“Một thế giới tốt đẹp hơn sẽ khởi sinh” – Douglas MacArthur

Douglas MacArthur (1880-1964) là Thống tướng Lục quân của Hoa Kỳ và Thống tướng của Quân đội Philippines, người được trao tặng Huân chương Danh dự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Ông chiến đấu trong 3 cuộc chiến lớn: Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Ông là Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ trong suốt thập niên 1930 và sau đó làm Tư lệnh Tối cao Tây-Nam Thái Bình Dương, đóng một vai trò quan trọng trên mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II trên cương vị này.

Sau khi thay mặt cho Đồng minh chính thức chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông được cử giám sát cuộc chiếm đóng Nhật Bản từ 1945 đến 1951 và được trao toàn quyền để định hình một nước Nhật thời hậu chiến. Trong khi người Nhật e sợ Mỹ xúc phạm Hoàng đế Nhật (phía Đồng minh có nhiều lời kêu gọi phải truy tố Hoàng đế) và hành động trả thù thiếu công bằng, thì những việc này không xảy ra. Ông tổ chức cứu tế dân Nhật đang đối mặt với nạn đói, khéo léo hướng dẫn Nhật Bản cải tổ cơ cấu lập pháp và hành pháp, cải cách ruộng đất, tái thiết nước Nhật, và lập quan hệ thân hữu với đối phương cũ. Ông được công nhận vì những đóng góp cho những thay đổi dân chủ sâu rộng của đất nước này, ví dụ: lần đầu tiên phụ nữ Nhật được đi bầu. Người Nhật rất biết ơn ông, thậm chí nhiều gia đình Nhật lập bàn thờ để thờ ông.

Khi quân Bắc Triều Tiên tràn xuống tấn công Nam Triều Tiên năm 1950, ông được cử làm Tư lệnh lực lượng quân sự Liên Hiệp Quốc gồm quân của 16 nước để bảo vệ Nam Triều Tiên. Theo quy định của Hoa Kỳ, vì là thống tướng nên ông không bao giờ về hưu tuy trên thực tế ông “nghỉ hưu” sau khi trở về từ Triều Tiên.

Ngày 02 tháng 9 năm 1945, lễ ký kết văn kiện đầu hàng giữa Đồng Minh và Nhật Bản được cử hành trên thiết giáp hạm 53.000 tấn USS Missouri, soái hạm của Hạm đội thứ Ba, thả neo trong Vịnh Tokyo, và được phát thanh trên toàn thế giới. Sau khi mọi người tề tựu và phái đoàn Nhật Bản do Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu và Đại tướng Yoshijiro Umezu, Tham mưu trưởng Lục quân, cầm đầu bước lên con tàu chiến, cùng với Thủy sư Đô đốc Nester Nimitz (Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương) và Đô đốc Halsey (Tư lệnh Hạm đội thứ Ba), Thống tướng Douglas MacArthur xuất hiện và bước ra nơi hành lễ để chủ trì lễ ký văn kiện với cương vị Tư lệnh Tối cao các Lực lượng Đồng minh trên Thái Bình Dương.

Douglas MacArthur phát biểu mở đầu như sau:

Chúng ta tập họp ở đây, đại diện cho các cường quốc tham chiến, nhằm đạt đến một thỏa ước long trọng qua đó có thể tái lập hòa bình. Các chủ đề liên quan đến những tư tưởng và ý thức hệ xung khắc nhau được quyết định trên các bãi chiến trường của thế giới, và vì thế chúng ta không cần phải thảo luận hoặc tranh cãi.

Douglas MacArthur on Missouri
MacArthur phát biểu mở đầu trước khi các bên ký kết văn kiện đầu hàng

Chúng ta gặp nhau ở đây, đại diện cho đa số con người trên Trái Đất, cũng không phải trong tinh thần nghi kỵ, ác tâm, hoặc hận thù. Thay vào đó, những người trong chúng ta, kể cả người chiến thắng và người chiến bại, hãy vươn đến phẩm giá cao hơn vốn tự nó thích hợp với những mục tiêu thiêng liêng mà chúng ta sẽ phục vụ, bằng cách cởi mở đưa tất cả con người của chúng ta tuân thủ trung thực với sự cảm thông được chính thức công nhận ở đây.

Hy vọng tha thiết của tôi – và thật ra là hy vọng của cả nhân loại – là từ cơ hội long trọng này, một thế giới tốt đẹp hơn sẽ khởi sinh từ xương trắng máu đào của quá khứ. Bây giờ, tôi mời các đại diện của Hoàng đế Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản và Bộ Tư lệnh Quân đội Nhật Bản ký vào văn kiện đầu hàng ở những chỗ được chỉ định.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Public Broadcasting Station – http://www.pbs.org/wgbh/amex/macarthur/filmmore/reference/primary/macspeech04.html

Sau khi phía Nhật Bản ký tên vào các văn kiện đầu hàng, McArthur ký tên tiếp theo. Ông trao tặng một cây bút mình đã ký cho Thượng tướng Mỹ General Jonathan Wainwright (Tư lệnh quân Đồng minh ở Phillippines lúc đầu hàng quân Nhật năm 1942), và tặng cây bút thứ hai cho Thượng tướng Anh (Tư lệnh quân Anh ở Singapore lúc đầu hàng quân Nhật năm 1941). Tiếp theo, đại biểu các nước tham chiến ký vào văn kiện: Hoa Kỳ (đại diện bởi Thủy sư Đô đốc Nimitz), Trung Hoa Dân quốc, Vương quốc Anh, Liên bang Xô Viết, Úc, Canada, Pháp, Hà Lan, và Tân Tây Lan. Sau khi phái đoàn Nhật Bản ra về, MacArthur bước đến một micro khác để phát biểu, và bài phát biểu của ông cũng được truyền đi khắp thế giới:

Hôm nay, tiếng súng im ắng. Một thảm kịch tồi tệ chấm dứt. Một chiến thắng vĩ đại đạt được. Bầu trời không còn có những cơn mưa tử thần, còn biển cả chỉ có những con người hàng hải đứng thẳng người khắp nơi dưới ánh nắng. Cả thế giới tĩnh lặng trong hòa bình. Nhiệm vụ thiêng liêng hoàn tất. Và khi báo cáo điều này với quý vị, nhân dân, tôi nói thay cho hàng nghìn bờ môi lặng câm, vĩnh viễn bất động giữa những khu rừng già và trên các bãi biển và ở những vùng nước sâu của Thái Bình Dương đánh dấu đường hành quân. Tôi nói thay cho hàng triệu người dũng cảm không tên tuổi đang trở về nhà để nhận lấy thách thức của tương lai ấy mà họ đã cống hiến biết bao nhằm cứu lấy từ bờ vực của thảm họa.

Khi tôi nhìn lại chặng đường dài và khúc khuỷu từ những ngày đen tối ở Bataan và Corregidor[i], khi cả thế giới sống trong sợ hãi, khi nền dân chủ khắp nơi bị đẩy vào thế phòng thủ, khi nền văn minh hiện đại run rẩy trong tình thế chông chênh, tôi cảm ơn Thượng Đế nhân từ vì Ngài đã cho chúng ta lòng tin, lòng can đảm và sức mạnh để nhờ đó hun đúc nên chiến thắng. Chúng ta kinh qua nỗi cay đắng trong chiến bại và lòng hân hoan trong chiến thắng, và từ cả hai chúng ta biết rằng sẽ không có việc quay lại. Chúng ta phải tiến về phía trước để duy trì nền hòa bình mà chúng ta giành được trong chiến tranh.

Một kỷ nguyên mới mở ra cho chúng ta. Ngay cả bài học của chiến thắng tự nó mang đến nỗi quan ngại sâu sắc. Tính chất hủy diệt của tiềm năng chiến tranh, qua những tiến bộ không ngừng trong phát kiến khoa học, đúng thật là đạt đến một điểm sửa lại những ý niệm thông thường về chiến tranh.

Con người từ thuở khai thiên lập địa vẫn luôn mưu cầu hòa bình. Những liên minh quân sự, những cân bằng quyền lực, những hội liên kết quốc gia, tất cả đều thất bại, chỉ để lại con đường duy nhất cho lò lửa chiến tranh. Chúng ta có cơ hội cuối cùng. Nếu bây giờ chúng ta không thiết lập một hệ thống lớn lao hơn và bình đẳng hơn, trận quyết đấu cuối cùng giữa thiện và ác sẽ diễn ra ngay ở cửa ngõ của chúng ta. Vấn đề chủ yếu là về thần học và bao gồm sự bùng nổ về tâm linh và sự cải thiện của bản chất con người vốn sẽ đồng bộ hóa với những tiến bộ hầu như vô song trong khoa học, nghệ thuật, văn học, và mọi phát triển về vật chất và văn hóa trong hai nghìn năm qua. Đấy sẽ thuộc về tinh thần nếu chúng ta muốn cứu lấy thể xác.

Ngày hôm nay, chúng ta đứng ở Tokyo mà hồi tưởng về người đồng hương của chúng ta, Đại tá Hải quân Perry, 92 năm trước. Mục đích của ông ấy là mang đến Nhật Bản một kỷ nguyên khai sáng và tiến bộ, bằng cách vén lên bức màn cô lập để mở ra tình hữu nghị, mậu dịch và thương mại của thế giới. Nhưng đáng tiếc là kiến thức tiếp thu từ khoa học phương Tây được nung đúc thành công cụ cho áp bức và nô dịch con người. Tự do tư tưởng, tự do hành động, thậm chí tự do ngôn luận bị tước bỏ qua thói mê tín và qua việc sử dụng vũ lực. Chúng ta tuân thủ Tuyên bố Potsdam về những nguyên tắc để giúp nhân dân Nhật Bản được giải phóng khỏi tình trạng nô dịch ấy. Mục đích của tôi là thực hiện sự tuân thủ ấy nhanh chóng ngay khi các lực lượng quân sự được giải ngũ và các bước thiết yếu được thi hành nhằm vô hiệu hóa tiềm năng chiến tranh.

Nếu được định hướng đúng đắn, năng lực của dân tộc Nhật Bản sẽ mang đến sự phát triển theo chiều dọc thay vì theo chiều ngang. Nếu tài năng của dân tộc được hướng vào những kênh xây dựng, đất nước sẽ tự vươn lên từ tình trạng tồi tệ để đạt đến vị thế của phẩm giá.

Viễn cảnh của một thế giới mới được giải phóng đến với khu vực Thái Bình Dương. Ngày hôm nay, tự do đang tấn công, dân chủ đang thẳng tiến. Ngày hôm nay, ở Châu Á cũng như ở Châu Âu, những dân tộc được thoát khỏi gông cùm đang nếm trải hương vị đầy ngọt ngào của tự do, giải tỏa khỏi nỗi sợ hãi.

Ở Philippines, Mỹ chuyển biến một mô hình mới ấy cho thế giới tự do ở Châu Á. Ở Philippines, Mỹ chứng tỏ rằng các dân tộc ở phương Đông và các dân tộc ở phương Tây có thể đi bên nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau và với lợi ích hỗ tương. Lịch sử chủ quyền của chúng ta ở đấy bây giờ có đầy tự tin về phương Đông.

Thế là, thưa đồng bào, ngày hôm nay tôi báo cáo với quý vị rằng các con trai và con gái của quý vị đã phục vụ giỏi và trung thành với tinh thần chiến đấu đầy quyết tâm của người lính Mỹ, dựa trên truyền thống lịch sử của công lý, nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan của kẻ thù chỉ dựa trên sự huyễn hoặc trong huyền thoại. Sức mạnh tinh thần và năng lực của các con trai và con gái của quý vị mang chúng ta đến chiến thắng. Bây giờ họ đang trở về nhà – quý vị hãy chăm sóc họ.

Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: USS Missouri – http://www.ussmissouri.com/page.aspx?pid=406

Chú thích

[i] Bataan và Corregidor: hai địa danh của Philippines, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân Đồng minh do Mỹ cầm đầu và quân Nhật trước khi Nhật chiếm đóng Philippines.

 

 

 

 

 

One thought on ““Một thế giới tốt đẹp hơn sẽ khởi sinh” – Douglas MacArthur

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *