Một số cây độc và gây thương tổn quanh ta

  1.  Trúc đào – Oleander, Nerium (Nerium oleander, đồng nghĩa Nerium odorum)
  2. Cần nước độc – Water hemlock (Conium maculatum, đồng nghĩa Cicuta maculata)
  3. Thông thiên – Yellow oleander; Be-still tree (Thevetia peruviana, đồng nghĩa Cascabela thevetia)
  4. Huỳnh anh – Yellow bell (Allamanda cathartica)
  5. Thầu dầu – Castor oil plant (Ricinus communis)
  6. Cà độc dược cảnh – Angel’s trumpet, Anglels’ tears (Brugmansia suaveolens)
  7. Cà độc dược, Mạn đà la – Devil’s trumpet (Datura metel, đồng nghĩa Datura alba)
  8. Cà độc dược gai tù – Downy thorn apple (Datura innoxia)
  9. Cà độc dược lùn – Jimson weed, Devil’s snare (Datura stramonium)
  10. Dạ lý hương – Night-blooming jasmine (Cestrum nocturnum, đồng nghĩa Cestrum parqui)
  11. Bã đậu, Vông đồng – Sandbox tree (Hura crepitans, Hura brasiliensis)
  12. Ngô đồng, Ngô đồng cảnh, Dầu lai có củ – Buddha belly (Jatropha podagrica)
  13. Bã đậu nam – Purging nut tree (Jatropha curcas)
  14. Thường xuân – English ivy (Hedera helix)
  15. Linh lan, Lan chuông – Lily of the valley (Convallaria majalis)
  16. Kim giao – Pencil cacti (Euphorbia tirucali)
  17. Xương rồng cảnh – African milk tree (Euphorbia trigona)
  18. Xương rồng bát tiên – Crown of thorns (Euphorbia milii)
  19. Xương rồng ngọc lân – Indian spurge tree (Euphorbia neriifolia)
  20. Trạng nguyên – Christmas plant (Euphorbia pulcherrima)
  21. Trâm ổi, Thơm ổi – Lantana (Lantana camara)
  22. Bồng bồng lớn, bồng bồng – Crown flower, giant milkweed, swallow wort (Calotropis gigantea, đồng nghĩa Asclepias gigantea)
  23. Bồng bồng quý – Sodom apple (Calotropis procera)
  24. Thiên tuế, Vạn tuế – Sago palm, King sago palm (Cycas revoluta)
  25. Thiên điểu – Bird of pardise (Strelitzia reginae)
  26. Đỗ quyên – Rhododendron, Azalea (Rhododendron sp.)
  27. Cẩm tú cầu – Bigleaf hydrangea (Hydrangea macrophylla)
  28. Tulip – Tulip (Tulipa sp.)
  29. Thủy tiên – Daffodil (Narcissus sp.)
  30. Lan huệ – Belladonna lily (Amaryllis belladonna)
  31. Huệ đỏ – Barbados lily (Hippeastrum puniceum)
  32. Loa kèn, Hoa ly – Easter lily (Lilium longifolium)
  33. Dạ lan – Dutch hyacinth (Hyacinthus orientalis)
  34. Anh thảo – Persian violet, Sowbread (Cyclamen persicum)
  35. Cây thuộc chi Hoa hiên – Daylily (Hemerocallis sp.)
  36. Sò đo cam – African tulip tree (Spathodea campanulata)
  37. Lô hội (Aloe vera)
  38. Ráy, Môn lá lớn – Giant taro (Alocasia macrorrhiza)
  39. Cây thuộc chi Colocasia sp.
  40. Vạn niên thanh – Dumbcane (Dieffenbachia sp)
  41. Trầu bà đế vương, Trầu bà lục lăng – Heart-leaved philodendron (Philodendron scandens, đồng nghĩa Philodendron discolor)
  42. Trầu cánh phượng, Trầu bà tay phật – Tree philodendron (Philodendron selloum, đồng nghĩa Philodendron bipinnatifidum)
  43. Môn cảnh, Môn đốm – Elephant ear (Caladium sp.)
  44. Hồng môn – Flamingo lily (Anthurium andraeanum)
  45. Trầu bà, Trầu ông – Golden pothos (Epipremnum aureum)
  46. Kim tiền, Phát tài – ZZ plant (Zamioculcas zamiifolia)
  47. Hoa rum – Arum lily, Calla lily (Zantedeschia aethiopica, Colocasia aethiopica)
  48. Lan ý – Peace lily (Spathiphyllum wallisii)
  49. Vông nem – Indian coral tree (Erythrina variegata)
  50. Vông mồng gà – Cockspur coral tree (Erythrina crysta-galli)

 

Cây độc là do độc tố gây ngộ độc theo cơ chế sinh hóa, còn cây gây thương tổn là do tinh thể calcium oxalate gây thương tổn theo cơ chế vật lý.

Bạn cần nhận định những loài cây nào trong hoặc quanh nhà bạn có thể gây ngộ độc hoặc thương tổn để có cách đề phòng. Bạn cũng nên biết những loại cây nào gây ngộ độc hoặc thương tổn ở cơ sở giữ trẻ cho bạn, hoặc ở nhà hàng xóm…

Dưới đây là một số cây phổ biến có thể gây ngộ độc và thương tổn. Mỗi tiểu tựa trình bày một loài (species) với tên thông thường tiếng Việt, tên thông thường tiếng Anh, và danh pháp khoa học 2 phần: chi (genus) và loài. Khi độc tính có chung tính chất của một chi thì tiểu tựa trình bày chung cho chi đó.

Để tổng hợp bài này, người viết tham khảo một số trang web được xem là đáng tin cậy hầu đưa ra một cái nhìn tổng quan và đúng đắn về độc tính và sự nguy hiểm của các loài thực vật mà bạn hẳn thấy quen thuộc trong cuộc sống.

Vì một số lý do, người tổng hợp bài này trên trang web không lợi nhuận này không thể ghi nguồn cho tất cả thông tin và hình ảnh. Nếu nhờ bài này mà độc giả có thêm hiểu biết phòng tránh nguy hiểm do độc tố thực vật thì lỗi của người tổng hợp hẳn sẽ được dung thứ.

1.     Trúc đào – Oleander, Nerium (Nerium oleander, đồng nghĩa Nerium odorum)

Cây thuộc họ Trúc đào, còn được gọi là họ Dừa cạn, họ Thiên lý (Apocynaceae).

Truc dao (Nerium oleander)Cây này được xếp đầu danh sách do độc tính cực kỳ cao trong khi cây được trồng phổ biến ở công viên và thậm chí vườn nhà. Trúc đào đi vào nhạc diễn tả kỷ niệm bồi hồi, và văn học miêu tả người đẹp nép dưới hoa trông thật lãng mạn, nhưng bạn phải cẩn thận: toàn thân cây đều có chất cực độc oleandrin và neriin, là hai hợp chất glycoside có ảnh hưởng đến tim.

Bị ngộ độc nhẹ thì gây chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim; nặng thì có thể mất kiểm soát cơ thể, tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Người ta có thể bị ngộ độc do chạm vào mủ cây hoặc nuốt phải lá hoặc hoa, chỉ cần một lá đủ để có triệu chứng ngộ độc. Lá khô vẫn còn độc tính.

Có trường hợp bò và ngựa bị ngộ độc do ăn lá trúc đào tươi, nhưng dê thì không đụng đến. Riêng có trường hợp cừu chỉ ăn một lá mà chết. Nhưng nói chung súc vật không thích ăn lá trúc đào trừ khi thật đói. Người ăn thịt súc vật chết vì lá trúc đào cũng bị ngộ độc. Mật ong chứa mật hoa và phấn hoa trúc đào cũng độc. Thậm chí, việc hít phải khói từ cây trúc đào cháy cũng có thể gây rối loạn nhịp tim, và có trường hợp vì hít hoa trúc đào trong phòng ngủ mà chết. Việc phơi khô hoặc nấu chín cũng không làm mất độc tính của trúc đào. Có câu chuyện kể trong Thế chiến 2, một toán binh sĩ Anh ở Ấn Độ bẻ cành cây trúc đào làm que xiên món thịt nướng, ăn thịt xong bị tử vong.

Không bao giờ trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước…) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước. Qua thử nghiệm, người ta thấy rằng người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào sẽ bị trúng độc.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo không nên trồng cây này trong khu vực dân cư. Tuyệt đối không nên trồng cây này ở trường học, nhất là nhà giữ trẻ.

http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/nerium-oleander/?id=1370403266943
https://plants.ces.ncsu.edu/plants/all/nerium-oleander/ https://csuvth.colostate.edu/poisonous_plants/Plants/Details/143
http://homeguides.sfgate.com/nerium-oleander-plants-43989.html

2.     Cần nước độc – Poison hemlock (Conium maculatum, đồng nghĩa Cicuta maculata)

Chưa thấy có thông tin cụ thể về sự hiện diện của cây này ở Việt Nam, nhưng chúng ta (nhất là người Việt ở Bắc Mỹ và Châu Âu) nên nhận rõ về cây này vì ba đặc tính: (1) cây cực kỳ độc, (2) hình thái dễ nhầm lẫn với một số cây ăn được, (3) tính xâm lấn gần khu dân cư. Chính vì tính xâm lấn mà cây cần nước độc có thể mọc gần nhà bạn mà bạn không biết!

Đây là loài cây thuộc Họ Cà rốt (Apiaceae) có hoa dạng tán, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ (được xem là loài cây độc hại nhất ở đó). Loài cây này thường mọc nhiều ở các đầm lầy, bờ sông hay vùng cỏ ẩm ướt, và có chiều cao 1-2 m. Cây có thân thẳng đứng, gần gốc phồng ra vì rỗng bên trong, khi cắt ngang có mủ độc rỉ ra, phân nhánh ít; thân và nhánh có màu tím nhạt từ gốc lên đến gốc chùm hoa. Lá có những đặc tính giúp phân biệt với những cây khác trông tương tự: phía dưới hoa, dài 45 cm, rộng 20 cm, kép hai hoặc ba lần lẻ (một lá đơn ở chót lá kép), rìa phiến lá chét có răng nhọn, phiến lá nhỏ hình ngọn giáo, dài 3-10 cm, rộng 1-2 cm; có lá bắc ở gốc của mỗi chùm hoa nhỏ nhưng đầu hoa chính không có. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành từng chùm theo tán kép; tán chính có 18-28 nhánh hoa, và tán thứ cấp có 12-25 nhánh hoa, các chùm hoa xếp theo hình vòm thay vì theo mặt phẳng như một số loài trông tương tự, mỗi chùm hoa có 12-15 hoa đơn lẻ màu lục nhạt, 5 cánh hoa nhỏ li ti.

can nuoc doc CToàn thân cây đều chứa chất độc cicutoxin, tập trung nhiều nhất ở rễ. Bò ở Canada thả cho ăn ngoài đồng cỏ thường bị ngộ độc do cây cần nước độc mọc lẫn lộn với các loại cỏ khác. Người ở Bắc Mỹ bị ngộ độc do nhầm lẫn với những loại cây ăn được mọc lẫn lộn với nhau có hình dáng tương tự, ví dụ như :

  • Cà rốt hoang – Wild carrot, Queen Anne’s Lace (Dausuc carota) thuộc họ Cà rốt (Apiaceae): giống như phân loài cà rốt được canh tác (Daucus carota sativus), cũng hiện diện ở Đông Nam Á: Sự khác biệt là phần thân thấp đặc chứ không rỗng, thân và nhánh có màu lục.
  • Water parsnip (Sium suave, Berula sp.) thuộc họ Cà rốt (Apiaceae): Sự khác biệt là lá của water parsnip chỉ kép một lần, và thân cây không phồng ra, có lá bắc ở gốc hoa và đầu hoa chính.

Chất cicutoxin có thể gây co giật mạnh, chuột rút, đau đớn, buồn nôn, run cơ. Những người sống sót sau khi bị nhiễm độc từ cây độc cần nước thường bị mất trí nhớ. Đặc biệt, thời điểm chất độc cicutoxin có độc tính cao nhất là mùa xuân, khi đó nó có thể đủ mạnh để giết chết một con bò. Thậm chí cây đã chết còn độc tính trong 3 năm.

Tháng 10 năm 1992 ở Bang Maine, Mỹ, hai anh em 39 và 23 tuổi, đi vào rừng tìm cây sâm. Hai người tìm được một cây họ nghĩ là sâm, bèn nhổ lên lấy rễ đưa lên miệng, người em cắn 3 lần, người anh 1 lần. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (Center for Disease Control – CDC) của Mỹ cho biết trong vòng 30 phút, người em nôn mửa và co giật, 15 phút sau thì hôn mê, được đưa đi cấp cứu nhưng 3 giờ sau khi nhai rễ cây đó thì tử vong. Hóa ra cây mà họ ăn là cần nước độc mà họ thấy hoa tương tự hoa của sâm (“ginseng”, tên loài không được nêu ra, nhưng không phải nhân sâm có hoa màu đỏ không thể nhầm lẫn được).

Theo CDC, trong giai đoạn 1979-1988 có 5 người ở Mỹ chết vì ăn cần nước độc. Đó là không kể những trường hợp không được báo cáo cho CDC.

Theo Phạm Hoàng Hộ:

Loài hiện diện ở Đông Dương, điều cần phải kiểm lại. Đây là một trong những loài độc nhất mà ta biết… Chứa các alcaloids là conicin, coniin. Ăn vào thì run, con ngươi nở ra, không thấy đường, bại từ từ rồi chết.

Cũng cần lưu ý đến loài Hải ly độc – Europen waterhemlock (Cicuta virose) mọc ở Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ, có môi trường sinh trưởng và hình thái như loài nêu trên, nhưng sách của Phạm Hoàng Hộ không nêu tên loài này.

http://kienthuc.net.vn/la-va-doc/su-that-ve-cay-doc-can-nuoc-gay-chet-nguoi-trong-gang-tac-980788.html#p-1
http://khoahoc.tv/nhung-cay-doc-gay-chet-nguoi-dang-so-nhat-38430 http://ydvn.net/contents/view/29455.cay-doc-can-nuoc-conium-maculatum.html https://en.wikipedia.org/wiki/Cicuta https://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/00026056.htm https://www.invasiveplantatlas.org/subject.html?sub=5514

3.     Thông thiên – Yellow oleander; Be-still tree (Thevetia peruviana, đồng nghĩa Cascabela thevetia)

Thong thien (Thevetia peruviana)Cây thuộc họ Trúc đào, còn được gọi là họ Dừa cạn, họ Thiên lý (Apocynaceae), có lá dài và hẹp, mọc so le, thân cây cao 3-4 mét. Hoa nở quanh năm, thường có 5 cánh, màu vàng rực tươi ở Việt Nam, màu vàng cam ở một số nơi khác hoa có. Quả có hình thoi màu xanh.

Tất cả bộ phận của cây chứa mủ trắng (latex) độc, nhất là hột rất độc, vì thế có nơi dùng hột làm bã chuột. Mủ gây mẩn ngứa khi chạm vào da. Các độc tố bao gồm: thevetin, peruvoside, neriine, ruvoside, thevetoxin, và theveridoside, gây nôn mửa và trụy tim, có thể gây tử vong. Đốt cây tươi hoặc cành khô có thể tạo khói gây độc.

Cây được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, thậm chí được trồng để thu hoạch bán làm thuốc, cũng được dùng ở Philippines và Ấn Độ như là thuốc dùng trong nhà.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo không nên trồng cây này trong khu vực dân cư. Càng không nên trồng cây này ở trường học, đặc biệt là nhà giữ trẻ.

https://wildlifeofhawaii.com/flowers/1516/thevetia-peruviana-be-still-tree/ http://tropical.theferns.info/viewtropical.php?id=Thevetia%20peruviana

4.     Huỳnh anh – Yellow bell (Allamanda cathartica)

Huynh anh (Allamanda cathartica)Cây thuộc họ Trúc đào, còn được gọi là họ Dừa cạn, họ Thiên lý (Apocynaceae), dạng bụi leo, lá mọc vòng với phiến lá dài, láng. Hoa màu vàng tươi, có 5 cánh, ống hoa ngắn loe thành hình chuông. Toàn thân cây có mủ trắng (latex), phần ngọn có nhiều mủ hơn tại thân và cành, khi bị ngắt ngang cây sẽ chảy nhiều mủ trắng đọng thành giọt. Độc tính của cây là do chất allamandin, hiện diện trong tất cả bộ phận của cây.

Tuy cùng họ với hai cây cực độc nêu trên, huỳnh anh lại có độc tính nhẹ. Có một số trường hợp trẻ em ngộ độc vì ngậm nhai lá, hoa, hoặc nuốt phải mủ. Triệu chứng gồm có đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo sưng môi, choáng váng. Trẻ có cơ địa mẫn cảm, khi sờ phải mủ trắng của cây có thể bị nổi ban, mề đay trên da.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo không nên trồng cây này trong khu vực dân cư.

http://cayhoacanh.com/cay-hoa-huynh-anh-co-doc-to/ http://thepoisondiaries.tumblr.com/post/40769127220/allamanda

5.     Thầu dầu – Castor oil plant (Ricinus communis)

Thau dau & hatNói tới những loài cây ta không bao giờ được phép đưa lên miệng nhấm thử thì có một loài ‘tàn độc’ hơn tất cả các loài khác, mà rất có thể nó đang hiện diện đâu đó ngay gần bạn. Đó là cây thầu dầu, một loài cây bụi rất được ưa trồng làm cảnh trong vườn bởi có hoa lá đa sắc, từ xanh tới tím, với lá cây hình lá cọ và có hột trông rất khác biệt.

Cây thuộc họ Thầu dầu hay họ Đại kích (Euphorbiaceae). Cây cao 1-3 m, thân rỗng. Lá mọc so le, có cuống dài, chia 5-7 thùy, mép khía răng. Cành và lá non phủ phấn trắng. Hoa nhỏ, mọc thành chùm xim, hoa đực ở dưới, hoa cái ở trên. Quả nang có gai mềm, chứa 3 hột hình trứng hơi dẹt, màu nâu, bóng, có vân hoặc đốm đen-nâu.

Tháng 5/2017, có trường hợp 5 cháu bé ở Tuyên Quang bị ngộ độc sau khi ăn hột thầu dầu. Gia đình các bệnh nhi cho biết, 5 bé đã hái một chùm quả lạ chia nhau ăn, sau đó các bé đều bị đau bụng và buồn nôn, nôn mửa. Người ngộ độc nặng co giật tới cả tuần, rồi tử vong vì suy tạng.

Ngoài thiên nhiên có nhiều loại thầu dầu, song chỉ thầu dầu có lá màu tím (thầu dầu tía) được sử dụng để làm thuốc. Dầu thầu dầu, có khi được dùng để tẩy ruột khẩn cấp, được chiết xuất từ hột của cây này. Dầu này có chứa chất ricin cực độc, có thể gây chết người do can thiệp vào quá trình trao đổi chất của tế bào, là phản ứng hóa học căn bản cần thiết để duy trì sự sống. Chu trình tạo ra các protein cần thiết bị chặn khiến tế bào chết đi. Những người ngộ độc từ chất này sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy và co giật tới cả tuần, rồi tử vong do suy tạng.

Ricin được dùng trong một vụ ám sát nổi tiếng. Georgi Markov là một nhà văn người Bulgari, vì có những hoạt động bị quy là chống phá Nhà nước XHCN Bungari, nên vào năm 1969 ông di cư sang Anh quốc, làm việc cho hãng BBC, thường đưa tin bất lợi cho Bungari trong những chương trình phát thanh của BBC. Một buổi chiều ngày 7 tháng 9 năm 1978, khi ông đang đứng đợi xe buýt gần Cầu Waterloo, một người đàn ông làm rơi chiếc dù kế chân ông, nhặt chiếc dù lên, nói “xin lỗi” rồi bước lên một chiếc taxi. Markov cho rằng sự kiện này là vụn vặt nên không nghĩ ngợi gì. Ông lên cơn sốt cao rồi qua đời bốn ngày sau trong bệnh viện. Khán nghiệm pháp y cho biết có một quả cầu kim loại rỗng ghim vào bắp chân ông chứa chất ricin.

Sau khi phần dầu (castor oil, có nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp) được chiết xuất, phần bã còn lại chứa ricin ở hàm lượng rất cao, đặt ra vấn đề về đảm bảo an toàn khi xử lý nhằm tránh gây ngộ độc cho cư dân và cũng tránh bã thầu dầu rơi vào tay kẻ xấu.

Vỏ ngoài của hột thầu dầu thường đủ cứng nên nếu chẳng may nuốt nguyên hột thì nó sẽ đi qua hệ tiêu hóa mà không làm chết người. Phải nhai và nuốt tới dăm bảy hột thầu dầu mới đủ liều gây nguy hiểm chết người cho người lớn, nhưng với trẻ em thì có thể chỉ cần một vài hột.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo không nên trồng cây thầu dầu trong khu vực dân cư.

http://suckhoedoisong.vn/canh-giac-voi-cay-co-doc-tinh-cao-ho-thau-dau-n131575.html
https://caythuoc.org/cay-thau-dau-tia.html https://www.telegraph.co.uk/news/2158765/Poison-tip-umbrella-assassination-of-Georgi-Markov-reinvestigated.html

6.     Cà độc dược cảnh – Angel’s trumpet, Angels’ tears (Brugmansia suaveolens)

Wikipedia đề xuất tránh nhầm lẫn gọi tên các loài cây trong chi Brugmansia với tên gọi của hóa chất ma túy: Hơi thở của quỷ.

Chi Brugmansia thuộc họ Cà (Solanaceae) có 7 loài. Hình dạng hoa khiến chúng có tên tiếng Anh angel’s trumpets (kèn trumpet của thiên sứ), hoặc tên devil’s trumpet (kèn trumpet của quỷ), tên sau đôi khi cũng được dùng cho chi liên quan Datura của cà độc dược.

Theo Sách đỏ của IUCN, tất cả 7 loài thuộc chi Brugmansia được xem là đã tiệt chủng ngoài hoang dã, tức là chỉ còn hiện diện do con người trồng. Báo cáo của những người không phải là nhà thực vật học về sự hiện diện của cây thuộc chi Brugmansia ngoài hoang dã có thể là do nhầm lẫn, hoặc là do hột của cây trồng phát tán ra ngoài. Có lẽ đây là trường hợp ở Đà Lạt (?) Không thấy có tài liệu giải thích làm thế nào cả 7 loài thuộc chi Brugmansia đều tiệt chủng ngoài hoang dã.

Đặc điểm phân biệt với các loài cà độc dược:

  • Cây thuộc chi Brugmansia: cây gỗ hoặc cây bụi, có mùi ngọt, sống nhiều năm, hoa thơm thõng xuống, và nở được nhiều ngày, quả không có gai.
  • Cây thuộc chi Datura: cây thân thảo, có mùi khó chịu, sống một năm, hoa chĩa lên trên, nở trong đêm rồi tàn ngày sau.

Ca doc duoc canh (Brugmansia suaveolens) 2Tất cả các loài của chi Brugmansia đều độc, do scopolamine tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Khi bị ngộ độc, nhẹ thì cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử; nặng có thể bị mất hết cảm giác giống xác chết biết đi (zombie), hoặc hoang tưởng, dễ bị kích thích.

Cà độc dược cảnh (Brugmansia suaveolens) ban đầu được phân loại dưới tên Datura suaveolens, sau này được chuyển qua chi Brugmansia. Điều này cho thấy cây cà độc dược cảnh khá giống các loài cà độc dược.

Cà độc dược cảnh được trồng làm cảnh khá phổ biến ở Việt Nam, trên các vùng cao và mát, chủ yếu ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và Bắc Yên (Sơn La).

Cây được dân gian gọi là loa kèn màu vàng vì thế gây nhầm lẫn với các loài khác mang tên có cụm từ “loa kèn”, còn tiếng Anh có khi gọi là devil’s trumpet (kèn trumpet của quỷ) nên gây nhầm lẫn với cây cà độc dược cũng có tên đó.

Cần phân biệt với những cây có tên mang cụm từ “loa kèn” có độc tính thấp hơn nhiều:

  • Loa kèn, huệ tây, hoa ly – Easter lily (Lilium candidum): hoa thẳng đứng hay nghiêng, được trồng đại trà ở Đà Lạt và được bán dọc hè phố nhiều nơi, có hoa màu trắng. Đây là cây hay bị gán là độc vì bị nhầm lẫn với cà độc dược cảnh và cùng vì 2 loài cùng hiện diện ở Đà Lạt.
  • Lan huệ, loa kèn đỏ (Amaryllis belladonna): phổ biến nhất là chủng có hoa màu đỏ, củ thường được bán để người ta mua về cho vào chậu đất cho lên cây nở hoa

Theo Phạm Hoàng Hộ về cây cà độc dược cảnh:

Tiểu mộc, cao đến 4-5 m, cành trăng trắng. Lá dài 20-30 cm, đáy bất xứng, đầu nhọn; cuống dài 2-3 cm. Hoa thòng xuống, trắng, dài đến 30 cm, đài là ống suông có răng; vành hình kèn. Trồng nhiều ở Đà Lạt vì hoa đẹp.

PGS-TSKH Trần Công Khánh cho rằng các vụ ngộ độc mà báo mạng cho là từ cây “loa kèn Đà Lạt” thật ra chính là do cà độc dược cảnh.

Một số trường hợp ngộ độc mà các bản tin đưa tên cây lộn xộn:

  • Vào năm 2011, bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng mê sảng, xuất hiện ảo giác mạnh, không kiểm soát được hành vi. Sau khi được cấp cứu, người này cho biết do thấy hoa “loa kèn” mọc trong rẫy đẹp nên đã… ngửi thử xem có mùi thơm hay không.
  • Tháng 10/2013 tại Lâm Đồng, 4 người bị ngộc độ do ăn lẩu nấu với “hoa loa kèn Đà Lạt”, thấy hoa có vị đắng hơn khổ qua. Sau khi ăn khoảng 10 phút, thấy chóng mặt, nôn mửa, xây xẩm mặt mày, bước đi không nổi.
  • Tháng 5/2016, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận hai vợ chồng trong trạng thái đau đầu, nôn mửa, nói nhảm, không tự chủ. Các bác sĩ kết luận người bệnh bị nhiễm độc tố scopolamine do ăn hoa “loa kèn” (“hoa chuông”) có độc. Người nhà cho biết, bà vợ được hàng xóm mách hoa loa kèn được cho là quý, ăn lành tính và mát, sẵn vườn nhà có trồng nên bà hái khoảng 10 bông để nấu canh. Ăn xong khoảng 30 phút, vợ chồng bà bắt đầu đau đầu và buồn nôn như người say rượu, phải đi cấp cứu.

Trong cả ba trường hợp, không rõ các nạn nhân bị ngộ độc đích xác bởi loài cây nào, nhưng không phải do hoa loa kèn Lilium longifolium được trồng đại trà ở Đà Lạt.

Golden angel’s trumpet (Brugmansia aurea)

Ở Nam Mỹ, một chủng đặc biệt của cây Brugmansia aurea dưới tên thông thường là Culebra Borrachero cho chất độc mạnh nhất, được gọi là “hơi thở của quỷ” (devil’s breath), được dùng làm thuốc hoặc để tạo ảo giác trong các nghi lễ tôn giáo vì dân địa phương tin rằng các thầy mo nhờ đó có thể liên hệ với thần linh. Các chế phẩm thô của cây hoặc alkaloid tinh khiết (chủ yếu là scopolamine) được sử dụng như một loại “thuốc sự thật” để lấy lời khai tù nhân, phạm nhân, hoặc làm mất tri giác tạm thời.

Cũng có nhiều tin rộ lên rằng bọn tội phạm dùng thuốc “hơi thở của quỷ” nhằm cướp của, giết người, lấy cắp nội tạng, buôn người… Chỉ là một chủng của một loài khiến cho cả 7 loài mang tiếng là “hơi thở của quỷ”! Nạn nhân nghe theo sai khiến của tội phạm mà rút tiền của mình ở máy ATM trao cho họ, hoặc dẫn họ về nhà mình để họ mang đi đồ đạc của mình, v.v.

Tuy rằng có nhiều chuyện hoang đường nhưng một số sự cố là có thật. Theo TS Miriam Gutierrex, một chuyên gia về scopolamine ở Khoa Độc học, Đại học Quốc gia Colombia, sau khi nạn nhân say thuốc scopolamine họ sẽ nghe theo sai khiến của bọn tội phạm, rồi khi tỉnh táo lại không nhớ chuyện gì đã xảy ra, vì thế không báo gì cả cho cảnh sát.

Đại sứ quán Mỹ ở Colombia xem scopolamine là vấn đề nghiêm trọng, và cảnh báo nhân viên cách phòng chống bị ngộ độc. Có một lời khuyên xem ra hiển nhiên: Khi ở Bogota, đừng để thức uống rời khỏi mắt của mình. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn có nạn nhận đến sứ quán nhờ hỗ trợ, trong khi vẫn còn ảnh hưởng của scopolamine.

Một nhân viên sứ quán kể: “Tôi còn nhớ câu chuyện một người Mỹ báo bị ngộ độc thuốc. Ông ấy hỏi người bảo vệ gác cổng: ‘Tại sao ông cho họ mang đi đồ đạc của tôi?’ Bảo vệ đáp: ‘Bởi vì ông bảo tôi như thế mà’.”

Dược sĩ Phan Minh Hiển, Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng loài Brugmansia aurea hiện diện ở Đà Lạt dưới tên “loa kèn vàng”. Tập sách của Phạm Hoàng Hộ chỉ ghi loài Brugmansia suavolens.

http://dainam.edu.vn/ca-doc-duoc-canh-la-cay-doc.htm?go=gop-y
http://entheology.com/plants/brugmansia-suaveolens-aromatic-angels-trumpet/
http://entheology.com/plants/brugmansia-aurea-golden-angels-trumpet/
https://en.wikipedia.org/wiki/Brugmansia_aurea
https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/cay-hoa-loa-ken-da-lat-co-doc-tinh-voi-he-than-kinh-3159978.html#ctr=related_news_click
http://entheology.com/plants/brugmansia-aurea-golden-angels-trumpet/

7.     Cà độc dược, Mạn đà la – Devil’s trumpet (Datura metel, đồng nghĩa Datura alba)

Chi Datura thuộc họ Cà (Solanaceae) có 9 loài, có đặc tính chung dễ nhận thấy là hoa chĩa lên trên, cánh hoa dính liền với nhau thành hình phễu nhưng vẫn thấy có 5 thùy, chóp của thùy vót nhọn, hoa nở trong đêm và tàn ngày sau; quả của nhiều loài có gai. Các loài cà độc dược đều chết hằng năm.

Có 2 trường hợp ngộ độc được nói là do cà độc được nhưng không rõ chính xác là do loài cây nào.

  • Tháng 6/2008, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 20 tuổi từ Tp HCM, được chuyển đến trong tình trạng thần kinh lơ mơ, nói nhảm, nhịp tim đập nhanh bất thường. Người nhà cho biết trước đó khoảng 30 phút chị Y. có uống độ 250 ml nước thuốc sắc trị hen suyễn. Đó là nước sắc được cho là từ hoa và lá của cây cà độc dược, được một số nhóm người trang phục như người dân tộc thiểu số thường mang đến bán ở khu vực nhà chị ở. Nhiều người ở cùng khu nhà nạn nhân bị hen suyễn, chảy nước mũi vì viêm xoang, vẫn mua thứ này sử dụng vì thấy rẻ tiền mà hiệu quả. Riêng nạn nhân mới dùng thử lần đầu thì bị ngộ độc. Ngộ độc từ cà độc dược từng gặp nhiều ở các tỉnh phía Bắc, ít gặp ở miền Nam nên chưa được nhiều người lưu ý cảnh giác.
  • Tại khoa tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy cũng có ca sử dụng cây cà độc dược đốt để hít nhằm chữa chứng chảy nước mũi vì viêm xoang. Do trong loài cây này có chất atropin có tác dụng làm co thắt các mao mạch trong mũi, nên sau một thời gian ngắn đốt cà độc dược để hít, họ thấy không còn chảy nước mũi nữa nên cứ tưởng thế là đã trị dứt được căn bệnh đầy phiền toái này. Nhưng điều rất nguy hiểm là tuy cắt được chứng chảy nước mũi, gần như mũi của những người này sau đó đều bị mất khứu giác, không còn khả năng phân biệt được các mùi. Những trường hợp này thường là bất trị.

Theo GS-TS Võ Văn Chi, ở Việt Nam có 3 loài cà độc dược: cà độc dược, cà độc dược gai tù và cà độc dược lùn. Tất cả các loài trong chi Datura đều rất độc, chủ yếu do scopolamin (tương tự như 3 loài dưới đây). Triệu chứng ngộ độc chung là gây ảo giác.

Theo Thái Nguyễn Ngọc trên trang web “tieuluanduoclieu”, cà độc dược có hai phân loài:

  • Datura metel L. forma alba: hoa trắng thân xanh, cành xanh
  • Datura metel L. forma violacea: hoa đốm tím, cành và thân tím.

Cây cao 1-2 m, phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn, mọc so le nhưng ở gần ngọn hầu như mọc đối hay mọc vòng, phiến lá nguyên hình trứng nhọn hoặc có thùy, gốc phiến lá không đều. Hoa đơn mọc riêng lẻ ở nách lá, ít khi xếp đôi ở nách lá, cánh hoa màu trắng (cũng có chủng màu kem, vàng, đỏ hoặc tím), dài đến 20 cm, 5 nhụy đính trên cánh hoa. Chi Datura giống như chi loa kèn Brugmansia nhưng chi thứ hai có hoa to hơn, thõng xuống, và nở được nhiều ngày. Quả hình cầu, màu lục, đường kính 3 cm, có nhiều gai mềm mỏng, khi chín nở thành 4 mảnh. Hột nhiều, nhăn nheo, màu nâu nhạt.

Datuea metelKhác với cà độc dược gai tù ở điểm lá láng, nhẵn, và quả không có gai nhọn mà có u nhỏ hoặc gai dài và mềm.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo không nên trồng cây này trong khu vực dân cư.

https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A0_%C4%91%E1%BB%99c_d%C6%B0%E1%BB%A3c http://tieuluanduoclieu.blogspot.com/2012/02/ca-oc-duoc-datura-metel-l-ho-ca_28.html
https://nld.com.vn/suc-khoe/nhieu-ca-chet-nguoi-do-dung-ca-doc-duoc-53130.htm
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/tu-van/nhan-dien-3-loai-ca-doc-gay-ao-giac-pho-bien-o-viet-nam-3157007.html
https://plants.ces.ncsu.edu/plants/all/datura-metel/

8.     Cà độc dược gai tù – Downy thorn apple (Datura innoxia, hoặc Datura inoxia)

Khác với cà độc dược trên ở chỗ toàn cây có nhiều lông, và quả có gai.

Cây mọc hằng năm, cao 1-2 m, trải rộng, toàn thể phủ lông mịn, dày đặc, màu trắng. Lá mọc so le, hình trứng rộng 4-10 cm, dài 10-14 cm, màu lục sẫm, mép nguyên hoặc có rìa dạng sóng, gốc không cân, cuống lá dài 4-5 cm. Hoa đơn độc ở nách lá phía ngọn, cuống hoa dài 1 cm, đài hoa hình ống dài 8-10 cm, rộng 2-3 cm, có 5 răng, tràng hoa có 5-10 cạnh, dài 15-20 cm, đường kính 7,5 cm, phần gốc màu lục nhạt, phần ngọn màu trắng, nhị đính ở miệng ống tràng, bầu hình trứng tròn. Quả nang gần tròn, đường kính gần 4 cm, nứt thành 4 mảnh không đều.

Ca doc duoc gai tu (Datura innoxia)_UOSTất cả các bộ phận của cây có độc mạnh, có tính chất làm giãn đồng tử mắt. Ở Ấn Độ, các bộ phận của cây được sử dụng làm thuốc giống như cà độc dược Datura metel.

https://en.wikipedia.org/wiki/Datura_innoxia https://keys.lucidcentral.org/keys/v3/eafrinet/weeds/key/weeds/Media/Html/Datura_inoxia_(Downy_Thorn_Apple).htm
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/tu-van/nhan-dien-3-loai-ca-doc-gay-ao-giac-pho-bien-o-viet-nam-3157007.html

9.     Cà độc dược lùn – Jimson weed, Devil’s snare (Datura stramonium)

Thấy rất nhiều ở Việt Nam, mọc dại ở bụi rậm, khu đất trống, bỏ hoang. Cây thân thảo hàng năm, cao 0,3-1 m, phân nhánh nhiều. Cành và cuống lá nhẵn bóng, thường có màu tím, mỗi nách nhánh tạo 1 lá và 1 hoa. Lá rộng, mềm, nhẵn, chia thùy sâu với mép răng cưa không đều, khi bị vò phát mùi thơm tương tự hoa dạ lý hương. Hoa có lá đài màu lục hoặc hơi tím, tràng hoa màu trắng hoặc tím nhạt. Quả hình trứng, mọc thẳng, có nhiều gai cứng, khi chín nứt thành 4 mảnh đều nhau. Hột hình thận, màu đen nâu, có thể nằm ngủ dưới đất sâu vài năm, khi được mang lên sẽ mọc mầm. Vì thế, nếu bạn mua đất về bồi bổ cho cây vườn nhà, một ngày cà độc dược lùn bỗng dưng xuất hiện!

Ca doc duoc lun (Datura stramonium)_Missouri PlantsCác bộ phận của cây đều chứa các alcaloid, chủ yếu là tropine, scopolamine và hyoscyamine, nồng độ thay đổi tùy theo cây và thậm chí theo ngày tùy thuộc vào điều kiện môi trường và tuổi của cây. Ngộ độc nhẹ thì có ảo giác và hưng phấn; nặng thì gây tăng nhịp tim và thở gấp, run rảy, tiêu chảy, hôn mê và tử vong. Một số người dùng cà độc dược như là một loại ma túy dễ tử vong do không biết được điểm dừng!

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, có một số ca bị ngộ độc do dùng hoa cà độc dược lùn trong thức ăn vì nhầm lẫn với hoa ăn được, nhưng không ai tử vong sau khi được đưa nhập viện.

Phần lớn báo cáo tổng hợp được ở Canada về ngộ độc thực vật liên quan đến cà độc dược lùn. Trẻ em thấy hoa trông hấp dẫn rồi hút mật hoa mà bị ngộ độc. Cũng có một số tài liệu cho biết bò, dê, ngựa, gà, cừu và heo bị ngộ độc.

https://www.rhs.org.uk/advice/profile?PID=536
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/tu-van/nhan-dien-3-loai-ca-doc-gay-ao-giac-pho-bien-o-viet-nam-3157007.html https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2452247316600122 http://www.missouriplants.com/Bluealt/Datura_stramonium_page.html http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/datura-stramonium/?id=1370403266829

10.  Dạ lý hương – Night-blooming jasmine (Cestrum nocturnum, đồng nghĩa Cestrum parqui)

Da ly huong - Night-blooming jasmine (Cestrum nocturnum)Cây thuộc họ Cà (Solanaceae) như 4 loài nêu trên. Cây dạng bụi có cành và nhánh vươn dài, có thể vươn cao 4 m. Lá đơn, mọc cách, màu xanh nhạt, nhẵn bóng, gốc thuôn dài có cuống ngắn. Hoa nhiều, tập hợp thành chùy ở đầu cành hay nách lá, màu vàng nhạt hay lục nhạt, mùi hương thơm ngát về đêm có thể lan xa hàng chục mét. Cánh tràng hợp thành ống dài, trên loe thành phễu chia thành năm thùy trái xoan nhọn. Quả mọng màu lam hay đen nhạt, hạt dẹt.

Giống như tất cả các loài (con số khoảng 200) thuộc chi Cestrum, tất cả các bộ phận của dạ lý hương đều có độc tính dù tươi hay khô. Ở Mỹ, có vài trường hợp trẻ em ăn quả, hai trường hợp ăn ít vẫn an toàn, một trường hợp ăn quả trong nhiều tuần mới bị ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc là sốt, nôn mửa, tiêu chảy, nặng hơn thì tạo ảo giác và tiêu ra máu, nhưng không có tài liệu cho biết dạ lý hương gây tử vong cho người. Vấn đề là ở hương hoa:, một số người không chịu nổi mùi quá nồng của hoa, vì thế không nên trồng dạ lý hương bên ngoài buồng ngủ.

Cây cũng độc đối với gia súc, 120 g (khoảng 60 lá) đủ để giết một con bò nặng gần 200 kg, do viêm đường tiêu hóa và tụ huyết ở gan, thận. Cũng nên xem cây dạ lý hương độc đối với ngựa, cừu, dê, heo, gà, mèo chó. Nồng độ chất ly trích từ cây giết lăng quăng của muỗi vằn (Aedes aegypti) không làm chết cá.

http://www.iucngisd.org/gisd/species.php?sc=851 https://en.wikipedia.org/wiki/Cestrum_nocturnum
http://entheology.com/plants/cestrum-nocturnum-night-blooming-jessamine/

11.  Bã đậu, Vông đồng – Sandbox tree (Hura crepitans, Hura brasiliensis)

Cây thuộc họ Thầu dầu hay họ Đại kích (Euphorbiaceae). Cây còn được gọi là bã đậu tây, một số địa phương gọi là cây ngô đồng, nhưng tên ngô đồng thông dụng hơn để chỉ một loài cây cảnh nhỏ (xem phần kế tiếp).

Một số trường hợp trẻ em bị ngộ độc do hột bã đậu:

  • Tháng 6/2006, hai em ở Q8, Tp HCM nhặt chơi và ăn thử những hột rơi quanh cây bã đậu. Thấy có vẻ ngon nên các em đã… ăn hết các hột rơi quanh cây. Một lúc sau, cả 2 em nôn ói liên tục, bụng quặn đau nhiều, sau đó tiêu chảy phân toàn nước, người lừ đừ, mệt nhiều, nên gia đình liền đưa 2 em cùng với mẫu cây bã đậu đến Bệnh viện. Hai em đã ngộ độc cấp do ăn hột bã đậu, được các bác sĩ kịp thời cấp cứu, truyền dịch và theo dõi sát trong 2 ngày mới hồi phục hoàn toàn.
  • Tháng 4/2017, 20 học sinh bị ngộ độc do ăn hột tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) vì nhầm tưởng đây là quả óc chó, phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài kèm theo nôn ói.
  • Cùng thời gian, 37 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Quỳ Châu (Nghệ An) ăn hột, phải nhập viện cấp cứu với những triệu chứng tương tự như trên.

Ba dau – Sandbox tree (Hura crepitans)Ảnh: lá, hoa, quả tươi và quả khô của bã đậu.

Bã đậu thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Dễ nhận ra cây này do thân cây thường có nhiều gai, và hình thái đặc biệt của hoa và quả. Tán lá cao và trải rộng, vì thế được ưa chuộng làm cây tạo bóng mát. Lá hình tim hơi ba cạnh, mép có răng cưa. Hoa đực hình nón, chùy khoảng 1,5-2 cm, phần lớn có màu đỏ đậm. Quả dẹt 3-5 cm, đường kính 7-9 cm, hình dạng giống quả bí đỏ, cong lõm ở đỉnh và ở đáy, bao quanh bởi những thùy bên trong chứa hột. Quả chín khô rụng, khi gặp nước vỡ ra, phát tán hột đi xa.

Mủ màu trắng sữa hay màu vàng trong mờ, và hột của cây có độc, gây tiêu chảy và nôn mửa khi ăn phải, nhưng không đến mức tử vong. Tại một vài vùng Nam Mỹ, mủ được dùng để thuốc cá hay để tẩm mũi tên độc. Điều này cho thấy cần cẩn trọng với tất cả các bộ phận của cây.

Cây thường được trồng ven đường phố, và đặc biệt trên sân trường học có lẽ vì người ta nghĩ học sinh sẽ không nghịch ngợm trèo lên cây do có gai, và chỉ cần một cây là có diện tích bóng mát đáng kể. Cần khắc phục việc này.

http://duocthaothucdung.blogspot.com/2012/03/cay-ba-au-sandbox-tree-bombardier.html
https://nld.com.vn/suc-khoe/an-hat-ba-dau-co-the-gay-chet-nguoi-191580.htm
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4ng_%C4%91%E1%BB%93ng

12.  Ngô đồng, Ngô đồng cảnh, Dầu lai có củ – Buddha belly (Jatropha podagrica)

Ngo dong - Buddha belly (Jatropha podagrica)Cây thuộc họ Thầu dầu hay họ Đại kích (Euphorbiaceae). Cây cao 30-100 cm, gốc phình to. Đặc trưng của cây là có một cụm hoa đỏ trên ngọn. Hoa hình ngù, có 5 cánh, sau hình thành nên dạng quả nang có đường kính 1,5 cm. Lá hình lọng, có 5 khía; lá kèm chia thành những phiến hẹp như kim.

Toàn cây chứa chất độc curcin, tương tự như chất độc ricin trong hột thầu dầu. Đặc biệt là quả và hột có hàm lượng curcin cao; ăn vào sẽ gây nôn mửa dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo không nên trồng cây này trong khu vực dân cư.

https://baomoi.com/canh-giac-voi-cay-co-doc-tinh-cao-ho-thau-dau/c/22283742.epi
https://florafaunaweb.nparks.gov.sg/special-pages/plant-detail.aspx?id=2154 http://www.llifle.com/Encyclopedia/SUCCULENTS/Family/Euphorbiaceae/22500/Jatropha_podagrica

13.  Bã đậu nam – Purging nut tree (Jatropha curcas)

Cây thuộc họ Thầu dầu hay họ Đại kích (Euphorbiaceae). Cây cao 1-5 m, có nhiều nhũ dịch trong. Lá có thùy, đáy hình tim, cuống dài 5 – 12 cm. Quả nang to 2,5 cm, nâu-vàng lúc chín, chứa 3 hột đen cao 18 mm.

Ba dau nam (Jatropha curcas)2

Lá và nhất là hột có độc tính vì chứa curcin, tương tự như chất độc ricin trong hột thầu dầu. Trẻ em ăn hột phát lộ triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng.

Jatropha curcas là lý do ngộ độc thực vật cao nhất ở Thái Lan trong giai đoạn 2001-2010. Ở Pháp, 24 trường hợp ngộ độc do hột và quả được báo cáo với các trung tâm ngộ độc Paris và Marseille từ tháng 12/2000 đến tháng 6/2014.

http://www.llifle.com/Encyclopedia/SUCCULENTS/Family/Euphorbiaceae/28980/Jatropha_curcas http://bvdkquangnam.vn/tin-tc/y-hc-thng-thc/1108-ng-c-cp-vi-n-ht-ca-cay-b-u.html
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26867365
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25925815

14.  Thường xuân – English ivy (Hedera helix)

Nhân vật trong truyện ngắn The last leaf (Chiếc lá cuối cùng) của O. Henry chỉ ngắm chiếc lá thường xuân từ xa, chứ nếu cô chạm tới nó trong khi đang bệnh thì nguy tai!

Cây thường xuân hoặc dây thường xuân thuộc họ Thường xuân (Araliaceae), nay được rao bán khá nhiều trong khi người tiêu dùng còn ít biết đến độc tính của cây này.

Thuong xuan - English ivyCây có nguồn gốc ở châu Âu và Tây Á, là loài cây leo, thường xanh. Cây có khả năng lan trên bề mặt dốc cao tới 20-30 mét. Ở nhiều nơi, cây được trồng để tạo màu xanh và để làm hàng rào. Cây nhỏ thường được trồng trong nhà cho thòng rũ xuống hoặc bò lan ra chung quanh, tạo thẩm mỹ cho nội thất, và việc này dẫn đến nguy cơ ngộ độc cho người và thú cưng. Quả của thường xuân thường đắng nên tạo nguy cơ ngộ độc thấp.

Ở các nước phương Tây, thường xuân là cây độc phổ biến nhất, bởi vì đa số người chạm vào nó bị mẩn ngứa và nổi ban ở vùng da tiếp xúc. Đó là do chất urushiol trong nhựa của cây, vì nhựa này trong suốt nên người ta có thể chạm vào mà không biết. Trẻ nghịch ngợm nuốt phải lá có thể bị ảo giác, co giật, thậm chi hôn mê. Cây cũng độc đối với ngựa, mèo, chó. Bò ăn nhiều lá thường xuân có thể bị bệnh vài ngày mới khỏi.

http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-common-name/english-ivy/?id=1370403266849
https://listverse.com/2011/03/22/10-common-plants-you-didnt-know-were-toxic/

15.  Linh lan, Lan chuông – Lily of the valley (Convallaria majalis)

Cây thuộc họ Tóc tiên (Ruscaceae) thân thảo sống lâu năm, có khả năng tạo thành cụm dày dặc nhờ loang rộng theo các rễ ngầm dưới mặt đất được gọi là căn hành (rhizome). Các căn hành này tạo ra rất nhiều chồi mỗi mùa xuân. Thân cây cao 15–30 cm, với hai lá dài 10–25 cm, cành hoa bao gồm 5-15 hoa trên đỉnh ngọn thân cây. Hoa có màu trắng (ít khi hồng), hình chuông, đường kính 5–10 mm, có mùi thơm ngọt; nở hoa về cuối mùa xuân. Quả là loại quả mọng, màu đỏ, nhỏ với đường kính 5–7 mm. Cây được sử dụng trong y học cổ truyền qua nhiều thế kỷ.

Linh lan - lily-of-the-valley 4Lá và hoa linh lan chứa ba hợp chất glycoside: convallarin, convallamarin, và convallotoxin, chất thứ ba có ảnh hượng nhất tới tim, gây nhịp tim chậm và không đều, có thể dẫn đến trụy tim.

Độc tính của linh lan không cao bởi vì các glycoside đó được hấp thụ kém trong đường tiêu hóa. Có tin uống nước gần nơi linh lan mọc bị ngộ độc, nhưng thí nghiệm trên thú không tìm thấy điều này. Tuy vậy, vẫn có những báo cáo về người bị ngộ độc linh lan, vì thế ta vẫn phải cẩn trọng.

http://www.thepoisongarden.co.uk/atoz/convallaria_majalis.htm http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/convallaria-majalis/?id=1370403266819

16.  Kim giao – Pencil cactus (Euphorbia tirucali)

Chi Đại kích (Euphorbia) có khoảng 2.000 loài với độc tính nặng nhẹ khác nhau tùy theo loài, nói chung không nguy hiểm. Một số loài có gai và hình thái khiến người ta dễ nhầm lẫn với xương rồng, thế nên tên tiếng Việt có từ “xương rồng” và tên tiếng Anh có từ “cacti”. Khác biệt giữa hai nhóm là xương rồng có mủ trong suốt và hoa to rực rỡ, trong khi chi Đại kích có mủ trắng và hoa nhỏ, không có đài hoa và cánh hoa, không tạo ấn tượng.

Kim giao - Pencil tree (E. tirucalli)Nhựa hoặc mủ latex của các loài thuộc chi Euphorbia có độc tính từ nhẹ đến vừa, gây bỏng rộp và ngứa cho da, gây sưng đỏ và đau mắt khiến bị mù tạm thời.

Kim giao, còn có tên là san hô xanh hoặc xương cá, thường được trồng làm cảnh và cũng được dùng để trị viêm xoang khá công hiệu. Cây có lá nhỏ, rất ít khi thấy lá của cây vì lá thường rụng rất sớm; thân gồm nhiều đốt tròn với nhiều nhánh như chiếc đũa ăn cơm. Nhờ cành có diệp lục tố (thể hiện qua màu lục), cây quang hợp được để tạo ra hợp chất hữu cơ.

Cây này được xem là có độc tính đáng kể nhất trong số các loài thuộc chi Euphorbia: bạn nên cẩn trọng không để cọ sát với da, càng không nên để mủ vấy vào mắt. Các triệu chứng khi ăn phải gồm có nôn mửa, tiêu chảy; và da nơi tiếp xúc bị đỏ, phồng rộp. Người làm vườn thường bị mủ vấy lên da bởi vì khi một nhánh cây bị bẻ gẫy mủ có thể bắn mạnh ra ngoài. Một người kể thấy vài giọt mủ dính trên da nhưng không cảm thấy gì nên chỉ rửa da bằng nước sơ sài. Ít lâu sau, người này cảm thấy như có lửa đốt ở phần da dính mủ. Mủ dính vào da như keo, vì thế rửa sơ sài không hiệu quả.

Euphorbon là thành phần hoạt động trong mủ trắng của chi Euphorbia gây độc. Mủ là một thành phần glucoside phức tạp, chất resin, gôm và nguyên chất đắng. Đặc tính này khác nhau ở các loài. Nguyên tắc của sự kích ứng có thể là do độc chất thực vật (phytotoxine) với hiệu ứng kết tập hồng huyết cầu (hemagglutination).

https://plants.ces.ncsu.edu/plants/all/euphorbia-tirucalli/ https://davesgarden.com/guides/articles/view/3133 https://tsrsblog.wordpress.com/2013/10/15/cay-thuoc-co-doc-tri-benh-kho-luc-ngoc-thu-hay-canh-giao-hoac-xuong-kho/
https://en.wikipedia.org/wiki/Euphorbia

17.  Xương rồng cảnh – African milk tree (Euphorbia trigona)

Mủ có thể gây bỏng da và mắt nếu tiếp xúc, gây tê cứng lưỡi và miệng, nôn mửa nếu ăn phải.

Euphorbia_3 species

Ảnh: Xương rồng cảnh (Euphorbia trigona), Xương rồng bát tiên (Euphorbia milii), Xương rồng ngọc lân (Euphorbia neriifolia)

Một báo cáo khoa học trên tạp chí chuyên ngành Indian Journal of Opthalmology cho biết một nạn nhân nam 60 tuổi khi tỉa cây xương rồng cảnh làm hàng rào bị mủ cây bắn vào mắt. Lập tức ông cảm thấy mắt đau buốt, dùng nước rửa mắt thì bớt đau, nhưng 16 giờ sau mắt vẫn còn đau và thị lực giảm sút. Tuy nhờ chữa trị, nhưng đến 10 ngày sau mắt mới hồi phục hoàn toàn.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2712704/

18.  Xương rồng bát tiên – Crown of thorns (Euphorbia milii)

Lá có rất nhiều hình dạng như hình bầu dục dài, bầu dục ngược, bầu dục tròn, thuôn dài, hình mác, hình tròn… Hoa đa số có màu đỏ nhưng có một số chủng cho hoa màu kem, hồng, cam.

Độc tính của xương rồng bát tiên tương tự như xương rồng cảnh nêu trên. Cùng báo cáo khoa học trên tạp chí Indian Journal of Opthalmology cho biết một nạn nhân nữ 54 tuổi khi tỉa cây xương rồng bát tiên làm hàng rào bị mủ cây bắn vào mắt. Lập tức bà cảm thấy mắt đau buốt nhưng không rửa mắt ngay. Mười lăm phút sau, mắt đau dữ dội, thị lực kém đi. Tuy nhờ chữa trị, nhưng đến 15 ngày sau mắt mới hồi phục hoàn toàn.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2712704/

19.  Xương rồng ngọc lân – Indian spurge tree (Euphorbia neriifolia)

Cây nhỡ hay cây nhỏ cao 5-6cm, nhánh có 5 cạnh, dày 2cm hay hơn. Lá ở các ngọn nhánh, hình trái xoan ngược thuôn, hơi nạc, nguyên, chóp tròn, thon đầu lại thành cuống rộng, dài 13-15cm, rộng 3-4cm, có lá kèm thành gai, xếp 2 cái một ở các đệm. Cụm hoa thành xim nhỏ bên, ở ngọn các nhánh.

Độc tính của xương rồng ngọc lân tương tự như xương rồng cảnh nêu trên. Cùng báo cáo khoa học trên tạp chí Indian Journal of Opthalmology cho biết một nạn nhân nam 51 tuổi khi tỉa cây xương rồng ngọc lân làm hàng rào bị mủ cây bắn vào mắt. Lập tức ông cảm thấy mắt đau buốt, nhanh chóng rửa mắt bằng nước lã thì đỡ đau. Tuy nhờ chữa trị, nhưng đến 2 tuần sau mắt mới hồi phục hoàn toàn.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2712704/ https://davesgarden.com/guides/articles/view/3133

20.  Trạng nguyên – Christmas plant (Euphorbia pulcherrima)

Loài cây nổi bật với những phiến lá bắc trên cùng có màu đỏ lửa, hồng hay trắng với chùm hoa vàng nho nhỏ ở giữa. Cây mọc tự do có thể cao 2-3 m, nhưng cây nhỏ thường được trồng trong chậu để chưng trong nhà và không cao bao nhiêu.

Trang nguyen – Christmas plant (Euphorbia pulcherrima)Mủ cây trạng nguyên có thể gây kích ứng cho da và mắt giống như các loài cây cùng chi Đại kích (Euphorbia) bởi vì chứa các hợp chất glycoside gây ảnh hưởng đến tim. Nếu ăn phải lá trạng nguyên có thể bị tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Hệ thống Thông tin Cây độc Canada (Canadian Poisonous Plants Information System) ghi nhận một đứa trẻ ở Hawaii tử vong vì ăn lá cây trạng nguyên nhưng có thể là do đồn đại, và một con chó già chết với các triệu chứng nôn mửa, suy thận, và hôn mê. Một số người nôn mửa khi bị ngộ độc. Cây trạng nguyên không gây độc đối với chuột trong thí nghiệm, còn trên thực tế có độc tính nhẹ đối với chó và mèo. Một cơ sở dữ liệu báo cáo ngộ độc ở Mỹ cho biết độc tính đối với người thường là nhẹ, ít khi cần chữa trị trừ phi có triệu chứng nặng,

Hiệp hội các Trung tâm Kiểm soát Chất độc Hoa Kỳ (American Association of Poison Control Centers – AAPCC) phân tích khoảng 27,000 trường hợp ngộ độc do cây giáng sinh, nhóm cây ô rô và nhóm cây chùm gửi, cho thấy chỉ có 0,1 phần trăm người có triệu chứng nặng. Độc tính là do các hợp chất anthoxyacin – là sắc tố tạo ra các màu đỏ, tím và lam trong nhiều loài cây – nhưng không có thông tin về ngộ độc nặng.

Một bệnh viện thực tập cho sinh viên thú y của Đại học Bang Colorado cho biết các hợp chất ester của diterpenoid euphorbol trong cây trạng nguyên không cao như ở các cây độc hơn trong cùng họ, và các chủng lai tạo của cây trạng nguyên bán ngoài thị trường ở Mỹ không độc như cây thuần chủng.

Tổng hợp lại, sau khi rà soát các cơ sở dữ liệu, các chuyên gia Canada và Mỹ cho rằng cần loại bỏ tính chất hoang đường về độc tính của cây trạng nguyên!

http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/euphorbia-pulcherrima/?id=1370403266864 http://www.petpoisonhelpline.com/poison/poinsettia/ https://www.nature.com/scitable/blog/plantchemcast/the_dark_myth_of_the

21.  Trâm ổi, Thơm ổi – Lantana (Lantana camara)

Thơm ổi là loại cây nhỏ, dạng bụi, cao 1-2m. Thân vuông phủ đầy lông nháp và có gai quặp xuống. Cành vươn dài. Lá mọc đối, hình trái xoan, gốc tròn hoặc hình tim, đầu nhọn, mép khía răng đều. Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành bông có dạng đầu giả hình cầu. Cả cây có mùi hăng đặc biệt. Cây mọc hoang ở nhiều nơi, thường gặp ở đồi, bãi trống, ven rừng. Đặc biệt, câu có thể sống tốt ở đất trông khô cằn. Có một số chủng lai khác nhau trồng làm cảnh cho hoa nhiều màu khác nhau.

tram oi hoangẢnh: lá, hoa và quả đặc trưng của loài trâm ổi hoang. Các chủng lai tạo cho hoa có nhiều màu khác như tím và vàng, tím và trắng, hồng và vàng.

Chính người viết hồi còn nhỏ nhiều lần vì nghe theo lời bạn bè cùng trang lứa ăn quả chín mà không thấy có vấn đề gì, về sau đọc tin trên Internet cho biết quả xanh có chất độc lantanin alkaloid hoặc lantadene A gây bỏng rát đường ruột, giãn cơ, rối loạn tuần hoàn máu và có thể dẫn đến tử vong.

Ở Mỹ, việc rà soát cơ sở dữ liệu Kiểm soát Chất độc California (California Poison Control) trong giai đoạn 1997-2009 đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Pediatrics (Nhi khoa) đi đến kết luận rằng nếu con nhỏ của bạn ăn phải quả (chín hoặc sống) hoặc lá của thơm thì không nên quá lo lắng. Không có trường hợp triệu chứng nặng, chỉ không đến 10% số trẻ ăn phải trâm ổi có triệu chứng nhẹ như nôn mửa, số bị đau bụng hoặc tiêu chảy còn ít hơn. Từ kết luận này, có đề xuất là các trung tâm kiểm soát chất độc nên thay đổi hướng dẫn theo chiều hướng đó.

Trâm ổi độc đối với bò, cừu, dê, thỏ, mèo, và chó. Đó là cây dại thường mọc hoàng trên đồng cỏ ở Úc. Bò và ngựa ở Úc ăn phải cây này phát lộ một số triệu chứng bị ngộ độc như:

  • da bị cảm ứng thái quá với ánh nắng, thể hiện bởi phần da trắng (không có sắc tố) bị viêm đỏ, tróc và sưng da, con vật sợ ánh nắng
  • trụy gan, thể hiện bởi hoàng đản (jaundice) ở tròng trắng mắt và da ở mũi và miệng
  • viêm mắt
  • bỏ ăn
  • lờ đờ, mệt mỏi

Triệu chứng phát lộ sau khi con vật còn xa lạ với trâm ổi được đưa vào lần đầu tiên vùng có trâm ổi mọc, còn vùng có sẵn trâm ổi thì con vật tránh ăn. Điều này là thường thấy khi súc vật đã học được kinh nghiệm và trải qua triệu chứng nhẹ khi ăn nhầm cây cỏ độc nên lần sau chúng biết đề phòng mà bỏ qua.

https://baomoi.com/cay-doc-cay-thom-oi-co-hoa-luon-ruc-ro-nhung-phai-canh-giac-truoc-chat-doc-trong-qua/c/24529573.epi
https://www.reuters.com/article/us-lantana-toddlers/lantana-plant-safe-for-toddlers-idUSTRE6A02MI20101101
https://www.daf.qld.gov.au/__data/assets/pdf_file/…/IPA-Lantana-Poison-Flyer.pdf

22.  Bồng bồng lớn, bồng bồng – Crown flower, giant milkweed, swallow wort (Calotropis gigantea, đồng nghĩa Asclepias gigantea)

Cây thuộc họ Trúc đào, còn được gọi là họ Dừa cạn, họ Thiên lý (Apocynaceae).

Cây có thân tiểu mộc đứng thẳng, to đến 25 cm, cao đến 5 m. Cành non có lông trắng. Lá nhìn từ xa có màu lục bạc vì có lông mịn như gòn ở mặt dưới, mọc đối, hình trứng ngược hay hình thuôn dài, dài 10-20 cm, rộng 3-8 cm, điểm nhọn ở đầu, dạng tim ở phần bên dưới. Hoa mọc thành xim gồm nhiều tán đơn hay kép, 5 cánh hoa trắng ửng tím. Chùm hoa mọc ở nách lá, hoa rộng 1,5-2,5 cm, 5 cánh màu trắng ửng tím, nhụy đực thành một khối tím đứng cao. Quả ít, dài 7,5-10 cm; hột có nhiều lông. Cây có rất nhiều mủ trắng có tính acid, khi bẻ cành cây mủ trắng nhỉ ra nhiều.

Bong bong (Calotropis gigantea)Ảnh: toàn cây, thân và quả của bồng bồng lớn.

Ở Việt Nam, bồng bồng lớn hiện diện ở Vũng Tàu, Nha Trang…., nơi đụn cát, dọc theo bờ biển, lề đường hoặc bên trong những nơi không có sự cạnh tranh của những loài cây cỏ.

Dân gian dùng cây bồng bồng lớn làm thuốc chữa hen (“lá hen”), nhưng mủ có độc tính: liều thấp gây nôn, liều cao gây độc mạnh như nhức đầu, chóng mặt, sốt, nổi ban, thậm chí gây ép tim, ngủ lịm, khó thở. Mủ chứa gigantin, có độc tính cao gấp 15-20 so với strychnine (chất độc trong cây mã tiền, thường được dùng để diệt chuột).

Ở Ấn Độ có 2 trường hợp mủ cây bồng bồng gây độc cho mắt:

  • Một đoàn xe chở binh sĩ đi diễn tập cán lên nhiều cây bồng bồng khiến cho mủ trắng văng tung tóe khắp nơi. Trong vòng 3 tuần sau, có 16 người bị nhiễm độc do mủ bắn vào mắt. Họ đều bị giảm thị lực nhưng không cảm thấy đau ở mắt. Sau 2-7 ngày chữa trị, thị lực của họ hồi phục.
  • Một nạn nhân 27 tuổi bị nhựa cây bồng bồng bắn vào mắt. Lập tức anh cảm thấy mắt đau buốt, sưng đỏ, và thấy sợ ánh sáng. Anh rửa mắt thường xuyên với nước lã, 2 giờ sau mắt hết đau nhưng thị lực dần giảm sút. Sau 2 ngày chữa trị, thị lực hồi phục.

Cơ sở dữ liệu của Cơ quan Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food & Drug Administration – FDA) cho biết cây không độc với chó, nhưng độc với bò và dê.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4297827/ http://duocthaothucdung.blogspot.com/2013/06/bong-bong-lon-crown-flower.html
https://www.accessdata.fda.gov/scripts/plantox/detail.cfm?id=22583

23.  Bồng bồng quý – Sodom apple (Calotropis procera)

Cây thuộc họ Trúc đào, còn được gọi là họ Dừa cạn, họ Thiên lý (Apocynaceae).

Cây này rất giống cây nêu trên, nếu chỉ nhìn ảnh thì khó phân biệt giữa hai loài. Cây thấp hơn cây trên, bụi tản rộng, cao đến 2,5 m, mọc ở cao độ từ bờ biển lên 1000 m, hiện diện ở vùng Bình Định. Cành non đầy lông, cành lớn không lông. Lá khi còn non đầy lông như gòn, dài 15-30 cm, rộng 2,5-10 cm. Hoa trắng ở ngoài, tím ở trong. Cùng với cây nêu trên, được dùng trong y học cổ truyền của Ấn Độ từ thời xa xưa; mủ khô và rễ phơi khô được dùng để chữa rắn cắn. Tuy hiếm hơn loài trên nhưng bồng bồng quý có độc tính mạnh hơn.

Bong bong quy (Calotropis procera)Ảnh: toàn cây, thân và quả của bồng bồng quý (Nguồn: Missouri Botanical Garden)

Trên thực tế, bạn chỉ cần nhận ra được hình thái của cây bồng bồng mà tránh chạm vào mủ, không cần biết đó là loài bồng bồng nào.

https://www.feedipedia.org/node/588 http://www.missouribotanicalgarden.org/PlantFinder/PlantFinderDetails.aspx?taxonid=276915&isprofile=0&

24.  Thiên tuế, Vạn tuế  – Sago palm, King sago palm (Cycas revoluta)

Thien tue (Cycas revoluta)Dễ nhận ra các loài của chi Cycas thuộc họ Tuế (Cycadaceae): có lá dài, mọc thành vòng và xanh quanh năm, cuống lá có gai rất nhọn. Tất cả các loài cần được xem là có chất độc cycasin, và chất này hiện diện trong tất cả bộ phận của cây, nhất là hột. Triệu chứng nhẹ gồm có nôn mửa, tiêu chảy, co giật, triệu chứng nặng hơn là suy gan.

Không nên tiếp xúc gần hoặc dùng tay bứt lá, hột, vỏ vạn tuế, bởi có thể bị ngộ độc. Càng không nên đặt cây trong phòng kín.

Tài liệu nước ngoài ghi nhận những trường hợp chó ngộ độc do ăn thiên tuế, có lẽ do chúng thích mùi của hoa cây này.

https://en.wikipedia.org/wiki/Cycas_revoluta

25.  Thiên điểu – Bird of pardise (Strelitzia reginae)

Cây thuộc họ Chuối rẻ quạt (Strelitziaceae), loài thân thảo sống nhiều năm. Thân cây cao 1,5-2 m, lá hình bầu dục, hoặc hình kim, hoặc hình trứng, mọc đối xếp thành 2 hàng, dài khoảng 25-70 cm, phiến lá rộng 10-30 cm (4-12 inch), cuống lá dài tới 1 m. Các lá thường xanh này tạo thành một tán lá hình quạt. Hoa mọc phía trên tán lá, trên đỉnh của một cuống dài. Bao hoa gần như vuông góc với thân cây, làm cho bề ngoài của nó giống như đầu và mỏ chim, tạo thành chỗ đậu vững vàng cho các loài chim hút mật thụ phấn cho hoa. Hoa bao gồm ba lá đài màu da cam hoặc vàng rực rỡ, ba cánh hoa màu lam ánh tía. Tràng hoa màu lam sẫm, nhụy màu trắng. Hai trong số ba cánh hoa hợp cùng nhau tạo thành tuyến mật hình mũi tên.

Thien dieuLá có độc tính nhẹ, hột có độc tính nặng hơn do sự hiện diện của prussica acid, còn được gọi là hydrocyanic acid, gây nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt. Có một số trường hợp chó, ngựa và mèo ở nước ngoài bị ngộ độc. Triệu chứng nơi thú nuôi thường xảy ra 20 phút sau khi nuốt phải, gồm có co giật, thở gấp, đi siêu vẹo, phấn khích thái quá, cũng có trường hợp con vật chết.

http://homeguides.sfgate.com/bird-paradise-plants-dangerous-dogs-42142.html

26.  Đỗ quyên – Rhododendron, Azalea (Rhododendron sp.)

Chi Đỗ quyên (Rhododendron) thuộc họ Thạch nam (Ericaceae) có khoảng 700-1.000 loài (tùy tác giả), hầu hết có hoa đẹp, các loài lai tạo càng có nhiều hoa rực rỡ. Các nhà trồng hoa cảnh phân biệt hoa azalea là một nhóm trong chi Rhododendron được ưa chuộng để trưng bày trong nhà, còn hoa rhododendron là những loài còn lại trong chi đó. Điểm phân biệt là

  • azalea có 5 nhị hoa, thường là cây bụi hoặc cây nhỏ
  • rhododendron có 10 nhị hoa hay hơn, là cây bụi đến cây to

Đỗ quyên có nguồn gốc ôn đới, gần đây được trồng khá nhiều ở Đà Lạt để cung cấp hoa cắt hoặc cây chậu.

Trung tâm Dữ liệu Thực vật Việt Nam mô tả các đặc điểm hình thái, sinh thái và phân bố của 19 loài có giá trị làm cảnh thuộc chi Đỗ quyên (Rhododendron) trong tổng số 40 loài thuộc chi này ở Việt Nam. Bốn ví dụ về loài đỗ quyên mọc hoang dã ở Việt Nam:

  • Đỗ quyên Delavay (Rhododendron arboreum var. delavayi, đồng nghĩa Rhododendron delavayi): Phân bố: Lào Cai (Sapa), Nghệ An, Hà Tĩnh. Còn có Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc (Vân Nam). Cây to, cao 1-8m; hoa hồng hay đỏ, đôi khi trắng, có đốm tía, to. Mọc rải rác trong rừng, ở độ cao 1800- 2200m.
  • Đỗ quyên Cavalerie (Rhododendron cavaleriei): Phân bố: Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Trung Quốc. Cây bụi thường xanh, cao 3-5m; nhiều hoa, trắng hay hơi hồng. Mọc trong rừng thưa, ở độ cao 1500-1800m.
  • Đỗ quyên vân gấm (Rhododendron fortunei): Phân bố: Thừa Thiên-Huế (Bạch Mã), Trung Quốc. Cây bụi thường xanh, cao 3-4m. Hoa màu đỏ phấn, đều, có tuyến. Mọc trong rừng vùng núi, ở độ cao 1800m.
  • Đỗ quyên Vân Nam (Rhododendron yunanense): Phân bố: Lào Cai (Sapa), Trung Quốc (Vân Nam). Bụi cao 1-4m, tràng hoa màu trắng, màu hồng, mặt trong màu đỏ sẫm. Nhụy cao và cong lên.

do quyen VN_4 loai 2Đỗ quyên được cho là liên quan đến vũ khí hóa học đầu tiên trong lịch sử loài người. Vào năm 67 trước Công nguyên, một đoàn quân La Mã dưới quyền Gnaeus Pompeius Magnus (Pompey Đại đế) đang truy đuổi quân Ba Tư dưới quyền Vua Mithridates Xứ Pontus dọc theo bờ Biển Đen thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Quân Ba Tư trưng dụng nhiều hũ mật ong rồi để rải rác trên đường tiến của quân La Mã. Đoàn quân từ xứ lạ ham hố ăn mật ong rồi phát lộ triệu chứng nôn mửa, tinh thần ngơ ngơ ngác ngác, cuối cùng bị đánh bại trên chiến trường. Đó là vì quân La Mã ăn mật của ong hút nhị hai loài hoa đỗ quyên Rhododendron luteumRhododendron ponticum, chứa chất độc cho hệ thần kinh gọi là rhodotoxin (còn được gọi là grayanotoxin hoặc andromedotoxin) trong phấn hoa. Dân địa phương thường pha loại mật ong đó thành một loại thức uống đặc biệt để gây phấn chấn tinh thần, thậm chí tạo ảo giác, có tác dụng như một loại ma túy.

Ngày nay, loại mật ong đó – được gọi là “mật điên” (mad honey) – vẫn còn được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người dùng mật quá độ thường bị buồn nôn, chảy nước dãi, đau bụng, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, tinh thần mất cân bằng; nặng thêm thì chậm nhịp tim, co giật, tê liệt chân tay và hôn mê. Trường hợp này được gọi là “bệnh mật điên” (mad honey disease). Một bác sĩ ở Trường Y tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông đã chứng kiến 200 ca ngộ độc “mật điên”.

Điều đặc biệt là chỉ có 2 loài đỗ quyên trên chứa chất độc rhodotoxin ở hàm lượng cao, và chỉ ở vùng bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ 2 loài này mọc tràn lan trên những đồi núi cao mà không có loài hoa nào mọc cạnh tranh được. Mỗi năm đến mùa hoa nở, dân địa phương mang tổ ong lên cho chúng hút mật hoa từ những thảm đỗ quyên trùng điệp. Từ đó người ta có một loại mật khá tinh khiết về độc tính! Khách Tây ba lô thường đến đây say sưa với “mật điên” đến nỗi bị “bệnh mật điên” nhưng hiếm khi tử vong, còn dân địa phương biết dùng đúng liều lượng để chữa huyết áp cao, tiểu đường, thậm chí họ còn tin rằng đó là thuốc tráng dương.

Không phải tất cả các loài đỗ quyên đều độc, nhưng khi có độc thì cây chứa chất độc trong tất cả bộ phận của cây, đặc biệt là ở hoa. Hiện nay, người bị ngộ độc do đỗ quyên thường là vì nhầm tưởng một số loài đỗ quyên là cây kim ngân thuộc chi Lonicera, tên tiếng Anh là honeysucker (hút mật), nên họ hút lấy mật hoa. Cũng có người nhận ra hoa đỗ quyên nhưng họ thấy ong hút mật được an toàn thì yên tâm làm theo, nhưng họ không biết chất độc của đỗ quyên không ảnh hưởng đến ong. Riêng có một số người khác nghe lời đồn sao đó mà hái lá cho vào nước sôi để uống như trà, rồi ngã bệnh vì ngộ độc.

Trường hợp bị ngộ độc nặng nhất trong lịch sử cận đại có lẽ là ở Bắc Triều Tiên: tháng 6/2008 có 9 học sinh vì quá đói lên đồi ăn nhiều lá đỗ quyên (không rõ loài) rồi tử vong.

Một cuộc rà soát 152 ca ăn đỗ quyên được báo cáo trong 3 năm ở Mỹ, cho thấy trong số 28 người hút mật hoa đỗ quyên và những người còn lại nuốt lá hoặc hoa, có 8 người phát lộ triệu chứng ngộ độc nhẹ, 1 người bị nặng hơn do nôn mửa liên tục và giảm huyết áp nhưng chỉ cần nằm viện 1 ngày. Điều này cho thấy đỗ quyên có độc tính nhẹ.

Một chuyên gia phụ trách thông tin độc chất ở Mỹ cho biết vào mùa xuân và đầu mùa hè thường có những cuộc gọi điện hỏi han sau khi con em họ đưa hoa hoặc lá đỗ quyên lên miệng, hoặc hút mật từ hoa. Thường chỉ có các triệu chứng nhẹ trong những ca này, như ngứa môi, miệng, và nôn mửa.

Riêng các nhà trồng hoa thương mại trấn an rằng các loài lai tạo của họ chứa chất độc thấp hơn so với các loài thuần chủng.

Theo Hiệp hội Hoa Kỳ Ngăn ngừa Độc ác đối với Súc vật (American Society for the Prevention of Cruelty to Animals) đỗ quyên có thể gây nôn mửa, tiêu chảy cùng những triệu chứng khác cho súc vật, dẫn đến tử vong do trụy tim mạch.

Chuyện bên lề: tin loan truyền trên mạng, chưa được kiểm chứng theo khoa học, cho biết cành đỗ quyên khô nhập từ Trung Quốc được tẩm hóa chất để đảm bảo nhiều hoa nở khoảng 2 tuần sau khi người tiêu dùng cắm vào bình nước. Không rõ hóa chất này độc hại như thế nào, nhưng bạn nên tránh hóa chất nếu thấy không nhất thiết phải có trong nhà bạn.

http://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=news&newsid=998
http://rhodyman.net/rhodytox.html
https://modernfarmer.com/2014/09/strange-history-hallucinogenic-mad-honey/
https://www.zmescience.com/other/feature-post/mad-honey-deli-bal/
https://www.poison.org/articles/2015-mar/azaleas-and-rhododendrons
https://reliefweb.int/report/democratic-peoples-republic-korea/north-korea-today-no-154-jun-2008
https://plants.ces.ncsu.edu/plants/all/rhododendron-spp/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/4057315
https://abcnews.go.com/Technology/JustOneThing/potentially-harmful-house-plants/story?id=8589505
https://vietnammoi.vn/nhung-ly-do-neu-biet-chang-ai-bo-tien-ra-mua-hoa-do-quyen-choi-tet-74150.html

27.  Cẩm tú cầu – Bigleaf hydrangea (Hydrangea macrophylla)

Cây thuộc họ Tú cầu (Hydrangeaceae), thân mộc, hoa vô tính, cánh mỏng manh, sát bên nhau tạo thành từng chùm tròn, lúc đầu hoa màu trắng sau biến dần thành màu lam hay màu hồng. Màu hoa phụ thuộc vào độ pH của đất: pH thấp hơn 6,0 cho hoa màu lam, pH giữa 6 và 7 cho hoa hồng tím, pH trên 7,0 cho hoa hồng hoặc đỏ. Với độ. Có nhiều chủng cho nhiều màu khác nhau: trắng, lam nhạt, hồng nhạt, hồng đậm, tím nhạt, tím đậm…

cam tu cau_4 hoaLá, hoa và củ có hai hợp chất cyanogenic glycoside là amygdalin và hydrangin, gây viêm đường ruột, tiêu chảy, ói mửa, thở gấp, thậm chí tiêu ra máu. Cơ chế sinh hóa gây độc là do amygdalin và hydrangin bị phân hóa rồi phóng thích cyanide có độc tính cao.

Hệ thống Thông tin Cây độc Canada (Canadian Poisonous Plants Information System) cho biết người ăn hoa cẩm tú cầu sẽ bị ngộ độc. Người mẫn cảm có thể bị viêm da sau khi tiếp xúc với hoa. Chó, mèo có thể bị độc. Trước đây có những báo cáo về việc ngựa và bò bị ngộ độc, nhưng sau này ở Canada không nhận được tin tức gì thêm.

Bạn đừng quá lo lắng: chỉ khi bạn và thú cưng ăn một lượng lớn cẩm tú cầu mới bị ngộ độc. Nhưng bạn nên trông chừng cháu nhỏ.

https://www.diynetwork.com/how-to/outdoors/gardening/are-hydrangeas-poisonous
http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/hydrangea-macrophylla/?id=1370403266887

Cây có củ trông giống củ hành tây hoặc củ hành ta

Cần đặt ra riêng tiêu đề này vì một số củ hoa chứa chất độc, thường là lycorine. Người bị ngộ độc thường do ăn củ hoa bởi vì nhầm tưởng đó là củ hành tây hoặc củ hành ta. Vì lẽ lycorine bền với nhiệt, việc nấu nướng củ hoa vẫn gây ngộ độc, nhưng ăn nhiều củ mới bị nguy hiểm.

cu_6 BẢnh: củ của các cây hoa sau (tất cả gồm toàn những cây thân thảo dạng thân hành):

  • tulip (Tulipa sp.) thuộc họ Loa kèn (Liliaceae)
  • loa kèn (Lilium candidum) thuộc họ Loa kèn (Liliaceae)
  • thủy tiên (Narcissus sp.) thuộc họ Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae)
  • lan huệ (Amaryllis belladonna) thuộc họ Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae)
  • dạ lan (Hyacinthus orientalis) thuộc họ Măng tây (Asparagaceae)
  • anh thảo (Cyclamen persicum) thuộc họ Anh thảo (Primulaceae)

Cần nêu rõ: Theo Hiệp hội Hoa củ Thái Bình Dương (Pacific Bulb Sociey), trên Internet có nhiều nhầm lẫn về các tên thông thường và tên khoa học, từ đó có nhiều nhầm lẫn về hình ảnh, thường là do hình thái tương tự nhau giữa các loài. Những tên và hình ảnh được trình bày ở đây là theo các nguồn đáng tin cậy.

Những cây trên được trình bày tiếp theo sau.

28.  Tulip – Tulip (Tulipa sp.)

Tulip 2Chi Tulip (Tulipa) thuộc họ Loa kèn (Liliaceae): có khoảng 75 loài và nhiều chủng lai với nhiều màu trơn và vằn. Củ chứa hai hợp chất glycoside có tên tulipalin A và tulipalin B, trong đó ít nhất một phân tử đường nối với một hợp chất khác qua oxygen. Khi hợp chất glycoside vào hệ tiêu hóa, phân tử đường bị tách ra, gây ngộ độc.

Trong thời kỳ đói kém ở nước ngoài, có người ăn củ tulip. Các triệu chứng ngộ độc gồm có chóng mặt, nôn mửa, đau vùng bụng, và đến mức hiếm hoi là co giật rồi tử vong. Tulip cũng độc đối với mèo, chó và ngựa.

https://novascotia.ca/museum/poison/?section=species&id=124

29.  Thủy tiên – Daffodil (Narcissus sp.)

Thuy tien_truyen thong 2Chi Thủy tiên (Narcissus) thuộc họ Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae). Các loài trong chi Thủy tiên là cây thảo mộc lâu năm, thân củ dưới sát gốc phình to, bên ngoài có lớp màng màu nâu, lá hẹp dài, bao hoa (perianth) hình loa kèn ở trung tâm được bao quanh bằng một vòng các cánh hoa. Các chủng lai tạo có màu bao hoa trung tâm–cánh hoa chung quanh là cam–trắng, vàng–lam, trắng–trắng, hồng–trắng, cam–vàng, v.v.

Phân loài thủy tiên Trung Quốc – Chinese sacred lily (Narcissus tazetta chinensis) – xem ảnh – được trồng phổ biến hơn nghìn năm nay. Mỗi củ sinh 4-5 cây có thân cao 40 cm, lá dẹp màu lục, bao hoa màu vàng tươi ở giữa các cánh hoa trắng. Mùa hoa thường vào mùa rét, trong những ngày tết âm lịch ở miền Bắc Việt Nam.

Thân và đặc biệt là củ thủy tiên có độc tính cao do narcissin, có cùng một cấu trúc và tính chất với lycorin, độc cho người và cho bò, dê, heo, nhất là rất độc đối với mèo. Một số loài còn chứa thêm tazettin và norbelladine. Các triệu chứng ngộ độc ở người gồm có chóng mặt, nôn mửa, đau vùng bụng, nhưng hiếm hoi đến mức co giật rồi tử vong. Có một trường hợp ở Hà Lan trong Thế chiến 2, bò chết vì ngộ độc sau khi được cho ăn củ thủy tiên.

Củ cũng có thể lan chất độc đến cây trồng kế cận như hoa hồng, bắp cải, lúa, khiến cho các cây này chậm phát triển.

Theo Bảo tàng Nova Scotia, Canada, ngộ độc do củ thủy tiên hiếm khi gây tử vong.

https://baomoi.com/thuy-tien-vi-thuoc-dep-ma-doc/c/22435048.epi
https://laidbackgardener.blog/tag/narcissus-tazetta-chinensis/
https://novascotia.ca/museum/poison/?section=species&id=100# https://csuvth.colostate.edu/poisonous_plants/Plants/Details/121

30.  Lan huệ – Belladonna lily (Amaryllis belladonna)

Có nhiều nhầm lẫn giữa hai chi Lan huệ (Amaryllis)Huệ lili (Hippeastrum), do vấn đề tồn tại của lịch sử thực vật học. Trước kia, các cây thuộc chi Hippeastrum được nhập chung với chi Amaryllis. Sau nhiều tranh cãi giữa các nhà thực vật học, họ đồng ý tách một số loài ra thành chi mới Hippeastrum, để lại chi Amaryllis chỉ còn 2 loài. Đến lúc này thì nhiều loài và chủng lai tạo thuộc chi mới Hippeastrum đã được mua bán qua nhiều thập kỷ, thế nên cái tên thông thường “amaryllis” vẫn còn được giữ nguyên cho một số cây không thuộc chi Amaryllis. Việc này cho thấy ý tưởng của giới hàn lâm khó xóa bỏ thói quen gọi tên của dân gian. Chỉ khổ cho dân gian ở chỗ tên cứ lộn xộn, trong khi nhìn hoa của hai chi không thể phân biệt chi nào là chi nào!

Có một chi tiết giúp phân biệt hai chi:

  • Chi Amaryllis: toàn bộ củ ở dưới đất;
  • Chi Hippeastrum: đầu của củ và một phần thân củ luôn nhô lên khỏi mặt đất.

Đến khi các loài thuộc các chi khác nhau được du nhập vào Việt Nam thì dân ta lại không thể phân biệt chi nào là chi nào, cứ thấy hoa hình loa kèn thì gọi là cây loa kèn, cho nên lan huệ và hoa rum cũng có tên loa kèn.

lan hue_3 cayTóm lại, đừng nhầm với tên thông thường tiếng Anh “amaryllis” thật ra thuộc chi Hippeastrum, và các cây có tiếng Việt “loa kèn” cũng gây nhiều nhầm lẫn.

Hệ thống Thông tin Cây độc Canada (Canadian Poisonous Plants Information System) cho biết người ăn củ lan huệ sẽ bị ngộ độc. Chất độc của cây lan huệ gồm các hợp chất thuộc nhóm phenanthridine alkaloid, ví dụ như lycorine and tazetine, có nồng độ cao nhất trong củ và lá, trong hoa thì thấp hơn. Lycorine là loại alkaloi chủ yếu gây ra nôn mửa, bền với nhiệt.

https://www.pacificbulbsociety.org/pbswiki/index.php/Amaryllis https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/amaryllidaceae
http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/amaryllis-belladonna/?id=1370403266757 https://www.pacificbulbsociety.org/pbswiki/index.php/AmaryllisVsLycoris

31.  Huệ đỏ – Barbados lily (Hippeastrum puniceum)

hippeastrum puniceumCó khoảng 90 loài và hơn 600 chủng lai tạo thuộc chi Hippeastrum, Họ Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae), mang tên rất lộn xộn:

  • tiếng Việt: còn có tên là huệ lili cho dù không phải là loài lily thực thụ (Lilium)
  • tiếng Anh: còn có tên là amaryllis lily cho dù không phải nằm trong chi Amaryllis và cũng không phải thuộc chi lily (Lilium)

Huệ đỏ có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ, được trồng làm cảnh phổ biến, có nhiều sắc đỏ và cam. Trước đây chi này thuộc về chi Amaryllis, vì thế một số loài của chi này vẫn được gọi bằng tên thông thường tiếng Anh “amaryllis”.

Củ của nhiều loài trong chi Hippeastrum chứa lycorine có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, co giật nếu nuốt phải, và bỏng rát, ngứa khi tiếp xúc trực tiếp với da.

https://www.pacificbulbsociety.org/pbswiki/index.php/Hippeastrum https://plants.usda.gov/core/profile?symbol=HIPU

32.  Loa kèn, Hoa ly  – Easter lily (Lilium longifolium)

Chi Loa kèn thực thụ (Lilium) thuộc họ Loa kèn (Liliaceae), có khoảng 75-110 loài (tùy tác giả). Có rất nhiều chủng lai chủ yếu từ khoảng một vài chục loài nguyên thủy. Nhiều cây khác có tên “loa kèn” trong cách gọi thông thường, nhưng không liên quan đến hoa loa kèn thực thụ.

Có nhiều thông tin trái chiều trên mạng về đích xác loài hoa loa kèn được trồng ở Việt Nam. Theo Phạm Hoàng Hộ và Wikipedia, đó là loài Lilium longifolium, ở Đà Lạt còn gọi là hoa ly (phiên âm từ tiếng Pháp “lis”). Riêng loài Lilium candidum có nguồn gốc ở Trung Đông, gắn liền với truyền thuyết về Đức mẹ Đồng Trinh và hình ảnh hoa lis trên da tội nhân ở Pháp (như trong phim Ba chàng ngự lâm pháo thủ), rất giống với loài nêu trên.

Loa ken_3 speciesẢnh: Loa kèn Easter lily (Lilium longifolium), Madonna lily (Lilium candidum), bách hợp da hổ – Tiger lily (Lilium lancifolium đồng nghĩa Lilium tigrinum).

Tất cả các loài và chủng lai của chi Loa kèn có độc tính nhẹ đối với người, chỉ khi ăn nhiều củ sống mới đáng lo. Đặc biệt là mọi bộ phận của chi Loa kèn rất độc đối với mèo vì có thể làm con vật chết với các triệu chứng bỏ ăn, nôn mửa, lờ đờ, suy gan và suy thận, nhưng không độc đối với chó, ngựa, chuột và thỏ trong các thí nghiệm.

Bạn chỉ cần cẩn trọng tránh để củ hoa tiếp xúc với da là đủ.

Ghi chú: Một bản tin trên Internet trình bày hình hoa ly, nhưng cho biết hoa có tên “hơi thở của quỷ”, nhưng đây là tên của chất độc, không phải tên thực vật học. Chất độc đó hiện diện trong cà độc dược cảnh (Brugmansia suaveolens ), có hoa dạng loa kèn rũ hẳn xuống trong khi hoa ly thẳng đứng hoặc nghiêng góc 45 độ.

http://vovworld.vn/en-US/in-pictures/madonna-lily-the-flower-of-april-230580.vov http://www.wikiwand.com/vi/Chi_Loa_k%C3%A8n
https://www.aspca.org/pet-care/animal-poison-control/toxic-and-non-toxic-plants/easter-lily
http://thepoisondiaries.tumblr.com/post/46603462033/all-sections-of-the-easter-lily-lilium

33.  Dạ lan – Dutch hyacinth (Hyacinthus orientalis)

Da lan_hyacinthus orientalis-3d-model-max-obj-fbxDạ lan thuộc Họ Măng tây (Asparagaceae), là cây thân củ hành, bên ngoài có lớp màng bao bọc. Khoảng 4-8 lá mập, mọng, mọc tập trung dưới gốc, hình dải dài. Hoa mọc nhô cao khỏi khóm lá, đâm từ phần chính giữa của khóm lám vươn lên không trung. Hoa mọc dày, tập trung trên đỉnh của cành hoa, ống hoa dài khoảng 1,5 cm, phía dưới phình to, có 6 cánh, uốn ra phía ngoài. Màu có màu trắng phấn, hoặc lam, tím, vàng, đỏ thẫm…, hương thơm nồng.

Cây có những hợp chất alkaloid độc như là lycorine. Nói chung, dạ lan có độc tính nhẹ đối với người. Nếu nhựa cây dính vào da chỉ có thể gây mẩn ngứa nhẹ trong vòng vài phút. Riêng củ là phần độc nhất của cả cây, nhưng chỉ khi ăn với số lượng lớn mới bị ngộ độc. Các triệu chứng là vọp bẻ, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Củ dạ lan cũng độc đối với chó, mèo, ngựa, gây nôn mửa, tiêu chảy, nặng hơn thì tiêu ra máu, co giật.

https://www.aspca.org/pet-care/animal-poison-control/toxic-and-non-toxic-plants/hyacinth

34.  Anh thảo – Persian violet, Sowbread (Cyclamen persicum)

Anh thao – Persian violet, Sowbread (Cyclamen persicum)Cây anh thảo thuộc Họ Anh thảo (Primulaceae). Cây chỉ độc ở củ, và củ không trông giống củ hành, lại có vị đắng, vì thế khó có nhầm lẫn nhai sống để bị ngộ độc. Cơ sở dữ liệu của Cơ qua Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food & Drug Administration – FDA) không có thông tin về báo cáo ngộ độc anh thảo.

Củ chứa chất độc cyclamin. Trên lý thuyết, người ăn phải củ với số lượng nhiều (nếu có thể chịu nổi vị đắng!) có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, ăn nhiều thêm có thể dẫn đến tê liệt. Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của Canada (Canadian Biodiversity Information Facility) không có thông tin về độc tính của lá.

https://www.accessdata.fda.gov/scripts/plantox/detail.cfm?id=25971
http://thepoisondiaries.tumblr.com/post/39388870002/winter-poisonous-plants-cyclamen-persicum
http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/cyclamen-persicum/?id=1370403266820
 http://www.petpoisonhelpline.com/poison/cyclamen/
https://www.accessdata.fda.gov/scripts/plantox/detail.cfm?id=25971
http://thepoisondiaries.tumblr.com/post/39388870002/winter-poisonous-plants-cyclamen-persicum

35.  Cây thuộc chi Hoa hiên  – Daylily (Hemerocallis sp.)

Chi Hoa hiên thuộc họ Lô hội (Xanthorrhoeaceae), không có củ giống củ hành, bộ rễ có nhiều nhánh phồng hơi to. Một số loài này được dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Việt Nam, như (xem ảnh, từ trái sang phải):

  • Hoa hiên – Orange daylily (Hemerocallis fulva) có hoa màu cam
  • Late yellow daylily (Hemerocallis thunbergii) có hoa màu vàng tươi
  • Citron daylily (Hemerocallis citrina) có hoa màu vàng cam.

hoa hien_3 loaiHoa của một số loài trong chi Hoa hiên ăn được (nhưng được khuyên không nên ăn sống, có lẽ hoa có chất độc không bền với nhiệt?), được dùng trong ẩm thực Trung Hoa, được bán trong các khu chợ, siêu thị ở châu Á với các tên như Kim châm (金針), Hoàng hoa thái (黃花菜). Lá non và thân rễ của một số loài cũng ăn được.

Có những ý kiến trái chiều ở phương Tây về độc tính của các loài trong chi Hoa hiên, do những lý do sau:

  • Tên thông thường tiếng Anh “lily” và “daylily” gây nhầm lẫn; các cây “lily” thường gây độc.
  • Người phương Tây không dùng hoa hiên trong ẩm thực của họ, nên vẫn băn khoăn về độc tính của chi này.
  • Đối với mắt thường, các cây trong chi Hoa hiên không khác gì loa kèn, vì thế mà ngày xưa 2 nhóm được xếp vào cùng họ.
  • Hệ thống phân loại thay đổi năm 2009 khi chi Hoa hiên được tách ra khỏi họ Loa kèn (Liliaceae), nhưng một số tài liệu sau đó vẫn còn theo hệ thống cũ: chi Hoa hiên dù được tách ra vẫn còn mang tiếng xấu là độc!
  • Cho đến ngày nay, Hội Hoa Kỳ Phòng ngừa Độc ác với Súc vật (American Society for the Prevention of Cruelty to Animals – ASPCA) vẫn cho rằng hoa hiên độc đối với mèo và bò, từ đó người ta suy ra hoa hiên độc cũng độc với người; còn Hội Hoa hiên Hoa Kỳ (American Hemerocallis Society) không cho biết có độc hay không, nên nhiều người vẫn không an tâm.

Một nhà thực vật học Mỹ chuyên nghiên cứu chi Hoa hiên và những loại cây ăn được khác khuyên ta nên cẩn trọng với hoa hiên, vì lý do ăn món lạ có thể gây dị ứng mà triệu chứng giống như ngộ độc. Một tiến sĩ ở Mỹ chuyên về sinh hóa thì khuyên bạn chỉ ăn loài hoa hiên (Hemerocallis fulva) và đặc biệt tránh các chủng lai tạo vốn có thể gây ngộ độc.

Tóm lại: bạn đừng phiêu lưu, đừng thử! Hãy trân trọng đối với cơ thể bạn.

https://www.thaythuoccuaban.com/vithuoc/hoahien.htm https://delishably.com/vegetable-dishes/Should-You-Eat-Your-Daylilies

36.  Sò đo cam – African tulip tree (Spathodea campanulata)

Cây thuộc Họ Chùm ớt (Bignoniaceae), được du nhập vào Việt Nam, hiện đang được trồng phổ biến nhờ có những chùm hoa đỏ trông rất đẹp.

so do cam BCây thân gỗ lớn, cao 10-20 m. Lá kép lông chim 1 lần, mọc đối nhau, mỗi lá mang 9- 10 lá chét gần như không có cuống, dạng bầu dục thuôn dài, gân trông rất rõ. Hoa tương đối lớn dạng ống rộng hơi cong và chia thùy, nở quanh năm thành cụm trên đỉnh, có màu đỏ hoặc đỏ cam. Quả hột có hình bầu dục dài hoặc hình mác, dài khoảng 20 cm, hột có cánh.

Cây không phải là độc đến mức nguy hiểm, nhưng cần dè chừng bởi vì có một trường hợp ở Pleiku: chị Nguyễn Thị H.P thấy hoa màu đẹp nên cầm theo, mới cầm được một lúc đã có cảm giác ngứa nên vứt đi, về tới nhà thì da sưng tấy, phải bôi thuốc nhiều ngày mới khỏi.

Mặt khác, một khoảnh vườn ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng có hàng chục cây sò đo cam đã lớn, hoa rụng khắp mặt đất. Khi được hỏi, một chị làm vườn phục vụ ở đây đã 2 năm cho biết nhiều lần nhiều trẻ em ta, Tây, Hàn… thấy hoa đẹp thì lượm chơi, chán rồi vứt, nhưng không thấy em nào có vấn đề gì. Có lẽ trường hợp ở Pleiku nêu trên là do cơ địa người quá mẫn cảm chăng?

Mặt khác, một nghiên cứu ở nước ngoài cho biết nhụy hoa của cây này gây độc cho ong mật, vì thế không loại trừ khả năng mật do ong lấy nhụy từ hoa cây này cũng độc đối với người tiêu thụ.

Về mặt sinh thái, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa sò đo cam vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới. Lý do là vì cây có tán cao nên phát tán hột qua gió đi xa, hột nảy mầm nhanh, có khả năng loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố, xâm chiếm các vùng đất hoang hóa, vùng rừng đã bị tác động, làm giảm đa dạng sinh học…

Thật ra, khuyết điểm của cây nằm ở chỗ khác: vì cây có bộ rễ yếu, khi cao lớn có nguy cơ ngã đổ trong mùa giông bão. Điều này đã được minh chứng ở Bảo Lộc. Những khuyết điểm khác là khả năng chịu hạn của thấp và dễ bị sâu bệnh tấn công. Tóm lại, sò đo cam không thích hợp cho đô thị.

Ba năm sau khi liên Bộ Tài nguyên và Môi trường – NN&PTNT có thông tư xác định sò đo cam là loại cây nằm trong danh mục cây ngoại lai gây hại tại Việt Nam, tỉnh Đắk Nông mới xử lý dứt điểm gần 1.700 cây được trồng trên quốc lộ 14.

http://infonet.vn/cay-so-do-cam-co-phai-la-cay-doc-khong-post183941.info
http://dantri.com.vn/xa-hoi/chat-bo-1-700-cay-doc-tren-quoc-lo-20160106160700001.htm
http://www.cayxanhhoalac.com.vn/tin-tuc/tin-tuc-cay-so-do-cam/bac-bo-cac-thong-tin-xau-ve-cay-so-do-cam/
http://bao.click49.net/bao-loc-hiem-hoa-tu-nhung-cay-cam/

37.  Lô hội (Aloe vera)

Lô hội thuộc họ Lô hội (Asphodelaceae) hiện được trồng và bán khắp nơi để dùng vào nhiều việc, và nếu dùng không khéo sẽ bị ngộ độc.

Phần chất keo (gel) có màu trắng trong ở bên trong lá lô hội thì không độc. Bao bọc chất gel, ngay dưới vỏ lá, là một lớp nhựa mỏng màu vàng chứa aloin và anthraquinone c-glycoside có độc tính mạnh. Dùng nhiều chất nhựa vàng này có thể bị nôi mửa, tiêu chảy, nước tiểu có màu đỏ nhưng không phải do máu, và run rẩy tuy hiếm khi. Bạn có thể cắt một miếng lá lô hội đắp lên chỗ da bỏng hoặc cháy nắng mà vẫn được an toàn. Nhưng nếu da bạn quá mẫn cảm thì sẽ bị ngứa, sưng đỏ thêm.

lo hoi_cach su dung 3Khi dùng sống, bỏ phần vỏ cùng với lớp màu vàng bên trong. Phần gel muốn lấy phải trong suốt. Nếu có lẫn bất cứ phần màu vàng hay xanh nào, bạn phải nạo bỏ đi.

Cây lô hội độc đối với mèo và chó.

38.  Ráy, Môn lá lớn – Giant taro (Alocasia macrorrhiza)

Thương tổn do calcium oxalate

Những loài cây thuộc họ Ráy (Araceae) gây thương tổn qua cơ chế vật lý do calcium oxalate (vốn không phải là chất độc), không phải gây ngộ độc qua cơ chế sinh hóa do chất độc như các cây trình bày trên.

Cơ chế của việc gây thương tổn này là do một số tế bào đặc biệt trong cây, được gọi là idioblast, khác với những tế bào chung quanh ở chỗ chứa dầu, hoặc mủ, tannin, sắc tố, và đặc biệt là những tinh thể calcium oxalate rất sắc nhọn, ngâm giữa chất keo gelatin.

Idioplast containing calcium oxalateẢnh: hình chụp dưới kính hiển vi cho thấy 3 loại idioblast khác nhau.

Khi ăn phải bộ phận cây chứa idioblast, nước bọt nạn nhân hoặc mủ cây ngấm vào các idioblast. Điều này làm cho gelatin trong idioblast trương nở, đến lúc thành idioblast bị vỡ, vô số tinh thể calcium oxalate bắn mạnh vào niêm mạc mềm trong miệng, giống như có hàng nghìn mũi kim đâm vào môi trong, lưỡi, nướu, họng, gây cảm giác đau đớn, bỏng rộp trong miệng và cổ họng, làm tắt tiếng nói. Hoặc khi idioblast đi xuống tiếp trong hệ tiêu hóa thì tinh thể calcium oxalate cũng ghim sâu vào thành trong của dạ dày và ruột, gây cảm giác bỏng rát trong bụng, tạo cảm giác kích thích ruột dẫn đến tiêu chảy.

Nếu cây có độc tố thì tinh thể calcium oxalate làm cho độc tố đi vào cơ thể qua phần niêm mạc bị thương tổn của miệng và bộ tiêu hóa, trong khi đáng lẽ độc tố có thể không được hấp thụ hoặc bị phân hủy trong hệ tiêu hóa.

Súc vật có thể ăn nhiều lượng cây chứa calcium oxalate có lẽ vì ban đầu chúng chưa cảm thấy gì nên ăn tiếp và bị thương tổn nặng vì tinh thể calcium oxalate có thể gây hại cho mạch máu, thận… Ngược lại, một đứa trẻ vừa nhai một mẩu lá chứa nhiều calcium oxalate sẽ cảm thấy đau rát ngay và không thể nhai thêm bất kỳ thứ gì khác, vì thế hậu quả sẽ dừng ở đó.

Alocasia macrorrhizosCó đến hàng nghìn loài cây chứa calcium oxalate, do phản ứng sinh hóa của cây khi khử calcium. Calcium oxalate hiện diện với lượng nhỏ trong vỏ quế, lá trà, đậu phộng, củ cải đường, khoai tây, tiêu đen, quả kiwi, củ khoai môn… mà chúng ta vẫn ăn nhưng không sao cả. Chỉ khi ăn phải bộ phận của cây có calcium oxalate hiện diện với lượng lớn thì mới gây thương tổn, do phản ứng vật lý chứ không phải do độc tố đúng nghĩa. Nhiều tài liệu nước ngoài cũng phân biệt hai yếu tố: độc (poisonous) và gây thương tích (injurious); một loài cây có thể có một trong hai yếu tố đó, hoặc có cả hai (như hồng môn).

Trong các loài của chi Alocasia, chỉ có cây ráy (Alocasia macrorrhiza) được đưa vào cơ sở dữ liệu cây độc của Cơ quan Dược phẩm Liên bang (Federal Drug Aministration – FDA) của Mỹ. Cây có thể gây thương tổn nhưng không nặng như Dieffenbachia tuy con số nạn nhân cao hơn, có lẽ do nhầm lẫn với cây ăn được.

Các sự cố do cây ráy là như sau:

  • Ở Hồng Kông, theo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, từ tháng 1/2008 đến tháng 4/2011, có 35 vụ “ngộ độc thực phẩm do calcium oxalate”, liên quan đến 49 nạn nhân. Các triệu chứng do tổn thương vì calcium oxalate như kể trên. Các loại rau gây “ngộ độc” được cho là chứa lượng calcium oxalate quá cao, có lẽ đã được trộn lẫn với cây chứa calcium oxalate một cách vô tình. Nhằm phòng ngừa “ngộ độc thực phẩm do calcium oxalate”, các bạn hàng bán rau tươi được khuyến cáo không nên gói sản phẩm bằng lá cây ráy, và người tiêu dùng được khuyến cáo rửa rau tươi thật sạch và loại bỏ lá tạp. Hóa ra bạn hàng bán rau tươi hay dùng lá ráy để gói rau tươi bởi vì lá ráy có phiến rộng, dễ dùng. Trong khi gói, lá ráy bị dập, phóng thích các idioblast vào sản phẩm rau tươi.
  • Theo một báo cáo trên tạp chí International Journal of Scientific Study, một bé trai 1 tuổi rưỡi ở Ấn Độ ăn lá một cây cảnh ở nhà, sau 2-3 phút miệng và lưỡi sưng đỏ, sau nửa tiếng miệng chảy nhiều nước dãi. Người cha lấy làm tò mò, nhai thử một ít lá của cây ấy, ngay sau đó đầu lưỡi bỏng rộp, cảm thấy tê quanh miệng; những triệu chứng này kéo dài 8-10 giờ sau. Lá và củ của cây mà hai cha con ăn được mang đến, và phòng thực vật học xác định đó đúng là cây ráy (Alocasia macrorrhiza).
  • Ở Việt Nam, một tác giả cho biết một người bà con cho một bó dọc mùng, bà mẹ quyết định nấu món bún bung. Vì sợ bị ngứa nên bà nói đã bóp muối và vắt sạch nước rất kỹ. Tác giả cho biết vừa cho một miếng nhỏ vào miệng thì thấy bỏng rát ghê gớm như bị bỏng axít nhẹ, nước miếng chảy ra liên tục, hàm cứng lại, phát âm không chuẩn. Hóa ra thứ anh vừa ăn phải không phải là dọc mùng mà là một loài cây có thân giống với dọc mùng. Đó là thân cây ráy.
  • Ở Việt Nam, người viết có nghe chuyện người ăn cây dọc mùng được thu hoạch trong rừng rồi miệng bị ngứa dữ dội, hẳn cũng là do nhìn lầm cây không phải là dọc mùng.
  • Ở Nhật Bản, một bài báo trên tạp chí Human & Experimental Toxicology ghi hai người ăn sống củ của loài Alocasia odora (?), gây cảm giác tê trong miệng và đau lưỡi.

Một bài báo trên tạp chí Vet Hum Toxicol. xác định calcium oxalate là yếu tố chính trong cây ráy Alocasia macrorrhiza gây thương tổn cho súc vật.

doc mungCó rối rắm về tên gọi giữa ráy gây thương tổn và ráy an toàn khiến cho ăn nhầm, bởi vì một số loài có hình thái rất giống nhau:

  • Alocasia odora: dọc mùng (tên Bắc) hoặc bạc hà (tên Nam): Đây là cây Phạm Hoàng Hộ cho là được trồng để lấy lá và cuống dùng trong bếp núc: Cây cao 0,5-1 m, phiến lá màu lục nhạt. Cây được dùng phổ biến trong ẩm thực Việt Nam. Hội Thần kinh học trình bày cây môn bạc hà, nhưng ghi thêm các tên lộn xộn là ráy bạc hà, dọc mùng, mùng thơm, lùng – có lẽ theo tên gọi của dân gian vốn có nhiều nhầm lẫn. Trang web đăng ảnh cây bạc hà đúng là loại được trồng nhiều nơi để lấy cuống lá nấu canh, và thêm “Lưu ý: Nhiều loài thuộc chi Alocasia gây ngứa, ngộ độc với các triệu chứng tê lưỡi, sưng lưỡi, ngộ độc thần kinh trung ương, cần cẩn thận tránh nhầm lẫn.”
  • Trang web Wikipedia ghi Alocasia odora là bạc hà hay còn gọi ráy Bắc bộ, dễ gây ngộ độc, còn Colocasia gigantea là dọc mùng, rọc mùng, ráy dọc mùng, bạc hà (tiếng Nam). Trang web botanyvn.com cũng có thể gây nhầm lẫn, như ghi cây Alocasia odora là dọc mùng, đồng nghĩa ráy Bắc bộ, thêm những tên ráy bạc hà, môn bạc hà – có lẽ là những tên trong dân gian.
  • Alocasia macrorrhiza, tên tiếng Anh là giant elephant’s ear hoặc giant taro. Wikipedia chỉ ghi tên cây này là ráy. Sách của Phạm Hoàng Hộ ghi: “Thân phải luộc thật lâu mới ăn”. Cây to gấp nhiều lần so với Alocasia odora.

Đến đây đã đủ rối rắm rồi! Trên thực tế, bạn không cần quan tâm đến các tên gọi tiếng Việt hoặc tiếng Anh gây nhầm lẫn. Chỉ cần đảm bảo bạn ăn những cây được bán phổ biến ở chợ và siêu thị có nguồn gốc rõ ràng, và phải nấu thật chín bởi vì nhiệt giúp phân hủy tinh thể alcium oxalate (nhưng không đảm bảo 100% ở các cây khác, như trên cho thấy). Đối với tất cả các các cây có hình thái tương tự, tránh để chó và mèo tiếp cận. Không nên thu hoạch cây gì trong hoang dã mà bạn thấy giống như cây đã từng ăn.

http://www.cfs.gov.hk/english/multimedia/multimedia_pub/multimedia_pub_fsf_58_03.html https://www.accessdata.fda.gov/scripts/plantox/detail.cfm?id=4640 http://hoithankinhhocvietnam.com.vn/monbacha/
http://dantri.com.vn/suc-khoe/di-ung-nang-vi-nham-cay-ray-la-doc-mung-1274349133.htm http://www.missouribotanicalgarden.org/PlantFinder/PlantFinderDetails.aspx?taxonid=276573&isprofile=0&
https://floridata.com/Plants/Araceae/Alocasia%20macrorrhiza/947

39.  Cây thuộc chi Colocasia sp.

Chi Colocasia thuộc họ Ráy (Araceae) có khoảng 25 loài hoặc hơn gồm các loài bản địa của vùng Polynesia nhiệt đới và đông nam châu Á. Colocasia esculenta là loài cây nhiệt đới được trồng để lấy củ và cuống lá, cũng thường gặp mọc hoang. Đây là một trong những loài cây đầu tiên được con người thuần hóa. Có những phân loài để cho khoai môn, khoai sọ, khoai nước.

Phân biệt giữa hai chi Alocasia and Colocasia:

  • Chi Alocasia: cuống lá nối dài lên trên thành gân chính của phiến lá. Điều này làm cho phiến lá hướng theo chiều của cuống lá. Vì thế, phần đông chi Alocasia có lá hướng lên trên. Cây của chi Alocasia ưa bóng râm, ánh nắng trực tiếp sẽ làm cháy lá. Cây thích đất thoát nước tốt và không chịu được úng nước.
  • Chi Colocasia: cuống lá không nối dài lên trên. Điều này làm cho phiến lá hướng xuống dưới. Cây của chi Alocasia ưa ánh nắng. Cây mọc tốt nơi đất ẩm. thậm chí đất ngập nước.

Tuy thế, các loài giữa hai chi được lai tạo với nhau dễ dàng, tạo ra các chủng cây cảnh thay đổi về hình thái và khó xác định loài nguyên thủy.

Colocasia_3 hybridThương tổn có thể xảy ra bởi những loài tương tự chứa nhiều calcium oxalate. Còn có thêm asparagine ở liều lượng cao gây nôn mửa, rối loạn thần kinh.

Ngộ độc do cây thuộc chi Colocasia gây những triệu chứng sau: miệng và họng có cảm giác bỏng rát, môi và lưõi sưng khiến phát âm khó khăn, nôn mửa, tiêu chảy. Trang web DoveMed cho biết “đa số trường hợp không bị tử vong”, có nghĩa đã có tử vong (?)

Cây thuộc chi Colocasia cũng gây thương tổn cho chó, mèo, ngựa.

https://plants.ces.ncsu.edu/plants/all/colocasia-esculenta/ https://www.dovemed.com/healthy-living/first-aid/first-aid-colocasia-plant-poisoning/
https://www.childrens.health.qld.gov.au/poisonous-plant-taro-colocasia/

40.  Vạn niên thanh – Dumbcane (Dieffenbachia sp)

Có tin loan truyền trên Internet rằng loại cây cảnh phổ biến thuộc họ Ráy (Araceae) này đã khiến cho một đứa trẻ chết sau khi nuốt phải một chiếc lá, và rằng nếu tay bạn chạm phải cành gãy rồi đưa tay dụi mắt thì mủ cây có thể làm mù mắt.

Van nien thanh_3 cay BCác chuyên gia đều cho rằng cây vạn niên thanh không thể nào gây tử vong được, và cũng khó gây mù mắt. Nếu ăn phải lá cây, miệng và lưỡi sẽ sưng và phỏng rộp khiến cho khó phát âm và nạn nhân có vẻ như bị câm (dumb), vì thế tên tiếng Anh của cây vạn niên thanh có tên là dumbcane. Nguyên nhân là do tinh thể calcium oxalate trong cây, theo cơ chế vật lý như đã giải thích ở trên.

Trang web Indian Pediatrics cho biết trong số 188 ca ngộ độc thực vật, số ca do vạn niên thanh chiếm gần 1/3, phần lớn nạn nhân là trẻ em 4-12 tháng. Chỉ có 2,15% (4 ca) có triệu chứng nặng.

http://omargardens.com/blog/2016/04/the-dieffenbachia-plant-wont-kill-you-in-15-minutes-here-is-why/
https://www.indianpediatrics.net/mar2012/mar-247-248.htm

41.   Trầu bà đế vương, Trầu bà lục lăng – Heart-leaved philodendron (Philodendron scandens, đồng nghĩa Philodendron discolor)

Philodendron là một chi lớn thuộc họ Ráy (Araceae), có từ gần 500 đến trên 700 loài (tùy tác giả). Lá thật lớn, màu xanh tươi đều hoặc có vân vàng nhạt, thường có thùy hoặc chẻ sâu. Một đặc điểm thú vị là một cây có thể có nhiều hình thái lá, cây trưởng thành có lá thay đổi hình thái từ từ, cuối cùng khác hẳn với lá cây khi cây còn nhỏ. Vì thế, các nhà thực vật thấy khó khăn khi xác định chủng loài dựa trên hình thái lá.

 

Trầu bà đế vương là một loại thân leo nổi tiếng. Cây có đốt, rễ nhiều trên các đốt, thân dẹt; lá đối xứng, hình tim ở gốc, thuôn dài ở đỉnh; lá hình trái tim, nhưng đôi khi biến dạng. Loài cây này ít khi ra hoa, nó chỉ nở hoa khi cây đã đến một độ tuổi trưởng thành nhất định. Hoa màu trắng và có thể nở vào bất kỳ thời gian nào trong năm, tuy nhiên nhiều nhất là vào mùa hè. Riêng đối với cây trồng trong nhà, nó hiếm khi ra hoa.

Philodendron_9 plantsPhải cẩn trọng với tất cả cây thuộc chi Phlodendron, có thể gây thương tổn do các tinh thể calcium oxalate theo cơ chế vật lý như miêu tả ở trên. Một khảo sát gần đây ở Canada cho thấy hai phần ba trong số 188 ca bị thương tổn được Hệ thống Thông tin Cây độc Canada (Canadian Poisonous Plants Information System) ghi nhận là do cây thuộc chi Philodendron. Chỉ có một người có triệu chứng, và ở trạng thái nhẹ.

Nhưng một nguồn khác cho biết một em bé 11 tháng nhai lá của Philodendron bị sưng môi và lưỡi, loét họng và thực quản, khiến cho khó nuốt. Em bé tử vong 17 ngày sau, không phải do ảnh hưởng trực tiếp từ lá của Philodendron, mà từ biến chứng phụ là tăng trương thần kinh đối giao cảm (vagotonia).

http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/philodendron-scandens/?id=1370403266963
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2398518

42.  Trầu cánh phượng, Trầu bà tay phật  – Tree philodendron (Philodendron selloum, đồng nghĩa Philodendron bipinnatifidum)

 

Trau canh phuong_2 cayCây trầu cánh phượng thuộc họ Ráy (Araceae), có nguồn gốc từ quần đảo Salomon. Cây phân cành nhánh nhiều, lá đơn xẻ thùy sâu, phiến lá dày, bóng, màu xanh đậm.

Cây gây thương tổn do tinh thể calcium oxalate theo cơ chế vật lý như miêu tả ở trên. Đối với người, thường có triệu chứng nhẹ như nổi mẩn ngứa, sưng lưỡi. Có những trường hợp hiếm hoi trẻ em tử vong vì ăn quá nhiều. Cây rất độc đối với mèo và độc vừa đối với chó.

https://plants.ces.ncsu.edu/plants/all/philodendron-selloum/

43.  Môn cảnh, Môn đốm – Elephant ear (Caladium sp.)

Cây thuộc họ Ráy (Araceae), hình dáng giống dọc mùng (tên Bắc), bạc hà (tên Nam). Có rất nhiều chủng được lai tạo từ một số ít loài hoang dã như Caladium bicolor, Caladium hortulanum, Caladium picturatum

mon canh_8 cay 2Đây là những cây nhiệt đới lâu năm, có thân củ bén rễ mọc lên những chiếc lá có màu sắc sặc sỡ. Cây không có thân trên mặt đất, lá mọc ra trên một cuống dài 15-30 cm phát sinh trực tiếp từ thân củ ngầm. Các cuống lá được gắn vào gần trung tâm của chiếc lá chứ không phải ở một đầu. Phiến lá dài 15-35 cm, thường có dạng trái tim, một số có dạng giáo hoặc dạng đầu mũi tên. Cây chứa tinh thể calcium oxalate, gây thương tổn theo cơ chế vật lý như miêu tả cho cây ráy.

https://www.aspca.org/pet-care/animal-poison-control/toxic-and-non-toxic-plants/caladium
http://www.pawsdogdaycare.com/toxic-and-non-toxic-plants/caladium-hortulanum-poisonous-pets

44.  Hồng môn – Flamingo lily (Anthurium andraeanum)

Hong mon (Anthurium spp.)Cây thuộc họ Ráy (Araceae), đa niên, có thân ngắn, thường mọc thành bụi. Lá có hình tim, dài từ 18-30 cm, rộng từ 9-15 cm; cuống lá hình ống, có thể dài tới 30-40 cm. Mo hoa dạng phiến dài 10-15 cm, nở rộng hình tim, có màu đỏ ngọc ở loài nguyên thủy, màu hồng hoặc hồng tía từ nhạt đến đậm ở các chủng lai tạo; giữa mo hoa có phát hoa, gié dài 8-12 cm, trắng ngà hoặc vàng, hồng.

Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố hydrangine, còn có tên umbelliferon. Cũng có những tinh thể sắc nhọn calcium oxalate, gây thương tổn theo cơ chế vật lý như miêu tả ở trên.

Những loài khác thuộc chi Hồng môn (Anthurium) cũng phải được xem là chứa calcium oxalate gây thương tổn.

https://www.childrens.health.qld.gov.au/poisonous-plant-flamingo-flower-anthurium-andraeanum/
http://www.globinmed.com/index.php?option=com_content&view=article&id=102622:anthurium-andraeanum&catid=135&Itemid=141
http://www.cbif.gc.ca/eng/species-bank/canadian-poisonous-plants-information-system/all-plants-scientific-name/anthurium-andraeanum/?id=1370403266765 https://en.wikipedia.org/wiki/Anthurium_andraeanum

45.  Trầu bà, Trầu ông – Golden pothos (Epipremnum aureum)

Cây thuộc họ Ráy (Araceae), lá hình tim, màu lục đồng nhất hoặc có vệt màu kem.

Nếu trồng trong bình nhỏ để chưng trong phòng, cây só sự sinh trưởng giới hạn, có thể sống được chỉ bằng nước lã, lá chỉ dài 5-10 cm, nên được gọi là trầu bà. Nhưng cũng loài này khi được trồng vào đất được tự do phát triển, cây có thể leo lên cao đến 20 m, có đường kính thân đến 4 cm, cùng một cây càng lên cao lá càng dài, lá dài đến 100 cm và rộng 45 cm, khi đó dân gian gọi là cây trầu ông.

trau ba, trau ong_2 cayBTất cả các bộ phận của cây đều chứa calcium oxalate, gây thương tổn theo cơ chế vật lý như miêu tả cho cây ráy. Các triệu chứng thương tổn tương tự như trầu bà đế vương và trầu bà tay phật. Loài này cũng gây thương tổn cho chó và mèo. Nhựa còn gây cho da mẩn ngứa nếu dính vào da, mắt sưng đỏ nếu vào mắt.

https://www.childrens.health.qld.gov.au/poisonous-plant-pothos-epipremnum/

46.  Kim tiền, Phát tài – ZZ plant (Zamioculcas zamiifolia)

Cây thuộc họ Ráy (Araceae), là loài mọc thành từng bụi, trong môi trường tự nhiên có thể cao đến 100 cm. Cây không có độc tính, chỉ có thể gây thương tổn do calcium oxalate trong cuống và lá cây, theo cơ chế vật lý như miêu tả cho cây ráy. Hình dáng cây kim tiền được tạo thành từ một tập hợp các cuống lá chung có chiều dài 20-40 cm, có màu xanh với những đốm màu tối. Lá mọng nước, mập mạp, có hình trụ dày ở phần gần rễ, thon nhỏ khi đến ngọn và từ từ uốn cong.

Kim tien Phat tai – ZZ plant (Zamioculcas zamiifolia)Ảnh: toàn thân, củ và hoa của kim tiền.

Hình dáng cây khiến cho ta khó nhận ra cây thuộc họ Ráy, chỉ khi cây ra hoa ta mới thấy hoa có mo bao đặc trưng cho họ này.

Cây chức calcium oxalate, gây thương tổn theo cơ chế vật lý như miêu tả cho cây ráy.

Có truyền thuyết và đồn đãi cho rằng cây kim tiền gây ung thư, nhưng GS Ghizan Saleh, Trưởng khoa Nông nghiệp Đại học Putra, Malaysia, cho biết không có nghiên cứu khoa học nào liên kết giữa cây và ung thư.

Còn có tin đồn hai nhà thực vật học ở Đại học Sains Malasia chết vì ung thư máu do cây kim tiền gây ra, nhưng chính đại học này phủ nhận tin đó, và yêu cầu người sử dụng mạng xã hội đừng loan truyền tin thất thiệt về việc này.

http://legendsrumors.blogspot.com/2015/12/houseplant-zanzibar-gem-causes-cancer.html
https://www.edgeprop.my/content/no-proof-house-plant-causes-cancer-says-expert

47.  Hoa rum – Arum lily, Calla lily (Zantedeschia aethiopica, Colocasia aethiopica)

Hoa cây thuộc họ Ráy (Araceae) này cũng lại có tên là loa kèn, cái tên không nên dùng vì tên đó được dùng cho chi Loa kèn thực thụ. Tên tiếng Anh cũng gây nhầm lẫn vì đây không phải là lily thực thụ.

Lá và củ hoa rum có calcium oxalate, gây thương tổn theo cơ chế vật lý như miêu tả cho cây ráy. Nhựa còn gây cho da mẩn ngứa nếu dính vào da, mắt sưng đỏ nếu vào mắt. Cây cũng có độc tính do proteinase.

hoa rum_2 cayĐại học North Carolina cảnh báo có độc tính cao, có thể gây chết người nếu nuốt phải. Hiệp hội Hoa Kỳ Ngăn ngừa Độc ác đối với Súc vật (American Society for the Prevention of Cruelty to Animals) liệt kê cây là loại gây nguy hiểm cho chó và mèo. Tuy nhiên, cây hiếm khi gây ngộ độc nặng bởi vì tinh thể calcium oxalate gây thương tổn ngay khi vào miệng khiến cho nạn nhân không thể bị ngộ độc nặng thêm do proteinase.

http://www.pawsdogdaycare.com/toxic-and-non-toxic-plants/arum-lily

48.  Lan ý – Peace lily (Spathiphyllum wallisii)

Cây có tên tiếng Anh là peace lily nhưng không phải là loài lily, mà thuộc Họ Ráy (Araceae).

Tất cả bộ phận của cây: thân, lá, hoa, thậm chí phấn hoa, đều chứa calcium oxalate, gây thương tổn do calcium oxalate theo cơ chế vật lý như miêu tả cho cây ráy.

Lan y – Peace lily (Spathiphyllum wallisii)Ảnh: toàn cây, hoa trong bao, quả của lan ý.

https://www.gardeningknowhow.com/houseplants/peace-lily/is-peace-lily-toxic-to-dogs.htm

Tham khảo tổng quát

Phạm Hoàng Hộ (1999). Cây cỏ Việt Nam / Illustrated Flora of Vietnam, Quyển I, II và III. Nhà Xuất bản Trẻ Tp HCM
C.P. Khare (ed.) (2007. Indian Medicinal Plants – An Illustrated Dictionary. Springer, New Delhi.
Nelsom L.S; R.D. Shih; M.J. Balick (2007). Handbook of Poisonous and Injurious Plants, Second Edition. The New York Botanical Garden & Springer.
http://misc.medscape.com/pi/iphone/medscapeapp/html/A817016-business.html
https://dengarden.com/gardening/Dangerous-Beauties-Twenty-Toxic-Houseplants-to-Avoid-Around-Children-and-Pets

Hướng dẫn sơ cứu

Khi bị ngộ độc hoặc bị thương tổn, cần có hành động lập tức, đừng chần chừ (15 phút đầu là quan trọng):

  • Nếu da bị dính nhựa cây gây mẩn ngứa, rửa da bằng xà phòng hoặc nước rửa chén hoặc bột giặt, dùng nhiều nước lạnh để xối rửa. Nếu không có nước, dùng cồn y tế.
  • Đừng gãi. Mang găng tay cho trẻ hoặc bọc bàn tay trong khăn để trẻ không gãi khi ngủ hoặc mê mệt.
  • Dùng bàn chảy đánh răng để chà dưới móng tay, móng chân nếu bàn tay, bàn chân bị dính nhựa.
  • Có thể dùng thuốc calamine trị ngoài da để thoa lên phần da bị ảnh hưởng, nhằm giảm ngứa và đau. Nhớ lắc kỹ trước khi dùng, thoa thuốc xong để thuốc khô trên da. Không thoa thuốc gì trên mặt và trên bộ phận sinh dục.
  • Dùng gạc lạnh đắp lên da. Nếu không có gạc lạnh, chườm nước đá.
  • Dùng thuốc uống chống dị ứng (antihistamine), ví dụ như Benadyl có thể dùng cho trẻ em.
  • Nếu nhiều phần da bị dính nhựa cây, nên tắm cả người rồi mặc quần áo sạch.
  • Cũng nên giặt quần áo và cọ rửa giày, dép đã dính nhựa cây.
  • Nếu mắt bị nhựa cây bắn phải gây đau xót, rửa mắt dưới dòng nước chảy nhẹ trong 10-15 phút, tốt nhất là dùng nước lọc đóng chai, nếu không thì dùng nước trong vòi.
  • Khi miệng bị bỏng rộp, súc miệng nhiều lần với nước lã.
  • Khi tắm rửa, để ý đừng để nước từ phần da bị ảnh hưởng chảy lan ra da lành.

Trong mỗi trường hợp nêu trên, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra hoặc để theo dõi tiếp..

Nếu ngộ độc do nuốt phải bất kỳ bộ phận nào của cây:

  • Không nên gây nôn mửa bởi vì rủi ro có thể cao.
  • Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cho dù triệu chứng không nặng, nhằm đề phòng triệu chứng trở nặng đối phó không kịp. Đến cơ sở y tế trong bất kỳ tình trạng nào tạo cơ hội kiểm tra. Dĩ nhiên là tùy bạn cân nhắc giữa tốn kém và lợi ích.
  • Nếu nuốt phải cây có calcium oxalate, dùng sữa chua, sữa tươi, phó mát để giúp kết tủa tinh thể calcium oxalate.
  • Nếu bị ngộ độc nặng (như do trúc đào, cần nước độc, hột thầu dầu, cà độc dược cảnh và các loại cà độc dược khác), trong khi mất thời giờ đến được cơ sở y tế, và nếu nạn nhân còn tỉnh nên cho nạn nhân uống than hoạt tính trên đường đi, để hấp phụ chất độc. Nếu nạn nhân hôn mê thì đừng ép uống gì kẻo gây sặc, thuốc hoặc nước vào cuống phổi rất có hại.
  • Khi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, mang theo mẫu vật cây gây ngộ độc hoặc thương tổn.

Đối với chó, mèo: có thể ép cho uống dung 3% hydro peroxide (oxy già) để gây nôn mửa, rồi đưa đến bác sĩ thú y.

Tốt hơn hết: phòng là chính, bởi vì thường không có thuốc giải độc, thuốc đặc trị, nên bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng. Dưới đây là một số biện pháp nếu bạn có cây cảnh độc và gây thương tổn:

  • Để cây cảnh trong nhà xa tầm tay của trẻ em.
  • Cũng để cây cảnh xa tầm chân của… chó, mèo. Có khả năng thú cưng của bạn chạm phải nhựa độc mà không lộ triệu chứng gì, nhưng người nhà chạm vào chúng thì phiền phức! Và nếu bạn không để ý, chúng bị ngộ độc rồi đi tướt trong nhà thì phiền to!
  • Giữ củ, hạt giống nơi kín đáo, cách xa nhà bếp, ghi nhãn mác rõ ràng.
  • Trang bị tủ thuốc y tế với các loại vật liệu và thuốc nêu trên.
  • Khi cắt cành, tỉa lá cây độc trong vườn nhà bạn (ngoại trừ trúc đào và thông thiên, đừng chạm đến!), mặc quần dài và áo tay dài (nóng nhưng mà chống!), mang găng tay và đeo kính. Loại kính bảo hộ vừa rẻ hơn kính để làm dáng vừa an toàn hơn do che chắn hai bên mắt.
  • Khi làm việc với cây ngoài vườn, tránh để trẻ em và thú nuôi đến gần (loài chó có thể rất tinh ranh: chủ vừa chôn củ xuống đất, quay lưng đi là chúng đào lên ngay!), và đảm bảo có nguồn nước sạch kế bên để nhanh chóng rửa da, rửa mắt.
  • Làm rào giậu quanh cây.
  • Đừng đốt bất kỳ bộ phận nào của bất kỳ cây nào, nếu bạn không có lý do bắt buộc. Nhớ nguyên tắc này thay vì phải nhớ những cây nào không nên đốt.

https://www.cdc.gov/niosh/topics/plants/symptoms.html
https://thuocchuabenh.vn/dung-thuoc/thuoc-chong-di-ung-va-cach-dung.html
http://forum.bacsi.com/cap-cuu-gay-me-hoi-suc-chong-doc/cach-bang-bo-va-su-dung-gac-lanh-33127.html

Kết luận

Bảng dưới đây đưa ra so sánh độ độc (kể cả thương tổn) của các loài cây thường thấy. Bảng này chỉ có giá trị tương đối bởi vì mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào môi trường và tuổi của cây, cũng như thể trạng của cá nhân.

Bang so sanhCần phân biệt giữa việc có độc tính và có khả năng gây hại. Xét về một loài cây chứa độc tố thì thật đơn giản – về mặt lý thuyết là chỉ cần tìm thấy độc tố trong cây và xác định mức độ nguy hiểm của chất đó. Nhưng cây đó có gây hại hay không là do bạn có định ăn nó hay không, và nuốt nổi không khi mùi vị quá khó chịu. Bạn hẳn không ăn ẩu tả, nhưng nên cẩn trọng cho trẻ em và chó mèo.

Điều lạ kỳ là về trẻ em đã đành, người lớn khi muốn ăn cây nào là ăn mà không biết chắc có độc hay không. Vì vậy mà không những có trường hợp ngộ độc do thực vật, mà còn do động vật như ve sầu, cá nóc, mật cá trắm… Bạn phải cẩn trọng để làm gương rồi có thể dạy trẻ trẻ hai điều: (1) không bỏ bất kỳ thứ gì vào miệng nếu không biết chắc là ăn được; (2) không chạm và ngửi nếu không biết chắc về độ an toàn. Về vấn đề này, có lẽ cha mẹ phương tây dạy con cẩn thận hơn ta nên ít có trường hợp trẻ em bị ngộ độc. Đa số trường hợp bị ngộ độc ở chó con và mèo con do bản tính tò mò, thích gặm vật lạ của thú non, và cũng vì cơ thể thú non còn mẩn cảm.

Nếu bạn có dịp vào một vườn dược thảo thì càng nên cẩn trọng vì trong đó thường có cây độc, bởi vì độc chất cũng là dược chất, vì thế đừng sờ mó vào cây gì nếu bạn không biết chắc về mức độ an toàn.

Còn một điểm quan trọng nữa: dè chừng cây có mủ trắng. Trúc đào, thông thiên, cần nước độc, huỳnh anh.

Cuối cùng, chúng ta trang bị kiến thức là nhằm có sự tỉnh táo để phòng ngừa đúng mức, nhưng không nên hãi hùng vì những bài phóng sự gây chú ý hơn là bài viết khoa học nghiêm túc, với từ ngữ giật gân đại loại như “gây chết người nếu vô tình chạm phải” (bài đính kèm hình ảnh một bàn tay đang cầm hoa cây đó), “đứng cạnh mất mạng như chơi” (liệt kê cây trúc đào và thầu dầu vẫn được trồng phổ biến quanh ta), “chết người trong gang tấc”, hoặc “cây tử thần trong sân trường”. Bản thân người viết trải qua nhiều năm trên sân trường tiểu học có cây bã đậu và trường trung học có cây thông thiên nhưng chưa từng nghe nói trường hợp ngộ độc nào với học sinh cùng trường. Khổ nỗi là dòng tít càng giật gân thì bản tin càng được sao chép và được phát tán rộng hơn!

Cần cảnh giác Internet thời nay có quá nhiều nhiễu loạn thông tin, ví dụ như đưa tin loài hoa “hơi thở của quỷ” kèm với hình ảnh hoa loa kèn được trồng đại trà ở Đà Lạt và bán đầy đường phố các nơi – hai loài cây hoàn toàn khác biệt nhưng chỉ có hoa giống nhau một chút. Thêm ví dụ là tin lan truyền bèo lục bình có độc nhưng cũng có nhiều bài viết trình bày các món ăn làm từ cây này.

= = = Bổ sung sau phiên bản đầu = = =

49.     Vông nem  – Indian coral tree (Erythrina variegata)

Chi Erythrina có khoảng 110 loài. Bộ sách của Phạm Hoàng ghi 6 loài ở Việt Nam, trong số đó có vông nem (Erythrina variegata) và vông mồng gà (Erythrina crysta-galli).

Hột của tất cả các cây trong chi Erythrina đều độc.

Có một số bất đồng về danh pháp:

  • Phạm Hoàng Hộ ghi Erythrina variegataErythrina corallodendron là hai loài riêng biệt, loài đầu tiên cho lá để gói nem và có hột độc.
  • Wikipedia ghi Erythrina variegata đồng nghĩa với Erythrina corallodendron, và đồng nghĩa với gần 30 tên khác. Điều này cho thấy có những biến dạng về hình thái khiến nảy sinh những tên khoa học khác nhau.
  • Cơ sở dữ liệu thực vật Việt Nam ghi Erythrina variegata đồng nghĩa với Erythrina variegata var. orientalis, Erythrina corallodendron var. orientalis, Erythrina orientalis.
  • Tài liệu Atlas of Poisonous Plants in Hong Kong ghi rễ, vỏ cây, nhánh, lá, quả và hột của Erythrina variegata đều độc. Như vậy cây này không phải cùng loài với cây vông nem của ta có lá dùng để gói nem.

Erythrina variegata là cây to cao tới 10m, vỏ xanh rồi nâu, có nhiều gai ngắn. Lá mọc so le, có 3 lá chét hình tam giác. Vào tháng 3-5, sau khi lá rụng, cây ra hoa. Chùm hoa dày gồm nhiều hoa màu đỏ chói. Quả đậu không lông, có eo giữa các hạt. Hạt hình thận, màu nâu.

Vong nem – Indian coral tree (Erythrina variegata)Ảnh: Erythrina variegata, có tài liệu ghi cây cho lá có vằn vàng thuộc chủng
Erythrina variegata var. variegata.

Độc tính của được mô tả như sau:

  • Tài liệu Poisonous Plants and Animals of Florida and the Caribbean ghi hột của Erythrina corallodendron độc do các hợp chất alkaloids giống như curare. Các triệu chứng ngộ độc khi ăn hột là nôn mửa, suy nhược, hôn mê.
  • Cơ sở dữ liệu FDA ghi có 28 loài của chi Erythrina trong đó có vông nem chứa alkaloids có độc tính giống như curare, gây tê liệt theo những mức độ nặng nhẹ khác nhau.
  • Theo trang web Dược Việt Nam: Trong lá và thân của cây vông nem có một alkaloid là erythrin, có độc. Chất này có tác dụng làm giảm và có khi làm mất hẳn hoạt động thần kinh trung ương, tuy nhiên không ảnh hưởng đến sự kích thích vận động và sự co bóp của cơ. Còn có chất saponin gọi là migarin làm dãn đồng tử. Trong hột có alkaloid gọi là hypophorin có tác dụng tăng phản xạ kích thích đưa đến sự co giật.

Trên thực tế, từ xưa đến giờ người ta vẫn ăn nem và ăn cả lá vông nem dùng để gói nem mà không hề hấn gì.

Điều chắc chắn là không nên ăn hột của chi Erythrina.

https://en.wikipedia.org/wiki/Erythrina_variegata https://www.accessdata.fda.gov/scripts/plantox/detail.cfm?id=9299 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3249914/ http://ydvn.net/contents/view/4470.cay-vong-nem-erythrina-variegata.html

50.     Vông mồng gà – Cockspur coral tree (Erythrina crysta-galli)

Cây này có khoảng 10 tên đồng nghĩa.

Cây thân mộc vừa, cao 6-10 m, lá rụng theo mùa. Lá kép gồm 3 lá phụ bầu dục thon, 7-10 x 3-4,5 cm, 4-5 gân phụ, không loonh. Chùm hoa đứng, đài hình chuông, hoa màu đỏ thắm mọc thành chùm ở ngọn cành thay phiên nở từ dưới lên trên. Hột đỏ tươi, rất độc.

Vong mong ga – Cockspur coral tree (Erythrina crysta-galli)Đây là một trong những cây có độc tính cao nhất của chi Erythrina. Ở Mexico, hột được dùng làm bã chuột, lá và vỏ cây dùng để thuốc cá.

https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4ng_m%E1%BB%93ng_g%C3%A0 https://www.accessdata.fda.gov/scripts/plantox/detail.cfm?id=9299

Cập nhật: 12-Jun-2018 – Tổng hợp: Diệp Minh Tâm

Ghi chú: bài này vẫn còn được mở, sẽ được cập nhật khi có thêm thông tin.

 

One thought on “Một số cây độc và gây thương tổn quanh ta

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *