Giới thiệu tác giả và tác phẩm “Persuasion”

J AustenTác giả

Jane Austen sinh ngày 16-12-1775 tại Steventon, Hants, Anh quốc, là người thứ bảy trong tám người con của Mục sư George Austen (1731-1805), cai quản giáo xứ Steventon, và bà Cassandra Leigh (1739-1827). Người thân thiết nhất trong cuộc đời tác giả là cô chị Cassandra; cả hai không bao giờ kết hôn. Ông bố là một học giả luôn khuyến khích con cái tính ham học hỏi. Tuy thế, tác giả không được tiếp thu nhiều giáo dục từ nhà trường mà chủ yếu được ông bố dạy học, và cũng có điều kiện đọc nhiều sách vở. Không khí gia đình sống động và yêu thương, cộng thêm những mối quan hệ rộng rãi với họ hàng và bạn hữu, đều cung cấp bối cảnh cho các tác phẩm của tác giả.

Từ tuổi nhỏ, Jane Austen bắt đầu viết những vở kịch ngắn và tiểu phẩm nhằm tạo vui thú trong gia đình, tiếp theo là một ít thơ và văn xuôi. Tác giả sử dụng khung cảnh đời sống của mình – vùng nông thôn, giáo xứ, láng giềng, những thị trấn miền quê, cùng những chuyến thăm viếng đến các thành phố Bath và London – để lấy chất liệu cho những tình huống, cá tính và đề tài trong các tác phẩm của mình. Riêng trong truyện Persuasion, tác giả cũng sử dụng chất liệu từ người anh Francis Austen và em trai Charles Austen; cả hai đều là hạm trưởng tầu chiến và lập những chiến công tương tự như Đại tá Wentworth trong truyện này.

Năm 1802, dường như tác giả nhận lời kết hôn với Harris Bigg-Wither, 21 tuổi, nhưng sau đó cô thay đổi ý định. Không ai biết rõ về cuộc đời tình ái của tác giả ngoại trừ những mẩu chuyện mâu thuẫn nhau. Cô chị Cassandra luôn muốn bảo vệ chi tiết đời tư của em gái, nên sau khi tác giả qua đời, cô tiêu hủy rất nhiều thư từ của tác giả để lại. Nhưng các tác phẩm cho thấy Jane Austen thông hiểu kinh nghiệm của tình yêu và của tình tuyệt vọng.

Tác phẩm đầu tiên, Elinor and Mariane, được bắt đầu phác thảo vào khoảng năm 1784, nhưng phải đợi đến năm 1811 qua nhiều bổ sung và chuyển thể mới được xuất bản dưới tựa Sense and Sensibility, chỉ ghi tác giả là “A Lady” (Một Phụ nữ), với chi phí tác giả tự bỏ ra. Kế tiếp, truyện Pride and Prejudice được phác thảo trong thời gian 1796-1797 nhưng lúc ấy bị nhà xuất bản từ chối nhận in, và đến năm 1813 mới được ra mắt người đọc, ghi tác giả là “Tác giả của Sense and Sensibility”. Thêm tác phẩm Mansfield Park được xuất bản năm 1814 và Emma năm 1815, vào thời gian các tác phẩm của Jane Austen đã được biết đến tuy người đọc chưa biết ai là tác giả. Một nhà phê bình văn học có uy tín ca ngợi “tác giả không tên” là ngòi bút tuyệt diệu của “tiểu thuyết hiện đại” trong truyền thống mới về hiện thực.

Sống với gia đình của mình trong suốt cuộc đời, tác giả bắt đầu chớm căn bệnh Addison (thoái hóa tuyến thượng thận) vào năm 1816 và qua đời ngày 18-7-1817, chỉ hưởng thọ 42 tuổi.

Sau khi tác giả qua đời, lần đầu tiên tên thật Jane Austen mới xuất hiện năm 1817, trên hai truyện Northanger AbbeyPersuasion.

Một số bản thảo không hoàn chỉnh được xuất bản sau khi Jane Austen qua đời. Các tiểu thuyết gồm có The Watsons (1923), Fragment of a Novel (1925), và Plan of a Novel (1926). Thư từ của cô được tổng gộp lại trong quyển Her Life and Letters – A Family Record (1913), kế tiếp là Jane Austen’s Letters (1932), ấn bản chỉnh lý (1952).

Nhận định về Jane Austen

Tuy được một số nhà phê bình văn học đương thời tán thưởng, tác giả chỉ được công chúng chú ý chút ít khi còn sống, và từ năm 1811 giới văn học Anh mới bắt đầu đánh giá cao. Khoảng ba thập kỷ sau khi tác giả qua đời, công luận thế giới bắt đầu có những nhận xét nghiêm túc và nồng nhiệt hơn. Từ bấy giờ đến nay Jane Austen đều được đánh giá như là một trong những tác giả tiểu thuyết đặc sắc nhất của nền văn học Anh quốc. Nhiều câu lạc bộ của những người yêu thích Jane Austen đã được thành lập ở Argentina, Úc, Nhật, Mỹ… và dĩ nhiên là ở Anh quốc.

Jane Austen được xem là nhà văn đã mang đến cho nền tiểu thuyết tính cách hiện đại độc đáo qua văn phong hài hước để phê phán thói hư tật xấu trong đời thường. Các nhà phê bình văn học ca ngợi tiểu thuyết của tác giả về giá trị đạo đức lẫn tính chất giải trí; họ cũng yêu mến việc tả chân cá tính con người và đánh giá cao tính hiện thực giản đơn. Những phong cách này đem đến cho người đọc một thay đổi sảng khoái so với cách viết cường điệu lãng mạn đang thịnh hành thời bấy giờ. Trong khi nền tiểu thuyết của Anh quốc phát sinh vào đầu thế kỷ 18, các tác phẩm của Jane Austen tạo ra không khí mới mẻ qua việc tả chân những con người trung bình trong những bối cảnh thông thường.

Đặc biệt, Jane Austen dựng lên bộ khung khôi hài của giới thượng lưu và trung lưu Anh quốc vào thời đại của mình, mở đầu xu hướng cho nền “tiểu thuyết gia đình” khi xói vào cung cách, nhân phẩm, và sự căng thẳng giữa các nhân vật nữ và xã hội mà họ đang sống. Jane Austen thoát khỏi mô-típ văn học của thời đại cô sống, vốn vẫn đưa ra nhân vật nữ luôn có đức độ, truyện tình luôn thơ mộng, và những sự kiện ngẫu nhiên gây đột biến cho câu chuyện. Việc thoát ra khỏi khuôn sáo như thế giúp cho tiểu thuyết của tác giả có mối tương quan gần gũi với thế giới đương đại hơn là những truyền thống của thế kỷ 18.

Tóm lại, qua các tác phẩm của Jane Austen, người đọc có thể nhận ra những mẫu người “trần thế”, không tuyệt vời mà cũng không tồi tệ, nhưng phức tạp, trong bối cảnh tình yêu và lãng mạn bị chi phối bởi kinh tế và bản chất thật của con người, qua đấy họ thể hiện “tài” và “tật” mà gia đình và xã hội đã góp phần đúc khuôn họ.

Tác phẩm Persuasion

Khi viết quyển Persuasion, Jane Austen đang ngã bệnh. Đây là tiểu thuyết cuối cùng hoàn chỉnh của cô.

Trong khi Pride and Prejudice thường được được xem là truyện nổi tiếng nhất của Jane Austen, một số người đọc cho biết họ thích nhất truyện tình đầy cảm xúc Persuasion trong số các tác phẩm của tác giả. Giới phê bình cũng cho rằng trong số các tác phẩm của Jane Austen, Persuasion có nội dung nồng nàn, sâu lắng nhất. Điều này cho thấy Persuasion có một chỗ đứng nhất định trong văn học. Nổi bật đặc biệt là sự miêu tả những trạng thái tâm hồn của nhân vật chính, Anne Elliot, trong quá trình trưởng thành: từ thơ ngây cả tin đến kinh động hoang mang rồi rắn rỏi cả quyết; từ bản tính dễ bị thuyết phục đến cá tính nhất quyết định đoạt cuộc đời mình.

Anne Elliot là con gái thứ hai của Tòng nam tước Walter Elliot, bị ông bố và chị khinh rẻ (có ý kiến so sánh như là Cinderella!). Tám năm về trước, Anne và anh Wentworth tha thiết yêu nhau trong khi anh này còn nghèo, không có gia sản, chưa có sự nghiệp. Vì nghe theo lời thuyết phục của Phu nhân Russell – người đóng vai trò mẹ đỡ đầu của cô – cho rằng Wentworth không xứng đáng, Anne cắt đứt quan hệ tình cảm với Wentworth. Bây giờ, Wentworth trở về sau khi hòa bình được tái lập, trong tư cách một đại tá với chiến công hiển hách và một gia sản to tát nhờ tiền thưởng trong cuộc chiến. Cùng lúc, ông bố đang lâm vào cảnh nợ nần do chi tiêu phung phí. Trong khi ấy, người thừa kế tài sản và tước vị của Ngài Walter là anh Elliot bắt lại mối quan hệ với gia đình ông và có ý muốn cưới Anne. Liệu Anne sẽ bị thuyết phục bởi viễn cảnh làm Phu nhân một tòng nam tước và cũng là bà chủ một gia sản to tát, hay cô lại bị Phu nhân Russell thuyết phục nhầm lẫn, hay cô sẽ thuyết phục anh Wentworth kiềm chế sự ghen tị và mặc cảm đối với anh Elliot mà nối lại cuộc tình?

Trong truyện này, tác giả đặc biệt xói mạnh vào giới quý tộc, mà biểu trưng là Ngài Walter với thói phù hoa thậm tệ. Vì thói phù hoa như thế mà ông chi li trong việc chọn người thuê nhà cho xứng với địa vị của mình: người thuê là Đô đốc thì nghe hay hơn là “Ông” được gọi một cách trống trơn. Rồi khi nghe tin vợ chồng Đô đốc Croft đến Bath, ông chỉ muốn tìm hiểu nơi cư ngụ của hai người để xem có xứng cho mình đến thăm hay không! Đến con gái lớn của ông cũng lây bệnh phù hoa của bố: sau khi cho thuê nhà rồi hai bố con đi ở thuê nơi khác, vợ chồng em gái từ xa đến mà cô chị cảm thấy khó xử nếu mời bên thông gia đến dùng bữa vì e bên ấy thấy số người hầu bàn ăn của bên mình ít hơn trước!

Khi xói vào giới trung lưu thì Persuasion cũng mạnh mẽ hơn các tác phẩm trước của Jane Austen. Dựa theo những nhận xét sơ khởi của Anne, tác giả dùng những từ ngữ miêu tả anh Elliot như “thanh nhã”, “dung dị”, “dễ mến”, “nhậy cảm”, “nhận thức sáng suốt”, “ý kiến hay”, “phán xét đúng lý”, “có nguyên tắc”, “thận trọng”, “lịch sự”…. Sau đó, Anne đâm ra hồ nghi vì anh “quá dễ mến”. Dần dà sự thật về con người anh bộc lộ: “tàn nhẫn”, “tráo trở”, “đạo đức giả”, “gian xảo”, “giả tạo”, “vô cảm”, “vô ơn”, “vô nhân tính”, “ích kỷ”, “lừa dối”. Còn ngôn từ nào khác để nêu bật hơn bản chất thật trái ngược với vẻ bề ngoài tốt đẹp?

Truyện Persuasion mang đến vài sắc thái mới lạ so với những tác phẩm đi trước của tác giả. Ví dụ như việc tả chân một số nhân vật ở giai cấp thấp, như chị Clay và chị Smith. Họ có những điểm xấu–tốt nhưng khác biệt với những cái  xấu–tốt của giai cấp trung lưu và quý tộc. Tình thân ái giữa cô Anne Elliot thuộc giới quý tộc và chị Smith thuộc giới bần hàn cũng soi rọi một nét độc đáo trong sự nghiệp văn học của Jane Austen. Riêng cô Điều dưỡng Rooke là hình tượng công nhân mới mẻ mà tác giả vừa miêu tả chi tiết vừa so sánh với giới có học vấn cao hơn nhưng vô dụng hơn.

Vì những sắc thái trên mà tính nhân văn trong truyện Persuasion vô cùng thắm đượm, hơn hẳn những truyện trước của Jane Austen.

Bối cảnh xã hội–lịch sử

Câu chuyện diễn ra sau khi nền hòa bình vừa được tái lập, chấm dứt những trận chiến mà Anh quốc tham gia chống lại nước Pháp dưới triều Hoàng đế Napoléon trong giai đoạn 1799-1815. Các nhân vật trong truyện: Đô đốc Walter và các Đại tá Wentworth, Harville và Benwick vừa trở về nước sau cuộc chiến. Đô đốc Croft tham gia trận Trafalgar, là trận đánh nổi tiếng diễn ra giữa hải quân Anh dưới quyền Đô đốc Nelson và hải quân Pháp-Tây Ban Nha ngày 21/10/1805, ở ngoài khơi Mũi Trafalgar, vùng biển phía nam Tây Ban Nha, mang lại chiến thắng vang dội cho Anh. Trong cuộc chiến vào thời ấy, khi sĩ quan hải quân Anh lập chiến công (kể cả công đánh bắt hải tặc hoặc bắt tầu buôn của nước thù địch) thì được nhận phần thưởng vật chất khá hậu hĩnh, nên người có nhiều chiến công trở nên khá giả, nhất là khi họ được chia phần trong số của cải tịch thu từ tầu hải tặc hoặc tầu thù địch. Nhờ những chiến công như thế, Đại tá Wentworth có tài sản lên đến hai mươi lăm nghìn bảng, là số tiền lớn nếu ta biết 1 bảng vào thời đó tương đương với 100-200 đô la Mỹ hiện giờ.

Một trong những sắc thái xã hội thường được đề cập trong các tác phẩm của Jane Austen, kể cả Persuasion, là việc thừa kế theo thứ tự. Đây là hệ thống bị ràng buộc theo một thứ tự đã được định trước cho từng người trong gia tộc, vào thời gian này ở Anh quốc chỉ dành cho nam giới. Mục đích chính của quy định thừa kế theo thứ tự nhằm tránh chia manh mún bất động sản sau mỗi lần thừa kế. Khi người đàn ông gia trưởng đang giữ quyền thừa kế qua đời, toàn bộ bất động sản phải được chuyển giao cho người đứng đầu trong thứ tự thừa kế ở thời điểm đó (tương tự như thứ tự lên ngôi của các hoàng tử Anh); phụ nữ thường chỉ nhận thừa kế những đồ dùng trong nhà, cùng lắm là một khoản tiền nho nhỏ. Vì người anh cả nhận thừa kế làm chủ tất cả đất đai, trang trại, biệt thự…, các em trai phải lo kiếm nghề trước để tự nuôi sống: buôn bán, làm luật sư, thầy giáo, ứng cử vào Nghị viện, gia nhập quân ngũ, gia nhập giáo hội, v.v…

Một hậu quả của việc này là con trai trưởng có vị thế cao hơn nhiều so với các em trai. Trong truyện Persuasion, anh Charles Musgrove cho rằng em gái Henrietta nên lấy Charles Hayter vì lý do chủ yếu anh này là con trai trưởng! Một hậu quả khác là chỉ còn con đường duy nhất để đảm bảo tương lai cho người con gái: lấy chồng giầu! Do vậy mà phát sinh mối ưu tư lớn lao của những bà mẹ có con gái, đến nỗi bậc cha mẹ trong các truyện của Jane Austen không giáo huấn cho con gái nhiều về tình yêu và hôn nhân, với chủ kiến con gái chỉ cần đẹp để lấy chồng giầu! Riêng trong truyện Persuasion, Ngài Walter yêu mến nhất cô con gái lớn Elizabeth chủ yếu vì cô đẹp hơn hai em gái, qua đấy hy vọng cô lấy được người xứng với tiêu chí phù hoa của ông.

 

Ch20_Of all the consequence in their power
Minh họa nhân vật quý tộc

Điểm đặc biệt khác trong truyện Persuasion là tính cách giai cấp rõ nét, đặc biệt là giai cấp quý tộc. Ngài Walter Elliot là tòng nam tước, là tước vị giai cấp quý tộc bậc thấp, đứng dưới nam tước (cha truyền con nối) và chỉ đứng trên hiệp sĩ (không được truyền cho con). Tước vị này được truyền từ ông tổ của dòng họ Elliot phục vụ triều đại Charles II (1630-1685), là vua trị vì nước Anh, kiêm vua Scotland và Ireland trong giai đoạn 1660-1685. Đến Thế kỷ 18, triều đình Anh bán nhiều tước vị đồng thời với việc phong tặng tước vị cho người xứng đáng thật sự. Vì thế, lời lẽ anh Elliot dè bỉu việc mua bán tước vị là có cơ sở.

Tuy là quý tộc bậc thấp, thói phù hoa của Ngài Walter lại lên đến cao độ, được thể hiện ở chỗ ông không đọc sách gì khác nhưng vẫn luôn trân trọng quyển Danh bạ Nam tước (nguyên văn “Baronetage”) mà Deirdre Le Faye trong quyển Jane Austen: The World of Her Novels cho rằng  đó là The Baronetage of England with a List of Extinct Baronets, 1800 [Danh bạ Tòng nam tước với Danh mục Nam tước không kế vị tính đến 1800], của John Debrett, xuất bản năm 1808. Vì tử tước cao hơn tòng nam tước của Ngài Walter hai bậc, ông rất thiết tha muốn tiếp cận và củng cố mối giao tiếp với Phu nhân Tử tước góa bụa Dalrymple, chị họ của ông.

Trong giới gia nhân, người phục vụ chủ có địa vị cao được xem là cao hơn người phục vụ chủ có địa vị thấp, qua đó có thứ bậc trong số những gia nhân. Khi người chủ như Ngài Walter có tính phù hoa về địa vị thì tính phù hoa ấy cũng lan đến những gia nhân của ông.

Mỗi dòng họ quý tộc có một huy hiệu riêng, được in trên giấy viết thư của dòng họ, được gắn trên cỗ xe, thêu trên lá cờ treo trước ngôi gia cư… Mỗi dòng họ quý tộc có chế phục riêng, tức trang phục với mầu sắc và kiểu dáng đặc trưng; riêng gia nhân của mỗi dòng họ quý tộc cũng có chế phục đặc trưng, nên người có hiểu biết nhìn gia nhân có thể nhận ra dòng họ chủ nhân. Nhưng khi nhà quý tộc để tang thì gia nhân cũng để tang theo, và tất cả không mặc chế phục mà mặc trang phục đơn giản mầu đen. Chính vì thế mà Mary khi trông thấy anh Elliot đang để tang thì không nhận ra dấu hiệu gia tộc trên trang phục anh.

Ngoài giới quý tộc, giới địa chủ thường được thể hiện trong các tác phẩm của Jane Austen, biểu trưng trong truyện Persuasion là gia đình Musgrove. Vị thế của một người trong xã hội không phải dựa trên nghề nghiệp, mà là dựa trên giai cấp. Chính vì vậy mà Mary có đòi hỏi về vị thế theo giai cấp: cô cho rằng vì mình là con gái của một tòng nam tước, trong nghi thức (như thứ tự khi lên xuống cỗ xe, đi vào phòng họp mặt hoặc vào nhà thờ…, vị trí ngồi ở bàn ăn…) cô phải có vị thế cao hơn mẹ chồng vốn chỉ là dân thường! Thế mà người trong gia đình bà Musgrove chỉ nhỏ nhẹ nói “cô ấy đừng cố chấp như thế”, tức mặc nhiên chấp nhận sự khác biệt theo giai cấp chứ không trách cô con dâu xấc xược! Cũng cô em út này cứ lo lắng nếu chị Anne của mình cưới một nhà quý tộc thì mình sẽ mất vị thế! Mà vị thế này được thể hiện qua từng việc nhỏ nhặt. Chẳng hạn, Elizabeth vì là con gái lớn một nhà quý tộc, nên ở những buổi hội họp trong vùng cô tháp tùng ngay theo sau Phu nhân Russell, tức là cô có vị thế thứ hai (thay mặt cho ông bố), chỉ kém mẹ nuôi Phu nhân Russell.

Việc thừa kế tước vị cũng đi đôi với việc thừa kế gia sản theo thứ tự. Vì thế, anh Elliot vốn là người thừa kế của Ngài Walter, sẽ trở thành tòng nam tước khi ông qua đời, và vợ anh sẽ được gọi là Phu nhân. Trong một thời gian, cương vị Phu nhân và là bà chủ của tất cả bất động sản do bố cô để lại không phải là thiếu hấp dẫn đối với Anne.

Tác giả nhắc đến chế độ phong kiến, nhưng nên hiểu vào thời ấy ở Anh quốc là chế độ trong đó địa chủ là các nhà quý tộc, cho nông dân thuê đất và chăm lo đời sống của họ, đổi lại nông dân có nghĩa vụ làm việc cho địa chủ. Vì thế, “phong kiến” trong bối cảnh này không có nghĩa xấu. Biết được như thế, ta mới hiểu tại sao anh Elliot ủng hộ Ngài Walter mà không muốn thay đổi chế độ này.

Bối cảnh địa lý

Bối cảnh địa lý trong truyện Persuasion rộng hơn so với các tác phẩm của Jane Austen.

Có ba bối cảnh địa lý chủ yếu. Thứ nhất là vùng đồng quê ở Somersetshire trong Hạt Somerset ở miền tây-nam nước Anh, thủ phủ hạt này là thị trấn Taunton, cách London khoảng 220 kilômét về hướng tây. Nằm trong một vùng kề cận nhau là ba khu gia cư: Dinh thự Kellynch của gia đình Ngài Walter, Biệt thự Uppercross của anh Charles Musgrove và vợ Mary, và Đại Biệt thự của ông bà Musgrove.

Bối cảnh thứ hai là Lyme (tức Lyme Regis) thuộc Hạt West Dorset, nơi vợ chồng Đại tá Harville và người bạn Benwick cư ngụ. Lyme là một địa danh nổi tiếng mà tác giả cùng gia đình đã đến chơi và có ấn tượng tốt, cách London khoảng 200 kilômét về hướng tây-nam, là một thắng cảnh đẹp nhìn ra Biển Manche, thu hút nhiều khách du lịch. Hiện vùng này nằm trong khu Di sản Thế giới do những di tích địa chất và cổ sinh vật học thuộc Kỷ Jurassic. Vào thời của Jane Austen, Lyme cũng là nơi lính hải quân Anh nghỉ dưỡng giữa những chuyến ra khơi. Cũng có thợ đóng tầu, ngư phủ, thợ phá dỡ tầu, dân buôn lậu; và hẳn một nhóm tạp nhạp như thế đã kéo đến xem khi Louisa gặp tai nạn ở chân một con đê biển dài và cao, được gọi là “Cobb”. Cái tên này được cho là phát xuất từ “cobble” (đá cuội, một vật liệu dùng xây nên công trình này) hoặc là “coble” (thuyền nhỏ đáy bằng). Là một kết cấu độc nhất loại này ở Anh quốc, Cobb được xây vào thời trung cổ theo hình vòng cung, có mục đích vừa chắn sóng vừa tạo ra một cảng nhỏ cho tầu thuyền ẩn trú.

The cobb in Persuation 2
Kết cấu Cobb

Bối cảnh thứ ba là thành phố Bath, nơi Ngài Walter thuê nhà sau khi cho thuê Dinh thự Kellynch, cũng là nơi Phu nhân Russell, chị Smith và Điều dưỡng Rooke cư ngụ, và Phu nhân Dalrymple cùng con gái đến chơi. Cách London khoảng 155 kilômét về hướng tây, Bath lúc đó là một thị trấn nhỏ, nơi tác giả sinh sống trong giai đoạn 1800-1805. Bath là nơi duy nhất ở nước Anh có suối nước nóng, nên nhiều người Anh khá giả đến đây với mục đích chữa bệnh và có thêm giao tiếp xã hội, giống như vài nhân vật trong truyện. Vì thế, ở một đoạn tác giả viết ngắn gọn về Phu nhân Russell là người “uống nước ấy”, có nghĩa là uống nước suối nóng ở Bath, mà vào thời ấy người ta tin chữa được một số bệnh. Trong giai đoạn 60-400, người La Mã chiếm đóng Bath, xây nên những nhà tắm hoành tráng sử dụng nguồn nước suối nóng nơi này, hiện đã được tôn tạo.

Từng khu vực được phân biệt theo giai cấp. Khu phố Camden là khu vực gia cư hạng cao cấp ở Bath, vì thế được Ngài Walter chọn thuê làm nơi cư ngụ cho xứng với tước vị của ông. Nằm ở đầu bắc của Bath, trên khu vực cao nhất, từ nơi này Ngài Walter có thể nhìn xuống toàn thị trấn bên dưới mà cảm thấy hãnh diện! Hiện giờ, khu phố này được gọi là “Camden Crescent”, là tòa nhà lớn và rộng, được xây hình lưỡi liềm (crescent). Khu phố Laura là một khu vực cao cấp khác xứng đáng với Phu nhân Tử tước Dalrymple, đối diện với trung tâm thị trấn bên kia Sông Avon, hiện nay vẫn còn.

Camden Crescent
Camden Crescent

White Hart, nơi nhóm của bà Musgrove cư ngụ, là khách sạn hạng sang, có dịch vụ chăm sóc ngựa xe cho khách. Vào thời của Jane Austen, nước suối nóng được bơm đến Phòng Bơm của White Hart để khách sử dụng cho tiện, cũng là nơi nhiều người tổ chức tụ họp. Năm 1867, White Hart được dỡ bỏ để xây lại thành Pump Room Hotel (Khách sạn Phòng bơm).

pump room 1804
Phòng Bơm, 1804

Với thói phù hoa của Ngài Walter thì khu vực cư ngụ thể hiện vị thế của người cư ngụ. Vì thế, ông không biết rõ chị Smith, bạn của con mình, là người như thế nào, mà chỉ cần biết chị cư ngụ ở Tòa nhà Westgate (dành cho người thu nhập thấp) là đủ cho ông khinh thường. Mặt khác, được biết vợ chồng Wallis cư ngụ ở Tòa nhà Marlborough (hạng khá sang) là ông cảm thấy vui trong mối giao tiếp, và tuy chưa gặp cô vợ vẫn khen ngợi “cô Wallis xinh đẹp”.

Vào thời của Jane Austen, nhiều khu vực của Bath còn lầy lội sau mỗi cơn mưa. Vì thế, nhiều phụ nữ thường mang loại guốc gỗ phía dưới đôi giầy thông thường để tránh bị vấy bẩn bùn. Loại guốc này tạo tiếng vang lộp cộp đặc trưng của Bath mà tác giả nhắc đến trong tác phẩm.

Thành phố Bath được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Phim ảnh dựa theo quyển Persuasion

  • 1960: Persuasion, phim truyền hình nhiều tập của BBC.
  • 1971: Persuasion, phim truyền hình nhiều tập của BBC.
  • 1995: Persuasion, phim dài dành cho truyền hình của BBC, một số ngoại cảnh được quay ở Lyme và Bath. Phim nhận giải thưởng BAFTA TV và RTS Television.
  • 2007: Persuasion, phim dài dành cho truyền hình của ITV1, một số ngoại cảnh được quay ở Lyme và Bath.

Ghi chú: truyện Persuasion có tựa đề bản dịch Thuyết phục do Diệp Minh Tâm dịch, Nhà Xuất bản Văn học in, Liên Việt tổng phát hành.

Diệp Minh Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *