tung tích cho quân thù biết, mặc dù chắc chắn chúng đang quan sát chúng tôi qua ống nhòm.

Làm sao có thể thanh toán việc ấy? vẫn ca hát, chúng tôi bới óc nghĩ ra một cách. Nếu chỉ một viên đạn bắn trúng cái thùng ấy chúng tôi sẽ bị tiêu hết. Toàn bộ đạn dược dự trữ sẽ nổ tung. Chúng tôi nhìn Mizushima, anh vẫn có tài giải quyết những vấn đề như thế này. Anh đang cười, đang hát và đánh đàn nữa. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhận thấy là anh đang suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng anh tới bên Đại úy và thì thầm với ông.

Trò bịp họ đồng ý là bảo mấy người chúng tôi vừa xếp hàng đi ra ngoài ngôi nhà vừa cất giọng ca hát một điệu vui tươi. Mizushima dẫn đầu, vừa đi vừa đánh đàn. Số còn lại bước theo ngay sau anh, ôm những bông hoa mà thanh niên làng đã tung cho người con gái biểu diễn vũ điệu. Mọi người cười oang oang,à một số giậm chân thật mạnh phô trương thanh thế và rầm rập bước, bắt chước một vũ điệu Miến Điện. Chúng tôi nhấc bổng Mizushima đặt lên xe bò. Anh đứng trên các thùng đạn, đặt cây đàn hạc vào một đầu gối và bắt đầu chơi một điệu vui vẻ, linh động. Chúng tôi vây quanh chiếc xe, tay cầm hoa vừa múa vừa đồng ca.

Kế hoạch phải làm là kéo chiếc xe vào như thể chúng tôi đang hò nhau kéo một chiếc bè đại hội. Để giữ hơi sức, chúng tôi hát một bài ca trầm trầm – bài Hanyu no yado.

Có vẻ như quân thù đã chấm dứt việc dàn quân, khai triển đội hình, vì bên ta không nhận thấy một di động trong rừng cây. Quang cảnh trở nên im lặng như tờ.

Quả thật chúng tôi đang hát để cứu sống chính mạng mình. Bất kỳ lúc nào, hàng loạt súng nổ có thể vang lên từ rừng cây. Chúng tôi phải đẩy thật nhanh chiếc xe bò nặng trĩu, nhưng vẫn phải làm ra bộ như thể vui đùa. Nếu một viên đạn từ trong rừng bay tới bắn trúng các thùng ấy thì có nghĩa là chắc chắn chết hết – không những chỉ riêng mình Mizushima đang đứng trên đó mà tất cả anh em nữa.

Chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Đôi khi chúng tôi phải dọn đá trên đường hoặc dùng vai nâng nó lên trong lúc đẩy về phía trước. Gắng hết sức lấy hơi, chúng tôi vẫn hát bài Hanyu no yado cho thật hay. Đứng trên xe, Mizushima tiếp tục đánh đàn đệm theo, đặc biệt hăng hái hơn bao giờ hết. Hanyu no yado là một nhạc khúc trầm trầm, buồn buồn làm bát cứ ai nghe cũng phải rung động. Tiếng chúng tôi hát hòa vào nhau, bè cao bè thấp, hòa quyện theo nhau khăng khít.

Cuối cùng, chiếc xe đã tới chỗ chúng tôi bố trí, cách khoảng bốn năm thước.

Bất thần trời sụp tối. Trong miền nhiệt đới, ranh giới giữa ngày và đêm thật rõ rệt. Vừa khi mặt trời chìm dưới chân trời, màn đêm buông xuống liền. Điều này rất lợi cho chúng tôi. Tất cả những sửa soạn khác đều đã xong. Đó đây, trong bóng tối, từng toán nhỏ, anh em chúng tôi ngồi phục, ngón tay để sẵn trên cò súng. Đại úy cầm thanh kiếm và đang chăm chú nhìn về hướng quân thù, chờ lúc ra lệnh khai hỏa.

Đúng lúc chiếc xe tới nơi an toàn thì chúng tôi hát hết bài Hanyu no yado.

Tức thời đại úy rút kiếm ra. Những người đẩy xe liền ngừng tiếng hát và chộp ngay lấy súng. Trong khoảng im lặng ngắn ngủi ấy, bạn có thể nghe thấy rất rõ rệt tiếng dòng sông chảy vào thung lũng ở mãi tít phía dưới. Mấy phút trước đây những con chim còn líu lo hót, bây giờ nằm ngủ yên cả rồi.

Đại úy vung gươm. Binh sĩ nín hơi chờ đợi, sẵn sàng hô xung phong và nhả đạn. Nhưng đúng lúc đó đại úy kiểm tra lại mệnh lệnh, rồi đứng thẳng dơ như trời trồng. Một cái gì khác thường đang xẩy ra. Từ rừng cây một giọng nói bay vút tới – Giọng nói trong treo, cao vút, say sưa hát bài Hanyu no yado.

Đại úy nắm ngay một người trong đám anh em chúng tôi đang nhoai người về phía trước và dang rộng hai tay ngăn những người khác lại.

Ông quát: “Khoan! Hãy nghe tiếng hát ấy đã!”

Tiếng hát trong rừng được hai ba tiếng khác hát theo, rồi nhiều tiếng khác nữa, Chỗ này chỗ kia và cả bốn phía. Đó là bài Hanyu no yado hát bằng tiếng Anh:Home sweet home – Tổ ấm thân thương.

Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau. Thế nghĩa là thế nào? Phải chăng những người ở trong rừng là những quân thù khủng khiếp đang tiến ra để giết chúng tôi? Phải chăng họ chỉ là dân chúng trong làng? Trong trường hợp ấy, chúng tôi chẳng cần lo lắng đến thế. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và hạ súng xuống.

Lúc này rừng cây vang ầm tiếng hát. Tiếng đồng ca dâng lên ngay cả ở dưới chân vách đá vắt cheo leo qua dòng sông. Chúng tôi cũng hòa giọng hát theo.

Mặt trăng đang chiếu sáng. Mọi vật điều nhuốm màu xanh trong làn ánh sáng mát rượi ấy. Giữa đám cây rừng hình như có những cột thủy tinh óng ánh. Lần lượt nối theo nhau, những hình người mờ đen tiến ra khỏi khu rừng, đi vào khoảng đất trống không.

Đó là những binh sĩ Anh.

Tụ tập lại thành từng toán nhỏ, đây một nhóm kia một nhóm, họ hát bài Home sweet home, nghe thật rung động. Từ trước chúng tôi cứ tưởng Hanyu no yado là bài hát Nhật Bản, nhưng thực ra đó là một điệu khúc cổ xưa của người Anh. Người Anh hát bài ấy vì lòng kiêu hãnh khi nhớ nhà và thèm muốn những nguồn vui của quê hương yêu dấu; bất kỳ khi nào nghe thấy bài hát ấy, họ cũng nghĩ đến mẹ hiền, đến thời niên thiếu và nơi họ lớn lên làm người. Và vì thế họ ngạc nhiên, xúc động khi nghe thấy quân thù của mình – quân thù nguy hiểm họ bao vây tít trên đỉnh dãy núi Miến Điện – hát bài này.

Đến lúc này chúng tôi không còn là kẻ thù nữa. Trận đánh không hề diễn ra. Trước khi hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra, chúng tôi đang cùng nhau hát và tiến lại gặp nhau mà bắt tay. Sau cùng chúng tôi đốt lửa trại ngay giữa khoảng đất trống không rồi ngồi xung quanh ngọn lửa cùng ca hát theo nhịp đũa của đại úy.

Một người lính Ấn Độ cao nghêu rút từ túi áo ra một tấm ảnh gia đình rồi ngắm nghía bên ánh lửa trại. Anh là một thanh niên hiên ngang, xứng đáng với chiếc khăn vai trắng cuốn trên đầu và hộ râu rậm đen xì, nhưng đôi mắt anh lại dịu dàng như cặp mắt con cừu. Anh đưa cho chúng tôi xem tấm ảnh – của vợ anh và hai đứa con đang chúm chím cười dưới cây dừa. Thì ra anh là một thương gia ở Calcutta.

Một binh sĩ không rõ quốc tịch hỏi chúng tôi cho anh xem ảnh gia đình. Một người trong bọn chúng tôi móc túi lấy ra một bức hình mẹ anh. Người lính kia nhìn tấm hình, nước mắt ràn rụa.

Một binh sĩ Anh mặt đỏ như gấc bắt đầu hát: “Nếu một con người gặp một con người…” Một người trong anh em chúng tôi hòa theo hát bằng tiếng Nhật thế rồi người Anh ấy đặt tay lên vai người đồng đội của chúng tôi và hai người dắt nhau tản bộ. Người lính Nhật Bản gân cổ hát. Tất cả chúng tôi, một lần nữa, cũng hát theo.

Mizushima cũng xuất thần ứng ra phần nhạc đệm tuyệt vời cho bài ca này. Tất cả lính Anh lớn tiếng hoan hô anh. Nhìn một phía khuôn mặt anh ấy sáng lên vì ánh lửa, anh có thể thấy những giọt nước mắt đang chảy xuống má trong lúc anh ấy đánh đàn. Trong lúc mọi người cùng hát, mắt ai cũng đẫm lệ.

Đêm ấy chúng tôi được tin chiến tranh đã chấm dứt ba ngày rồi. Không có cách nào loan báo cho quân thù khủng khiếp hay, quân đội Anh nghĩ họ sẽ phải tiêu diệt chúng tôi để dập tắt mọi kháng cự. Chúng tôi buông súng.

Con vẹt xanh

1

​Chúng tôi hạ súng. Từ hôm đó chúng tôi là tù binh của quân đội Anh; điều chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới lại có thể xảy ra.

Tối hôm đó, Dại úy tập hợp tất cả anh em lại và nói cho chúng tôi nghe. Ông nói chậm rãi và ngập ngừng trong khi chúng tôi im lặng lắng nghe.

Ông bắt đầu: “Chúng ta đã đầu hàng. Không phải chỉ riêng chúng ta, mà toàn quốc chúng ta. Tôi không biết nghĩ thế nào. Tôi không rõ chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng ta, chúng ta sẽ bị dẫn đi đâu hoặc sẽ phải làm gì. Tôi cũng không biết liệu rồi chúng ta có được tiếp tục sống nữa hay không.

“Thật khó mà nói Nhật Bản đang ở trong điều kiện như thế nào. Chúng ta đã mất liên lạc từ lâu; và kể từ khi vào núi, chúng ta không có cách nào bắt lại liên lạc. Nhưng theo truyền đơn và báo chí máy bay địch ném xuống, tổ quốc chúng ta đã bị ném bom khắp nơi, nhiều người chết cháy hoặc bị thương hay đang chết đói. Thật không phải chỉ là tuyên truyền. Dân tộc ta hẳn đang phải chịu đựng đau khổ. Điều này làm tim chúng ta nhói đau khi vừa nghĩ tới.

“Đất nước chúng ta đang bị tàn phá, và tại đây chúng ta là tù binh chiến tranh, cách xa đất mẹ hàng nghìn dặm. Ai có thể tưởng tượng nổi một điều như thế? Tôi chẳng thể tin đó là điều thực – nghĩ đến điều ấy khiến tôi ngạc nhiên. Tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Tất cả những gì tôi có thể cảm thấy đó là một cảm giác xúc động.

“Rồi ra, theo tôi nghĩ, xúc động ấy sẽ nhường chỗ cho buồn rầu. Có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng, nghi ngờ, ngay cả phẫn nộ và đau đớn. Tuy nhiên, chúng ta không thể chắc chắn phải nghĩ ra chuyện gì cho đến khi chúng ta biết rõ sự thật. Thực ra, mới lúc trước đây, tôi đã bắt đầu nghi ngờ là chúng ta lại có thể chấm dứt như thế này. Nhưng bây giờ thì chuyện ấy đã xảy ra; tôi phải nhận rằng tôi đã hoàn toàn không biết phải đối phó ra sao.

“Tất cả những gì chúng ta có thể làm bây giờ, đó là chờ đợi xem tương lai sẽ mang đến cái gì. May mắn đã không đến với chúng ta, và chẳng thể chiến đấu để có may mắn nữa. Nếu không có đường thoát, thì điều cần thiết phải làm ấy là nhận thức cho rõ chúng ta đang đứng ở vị trí nào, là chấp nhận số phận và tận dụng số phận, ít nhất chúng ta phải có can đảm để làm việc đó tới mức tối đa.

“Theo như tôi biết, tình trạng của anh em chúng ta hiện đang tuyệt vọng. Nó có vẻ khá đen tối đối với chúng ta. Những gì chúng ta còn, đó là lòng tin vào tất cả chúng ta. Đó là điều duy nhất chúng ta có thể đặt tin tưởng vào. Đó là tất cả những gì chúng ta có.

“Vì thế chúng ta hãy tiếp tục chia sẻ cùng nhau những buồn rầu, những đau khổ. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau. Cho đến bây giờ chúng ta đã cùng nhau đương dầu với cái chết – chúng ta hãy đi theo con đường ấy, cùng nhau chia sẻ một số phận. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với mọi khó khăn, vì lẽ những gì chúng ta biết, đó là chúng ta có thể chết bỏ xác ở xứ Miến Điện này. Nếu thời gian ấy tới, hãy cố gắng đừng thất vọng. Dù nó thế nào đi nữa, anh em chúng ta cũng phải cố gắng sống cho qua lúc này.

“Nếu có bao giờ ngày ấy tới, khi chúng ta có thể trở về Nhật Ban, chúng ta sẽ cùng nhau trở về – tất cả mọi người chúng ta – và sẽ cùng làm việc để xây dựng lại đất nước. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với anh em lúc này.”

Tinh thần chúng tôi không còn căng thẳng nữa. Chúng tôi ngồi đó, sững sờ, kinh ngạc. Ai nấy đều nhìn xuống đất, tự nghĩ Đại úy đã nói phải.

Tôi nhớ lại lúc rời Nhật Bản, chúng tôi mới phấn khởi và khích động làm sao khi tiếng hoan hô vang vang trong tai mình; tuy nhiên, dù cho là thế, tất cả xứ sở hình như đã ở trong tình trạng ngột ngạt. Ai nấy đều rỗng tuếch. Chúng tôi giống như những anh hùng rơm say rượu. Đó là một kỷ niệm đau buồn, sống động và tôi thấy đỏ mặt vì xấu hổ.

Có người bắt đầu nức nở khóc. Bất thình lình số anh em còn lại cảm thấy buồn đến nỗi cũng òa lên khóc. Tuy nhiên, chúng tôi không buồn rầu hoặc đau đớn về một điều gì riêng tư, đặc biệt cả. Thực ra chỉ vì chúng tôi cảm thấy chán nản và thất vọng.

Thưởng thường chúng tôi hát khi chúng tôi đau khổ, nhưng đêm ấy chúng tôi không hát. Chúng tôi nằm ngủ trên nền nhà, dùng túi quân trang làm gối gối đầu. Những cây súng chúng tôi giữ gìn cẩn thận đến thế nay không còn nữa. Đó là một đêm bứt rứt, ngắn ngủi.

Sau đó, chúng tôi sống nhiều ngày không thực – lòng tê tái, nhưng vô cùng bận rộn. Nào xếp vũ khí, đồ trang bị vào kho rồi chở những thứ đó đi, nào báo cáo kiểm tra nhiều lần hoặc kiếm tìm thực phẩm – tất cả những công việc này đã khiến chúng tôi vất vả, bận rộn đến độ chẳng có thì giờ để suy nghĩ nữa.

Khi nhìn lại thời kỳ ấy, tôi luôn luôn nhớ một chuyện chẳng thể quên.

Quân đội Anh quyết định đóng lại ở làng ấy ba bốn ngày và bắt tù binh chiến tranh chúng tôi phải làm việc hầu hạ họ. Một sáng nhiều anh em phải làm phận sự hỏa thực. Chúng tôi phải vặt lông gà dân làng đem đến biếu quân đội chiếm đóng.

Bị nhốt chật ních trong một cái lồng, những con gà thò đầu qua lỗ đan vừa đăm chiêu nhìn chỗ này chỗ nọ vừa lắc lư cái mào. Một tay đầu bếp Miến Điện nắm lấy một con kéo ra khỏi lồng để nằm trên một hòn đá, rồi lấy con dao dah – một dụng cụ giống như cái rìu nhỏ người Miến Điện thường đeo ở thắt lưng – chặt phăng đầu con gà.

Tên đầu bếp nhai trầu nhổ ra chất nước màu đỏ trong lúc nhởn nha nhởn nhơ làm việc. Cau là một thứ quả lấy ở cây cau; dân miền Đông Nam Á ăn trầu giống như nhai kẹo cao su vậy; nhưng thứ đó màu đỏ làm mồm, răng và môi người nhai biến thành một màu khó chịu. Tên đầu bếp chặt hết đầu con gà này đến đầu con gà khác, và chúng tôi phải vặt lông.

Điều ngạc nhiên chúng tôi thấy là một trong những con gà vừa bị chặt mất đầu lại vung cánh bay. Vỗ mạnh đôi cánh làm lông bay tả tơi, con gà giãy giụa nhảy mấy vòng, trông thật kỳ lạ. Chúng tôi ngớ cả người ra, đánh rơi những con gà đang cầm trong tay. Những con này cũng sống lại, nhoài những cái cổ không đầu ra rồi chạy thành vòng tròn.

Có chừng mười hai cái đầu gà nằm ngổn ngang trên mặt đất. Tất cả đều nhìn xung quanh, vẻ nhợt nhạt, trách móc, miệng há hốc và mí mắt trắng bệch khép lại. Tuy nhiên, những cái thân mình không đầu vẫn còn sống, vẫn còn vỗ cánh phành phạch, những cái cánh bóng nhậy. Chuệnh choạng, lảo đảo đến chỗ này rồi chỗ kia, cuối cùng chúng chạy vào những bụi cây hoặc rúc dưới đám cỏ.

Mọi người xúm lại xem cái cảnh kỳ lạ này. Có vài người phì cười, nhưng những người khác lại nhăn mặt chau mày một cách khó chịu.

Có người hỏi: “Cậu nghĩ nó cảm thấy thế nào khi chạy vòng như thế mà không có đầu hở?”

Giữa lúc ấy Đại úy đi tới tìm Mizushima. Ông giật giọng gọi: “Mizushima, chú đâu rồi?” Mizushima lật đật chạy tới.

Đại úy nói với anh: “Chúng ta vừa nhận được báo cáo mật. Chú thấy ngọn núi kia không?” Ông chỉ tay về phía một ngọn núi lởm chởm hình tam giác trong dãy núi xa xa. “Một số quân đội Nhật Bản hiện đang đóng ở đó và họ sẽ không đầu hàng. Đã ba ngày rồi quân Anh tấn công họ, nhưng họ vẫn chiến đấu đánh lại. Cứ theo cái đà này họ sẽ bị quét sạch. Tôi đã yêu cầu viên sĩ quan Anh cho một người trong anh em chúng ta tới đó thuyết phục họ buông súng đầu hàng. Tôi nói chúng ta vì muốn làm tất cả những gì có thể đế ngăn chặn một sự giết chóc vô ích, và ông ta bảo chúng ta hãy thử làm xem liệu có thể thuyết phục được họ không. Nếu chú không đi, tôi sẽ đi.”

Tất cả chúng tôi hướng nhìn đỉnh núi hình tam giác. Trông có vẻ cách xa độ nửa ngày đường. Đỉnh núi ấy gần biên giới Xiêm, và chỏm núi màu xám nhô lên khỏi một rừng cây rậm rạp. Chúng tôi dỏng tai lắng nghe, nhưng chẳng nghe thấy tiếng nổ nào. Đó đây trong lớp thung lũng, ở phía dưới, những cột khói từ các bản làng đang bốc lên. Có lẽ đó chỉ là do chúng tôi tưởng tượng, nhưng không khí gần đỉnh núi ấy trông lại có vẻ vàng vàng và vẩn đục. Tại đó hàng chục người bạn đồng ngũ của chúng tôi sắp sửa lăn ra chết một cái chết vô ích. Biết vậy, chúng tôi trố mắt nhìn về hướng ngọn núi.

Mizushima nghĩ ngợi một lúc rồi vắn tắt trả lời: “Em sẽ đi.” Rồi anh nói thêm: “Em chẳng rõ sẽ xoay xở công tác ấy như thế nào, nhưng em sẽ làm bất cứ việc gì tình thế đòi hỏi.”

Đại úy nói: “Tốt. Đại đội chúng ta sẽ được đưa tới một trại tù binh ở Mudon, miền nam Miến Điện. Khi làm xong nhiệm vụ, chú theo anh em tới đó. Viên sĩ quan người Anh bảo họ sẽ để chú đến đây với anh em.”

Hai người chào nhau.

Mizushima sẵn sàng ngay tức khắc. Anh mặc quần áo nhẹ nhàng, không mang vũ khí và không đeo quân phù. Đại úy tụt đôi giày của ông ra, đôi giày hãy còn ở tình trạng khá tốt, và yêu cầu đổi cho anh. Đoạn ông nắm chặt tay Mizushima; riêng chúng tôi nhét vào túi anh một cái đùi gà luộc. Mười phút sau, chúng tôi thấy Mizushima cùng đi với một người lính Anh và một người dẫn đường dọc theo con đường mòn dưới chân vách đá thật xa ở phía dưới. Mizushima có khẩu phần buộc chặt vào thắt lưng và đeo trên vai cây đàn hạc. Khi ngước nhìn lên trông thấy anh em cầm mũ vẫy vẫy, anh mỉm cười, giơ tay đặt lên cây đàn và bấm một tiếng thật to. Trong lúc nhìn anh ra đi, chúng tôi nghĩ Mizushima thuộc loại có thể thi hành tốt đẹp công tác ấy; sứ mạng của anh có lẽ sẽ là một thành công lớn lao.

2

Theo lệnh quân đội Anh, đại đội chúng tôi di chuyển từ trên núi xuống đồng bằng, rồi đi thuyền xuôi sông Sittang, cuối cùng đáp xe lửa và đi xe tải tới Mudon. Khi đến đó, chúng tôi được đưa vào một trại tù binh.

Nỗi lo sợ về sinh mạng của anh em tan biến rồi. Chúng tôi được biết tổ quốc chúng ta đã bị bại trận, hầu hết bị tàn phá, nhưng chúng tôi cũng được biết tổ quốc chúng ta không bị tàn phá hoàn toàn, tù binh chúng tôi sẽ được hồi hương một ngày nào đó.

Tại Mudon chúng tôi bắt đầu một cuộc đời mới, đợi ngày trở về quê hương.

Khu chúng tôi ở gồm một số nhà chòi đơn sơ – một thứ nhà tranh, cột và sàn cao hơn mặt đất, mái lợp rạ. Căn nhà quá lộng gió đến nỗi trở nên rất ẩm ướt. Chúng tôi phải ngủ dưới đất, không có giường chiếu gì cả. Nhưng điều đó không phải là sự cực khổ thực sự tại một nơi khí hậu nóng bức như thế. Một hàng rào tre vây quanh căn nhà để giam giữ không những chúng tôi ở trong mà còn ngăn cản người khác đi vào. Một lính gác người Ấn đứng canh ở cổng ra vào; cứ mỗi khi thấy một người bán hàng rong hoặc ai định lẻn vào bên trong, người lính ấy thường bắn chỉ thiên đuổi đi.

Có một dãy dài hàng rào tre như thế; mỗi cái giam một nhóm tù binh. Ngoài ra, chúng tôi còn bị cấm liên lạc với những tù binh khác, vì thế anh em chẳng biết việc gì đang xảy ra bên ngoài. Luật lệ này được duy trì khe khắt. Tuy nhiên sự đối đãi xem ra tử tế.

Thỉnh thoảng chúng tôi được sai ra ngoài làm công tác xây cất hoặc kéo gỗ từ rừng về, nhưng nói chung ra thì chúng tôi sống một cuộc sống đều đều, êm ả, chẳng có gì để làm hết.

Đã lâu rồi – thực ra đến cả hàng năm ấy – chúng tôi không được sống những ngày thanh thản như thế này. Chúng tôi đã luôn luôn bị giao động, quấy rối và rượt đuổi. Luôn luôn căng thẳng và lo lắng về chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Đặc biệt trong suốt năm vừa qua, chúng tôi sống trong một thế giới chớp lòe đến mù cả mắt, tiếng nổ đến điếc cả tai. Bỗng dưng tất cả những cái đó ngừng hết – bây giờ không còn tiếng bom nổ, không còn mệnh lệnh, không còn gọi giật dậy giữa đêm khuya. Hết ngày này qua ngày khác chúng tôi ngồi im lặng trong căn nhà chòi, đưa mắt nhìn ra một rừng dừa. Thoạt đầu, đối với chúng tôi điều này hầu như kỳ lạ, không thể chịu nổi. Trong khi ngồi đó, chẳng có việc gì làm, chúng tôi cảm thấy trong lòng bối rối và lo âu. Song le, rồi thì, cái cảm giác khó chịu mơ hồ này cũng qua đi, và chúng tôi trở nên quen với cuộc sống êm ả, thầm lặng.

Nhưng, đúng lúc đang cảm thấy thoải mái, thì một cảm giác khó chịu khác bắt đầu dày vò chúng tôi. Lần này, chúng tôi thắc mắc bỡi vì Mizushima đã đi lâu quá rồi.

Mới đầu ai cũng tin tưởng trong vài ngày Mizushima sẽ đi theo đến chỗ anh em ở đây. Chúng tôi mong đợi cánh cổng mở tung ra bất kỳ lúc nào và Mizushima bước vào hăng hái, vui tươi như bao giờ. Chúng tôi thường thấy nhau nhìn về phía cái cổng. Đôi khi, lại còn nghĩ nghe thấy cả tiếng chân anh ấy nữa.

Burmese harp F

Nhưng dù cho anh em có chờ đợi đến thế nào anh ấy cũng chẳng bao giờ tới.

“Không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho Mizushima” chúng tôi cứ nói hoài. “Chúng mình chẳng thể hát hay được nếu không có cây đàn hạc của anh ấy.”

“Không phải chỉ có thế; chúng mình không làm được nhiều việc nếu không có anh ấy.” “Mọi việc dường như buồn chán khi không có anh ấy ở đây.”

Hết ngày này qua ngày khác chúng tôi chờ đợi vô ích. Mizushima không trở lại. Liệu có thực là anh ấy đã đi tới đỉnh núi hình tam giác, hoặc liệu anh ấy có thê cứu sống những người lính quyết tử ấy khỏi tự sát hay không, chúng tôi không biết. Anh em đã mặc nhiên công nhận là Mizushima có thể thi hành công tác ấy tốt đẹp. Nhưng bây giờ anh em nhận ra rằng đó mới là một công tác khủng khiếp làm sao. Rất có thể chính bộ đội của chúng ta sẽ giết chết anh ấy, vì đã khuyến dụ họ đầu hàng.

Hết ngày này sang ngày khác, chúng tôi lại càng suy nghĩ nhiều hơn về sự nguy hiểm của sứ mệnh anh ấy thi hành. Chúng tôi chỉ hy vọng anh ấy trở về, dù cho đã thất bại. Đại úy chau mày và nói: “Tôi không nghĩ chú ấy đã bị giết, ở khu đó đánh nhau rất lớn, vì thế có thể chú ấy đã bị thương. Có lẽ chú ấy đang được điều trị ở một nơi nào đó. Tôi hy vọng chúng ta có cách nào tìm ra – chắc chắn thế nào chú ấy cũng trở lại càng sớm càng hay. Vì thế chắc hẳn chú ấy đã gặp khó khăn. Tôi hy vọng sự việc không đến nỗi nghiêm trọng quá…”

Tất cả chúng tôi đều lo lắng như thế, nhưng vẫn không được tin tức gì của Mizushima. Ai nấy đều nói chuyện về anh ấy; mặt khác, vì là tù binh, dù muốn khuây khỏa nỗi ưu tư riêng, chúng tôi cũng không thể phái người nào ra ngoài điều tra. Nhiều tháng trôi qua như thế này. Vào những ngày không phải kéo gỗ từ rừng về hoặc xây cất cái gì, chúng tôi không thể không nói đến Mizushima. Trong những ngày ấy chúng tôi thường ra chơi trong vườn dừa đằng sau doanh trại, tìm kiếm vật liệu sửa chữa căn nhà chúng tôi đang ở, thường bị bão tố và mưa lũ làm hư hại. Chỉ trong một ngày thôi, ở trong rừng cây ấy,, chúng tôi đã có thể thu nhập được những gì cần thiết cho hầu hết bất kỳ sự tu sửa nào. Thân cây dừa thì khá dài và rắn, sẽ được dùng làm cột hoặc xà nhà; lá dừa thật tốt đế lợp mái và những sợi tơ của vỏ dừa dầy cộm chịu nước rất dai có thể vặn lại thành dây bền bĩ, cứng cáp. Với những vật liệu này, bạn có thể tu sửa một cái nhà sàn lợp lá, dù cho nó có bị hư hại đến mấy đi nữa.

Quả thực bộ phận nào của cây dừa cũng ích dụng đối với chúng tôi. Anh em đã dùng tất cả các bộ phận ấy để làm thành đủ mọi thứ cần thiết ở trong nhà. vỏ ngoài của cây dừa được dùng làm bàn chải để cọ; nếu chẻ cái gáo dừa ra làm hai, chúng tôi có hai cái bát; nếu gắn một cái cán vào cái bát ấy, chúng tôi sẽ có một cái gáo để múc nước. Anh cũng có thể biến chế cái vỏ quả dừa tròn tròn, rắn chắc thành vô số đồ dùng khác nữa hoặc kéo các sợi tơ kết thành sợi dây mà mấy người lính bện thành những cái thúng và những cái rổ. Thật như thể những đồ dùng trong bếp đang treo trên một cái cây. Và chúng tôi còn buộc lá dừa lại để làm chổi quét. Mỗi tháng một cây dừa mọc ra và rụng mất một tàu lá, giữ cho số lá trên cây không thay đổi. Nói khác đi, mỗi tháng mỗi cây dừa ném xuống đất một cái chổi.

Quả dừa nổi tiếng vì giá trị dinh dưỡng rất cao của nó. Bên trong chứa đầy một chất lỏng man mát, trông hơi xanh xanh, nhưng uống ngon đáo để. Người ta gọi chất lỏng này ở tiếng Anh là milk- sữa. Dầu được lấy ra từ cùi dừa trắng trong. Chất dầu ấy được biến chế thành chất béo margarine và làm xà phòng, cùng nhiều thứ khác nữa. cùi dừa rất bổ và có thể ăn sống. Thổ dân nạo ra, rắc lên thức ăn hoặc cuốn thành thỏi làm bánh nướng chín để ăn. Anh có thể vắt những cọng hoa dừa lấy nhựa để làm đường. Có những loại dừa chứa ngay trong thân chất tinh bột.

Lại có thể chế cả rượu dừa. Bạn vạch một vệt sâu vào cọng hoa dừa, rồi cắm một cái ống tre vào đó cho nhựa chảy xuống. Nhựa cây đọng lại trong ống ấy tự nhiên lên men, ít lâu biến thành một chất rượu thật ngon. Nhưng vì người Miến Điện không uống rượu nên không bao giờ chúng tôi thấy họ làm như phương pháp này được sử dụng ở vùng West Indies thuộc Hòa Lan, nơi nhiều lính Nhật Bản đã học được và tập tính khoái uống rượu dừa. Trong đại đội chúng tôi có một người thích thứ rượu này nên thường bí mật cắm ống tre vào những cây dừa trong rừng. Cứ mỗi khi bão nổi lên là anh ta mở cờ trong bụng. Chẳng việc gì làm anh ta thích cho bằng có dịp sửa mái nhà.

Hẳn cây dừa là một kho tàng vô giá. Người ta bảo ở châu Âu một nông dân mà có một con bò thì sẽ không bao giờ bị thiếu thốn. Tôi nghĩ cây dừa là con bò của miền nhiệt đới vậy.

Một hôm chúng tôi vào rừng chặt một cây dừa hì hục bện thừng, buộc xén các tầu lá và đục lỗ trên quả dừa. Người lính thích uống rượu ấy cứ chốc chốc lại lẻn ra một nơi nào đó, rồi trở về mặt đỏ bừng, tươi cười hớn hở ngân nga một bài hát Miến Điện.

Thường thường cứ khi nào một người nào đó cất tiếng hát là cả bọn anh em hát theo liền. Nhưng lần này chúng tôi tiếp tục im lặng làm việc, Mizushima thường hát bài ca Miến Điện ấy khi nào đi thám sát. Đó là dấu hiệu “an toàn”.

Người lính say sưa ấy chỉ hát một đoạn theo hứng riêng; nhưng đối với chúng tôi đoạn ấy dường như đem lại cho anh em cảm giác đang nghe một bài ca xa xưa vậy, cùng tiếng đàn hạc đệm theo vang lên từ lòng khu rừng. Trong tâm trí, chúng tôi nhìn thấy khu rừng trước mặt mình, những con chim đang bay lượn ở trên và anh chàng Mizushima mặc sà-rông đang biến dạng giữa hàng cây.

Đại úy vừa đan những lá dừa lại với nhau để vá một bức vách vừa lầm bầm một mình: “Đáng lẽ mình đi mới phải”. Ông chau mày và cắn chặt môi.

Những ai trong đám anh em nghe thấy ông nói đều hiểu ông muốn nói gì. Ông hối tiếc đã trao một sứ mạng nguy hiểm như thế cho một thuộc cấp trẻ tuổi của mình.

Một đêm trời nổi bão khủng khiếp. Mưa đổ xuống như thác và rừng dừa than van trong tiếng gió. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe thấy tiếng rơi bịch khi một quả dừa lìa cội rụng xuống mặt đất. Tiếng động ấy đã nổi lên cùng làn gió và cứ tiếp tục như thế suốt đêm.

Chúng tôi nằm trong bóng tối lắng nghe, không làm sao mà nhắm mắt cho được.

“Lại một quả khác”, một người lính làu bàu.

“Những cây dừa chết tiệt nhỏ sữa suốt cả đêm.”

Thế rồi có người cất tiếng hát, giọng trầm trầm: “Cây dừa trên hòn đảo cô đơn. Sao mi không ngủ đi cho rồi?”

Gió rít lên. Một người vừa kêu vừa nhỏm đầu dậy: “Lại một quả nữa!” Và rồi: “À, bài hát ấy Mizushima thích lắm…”

Một người nói vọng: “Im đi. Ngày mai còn phải làm việc – hãy ngủ lấy một tí chứ.”

Mizushima cứ lẩn quẩn trong đầu óc chúng tôi, nên một hôm tất cả đều ngạc nhiên vô chừng. Chúng tôi đã tới Mudon khoảng ba tháng rồi. Đại đội đã bắc xong một cây cầu ở ven đô thành phố, một công tác nặng nhọc kéo dài đem đặt những tấm gỗ khít vào nhau bắc qua lòng một dòng sông. Sau nhiều ngày làm việc dưới nước đục ngầu, cuối cùng anh em hoàn thành công tác và đang đi qua cây cầu ấy, lúc trời bắt đầu ngả chiều, trở về thành phố. Đúng vào lúc ấy, chúng tôi trông thấy một tu sĩ Miến Điện, quần vén cao, đang đi về phía chúng tôi.

Lúc đi qua mặt người ấy ở trên cầu, chúng tôi sửng sốt, vì ông ta trông giống Mizushima quá. Tu sĩ là một thanh niên hãy còn trẻ tuổi, đầu cạo nhẵn thín. Ông ta ôm một cái bát để khất thực và mặc một tấm cà sa mới màu vàng, một bên vai choàng lỏng lẻo, trên đó đậu một con vẹt xanh mượt. Chắc chắn là ông ta đã từ một làng lân cận đi tới.

Ông ta chính là hình ảnh của Mizushima: vóc người tầm thước, vạm vỡ, mắt sâu và to, hai môi mím chặt, nước da đen kịt có lẽ là đi hành khất hàng ngày. Nếu có cái mũ quân đội Nhật Bản đội trên đầu, ông ta sẽ dễ dàng biến thành Mizushima. Ông ta có vẻ lúng túng – và hơi cáu kỉnh – bởi vì tất cả anh em tù binh chúng tôi đều trố nhìn vào tận mặt, hết người này đến người khác. Ngay cả cái vẻ mặt đăm chiêu của ông ta trông cũng giống một cách kỳ lạ.

Chúng tôi phải đi hàng một dọc cây cầu hẹp và lúc đi sát bên cạnh ông ta, lần lượt chúng tôi liếc nhìn nhau rồi cười ồ vì sự giống nhau ấy.

Cuối cùng vị tu sĩ Miến Điện hình như đành chịu sự sỗ sàng của chúng tôi. Một tay cầm con vẹt đưa lên vai, ông ta thầm lặng đi qua, hai mắt cúi gầm nhìn xuống.

Sau khi qua cầu chúng tôi rẽ và nhìn thấy vị tu sĩ rảo bước thật nhanh dọc theo bờ sông, đối diện, trực chỉ hướng bắc, cách xa thành phố. Chẳng mấy chốc ông biến vào trong rừng cây lưa thưa.

Đêm ấy chúng tôi nằm trên sàn nhà, nói chuyện về người tu sĩ ấy. “Mizushima thường mặc như thế khi đi thám thính.”

“Tớ muốn đem hắn về đây và đưa cho hắn cây đàn hạc hòa nhạc nghe cho vui.”

“Tụi tao sẽ làm thế lúc đưa đám mày.”

“Đừng vớ vẩn… nhưng ờ mà này, bây giờ Mizushima đang ở đâu nhỉ?”

3

Chắc rằng vị tu sĩ Miến Điện này thường hay tới Mudon lắm, vì thỉnh thoảng chúng tôi thường nhìn thấy ông ta. Cứ mỗi khi nhìn thấy ông, chúng tôi lại nhớ Mizushima quá chừng. Một hôm, lúc đi làm công tác xây cất, chúng tôi gặp ông ta tận mặt. Một người trong bọn chúng tôi kêu to: “Ê, Mizushima!”

Vị tu sĩ ngừng bước, cúi đầu như thể sợ hãi, rồi nán chờ cho chúng tôi đi qua. Chúng tôi cảm thấy thích thú, nhưng lại hơi buồn.

Đại úy cảnh cáo” “Không được chòng ghẹo người ta. Thấy chưa, các chú làm cho con người đáng thương ấy sợ sệt rồi đấy.”

Cứ như thế chúng tôi tiếp tục mong chờ.

Mizushima, nhưng chẳng bao giờ anh lại, Chúng tôi đâm ra chán nản, và cuộc sống tù binh khổ sở lại càng buồn chán hơn.

Ngoài ra, bây giờ lại đang là mùa mưa khó chịu, ẩm ướt, dài lê thê. Một, thứ mưa mờ mờ như khói rơi ra rích ngày này qua ngày khác, không lúc nào ngừng. Nước liên tiếp đổ xuống mái nhà chòi nipah. Rừng dừa trông mờ mịt, giống như một bức tranh vẽ bằng mực trên giấy ướt. Đó là loại tranh khiến mình muốn lấy giấy thấm mà thấm cho khô đi.

Chúng tôi sống trong cơn mơ màng uể oải, buồn chán. Không ca hát nữa và bỏ xó những nhạc khí còn lại mặc cho hư hại đần dần. Vài người cứ ngồi ôm đầu gối ngước nhìn bầu trời. Có lần một anh tưởng như đang ngủ lại thấy khóc thút thít ở trong chăn. Anh em còn đâm ra cãi cọ nhau, điều mà trước kia không bao giờ ai làm cả.

Một anh vừa hỏi vừa lắc cái lon sắt rỗng không: “Này, đồ ăn thừa của tớ đâu rồi? Tớ tính đem chỗ đó cho con khỉ ăn.”

Đại úy có nuôi một con khỉ để làm cho chúng tôi vui, thế nhưng ngay cả con khỉ cũng trở thành đề tài tranh luận.

Cuối cùng đại úy thúc đẩy chúng tôi ca hát lại để giữ tinh thần anh em. Cứ mỗi khi mưa ngừng rơi, chúng tôi đi ra ngoài sân và tập hát. Kể cũng lâu rồi chúng tôi mới lại hít không khí mát rượi vào trong phổi, nên cảm thấy như thể đang sống lại. Ở những trại giam khác cũng thế, nhiều hoạt động khác nhau được bắt đầu có lẽ vì cùng một lý do. Có người chơi đùa, có người ra ngoài chơi thể thao, một số ít lại mở lớp học nữa. Mỗi khi có một cuộc biểu diễn thuộc loại nào đó, người Miến Điện thường tụ tập bên ngoài hàng giậu tre để xem. Đôi khi họ vỗ tay tán thưởng nhiệt tình hoặc phá ra cười theo.

Bài hát của chúng tôi đặc biệt bình dân. Chúng tôi luôn luôn cố hát cho hay hơn, khi có người đứng nghe. Chúng tôi nói cho nhau biết về những người đã tụ tập quanh đây, về một người đã tới lần thứ hai để nghe và về bài hát của chúng tôi đã át cả môn chơi của nhóm khác ra làm sao.

Đủ loại người từ thành phố tới tụ tập ở hàng rào. Vì là dân nhiệt đới, có nhiều thì giờ rảnh rỗi, họ thường dựa người vào hàng giậu hoặc thân cây mà ngắm nhìn từ sáng đến tối. Họ hoan hô từng bài hát. Trẻ con bắt chước chúng tôi học điệu hát và lập đội đồng ca riêng. Đôi khi các thiếu nữ trẻ tuổi mặc quần áo lụa xanh hoặc đỏ tươi nhảy múa theo điệu nhạc của anh em chúng tôi. Thật là thích thú. Có những ông già thường gói tiền và thức ăn rồi lén lút ném qua hàng rào vào trong cho chúng tôi. Người lính gác thưởng giả vờ không trông thấy và thường ngân nga hát theo chúng tôi bài nào người ấy biết. Tuy nhiên không bao giờ chúng tôi hát bài Hanyu no yado, bởi vì nó gợi lại quá nhiều kỷ niệm đau đớn.

Một hôm, khi chúng tôi hát được nửa bài thì một anh lấy khuỷu tay thúc một anh khác, rồi chỉ tay về phía đám người đứng nghe. Một tu sĩ Miến Điện đang đứng đằng sau đám đông. Đó là vị tu sĩ chúng tôi đã gặp trên cầu – giống hệt Mizushima. Ông ta có con vẹt xanh ở trên vai và đang chăm chú nhìn chúng tôi, đôi mắt sâu thẳm.

Khi hát xong, chúng tôi nghển cổ nhìn ông ta.

“Thấy không! Giống Mizushima như đúc!”

“Không. Già hơn nhiều.”

Một anh cầm gói tiền người ta ném vào cho ném ra phía người tu sĩ. Gói tiền rơi xuống chỗ chân ông ấy. Một thiếu nhi cúi xuống nhặt lên, rồi kính cẩn đưa cho ông ấy. Vị tu sĩ chắp hai bàn tay lại trong dáng điệu cảm ơn thầm lặng. Đó là dáng điệu của thầy tu đầy vẻ thuần thục, nên nhiều người trong chúng tôi đã chào đáp lại ông.

Chúng tôi cảm kích cung cách dân xứ này tôn kính giới tu sĩ. Sự bố thí của họ không phải là một hành vi bác ái mà là một hành vi cảm tạ, biết ơn những người đi tu để giải thoát tất cả chúng sinh. Họ không những chỉ trao tặng vật mà còn quì xuống rồi dâng tặng vật một cách kính Cẩn. Thoạt đầu chúng tôi không hiểu điều này và hình như đã có vẻ thô lậu khi làm công việc bố thí.

Sau đó vị tu sĩ thường tới trại giam anh em chúng tôi. Ông luôn luôn đứng đằng sau những người khác khi đưa mắt nhìn chúng tôi. Anh em thường vất cho ông ta tiền và đồ ăn đã được phát.

“Ông ấy lại đến!”

Người khác nói một cách khinh khi: “Ở đây luôn có đồ bố thí, cho nên thằng cha hành khất lang thang này rắp tâm lợi dụng tới mức tối đa”.

Người khác nói: “Đến Bụt cũng phai bực mình vì lão ta, nhưng cậu thấy, lão ta mới khác người làm sao. Dù là người trầm tĩnh đến mấy, Mizushima chẳng vớ vẩn như thằng cha tu sĩ này đâu. Còn nhớ anh ấy oai phong ra làm sao không khi đứng trên xe đạn chơi đàn!” Hôm ấy vị tu sĩ hình như đã trở lại đây sau một cuộc hành trình dài. Chiếc cà sa rách bươm, bẩn thỉu, tóc mọc tua tủa và hai chân không đang bị băng bó. Vì là một người thánh thiện nên có lẽ ông ta thường đi thi hành Phật sự.

Người Miến Điện sùng đạo đến độ lúc trẻ thanh niên nào cũng đi tu một thời gian, sống hoàn toàn khổ hạnh. Vì thế chúng tôi nhìn thấy vô số tu sĩ trẻ tuổi trạc tuổi anh em chúng tôi.

Thật mới khác làm sao, ở Nhật Bản tất cả thanh niên đều mặc quân phục. Nhưng ở Miến Điện, họ mặc áo cà sa. Chúng tôi thường tranh luận về điều này. Cưỡng bách huấn luyện quân sự hoặc cưỡng bách học tu tập đạo – trong hai điều này thì điều nào tốt hơn? Điều nào tiến bộ hơn? Là một quốc gia, là những con người, chúng ta sẽ chọn điều nào?

Thật là một thứ tranh luận kỳ lạ luôn luôn gặp bế tắc. Tóm lại, sự khác biệt giữa hai lối sống hình như ở điểm này: tại một quốc gia thanh niên mặc quân phục, tuổi trẻ ngày nay rõ ràng sẽ trở thành những người lớn mẫn cán, siêng năng của ngày mai. Nếụ để làm cho được việc thì quân phục là cần thiết. Ngược lại, áo cà sa có nghĩa là để sống một cuộc sống phụng thờ thầm lặng, chứ không phải để làm việc cực nhọc, nhất là để gây chiến tranh. Nếu trong lúc trẻ một người mặc quần áo như thế, có lẽ người ấy sẽ phát triển được một tâm hồn dịu dàng hòa đồng với thiên nhiên cùng bè bạn và sẽ không có khuynh hướng hiếu chiến, vượt chướng ngại bằng chính sức mạnh của mình.

Ngày xưa người Nhật chúng ta mặc quần áo giống như áo cà sa của tu sĩ, nhưng ngày nay chúng ta mặc quần áo đồng phục giống Tây phương. Và ai cũng mong muốn như thế, vì lẽ ngày nay chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia hoạt động nhất, mẫn cán nhất thế giới và cuộc sống thanh bình, êm ả là một điều thuộc quá khứ rồi. Điều khác biệt cơ bản là ở thái độ của một dân tộc; hoặc là, như người Miến Điện, chấp nhận thế giới theo nguyên trạng của nó, hoặc là cố gắng thay đổi nó theo ý riêng của mình. Tất cả xoay quanh điểm này.

Người Miến Điện, kể cả những người sống trong các đô thị, vẫn không mặc Âu phục. Họ mặc bộ áo cổ truyền rộng thùng thình. Ngay cả các chính khách hoạt động trong chính giới cũng mặc quốc phục, để khỏi bị mất uy tín tại quốc nội. Đó là bởi vì người Miến Điện, khác người Nhật Bản, vẫn giữ nguyên nếp sống cũ! Thay vì muốn chế ngự tất cả bằng sức mạnh và trí thông minh, họ nhằm mục đích giải thoát bằng sự khiêm nhường và lòng tin tưởng vào một sức mạnh lớn lao hơn chính họ. Vì thế họ nghi ngờ những người nào mặc Âu phục và thái độ của những người này khác thái độ của chính họ.

Cuộc tranh luận của chúng tôi thường dịu đi và dẫn tới điểm này: điều đó là do người ta muốn sống như thế nào – cố gắng chế ngự thiên nhiên bằng chính những cố gắng của mình hoặc thỏa hiệp với thiên nhiên rồi đắm mình vào một trật tự sống sâu hơn, rộng hơn. Nhưng trong những thái độ này, trong những lối sống này thì cái nào tốt đẹp hơn đối với thế giới và nhân loại? Và chúng ta nên chọn cái nào?

Một anh chê người Miến Điện và nói: “Chưa bao giờ tớ thấy một dân tộc lại lười biếng, yếu đuối đến thế. Mọi thứ họ có, từ những bóng đèn điện đến các đoàn xe lửa đều do ngoại quốc chế ra cả cho họ dùng. Họ phải canh tân, phải trút bỏ những chiếc sà-rông, phải mặc quần tây. Ngay cả những trường học ở đây cũng chỉ để diễn kịch hoặc ca hát; chẳng có lấy một trường thương mại hoặc kỹ thuật nào. Họ nói trình độ giáo dục của họ cao. Cái đó là so sánh với những xứ khác ở Đông Nam Á – tất cả những gì nền giáo dục của họ nhằm tới là tu sĩ dậy tụng kinh trong các chùa chiền. Cứ đà này, quốc gia sẽ đi đến chỗ suy sụp. Thảo nào xứ này lả một thuộc địa của tụi Anh.”

Có anh phản đối, bảo rằng thay sà-rông bằng quần tây không nhất thiết mang lại hạnh phúc. Anh ấy nói: “Nhìn Nhật Bản mà xem! Và chỉ Nhật Bản thôi – toàn thể thế giới đang lộn xộn. Khi người ta trở nên hợm hĩnh và cố đặt ý chí của mình lên mọi thứ, người ta sẽ thất bại. Cho dù có đạt dược một vài thành công, song rút cuộc chẳng ra gì.”

“Cậu có ý nói cứ sống mãi mãi trong tình trạng bán khai như người Miến Điện là phải không đấy hà?”

“Không văn minh? Đôi khi tớ nghĩ chúng mình không văn minh như họ.”

“Cậu gàn rồi. Cậu có muốn nói với tớ rằng chúng mình không văn minh bằng cái dân tộc ở cái nơi lạc hậu, bẩn thỉu này chẳng thèm cố gắng làm việc và giáo dục nhau đế tự lực, tự cường không đấy hử?”

“Đúng thế. Chúng ta có phương tiện để tiến tới văn minh, nhưng trong nội tâm chúng ta hãy còn là những ké dã man, không biết dùng những phương tiện ấy như thê nào. Chúng ta đã làm những gì với những phương tiện ấy trừ việc gây ra một cuộc chiến tranh khủng khiếp rồi lại còn vượt bao đường dài kéo đến đây để xâm lăng Miến Điện, gieo rắc đau thương khủng khiếp cho dân xứ này? Ấy thế mà họ chấp nhận đau thương khủng khiếp đó và tiếp tục sống êm ả, thanh thản. Người Miến Điện dường như không bao giờ phạm vào những lỗi lầm xuẩn động của chúng ta là đi đánh người khác. Cậu bảo họ không có giáo dục nhưng họ tin tưởng vào đạo Phật và dùng tôn giáo này làm kim chỉ nam hướng dẫn toàn cuộc sống của họ. Họ sống một phần tuổi trẻ làm tu sĩ và lối sống của đức Phật đã trở thành bản tính thứ hai đối với họ. Đó là lý do tại sao tâm hồn họ trong sáng, tinh khiết, và tại sao họ sống thanh thản, yên vui. Phải chăng đó không phải là một thứ giáo dục cao cả hơn hay sao?”

“Nhưng thế còn chuyện mức sống thấp kém thì sao? Đâu có hợp với một con người. Thứ nhất cái thứ đạo Phật của họ chẳng có nghĩa quái gì. Từ bỏ thế giới. Chấp nhận khổ đau. Không bận tâm đến sự việc đang trở nên tốt hoặc xấu mà chỉ tập trung ý nghĩ vào việc giải thoát linh hồn – và sự giải thoát chỉ đến sau khi cậu đã từ giã thế giới này, bước vào một cuộc đời mới với tư cách một tu sĩ. Tớ hiểu, đó là kết quá của việc hiểu lời ông Phật dạy một cách sát nghĩa như thế đấy! Cậu thấy loại Phật giáo tiểu thừa này ở Miến Điện chứ gì. Họ thảy đều trờ thành tu sĩ. Họ không quan tâm gì đến thế giới hiện tại. Cuộc đời trên cõi thế hình như chẳng có nghĩa lý gì nên họ không có ý muốn phát minh ra những cái mới mẻ, và chằng bao giờ thấy họ tỏ ra cố gắng cải tiến cuộc sống. Cho đến nay họ chưa phát triển được một thế chế khả dĩ giúp cho một người sống trong tự do. Liệu cậu có thế gọi cái đó là hạnh phúc không? Cứ đà này, không bao giờ có tiến bộ cả.”

“Đức Phật nhìn qua suốt loại hạnh phúc cùng tiến bộ này, và hạnh phúc ấy dẫn tới đâu hàng nghìn năm về trước. Ngài dạy chúng sinh đừng bám một cách tuyệt vọng vào cuộc sống trần thế, và người Miến Điện vẫn trung thành với lời dạy của Ngài. Nếu cậu thích một thế giới văn minh, thanh bình hơn, thì có lẽ chúng ta càng nên bắt chước người Miến Điện thay vì người Miến Điện bắt chước chúng ta.”

“Không thể được. Trong thời đại bom nguyên tử cậu không thể tà tà, lừng khừng như người Miến Điện.”

“Thật đúng thế, bởi vì chúng ta đang ở thời đại nguyên tử nên lại càng cần phải bình thản và suy tư hơn, Chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu, thảnh thơi nếu trao một điều nguy hiểm như thế vào tay các tu sĩ Miến Điện.”

Chẳng bao giờ chúng tôi có thế đi tới một quyết định rõ rệt xem là quan niệm nào hay hơn. Tuy nhiên thường thường anh em đã chấm dứt cuộc tranh luận và đồng ý là người Miến Điện sống từng giai đoạn trong đời sống của họ phù hợp với một nền đạo đức cao xa, và không thể bị coi là không văn minh. Thật là sai lầm khi chế giễu họ chỉ vì họ không có cái loại hiểu biết giống chúng ta. Họ có một cái gì đó diệu kỳ mà chúng ta không thế hiểu nổi. Nhược điểm của họ chi là yếu đuối và không thể tự bảo vệ để chống lại kẻ xâm lăng như chúng ta. Có lẽ họ nên chú ý hơn nửa đến cuộc đời trần giới, không nên coi nó như là vô nghĩa mà nên đặt cho nó một giá trị cao hơn.

Cứ thế cuộc tranh luận kéo dài. Dĩ nhiên, chúng tôi không chỉ ngồi để tranh luận; mỗi khi có thể, chúng tôi đều đi ra ngoài ca hát.

Có lần chúng tôi cảm thấy muốn hát thử một số điệu khác nhau và chọn một bài dân ca Miến Điện nào đó, vì hát làm hai phần thì dễ dàng. Đó là phần Mizushima thường dùng ở trong rừng để báo hiệu hiểm nguy. Lúc chúng tôi bắt đầu tập bài hát ấy, người Miến Điện đứng bên ngoài hàng rào hình như thích thú lắm. Những ông già, những bà già, tay nắm tay nhau cùng đứng hát và trẻ con trèo lên nóc hàng rào hát theo.

Vị tu sĩ cũng ở đó. Chúng tôi muốn ông ấy hát theo. Và tha thiết vẫy tay ra hiệu cho ông ấy biết. Nhưng ông ấy chỉ đứng đó thẫn thờ, không chú ý, mắt lim dim. Hiển nhiên, ông ấy không muốn tham dự vào những chuyện tầm phào như thế.

Bẵng đi một dạo, chúng tôi chẳng buồn đế ý tới nhũng lần vị tu sĩ đến xem. Trong khi đó anh em được biết người Miến Điện đang có cảm tình rất thân thiện với anh em tù binh chiến tranh; và một hàng rào khác được dựng lên bên trong hàng rào cũ đê ngăn cách chúng tôi, xa hơn nữa, với những người đứng xem ở ngoài. Cho dẫu vị tu sĩ có đến chúng tôi cũng không thế cho ông ấy của bố thí. Có lẽ vì thế ông ấy cũng thôi không tới.

4

Trong khi thời gian cứ tiếp tục trôi qua, điều anh em nghi rằng Mizushima đã chết đã ăn sâu vào tâm khảm tất cả mọi người. Anh em thôi không nói về anh ấy nữa. Ai nấy cũng thận trọng tránh nó. Thế rồi một nguồn tin bất ngờ đến với chúng tôi, và dường như chắc chắn là anh ấy đã chết rồi.

Nguồn tin này do một bà lão bán hàng đến trại giam cho biết. Bà thường bán hàng cho lính Nhật đóng tại thành phố Mudon khi họ hãy còn đầy uy quyền. Bà thuộc loại ta gọi là “Bà” mà anh thường thấy tại các đồn binh. Bà thường đối đãi với lính tráng như thể họ chính là con cháu mình, nào giặt nào mạng quần áo hoặc mời họ về nhà dùng bữa.

Bà cụ này ngoan đạo lắm, dù là đối với một người Miến Điện. Vì đã buôn bán khá nhiều với quân đội Nhật Bản, hẳn bà kiếm được rất khá tiền, nhưng đã đem tiền ấy cúng vào chùa và vẫn sống nghèo khổ. Tuy bây giờ chúng tôi là tù binh song bà vẫn thường đến giúp đỡ anh em. Bà thường nói chuyện với bất kỳ ai, vừa khoa những cánh tay xạm nắng vừa cười vui vẻ, đến độ cái thân hình mập mạp rung lên. Khi nghe thấy tiếng bà cười, chúng tôi không thể không bị lây và cũng khúc khích cười với nhau. Bất kỳ khi nào bà lão tới, chúng tôi cũng thấy vui hết cả ngày. Bà là người duy nhất lính gác cho phép ra vào tự do, giả vờ như không biết.

Vào dạo này bà không bán hàng nhiều nữa và chỉ đổi chác với chúng tôi mà thôi. Ngay từ đầu quần áo và đồ trang bị của anh em đã ít ỏi; nhưng vì không có đồ thay thế, nên chúng tôi phải dành dụm từng tí một, đi đâu cũng đeo ở trên lưng, nhờ thế hãy còn một số ít sót lại.

Một hôm bà lão tới, đầu đội một bó hàng lớn. Nhe răng cười với người lính gác Ấn Độ, bà đi qua cổng. Chúng tôi liền bu quanh.

“Này, bà, đổi cho cháu một quả chuối lấy cái áo này.”

Bà trả lời bằng tiếng Nhật: “Được, ông ạ”.

“Bà ạ, hôm qua cháu làm xong chiếc sáo này, tiếng nó thổi nghe hay lắm. Đổi cho cháu vài thanh chandaka nhé.” Chandaka là một loại đường thỏi cứng màu nâu.

“Được, kokan.” Kokan tiếng ta nghĩa là đổi, được người ta biết ở nhiều nơi hải ngoại, ngay cả trẻ con nữa. Tuy nhiên, bà có thể nói tiếng Nhật khá trôi chảy, giọng Osaka. Binh sĩ đóng ở đây trước kia hẳn là đã từ miền Osaka tới.

“Ê, bà ơi, cháu không thích con khỉ này vừa mua hôm nọ – có thể đổi lấy ngapi được không ạ?” Ngapi là bột cá biển rất mặn người Miến Điện dùng để ướp đồ ăn.

“Không, không, không đổi đâu!” Bà lão nói. Con khỉ ấy ranh mãnh, nghịch ngợm lắm. Còn ai thích Ngapi nữa không?”

Cuối cùng bà sờ soạng trong áo và lôi ra một con chim. Con chim hãy còn sống. Đó là một con vẹt xanh.

Con chim đậu trên tay bà lão, nhìn xung quanh, hai mắt tròn xoe, rồi vỗ cánh. Đoạn, vừa chép mỏ vừa lắc cái lưỡi đen xì, ngắn lửn, nó kêu ki ki, tiếng khô khan, the thé.

“Nào, ông thích con vẹt này?”

Mê quá, tất cả chúng tôi trố mắt nhìn.

“Các ông ạ, các ông có thể dạy con chim này nói tiếng Miến Điện, tiếng Nhật Bản hoặc bất kỳ thứ tiếng nào.”

Có người nói: “Đây là thứ chim ông sư ấy mang theo”.

Một người khác cầm con chim để lên vai, rồi ngắm nghía rất kỹ càng, nói: “Đúng rồi. Ông ấy đặt nó như thế này…”

Điều này lại khơi mào cho bà lão nói chuyện thật nhanh. “Ồ, ông cũng nhìn thấy vị sư ấy hả? Con này là em con chim của vị sư ấy! Ông hàng xóm gần nhà tôi bắt được hai con. Thấy vẹt đang làm tổ trên một cây, ông ấy bỏ hết cả ngày để chặt cái cây ấy và bắt được năm con. Ông ấy khoái chí lắm nên bảo rằng chúng thật đáng giá ba ngày công và từ hôm ấy ông ấy vẫn nghỉ không đi làm. Nhưng đúng lúc ông ấy bắt được chim thì vị tu sĩ đi ngang qua hỏi thăm đường, vì thế ông hàng xóm nhà tôi vái xá và biếu người con chim xanh nhất. Từ đó vị tu sĩ đi quanh quẩn đâu cũng mang theo con vẹt ở trên vai. Con này thì hơi xanh, nhưng không đẹp sao?”

Đại úy cũng đang lắng nghe; khi biết con chim này có liên hệ với con chim của nhà sư thì ông cảm động quá nên đổi cái hộp thuốc lá cho bà lão mà lấy con chim.

Từ đó con vẹt trở thành con vật được cả đại đội cưng yêu, và ai cũng dạy nó nói vài ba tiếng.

Nó học nhanh lắm. Đúng như bà lão nói, nó học nói tiếng Miến Điện và tiếng Nhật Bản khá như nhau; nó cho mình một cảm giác là lạ khi nghe nó nói. Một anh cố hết sức dạy nó hát nhưng không kết quả.

Cũng ngày hôm đó bà lão kể cho chúng tôi nghe một tin đồn về một toán tù binh Nhật Bản đã được áp giải từ nội địa tới đây. Nghe nói đại đội này tử thủ trong một pháo đài trên một ngọn núi hiểm trở và bị tổn thất nặng nề – hầu hết những người sống sót đều bị thương. Trông họ thật đáng thương. Những người này đang được điều dưỡng tại một bệnh viện Anh ở Mudon, nhưng không phải tất cả đều hồi sinh. Những người nào qua đời thì được an táng trong nghĩa trang bệnh viện và dân thành phố nói trong đám ấy có vài thanh niên trẻ trông đến thương tâm.

Khi nghe thấy tin này, chúng tôi đều nhìn đại úy. Chỉ có vài đơn vị còn tiếp tục chiến đấu sau khi chiến tranh chấm dứt, vì thế người mà bà lão cho chúng tôi hay tin xem ra giông giống người ở đỉnh núi hình tam giác ấy.

Đại úy nói với bà lão một cách hồi hộp: “Bà ạ, xin bà làm ơn nghe ngóng thêm tin tức về đại đội ấy và xem có người lính Nhật nào, trong lúc mặt trận đang diễn ra đã không hoàn tất nhiệm vụ liên lạc với đại đội ấy. Nếu người ấy hoàn tất nhiệm vụ, xin bà hỏi hộ xem người ấy đã gặp phải chuyện gì. Xin bà tìm kiếm hộ tin tức về người ấy – có phải lúc này người ấy đang ở với những người kia hay là bị thương hoặc bị bắt ở nơi nào đó. Cháu sẽ tìm cách đền ơn bà xứng đáng.”

Bà lão gật đầu.

Khoảng mười ngày sau bà lão trở lại. Khi chúng tôi háo hức nhắc lại câu hỏi, bà kể cho chúng tôi hay là có chuyện xảy ra giống như thế. Chính nhờ một người lính từ một đơn vị khác mà họ ngưng chiến đấu và tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng sau đó chẳng ai biết người lính ấy ra sao. Người lính ấy đã lao mình chạy tới chạy lui giữa làn đạn và chắc hẳn đã chết ở trong núi.

Nghe tin này, đại úy hình như choáng váng. Tất cả chúng tôi đều rền rĩ. Một người kêu lên: “Thế là anh ấy chết rồi!”

Tay run run, đại úy viết một lá thư cho đại đội ấy hỏi tin tức về số phận Mizushima. Bà lão hứa sẽ đưa lá thư. Nhưng lần sau bà tới, nói lính gác bắt được bà cầm lá thư và mắng bà thậm tệ, cảnh cáo nếu còn làm như thế nữa bà sẽ không được phép bén mảng đến gần tù binh. Ngoài ra bà còn cho chúng tôi hay là những người lính bị thương ấy đã được chuyển sang một bệnh viện khác và không còn ở Mudon nữa. Đó là tất cả tin tức anh em có thể nghe ngóng được.

Tuy nhiên, bây giờ thì chúng tôi biết Mizushima đã hoàn tất nhiệm vụ, và anh không có mặt trong đám tù binh được đem từ đỉnh núi hình tam giác về đây. Hy vọng mong manh cuối cùng của anh em là anh còn sống sót đã tan biến.

Chúng tôi ước ao, ít nhất có được xương cốt anh hoặc một mớ tóc của anh, nhưng dĩ nhiên điều đó không thể được. Chắc chắn là thân xác anh đã bị bỏ rơi, đang nằm tại một vùng đất xa lạ nào đó, giống như thi thế biết bao thanh niên trẻ tuổi đồng bào của anh. Thực khó mà chịu đựng nổi một ý nghĩ như vậy. Anh em chì còn biết cho rằng Mizushima đã chết – một trong số rất nhiều người mất tích trong nhiệm vụ. Đại úy tiếp tục đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau và không chịu từ bỏ hy vọng; nhưng ông hiểu những lời ông nói đều trống rỗng. Anh có thể nhìn thấy điều ấy trên nét mặt ông.

Chúng tôi đã quen với bực bội, nhưng lần này anh em thực sự thất vọng. Cuộc đời tù binh trở nên buồn hơn bao giờ hết. Chúng tôi sống hết ngày buồn chán, tẻ nhạt này sang ngày tẻ nhạt, buồn chán khác, chấp nhận từng ngày khi nó đến.

Trong khi đó mùa mưa đã chấm dứt, và mùa đông khô ráo đã tới; song tinh thần anh em không làm sao mà ngoi lên được. Chúng tôi cảm thây chán nản, thất vọng và mất hết nhuệ khí. Chúng tôi đã nếm một cách thấm thìa mùi vị chua chát của cảnh làm tù binh, không thể làm chủ được cuộc sống của chính mình. Ngay cả khi cùng nhau ca hát, chúng tôi cũng không thể cảm thấy sự hăng hái xưa kia. Có lẽ lúc ấy người Nhật Bản ờ khắp mọi nơi đều ở trong trạng thái trì độn và chán nản cả.

Chẳng ai thèm để ý tới con vẹt nữa. Bị bỏ bê, nó cứ vừa đậu ở trên nóc nhà vừa ọe ra những câu khó chịu bằng tiếng Nhật và the thé kêu: “Ki ki!” Giọng lanh lảnh nghe chối cả tai. Tuy nhiên, nó bắt chuột rất tài, và đôi khi giữa đêm mổ con chuột nhắt đến chết, nó khua ầm ầm ở trên xà nhà.

Sau khi chúng tôi đã sống quá nửa năm trong trại tù binh thì có nhiều chuyện kỳ lạ, khó giải thích xay ra, hết chuyện này đến chuyện khác mãi tới lúc anh em hồi hương về Nhật Bản. Chưng hửng, nghi ngờ và sợ hãi, hầu như đêm nào anh em chúng tôi cũng nói về những chuyện ấy.

* * *

Mizushima bị thương cố lết ra ngoài xa, anh được một nhà sư đem về cứu chữa. Một thời gian sau lành bệnh, anh bỏ chùa ra đi rồi tìm những xác lính Nhật còn sót đem chôn. Có lần thấy một nhà sư đang tắm dưới suối, anh bèn lấy cắp áo cà sa của ông rồi chạy ra xa, cạo trọc đầu, mặc áo cà sa rồi chạy trở lại ngọn núi ấy gom xác lính Nhật lại lấy cây củi đốt. Anh dò tìm ra đại đội cũ của mình hiện trong trại tù binh do người Anh canh giữ. Mizushima bèn tìm đến ở một ngôi chùa gần đó xin qui y, người ta cho anh nhập giáo hội hành đạo.

Khi đại đội có dịp đi lao động hoặc ra ngoài trại, họ gặp một nhà sư trông giống y như Mizushima, nhiều người cho là anh vẫn còn sống, nhưng cũng có người nói chàng đã chết anh dũng không đầu hàng.

Một hôm đại đội đi ngang một cây cầu gỗ hẹp, ông Đại úy nhìn anh chăm chú, mọi người nhận ra anh đang khoác áo cà sa nhưng chưa dám quả quyết. Họ hay hỏi thăm tin tức một bà già thường vào trại mua đồ thủ công của tù binh và bán quà bánh cho họ, bà già cũng dò tìm tông tích nhà sư dùm họ. Mỗi lần gặp anh, họ thường bảo nhau: “Nhà sư sao giống Mizushima quá!” Thế rồi đại đội được người Anh cho về nước, ai nấy khăn gói chuẩn bị lên đường. Đại úy nhờ bà già gửi nhà sư một con két, Đại úy đã dạy nó nói: “Mizushima về nước nhé!

Họ thấy nhà sư trông giống y như Mizushima xuất hiện bên ngoài hàng rào trại, nhà sư đứng cạnh một chú đệ tử lên mười đang ôm cây đàn hạc Miến Điện. Nhà sư lặng thinh không nói gì, anh em hỏi gì cũng không nói. Các anh em bảo nhau hát bài họ vẫn thường hát để dò thái độ của nhà sư. Khi anh em cất tiếng hát, nhà sư bèn lấy cây đàn hạc hoà theo. Bây giờ thì mọi người đều biết đó là Mizushima. Họ bảo anh ngày mai được về nước, tại sao anh không về. Nhà sư bèn chơi ngay bản tiễn biệt, bản đàn vừa dứt, ông ôm đàn đi khuất sau ngôi chùa tháp.

Mọi người thu xếp đồ đạc lên đường về nước, bà già đem thư của nhà sư nhờ gửi Đại úy, ông này bận quá bảo để khi nào lên tầu sẽ đọc. Nhà sư cũng nhờ bà già đưa Đại úy một con két nói “Tôi không về được”. Khi lên tầu ông đọc thư, Mizushima kể lại những này đã qua, anh hiện đã qui y, tình nguyện ở lại để tìm kiếm chôn xác những người đồng đội, xoa dịu những nỗi khổ đau của con người.

Đại đội tù binh Nhật ai nấy đều quan tâm tới Mizushima, họ tưởng anh đã chết trong trận đánh. Sau nhiều lần gặp nhà sư khoác áo cà sa với khuôn mặt giống hệt như anh, họ lại nghĩ rằng anh còn sống, nhà sư chẳng ai khác hơn là anh chàng đánh đàn hạc hay tuyệt. Dần dần nghi ngờ đã thành sự thật. Bà già thường hay ra vào trại cho biết tin tức nhà sư, và sau cùng trước ngày tù binh lên đường về nước, nhà sư lại xuất hiện bên ngoài hàng rào của trại để chào từ giã anh em. Độc đáo nhất là cuộc “nhạc đàm”: họ lấy bản hợp ca và tiếng đàn hạc du dương để nói chuyện trao đổi với nhau.

Thấy nhà sư yên lặng không nói gì, bọn tù binh bảo nhau: “Mình thử đồng ca một bản thường hát ngày trước xem sao, nếu đúng là nó thì nó sẽ hát hay đàn theo.”

Nói rồi mọi người cất tiếng đồng ca bản họ thường hát trong đại đội trước đây. Ông sư bèn lấy cây đàn hạc trong tay chú đệ tử rồi gẩy một bản hoà theo, cũng vẫn bản đàn hạc du dương thanh thoát ấy. Thế là hai bên đã nhận ra nhau. Một vài anh vui mừng la lớn: “Mizushima! Ngày mai tụi tao về nước, thế mày không muốn về à?”

Người lính chiến đã qui y, nay tịnh khẩu, chỉ trả lời bằng tiếng đàn hạc thánh thót. Nhà sư vẫn lặng thinh bèn chơi ngay một bản đàn tiễn biệt.

Bọn tù binh bảo nhau: “Nó đánh bản tiễn biệt tụi mày ạ!”

Burmese harp E

Bản đàn vừa dứt, nhà sư ôm cây đàn hạc đi khuất sau ngôi chùa tháp.

Hôm sau, khi mọi người đang thu xếp đồ lên đường, bà già đem vào một bức thư rất dài nói là của nhà sư gửi cho Đại úy.

Ông này bèn cất thư đi, bảo: “Bây giờ đã tới lúc khởi hành, đọc thư không giải quyết được gì, thôi để lúc khác.”

Ngoài ra con két do nhà sư gửi vào thường nói “Tôi không về được” để trả lời Đại úy trước đó đã gửi con két nói “Mizushima về nước nhé!” Đây là cuộc đối thoại độc đáo bằng hai con két.

Đoàn tù binh được đưa ra bến tàu về nước. Khi tàu đang lênh đênh trên mặt biển, Đại úy mới đem thư ra đọc.

Mizushima kể lại từ ngày anh bị thương cho tới khi nương náu cửa thiền môn, anh cho biết mình đã bị thương rồi được một nhà sư cứu sống, ông mang anh về chùa chăm sóc. Nhà sư nói: “Dù người Anh hay người Nhật đóng tại đây, nước Miến Điện vẫn là xứ Phật”. Nay anh đã được người ta cho nhập Giáo hội trở thành nhà sư, Mizushima tình nguyện ở lại để lo chôn cất xác những người Nhật tử trận tại đây….

“Thưa Đại úy, các bạn thân mến.

Tôi rất nhớ các bạn nhưng tôi không thể về đơn vị cùng các bạn, tôi không thể về thăm lại quê hương và xây dựng lại đất nước bị tàn phá cùng các bạn.

Dù rất nhớ các bạn nhưng tôi không thể về cùng các bạn, tôi không thể bỏ lại những xác chết đồng đội, những bộ xương của họ trên khắp các ngọn đồi nơi đây.

Khi leo lên những ngọn đồi nhặt xác họ để đem chôn, đốt, tôi tự hỏi tại sao lại có những thảm kịch, những nỗi đau khổ như thế này, sao chúng ta không nói cho xã hội, loài người cùng biết? Chúng ta phải góp phần vào sự xoa dịu những nỗi khổ đau của con người, ta phải cố gắng, dấn thân, đó là những lý do thúc đẩy tôi vào chùa học đạo. Khi nào làm xong những nghĩa vụ ấy có thể tôi sẽ trở về.

Thưa Đại úy, nhưng tôi chưa biết khi nào tôi sẽ trở về, có thể tôi sẽ sống cho tới ngày cuối cùng tại nơi đây, miền đất đỏ của xứ Phật Miến Điện này…”

Bức thư dài bốn năm trang giấy. Đại úy dở đọc hết trang này tới trang khác khiến cho anh em ai nấy không cầm được nước mắt, nhiều người âm thầm khóc với những giọt lệ long lanh. Họ vô cùng cảm động về sự hy sinh cao thượng của Mizushima, người đã chọn ở lại để góp phần vào sự xoa dịu những nỗi khổ đau của con người. Mỗi lần Đại úy dở sang trang khác, lại có những dòng lệ tuôn rơi như không bao giờ dứt. Chính ông cũng nghẹn ngào khi đọc gần hết bức thư.

Burmese harp

Người chiến sĩ đi tu, anh từ chối trở về đất nước để xuất gia đi tìm lý tưởng vị tha, một hình ảnh của Thái tử Tất Đạt Đa cách đây trên hai ngàn năm trăm năm, từ bỏ lầu vàng cung điện để đi tìm phương giải thoát cho nhân loại. Mizushima tìm thấy hạnh phúc ở sự hy sinh cao cả, góp phần vào sự xoa dịu những nỗi khổ đau khôn cùng của loài người.

Phụ lục: Ca khúc Home sweet home

Ca khúc Home sweet home [Tổ ấm thân thương] do người Anh Sir Henry Bishop soạn nhạc và người Mỹ John Howard Payne viết ca từ, vào năm 1823. Ca khúc có âm điệu ngọt ngào, ý nghĩa thiết tha về ngôi nhà ấm cúng dù bình dị nhưng không nơi nào sánh bằng. Vì thế, ca khúc này vẫn sống mãi theo thời gian, đã đi vào văn học và điện ảnh.

Home sweet home

chorus:
Home! Home!  Sweet, sweet home!
There’s no place like home
There’s no place like home

verses:

‘Mid pleasures and palaces
Though I may roam
Be it ever so humble
There’s no place like home

A charm from the sky
Seems to hallow us there
Which seek thro’ the world
Is ne’er met with elsewhere

(chorus)

To thee, I’ll return
Overburdened with care
The heart’s dearest solace
Will smile on me there

No more from that cottage
Again I will roam
Be it ever so humble
There’s no place like home

(chorus)

Tổ ấm ngọt ngào

Lời Việt: Diệp Minh Tâm

Lầu cao đẹp xinh trông sang giàu
chúng ta vẫn cứ lượn qua
Dù ta cảnh khốn khó eo sèo
chẳng nơi đâu sánh như nhà

Nhìn thoáng lên cao qua khung trời
thấy như cởi mở lòng ta
Tìm khắp trong nhân gian này
chẳng sánh được như nhà

Điệp khúc:

Dấu yêu! Ôi nhà yêu dấu!
Chẳng có đâu như quê nhà!
Chẳng có đâu như nhà!

Dù đi xa ta vẫn nhớ hoài
chẳng chi lay chuyển lòng ta
Cầu mong về lại nơi cơ hàn
sống trong tổ ấm làm nhà

Chim chóc ở đâu bay quanh mình
khi nghe tiếng gọi từ ta
Lòng lắng sâu trong an bình
Ôi không có đâu như nhà!

(vào Điệp khúc)

Tổng hợp: Diệp Minh Tâm

Chú thích:

[1] Gurkha: người Nepal được tuyển vào Quân đội Anh, nổi tiếng vì sức chịu đựng gian khổ, và gan dạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *