Một số phát biểu lịch sử và truyền cảm hứng

Lời giới thiệu

Trích những câu nói lịch sử và truyền cảm hứng

Một số phát biểu lịch sử và truyền cảm hứng

Socrate
Tự biện (399 tCN)

Nữ hoàng Anh Elizabeth I
Diễn văn Vàng (1601)

Galileo Galilei
Lời biện hộ trước phiên tòa (1633)

Pyotr Đại đế
Tuyên cáo trước trận đánh Pultowa (1709)
Diễn văn khi Đại chiến Bắc Âu kết thúc (1721)

Tổng Giám mục Feofan Prokopovich
Điếu văn tại lễ tang Pyotr Đại đế (1725)

Patrick Henry
“Cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết” (1775)

William Wilberforce
“Cảnh kinh hoàng của việc mua bán nô lệ” (1789)

Maximilien de Robespierre
“Louis phải chết vì đất nước ta phải sống” (1792)

George Washington
Diễn văn từ biệt (1796)

Napoléon Bonaparte
Phát biểu từ biệt Cảnh vệ (1814)

Frederick Douglass
Tính đạo đức giả của chế độ nô lệ Mỹ (1852)

Giuseppe Garibaldi
Khích lệ tinh thần binh sĩ (1860)

Abraham Lincoln
“Chế độ nô lệ là sai trái” (1860)
“Để đạt đến một nền hòa bình chính đáng” (1865)

George Graham Vest
Ai điếu cho chú khuyển (1869)

Susan B. Anthony
Về quyền của phụ nữ (1873)

Tù trưởng Joseph
“Tôi sẽ không bao giờ chiến đấu nữa” (1877)

Elizabeth Cady Stanton
“Nỗi cô đơn của bản thân” (1892)

Marie Curie
Radium và những ý niệm mới trong hóa học (1911)

Vladimir Ilyich Lenin
“Cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới muôn năm!” (1917)

Mohandas K. Gandhi
“Phải có lòng tự tin” (1930)

Albert Einstein
“Những điều kỳ diệu của khoa học” (1930)
“Thắng cuộc chiến, nhưng không tranh thủ được hòa bình” (1945)

Franklin D. Roosevelt
“Điều ta phải sợ hãi là chính sự sợ hãi” (1933)

Adolf Hitler
Phát biểu trong phiên tòa xử tội phản quốc (1924)
“Diễn văn Hòa bình” (1935)

Huey P. Long, Jr.
“Mỗi người là một ông vua” (1934)

Sir Winston Churchill
“Máu, nhọc nhằn, nước mắt và mồ hôi” (1940)
“Thời khắc vinh quang nhất của họ” (1940)

Hồ Chí Minh
Tuyên ngôn độc lập (1945)
Lời hiệu triệu (1946)
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946)

Muhammad Ali Jinnah
Diễn văn tại Quốc hội Lập hiến Pakistan (1947)

Jawaharlal Nehru
“Hẹn hò với vận mệnh” (1947)
Điếu văn cho Mahatma Gandhi (1948)

William Faulkner
Diễn văn Chiêu đãi Nobel Văn học (1950)

Dwight D. Eisenhower
“Nguyên tử phụng sự hòa bình” (1953)

Albert Schweitzer
Vấn đề của hòa bình (1954)

Kwame Nkrumah
Diễn văn Độc lập (1957)

Mao Trạch Đông
Diễn văn về công tác tuyên truyền (1957)

Harold Macmillan
Bài diễn văn “Ngọn gió thay đổi” (1960)

John F. Kennedy
“Đừng hỏi tổ quốc sẽ làm gì cho bạn” (1961)
“Một chiến lược cho hòa bình” (1963)

James Watson
Diễn văn chiêu đãi Nobel Y khoa (1962)

Nelson Mandela
“Một lý tưởng mà tôi sẵn sàng chết vì nó” (1964)
“Hãy để tự do ngự trị” (1965)

Mujibur Rahman
“Cuộc đấu tranh lần này là cho tự do của chúng ta!” (1971)

Jane Fonda
“Người Việt Nam sẽ không nhượng bộ” (1972)

Salvador Allende
Diễn văn cuối cùng (1973)

Richard Nixon
Diễn văn từ chức (1974)

Yasser Arafat
“Cành ô liu và khẩu súng của chiến sĩ tự do” (1974)
“Chúng ta hãy kiến tạo hòa bình” (1988)

Indira Gandhi
“Trách nhiệm đặc biệt của phụ nữ Ấn Độ” (1974)

F.W. de Klerk
“Đã đến lúc cần phải đàm phán” (1990)

Yitzhak Rabin
“Chúng tôi đang lo kiến tạo hòa bình” (1990)
Bài diễn văn cuối cùng (1995)

Benazir Bhutto
“Bình đẳng và đối tác” (1995)

Giáo hoàng John Paul II
“Mối quan hệ mới giữa con chiên Kitô và người Do Thái” (2000)

Trần Đức Lương
“Việt Nam cần sự hỗ trợ thích đáng của Hoa Kỳ” (2000)

Oprah Winfrey
Phát biểu nhận Giải thưởng Nhân đạo Bob Hope (2002)

Tổng Giám mục Desmond Tutu
“Tất cả đều thuộc về một gia đình” (2006)

Muhammad Yunus
“Người nghèo là cây cảnh bonsai” (2006)

Kofi Annan
“Năm nguyên tắc quan hệ quốc tế” (2006)
“Hãy tưởng tượng một lục địa Châu Phi…” (2013)

Al Gore, Jr.
“Tình trạng khẩn cấp của hành tinh” (2007)

Randy Pausch
“Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ” (2007)

John McCain
“Hãy để lại quá khứ sau lưng chúng ta” (2009)

Thích Nhất Hạnh
“Mở cửa trái tim” (2011)

Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Điếu văn cho bố Nguyễn Cao Kỳ (2011)

Bill Clinton
“Vinh danh 15 năm quan hệ hữu nghị, đối tác và kinh tế” (2011)

Hoàng Tụy
Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại (2011)

Trương Tấn Sang
“Người đã chia sẻ những khát vọng chung của nhân loại” (2013)

Barack Obama
Phát biểu khi đắc cử tổng thống (2008)
Phát biểu sau cuộc gặp với Chủ tịch Trương Tấn Sang (2013)

Vladimir Putin
Lời kêu gọi cho sự thận trọng (2013)

William H. McRaven
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới (2014)

Nguồn tham khảo

Lời giới thiệu

Tập hợp ở đây là những bài phát biểu được các sử gia, nhà nghiên cứu thuật hùng biện, nhà báo… đánh giá cao. Sự đánh giá này có thể theo nhiều tiêu chí: tính cách lịch sử, giá trị văn học, giá trị về hùng biện và triết lý… Sự lựa chọn bài phát biểu  là do chủ quan của người sưu tập, bị giới hạn trong số những bài phát biểu tiếp cận được, thêm hạn chế đối với những bài phát biểu từ Thế giới thứ Ba bằng ngôn ngữ địa phương.

Mỗi bài phát biểu thể hiện một cột mốc – hoặc quan trọng hơn: một bước ngoặt – trong lịch sử nhân loại về triết lý, quan niệm sống, xung đột hoặc hòa hoãn, và bối cảnh xã hội, khoa học, kỹ thuật, kinh tế… Vì vậy, có thể xem mỗi bài phát biểu là một tư liệu cho thấy khung cảnh, con người, sự kiện tạo nên chủ đề phát biểu. Đối tượng của bài phát biểu có thể là toàn thể nhân loại (như ADN, HIV/AIDS, biến đổi khí hậu), phân nửa nhân loại (phụ nữ), hoặc một đất nước (như sách lược của cách mạng Nga, công cuộc giành độc lập cho Ấn Độ, cách mạng Cuba, sự xóa bỏ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi), một tầng lớp trong xã hội (như người nô lệ, người da màu ở Mỹ), và thậm chí chỉ là một con chó! Người đọc có thể tìm thấy ở đây kiến thức tổng quát trong từng chủ đề trước khi đào sâu vào tri thức chuyên biệt nếu muốn.

Mỗi bài phát biểu cũng có giá trị hùng biện, vì người phát biểu có chủ ý muốn thuyết phục người nghe thuận theo quan điểm của mình. Sự thuyết phục có thể là đúng đắn hoặc lừa dối, nhưng chính cái lừa dối ấy cũng là một phần của lịch sử. Qua nghệ thuật hùng biện, cách sử dụng văn phong, ngôn từ, cấu trúc, cách đảo ngữ, và cũng có cách chơi chữ, trích dẫn thơ văn…, mỗi bài phát biểu cũng nên được xem như là một áng văn chương – hoặc tương tự trong lịch sử thời xưa: như là một bài biểu, một bản tấu khá thi vị!

Có khi hùng biện chỉ để hùng biện, nhưng nhiều khi hùng biện biến thành hành động đáng kể. Vì thế, khi đọc qua các bài phát biểu, ta có thể mường tượng được những gì sau đó: như các ý tưởng của Adolf Hitler, Fidel Castro và John Kennedy cuối cùng được thực hiện theo những gì họ đã phác họa. Vì thế, vô hình trung đối với mỗi bài phát biểu ở đây, trong lịch sử có văn học và trong văn học có lịch sử. Riêng trong các lĩnh vực khoa học và y khoa, các bài phát biểu của Al Gore (về sự ấm lên của địa cầu) và Mary Fisher (về AIDS) có tính đột phá vì họ nằm trong số những người đi đầu trong việc nêu bật vấn đề, và thông điệp của họ vẫn còn có giá trị cho đến bây giờ.

Khi chọn các bài phát biểu, chủ ý không phải nhất thiết là tôn vinh người phát biểu hoặc chủ đề. Đây chỉ là một bức tranh toàn cảnh thể hiện những tâm tư tình cảm của con người: hoặc sục sôi nồng nàn, hoặc tha thiết đằm thắm, hoặc lừa dối khôn khéo. Người phát biểu có thể trình bày ý định khi sắp lên hoặc vừa lên địa vị cao nhất trong một nước (như Franklin D. Roosevelt, Nelson Mandela, Barack Obama), hoặc để lại đôi điều nhắn nhủ khi vừa rời khỏi chức vụ (như George Washington, Vua Edward VIII, Douglas MacArthur, Kofi Annan), hoặc trình bày cương lĩnh khi sắp bước vào nhà tù (như Fidel Castro, Nelson Mandela), và có trường hợp chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng qua bên kia thế giới (như Salvador Allende và Mary Fisher). Từ đó, ta có thể nhận ra những tâm tư con người ở bước ngoặt của lịch sử, trước chặng đường trước mặt hoặc đã qua, và những thăng trầm của con người trong “vận nước nổi trôi”, hoặc những trải nghiệm trong đời một người đối diện với cái chết không xa.

Cuối cùng, mỗi bài phát biểu để lại dư hương gì đấy trong tâm tư người đọc, có thể là đồng cảm, bâng khuâng, hoặc có thể là chán ghét, phẫn nộ. Những dư hương hỗn tạp ấy cũng là một phần trong cuộc sống đa dạng. Tóm lại, cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ, nên những ý niệm sinh lão bệnh tử của khung cảnh đời sống được trình bày đầy đủ ở đây, những vui buồn thương ghét của người trong cuộc cũng có cả ở đây. Người đọc nên trải lòng mình ra tiếp nhận trước khi đi đến đánh giá.

Tôi đã đưa lên blog này một số bài phát biểu riêng rẽ như sau:

  1. “Hãy để những kẻ chuyên chế sợ hãi” (1588) – Nữ hoàng Elizabeth I – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/27/hay-de-nhung-ke-chuyen-che-so-hai-nu-hoang-elizabeth-i/
  2. “Ba cái ách ngu dốt, chuyên chế và nhũng lạm” (1819) – Simón Bolívarhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/27/ba-cai-ach-ngu-dot-chuyen-che-va-nhung-lam-simon-bolivar/
  3. Bài diễn văn Gettysburg (1863) – Abraham Lincolnhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/15/bai-dien-van-gettysburg-abraham-lincoln/
  4. “Nhân cách không hình thành từ những gì được nghe và nói” (1931) – Albert Einsteinhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/23/nhan-cach-khong-hinh-thanh-tu-nhung-gi-duoc-nghe-va-noi-albert-einstein/
  5. “Quyết định nghiêm túc nhất của đời tôi” (1936) – Edward VIIIhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/dien-van-thoai-vi-edward-viii/
  6. “Xảo quyệt, châm biếm, chế nhạo và đạo đức giả” (1939) – Adolf Hitlerhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/09/10/xao-quyet-cham-biem-che-nhao-va-dao-duc-gia-adolf-hitler/
  7. “Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển” (1940) – Winston Churchillhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/23/chung-ta-se-chien-dau-tren-bo-bien-winston-churchill/
  8. “Hãy rời khỏi Ấn Độ!” (1942)– Mohandas K. Gandhihttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/05/10/hay-roi-khoi-an-do-mohandas-k-gandhi/
  9. “Sai lạc và xảo trá đến bỉ ổi” (1942) – Cordell Hullhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/sai-lac-va-xao-tra-den-bi-oi-cordell-hull/
  10. “Một ngày sẽ sống mãi trong sự bỉ ổi” (1942) – Franklin D. Roosevelthttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/15/mot-ngay-se-song-mai-trong-su-bi-oi-franklin-d-roosevelt/
  11. Tuyên cáo Ngày D (1944) – Dwight D. Eisenhowerhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/tuyen-cao-ngay-d-dwight-d-eisenhower/
  12. “Đó là một quả bom nguyên tử” (1945) – Harry Trumanhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/27/do-la-mot-qua-bom-nguyen-tu-harry-truman/
  13. “Chịu đựng những gì không thể chịu đựng được” (1945) – Hoàng đế Hirohitohttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/dien-van-ket-thuc-chien-tranh-hoang-de-hirohito/
  14. “Một thế giới tốt đẹp hơn sẽ khởi sinh” (1945) – Douglas MacArthurhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/mot-the-gioi-tot-dep-hon-se-khoi-sinh-douglas-macarthur/
  15. “Chiến binh già không bao giờ chết” (1951) – Douglas MacArthurhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/15/old-soldiers-never-die-douglas-macarthur/
  16. “Lịch sử sẽ tha bổng cho tôi” (1953) – Fidel Castrohttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/05/10/lich-su-se-tha-bong-cho-toi-fidel-castro/
  17. “Chúng ta quyết định đi lên Mặt Trăng” (1962) – John F. Kennedyhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/chung-ta-quyet-dinh-di-len-mat-trang-john-f-kennedy/
  18. “Tôi có một ước vọng” (1963) – Martin Luther King, Jr. – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/toi-co-mot-uoc-vong-martin-luther-king-jr/
  19. “Chúng ta sẽ vượt qua” (1965) – Lyndon B. Johnsonhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/12/chung-ta-se-vuot-qua-lyndon-b-johnson/
  20. “Chúng ta cần tình thương yêu và sự sáng suốt” (1968) – Robert Kennedyhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/bao-tin-cai-chet-cua-martin-luther-king-robert-kennedy/
  21. “Tình thương khởi đầu ở nhà” (1979) – Thánh Teresa thành Calcutta – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/09/tinh-thuong-khoi-dau-o-nha-me-teresa/
  22. Diễn văn kỷ niệm 40 năm Ngày D (1984) – Ronald Reaganhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/dien-van-ky-niem-40-nam-ngay-d-ronald-reagan/
  23. “Tương lai không thuộc về kẻ nhút nhát” (1986) – Ronald Reaganhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/dien-van-tham-hoa-challenger-ronald-reagan/
  24. “Tiếng thì thầm của AIDS” (1992) – Mary Fisherhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/tieng-thi-tham-cua-aids-mary-fisher/
  25. “Chúng ta có nghĩa vụ” (1994)– Công nương Dianahttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/15/chung-ta-co-nghia-vu-cong-nuong-diana/
  26. “Hãy đứng lên hóa giải thù hận” (1995) – Bill Clintonhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/09/10/hay-dung-len-hoa-giai-thu-han-bill-clinton/
  27. “Quyền của phụ nữ là nhân quyền” (1995) – Hillary Rodham Clintonhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/quyen-cua-phu-nu-la-nhan-quyen-hillary-rodham-clinton/
  28. “Chị ấy không cần có tước vị hoàng gia” (1997) – Bá tước Spencerhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/dieu-van-cho-cong-nuong-diana-ba-tuoc-spencer/
  29. “Hãy cùng nhau tận hưởng mùa xuân mới” (2000) – Bill Clintonhttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/09/hay-cung-nhau-tan-huong-mua-xuan-moi-bill-clinton/
  30. “Cứ khát khao, cứ dại khờ” (2005) – Steven Jobshttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/cu-khat-khao-cu-dai-kho-steven-jobs/
  31. “Đừng để sự phức tạp cản ngăn bạn” (2007) – Bill Gateshttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/82/
  32. “Các em chẳng có gì đặc biệt” (2012) – David McCullough, Jr. – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/08/cac-em-chang-co-gi-dac-biet-david-mccullough-jr/
  33. “Giáo dục phải đi đầu” (2013) – Malala Yousafzaihttps://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/09/phat-bieu-truoc-lien-hiep-quoc-malala-yousafzai/

Những phát biểu còn lại do tôi chọn và dịch được gồm trong bài này.

Ghi chú: tất cả chú thích là của người dịch, trừ khi được ghi cách khác.

Trích những câu nói lịch sử và truyền cảm hứng

Ta biết ta có một thể chất phụ nữ yếu đuối, mong manh; nhưng ta có tinh thần và tấm lòng của một quân vương – và cũng là của một quân vương Anh quốc.

Nữ hoàng Elizabeth I, Vương quốc Anh, 1588

Qua những chiến công, từ trong bóng tối chúng ta bước ra vùng ánh sáng của thế giới, và những người trước đây chưa từng biết đến chúng ta thì bây giờ tôn trọng chúng ta.

Pyotr Đại đế, Nga, 1721

Chính chúng ta, những người còn sống, phải cống hiến cho sự nghiệp dở dang mà họ – những người đã chiến đấu nơi đây – đã đề ra một cách cao quý. Chính chúng ta phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn lao còn lại trước mắt.

Abraham Lincoln, Tổng thống Mỹ, 1863

Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là sự sợ hãi.

Franklin Delano Roosevelt, Tổng thống Hoa Kỳ, 1933

Quý vị cần tin tôi khi tôi nói với quý vị rằng tôi thấy không thể nào cáng đáng trách nhiệm nặng nề và thực hiện những nghĩa vụ trên cương vị là Vua như tôi muốn, khi mà tôi không có sự giúp đỡ và hỗ trợ của người phụ nữ tôi yêu.

Vua Edward VIII, Vương quốc Anh, 1936

Chúng ta sẽ đi đến cùng, chúng ta sẽ chiến đấu ở Pháp, chúng ta sẽ chiến đấu trên biển và đại dương, chúng ta sẽ chiến đấu trên bầu trời với lòng tự tin ngày càng kiên định và với nghị lực ngày càng được củng cố, chúng ta sẽ bảo vệ đảo quốc của chúng ta với bất cứ giá nào. Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi đáp, chúng ta sẽ chiến đấu trên trận tiền và trên đường phố, chúng ta sẽ chiến đấu trên đồi núi.

Winston Churchill, Thủ tướng Anh, 1940

Hôm qua, ngày 7 tháng 12 năm 1941 – một ngày sẽ sống mãi trong sự bỉ ổi – Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ bị hải quân và không quân của Đế quốc Nhật Bản tấn công một cách bất ngờ và cố ý.

Franklin Delano Roosevelt, Tổng thống Hoa Kỳ, 1941

… theo những tiếng gọi của thời đại và định mệnh mà Trẫm dọn đường cho một nền hòa bình lớn lao cho tất cả các thế hệ về sau, bằng cách tỏ ra nhẫn nhục đối với những gì không thể nhẫn nhục được và chịu đựng những gì không thể chịu đựng được.

Hoàng đế Hirohito, Nhật Bản, 1945

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1946

Từ nhiều năm trước, chúng ta đã hẹn hò với định mệnh, và bây giờ đã đến lúc chúng ta phải thực hiện lời hứa của mình, không chỉ thực hiện đầy đủ và trọn vẹn mà còn phải có đủ thực chất.

Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập, 1947

… “chiến binh già không bao giờ chết; họ chỉ mờ dần”. Giống như chiến binh già trong bài ba-lát ấy, bây giờ tôi kết thúc binh nghiệp và chỉ mờ dần…

Thống tướng Douglas MacArthur, Hoa Kỳ, 1951

Cứ kết án tôi đi. Không sao cả. Lịch sử sẽ tha bổng cho tôi.

Fidel Castro, thủ lĩnh cách mạng, Cuba, 1953

… đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc.

John F. Kennedy, Tổng thống Hoa Kỳ, 1961

Tôi có một ước vọng là sẽ có ngày đất nước này vươn lên và sống với ý nghĩa thật của niềm xác tín: “Chúng tôi tin rằng chân lý này là hiển nhiên, đó là mọi người khi sinh ra đều bình đẳng.”

Martin Luther King, Jr., Mục sư, Hoa Kỳ, 1963

Tôi ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do trong đó mọi người sống bên nhau trong sự hòa hợp và với những cơ hội bình đẳng. Đấy là lý tưởng mà tôi kỳ vọng được sống với nó và đạt đến nó. Nhưng nếu cần thiết, đấy là lý tưởng mà tôi sẵn sàng chết vì nó.

Nelson Mandela, nhà hoạt động chính trị, Nam Phi, 1964

Tình thương khởi đầu ở nhà; vấn đề không phải là chúng ta làm nhiều đến đâu, mà là chúng ta đặt tình thương đến mức nào vào công việc của mình.

Thánh Teresa thành Calcutta, 1979

Đối với với tất cả quý vị trong tầm âm thanh tiếng nói của tôi, tôi khẩn cầu: Hãy cùng tôi rút tỉa những bài học của quá khứ và của phẩm giá, để hai con tôi sẽ không e sợ mà nói ra cái tên “AIDS” sau khi tôi ra đi. Lúc ấy, con em của chúng và con em của quý vị sẽ không phải thầm thì cái tên đó.

Bà Mary Fisher, nhà hoạt động chính trị, Hoa Kỳ, 1992

Như Truyện Kiều báo trước:

Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân
.

Bây giờ, những hình ảnh băng giá của quá khứ bắt đầu tan chảy. Những phác họa của một tương lai ấm áp chung bắt đầu hình thành. Chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng mùa xuân mới này.

Bill Clinton, Tổng thống Hoa Kỳ, 2000

Đừng giam mình trong tín điều – đấy là cách sống bằng kết quả của suy nghĩ từ người khác. Đừng để tiếng ồn ào từ quan điểm của người khác khỏa lấp quan điểm của chính bạn. Và quan trọng nhất là bạn hãy dũng cảm đi theo con tim và trực quan của mình. Bằng cách nào đó, chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Những điều khác chỉ là thứ yếu.

Steve Jobs, CEO của Apple Computer và của Pixar Animation Studios, 2005

Thương yêu trước hết là yêu cuộc đời, yêu sự sống. Thật ra nếu không yêu thương thì làm sao sống được? Xã hội bây giờ có nhiều người tự tử, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là vì họ không có khả năng thương yêu. Thương yêu trước hết là thương yêu cuộc đời. Phải yêu cuộc đời thì mới sống được. Cuộc đời ở trong cơ thể mình, trong tim mình, ở xung quanh mình. Chán đời thì không sống được. Vì vậy chúng ta phải thực tập “yêu đời”. Sự sống là một cái gì rất quý giá.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, 2011

Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc.

GS Hoàng Tụy, 2011

Rồi các em sẽ tìm thấy sự thật vĩ đại và lạ lùng trong kinh nghiệm của con người, ở chỗ: lòng vị tha là điều tốt nhất mà các em có thể làm được cho chính mình. Lúc đó, những niềm vui ngọt ngào nhất trong đời chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt.

David McCullough, Jr., giáo viên Anh văn, Hoa Kỳ, 2012

Cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ trên con đường đi tìm độc lập và tự do cho dân tộc mình. Người chia sẻ những khát vọng chung của nhân loại, được Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson nêu trong Tuyên ngôn 1776 khai sinh ra nước Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: Đó là khát vọng được sống, bình đẳng, tự do và hạnh phúc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, 2013

Chúng ta phải chấm dứt sử dụng ngôn ngữ bạo lực, phải quay lại với con đường giải quyết ngoại giao và chính trị theo phong cách văn minh.

Tổng thống Vladimir Putin, Liên bang Nga, 2013

Một số phát biểu lịch sử và truyền cảm hứng

Socrate

Socrate hoặc Sokrates (khoảng 470-399 tCN) là triết gia người Hy Lạp cổ đại (Người Athens). Ông được coi là một trong những người đã sáng tạo ra nền triết học phương Tây, và là nhà triết gia đạo đức đầu tiên của nền tư tưởng đạo đức phương Tây. Ông là nhân vật bí ẩn, không hề viết ra bất cứ điều gì, chỉ được biết đến chủ yếu thông qua các tác phẩm do những tác giả cổ đại cùng thời kể lại, trong đó nổi bật nhất chính là hai môn sinh Plato và Xenophon. Một số tác phẩm khác viết về ông đến từ những tác giả đương thời như Antisthenes, Aristippus và Aeschines xứ Sphettos. Aristophanes, một nhà viết kịch, chính là tác gia đương thời chủ yếu đã tạo ra những vở kịch có nhắc đến Sokrates trong suốt cuộc đời của nhà triết học này còn tồn tại đến ngày nay.

Tự biện (399 tCN)

Năm 399 trước CN, Socrate bị ba công dân Athènes là Mélètos, Anytos và Lycon truy tố về tội “làm thanh niên hư hỏng” và “thay thế các vị thần của thành quốc bằng ngoại thần”. Theo luật pháp của Athènes, kẻ bị buộc tội có thể tự biện hộ hay đọc bài cãi do người khác viết giúp. Ông chọn giải pháp đầu, và sau một phiên xử mang danh nghĩa công lý song thực chất là chính trị, đã bị kết án phải uống thuốc độc. Nhưng cũng từ đó, Socrate hoá thân thành mẫu mực bất tử, bài tự biện của ông do Platon ghi lại trở thành tác phẩm văn học và triết học gối đầu giường, “trường hợp Socrate” không ngừng chất vấn lương tâm con người, đồng thời đặt ra một câu hỏi lớn về công lý cho mọi chế độ chính trị.

Để chuyển ngữ tác phẩm lý thú này, chúng tôi chủ yếu dựa trên bản dịch tiếng Pháp của Victor Cousin (Apologie de Socrate, 1822), và bản dịch tiếng Anh của Benjamin Jowett (The Apology of Socrates, 1892), cả hai đều có thể tìm thấy dễ dàng trên Internet. Tuy nhiên, ở một số đoạn, chúng tôi đã sử dụng song song các bản dịch Pháp ngữ mới của Emile Chambry hoặc Luc Brisson, khi thấy cần phải diễn tả giản dị, trong sáng hoặc gần gũi hơn với tiếng Việt.

Socrate tường thuật nguồn gốc của sự vu khống mà ông là nạn nhân, chất vấn Mélètos, và đặt vấn đề công lý.

Thưa quý công dân Athènes [01], không biết những kẻ truy tố tôi đã gây ấn tượng gì trên quý vị; riêng đối với tôi, bài buộc tội của họ [02] quả đã có sức thuyết phục mạnh đến độ hầu như đôi lúc nó làm tôi quên bẵng mình là ai. Rằng hay thì thực là hay; tuy nhiên, họ chẳng phát biểu tới một lời trung thực. Song trong bao dối trá đã tuôn ra ở đây, điều làm tôi sửng sốt hơn cả là khi họ dặn quý đồng hương phải cảnh giác trước tài hùng biện của Socrate. Nói thế mà không sợ bị phủ nhận ngay tức khắc thì thật là liều lĩnh đến mức trơ tráo, bởi vì chỉ cần mở miệng ra tôi đã vô tình chứng minh trước cử tọa rằng Socrate này chẳng có chút nghề miệng luỡi mọn nào. Trừ phi đối với họ sự hùng biện có nghĩa là sức mạnh của sự thật. Nếu đúng như thế, tôi thú nhận có thể là nhà hùng biện, nhưng không phải theo kiểu của họ. Bởi vì, xin nhắc lại một lần nữa, họ chưa hề nói lên lời nào đúng với sự thực, trong khi từ miệng tôi, quý vị sẽ nghe tất cả sự thực, cho dù nó không được chải chuốt bằng loại ngôn từ bóng bẩy như trong diễn từ đầy tiểu xảo của bên nguyên, mà ngược lại, bằng bất cứ câu chữ nào thoạt hiện đến trong đầu; bởi vì thực tình, tôi tin chắc rằng mình sẽ không nói điều gì không chân thực. Vậy, đừng ai chờ đợi chi khác ở Socrate.

Socrates
Socrate

Ở vào tuổi đời này, thật khó coi nếu tôi xuất hiện trước mắt quý vị như một thiếu niên đang tập diễn thuyết trước công chúng, phải không quý đồng hương Athènes? Cho nên ân huệ duy nhất mà tôi xin quý vị là, nếu phải nghe tôi tự bênh vực bằng cùng thứ ngôn ngữ mà tôi vẫn quen dùng ở quảng trường Agora [03], gần các bàn đổi tiền (nơi một số đông quý vị ở đây đã từng nghe tôi phát biểu) hay ở bất cứ chỗ nào khác, xin chớ ngạc nhiên và ồn ào ngắt lời tôi [04]; bởi vì hôm nay là lần đầu tiên trong đời, tuổi đã ngoài bảy mươi, Socrate này mới phải ra hầu tòa, nên thật tình hoàn toàn xa lạ với thứ ngôn ngữ được sử dụng nơi pháp đình. Thế thì, y hệt như nếu tôi là người sống ngoài thành quốc, quý vị sẽ dung thứ cho phép tôi phát biểu bằng lời nói và cung cách của nơi tôi ở, tôi cũng xin quý vị, và tôi tin rằng đấy là yêu cầu chính đáng, hãy để cho tôi làm chủ phần hình thức của phần tự biện này, cho dù nó sẽ có kết quả tốt xấu ra sao, mà chỉ tập trung tất cả chú ý suy xét xem những điều tôi nói ra là đúng hoặc sai. Đấy chính là nhiệm vụ của người xét xử; nhiệm vụ của diễn giả là khai báo sự thật.

Thưa quý công dân Athènes, bây giờ, trước hết cho tôi phản bác những kẻ buộc tội và các tội trạng mà họ đã cáo buộc tôi trước kia; sau đó, tôi sẽ trả lời những kẻ buộc tội và các tội trạng mới mà họ gán cho tôi gần đây.

Bởi vì, thưa quý vị, không thiếu gì người đã truy tố tôi trước quý vị từ bao năm nay, và tuy rằng họ chẳng đưa ra được điều gì trung thực, tôi vẫn sợ họ nhiều hơn là Anytos với đồng đảng [05], mặc dù những nhân vật sau cũng rất đáng ngại. Vâng, thưa quý đồng hương, những kẻ buộc tội tôi đầu tiên mới đáng sợ hơn nhiều, bởi vì, chiếm lĩnh tinh thần của phần đông quý vị từ tuổi thơ, họ đã không ngừng lặp đi lặp lại những điều dối trá khiến quý vị tin rằng có một nhà thông thái nào đó mang tên Socrate thường vẫn suy tưởng về các hiện tượng trên trời, bươi kiếm trong lòng đất, và biến chuyện xấu xa thành điều đáng làm [06]. Những ai phổ biến loại tai tiếng ấy mới thật sự là kẻ kết án tôi; bởi vì, tin theo lời họ, người nghe tự thuyết phục mình rằng bất cứ cá nhân nào, một khi đã đeo đuổi loại tìm tòi đó, đều không tin là có thần thánh. Những kẻ buộc tội này thật đông đảo, và họ đã hành động từ lâu; hơn nữa, họ đã áp đặt ý kiến này trên quý vị ở vào cái tuổi dễ tin của thời thơ ấu hoặc niên thiếu, càng dễ tin hơn nữa khi họ xử vắng mặt một kẻ không ai bênh vực. Và điều kỳ quái hơn hết là ngay bản thân tôi cũng không thể biết mặt, không nêu được tên những ai đã kết tội mình, ngoại trừ một tay viết hài kịch [07]. Nhưng tất cả những kẻ đã mang các điều dối trá trên ra thuyết phục quý vị vì ganh ghét hay để phỉ báng tôi, rồi những kẻ cả tin sau đó lại đi thuyết phục người khác, chính hạng người này mới làm tôi bối rối hơn cả. Đã không thể nào đưa một ai ra toà, tôi còn không thể nào phản bác họ; để tự vệ, tôi bị đặt vào thế phải đương đầu với những bóng ma, và tranh luận mà không nghe tiếng trả lời. Như thế, xin quý vị ghi nhận trong tâm trí cho, rằng Socrate này có đến hai loại người buộc tội như vừa trình bày: kẻ đã ám tố tôi từ thời xa xưa, và kẻ chỉ mới ra mặt tố tụng gần đây; mặt khác, cũng xin quý vị hiểu giùm cho là tôi phải bắt đầu bằng sự phản bác hạng người thứ nhất, bởi vì chính họ là kẻ mà quý vị đã nghe trước tiên trong một thời gian dài, và chính họ mới để lại nhiều ấn tượng trên quý vị hơn hạng người sau.

Đã đến lúc, thưa quý đồng hương Athènes, tôi phải tự bênh vực và cố gắng rứt ra khỏi tâm trí quý vị những điều vu khống đã ăn sâu từ lâu, với thời gian được phát biểu thật là ít ỏi [08]. Tất nhiên, tôi hy vọng đạt được mục đích, nếu nó có ích cho cả quý vị lẫn bản thân Socrate này. Tôi hy vọng thành công, tuy biết rằng tự bênh vực trong những điều kiện như thế là cực kỳ khó khăn, và hoàn toàn không tự dối mình về mức khó khăn đó. Thôi, hãy để mọi việc diễn tiến theo ý muốn của thần thánh. Bổn phận công dân của tôi là tuân thủ luật pháp và tự bênh vực mình.

Hãy trở lại từ gốc và xem tội trạng nào đã làm điểm tựa cho những kẻ phỉ báng tôi và đã khiến Mélitos có đủ tự tin để truy tố tôi trước toà. Xem nào, những kẻ phỉ báng Socrate đã nói gì? Thử làm như thể lời buộc tội của họ đã được viết ra trong bản cáo trạng, và nay sau thủ tục tuyên thệ, đang được tuyên đọc trước tòa: “Socrate là người nguy hiểm, vì tật tò mò sai trái, y muốn thấu triệt cả chuyện trên trời và trong lòng đất, biến chuyện xấu xa thành điều đáng làm, còn dạy dỗ kẻ khác loại tà thuật ấy”. Đấy là cáo trạng.

Đấy chính là những gì quý vị đã thấy tận mắt trong hài kịch của Aristophane. Một ông Socrate nào đó được kéo vất va vất vưởng ngang sân khấu, tuyên bố rằng mình có tài đi lại trên không và hàng trăm điều ngông cuồng khác về nhiều chuyện mà bản thân tôi tuyệt đối không hiểu nổi. Tôi nói thế không phải để dè bỉu loại kiến thức trên – xin đính chính nếu có ai trong cử tọa thành thạo về các bộ môn ấy; hy vọng rằng Mélitos sẽ không lại kiếm chuyện với tôi thêm lần nữa vì lời đính chính này. Sự thật là tôi không hề đeo đuổi loại học thuật đó; phần lớn quý vị ở đây có thể làm chứng cho tôi. Vì vậy, tôi yêu cầu vị nào đã từng đàm luận với tôi, và đấy là trường hợp của một số rất đông quý vị, hãy hỏi han nhau xem, và công bố xem có bao giờ quý vị từng nghe Socrate này phát biểu chi, ngắn ngủi hay dông dài, về các vấn đề ghi trong cáo trạng trên. Quý vị sẽ thấy ngay rằng tất cả những chuyện mà người ta gán cho tôi đều thuộc về cùng một duộc: chẳng có gì là thực trong các lời phao đồn ấy.

Và nếu có ai bảo quý vị rằng tôi còn dạy dỗ kẻ khác lấy thù lao, thì đấy cũng là tin thất thiệt. Không phải tôi không biết rằng có khả năng dạy dỗ người đời là điều cao đẹp, như Gorgias của Leontium, như Prodicos ở Céos, như Hippias xứ Elis [09]. Các nhân vật lừng danh này đã đi khắp mọi thành quốc Hy Lạp, và ở đâu họ cũng thuyết phục nổi thanh niên bản xứ rời bỏ các vị thầy đồng hương đang dạy dỗ mình miễn phí để theo học họ, chẳng những chịu trả phí tổn cao, mà còn xem đấy như một đặc ân. Ngay tại thành quốc ta, tôi nghe nói cũng có một người mới đến từ Paros, một biện sĩ rất giỏi. Hôm nọ, tôi tình cờ ghé thăm Callias con của Hipponicus, người đã trả học phí cho giới biện sĩ còn nhiều hơn tất cả những kẻ hiếu học ở đây cộng lại. Tôi hỏi Callias khi nói về các con của ông ta: “Này Callias, nếu bạn có ngựa giống hoặc bò mộng thay vì hai con trai, chúng ta đều biết rằng phải giao chúng và phải trả thù lao tương xứng cho ai có khả năng phát huy bản chất của chúng thành những sinh vật khỏe và đẹp đến tối đa, và kẻ ấy hẳn phải chuyên nghề chăn ngựa hay nuôi bò. Nhưng vì các con bạn là người, bạn đã quyết giao chúng cho ai chưa? Ai có thể dạy dỗ chúng nên người và thành công dân tốt? Tôi tin rằng, từ khi làm bố, nhất định bạn đã suy nghĩ nhiều về chuyện này. Bạn đã có ai chưa?”. Ông ta đáp: “Tìm được người rồi”. Tôi lại hỏi: “Ai thế, dân ở đâu, đòi thù lao bao nhiêu?”. Callias cho tôi biết: “ Evenos đấy Socrate, ông ta đến từ Paros và lấy 5 min” [10]. Tất nhiên, tôi mừng cho Evenos, nếu quả thật ông ta có biệt tài ấy và chịu truyền dạy với một giá phải chăng như vậy. Bản thân tôi, nếu có chuyên môn của ông ta, chẳng những tôi sẽ rất hãnh diện mà còn tự đắc. Khổ nỗi, thưa quý đồng hương Athènes, tôi không có khả năng này.

Đến đây, trong số quý vị hẳn có người sẽ hỏi: “Nhưng mà này Socrate, công ăn việc làm của ông chi gì vậy? Tại sao người ta lại phỉ báng ông? Ông cho rằng mình chẳng làm gì khác thường cả; nhưng chắc chắn ông không thể là nạn nhân của bao nhiêu tai tiếng, bao nhiêu chuyện nhảm nhí nếu thực sự ông không làm chi hơn hoặc khác thiên hạ. Hãy nói chúng tôi nghe, để tránh cho cử toạ sự phán xử nhẹ dạ, võ đoán”. Nghi vấn chí lý, tôi hoàn toàn đồng ý; vì vậy, tôi xin cố gắng giải thích vì đâu mà Socrate này lại thừa hưởng vừa cái danh người hiểu biết [11], vừa bao lời phỉ báng như vậy. Xin quý vị lắng nghe. Có thể một vài vị trong cử tọa tưởng rằng tôi nói đùa; nhưng xin hãy yên trí rằng tôi chỉ nói lên sự thực. Danh tiếng của tôi không đến từ chi khác hơn là một kiến thức vốn có. Kiến thức về cái gì vậy? Có lẽ nó chỉ là một sự hiểu biết liên hệ đến con người. Thứ kiến thức ấy, có thể là tôi có thật, bởi vì ai cũng có khả năng đạt đến, và chỉ trong chừng mức đó thôi mà tôi dám tin mình là người hiểu biết. Ngược lại, các biện sĩ mà tôi vừa kể tên ban nãy lại có một loại tri thức khác, ở một cấp bực cao hơn là kiến thức chung này. Tôi không thể nói chi hơn về loại tri thức đó, bởi vì thật tình tôi không biết; ai nói khác là nói láo và vu khống.

Đến đây, quý công dân Athènes, xin đừng lao nhao ngắt lời tôi, nếu quý vị thấy rằng Socrate này nói về mình quá đỗi tự phụ; bởi vì những lời tôi sắp nói ra đây không xuất phát từ tôi mà từ một quyền uy đáng cho quý vị tin cậy hơn nhiều. Để xác nhận sự hiểu biết của Socrate, tôi xin dẫn chứng lời phán của thần Apollon ở đền Delphes [12], Ngài sẽ nói cho quý vị biết tôi có phải là người hiểu biết chăng, và kiến thức ấy là gì. Trong cử toạ chắc ai cũng biết Chéréphon, bạn từ thời thơ ấu của tôi, đồng thời là một công dân tốt, kẻ đã cùng đi đày và cùng hồi hương với quý vị [13]. Biết rõ Chéréphon, quý vị còn lạ gì nhiệt tình mà y đặt vào mọi công việc. Ngày kia, khi ghé viếng đền Delphes, Chéréphon bỗng đánh bạo thỉnh ý Thần xem trên đời này còn có người hiểu biết hơn Socrate chăng (đến đây, một lần nữa tôi lại phải xin quý vị chớ xì xào khó chịu khi nghe tôi nói); và vị đồng cô [14] ở đền trả lời rằng không có ai cả. Về lời đáp này, dù Chéréphon nay không còn nữa, Chérécrate ở đây có thể xác nhận với quý vị.

Thưa quý công dân Athènes, bây giờ hãy xét xem vì sao Socrate này lại kể chuyện ấy ra ở đây. Vì nay tôi phải giải thích với quý vị căn nguyên của những lời vu khống mà tôi là nạn nhân. Khi biết câu trả lời của Thần, tôi chợt thắc mắc: lời phán này muốn nói chi, mang ẩn nghĩa gì? Bởi vì tôi thừa biết rằng mình chẳng mảy may có chút kiến thức nào. Vậy thì Thần muốn nói chi, khi phán rằng tôi là kẻ hiểu biết nhất? Chắc chắn là Ngài không thể nói dối; dối trá là điều hoàn toàn trái ngược với bản chất của thần thánh. Hoang mang tột độ như thế khá lâu, sau bao lần do dự, cuối cùng tôi đành phải lấy quyết định tự tìm hiểu ý Thần. Trộm nghĩ nếu tìm được một người giàu kiến thức hơn mình, lúc ấy tôi có thể thưa lại với Thần: đây là người thông thái hơn tôi, thế mà Ngài lại dạy rằng tôi là người hiểu biết nhất! Tôi bèn đến viếng một công dân vẫn được xem là thuộc thành phần có nhiều kiến thức sâu rộng nhất thành quốc, hy vọng rằng ở đây hơn bất cứ nơi nào khác, tôi sẽ có cơ may kiểm chứng lời phán trên. Tôi đã khảo sát cặn kẽ nhân vật này – xin miễn nêu tên, chỉ cần nói rõ rằng đấy là một trong các nhà lãnh đạo chính trị lớn nhất của chúng ta -, và từ cuộc đàm luận với ông ta, tôi rút ra kết luận rằng vị này đã gây được ấn tượng thông thái trước mắt nhiều người, nhất là trước mắt của chính mình, song sự thực là y chẳng có chút kiến thức nào. Khám phá trên khiến tôi cố gắng chứng minh cho ông ta thấy rằng y không hề có những hiểu biết mà y tưởng có. Hậu quả là tôi chỉ chuốc lấy sự thù ghét của ông ta và bạn bè tham dự cuộc đàm thoại. Khi ra về, tôi không khỏi tự nghĩ mình hiểu biết hơn vị này. Có thể đúng là cả ông ta lẫn tôi đều không biết chi đáng kể, song trong khi ông ta tưởng mình biết mặc dù chẳng biết chi, thì tôi tuy không biết chi cũng không hề tưởng là mình biết. Như thế, ít nhất về điểm này, dường như tôi biết điều hơn: tôi không tưởng là biết điều tôi không biết. Sau đó, tôi lại viếng một nhân vật khác, còn được xem là thông thái hơn cả vị trước; tôi đi đến cùng một kết luận, và ở đấy tôi cũng lại tự chuốc lấy oán hận của ông ta và rất nhiều bạn hữu chung quanh.

Tuy vậy, tôi vẫn không nản chí chút nào. Tôi hoàn toàn cảm nhận được sự thù ghét mà mình đã tích lũy, song dù buồn rầu, ngay cả đôi khi kinh hoảng nữa, tôi tin rằng mình phải đặt sự tìm hiểu ý nghĩa của lời Thần phán lên trên tất cả. Tôi lại ghé hết nhà này đến nhà khác, cố tìm gặp bằng được những người được tiếng thông thái hay tỏ vẻ có vốn liếng kiến thức. Và Chó [15] ơi, tôi xin thề, bởi vì tôi phải khai thực với quý vị, đây là kết luận tôi đã rút ra từ cuộc thăm dò: trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, kẻ được tiếng là thông thái nhất rốt cuộc lại thiếu hiểu biết hơn ai hết, trong khi kẻ bị xem là thấp kém hơn dường như lại gần gũi với lương thức hơn.

Dầu sao, cũng xin thuật lại với quý vị trong chi tiết cuộc truy tìm đáng gọi là công trình Hercule của Socrate này để tự thuyết phục rằng lời phán của Thần là không thể sai. Sau giới chính khách, tôi tìm đến giới cầm bút, từ kẻ viết kịch, làm thơ đến các loại tác gia khác, hoàn toàn không nghi ngờ rằng ở đây sự dốt nát của tôi sẽ hiển hiện lộ liễu trước kiến thức ưu đẳng của họ. Cầm trong tay tác phẩm nào có vẻ đã được tạo tác công phu nhất của họ, tôi hỏi họ thực sự muốn nói gì, hy vọng qua đó được chỉ giáo thêm. Thưa quý đồng hương, thật là xấu hổ phải nói lên sự thực, tuy rằng dù sao cũng phải khai thật với quý vị mà thôi. Tất cả hoặc hầu hết những người có mặt trong các cuộc trò chuyện đều có thể bàn về văn thơ của các vị ấy hay hơn cả chính tác giả. Tôi mau chóng nhận ra rằng giới văn thi sĩ đã sáng tạo được không phải nhờ kiến thức, mà nhờ một thứ năng khiếu tự nhiên hay cảm hứng thiên phú giống như ở các nhà tiên tri hay thầy bói; các vị này có thể tiết lộ bao điều thật đáng phục tuy chẳng có hiểu biết chi về chúng. Nhà văn, nhà thơ dường như cũng ở trong một trạng thái tương tự; đồng thời tôi cũng nhận thấy rằng họ còn tưởng mình thông thái hơn thiên hạ trên mọi vấn đề khác nhờ thứ năng khiếu đặc biệt ấy, thật ra thì họ chẳng hiểu biết gì hơn ai. Tôi bèn giã từ giới này, tin chắc rằng dù sao mình cũng còn hơn họ, vì cùng một lý lẽ như đối với các chính khách.

Sau cùng, tôi tìm đến giới công nghệ [16]. Tự thấy mình chẳng biết chi hết về loại nghệ thuật này, tôi tin chắc sẽ gặp ở đây rất nhiều nghệ nhân biết làm đủ thứ sản phẩm đẹp đẽ. Và về điểm này thì tôi không nhầm chút nào: họ biết rất nhiều chuyện mà tôi không biết, và dưới khía cạnh này thì đúng là họ thông thái hơn Socrate tôi rất nhiều. Tuy nhiên, thưa quý vị, ngay cả kẻ có hoa tay nhất ở đây cũng mắc phải cùng một sai lầm như giới văn thi sĩ; vì xuất sắc hơn kẻ khác về kỹ thuật nghề nghiệp, anh nào cũng yên trí rằng mình phải có nhiều kiến thức hơn thiên hạ về bao chuyện quan trọng khác, đến nỗi sự tự phụ điên khùng đó che lấp cả tài năng kỹ xảo của họ. Rốt cuộc, liên tưởng đến lời phán của Thần, rồi tự vấn nên giữ mình như bây giờ, nghĩa là không có cả những điều họ biết lẫn những điều họ không biết, hay nên vừa có phần hiểu biết vừa có phần u muội của họ, tôi đã tự trả lời cho mình và với Thần rằng Socrate này muốn giữ mình như hiện thời hơn.

Thưa quý công dân Athènes, chính những tìm tòi này đã khơi dậy bao oán ghét cay độc và đáng sợ đối với tôi, và cũng chính từ căm thù mà những điều vu khống tôi đã xuất phát. Đồng thời, cũng chính nhờ những tìm tòi này mà tôi lại được tiếng là hiểu biết, bởi vì tất cả những ai đã từng nghe tôi đều tưởng rằng Socrate này biết hết mọi chuyện về những gì tôi đã chứng minh là người khác không biết. Nhưng thưa quý vị, sự thật là chỉ có Thần Apollon mới thông thái, và Ngài chỉ muốn dạy qua lời phán rằng kiến thức của con người chưa đi đến đâu cả, thậm chí không là gì cả; và hiển nhiên là ở đây đâu phải Ngài nói chi về cá nhân tôi, mà chỉ dùng tên tôi như một thí dụ, như thể đang nói với tất cả mọi người: hỡi con người, kẻ thông thái nhất trong số các anh sẽ là ai tự biết rằng kiến thức của mình không là gì cả, như Socrate. Tuy vững tin như thế, song để chắc chắn hơn nữa, đồng thời vâng lời Thần, tôi luôn tiếp tục cuộc tìm kiếm, hết khảo sát công dân thành quốc này đến kẻ ngoại thành kia, bất kỳ ai được tiếng hay có vẻ thông thái, hy vọng một ngày kia sẽ tìm thấy ở họ sự hiểu biết đích thực. Và khi không tìm ra, tôi làm kẻ phát ngôn của Thần, chứng minh cho từng người thấy rằng họ không thông thái như họ tưởng. Việc ấy đã chiếm hết thời giờ, khiến tôi không còn rảnh rỗi để lo việc thành quốc hay gia đình; thế nên tôi cam sống trong cảnh cực kỳ túng quẫn, với mục đích duy nhất là tận tụy phục vụ lời Thần.

Mặt khác, nhiều thanh niên nhàn rỗi vì là con nhà giàu có đã tự nguyện theo tôi, vì thích nghe Socrate này thử thách kẻ tưởng mình thông thái. Sau đó chính họ lại tự ý bắt chước tôi, đi tìm những người khác nữa để khảo hạch; và tôi không nghi ngờ chút nào là họ thường được mùa lớn, bởi vì không thiếu gì người trên đời này tưởng rằng mình hiểu biết tất cả, mặc dù thật ra chẳng hiểu gì bao nhiêu, thậm chí không biết chi hết. Rồi tất cả những kẻ bị lật mặt nạ là dốt nát đó, thay vì công kích lớp trẻ, quay lại đổ trách nhiệm lên đầu tôi. Họ rêu rao tướng lên rằng có tên Socrate khốn kiếp nào đó đang làm thanh niên hư hỏng. Song nếu ai hỏi tên Socrate ấy đã làm gì, dạy gì cho lớp trẻ đến nỗi chúng bị hư hỏng thì họ không biết. Để che giấu sự bối rối, họ đưa ra loại phàn nàn nghe đã nhàm tai về bất cứ ai xem là triết gia, nào là “suy tưởng về các hiện tượng trên trời, bươi kiếm trong lòng đất”, nào là “không tin vào thần thánh”, nào là “biến chuyện xấu xa thành điều đáng làm”, bởi vì họ không dám thú nhận sự thật là đã bị bắt quả tang chỉ giả bộ thông thái chứ thực sự không có hiểu biết chi hết. Song nhờ vừa đông đảo lại mưu mẹo và hung hãn, họ đã liên tục phỉ báng tôi; như thế, từ lâu họ đã nhét đầy tai quý vị bao lời thị phi nham hiểm theo một chương trình có phối hợp và đầy tính thuyết phục. Để rồi ngày hôm nay, Mélètos, Anytos và Lycon đứng ra tố tụng: đằng sau Mélètos là đám văn thi sĩ, sau Anytos là các nhóm chính khách và công nghệ, sau Lycon là giới biện sĩ. Bởi vậy, như tôi đã nói với quý vị ngay từ đầu, đúng là phép lạ nếu tôi có thể đánh đổ, trong một thời gian ngắn như ở đây, sự vu khống đã bám rễ lâu đời vào tâm trí của quý vị.

Thưa quý công dân Athènes, đấy là sự thật, tất cả sự thật. Tôi đã không giấu giếm, ngụy trang gì cả, mặc dù biết thừa rằng những điều tôi nói ra chỉ tổ làm họ oán ghét tôi thêm; song chính sự thù ghét này là chứng cớ rằng tôi đã nói thật, và không nhầm lẫn chút nào về nguồn gốc của những lời phỉ báng. Quý vị có thể tự thuyết phục dễ dàng như thế, nếu chịu khó điều tra sâu hơn, bây giờ hoặc sau này.

Về những kẻ buộc tội Socrate tôi đầu tiên, thiết tưởng tự biện hộ như thế đã khá đầy đủ; giờ đến lúc tôi phải cố trả lời nhóm người buộc tội tôi gần đây cùng với Mélétos, người hiền lành và công dân tốt của thành quốc như ông ta tự nhận. Hãy đọc lời khai của họ y như ta đã làm với nhóm trước; đại khái nó nói như sau: “Socrate có tội đã làm hư hỏng thanh niên, có tội chẳng những không tôn thờ mà còn thay thế các vị thần của thành quốc bằng ngoại thần”. Đấy là bản cáo trạng; chúng ta thử lần lượt xem xét từng điểm một.

Theo Mélètos, tôi có tội đã làm hư hỏng thanh niên. Riêng tôi, thưa quý đồng hương Athènes, tôi nói chính Mélètos mới là kẻ có tội, tội lấy chuyện nghiêm trọng làm trò đùa, và hàm hồ lôi người khác ra trước công lý để giả bộ như hết sức quan tâm đến những chuyện mà thật ra y chẳng bao giờ lưu ý. Và tôi sẽ cố gắng chứng minh tức thì với quý vị rằng sự thật là như thế.

Socrate: Lại đây Mélètos và trả lời tôi. Có phải ông hết sức quan tâm đến việc làm sao cho thanh niên thành quốc ta trở nên đức hạnh [17] tột cùng chăng?

Mélètos: Đúng thế.

Socrate: Nếu thật vậy, xin ông nói cho toà nghe ai là người có thể làm cho thanh niên đức hạnh hơn đi. Hẳn là ông phải biết thôi, bởi vì đấy là chuyện ông luôn luôn tha thiết mà. Ông cho rằng ông đã phát hiện ra kẻ làm cho lớp trẻ hư hỏng, đã tố cáo hắn trước tòa, vậy thì bây giờ ông phải chỉ ra được ai là người có khả năng làm cho thanh niên ta đức hạnh hơn chứ. Nói nghe đi Mélètos. Thấy chưa, ông không mở miệng trả lời được, đấy không phải là bằng chứng hiển nhiên rằng ông chưa bao giờ bận tâm đến việc giáo dục tuổi trẻ hay sao? Nhưng mà thôi, Mélètos khả kính ạ, tôi hỏi lại: ai là người có thể làm cho thanh niên ta đức hạnh hơn, nói cho mọi người nghe đi.

Mélètos: Luật pháp.

Socrate: Đấy không phải là câu tôi hỏi, Mélètos ạ. Câu tôi hỏi ông là: ai? người nào? Tất nhiên, điều đầu tiên người ấy phải biết là pháp luật.

Mélètos: Những người mà ông thấy ở đây, những người đang xử tội ông đấy, Socrate.

Socrate: Ông nói sao, Mélètos? Những người ngồi xử đây đều có khả năng dạy dỗ lớp trẻ và làm cho chúng đức hạnh hơn à?

Mélètos: Chắc chắn.

Socrate: Tất cả mọi người hay là trong số các vị ngồi xử đây, có người làm được, có người không làm được ?

Mélètos: Tất cả.

Socrate: Héra ơi [18], tuyệt vời! Ông đã tìm ra cho thành quốc một số khổng lồ các nhà giáo giỏi. Nhưng mà thôi, ta tiếp tục. Tất cả các công dân đang nghe ta đây, họ cũng có khả năng làm cho thanh niên đức hạnh hơn, hay không?

Mélètos: Họ cũng có khả năng ấy.

Socrate: Thế còn các vị đại biểu thành quốc?

Mélètos: Cả các đại biểu thành quốc nữa.

Socrate: Thế thì, Mélètos ạ, tất cả những ai tham dự Đại Hội Công Dân đều có thể làm thanh niên hư hỏng, hay là cả họ nữa cũng đều có khả năng làm cho tuổi trẻ đức hạnh hơn?

Mélètos: Họ đều có khả năng ấy hết cả.

Socrate: Như vậy, theo ông, mọi công dân Athènes đều hữu ích cho tuổi trẻ cả, trừ tôi. Chỉ có Socrate này là làm thanh niên hư hỏng, có phải ông nói thế không?

Mélètos: Đích xác như thế.

Socrate: Thật là bất hạnh cho tôi, nếu quả đấy là sự thật. Nhưng hãy trả lời tiếp đi. Theo ông, nếu không phải là người mà là là ngựa chẳng hạn, thì sự thể có còn như thế không? Phải chăng tất cả mọi người đều có khả năng làm cho chúng khoẻ đẹp hơn, và chỉ một người là có bí quyết làm chúng hư đốn? Hay là ngược lại? Chỉ có một người hay một số ít người là có khả năng đào tạo tuấn mã thôi, nói cụ thể là kẻ nuôi ngựa? Còn bao người khác, khi cưỡi ngựa hay dùng chúng vào bất kỳ việc gì, đều chỉ làm chúng hư đốn đi? Phải chăng không chỉ đối với ngựa mà ngay cả đối với các gia súc khác cũng đều như vậy? Nhất định là phải như thế thôi, Anytos và Mélètos ạ, dù các ông có đồng ý hay không. Và thật ra, quả là hạnh phúc biết bao cho thanh niên, nếu thật sự chỉ có một người có thể làm chúng hư hỏng trong khi tất cả mọi người khác đều có khả năng làm chúng đức hạnh hơn. Nhưng mà thôi, Mélètos; ông đã chứng minh khá đầy đủ rồi. Những phát biểu của ông vừa nói rõ ràng rằng ông chẳng tha thiết gì với thanh niên, mà cũng chưa bao giờ bận tâm về chuyện giáo dục mà ông đã mượn danh nghĩa để truy tố tôi.

Socrate: Hơn nữa, nhân danh Zeus, xin ông trả lời tôi câu hỏi này, Mélètos: sống với người tốt hay sống với kẻ xấu, đàng nào lợi hơn? Câu hỏi chẳng có chi là khó, trả lời tôi đi ông bạn. Có phải kẻ xấu bao giờ cũng gây hại, trong khi người tốt luôn luôn làm lợi cho người chung quanh chăng?

Mélètos: Đúng thế.

Socrate: Như vậy, có ai thích nhận thiệt hại hơn là lợi ích từ những người mà mình giao thiệp hay không? Trả lời đi Mélètos, như luật pháp bắt buộc ông. Có ai thích nhận chuyện dữ hơn là điều lành chăng?

Mélètos: Không. Chẳng có ai cả.

Socrate: Xem nào, thế khi ông kết tội tôi làm thanh niên hư hỏng, hung dữ, ông nói là tôi đã làm cố ý hay vô tình?

Mélètos: Cố ý. Tôi tin chắc như thế.

Socrate: Thế là thế nào, Mélètos? Ở tuổi ông, sự khôn ngoan đã vượt xa Socrate già đời này, đến độ ông còn biết rằng kẻ hung ác bao giờ cũng gây hại và người hiền lành luôn luôn làm lợi cho người chung quanh, trong khi tôi lại ngu muội đến mức không hiểu rằng khi mình làm cho kẻ khác xấu ác thì chắc chắn phải chờ đợi bị hắn hãm hại trở lại, và chẳng những thế tôi còn cố ý làm hư hỏng lớp trẻ để bị làm hại một cách hoàn toàn ý thức nữa kia! Điều này, không chỉ một mình tôi mà chẳng ai trên đời này có thể tin ông nổi, Mélètos ạ. Hoặc tôi không làm thanh niên hư hỏng, hoặc nếu tôi làm thì đấy chỉ là chuyện ngoài ý muốn và ngoài sự hiểu biết của tôi; trong cả hai trường hợp, ông là kẻ khai man. Luật pháp không trừng phạt loại lỗi lầm không chủ tâm; nếu tôi vô tình làm thanh niên hư hỏng, đáng lẽ ông phải gọi tôi ra một nơi để dạy bảo hay cảnh cáo thì mới đúng, bởi vì hiển nhiên là nếu được khuyên can, tôi sẽ hết làm lỗi mà không biết. Đàng này, thay vì tìm gặp để dạy bảo, ông lại lôi cổ tôi ra toà, nơi để xét xử kẻ đáng bị trừng phạt hơn là chỉ cần quở trách.

Socrate: Thưa quý đồng hương Athènes, đấy là chứng cớ đủ hiển nhiên về điều tôi nói ban nãy: Mélètos chưa bao giờ bận tâm về các vấn đề này. Dù sao, tôi cũng muốn biết thêm. Nói chúng tôi nghe đi, Mélètos, tôi đã làm thanh niên hư hỏng bằng cách nào. Có phải bằng cách xúi giục họ không nhìn nhận và thay thế các thần linh của thành quốc bằng tà thần ở nơi khác, như được ghi lại trong đơn kiện của ông không?

Mélètos: Chính thế.

Socrate: Mélètos, nhân danh ngay chính các vị thầnđang nói đây, hãy giải thích rõ ràng hơn một chút cho tôi và cả toà nghe, bởi vì tôi chưa hiểu ông buộc tôi tội gì. Tội đã dạy rằng thần thánh có thật (trong trường hợp này, tôi không vô thần, và không thể mắc tội vô thần), song không phải là các thần linh mà thành quốc này thờ. Hay tội chang những đã tin không có thần thánh, mà còn dạy kẻ khác đừng công nhận bất kỳ thần linh nào?

Mélètos: Tôi buộc tội ông không công nhận bất cứ vị thần nào.

Socrate: Tuyệt vời! Tại sao ông nói thế, Mélètos! Bộ tôi không tin như mọi người rằng mặt trời, mặt trăng đều là thiên thần cả à?

Mélètos: Zeus ơi, tôi thề. Không, thưa quý vị thẩm phán, hắn hoàn toàn không tin; bởi vì hắn nói mặt trời là đá, còn mặt trăng là đất.

Socrate: Ông tưởng tượng đang buộc tội Anaxagore hay sao Mélètos? Ông khinh thường các vị thẩm phán quá, nếu ông tưởng họ dốt đến mức không biết rằng trong các cuộn giấy của Anaxagore đầy những khẳng định tương tự. Hơn nữa, ông còn tưởng tượng rằng lớp trẻ nô nức kéo nhau đến học ở Socrate thứ lý thuyết mà chỉ cần trả chưa tới 1 đrắc chúng đã có thể nghe đọc ngay cận sân khấu quảng trường bất cứ lúc nào [19], lại còn có cơ hội chế giễu Socrate này nữa chứ, nếu tôi dám nhận vơ loại ý kiến phi lý đến kỳ cục đó là của mình. Nhưng mà, Zeus ơi, ông cho rằng tôi không công nhận bất cứ vị thần nào thực à?

Mélètos: Đúng. Nhân danh Zeus, tôi thề là ông không công nhận thần thánh nào cả.

Socrate: Những điều ông vừa nói quả khó tin, Mélètos; tôi có cảm tưởng rằng chính ông cũng không tin nổi. Thưa quý đồng hương Athènes, đối với tôi, Mélètos là kẻ liều lĩnh và xấc láo: do sự bồng bột và thiếu tự chế của tuổi trẻ, y đã đặt chuyện buộc tội để lăng nhục tôi. Chắc y đến đây nhằm thử thách tôi bằng một câu đố, tự nhủ trong đầu: để coi thử xem Socrate, kẻ được tiếng là hiểu biết có nhìn ra rằng tôi đang bỡn cợt, đang nói năng ngược ngạo, hay là tôi có thể lừa được cả hắn lẫn những người nghe khác. Bởi vì thực sự là y đã tự mâu thuẫn hoàn toàn trong lời buộc tội, như thể là y đã nói: Socrate mắc tội không tin là có thần thánh, đồng thời Socrate mắc tội tin rằng có thần thánh. Như thế mà không phải là bỡn cợt sao?

Xin quý vị hãy theo dõi, và cùng tôi xét xem vì sao tôi nghĩ rằng y mâu thuẫn. Trả lời đi, Mélètos; riêng quý tòa, như tôi đã yêu cầu ngay từ đầu, xin quý vị chịu khó nghe Socrate này phát biểu theo lối nói thường ngày của tôi. Nói chúng tôi nghe đi, Mélètos: trên đời này, có ai tin rằng có những chuyện liên hệ đến con người mà lại không có con người chăng? Xin quý toà ra lệnh cho y phải trả lời thay vì né tránh ồn ào như thế. Có ai tin rằng có thuật nuôi ngựa mà không có ngựa chăng? Có tiếng sáo mà không có người thổi sáo chăng? Bởi vì ông không chịu mở miệng, tôi nói thay ông vậy. Chẳng có ai cả, Mélètos ạ. Xin trả lời, cho ông và với toàn thể cử tọa như thế. Hãy trả lời thêm câu hỏi này nữa: có ai tin vào chuyện quỷ thần mà không tin là có quỷ thần chăng? [20]

Mélitus: Chắc là không.

Socrate: Cám ơn ông đã trả lời, mặc dù thật là khó nhọc, dưới sự bắt buộc của tòa! Như vậy, ông đồng ý rằng tôi có công nhận và dạy dỗ chuyện quỷ thần: dù đã xa xưa hay mới đây không thành vấn đề, cái chính là theo ông tôi đã bàn về mãnh lực quỷ thần, ông đã viết và thề độc như thế trong cáo trạng. Nhưng nếu công nhận hiệu lực của quỷ thần, thì tất yếu cũng phải công nhận là có quỷ thần chứ, phải không? Vâng, nhất định như thế thôi. Ông im lặng là thừa nhận rồi. Thế mà, có phải chúng ta đều xem quỷ thần như thần linh hay con cháu thần thánh chăng? Ông có đồng ý không nào?

Mélitus: Đồng ý.

Socrate: Rốt cuộc, bởi vì tôi công nhận là có quỷ thần theo lời khai của chính ông, và bởi vì quỷ thần đều là thần linh, đấy là bằng chứng của điều tôi nói: ông đến đây để thách đố và giải trí trên đầu Socrate, vừa quả quyết rằng tôi không tin là có thần thánh, vừa xác nhận rằng tôi tin là có thần thánh, bởi vì tôi tin là có quỷ thần. Và nếu quỷ thần là con cháu thần thánh – dù là con hoang của các vị với loài tiên, loài tinh, hay ngay cả người thường như ta nói -, ai có thể tin được rằng có con cháu thần thánh mà lại không có thần thánh? Nó cũng phi lý như tin rằng có giống la do lừa với ngựa đẻ ra, mà lại không có cả ngựa lẫn lừa! Như thế, thật khó tin nổi rằng ông đã không đặt chuyện kiện cáo này ra, hoặc để thử thách tôi, hoặc vì ông không tìm ra được một lý do chính đáng nào khác. Bởi vì làm sao ông có thể thuyết phục được bất cứ ai chưa hoàn toàn ngớ ngẩn rằng cùng một người lại có thể vừa tin là có những biểu hiện của quỷ thần và thần thánh, lại vừa đồng thời quả quyết rằng không có cả thần thánh, quỷ thần lẫn các bán thần là anh hùng? Đời nào ông làm được, Mélètos.

Thưa quý công dân Athènes, tôi không cần phải tự bênh vực lâu hơn. Đối với tôi, điều vừa phát biểu đã đủ để chứng minh rằng cáo trạng của Mélètos là không có cơ sở, và tôi hoàn toàn vô tội. Còn về điều tôi đã thưa với quý vị ngay từ đầu – rằng tôi là nạn nhân của rất nhiều oán thù còn sôi sục – xin quý vị cứ tin thật như thế; và điều gây hậu hoạn cho tôi nếu chẳng may thất kiện, sẽ không phải là cá nhân Mélètos hay Anytos, mà chính là bệnh ganh ghét và tật phỉ báng đã từng hãm hại bao công dân tốt, và sẽ còn làm hại nhiều người khác nữa, bởi vì không hy vọng gì tai ương này sẽ ngừng lại ở tôi.

Có thể trong số quý vị, ai đó sẽ hỏi: Ông không xấu hổ đã đeo đuổi một sự tìm tòi ngày nay đang đặt ông trước nguy cơ mất mạng hay sao, Socrate? Tôi có thể đối đáp rất hợp lý với vị nào đặt ra bắt bẻ ấy: ông bạn nhầm rồi, nếu ông tin rằng một người có chút giá trị nào đó phải biết cân nhắc may rủi sống chết, thay vì chỉ tự vấn lương tâm xem mình đã hành động công chính hay không, đã hành động như người tốt hay kẻ xấu trong mọi việc làm. Cứ nghe theo ông thì tất cả các vị bán thần đã chết trong trận vây hãm thành Troie đều dại dột cả, đặc biệt là Achille con của Thétis và Pélée, khi ông ta xem cái chết tựa lông hồng so với nỗi sống nhục. Nữ thần mẹ ông, khi thấy con nóng nảy tìm giết Hector, đã nhắc khéo bằng những lời sau, nếu tôi nhớ đúng: “Con ơi, nếu mi giết Hector để trả thù cho Patrocle, mi cũng sẽ chết ngay sau đó, vì đấy là cái số phận đang chờ đợi mi”. Lời tiên tri ấy không ngăn cản ông vào sinh ra tử; rồi sợ sống hèn vì không trả thù bạn hơn tất cả, Achille đã gào thét: “Cho tôi chết ngay tại đây, miễn sao trừng phạt được kẻ đã giết Patrocle, thay vì cứ còng lưng ngồi chờ trên mũi thuyền, làm trò cười cho thiên hạ, làm một gánh nặng vô ích trên mặt đất”. Theo ông, cư xử như thế là lo sợ trước hiểm nguy và cái chết chăng?

Thưa quý công dân Athènes, thật ra ta phải hành xử như thế mà thôi. Bất kỳ ai, khi đã chọn một vị trí mà mình cho là xứng đáng nhất, hay được bề trên đặt vào đấy, theo tôi, phải bảo vệ nó đến cùng, bất kể hiểm nguy hay chết chóc mà chỉ nghĩ đến danh dự. Vì thế, thưa quý vị, tôi sẽ cư xử thật kỳ quặc, nếu sau bao lần liều mạng cố thủ như chiến binh ở các vị trí đã từng được giới tướng lãnh của thành quốc đặt vào, như ở Potidée, ở Amphipolis và ở Délion, nay tôi lại đào ngũ vì sợ chết hay một nguy hiểm nào khác, khi chính thần Apollon ở đền Delphes bảo tôi phải sống cuộc đời triết gia suốt phần đời còn lại, để tự xét mình và xét người, như bản thân tôi đã tin và tự giải thích như thế. Đấy mới đúng là một cách ứng xử kỳ quặc, và đấy mới đúng là lúc phải truy tố tôi ra tòa như kẻ không sùng kính, không tin là có thần thánh, không vâng lời phán của Thần, sợ chết, ngu si đần độn mà tưởng mình thông thái hiểu biết. Bởi vì sợ chết, thưa quý vị, chẳng là gì khác hơn là tưởng mình biết điều mình không biết, là ảo tưởng hiểu biết chứ không phải hiểu biết thực. Thật vậy, không ai biết chết là gì, có phải là điều tốt lành nhất cho con người chăng; ấy thế mà ai cũng sợ chết, như thể đã biết chắc chắn rằng nó là điều bất hạnh nhất. Có phải đấy là sự ngu dốt đáng cho ta xấu hổ nhất không, khi tưởng rằng biết điều mình không biết? Riêng đối với tôi, có lẽ tôi chỉ khác phần lớn người trần ở điểm ấy, và nếu tôi dám nghĩ rằng mình hiểu biết hơn họ chút đỉnh, thì đó chính là ở thái độ này: không biết là chuyện gì sẽ xảy ra sau khi lìa đời, tôi cũng không tưởng rằng mình biết chi về cõi Hadès [21]. Nhưng điều tôi biết chắc chắn là: sống không công chính, không nghe lời kẻ hơn mình dù là thần hay người, là trái với bổn phận và danh dự. Đấy mới là điều xấu xa mà tôi sợ và tìm cách trốn tránh, bởi vì tôi biết rõ nó là điều xấu xa, chứ không phải những điều giả định là xấu xa trong khi có thể thực sự là tốt lành.

Vì thế, ngay cả trong trường hợp quý vị tha bổng tôi bây giờ, thay vì nghe theo chọn lựa mà Anytos đã đặt ra cho quý vị: hoặc đừng bao giờ truy tố Socrate, hoặc nếu đã lôi hắn ra tòa thì phải kết án tử chứ đừng để thoát; bằng không thì chính con cháu quý vị, từ lâu đã gắn bó với học thuyết Socrate như thế, chắc chắn sẽ ngày càng hư hỏng thêm, vô phương cứu chữa. Nếu quý vị nói với tôi: Này Socrate, chúng tôi bác bỏ luận điệu của Anytos và trả tự do cho ông, với điều kiện là: hoặc từ nay ông phải ngừng triết lý, bỏ thói quen tìm tòi chất vấn; hoặc ông sẽ bị xử tử, nếu vẫn quen tật cũ mà bị phát hiện trở lại. Vâng, nếu quý tòa phóng thích tôi với những điều kiện như trên, tôi sẽ trả lời không chút đắn đo: Thưa quý công dân Athènes, tôi kính yêu quý vị, nhưng tôi quyết vâng lời thần hơn là tuân lệnh quý vị, và khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ không ngừng sống đời triết gia, khuyên nhủ và khuyến cáo quý vị, nói với bất cứ ai gặp gỡ trên đường bằng ngôn ngữ quen thuộc: Này bạn, là công dân Athènes, thành quốc tăm tiếng và lớn mạnh nhất về tinh thần cũng như vật chất, bạn không hổ thẹn chỉ lo làm giàu, tìm kiếm danh vọng mà xem thường việc trau dồi hiểu biết, tu dưỡng tâm hồn với đức hạnh hay sao? Và nếu có ai cho rằng mình vẫn luôn luôn chăm lo việc học hỏi và đức hạnh, tôi sẽ không vội tin lời anh ta, rồi không rời y một bước, tôi sẽ hỏi han, xem xét, thử thách anh ta, và nếu tôi phát hiện ra rằng y chỉ giả bộ chứ không có chút đức hạnh nào, tôi sẽ làm cho anh ta phải xấu hổ là đã đánh giá quá thấp những điều cao quý nhất, và quá cao những chuyện phù phiếm. Socrate này sẽ làm như thế với bất cứ ai tôi gặp, dù trẻ hay già, công dân hay ngoại kiều, nhưng nhất là với các công dân, bởi vì quý vị là đồng bào của tôi. Và xin quý vị hiểu cho: đấy là lệnh của Thần Apollon, và tôi tin rằng không thể có lợi ích nào lớn hơn cho thành quốc ta bằng nhiệt tình thực hiện lời Thần của tôi.

Thật vậy, khi lang thang khắp đường phố, tôi không đeo đuổi mục đích nào khác hơn là thuyết phục quý vị, không phân biệt già trẻ, rằng hãy chăm lo sự hoàn thiện của tâm hồn trước khi lo nghĩ về thân xác với của cải, và trước hết mọi thứ khác. Tôi không ngừng nói với quý vị rằng của cải không phải là đức hạnh, mà ngược lại, đức hạnh là của cải, và chính từ đức hạnh mà xuất phát mọi lợi ích công hoặc tư khác. Nếu phát biểu như thế là làm thanh niên hư hỏng, thì loại biểu văn trên đúng là độc dược; nhưng nếu có ai cho rằng tôi nói chi khác, thì người ấy nói láo, hay đánh lừa quý vị. Trước sự thể này, ngày nay tôi chỉ cần thưa với quý vị: có làm theo khuyến cáo của Anytos hay không, có trả tự do cho tôi hay không, không thành vấn đề; tôi sẽ chẳng bao giờ làm chuyện chi khác, dù phải bỏ mạng nghìn lần.

Thưa quý công dân Athènes, xin chớ xì xào và chịu khó lắng nghe đến cùng như tôi đã yêu cầu; sự nhẫn nại này sẽ không vô ích cho quý vị. Có thể tôi còn phải nói nhiều điều khác sẽ làm quý vị bực mình hơn, nhưng xin quý vị đừng để bị dao động bởi những cơn phẫn nộ. Hãy tin chắc rằng nếu quý vị xử tử tôi, quý vị sẽ gây thiệt hại cho chính quý vị hơn là cho tôi, nếu quả thật tôi là người như đã trình bày. Thật thế, cả Anytos lẫn Mélètos đều không thể hãm hại tôi; họ không thể làm được, bởi vì tôi không nghĩ rằng kẻ xấu ác lại có năng lực làm hại người tốt lành. Có thể họ làm cho tôi bị kết án tử, đi đày hay mất quyền công dân, và xem đấy như những bất hạnh lớn. Nhưng tôi không chia sẻ ý kiến này; đối với tôi, bất hạnh lớn nhất là điều mà những kẻ buộc tội tôi đang làm hôm nay: tìm cách đẩy người vô tội vào chỗ chết.

Giờ đây, thưa quý đồng hương, xin chớ nghĩ rằng tôi tự biện vì bản thân tôi như người ta có thể tưởng, mà chính là biện hộ cho quý vị, vì e rằng khi kết án tôi, quý vị sẽ xúc phạm đến vị Thần đã gửi tôi đến đây như một tặng phẩm cho thành quốc. Nếu bắt tôi phải chết, quý vị sẽ không tìm lại được dễ dàng một công dân khác như tôi, dường như đã được trói vào thành quốc như một con ruồi trâu trên lưng ngựa, dù sự so sánh này có vẻ lố bịch. Tuy to lớn và khỏe mạnh, nhưng lại nặng nề chậm chạp do chính sự dềnh dàng của mình, con ngựa cần được ruồi chích để thúc đẩy, kích thích. Giống như thế, dường như Thần đã trói tôi vào thành quốc để thức tỉnh, kích thích, quở trách mỗi công dân trong quý vị, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không ngừng, không nghỉ.

Một người như thế không dễ tìm. Và nếu quý đồng hương tin tôi, quý vị phải trả tự do cho tôi. Nhưng có thể là quý vị bực mình như bao kẻ bị đánh thức khi đang say ngủ, và nghe theo lời xúi bẩy của Anytos, sẵn sàng bắt tôi chết không chút đắn đo, rồi ngủ lịm triền miên trở lại, trừ phi vì lòng thương hại, Thần Apollon lại gửi đến một người khác để thay tôi. Dù sao, quý vị có thể nhận ra rằng chính Ngài đã gửi tôi như tặng phẩm cho thành quốc qua dấu hiệu này: có cái gì cao hơn con người trong sự kiện tôi đã lơ là với đời tư của mình trong bao năm liền để chăm sóc đời sống của quý vị, đến với từng người một như chỉ có bậc cha anh mới có thể làm, và không ngừng khuyến khích mỗi người luôn luôn trau dồi đức hạnh. Nếu tôi rút ra được chút lợi lộc gì hay đồng lương nào từ sự cổ võ ấy, hành động của tôi còn có thể giải thích được. Nhưng như quý vị thấy, ngay cả những kẻ đã truy tố, phỉ báng tôi với ngần ấy trâng tráo, cũng không đủ liều để thử tìm người làm chứng rằng tôi đã từng đòi hỏi được trả công dù chỉ một lần. Ngược lại, tôi có thể đưa ra một nhân chứng không thể phản bác rằng lời khai của tôi là hoàn toàn trung thực: đó là sự nghèo khó của chính Socrate này.

Nhưng có thể là thái độ bất nhất chăng, khi tôi cứ lang thang trên đường phố, can thiệp vào chuyện người khác, tự nguyện góp ý kiến cho mỗi người, mà chưa bao giờ có can đảm tham gia vào đại hội quốc dân, lên diễn đàn làm cố vấn cho thành quốc. Thưa quý đồng hương, điều đã ngăn cản tôi chính là một dấu hiệu của thần linh hay quỷ thần [22] mà nhiều người trong quý vị thường nghe tôi nhắc đến, mà Mélètos đã đùa cợt đem ra làm tội lỗi chính của tôi trong cáo trạng. Hiện tượng khác thường này đã xuất hiện từ khi tôi còn thơ; đấy là một thứ tiếng nói tôi chỉ nghe thấy khi nó muốn ngăn cản tôi làm điều dự định, nhưng không bao giờ khuyến khích tôi thực hiện điều gì. Nó luôn luôn phản đối mỗi khi tôi muốn tham gia vào chính trường, và phải nói là nó phản đối đúng và đúng lúc; bởi vì, xin quý vị biết cho: nếu làm chính trị thì Socrate này có lẽ đã bỏ mạng từ lâu rồi, và chắc chắn đã chẳng mang lại lợi ích gì cho cả quý vị lẫn cho bản thân mình. Và xin quý vị chớ nổi giận nếu tôi nói ra đây một sự thực: chẳng ai có thể sống sót nếu dám đương đầu với quý vị hay với bất kỳ một tập hợp quần chúng nào khác. Không, dù ở đây hay ở đâu, chẳng ai có thể thẳng thắn ngăn cản sự đam mê của số đông, không để nó dẫn đến những hành động bất hợp pháp hay bất công trong xã hội mà lại không hề hấn gì. Nếu muốn đấu tranh cho công lý mà không chết sớm, chỉ có cách là làm thường dân và không tham dự vào chính quyền.

Ở đây, tôi có thể đưa ra nhiều chứng cớ không thể chối cãi, không phải là lý luận mà là sự kiện, điều luôn luôn được quý vị trọng thị hơn. Xin lắng nghe những chuyện đã xảy ra cho tôi; quý vị tất sẽ hiểu rằng tôi không bao giờ nhượng bộ ai vì sợ chết khi làm bổn phận hay bảo vệ công lý, dù hành động như thế luôn luôn là đâu mặt với tử thần. Tôi sẽ nói với quý vị những điều quý vị không thích nghe, còn có thể xem là thói ba hoa của thuật biện luận thông thường; tuy nhiên, tất cả đều là sự thật.

Như quý công dân biết, công vụ duy nhất mà tôi đảm nhận cho đến nay là vai trò đại biểu. Khi đến lượt bộ tộc Antiochide mà tôi tùy thuộc nắm quyền điều khiển Hội Đồng Bộ Tộc, ngược với tất cả luật lệ thành quốc, quý vị khăng khăng đòi xử tập thể mười tướng lãnh đã không vớt xác những chiến binh bỏ mạng trong trận thủy chiến ở vùng đảo Arginuses; một sự bất hợp pháp mà quý vị công nhận và ân hận về sau. Nhưng lúc ấy, tôi là đại biểu duy nhất của thành quốc đã dám vạch ra sự vi phạm luật pháp đó, và biểu quyết chống quý vị. Mặc dù nhiều diễn giả liên tục đăng đàn doạ ngưng chức và đem tôi ra xử, trong khi quý vị không ngừng gào la kích thích họ, tôi vẫn thà chịu nguy nan đứng về phía pháp luật và công lý hơn là theo đuôi quý vị làm điều bất chính vì sợ gông cùm và tử thần.

Chuyện trên xảy ra vào thời thành quốc còn dưới chế độ dân chủ. Khi nền chuyên chính của ba mươi bạo chúa được dựng lên, theo thói quen gây liên lụy cho càng nhiều người càng tốt khi hành xử độc ác, họ gọi tôi cùng bốn công dân khác đến dinh Tholos rồi sai chúng tôi đi Salamine bắt một công dân đối lập tên là Léon về hành quyết. Vào dịp đó, tôi cũng đã chứng minh, không phải bằng lời nói mà bằng hành động, rằng tôi xem cái chết tựa lông hồng, nếu quý vị cho phép tôi dùng lại thành ngữ đã nhàm tai này, rằng điều quan tâm duy nhất của tôi là tránh làm chuyện bất công và nghịch đạo, ngay cả quyền lực kinh khủng của ba mươi bạo chúa lúc ấy cũng không làm tôi nao núng. Ra khỏi dinh Tholos, tôi về thẳng nhà, trong khi bốn công dân kia đi Salamine tìm bắt Léon. Nếu chính quyền tàn bạo kia không bị lật đổ ngay sau đó, sự bất tuân của tôi chắc chắn đã đưa tôi đến chỗ chết. Điều này, không thiếu gì người trong số quý vị có thể xác nhận như nhân chứng.

Quý vị có thể tin nổi chăng là tôi vẫn cứ sống lâu như cho đến nay, nếu tham gia vào chính trường đồng thời sẵn sàng đạp lên tất cả để chỉ phục vụ công lý như kẻ toàn thiện? Thật khó lòng, thưa quý đồng hương; dù là tôi hay ai khác cũng không thể làm được. Suốt đời, tôi luôn luôn sống như thế trước mắt mọi người, khi có dịp tham chính cũng như trong quan hệ riêng tư, không nhân nhượng bất kỳ ai khi công lý bị đe dọa, dù là bạo chúa hoặc thành phần mà kẻ vu khống tôi cố tình trình bày như đệ tử [23]. Tôi chưa hề xưng là thầy của ai, song nếu có ai muốn đàm thoại với tôi, muốn xem tôi thực hiện sứ mạng của mình như thế nào, tôi chưa bao giờ để họ thất vọng, bất luận già trẻ lớn bé. Tôi không thuộc loại người chỉ phát biểu để lấy tiền và giữ im lặng khi không ai trả thù lao; không phân biệt giàu nghèo, tôi luôn luôn để mọi người chất vấn, hoặc trả lời câu tôi hỏi rồi nghe bàn luận, tùy theo sở thích của mỗi người. Nếu trong số công dân ấy, về sau có kẻ trở thành hoặc lương thiện, hoặc bất lương, thì tôi cũng không phải là người đáng được ca ngợi hay quở trách như nguyên nhân, bởi vì tôi chưa bao giờ hứa hẹn dạy dỗ ai, hay ban phát cho ai bài học nào cả. Và nếu có kẻ nào khẳng định đã từng nghe hay học riêng ở tôi chuyện gì ngoài những điều tôi vẫn phát biểu công khai trước mọi người, thì xin quý vị cứ yên trí rằng đấy chỉ là chuyện bịa đặt.

Chắc bây giờ quý vị đã hiểu vì sao nhiều người năng lui tới trò chuyện lâu dài với Socrate. Tôi đã giải thích rõ, với tất cả sự thực: đó là vì người ta thích nghe tôi khảo sát những kẻ tưởng mình thông thái nhưng thực ra chẳng có chút hiểu biết nào, và nhất định là cảnh tượng đó phải khá thú vị. Và cho tôi nhắc lại: tôi chỉ hành động như thế để thực hiện mệnh lệnh mà Thần đã truyền cho tôi qua lời phán, qua mộng triệu hay các phương tiện khác mà chưa thần linh nào đã dùng để truyền đạt ý muốn của mình cho người trần. Muốn biết những điều tôi vừa nói có đúng với sự thực hay không, quý vị có thể kiểm soát dễ dàng. Bởi vì nếu tôi có khả năng làm thanh niên hư hỏng và đã từng làm thế trong quá khứ thật, hẳn những nạn nhân của tôi nay phải nhận ra với tuổi tác rằng những điều tôi khuyên bảo họ thời trẻ là độc hại, và hoặc họ đích thân đến tòa đòi trừng phạt tôi, hoặc nếu không muốn tự tay làm việc ấy, nhờ cha anh hay thân nhân của họ thay mặt đòi trị tội. Dù sao, tôi thấy rất nhiều người có thể ở trong trường hợp trên tại đây. Đây là Criton, cùng tuổi và cùng bộ tộc với tôi, bố của Critobule; rồi Lysanias ở Sphettos, cha của Eschine; cả Antiphon ở Céphise, bố của Épigenès nữa. Kia là những người có anh hoặc em thường lui tới với tôi: anh em Nicostrate với Théodote, con của Théozotidès; anh em Paralios với Théagès, con của Démodocos; anh em Adimante với Platon, con của Ariston; anh em Acéantodore với Apollodore… Và tôi còn có thể nêu tên nhiều người khác nữa, tất cả đều có mặt. Lẽ ra Mélètos cũng phải mời ít nhất một người ra làm chứng cho ông ta; và nếu vì y không nghĩ đến, xin cứ mời bây giờ, tôi cho phép; nếu ông ta có thể đưa ra một nhân chứng buộc tội, xin cứ tự tiện. Nhưng quý vị sẽ thấy là ngược lại; họ đều sẵn sàng bênh vực tôi cả, tôi, kẻ đã làm hư hỏng con em họ, nếu phải tin lời Mélètos và Anytos. Có thể đúng là những thanh niên bị tôi quyến rũ đều có lý do để bảo vệ tôi, nhưng còn thân nhân họ mà tôi chưa hề quyến rũ nổi, tuổi tác lại cao, họ có lý do gì để bênh vực tôi, ngoài sự ngay thẳng và công chính, ngoài niềm tin rằng Mélètos gian dối trong khi Socrate tôi nói thực?

Thưa quý công dân Athènes, như thế tưởng cũng đã đủ. Vì những luận cứ mà tôi còn có thể dùng để tự vệ đại loại cũng tương tự. Nhưng trong số quý vị, có thể có người bực mình với tôi, khi nhớ lại rằng trong một phiên xử ít nguy hiểm hơn, ông ta đã phải dầm dề nước mắt năn nỉ, van xin các vị thẩm phán, và để họ động lòng trắc ẩn, mang cả cha mẹ, con cháu, bạn bè ra trình diện trước tòa, trong khi tôi không làm như thế mặc dù tự biết đang phải đương đầu với nguy nan lớn nhất. Luẩn quẩn trong đầu, khác biệt ấy có thể làm ông ta cay đắng, và bực tức với cách hành xử của tôi, sẽ giận dữ bỏ phiếu kết án. Tôi không tin rằng có ai mang trong lòng sự ấm ức ấy, song nếu chẳng may mà có, tôi có thể nói lý với ông ta: này bạn, tôi cũng có bố mẹ, bởi vì nếu nói như Homère thì tôi sinh ra từ người chứ không phải từ cây sồi hay tảng đá. Về con cái, tôi cũng có ba đứa, một đã lớn, hai đứa kia còn nhỏ; tuy nhiên, tôi sẽ không mang chúng ra đây để xin quý vị xá tội. Không phải vì ngoan cố ngạo mạn, cũng không phải vì xem thường quý tòa; vấn đề cũng không phải là tôi gan dạ hay yếu đuối trước cái chết.

Thật ra, vì danh dự của tôi, của quý vị và của cả nền cộng hòa nữa, tôi thấy không nên dùng loại phương tiện đó, ở vào tuổi này và với tiếng tăm dù hư hay thực của tôi, bởi vì dù sao thì Socrate cũng còn hơn kẻ phàm phu đôi chút theo ý kiến của số đông. Nếu trong số quý vị có ai được xem là hơn người ở sự hiểu biết, lòng can đảm hay bất kỳ một đức hạnh nào khác mà lại hạ mình xử sự như thế thì quả là đáng xấu hổ; tuy nhiên, sự thực là tôi thường nhìn thấy lắm kẻ được xem là cao quý làm nhiều chuyện thấp hèn bất ngờ trước tòa, như thể bị kết án chết là bất hạnh khủng khiếp nhất, như thể là họ có thể sống bất tử nếu được tha. Hạng người như thế làm nhục thành quốc, bởi vì họ làm cho kẻ ngoại thành nghĩ rằng những nhân vật đã được dân Athènes này xem như đức hạnh nhất, hoặc chọn lựa để thay họ nhận lãnh các trách vụ và phẩm tước công cộng, thật ra chẳng khác gì đàn bà. Thưa quý tòa, đấy là điều mà những kẻ ít nhiều có tiếng tăm như chúng tôi không nên làm để giữ danh giá; và đấy là điều mà quý vị cũng không nên để cho xảy ra vì vinh dự của thành quốc, và nếu chúng tôi có lỡ làm, không nên chấp nhận, mà ngược lại phải trừng phạt rõ ràng bằng cách kết tội kẻ đã đến đây để mưu diễn các màn kịch thương tâm kia, và qua đó làm cho thành quốc trở thành lố bịch, thay vì kết án người bình tĩnh ngồi chờ án lệnh.

Nhưng thưa quý công dân Athènes, ngoài chuyện danh dự, đối với tôi công lý còn đòi hỏi rằng sự trắng án không thể đạt được nhờ van xin, rằng chúng ta không được xin xỏ, mà ngược lại, phải trình bày sự kiện và thuyết phục các vị thẩm phán. Bởi vì các vị không dự họp để biến công lý thành một ân huệ, mà để xét xem thế nào là công chính; quý vị đã tuyên thệ không xét xử tùy tiện theo lợi quyền hay sở thích mà theo luật lệ. Thế nên chúng tôi không thể làm cho quý vị quen thói bội thề, và quý vị cũng không nên tự để vướng vào thói quen đó, nếu không cả hai bên đều đắc tội với thần thánh. Như vậy, xin quý vị chớ trông đợi rằng tôi sẽ cầu viện đến loại phương tiện mà tôi xem là không lương thiện, không công chính, không sùng kính – nhất là khi đang bị Mélètos ngồi kia buộc tội không tin là có thần linh. Bởi vì, nếu tôi làm quý vị mềm lòng bằng lời van xin, và làm quý vị vi phạm lời tuyên thệ, chính lúc đó mới thật là tôi dạy quý vị sự bất sùng kính, và vì muốn tự vệ, đã vô tình tự buộc tội rằng mình không tin là có thần thánh. Nhưng thưa quý vị, sự thật hoàn toàn ngược lại. Tôi tin thần thánh hơn bất cứ ai trong số những kẻ buộc tội tôi. Và tôi tin tưởng tự đặt số phận vào tay quý tòa cùng vị Thần ở đền Delphes, chờ xem quyết định nào là tốt nhất, không chỉ cho tôi mà cho cả quý vị.

Sau khi toà tuyên án có tội và mời ông tự định một hình phạt để thay thế bản án tử hình mà bên nguyên đề nghị, Socrate yêu cầu được phụng dưỡng tại công đường thành quốc.

Thưa quý công dân Athènes, lời tuyên án vừa rồi của quý vị không làm Socrate phẫn nộ bao nhiêu vì nhiều lý do, trong đó phải nói rằng nó không bất ngờ chút nào đối với kết cục tôi chờ đợi. Điều còn làm tôi ngạc nhiên hơn là sự chênh lệch giữa hai số phiếu; thú thật rằng tôi không ngờ mình bị kết án bởi một đa số yếu như thế, bởi vì nếu tôi tính đúng, chỉ cần có sự xê dịch của 30 phiếu là trắng án. Như vậy, tôi có thể tự hào đã thoát tay Mélètos, không những thế, hiển nhiên là nếu Anytos và Lycon đã không cùng đứng lên để buộc tội, thì y đã phải trả 1000 đrắc tiền phạt vì không hội đủ một phần năm tổng số phiếu [24].

Dù sao, Mélètos đã khép Socrate vào tội chết. Tốt thôi! Về phần tôi, thưa quý công dân Athènes, tôi phải tự kết mình vào tội gì? Hiển nhiên phải là một tội tương xứng với điều tôi đáng hưởng – song đấy là điều gì? Nhục hình nào, hình phạt nào tôi đáng nhận hưởng? Tôi, kẻ không ngừng tự đặt cho mình nguyên tắc suốt đời phải xem thường, thay vì háo hức tìm kiếm như bao kẻ khác, hoặc của cải tư lợi, hoặc quyền chức chính trị hay phẩm hàm quân sự, hoặc bất cứ thứ danh vọng nào khác. Tôi, kẻ chưa bao giờ tham gia một âm mưu hay toan tính đảng phái nào vốn tràn ngập nền cộng hoà này, tự nghĩ mình quá lương thiện để có thể vong thân trong loại manh động ấy. Tôi, kẻ đã gác qua một bên ngay cả sinh kế khi tự thấy làm thứ công việc ấy mình chẳng hữu ích gì cho cả quý vị lẫn bản thân, mà chỉ giữ lại mối bận tâm duy nhất là mang đến cho mỗi cá nhân quý vị điều tôi xem là nghĩa vụ cao quý nhất: khuyến khích từng người khoan bận bịu về những gì chỉ tùy thuộc quý vị một cách ngẫu nhiên trước khi lo nghĩ đến phần tinh anh của mình, đến điều có thể giúp quý vị sống đời đạo hạnh và hiểu biết, khoan đôn đáo chuyện thành quốc trước khi lo nghĩ về thành quốc, và luôn luôn giữ nguyên tắc cùng trật tự ấy trong tất cả mọi lĩnh vực còn lại?

Thưa quý công dân Athènes, đấy là hành trạng của Socrate, và nó xứng đáng được hưởng gì, nếu quý vị thực là người công chính? Một phần thưởng, hơn thế nữa, một phần thưởng thích đáng với tôi [25]. Mà cái gì có thể tương xứng với một ân nhân nghèo túng của quý vị, cần có đủ rảnh rỗi để chỉ chăm lo đến việc khuyên nhủ quý vị một cách bổ ích thôi? Thưa quý đồng hương, đối với một người như vậy, chẳng có chi thích đáng hơn là được chiêu đãi tại công đường thành quốc [26]. Và chắc chắn là xứng đáng hơn bao lực sĩ đã thắng giải đua ngựa, hoặc đua xe hai ngựa hay bốn ngựa trong các kỳ thi điền kinh ở Olympie, bởi vì họ chỉ mang lại cho quý vị chút hạnh phúc hời hợt bên ngoài, trong khi tôi chỉ cho quý vị đâu là chân hạnh phúc, và họ có phương tiện sống trong khi tôi chẳng có chi cả. Vậy thì, nếu phải tuyên cáo điều tôi đáng nhận hưởng một cách hoàn toàn công chính, xin nói thẳng với tất cả mọi người: tôi xứng đáng được phụng dưỡng tại công đường thành quốc.

Nói như thế, có thể Socrate tôi sẽ bị buộc tội đã ngạo mạn thách thức quý vị, như khi bài bác chuyện van xin than khóc ban nãy. Nhưng không phải thế đâu, thưa quý đồng hương; đây mới là lý do thực sự. Tôi hoàn toàn tự biết mình chưa hề làm điều gì bất công với ai một cách cố ý, nhưng quý vị từ chối tin tôi, bởi vì chúng ta có quá ít thời giờ để bàn cãi. Nếu luật pháp thành quốc đòi hỏi phải xét xử loại tội phạm có cơ dẫn đến án tử hình ít ra trong vài ngày như ở nhiều nơi khác, hẳn tôi đã có thể đánh đổ những điều vu khống thâm căn cố đế trong tâm trí quý vị, thay vì đành chịu không thuyết phục nổi quý vị trong vài giờ như ở đây. Biết chắc rằng mình chưa bao giờ làm hại ai, có lý nào bây giờ Socrate tôi lại tự làm hại chính mình, không những thú nhận đáng bị trừng phạt, mà còn tự đề nghị cho mình cả hình phạt nữa. Nhưng có gì đáng sợ mới được cơ chứ! Bản án tử mà Mélètos đòi chụp lên đầu tôi chăng, khi tôi đã nói rằng chưa biết cái chết sẽ là điều lành hay dữ, phúc hay họa, hung hay kiết? Chẳng lẽ để tránh nó, bây giờ tôi lại đi chọn và bắt mình chịu đựng một hình phạt mà tôi biết chắc chắn là điều hung!

Gông cùm ư? Nhưng tại sao Socrate lại phải sống trong tù, làm tôi mọi cho mười một viên cai ngục [27] thay phiên nhau thị uy sai khiến? Chịu tiền phạt và ngồi tù cho đến khi trả hết nợ chăng? Thế thì cũng chẳng khác chi, vì tôi làm gì có tiền để trả. Đi đày ư? Có thể là quý vị chấp thuận đấy, nhưng phải thật là tham sinh úy tử đến độ đui mù tôi mới có thể nghĩ rằng người xứ khác có thể chịu đựng được dể dàng nếp sống và cách nói năng của mình, trong khi chúng đã trở thành sai quấy và ghê tởm đến độ ngay cả kẻ đồng hương như quý vị mà còn không chịu đựng nổi và nay tìm cách khai trừ. Socrate tôi đâu mù quáng đến mức ấy, thưa quý công dân Athènes. Mà quả thật, đấy sẽ là một cuộc đời chao ôi là đẹp đối với tôi, nếu phải rời bỏ quê hương vào tuổi này để lang thang hết thành nọ đến xứ kia và sống như kẻ phát vãng. Bởi vì tôi biết rằng, đi đến đâu, lớp trẻ cũng sẽ đến nghe tôi như ở đây; và nếu tôi xua đuổi thì chính họ sẽ nhờ người lớn tuổi hơn trục xuất tôi; còn nếu như tôi không xua đuổi, bố mẹ hay thân nhân họ rồi cũng sẽ mượn cớ bảo vệ họ để đòi trục xuất.

Đến đây, có người sẽ nói với tôi: Này Socrate, khi sang đất khách, bộ ông không ngồi yên một chỗ và câm miệng lại được sao? Nhưng đấy mới chính là điều tôi không thể nào làm cho phần đông quý vị hiểu được. Bởi vì nếu tôi lại trả lời rằng làm như thế là bất tuân lời Thần, và vì vậy tôi không thể nào ngậm miệng yên vị một chỗ, quý vị sẽ không tin mà còn tưởng tôi giễu cợt. Hơn nữa, nếu tôi còn nói thêm rằng bàn luận mỗi ngày về đức hạnh và những điều quý vị vẫn thường nghe tôi phát biểu là điều lợi ích và hạnh phúc nhất trong đời người, rằng phải tự xét mình và xét người bởi vì sống không xét nghiệm không đáng gọi là sống, thì quý vị lại càng không tin nữa. Tuy nhiên, nó là sự thật đấy, thưa quý đồng hương, dù chẳng dễ gì mà thuyết phục quý vị.

Mặt khác, Socrate không có thói quen tự xử mình đáng nhận bất cứ tai vạ nào. Nếu giàu có, tôi sẵn sàng nộp món tiền phạt đến mức phải trả, bởi vì nó cũng chẳng hại gì [28]. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay… tôi không làm gì ra tiền, trừ phi quý vị chỉ phạt tôi đến mức có đủ sức trả; và vì tôi chỉ trả nổi cao lắm là 1 min, tôi đề nghị trả 1 min tiền phạt. Dù rằng Platon đứng kia, cùng với Criton, Critobule và Apollodore muốn tôi trả đến 30 min và sẵn sàng bảo đảm. Vì vậy, tôi tự kết án phải trả 30 min tiền phạt [29], và xin giới thiệu với quý vị những người bảo lãnh hoàn toàn có khả năng thanh toán.

Sau khi lại bị kết án tử hình với một đa số cao hơn, Socrate phát biểu với những kẻ đã kết tội và những người bênh vực ông trong phiên xử.

Thưa quý công dân Athènes, chỉ vì thiếu kiên nhẫn, quý vị đã tạo cơ hội cho người đời bêu rếu nền cộng hoà; họ sẽ nói rằng quý vị đã giết Socrate, một người hiểu biết, bởi vì dù không đúng họ cũng sẽ nói tôi là người hiểu biết để sỉ nhục quý vị nặng nề hơn nữa. Chỉ cần chờ thêm ít lâu, cái chết của tôi tự khắc sẽ đến, bởi vì nhìn xem, tôi đã ở vào tuổi gần đất xa trời rồi. Tôi không chê tất cả mọi người ở đây như thế, mà chỉ riêng những kẻ đã khép tôi vào tội chết. Và cũng chỉ với họ thôi, tôi xin nói tiếp đôi điều sau đây.

Có lẽ quý vị nghĩ rằng Socrate đã bị kết tội vì không tìm ra lời lẽ, thứ lời lẽ có đủ sức thuyết phục quý vị, nếu như tôi tin rằng bổn phận của mình là phải làm hết mọi cách, kể lể đủ chuyện hòng thoát chết. Không phải thế đâu, thưa quý đồng hương. Tôi không thiếu lời lẽ mà chỉ thiếu trâng tráo: tôi bị kết tội vì không chịu nói những điều tai quý vị đã quen nghe, vì không muốn than khóc và hạ mình làm những chuyện hèn hạ mắt quý vị đã quen thấy. Đối với tôi, nguy nan phải đương đầu không thể là lý do để làm điều bất xứng với một con người tự do, và ngay cả đến lúc này, tôi không hề hối tiếc đã tự bênh vực như vừa rồi; thà chết mà tự vệ như tôi đã làm còn hơn là sống sót nhờ một bài tự biện hèn hạ. Khi đứng trước toà cũng như lúc lâm trận, dù là tôi hay ai khác cũng không được phép dùng bất cứ phương tiện nào để thoát chết. Ai cũng biết rằng muốn cứu thân mình nơi trận địa chẳng có chi là khó, chỉ cần vất bỏ vũ khí và van xin kẻ đuổi theo tha mạng. Cũng thế, trước mọi hiểm nguy, một khi đã nhất quyết nói và làm bất cứ chuyện gì, người ta có thể tìm ra nghìn cách xoay xở hầu tránh cái chết.

Có điều, thưa quý công dân Athènes, tránh cái chết không phải là điều khó nhất, tránh cái ác còn khó hơn bội phần, bởi vì tội ác chạy nhanh hơn cả tử thần [30]. Vì vậy, người già cả nặng nề như Socrate mới bị đứa chậm chân bắt kịp, trong khi kẻ buộc tội tôi, nhẹ nhàng và khoẻ khoắn hơn, đã bị đứa nhanh chân là tội ác túm lấy. Giờ đây tôi sẽ ra đi, với án tử hình của toà án này; nhưng rồi họ cũng sẽ ra đi, đeo theo tội bất công và độc ác của toà án chân lý. Tôi giữ lấy hình phạt của tôi, họ giữ lấy tội trạng của họ. Có lẽ sự việc đã tiến triển đúng như nó phải xảy ra, và đối với tôi, không thể nào suôn sẻ hơn.

Như vậy, mọi việc đã an bài. Nhưng hỡi những kẻ kết tội Socrate, đây là điều tôi báo trước với quý vị, bởi vì hiện tôi đang ở vào cảnh ngộ đọc được tương lai rõ nét nhất của người sắp lìa đời. Xin cảnh báo rằng, ngay sau khi giết tôi, quý vị sẽ phải chịu một hình phạt độc địa hơn cả cái án chết mà quý vị đã buộc vào tôi. Thật ra, quý vị chỉ giết tôi để tự giải thoát khỏi cái gánh nặng rất khó chịu là cứ phải xét nghiệm đời mình; nhưng rồi xem, tôi nói trước rằng những gì sắp xảy ra sẽ hoàn toàn trái ngược với điều quý vị hy vọng. Quý vị sẽ phải đương đầu với một số người khảo hạch đông đảo mà quý vị không ngờ rằng cho đến nay tôi vẫn cố cầm giữ, và càng trẻ họ càng hung hăng hơn, càng làm quý vị khó chịu hơn [31]. Thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không xét nghiệm. Cách loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính vừa bất khả thi, cách vừa chính đáng vừa dễ dàng là, thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự tu thân sửa tánh. Đấy là điều tôi thấy cần cảnh báo những ai đã kết tội tôi. Bây giờ tôi xin kiếu.

Nhưng thưa những công dân Athènes đã bỏ phiếu xoá án tôi, Socrate sẵn sàng đàm luận tiếp với quý vị về chuyện xảy ra, trong khi người ta chưa đưa tôi đến nơi chờ chết vì còn bận bịu việc toà. Chúng ta hãy tĩnh tâm một lúc và dùng khoảng thời gian còn lại để cùng đàm luận. Tôi muốn kể quý vị nghe như với bạn hữu chuyện kỳ lạ đã xảy ra cho tôi hôm nay, và giải thích với quý bạn ý nghĩa của nó. Vâng, thưa quý thẩm phán (khi gọi như thế, tôi chỉ trả lại quý vị một danh nghĩa chính đáng), tôi vừa trải nghiệm điều khác thường sau. Cái tiếng nói quỷ thần suốt đời vẫn luôn luôn văng vẳng bên tai, không bỏ lỡ một dịp nào dù nhỏ đến đâu để can ngăn mỗi khi tôi có ý định làm điều gì sai trái, hôm nay lại giữ im lặng, trong khi tôi phải đương đầu với điều mà mọi người có thể và trên thực tế đều cho là nỗi bất hạnh lớn nhất như quý vị biết đấy. Nó không cản tôi khi ra khỏi nhà sáng nay, khi bước ra trước tòa, khi đang phát biểu hay sắp nói điều gì, dù vẫn có thói quen ngắt lời tôi giữa chừng trong mọi hoàn cảnh bình thường khác. Tại sao hôm nay nó lại không ngăn chận bất cứ hành động nào, lời lẽ nào của tôi? Để tôi giải thích với quý bạn: bởi vì điều xảy ra cho tôi hôm nay có vẻ như thật là điều lành, và hẳn là chúng ta đã sai lầm khi tưởng rằng cái chết là nỗi bất hạnh. Đối với tôi, bằng chứng hiển nhiên là nếu tôi lỡ làm điều chi sai trái, thì cái tiếng nói ấy đã lên tiếng cảnh báo.

Còn vài lý do khác để nghĩ rằng cái chết là điều lành. Nó chỉ có thể là một trong hai ngả sau: hoặc là sự hủy diệt tuyệt đối và tiêu tan hoàn toàn của ý thức, hoặc chỉ đơn giản là sự chuyển dời của linh hồn từ cõi này sang cõi khác như người ta nói [32]. Nếu cái chết là sự tước bỏ mọi cảm thức, một giấc ngủ không chiêm bao, thì nó sẽ là hạnh phúc tuyệt vời phải không quý bạn? Bởi vì, ai đó trong quý vị cứ chọn lấy một đêm dài đẫy giấc không bị mộng mị quấy rầy, và so sánh nó với tất cả những ngày, những đêm đã lấp đầy đời mình thử xem. Hãy suy nghĩ rồi tự hỏi xem, liệu trong đời mình đã có được bao nhiêu lúc sung sướng, êm ả hơn thứ đêm ấy. Tôi tin chắc rằng không chỉ người thường, mà ngay cả bậc Đại Đế [33] cũng chẳng tìm ra bao nhiêu đâu, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nếu cái chết là một giấc ngủ tương tự, tôi quả quyết nó không phải là điều bất hạnh, bởi vì cả chuỗi thời gian vô tận dường như chỉ thu lại còn một đêm trường.

Mặt khác, nếu cái chết là sự chuyển dời từ trú sở này sang một cõi khác, và nếu đúng thật như người ta nói, rằng đấy là nơi hẹn hò của bao người đã từng nghiệm trải cuộc sống trần gian, còn có thể tưởng tượng được hạnh ngộ nào lớn hơn, thưa quý thẩm phán? Bởi vì rốt cuộc, nếu đến cõi Hadès mà thoát khỏi tay những kẻ mệnh danh là quan toà ở đây để gặp các vị thẩm phán đích thực, những người được xem là luôn luôn thực thi công lý, như Minos, Rhadamanthe và Éaque [34] hay như Triptolème và các vị bán thần khác đã từng sống công chính suốt đời, thì cuộc hành trình này lại khốn khổ đến thế hay sao? Chúng ta phải trả cái giá nào để được đàm luận với Orphée, Musée, với Hésiode, Homère? Riêng tôi, nếu chết mà được như thế thật, tôi sẵn sàng chết nhiều lần, nhất là nếu được gặp Palamède, gặp Ajax con của Télamon [35], và tất cả những người thời xưa đã chết oan vì là nạn nhân của các bản án bất công! Trò chuyện với họ, rồi so sánh những gì đã xảy ra cho họ và cho bản thân mình, thú vị đấy chứ! Nhưng có lẽ thú vui lớn nhất của tôi, ở đấy cũng như ở đây, vẫn lại là dùng cả đời mình vào việc chất vấn và xem xét mọi nhân vật mà tôi gặp trên đường, để phân biệt ai là người hiểu biết, ai là người chỉ tưởng mình thông thái mà không thực hiểu biết. Phải trả cái giá nào, thưa quý thẩm phán, để có thể khảo sát Agamemnon, vị tướng đã thống lãnh cả một đội quân hùng hậu như thế để đánh thành Troie, hay Ulysse hay Sisyphe, và bao nhân vật nam nữ khác nữa, những người mà chỉ được sống bên cạnh, được chuyện trò với họ thôi để quan sát và tìm hiểu, cũng đã là một đại phúc không nói hết được? Ít ra ở đấy, không ai bị kết án tử hình vì loại hành động tương tự; bởi vì ngoài cả nghìn lợi thế đã đặt cuộc sống của họ cao hơn của chúng ta rất xa, cư dân nơi đây còn hưởng lộc bất tử, nếu đúng như người ta nói.

Vì vậy, thưa quý thẩm phán, cả quý bạn nữa cũng nên giữ hy vọng trước cái chết, và lấy chân lý này làm điều tâm niệm: không ác quả nào có thể xảy đến với người thiện, dù trong đời này hay sau khi chết, vì thần thánh không bao giờ bỏ rơi họ. Chuyện xảy ra cho tôi hôm nay không hề là ngẫu nhiên; đối với tôi, rõ ràng rằng chết vào lúc này và thoát khỏi mọi hệ lụy của cuộc sống là điều tốt lành nhất; chính vì thế mà cái tiếng nói quỷ thần kia hôm nay đã im lặng. Tôi không oán hận gì mấy kẻ đã buộc tội hay nhóm người đã kết án tôi, mặc dù ý đồ của họ là tìm cách hãm hại tôi chứ không phải mưu cầu điều lành, và như thế tôi hoàn toàn có lý do để trách móc họ. Tôi chỉ yêu cầu họ một điều. Khi các con tôi khôn lớn, nếu quý vị thấy chúng tìm kiếm của cải hay bất cứ thứ chi khác nhiều hơn là đức hạnh, hãy trừng phạt chúng bằng cách tra vấn chúng như tôi đã hành hạ quý vị, và nếu chúng vênh váo tưởng mình đã trở thành cái gì trong khi chúng chưa thực là gì cả, hãy làm chúng hổ thẹn vì sự vô tâm và ngạo mạn ấy, như tôi đã dằn vặt quý vị. Nếu quý vị làm được như thế, bố con chúng tôi xin thực lòng ca ngợi sự công chính của quý vị.

Nhưng đã đến lúc chúng ta chia tay nhau, tôi bước vào nẻo chết, và quý vị trở lại đường sống. Bên nào rồi sẽ nhận lấy số phần lợi hơn? Đâu ai biết được, chỉ có thần thánh may ra.

Chú thích

[01] Về tổ chức chính trị của Athènes nói chung, và tư pháp nói riêng, xem chú thích số 13 trong bài Phật và Socrate I của Phạm Trọng Luật. Phiên tòa xử Socrate thuộc hệ thống toà án Héliée, với một hội thẩm đoàn khoảng 500 người. Sự kiện Socrate không gọi hội thẩm đoàn là “quý tòa” ngay từ đầu có thể hàm ý vì ông chưa thể biết họ có công chính, và do đó, có xứng đáng được gọi như thế hay không trước khi họ tuyên án.

[02] Trong các phiên tòa mà tội vi phạm và hình thức trừng phạt chưa được quy định bởi luật pháp đương thời như ở đây, thủ tục xử tuân theo một trình tự gồm nhiều giai đoạn. Ở phần đầu, sau khi cáo trạng được tuyên đọc, bên nguyên phát biểu và kết thúc bằng một đề nghị định tội, sau đó bên bị lên tiếng tự bênh vực hay đọc bài biện hộ do người khác viết, trước khi hội thẩm đoàn bỏ phiếu quyết định có tội hay không. Ở phần sau, nếu bị cáo bị xem là có tội, bên nguyên lại phát biểu để bênh vực hình thức trừng phạt đề nghị, bên bị cũng được quyền lên tiếng để xin một hình thức nhẹ hơn, cuối cùng hội thẩm đoàn bỏ phiếu lần cuối để chọn một trong hai đề nghị.

[03] Quảng trường Agora, nơi tập trung mọi sinh hoạt công cộng của thành quốc Athènes.

[04] Ngày xử, cả hai bên nguyên và bị cáo đều có thể mang theo nhân chứng, thân nhân và người ủng hộ. Và những người đến nghe xử thời đó đều có thể, và thường bộc lộ tình cảm của mình một cách công khai và ồn ào.

[05] Ba nguời buộc tội Socrate là Anytos, Mélètos và Lycon. Nhà thơ Mélètos là kẻ đã thảo và nộp đơn kiện, 2 người kia chỉ ký tên xác nhận, nghĩa là chịu chia sẻ hậu quả nếu thất bại. Nhưng Anytos, thợ thuộc da, biện sĩ, đồng thời là một thủ lãnh của đảng dân chủ đã từng làm đến chức tư lệnh, đã từng ra tòa và thoát án nặng nhờ hối lộ, mới thực là kẻ chủ mưu. Lycon cũng thuộc về giới biện sĩ, nhưng ít được biết đến. Nói chung, cả 3 đã bắt tay nhau để hãm hại Socrate, một mặt, vì hận thù tập đoàn (những kẻ sống bằng miệng lưỡi), mặt khác, vì quyền lợi đảng phái (đảng dân chủ): kiến thức của giới biện sĩ cũng như của giới lãnh đạo chính trị luôn luôn là đối tượng nghi ngờ, phê phán, thử thách, đôi khi giễu cợt của triết gia.

[06] Thời trẻ, Socrate có giao du với nhóm triết gia mà ngay nay chúng ta gọi là “tiền Socrate”, và với trường phái biện sĩ. Hai điểm đầu của cáo trạng liên hệ Socrate với nhóm thứ nhất và điểm cuối với nhóm thứ hai, trong khi triết lý của Socrate về sau thật sự đã hoàn toàn đoạn tuyệt, nếu không muốn nói là trái ngược với các khuynh hướng này.

[07] Aristophane, tác giả một hài kịch mang Socrate ra giễu tựa là Mây, trong đó ông xem Socrate như thuộc trường phái biện sĩ, có khả năng “biến các luận điệu yếu kém thành luận cứ vững vàng”, theo công thức trứ danh của Protagoras, song với hàm ý Socrate bênh vực mọi điều trái với sự thực và công lý.

[08] Mỗi phiên xử thường diễn ra suốt ngày và được chia làm 3 phần bằng nhau: 1/3 cho bên nguyên, 1/3 cho bên bị, và phần chót để định tội, mỗi phần khoảng 2 giờ. Thời gian được đo lường bằng một thùng nước to thủng đáy, đóng bằng nút. Khi mỗi bên bắt đầu nói, nút đóng được rút ra; đến lúc thùng đã chảy hết nước, diễn giả phải ngừng.

[09] Gorgias là người ở Leontium, Prodicos ở đảo Céos, và Hippias gốc ở Elis, tất cả đều là những người nói năng giỏi, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng về thuật hùng biện.

[10] Một min [mine] thời đó là 100 đrắc [drachme], và 1 đrắc là lương trung bình mỗi ngày của tay thợ khéo. Thù lao của Evenos như vậy là 500 đrắc, gần 2 năm lương thợ.

[11] Từ Hy Lạp được dịch là “sagesse” hay “wisdom” khởi đầu chỉ có nghĩa “hiểu biết” một cách tổng quát. “Sage” cũng đồng nghĩa với “savant”, như trong bản dịch của Luc Brisson mà chúng tôi tham khảo thêm ở đây. Vì thế, trong bản dịch sang tiếng Việt này, chúng tôi dùng “hiểu biết”, “thông thái” hay “kiến thức” tùy trường hợp và ngữ cảnh. Chỉ từ sau Socrate, từ “sagesse” và “sage” mới chủ yếu mang ý nghĩa đạo lý mà nhiều người nay dịch là “sự hiền minh”, “nhà hiền triết” hay “người hiền”.

[12] Đền Delphes là nơi thờ một trong các vị thần tiên tri [dieu-devin] nổi tiếng nhất cổ Hy Lạp là Apollon. Lời phán của thần qua trung gian của đồng cô rất được người đương thời tìm hỏi, tin theo và đóng một vai trò chính trị, văn hoá quan trọng cho mãi đến thời Kitô giáo.

[13] Chéréphon được gọi là “công dân tốt” hay “bạn của nhân dân” vì ông ta cũng thuộc đảng dân chủ như những kẻ buộc tội Socrate. Ông đã đóng một vai trò chính trị thực sự, bị đi đày, và chỉ trở về Athènes được khi nền chuyên chính của ba mươi bạo chúa bị lật đổ.

[14] Kẻ được chọn làm đồng cô khởi thủy phải là một cô gái ít hiểu biết nhưng trinh trắng và xinh đẹp, về sau vì xảy ra chuyện một cô bị bắt cóc hay hãm hiếp, chức năng này được giao phó cho người cao tuổi.

[15] Đây là lời thề bình dân khá thông dụng ở Athènes thời ấy, gọi là “lời thề Rhadamante”, có lẽ hàm chỉ Anubis, vị thần đầu chó của Ai Cập. Dùng lời thề này trong khi bị kết tội là mang ngoại thần vào thành quốc, có lẽ Socrate muốn nói sự du nhập ngoại thần vào Athènes đã có trước ông, và ở một mức độ rộng rãi hơn kẻ buộc tội ông có thể tưởng.

[16] Ở đây, từ này chỉ tất cả những người làm việc bằng tay, không phân biệt như chúng ta ngày nay hai giới nghệ sĩ và tiểu công nghệ

[17] Đức hạnh trong ngôn ngữ của Socrate, có nghĩa là trở thành một con người và một công dân tốt.

[18] Bình thường, đàn ông gọi tên thần Zeus và đàn bà gọi tên nữ thần Héra khi thề thốt. Theo nhiều tác giả, Socrate cũng hay gọi tên Héra để thề, khi hàm ý ngưỡng mộ mỉa mai.

[19] Thời ấy, việc đọc sách to trước khán thính giả phổ biến hơn lối đọc yên lặng một mình. Câu này, do đó, chỉ việc đọc sách công cộng trên sân khấu ở quảng trường.

[20] Từ quỷ thần ở đây chỉ loại quyền lực nằm giữa thần và người nói chung, có khi gắn liền với thành quốc, có khi chỉ tác động trên một cá nhân.

[21] Trong thần thoại Hy Lạp, Hadès là tên vị thần cai quản âm cõi, và do đó, cũng là tên của cõi chết.

[22] Cái tiếng nói quỷ thần chỉ biết ngăn cản chứ không bao giờ khuyến khích Socrate làm điều gì ngày nay mang tên khác là lương tri..

[23]Socrate bị buộc tội đã làm thanh niên hư hỏng một phần lớn vì hành tung bất hảo của hai công dân thường lui tới với ông là Critias và Alcibiade. Về 2 nhân vật này, xem chú thích số 21 và 22 trong bài Phật và Socrate I của Phạm Trọng Luật.

[24] Nếu số thẩm phán là 500 người như thông lệ, bên nguyên được 280 phiếu và bên bị 220. Chỉ cần 30 phiếu đổi chỗ là mỗi bên được 250 phiếu, bất phân thắng bại và toà phải xử trắng án. Vì được hơn 1/3 tổng số phiếu, Socrate cho rằng ông đã thoát tay Mélétos là kẻ buộc tội duy nhất mà ông gọi đích danh ra đối chất. Mặt khác, nếu chia đều 280 số phiếu bên nguyên cho 3 người buộc tội, Mélétos chỉ mang lại chưa tới 1/5 tổng số phiếu, thua kiện và phải trả tiền phạt.

[25] Socrate sẽ đưa ra một phản đề nghị với hai vế, cái thứ nhất tương xứng với tư cách ân nhân thành quốc, cái thứ hai tương đương với khả năng chịu đựng của ông. Đoạn này nói về vế thứ nhất: Socrate khẳng định ông xứng đáng được đối xử như thượng khách hay công dân gương mẫu của Athènes.

[26] Công đường nói đây không phải là dinh Tholos như thường bị nhầm lẫn. Dinh Tholos là nơi nghị viên Athènes sống chung trong thời gian hành sử quyền cai trị thành quốc. Công đường là nhà khách chung của Athènes, nơi chiêu đãi các thượng khách, những công dân danh giá hoặc xuất sắc trong mọi lãnh vực (thể thao, quân sự…).

[27] Số nhân viên được giao cho nhiệm vụ cai quản ngục thất, và hành quyết tử tội khi cần. Họ được chỉ định hàng năm và làm việc theo nguyên tắc luân phiên.

[28] Đối với Socrate, điều hung có hại duy nhất là những gì có thể gây tổn thương cho tâm hồn, tiền phạt do đó không thể gây thiệt hại gì cho ông.

[29] Vế thứ hai của phản đề nghị, tương đương với khả năng chịu đựng của Socrate. Về giá trị của 2 món tiền đề nghị: 1 min được xem là giá phải chăng để chuộc tù binh thời đó; 30 min tương đương với của hồi môn mà 1 công dân trung lưu có thể trả cho chị hoặc em.

[30] Đây có lẽ là một thành ngữ rất phổ biến vào thời đó.

[31] Socrate muốn cảnh báo rằng việc làm của ông sẽ ngày càng lan rộng, triệt để hơn, và do chính các thế hệ con cháu của những kẻ đã kết án ông đảm trách.

[32] Quan điểm đầu rất phổ biến ở Hy Lạp thời đó, trong tác phẩm của Homère và có lẽ được đa số những kẻ xử ông chấp nhận. Quan niệm sau có thể xuất phát từ các nhóm thiểu số chủ trương một thứ tôn giáo huyền bí.

[33] Ở đây, từ này chỉ hoàng đế xứ Perse mà sự giàu có và hạnh phúc giả định đã được chấp nhận rộng rãi trong dư luận bình dân.

[34] Cả 3 đều là con của thần Zeus, là vua nơi trần thế và được xem là những thẩm phán công chính dưới Hadès.

[35] Palamède, Ajax, Télamon đều là những anh hùng chết vì bị đối xử không công chính. Trái lại, Agamemnon, Ulysse và Sisyphe là những anh hùng có mặt bất công. Ulysse đã giấu vàng trong lều Palamède rồi vu oan là thông đồng với giặc, khiến Palamède bị ném đá chết. Agamemnon ban thưởng chiến bào và vũ khí của Achille cho Ulysse thay vì Ajax, khiến Ajax tự sát.

* * *

Trong bồi thẩm đoàn gồm 501 cư dân Athens, 281 người xét Sokrates có tội và 220 người xét ông vô tội. Cơ chế pháp lý thời bấy giờ yêu cầu bên kết án đề nghị bản án, còn bị cáo đề nghị bản án khác. Những người kết tội Socrates đề nghị án tử hình. Có lẽ họ nghĩ Socrate sẽ đề nghị án đi đày biệt xứ, và có lẽ bồi thẩm đoàn sẽ thuận theo. Nhưng Socrates đề nghị rằng vì mình là người có giá trị đối với thành phố, ông được nhận những bữa ăn miễn phí, giống như danh dự dành cho các vận động viên Olympic. Có lẽ đề nghị thái quá này kết thúc vận mệnh của Socrates. Nhưng ông vẫn ương ngạnh. Ông từ chối án đi đày. Thậm chí ông khước từ đề nghị được lưu lại thành Athens nhưng không được phát biểu gì nữa. Ông nói mình không muốn ngưng phát biểu triết lý.

Rốt cuộc, đa số bồi thẩm đoàn biểu quyết cho án tử hình.

Ít tuần lễ sau, Socrates phải uống thuốc độc.

Nguồn: Phạm Trọng Luật dịch, Socrate tự biệnhttps://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/socrate_tu_bien-6.html

Nữ hoàng Anh Elizabeth I

Elizabeth I (1533-1603) là nữ hoàng của Anh quốc và Ireland từ năm 1558 cho đến khi qua đời. Bà còn được biết đến với biệt hiệu Nữ hoàng Đồng trinh (Virgin Queen), vì thế khi người Anh định cư ở Bang Virginia bên Mỹ, họ đặt tên bang như thế để tôn phong Nữ hoàng Đồng trinh.

Một trong những động thái đầu tiên của Elizabeth I sau khi lên ngôi là thành lập Giáo hội Tin lành Anh quốc mà bà đứng đầu, và đó là tiền thân của Giáo hội Anh sau này.

Elizabeth I có đường lối cai trị ôn hòa so với vua cha và người chị cùng cha khác mẹ làm nữ hoàng trước bà.

Elizabeth I được các sử gia xem là một nhà cai trị có sức thu hút cá nhân, một phần nhờ tài phát biểu. Triều đại kéo dài 44 năm của Elizabeth I tạo nền móng ổn định rất tốt cho nước Anh.

Năm 2012, bà được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Elizabeth I c. 1588 to commemorate defeat of Spanish Armada.jpg
Elizabeth I, trong bức họa khoảng năm 1588

Diễn văn Vàng (1601)

Triều đại của Nữ hoàng Elizabeth I tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến mức các sử gia gọi là Thời đại Elizabeth. Trong khi trị vì, Elizabeth I giúp định hình tương lai cho Vương quốc Anh, thành lập một chế độ quân chủ ổn định, phát triển các định chế tư pháp, khuyếch trương mậu dịch, lập nên Giáo phái Tin lành Anh, và bảo vệ nước Anh chống lại Tây Ban Nha.

Ngày 30 tháng 11 năm 1601, khi gần đến cuối giai đoạn trị vì, Elizabeth I đọc một bài diễn văn trước 141 đại biểu của Hạ viện. Bài diễn văn cho thấy kỹ năng hùng biện của Elizabeth I cũng như lòng tận tụy của bà đối với thần dân mình.

Bài diễn văn tạo ấn tượng sâu sắc, nên một bản in có lời tựa đại ý nói bài diễn văn này đáng lẽ phải được in với chữ giát vàng! Từ đó phát sinh tựa đề “Diễn văn Vàng”. Đây cũng là bài diễn văn cuối cùng của Nữ hoàng Elizabeth I, nên còn được gọi là Diễn văn Giã biệt.

Ông Chủ tịch Hạ viện!

Ta đã nghe tuyên bố của các người và thấy rằng các người có tấm lòng đối với đất nước. Ta mong các người tin rằng không có quân vương nào thương yêu thần dân hơn ta, và cũng không có quân vương nào có tình thương ngang bằng tình thương của ta. Không có món tư trang nào, cho dù nó chưa bao giờ có giá cao như thế này, mà ta lại đặt lên trên món tư trang này: ý ta muốn nói đến tình cảm của các người. Vì lẽ ta đánh giá tình cảm của các người hơn bất kỳ kho tàng hoặc của cải nào; vì lẽ chúng ta biết định giá trị, nhưng tình cảm và lòng tri ân thì ta thấy vô giá. Và, cho dù Thượng Đế nâng ta lên cao, ta vẫn ghi nhận vinh quang của Triều đình ta, vì ta trị vì với tình cảm của các người. Do đó, việc Thượng Đế cho ta làm Nữ hoàng không làm cho ta vui bằng việc làm Nữ hoàng của một dân tộc biết tri ân như thế. Vì thế, ta không có lý do gi để đòi hỏi nơi thần dân hơn là hài lòng với nghĩa vụ của họ mà ta hàm ơn. Ta cũng không ước ao sống thêm nhiều ngày sau khi ta thấy các người được phồn vinh, vốn là điều mong muốn duy nhất của ta. Khi nào mà ta còn trị vì, dưới ân điển của Thượng Đế, ta sẽ che chở các người trước hiểm nguy, ô nhục, tủi hổ, chuyên chế và áp bức, một phần qua sự hỗ trợ của các người mà chúng ta thấy rất thỏa đáng bởi vì điều đó cho thấy tình cảm và lòng trung thành sâu đậm của các người đối với quân vương.

Về phần ta, ta phải nói điều này: Ta không bao giờ là một quân vương tham lam, thâu tóm quyền lợi, cũng không phải là kẻ xa xỉ. Con tim ta không bao giờ đặt trên bất kỳ món vật chất trần tục nào. Những gì mà các người trao cho ta, ta sẽ không tích trữ, mà ta nhận để trao lại cho các người. Vì thế, Ông Chủ tịch ạ, hãy chuyển những lời cảm ơn của ta đến họ như ông có thể mường tượng được con tim ta cống hiến thế nào, nhưng ngôn từ của ta không diễn tả đủ. Ông Chủ tịch ạ, ta cho phép ông và những người còn lại đứng dậy vì ta không muốn làm phiền các người với bài diễn văn dài. […]

Từ lúc lên ngôi, ta chưa từng đặt bút ký cho trợ cấp nào, nhưng dựa trên lý do và vẻ bề ngoài gán cho ta, quyền lợi riêng dành cho vài cận thần cũ của ta – những người xứng đáng đối với ta – là tốt và có ích cho thần dân nói chung. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại, ta rất quan tâm. Và ta không quá vô tâm đến nỗi cho rằng than phiềncủa một số đại biểu Hạ viện không đáng được xem xét. Ta nghĩ họ phát biểu dựa trên nhiệt huyết đối với đất nước chứ không phải vì hằn học hoặc ác ý. Phẩm giá quân vương của ta không thể nào chịu được sự kiệnlà những ban phát của ta khiến thần dân ta than van. Khi nghe được những than van ấy, đầu óc ta không lúc nào yên cho đến khi giải quyết xong vụ việc. Quý vị thử nghĩ xem, liệu có thể nào những vụ việc không màng đến nghĩa vụ và danh dự – vốn đè nặng tâm trí các người – lại thoát khỏi sự trừng phạt? Không, Ông Chủ tịch ạ, ta đoan chắc với ông, vì lương tâm hơn là vì vinh quang hoặc để lấy lòng, rằng những sai lầm, xáo trộn, phiền toái và ức chế ấy do những người hầu và kẻ có ác ý gây ra – không đáng nêu ra từng vụ việc – sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt thích đáng. Nhưng ta nhận thấy họ hành xử với ta như là thầy thuốc ở chỗ họ chỉ định thuốc rồi làm cho thuốc dễ uống hơn bằng cách cho thêm hương liệu hoặc bọc thêm lớp đường bên ngoài viên thuốc.

Ta từng đặt Ngày Phán xử Cuối cùng trước mắt ta và trị vì như thể ta sẽ được phán xử trước quan tòa cấp cao hơn, và bây giờ nếu những tưởng thưởng của ta bị lạm dụng và những ban phát khiến thần dân ta buồn mà ta không có chủ tâm, ta hy vọng Thượng Đế sẽ không để cho ta tự tiện. Ta biết tước vị của một quân vương là một tước vị vinh quang, nhưng các người hãy tin rằng vinh quang chói lọi không làm mất đi sự thấu hiểu, rằng ta biết và nhớ rõ rằng ta cũng chịu trách nhiệm cho những hành động của ta trước quan tòa cấp cao. Thiên hạ thấy một quân vương mang vương miện mà chỉ nghĩ đến vinh quang, nhưng họ không thấy trách nhiệm đi liền với người đó. Bản thân ta không bao giờ bị cám dỗ bởi vương hiệu vinh quang của một vì vua hoặc vương quyền của một nữ hoàng, mà ta lấy làm vui vì Thượng Đế đã tạo ra ta như là công cụ của Người để duy trì công lý và vinh quang của Người, cũng như để bảo vệ vương quốc của Người chống lại nguy cơ, sự ô danh, chuyên chế và áp bức. Sau ta, sẽ không bao giờ có một Nữ hoàng ngồi trên chiếc ngai của ta với nhiệt tâm cao hơn cho đất nước, chăm lo hơn cho thần dân, và còn lâu mới có người sẵn sàng dâng hiến trọn cuộc đời cho điều tốt đẹp và an sinh của các người. Bởi vì ước nguyện của ta là không sống lâu hơn và không trị vì lâu hơn so với cuộc đời và triều đại có thể làm tốt cho các người. Và cho dù các người có thể đã có – hoặc sẽ có – nhiều quân vương mạnh mẽ hơn và khôn ngoan hơn trên chiếc ngai này, nhưng các người chẳng bao giờ – và sẽ chẳng bao giờ – có một quân vương cẩn trọng và thương yêu hơn.

Xin Thượng Đế chứng giám, không phải ta nói đến vinh quang chỉ vì ta có sức mạnh để đối phó với nguy cơ trong quá khứ. Nếu ta không đối phó được thì ta không xứng đáng làm Nữ hoàng, và chỉ do sự dẫn dắt của Thượng Đế mà ta đối phó được. Ta yêu cầu Ông Bộ trưởng Tài chính, Ông Bí thư và các vị trong Hội đồng của ta, trước khi các vị này trở về nhà của họ, hãy dẫn tất cả bọn họ đến đây để hôn bàn tay ta.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: The Elizabeth Fileshttp://www.elizabethfiles.com/30-november-1601-elizabeth-is-golden-speech/5936/ do Hayward Townshend, viên chức phụ trách viết nhật ký của triều đình, ghi lại

Galileo Galilei

Galileo Galilei
Galileo Galilei

Galileo Galilei (1564-1642) là nhà vật lý (được coi là cha đẻ của ngành vật lý thực nghiệm), nhà thiên văn học, triết gia và giáo sư toán học ở Pisa, Ý, (cho bài giảng đầu tiên ở đại học này năm 25 tuổi), có đóng góp quan trọng trong việc cải tiến kính thiên văn để quan sát và phát hiện những điểm đen trên Mặt Trời, núi và thung lũng trên Mặt Trăng, bốn vệ tinh lớn nhất của Mộc tinh… Trong vật lý học, ông tìm ra những định luật về hiện tượng rơi của vật thể, tính chất của quỹ đạo, chuyển động của quả lắc…

Vào thời của ông, thuyết địa tâm đang thịnh hành, cho rằng Mặt Trời quay quanh Trái Đất. Thuyết này cũng phù hợp với quan điểm của Giáo hội Công giáo vì Kinh Thánh nêu ra như thế. Riêng Copernicus theo thuyết nhật tâm, cho rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Galileo tán đồng thuyết này, do đó gây tranh cãi gay gắt. Giáo hội Công giáo bài bác ông và cấm ông thuyết giảng về thuyết nhật tâm, vì cho rằng thuyết này chưa được chứng minh theo kinh nghiệm vào thời ấy và trái ngược với ý nghĩa của Kinh Thánh.

Encarta Yearbook 1999 bình chọn Galileo Galilei là một trong “mười nhân vật làm thay đổi thiên niên kỷ”.

Năm 2012, Tạp chí Time bình chọn ông là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Lời biện hộ trước phiên tòa (1633)

Năm 1613, sau khi Galileo cho xuất bản một quyển sách trình bày thuyết của Copernicus cho rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời, ông bị công kích vì thuyết này đi ngược lại với Kinh Thánh vốn cho rằng Mặt Trời đứng yên. Vào thời đó, những ai nói ngược lại với Kinh Thánh dễ bị kết tội dị giáo.

Trong phiên tòa xử Galileo Galilei năm 1633, hai thế giới xung đột nhau: thế giới của Galileo về khoa học và chủ nghĩa nhân văn, và thế giới của triết học kinh viện và chủ nghĩa chuyên chế do Tòa thánh Vatican nắm giữ. Kết quả là một thảm kịch đánh dấu sự chấm dứt quyền tự do tư tưởng của Galileo và cũng là sự chấm dứt thời Phục hưng Ý.

Dưới đây là phát biểu tự biện hộ của Gelileo ngày 10 tháng 5 năm 1633.

Khi được hỏi tôi đã có báo cho Đức Cha, người điều hành Tòa Thánh, biết hay chưa về chỉ thị riêng cho tôi – 16 năm trước, do lệnh của Văn phòng Tòa Thánh – là không được tin tưởng, bảo vệ hoặc không được giảng dạy bằng bất kỳ cách nào học thuyết cho rằng Trái Đất quay còn Mặt Trời đứng yên, thì tôi trả lời rằng tôi chưa báo. Và vì không được hỏi lý do tại sao tôi đã không báo, nên tôi không có cơ hội đưa ra thêm ý kiến gì. Bây giờ có vẻ như tôi cần phải nêu lý do, nhằm chứng tỏ sự minh bạch trong ý định của tôi, không hề có việc mô phỏng hoặc lường gạt trong bất kỳ nghiên cứu gì do tôi thực hiện.

Vào lúc ấy, những người có ác ý loan truyền tin tức cho rằng tôi đã được Đức Hồng y Bellarmine triệu đến để xin rút lại vài ý kiến và bài giảng, và cũng để xin sám hối về các ý kiến và bài giảng ấy. Vì thế tôi buộc phải cầu xin Đức Cha cấp cho tôi một bản chứng thực, giải thích nguyên do tôi được triệu đến Ngài. Tôi nhận được bản chứng thực trong chữ viết của Ngài, mà bây giờ tôi đính kèm cũng chính bản ấy. Từ bản chứng thực này, có vẻ như điều hiển nhiên là nó chỉ thông báo cho tôi rằng không được tin và bảo vệ học thuyết được cho là của Copernicus, về việc Trái Đất quay và Mặt Trời đứng yên. Ngoài điều thông báo chung chung như thế cho mọi người, không có điều nào khác đặc biệt có hiệu lực đối với tôi.

Sau khi trưng ra để nhắc nhở chứng cứ có thật này trong chữ viết của chính người đã thông báo cho tôi về mệnh lệnh nói trên, thì tôi không có ý nghĩ nào và cũng không nhớ đến lời nói cho rằng tôi không được phép tin và bảo vệ học thuyết nêu trên. Thế nên ngoài chỉ thị không được “tin” và “bảo vệ”, hai điều khoản của chỉ thị trên – nghĩa là các cụm từ “không được giảng dạy” và “bằng bất kỳ cách nào” – mà, tôi nghe nói, được bao gồm trong chỉ thị cho tôi, và được đăng ký – khiến cho tôi rất lấy làm lạ như thể lúc trước tôi chưa từng nghe. Tôi nghĩ mình nên được tin là đúng khi tôi nhấn mạnh rằng qua thời gian 14 hoặc 16 năm tôi không còn nhớ gì về chuyện này, sau khi nhận được văn bản nhắc nhở. Bây giờ, nếu hai điều khoản đã nói đi theo bản chứng thực, không còn nghi ngờ gì là chỉ thị bao gồm trong bức thư cũng là chỉ thị trong Nghị định của Công đồng Tòa Thánh của Bảng Chú dẫn. Vì thế, đối với tôi, có vẻ như tôi có lý do hợp lệ vì đã không báo cho Đức Cha điều hành Tòa Thánh biết về chỉ thị riêng cho tôi, cũng là chỉ thị trong Công đồng của Bảng Chú dẫn.

Bây giờ, nếu là như thế, quyển sách của tôi không cần phải chịu sự kiểm duyệt khắt khe hơn Nghị định của Bảng Chú dẫn, thì đối với tôi điều này cho thấy có vẻ rõ ràng là tôi đã áp dụng phương pháp chắc chắn nhất và thích hợp nhất, sau khi đã đảm bảo cho nó và loại trừ mọi nghi ngờ bởi vì tôi nộp lưu chiểu quyển sách chính vào lúc mà nhiều quyển sách viết cùng chủ đề đang bị ngăn cấm chỉ bởi quy định đã nói. Sau những gì tôi trình bày, tôi tự tin mà hy vọng rằng từ nay về sau ý nghĩ về việc tôi đã cố ý vi phạm nên được loại ra khỏi đầu óc của các thẩm phán lỗi lạc và khôn ngoan. Vì thế, những sai sót được nhận ra rải rác trong quyển sách của tôi không phải do tôi trình bày có nghệ thuật với chủ ý được che giấu, mà chỉ là do ngòi bút phóng túng không cố ý do tham vọng tự phụ và do lòng tự mãn muốn tỏ ra tinh tế hơn những tác giả nổi tiếng. Tôi sẵn sàng chỉnh lý những sai sót ấy khi tôi được chỉ thị hoặc cho phép của Quý Tòa.

Cuối cùng, tôi cầu khẩn Quý Tòa xem xét tình trạng đáng thương hại về thể chất yếu đuối của tôi, vì ở tuổi bảy mươi tôi bị đuối sức do mười tháng lo lắng triền miên và thêm mệt mỏi do cuộc hành trình dài và nhọc nhằn vào mùa khắc nghiệt nhất trong năm […]. Tôi được khích lệ mà cầu khẩn như thế bởi tôi tin tưởng nơi lòng khoan dung và nhân từ của Quý Tòa […]. Để Quý Tòa xem xét cho danh dự và tiếng tăm của mình, tôi cũng phê phán lời vu khống của những kẻ có ác ý […]

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: School of Law, University of Missouri – Kansas Cityhttp://law2.umkc.edu/faculty/projects/ftrials/galileo/defense.html

* * *

Bảy trong số mười vị Hồng y ký vào bản án: tù giam.

Galileo cuối cùng buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và sống những ngày cuối đời trong cảnh bị quản thúc tại gia theo lệnh của Tòa án dị giáo La Mã.

Đến cuối năm 1633, Galileo được phép ở trong ngôi nhà nhỏ của mình ở Arcetri, và sau đó mấy năm thì ông bị mù.

Chủ yếu vì quan điểm của ông, vào tháng 10/1992, một ủy ban do Giáo hoàng bổ nhiệm chính thức nhận lỗi của Tòa thánh Vatican.

Pyotr Đại đế

Pyotr Đại đế (1672-1725) đăng quang Sa hoàng Pyotr I của Nga năm 1682, được Thượng viện trao tước vị Pyotr Đại đế và Hoàng đế năm 1721. Là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử thế giới và gần đây được nhân dân Nga bình chọn là người Nga được yêu mến nhất mọi thời đại, ông đạt thành tựu lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa đất nước mình. Ông đưa một nước Nga lạc hậu, đi sau Tây Âu dường như hàng trăm năm, trong một thời gian ngắn vượt lên thành một cường quốc khiến cho những nước Châu Âu còn lại phải nể vì.

Peter the Great by Carl Moor (1717)
Pyotr Đại đế, bức họa của Carl Moor (1717)

Lịch sử dành cho Pyotr Đại đế nhiều lời khen ngợi. Có lẽ lời khen ngợi trước tiên là tầm nhìn chiến lược của ông, kế đến là nhận thức rồi quyết tâm. Những tầm nhìn, nhận thức và quyết tâm ấy hầu như thiếu vắng trong khắp nước Nga thời bấy giờ. Chỉ một mình ông có tầm nhìn sâu rộng, nhận thức đúng đắn, rồi có quyết tâm sắt đá để đi đến đích. Chẳng hạn, trong khi bao triều đại trước đều không nhận ra là nước Nga bao la chỉ có một cảng biển thông ra bên ngoài thế giới trong sáu tháng mỗi năm, không có hải quân, và cả nước Nga mãn nguyện với đội thuyền đi theo dòng nước trên sông; chỉ riêng Pyotr Đại đế nhận ra đấy là những khiếm khuyết vô cùng hệ trọng trong chiến lược xây dựng kinh tế và quân sự cho đất nước ông. Chính Pyotr Đại đế nhận thức được công dụng diệu kỳ của một chiếc thuyền buồm không những có thể đi xuôi chiều gió, mà còn có thể đi ngược lại chiều gió – điều mà loại thuyền bè Nga hồi ấy không thực hiện được. Quyết tâm xây dựng cảng biển và tạo dựng nên hải quân Nga khởi phát từ tầm nhìn và nhận thức như thế.

Năm 2008, người Nga bình chọn ông là nhân vật lịch sử vĩ đại nhất nước Nga.

Năm 2012, Tạp chí Time bình chọn ông là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Tuyên cáo trước trận đánh Pultowa (1709)

Pyotr Đại đế gây chiến với Thụy Điển nhằm lấy lại các tỉnh Karelia và Ingria trước kia thuộc Nga nhưng bị Thụy Điển chiếm khi Nga lâm vào thế yếu và sau đó phải ký hiệp ước công nhận các vùng đất đó thuộc Thụy Điển. Nga đang chịu thiệt hại đáng kể về kinh tế khi hai tỉnh này nằm trong tay nước ngoài. Hàng hóa của Nga tuôn ra các cửa khẩu Riga, Reval và Narva của hai tỉnh bị Thụy Điển thu thuế quan nặng nề. Cộng thêm ước vọng mở ra đường thông thương cho ngành hàng hải và hải quân, Pyotr quyết tâm lấy lại hai tỉnh này. Thụy Điển nhất quyết không nhượng bộ vì dựa trên các hiệp ước hai bên đã ký.

Vì thế, Đại chiến Bắc Âu nổ ra giữa một bên là Đế quốc Thụy Điển lúc ấy đang rất hùng mạnh, và bên kia là liên minh lỏng lẻo giữa Nga, Đan Mạch và Ba Lan. Sau khi đánh bại Đan Mạch và Ba Lan, đầu năm 1708, Vua Karl XII (1682-1718) dẫn quân Thụy Điển đánh nước Nga. Đích thân Sa hoàng Pyotr I của Nga dẫn quân Nga chống cự. Trận đánh đỉnh điểm Pultowa diễn ra ngày 28/6/1709 giữa hai đoàn quân chủ lực của Nga và Thụy Điển. Bên Thụy Điển bị đại bại. Trận Pultowa là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự vươn lên của Nga, khởi đầu cho sự suy yếu của Thụy Điển, và vĩnh viễn thay đổi cục diện chính trị Châu Âu. Pultowa là tiếng sấm đầu tiên báo hiệu với thế giới rằng một nước Nga mới đã được khai sinh. Cán cân quyền lực mới sẽ được tiếp nối và phát triển suốt các thế kỷ 18, 19 và 20.

Hai ngày trước khi trận đánh lớn diễn ra, ngày 26/6/1709, Pyotr tuyên cáo với toàn quân:

Trích đoạn

Hỡi binh sĩ: giờ khắc đã điểm khi số phận của Tổ quốc chúng ta nằm trong tay các người. Nước Nga hoặc sẽ tiêu tán hoặc sẽ hồi sinh trong quang vinh hơn. Binh sĩ không nên nghĩ mình chiến đấu cho Pyotr, mà cho chế độ của Sa hoàng được nhân dân giao phó cho Pyotr… Phải biết rằng ông ấy không quý trọng mạng sống của mình, nhưng nên hiểu rằng nước Nga phải trường tồn trong tình hiếu thảo, thanh danh và phồn thịnh.

Nguồn: Pyotr Đại đế – Người con vĩ đại của nước Nga, Nhà Xuất bản Tri thức, 2013, Diệp Minh Tâm dịch.

Diễn văn khi Đại chiến Bắc Âu kết thúc (1721)

Đại chiến Bắc Âu kết thúc khi Hòa ước Nystad giữa Nga và Thụy Điển được ký kết ngày 14/9/1721. Thụy Điển phải nhượng vĩnh viễn cho Nga các lãnh thổ Pyotr đã ước muốn từ lâu: Livonia, Ingria và Estonia, cùng với Karelia kéo dài đến Vyborg. Phần còn lại của Phần Lan được trả cho Thụy Điển. Nga đồng ý trả một khoản tiền bồi thường cho Livonia, và Thụy Điển được mua nông sản ở Livonia mà không phải chịu thuế, đồng thời hai bên trao đổi toàn bộ tù binh.

Tin báo tái lập hòa bình sau 21 năm chiến tranh được vui mừng đón nhận ở nước Nga. Nội các Nga tôn vinh Sa hoàng Pyotr là Pyotr Đại đế.

Trích đoạn

Qua những chiến công, từ trong bóng tối chúng ta bước ra vùng ánh sáng của thế giới, và những người trước đây chưa từng biết đến chúng ta thì bây giờ tôn trọng chúng ta. Ta muốn cả đất nước phải nhận ra bàn tay trực tiếp của Thượng Đế đã phù hộ cho chúng ta trong cuộc chiến vừa qua và trong việc đi đến nền hòa bình này. Chúng ta phải có phép tắc tạ ơn Thượng Đế với tất cả tấm lòng, nhưng trong khi hy vọng vui hưởng hòa bình, chúng ta không được trở nên yếu kém về mặt quân sự… Chúng ta phải nỗ lực cho sự phồn vinh mà Thượng Đế có thể ban cho chúng ta cả trong và ngoài nước.

Nguồn: Pyotr Đại đế – Người con vĩ đại của nước Nga, Nhà Xuất bản Tri thức, 2013, Diệp Minh Tâm dịch.

Tổng Giám mục Feofan Prokopovich

Feofan Prokopovich (1681-1736) là Giám mục địa phận Pskov (1718), Tổng Giám mục địa phận Novgorod (1724) dưới triều Pyotr Đại đế.

Ông dạy các môn triết học, hùng biện và văn học tại Học viện Chính thống giáo Kyyiv. Ông là người khởi xướng việc đưa các môn số học, hình học và vật lý vào chương trình giảng dạy. Vào cuối năm 1711, ở tuổi 31, ông được cử làm Viện trưởng Học viện này.

Feofan Prokopovich là người có đầu óc tiên tiến hơn, thực dụng hơn và quyết đoán hơn so với các nhà lãnh đạo Chính thống giáo đi trước. Ông vừa là nhà quản trị, nhà cải cách, bút chiến giỏi, thậm chí giỏi về tuyên truyền. Ông toàn tâm ủng hộ quan điểm của Pyotr về việc canh tân và đưa giáo hội đến gần hơn với thế tục.

Dù còn trẻ, chỉ 41 tuổi vào năm 1721, và có vị thế thấp trong hàng giáo phẩm, Prokopovich được chỉ định đứng hàng thứ ba trong Công đồng (cơ quan điều hành Chính thống giáo Nga) với chức vụ Phó Chủ tịch thứ hai. Ông sống thọ hơn Pyotr 10 năm và tiếp tục tạo ảnh hưởng lên Công đồng dưới những triều đại Nga kế tiếp.

Điếu văn tại lễ tang Pyotr Đại đế (1725)

Sau 43 năm trị vì, năm 1725 Pyotr Đại đế đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 53 tuổi. Bài điếu văn của Giám mục Feofan Prokopovich tổng hợp một cách súc tích sự nghiệp và công trạng của Pyotr Đại đế đối với nước Nga, lồng vào nhiều điển tích trong Kinh Thánh.

Hỡi người Nga, chuyện gì đây? Chúng ta đang sống mà nhìn thấy chuyện gì? Chúng ta đang làm gì đây? Chúng ta đang an táng Pyotr Đại đế! Đây có phải là giấc mộng hay không? Có phải là cảnh tượng trong đêm hay không? Ôi, xót thương biết bao! Ôi, thực tế quả là đau lòng làm sao! Đi ngược lại với tất cả mong chờ và hy vọng của chúng ta, ông ấy chấm dứt cuộc đời mình, ông đã tạo ra bao nhiêu là công đức và nguồn vui, ông đã làm hồi sinh nước Nga như thể bước ra từ cái chết, và đã đưa đất nước lên đỉnh quyền lực và quang vinh. Mà không phải, ông ấy đã sinh ra và nuôi dưỡng nước Nga, ông là người cha đích thực của đất nước này, người mà tất cả những đứa con tốt của Nga muốn ông phải là bất tử, và người mà do tuổi tác còn trẻ và sức lực còn mạnh đã mong ông còn sống thêm nhiều năm nữa. Ôi, tai họa làm sao! Ông ấy chấm dứt đời mình ngay khi ông đang bắt đầu được sống sau những công việc gian khổ, bất an, buồn khổ, tai họa, và sau nhiều cái chết.

Ôi! có Thượng Đế chứng giám, chúng ta thấy mình đã từng làm cho Người nổi giận, và từ bao lâu chúng ta đã từng hành động liều lĩnh với sự đau khổ của Người! Ôi chúng ta là những kẻ bất hạnh và vô giá trị! Ôi tội lỗi của chúng ta là vô bờ! Người không thấy ra thì giống như mù. Người thấy mà không nhận lỗi thì con tim giống như đã hóa đá. Nhưng tại sao ta lại thêm đau buồn và nhức nhối trong tim, mà đáng lẽ ta nên làm lắng xuống? Nhưng nếu ta nhắc đến những tài năng, hành động và công trình vĩ đại của ông ấy, thì ta chỉ cảm thấy đau đớn thêm vì đã mất một con người vĩ đại, và chúng ta sẽ than khóc to lên. Chỉ trong trạng thái hôn mê hoặc trong cơn ngủ lịm như chết chúng ta mới có thể quên đi sự mất mát đớn đau này. Quả là một con người vĩ đại và cao cả mà chúng ta đã mất!

Ôi nước Nga! con người Samson(1) này của đất nước chào đời khi không ai trên thế gian mong đợi, và khi ông ấy xuất hiện thì cả thế gian kinh ngạc. Ông nhìn ra một đất nước yếu kém, và ông chuyển biến đất nước với ý chí sắt đá và kiên định. Ông nhìn ra một quân đội nguy hiểm ở quê nhà(2), yếu đuối trên chiến trường và bị đối thủ coi thường, rồi ông gầy dựng một quân đội hữu dụng mà kẻ thù phải kinh hãi, và ở mọi nơi chốn đều có tiếng tăm và vinh quang. Ông bảo vệ được đất nước, và cùng lúc giành lại những phần đất trước đây bị mất, mà còn lấy thêm những tỉnh mới. Khi ông dập tắt những ai chống lại chúng ta, cùng lúc ông bẻ gãy được sức mạnh của những kẻ mong cầu điều xấu cho kẻ khác và trấn áp tinh thần của họ, làm câm miệng những kẻ đố kỵ(3), khiến cho cả thế giới phải tuyên cáo những điều vinh quang đối với ông(4).

Ôi nước Nga!, ông ấy là Japheth(5) đầu tiên của đất nước, người hoàn tất một sự nghiệp chưa từng có trong biên niên sử, người gầy dựng việc đóng những con tàu và thực hiện những cuộc hải hành. Người tạo dựng cho đất nước một hạm đội mới, và trong sự ngỡ ngàng của thế giới và vượt mọi kỳ vọng, tỏ ra không hề thua kém những hạm đội cũ(6), người mở ra cho đất nước một con đường đi đến mọi miền tận cùng của thế giới, mở rộng sức mạnh và vinh quang đến mọi góc của các đại dương, đến những giới hạn của sự hữu dụng, đến những giới hạn mà công lý đã đặt ra, và uy quyền của lãnh địa mà từ trước đến nay đã được vững chắc trên đất liền, bây giờ còn vững mạnh thêm trên biển cả.

Ôi nước Nga!, ông ấy là Moses(7) của đất nước. Phải chăng các điều luật của Người giống như sự bảo vệ vững chắc cho công lý? và giống như sự câu thúc không gì phá vỡ được đối với hành động sai trái hay không? Phải chăng các đạo luật của ông ấy là rõ ràng, là ánh sáng soi đường cho chúng ta? Phải chăng Thượng viện và nhiều thể chế đặc biệt của ông ấy tạo ra nhiều luồng sáng soi rọi để tìm kiếm lợi thế, xóa bỏ những điều tai hại, soi rọi sự an lành và vạch mặt kẻ sai trái? Quả thực ông ấy khiến cho chúng ta nghi ngờ liệu ông được người tốt và ngay thẳng thương mến, hoặc bị những kẻ xu nịnh và bất lương thù ghét.

Ôi nước Nga!, ông ấy là Solomon(8) của đất nước, người đã nhận từ Thượng Đế lý trí và sự anh minh. Phải chăng chúng ta chưa có đủ nhận thức hết những triết lý từ đó, mà chính ông ấy áp dụng và nhiều thần dân được ông ấy giám sát, và trong nhiều ngành công nghiệp mà từ trước chúng ta chưa từng nghe qua? Ông ấy cũng định ra Bảng Cấp bậc(9), ngạch trật, nội quy công quyền, quy trình đúng đắn trong mối giao tiếp hằng ngày(10), và điều luật của những tập quán và truyền thống. Bây giờ chúng ta nhận ra và ngưỡng mộ diện mạo bên trong và giá trị bên ngoài của đất nước, cả hai đều vượt trội so với những năm về trước.

Ôi Giáo hội Nga!, ông ấy cũng là David và Constantine(11). Chính phủ công đồng là do ông ấy thành lập, chính ông ấy quan tâm đưa ra những chỉ thị bằng văn bản và bằng miệng. Đã bao lần con tim ông ấy trĩu nặng khi trông thấy sự ngu dốt trên con đường cứu rỗi! Ông ấy có nhiệt tâm làm sao khi chống lại nạn mê tín và những mô phỏng lừa bịp (12), cùng những lời đồn đại(13) vô nghĩa, thù nghịch và có tính phá hoại giữa chúng ta! Ông ấy tha thiết làm sao để thấy hàng giáo phẩm học tập thêm, và nhân dân ngoan đạo và thờ phụng hợp với khuôn phép hơn.

Nhưng, hỡi con người đã nổi tiếng! Làm thế nào trong một bài điếu văn chúng ta có thể kể hết vinh quang của ông ấy? Nỗi đau buồn hiện giờ khiến cho chúng ta nhỏ lệ và than van không cho phép nói nhiều. Có lẽ theo thời gian, nỗi đau xé châm chích con tim chúng ta sẽ dịu đi, và rồi chúng ta sẽ nói nhiều hơn về những thành tựu và phẩm giá của ông ấy, cho dù chúng ta sẽ chẳng bao giờ ca ngợi đủ theo những gì ông ấy tỏ ra có giá trị. Ngày hôm nay, cho dù chúng ta tuyên dương ông ấy một cách sơ lược, chỉ chạm đến ngoài viền thay vì cả bộ trang phục của ông ấy, chúng ta, những người dân tội nghiệp, hỡi cử tọa, hãy xem người đã rời xa chúng ta, người mà chúng ta đã mất.

Hỡi người Nga, đừng để bị choáng váng vì buồn khổ và thương tiếc, bởi vì vị quân vương vĩ đại và người cha của chúng ta không để lại cho chúng ta cảnh tuyệt vọng. Ông ấy không để lại cho chúng ta cảnh nghèo khó và thiếu thốn: sức mạnh và vinh quang vô bờ của ông ấy, được thực hiện qua những công trạng như đã nói, sẽ lưu lại với chúng ta. Nước Nga sẽ vẫn như là đất nước ông ấy gầy dựng; ông yêu thương đất nước này và chúng ta cũng sẽ yêu thương; ông làm cho kẻ thù khiếp sợ và họ sẽ mãi khiếp sợ; ông tạo vinh quang và vinh quang sẽ tồn tại. Ông ấy để lại những thể chế tôn giáo, dân sự và quân sự. Ông ấy rời xa, thân thể ông ấy sẽ mục nát, nhưng tinh thần ông ấy sẽ vẫn hiện hữu.

Trên hết, sau khi ông ấy rời xa cõi tạm này, chúng ta không phải là con côi. Làm thế nào chúng ta tự xem mình là con côi khi chúng ta trông thấy di sản của ông ấy trên ngai vàng, bạn đời thực sự của ông ấy còn ở đây, một người trị vì như ông ấy sau khi ông ấy ra đi, chính là vị nữ anh hùng và quân vương vĩ đại, mẹ của toàn nước Nga(14)? Cả thế giới làm chứng cho thấy giới tính không cản ngăn bà giống như Pyotr Đại đế. [Thêm lời ca ngợi tân Nữ Hoàng đế]

Và quý vị thuộc giới quý tộc ở mọi phẩm cấp, những người con của nước Nga, với lòng trung thành và phục tùng, hãy an ủi Nữ Hoàng đế và cũng là người mẹ. Hãy tự an ủi mình trong khi nhận ra những chỉ dấu không ngờ vực của tinh thần Pyotr nơi con người Nữ Hoàng đế, và thấy rằng không phải tất cả của Pyotr đã ra đi. Rồi chúng ta hãy cúi mình trước Thượng Đế, Người đã đến với chúng ta, hãy cầu nguyện với Người, Thượng Đế nhân từ và vị cha già của mọi điều an ủi, hầu lau những giọt nước mắt không ngơi của Nữ Hoàng đế và của máu mủ bà, các con gái, các cháu, các em họ và toàn thể gia đình tôn kính, hầu xoa dịu nỗi đau trong con tim của họ bằng lòng nhân từ của Ngài, hầu an ủi tất cả chúng con trong ân sủng của Ngài.

Hỡi nước Nga!, khi nhìn thấy một nhân vật vĩ đại ra sao đã ra đi, cũng cần nhận sự vĩ đại ra sao mà ông ấy đã để lại cho chúng ta.

Amen!

Diệp Minh Tâm dịch từ bản dịch Anh văn: Sam Houston State University-Texashttp://www.shsu.edu/~his_ncp/Prokop2.html

Chú thích

(1) Samson: nhân vật trong Kinh Thánh của người Do Thái, được cho là có sức mạnh siêu nhiên, nhờ đó ông đánh thắng những kẻ thù hùng mạnh và lập những chiến công anh hùng.

(2) Quân đội nguy hiểm ở quê nhà: ý nói đến lực lượng Cấm vệ, vốn vài lần gây bạo loạn, gây cảnh tàn sát khi chống lại triều đình Nga.

(3) Đoạn này có ý nói những người về phe với chị cùng cha khác mẹ và với con trai ông vì họ chống đối chính sách đổi mới của ông, muốn quay lại truyền thống xưa cũ của Nga.

(4) Những điều vinh quang đối với ông: khi Pyotr Đại đế còn trị vì, Hà Lan, Phổ và Thụy Điển công nhận tước vị Hoàng đế của Nga. Những năm sau đó, lần lượt Đế quốc Áo, Đế quốc Ottoman, Đế quốc Anh, Đế quốc Pháp, cùng Tây Ban Nha và Ba Lan công nhận tước vị này.

(5) Japheth: nhân vật trong Kinh Thánh, một trong các con của Noah; và Noah là người nhận lệnh của Thượng Đế đóng một con tàu to để chở gia đình ông và từng cặp thú nhằm sống còn qua cơn đại hồng thủy.

(6) Không hề thua kém những hạm đội cũ: ý nói không hề thua kém hải quân các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Anh quốc… vốn lúc ấy đã có truyền thống lâu đời.

(7) Moses: theo Kinh Thánh, là người dẫn dân Do Thái rời bỏ nước Ai Cập áp bức và đi về miền Đất Hứa để có cuộc sống tự do.

(8) Solomon: nhân vật trong Kinh Thánh, vua của Do Thái, trị vì trong giai đoạn 970-931 tCN, có đầu óc minh mẫn và cách xử sự khôn khéo.

(9) Bảng Cấp bậc: gồm những thang cấp bậc cho ba ngành: quân đội, dân sự và tư pháp. Mỗi thang gồm 14 cấp bậc tương đương nhau cho 3 ngành. Mọi người đều phải bắt đầu thực hiện nghĩa vụ ở cấp bậc dưới cùng; việc thăng bậc không phải qua giai cấp trong xã hội, mà hoàn toàn qua năng lực và thời gian phục vụ. Bảng Cấp bậc được sử dụng xuyên suốt trong các vương triều Nga cho đến Cách mạng tháng 10 năm 1917.

(10) Quy trình đúng đắn trong mối giao tiếp hằng ngày: ví dụ, Pyotr Đại đế bãi bỏ nghi thức đòi hỏi người Nga quỳ gối hoặc nằm phủ phục trước sự hiện diện của Sa hoàng, hoặc phải giở mũ ra trong mùa đông khi đi ngang hoàng cung dù Sa hoàng hiện diện bên trong hay không.

(11) David và Constantine: hai anh em hoàng thân Xứ Argveti, Georgia, theo Chính thống giáo Nga, dũng cảm chống lại cuộc tấn công của người Ba Tư, rồi bị bắt, bị ép buộc cải đạo qua Hồi giáo nhưng kiên quyết từ chối. Năm 740, hai người bị thả trôi sông cho chết đuối, được vớt lên và được chôn cất tử tế ở Thành phố Kutaisi, Georgia. Đến đầu thế kỷ 12, Tu viện Motsameti (có nghĩa: Thánh tử vì đạo) được xây trên ngôi mộ của hai người.

(12) Những mô phỏng lừa bịp: vào thời của Pyotr, óc mê tín lan tràn trong dân chúng, và nhiều kẻ bất lương cùng với một số giáo sĩ bất hảo lợi dụng óc mê tín này, chẳng hạn cho rằng bức ảnh của Đức Mẹ trong nhà của mình có thể tạo phép lạ, và ai muốn vào xem phải trả tiền, hoặc một bức tượng Đức Mẹ trong một nhà thờ ở Sankt-Peterburg được cho là rơi lệ… Tất cả đều là giả trá.

(13) Những lời đồn đại: ví dụ, vì Pyotr trọng dụng và bổ nhiệm sĩ quan nước ngoài vào những chức vụ cao cấp trong triều đình và quân đội nên ông đã trở thành người Đức, đã từ bỏ Chính thống giáo; vì Pyotr la ó và chè chén suốt đêm với mấy thợ mộc và người nước ngoài nên ông ta đã bị quỷ ám; và mấy vụ động kinh co giật chứng tỏ ông ta đúng là con của Ác quỷ.

(14) Mẹ của toàn nước Nga: tức vợ của Pyotr Đại đế, Ekaterina, được tôn lên làm quân vương mới của nước Nga với tước vị Nữ Hoàng đế Ekaterina I.

Patrick Henry

Patrick Henry (1736-1799) là chính khách và nhà hùng biện người Mỹ, cũng là một nhà ái quốc hàng đầu trong cuộc Cách mạng Mỹ. Ông thường cổ vũ mạnh mẽ cho tự do cá nhân và quyền của các bang trong những năm đầu tiên của lịch sử nước Mỹ. Ông dẫn đầu phong trào đòi độc lập ở Bang Virginia trong thập kỷ 1770s, rồi làm Thống đốc Bang Virginia thời kỳ hậu thực dân, trong các giai đoạn 1776-1779 và 1784-1786.

Cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết” (1775)

“Cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết!” là câu phát biểu nổi tiếng trong bài diễn văn của Patrick Henry ứng khẩu tại Đại hội Virginia ngày 23 tháng 3 năm 1775 nhằm thuyết phục Nghị viện Bang Virginia thông qua nghị quyết cho Bang Vigirnia tham gia Cuộc chiến Cách mạng Mỹ. Hiện diện trong số cử tọa là hai tổng thống Mỹ tương lai, Thomas Jefferson và George Washington. Sau khi nghe câu nói trên chấm dứt bài diễn văn, cử tọa lớn tiếng lặp lại “Cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết!”

Patrick Henry Give Me Liberty or Give Me Death
“Cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết”

Câu nói nổi tiếng này trở thành khẩu hiệu của các chiến sĩ cách mạng, và về sau là một phần của di sản nước Mỹ.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:
– Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness);
– Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (Tạp chí Time, Mỹ).

Không ai đánh giá cao như tôi đối với lòng yêu nước và năng lực của các vị đã phát biểu trước Hạ viện. Nhiều người khác nhau nghĩ về cùng chủ đề theo những góc cạnh khác nhau; và vì thế tôi hy vọng mình sẽ không thất kính đối với những quý ông khi tôi thẳng thắn nêu ra những cảm nghĩ của mình trong khi vẫn xem xét những ý kiến trái chiều. Đây không phải là lúc dành cho nghi lễ. Vấn đề đặt ra trước Hạ viện là một trong những thời khắc uy nghiêm nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta. Về phần mình, tôi xem đó không gì khác hơn là vấn đề hoặc là tự do hoặc là nô dịch, và theo tầm mức của chủ đề thì phải là sự tự do tranh luận. Chỉ theo cách đó, chúng ta mới có thể hy vọng đạt đến chân lý và làm tròn trách nhiệm của chúng ta trước Ơn Trên và đất nước. Nếu tôi đè nén ý kiến của mình vào lúc này vì ngại xúc phạm, tôi sẽ xem mình có tội đối với đất nước, và tội thiếu trung thành với Ơn Trên mà tôi tôn thờ trên tất cả các vị vua trần tục.

Thưa ông Chủ tịch, lẽ tự nhiên là con người tỏ ra phóng túng trong những ảo tưởng về hy vọng. Chúng ta có xu hướng nhắm mắt làm ngơ đối với sự thật hiển nhiên, là lắng nghe tiếng hát của mỹ nhân ngư cho đến khi họ biến chúng ta thành thú vật. Có phải đấy là phần của những người thông thái tham gia vào cuộc đấu tranh vĩ đại và gian khổ cho nền tự do? Có phải chúng ta thuộc hạng những người có mắt như mù, có tai như điếc, những sự việc gần như liên quan đến sự cứu rỗi thế tục của họ? Về phần mình, cho dù có thể phải trả giá thế nào cho nỗi thống khổ về tinh thần, tôi vẫn muốn biết tất cả sự thật, muốn biết điều tồi tệ nhất, và muốn chuẩn bị.

Tôi chỉ có một ngọn đèn để hướng dẫn đôi chân của mình, đó là ngọn đèn của kinh nghiệm. Xét theo quá khứ, tôi muốn biết trong mười năm qua cái gì trong cách hành xử của chính quyền Anh quốc biện minh cho những hy vọng ấy mà quý ông lấy làm vui an ủi chính mình và Hạ viện. Có phải đó là nụ cười xảo quyệt mà qua đó thỉnh cầu nguyện chúng ta được đáp nhận? Thưa ngài, đừng có tin; đó sẽ là cái bẫy cột chặt đôi chân của ngài. Đừng bị phản bội bởi một cái hôn. Hãy tự hỏi làm thế nào việc tiếp nhận thỉnh nguyện của chúng ta một cách hòa nhã như thế lại tương ứng với những bước chuẩn bị gây hấn vốn che phủ lãnh hải của ta và phủ bóng tối trên lãnh địa của ta. Phải chăng các hạm đội và các đạo quân là cần thiết cho tình thương và sự hòa giải? Có khi nào chúng ta tỏ ra không muốn hòa giải đến nỗi phải cần đến vũ lực để tranh thủ tình thương của ta? Thưa ngài, chúng ta không nên dối lòng mình. Đấy là những công cụ cho chiến tranh và áp bức; đấy là những biện luận cuối cùng mà các vị vua viện đến.

Thưa ngài, tôi muốn hỏi lực lượng vũ trang này để làm gì nếu không để ép chúng ta vào thế phục tùng? Liệu ngài có tìm ra động lực nào khác không? Ở khu vực này của thế giới, Anh quốc có kẻ thù nào không khiến cho họ phải huy động hải quân và lục quân? Không, họ chẳng có kẻ thù nào cả. Lực lượng đó là nhắm vào chúng ta mà không nhắm vào ai khác. Họ điều lực lượng ấy đến để đưa chúng ta vào gông cùm mà chính quyền Anh đã đúc ra từ lâu.

Chúng ta có phương tiện gì để chống lại họ? Liệu chúng ta có nên thử biện luận không? Thưa ngài, trong mười năm qua chúng ta đã thử theo cách đó. Chúng ta có cái gì mới hơn để đưa ra trong vấn đề này? Chẳng có gì cả. Chúng ta đã đưa vấn đề này ra theo mọi khả năng có thể được; nhưng tất cả đều vô vọng. Liệu chúng ta có nên viện đến sự van nài khẩn khoản và khiêm tốn hay không? Có thể nào còn những điều khoản mới mà chưa được đưa ra? Thưa ngài, chúng tôi cầu xin ngài đừng tự lừa dối nữa. Thưa ngài, chúng ta đã làm mọi việc có thể nhằm tránh cơn bão tố hiện đang ập đến. Chúng ta đã thỉnh cầu; chúng ta đã phản kháng; chúng ta đã van xin; chúng ta đã gập người trước ngai vàng, và đã khẩn khoản xin can thiệp để bắt giữ những bàn tay chuyên chế của chính quyền và Nghị viện. Thỉnh cầu của chúng ta đã bị xem nhẹ; sự phản kháng của chúng ta đã gây thêm bạo động và sỉ nhục; sự van xin của chúng ta đã bị phớt lờ, và chúng ta đã bị hắt hủi trong sự khinh thường từ chân ngai vàng!

Sau những sự kiện như thế, chúng ta có thể hoài công mà nuôi hy vọng cho hòa bình và hòa giải. Không còn chỗ cho hy vọng. Nếu chúng ta muốn được tự do, nếu chúng ta muốn duy trì nguyên trạng những đặc quyền vô giá ấy mà từ lâu chúng ta đang tranh đấu, nếu chúng ta không định từ bỏ một cách hèn hạ cuộc tranh đấu cao quý mà từ lâu chúng ta đang tham gia và chúng ta cam kết không bao giờ từ bỏ cho đến khi giành được mục tiêu vinh quang, thì chúng ta phải chiến đấu! Thưa ngài, tôi lặp lại: chúng ta phải chiến đấu! Chỉ còn có cách là kêu gọi chiến đấu và cầu nguyện với Ơn Trên!

Thưa ngài, họ bảo chúng ta rằng chúng ta yếu đuối, không thể nào đương đầu với đối phương hùng mạnh như thế. Nhưng lúc nào chúng ta sẽ mạnh lên? Tuần tới hay năm tới? Liệu đó là khi chúng ta bị tước mất tất cả vũ khí, và khi có một sen đầm Anh trấn giữ trong mỗi ngôi nhà? Liệu chúng ta nên tập trung sức mạnh bằng sự thiếu cả quyết và thiếu hành động hay không? Liệu chúng ta nên tìm phương tiện kháng cự bằng cách uể oải nằm ngửa mà ôm lấy con ma hy vọng luôn trốn lánh, cho đến khi kẻ thù trói cả chân tay chúng ta hay không?

Thưa ngài, nếu chúng ta biết cách vận dụng những phương tiện mà Thượng Đế đã đặt vào năng lực của chúng ta, thì chúng ta sẽ không suy yếu. Hàng triệu người, được vũ trang bằng chính nghĩa thiêng liêng của nền tự do, và trên một quốc gia như chúng ta hiện đang làm chủ, thì không một lực lượng nào của kẻ thù sẽ thắng nổi chúng ta. Hơn nữa, thưa ngài, chúng ta sẽ không chiến đấu đơn độc. Có Thượng Đế công minh ngự trị trên vận mệnh của các dân tộc, và Người sẽ động viên bè bạn để chiến đấu cùng chúng ta, Thưa ngài, cuộc chiến không chỉ dành cho kẻ mạnh; nó còn dành cho người cảnh giác, người chủ động, người quả cảm. Hơn nữa, thưa ngài, chúng ta không có cuộc bỏ phiếu. Nếu chúng ta đòi hỏi bỏ phiếu thì bây giờ là quá muộn để lui về. Sẽ không có việc rút lui mà chỉ có áp bức và nô dịch! Gông cùm của chúng ta đã được đúc! Có thể nghe được tiếng loảng xoảng của gông cùm trên bình nguyên Boston! Chiến tranh là không tránh khỏi – và hãy để chiến tranh đi đến đây. Thưa ngài, tôi lặp lại: hãy để chiến tranh đi đến đây.

Thưa ngài, làm giảm nhẹ vấn đề thì không ích lợi gì cả. Quý ông có thể hô to: Hòa bình! Hòa bình! Nhưng không có hòa bình. Chiến tranh đã thực sự bắt đầu! Cơn cuồng phong sắp tới quét từ phương bắc sẽ mang đến âm thanh của tiếng súng vang dội! Bạn hữu của chúng ta đã ra mặt trận! Tại sao chúng ta đứng đây mà không làm gì cả? Quý ông muốn gì? Họ có gì? Liệu cuộc sống là quý giá như thế hay không, hoặc hòa bình là ngọt ngào như thế hay không, để được mua bằng cái giá của gông cùm và nô dịch? Ôi Ơn Trên, xin hãy cản ngăn! Tôi không rõ những người khác đi theo con đường gì, nhưng đối với tôi, cho tôi tự do hoặc cho tôi cái chết!

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi âm: Internet Archivehttp://ia600209.us.archive.org/14/items/liberty_or_death_librivox/liberty_or_death_henry.mp3

* * *

Một phần nhờ sự kêu gọi tinh thần chống Đế quốc Anh và ca ngợi tự do như trong bài diễn văn này, tháng sau, Chiến tranh Cách mạng Mỹ nổ ra ở Lexington và Concord, Bang Massachusetts.

William Wilberforce

William Wilberforce (1759-1833) là chính trị gia (Dân biểu Hạ viện trong giai đoạn 1784–1812) và nhà từ thiện người Anh. Ông tin tưởng mãnh liệt nơi tầm quan trọng của tôn giáo, đạo đức và giáo dục. Trong 26 năm, ông lãnh đạo phong trào đòi xóa bỏ sự buôn bán nô lệ ở Anh quốc.

Cảnh kinh hoàng của việc mua bán nô lệ” (1789)

William Wilberforce (Karl Hickel ca. 1794)
William Wilberforce (Karl Hickel, 1794)

Vào thời của William Wilberforce, việc mua bán nô lệ diễn ra tràn lan trên nhiều lãnh thổ thuộc Đế quốc Anh: những vùng thuộc địa ở Châu Phi nơi nô lệ bị bắt hoặc bị mua bằng tiền, những vùng trung chuyển như Caribê, và thậm chí bến cảng trung chuyển ở Liverpool. Vì việc mua bán nô lệ mang lại lợi nhuận cao, nên khi William Wilberforce bắt đầu vận động cho việc xóa bỏ tệ nạn này, ông gặp phải sự chống đối, và phía chống đối biện minh một cách sai lạc là nô lệ được đối xử tử tế. Còn người ủng hộ ông thì tỏ ra nghi ngờ người đại biểu Hạ viện mới 30 tuổi này: liệu ông sẽ thành công hay không?

Ngày 12 tháng 5 năm 1789, Wilberforce đọc bài diễn văn đầu tiên trước Hạ viện Anh về việc bãi bỏ mua bán nô lệ. Ông khẩn thiết trình bày những lý luận và sự kiện cho thấy việc mua bán nô lệ là đáng phỉ nhổ và phải bị xóa bỏ. Bài diễn văn của ông được xem là một sử liệu sinh động về tệ nạn buôn bán nô lệ thời bấy giờ.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:
– Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness);
– Một trong 10 bài diễn văn truyền cảm hứng cao nhất trong lịch sử (trang mạng Urban Titan).

Trong phần mở đầu, liên quan đến bản chất của việc mua bán nô lệ, tôi chỉ cần nhận định rằng qua kinh nghiệm, bất cứ người nào có lý lẽ cũng đều đi đến cùng một kết luận. Về phần tôi, đã biết rõ về những mối nguy hại gắn liền với việc mua bán nô lệ, qua những điều suy luận đơn giản nhất mà tôi không cần có thêm chứng cứ ngoài những gì tôi đã cung cấp. Tuy thế, những sự kiện bây giờ được đặt trước Hạ viện. Hội đồng Cơ mật của Hoàng thượng đã soạn một báo cáo, mà tôi tin rằng mọi người đã đọc, và xác nhận việc mua bán nô lệ đúng là những gì chúng ta đã biết.

Chúng ta cho rằng hậu quả tất nhiên của việc chúng ta tiếp tục mua bán nô lệ với Châu Phi là gì? Với một quốc gia rộng lớn, hậu quả không phải là man rợ cùng cực, nhưng văn minh ở mức độ rất thấp. Liệu có ai nghĩ rằng việc mua bán nô lệ sẽ giúp nâng cao nền văn minh của họ không? Có phải rõ ràng là quốc gia sẽ chịu khổ vì việc này; là nền văn minh phải được kiểm soát; là những cung cách man rợ phải trở thành man rợ hơn; và là hạnh phúc của hàng triệu người phải chịu thiên kiến trong mối quan hệ với nước Anh? Có ai không thấy là việc mua bán nô lệ được thực hiện quanh biên giới đất nước mang bạo lực và u buồn đến vùng trung tâm? Thấy là trên một lục địa vừa mới thoát ra khỏi thời kỳ man rợ, nếu việc mua bán con người được thành lập, nếu tất cả con người bị biến đổi thành hàng hóa và trở thành những món hàng có thể trao đổi nhau, điều tiếp theo sau là họ phải chịu chung số phận giống như hàng hóa; đấy là vào thời kỳ văn minh, theo cùng cách thức như quyền làm tư hữu được duy trì bởi luật lệ trên mọi quốc gia văn minh.

Thế thì chúng ta thấy, trong bản chất của sự việc, phải dễ dàng ra sao mà chịu trách nhiệm đối với việc làm ở Châu Phi. Các vị vua của họ không bao giờ buộc gây chiến tranh, theo như ta biết, bằng nguyên tắc công, bằng vinh quang của đất nước, lại không phải bằng tình thương đối với dân của họ. Ở Châu Âu đấy là do phát triển thương mại, duy trì danh dự quốc gia, hoặc một mục tiêu công to tát nào đấy, mà mỗi quân vương có động cơ gây chiến tranh. Nhưng ở Châu Phi, đấy là do tính hám lợi cá nhân và sự hưởng thụ của các vị vua của họ. Hai thói tật hám lợi và hưởng thụ này – thói tật nặng nề nhất và phổ biến nhất – lại do chúng ta lôi cuốn, chúng ta kích động những quân vương Châu Phi ấy, và chúng ta dựa vào những thói tật ấy mà duy trì việc mua bán nô lệ. Nếu vua Barbessin muốn có rượu cô-nhắc thì sao? Ông ta chỉ việc điều quân đội mình, trong đêm tối, đốt phá một ngôi làng; những người bị bắt được dùng làm hàng hóa để đem đi trao đổi với thương lái người Anh.

Theo bản chất của nó, việc mua bán nô lệ là nguồn gốc của những thảm kịch như thế; và ai cũng thêm vào điều gì đó phụ vào khối lượng chứng cứ cho đến thời điểm này. Một số người, đúng là trong số quý ông đây, và đặc biệt là các đại biểu đến từ Liverpool cố biện luận đối với nguyên tắc hiển nhiên ấy; một số người còn làm nhẹ bớt việc này; nhưng tôi tin ai cũng công nhận việc này. Một số người – mà không phải, tôi tin rằng đa số – nhìn nhận rằng việc mua bán nô lệ là nguyên nhân chính cho các cuộc chiến ở Châu Phi.

Sau khi nêu lên phần thứ nhất của vấn nạn này, tôi phải đề cập việc vận chuyển nô lệ đến vùng Caribê. Theo ý của riêng mình, tôi phải nhận rằng đây là phần tệ hại nhất trong toàn bộ vấn nạn. Quá nhiều khổ ải tập trung vào một nơi chốn quá nhỏ mà con người không thể nào tưởng tượng được. Tôi không muốn kết án các thương nhân ở Liverpool. Tôi sẽ cho thừa nhận họ, không, tôi sẽ tin họ, là những con người nhân văn […]. Vì thế, tôi thật sự tin nếu họ trông thấy nỗi khổ ải của bất kỳ người nào trong số hàng trăm người da màu bị vận chuyển trong mỗi chiếc tàu thì người nào trong số họ cũng phải động lòng.

Thử tưởng tượng sáu trăm hoặc bảy trăm con người cùng khổ bị xiềng từng đôi với nhau, chung quanh là mọi thứ gây buồn nôn và ghê tởm, những con người bị bệnh tật và cố tồn tại trong mọi điều kiện cùng khổ! Làm thế nào chúng ta chịu được mà nghĩ đến tình cảnh như thế? Ta có thể nghĩ đã có chủ ý gây cho những con người ấy mọi thứ đau đớn về thể chất với mục đích làm cho trí óc của họ cùn nhụt đi […]. Cổ chân phải của một người bị cùm với cổ chân trái của một người khác, và nếu họ gây rối thì hai cổ tay cũng bị cùm với nhau. Họ có vài bữa ăn mỗi ngày – một số bữa có thức ăn từ xứ sở của họ với nước sốt ngon nhất theo khẩu vị Châu Phi… [William Wilberforce thuật lại thêm những điều tốt đẹp dành cho người nô lệ mà ông nói một ông Norris nào đó và các đại biểu từ Liverpool trình bày với Hội đồng Cơ mật]

Qua những lời khai cùng lúc của những nhân chứng khác thì Hạ viện nghĩ như thế nào khi sự thật được phơi bày? Các nô lệ đôi lúc được mô tả là vui sướng trong cảnh giam giữ, thật ra lại cảm thấy khổ sở khi phải rời xa quê hương họ, đến nỗi tàu chở họ thường lên đường trong đêm tối kẻo họ dễ xúc động khi ra đi. Trong khi ông Norris nói về loại đậu trong khẩu phần của họ thì cơ quan lập pháp Jamaica báo cáo là nước và các phẩm vật đều thiếu thốn và kêu gọi Nghị viện can thiệp.

Các bác sĩ cho biết nô lệ bị giam sát với nhau đến nỗi không còn chỗ để bước qua giữa bọn họ; […] ngay cả trên một con tàu còn thiếu hai trăm nô lệ cho chuyến vận chuyển thì mùi hôi thối đã không chịu nổi. Ông Norris nói nô lệ được “động viên” ca hát và nhảy múa. Có lẽ để cho công bằng thì ông nên giải thích từ ngữ “động viên”. Sự thật là những con người khốn khổ ấy, trong xiềng xích, bệnh tật và khổ ải, bị roi vọt mà phải nhảy múa. Một nhân chứng kể lại: “Tôi được thuê để làm đàn ông nhảy múa, trong khi một người khác làm cho đàn bà nhảy múa”. Đó là ý nghĩa của từ ngữ “động viên”. Còn về thức ăn, đôi lúc người ta dùng một dụng cụ để ép nô lệ phải ăn, đó cũng là một thứ bằng chứng để nói rằng nô lệ được vui sướng.

Còn về việc họ ca hát, chúng ta sẽ nói gì khi được nghe kể rằng những bài hát của họ là những bài hát than vãn khi bắt đầu cuộc hành trình, mà họ luôn hát trong nước mắt, đến nỗi một thuyền trưởng (mà tôi nghĩ ông còn có nhân tính hơn những người còn lại) đe dọa đánh roi một phụ nữ, bởi vì bài hát thê lương của cô làm cho ông cảm thấy quá đau đớn. Tuy nhiên, để đừng quá tin vào sự mô tả nào, tôi xin quý vị đại biểu Hạ viện chú ý đến một bằng chứng tuyệt đối không sai lầm. Cuối cùng thì cái chết là bằng chứng chắc chắn nhất, và tỷ lệ tử vong không những khẳng định mà còn làm nặng thêm nghi vấn của chúng ta về cảnh khổ ải của họ trong chuyến đi. Tính theo con số trung bình của tất cả các chuyến tàu mà bằng chứng được đưa ra cho Hội đồng Cơ mật, không tính đến số nô lệ đã chết trước khi khởi hành, ít nhất 12,5 phần trăm nô lệ chết trong chuyến đi. Thêm nữa, báo cáo của Jamaica(1) cho biết ít nhất 4,5 phần trăm nô lệ chết trên bờ trước ngày họ bị đem ra bán, tức là một hoặc hai tuần sau khi tàu cặp bến. […] Tổng cộng, tỷ lệ tử vong là 50 phần trăm, đó là kể cả số nô lệ không được mua vì không đủ khỏe mạnh. […]

Khi ta xét đến lục địa Châu Phi mênh mông; khi ta suy ngẫm đến những quốc gia khác làm thế nào qua bao thế kỷ đã tiến bộ trong hạnh phúc và văn minh; khi ta nghĩ làm thế nào trong cùng thời gian ấy tất cả những sự cải thiện ở Châu Phi lại bị tiêu tán do quan hệ với nước Anh; khi ta suy ngẫm chính chúng ta đã hạ thấp họ xuống tình cảnh tàn bạo đến khổ ải và dã man mà giờ đây chúng ta lại biện minh cho tội lỗi của mình; làm thế nào mà việc mua bán nô lệ khiến cho đầu óc họ bị nô dịch, cá tính họ bị bôi đen, và đẩy họ xuống thấp trong nấc thang các loài thú đến nỗi có người nghĩ rằng loài khỉ còn ở bậc cao hơn họ và tưởng tượng ra rằng loài đười ươi còn khinh thường họ. Chúng ta phải cảm thấy quả là điều xấu hổ làm sao khi đã từ lâu chúng ta không nghĩ đến tội lỗi của mình, hoặc tìm cách đền bù! Có vẻ như chúng ta lần lữa trong việc can thiệp cho đến khi tính điên rồ và độc ác của chúng ta đã đến mức giới hạn và toàn vẹn; cho đến khi hành động thất sách của tội ác đã trở nên hiển nhiên đến mức không một cá nhân nào trên đất nước này từ chối gia nhập phong trào đòi xóa bỏ; có vẻ như chúng ta đã chờ đợi cho đến khi những người có quan tâm nhất bị mỏi mệt vì tính ngu xuẩn và hung ác của việc mua bán để rồi đồng lòng thỉnh cầu chống lại.

Thế thì ta hãy cố sửa sai đối với những sự tổn hại ta đã gây ra cho lục địa vô phúc; ta hãy hồi tưởng lại Châu Âu không đến ba hoặc bốn thế kỷ trước. Quý vị nghĩ sao khi tôi cho biết rằng trên phần đất văn minh của Châu Âu, vào thời vua Henry VII(2), đã có người đem bán con cái của họ? Quý vị nghĩ sao khi biết Anh quốc nằm trong phần đất ấy? Quý vị nghĩ sao khi tôi chỉ ra rằng nơi buôn bán vô nhân đạo đó là Thành phố Bristol? Vào thời ấy Ireland cũng buôn bán nô lệ với các nước man rợ láng giềng; nhưng có trận dịch lan tràn khiến cho người Ireland hoảng loạn, cho rằng bệnh dịch là sự trừng phạt từ thiên đường cho tội lỗi trong việc mua bán nô lệ (mà tôi nghĩ là thích đáng), nên cần phải xóa bỏ. Vì thế, tôi chỉ yêu cầu cư dân Bristol bây giờ hãy tỏ ra văn minh như người Ireland bốn trăm năm trước. Hãy lập tức chấm dứt việc mua bán vô nhân tính này; hãy chấm dứt sự chảy máu này của con người.

Con đường thực sự đi đến phẩm giá là lánh xa cám dỗ. Ta hãy lánh xa cám dỗ trong sự gian lận, bạo lực, hung ác và bất bình đẳng đối với những người Châu Phi khốn khổ ấy. Ở mọi nơi mà mặt trời soi sáng thì ta hãy cùng đi vòng quanh thế giới với họ, lan tỏa lòng nhân đức; nhưng đừng tham gia vào việc vận chuyển họ kẻo chúng ta có thể làm cho vua chúa chống thần dân, thần dân chống vua chúa, gieo rắc mối bất hòa trong mỗi ngôi làng, khiếp sợ trong mỗi gia đình, làm cho hàng triệu bạn bè của ta giành nhau mà săn đuổi nô lệ, tạo nên những hội chợ và thị trường của thân xác con người trên cả một lục địa của thế giới, và dưới danh nghĩa chính sách, cố tìm cách che giấu tính chất đê tiện và trái đạo lý của mình.

Từ mọi sự việc mà tôi trình bày, có vẻ như quy định để chỉnh lý là không đủ, giống như là loại thuốc làm xoa dịu chứ không chữa khỏi căn bệnh tội lỗi to lớn này. Xóa bỏ hoàn toàn sự mua bán nô lệ là loại thuốc chữa tận gốc. Báo cáo từ Jamaica nhìn nhận nhiều điều xấu xa, nhưng đề xuất chúng ta ra quy định cấm bắt cóc hoặc ép làm nô lệ đi ngược lại phong tục của Châu Phi. Nhưng liệu họ có thể làm nô lệ một cách bất công mà không hề đi ngược lại phong tục của Châu Phi? Tôi đã chứng tỏ rằng việc này có thể xảy ra, bởi vì mọi phong tục của Châu Phi đều trở nên tàn bạo và bất công qua ảnh hưởng của việc buôn bán này; hơn nữa, làm thế nào chúng ta phân biệt giữa nô lệ đúng lý và nô lệ không đúng lý? Hoặc là, có ai nghĩ rằng các thuyền trưởng người Anh sẽ vận dụng quy định của nước Anh để biện minh rằng tất cả những nô lệ như thế đã đi vào vòng nô dịch một cách công bằng, ngay thẳng và chính trực? Dù cho đúng là như thế, làm thế nào đền bù cho các nô lệ bị từ chối? Chúng ta được nghe nói rằng họ bị mang đem bán cách xa ba nghìn hoặc bốn nghìn dặm, được mua đi bán lại như thể trâu bò, cho đến khi họ lên đến bờ. Thế thì chúng ta thấy rằng việc mua bán nô lệ chính là động cơ cho việc vận chuyển nô lệ như dưới địa ngục, mà chỉ có sự xóa bỏ mới chấm dứt được nạn này.

Thưa ngài, khi ta nghĩ đến tiếng tăm muôn đời và đến hậu quả tương lai từ mọi hành vi của con người, thế thì cái gì trong cuộc đời này khiến cho một người đi ngược lại lương tri của ông ta, ngược lại những nguyên tắc về bình đẳng, những điều luật của tôn giáo và của Thượng Đế?

Thưa ngài, bây giờ bản chất và mọi tình huống của việc buôn bán này được vạch trần trước mắt chúng ta; ta không còn có thể viện cớ mình không hay biết, chúng ta không thể trốn tránh; bây giờ đó là sự kiện ở ngay trước mặt ta mà ta không thể bỏ qua; ta có thể hất đổ nó, ta có thể đá nó ra khỏi đường đi của mình, nhưng ta không thể lật úp nó lại để tránh nhìn đến nó; vì lẽ bây giờ nó được mang ra ngay trước mặt chúng ta mà Hạ viện phải quyết định, và phải minh chứng cho cả thế giới, cho lương tri của chính họ, tính chính trực của các cơ sở và nguyên tắc cho quyết định của họ.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Famous Speeches and Speech Topicshttp://www.famous-speeches-and-speech-topics.info/famous-speeches/william-wilberforce-speech-horrors-of-the-slave-trade.htm

* * *

Wilberforce trình một dự thảo luật xóa bỏ việc buôn bán nô lệ nhưng dự thảo này không đạt đủ số phiếu để được thông qua. Kết quả này lặp lại trong nhiều năm sau. Wilberforce qua đời chỉ 3 ngày sau khi ông nhận được tin Luật Buôn bán Nô lệ 1807 được Nghị viện Anh thông qua, xóa bỏ việc buôn bán nô lệ trên phần lớn lãnh thổ của Đế quốc Anh.

Chú thích

(1) Jamaica: trong thời gian này vẫn còn là một thuộc địa của Đế quốc Anh, nên chính quyền Jamaica chỉ là chính quyền của Anh.

(2) Henry VII: vua của Anh, trị vì trong giai đoạn 1845-1509.

Maximilien de Robespierre

Maximilien de Robespierre.jpg
Maximilien de Robespierre

Maximilien Marie Isidore de Robespierre (1758-1794) là luật sư, một trong những nhà lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng của Cách mạng Pháp năm 1789. Là đại biểu của Quốc hội Lập hiến do Cách mạng Pháp lập nên, ông được chú ý vì sự hăng hái và tài hùng biện nhằm cổ vũ cho tự do lập hội, tự do báo chí, quyền bầu cử phổ thông, giáo dục miễn phí và bắt buộc, bãi bỏ án tử hình, xóa các tước vị quý tộc, xóa chế độ nô lệ. Những tư tưởng như thế là rất tiến bộ so với khung cảnh chính trị-xã hội thời bấy giờ.

Năm 1790, ông được bầu làm Chủ tịch Câu lạc bộ Jacobins (Club des Jacobins – Hội của những Người Bạn của Hiến pháp), tạo thêm ảnh hưởng qua cương lĩnh chống đối nền quân chủ và cổ vũ cho sự đổi mới theo đường hướng dân chủ.

Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ vào tháng 8 năm 1792, ông được bầu là người đứng đầu Paris trong Đại hội Quốc gia (Convention nationale). Năm 1793, ông thành lập cơ quan hành pháp, Ủy ban An toàn Công cộng (Comité de salut public) rồi nắm cơ quan này và nhanh chóng nắm quyền kiểm soát chính phủ. Sau khi phái Jacobin của ông lên nắm quyền, ông và những người cùng chí hướng quan tâm nghiên cứu và thực hiện những vấn đề về chế độ lập hiến và dân chủ. Sau cùng họ đề ra và được thông qua bản hiến pháp được xem là tiến bộ nhất và được nhân dân ủng hộ và thực hiện, tuy nhiên lại gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của những người phản cách mạng. Chế độ “Đại Khủng bố” (La Grande Terreur) nhằm diệt trừ những “kẻ thù của nhân dân” càng ngày càng tỏ ra tàn nhẫn. Ông khẳng định: “Chỉ có 2 giai cấp người: những người bạn của tự do và bình đẳng, những người bảo vệ cho những ai bị áp bức nghĩa là bạn của người nghèo chống lại bọn giàu sang bất lương và giai cấp quý tộc tàn bạo.”

Ông lên đến tột đỉnh quyền lực vào năm 1794, khi được bầu làm Chủ tịch Đại hội Quốc gia.

Cho đến nay, ông vẫn là nhân vật gây nhiều tranh cãi giữa các sử gia về công và tội.

Louis phải chết vì đất nước ta phải sống” (1792)

Khi Vua Louis XVI của Pháp bị truất ngôi vào tháng 8 năm 1792, Robespierre kêu gọi thành lập chế độ Cộng hòa để thay thế triều đình. Tháng 9 năm ấy, Đại hội Quốc gia nhất trí tuyên cáo chế độ Cộng hòa Pháp và bãi bỏ chế độ quân chủ. Vua Louis XVI bị tước bỏ tất cả tước hiệu, trở thành dân thường. Về phía cách mạng, phe muốn quản thúc cựu vương để làm con tin và đảm bảo cho tương lai của cách mạng, nhưng có phe lại muốn hành quyết.

Ngày 03 tháng 12 năm 1792, Robespierre phát biểu trước Đại hội Quốc gia, đưa ra những luận cứ về pháp lý, đạo đức, chủ trương của cuộc cách mạng… nhằm phân tích những phương án xử lý đối với Vua Louis XVI.

Vô hình trung mà hội nghị này bị kéo xa rời khỏi đề tài thực tiễn. Không có việc mang ra xét xử trước tòa. Louis không phải là bị cáo; quý vị không phải là những quan tòa; quý vị chỉ có thể là những chính khách, và là đại biểu của nhân dân. Quý vị không có bản án dành cho ai hoặc chống lại ai; mà chỉ thi hành biện pháp an ninh công cộng, hành động nhìn xa trông rộng cho đất nước. Trong một nước Cộng hòa, một ông vua bị phế truất chỉ tốt cho hai mục đích – hoặc là để làm náo động sự bình lặng của Quốc gia và phá rối nền tự do, hoặc để thiết lập cả hai thứ. Nhưng tôi cho rằng bản chất mà quý vị muốn theo đuổi có xu hướng chống lại mục đích.

Louis là vua và nền Cộng hòa được thiết lập; câu hỏi lớn lao làm bận lòng quý vị được quyết định chỉ bởi những ngôn từ ấy. Louis bị phế truất vì những tội ác của ông ta; Louis tố cáo nhân dân Pháp là những kẻ nổi loạn; để trừng phạt họ ông ta cầu viện đến quân đội của những anh em chuyên chế của ông ta.

Thực ra, nếu Louis vẫn là đối tượng của một phiên tòa, Louis có thể được tha bổng; ông ta có thể vô tội. Ý tôi muốn nói gì? Ông ấy được giả định là vô tội cho đến khi tuyên án. Nhưng nếu được tha bổng, nếu ông ta có thể được giả định vô tội, thì Cách mạng sẽ thành ra cái gì? Nếu Louis vô tội, tất cả những người bảo vệ cho nền tự do sẽ trở thành kẻ vu khống. Toàn thể quân nổi loạn là bạn của công lý và bảo vệ người vô tội bị áp bức; tất cả những tuyên ngôn của tòa án ngoại bang chỉ là những phản đối hợp lệ chống lại phe nhóm cầm quyền. Thậm chí việc cầm tù làm cho Louis khổ sở cho đến bây giờ sẽ được xem là sự hành hạ thiếu công bằng; các liên minh, dân chúng Paris, tất cả những người ái quốc trên nước Pháp đều sẽ bị xem là có tội; và phiên tòa quan trọng này chưa phán quyết được giữa tội ác và đạo đức, giữa tự do và chuyên chế, cuối cùng lại quyết định nghiêng về phía tội ác và chuyên chế.

Khi một quốc gia bắt buộc phải giành lấy quyền nổi loạn, nó quay lại bản chất như là kẻ chuyên chế của nó. Làm thế nào kẻ chuyên chế đạt được khế ước xã hội? Hắn đã xóa bỏ khế ước ấy rồi. Nếu thấy thích hợp, quốc gia có thể duy trì những tương tác với công dân theo bất kỳ mối quan tâm nào; nhưng hậu quả của chuyên chế và nổi loạn là cắt đứt hoàn toàn những tương tác ấy; họ bị cuốn vào cuộc nội chiến; còn các phiên tòa và các tiến trình tư pháp là dành cho cư dân thành phố. Quả là một nghịch lý lớn khi cho rằng Hiến pháp có thể làm chủ tình hình mới này và tự nó có thể tự tồn tại. Luật thay thế cho Hiến pháp là gì? Đó là luật của tự nhiên, nền tảng cho chính xã hội; là an ninh của dân chúng. Quyền trừng phạt kẻ chuyên chế và quyền truất phế ông ta cũng là một thứ. Quyền này không chấp nhận những hình thái mới của quyền kia. Phiên tòa của kẻ chuyên chế là cuộc nổi dậy; phán quyết cho ông ta là rời bỏ quyền hành; hình phạt cho ông ta là tùy nhân dân đòi hỏi.

Nhân dân không phán xử như tòa tư pháp. Họ không đưa ra bản án; họ ra đòn sấm sét. Họ không kết án vua chúa: họ đẩy vua chúa vào lãng quên; và công lý này không tệ hại hơn công lý của tòa án. Nếu họ tự mang vũ khí chống lại kẻ áp bức họ để được an toàn, tại sao họ lại bị trói buộc vào cách thức trừng phạt kẻ áp bức để rồi tự gánh lấy nguy hiểm?

Chúng ta để cho mình bị hướng dẫn lầm lạc bởi những tấm gương nước ngoài vốn không có gì giống như hoàn cảnh của chúng ta. Vì Cromwell ra lệnh phán xử Charles I bởi một tòa án mà ông ta kiểm soát, và Elizabeth ra lệnh kết án Nữ hoàng Mary của Scotland theo cùng cách thức, thì lẽ tự nhiên là các kẻ chuyên chế diệt trừ lẫn nhau – không phải cho nhân dân mà cho tham vọng của riêng họ – tìm cách lừa dối quần chúng bằng những hình thức hão huyền. Đấy là vấn đề không phải về nguyên tắc và cũng không phải về tự do, mà là về lừa bịp và mưu đồ. Nhưng còn quần chúng! Nếu không theo công lý và luận cứ do quyền tuyệt đối của họ thì họ còn biết theo luật nào?

Một phiên tòa cho Louis XIV! Nếu không phải là lời kêu gọi nổi loạn chống lại tòa công luận hoặc cơ quan nào khác thì phiên tòa đó là cái gì? Khi một ông vua đã bị dân chúng tiêu diệt thì ai có quyền hồi sinh ông ta để đem ông ta ra làm biện minh mới nhằm gây xáo trộn và làm phản? Và hệ thống này còn tạo ra những hậu quả gì nữa? Khi mở ra một đấu trường cho Louis XVI, quý vị làm sống lại tất cả cuộc xung đột của chế độ chuyên quyền chống lại tự do; quý vị thánh hóa quyền được báng bổ chống lại chế độ Cộng hòa và chống lại dân tộc, bởi vì quyền bảo vệ kẻ chuyên chế trước kia bao gồm quyền được nói ra mọi điều liên quan đến ông ta. Quý vị khích động mọi phe nhóm; quý vị hồi sinh, quý vị khuyến khích phe bảo hoàng đang dẫy chết. Nhân dân có thể tự do tham gia hoặc chống đối họ. Cái gì đúng luật hơn, cái gì tự nhiên hơn là lặp đi lặp lại mọi nơi những câu châm ngôn mà những người biện hộ cho ông ta tự do nói ra ở vành móng ngựa của quý vị và ở chính phiên tòa của quý vị? Chế độ Cộng hòa này là kiểu gì mà người sáng lập tung hô người đối kháng từ mọi phía ngay trong cái nôi của mình!

Có ý cho rằng chính nghĩa lớn lao là phải phán xét với sự khôn ngoan và thận trọng chậm chạp. Chính quý vị tạo ra chính nghĩa lớn lao từ đó. Tôi có ý gì? Ý tôi nói chính quý vị tạo ra chính nghĩa lớn lao từ đó. Quý vị tìm thấy cái gì lớn lao trong đó? Có phải đó là những khó khăn hay sao? Không. Có phải đó là hắn ta? Trong con mắt của tự do không có gì đê tiện hơn; trong con mắt của nhân loại không có gì tội lỗi hơn. Hắn ta có thể áp đặt lần nữa chỉ trên những kẻ hèn nhát hơn chính hắn. […] Quý vị e sợ làm tổn thương dư luận quần chúng hay sao? […] Quý vị nói đến dư luận; có phải quý vị cần phải hướng dẫn dư luận, cần phải củng cố dư luận hay sao? Hãy hỏi liệu quần chúng e sợ cái gì ngoại trừ sự yếu đuối hoặc tham vọng của những bắt buộc! Nếu dư luận bị lầm lạc, bị suy đồi, ai sẽ chịu chê trách nếu không phải là quý vị? Quý vị sợ làm mất lòng mấy ông vua nước ngoài(1) liên minh chống đối chúng ta hay sao? Ôi! chắc hẳn rồi, cách chinh phục họ là ra vẻ sợ họ: cách đánh bại âm mưu tội đồ của các bạo chúa Châu Âu là tôn trọng những kẻ đồng lõa của họ. Quý vị sợ người nước ngoài hay sao? Thế thì quý vị vẫn còn tin nơi tình thương bẩm sinh của kẻ chuyên chế.

Thế thì tại sao quý vị khao khát vinh quang của sự giải phóng nhân loại? Qua nghịch lý nào mà quý vị cho rằng những quốc gia không lấy làm lạ bởi tuyên cáo cho rằng quyền con người sẽ bị khiếp sợ bởi sự trừng phạt của một trong những kẻ áp bức tàn ác nhất? Cuối cùng, có ý cho rằng quý vị sợ phán quyết của hậu thế. Vâng, hậu thế sẽ lấy làm ngạc nhiên bởi sự thiếu nhất quán của quý vị và sự yếu đuối của quý vị; và con cháu chúng ta sẽ chê cười những suy đoán và định kiến của ông cha chúng. Có ý cho rằng cần đến thiên tài để giải quyết vấn đề này. Tôi cho rằng nó chỉ cần thiện ý […].

Con người đáng khinh của ông vua cuối cùng thì có tầm quan trọng gì đối với nhân dân cơ chứ? Thưa quý vị đại biểu, điều quan trọng đối với họ, điều quan trọng đối với chính quý vị, là quý vị làm tròn nhiệm vụ của mình mà họ tin tưởng nơi quý vị. Quý vị đã tuyên cáo nền Cộng hòa, nhưng quý vị đã đem nó đến cho chúng tôi chưa? Chúng ta chưa soạn ra được một bộ luật nào minh chứng cho cái tên này; chúng ta chưa cải tổ được một sự lạm quyền nào của kẻ chuyên chế.

Bỏ qua những cái tên; chúng ta vẫn còn nguyên chế độ chuyên quyền, và thêm nữa, các phe phái vẫn còn đê tiện và các kẻ bất tài vẫn còn vô đạo đức, với những mầm mống của rối loạn, và của nội chiến. Nền Cộng hòa! và Louis vẫn còn sống! và quý vị vẫn còn đặt con người của ông vua giữa chúng tôi và nền tự do! Chúng ta hãy e sợ mình biến thành kẻ tội đồ vì đã quá lưỡng lự; chúng ta hãy e sợ khi quá dung thứ kẻ phạm tội chúng ta có thể đưa mình vào vị thế của hắn.

Một khó khăn mới! Chúng ta tuyên án Louis như thế nào? Án tử hình thì quá tàn nhẫn. Có người nói án chung thân vẫn còn tàn nhẫn. Tôi yêu cầu để cho ông ta sống. Hỡi những người ủng hộ ông vua, có phải qua lòng thương hại hoặc nhẫn tâm mà các người muốn cứu ông ta khỏi án phạt vì những tội ác của ông ta? Đối với tôi, tôi kinh tởm bản án tử hình đầy rẫy trong các bộ luật của các người, và tôi không yêu thương mà cũng không thù ghét gì Louis. Tôi thù ghét tội ác. Tôi yêu cầu các đại biểu bãi bỏ án tử hình, và không phải do lỗi của tôi mà những nguyên tắc đầu tiên của lý lẽ trông có vẻ đạo đức và dị giáo chính trị. […] Quý vị yêu cầu một ngoại lệ đối với án tử hình cho riêng ông ta để thành hợp pháp! Vâng, án tử hình nói chung là tội ác, và chỉ với lý do này, theo những nguyên tắc bất di bất dịch của thiên nhiên, nó chỉ được biện minh trong những trường hợp cần thiết cho an toàn của cá nhân hoặc của xã hội. Sự an toàn của quần chúng không bao giờ đòi hỏi án tử hình cho tội trạng thông thường, bởi vì lúc nào xã hội cũng có thể tự bảo vệ bởi những cách khác và vô hiệu hóa kẻ tội phạm. Nhưng một ông vua bị phế truất trong cuộc cách mạng vốn chỉ được gắn kết qua luật, một ông vua mà cái tên đủ để tạo chiến tranh trên một đất nước bị khích động, dù có án tù hoặc án đày nào thì sự hiện diện của ông vẫn là quan trọng đối với an sinh cộng đồng […].

Với sự tiếc nuối mà tôi nói ra sự thật chết người này. Nhưng Louis phải chết, bởi vì đất nước phải sống. Giữa một dân tộc trong hòa bình tự do và được tôn trọng ở nước nhà và nước ngoài, những lời tham mưu về sự độ lượng cho quý vị có thể được xem xét. Nhưng một dân tộc mà nền tự do vẫn còn bị tranh chấp sau bao nhiêu hy sinh và chiến trận; một dân tộc mà trong đó luật lệ khe khắt đối với người vô phúc; một dân tộc mà trong đó các tội ác của kẻ chuyên chế vẫn còn là những chủ đề tranh cãi, luôn mong muốn trả thù; và lòng độ lượng mà qua đó chúng ta lấy làm tự mãn trông có vẻ như khi một bọn cướp chia nhau chiến lợi phẩm.

Tôi đề xuất biểu quyết vận mệnh của Louis XVI. Còn về vợ ông ta, quý vị nên đưa bà ấy trở lại tòa án, cùng những người bị kết án với cùng tội trạng. Cần giam giữ con trai ông ta cho đến khi lập được hòa bình và tự do cho quần chúng. Còn đối với ông ta, tôi đề xuất Đại hội tuyên cáo từ lúc này ông ta là kẻ phản bội nước Pháp, một kẻ tội đồ của nhân loại. Tôi đề xuất nêu tấm gương trước thế giới ngay ở nơi các liệt sĩ cao cả của nền tự do bỏ mình ngày 10 tháng 8. Tôi đề xuất sự kiện đáng nhớ này được ghi nhớ bằng một đài tưởng niệm được thiết kế để nuôi dưỡng trong con tim của nhân dân ý thức về quyền của họ và về nỗi kinh hoàng của các kẻ chuyên chế; và nuôi dưỡng trong linh hồn của các kẻ chuyên chế nỗi kinh hoàng của công lý nhân dân.

* * *

Đại hội Quốc gia tuyên án tử hình đối với Louis XVI chủ yếu do những bằng chứng cho thấy ông này thông đồng với ngoại bang để chống đối cách mạng, và đưa ông lên máy chém ngày 21 tháng 1 năm 1793.

Sau này, nhiều người tố cáo Robespierre là kẻ độc tài, khát máu, mị dân, nhưng cũng có những người khác lại coi ông là một người có lý tưởng, có tầm nhìn xa, một nhà ái quốc với tư tưởng rất tiến bộ. Ngoài ra, ông còn mắc sai lầm như xử chém hàng loạt người bị kết tội là chống lại nhân dân, trong đó có nhiều người bị oan, kể cả nhà khoa học nổi tiếng Antoine Laurent Lavoisier, vì thế ông mất dần sự ủng hộ của dân Pháp.

Càng ngày Robespierre càng tỏ ra cứng rắn với phe chống cách mạng, nên người dân Pháp tỏ ra bất mãn và giận dữ khiến cho ngay cả người trong phe Jacobin và chính phủ cách mạng lo sợ cho tính mạng của mình.

Cuối cùng, ông bị xử tử ngày 28 tháng 7 năm 1794 tại Paris khi mới 36 tuổi.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản dịch Anh văn của Scott Robinson: Great books onlinehttp://www.bartleby.com/268/7/23.html

Chú thích

(1) Mấy ông vua nước ngoài: ý nói các vương triều Áo và Phổ hậu thuẫn Louis XVI và gây hấn với chính quyền cách mạng.

George Washington

George Washington
George Washington

George Washington (1732-1799) là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia non trẻ Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1799. Với tư cách là tổng tư lệnh Lục quân Lục địa, ông lãnh đạo người Mỹ chiến thắng Vương quốc Anh trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ 1775–1783, và ông giám sát việc soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Ông được Quốc hội chọn làm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ (1789-1797) trong khi nhiều người nghĩ ông sẽ tự phong mình làm vua! Ông xây dựng một chính quyền quốc gia mạnh mẽ, giàu tài chính, tránh được chiến tranh, dập tắt được nổi loạn và đạt được sự đồng thuận của người Mỹ. Ông được xem như là người cha của nước Mỹ.

Sau khi qua đời, Washington được ca ngợi như là “người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình, và người đầu tiên trong lòng dân tộc”.

Các sử gia luôn xếp ông là một trong số ba tổng thống vĩ đại nhất của lịch sử nước Mỹ; hai người kia là Abraham Lincoln và Franklin D. Roosevelt.

Năm 2012, cũng cùng với hai người kia, ông được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Encarta Yearbook 1999 bình chọn George Washington là một trong “mười nhân vật làm thay đổi thiên niên kỷ”.

Diễn văn từ biệt (1796)

Khi Tổng thống George Washington sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, nhiều người Mỹ tỏ ra lo ngại vì sợ nước Mỹ khi thiếu vắng ông lãnh đạo có thể chia rẽ, gây bất ổn. Nhưng sau 45 năm phục vụ chính quyền, Washington cảm thấy mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần, trong khi vẫn có người công kích ông do bất đồng ý kiến. Vì thế, ông nhất quyết về hưu sau nhiệm kỳ thứ hai, cố thuyết phục người dân rằng nước Mỹ không nhất thiết phải cần đến ông nữa, và đưa ra một số ý kiến giúp củng cố một quốc gia còn non trẻ.

Thật ra, đây không phải là bài diễn văn đúng nghĩa, mà là một bài viết được giao cho báo chí đăng tải nhằm phân phối rộng rãi đến nhiều người Mỹ. Vì thế mà các nguồn ghi ngày của bài này là 17 hoặc ngày 19 tháng 9 năm 1796, có lẽ tùy thuộc người ta xét ngày viết hoặc ngày đăng báo.

Bài diễn văn là di sản do Washington để lại cho những người tiếp nối ông sau khi ông ra đi, đặt nền tảng cho quốc gia Hoa Kỳ mới thành lập và cũng đề cập đến nhiều triết lý mà quốc gia này cần theo đuổi trong những năm kế tiếp.

Vì thế, vô hình trung bài diễn văn này thể hiện cương lĩnh chính trị tổng thể của Hoa Kỳ có giá trị lâu dài, tạo nên một kim chỉ nam dẫn dắt những chính phủ Mỹ về sau trong nhiều năm. Ví dụ, nguyên tắc “tránh xa khỏi những liên minh” được Hoa Kỳ áp dụng mãi đến đầu Thế chiến 2, chỉ thay đổi trong hai cuộc Thế chiến 1 và 2.

Bài diễn văn được xếp hạng như sau:
– Một trong 10 bài diễn văn của tổng thống Hoa Kỳ hay nhất tạo chuyển biến cho nước Mỹ (trang mạng Interactive Voices, Inc.);
– Một trong 10 bài diễn văn truyền cảm hứng cao nhất trong lịch sử (trang mạng Urban Titan).

Thưa các thân hữu và quốc dân:

Không còn bao lâu nữa, sẽ có cuộc tuyển cử mới để chọn một công dân điều hành chính phủ hành pháp của Hoa Kỳ. Thật ra đã đến lúc mà những ý nghĩ của quý vị phải được vận dụng để chỉ định người sẽ hội đủ điều kiện cho sự tin tưởng quan trọng ấy. Tôi nghĩ tôi nên thông báo cho quý vị biết về quyết định của tôi khi từ chối tái ứng cử, đặc biệt vì việc này mà có thể dẫn đến tiếng nói rõ ràng hơn từ quần chúng.

Cùng lúc, tôi xin quý vị giữ công tâm đối với tôi mà tin rằng tôi đi đến quyết định này sau khi xem xét mọi mặt về nghĩa vụ công dân đối với đất nước; và rằng khi rút lui khỏi chức vụ, cho dù sự im lặng của tôi ngụ ý gì chăng nữa, lòng hăng hái của tôi đối với lợi ích tương lai của quý vị không giảm sút, tôi không thiếu sự tôn trọng cảm kích đối với lòng tốt của quý vị trong quá khứ, nhưng tôi tin chắc rằng bước đi của tôi tương thích với cả hai điều ấy.

Việc chấp nhận và sau đó tiếp tục chức vụ mà cuộc bầu cử của quý vị hai lần kêu gọi đến tôi là sự hy sinh không dời đổi để thuận theo ý kiến về nghĩa vụ và tuân theo ý nguyện của quý vị. Tôi luôn hy vọng rằng, theo đúng ước muốn mình hằng ấp ủ, tôi có thể sớm trở về cảnh nghỉ hưu mà trước đây tôi miễn cưỡng từ bỏ. Sự thôi thúc này, diễn ra trước cuộc tuyển cử kỳ sau, thậm chí dẫn đến việc soạn một diễn văn để thông báo với quý vị; nhưng sau khi suy tính về những sự vụ gút mắt và quan trọng với các nước, và lời khuyên nhất trí của những người tín cẩn, đã thúc đẩy tôi từ bỏ ý định nghỉ hưu.

Tôi lấy làm vui khi những mối quan tâm của quý vị, bên ngoài hay bên trong, không còn làm cho ước muốn của tôi đi ngược với cảm nghĩ về nghĩa vụ hoặc sự thích đáng, và tôi tin chắc rằng trong tình thế của đất nước chúng ta hiện nay, quý vị sẽ không bác bỏ quyết định của tôi muốn nghỉ hưu.

Những cảm nghĩ khi lần đầu tôi nhận lấy sự ủy nhiệm của quý vị đã được giải thích khi có cơ hội thích hợp. Khi trao lại sự ủy nhiệm, tôi có thể nói rằng mình chỉ có thiện ý khi đóng góp vào việc tổ chức và quản trị chính phủ với cách hành xử tốt nhất trong đó phán xét nhầm lẫn có thể xảy ra. Từ lúc đầu, tôi vẫn nghĩ đến những phẩm chất hạn chế của mình, nên kinh nghiệm trong con mắt tôi, có lẽ cũng trong con mắt những người khác, đã củng cố những động lực cho sự khiêm tốn của tôi; và mỗi ngày gánh nặng của năm tháng càng nhắc nhở cho tôi thấy rằng việc nghỉ hưu là cần thiết và cũng được chào đón. Tôi lấy làm mãn nguyện rằng nếu có những tình huống khiến cho nhiệm vụ của tôi có giá trị thì chúng chỉ là tạm thời, thế nên tôi lấy làm an ủi mà tin rằng chủ nghĩa yêu nước không cấm cản việc này trong khi sự chọn lựa và cẩn trọng giúp cho tôi từ giã chính trường.

Trong khi chờ đến lúc chấm dứt sự nghiệp công vụ của tôi, cảm nghĩ tôi không thể trấn áp là lòng cảm kích sâu xa đối với đất nước thân yêu của tôi đã dành cho tôi nhiều vinh dự; càng cảm kích hơn đối với sự tin tưởng kiên định qua đó tôi được hỗ trợ; và đối với nhiều cơ hội mà tôi được chứng tỏ lòng gắn bó không gì lay chuyển được, qua những nhiệm vụ trung thành và kiên định, cho dù sự hữu ích có thể không ngang tầm lòng hăng say của tôi. Liệu sự phục vụ của tôi mang đến lợi ích cho đất nước chúng ta hay không thì tùy quý vị xét đoán, và như là ví dụ để rút tỉa kinh nghiệm trong biên niên sử của chúng ta, cần ghi nhận rằng trong những tình huống mà lòng sôi nổi được khích động theo nhiều phía có thể dẫn đến lầm lạc, giữa những biểu hiện đôi lúc trông đáng ngờ, những thăng trầm của vận nước thường làm ngã lòng, những hoàn cảnh trong đó khát vọng thành công thường khuyến khích sự phê phán, thì quý vị đã kiên trì hỗ trợ, mang đến chỗ dựa thiết yếu cho các nỗ lực, và đảm bảo những kế hoạch được thực hiện.

Đã thấm nhuần ý tưởng này, tôi sẽ mang nó theo mình xuống mồ như là sự cổ vũ mạnh mẽ đối với những cầu nguyện không ngừng nghỉ rằng Ơn Trên có thể tiếp tục ban phước cho quý vị; rằng sự đoàn kết và tình huynh đệ của chúng ta sẽ vững bền; rằng bản Hiến pháp tự do vốn là công trình của quý vị sẽ được gìn giữ một cách tôn kính; rằng công cuộc quản trị trong mỗi ban ngành có thể được đánh dấu bằng sự khôn ngoan và phẩm giá; rằng hạnh phúc của nhân dân trên những Bang này, dưới sự bảo trợ của tự do, có thể được hoàn thiện […].

Nhưng do quan tâm sâu sắc cho đến cuối đời tôi về an sinh của quý vị, và lẽ tự nhiên trong mối quan tâm này là nỗi lo lắng về nguy cơ, mà tôi bày tỏ vài cảm nghĩ để quý vị xem xét và đề xuất để quý vị thường xuyên rà soát. Những cảm nghĩ này phát xuất từ nhiều suy ngẫm và nhiều quan sát, mà đối với tôi đều quan trọng nhằm duy trì hạnh phúc của một dân tộc. Những cảm nghĩ này được cống hiến cho quý vị như quý vị có thể thấy trong đó chỉ là sự cảnh báo của một người bạn lúc giã từ vốn không có động lực cá nhân nào gây thiên lệch. Tôi cũng không quên, và qua đó được khuyến khích, về việc các bạn đã khoan dung mà chấp nhận những cảm nghĩ của tôi vào dịp tương tự trước đây.

[…]

Sự đoàn kết của chính phủ vốn bao gồm các bạn như là một dân tộc bây giờ cũng là điều trân quý đối với các bạn. Đúng lý phải là thế, bởi vì điều này là trụ cột chính trong ngôi đền của nền độc lập thực sự của quý vị, chống đỡ cho sự an bình của quý vị ở nhà, sự bình yên của quý vị ở nước ngoài; cho sự an toàn của quý vị; cho sự thịnh vượng của quý vị; cho chính nền tự do mà quý vị vô cùng trân quý. Nhưng cũng dễ dàng mà tiên đoán rằng, từ những nguyên nhân khác nhau và từ những nhóm khác nhau, sẽ có nhiều gian khổ, nhiều thủ đoạn nhằm làm suy yếu niềm tin này trong đầu óc quý vị; vì đây là điểm chốt trong pháo đài chính trị của quý vị mà hàng đoàn thù trong giặc ngoài sẽ được chỉ đạo nhằm chống lại một cách thường xuyên và tích cực (cho dù vụng trộm và quỷ quyệt) […]

Miền Bắc, trong mối tương quan rộng rãi với miền Nam, được bảo vệ bởi những luật lệ như nhau của một chính phủ chung, có ưu thế trong việc khai thác hải sản, hàng hải và nguyên liệu quý giá cho công nghiệp chế biến. Miền Nam, cũng trong mối tương quan ấy, hưởng lợi từ khâu trung gian của miền Bắc, nhằm phát triển nông nghiệp và mở rộng thương mại. Một phần dựa vào những tuyến hàng hải và thủy thủ của miền Bắc mà hoạt động hàng hải của miền Nam được hồi sinh, cùng đóng góp vào việc nuôi dưỡng và phát triển ngành hàng hải quốc gia và vào việc bảo vệ sức mạnh hàng hải – là nhiệm vụ mà họ thích ứng một cách không đồng đều. Miền Đông, trong mối tương quan tương tự với miền Tây, đã tìm được thế mạnh là cửa ngõ quý giá để mang về từ nước ngoài hoặc chế tạo trong nước những hàng hóa, và càng ngày càng phát huy thế mạnh này. Miền Tây đón nhận từ miền Đông những nguồn cung cần thiết cho sự phát triển và cho đời sống tiện nghi, và có lẽ có tầm quan trọng hơn ở chỗ làm đầu ra công nghiệp sản xuất theo tỷ lệ, tầm ảnh hưởng và sức mạnh hàng hải trong tương lai tương xứng với bờ Đại Tây Dương của Liên bang, được thúc đẩy bởi một cộng đồng không thể chia cắt về lợi ích như là trong một quốc gia. Nếu miền Tây nắm giữ lợi thế thiết yếu này qua cách thức khác – hoặc do sức mạnh riêng rẽ của họ hoặc do mối liên kết xa lìa trong nước và mối quan hệ không bình thường với một cường quốc – thì về thực chất vị thế của họ sẽ chông chênh.

Thế thì, trong khi mỗi miền của đất nước ta cảm nhận được lợi ích tức thì và đặc biệt trong Liên bang, tất cả các miền kết hợp lại chắc chắn sẽ tìm thấy trong tình đoàn kết sức mạnh to tát hơn, tài nguyên giàu có hơn, nền an ninh vững chãi hơn một cách tương xứng khi chống lại hiểm họa từ bên ngoài, nền hòa bình sẽ được duy trì lâu dài hơn khi chống lại ngoại bang. Và giá trị không gì tính hết được là các miền trong Liên bang tránh được xung đột và chiến tranh với nhau, vốn thường xảy ra ở lân bang không được gắn kết bởi cùng một chính phủ. Bản thân lực lượng của các miền là không đủ để gây chiến với nhau, nhưng các mối liên minh, gắn kết mà mưu đồ đối kháng của ngoại bang có thể kích động và gây hiềm khích trong nội bộ. Vì thế, các miền trong Liên bang sẽ thấy không cần thiết phải thành lập cơ cấu quân sự quá to lớn, vì dưới bất kỳ thể chế chính phủ nào cơ cấu như thế cũng là điều không hay cho nền độc lập và phải được xem là dấu hiệu hiếu chiến đối với nền tự do cộng hòa. Theo ý nghĩa này, sự kết nối trong Liên bang phải được xem là chỗ dựa chính yếu cho nền tự do của quý vị, và tình yêu thương lẫn nhau phải dẫn đến sự đùm bọc lẫn nhau.

Những điều cân nhắc như thế nói lên một thứ ngôn ngữ thuyết phục đối với mọi tâm tư biết suy nghĩ và có phẩm giá, và thể hiện sự trường tồn của Liên bang như là một mục tiêu chủ yếu của ước vọng ái quốc. Có nghi ngại nào là liệu một chính phủ chung có thể cáng đáng một phạm trù rộng lớn như thế hay không? Hãy để cho kinh nghiệm giải quyết việc này. Chỉ nghe theo suy đoán trong trường hợp này là có tội. Chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng một thể chế phù hợp cho mục tiêu chung cùng với đại diện chính quyền ở từng địa phương sẽ tạo nền tảng tốt đẹp cho cách thử nghiệm. Đấy là một thử nghiệm xứng đáng và đúng lý. Với những động lực mạnh mẽ và hiển nhiên như thế để thành lập Liên bang, tạo ảnh hưởng đến mọi miền của đất nước ta, trong khi thử nghiệm sẽ không chỉ ra chuyện gì là không làm được, thì ta có đủ lý do mà nghi ngờ lòng ái quốc của những người muốn làm suy yếu các nhóm trong Liên bang.

Khi xét qua những nguyên nhân có thể làm xáo trộn Liên bang, có quan ngại sâu sắc là những khác biệt về địa lý – như miền Bắc so với miền Nam, miền Đại Tây Dương so với miền Tây – tạo nên phân biệt đối xử giữa các đảng phái, từ đó khiến cho người ta khơi dậy ý tưởng là có khác biệt thực sự trong lợi ích và quan điểm cục bộ. Một trong những thủ đoạn của đảng phái nhằm tranh thủ ảnh hưởng địa phương là diễn dịch sai ý kiến và mục đích của địa phương khác. Quý vị không thể tự che chắn mình khỏi những ghen tị và hiềm khích phát xuất từ những diễn dịch sai lệch ấy vốn có xu hướng làm mọi người xa cách nhau trong khi đáng lẽ phải kết nối nhau trong tình huynh đệ. […]

Để giữ cho Liên bang được hoạt động hữu hiệu và trường tồn thì nhất thiết phải có một chính phủ rộng mở. Không có liên minh nào giữa các miền, cho dù là chặt chẽ đến đâu, có thể thay thế cho chính phủ ấy; mọi liên minh qua mọi thời kỳ đều kinh qua vi phạm và xáo trộn. Vốn có nhạy cảm với sự thật trọng yếu này, quý vị đã chấp nhận một hiến pháp của chính phủ được tính toán tốt hơn trước đây cho một liên hiệp gần gũi, và cho cách quản trị có hiệu quả đối với những mối quan tâm thông thường của quý vị. Chính phủ này, vốn là con đẻ từ chọn lựa của quý vị, được quý vị tin tưởng và hỗ trợ. Họ không bị ảnh hưởng và không e dè, được chấp nhận sau cuộc điều tra đầy đủ và thảo luận chín chắn, được hoàn toàn tự do theo những nguyên tắc của họ, trong sự phân bố các quyền lực, kết hợp an ninh với năng lượng và sẵn có cơ chế tự điều chỉnh. Tôn trọng quyền hạn của họ, tuân thủ những quy định của họ, phục tùng những biện pháp của họ, là những nghĩa vụ được kết nối với những nguyên tắc cốt lõi trong nền tự do đích thực. Cơ sở cho các hệ thống chính trị của ta là quyền của người dân được soạn ra và chỉnh lý pháp chế của chính phủ. Hiến pháp có giá trị bắt buộc một cách thiêng liêng đối với mọi người, cho đến lúc toàn dân thay đổi nó qua động thái rõ ràng và chân thực. Chính ý tưởng về quyền hạn và quyền của người dân để thành lập chính phủ bao hàm nghĩa vụ của mỗi cá nhân phải tuân hành chính phủ đã được thành lập.

Bất kỳ sự ngáng trở nào đối với việc thực thi luật pháp, tất cả những sự phối hợp hoặc liên kết – cho dù theo tính chất có vẻ hợp lý – với ý định rõ ràng nhằm chỉ đạo, kiểm soát, đối kháng hoặc đe dọa cuộc thảo luận hoặc hành động thường kỳ của cơ quan công quyền hợp hiến, thì đều có hại đối với nguyên tắc cốt lõi ấy, và có xu hướng hủy diệt. Những việc này là nhằm tổ chức một phe cánh, tạo cho nó sức mạnh giả tạo và khác thường; nhằm áp đặt thay cho ý muốn được giao phó của quốc gia là ý muốn của một đảng phái, vốn thường là một thiểu số nhỏ nhoi của cộng đồng nhưng tinh khôn; nhằm biến nền quản trị công thành một tấm gương phản chiếu ý đồ thiếu phối hợp và rời rạc của phe nhóm, thay vì là cơ quan của những kế hoạch nhất quán và lành mạnh được sắp đặt bởi những bàn bạc và được chỉnh lý bởi những lợi ích hỗ tương.

Cho dù những sự phối hợp hoặc liên kết như mô tả ở trên có thể đáp ứng mục đích được nhiều người ưa thích, theo thời gian và trải qua nhiều sự kiện chúng có thể trở thành những guồng máy có uy thế qua đó người tinh ranh, đầy tham vọng và vô nguyên tắc có thể lật đổ quyền lực của nhân dân và tự chiếm lấy những phương tiện kiểm soát của nhà nước, sau đấy phá hoại chính những guồng máy đã đưa họ lên nắm quyền thống trị không đúng lý.

Để duy trì chính phủ của quý vị và bảo vệ hạnh phúc của quý vị, điều thiết yếu là quý vị không những phải kiên trì chặn đứng sự chống đối bất thường đối với thẩm quyền đã được nhìn nhận, mà còn phải khéo léo đương cự với tinh thần đổi mới những nguyên tắc, cho dù lý do viện dẫn như thế nào đi nữa. Một phương pháp tấn công có thể là nấp dưới Hiến pháp mà tạo ra những thay đổi làm cho năng lực của hệ thống suy yếu, và từ đó làm lũng đoạn thể chế mà họ không thể lật đổ một cách trực tiếp. Trong tất cả những thay đổi mà quý vị có thể được mời tham gia, hãy nhớ rằng cần có thời gian và thói quen để xác định tính chất thật sự của các chính phủ cũng như của các thể chế khác; rằng kinh nghiệm là tiêu chuẩn chắc chắn nhất để thử thách xu hướng đích thực trong thể trạng của một quốc gia; rằng thay đổi quá dễ dàng chỉ do giả định và ý kiến sẽ luôn mang đến thêm thay đổi do nhiều giả định và ý kiến khác nhau; và đặc biệt hãy nhớ rằng để quản trị có hiệu năng những lợi ích chung trong một quốc gia rộng lớn của chúng ta thì nhất thiết phải có một chính phủ mạnh, nhất quán với an ninh toàn vẹn của nền tự do. Với các quyền lực được phân bổ và điều chỉnh, một chính phủ như thế sẽ là người bảo vệ cho tự do. Khi chính phủ quá yếu mềm không thể đương đầu với các phe nhóm, không thể giữ mọi thành viên của xã hội trong vòng giới hạn cho pháp luật quy định, và không thể đảm bảo an ninh cho tất cả con người và tài sản, thì lúc đó nền tự do chỉ còn là trên danh nghĩa.

Tôi đã trình bày thẳng thắn với quý vị về nguy cơ của phe nhóm trong Nhà nước, đặc biệt về sự thành lập các phe nhóm dựa trên phân biệt địa lý. Bây giờ tôi đưa ra cái nhìn tổng thể hơn, và cảnh báo với quý vị theo cách thức nghiêm trọng nhất về những hậu quả tai hại của tinh thần phe nhóm nói chung.

Điều không may là tinh thần phe nhóm không thể tách rời trong bản chất của chúng ta; nó có cội rễ từ những khao khát mạnh mẽ nhất trong tâm tư con người. Nó hiện diện dưới nhiều dạng trong mọi cấp chính quyền, có phần nào được kiểm soát hoặc kiềm chế; nhưng trong quần chúng nó phát triển mạnh mẽ và thật sự là kẻ thù của quần chúng.

Sự thống trị của một phe nhóm lên một phe nhóm khác, càng thêm sâu sắc do đầu óc muốn trả thù, là lẽ tự nhiên của mối bất hòa đảng phái, mà qua những thời kỳ khác nhau và ở những quốc gia khác nhau đã vi phạm đến tầm mức kinh khủng, tự nó là chế độ chuyên quyền đáng sợ. Nhưng việc này cuối cùng dẫn đến một chế độ chuyên quyền chính thức và lâu dài. Hậu quả là tình trạng mất trật tự và khổ ải dần dần khiến cho đầu óc con người đi tìm sự an toàn và thụ động trong quyền lực tuyệt đối của một cá nhân. Chẳng chóng thì chầy người lãnh đạo một phe nhóm có ưu thế, có năng lực hơn hoặc may mắn hơn những người kình chống với ông ta, biến đổi tình hình này theo mục đích nhằm nâng cao địa vị của mình, làm phương hại đến tự do của quần chúng.

Không cần phải chờ cho đến bước cuối cùng của tình hình này (nhưng không nên phớt lờ nó), tinh thần đảng phái băng hoại lan rộng và thường xuyên đủ là lý do cho người khôn ngoan lấy đó làm mối quan tâm và cũng là nghĩa vụ để can ngăn và kiềm chế tình trạng này. kẻo chính sách và ý chí của một quốc gia lệ thuộc vào chính sách và ý chí của quốc gia khác. Sự thống trị của một phe nhóm luôn làm cho các hội đồng công xao lãng và làm suy yếu nền quản trị công. Nó kích động cộng đồng bằng ganh tỵ không có duyên cớ và bằng cảnh báo sai lạc, làm dấy lên sự hiềm khích giữa đảng này và đảng kia, thỉnh thoảng xúi giục bạo loạn và nổi dậy. Nó mở cửa cho ảnh hưởng và lũng đoạn của ngoại bang, tạo thuận lợi để tiếp cận chính phủ qua những kênh đảng phái. Vì thế, chính sách và ý chí của một quốc gia lệ thuộc vào chính sách và ý chí của quốc gia khác.

Có ý kiến cho rằng các phe nhóm trong quốc gia tự do đóng vai trò hữu ích nhằm kiểm tra sự quản trị của chính phủ và duy trì tinh thần tự do. Trong một vài giới hạn nào đó thì điều này là đúng; và trong những chính phủ có sắc thái quân chủ thì chủ nghĩa ái quốc được độ lượng chấp nhận – tuy không được ủng hộ – cùng với tinh thần phe nhóm. Nhưng với xu hướng phục vụ lợi ích quần chúng trong những chính phủ hoàn toàn do dân bầu, thì không nên khuyến khích tinh thần phe nhóm. […]

Tương tự, điều quan trọng là thói quen suy nghĩ trong một quốc gia tự do phải đưa đến sự cẩn trọng của những người được giao phó quyền quản trị, để tự giới hạn mình trong phạm trù hiến pháp tương ứng, tránh áp đặt quyền hành của một ban nghành mà xâm phạm qua ban ngành khác. Đầu óc xâm phạm như thế có xu hướng củng cố quyền lực của tất cả ban ngành vào một mối, và qua đó tạo nên nền chuyên chế đích thực cho dù theo thể thức nào của chính phủ chăng nữa. […]

Trong số tất cả cách sắp xếp và thói quen dẫn đến sự thịnh vượng về chính trị, tôn giáo và đạo đức là những hỗ trợ không thể thiếu. Người cất công phá hoại những trụ cột ấy của hạnh phúc con người – những chỗ dựa vững chắc nhất cho nghĩa vụ của công dân – sẽ không thể nào cho rằng mình yêu nước. Nhà chính trị cũng như người mộ đạo đều phải tôn trọng và gìn giữ những trụ cột ấy. […] Điều khá đúng là phẩm giá và đạo đức thể hiện sức bật cần thiết cho chính phủ vì dân. Quả thực là luật lệ không ít thì nhiều dùng vũ lực để áp dụng cho mọi hình thái của chính quyền. Nếu gắn bó với điều ấy thì ai lại có thể thờ ơ với mưu đồ làm lung lay nền tảng của cơ cấu?

Thế thì, điều quan trọng trước tiên là cần củng cố những định chế nhằm truyền bá tri thức. Để tương xứng với cơ cấu của một chính phủ tạo sức mạnh cho ý kiến của quần chúng thì nhất thiết phải khai sáng ý kiến của quần chúng.

Cần phải duy trì tín dụng trong quần chúng vì đấy là nguồn gốc quan trọng cho sức mạnh và an ninh. Một phương pháp để duy trì tín dụng là không nên lạm dụng tín dụng, tránh những tình huống làm tiêu tán tín dụng bằng cách vun quén cho hòa bình, nhưng cũng nên nhớ rằng chi tiêu đúng lúc để chuẩn bị cho nguy cơ thì thường ngăn chặn được chi tiêu lớn hơn để đẩy lùi nguy cơ. Tương tự, cần tránh tích lũy nợ, bằng cách tránh chi tiêu quá mức và trong thời bình thanh toán các khoản nợ vay trong các cuộc chiến bắt buộc, không được để kéo dài về sau gánh nặng mà chúng ta phải giải quyết. Việc thực hiện những nguyên tắc này là trách nhiệm của các đại biểu của quý vị, nhưng cũng cần quần chúng hợp tác. Để tạo thuận lợi cho họ thực hiện nghĩa vụ, điều thiết yếu là quý vị cần ghi nhớ rằng để trả nợ thì cần có nguồn thu, để có nguồn thu thì cần có thuế, và khoản thuế nào cũng không nhiều thì ít gây bất thuận lợi hoặc bất mãn […]

Cần duy trì thiện ý và công lý đối với mọi dân tộc; cần vun quén an bình và hòa hợp với tất cả. Tôn giáo và đạo đức đòi hỏi cách hành xử như thế, trong khi chính sách đúng đắn lại không thể đòi hỏi cho bằng. Quả là xứng đáng cho một đất nước tự do, được khai sáng và chẳng bao lâu sẽ là một đất nước vĩ đại để cho nhân loại tấm gương cao thượng và mới lạ của một dân tộc luôn được hướng dẫn bởi nền công lý và lòng nhân từ cao quý. […]

Trong việc thực hiện một kế hoạch như thế, điều thiết yếu nhất là phải loại bỏ ác cảm thâm căn cố đế với quốc gia cá biệt, mà trái lại phải vun quén cảm nghĩ công bằng và thân thiện với tất cả. Một quốc gia giữ hận thù hoặc yêu mến mãi vì thói quen thì giống như là nô lệ. Quốc gia ấy làm nô lệ cho mối hiềm khích hoặc tình thương yêu, theo cách nào thì cũng đủ bị dẫn dắt tách rời khỏi nghĩa vụ và lợi ích của mình. Ác cảm của một quốc gia với một quốc gia khác khiến cho cả hai dễ gây ra xúc phạm và tổn thương, dễ viện cớ đối với những nguyên nhân làm trái ý nhỏ nhặt nhất, dễ trở nên kiêu căng và ngang bướng khi xảy ra tranh cãi tình cờ hoặc vụn vặt. Thế là thường xuyên diễn ra những va chạm, những đấu tranh ngoan cố, hiểm độc và đổ máu. Bị thúc đẩy bởi ác tâm và oán giận, đôi lúc quốc gia gây chiến tranh, đi ngược lại những chính sách có tính toán đúng lý. Đôi lúc chính phủ tham gia vào xu hướng quốc gia và đi đến những quyết định theo tình cảm trong khi theo lý luận thì phải bác bỏ. Vào những lúc khác, quốc gia gây thù chuốc oán với quốc gia khác do thói kiêu hãnh, tham vọng, và những động cơ hiểm độc khác. Nạn nhân thường là hòa bình, và có lẽ đôi lúc là tự do, của các quốc gia.

Tương tự, mối dây tình cảm của một quốc gia đối với quốc gia khác sản sinh nhiều điều xấu xa. Niềm cảm thông với một quốc gia được yêu thích tạo ảo tưởng về lợi ích chung khi mà không có lợi ích chung, gây đối nghịch giữa quốc gia này với quốc gia kia, đi đến cãi vã và chiến tranh trong khi tình trạng chưa đến mức thù địch hoặc chưa đủ minh chứng. Việc này cũng dẫn đến nhượng cho một quốc gia những đặc lợi trong khi từ chối những đặc lợi ấy đối với quốc gia khác, gây tổn thương cho chính mình. Việc này cũng dẫn đến tách rời không cần thiết khỏi những gì mà đáng lẽ phải gắn bó; cũng dẫn đến tính ghen tị, ác cảm và xu hướng thích trả đũa trong số các quốc gia bị từ chối đặc lợi. Và việc này khiến cho công dân trở thành có tham vọng, nhũng lạm hoặc bị lừa dối (những người gắn bó với quốc gia được yêu thích), phản bội hoặc hy sinh lợi ích của chính quốc gia mình […].

Vì lẽ ngoại bang gây ảnh hưởng qua vô số cách thức, những mối gắn bó như thế là đặc biệt đáng báo động đối với người yêu nước được khai sáng và độc lập. Có nhiều cơ hội để phá rối các phe nhóm địa phương, thực hiện nghệ thuật dẫn dụ, đánh lừa dư luận quần chúng, tạo ảnh hưởng hoặc thúc ép các hội đồng dân cử. Trong mối gắn bó như thế, quốc gia nhỏ bé hay yếu đuối dễ biến thành nô lệ cho quốc gia rộng lớn và hùng mạnh.

Để chống lại các mưu mẹo quỷ quyệt khi ngoại bang gây ảnh hưởng (tôi xin quốc dân hãy tin nơi tôi), một dân tộc tự do phải luôn đề cao cảnh giác, vì lẽ lịch sử và kinh nghiệm đã chứng tỏ rằng ảnh hưởng ngoại bang là kẻ thù xấu xa nhất của chính phủ cộng hòa. Nhưng nếu tỏ ra hữu dụng thì sự ghen tị ấy phải công tâm; bằng không nó sẽ trở thành công cụ của chính ảnh hưởng ngoại bang mà ta cần tránh thay vì là công cụ để bảo vệ chính chúng ta. Thiên vị quá mức với một nước và ác cảm quá mức với một nước khác là một nguyên nhân khác khiến cho ta chỉ nhìn thấy nguy cơ từ một phía, và che đậy hoặc thậm chí ủng hộ ảnh hưởng của phía kia. Những người yêu nước chân chính muốn chống lại mưu đồ của quốc gia được gắn bó dễ bị nghi kỵ và ghét bỏ, trong khi những công cụ và trò lừa bịp của quốc gia ấy lại khiến cho nhân dân cổ vũ và tin tưởng để rồi từ bỏ những lợi ích của mình.

Quy tắc ứng xử của chúng ta đối với nước ngoài là phát triển quan hệ thương mại, và giữ mối tương quan chính trị càng ít càng tốt. Đối với những quan hệ mà chúng ta đã thiết lập thì nên duy trì với thành ý. Chúng ta hãy dừng lại ở đây. Châu Âu có những lợi ích chủ yếu mà chúng ta không có lợi ích nào; hoặc là có mối quan hệ rất xa. Vì thế mà Châu Âu thường can dự vào những bất đồng có nguyên nhân hoàn toàn không dính dáng gì với ta. Vì thế mà không khôn ngoan chút nào nếu chúng ta có liên can vào những mối liên hệ giả tạo trong những thăng trầm bình thường của nền chính trị của họ, hoặc trong những liên minh và đối đầu của họ.

Vị trí cách xa tạo thuận lợi cho chúng ta theo đuổi một đường lối khác biệt. Nếu chúng ta vẫn duy trì là một dân tộc dưới một chính phủ có hiệu năng, thì thời gian sẽ không còn lâu khi mà chúng ta sẽ có thể bất chấp tổn thương vật chất do ngoại bang, khi mà chúng ta có thể tạo thế trung lập để bất cứ lúc nào chúng ta vẫn có thể kiên trì để được tôn trọng, khi mà các quốc gia hiếu chiến với khả năng thu phục được ta sẽ không mạo hiểm gây chuyện với ta; khi mà chúng ta có thể chọn lựa hòa bình hoặc chiến tranh tùy theo lợi ích của chúng ta và công lý.

[…]

Chính sách thật sự của chúng ta là tránh xa khỏi những liên minh vĩnh cửu với bất cứ phần nào của thế giới bên ngoài, ý tôi muốn nói là, cho đến giờ vì ta có tự do để quyết định việc này; mà đừng hiểu lầm rằng tôi nói đến việc thiếu trung thành với những cam kết hiện tại. Tôi giữ nguyên tắc áp dụng cho các sự vụ công cũng như tư: tính trung thực luôn là chính sách hay nhất. Vì thế, tôi lặp lại rằng cần tôn trọng những cam kết theo ý nghĩa thực. Nhưng, theo thiển ý của tôi, không cần thiết và sẽ là thiếu khôn ngoan nếu mở rộng các cam kết ấy.

[…]

Sự hòa hợp, giao hảo tự do với các quốc gia là điều nên làm dựa trên chính sách, tính nhân văn và lợi ích. Nhưng ngay cả chính sách thương mại của ta phải giữ mối bình đẳng và không thiên vị, không tìm kiếm hoặc ban phát đặc ân; tham khảo tiến trình tự nhiên của các sự kiện; mở rộng và đa dạng hóa những kênh thương mại qua cách thức nhẹ nhàng chứ không áp đặt gì cả […]

Sau khi xem xét kỹ lưỡng cùng với những lời khuyên hay nhất mà tôi có thể nhận được, tôi khá hài lòng mà thấy đất nước chúng ta trong mọi tình huống có quyền chọn vị thế trung lập, vì lý do nghĩa vụ và lợi ích. Sau khi quyết định như thế, trong thẩm quyền của mình tôi nhất quyết duy trì vị thế trung lập này với sự tiết chế, kiên trì và cương quyết.

[…]

Nhiệm vụ duy trì ứng xử trung lập có thể được suy ra từ không gì khác hơn là bổn phận mà công lý và tính nhân văn đặt cho mọi quốc gia, trong trường hợp quốc gia được tự do để hành động, để duy trì quan hệ hòa bình và thân thiện đối với các quốc gia khác.

Khi xem xét những sự kiện trong nhiệm kỳ của mình, tôi không có ý thức về sai lầm cố ý, tuy thế tôi rất nhạy cảm với những yếu kém của mình nên tôi nghĩ có lẽ mình đã không phạm nhiều sai lầm. Cho dù những sai lầm ấy là thế nào chăng nữa, tôi thành khẩn cầu xin Ơn Trên ngăn chặn hoặc giảm thiểu điều tệ hại mà tôi có thể phạm phải. Tôi sẽ mang theo mình niềm hy vọng rằng đất nước của tôi sẽ chẳng bao giờ ngừng xem xét những việc ấy với lòng bao dung; và rằng sau 45 năm cống hiến với nhiệt tâm ngay thẳng, những lỗi lầm do yếu kém sẽ được bỏ qua, khi chính bản thân tôi chẳng bao lâu sẽ về nơi an dưỡng.

[…]

* * *

Năm 1825, Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ) và James Madison (tổng thống thứ 4 của Hoa Kỳ) đề xuất dùng bài Diễn văn Giã biệt của Washington tại Đại học Virginia, như là một trong những hướng dẫn về nguyên tắc của Chính phủ Hoa Kỳ. Ngày 22 tháng 2 năm 1862, khi cuộc Nội chiến Bắc-Nam còn đang diễn ra, Tổng thống Lincoln kêu gọi người Mỹ kỷ niệm ngày sinh của vị “Cha đẻ của Quốc gia” cùng với bài Diễn văn Giã biệt được đọc lại trước công chúng. Cho đến giờ, hướng dẫn thực tiễn này – nhắm đến lòng tận tụy qua những nguyên tắc và định chế của chính phủ tự do – vẫn được lưu truyền như là một trong những di sản quý báu nhất của Washington.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: The Avalon Project – Yale Law Schoolhttps://avalon.law.yale.edu/18th_century/washing.asp

Napoléon Bonaparte

Napoléon Bonaparte (1769-1821) là một nhà quân sự và nhà chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở Châu Âu, là Hoàng đế Napoléon I của Pháp trong giai đoạn 1804-1815. Cuộc cải cách pháp luật của ông, Bộ luật Napoléon, tạo ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới, nhưng ông được nhớ đến nhất bởi vai trò trong các cuộc chiến tranh mà Pháp phải đương đầu với hàng loạt liên minh, được gọi là các cuộc chiến tranh Napoléon. Ông thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn lục địa châu Âu và tìm cách truyền bá những lý tưởng của cách mạng Pháp, đồng thời củng cố nền đế chế làm phục hồi những nét của chế độ cũ Pháp (Ancien Régime). Nhờ thắng lợi trong những cuộc chiến này, thường là chống lại đối phương có ưu thế về quân số, ông được coi là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại, và các chiến dịch của ông được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên khắp thế giới.

Năm 2012, Tạp chí Time bình chọn ông là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Phát biểu từ biệt Cảnh vệ (1814)

Năm 1813, Liên minh đứng đầu bởi hai nước Anh-Nga cùng một số nước khác đánh bại quân Pháp dưới quyền Napoléon ở Leipzig; năm sau họ xâm chiếm Pháp. Ngày 6 tháng 4 năm 1814, Napoléon thoái vị.

Ngày 20 tháng 4 năm 1814, ở Lâu đài Fontainebleau 65 km nam-tây nam Paris, Napoléon phát biểu từ biệt Lực lượng Cảnh vệ của mình.

Bài diễn văn này được đưa vào Bộ Sưu tập 65 Bài Diễn văn Vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.

Napoleon Bonaparte.jpg
Napoléon Bonaparte

Hỡi binh sĩ Cảnh vệ của ta!

Ta từ biệt các ngươi.

Trong hai mươi năm qua, ta luôn ở bên cạnh các ngươi trên con đường danh dự và vinh quang. Trong những lúc gần đây, cũng như những lúc trước, các ngươi không ngừng là tấm gương cho lòng can đảm và cho tình trung hậu.

Với những người như các ngươi, đại nghĩa của chúng ta sẽ không bao giờ bị mất. Nhưng chiến tranh cứ kéo dài mãi; nó là cuộc nội chiến, và nước Pháp có thể phải chịu thêm tai ương. Thế thì ta hy sinh tất cả lợi ích của ta cho lợi ích của đất nước; ta ra đi. Các ngươi, những người bạn của ta, phải tiếp tục phục vụ nước Pháp.

Hạnh phúc của đất nước là ý nghĩ duy nhất của ta; đất nước sẽ luôn là mục tiêu trong các ước vọng của ta. Đừng lấy làm tiếc cho số phận của ta; nếu ta muốn tiếp tục sống thì đấy là nhằm phục vụ thêm cho vinh quang của chúng ta. Ta muốn viết ra những sự nghiệp lớn lao mà chúng ta đã cùng nhau thực hiện!

Giã biệt các ngươi! Ta muốn siết chặt tất cả các ngươi kề cận con tim của ta; hầu ta ôm ít hơn lá cờ của các ngươi!

[Sau khi siết chặt vị tướng Petit trong vòng tay và ôm lấy lá cờ, Napoléon nói tiếp:]

Hỡi những người đồng hành của ta, giã biệt một lần nữa!

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Pháp văn: World history for the relaxed historianhttp://www.emersonkent.com/speeches/adieux_a_la_garde_imperiale.htm

* * *

Thế rồi, Napoléon nhấc chiếc ba lô đi lưu vong ở Elba. Ông làm đúng như lời đã nói: năm sau ông trốn thoát rồi trở lại cầm quyền.

Frederick Douglass

Frederick Douglass (circa 1879)
Frederick Douglass (circa 1879)

Frederick Douglass (1817?-1895) là người Mỹ da màu có tiếng tăm nhất và tạo ảnh hưởng mạnh nhất trong thập kỷ 1800s, qua các hoạt động như diễn giả, tác gia và nhà báo.

Ông sinh ra là nô lệ ở Bang Maryland, nhưng năm 1838 ông trốn thoát đến miền Bắc, tìm việc lao động để kiếm sống. Sau đó, ông tham gia vào các hoạt động chống nô lệ rồi đến năm 1845 tự viết tiểu sử cuộc đời nô lệ của mình và cho xuất bản. Quyển tiểu sử này gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong phong trào đòi xóa bỏ chế độ nô lệ.

Vì quyển tiểu sử này mà ông sợ bị bắt làm nô lệ trở lại, nên ông trốn đi Anh quốc và lưu lại đó trong 2 năm, làm diễn giả các nơi để lên tiếng hậu thuẫn phong trào chống nô lệ ở Mỹ. Với sự hỗ trợ của Giáo phái Quaker Anh quốc, Douglass quyên đủ tiền để mua tự do cho mình, rồi đến năm 1847 trở về Mỹ.

Ông định cư ở New York, cho ra đời tờ báo The North Star [Sao Bắc đẩu] với tôn chỉ chống nô lệ. Ông cho xuất bản thêm hai quyển sách kể về cuộc đời của mình.

Tính đạo đức giả của chế độ nô lệ Mỹ (1852)

Vào năm 1852, các công dân có tiếng tăm ở Thành phố Rochester, Bang New York, yêu cầu Douglass đến đọc diễn văn trong buổi lễ Quốc khánh Mỹ, 4 tháng 7. Douglass chấp nhận lời yêu cầu của họ.

Tuy nhiên, trong bài diễn văn này Douglass lại phê phán tính đạo đức giả của một đất nước lo ăn mừng tự do và độc lập qua các bài diễn văn, diễu hành và những trò vô vị trong khi bốn triệu dân vẫn sống đời nô lệ.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:
– Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (Tạp chí Time, Mỹ);
– Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 Bài Diễn văn Vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.

Thưa các bạn công dân, tôi xin lỗi, cho phép tôi hỏi: Tại sao ngày hôm nay tôi được yêu cầu phát biểu ở đây? Tôi, hoặc những người mà tôi đại diện, có liên quan gì đến nền độc lập quốc gia của quý vị? Phải chăng những nguyên tắc vĩ đại về tự do chính trị và về công lý tự nhiên, được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập, cũng áp dụng cho chúng tôi hay không? Thế thì, phải chăng tôi được yêu cầu dâng lễ vật của chúng tôi lên bàn thờ quốc gia, tôn xưng những lợi ích và bày tỏ lòng cảm kích đối với ơn phước do nền độc lập của quý vị mang lại cho chúng tôi, hay không?

Liệu một câu trả lời xác định cho Thiên Chúa về các câu hỏi đó, vì quý vị và vì chúng tôi, có phải là thành thực hay không? Thế thì liệu nhiệm vụ của tôi có phải là nhẹ, và gánh nặng của tôi có phải là dễ dàng và vui thích, hay không? Bởi vì ai ở đó cảm thấy lạnh lẽo đến nỗi sự cảm thông của quốc gia không thể làm cho anh ta ấm lòng? Ai lại tỏ ra ngoan cố và vô tâm với lời tỏ lòng biết ơn, đến nỗi không công nhận những lợi ích vô giá ấy? Ai lại tỏ ra dửng dưng và ích kỷ đến nỗi không góp tiếng tung hô trong ngày lễ của quốc gia, khi gông xiềng nô dịch đã được tháo bỏ khỏi chân tay? Tôi không phải là người như thế. Trong hoàn cảnh này, người câm có thể nói một cách hùng hồn, còn “người què nhảy lên như một con hươu đực(1).”

Nhưng đấy không phải là hoàn cảnh trong trường hợp này. Tôi nói ra điều này với cảm nghĩ đau buồn về tình trạng bất bình đẳng giữa chúng ta. Tôi không được đứng bên trong hàng rào(2) của lễ kỷ niệm vinh quang này! Nền độc lập cao cả của quý vị chỉ phơi bày khoảng cách bao la giữa chúng ta. Ơn phước mà ngày hôm nay quý vị vui hưởng không được chia sẻ cho mọi người. Di sản giàu có của công lý, tự do, thịnh vượng và độc lập mà ông cha ta để lại được chia sẻ cho quý vị, không phải cho chúng tôi. Ánh mặt trời – vốn mang đến sự sống và chữa lành bệnh cho quý vị – đã mang đến những cú đánh và những cái chết cho chúng tôi. Ngày 4 tháng 7 này là của quý vị, không phải của tôi. Quý vị có thể vui mừng, còn tôi phải than khóc. Lôi một người vào ngôi đền chói lọi to lớn của nền tự do và yêu cầu ông ta cùng quý vị cất tiếng hát vui vẻ là cái trò chế nhạo vô nhân tính và châm biếm đến mức báng bổ. Thưa các công dân, có phải quý vị muốn chế nhạo tôi bằng cách yêu cầu tôi phát biểu ngày hôm nay, hay không? Thế thì có sự tương đồng trong tư cách của quý vị. Tôi muốn cảnh báo quý vị rằng quả là nguy hại mà sao chép tấm gương của một quốc gia (Babylon) có các tội lỗi vươn cao đến thiên đường bị Thượng Đế vứt xuống, chôn vùi quốc gia ấy trong đống đổ nát rồi không gầy dựng lại được.

Hỡi các bạn công dân, bên trên niềm vui hồ hởi của quốc gia, tôi nghe tiếng khóc than thảm thiết của hàng triệu người với gông cùm ngày hôm qua nặng nề và khổ ải, ngày hôm nay càng khó chấp nhận hơn bởi những tiếng hô vui mừng vang đến họ. […]

Nếu lãng quên họ, xem nhẹ những lầm lỗi và phụ họa theo chủ đề phổ biến sẽ mang tội bội phản xấu xa và gây sốc nhất, và sẽ khiến cho tôi trở thành nhục nhã đối với Ơn Trên và thế giới.

Thế thì, các bạn công dân ạ, chủ đề của tôi là “Chế độ nô lệ Mỹ”. Tôi sẽ nhìn ngày này và những đặc tính phổ biến của nó qua khía cạnh của người nô lệ. Đứng ở đây, hòa nhập với những người bảo trợ, biến những sai trái của họ thành của mình, tôi không e dè gì mà thành tâm tuyên bố rằng tính chất và cách xử sự của quốc gia này chưa bao giờ trông đen tối như là vào ngày 4 tháng 7 này.

Dù chúng ta xét đến những tuyên bố trong quá khứ hoặc những hành động của hiện tại, có vẻ như cách xử sự của đất nước vẫn là gớm ghiếc và đáng phẫn nộ. Nước Mỹ sai lầm trong quá khứ, sai lầm ở hiện tại, và tự dẫn mình vào sai lầm nghiêm trọng trong tương lai. Đứng với Thượng Đế và người nô lệ bị bầm giập và chảy máu ở đây – dưới danh nghĩa nhân loại vốn bị xúc phạm, dưới danh nghĩa tự do vốn bị xiềng xích, dưới danh nghĩa Hiến pháp và Kinh Thánh vốn bị phớt lờ và chà đạp – tôi sẽ thách thức, đặt nghi vấn và tố cáo, nhấn mạnh mọi yếu tố kéo dài nạn nô lệ – là tội lỗi và nỗi nhục lớn của nước Mỹ! Tôi sẽ không lập lờ – Tôi sẽ không bào chữa. Tôi sẽ dùng ngôn từ nghiêm khắc nhất, và tuy thế không có lời nào khiến cho bất kỳ ai không nhìn nhận là đúng lý, nếu họ không có định kiến hoặc thâm tâm họ không muốn bóc lột người nô lệ.

Nhưng tôi mường tượng có vài vị trong số cử tọa nói rằng chính trong tình huống này mà bạn và những người anh em chống nạn nô lệ không gây ấn tượng tốt trong lòng quần chúng. Họ còn nói nếu bạn biện luận thêm mà ít tố cáo, nếu bạn thuyết phục thêm mà ít phê phán, thì chính nghĩa của bạn sẽ thành công hơn. Nhưng tôi muốn trình bày là nếu mọi việc đều hiển nhiên thì không cần phải biện luận gì cả. Quý vị muốn biện luận điểm nào trong hoạt động chống nạn nô lệ? Người dân trên đất nước này muốn được giải thích gì trong vấn nạn này? Liệu tôi có cần phải nói ra rằng nô lệ cũng là con người hay không? Điều này đã được nhìn nhận. Không ai còn nghi ngờ gì nữa. Chính những chủ nô lệ cũng nhìn nhận điều này trong việc ban hành các điều luật cho chính phủ của họ. Họ nhìn nhận điều này khi họ trừng phạt nô lệ bất tuân. Có 72 tội danh ở Bang Virginia mà nếu một người da màu phạm phải (không cần biết anh ta ngu dốt thế nào) sẽ bị tử hình; trong khi chỉ có 2 tội danh mang bản án đó cho người da trắng.

Nô lệ được công nhận là một chủ thể có đạo đức, có tri thức và có trách nhiệm, thế thì sao? Tính chất con người của nô lệ được nhìn nhận. Người ta nhìn nhận như thế qua sự kiện là các điều luật miền Nam quy định trừng phạt việc dạy cho nô lệ đọc và viết. Khi quý vị có thể chỉ ra điều luật như thế đối với động vật trong rừng, thì tôi có thể chấp nhận tranh luận về tính chất con người của nô lệ. Khi chó trên đường phố, khi chim trên trời, khi bò trên triền đồi của quý vị, khi cá trong đại dương, và các loài bò sát bò trong đó, không thể phân biệt nô lệ với thú vật, thì tôi sẽ tranh luận với quý vị ở điểm nô lệ là con người!

Vào lúc này là đủ để xác nhận tính chất con người bình đẳng của chủng tộc da màu. Không lấy gì làm ngạc nhiên là trong khi chúng tôi đang dùng mọi loại công cụ cơ giới để cày bừa, cấy trồng và gặt hái, dựng nhà, xây cầu, đóng tàu, thao tác với các kim loại thau, sắt, đồng, bạc và vàng; trong khi chúng tôi đang đọc, viết và tính toán với tư cách kế toán viên, thư ký, thương gia, trong số chúng tôi bao gồm luật sư, bác sĩ, mục sư, thi sĩ, tác gia, biên tập, diễn giả và nhà giáo; trong khi chúng tôi tham gia vào mọi công việc thông thường của con người – đào vàng ở California, săn bắt cá voi trên Thái Bình Dương, lùa cừu và bò đi ăn cỏ trên triền đồi, sinh sống, đi lại, ra dấu, suy nghĩ, trù hoạch, sống trong gia đình như là những người chồng, người vợ và con cái, và trên hết, xưng tội và tôn thờ Thượng Đế Kitô, và trông chờ đời sống vĩnh hằng bên kia thế giới – thế mà chúng tôi lại được yêu cầu chứng minh mình là con người hay sao?

Liệu quý vị có muốn tôi biện luận rằng con người có quyền tự do, hay không? Rằng ông ta là chủ nhân hợp pháp của cơ thể ông ta, hay không? Quý vị tuyên bố rồi mà. Liệu tôi có phải biện luận chế độ nô lệ là sai trái, hay không? Có phải đấy là câu hỏi cho đảng viên Cộng hòa không? Phải chăng vấn đề này được giải quyết bằng những điều luật của luận lý và tranh cãi, như là một chủ đề vô cùng khó khăn, bao gồm sự ứng dụng đáng ngờ nguyên tắc về công lý khó hiểu? Làm thế nào với sự hiện diện của người Mỹ, phân tích và lại phân tích thêm một bài phát biểu, nhằm chứng minh con người đương nhiên có quyền tự do, nói một cách tương đối và khẳng định, hay là một cách phủ định và khẳng định? Làm như thế tôi biến mình thành lố bịch, và cũng xúc phạm sự hiểu biết của quý vị. Không ai dưới gầm trời này lại không biết rằng chế độ nô lệ là sai trái.

Cái gì! Phải chăng tôi cần biện luận rằng quả là điều sai trái mà xem con người như là súc vật, cướp đi tự do của họ, bắt họ lao động mà không trả tiền lương, giấu giiếm những mối quan hệ của họ, đánh họ bằng gậy gộc, róc da thịt họ bằng roi, trói chân tay họ bằng gông xiềng, lùa chó săn đuổi họ, bán họ ở phiên chợ, phân ly gia đình họ, cạy răng họ ra, đốt da thịt họ, bỏ đói họ để họ tuân phục người chủ? Phải chăng tôi cần biện luận rằng một hệ thống vấy máu và ô uế là sai trái? Không – tôi sẽ không biện luận. Tôi có nhiều việc tốt hơn phải làm cho thời giờ và sức lực của mình hơn là lo biện luận như thế.

Thế thì, còn lại chuyện gì phải biện luận? Có phải chế độ nô lệ không thiêng liêng? Có phải Thượng Đế không thiết lập chế độ này? Có phải con tạo sai lầm? Ý nghĩ này có tính báng bổ. Ở chỗ cái gì không có tính chất con người thì không thiêng liêng. Ai suy luận được thì cứ suy luận – tôi không thể suy luận. Thời gian cho biện luận như thế đã qua rồi.

Vào lúc như thế này, cần có sự mỉa mai châm chích chứ không phải biện luận có tính thuyết phục. Ôi chao! nếu tôi có năng lực và nếu tôi có thể nói vào tai của đất nước, hôm nay tôi sẽ tuôn trào những giễu cợt nhức nhối, oán trách nổ tung, mỉa mai khinh miệt, và khiển trách nặng nề. Bởi vì cần phải có lửa chứ không cần ánh sáng; cần phải có sấm sét chứ không cần mưa rào. Chúng ta cần có dông bão, gió lốc, và động đất. Cần phải kích động cảm nghĩ của dân tộc; cần phải khơi dậy lương tri của dân tộc; cần phải làm cho phép tắc của dân tộc giật mình; cần phải phơi bày tính đạo đức giả của dân tộc; và cần phải tố cáo tội ác của họ đối với Thiên Chúa và con người.

Ngày 4 tháng 7 có ý nghĩa như thế nào đối với người nô lệ? Tôi trả lời: hơn những ngày khác trong năm, đó là ngày cho thấy sự bất công và tính tàn ác thô bạo mà người nô lệ luôn là nạn nhân. Đối với người nô lệ, lễ kỷ niệm là trò giả vờ; nền tự do mà quý vị khoác lác chỉ là sự phóng túng xấu xa; tính chất vĩ đại của đất nước chỉ là thói phù hoa sưng phồng; những âm thanh vui cười là trống không và vô hồn; những tiếng hô tự do và bình đẳng chỉ là sự chế giễu rỗng tuếch; những lời cầu nguyện và những bài kinh cầu, những bài thuyết giảng và những lễ tạ ơn, với tất cả các trò diễu hành và nghi thức tôn giáo, thì đối với người nô lệ chỉ có tính khoa trương, lừa lọc, dối trá, bất kính, và đạo đức giả – một tấm màn the nhằm che đậy những tội ác khiến cho một xứ sở của những kẻ man rợ càng thêm ô nhục. Không có dân tộc nào trên trái đất mang tội do các hành động gây sốc hơn và đẫm máu hơn là nhân dân Hoa Kỳ vào chính giờ phút này.

Hãy đi tìm kiếm, lang thang qua các chế độ quân chủ và nền chuyên chế của Cựu Thế giới, du hành qua Nam Mỹ, hãy đi tìm tất cả các vụ ngược đãi, và khi quý vị tìm ra vụ việc cuối cùng, hãy trưng bày các sự kiện bên cạnh những hành động hằng ngày trên xứ sở này, rồi quý vị sẽ nói với tôi rằng, xét theo tính man rợ kinh tởm và tính đạo đức giả không hề biết ngượng, thì nước Mỹ không có đối thủ.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: The History Place great speeches collectionhttp://www.historyplace.com/speeches/douglass.htm

Chú thích

(1) Câu trích trong Kinh Thánh, tương tự cách người Việt nói “người mù sáng mắt”.

(2) Bên trong hàng rào của một buổi lễ là quan chức và người có địa vị, còn bên ngoài hàng rào là dân thường.

Giuseppe Garibaldi

Vào giữa thế kỷ 19, Ý không phải là một quốc gia độc lập, mà là những lãnh địa riêng rẽ dưới quyền cai trị của Đế quốc Áo.

Giuseppe Garibaldi (1807-1882) là nhà yêu nước và nhà lãnh đạo quân sự người Ý, nhân vật trung tâm giúp giải phóng người Ý khỏi sự thống trị của nước ngoài, qua đó thống nhất đất nước. Ông thành lập một đoàn quân tình nguyện rồi bắt đầu từ năm 1948 áp dụng chiến tranh du kích để chống lại Đế quốc Áo. Ông không chuyên quyền, mà chỉ huy mỗi chiến dịch đều dưới sự điều động hoặc đồng ý của chính quyền lâm thời của Ý, cuối cùng tạo dựng nền độc lập cho Ý.

Ông được gọi là “Anh hùng của hai thế giới” do những chiến dịch quân sự mà ông chỉ huy ở Châu Âu và Nam Mỹ. Một số nhà trí thức đương thời – như Victor Hugo, Alexandre Dumas, George Sand – cũng ca ngợi ông.

Khích lệ tinh thần binh sĩ (1860)

Năm 1860, Giuseppe Garibaldi chỉ huy 1000 quân du kích đánh thắng quân Áo trên Đảo Sicily, nước Ý. Sau đó, có thêm hàng nghìn người tình nguyện gia nhập đoàn quân của ông.

Đến tháng 8 năm này, Giuseppe Garibaldi dẫn đoàn quân đi giải phóng Naples, nơi ông trao quyền lại cho Vua Victor Emmanuel II(1), rồi sống một cuộc đời giản dị trên Đảo Caprera.

Bài diễn văn dưới đây là lời kêu gọi hùng hồn của Giuseppe Garibaldi đối với binh sĩ dưới quyền vào năm 1860.

Bài diễn văn được đưa vào Bộ Sưu tập 65 Bài Diễn văn Vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.

Giuseppe Garibaldi
Giuseppe Garibaldi

Bây giờ chúng ta phải xem xét giai đoạn đang tiến gần đến sự hồi sinh của đất nước ta, và phải tự chuẩn bị cho con người mình để hoàn tất một cách xứng đáng ý định tuyệt diệu mà hai mươi thế hệ kỳ vọng, và Ơn Trên đã dành cho thế hệ may mắn của chúng ta hoàn tất.

Đúng thế, các bạn trẻ ạ, nước Ý nợ các bạn một sự nghiệp xứng đáng được cả vũ trụ vỗ tay hoan hô. Các bạn đã chinh phục và sẽ còn chinh phục, bởi vì các bạn được chuẩn bị cho những chiến thuật nhằm quyết định vận mệnh của các trận chiến. Các bạn tỏ ra xứng đáng như những chiến binh trong hàng ngũ của Macedonia, và những người đấu tranh với các nhà chinh phục ở Châu Á. Sẽ có thêm vinh quang được thêm vào trang sử tuyệt vời này của đất nước chúng ta, và cuối cùng thì người nô lệ cho những người anh em tự do thấy lưỡi gươm sắc bén đã được rèn từ các khoen gông cùm của hắn.

Thế thì, hãy chiến đấu, tất cả các bạn! tất cả các bạn! Những kẻ áp bức cùng những kẻ bạo tàn sẽ tan biến như tro bụi. Còn các phụ nữ, hãy đẩy những đứa nhút nhát khỏi vòng tay của các bà vì như thế chỉ làm cho con trẻ nhút nhát; các bà là con gái của đất nước tươi đẹp nên phải sinh ra những đứa con cao quý và dũng cảm. Chúng ta hãy rũ bỏ những lý luận rụt rè mà mang thân phận nô lệ và nỗi sợ hãi khốn khổ vứt đi nơi khác. Dân tộc này là chủ nhân của chính họ. Dân tộc này ước muốn làm anh em của những dân tộc khác, nhưng nhìn lên kẻ xấc láo với tia mắt ngạo nghễ chứ không nằm phủ phục mà van xin được tự do. Dân tộc này sẽ không còn đi theo con đường của những kẻ có tâm địa xấu xa. Không! Không! Không!

Ơn Trên đã ban Victor Emmanuel cho nước Ý. Mọi người Ý hãy tụ tập chung quanh ông ấy. Khi kề bên Victor Emmanuel, phải quên hết mọi tranh cãi, phải lánh xa mọi hiềm thù. Một lần nữa, tôi lặp lại khẩu hiệu xung trận: “Hãy chiến đấu, tất cả! tất cả các bạn!” Nếu vào tháng 3-1861 mà không có một triệu người Ý chiến đấu, thì sẽ không có tự do, không có cuộc sống cho nước Ý. Nhưng mà không, tôi muốn xa lánh ý nghĩ ấy mà tôi xem như thuốc độc. Vào tháng 3-1861, và nếu được thì tháng 2, […] trong đội ngũ của chúng ta là tất cả người của đất nước này không phải là kẻ hèn nhát hay người nô lệ. […]

Tôi thốt ra những lời này với tình thương yêu sâu đậm nhất từ đáy lòng mình. Hôm nay tôi phải nghỉ ngơi, nhưng chỉ ít ngày thôi. Tôi sẽ có mặt trong trận chiến, bên cạnh những chiến binh của nền tự do Ý. Hãy chỉ cho về nhà những người có nghĩa vụ gia đình và những người mang thương tích vinh quang xứng đáng cho đất nước. Thật ra, những người này sẽ phục vụ nước Ý ở quê nhà bằng sự tham mưu, bằng chính kinh nghiệm từ những vết thương của họ. Trừ ra những người này, tất cả những người khác phải ở lại đội ngũ để bảo vệ ngọn cờ vinh quang. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ gặp lại để cùng nhau tiến bước nhằm giải phóng những người anh em của chúng ta hiện vẫn còn là nô lệ của ngoại bang. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ tiến bước đến chiến thắng.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: The History Place great speeches collectionhttp://www.historyplace.com/speeches/garibaldi.htm

* * *

Năm sau, do thành công từ những chiến dịch quân sự quả cảm của Giuseppe Garibaldi cùng sự lãnh đạo chính trị của những đồng chí yêu nước, Ý tuyên cáo thành lập một vương quốc thống nhất và độc lập, tuy Venice và Rome vài năm sau mới gia nhập vào Vương quốc Ý.

Chú thích

(1) Victor Emmanuel II làm vua nước Ý thống nhất từ năm 1861 cho đến khi qua đời năm 1878.

Abraham Lincoln

Abraham Lincoln
Abraham Lincoln

Abraham Lincoln (1809-1865) là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ tháng 3/1861 cho đến khi ông bị ám sát tháng 4/1865. Ông đưa Hoa Kỳ vượt qua cơn khủng hoảng hiến pháp, quân sự và đạo đức, tức cuộc Nội chiến Bắc-Nam. Cuối cùng, ông duy trì được thể chế Liên bang, bãi bỏ chế độ nô lệ, thi hành hiện đại hóa kinh tế-tài chính.

 

Khi gần kết thúc chiến tranh, Lincoln cố gắng giữ cho đất nước được thống nhất qua chính sách hòa giải phóng khoáng trong khi hai phe Bắc-Nam vẫn còn bất mãn với nhau. Đảng phái các bên đều chống lại ông, đặc biệt là phe miền Bắc muốn trừng trị miền Nam. Nhờ tài hùng biện kêu gọi trực tiếp đến người dân Mỹ, được báo chí loan tin rộng rãi khi chưa có phát thanh và truyền hình, quan điểm hòa giải của ông dần dà được các chính trị gia thuận theo. Sáu ngày sau khi Tư lệnh quân miền Nam, Tướng Robert E. Lee đầu hàng, Lincoln bị một người có cảm tình với phe miền Nam ám sát chết.

Các sử gia luôn xếp ông là một trong số ba tổng thống vĩ đại nhất của lịch sử nước Mỹ; hai người kia là George Washington và Franklin D. Roosevelt.

Năm 2012, cũng cùng với hai người kia, ông được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

“Chế độ nô lệ là sai trái”

Đây được xem là một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất và cũng được xem là một trong những bài diễn văn chính trị quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, do Abraham Lincoln đọc trong gần hai tiếng đồng hồ vào buổi tối ngày 27 tháng 2 năm 1860 tại Đại học Cooper Union(1).

Vào lúc ấy, nạn nô lệ đang thịnh hành trên các bang miền Nam trong khi nhiều người – đặc biệt là ở các bang miền Bắc – có ý kiến nên xóa bỏ tệ nạn nô lệ. Lincoln ở trong số này.

Lúc được mời phát biểu, Lincoln là một nhân vật còn ít tiếng tăm trong Đảng Cộng hòa của ông, chỉ mới phục vụ một nhiệm kỳ trong Hạ viện và hai năm trước thất cử thượng nghị sĩ vào tay một ứng cử viên Dân chủ. Thất bại này khiến cho Lincoln không được đánh giá cao trong Đảng Cộng hòa. Tuy thế, một số người đã nhận ra tiềm năng của Lincoln như là một ứng cử viên Cộng hòa sáng giá. Ứng cử viên đảng này có cơ hội lớn để thắng cử tổng thống bởi vì Đảng Dân chủ bị chia rẽ làm hai nhóm bắc và nam do vấn nạn nô lệ.

Trước nhất, Lincoln cần phải thuyết phục đảng của mình đề cử mình ra tranh cử tổng thống, nên qua bài diễn văn này ông trình bày chiến lược lâu dài, những dữ kiện cụ thể, những lập luận vững chắc. Riêng Lincoln còn muốn chứng minh rằng việc cấm nạn nô lệ là hợp hiến. Vì thế, bài diễn văn cũng là một cột mốc quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nô lệ ở Mỹ. Đặc biệt, ông ám chỉ đến việc sử dụng vũ lực để bảo vệ Hiến pháp như là một lời cảnh báo nghiêm trọng. Lời cảnh báo này trở thành hiện thực trong cuộc nội chiến Bắc-Nam của Mỹ.

[…]

Cái gì tạo nên bộ khung để chúng ta sống trong đó?

Câu trả lời phải là: “Hiến pháp của Hoa Kỳ.”

[…]

Các cha già của dân tộc(2) định khung Hiến pháp là ai? Tôi nghĩ có thể gọi đúng lý “ba mươi chín người” ký vào bản gốc là các cha già của dân tộc, những người định khung cho một phần của Chính phủ hiện tại. Nói cũng đúng là họ định khung, vì họ là đại diện khá đầy đủ cho ý kiến và cảm nghĩ của cả dân tộc thời bấy giờ. Bây giờ không cần nhắc lại tên của họ vì mọi người quen thuộc rồi.

[…]

Các cha già của dân tộc ấy hiểu “thậm chí còn tốt hơn chúng ta bây giờ” là như thế nào?

Nó là như thế này: Liệu sự phân quyền giữa địa phương và liên bang, hoặc liệu bất kỳ điều khoản nào trong Hiến pháp, ngăn cấm Chính phủ Liên bang của chúng ta kiểm soát nạn nô lệ trên lãnh thổ của Liên bang hay không?

Đáp lại, Thượng nghị sĩ Douglas cho rằng có, và các đảng viên Cộng hòa cho rằng không. Hai câu trả lời có và không này là vấn đề mà các cha già của chúng ta thông hiểu “tốt hơn chúng ta bây giờ”.

[Lincoln đưa ra những sự kiện rồi kết luận:]

… việc phân chia quyền hạn địa phương và liên bang, hoặc bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp, đều không ngăn cản Quốc hội cấm nạn nô lệ trên lãnh thổ liên bang; nếu không thì họ [các cha già của dân tộc] đáng lẽ đã chống lại lệnh cấm do lòng trung thành của họ với nguyên tắc và do lời tuyên thệ của họ nhằm tuân thủ Hiến pháp.

Hơn nữa, George Washington, một trong “ba mươi chín người”, lúc ấy là Tổng thống Hoa Kỳ, chấp nhận và ký ban hành dự thảo luật qua đó hoàn tất việc luật hóa, cho thấy theo sự thông hiểu của ông, việc phân chia quyền hạn địa phương và liên bang, hoặc bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp, đều không ngăn cản việc kiểm soát nạn nô lệ trên lãnh thổ liên bang.

[Việc luật hóa để hoặc cho phép hoặc ngăn cấm nô lệ cùng những ý kiến riêng rẽ của 39 vị cha già dân tộc vào thời đó là vấn đề phức tạp mà Lincoln phân tích qua những sự kiện ở nhiều lãnh thổ và bang khác nhau: Tennessee, Mississippi, Alabama, Louisiana, Missouri, khi các vùng đất này được nhượng hoặc bán cho Mỹ để trở thành những bang của Mỹ.]

Chốt lại cả sự việc là: trong số ba mươi chín cha già định khung cho bản Hiếp pháp nguyên thủy thì có hai mươi mốt – tức là đa số rõ ràng – chắc chắn thông hiểu rằng việc phân chia quyền hạn địa phương và liên bang, hoặc bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp, đều không ngăn cản việc kiểm soát nạn nô lệ trên lãnh thổ liên bang; trong khi có lẽ những người còn lại cũng hiểu như thế. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là sự thông hiểu của các vị cha già dân tộc định khung bản Hiến pháp nguyên thủy […].

[Lincoln phân tích các tu chính Hiến pháp và phán quyết của Tòa án Tối cao để củng cố lập luận trên]

Bây giờ, tôi phải nói rõ để tránh hiểu lầm. Tôi không có ý nói chúng ta ngầm bị ràng buộc vào những gì mà các cha già dân tộc đã làm, kẻo lại không vận dụng được kinh nghiệm hiện giờ – bác bỏ tất cả tiến bộ, tất cả cải thiện. Điều tôi muốn nói là, nếu muốn thay đổi những ý kiến và chính sách của các cha già, thì chúng ta phải có chứng cứ thật thuyết phục và biện luận thật rõ ràng, mà ngay cả cấp có thẩm quyền nhất sau khi xem xét và cân nhắc vẫn không phản bác được, nhất là khi chúng ta tin rằng họ không hiểu biết vấn đề hơn chúng ta.

Nếu bây giờ bất kỳ ai thành thực tin rằng việc phân chia quyền hạn địa phương và liên bang, hoặc bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp, có ý ngăn cản Quốc hội cấm nạn nô lệ trên lãnh thổ liên bang, thì người ấy có quyền nói ra, và củng cố quan điểm của mình bằng tất cả chứng cứ và biện luận công minh. Nhưng người ấy không có quyền lừa dối người khác khi họ không hiểu biết và thiếu điều kiện nghiên cứu lịch sử, để họ sai lầm mà tin rằng “các cha già dân tộc, những người định khung Chính phủ của chúng ta” có cùng ý kiến, vì vậy mà mang đến sự sai lạc thay cho chứng cứ thực sự và biện luận công minh. Nếu bây giờ bất kỳ ai thành thực tin rằng trong những trường hợp khác, “các cha già dân tộc, những người định khung Chính phủ của chúng ta” vận dụng những nguyên tắc khiến cho người ấy hiểu rằng việc phân chia đúng cách quyền hạn địa phương và liên bang, hoặc bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp, ngăn cấm Chính phủ Liên bang kiểm soát nạn nô lệ trên các lãnh thổ liên bang, thì người ấy có quyền nói ra. Nhưng cùng lúc, người ấy phải chịu trách nhiệm mà tuyên bố ông ta thấu hiểu những nguyên tắc của họ tốt hơn họ thấu hiểu […]

Nhưng đủ rồi! Chúng ta hãy tin rằng các cha già của chúng ta… đã nói đúng và làm đúng. Đó là những gì tất cả đảng viên Cộng hòa hỏi – tất cả đảng viên Cộng hòa mong mỏi – liên quan đến vấn đề nô lệ.

Bây giờ… tôi muốn nói đôi điều với người miền Nam.

Tôi muốn nói với họ rằng: Quý vị tự xem mình là những người đúng lý và chính đáng, và tôi xem trong những phẩm chất tổng quát về biện luận và công lý thì quý vị không thua kém ai. Tuy thế, khi quý vị nói với những đảng viên Cộng hòa chúng tôi, quý vị chỉ lăng mạ như là loài bò sát, hoặc không khá hơn những kẻ ngoài vòng pháp luật. Quý vị có thể chịu nghe hải tặc hoặc kẻ sát nhân tường trình, nhưng quý vị không hề làm thế với “Người Cộng hòa đen”. Trong mọi cuộc tranh cãi với nhau, mỗi người trong quý vị đều lên án vô điều kiện “Chủ nghĩa Cộng hòa đen” như là việc đầu tiên phải nói đến. Đúng như thế: đối với chúng tôi có vẻ như lời tố cáo như thế là điều tiên quyết không thể thiếu – hoặc là một thứ giấy phép – để quý vị được chấp nhận hoặc được phép phát biểu. Bây giờ, liệu quý vị có thể tự thuyết phục để dừng lại mà xét xem sự công kích đó có đúng lý đối với chúng tôi, hoặc thậm chí đối với quý vị hay không? Hãy mang ra những cáo buộc và bằng chứng, rồi hãy kiên nhẫn mà nghe chúng tôi bác bỏ hoặc biện minh.

Quý vị nói chúng tôi có tư tưởng cục bộ. Chúng tôi bác bỏ điều này. Thế là có vấn đề; quý vị phải chịu gánh nặng về chứng cứ. Quý vị đưa ra chứng cứ gì? Chỉ vì đảng chúng tôi không hiện diện trong khu vực của quý vị, không thu được phiếu trong khu vực của quý vị. Sự kiện này là có thực, nhưng liệu nó có minh chứng cho cáo buộc kia không? Nếu có, thế thì trong trường hợp chúng tôi không thay đổi nguyên tắc mà bắt đầu thu được phiếu trên khu vực của quý vị, thế thì chúng tôi không còn có tư tưởng cục bộ nữa. Quý vị không thể thoát khỏi kết luận này, nhưng quý vị sẵn lòng chấp nhận hay không? Nếu quý vị sẵn lòng, thì chẳng bao lâu quý vị sẽ thấy rằng chúng tôi không còn có tư tưởng cục bộ, bởi vì ngay năm nay chúng tôi sẽ kiếm được phiếu trên khu vực của quý vị. Lúc ấy sự thực sẽ rõ ràng là quý vị bắt đầu thấy rằng chứng cứ của quý vị không liên quan đến vấn đề. Sự kiện chúng tôi không thu được phiếu trên khu vực của quý vị là do quý vị tạo ra chứ không phải do chúng tôi. Và nếu có lỗi gì ở đây, lỗi đó chủ yếu là của quý vị trừ phi quý vị chứng minh là chúng tôi thắng quý vị do nguyên tắc hoặc cách làm việc sai trái. […]

Một số người lấy làm vui mà cười vào mũi chúng tôi do cảnh báo về các phe nhóm cục bộ của Washington trong Diễn văn Từ biệt. Chưa đến tám năm trước khi Washington đưa ra cảnh báo đó, với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ ông ấy ký ban hành một luật của Quốc hội, thực thi việc cấm nô lệ ở Lãnh thổ Tây-Bắc, thể hiện chính sách của Chính phủ về cảnh báo đó, và khoảng một năm sau ông ấy cho biết lệnh cấm đó là biện pháp khôn ngoan, với hy vọng là một lúc nào đó chúng ta sẽ có một liên bang gồm những Bang tự do.

Ghi nhớ việc này và thấy rằng chủ nghĩa cục bộ nổi lên cùng với chủ đề kia, thì cảnh báo kia là vũ khí trong tay quý vị chống chúng tôi, hoặc trong tay chúng tôi chống quý vị? Liệu bản thân Washington nói ông sẽ đổ tội chúng tôi vì đã hậu thuẫn chính sách của ông ấy hoặc đổ tội quý vị vì đã phản đối nó? Chúng tôi tôn trọng cảnh báo đó của Washington, và chúng tôi giới thiệu nó với quý vị, cùng với tấm gương của ông ấy về việc áp dụng đúng cảnh báo đó.

Nhưng quý vị nói quý vị là bảo thủ – bảo thủ một cách xuất chúng – trong khi chúng tôi có tính cách mạng, phá hoại, hoặc đại loại như thế. Tính cách bảo thủ là gì? Có phải nó gắn liền với cái cũ và cái đã được thử qua so với cái mới và cái chưa được thử? Chúng tôi trung thành và hài lòng với cùng chính sách cũ đến mức tranh cãi vốn được chấp nhận bởi “các vị cha già dân tộc định khung Chính phủ của chúng ta” trong khi quý vị chối bỏ, khinh khi và phỉ nhổ trên chính sách cũ đó, đòi hỏi thay bằng chính sách mới. Đúng thực là quý vị bất đồng ý kiến với nhau nhằm định chính sách thay thế là gì. Quý vị bị chia rẽ về những đề xuất và kế hoạch mới, nhưng quý vị nhất trí khi bác bỏ và tố cáo chính sách cũ của các cha già dân tộc. Một số trong quý vị ủng hộ làm sống lại ngoại thương nô lệ, một số người khác ủng hộ Luật Nô lệ Quốc hội cho các Lãnh địa hoặc ủng hộ Quốc hội cấm Lãnh địa ngăn cản nô lệ trong các giới hạn, hoặc duy trì nô lệ trên các Lãnh địa qua tòa án, [….] nhưng không hề có người nào trong số quý vị hậu thuẫn liên bang cấm nô lệ trên lãnh thổ của liên bang […].

Một lần nữa, quý vị bảo chúng tôi làm cho vấn đề nô lệ nổi bật hơn so với trước kia. Chúng tôi bác bỏ điều này. Chúng tôi nhìn nhận nó nổi bật hơn, nhưng chúng tôi bác bỏ việc chúng tôi làm cho vấn đề này nổi bật hơn. Chính quý vị chứ không phải chúng tôi bãi bỏ chính sách của các cha già dân tộc. Chúng tôi phản đối, và vẫn còn phản đối, sáng kiến của quý vị, và do đó vấn đề này nổi bật hơn. Quý vị muốn thấy vấn đề này thu nhỏ như ngày xưa? Hãy trở lại với chính sách cũ đó. Vấn đề sẽ như cũ, dưới cùng những điều kiện. Nếu quý vị muốn hòa bình của ngày xưa, hãy chấp nhận các đạo lý và chính sách của ngày xưa.

Quý vị cáo buộc chúng tôi kích động nô lệ nổi loạn. Chúng tôi bác bỏ điều này, và chứng cứ của quý vị ở đâu? […] Nếu có đảng viên nào của quý vị có tội trong việc này, thì quý vị biết hoặc không biết. Nếu quý vị biết, thì quý vị không thể biện minh được vì không vạch mặt chỉ tên người đó và minh chứng cho sự kiện. Nếu quý vị không biết, thì quý vị không thể biện minh được vì xác nhận và kiên trì xác nhận sau khi quý vị đã cố và thất bại trong việc đưa ra chứng cứ. Tưởng không cần giải thích rằng cứ khăng khăng cáo buộc mà không biết đó là sự thực thì đơn giản đó là vu cáo đầy ác ý.

[…]

Người miền Nam nói nhiều về tình thương mến của nô lệ đối với chủ nhân của họ; và ít nhất một phần việc này là có thực. Khó mà mưu đồ và thông tin với nhau trong số hai mươi nô lệ về một âm mưu nổi dậy bởi vì một người trong nhóm nô lệ sẽ thông báo với người chủ để cứu người này. Đó là quy luật, và sự nổi dậy của nô lệ ở Haiti không phải là ngoại lệ của quy luật này, nhưng là một trường hợp diễn ra trong hoàn cảnh bất thường. […] Những vụ đầu độc từ nhà bếp, sát hại công khai hoặc mờ ám trên cánh đồng, những vụ nổi dậy cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra như là hậu quả tất nhiên của nạn nô lệ; nhưng tôi nghĩ trong thời gian lâu dài sẽ không có việc nô lệ thực hiện tổng nổi dậy. Những ai lo sợ hoặc chờ mong việc này đều sẽ thất vọng.

Trong ngôn ngữ của Ông Jefferson thốt ra nhiều năm trước: “Chúng ta vẫn có thẩm quyền để chỉ đạo tiến trình giải phóng và trục xuất một cách ôn hòa, chầm chậm, để tội ác [sử dụng nô lệ] sẽ tự nó xóa bỏ, và công nhân da trắng tự do sẽ thế vào chỗ của họ. Nếu ngược lại, cứ duy trì tình trạng như thế, bản chất của con người sẽ cảm thấy rùng mình trước viễn cảnh được mở ra.”

Cả Ông Jefferson và tôi đều không muốn nói rằng Chính phủ Liên bang có thẩm quyền giải phóng nô lệ. Ông ấy nói đến Virginia; còn về thẩm quyền giải phóng nô lệ tôi chỉ nói đến những Bang đang duy trì nô lệ. Tuy nhiên, như chúng tôi khẳng định, Chính phủ Liên bang có thẩm quyền ngăn chặn sự lan rộng của vấn đề nô lệ – thẩm quyền đảm bảo là sự nổi dậy của nô lệ sẽ không bao giờ diễn ra trên bất kỳ lãnh thổ Mỹ nào hiện giờ không có nô lệ.

[…]

Có thể thay đổi hành động của con người theo chừng mực nào đó, nhưng không thể thay đổi bản chất của con người. Có một phán xét và một cảm nghĩ chống lại nạn nô lệ trên đất nước này, và thu được ít nhất một triệu rưỡi lá phiếu. Quý vị không thể xóa bỏ phán xét và cảm nghĩ ấy – tình cảm ấy – bằng cách giải tán tổ chức chính trị có cương lĩnh ấy. Quý vị khó mà giải tán một đoàn quân được thành lập với lệnh đối mặt với loạt đạn mạnh nhất của quý vị. Nhưng nếu có thể, quý vị sẽ được lợi gì khi trục xuất tình cảm thiết lập đoàn quân ấy ra khỏi thùng phiếu để đưa vào một kênh khác nào đó? Kênh đó sẽ là như thế nào?

Nhưng làm như thế, quý vị sẽ gây tan vỡ Liên bang thay vì chối bỏ những quyền Hiến pháp của quý vị.

Việc này nghe có vẻ như khinh suất nhưng nó giúp giảm nhẹ vấn đề tuy không đúng lý hoàn toàn, nếu chúng tôi đề nghị sử dụng vũ lực để tước lấy một số quyền của quý vị mà Hiến pháp cho phép rõ ràng. Nhưng chúng tôi không đề xuất việc như thế.

Khi đưa ra những tuyên bố ấy, quý vị ám chỉ đến quyền Hiếp pháp của mình tức là đưa nô lệ vào những lãnh địa liên bang và xem họ như là tài sản của mình. Nhưng Hiến pháp không ghi cụ thể quyền này. Hiến pháp im lặng về quyền này. Chúng tôi không thấy quyền này hiện diện trong Hiến pháp cho dù qua ẩn ý.

Thế thì nói một cách thẳng thắn, mục đích của quý vị là phá hoại Chính phủ, trừ phi quý vị được phép diễn dịch và thực thi Hiếp pháp theo ý mình, trong mọi sự việc tranh luận giữa quý vị và chúng tôi. Theo cách nào đi nữa thì quý vị sẽ hoặc là cai trị hoặc là phá hủy.

Rõ ràng đấy là ngôn từ của quý vị. Có lẽ quý vị sẽ cho rằng Tòa án Tối cao phán quyết việc tranh luận về Hiến pháp theo ý kiến của quý vị. Không phải thế. [Lincoln sử dụng ngôn từ của pháp luật để chứng minh rằng Hiến pháp không khẳng định quyền làm chủ người nô lệ như là tài sản]

Quý vị có thực sự cảm thấy mình đúng lý không khi phá hoại Chính phủ này trừ khi phán quyết của tòa án giống như ý kiến của quý vị được trình ra như là quy tắc chung cục của hành động chính trị? Nhưng quý vị sẽ không thuận theo việc bầu lên một Tổng thống Cộng hòa! Quý vị bảo rằng trong trường hợp đó, quý vị sẽ phá hủy Liên bang, và rồi quý vị kết án chúng tôi phá hủy nó. Việc này là trơ tráo. Một tên cướp đường chĩa súng vào màng tang tôi và rít qua kẽ răng: “Hãy đứng yên đưa tiền bạc cho tôi, nếu không tôi sẽ giết ông và kết tội ông là kẻ sát nhân!”

Cái mà kẻ cướp đòi hỏi nơi tôi – tiền bạc của tôi – chắc chắn là tài sản của tôi, và rõ ràng tôi có quyền nắm giữ tài sản này. Lời đe dọa phá hủy Liên bang để mong lấy lá phiếu của tôi thì trên nguyên tắc giống như chuyện kia.

Bây giờ tôi có ít lời nói với đảng viên Cộng hòa. Chúng ta rất mong tất cả các vùng của Liên bang vĩ đại này sống trong an bình và hòa hợp với nhau. Những người Cộng hòa hãy làm trọn phần việc của mình cho điều đó. Cho dù bị khiêu khích, chúng ta đừng làm gì qua cảm xúc hoặc tức giận. Cho dù người miền Nam không muốn nghe chúng ta, chúng ta vẫn phải điềm tĩnh xem xét yêu sách của họ, và nếu có thể được thì nhân nhượng. Phán xét theo những gì họ nói và làm, và theo chủ đề cũng như bản chất trong sự tranh cãi với chúng ta, nếu có thể được thì chúng ta nên xác định điều gì làm cho họ thỏa mãn.

Liệu họ sẽ thỏa mãn nếu các Lãnh địa đầu hàng họ vô điều kiện? Chúng ta biết họ sẽ không thỏa mãn. Trong tất cả những yêu sách của họ, các Lãnh địa ít khi được nhắc đến. Trong tương lai, nếu chúng ta không can dự vào các vụ xâm lấn và nổi dậy thì liệu họ sẽ thỏa mãn hay không? Chúng ta biết họ sẽ không thỏa mãn. Chúng ta biết thế, bởi vì chúng ta không bao giờ can dự vào các vụ xâm lấn và nổi dậy nhưng vẫn bị cáo buộc và lên án.

Câu hỏi vẫn là: điều gì sẽ làm cho họ thỏa mãn? Đơn giản là thế này: Không chỉ chúng ta để cho họ yên, mà bằng cách nào đó chúng ta phải thuyết phục họ là chúng ta thực sự để cho họ yên. Theo kinh nghiệm, chúng ta biết việc này không phải là dễ dàng. Chúng ta cố thuyết phục họ từ ngày đầu chúng ta thành lập, nhưng không có kết quả. Qua tất cả các diễn đàn và phát biểu chúng ta luôn tuyên bố mục đích của chúng ta là để cho họ yên; nhưng chúng ta không thuyết phục được họ. Cùng với việc này, họ chưa bao giờ tìm ra được ai trong chúng ta quấy rối họ.

Những phương cách tự nhiên và có vẻ như đầy đủ đó đã thất bại, thế thì cách gì sẽ thuyết phục được họ? Chỉ có cách này: đừng gọi chế độ nô lệ là sai trái, mà hãy cùng với họ gọi đó là đúng lý. Và phải làm việc này một cách toàn diện – làm trong hành động lẫn lời nói. Sự im lặng không được chấp nhận – chúng ta phải công khai lên tiếng với họ…. Chúng ta phải bắt giữ nô lệ chạy trốn và giao lại cho họ… Xóa bỏ tất cả những dấu hiệu chống lại nạn nô lệ, kẻo họ vẫn tin mọi xáo trộn của họ là do chúng ta gây ra,

Tôi biết họ không nói chính xác như thế. Có lẽ phần lớn trong số họ bảo chúng ta: “Để cho chúng tôi yên, đừng làm gì với chúng tôi cả, và cứ nói theo cách các ông muốn nói về nô lệ.” Nhưng chúng ta thực sự để cho họ yên – chưa bao giờ đụng chạm đến họ – thế thì, rốt cuộc, chính do những gì chúng ta phát biểu mà làm cho họ bất mãn.

Tôi cũng biết họ chưa yêu sách lật đổ Hiến pháp. Nhưng Hiến pháp ghi chế độ nô lệ là sai trái. […]

Nếu chế độ nô lệ là đúng lý, thì tất cả ngôn từ, hành động, luật lệ và các điều khoản Hiến pháp chống lại nô lệ cũng đều sai, phải bị dập tắt và xóa bỏ. Nếu chế độ nô lệ là đúng lý, thì chúng ta thiếu cơ sở để chống lại nó…; nếu nó sai thì họ thiếu cơ sở để mở rộng nó. Tất cả những gì họ đòi hỏi, chúng ta có thể sẵn lòng chấp nhận nếu chúng ta nghĩ chế độ nô lệ là đúng lý; còn tất cả những gì chúng ta đòi hỏi, họ có thể sẵn lòng chấp nhận nếu họ nghĩ chế độ nô lệ là sai trái. Họ nghĩ là đúng còn chúng ta nghĩ là sai, đó chính là vấn đề cho cả cuộc tranh luận. Nếu họ nghĩ chế độ nô lệ là đúng lý thì họ có quyền yêu cầu công nhận chế độ ấy; nhưng nếu chúng ta nghĩ chế độ nô lệ là sai trái thì liệu chúng ta có thể nhượng bộ họ không? Liệu chúng ta có thể bỏ phiếu theo ý họ mà chống lại ý của chúng ta? Xét theo các trách nhiệm về đạo đức, xã hội và chính trị, liệu chúng ta có thể làm điều đó không?

Khi chúng ta nghĩ chế độ nô lệ là sai trái thì chúng ta không thể để mặc nó […] Nếu ý thức của chúng ta ngăn cản việc này, thì chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ của mình, không e sợ, và phải có hiệu quả. Chúng ta đừng để bị phân tán… bởi thủ đoạn như tìm sự thỏa hiệp giữa điều đúng và điều sai cũng vô ích như tìm người không phải sống và cũng không phải chết […]

Chúng ta đừng để mình bị phỉ báng bởi những cáo buộc sai lạc, cũng đừng e sợ những lời đe dọa phá hoại Chính phủ hoặc giam chúng ta vào ngục tối. Chúng ta hãy có lòng tin rằng chính nghĩa sẽ thắng, và trong chính nghĩa đó, theo cách chúng ta thông hiểu mà dũng cảm thực hiện nghĩa vụ của mình cho đến thành công.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: 19th Century Historyhttp://history1800s.about.com/od/abrahamLincoln/a/lincolncooperu.htm

* * *

Mùa hè năm ấy, Đảng Cộng hòa đề cử Abraham Lincoln làm ứng cử viên tổng thống, vượt qua những nhân vật tiếng tăm hơn, và sau đó Lincoln đắc cử. Các sử gia cho rằng thành quả này chính là nhờ ảnh hưởng của bài diễn văn trên, mà một số người đặt tiêu đề là “Bài diễn văn dẫn đến chức vụ tổng thống”.

Chú thích

(1) Đại học Cooper Union: vào thời đó, đại học tư thục này đã nổi danh do nền giáo dục nhấn mạnh đến nghĩa vụ dân sự, tự do ngôn luận, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo, thậm chí còn nhận phụ nữ vào học. Cho đến nay, Đại học Cooper Union vẫn là diễn đàn cho những ý tưởng quan trọng của Hoa Kỳ và tiếp đón nhiều nhân vật nổi danh, kể cả gần đây là Bill Clinton và Barrack Obama.

(2) Các cha già của dân tộc: nói chung, là một nhóm đông đảo những chính khách đã ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập, tham gia vào Chiến tranh Cách mạng Mỹ, và soạn thảo Hiến pháp Mỹ. Các cha già dân tộc chủ chốt gồm có 7 người: John Adams, Benjamin Franklin, Alexander Hamilton, John Jay, Thomas Jefferson, James Madison, và George Washington.

“Để đạt đến một nền hòa bình chính đáng” (1865)

Đây là bài diễn văn của Lincoln đọc trong lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, ngày 04 tháng 3 năm 1865, được xem là một trong những bài diễn văn hùng biện nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cũng giống như bài diễn văn Gettysburg, Lincoln có chủ ý soạn một bài diễn văn súc tích.

Lincoln không lấy làm hào hứng hoặc tự mãn với sự kiện là cuộc Nội chiến Bắc-Nam sắp đến hồi kết thúc với chiến thắng thuộc về miền Bắc dưới sự lãnh đạo của ông. Thay vào đó, ông có ý nhắc nhở cho người Mỹ nhớ rằng cuộc chiến diễn ra giữa những người Mỹ với nhau.

Bài diễn văn này được gồm trong Bộ Sưu tập những Bài Diễn văn Vĩ đại (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.

Quốc dân và thân hữu của tôi:

Ở lần thứ nhì tôi xuất hiện để cất lời tuyên thệ cho chức vụ Tổng thống, thiếu vắng nhiều lý do cho một bài diễn văn dài, không giống như lần đầu. Thế thì có lẽ là thích hợp nếu tôi phát biểu một ít chi tiết về tiến trình tôi sẽ theo đuổi. Sau nhiệm kỳ bốn năm, trong đó có nhiều tuyên cáo với quốc dân được liên tục đưa ra về tất cả các điểm và giai đoạn của cuộc đấu tranh và tiêu tốn nhiều năng lượng của quốc gia, bây giờ thì không có gì mới nhiều để trình bày. Tiến trình quân sự, mà tất cả những điều khác dựa vào đó, thì công luận cũng như tôi đều biết rõ; và tôi nghĩ tiến trình này khá thỏa đáng và khích lệ cho mọi người. Với niềm hy vọng cao cho tương lai, tôi không cần phải dự đoán gì cả.

Abraham Lincoln 2nd inaugural address

Vào dịp nhậm chức bốn năm trước, tất cả các ý nghĩ đều âu lo hướng đến cuộc nội chiến sắp diễn ra. Mọi người đều kinh sợ – mọi người đều tìm cách ngăn chặn nó. Trong khi tôi đang đọc bài diễn văn nhậm chức ở nơi chốn này, tập trung vào việc duy trì sự thống nhất đất nước mà không phải cần đến chiến tranh, thì có những phần tử nổi loạn hiện diện trong thành phố tìm cách phá hoại, tìm cách giải tán liên bang, gây chia rẽ bằng cách đàm phán. Cả hai bên đều không chấp nhận chiến tranh; nhưng một trong hai bên thà tham chiến còn hơn để cho đất nước trường tồn; còn bên kia thà chấp nhận chiến tranh còn hơn để cho đất nước diệt vong. Thế là xảy ra chiến tranh.

Một phần tám của toàn dân số là nô lệ da màu, nói chung không được phân bố rộng trên miền Bắc, nhưng tập trung ở một phần của miền Nam. Các nô lệ này thể hiện một lợi ích lạ kỳ và đáng kể. Tất cả đều biết rằng lợi ích này, bằng cách nào đó, là nguyên nhân của cuộc chiến. Nhằm củng cố, duy trì và mở rộng lợi ích này là mục tiêu mà những người nổi dậy muốn xâu xé miền Bắc, thậm chí qua chiến tranh; trong khi chính phủ không muốn làm gì khác hơn là cố hạn chế sự lan rộng chiến tranh trên lãnh thổ. Không bên nào trông mong có chiến tranh, không trông mong quy mô lớn hoặc thời gian kéo dài, nhưng rồi chiến tranh lại diễn ra trên diện rộng và kéo dài. Không bên nào dự kiến nguyên nhân của cuộc xung đột có thể dừng lại khi xung đột tự nó dừng lại, hoặc thậm chí trước đó. Mỗi bên mong muốn thắng lợi dễ dàng, mong muốn một kết quả kém cơ bản và ngạc nhiên. Cả hai bên đọc cùng một quyển Kinh thánh, cầu nguyện với cùng một Ơn Trên; và mỗi bên xin Người phù hộ chống lại bên kia. Có vẻ như điều kỳ quặc là người ta lại dám cầu xin Ơn Trên chí công hỗ trợ để giật lấy miếng ăn từ mồ hôi nước mắt của những người khác; nhưng dẫu sao chúng ta đừng phán xét họ trừ phi chúng ta muốn người khác phán xét mình. Những lời cầu nguyện của cả người nô lệ và người tự do không thể được ứng nghiệm; không lời cầu nguyện của ai được ứng nghiệm hoàn toàn. Ơn Trên có những mục đích riêng của Người. “Khổ đau cho nhân thế vì lý do phạm lỗi! bởi vì phải như thế khi tội lỗi xảy ra; nhưng phải khổ đau cho người ấy vì người ấy gây tội lỗi!”

Nếu chúng ta nghĩ rằng chế độ nô lệ Mỹ là một trong những tội lỗi mà theo ý Ơn Trên phải xảy ra và đã xảy ra chính vì ý Ơn Trên, chúng ta phải tin rằng Người tạo ra cuộc chiến kinh khủng này cho cả hai miền Bắc và Nam nhằm gây khổ đau vì tội lỗi đã xảy ra. Nhưng sau khi chiến tranh kéo dài quá hạn kỳ của Người, bây giờ Người muốn xóa đi, thế thì chúng ta có thấy khác biệt gì không? Chúng ta nồng nàn hy vọng – chúng ta tha thiết cầu xin – rằng tai họa chiến tranh kinh khiếp này sẽ nhanh chóng kết thúc. Tuy vậy, nếu Ơn Trên vẫn còn muốn cho chiến tranh tiếp diễn, cho đến khi tất cả sự giàu có tích lũy bởi 250 năm nhọc nhằn không được trả công của nông nô bị nhấn chìm, cho đến khi giọt máu cuối cùng chảy ra theo lằn roi, thì phải nói rằng “những phán quyết của Đức Chúa Trời đều là phù hợp và đúng lý.”

Khi Ơn Trên cho ta nhìn ra cái đúng đắn, với ác ý không dành cho ai, với bác ái cho tất cả, với sự kiên quyết đúng hướng, chúng ta hãy cố gắng hoàn tất công việc chúng ta đang làm, nhằm xoa dịu những vết thương của đất nước; nhằm chăm sóc cho người nằm lại trên chiến trường, cho quả phụ của anh ta và con côi của anh ta – làm tất cả mọi việc để đạt đến một nền hòa bình chính đáng và trường cửu, giữa tất cả chúng ta, và với mọi dân tộc.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Public domain WikiSourcehttp://en.wikisource.org/wiki/Abraham_Lincoln%27s_Second_Inaugural_Address

George Graham Vest

George Graham Vest (1830-1904), luật sư và cũng là chính trị gia, vào thời của ông là nhân vật hùng biện hàng đầu. Khởi đầu ông hành nghề luật ở một thị trấn nhỏ của Bang Missouri, Hoa Kỳ, sau đó đắc cử vào Hạ viện của bang này trong cuộc Nội chiến, rồi trong thời gian 1879-1903 là Thượng Nghị sĩ của cùng bang.

Ai điếu cho chú khuyển (1869)

George Graham Vest.jpg
George Graham Vest

Khi hành nghề luật, có lúc George Graham Vest tham gia tranh tụng trong một vụ án xử người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ. Trong thời gian đầu của phiên tòa, Vest không quan tâm gì đến lời khai của các bên. Đến phần tranh luận đúc kết ngày 18 tháng 10 năm 1869, ông có bài phát biểu mà về sau trở thành nổi tiếng.

Phóng viên Wiliam Safire(1) của tờ báo The New York Times bình chọn phát biểu này là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn và lời tựa trên thế giới trong khoảng 1000 năm qua.

Bài phát biểu được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.

Kính thưa bồi thẩm đoàn,

Người bạn tốt nhất mà một người có được trên thế gian này có thể có một ngày nào đó trở mặt và hóa thành kẻ thù chống lại anh ta. Con cái mà anh ta nuôi dưỡng với tình thương đùm bọc có thể trở thành lũ bất hiếu. Những người gần gũi nhất và thân thiết nhất với ta, những người mà ta tin tưởng bằng hạnh phúc và tên tuổi của mình, có thể phản bội ta. Tiền bạc mà một người có được, có thể mất đi. Nó ra đi đúng vào lúc anh ta cần nó nhất. Tiếng tăm của một người có thể tiêu tán trong phút chốc bởi một hành động kém suy xét. Những người phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể là người đầu tiên ném đá ta khi ta cơ nhỡ.

Riêng có một bằng hữu tuyệt đối vô vụ lợi, một bằng hữu không bao giờ bỏ rơi anh ta, một bằng hữu không bao giờ bội ân hay trắc trở, bằng hữu đó là con chó của anh ta. Con chó của anh ta luôn ở kề bên anh ta trong phú quý cũng như trong bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như khi đau yếu. Con chó ngủ trên nền đất lạnh, nơi ngọn gió đông thổi và tuyết bay dồn dập, miễn là nó được được kề cận bên người chủ của nó. Con chó hôn bàn tay anh ta cho dù bàn tay không có thức ăn gì cho nó. Con chó liếm những thương tích và vết trầy xước gây ra bởi những va chạm với cuộc đời thô lỗ. Con chó canh giấc ngủ cho người chủ ăn mày như thể chủ của nó là ông hoàng. Khi tất cả bạn bè lìa xa, con chó vẫn ở lại. Khi anh ta tán gia bại sản và thân bại danh liệt, con chó vẫn trung thành với tình yêu trung kiên như vầng thái dương trên bầu trời.

Nếu số phận đẩy người chủ ra bên lề xã hội, không bè bạn, vô gia cư, thì con chó trung thành chỉ xin một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó bảo vệ anh ta chống lại những hiểm nguy, cho nó chiến đấu chống lại kẻ thù của anh ta.

Rồi đến màn cuối của cuộc đời, thần chết đến đón linh hồn người chủ và để lại tấm thân anh ta trong lòng đất lạnh, cho dù tất cả bè bạn anh ta tiếp tục đi trên con đường của họ, nơi nấm mồ có con chó cao quý, đầu gục giữa hai chân trước, đôi mắt buồn bã vẫn mở to cảnh giác, con chó vẫn luôn trung thành và chân chất ngay cả khi người chủ đã chết.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: The History Place great speeches collectionhttp://www.historyplace.com/speeches/vest.htm

Chú thích

(1) William Lewis Safire (1929-2009): tác gia, phóng viên, bình luận viên, được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ.

Susan B. Anthony

Bà Susan B. Anthony (1820-1906), là nhà tranh đấu người Mỹ nổi tiếng vì những hoạt động suốt 50 năm trong phong trào cổ vũ quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ. Bà đi nhiều nơi trên nước Mỹ và Châu Âu, mỗi năm cho 75-100 bài diễn thuyết.

Về quyền của phụ nữ (1873)

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1872, Bà Susan B. Anthony bị phạt 100 đô la, khoản tiền rất lớn thời bấy giờ, chỉ vì tội đã đi bỏ phiếu. Không thể chịu đựng được sự bất công này, bà bắt đầu đi diễn thuyết nhiều nơi nhằm lên tiếng đòi hỏi quyền bầu cử của phụ nữ.

Dưới đây là bài diễn văn vào năm 1873, trong đó Anthony bảo vệ quan điểm của mình về quyền đi bầu của phụ nữ.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:
– Một trong 13 bài diễn văn hay nhất mọi thời đại (trang mạng MSN News);
– Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (Tạp chí Time, Mỹ).

Susan B. Anthony
Susan B. Anthony

Thưa các thân hữu và đồng bào:

Tôi đứng trước mặt các bạn tối nay với bản cáo trạng về tội đã đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, trong khi theo luật định tôi không có quyền tham gia bầu cử. Tối nay tôi muốn chứng tỏ với các bạn rằng khi đi bỏ phiếu như thế, tôi không phạm tội, mà thay vào đó đơn giản là tôi chỉ hành xử quyền công dân của mình, được Hiến pháp Quốc gia đảm bảo cho tôi và cho tất cả công dân Hoa Kỳ, vượt quá mọi thẩm quyền chối từ của Bang.

Câu mở đầu của Hiến pháp liên bang ghi:

Chúng tôi, nhân dân Hoa Kỳ, nhằm tạo ra một liên bang hoàn hảo, thiết lập công lý, đảm bảo sự an bình trong nước, cung cấp sự phòng vệ chung, nâng cao an sinh tổng thể, và nắm lấy những ơn phước của nền tự do cho chúng tôi và cho hậu duệ của chúng tôi, ban hành và thực hiện Hiến pháp này của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.

Chúng tôi tức là nhân dân; chúng tôi không phải là công dân nam giới da trắng; chúng tôi cũng không phải là công dân nam giới; mà chúng tôi tức là toàn thể nhân dân, những người tạo nên Liên bang. Và chúng ta tạo nên Liên bang, không phải để tạo ơn phước của tự do, nhưng để đảm bảo tự do; không phải cho phân nửa của chúng ta và phân nửa của hậu duệ chúng ta, mà cho toàn dân – phụ nữ cũng như đàn ông. Quả là một sự nhạo báng rành rành khi nói với phụ nữ về việc phụ nữ vui hưởng những ơn phước của tự do trong khi phụ nữ bị từ chối sử dụng phương tiện duy nhất nhằm nắm lấy những ơn phước ấy do chính phủ dân chủ-cộng hòa này cung ứng – tức là lá phiếu.

Bất kỳ bang nào dựa trên giới tính để dẫn đến việc tước quyền công dân của phân nửa nhân dân thì phải thông qua một bộ luật đặt phân nửa ấy ra ngoài vòng pháp luật, hoặc là ban hành luật có tính hồi tố, và vì thế bang ấy vi phạm luật tối cao của đất nước.

Đối với họ, chính phủ này không có thẩm quyền xuất phát từ sự đồng lòng của những người mà họ cai trị. Đối với họ, chính phủ này không phải là nền dân chủ. Nó không phải là nền cộng hòa. Nó là thể chế quý tộc kinh tởm; một chế độ đầu sỏ có lòng ghét bỏ về giới tính; thể chế quý tộc đáng ghét nhất từng được thành lập trên địa cầu; một chính thể đầu sỏ của sự giàu có, nơi mà người giàu cai trị người nghèo. Một chính thể đầu sỏ của sự học tập trong đó người được đi học cai trị người kém học thức hoặc thậm chí một chính thể đầu sỏ của chủng tộc trong đó người da trắng cai trị người da màu có thể kéo dài; nhưng một chính thể đầu sỏ này của giới tính làm cho người cha, các anh em trai, chồng, các con trai, trở thành những kẻ đầu sỏ trên mẹ và các chị em gái, vợ và các con gái của mọi gia đình – tôn vinh tất cả đàn ông làm chủ, tất cả phụ nữ làm kẻ dưới, tạo ra bất mãn, bất hòa và phản loạn trong mỗi ngôi nhà trên đất nước.

[Các từ điển của] Webster, Worcester and Bouvier đều định nghĩa công dân là người trên đất nước Hoa Kỳ, có quyền bầu cử và giữ nhiệm vụ.

Vấn đề còn lại cần phải được giải quyết bây giờ là: Phụ nữ có phải là người không? Tôi thấy khó mà tin có ai đó trong số những người chống đối chúng tôi lại táo tợn nói rằng phụ nữ không phải là người. Thế thì, là người, phụ nữ là công dân; và không bang nào có quyền ban hành luật nào hoặc thi hành luật cũ nào nhằm rút bớt đặc quyền hoặc miễn trừ quyền của phụ nữ. Vì thế, mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong các hiến chương và các bộ luật của một số bang ngày hôm nay phải được xem là vô hiệu lực và vô giá trị, cũng giống như các hiến chương và các bộ luật phân biệt đối xử với người da màu.

* * *

Bà Susan B. Anthony không hề chịu trả tiền phạt vì đã đi bỏ phiếu.

Mãi đến 14 năm sau khi Bà Susan B. Anthony qua đời, quyền đi bầu của phụ nữ mới được công nhận vào tháng 8 năm 1920 qua việc phê chuẩn Tu chính án thứ 19 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tu chính án này do hai phụ nữ đấu tranh Anthony và Stanton chấp bút.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Public domain WikiSourcehttp://en.wikisource.org/wiki/On_Women%27s_Rights_to_Vote

Tù trưởng Joseph

Năm 1877, Mỹ lấy đi phần đất của bộ tộc Nez Perce sinh sống thuộc Lãnh địa Oregon cho người định cư da trắng để khai khoáng và để sử dụng trong những mục đích công khác. Bộ tộc này được lệnh dời vào một khu bảo tồn dành riêng cho họ ở Idaho.

Ban đầu, Tù trưởng Joseph (1840?-1904) của bộ tộc này đồng ý. Nhưng một số người của bộ tộc sát hại một số người định cư da trắng, khiến Tù trưởng Joseph phải dẫn cả bộ tộc rút lui về hướng Canada. Việc này khiến cho cả bộ tộc bị kết án phản nghịch, nên quân đội Mỹ được huy động truy kích họ. Bộ tộc Nez Perce chống cự không lại, phải tiếp tục rút lui trên quãng đường dài 2.400 km. Nhưng quân đội Mỹ vẫn truy sát họ.

Cuối cùng, ngày 05 tháng 10 năm 1877 Tù trưởng Joseph tuyên bố đầu hàng. Phát biểu của ông trở thành một trong những phát biểu đầu hàng nổi tiếng nhất lịch sử.

Phát biểu này được đánh giá như sau:

  • Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness)
  • Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.
  • Một trong 13 phát biểu hay nhất mọi thời đại (trang mạng MSN News).

“Tôi sẽ không bao giờ chiến đấu nữa” (1877)

Chief Joseph
Tù trưởng Joseph

Hãy nói với Tướng Howard tôi hiểu con tim ông ấy. Những gì ông ấy nói với tôi lúc trước, tôi để trong con tim của mình.

Tôi quá mệt mỏi vì chiến đấu. Các thủ lĩnh của chúng tôi đã bị giết; Looking-Glass đã chết, Ta-Hool-Hool-Shute đã chết. Tất cả những người già đều đã chết. Chỉ còn lại những người trẻ nói đồng ý hoặc phản đối. Người chỉ huy nhóm người trẻ [em trai của Tù trưởng Joseph] đã chết. Trời lạnh, và chúng tôi không có chăn; các trẻ nhỏ đang lạnh cóng sắp chết. Một số người của tôi đã chạy trốn lên các ngọn đồi, không có chăn, không có thức ăn. Không ai biết họ đang ở đâu – có lẽ đang lạnh cóng sắp chết. Tôi muốn có thời giờ để chăm sóc con cái tôi, và xem có thể tìm kiếm được mấy đứa. Có thể tôi sẽ tìm ra bọn chúng trong số những người chết.

Các thủ lĩnh, hãy nghe tôi! Tôi quá mệt mỏi; con tim tôi đau buồn. Từ nơi mà bây giờ mặt trời đứng yên, tôi sẽ không bao giờ chiến đấu nữa.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: The History Place great speeches collectionhttp://www.historyplace.com/speeches/joseph.htm

Chú thích

(1) Bộ tộc Nez Perce: tên của bộ tộc có nguồn gốc từ tiếng Pháp Nez Percé, có nghĩa: mũi xỏ, trong khi tên thường dùng hiện giờ là Niimíipu.

Elizabeth Cady Stanton

Elizabeth Cady Stanton
Elizabeth Cady Stanton

Bà Elizabeth Cady Stanton (1815-1902) là người được xem là đã đổi mới xã hội Mỹ, khi cùng với Bà Susan B. Anthony tranh đấu cho quyền bầu cử của phụ nữ. Ngoài quyền bầu cử, trong hơn nửa thế kỷ Stanton còn hoạt động không mệt mỏi liên quan đến những quyền của phụ nữ: làm mẹ và nuôi con, làm chủ tài sản, làm việc và hưởng lợi tức, ly dị, hạn chế sinh sản. Những chủ đề này mang tính tiền phong thời bấy giờ, trái ngược với thái độ bảo thủ đương thời.

Bà là người chấp bút chính cho văn kiện The Declaration of Sentiments [Tuyên ngôn Quan điểm] do 68 phụ nữ và 32 đàn ông ký vào năm 1848 ở Seneca Falls, New York, dựa theo bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Văn kiện này thường được xem là hệ thống quan điểm đầu tiên của phong trào tranh đấu cho quyền phụ nữ ở Mỹ.

Encarta Yearbook 1999 bình chọn bà (người phụ nữ duy nhất) là một trong “mười nhân vật làm thay đổi thiên niên kỷ”.

“Nỗi cô đơn của bản thân” (1892)

Đây là bài diễn văn của Bà Elizabeth Cady Stanton ngày 20 tháng 1 năm 1892 trước Ủy ban Thượng viện Mỹ về Quyền Bỏ phiếu của Phụ nữ.

Nhiều người xem đây là bài diễn văn hay nhất của Stanton, và chính bà cũng lấy làm tâm đắc nhất với bài diễn văn này, qua đó bà đưa ra những nguyên tắc và giá trị trong phong trào đấu tranh cho quyền của người phụ nữ.

Nhân cơ hội này, quan điểm mà tôi muốn đưa ra một cách rõ ràng với quý vị là cá tính của mỗi tâm hồn con người – tức là ý tưởng đạo Tin Lành của chúng tôi; và quyền về lương tâm và phán xét cá nhân – tức là ý tưởng nền cộng hòa của chúng ta, quyền công dân cá nhân. Khi thảo luận về những quyền của phụ nữ, thứ nhất, chúng ta xem xét những gì thuộc về phụ nữ như là một cá nhân, trong thế giới của riêng người ấy, là người phán xử cho vận mệnh của chính mình, một Robinson Crusoe trong tưởng tượng với ngày Thứ Sáu phụ nữ của người ấy trên một hoang đảo. Quyền của người phụ nữ trong những tình huống ấy là quyền được sử dụng tất cả tiện ích của mình cho sự an toàn và hạnh phúc của riêng mình.

Thứ hai, nếu chúng ta xem người phụ nữ ấy là một công dân, là một thành viên của quốc gia vĩ đại này, thì người phụ nữ ấy phải có những quyền bình đẳng với các thành viên khác, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Chính phủ chúng ta.

Thứ ba, được xem là một phụ nữ, một yếu tố bình đẳng trong nền văn minh, thì những quyền và những nghĩa vụ của người phụ nữ ấy cũng giống như thế – hạnh phúc và sự phát triển cá nhân.

Thứ tư, chỉ những mối quan hệ phụ thuộc trong cuộc sống – như là làm mẹ, làm vợ, chị em gái, con gái – mới bao gồm một số nghĩa vụ và huấn luyện đặc biệt. Trong thảo luận thông thường liên quan đến phạm trù của người phụ nữ, một số đàn ông đều hạ thấp các quyền và nghĩa vụ của phụ nữ như là một cá nhân, như là một công dân, như là một phụ nữ trong khuôn khổ những mối quan hệ phụ thuộc ấy, nhưng một bộ phận lớn phụ nữ lại không bao giờ có đủ các mối quan hệ này. Khi thảo luận vai trò của một đàn ông, chúng ta không quyết định quyền của ông ta như là một cá nhân, như là một công dân, như là một người đàn ông trong nghĩa vụ là người cha, người chồng, người anh hoặc con trai, nhưng ông ta có thể lại không bao giờ phải gánh vác hết các nghĩa vụ đó. Hơn nữa, ông ta sẽ thích hợp hơn với những quan hệ ấy và bất kỳ công việc đặc biệt nào mà ông ta chọn để kiếm sống, qua sự phát triển toàn diện tất cả khả năng của ông ta như là một cá nhân, không chỉ đối với phụ nữ. Nền giáo dục, nhằm giúp phụ nữ thực hiện các nghĩa vụ trong phạm trù lớn hơn của sự hữu dụng con người, sẽ thích hợp tốt nhất cho bất kỳ công việc đặc biệt nào mà người phụ nữ ấy phải làm.

Sự cô lập của mỗi tâm hồn con người và sự cần thiết về quyền tự chủ phải cho mỗi cá nhân quyền được chọn lựa khung cảnh sống của mình. Lý do mạnh mẽ nhất – để trao cho phụ nữ mọi cơ hội về giáo dục cấp cao, về sự phát triển toàn diện các năng lực, sức mạnh tinh thần và thể chất; để trao tự do rộng rãi nhất về tư tưởng và hành động; sự giải phóng toàn diện thoát khỏi tất cả loại hình về nô dịch, về phong tục, sự tùy thuộc, mê tín; thoát khỏi những ảnh hưởng sợ hãi – đó là sự cô đơn và trách nhiệm cho bản thân của cuộc sống cá nhân người phụ nữ ấy. Lý do mạnh mẽ nhất tại sao chúng ta đòi hỏi phụ nữ phải có tiếng nói trong chính phủ của người phụ nữ ấy; trong tôn giáo mà họ tin theo; phải có bình đẳng trong cuộc sống xã hội nơi mà họ là nhân tố chính; phải có một chỗ đứng trong các ngành nghề để họ có công ăn việc làm, bởi quyền tự chủ có sẵn từ khi sinh ra – bởi vì, là một cá nhân, người phụ nữ ấy phải dựa vào bản thân.

Ngáng trở con đường giáo dục toàn vẹn thì giống như móc hai con mắt; chối bỏ quyền sở hữu thì giống như chặt hai cánh tay. Từ chối sự bình đẳng chính trị thì giống như lấy đi tất cả tự trọng, tín dụng trong thương trường, tưởng thưởng trong công việc, tiếng nói để chọn người đại diện lập pháp và hành pháp, lựa chọn bồi thẩm trước phiên xử và thẩm phán ra quyết án phạt. […]

Không có gì củng cố sự phán xét và đẩy mạnh lương tâm như trách nhiệm cá nhân. Không có gì thêm phẩm giá vào cá tính như nhận thức về tự chủ; về quyền có vị thế bình đẳng được thừa nhận mọi nơi – một vị thế bởi cá nhân tỏ ra xứng đáng chứ không phải được tiếp nhận giả tạo vì lý do kế vị, gia sản, gốc gác và địa vị. Thế thì phải nhìn nhận rằng những trách nhiệm của đời sống được chia đều cho nam giới và nữ giới, rằng vận mệnh của hai giới là giống nhau, họ cần phải chuẩn bị như nhau cho thời gian và vĩnh hằng. Cách nói che chắn phụ nữ để ngăn chặn những dông tố dữ dội của cuộc đời là sự nhạo báng rõ ràng nhất, vì những dông tố ấy hành hạ nữ giới cũng như nam giới, với hậu quả nặng nề hơn, vì nam giới được dạy dỗ để tự bảo vệ mình, để chống lại, để chinh phục…

Trong âm nhạc, phụ nữ nói lại ngôn ngữ của Mendelssohn, Beethoven, Chopin, Schumann, và là những người diễn dịch xuất sắc ý tưởng vĩ đại của họ. Thơ văn của thế kỷ là của phụ nữ, và họ gióng lên tiếng chuông đổi mới trong đời sống tôn giáo, chính trị và xã hội. Họ ngồi vào ghế tổng biên tập và giáo sư, biện luận trong những phiên tòa, đi rảo khắp các khu bệnh viện, phát biểu từ bục thuyết pháp và diễn đàn. Đấy là tính chất của phụ nữ mà cảm nghĩ của công chúng tiến bộ chào đón ngày hôm nay, và đấy là chiến thắng của những sự kiện trong cuộc sống trước những lý thuyết sai lạc trong quá khứ.

Thế thì, đóng khung người phụ nữ tiến bộ ngày hôm nay giữa những giới hạn chính trị hẹp hòi giống như một quý bà bận bịu với khung cửi và kim đan trong quá khứ thì có phải là việc làm nhất quán hay không? Không, không! Máy móc chiếm chỗ công việc lao động của phụ nữ cũng như của đàn ông trên đôi vai nhọc nhằn của họ; khung cửi dệt và guồng đánh sợi chỉ là giấc mơ của quá khứ; cây viết, cọ sơn, giá vẽ, cái đục thế chỗ, trong khi những mong đợi và tham vọng của phụ nữ thay đổi về cơ bản.

Chúng ta thấy có đủ lý do trong những điều kiện ngoại giới của nhân loại cho tự do và phát triển cá nhân, nhưng khi xem xét quyền tự quyết cá nhân của mỗi tâm hồn con người, chúng ta thấy cần có can đảm, phán xét và vận dụng mọi năng lực tinh thần và thể chất, được củng cố và phát triển để sử dụng, ở phụ nữ cũng như đàn ông…

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Milestone Documentshttp://www.milestonedocuments.com/documents/view/elizabeth-cady-stantons-solitude-of-self

Marie Curie

Marie Curie
TS GS Marie Curie

Nữ Tiến sĩ Giáo sư Marie Skłodowska-Curie (1867-1934) là một nhà vật lý và nhà hóa học người Pháp gốc Ba Lan, nổi tiếng do công trình nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ.

Trong thời đại vai trò của phụ nữ còn bị xem thường, Bà Marie Curie đỗ thủ khoa bằng cử nhân tại Đại học Sorbonne danh giá của Pháp. Năm 1900, bà là phụ nữ đầu tiên được tuyển vào ban giảng huấn của trường danh giá École Normale Supérieure và đến năm 1903 bà là phụ nữ đầu tiên nhận học vị tiến sĩ của đại học Pháp.

Bà Marie Curie là phụ nữ đầu tiên được trao Giải Nobel, và là người đầu tiên được trao hai Giải Nobel trong hai ngành chuyên môn khác nhau.

Năm 1903 bà được trao giải Nobel Vật lý cùng với chồng Pierre Curie và ông Henri Becquerel cho các nghiên cứu về bức xạ.

Năm 1906, sau khi chồng bà là Pierre Curie qua đời trong một tai nạn giao thông, bà nhận chức Trưởng khoa Vật lý tại Đại học Sorbonne của chồng, và trở thành giáo sư thực thụ nữ giới đầu tiên tại Sorbonne.

Năm 1910, bà cô lập được nguyên tố radium, và xác định một tiêu chuẩn quốc tế cho tia phóng xạ được gọi là curie, theo họ của hai vợ chồng bà.

Năm 1911, bà nhận giải Nobel Hóa học cho việc khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium (đặt theo tên nước Ba Lan sinh quán). Bà có chủ ý không lấy bằng sáng chế quy trình tách radium tuy gia cảnh còn nghèo và bằng sáng chế này có thể đem lại lợi tức khổng lồ.

Năm 1914, bà làm Giám đốc Viện Radium (sau này mang tên Viện Curie) do Viện Pasteur thành lập cùng với Đại học Paris. Viện này thực hiện những nghiên cứu về vật lý, hóa học và y khoa. Bốn người làm ở viện này được trao Giải Nobel, kể cả con gái Irène Joliot-Curie và con rể Frédéric Joliot-Curie.

Năm 1995, Chính phủ Pháp cải táng hai vợ chồng bà tại điện Panthéon ở Paris vì những đóng góp to lớn của hai người cho nhân loại. Cho đến nay, bà vẫn là phụ nữ duy nhất có vinh dự được an táng tại đây.

Trong một cuộc thăm dò năm 2009 do tạp chí khoa học New Scientist tổ chức, Marie Curie được bầu chọn là “phụ nữ tạo cảm hứng nhất trong khoa học”.

Bà được các trang mạng Biography Online, List DoseListverse xếp vào một trong 10 nhà khoa học hàng đầu trong lịch sử nhân loại, và là phụ nữ duy nhất trong 3 danh sách này.

Năm 2012, Tạp chí Time bình chọn bà là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Radium và những ý niệm mới trong hóa học (1911)

Dưới đây là Bài giảng Nobel do Bà Marie Sklodowska Curie trình bày ngày 11 tháng 12 năm 1911, trong Sảnh đường Hòa nhạc Stockholm, Thành phố Stockholm, Thụy Điển.

Khoảng 15 năm về trước, tính bức xạ (radiation) của uranium được Henri Becquerel khám phá, và 2 năm sau việc nghiên cứu về hiện tượng này trong những chất khác được mở rộng, trước nhất do tôi, rồi sau đó do Pierre Curie và chính tôi. Nghiên cứu này nhanh chóng giúp chúng tôi tìm ra những nguyên tố mới, có tính bức xạ tuy tương tự uranium nhưng mạnh hơn nhiều. Tất cả các nguyên tố này đều phát bức xạ nên tôi đặt ra thuật ngữ là tính chất phóng xạ (radioactive), và đặc tính mới của vật chất được phát hiện mang thuật ngữ chất phóng xạ (radioactivity). Nhờ sự phát hiện những chất phóng xạ rất mạnh này, đặc biệt là radium, nghiên cứu về chất phóng xạ tiến bộ khá nhanh. Những phát hiện nối tiếp nhau, và rõ ràng một ngành khoa học mới đang được phát triển. Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đánh dấu sự ra đời của ngành khoa học này bằng cách trao Giải Nobel Vật lý cho những người đi đầu trong ngành: Henri Becquerel, Pierre Curie và Marie Curie (1903).

Từ lúc ấy, nhiều nhà khoa học tập trung công sức vào cuộc nghiên cứu chất phóng xạ. Cho phép tôi nhắc lại với quý vị một người trong số họ, với suy xét chính chắn, giả thiết táo bạo và qua nhiều khảo sát của ông và học trò, đã thành công không những trong việc mở mang kiến thức của chúng ta mà còn phân loại thật rõ ràng; ông ấy đã đặt nền tảng cho ngành khoa học mới dưới dạng một lý thuyết thật chính xác thích hợp cho việc nghiên cứu hiện tượng. Tôi lấy làm vui mà nhắc lại rằng vào năm 1908, Rutherford đến Stockholm để nhận Giải Nobel như là phần thưởng rất xứng đáng cho công trình của ông.

Không hề bị vấp váp, sự phát triển của ngành khoa học mới tiếp tục đi lên. Và bây giờ, 15 năm sau khám phá của Becquerel, chúng ta đối diện với cả một thế giới của những hiện tượng mới thuộc về một lĩnh vực mà, cho dù gần gũi với các lĩnh vực vật lý và hóa học, được đặc biệt xác định rõ ràng. Trong lĩnh vực này, tầm quan trọng của radium từ góc độ của các lý thuyết tổng quát có tính quyết định. Lịch sử của khám phá và việc cô lập chất này cung cấp chứng cứ cho giả thuyết của tôi rằng phóng xạ là một tính chất nguyên tử của vật chất và có thể giúp tìm ra những nguyên tố mới. Giả thuyết này dẫn đến những lý thuyết về phóng xạ, theo đó chúng ta có thể tiên đoán khá chắc chắn sự hiện diện của khoảng 30 nguyên tố mới mà chúng ta không thể cô lập hoặc xác định tính chất bằng phương pháp hóa học. […]

Xét đề tài theo góc độ ấy, có thể nói rằng việc cô lập radium là viên đá nền móng cho tòa nhà khoa học phóng xạ. Hơn nữa, radium là công cụ hữu dụng và mạnh mẽ nhất trong các phòng thí nghiệm phóng xạ. Tôi tin rằng vì những đánh giá này mà Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển cho tôi vinh dự lớn lao khi trao Giải Nobel Hóa học năm nay cho tôi.

Vì thế, tôi muốn trình bày với quý vị đặc biệt radium như là một nguyên tố hóa học mới, và gác qua việc diễn tả nhiều hiện tượng phóng xạ được trình bày trong các Bài giảng Nobel của H. Becquerel, P. Curie và E. Rutherford.

Trước khi đi vào chủ đề của bài giảng này, tôi muốn nhắc lại rằng những phát kiến về radium và polonium được thực hiện bởi Pierre Curie trong sự cộng tác với tôi. Tôi cũng mang ơn Pierre Curie vì nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực phóng xạ được thực hiện hoặc là một mình hoặc trong sự cộng tác với học trò của ông.

Công việc hóa học nhằm cô lập radium trong thể muối nguyên chất và xác định đặc tính của nó như là một nguyên tố mới là do tôi thực hiện, nhưng nó có liên hệ mật thiết với công việc chung của chúng tôi. Vì thế tôi nghĩ rằng mình diễn dịch đúng ý định của Viện Hàn lâm Khoa học khi cho rằng giải thưởng danh giá này cho tôi có cảm hứng từ công việc chung ấy và vì thế tưởng niệm Pierre Curie.

Tôi xin nhắc quý vị ngay lúc đầu một trong những đặc tính quan trọng của các nguyên tố phóng xạ là ion hóa không khí chung quanh (Becquerel). Khi một hợp chất uranium được đặt lên một tấm kim loại A đặt đối diện với tấm kim loại B và một hiệu số điện thế được duy trì giữa hai tấm A và B, một dòng điện được thiết lập giữa hai tấm này; dòng điện có thể được đo với độ chính xác cao và sẽ được dùng làm thông số đo hoạt tính của một chất. Độ dẫn điện trong không khí có thể được cho là sự ion hóa xảy ra do những tia phóng ra từ các hợp chất uranium.

Vào năm 1897, bằng cách áp dụng phương pháp đo này, tôi thực hiện một nghiên cứu về sự bức xạ của các hợp chất uranium, và chẳng bao lâu mở rộng nghiên cứu này đến những hợp chất khác, với mục đích tìm xem liệu bức xạ này xảy ra trong những nguyên tố khác hay không. Theo cách này, tôi tìm thấy rằng trong số các nguyên tố đã biết, chỉ có các hợp chất thorium có ứng xử giống như các hợp chất uranium.

Tôi lấy làm lạ bởi sự kiện là hoạt tính của các hợp chất uranium và thorium có vẻ như là đặc tính nguyên tử của nguyên tố uranium và của nguyên tố thorium. Các hợp chất hóa học và các hỗn hợp chứa uranium và thorium có hoạt tính theo tỷ lệ thuận với khối lượng của các kim loại này trong các hợp chất và hỗn hợp ấy.

Tôi đo hoạt tính của một số kim loại; tất cả có vẻ như có tính phóng xạ thì luôn luôn chứa uranium hoặc thorium. Nhưng một sự kiện không mong đợi được ghi nhận: một vài kim loại (pitchblende, chalcolite, autunite) có hoạt tính lớn hơn mức mong đợi dựa trên hàm lượng uranium hay thorium. Vì thế, vài loại pitchblende chứa 75% uranium oxide có bức xạ khoảng 4 lần của oxide này. Chalcolite (tinh thể phosphate của đồng và uranium) có bức xạ khoảng 2 lần so với uranium. Điều này trái ngược với quan điểm cho rằng không có kim loại nào có bức xạ mạnh hơn uranium thể kim loại. Để giải thích điều này, tôi chế ra chalcolite tổng hợp từ các sản phẩm nguyên chất và thu được tinh thể, vốn có hoạt tính hoàn toàn nhất quán với hàm lượng uranium; hoạt tính này bằng khoảng phân nửa uranium.

Rồi tôi nghĩ rằng hoạt tính cao hơn của kim loại thiên nhiên có thể được xác định bằng sự hiện diện của một lượng nhỏ chất có tính phóng xạ cao, khác với uranium, thorium và những nguyên tố hiện được biết. Tôi cũng nghĩ rằng nếu đúng như thế, tôi có thể chiết xuất chất ấy từ kim loại bằng những phương pháp thông thường của môn hóa phân tích. Pierre Curie và tôi lập tức thực hiện nghiên cứu này, hy vọng rằng tỷ lệ của nguyên tố mới có thể đến vài phần trăm. Trên thực tế, tỷ lệ của nguyên tố giả định thấp hơn nhiều, và phải mất vài năm mới chứng tỏ chắc chắn rằng pitchblende chứa ít nhất một chất có tính phóng xạ cao, vốn là một nguyên tố theo nghĩa hóa học.

Vì thế, chúng tôi hướng đến việc tạo ra một phương pháp mới để tìm kiếm những nguyên tố mới, một phương pháp dựa trên tính phóng xạ được xem là đặc tính của vật chất. Mỗi phân tách hóa học được tiếp theo bằng việc đo hoạt tính của các chất thu được, và theo cách này có thể xác định làm thế nào chất phóng xạ ứng xử theo góc độ hóa học. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi, và theo một số tính chất thì tương tự việc phân tích phổ. Bởi vì có nhiều loại bức xạ được phóng ra, phương pháp có thể được hoàn thiện và mở rộng, để không những phát hiện chất phóng xạ, mà còn phân biệt giữa chất này và chất kia một cách chính xác.

Khi áp dụng phương pháp ấy, chúng tôi cũng tìm ra rằng thực ra có thể cô đặc hoạt tính bằng những phương pháp hóa học. Chúng tôi tìm ra rằng pitchblende chứa ít nhất hai chất có tính phóng xạ, một chất đi kèm theo bismuth được đặt tên là polonium, còn chất kia đi kèm theo barium, được đặt tên là radium.

Từ lúc ấy, những nguyên tố phóng xạ khác được tìm ra: actinium (Debierne), radiothorium và mesothorium (Hahn), ionium (Boltwood), v.v.

Chúng tôi tin chắc rằng những chất mà chúng tôi phát hiện là những nguyên tố hóa học mới. Niềm tin này chỉ dựa trên bản chất nguyên tử của tính phóng xạ. Nhưng trước hết, từ quan điểm hóa học, đấy như thể các chất của chúng tôi, một chất là bismuth nguyên chất và chất kia là barium nguyên chất. Điều thiết yếu là cho thấy bản chất phóng xạ có liên quan đến những vết của nguyên tố vốn không phải là bismuth và cũng không phải là barium. Muốn chứng minh điều này thì cần cô lập các nguyên tố giả định. Trong trường hợp của radium, việc cô lập thành công hoàn toàn nhưng mất vài năm nỗ lực không ngừng. Radium trong thể muối nguyên chất là một chất mà việc sản xuất bây giờ được công nghiệp hóa; kết quả thành công như thế chưa từng đạt được với chất phóng xạ khác.

Các kim loại chứa radium được nghiên cứu cẩn thận bởi vì sự hiện diện của radium mang đến giá trị đáng kể. Chúng được xác định hoặc bằng phương pháp đo điện, hoặc đơn giản bằng hình ảnh ghi được trên một bản chụp ảnh. Kim loại radium là pitchblende ở St. Joachimsthal (Áo), vốn từ lâu được chế biến để thu muối uranium. Sau khi thu được muối uranium, kim loại này để lại chất tồn lưu chứa radium và polonium. Chúng tôi thường dùng chất tồn lưu này như là nguyên liệu thô.

Việc xử lý đầu tiên là ly trích barium chứa radium và bismuth chứa polonium. Việc xử lý này lúc đầu được thực hiện trong phòng thí nghiệm trên vài kilôgam của nguyên liệu thô (nhiều nhất là 20 kg), sau đó được thực hiện trong một nhà máy vì phải xử lý hàng nghìn kilôgam. Thực ra, dần dà chúng tôi biết được từ kinh nghiệm là trong nguyên liệu thô radium có nồng độ vài decigam mỗi tấn. Khoảng 10 đến 20 kg barium sulphate thô chứa radium được ly trích từ một tấn chất tồn lưu. Ngay lúc ấy, hoạt tính của các chất sulphate này là 30 đến 60 lần cao hơn uranium. Các chất sulphate này được tinh lọc và chuyển thành các chất chloride. Trong hỗn hợp của chloride barium và chloride radium, radium hiện diện chỉ với tỷ lệ 3/100.000. Trong công nghiệp radium ở Pháp, kim loại có hàm lượng thấp hơn nhiều được dùng. Để tách radium khỏi barium, tôi áp dụng một phương pháp tinh thể hóa từng phần của chloride (cũng có thể dùng bromide). Phương pháp này tốn thời giờ để loại barium. Để thu được muối rất tinh khiết, tôi phải thực hiện hàng nghìn quy trình tinh thể hóa. Tiến độ của tinh thể hóa được theo dõi bằng phép đo hoạt tính. Bằng chứng đầu tiên cho biết nguyên tố radium hiện hữu được cung cấp qua phân tích phổ. […]

Tôi xác định nhiều lần trọng lượng nguyên tử trung bình của kim loại trong thể muối dưới phân tích phổ. Phương pháp được áp dụng là xác định hàm lượng chloride ở dạng chloride bạc […]. Những kết quả của tôi được xác nhận bởi những thử nghiệm gần đây.

Việc điều chế các muối radium nguyên chất và việc xác định trọng lượng phân tử của radium chứng tỏ rằng radium là một nguyên tố mới và từ đó có thể cho nguyên tố này một vị trí rõ ràng. Radium là một chất đồng đẳng cao nhất của barium trong gia đình các kim loại kiềm thổ; nó được đưa vào bảng phân loại tuần hoàn của Mendeleev ở cột tương ứng, ở hàng có uranium và thorium. Phổ của radium được biết rất chính xác. […]

Theo nghĩa hóa học, radium không khác barium là mấy; các hợp chất muối của hai nguyên tố này đều đẳng cấu, trong khi các muối của radium ít hòa tan hơn các muối của barium. Điều thú vị cần ghi nhận là tính phóng xạ mạnh của radium không bao gồm những dị thường hóa học, và những đặc tính hóa học thực ra tương ứng với vị trí trong Hệ thống Tuần hoàn được chỉ ra bởi trọng lượng nguyên tử. Tính phóng xạ của radium trong muối rắn thì lớn hơn khoảng 5 triệu lần so với tính phóng xạ của uranium với cùng trọng lượng. Vì hoạt tính này mà các thể muối đều tự phát sáng. Tôi cũng muốn nhắc lại rằng radium liên tục phóng thích năng lượng vốn có thể đo được như là nhiệt năng […].

[Marie Curie tiếp tục mô tả các đặc tính hóa học của radium và của polonium, bản chất phóng xạ của hai nguyên tố để từ đó thiết lập lý thuyết chuyển đổi tính phóng xạ nguyên tử…, trích dẫn công trình của một số nhà khoa học khác]

Để kết luận, tôi muốn nhấn mạnh bản chất của hóa học mới của các thể phóng xạ. Phải xử lý hàng tấn chất liệu để ly trích radium từ quặng khoáng. Khối lượng của radium thu được trong phòng thí nghiệm là vào khoảng một miligam, hoặc cùng lắm là một gam; chất này hiện có giá 400.000 franc mỗi gam. Rất thường khi các chất liệu được xử lý trong đó sự hiện diện của radium không thể được phát hiện trên bàn cân, hoặc thậm chí bởi quang phổ. Tuy thế, chúng tôi có những phương pháp đo thật hoàn hảo và nhạy đến mức chúng tôi có thể biết chính xác những lượng nhỏ của radium chúng tôi đang sử dụng. Phân tích tính phóng xạ bằng phương pháp đo điện cho phép chúng tôi tính toán trong vòng 1% khối lượng bằng phần nghìn của một miligam radium, phát hiện sự hiện diện của 10-10 gram radium pha loãng trong một ít gam của chất liệu. Đây là phương pháp duy nhất có thể dẫn đến sự phát hiện radium khi pha loãng trong quặng khoáng. Độ nhạy của các phương pháp này còn nổi bật hơn trong trường hợp sự phát xạ của radium, vốn có thể được phát hiện khi khối lượng, lấy ví dụ, chỉ có 10-10 mm3. Vì lẽ hoạt tính riêng của một chất, trong trường hợp các bức xạ tương tự, xấp xỉ tỷ lệ nghịch với đời sống trung bình, kết quả là nếu đời sống trung bình rất ngắn, phản ứng phóng xạ có thể đạt độ nhạy không có tiền lệ.

Chúng tôi cũng quen với việc xử lý trong phòng thí nghiệm các chất mà sự hiện diện chỉ được thể hiện bằng đặc tính phóng xạ, nhưng tuy thế chúng tôi có thể xác định, hòa tan, cho kết tủa từ dung dịch của chúng rồi cho lắng bằng điện phân. Điều này có nghĩa là chúng tôi có một môn hóa học riêng rẽ trong đó chúng tôi dùng điện kế thay vì dùng cân, và từ đó chúng tôi có thể gọi là môn hóa học của những chất không thể đo lường.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Gifts of speech, Women’s speeches from around the worldhttp://gos.sbc.edu/c/curie1911.html

Chú thích

(1) École Normale Supérieure: tuy tên được dịch ra nghe tầm thường là “Trường Cao đẳng Sư phạm”, đây là trường danh giá vào hàng bậc nhất nước Pháp và nổi tiếng toàn thế giới.

(2) Pitchblende: một quặng kim loại chứa chủ yếu uranium oxide (UO2) hay còn được gọi là uranitite, màu đen mờ đục, có trọng lượng riêng rất cao đối với một kim loại: 9,0-9,7. Pitchblende hiện diện ở Canada, Đức, Mỹ, Nam Phi, Pháp, và Séc như là một thành phần của đá granít hoặc như là một kim loại thứ cấp có liên quan tới quặng bạc, chì hoặc đồng. Số lượng pitchblende lớn mà hai vợ chồng Curie cần để chiết xuất radium thật ra là loại phế thải của một một mỏ khai thác bạc và uranium ở Séc mà chủ nhân mỏ này không biết phải thải bỏ ra sao, vì thế họ rất vui lòng biếu không pitchblende cho hai vợ chồng Curie mà họ nghĩ là hai người điên rồ!

Vladimir Ilyich Lenin

Vladimir Ilyich Lenin (Nga văn: Влади́мир Ильи́ч Ле́нин) (1870-1924) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, cũng là người phát triển học thuyết của Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels.

Lenin tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô và thành lập nước Nga Xô Viết.

Tạp chí Time bình chọn ông là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

“Cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới muôn năm!” (1917)

Sau khi Cách mạng Nga diễn ra vào tháng 3 năm 1917, đến tháng 4 năm ấy Lenin từ Thụy Sĩ trở về nước Nga, kêu gọi “Mọi sức mạnh cho chính quyền Xô Viết.” Tháng Mười, Đảng Bônsêvich của ông giành được sự hậu thuẫn từ phần lớn chính quyền Xô Viết trong khi ông cùng Trotsky lãnh đạo cuộc Cánh mạng Tháng Mười. Ngày 25 tháng 10 năm 1917, tại Xô Viết Petrograd, trong khi Trotsky đang phát biểu trước một đám đông thì Lenin xuất hiện, và Trotsky yêu cầu Lenin bước lên diễn đàn.

Bài diễn văn của Lenin tuy ngắn gọn nhưng tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới qua câu kết thúc “Cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới muôn năm!”

Thưa các đồng chí,

Lenin
Vladimir Ilyich Lenin

Cuộc cách mạng của hai giai cấp công nhân và nông dân – mà những người Bônsêvich vẫn luôn nói rằng cần thiết – được hoàn tất.

Tầm quan trọng của cuộc cách mạng của hai giai cấp công nhân và nông dân là như thế nào? Trước nhất, tầm quan trọng của nó là chúng ta sẽ có một nhà nước Xô Viết, cơ quan quyền lực của chính chúng ta, trong đó thành phần tư sản sẽ không có vai trò gì cả. Những tầng lớp bị áp bức sẽ tự lập nên quyền lực. Bộ máy nhà nước cũ sẽ bị đập tan đến tận nền móng, và một bộ máy hành chính mới sẽ được thiết lập theo khuôn mẫu của các tổ chức Xô Viết.

Từ lúc này trở đi, một giai đoạn mới trong lịch sử của nước Nga sẽ bắt đầu, và giai đoạn này, cuộc cách mạng Nga lần thứ ba, cuối cùng sẽ mang đến chiến thắng cho chủ nghĩa xã hội.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng ta là chấm dứt ngay chiến tranh. Mọi người đều thấy rõ rằng để chấm dứt cuộc chiến này, vốn bị cột chặt vào hệ thống tư bản hiện hữu, thì phải đấu tranh chống lại tư bản.

Trong việc này, chúng ta sẽ được sự hỗ trợ của phong trào giai cấp lao động, vốn bắt đầu phát triển ở Ý, Anh và Đức.

Đề xuất mà chúng ta đưa ra với nền dân chủ quốc tế cho một nền hòa bình công bằng và tức thời sẽ làm nổi lên ở khắp nơi sự đáp ứng nồng nhiệt trong số quần chúng vô sản quốc tế. Tất cả những hiệp ước bí mật(1) phải được công khai lập tức nhằm củng cố lòng tin của giới vô sản.

Trên nước Nga, một bộ phận to lớn trong giai cấp nông dân nói rằng họ đã chịu đựng giai cấp tư bản đủ lâu rồi, và bây giờ họ sẽ tiến bước cùng với giai cấp công nhân. Một nghị định duy nhất chấm dứt việc làm chủ đất đai sẽ giúp chúng ta giành được sự tin tưởng của nông dân. Nông dân sẽ hiểu rằng việc giải phóng giai cấp của họ chỉ nằm trong sự liên minh với giai cấp công nhân. Chúng ta sẽ thiết lập quyền kiểm soát của công nhân thực thụ đối với sự sản xuất.

Bây giờ chúng ta thấm nhuần được việc tạo nỗ lực có phối hợp. Cuộc cách mạng vừa thành công là chứng cứ cho điều ấy. Chúng ta có sức mạnh của tổ chức quần chúng để vượt qua mọi trở ngại và dẫn giai cấp vô sản đến cuộc cách mạng thế giới.

Bây giờ chúng ta phải bắt đầu tạo dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa vô sản cho nước Nga.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới muôn năm!

Diệp Minh Tâm dịch từ bản dịch Anh văn: Marxists Internet Archivehttp://www.marxists.org/archive/lenin/works/1917/oct/25a.htm

* * *

Tối hôm ấy, Đại hội Toàn Nga lần thứ hai của các Xô Viết tuyên cáo chuyển giao quyền hành trên khắp nước Nga cho các Xô Viết của các đại diện công nhân, binh sĩ và nông dân.

Chú thích

(1) Hiệp ước bí mật: ý nói đến những văn kiện ngoại giao và hiệp ước mà Sa hoàng và sau đó Chính phủ Lâm thời của Nga ngầm ký kết với Anh, Pháp, Đức, Nhật…

Mohandas K. Gandhi

Mahatma Gandhi hoặc Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) là anh hùng dân tộc Ấn Độ. Trong nửa đầu thế kỷ 20, ông tranh đấu nhằm giành độc lập cho Ấn Độ từ Đế quốc Anh bằng đường lối bất bạo động và bất hợp tác với chính quyền Anh đang cai trị lục địa Ấn Độ. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức. Nguyên lý bất bạo lực được ông đề xướng với tên Chấp trì chân lý (sa. satyāgraha) tạo ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay.

Ngày 30 tháng 1 năm 1948, Gandhi bị bắn chết khi ông đang đi đến bục giảng để phát biểu trong một cuộc hội họp có cầu nguyện.

Ủy ban Nobel bị công kích rất nhiều vì không trao Giải Nobel Hòa bình cho Gandhi dù ông được đề cử cho giải này nhiều lần, lần cuối cùng là một năm trước khi ông bị ám sát. Có dư luận cho rằng Ủy ban Nobel chịu áp lực của Đế quốc Anh nên từ chối trao Giải Nobel Hòa bình cho ông.

Encarta Yearbook 1999 bình chọn Gandhi là một trong “mười nhân vật làm thay đổi thiên niên kỷ”.

Tạp chí Time bình chọn ông là một trong 10 người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, và cũng là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

“Phải có lòng tự tin” (1930)

Ngày 11 tháng 3 năm 1930, đám đông lên đến 10.000 người tụ họp cho buổi cầu nguyện ở bờ sông Sabarmati tại Bang Ahmedabad. Khi nghi lễ cầu nguyện kết thúc, Gandhi đọc một bài diễn văn đáng nhớ trước khi ông cầm đầu một cuộc tuần hành lịch sử ngày hôm sau.

Rất có thể đây là bài phát biểu cuối cùng của tôi với các bạn. Ngay cả nếu Chính phủ cho phép tôi tham dự cuộc tuần hành sáng mai, đây sẽ là bài phát biểu cuối cùng của tôi bên bờ Sabarmati.

Hôm qua, tôi nói với mọi người những gì cần nói. Hôm nay, tôi sẽ gói gọn những gì mọi người cần làm sau khi những người đồng hành và tôi bị bắt. Cần phải theo đúng chương trình tuần hành đến Jalalpur như lúc đầu đã định. Chỉ nên chọn người tình nguyện ở Gujarat thôi. Từ những gì tôi nghe thấy trong hai tuần qua, tôi tin rằng dòng người phản đối sẽ bị đàn áp.

Nhưng đừng tạo ra vẻ phá rối trật tự sau khi tất cả chúng tôi bị bắt. Chúng ta nhất quyết vận dụng tất cả nguồn lực của chúng ta trong việc theo đuổi cuộc tranh đấu hoàn toàn bất bạo động. Đừng có ai làm điều gì sai trái trong cơn tức giận. Đó là hy vọng và lời cầu xin của tôi. Tôi mong tiếng nói của mình lan đến mọi ngõ ngách của đất nước. Nhiệm vụ của tôi sẽ hoàn thành nếu tôi mất đi, và các đồng chí của tôi cũng thế. Lúc ấy sẽ tùy Ủy ban Hành động của Đảng Quốc Đại chỉ ra con đường cho mọi người và tùy mọi người đi theo sự lãnh đạo của họ. Chừng nào mà tôi đi đến Jalalpur, thì đừng làm gì ngáng trở quyền hạn mà Đảng Quốc Đại giao cho tôi. Nhưng một khi tôi bị bắt, tất cả quyền hạn chuyển về Đảng Quốc Đại. Vì thế, những người tin nơi bất bạo động, như là tín điều, cần phải ngồi yên.

Ngay sau khi tôi bị bắt thì sự thỏa thuận giữa tôi và Đảng Quốc Đại chấm dứt. Trong trường hợp đó, người tình nguyện hành động. Nơi nào có thể được, bắt đầu hành động bất tuân về muối(1). Có thể vi phạm các điều luật này theo ba cách. Sản xuất muối ở nơi đã có các cơ sở làm việc này là vi phạm. Tích trữ và bán muối lậu, kể cả muối biển và muối mỏ, là vi phạm. Người mua muối lậu cũng vi phạm. Vận chuyển muối tập kết trên bãi biển cũng là vi phạm. Rao bán muối cũng thế. Tóm lại, các bạn có thể tùy chọn một hay tất cả các cách ấy để phá vỡ sự độc quyền về muối.

Tuy nhiên, chúng ta không thỏa nguyện với chỉ một hành động đó. Quốc Đại không ngăn cấm, và nơi nào mà công nhân địa phương có đủ tự tin thì có thể thực hiện những biện pháp khác. Tôi chỉ nhấn mạnh một điều kiện, đó là: lời cam kết về công lý và bất bạo động là phương tiện duy nhất để duy trì sự tự chủ. Còn lại, các bạn có quyền tự do hành động. Nhưng, điều này không có nghĩa là cho phép mọi người thực hiện trách nhiệm của mình. Khi thiếu vắng thủ lĩnh và chỉ một nhóm nhỏ tin tưởng vào chương trình, họ có thể làm việc gì cũng được nếu có đủ tự tin. Họ có quyền, không phải, họ có nghĩa vụ phải làm việc ấy. Lịch sử ghi đầy những tình huống trong đó con người nổi lên nắm quyền lãnh đạo bằng sức mạnh của lòng tự tin, dũng cảm và kiên trì. Chúng ta cũng thế, nếu chúng ta thành thực khao khát cuộc đấu tranh giành độc lập và nôn nóng muốn đạt kết quả, thì cũng phải có lòng tự tin tương tự. Hàng ngũ của chúng ta sẽ mở rộng và con tim chúng ta sẽ mạnh thêm khi số người bị Chính phủ bắt tăng lên.

Ngoài những việc trên, có thể thực hiện nhiều việc khác. Có thể bao vây các cửa hàng bán rượu và vải vóc nước ngoài. Có thể từ chối đóng thuế nếu chúng ta có thực lực cần thiết. Các luật sư có thể từ chối hành nghề. Công chúng có thể tẩy chay tòa án nếu đừng thưa kiện. Công chức Chính phủ có thể từ chức. Trong cơn tuyệt vọng, nhiều người sợ mất công ăn việc làm. Những người ấy không thích hợp cho cuộc đấu tranh giành độc lập. Nhưng tại sao lại tuyệt vọng như thế chứ? Con số công chức Chính phủ trên đất nước không quá vài trăm nghìn. Những người còn lại thì sao? Họ đi đâu [để kiếm việc]? Ngay cả nước Ấn Độ tự do sẽ không thể thu nhận một số lớn công chức. Lúc đó một nhân viên thu thuế sẽ không cần nhiều người giúp việc như bây giờ. Ông ta sẽ tự làm lấy công việc của người giúp việc. Hàng triệu người đang đói kém không thể nào chịu đựng được chi phí khổng lồ như thế. Vì thế, nếu suy nghĩ kỹ thì chúng ta nên từ bỏ công việc nhà nước, cho dù đó là chức vụ quan tòa hoặc giao công văn. Những người hiện đang hợp tác với Chính phủ bằng cách này hay cách khác, hoặc bằng cách đóng thuế, mang chức vụ, hoặc gửi con cái đi học trường công, vân vân, cần chấm dứt sự hợp tác bằng mọi cách nếu có thể được. Lúc đó sẽ có phụ nữ kề vai sát cánh với nam giới trong cuộc đấu tranh này.

Các bạn có thể xem đây là di chúc của tôi. Đó là thông điệp tôi muốn chuyển đến các bạn trước khi bắt đầu cuộc tuần hành hoặc đi vào nhà tù. Tôi mong ước sẽ không có việc đình chỉ hoặc bỏ rơi cuộc chiến đấu bắt đầu sáng mai hay sớm hơn, nếu tôi bị bắt trước đó. Tôi sẽ nôn nóng trông đợi tin tức là mười đợt tuần hành sẽ sẵn sàng ngay khi đợt của tôi bị bắt. Tôi tin có những người trên đất Ấn Độ sẽ hoàn tất sự nghiệp mà tôi đã bắt đầu. Tôi tin nơi chính nghĩa của chúng ta và sự thuần khiết trong vũ khí của chúng ta. Và nơi nào mà phương tiện được trong sạch, nơi đó Thượng Đế sẽ chắc chắn ban ơn phước của Người. Và khi ba yếu tố gộp lại thì không thể nào thất bại. Ở Satyagrahi, cho dù chúng tôi được tự do hay ngồi tù thì vẫn là thắng lợi. Người ta chỉ bị đánh bại khi rời bỏ chân lý và chủ trương bất bạo động, và không chịu nghe tiếng nói của nội tâm. Vì thế, nếu có thất bại tại Satyagrahi, thì chỉ do người như thế gây ra.

Xin Ơn Trên phù hộ mọi người và dọn sạch mọi ngáng trở trên con đường tranh đấu bắt đầu từ ngày mai.

* * *

Ngày hôm sau, 12 tháng 3 năm 1930, Gandhi dẫn đầu cuộc tuần hành dài gần 390 km từ căn cứ địa của ông, Sabarmati Ashram gần Ahmedabad, đi đến bờ biển gần làng Dandi. Mục đích là tự sản xuất muối mà không trả thuế, trong sự thách thức lệnh cấm tư nhân làm muối của thực dân Anh. Vì thế mà cuộc Tuần hành Dandi còn có tên là Tuần hành Muối (Anh ngữ: Salt March).

Gandhi_Salt March

Nhiều người trong đoàn tuần hành, có lúc lên đến 50.000 người, bị cảnh sát của thực dân Anh đánh đập tàn bạo. Ngày 06 tháng 4 năm 1930, hàng triệu người tham gia những cuộc biểu dương bất phục tùng chính quyền đô hộ của người Anh. Cuộc tuần hành gây tiếng vang lớn, và thay đổi cái nhìn của nước Anh về cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Public domain WikiSourcehttp://en.wikisource.org/wiki/On_The_Eve_of_Dandi_March

Chú thích

(1) Hành động bất tuân về muối: năm 1882, thực dân Anh ban hành Đạo luật Muối (Salt Act), quy định sự độc quyền trong việc sản xuất muối, vận chuyển muối, và đặt ra thuế muối trên tiểu lục địa Ấn Độ. Gandhi muốn thách thức Đạo luật Muối vì cho rằng người Ấn Độ có quyền tự do sản xuất muối từ nước biển vốn là tài nguyên thiên nhiên của người Ấn Độ, và không phải chịu thuế muối.

Albert Einstein

Albert Einstein (1879-1955), nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức và Thụy Sĩ, được xem là nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại vì là người tạo ra hai cuộc cách mạng lớn của thế kỷ 20 về thế giới quan qua hiệu ứng quang điện và Lý thuyết Tương đối. Ông là Giáo sư Đặc cách của trường Đại học Zürich ở Thụy Sĩ, Giáo sư Vật lý Lý thuyết của Đại học Đường thuộc Đức tại Prague ở Tiệp Khắc, Giáo sư Thực thụ của Đại học Bách Khoa Zürich, Viện sĩ Viện Hàn lâm Berlin…

Năm 1905, Einstein, lúc đó mới 26 tuổi, công bố Lý thuyết Tương đối Hẹp. Ông mô tả một cách nhất quán những sự kiện vật lý trong những khung quy chiếu quán tính khác nhau mà không cần phải đặt ra giả thiết về bản chất của vật chất hoặc bức xạ hoặc về mối tương tác của chúng. Rất ít người đương thời hiểu được luận cứ khoa học của ông. Nhưng Einstein tạo nên cuộc cách mạng lớn của thế kỷ 20 vì đã thay đổi hẳn quan niệm về thời gian và không gian.

Đến năm 1916, Einstein công bố Lý thuyết Tương đối Rộng, theo đấy những tương tác của các vật thể – mà trước giờ được cho là do các nguồn lực hấp dẫn – được lý giải là ảnh hưởng của các vật thể trên hình học của không gian–thời gian. Dựa trên Lý thuyết Tương đối Rộng, ông giải thích được những biến thiên – mà trước giờ không ai giải thích được – về chuyển động theo quỹ đạo của các hành tinh.

Năm 1921, Einstein được trao Giải Nobel về Vật lý cho phát kiến về hiệu ứng quang điện, không phải cho Lý thuyết Tương đối. Trong thập niên 1920, ông sống trong hoàn cảnh bị kìm kẹp bởi chủ nghĩa bài Do Thái của Đức quốc xã.

Ông sang Mỹ năm 1933 và làm việc cho đến cuối đời tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton.

Các trang mạng Biography Online, List DoseListverse xếp ông vào một trong 10 nhà khoa học hàng đầu trong lịch sử nhân loại.

Tạp chí Time bình chọn ông là người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, và cũng là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

”Những điều kỳ diệu của khoa học” (1930)

Ngày 22 tháng 8 năm 1930, nhân Hội chợ Phát thanh và Âm thanh thứ Bảy của Đức khai mạc ở Berlin-Charlottenburg, Albert Einstein được mời đến đọc diễn văn.

Trong thời tiết âm u, giữa tiếng tàu điện chạy qua gần đó nhưng với cử tọa chăm chú theo dõi, bài diễn văn được truyền qua làn sóng phát thanh của Đức. Khi Einstein kết thúc bài diễn văn bằng tiếng Đức với chủ đề tưởng chừng khô khan, ông được hoan hô nhiệt liệt.

Einstein 1930
Einstein: “Khi quý vị nghe đài…

Kính thưa Quý Bà và Quý Ông, những người hiện diện và không hiện diện!

Khi quý vị nghe đài, cũng nên nhìn qua sự kiện là làm thế nào con người đi đến cách thức sở hữu một công cụ truyền thông tuyệt vời như thế. Nguồn gốc của tất cả thành tựu kỹ thuật là từ tính hiếu kỳ tuyệt trần và bản năng khoái nô đùa của nhà nghiên cứu làm việc và suy tư, cũng như từ mộng tưởng có tính xây dựng của nhà phát minh kỹ thuật.

Quý vị hãy nghĩ đến Oersted(1), là người đầu tiên nhận ra hiệu ứng từ của dòng điện; hãy nghĩ đến Reis(2), là người đầu tiên ứng dụng hiệu ứng đó để tạo ra âm thanh qua điện từ; hãy nghĩ đến Bell(3), là người đầu tiên chuyển những sóng âm thành những cường độ dòng điện thay đổi qua máy ghi âm bằng cách sử dụng những sự tiếp xúc nhạy bén. Quý vị cũng nên nghĩ đến Maxwell(4), người chỉ cho chúng ta sự hiện hữu của những sóng điện bằng cách sử dụng thuật toán; nghĩ đến Hertz(5), là người đầu tiên phát ra sóng điện bằng cách dùng một tia lửa và do đó chứng minh được sóng điện. Đặc biệt, hãy nghĩ đến Liebens(6), người phát minh dụng cụ đo xung điện. Đấy là một dụng cụ lý tưởng và đơn giản để tạo ra sóng điện. Quý vị hãy nghĩ – với lòng cảm kích – đến nhiều kỹ sư vô danh đã đơn giản hóa các dụng cụ truyền thông qua đài phát thanh và cải tiến các dụng cụ này nhằm sản xuất số lượng lớn hầu mọi người bây giờ đều có mà dùng.

Ai sử dụng những điều kỳ diệu của khoa học và kỹ thuật mà không nghĩ đến và nhận thức trong tâm trí không hơn con bò nhận ra tính chất thực vật học của các loại cỏ mà nó khoái ăn, thì người ấy đáng xấu hổ.

Quý vị hãy nghĩ đến sự kiện là chính các kỹ sư giúp mang đến dân chủ thật sự. Họ không những tạo thuận lợi cho cuộc sống hằng ngày mà còn giúp quần chúng tiếp cận được công trình của những nhà tư tưởng và nghệ sĩ. Cho đến gần đây, chỉ có một số tầng lớp xã hội có đặc ân mới được thưởng thức những công trình này. Vì thế mà các kỹ sư đánh thức được nhiều người từ trạng thái tối dạ ngái ngủ.

Máy thu thanh cũng hoàn tất một vai trò đặc biệt và độc đáo trong tiến tình hòa giải thế giới. Cho đến giờ, nhiều dân tộc tìm hiểu lẫn nhau hầu như chỉ qua lăng kính bị méo mó từ báo hằng ngày của họ. Máy thu thanh giúp họ thấu hiểu lẫn nhau sinh động nhất, và chủ yếu từ khía cạnh thân thiện. Vì thế, máy thu thanh sẽ đóng góp vào việc chấm dứt những cảm nghĩ của sự xa lạ giữa hai bên vốn dễ trở thành nghi kỵ và thù nghịch.

Với thái độ như thế, quý vị hãy xem qua những thành tựu của phát minh mà hội chợ triển lãm này tạo ra những cảm nhận đầy kinh ngạc của người tham dự.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản dịch Anh văn: Albert Einstein in the World Wide Webhttp://www.einstein-website.de/z_biography/speechfunkausstellung.html

Chú thích

(1) Hans Christian Ørsted (1777-1851): nhà vật lý và hóa học người Đan Mạch.

(2) Johann Philipp Reis (1834-1874): nhà khoa học người Đức, được cho là người phát minh ra điện thoại tuy Bell nhận bằng phát minh.

(3) Alexander Graham Bell (1847-1922): người Mỹ gốc Scotland, nhận bằng phát minh cho điện thoại dù có vài người đã tìm ra nguyên lý của điện thoại trước ông.

(4) James Clerk Maxwell (1831 1879): nhà vật lý lý thuyết người Scottish.

(5) Heinrich Rudolf Hertz (1857-1894): nhà vật lý người Đức, tên của ông được dùng để đặt tên cho đơn vị đo tần số hertz.

(6) Robert von Lieben (1878-1913): nhà khoa học người Áo.

“Thắng cuộc chiến, nhưng không tranh thủ được hòa bình” (1945)

Đây là bài diễn văn của Einstein đọc tại buổi chiêu đãi kỷ niệm Giải Nobel Hòa bình ở Thành phố New York ngày 10 tháng 12 năm 1945.

Các nhà vật lý nhận thấy họ lâm vào hoàn cảnh không khác Alfred Nobel là mấy. Alfred Nobel sáng chế ra một loại chất nổ mạnh hơn bất kỳ chất nổ nào khác được biết vào lúc ấy – là một phương tiện tạo sức phá hủy cực kỳ hữu hiệu. Nhằm chuộc lỗi cho “thành tựu” này và để cho lương tâm bớt nặng nề, ông lập nên giải thưởng cổ vũ cho hòa bình.

Các nhà vật lý – trước đây tham dự vào việc sản xuất loại vũ khí khủng khiếp nhất trong mọi thời đại – hiện giờ đang bị dằn vặt do cảm nghĩ tương tự về trách nhiệm, nếu không nói là về tội lỗi. Với tư cách là những nhà khoa học, chúng ta cần không ngừng cảnh báo về mối nguy hiểm do những loại vũ khí này gây ra; chúng ta phải duy trì nỗ lực để giúp các dân tộc trên thế giới – và đặc biệt là chính phủ của họ – nhận thức được về thảm họa không gì tả được mà chắc chắn họ sẽ gây ra, trừ phi họ thay đổi thái độ đối với nhau và nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc định hình một tương lai an toàn.

Chúng ta giúp tạo ra vũ khí này nhằm ngăn chặn kẻ thù của nhân loại tạo ra nó trước; xét theo bản chất của Quốc xã, loại vũ khí này có thể gây ra tàn phá không gì diễn tả được cũng như đẩy các dân tộc trên thế giới vào vòng nô lệ. Loại vũ khí này được giao vào tay người Mỹ và người Anh trong vai trò là những người được ủy thác của toàn nhân loại, và là những chiến sĩ cho hòa bình và tự do; nhưng cho đến giờ chúng ta không có đảm bảo nào về hòa bình và cũng không có hứa hẹn gì về tự do từ Hiến chương Đại Tây Dương(1).

Thắng cuộc chiến, nhưng không tranh thủ được hòa bình.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: The Spartacus Educational websitehttp://www.spartacus.schoolnet.co.uk/USAeinstein.htm

Chú thích

(1) Hiến chương Đại Tây Dương: do Hoa Kỳ và Anh cùng công bố, nêu một số nguyên tắc chung trong chính sách của hai nước thời hậu chiến. Hai nước tuyên bố không tìm kiếm lãnh thổ, công nhận quyền của mọi dân tộc được chọn thể chế chính phủ cho riêng mình và không bị áp đặt về biên giới, quyền của các bên thắng và bại trong cuộc chiến được tiếp cận với tài nguyên của Trái Đất, xác nhận sự cần thiết phải giải trừ binh bị… Hội nghị ngày 1/1/1942 triệu tập 26 quốc gia chống phe Trục tuyên bố tuân theo chương trình hành động và những nguyên tắc trong Hiến chương Đại Tây Dương, từ đó làm nền tảng để thành lập Liên Hiệp Quốc năm 1945.

Franklin D. Roosevelt

Franklin Delano Roosevelt (1882-1945), thường được biết đến qua tên viết tắt FDR, là tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ (1933–1945) và là nhân vật chủ chốt trong các sự kiện của thế giới giữa thế kỷ 20, lãnh đạo nước Mỹ qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Thế chiến 2. Ông cộng tác chặt chẽ với Thủ tướng Winston Churchill của Anh quốc và Tổng Bí thư Joseph Stalin của Liên Xô trong việc lãnh đạo các lực lượng Đồng minh chống lại Đức và Nhật, nhưng qua đời vì bệnh một thời gian ngắn trước khi chiến tranh kết thúc.

Các sử gia luôn xếp ông là một trong số ba tổng thống vĩ đại nhất của lịch sử nước Mỹ; hai người kia là George Washington và Abraham Lincoln.

Năm 2012, cũng cùng với hai người kia, ông được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

“Điều ta phải sợ hãi là chính sự sợ hãi” (1933)

Khi Franklin Delano Roosevelt đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1932, nước Mỹ đang bị nhấn chìm trong cuộc Đại Suy thoái – cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Nội chiến Bắc-Nam. Nhiều người mất tiền dành dụm, nhà cửa và trang trại. Một số người mất tin tưởng vào hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ.

Trong bài diễn văn nhậm chức vào ngày 04 tháng 3 năm 1933, Roosevelt tìm cách trấn an dân Mỹ đang lo sợ, rồi vạch ra những biện pháp khắc phục để thực hiện trong những tháng ngày tiếp theo.

FDR inauguration 1933
Franklin Delano Roosevelt trong lễ nhậm chức ngày 4/3/1933

Câu nói “Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là sự sợ hãi” sau này trở thành nổi tiếng, được đưa vào giảng dạy trong các trường học ở Mỹ.

Bài diễn văn được xếp hạng như sau:

  • Một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).
  • Hạng 5 trong số các bài diễn văn vĩ đại của thế kỷ 20 (báo The Guardian, Anh quốc).
  • Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness).
  • Một trong 25 bài diễn văn chính trị hàng đầu mọi thời đại (báo The Telegraph, Anh quốc).

Kính thưa Chủ tịch Hoover, Ngài Chánh án Tối cao,

Thưa các bằng hữu của tôi,

Hôm nay là một ngày thánh hóa quốc gia. Tôi tin chắc rằng vào ngày này, bạn bè Mỹ của tôi trông mong rằng khi nhậm chức Tổng thống, tôi sẽ trình bày với họ bằng sự chân thật và quyết đoán mà tình cảnh hiện tại của nhân dân ta đòi hỏi.

Bây giờ chính là lúc tốt nhất để nói lên một cách thẳng thắn và dũng cảm sự thật, toàn bộ sự thật. Chúng ta cũng không cần phải tránh né việc đối mặt một cách trung thực những điều kiện ở nước ta hiện nay. Quốc gia vĩ đại này sẽ chịu đựng như đã từng chịu đựng, sẽ hồi sinh và sẽ thịnh vượng.

Vì vậy, trước hết, hãy để tôi khẳng định niềm tin vững chắc của tôi rằng điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là sự sợ hãi – sự sợ hãi không tên, phi lý, nỗi khiếp sợ không chính đáng đang làm tê liệt những nỗ lực cần thiết nhằm chuyển sự rút lui thành tiến lên. Trong mỗi giờ phút đen tối của đời sống đất nước ta, người lãnh đạo với sự thẳng thắn và với lòng hăng hái đã nhận được niềm thấu hiểu và sự hỗ trợ của chính nhân dân vốn là điều thiết yếu cho chiến thắng. Và tôi tin chắc rằng, một lần nữa, các bạn sẽ dành cho người lãnh đạo sự hỗ trợ đó trong những tháng ngày rất quan trọng này.

Trong tinh thần đó, cả về phía tôi và ở phía các bạn, chúng ta đối mặt với khó khăn chung. Tạ ơn Chúa, đó chỉ là những vấn đề thuộc vật chất. Các giá trị bị suy giảm đến mức đáng kinh ngạc; thuế tăng cao; khả năng thanh toán của chúng ta giảm sút; mọi cơ quan chính phủ đang phải đối mặt với nguồn thu xuống thấp nghiêm trọng; các phương tiện thanh toán trong ngành thương mại bị đóng băng; những lớp lá úa của các ngành công nghệ nằm rải rác mọi hướng; nông dân không tìm được thị trường cho sản phẩm của mình; và khoản tiết kiệm nhiều năm của hàng nghìn gia đình cạn kiệt. Quan trọng hơn nữa, một số lớn công dân thất nghiệp đối mặt với sự sống còn ác nghiệt, và một số lớn không kém đang lao động cực nhọc với đồng lương ít ỏi. Chỉ có kẻ lạc quan ngu xuẩn mới phủ nhận những thực tế đen tối ở thời điểm này.

Thế nhưng nỗi khổ của chúng ta không phải do thất bại nghiêm trọng. Chúng ta không bị dịch châu chấu. So với những hiểm họa mà tổ tiên của chúng ta chinh phục nhờ họ tin tưởng và không sợ hãi, chúng ta vẫn còn nhiều điều để lấy làm cảm kích. Thiên nhiên vẫn hào phóng ban phát và nỗ lực của con người nhân rộng sự hào phóng đó. Phồn vinh nằm trước ngưỡng cửa của chúng ta, nhưng khi sử dụng rộng rãi sự phồn vinh, ta lại làm lu mờ hình ảnh của bên cung cấp.

Chủ yếu đó là vì những người đứng đầu việc trao đổi hàng hóa của con người thất bại vì sự ngoan cố và kém năng lực, họ thừa nhận thất bại và thối lui. Hành động của những kẻ đổi tiền vô lương tâm đang đứng trước sự truy cứu của tòa án công luận, bị chối bỏ trong con tim và đầu óc của con người.

Đúng thật là họ đã cố gắng. Nhưng nỗ lực của họ bị đóng khung trong hình mẫu của một truyền thống lỗi thời. Đối mặt với sự thất bại về tín dụng, họ chỉ biết đề xuất để vay nhiều tiền hơn. Khi không còn có thể lấy lợi nhuận làm mồi nhử để xúi giục dân ta đi theo sự lãnh đạo sai lầm của họ, thì họ quay sang hô hào, nhỏ nước mắt cầu xin phục hồi niềm tin. Họ chỉ biết những quy tắc của thế hệ những người vụ lợi. Họ thiếu tầm nhìn, và khi thiếu tầm nhìn, con người ta tiêu tán.

Vâng, những kẻ đổi tiền đã chạy trốn khỏi ngôi cao của họ trong đền thờ của nền văn minh chúng ta. Bây giờ chúng ta có thể khôi phục ngôi đền đó trở lại với những chân lý cổ xưa. Các biện pháp khôi phục nằm trong tầm mức theo đó chúng ta áp dụng những giá trị xã hội cao quý hơn lợi nhuận tiền bạc đơn thuần.

Hạnh phúc không chỉ nằm trong việc có tiền, mà trong niềm vui trước thành tựu, trong sự phấn khích của nỗ lực sáng tạo. Không được quên niềm vui, sự kích thích tinh thần trong công việc khi theo đuổi một cách điên rồ những lợi nhuận phù du. Hỡi bằng hữu, những ngày đen tối sẽ tương xứng với cái giá chúng ta phải trả nếu chúng dạy được cho ta rằng số phận thật sự của chúng ta không phải là chờ đợi được chăm lo, mà là tự chăm lo cho mình, chăm lo cho quốc dân mình.

Việc nhìn nhận tính gian dối về giàu có vật chất như là tiêu chuẩn của thành công đi song hành với việc từ bỏ niềm tin sai lầm cho rằng các chức vụ nhà nước và địa vị chính trị cao chỉ được đánh giá bởi các tiêu chuẩn của sự kiêu hãnh về địa vị và lợi nhuận cá nhân; và phải chấm dứt cách hành xử trong ngành ngân hàng và kinh doanh vốn thường cho con người niềm tin thiêng liêng vào hành vi sai trái có tính nhẫn tâm và ích kỷ. Thảo nào niềm tin mòn mỏi, vì niềm tin chỉ phát triển mạnh trên sự trung thực, trên danh dự, trên sự thiêng liêng của nghĩa vụ, trên sự bảo vệ một cách trung thành, và trên hoạt động không ích kỷ; thiếu vắng những điều này thì không thể có niềm tin.

Tuy nhiên, sự khôi phục đòi hỏi không chỉ những thay đổi về đạo đức. Quốc gia này đang đòi hỏi hành động, và hành động ngay.

Nhiệm vụ chủ yếu lớn nhất của chúng ta là tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Đó không phải là việc nan giải nếu chúng ta đối mặt với nó bằng sự khôn ngoan và dũng lược. Có thể làm được việc này một phần qua việc tuyển dụng trực tiếp bởi Chính phủ, xem công tác này giống như biện pháp khẩn cấp trong thời chiến, nhưng cùng lúc qua việc tuyển dụng này mà hoàn tất những dự án rất cần thiết để kích cầu và tái tổ chức việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phong phú của ta.

Đi đôi với việc đó, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận sự mất cân đối về dân số tại các trung tâm công nghiệp của chúng ta và, bằng cách tái phân phối ở quy mô quốc gia, cố gắng sử dụng đất phù hợp hơn cho những người thích hợp nhất với [từng loại] đất.

Vâng, có thể hỗ trợ nhiệm vụ đó bằng những nỗ lực nhất định để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhằm tạo mãi lực để mua sản phẩm, dịch vụ ở thành phố. Có thể hỗ trợ nhiệm vụ đó bằng cách ngăn chặn một cách thiết thực tấn thảm kịch do mất mát ngày càng tăng bởi việc xiết nợ những gia đình nhỏ, những trang trại nhỏ. Có thể hỗ trợ nhiệm vụ đó qua những động thái của các chính quyền cấp Liên bang, Bang và địa phương với yêu cầu là phải giảm mạnh chi phí của họ. Có thể hỗ trợ nhiệm vụ đó bằng cách thống nhất các hoạt động cứu trợ vốn hiện nay thường phân tán, không kinh tế, bất bình đẳng. Có thể hỗ trợ nhiệm vụ đó qua kế hoạch quốc gia đi kèm giám sát đối với tất cả loại hình giao thông và truyền thông cùng những dịch vụ công ích khác. Có nhiều cách để giúp hỗ trợ nhiệm vụ đó, nhưng ta chẳng bao giờ hỗ trợ được nếu chỉ nói suông.

Chúng ta phải hành động. Chúng ta phải hành động nhanh chóng.

Và cuối cùng, trong tiến trình nối lại công việc, chúng ta cần hai biện pháp bảo vệ để tránh quay lại những điều tồi tệ của trật tự cũ. Phải giám sát chặt chẽ mọi hoạt động ngân hàng, tín dụng và đầu tư. Phải chấm dứt sự đầu cơ bằng tiền của người khác. Và phải cung cấp lượng tiền mặt đầy đủ nhưng lành mạnh.

Hỡi bằng hữu, đó là những đường tiến công. Tôi sẽ thúc giục một phiên họp đặc biệt của Quốc hội khóa mới về những biện pháp chi tiết để họ thực hiện, và tôi sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ tức thời của 48 Bang.

Qua chương trình hành động này, chúng ta chuyên tâm vào việc tái lập trật tự ngôi nhà quốc gia của chúng ta và làm tăng thặng dư cán cân thu nhập. Cho dù quan hệ thương mại quốc tế rất quan trọng, nhưng tại thời điểm này, do nhu cầu đòi hỏi mà phải ở hàng thứ yếu so với việc thiết lập một nền kinh tế quốc gia lành mạnh. Theo cách thực tiễn, việc nào có ưu tiên hơn thì tôi làm trước. Tôi sẽ không tiếc công phục hồi thương mại thế giới qua cách điều chỉnh nền kinh tế quốc tế; nhưng tình trạng khẩn cấp trong nước không thể chờ đợi thành tựu quốc tế ấy.

Tư tưởng cơ bản hướng dẫn những cách thức phục hồi quốc gia này không có tính chất quốc gia hẹp hòi. Theo sự cân nhắc trước tiên, đó là việc đặt trọng tâm vào sự phụ thuộc hỗ tương giữa những thành phần khác nhau trong nước Mỹ và những vùng khác nhau của nước Mỹ − đó là sự nhìn nhận rằng tinh thần tiền phong của người Mỹ đã có từ xưa và luôn thể hiện. Đó là con đường dẫn đến phục hồi. Đó là con đường ngay tức thì. Đó là đảm bảo mạnh mẽ nhất rằng sự phục hồi sẽ trường tồn.

Trong lĩnh vực chính sách thế giới, tôi sẽ cống hiến quốc gia này cho chính sách của một hàng xóm tốt: người hàng xóm kiên quyết tôn trọng chính mình, và vì thế cũng tôn trọng quyền của người khác; người hàng xóm tôn trọng những nghĩa vụ của mình và tôn trọng sự bất khả xâm phạm của những thỏa thuận của ông với hàng xóm của thế giới. [vỗ tay]

Nếu tôi đọc đúng tâm trạng của nhân dân ta, chỉ bây giờ chúng ta mới nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta; và cũng nhận ra rằng chúng ta không nên chỉ nhận mà còn phải cho; rằng nếu muốn tiến tới thì chúng ta phải di chuyển như là một đội quân được huấn luyện và trung thành, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của kỷ luật chung, bởi vì nếu thiếu kỷ luật như thế thì không thể có tiến bộ, không có guồng máy lãnh đạo nào hiệu quả.

Tôi biết chúng ta sẵn sàng và chấp thuận đặt cuộc sống và tài sản của chúng ta dưới một kỷ luật như vậy, bởi vì điều đó tạo ra một guồng máy lãnh đạo nhắm vào lợi ích cao hơn. Theo thiển ý của tôi, điều này cam kết rằng các mục đích cao cả hơn sẽ ràng buộc chúng ta, ràng buộc tất cả chúng ta như là một nghĩa vụ thiêng liêng với một tính đồng nhất về nhiệm vụ mà trước giờ chỉ có trong thời chiến.

Với cam kết này, tôi không ngần ngại nhận lãnh quyền lãnh đạo đội quân tuyệt vời này của nhân dân ta, cống hiến cho một cuộc tấn công vào các vấn đề chung của chúng ta.

Hành động trong hình ảnh này, hành động cho mục đích này là khả thi theo loại hình của chính phủ mà chúng ta thừa hưởng từ tổ tiên chúng ta. Hiến pháp của chúng ta rất đơn giản, rất thực dụng nên lúc nào cũng có thể đáp ứng với những nhu cầu khác thường qua những thay đổi về trọng tâm và bố trí mà không đánh mất loại hình căn bản. Đó là lý do tại sao hệ thống hiến pháp của chúng ta tự chứng tỏ là cơ chế chính trị lâu dài tuyệt vời nhất mà thế giới hiện đại từng nhìn thấy.

Hiến pháp đối phó với mọi căng thẳng của việc mở rộng lãnh thổ rộng lớn, của chiến tranh với nước ngoài, của xung đột nội bộ cay đắng, của quan hệ thế giới. Và hy vọng rằng sự cân bằng bình thường giữa hành pháp và lập pháp có thể được hoàn toàn bình đẳng, hoàn toàn đầy đủ để đáp ứng nhiệm vụ chưa từng có trước mắt chúng ta. Nhưng nhu cầu chưa từng có và sự cần thiết phải hành động cấp tốc có thể đòi hỏi tạm thời chưa tính đến sự cân bằng bình thường trong quy trình công quyền.

Tôi được chuẩn bị theo nhiệm vụ hiến định của mình để đề xuất các biện pháp mà một quốc gia đang khủng hoảng giữa một thế giới đang khủng hoảng có thể đòi hỏi. Những biện pháp này, hoặc những biện pháp khác mà Quốc hội có thể soạn thảo dựa trên kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ, theo thẩm quyền hiến định của tôi, tôi sẽ tìm cách để được thông qua nhanh chóng.

Nhưng, trong trường hợp Quốc hội không chọn một trong hai tiến trình này, trong trường hợp mà tình trạng khẩn cấp quốc gia vẫn còn nghiêm trọng, tôi sẽ không lảng tránh con đường nhiệm vụ rõ ràng đối mặt tôi lúc đó. Tôi sẽ yêu cầu Quốc hội một công cụ còn lại để đương đầu với cuộc khủng hoảng – quyền hành pháp bao quát để phát động một cuộc chiến chống lại tình trạng khẩn cấp, một quyền lực lớn giống như quyền lực tôi sẽ được trao nếu chúng ta thực sự bị ngoại xâm.

Trước sự tin tưởng giao phó cho tôi, tôi sẽ đáp lại bằng lòng can đảm và tận tụy thích đáng ở từng thời điểm. Tôi không thể làm ít hơn.

Chúng ta đối mặt với những ngày gian khổ phía trước trong sự dũng cảm nồng ấm của tình đoàn kết quốc gia; với ý thức rõ ràng để tìm kiếm những giá trị đạo đức truyền thống và quý giá, khi cả già lẫn trẻ đều thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ với sự mãn nguyện trong sáng. Chúng ta nhắm đến việc bảo đảm một đời sống quốc gia toàn vẹn và vĩnh cửu.

Chúng ta không mất niềm tin vào tương lai của nền dân chủ thiết yếu. Nhân dân Hoa Kỳ không thất bại. Theo nhu cầu của mình, nhân dân bày tỏ một mệnh lệnh là họ muốn có động thái trực tiếp và mạnh mẽ. Nhân dân yêu cầu kỷ luật và định hướng dưới guồng máy lãnh đạo. Nhân dân xem tôi là công cụ hiện thời cho mong mỏi của toàn dân. Tôi đón nhận điều này như một món quà.

Trong sự cống hiến này – trong sự cống hiến của một quốc gia, chúng ta khiêm nhường cầu xin phúc lành của Ơn Trên.

Xin Ơn Trên che chở mỗi người và mọi người chúng con.

Xin Ơn Trên dẫn dắt con trong những ngày sắp tới.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi âm: http://174.132.193.190/~eiden/mp3clips/politicalspeeches/fdrfirstinaugural11223.mp3

Adolf Hitler

Adolf Hitler (1889-1945) là người Đức sinh ở Áo, Lãnh tụ của Đảng Quốc gia Xã hội Đức, gọi tắt là Đức Quốc xã (1921-1945), Thủ tướng Đức (1933-1945), Lãnh tụ và Thủ tướng Đế chế (1934-1945), Tư lệnh Tối cao Quân lực kiêm Bộ trưởng Chiến tranh (1938-1945), Tư lệnh Lục quân (1941-1945). Hitler được cho là nhân tố chính khởi phát Thế chiến 2 khiến cho khoảng 60 triệu người chết.

Từ thời còn trẻ, Hitler đã sớm nhận ra tầm quan trọng của sự tuyên truyền và hùng biện nhằm lay chuyển đám đông. Trong quyển Mein Kamp [Cuộc tranh đấu của tôi], ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tài hùng biện trong chính trị:

Uy lực trong lịch sử tạo ra những cơn lốc về tôn giáo và chính trị từ ngàn xưa đều là uy lực thần kỳ của lời nói, và chỉ do lời nói mà thôi.”

Chỉ có thể khích động quần chúng bằng uy lực của lời nói. Mọi phong trào vĩ đại đều là phong trào quần chúng, là sự bùng nổ của nỗi mê đắm và xúc cảm của con người…”

Dù lúc đầu không tham gia vào chính trị, gã trai trẻ Hitler bắt đầu luyện tập tài hùng biện với những cử tọa anh tìm được ở khu nhà trọ, bếp ăn từ thiện, góc đường phố, thậm chí một mình tập dượt hùng biện trước một tấm gương soi. Sử gia Shirer nhận xét: “Vào mùa hè 1920, họa sĩ thất bại Hitler giờ đây trở thành bậc thầy về nghệ thuật tuyên truyền”. Dần dà, hùng biện phát triển thành một kỹ năng đáng sợ hơn bất kỳ kỹ năng nào giữa hai trận Thế chiến, và đóng góp phần lớn vào thành công đáng kinh ngạc của Hitler. Qua tài hùng biện và tinh thần quốc gia sôi sục, Hitler tạo ấn tượng mạnh trong lòng người dân Đức, và đưa tên tuổi ông lên trang nhất nhiều tờ báo trên thế giới. Cuối cùng, ông trở thành nhà hùng biện tài giỏi nhất nước Đức, khi cất tiếng trên sóng phát thanh với mãnh lực lay chuyển hàng triệu con tim.

Cho dù Hitler luôn có ý lừa dối trong ngôn từ, vào lúc ấy không mấy người ở Đức, ngay cả các tướng lĩnh, nhận ra bản chất thật của ông ta. Thậm chí nhiều chính khách và nhà báo phương Tây tiếng tăm cũng có lúc bị Hitler lừa phỉnh do ngôn từ.

Tạp chí Time bình chọn ông là một trong 10 người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, và cũng là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Phát biểu trong phiên tòa xử tội phản quốc

Vào ngày 8 tháng 11 năm 1923, chính quyền Bang Bavaria tổ chức buổi mittinh tại một nhà hàng bia ở Munich trước một đám đông khoảng 3.000 người. Adolf Hitler dẫn một nhóm vũ trang đi đến, nhảy lên một bàn ăn, cầm một khẩu súng lục bắn chỉ thiên rồi hô lớn: “Cách mạng Quốc gia đã bắt đầu!” Tướng Ludendorff, người hùng trong Thế chiến I, được đưa ra giới thiệu như là người lãnh đạo mới của quân đội Đức.

Ngày hôm sau, Hitler cùng khoảng 3.000 đảng viên Quốc xã tuần hành có vũ trang và xô xát với cảnh sát. Khi súng nổ, Hitler bỏ chạy nhưng hai ngày sau bị bắt, rồi bị đưa ra xử cùng với 9 người khác kể cả Ludendorff.

Phiên tòa xử Adolf Hitler và các tòng phạm bắt đầu ngày 26 tháng 2 và chấm dứt ngày 01 tháng 4 năm 1924, tạo cho ông cơ hội thi thố tài hùng biện đối với các quan tòa và người dự khán kể cả cánh báo chí. Vị Chánh án không giấu diếm thái độ cảm thông đối với Hitler, cho phép bị cáo rộng thời giờ để tự biện hộ, và thế là Hitler lợi dụng phiên tòa làm cơ hội truyên truyền cho cương lĩnh chính trị của mình, đả kích chính quyền hiện hữu, thậm chí ngắt lời người khác và chất vấn nhân chứng.

Ngay ngày đầu tiên, Hitler phát biểu khoảng ba tiếng rưỡi đồng hồ để tự biện hộ. Thay vì chối tội, Hitler nhìn nhận mình muốn lật đổ chính phủ, rồi hùng hồn viện dẫn những lý do tại sao mình phải làm như thế, thể hiện mình là người yêu nước trong khi kết án ngược lại chính quyền dân chủ là tội phạm. Hitler cho rằng các chính trị gia Đức “đâm sau lưng” quân đội và nhân dân Đức vì chấm dứt Thế chiến I quá sớm. Ông đánh mạnh vào cảm nghĩ của dân Đức là không phải quân đội Đức thua trận, nhưng bị giới chính trị phản bội ở quê nhà.

Cánh nhà báo tham dự phiên tòa đăng tải chi tiết những phát biểu của Hitler và phát tin tức đi khắp thế giới. Vì thế, lần đầu tiên người dân Đức bắt đầu biết đến Hitler và tư tưởng của ông. Hitler lập tức trở nên nổi tiếng cả nước Đức và toàn thế giới nhờ sự đăng tải rộng rãi của báo giới.

Rốt cuộc, sau một kỳ xử án kéo dài 24 ngày, từ vị thế của một tội nhân Hitler chuyển biến thành một anh hùng dưới mắt nhiều người Đức.

Dưới đây là diễn giải và trích đoạn phát biểu của Hitler trong phiên xử cuối cùng.

Adolf Hitler, 1924
Adolf Hitler, 1924

[Khi Tướng von Lossov, chỉ huy quân đội ở Bayern, dè bỉu Hitler: “Làm thế nào mà cái trò mị dân bừa bãi như thế lại đến từ những người gần đây chỉ lo đánh trống thổi kèn!”, thì Hitler biết cách đối đáp:]

Kẻ tiểu nhân luôn có tư tưởng nhỏ mọn! Xin hãy tin tôi, tôi thấy không đáng phải tranh luận với lời kết án của một bộ trưởng như thế. Tôi thấy một con người vĩ đại muốn đi vào lịch sử chỉ với tư cách là bộ trưởng thì không xứng đáng. Ông ta rồi có thể được chôn bên cạnh những bộ trưởng khác. Tôi muốn trở thành người hủy diệt chủ nghĩa Marx. Tôi sẽ hoàn tất sứ mệnh này, và nếu thế, cái chức danh bộ trưởng quả là nực cười.

[Hitler đưa ra tấm gương của Wagner:]

Trong lần đầu tiên tôi đứng trước mộ của Richard Wagner, tim tôi tràn ngập niềm hãnh diện với người nằm ở đây vốn đã ngăn cấm đặt trên bia mộ lời lẽ như “Nơi an nghỉ của Ngài Richard von Wagner, Cố vấn Nhà nước, Giám đốc Âm nhạc”. Tôi hãnh diện khi thấy người này và nhiều người khác trong lịch sử nước Đức đã để lại cho hậu thế tên mình nhưng không để lại chức danh. Không phải vì khiêm tốn mà tôi sẵn lòng làm một ‘người đánh trống’ vào lúc ấy, nhưng mà vì đó là nhiệm vụ cao cả nhất, những việc khác còn lại chẳng ra gì cả.

[Hitler bị kết án là muốn từ kẻ đánh trống thổi kèn nhảy lên địa vị nhà độc tài. Ông không phủ nhận điều này, cho rằng định mệnh đã an bài như thế.]

Chỉ sau một thời gian dài lưỡng lự, tôi mới bước ra. Tôi tự đòi hỏi cho mình vị trí lãnh đạo trong cuộc đấu tranh chính trị; và thứ hai, tôi đòi hỏi rằng cấp lãnh đạo của tổ chức mà tất cả chúng ta hằng mong mỏi và trong thâm tâm ông hằng mong mỏi phải tìm đến người anh hùng được thế hệ trẻ Đức trông mong. Nhân chứng cho rằng chúng tôi phải mời đến Ludendorff hầu chính phủ không bắn chúng tôi. Đấy có phải là cái tội hay không?…

Chúng tôi muốn tạo dựng tiền đề cho nước Đức nhằm tháo bỏ gông cùm của kẻ thù của chúng ta. Chúng tôi muốn lập trật tự trên đất nước, lật đổ những kẻ ăn không ngồi rồi, chiến đấu chống lại chế độ nô lệ của giới chứng khoán quốc tế, chống lại cả nền kinh tế bị các tổ chức tín dụng siết chặt, chống lại việc chính trị hóa các công đoàn, và trên hết, là cho nghĩa vụ danh dự cao cả nhất mà chúng ta, như là những người Đức, biết cần phải được tái lập – nghĩa vụ quân sự. Và bây giờ, tôi xin hỏi Quý Tòa: Đấy có phải là tội phản quốc hay không?…

[Hitler không muốn lặp lại lỗi lầm của những người gây bạo loạn trước đấy nói rằng họ không biết gì, không chủ định gì, không muốn gì. Thay vào đấy, Hitler nghĩ rằng mình phải tỏ ra can đảm trước thẩm phán mà nói: “Đúng vậy, đấy là điều chúng tôi muốn làm; chúng tôi muốn lật đổ nhà nước.” Bây giờ, đứng trước hội đồng xét xử và phóng viên báo đài cả thế giới, Hitler hãnh diện tuyên bố:]

Ch*ỉ một mình tôi chịu trách nhiệm. Nhưng tôi không phải là kẻ tội đồ. Nếu hôm nay tôi đứng đây với tư cách là một nhà cách mạng, thì đấy là nhà cách mạng chống lại cuộc cách mạng. Chống lại những kẻ phản quốc năm 1918(1) thì không phải là tội phản quốc…

[Trong khi đang đối chất với các quan tòa và công tố viên, đầu óc Hitler định hình phương cách thành lập Nhà nước Quốc xã. Lần sau, ông ta sẽ lôi kéo để quân đội Đức hậu thuẫn thay vì chống đối mình. Trong bài phát biểu đúc kết, Hitler nêu ý tưởng dàn hòa với quân đội; không có lời nào trách móc:]

Tôi tin rằng thời khắc sẽ đến khi cả quần chúng ngày hôm nay đang xuống đường với lá cờ chữ vạn, sẽ đoàn kết với những người bắn vào họ ngày 9 tháng 11… Tôi tin rằng máu đổ ra sẽ không chia rẽ chúng tôi mãi mãi… Khi biết cảnh sát nổ súng, tôi lấy làm vui vì thấy không phải Quân đội bị ô danh; Quân đội vẫn giữ thanh danh trong sạch như từ trước đến giờ. Một ngày nào đấy, sẽ đến lúc Quân đội đứng bên cạnh chúng tôi, tất cả sĩ quan cũng như binh sĩ.

[Đấy là lời tiên đoán chính xác, nhưng vị thẩm phán chủ tọa ngắt ngang: “Ông Hitler, ông bảo rằng cảnh sát bị ô danh. Tòa không chấp nhận câu nói ấy.” Bị cáo không hề chú ý đến lời khiển trách.

Trong 24 ngày xét xử, Hitler phát biểu và phát biểu, càng lúc càng thêm tự tin và táo bạo. Đến phần cuối phiên xử, cảm thấy mình đang tạo ra tác động mạnh mẽ trên toàn nước Đức, với ngôn từ khiến cho cử tọa của phiên tòa bị thu hút một cách mê mẩn, Hitler phát biểu phần kết luận:]

Người sinh ra làm nhà độc tài không để cho ai thúc đẩy, mà tự làm chủ con người mình. Ông không đợi cho ai đốc thúc, mà tự phấn đấu tiến lên. Như thế không có gì là xấu hổ. Một công nhân muốn nỗ lực trở thành lao động chuyên sâu thì có đáng xấu hổ hay không? Một người có tri thức suy nghĩ hằng đêm trước khi mang đến cho thế giới một phát minh thì có phải là vượt quá quyền hạn hay không? Người nào cảm thấy mình có nghĩa vụ đối với nhân dân thì không nên nói: “Nếu cần đến tôi, tôi sẽ hợp tác.” Không được! Ông ấy phải tiến lên mà gánh lấy nhiệm vụ.

Lực lượng do chúng tôi thành lập đang lớn mạnh từ ngày này qua ngày khác, từ giờ này qua giờ khác. Chính vào những ngày này, tôi ấp ủ hy vọng trong niềm hãnh diện là một ngày, sẽ đến lúc những đại đội ô hợp này trở thành những tiểu đoàn, tiểu đoàn thành trung đoàn, trung đoàn thành sư đoàn, rồi những phù hiệu sẽ được mang lên từ bùn lầy, những lá cờ ngày xưa sẽ tung bay trước mặt chúng tôi, rồi sẽ có hòa giải vĩnh cửu cuối cùng trong Tòa Phán xét, Tòa Ơn Trên, mà chúng tôi sẵn sàng đối mặt. Rồi thì, từ những bộ xương và nấm mồ của chúng tôi, tiếng nói của tòa án đó sẽ cất lên, là tiếng nói duy nhất phán xử chúng tôi.

[Hitler hướng đôi mắt cháy bỏng đến hội đồng xét xử:]

Không phải là Quý Tòa phán xử chúng tôi. Sự phán xử ấy sẽ do Tòa Lịch sử Vĩnh cửu tuyên bố. Quý Tòa sẽ phán xử thế nào thì tôi biết. Nhưng Tòa án kia sẽ không hỏi chúng tôi: “Các ông nhận tội phản quốc hay không?” Tòa án kia sẽ phán xử chúng tôi, vị Chủ nhiệm Hậu cần trong quân đội cũ [Ludendorff], sĩ quan và binh sĩ của ông, như là những người Đức vốn chỉ muốn điều tốt lành cho nhân dân và Tổ quốc của họ, những người sẵn sàng chiến đấu và hy sinh. Quý Tòa có thể tuyên bố hàng nghìn lần rằng chúng tôi có tội, nhưng vị nữ thần của Tòa Lịch sử Vĩnh cửu sẽ mỉm cười mà xé nát cáo trạng của công tố và bản án của tòa án này. Bởi vì nữ thần sẽ tha bổng cho chúng tôi.

* * *

Điều 81 Bộ luật Hình sự của Đức ghi “người có hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi Hiến pháp của Đế chế Đức hoặc của bất kỳ bang nào của Đức sẽ bị phạt tù chung thân”, nhưng Hitler chỉ bị án 5 năm tù. Bản án được thi hành ngày 01/4/1924. Không đầy 9 tháng sau, ngày 20/12, Hitler được trả tự do.

Chú thích

(1) Những kẻ phản quốc năm 1918: tức là giới chính trị đã tuyên bố Đức đầu hàng và ký vào Hòa ước Versailles áp đặt nhiều điều nghiệt ngã cho Đức.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản trích dịch Anh văn: German History in Documents and Imageshttp://germanhistorydocs.ghi-dc.org/pdf/eng/NAZI_PUTSCH_TRIAL_ENG-.pdf

Có tham khảo: William L. Shirer, The rise and fall of the Third Reich, 1960. Bản dịch của Diệp Minh Tâm: Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, 2007, Nhà Xuất bản Tri Thức.

“Diễn văn Hòa bình” (1935)

Buổi tối 21 tháng 5 năm 1935, Lãnh tụ của Đức quốc xã Adolf Hitler đọc một bài “Diễn văn Hòa bình” nữa ở Nghị viện Đức – có lẽ là bài diễn văn hùng hồn nhất. Sử gia William L. Shirer cho rằng chắc chắn đấy là một trong những bài phát biểu có tính chất khôn ranh nhất và lọc lừa nhất mà ông đã từng nghe Hitler đọc. Hitler có tư thái thư giãn và toát lên tinh thần không những tự tin mà còn khoan dung và hòa hoãn khiến cho người nghe phải kinh ngạc. Không có thái độ oán giận hoặc thách thức đối với những quốc gia đã kết án ông vi phạm các điều khoản quân sự của Hòa ước Versailles. Thay vào đấy, có lời trấn an rằng tất cả những gì ông muốn chỉ là hòa bình và cảm thông dựa trên sự bình đẳng cho mọi bên. Hitler còn bác bỏ ý tưởng chiến tranh; đấy là vô nghĩa, vô ích, cũng là điều kinh hoàng.

[…]

Những cuộc đổ máu trên lục địa Châu Âu trong ba trăm năm qua không cho thấy có sự thay đổi tương xứng. Rốt cuộc Pháp vẫn là Pháp, Đức là Đức, Ba Lan là Ba Lan, Ý vẫn là Ý. Tính tự cao của vương triều, nỗi đam mê chính trị và sự mù quáng ái quốc chẳng đạt được gì nhiều qua những thay đổi chính trị sâu xa với máu chảy thành sông. […] Những tố chất cơ bản của họ vẫn không đổi. Nếu các quốc gia này chỉ cần mang một phần hy sinh nhỏ nhoi để phục vụ mục đích khôn ngoan hơn, thì thành công sẽ to tát hơn và trường cửu hơn.

[…] Chủ thuyết chủng tộc của chúng tôi xem mọi cuộc chiến nhằm khuất phục và chế ngự một dân tộc nước ngoài là quá trình chẳng chóng thì chầy sẽ thay đổi và làm suy yếu từ bên trong nước chiến thắng, và rốt cuộc mang đến chiến bại cho họ. […] Vì lẽ không còn đất trống ở Châu Âu, mỗi chiến thắng… cùng lắm chỉ giúp dân số của quốc gia tăng lên. Nhưng nếu các quốc gia xem điều ấy là quan trọng, họ có thể đạt được qua cách thức đơn giản hơn và tự nhiên hơn mà không phải nhỏ nước mắt – bằng chính sách xã hội đúng đắn, bằng cách giúp nhân dân họ sinh đẻ thêm.

Không! Nước Đức của Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa mong mỏi hòa bình vì sự tin tưởng cơ bản như thế. Và Đức mong mỏi hòa bình cũng vì nhận thức được điều sơ đẳng nhất là không cuộc chiến tranh nào có thể thay đổi khổ đau ở Châu Âu. […] Hậu quả chủ yếu của mỗi cuộc chiến tranh là hủy hoại tinh hoa của đất nước.

Nước Đức cần hòa bình và đòi hỏi hòa bình!

[Hitler đưa ra 13 đề xuất cụ thể nhằm duy trì hòa bình, tạo ấn tượng sâu đậm đối với nước Đức và cả Châu Âu. Ông rào đón với lời nhắc nhở:]

Đức đã long trọng nhìn nhận và đảm bảo với Pháp đường biên giới như đã xác định sau cuộc trưng cầu dân ý Saar. […] Theo đó, chúng tôi từ bỏ đòi hỏi về vùng Alsace-Lorraine, vùng đất mà vì chúng, chúng tôi đã đấu tranh trong hai cuộc đại chiến. […] Bỏ qua quá khứ, Đức đã ký kết hiệp ước bất tương xâm với Ba Lan. […] Chúng tôi sẽ tôn trọng vô điều kiện hiệp ước này. […] Chúng tôi nhìn nhận Ba Lan là ngôi nhà của một dân tộc vĩ đại và có lòng ái quốc cao độ.

[…] Đức không có ý định và cũng không mong muốn can thiệp vào nội bộ của Áo, sáp nhập Áo vào Đức, hoặc thống nhất Áo và Đức…

[Mười ba điểm của Hitler khá bao quát. Nếu Hội Quốc liên tách ra khỏi Hòa ước Versailles và mọi quốc gia được bình đẳng với nhau, Hitler ngụ ý Đức sẽ tái gia nhập Hội Quốc liên. Tuy nhiên, Đức sẽ “tôn trọng vô điều kiện” những điều khoản của Hòa ước Versailles không liên quan đến quân sự “kể cả những điều khoản về lãnh thổ. Đặc biệt, Đức sẽ ủng hộ và thực thi mọi nghĩa vụ của Hiệp ước Locarno”. Mặc dù đồng ý tham dự “bất cứ lúc nào” vào hệ thống an ninh tập thể, Đức mong muốn những hiệp ước song phương và sẵn sàng thực hiện hiệp ước bất tương xâm với các nước láng giềng. Về việc giải trừ quân bị, Hitler sẵn sàng đi đến mức giới hạn:]

Chính phủ Đức sẵn sàng đồng ý bất cứ giới hạn nào nhằm xóa bỏ vũ khí hạng nặng, đặc biệt thích hợp để tấn công, như đại bác hạng nặng và xe tăng hạng nặng. […] Đức tuyên bố sẵn sàng đồng ý bất cứ giới hạn nào về khẩu độ của pháo, giới hạn về tàu thiết giáp, tàu tuần dương và tàu ngư lôi. Tương tự, Chính phủ Đức sẵn sàng đồng ý bất cứ giới hạn nào về trọng tải tàu ngầm, hoặc xóa bỏ tất cả tàu ngầm.

[Trong việc này, Hitler giăng miếng mồi ra nhử nước Anh. Ông ta sẵn sàng giới hạn hải quân Đức mới ở mức 35% tổng tải trọng lực lượng hải quân Anh; và ông thêm, như thế vẫn còn khiến cho Đức 15% thấp hơn so với tổng tải trọng của hải quân Pháp. Đáp lại sự phản đối ở nước ngoài rằng đây chỉ là những yêu sách bước đầu của Đức, Hitler trả lời: “Đối với Đức, yêu cầu này là cuối cùng và có tính ràng buộc.” Khoảng sau 10 giờ tối, Hitler đi đến đoạn kết:]

Bất kỳ ai thổi bùng ngọn lửa chiến tranh ở Châu Âu chỉ có thể trông mong sự hỗn loạn. Tuy nhiên, chúng ta sống trong niềm tin vững chắc rằng vào thời đại của chúng ta, phương Tây sẽ không xuống dốc mà là hồi sinh. Chúng ta có niềm hy vọng trong tự hào và lòng tin không hề lay chuyển là nước Đức có thể đóng góp một phần lâu dài vào sự nghiệp vĩ đại này.

* * *

Nhật báo có tầm ảnh hưởng rộng nhất nước Anh, tờ Times, hoan nghênh đến mức gần như cuồng nhiệt: “Bài diễn văn hóa ra đúng lý, thẳng thắn và vẹn toàn. Những ai công tâm đều tin rằng chính sách do ông Hitler đưa ra có thể tạo nên một tiền đề tốt để đạt thỏa thuận trọn vẹn với Đức – một nước Đức tự do, bình đẳng và mạnh mẽ thay vì một nước Đức kiệt quệ bị áp đặt hòa bình mười sáu năm trước…”

Nguồn: William L. Shirer, The rise and fall of the Third Reich, 1960. Bản dịch của Diệp Minh Tâm: Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, 2007, Nhà Xuất bản Tri Thức.

Huey P. Long, Jr.

Huey P. Long, Jr
Huey P. Long, Jr.

Huey Pierce Long, Jr. (1893-1935) là chính trị gia người Mỹ, Thống đốc Bang Louisiana (1928-1932), và Thượng Nghị sĩ Bang Louisiana (1932-1935), nổi danh vì cách hành xử độc đoán khi làm Thống đốc Bang Louisiana và cũng vì ngôn từ hoa mỹ.

Khi cầm quyền, Long có công mở rộng hệ thống đường cao tốc, bệnh viện và các cơ sở giáo dục. Cung cách quản trị công và tài hùng biện của ông có sức lôi cuốn và được nhiều người tán thưởng, nhưng cũng có nhiều người phê phán. Người đương thời thường tranh luận nhau có phải ông là nhà độc tài, hay là người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả, hay là kẻ mị dân.

Ông lập nên “Hội Chia sẻ Gia sản Chúng ta”, với châm ngôn “mỗi người là một ông vua”. Châm ngôn này dần dà trở thành cương lĩnh của ông trong những đề tài quản trị công.

Ông có ý định ứng cử Tổng thống năm 1940 khi Tổng thống Franklin Roosevelt hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, năm 1935 Long bị ám sát chết; sau đó phong trào cấp quốc gia của ông dần phai nhạt, trong khi tổ chức cấp bang của ông vẫn tiếp tục ở Louisiana một thời gian.

“Mỗi người là một ông vua” (1934)

Mang thuật hùng biện vào kỹ thuật phát thanh, Thượng Nghị sĩ Huey P. Long dùng một bài diễn văn được phát sóng toàn nước Mỹ ngày 23 tháng 2 năm 1934 để cổ vũ cho ý tưởng của ông về việc tái phân phối tài sản.

Tuy vài lần vẫn gọi người nghe là “Quý Bà và Quý Ông”, nhiều lần Long gọi họ theo cách thân mật là “các bạn”. Hẳn là ông muốn thu hẹp khoảng cách giữa người cầm quyền và dân chúng, và cũng muốn khuyến dụ họ gia nhập phong trào của ông như là người bạn, người đồng chí. Vì thế, bài diễn văn có sức thu hút nhất định.

Bài diễn văn được bình chọn là một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).

Thưa Quý Bà và Quý Ông,

Tôi chỉ có 30 phút để hầu chuyện cùng các bạn tối nay. Vì thế, tôi sẽ không thể thảo luận chi tiết theo những gì tôi có thể viết ra khi tôi có rộng thời giờ cho những đề tài này, nhưng tôi sẽ phác thảo ngắn gọn mà không có bản thảo hoặc chuẩn bị, hầu các bạn có thể hiểu theo cách tôi có thể diễn tả với các bạn.

Thưa các bạn, tôi cho rằng trên nước Mỹ chúng ta không có vấn nạn khó khăn nào cần phải giải quyết, và rằng quan điểm của hầu hết mọi người mà tôi trao đổi ở Washington cùng những nơi khác khắp nước Mỹ – rằng chúng ta không có vấn nạn quá khó khăn nào cần phải giải quyết.

Không phải do sự khó khăn của vấn nạn mà chúng ta có; mà do sự kiện là lớp người giàu có trên đất nước này – khi nói đến người giàu có ý tôi muốn nói là siêu giàu có – sẽ không cho phép chúng ta giải quyết vấn nạn, hoặc đúng hơn, đấy là vấn nạn nhỏ nhoi đang hoành hành đất nước này, bởi vì nếu muốn giải quyết thì cân phải cắt giảm những gia sản to lớn để chúng ta có thể phân phối cho toàn thể nhân dân.

Chính phủ của chúng ta nhận được sự ủng hộ tuyệt diệu; thật ra sự ủng hộ này gần như là một giáo điều, và phải là như thế, bởi vì chúng ta có một thể chế chính phủ tuyệt vời và chúng ta có pháp chế tuyệt vời. Ở đây chúng ta có đủ mọi thứ cần thiết, ngoại trừ là chúng ta đã quên những điều cơ bản mà dựa trên đó Chính phủ Mỹ được xác nhận.

Có bao nhiêu người trong số các bạn còn nhớ điều đầu tiên mà Tuyên ngôn Độc lập nói đến là gì? Tuyên ngôn nói: “Chúng tôi xem những chân lý này là hiển nhiên, rằng có những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; và Tuyên ngôn nói thêm: “Chúng tôi cho rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.”

Bây giờ, qua đó các tác giả có ý gì? Thưa các bạn, phải chăng họ có ý nói rằng chúng ta đều sinh ra bình đẳng và rằng điều ấy có nghĩa là có người sinh ra để kế thừa 10 tỉ đô la và một đứa trẻ khác sinh ra mà chẳng được kế thừa gì cả?

Thưa các bạn, phải chăng điều ấy có nghĩa là có người sinh ra trong cõi đời này mà không cần động đến móng tay nhưng vẫn có đủ cho cả đám trẻ họ cùng lũ con của đám trẻ họ ăn xài thỏa thích, nhưng người khác lại phải sinh ra trong cảnh nghèo đói?

Đấy không phải là ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập khi các tác giả nói rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng. Bây giờ, có phải đấy là ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập khi nó nói rằng “Chúng tôi xem có những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Các bạn ạ, có phải đấy là quyền trong cuộc sống khi trẻ nhỏ của đất nước này lớn lên trên đất nước do 12 người thay vì 120 triệu người làm chủ?

Các bạn ạ, có phải đấy là giống như cho cơ hội công bằng khi đổ con súc sắc hoặc cho họ đại loại giống như quyền không ai có thể xâm phạm để được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc; khi mà chúng ta ngày hôm nay trên nước Mỹ hàng nghìn và hàng trăm nghìn và hàng triệu người đang bên bờ vực đói nghèo ở một mảnh đất có quá nhiều thứ để ăn và nhiều thứ để mặc? Tôi không nghĩ các bạn sẽ có ý này, và tôi không hề nghĩ họ có ý này.

Bây giờ, hãy xem liệu chúng ta có thể chuyển biến Chính phủ này theo Tuyên ngôn Độc lập hay không và hãy xem liệu chúng ta có thể làm được gì về việc này. Tại sao chúng ta lưỡng lự hoặc tại sao chúng ta lảng tránh hoặc tại sao chúng ta tranh cãi với nhau để tìm ra khó khăn là gì, khi mà chúng ta biết Thượng Đế bảo chúng ta khó khăn là gì, và Moses đã viết để người khiếm thị có thể đọc được, khi Chúa Giê-su nói với chúng ta tất cả những điều ấy, và sau đó được viết trong Kinh Thánh mà ai cũng có thể đọc?

[Long nhắc đến Kinh Thánh để dẫn chứng rằng cần phải chia đều tài sản cho mọi người]

Tôi tin rằng phán quyết và quan điểm và lề luật của Thượng Đế là chúng ta phải thường xuyên phân phối tài sản, hầu sẽ không có người chết đói trên mảnh đất phong phú như nước Mỹ. Chúng ta có dư thừa tài sản, dư thừa hàng hóa, dư thừa thực phẩm, dư thừa quần áo, dư thừa nhà hơn là chúng ta đã từng có. Ở đây chúng ta có mọi thứ thặng dư. Các bạn ạ, chúng ta có vấn nạn về trang trại bởi vì chúng ta có quá nhiều bông, bởi vì chúng ta có quá nhiều lúa mỳ, có quá nhiều ngô, và quá nhiều khoai tây. Chúng ta có vấn nạn về nhà ở bởi vì chúng ta có quá nhiều nhà, nhưng không thể mua và sống trong đó.

Các bạn ạ, chúng ta có vấn nạn trên đất nước này bởi vì có quá nhiều tiền nợ, cơn nợ nần lớn nhất từng gâyy ra cho một nền văn minh, nơi nó chứng tỏ rằng chúng ta không thể nào phân phối những thứ thực tế, bởi vì người dân không có đủ tiền để mua hầu tự cung ứng cho mình, và bởi vì một số ít người hám lợi nghĩ họ cần phải làm chủ mọi thứ, họ lấy làm vui trong khi quần chúng nghèo khổ, họ không dùng hết những thứ họ có và con cái họ cũng không dùng hết, nhưng họ lại tắm trong ánh hào quang của mặt trời và của sự giàu có, tạo ra bóng tối và tuyệt vọng cho mọi người khác.

[…]

Bây giờ, hãy xem qua nước Mỹ ngày hôm nay. Thưa Quý Bà và Quý Ông, trên nước Mỹ chúng ta có 272 tỉ đô la tiền nợ. Hai trăm bảy mươi hai tỉ đô la mà nhiều người khác nhau trên đất nước này đang mang nợ ngày hôm nay. Các bạn ạ, tại sao không thể trả khoản nợ này? Không thể nào trả được khoản nợ này.

Toàn bộ lượng tiền lưu thông của Mỹ chỉ có 6 tỉ đô la. Đấy là tổng số tiền mà chúng ta có trên nước Mỹ ngày hôm nay. Tất cả số tiền thực sự mà các bạn có trong tất cả các ngân hàng, tất cả số tiền mà các bạn có trong Kho bạc Chính phủ, là 6 tỉ đô la. Nếu các bạn mang tất cả số tiền ấy để trả nợ thì các bạn vẫn còn nợ 266 tỉ đô la; nếu các bạn mang số tiền ấy để trả nợ lần nữa thì các bạn vẫn còn nợ 260 tỉ đô la; và các bạn ạ, nếu các bạn mang số tiền ấy để trả nợ 20 lần thì các bạn vẫn còn nợ 150 tỉ đô la.

Các bạn sẽ cần có 45 lần tổng lượng tiền mặt của Mỹ ngày hôm nay để thanh toán cho các khoản nợ của người dân Mỹ, và họ phải bắt đầu từ con số không, chẳng có một xu teng nào để khởi đầu cả.

Thế là, các bạn ạ, không thể nào trả hết các khoản nợ ấy, và các bạn có thể nhận ra rõ ràng là không thể nào làm được việc này. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tìm ra rằng không thể nào làm được việc này; trong vụ xử Minnesota họ phán quyết rằng khi Bang dời cái ngày xấu xa để thu một khoản nợ là hành động hợp hiến của ngành lập pháp.

Thưa Quý Bà và Quý Ông, bây giờ tôi có thể nói theo cách khác để các bạn hiểu rõ hơn – tôi không muốn làm phiền các bạn khi trích dẫn quá nhiều – tôi muốn nói cho các bạn cái mà những nhà thông thái ở mọi độ tuổi và mọi thời đại, kể cả cho đến ngày hôm nay, tất cả đã nói: Bạn phải phân phối tài sản của quốc gia, và bạn phải hạn chế số tài sản mà bất kỳ một người nào có thể làm chủ. Bạn không thể nào để cho một người làm chủ 300 tỉ đô la hoặc 400 tỉ đô la. Nếu bạn để như thế, một người có thể làm chủ tất cả tài sản mà Hoa Kỳ có trong đó.

Bây giờ, thưa các bạn, nếu các bạn bị lạc trên một hoang đảo nơi có 100 suất ăn, các bạn không thể nào để cho một người dùng hết 100 suất, hoặc lấy đi 100 suất mà không cho ai khác ăn gì cả. Nếu các bạn để như thế, thì sẽ không có gì cho những người còn lại.

Thế là, thưa các bạn, trên nước Mỹ ngày hôm nay chúng ta có một hoàn cảnh trong đó 10 người thống trị các phương tiện sản xuất của ít nhất 85 phần trăm các hoạt động của các bạn. Hoặc là họ làm chủ trực tiếp, hoặc là họ có thế chấp của các phương tiện ấy, chỉ với một ít phần trăm ngoại lệ. Họ làm chủ các ngân hàng, họ làm chủ các nhà máy thép, họ làm chủ các tuyến đường sắt, họ làm chủ các trái phiếu, họ làm chủ các thế chấp, họ làm chủ các cửa hàng, và họ ràng buộc đất nước từ đầu này đến đầu kia, cho đến lúc không có loại hình kinh doanh nào mà một người nhỏ nhoi, độc lập có thể đầu tư vào để mua một chiếc ô tô từ khoản đầu tư ấy. Rồi cuối cùng, từng bước họ loại bỏ mọi người ra khỏi các lĩnh vực có thể sinh sống, cho đến lúc họ có đủ nhận thức nhỏ nhoi mà nghĩ rằng họ hẳn phải có khả năng loại bỏ thêm các lĩnh vực kinh doanh.

Nếu các bạn khiến cho một người đi đến mức sắp chết đói và mất máu, làm thế nào bạn trông mong người ấy có đủ tiền mà tiêu xài cho bạn? Không thể nào. Thưa Quý Bà và Quý Ông, thế thì làm thế nào các bạn trông mong người ta sống được, khi mà họ không có phương tiện để sinh sống?

Lúc đầu, tôi đã trích dẫn Kinh Thánh. Tôi mong các bạn hiểu cho rằng tôi không trích dẫn Kinh Thánh để thuyết phục các bạn về bản chất tốt của cá nhân tôi, bởi vì đó là chuyện riêng giữa tôi và Ơn Trên của tôi, đó là chuyện làm thế nào tôi tỏ ra xứng đáng với Ơn Trên của tôi, giống như làm thế nào các bạn tỏ ra xứng đáng với Ơn Trên của các bạn. Chuyện ấy không liên quan đến việc này, ngoại trừ là khi có những người trong các bạn có hảo tâm cầu nguyện cho linh hồn của những người khác trong chúng tôi. Nhưng Thượng Đế đã ban luật của Người, và Kinh Thánh cũng nói thế, rằng người giàu phải thương cảm với những nỗi khổ họ nhìn thấy; và vì thế Kinh Thánh viết rằng khi người giàu có tài sản thì họ không thể tiêu dùng, bạn phải trừng phạt họ, và trước mắt họ chỉ là những ngày thống khổ.

Rồi chúng ta đã nghe triết gia vĩ đại người Hy Lạp Socrates, và triết gia vĩ đại hơn người Hy Lạp Plato, và chúng ta đã nghe mẩu đối thoại giữa Plato và Socrates, trong đó một người nói rằng tài sản to lớn mang đến nghèo đói và sẽ hủy hoại một quốc gia. Hãy đọc những gì họ nói; rằng bạn không nên để cho ai quá nghèo và không nên để cho ai quá giàu; rằng nhà máy tạo ra thêm giàu có cũng là nhà máy tạo ra thêm nghèo đói, bởi vì khi người giàu được giàu thêm thì họ phải lấy đi phần thuộc về lớp người trung lưu.

Đấy là bài toán số học mà bạn không cần phải học, và không ai cần phải thảo luận với các bạn.

Đấy là quan điểm của Socrates và Plato. Đấy là quan điểm của các chính khách người Anh. Đấy là quan điểm của các chính khách người Mỹ. Đấy là quan điểm của các chính khách người Mỹ như Daniel Webster, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, William Jennings Bryan, và Theodore Roosevelt, thậm chí sau này là Herbert Hoover và Franklin D. Roosevelt.

Cả hai người trong số ấy, Ông Hoover và Ông Roosevelt, nói cần phải tái phân phối tài sản, nhưng cả hai đều không làm gì cả. Tuy thế, họ đã nhận ra nguyên tắc. Việc họ không làm gì là vấn đề của riêng họ mà tôi không muốn phê phán; nhưng nếu Ông Hoover thực hiện việc mà ông ấy nói cần phải làm thì rất có thể 3 năm tới ông mới nghỉ việc thay vì 1 năm trước đây; còn nếu Ông Roosevelt tiến hành cách thức mà ông nói cần thiết để phải tái phân phối tài sản thì các bạn ạ, đáng lẽ ông đã đi được bước đường dài và đáng lẽ trong ít tháng ông đã đạt đến giải pháp cho tất cả các vấn nạn đang hoành hành đất nước này.

Nhưng bây giờ tôi muốn báo cho các bạn biết rằng cho đến lúc này không hề có xu nào bị lấy đi từ những người giữ tài sản to lớn ấy; họ vẫn còn làm chủ như trước kia; và có lẽ còn làm chủ thêm nữa. Các bạn ạ, trừ phi chúng ta tạo ra cho nhân dân cơ hội đổ con súc sắc công bằng theo đó họ sẽ nhận được một phần trong số tiền của đất nước này, thì trên mảnh đất vĩnh cửu này của Thượng Đế sẽ không có nguy cơ chúng ta phải cứu nguy đất nước này và cứu nguy nhân dân của đất nước này.

Cần thiết phải cứu lấy Chính phủ của đất nước, nhưng còn cần thiết hơn, là phải cứu lấy nhân dân Mỹ. Chúng ta yêu đất nước này. Chúng ta yêu Chính phủ này. Đấy là một giáo điều, như tôi đã nói. Đấy là một loại giáo điều mà người ta đọc về những người phụ nữ thời xa xưa, dưới danh nghĩa tôn giáo, nắm lấy trẻ sơ sinh của họ mà ném vào ngọn lửa đang bùng lên, nơi chúng lập tức bị ngọn lửa thiêu cháy. Và rồi ngay cả ngày hôm nay hẳn có một số trẻ trên thế giới, dưới danh nghĩa của tôn giáo, ném đôi mắt đẫm lệ đến khuôn mặt u buồn của cha mẹ chúng, những người không thể cho chúng cơm ăn áo mặc mà sống tồn, rồi ngày qua ngày và đêm qua đêm, khi ngày thấm sâu vào tối đen, biết rằng những đứa trẻ ấy sẽ thức dậy buổi sáng mà không có gì ăn, và có lẽ lại đi ngủ ban đêm mà bụng vẫn đói.

Tuy thế, dưới danh nghĩa của Chính phủ chúng ta, những người ấy nỗ lực hết sức mình để duy trì một chính phủ tốt được trường tồn, và không ai biết được họ sẽ duy trì được bao lâu. Nếu tối nay tôi ở vào địa vị của họ, địa vị của hàng triệu người – tôi hy vọng mình có cái mà tôi có thể nói… tôi không thể cho ngôn từ để diễn tả sự chịu đựng của họ; đấy là ngôn từ… tôi hy vọng mình có đủ chịu đựng mà ca ngợi và vinh danh Chính phủ tôi rằng đã cho phép tôi ở đây trên mảnh đất này – nơi có quá nhiều thứ để ăn và quá nhiều thứ để mặc – được nhịn ăn hầu một ít người có thêm miếng ăn hoặc có thêm thứ để mặc.

Bây giờ, chúng tôi đã tổ chức một hiệp hội, và chúng tôi gọi là “Hội Chia sẻ Gia sản Chúng ta”, một hiệp hội với châm ngôn “mỗi người là một ông vua”.

Mỗi người là một ông vua, để không có đàn ông hoặc phụ nữ nào thiếu những thứ thiết yếu cho cuộc sống, để không bị lệ thuộc vào tính khí đồng bóng của các nhà tài phiệt mà sống tồn. Qua hiệp hội này, chúng tôi đề xuất những gì? Chúng tôi đề xuất giới hạn tài sản của các đại gia trên đất nước. Mỗi gia đình Mỹ có tài sản trung bình 15.000 đô la. Đó là con số ngay ngày hôm nay.

Chúng tôi không đề xuất chia con số ấy bằng nhau. Chúng tôi không đề xuất phân chia tài sản, nhưng chúng tôi đề xuất hạn chế tài sản đối với bất kỳ gia đình nào. Chúng tôi không muốn nói sẽ đảm bảo đồng đều, tức là mỗi gia đình đều có 15.000 đô la. Không; nhưng chúng tôi muốn nói rằng một phần ba của con số trung bình là đủ cho một gia đình, rằng phải có đảm bảo tài sản của mỗi gia đình ở mức trên dưới 5.000 đô la; đủ cho một ngôi nhà, và ô tô, máy thu thanh, cùng những tiện nghi thông thường, và cơ hội giáo dục cho con cái. Một sự phân chia công bằng trên mảnh đất này từ bây giờ về sau, hầu không có người chọn lọc hưởng đủ mọi thứ và không có gia đình phải sống trong nghèo khổ.

Chúng tôi phải giới hạn tài sản. Kế hoạch hiện nay của chúng tôi là sẽ không cho phép ai có hơn 50 triệu đô la. Chúng tôi nghĩ rằng với giới hạn này, chúng tôi có thể tạo ra mức quân bình cho chương trình. Có thể cần thiết phải giới hạn ở mức dưới 50 triệu đô la. Khi phát triển các kế hoạch, có thể cần thiết phải giới hạn ở mức 10 triệu hoặc 15 triệu đô la. Nhưng dù sao đi nữa, mức này vẫn còn nhiều hơn bất kỳ người nào kể cả con cháu có thể tiêu xài trong đời họ; và không cần thiết hoặc không đúng lý mà tích lũy tài sản vượt quá mức mà chúng tôi không thể xóa nghèo đói trong quần chúng.

Một việc khác mà chúng tôi đề xuất là tiền lương hưu ở mức 30 đô la mỗi tháng cho mọi người đến 60 tuổi. Chúng tôi không cấp tiền lương hưu này cho người kiếm được 1.000 đô la mỗi năm, và cũng không cấp nếu ông ta có tài sản 10.000 đô la, ngoài ra thì chúng tôi cấp.

Chúng tôi sẽ giới hạn số giờ làm việc. Không cần thiết phải sản xuất thặng dư. Thưa Quý Bà và Quý Ông, tôi nghĩ tất cả những gì mà các bạn phải làm là giới hạn số giờ làm việc ở mức cần thiết để sản xuất đủ dùng theo nhu cầu. Giả dụ mọi cách thức giúp các bạn chỉ cần làm việc 4 giờ mỗi ngày, và phải cảm ơn Thượng Đế nếu có kết quả. Hãy tỏ ra cảm kích thay vì ta thán, và rồi chúng ta sẽ có chế độ làm việc 5 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần, hoặc thậm chí ít hơn. Chúng tôi có thể cho nghỉ một tháng mỗi năm, hoặc 2 tháng, và cũng có thể thực hiện ở những nơi khác giống như tôi đã làm ở Louisiana bằng cách tổ chức các lớp học cho người lớn trở lại học những kiến thức đã được phát kiến kể từ khi họ rời mái trường.

Chúng ta sẽ không gặp vấn đề gì khi giải quyết tình trạng nông nghiệp. Tất cả những gì các bạn cần làm là cân bằng sản xuất với tiêu thụ. Các bạn chỉ cần bỏ bớt một mùa vụ mà các bạn có quá nhiều, và tất cả những gì các bạn làm là dự trữ phần dư thừa cho năm sau, rồi Chính phủ sẽ tiếp quản. Khi các bạn có vụ mùa bội thu trong vùng mà sản lượng đủ cho thêm một năm, hãy làm công ích trong một năm khi các bạn không trồng gì cả, và theo cách ấy mọi người có công ăn việc làm. Khi Chính phủ có đủ sản lượng để cung cấp cho mọi người thì chỉ cần có thế. Để làm được việc này, chế độ thuế vụ của chúng tôi sẽ thu mạnh từ tài sản hàng tỉ đô la để giảm xuống còn không quá 50 triệu đô la, và nếu cần thì sẽ giảm còn 10 triệu đô la. Chúng tôi đã thử tính toán nhằm đảm bảo một giới hạn về tài sản (và không ai làm chủ ít hơn một phần ba mức trung bình), và đảm bảo giảm giờ làm việc để phân phối tài sản trên đất nước này. Chúng tôi sẽ chăm sóc người già trên 60 tuổi, mang họ ra khỏi ngành công nghiệp thịnh vượng, cho họ cơ hội vui hưởng cuộc sống theo nhu cầu, qua đó giảm lao động khỏi thị trường để không sản xuất dư thừa.

Đấy là những việc mà chúng tôi đề xuất. “Mỗi người là một ông vua”. Mỗi người khi cần ăn là có đủ thức ăn, khi cần mặc là có đủ thứ mặc. Điều làm cho tất cả chúng ta đều có chủ quyền.

[…] Các triết gia đã nói với các bạn rằng vấn nạn là gì; và khi đất nước các bạn có một người làm chủ trên 100.000 người hoặc 1 triệu người, và khi một quốc gia như Mỹ có 4 người kiểm soát nhiều thứ hơn là 120 triệu người gộp lại kiểm soát, thì các bạn biết vấn nạn là gì.

Chúng ta có những lợi tức lớn trên cả nước; nhưng nông dân làm lụng từ sáng sớm đến chiều tối cả 6 ngày mỗi tuần mà cuối cùng xem như không có gì.

Trong chương trình này, chúng ta phải chăm sóc cựu chiến binh trong các cuộc chiến. Đấy là vấn đề nhỏ nhặt. Giả sử cần có kinh phí 1 tỉ đô la mỗi năm – có nghĩa là khoản tiền sẽ được phân phối trên cả nước. Chúng ta cần trả khoản trợ cấp cho họ. Chúng ta có thể làm được việc này. Chúng ta phải chăm sóc tất cả các cựu chiến binh bị đau yếu và tàn phế. Tôi không quan tâm liệu một người bị đau trên chiến trường hay không; mọi người mặc quân phục cho đất nước này có tiêu chuẩn được chăm sóc, và có đủ tiền cho việc này […]

Tối nay hay ngày mai, các bạn hãy tụ hội với nhau trong cộng đồng các bạn và tổ chức một phân bộ của Hội Chia sẻ Gia sản Chúng ta. Nếu các bạn không hiểu nó là gì, hãy biên thư cho tôi và tôi sẽ gửi bản cương lĩnh; hãy để tôi gửi cho các bạn bản in thử.

Đây là Huey P. Long đang nói chuyện, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Washington, D.C. Hãy biên thư cho tôi để tôi gửi cho bạn số liệu về đề nghị này.

Hãy tổ chức phân bộ của Hội Chia sẻ Gia sản Chúng ta và mời người gặp gỡ bạn, và thông tin cho các Thượng nghị sĩ và Dân biểu Quốc hội của bạn biết về những nguyện vọng của các bạn.

Thưa các bạn, bây giờ tôi sắp kết thúc. Tôi cảm ơn các bạn vì có cơ hội hầu chuyện các bạn. Tôi phát biểu tối nay dưới sự bảo trợ và cho phép của Hệ thống Phát thanh Quốc gia, và họ cho tôi phát biểu tự do. Nếu tôi có tiền, và tôi ước gì mình có tiền, tôi sẽ nói nhiều hơn về việc này, nhưng tôi không có tiền, và tôi không thể trông mong những người ấy cho tôi dịch vụ miễn phí ngoại trừ cơ hội hiếm hoi. […]

Bây giờ, tôi chỉ còn một phút, và tôi muốn nói rằng tôi đoán gia đình tôi đang lắng nghe tôi từ chiếc máy thu thanh ở New Orleans, và tôi sẽ nói với vợ tôi cùng ba đứa con của tôi rằng tôi hoàn toàn khỏe mạnh và hy vọng nhiều ngày nữa sẽ trở về nhà, và tôi mong họ được nghe bài diễn văn của tôi tối này, và tôi chúc họ cùng láng giềng và bạn bè mọi điều tốt lành có thể được.

Các bạn ạ, tôi cảm ơn các bạn đã quan tâm, và hy vọng các bạn sẽ gia nhập cùng chúng tôi, chăm lo cho công việc của các bạn trong công việc của Chính phủ này, và chia sẻ hoặc hỗ trợ Hội Chia sẻ Gia sản Chúng ta.

Tôi cảm ơn các bạn.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: American Rhetoric Top 100 Speecheshttp://www.americanrhetoric.com/speeches/hueyplongking.htm

Sir Winston Churchill

Sir Winston Leonard Spencer-Churchill (1874-1965) là một nhà chính trị người Anh, nổi tiếng nhất do cương vị Thủ tướng Anh trong thời Thế chiến 2. Ông từng là một người lính, nhà báo, tác gia, và họa sĩ. Churchill được xem là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh quốc và lịch sử thế giới. Riêng tài hùng biện của ông được đánh giá là kiệt xuất trong lịch sử, nhờ đó trong những giai đoạn khốn khó nhất ông giữ vững lòng tin của người Anh vào chiến thắng và động viên quân sĩ Anh nỗ lực chiến đấu chống Đức Quốc xã, động viên dân Anh chịu đựng gian khổ vì những cuộc không kích ác liệt của Đức.

Sau khi Thế chiến 2 bùng nổ năm 1939, Churchill được chỉ định làm Bộ trưởng Hải quân, là chức vụ ông đảm nhiệm thời Thế chiến I. Tháng 5 năm 1940, ông được cử làm Thủ tướng Anh.

Sir Winston Churchill được tạp chí Time bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

Vào thời kỳ đầu của Thế chiến 2, Churchill đọc 4 bài diễn văn lịch sử trước Hạ viện Anh. Mỗi bài diễn văn đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình hình chiến sự và chính trị ở mỗi thời điểm, cho thấy một cột mốc quan trọng trong lịch sử. Các bài diễn văn này cũng phân tích cán cân lực lượng cùng vị thế lợi và bất lợi của mỗi bên, rồi kêu gọi người Anh tiếp tục chiến đấu, tỏ rõ ý chí cương quyết không đàm phán với Đức và kiên định đi đến thắng lợi cuối cùng.

“Hai trong bốn bài diễn văn nêu trên được trình bày sau đây.

“Máu, nhọc nhằn, nước mắt và mồ hôi” (1940)

Đây là bài diễn văn đầu tiên của Winston Churchill đọc trước Hạ viện Anh trên cương vị Thủ tướng Anh.

Ngày 10 tháng 5 năm 1940, Winston Churchill trở thành Thủ tướng. Khi gặp nội các của mình ngày 13 tháng 5 ông nói với họ: “Tôi chẳng có gì cho các ngài ngoài máu, nhọc nhằn, nước mắt và mồ hôi.” Sau đó ông nhắc lại lời này khi đề nghị Nghị viện bỏ phiếu tín nhiệm cho chính phủ mới gồm tất cả các đảng phái.

Churchill lên cầm quyền trong bối cảnh Đức đã thắng như chẻ tre ở Ba Lan, Đan Mạch, Bỉ và Pháp, chiếm được Na Uy không mấy khó khăn, còn Hà Lan thì chuẩn bị đầu hàng. Lại thêm những ý kiến chủ hòa phát xuất từ Thụy Điển, Mỹ và Tòa thánh Vatican. Đúng vào ngày 10/5, Thủ tướng Pháp Paul Reynaud gọi điện cho ông lúc 7 giờ 30’ sáng, và hoảng hốt thông báo: “Ta thất trận! Ta bị đánh bại!” Churchill không muốn tin. Cả quân đội Pháp hùng mạnh bị đánh tan trong vòng một tuần!

Câu nói nổi tiếng “Máu, nhọc nhằn, nước mắt và mồ hôi” thật ra được thốt lên lần đầu ngày 02 tháng 7 năm 1849 bởi Giuseppe Garibaldi khi ông này tập họp các lực lượng cách mạng của mình ở Rome. Theodore Roosevelt cũng nói ra câu này trong bài diễn văn đọc trước Học viện Quân sự Hải quân vào ngày 02 tháng 6 năm 1897, sau khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Hải quân.

Churchill
Winston Churchill: “Máu, nhọc nhằn, nước mắt và mồ hôi

Tuy nhiên, câu nói trở thành nổi tiếng sau khi Thủ tướng Winston Churchill phát biểu trước Hạ viện Anh quốc ngày 13 tháng 5 năm 1940. Rất có thể Churchill đã đọc những tác phẩm của Theodore Roosevelt, vốn là một sử gia quân sự có tác phẩm được nhiều người tìm đọc.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:

  • Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness)
  • Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.
  • Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (Tạp chí Time, Mỹ).

[Sau khi báo cáo với Hạ viện về việc thành lập Chính phủ mới và yêu cầu Hạ viện phê chuẩn, Churchill phát biểu tiếp:]

Việc thành lập một chính quyền quy mô và phức tạp như thế này tự nó là một cam kết nghiêm túc. Nhưng quý vị cần nhớ rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn sơ bộ của một trong những trận chiến lớn nhất trong lịch sử. Chúng ta đang có động thái ở nhiều điểm khác – ở Na Uy và ở Hà Lan – và chúng ta phải chuẩn bị cho mặt trận Địa Trung Hải. Không chiến đang diễn ra liên tục và cần phải chuẩn bị nhiều việc ở đây, ở quê nhà.

Trong cuộc khủng hoảng này, tôi hy vọng mình có thể được thứ lỗi vì không thể trao đổi nhiều với Hạ viện ngày hôm nay, và tôi hy vọng rằng bất kỳ người nào trong số bạn bè và đồng nghiệp hiện tại hoặc đồng nghiệp cũ của tôi, những người đang bị ảnh hưởng bởi việc tái cơ cấu chính trị, sẽ cho phép – cho phép hết mức – cho mọi sự thiếu nghi thức, vì cần thiết phải hành động với sự thiếu nghi thức như thế.

Tôi xin nói trước Hạ viện – như tôi đã nói với các bộ trưởng tham gia chính phủ này – rằng tôi chẳng có gì cho các ngài ngoài máu, nhọc nhằn, nước mắt và mồ hôi. Trước mặt chúng ta là một loại thử thách nặng nề nhất. Trước mặt chúng ta là nhiều, rất nhiều, tháng ngày chiến đấu và khổ đau.

Quý vị hỏi: chính sách của chúng ta là gì? Tôi có thể nói: đấy là phát động chiến tranh, trên biển, trên đất liền và trên không, với tất cả nghị lực của chúng ta và với tất cả nghị lực mà Chúa đã ban cho chúng ta; phát động chiến tranh chống lại một chế độ độc tài kinh khiếp chưa từng có gì sánh bằng trong toàn danh mục tội ác tối tăm và đáng ta thán của con người.

Quý vị hỏi: mục tiêu của chúng ta là gì? Tôi có thể trả lời trong một từ: Chiến thắng. Chiến thắng bằng mọi giá, chiến thắng bất chấp mọi sợ hãi, chiến thắng dù cho con đường có thể dài và gian khổ, vì nếu không chiến thắng thì không ai sống sót. Chúng ta hãy nhận thức điều này: nếu Đế quốc Anh không sống sót, thì những gì biểu trưng cho Đế quốc Anh cũng không sống sót, những ước vọng và thôi thúc qua các thời kỳ – để nhân loại tiến về phía mục tiêu của con người – cũng không sống sót.

Tôi nhận lãnh nhiệm vụ của mình với lòng hăng hái và hy vọng. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng sự nghiệp của chúng ta sẽ không thất bại giữa nhân loại. Tại thời điểm này, tôi cảm thấy có quyền yêu cầu sự trợ giúp của mọi người, và xin nói: “Hãy đến đây, chúng ta hãy cùng nhau tiến tới với sức mạnh đoàn kết của chúng ta.”

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi âm: The Fifties Webhttp://www.fiftiesweb.com/usa/churchill-fight-beaches.mp3

“Thời khắc vinh quang nhất của họ” (1940)

Mười ngày sau khi quân Đức bắt đầu tấn công qua phía Tây Âu, Adolf Hitler đã chuẩn bị một hòa ước. Trong vài tuần lễ kế tiếp, Hitler vẫn tin rằng sau khi Pháp bị đánh bại, Anh sẽ nôn nóng muốn hòa bình. Theo quan điểm của Đức, những điều khoản mà Hitler đưa ra là rộng lượng, nếu xét qua việc Đức đã đánh bại quân Anh ở Na Uy và Pháp. Hitler nói ông ta chỉ muốn Anh cho mình được tự do hành động trên lục địa Châu Âu. Hitler vô cùng tự tin là Anh sẽ đồng ý, đến nỗi sau khi Pháp sụp đổ ông không có kế hoạch nào nhằm tiếp tục chiến tranh với Anh, còn Bộ Tư lệnh Lục quân, vốn thường chu toàn lập trước kế hoạch dự phòng cho mỗi tình huống, lần này không màng lên kế hoạch nào cả.

Mà đúng thế: tại sao Anh muốn một mình chiến đấu trong tình thế không cân sức? Đặc biệt là khi Anh có thể đạt được một nền hòa bình mà – không như Pháp, Ba Lan và các lãnh thổ khác bị đánh bại – đất nước vẫn còn toàn vẹn và tự do? Đấy là câu hỏi được đặt ra ở mọi nơi ngoại trừ trong Chính phủ Anh. Sau này, Churchill cho biết họ không bao giờ thảo luận về câu hỏi này, vì ai cũng biết câu trả lời ra sao. Nhưng nhà độc tài Đức không biết được điều này, và khi Churchill công khai nói ra – rằng Anh không chịu thua – dường như Hitler vẫn không chịu tin. Ngày 18/6, Hitler vẫn không chịu tin, khi Pétain xin đình chiến và Churchill lặp lại “quyết tâm không gì lay chuyển được để tiếp tục cuộc chiến” trong một bài diễn văn hùng hồn và đáng nhớ.

Churchill đọc bài diễn văn này vào ngày 18 tháng 6 năm 1940, 4 ngày sau khi Paris rơi vào tay Đức và 1 ngày sau khi Pháp yêu cầu đình chiến. Đây là bài diễn văn thứ ba – và cũng là bài cuối cùng – của Churchill về cuộc chiến ở Pháp. Bây giờ Anh đơn độc chiến đấu chống lại Đức, và Churchill cố gắng vực lại hy vọng trong những thời khắc đen tối nhất của Anh. Ông vừa phân tích cán cân lực lượng vừa trình bày những biện pháp phòng ngự cho thấy tình thế không đến nỗi tuyệt vọng, rồi cổ vũ toàn dân Anh chuẩn bị cho cuộc chiến trên nước Anh.

Bài diễn này được bình chọn như sau:

  • Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness).
  • Hạng 5 trong số 10 Diễn văn Vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng net).
  • Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.

Ngày nọ, tôi có nói đến thảm kịch quân sự nặng nề diễn ra khi Bộ Tổng Tư lệnh Pháp không thể rút các Đại Quân đoàn từ Bỉ vào thời điểm họ biết rằng phòng tuyến Pháp chắc chắn bị vỡ ở Sedan và trên Sông Meuse. Sự chậm trễ này khiến cho mười lăm hoặc mười sáu sư đoàn Pháp bị thiệt hại và trong giai đoạn gây cấn loại khỏi vòng chiến toàn bộ Lực lượng Viễn chinh Anh. Đại Quân đoàn của ta và 120.000 quân Pháp được Hải quân Anh cứu thoát ở Dunkirk nhưng phải chịu mất đại pháo, xe cộ và thiết bị hiện đại. Điều không tránh khỏi là phải mất nhiều tuần để khắc phục thiệt hại này, và trong hai tuần đầu trận chiến ở Pháp đã thua.

Khi chúng ta xét đến sự kháng cự anh dũng của Quân đội Pháp chống lại địch quân áp đảo, thiệt hại trầm trọng gây ra cho đối phương và sự kiệt sức hiển nhiên của đối phương, có thể nghĩ rằng 25 sư đoàn này gồm binh sĩ được huấn luyện tốt nhất và được trang bị tốt nhất đáng lẽ có thể lật ngược thế cờ. Tuy nhiên, Tướng Weygand phải chiến đấu mà không có các sư đoàn này. Chỉ có ba sư đoàn Anh hoặc tương đương có thể chống chọi trên chiến tuyến cùng với các đồng chí Pháp. Họ chịu thiệt hại nặng nề, nhưng họ chiến đấu can trường. Chúng ta đã gửi tăng viện đến mức có thể được tới Pháp, cũng như tái trang bị và vận chuyển các đơn vị càng nhanh càng tốt.

Tôi không thuật lại những sự kiện này với mục đích tố cáo, việc mà tôi cho rằng hoàn toàn vô ích và thậm chí có hại. Chúng ta không nên làm thế. Tôi thuật lại để giải thích tại sao chúng ta không có – vì chúng ta đáng lẽ có thể có – mười hai đến mười bốn sư đoàn Anh chiến đấu trên trận tuyến trong trận đánh lớn lao này, nhưng thay vì đó chỉ có ba sư đoàn. Bây giờ tôi gạt nó qua một bên. Tôi để nó trên kệ, nơi mà các sử gia khi có thời giờ sẽ tìm kiếm tư liệu để kể lại câu chuyện của họ. Chúng ta nên nghĩ về tương lai chứ không về quá khứ. Điều này cũng áp dụng theo cách hạn chế trong sự vụ ở quê nhà. Có nhiều người mở cuộc điều tra trong Hạ viện về tư cách của các Chính phủ – và của các Nghị viện, vì họ cũng có can dự – trong những năm dẫn đến thảm họa này. Họ muốn kết tội những người có trách nhiệm hướng dẫn các sự vụ của chúng ta. Đây cũng là một tiến trình ngốc nghếch và nguy hại. Có quá nhiều người can dự. Hãy để mỗi người tự vấn lương tâm và soát xét ngôn từ của mình. Tôi thường soát xét ngôn từ của tôi.

Về việc này, tôi khá chắc chắn rằng, nếu chúng ta mở một cuộc tranh luận giữa quá khứ và hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng mình đã mất tương lai. Vì thế, tôi không thể chấp nhận có sự phân biệt giữa các thành viên của Chính phủ hiện tại. Chính phủ này được thành lập trong thời khắc khủng hoảng nhằm đoàn kết tất cả các đảng phái và chính kiến. Chính phủ nhận được sự hỗ trợ gần như là nhất trí của cả hai Viện trong Nghị viện. Các thành viên Chính phủ sẽ sát cánh bên nhau và, với sự chuẩn y của Hạ viện, chúng tôi sẽ điều hành đất nước và chiến đấu trong cuộc chiến. Vào thời khắc như thế này, tuyệt đối cần thiết là phải tôn trọng mọi bộ trưởng nỗ lực làm nhiệm vụ hằng ngày; và nhân viên dưới quyền của họ phải biết rằng thủ trưởng của họ không phải là những người bị đe dọa, không phải là những người ở đây ngày hôm nay và ra đi ngày mai, nhưng chỉ đạo của họ phải được tuân thủ đúng mức và trung thực. Nếu thiếu vắng quyền lực tập trung, chúng ta không thể đối mặt với những gì đang ở phía trước. Tôi nghĩ với áp lực quần chúng, nếu kéo dài cuộc tranh luận này chiều nay thì không có lợi đối với Hạ viện. Nhiều sự kiện không được rõ ràng bây giờ sẽ chẳng bao lâu trở nên rõ ràng. […]

Tôi không lấy làm ngạc nhiên về những sự kiện quân sự bi thảm diễn ra trong hai tuần vừa qua. Thật ra, hai tuần trước tôi đã cố vạch rõ với Hạ viện rằng có những khả năng tồi tệ nhất; và lúc ấy tôi nói rất rõ rằng cho dù chuyện gì xảy ra ở Pháp sẽ không thay đổi ý chí của người Anh và Đế quốc Anh tiếp tục chiến đấu, nhiều năm nếu cần thiết, đơn độc nếu cần thiết.

Trong những ngày qua, chúng ta thành công mang về đa số lớn binh sĩ chúng ta hiện diện trên các tuyến giao thông ở Pháp; và bảy trên tám số binh sĩ chúng ta đã điều đi Pháp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến – đấy là khoảng 350.000 trong số 400.000 người – được trở về đây an toàn. Những người khác vẫn còn đang chiến đấu ở Pháp, và chiến đấu với sự thành công đáng kể trong các cuộc chạm trán với quân thù. Chúng ta cũng mang về một lượng lớn quân nhu, súng trường và đạn dược mọi loại vốn đã tích lũy ở Pháp trong chín tháng vừa qua.

Vì thế, trên đảo quốc này hiện nay chúng ta có một lực lượng quân sự rất lớn và hùng mạnh. Lực lượng này gồm những binh sĩ được huấn luyện tốt nhất và thiện chiến nhất, gồm có hàng trăm nghìn người đã chứng tỏ năng lực khi chống lại Đức mà không thất thế. Hiện nay chúng ta có 1.250.000 binh sĩ dưới cờ. Phía sau họ có lực lượng Tự vệ Địa phương tình nguyện, đến nửa triệu người, nhưng chỉ có một số được trang bị súng trường hoặc vũ khí khác. Chúng ta đã đưa vào Lực lượng Phòng vệ tất cả những người có vũ khí. Trong tương lai gần chúng ta sẽ có thêm nhiều vũ khí, và để chuẩn bị cho việc này chúng ta dự kiến sẽ huy động, huấn luyện thêm một số lớn. […]

Tôi e rằng việc liệt kê những lực lượng lớn này làm dấy nên câu hỏi: Tại sao các lực lượng ấy không tham dự vào trận chiến lớn ở Pháp? Tôi muốn nói rõ rằng, ngoại trừ các sư đoàn đang được huấn luyện và tổ chức trong nước, chỉ có mười hai sư đoàn được trang bị đủ để chiến đấu theo mức độ có thể điều đi nước ngoài. Và đấy là con số mà bên Pháp trông chờ sẽ tham chiến ở Pháp từ tháng thứ chín của cuộc chiến. Lực lượng còn lại ở quê nhà chỉ có thể tham gia phòng ngự đất nước, và dĩ nhiên là năng lực của họ được cải thiện hàng tuần. Vì thế, việc xâm lăng Anh quốc vào thời điểm này đòi hỏi vận chuyển qua vùng biển những đoàn quân kẻ thù theo quy mô rất lớn, và sau khi vận chuyển xong họ sẽ phải liên tục tiếp tế khối lượng lớn đạn dược và quân nhu cần thiết cho trận đánh liên tục – vì lẽ trận đánh chắc chắn sẽ kéo dài liên tục.

Đây là lúc chúng ta đề cập đến Hải quân – và rốt cuộc, chúng ta có một lực lượng Hải quân. Có vẻ như một số người quên rằng chúng ta có Hải quân. Chúng ta phải nhắc họ điều này. Trong ba mươi năm qua, tôi có tham gia thảo luận về những khả năng xâm lăng qua đường biển, và tôi nhận trách nhiệm thay mặt cho Bộ Hải quân, lúc bắt đầu cuộc chiến trước, để cho phép điều tất cả binh sĩ hiện dịch đi hải ngoại. Đấy là một bước đi rất nghiêm túc, bởi vì Địa phương quân của chúng ta mới được động viên và chưa được huấn luyện đầy đủ. Do đó, trong vòng vài tháng đảo quốc này hết sạch lực lượng chiến đấu. Vào lúc ấy, Bộ Hải quân tự tin về năng lực của họ trong việc ngăn chặn xâm lăng tổng lực cho dù vào thời điểm ấy người Đức có một hạm đội hùng hậu theo tỷ lệ 10 trên 16, trong khi bây giờ họ chỉ có một số chiến hạm hạng nặng đáng nói tới – chiếc Scharnhorst và chiếc Gneisenau. Chúng ta cũng được nghe báo cáo rằng Hải quân Ý sẽ xuất trận và chiếm lấy thế thượng phong trên biển cả. Nếu họ định làm việc này nghiêm túc, tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta sẽ ấy làm vui mà tạo cho Ngài Mussolini một đường hải hành an toàn và được bảo vệ qua Eo biển Gibraltar(1) để ông có thể thủ vai trò mà ông ước ao. Hạm đội Anh quốc hiếu kỳ muốn tìm hiểu liệu quân Ý đạt đến tầm mức trong cuộc chiến trước hay không hoặc họ đã suy sụp.

Vì thế, về việc xâm lăng hải vận tổng lực, đối với tôi có vẻ như ngày nay chúng ta có năng lực đối phó cao hơn là trong cuộc chiến trước và trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến này, trước khi các lực lượng khác được huấn luyện và trong khi Lực lượng Viễn chinh Anh đang hành quân ở nước ngoài. Hiện giờ, Hải quân không khi nào có ảo tưởng sẽ ngăn chặn được cuộc đột kích của 5.000 đến 10.000 quân xuất phát từ một số vị trí bên kia bờ biển trong một đêm tối hoặc một buổi sáng đầy sương mù. Sức mạnh Hải quân có hữu hiệu hay không là tùy thuộc vào quy mô của lực lượng xâm lăng, đặc biệt là trong những điều kiện thời hiện đại. Xét theo sức mạnh quân sự của ta thì lực lượng ấy phải lớn mới có tác dụng. Nếu nó lớn thì Hải quân ta có cách để đối phó và hạ được nó.

Bây giờ, chúng ta phải nhớ rằng chỉ năm sư đoàn thôi, cho dù trang bị nhẹ như thế nào, phải cần từ 200 đến 250 chiếc tàu [để vận chuyển]. Với kỹ thuật không thám và không ảnh hiện đại thì không dễ gì mà tập họp được hạm đội như thế và điều ra biển nếu không có lực lượng hải quân hùng mạnh đi theo hộ tống. Nếu nói nhẹ nhàng thì có khả năng rất lớn là hạm đội như thế sẽ bị chặn đứng khi còn cách xa mục tiêu và tất cả binh sĩ sẽ chết đuối, và trong tình huống tệ hại nhất thì chúng sẽ bị bắn tan xác cùng với trang thiết bị khi cố đổ bộ. Chúng ta cũng có hệ thống những bãi mìn to lớn, gần đây được gia cố, qua đó chỉ chúng ta mới biết được những luồng tàu [an toàn]. Nếu quân thù cố quét mìn để tạo luồng tàu qua những bãi mìn này, thì Hải quân sẽ có nhiệm vụ bắn hạ các tàu quét mình và bất kỳ lực lượng hộ tống nào. Việc này không có gì là khó khăn, bởi vì chúng ta có ưu thế lớn trên mặt biển.

Đấy là những luận cứ bình thường đã qua thử thách tốt, đã được minh chứng tốt mà chúng ta dựa vào đó trong nhiều năm hòa bình và chiến tranh. Nhưng vấn đề là liệu có những phương pháp mới nào hóa giải được những sự đảm bảo ấy hay không. Dù cho có vẻ kỳ quặc, Bộ Hải quân chú ý đến vấn đề này, với nghĩa vụ và trách nhiệm là tiêu diệt bất kỳ lực lượng nào trên biển trước khi, hoặc ngay khi, nó đến bờ biển của chúng ta. Tôi không nên đi vào chi tiết việc này. Làm như thế có thể gợi ý cho người khác khi họ chưa nghĩ ra, và có thể họ không muốn cho ta biết ý kiến của họ để trao đổi. Tất cả những gì tôi nói được là cần có sự cảnh giác và động não không mệt mỏi, bởi vì kẻ thù tỏ ra xảo quyệt và khôn lanh, đầy những mánh khóe và mưu đồ mới mẻ. Tôi muốn trấn an Hạ viện rằng ta đang phát huy tối đa các kỹ xảo, và huy động sáng kiến của một số lớn sĩ quan có năng lực, được huấn luyện thuần thục về chiến thuật và luôn cập nhật, nhằm đánh giá và đối phó những khả năng mới mẻ. Sự cảnh giác và động não không mệt mỏi đang được, và phải được, tập trung vào việc này bởi vì nên nhớ rằng kẻ thù rất xảo quyệt và không có tiểu xảo nhơ bẩn nào mà chúng không làm.

Thế thì, có người sẽ hỏi tại sao Hải quân Anh không thể ngăn chặn sự di chuyển của một đạo quân lớn của Đức vào Na Uy thông qua Skagerrak(2)? Nhưng những điều kiện trên Biển Manche và Biển Bắc khác hẳn so với Skagerrak. Ở Skagerrak, do khoảng cách quá xa nên không thể điều máy bay yểm trợ các tàu nổi, và do đó khi đến gần không lực của địch ta bắt buộc chỉ sử dụng bốn tàu ngầm. Ta không thể sử dụng tàu nổi để phong tỏa hoặc ngăn chặn hữu hiệu. Tàu ngầm của ta bị thiệt hại nặng, nhưng chỉ có mình họ thì không thể ngăn chặn cuộc xâm lăng Na Uy. Trên Biển Manche và Biển Bắc thì là chuyện khác: lực lượng hạm đội nổi của ta có ưu thế, được tàu ngầm hỗ trợ, và sẽ hoạt động dưới sự yểm trợ hữu hiệu của không quân.

Lẽ tự nhiên là điều này hướng tôi đến vấn đề xâm lăng từ trên không, và vấn đề giao chiến sắp đến giữa Không lực Anh và Không lực Đức. Rõ ràng là chừng nào mà họ chưa đánh bại được Không lực của ta thì chừng đó họ không thể tiến hành cuộc xâm lăng với quy mô đủ để nhanh chóng áp đảo các lực lượng trên bộ của ta. Trong lúc này, họ có thể đột kích bằng lính dù. Chúng ta có đủ khả năng tiếp đón họ một cách nồng hậu cả trên không và trên mặt đất, nếu họ đến mà còn duy trì được năng lực tranh chấp với ta. Nhưng vấn đề lớn lao là: Liệu ta có thể đánh bại không quân của Hitler không? Hiện giờ, dĩ nhiên điều đáng buồn là Không lực của ta chưa ngang bằng với không quân của kẻ thù hùng mạnh nhất trong tầm bay đến các bờ biển ấy. Nhưng chúng ta có Không lực được minh chứng qua nhiều cuộc không chiến dữ dội với Đức là có chất lượng vượt trội, cả về phi công và máy bay các loại.

Ở Pháp, nơi chúng ta bị thất thế đáng kể và mất nhiều máy bay đang đậu tại sân bay, nhưng trên không chúng ta thường gây thiệt hại cho địch theo tỷ lệ từ 2 đến 2 rưỡi trên 1. Trong cuộc chiến trên bầu trời Dunkirk vốn là vùng trống trải, rõ ràng là chúng ta đã thắng Không lực Đức và làm chủ không phận địa phương, từ ngày này qua ngày khác gây thiệt hại theo tỷ lệ từ 3 đến 4 trên 1. Bất kỳ người nào nhìn qua các tấm ảnh được công bố khoảng tuần rồi về việc di tản, cho thấy từng nhóm binh sĩ tập họp trên bãi biển tạo thành mục tiêu lý tưởng hàng giờ, thì phải nhận ra rằng chỉ có thể thực hiện việc di tản một khi địch đã từ bỏ mọi hy vọng lấy lại ưu thế trên không vào thời gian ấy và tại địa điểm ấy.

Trong việc bảo vệ đảo quốc này, những lợi thế của bên phòng ngự sẽ lớn hơn nhiều so với khi họ chiến đấu chung quanh Dunkirk. Chúng ta hy vọng sẽ cải thiện tỷ lệ 3 đến 4 trên 1 đạt được ở Dunkirk. Thêm nữa, tất cả máy bay bị hư hại hoặc phi công bị thương có thể hạ cánh an toàn– và điều ngạc nhiên là rất nhiều máy bay bị hư hại hoặc phi công bị thương hạ cánh an toàn trong chiến tranh hiện đại trên không – tất cả hạ cánh xuống lãnh thổ nước nhà và sẽ tiếp tục chiến đấu một ngày khác; trong khi bên phe địch tất cả máy bay bị hư hại và phi công bị thương được xem như là mất hẳn nếu xét theo tương quan chiến tranh.

Trong trận đánh lớn ở Pháp, chúng ta liên tục giúp đỡ rất nhiều cho Quân đội Pháp, cả về chiến đấu cơ và oanh tạc cơ; nhưng dù chịu mọi áp lực, chúng ta không bao giờ cho phép sử dụng toàn bộ sức mạnh của Không lực tại mẫu quốc. Quyết định này gây đau đớn nhưng là quyết định đúng đắn, bởi vì ngay cả nếu chúng ta tung ra toàn bộ chiến đấu cơ thì vẫn không thể xoay chuyển cuộc diện trong trận chiến ở Pháp. Ta thua trận chiến này do sự khởi động chiến lược không may, do sức mạnh phi thường và không lường được của các đội hình thiết giáp và ưu thế vượt trội về quân số của Đức. Sức chiến đấu của Không lực ta đáng lẽ dễ bị kiệt quệ trong trận đánh lớn ấy, và rồi ta đáng lẽ bị lâm vào tình huống ngặt nghèo bây giờ. Nhưng tôi lấy làm vui mà thông báo với Hạ viện là hiện nay sức chiến đấu của ta mạnh hơn so với Đức vốn đã bị thiệt hại nặng nề chưa từng thấy.

Vì thế, chúng ta tin tưởng ta có năng lực tiếp tục cuộc chiến trên không theo những điều kiện còn tốt hơn so với lúc trước. Tôi kỳ vọng một cách tự tin nơi thành tích của các phi công chiến đấu cơ của chúng ta – những người sẽ có vinh quang cứu nguy cho đất tổ, cho đảo quốc quê nhà của họ, cho tất cả những gì họ thương yêu, chống lại tất cả những phi vụ công kích ác liệt nhất.

Dĩ nhiên là vẫn còn có nguy cơ của những cuộc rải bom, mà chắc chắn chẳng bao lâu các oanh tạc cơ của địch sẽ thực hiện. Đúng là lực lượng oanh tạc cơ của địch có ưu thế về số lượng so với ta; nhưng chúng ta cũng có một lực lượng oanh tạo cơ lớn mà chúng ta sẽ sử dụng để oanh kích không ngơi nghỉ các mục tiêu quân sự ở Đức.

Tôi không hề xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của thử thách đang chờ ta phía trước, nhưng tôi tin nhân dân ta sẽ tự chứng tỏ mà dũng cảm đương đầu và kiên trì, ít nhất cũng ngang bằng với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Nhiều việc sẽ tùy thuộc vào đó; mỗi đàn ông và phụ nữ sẽ có cơ hội chứng tỏ những phẩm chất cao nhất trong dòng dõi, và phục vụ ở mức độ cao nhất cho lý tưởng của họ. Vào lúc này, đối với tất cả chúng ta, dù thuộc lĩnh vực nào, địa vị nào, nghề nghiệp hoặc nghĩa vụ nào, cần nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng:

He nothing common did or mean
Upon that memorable scene.(3)

[Ông ấy không làm gì hoặc có ý gì thông thường
Trong khung cảnh đáng nhớ ấy
]

Tôi nghĩ nhân cơ hội này cho Hạ viện và cả nước biết vài chỉ dấu của cơ sở chắc chắn, thực tiễn dựa trên đó chúng ta có ý chí không gì lay chuyển được để tiếp tục cuộc chiến. Có nhiều người nói: “Không hề gì. Thắng hay bại, chìm hay nổi, thà chết còn hơn khuất phục kẻ chuyên chế – và đó quả là kẻ chuyên chế.” Bản thân tôi không bác bỏ họ. Nhưng tôi có thể trấn an họ là các cố vấn chuyên nghiệp của cả ba quân chủng đều nhất trí cho rằng chúng ta nên tiếp tục cuộc chiến, rằng có hy vọng đáng kể cho chiến thắng cuối cùng. Chúng ta thông báo và tham khảo đầy đủ tất cả các Lãnh địa tự chủ(4), những cộng đồng vĩ đại cách xa phía bên bờ đại dương, vốn đã gầy dựng dựa trên luật lệ của ta và nền văn minh của ta, vốn được tự do tuyệt đối để chọn lựa con đường họ đi, nhưng tuyệt đối cống hiến cho Mẫu quốc xưa cũ, vốn lấy cảm hứng với cùng những mối xúc cảm dẫn tôi đến việc chia sẻ nghĩa vụ và danh dự. Chúng ta tham khảo đầy đủ với họ, và tôi nhận được từ các thủ tướng, Ông Mackenzie King của Canada, Ông Menzies của Úc, Ông Fraser của Tân Tây Lan, và Tướng Smuts của Nam Phi – con người tuyệt vời đó, với đầu óc sâu rộng và với con mắt ghi nhận từ xa toàn cảnh các sự vụ của Châu Âu – tôi nhận được từ những nhân vật kiệt xuất ấy, những người mà phía sau họ có những Chính phủ được bầu cử rộng rãi, những người nắm địa vị ấy bởi vì họ đại diện cho ý chí của nhân dân họ, những thông điệp lồng trong ngôn từ cảm động nhất theo đó họ ủng hộ quyết định của ta là tiếp tục chiến đấu, và tuyên bố họ sẵn sàng chia sẻ vận may rủi với chúng ta và kiên trì cho đến cùng. Chúng ta sẽ làm như thế.

Bây giờ chúng ta có thể tự hỏi: Từ khi cuộc chiến bắt đầu, vị thế của chúng ta xấu đi như thế nào? Vị thế xấu đi do sự kiện là Đức đã chinh phục được phần lớn bờ biển của Tây Âu, và đã chinh phục được nhiều quốc gia nhỏ. Điều này làm tăng nguy cơ bị không kích và khiến cho Hải quân ta phải bận tâm thêm. Điều này không làm suy giảm, mà ngược lại còn làm tăng, sức mạnh của việc phong tỏa đường dài của chúng ta. […]

Nếu Hitler có thể đặt các xí nghiệp ở những quốc gia ông ta thu phục dưới quyền kiểm soát bạo ngược, thì sản lượng vũ khí của Đức vốn đã cao sẽ càng cao hơn nữa. Mặt khác, việc này sẽ không xảy ra ngay, và bây giờ chúng ta được đảm bảo có nguồn hỗ trợ quân nhu và đạn dược một cách dồi dào, liên tục và ngày càng gia tăng từ Hoa Kỳ; và đặc biệt là máy bay và phi công từ các Lãnh thổ và bên kia bờ đại dương đến từ những vùng ngoài tầm bay của oanh tạc cơ địch.

Tôi không thấy làm thế nào những yếu tố này gây phương hại cho ta trước khi mùa đông đến; và mùa đông sẽ tạo căng thẳng cho chế độ Quốc xã, với cả Châu Âu quằn quại và đói kém dưới gót giầy bạo tàn của chế độ ấy. Chúng ta không được quên rằng từ lúc chúng ta tuyên chiến ngày 3 tháng 9, Đức luôn có thể sử dụng Không lực đánh phá đất nước này, cùng với bất kỳ công cụ xâm lăng nào mà họ có thể nghĩ ra, và rằng nước Pháp hẳn không thể làm gì được nhiều để ngăn chặn. Vì thế, suốt mấy tháng nay chúng ta sống dưới nguy cơ đó, trên nguyên tắc và theo cách thức biến đổi một chút. Tuy nhiên, cùng lúc chúng ta cải tiến rất nhiều những phương pháp phòng vệ, và chúng ta nghiệm ra rằng chúng ta không được giả định là từng chiếc máy bay và từng cá nhân phi công Anh có ưu thế chắc chắn và rõ ràng. Vì thế, khi tính toán cán cân lực lượng, tôi có đủ lý do để cảnh giác và nỗ lực, nhưng không hề hoảng loạn hoặc tuyệt vọng.

Trong bốn năm đầu của cuộc chiến trước, Đồng minh chỉ nếm trải thảm họa và thất vọng. Đấy là nỗi sợ hãi trường kỳ của chúng ta: một cú đánh tiếp theo cú trước, những thiệt hại khủng khiếp, những nguy cơ đáng sợ. Không có gì khác với mong đợi. Nhưng dù vậy, vào cuối bốn năm ấy tinh thần của Đồng minh cao hơn tinh thần của Đức, cho dù Đức đi từ chiến thắng này qua chiến thắng khác, và là kẻ xâm lược chiến thắng khắp nơi. Rồi không ai trả lời được một cách chính xác, cho đến lúc cuối, thình lình, lúc không ai ngờ đến, kẻ thù kinh khiếp của chúng ta sụp đổ trước mặt chúng ta, và chúng ta chiến thắng dồn dập đến nỗi trong cơn điên rồ lại ném nó đi.

Chúng ta vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra ở nước Pháp hay liệu sự kháng cự của Pháp sẽ kéo dài được không, cả ở Pháp lục địa lẫn ở đế quốc Pháp hải ngoại. Chính phủ Pháp sẽ vứt bỏ những cơ hội lớn và phó mặc tương lai của họ nếu họ không tiếp tục cuộc chiến tranh theo nghĩa vụ mà họ đã cam kết trong các hiệp ước, nghĩa vụ mà chúng ta cảm thấy không thể miễn trừ được cho nước Pháp.

Hạ viện rồi sẽ đọc lời tuyên bố lịch sử mà trong đó, với sự mong mỏi của nhiều người Pháp – và sự mong mỏi trong con tim chúng ta – chúng ta đã tuyên cáo thiện ý của chúng ta trong giờ phút đen tối nhất của lịch sử nước Pháp để hoàn thành một liên minh của công dân chung [của hai nước] trong cuộc đấu tranh này. Cho dù việc gì xảy ra với nước Pháp hoặc với Chính phủ Pháp, hoặc những chính phủ khác của Pháp, chúng ta, ở trên đảo quốc này và trên Đế quốc Anh, sẽ không bao giờ đánh mất tình đồng đội với nhân dân Pháp. Nếu bây giờ chúng ta được kêu gọi nếm trải những gì nhân dân Pháp đang chịu đựng, chúng ta sẽ ganh đua về lòng can đảm với họ, và nếu chiến thắng cuối cùng được trao cho những cực nhọc của chúng ta thì họ sẽ cùng chia sẻ lợi ích, đúng thế, và rồi tự do sẽ được khôi phục lại cho tất cả. Chúng ta không giảm chút nào các đòi hỏi chính đáng của mình, chúng ta không nhượng bộ dù chỉ tí tẹo. Những người Séc, Ba Lan, Na Uy, Hà Lan, Bỉ nối kết sự nghiệp của họ với sự nghiệp của chúng ta. Tất cả những sự nghiệp này sẽ được khôi phục.

Cái mà Tướng Weygand gọi là Trận chiến của nước Pháp thì đã kết thúc. Tôi cho rằng Trận chiến của nước Anh sắp bắt đầu. Sự sinh tồn của nền văn minh Kitô giáo tùy thuộc vào trận chiến này. Cuộc sống của người Anh chúng ta, và sự trường tồn của các thể chế và của đế chế chúng ta tùy thuộc vào trận chiến này. Tất cả sự điên cuồng và sức mạnh của kẻ thù ắt sẽ sớm tập trung về chúng ta.

Hitler biết rằng ông ta sẽ phải đánh bại chúng ta trên đảo quốc này hoặc ông ta sẽ thua cuộc chiến. Nếu chúng ta có thể đương đầu với ông ta, toàn bộ Châu Âu có thể được tự do và cuộc sống của thế giới có thể tiến tới vùng cao thoáng đãng. Nhưng nếu chúng ta thất bại, thì cả thế giới, gồm cả Hoa Kỳ, bao gồm tất cả những gì chúng ta biết và quan tâm, sẽ chìm vào vực thẳm của một Thời đại Đen tối xấu xa hơn, và có thể là kéo dài hơn, bởi những ánh đèn của nền khoa học lầm lạc.

Vì thế chúng ta hãy trụ vững trước nhiệm vụ của mình, và vì thế hãy tự nhủ rằng, nếu Đế quốc Anh và Khối thịnh vượng chung kéo dài cả ngàn năm sau, người ta vẫn sẽ nói, “Đấy là thời khắc vinh quang nhất của họ.”

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi âm: The Fifties Webhttp://www.fiftiesweb.com/usa/churchill-finest-hour.mp3

Chú thích

(1) Gibraltar: eo biển nối Đại Tây Dương phía tây và Địa Trung Hải phía đông, có căn cứ quan trọng của bộ binh và hải quân Anh khống chế tàu thuyền qua lại giữa Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

(2) Skagerrak: eo biển nằm giữa bờ biển miền Nam của Na Uy và bờ biển miền Nam của Đan Mạch.

(3) Trích thơ của nhà thơ siêu hình người Anh, Andrew Marvell (1621-1678), viết về sự trở về của Oliver Cromwell từ Ireland. Oliver Cromwell (1599-1658) là chính khách, chiến sĩ và nhà cách mạng người Anh.

(4) Lãnh địa tự chủ: chỉ các nước trong Liên hiệp Anh như Úc, Tân Tây Lan, Canada… có quyền tự chủ, tuy vua hay nữ hoàng Anh cũng là vua hay nữ hoàng các nước này giữ vị thế tượng trưng.

Hồ Chí Minh

Ông Hồ Chí Minh (1890-1969) là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1969, kế nhiệm: Tôn Đức Thắng), Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1955, kế nhiệm: Phạm Văn Đồng), và Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam (1951-1969).

Tạp chí Time bình chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20.

Những phát biểu nổi tiếng

Các ông có thể giết 10 người của chúng tôi, trong khi chúng tôi chỉ giết được 1 người của các ông, nhưng cuối cùng các ông sẽ là người kiệt sức.

(Nói với Jean Sainteny – Ủy viên Pháp ở miền bắc Ðông Dương – trong quá trình đàm phán trước ngày Toàn quốc kháng chiến)

Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu…

(Trả lời các nhà báo nước ngoài, tháng 1-1946)

Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc.

(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946)

Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh.

(Thư gửi các chiến sĩ quyết tử Thủ đô vào những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống Pháp)

Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.

(Phát biểu trong phiên họp Quốc hội khóa I, kỳ 2, tháng 10/1946)

Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

(Phát biểu khi đến thăm bộ đội ở đền Hùng, trước khi về tiếp quản thủ đô, 1954)

Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.

(Phát biểu tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958)

Chiến tranh có thể kéo dài 5 nǎm, 10 nǎm, 20 nǎm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!

(Lời kêu gọi ngày 17-7-1966)

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

(Hồ Chí Minh toàn tập)

Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…

(Di chúc)

Tuyên ngôn độc lập (1945)

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo nên một cột mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử của nước Việt Nam.

Ho Chi Minh
Hồ Chí Minh

Theo Trần Trọng Đăng Đàn (Viện Khoa học Xã hội):(1)

“Sau Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như là Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

… Tuyên ngôn Độc lập đã hàm chứa một nội dung rất to lớn và sâu sắc. Đó là sự đúc kết cao nhất, cô đọng nhất nội dung cuộc Cách mạng Tháng Tám – cuộc cách mạng đã đem lại cho xã hội Việt Nam một sự biến đổi chưa từng thấy trong lịch sử…

Một trong những yếu tố quan trọng đưa Tuyên ngôn Độc lập lên tầm của một áng văn chính luận kiệt xuất là nghệ thuật viết ngắn, viết giản dị.”

Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa.

Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Namhttp://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/QuockyQuochuyQuoccaTuyenngon

Chú thích

(1) Trần Trọng Đăng Đàn, “Tuyên ngôn Độc lập và nghệ thuật viết văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Saigon Giải phóng onlinehttps://www.sggp.org.vn/tuyen-ngon-doc-lap-va-nghe-thuat-viet-van-chinh-luan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-222439.html

Lời hiệu triệu (1946)

Dưới đây là lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch, được in trong Báo Sự thật, số 21, ngày 27-2-1946.

Hỡi toàn quốc đồng bào,

Chúng ta phải hiểu rằng: có nhiều thứ chiến tranh: chiến tranh bằng sức người, chiến tranh bằng võ khí, chiến tranh bằng chính trị, chiến tranh bằng tinh thần, v.v..

Hiện nay, ngoài chiến tranh bằng quân sự, bọn thực dân Pháp đang dùng cách chiến tranh bằng tinh thần, chúng giả danh dân ta phát truyền đơn, dán khẩu hiệu, phao tin nhảm, mong cho dân ta hoang mang nghĩ ngợi, lo ngại. Đó là nó tấn công tinh thần chúng ta.

Người xưa có nói rằng: “đánh vào lòng là hơn hết; đánh vào thành trì là thứ hai”. Vậy một dân tộc đương vận động như dân ta bây giờ ắt phải luôn luôn chuẩn bị, đồng thời phải luôn luôn trấn tĩnh, kiên quyết sẵn sàng đối với mọi tình thế, không bao giờ rối trí sợ sệt. Chúng ta phải học gương anh dũng của dân tộc Trung Hoa trong hồi kháng chiến. Mất Thượng Hải, gìn giữ Nam Kinh, mất Nam Kinh, gìn giữ Hán Khẩu, mất Hán Khẩu, gìn giữ Trùng Khánh, đến Trùng Khánh vẫn chuẩn bị để nếu cần thì giữ nơi khác, quyết kháng chiến.

Quân địch sắp tới đâu thì dân vùng đó triệt để làm vườn không nhà trống khiến quân địch không có thức ăn, không có chỗ ở, không có đường đi mà phải tiêu hao mòn mỏi. Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn tranh đấu, lúc nào cũng sẵn sàng và không bao giờ do dự hoang mang: vì thế ròng rã tám năm trời, quân Nhật không nuốt nổi Trung Hoa và ngày nay Trung Quốc đã thắng lợi.

Kinh nghiệm của Trung Quốc bày cách thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng gia, sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không chểnh mảng, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.

Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn.

– Toàn dân kháng chiến.

– Toàn quốc kháng chiến.

– Việt Nam độc lập muôn năm.

Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, trang 293, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946)

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, do Hồ Chí Minh soạn thảo, là lời phát động cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối năm 1946, sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp, vào giữa năm 1946, để công nhận một nước Việt Nam độc lập, không thành công.

Ngày 19-12-1946, tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Bút tích được lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

Ngày 20 tháng 12 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Đài Tiếng Nói Việt Nam phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Đêm hôm trước – ngày 19 tháng 12, khi chiến sự bùng nổ – là ngày Toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như văn kiện thứ hai tiếp theo của bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đề cập đến mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng và cuộc kháng chiến. Đó là độc lập tự do hạnh phúc, là những khát vọng của một dân tộc đã bị mất nước, bị nô lệ 80 năm.(1)

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập (Xuất bản lần thứ hai), Tập 4, trang 1006, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000

Chú thích

(1) Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh – http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ContentDetail.aspx?id=591

Muhammad Ali Jinnah

Muhammad Ali Jinnah (1876-1948) là luật sư, chính khách và là người thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan.

Jinnah lãnh đạo Liên đoàn Hồi giáo Ấn Độ từ năm 1913 cho đến khi Pakistan giành độc lập năm 1947, và là Toàn quyền đầu tiên của Pakistan từ năm 1947 cho đến khi ông qua đời năm sau.

Trong khi cả hai nhóm thuộc địa theo Ấn giáo và Hồi giáo đều muốn giành độc lập từ Đế quốc Anh, Đảng Quốc đại Ấn Độ và Liên đoàn Hồi giáo Ấn Độ không đạt được một công thức chia sẻ quyền lực cho tiểu lục địa Ấn Độ thống nhất. Vì thế, cả hai nhóm cùng đồng ý với Anh về sự độc lập riêng rẽ của Ấn Độ và Pakistan.

Diễn văn tại Quốc hội Lập hiến Pakistan (1947)

Bài diễn văn do Muhammad Ali Jinnah đọc trước Quốc hội Lập hiến Pakistan ngày 11 tháng 8 năm 1947 là một trong những bài diễn văn quan trọng nhất của ông, trong đó ông phác thảo tầm nhìn của mình về một nước Pakistan độc lập.

Ngày 14 tháng 8 năm 1947, nước Pakistan chính thức ra đời.

Muhammad Ali Jinnah
Muhammad Ali Jinnah

Thưa Ông Chủ tọa, thưa Quý Bà và Quý Ông!

Với lòng chân thành đích thực, tôi thân ái cảm ơn quý vị về vinh dự mà quý vị dành cho tôi – vinh dự to tát nhất mà Quốc hội Tối cao có thể trao tặng – khi bầu tôi làm Chủ tịch đầu tiên. Tôi cũng cảm ơn những nhà lãnh đạo đã đánh giá cao công việc của tôi và đề cử tôi. Tôi chân thành hy vọng rằng với sự hậu thuẫn và hợp tác của quý vị, chúng ta sẽ biến Quốc hội Lập hiến này thành một hình mẫu cho thế giới.

Quốc hội Lập hiến có hai chức năng phải thực hiện. Thứ nhất là chức năng rất nặng nề và đầy trách nhiệm nhằm định hình bộ khung cho hiến pháp tương lai của Pakistan, và thứ hai là hoạt động như là một thể chế trọn vẹn tối cao với tư cách là Quốc hội Liên bang của Pakistan. Chúng ta phải làm tốt nhất có thể được trong việc phê chuẩn một bản hiến pháp tạm thời cho Quốc hội Liên bang của Pakistan. Quý vị biết rằng rõ rằng không những chúng ta phân vân, mà cả thế giới đang phân vân về cuộc cách mạng như cơn lốc xoáy không có tiền lệ đã mang đến kế hoạch thành lập hai quốc gia có chủ quyền trên tiểu lục địa này. Đúng thật là không có tiền lệ; chưa hề có chuyện nào như thế trong lịch sử thế giới. Tiểu lục địa lớn lao này với mọi loại cư dân được đưa vào một kế hoạch khổng lồ, chưa ai biết rõ ràng, chưa có tiền lệ. Điều quan trọng là chúng ta đạt đến kế hoạch này một cách ôn hòa, qua những phương thức của một sự chuyển biến có tính chất lớn lao nhất có thể được.

Về chức năng thứ nhất của Quốc hội, vào lúc này tôi không thể tuyên bố điều gì đã được xem xét kỹ, nhưng tôi sẽ nói đôi điều hiện ra trong tâm trí tôi. Điều tiên quyết mà tôi muốn nhấn mạnh là như thế này: hãy nhớ rằng bây giờ quý vị là thể chế Quốc hội Lập pháp Tối cao và quý vị có tất cả quyền hạn. Vì thế quý vị có trách nhiệm trọng đại là làm thế nào đi đến những quyết định. Nhận xét đầu tiên của tôi là: chắc chắn quý vị đồng ý với tôi rằng nghĩa vụ đầu tiên của một chính phủ là duy trì luật lệ và trật tự, sao cho sinh mạng con người, tài sản và những đức tin thế giới của nhân dân được Nhà nước bảo vệ hoàn toàn.

Điều thứ hai hiện ra trong tâm trí tôi là: một trong những tai họa lớn lao nhất mà [tiểu lục địa] Ấn Độ đang gánh chịu – tôi không có ý nói những quốc gia khác không có tai họa này, nhưng tình trạng của chúng ta tồi tệ hơn nhiều – là đưa hối lộ và nhận hối lộ. Đấy thực sự là một loại thuốc độc. Chúng ta phải diệt trừ tình trạng này với bàn tay sắt, và tôi mong quý vị sẽ có những biện pháp thích ứng càng sớm càng tốt cho Quốc hội này thực thi.

Chợ đen là một tai họa khác. Vâng, tôi biết những người buôn bán chợ đen thường bị bắt và bị phạt. Những bản án được đưa ra, hoặc đôi lúc chỉ phạt tiền. Bây giờ quý vị phải xử lý con quái vật này, mà hiện giờ là một tội nặng chống lại xã hội, trong tình thế khổ sở khi chúng ta thường xuyên đối mặt với nạn thiếu thốn thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác cho đời sống. Tôi nghĩ một công dân buôn bán chợ đen tức là phạm tội nặng nhất trong số các trọng tội. Những kẻ buôn bán chợ đen ấy thực sự là những người có hiểu biết, thông minh và có trách nhiệm bình thường, và khi họ liên can vào chợ đen thì tôi nghĩ họ phải chịu sự trừng phạt thích đáng, bởi vì họ lũng đoạn toàn bộ hệ thống kiểm soát và điều hòa thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác, tạo ra nạn đói, thiếu thốn và thậm chí chết chóc.

Điều kế tiếp đập vào tâm tư tôi là: Ở đây nó lại là một di sản được để lại cho chúng ta. Cùng với những thứ khác, tốt lành và tệ hại, tai ương trầm trọng đã xuất hiện – tai ương về nạn bè phái và nhũng lạm. Tôi muốn vạch rõ rằng tôi sẽ không bao giờ dung thứ bất kỳ thứ nhũng lạm và bè phái nào, hoặc bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với tôi. Mỗi khi tôi thấy tệ nạn này hoành hành ở bất kỳ nơi nào, chắc chắc tôi sẽ không chấp nhận.

Tôi biết có những người không đồng tình với việc phân chia [tiểu lục địa] Ấn Độ cũng như việc chia cắt các tỉnh Punjab và Bengal. Đã có nhiều lời chống đối, nhưng bây giờ việc này được chấp nhận, tất cả chúng ta có nghĩa vụ phải chấp hành trong danh dự theo thỏa ước mà bây giờ là chung cục và có tính ràng buộc đối với mọi người. Nhưng quý vị cần nhớ cho, như tôi đã nói, rằng cuộc cách mạng vĩ đại này là không có tiền lệ. Có thể hiểu được cảm nghĩ giữa hai cộng đồng khi một cộng đồng là đa số và một cộng đồng là thiểu số. Nhưng vấn đề là, làm theo cách khác thì liệu có thể hoặc khả thi hay không. Phải có sự phân chia. Ở hai phía, giữa Ấn Độ và Pakistan, có những địa phương mà người dân không đồng tình với sự phân chia này; nhưng theo phán xét của tôi thì không có giải pháp nào khác, và tôi tin chắc lịch sử trong tương lai sẽ chấp nhận sự kiện này.

Hơn thế nữa, kinh nghiệm thực tiễn sẽ chấp nhận khi chúng ta xúc tiến giải pháp duy nhất cho vấn đề về hiến pháp của [tiểu lục địa] Ấn Độ. Bất kỳ ý tưởng nào về một [tiểu lục địa] Ấn Độ thống nhất không thể nào thành công, và theo nhận định của tôi việc này sẽ dẫn đến thảm họa kinh khủng. Quan điểm này có thể đúng mà cũng có thể sai, hãy xem sao. Trong sự phân chia này, không thể nào tránh khỏi vấn đề có những nhóm thiểu số trong nước này hoặc nước kia. Bây giờ thì việc này là không tránh khỏi. Không có giải pháp nào khác. Bây giờ chúng ta sẽ làm gì? Bây giờ, nếu chúng ta muốn xây dựng quốc gia Pakistan vĩ đại này được hạnh phúc và phồn vinh, chúng ta phải tập trung toàn bộ chỉ cho an sinh của nhân dân, và đặc biệt cho người nghèo. Nếu làm việc trong sự hợp tác, quên đi quá khứ, chôn vùi thù hận, thì quý vị sẽ thành công. Nếu mỗi người trong quý vị thay đổi quá khứ, cùng nhau làm việc trong tinh thần không phân biệt địa phương, không cần biết mối quan hệ như thế nào trong quá khứ, không phân biệt màu da, giai cấp, tôn giáo, mọi công dân của Quốc gia này có quyền và nghĩa vụ bình đẳng, thì sự tiến bộ của quý vị sẽ là vô bờ bến.

Tôi không thể nào nhấn mạnh hơn được. Chúng ta phải bắt đầu làm việc trong tinh thần ấy, và theo dòng thời gian những vướng mắc về cộng đồng đa số và thiểu số, cộng đồng Ấn giáo và Hồi giáo sẽ biến mất, dù là người Hồi giáo quý vị có những nhóm Pathan, Punjabi, Shia, Sunni và đại loại như thế, và giữa những người Ấn giáo quý vị có những nhóm Brahmin, Vashnava, Khatri, Bengal, Madras và đại loại như thế. Thật ra nếu quý vị hỏi tôi, đây là một ngáng trở lớn lao nhất trên con đường [tiểu lục địa] Ấn Độ giành tự do và độc lập, nếu không thì chúng ta đáng lẽ được tự do lâu rồi. Không sức mạnh nào có thể giữ một đất nước − đặc biệt là một đất nước có 400 triệu dân − trong vòng nô dịch; không ai có thể chinh phục được quý vị, và cho dù việc này xảy ra thì không ai có thể tiếp tục kéo dài tình trạng này.

Vì thế, chúng ta phải rút tỉa bài học từ việc này. Quý vị được tự do; quý vị được tự do đi lễ chùa chiền, quý vị được tự do đi lễ đền thờ hoặc bất kỳ nghi thức nào trên Quốc gia Pakistan này. Quý vị có thể thuộc về bất kỳ tôn giáo nào hoặc giai cấp nào hoặc địa phương nào – điều ấy không có liên quan gì đến sự vụ của Quốc gia. Như quý vị đã biết, lịch sử cho thấy một thời gian trước đây, những điều kiện ở Anh còn tồi tệ hơn những gì ở [tiểu lục địa] Ấn Độ bây giờ. Người Công giáo và người Tin Lành sát hại lẫn nhau. Ngay cả bây giờ, có những quốc gia vẫn còn kỳ thị và ức chế một giai cấp nào đó. Cảm ơn Chúa, chúng ta không khởi đầu vào những ngày ấy. Chúng ta khởi đầu vào những ngày không có kỳ thị, không có phân biệt giữa cộng đồng này và cộng đồng khác, không có phân biệt giữa một giai cấp này và giai cấp khác hoặc giữa địa phương này và địa phương khác. Chúng ta khởi đầu với nguyên tắc cơ bản này: tất cả chúng ta là những công dân, và là những công dân bình đẳng của một Quốc gia. Dân tộc Anh theo thời gian đối mặt với những thực tế của tình hình, và phải đảm nhận những trách nhiệm cùng gánh nặng do chính phủ của đất nước họ đặt ra cho họ; và từng bước họ vượt qua. Ngày hôm nay, quý vị có thể công tâm mà nói rằng không còn có người Công giáo và người Tin Lành; bây giờ mọi người đều là công dân, công dân bình đẳng của Anh quốc, và họ đều là những thành viên của Quốc gia.

Bây giờ tôi nghĩ chúng ta cần đặt điều ấy trước mặt như là lý tưởng của chúng ta, và quý vị sẽ thấy rằng theo thời gian người Ấn giáo sẽ không còn là người Ấn giáo, và người Hồi giáo sẽ không còn là người Hồi giáo, không phải theo ý nghĩa tôn giáo bởi vì đấy là đức tin cá nhân của mỗi người, mà theo nghĩa chính trị như là những công dân của Quốc gia.

Thế thì, thưa quý vị, tôi không muốn chiếm thêm thời gian của quý vị, và một lần nữa cảm ơn quý vị về vinh dự mà quý vị dành cho tôi. Tôi sẽ luôn được hướng dẫn bởi những nguyên tắc về công lý và chính trực mà không có thành kiến hoặc ác ý nào; theo cách khác, không có thiên vị hoặc đãi ngộ riêng. Nguyên tắc chỉ đạo của tôi sẽ là công lý và hoàn toàn không thiên vị, và tôi tin chắc với sự hậu thuẫn và cộng tác của quý vị, tôi có thể mong đợi Pakistan trở thành một trong những quốc gia vĩ đại nhất của thế giới.

Tôi nhận được một thông điệp từ Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ gửi cho tôi. Nội dung như sau:

Tôi lấy làm vinh dự được gửi đến Ngài, trong cương vị Chủ tịch Quốc hội Lập pháp của Pakistan, thông điện sau mà tôi vừa nhận được từ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ:

Nhân phiên họp đầu tiên của Quốc hội Lập pháp của Pakistan, tôi gửi đến Ngài và các đại biểu Quốc hội những lời chúc tốt đẹp nhất của Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ cho sự hoàn tất thành công của công cuộc vĩ đại mà Ngài sẽ thực hiện.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Columbia Universityhttp://www.columbia.edu/itc/mealac/pritchett/00islamlinks/txt_jinnah_assembly_1947.html

Jawaharlal Nehru

Jawaharlal Nehru (1889-1964) là luật gia, chính trị gia và chính khách người Ấn Độ. Ông là một trong những nhà lãnh đạo chính trị của phong trào giành độc lập của Ấn Độ trong các thập kỷ 1930s và 1940s, rồi được bầu làm thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập (1947-1964). Nổi tiếng với những chính sách trung lập trên trường ngoại giao, Nehru đóng góp vào sự thành lập nền dân chủ đại nghị ở Ấn Độ, và là một trong những thành viên sáng lập của Phong trào Không Liên kết (Non-Aligned Movement) trên trường quốc tế.

“Hẹn hò với vận mệnh” (1947)

Trước Quốc hội Lập hiến của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru đọc bài diễn văn này kéo dài cho đến nửa đêm 14 tháng 8 năm 1947, ngay trước Ngày Độc lập của Ấn Độ.

Bài diễn văn tập trung vào những chủ đề vốn sẽ chuyển biến dòng lịch sử của Ấn Độ. Ngày nay, “Hẹn hò với Định mệnh” được xem là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất mọi thời đại, và thể hiện đỉnh cao của cuộc đấu tranh kéo dài hàng trăm năm giành độc lập từ Đế quốc Anh.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:

  • hạng 11 trong số các bài diễn văn vĩ đại của thế kỷ 20 (báo The Guardian, Anh quốc);
  • một trong 25 bài diễn văn chính trị hàng đầu mọi thời đại (báo The Telegraph, Anh quốc).

Từ nhiều năm trước, chúng ta hẹn hò với định mệnh, và bây giờ đã đến lúc chúng ta phải thực hiện lời hứa của mình, không chỉ thực hiện đầy đủ và trọn vẹn mà còn phải có đủ thực chất. Ngay vào thời khắc nửa đêm, khi cả thế giới đang chìm trong giấc ngủ, đất nước Ấn Độ sẽ tỉnh giấc để được sống và được hưởng tự do. Thời khắc đang đến, thời khắc hiếm hoi trong lịch sử, khi chúng ta bước ra khỏi cái cũ để đến với cái mới, khi một thời đại chấm dứt, và khi hồn thiêng của đất nước – vốn từ lâu bị áp bức – bây giờ cất tiếng. Trong thời khắc thiêng liêng này, chúng ta nguyện hiến dâng đời mình cho Ấn Độ và nhân dân đất nước này, và cho lý tưởng rộng lớn hơn của nhân loại.

Jawaharlal Nehru 1947
Jawaharlal Nehru trước Quốc hội Lập hiến, 1947

Từ buổi đầu của lịch sử, Ấn Độ vẫn không ngừng nghỉ trên con đường mưu cầu, và nhiều thế kỷ dẫy đầy những đấu tranh và vinh quang trong thành công và thất bại. Qua nhiều thời vận thăng trầm, Ấn Độ chưa bao giờ đánh mất tầm nhìn trên con đường mưu cầu ấy, cũng không hề lãng quên những lý tưởng từng tiếp thêm nghị lực cho mình. Hôm nay, chúng ta kết thúc một giai đoạn bất hạnh, và Ấn Độ tìm lại chính mình. Thành tựu ngày hôm nay chỉ là bước khởi đầu, mở ra cơ hội đưa đến những thắng lợi thành quả lớn hơn đang chờ đón chúng ta. Liệu chúng ta có đủ dũng cảm và khôn ngoan để nắm bắt cơ hội này và chấp nhận thách thức của tương lai hay không?

Tự do và quyền lực mang theo trách nhiệm. Trách nhiệm đang đặt trên vai Quốc hội Lập hiến, là thể chế quyền lực tối thượng đại diện cho nhân dân tối thượng của Ấn Độ. Trước khi tự do chào đời, chúng ta chịu đựng nhiều đau khổ của kiếp lao dịch, và con tim chúng ta vẫn còn trĩu nặng ký ức đau buồn này. Thậm chí cho đến bây giờ, một số nỗi đau vẫn còn đang hành hạ. Tuy nhiên, quá khứ đã khép lại và tương lai đang vẫy gọi chúng ta.

Trong tương lai ấy, chúng ta không được nhàn hạ hoặc ngơi nghỉ, mà phải nỗ lực không ngừng hầu chúng ta có thể làm tròn những cam kết chúng ta thường hứa hẹn, và làm tròn một cam kết chúng ta sẽ đưa ra ngày hôm nay. Nghĩa vụ đối với Ấn Độ tức là nghĩa vụ đối với hàng triệu người đang khổ sở, tức là chấm dứt đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật và bất công. Ước vọng của những người vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta là lau khô nước mắt trên mặt mọi người. Có thể ước vọng ấy vượt quá khả năng của chúng ta, nhưng khi nào còn nước mắt và khổ đau thì khi đó công việc của chúng ta vẫn chưa hoàn tất.

Do đó, chúng ta phải cần cù làm việc, cật lực làm việc để biến những giấc mơ thành hiện thực. Những giấc mơ ấy là cho Ấn Độ nhưng cũng cho thế giới, bởi vì ngày hôm nay mọi quốc gia và mọi dân tộc đều nối kết chặt chẽ với nhau mà không ai mường tượng được có thể tách rời ra để sống một mình. Người ta nói rằng hòa bình không thể bị chia cắt; tự do cũng vậy, bây giờ sự phồn vinh cũng vậy, và thảm họa cũng vậy trên thế giới duy nhất này vốn không còn có thể bị phân tán thành nhiều mảnh riêng lẻ.

Đối với nhân dân Ấn Độ – mà đại biểu của họ đang hiện diện nơi đây – chúng ta kêu gọi mọi người hợp lực với niềm tin và đồng lòng tin tưởng vào sự nghiệp vĩ đại này. Bây giờ không phải là lúc để phê phán lặt vặt và phá phách, không phải là lúc cho ác tâm hoặc đổ lỗi lẫn nhau. Chúng ta phải xây dựng ngôi nhà cao quý cho đất nước Ấn Độ tự do, để tất cả con cháu chúng ta sống chung.

Ngày hẹn đã đến – ngày mà định mệnh cho ta cái hẹn – và Ấn Độ lại đứng lên sau một giấc ngủ và cuộc đấu tranh dai dẳng, để rồi bừng tỉnh, sinh động, tự do và độc lập. Quá khứ vẫn đeo bám chúng ta trong chừng mực nào đó, và chúng ta phải làm việc nhiều để có thể hoàn thành những lời hứa. Tuy thế bước ngoặt đã qua, lịch sử bắt đầu mới lại, lịch sử mà chúng ta sống và hành động, để rồi sẽ có những trang sử viết về chúng ta.

Đây là thời khắc định mệnh cho chúng ta ở Ấn Độ, cho cả Châu Á, và cho thế giới. Một ngôi sao mới mọc lên, ngôi sao của tự do ở phương Đông, một niềm hy vọng mới vừa chào đời, một khát vọng được ấp ủ từ lâu đang trở thành hiện thực. Cầu cho ngôi sao sáng sẽ không bao giờ lụi tàn, và niềm hy vọng mới sẽ không bao giờ bị phản bội!

Chúng ta vui mừng trong nền tự do ấy, cho dù mây mù còn che phủ quanh ta, nhiều người dân của ta còn đau khổ và những vấn nạn khó khăn vẫn còn vây quanh ta. Nhưng tự do mang theo trách nhiệm và gánh nặng mà chúng ta phải đối mặt trong tinh thần của một dân tộc tự do và có kỷ luật.

Ngày hôm nay, ý nghĩ đầu tiên của chúng ta hướng đến nhà kiến trúc sư của nền tự do này, Cha đẻ của Dân tộc ta(1), người thể hiện tinh thần cũ của Ấn Độ khi giơ cao ngọn đuốc tự do và thắp sáng đêm tối đang bao quanh ta. Chúng ta là những người đi theo ông nhưng đã tỏ ra không xứng đáng và làm sai lời ông, nhưng không chỉ chúng ta mà những thế hệ sau sẽ ghi nhớ lời ông và khắc ghi trong tim hình ảnh người con vĩ đại của Ấn Độ này, thật cao quý trong đức tin, nghị lực, lòng can đảm và sự khiêm tốn. Chúng ta sẽ không bao giờ để cho ngọn đuốc tự do ấy lụi tàn, cho dù giông bão mạnh đến đâu.

Ý nghĩ kế tiếp của chúng ta là dành cho những người tình nguyện vô danh và những chiến sĩ của tự do, những người phụng sự Ấn Độ thậm chí cho đến chết mà không có lời ca ngợi hay phần thưởng gì.

Chúng ta cũng nghĩ đến những anh chị em của chúng ta, những người bị tách rời(2) khỏi chúng ta do ranh giới chính trị, những người không vui vì không được chia sẻ nền tự do sắp đến. Họ là một phần của chúng ta và sẽ mãi thuộc về chúng ta cho dù xảy ra chuyện gì đi nữa, và chúng ta sẽ chia sẻ phận may hoặc vận rủi của họ.

Tương lai đang vẫy gọi chúng ta. Chúng ta sẽ đi về đâu và sẽ làm gì? Đó là mang tự do và cơ hội đến cho người bình thường, cho nông dân và công nhân của Ấn Độ; đó là đấu tranh để chấm dứt đói nghèo, ngu dốt và bệnh tật; đó là xây dựng một đất nước phồn vinh, dân chủ và tiến bộ; đó là thiết lập những thể chế xã hội, chính trị, kinh tế nhằm bảo đảm sự công bằng và hạnh phúc cho mọi người.

Công việc nặng nề đang chờ đợi chúng ta. Không ai được ngơi nghỉ cho đến khi chúng ta làm tròn những cam kết, cho đến khi tất cả nhân dân Ấn Độ được hưởng những gì mà định mệnh dành cho họ. Chúng ta là công dân của một đất nước vĩ đại đang táo bạo tiến lên, và chúng ta phải tỏ ra xứng đáng với những chuẩn mực cao cả ấy. Tất cả chúng ta, không phân biệt tôn giáo, đều là những đứa con của Ấn Độ với lợi ích, quyền và nghĩa vụ như nhau. Chúng ta không khuyến khích chủ trương cào bằng hoặc tư duy hẹp hòi, bởi vì không có đất nước nào trở nên vĩ đại khi dân chúng hẹp hòi trong tư duy hoặc hành động.

Chúng ta gửi lời chào mừng đến các quốc gia và dân tộc của thế giới, và cam kết sẽ hợp tác với họ để đẩy mạnh hòa bình, tự do và dân chủ.

Với Ấn Độ – đất mẹ thân thương của chúng ta tồn tại từ ngàn xưa, vĩnh cữu và luôn mới mẻ – chúng ta tỏ lòng tôn kính và khắc nguyện lòng phụng sự của chúng ta.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Public domain WikiSourcehttp://en.wikisource.org/wiki/A_Tryst_With_Destiny

Chú thích

(1) Cha đẻ của Dân tộc ta: ý nói đến Mohandas K. Gandhi (1869-1948).

(2) Những người bị tách rời: ý nói khi được Anh quốc trả lại tự do, tiểu lục địa Ấn Độ bị phân chia ra làm 2 nước: Ấn Độ và Pakistan.

Điếu văn cho Mahatma Gandhi (1948)

Jawaharlal Nehru là người cộng tác mật thiết với Gandhi trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Dưới đây là bài điếu văn đọc ngày 02 tháng 2 năm 1948 cho Mahatma Gandhi, người đã bị ám sát bởi một kẻ thuộc phần tử cực đoan. Vào thời gian đọc bài điếu văn này, Nehru đang là Thủ tướng của nước Ấn Độ độc lập.

Nehru & Gandhi
Nehru và Gandhi

Một vinh quang đã ra đi; mặt trời vốn đã sưởi ấm và soi sáng chúng ta đã lặn, chúng ta run rẩy trong lạnh lẽo và tối tăm. Tuy thế, ông ấy hẳn không để cho chúng ta cảm thấy như thế. Dù sao chăng nữa, vinh quang mà chúng ta đã nhìn thấy qua những năm tháng này, con người ấy với ngọn lửa thiêng liêng, cũng đã thay đổi chúng ta – và thế là trong những năm tháng ông đã hun đúc nên chúng ta; và từ ngọn lửa thiêng liêng ấy nhiều người trong chúng ta cũng đón nhận một tia lửa rồi thắp sáng thêm và giúp cho chúng ta hành động theo đường hướng mà ông ấy đã vạch ra.

Vì thế, nếu chúng ta ca ngợi ông ấy thì ngôn từ của chúng ta nghe ra quá yếu ớt, và nếu chúng ta ca ngợi ông ấy thì đến một chừng mực nào đấy chúng ta cũng tự ca ngợi mình. Những nhân vật vĩ đại và những con người lỗi lạc có đài tưởng niệm bằng đồng và đá hoa cương được dựng lên cho họ, nhưng những hoạt động trong đời con người với ngọn lửa thiêng liêng này đã làm cho ông được trân quý khắc ghi trong hàng triệu và hàng triệu con tim, thế nên tất cả trong chúng ta có một phần của ông ấy. Theo cách này mà ông lan tỏa khắp Ấn Độ, không những trong những lâu đài hoặc trong những chốn cao sang hoặc hội trường, mà còn trong mọi thôn làng và căn chòi của bần dân và người cùng khổ. Ông ấy đã sống trong con tim của hàng triệu người và ông ấy sẽ sống cho đến ngàn sau.

Thế nên trong dịp này, ngoài cảm nghĩ khiêm tốn thì chúng ta có thể nói gì về ông ấy? Nếu ca ngợi ông thì chúng ta không xứng đáng – ca ngợi người mà chúng ta không thể noi gương một cách đầy đủ và trọn vẹn. Gần như là thiếu công tâm với ông nếu chúng ta chỉ để lại ngôn từ phía sau ông khi mà ông đòi hỏi hành động và công sức và hy sinh từ chúng ta. Trong khoảng 30 năm qua, theo một tầm mức rộng lớn ông đã làm cho đất nước này vươn lên tầm cao của sự hy sinh chưa từng thấy ở nơi khác. Ông đã thành công trong việc này.

Tuy thế, cuối cùng thì những sự việc đã xảy ra(1) chắc chắn đã làm cho ông rất khổ sở tuy rằng khuôn mặt dịu hiền của ông không bao giờ tắt nụ cười và ông không bao giờ có lời lẽ nặng nề với ai. Tuy thế, ông chịu khổ sở – khổ sở vì sự thất bại của thế hệ này mà ông đã dạy dỗ, khổ sở vì chúng ta rời xa khỏi con đường mà ông đã vạch ra(2) cho chúng ta. Và cuối cùng, bàn tay của người con của ông – vì nói cho cùng, người ấy là con của ông giống như bất kỳ người Ấn Độ nào khác – bàn tay của một người con đã kết liễu cuộc đời ông.

Về sau, lịch sử sẽ phán xét giai đoạn này mà chúng ta đã trải qua. Lịch sử sẽ phán xét về những thành công và thất bại – chúng ta ở quá gần nên không thể có phán xét thích hợp, không hiểu được chuyện gì đã xảy ra và chuyện gì đã không xảy ra. Tất cả những gì chúng ta biết là một vinh quang và rồi không còn gì nữa; tất cả những gì chúng ta biết là trong một khoảnh khắc có một cảnh tối tăm, chắc chắn là không tối đen hẳn, bởi vì khi nhìn vào con tim mình chúng ta vẫn còn tìm thấy ngọn lửa mà ông đã thắp sáng ở đó. Nếu vẫn còn những ngọn lửa ấy thì sẽ không có bóng tối trên đất nước này; với nỗ lực chúng ta sẽ nhớ đến ông và đi theo con đường của ông, nhằm soi sáng lại đất nước này, cho dù chúng ta nhỏ bé đến đâu, nhưng vẫn với ngọn lửa mà ông truyền cho chúng ta.

Có lẽ ông là biểu tượng vĩ đại nhất của Ấn Độ trong quá khứ – và tôi có thể nói cũng là của Ấn Độ trong tương lai – mà chúng ta từng có. Chúng ta đứng trên bờ hiểm nghèo của hiện tại, giữa quá khứ và tương lai, và chúng ta đối mặt với mọi loại hiểm nghèo. Đôi lúc hiểm nghèo lớn lao nhất là việc chúng ta thiếu niềm tin, chúng ta cảm thấy nản lòng, con tim và tinh thần chùng xuống khi chúng ta thấy các lý tưởng vuột khỏi tầm tay, khi chúng ta thấy những điều to tát mà chúng ta đã nói đến rơi vào ngôn từ rỗng tuếch, và cuộc đời đang rẽ qua ngả khác. Tuy thế, tôi vẫn tin rằng có lẽ giai đoạn này sẽ chóng qua.

Ông ấy đã ra đi, và trên khắp Ấn Độ còn vấn vương một cảm nghĩ bị bỏ rơi trong bơ vơ. Tất cả chúng ta đều có cảm nghĩ ấy, và tôi không biết khi nào chúng ta mới trút bỏ nó được. Tuy vậy, cùng với cảm nghĩ đó còn có một cảm nghĩ về sự biết ơn trong niềm hãnh diện là thế hệ chúng ta đã được kề cận với con người vĩ đại ấy.

Trong những kỷ nguyên tới đây, hàng thế kỷ và có lẽ hàng thiên niên kỷ sau chúng ta, hậu thế sẽ nghĩ về thế hệ này khi con người ấy của Thượng Đế bước đi trên quả địa cầu, và sẽ nghĩ về chúng ta, những người dù nhỏ bé nhưng vẫn có thể đi theo con đường của ông và bước đi trên mảnh đất thiêng liêng nơi ông đã từng đặt chân lên.

Chúng ta hãy tỏ ra xứng đáng với ông ấy.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Kamat’s potpourihttp://www.kamat.com/mmgandhi/eulogy.htms

Chú thích

(1) Những sự việc đã xảy ra: ý nói đến những cuộc bạo động gây nhiều thương vong và tổn hại vật chất, chủ yếu giữa hai nhóm tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo.

(2) Rời xa khỏi con đường mà ông đã vạch ra: ý nói đến sự kiện là Gandhi đã cổ vũ đường lối bất bạo động nhưng trong thời gian này bạo động xảy ra khắp tiểu lục địa Ấn Độ.

William Faulkner

William Faulkner (1897-1962) là tiểu thuyết gia người Mỹ, tác giả của khoảng 20 tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn và một số tập thơ, được xem là một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 20. Một truyện dài, The Sound and the Fury, được dịch ra Việt văn với tựa đề Âm thanh và Cuồng nộ.

Ông được trao Giải Nobel Văn học năm 1949, và hai giải Pulitzer năm 1955 và 1963.

Diễn văn Chiêu đãi Nobel Văn học

Năm 1949, nhà văn người Mỹ William Faulkner được trao Giải Nobel Văn học (cho “sự đóng góp mạnh mẽ và độc đáo về mặt nghệ thuật vào nền tiểu thuyết hiện đại Mỹ”) trong thời kỳ thế giới đang hãi sợ chiến tranh nguyên tử và lo lắng về tương lai.

Trong bài diễn văn Chiêu đãi Nobel ngày 10 tháng 12 năm 1950 tại đại sảnh thành phố, Stockholm, Thụy Điển, Faulkner bàn đến nỗi sợ hãi ấy và trình bày niềm tin tưởng của mình rằng “con người không chỉ trường tồn, họ sẽ vượt lên”. Ông cho rằng nỗi sợ hãi như thế có thể làm hại lớp nhà văn trẻ, và nhắc nhở về thiên chức của họ.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:

  • Một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).
  • Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness).
  • Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.
William Faulkner
William Faulkner

Tôi cảm thấy rằng giải thưởng này không dành cho tôi như là một con người, mà dành cho công trình của tôi – công trình của cuộc đời trong nhọc nhằn và mồ hôi của một tâm hồn con người, không phải vì vinh quang và càng không phải vì lợi nhuận, nhưng để tạo dựng từ chất liệu của tâm hồn con người một cái gì đấy chưa từng hiện hữu trước đây. Vì thế mà giải thưởng này chỉ là của tôi theo ủy nhiệm. Sẽ không phải là khó khăn mà tìm cách hiến tặng phần tiền của giải thưởng theo mục đích và ý nghĩa xuất xứ của nó. Nhưng tôi cũng muốn làm việc tương tự với sự tôn vinh, bằng cách sử dụng thời khắc này như là một đỉnh cao mà từ đó tôi có thể được lắng nghe bởi những người trẻ vốn đã cống hiến cho cùng nỗi thống khổ và lao động, trong số ấy đã có một người mà một ngày nào đó sẽ đứng đây, nơi tôi đang đứng.

Thảm kịch của chúng ta ngày hôm nay là nỗi sợ hãi về thể chất chung chung và lan rộng vốn trải qua đã lâu tới tận bây giờ đến mức chúng ta không thể nào chịu nổi. Không còn có những vấn nạn của tinh thần. Chỉ có một câu hỏi: Khi nào thì tôi sẽ bị nổ tung? Vì lẽ ấy, người trẻ ngày hôm nay đã quên vấn nạn của con tim nhân loại trong sự xung đột với chính nó, và chính việc này không tạo điều kiện tốt để sáng tác bởi vì những gì đáng để viết ra chỉ là nỗi khốn khổ và nhọc nhằn.

Anh ta phải học lại những điều ấy. Anh ta phải tự học hỏi để biết rằng điều cơ bản nhất của mọi sự việc là đáng sợ; và tự học để biết rằng hãy quên nó mãi mãi, không chừa chỗ trong bản thảo cho cái gì cả ngoại trừ sự thật cơ bản và chân lý của con tim, những chân lý phổ quát cổ xưa mà nếu thiếu thì mọi câu chuyện trở thành phù du và chịu số phận hẩm hiu – tình thương và danh dự và lòng trắc ẩn và kiêu hãnh và thương cảm và hy sinh. Nếu không làm thế thì anh ta chỉ tổ lao tâm khổ tứ dưới một tai họa. Anh ta không viết về tình yêu mà về dục vọng, viết về những thất bại trong đó không ai mất mát cái gì có giá trị, viết về những chiến thắng mà không có hy vọng và, tệ hại nhất, không có lòng trắc ẩn hoặc thương cảm. Những nỗi sầu khổ của anh ta không cảm thấy đau buồn trên thịt nát xương tan, không để lại vết thương nào cả. Anh ta không viết về con tim hoặc về tuyến nước mắt.

Nếu không học lại những điều ấy thì anh ta sẽ viết như thể mình đứng giữa và được nhìn ngắm bởi hồi cuối của con người. Tôi không muốn chấp nhận hồi cuối của con người. Quả là dễ dàng mà nói rằng con người là bất tử đơn giản chỉ vì anh ta trường tồn: đấy là khi tiếng đinh-đong của phán quyết cuối cùng đã vang lên và hạ thấp dần từ tảng đá vô dụng cheo leo cuối cùng trên thủy triều cạn trong buổi tối tàn đỏ rực cuối cùng, mà ngay cả lúc ấy vẫn còn có thêm một âm thanh: tiếng nói yếu ớt không mệt mỏi của anh ta, vẫn còn muốn lên tiếng. Tôi không muốn chấp nhận việc này. Tôi tin rằng con người sẽ không chỉ trường tồn: anh ta sẽ vượt lên. Anh ta là bất tử, không phải vì một mình anh ta – giữa những sinh vật – có tiếng nói không mệt mỏi, nhưng bởi vì anh ta có một linh hồn, một tinh thần biết cảm thông và hy sinh và chịu đựng. Nghĩa vụ của nhà thơ, của tác gia là viết về những điều ấy. Anh ta có đặc quyền giúp cho con người trường tồn bằng cách nâng tầm con tim của người ấy, bằng cách nhắc cho người ấy về dũng khí và danh dự và hy vọng và kiêu hãnh và cảm thông và trắc ẩn và hy sinh vốn đã là vinh quang trong quá khứ. Tiếng nói của nhà thơ không phải chỉ là tiếng con người được ghi lại, nó có thể là tiếng nói của những người đứng mũi chịu sào, những trụ cột nhằm giúp anh ta trường tồn và vươn lên.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Nobel Committeehttp://nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/1949/faulkner-speech.html

Dwight D. Eisenhower

Dwight D. “Ike” Eisenhower (1890-1969) là Thống tướng Lục quân (từ 1944) của Hoa Kỳ, Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh ở Châu Âu (1944-1945) trong Thế chiến 2, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ (1945-1948), Tư lệnh Tối cao của Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) (1950), Tổng thống Hoa Kỳ (1953-1961).

Hai nhiệm kỳ tổng thống của Eisenhower diễn ra trong sự an bình và chứng kiến sự thịnh vượng kinh tế đáng kể ngoại trừ giai đoạn suy thoái. Các sử gia luôn xếp ông vào hàng mười tổng thống Mỹ hàng đầu trong lịch sử nước Mỹ.

“Nguyên tử phụng sự hòa bình” (1953)

Ngay sau khi Thế chiến 2 kết thúc, các đồng minh cũ bên phe chiến thắng phân cực thành hai khối Cộng sản và chống Cộng, dẫn đến tình trạng căng thẳng được gọi là “Chiến tranh Lạnh”. Trong cuộc chiến tranh này, một bên là Anh-Pháp-Mỹ và bên kia là Liên Xô thi nhau phát triển vũ khí nguyên tử, tạo nên một đe dọa mới cho vận mệnh của con người.

Eisenhower Atoms for Peace
Eisenhower: “Nguyên tử phụng sự hòa bình”

Trong bài diễn văn lịch sử “Nguyên tử phụng sự hòa bình” đọc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 08 tháng 12 năm 1953, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower, đưa ra ý tưởng thiết lập một tổ chức quốc tế với mục tiêu kiểm soát và phát triển việc sử dụng năng lượng nguyên tử đúng hướng. Bài diễn văn của một cựu Tư lệnh Tối cao các Lực lượng Đồng Minh trên chiến trường Châu Âu trong Thế chiến 2 tạo một khúc ngoặt quan trọng trong nhận thức về những nguy cơ cho nhân loại do vũ khí nguyên tử, và những lợi ích quan trọng nếu sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình.

Bài diễn văn được bình chọn là một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).

Thưa Bà Chủ tịch, thưa quý Đại biểu Đại hội đồng,

Khi lời mời của Tổng Thư ký Hammarskjold đến tay tôi ở Bermuda, tôi vừa đang bắt đầu một loạt những cuộc hội đàm với các Thủ tướng và Ngoại trưởng của Anh quốc và của Pháp. Chủ đề của chúng tôi thuộc về một trong những vấn nạn đang tác động đến thế giới của chúng ta.

Trong phần còn lại của cuộc hội đàm ở Bermuda, tôi luôn ghi nhớ trong lòng rằng phía trước tôi là một vinh dự lớn lao. Vinh dự đó dành cho tôi ngày hôm nay, khi tôi đứng đây, được đặc ân phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Cùng lúc tôi đánh giá cao cơ hội phát biểu với quý vị, tôi có cảm xúc vui mừng khi nhìn qua Đại hội đồng này. Trong lịch sử chưa bao giờ có nhiều hy vọng đến thế cho nhiều người đến thế tập họp với nhau trong một tổ chức duy nhất. Những cuộc thảo luận và nghị quyết của quý vị trong những năm tháng ảm đạm này tạo nên một phần những hy vọng ấy.

Nhưng những thử thách lớn lao và những thành tựu lớn lao vẫn còn nằm ở phía trước. Và trong khi mong chờ những thành tựu ấy với niềm tin, tôi muốn sử dụng chức vụ mà tôi đang nắm giữ để khẳng định với các bạn rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ luôn kiên định trong việc hỗ trợ tổ chức này. Chúng tôi sẽ làm điều ấy với niềm tin tưởng rằng quý vị sẽ đóng góp phần lớn lao vào trí khôn, vào lòng can đảm, và sự xác tin để mang hòa bình vĩnh cửu đến cho mọi quốc gia, cùng hạnh phúc và an sinh đến mọi người.

Hiển nhiên là không thích hợp cho tôi nhân dịp này trình bày với quý vị về báo cáo đơn phương của Hoa Kỳ ở Bermuda. Tuy thế, tôi xin đảm bảo với quý vị rằng trong những cuộc thảo luận của chúng tôi trên hòn đảo đẹp đẽ ấy, chúng tôi tìm cách nêu bật những ý niệm về hòa bình rộng lớn và phẩm giá con người mà chúng ta đưa vào Hiến chương của quý vị. Cũng không phải là đúng cách khi nhân cơ hội lớn lao này mà chỉ lặp lại – cho dù với ước vọng – những ngôn từ nhàm chán tuy có thiện tâm.

Vì thế, tôi thấy cơ hội này là thích hợp để trình bày với quý vị đôi điều mà nhiều tháng nay vương vấn trong tâm trí các cộng sự lập pháp và hành pháp của tôi, và cũng trong tâm trí tôi – những ý nghĩ mà lúc đầu tôi đã định trình bày cho nhân dân Mỹ.

Tôi biết nhân dân Mỹ chia sẻ niềm tin sâu sắc của tôi là nếu có một nguy cơ trên thế giới thì tất cả đều chia sẻ nguy cơ này; và cũng thế, nếu có một hy vọng trong tâm trí của một quốc gia thì tất cả đều chia sẻ hy vọng này.

Cuối cùng, nếu có đề xuất nhằm giảm thiểu cho dù chút ít căng thẳng trên thế giới ngày hôm nay, thì cử tọa thích hợp nhất là các đại biểu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngày hôm nay tôi cảm thấy được thôi thúc nói lên trong ngôn từ có phần mới lạ, ngôn từ mà tôi đáng lẽ không bao giờ dùng bởi vì tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời trong binh nghiệp. Ngôn từ mới này là ngôn từ của chiến tranh nguyên tử.

Thời đại nguyên tử tiến xa với tốc độ mà mọi công dân trên thế giới hẳn phải lấy làm lo lắng, ít nhất theo nghĩa tương đối, về tầm quan trọng đối với mọi người trong chúng ta. Rõ ràng là nếu các dân tộc trên thế giới muốn tìm kiếm hòa bình với đầu óc thông minh thì họ phải thông hiểu những sự kiện quan trọng của đời sống hôm nay.

Tôi cần phải nói về hiểm họa và sức mạnh nguyên tử theo góc độ của Hoa Kỳ, bởi vì đấy là những sự kiện hiển nhiên duy nhất mà tôi được biết. Tuy nhiên, tôi không cần phải vạch rõ trong Đại hội đồng này rằng đấy là vấn đề có tính chất toàn cầu chứ không phải chỉ có tính chất quốc gia.

Ngày 16 tháng 7 năm 1945, Hoa Kỳ thực hiện vụ nổ nguyên tử đầu tiên trên thế giới.

Kể từ ngày đó vào năm 1945 ấy, Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ đã thực hiện 42 vụ nổ nguyên tử. Bom nguyên tử hiện giờ mạnh hơn hai mươi lăm lần so với loại bom vào lúc khởi đầu của thời đại nguyên tử, trong khi bom khinh khí có sức tàn phá tương đương hàng triệu tấn TNT.

Ngày hôm nay, kho vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ – vốn dĩ nhiên là tăng lên từng ngày – vượt quá sức nổ tương đương của tổng số bom đạn từ tất cả máy bay và đại pháo trên tất cả các chiến trường trong toàn Thế chiến 2.

Một phi đoàn bây giờ – dù thuộc hải quân hoặc có căn cứ trên trên mặt đất – có thể thả xuống bất kỳ mục tiêu nào bay đến được một lượng bom có sức tàn phá lớn hơn tất cả bom rơi xuống Anh quốc trong Thế chiến 2. Sự phát triển khiến cho vũ khí nguyên tử trở nên phổ biến như là vũ khí thông thường trong các quân chủng của chúng tôi. Ở Hoa Kỳ, Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến đều có khả năng sử dụng loại vũ khí này vào mục đích quân sự. Những bí mật kinh khiếp và những cỗ máy đáng sợ của sức mạnh nguyên tử không chỉ thuộc về chúng tôi.

Trước nhất, các nước thân hữu và đồng minh của chúng tôi – Anh quốc và Canada – đều nắm được bí mật, với tiến bộ khoa học vượt bậc đóng góp lớn lao vào những phát kiến ban đầu của chúng tôi và vào việc thiết kế bom nguyên tử.

Liên Xô cũng nắm được bí mật này. Liên Xô thông báo với chúng tôi rằng, trong những năm gần đây, họ đã dành nhiều nguồn lực cho vũ khí nguyên tử. Trong thời gian này, Liên Xô cho nổ hàng loạt những thiết bị nguyên tử, kể cả ít nhất những phản ứng nhiệt hạch. Tuy có một lúc nào đấy Hoa Kỳ sở hữu cái có thể gọi là độc quyền về sức mạnh nguyên tử, nhưng vài năm trước độc quyền này không còn nữa.

Vì thế, cho dù tiến bộ ban đầu cho phép chúng tôi ngày hôm nay tích lũy được nhiều lợi thế về số lượng, những thực tế về nguyên tử ngày hôm nay bao gồm hai sự kiện còn quan trọng hơn.

Thứ nhất, kiến thức mà bây giờ một vài quốc gia nắm giữ sau này có thể được nhiều quốc gia khác chia sẻ, có thể tất cả các quốc gia khác cũng chia sẻ.

Thứ nhì, thậm chí lợi thế về số lượng vũ khí – và qua đó về lợi thế khả năng đáp trả khốc liệt – tự nó vẫn không thể ngăn chặn thiệt hại vật chất và thương vong đáng sợ mà cuộc xâm lược bất ngờ gây ra. Thế giới tự do, ít nhất có ý niệm mơ hồ về những sự kiện này, lẽ tự nhiên là đã khởi đầu một chương trình rộng lớn gồm những hệ thống cảnh báo và phòng vệ. Chương trình này sẽ được tăng tốc và mở rộng thêm. Nhưng đừng ai nghĩ rằng việc tiêu tốn kinh phí lớn lao cho vũ khí và các hệ thống phòng vệ có thể đảm bảo an ninh tuyệt đối cho các thành phố và công dân của bất cứ quốc gia nào. Bài toán số học khủng khiếp của bom nguyên tử không cho phép có giải pháp dễ dàng nào. Thậm chí khi đối đầu với sự phòng vệ vững chắc nhất, kẻ xâm lược sở hữu một số bom tối thiểu cho một cuộc tấn công bất ngờ vẫn có thể phóng số lượng bom vừa đủ đến những mục tiêu được chọn lựa để gây thiệt hại kinh khủng.

Nếu một cuộc tấn công nguyên tử như thế nhắm đến Hoa Kỳ thì chúng tôi có những phản ứng nhanh chóng và cả quyết. Nhưng tôi muốn vạch ra rằng khả năng đáp trả của Hoa Kỳ là lớn lao đến mức có thể biến lãnh thổ của kẻ xâm lăng thành đất hoang vu, tất cả những điều này, cho dù là thực tế, không phải là mục đích và ước muốn thực sự của Hoa Kỳ.

Nếu tạm ngưng ở đây thì giống như nhìn nhận kết cục vô vọng mà tin rằng hai nước lớn nguyên tử phải chịu số phận là có ác tâm luôn gờm với nhau qua một thế giới run rẩy. Nếu dừng hẳn ở đây thì giống như chấp nhận một cách vô vọng khả năng nền văn minh bị tàn phá, sự tiêu hủy vĩnh viễn của di sản con người được truyền qua nhiều thế hệ, và sự chê trách của nhân loại khi lại bắt đầu cuộc chiến đấu theo cách xưa cũ từ tình trạng hoang sơ đến nền công lý tề chỉnh và đúng mực. Chắc chắn là thành viên nào của nhân loại còn đủ lý trí cũng không tìm thấy chiến thắng trong cảnh hoang tàn ấy.

Liệu có ai muốn lịch sử gắn liền tên mình với sự băng hoại và hủy diệt nhân loại như thế hay không? Đôi lúc những trang sử ghi lại bộ mặt của những kẻ “hủy diệt lớn lao”, nhưng cả bộ sách lịch sử thể hiện sự mưu cầu hòa bình không ngừng của con người và khả năng xây dựng thiên phú của con người.

Đấy là quyển sách lịch sử, chứ không phải những trang rời rạc, mà Hoa Kỳ muốn đánh đồng với nó. Đất nước tôi muốn xây dựng chứ không muốn tàn phá. Đất nước tôi muốn những hòa ước giữa các dân tộc chứ không muốn chiến tranh. Đất nước tôi muốn sống trong tự do và trong niềm xác tín rằng dân tộc của mọi quốc gia đều có quyền bình đẳng để chọn lựa lối sống của họ.

Thế nên mục đích của đất nước tôi là giúp chúng ta thoát khỏi căn buồng tối đầy những điều khủng khiếp để đi ra ánh sáng, để tìm con đường trên đó đó đầu óc của con người, hy vọng của con người, linh hồn của con người ở mọi nơi, có thể hướng về hòa bình, hạnh phúc và an sinh.

Trong sự mưu cầu này, tôi biết chúng ta cần phải nhẫn nại. Tôi biết trong một thế giới chia rẽ – giống như thế giới của chúng ta ngày hôm nay – không thể có sự cứu rỗi chỉ bằng một hành động kịch tính. Tôi biết cần phải đi qua nhiều bước trong nhiều tháng trước khi đến một ngày thế giới có thể nhìn vào mình và thực sự nhận ra rằng một bầu không khí mới của niềm tin về hòa bình hỗ tương lan truyền trên thế giới. Nhưng tôi biết, trên tất cả mọi thứ khác, rằng bây giờ chúng ta phải bắt đầu để đi qua những bước ấy.

Trong những tháng qua, Hoa Kỳ và các đồng minh Anh và Pháp đã thử đi vài bước. Xin đừng ai nghĩ rằng chúng tôi trốn tránh bàn đàm phán. Từ lâu đã có văn bản cho thấy Hoa Kỳ, Anh và Pháp yêu cầu đàm phán với Liên Xô về vấn đề nước Đức bị chia cắt. Từ lâu đã có văn bản cho thấy cũng ba nước này yêu cầu đàm phán một hòa ước về nước Áo. Cùng văn bản ấy cho thấy yêu cầu Liên Hiệp Quốc đàm phán những vấn đề của Triều Tiên.

Gần đây nhất, chúng tôi được Liên Xô cho biết sẵn sàng tham gia một hội nghị bốn Cường quốc. Cùng với các đồng minh Anh và Pháp, chúng tôi lấy làm vui mà thấy công hàm của họ không đặt ra điều kiện không thể chấp nhận được như trước đây. Như quý vị đã biết từ thông cáo chung của chúng tôi ở Bermuda, Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã đồng ý gặp Liên Xô lập tức.

Chính phủ Hoa Kỳ đi đến hội nghị này với lòng thành thật trong hy vọng. Chúng tôi sẽ nỗ lực linh động về phần chúng tôi với mục đích duy nhất là từ hội nghị đạt được kết quả cụ thể, hướng đến hòa bình, thực sự là con đường duy nhất làm giảm căng thẳng quốc tế. Chúng tôi đã không bao giờ và sẽ không bao giờ đề xuất Liên Xô từ bỏ những gì đúng lý thuộc về họ. Chúng tôi sẽ không bao giờ nói rằng nhân dân Liên Xô là kẻ thù mà chúng tôi không muốn làm việc và hòa trộn trong quan hệ thân hữu và có kết quả.

Ngược lại, chúng tôi hy vọng hội nghị sắp đến có thể bắt đầu một quan hệ với Liên Xô để rồi cuối cùng dẫn đến sự hòa trộn của các dân tộc Đông và Tây – cách thức chắc chắn, nhân văn nhằm phát triển sự hiểu biết cần thiết cho các quan hệ tin cậy và hòa bình.

Thay vì mối bất mãn hiện đang chiếm ngự Đông Đức, chiếm hữu Áo và các quốc gia Đông Âu, chúng tôi tìm kiếm một gia đình hòa hợp của các dân tộc Châu Âu tự do, không ai đe dọa ai, lại đặc biệt nhất là không đe dọa Liên Xô. Vượt qua những bất ổn và khốn khổ của Châu Á, chúng tôi tìm kiếm cơ hội hòa bình cho những dân tộc ấy nhằm phát triển tài nguyên thiên nhiên của họ và nâng mức sống của họ.

Đây không phải là ngôn từ xuề xòa hoặc tầm nhìn rỗng tuếch. Phía sau ngôn từ và tầm nhìn ấy là một câu chuyện của những quốc gia đi đến độc lập, không phải như là hậu quả của chiến tranh mà qua sự đàm phán tự nguyện và ôn hòa. Đã có hồ sơ nói về sự hỗ trợ mà các quốc gia phương Tây lấy làm vui mang đến cho các dân tộc và những người đang gánh chịu hậu quả tạm thời của nạn đói kém, hạn hán, và thiên tai khác. Đấy là những hành động vì hòa bình. Những động thái ấy nói ra hùng hồn hơn là lời nói hoặc hứa hẹn về ý định hòa bình. Nhưng tôi không muốn lặp lại những đề xuất trong quá khứ hoặc nhắc lại những thành tựu trong quá khứ. Áp lực của thời gian khiến cho cần thiết phải thăm dò mỗi con đường hòa bình cho dù không nhận rõ đường hướng ra sao. Ít nhất có một con đường hòa bình chưa được khám phá – con đường do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bây giờ đề ra.

Trong nghị quyết ngày 18 tháng 11 năm 1953, Đại hội đồng này đề xuất – và tôi trích dẫn – “Ủy ban Giải giới nghiên cứu việc thành lập một tiểu ban gồm có những đại biểu của các Cường quốc có liên quan chính yếu, nhằm tìm kiếm một giải pháp chấp nhận được và báo cáo về giải pháp này cho Đại hội đồng và cho Hội đồng Bảo an muộn nhất là ngày 1 tháng 9 năm 1954.”

Hoa Kỳ nghe theo đề xuất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, lập tức chuẩn bị gặp gỡ riêng với các quốc gia khác “có liên quan chính yếu”, để tìm kiếm “một giải pháp chấp nhận được” cho cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử vốn khỏa lấp không những hòa bình mà cả cuộc sống của thế giới. Chúng tôi sẽ mang đến các cuộc thảo luận riêng tư hoặc ngoại giao này một ý niệm mới.

Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm vượt quá sự đơn thuần giảm thiểu hoặc loại bỏ vật liệu nguyên tử cho mục đích quân sự. Chỉ lấy đi loại vũ khí này khỏi tay binh sĩ thì chưa đủ. Phải đặt vũ khí này vào tay những người biết loại bỏ chức năng quân sự và biến cải thành công cụ cho hòa bình.

Hoa Kỳ biết được rằng nếu có thể đảo ngược xu hướng đáng sợ của việc tăng cường quân sự nguyên tử, thì có thể phát triển sức mạnh hủy diệt lớn lao nhất thành lợi ích to lớn để phụng sự toàn thể nhân loại. Hoa Kỳ biết được rằng sức mạnh hòa bình từ năng lượng nguyên tử không phải là cơn mơ của tương lai. Khả năng ấy được chứng minh ở đây, bây giờ, ngày hôm nay. Nếu toàn thể các nhà khoa học và kỹ sư của thế giới được trang bị đủ vật chất có thể phân hạch để thử nghiệm và phát triển ý tưởng của họ, thì ai còn nghi ngờ việc chuyển hóa nhanh chóng thành sự sử dụng phổ biến, có hiệu năng và có tính kinh tế?

Bây giờ có thể tiến hành một số bước để rút ngắn thời gian khi đầu óc con người và các chính phủ phương Đông lẫn phương Tây bắt đầu bớt e sợ nguyên tử. Vì thế tôi có những đề xuất sau đây:

Các chính phủ có liên quan chính yếu, theo mức độ mà sự cẩn trọng ban đầu cho phép, bây giờ bắt đầu và tiếp tục cùng nhau đóng góp từ kho uranium thông thường và vật chất có thể phân hạch cho một cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng một cơ quan như thế sẽ được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Tỷ lệ và cách thức đóng góp cùng những chi tiết khác sẽ nằm trong khuôn khổ của những “thảo luận riêng tư” mà tôi đã nói lúc trước.

Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện những khám phá này với thành tâm. Bất kỳ đối tác nào của Hoa Kỳ có cùng thành tâm sẽ thấy Hoa Kỳ là cộng sự biết điều và rộng lượng.

Chắc chắn là những đóng góp bau đầu cho kế hoạch này sẽ có khối lượng nhỏ. Tuy nhiên, đề xuất có ưu điểm là có thể thực hiện mà không gây ra khó chịu hoặc hoài nghi về mưu tính thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám soát toàn thế giới.

Cơ quan năng lượng nguyên tử sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, lưu trữ và bảo vệ vật chất có thể phân hạch cùng những vật liệu khác. Các nhà khoa học tài giỏi của chúng tôi sẽ đảm bảo những điều kiện đặc biệt, an toàn trong đó ngân hàng các vật chất phân hạch có thể tránh bị đánh cắp bất ngờ.

Trách nhiệm quan trọng hơn của cơ quan năng lượng nguyên tử này sẽ là tạo ra những phương pháp trong đó vật chất có thể phân hạch phân bổ nhằm phụng sự những mưu cầu hòa bình của con người. Chuyên gia sẽ được huy động nhằm áp dụng năng lượng nguyên tử vào những nhu cầu nông nghiệp, y khoa, và những hoạt động hòa bình khác. Một mục đích đặc biệt sẽ là tạo ra nhiều điện năng ở những vùng thiếu điện của thế giới. Vì thế, các Cường quốc đóng góp sẽ mang sức mạnh của mình để phụng sự các nhu cầu thay cho những nỗi e sợ của nhân loại.

Hoa Kỳ sẽ rất sẵn lòng, sẽ lấy làm hãnh hiện và cùng với các quốc gia “có liên quan chính yếu” khác đề ra những kế hoạch nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình.

Trong số các quốc gia “có liên quan chính yếu” dĩ nhiên là có Liên Xô. Tôi sẵn sàng trình ra trước Quốc hội Hoa Kỳ – mà tôi mong được phê chuẩn – bất kỳ kế hoạch nào sẽ, thứ nhất, khuyến khích sự khảo sát toàn cầu những cách sử dụng với mục đích hòa bình hữu hiệu vật chất có thể phân hạch và với sự chắc chắn rằng các nhà khảo sát có đủ vật chất để thực hiện những thử nghiệm thích nghi; thứ hai, bắt đầu giảm thiểu sức mạnh hủy diệt tiềm tàng của các kho dự trữ nguyên tử trên thế giới; thứ ba, cho phép mọi dân tộc của mọi nước thấy rằng, trong thời đại được khai sáng này, các Cường quốc trên địa cầu – cả phương Đông và phương Tây – quan tâm trước nhất đến những khát khao của nhân loại hơn là đến việc tăng cường khí tài chiến tranh; thứ tư, mở ra một kênh mới để thảo luận trong ôn hòa và khởi động ít nhất một phương cách mới nhằm giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trong các cuộc thảo luận riêng tư lẫn công khai, nếu ta muốn thế giới thoát ra khỏi sự trì trệ do sợ hãi và tạo tiến bộ tích cực hướng đến hòa bình.

Trong bối cảnh đen tối của bom nguyên tử, Hoa Kỳ không muốn chỉ biểu dương sức mạnh, mà còn muốn thể hiện lòng khát khao và hy vọng cho hòa bình.

Những tháng ngày sắp đến sẽ đầy dẫy những quyết định lịch sử. Trong Đại hội đồng này, ở các thủ đô và tổng hành dinh trên thế giới, trong con tim của mọi người khắp nơi, dù người được cai trị hoặc người cai trị, hãy cầu xin cho những quy định mang thế giới này ra khỏi sợ hãi và tiến đến hòa bình.

Trong việc đi đến những quyết định lịch sử này, Hoa Kỳ cam kết trước quý vị – và vì thế trước thế giới – ý chí giải quyết sự tiến thoái lưỡng nan về nguyên tử dễ sợ – nhằm tập trung con tim và tâm trí vào cách thức trong đó phát kiến diệu kỳ của con người sẽ không nắm đến cái chết, mà cung hiến cho đời sống.

Một lần nữa, tôi cảm ơn quý vị đại biểu vì đã dành vinh dự lớn lao cho tôi khi mời tôi đến phát biểu trước quý vị và lắng nghe tôi một cách lịch sự.

Xin cảm ơn.

* * *

Ngày 29 tháng 7 năm 1957, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency – IAEA) được chính thức thành lập với mục đích đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và ngăn chặn việc sử dụng năng lượng này trong mục đích quân sự.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi âm: http://174.132.193.190/~eiden/mp3clips/politicalspeeches/dwighteisenhoweratomsforpeace2233.mp3

Albert Schweitzer

Albert Schweitzer (1875-1965) là Tiến sĩ Thần học (1899), nhạc sĩ, triết gia và bác sĩ y khoa người Đức. Năm 1905, ở tuổi 30, khi đang là hiệu trưởng trường Đại học Thần học Saint Thomas và cũng là một nhạc sĩ và học giả âm nhạc cổ điển thành đạt, ông từ bỏ tất cả để đi học lấy bằng Bác sĩ Y khoa.

Với văn bằng này và sử dụng số tiền do ông quyên góp được, năm 1913 ông cùng vợ thành lập một bệnh viện ở Gabon, Châu Phi, để chữa trị cho dân bản xứ. Bệnh viện được xây với cấu trúc sơ sài, được quản lý với chủ trương tạo sự gần gũi giữa người bệnh và thân nhân của họ bằng cách cho phép thân nhân ăn ngủ trong bệnh viện để chăm sóc cho bệnh nhân. Vì thế mà dân địa phương rất hài lòng với cách quản lý này. Trong khi đó, ông tiếp tục quyên góp cho quỹ điều hành bệnh viện.

Ông được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1952.

Vấn đề của hòa bình (1954)

Đây là Bài giảng Nobel (Nobel Lecture) của TS BS Albert Schweitzer trong Giảng đường Đại học Oslo, Na Uy, ngày 5 tháng 11 năm 1954, gần một năm sau khi ông nhận Giải Nobel Hòa bình.

Tờ báo The Oslo Aftenposten tường thuật là ông đọc một cách nhỏ nhẹ bằng tiếng Pháp từ bản thảo, và giọng nói nghiêm túc nhưng đơn giản làm xao lòng cử tọa.

Wikipedia xem bài diễn văn này là một trong những bài diễn văn hay nhất.(1)

Albert Schweitzer
Albert Schweitzer

Tôi chọn chủ đề bài giảng của tôi, một vinh dự khiêm tốn xuất phát từ việc trao Giải Nobel Hòa bình, là vấn đề hòa bình ngày hôm nay. Khi chọn chủ đề này, tôi tin rằng mình hành động dựa trên tinh thần của người sáng lập giải thưởng này, người đã cống hiến cho việc nghiên cứu vấn đề trong thời đại của ông, và người đã trông mong Quỹ [Nobel] của ông khuyến khích xem xét những cách thức để phục vụ sự nghiệp hòa bình.

Tôi xin bắt đầu bằng cách trình bày tình hình ở cuối hai cuộc chiến mà chúng ta vừa trải qua.

Các chính khách có trách nhiệm định hình thế giới ngày hôm nay qua các cuộc đàm phán theo sau mỗi trong hai cuộc chiến đều thấy những con bài chống lại họ. Mục tiêu của họ không hẳn là tạo ra những hoàn cảnh cho sự phát triển rộng rãi và thịnh vượng, mà chủ yếu là tạo những kết quả của chiến thắng trên cơ sở vĩnh cửu. Cho dù phán xét của họ là không sai, họ không thể dùng nó làm kim chỉ nam. Họ phải xem mình là những người thực hiện di chúc của các dân tộc chiến thắng. Họ không thể khao khát thiết lập các mối quan hệ dựa trên nền tảng công bình và chính trực; tất cả nỗ lực của họ bị chiếm lĩnh bởi sự cần thiết phải ngăn chặn các yêu sách quá đáng của phe chiến thắng; hơn nữa, họ còn phải thuyết phục các quốc gia chiến thắng dung hòa với nhau mỗi khi quan điểm và lợi ích giữa họ bị xung đột.

Nguồn gốc của những gì không chối cãi được trong tình thế hiện giờ − và các quốc gia chiến thắng bắt đầu khổ sở giống như các quốc gia bại trận − là ở chỗ người ta không xem xét đầy đủ các thực tế của sự kiện lịch sử, và do đó không xét đến điều gì là chính trực và có lợi.

Vấn đề lịch sử của Châu Âu được hình thành qua sự kiện là trong những thế kỷ vừa qua, đặc biệt trong những cái gọi là cuộc xâm lăng vĩ đại, các dân tộc phía Đông xâm nhập ngày càng xa đến phía Tây và Tây-Nam, chiếm lấy đất đai. Vì thế mà các di dân sau trộn lẫn với các di dân trước đã định cư.

Trong thời gian này, sự hợp nhất của các dân tộc phần nào diễn ra, và những xã hội chính trị tương đối đồng nhất hình thành trên các miền biên cương mới ấy. Ở Tây Âu và Trung Âu, sự chuyển biến này dẫn đến một tình huống có thể được gọi là kết tinh, tạo ra sắc thái chính trong thế kỷ 19.

Mặt khác, ở Đông Âu và Đông-Nam Châu Âu, sự chuyển biến không đạt đến mức như thế: các dân tộc sống bên nhau nhưng không hòa vào nhau. Mỗi dân tộc đều tuyên bố mình làm chủ hợp pháp mảnh đất. Một dân tộc có thể tuyên bố chủ quyền dựa trên việc chiếm hữu lâu dài nhất hoặc dựa trên số dân đông nhất, trong khi một dân tộc khác dựa trên sự đóng góp của họ khi khai phá mảnh đất. Cách giải quyết thực dụng nhất đáng lẽ là hai nhóm đồng ý sống bên nhau trên cùng mảnh đất và trong một xã hội chính trị duy nhất, dựa theo sự dung hòa mà hai bên đều chấp nhận. Đáng lẽ cần thiết phải là thế, vì giai đoạn này là một phần ba thứ hai của thế kỷ 19. Bởi vì, từ lúc ấy càng lúc ý thức về quốc gia càng phát triển mạnh, mang đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tình thế không còn cho phép các dân tộc được hướng dẫn bởi các thực tế lịch sử và bởi lý luận.

Như vậy, Thế chiến I bắt nguồn từ những điều kiện thịnh hành ở Đông Âu và Đông-Nam Châu Âu. Trật tự mới được tạo ra sau mỗi cuộc Thế chiến lại là mầm mống cho xung đột trong tương lai.

Bất kỳ cơ cấu thời hậu chiến nào cũng có thể chứa mầm mống xung đột, trừ phi sự kiện lịch sử được xem xét nhằm tạo ra giải pháp công bằng và khách quan cho các vấn đề liên hệ đến sự kiện ấy. Chỉ có giải pháp như thế mới trường tồn.

Sự kiện lịch sử bị chà đạp dưới chân khi hai dân tộc có đòi hỏi về lịch sử kình chống nhau, trong đó chỉ có đòi hỏi của một bên được công nhận. Chủ quyền mà hai dân tộc giữ trên các vùng đất bị tranh chấp bao giờ cũng có giá trị tương đối, bởi vì trên thực tế cả hai dân tộc đều là di dân.

Tương tự, chúng ta có lỗi khinh thường lịch sử, nếu trong khi thiết lập một trật tự mới, chúng ta không xem xét các thực tế về kinh tế khi phân định biên giới. Đó là trường hợp khi chúng ta vẽ một đường biên giới khiến cho vùng đất bên trong bị mất một bến cảng, hoặc khi dựng lên một rào chắn giữa một vùng đất giàu nguyên liệu thô và một vùng đất khác có điều kiện khai thác. Qua những cách đó, chúng ta tạo ra những quốc gia không thể sống tồn về mặt kinh tế.

Sự xâm phạm trắng trợn nhất về quyền lịch sử – và thực ra là quyền con người – bao gồm việc không cho một số dân tộc quyền làm chủ mảnh đất họ đang sống trên đó, vì thế buộc họ phải di dời đến lãnh thổ khác. Vào cuối Thế chiến 2, các cường quốc chiến thắng quyết định áp đặt vận mệnh như thế lên hàng trăm nghìn người, dưới những điều kiện ngặt nghèo nhất(3); từ đó chúng ta có thể thấy họ không có đủ ý thức về việc tái tổ chức nhằm mang lại sự bình đẳng hợp lý và đảm bảo một tương lai tốt lành.

Sau Thế chiến 2, không hề có hiệp định hòa bình nào được ký kết.(4) Chỉ có qua những thỏa thuận theo nội dung giống như đình chiến mà chiến tranh chấm dứt; và đấy là do chúng ta không thể thực hiện tái tổ chức, dù cho sơ khởi, nên chúng ta đành phải hài lòng với những cuộc đình chiến ấy vốn do những yêu cầu cấp thời nhưng không thấy có tương lai.

Đấy là tình hình hiện tại. Bây giờ chúng ta nhìn vấn đề hòa bình như thế nào? Theo một khía cạnh mới – khác biệt giống như chiến tranh hiện đại khác với chiến tranh trong quá khứ. Ngày nay, chiến tranh sử dụng vũ khí có hiệu lực giết người và tàn phá mạnh hơn rất nhiều so với vũ khí trong quá khứ, và do đó càng là thảm họa tồi tệ hơn bao giờ. Từ nay về sau, có thể xem chiến tranh là một tai ương mà con người phải cam chịu bởi vì việc này phục vụ phát triển và thậm chí còn tỏ ra cần thiết. Người ta có thể biện luận rằng nhờ có chiến tranh mà các dân tộc có phẩm giá mạnh mẽ nhất sẽ sống tồn; vì thế xác định tiến trình của lịch sử.

Lấy ví dụ, có thể cho rằng chiến thắng ở Cyrus đối với Babylone tạo ra một đế quốc vùng Cận Đông với nền văn minh cao hơn nền văn minh đế quốc này thay thế, và rằng chiến thắng của Alexander Đại đế(5) mở ra nền văn minh Hy Lạp từ Sông Nile đến Sông Indus. Tuy nhiên, điều trái ngược đôi lúc diễn ra khi chiến tranh dẫn đến việc một nền văn minh thấp thay thế một nền văn minh cao, ví dụ như trong thế kỷ 7 và bắt đầu thế kỷ 8 khi người Ả Rập chiếm quyền làm chủ Ba Tư, Tiểu Á, Palestine, Bắc Phi và Tây Ban Nha, là những quốc gia cho đến lúc ấy đã phát triển dưới nền văn minh Hy Lạp-La Mã.

Có vẻ như là trong quá khứ, chiến tranh có thể giúp tiến bộ cũng như tạo thụt lùi. Chiến tranh hiện đại thì thường ít tạo phát triển. Tai ương càng đè nặng lên chúng ta hơn bao giờ hết. Cần nhớ lại rằng thế hệ trước 1914 chấp thuận tồn trữ kho vũ khí khổng lồ. Lý do biện luận là một quyết định quân sự có thể được đưa ra rất nhanh và những cuộc chiến ngắn ngủi có thể xảy ra. Ý kiến này được chấp nhận mà không có phản kháng.

Bởi vì người ta kỳ vọng những phương pháp chiến tranh sẽ dần trở nên nhân đạo hơn, họ tin rằng những cuộc xung đột trong tương lai sẽ tương đối ít tàn bạo. Giả thiết này xuất phát từ những nghĩa vụ mà các quốc gia chấp nhận theo các điều khoản của Hiệp định Genève năm 1864, tiếp theo sau những nỗ lực của Hội Chữ thập Đỏ. Những đảm bảo hỗ tương được trao đổi với nhau liên quan đến việc chăm sóc cho người bị thương, sự đối xử nhân đạo đối với tù binh, và an sinh của người dân. Đúng thực là Hiệp định ấy đạt được những kết quả đáng kể theo đó hàng trăm nghìn chiến binh và dân thường mang ơn trong những cuộc chiến sau đó. Nhưng, so với những cảnh khổ ải trong chiến tranh vốn đã trở thành tồi tệ hơn tương ứng với những vũ khí giết người và tàn phá hiện đại thì những kết quả kia là nhỏ nhặt. Vấn đề thực sự không phải là chiến tranh nhân đạo.

Ý niệm về chiến tranh ngắn ngủi và phương pháp nhân đạo như được đề xuất trước cuộc chiến bắt đầu năm 1914 khiến cho người ta xem nhẹ chiến tranh. Họ chỉ xem đó như là một cơn giông để làm tan không khí chính trị và như là một biến cố nhằm chấm dứt sự chạy đua vũ trang khiến cho các quốc gia đang bị phá sản.

Trong khi một số người vô tư ủng hộ cuộc chiến do họ mong thu được những lợi lộc từ đó, những người khác làm như thế từ một động cơ cao cả hơn: cuộc chiến này phải là cuộc chiến nhằm chấm dứt những cuộc chiến khác. Nhiều người dũng cảm tiến ra trận tuyến với niềm tin rằng rồi sẽ có ngày không còn chiến tranh nữa.

Trong cuộc xung đột này, giống như trong năm 1939, có hai ý niệm được chứng tỏ là hoàn toàn sai lầm. Sự tàn sát và tàn phá tiếp diễn từ năm này qua năm khác và được thực hiện theo cách vô nhân đạo nhất. Trái ngược với cuộc chiến năm 1870(6), xung đột không diễn ra giữa hai quốc gia đơn lẻ, mà giữa hai nhóm quốc gia lớn, vì thế một phần lớn hơn của nhân loại bị vướng vào, vì thế càng làm cho thảm kịch tồi tệ hơn.

Vì lẽ bây giờ chúng ta biết chiến tranh là tệ hại như thế nào, chúng ta phải nỗ lực hết mình để ngăn chặn chiến tranh tái diễn. Ngoài lý do đó, còn phải thêm lý do về đạo đức: trong hai cuộc chiến vừa qua, chúng ta mang tội vô nhân đạo khiến cho con người phải rùng mình, và với bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai chúng ta càng mang tội nặng hơn. Việc này không nên để cho xảy ra!

Chúng ta hãy can đảm đối mặt với hoàn cảnh. Con người trở nên siêu nhân. Con người là siêu nhân bởi vì anh ta không những sở hữu sức mạnh thể chất nội tại, mà còn nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật để khai thác sức mạnh của thiên nhiên và bây giờ mang ra sử dụng. Để giết người từ một khoảng cách, trước kia con người dựa vào sức mạnh thể chất để kéo căng cây cung và bắn đi mũi tên. Siêu nhân tiến bộ đến mức độ mà, nhờ khí tài được thiết kế cho mục đích này, anh ta có thể sử dụng năng lượng được phóng thích từ việc đốt những sản phẩm hóa học. Điều này cho phép anh ta áp dụng một đạn đạo hữu hiệu hơn và qua một khoảng cách xa hơi.

Tuy nhiên, siêu nhân có một nhược điểm chết người. Anh ta không đạt đến mức lý trí siêu nhân đáng lẽ phải tương ứng với sức mạnh siêu nhân. Anh ta cần đến lý trí ấy để đặt sức mạnh vô bờ vào mục đích hợp lý và hữu ích, chứ không phải để tàn phá và giết chóc. Bởi vì anh ta thiếu lý trí, sự chinh phục khoa học và kỹ thuật trở thành mối hiểm họa chết người thay vì là ơn phước.

Trong ý nghĩa này, phải chăng khám phá khoa học lớn lao đầu tiên – tức là khai thác lực phóng thích từ việc đốt thuốc súng – có mục đích chỉ là giết chóc từ khoảng cách xa?

Sự chinh phục bầu không khí nhờ động cơ đốt trong đánh dấu một tiến bộ có tính chất quyết định cho nhân loại. Tuy thế, con người lập tức nắm lấy cơ hội này để giết chóc và tàn phá từ không trung. Khám phá này khẳng định sự kiện trước đó vẫn khăng khăng bị chối bỏ: siêu nhân càng mạnh thì anh ta càng nghèo đi. Để tránh bị tàn phá hoàn toàn từ không trung, anh ta buộc phải sống chui nhủi dưới lòng đất như là một con vật bị săn đuổi. Cùng lúc anh ta đành phải chấp nhận sự tàn phá những giá trị vật chất.

Một giai đoạn mới đã đến với sự khám phá và sau đó sử dụng năng lượng vô bờ được phóng thích từ việc tách hạt nhân. Sau một thời gian, người ta thấy rằng không thể nào tính hết tiềm năng phá hoại của bom nguyên tử, và thậm chí những vụ thử nghiệm trên diện rộng có thể đe dọa chính sự tồn vong của loài người. Chỉ đến bây giờ tầm mức khủng khiếp của vị thế con người mới trở thành hiển nhiên. Chúng ta không còn có thể tránh né câu hỏi về tương lai của nhân loại.

Nhưng cơ sở thiết yếu chúng ta cần ghi nhận trong lương tri con người − mà đáng lẽ chúng ta phải ghi nhận từ lâu − là khi trở thành siêu nhân chúng ta trở nên vô nhân tính. Chúng ta chấp nhận dung thứ những sự kiện của chiến tranh: giết người hàng loạt – khoảng 20 triệu người trong Thế chiến 2 – toàn thể những vùng đô thị và dân cư bị bom nguyên tử hủy diệt, con người biến thành ngọn đuốc vì bom xăng đặc. […] Chúng ta có tội ở chỗ vô nhân tính.

Điều thiết yếu là tất cả chúng ta phải nhận ra mình là vô nhân tính. Điều khủng khiếp khi nhận ra như thế giúp chúng ta tỉnh cơn mê muội hầu hướng niềm hy vọng và chủ đích đến một kỷ nguyên trong đó sẽ không có chiến tranh. Hy vọng ấy và quyết tâm ấy chỉ có một mục đích: qua sự thay đổi về tinh thần nhằm đạt đến lý trí cao độ không cho phép chúng ta lạm dụng năng lượng sẵn có trong tay.

[Diễn giả nhắc đến những nhân vật và sự kiện mang ý tưởng hòa bình: Erasmus Xứ Rotterdam năm 1517, Kant năm 1795, Rousseau năm 1716…]

Liệu tinh thần có khả năng thực hiện điều mà trong cơn khổ ải chúng ta hằng chờ đợi?

Chúng ta đừng đánh giá thấp năng lực của tinh thần, mà lịch sử con người cho thấy điều đó. Tinh thần tạo nên tính nhân văn qua đó tạo nên tiến bộ. Khi lấy cảm hứng từ tính nhân văn, chúng ta thực sự là chính mình và có khả năng sáng tạo. Khi lấy cảm hứng từ tinh thần trái ngược, chúng ta đánh mất mình và làm mồi cho mọi sai lầm.

Đỉnh cao mà tinh thần có thể đạt đến được thể hiện trong hai thế kỷ 17 và 18. Tinh thần đưa các dân tộc ở Châu Âu ra khỏi thời Trung cổ, chấm dứt mê tín, săn lùng phù thủy, tra tấn, và nhiều loại hình dã man hoặc điên rồ theo phong tục. Tinh thần thay thế cái cũ bằng cái mới trong cách thức tiến hóa, làm cho những nhà nghiên cứu không ngừng ngạc nhiên. Tất cả những gì chúng ta sở hữu trong nền văn minh đích thực, và thực ra tất cả những gì chúng ta sẽ sở hữu, có thể được truy nguyên từ sự thể hiện của tinh thần đó.

Sau này, sức mạnh của tinh thần bị giảm sút vì tinh thần không tìm ra chỗ dựa cho tính chất đạo đức trong một thế giới cứ lo chạy theo khoa học. Thay vào đó là một tinh thần không chắc chắn về con đường mà nhân loại phải theo, mà chỉ tự hài lòng với những ý tưởng nhỏ nhoi. Nếu bây giờ chúng ta muốn tránh đi xuống, thì phải gắn bó với tinh thần kia một lần nữa. Tinh thần kia sẽ mang đến một phép mầu mới giống như nó đã làm thời Trung cổ, một phép mầu còn lớn lao hơn nữa.

Tinh thần không chết; tinh thần sống trong sự cô lập. Tinh thần vượt qua khó khăn khi phải sống trong một thế giới không hòa hợp với tính chất đạo đức. […]

Một lần nữa, chúng ta mạnh mẽ kêu gọi toàn thể nhân loại, với năng lực suy nghĩ và cảm nhận, hãy tự mình tìm hiểu chính mình và trở lại với con người của mình. Chúng ta khẳng định niềm tin nơi phẩm giá của bản chất con người. Và những kinh nghiệm sống chứng tỏ điều này là đúng.

[…]

Liệu hòa bình sẽ đến hay không tùy thuộc vào đường hướng mà tinh thần các cá nhân phát triển, và do đó tùy thuộc vào dân tộc của họ. Chân lý này bây giờ mang nhiều ý nghĩa đối với chúng ta hơn là trong quá khứ. […]

Chắc chắn là đã đến lúc các chính phủ phải nhìn ra mình là người thực thi nguyện vọng của con người. […] Chủ nghĩa dân tộc thuộc loại tồi tệ nhất được thể hiện trong hai cuộc chiến vừa qua, và bây giờ có thể bị xem là ngáng trở lớn lao nhất cho sự thông hiểu hỗ tương giữa các dân tộc. Chỉ có thể đẩy lùi loại chủ nghĩa dân tộc ấy qua sự tái sinh một lý tưởng nhân văn ở những người trung thành với đất nước của họ qua lý tưởng thực sự.

Chủ nghĩa dân tộc giả mạo cũng hiện diện ở các quốc gia bên kia bờ các đại dương, đặc biệt trong số các dân tộc trước đây sống dưới sự thống trị của người da trắng và gần đây giành được độc lập. Họ có nguy cơ để cho chủ nghĩa dân tộc trở thành lý tưởng duy nhất. Thật ra, hòa bình − vốn cho đến giờ hiện hữu ở nhiều nơi – ngày hôm nay bị đe dọa.

Những dân tộc ấy có thể vượt qua chủ nghĩa dân tộc ngây thơ chỉ bằng cách nắm bắt lý tưởng nhân văn. Nhưng làm sao tạo được sự thay đổi này? Chỉ khi nào tinh thần trở thành một sức mạnh chủ lực giữa chúng ta và hướng chúng ta đến nền văn minh dựa trên lý tưởng nhân văn thì tinh thần đó sẽ qua chúng ta mà hành động hướng đến những dân tộc ấy. Tinh thần ấy hiện diện giữa con người như là một đóm lửa le lói, chỉ chờ dịp để bùng cháy.

Một số dân tộc – vốn đã đạt đến một mức độ văn minh nhất định − có ý tưởng cho rằng một ngày nào đó nền hòa bình sẽ ngự trị. Ở Palestine, vào thế kỷ 8 tCN ý tưởng này xuất hiện lần đầu tiên trong những ngôn từ của nhà tiên tri Amos, và tiếp tục sống trong Do Thái giáo và Kitô giáo như là đức tin về Vương quốc của Chúa. Ý tưởng này được thể hiện trong tín điều do các nhà tư tưởng lỗi lạc của Trung Hoa rao giảng: Khổng Tử và Lão Tử vào thế kỷ 6 tCN, Mặc Tử vào thế kỷ 5 tCN, và Mạnh Tử vào Thế ký 4 tCN.(8) Ý tưởng này xuất hiện trong tác phẩm của Tolstoy(9) và trong tư tưởng của các triết gia đương thời. Nhiều người xem đó như là không tưởng. Nhưng theo tình hình hiện nay, ý tưởng này phải trở thành hiện thực; nếu không nhân loại sẽ bị tận diệt.

Tôi biết rõ rằng điều mà tôi nói về vấn nạn của hòa bình thì về cơ bản không phải là mới. Tôi tin chắc rằng giải pháp nằm trong việc chúng ta từ chối chiến tranh vì lý do đạo đức; có nghĩa là chiến tranh khiến cho chúng ta mang tội thiếu nhân tính. Erasmus của Rotterdam và một số người sau ông cho rằng đó là một chân lý mà chúng ta phải noi theo.

Chỉ có điều mới mẻ là đối với tôi, chân lý đó song hành với xác tín tri thức cho rằng trong thời đại của chúng ta, tinh thần con người có khả năng tạo ra một tâm tính mới, tâm tính có đạo đức. Lấy cảm hứng từ đó, tôi cũng nêu ra chân lý này với hy vọng là tôi có thể ngăn chặn việc khước từ nó với lý do đó là cảm nghĩ đáng khen nhưng không thực dụng. Có nhiều chân lý bị phớt lờ trong một thời gian dài đơn giản vì không ai nghĩ rằng chúng có khả năng trở thành hiện thực.

Chỉ khi nào một lý tưởng về hòa bình nảy nở trong tâm trí các dân tộc, mới có những thể chế được thiết lập nhằm duy trì nền hòa bình ấy một cách hữu hiệu.

Ngay cả bây giờ, chúng ta sống trong một thời đại vẫn thiếu hòa bình; ngay cả bây giờ, các dân tộc vẫn có thể cảm thấy mình bị các dân tộc khác đe dọa; ngay cả bây giờ, chúng ta vẫn phải nhường nhịn mỗi dân tộc quyền được sẵn sàng tự bảo vệ với những vũ khí kinh khiếp mà họ sẵn có. Đấy là tình huống gay go trong đó chúng ta tìm kiếm dấu hiệu đầu tiên của tinh thần mà đặt sự tin tưởng vào đó. Dấu hiệu này có thể không gì khác hơn là nỗ lực về phía các dân tộc nhằm chuộc lỗi cho điều sai trái họ gây cho nhau trong cuộc chiến vừa qua. Hàng trăm nghìn tù binh và người bị trục xuất đang chờ để trở về nhà; những người khác chờ được tha bổng vì bị kết án một cách oan ức bởi một cường quốc bên ngoài; vô số trường hợp bất công khác vẫn còn chờ được hồi hương.

Với danh nghĩa của những người đang vất vả vì chính nghĩa hòa bình, tôi khẩn khoản xin các dân tộc có bước đi thứ nhất trên con đường này. Không có ai trong số họ sẽ mất một tí sức mạnh nào cần thiết cho công cuộc quốc phòng của họ.

Nếu chúng ta có bước đi thứ nhất đó nhằm xóa tan những bất công của cuộc chiến mà chúng ta vừa kinh qua, chúng ta sẽ xây dựng một ít lòng tự tin nơi tất cả các dân tộc. Trong bất kỳ mối tương tác nào, lòng tin là điều kiện tiên quyết mà nếu thiếu vắng nó thì không thể thực hiện được việc gì. Nó tạo ra trong mỗi phạm trù hoạt động những điều kiện hỗ trợ cho sự tăng trưởng có kết quả. Trong bầu không khí của lòng tự tin được khởi phát như thế, chúng ta có thể bắt đầu tìm kiếm một thỏa thuận công bằng cho những vấn đề do hai cuộc chiến tạo ra.

Tôi tin rằng tôi đã diễn tả những ý nghĩ và hy vọng của hàng triệu người đang sống trong nỗi sợ hãi cho cuộc chiến sắp tới. Cầu mong cho lời nói của tôi mang ý nghĩa của họ nếu họ xâm nhập qua phần bên kia của thế giới – bờ bên kia của chiến hào – để đến với những người sống trong cùng nỗi sợ hãi.

Cầu mong cho những người nắm vận mệnh các dân tộc trong tay kiên trì tránh bất cứ điều gì có thể làm cho tình hình hiện tại xấu đi và thậm chí trở nên nguy hiểm. Cầu mong họ để tâm đến lời của Tông đồ Paul: “Nếu có thể đến mức ngươi có thể làm được, hãy sống trong hòa bình với mọi người”. Ngôn từ này không chỉ đúng cho cá nhân, mà còn đúng cho các quốc gia. Cầu mong những quốc gia ấy, trong nỗ lực duy trì hòa bình, làm hết sức mình để cho tinh thần có thời gian nảy nở và hành động.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản dịch Anh văn: Nobel Committeehttp://www.nobelprize.org/nobel_prizes/peace/laureates/1952/schweitzer-lecture.html

Chú thích

(1) http://en.wikipedia.org/wiki/Albert_Schweitzer

(2) Vào thế kỷ 4, người Hun [có thể có họ hàng với người Hung Nô] di chuyển đến thung lũng Sông Danube; vào đầu thế kỷ 5 người Visigot đi đến Ý và Tây Ban Nha; cuối thế kỷ này người Vandal đi đến Pháp và Tây Ban Nha. (TG)

(3) Ví dụ chủ yếu: Hội nghị Potsdam (1945) của các nước Đồng minh chủ chốt, cho phép trục xuất trên diện rộng người Đức ra khỏi Tiệp Khắc và ra khỏi những vùng đất được giao cho Nga và Ba Lan. (TG)

(4) Tính đến tháng 8 năm 1971, cũng không có hiệp định hòa bình nào được ký kết với nước Đức. Các văn kiện đầu hàng không quy định những điều kiện cụ thể cho nền hòa bình. (TG)

(5) Alexander Đại đế (356-323 tCN) là Vua Alexander III của Macedon, một vương quốc cổ đại nằm ở phía bắc Hy Lạp. Ở tuổi 30, ông đã tạo ra một trong những đế quốc rộng lớn nhất thời cổ đại kéo dài từ Biển Ionian Sea đến dãy núi Himalayas. Vào lúc ông qua đời, đế quốc của ông rộng đển 5.200.000 km2. Ông không bao giờ chiến bại cho dù trong nhiều trận chiến có quân số ít hơn đối phương, và được xem là một trong những nhà lãnh đạo quân sự thành công nhất trong lịch sử con người. Thành phố Alexandria ở Ai Cập hiện giờ là do ông thành lập và mang tên ông.

(6) Cuộc chiến năm 1870: còn được gọi là Cuộc chiến Pháp-Phổ, diễn ra trong giai đoạn 1870-1871. Sau cuộc chiến là sự thành lập của nền Cộng hòa Pháp thứ Ba và Đế quốc Đức.

(7) Amos 9:11-15. (TG)

(8) Khổng Tử (551-479 tCN); Lão Tử (600-517 tCN); Mặc Tử (479-372 tCN); Mạnh Tử (371-289 tCN).

(9) In the Works (London: Oxford University Press, 1935), Volume 20 có tựa The Kingdom of God and Peace Essays. Ví dụ: “Address to the Swedish Peace Congress in 1909”, trang 583-591.

Kwame Nkrumah

Kwame Nkrumah (1909-1972), là chính khách, nhà lãnh đạo nước Ghana và trước đó là nhà lãnh đạo nước Bờ biển Vàng (Gold Coast). Sau khi đi Mỹ, ông lấy bằng Cử nhân Thần học (1942), Thạc sĩ Giáo dục (1942) và Thạc sĩ Triết học (1943) rồi được mời làm giảng viên đại học về chính trị học – một thành tích học tập và làm việc hiếm hoi đối với một người Châu Phi thời bấy giờ.

Ông làm Thủ tướng Bờ biển Vàng trong giai đoạn 1952-1957, rồi đến năm 1957 ông tuyên cáo nền độc lập của Ghana và làm Thủ tướng Ghana.

Năm 1960 ông đắc cử Tổng thống Ghana và qua các thời kỳ khác nhau cũng kiêm nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Nội vụ hoặc Quốc phòng. Là nhân vật có nhiều ảnh hưởng ở Châu Phi, ông là một trong những nhà sáng lập của Tổ chức Đoàn kết Châu Phi. Ông được trao giải Lenin Hòa bình năm 1963 và tự nhận mình là một Lenin của Châu Phi.

Diễn văn Độc lập (1957)

Vào ngày 06 tháng 3 năm 1957, tòa nhà Quốc hội Lập hiến, lúc này trở thành Trụ sở Quốc hội Lập pháp, ở Thủ đô Accra, chật ních những người trong trang phục quốc gia. Phần lớn công nhân và viên chức được nghỉ việc để đón mừng Kwame Nkrumah nhậm chức thủ tướng đầu tiên của quốc gia độc lập Ghana.

Đêm hôm trước, Công nương xứ Kent của Anh quốc đã khánh thành Đài Tưởng niệm Độc lập, được xây lên ở nơi những người Ghana bị bắn chết năm 1948 khi tuần hành để trình bản thỉnh nguyện cho Toàn quyền Anh.

Nữ hoàng Anh và Thủ tướng Anh, Harold Macmillan, đều gửi lời chúc mừng nước Ghana.

Dưới đây là Diễn văn Độc lập của Thủ tướng Kwame Nkrumah.

Kwame Nkrumah
Kwame Nkrumah

Cuối cùng, trận chiến đã chấm dứt! Thế là Ghana, đất nước yêu quý của chúng ta, được tự do mãi mãi. Một lần nữa, tôi muốn nhân cơ hội này để cảm ơn các thủ lĩnh và nhân dân của đất nước, giới trẻ, giới nông dân, phụ nữ đã chiến đấu một cách cao quý và đã thắng trận chiến này. Và tôi muốn cảm ơn những chiến binh quả cảm thuộc hàng ngũ cũ đã cộng tác với tôi trong sự nghiệp to tát này nhằm giải phóng đất nước chúng tôi khỏi chế độ ngoại bang và chủ nghĩa đế quốc. Như tôi đã vạch ra, tôi tin chắc rằng từ bây giờ – ngày hôm nay – chúng ta phải thay đổi cách hành xử của chúng ta, đầu óc của chúng ta; chúng ta phải nhận ra rằng, kể từ lúc này, chúng ta không còn là dân thuộc địa nhưng là một dân tộc độc lập. Nhưng, như tôi cũng đã nói, điều này kéo theo công việc nặng nề.

 

Người Châu Phi của thế hệ mới sẵn sàng chiến đấu và cho thấy cuối cùng thì người da màu cũng có khả năng quản trị những sự vụ của họ. Chúng ta sẽ cho thế giới thấy, cho các quốc gia khác thấy, rằng chúng ta sẵn sàng đặt nền móng cho riêng mình.

Bản sắc Châu Phi của riêng chúng ta

Như tôi phát biểu trước Quốc hội chỉ vài phút trước, tôi đã nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ tạo ra nhân cách và bản sắc Châu Phi cho riêng chúng ta. Đó là cách duy nhất mà chúng ta có thể cho thế giới thấy chúng ta sẵn sàng cho những chiến trận của chúng ta. Nhưng ngày hôm nay, tôi kêu gọi mọi người là vào ngày trọng đại này, tất cả chúng ta hãy nhớ rằng nếu không có Thượng Đế ban phúc và hậu thuẫn thì không gì trên đời có thể thực hiện được. Chúng ta đã thắng trận chiến và chúng ta sẽ hiến dâng thêm nữa…

Nền độc lập của chúng ta là vô nghĩa nếu không được kết nối với sự giải phóng toàn diện Châu Phi. Đồng bào Ghana, bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện cho ân điển của Thượng Đế, và trong hai giây đồng hồ trong hàng nghìn triệu giây của đồng bào, tôi muốn yêu cầu đồng bào hãy ngừng lại trong một phút để tạ ơn Thượng Đế toàn năng vì đã dẫn dắt chúng ta vượt qua những khó khăn, tù đày, khổ nhọc và khốn đốn để ngày hôm nay đưa chúng ta ra khỏi cơn hoạn nạn. Một phút mặc niệm. Ghana được tự do mãi mãi, và bây giờ tôi yêu cầu ban nhạc trỗi quốc thiều Ghana.

Định hình vận mệnh của Ghana

Tôi tùy thuộc nơi hàng triệu người trên đất nước, và các thủ lĩnh cùng nhân dân hãy giúp tôi định hình đất nước này.

Chúng ta sẵn sàng trỗi dậy và tạo dựng một quốc gia được tất cả các quốc gia trên thế giới tôn trọng. Chúng ta biết sẽ có khởi đầu khó khăn, nhưng một lần nữa, tôi tùy thuộc nơi sự hỗ trợ của mọi người. Nhìn thấy mọi người ở đây… không nhất thiết tầm mắt của tôi tới đâu, tôi có thể thấy rằng hàng triệu người đang ở đây, và cuối cùng tôi cầu mong rằng mọi người hãy vững vàng sau lưng tôi hầu chúng ta có thể chứng tỏ cho thế giới thấy rằng khi người Châu Phi có cơ hội, anh ta có thể cho thế giới thấy anh ta là con người ra sao!

Chúng ta đã bừng tỉnh. Chúng ta sẽ không còn mê ngủ nữa. Ngày hôm nay, từ lúc này, có một Châu Phi mới trên thế giới!

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Lasalle University – http: http://www.lasalle.edu/~mcinneshin/344/wk14/indep.htm

Mao Trạch Đông

Mao Trạch Đông (1893-1976) là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1935 cho đến khi qua đời, chỉ huy cuộc Kháng chiến chống Nhật (1937–1945), đánh thắng Quốc dân Đảng (1949), thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và làm chủ tịch nước trong giai đoạn 1949-1959.

Vào thời ông, nông nghiệp Trung Quốc được tập thể hóa dưới hình thức công xã nhân dân. Tuy nhiên, chính sách Bước nhảy vọt trong kinh tế và Đại Cách mạng Văn hóa vô sản để lại những hậu quả vô cùng tai hại. Mặt khác, một số thành tựu của ông, như nhấn mạnh đến việc tự túc tự cường, nói chung là đáng ca ngợi.

Diễn văn về công tác tuyên truyền (1957)

Dưới đây là bài phát biểu của Mao Trạch Đông tại Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 12 tháng 3 năm 1957.

Lúc này, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ra đời được 8 năm. Công xã nhân dân bắt đầu được thực hiện một cách hăng say – và nông nổi, do nóng vội và bệnh thành tích. Một số nhược điểm đã bộc lộ… Bài phát biểu của Mao Trạch Đông hé lộ những lo lắng, bất an về tình hình hiện tại. Có lẽ vì thế mà giọng điệu phát biểu tỏ ra khá ôn hòa, dăm ba lần lặp đi lặp lại ý tưởng về thuyết phục mà không cưỡng ép, và cũng đôi ba lần nhắc đến chính sách “trăm hoa đua nở”, phương pháp phê bình và tự phê bình. Đấy là những biểu hiệu khởi đầu cho cuộc Cách mạng Văn hóa sau này.

Thưa các đồng chí,

Mao Tse Tung, 1957.jpg
Mao Trạch Đông , 1957

Đại hội này diễn ra tốt đẹp. Nhiều câu hỏi được đưa ra, và chúng ta lĩnh hội được nhiều điều. Bây giờ tôi có một ít ý kiến về những câu hỏi mà các đồng chí đang thảo luận ở đây.

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn của xã hội thay đổi sâu sắc. Trong một thời gian dài, xã hội Trung quốc ở giữa những thay đổi to lớn. Cuộc Kháng chiến chống Nhật là một giai đoạn của thay đổi to tát, và Chiến tranh Giải phóng là một thay đổi to tát khác. Nhưng những thay đổi hiện giờ về bản chất còn sâu xa hơn những thay đổi trước. Bây giờ chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hàng trăm triệu người đang tham gia phong trào chuyển biến xã hội chủ nghĩa. Các quan hệ giai cấp đang thay đổi trên khắp đất nước. Tiểu tư sản nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cùng tư sản công nghiệp và mại bản đang kinh qua những thay đổi. Hệ thống xã hội và kinh tế thay đổi; nền kinh tế cá thể được chuyển thành sở hữu công theo xã hội chủ nghĩa.

Dĩ nhiên là những thay đổi theo tầm mức như thế được phản ảnh trong đầu óc của nhân dân. Tính chất xã hội của con người xác định ý thức của họ. Những thay đổi to tát này trong hệ thống xã hội của ta được phản ảnh khác nhau trong số những người thuộc giai cấp và nhóm xã hội khác nhau. Quần chúng hồ hởi hậu thuẫn thay đổi, bởi vì chính cuộc sống khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là lối thoát duy nhất cho Trung quốc. Đánh đổ hệ thống xã hội xưa cũ và thiết lập một xã hội mới, hệ thống xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là một cuộc đấu tranh vĩ đại, một thay đổi vĩ đại trong hệ thống xã hội và trong những mối quan hệ giữa con người với nhau.

Phải nói rằng về cơ bản, tình hình là thuận lợi. Nhưng hệ thống xã hội mới chỉ vừa được xây dựng và cần thời gian để củng cố. Không nên cho rằng có thể hoàn toàn củng cố hệ thống mới ngay khi vừa xây dựng; việc này là không thể. Cần phải củng cố từng bước. Để đạt đến sự củng cố chung cục, cần phải không những thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa mà còn tiến hành cuộc đấu tranh cách mạnh xã hội chủ nghĩa một cách lâu dài và kiên trì trên các mặt trận chính trị và chủ thuyết. Hơn nữa, cần có những điều kiện quốc tế phụ trợ. Ở Trung quốc, cuộc đấu tranh nhằm củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa nhằm quyết định chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa tư bản thắng lợi sẽ cần một thời gian lịch sử lâu dài. Nhưng tất cả chúng ta đều nhận thức rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa mới sẽ nhất định được củng cố. Chúng ta có thể xây dựng một cách chắc chắn quốc gia xã hội chủ nghĩa với công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học và văn hóa hiện đại. Đó là điểm đầu tiên tôi muốn vạch ra.

Thứ nhì, là tình hình liên quan tới giới trí thức trên đất nước ta. Không có thống kê chính xác về số trí thức ở Trung quốc. Ước tính có năm triệu trí thức mọi ngành, kể cả trí thức cấp cao và thông thường. Trong số năm triệu này, phần lớn vượt trội là yêu nước, yêu nước Cộng hòa Nhân dân của chúng ta, sẵn sàng phục vụ nhân dân và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Một số ít không hoan nghênh hệ thống xã hội chủ nghĩa và không lấy làm vui về điều này. Họ vẫn còn hoài nghi xã hội chủ nghĩa, nhưng họ là người yêu nước khi đối mặt với đế quốc. Số trí thức thù địch với quốc gia chúng ta là rất ít. Họ không thích chế độ ta, tính chuyên chế vô sản, và mong muốn xã hội kiểu cũ. Mỗi khi có cơ hội, họ gây xáo trộn và cố tìm cách lật đổ Đảng Cộng sản để mong phục hồi nước Trung Hoa cũ. Ở giữa hai giai cấp vô sản và tư sản, ở giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, họ vẫn ngoan cố đi theo con đường thứ hai. Thực ra, con đường này là không thực tiễn, và vì thế họ thực sự sẵn sàng đầu hàng đế quốc, phong kiến và chủ nghĩa tư bản-hành chính. Những người như thế hiện diện trong các lĩnh vực chính trị, công nghiệp và thương mại, văn hóa và giáo dục, khoa học, kỹ thuật và tôn giáo, và tỏ ra rất phản động. Họ chỉ chiếm 1 hoặc 2 hoặc 3 phần trăm trong số 5 triệu trí thức. Đại đa số, trên 90 phần trăm của tổng số 5 triệu, hậu thuẫn hệ thống xã hội chủ nghĩa theo những mức độ khác nhau. Nhiều người trong số họ chưa rõ làm thế nào phục vụ xã hội chủ nghĩa và làm thế nào thông hiểu, xử lý và giải quyết nhiều vấn đề mới.

Xét theo thái độ của 5 triệu trí thức đối với Chủ nghĩa Mác, có thể nói rằng trên 10 phần trăm, gồm cả người Cộng sản và cảm tình viên, có hiểu biết tương đối về Chủ nghĩa Mác và có lập trường vững chắc – lập trường của giới vô sản. Trong số 5 triệu người, họ là thiểu số, nhưng là hạt nhân và là lực lượng nòng cốt. Phần lớn muốn học hỏi Chủ nghĩa Mác và học được một ít, nhưng chưa thông thuộc. Một số người còn hoài nghi, chưa có lập trường vững chắc và dễ lung lay trong những thời khắc khủng hoảng. Bộ phận trí thức này, bao gồm đa số của 5 triệu, vẫn còn đứng ở giữa. Số người mạnh mẽ chống đối hoặc tỏ ra thù nghịch với Chủ nghĩa Mác thì rất ít. Một số người thực sự bất đồng ý kiến với Chủ nghĩa Mác, tuy không nói ra. Trong một thời gian dài trước mặt vẫn còn có những người như thế, và chúng ta phải cho phép họ bất đồng ý kiến. Lấy ví dụ về những người lý tưởng hóa. Họ có thể hậu thuẫn hệ thống chính trị và kinh tế xã hội chủ nghĩa nhưng bất đồng ý kiến với quan điểm đại đồng của Chủ nghĩa Mác. Những người yêu nước trong lĩnh vực tôn giáo cũng thế. Họ là người hữu thần còn chúng ta là người vô thần. Chúng ta không thể ép buộc họ chấp nhận quan điểm đại đồng của Chủ nghĩa Mác.

Tóm lại, có thể tóm tắt thái độ của 5 triệu trí thức đối với Chủ nghĩa Mác là như sau: Những người hậu thuẫn và thông hiểu Chủ nghĩa Mác là thiểu số, những người chống đối cũng là thiểu số, còn phần lớn hậu thuẫn và tương đối thông hiểu Chủ nghĩa Mác, hậu thuẫn theo từng mức độ khác nhau. Ở đây có ba loại lập trường – kiên định, lung lay và chống đối. Cần phải nhận ra rằng tình hình này sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian rất dài. Nếu không nhận ra điều này, ta sẽ đòi hỏi quá nhiều nơi người khác và cùng lúc định ra nhiệm vụ của ta quá nhỏ. Các đồng chí của ta trong công tác tuyên truyền có nhiệm vụ truyền bá Chủ nghĩa Mác. Phải làm từng bước và làm tốt việc này, hầu nhân dân ta sẵn lòng chấp nhận. Ta không thể ép buộc nhân dân chấp nhận Chủ nghĩa Mác, ta chỉ có thể khuyến dụ họ. Nếu qua giai đoạn của vài kế hoạch 5 năm, một số lớn trí thức chấp nhận Chủ nghĩa Mác và thông hiểu khá rõ qua thực hành, qua công việc và cuộc sống, thì như thế là tốt. Và đó là điều ta mong sẽ xảy ra.

Thứ ba, là vấn đề công tác tư tưởng cho trí thức. Nước ta còn lạc hậu về mặt văn hóa. Đối với một đất nước rộng lớn như nước ta, 5 triệu trí thức là quá ít. Nếu không có trí thức thì công việc của ta không đạt kết quả tốt, và vì thế ta phải làm tốt công việc đoàn kết họ lại. Xã hội thuộc xã hội chủ nghĩa chủ yếu gồm có 3 giai cấp: công nhân, nông dân và trí thức. Trí thức là công nhân về đầu óc. Công việc của họ là phục vụ nhân dân, tức là phục vụ công nhân và nông dân. Đối với đa số trí thức, họ có thể phục vụ Trung Quốc mới như đã phục vụ chế độ cũ; phục vụ giai cấp vô sản như họ đã phục vụ giai cấp tư sản. Khi trí thức phục vụ nước Trung Hoa cũ, cánh tả chống đối, ở giữa lung lay, và chỉ có cánh hữu kiên định. Bây giờ, trong việc phục vụ chế độ mới thì trái ngược. Cánh tả kiên định, lớp ở giữa lung lay (cách lung lay trong xã hội mới khác với cách trong xã hội cũ), và cánh hữu chống đối. Hơn nữa, các trí thức còn là các nhà giáo. Báo chí của ta đang giáo dục nhân dân hằng ngày. Các tác gia và nghệ nhân của ta, khoa học gia và kỹ thuật gia, giáo sư và giáo viên đang giáo dục sinh viên, giáo dục nhân dân. Là nhà giáo và giáo viên, họ có nhiệm vụ phải được giáo huấn trước. Và phải được giáo huấn thêm trong giai đoạn hiện tại của thay đổi lớn lao trong hệ thống xã hội. Họ được giáo huấn phần nào trong những năm qua, một số người học tập rất hăng say và có tiến bộ rất tốt. Nhưng đa số vẫn còn phải học thêm nhiều trước khi họ có thể hoàn toàn thay thế quan điểm đại đồng tư sản bằng quan điểm đại đồng vô sản.

Một số người đọc sách về Chủ nghĩa Mác và nghĩ mình hiểu biết nhiều, nhưng những gì mà họ đọc chưa được tiêu hóa, chưa bắt rễ trong đầu óc họ, cho nên họ không biết phải ứng dụng như thế nào, và những cảm nghĩ về giai cấp của họ vẫn không đổi. Những người khác bị lừa dối; sau khi nghe qua vài câu trong sách họ nghĩ mình là tuyệt diệu và tỏ ra quá tự tin; nhưng mỗi khi có biến cố họ có thái độ rất khác với công nhân và đại đa số nông dân. Họ lung lay trong khi nông dân kiên trì, họ lập lờ trong khi nông dân thẳng thắn. Vì thế, quả là sai lầm mà cho rằng người giáo huấn người khác thì không còn cần được giáo huấn và không còn cần phải học hỏi, hoặc nghĩ rằng cải tạo về xã hội chủ nghĩa tức là cải tạo kẻ khác – địa chủ, tư bản và người sản xuất nhỏ lẻ – nhưng không cải tạo trí thức. Giai cấp trí thức cũng cần được cải tạo và không chỉ những người chưa thay đổi quan điểm; mọi người phải học tập và tự cải tạo.

Hoàn cảnh luôn thay đổi, và để thích ứng tư tưởng với hoàn cảnh mới thì phải học tập. Ngay cả những người có hiểu biết khá về Chủ nghĩa Mác và tương đối vững vàng trong quan điểm vô sản vẫn phải tiếp tục học tập, phải hấp thu những gì mới và học tập những vấn đề mới. Nếu không gột rửa những sai trái trong đầu thì trí thức không thể đảm nhận trọng trách giáo huấn người khác. Lẽ tự nhiên là chúng ta phải học tập khi giáo huấn và làm học trò trong khi phục vụ như là giáo viên. Muốn làm thầy giỏi thì trước hết phải là trò giỏi. Có nhiều việc không thể chỉ học từ sách vở; phải học tập từ những người làm việc sản xuất, từ công nhân, từ nông dân, và trong trường học, từ sinh viên, từ những người được giáo huấn. Theo ý tôi, phần lớn tri thức có thái độ sẵn sàng học tập. Do thái độ đó, nhiệm vụ của chúng ta là phải chân thành giúp họ học tập; chúng ta phải giúp họ theo cách thích hợp mà không được tìm cách ép buộc họ phải học tập.

Thứ tư, vấn đề hội nhập trí thức vào quần chúng công nhân và nông dân. Vì lẽ trí thức phục vụ công nhân và nông dân, trước nhất trí thức phải hiểu biết họ và làm quen với đời sống, công việc và tư tưởng của họ. Chúng ta khuyến khích trí thức tìm đến quần chúng, tìm đến các nhà máy và các thôn làng. Quả là tệ hại nếu các đồng chí cả đời không hề gặp gỡ công nhân và nông dân. Nhân viên nhà nước, tác gia, nghệ nhân, nhà giáo và nhà nghiên cứu khoa học phải tranh thủ mọi cơ hội để đến gần công nhân và nông dân. Một số người đi đến nhà máy và thôn làng chỉ để nhìn qua sơ sài; việc này có thể được gọi là “cưỡi ngựa xem hoa” và tốt hơn là không làm gì cả. Những người khác có thể ở lại vài tháng, thực hiện khảo sát và tạo mối thân hữu; việc này có thể được gọi là “xuống ngựa xem hoa”. Lại có những người khác ở lại sống lâu hơn, hai hoặc ba năm hoặc thậm chí lâu hơn; việc này có thể được gọi là “định cư”. Một số trí thức thực sự sống cùng công nhân và nông dân, ví dụ kỹ thuật gia trong nhà máy, nhân viên kỹ thuật trong nông nghiệp và giáo viên trong trường làng. Họ làm việc tốt, hòa đồng với công nhân và nông dân. Ta nên phổ biến việc gần gũi với công nhân và nông dân, nói cách khác ta phải có số đông trí thức làm việc này. Dĩ nhiên là không phải tất cả trí thức; một số người không thể đi vì lý do này nọ, nhưng ta hy vọng càng đi nhiều càng tốt. Họ cũng không thể đi cùng lúc; họ có thể đi theo từng đợt ở những thời điểm khác nhau.

Trong những ngày ở Diên An(1), trí thức được động viên gặp gỡ trực tiếp với công nhân và nông dân. Nhiều trí thức lấy làm hoang mang trong suy nghĩ của họ và đưa ra nhiều cách lý luận. Ta tổ chức một diễn đàn và khuyên họ nên đến gần quần chúng. Sau đó, nhiều người nghe theo, và kết quả thật là tốt. Nếu sự hiểu biết của trí thức chưa hội nhập với thực hành thì hiểu biết đó chưa trọn vẹn, thực sự là rất thiếu sót. Qua việc đọc sách mà trí thức tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước của chúng ta. Dĩ nhiên là không nên từ bỏ việc đọc sách, nhưng chỉ đọc sách thôi thì không thể giải quyết được vấn đề. Phải học từ thực tế, học kinh nghiệm thực tiễn và chất liệu có thực, làm bạn với công nhân và nông dân. Không phải dễ dàng mà làm bạn với công nhân và nông dân. Hiện nay có nhiều người đi đến nhà máy hoặc thôn làng, vài trường hợp đạt kết quả nhưng những trường hợp khác thì không.

Điều mấu chốt ở đây là nhận thức hoặc thái độ, tức là quan điểm đại đồng. Chúng ta cổ vũ “hãy để trăm hoa đua nở”, và có thể có nhiều trường phái hoặc xu hướng trong mỗi ngành học thuật, nhưng về mặt quan điểm đại đồng thì thời đại chúng ta chỉ có hai trường phái: vô sản và tư sản. Hoặc là bên này hoặc là bên kia, hoặc là vô sản hoặc là tư sản. Quan điểm đại đồng cộng sản là quan điểm đại đồng của vô sản chứ không phải của giai cấp nào khác. Phần lớn trí thức của ta xuất thân từ xã hội cũ và từ gia đình của người không làm việc. Ngay cả những người xuất thân từ gia đình công nhân hoặc nông dân vẫn là trí thức tư sản, bởi vì nền giáo dục họ nhận được trước ngày giải phóng là giáo dục tư sản, và quan điểm đại đồng của họ về cơ bản là tư sản. Nếu trí thức không rũ bỏ cái cũ và thay thế bằng quan điểm đại đồng vô sản, họ sẽ vẫn cách biệt với công nhân và nông dân về quan điểm lập trường và nhận thức, sẽ giống như cái chốt vuông trong cái lỗ tròn, công nhân và nông dân sẽ không cởi mở với họ. Nếu trí thức hòa nhập với công nhân và nông dân và làm bạn với họ, Chủ nghĩa Mác mà họ học được từ sách vở có thể trở thành kiến thức của riêng họ. […]

Thứ năm, sửa sai. Sửa sai là sửa đổi cách suy nghĩ và phương pháp làm việc. Phong trào sửa sai được tiến hành trong nội bộ Đảng Cộng sản trong chiến tranh chống Nhật, trong Chiến tranh Giải phóng, và trong những ngày đầu sau khi thành lập nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa. Bây giờ Trung ương Đảng quyết định một đợt sửa sai khác trong nội bộ Đảng, sẽ được bắt đầu vào năm nay. Người ngoài Đảng có thể tham dự nếu muốn. Việc chủ yếu trong phong trào sửa sai này là phê bình những cách suy nghĩ và làm việc sai lạc như sau: chủ quan, quan liêu và cục bộ. Giống như phong trào sửa sai trong chiến tranh chống Nhật, phương pháp lần này sẽ là trước nhất học tập một số tài liệu, và rồi dựa trên kết quả học tập này mà xem xét cách suy nghĩ và làm việc, tiến hành phê bình và tự phê bình nhằm phát hiện những khuyết điểm và sai lầm, tuyên dương cái đúng và cái tốt. Mặt khác, chúng ta phải chặt chẽ, tiến hành phê bình và tự phê bình đối với những sai lầm và khuyết điểm một cách nghiêm túc, không làm máy móc, và sửa chữa; mặt khác chúng ta phải áp dụng phương pháp “mưa hòa gió thuận” và phương pháp “học từ sai lầm trong quá khứ để tránh sai lầm trong tương lai và chữa bệnh để cứu bệnh nhân”, và chúng ta phải chống lại phương pháp “chặt đứt đuôi con nòng nọc”.

Đảng ta là Đảng vĩ đại, Đảng quang vinh, Đảng đúng đắn. Phải khẳng định điều này. Nhưng chúng ta vẫn có khuyết điểm, và cũng phải khẳng định điều này. Ta không khẳng định tất cả về mình, mà chỉ khẳng định cái đúng. Cùng lúc, ta không nên phủ nhận tất cả về mình, mà chỉ phủ nhận cái sai. Sự nghiệp của chúng ta đạt những thành tựu, nhưng vẫn có một ít khuyết điểm và sai lầm. Đó là tại sao ta cần một phong trào sửa sai. Nếu chúng ta phê bình tệ chủ quan, quan liêu và cục bộ của mình thì liệu việc này sẽ làm giảm uy tín của Đảng hay không? Tôi nghĩ là không. Trái lại, việc này sẽ nâng cao uy tín của Đảng. Điều này được minh chứng từ phong trào sửa sai trong chiến tranh chống Nhật. Nó củng cố uy tín của Đảng, của các đồng chí trong Đảng và các cán bộ trung kiên, và tạo điều kiện cho các cán bộ mới đạt nhiều tiến bộ. Ai sợ phê bình: Đảng Cộng sản hoặc Quốc dân Đảng? Quốc dân Đảng. Họ ngăn cấm phê bình, nhưng việc này không cứu họ khỏi thất bại chung cục. […]

Sự chuyển biến và xây dựng Trung Quốc trông cậy vào sự lãnh đạo của chúng ta. Khi chúng ta sửa sai lề lối suy nghĩ và làm việc, chúng ta sẽ có thêm sáng kiến, có thêm năng lực và làm việc tốt hơn. Đất nước ta cần nhiều người nhiệt tâm phục vụ quần chúng và sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, những người quyết chí mang đến thay đổi. Tất cả những người Cộng sản chúng ta phải là như thế. Trước đây, trong nước Trung Hoa xưa cũ, nói đến đổi mới là một cái tội, và người phạm tội này bị chặt đầu hoặc bị giam vào ngục. Tuy vậy, có những người quyết chí đổi mới mà không sờn lòng, phát hành sách báo, giáo dục và tổ chức quần chúng, mở ra những cuộc đấu tranh bất khuất rất gian khổ. Nhà nước, chính quyền chuyên chế dân chủ của nhân dân, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế và văn hóa nhanh chóng cho nước ta. Chỉ ít năm sau khi dựng nước mà nhân dân ta có thể nhận ra kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học nở hoa theo cách chưa từng thấy. Trong công cuộc xây dựng một nước Trung Hoa mới, những người Cộng sản chúng ta khó khăn cũng không sờn lòng. Nhưng bản thân chính chúng ta không thể hoàn thiện tất cả. Chúng ta cần đến nhiều người ngoài Đảng với lý tưởng cao để giữ định hướng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, để chiến đấu mà không sờn lòng bên cạnh chúng ta để chuyển biến và xây dựng xã hội của chúng ta. Đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho hàng trăm triệu người Trung Hoa và chuyển đổi một đất nước lạc hậu về kinh tế và văn hóa thành một nước thịnh vượng và hùng cường với trình độ văn hóa cao là cả một nhiệm vụ khổng lồ. Chính vì để gánh vác nhiệm vụ này có hiệu quả hơn và làm việc tốt hơn với người ngoài Đảng có lý tưởng cao và quyết tâm theo đuổi đổi mới mà chúng ta phải thực hiện phong trào sửa sai cả bây giờ và trong tương lai, và thường xuyên rũ bỏ những sai lầm. […] Về phần mình, những người Cộng sản chúng ta phải tạo điều kiện cho những người cộng tác với ta, lập mối quan hệ đồng chí tốt với họ trong công cuộc chung và đoàn kết với họ trong cuộc tranh đấu chung.

Thứ sáu, vấn đề phiến diện. Phiến diện có nghĩa là suy nghĩ theo cách độc đoán, tức là dùng phương cách lý thuyết suông mà giải quyết vấn đề. Trong công tác đánh giá công việc của ta, khẳng định tất cả hoặc phủ nhận tất cả là phiến diện. Vẫn còn có một số người trong Đảng và nhiều người ngoài Đảng làm như thế. Khẳng định mọi thứ là chỉ nhìn ra cái tốt mà không nhận ra cái xấu, chỉ muốn nghe khen ngợi mà không chấp nhận phê bình. Cứ nói như thể công việc của ta là tốt theo mọi khía cạnh là xa rời thực tại. Không phải mọi thứ đều tốt; vẫn có những khuyết điểm và sai lầm. Nhưng cũng không phải mọi thứ đều xấu; đó cũng là xa rời thực tại. Cần có sự phân tích ở đây. Phủ định mọi thứ mà không phân tích trước tức là nghĩ rằng không có việc nào tốt và công cuộc vĩ đại trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, cuộc tranh đấu vĩ đại với hàng trăm triệu người đang tham gia đều hoàn toàn hỗn loạn mà không có gì đáng khen. Cho dù có sự khác biệt giữa nhiều người có cách nhìn như thế và những người thù địch với hệ thống xã hội chủ nghĩa, cách nhìn như thế là sai lầm và nguy hiểm, chỉ làm người ta nhụt chí. Đánh giá công việc của ta từ quan điểm khẳng định tất cả hoặc phủ nhận tất cả là sai. Ta phải phê bình những người có phong cách phiến diện đối với các vấn đề, cho dù dĩ nhiên ta phải làm thế trong tinh thần “học từ sai lầm trong quá khứ để tránh sai lầm trong tương lai và chữa bệnh để cứu bệnh nhân”, và ta phải giúp họ.

Có người nói: Vì sẽ có phong trào sửa sai và vì mọi người được yêu cầu phát biểu ý kiến, phiến diện là không tránh khỏi, và do đó có vẻ như khi kêu gọi xóa bỏ phiến diện, ta thực sự không muốn người nói ra. Biện luận như thế có đúng không? Lẽ tự nhiên là khó cho mọi người tránh khỏi một ít phiến diện. Người ta luôn xem xét, xử lý vấn đề và phát biểu ý kiến của họ theo kinh nghiệm của họ, và đôi lúc không tránh khỏi phiến diện. Tuy nhiên, liệu ta có nên yêu cầu họ từng bước vượt qua phiến diện và nhìn vấn đề theo cách tương đối toàn cục không? Theo ý kiến của tôi thì ta nên làm thế. Ta sẽ bị trì trệ, chấp nhận phiến diện và mâu thuẫn với toàn bộ mục đích của sửa sai nếu ta không đòi hỏi là từ ngày này qua ngày khác và từ năm này qua năm khác phải càng có thêm người nhìn vấn đề theo cách tương đối toàn cục. […]

Một số người nói rằng trong khi có thể tránh được phiến diện trong một báo cáo dài, khó mà tránh được trong một bài tham luận ngắn. Có phải tham luận ngắn thì không tránh được phiến diện hay sao? Như tôi vừa nói, thường khó mà tránh phiến diện, và nếu nó len lỏi vào theo chừng mực thì không có gì là ghê gớm. Việc phê bình có thể bị trở ngại nếu ai cũng được yêu cầu nhìn vấn đề theo cách tuyệt đối toàn cục. Tuy vậy, ta yêu cầu mọi người cố gắng tiếp cận vấn đề theo cách tương đối toàn cục và cố gắng tránh phiến diện không những trong báo cáo dài mà còn trong bài tham luận ngắn.

Có người biện luận: làm thế nào thực hiện phân tích trong một bài tham luận chỉ có vài trăm hoặc vài nghìn chữ? Tôi muốn hỏi: tại sao lại không thể? Có phải Lu Hsun đã làm việc này? Phương pháp phân tích là cách biện chứng. Qua phân tích, chúng ta có ý nói phân tích những mâu thuẫn trong các sự việc. Không thể nào có phân tích đúng đắn nếu không có kiến thức sâu sắc về cuộc sống và không thực sự hiểu về những mâu thuẫn có liên quan. […] Dĩ nhiên là ta cần phân biệt giữa chúng ta và kẻ thù, và ta không nên có quan điểm đối kháng với các đồng chí và xem họ như kẻ thù. Phải ăn nói dịu dàng và thành khẩn với ước muốn bảo vệ sự nghiệp của nhân dân, nâng cao ý thức chính trị mà không nên chế nhạo hoặc công kích.

Nếu người ta không dám viết thì sao? Có người nói họ không dám viết ngay cả khi họ có điều muốn nói, kẻo họ xúc phạm người khác và bị phê bình. Tôi nghĩ nên dẹp qua một bên những lo lắng này. Nhà nước của ta là nhà nước dân chủ của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để viết trong việc phục vụ nhân dân. Chính sách để cho trăm hoa đua nở và trăm trường phái học thuật phát biểu tạo thêm đảm bảo cho sự nở hoa của khoa học và nghệ thuật. Nếu điều các đồng chí nói là đúng thì các đồng chí không cần phải sợ phê bình, và không có gì xấu trong chuyện đó. Trong xã hội của ta, phê bình và tự phê bình cách mạng chiến đấu là phương pháp lành mạnh được áp dụng để phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn, phát triển khoa học và nghệ thuật, đảm bảo thành công trong tất cả công việc của ta.

Thứ bảy, cần phải “mở rộng” hay “thu hẹp”? Đây là vấn đề của chính sách. “Hãy để cho trăm hoa đua nở và trăm trường học thuật phát biểu” là chính sách lâu dài và cơ bản, không chỉ là chính sách tạm thời. Trong các cuộc thảo luận, các đồng chí bày tỏ không chấp nhận “thu hẹp”, và tôi nghĩ ý kiến này là đúng. Trung ương Đảng có ý kiến là ta phải “mở rộng” chứ không “thu hẹp”.

Có hai phương pháp lựa chọn để dẫn dắt đất nước, hoặc nói cách khác là có hai chính sách lựa chọn: “mở rộng” hay “thu hẹp”. “Mở rộng” có nghĩa là để cho mọi người tự do phát biểu, để cho họ dám nói, dám phê bình và dám tranh cãi; có nghĩa là không e sợ ý kiến sai hoặc điều đầu độc; có nghĩa là khuyến khích tranh luận và phê bình giữa những người có quan điểm khác nhau, cho phép tự do cho cả người phê bình và người phản phê bình; có nghĩa là không ép buộc người có ý kiến sai phải chịu khuất phục mà chỉ dùng lý luận để thuyết phục họ. “Thu hẹp” có nghĩa là cấm người ta nói lên ý kiến khác biệt hoặc phát biểu ý tưởng sai lạc, và “chặt đứt đuôi con nòng nọc”. Đó là cách làm trầm trọng thêm thay vì giải quyết mâu thuẫn. Cần phải “mở rộng” hay “thu hẹp”? Phải chọn một trong hai chính sách này. Chúng ta chọn “mở rộng”, bởi vì đó là chính sách sẽ giúp củng cố đất nước ta và phát triển văn hóa của ta.

Chúng ta dự định áp dụng chính sách “mở rộng” nhằm đoàn kết vài triệu trí thức và thay đổi quan điểm của họ hiện nay. Như tôi đã nói trước đây, đại đa số trí thức trên nước ta muốn tạo tiến bộ và tự chỉnh phong, và họ có khả năng tốt để tự chỉnh phong. Trong việc này, chính sách của ta đóng vai trò quan trọng. Vấn đề của trí thức trước nhất là vấn đề về ý thức hệ, và nếu áp dụng biện pháp thô lỗ và nặng tay để giải quyết vấn đề ý thức hệ thì không vô ích mà còn có hại. Việc tự chỉnh phong của trí thức, và đặc biệt việc thay đổi quan điểm đại đồng của họ, là một tiến trình cần nhiều thời gian. Các đồng chí của ta phải hiểu rằng chỉnh phong ý thức hệ là công việc dài hơi, nhẫn nại và gian khổ, và không được cố cho ít bài giảng hoặc tổ chức vài buổi họp mà mong thay đổi ý thức hệ của con người vốn đã được định hình qua nhiều thập kỷ.

Dẫn dụ – chứ không phải cưỡng ép – là cách duy nhất để thuyết phục con người. Cưỡng ép không bao giờ thuyết phục được họ. Cố dùng vũ lực mà thúc ép họ sẽ không mang lại kết quả. Phương pháp vũ lực được cho phép đối với kẻ thù, nhưng tuyệt đối không được cho phép đối với đồng chí hay bạn hữu. Nếu ta không biết phải thuyết phục như thế nào thì sao? Thế thì chúng ta phải học tập. Chúng ta phải học cách khuất phục những tư tưởng sai lạc qua việc tranh cãi và lý luận.

“Hãy để trăm hoa đua nở” là cách phát triển nghệ thuật, và “hãy để trăm trường phái học thuật phát biểu” là cách phát triển khoa học. Đó không chỉ là phương pháp hữu hiệu để phát triển khoa học và nghệ thuật, nhưng nếu áp dụng rộng rãi hơn, đó là phương pháp tốt đối với tất cả công việc của chúng ta. Nó giúp ta phạm ít sai lầm hơn. Có nhiều vấn đề ta không hiểu hết và vì thế không thể giải quyết, nhưng qua thảo luận và tranh đấu chúng ta sẽ hiểu rõ hơn và biết cách giải quyết các vấn đề ấy. Công lý phát triển qua sự tranh luận giữa những quan điểm khác nhau. Cũng có thể áp dụng phương pháp đó để đối phó với bất kỳ việc gì độc hại và chống Chủ nghĩa Mác, bởi vì trong cuộc tranh đấu, Chủ nghĩa Mác sẽ phát triển. Đó là sự phát triển qua cuộc tranh đấu của các đối thủ, sự phát triển theo biện chứng.

Liệu nhân dân đã thảo luận về cái đúng, cái thiện và cái đẹp qua những thời kỳ này chưa? Đối thủ của họ là cái sai, cái ác và cái xấu. Cái sai không hiện hữu nếu không có cái ác. Cái đúng đi ngược với cái sai. Trong xã hội cũng như trong thiên nhiên, mỗi chủ thể đều được chia ra thành những phần khác nhau, chỉ có những khác biệt về nội dung và hình thức dưới những điều kiện cụ thể khác nhau. Sẽ luôn có những cái sai và những hiện tượng xấu xa. Sẽ luôn có những đối thủ đúng và sai, thiện và ác, đẹp và xấu. Cũng thế đối với các loài hoa thơm và cỏ độc. Mối quan hệ giữa chúng là sự kết hợp và tranh đấu giữa các đối thủ. Chỉ khi so sánh người ta mới phân biệt được. Chỉ khi phân biệt và tiến hành đấu tranh mới có phát triển. Chủ nghĩa Mác phát triển trong cuộc đấu tranh chống lại ý thức hệ tư sản và tiểu tư sản, và chỉ phát triển qua đấu tranh.

Chúng ta ủng hộ chính sách “mở rộng”; cho đến giờ vấn đề là mở rộng quá ít chứ không phải quá nhiều. Ta không nên e sợ “mở rộng”, và cũng không e sợ phê bình cỏ dại độc hại. Chủ nghĩa Mác là công lý khoa học; nó không e sợ phê bình và không thể bị đánh đổ bởi phê bình. Đảng Cộng sản và Chính phủ Nhân dân cũng thế; họ không sợ phê bình và không thể bị lật đổ bởi phê bình. Luôn có những cái sai, và không có gì phải e sợ. Gần đây, trên chính trường xuất hiện ma quỷ. Một số đồng chí rất lo lắng về việc này. Theo ý tôi, chỉ một ít thì không hề gì; trong vài thập kỷ các bóng ma đó sẽ biến mất hết, và các đồng chí sẽ không còn trông thấy chúng dù có muốn. Ta phải cổ vũ cho cái đúng và chống lại cái sai, nhưng ta không e sợ nếu con người tiếp xúc với cái sai. Chỉ ra mệnh lệnh hành chính cấm nhân dân tiếp xúc với kẻ ngoan cố và những hiện tượng xấu xa cùng ý tưởng sai lạc, hoặc cấm họ nhìn ma quỷ, thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. […]

Trên đất nước ta, các ý thức hệ tư sản, tiểu tư sản và chống Chủ nghĩa Mác sẽ tồn tại trong thời gian dài. Về cơ bản, hệ thống chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập trên đất nước ta. Trong khi ta có chiến thắng cơ bản trong việc chuyển đổi phương tiện sản xuất, chúng ta vẫn chưa chiến thắng hoàn toàn trên các mặt trận chính trị và ý thức hệ. Trong lĩnh vực ý thức hệ, vấn đề ai sẽ thắng, giai cấp vô sản hay giai cấp tư sản, chưa được giải quyết thực sự. Ta vẫn còn phải tiến hành một cuộc đấu tranh kéo dài chống lại ý thức hệ tư sản và tiểu tư sản. Sẽ là sai lầm nếu không hiểu điều này và bỏ cuộc. Phải mang ra phê bình tất cả các tư tưởng sai lạc, tất cả các cỏ dại độc hại, tất cả các ma quỷ; không bao giờ để cho chúng tự do phát triển. Tuy nhiên, việc phê bình phải có lý luận đầy đủ, có phân tích và thuyết phục, không được thô thiển và quan liêu, cũng không trừu tượng và giáo điều.

Trong một thời gian dài, người ta phê bình về giáo điều. Phải như thế mới được. Nhưng họ thường bỏ quên phê bình chủ nghĩa xét lại. Cả hai giáo điều và chủ nghĩa xét lại đều đi ngược với Chủ nghĩa Mác. Nhất thiết phải phát huy Chủ nghĩa Mác; phải phát triển cùng với thực hành và không được dậm chân tại chỗ. Nó sẽ không có sự sống nếu ù lì và được rập khuôn. Tuy nhiên, không được vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác, kẻo không sẽ phạm sai lầm. Chính giáo điều tiếp cận Chủ nghĩa Mác từ quan điểm trừu tượng và xem đó như là cái gì cứng nhắc. Chính chủ nghĩa xét lại phủ định những nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác và phủ định công lý phổ cập của nó. Chủ nghĩa xét lại là một thể của ý thức hệ tư sản. Con người xét lại từ chối những khác biệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa chuyên chính vô sản và chuyên chính tư sản. Cái mà họ cổ vũ không đi theo chủ nghĩa xã hội nhưng lại theo chủ nghĩa tư bản. Trong tình hình hiện tại, chủ nghĩa xét lại còn độc hại hơn cả giáo điều. Bây giờ chúng ta có một nhiệm vụ quan trọng là mở chiến dịch phê bình chủ nghĩa xé lại trên mặt trận ý thức hệ.

Điều tám và là điều cuối, Đảng ủy cấp tỉnh, thành phố và các vùng tự trị bắc buộc phải giải quyết vấn đề ý thức hệ. Đây là điểm mà một số đồng chí ở đây muốn tôi đề cập. Ở nhiều nơi, các Đảng ủy chưa giải quyết vấn đề ý thức hệ, hoặc chỉ làm rất ít. Chủ yếu là do họ quá bận rộn. Nhưng họ phải lo giải quyết. Khi nói “giải quyết nó”, ý của tôi là nó phải được đưa vào chương trình nghị sự và được thảo luận. Nói chung, các cuộc đấu tranh giai cấp sóng gió trên diện rộng vào thời gian cách mạng đã chấm dứt, nhưng vẫn còn có đấu tranh giai cấp chủ yếu trên các mặt trận chính trị và tư tưởng, và đấu tranh khá kịch liệt.

Vấn đề ý thức hệ bây giờ có tầm quan trọng lớn lao. Bí thư các Đảng bộ của tất cả tỉnh thành và vùng tự trị phải đích thân xử lý vấn đề này, vốn chỉ có thể giải quyết một cách đúng đắn khi được quan tâm đúng mức. Phải tổ chức các cuộc hội họp về công tác tuyên truyền tương tự buổi họp này ở mọi nơi để thảo luận công việc ý thức hệ và tất cả các vấn đề có liên quan. Các cuộc họp như thế phải quy tụ không những cán bộ Đảng mà còn người ngoài Đảng, kể cả người có những ý kiến khác nhau. Như thế sẽ đạt kết quả tốt trong các cuộc họp này, và sẽ không có hại gì, như kinh nghiệm trong đại hội này đã chứng minh.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản dịch Anh văn: Saski Educationhttp://www.sakshieducation.com/(S(13gzvgvinkf3qn45bd3ypo45))/ENGGGStory.aspx?nid=48294&cid=12&sid=128&chid=0&tid=0

Chú thích

(1) Diên An: thủ phủ của một vùng do Mao Trạch Đông quản lý, nơi diễn ra những cuộc chỉnh huấn vào đầu thập kỷ 1940.

Harold Macmillan

Maurice Harold Macmillan (1894-1986) là Thủ tướng Anh quốc trong giai đoạn 1957-1963. Trước đó, ông đã tham gia chiến đấu trong Thế chiến I.

Ông từ chức Thủ tướng năm 1963 vì lý do sức khỏe.

Bài diễn văn “Ngọn gió thay đổi” (1960)

Bài diễn văn “Ngọn gió thay đổi”, do thủ tướng Anh quốc Harold Macmillan đọc ngày 03 tháng 2 năm 1960 trong nhà ăn của Quốc hội Nam Phi, tạo một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh của người da màu ở Châu Phi nói chung, và thể hiện một sự thay đổi về tầm nhìn đối với chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi nói riêng.

Đây là lần đầu tiên, Anh quốc nhìn nhận người da màu ở Châu Phi có quyền tự chủ và Chính phủ Anh cần có chính sách nhằm xem xét điều này. Macmillan cũng cho rằng Anh quốc cần phải hậu thuẫn cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc nhằm làm đối trọng với Nga và Trung quốc vốn đang hậu thuẫn các nước Châu Phi.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:

  • Hạng 4 trong số các bài diễn văn vĩ đại của thế kỷ 20 (báo The Guardian, Anh quốc).
  • Một trong 25 bài diễn văn chính trị hàng đầu mọi thời đại (báo The Telegraph, Anh quốc).

Như tôi đã nói, tôi lấy làm cảm kích được đến nơi đây trong năm 1960 này, khi quý vị đang ăn mừng cái mà tôi có thể gọi là lễ ăn mừng hôn nhân vàng của Liên minh [Nam Phi](1).

Nhân dịp này, kể cũng là điều tự nhiên và đúng mực mà quý vị ngưng công việc để rà soát tình hình của mình, nhìn lại những thành tựu quý vị đạt được, nhìn về những gì có ở phía trước. Trong năm mươi năm lập quốc, người dân Nam Phi đã xây dựng một nền kinh tế trù phú dựa trên nền nông nghiệp lành mạnh, công nghiệp thịnh vượng và kiên trì.

Ai ai cũng có ấn tượng tốt với tiến bộ vật chất vượt bực. Tất cả những điều này đã đạt được trong một thời gian ngắn, minh chứng cho kỹ năng, sức lực và sáng kiến của nhân dân quý vị. Chúng tôi ở Anh quốc lấy làm hãnh diện vì những đóng góp của chúng tôi vào thành tựu đáng kể này. Nhiều thành tựu đã được đầu tư từ nguồn vốn của Anh.

Kh*i đi qua khắp đất nước Liên hiệp, ở đâu tôi cũng thấy điều mà tôi đã chờ đợi: mối ưu tư sâu sắc với những gì đang diễn ra trên phần còn lại của lục địa Châu Phi. Tôi hiểu và cảm thông với những mối quan tâm của quý vị đối với những sự kiện ấy và sự lo âu của quý vị.

Kể từ ngày Đế quốc La Mã tan rã, một trong những sự kiện thường xuyên trong đời sống chính trị ở Châu Âu là sự nổi lên của những quốc gia độc lập. Trải qua nhiều thế kỷ, những quốc gia ấy được thành lập dưới những hình thức khác nhau, với những loại hình chính phủ khác nhau, nhưng tất cả đều lấy cảm hứng từ chủ nghĩa dân tộc vốn trưởng thành trong khi các quốc gia trưởng thành.

Trong thế kỷ 20, và đặc biệt kể từ khi chấm dứt Thế chiến 2, những tiến trình sản sinh các quốc gia mới ở Châu Âu được lặp lại trên toàn thế giới. Chúng ta thấy sự trỗi dậy của ý thức dân tộc ở những người mà hàng thế kỷ trước phải sống tùy thuộc vào một cường quốc nào đấy. Mười lăm năm trước, phong trào này lan đến Châu Á. Nhiều quốc gia ở đó, thuộc những dân tộc và nền văn minh khác nhau, đòi hỏi có đời sống dân tộc độc lập.

Macmillan in South African Parliament
Thủ tướng Macmillan trước Quốc hội Nam Ph

Ngày hôm nay, cùng tiến trình ấy đang diễn ra ở Châu Phi, và ấn tượng mạnh mẽ nhất mà tôi có được kể từ ngày tôi rời London một tháng trước là sức mạnh của ý thức dân tộc ở Châu Phi. Ở những nơi khác nhau, sức mạnh này có những hình thái khác nhau, nhưng nó diễn ra khắp nơi.

Ngọn gió thay đổi đang thổi qua khắp lục địa này, và cho dù chúng ta thích nó hay không, sự phát triển trong ý thức dân tộc là một thực tế chính trị. Tất cả chúng ta nên chấp nhận nó như là một thực tế, và những chính sách quốc gia của chúng ta phải xem xét nó.

Quý vị hiểu vấn đề này rõ hơn ai hết, quý vị khởi phát từ Châu Âu, nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc, ở đây trên Châu Phi chính quý vị đã thành lập một quốc gia độc lập. Cơn triều của ý thức quốc gia đang lên ở Châu Phi là một thực tế, mà cả quý vị và chúng tôi, và những quốc gia của thế giới phương Tây đều cùng có trách nhiệm. Vì lẽ những nguyên nhân của nó bắt nguồn từ những thành tựu của nền văn minh phương Tây, trong việc đẩy về phía trước những biên cương của tri thức, áp dụng khoa học để phục vụ những nhu cầu của con người, và có lẽ trên hết là sự phát triển giáo dục.

Như tôi đã nói, sự lan rộng của ý thức dân tộc ở Châu Phi là một thực tế chính trị, và chúng ta phải chấp nhận như thế. Tôi nghĩ điều này có nghĩa là chúng ta phải thỏa thuận với ý thức đó. Tôi thực lòng tin rằng nếu chúng ta không làm thế, chúng ta có thể làm phương hại cán cân chông chênh giữa phương Đông và phương Tây mà hòa bình thế giới dựa vào đó.

Ngày hôm nay thế giới được chia ra ba nhóm.

Nhóm thứ nhất là nhóm mà chúng ta gọi là các Cường quốc phương Tây. Quý vị ở Nam Phi và chúng tôi ở Anh quốc thuộc về nhóm này, cùng với các thân hữu và đồng minh của chúng ta trong những phần khác của Liên hiệp Anh. Ở Hoa Kỳ và Châu Âu, chúng ta gọi đấy là Thế giới Tự do.

Nhóm thứ nhì là nước Nga Cộng sản cùng các nước vệ tinh của họ và Trung quốc, là nước trong vòng mười năm tới có dân số sẽ tăng lên đến 800 triệu người.

Nhóm thứ ba là những phần khác của thế giới hiện không liên kết, không theo chủ nghĩa Cộng sản hoặc những ý tưởng phương Tây. Trong nhóm này, chúng ta nghĩ trước nhất đến Châu Á rồi đến Châu Phi.

Theo như tôi thấy, vấn đề lớn lao trong nửa phần sau của thế kỷ 20 là liệu các dân tộc không liên kết ở Châu Á và Châu Phi sẽ ngả về phương Đông hay phương Tây? Liệu họ sẽ bị lôi kéo về phe Cộng sản hay không? Hoặc liệu những thử nghiệm to tát về nền tự chủ hiện đang được thực hiện ở Châu Á và Châu Phi, đặc biệt trong Liên hiệp Anh, cho thấy thành công và đưa ra tấm gương mạnh mẽ, đến mức cán cân sẽ nghiêng về phía tự do, trật tự và công lý?

Cuộc đấu tranh được hợp lực, và đó là cuộc đấu tranh giành lấy tâm trí của con người. Cái đang chịu thử thách còn hơn cả sức mạnh quân sự của chúng ta, hoặc kỹ năng ngoại giao và quản trị của chúng ta. Nó là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Các quốc gia không liên kết muốn nhìn thấy trước khi họ chọn lựa.

* * *

Sau khi Macmillan kết thúc bài diễn văn, một số người trong hội trường không vỗ tay để tỏ ý không đồng tình. Đặc biệt, Thủ tướng Nam Phi Hendrik Frensch Verwoerd lịch sự cho biết ông không đồng ý với Macmillan.

Riêng ở Anh quốc, cánh hữu phản đối Macmillan vì nội dung bài diễn văn này.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: History for the Relaxed Historianhttp://www.emersonkent.com/speeches/wind_of_change.htm

John F. Kennedy

John F. Kennedy (1917-1963), thường được đánh giá như là một trong những tổng thống Mỹ vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ và được so sánh với vị vua huyền thoại Camelot của lịch sử Anh. Ông là Tổng thống Công giáo đầu tiên của Mỹ, và là tổng thống trẻ tuổi nhất khi đắc cử (43 tuổi).

Tuổi trẻ của ông là đại diện cho một thế hệ trẻ với khát vọng thay đổi. Ông kêu gọi dân chúng Mỹ tham gia vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.

Tài hùng biện và cách sử dụng ngôn từ của ông – thường có một ít khôi hài nhưng luôn nghiêm túc trong mục đích muốn diễn tả – tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ đương thời trong mỗi chủ đề ông muốn theo đuổi.

“Đừng hỏi tổ quốc sẽ làm gì cho bạn” (1961)

John F. Kennedy đọc bài diễn văn này nhân lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ ngày 20 tháng 1 năm 1961. Bài diễn văn đặt nền tảng cho chính sách ngoại giao của ông, và mở đầu cho sự thành lập Peace Corps [Đoàn Chí nguyện Hòa bình].

Bài diễn văn kết thúc với câu nói sau này trở thành nổi tiếng: “Đừng hỏi tổ quốc sẽ làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn sẽ làm gì cho tổ quốc”.

Bài diễn văn được đồng loạt đánh giá rất cao:

  • Một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).
  • Hạng 2 trong số những bài diễn văn vĩ đại của thế kỷ 20 (Nhật báo The Guardian, Anh quốc).
  • Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.
  • Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (Tạp chí Time, Mỹ).
  • Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng net).
  • Một trong 10 bài diễn văn truyền cảm hứng cao nhất trong lịch sử (trang mạng Urban Titan).
John F. Kennedy Inauguration
Kennedy đọc diễn văn nhậm chức

Thưa Phó Tổng thống Johnson, Ông Chủ tịch Hạ viện, Ông Chánh án Tòa án Tối cao, Phó Tổng thống Nixon, Tổng thống Truman, ngài mục sư, thân hữu đồng bào:

 

Hôm nay không phải chúng ta cử hành nghi thức thắng lợi của một đảng, nhưng là lễ ăn mừng nền tự do – biểu tượng của một kết thúc cũng như của một khởi đầu – thể hiện sự phục hồi cũng như sự thay đổi. Vì lẽ tôi đã tuyên thệ trước quý vị và Thượng Đế Toàn năng cùng một lời thề trang nghiêm mà ông cha chúng ta đã từng tuyên thệ cách đây hơn một thế kỷ ba phần tư.

Thế giới giờ đây khác nhiều. Bởi vì con người đang nắm trong tay sức mạnh vốn có thể tiêu hủy mọi hình thức nghèo đói của con người và mọi hình thức cuộc sống con người. Và tuy thế, chính niềm tin của cuộc cách mạng này mà vì đó ông cha của chúng ta đã chiến đấu hiện vẫn là vấn đề toàn cầu – niềm tin rằng quyền con người không đến từ sự hào phóng của một quốc gia, nhưng từ bàn tay của Thượng Đế.

Ngày nay chúng ta không dám quên rằng chúng ta là hậu duệ của cuộc cách mạng đầu tiên ấy. Hãy để ngôn từ xuất phát từ lúc này và nơi này, đến bạn bè cũng như kẻ thù, rằng ngọn đuốc đã được trao cho một thế hệ mới của người Mỹ – sinh ra trong thế kỷ này, tôi luyện bởi chiến tranh, rèn dũa trong kỷ luật bởi nền hòa bình khó khăn và gian khổ, hãnh diện về di sản của chúng ta – và không muốn làm chứng nhân hay cho phép việc tháo gỡ dù là chậm chạp những quyền con người đó mà Quốc gia này luôn luôn cam kết, và chúng ta cam kết điều này tại quê nhà cũng như trên toàn thế giới.

Cho dù họ mong chúng ta thành công hay thất bại, mọi quốc gia cần biết rằng chúng ta sẽ trả bất kỳ giá nào, chịu bất kỳ gánh nặng nào, đối đầu bất kỳ gian khổ nào, để hỗ trợ bè bạn, chống lại kẻ thù, nhằm bảo đảm sự tồn vinh và thành công của nền tự do.

Đó là những điều chúng ta cam kết – và hơn thế nữa.

Đối với những đồng minh cũ có nguồn gốc văn hóa và tâm linh mà chúng ta chia sẻ, chúng ta cam kết trung kiên với bạn bè đáng tin cậy. Khi đoàn kết thì chúng ta có thể làm được nhiều việc trong nhiều tổ hợp tác. Khi chia rẽ thì chúng ta không làm được bao nhiêu – vì chúng ta không dám đối mặt với thử thách mạnh mẽ ở khắp nơi trong xung đột và chia cắt.

Đối với những quốc gia mới thành lập mà chúng ta chào đón vào hàng ngũ thế giới tự do, chúng ta tỏ ý cam kết rằng sẽ không có việc một hình thức kiểm soát thuộc địa qua đi chỉ để được thay thế bằng một chế độ độc tài sắt máu hơn. Không phải lúc nào chúng ta cũng kỳ vọng họ sẽ luôn hậu thuẫn quan điểm của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ hy vọng thấy họ luôn tự nâng đỡ nền tự do của chính họ – và hãy nhớ rằng, trong quá khứ, những kẻ ngu xuẩn tìm kiếm sức mạnh bằng cách cưỡi cọp sau cùng đã nằm trong bụng cọp.

Với người sống trong chòi tạm bợ và làng mạc khắp địa cầu đang tranh đấu để phá vỡ những trói buộc của cảnh nghèo đói, chúng ta cam kết sẽ nỗ lực tốt nhất để giúp họ được tự lập, cho dù phải mất thời giờ bao lâu chăng nữa – không phải vì người Cộng sản có lẽ đang làm điều này, không phải vì chúng ta tìm kiếm phiếu bầu của họ, nhưng bởi vì đấy là điều đúng lý. Nếu một xã hội tự do không thể giúp đa số nghèo khó, thì nó cũng không thể cứu được thiểu số giàu có.

Với những nước cộng hòa chị em phía nam biên giới, chúng ta đưa ra một cam kết đặc biệt: biến ngôn từ đẹp thành hành động đẹp, trong một liên minh mới cho phát triển, nhằm giúp những người tự do và những chính quyền tự do loại bỏ xiềng xích của nghèo đói. Nhưng cuộc cách mạng ôn hòa của niềm hy vọng này không thể trở thành con mồi cho các siêu cường thù nghịch. Hãy cho các quốc gia láng giềng của chúng ta biết rằng chúng ta sẽ tiếp tay họ để chống lại xâm lược hay lật đổ bất kỳ nơi đâu ở Châu Mỹ. Hãy cho mọi siêu cường khác biết rằng phần bán cầu này có ý định làm chủ ngôi nhà của họ.

Với cơ quan quốc tế của các quốc gia có chủ quyền, Liên Hiệp Quốc, hy vọng tốt đẹp sau cùng của chúng ta trong một thời đại mà vũ khí chiến tranh vượt xa biện pháp hòa bình, chúng ta tái khẳng định sự hậu thuẫn – nhằm ngăn chặn nó chỉ trở thành một diễn đàn để công kích, nhằm tăng cường sức mạnh chống đỡ của những quốc gia mới và yếu thế, và nhằm mở rộng khu vực mà quy định pháp lý có hiệu lực.

Sau cùng, với những quốc gia tự biến mình thành đối phương của chúng ta, chúng ta đưa ra không phải cam kết mà là yêu cầu: rằng hai bên lại bắt đầu mưu cầu hòa bình, trước khi quyền lực đen tối của sự tàn phá được phóng thích bởi khoa học cuốn cả nhân loại vào sự tự hủy diệt hoặc do chủ định hoặc do tai nạn. Chúng ta không dám mời gọi họ bằng sự yếu kém. Vì lẽ khi chúng ta có đủ sức mạnh vượt qua mọi nghi ngờ, chúng ta mới tin chắc rằng họ sẽ không bao giờ triển khai sức mạnh của họ.

Nhưng không ai trong số hai nhóm quốc gia siêu cường có thể an tâm từ con đường hiện tại – cả hai bên đều đang oằn mình dưới chi phí của vũ khí hiện đại, cả hai đã được báo động đúng đắn về sự bành trướng chết người của vũ khí nguyên tử, nhưng cả hai vẫn đang chạy đua hầu thay đổi sự quân bình không chắc chắn đó của khủng bố vốn nằm trong bàn tay của nhân loại trong trận chiến cuối cùng.

Vì vậy chúng ta hãy bắt đầu lại mà nhớ rằng ở cả hai bên, tinh thần văn minh không phải là một dấu hiệu của sự yếu hèn, và tính chân thật luôn cần phải có bằng chứng. Chúng ta đừng thương thuyết vì sợ hãi, nhưng chúng ta đừng bao giờ sợ thương thuyết.

Hai bên cần khai thác những cơ sở giúp đoàn kết chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những vấn đề làm chia rẽ chúng ta.

Lần đầu tiên, hai bên hãy soạn thảo những đề xuất nghiêm túc và chính xác trong việc thanh tra và kiểm soát vũ khí, và mang sức mạnh vô hạn tiêu diệt các quốc gia khác nằm dưới sự kiểm soát tuyệt đối của mọi quốc gia.

Hai bên cần tìm cách phát huy những điều tuyệt vời của khoa học thay vì phát huy tính hủy diệt của nó. Chúng ta hãy cùng nhau khám phá những vì sao, chinh phục sa mạc, xóa bỏ bệnh tật, khai thác lòng đại dương, hỗ trợ nghệ thuật và thương mại.

Hai bên cần đoàn kết để lưu tâm, ở mọi ngõ ngách của trái đất, đến phán quyết của Isaiah – “hãy giải tỏa gánh nặng – và hãy trả tự do cho những kẻ bị áp bức.”

Và nếu sự khởi đầu của việc hợp tác có lẽ đẩy lùi vô số hoài nghi, hãy để cả hai bên cùng nhau tạo nên một nỗ lực mới – không phải là một cân bằng sức mạnh mới, nhưng mà là một thế giới mới của pháp luật – nơi mà kẻ mạnh tỏ ra công bằng và người yếu được an ninh và hòa bình được bảo tồn.

Mọi thứ sẽ không hoàn tất trong vòng 100 ngày đầu tiên. Nó cũng sẽ không hoàn tất trong 1.000 ngày đầu; cũng không hoàn tất trong nhiệm kỳ cơ quan Hành pháp này, và có lẽ là trong cả cuộc đời của chúng ta trên hành tinh này. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu.

Thưa các bạn hữu công dân,

Thành công hay thất bại sau cùng trong đường lối của chúng ta nằm trong tay các bạn hơn là trong tay tôi. Kể từ khi quốc gia này được thành lập, mỗi thế hệ của người Mỹ lại được mời gọi để làm chứng về sự trung thành đối với quốc gia của họ. Những nấm mồ của những người Mỹ trẻ đã trả lời cho tiếng gọi phục vụ đất nước trên toàn thế giới.

Giờ đây, tiếng kèn kêu gọi chúng ta lại vang lên một lần nữa – không phải là lời kêu gọi vũ trang dù rằng vũ khí là vật chúng ta cần – không phải là lời kêu gọi ra chiến trường mặc dù chúng ta đang ở giữa trận tuyến – nhưng là lời kêu gọi để nhận lấy gánh nặng cho một cuộc đấu tranh lâu dài và trong tranh tối trang sáng, hết năm này sang năm khác, “vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn trong nỗi khổ đau”(1) – một cuộc tranh đấu chống lại kẻ thù chung của nhân loại: chuyên chế, nghèo đói, bệnh tật, và chiến tranh.

Để chống lại những kẻ thù này, liệu chúng ta có thể rèn luyện một liên minh to lớn toàn cầu, Bắc và Nam, Đông và Tây, vốn có thể đảm bảo một cuộc sống thành tựu cho tất cả nhân loại hay không? Các bạn sẽ tiếp tay vào nỗ lực lịch sử này hay không?

Trong lịch sử dài của thế giới, chỉ một vài thế hệ được trao nhiệm vụ bảo vệ tự do trong giờ phút lâm nguy. Tôi không chùn chân trong trách nhiệm này – tôi chào đón việc đó. Tôi không tin rằng bất kỳ ai trong chúng ta muốn thay đổi vị trí với bất kỳ người nào khác hay bất kỳ thế hệ nào khác. Năng lực, niềm tin, và sự cống hiến mà chúng ta mang đến với nỗ lực này sẽ thắp sáng đất nước chúng ta và tất cả những ai phụng sự nó. Ánh sáng từ ngọn lửa đó có thể thực sự thắp sáng thế giới.

Vì thế, hỡi các công dân Hoa Kỳ, đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc.

Các công dân trên thế giới, xin đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm gì cho các bạn, mà cùng nhau chúng ta có thể làm gì cho tự do của nhân loại.

Sau cùng, cho dù bạn là công dân Hoa Kỳ hay công dân của thế giới, hãy tự hỏi chính mình các tiêu chuẩn tầm cao về sức mạnh và sự hy sinh mà chúng ta yêu cầu quý vị. Với lương tri nhân hậu là giải thưởng chắc chắn duy nhất cho chúng ta, với lịch sử là lời phán quyết sau cùng cho việc làm của chúng ta, chúng ta hãy tiến tới dẫn dắt đất nước mà chúng ta yêu thương, cầu xin phước lành và sự trợ giúp của Thượng Đế, nhưng phải biết rằng nơi đây trên trái đất này, việc làm của Thượng Đế phải thực sự là của chính chúng ta.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi âm: http://www.bacik.ie/speeches/305%20-%20Pres.%20John%20F.%20Kennedy%20-%20Inaugural%20Address.mp3

Chú thích

(1) Câu trong Kinh Thánh của Vua James, Roman 12:12.

“Một chiến lược cho hòa bình”

Bài diễn văn được đặt tựa đề “Một chiến lược cho hòa bình” là diễn văn lễ tốt nghiệp do Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đọc ngày 10 tháng 6 năm 1963 ở Đại học Mỹ (The American University), Thủ đô Washington, D.C.

Sau vụ Khủng hoảng Tên lửa ở Cuba vào tháng 10-1962, Tổng thống Kennedy quyết định ngăn chặn một đe dọa tương tự đối với chiến tranh nguyên tử. Gặp sự chống đối từ phe diều hâu trong Đảng Cộng hòa và Bộ Ngoại giao, ông vẫn cố thuyết phục họ. Tuy vậy, nội dung “bồ câu” của bài diễn văn được giữ kín đến phút chót vì e ngại có thể gây công kích quá sớm.

Bài diễn văn thấu tình đạt lý ở chỗ Kennedy chỉ không đồng ý với chủ nghĩa cộng sản nhưng không chống người Nga, vẫn ca ngợi người Nga theo nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, ông nhấn mạnh vài lần lòng tin của ông là hòa bình không phải là bất khả thi và chiến tranh không phải là bất khả kháng. Vài lần, ông dùng cụm từ “hai quốc gia chúng ta” để chỉ Nga và Mỹ trong thái độ hòa giải chân thành.

Trong bài diễn văn này, Kennedy cũng loan báo sự phát triển của Hiệp định Cấm Thử nghiệm Hạt nhân và quyết định đơn phương đình chỉ tất cả thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên không trung trong thời gian tất cả các nước khác cũng làm như thế. Bài diễn văn này biểu lộ thiện chí hòa bình một cách bất ngờ đối với Liên bang Xô Viết giữa đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, và được ghi nhớ như là một trong những bài diễn văn hay nhất và quan trọng nhất của Kennedy.

Tóm lại, triết lý của Kennedy diễn giải trong bài diễn văn này là bước đột phá trong Chiến tranh Lạnh Mỹ-Nga thời bấy giờ, và do đó bài diễn văn đáng được xem là một điểm ngoặt quan trọng.

Thưa ông Hiệu trưởng Anderson, thưa ban giảng huấn, thưa hội đồng quản trị, thưa quý vị khách mời, đồng nghiệp kỳ cựu của tôi, Thượng Nghị sĩ Bob Byrd, người đã nhận văn bằng sau nhiều năm buổi tối theo học trường luật, trong khi tôi sẽ nhận văn bằng trong 30 phút nữa. [cười]

Thưa Quý Bà và Quý Ông,

Tôi lấy làm vinh hạnh vô cùng được tham dự buổi lễ này của Đại học Mỹ, được bảo trợ bởi Giáo hội Giám lý(1), được sáng lập bởi Giám mục John Fletcher Hurst và được Tổng thống Woodrow Wilson khánh thành năm 1914. Đây là một đại học non trẻ và đang lớn mạnh, nhưng đáp ứng kỳ vọng được khai sáng của Giám mục Hurst đối với nền học thuật về lịch sử và sự vụ công trong một thành phố được cống hiến cho việc làm nên lịch sử và thực thi công vụ. Qua việc bảo trợ cho cơ sở giáo dục cấp cao này để tạo điều kiện cho tất cả những ai muốn theo học, cho dù màu da hoặc tín ngưỡng của họ như thế nào chăng nữa, các tín đồ Methodist trong vùng này và trên toàn quốc xứng đáng được đất nước cảm ơn, và tôi chúc mừng tất cả những người tốt nghiệp ngày hôm nay.

Giáo sư Woodrow Wilson có lúc nói rằng mọi người sau khi bước ra từ một đại học phải xứng đáng là người của đất nước này cũng như xứng đáng là người của thời đại này, và tôi tin tưởng rằng những đàn ông và phụ nữ tốt nghiệp từ đại học này sẽ tiếp tục cống hiến từ cuộc đời họ, từ tài năng họ, một phần đáng kể về dịch vụ công và hỗ trợ công. John Masefield(2) trong bài tặng các đại học Anh, viết: “Ít có thứ trần tục nào đẹp đẽ hơn là một đại học” – và ngày hôm nay lời của ông vẫn còn đúng. Ông ấy không nói đến những tòa tháp hoặc những khuôn viên đại học. Ông ấy ngưỡng mộ vẻ đẹp huy hoàng của một đại học bởi vì, theo lời ông, “một nơi mà những người kém hiểu biết có thể phấn đấu để biết, nơi mà những người nhận ra công lý có thể phấn đấu để vạch rõ cho những người khác nhận thấy.”

Vì thế, tôi chọn thời điểm này và địa điểm này để thảo luận một chủ đề mà sự kém hiểu biết thì đầy dẫy và công lý hiếm khi được nhận thấy. Đấy là chủ đề quan trọng nhất trên trái đất: hòa bình. Tôi có ý nói loại hòa bình nào và chúng ta muốn theo đuổi loại hòa bình nào? Không phải là loại hòa bình Mỹ theo kiểu Pax Americana do vũ khí chiến tranh Mỹ áp đặt. Không phải là hòa bình của nấm mồ hoặc an ninh của người nô lệ. Tôi đang nói về hòa bình đích thực, loại hòa bình giúp cuộc sống trên trái đất đáng sống, và là loại hòa bình giúp con người và các dân tộc phát triển, hy vọng, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cháu của họ – không chỉ hòa bình cho người Mỹ mà còn là hòa bình cho tất cả đàn ông và phụ nữ, không chỉ hòa bình trong thời đại chúng ta mà còn là hòa bình trong tất cả thời đại.

Tôi nói đến hòa bình bởi vì chiến tranh có một bộ mặt mới. Chiến tranh toàn diện không có nghĩa lý gì trong thời đại mà các cường quốc có thể duy trì những lực lượng nguyên tử lớn, tương đối khó bị xâm phạm, và không chịu nhượng bộ mà chỉ muốn sử dụng những lực lượng ấy. Không có nghĩa lý gì trong một thời đại mà một vũ khí nguyên tử độc nhất chứa gần như mười lần lực nổ do các không lực của Đồng minh thả xuống trong Thế chiến 2. Không có nghĩa lý gì trong một thời đại mà các chất độc chết người trong một cuộc chạm trán nguyên tử được mang theo gió, nước và đất rồi thấm vào sự ra hoa kết trái ở mọi ngõ ngách của quả địa cầu và trong mọi thế hệ sinh ra sau này.

Ngày hôm nay, để gìn giữ hòa bình cần phải chi tiêu hàng tỉ đô la mỗi năm cho các loại vũ khí với mục đích đảm bảo chúng ta chẳng bao giờ cần đến các loại vũ khí ấy. Nhưng chắc chắn là việc chế tạo kho vũ khí nhàn rỗi ấy – vốn chỉ có thể phá hủy mà không tạo ra cái gì cả – không phải là cách thức duy nhất đảm bảo hòa bình, lại càng không phải là cách thức có hiệu năng cao nhất. Vì thế, tôi nói đến hòa bình như là mục đích thiết yếu, có lý lẽ của những con người có lý lẽ. Tôi nhận ra rằng việc theo đuổi hòa bình không kịch tính như là theo đuổi chiến tranh, và thường khi lời lẽ của những người theo đuổi hòa bình rơi vào những đôi tai điếc. Nhưng chúng ta có công việc khẩn cấp hơn.

Một số người nói rằng không ích gì mà nói đến hòa bình hoặc luật lệ thế giới hoặc giải trừ binh bị trên thế giới, và rằng sẽ không ích gì cho đến khi cấp lãnh đạo của Liên bang Xô Viết có thái độ được khai sáng hơn. Tôi hy vọng họ có thái độ ấy. Tôi tin chúng ta có thể giúp họ có thái độ ấy. Nhưng tôi cũng tin rằng chúng ta phải xét lại thái độ của chính chúng ta, như là những cá nhân và như là một dân tộc, bởi vì thái độ của chúng ta cũng thiết yếu như là thái độ của họ. Và tất cả sinh viên tốt nghiệp từ đại học này, tất cả công dân có ý thức chán ghét chương trình và muốn mưu cầu hòa bình, phải bắt đầu bằng cách nhìn lại mình, xem xét thái độ của mình hướng đến những khả dĩ của hòa bình, hướng đến Liên bang Xô Viết, hướng đến tiến trình của chiến tranh lạnh, hướng đến tự do và hòa bình ở quê nhà nơi đây.

Trước nhất, hãy xem xét thái độ của chúng ta hướng đến chính hòa bình. Quá nhiều người trong chúng ta cho rằng không thể làm việc này. Nhưng đấy là ý nghĩ nguy hiểm của con người chủ bại. Ý nghĩ ấy dẫn đến kết luận rằng không tránh khỏi có chiến tranh, rằng nhân loại có số phận bất hạnh, rằng chúng ta bị kìm cặp bởi những thế lực mà chúng ta không thể kiểm soát. Chúng ta không nên chấp nhận quan điểm như thế. Vấn nạn của chúng ta là do con người tạo ra, vì thế phải do con người giải quyết. Con người có thể tỏ ra cao cả theo ý họ muốn. Không có vấn nạn nào của vận mệnh nhân loại vượt quá tầm của con người. Lý lẽ và tinh thần của con người thường giải quyết được những vấn nạn tưởng chừng không thể giải quyết, và chúng ta tin rằng mình có thể làm được điều đó lần nữa. Tôi không nói đến những gì tuyệt đối, ý niệm vô chừng của hòa bình và thiện ý phổ quát mà những kẻ hoang tưởng và cuồng tín chỉ biết nằm mơ. Tôi không phủ nhận giá trị của những hy vọng và ước mơ của chúng ta, nhưng khi lấy đó làm mục tiêu duy nhất và tức thời chúng ta chỉ tổ gây chán nản và hoài nghi.

Thay vào đó, chúng ta hãy tập trung vào loại hòa bình thực tiễn hơn, dễ đạt tới hơn, không phải dựa trên cách mạng đột biến về bản chất con người, mà trên sự chuyển biến tiệm tiến trong các thể chế con người – theo một loạt những hành động cụ thể và những hiệp định có hiệu quả mà tất cả các bên liên hệ đều quan tâm. Không có một chìa khóa duy nhất, đơn giản nào cho loại hòa bình này; không có công thức lớn lao hoặc mầu nhiệm nào cho một hoặc cả hai siêu cường chấp thuận. Hòa bình đích thực phải là sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào, là phần cộng lại của tất cả các động thái. Hòa bình này phải năng động chứ không ù lì, sẵn sàng thay đổi để đáp ứng với thách thức của mỗi thế hệ mới. Bởi vì hòa bình là một tiến trình – một cách thức để giải quyết các vấn đề.

Với hòa bình như thế, vẫn còn có những tranh cãi và những lợi ích xung đột nhau, cũng giống như trong các gia đình và các dân tộc. Giống như hòa bình cộng đồng, hòa bình thế giới không đòi hỏi mỗi người phải yêu thương láng giềng của mình, mà chỉ đòi hỏi họ sống với nhau với lòng bao dung, đưa những tranh chấp đến việc hòa giải công bằng và êm thấm. Lịch sử dạy cho chúng ta biết rằng tình trạng thù nghịch giữa các quốc gia không kéo dài mãi, giống như giữa các cá nhân. Cho dù những thương ghét của chúng ta định hình như thế nào, thời gian và sự kiện sẽ thường mang đến những thay đổi đáng ngạc nhiên giữa các quốc gia và láng giềng. Vì thế, chúng ta hãy kiên trì. Hòa bình không nhất thiết là thiếu khả thi, và chiến tranh không nhất thiết là không tránh được. Bằng cách xác định mục tiêu của chúng ta rõ ràng hơn, bằng cách làm cho tiến trình suôn sẻ hơn và không quá xa vời, chúng ta có thể giúp mọi người trông thấy, đặt hy vọng, và tiến gần đến triển vọng hòa bình.

Và thứ nhì, chúng ta hãy xem xét lại thái độ của chúng ta đối với Liên bang Xô Viết. Quả là điều nản lòng nếu nghĩ rằng cấp lãnh đạo của họ thực sự tin nơi những gì các nhà tuyên truyền của họ viết ra. Quả là điều nản lòng nếu đọc một tài liệu của Xô Viết có thẩm quyền gần đây và thấy từ trang này qua trang khác toàn là những lập luận vô căn cứ đến khó tin, ví dụ như tố cáo đế quốc Mỹ đang chuẩn bị nhiều loại hình chiến tranh đến nỗi có nguy cơ thực sự của một chiến tranh ngăn chặn do đế quốc Mỹ gây ra nhằm chống lại Xô Viết, và rằng các mục tiêu chính trị – mà tôi trích nguyên văn – “của đế quốc Mỹ là nhằm đưa các nước tư bản Châu Âu và các nước khác vào vòng nô dịch về kinh tế và chính trị, và cũng nhằm thống trị thế giới bằng con đường chiến tranh gây hấn.”

Đúng như một câu được viết từ ngày xưa: “Khi không có ai đuổi theo thì kẻ ranh mãnh trốn mất.”(3)

Tuy vậy, thật là buồn khi đọc những phát biểu của Xô Viết như thế mà nhận ra cái hố ngăn cách giữa hai bên. Nhưng đó cũng là lời cảnh báo, một cảnh báo cho nhân dân Mỹ là đừng sa vào cùng cái bẫy như Xô Viết, đừng chỉ nhìn thấy quan điểm méo mó và vô vọng của bên kia, đừng xem xung đột là chuyện bất khả kháng, đừng xem hòa giải là bất khả thi, và đừng xem thông tin qua lại chỉ là trao đổi những lời đe dọa.

Không có hệ thống chính phủ hoặc xã hội nào xấu xa đến mức phải xem nhân dân họ là thiếu đức hạnh. […] Chúng ta vẫn ca ngợi người Nga vì những thành tựu của họ trong khoa học và không gian, trong sự tăng trưởng kinh tế và công nghiệp, trong văn hóa, trong những hành động dũng cảm.

Trong số những tính chất mà dân tộc hai nước có điểm chung, không có tính chất nào mạnh hơn là sự chán ghét chiến tranh. Giữa các cường quốc, điểm độc đáo là hai nước chưa hề lâm vào cảnh chiến tranh với nhau. Không có quốc gia nào trong lịch sử chiến tranh chịu thiệt hại nặng nề như Liên bang Xô Viết trong Thế chiến 2. Ít nhất 20 triệu người [Nga] bỏ mình. Hàng triệu người có nhà cửa bị đốt phá. Một phần ba lãnh thổ, kể cả hai phần ba cơ sở công nghiệp, bị biến thành đất hoang – thiệt hại tương đương với phần đất của Mỹ phía đông Chicago.

Ngày hôm nay, giả dụ chiến tranh lại bộc phát – không cần biết bộc phát như thế nào – hai nước chúng ta sẽ là mục tiêu chính yếu. Điều trái khoáy nhưng xác thực là hai cường quốc mạnh nhất lại có nguy cơ bị tàn phá lớn nhất. Tất cả những gì chúng ta xây dựng, tất cả những gì chúng ta bỏ công sức ra, sẽ bị phá hủy trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên. Thậm chí trong Chiến tranh Lạnh, vốn mang gánh nặng và nguy cơ đến nhiều quốc gia kể cả những đồng minh thân thiết nhất của đất nước này, hai quốc gia chúng ta mang gánh nặng to tát nhất. Bởi vì hai chúng ta đang đổ nhiều tiền của cho các loại vũ khí trong khi đáng lẽ nên dùng tiền để chống dốt nát, đói nghèo và bệnh tật. Tóm lại, cả hai bên Hoa Kỳ và Liên Xô cùng đồng minh của mỗi bên đều có lợi ích hỗ tương sâu sắc trong một nền hòa bình công bằng và đích thực và trong việc ngưng chạy đua vũ trang. Những hiệp ước cho điều này nằm trong lợi ích của Liên Xô cũng như của chúng ta. Ngay cả những quốc gia thù nghịch nhất cũng có thể chấp nhận và duy trì những ràng buộc theo hiệp ước đó, và chỉ những ràng buộc theo hiệp ước đó thôi.

Thế thì chúng ta không nên mù quáng với những khác biệt, nhưng hãy hướng tới những lợi ích chung và những cách thức nhằm giải quyết những khác biệt. Nếu bây giờ chúng ta chưa thể chấm dứt những khác biệt, thì ít nhất chúng ta có thể giúp thế giới an toàn hơn đối với sự đa dạng. Bởi lẽ trong phân tích cuối cùng, mối quan hệ cơ bản chung là tất cả chúng ta cùng sống trên hành tinh này. Chúng ta cùng thở chung một bầu không khí. Chúng ta chăm lo cho tương lai của con cái mình. Và tất cả chúng ta không phải là bất tử.

Thứ ba, chúng ta hãy xem xét lại thái độ của mình đối với chiến tranh lạnh trong khi nhớ rằng chúng ta không tham gia vào một cuộc tranh cãi cứ cố chồng chất những vấn đề tranh luận. Chúng ta không đổ lỗi cho nhau hoặc vạch mặt chỉ tên lẫn nhau. Chúng ta phải đối phó với thế giới theo hiện trạng của nó, chứ không phải theo những gì nó đáng phải thay đổi trong 18 năm qua. Vì thế, chúng ta phải kiên trì tìm kiếm hòa bình trong niềm hy vọng là những thay đổi có tính xây dựng trong khối Cộng sản có thể mang cách giải quyết đến gần hơn trong khi hiện giờ có vẻ như còn xa vời. Chúng ta phải thực hiện những sự vụ của mình hầu những người Cộng sản thấy họ có lợi ích để thỏa hiệp cho một nền hòa bình đích thực. Trên hết, trong khi vẫn bảo vệ những lợi ích thiết yếu của chúng ta, các cường quốc hạt nhân phải tránh những đối đầu vốn có thể khiến cho đối phương phải lựa chọn hoặc là rút lui trong nhục nhã hoặc là chiến tranh hạt nhân. Trong thời đại hạt nhân mà lại đi theo con đường ấy sẽ là sự phá sản về chính sách – hoặc là mong chờ cái chết chung cho thế giới.

Để đảm bảo những mục tiêu ấy, vũ khí của Mỹ không có tính khiêu khích, được kiểm soát cẩn thận, được thiết kế để răn đe, và có khả năng sử dụng theo chọn lựa. Lực lượng vũ trang của chúng ta được chỉ thị phải tránh gây hiềm khích không cần thiết và tránh sự đối nghịch chỉ có tính hùng biện. Vì lẽ chúng ta có thể tìm cách làm giãn những căng thẳng mà không giãn sự phòng bị. Về phần mình, chúng ta không cần phải đe dọa để chứng tỏ mình kiên quyết. Chúng ta không cần phải phá sóng phát thanh nước ngoài vì sợ lòng tin của mình lung lay. Chúng ta không áp đặt hệ thống của mình lên dân tộc nếu họ không muốn, nhưng chúng ta sẵn lòng và có thể tham gia vào sự cạnh tranh hòa bình với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới.

Cùng lúc ấy, chúng ta tìm cách củng cố Liên Hiệp Quốc nhằm giải quyết những vấn nạn về tài chính, nhằm làm cho công cụ hòa bình có hiệu quả, hoặc nhằm phát triển công cụ đó thành một hệ thống an ninh toàn cầu đích thực, và nhằm tạo thuận lợi để loại bỏ vũ khí. Cùng lúc, chúng ta tìm kiếm bên trong thế giới không Cộng sản, nơi mà nhiều quốc gia, tất cả đều là bạn của chúng ta, bị chia rẽ do những vấn đề làm yếu đi tình đoàn kết của phương Tây, khiến cho Cộng sản can thiệp hoặc đe dọa gây chiến tranh. […]

Nói đến những quốc gia khác, tôi muốn làm rõ một điều. Chúng ta nối kết với những quốc gia khác qua các liên minh. Các liên minh này hiện hữu bởi vì những mối quan tâm của chúng ta và của họ trùng hợp nhau đáng kể. Lấy ví dụ, sự cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ Tây Âu và Tây Berlin là không suy giảm do những lợi ích thiết yếu của chúng ta. Hoa Kỳ sẽ không thỏa hiệp với Liên Xô khi những quốc gia và dân tộc khác chịu thiệt thòi, không phải chỉ vì họ là đối tác của chúng ta mà còn vì những lợi ích của họ và của chúng ta hội tụ nhau. Tuy nhiên, những lợi ích của chúng ta hội tụ nhau không chỉ để bảo vệ biên cương của nền tự do, mà còn để theo đuổi tiến trình hòa bình. Hy vọng của chúng ta, và mục tiêu của chính sách liên minh, là thuyết phục Liên Xô cũng nên để cho mỗi quốc gia chọn lựa tương lai cho riêng họ, chừng nào mà chọn lựa ấy không ngáng trở chọn lựa của những người khác. […]

Điều này sẽ đòi hỏi một nỗ lực mới nhằm đạt đến lề luật thế giới, một khung cảnh mới cho những cuộc thảo luận trên thế giới. Điều này sẽ đòi hỏi thêm sự thấu hiểu giữa Xô Viết và chúng ta. Và thêm thấu hiểu sẽ đòi hỏi sự tiếp xúc và thông tin liên lạc. Bước đi của chúng ta theo hướng này là đề xuất một đường dây nóng giữa Moskva và Washington, nhằm tránh cho mỗi bên những sự chậm trễ nguy hiểm, những hiểu lầm và những diễn giải sai lạc về động thái của bên kia vốn có thể xảy ra vào thời gian khủng hoảng.

Chúng ta đàm phán ở Geneva về những biện pháp bước đầu của chúng ta trong việc kiểm soát vũ khí nhằm giới hạn mức độ thi đua vũ trang và giảm nguy cơ chiến tranh đột xuất. Tuy nhiên, mối quan tâm dài hạn chủ yếu của chúng ta ở Geneva là từng bước giải trừ binh bị tổng quát và toàn diện, cho phép những sự phát triển chính trị song song nhằm thành lập những thể chế cho hòa bình để thay thế cho vũ khí. Việc theo đuổi giải trừ binh bị là một nỗ lực của Chính phủ này kể từ thập kỷ 1920’s. Ba chính quyền khẩn trương theo đuổi. Cho dù ngày hôm nay triển vọng mù mịt như thế nào, chúng ta vẫn tiếp tục nỗ lực ấy – tiếp tục hầu tất cả các quốc gia, kể cả chúng ta, có thể nhận ra đâu là những vấn đề và khả năng của giải trừ binh bị.

Hồi kết hiện ra cho lĩnh vực chủ yếu duy nhất của các cuộc đàm phán ấy, tuy thế điều thiết yếu là cần phải có một hiệp định cấm thử hạt nhân. Việc kết thúc hiệp định ấy, thật gần mà cũng thật xa vời, sẽ kiểm soát sự leo thang vũ trang ở một trong những khu vực nguy hiểm nhất. Nó sẽ đặt các cường quốc hạt nhân vào vị thế đương đầu hữu hiệu hơn với một trong những mối nguy hiểm lớn lao nhất mà con người đối mặt năm 1963(4), đấy là sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Nó sẽ củng cố an ninh của chúng ta; nó sẽ giảm nguy cơ chiến tranh. Mục tiêu này chắc chắn là đủ quan trọng cho chúng ta kiên trì theo đuổi mà không ngã lòng để rời bỏ cả nỗ lực hoặc rời bỏ sự đòi hỏi những che chở trọng yếu và có trách nhiệm.

Vì thế, nhân cơ hội này tôi thông báo hai quyết định quan trọng.

Trước nhất, Tổng Bí thư Khrushchev, Thủ tướng Macmillan và tôi đồng ý mở các cuộc thảo luận cấp cao sắp tới ở Moskva nhằm sớm đạt một hiệp định cấm thử hạt nhân. Hy vọng của chúng ta có chừng mực – hy vọng của chúng ta phải có chừng mực với cảnh báo của lịch sử; nhưng hy vọng của cả nhân loại đi theo hy vọng của chúng ta.

Thứ hai, để làm rõ thiện chí của chúng ta và niềm xác tín long trọng của chúng ta vào việc này, bây giờ tôi tuyên bố Hoa Kỳ đề xuất sẽ không thử hạt nhân trên không trung chừng nào mà các quốc gia khác cũng không làm việc này. Chúng ta sẽ không là quốc gia đầu tiên thử lại. Tuyên bố này không thay thế cho một hiệp định có hiệu lực ràng buộc chính thức, nhưng tôi hy vọng nó sẽ giúp chúng ta đạt đến hiệp định ấy. Nó cũng không thay thế việc giải trừ binh bị, nhưng tôi hy vọng nó sẽ giúp chúng ta đạt đến việc giải trừ ấy.

Cuối cùng, hỡi các bạn Mỹ của tôi, chúng ta hãy xem xét thái độ của chúng ta đối với bình an và tự do trên đất nước này. Chất lượng và tinh thần của xã hội chúng ta phải minh chứng và hỗ trợ những nỗ lực của chúng ta ở nước ngoài. Chúng ta phải tỏ rõ điều đó khi cống hiến cuộc đời mình – vì nhiều người trong số các bạn tốt nghiệp ngày hôm nay sẽ có cơ hội làm việc ấy, bằng cách phục vụ không lương trong Đoàn Chí nguyện Hòa bình ở nước ngoài hoặc trong Đoàn Dịch vụ Quốc gia trong nước. Nhưng dù ở đâu, trong cuộc sống hằng ngày của mình, tất cả chúng ta tỏ ra phải xứng đáng với niềm tin kỳ cựu là bình an và tự do đi bên nhau.

Ngày hôm nay, ở quá nhiều thành phố của chúng ta, bình an không được đảm bảo bởi vì tự do không được toàn vẹn. Ngành hành pháp ở mọi cấp chính quyền – địa phương, cấp bang và cấp quốc gia – có trách nhiệm trong chức năng của mình bằng mọi cách phải tạo dựng và bảo vệ tự do cho tất cả công dân của chúng ta. Ngành lập pháp ở mọi cấp có trách nhiệm củng cố chức năng nếu chức năng còn yếu kém. Tất cả công dân ở mọi nơi trên đất nước này có trách nhiệm tôn trọng quyền của người khác và tôn trọng pháp luật của đất nước.

Tất cả những điều này – Tất cả những điều này đều liên quan đến hòa bình thế giới. Kinh Thánh bảo chúng ta: “Khi một người có cung cách làm vui lòng Chúa thì Người sẽ làm cho kẻ thù của ông ta tỏ ra bình an với ông ta.” Trong phân tích chung cục, phải chăng không chỉ là bình an mà cơ bản là nhân quyền: quyền được sống cuộc đời mà không lo sợ tàn phá; quyền được hít thở không khí như thiên nhiên cung cấp; quyền của các thế hệ tương lai trong sự hiện hữu lành mạnh?

Trong khi chúng ta kiếm tìm sự bảo vệ những quyền lợi quốc gia của mình, chúng ta cũng nên bảo vệ quyền lợi của con người. Việc xóa bỏ chiến tranh và vũ khí phục vụ quyền lợi của cả hai. Không có hiệp định nào cho dù phục vụ quyền lợi của tất cả như thế nào, cho dù có ngôn từ chặt chẽ như thế nào, lại có thể đảm bảo an ninh tuyệt đối chống lại sự lừa dối và tránh né. Nhưng nếu được thực thi đủ nghiêm chỉnh, và thực thi trong lợi ích của các bên ký kết, thì nó mang lại an ninh hơn nhiều và ít nguy cơ hơn nhiều so với việc chạy đua vũ trang không ngừng nghỉ, thiếu kiểm soát, không lường trước được.

Như thế giới đã biết, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ khởi động chiến tranh. Chúng ta không muốn chiến tranh. Bây giờ chúng ta không trông mong chiến tranh. Thế hệ người Mỹ này có đủ – có quá đủ – chiến tranh, thù hận và áp bức.

Chúng ta sẵn sàng nếu các quốc gia khác muốn chiến tranh. Chúng ta sẽ cảnh giác để ngăn chặn chiến tranh. Nhưng chúng ta cũng muốn làm phần việc của mình để xây dựng một thế giới hòa bình trong đó người yếu được an toàn và người mạnh tỏ ra công bằng. Chúng ta không cảm thấy vô tích sự trước việc này và cũng không cảm thấy vô vọng về sự thành công. Với lòng tự tin và dũng cảm, chúng ta phải chịu nhọc nhằn – không phải hướng đến sự thủy diệt mà hướng đến một chiến lược hòa bình.

Tổng Bí thư Nga Khrushchev có ấn tượng với bài diễn văn của Kennedy. Ông nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ rằng đó là “bài diễn văn vĩ đại nhất của một tổng thống Mỹ kể từ thời Roosevelt.”

Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Nguyên tử Từng phần được Liên bang Xô Viết, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh ký kết ngày 05 tháng 8 năm 1963, ít lâu sau đó được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn và được Kennedy ban hành thành luật.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: American Universityhttp://www1.media.american.edu/speeches/Kennedy.htm

Chú thích

(1) Giáo hội Giám Lý (Anh ngữ: Methodist) xuất xứ từ Anh quốc vào thế kỷ 18, nhấn mạnh yếu tố mọi người đều có thể được cứu rỗi, có nghi lễ đơn giản, chú trọng đến sự thành tâm khi thờ phượng. Hiện có khoảng 80 triệu tín hữu Giám Lý trên khắp thế giới.

(2) John Edward Masefield (1878-1967): tác gia và nhà thơ người Anh.

(3) Câu trích trong Kinh Thánh.

(4) 1963: năm diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba khiến cho thế giới ở trên bờ vực chiến tranh hạt nhân.

(5) Douglass, James W. JFK and the Unspeakbale. Why he died and why it matters. Maryknoll, NY, Orbis Books, 2008, p. 45-46. ISBN 978-1-57075-755-6`

James Watson

Tiến sĩ James Dewey Watson (1928- ), người Mỹ, là nhà sinh vật học phân tử, nhà di truyền học và nhà động vật học, được biết tiếng là người cùng với Francis Crick và Rosalind Franklin tìm ra cấu trúc của DNA vào năm 1953. Phát kiến này là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành sinh vật học, di truyền học và y khoa, như Watson nhận xét: “một thế giới mới đã được mở ra”.

Sau khi lấy bằng Cử nhân tại Đại học Chicago năm 1947 và bằng Tiến sĩ tại Đại học Indiana năm 1950, TS James Watson được nhận vào Phòng thí nghiệm Cavendish của Đại học Cambridge ở Anh quốc, cùng làm việc với người bạn mới Francis Crick.

Vào năm 1962, Watson, Crick, và Maurice Wilkins cùng chia nhau Giải Nobel Sinh lý hoặc Y khoa “vì những phát kiến liên quan đến cấu trúc phân từ của các acit nucleic và tầm quan trọng của cấu trúc này trong việc truyền tải thông tin trong vật chất sống”.

Năm 2012, cả hai ông Watson và Crick được Tạp chí Time bình chọn là hai trong 100 nhân vật của mọi thời đại.

Diễn văn chiêu đãi Nobel Y khoa

Dưới đây là Bài diễn văn chiêu đãi Nobel Y khoa ngày 10 tháng 12 năm 1962 của James Watson tại Stockholm, Thụy Điển.

Francis Crick(1) và Maurice Wilkins(2) yêu cầu tôi đáp lời cho cả ba chúng tôi. Nhưng vì khó mà truyền đạt cảm nghĩ cá nhân của người khác, tôi xin nói cho chính mình.

James Watson with ADN model, 1957
James Watson với mô hình ADN

Buổi tối này chắc chắn là thời khắc tuyệt vời thứ nhì trong đời tôi. Thời khắc tuyệt vời thứ nhất là khi chúng tôi tìm ra cấu trúc của DNA. Vào lúc ấy, chúng tôi biết rằng một thế giới mới đã được mở ra và rằng một thế giới xưa cũ trông có vẻ như kỳ bí đã qua đi. Tôi là nhà sinh vật học trong khi hai bạn tôi, Maurice và Francis, là nhà vật lý học. Tôi non nớt hơn hai người nhiều, và tôi chỉ có thể đóng góp vào công trình này là nhờ có Maurice và Francis.

Vào lúc ấy, có một số nhà sinh vật học không đồng cảm với chúng tôi bởi vì chúng tôi muốn giải đoán một chân lý sinh vật học bằng phương cách vật lý học. Nhưng may mắn là một số nhà vật lý học nghĩ rằng qua việc áp dụng những kỹ thuật vật lý học và hóa học, một đóng góp vào sinh vật học có thể trở thành hiện thực. Giáo sư Bragg(3), giám đốc của chúng tôi ở Cavendish và Giáo sư Nields Bohr thường bày tỏ niềm tin rằng vật lý học có thể hỗ trợ sinh vật học. Việc hai nhân vật vĩ đại này tin tưởng nơi đường hướng ấy tạo nhiều thuận lợi cho chúng tôi tiến bước.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là khoa học đúng đắn như là hướng đi của cuộc đời thì đôi khi gặp khó khăn. Thường thì bạn khó có đủ tự tin để biết tương lai thật sự đi về đâu. Vì thế mà chúng tôi phải tin tưởng vững chắc nơi ý tưởng của mình, thường đến mức đồng nghiệp của chúng tôi có vẻ như tỏ ra mệt mỏi và chán ngán đối với những ý tưởng ấy, thậm chí còn chế nhạo những đồng nghiệp của tôi. Vài người còn nghĩ Maurice thật là kỳ lạ, và những người khác kể cả tôi nghĩ Francis nhiều lúc gặp khó khăn. May mắn là chúng tôi đang làm việc giữa những người khôn ngoan và dễ chịu đựng, những người thấu hiểu tinh thần khám phá khoa học và những điều kiện cần thiết để khởi sinh tinh thần ấy. Tôi cảm thấy điều quan trọng, đặc biệt đối với chúng tôi khi được vinh danh từng cá nhân, là nhớ rằng khoa học tự nó không đứng một mình, nhưng là thành quả sáng tạo của chính con người.

Chúng ta phải tiếp tục làm việc trong tinh thần con người mà chúng ta sinh trưởng trong đó. Nếu thế, chúng ta cần giúp đảm bảo khoa học của chúng ta sẽ tiếp tục và nền văn minh của chúng ta sẽ vươn lên.

Chúng tôi cảm ơn quý vị rất nhiều vì vinh dự sâu sắc này.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: James Watson banquet speech –  http://nobelprize.org/nobel_prizes/medicine/laureates/1962/watson-speech.html

Chú thích

(1) Francis Harry Compton Crick (1916-2004): người Anh, nhà sinh vật học phân tử, sinh vật lý học và nhà khoa học thần kinh.

(2) Maurice Hugh Frederick Wilkins (1916-2004): người Anh gốc Tân Tây Lan, nhà vật lý học và sinh vật học phân tử.

(3) Sir William Lawrence Bragg (1890-1971): cùng với cha là Sir William Henry Bragg chia nhau Giải Nobel Vật lý năm 1915 vì thành tựu trong việc phân tích kết cấu tinh thể bằng cách sử dụng quang tuyến X.

Nelson Mandela

Nelson Mandela (1918-2013) là nhà hoạt động chính trị người Nam Phi, tổng thống người da màu đầu tiên của Nam Phi trong giai đoạn 1994-1999.

Sinh ra là con của một tù trưởng bộ tộc Tembu, nhưng ông từ bỏ quyền kế vị tù trưởng để chọn con đường chính trị. Ông học luật và hành nghề luật sư một thời gian ở Johannesburg, thủ đô của Nam Phi. Năm 1944, ông gia nhập Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress – ANC) và tạo dựng Đoàn Thanh niên (Youth League) thành một thế mạnh.

Mandela được trao tặng Giải Nobel Hòa bình năm 1993.

Tạp chí Time bình chọn ông là một trong 10 người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

“Một lý tưởng mà tôi sẵn sàng chết vì nó”

Năm 1962, Nelson Mandela bị cảnh sát an ninh Nam Phi bắt giữ vì ông chống đối chính sách kỳ thị chủng tộc của thiểu số người da trắng đang cầm quyền. Năm 1964, chính quyền cáo buộc ông thêm các tội danh phá hoại, phản quốc và âm mưu lật đổ nhà nước.

Dưới đây là phát biểu của Nelson Mandela trong phiên tòa xử ông ngày 20 tháng 4 năm 1964. Bài phát biểu dài trình bày khúc chiết quan điểm và phương cách của Mandela trong cuộc đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc.

Bài phát biểu được đánh giá như sau:

  • Hạng 3 trong số các bài diễn văn vĩ đại của thế kỷ 20 (nhật báo The Guardian, Anh quốc).
  • Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.
  • Một trong 13 bài diễn văn hay nhất mọi thời đại (trang mạng MSN News).
  • Một trong 10 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng net).

[…]

Nelson Mandela
Nelson Mandela

Khi còn nhỏ ở Transkei, tôi nghe các bậc trưởng thượng của bộ tộc tôi kể những câu chuyện thời xa xưa. Trong số các mẩu chuyện, họ kể cho tôi nghe về những cuộc chiến của tổ tiên tôi nhằm bảo vệ quê cha đất tổ. […] Lúc ấy tôi hy vọng là cuộc đời sẽ cho tôi cơ hội phục vụ dân tộc và đóng góp phần khiêm tốn trong cuộc đấu tranh giành tự do của họ. Đấy là động lực của tôi liên quan đến những cáo giác đối với tôi trong trường hợp này.

[…] Tôi không phủ nhận là mình lên kế hoạch phá hoại. Tôi không trù hoạch với đầu óc khinh suất, và tôi cũng không thích bạo lực. Tôi trù hoạch do kết quả của một sự đánh giá trầm tĩnh và tỉnh táo về tình hình chính trị diễn ra sau nhiều năm dân tộc tôi bị người da trắng chuyên chế bóc lột và áp bức.

Tôi nhìn nhận ngay rằng tôi là một trong những người giúp thành lập tổ chức Ngọn giáo của Quốc gia(1), và rằng tôi đóng vai trò trong những sự vụ của tổ chức này cho đến khi tôi bị bắt vào tháng 8 năm 1962. […]

Tôi phủ nhận Ngọn giáo của Quốc gia có trách nhiệm cho một số động thái vốn rõ ràng nằm ngoài chính sách của tổ chức […] Để chứng tỏ rằng Ngọn giáo của Quốc gia không chỉ đạo cho các động thái ấy, tôi muốn nói ngắn gọn về gốc rễ và chính sách của tổ chức này.

Tôi và những người khác có hai lý do để thành lập Ngọn giáo của Quốc gia. Thứ nhất, chúng tôi tin rằng vì chính sách của Chính phủ mà người dân Nam Phi không tránh khỏi trở thành bạo động, nên nếu không có cơ cấu lãnh đạo có trách nhiệm nhằm kiểm soát những cơn xúc động của người dân thì khủng bố sẽ bùng nổ, gây ra bất mãn và hận thù giữa các dân tộc trên đất nước mà không phải do chiến tranh tạo ra.

Thứ hai, chúng tôi nghĩ rằng nếu không có bạo lực thì người dân Nam Phi không có con đường nào mở rộng để đi đến thành công trong cuộc tranh đấu chống lại nguyên tắc thống trị của người da trắng. Ngành lập pháp đóng sập cánh cửa đối với tất cả những cách thức hợp pháp để bày tỏ sự chống đối lại nguyên tắc ấy, và chúng tôi bị đẩy vào tình thế hoặc là vĩnh viễn chấp nhận vị thế thứ yếu, hoặc là bất tuân Chính phủ. Chúng tôi chọn cách bất tuân Chính phủ. Trước nhất chúng tôi vi phạm điều luật theo cách tránh đi đến bạo lực, điều mà ngành lập pháp ngăn cấm, và rồi Chính phủ chọn cách biểu dương lực lượng để nghiền nát sự chống đối, chỉ đến lúc ấy chúng tôi mới trả lời bạo lực bằng bạo lực.

Nhưng cách thức bạo lực mà chúng tôi chọn không phải là khủng bố. Những người trong chúng tôi thành lập Umkhonto là thành viên của Đại hội Dân tộc Phi (ANC), có truyền thống bất bạo động và đàm phán nhằm giải quyết những tranh cãi chính trị. Chúng tôi tin rằng Nam Phi là thuộc về tất cả dân tộc sống trên đó, dù da màu hay da trắng. Chúng tôi không muốn có chiến tranh giữa các chủng tộc, mà trái lại muốn tránh chiến tranh cho đến giờ chót. Nếu Quý Tòa nghi ngờ về điều này, thì sẽ thấy rằng cả lịch sử tổ chức chúng tôi minh chứng cho điều tôi đã nói. […]

Đại hội Dân tộc Phi được thành lập năm 1912 nhằm bảo vệ quyền của người Châu Phi… Trong 32 năm – đấy là cho đến năm 1949 – đảng luôn theo nguyên tắc đấu tranh hợp hiến. Đảng đưa ra những yêu cầu và nghị quyết; cử đại diện đến gặp Chính phủ trong niềm tin rằng có thể giải quyết những mối bất bình qua việc thảo luận ôn hòa, và rằng người Phi có thể dần dà đạt quyền chính trị. Nhưng các Chính phủ người da trắng lại thờ ơ, và người dân có quyền ít hơn thay vì nhiều hơn. Trong lời nói của lãnh đạo chúng tôi, Tù trưởng Lutuli, Chủ tịch đảng ANC năm 1952 và sau đó nhận Giải Nobel Hòa bình:

Ai phủ nhận là ba mươi năm trong đời tôi trải qua trong vô vọng, một cách kiên nhẫn, một cách ôn hòa, và một cách khiêm tốn ở cánh cửa đóng lại và ngăn cấm? Tính ôn hòa mang lại thành quả gì? Ba mươi năm qua chứng kiến nhiều quy định hạn chế quyền và sự tiến bộ của chúng tôi, cho đến ngày hôm nay chúng tôi đi đến một giai đoạn mà chúng tôi hầu như chẳng còn quyền gì cả.”

Ngay cả sau năm 1949, ANC vẫn còn kiên quyết tránh bạo lực. Tuy nhiên, vào lúc ấy có một thay đổi từ phương thức phản đối hoàn toàn hợp hiến vốn được áp dụng trong quá khứ. Sự thay đổi được ghi trong một quyết định đưa ra để phản đối chống luật lệ phân biệt chủng tộc qua cách tuần hành ôn hòa, tuy phạm pháp, chống lại vài điều luật. Khi theo đuổi chính sách này, ANC phát động Chiến dịch Bất tuân, trong đó tôi phụ trách các tình nguyện viên. Chiến dịch này dựa trên những nguyên tắc đối kháng thụ động. Trên 8.500 người bất tuân các điều luật về phân biệt chủng tộc và vào tù. Tuy thế, không hề có bất kỳ trường hợp bạo lực nào về phía những người bất tuân trong suốt tiến trình của chiến dịch này. Tôi và 19 bạn đồng sự bị kết tội vì vai trò tổ chức chiến dịch, nhưng bản án của chúng tôi được treo bởi vì vị Chánh án thấy rằng chúng tôi xuyên suốt nhấn mạnh tính kỷ luật và bất bạo động.

Đấy là vào lúc bộ phận tình nguyện của ANC được thành lập và khi cụm từ “thách thức cái chết” lần đầu tiên được sử dụng: đấy là lúc khi các tình nguyện viên được yêu cầu cam kết duy trì những nguyên tắc ấy. Chứng cứ liên quan đến các tình nguyện viên và cam kết của họ được đưa ra trong trường hợp này, nhưng hoàn toàn lạc đề. Các tình nguyện viên đã không phải – và hiện vẫn không phải – là binh sĩ của một đội quân đen thề chiến đấu trong một cuộc nội chiến chống lại người da trắng. Họ đã là và hiện là những công nhân tận tâm được chuẩn bị nhằm dẫn đầu những chiến dịch do ANC phát động để phân phát những tờ bướm, để tổ chức những cuộc đình công, hoặc làm bất cứ việc gì mà chiến dịch yêu cầu. Họ được gọi là tình nguyện viên bởi vì họ tình nguyện đối mặt với án tù và đánh đập mà bây giờ luật đặt ra.

[…]

Năm 1960, có vụ nổ súng ở Sharpeville, dẫn đến việc công bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố ANC là tổ chức bất hợp pháp. Sau khi xem xét cẩn thận, các đồng sự của tôi và tôi quyết định không thi hành theo lệnh này. Người Phi không phải là một phần của Chính phủ và không làm ra những điều luật chi phối họ. Chúng tôi tin vào ngôn từ của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, nói rằng “ý nguyện của người dân phải là cơ sở cho quyền hành của Chính phủ”, và đối với chúng tôi chấp nhận sự cấm đoán thì tương đương với việc chấp nhận dập tắt vĩnh viễn tiếng nói của người Phi. ANC từ chối giải tán, nhưng thay vào đó là hoạt động bí mật. Chúng tôi tin nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì tổ chức này vốn được gầy dựng trong gần 50 năm nhọc nhằn không ngừng. Tôi nghĩ không có tổ chức nào của người da trắng tự trọng lại tự giải tán do lệnh của chính phủ mà họ không tham gia tuyên bố bất hợp pháp.

Năm 1960, Chính phủ tổ chức trưng cầu ý dân dẫn đến việc thành lập nền Cộng hòa. Người Phi chiếm khoảng 70 phần trăm dân số Nam Phi lại không được đi bỏ phiếu, thậm chí không được tham khảo về đề xuất thay đổi hiến pháp. Tất cả chúng tôi đều lo lắng về tương lai của mình dưới nền Cộng hòa của người da trắng, và một nghị quyết được đưa ra nhằm tổ chức Hội nghị toàn người Phi để đi đến một Đại hội Quốc gia, và nhằm tổ chức những cuộc tổng tuần hành trước ngày thành lập nền Cộng hòa không mong muốn, nếu Chính phủ không triệu tập Đại hội. Người Phi của mọi đảng phái tham dự Hội nghị người Phi. Tôi là Thư ký hội nghị và nhận trách nhiệm tổ chức phong trào ở trong nhà trên toàn quốc, để trùng hợp với việc tuyên cáo nền Cộng hòa. Vì lẽ tất cả các cuộc đình công của người Phi đều bất hợp lệ, người tổ chức đình công phải tránh bị bắt. Tôi được chọn làm người ấy, thế nên tôi phải rời khỏi nhà và gia đình cùng công ăn việc làm và đi ẩn náu để tránh bị bắt.

Theo chính sách của ANC, phong trào ở trong nhà là cuộc biểu dương ôn hòa. Những người tổ chức và thành viên được chỉ thị tránh bạo động. Cách trả lời của Chính phủ là đưa ra những quy định mới hà khắc hơn, huy động quân đội, điều xe bọc thép và binh lính đến các thị trấn trong việc biểu dương lực lượng rầm rộ nhằm uy hiếp người dân. Điều này cho thấy Chính phủ đơn phương quyết định sử dụng vũ lực, và quyết định này là cột mốc trên con đường dẫn đến Umkhonto.

Có vẻ như một số chi tiết này không liên quan đến phiên tòa. Thật ra, tôi tin tất cả chi tiết đều có liên quan, bởi vì tôi hy vọng nhờ đó mà Quý Tòa đánh giá cao cách hành xử của nhiều người và bộ phận của Phong trào Giải phóng Quốc gia. Khi tôi vào tù năm 1962, ý tưởng chủ đạo là tránh thiệt hại về nhân mạng. Bây giờ tôi biết rằng tình hình vẫn như thế cho đến năm 1963.

Tôi phải trở về thời điểm tháng 6 năm 1961. Những người lãnh đạo như chúng tôi đã làm gì? Liệu chúng tôi nên đầu hàng việc biểu dương lực lượng và sự đe dọa ngấm ngầm chống lại hoạt động trong tương lai, hoặc là chiến đấu chống lại, và nếu thế thì chiến đấu như thế nào?

Chúng tôi thấy không nghi ngờ gì là phải tiếp tục chiến đấu. Nếu không thì giống như là đầu hàng. Vấn đề của chúng tôi không phải là có nên chiến đấu hay không, mà là chiến đấu như thế nào. Chúng tôi luôn chủ trương dân chủ không theo chủng tộc, và chúng tôi tránh những hành động có thể tạo thêm hố ngăn chủng tộc. Nhưng năm mươi năm bất bạo động không mang lại gì cho người Phi mà chỉ có quy định hà khắc thêm, quyền con người lại càng ít hơn. Có thể Quý Tòa thấy khó hiểu, nhưng sự thật là trong một thời gian dài người dân nói về bạo lực – vào ngày mà họ chiến đấu với người da trắng để giành lại đất nước – và tuy thế chúng tôi, những nhà lãnh đạo của ANC, vẫn luôn lèo lái họ tránh bạo động mà theo đuổi những phương pháp ôn hòa. Khi một số người trong chúng tôi thảo luận việc này vào tháng 5 và tháng 6 năm 1961, không thể phủ nhận là chính sách bất bạo động của chúng tôi không đạt kết quả gì cả; những người đi theo chúng tôi bắt đầu mất lòng tin vào chính sách này và đang có ý nghĩ về khủng bố.

Không được quên rằng thật ra vào thời ấy, bạo lực diễn ra trên trường chính trị Nam Phi. [Mandela kể ra một số trường hợp bạo lực] Mỗi vụ xáo trộn chỉ ra xu hướng không tránh khỏi giữa người Phi là ý nghĩ cho rằng bạo lực là giải pháp duy nhất – nó cho thấy rằng khi Chính phủ dùng bạo lực để duy trì quyền lực thì họ dạy cho người bị áp bức dùng bạo lực để chống lại. Những nhóm nhỏ nổi dậy trong các vùng đô thị và tự phát chuẩn bị những phương án để đấu tranh chính trị bằng bạo lực.

Bấy giờ có nguy cơ là nếu không được chỉ đạo đúng cách thì những nhóm này sẽ chọn cách khủng bố để chống lại cả người Phi lẫn người da trắng. […]

Vào đầu tháng 6 năm 1961, sau khi đánh giá trong thời gian dài và trong âu lo tình hình Nam Phi, tôi và vài cộng sự đi đến kết luận là: vì lẽ không tránh khỏi bạo lực trên đất nước này nên sẽ là điều thiếu thực tế và sai lầm nếu các nhà lãnh đạo người Phi tiếp tục rao giảng hòa bình và bất bạo động vào lúc Chính phủ đáp ứng với những yêu cầu ôn hòa của chúng tôi bằng bạo lực.

Không dễ dàng gì mà đi đến kết luận này. Đấy chỉ là khi mà mọi cách thức khác đã thất bại, khi mà chúng tôi đi đến quyết định đấu tranh chính trị bằng bạo lực, và thành lập Ngọn giáo của Quốc gia. Không phải là chúng tôi mong muốn cách thức này, nhưng chỉ vì Chính phủ không cho chúng tôi con đường nào khác. […]

Về phần ANC, chủ trương rõ ràng được tóm tắt như sau:

Đấy là một tổ chức quần chúng với chức năng chính trị phải hoàn thành. Các thành viên gia nhập với chính sách rõ ràng là bất bạo lực. Vì lý do ấy, ANC không thể và sẽ không chọn cách thức bạo lực. Cần phải nhấn mạnh việc này. Người ta không thể chuyển đổi một đảng phái như thế thành một tổ chức nhỏ được cơ cấu chặt chẽ cho việc phá hoại. Việc này không thích đáng về mặt chính trị, bởi vì hậu quả là các thành viên không còn có thể thực hiện hoạt động thiết yếu là tuyên truyền và tổ chức chính trị. Nó cũng không cho phép thay đổi toàn bộ tính chất của tổ chức.

Mặt khác, theo tình hình như tôi mô tả, ANC sẵn sàng từ bỏ chính sách bất bạo động kéo dài năm mươi năm và không còn phản đối bạo lực được kiểm soát thích đáng. Vì thế mà các thành viên chấp nhận hoạt động theo cách này sẽ không bị ANC thi hành kỷ luật. Tôi nói “bạo lực được kiểm soát thích đáng” bởi vì tôi đã nói rõ rằng nếu thành lập tổ chức, lúc nào tôi cũng đặt nó dưới sự hướng dẫn chính trị của ANC và sẽ không đi theo con đường hoạt động nào khác nếu không được ANC đồng ý. Và tôi xin trình bày với Quý Tòa làm thế nào xác định thể thức bạo động ấy.

Do quyết định ấy, Ngọn giáo của Quốc gia được thành lập vào tháng 11 năm 1961. Khi chúng tôi đi đến quyết định này và sau đó lên kế hoạch, di sản ANC về bất bạo lực và hòa hợp chủng tộc đã trở thành phổ biến. Chúng tôi cảm thấy đất nước đang đi đến nội chiến giữa người da màu và người da trắng. Chúng tôi xem xét tình hình mà cảm thấy bất an. Nội chiến có thể khiến cho nền tảng của ANC bị sụp đổ; với nội chiến thì hòa bình dựa trên chủng tộc càng khó đạt đến hơn bao giờ hết. Chúng ta có những bài học trong lịch sử Nam Phi về những hậu quả của chiến tranh. Phải mất hơn năm mươi năm những vết thương của Chiến tranh Nam Phi mới lành lặn. Nội chiến giữa chủng tộc gây thiệt hại lớn hơn cho hai bên thì phải mất thời gian lâu hơn chừng nào để làm lành những vết thương?

Trong nhiều năm, suy nghĩ của chúng tôi chủ yếu vẫn là tránh nội chiến. Nhưng khi chúng tôi quyết định thực hiện bạo động thì chúng tôi nhận ra rằng đến một ngày có thể phải đối mặt với nội chiến. Phải xem xét điều này khi lên kế hoạch. Chúng tôi đòi hỏi một kế hoạch linh động để đáp ứng với nhu cầu theo từng thời điểm; trên hết là kế hoạch nhằm nhận thức rằng nội chiến là biện pháp cuối cùng. Chúng tôi không muốn có nội chiến, nhưng muốn sẵn sàng khi điều này là không tránh khỏi.

Bốn thể thức bạo động là khả thi. Đấy là phá hoại, chiến tranh du kích, khủng bố, và cách mạng mở. Chúng tôi chọn cách thứ nhất cho đến khi chẳng đặng đừng mà phải chọn cách khác. Theo tình hình chính trị thì việc chọn lựa này là đúng lý. Phá hoại không gây tổn thất về nhân mạng, và tạo ra hy vọng tốt nhất cho mối liên hệ chủng tộc trong tương lai. Sự bất mãn sẽ ở mức thấp nhất và, nếu chính sách này đạt kết quả, chính phủ dân chủ có thể trở thành hiện thực. Đấy là điều chúng tôi nghĩ vào thời điểm ấy, và được ghi trong Cương lĩnh của chúng tôi. [….]

Kế hoạch tiên khởi được dựa trên một phân tích cẩn thận về tình hình chính trị và kinh tế của đất nước. Chúng tôi tin rằng Nam Phi chủ yếu dựa trên nguồn vốn nước ngoài và ngoại thương. Chúng tôi nghĩ rằng sự phá hoại có kế hoạch những nhà máy phát điện, sự ngáng trở giao thông đường sắt và thông tin liên lạc bằng điện thoại sẽ xua đuổi nguồn vốn ra khỏi đất nước và làm cho hàng hóa từ các khu vực công nghiệp khó được vận chuyển đến các bến cảng kịp tiến độ, và về lâu về dài sẽ làm tiêu hao đời sống kinh tế của đất nước, vì thế bắt buộc các cử tri phải xét lại quan điểm của họ.

Cuộc tấn công vào những đường huyết mạch kinh tế được kết nối với việc phá hoại những tòa nhà Chính phủ và những biểu tượng khác của phân biệt chủng tộc. Những cuộc tấn công này tạo nguồn cảm hứng cho dân tộc chúng tôi. […] Nếu động thái trên diện rộng được tổ chức thành công và nếu có sự trả đũa trên diện rộng, chúng tôi nghĩ các nước khác sẽ cảm thông với sự nghiệp của chúng tôi, và sẽ tạo áp lực lớn hơn lên Chính phủ Nam Phi.

Các sự vụ của Umkhonto được kiểm soát và chỉ đạo bởi Bộ Chỉ huy Quốc gia có chức năng kết nạp và bổ nhiệm các Bộ Chỉ huy Vùng. Bộ Chỉ huy Quốc gia quyết định chiến thuật và mục tiêu, phụ trách huấn luyện và tài chính. Các Bộ Chỉ huy Vùng có trách nhiệm chỉ đạo các toán phá hoại địa phương. Trong bộ khung chính sách do Bộ Chỉ huy Quốc gia đưa ra, các Bộ Chỉ huy Vùng có thẩm quyền chọn những mục tiêu để phá hoại. Họ không có thẩm quyền vượt quá bộ khung đã định, và vì thế không có thẩm quyền thực hiện hành động gây hại đến sinh mạng, hoặc hành động không phù hợp với kế hoạch phá hoại tổng thể. […]

Umkhonto thực hiện nhiệm vụ đầu tiên ngày 16 tháng 12 năm 1961, khi họ tấn công các tòa nhà Chính phủ ở Johannesburg, Port Elizabeth and Durban. Sự chọn lựa các mục tiêu là bằng chứng cho chính sách mà tôi đã nói. Nếu chúng tôi muốn tấn công con người thì đáng lẽ chúng tôi chọn những mục tiêu có nhiều người đông đúc chứ không phải các tòa nhà vắng người và các nhà máy phát điện. […]

Bản Cương lĩnh của Ngọn giáo của Quốc gia được công bố vào ngày bắt đầu thực thi các nhiệm vụ. Phản ứng của người da trắng đối với các hành động và Cương lĩnh của chúng tôi có tính chất bạo lực. Chính phủ đe dọa sẽ có biện pháp mạnh, kêu gọi những người ủng hộ họ phải giữ vững và đừng màng đến những yêu cầu của người Phi. Người da trắng không đề nghị thay đổi gì, họ chỉ muốn bố trí phòng ngự. Trái lại, phản ứng của người Phi là đáng khích lệ. Thình lình lại có niềm hy vọng. Có nhiều chuyển biến. Cư dân ở các thị trấn nóng lòng chờ đón tin tức chính trị. Những thành công ban đầu tạo nhiều phấn khởi, và người ta bắt đầu bàn tán về việc bao lâu sẽ được tự do.

Nhưng chúng tôi trong Umkhonto xem xét phản ứng của người da trắng mà cảm thấy lo âu. Có lằn ranh chia tách hai phe. Người da trắng và người da màu đang phân hóa thành hai đội ngũ, và triển vọng tránh nội chiến càng kém đi. Báo chí của người da trắng cho biết kẻ phá hoại sẽ bị tội tử hình. Nếu đúng thế, làm thế nào chúng tôi có thể giữ cho người Phi đừng đi đến khủng bố? Có nhiều người Phi bỏ mình vì xung đột chủng tộc. [Mandela kể ra những trường hợp này]

Kinh nghiệm cho chúng tôi tin chắc rằng nếu nổi loạn thì Chính phủ sẽ có vô số cơ hội tàn sát dân tộc chúng tôi. Nhưng chính vì đất của Nam Phi đã ngập máu người Phi vô tội nên chúng tôi nghĩ mình có nghĩa vụ phải có những bước chuẩn bị về lâu về dài để dùng vũ lực bảo vệ chúng tôi chống lại vũ lực. Nếu không tránh khỏi chiến tranh thì chúng tôi muốn cuộc chiến diễn ra theo những điều kiện có lợi nhất đối với dân tộc chúng tôi. Chiến tranh du kích đưa ra viễn cảnh tốt nhất cho chúng tôi và ít nguy hại đến sinh mạng cho hai bên nhất. Vì thế, chúng tôi quyết định chọn chiến tranh du kích khi chuẩn bị cho tương lai.

Tất cả người da trắng bắt buộc phải qua huấn luyện quân sự, nhưng người Phi không được huấn luyện loại này. Ý tưởng của chúng tôi chủ yếu là tạo một lực lượng nòng cốt gồm những người đã qua huấn luyện để nắm vai trò chỉ huy nếu chiến tranh du kích khởi sự. Chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống này trước khi quá muộn để chuẩn bị. Cũng cần thiết gầy dựng một đội ngũ nòng cốt về quản trị công và những ngành nghề khác, hầu người Phi có đủ năng lực tham gia chính phủ của đất nước này một khi họ được phép.

Vào giai đoạn này, có quyết định là tôi nên tham dự Hội nghị Phong trào Tự do Toàn Châu Phi cho Trung, Đông và Nam Phi, được tổ chức vào đầu năm 1962 ở Addis Ababa. Vì nhu cầu chuẩn bị, cũng có quyết định là sau hội nghị, tôi đi một vòng các quốc gia Châu Phi nhằm xem xét những cơ sở huấn luyện binh sĩ và cũng tìm học bổng cấp cao cho người Phi vào học đại học. Huấn luyện cho cả hai ngành là cần thiết, cho dù thay đổi xảy ra qua biện pháp ôn hòa. Các nhà quản trị nhất thiết phải tự nguyện và có năng lực quản trị một Quốc gia không phân biệt chủng tộc và vì thế nhất thiết phải kiểm soát được lực lượng quân đội và cảnh sát của Quốc gia ấy.

[Madela kể tên những nhân vật ông gặp trong chuyến đi, kể cả hoàng đế, tổng thống và thủ tướng một số nước Châu Phi.]

Tôi bắt đầu nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh và cách mạng, và trong khi ở nước ngoài, tôi theo học một khóa về huấn luyện quân sự. Nếu có chiến tranh du kích, tôi muốn có năng lực đứng lên mà chiến đấu kề bên dân tộc tôi và chia sẻ những rủi ro chiến tranh với họ. [Mandela trưng ra chứng cứ về các bài giảng, tóm tắt sách về chiến tranh du kích, bài ghi chép của chính Mandela…] Quý Tòa sẽ thấy rằng tôi tham khảo tất cả các nguồn về đề tài này – từ phương Đông đến phương Tây, trở về tác phẩm kinh điển của Clausewitz(2), bao gồm nhiều đề tài đa dạng từ Mao Trạch Đông và Che Guevara ở một mặt và những bài viết về Cuộc chiến Anglo-Boer(3) ở mặt kia. Dĩ nhiên là những ghi chép ấy chỉ là tóm tắt những quyển sách tôi đã đọc và không bao gồm ý tưởng của riêng tôi.

Tôi cũng sắp xếp để gửi những người chúng tôi tuyển mộ tham dự huấn luyện quân sự. […] Việc này nằm ngoài quyết định ban đầu của ANC, nhưng chỉ áp dụng bên ngoài Nam Phi mà thôi. […]

Khi trở về, tôi thấy chính trường có một ít thay đổi, án tử hình vì tội phá hoại lúc này đang được thực thi. Thái độ của các đồng sự của tôi trong Umkhonto vẫn giống như trước khi tôi đi. Họ đang dò dẫm đường đi một cách cẩn trọng và nghĩ rằng có thể thực hiện phá hoại một thời gian dài trước khi không còn mục tiêu thích hợp. Thật ra, có người cho rằng việc huấn luyện quân sự là quá sớm… Tuy nhiên, sau khi thảo luận cặn kẽ, chúng tôi quyết định tiến hành kế hoạch huấn luyện quân sự bởi vì phải mất nhiều năm mới gầy dựng được một lực lượng nòng cốt gồm những chiến sĩ đã qua huấn luyện để bắt đầu chiến dịch du kích, và cho dù chuyện gì xảy ra thì việc huấn luyện vẫn hữu ích.

[Mandela nhắc qua cáo buộc về việc ném bom vào nhà riêng của những nhân vật thân Chính phủ vào các tháng 9, 10 và 11 năm 1962.]

Một trong những cáo buộc cho rằng ANC là đảng tham gia vào phá hoại. Tôi đã giải thích rằng điều này là không đúng, nhưng bên ngoài có việc đi chệch khỏi nguyên tắc do ANC định ra lúc ban đầu. Dĩ nhiên là cũng có những chồng chéo trong nội bộ, bởi vì có sự khác biệt giữa một bên là nghị quyết được thông qua trong một phòng họp và bên kia là những khó khăn cụ thể khi thực hiện. Sau đó, các chức vụ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm cản và quản thúc tại gia, và bởi những người rời khỏi nước để nhận nhiệm vụ chính trị ở nước ngoài. Việc này dẫn đến nhiều cá nhân làm việc theo những cương vị khác nhau. Nhưng cho dù việc này làm nhạt đi sự phân biệt giữa Umkhonto và ANC, nó vẫn không xóa hẳn sự phân biệt ấy. Chúng tôi cẩn thận duy trì các hoạt động của hai tổ chức khác biệt nhau. ANC vẫn là một tổ chức chính trị của người Phi, chỉ thực hiện những hoạt động chính trị như họ từng thực hiện trước năm 1961. Umkhonto vẫn là một tổ chức nhỏ tuyển mộ thành viên từ nhiều chủng tộc và tổ chức khác nhau nhằm hoàn thành mục tiêu riêng của họ. Sự kiện là một số thành viên của Umkhonto được tuyển mộ từ ANC, và sự kiện là có người – như Solomon Mbanjwa – phục vụ cả hai tổ chức, theo ý chúng tôi không làm thay đổi tính chất của ANC hoặc cho nó một chính sách bạo lực. […]

Một cáo buộc khác trong bản cáo trạng cho rằng Rovonia là cơ sở đầu não của Umkhonto. Khi tôi ở đấy thì điều này không đúng sự thật. Dĩ nhiên là tôi nghe nói và được biết rằng một số hoạt động của Đảng Cộng sản được thực hiện ở đấy. Nhưng điều này không phải là lý do (như tôi sắp giải thích) tại sao tôi không dùng nơi ấy.

[Mandela đưa ra những luận cứ để giải thích điểm ông vừa nêu.]

Một cáo buộc khác của Nhà nước cho rằng những mục tiêu và tôn chỉ của ANC và của Đảng Cộng sản là giống nhau. Tôi muốn giải thích điều này theo cương vị chính trị của tôi, bởi vì tôi nghĩ Nhà nước có thể biện luận rằng tôi cố đưa Chủ nghĩa Mác vào ANC. Cáo buộc liên quan đến ANC là không đúng. Đó là cáo buộc xưa cũ bị bác bỏ trong phiên Tòa Phản quốc nhưng lại được dựng lên lần nữa. Tôi sẽ giải thích mối liên hệ giữa ANC và Đảng Cộng sản, cùng mối liên hệ giữa Umkhonto và đảng ấy.

Giáo điều chủ thuyết của ANC luôn là giáo điều của Chủ nghĩa Dân tộc Phi. Nó không phải là ý niệm của Chủ nghĩa Dân tộc Phi trong khẩu hiệu “Đuổi người da trắng xuống biển”. Chủ nghĩa Dân tộc Phi mà ANC lấy làm nền tảng là ý niệm về tự do và mưu cầu cho người Phi trên đất của họ. Tài liệu chính trị quan trọng nhất mà ANC từng biểu quyết là “Hiến chương Tự do”. Nó không hề là bản thiết kế cho một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nó kêu gọi tái phân phối nhưng không phải quốc hữu hóa đất đai; nó quy định quốc hữu hóa hầm mỏ, ngân hàng và công nghiệp độc quyền, bởi vì các độc quyền lớn chỉ do một chủng tộc nắm giữ dù cho có sự phân bố quyền lực chính trị. Sẽ chỉ là hành động vô nghĩa nếu kêu gọi cấm Luật Vàng chống lại người Phi trong khi các công ty Châu Âu đều nắm giữ các mỏ vàng. Về phương diện này, chính sách của ANC tương đồng với chính sách cũ của Đảng Chủ nghĩa Dân tộc hiện giờ vốn chủ trương quốc hữu hóa các mỏ vàng nằm dưới sự kiểm soát của nguồn vốn nước ngoài. […]

Có lẽ người Nam Phi da trắng, với thành kiến về chủ nghĩa Cộng sản, thấy khó hiểu được tại sao các nhà chính trị người Phi lão luyện lại dễ dàng chấp nhận người cộng sản là bạn của mình. Nhưng đối với chúng tôi, điều này là hiển nhiên. Trong giai đoạn này, chúng tôi thấy những khác biệt về chủ thuyết giữa những người cùng chiến đấu chống lại áp bức là điều chấp nhận được. Hơn nữa, trong nhiều thập kỷ những người Cộng sản là nhóm chính trị duy nhất ở Nam Phi sẵn sàng đối xử với người Phi như là những con người bình đẳng với họ; là những người sẵn sàng ăn với chúng tôi; thảo luận với chúng tôi, sống cùng chúng tôi, và làm việc cùng chúng tôi. Họ là nhóm chính trị duy nhất sẵn sàng làm việc với người Phi để giành quyền chính trị và giành chỗ đứng trong xã hội. Vì thế mà ngày hôm nay, có nhiều người Phi cho rằng tự do đồng nghĩa với chủ nghĩa Cộng sản. […]

Trên trường quốc tế, các quốc gia Cộng sản nằm trong số những quốc gia ủng hộ chính nghĩa của chúng tôi. Tại Liên Hiệp Quốc và những hội đồng khác của thế giới, khối Cộng sản ủng hộ cuộc tranh đấu Á-Phi chống lại chủ nghĩa thực dân và thường tỏ ra đồng cảm với chúng tôi hơn so với các cường quốc phương Tây. Cho dù có sự lên án chung chung chống lại phân biệt chủng tộc, khối Cộng sản cất tiếng nói mạnh mẽ hơn so với thế giới người da trắng. Trong những tình huống ấy, một nhà chính trị trẻ tuổi, như tôi vào năm 1949, tuyên bố những người Cộng sản là kẻ thù của chúng tôi thì thật là hỗn xược.

[…]

Tôi luôn xem mình là một người Phi yêu nước. Dù sao chăng nữa, 64 năm trước tôi chào đời ở Umtata. Người bảo hộ tôi là quyền tù trưởng Tembuland, và tôi có họ hàng với tù trưởng Tembuland hiện giờ, Sabata Dalindyebo, và với Kaizer Matanzima, Thủ hiến của Transkei.

Ngày hôm nay, tôi cảm thấy hấp dẫn với ý niệm về một xã hội không phân giai cấp, sự hấp dẫn một phần do tôi đọc về Chủ nghĩa Mác, do tôi ngưỡng mộ cơ cấu và tổ chức của những xã hội Phi trước đây trên đất nước này. Đất đai, lúc ấy là phương tiện sản xuất chính yếu, thuộc về bộ tộc. Không có kẻ nghèo người giàu và không có bóc lột. Như tôi đã nói, đúng thật là tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng Chủ nghĩa Mác. Nhưng điều này cũng đúng đối với nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia mới được tự do. Những nhân vật khác nhau như Gandhi, Nehru, Nkrumah(4), và Nasser(5) đều công nhận sự kiện này. Tất cả chúng tôi đều thấy cần thiết phải có một loại hình xã hội chủ nghĩa nào đó để đưa dân tộc chúng tôi theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới và để vượt qua di sản đói nghèo cùng cực này. […]

Tôi chịu ảnh hưởng về tư duy bởi cả phương Đông lẫn phương Tây. Điều này làm cho tôi nghĩ rằng trong việc tìm kiếm một mô hình chính trị, tôi phải thực sự công bằng và khách quan. Tôi không nên bị trói buộc vào hệ thống đặc thù nào khác hơn là xã hội chủ nghĩa. Tôi phải để mình được tự do để ứng dụng những gì tốt nhất từ phương Đông và phương Tây.

[Mandela giải thích việc tổ chức của ông nhận hỗ trợ tài chính từ nước ngoài. Ông thấy hầu như mọi phong trào chính trị ở Châu Phi nhận hỗ trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa lẫn phương Tây, và thấy một số quốc gia Châu Phi, Cộng sản và không Cộng sản, nhận hỗ trợ tài chính. Vì thế, ANC không gò bó trong hỗ trợ từ Châu Phi và phương Tây.]

Cuộc tranh đấu của chúng tôi nhằm chống lại những khổ cực thật sự chứ không phải tưởng tượng, hoặc nói theo ngôn từ của Công tố Nhà nước là “những cái gọi là khổ cực.” Thưa Quý Tòa, cơ bản là chúng tôi chống lại hai sắc thái vốn là dấu hiệu của đời sống ở Nam Phi và được quy định trong luật mà chúng tôi muốn yêu cầu xóa bỏ. Hai sắc thái này là đói nghèo và thiếu phẩm giá con người, mà chúng tôi không cần người Cộng sản hoặc những người được gọi là “những kẻ kích động” dạy cho chúng tôi.

Nam Phi là nước giàu có nhất Châu Phi, và có thể là một trong những nước giàu có nhất trên thế giới. Nhưng đó là quốc gia của những thái cực và đối nghịch đáng kể. Người da trắng có mức sống vào hàng cao nhất trên thế giới, trong khi người Phi sống trong đói nghèo. Bốn mươi phần trăm người Phi sống chen chúc mà không thấy hy vọng, trong một số trường hợp họ sống trong các khu Bảo tồn nơi mà đất bị xói mòn và khai thác tận lực khiến cho họ không thể sinh sống bằng cách canh tác. Ba mươi phần trăm là công nhân, nông nô và dân cư ổ chuột trên những trang trại của người da trắng, sống và lao động tương tự nô lệ thời Trung Cổ. Ba mươi phần trăm sống ở thành thị, nơi họ phát triển lối sống kinh tế và xã hội giúp cho họ gần với người da trắng hơn về nhiều mặt. Tuy thế, phần lớn người Phi, cho dù trong nhóm này, bị thiếu kém do thu nhập thấp và chi phí sinh hoạt cao.

[Mandela đưa ra số liệu cho thấy tình hình kinh tế tệ hại ở Johannesburg, thành phố trù phú nhất Nam Phi…]

Nghèo đói đi cùng suy dinh dưỡng và bệnh tật. Người Phi chiếm tỷ lệ cao nhất về suy dinh dưỡng và các bệnh do thiếu ăn. […] Tỷ lệ tử vong của trẻ em cao nhất trên thế giới. […] Bệnh lao giết chết 40 người mỗi ngày, phần lớn là người Phi. […]

Tuy thế, những kêu ca của người Phi không chỉ vì họ nghèo và người da trắng giàu, mà còn vì pháp luật do người da trắng đặt ra là nhằm duy trì tình trạng này. Có hai con đường để thoát nghèo. Thứ nhất là qua giáo dục, và thứ hai là tay nghề để có đồng lương khác khá hơn. Pháp luật cố tình ngăn chặn người Phi tiến thân qua hai con đường này. Chính phủ đương nhiệm luôn tìm cách ngáng trở người Phi tìm kiếm giáo dục. Một trong những bộ luật ban đầu của họ, sau khi họ nắm chính quyền, là chấm dứt trợ cấp cho các bữa ăn ở các trường người Phi. Nhiều trẻ em người Phi học ở các trường này cần được bổ sung khẩu phần. Bộ luật ấy là một hành động độc ác.

Có chế độ giáo dục cưỡng bách cho tất cả trẻ em da trắng mà cha mẹ hầu như không phải đóng phí, cho dù giàu hay nghèo. Trẻ em người Phi không được hưởng chế độ như thế, tuy một số nhận được hỗ trợ. Nhưng nói chung trẻ em người Phi phải trả phí học tập cao hơn trẻ em da trắng. [Mandela đưa ra số liệu dẫn chứng sự phân biệt chủng tộc trong nền giáo dục.]

Trở ngại chính yếu khác cho sự tiến thân về kinh tế của người Phi là chuẩn mực dựa trên màu da, trong đó tất cả công ăn việc làm tốt nhất trong ngành công nghiệp đều dành cho người da trắng. Hơn nữa, người Phi được nhận vào các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ năng hoặc bán kỹ năng thường không được phép thành lập nghiệp đoàn vốn được Luật Hòa giải Công nghiệp công nhận. Điều này có nghĩa là những cuộc đình công của người Phi là bất hợp pháp, và người Phi không có quyền đàm phán tập thể trong khi công nhân da trắng hưởng lương cao hơn lại có quyền này. […]

Chính phủ thường trả lời những lời phê phán bằng cách nói rằng người Phi ở Nam Phi có mức sống kinh tế cao hơn dân các quốc gia Châu Phi khác. Tôi không biết điều này là đúng hay không, và tôi nghi ngờ sự so sánh mà không xét đến chỉ số vật giá trong các quốc gia ấy. Nhưng cho dù điều này là đúng, đối với người Phi thì nó chẳng có liên quan gì cả. Sự than phiền của chúng tôi không phải là chúng tôi nghèo hơn dân các nước khác, mà là chúng tôi nghèo hơn so với người da trắng trên đất nước chúng tôi, và pháp luật ngăn cản việc chấn chỉnh sự bất bình đẳng này.

Sự kiện người Phi không có phẩm giá con người là hậu quả trực tiếp do chính sách tạo ưu thế cho người da trắng. Ưu thế cho người da trắng hàm ý vị thế thấp cho người da màu. Pháp luật có chủ ý duy trì ưu thế cho người da trắng. Hầu hết công việc thấp hèn ở Nam Phi là do người da màu đảm trách. Mỗi khi cần làm gì hoặc dọn rửa cái gì thì người da trắng nhìn quanh để tìm người Phi làm công việc ấy cho ông ta, cho dù ông ta đang thuê người Phi ấy hay không. Vì thái độ này, người da trắng xem người Phi thuộc một nòi giống khác. Họ không xem người Phi là con người cũng có gia đình; họ không nhận ra rằng người Phi cũng có cảm xúc, cũng yêu đương như người da trắng; rằng giống như người da trắng, người Phi cũng muốn sống cùng vợ con của mình; rằng người Phi muốn có đủ đồng lương để chăm lo cho gia đình họ, có đủ ăn đủ mặc và có tiền cho con cái học hành. Liệu người làm trong nhà hoặc người làm vườn hoặc công nhân có bao giờ hy vọng được như thế?

Luật Giới hạn đi lại(6), mà người Phi căm hận nhất trong hệ thống pháp luật của Nam Phi, khiến cho bất kỳ người Phi nào cũng chịu sự theo dõi của cảnh sát bất cứ lúc nào. Hàng nghìn người Phi bị bỏ tù mỗi năm vì điều luật này. Càng tệ hơn nữa là điều luật này ngăn cách chồng vợ, dẫn đến sự đổ vỡ của đời sống gia đình.

Nghèo đói và sự đổ vỡ của đời sống gia đình gây những hậu quả thứ cấp. Trẻ em lang thang trên đường phố đô thị bởi vì chúng không được đi học, hoặc thiếu tiền để đi học, hoặc cha mẹ không thể ở nhà để giám sát con cái đi học bởi vì họ phải làm việc để nuôi sống gia đình. Điều này dẫn đến sự đổ vỡ của các chuẩn mực đạo đức, đến tình trạng con ngoài giá thú, và đến bạo lực bùng nổ khắp nơi không chỉ về chính trị. Cuộc sống ở thành thị thì nguy hiểm. Không có ngày nào mà không có người bị đâm chém hoặc tấn công. Bạo lực xảy ra ở các khu vực sinh sống của người da trắng. Ban đêm người ta không dám ra đường một mình. Các vụ trộm và cướp giật đang gia tăng, cho dù bây giờ các tội này dẫn đến án tử hình. Cho nên án tử hình không thể nào chữa trị vết thương đã nung mủ.

Người Phi muốn có đồng lương đủ để sống. Người Phi muốn làm công việc mà họ có năng lực, không phải công việc mà Chính phủ tuyên bố họ có năng lực. Người Phi muốn sống nơi họ có công ăn việc làm, chứ không bị đẩy đi nơi khác chỉ vì họ không sinh ra ở đó. Người Phi muốn làm chủ mảnh đất nơi mà họ canh tác kiếm sống, chứ không phải ở thuê trong căn nhà mà họ không bao giờ làm chủ. Người Phi muốn mình là một phần của quốc dân nói chung, chứ không bị hạn chế trong những khu nhà ổ chuột dành cho riêng họ. Đàn ông người Phi muốn vợ con họ sống cùng họ nơi họ làm việc, chứ không bị gom vào sống trong khu gia cư của đàn ông một cách thiếu tự nhiên. Phụ nữ người Phi muốn sống với người cùng bộ tộc chứ không mãi là quả phụ trong khu bảo tồn của họ. Người Phi muốn đi ra ngoài sau 11 giờ đêm chứ không muốn bị giam hãm trong phòng giống như trẻ con. Người Phi muốn được tự do đi lại trên đất nước mình và tìm kiếm công ăn việc làm nơi họ muốn chứ không bị Cơ quan Lao động chỉ định nơi chốn. Người Phi muốn được hưởng phần công bằng của Nam Phi; họ muốn có an ninh và có phần chia sẻ trong xã hội.

Trên hết, chúng tôi muốn những quyền chính trị bình đẳng, bởi vì nếu thiếu vắng những quyền này thì tình trạng thiếu pháp lý mãi duy trì. Tôi biết điều này nghe như là cuộc cách mạng đối với người da trắng, bởi vì người Phi chiếm đa số trong cử tri. Điều này làm cho người da trắng sợ dân chủ. Nhưng không nên cho phép sự sợ hãi này ngáng trở giải pháp duy nhất nhằm đảm bảo sự hòa hợp chủng tộc và tự do cho tất cả. Điều này không có nghĩa là chủng tộc nào sẽ chiếm ưu thế. Sự phân hóa về chính trị dựa trên màu da là hoàn toàn giả tạo, và một khi sự phân hóa này biến mất thì ưu thế của một màu da cũng sẽ biến mất. ANC mất nửa thế kỷ chống lại chống lại phân biệt chủng tộc. Khi đảng này chiến thắng, chính sách ấy sẽ không thay đổi.

[….]

Suốt đời, tôi cống hiến mình cho cuộc tranh đấu này của dân tộc Phi. Tôi tranh đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi tranh đấu chống lại sự thống trị của người da màu. Tôi ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do trong đó mọi người sống bên nhau trong sự hòa hợp và với những cơ hội bình đẳng. Đấy là lý tưởng mà tôi kỳ vọng được sống với nó và đạt đến nó. Nhưng nếu cần thiết, đấy là lý tưởng mà tôi sẵn sàng chết vì nó.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: The History Place great speeches collectionhttp://www.historyplace.com/speeches/mandela.htm

* * *

Ngày 11 tháng 6 năm 1964, Mandela bị kết án với cả 4 tội danh và nhận án tù chung thân. Ông bị giam ở nhà tù Đảo Robben khét tiếng. Một chiến dịch toàn thế giới kêu gọi trả tự do cho ông diễn ra trong thập kỷ 1980s, dẫn đến việc ông được trả tự do ngày 11 tháng 2 năm 1990, ở tuổi 71 và sau 27 năm trong tù giam.

Năm 1993, Mandela chia Giải Nobel Hòa bình cùng với Tổng thống Nam Phi đương nhiệm F.W. de Klerk vì những nỗ lực ôn hòa của hai người trong việc mang đến nền dân chủ không phân biệt chủng tộc cho Nam Phi.

Năm 1994, lần đầu tiên người da màu Nam Phi được quyền bầu cử, và Mandela đắc cử Tổng thống Nam Phi.

Chú thích

(1) Ngọn giáo của Quốc gia: tên nguyên là Umkhonto we Sizwe, viết tắt MK.

(2) Carl Philipp Gottfried von Clausewitz (1780-1831): nhà quân sử, nhà lý luận học quân sự của Vương quốc Phổ có tầm ảnh hưởng lớn. Ông được biết đến nhiều nhất với luận thuyết Vom Kriege [Bàn về chiến tranh].

(3) Cuộc chiến Anglo-Boer: còn được gọi là Cuộc chiến Nam Phi (Anh ngữ: South African War) hoặc Cuộc chiến Boer thứ Hai (Anh ngữ: Second Boer War) diễn ra trong giai đoạn 1899-1902 giữa một bên là Đế quốc Anh và bên kia là những người định cư nói tiếng Hà Lan trên hai nước Cộng hòa độc lập Boer và Nam Phi. Anh thắng cuộc chiến và sau đó sáp nhập hai nước Cộng hòa vào Đế quốc Anh dưới danh nghĩa Liên hiệp Nam Phi (Anh ngữ: Union of South Africa).

(4) Kwame Nkrumah (1909-1972): tổng thống nước Ghana trong giai đoạn 1960-1966.

(5) Gamal Abdel Nasser Hussein (1918-1970): tổng thống nước Ai Cập trong giai đoạn 1956-1970.

(6) Luật Giới hạn đi lại (Anh ngữ: Pass Law) giới hạn sự đi lại của người da màu Nam Phi, đặc biệt là giới hạn sự di chuyển của họ từ nông thôn đến thành thị.

“Hãy để tự do ngự trị”

Vào tháng 4 năm 1994, trong cuộc bỏ phiếu đa chủng tộc tự do và dân chủ đầu tiên ở Nam Phi, Nelson Mandela được bầu làm tổng thống. Ngày 10 tháng 5, trước một cử tọa trên 100.000 người ở Thành phố Pretoria, Nam Phi, Tổng thống Mandela đọc bài diễn văn nhậm chức dưới đây.

Bài diễn văn này được đánh giá như sau:

  • Một trong 25 bài diễn văn chính trị hàng đầu mọi thời đại (báo The Telegraph, Anh quốc).

Ngày hôm nay, qua sự hiện diện của chúng ta nơi đây, qua những cuộc ăn mừng của chúng ta trên những vùng khác nhau của đất nước và trên thế giới, tất cả chúng ta trao vinh quang và hy vọng cho một nền tự do mới được khai sinh.

Từ kinh nghiệm của một thảm họa nhân văn khác thường vốn kéo dài quá lâu, phải sản sinh một xã hội trong đó tất cả nhân loại cảm thấy hãnh diện. Những công tác hằng ngày của những người Nam Phi bình thường phải tạo ra một thực thể Nam Phi vốn sẽ củng cố niềm tin của nhân loại đối với công lý, tăng cường lòng tự tin nơi phẩm giá của linh hồn con người, và nuôi dưỡng tất cả hy vọng của chúng ta cho một đời sống vinh quang của mọi người. Tất cả những điều đó, chúng ta mang ơn chính chúng ta và mang ơn những dân tộc trên thế giới được đại diện đông đủ nơi đây.

Với đồng bào, tôi không ngần ngại mà nói rằng mỗi người trong chúng ta đều gắn bó mật thiết với đất đai của quốc gia tươi đẹp này cũng như với những cây phượng tím nổi tiếng của Pretoria và với những cây mimosa của đồng xanh. Mỗi khi chúng ta chạm xuống đất trên xứ sở này, chúng ta có một cảm giác là cá nhân được làm mới. Tâm trạng của quốc gia thay đổi trong khi tiết trời thay đổi. Chúng ta cảm thấy háo hức với nỗi vui mừng khi cỏ mọc xanh rì và hoa nở tươi thắm.

Tính chất hòa hợp về tâm linh và thể chất mà chúng ta chia sẻ với quê hương chung này giải thích chiều sâu của nỗi đau chúng ta mang trong con tim khi nhìn thấy đất nước bị chia rẽ trong cuộc tranh chấp kinh khủng, khi chúng ta nhìn thấy đất nước bị hắt hủi, đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị cô lập bởi các dân tộc trên thế giới, chính bởi vì đất nước trở thành một cơ sở rộng cho giáo điều độc hại và các hành xử của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cùng sự áp bức chủng tộc.

Chúng tôi, dân tộc Nam Phi, cảm thấy mãn nguyện ở chỗ nhân loại ôm chúng tôi vào lòng trở lại, ở chỗ không bao lâu trước đây chúng tôi là những người ngoài vòng pháp luật, giờ đây được trao đặc quyền hiếm hoi là đón tiếp nhiều quốc gia trên thế giới trên đất nước chúng tôi.

Chúng tôi cảm tạ các vị khách quý quốc tế đã đến đây để cùng dân tộc chúng tôi giành thắng lợi chung cho công lý, cho hòa bình, cho phẩm giá con người. Chúng tôi tin tưởng rằng quý vị sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với chúng tôi khi chúng tôi giải quyết những thách thức trong việc xây dựng hòa bình, thịnh vượng, không phân biệt giới tính, không phân biệt chủng tộc, và dân chủ.

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của quần chúng cùng các nhà lãnh đạo dân chủ, tôn giáo, phụ nữ, thanh niên, doanh nhân, cổ truyền và các nhà lãnh đạo khác trong việc mang lại kết quả này. Chúng tôi đánh giá cao không kém vị phó tổng thống thứ hai của chúng tôi, Ngài F. W. de Klerk. Chúng tôi cũng vinh danh các lực lượng an ninh ở mọi cấp bậc vì vai trò đặc sắc mà họ biểu lộ trong việc giữ gìn an ninh cho các cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của chúng tôi và cho sự chuyển giao từ các lực lượng khát máu vẫn không chịu nhìn nhận lẽ phải qua nền dân chủ.

Thời khắc cho việc làm lành các vết thương đã đến. Thời khắc cho việc lấp các lỗ hổng vốn chia cách chúng ta đã đến. Cuối cùng, chúng ta đã hoàn tất việc giải phóng chính trị. Chúng ta tự cam kết sẽ giải phóng tất cả nhân dân ta khỏi đói nghèo, thiếu thốn, khổ sở, phân biệt giới tính và những phân biệt khác.

Chúng ta thành công trong những bước cuối cùng dẫn đến nền tự do trong những điều kiện hòa bình tương đối. Chúng ta tự cam kết sẽ xây dựng một nền hòa bình toàn diện, công bằng và trường cửu. Chúng ta chiến thắng trong nỗ lực gieo hy vọng vào lòng hàng triệu người dân. Chúng ta đi đến một thỏa ước là sẽ xây dựng một xã hội trong đó tất cả người Nam Phi – cả da trắng lẫn da màu – sẽ có thể bước đi mà ngẩng cao đầu, không mang nỗi sợ hãi gì trong tim, được đảm bảo quyền bất khả xâm phạm đối với phẩm giá con người – một quốc gia cầu vồng với hòa bình cho mình và cho thế giới.

Như là một cam kết tượng trưng cho sự đổi mới trong quốc gia, tân chính phủ lâm thời đoàn kết dân tộc sẽ khẩn trương thực hiện ân xá cho những lớp người khác nhau đang bị cầm tù.

Chúng ta cung hiến ngày hôm nay cho tất cả anh hùng – nam cũng như nữ, trên đất nước này và cho phần còn lại của thế giới – đã hy sinh theo nhiều cách và từ bỏ mạng sống của họ hầu chúng ta có thể được tự do. Ước vọng của họ đã thành hiện thực. Nền tự do là phần thưởng cho họ.

Chúng tôi cảm thấy vừa khiêm tốn vừa hãnh diện bởi vinh dự và đặc quyền mà các bạn – dân tộc Nam Phi – đã trao cho chúng tôi, với tư cách tổng thống của một nước Nam Phi thống nhất, dân chủ, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt giới tính, để dẫn dắt quốc gia chúng ta ra khỏi thung lũng của tối tăm.

Chúng ta vẫn còn con đường chông gai đi trên con đường tự do. Chúng ta biết rằng không một người nào trong chúng ta có thể đơn độc đạt đến thành công. Vì thế, chúng ta phải hợp sức với nhau như là một dân tộc thống nhất, cho việc hòa giải quốc gia, cho việc gầy dựng quốc gia, cho một thế giới mới được sản sinh.

Phải có công lý cho mọi người. Phải có hòa bình cho mọi người. Phải có bánh mỳ, nước uống và muối cho mọi người. Mỗi người phải biết rằng thể chất, trí tuệ và linh hồn đã được giải phóng để tự phát huy.

Không bao giờ, không bao giờ và sẽ không bao giờ mảnh đất xinh đẹp này lại kinh qua nạn áp bức lẫn nhau và chịu khổ ải từ sự sỉ nhục làm con chồn hôi của thế giới. Mặt trời sẽ không bao giờ lặn trên một thành tựu nhân loại vinh quang đến thế. Hãy để tự do ngự trị.

Xin Ơn Trên phù hộ Nam Phi.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình: YouTubehttp://www.youtube.com/watch?v=grh03-NjHzc

Mujibur Rahman

Sau khi Anh quốc trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ vào năm 1947, hai nước độc lập được khai sinh là Ấn Độ gồm đa số người Ấn giáo, và Pakistan gồm đa số người Hồi giáo. Riêng Pakistan gồm có hai phần lãnh thổ cách biệt nhau 1600km bởi lãnh thổ Ấn Độ ở giữa: Pakistan chính ở phía Tây (còn được gọi là Tây Pakistan), và Bengal ở phía Đông (còn được gọi là Đông Pakistan).

Chẳng bao lâu, nhiều bất đồng nảy sinh giữa hai miền đất do những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ… và cũng do khoảng cách địa lý giữa hai miền. Dần dà người Bengal thấy họ bị đối xử bất công so với Tây Pakistan vì hệ thống chính trị và quân sự đều tập trung ở Tây Pakistan trong khi dân số Bengal đông hơn.

Mujibur Rahman (1920-1975), còn được gọi một cách kính trọng là Sheikh Mujib (Lãnh tụ Mujib), là chính khách và là người khai sinh ra quốc gia Bangladesh. Ông nổi lên từ lúc là lãnh đạo sinh viên ở Đông Pakistan. Ông là một trong những nhà sáng lập của Liên đoàn Awami với mục đích tranh đấu cho nền độc lập của Bengal, và được biết tiếng là nhà hùng biện tài ba và thu hút. Ông cổ vũ mạnh mẽ cho việc Đông Pakistan tách ra khỏi Pakistan thành một nước độc lập, do đó trở thành đối thủ của Tổng thống Pakistan, Ayub Khan, Tổng thống kế nhiệm, Yahya Khan, và thủ lĩnh đảng đa số ở Tây Pakistan, Ali Bhutto. Ông soạn thảo một chương trình tự trị gồm 6 điểm làm cơ sở cho nền độc lập của Bangladesh. Ông bị bắt và bị đưa ra xử trước tòa án quân sự với tội danh cấu kết với Ấn Độ, nhưng được tha bổng vì thiếu chứng cứ.

“Cuộc đấu tranh lần này là cho tự do của chúng ta!”

Đây là bài diễn văn ngày 07 tháng 3 năm 1971 của Sheikh Mujibur Rahman tại trường đua ngựa lịch sử Ramna Race Course Maidan ở Thành phố Dhaka với cử tọa gồm nhiều thành phần trong xã hội. Vào thời gian này, căng thẳng đang dâng cao giữa quần chúng ở Bengal đòi độc lập và chính quyền Tây Pakistan cứng rắn. Tổng thống Pakistan điều binh sĩ đàn áp tàn bạo những cuộc biểu tình đòi độc lập cho Bangal.

Bài diễn văn được nhiều người xem là tuyên ngôn độc lập của Bengal, cho dù tuyên ngôn chính thức được công bố ngày 26 tháng 3 năm 1971. Trong bài diễn văn này, Sheikh Mujibur Rahman sang sảng cất lên câu nói nổi tiếng “Cuộc đấu tranh lần này là cho tự do của chúng ta. Cuộc đấu tranh lần này là cho nền độc lập của chúng ta!” Ông cũng đi đến một quyết định lịch sử là công bố phong trào bất bạo động trong cuộc tranh đấu của mình.

Mujibur Rahman
Mujibur Rahman

Tôi đến trước mặt các bạn với con tim trĩu nặng.

Tất cả các bạn đều biết chúng ta đã nỗ lực như thế nào. Nhưng điều buồn phiền là ngày hôm nay, những con đường ở Dhaka, Chittagong, Khulna, Rangpur và Rajshahi vương vãi máu của anh em chúng ta, và tiếng khóc mà chúng ta nghe được từ nhân dân Bengal là tiếng khóc than đòi tự do, tiếng khóc than đòi sống tồn, tiếng khóc than đòi quyền cho chúng ta.

Các bạn là những người mang đến chiến thắng cho Liên đoàn Awami, qua đó các bạn có thể thấy chính quyền lập hiến được phục hồi. Có hy vọng là các đại biểu dân cử trong Quốc hội sẽ soạn thảo một bản hiến pháp nhằm đảm bảo sự giải phóng cho nhân dân về kinh tế, chính trị và văn hóa.

Nhưng bây giờ, với nỗi buồn nặng nề trong tim, tôi nhìn lại 23 năm chiến thắng của chúng ta và không thấy gì ngoại trừ một lịch sử đổ máu của dân tộc Bengal. Lịch sử của chúng ta là lịch sử của triền miên than khóc, liên tiếp đổ máu và nước mắt.

Chúng ta đổ máu năm 1952; chúng ta tranh thủ một sự ủy thác năm 1954. Nhưng chúng ta vẫn chưa có quyền điều hành đất nước này. Vào năm 1958, [Tổng thống] Ayub Khan áp đặt Thiết quân Luật lên nhân dân chúng ta và đưa chúng ta vào vòng nô dịch trong suốt 10 năm trời. Vào năm 1966, trong Phong trào Sáu Điểm của quần chúng, nhiều thanh niên thanh nữ hy sinh dưới lằn đạn của chính phủ.

Sau khi Ayub xuống dốc, Ông Yahya Khan lên nắm quyền với lời hứa là sẽ phục hồi luật hiến pháp, vãn hồi nền dân chủ và giao quyền hành cho nhân dân.

Chúng tôi đồng ý. Nhưng tất cả các bạn đã biết về những biến cố xảy ra sau đó, nên tôi hỏi các bạn: có phải do lỗi của chúng ta hay không?

Như các bạn đã biết, tôi đã tiếp xúc với Tổng thống Yahya Khan. Với tư cách là thủ lĩnh đảng đa số trong Quốc hội, tôi yêu cầu ông ấy định ngày 15 tháng 5 là ngày khai mạc phiên họp. Ông ấy không chấp nhận yêu cầu tôi đưa ra. Thay vào đó, ông ấy thuận theo sự trì hoãn do thủ lĩnh thiểu số, Ông Bhutto, đưa ra, và thông báo rằng Quốc hội sẽ nhóm họp ngày 03 tháng 3.

Chúng tôi chấp nhận việc này, và đồng ý sẽ tham gia các cuộc thảo luận. Thậm chí tôi còn đi xa hơn khi nói rằng chúng ta, cho dù là đa số, vẫn lắng nghe những ý kiến của đảng thiểu số, cho dù ý kiến đó là tiếng nói nhỏ nhoi. Tôi cam kết hậu thuẫn bất kỳ điều gì nhằm thúc đẩy phục hồi chính phủ lập hiến.

Khi Ông Bhutto đến Dhaka, chúng tôi hội kiến với nhau. Chúng tôi thảo luận. Ông ấy ra về, nói rằng vẫn để mở cánh cửa đàm phán. Moulana Noorani và Moulana Mufti nằm trong số những đại biểu Quốc hội đến Dhaka và thảo luận với tôi về thỏa ước cho bộ khung hiến pháp.

Tôi vạch rõ rằng không thể đồng ý điều gì trái ngược với Sáu Điểm. Quyền này là thuộc về nhân dân. Tôi nói với họ hãy đến, cùng nhau ngồi xuống mà giải quyết các vấn đề.

Nhưng Bhutto trả đũa rằng ông không cho phép mình bị áp lực từ hai phía. Ông tiên đoán rằng nếu có đại biểu Quốc hội Đông Pakistan nào đến Dhaka, Quốc hội sẽ biến thành lò sát sinh. Ông ấy thêm rằng nếu có ai đi tham dự buổi họp như thế, tình trạng bất ổn toàn quốc sẽ nổ ra từ Peshawar đến Karachi và rằng tất cả các cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa để phản đối.

Tôi trấn an ông ấy rằng Quốc hội sẽ được triệu tập và cho dù có đe dọa khủng khiếp, các nhà lãnh đạo Tây Pakistan đã đi Dhaka.

Nhưng thình lình, ngày 01 tháng 3, phiên họp bị hủy bỏ.

Lập tức quần chúng cất tiếng phản đối động thái này. Tôi kêu gọi các cửa hiệu đóng cửa như là một hình thức phản đối ôn hòa, và quần chúng xuống đường để phản ứng.

Và chúng ta nhận phản ứng ra sao?

Ông ấy ra lệnh chĩa súng đến người dân bất lực của chúng ta, những người không có vũ khí để tự vệ. Vũ khí của họ được mua bằng tiền thuế của người dân chúng ta với mục đích bảo vệ tất cả chống ngoại xâm. Nhưng chính người dân chúng ta lại bị bắn ngày hôm nay.

Trong quá khứ cũng thế: mỗi lần chúng ta – thành phần chiếm đa số trong dân số Pakistan – cố xác định quyền của chúng ta và quyền kiểm soát vận mệnh của chúng ta, họ lại âm mưu chống chúng ta và đàn áp chúng ta.

Trước đây tôi hỏi họ: Làm thế nào ông đưa anh em của chính ông ra làm mục tiêu cho những viên đạn?

Bây giờ Yahya Khan nói rằng tôi đã đồng ý một Hội nghị Bàn Tròn vào ngày 10. Tôi xin vạch rõ rằng việc này là không có thật.

Tôi nói, Ông Yahya Khan, ông là Tổng thống của đất nước này. Hãy đến Dhaka, đến xem người dân bị đốn ngã dưới lằn đạn ra sao, những người mẹ và những người chị bị cướp bóc và chịu tang tóc ra sao, những người dân không vũ trang của tôi bị tàn sát. Tôi nói ông hãy đến, hãy đến để chính mắt ông xem rồi phán xét và quyết định. Tôi nói với ông ấy như thế.

Trước đó, tôi nói với ông ấy sẽ không có Hội nghị Bàn Tròn. Hội nghị Bàn Tròn gì? Hội nghị Bàn Tròn của ai? Ông mong chúng tôi ngồi vào Hội nghị Bàn Tròn cùng với chính những người đã cướp bóc những người mẹ và những người chị của chúng tôi hay sao?

Vào ngày 03, ở Paltan, tôi kêu gọi phong trào bất hợp tác và đóng cửa văn phòng, tòa án và cơ quan thu thuế. Các bạn đã hậu thuẫn tôi hết lòng.

Thế rồi, thình lình, không tham khảo với tôi hoặc thậm chí báo cho tôi hay, ông ấy gặp một người trong 5 giờ rồi đọc một bài diễn văn trong đó ông ấy đổ lỗi tất cả cho tôi, kết án người dân Bengal về mọi sai trái!

Bế tắc là do Bhutto tạo ra, nhưng người Bengal lại đối mặt với những lằn đạn! Chúng ta đối mặt với các khẩu súng của họ, nhưng do lỗi của chúng ta. Chúng ta là những người bị đạn của họ bắn trúng, và chúng ta vẫn có lỗi!

Vì thế, cuộc đấu tranh lần này là cho tự do của chúng ta! Cuộc đấu tranh lần này là cho nền độc lập của chúng ta!

Hỡi anh em, bây giờ họ triệu tập Quốc hội để họp bắt đầu ngày 25 tháng 3, trong khi máu của anh em ta chưa khô trên đường. Các ông triệu tập Quốc hội, nhưng các ông phải đồng ý với những yêu cầu của tôi: binh sĩ phải quay về doanh trại của họ, những kẻ giết chết nhân dân tôi phải được xử lý. Và quyền lực phải được chuyển giao cho những đại diện dân cử. Chỉ khi ấy, chúng ta mới xem xét liệu chúng ta sẽ tham dự trong Quốc hội hay không.

Nếu những yêu cầu của tôi không được đáp ứng thì sẽ không có việc tham dự vào phiên họp của Quốc hội. Đó là một quyền mà quần chúng không trao cho tôi.

Như tôi nói với các bạn trước đây, Mujibur Rahman từ chối đi dự Quốc hội trao đổi trên máu của anh em ông ta!

Các anh em tin tưởng tôi hoàn toàn hay không?

Tôi xin nói rằng tôi không tìm kiếm chức vụ thủ tướng. Những gì tôi muốn là công lý, là quyền của nhân dân tôi trên mảnh đất này. Họ mang chức vụ thủ tướng để dụ dỗ tôi nhưng họ không mua chuộc được tôi. Họ cũng thất bại khi muốn đưa tôi lên máy chém, bởi vì các bạn đã đổ máu để cứu tôi tránh cái mà người gọi là tội âm mưu.

Ngày hôm ấy, ngay ở trường đua ngựa này, tôi đã cam kết với các bạn rằng tôi sẽ trả món nợ máu bằng chính máu của tôi. Các bạn còn nhớ không? Ngày hôm nay tôi sẵn sàng làm tròn lời hứa ấy!

Bây giờ tôi tuyên cáo đóng cửa tất cả tòa án, văn phòng và cơ sở giáo dục vô thời hạn. Không ai trình diện nơi văn phòng của họ – đây là chỉ thị của tôi cho các bạn.

Để cho người nghèo không bị trở ngại, xe lôi, xe hỏa và các loại giao thông khác sẽ hoạt động bình thường, ngoại trừ để phục vụ cho quân đội. Nếu không tôn trọng quyết định này thì tôi sẽ không chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ban Bí thư, Tòa Thượng thẩm, Tòa Thẩm phán, các văn phòng chính phủ và bán chính phủ sẽ đóng cửa. Ngân hàng chỉ có thể mở cửa 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho giao dịch thương mại, Nhưng không chuyển tiền từ Đông Pakistan qua Tây Pakistan. Dân chúng Bengal phải giữ bình tĩnh trong những lúc này. Các thông tin điện tín và điện thoại chỉ được thực hiện trong nội bộ Bangladesh.

Nhân dân trên mảnh đất này đang đối mặt với sự hủy diệt, vì thế cần phải đề cao cảnh giác. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ cho ngưng mọi hoạt động.

Hãy thu tiền lương kịp lúc. Nếu tiền lương bị giữ lại, nếu từ lúc này có một viên đạn bắn về phía chúng ta, nếu việc sát hại nhân dân ta không dừng lại, tôi kêu gọi các bạn biến mỗi ngôi nhà thành một pháo đài để chống lại cuộc tấn công. Sử dụng mọi thứ bạn có thể nắm được để đương đầu với kẻ thù này. Phải ngăn chặn mọi ngả đường.

Chúng ta sẽ không cung cấp thực phẩm cho họ, chúng ta sẽ không cấp nước cho họ. Cho dù tôi không ở gần để ra lệnh và nếu những cộng sự của tôi không có mặt, tôi yêu cầu các bạn tiếp tục phong trào của chúng ta mà không ngơi nghỉ.

Tôi nói một lần nữa với họ: các bạn là những người anh em của tôi, hãy trở về doanh trại của các bạn và tôi sẽ không tỏ ra thù hằn với các bạn. Chỉ có điều đừng chĩa súng về các con tim của các bạn: Việc này chẳng tốt đẹp gì cả!

Và 70 triệu người trên mảnh đất này sẽ không còn hãi sợ các bạn hoặc chấp nhận bị áp bức. Dân tộc Bengal biết làm thế nào hy sinh cho chính nghĩa và các bạn sẽ không thể đặt họ dưới gông cùm áp bức của các bạn!

Nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sĩ và người bị thương, Liên đoàn Awami thiết lập các ủy ban để làm những gì có thể. Xin vui lòng đóng góp những gì có thể được. Các chủ nhân cũng sẽ trả đủ tiền lương cho công nhân tham gia 7 ngày đóng cửa hoặc không thể đi làm do lệnh giới nghiêm.

Đối với tất cả công nhân viên chức, tôi muốn nói rằng những chỉ thị của tôi sẽ được tuân thủ. Tôi không muốn ai trong số các bạn ở văn phòng. Từ ngày hôm nay cho đến lúc mảnh đất này được tự do, không được đóng thuế cho chính phủ. Ngay lúc này, họ đã dừng lại. Hãy để mọi việc cho tôi xử lý. Tôi biết cách tổ chức phong trào.

Nhưng phải rất cẩn thận. Hãy luôn nhớ rằng kẻ thù đã xâm nhập vào hàng ngũ của chúng ta để tham gia vào các hoạt động khiêu khích. Cho dù là người Bengal hay không, cho dù là người theo Ấn giáo hoặc Hồi giáo, mọi người đều là anh em với nhau, và chúng ta có trách nhiệm duy trì an ninh cho họ.

Tôi cũng muốn yêu cầu các bạn ngưng nghe đài, truyền hình và báo chí nếu những phương tiện này không trình bày tin tức về phong trào của chúng ta.

Đối với họ, tôi nói: các bạn là anh em của chúng tôi. Tôi cầu xin các bạn đừng biến đất nước này thành một địa ngục. Nếu như thế thì không còn hy vọng. Một ngày nào đó, liệu các bạn có thể chường mặt ra và đối mặt với lương tâm của các bạn không?

Nếu chúng ta có thể giải quyết sự bất đồng của chúng ta một cách ôn hòa thì vẫn còn có hy vọng là chúng ta có thể sống chung với nhau như anh em. Nếu các bạn chọn con đường khác, chúng ta có thể không bao giờ giáp mặt nhau nữa.

Bây giờ, tôi muốn yêu cầu các bạn một điều: Hãy từ bỏ ý nghĩ đưa đất nước này dưới sự nô dịch của chính quyền quân sự nữa!

Tôi yêu cầu nhân dân tôi lập tức thành lập những ủy ban dưới quyền lãnh đạo của Liên minh Awami để tiến hành cuộc tranh đấu của chúng ta ở mỗi khu vực, xóm làng, nghiệp đoàn và phường tổ trên mảnh đất này.

Các bạn phải chuẩn bị với những gì hạn chế các bạn có cho cuộc đấu tranh trước mắt. Vì lẽ chúng ta đã đổ máu, chúng ta sẽ đổ máu thêm nữa. Nhưng, nhờ ơn Đấng Allah, chúng ta sẽ giải phóng nhân dân của đất nước này!

Cuộc đấu tranh lần này là để giải phóng. Cuộc đấu tranh lần này là cho độc lập!

Hãy sẵn sàng. Chúng ta không thể để mất cơ hội. Hãy duy trì phong trào và cuộc đấu tranh, bởi vì nếu chúng ta lùi bước họ sẽ đàn áp chúng ta.

Hãy duy trì kỷ luật. Không có phong trào dân tộc nào chiến thắng nếu không có kỷ luật.

Bengal sẽ chiến thắng!

* * *

Vào đầu tháng 12 năm 1971, quân đội Ấn Độ can thiệp mạnh mẽ để hậu thuẫn cho các lực lượng của người Bengal ở Đông Pakistan. Đến giữa tháng 12 năm 1971, quân đội Pakistan đầu hàng. Ngày 16 tháng 12 năm ấy, Đông Pakistan trở thành quốc gia độc lập mang tên Bangladesh (có nghĩa: đất của người Bengal).

Mujibur Rahman trở thành Thủ tướng đầu tiên của quốc gia này rồi làm Tổng thống Bangladesh cho đến khi ông bị ám sát chết.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: http://en.wikipedia.org/wiki/This_time_the_struggle_is_for_our_freedom

Jane Fonda

Jane Fonda (1937- ) là nữ diễn viên điện ảnh người Mỹ, con của nam diễn viên nổi tiếng Peter Fonda. Bà cũng là tác gia, nhà hoạt động chính trị, và chuyên gia huấn luyện thể dục.

Trong chiến tranh Việt Nam, bà là người chống chiến tranh. Vào tháng 7 năm 1972, bà viếng thăm miền Bắc Việt Nam trong thời gian máy bay Mỹ đang thả bom. Bà đi thăm một số tù binh Mỹ và giúp mang tin nhắn về cho gia đình họ. Bà có 10 bài phát biểu trên đài phát thanh, trong đó bà kết án các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ là “tội phạm chiến tranh”.

Một bức ảnh chụp Jane Fonda ngồi bên một pháo cao xạ, hát cho lính phòng không Bắc Việt, gây tranh cãi mạnh. Jane Fonda kể về sự kiện này như sau: “Tôi được yêu cầu hát và mọi người cười vui và tôi được dẫn tới đó rồi tôi ngồi xuống. Và sau đó tôi đứng dậy và đi ra khỏi đó. Tôi nhận ra rằng ‘Ôi Chúa ơi. Trông sẽ như là tôi đang chống lại những người lính của đất nước tôi và đứng về phía kẻ thù. Đó là điều hoàn toàn không đúng.”(1)

“Người Việt Nam sẽ không nhượng bộ” (1972)

Bài phát biểu dưới đây được phát thanh ngày 22 tháng 8 năm 1972.

Jane Fonda sits on an antiaircraft gun during a 1972 trip to North Vietnam
Jane Fonda ngồi bên pháo cao xạ, hát giữa lính phòng không

Tôi là Jane Fonda. Trong thời gian hai tuần viếng thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi có cơ hội đi thăm nhiều địa điểm vĩ đại và tiếp chuyện với một số lớn người dân ở mọi tầng lớp – công nhân, nông dân, sinh viên, nghệ sĩ và diễn viên múa, sử gia, nhà báo, diễn viên điện ảnh, binh sĩ, các cô dân quân, thành viên Hội Phụ nữ, nhà văn.

Tôi đến thăm hợp tác xã nông nghiệp Dam Xuac [nguyên văn], nơi nuôi tằm và lấy tơ. Tôi đến thăm một nhà máy dệt và một trường mẫu giáo ở Hà Nội. Khu Văn Miếu đẹp đẽ là nơi tôi được xem những điệu múa dân gian và nghe những ca khúc khởi nghĩa. Tôi cũng được xem một vở ba-lê mà tôi sẽ nhớ mãi, trình bày các chiến sĩ du kích huấn luyện ong ở miền Nam để tấn công quân địch. Các nữ vũ công thể hiện là những con ong, và họ thể hiện rất hay.

Trong bóng râm ở Văn Miếu, tôi được xem các nghệ sĩ nam và nữ trình diễn hồi thứ hai của vở kịch All my sons [Tất cả con trai của tôi] của Arthur Miller(2). Đây là một trải nghiệm đầy xúc động đối với tôi – vì lẽ các nghệ sĩ ở đây đang diễn dịch và trình bày kịch nghệ Mỹ trong khi đế quốc Mỹ đang thả bom xuống đất nước họ.

Tôi ghi nhớ trong ký ức những cô gái dân quân e thẹn trên nóc nhà máy của họ, cổ vũ một trong các cô bạn khi cô này hát một ca khúc ngợi ca bầu trời xanh của Việt Nam – những cô gái này thật hiền dịu và đầy chất thơ, có giọng nói trong trẻo ngọt ngào, nhưng khi máy bay Mỹ đến thả bom thành phố họ thì họ trở thành chiến binh giỏi.

Tôi ghi nhớ khoảnh khắc một nông dân di tản khỏi Hà Nội, không ngần ngại mà dành cho tôi, một người Mỹ, hầm trú ẩn cá nhân tốt nhất trong khi bom Mỹ đang rơi gần đấy. Thật ra là một cô gái trẻ và tôi chia chung một hầm trú ẩn, vòng tay chúng tôi ôm lấy nhau, má kề má. Đấy là trên con đường từ Nam Định trở về, nơi tôi chứng kiến sự tàn phá có hệ thống những mục tiêu dân sự – trường học, bệnh viện, chùa chiền, xí nghiệp, nhà cửa, và hệ thống đê điều.

Và khi tôi rời nước Mỹ hai tuần lễ trước, Nixon lại bảo với người dân Mỹ rằng ông đang xuống thang chiến tranh, nhưng trên những con đường đầy đổ nát ở Nam Định, ngôn từ của ông vang vọng thành ngôn từ hung hãn của một kẻ sát nhân đích thực. Giống như cô gái trẻ Việt Nam mà tôi đang ôm chặt trong vòng tay – và tôi áp má mình sát má cô – tôi nghĩ, cuộc chiến này có lẽ chống lại Việt Nam, nhưng là thảm họa của nước Mỹ.

Có một điều mà tôi được biết rõ kể từ lúc tôi đến đất nước này, đấy là Nixon sẽ chẳng bao giờ lung lay được ý chí của dân tộc này; bằng cách thả bom, xâm lược hoặc tấn công theo bất kỳ cách nào khác ông ấy sẽ chẳng bao giờ biến Việt Nam, miền Bắc lẫn miền Nam, thành tân thuộc địa của nước Mỹ. Ta phải đi về miền nông thôn nghe nông dân mô tả cuộc sống của họ trước thời cách mạng để hiểu tại sao mỗi quả bom thả xuống chỉ củng cố ý chí kháng cự của họ.

Tôi trò chuyện với nhiều nông dân, họ nói về những ngày cha mẹ họ phải bán họ cho chủ điền để làm việc như là nô lệ, vào thời có rất ít trường học, nạn mù chữ còn cao, chăm sóc y tế còn yếu kém, khi mà họ không làm chủ được đời mình.

Nhưng bây giờ, cho dù bơm rơi, cho dù tội ác đang diễn ra – tội ác do Nixon gây ra cho họ – những nông dân này đang làm chủ mảnh đất của họ, xây dựng trường học của họtrẻ em đang đi học, nạn mù chữ được xóa bỏ, không còn tệ nạn mãi dâm như khi còn là thuộc địa của Pháp. Nói cách khác, người dân đang nắm quyền trong tay mình, và đang làm chủ cuộc đời mình.

Sau 4.000 năm tranh đấu chống lại thiên nhiên và ngoại xâm – trong 25 năm cuối cùng, trước cuộc cách mạng, chống lại thực dân Pháp – tôi nghĩ người Việt Nam sẽ không nhượng bộ theo cách nào, theo thể thức nào đối với tự do và độc lập của đất nước họ, và tôi nghĩ Richard Nixon sẽ làm tốt hơn nếu ông đọc lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thi ca của họ, và đặc biệt là thi ca của Hồ Chí Minh.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Famous Speeches and Speech Topicshttp://www.famous-speeches-and-speech-topics.info/famous-speeches-by-women/jane-fonda-speech.htm

Chú thích

(1) ‘Hanoi Jane’ không hối tiếc về chuyến thăm Việt Namhttps://www.voatiengviet.com/a/4076011.html

(2) Arthur Asher Miller (1915-2005): kịch tác gia và nhà biên khảo nổi tiếng người Mỹ, được trao Giải Pulitzer về kịch bản cùng một vài giải thưởng quốc tế khác.

Salvador Allende

Salvador Allende (1908-1973) là bác sĩ y khoa và chính trị gia người Chilê, được xem là người theo chủ nghĩa Mácxít đầu tiên được bầu một cách dân chủ để trở thành nguyên thủ một nước.

Allende ứng cử trong ba kỳ bầu cử tự do dân chủ tổng thống Chilê vào các năm 1952, 1958 và 1964 nhưng đều thất cử. Đến năm 1970, ông đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử tự do dân chủ có 3 ứng viên.

Allende áp dụng chính sách quốc hữu hóa các nhà máy và mở tổ hợp sản xuất, làm giảm vai trò của lĩnh vực tư, đặc biệt là những công ty có vốn nước ngoài, với mục đích cải thiện đời sống của người nghèo. Ông kêu gọi tiến hành thay đổi sâu xa về kinh tế-xã hội nhưng cũng duy trì các thể chế chính trị dân chủ. Ông gọi đó là “Con đường Chilê” đến chủ nghĩa xã hội qua đường lối dân chủ và pháp trị. Để đạt được mục đích này, ông đẩy mạnh cải cách ruộng đất, thu hồi đất từ các đồn điền lớn để chia cho nông dân nghèo. Ông cũng kềm chế giá cả, tăng lương, bao cấp sữa cho trẻ em, mở rộng dịch vụ bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Diễn văn cuối cùng (1973)

Hành động của Allende khi quốc hữu hóa các công ty nước ngoài vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, kèm theo nỗi e ngại chủ nghĩa Mácxít sẽ lan rộng ở Nam Mỹ. Áp lực của Mỹ và chính sách nóng vội, thiếu khôn ngoan của Allende khiến cho nền kinh tế của Chilê đi xuống, lạm phát tăng cao trong khi lương thực bị thiếu hụt. Sự bất mãn của quần chúng vì thế lan nhanh.

Giữa những cuộc đình công do phái cực hữu và phái tả tổ chức, nhiều cuộc biểu tình nổ ra bởi những nhóm khác nhau hậu thuẫn và chống đối ông. Ngày 11 tháng 9 năm 1973, quân đội dưới quyền Tướng Augusto Pinochet Ugarte phát động cuộc đảo chính chống lại Allende. Họ đề nghị cho Allende lưu vong ra nước ngoài nhưng ông từ chối. Trong khi các lực lượng vũ trang bao vây Dinh Tổng thống, bên trong Allende phát biểu bài diễn văn cuối cùng.

Salvador Allen
Salvador Allende

Các bạn của tôi,

Chắc chắn đây là cơ hội cuối cùng cho tôi phát biểu với các bạn. Không quân đã giội bom các cột ăng-ten của Đài Phát thanh Magallanes.

Ngôn từ của tôi không chua chát nhưng thất vọng. Cầu cho những người phản bội lời thề sẽ bị trừng phạt về đạo đức: binh sĩ Chilê, các tư lệnh trên danh nghĩa, Đô đốc Merino, người tự phong cho mình Tư lệnh Hải quân, và Ông Mendoza, thân làm tướng hèn hạ mới ngày hôm qua còn cam kết trung thành với Chính phủ, và cũng là người tự phong cho mình chức Tư lệnh Cảnh sát bán quân sự.

Xét theo những sự kiện ấy, tôi chỉ còn biết nói với công nhân: tôi sẽ không từ chức! Đặt mình vào sự chuyển biến lịch sử, tôi sẽ cống hiến lòng trung thành với nhân dân bằng mạng sống của tôi. Và tôi muốn nói với nhân dân rằng những hạt mầm mà chúng ta đã gieo trong lương tâm của hàng nghìn và hàng nghìn người Chilê sẽ không bao giờ héo úa.

Họ có sức mạnh và họ có thể chế ngự chúng ta, nhưng tội ác và vũ lực không thể dừng lại những tiến trình xã hội. Lịch sử là của chúng ta, và nhân dân ta làm nên lịch sử.

Công nhân của đất nước: Tôi muốn cảm ơn các bạn vì lòng trung thành của các bạn, niềm tin mà các bạn đặt nơi một người chỉ diễn dịch những khao khát cho công lý, người cam kết sẽ tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, và làm đúng như thế. Vào thời khắc quyết định này, thời khắc cuối cùng mà tôi có thể phát biểu với các bạn, tôi muốn các bạn tiếp thu bài học: giới tư bản nước ngoài, chủ nghĩa đế quốc, cùng với bọn phản động, tạo ra một bầu không khí trong các các Lực lượng Vũ trang phá vỡ truyền thống, truyền thống do Tướng Schneider(1) rao giảng và do Tư lệnh Araya khẳng định, những nạn nhân của cùng một lĩnh vực xã hội mà ngày hôm nay, với sự hỗ trợ của ngoại bang đang mưu đồ giành lại quyền lực để tiếp tục bảo vệ những lợi ích và đặc quyền của họ.

Trước nhất, tôi muốn bày tỏ với đất mẹ đã tin tưởng nơi chúng ta, đất mẹ đã thông hiểu mối quan tâm của chúng ta đối với con cái. Tôi muốn bày tỏ với các nhà chuyên môn của Chilê, các nhà chuyên môn yêu nước đang tiếp tục làm việc chống lại cuộc bạo loạn được hậu thuẫn bởi các hội đoàn chuyên môn, các hội đoàn theo giai cấp muốn bảo vệ quyền lợi của xã hội tư bản. Tôi muốn bày tỏ với giới trẻ, những người đã ca hát tạo nguồn vui cho chúng ta và thể hiện với chúng ta tinh thần tranh đấu. Tôi muốn bày tỏ với người Chilê, công nhân, nông dân, trí thức, những người sẽ bị đàn áp, bởi vì trong xã hội chúng ta chủ nghĩa phát-xít đã hiện diện nhiều giờ đồng hồ – trong những cuộc tấn công khủng bố, phá nổ các cây cầu, cắt các tuyến đường sắt, phá hủy các ống dầu khí, trong sự im lặng của những người có nghĩa vụ phải hành động. Họ đã phạm tội. Lịch sử sẽ xét xử họ.

Chắc chắn là Đài Phát thanh Magallanes sẽ bị im tiếng, và lời nói của tôi sẽ không còn đến với các bạn được nữa. Không sao cả. Các bạn sẽ tiếp tục nghe. Tôi sẽ luôn ở bên các bạn. Ít nhất hồi ức về tôi sẽ là hồi ức của một người với phẩm giá đã trung thành với đất nước.

Nhân dân ta phải tự bảo vệ mình, nhưng không được hy sinh thân mình. Nhân dân ta không nên để bị trúng đạn, nhưng cũng không thể để bị làm nhục.

Là công nhân của đất nước, tôi có niềm tin nơi Chilê và vận mệnh của đất nước. Những người khác sẽ vượt qua thời khắc tối tăm và cay đắng này khi sự phản bội muốn lấn lướt. Hãy tiến lên, biết rằng chẳng chóng thì chầy, những con đường sẽ lại được rộng mở và những con người tự do sẽ tiến bước để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Chilê muôn năm! Nhân dân muôn năm! Công nhân muôn năm!

Đây là những lời cuối cùng của tôi, và tôi tin chắc rằng sự hy sinh của tôi sẽ không phải là vô ích; tôi tin chắc rằng, cuối cùng, đây sẽ là bài học về đạo đức để trừng phạt trọng tội, sự hèn nhát và phản quốc.

* * *

Quân đội bao vây bắn rốc-két vào Dinh Tổng thống nhưng Allende, đầu đội nón sắt, chỉ huy lực lượng dưới quyền kiên quyết chống trả. Giao tranh diễn ra dữ dội. Khi im tiếng súng, quân đội tiến vào trong Dinh Tổng thống và tìm thấy Allende nằm chết với nhiều vết thương vì trúng đạn. Cái chết của ông được cho là do tự sát.

Sau đó, Tướng Augusto Pinochet thiết lập chế độ độc tài quân phiệt kéo dài 16 năm.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Public domain WikiSourcehttp://en.wikisource.org/wiki/Salvador_Allende%27s_Last_Speech

Chú thích

(1) Tướng René Schneider (1913-1970): Tư lệnh Lục quân Chilê, bị một nhóm binh sĩ do Tướng Roberto Viaux cầm đầu sát hại trong âm mưu đảo chính chống Allende. Vụ ám sát này được cho là do Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ giật dây.

Richard Nixon

Richard Milhous Nixon (1913-1994) là Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, phục vụ trong giai đoạn 1969-1974, sau khi làm Đại biểu Hạ viện và Thượng Nghị sĩ của Bang California, rồi làm Phó Tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1953-1961.

Về đối ngoại, Nixon có hai động thái tạo bước ngoặt quan trọng cho lịch sử: (i) chuyến đi đến Trung Quốc năm 1972 mở màn cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ, và (22) chấm dứt sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam năm 1973.

Diễn văn từ chức (1974)

Richard Milhous Nixon là Tổng thống duy nhất của Hoa Kỳ tuyên bố từ chức khi nhiệm kỳ chưa kết thúc.

Vụ bê bối Watergate, chủ yếu do việc đột nhập vào Trụ sở Quốc gia của Đảng Dân chủ và sau đó là những mưu đồ che giấu vụ việc, hủy tang chứng và cản trở cuộc điều tra khiến cho Nixon mất hậu thuẫn trong Quốc hội, đối mặt với nguy cơ bị buộc tội và bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ngày 08 tháng 8 năm 1974, Nixon đọc một bài diễn văn tuyên bố từ chức cho dù vẫn không thú nhận mình có tội.

Bài diễn văn được đánh giá như sau:

  • Một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).
  • Một trong 10 bài diễn văn của tổng thống Hoa Kỳ hay nhất tạo chuyển biến cho nước Mỹ (trang mạng Interactive Voices, Inc.).
  • Được đưa vào Bộ Sưu tập 65 bài diễn văn vĩ đại nhất (Greatest Speech Collection) của trang mạng The History Place.
  • Một trong 25 bài diễn văn chính trị hàng đầu mọi thời đại (báo The Telegraph, Anh quốc).

Xin chào:

Đây là lần thứ 37 tôi nói chuyện với quý vị từ văn phòng này, nơi đã có nhiều quyết định hình thành lịch sử của đất nước. Mỗi lần như thế, tôi thảo luận với quý vị vài chủ đề mà tôi tin có ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia. Trong tất cả quyết định của tôi trong đời sống công bộc, tôi luôn cố gắng làm điều tốt đẹp nhất cho đất nước.

Qua thời gian kéo dài và khó khăn của vụ Watergate, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ để duy trì – để có mọi nỗ lực nhằm hoàn tất nhiệm kỳ mà quý vị đã bầu cho tôi. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, tôi thấy rõ ràng là tôi không còn đủ sự hậu thuẫn chính trị ở Quốc hội để tiếp tục nỗ lực ấy. Chừng nào mà còn có sự hậu thuẫn thì tôi còn cảm thấy mạnh mẽ cần thực hiện tiến trình về hiến pháp cho đến khi hoàn tất; nếu không thì là không trung thành với tinh thần của tiến trình khó khăn do cố ý ấy, và tạo nên một tiền lệ nguy hiểm gây mất ổn định trong tương lai. Nhưng khi không còn có sự hậu thuẫn ấy, bây giờ tôi tin rằng mục đích về hiến pháp đã được thực thi. Và không còn cần thiết phải kéo dài tiến trình.

Đáng lẽ tôi muốn tiếp tục cho đến khi hoàn tất dù phải chịu khổ sở về mặt cá nhân thế nào chăng nữa, và gia đình tôi nhất trí thúc giục tôi làm như thế. Nhưng lợi ích của đất nước phải đi trước bất kỳ yếu tố cá nhân nào. Từ các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo ở Quốc hội và nơi khác, tôi kết luận rằng do vụ Watergate tôi có thể mất sự hậu thuẫn của Quốc hội cần thiết để hỗ trợ mọi quyết định khó khăn và thi hành những nghĩa vụ của văn phòng này theo lợi ích của quốc gia đòi hỏi.

Tôi không bao giờ là kẻ bỏ cuộc.

Rời khỏi chức vụ trước khi nhiệm kỳ của tôi kết thúc là điều kinh khiếp đối với mọi bản năng trong người tôi. Nhưng là Tổng thống, tôi phải đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên tất cả.

Nước Mỹ cần có một Tổng thống làm việc toàn thời gian và một Quốc hội làm việc toàn thời gian, đặc biệt vào lúc này với những vấn nạn chúng ta đang đối mặt trong nước và ở nước ngoài. Tranh đấu qua những tháng ngày sắp tới nhằm xác minh cho bản thân mình sẽ tiêu tốn thời gian và sự chú ý của cả Tổng thống và Quốc hội trong giai đoạn mà cả trọng tâm của chúng ta cần được đặt vào những vấn đề lớn lao về hòa bình ở nước ngoài và sự phồn thịnh mà không lạm phát trong nước.

Vì thế, tôi sẽ từ chức Tổng thống, có hiệu lực từ giữa trưa ngày mai.

Vào giờ ấy, Phó Tổng thống Ford sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trong văn phòng này.

Khi tôi hồi tưởng những hy vọng lớn cho đất nước theo đó chúng ta bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai này, tôi cảm thấy buồn vô cùng vì tôi sẽ không còn thay mặt cho quý vị làm việc ở văn phòng này nữa để thực hiện những hy vọng ấy trong vòng hai năm rưỡi tới. Nhưng khi chuyển hướng của Chính phủ qua Phó Tổng thống Ford, tôi biết sự lãnh đạo nước Mỹ sẽ nằm trong bàn tay có năng lực, như tôi đã nói với quốc dân khi đề cử ông ấy mười tháng trước.

Khi chuyển nhiệm vụ này cho Phó Tổng thống, tôi cũng làm thế với ý thức sâu sắc về gánh nặng trách nhiệm đặt lên đôi vai ông ấy ngày mai, và do đó ý thức về sự thông cảm, sự kiên nhẫn, sự cộng tác của toàn dân Mỹ cho ông ấy. Khi đảm nhận trách nhiệm đó, ông ấy sẽ xứng đáng có được sự giúp đỡ và hậu thuẫn từ tất cả chúng ta. Khi chúng ta nhìn về tương lai, điều thiết yếu đầu tiên là bắt đầu hàn gắn những vết thương của đất nước này. Nhằm đặt sự bất mãn và chia rẽ của quá khứ gần đây sau lưng chúng ta và nhằm tìm lại những lý tưởng được sẻ chia trong cốt lõi sức mạnh và sự đoàn kết của chúng ta như là một dân tộc vĩ đại và tự do.

Khi đi đến quyết định này, tôi hy vọng mình đã thúc đẩy tiến trình hàn gắn vết thương ấy mà nước Mỹ rất cần. Tôi lấy làm tiếc sâu sắc đối với bất kỳ tổn thương nào có thể đã gây ra trong chuỗi những sự kiện dẫn đến quyết định này. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu có một số phán xét của tôi là sai lầm – và có một số sai lầm – thì do vào lúc ấy tôi tin rằng đấy là vì lợi ích tốt nhất cho đất nước.

Với những người đã ở bên tôi trong những tháng khó khăn vừa qua, với gia đình tôi, thân hữu của tôi, nhiều người khác đã hợp lực hậu thuẫn cho sự nghiệp của tôi bởi vì họ tin rằng đấy là đúng, tôi sẽ luôn cảm kích đối với sự hậu thuẫn của những người ấy. Và với những người nghĩ không thể hậu thuẫn tôi, thì tôi muốn nói rằng tôi ra đi mà không cảm thấy bất mãn đối với những người chống đối tôi, bởi vì trong sự phân tích cuối cùng tất cả chúng ta đều quan tâm đến điều tốt lành cho đất nước, cho dù những phán xét của chúng ta có khác biệt.

Vì thế, bây giờ tất cả chúng ta hãy cùng nhau khẳng định sự gắn bó sẻ chia ấy và giúp tân Tổng thống của chúng ta thành công vì lợi ích của toàn dân Mỹ. Tôi sẽ rời nhiệm vụ này với nỗi tiếc nuối là không thể hoàn tất nhiệm kỳ nhưng với lòng cảm kích là đã vinh hạnh phục vụ quý vị trên cương vị Tổng thống trong 5 năm rưỡi qua. Các năm này là thời gian đáng nhớ trong lịch sử của đất nước ta và thế giới. Đấy là một thời kỳ thành tựu mà chúng ta có thể lấy làm tự hào, những thành tựu thể hiện nỗ lực được sẻ chia của chính quyền, Quốc hội và nhân dân. Nhưng các thách thức cũng to lớn ngang bằng. Chúng cũng sẽ đòi hỏi sự hậu thuẫn và nỗ lực của Quốc hội cùng toàn dân, làm việc trong sự hợp tác với Chính quyền mới.

Chúng ta đã chấm dứt cuộc chiến lâu dài nhất của nước Mỹ. Nhưng trong sự nghiệp bảo toàn một nền hòa bình lâu dài, những mục tiêu trước mắt còn xa vời hơn và khó khăn hơn. Chúng ta phải hoàn tất một cơ cấu hòa bình hầu dân tộc các nước sẽ nói về thế hệ này – thế hệ của người Mỹ – rằng chúng ta không những đã chấm dứt một cuộc chiến mà còn phòng ngừa những cuộc chiến trong tương lai.

Chúng ta đã mở khóa những cánh cửa ngăn cách Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong một phần tư thế kỷ. Bây giờ chúng ta phải đảm bảo là một phần tư dân số thế giới sống trên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ vẫn là bạn bè của chúng ta chứ không phải là kẻ thù của chúng ta.

Ở Trung Đông, 100 triệu người ở các nước Ả Rập, trong gần 20 năm nhiều người trong số họ đã xem chúng ta là kẻ thù, nhưng bây giờ họ xem chúng ta là bè bạn. Chúng ta phải tiếp tục xây dựng quan hệ hữu nghị ấy hầu cuối cùng vùng Trung Đông có hòa bình và cái nôi của nền văn minh sẽ không trở thành nấm mồ của nền văn minh. Cùng với Liên Xô, chúng ta có bước đột phát trong tiến trình hạn chế vũ khí hạt nhân. Nhưng chúng ta phải định mục tiêu là không chỉ hạn chế, mà còn giảm thiểu và cuối cùng phá hủy những vũ khí kinh khủng này, hầu chúng không thể hủy diệt nền văn minh, và nguy cơ chiến tranh hạt nhân không còn treo trên thế giới và con người. Chúng ta mở màn cho mối quan hệ mới với Liên Xô. Chúng ta phải tiếp tục phát triển và mở rộng mối quan hệ ấy, sao cho hai quốc gia mạnh nhất trên thế giới sống trong sự cộng tác thay vì đối đầu.

Khắp thế giới – ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, Trung Đông – hàng triệu người sống trong cảnh nghèo, thậm chí trong đói kém. Chúng ta phải duy trì mục tiêu thoát ra khỏi nền sản xuất cho chiến tranh và mở rộng sản xuất cho hòa bình hầu mọi người trên trái đất cuối cùng có thể kỳ vọng – trong thế giới của con cái họ nếu không phải trong thời gian của chúng ta – có các thứ thiết yếu cho cuộc sống tươm tất. Ở đây, trên đất Mỹ, chúng ta may mắn ở chỗ phần lớn nhân dân ta được ơn phước không những của nền tự do mà còn của phương tiện để có cuộc sống đầy đủ và tốt lành, thậm chí theo tiêu chuẩn của thế giới còn phồn vinh hơn.

Tuy nhiên, chúng ta nên phấn đấu tiến đến mục tiêu không những là công ăn việc làm tốt hơn, và đủ cơ hội cho tất cả người Mỹ, mà còn là phồn thịnh nhưng không lạm phát.

Trong hơn một phần tư thế kỷ của đời công bộc, tôi đã sẻ chia trong lịch sử đầy biến động của buổi tối nay. Tôi đã tranh đấu cho những gì tôi tin tưởng. Tôi đã nỗ lực trong khả năng tốt nhất để thực hiện những nghĩa vụ và trách nhiệm được giao phó cho tôi. Đôi lúc tôi thành công. Và đôi lúc tôi thất bại. Nhưng tôi luôn khắc ghi trong tim lời Theodore Roosevelt có lần nói về người trên đấu trường, mặt lấm bụi, mồ hôi và máu, người chiến đấu anh dũng, người nhiều lần phạm sai lầm và mắc lỗi bởi vì không có nỗ lực nào mà không có lầm lỗi, nhưng người ấy vẫn nỗ lực chiến đấu với lòng năng nổ to tát, lòng cống hiến hết mình vì công cuộc, người xả thân cho một sự nghiệp đáng trọng, người cuối cùng biết đến những chiến thắng trong thành tựu lớn lao và cho dù tệ nhất là thất bại thì ít nhất thất bại trong khi tỏ ra gan dạ phi thường.

Tối nay tôi cam kết với quý vị rằng chừng nào mà tôi còn hơi thở, tôi sẽ tiếp tục giữ tinh thần ấy. Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho những sự nghiệp vĩ đại như tôi đã làm qua các năm với tư cách đại biểu Hạ viện, Thượng Nghị sĩ, Phó Tổng thống và Tổng thống, sự nghiệp hòa bình – không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho tất cả các quốc gia – phồn vinh, bình đẳng và cơ hội cho toàn dân ta.

Có một sự nghiệp trên hết mà tôi đã cống hiến và sẽ luôn cống hiến chừng nào mà tôi còn sống.

Khi lần đầu tiên tôi cất lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống 5 năm rưỡi trước, tôi có lời thệ nguyện thiêng liêng như sau: hiến dâng chức vụ của tôi, năng lực của tôi và tất cả sự khôn ngoan mà tôi có thể vận dụng cho sự nghiệp hòa bình giữa các dân tộc. Tôi luôn làm theo cách tốt nhất trong những tháng ngày ấy đúng theo lời thệ nguyện. Từ kết quả của những nỗ lực này, tôi tin tưởng rằng ngày hôm nay thế giới là một môi trường sống an toàn hơn không những cho nhân dân Mỹ mà còn cho nhân dân tất cả các quốc gia, và rằng tất cả con em chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn bao giờ hết để sống trong hòa bình thay vì chết trong chiến tranh.

Hơn bất kỳ điều nào khác, đó là điều tôi hằng mong muốn hoàn thành khi tranh cử chức vụ Tổng thống.

Hơn bất kỳ điều nào khác, đó là điều tôi hằng mong muốn sẽ là di sản của tôi đối với quý vị, đối với đất nước chúng ta, khi tôi rời chức vụ Tổng thống.

Được phục vụ trong cương vị này, tôi cảm nhận một mối quan hệ thân thương với mỗi người và mọi người Mỹ.

Richard Nixon after resignation
Richard Nixon sau khi từ chức

Khi rời khỏi cương vị này, tôi có lời cầu nguyện: Xin Ơn Trên phù hộ quý vị trong những tháng ngày sắp tới.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: American Rhetoric Top 100 Speecheshttp://www.americanrhetoric.com/speeches/richardnixonresignationspeech.html

* * *

Một tháng sau khi Nixon từ chức, người kế nhiệm ông là Tổng thống Gerald Ford ký quyết định tha tội cho ông. Quyết định này có nghĩa là Nixon không bị đem ra xét xử.

Yasser Arafat

Mohammed Abdel Rahman Abdel Raouf Arafat al-Qudwa al-Husseini (1929-2004) là một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Palestine. Ông là Chủ tịch của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) từ năm 1969 cho đến khi qua đời, Tổng thống Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA, được thành lập năm 1994) từ năm 1994 cho đến khi qua đời, và lãnh đạo của đảng chính trị Fatah.

Arafat dành phần lớn cuộc đời mình đấu tranh chống lại Do Thái để đòi quyền tự quyết cho người Palestine. Ban đầu ông phản đối sự tồn tại của Israel, nhưng năm 1988 ông thay đổi quan điểm của mình khi chấp nhận Nghị quyết số 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Sau một thời gian dài dùng vũ lực nhằm mong đạt mục tiêu của mình, đến gần cuối sự nghiệp Arafat tỏ ra hòa hoãn hơn, tham gia vào một loạt các cuộc đàm phán với chính phủ Do Thái, dẫn đến Hiệp định Oslo năm 1993.

Năm 1994, Arafat được trao Giải Nobel Hòa bình, cùng với Yitzhak Rabin (Thủ tướng Do Thái) và Shimon Peres (Ngoại trưởng Do Thái), vì những cuộc đàm phán tại Oslo.

Arafat Peres Rabin Nobel Prize
Arafat, Peres và Rabin nhận Giải Nobel về Hòa bình

“Cành ô liu và khẩu súng của chiến sĩ tự do” (1974)

Ngày 13 tháng 11 năm 1974, lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc mời một người không phải là đại diện cho một quốc gia, Arafat, phát biểu trước phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Là nhà cách mạng sôi nổi, ngôn từ của Arafat không tránh khỏi giọng điệu tuyên truyền, nhưng ông đã thành công trong việc trình bày bức tranh toàn cảnh lịch sử của vấn đề Palestine trong một diễn đàn chính thức cho cả thế giới cùng được biết.

Bài diễn văn này tạo một cột mốc quan trọng trong tiến trình công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine là một thực thể chính trị tại Liên Hiệp Quốc thay vì chỉ bị lên án là tổ chức khủng bố.

Arafat before UN 1974
Arafat trước Đại hội đồng LHQ, 1974

[…]

Đây là một cơ hội rất quan trọng. Vấn đề Palestine đang được Liên Hiệp Quốc tái cứu xét, và chúng tôi cho rằng bước đi này là một thắng lợi cho tổ chức quốc tế này cũng như là thắng lợi cho sự nghiệp của nhân dân chúng tôi. Việc này chỉ ra rằng Liên Hiệp Quốc hôm nay không phải là Liên Hiệp Quốc trong quá khứ, cũng như thế giới hôm nay không phải là thế giới hôm qua. Liên Hiệp Quốc của ngày hôm nay quy tụ 138 quốc gia, một con số thể hiện rõ ràng ý nguyện của cộng đồng quốc tế.

Vì thế, Liên Hiệp Quốc của ngày hôm nay có thêm khả năng thực hiện những nguyên tắc trong Hiến chương của tổ chức này và trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như có thêm quyền hành để hậu thuẫn những sự nghiệp hòa bình và công lý.

Nhân dân chúng tôi đang bắt đầu cảm nhận thay đổi ấy. Cùng với họ, các dân tộc ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh cũng cảm nhận thay đổi. Vì thế, Liên Hiệp Quốc được coi trọng thêm dưới mắt dân tộc chúng tôi và dưới mắt các dân tộc khác. Do vậy, hy vọng của chúng tôi được củng cố là Liên Hiệp Quốc có thể đóng góp tích cực vào việc theo đuổi và giành được sự nghiệp hòa bình, công lý, tự do và độc lập. Quyết tâm của chúng tôi trong việc kiến tạo một thế giới mới được củng cố – một thế giới không có chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tân thực dân và phân biệt chủng tộc trong mọi tình huống, kể cả chủ nghĩa Phục quốc Do Thái.

Thế giới chúng tôi khao khát hòa bình, công lý, bình đẳng và tự do. Chúng tôi mong mỏi các dân tộc hiện đang oằn người dưới sức nặng của chủ nghĩa đế quốc có thể giành được tự do và quyền tự quyết. Chúng tôi hy vọng thiết lập quan hệ với các dân tộc dựa trên cơ sở bình đẳng, sống chung hòa bình, tôn trọng lẫn nhau đối với chuyện nội bộ của mỗi nước, quyền tự chủ quốc gia được đảm bảo, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở công lý và lợi ích hỗ tương. Chúng tôi tin rằng các quan hệ kinh tế phải dựa trên công lý, bình đẳng và lợi ích chung. Chúng tôi khát khao huy động tài nguyên con người chống lại đói nghèo, bệnh tật và thiên tai, hướng đến việc phát triển các năng lực khoa học và kỹ thuật hữu ích cho sự phồn thịnh của nhân loại – tất cả trong niềm hy vọng là thu hẹp khoảng cách giữa các nước đang phát triển và đã phát triển. Nhưng những khát vọng ấy không thể trở thành hiện thực trong một thế giới hiện đang bị ngự trị bởi căng thẳng, bất bình đẳng, áp bức, phân biệt và khai thác chủng tộc – một thế giới cũng bị đe dọa không ngừng bởi thảm họa kinh tế và chiến tranh.

[Để làm rõ phần trên, Arafat nhắc qua tình hình ở Zimbabwe, Namibia, Nam Phi, Palestine, Đông Dương, Đảo Cyprus…, cuộc tranh đấu của các quốc gia Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, cuộc chạy đua vũ trang…]

Tuy thế, căng thẳng lớn nhất hiện diện trên phần đất của chúng tôi. Nơi đây, những người thuộc chủ nghĩa Phục quốc Do Thái vẫn cố chiếm đóng lãnh thổ của người Ả Rập; chủ nghĩa Phục quốc Do Thái vẫn tỏ ra hiếu chiến với chúng tôi và lãnh thổ chúng tôi. Đang có những sự chuẩn bị quân sự dồn dập. Cần để ý đến dấu hiệu này, vì nó chỉ ra khả năng là cuộc chiến này có thể dẫn đến sự hủy diệt nguyên tử và sự tàn phá khốc liệt.

Thế giới cần nỗ lực cao độ nếu muốn những khao khát hòa bình, tự do, công lý, bình đẳng và phát triển trở thành hiện thực, nếu cuộc đấu tranh giành thắng lợi trước chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tân thực dân và phân biệt chủng tộc theo mọi hình thức, kể cả chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. […] Nếu cứ giữ nguyên trạng, thế giới sẽ bị vướng vào xung đột vũ trang kéo dài, thêm vào tai họa kinh tế, con người và thiên nhiên.

Cho dù vẫn còn những khủng hoảng thế giới, cho dù vẫn còn những quyền lực lạc hậu và sai lầm bất hạnh, chúng ta đang sống trong một giai đoạn của thay đổi quang vinh. Trật tự thế giới cũ đang sụp đổ trước mắt chúng ta, khi mà chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tân thực dân và phân biệt chủng tộc, loại hình mới của nó là chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, chắc chắn sẽ lụi tàn. Chúng ta có được đặc ân chứng kiến một làn sóng lớn của lịch sử mang các dân tộc vào một thế giới mới mà họ kiến tạo nên. Trên thế giới này, những sự nghiệp chính đáng sẽ chiến thắng. Chúng tôi tin chắc như thế.

Vấn đề Palestine thuộc về viễn cảnh của sự nổi dậy và đấu tranh như thế. Palestine nằm trong những sự nghiệp chính đáng như thế, do những khối quần chúng chiến đấu với chủ nghĩa đế quốc và áp bức. Khi đứng trước Đại Hội đồng ngày hôm nay, tôi không quên rằng, nếu tôi được cho cơ hội phát biểu trước Đại Hội đồng, thì tất cả các phong trào giải phóng chống lại chủ nghĩa phân biệt và chủ nghĩa đế quốc cũng phải có cơ hội. Thay mặt cho họ, thay mặt cho mọi con người đang đấu tranh cho tự do và quyền tự quyết, tôi kêu gọi Đại Hội đồng khẩn trương chú ý đến sự nghiệp của họ cũng như đã chú ý đến sự nghiệp của chúng tôi. Sau khi có sự công nhận như thế, sẽ có một nền tảng vững chắc để từ đó duy trì hòa bình chung. Chỉ khi có nền hòa bình này, trật tự thế giới mới sẽ được vĩnh cửu trong đó các dân tộc có thể sống mà không bị áp bức, sợ hãi, khủng bố và đàn áp quyền lợi. Như tôi đã nói, đấy là tầm nhìn đích thực để giải quyết vấn đề Palestine. […]

Khi phát biểu trước Đại Hội đồng ngày hôm nay, dân tộc chúng tôi xác nhận niềm tin nơi tương lai mà không vướng bận với những thảm kịch trong quá khứ hoặc những hạn chế trong hiện tại. Nếu chúng tôi nhắc lại quá khứ thì đó là nhằm soi rọi hành trình của chúng tôi vào tương lai cùng với những phong trào giải phóng dân tộc khác. Nếu bây giờ chúng tôi nói về cội rễ lịch sử của sự nghiệp chúng tôi thì bởi vì chính lúc này đây, có những người chiếm lấy nhà cửa của chúng tôi trong khi gia súc của họ ăn cỏ trên đất của chúng tôi, tay họ thu hái quả từ cây chúng tôi trồng, cùng lúc cáo buộc rằng chúng tôi là những hồn lìa khỏi xác, là những thể tưởng tượng chứ không hiện diện, không có truyền thống hoặc tương lai. Chúng tôi nói đến những gốc rễ của mình bởi vì gần đây có một số người đã xem – và tiếp tục xem – vấn đề của chúng tôi chỉ là vấn đề của người tị nạn. Họ vẽ ra Vấn đề Trung Đông chỉ như là một sự tranh chấp về biên giới giữa các quốc gia Ả Rập và chủ thể Phục quốc Do Thái. Họ tưởng tượng rằng dân tộc chúng tôi đòi những quyền không phải là chính đáng của chúng tôi và chiến đấu mà không có lý lẽ hoặc động cơ chính đáng, trái lại chỉ muốn phá hoại nền hòa bình và khủng bố vô tội vạ. Họ ở trong số quý vị – và ở đây, tôi muốn nói đến Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và những kẻ khác như thế – những người hào phóng cung cấp cho kẻ thù của chúng tôi các loại máy bay, bom đạn và đủ loại vũ khí giết người. Họ lấy quan điểm hiếu chiến mà chống lại chúng tôi, cố tình bóp méo tính chất thực sự của vấn đề. Việc làm này không chỉ phương hại đến chúng tôi, mà còn phương hại đến nhân dân Mỹ và tình hữu nghị mà chúng tôi tiếp tục hy vọng có thể được củng cố giữa chúng tôi và nhân dân vĩ đại ấy, mà lịch sử tranh đấu vì tự do được chúng tôi vinh danh.

Nhân cơ hội ở diễn đàn này, tôi trực tiếp kêu gọi nhân dân Mỹ hãy ủng hộ nhân dân anh hùng và có tính chiến đấu của chúng tôi. Tôi hết lòng yêu cầu họ hãy ủng hộ lẽ phải và chân lý, hãy nhớ lại George Washington, con người Washington anh hùng với mục tiêu là tự do và độc lập cho đất nước ông, nhớ lại Abraham Lincoln, chiến sĩ cho người nghèo khó, cũng nhớ lại Woodrow Wilson với chủ thuyết Mười bốn Điểm vẫn còn được nhân dân chúng tôi tôn thờ. Tôi muốn hỏi nhân dân Mỹ liệu những cuộc tuần hành thù nghịch diễn ra bên ngoài hội trường này có thể hiện mục đích của người Mỹ hay không? Tôi muốn hỏi họ thẳng thắn: nhân dân chúng tôi có tội gì với nhân dân Mỹ? Tại sao các người chiến đấu chống chúng tôi như thế? Thái độ hung hăng phi lý như thế có phục vụ lợi ích của các người hay không? Nó có phục vụ lợi ích của quần chúng Mỹ hay không? Không, chắc chắn là không. Tôi chỉ có thể hy vọng nhân dân Mỹ sẽ nhớ rằng tình hữu nghị với phía Ả Rập là quá to tát, quá vĩnh cửu và quá hữu ích nên đừng để các cuộc tuần hành như thế làm hủy hoại.

[…]

Cội rễ của vấn đề Palestine đi ngược về những năm cuối thế kỷ 19, nói cách khác, về giai đoạn mà chúng tôi gọi là kỷ nguyên của chủ nghĩa thực dân và định cư, theo cách chúng ta biết ngày nay. Đây chính là giai đoạn mà chủ nghĩa Phục quốc Do Thái ra đời, với mục đích là chinh phục vùng Palestine bởi di dân Châu Âu, giống như dân định cư lập khu định cư mà thực tế là cướp bóc phần lớn Châu Phi. Đây là giai đoạn mà sau khi xuất phát từ phương tây, chủ nghĩa thực dân lan đến những khu vực xa hơn ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La Tinh, xây dựng các khu định cự, ở đâu cũng khai thác, áp bức, cướp bóc một cách tàn bạo các dân tộc trên ba lục địa. Giai đoạn này kéo dài cho đến bây giờ. Chứng cứ còn ghi dấu có thể được dễ dàng nhận ra qua chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và Palestine.

Khi chủ nghĩa thực dân và những kẻ mị dân của nó đề cao các cuộc chinh phục, cướp bóc và tấn công bừa bãi dân bản địa Châu Phi với chiêu bài “truyền bá văn minh và hiện đại hóa”, thì các làn sóng di dân của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái ngụy trang mục đích của họ khi đi chinh phục Palestine. Khi chủ nghĩa thực dân như là một hệ thống và những con người thực dân như là công cụ sử dụng tôn giáo, màu da, chủng tộc và ngôn ngữ để biện minh cho việc bóc lột và nô dịch hóa Châu Phi bằng cách khủng bố và phân biệt đối xử, thì những phương pháp này cũng được sử dụng khi Palestine bị chiếm đoạt và người Palestine bị săn lùng khỏi quê hương của họ.

Khi chủ nghĩa thực dân sử dụng người khổ ải, người nghèo, người bị khai thác như là phương tiện vô tri vô giác để xây dựng và tiến hành việc lập các khu định cư, thì người Do Thái Châu Âu bị áp bức cũng được sử dụng thay mặt cho chủ nghĩa đế quốc thế giới và cho giới lãnh đạo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Người Do Thái Châu Âu bị biến thành công cụ cho sự áp bức; họ trở thành những nguyên tố của chủ nghĩa thực dân định cư có quan hệ mật thiết với sự phân biệt chủng tộc.

Thần học của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái được vận dụng để chống lại nhân dân Palestine: mục đích không chỉ để thiết lập chủ nghĩa thực dân định cư kiểu phương Tây, mà còn để tách rời người Do Thái khỏi quê hương của họ và kế tiếp cách ly họ khỏi dân tộc của họ. Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái là giáo điều có tính chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; nó cực kỳ phản động và phân biệt đối xử; nó hợp nhất với chủ nghĩa chống Do Thái thành một thứ chủ nghĩa thụt lùi, mặt kia của cùng một đồng tiền. Khi có ý kiến cho rằng người theo đức tin Do Thái, dù họ sinh sống ở đâu, không được trung thành với nơi cư ngụ mà cũng không sống bình đẳng với cư dân không phải là Do Thái, thì chúng tôi hiểu đó là chủ nghĩa chống Do Thái. Khi có ý kiến cho rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề Do Thái là người Do Thái phải tách rời khỏi cộng đồng hoặc đất nước trong đó họ là một phần của lịch sử, khi có ý kiến cho rằng người Do Thái giải quyết vấn đề Do Thái bằng cách di cư và bị ép buộc phải định cư trên đất của người khác, thì đó là chủ nghĩa chống Do Thái

Lấy ví dụ, chúng tôi có thể hiểu mối quan hệ mật thiết giữa Rhodes, người cổ vũ việc lập khu định cư ở đông-nam Châu Phi, và Herzl, người có ý đồ cho khu định cư ở Palestine. Sau khi nhận được giấy chứng nhận từ Rhodes là người định cư có hạnh kiểm tốt, Herzl trình giấy chứng nhận này cho Chính phủ Anh, để nhận quyết định chính thức ủng hộ chính sách Phục quốc Do Thái. Đổi lại, những người Phục quốc Do Thái hứa với Anh quốc một cơ sở đế quốc trên đất Palestine nhằm bảo vệ các lợi ích của đế quốc trên một trong những điểm chiến lược chủ yếu của họ.

Thế là phong trào Phục quốc Do Thái liên minh với chủ nghĩa thực dân toàn cầu trong việc chiếm lấy đất đai của chúng tôi. Bây giờ cho phép tôi trình bày một phần của sự thật lịch sử về mối liên minh này.

Người Do Thái bắt đầu xâm lăng Palestine từ năm 1881. Trước đợt di dân lớn, Palestine có dân số nửa triệu, phần lớn theo Hồi giáo hoặc Kitô giáo và chỉ có 20.000 người Do Thái. Mọi thành phần của dân số đều hưởng sự khoan dung về tôn giáo đúng theo tính chất văn minh của chúng tôi. Palestine lúc đó là mảnh đất xanh tươi, dân cư chủ yếu là người Ả Rập đang trên tiến trình xây dựng cuộc sống của họ và làm giàu cho nền văn hóa bản địa của họ.

Giữa 1882 và 1917, Phong trào Phục quốc Do Thái định cư khoảng 50.000 người Do Thái Châu Âu trên quê hương của chúng tôi. Để làm được việc này, họ dùng phương sách bịp bợm và lừa dối. Họ thành công trong việc thúc đẩy Anh ban hành Tuyên bố Balfour(1), một lần nữa cho thấy mối liên minh giữa chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và chủ nghĩa đế quốc. Hơn nữa, Anh quốc hứa trao cho Phong trào Phục quốc Do Thái cái không phải của Anh quốc, chứng tỏ chế độ đế quốc áp bức như thế nào. Hội Quốc liên bỏ rơi người Ả Rập, còn những cam kết và lời hứa của Wilson không đi đến đâu. Trong vỏ bọc là một sự ủy thác, chủ nghĩa đế quốc Anh được áp đặt một cách tàn bạo và trực tiếp lên chúng tôi. Hồ sơ ủy thác do Hội Quốc liên ban hành giúp cho người Phục quốc Do Thái xâm lăng củng cố những gì họ đã chiếm trên quê hương chúng tôi.

Theo sau Tuyên bố Balfour và trong giai đoạn trên 30 năm, Phong trào Phục quốc Do Thái cộng tác với đồng minh đế quốc để định cư thêm người Do Thái Châu Âu, chiếm đoạt tài sản của người Ả Rập Palestine. Đến năm 1947, dân số người Do Thái là 600.000, chiếm khoảng 6 phần trăm đất nông nghiệp của Palestine, trong khi đó dân số người Palestine là 1.250.000.

Do sự cấu kết giữa cường quốc ủy thác và Phong trào Phục quốc Do Thái cùng với sự ủng hộ của một số quốc gia, Đại Hội đồng này trong lịch sử thuở ban đầu của họ thông qua một đề xuất nhằm chia cắt quê hương Palestine của chúng tôi. Việc này diễn ra trong không khí bị đầu độc bởi những hành động đáng ngờ và áp lực cao. Đại Hội đồng chia cắt cái mà họ không có quyền chia cắt – một quê hương không thể tách rời được. Khi chúng tôi từ khước quyết định ấy, vị thế của chúng tôi tương tự bà mẹ đích thực từ chối Vua Salomon cho cắt đôi con trai của bà sau khi bà mẹ dối trá chấp thuận việc cắt đôi đứa trẻ mà nhận là con của mình. Hơn nữa, cho dù nghị quyết chia cắt trao cho người định cư 54 phần trăm diện tích đất của Palestine, họ vẫn chưa thỏa mãn mà còn khởi động chiến tranh khủng bố chống lại người Ả Rập văn minh. Họ chiếm đến 81 phần trăm tổng diện tích đất của Palestine, xua đuổi hàng triệu người Ả Rập. Qua đó, họ chiếm 524 thị trấn và ngôi làng Ả Rập, trong số đó họ phá hủy và hoàn toàn xóa bỏ 385 thị trấn và ngôi làng. Sau đó, họ xây dựng các khu định cư trên đống đổ nát của các nông trại và vườn tược của chúng tôi. Cội rễ của vấn đề Palestine là ở đó. Nguyên nhân không phải là do tranh chấp nào giữa hai tôn giáo hoặc hai chủ nghĩa quốc gia. Nó cũng không phải là tranh chấp biên giới giữa hai nước láng giềng. Nó là nguyên nhân của việc con người bị chiếm quê hương, phải ly tán sau khi bị xua đuổi khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, phần lớn sống lưu vong và sống trong các trại tị nạn.

Với sự hậu thuẫn của các cường quốc đế quốc và thực dân, họ [Quốc gia Do Thái] xoay sở để được chấp nhận là thành viên Liên Hiệp Quốc. Họ còn thành công trong việc xóa vấn đề Palestine ra khỏi nghị trình của Liên Hiệp Quốc và trong việc đánh lừa dư luận thế giới bằng cách trình bày nguyên do của chúng tôi là vấn đề của người tị nạn cần được bố thí từ người hảo tâm, hoặc cần định cư trên đất không phải của họ.

Chưa thỏa mãn, thực thể phân biệt chủng tộc này, được thành lập trên ý niệm đế quốc-thực dân, tự chuyển biến thành một căn cứ địa cho chủ nghĩa đế quốc và thành một quân xưởng sản xuất vũ khí. Việc này cho phép họ đảm nhận vai trò trấn áp người Ả Rập, nhằm thỏa mãn tham vọng bành trướng thêm trên các phần đất của người Palestine và người Ả Rập. Ngoài những cuộc xâm lấn chống lại các quốc gia Ả Rập, họ còn mở hai cuộc chiến tranh tổng lực năm 1956 và 1967, đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

Do hậu quả từ cuộc xâm lăng của người Phục quốc Do Thái tháng 6 năm 1967, kẻ thù chiếm Bán đảo Ai Cập cho đến tận Kênh đào Suez, chiếm Cao nguyên Golan của Syria, thêm tất cả phần đất của Palestine phía tây Jordan. Tất cả những sự kiện này dẫn đến việc khai sinh của cái gọi là “vấn đề Trung Đông”. Tình hình càng thêm nghiêm trọng khi kẻ thù kiên quyết duy trì sự chiếm đóng bất hợp pháp, và còn củng cố để thành lập một đầu cầu cho chủ nghĩa đế quốc thọc sâu đến quốc gia Ả Rập của chúng tôi. Tất cả các nghị quyết và kêu gọi dư luận quốc tế của Hội đồng Bảo an cho việc rút quân từ các vùng đất chiếm được tháng 6 năm 1967 đều bị phớt lờ. Mặc cho các nỗ lực hòa bình trên trường quốc tế, kẻ thù vẫn không thoái chí trong chính sách bành trướng. Chọn lựa duy nhất đối với các quốc gia Ả Rập chúng tôi, chủ yếu là Ai Cập và Syria, là tăng cường nỗ lực để chống lại xâm lăng vũ trang tàn bạo – nhằm giải phóng các vùng đất Ả Rập và trả lại quyền cho nhân dân Palestine, sau khi mọi cách thức ôn hòa thất bại.

Trong tình hình như thế, cuộc chiến thứ tư nổ ra vào tháng 10 năm 1975, khiến cho kẻ thù Phục quốc Do Thái nhận thức chính sách chiếm đóng, bành trướng và dựa trên sức mạnh quân sự đã phá sản. Dù thế, các nhà lãnh đạo Phục quốc Do Thái vẫn không lĩnh hội được bài học gì từ kinh nghiệm này. Họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến thứ năm, lại sử dụng ngôn từ dựa trên sức mạnh quân sự, tính hiếu chiến, khủng bố và áp đặt, cuối cùng dựa trên chiến tranh để đối xử với người Ả Rập.

Nhân dân chúng tôi lấy làm tổn thương khi thấy tuyên truyền về một huyền thoại cho rằng quê hương chúng tôi chỉ là hoang mạc cho đến khi người định cư nước ngoài làm cho cây cối nở hoa, cho rằng mảnh đất trước đây không có người ở, rằng người định cư không làm hại ai. Không đúng: ở diễn đàn này cần phải vạch trần những điều dối trá, vì cả thế giới biết rằng Palestine là cái nôi của các nền văn hóa và các nền văn minh cổ đại. Dân Ả Rập ở đó làm nghề nông và xây dựng, hàng nghìn năm nay nền văn hóa của họ trải rộng trên vùng đất này, nêu gương về tự do tôn giáo, đóng vai trò là người giữ đền cho những nơi chốn linh thiêng. Là người con của Jerusalem, tôi vẫn trân quý những hồi ức đẹp đẽ và những hình ảnh sinh động của tình đồng đạo vốn là dấu ấn của Thành phố Thiêng liêng trước khi nó đổ sụp vì thảm họa. Nhân dân chúng tôi vẫn theo đuổi chính sách được khai sáng này cho đến khi Quốc gia Do Thái được thành lập. […]

Kẻ thù mà chúng tôi đối mặt có lịch sử thù nghịch lâu dài thậm chí đối với người Do Thái, bởi vì trong Phong trào Phục quốc Do Thái có tư tưởng phân biệt chống lại người Do Thái phương Đông. Trong khi chúng tôi đang lên án mạnh mẽ sự tàn sát người Do Thái dưới chế độ Quốc xã, có vẻ như vào thời đó cấp lãnh đạo Phục quốc Do Thái quan tâm hơn đến việc khai thác họ nhằm thực hiện ý đồ di cư đến Palestine.

Nếu người Do Thái di cư đến Palestine có mục tiêu sống ôn hòa bên cạnh chúng tôi, có cùng những quyền lợi và bổn phận như chúng tôi, thì chúng tôi sẵn lòng mở cửa cho họ, tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận của vùng đất. Đó là trường hợp của những người Armenia và người Circassia, hiện vẫn sống với chúng tôi trong sự bình đẳng và tình anh em. Nhưng với mục tiêu cướp đất của chúng tôi, xua đuổi dân của chúng tôi và làm cho chúng tôi thành công dân hạng hai, thì không ai có quyền đòi hỏi chúng tôi phải nhân nhượng. Vì thế, từ lúc đầu cuộc cách mạng của chúng tôi không có động cơ chủng tộc hoặc tôn giáo. Đối tượng của cuộc cách mạng không bao giờ là người Do Thái, mà là chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. […]

Chúng tôi kêu gọi nhân dân và các chính phủ thế giới cương quyết chống lại những hành động của người Phục quốc Do Thái khuyến khích người Do Thái trên thế giới di cư khỏi quốc gia của họ và chiếm đất của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi chống lại bất kỳ sự phân biệt nào về tôn giáo hoặc chủng tộc.

Tại sao người Palestine Ả Rập phải trả giá cho sự phân biệt như thế trên thế giới? Tại sao dân chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề của người Do Thái di cư? Tại sao những người ủng họ những vấn đề này không mở cửa trên quốc gia họ để đón nhận những di dân ấy?

Những người gọi chúng tôi là kẻ khủng bố muốn ngăn chặn dư luận thế giới khám phá sự thật về chúng tôi và ngăn chặn nhìn thấy công lý của chúng tôi. Họ tìm cách che giấu hành động khủng bố và chuyên chế của chính họ, và che giấu thái độ tự vệ của chúng tôi.

Sự khác biệt giữa chiến sĩ cách mạng và kẻ khủng bố nằm ở lý do mà mỗi bên chiến đấu. Bất kỳ ai có chính nghĩa, chiến đấu cho tự do hầu giải phóng đất của anh ta khỏi kẻ xâm lăng, người định cư và thực dân, thì không thể nào bị gọi là khủng bố, nếu không như thế thì nhân dân Mỹ trong cuộc đấu tranh cho sự giải phóng từ thực dân Anh là khủng bố; cuộc kháng chiến Châu Âu chống lại Quốc xã là khủng bố; cuộc đấu tranh của các dân tộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh cũng là khủng bố, và nhiều người trong số quý vị ở Đại Hội đồng cũng bị xem là những kẻ khủng bố. Thật ra đây là cuộc đấu tranh đúng lý và thích đáng mà Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vinh danh. Còn những kẻ chiến đấu chống lại chính nghĩa, những người gây chiến tranh nhằm chiếm đóng, xây dựng khu định cư và áp bức người khác, thì đó là khủng bố. Hành động của họ đáng bị lên án, họ đáng bị gọi là tội nhân chiến tranh: bởi vì công lý của sự nghiệp xác định quyền được chiến đấu.

Chế độ khủng bố Phục quốc Do Thái được phát động chống lại người Palestine để xua đuổi họ ra khỏi quê hương của họ và để chiếm đất đai của họ được ghi chép trong hồ sơ chính thức của chúng tôi. Hàng nghìn người dân của chúng tôi bị ám sát ở làng mạc và thị trấn; hàng nghìn người khác bị gí súng vào người để xa rời nhà cửa và quê cha đất tổ. Hết lần này đến lần khác trẻ em, phụ nữ và người già bị xua đuổi và phải lang thang trong hoang mạc hoặc leo lên núi cao mà thiếu thức ăn và nước uống. Vào năm 1948, những ai từng chứng kiến đều không bao giờ quên thảm kịch phủ lên cư dân hàng trăm ngôi làng và thị trấn ở Jerusalem, Jaffa, Lydda, Ramle và Galilee, cho dù có sự che đậy dấu vết của 385 ngôi làng và thị trấn bị xóa khỏi bản đồ. Sự tàn phá 19.000 ngôi nhà trong bảy năm qua, tương đương với 200 làng Palestine, và con số lớn những người bị tàn tật do sự đối xử trong các nhà tù của Do Thái, thì không thể che đậy được.

Chế độ khủng bố của họ được nuôi dưỡng bằng lòng thù hận, và thậm chí lòng thù hận này được hướng tới cây ô liu trên xứ sở chúng tôi, vốn là một biểu tượng đầy tự hào và nhắc nhở họ về những cư dân bản địa trên vùng đất này, một lời nhắc nhở sống rằng đất này thuộc về người Palestine. […] Trong hàng chục năm, người Phục quốc Do Thái khủng bố và sát hại các nhà lãnh đạo văn hóa, chính trị, xã hội và nghệ thuật của nhân dân chúng tôi. Họ cướp đi di sản văn hóa của chúng tôi, các nghiên cứu truyền thống của chúng tôi và cho là của họ. Hành động khủng bố của họ còn xâm phạm những nơi chốn thiêng liêng ở Jerusalem thân thương và an bình của chúng tôi. Họ cố xóa bỏ tính chất Ả Rập, xóa bỏ tính chất Hồi giáo và Kitô giáo bằng cách xua đuổi dân bản địa rồi sáp nhập đất đai.

[…]

Số nhỏ những người Ả Rập Palestine không bị xua đuổi bởi người Phục quốc Do Thái năm 1948 hiện giờ đang là dân tị nạn trên đất của họ. Luật của Do Thái đối xử với họ như là công dân hạng hai, thậm chí là cư dân hạng ba vì lẽ người Do Thái phương Đông là cư dân hạng hai […]. Trong 26 năm, dân chúng tôi sống dưới thiết quân luật và không được quân quản Do Thái cho phép tự do đi lại, vào lúc mà luật Do Thái cấp quốc tịch cho bất kỳ người Do Thái nào ở bất cứ đâu muốn di cư đến quê hương của chúng tôi. Hơn nữa, một luật khác của Do Thái quy định rằng người Palestine không hiện diện trong làng hoặc thị trấn vào thời gian chiếm đóng thì không đủ điều kiện có quốc tịch Do Thái.

[Thêm ví dụ về những hành động tàn ác của Do Thái đối với người Ả Rập]

Trong 30 năm qua, nhân dân chúng tôi phải tranh đấu chống lại sự chiếm đóng của người Anh và sự xâm lăng của người Phục quốc Do Thái, cả hai đều có chung mục tiêu là chiếm lấy đất đai của chúng tôi. Sáu cuộc nổi dậy lớn và hàng chục vụ bạo loạn nổ ra đế chống lại, hầu đất của chúng tôi vẫn là của chúng tôi. Trên 30.000 liệt sĩ bỏ mình, so sánh tương đương [theo tỉ lệ dân số] 6 triệu người Mỹ.

Khi đa số người Palestine bị xua đuổi khỏi quê hương của họ năm 1948, cuộc tranh đấu của Palestine vì quyền tự quyết tiếp tục dưới những điều kiện khó khăn nhất. Chúng tôi thử mọi cách nhằm tiếp tục cuộc tranh đấu chính trị nhưng không thành công. Cùng lúc, chúng tôi phải tranh đấu để tồn tại. Thậm chí trong tình trạng lưu vong chúng tôi vẫn giáo dục con cái của mình. Tất cả là một phần của nỗ lực nhằm sống tồn.

Người Palestine sản sinh hàng nghìn bác sĩ, luật sư, nhà giáo và nhà khoa học tích cực tham gia vào sự phát triển của các quốc gia Ả Rập nằm quanh quê hương bị lấn chiếm của chúng tôi. Họ dùng thu nhập của mình để hỗ trợ người trẻ và người già trong số những người sống trong các trại tị nạn. Họ giáo dục em gái và em trai của mình, hỗ trợ cha mẹ và chăm sóc con cái của mình. Trong suốt thời gian này, họ luôn mơ ước được trở về [quê hương]. Lòng trung thành của họ đối với Palestine và quyết tâm trở về đều không phai nhạt; không ai có thể thuyết phục họ từ bỏ bản chất Palestine hoặc chối bỏ quê cha đất tổ của mình. […]

Qua cuộc đấu tranh vũ trang mà cấp lãnh đạo chính trị và các thể chế quốc gia của chúng tôi cuối cùng kết tinh, và một phong trào giải phóng quốc gia quy tụ mọi phe nhóm, tổ chức và năng lực được hình thành là Tổ chức Giải phóng Palestine.

[…]

Tổ chức Giải phóng Palestine có thể tự hào là có nhiều hoạt động văn hóa và giáo dục, thậm chí trong khi tham gia vào cuộc đấu tranh vũ trang, và vào lúc đối mặt với nhiều cú đánh ngày càng mạnh bạo của chủ nghĩa khủng bố của người Phục quốc Do Thái. Chúng tôi thành lập những thể chế nghiên cứu khoa học, phát triển nông nghiệp và an sinh xã hội, cũng như là các trung tâm để phục hồi di sản văn hóa và bảo tồn phong tục dân gian. Nhiều nhà thơ, nghệ nhân và tác gia người Palestine làm giàu cho văn hóa Ả Rập nói riêng và văn hóa thế giới nói chung. Những công trình đầy tính nhân văn của họ giành được lòng ngưỡng mộ của tất cả những người quen thuộc với họ. Ngược lại, kẻ thù của chúng tôi phá hoại có hệ thống nền văn hóa của chúng tôi và mọi thứ nhằm ngáng trở tiến bộ, công lý, dân chủ và hòa bình.

[Thêm biện luận về tính hợp pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine]

Tôi là người nổi loạn và chính nghĩa của tôi là nền tự do. Tôi biết rõ rằng nhiều người trong số quý vị hiện diện ở đây ngày hôm nay có thời đã ở vào vị thế chống đối giống tôi bây giờ. Có lúc quý vị phải biến ước mơ của mình thành hiện thực qua cuộc tranh đấu của quý vị. Vì thế mà bây giờ quý vị phải chia sẻ ước mơ của tôi. Tôi nghĩ chính vì thế mà giờ đây tôi có thể yêu cầu quý vị hỗ trợ, để chúng ta cùng nhau mang ước mơ vào một hiện thực tươi sáng, ước mơ chung của chúng ta cho một tương lai hòa bình trên miền đất thiêng liêng Palestine.

Tại sao tôi không nên ước mơ và hy vọng chứ? Có phải chăng cách mạng là nhằm biến ước mơ và hy vọng thành hiện thực? Thế thì chúng ta hãy cùng nhau làm việc để thực hiện ước mơ của tôi, đó là tôi có thể cùng với nhân dân mình trở về từ nơi tha hương, trở về Palestine… trong một quốc gia dân chủ nơi mà người Kitô, người Do Thái và người đạo Hồi sống trong công lý, bình đẳng, tình huynh đệ và tiến bộ.

Chúng ta hãy nhớ rằng người Do Thái ở Châu Âu và Mỹ đã lãnh đạo những cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa thế tục và cho sự phân cách giữa Giáo hội và Chính quyền. Họ cũng đã tranh đấu chống lại nạn kỳ thị dựa trên lý do tôn giáo. Làm thế nào họ lại tiếp tục hỗ trợ các quyết định cuồng tính, phân biệt và khép kín nhất trong chính sách của họ?

Với cương vị trước đây của tôi là Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine và nhà lãnh đạo của cách mạng Palestine, tôi tuyên cáo trước quý vị rằng khi chúng tôi nói đến hy vọng chung cho Palestine của ngày mai, chúng tôi bao gồm tất cả những người Do Thái hiện đang sống ở Palestine muốn chung sống với chúng tôi ở đó trong hòa bình và không có kỳ thị.

Với cương vị trước đây của tôi là Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine và nhà lãnh đạo của cách mạng Palestine, tôi kêu gọi người Do Thái tránh xa những lời hứa hão huyền của giáo điều Phục quốc Do Thái và cấp lãnh đạo Do Thái. Họ mang đến cho người Do Thái chiến tranh đổ máu không ngừng và nô dịch triền miên.

Chúng tôi mời họ rời khỏi cảnh cô lập về đạo đức để đi ra địa hạt rộng mở hơn của chọn lựa tự do, lánh xa những nỗ lực của giới lãnh đạo hiện nay của họ nhằm gieo rắc cho họ một nỗi ám ảnh Masada(2).

Chúng tôi tạo cho họ một giải pháp bao dung nhất, tức là chúng ta có thể sống cùng nhau trong khuôn khổ hòa bình công bằng ở Palestine dân chủ của chúng ta.

Với cương vị trước đây của tôi là Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine, tôi loan báo ở đây rằng chúng tôi không hề muốn một giọt máu của người Ả Rập hoặc người Do Thái đổ xuống; chúng tôi cũng không lấy làm vui gì mà tiếp tục bắn giết, mà muốn chấm dứt trong hòa bình công bằng, dựa trên quyền, hy vọng và khát vọng của nhân dân chúng tôi.

Với cương vị trước đây của tôi là Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine và nhà lãnh đạo của cách mạng Palestine, tôi kêu gọi quý vị hãy sát cánh bên nhân dân chúng tôi trong cuộc đấu tranh để giành lấy quyền tự quyết. […] Thêm nữa, tôi kêu gọi quý vị giúp đỡ nhân dân chúng tôi – từ nơi tha hương do sức mạnh của vũ lực, do chuyên chế, do áp bức – trở về quê hương của họ, hầu chúng tôi có thể lấy lại tài sản của chúng tôi, đất đai của chúng tôi, và từ đó sống trên quê cha đất tổ của chúng tôi, có tự do và chủ quyền, hưởng mọi quyền của một quốc gia. Chỉ khi ấy chúng tôi mới có thể trút mọi tài nguyên của chúng tôi vào dòng chảy chính của nền văn minh nhân loại. Chỉ khi ấy sự sáng tạo của người Palestine mới có thể tập trung để phục vụ cho nền nhân văn. Chỉ khi ấy Jerusalem của chúng tôi sẽ lấy lại vai trò lịch sử như là một ngôi đền bình an cho mọi tôn giáo.

Tôi kêu gọi quý vị hãy tạo điều kiện cho nhân dân chúng tôi thành lập chủ quyền độc lập quốc gia trên mảnh đất của chúng tôi.

Ngày hôm nay, tôi đến mang theo một cành ô liu và một khẩu súng của chiến sĩ tự do. Xin đừng để cành ô liu rơi khỏi tay tôi. Tôi nhắc lại: Xin đừng để cành ô liu rơi khỏi tay tôi.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản dịch Anh văn: MidEast Web (public domain) – http://www.mideastweb.org/arafat_at_un.htm

* * *

Sau bài diễn văn này, dư luận thế giới dành thêm sự cảm thông đối với tình cảnh của Palestine.

Năm sau, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 3379, cho rằng chủ nghĩa Phục quốc Do Thái có tính chất kỳ thị chủng tộc, tương đồng với ý này trong bài diễn văn của Arafat.

Chú thích

(1) Tuyên bố Balfour: một bức thư đề ngày 02 tháng 11 năm 1917 của Ngoại trưởng Anh Arthur James Balfour gửi cho ông Baron Rothschild, một nhà lãnh đạo của cộng đồng người Do Thái tại Anh, tỏ ý ủng hộ việc thành lập một quê hương cho người Do Thái trên vùng Palestine, ghi rõ không được làm phương hại đến các quyền dân sự và tôn giáo của người Palestine.

(2) Masada: thành cổ của người Do Thái nhìn xuống Biển Chết, bị quân La Mã tấn công trong thời gian 73-74, cuối cùng 960 chiến binh Do Thái và gia đình của họ tự sát tập thể chứ không chịu đầu hàng.

“Chúng ta hãy kiến tạo hòa bình” (1988)

Arafat được Liên Hiệp Quốc mời phát biểu trước Đại Hội đồng, nhưng Mỹ không cấp visa cho ông để đi đến trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Vì thế, Liên Hiệp Quốc quyết định dời phiên họp Đại Hội đồng đến Thành phố Genève, Thụy Sĩ, nhằm tạo điều kiện cho Arafat đến phát biểu ngày 13 tháng 12 năm 1988.

Nhắc lại tuyên cáo độc lập của Quốc gia Palestine với Jerusalem là thủ đô, Arafat tái khẳng định quyền của những người tị nạn được trở về quê hương của họ và quyền tự quyết.

Bài diễn văn này thể hiện thêm một cột mốc quan trọng cho vấn đề Palestine, bởi vì sau thời gian có liên hệ với những hành động khủng bố nhằm mục đích tiêu diệt Quốc gia Do Thái, bây giờ Arafat tuyên bố từ bỏ khủng bố và chấp nhận sự hiện hữu của Quốc gia Do Thái.

Tôi đã không hề nghĩ rằng cơ hội phát biểu lần thứ hai của tôi ở Đại Hội đồng danh giá này kể từ năm 1974 lại diễn ra ở thành phố Genève hiếu khách này. Tôi đã dự tính là những quan điểm chính trị mới của nhân dân Palestine chúng tôi khởi phát từ kỳ họp ở Algiers của Hội đồng Quốc gia Palestine (Palestine National Council – PNC(1)) – tất cả đã được công bố và được quốc tế đón nhận rất tốt – sẽ đòi hỏi tôi đi đến trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York để trình bày với quý vị về các nghị quyết và dự kiến trong vấn đề hòa bình trên quê hương chúng tôi như được soạn thảo bởi PNC, cơ quan lập pháp cao nhất trong thể chế chính trị Palestine.

Tôi vừa hãnh diện vừa vui mừng được gặp gỡ quý vị ngày hôm nay, ở Geneva này, sau khi quyết định độc đoán của Mỹ ngăn chặn tôi đi đến nơi kia. Tôi hãnh diện vì được đứng giữa quý vị tại diễn đàn cao nhất cho những vấn đề của công lý và hòa bình trên thế giới. Tôi vui mừng bởi vì tôi đến Geneva, nơi công lý và trung lập là cột chỉ đường và là hiến pháp trên thế giới, nơi mà quyền lực kiêu căng ngự trị đã mất đi ý thức về trung lập và công lý. Nghị quyết mà Đại hội đồng được quý trọng thông qua, với 154 quốc gia thành viên bỏ phiếu để dời phiên họp đến đây, không chỉ là thắng lợi đối với quyết định của Mỹ mà còn là đa số phiếu cao nhất từ trước đến giờ cho sự nhất trí trên quốc tế về công lý và hòa bình. Đó là bằng chứng cho thấy sự nghiệp có chính nghĩa của nhân dân chúng tôi thấm sâu vào ý thức con người.

[Arafat ngỏ lời cảm ơn các quốc gia, lực lượng, tổ chức quốc tế, phong trào giải phóng và một số nhân vật đã hậu thuẫn Palestine]

Mười bốn năm trước, vào ngày 13 tháng 11 năm 1974, tôi nhận lời mời của quý vị để trình bày cặn kẽ vấn đề của nhân dân Palestine trước Đại Hội đồng có phẩm giá này. Tôi trở lại đây sau những năm tháng đầy biến động để trông thấy các dân tộc bây giờ chiếm chỗ giữa quý vị, qua đó tôn vinh những thắng lợi trong các cuộc đấu tranh cho tự do và độc lập. Tôi nồng nhiệt chúc mừng đại điện của các dân tộc đó. Xin ghi nhận rằng tôi trở lại với một tiếng nói mạnh mẽ hơn, một quyết tâm cao hơn và một trùng hợp lớn lao hơn để lặp lại sự tin tưởng của tôi là cuộc tranh đấu của chúng tôi sẽ có kết quả, và Quốc gia Palestine(2), mà chúng tôi tuyên cáo trong Hội đồng Quốc gia Palestine sẽ tham gia cùng quý vị trong việc củng cố Hiến chương của tổ chức này và bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, chấm dứt những thảm kịch gây ra cho con người, và hậu thuẫn các nguyên tắc chính đáng, công lý, hòa bình và tự do cho tất cả.

Mười bốn năm trước, khi quý vị đáp lời chúng tôi trong hội trường của Đại Hội đồng – “vâng” đối với Palestine và dân tộc Palestine, “vâng” đối với Tổ chức Giải phóng Palestine, “vâng” đối với những quyền không thể tách rời của nhân dân Palestine – một ít người tưởng tượng rằng những nghị quyết của quý vị sẽ không có hiệu lực, mà không nhận ra rằng những nghị quyết ấy là suối nguồn tưới mát cành ô liu mà tôi mang đến ngày hôm ấy. Kể từ lúc đó, chúng tôi tưới cành ô liu với máu, nước mắt và mồ hôi, và nó mọc lên thành một cây với rễ ăn sâu vào đất, và cành vươn lên trời hứa hẹn đâm bông kết trái của chiến thắng chống lại áp bức, bất công và chiếm đóng.

Quý vị cho chúng tôi hy vọng rằng tự do và công lý sẽ chiến thắng, còn chúng tôi cho quý vị một thế hệ dân tộc chúng tôi vốn cống hiến cuộc đời nhằm thực hiện ước mơ đó.

[Arafat nhắc đến nội dung bài diễn văn ông đọc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1974]

Lúc ấy, ước vọng của chúng tôi là thành lập một Quốc gia Palestine dân chủ trong đó những người Hồi giáo, Kitô giáo và Do Thái giáo sống với quyền và nghĩa vụ ngang bằng như là một cộng đồng hợp nhất, giống như các dân tộc trong thế giới cận đại này. Ước vọng này của Palestine khởi phát từ di sản tinh thần soi rọi các giá trị Palestine, văn minh và nhân văn kêu gọi cùng sống chung trong một xã hội tự do dân chủ, và chúng tôi bị sốc khi nghe chính quyền Do Thái diễn dịch đó là âm mưu nhằm phá hủy và xóa sổ thực thể của họ.

Kính thưa ông Chủ tịch:

Chúng tôi phải rút ra kết luận về khoảng cách giữa hiện thực và ước vọng. Chúng tôi thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine nhằm tìm kiếm những công thức thực tiễn và khả thi nhằm giải quyết vấn đề dựa trên nền tảng công lý có thể được, hơn là tuyệt đối, giành được quyền của nhân dân chúng tôi trên cơ sở tự do, chủ quyền và độc lập; đảm bảo cho mọi người hòa bình, an ninh và ổn định; tránh cho Palestine và Trung Đông chiến tranh và bắn giết vốn đang diễn ra trong bốn mươi năm.

[Arafat nhắc lại việc Palestine dựa trên hiến chương và các nghị quyết của LHQ, chấp nhận thông cáo chung Vance-Gromyko năm 1977, tham gia hội nghị Genève, ủng hộ kế hoạch hòa bình Fez năm 1982, kế hoạch hòa bình Brezhnev, tuyên bố Venice của EC, và các sáng kiến của Gorbachev và Mitterand…]

Đáp lại, Do Thái leo thang các mưu đồ định cư và lấn đất, thổi bùng ngọn lửa tranh chấp với thêm tàn phá và đổ máu, bành trướng các mặt trận đối đầu đến Lebanon vốn bị quân xâm lăng chiếm đóng vào năm 1982, cuộc xâm lăng với đỉnh điểm là những cuộc tàn sát chống lại người Lebanon và Palestine […].

Điều đau đớn và đáng tiếc là một mình chính phủ Mỹ lại tiếp tục hậu thuẫn những mưu đồ hiếu chiến và bành trướng ấy, cũng như hậu thuẫn Do Thái tiếp tục chiếm đóng các lãnh thổ của Palestine và Ả Rập, tội ác của họ, và chính sách bàn tay sắt của họ đối với trẻ em và phụ nữ của chúng tôi. Cũng là điều đau đớn và đáng tiếc là chính phủ Mỹ lại tiếp tục từ chối công nhận quyền tự quyết của sáu triệu người Palestine, là quyền có tính chất thiêng liêng đối với dân tộc Mỹ và những dân tộc khác trên thế giới.

Tôi nhắc họ về quan điểm của Tổng thống Wilson, tác giả của hai nguyên tắc phổ cập về quan hệ quốc tế, đấy là nguyên tắc không chấp nhận việc lấn chiếm lãnh thổ bằng vũ lực và nguyên tắc quyền tự quyết của các dân tộc. Tôi cũng nhắc họ rằng khi người Palestine được Ủy ban King-Crane hỏi ý kiến năm 1919, họ chọn Hoa Kỳ là cường quốc bắt buộc. Hoàn cảnh lúc đó ngáng trở việc này, nên sự ủy thác(3) được giao cho Anh quốc. Câu hỏi của tôi cho người Mỹ là: Có công bằng hay không khi nhân dân Palestine bị tước đoạt những gì mà Tổng thống Wilson đã đề ra?

Các chính quyền tiếp theo của Mỹ nhận ra rằng giấy khai sinh duy nhất cho sự thiết lập Quốc gia Do Thái là Nghị quyết 181 do Đại Hội đồng thông qua ngày 29 tháng 11 năm 1947, lúc đó được Hoa Kỳ và Liên Xô hậu thuẫn. Nghị quyết này chỉ ra sự thành lập hai quốc gia ở Palestine, một quốc gia Ả Rập Palestine và một quốc gia của người Do Thái.

Thế thì làm thế nào chính phủ Mỹ giải thích lập trường của họ khi công nhận phân nửa nghị quyết liên quan đến Do Thái và bác bỏ phân nửa liên quan đến quốc gia Palestine? […]

Chính phủ Hoa Kỳ biết rằng hoặc Hoa Kỳ hoặc bất cứ ai khác không có quyền chia cắt tính hợp pháp quốc tế và làm các điều khoản công pháp quốc tế thành manh mún.

[…]

Người Palestine tin rằng họ sẽ không bị nghiền nát bởi bộ máy quân sự của Do Thái; rằng họ sẽ không bị giết bởi bất kỳ loại đạn dược nào; rằng họ không thể lung lay bằng cách chôn sống người, đánh gẫy xương, làm sẩy thai, giam cầm, xua đuổi, trục xuất, áp dụng hình phạt tập thể, phá hủy nhà cửa, đóng cửa đại học và trường học, công đoàn, hiệp hội, thể chế và báo chí; hoặc bao vây trang trại, làng mạc và thị trấn. Những cuộc trả đũa tàn bạo như thế chỉ giúp củng cố niềm tin ấy, giúp lan tỏa niềm tin ấy đến mọi nhà cho nó bén rễ từ mọi tấc đất trên quê hương chúng tôi.

Một dân tộc với di sản như thế và lịch sử như thế thì không thể chiến bại. Tất cả lực lượng của kẻ chuyên chế và khủng bố không thể lung lay niềm tin bén rễ sâu trên mảnh đất của họ và bén rễ trong những giá trị như công lý, hòa bình, thương yêu, cùng tồn tại, và khoan dung. Khẩu súng của cách mạng che chở chúng tôi ngăn chặn sự thủ tiêu và sự hủy diệt bản sắc dân tộc trên đấu trường đối đầu nóng bỏng. Chúng tôi hoàn toàn tự tin về khả năng của mình trong việc bảo vệ cành ô liu trên đấu trường đối đầu chính trị.

Thế giới hậu thuẫn chính nghĩa của chúng tôi, thúc ép tình hình hòa bình dựa trên công lý, cho thấy thế giới nhận ra kẻ săn mồi và con mồi, kẻ xâm lăng và nạn nhân, người đấu tranh cho tự do hòa bình và kẻ khủng bố. Những hành động ngày qua ngày của đội quân chiếm đóng và nhóm người định cư quá khích có vũ trang chống lại nhân dân chúng tôi, cả đàn bà và trẻ em, để lộ bộ mặt gớm ghiếc của sự chiếm đóng và bản chất hiếu chiến của Do Thái.

[…]

Kính thưa ông Chủ tịch:

Chúng tôi phân biệt giữa công dân Do Thái mà giới cầm quyền Do Thái liên tục tìm cách lừa dối và cung cách của các nhà lãnh đạo Do Thái. Chúng tôi nhận ra rằng bên trong và bên ngoài Do Thái, những người Do Thái can đảm và có danh dự không tha thứ chính sách của Chính phủ Do Thái thực hiện đàn áp, sát hại, bành trướng, di dân và trục xuất; những người công nhận quyền bình đẳng của dân tộc chúng tôi về đời sống, tự do và độc lập. Thay mặt dân tộc Palestine, tôi cảm ơn họ do lập trường can đảm và có danh dự của họ.

Dân tộc chúng tôi không muốn giành quyền không thuộc về mình, mà giành quyền theo tính hợp pháp quốc tế và công pháp quốc tế. Họ không tìm kiếm tự do mà khiến cho ai khác bị mất tự do, và cũng không muốn có một số phận mà khiến cho ai khác bị xóa số phận. Dân tộc chúng tôi không muốn giàu hơn hay nghèo hơn các dân tộc khác. Dân tộc chúng tôi muốn được bình đẳng với các dân tộc khác, với những quyền và nghĩa vụ giống nhau.

Tôi kêu gọi tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc đã chịu ảnh hưởng bởi Quốc xã chiếm đóng, xem như là nghĩa vụ mà đóng lại một chương áp bức của một dân tộc đối với một dân tộc khác, ra tay giúp đỡ các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã, nhận rõ những trách nhiệm do lịch sử để lại đối với dân tộc chúng tôi vốn đã bị chà đạp và muốn con em mình có một chỗ đứng dưới ánh mặt trời, trên quê hương của họ – nơi mà họ có thể sống trong tự do giống như các trẻ em còn lại của thế giới.

[…]

Kính thưa ông Chủ tịch:

Không ai phủ nhận vấn đề Palestine là vấn đề của thế giới đương đại của chúng ta. Đó là vấn đề xưa nhất trên bàn nghị trình của ngài. Đó là vấn đề tế nhị và phức tạp nhất. Trong số các vấn đề khu vực, đó là nguy cơ nghiêm trọng nhất cho hòa bình và an ninh quốc tế. Vì thế, tầm ưu tiên của nó trong số các vấn đề cần được sự quan tâm của hai siêu cường và tất cả quốc gia trên thế giới. Vì thế, cần có nỗ lực vạch ra tiến trình hướng đến một giải pháp công bằng – một giải pháp nhằm kiến tạo hòa bình khắp Trung Đông.

[…]

Kính thưa ông Chủ tịch:

Nghị quyết thứ nhất và có tính quyết định của Hội đồng Quốc gia Palestine của chúng tôi là tuyên cáo sự thành lập Quốc gia Palestine, với thành phố thiêng liêng Jerusalem là Thủ đô. […]

Điều quan trọng đối với tôi, khi lặp lại tuyên cáo lịch sử này trước cộng đồng thế giới – bây giờ trở thành một trong những văn kiện chính thức của Liên Hiệp Quốc – nhằm tái xác nhận rằng quyết định này là không thể thay đổi và rằng chúng tôi sẽ không chùn bước cho đến khi trục xuất được kẻ chiếm đóng, cho phép dân tộc Palestine chúng tôi ở bất kỳ nơi đâu thực hiện chủ quyền trên đất nước của họ, Quốc gia Palestine. Theo đó, họ sẽ phát huy bản sắc quốc gia và văn hóa, vui hưởng sự bình đẳng toàn diện trong những quyền của họ. Những đức tin tôn giáo và chính trị cùng phẩm giá con người sẽ được bảo vệ dưới một hệ thống nghị viện dân chủ được thành lập dựa trên tự do tư tưởng; tự do lập đảng phái; sự bảo vệ người thiểu số bởi người đa số và sự tôn trọng quyết định của đa số bởi người thiểu số; không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hoặc giới tính; một hiến pháp đảm bảo pháp trị và tính độc lập của ngành tư pháp; và trên cơ sở trung thành toàn diện với di sản Palestine hàng thế kỷ về tinh thần và văn minh trong việc khoan dung và sống chung tôn giáo.

[Arafat khẳng định những nguyên tắc của Quốc gia Palestine: tôn trọng Hiến chương Nhân quyền; nguyên tắc không liên kết; yêu chuộng hòa bình; từ khước vũ lực, bạo lực và khủng bố; đòi hỏi công lý; đòi hỏi triệu tập hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Palestine, Do Thái rút khỏi lãnh thổ Palestine và Ả Rập họ chiếm đóng năm 1967, tháo dỡ các khu định cư của người Do Thái được thành lập từ năm 1967…]

Trong khi chúng tôi đánh giá cao những tiếng nói của người Mỹ tự do vốn giải thích và hậu thuẫn quan điểm cùng các nghị quyết của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy chính quyền Hoa Kỳ vẫn thiếu thái độ công bằng đối với các bên liên quan trong cuộc tranh chấp. Nước Mỹ vẫn tiếp tục đòi hỏi chúng tôi đơn phương chấp nhận những quan điểm vốn không thể được xác định trước khi đàm phán và đối thoại trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế.

Tôi muốn vạch rõ ở đây rằng lời giải cho nhiều câu hỏi được đặt ra, cho dù xuất xứ từ đâu, độc nhất dựa trên sự bình đẳng của hai bên trong cuộc tranh chấp và trên sự công nhận lẫn nhau các quyền bình đẳng. […]

Với tư cách là Chủ tịch của Tổ chức Giải phóng Palestine, một lần nữa ở đây tôi tuyên bố kết án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, và cùng lúc tôi hoan nghênh những người đang ngồi trước mặt tôi ở đây, những người mà vào những ngày đấu tranh để giải phóng đất nước họ khỏi ách thực dân đã bị kẻ áp bức họ kết án là khủng bố, những người mà ngày hôm nay là lãnh đạo trung thành của dân tộc họ, những chiến sĩ dũng cảm cho công lý và tự do. […]

Tôi trình bày sáng kiến hòa bình của Palestine là như sau:

Thứ nhất: Cần có nỗ lực nghiêm túc nhằm triệu tập một ủy ban dưới sự giám sát của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhằm chuẩn bị cho hội nghị quốc tế về hòa bình ở Trung Đông theo sáng kiến của Tổng Bí thư [Liên Xô] Gorbachev và Tổng thống [Pháp] Mitterand trình cho Đại Hội đồng vào tháng 9 vừa qua […]

Thứ hai: […] đặt lãnh thổ Palestine của chúng tôi bị chiếm đóng dưới quyền giám sát tạm thời của Liên Hiệp Quốc, và triển khai lực lượng quốc tế ở đây để bảo vệ dân tộc chúng tôi và cùng lúc giám sát sự rút lui của các lực lượng Do Thái khỏi đất nước chúng tôi.

Thứ ba: Tổ chức Giải phóng Palestine sẽ tìm kiếm một giải pháp toàn diện giữa các bên… nhằm đảm bảo bình đẳng và sự cân bằng các quyền lợi, đặc biệt là các quyền lợi của dân tộc chúng tôi về tự do, độc lập, và tôn trọng quyền được sống trong hòa bình và an ninh cho tất cả.

Nếu những nguyên tắc này được hậu thuẫn ở hội nghị quốc tế, chúng ta sẽ tiến một bước dài hướng đến một thỏa thuận công bằng, và việc này sẽ cho phép chúng ta đạt đến tất cả thỏa thuận về an ninh và hòa bình.

[…]

Hãy để mọi người nghe được tất cả các tiếng nói hậu thuẫn cành ô-liu, sống chung hòa bình, và hòa hoãn quốc tế. Hãy để tất cả các bàn tay hợp lại trong việc bảo vệ một cơ hội lịch sử, có lẽ là không thay thế được, nhằm chấm dứt một thảm kịch đã kéo dài quá lâu, sát hại hàng nghìn nhân mạng, phá hủy hàng trăm ngôi làng và thị trấn. Chúng tôi cầm lấy cành ô-liu bởi vì nó nẩy nở trong con tim của chúng tôi từ cây của quê hương, cây của tự do.

Kính thưa ông Chủ tịch, kính thưa các Thành viên.

Tôi đến với quý vị dưới danh nghĩa dân tộc tôi, chìa hai bàn tay ra để kiến tạo hòa bình thực sự, hòa bình dựa trên công lý. Tôi yêu cầu các nhà lãnh đạo Do Thái đến đây, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, hầu chúng ta cùng nhau kiến tạo hòa bình. Tôi nói với họ, như tôi nói với quý vị, rằng dân tộc chúng tôi vốn mong mỏi phẩm giá, tự do và hòa bình cho họ cùng an ninh cho đất nước của họ, mong mỏi cùng những điều đó cho tất cả các quốc gia và phe nhóm can dự vào cuộc tranh chấp Ả Rập-Do Thái. Ở đây, tôi muốn đặc biệt nói với người Do Thái trong tất cả phe nhóm và lực lượng, đặc biệt với những người ủng hộ dân chủ và hòa bình trong số họ. Tôi nói với họ: Hãy đến, chúng ta hãy kiến tạo hòa bình. Hãy vượt qua sợ hãi và dọa dẫm. Hãy để lại sau lưng ám ảnh của các cuộc chiến vốn đã diễn ra triền miên trong lò lửa của cuộc tranh chấp này bốn mươi năm qua. Hãy bỏ qua tất cả mối đe dọa của chiến tranh để đến đây… Hãy đến, chúng ta hãy kiến tạo hòa bình. Chúng ta hãy kiến tạo hòa bình của người dũng cảm, lánh xa sự ngạo mạn của sức mạnh và vũ khí hủy diệt; lánh xa sự chiếm đóng, áp bức, làm nhục, sát hại, và tra tấn.

[…] Cuối cùng, tôi muốn nói với nhân dân tôi: Bình minh đang đến. Chiến thắng trong tầm tay. Tôi nhìn thấy quê nhà trong các hòn đá thiêng liêng của các bạn. Tôi nhìn thấy lá cờ của nước Palestine độc lập phất phới trên tiền giấy của quê hương yêu dấu của chúng ta. Cảm ơn. Cầu chúc mọi người được bình an, cầu xin Ơn Trên khoan dung và ban ân điển.

* * *

Ngày hôm sau, trong một tuyên bố riêng rẽ, Arafat biểu lộ ý muốn là tất cả quốc gia trong vùng được hưởng hòa bình, an ninh và ổn định, và lên án khủng bố dưới mọi hình thức. Sau đó, Hoa Kỳ đồng ý tham gia đối thoại với PLO.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Sakshi Educationhttp://www.sakshieducation.com/(S(13gzvgvinkf3qn45bd3ypo45))/ENGGGStory.aspx?nid=38151&cid=12&sid=128&chid=0&tid=0

Chú thích

(1) PNC được thành lập năm 1964, là cơ quan lập pháp của Palestine.

(2) Quốc gia Palestine: do PNC tuyên cáo sự thành lập vào tháng 11 năm 1988.

(3) Sự ủy thác: Hội Quốc liên ủy thác cho các cường quốc phải bảo vệ các quyền dân sự và tôn giáo của tất cả những người sống ở vùng Palestine, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo.

Indira Gandhi

Bà Indira Priyadarśinī Gāndhī (1917-1984) là Thủ tướng Ấn Độ trong giai đoạn 1966-1977 và từ năm 1980 cho đến khi qua đời.

Là con gái của thủ tướng Ấn Độ đầu tiên, Jawaharlal Nehru, và là mẹ của một thủ tướng Ấn Độ khác, Rajiv Gandhi, Indira Gandhi là một trong những chính khách nổi bật nhất sau khi Ấn Độ giành độc lập.

Sau khi giành độc lập từ Anh, Ấn Độ vẫn là một nước nghèo đói và lạc hậu, bị hoành hành bởi nạn chia rẽ về chủng tộc, tôn giáo và giai cấp – tức là chia rẽ cả về chiều ngang và chiều dọc. Chính quyền do Bà Indira Gandhi đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng vẫn bị hạn chế bởi xã hội ù lỳ, bảo thủ. Nhằm đạt đến những thành tựu nổi bật như cải tổ hệ thống lập pháp và hành chính, tự túc lương thực, cải thiện dinh dưỡng toàn dân và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bà Indira Gandhi tỏ ra là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để cải tổ xã hội, không ngần ngại quét sạch các chướng ngại trên đường đi của mình.

Bà được Livescience xếp hạng là một trong 10 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

“Trách nhiệm đặc biệt của phụ nữ Ấn Độ” (1974)

Dưới đây là diễn văn của Thủ tướng Indira Gandhi tại lễ chào mừng 50 năm thành lập Trường Đại học Nữ Indraprastha ở Delhi, Ấn Độ ngày 23 tháng 11 năm 1974.

Bài diễn văn dùng ngôn từ giản dị, rõ ràng, với lập luận đúng lý phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, tạo sức thuyết phục mạnh. Vì thế, bài diễn văn thể hiện tôn chỉ rõ ràng của bà đối với hủ tục và sự bảo thủ của xã hội Ấn Độ mà bà muốn thuyết phục mọi người có tư duy như mình: chỉ lưu giữ truyền thống nào tốt cho Ấn Độ và chỉ du nhập cái mới từ nơi khác nếu tốt cho Ấn Độ.

Indira Gandhi
Indira Gandhi

Theo một ngạn ngữ Sanskrit cổ đại, phụ nữ là gia đình và gia đình là nền tảng của xã hội. Điều này có nghĩa là khi chúng ta gầy dựng gia đình của mình thì chúng ta có thể xây dựng được đất nước của chúng ta. Nếu gia đình không hoàn thiện – hoặc thiếu thốn về vật chất và những nhu cầu thiết yếu, hoặc thiếu thốn không khí thân thiết, yêu thương mà mọi đứa trẻ đều cần để trưởng thành và phát triển – thì đất nước đó không thể có sự hòa hợp, và không đất nước nào thiếu hòa hợp lại có thể phát triển theo bất kỳ hướng nào.

Đấy là lý do tại sao giáo dục cho phụ nữ hầu như quan trọng hơn giáo dục cho nam giới. Chúng ta – và khi nói “chúng ta” tôi không có ý chỉ nói đến Ấn Độ mà là toàn thế giới – đã lãng quên việc giáo dục cho phụ nữ. Việc này chỉ mới có gần đây. Dĩ nhiên, không phải với các bạn nhưng khi tôi còn bé, câu chuyện về những ngày đầu của giáo dục cho phụ nữ ở nước Anh, chẳng hạn, đã là chuyện rất thông thường. Ai cũng còn nhớ những gì xảy ra trong những ngày đầu tiên đó.

Tôi còn nhớ những gì từng xảy ra ở đây. Tôi vẫn nhớ những ngày sống ở Delhi cổ ngay cả khi tôi chỉ mới là đứa trẻ 7 hoặc 8 tuổi. Nếu đi ra khỏi nhà tôi phải ngồi trong kiệu. Chúng tôi không đi bộ. Con gái không được đi bộ trên đường. Trước nhất, bạn có tấm sari để quấn quanh đầu, sau đó bạn có một tấm vải rộng hay đại loại như thế để phủ lên tay và toàn cơ thể, rồi bạn có một khăn choàng trắng để che hết mọi thứ lần nữa tuy mặt của bạn còn được may mắn mà để lộ ra. Rồi bạn phải ngồi vào kiệu, và kiệu lại được phủ bằng một tấm vải. Đấy là trong một gia đình hay cộng đồng không áp dụng bất kỳ phong tục nào ngăn cách phụ nữ. Thực ra, tất cả nghi thức xã hội của chúng tôi luôn là những nghi thức pha trộn nhưng đó là không khí chung ở thành phố và của cả nước.

Ngày nay chúng ta được giáo dục, và trên khắp cả nước có cuộc tranh luận là liệu nền giáo dục này có đáp ứng nhu cầu của xã hội hay nhu cầu của giới trẻ hay không. Tôi là một trong những người luôn tin rằng giáo dục cần một cuộc cải cách toàn diện. Nhưng cùng lúc, tôi nghĩ rằng mọi thứ trong nền giáo dục của chúng ta không tệ, rằng ngay cả nền giáo dục hiện tại đã sản sinh những đàn ông và phụ nữ rất giỏi, đặc biệt là những nhà khoa học và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, những người mà toàn thế giới và ngay cả ở những quốc gia thịnh vượng nhất cũng cần đến. Nhiều người trong giới trẻ của chúng ta rời bỏ chúng ta và đi ra nước ngoài bởi vì họ nhận lương cao hơn, họ có điều kiện làm việc tốt hơn.

Nhưng không phải tất cả đều diễn ra một chiều bởi vì nhiều người bị thuyết phục và phỉnh phờ để ra đi ngay cả khi họ lưỡng lự. Chúng tôi biết có những học sinh giỏi, đặc biệt ví dụ như trong ngành y khoa hay năng lượng nguyên tử, họ được tiếp xúc từ lâu trước khi ra trường và họ được dẫn dụ mọi thứ để đi ra nước ngoài. Việc này cho thấy người ta thực sự nhìn nhận rằng những học sinh ấy có một chuẩn kiến thức và năng lực hữu ích ở mọi nơi trên thế giới.

Vì vậy, đấy là lý do tại sao tôi nói rằng vẫn có những điều xứng đáng. Nó cũng cho thấy điều mà các triết gia cổ của chúng ta dạy là không có gì trên đời hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt. Mọi thứ là phần nào đó của một hỗn hợp và tùy nơi chúng ta, nơi khả năng của chúng ta để rút ra được cái tốt ra sao, để sử dụng những gì quanh chúng ta ra sao. Có những người qua quan sát mà học được từ bất kỳ những gì xung quanh họ. Những người khác có thể được bao quanh bởi những nhân vật lôi cuốn nhất, những quyển sách tuyệt vời nhất và nhiều thứ khác nữa, rồi vẫn tiếp tục khép kín và không thể nào rút ra được một cái gì từ những thứ phong phú chung quanh.

Đất nước chúng ta là một đất nước rất giàu có, giàu về văn hóa, giàu về nhiều truyền thống cổ – và thậm chí truyền thống hiện đại. Dĩ nhiên, đất nước này cũng có những thứ tồi tệ và một số thứ tồi tệ trong xã hội – như nạn mê tín, vốn đã phát triển qua nhiều năm và đôi lúc che mờ sự soi rọi của tư tưởng và giá trị cổ truyền, những giá trị vượt thời gian. Dĩ nhiên, có sự đói nghèo về vật chất của một số lớn người trong nhân dân ta. Đấy là điều tồi tệ và ngáng trở sự phát triển của hàng triệu thiếu niên nam nữ. Ngày nay, chúng ta phải đấu tranh chống lại tất cả những điều tồi tệ này, và đấy là việc chúng ta đang làm kể từ ngày Độc lập.

Nhưng, chúng ta không được dung thứ mặt tối này của bức tranh, mà nhân đây cũng cần nói là mặt tối này hiện hữu ở mọi quốc gia trên thế giới. Ngay cả đất nước giàu có nhất trên thế giới cũng có mặt tối của nó, nhưng họ thường che giấu đi những mặt tối và trưng bày mặt sáng hoặc là mặt thành tựu. Ở đây, tại Ấn Độ, có vẻ như chúng ta muốn trưng bày mặt tồi tệ nhất của xã hội. Trước khi một người làm một việc gì đấy, dĩ nhiên là anh ta phải có kiến thức và năng lực, nhưng cùng lúc, anh phải có một mức độ tự hào nào đấy trong việc anh ta làm. Anh ta phải tự tin vào năng lực của mình. Nếu giáo viên của bạn nói rằng: “Em không thể làm việc này”, thì cho dù bạn là một học sinh rất thông minh, tôi nghĩ hẳn bạn sẽ thấy càng ngày càng khó khăn để làm được việc ấy. Nhưng nếu giáo viên của bạn khuyến khích bạn: “Xúc tiến đi, em đã làm rất tốt, bây giờ hãy cố gắng thêm chút nữa”, bạn sẽ cố gắng thêm nữa, và rồi bạn sẽ có khả năng làm được việc ấy. Điều này cũng đúng với xã hội và đất nước.

Đất nước Ấn Độ này đã đạt những thành tựu đáng kể, dĩ nhiên trong thời cổ đại, nhưng ngay cả trong thời hiện đại. Tôi nghĩ có một số câu chuyện hiện đại, những câu chuyện thành công lôi cuốn ngang bằng câu chuyện thành công của đất nước chúng ta. Đúng là chúng ta chưa xóa được đói nghèo, chúng ta chưa xóa được tệ nạn xã hội, nhưng nếu so sánh với 27 năm về trước, tôi nghĩ bạn sẽ không tìm thấy một quốc gia nào đạt được nhiều thành tựu như thế trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như quốc gia chúng ta.

Hiện nay, chúng ta đang trải qua những ngày đặc biệt u ám. Nhưng đấy là những ngày u ám không phải riêng cho Ấn Độ. Ngoại trừ những quốc gia tự gọi là xã hội chủ nghĩa và chúng ta không biết nhiều về họ, tất cả các nước khác đều có những vấn nạn kinh tế tương tự chúng ta. Chỉ có một vài nước, với dân số ít ỏi, không có người thất nghiệp. Trong khi ngược lại, các nước giàu có ngày nay đều có người thất nghiệp. Các nước này thiếu rất nhiều nguồn tài nguyên thiết yếu. Họ còn thiếu cả thức ăn.

Tôi không biết bao nhiêu người trong các bạn biết rằng Tây Âu và Nhật Bản nhập khẩu 41% nhu cầu lương thực của họ, trái lại Ấn Độ chỉ nhập khẩu chưa đến 2%. Tuy vậy, bằng cách nào đó chúng ta luôn dẫn ra hình ảnh Ấn Độ với cái bát xin ăn. Lẽ tự nhiên là khi chính chúng ta nói ra điều này, những người khác sẽ nói to hơn và mạnh hơn. Dĩ nhiên, 2% quả là con số lớn vì chúng ta là một nước rất lớn và dân số trong nước cao hơn rất nhiều so với hầu hết các nước khác trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc. Chúng ta phải nhìn thấy được, và các bạn – những phụ nữ có giáo dục, bởi bạn có đặc quyền rất lớn được nhận nền giáo dục đại học – các bạn phải cố gắng nhìn những vấn nạn của chúng ta dưới góc độ những gì đang xảy ra trên đất nước này và những gì đang xảy ra trên toàn thế giới.

Hiện tại có sự ngưỡng mộ lớn lao đối với một số điều xảy ra ở các nước khác, nơi xã hội được hình thành khá khác biệt với chúng ta, nơi không cho phép bất đồng chính kiến. Những người ngưỡng mộ hệ thống ấy và những thành công trong hệ thống ấy chính là những người nói rằng trên đất nước này có chế độ độc tài, mặc dù theo tôi nghĩ không ai có thể chỉ ra cho tôi thấy đất nước nào có nhiều quyền tự do công luận hay hành động hơn là đất nước chúng ta. Vì thế, đôi điều được nói ra, nhiều người thiếu suy nghĩ cứ lặp lại và còn tô điểm để rồi đưa ra một hình ảnh đất nước và con người chúng ta hoàn toàn méo mó.

Như tôi đã nói, chúng ta có nhiều yếu kém, hoặc là ở chính phủ, hoặc là trong xã hội. Một số yếu kém là do truyền thống của chúng ta bởi vì, như tôi nói, không phải mọi truyền thống đều tốt. Một trong những trách nhiệm lớn nhất của phụ nữ có giáo dục ngày nay là làm thế nào tổng hợp những gì có giá trị và vượt thời gian trong truyền thống cổ truyền với những tư tưởng mới có giá trị. Không phải tất cả những gì hiện đại đều tốt, cũng như không phải tất cả những gì cũ là hoặc tốt cả hoặc xấu cả. Chúng ta phải quyết định – không phải chỉ một lần rồi thôi, nhưng hầu như mỗi tuần, mỗi tháng – những gì mới là hữu ích cho đất nước chúng ta và những gì thuộc truyền thống cũ cần giữ lại và tôn vinh cho xã hội chúng ta. Để tỏ ra hiện đại, phần lớn người ta nghĩ rằng đấy là sự thể hiện phong cách ăn mặc hoặc nói năng, hoặc một số thói quen nào đấy, nhưng thực sự không phải thế. Đấy chỉ là phần rất nông cạn của khái niệm hiện đại.

Ví dụ như chuyện tôi cắt tóc, đấy là bởi vì cuộc sống mà tôi đang sống. Chúng ta luôn di chuyển. Bạn đơn giản không thể để tóc dài đi đến các thôn làng rồi gội đầu mỗi ngày. Vì vậy, khi bạn chọn sống một đời sống, một đời sống cụ thể, quần áo của bạn, tất cả mọi thứ về bạn phải phù hợp với cuộc sống để bạn làm việc có hiệu năng. Nếu bạn phải đi đến các thôn làng rồi bận tâm nghĩ trang phục mình sẽ bị lấm bẩn hay không, thì bạn không thể làm việc có hiệu năng. Bạn phải quên những chuyện như thế. Đấy là lý do tại sao, dần dần, trang phục và những thứ tương tự luôn thay đổi ở một số nước vì phong cách sống thay đổi. Những trang phục đó có phù hợp với phong cách sống của chúng ta hay những việc chúng ta muốn làm hay không? Nếu có, chúng ta có lẽ nên chấp nhận một phần nào đó trong những thứ này, không chỉ đơn thuần vì nó được dùng ở nước ngoài mà hẳn vì mục đích khác. Nhưng mặc trang phục nào là không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là cách chúng ta suy nghĩ.

Thỉnh thoảng tôi cảm thấy rất buồn khi có người làm việc về khoa học lại khá phản khoa học trong suy nghĩ và hành động – không phải tôi nói về những gì họ làm ở phòng thí nghiệm mà là cách họ sống ở nhà và thái độ của họ đối với những người khác. Ngày nay, để Ấn Độ trở thành đất nước có một xã hội hiện đại, hợp lý và đứng vững chắc trên những điều tốt đẹp trong truyền thống cổ truyền và trên mảnh đất của chúng ta, để làm được điều đó chúng ta cần quần chúng có tư duy, giới trẻ nữ biết suy nghĩ không tự mãn chấp nhận những gì đến từ một nơi bất kỳ trên thế giới, nhưng sẵn lòng lắng nghe, phân tích những thứ ấy và quyết định chấp nhận cái nào, gạt qua cái nào. Đấy chính là phương hướng giáo dục mà chúng ta mong muốn – một nền giáo dục cho phép giới trẻ tự điều chỉnh với thế giới luôn thay đổi này và có đủ năng lực để đóng góp vào đó.

Một số người nghĩ rằng chỉ bằng cách làm những công việc cao cấp, thì họ mới làm điều gì đấy quan trọng hoặc đang phụng sự đất nước. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng bộ máy phức tạp nhất cũng vô dụng nếu chỉ một con ốc không hoạt động đúng chức năng và con ốc đó cũng quan trọng như bất kỳ một bộ phận to lớn nào khác trong cỗ máy. Điều này cũng thế trong đời sống của một đất nước. Không có công việc nào là quá nhỏ bé; không có cá nhân nào là quá nhỏ nhoi. Mọi người đều có việc gì đó để làm. Và nếu anh hay chị làm việc đó tốt, thì đất nước sẽ hoạt động tốt.

Trong định kiến của mình, chúng ta hay nghĩ rằng có công việc thuộc loại công việc dơ bẩn. Ví dụ như quét rác bị xem là công việc dơ bẩn. Chỉ một số người có thể làm việc ấy; những người khác không nên làm việc ấy. Ngày nay chúng ta thấy rằng phân là thứ giá trị nhất mà thế giới rất cần và nhiều nền kinh tế trên thế giới đang chao đảo vì không có đủ phân bón – không chỉ phân bón hóa học mà là phân chuồng bình thường, phân hầm cầu và những loại tương tự vốn bị xem là dơ bẩn.

Ngày nay chúng ta thấy thế giới cân bằng một cách đẹp đẽ ra sao khi mọi thứ ăn khớp với nhau. Mọi thứ, dù là dơ bẩn hay nhỏ nhoi, đều có mục đích của nó. Chúng ta, với khoa học và công nghệ của mình, đã cố gắng – dù không cố tình nhưng bằng cách nào đó – tạo ra sự mất cân bằng và, trên bình diện rộng, đấy là vấn nạn đối với các nền kinh tế trên thế giới, đối với các dân tộc, và cả từng cá nhân. Người ta có cảm giác thấy xa lạ với chính xã hội của mình, không phải chỉ ở Ấn Độ mà hầu như ở tất cả các nước trên thế giới, chỉ trừ những nơi mà toàn bộ mục tiêu của giáo dục và nhà nước là làm mọi người tuân theo một ý tưởng duy nhất. Chúng ta nghe nói rằng ở đó mọi người đều rất hạnh phúc với bất kỳ việc gì họ làm. Nếu người ta được bảo phải quét đường và nếu ông là giáo sư đại học ông cũng phải quét đường, nếu ông là nhà khoa học ông cũng phải làm việc đó, và chúng ta nghe nói rằng họ làm việc đó một cách rất vui vẻ. Nếu họ vui vẻ thì điều ấy tốt thôi.

Nhưng tôi không nghĩ rằng ở Ấn Độ chúng ta có thể có thứ xã hội như thế nơi mà con người bị ép buộc làm việc, bởi vì chúng ta nghĩ họ bị ép buộc có lẽ trong 25 năm, có lẽ trong 50 năm, nhưng một lúc nào đó sẽ có một sự bùng nổ. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta cho phép rất nhiều bùng nổ nhỏ hơn bởi vì chúng ta nghĩ rằng việc này duy trì sự ổn định cơ bản và sự tiến bộ của xã hội, cùng lúc tránh bị bùng nổ xáo trộn làm chậm sự phát triển và hòa hợp của đất nước.

Vì thế, tôi hy vọng tất cả các bạn – những người có thuận lợi rất lớn nhờ được giáo dục – sẽ không chỉ làm công việc của mình vì lợi ích của quốc gia, mà các bạn sẽ còn đóng góp phần mình vào công cuộc sáng tạo hòa bình và hòa hợp, vào việc mang cái đẹp đến với cuộc sống của nhân dân chúng ta và đất nước chúng ta. Tôi nghĩ đây là trách nhiệm đặc biệt của phụ nữ Ấn Độ. Chúng ta muốn làm nhiều cho đất nước, nhưng chúng ta không bao giờ xem Ấn Độ cô lập với phần còn lại của thế giới. Những gì chúng ta muốn thực hiện là làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Vì vậy chúng ta phải xem xét những vấn nạn của Ấn Độ dưới góc độ những vấn nạn lớn hơn của thế giới.

Tôi thật sự có vinh hạnh được ở đây với các bạn ngày hôm nay. Tôi có lời chúc mừng nồng nhiệt đến các bạn – những người hiện đang thể hiện rất tốt, và với tất cả những người khác tôi có lời chúc tốt đẹp nhất là cũng thể hiện tốt hơn nữa. Trường đại học này sẵn nổi danh nhưng chúng ta phải luôn làm tốt hơn những người đi trước chúng ta.

Thế nên, tôi chúc may mắn và chúc mọi điều tốt đẹp đến với các bạn.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Gifts of speechhttp://gos.sbc.edu/g/gandhi3.html

F.W. de Klerk

F.W. de Klerk (1936- ) là tổng thống thứ bảy và cũng là tổng thống cuối cùng (1989-1994) của Nam Phi trong chế độ phân biệt chủng tộc.

De Klerk được biết đến qua nỗ lực kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc của Nam Phi, và hậu thuẫn sự chuyển đổi nước Cộng hòa Nam Phi qua thể chế dân chủ đa sắc tộc, cho phép tất cả công dân kể cả người da màu đa số có quyền bình đẳng kể cả quyền được bỏ phiếu.

Do những nỗ lực vì hòa bình, năm 1993 de Klerk được trao Giải Nobel Hòa bình cùng với Nelson Mandela.

Khi Mandela làm Tổng thống Nam Phi sau cuộc bầu cử tự do dân chủ năm 1994, de Klerk là một trong các phó tổng thống cho đến năm 1996.

“Đã đến lúc cần phải đàm phán” (1990)

Ngày 2 tháng 2 năm 1990, Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk đọc bài diễn văn khai mạc khóa họp thứ 2 Nghị viện thứ 9 của Nam Phi, trong đó ông thông báo một số biện pháp cải cách rộng rãi đánh dấu sự khởi đầu tiến trình chuyển đổi từ phân biệt chủng tộc qua dân chủ hiến pháp. Ông lặp lại nhiều lần các nguyên tắc đàm phán, đối thoại và bất bạo động. Điểm nổi bật là ông thông báo bãi bỏ lệnh cấm các tổ chức đảng hoạt động kể cả Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress – ANC) của Nelson Mandela, và sẽ trả tự do vô điều kiện cho Nelson Mandela, người bị giam cầm từ năm 1964.

Vì thế bài diễn văn này là một cộc mốc lịch sử quan trọng đối với Nam Phi, và cũng tạo ảnh hưởng cho toàn thế giới.

F.W. de Klerk.jpg
F.W. de Klerk

Kính thưa ông Chủ tịch;

Kính thưa quý đại biểu Nghị viện;

Cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng 9 năm 1989 đặt nước ta trên con đường đổi mới sâu xa mà không thể quay lại lối cũ. Đi theo con đường đổi mới này là nhận thức ngày càng lan rộng trong số nhiều người Nam Phi rằng chỉ có sự thấu hiểu qua dàn xếp giữa các nhà lãnh đạo đại biểu của toàn thể nhân dân mới có thể đảm bảo sự bình an trường cửu.

Nếu không như thế thì chọn lựa còn lại là bạo lực, căng thẳng và tranh chấp ngày càng gay gắt. Đây là điều không thể chấp n