“Lịch sử sẽ tha bổng cho tôi” – Fidel Castro

Fidel Castro (1926-2016) là nhà lãnh đạo của Cuba trong giai đoạn 1959-2011. Ông lên cầm quyền sau cuộc Cách mạng Cuba bằng vũ lực để lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista. Ông trở thành Thủ tướng Cuba năm 1961 và không lâu sau đó đình chỉ mọi cuộc bầu cử tự do dân chủ và cũng đình chỉ hiệu lực của bản hiến pháp. Cho đến năm 1976, một bản hiến pháp mới được ban hành trong đó quyền bầu cử bị hạn chế.

Năm 1965 ông trở thành Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba và lãnh đạo cuộc chuyển tiếp Cuba trở thành một nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa độc đảng. Năm 1976 ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông cũng giữ cấp bậc tối cao quân đội Comandante en Jefe (“Tổng chỉ huy”) các lực lượng vũ trang Cuba.

Năm 2006, Castro chuyển giao các chức vụ của mình cho Phó chủ tịch thứ nhất, đồng thời là em trai ông, Raúl Castro.

Năm 2012, ông được Tạp chí TIME bình chọn là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Vào ngày 26 tháng 7 năm 1953, luật sư trẻ tuổi Fidel Castro phát động một cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Fulgencio Batista bằng cách cầm đầu một nhóm chiến sĩ cách mạng tấn công pháo đài quân đội Moncada ở Santiago. Cuộc nổi dậy thất bại, và Castro bị đưa ra tòa án xét xử bí mật.

Tại phiên tòa, Castro tự nhận quyền bào chữa cho mình. Bài phát biểu của ông ngày 16 tháng 10 năm 1953 kéo dài đến 4 tiếng đồng hồ, có điểm đặc biệt là vạch ra những vấn nạn kinh tế-xã hội-chính trị của Cuba dưới chính quyền chuyên chế của Batista, rồi phác thảo cương lĩnh của cuộc cánh mạng do ông cầm đầu, tạo nên nguồn cảm hứng cho cách mạng Cuba sau này.

Trích đoạn bài phát biểu tự bào chữa trong phiên tòa

Kính thưa Quý Tòa:

Chưa khi nào một luật sư hành nghề trong những điều kiện khó khăn như thế này. Chưa khi nào có nhiều chuyện không đúng quy tắc như thế này nhằm chống lại một bị cáo. Trong trường hợp này, luật sư biện hộ và bị cáo là một người. Với tư cách là luật sư biện hộ, ngay cả người này vẫn không được quyền xem bản cáo trạng. Với tư cách là bị cáo, trong 76 ngày qua người này bị giam biệt lập, hoàn toàn và tuyệt đối không được tiếp xúc với ai, trong sự vi phạm mọi quyền con người và quyền tư pháp.

Fidel Castro
Fidel Castro, thập kỷ 1950s

Người đang trình bày với Quý Tòa chán ghét tính phù hoa, mà cũng thiếu tính khí hoặc cảm hứng tinh thần để tạo kiểu dáng hoặc làm chuyện giật gân trong phòng xử án theo bất kỳ cách nào. Nếu tôi phải nhận quyền bào chữa cho tôi trước phiên tòa này thì đấy là vì hai lý do. Thứ nhất: bởi vì tôi bị khước từ mọi sự hỗ trợ tư pháp, và thứ hai: chỉ có người bị tổn thương sâu nặng, người trông thấy đất nước bị bỏ bê và công lý bị chà đạp, thì vào lúc này mới nói lên được những ngôn từ phát ra từ máu của con tim và sự thật của tấm lòng…

 

Vào ngày Thứ Hai, 27 tháng 7, trong một nhà chòi trên núi tôi nghe tiếng nói của nhà độc tài trên sóng phát thanh, trong khi vẫn còn 18 người của chúng tôi vũ trang chống lại chính phủ. Những người chưa từng kinh qua thời khắc tương tự thì sẽ không bao giờ hiểu được nỗi cay đắng và căm phẫn như thế nào. Trong khi những hy vọng được ấp ủ đã lâu về việc giải phóng cho dân tộc tôi tan nát chung quanh tôi, chúng tôi nghe con người độc tài hả hê vì những hy vọng bị đập tan ấy, càng kiêu ngạo hơn bao giờ hết. Một loạt những dối trá và vu cáo phun ra không ngừng nghỉ trong ngôn từ thô lỗ, đáng ghét, ghê tởm của ông ấy, chỉ có thể được so sánh với dòng máu trẻ tinh khiết chảy liên tục từ đêm trước – với kiến thức, sự ưng thuận, đồng lòng và chấp thuận – tuôn ra bởi lũ giết người vô nhân tính khó mà tưởng tượng được. Chỉ cần tin nơi ông ta trong một khoảnh khắc là đủ để lương tri đầy hối hận và xấu hổ suốt đời còn lại. Vào lúc ấy, thậm chí tôi không mong đóng trên vầng trán khốn khổ của ông ấy cái dấu của sự thật vốn sẽ kết án ông ấy đến cuối đời và mãi về sau. Một nhóm gồm hơn một nghìn người, được trang bị với vũ khí mạnh hơn vũ khí của chúng tôi và với mệnh lệnh nghiêm nhặt phải nộp xác chết của chúng tôi, đang thắt chặt vòng vây quanh chúng tôi.

Bây giờ sự thật hé lộ, bây giờ khi phát biểu trước Quý Tòa, tôi đang thi hành một nghĩa vụ mà tôi tự đặt ra cho mình, rồi tôi có thể chết một cách thanh thản và mãn nguyện. Vì thế mà tôi không muốn nói quanh co về những kẻ giết người hoang dại ấy.

Tôi phải ngưng lại một chút để xem xét các sự kiện. Chính phủ nói rằng cuộc tấn công cho thấy sự chính xác và hoàn hảo nên hẳn phải có các chiến lược gia quân sự lên kế hoạch. Đấy là hoàn toàn sai lạc! Kế hoạch được lập nên bởi một nhóm người trẻ, không ai trong số này có kinh nghiệm quân sự gì cả. Tôi xin khai ra tên của họ, trừ hai người không chết và cũng không bị bắt: […]

Phân nửa trong số này đã chết, và để vinh danh hương hồn họ tôi có thể nói rằng cho dù họ không phải là chuyên gia quân sự, họ có đủ lòng yêu nước để đánh bại cả đám tướng ấy, nếu chúng tôi không quá thất thế, trong khi các tướng của ngày 10 tháng 3 không phải là quân nhân mà cũng không phải là người yêu nước. Việc tổ chức, huấn luyện, huy động và vũ trang người còn khó khăn hơn việc lên kế hoạch trong chế độ áp bức này, với hàng triệu đô la được chi cho gián điệp, hối lộ và các dịch vụ thông tin. Tuy thế, tất cả mọi việc đều được thực hiện bởi những người này và những người khác giống họ, với sự nghiêm túc khó tin, kín đáo và kỷ luật. Đáng khen hơn nữa là là họ đã cống hiến hết mình, kể cả mạng sống lúc cuối cùng.

[Castro kể lại tiến trình của cuộc tấn công: chính xác, bí mật, phối hợp tuyệt vời… Do sai lầm, phân nửa nhóm người lạc đường nên không thể tham gia… Abel Santamaría chỉ huy 21 người chiếm Bệnh viện Dân sự… Raúl Castro với 10 người chiếm tòa nhà Bộ Tư pháp, Fidel Castro với 95 người còn lại tấn công doanh trại quân đội… Nhóm dự bị có tất cả vũ khí hạng nặng bị lạc đường, các nhóm tấn công chỉ có vũ khí nhẹ… Castro vạch rõ rằng ông không nghi ngờ gì về lòng can đảm của nhóm bị lạc đường: họ lấy làm đau khổ và tuyệt vọng… Tất cả được lệnh phải có lòng nhân đạo. Ban đầu họ bắt được gần 20 người. Các binh sĩ chính phủ khai trước tòa rằng họ được đối xử tử tế… Cuối cùng, quân đội chính phủ đàn áp được cuộc nổi dậy do có quân số áp đảo: mười lăm trên một…]

[Castro nêu những lý do khác khiến cho cuộc nổi dậy thất bại: phân chia quân số giữa các mục tiêu không hợp lý, các nhóm tấn công chỉ có súng trường mà thiếu lựu đạn. Khi nhận thấy sự thất bại, Castro ra lệnh từng toán 8 đến 10 người rút lui lên núi, nhưng họ không thông thuộc địa hình ở đây. Trong một tuần, họ ở trên đỉnh núi và quân chính phủ chiếm chân núi. Họ không thể đi xuống và quân chính phủ không dám tiến lên. Cuối cùng, sức kháng cự của họ suy yếu đi do đói và khát. Một vài người thoát qua tuyến quân đội, một số người khác đầu hàng, Castro cùng hai đồng chí bị bắt. Đấy là ngày Thứ Bảy, ngày 01 tháng 8.]

Mục đích của tôi là không phải làm tòa án buồn chán bằng cách kể ra câu chuyện anh hùng. Tất cả những gì tôi nói là nhằm mang đến sự thông hiểu chính xác đối với những gì sắp đến…

Tôi đã nói rằng yếu tố thứ hai mà chúng tôi dựa vào đó để mong thành công là trật tự xã hội. Tại sao chúng tôi tin chắc về sự hậu thuẫn của nhân dân? Khi nói đến nhân dân, chúng tôi không nói đến những người sống trong tiện nghi, những thành phần bảo thủ ủng hộ bất kỳ chế độ áp bức nào, bất kỳ chế độ độc tài nào, bất kỳ chế độ chuyên quyền nào, phủ phục trước các ông chủ cho đến khi trán trầy sướt trên mặt đất.

Khi chúng tôi nói về đấu tranh và đề cập đến nhân dân, chúng tôi muốn nói đến số đông quần chúng bị thiệt thòi, những người mà ai cũng hứa hẹn với họ nhưng đều bị lừa dối; chúng tôi muốn nói đến những người mong mỏi một đất nước tươi đẹp hơn, có phẩm giá hơn và công bằng hơn; những người được tổ tiên truyền lại những khát vọng về công lý, bởi vì họ chịu đau khổ vì bất công và sự nhạo báng từ thế hệ trước sang thế hệ sau; những người khát khao thay đổi lớn lao và khôn ngoan trong mọi lĩnh vực của đời sống; những người mà, để đạt đến những thay đổi ấy, sẵn sàng hy sinh mọi thứ kể cả hơi thở cuối cùng khi họ tin tưởng nơi điều gì đấy hoặc người nào đấy, đặc biệt khi họ tin nơi chính họ.

Điều kiện đầu tiên về thành tâm và thiện ý trong bất kỳ công cuộc nào là phải làm chính xác điều mà chưa ai khác từng làm, đấy là, nói ra với sự minh bạch tuyệt đối mà không sợ hãi. Những kẻ mị dân và những chính trị gia chuyên nghiệp khi cố tạo phép lạ mà tỏ ra đúng trong mọi việc và cố lấy lòng mọi người thì nhất thiết họ phải lừa dối mọi người về mọi việc. Các nhà cách mạng phải tuyên cáo những ý tưởng của họ một cách dũng cảm, xác định những nguyên tắc của họ và vạch ra những dự định để không ai bị lừa dối, cho dù là bạn hay thù.

Theo ý nghĩa đấu tranh, khi chúng tôi nói về nhân dân, chúng tôi muốn nói đến

  • khoảng sáu trăm nghìn người Cuba bị thất nghiệp, những người muốn kiếm tiền một cách lương thiện để mua thực phẩm hằng ngày mà không phải xa quê kiếm sống;
  • năm trăm nghìn lao động trên nông trại sống trong những căn chòi khốn khổ, làm việc bốn tháng mỗi năm và đói kém trong mấy tháng khác, chia sẻ khổ đau với con cái vốn không có một tấc đất và có kiếp sống khiến cho ai cũng động lòng trừ phi có con tim chai đá;
  • bốn trăm nghìn lao động công nghiệp có quỹ về hưu bị biển thủ, phúc lợi bị cắt xén, nhà cửa tồi tàn, tương lai là cắt lương và đuổi việc, cuộc sống là làm lụng đầu tắt mặt tối và chỉ được nghỉ khi xuống mồ;
  • một trăm nghìn tiểu nông làm việc và chết trên mảnh đất không phải của họ, buồn rầu nhìn xuống mảnh đất giống như Moses nhìn đất hứa, rồi chết mà không được làm chủ, những người giống như nông nô phải trả một phần sản lượng để có quyền canh tác, những người không thể thương yêu đất, cải thiện đất, làm đẹp cho đất bằng cách trồng một cây tuyết tùng hoặc một cây cam bởi vì họ không thể biết được khi nào một cảnh sát đi đến cùng một dân phòng nông thôn để trục xuất họ ra khỏi mảnh đất;
  • ba mươi nghìn giáo viên và giáo sư tận tụy, hết lòng, cần thiết cho định mệnh tươi sáng hơn của những thế hệ tương lai nhưng bị ngược đãi và nhận đồng lương thấp kém;
  • hai mươi nghìn doanh nhân của doanh nghiệp nhỏ bị oằn lưng vì nợ nần, bị tiêu tán do cơn khủng hoảng và bị mắng nhiếc bởi các quan chức tham nhũng và dễ mua chuộc;
  • mười nghìn nhà chuyên môn trẻ: bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thú y sĩ, giáo viên, nha sĩ, dược sĩ, ký giả, họa sĩ, điêu khắc gia…, những người tốt nghiệp với mảnh bằng náo nức muốn làm việc và ấp ủ đầy hy vọng, rồi thấy mình va vào ngõ cụt, mọi cánh cửa đều đóng sập, không ai nghe họ kêu la hoặc khẩn khoản.

Đấy là nhân dân, những người kinh qua sự bất hạnh, và vì thế có thể chiến đấu với lòng dũng cảm vô bờ! Với những người này, mà con đường vô vọng đi qua cuộc đời được lát bằng những viên đá của sự phản bội và những lời hứa cuội, chúng tôi không nói “Chúng tôi sẽ cho anh…”, mà nói: “Đây này, bây giờ phải đấu tranh với tất cả những gì anh có, để giành tự do và hạnh phúc cho anh!”

Năm điều luật cách mạng đáng lẽ đã được tuyên cáo ngay sau khi chúng tôi chiếm được doanh trại Moncada và đáng lẽ đã được phát thanh trên cả nước phải được gồm trong cáo trạng. […]

Điều luật cách mạng thứ nhất là trao quyền cho nhân dân và tuyên cáo Hiến pháp 1940 là Bộ Luật Tối thượng của Nhà nước cho đến khi nhân dân quyết định tu chính nó. Nhằm thực thi Hiến pháp này và trừng trị những kẻ vi phạm […] phong trào cách mạng sẽ nắm mọi chức năng ngoại trừ chức năng tu chính Hiến pháp: nói cách khác: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp […]

[…] Một chính phủ do quần chúng nhân dân nổi dậy sẽ được trao mọi quyền, mọi thứ cần thiết nhằm thực thi ý nguyện nhân dân và công lý thực sự. Từ lúc ấy, quyền tư pháp sẽ kết thúc, và chúng tôi sẽ lập tức tiến hành cải tổ toàn diện […]

Điều luật cách mạng thứ hai là trao quyền làm chủ đất không thể cầm cố và không thể sang nhượng cho tất cả người thuê đất, người đi thuê lại, người làm theo hợp đồng, người chia tô và nông nô và nông dân thuê đất, người chiếm dụng…, và Nhà nước sẽ bồi thường cho chủ đất số tiền thuê đất đáng lẽ họ nhận được trong mười năm.

Điều luật cách mạng thứ ba là trao cho người làm công ăn lương quyền được chia 30% lợi nhuận của tất cả xí nghiệp lớn thuộc công nghiệp, vận chuyển và hầm mỏ, kể cả các nhà máy đường. Các xí nghiệp thuần nông được miễn trừ […]

Điều luật cách mạng thứ tư là trao cho tất cả người trồng mía quyền được chia 55% sản lượng đường và hạn ngạch tối thiểu cho tất cả nông dân thuê đất nhỏ ít nhất ba năm.

Điều luật cách mạng thứ năm là tịch thu tất cả cổ phần và lợi nhuận được thu bất chính […]

Hơn nữa, chúng tôi tuyên cáo chính sách của Cuba đối với Châu Mỹ là đoàn kết với các dân tộc dân chủ trên lục địa này, và những người trên các quốc gia anh em của chúng ta bị các nhà độc tài khát máu đàn áp ngược đãi về chính trị sẽ được quyền tị nạn […]

[Castro phác họa cuộc Cải cách Nông nghiệp, Cải cách Giáo dục, quốc hữu hóa các công ty điện và điện thoại, đảm bảo công ăn việc làm]

Vấn nạn về đất đai, vấn nạn về công nghiệp hóa, vấn nạn về nhà ở, vấn nạn về thất nghiệp, vấn nạn về giáo dục và vấn nạn của sức khỏe nhân dân, đấy là sáu vấn nạn mà chúng tôi sẽ lập tức có những bước giải quyết, cùng với việc tái lập các quyền dân sự và dân chủ chính trị.

[Castro đi vào chi tiết những biện pháp giải quyết các vấn nạn nông dân không được làm chủ đất, công nghiệp hóa, nhà ở, giáo dục, y tế…]

Với bối cảnh như thế, từ tháng 5 đến tháng 12 trên một triệu người bị thất nghiệp. Cuba, với dân số năm triệu rưỡi mà có số người thất nghiệp cao hơn Pháp hoặc Ý với dân số mỗi nước bốn mươi triệu, thì có phải là điều dễ hiểu không?

Thưa Quý Tòa, khi Quý Tòa xử một bị cáo về tội cướp của, Quý Tòa có hỏi hắn đã bị thất nghiệp bao lâu không? Quý Tòa có hỏi hắn có mấy đứa con, ngày nào trong tuần được ăn và ngày nào nhịn đói, Quý Tòa có điều tra hoàn cảnh kinh tế của hắn không? Quý Tòa chỉ tống hắn vào tù mà không nghĩ ngợi gì. Nhưng những người đốt kho bãi và cửa hàng để lấy tiền bảo hiểm thì không vào tù, ngay cả khi vài người bị thiêu cháy. Người được bảo hiểm có tiền để trả luật sư và đút lót thẩm phán. Kẻ nghèo khó đói kém phải ăn cắp thì Quý Tòa tống vào tù; nhưng hàng trăm người ăn cắp hàng triệu từ Nhà nước thì không ai từng ngồi tù cả. Đến cuối năm, Quý Tòa đi ăn với họ trong những câu lạc bộ sang trọng và họ vui vì được Quý Tòa tôn trọng. […]

Tương lai của đất nước, những giải pháp cho các vấn đề, không thể tiếp tục dựa vào lợi ích vị kỷ của một tá doanh nhân lớn, mà cũng không thể dựa vào sự tính toán lạnh lùng những lợi nhuận mà mười hoặc mười hai đại gia soạn thảo trong các văn phòng được điều hòa. Đất nước không thể tiếp tục van xin trên hai đầu gối để phép lạ hiện ra từ vài con bò vàng, giống như con bò vàng trong Kinh Thánh bị nhà tiên tri phá hủy. Những vấn nạn của nước Cộng hòa chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta cống hiến hết mình để đấu tranh với cùng năng lượng, sự lương thiện và lòng yêu nước của các nhà giải phóng khi họ thành lập nền Cộng hòa. […]

Một chính quyền cách mạng được nhân dân hậu thuẫn và với sự kính trọng của đất nước, sau khi truy quét tất cả nhân viên tham nhũng khỏi các định chế khác nhau, sẽ lập tức tiến hành công nghiệp hóa, huy dộng tất cả nguồn vốn nhàn rỗi […]

[Castro nêu thêm chi tiết về cải cách nông nghiệp, giải quyết vấn nạn nhà ở, tạo công ăn việc làm, cải cách hệ thống giáo dục]

Cuba có thể dễ dàng cung ứng cho số dân gấp ba hiện tại, thế nên không có lời bào chữa nào đối với sự đói nghèo khốn khổ cho dù của một người dân hiện giờ. Chợ búa đáng lẽ phải tràn ngập sản vật, các hiệu làm bánh mỳ đáng lẽ phải đầy, tất cả các bàn tay đáng lẽ phải làm việc. Ý tưởng này không có gì là khó hiểu. Điều khó hiểu là có người đi ngủ với cái bụng lép kẹp trong khi không có một tấc đất bỏ hoang; là có trẻ em chết vì thiếu chăm sóc y tế; điều khó hiểu là 30% nông dân không thể viết ra tên mình và 99% nông dân không biết gì về lịch sử của Cuba. Điều khó hiểu là phần lớn dân nông thôn hiện giờ đang sống trong những điều kiện còn tồi tệ hơn so với những người mà Columbus phát hiện […]

Thưa Quý Tòa, quyền nổi loạn chống lại kẻ chuyên chế được công nhận từ thời cổ đại cho đến nay bởi những người thuộc mọi tôn giáo, đức tin và giáo điều.

Cũng là như thế trong các chế độ quân chủ thần quyền thời xa xưa. Ở Trung Hoa, có nguyên tắc gần giống hiến định rằng khi một vị vua cai trị một cách tàn bạo và chuyên chế thì phải phế ông ta và tôn một hoàng tử có đức độ lên nối ngôi.

Các triết gia của Ấn Độ cổ xưa ủng hộ nguyên tắc phản kháng tích cực chống lại chính quyền độc đoán. […]

[Castro trích dẫn một loạt những quan điểm khác để biện minh cho việc nổi dậy chống độc tài: Hy Lạp, La Mã, John Salisbury thời Trung Cổ, Thánh Thomas Aquinas, Martin Luther, Juan Mariana, François Hotman, Scotlad John Knox, John Poynet, George Buchanan, John Althus, Cách mạng Anh năm 1688, Cách mạng Mỹ năm 1775, Cách mạng Pháp năm 1789, John Milton, John Locke, Jean-Jaques Rousseau, Thomas Paine, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp.]

Tôi đi đến phần đúc kết cho phát biểu biện hộ của mình nhưng tôi sẽ không chấm dứt theo cách các luật sư thường làm, đấy là yêu cầu tha bổng bị cáo. Tôi không thể nào yêu cầu tự do cho riêng tôi trong khi các đồng chí của tôi còn đang khốn khổ trong nhà tù ô nhục mang tên Isle of Pines. Hãy cho tôi ngồi tù chung với họ và chia sẻ vận mệnh với họ. Người lương thiện bị giết hay bị cầm tù trên nước Cộng hòa trong khi Tổng thống là một tội đồ và là kẻ cắp thì là chuyện có thể hiểu được.

Đối với Quý Tòa, tôi có lòng cảm tạ chân thành đã cho phép tôi phát biểu tự do mà không có cái trò hạn chế bẩn thỉu. Tôi không mang nỗi bất mãn với Quý Tòa. Tôi nhận ra rằng theo vài khía cạnh Quý Tòa thể hiện tính nhân văn, và tôi biết Ngài Chánh án của phiên tòa này, một người có cuộc sống riêng tư không chút bợn nhơ, không thể che giấu sự ghê tởm về hiện tình của vụ việc vốn đã thúc đẩy Ngài phải đưa ra bản án không công bằng. Tuy thế, có một vấn nạn nghiêm trọng đối với Tòa Phá án: Các cáo trạng khởi phát từ những kẻ đã giết bảy mươi người, có nghĩa là một vụ tàn sát lớn lao nhất chúng ta chưa từng thấy trước kia. Kẻ có tội vẫn được tự do và có vũ khí trong tay – loại vũ khí tiếp tục đe dọa cuộc sống của tất cả công dân. Nếu tất cả sức nặng của pháp luật không đặt trên kẻ có tội do tính hèn nhát hoặc do việc khống chế tòa án, và nếu tất cả các quan tòa không từ chức, thì tôi lấy làm thương hại cho danh dự của quý vị. Tôi lấy làm tiếc là nỗi ô nhục sẽ rơi trên Quyền Tư pháp.

Tôi biết bản án tù cho tôi sẽ nặng hơn cho bất kỳ ai khác, chồng chất với những đe dọa hèn nhát và sự bạo tàn gớm ghiếc. Nhưng tôi không sợ nhà tù, vì tôi không sợ cơn giận dữ của kẻ chuyên chế khốn khổ, người đã lấy đi sinh mạng 70 đồng chí của tôi. Cứ kết án tôi đi. Không sao cả. Lịch sử sẽ tha bổng cho tôi.

Năm 1955, Batista ân xá cho Castro, và Castro đi lưu vong ở Mexico. Sau khi ra khỏi tù, Castro cho xuất bản bài phát biểu trên như là một bản cương lĩnh cho Phong trào 26 Tháng 7 của ông. Năm 1956, ông trở về Cuba với một nhóm nhỏ chiến sĩ cách mạng. Cuộc cách mạng do Castro cầm đầu cuối cùng thành công năm 1959.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Public domain WikiSource – http://en.wikisource.org/wiki/History_Will_Absolve_Me

One thought on ““Lịch sử sẽ tha bổng cho tôi” – Fidel Castro

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *