- Lưỡi hổ – Snake plant (Sansevieria trifasciata)
- Phất dụ mảnh, Huyết giác, Cây rồng – Red-edged dracaena, Dragon tree (Dracaena marginata)
- Cau lá tre, Cau Hawaii – Bamboo palm (Chamaedorea seifrizii)
- Lan ý, Bạch môn – Peace lily (Spathiphyllum wallisii)
- Trầu bà, Trầu bà vàng – Golden pothos (Epipremnum aureum)
- Thiết mộc lan – Cornstalk dracaena (Dracaena fragrans, đồng nghĩa: Dracaena deremensis)
- Hồng môn – Flamingo lily (Anthurium andraeanum)
- Mật cật, Trúc mây, Quan trúc âm – Lady palm (Rhapis excelsa)
- Dương xỉ Mỹ – Boston fern (Nephrolepis exaltata)
- Dương xỉ Kimberley – Queen Kimberley fern (Nephrolepis obliterata)
- Vạn niên thanh, Phú quý – Chinese evergreen (Aglaonema modestum)
- Cây nhện, Dây nhện, Lục thảo – Spider plant (Chlorophytum comosum)
- Si, sanh – Benjamin fig (Ficus benjamina)
- Thài lài tím, Trai đỏ – Purple heart plant (Tradescantia pallida, đồng nghĩa Setcreasea purpurea)
- Phong lộc hoa, Phước lộc hoa – Bromeliad, Scarlet star (Guzmania lingulata)
- Thường xuân – English ivy (Hedera helix)
Nhà mà bạn đang cư ngụ có điểm nào giống với tàu vũ trụ không? Có đấy. Đó là: ô nhiễm không khí. Riêng văn phòng càng bị ô nhiễm không khí nặng hơn do sóng điện từ và chất hóa học phóng thích từ máy vi tính, máy in, và máy photocopy. Nhân tiện đây nêu thêm: máy photocopy là loại thiết bị có hại nhất trong văn phòng đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, nói chung cần đặt cách xa chỗ ngồi của phụ nữ trẻ. Các chuyên gia môi trường cho rằng ô nhiễm không khí trong văn phòng và nhà ở nằm trong 5 yếu tố môi trường có hại nhất cho sức khỏe. Con người trong thời hiện đại bỏ ra 90% thời giờ trong văn phòng và nhà ở, càng bị phơi nhiễm do ô nhiễm không khí ở hai nơi này.
Trong nhà và văn phòng của bạn có thể hiện diện nhiều chất ô nhiễm không khí khác nhau, được mô tả sơ lược dưới đây.
Amoniac: một chất rất hại cho hệ hô hấp, là thành phần chính trong chất tẩy rửa, dệt may, và thuốc nhuộm, cũng hiện diện trong nước lau kính và sáp đánh bóng gỗ.
Benzen: chất cơ bản trong sáp, mực, nhựa dẻo (plastic), cao su, được dùng trong việc chế tạo bột giặt, dược phẩm, phẩm nhuộm. Cũng hiện diện trong khói thuốc lá, khói xả ô tô, keo dán, sơn, véc ni. Benzene là chất gây ung thư.
Formaldehyde: một trong những chất ô nhiễm không khí trong nhà và văn phòng phổ biến nhất, được phóng thích từ những sản phẩm gia dụng như gỗ dán (ván ép), thảm, bọt xốp trong vật liệu cách điện, nhựa gỗ, sơn mài. Công nhân làm việc trong ngành chế tạo các sản phẩm này có thể hít phải formaldehyde ở nồng độ đủ để gây ra chảy nước mắt, đau đầu, cảm giác nóng trong cổ họng và khó thở. Các vật liệu này trong nhà và văn phòng thải ra formaldehyde rất chậm nhưng trong thời gian dài. Khói thuốc lá và khí xả từ xe cộ cũng có formaldehyde. Chương trình Độc học Quốc gia (National Toxicology Program) của Hoa Kỳ liệt kê formaldehyde là chất có thể gây ung thư cho người.
Toluene và xylene: có trong keo dính, sơn mài, cao su… Khi tiếp xúc nhiều có thể gây hại cho mắt, đường tiêu hóa, tim mạch. Hai chất này cùng với trimetylbenzene và formaldehyde cũng được phát sinh từ các loại máy tính, máy in, máy photocopy.
Trichloroethylene: dung môi dùng trong công nghiệp để tẩy rửa chất hữu cơ, thường thấy trong chất tẩy, sơn mài, mữ in, keo dán.
Khói thuốc lá: có vô vàn chất độc hại trong khói thuốc lá, nhưng cây không thanh lọc hiệu quả lắm. Cách tốt nhất là người trong nhà nên bỏ thuốc lá.
Nhà cửa và văn phòng xây theo kiểu hiện đại để giữ hiệu quả về năng lượng thường thiếu thông khí, khiến cho chất ô nhiễm tích tụ. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency – EPA) của Hoa Kỳ, không khí trong nhà ô nhiễm trung bình gấp 5 lần không khí ngoài trời, thế nên có lời khuyên nên giữ cho nhà được thoáng khí để trao đổi khí với bên ngoài. Đó là ở Mỹ, nơi không khí ngoài trời được bảo vệ tốt. Còn ở Việt Nam, không khí đô thị đã quá ô nhiễm nên nhiều nhà đóng kín cửa, ta phải nhờ cây cảnh trong nhà thanh lọc không khí để xử lý ô nhiễm trong nhà.
Độc như thế nào?
Mỗi một chất trên độc theo những cách riêng, với những nồng độ khác nhau. Có những nghiên cứu cho biết với nồng độ như thế thì phát lộ triệu chứng như thế, nhưng đó là theo lý thuyết. Trên thực tế, các nồng độ bình thường trong ngôi nhà của bạn không gây độc cấp kỳ, vì thế bạn sẽ không có triệu chứng gì cả. Chỉ có điều, khó biết được hậu quả sẽ là như thế nào nếu bạn hít phải các chất trên trong thời gian dài. Các chuyên gia đồng ý với nhau ở một điểm: bạn nên tìm cách giảm thiểu những chất ô nhiễm không khí trong nhà theo mức độ có thể được. Một trong những cách đó là giữ cho nhà bạn được thông thoáng, đón nhận được ánh nắng thì càng tốt.
Nghiên cứu ở NASA
Một nhóm khoa học đứng đầu bởi TS B.C. Wolverton – lúc đó thuộc Cơ quan thuộc Quốc gia Hàng không và Không gian (National Aeronautics and Space Administration, NASA) – kết hợp với Hiệp hội Nhà thầu Cảnh quan ALCA Hoa Kỳ (Associated Landscape Contractors of America, ALCA) thực hiện Nghiên cứu Không khí Sạch của NASA (NASA Clean Air Study). Mục tiêu là nhằm tạo bầu không khí trong lành hơn cho các con tàu vũ trụ và trạm không gian bằng phương pháp thiên nhiên. Việc này xuất phát từ sự kiện là tàu vũ trụ kín như bưng nhanh chóng bị ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (volative organic compount – VOC) và những hóa chất khác được phát tán từ những vật liệu dùng để chế tạo bên trong con tàu. Nhóm nghiên cứu NASA thực hiện một loạt những thí nghiệm để kiểm tra và theo dõi nhiều loại cây có tác dụng với 4 loại VOC là benzene, formaldehyde, trichloroethylene, xylene/toluene (nhập làm một), và ammonia.
Kết quả được NASA báo cáo năm 1989, cho thấy 29 loài và chủng cây có hiệu quả thanh lọc 1 hoặc nhiều hơn chất ô nhiễm không khí nêu trên, trong số đó có 8 cây chỉ lọc được 1 trong 5 chất trên.
Sau đó, có nhiều bản tin hồ hởi (đa số là từ các công ty cung cấp và cho thuê cây cảnh) dùng từ ngữ giật gân như “NASA khuyên bạn nên trồng trong nhà”, “siêu cây hút khí”, “nên trồng ngay trong nhà” dựa theo cái tên NASA nghe thật thuyết phục. Vài bản tin giới thiệu một số cây nhất định mà không ghi tiêu chí chọn lựa cụ thể, có khi là “Loại cây cảnh lọc không khí tốt nhất trong danh sách của NASA” hoặc “top 12 cây cảnh trong nhà mà NASA khuyên bạn” nhưng lại gồm cả một số cây chỉ có thể lọc 1 chất trong số những chất được nghiên cứu. Từng bản tin giới thiệu 8 loại cây, hoặc 10, 12, 16 loại cây được cho là “top” hoặc tốt nhất. Có vẻ như sự chọn lựa tùy theo những loài cây mà công ty cây cảnh có thể cung cấp (?!)Vì thế mà trong nhiều bản tin, sau khi giới thiệu cây còn kèm thêm chi tiết mua cây, ngay cả chi tiết mua chậu.
Nghiên cứu ở Đại học Georgia
Nghiên cứu ở Đại học Georgia, do GS Stanley Kays chủ trì, thử nghiệm 28 loài cây được phơi nhiễm với một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (volative organic compound – VOC) như enzene, toluene, octane, alpha-pinene and TCE (trichloroethylene). Kết quả được công bố năm 2009, cho thấy có 5 loài cây thanh lọc không khí ô nhiễm tốt nhất:
- Thài lài tím, Trai đỏ – Purple heart plant (Tradescantia pallida) đứng nhất về sự đa dạng trong thanh lọc.
- Bán tự cảnh – Waffle plant (Hemigraphis alternata, đồng nghĩa Hemigraphis colorata, Ruellia alternata)
- Thường xuân – English ivy (Hedera helix),
- Cẩm cù – Variegated wax plant (Hoya cornosa)
- Tùng đuôi chồn – Asparagus fern (Asparagus densiflorus)
Kết quả nghiên cứu của Đại học Georgia không được phổ biến rộng rãi như kết quả của NASA, nhưng một người mang danh ký giả khoa học của tờ The telegraph viết về nghiên cứu này và đặt tít “Cây trong nhà có thể cứu mạng bạn” (Indoor plants could save your life).
Nghiên cứu ở Đại học Bang New York
Một nghiên cứu ở Đại học Bang New York (New York State University) thử nghiệm tác dụng của 5 loài cây cảnh đối với 8 loại VOC. Kết quả được công bố trong một hội nghị của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (American Chemical Society) năm 2016. Cây phong lộc hoa hay được gọi là Sao đỏ (Guzmania lingulata) thuộc họ Dứa (Bromeliaceae) có hiệu quả thanh lọc rộng nhất, đối với 6 loại VOC.
Đúc kết những hiểu biết
Một bài báo của tờ TIME ngày 17-1-2018 đúc kết những hiểu biết liên quan đến lợi ích của cây cảnh trong nhà.
GS Luz Claudio ở Trường Y khoa Icahn tại Mount Sinai rà soát các kết quả nghiên cứu và công nhận đúng là cây có khả năng thanh lọc chất ô nhiễm dưới những điều kiện thử nghiệm, nhưng cho rằng trên thực tế – trong nhà ở hoặc văn phòng – thì khoa học chưa chứng minh được lợi ích đó. Lấy ví dụ: ta thường đọc thấy câu trích dẫn như “Nghiên cứu của NASA cho thấy cây trong nhà có thể thanh lọc 87% chất độc trong 24 giờ”. Nhưng 87% đó là của một bầu không khí trong hộp kín khi thí nghiệm. Đừng hy vọng cây sẽ thanh lọc 87% khí độc trong toàn thể nhà bạn.
Chính người chủ trì thử nghiệm cây thanh lọc không khí – GS Stanley Kays ở Đại học Georgia – cũng cho rằng tuy cây được nuôi trong các hộp thí nghiệm kín (để giữ cho bầu không khí cố định) có khả năng thanh lọc chất ô nhiễm, kết quả trong không gian rộng mở ngoài thực tế sẽ thay đổi rất nhiều. Trong nhiều trường hợp, cứ mỗi giờ toàn bộ không khí trong nhà được thay thể bằng không khí bên ngoài, và điều này có tác dụng lớn hơn nhiều so với cây cảnh. Hơn nữa, cây trong phòng thí nghiệm được nuôi với điều kiện tối ưu, như ánh sáng đủ cho nhu cầu quang hợp để thanh lọc chất ô nhiễm được tối đa. Trên thực tế, ánh sáng ở nhiều khu vực trong nhà chỉ vừa đủ cho cây sống tồn, cho nên hiệu quả thanh lọc sẽ thấp.
Nghiên cứu cho thấy cây cảnh trong nhà có lợi ích ở những mặt khác, như giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, giúp con người cảm thấy thư thái hơn, tăng hiệu năng công việc. Một số kết quả nghiên cứu khoa học là như sau:
- Cây hỗ trợ sự hô hấp của con người bằng cách hấp thụ khí cacbonic và phóng thích ôxy. Điều này đã được biết từ lâu: cây thực hiện tiến trình quang hợp như thế vào ban ngày, và làm ngược lại vào ban đêm. Chính vì thế mà bạn được khuyên đừng để cây trong phòng ngủ vào ban đêm. Nhưng điều này là mới mẻ: cây hấp thụ khí cacbonic và phóng thích ôxy vào ban đêm. Ví dụ như lưỡi hổ và cây phong lộc hoa.
- Cùng một người, khi chăm sóc cây cảnh có những số đo về tim mạch tốt hơn là khi làm công việc vi tính.
- Cây cảnh trong phòng đợi của bệnh nhân tim mạch ở một cơ sở y tế có tác dụng tốt đối với huyết áp, nhịp tim và hô hấp so với phòng đợi không có cây cảnh.
- Bệnh nhân vừa trải qua giải phẫu ngắm cây cảnh có huyết áp tốt hơn, và cảm thấy đỡ đau, bồn chồn và mỏi mệt so sánh với bệnh nhân không có cây cảnh trong phòng hồi sức.
- Trong thời gian dưỡng bệnh, những bệnh nhân được nhờ chăm sóc cây cảnh (dĩ nhiên là việc nhẹ nhàng) được xuất viện sớm hơn so với những người không làm việc này.
- Học tập và làm việc với cây cảnh xung quanh giúp cải thiện sự tập trung, trí nhớ và hiệu quả công việc.
Giới thiệu cây cảnh nên trồng trong nhà và văn phòng
Như đã nêu trên, chúng ta cần tỉnh táo nhận định những lợi ích khác nhau của cây cảnh trong nhà, từ sức khỏe thể chất đến giá trị tinh thần. Người viết cho rằng trong cuộc sống, ta cần kết hợp kỹ thuật và mỹ thuật: trong kỹ thuật có mỹ thuật, và trong mỹ thuật có kỹ thuật. Bạn cần trồng cây cảnh hoặc trong nhà trọ hoặc trong nhà hình ống hoặc trong căn hộ của bạn, và đương nhiên như thế rồi nếu bạn có biệt thự. Cũng nên cổ vũ hoặc lấy quyết định mang cây cảnh vào văn phòng của bạn.
Đợi một chút! Trước khi quyết định đặt cây nào trong nhà, bạn cần biết qua những loài cây có thể gây độc hoặc gây thương tổn nhất là đối với trẻ em và chó, mèo, từ đó biết cách phòng chống. Hãy nghiên cứu kỹ bài:
https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/02/mot-so-cay-doc-va-gay-thuong-ton-quanh-ta/
Những loài cây được giới thiệu dưới đây dựa theo những tiêu chí sau:
- Cây có khả năng thanh lọc được ít nhất hai chất ô nhiễm trong nghiên cứu của NASA.
- Cây sống nhiều năm, để đỡ tốn công và chi phí trồng lại hoặc mua cây mới mỗi năm. Vì vậy người viết loại ra cúc mâm xôi và cúc đồng tiền cho dù NASA chứng minh khả năng thanh lọc không khí rất tốt. Điều khó hiểu là NASA nghiên cứu cây có vòng đời chỉ vài tháng để dùng trên tàu vũ trụ và trạm không gian có thể ở du hành nhiều năm (?!)
- Cây tương đối chậm phát triển và không có tán lá rộng, để không chiếm quá nhiều không gian hoặc đụng trần nhà, dẫn đến phiền phức lo thanh lý cây thường xuyên. Lấy ví dụ, do tiêu chí này mà cau vàng (Dypsis lutescens) và Chà là cảnh (Phoenix roebelenii) không được đề xuất: hai cây này có xu hướng vươn cao, cần được trồng trong bồn to và nặng nề, nên trồng ngoài vườn thì thích hợp hơn (nhưng không lẽ thích hợp cho trạm không gian ?!)
- Cây phổ biến, dễ tìm, đã được minh chứng thích hợp với điều kiện môi trường trong nhà về ánh sáng, ẩm độ và nhiệt độ. Do tiêu chí này mà cỏ tóc tiên (Liriope spicata) không được giới thiệu: không được bán rộng rãi, hiếm thông tin về việc trồng trong nhà.
- Nghiên cứu cho thấy cây càng lớn và càng có tán lá rộng thì càng có khả năng thanh lọc không khí. Do tiêu chí này mà lô hội (Aloe vera) không được giới thiệu.
- Cây dễ trồng, không đòi hỏi công phu chăm sóc nhiêu khê.
Từ những tiêu chí trên, tuy nghiên cứu của NASA trải rộng đến gần 30 loài cây, người viết chọn lọc những cây sau, được trình bày theo thứ tự mà người viết cho là thích hợp nhất đến kém thích hợp.
1. Lưỡi hổ – Snake plant (Sansevieria trifasciata)
Chủng được NASA nghiên cứu là Sansevieria trifasciata ‘Laurentii’, tên tiếng Anh là varigated snake plant, nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
Ảnh: 3 cách sắp xếp của lưỡi hổ. Chủng Sansevieria trifasciata ‘Laurentii’ trong hình dưới.
Cây này được xếp đầu bảng bởi vì (a) tác dụng thanh lọc rộng; (b) hình dáng cây thon gọn, tạo linh động trong việc sắp xếp hoặc nhiều cây nhỏ hoặc vài cây lớn; (c) sức sống bền bỉ; (d) lá cây đẹp, có nhiều chủng cho màu sắc khác nhau.
Cây không có thân, mọng nước. Lá mọc từ rễ đứng thẳng hướng lên trời, thuôn nhọn ở đầu, mép lá lượn sóng. Nhiều chủng lai tạo cho ra những màu lá khác nhau với sọc vàng hoặc trắng ở mép lá. Hoa nhỏ, mọc thành chum màu trắng ngà.
Lưỡi hổ là một trong những loại cây có khả năng lọc sạch không khí hàng đầu được nghiên cứu bởi NASA, nó có khả năng thanh lọc 4 chất ô nhiễm chính là benzen, formaldehyde, trichloroethylene, xylen và thêm carbon monoxide, nitrogen monoxide, chloroform.
Đặc biệt hơn cả, vào ban đêm lưỡi hổ hấp thụ các chất độc kể cả khí carbonic (CO2) và nhả ra khí ôxy – một sự đảo ngược của quá trình tổng hợp ôxy của hầu hết các cây). Nên đặt một chậu gồm 2 cây trong phòng ngủ của bạn để tăng ôxy trong khi bạn ngủ. Đặt thêm khi trong phòng có máy in, máy tính vì cây có khả năng khử được từ tính phát ra từ các thiết bị điện tử trên.
Đất: Lưỡi hổ ưa đất khô cằn, yêu cầu độ thoát nước tốt, đất pha cát, đất sỏi, than bùn…
Ánh sáng: Lưỡi hổ có thể sống trong điều kiện ánh sáng yếu một thời gian dài, nhưng cũng chịu được ánh nắng trực tiếp giữa trưa hè. Chính vì vậy, có thể đặt lưỡi hổ hầu như mọi nơi: trong nhà để thanh lọc không khí, ngoài nhà để cây con chóng lên cao. Thi thoảng 1-2 tuần đưa cây ra ngoài ánh nắng nửa ngày để cây tăng sức sống. Nếu lá xuất hiện nhiều mảng nâu rải rác là do ánh nắng quá gắt chiếu qua cửa kính.
Nước: Cây chịu khô hạn khá. Tưới nước cho cây 1 tuần/lần nếu thời tiết nóng, 1 tháng/lần nếu thời tiết lạnh, mỗi lần không cần tưới nhiều. Vì thể, lưỡi hổ phù hợp với người bận rộn, hoặc lười! Nếu độ ẩm không khí cao thì tuyệt đối không nên tưới vì rất dễ làm thối rễ cây. Nếu có đốm nâu trên lá hoặc thối ở gốc là do tưới quá nhiều nước.
Bón phân: Có thể bón phân vào mùa mát hoặc mùa nóng để cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh hơn.
Nhân giống: chọn lá khoẻ đẹp, cắt lá đó sát gốc rồi cắt thành từng đoạn nhỏ khoảng 5 cm, để khô sẹo trong khoảng 1-2 ngày. Cắm các đoạn lá nhỏ đó xuống đất ẩm (cắm đúng chiều từ trên xuống) và luôn giữ ẩm cho đất. Sau khoảng 2 tuần lá sẽ ra rễ, và sau khoảng 2 tháng cây con sẽ mọc ra từ lá. Qua việc này, bạn có thú tiêu khiển thú vị đồng thời dần dà có thêm cây mà không phải bỏ tiền mua. Nếu có con trẻ thì hãy chỉ dẫn chúng các làm, rồi để bọn chúng say mê!
2. Phất dụ mảnh, Huyết giác, Cây rồng – Red-edged dracaena, Dragon tree (Dracaena marginata)
Cây được đánh giá cao bởi vì (a) tác dụng thanh lọc rộng; (b) hình dáng cây thon gọn, tạo linh động trong việc sắp xếp hoặc nhiều cây nhỏ hoặc vài cây lớn; (c) lá cây đẹp, có thể chọn nhiều chủng cho màu sắc khác nhau. Phất dụ mảnh nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
Cây có khả năng lọc benzen, formaldehyde, trichloroethylene, xylene, và hạn chế sóng điện từ.
Cây có thân thẳng, phân nhánh ít, phát triển chậm nhưng lâu năm có thể cao 2-3 m trong nhà. Lá tập trung ở đầu cành, thuôn hẹp, dài 30-90 cm, rộng 2-7 cm, và bóp nhọn ở cuối lá. Lá non có nhiều vạch đỏ, sau chuyển dần sang cam, còn lá trưởng thành thường có màu xanh nhạt, viền đỏ xung quanh. Vài chủng cho lá có đốm đỏ hoặc vàng nhạt.
Đất: tơi xốp, giàu mùn, nhiều dinh dưỡng, thoáng khí và dễ thoát nước. Khoảng 2 năm thay đất một lần. Khi thay chậu mới thì cũng nên thay đất luôn để loại trừ mầm bệnh có hại cho cây. Có thể trồng thủy sinh.
Ánh sáng: cần ánh sáng vừa phải, nếu thiếu ánh sáng màu sắc của lá cây sẽ nhạt, nhìn cây thiếu sức sống. Nếu có quá nhiều ánh sáng, bệnh đốm lá sẽ xuất hiện làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của cây. Tốt nhất nên cho cây hấp thụ ánh sáng mặt trời gián tiếp.
Nước: cây chịu được đất khô, mỗi tuần nên tưới nước cho cây 1 lần, hoặc tưới khi thấy đất khô, se lại. Nếu đất luôn ẩm ướt thì rễ cây dễ bị thối rữa.
Nhân giống: giâm cành.
Chăm sóc: thỉnh thoảng dùng vải ướt lau lá cây phủ bụi nhằm giúp cây thanh lọc không khí tốt. Nếu thân quá dài và trơ trụi, cắt thân ở chiều cao mong muốn, chẳng bao lâu lá mới sẽ mọc lên.
3. Cau lá tre, Cau Hawaii – Bamboo palm (Chamaedorea seifrizii)
Cau lá tre nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
Cây có nguồn gốc vùng rừng mưa nhiệt đới, trông giống tre. Cây có tán lá nhỏ nên thích hợp cho không gian hạn hẹp. Thân nhỏ, đường kính khoảng 1 cm, cao đến 3m, tuy nhiên khi trồng chậu trong nhà cây cao tối đa 2m, chiều cao cây 1,4 m là phù hợp với không gian phòng khách. Thân tròn màu xanh có đốt thưa, đều đặn. Lá kép lông chim, lá phụ dạng dải màu xanh bóng. Hoa mọc thành chùm từ nách cây, khi ra quả có màu đỏ thường tập trung ở giữa thân.
Cau lá tre được xem là “siêu sao” trong việc thanh lọc formaldehyde, và cũng thanh lọc tốt benzene, formaldehyle, trichloroethylene, và xylene/toluene.
Đất: đất thịt, loại đất có thể giữ ẩm tốt và thoát nước nhanh chóng.
Nước: vừa phải. Khi trồng trong nhà đừng tưới nước quá nhiều.
Ánh sáng: ưa sáng, nhưng cây con cần sống trong bóng râm, khi lớn cây mới trổ hoa nếu ở gần nguồn sáng. Hàng tuần cho cây tiếp xúc ánh sáng mặt trời tối thiểu 60 phút.
Nhân giống: cây con mọc từ căn hành, chỉ cần tách ra giâm vào chậu khác, không nên để chậu có nhiều nhánh con. Cho đất thịt mới vào 2/3 chậu, sau đó đặt bầu cây con vào giữa chậu, dùng que nhọn nén đất xung quanh thành chậu cho chat để cây không bị nghiêng đổ, tránh làm đứt rễ.
Chăm sóc: cây bị vàng lá và cháy lá do cường độ ánh sáng quá mạnh hoặc để trong vị trí thiếu sáng quá lâu ngày, hoặc thiếu nước, thiếu dinh dưỡng. Lúc này cần di chuyển cây tới vị trí thích hợp, cung cấp đủ nước, phân bón cho cây.
4. Lan ý, Bạch môn – Peace lily (Spathiphyllum wallisii)
Lan ý nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
Đáng lẽ lan ý đứng đầu bảng do (a) tác dụng thanh lọc rộng; (b) lá rộng, tán rậm rạp so với kích thước toàn cây nên tác dụng thanh lọc càng cao; (c) cây đều đặn cho hoa, và hoa lâu tàn, màu trắng nổi bật trên tán lá xanh tạo nét thanh thoát cho không gian nội thất. Lan ý bị hạ thấp vài bậc do cảnh báo về hoa: mùi thơm có thể khiến bạn không thích, và phấn hoa bay trong không gian ngôi nhà có thể gây dị ứng nhất là đối với trẻ nhỏ chưa có sức đề kháng. Không nên trồng quá nhiều lan ý trong nhà, cần kết hợp với những cây khác để có tác dụng hỗ trợ.
Đây là một trong số rất ít những loại cây cảnh có khả năng giảm thiểu tác hại của sóng điện từ sinh ra từ tivi, máy tính, lò vi sóng, tủ lạnh; cũng thanh lọc acetone và tia tử ngoại. Cây cũng có công dụng loại trừ bào tử của nấm mốc, vì thế bạn nên đặt một chậu trong phòng tắm.
Lan ý là loài thân thảo, cao 40-60 cm , sống thành từng bụi với nhiều cây sát nhau. Lá rất rộng so với kích thước toàn cây, hình ô van, nhọn ở mũi, xanh quanh năm. Cụm hoa lan ý trắng tinh khiết, có một mo màu trắng, dày, cánh thẳng đứng, hình cánh buồm, có thể giữ được tới nhiều tuần, sau đó hoa chuyển sang màu xanh lá. Hoa lan ý còn có hương thơm dễ chịu. Lan ý thường được trồng chậu để bàn hay chậu đứng trang trí hành lang, chân cầu thang, làm cây cảnh nội thất, văn phòng. Ngoài ra, lan ý còn có thể trồng thủy canh trong chậu thủy tinh.
Đất: loại đất thông dụng xốp và có nhiều chất hữu cơ, thêm chút đá nhỏ để thoát nước tốt hơn. Cũng có thể trồng thủy canh.
Ánh sáng: cây chịu được ánh sáng yếu, tránh ánh nắng trực tiếp. Nếu cây không ra hoa thì thường là do thiếu ánh sáng; hãy đặt cây nơi sáng hơn.
Nước: tưới vừa phải 1 lần/tuần, không làm đất sũng nước và đừng để đất khô. Đuôi lá ngã màu nâu có thể là do tưới quá nhiều nước hoặc ánh sáng quá mạnh, còn nếu lá quăn lại thì là do thiếu nước.
Chăm sóc: khi hoa bắt đầu tàn, cắt cuống hoa càng sát gốc cuống càng tốt.
Nhân giống: đơn giản, chỉ việc tách cây con ra và trồng trong chậu khác.
5. Trầu bà, Trầu bà vàng – Golden pothos (Epipremnum aureum)
Trầu bà nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
Trong số các cây ở đây, trầu bà có bốn điểm đứng nhất: (1) được Wolverton cho là lựa chọn thứ nhất; (2) sức sống bền bỉ trong nhà nhất; (3) ít đòi hỏi công chăm sóc nhất; và (4) dễ sắp xếp nhất. Trầu bà rất dễ trồng (thậm chí được xem là khó trồng cho chết!), hoặc cho leo dọc theo một cột hoặc cho rũ xuống, vì thế tạo sự linh động trong cách sắp đặt. Lá hình tim, màu lục đồng nhất hoặc có vệt màu vàng hay màu kem.
Tuy trầu bà có thể sống được chỉ bằng nước lã, nên trồng trong chậu đất để cây có tán lá rậm và bộ rễ phong phú, cũng giúp thanh lọc không khí. Có thể đặt bình cây leo ở góc phòng hoặc treo chậu cây nhỏ gần cửa sổ, giúp cho căn phòng sinh động.
Cây loại được khí formaldehyde, carbon monoxide và benzene.
Đất: loại đất xốp, thoáng khí nhưng giữ được ẩm, có thể trộn nhiều xơ dừa, trấu, tro, than củi.
Ánh sáng: ít đòi hỏi.
Nước: yêu cầu vừa phải, tưới mỗi tuần 2 lần.
Phân bón: mỗi 2 tuần dùng phân cân bằng pha nước cho loãng còn phân nửa liều lượng bình thường.
Nhân giống: cắt đoạn thân 10-15 cm có dăm ba lá để giâm vào chậu mới. Khoảng 4 tuần sau cây sẽ bén rễ.
Chăm sóc: nếu trồng thủy sinh thì khi nước đục nên thay toàn bộ nước và loại bỏ rễ bị hư, nếu rễ mọc nhiều thì tỉa bớt hoặc chuyển sang bình lớn hơn. Khi thân dài hơn 1,2 m, lá ở gần gốc thân sẽ rụng, cây trông trơ trụi. Cần cắt thân ngắn bớt ở gốc rồi trồng lại để cây được rậm rạp hơn.
6. Thiết mộc lan – Cornstalk dracaena (Dracaena fragrans, đồng nghĩa: Dracaena deremensis)
Thiết mộc lan nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
NASA nghiên cứu 3 chủng thiết mộc lan khác nhau mang tên Cornstalk dracaena (Draceaena fragrans ‘Massangeana’), Janet Craig (Dracaena deremensis ‘Janet Craig’) và Warneckei (Dracaena deremensis ‘Warneckei’). Kết quả cho thấy cả ba chủng đều có tác dụng thanh lọc benzene, formaldehyde và trichloroethylene, và xylene.
Cây phát triển chậm, có thân gỗ dạng cột thẳng, rất ít khi phân nhánh. Lá mọc thành hình nơ (hoa thị), bóng và sẫm màu. Phiến lá thường có sọc rộng ngả vàng ở phần trung tâm, cũng có chủng cho lá màu lục trơn, hoặc vàng ở rìa và lục ở giữa, hoặc sọc trắng xám chạy dọc trên nền lục sẫm. Cây cho hoa thơm nhưng chỉ ra hoa trong khí hậu ôn đới, như ở miền Bắc Việt Nam, và cần ở ngoài trời để đủ độ lạnh. Cây chiếm ít diện tích nên dễ sắp xếp trong nhà.
Đất: cây chịu được đất xấu.
Ánh sáng: cây chịu được che bóng một chút.
Nước: cần tưới mỗi ngày. Nếu bạn ngại việc này thì có thể trồng thủy sinh, thậm chí trong nước lã, nhưng như thế cây không lớn, phải trồng trong nhiều bình nhỏ.
Chăm sóc: cắt tỉa lá khô héo để cây cho ra lá mới tươi đẹp hơn.
Nhân giống: Cây có đặc tính độc đáo là khi bị cắt hay cưa một đoạn thân rồi giâm xuống đất, cây sẽ nảy ra 1 hoặc 2 nhánh mới quanh rìa mặt cắt. Với đặc tính này, thiết mộc lan có thể cho trẻ nhỏ một bài học về thực vật. Bạn cắt một đoạn thân, cắm vào một chậu đất rồi để đứa trẻ tập cách chăm sóc đơn giản bằng cách thỉnh thoảng tưới nước cho đất ẩm, rồi kiên nhẫn ngày qua ngày ngắm từng chồi nhô ra từ vỏ cây, mỗi chồi đâm ra từng lá non. Quả là một trải nghiệm thú vị cho trẻ!
7. Hồng môn – Flamingo lily (Anthurium andraeanum)
Hồng môn nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
Cây có thân ngắn, thường mọc thành bụi, đa dạng về màu sắc và hình dáng. Lá có hình tim, dài 18-30 cm, rộng 9-15 cm; cuống lá hình ống, có thể dài tới 30-40 cm. Mo hoa dạng phiến dài 10-15 cm, nở rộng hình tim, có màu đỏ ngọc ở loài nguyên thủy, màu hồng hoặc hồng tía từ nhạt đến đậm ở các chủng lai tạo; giữa mo hoa có phát hoa, gié dài 8-12 cm, trắng ngà hoặc vàng, hồng. Tổng diện tích lá so với kích thước thân là cao, nhờ vậy tối ưu hóa việc thanh lọc không khí.
Đất: tươi xốp, có đặc tính giữ ẩm tốt, như đất phù sa tơi xốp, phân hữu cơ đã được ủ hoai mục trộn trấu hun, xơ dừa….
Ánh sáng: cây ưa mát, ở ánh nắng trực tiếp, lá bị cháy.
Nước: trong thời gian đầu tưới vừa đủ ẩm 1–2 ngày/lần, khi cây lớn và nhất là thời kỳ ra hoa tưới 1–2 lần/ngày tùy theo điều kiện thời tiết nhưng không để chậu cây bị úng nước. Cây ưa độ ẩm cao, vì thế nên vừa tưới vừa phun sương.
Phân: bón NPK 16-16-8 khi thấy biểu hiện vàng lá, kém phát triển. Khi hồng môn bắt đầu ra hoa thì sử dụng phân NPK 12-12-17-9+TE hòa tan vào nước tưới giúp hoa to, màu sắc tươi đẹp.
Nhân giống: tách cây con có 3-4 lá từ cây mẹ trên 4 tuổi. Dùng dao bén tách cây con sát gốc, dùng rễ lục bình (hoặc vật liệu tương đương có sợi để tạo độ xốp) bọc chỗ cắt lại, để bộ rễ cây con phát triển tốt hơn, rồi trồng cây con với cả rễ lục bình xuống giá thể trồng. Cây tách chiết sau 6-7 tháng sẽ cho hoa.
8. Mật cật, Trúc mây, Quan trúc âm – Lady palm (Rhapis excelsa)
Mật cật nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
Cây dễ trồng, đẹp mắt. Cao 1-2 m, gốc có nhiều rễ phụ và chồi bên. Thân nhẵn, đốt đều đặn, mang nhiều bẹ khô do lá rụng để lại. Cây bụi thưa, lá kép chân vịt, chia 5-10 lá phụ dạng dải, hoặc chia 2 thùy nông, màu xanh bóng đậm. Cụm hoa thẳng đứng , mọc ở giữa đám lá. Hoa màu vàng đơn tính. Quả hình cầu.
Đất: xơ dừa:đất tỉ lệ 1:2.
Ánh sáng: cây ưa sáng, chịu bóng bán phần. Giai đoạn còn nhỏ đòi hỏi phải che bóng. Nên đưa cây trưởng thành ra ngoài nắng 2 lần/ tháng.
Nước: tưới 2 lần/ tuần.
9. Dương xỉ Mỹ – Boston fern (Nephrolepis exaltata)
Trong số các cây được NASA thử nghiệm, dương xỉ Mỹ là một trong những cây có tác dụng thanh lọc hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với formaldehyde. Phòng mới có đồ gỗ, thảm hoặc mới sơn rất cần đặt khoảng 2 chậu dương xỉ. Cây cũng có khả năng lọc trimethylbenzene, toluene, xylene, giảm các bức xạ từ máy tính, máy in, máy photocopy. Vì thế, nên đặt cây dương vị gần các máy này.
Cây dương xỉ có nhiều loại và hình dáng khác nhau. Cây gần như không thân, cao trung bình 15-30cm, rộng 15-20cm. Lá kép, đỉnh hơi tròn với nhiều mép khía dạng tai bèo hoặc viền có răng cưa ngắn, thường không có lông. Khi trồng ở góc tối lá có màu xanh xỉn, trồng ở nơi sáng thì lá chuyển màu lục sáng hoặc hơi vàng.
Nước: cần tưới thường xuyên để giữ độ ẩm đất cao. Cũng có thể trồng thủy canh nhưng bộ lá sẽ nhỏ hơn là trồng trong đất.
Ánh sáng: các loài dương xỉ thích bóng râm, không ưa ánh nắng trực tiếp.
Nhân giống: tách rễ ra cho 1-3 cây rồi đưa các cây này vào chậu mới.
10. Dương xỉ Kimberley – Queen Kimberley fern (Nephrolepis obliterata)
Dương xỉ này rất giống dương xỉ Boston nhưng không được phổ biến lắm. Chức năng thanh lọc không khí và phương pháp trồng của hai loài giống nhau.
11. Vạn niên thanh, Phú quý – Chinese evergreen (Aglaonema modestum)
Cây thảo có thân cao 40-50 cm, to 5-15 mm, lóng dài 1-2 cm. Lá có phiến thuôn hay bầu dục, dài 15-25 cm, rộng 10-13 cm, từ màu lục đều của loài nguyên thủy đến màu sắc đa dạng của chủng lai: sọc trắng, hoặc rìa đỏ, đốm trắng, hoặc phiến hồng với rìa xám… Có người chê hoa văn của lá cây trông nhức mắt, nhưng nếu khéo chọn bạn vẫn có thể tìm được những chủng cho màu thanh thoát.
Đất: cây có rễ rất khỏe nên có thể sống được ở đất thịt rắn chắc, nhưng tốt nhất là loại đất mùn có nhiều dưỡng chất lại mềm, giúp bộ rễ của cây phát triển nhanh. Lấy đất thịt trộn với tro, trấu, sơ dừa để tạo mùn và độ thoáng khí cho đất.
Nước: Vạn niên thanh có khả năng tích nước ở thân lá, để trong nhà và văn phòng thì khả năng mất nước càng ít. Tưới nước 2 lần/tuần, mỗi lần đủ ẩm 1/2 đất. Nếu bận công tác hay đi xa thì để cây nơi mát ít bị mất nước, dù cả tháng cây vẫn sống.
Ánh sáng: để cây nơi ánh sáng chiếu tới vào buổi sáng và chiều muộn, như vậy màu lá sẽ đẹp hơn, tránh ánh nắng gắt mùa hè buổi trưa sẽ khiến cây bị cháy lá.
Nhân giống: bằng cách tách nhánh hoặc giâm cành.
12. Cây nhện, Dây nhện, Lục thảo – Spider plant (Chlorophytum comosum)
Cây nhện nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí. Cây cũng là một trong những loài cây cảnh dễ trồng nhất trong nhà, thích hợp cho người mới tập tễnh việc chăm sóc cây cảnh, hoặc người đãng trí. Đây là loài thân thảo, lá cuốn chằng chịt, Cây có khả năng đặc biệt là có thể hút khí cacbonic (CO2) và các khí độc mà không cần ánh sáng. Sau đó, khi lá cây được tiếp xúc ánh sáng sẽ sử dụng CO2 mà nó đã hút được để quang hợp. Cây sinh sản theo cách đặc biệt: sau khi trổ hoa, cây con mọc từ hoa, rồi có một ít rễ, đong đưa trên không! Nếu bạn trồng cây nhện cho tốt, chẳng bao lâu bạn sẽ có vô số cây con, phải tìm người để cho!
Có thể đặt một chậu dây nhện ở trên nóc tủ hoặc ở cửa sổ, trên tường, để nó rủ xuống tự nhiên, đến khi cành rủ có độ dài khá thì cuốn nó lại, tạo hình như một tác phẩm điêu khắc theo ý của bạn.
Đất: chọn loại đất có độ tơi xốp cao và dễ thoát nước nhưng có khả năng giữ nước tốt.
Nước: đợi gần đến lúc đất khô ráo mới tưới nước, bình thường mỗi tuần 1 lần. Nếu cây ở trong tối nhiều hơn ngoài sáng thì tưới nước ít hơn bình thường, để tránh cây bị chết vì úng. Khi cây lớn, bộ rễ phát triển dầy đặc trong đất, vì thế nếu tưới nước từ bên trên sẽ không hiệu quả. Nên nhúng chậu cây trong sô nước cho nước ngấm vào từ bên dưới, sau đó lấy chậu ra, đợi đến khi không còn nước nhỉ xuống mới đem treo chậu chỗ cũ.
Ánh sáng: có thể thích ứng với chỗ tối (như trong phòng ngủ) trong thời gian dài, không ưa ánh nắng trực tiếp nhưng cần đem cây hóng nắng định kỳ một lần mỗi tuần. Cây nhận được ánh sáng thiên nhiên và ánh đèn 12 giờ mỗi ngay sẽ sinh nhiều cây con.
Nhân giống:
- Giâm cành: lấy một đoạn cây thân dài 5-10 cm có mầm non cắm vào trong đất, sau 7 ngày cành sẽ mọc rễ mới, sau 20 ngày có thể chuyển vào chậu, tưới đẫm nước sau đó đặt ở nơi râm mát.
- Tách gốc: nhấc cây từ trong chậu ra, cắt hết gốc già, trên gốc sau khi được tách ra phải giữ lại 3 cành, sau đó có thể lần lượt đem trồng.
- Còn có cách khác thú vị hơn: dùng lọ nhỏ đựng đất để quanh cây mẹ, đưa cây con giâm vào đất lọ nhỏ cho bén thêm rễ, rồi cắt tách rời cây con khỏi cây mẹ. Cũng có thể cắt cây con cho vào một cốc đựng nước lên khoảng 5 cm.
Bón phân: không cần bón nhiều. Bón mỗi tháng vài lần, theo phân nửa liều lượng so với các loài cây khác.
Chăm sóc:
- Cây không ưa nhiệt độ lạnh, vào mùa đông nếu bạn cảm thấy lạnh thì cây cũng thế, mở máy điều hòa chế độ nóng nếu có.
- Cần có bình bằng vật liệu chắc, kẻo bộ rễ có thể phá vỡ bình!
- Nếu thấy đất khô nhanh hơn trước đây thì đó lúc chuyển cây sang bình có đường kính lớn hơn khoảng 5 cm.
- Có lời khuyên thỉnh thoảng nên cắt tỉa để giữ hình thái cây tươi tốt, nhưng bạn nên cân nhắc: giữ cho cây gọn ghẽ trông đẹp, hay để cây lùm xùm nhằm tối ưu hóa thanh lọc không khí trong nhà?
- Một số mèo thích ăn cây nhện! Nếu nhà có mèo, treo cây tránh xa vật dụng chung quanh để mèo không nhảy tới được.
- Nếu chót lá ngả màu nâu, đó là do ánh sáng quá mạnh hoặc đất quá khô, hoặc nồng độ hóa chất gì đó quá cao trong nước tưới. Cắt đi phần lá ngả màu nâu, đặt cây nơi chỗ tối hơn, dùng nước lọc để tưới. Khi cây phục hồi, có thể dùng nước máy để tưới.
13. Si, sanh – Benjamin fig (Ficus benjamina)
Cây này ở gần cuối bảng do khả năng phân cành cao, tán lá rậm rạp, xum xuê khiến cho đến lúc khó quản lý làm cây nội thất trong không gian nhỏ. Bạn có thể bắt đầu với cây thấp nhưng chẳng bao lâu bạn sẽ cần chậu to hơn và thấy cây thích hợp hơn với nhà rộng thay vì căn hộ. Có một số chủng cho lá xanh với những vệt vàng nhạt. Cây cần chăm sóc đúng cách, nhưng bù lại cho tán lá xanh tươi, còn có quả đẹp trước tiên để ngắm và sau đó dùng vào ẩm thực!
Nếu thấy có một hạt sáp ở gần cuống lá, đừng lo lắng. Đó là cơ chế của các cây thuộc chi sung (Ficus) như si, sung, vả, bồ đề… nhằm thu hút ong đến giúp thụ phấn. Mỗi loài của chi Ficus thu hút một loài ong riêng. Nếu bẻ một quả chín của cây ngoài trời làm đôi, bạn sẽ thấy có những con ong li ti trong đó. Một quả của chi Ficus thật ra là quả kép mà thực vật học gọi là sung (syconium), chứa những quả nhỏ bên trong, được thành hình do loài ong bò vào bên trong để ăn mật, gián tiếp giúp thụ phấn. Vì lẽ trồng trong nhà nên ong không vào được, quả cây si sẽ không có hột.
Nếu trồng cây cho tốt nơi đủ ánh sáng, sau 2-3 năm cây si cho quả màu cam, đường kính khoảng 1 cm, ăn được. Dùng sống hoặc khô để trộn vào rau salad hoặc sữa chua.
Đất: si không ưa muối. Trước khi đưa đất vào chậu, rửa muối trong đất bằng cách đổ nước ngập đất rồi để nước chảy xuống đáy. Làm như thế 2 lần. Đợi nước rút hết, đất không sũng nước mới trồng cây vào chậu.
Nước: tưới vừa phải khi thấy đất mặt khô; dùng nước lọc tốt hơn nước máy, không nên dùng nước giếng e hàm lượng muối quá cao. Nếu lá ngả vàng, đó là do thiếu nước hoặc dư nước.
Ánh sáng: tránh ánh nắng trực tiếp, chịu được bóng bán phần.
Bón phân: dùng phân hữu cơ nhiều mùn. Triệu chứng cây thiếu dưỡng chất là có ít lá, lá già ngả vàng. Bón phân hữu cơ mỗi tháng 1 lần.
Chăm sóc: nếu rễ hiện ra dưới lỗ thoát nước, cần trồng lại vào chậu khác – thường là 2 năm sau khi trồng vào chậu. Đợi khi đất khá khô rồi đưa cây ra khỏi chậu, cắt bỏ phần rễ chết hoặc úng, rồi trồng lại vào chậu có đường kính lớn hơn chậu cũ khoảng 5 cm. Sau đó một số lá có thể rụng, nhưng chẳng bao lâu cây sẽ phục hồi.
14. Thài lài tím, Trai đỏ – Purple heart plant (Tradescantia pallida, đồng nghĩa Setcreasea purpurea)
Loài cây này có tác dụng thanh lọc không khí đa dạng nhất trong số các loài được nghiên cứu ở Đại học Goergia, Hoa Kỳ.
Thài lài tím là cây thân thảo nằm, mọc bò dài, phân cành nhánh cong hay thẳng đứng, sống lâu năm, có thân lá mọng. Thân mảnh, màu tía có sọc xanh. Lá nhọn thon dài, đỏ ở mặt dưới, màu tím tươi ở mặt trên, gân nổi rõ ở mặt dưới. Có chủng cho lá màu lục xám điểm đốm đỏ hoặc tím. Hoa nhỏ, 3 cánh màu trắng, hồng, hoặc tím, không có chức năng sinh sản, hoa nở liên tục cả năm ở điều kiện khí hậu ấm áp nhưng chỉ nở ra vào buổi sáng. Cây mọc khỏe, có tốc độ sinh trưởng nhanh.
Nước: đảm bảo đất luôn luôn ẩm, phun nước nhẹ lên chậu cây, lá cây.
Ánh sáng: cho cây thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng nhẹ.
Nhân giống: bằng cách giâm đoạn cành có rễ.
15. Phong lộc hoa, Phước lộc hoa – Bromeliad, Scarlet star (Guzmania lingulata)
Đây là loài cây có hiệu quả thanh lọc rộng nhất trong số 5 loài cây được thử nghiệm ở Đại học Bang New York. Phong lộc hoa được giới thiệu không nhất thiết vì có khả năng thanh lọc tốt hơn những cây trên, mà còn do khả năng nhả khí ôxy vào ban đêm tương tự như lưỡi hổ và cây nhện.
Có trên 120 loài thuộc chi Guzmania, tất cả có nguồn gốc ở Nam Mỹ, thường sống trên cây với bộ rễ không bao giờ bám xuống đất. Lá thu thập nước mưa, còn dưỡng chất đến từ lá chết và phân chim, khỉ… rơi xuống cây; bộ rễ chủ yếu là giúp cây bám trên cây khác.
Cây có hình thái giống cây dứa (tiếng Bắc) hoặc cây thơm (tiếng Nam). Lá cây dài, dẹt, màu xanh bóng với đường viền nhẵn, mọc kiểu đối xứng tỏa tròn. Chính giữa cây là cái thường được gọi là “hoa”, hình thành bằng những lá bắc có màu rực rỡ, sắp xếp theo dạng ngôi sao, còn hoa thật sự có màu trắng nằm ở trung tâm và thường mọc thấp hơn các lá bắc bao quanh.
Mỗi cây phong lộc hoa chỉ ra hoa một lần duy nhất ở đỉnh ngọn cây, hoa duy trì khoảng 3-4 tháng thì lụi dần. Cùng lúc, cây con mọc lên bên cạnh cây mẹ rồi ra hoa sau gần 1 năm phát triển. So chu kỳ lụi tàn của cây mẹ và sinh trưởng của cây con, bạn sẽ phải trồng nhiều chậu cây trong nhà để có đủ tác dụng thanh lọc không khí.
Có nhiều chủng khác nhau, với “hoa” màu vàng, màu cam, tím… Có dạng cây cao hơn, lá bắc làm thành hoa dạng cây nến.
Phong lộc hoa không độc đối với mèo và chó.
Đất: trong thiên nhiên rễ cây đong đưa ngoài không khí, nên đất phải thoát nước tốt như trộn xơ dừa, nếu không đầu rễ sẽ bị hư thối nếu chậu ứ đọng nước. Cũng có thể làm giống như ngoài thiên nhiên: buộc cây vào một cột, một giá đỡ nào đó như một khoanh xơ dừa, ngay cả một dây thừng, để bộ rễ bám dần giúp cây đứng vững, sau đó tháo dây buộc ra. Bạn sẽ có một chi tiết thú vị trong tiểu cảnh!
Ánh sáng: không thích hợp trồng dưới ánh nắng trực tiếp, những lá bắc sẽ dễ phai màu. Nếu để cây nơi tối, cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời 15-30 phút mỗi ngày.
Nước: phong lộc hoa rất nhạy cảm với clo và flo trong nước máy, tốt nhất là tưới cây bằng nước mưa hoặc nước giếng. Cây thu nước để sống từ vũng ở giữa cây, nên bạn cần tưới vào vũng này cho đầy khoảng ¼ rồi phun sương lên lá và đất. Khi nào thấy không còn nước trong vũng ở giữa cây thì tưới như trên. Cách 1-2 tháng rót nước vào vũng ở giữa cây cho đầy và tràn ra để tránh vi trùng tích lũy gây bệnh cho cây.
Bón phân: có người nói họ chẳng bao giờ bón cho cây, nhưng có lời khuyên bón cho cây từ 1-2 lần/năm, làm giống như ngoài thiên nhiên: xịch nước pha phân loãng trên bộ lá và xịt vừa ẩm đất. Bón phân nhiều quá sẽ làm cháy cây.
Nhân giống: từ cây con. Có thể cắt đi cây mẹ đã lụi tàn và để các cây con vươn lên tự nhiên, hoặc dùng dao bén cắt cây con rời ra để trồng vào chậu khác
Chăm sóc: thực vật họ dứa có thể được kích hoa bằng cách cho tiếp xúc với khí eth Cylene phát sinh từ một quả táo chín. Đặt cây bên trong một túi nhựa trong suốt với một quả táo chín muồi trong 3-7 ngày. Sau 4-16 tuần (tùy loại cây), những lá bắc ở ngọn sẽ bắt đầu đổi màu, dấu hiệu cây đang ra hoa.
16. Thường xuân – English ivy (Hedera helix)
Thường xuân nằm trong số 10 cây tốt nhất trong nghiên cứu của NASA về tác dụng thanh lọc ô nhiễm không khí.
Cây này có chức năng thanh lọc rộng, tính thẩm mỹ cao và dễ trồng nhưng được đặt ở cuối bài viết bởi vì có quan ngại về độc tính. Bạn phải thật cẩn trọng đối với trẻ em và mèo, chó. Khi sắp xếp thường xuân, đảm bảo không ai chạm đến cây. Tốt nhất là cho cây rũ từ trần nhà xuống, không để cây trên bàn ăn, bàn viết, bàn đầu giường, gần giá sách, gần lối đi… Khi cầm nắm, cắt tỉa cây bạn nên mang găng tay và mang kính, bởi vì nhựa độc của cây trong suốt có thể dính vào da mà bạn không biết.
Ảnh: trái treo trên cao là ĐÚNG; phải đặt trên kệ sách và nắp tủ là SAI, người dễ chạm phải.
Thường xuân không chịu được nóng, Tránh kính cửa sổ có ánh nắng chiếu vào, hoặc gần cục nóng của máy điều hòa, gần bếp…
Ánh sáng: gián tiếp nhưng không tối.
Nước: tưới vừa phải, sau mỗi lần tưới chờ cho đất hơi khô rồi mới tưới lại. Khi thấy lá mềm dịu đi tức là cây cần tưới nước.
Tổng hợp: tiểu cảnh hay tường cây
Bảng dưới đây tóm tắt tác dụng thanh lọc không khí trong nghiên cứu của NASA.
Có thể tổng hợp dăm ba cây trên, lựa chon sao cho cây này bổ sung tác dụng thanh lọc không khí cho cây kia. Thay vì sắp hàng những chậu, nên tạo thẩm mỹ qua tiểu cảnh hoặc tường cây. Cần nhờ đến nhà chuyên môn trong việc này theo những điều kiện như:
- Cây không gây độc khi chạm vào, hoặc đặt cây độc trên cao.
- Đảm bảo không tạo độ ẩm quá cao khiến thiết bị điện tử trong nhà mau hỏng.
- Tạo sự hài hòa giữa cây lớn và cây nhỏ, cây treo trên cao và cây leo theo mặt tường…
- Đối với tường cây, chọn đúng loài cây rồi sắp xếp các chậu khéo léo sao cho bộ lá che khuất chậu.
Tiếp theo đây là một số hình ảnh gợi ý.





Một số lưu ý chung cho cây trong nhà
- Tuy chưa có nghiên cứu khoa học chính xác, Wolverton khuyên nên có 2-3 chậu cây cảnh có đường kính 25 cm cho mỗi 10 m².
- Để tối ưu hóa khả năng làm sạch không khí, nên bảo vệ lá cây khỏi bụi bám, thỉnh thoảng hoặc phun sương hoặc dùng khăn ướt lau lá.
- Nếu bạn thấy thoải mái với nhiệt độ trong nhà thì cây cảnh cũng thế. Nên tránh đặt cây nơi quá nóng như bếp, và nơi có luồng khí quá nóng hoặc quá lạnh từ bên ngoài lùa vào.
- Không dùng đất có phân chuồng, để tránh mùi hôi trong nhà và khả năng mầm bệnh còn sót lại sau khi ủ phân.
- Nếu ánh sáng chiếu vào cây không đồng đều, như khi đặt cây gần cửa sổ hoặc ở một góc nhà, thỉnh thoảng xoay vòng để mặt thiếu sáng quay ra mặt nhiều sáng.
- Tránh dùng nước lạnh để tưới cây. Dùng nước có nhiệt độ như trong phòng, hoặc ấm hơn một chút thì tốt nhất. Nước máy cần trữ trong chậu vài ngày để trở lại nhiệt độ trong phòng và chlorine bốc hơi hết.
- Thay vì tưới nước theo định kỳ cho cây cần nhiều nước , thử treo phía trên một chai nhựa đựng nước có đục một lỗ thật nhỏ ở đáy sao cho từng giọt nước nhỏ xuống chứ không chảy thành dòng. Bạn sẽ thấy cây tốt hơn là khi được tưới nước định kỳ. Phương pháp này chắc chắn thành công với dương xỉ Mỹ. Cũng nên thử với hồng môn.
- Tránh trồng nhiều cây thủy sinh, để tránh độ ẩm quá cao gây hại cho thiết bị điện tử.
- Đừng tưới quá nhiều nước vì độ ẩm cao của đất có thể khiến nấm mốc phát triển.
- Cho dù các loại cây trên không độc, tránh cho trẻ em tiếp xúc với lá hoặc rễ, nhất là nhựa cây, nhằm đề phòng sự mẫn cảm. Giữ cây tránh xa tầm với của trẻ, cùng lúc giáo dục trẻ: không được bỏ bất kỳ thứ gì vào mồm nếu không phải là thức ăn.
- Nếu thấy những đốm nhỏ màu trắng hoặc vàng, có màng tơ mỏng ở mặt dưới lá thì có thể là do nhện đỏ (red mite) nhỏ li ti, dùng kính lúp mới thấy. Nhện đỏ hại cây bằng cách ăn biểu bì của lá, hút nhựa cây, làm cây yếu đi rồi chết. Cách ly chậu cây này xa khỏi những cây khác, rồi dùng 1/4 muỗng xà phòng hoặc nước rửa chén và 1 muỗng canh dầu ăn pha trong 2 lít nước, quậy thật đều rồi xịt, lắc thường xuyên trong khi xịt. Thử trước ở một phần cây để xem có hại gì không rồi mới xịt toàn thể cây. Cũng có thể dùng một bàn chải mềm nhúng vào dung dịch xà phòng + dầu rồi chải trên màng tơ. Dầu sẽ làm cho nhện bị dính lại và cộng với xà bông làm nhện chết.
- Nếu không muốn thử cách trên hoặc thử không hiệu quả thì thanh lý hẳn cả chậu, không dùng lại đất của chậu đó. Không nên dùng thuốc chữa bệnh cho cây trong nhà: đừng thay thế hóa chất này bằng hóa chất khác.
- Nếu có điều kiện tài chính, bạn nên xem xét việc thuê cây cảnh ở công ty chuyên môn. Với việc cung cấp đúng loại đất và chăm sóc đúng mức, cây sẽ đẹp hơn là khi bạn tự lo. Chỉ cần giao hẹn không dùng bất kỳ loại hóa chất nào như để kích thích tăng trưởng, bảo vệ thực vật… Khi đã tìm cách thanh lọc hóa chất, bạn không nên mang vào nhà hóa chất khác! Cứ để cây sống theo cách tự nhiên với các điều kiện về môi trường trong nhà và dưỡng chất đúng mức. Giao hẹn thứ hai là khi cây bị bệnh, thay bằng cây khác. Nếu cây bị sâu, rầy, nấm… tức là do lỗi ở công ty cung cấp, họ phải thay cho bạn cây khác chứ không mang về chữa trị rồi trả lại. Tóm lại, có nhiều dịch vụ cho thuê cây cạnh tranh với nhau, bạn là Thượng Đế!
Tài liệu tham khảo
- Wolverton, B.C.; Johnson, Anne & Bounds, K. (1989). Interior landscape plants for indoor air pollution abatement, Final Report, September 15, NASA.
- Ralph l. Orwell, Ronald l. Wood, Jane Tarran, Fraser Torpy & Margaret d. Burchett (2004). “Removal of benzene by the indoor plant/ substrate microcosm and implications for air quality”, Water, Air and Soil Pollution, 157: 193-207.
- Luz Claudio (2011). “Planting Healthier Indoor Air”, Environmental Health Perspectives, 119 (10): a426–a427.
- NASA Clean Air Study – https://en.wikipedia.org/wiki/NASA_Clean_Air_Study
- 10 Best Air Filtering House Plants, According to NASA – https://www.healthyandnaturalworld.com/best-air-filtering-house-plants/ NASA Study House Plants Clean Air – http://www.zone10.com/nasa-study-house-plants-clean-air.html
- Planting Healthier Indoor Air – https://ehp.niehs.nih.gov/119-a426/
- 9 Air-Cleaning Houseplants That Are Almost Impossible to Kill –https://greatist.com/connect/houseplants-that-clean-air
- Your Latest Health Care Provider: A Plant – http://healthland.time.com/2010/12/29/your-latest-health-care-provider-a-plant/
- Why Indoor Plants Make You Feel Better – https://www.nbcnews.com/better/health/indoor-plants-can-instantly-boost-your-health-happiness-ncna781806
- Selecting the right house plant could improve indoor air – https://www.acs.org/content/acs/en/pressroom/newsreleases/2016/august/selecting-the-right-house-plant-could-improve-indoor-air-animation.html
- Top 10 House Plants for Clean Indoor Air https://www.thehealthyhomeeconomist.com/house-plants-for-clean-indoor-air/
- 5 health benefits of houseplants – https://www.treehugger.com/health/5-health-benefits-houseplants.html
- You Asked: Can Indoor Plants Really Purify the Air? – http://time.com/5105027/indoor-plants-air-quality/
- Cây cảnh trong nhà có thật sự lọc không khí? – https://thanhnien.vn/suc-khoe/cay-canh-trong-nha-co-that-su-loc-khong-khi-924950.html
Tổng hợp: Diệp Minh Tâm
Cảm ơn những thông tin quý báu và chi tiết của Bác Tâm rất nhiều.
[…] Xem: https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/06/06/mot-so-cay-nen-trong-trong-nha-va-van-phong/ […]
cây văn phòng bên bạn có cho thuê không ạ? Những cây nêu trên đây có quá khó chăm sóc không vậy ad?