Hai Bà Trưng và hai nhà thơ

Mùa xuân năm Canh Tý (tháng 3 năm 40), Trưng Nữ Vương hội quân ở Hát Môn làm lễ tế cờ chính thức phát động nhân dân cả nước khởi nghĩa đuổi giặc Hán, lật đổ ách thống trị của ngoại tộc. Nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy dưới cờ lệnh của Trưng Nữ Vương.

Các quận Nam Hải (đảo Hải Nam ngày nay), Cửu Chân (Bắc Việt ngày nay), Nhật Nam (Trung Việt ngày nay), Hợp Phố (Quảng Đông ngày nay) cũng nổi lên theo về với Hai Bà Trưng.

Năm Tân Sửu (41) hoàng đế Quang Vũ của nhà Đông Hán sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân cầm quân sang đánh Trưng Vương. Mã Viện là một danh tướng khét tiếng, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe. (Đền thờ Mã Viện được nhắc đến trong truyện Tam quốc diễn nghĩa.)

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi:
Hai bà rút quân về đóng ở Cẩm Khê (phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát Môn, thuộc huyện Phúc Lộc (nay là huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quí Mão (năm 43).

Tương truyền sau khi Hai Bà Trưng tử tiết ở sông Hát thì hóa thành tượng đá, trôi đến Thăng Long thì rẽ nước nhô lên. Nhân dân xã Đồng Nhân đưa về lập đền thờ. Đền Đồng Nhân được dựng từ năm 1160 đời vua Lý Anh Tông ở phường Bố Cái, tức là bãi Đồng Nhân, bên bờ sông Hồng. Năm 1819, vì bãi bị lở, dân dời đền vào khu vực trường Giảng Võ cũ của thời Lê, thuộc đất thôn Hương Viên, tổng Thanh Nhàn huyện Thọ Xương tức địa điểm hiện nay: đền thờ Hai Bà Trưng nằm ở số 12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hàng năm mở hội đền vào Mùng 6 tháng 2 âm lịch để ghi nhớ ngày đón tượng từ sông lên.

* * *

Người tổng hợp bài này đã đọc ở đâu đó (hiện không tìm lại được nguồn) được biết trong một cuộc thi thơ vào dịp lễ hội Hai Bà Trưng, nữ sĩ Ngân Giang đóng góp một bài thơ có tựa Trưng Nữ Vương đoạt giải nhất, rồi sau đó được đưa vào tập thơ Tiếng Vọng Sông Ngân.

Nguồn dưới đây ghi bài thơ ra đời năm 1934:
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2582-ngn-giang-th-p-ngi-p-ca-mun-ngi.aspx

Nữ sĩ Ngân Giang (1916-2002) có tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh tại Hà Nội, quê quán gốc ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thủ đô Hà Nội).

Lên 6 tuổi, Ngân Giang được cha dạy cho chữ Hán, học “ké” chữ quốc ngữ của một thầy xóm hàng xóm và được người bác gái làm nghề thuốc yêu thích thơ Đường, dạy cho cách làm thơ phú… Nhờ vậy, mới lên 8 tuổi, bà có bài thơ đầu tiên tên “Vịnh Kiều” đăng trên báo Đông Pháp, với bút danh Nguyệt Quyên.

3b43d-ngan2bgiang
Ngân Giang

Trong khi nhiều nhà thơ lãng mạn cùng thời chịu ảnh hưởng của văn chương phương Tây thì Ngân Giang vẫn gắn bó với thơ Đường luật và các thể thơ dân tộc. Suốt một đời người, nữ sĩ làm trên 4000 bài thơ, theo đó có thể nói bà là một nhà thơ có tác phẩm thơ nhiều nhất, nhì ở Việt Nam.

 

Trưng Nữ Vương
(Ngân Giang)
Thù hận đôi lần chau khoé hạnh
Một trời loáng thoáng ánh sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.

Ngang dọc non sông đuờng kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai!
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.

Lạc tướng quên đâu lời huyết hận
Non Hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm trống nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi
(Ngân Giang, Tiếng Vọng Sông Ngân, Hà Nội, 1939)

Có thể nghe giọng ngâm bài thơ này ở trang web sau:
https://www.youtube.com/watch?v=k_CpJ0sUDdw

Có một nhận xét như sau về bài thơ Trưng nữ vương:
Thật đặc biệt và cũng thật tinh tế, âm điệu toàn bài giống như một khúc bi hùng ca. Lẫn trong tiếng trống đồng, tiếng tù và, vừa rộn ràng, vừa uyển chuyển, diễn tả được hết niềm vui của người thắng trận; là tiếng rơi thật khẽ của những giọt nước mắt của người góa bụa trẻ thầm tủi cho thân phận cô đơn, lạnh lẽo của mình… Chỉ có phụ nữ mới có thể hiểu cạn cùng tâm trạng của một phụ nữ.”
[Đến với bài thơ Trưng nữ vương của Nữ sĩ Ngân Giang,
http://thoduongdatviet.com/12038/141/d/nws/den-voi-bai-tho-trung-nu-vuong-cua-ngan-giang.aspx]

* * *

Đúng 30 năm sau, nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng… Trong một tiết dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, thi sĩ Đông Hồ bình giảng cho sinh viên nghe bài thơ Trưng Nữ Vương. Đó là lúc hai miền đất nước còn chia cắt, nhà thơ Đông Hồ đang làm việc cho chính quyền miền Nam còn tác giả bài thơ đang ở miền Bắc. Nhưng Đông Hồ vẫn không ngại ngần gì mà ngâm nga bình giảng bài thơ đó giữa một giảng đường đại học lộng gió ở Sài Gòn. Thế rồi, biến cố xảy ra…

Theo ghi chép về lời bình giảng của nhà thơ – nhà giáo Đông Hồ:
Thơ về Hai Bà kể rất nhiều. Nhưng có điểm chung các tác giả đều là đàn ông. Họ chỉ nhìn khía cạnh Hai Bà yêu nước, diệt xâm lăng. Cho đến ngày thầy được xem bài của một nữ sĩ tên là Ngân Giang trong tập ‘Tiếng Vọng Sông Ngân’ mới chợt thấy: Trời ơi, có một điểm mà từ trước tới nay chưa một ai nghĩ tới, mà tới nay mới có một người nhìn thấy! Ðó là khi đánh đuổi quân Tàu, thắng khắp nơi, Bà Trưng vẫn là một người góa bụa. Dù chiến thắng nhiều, dù quân thù kinh hãi, bà vẫn là một người đàn bà đang có tang chồng. Phần trên bài thơ tả chiến thắng của Hai Bà, đến bốn câu kết thì thật tuyệt. Ðể thầy đọc các con nghe; ai thích thì chép. Ðọc xong khổ cuối “Trưng Nữ Vương,” Ðông Hồ đứng vịn vào tường, gục xuống…

[Ðông Hồ (1906-1969), nhập thần Trưng Nữ Vương
http://www.maiyeuem.net/topic/158875/%C3%90ong-Ho-1906-1969-nhap-than-Trung-Nu-Vuong]

Có lời kể khác về biến cố trong giờ bình giảng này:
Ngày 25 tháng 3 năm 1969, trên bục giảng của Đại học Văn khoa Sài Gòn, thi sĩ Đông Hồ ngâm và giảng về bài thơ này. Theo lời yêu cầu của sinh viên, ông ngâm 4 câu thơ trên [4 câu cuối]. Ông ngâm mãi câu “Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá“. Lúc đó cảm giác như hồn ông không còn ở trên giảng đường nữa. Ông đứng yên một chỗ, đôi tay gầy vòng trước ngực, lưng tựa vào bàn giáo sư và hướng về phía sinh viên. Tiếng ngâm của ông càng lúc càng nhỏ, cánh tay đưa lên giữa chừng dừng lại. Trạng thái đó diễn ra khá lâu, ông bỗng ngáp lên một tiếng thật dài mà không đưa tay che miệng. Hai tay ông đưa thẳng ra và sắp ngã. Một sinh viên ngồi phía trước chạy vội lên đỡ và dìu ông ngồi xuống ghế. Sau đó ông được đưa đến Bệnh viện Saint Paul, lúc đó là 12h trưa, đến 19 giờ 30 thì ông qua đời.”
[Câu thơ hay… chết người và lỗi chính tả
http://tacphammoi.net/cau-tho-haychet-nguoi-va-loi-chinh-ta_n1068.aspx]

Theo Lê Thọ Bình:
Cái chết của thi sĩ-nhà giáo Đông Hồ trong lúc trình diễn bài thơ của nữ sỹ Ngân Giang được xác định là do chấn động tâm lý, dẫn tới cơn tai biến mạch máu não.

Đây được xem là một trong những giai thoại văn chương đẹp nhất từ trước tới nay.

Sau này tôi [Lê Thọ Bình] có đem câu chuyện này kể lại cho bà [Ngân Giang] nghe, bà ý nhị bảo, bà cũng chỉ nghe người ta đồn thổi thế thôi.”

[13 năm ngày mất của nữ sĩ Ngân Giang (17/8/2002-17/8/2015): “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen…”
http://dantri.com.vn/van-hoa/tai-tinh-chi-lam-cho-troi-dat-ghen-20150817080105084.htm]

Cái chết của một nhà thơ trong Nam khi bình giảng về tác phẩm của một nhà thơ ngoài Bắc thật là một thi thoại văn chương tạo nhiều cảm xúc.

Về việc này, nhà thơ Chiêu Dương viết bài Cảm thương: “Ai đem tang tóc vào thơ, Ngâm câu điện ngọc, Đông Hồ ra đi…”

* * *

Tản mạn một ít về nhà thơ Đông Hồ (1906-1969).

Ông tên thật là Lâm Tấn Phác, sinh tại Hà Tiên. Do tổ tiên mấy đời đều ở ven Đông Hồ Ấn Nguyệt, một thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh, nên khi bắt đầu sáng tác ông lấy bút hiệu là Đông Hồ.

Ông được đánh giá là một nhà giáo, nhà thơ, chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt và là một người nhiệt tình với văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngoài thơ, Đông Hồ còn viết văn, ký, khảo cứu, văn học sử. Về văn, ông viết từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại.

Vào năm 1926, tức lúc mới tròn hai mươi tuổi, ông thành lập Trí Đức học xá bên bờ Đông Hồ để dạy chữ quốc ngữ. Bên cạnh việc dạy tại chỗ, Trí Đức học xá còn mở cả hệ hàm thụ để học sinh ở xa có thể luyện tập được tiếng Việt.

Với sự nỗ lực vượt bậc của trưởng giáo Lâm Tấn Phác và các học trò, Trí Đức học xá gây được một tiếng vang đáng kể trong nước. Nhưng do bị thực dân Pháp dòm ngó, nghi kỵ, nên năm 1934 Trí Đức học xá rồi phải đóng cửa sau tám năm tồn tại. Riêng lớp hàm thụ vẫn còn được tiếp tục một thời gian, ai thích văn chương thì cứ gửi thư cho ông và ông rất nhiệt tình sửa chữa giúp.

Từ năm 1965, ông được mời giảng dạy tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.

1ead9-dong2bho
Đông Hồ

Một trong những bài thơ nổi tiếng của Đông Hồ và người tổng hợp bài này thích nhất có tựa Mua áo – thích nhất vì thấy lời thơ và ý tình quá dễ thương!

 

Mua áo
(Đông Hồ)
– Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi
Em đâu còn áo mặc đi chơi
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!

– Hàng bông mai biếc màu em thích
Màu với hàng, em đã dặn rồi
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?

– Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai?
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!

(Tổng hợp: Diệp Minh Tâm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *