Danh mục sách yêu thích của tôi
- 55 days: the fall of South Vietnam (55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ)– Alan Dawson
- A brief history of time (Lược sử thời gian)– Stephen Hawking
- A short history of nearly everything (Lược sử vạn vật) – William McGuire “Bill” Bryson
- Abhidhamma in daily life (Đạo Phật trong đời sống hàng ngày)– Nina Van Gorkom
- An inquiry into the nature and causes of the wealth of nations– Adam Smith
- An lạc từng bước chân – Thích Nhất Hạnh
- Ba phút sự thật – Phùng Quán
- Bare feet, iron will (Chân trần, chí thép)– James G. Zumwalt
- + Bên lề chính sử – Đinh Công Vĩ
- Cái vô hạn trong lòng bàn tay – Trịnh Xuân Thuận, Phạm Văn Thiều (translator), Ngô Vũ (translator)
- Chicken soup for the soul (Chia sẻ tâm hồn và quà tặng cuộc sống)– Jack Canfield & Mark Victor Hansen
- Cosmos (Vũ trụ)– Carl Sagan
- Dōngzhōu lièguó zhì (Đông Chu liệt quốc truyện)– Phùng Mộng Long
- Đại cương văn học sử Trung Quốc – Nguyễn Hiến Lê
- Đại Việt sử ký toàn thư – Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, v.v…
- Economics – Paul Samuelson
- Einstein: His life and universe (Einstein: Cuộc đời và vũ trụ)– Walter Isaacson
- Fundamentals of Ecology – Eugene P. Odum
- Giận (Anger: Wisdom for cooling the flames) – Thích Nhất Hạnh
- God’s Playground: A history of Poland (Sân chơi của Chúa: Lịch sử Ba Lan) – Norman Davies
- Goodbye, things: The new Japanese minimalism (ぼくたちに、もうモノは必要ない) – Sasaki Fumio
- Guns, germs, and steel: The fates of human societies– Jared Diamond
- Het achterhuis dagboeknrievn 16 Juni – 1 Augustus 1944 (Nhật ký Anne Frank) – Anne Frank
- How not to die (Ăn gì không chết) – Michael Greger & Gene Stone
- How to win friends and influence people (Đắc nhân tâm)– Dale Carnegie
- Hơn nửa đời hư – Vương Hồng Sển
- I know why the caged bird sings – Maya Angelon
- Influence: The psychology of persuasion (Những đòn tâm lý trong thuyết phục)– Robert Cialdini
- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục – Phan Thanh Giản (chủ biên)
- La mélodie secrète (Giai điệu bí ẩn; The secret melody) – Trịnh Xuân Thuận
- Life of Pi (Cuộc đời của Pi)– Yann Martel
- Little house on the prairie (Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên)– Laura Ingalls Wilder
- Lính bay – Phạm Phú Thái
- Memoirs of a geisha (Hồi ký của một kỹ nữ; Đời kỹ nữ)– Arthur Golden
- Nhật Bản duy tân 30 năm – Đào Trinh Nhất
- Nudge: Improving decisions about health, wealth, and happiness – Richard H. Thaler, Cass R. Sunstein
- Papillon (Người tù khổ sai)– Henry Charrière
- Perfect spy (Điệp viên hoàn hảo)– Larry Berman
- Peter the Great: His life and world (Pyotr Đại đế: Người con vĩ đại của nước Nga)– Robert K. Massie
- Sanguo Chih (Tam quốc chí, 三国志) – Trần Thọ và Bùi Tùng Chi
- Sapiens: A brief history of humankind (Sapiens: Lược sử về loài người)– Yuval Noah Harari
- Sài gòn năm xưa – Vương Hồng Sển
- Shiji (Sử ký)– Tư Mã Thiên
- Śmierć miasta. Pamiętniki Władysława Szpilmana 1939–1945 (The pianist) – Władysław Szpilman
- Sử Trung Quốc – Nguyễn Hiến Lê
- Thả một bè lau: Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán – Thích Nhất Hạnh
- The art of happiness (Nghệ thuật tạo hạnh phúc)– Đức Đạt Lai Lạt Ma & Howard C. Cutler
- The Elements of Style – William Strunk Jr. & E.B.White
- The essays of Warren Buffett – Warren Buffett & Lawrence A. Cunnigham
- The last lecture (Bài giảng cuối cùng) – Randy Pausch với Jeffrey Zaslow
- The rise and fall of the Third Reich (Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba)– William L. Shirer
- The world is flat (Thế giới phẳng) – Thomas Loren Friedman
- Thiên thu công tội Mao Trạch Đông – Tân Tử Lăng
- Thiền tập cho người bận rộn – Thích Nhất Hạnh
- Tư trị thông giám – Tư Mã Quang
- Zen and the art of motorcycle maintenance– Robert Pirsig
The Guardian’s 100 best nonfiction books of all time
Dẫn nhập
Việc chọn lựa những tác phẩm để giới thiệu ở đây là theo sở thích riêng. Mỗi người có những chọn lựa khác nhau. Đó cũng là do cơ duyên tìm thấy bất chợt chứ không phải do tìm tòi có hệ thống, có tham khảo một số danh mục sách được bình chọn.
Vì những lý do khác nhau, người giới thiệu không thể ghi nguồn cho bài giới thiệu này – vốn không phải là công trình hàn lâm. Mục đích là nhằm kích thích thú đọc sách: khi bạn biết về nội dung một quyển sách mà bạn thấy quan tâm, thì hẳn bạn sẽ tìm cách đọc quyển sách ấy. Lúc đó, việc trích dẫn thông tin ở đây mà không chỉ ra nguồn hẳn sẽ được thứ lỗi.
Người giới thiệu thấy tư liệu gì thích hợp thì đưa vào đây mà không thể tìm kiếm tư liệu đầy đủ, chỉ vì không có đủ phương tiện và thời giờ. Vì thế, nội dung về mỗi cuốn sách có thể chỉ là một vài khía cạnh liên quan đến cuốn sách đó. Tùy bạn tìm hiểu thêm về cuốn sách bạn quan tâm.
Trong những phần giới thiệu sách dưới đây, ý kiến của những cá nhân khác nhau được cách biệt bằng dấu * * *, tựa bản dịch được đặt trong dấu ngoặc đơn ( ), điểm số đánh giá theo cảm nhận của riêng tôi được ghi trong dấu ngoặc vuông [ ].
Bạn cũng có thể xem qua bài viết bằng Anh văn để tìm hiểu thêm một số sách ngoại ngữ không được giới thiệu trong bài này:
Introducing good non-fiction books – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/05/19/introducing-good-non-fiction-books/
Danh mục sách yêu thích của tôi
Ghi chú: Tựa sách được cập nhật trong vòng 3 tháng qua được đánh dấu cộng (+).
55 days: the fall of South Vietnam (55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ) – Alan Dawson
Điểm đánh giá của Goodreads: 3,8
Alan Dawson từng là quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam hai năm. Sau khi giải ngũ, ông trở lại Việt Nam làm phóng viên cho Metromedia, rồi cho UPI. Hai năm cuối cùng ở Việt Nam, ông là trưởng văn phòng UPI ở Saigon.
Vài lời của tác giả:
Quyển sách này viết dựa trên sự việc thật. Cách giải thích sự kiện là của riêng tôi.
Tôi đã tự tiện trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là cách dùng tên. Nhiều người Nam Việt Nam trong phe chiến bại yêu cầu tôi đừng dùng tên thật của họ trong các bản tin sau “ngày giải phóng”. Điều ấy tôi không làm ở đây. Các viên chức và chiến sĩ cộng sản và viên chức cao cấp Sài Gòn đều được ghi bằng tên thật của họ.
Trường hợp tự tiện thứ hai là trong một số hoàn cảnh cần phải cô lại các sự kiện đã diễn ra ở một nơi nào đó và phải cho chúng diễn ra với một nhân vật… Ngoài ra, mọi sự kiện, thời gian đều đúng.
Sẽ có những người trong chính quyền mới ở Nam Việt Nam tức giận về những từ ngữ dùng trong sách. Tôi đã sử dụng cách nói thông thường của báo chí. Tôi biết những từ ngữ như Việt Cộng, cộng sản… làm họ khó chịu. Nhưng đấy là cách mà thế giới hiểu về họ.
A brief history of time (Lược sử thời gian) – Stephen Hawking
Điểm đánh giá của Goodreads: 3,9 [4,2]
Trước khi qua đời ngày 14/3/2018, Hawking là giáo sư toán học của trường Đại học Cambridge, với cương vị mà trước đây Newton, rồi sau này P.A.M Dirac – hai nhà nghiên cứu nổi tiếng về những cái cực lớn và những cái cực nhỏ – đảm nhiệm. Hawking là người kế tục hết sức xứng đáng của họ. Cuốn sách đầu tiên này của Hawking dành cho người không phải là chuyên gia có thể xem là một phần thưởng về nhiều mặt cho công chúng không chuyên. Được bán hơn 10 triện quyển, sách vừa hấp dẫn bởi nội dung phong phú của nó vừa bởi nó cho chúng ta một cái nhìn khái quát qua công trình của chính tác giả sách này. Cuốn sách chứa đựng những khám phá trên những ranh giới của vật lý học, thiên văn học, vũ trụ học và của cả lòng dũng cảm nữa.
A short history of nearly everything (Lược sử vạn vật) – William McGuire “Bill” Bryson
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Cuốn sách phổ biến khoa học trình bày một cách ngắn gọn lịch sử nghiên cứu khoa học tự nhiên, những thành tựu khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên chính: vật lý, hóa học, sinh học, địa chất, thiên văn… với nhiều tên tuổi, giai thoại và sự thật.Với sách này, người đọc sẽ biết được những giới hạn trong tri thức của con người về vũ trụ và cả về chính trái đất.
Đây là sách khoa học phổ thông bán chạy nhất nước Anh năm 2005 với hơn 300.000 bản in. Nhà phê bình người Anh, Craig Brown thậm chí nhận xét rằng tác phẩm này xứng đáng bán được 500.000.000.000 cuốn (theo cách nói của chính Bryson, “bằng với số proton có trong một dấu chấm câu”).
Abhidhamma in daily life (Đạo Phật trong đời sống hàng ngày) – Nina Van Gorkom
Điểm đánh giá của Goodreads: không tính (chỉ có 7 người đánh giá) [4,0]
Sách có tính thực tiễn và hữu dụng trong đời sống. Nội dung được trình bày theo dạng giáo trình giảng dạy nên người đọc dễ tiếp thu và dễ nhớ, vì mỗi chủ đề tác giả có đặt những câu hỏi để người đọc ôn lại những điều đã biết. Ðọc tác phẩm này chúng ta thấy tác giả đọc hiểu Tam tạng kinh lẫn Chú giải Pàli rất sâu nên khi viết tác giả dẫn chứng nhiều nguồn tài liệu kinh điển quý giá theo từng chủ đề.
Có thể đọc on-line bản Việt văn:
https://thuvienhoasen.org/a19147/dao-phat-trong-doi-song-hang-ngay
An inquiry into the nature and causes of the wealth of nations – Adam Smith
Điểm đánh giá của Goodreads: 3,9
Tác phẩm kinh điển của kinh tế chính trị do Adam Smith viết và xuất bản lần đầu năm 1776. Tác phẩm này có tầm vóc bách khoa, không chỉ bàn về bộ môn kinh tế học. Có nhà phê bình gọi tác phẩm là “Bộ sách lịch sử và phê bình nền văn minh của cả châu Âu”.
Bắt đầu tác phẩm bằng phân thảo luận về cách phân công lao động, tác giả cứu xét nguồn gốc và công dụng của tiền tệ, giá cả của các loại hàng hóa, tiền công của lao động, lợi nhuận, địa tô, giá trị của bạc, sự phân biệt giữa lao động sản xuất và lao động phi sản xuất.
Kế tiếp là phần trình bày sự phát triển kinh tế của châu Âu kể từ khi Đế quốc La Mã sụp đổ, các phân tích và phê bình chính sách thương mại và thuộc địa của các quốc gia châu Âu, lợi tức quốc gia, các phương pháp quốc phòng và điều hành luật pháp của các xã hội sơ khai, nguồn gốc và sự phát triển của các đạo quân tại châu Âu, lịch sử giáo dục vào thời trung cổ, sự phát triển các món nợ công và cuối cùng là việc cứu xét các nguyên tắc thuế vụ và hệ thống thu ngân sách.
Tại phần V của bộ sách, Adam Smith phác họa bốn giai đoạn chính của cách tổ chức xã hội: thời kỳ nguyên thủy gồm những người thợ săn thô sơ, thời kỳ nông nghiệp du mục, thời kỳ canh tác phong kiến, và thời kỳ phụ thuộc lẫn nhau về thương mại. Đi kèm với mỗi thời kỳ là các thể chế thích hợp với các nhu cầu của thời ấy.
An lạc từng bước chân – Thích Nhất Hạnh
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,3
Trích Phần I của quyển sách:
Buổi sáng khi thức dậy, ta biết rằng ta có hai mươi bốn giờ trước mặt để sống. Đó là một món quà quý giá. Ta sống như thế nào để có an lạc và hạnh phúc trong suốt hai mươi bốn giờ, mà người khác cũng nhờ đó mà có an lạc và hạnh phúc.
An lạc có mặt trong ta ngay tại đây trong giờ phút này, trong mỗi vật và mỗi việc ta làm hay ta thấy. Vấn đề là ta có biết tiếp xúc với nó không. Bầu trời xanh ở ngay trước mắt ta, ta đâu cần phải đi đâu xa để thưởng thức trời xanh. Ta cũng không cần rời thành phố ta ở mới thấy được vẻ đẹp của đôi mắt trẻ thơ. Không khí trong lành ta thở đã có thể cho ta biết bao hạnh phúc rồi.
Ta hãy đi, đứng, thở, mỉm cười và ăn cơm như thế nào để luôn luôn được tiếp xúc với những mầu nhiệm quanh ta. Ta sắp đặt và chuẩn bị đời sống rất giỏi nhưng ta chưa giỏi trong cách sống. Ta có thể hy sinh mười năm trời để dành cho được mảnh bằng kỹ sư hay bác sĩ, ta sẵn sàng làm việc rất cực nhọc để có công ăn việc làm, để mua nhà, mua xe v.v… Nhưng ta quên rằng ta đang sống trong hiện tại và ta chỉ có thể thật sự sống trong giây phút hiện tại mà thôi. Chỉ cần tỉnh thức thì mỗi hơi thở và mỗi bước chân là một nguồn an lạc, chúng cho ta biết bao niềm vui và biết bao sự thanh thản.
Cuốn sách nhỏ này có thể được xem như tiếng chuông nhắc nhở ta rằng hạnh phúc đang có mặt. Ta biết rằng chuẩn bị cho tương lai cũng là một phần của sự sống nhưng sự chuẩn bị cũng nằm trong hiện tại.
Cuốn sách nhỏ này mời ta quay về với hiện tại để tìm lại an lạc và hạnh phúc Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm và một vài cách thức có thể giúp bạn tìm lại niềm vui. Nhưng không phải đọc hết cuốn sách bạn mới có niềm vui. Niềm vui có trong từng giây phút. An lạc trong từng bước chân. Chúng ta hãy nắm tay nhau và cùng bước từng bước chân thảnh thơi trên con đường dài.
Xem review:
Khánh Ngọc (2017). [Review sách hay] An lạc từng bước chân – Bông sen trắng giữa đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. https://www.elle.vn/the-gioi-van-hoa/review-sach-an-lac-tung-buoc-chan-thich-nhat-hanh
Có thể download một số sách của Thích Nhất Hạnh ở đường link dưới đây:
https://thuvienhoasen.org/a16819/kinh-sach-do-ts-thich-nhat-hanh-dich-va-truoc-tac
Ba phút sự thật – Phùng Quán
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,3
Một số nhận xét được xuất bản năm 2006 và tái bản bổ sung năm 2009:
Quả đúng như lời đề từ của ông – “Tôi kể lại sự thật. Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi”, những ẩn ức, những nỗi niềm đau khổ của các bậc hào kiệt, trí thức thời kháng chiến chống Pháp của đất nước … hiện lên qua những dòng viết “thẳng ngay” của ông quá day dứt.
* * *
Những trang sách cảm động, khắc họa về những con người thật, những sự kiện thật, trong thời kỳ chống Pháp ác liệt, và cả trong cuộc sống văn nghệ sau kháng chiến. Qua đó, hình ảnh nhà văn, người nghệ sĩ chân chính hiện lên với tất cả những vất vả, khó khăn lấy đi của họ cả xương máu và danh dự, nhưng không lúc nào thôi nung nấu về những sáng tác, những đứa con tinh thần làm giàu có thêm cuộc đời. … Những nhân cách lớn … được miêu tả, phác họa vừa nhẹ nhàng, gần gũi vừa bi tráng, trân trọng.
* * *
Những nhân cách đáng quý qua góc nhìn Phùng Quán, người tiếng tăm có, người thầm lặng cũng có. … Một Phùng Quán chân chất, mộc mạc trong suy nghĩ, hành xử, và khiêm nhường trong sự nghiệp viết văn.
Sách có những mẩu chuyện liên quan đến Đoàn Phú Tứ, Hồ Vi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Tố Hữu, Trần Đức Thảo, Tuân Nguyễn, Văn Cao…, kể cả bản thân Phùng Quán. Đó là những tư liệu lịch sử quý giá. Như đoạn sinh động kể về Trần Đức Thảo:
Dễ có đến hai năm tôi không đến khu tập thể Kim Liên. Lần này trở lại, tôi ngạc nhiên thấy cái quán của bà cụ móm dưới gốc xà cừ, mà mười năm trước tôi thường ghé hút thuốc uống nước, vẫn còn nguyên ở đó. Tôi vào quán uống chén rượu thay bữa ăn sáng. Bà cụ đang rôm rả nói chuyện với mấy anh xích lô, chắc là những khách quen…
“Con cháu nhà tôi nó vừa sắm được cái ti vi màu nội địa. Tối hôm kia, bắt dây dợ xong, bật lên thấy đang chiếu cảnh tang lễ một ông tên là gì gì Thảo đó. Người ta giới thiệu cái ông Thảo này là nhà triết học nổi tiếng thế giới, làm đến sáu, bảy chức, chức nào cũng dài dài là, chắc là toàn chức to, được tặng huân chương Độc lập hạng hai. Ông ta sang tận bên Tây mà chết, cả Tây cả ta đều làm lễ truy điệu, toàn bộ cấp cao có danh giá đến dự
Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp “Pơ-giô con vịt” mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xem thinh thoảng lại tủm tỉm cười một mình như anh dở người…
Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: Ông đi đâu về mà nắng nom vất vả thế… Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái “poócbaga”, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi ná rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con…
Đấy, cũng là Thảo cả đấy, mà Thảo một đằng thì chết danh, chết giá, còn Thảo này thì sống cơ cực trần ai”. Bà cụ chép miệng thương cảm: “Một vài năm nay không thấy ông đạp xe ngang qua đây, dễ chết rồi cũng nên…”
Tôi uống cạn chén rượu, cười góp chuyện: “Cái ông Thảo mà bà kể đó chính là cái ông Thảo người ta chiếu tang lễ trên ti vi…” Bà già bĩu môi: “Ông đừng tưởng tôi già cả mà nói lỡm tôi!”
Bare feet, iron will (Chân trần, chí thép) – James G. Zumwalt
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,4
James Zumwalt là cựu Trung tá Thủy quân Lục chiến từng chiến đấu tại Việt Nam.
Năm 1994, lần đầu tiên ông cùng cha mình – Đô đốc Zumwalt – trở lại Việt Nam trong một chuyến đi nằm trong nỗ lực tìm hiểu tác hại của Chất độc Cam lên sức khỏe con người. Chính từ chuyến đi ấy, ông Zumwalt được tiếp xúc với nhiều vị tướng lĩnh cấp cao, các cựu quân nhân từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ cũng như những người dân thường. Sau chuyến đi này, ông còn trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. Mỗi một chuyến đi, mỗi một cuộc gặp cho ông một cái nhìn mới, một nhận thức mới về đất nước và con người ở đây. Khi hiểu biết đơm mầm, lòng thù hận âm ỉ bấy lâu tan biến, thay vào đó là sự thông cảm, sẻ chia, và trên hết là lòng khâm phục đối với những người từng ở bên kia chiến tuyến – mà giờ đây ông coi là bạn bè.
Các cuộc tiếp xúc cũng giúp ông nhìn nhận: “Trong Chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ vũ khí vượt trội; người Việt Nam phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống của mình – đó là truyền thống chống ngoại xâm có từ ngàn đời, khi đất nước liên tục bị xâm lăng…”
* * *
Một nhà phê bình sách người Mỹ có nhận xét là tác giả quá cả tin nơi những gì phía Việt Nam nói, rồi đưa vào sách nguyên văn thông tin như thế. Lấy ví dụ, tác giả ghi 41 máy bay bị bắn hạ trong một cuộc oanh kích một cây cầu ở Thanh Hóa. Nếu quả thực Hải quân Mỹ mất 41 máy bay chỉ trong một cuộc oanh kích thì cái tin chấn động này đáng lẽ đã loan truyền khắp thế giới chứ không thể che giấu được, và phía Mỹ đáng lẽ đã có biện pháp tích cực đối với sự kiện khủng khiếp này, chẳng hạn dừng tất cả phi vụ oanh kích để điều tra tìm hiểu nguyên nhân mà khắc phục. Thực tế không có việc dừng oanh kích, không có cuộc điều tra nào, bởi vì không có việc mất 41 máy bay trong một cuộc oanh kích.
Một ví dụ khác là tác giả thường lặp lại đây đó trong sách rằng người Việt không mang hận thù đối với các phi công Mỹ bị bắn hạ. Nhiều cựu tù binh phi công sau này kể lại cách đối xử đầy hận thù đối với họ. Cuốn sách cũng thường chỉ ra rằng chiến binh Cộng sản chiến đấu một cách can trường và khôn lanh, trong khi người Mỹ thì ngờ nghệch. Thật ra, từng cá nhân binh sĩ Mỹ không ngờ nghệch. Người Mỹ nêu ra sự kiện là chỉ một phần nhỏ dân Mỹ chiến đấu tích cực trong khi toàn miền Bắc được huy động tổng lực nhằm đạt kết quả cuối cùng, và điều này tạo nên sự khác biệt.
Vì thế, khi viết lại nguyên trạng những gì phía Việt Nam kể lại mà thiếu kiểm chứng, sách xóa mờ phần nào sự thật. Khá đáng tiếc khi cuộc chiến đã qua 4 thập kỷ thì đáng lẽ sách nên khách quan hơn.
Cho dù có những khuyết điểm, người Mỹ nói chung vẫn cho rằng sách là tư liệu đáng được nghiên cứu, nhằm rút tỉa những bài học.
+ Bên lề chính sử – Đinh Công Vĩ
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,1
Tác giả là Tiến sĩ Sử học thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Để hoàn thành cuốn sách, Đinh Công Vĩ đọc kỹ lại, đối chiếu mấy chục bộ chính sử (chủ yếu từ thời Lê đến Nguyễn), tìm lại những sử sách đã tam sao thất bản trước thời Lê, những tài liệu khảo cổ về thời Hùng Vương, An Dương Vương… Ông còn đọc kỹ cả những tác phẩm mang tính bách khoa của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Đình Hổ, Đặng Xuân Bảng… đọc cả truyền thuyết, văn thơ dân gian. Đặc biệt Đinh Công Vĩ đi sâu vào gia phả, dùng gia phả “bổ sung làm minh xác cho chính sử” như nhà sử học đã nói trong bài viết mở đầu. Ngoài ra ông còn chú ý nguồn tài liệu Hán Nôm khác như: thần phả, ngọc phả, hoành phi câu đối và nhất là văn bia.
Đã có thời tuồng, kịch nói, điện ảnh, tiểu thuyết và thậm chí một vài nhà sử học ngày nay nhìn nhận không công bằng khi ca ngợi thái quá Lê Hoàn, Dương Thái hậu (trong tuồng hay kịch gọi là Dương Vân Nga) và Ỷ Lan, nói xấu – thậm chí xuyên tạc – những danh nhân có công với đất nước như Đinh Điền, Nguyễn Bặc hoặc Lê Văn Thịnh.
Quyển Bên lề chính sử đưa ra những khía cạnh mới cho một số nhân vật và sự kiện, ví dụ như:
- làm sáng tỏ hình ảnh Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn: ai ngay và ai gian?
- xác minh nghi án Lê Văn Thịnh “hoá hổ”
- phân tích vụ thảm án Lệ Chi Viên.
Theo ý kiến của tác giả:
Ở Việt Nam, chính sử (sử nhà nước) cần được bổ sung. Một bộ sử có nhiều mặt đạt đến mức tín sử của vương triều như Đại Việt sử ký toàn thư, từng qua tay các sử gia già dặn, trang nghiêm của nhiều đời như Ngô Sỹ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức… mà có những sai lầm cơ bản chưa được sửa chữa… Ở Việt Nam thời phong kiến không có một khoa khảo chứng học xứng đáng để khảo chứng các tác phẩm sử học…
Trước khi Bên lề chính sử ra đời, Đinh Công Vĩ đã cho xuất bản một số sách đưa ra những khía cạnh mới của lịch sử, như Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn, Thảm án các công thần khai quốc thời Lê, Những nhân vật lịch sử thời Lê…
Cái vô hạn trong lòng bàn tay – Trịnh Xuân Thuận, Phạm Văn Thiều (translator), Ngô Vũ (translator)
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,4
Cuộc nói chuyện giữa hai nhà khoa học.
- Nhà Vật lý thiên văn vốn là Phật tử, người mong muốn đem những hiểu biết khoa học của bản thân đối chiếu với những nguồn gốc triết học về sự sống theo quan niệm nhà Phật.
- Nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư, người mà những quan niệm cá nhân kích thích ông so sánh hai con đường nhận thức hiện thực khách quan đó.
Họ nói chuyện với nhau không phải theo kiểu tranh luận đối đáp mà cùng bổ khuyết cho nhau để xây dựng cái nhìn nhân văn về khoa học tự nhiên, mượn tinh thần đạo Phật để hạn chế cái ác của nền khao học kỹ thuật đang phát triển đến tột bậc, có nguy cơ hủy diệt cả cuộc sống và nền văn minh con người.
Chicken soup for the soul (Chia sẻ tâm hồn và quà tặng cuộc sống) – Jack Canfield & Mark Victor Hansen
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,0
Đây là những câu chuyện nổi tiếng đang được lưu truyền trên Internet, từng được nhiều người trên thế giới và bạn trẻ Việt Nam chuyền tay nhau, gửi qua mail như một sự chia sẻ tinh thần, truyền cảm hứng hay động viên nhau trong những lúc khó khăn của cuộc sống…
Chicken soup for the soul trở thành một thương hiệu lớn có giá trị không chỉ về mặt thương mại mà còn ở tính nhân văn cao đẹp. Những câu chuyện về tình yêu thương, về sự quan tâm của cha mẹ, về sự trải nghiệm khám phá và học hỏi trong bộ sách này sẽ khơi dậy khát vọng trong bạn, thôi thúc bạn dang rộng cánh tay chia sẻ đầy yêu thương với bạn bè và người thân, sẽ là niềm an ủi, xoa dịu những khi bạn căng thẳng tinh thần, sẽ làm bạn bừng sáng với những thời khắc của sự vượt lên chính mình và thức tỉnh cảm nhận. Chúng sẽ khuyến khích bạn kiên trì nuôi dưỡng, dám sống với ước mơ, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thử thách mà bạn chắc chắn sẽ gặp phải trên cuộc hành trình biến ước mơ thành hiện thực. Mỗi câu chuyện là một thông điệp có thể hàn gắn vết thương, làm thay đổi suy nghĩ, tâm hồn và đôi lúc, cả cuộc đời bạn.”
Thông qua những câu chuyện, bạn có thể tìm lại chính mình, có thêm niềm tin, nghị lực để thực hiện những ước mơ, khát vọng, biết chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của những người xung quanh, cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống. Đó chính là điều giúp cho bộ Chicken soup for the soul tồn tại mãi với thời gian và trong lòng người.
Cosmos (Vũ trụ) – Carl Sagan
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,4
Đây là một sách phổ biến khoa học của nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Carl Sagan. Sách gồm 13 chương, cũng tương đương với 13 phần trong chuỗi chương trình được phát triển đồng thời với vũ trụ.
Một trong những mục đích chính để Sagan tạo ra sách và chuỗi chương trình này là nhằm giải thích những kiến thức khoa học phức tạp một cách dễ hiểu nhất cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu. Cuốn sách đứng 50 tuần trong danh sách best-sellers trên tờ Publishers Weekly, 70 tuần trên danh sách best-sellers của tờ báo New York Times và trở thành sách khoa học bán chạy nhất lúc bấy giờ.
Năm 1981, sách được trao tặng giải Hugo cho thể loại sách phi viễn tưởng hay nhất.
Ghi chú: Một bộ phim truyền hình 13 tập được thực hiện năm 1980 dựa trên quyển sách, cũng có tựa là Cosmos. Bộ phim được đánh giá rất cao: IMDb cho điểm 9,3. Đến năm 2014, một bộ phim khác có tựa Cosmos: A spacetime odyssey cũng được IMDb cho điểm 9,3.
Dōngzhōu lièguó zhì (Đông Chu liệt quốc truyện) – Phùng Mộng Long
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,5
Truyện lịch sử, quân sự này ngay từ khi vừa ra mắt nhận được sự chú ý và ủng hộ của đông đảo bạn đọc. Vốn dĩ tưởng là những đoạn văn khô khan, nhưng dưới ngòi bút của tác giả Phùng Mộng Long lại trở nên sống động, gần gũi.
Đông Chu liệt quốc truyện (Hán văn giản thể: 东周列国志; Hán văn truyền thống: 東周列國志, tựa bản dịch Việt văn: Đông Chu liệt quốc) bao gồm một thời kỳ lịch sử dài hơn 400 năm (các thế kỷ 6, 5, 4, 3 trước Công nguyên). Thời kỳ ấy bắt đầu từ khi Bình vương nhà Chu dời đô sang phía Đông và kết thúc với cuộc thống nhất của Tần Thủy Hoàng. Sử cũng gọi thời kỳ ấy là đời Đông Chu (chia làm hai giai đoạn là Xuân Thu và Chiến Quốc). Trong lịch sử Trung Quốc, đó là thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến phân quyền đến chế độ phong kiến tập quyền (có một thuyết cho rằng đời Xuân thu còn ở trong chế độ nô lệ). Phùng Mông Long căn cứ chủ yếu vào các sách Tả truyện và Quốc ngữ của Tả Khâu Minh và sách Sử ký của Tư Mã Thiên, có tham khảo thêm các sách Công dương truyện, Chiến quốc sách và hơn mười bộ sử khác nữa, để biên soạn Đông Chu liệt quốc truyện.
Tư tưởng toát ra trong suốt bộ tiểu thuyết này là tư tưởng “dân bản” của nhà nho: dân là gốc của nước, là sức mạnh của nước; không phải vũ lực quyết định sự thành công hay sự thất bại mà chính là lòng dân. Trong truyện, những bậc anh hùng cứu nước (Huyền Cao, Tín Lăng quân, Lạn Tương Như, v.v… ) những nhà trí thức chính trực (Đổng Hồ, Lỗ Trọng Liên, v.v… ); những người chấp chính có nhiệt tình với dân với nước (Quản Trọng, Tử Văn, Tôn Thúc Ngao,v.v… ) đều được tác giả nhiệt liệt ca ngợi và đề cao.
Mặt khác, tác giả miêu tả không dè dặt, không nể nang, cái bản chất xấu xa, bỉ ổi của giai cấp thống trị. Những mâu thuẫn sâu sắc giữa các tập đoàn thống trị, sự tranh giành quyền lợi giữa các cá nhân, gây nên vô số những cuộc chính biến và những cuộc tàn sát trong hơn bốn thế kỷ. Cũng không sao nói hết được sự dâm loạn vô sỉ ở chốn cung đình: quan hệ nam nữ bậy bạ giữa anh em ruột, giữa bố chồng và nàng dâu, con chồng và thứ mẫu, v.v…
Các bản dịch Anh văn mang tựa Chronicles of the Eastern Zhou Kingdoms hoặc Annals of the Kingdoms in the East Zhou Dynasty.
Đại cương văn học sử Trung Quốc – Nguyễn Hiến Lê
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Học giả Nguyễn Hiến Lê từ nhỏ đã say mê nền cổ học Trung Quốc. Ông may mắn được thầy, chú và các bậc túc nho đương thời chỉ dạy. Có được vốn Hán học ban đầu, ông dốc tâm tự học và dày công nghiên cứu. “Học đến đâu ghi đến đấy. Khi học thì chỉ ham mê tìm hiểu cái đẹp mà không có ý viết sách. Khi học xong, thấy công việc ghi chép ấy có thể giúp các bạn hiếu học một khái niệm về văn chương Trung Quốc, nên mới sửa lại rồi cho xuất bản” quyển sách Đại cương văn học sử Trung Quốc. Đây là lần tái bản thứ ba 1997, cách lần thứ nhất 1962, lần thứ hai 1964, trên 30 năm.
Theo lời tác giả:
Bộ này không phải là một công trình nghiên cứu, chỉ thuộc về loại phổ thông, nên chúng tôi muốn cho rõ ràng và giản lược. Chúng tôi vẫn theo quy tắc của chúng tôi: cuối mỗi chương tóm tắt ý trong chương. Những đoạn tóm tắt ấy có thể dùng để dạy cho học sinh ban Trung học cổ điển. Còn sinh viên Đại học văn khoa cùng các bạn đã thôi học thì có thể dùng bộ này để hiểu thêm bài giảng ở trường.
Vì sách viết cho các bạn tân học mà phần đông không thuộc lịch sử Trung Quốc nên ở đầu mỗi thời đại, chúng tôi tóm tắt lịch sử trong thời đại ấy, nhưng chỉ tóm tắt những điều cần thiết có thể giúp độc giả hiểu văn trào trong thời đại ấy thôi.
Xét văn học mỗi thời đại, chúng tôi theo thứ tự sau này: văn trào, tản văn, vân vân. Tuy nhiên, loại văn nào quan trọng nhất trong thời đại (như thơ đời Đường, tuồng đời Minh…) thì chúng tôi để lại sau cùng.
Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Đại Việt sử ký toàn thư là bộ quốc sử bằng Hán văn của Việt Nam, viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 tCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm 1697 trong triều vua Lê Hy Tông. Đây là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.
Bộ sử bắt đầu được Ngô Sĩ Liên – một vị sử quan làm việc trong Sử quán dưới thời vua Lê Thánh Tông – biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Sau đó, dù đã hoàn thành, Đại Việt sử ký toàn thư lại không được khắc in để ban hành rộng rãi mà tiếp tục được nhiều đời sử quan trong Quốc sử quán sửa đổi, bổ sung và phát triển thêm..
Đại Việt sử ký toàn thư cung cấp một nguồn tài liệu gốc quan trọng không riêng cho sử học, mà cho hầu hết các ngành khoa học xã hội, hay nói rộng ra là cho tất cả các ngành khoa học nào nghiên cứu về lịch sử, đất nước, xã hội, văn hóa, con người Việt Nam thời cổ đại và trung đại. Trong loại sử liệu viết, Đại Việt sử ký toàn thư giữ một vai trò hệ thống sử liệu gốc cơ bản nhất và xưa nhất của lịch sử dân tộc trong phạm vi thời gian và lịch sử được nó ghi chép.
Giá trị và tầm qua trọng của Đại Việt sử ký toàn thư có thể được so sánh với các bộ sử cổ điển của Trung Quốc như Sử ký của Tư Mã Thiên, Tư trị thông giám của Tư Mã Quang, hoặc với các bộ sử Cổ sự ký (Kojiki) và Nhật Bản thư kỷ (Nihonshoki) của Nhật Bản. Đó đều là những “bộ sử mẹ” mà giới sử học đều thông thuộc. Ngô Sĩ Liên để lại cho chúng ta một tác phẩm sử học thật đáng giá.
Bộ sử được dịch ra Việt văn bởi Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trong giai đoạn 1985-1992.
Economics – Paul Samuelson
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,0
Đây là một quyển sách giáo khoa mang tính đột phá, đến từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Tác giả là người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel Kinh tế, cũng là một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948, quyển sách đạt thành công nhất từng được xuất bản trong bất cứ lĩnh vực nào, và là cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử Mỹ trong suốt 30 năm. Sách được tái bản 16 lần với hơn 4 triệu bản in được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Cuốn sách giới thiệu đến nhiều thế hệ sinh viên về những ý tưởng cải cách từ học thuyết của John Maynard Keynes, chuyên gia kinh tế học người Anh vào thập niên 1930. Bài học từ cuốn sách trở thành thực tế vào năm 2008, khi đó kinh tế quốc tế rơi vào thời kỳ suy thoái tệ hại nhất tính từ Đại Khủng hoảng 1933.
Từ năm 1985, giáo sư William D. Nordhaus ở Yale trở thành đồng tác giả cho những lần tái bản của cuốn Economics.
Cho dù công việc của bạn không liên quan sâu rộng tới kinh tế học, bạn vẫn nên tham khảo quyển sách này.
Einstein: His life and universe (Einstein: Cuộc đời và vũ trụ) – Walter Isaacson
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Sách viết dưới dạng tiểu sử, dựa trên nhiều nguồn dữ liệu về Einstein, tái hiện chân dung thiên tài vật lý từ những năm tháng ấu thơ đến khi từ giã cuộc đời. Sách cũng kể chuyện đời tư của Einstein, và những bất lực của Einstein trong công việc khoa học. Cuối sách, Isaacson hé lộ câu chuyện ly kỳ về bộ não của Einstein.
Đây được xem là cuốn tiểu sử đầy đủ về thiên tài vật lý từ trước đến nay. Sách trở thành best-seller của The New York Times, luôn nằm trong top bán chạy nhất. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và được in 68 phiên bản sách giấy.
Isaacson thừa nhận Einstein là nhân vật rất khó khắc họa – một con người phi thường sống dưới lớp vỏ bình dân, cá tính phức tạp, đời tư và quan điểm sống tách biệt với thời đại. Tác giả Isaacson còn phải tự trang bị kiến thức khoa học để hiểu hết những tư liệu về Einstein.
Walter Isaacson sinh năm 1952, là một nhà văn, nhà báo người Mỹ, từng là chủ tịch của CNN và tổng biên tập tạp chí Time. Isaacson được xem là chuyên gia viết tiểu sử hàng đầu nước Mỹ, với các tác phẩm về cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu tổng thống Mỹ Franklin, Steve Jobs…
Fundamentals of Ecology – Eugene P. Odum
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Đây là quyển sách bắt buộc đối với nhiều thế hệ sinh viên trong lĩnh vực sinh thái học.
Cho dù công việc liên quan chỉ ít nhiều đến lĩnh vực trên, bạn cũng nên giữ một bản của quyển sách này bên mình để tham khảo.
Giận (Anger: Wisdom for cooling the flames) – Thích Nhất Hạnh
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi…Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã…
Giận là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, mở ra cho ta những khả năng kỳ diệu, nhưng lại rất dễ thực hành để ta tự mình từng bước thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.
Giận được xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 10.9.2001, trước biến cố 11.9.2001 có một ngày. Vì thế Giận trở thành quyển sách bán chạy nhất Hoa Kỳ – 50.000 bản mỗi tuần – trong vòng 9 tháng…
Tại Hàn Quốc, quyển sách này bán được 1 triệu bản trong vòng 11 tháng. Rất nhiều độc giả nhờ đọc sách này mà đã điều phục được tâm mình, sử dụng ái ngữ lắng nghe để hoà giải với người thân, đem lại hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đồng của họ.
Đây là một cuốn sách đáng xem, nghiền ngẫm và luyện tập theo cho những ai không muốn trở thành nô lệ của cơn giận, để rồi “giận quá mất khôn” và … mất tất cả.
Có thể download một số sách của Thích Nhất Hạnh ở đường link dưới đây:
https://thuvienhoasen.org/a16819/kinh-sach-do-ts-thich-nhat-hanh-dich-va-truoc-tac
God’s Playground: A history of Poland (Sân chơi của Chúa: Lịch sử Ba Lan) – Norman Davies
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2 cho bản Anh văn
Tác giả chú ý đến những khía cạnh thực tiễn về cấu trúc và dàn bài. Các chương đều có phần trình bày theo chủ đề và niên biên. Sau những phần trình bày về phương pháp viết sử, địa lý sử học và những vương triều Ba Lan trước năm 1572, bộ sách được chia ra hai tập phân cách nhau bởi điểm mốc là năm 1795.
Tập đầu, có tựa The life and death of the Polish–Lithuanian Republic (Sự sống và cái chết của Cộng hòa Ba Lan-Lietuva), trình bày lịch sử Cộng hòa Ba Lan-Lietuva từ lúc khởi đầu năm 1569 cho đến lúc sụp đổ khi cuộc Phân chia Ba Lan thứ Ba xảy ra.
Tập thứ hai có tựa The growth of the modern nation (Sự vươn mình của quốc gia thời hiện đại) trình bày những nỗ lực nhằm xây dựng một quốc gia từ những mảnh vụn của nền Cộng hòa xưa cũ và tái lập một thể thức chủ quyền quốc gia. Giai đoạn này kéo dài từ cuộc Phân chia Ba Lan thứ Ba cho đến cuối Thế chiến thứ Hai năm 1945, khi sự hiện diện của một đất nước dân tộc Ba Lan cuối cùng được công nhận.
Mỗi tập có các chương trình bày những chủ đề tôn giáo, xã hội, hiến pháp và ngoại giao, tiếp theo là những chương tường thuật sự kiện. Kết hợp nhau, các chương trình bày những mối tương quan phức tạp cùng những phản ứng lộn xộn của cuộc sống công quyền và xã hội. Chương cuối rà soát những sự kiện trong Cộng hòa Nhân dân Ba Lan vào những năm sau Thế chiến thứ Hai.
Bản dịch ra Việt văn Tập 1 do Diệp Minh Tâm thực hiện, Nhà Xuất bản Tri Thức phát hành.
Goodbye, things: The new Japanese minimalism (ぼくたちに、もうモノは必要ない) – Sasaki Fumio
Điểm đánh giá của Goodreads: 3,8 [4,0]
Nước Nhật quá hiện đại, đời sống người Nhật quá phong phú về vật chất, cho nên hậu quả là người Nhật có quá nhiều đồ đạc trong nhà. Cho đến lúc Sasaki Fumio cảm nhận rằng quá nhiều thứ như thế là không hay cho cuộc sống. Chẳng bù với người Việt ta, chỉ cách đây mấy chục năm thôi cái gì cũng thiếu, cho nên từ món nhỏ nhoi như một cái lon sữa bò cũng muốn giữ lại, hộp sữa bột có nắp đậy đã dùng hết càng quý. Rồi đến lúc có lẽ bạn sẽ muốn xem qua ý nghĩ của Sasaki Fumio.
Trong cuốn sách này, lối sống giản đơn (minimalism) được hiểu là: 1) giới hạn tối thiểu cần thiết cho bản thân và 2) vứt bỏ tất cả mọi thứ trừ những thứ quan trọng. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc, đó chính là chủ đề của cuốn sách này.
Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống giản đơn n. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống giản đơn.
Tác giả cho rằng người sống giản đơn luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Cái cảm giác này, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được, dù bạn có phải là một người sống giản đơn hay không, bởi bất cứ ai.
Tác giả đưa ra 55 quy tắc vứt bỏ, trong đó tôi chú ý đến những quy tắc sau:
4. Xác định lý do không thể vứt bỏ.
9. Đầu tiên, hãy vứt bỏ những loại rác rõ ràng.
11. Vứt những thứ không dùng trong một năm.
12. Vứt những món đồ vốn chỉ được sắm theo cách nhìn của người khác.
33. Hãy vứt những thứ mà bạn không hiểu về nó.
Bạn cần cân nhắc kỹ khi vứt một món gì đó, và tôi đề nghị thêm một quy tắc: Nghĩ kỹ xem liệu sẽ có khi nào bạn hối tiếc về món mà bạn đã vứt bỏ.
Bản thân tôi thấy tiếc vì một quyết định cho sự giản đơn. Đó là khi tôi thu dọn các món để dời chỗ ở nửa vòng trái đất. Trong số sách vở, tôi mang theo sách chuyên môn, còn sách truyện loại paperback thì đem cho thư viện hết. Sau này, sách chuyên môn trở nên lạc hậu trong khi tôi muốn đọc lại những sách truyện mình đã có thì không được.
Tôi muốn đưa ra thêm một lý do cho cuộc sống giản đơn: chung tay bảo vệ môi trường. Tôi vẫn nghĩ mỗi món mình mua sắm đều có giá môi trường: phải dùng nguồn nước (tức tạo ô nhiễm nước), hoặc điện (tạo ô nhiễm khí khi sản xuất điện từ than đá, hoặc chiếm dụng đất làm thủy điện hay điện gió…), hoặc đất đai (để trồng bông, trồng cây lấy gỗ…) để tạo ra món đó. Nghĩ như thế, ta nên có cuộc sống giản đơn nhằm giúp thế hệ mai sau duy trì được chất lượng cuộc sống.
Bản dịch Việt văn có tựa Lối sống tối giản của người Nhật, của Nhà Xuất bản Lao Động.
Guns, germs, and steel: The fates of human societies – Jared Diamond
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Súng, vi trùng và thép là sách mà trong đó Jared Diamond đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đã nung nấu ông suốt hơn 30 năm “Gốc rễ của sự bất bình đẳng trên thế giới là gì?”, “Sau hơn 13,000 năm lịch sử, tại sao sự phát triển của các giống dân trên thế giới trở thành quá khác nhau như ngày nay”, “Tại sao người châu Âu lại là những người đi khám phá, xâm chiếm những vùng đất ở châu Úc, châu Mỹ, mà không phải ngược lại”. Câu trả lời dường như rất đơn giản: đó là vì người Âu có súng, có gươm thép, có ngựa, có tổ chức chính trị phát triển, rồi có các loại vi trùng bệnh tật giết thổ dân các châu lục khác.
Rõ ràng kết luận này lại đặt ra câu hỏi “Vậy thì tại sao dân châu Âu có thể chế tạo ra súng, ra thép mà không phải thổ dân châu Úc, châu Mỹ?”, “Tại sao dân châu Âu lại có những loại vi khuẩn độc hại tàn sát phần lớn dân châu Mỹ, mà không phải ngược lại?”
Vượt thời gian quay về quá khứ, ông truy ra rằng yếu tố môi trường là quan trọng nhất. Quan điểm của ông có thể tóm tắt vắn tắt như sau: các sắc dân bây giờ đã phát triển rất khác nhau là do sự khác biệt về môi trường sống ngay từ đầu. Với quan niệm này, ông tấn công vào quan điểm “phân biệt chủng tộc”, cho rằng một số giống dân phát triển hơn một số khác là do họ “thông minh” hơn, “sáng tạo” hơn.
Het achterhuis dagboeknrievn 16 Juni – 1 Augustus 1944 (Nhật ký Anne Frank) – Anne Frank
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank sống hai năm cuối cuộc đời mình, từ đó cuốn nhật ký đặc sắc của cô trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới – một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố hùng hồn về tinh thần loài người.
Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, gia đình Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong chái nhà bí mật của một tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về cái chết luôn hiện diện trước mắt.
Trong nhật ký của mình Anne Frank ghi lại một cách sống động những trải nghiệm trong thời gian đó, suy tư, cảm động, rồi hài hước. Những miêu tả của cô bé là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người.
* * *
Nhật ký Anne Frank là một cuốn nhật ký bình thường trong một hoàn cảnh bất thường. Chính điều đó biến cuốn nhật ký tưởng như rất riêng tư, rất cá nhân trở thành sách dành cho mọi con người, mọi thế hệ đang sống.
Nhật ký Anne Frank làm cả thế giới rung động bằng những ghi chép thường nhật của một cô gái mới lớn giữa thời chiến. Nhật ký vượt lên trên giá trị của những ghi chép thông thường, cuộc sống của Anne, tiếng nói của Anne còn đậm nét hơn toàn bộ chứng cứ buộc tội chế độ phát xít và đánh thức nhân loại khỏi sự vô cảm đang gặm nhấm dần lương tâm.
Nhật ký Anne Frank ”bao trùm quá nhiều lãnh vực của cuộc sống đến nỗi mỗi độc giả đều có thể tìm thấy một điều gì đó làm cho người ấy xúc động” (- Otto Frank)
How not to die (Ăn gì không chết) – Michael Greger & Gene Stone
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,5
Trong sách này, bác sĩ Michael Greger, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng quốc tế, nghiên cứu tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Hoa Kỳ – bệnh tim, ung thư, tiểu đường, Parkinson, cao huyết áp, và nhiều bệnh khác – giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống đôi khi có thể thành công hơn thuốc kê toa và các giải pháp phẫu thuật và thuốc men khác, cho chúng ta sống khỏe mạnh hơn.
Gia đình bạn có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt? Hãy đặt ly sữa xuống và thêm hạt lanh vào chế độ ăn bất cứ khi nào có thể. Huyết áp cao? Trà dâm bụt có thể hiệu quả hơn thuốc đặc trị cao huyết áp – và không có tác dụng phụ. Chống lại ung thư gan? Uống cà phê có thể giảm viêm gan. Chiến đấu với ung thư vú? Ăn đậu nành liên quan đến sống sót lâu hơn. Lo lắng về bệnh tim (sát thủ số 1 ở Mỹ)? Chuyển sang chế độ ăn thực vật không chỉ ngăn ngừa được mà còn chặn đứng sự phát triển của căn bệnh này.
Ngoài việc hướng dẫn chế độ ăn giúp điều trị 15 nguyên nhân gây tử vong, Ăn gì không chết còn đầy ắp những lời khuyên thực tế, có thể làm được và khoa học dinh dưỡng tiên tiến, những y lệnh của vị bác sĩ này chính là điều chúng ta cần để sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.
Cuốn sách How not to die lọt vào danh sách sách bán chạy của The New York Times ngay sau khi ra mắt năm 2015.
How to win friends and influence people (Đắc nhân tâm) – Dale Carnegie
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,7
Đắc nhân tâm cụ thể và chi tiết với những chỉ dẫn để dẫn đạo người, để gây thiện cảm và dẫn dắt người khác… Những hướng dẫn ấy, qua thời gian, có thể không còn thích hợp trong cuộc sống hiện đại nhưng nếu người đọc có thể cảm và hiểu được những thông điệp tác giả muốn truyền đạt thì việc áp dụng nó vào cuộc sống trở nên dễ dàng và hiệu quả.
* * *
Nói đến sách nghệ thuật ứng xử thì không thể không nhắc đến Đắc nhân tâm . Đây là một trong những sách gối đầu của nhiều thế hệ đi trước và ngày nay. Với chặng đường hơn 80 năm kể từ khi lần đầu được xuất bản, Đắc nhân tâm mang đến cho chúng ta bài học vô cùng giá trị, đó là nghệ thuật ứng xử để được lòng người.
Toàn bộ sách là từng bước nhỏ và có mối liên hệ lẫn nhau để đạt đích cuối cùng là được lòng người. Trước hết bạn sẽ thành thật và hiểu rõ bản thân mình hơn và từ đó bạn sẽ thông cảm và thấu hiểu mọi người xung quanh, từ đó nhìn ra và khơi gợi khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người và giúp họ phát triển. Và chính điều đó là nghệ thuật ứng xử và mang ý nghĩa sâu sắc nhất mà Dale Carnegie muốn truyền tải đến chúng ta.
* * *
Đắc nhân tâm được mệnh danh là quyển sách hay nhất, nổi tiếng nhất, bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng đi xa nhất mọi thời đại, Bạn nên đọc Đắc nhân tâm để biết về nghệ thuật thu phục lòng người và làm tất cả mọi người phải yêu mến mình. Quyển sách này cũng nêu bật lên các nguyên tắc trong việc đối nhân xử thế rất khôn ngoan bắt đầu từ việc thấu hiểu, thành thật với chính bản thân mình cũng như gợi ý cho người đọc cách biết quan tâm đến những người kế bên để cùng hòa nhập, cùng nhau phát triển khả năng của chính mình và mọi người lên một tầm cao mới.
Những người đã đọc sách Đắc nhân tâm có thể cũng cảm nhận được một tinh thần xuyên suốt mà tác giả muốn thể hiện trong quyển sách hay này. Đấy chính là chữ “nhẫn”. Nếu bạn có chữ “nhẫn” thì tất cả mọi việc sẽ được thay đổi nhìn nhận theo một hướng khác mà nơi đó sẽ khiến cho cuộc sống trở nên là một màu xanh hy vọng mãi mãi.
* * *
Ấn bản thứ ba có tựa How to win friends and influence people in the digital age, áp dụng những nguyên tắc của Carnegie vào mối quan hệ và thành công kinh doanh trong thời đại kỹ thuật số.
Hơn nửa đời hư – Vương Hồng Sển
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Lời nhà xuất bản:
Hơn nửa đời hư là cách nói lộng ngữ mang tính tự trào, tự mỉa của tác giả, mà theo ông cho đến cuối đời, vẫn chưa làm nên sự nghiệp, dù chỉ với ý nghĩ khiêm nhường.
Bắt tay viết cuốn sách này, Bác Vương khi ấy đã vào cái tuổi ngoài Thập cổ lai hy (tức tuổi trên 70) xưa nay hiếm. Đó là vào năm 1974, cho tới tháng 7-1978 ông mới viết tiếp trang cuối cuốn hồi ức Hơn nửa đời hư này.
Đây là một thiên hồi ức của một nhà văn hóa, một lão học giả học cao, hiểu rộng, có vốn sống vô cùng phong phú và một phương pháp làm việc khoa học – nói có cách, mách có chứng – vì ông nhiều năm làm Viện trưởng Viện Bảo tàng, tinh thông nghề sưu tầm cổ ngoạn, ghi chép những sự việc, những điều chính ông nghe, thấy, làm và biết được. Đó là những bước thăng trầm, những nỗi buồn, vui, đau khổ ăn năn, tự vấn, những tâm sự rải rác phân tán manh mún, vụn vặt về cuộc đời và con người quanh ông hơn nửa thế kỷ, ở một thời mà ông gọi là kinh, cụ, khóc, cười lẫn lộn, nào Tây cuốn gói, Nhật chạy càng, đến ông Ngô băng lẹ như diều dứt dây . Trong đó, chính ông dù địa vị thua, chức phận thua, duy về chua tân khổ há dám thua ai.
Bạn đọc sẽ tìm được trong sách những chuỗi ngày xưa tuy xa mà gần của vùng đất phương Nam này, từ Sóc Trăng, Sa Đéc, lên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… những phong tục, tập quán xã hội, phong cách sống, nét ứng xử, tình bạn thủy chung, tình thầy và trò cung kính, tình gia đình, cha mẹ, xóm làng ấm áp, đầy tình thương và trách nhiệm. Bên cạnh đó, tuy phác họa đơn sơ nhưng người đọc cũng hình dung khá rõ chân tướng của hạng người sâu mọt, lọc lừa, nịnh trên nạt dưới, các thói kịch cỡm, rởm đời thời cũ (trước tháng tư năm 1975), mà bọn họ cũng điển hình trong các cách đe nẹt, hù dọa, miệt thị lẫn nhau, ăn hối lộ, hà lạm, hiếp dân, dựa vào thế lực ngoại bang để vinh thân phì gia.
I know why the caged bird sings – Maya Angelon
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Sách viết về những thay đổi lớn trong đời tác giả thông qua những thăng trầm của cuộc sống. Bố mẹ ly hôn, Maya từng bị bạn trai của mẹ xâm phạm rồi mẹ bỏ rơi và phải chuyển tới sống với bà ngoại… Tác giả 86 tuổi truyền cảm hứng cho phụ nữ khắp thế giới về lòng can đảm và niềm tin vào một tương lai tươi sáng. I know why the caged bird sings là một câu chuyện minh chứng cho việc sức mạnh và tình yêu của văn chương có thể thắng được nạn phân biệt chủng tộc và hệ quả gây ra bởi nó. Cuốn sách này đã từng bị cấm bởi có quá nhiều đoạn mô tả bạo lực, phân biệt chủng tộc, những ngôn từ có phần mạnh bạo và không được trong sáng.
Thế nhưng với những giá trị nhân văn ẩn chứa đằng sau, hiện nay cuốn sách được hưởng ứng rất tích cực của giới nghệ thuật, văn học.
Influence: The psychology of persuasion (Những đòn tâm lý trong thuyết phục) – Robert Cialdini
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Tại sao một số người lại có sức thuyết phục đến mê hoặc và luôn là người làm chủ Trò chơi Thuyết phục? Đâu là những động lực vô hình đằng sau thứ sức mạnh thôi thúc chúng ta đồng thuận với người khác? Những thủ thuật được các bậc thầy thuyết phục sử dụng tài tình là gì, làm thế nào đánh bại các thủ thuật đó – đồng thời biến chúng thành “vũ khí bí mật” của chính bạn?
Với Những đòn tâm lý trong thuyết phục, bạn sẽ có lời giải đáp cho tất cả những câu hỏi ấy. Trong cuốn sách tuyệt vời này, nhà tâm lý học nổi tiếng Robert B. Cialdini tiết lộ 6 “vũ khí” gây ảnh hưởng đầy uy lực: cam kết và nhất quán, khan hiếm, đáp trả, bằng chứng xã hội, uy quyền và thiện cảm. Mỗi loại lại bị chi phối bởi một nguyên tắc tâm lý cơ bản điều khiển hành vi con người và nhờ đó mà tạo nên sức mạnh cho mỗi thủ thuật. Đặc biệt khi được kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo ra ảnh hưởng vô cùng lớn.
+ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục – Phan Thanh Giản (chủ biên)
Khâm định Việt sử Thông giám cương mục là bộ sử lớn thứ hai của Việt Nam, vừa tiếp thu được nhiều thành tựu của các sử gia tiền bối, đồng thời có nhiều đóng góp riêng có giá trị về sử học. Các nhà nghiên cứu ngày nay đều coi Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục là hai bộ sử quan trọng làm điểm khởi phát để nghiên cứu các vấn đề liên quan của lịch sử Việt Nam.
Khâm định Việt sử Thông giám cương mục ghi chép từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang đến vua cuối cùng Nhà Hậu Lê là Lê Chiêu Thống (năm 1789).
Khâm định Việt sử Thông giám cương mục được vua Tự Đức chỉ đạo cho Quốc sử quán biên soạn vào năm Tự Đức thứ 8 (1856), do Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ biên). Bộ sách được hoàn thành vào năm 1859, sau đó trải qua các lần “duyệt nghị” (1871), “duyệt kiểm” (1872), “phúc kiểm” (1876), “duyệt định” (1878), “kiểm duyệt” (1884), đến năm Kiến Phúc thứ 1 (1884) được khắc in và ban hành.
Khâm định Việt sử Thông giám cương mục được biên soạn theo thể biên niên dựa trên cơ sở Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tục biên, có tham khảo các sách sử của Trung Quốc cùng các sách sử khác của Việt Nam. Bộ sách được viết theo thể “cương mục” của Chu Hi thời Tống, chia ra “cương” (phần tóm tắt gọn và sáng) và “mục” (việc chép rộng ra cụ thể hơn), theo thứ tự năm, tháng, ngày ghi chép sự kiện lịch sử, tiểu sử các nhân vật, lời cẩn án giám định một số sự kiện, nhân vật và niên đại trên cơ sở khảo chứng các sách sử, tư liệu của Việt Nam và Trung Quốc, lời chú thích tên người, tên đất, chế độ thi cử, tổ chức hành chính, rải rác có các lời phê của vua Tự Đức.
Tài liệu tham khảo gồm khoảng trên 200 bộ, bao gồm dã sử, thơ văn, các tác phẩm của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… cùng các sách sử của Trung Quốc.
Bộ sử được Viện Sử học Việt Nam dịch sang Việt văn trong giai đoạn 1957-1960.
La mélodie secrète (Giai điệu bí ẩn; The secret melody) – Trịnh Xuân Thuận
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,4
Cuốn sách này kể về lịch sử của vũ trụ. Nó trình bày chi tiết quá trình sinh thành vũ trụ, từ cái vô cùng lớn từ đến cái vô cùng bé. Cuốn sách cũng bàn về sự điều chỉnh cực kỳ chính xác của vũ trụ để cho ý thức xuất hiện và có khả năng thâu tóm được sự đẹp đẽ lộng lẫy cũng như tổ chức của vũ trụ và cho nó một ý nghĩa nào đó. Sách cũng trình bày quá trình phát hiện ra mối liên hệ giữa con người và vũ trụ.
Trong cuốn sách này, tác giả dẫn dắt chúng ta lần theo hành trình của công cuộc khám phá vũ trụ với ngôn ngữ giản dị, trong sáng và giàu chất văn học
Câu trích dẫn:
Thiên nhiên không hoàn toàn câm lặng. Giống như một dàn nhạc ở xa, nó thường trêu ngươi, hé lộ với chúng ta những nốt hoặc những đoạn nhạc rời rạc. Tuy nhiên không bao giờ nó cho chúng ta biết tổng hòa của những nốt nhạc đó và cũng không tiết lộ cho chúng ta bí mật về giai điệu của chúng. Bằng cách nào đó chúng ta cần khám phá ra bí mật của cái giai điệu bí ẩn ấy đặng nghe được trọn vẹn bản nhạc với tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ của nó…
Life of Pi (Cuộc đời của Pi) – Yann Martel
Điểm đánh giá của Goodreads: 3,9
Cuộc đời của Pi là một câu chuyện có thật, mang lại cho người đọc những cái nhìn sâu sắc về nhiều khía cạnh trong đời sống: về tình yêu và niềm tin vào tôn giáo, về sức chịu đựng mạnh mẽ của con người trong những hoàn cảnh éo le… Nó còn là một hành trình, một cuộc “chống chọi” không cân sức giữa con người đắm tàu nhỏ bé với cái đại dương rộng lớn không cùng chứa đựng trong lòng nó bao nhiêu sức mạnh hủy diệt. Tác phẩm cho ta cái nhìn đầy đủ và sâu sắc về cuộc sống của những loài thú hoang dã trong vườn thú, dạy ta cách làm thế nào để sống sót trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Và vượt lên trên tất cả, nó là bản trường ca tôn vinh cuộc sống, tôn vinh nghị lực sống của con người bất chấp sự dập vùi phũ phàng của số phận…
Quả thật đây không phải là một tác phẩm xoàng nếu không muốn nói là khá xuất sắc. Đọc nó xong rất nhiều điều còn lắng đọng lại, gợi lên trong lòng chúng ta những suy nghĩ sâu xa, chiêm nghiệm về những giá trị nào là vĩnh hằng trong cuộc sống, về tình yêu và niềm tin với tôn giáo, về sức mạnh của con người – những sinh vật tưởng chừng như yếu đuối trong cuộc chiến không khoan nhượng với đại dương bao la…
Năm 2002, sách giúp tác giả nhận giải Man Booker. Năm 2003, văn bản tiếng Anh Life of Pi được chọn cho giải Canada Reads, và văn bản tiếng Pháp L’Histoire de Pi được chọn cho giải Le combat des livres; cả hai giải là của CBC Radio.
Little house on the prairie (Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên) – Laura Ingalls Wilder
Điểm đánh giá của Goodreads: 4.2
Đây là một bộ tiểu thuyết bán tự truyện, thuộc dạng sách dành cho thiếu nhi, nhưng cũng là tác phẩm văn học có giá trị lịch sử lớn của nước Mỹ.
Tác giả viết bộ sách dựa trên thời thơ ấu của chính mình trong bối cảnh thế kỷ 19. Nhà Ingalls sống lang thang trên các vùng đồng bằng miền Trung-Tây của nước Mỹ, với suy nghĩ càng đi về phía Tây thì họ càng tự do. Bộ sách mở đầu với cảnh sống đơn độc giữa thiên nhiên hoang dã của gia đình này: tự săn bắn, chế biến và dự trữ đồ ăn, sống tằn tiện đến mức tối đa.
Lúc đó, xã hội tư bản Mỹ bên ngoài bắt đầu phân hóa và trở nên phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng của họ. Chính sự mơ mộng về cuộc sống bên ngoài của gia đình Ingalls dẫn đến nhiều chuyện buồn sau này, những chuyện buồn không thể né tránh một khi tác giả muốn tái hiện lịch sử một cách chân thực.
Bộ sách này thường được cho là viết cho thiếu nhi, hẳn là vì có nhiều nhân vật là thiếu nhi: tác giả và các chị em lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, văn phong và từ ngữ nhiều chỗ không dễ hiểu đối với thiếu nhi, ví dụ như đoạn tác giả miêu tả phương pháp xây nhà của ông bố. Thiếu nhi thời nay đọc những miêu tả về thời xưa hẳn sẽ gặp khó khăn. Vì thế, các em cần được người lớn có hiểu biết giải thích thêm để lĩnh hội được đầy đủ hơn.
Lính bay – Phạm Phú Thái
Điểm đánh giá của Goodreads: không có [3,8]
Chưa đầy 16 tuổi, Phạm Phú Thái đã trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau hai năm rưỡi đào tạo, về nước, ông trở thành phi công trẻ nhất lực lượng không quân của miền Bắc lúc bấy giờ. Năm 1968, ông tham gia chiến đấu trận đầu tiên bảo vệ đường Hồ Chí Minh trên chiếc Mig 21 khi mới 19 tuổi. Máy bay bị trúng tên lửa, buộc ông phải nhảy dù. Khi một cán bộ địa phương “thẩm vấn” ông, nghe ông khai cấp bậc binh nhất, vị cán bộ nọ mắt tròn xoe vặn ông: “Sao phi công lại là binh nhất?” Ông giải thích nhưng họ vẫn cứ bán tín, bán nghi. Dần dà ông trở thành trung tướng.
Non một nửa cuốn Lính bay 1 nói về thời gian ngắn trước khi trúng tuyển phi công và thời gian học lái máy bay tại Liên Xô của tác giả. Lính bay 1 tập trung vào những trận chiến thuộc giai đoạn chống lại cuộc chiến không quân lần thứ nhất của Mỹ, và Lính bay 2 tập trung vào giai đoạn 1970-1972, khi tác giả đối đầu không quân Mỹ với mức độ nặng nề hơn, đầy máu và nước mắt.
Bỏ qua những chi tiết và con số do tuyên truyền – là điều không tránh khỏi – hai tập này đáng đọc để hiểu thêm về khía cạnh của chiến tranh trên không miêu tả từ phía Bắc Việt.
Memoirs of a geisha (Hồi ký của một kỹ nữ; Đời kỹ nữ) – Arthur Golden
Điểm đánh giá của Goodreads: 4.1
Hy sinh quãng đời thanh xuân, dùi mài rèn luyện để trở nên tuyệt mỹ trong mắt đàn ông, nhưng quyền được yêu, bộc lộ mơ ước thầm kín của geisha lại bị tước bỏ. Thân phận của họ sau tấm màn kín chỉ như những “người vợ hờ”.
Trong xã hội Nhật Bản trước thế chiến thứ hai, những người phụ nữ mang chức phận geisha được coi là biểu trưng của tài hoa, mực thước, mang lại niềm vui cho những quý ông bằng tiếng đàn, điệu múa, lối ăn nói hoạt bát, duyên dáng… Được yêu quý, trọng vọng, nhưng theo quy luật của nghề nghiệp, họ phải chôn chặt những khát khao thầm kín, ngay cả tình yêu trong thế giới đầy “chuẩn mực”. Tất cả để tôn vinh nghề “làm đẹp cho đời chứ không phải kinh doanh thân xác”.
Chiyo là một thân phận đi cùng sự nghiệt ngã này. Cô bé bị bán vào nhà geisha làm tôi tớ. Năm ấy, giữa mùa tuyết phủ trắng xóa, khi đang rơi vào sự tuyệt vọng tột cùng của nghèo khó, Chiyo 12 tuổi gặp một người đàn ông sang trọng, lịch lãm. Trong khoảnh khắc, cô hạnh phúc như cả một kiếp người đã được đổi thay. Ly sirô lạ miệng, số tiền nhỏ cùng ánh mắt trìu mến và nụ cười thân thiện từ người đàn ông có gương mặt phúc hậu ấy đi theo cô cả cuộc đời, đưa cô vượt qua những gian truân của cuộc sống. Cô cật lực làm việc, chịu đựng những lời xỉ vả, sự ganh tỵ của đàn chị, lưu lạc gian truân…
Nhật Bản duy tân 30 năm – Đào Trinh Nhất
Điểm đánh giá của Goodreads: 4.1
Nhật Bản duy tân 30 năm có thể được xem như một cuốn cẩm nang sử học dành cho những ai muốn tìm hiểu về chính trị –xã hội, đặc biệt đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản, nhất là giai đoạn mà Nhật Bản thực hiện công cuộc duy tân. Cuốn sách giúp độc giả hiểu được lý do vì sao Nhật Bản, chỉ trong vòng 30 năm, lại có thể lột xác thần kỳ đến vậy.
Giữa thế kỷ 19, nhận thấy sức mạnh, và nguy cơ bị phương Tây thống trị, người Nhật nghĩ rằng nếu không cải cách phát triển đuổi kịp phương Tây, để bình đẳng với phương Tây, thì chắc chắn cũng sẽ bị phương Tây thâu tóm như bao quốc gia phương Đông khác. Để đạt được mục tiêu ấy, cả xã hội Nhật, từ triều đình, quan lại, sỹ phu, hào kiệt, thường dân dốc lòng dốc sức thực hiện công cuộc duy tân chỉ trong vòng 30 năm!
Nudge: Improving decisions about health, wealth, and happiness – Richard H. Thaler, Cass R. Sunstein
Điểm đánh giá của Goodreads: 3,8 [4.2]
Quyển sách liên quan đến công trình đoạt giải Nobel Kinh tế của Giáo sư Thaler có tên Lý thuyết Nudge. Công trình này chỉ rõ cách thức tâm lý con người ảnh hưởng tới tâm lý học, qua đó giải thích cho hành vi của con người trong các hoạt động kinh tế. Trả lời một phỏng vấn, tác giả nhấn mạnh, giá trị quan trọng nhất trong nghiên cứu của ông là chỉ ra rằng “để có những kết quả tốt trong kinh tế, cần nhớ rằng chúng ta là con người”.
Cả The Economist và Financial Times đều xếp quyển sách này là sách hay nhất năm.
Papillon (Người tù khổ sai) – Henry Charrière
Điểm đánh giá của Goodreads: 4.2
Cuốn sách này ra đời như một sự bùng nổ làm chấn động Paris. Thắng lợi vượt xa dự tính của tác giả, riêng ở Pháp phát hành hơn một triệu bản (1969). Chỉ vài năm sau, Papillon được dịch ở 25 nước.
Tác giả kể rằng ông bị xử án đày khổ sai chung thân vì tội giết người căn cứ vào lời khai trước tòa của một nhân chứng được cảnh sát mớm cung, nên anh quyết chí chuẩn bị vượt ngục ngay từ đầu. Anh quyết sống và thoát ra khỏi trại khổ sai để trả thù. Quyết tâm ấy làm cho anh có đủ sức mạnh chịu đựng mọi thử thách. Không có một mối nguy hiểm nào làm cho anh lùi bước, không có một phen thất bại ê chề nào làm cho anh nhụt chí.
* * *
Charrière không có học vấn cao nên việc trở thành nhà văn là điều không tưởng. Trong cuốn sách sau có tựa đề Banco, ông tường thuật việc làm ăn của mình thường bị thất bại, cuối cùng mất hết vốn liếng. Sau đó ông thường đi lang thang khắp phố phường để giải khuây, và cũng để quan sát điều kiện làm ăn của người khác hầu tìm cách làm ăn trở lại. Một ngày, ông vào một hiệu sách, mở ra một cuốn sách trong đó tác giả miêu tả một cuộc phiêu lưu. Ông nghĩ cuộc phiêu lưu như thế có đáng là bao so với cuộc đời mình! Thế là ông quyết định thuật lại những cuộc phiêu lưu của mình cho một người viết văn chuyên nghiệp để chấp bút thành Papillion.
Văn phong và từ ngữ của Charrière trong Papillion không trau chuốt hoa mỹ, nhưng mộc mạc, diễn tả nỗi lòng theo suy nghĩ của mình. Điểm lôi cuốn là những chi tiết về cảnh sống của tù nhân qua các nhà tù, những âm mưu vượt ngục trong các tình huống và địa hình khác nhau… Vì lý do chất lượng văn viết mà cuốn Papillon có thời được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc trung học, học sinh được yêu cầu đọc trích đoạn của Papillion như là cách học hỏi một thể văn độc đáo.
Perfect spy (Điệp viên hoàn hảo) – Larry Berman
Điểm đánh giá của Goodreads: 4.1
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tác giả suốt 5 năm, trong đó khắc họa chân dung Phạm Xuân Ẩn – một nhà tình báo nổi tiếng của Bắc Việt đội lốt ký giả. Ngay sau khi phát hành, sách thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả trong và ngoài nước Mỹ, trong đó có độc giả Việt Nam. Về thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, cho đến nay đã có khá nhiều tư liệu, tác phẩm, bài viết của các tác giả trong và ngoài nước đánh giá cao về ông. Tuy nhiên, còn nhiều điều “bí ẩn” trong con người Phạm Xuân Ẩn mà bạn đọc muốn biết. Cuốn sách Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman phần nào đáp ứng mong muốn đó.
Trong sách, con người trong vỏ bọc mà Phạm Xuân Ẩn tạo ra thuở nào nhằm hoàn thành nhiệm vụ tình báo được giao và con người Phạm Xuân Ẩn trong cuộc sống đời thường được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Cuốn sách cung cấp cho độc già nhiều thông tin mới, trong đó có cả những suy nghĩ, nhận xét riêng của tác giả.
Peter the Great: His life and world (Pyotr Đại đế: Người con vĩ đại của nước Nga) – Robert K. Massie
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2 cho nguyên bản Anh văn [4,5]
Đây là một quyển sách đồ sộ, khúc chiết trong từng chi tiết, tuy cũng có phần dông dài trong việc tường thuật những điều hiển nhiên. Tác giả cũng dày công tổng hợp nhiều sử liệu, tài liệu nghiên cứu, ngay cả thư từ của nhân vật liên quan…, cuối cùng tạo nên một bức tranh hoành tráng kéo dài về thời gian xuyên suốt trước khi Pyotr Đại đế ra đời và sau khi ông mất, về không gian bao trùm cả Châu Âu và một phần nước Mỹ.
Năm 1981, quyển sách này được trao hai giải thưởng danh giá thể loại tiểu sử: Pulitzer Prize và American Book Award.
* * *
Quyến sách lịch sử này được viết với văn phong như là tiểu thuyết phiêu lưu, vì thế độc giả sẽ không thấy nhàm chán hay khô khan. Ở nhiều đầu chương, tác giả phác họa bối cảnh địa dư, xã hội hoặc lịch sử, như khung cảnh Thánh phố Moskva, lịch sử những tòa nhà quan trọng trên Quảng trường Kremlin, tục lệ cổ trong lễ cưới, lực lượng cẩm vệ, cách tiến hành chiến tranh, bối cảnh kinh tế-xã hội cùa Hà Lan, Anh quốc, phương pháp tra tấn, việc xây dựng Thành phố Sankt Peterburg từ đầm lầy, v.v. Vì thế, quyển sách không chỉ thuật cuộc đời của Pyotre Đại đế, mà còn là một hình ảnh bao quát của nước Nga thời xưa, với nhiều nguồn tư liệu tham khảo bằng Anh văn và Nga văn. Quyển sách được thực hiện công phu này, đi kèm với nhiều hình ảnh, xứng đáng được chấm điểm 4,5.
Sanguo Chih (Tam quốc chí, 三国志) – Trần Thọ và Bùi Tùng Chi
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,4 cho bản dịch Anh văn
Tây Tấn diệt ba nước Ngụy, Thục, Ngô để thống nhất Trung nguyên năm 280. Sau đó 5 năm, Trần Thọ biên soạn xong Tam Quốc chí, tác phẩm được xếp vào hệ thống 24 bộ chính sử Trung Quốc. Vì đã làm quan nhà Tây Tấn, Trần Thọ lấy triều đại nhường ngôi cho nhà này là Tào Ngụy làm chính thống. Dù vậy, Tam Quốc chí được xem là sử liệu khá xác thực cho giai đoạn lịch sử thời Tam Quốc, khác hẳn với tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa vốn chứa nhiều hư cấu. Về việc này, xem:
Những hư cấu trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” – https://tamdiepblog.wordpress.com/2019/07/26/nhung-hu-cau-trong-tieu-thuyet-tam-quoc-dien-nghia/.
Bốn bộ sử liệu sau đây góp phần không nhỏ cho Trần Thọ hoàn thành bộ Tam Quốc chí:
1/ Ngụy thư của Ngụy Thâu;
2/ Tam Quốc chí của Ngư Hoạn;
3/ Ngô thư của Vi Chiêu; và
4/ Tấn thư của Phòng Huyền Linh và Lý Diên Thọ.
Riêng Thục Hán không có chính sử (triều đình của Lưu Bị không có quan chép sử), Trần Thọ phải tự thu thập tư liệu để viết.
Trần Thọ có chủ ý loại bỏ những chuyện thần bí, những chuyện đáng ngờ, thiếu hợp lý nhằm tâng bốc Tấn và Ngụy. Vì thế, Tam Quốc chí được xem là có độ chính xác cao, được đánh giá ngang với những bộ chính sử xuất sắc như Sử ký của Tư Mã Thiên, Hán thư của Ban Cố và Hậu Hán thư của Phạm Diệp.
Một khuyết điểm của bộ Tam Quốc chí là chủ yếu chép về các nhân vật thời Tam Quốc chứ không chép về địa lý, kinh tế và chế độ chính trị như Sử ký trước đó và Tư trị thông giám sau này. Khuyết điểm thứ hai là Tam Quốc chí quá giản lược, bỏ sót một số thông tin quan trọng. Ví dụ như Trần Thọ chỉ ghi chép về những dị tộc triều cống Ngụy mà bỏ sót những dị tộc triều cống Thục và Ngô. Đây có thể do Thục và Ngô không được xem là chính thống.
Sau khi Trần Thọ mất hơn trăm năm, nhiều sử liệu mới về thời Tam Quốc xuất hiện. Tống Văn Đế (trị vì 424-453) thấy nội dung của Tam Quốc chí quá sơ lược nên ra lệnh cho sử quan Bùi Tùng Chi chú thích.
Nhờ có độ lùi 130 năm (năm 413), Bùi Tùng Chi tập hợp được hơn 200 sử liệu để bổ sung các phần mà Trần Thọ không chép hoặc chép thiếu, bằng cách:
- dẫn ý kiến của các tác giả khác nhau để phân định thực hư;
- kể thêm uẩn khúc trong một số sự kiện;
- bổ sung sự kiện còn thiếu;
- thêm chi tiết về cuộc đời của một số nhân vật; và
- bổ sung một số nhân vật còn thiếu.
Kết quả là bản Tam Quốc chí chú giải dài gần gấp đôi so với bản Tam Quốc chí nguyên thủy. Tống Văn Đế gọi công việc chú giải của Bùi Tùng Chi là “bất hủ”. Lý do chính là vì Bùi Tùng Chi làm việc một cách bao quát và cẩn thận. Ông dẫn chứng thông tin từ nhiều sử liệu, kể cả sử liệu đáng ngờ. Những chuyện không hợp lý thì ông giải thích bằng câu như “sử liệu này không đáng tin”. Các sách trích dẫn và tác giả đều được ông ghi chép đầy đủ để độc giả rộng đường tham khảo. Đây là ý hướng của các nhà sử học hiện đại mà vào thế kỷ 4 Bùi Tùng Chi đã áp dụng.
Nhờ công lao của Bùi Tùng Chi, bộ Tam Quốc chí chú giải được cân bằng hơn. Ví dụ như ông phê phán Tư Mã Ý khi diệt Tào Sảng một cách nặng nề trong chú giải sau này thêm vào, nên nói tới Tư Mã Ý một cách thẳng thắn, không như Trần Thọ ở đời Tấn viết Tam Quốc chí phải tránh nói không hay về Tư Mã Ý.
Tuy nhiên, có lẽ vì tham khảo nhiều nguồn nên Tam Quốc chí có vài đoạn không nhất quán với đoạn khác.
Ở Việt Nam, Tam quốc chí do Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính, Nhà Xuất bản Văn học và Nhà sách Tri thức Trẻ phát hành tháng 6/2016, gồm 3 tập.
Sapiens: A brief history of humankind (Sapiens: Lược sử về loài người) – Yuval Noah Harari
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,3
Sách đưa chúng ta vào một chuyến đi kinh ngạc qua toàn bộ lịch sử loài người, từ những gốc rễ tiến hóa của nó đến thời đại của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật di truyền, để khám phá tại sao chúng ta đang trong những điều kiện sinh sống hiện tại.
Sách tập trung vào các quá trình quan trọng định hình loài người và thế giới quanh nó, chẳng hạn như sự ra đời của sản xuất nông nghiệp, việc tạo ra tiền, sự lan truyền của những tôn giáo, và sự nổi lên của những nhà nước quốc gia. Không giống như những quyển sách khác cùng loại, Sapiens có một lối tiếp cận liên ngành học, bắc cầu qua những khoảng cách giữa lịch sử, sinh học, triết học và kinh tế theo một lối trước đây chưa từng có. Hơn nữa, lấy cả quan điểm vĩ mô và vi mô, Sapiens không chỉ đề cập đến những gì đã xảy ra và tại sao, mà còn đi sâu vào việc những cá nhân trong lịch sử đó cảm nhận nó như thế nào.
Câu hỏi lớn và sâu sắc của Harari là: chúng ta thực sự muốn gì? Có cách nào để đạt được hạnh phúc cho con người chúng ta, hoặc thậm chí liệu chúng ta có biết được nó là gì hay không? Trong cốt lõi của nó, Sapiens biện luận rằng chúng ta không biết về bản thân chúng ta, huống chi biết được những nhu cầu của những loài sinh vật khác.
* * *
Harari, nhà sử học người Israel, đảm nhận một thách thức dễ gây choáng ngợp với nhiều người: kể lại toàn bộ lịch sử của loài người chúng ta trong vỏn vẹn 400 trang giấy. Tuy Harari tập trung vào một giai đoạn ngắn – 70.000 năm vừa qua trong lịch sử loài người – song công việc của ông không vì thế mà bớt khó khăn. Mục tiêu của ông là lý giải vì sao chúng ta, loài Homo sapiens (từ Latin, có nghĩa “người tinh khôn”), lại thống trị Trái đất và tương lai nào đang chờ đợi chúng ta.
+ Sài gòn năm xưa – Vương Hồng Sển
Điểm đánh giá của Goodreads: không tính (chỉ có 6 người đánh giá), [4,3]
Lời giới thiệu của tác giả:
Bởi thấy tôi là người trong Nam, đầu pha hai thứ tóc, làm việc trong một cơ quan chuyên môn, thêm có tánh ham chơi cổ ngoạn, tom góp giấy má cũ đầy nhà, rồi tiếng đồn truyền ra: tôi sành sỏi chuyện xưa, tôi giỏi kê cứu điển cố, báo hại phần đông văn hữu Bắc và Trung, ông nào quen một đôi lần, gặp nhau, hết năm ba câu lấy lệ, làm gì cũng hỏi vặn tôi về:
“gốc tích hai chữ “SÀI GÒN”
Nói ư? – Chỉ bày cái dốt của mình ra!
Nín ư? – Người cười, càng thêm khó chịu!
Thôi thì còn một cách: ôm mớ tài liệu thâu thập bấy lâu – dù hay dù dở, dù chưa bằng bụng, mình biết lấy mình – bày hết, trình hết ra đây, mặc tình các vị xa gần tùy thích lựa chọn: “tóc tơ cặn kẽ đuôi đầu”, dù chẳng làm nên cái bánh ngon, cũng được tiếng là không xấu bụng! Đối với các bạn nhỏ hiếu học, tôi xin nói lớn:
1) Chỗ nào các bạn thấy mới, đáng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng: “coi vậy mà xài được”!
2) Chỗ nào chưa “êm”, nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cỡ bậy, hay gì? Đối với các học giả, các bậc lão thành, các vị cố cựu đất Sài Gòn, tôi xin “nghiêng tai nghe dạy, chắp tay đứng hầu”.
Học giả tiền bối trong Nam, cụ Trương Vĩnh Ký, trong Excursions et Reconnaissances (tạp chí về du lãm và thám hiểm), tập số 23, tháng Năm và Sáu năm 1885, có viết một bài khảo cứu Pháp Văn “Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs” (ký ức lục khảo về lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận). Bài này viết hai mươi lăm năm sau năm Nam Kỳ thất thủ (1859-1885). Nay tôi dựa theo bài ấy làm nồng cốt mà kể tiếp, nhắc lại những sự biến đổi từ thuở đó cho đến ngày Sài Gòn trở về với dân Việt, ngót một trăm năm. Bắt tay vào việc, cốt ý của tôi là muốn cống hiến ra đây mớ hiểu biết lụn vụn và mớ nghe thấy vặt vãnh về Sài Gòn. Cũng nghĩ nếu mãi sụt sè, đến ngày xuống lỗ, chắc gì ôm theo được (mà chừng đó ôm theo ích gì cho ai?)
– Ở đây, tôi chú trọng nhiều nhứt là những đoạn sử vụn vặt buổi giao thời: Pháp – Nam
– Chà – Chệc chung đụng, những chuyện “Tây đến Tây đi”, những việc chưa ai nói rõ ràng, may tôi được nghe tận tai, hoặc thấy tận mắt, nhiều đoạn do hiểu biết riêng, lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại. Tôi không dám chắc đúng cả, nhưng “ăn trầu ngẫm mà nghe” bây giờ chưa nói còn đợi lúc nào? Có nói có cãi, lần hồi mới phăng ra sự thật.
Sách được xuất bản lần đầu năm 1960 tại Sài Gòn và được tái bản lần 2 năm 1968 bởi Nhà sách Khai Trí (bị đóng cửa sau năm 1975).
Sau 1975, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh khi xuất bản lại quyển sách cho rằng “tác giả có dùng những câu, từ không hạp với thời nay” nên họ “đặt nhẹ ngòi viết, sửa, trau chút đỉnh”.
Shiji (Sử ký) – Tư Mã Thiên
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,3 cho bản dịch Anh văn.
Bộ Sử ký (史記 / 史记;) hay Thái sử công thư (太史公書, nghĩa: Sách của quan Thái sử) ghi lại lịch sử Trung Quốc trong hơn 2500 năm từ thời Hoàng Đế thần thoại cho tới thời tác giả sống. Vì là văn bản lịch sử Trung Quốc có hệ thống đầu tiên, nó ảnh hưởng cực lớn tới việc chép sử và văn chương Trung Quốc sau này.
* * *
Đối với văn hóa thế giới, bộ Sử ký của Tư Mã Thiên chiếm một địa vị đặc biệt. Nó là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Nhưng một điều còn làm chúng ta ngạc nhiên hơn là công trình khoa học lớn lao ấy đồng thời lại là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Người Hoa xem nó là tác phẩm lớn nhất về văn xuôi trong nền văn học cổ Trung Quốc,và cũng là tác phẩm cổ điển ngang hàng với thơ của Đỗ Phủ.
Sử ký là cả một thế giới. Nó làm thỏa mãn mọi người. Người nghiên cứu sử tìm thấy ở đấy một kho tài liệu vô giá, chính xác, với một giá trị tổng hợp rất cao. Nhà nghiên cứu tư tưởng tìm thấy qua Sử ký ”Một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời cổ đại”. Người bình thường tìm thấy vô số những hình tượng điển hình, những câu chuyện hấp dẫn, những con người đầy sức sống mãmh liệt. Không phải chỉ có thế, người nghiên cứu văn học còn tìm thấy ở đấy một tác phẩm văn học, mãi mãi tươi trẻ như sự sống. Họ thấy ở đấy một tâm hồn, một tâm sự đau xót đầy sức mạnh của thơ trữ tình.
Bên cạnh tính xác thực của sự kiện, nói như lời Tư Mã Thiên, “tôi chỉ thuật lại chuyện xưa, sắp đặt lại các chuyện trong đời chứ có sáng tác đâu”, song tác giả không chỉ thuật lại chuyện xưa một cách lạnh lùng. Ảnh hưởng bút pháp của Xuân Thu, nhưng tính khuynh hướng của Sử ký thể hiện sự khác biệt nhất định. Nếu Xuân Thu xuất phát từ lập trường bảo thủ của quý tộc thì Sử ký lại xuất phát từ lập trường tiến bộ, có những nét phù hợp với tư tưởng và tình cảm của nhân dân đương thời. Sử ký lên án sự tàn bạo của tầng lớp thống trị, ca ngợi những nhà thơ yêu nước, đề cao những dũng sĩ khởi xướng khởi nghĩa nông dân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Tư Mã Thiên viết sử có dụng ý nhằm “xét qua việc làm, tóm tắt trước sau, xét việc hưng vong thành bại”, “thấu hiểu sự biến đổi từ xưa đến nay”… Điều đó phản ánh sự quan tâm của tác giả đến sự kiện không chỉ nằm ở bản thân sự kiện mà là cả tiến trình của chúng.
* * *
Bộ Sử ký khổng lồ, khúc chiết, tổng hợp nhiều tài liệu khác, cộng thêm những chuyến đi của tác giả tới những địa điểm lịch sử hỏi chuyện người địa phương, quan sát khung cảnh nhằm tìm ra cái hồn của câu chuyện, rồi không ngại xúc phạm (chương về Hán Vũ Đế bị thất lạc chắc là vì lý do này), hoặc phải viết khéo léo chuyện tế nhị (như viết Tả Thừa tướng không làm việc nước mà chỉ xem xét việc trong cung, ngụ ý ông ta thông dâm với Lữ hậu).
* * *
Về bản dịch mới của Trần Quang Đức: Không có quá nhiều thứ để khen mà cũng chẳng có gì đáng để chê…
Đây là một bản dịch tốt như tất cả các bản dịch Sử ký đang lưu hành ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, dịch giả chỉ dừng lại ở mức độ chuyển tải văn bản từ Hán văn sang Quốc ngữ…
Nói tới bản dịch Sử ký, người đọc sành không thể không nhắc đến hai bản của Nguyễn Hiến Lê và Phan Ngọc (trước ký là Nhữ Thành). Mặc dù cả hai chỉ dịch một số thiên đáng chú ý nhất, dụng công của hai tác giả này vào bản dịch giúp độc giả đọc sâu thêm một tầng vào trong văn bản của Sử ký. Đó là lời giới thiệu và phân tích hết sức sâu sắc về nghệ thuật Sử ký của Nguyễn Hiến Lê, là những chú thích tốt, cũng như những đoạn mà các dịch giả chua thêm, làm sáng tỏ ý tứ sâu xa trong câu nói của từng nhân vật. Những điểm này không thấy được trong bản dịch mới.
Ưu điểm lớn nhất của bản dịch Trần Quang Đức là dịch giả hứa sẽ dịch trọn bộ. Vì thế, nó là lựa chọn hàng đầu cho những ai muốn đọc toàn bộ Sử ký. Nhưng nếu muốn chạm tới cái tinh hoa của Sử ký thì không nên bỏ qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê và Phan Ngọc.
* * *
Tôi cho bản dịch của Nguyễn Hiến Lê điểm [4,6]; bản dịch của Phan Ngọc (trước ký là Nhữ Thành) điểm [4,5].
Bản dịch Anh văn của Burton Watson mang tựa Records of the Grand Historian.
Śmierć miasta. Pamiętniki Władysława Szpilmana 1939–1945 (The pianist) – Władysław Szpilman
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2 cho bản dịch Anh văn
Cuốn sách được xây dựng dựa trên những hồi ức có thực của nhạc sĩ, nghệ sĩ piano nổi tiếng người Ba Lan gốc Do Thái Wladyslaw Szpilman. Cuộc đời ông thay đổi mạnh mẽ cùng với việc quân đội Đức xâm chiếm Ba Lan và sự đầu hàng của chính phủ Ba Lan khi ấy.
Đầu năm 1942, gia đình Szpilman bị bắt vào trại tập trung của Đức, chỉ một mình Szpilman trốn thoát được vào phút cuối, và ông không bao giờ gặp lại được những người thân thiết nhất của mình. Chàng thanh niên Szpilman được các du kích quân Ba Lan che giấu. Anh sống cô đơn, chui lủi trong các ngôi nhà khác nhau, trong nỗi lo sợ thường trực nếu bị phát hiện. Bất chấp đói khổ, đau ốm, sợ hãi, Szpilman vẫn luôn nung nấu khát vọng được sống.
* * *
Sách được viết năm 1945, là hồi ký của nghệ sĩ dương cầm Ba Lan Wladyslaw Szpilman, người sống sót qua thế chiến thứ hai. Cuốn hồi ký kể lại thời kỳ năm 1939, khi Đức mở cuộc xâm lược Ba Lan đến khi Warsaw được giải phóng năm 1945. Cuốn sách đơn giản chỉ kể lại những chuyện xảy ra trong quãng thời gian đó, không có dàn dựng sắp xếp đoạn lên cao trào, đoạn đối đầu, căng thẳng… nhưng dưới bàn tay nhào nặn của số phận, nó đem lại cho người đọc cảm giác hồi hộp, căng thẳng, tức giận, xót xa… không thua kém bất kỳ tiểu thuyết hay bộ phim nào.
+ Sử Trung Quốc – Nguyễn Hiến Lê
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,3
Trong bộ sử này, Nguyễn Hiến Lê bao gồm từ thời nguyên thủy và thời phong kiến đến thời Trung Hoa Cộng sản (đến năm 1976, Mao Trạch Đông chết, Hoa Quốc Phong kế vị).
Dưới đây là đánh giá của Vương Trí Nhàn (2018).
Đóng góp của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) trong khoa Trung Quốc học là ở chỗ tận dụng ưu thế thời đại mang lại cho nó một cái nhìn khác các bậc tiền bối. Xuất thân từ Tây học, song ông lại có thời gian về học với người bác là một bậc thâm nho, nhờ đó bồi đắp cho mình cái vốn Hán học chắc chắn. Trong suốt cuộc đời ông luôn luôn có cái nhìn phối hợp Đông Tây khi cần xem xét các vấn đề cơ bản mà người trí thức phải đối mặt.
Hai cuốn sách quan trọng của Nguyễn Hiến Lê làm theo hướng này là bộ Sử Trung Quốc, và bộ đôi Khổng Tử–Luận Ngữ.
Cái nhìn của ông là từ bên ngoài và không phụ thuộc vào cách giải thích của chính người Trung Quốc. Nhưng ông vẫn biết tìm ra những khía cạnh tốt đẹp mà cả Đông và Tây, cổ điển và hiện đại, đều phải công nhận. Ông cải chính nhiều sự hiểu nhầm về Trung Quốc.
Chúng tôi sẽ lược lại một số ý trong cuốn Sử Trung Quốc bàn về chính trị mà chúng tôi thấy tâm đắc nhất, và những lời bàn chung quanh khái niệm dân ở Nho học, là những điều hiện mang tính thời sự.
Trị quốc chi đạo (i)
Một lần ở một hiệu sách thuộc ga Bắc kinh, tôi thấy một cuốn sách dày cộp mang tên như trên. Chợt nhận ra việc quản lý quốc gia ở nước Trung Hoa cổ được ghi chép rất đầy đủ và nâng lên tới trình độ một bộ phận quan trọng trong văn hóa.
Đọc cuốn Sử Trung Quốc Nguyễn Hiến Lê viết cuối đời, càng thấy rõ điều đó.
— Tần Thủy Hoàng độc tài chuyên chế. Ông giết trí thức. Nhưng đó không phải là cách cai trị lưu manh vô học. Đã tin dùng trí thức nào (như thừa tướng Lý Tư) là dùng đến triệt để. Đốt sách, kể cả Tứ thư Ngũ Kinh nhưng là đốt những bộ tạp nham, trong khi vẫn tàng trữ một bộ trong triều đình. Với những điều luật bắt buộc thư đồng văn xa đồng quỹ, ông ta có công đưa mọi sinh hoạt của quốc gia vào nền nếp. Các trường học dưới thời ông dạy rất kỹ môn pháp luật quốc gia.
— Thời Tiên Tần, TQ đã có những nhân vật quản lý xã hội đầy tài năng và có tư duy hiện đại như Quản Trọng, Thương Ưởng. Trung Quốc cuối thế kỷ XX cũng đang lặp lại nhiều biện pháp của Thương Ưởng.
— Triệu Khuông Dẫn vua nhà Tống được quân lính đặt lên ngai vàng nhưng công việc đầu tiên khi lên ngôi là đặt văn quan trên võ quan và hạn chế quyền lực của các chỉ huy quân đội.
— Trong các biện pháp cải cách của Vương An Thạch đời Tống cũng có nhiều việc rất hiện đại, chẳng hạn khi tuyển dụng quan lại chỉ huy các việc nông điền thủy lợi không dùng người văn hay chữ tốt vừa đỗ đạt mà thiên về dùng người có chuyên môn tức có kinh nghiệm.
— Sau các chiến thắng quân sự lẫy lừng, chế độ cai trị mà Hốt Tất Liệt áp đặt lên xã hội Trung Hoa hết sức tùy tiện “triều đình là một mớ hỗn độn vô tổ chức, hiệu lệnh ban ra địa phương không nghe; mỗi gia đình đại thần tự làm chính trị, mỗi người tự coi là quốc gia.”
— Trong số lý do khiến Mãn Thanh về sau thành công, có lý do này: “triều đình ít can thiệp vào đời sống của dân”, “đất đai mênh mông mà số quan lại rất ít”. Sách còn ghi rõ: hơn 450 triệu dân chỉ có 100.000 quan lại.
Trị quốc chi đạo (II)
Các xã hội chiến tranh là những xã hội tham nhũng nặng nề. Lần đầu tiên tôi biết điều đó là từ phần viết về nhà Nguyên trong cuốn Những bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung quốc, của nhóm Cát Kiếm Hùng, bản tiếng Việt của nhà sách Văn Lang 2004.
Nhưng mới đây đọc lại hóa ra các sử gia chuyên về sử Trung quốc đã viết về tình trạng thiếu pháp luật và tham nhũng của các chính quyền quân sự từ lâu.
Như Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi đã viết trong cuốn Hàn Phi Tử, Nxb Văn hóa 1997:
Bắt đầu ngay từ thời Chiến quốc, thời các chư hầu đánh lộn lẫn nhau, “quan lại đa số tham nhũng: Tư Mã Thiên trong bộ Sử ký thiên 119 chỉ chép truyện của năm vị quan tốt, mà thiên 122 chép truyện của mười tên quan xấu (chữ Hán gọi là khốc lại).
Kẻ sĩ tranh nhau ăn tới mức Phạm Tuy tể tướng Tần, tư cách chẳng cao đẹp gì mà cũng phải ví họ với bầy chó của vua Tần: “khi bình thường nằm thì cùng nằm, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau; nhưng hễ ném cho chúng một khúc xương thì chúng vùng dậy, nhe nanh ra cắn nhau. Chỉ tại tranh ăn… Xã hội từ trên xuống dưới đầy trộm cướp.”
Quan lại xuất thân từ dân nghèo càng dễ tham nhũng
Trong việc soạn Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê dựa nhiều vào các nhà sử học phương Tây, nhưng bao giờ cũng dẫn họ ra rất đầy đủ sau đó có ý kiến riêng của mình.
Ví như quanh chuyện quan lại và tham nhũng ở Trung Quốc. Lối tuyển người làm quan ở đây là qua khoa cử, nó có cái mạnh là tránh đi vào cha truyền con nối của quý tộc châu Âu, và đấy là điều khiến cho Voltaire cũng từng khâm phục.
Nhưng một nhà nghiên cứu là Eberhard lưu ý ta một điểm khác. Ông này khi nghiên cứu về các đời Đường Tống đã nói rằng nguồn gốc của tệ tham nhũng là do quan lại được trả lương quá thấp.
Khi nghiên cứu sang thời Minh, Eberhard lại lưu ý đám quan lại xuất thân từ các tầng lớp dân càng nghèo, do đỗ đạt mà thành quan càng dễ tham nhũng. Tại sao? Muốn đỗ thì phải hối lộ quan trường, đỗ rồi muốn được bổ dụng thì phải đút lót nhà quyền quý… Đến lúc ra làm quan thì phải tham nhũng để thu hồi vốn và trả nợ.
Chép lại nhận xét này của Eberhard, Nguyễn Hiến Lê tỏ ý không tin.
Nhưng tôi thì lại thấy đáng tin vì nó giúp tôi giải thích tình hình quan chức thời nay.
Chung quanh khái niệm dân trong nho học
Đây là một điểm mà theo tôi Nguyến Hiến Lê có cách hiểu khác hẳn với đa số chúng ta hiện nay và ông đã giữ quan niệm này cho tới cùng.
Nguyễn Hiến Lê – Cuộc đời và tác phẩm là tên một cuốn sách của Châu Hải Kỳ. Có lẽ ở Việt Nam ít ai được hạnh phúc như Nguyễn Hiến Lê. Từ trước 1975, ông được người bạn ở xa là Châu Hải Ký theo dõi từng bước đi.
Những năm cuối cùng trong cuộc đời Nguyễn Hiến Lê lại được ông Châu tiếp tục quan tâm và nhất là đoạn miêu tả về cái chết của Nguyễn Hiến Lê rất cảm động.
Riêng tôi, đặc biệt chú ý tới trang 431, của cuốn sách tiểu sử này, ở đó Châu Hải Kỳ viết “kết thúc chương chót này, tôi xin cầu xin ông cho phép tôi trưng ra một đoạn thư trích” có liên quan tới việc dạy học của Khổng Tử. Chữ “họ” sau đây là chỉ các học giả Hà Nội.
… Họ không đọc gì hết mà phê bình thì mình bắt bẻ làm quái gì, phí công. Chẳng hạn trong sách Nhà giáo họ Khổng, tôi nói rõ rằng trước Khổng chỉ có những trường của triều đình cho con quý tộc học, Khổng là người đầu tiên mở trường tư dạy bất kỳ hạng người nào, từ kẻ nghèo chỉ mang lại một gói nem; và ông dạy như vậy chú ý để đào tạo hạng bình dân có học thay bọn quý tộc vô học trong việc trị nước. Công ông lớn lao như vậy mà họ chê là phong kiến, thì nhắc tới họ làm gì cho phí giấy. Thôi đi anh ơi…
Sở dĩ Châu Hải Kỳ phải đưa đoạn này ở cuối sách và Nguyễn Hiến Lê tự nhiên có giọng bi phẫn, là vì ở đây chạm tới một đề tài hình như quan trọng nhất của Nguyễn Hiến Lê là Khổng giáo. Theo cách trình bày của các học giả Hà Nội, thì Khổng Tử đáng muôn lần căm giận, vì đã khinh bỉ nhân dân, đề cao sự thống trị của bọn ngụy quân tử. Nói chung là người ta không chú ý tới khái niệm dân mà Khổng Tử đã đề cập. Khi nói tới Nho giáo thì người ta chỉ nói đến chữ Lễ, Trung, đầy tính ràng buộc, và bằng cách đó thì bảo đảm uy quyền của giai cấp thống trị.
Nhưng trong các tài liệu viết về đạo Khổng mà Nguyễn Hiến Lê gặp lại ở phương Tây thì ông lại thấy một điều ngược lại, và ông trình bày trong nhiều tập sách, cuối cùng là tập trung ở cuốn Khổng Tử mà ông soạn trong thời gian từ sau 1975.
Như đoạn trên đã viết, chính ra Khổng Tử là người đã rất gần gũi với người dân bình thường. Ông biết rằng việc cai trị cần đến kiến thức nên đã dân chủ hóa kiến thức, và sẵn sàng mang lại những kiến thức quyền lực truyền đạt đến người dân thường.
Với Nguyễn Hiến Lê, đó là mặt tích cực, mặt trội nhất của Khổng Tử, và ông không thể chịu được cách hiểu cách hiểu sai của nhiều học giả Hà Nội. Ông giận họ cũng là phải.
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguyen-hien-le-cai-chinh-nhieu-su-hieu-nham-ve-lich-su-trung-quoc.html
+ Thả một bè lau: Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán – Thích Nhất Hạnh
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,3
Thả một bè lau: Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán là một bản phân tích và bình luận Kiều dưới cái nhìn thiền học của một vị thiền sư uyên bác kết hợp với góc nhìn hiện đại, và giọng văn duyên dáng của một ông thầy giáo dạy văn chương cho học trò.
Theo lời của tác giả:
Nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc và gian truân của mình ra đọc truyện Kiều chúng ta cũng có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu.
The art of happiness (Nghệ thuật tạo hạnh phúc) – Đức Đạt Lai Lạt Ma & Howard C. Cutler
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2 cho nguyên tác Anh văn
Dưới đây là lời người dịch, Tỳ kheo Thích Tâm Quang:
Có lẽ đây là sách hiếm có, một góc độ lạ lùng nhìn vào vấn đề hạnh phúc… Đây là một sự kết hợp Đông-Tây tuyệt đẹp; một nhà tâm lý học Phương Tây – Bác sĩ Howard C. Cutler – trình bày vấn đề hạnh phúc dưới lăng kính Phật giáo phương Đông mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đại diện.
Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những suy ngẫm nghiêm túc về hạnh phúc mà đôi khi có thể chúng ta ngộ nhận hoặc lầm lẫn với niềm sung sướng. Cái ranh giới mong manh, vi tế ấy quả thật không dễ phân biệt. Nếu chúng ta không định nghĩa rạch ròi, làm sao chúng ta biết làm gì để đạt được hạnh phúc. Nhưng để phấn đấu giành cho được hạnh phúc, vấn đề đó lại liên quan mật thiết với tâm – hay đúng hơn là, tâm mới là nguồn hạnh phúc. Và tâm con người mới phức tạp, rối ren làm sao. Bạn sẽ kinh ngạc trước sự mổ xẻ tâm hết sức mạch lạc, sáng sủa dẫu rằng đó không phải là vấn đề dễ dẫn dắt. Tôi hoàn toàn tin rằng bạn sẽ bị thuyết phục và bắt tay vào rèn luyện tâm. Giản dị như là muốn khỏe thì phải tập tành, và để có hạnh phúc thì phải luyện tâm. Tất cả những điều đó đều được Đức Đạt Lai Lạt Ma so sánh với những thí dụ sát hợp, sinh động, khiến cho lý thuyết của Ngài trở nên giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Rồi chúng lại được so sánh với những kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại, vấn đề lại càng sáng tỏ, đầy sức thuyết phục.
The Elements of Style – William Strunk Jr. & E.B.White
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2
Đừng thấy quyển sách này được xuất bản lần đầu mà xem thường. Đây là quyển sách được biết đến nhiều nhất và tạo ảnh hưởng sâu rộng nhất về cách viết Anh ngữ. Đây cũng là sách được yêu cầu đọc trong các trường trung học và các lớp dạy viết Anh ngữ ở đại học Mỹ.
Bây giờ việc gửi email, nhắn tin và tham gia mạng xã hội là điều cốt lõi của giao tiếp kinh doanh, khả năng viết lách tốt chưa bao giờ cần thiết hơn thế. Sau khi đọc cuốn sách này, độc giả có thể viết giỏi hơn trước kia và chắc chắn là viết tốt hơn các đồng nghiệp của mình.
Đoạn trích dẫn hay nhất:
Một câu không nên chứa các từ không cần thiết, hoặc một đoạn không cần thiết. Giống như việc vẽ không cần dòng và một chiếc máy hoạt động không cần những bộ phận vô dụng.
The essays of Warren Buffett – Warren Buffett & Lawrence A. Cunnigham
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,4
Tựa sách được tạm dịch là Các tiểu luận của Warren Buffett. Đây là một cuốn sách duy nhất được tập hợp từ hơn 700 trang thư của Buffett và xâu chuỗi chúng thành cuốn sách dài 270 trang theo nguyện vọng của Buffett. Và Cunningham giúp “phổ biến” tác phẩm của Warren Buffet đến độc giả.
+ The last lecture (Bài giảng cuối cùng) – Randy Pausch với Jeffrey Zaslow
Điểm đánh giá của Goodreads: 4.3
Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) có chương trình mang tên The last lecture (Bài giảng cuối cùng) để mỗi năm, một giáo sư được mời thuyết trình bài giảng cuối cùng của mình cho sinh viên. Đó là một truyền thống tuyệt vời, qua đó người giảng như rút hết tinh túy của mình để truyền lại lần cuối và người nghe có một khoảnh khắc để suy ngẫm về những gì ý nghĩa nhất trong cả cuộc đời và sự nghiệp của vị giáo sư đó.
Ngày 18 tháng 9 năm 2007, giáo sư tin học Randy Pausch, thực hiện bài giảng cuối cùng của mình trước 400 khán giả tại Đại học Carnegie Mellon. Vào thời điểm đó, ông biết rằng ông đã bị ung thư tụy di căn và chỉ còn được khỏe mạnh khoảng 3 đến 6 tháng nữa. Vợ ông không muốn ông phí thời gian cho việc chuẩn bị bài giảng, bởi nó sẽ choán hết mọi thứ và lấy đi những giây phút cuối cùng của ông bên người thân. Nhưng Randy chấp nhận thử thách, vì đó là cơ hội cuối cùng để ông làm một điều thật sự có ý nghĩa cho các con trước khi đi xa. Trên bục giảng vào ngày hôm ấy, Randy trẻ trung, vui tươi, đầy sức sống và khỏe khoắn, và sôi nổi nói về những ước mơ.

Bài thuyết trình của Randy, Really achieving your childhood dreams (Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ), là những triết lý nhẹ nhàng nhưng thâm thúy về cuộc sống. Nó cuốn hút như chính con người ông. Thay vì nói về bệnh tật và cái chết, bài thuyết trình nói về sự sống, về việc thực hiện những ước mơ của chính mình, và tạo điều kiện cho những người khác thực hiện ước mơ. Ông đã sống thực từng ngày như đó sẽ là ngày cuối cùng còn tồn tại.
Khi tác giả biết mình chỉ còn được khỏe mạnh được vài tháng, ông viết quyển sách The last lecture với sự trợ giúp của người bạn, Jeffrey Zaslow.
Ông nói: “Bài giảng không phải chỉ dành cho những người ở hội trường. Nó là dành cho các con của tôi”.
Một độc giả phát biểu:
Từ khi tôi đọc xong, tôi khẳng định Bài giảng cuối cùng là cuốn sách tôi sẽ để bên cạnh mình, không phải để làm kim chỉ nam cuộc sống, mà nhận ra đây chính là người bạn an ủi tôi trong lúc cuộc sống quá nhiều lo lắng và bộn bề, tôi giữ nó bên mình còn vì sự động viên lạc quan của một bệnh nhân hơn là vì nó được viết bởi một tiến sĩ… Tôi hạnh phúc khi được nghe những tâm sự của một người con, một người cha, một người thầy, một người chồng. Và tôi tự tin, yêu cuộc sống hơn khi được nghe tâm sự của chính người bị bệnh ung thư giải bày.
The rise and fall of the Third Reich (Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba) – William L. Shirer
Điểm đánh giá của Goodreads: 4,2 [4,6]
“Một trong những tác phẩm về lịch sử quan trọng nhất của thời đại chúng ta”. Với trên 1.100 trang cùng những minh chứng hùng hồn, những lập luận uyên bác cho sự trỗi dậy và suy tàn của một chế độ, đi cùng với nó là số phận của con người được sinh ngày 20.4.1889 ở thị trấn Braunau am Inn gần biên giới Áo-Đức như “định mệnh”: Adolf Hitler.
Là một phóng viên và nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ, tác giả William L. Shirer quan sát và tường thuật cuộc sống của nước Đức Quốc xã từ năm 1925, tiếp cận với các nhà lãnh đạo Quốc xã hàng đầu, và sau chiến tranh, khi tham dự các phiên tòa xử tội phạm chiến tranh, ông lại có dịp quan sát họ đứng trước vành móng ngựa. Ông bỏ ra năm năm rưỡi để rà soát từng đống tài liệu. Từ những nguồn này, và cũng từ thông tin tự thu thập ở Đức và Châu Âu trong hơn bốn thập kỷ, ông tổng hợp nên một thiên sử liệu của một trong những thời kỳ hãi hùng nhất trong lịch sử nhân loại.
* * *
Trong Thế chiến 2, tác giả là phóng viên nghe ngóng tin tức, quan sát hiện trường. tham dự những sự kiện trọng đại như các cuộc họp giữa Hitler và Thủ tướng Anh Chamberlain dẫn đến việc bán đứng Tiệp Khắc, việc ký kết hiệp định đình chiến giữa Đức và Pháp, những bài diễn văn tạo cột mốc quan trọng như việc tuyên chiến với Hoa Kỳ, v.v. Sau cuộc chiến, tác giả đọc qua hàng đống những tư liệu bằng Đức văn và Anh văn, tham dự các phiên tòa xử tội nhân chiến tranh… để tổng hợp vào thiên sử liệu đồ sộ đáng được điểm 4,6.
The world is flat (Thế giới phẳng) – Thomas Loren Friedman
Điểm đánh giá của Goodreads: 3,7
Đặt giả thuyết nếu chỉ còn đủ tiền để mua một cuốn sách hầu biết về thế giới này trong thời gian ngắn nhất thì bạn được khuyên hãy đọc Thế giới phẳng. Thomas Friedman là nhà báo tài năng. Để viết một cuốn sách như thế này, không biết ông đã phải đi bao nhiêu nơi, gặp bao nhiều người, đọc bao nhiêu sách, nghiên cứu bao nhiêu thời gian. Mỗi trang sách của ông chứa đầy thông tin, vừa mở rộng tầm mắt, vừa đánh giá, lý luận.
Toàn cầu hóa làm thế giới phẳng ra, nó đem lại hiệu quả cũng như những hậu quả nhất định. Cuốn sách này mang đến một cái nhìn toàn vẹn, đầy đủ, dễ hiểu nhất về toàn cầu hóa và sự “phẳng” của thế giới. Năm 2005, cuốn sách này được trao giải thưởng Sách hay nhất trong năm do Financial Times bình chọn trong chương trình tạp chí kinh tế cuối năm 2015 của VTV. Kiến thức trong sách cung cấp cho mỗi người sẽ rất bổ ích: bạn sẽ hiểu hơn về quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay. Đọc xong sách này sẽ bổ sung cho bạn một khối lượng kiến thức kinh tế cực khủng.
* * *
Chúng ta quen thuộc với những tác phẩm kinh điển trong văn học, nghệ thuật nhưng Thế giới phẳng là một tác phẩm kinh điển về thế kỷ 21 trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và sự vận động của thế giới. Đây không phải là một sách lịch sử thế giới mà là một tác phẩm hoành tráng về thế giới trong thế kỷ 21, thế kỷ của bùng nổ công nghệ số và xu hướng toàn cầu hóa. Tác giả làm phẳng thế giới khi bỏ qua những rào cản về địa giới, văn hóa, tôn giáo… để nói về một thế giới với những vấn đề chung, những cơ hội và thách thức của các quốc gia, của toàn thế giới. Để từ đó từng quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân có thể nhìn thấy cơ hội và thách thức của riêng mình.
Với nhiều năm làm nhà báo cho một trong những tờ báo lớn nhất thế giới New York Times, Thomas L. Friedman cho người đọc những sự kiện, những thông tin, những số liệu mà không dễ gì có được và không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Điều đó chỉ có thể đến từ những nhà báo kỳ cựu như Friedman, một nhà báo lớn với 3 giải thưởng Publizer. Cuốn sách tuy khá dày, hơn 700 trang, nhưng nếu bạn thực sự quan tâm đến thế giới, quan tâm đến sự vận động của xã hội loài người trên hành tinh này thì sách như một dòng chảy đưa bạn qua nhiều góc nhìn khác nhau, qua nhiều vấn đề to lớn khác nhau của thế giới. Trong đó, nổi bật là xu hướng toàn cầu hóa và vai trò địa chính trị của từng quốc gia trong sự bùng nổ không ngừng của thế giới về mọi mặt.
+ Thiên thu công tội Mao Trạch Đông – Tân Tử Lăng
Điểm đánh giá của Goodreads: không có [4,0]
Thiên thu công tội Mao Trạch Đông (千秋功罪毛泽东, Ian qiu gong zui Mao Zedong) do nhà xuất bản Thư Tác Phường ấn hành, ra mắt tại Hồng Công tháng 7-2007, là một trong những cuốn sách được dư luận Trung Quốc hết sức quan tâm, với những luồng ý kiến nhận xét trái ngược nhau, từ hoan nghênh đến bất đồng, thậm chí phản đối gay gắt.
Tác gia Tân Tử Lăng (辛子陵, Xin Ziling) nguyên là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện Quân sự cấp cao, Đại học Quân chính, Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ông nhập ngũ năm 1950, từng tham gia các phong trào chính trị do Mao phát động, về hưu năm 1994 với quân hàm Đại tá.
Trong phần “Lời nói đầu” của cuốn sách, Tân Tử Lăng bộc bạch:
Chúng tôi viết dưới hình thức sinh động để mọi người cùng thưởng thức, khiến các chính khách đọc không cảm thấy thô thiển, nông cạn, sinh viên đọc không thấy quá sâu xa. Các tài liệu và sự kiện lịch sử đều có chứng cứ, nguồn gốc… Cuốn sách dài 70 vạn chữ muốn dùng những sai lầm lịch sử của Mao Trạch Đông nhắc nhở đời sau: không thể đi và cũng không đi nổi con đường chủ nghĩa xã hội không tưởng, “thiên đường của chủ nghĩa cộng sản” không có giai cấp, không có bóc lột. không có áp bức trong tưởng tượng là địa ngục trần gian đã làm chết đói 37,55 triệu người…
Tôi năm nay ngoài 70 tuổi, đã trải qua những năm tháng của chủ nghĩa xã hội không tưởng ở Trung Quốc, từng tham gia các phong trào chống phái hữu, ba cuộc cải tạo lớn, Đại tiến vọt và Đại cách mạng văn hóa, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu ở Học viện quân sự cấp cao trong thời gian dài, hành trình tư tưởng bám sát Mao Trạch Đông, nếu không, không thể trải qua bấy nhiêu cuộc vận động chính trị mà vẫn tồn tại. Mao Trạch Đông là thần tượng của tôi thời trai trẻ, khi giảng dạy và viết bài, tôi từng thật lòng cổ vũ sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông, cổ vũ chủ nghĩa xã hội không tưởng mà ông ta thực hiện; thậm chí, tôi từng xuyên tạc chủ nghĩa Mác để biện hộ cho sai lầm của Mao, coi đó là thiên chức của người làm công tác lý luận, là tính đảng của người cộng sản.
Trong làn sóng cuồng nhiệt ca ngợi Mao cũng có tôi. Trên ý nghĩa đó, tôi cũng có phần trách nhiệm đối với sai lầm của Đảng. Xuất phát từ trách nhiệm ấy, tôi sẵn sàng kể với thế hệ sau lịch sử chân thực mình đã trải qua, mong họ đừng cuồng nhiệt như tôi hồi trẻ. Đánh giá lại Mao Trạch Đông sẽ là một đề tài lớn trong thế kỷ 21. Nhiều hồ sơ lịch sử về những sự kiện trọng đại chưa được giải mật, đó là hạn chế lịch sử mà cuốn sách này không có cách nào vượt qua, khó tránh khỏi những sai sót về sử liệu và bình luận không thỏa đáng…
Đây là cuốn sách có tính chất tham khảo về nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử và vấn đề lý luận của nước Trung Hoa đương đại, nhằm giúp bạn đọc có được cái nhìn nhiều chiều về những vấn đề đang được nhiều người quan tâm này.
Bản dịch ra Việt văn do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện năm 2009 có tựa Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, được ghi là “phát hành hạn chế trong giới nghiên cứu” nhưng thật ra được đăng tải rộng rãi trên Internet.
Bản được đăng tải ở đường link dưới đây dựa theo bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, có thêm những chú thích cần thiết:
https://www.diendan.org/tai-lieu/ho-so/mao-trach-111ong-ngan-nam-cong-toi
+ Tư trị thông giám – Tư Mã Quang
Điểm đánh giá của Goodreads: không tính (chỉ có 8 người đánh giá), [4,6]
Ý kiến phổ quát cho rằng muốn hiểu lịch sử Trung Quốc, có hai cuốn sách không thể không đọc:
- Sử ký của Tư Mã Thiên, tác phẩm lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc cổ đại, là bộ truyện ký đầu tiên thể thông sử;
- Tư trị thông giám của Tư Mã Quang, cũng là một tác phẩm lịch sử nổi tiếng, là bộ biên niên thể thông sử đầu tiên hoàn thiện nhất của Trung Quốc cổ đại, từng được coi là sách giáo khoa bắt buộc cho vua, tôi, kẻ sĩ.
Xét về tác dụng và ảnh hưởng đối với lịch sử và văn hóa, Tư trị thông giám không kém Sử ký.
Tác giả Tư trị thông giám (chữ Hán: 資治通鑒; Wade-Giles: Tzuchih T’ungchien) là Tư Mã Quang (1019-1086), người làng Thúc Thủy, huyện Hạ, Thiểm Châu (nay là huyện Hạ, tỉnh Sơn Tây). Năm 20 tuổi, ông đỗ tiến sĩ, sau đó ra làm quan, là nhà chính trị và nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống. Cuối đời Tống Nhân Tôn, Tư Mã Quang lập chí viết một bộ thông sử, lấy việc tổng kết sự hưng– vong, được–mất của các thời đại để cho những người cai trị lấy làm gương. Đến năm thứ bảy đời Nguyên Phong (1084), toàn bộ cuốn sách được hoàn thành (với sự trợ giúp của ba trợ thủ là Lưu Ban, Lưu Thứ, Phạm Tổ Ngu). Tư Mã Quang làm việc hết ngày này sang ngày khác, tổng cộng là 19 năm. Khi sách làm xong, ông đã 65 tuổi, hai mắt mờ, răng chỉ còn mấy chiếc, sức nhớ suy giảm, hẳn như đã hiến dâng toàn bộ tâm huyết cho cuốn sách. Hai năm sau, ông từ trần.
Tư trị thông giám là một tác phẩm khổng lồ. Nội dung sách bắt đầu từ thời Đông Chu (năm thứ 23 đời Uy Liệt Vương nhà Chu, tức 403 trước Công nguyên) đến đời Ngũ Đại (năm Hiển Đức thứ 6), Thế Tôn Hậu Chủ, tức 956 Công nguyên), bao quát lịch sử 1.362 năm, xuyên suốt 16 triều đại chính thống. Bộ sách này tổng hợp lượng tài liệu cực lớn: chỉ riêng chính sử, trong thời đại Tư Mã Quang dùng tới hơn 1900 quyển, hơn 28 triệu chữ. Ngoài ra còn sử dụng khoảng 300 loại tạp sử, truyện, văn, gia phả v.v… đến nay có loại còn chưa làm rõ được. Riêng toàn bộ Tư trị thông giám gồm hơn 3 triệu chữ. Đó là tinh hoa được chắt lọc qua công tác biên tập khổng lồ.
Kết cấu của cuốn Tư trị thông giám tương đối chặt chẽ. Sách ghi chép sự việc thuận theo thời gian ngày, năm, tháng, lời văn mạch lạc rõ ràng. Những sử liệu không rõ ngày thì ghi vào cuối tháng đó; những sử liệu không rõ tháng thì ghi vào cuối năm đó. Những sự kiện trọng đại liên quan đến trước, sau nhiều năm thì dùng phương pháp thuật lại hoặc trình bày bổ sung để giới thiệu đầu đuôi câu chuyện nhằm làm rõ toàn cục.
Mục đích chủ yếu của Tư Mã Quang khi viết cuốn sách này là muốn những nhà cai trị lấy lịch sử đời trước làm răn, khảo sát cải tiến chính trị đương thời để đạt đến thiên hạ thái bình. Toàn bộ sách lấy sự yên–loạn, thịnh–suy của các đời làm đầu mối, đồng thời với việc ghi chép lịch sử, phân tích đạo đức, tư cách thiện–ác của nhà vua và bề tôi, sự được–mất về những việc lớn của đất nước với chính sách, tổng kết nguyên nhân và bài học về sự thay đổi của các triều đại. Cũng có thể là vì duyên cớ đó, mà chính trị và quân sự trở thành trọng điểm của Tư trị thông giám.
Tư Mã Quang là một học giả nghiêm túc. Trong quá trình biên tập Tư trị thông giám, ông khảo đính sử liệu một cách cẩn thận, lấy hoặc bỏ điều gì đều có lý do đầy đủ. Lập luận lịch sử của ông thường nhấn mạnh “Đạo của thánh nhân”, tôn vua trọng lễ… Nhưng điều này hình thành phong cách của Tư trị thông giám là nghiêm túc, giản dị, chính thống. Tuy vậy lời văn của ông lại đẹp và sinh động.
Tư trị thông giám chắc chắn là cuốn sách được nhiều bậc đế vương, khanh tướng nhiều đời ở Trung Quốc tìm đọc. Những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản sau này cũng không ngoại lệ. Có vài ví dụ:
Tháng 8 năm 1945, khi Mao Trạch Đông từ Diên An đến Trùng Khánh để tham dự cuộc hội đàm Quốc–Cộng, và ở lại đây 43 ngày. Trong một buổi sáng sớm, Mao Trạch Đông vừa cầm một cuốn sách vừa đi dạo trong vườn, tình cờ gặp Tưởng Giới Thạch cũng vừa cầm một cuốn sách vừa đi dạo ở đó. Khi gặp nhau, hai người đều giấu cuốn sách ra sau lưng. Khi Tưởng Giới Thạch đề nghị: hãy cho nhau biết là xem cuốn sách gì, thì hóa ra cả hai người đều cầm Tư trị thông giám trong tay.
Riêng với Mao Trạch Đông, Tư trị thông giám là cuốn sách gối đầu giường: ông đọc nát bộ sách này, nhiều trang phải dùng băng dính dán lại. Có những thời gian ông mê mải đọc hàng mấy giờ liền. Theo lời ông nói với thư ký cơ yếu thì ông đã đọc Tư trị thông giám tới 17 lần và lần nào cũng thấy hiệu quả.
Theo lời Đặng Dung, con gái Đặng Tiểu Bình thì “ông đặc biệt thích Tư trị thông giám; trong nhà có hai bộ, không biết là ông đã đọc bao nhiêu lần, nhưng có thể nói là đọc thuộc”.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay (2006). Về cuốn Tư Trị Thông Giám. https://xuanay.vn/ve-cuon-tu-tri-thong-giam/
Trên thực tế, ý nghĩa của việc viết Tư trị thông giám vượt xa ý muốn của tác giả: sách không chỉ giúp tầng lớp cai trị có cơ sở tham khảo về “Tư trị”, mà còn là sách tham khảo cho cả xã hội. Hồ Tam Tỉnh – người viết lời chú – rất thấm thía ý nghĩa sâu xa của bộ sách này, nói: Thông giám không chỉ viết về trị loạn, mà còn có lễ nhạc, lịch số, thiên văn, địa lý, v v. Vương Minh Thịnh triều nhà Thanh cũng nói: “Đây là sách trên đời không thể thiếu và học giả không thể không đọc”.
Ở Việt Nam, bộ sách Tư trị thông giám được Bùi Thông và Phạm Thành Long chuyển ngữ, và được phát hành từ năm 2017 bởi Nhà Xuất bản Văn học và nhà sách Tri thức Trẻ.
Zen and the art of motorcycle maintenance – Robert Pirsig
Điểm đánh giá của Goodreads: 3.8
Viết về một hành trình đi khắp nước Mỹ trong mùa hè của một người cha và cậu con trai, sách còn là một hành trình triết học với đầy những câu hỏi cơ bản về cuộc sống và cách sống trên đời.
* * *
Cuốn sách mang lại kiến thức hữu ích kiểu duy lý, như cách nhìn thế giới sự vật, hiện tượng hay các phương pháp giải quyết vấn đề của các nhà khoa học, và giúp hiểu hơn về lịch sử triết học phương Tây.
* * *
Nội dung về chuyến đi xuyên nước Mỹ của hai cha con trên trước xe phân khối, Zen and the art of motorcycle maintenance không nặng về nội dung du lịch mà chứa những bài học cuộc sống qua trải nghiệm của hai cha con.
* * *
Cuốn sách này giúp triết học trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn. Nó theo chân một người cha và cậu con trai trên chuyến đi bằng xe máy đầy thám hiểm xuyên qua miền tây bắc nước Mỹ. Nó chứa đầy những lời khuyên bất hủ về cách sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Đánh giá của Goodreads
Giống như những hệ thống đánh giá khác, đánh giá của Goodreads dựa theo cảm quan cá nhân và, do đó, chỉ nên xem với mục đích tham khảo, nhằm có ý niệm sách nào được yêu thích như thế nào chứ không nhất thiết chỉ ra hay đến mức nào.
Người viết bài này đã chọn ra những sách nào cần giới thiệu trước khi xem đến điểm của Goodreads. Nói cách khác, việc chọn lựa sách để giới thiệu không chịu ảnh hưởng bởi điểm Goodreads.
Dựa theo điểm Goodreads (cao nhất là 5,0), sách có thể được đánh giá như sau.
từ 4,5 trở lên: tuyệt tác
từ 4,0 đến dưới 4,5: xuất sắc
từ 3,5 đến dưới 4,0: rất hay
từ 3,0 đến dưới 3,5: hay
Ghi chú: Không phải vì tôi là dịch giả một số sách mà nâng điểm những sách này. Tôi đã đánh giá cao một số sách từ lúc đầu rồi mới giới thiệu cho nhà xuất bản và được giao công việc dịch thuật. Tôi nghĩ mình công tâm khi cho điểm ở đây.
Dưới đây là danh sách 100 sách không hư cấu hay nhất mọi thời đại, do nhật báo The Guardian lập năm 2018.
The 100 best non-fiction books of all time by Robert McCrum, The Guardian
Dưới đây là danh mục 100 sách không hư cấu hay nhất mọi thời đại, do Robert McCrum của nhật báo The Guardian lập, sau hai năm đọc kỹ lưỡng. Hãy duyệt qua danh mục sách được ra mắt trong 5 thế kỷ qua.
- The Sixth Extinction – Elizabeth Kolbert (2014)
An engrossing account of the looming catastrophe caused by ecology’s “neighbours from hell” – mankind. - The Year of Magical Thinking – Joan Didion (2005)
This steely and devastating examination of the author’s grief following the sudden death of her husband changed the nature of writing about bereavement. - No Logo – Naomi Klein (1999)
Naomi Klein’s timely anti-branding bible combined a fresh approach to corporate hegemony with potent reportage from the dark side of capitalism. - Birthday Letters – Ted Hughes (1998)
These passionate, audacious poems addressed to Hughes’s late wife, Sylvia Plath, contribute to the couple’s mythology and are a landmark in English poetry. - Dreams from My Father – Barack Obama (1995)
This remarkably candid memoir revealed not only a literary talent, but a force that would change the face of US politics for ever. - A Brief History of Time – Stephen Hawking (1988)
The theoretical physicist’s mega-selling account of the origins of the universe is a masterpiece of scientific inquiry that has influenced the minds of a generation. - The Right Stuff – Tom Wolfe (1979)
Tom Wolfe raised reportage to dazzling new levels in his quest to discover what makes a man fly to the moon. - Orientalism – Edward Said (1978)
This polemical masterpiece challenging western attitudes to the east is as topical today as it was on publication. - Dispatches – Michael Herr (1977)
A compelling sense of urgency and a unique voice make Herr’s Vietnam memoir the definitive account of war in our time. - The Selfish Gene – Richard Dawkins (1976)
An intoxicating renewal of evolutionary theory that coined the idea of the meme and paved the way for Professor Dawkins’s later, more polemical works. - North – Seamus Heaney (1975)
This raw, tender, unguarded collection transcends politics, reflecting Heaney’s desire to move “like a double agent among the big concepts”. - Awakenings – Oliver Sacks (1973)
Sacks’s moving account of how, as a doctor in the late 1960s, he revived patients who had been neurologically “frozen” by sleeping sickness reverberates to this day. - The Female Eunuch – Germaine Greer (1970)
The Australian feminist’s famous polemic remains a masterpiece of passionate free expression in which she challenges a woman’s role in society. - Awopbopaloobop Alopbamboom – Nik Cohn (1969)
This passionate account of how rock’n’roll changed the world was written with the wild energy of its subject matter. - The Double Helix – James D Watson (1968)
An astonishingly personal and accessible account of how Cambridge scientists Watson and Francis Crick unlocked the secrets of DNA and transformed our understanding of life. - Against Interpretation – Susan Sontag (1966)
The American novelist’s early essays provide the quintessential commentary on the 1960s. - Ariel – Sylvia Plath (1965)
The groundbreaking collection, revolving around the poet’s fascination with her own death, established Plath as one of the last century’s most original and gifted poets. - The Feminine Mystique – Betty Friedan (1963)
The book that ignited second-wave feminism captured the frustration of a generation of middle-class American housewives by daring to ask: “Is this all?” - The Making of the English Working Class – EP Thompson (1963)
This influential, painstakingly compiled masterpiece reads as an anatomy of pre-industrial Britain – and a description of the lost experience of the common man. - Silent Spring – Rachel Carson (1962)
This classic of American advocacy sparked a nationwide outcry against the use of pesticides, inspired legislation that would endeavour to control pollution, and launched the modern environmental movement in the US. - The Structure of Scientific Revolutions – Thomas S Kuhn (1962)
The American physicist and philosopher of science coined the phrase “paradigm shift” in a book that is seen as a milestone in scientific theory. - A Grief Observed – CS Lewis (1961)
This powerful study of loss asks: “Where is God?” and explores the feeling of solitude and sense of betrayal that even non-believers will recognise. - The Elements of Style – William Strunk and EB White (1959)
Dorothy Parker and Stephen King have both urged aspiring writers towards this crisp guide to the English language where brevity is key. - The Affluent Society – John Kenneth Galbraith (1958)
An optimistic bestseller, in which JFK’s favoured economist promotes investment in both the public and private sectors. - The Uses of Literacy: Aspects of Working-Class Life – Richard Hoggart (1957) This influential cultural study of postwar Britain offers pertinent truths on mass communication and the interaction between ordinary people and the elites.
- Notes of a Native Son – James Baldwin (1955)
Baldwin’s landmark collection of essays explores, in telling language, what it means to be a black man in modern America. - The Nude: A Study of Ideal Art – Kenneth Clark (1956)
Clark’s survey of the nude from the Greeks to Picasso foreshadows the critic’s towering claims for humanity in his later seminal work, Civilisation. - The Hedgehog and the Fox – Isaiah Berlin (1953)
The great historian of ideas starts with an animal parable and ends, via a dissection of Tolstoy’s work, in an existential system of thought. - Waiting for Godot – Samuel Beckett (1952/53)
A bleakly hilarious, enigmatic watershed that changed the language of theatre and still sparks debate six decades on. An absurdist masterpiece. - A Book of Mediterranean Food – Elizabeth David (1950)
This landmark recipe book, a horrified reaction to postwar rationing, introduced cooks to the food of southern Europe and readers to the art of food writing. - The Great Tradition – FR Leavis (1948)
The controversial critic’s statement on English literature is an entertaining, often shocking, dissection of the novel, whose effects are still felt to this day. - The Last Days of Hitler – Hugh Trevor-Roper (1947)
The historian’s vivid, terrifying account of the Führer’s demise, based on his postwar work for British intelligence, remains unsurpassed. - The Common Sense Book of Baby and Child Care – Dr Benjamin Spock (1946)
The groundbreaking manual urged parents to trust themselves, but was also accused of being the source of postwar “permissiveness”. - Hiroshima – John Hersey (1946)
Hersey’s extraordinary, gripping book tells the personal stories of six people who endured the 1945 atom bomb attack. - The Open Society and Its Enemies – Karl Popper (1945)
The Austrian-born philosopher’s postwar rallying cry for western liberal democracy was hugely influential in the 1960s. - Black Boy: A Record of Childhood and Youth – Richard Wright (1945)
This influential memoir of a rebellious southern boyhood vividly evokes the struggle for African American identity in the decades before civil rights. - How to Cook a Wolf – MFK Fisher (1942)
The American culinary icon was one of the first writers to use food as a cultural metaphor, describing the sensual pleasures of the table with elegance and passion. - Enemies of Promise – Cyril Connolly (1938)
Connolly’s dissection of the art of writing and the perils of the literary life transformed the contemporary English scene. - The Road to Wigan Pier – George Orwell (1937)
Orwell’s unflinchingly honest account of three northern towns during the Great Depression was a milestone in the writer’s political development. - The Road to Oxiana – Robert Byron (1937)
Much admired by Graham Greene and Evelyn Waugh, Byron’s dazzling, timeless account of a journey to Afghanistan is perhaps the greatest travel book of the 20th century. - How to Win Friends and Influence People – Dale Carnegie (1936)
The original self-help manual on American life – with its influence stretching from the Great Depression to Donald Trump – has a lot to answer for. - Testament of Youth – Vera Brittain (1933)
Brittain’s study of her experience of the first world war as a nurse and then victim of loss remains a powerful anti-war and feminist statement. - My Early Life: A Roving Commission – Winston Churchill (1930)
Churchill delights with candid tales of childhood and boy’s own adventures in the Boer war that made him a tabloid hero. - Goodbye to All That – Robert Graves (1929)
Graves’s account of his experiences in the trenches of the first world war is a subversive tour de force. - A Room of One’s Own – Virginia Woolf (1929)
Woolf’s essay on women’s struggle for independence and creative opportunity is a landmark of feminist thought. - The Waste Land – TS Eliot (1922)
Eliot’s long poem, written in extremis, came to embody the spirit of the years following the first world war. - Ten Days That Shook the World – John Reed (1919)
The American socialist’s romantic account of the Russian revolution is a masterpiece of reportage. - The Economic Consequences of the Peace – John Maynard Keynes (1919)
The great economist’s account of what went wrong at the Versailles conference after the first world war was polemical, passionate and prescient. - The American Language – HL Mencken (1919)
This declaration of linguistic independence by the renowned US journalist and commentator marked a crucial new chapter in American prose - Eminent Victorians – Lytton Strachey (1918)
Strachey’s partisan, often inaccurate but brilliant demolitions of four great 19th-century Britons illustrates life in the Victorian period from different perspectives. - The Souls of Black Folk – WEB Du Bois (1903)
The great social activist’s collection of essays on the African American experience became a founding text of the civil rights movement. - De Profundis – Oscar Wilde (1905)
There is a thrilling majesty to Oscar Wilde’s tormented tour de force written as he prepared for release from Reading jail. - The Varieties of Religious Experience – William James (1902)
This revolutionary work written by Henry James’s less famous brother brought a democratising impulse to the realm of religious belief. - Brief Lives – John Aubrey, edited – Andrew Clark (1898)
Truly ahead of his time, the 17th-century historian and gossip John Aubrey is rightly credited as the man who invented biography. - Personal Memoirs – Ulysses S Grant (1885)
The civil war general turned president was a reluctant author, but set the gold standard for presidential memoirs, outlining his journey from boyhood onwards. - Life on the Mississippi – Mark Twain (1883)
This memoir of Samuel Clemens’s time as a steamboat pilot provides insight into his best-known characters, as well as the writer he would become. - Travels With a Donkey in the Cévennes – Robert Louis Stevenson (1879)
The Scottish writer’s hike in the French mountains with a donkey is a pioneering classic in outdoor literature – and as influential as his fiction. - Nonsense Songs – Edward Lear (1871)
The Victorians loved wordplay, and few could rival this compendium of verbal delirium by Britain’s “laureate of nonsense”. - Culture and Anarchy – Matthew Arnold (1869)
Arnold caught the public mood with this high-minded but entertaining critique of Victorian society posing questions about the art of civilised living that still perplex us. - On the Origin of Species – Charles Darwin (1859)
Darwin’s revolutionary, humane and highly readable introduction to his theory of evolution is arguably the most important book of the Victorian era. - On Liberty – John Stuart Mill (1859)
This fine, lucid writer captured the mood of the time with this spirited assertion of the English individual’s rights. - The Wonderful Adventures of Mrs Seacole in Many Lands – Mary Seacole (1857)
A gloriously entertaining autobiography by the widely revered Victorian sometimes described as “the black Florence Nightingale”. - The Life of Charlotte Brontë – Elizabeth Gaskell (1857)
Possibly Gaskell’s finest work – a bold portrait of a brilliant woman worn down by her father’s eccentricities and the death of her siblings. - Walden – Henry David Thoreau (1854)
This account of one man’s rejection of American society has influenced generations of free thinkers. - Thesaurus – Dr Peter Mark Roget (1852)
Born of a Victorian desire for order and harmony among nations, this guide to the English language is as unique as it is indispensable. - London Labour and the London Poor – Henry Mayhew (1851)
The influence of the Victorian journalist’s detailed, dispassionate descriptions of London lower-class life is clear, right up to the present day. - Household Education – Harriet Martineau (1848)
This protest at the lack of women’s education was as pioneering as its author was in Victorian literary circles. - Narrative of the Life of Frederick Douglass, an American Slave – Frederick Douglass (1845)
This vivid memoir was influential in the abolition of slavery, and its author would become one of the most influential African Americans of the 19th century. - Essays – RW Emerson (1841)
New England’s inventor of “transcendentalism” is still revered for his high-minded thoughts on individuality, freedom and nature expressed in 12 essays. - Domestic Manners of the Americans – Frances Trollope (1832)
Rich in detail and Old World snobbery, Trollope’s classic travelogue identifies aspects of America’s national character still visible today. - An American Dictionary of the English Language – Noah Webster (1828)
Though a lexicographical landmark to stand alongside Dr Johnson’s achievement, the original sold only 2,500 copies and left its author in debt. - Confessions of an English Opium-Eater – Thomas De Quincey (1822)
An addiction memoir, by the celebrated and supremely talented contemporary of Coleridge and Wordsworth, outlining his life hooked on the the drug. - Tales from Shakespeare – Charles and Mary Lamb (1807)
A troubled brother-and-sister team produced one of the 19th century’s bestselling volumes and simplified the complexity of Shakespeare’s plays for younger audiences. - Travels in the Interior Districts of Africa – Mungo Park (1799)
The Scottish explorer’s account of his heroic one-man search for the river Niger was a contemporary bestseller and a huge influence on Conrad, Melville and Hemingway. - The Autobiography of Benjamin Franklin – Benjamin Franklin (1793)
The US founding father’s life, drawn from four different manuscripts, combines the affairs of revolutionary America with his private struggles. - A Vindication of the Rights of Woman – Mary Wollstonecraft (1792)
This radical text attacked the dominant male thinkers of the age and laid the foundations of feminism. - The Life of Samuel Johnson LLD – James Boswell (1791)
This huge work is one of the greatest of all English biographies and a testament to one of the great literary friendships. - Reflections on the Revolution in France – Edmund Burke (1790)
Motivated by the revolution across the Channel, this passionate defence of the aristocratic system is a landmark in conservative thinking. - The Interesting Narrative of the Life of Olaudah Equiano – Olaudah Equiano (1789)
The most famous slave memoir of the 18th century is a powerful and terrifying read, and established Equiano as a founding figure in black literary tradition. - The Natural History and Antiquities of Selborne – Gilbert White (1789)
This curate’s beautiful and lucid observations on the wildlife of a Hampshire village inspired generations of naturalists. - The Federalist Papers – ‘Publius’ (1788)
These wise essays clarified the aims of the American republic and rank alongside the Declaration of Independence as a cornerstone of US democracy. - The Diary of Fanny Burney (1778)
Burney’s acutely observed memoirs open a window on the literary and courtly circles of late 18th-century England. - The History of the Decline and Fall of the Roman Empire – Edward Gibbon (1776-1788)
Perhaps the greatest and certainly one of the most influential history books in the English language, in which Gibbon unfolds the narrative from the height of the Roman empire to the fall of Byzantium. - The Wealth of Nations – Adam Smith (1776)
Blending history, philosophy, psychology and sociology, the Scottish intellectual single-handedly invented modern political economy. - Common Sense – Tom Paine (1776)
This little book helped ignite revolutionary America against the British under George III. - A Dictionary of the English Language – Samuel Johnson (1755)
Dr Johnson’s decade-long endeavour framed the English language for the coming centuries with clarity, intelligence and extraordinary wit. - A Treatise of Human Nature – David Hume (1739)
This is widely seen as the philosopher’s most important work, but its first publication was a disaster. - A Modest Proposal – Jonathan Swift (1729)
The satirist’s jaw-dropping solution to the plight of the Irish poor is among the most powerful tracts in the English language. - A Tour Through the Whole Island of Great Britain – Daniel Defoe (1727)
Readable, reliable, full of surprise and charm, Defoe’s Tour is an outstanding literary travel guide. - An Essay Concerning Human Understanding – John Locke (1689)
Eloquent and influential, the Enlightenment philosopher’s most celebrated work embodies the English spirit and retains an enduring relevance. - The Book of Common Prayer – Thomas Cranmer (1662)
Cranmer’s book of vernacular English prayer is possibly the most widely read book in the English literary tradition. - The Diary of Samuel Pepys – Samuel Pepys (1660)
A portrait of an extraordinary Englishman, whose scintillating firsthand accounts of Restoration England are recorded alongside his rampant sexual exploits. - Hydriotaphia, Urn Burial, or A Brief Discourse of the Sepulchral Urns Lately Found in Norfolk – Sir Thomas Browne (1658)
Browne earned his reputation as a “writer’s writer” with this dazzling short essay on burial customs. - Leviathan – Thomas Hobbes (1651)
Hobbes’s essay on the social contract is both a founding text of western thought and a masterpiece of wit and imagination. - Areopagitica – John Milton (1644)
Today, Milton is remembered as a great poet. But this fiery attack on censorship and call for a free press reveals a brilliant English radical. - Devotions Upon Emergent Occasions – John Donne (1624)
The poet’s intense meditation on the meaning of life and death is a dazzling work that contains some of his most memorable writing. - The First Folio – William Shakespeare (1623)
The first edition of his plays established the playwright for all time in a trove of 36 plays with an assembled cast of immortal characters. - The Anatomy of Melancholy – Robert Burton (1621)
Burton’s garrulous, repetitive masterpiece is a compendious study of melancholia, a sublime literary doorstop that explores humanity in all its aspects. - The History of the World – Walter Raleigh (1614)
Raleigh’s most important prose work, close to 1m words in total, used ancient history as a sly commentary on present-day issues. - King James Bible: The Authorised Version (1611)
It is impossible to imagine the English-speaking world celebrated in this series without the King James Bible, which is as universal and influential as Shakespeare.
This article was amended on 9 April 2018.
– – – – –
Bài này vẫn còn mở, sẽ được cập nhật khi có thêm thông tin.
Diệp Minh Tâm – Cập nhật: tháng 9/2020
[…] Xem thêm: Giới thiệu sách không hư cấu – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/11/23/gioi-thieu-sach-khong-hu-cau/ […]