Qua báo đài, người viết nhận thấy nhiều cách dịch thuật còn có vấn đề trong việc truyền tải ý niệm, sự kiện. Xin trình bày một số ví dụ dưới đây.
1. Một bài báo nói về con chim “ác là” ở nước ngoài, tên có lẽ được dịch trực tiếp từ tên thông thường trong Pháp ngữ, mà tên thông thường của sinh vật thì thường thiếu chuẩn xác. Riêng người đọc lại phân vân: theo những đặc tính như mô tả trong bài báo, đây có phải là con chim bách thanh của ta không?
2. Một số bài báo mô tả cây neem của Ấn Độ với nhiều công dụng về y khoa và dinh dưỡng. Qua ngôn từ như có cánh, nhiều người Việt cứ tưởng đây là loài cây thần bí nào đó chữa bách bệnh và bổ dưỡng vô song. Thật ra đây là cây xoan khá phổ biến ở Việt Nam, dân gian gọi bằng nhiều tên như: sầu đâu, sầu đông, xoan. (Thời trước nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác một bài hát được yêu thích là Hoa soan bên thềm cũ.) Nếu tác giả bài báo về cây neem chịu khó tìm hiểu rồi đưa tên Việt vào thì nhiều người Việt có thể đóng góp sự hiểu biết của họ về loài cây này.
3. Một số bản tin (kể cả đài BBC tiếng Việt) từ Thái Lan nói về một vị tướng “Tổng Tư lệnh Quân đội” hoặc “Tư lệnh Quân đội” hoặc”Tổng Tham mưu trưởng Quân đội”. Ở Thái Lan, nhà Vua là Tổng Tư lệnh Quân đội trên danh nghĩa, còn hai chức danh kia không hiện hữu. Quân đội của họ có chức danh chỉ huy là Chief of Defence Forces, lúc trước gọi là Supreme Commander (Tư lệnh Tối cao), ít có thực quyền, dưới đó là tư lệnh ba quân chủng: Lục quân, Không quân và Hải quân. Tư lệnh Lục quân (Army Commander-in-Chief) là người có thế lực mạnh nhất trong Quân đội Thái Lan, thế nên giới truyền thông thường đưa tin về người có chức danh này: khi người này tuyên bố gì đó thì gây chú ý trong giới truyền thông, càng gây thêm chú ý khi người có chức danh này nghỉ hưu hoặc người khác lên thay. Việc dịch bản tin Thái Lan ra Việt ngữ thường dùng bản Anh ngữ mang chữ Army, có nghĩa là Quân đội hoặc Lục quân, tùy trường hợp. Đôi khi người ta dùng từ Armed Forces, có nghĩa là Quân lực, để tránh nhầm lẫn với Lục quân.
4. Có người dịch ra chức vụ “Tư lệnh Quân đội” của Mỹ. Tổng thống Mỹ là tổng tư lệnh quân đội, dưới đó vài ba cấp là sáu tham mưu trưởng của quân lực Mỹ gồm hải-lục-không quân, thủy quân lục chiến và cảnh sát biển. Chức vụ “Tư lệnh Quân đội” trong bản dịch có thể là Tham mưu trưởng Lục quân (Chief of Staff of the Army).
5. Theo tên một cơ quan của Thái Lan mang chữ Academy, một bài báo dịch là “Viện Hàn lâm Hoàng gia”, trong khi đây là một trường võ bị. Academy trong Anh ngữ có khi là viện hàn lâm, có khi là trường võ bị hoặc học viện. Ở Mỹ, Military Academy (còn được gọi là West Point) là một trường võ bị, còn Police Academy là một học viện cảnh sát.
6. Tiếng Anh trong hải quân thường gây nhầm lẫn về quân hàm cũng như tàu thuyền. Nhiều bản dịch ghi battleship là “tàu chiến” trong khi đó là thiết giáp hạm. War ship mới là tàu chiến nói chung.
7. Từ church thường có nghĩa nhà thờ (cấu trúc tòa nhà), có khi là giáo hội (tổ chức tôn giáo). Nhưng nhiều bản tin Việt ngữ vẫn nói về “nhà thờ” trong khi nội dung nói về giáo hội.
8. Từ society thường có nghĩa xã hội, cũng có khi nằm trong tên của hiệp hội, ví dụ The Canadian Society for Civil Engineering. Tương tự, college thường là trường cao đẳng (chương trình 2 năm) hoặc trường đại học, cũng có khi nằm trong tên của hiệp hội , ví dụ: The Royal College of Ophthalmologists.
9. Thường có sự lẫn lộn giữa các cấp bậc hay chức danh “đại úy” của lục quân, “thuyền trưởng” dân sự hay “hạm trưởng” hải quân, và “đại tá” của hải quân, vì Anh ngữ đều dùng từ captain, chỉ có thể phân biệt tùy theo ngữ cảnh.
10. Cũng thế, có cơ quan truyền thông và phim ảnh dùng từ “chỉ huy” để dịch commander trong khi theo cốt truyện đó là cấp bậc Trung tá Hải quân hoặc Trung tá Thủy quân Lục chiến của Mỹ.
11. Có cơ quan truyền thông dịch từ marine trong bản tin tiếng Anh là “hải quân”, thật ra đó là Thủy quân Lục chiến, một trong 4 quân chủng của Mỹ. Việt Nam có binh chủng tương đương là Hải quân Đánh bộ, thuộc Quân chủng Hải quân.
12. Cấp bậc trong Không lực Anh Quốc dùng nhiều từ đặc biệt: squadron leader là thiếu tá (không phải là “chỉ huy phi đội”), wing commander là trung tá (không phải là “tư lệnh phi đoàn”), còn group captain là đại tá (không lẽ dịch là “đại úy nhóm”!)
13. Về cấp tướng của Mỹ, tôi thường dịch theo con số sao trên quân phù để người Việt dễ nhận ra cấp tương đương. Vì thế, trong Lục quân Mỹ, brigadier general là thiếu tướng (1 sao), major general là trung tướng (2 sao), lieutenant general là thượng tướng (3 sao), general là đại tướng (4 sao); riêng general of the Army (5 sao) của Mỹ không có quân hàm tương đương của Việt Nam thì nên dùng từ thông dụng là thống tướng. Việt Nam Cộng hòa trước đây có các cấp chuẩn tướng, thiếu tướng, trung tướng, đại tướng và thống tướng – mà nhiều báo đài tiếng Việt ở Mỹ hiện vẫn dùng cho Quân đội Mỹ.
14. Các vùng khác nhau có thể dùng từ ngữ khác nhau cho cùng một ý niệm, như hurricane ở Bắc Mỹ, cyclone ở Nam Á và typhoon ở Đông Á và Đông Nam Á đều chỉ “cơn bão”, vì thế không nên tạo thêm một từ mới “bão xoáy” để chỉ hurricane ở Mỹ, chỉ làm khán-thính giả thêm khó hiểu.
15. Khi dịch qua lại giữa ngoại ngữ và Việt ngữ thì càng cần dùng thuật ngữ của mỗi thứ tiếng cho chuẩn xác, không nên dịch trực tiếp theo nghĩa đen. Ví dụ: Siamese giant carp là cá hô, Mekong giant catfish là cá tra dầu, bighead carp là cá mè đen, grass carp là cá trắm cỏ, Indian cuckoo là chim bắt cô trói cột, Sarus crane là sếu đầu đỏ, snakehead là cá lóc (cá quả), mangrove tùy tình huống là cây đước hoặc rừng ngập mặn (“rừng đước” thì không đúng tuy dân gian hay gọi, vì rừng ngập mặn không chỉ có cây đước). Việc dùng từ ngữ chuẩn xác là thiết yếu, như khi nghe “cá lóc” thì người Việt ai cũng biết, nhưng khi đọc qua về “cá đầu rắn” ở nước Mỹ thì nhiều người Việt nghĩ hẳn đó là một loài thủy quái!
16. Tài liệu của các tác giả Anh-Pháp-Mỹ viết về lịch sử hoặc địa lý ở các nước khác có xu hướng dùng tên người và tên địa lý phiên âm ra ngôn ngữ của họ. Ví dụ:
- Người Mỹ viết về trận đánh nổi tiếng ở Normandy trên đất Pháp, trong khi tên Pháp của địa danh nàylà Normandie.
- Sa hoàng Pyotr của Nga được tài liệu Anh-Mỹ gọi là Peter (thường được dùng như thế trong bản dịch ra Việt văn), còn tài liệu Pháp gọi là Pierre (thường được phiên âm là “Pi-e”).
17. Từ điểm trên, thiết tưởng nên tìm hiểu từ ngữ gốc để dùng cho chuẩn xác, cho dù dịch từ tài liệu bằng ngữ văn khác. Ví dụ: British Columbia không nên dịch là “Columbia của Anh”, New England không nên dịch là “Anh Quốc mới”, cũng thế đối với New Mexico, New Orleans…
18. Riêng đối với tên riêng không dùng chữ cái La Tinh, như Nga văn dùng chữ cái Cyril, nên dùng cách phiên âm Việt được chấp nhận. Ví dụ:
- Moskova (thay cho Moscow trong sách Anh-Mỹ và Moscou trong sách Pháp).
- Tài liệu Anh-Mỹ ghi Peter and Paul Fortress (tên theo hai vị thánh) ở Sankt-Peterburg, dịch ra Việt văn là Pháo đài Petropavlovsk, tôi ghi chú thêm (Nga văn: Петропавловская крепость) để độc giả tiện tra cứu.
19. Thiết nghĩ với sự lan truyền rộng rãi của Internet và với trình độ người Việt ngày càng cao, đã đến lúc không nên phiên âm các tên riêng. Những tên như Roi-tơ, Xơ-un, T.Mây, Phnôm-đân, G.Giăng-cơ khiến cho người đọc rối trí vì họ muốn biết thực chất của đề tài; phát âm như thế nào là phần phụ đối với họ. Còn lấn cấn ở chỗ, lấy ví dụ, nếu phiên âm tên May thì “Mê” là cách viết gần với âm Việt nhất; cách viết “Mây” tạo sự gần gũi với tên gốc nhưng cách phát âm tiếng Việt như thế là không đúng.
20. Nên giữ nguyên tên báo hoặc tạp chí nếu có thể được, hoặc nếu muốn dịch ra Việt ngữ thì nên chua thêm tên gốc để khán-thính giả có thể tra cứu thêm. Ví dụ: Tờ Bưu điện Washington (The Washington Post) thông báo sẽ đóng cửa 3 văn phòng. Câu này chính xác ở chỗ “The” cũng nằm trong tên của tờ báo, cần được đưa vào cho đầy đủ.
21. Cần nhận định địa lý, hành chính từng nước để dịch cho đúng. Ví dụ,
- Mỹ có 50 bang (state) và Canada có 10 tỉnh (province). Vì thế, Ontario ở Canada nên được gọi là tỉnh, không phải là bang.
- Riêng county ở một số nước như Anh và Mỹ đều được dịch là “hạt”; tôi thấy chưa ổn. Điểm khác biệt là Anh Quốc được chia thành county tức tương đương bang của Mỹ và tỉnh của Canada, trong khi từng bang ở Mỹ được chia thành county. Vì thế, nên chú thích cho rõ nghĩa, ví dụ: Hạt Yorkshire (hạt tương đương với tỉnh ở Việt Nam).
22. Tương tự, cần hiểu rõ thể chế các nước để dịch cho đúng. Ví dụ:
- Ở Canada, đứng đầu nội các là prime minister tức “thủ tướng”, và đứng đầu mỗi tỉnh là premier, thế thì nên gọi là “tỉnh trưởng”. Tuy nhiên, một số nước như Đức và Úc có prime minister, còn được gọi tắt là premier, đồng thời premier cũng chỉ người đứng đầu bang. Thế thì tùy ngữ cảnh mà dịch premier là “thủ tướng” hoặc “thủ hiến”.
- Canada có parliament cấp liên bang (“nghị viện”, tương đương với “quốc hội”), và cũng có parliament cấp tỉnh, nên được gọi là “hội đồng lập pháp tỉnh”.
- Người đứng đầu một cơ quan liên bang ở Mỹ mang chữ administration có chức danh administrator ngang hàng bộ trưởng thì nên gọi chức danh này là bộ trưởng.
- Mỹ có senate tức thượng viện cấp liên bang, riêng mỗi bang cũng có senate mà trong trường hợp này nên dịch rõ là “thượng viện bang” cho dù tên bang không được nêu ra.
Từ những ghi nhận trên, người viết có vài đề xuất.
A. Người dịch không nên chỉ dịch theo từng câu chữ, mà cần tìm hiểu thêm về đề tài mình dịch để có thể dịch cho đúng theo ngữ cảnh, theo thuật ngữ chuẩn xác. Vì thế, nên sắp xếp đội ngũ phiên dịch theo ngành nghề, đề tài chuyên môn để mỗi người có thể đi chuyên sâu và chính xác hơn.
B. Đòi hỏi trên có thể là khó cho từng người dịch hiện nay. Thế nên, đề nghị mỗi cơ quan truyền thông giao bản thảo cho một người có đủ chuyên môn xem lại về đề tài trong bài báo: thực vật, động vật, y học, địa dư, quân sự, Đông Nam Á học… Cơ quan truyền thông thường đã có một ban biên tập hay cộng tác viên, chỉ cần nhờ họ bỏ thêm chút công sức. Không cần phiền đến các vị Giáo sư Tiến sĩ với những việc nhỏ nhặt này làm gì; những người tốt nghiệp đại học với vài năm làm việc chuyên sâu là đủ. Cũng không tốn kém thêm là bao: cơ quan truyền thông có thể tìm đến những người muốn đóng góp kiến thức chuyên môn cho quần chúng hoặc ký hợp đồng làm việc bán thời gian để họ vui lòng hỗ trợ mà không đòi hỏi gì nhiều. Trong thời buổi này, chỉ cần e-mail gửi qua lại là có thể hoàn tất nhanh chóng việc tham khảo chuyên môn.
C. Cơ quan truyền thông cần chú trọng hơn đến tính cách chuyên nghiệp của cách dịch thuật, qua các tài liệu tham khảo mà cơ quan cần đặt sẵn trong thư viện của mình cho ban biên tập và cộng tác viên tra cứu (ví dụ như về cây cỏ Việt Nam có bộ sách của Phạm Hoàng Hộ, cây thuốc có sách của Đỗ Tất Lợi, cây cảnh có Trần Hợp, chim Việt Nam có Nguyễn Cử và Lê Trọng Trải, động vật và thực vật quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam…), thêm một số từ điển chuyên ngành về kỹ thuật, kinh tế tài chính… (tuy các từ điển này cũng có một số vấn đề!) Theo thời gian tích lũy kinh nghiệm công việc, mỗi cơ quan nên tự lập cho mình từ điển những từ ngữ thường gặp để giúp nhân viên học tập và sử dụng.
D. Cũng có thể tra thông tin trên Internet nhưng cần cẩn trọng với sự nhiễu loạn thông tin mạng. Ví dụ, có lúc tôi đọc những bản tin về “cây loa kèn” ở Việt Nam gây ngộ độc chết người. Tìm hiểu thêm thì mới biết dân gian gọi “loa kèn” là tên một số loài cây khác nhau mang hoa giống hình loa kèn, có loài rất độc nhưng loài hoa loa kèn trồng phổ biến ở Đà Lạt thì không độc. Chỉ vì hình thái hoa khá giống nhau giữa các loài nên dân gian chỉ gọi bằng một tên. Đến phiên cánh báo đài đưa tin nhiễu loạn về cây loa kèn mà không phân biệt cây nào độc cây nào không, khiến cho loài hoa được yêu thích ở Đà Lạt bị mang tiếng oan uổng!
E. Khi phụ đề phim ảnh thì thường gặp tiếng lóng mà cách dịch thuật cũng nên cố gắng sử dụng tiếng lóng hoặc tiếng bình dân tương tự trong Việt ngữ để thể hiện đúng tình huống trong phim. Có lẽ mỗi đài truyền hình nên có một “chuyên gia tiếng lóng” rành về tiếng lóng Việt ngữ để xử lý việc dịch thuật này, đặc biệt với từ ngữ thô tục thường được dùng trong phim ảnh phương Tây nhưng cần được dịch ra cho nhẹ bớt.
F. Nhân đây tản mạn một chút: khi truyền tải kiến thức từ Việt Nam, cũng cần trình bày thêm tầm nhìn ra nước ngoài để giúp khán-thính giả thấy rõ vị trí của ta so với người. Ví dụ: qua bản tin về vòng cao su trị bệnh trĩ mới được áp dụng, khán-thính giả bị dẫn dụ vào ý tưởng cho rằng đó là một tiến bộ đặc biệt của ngành y khoa Việt Nam. Nếu khán-thính giả được biết thêm rằng ít nhất 20 năm trước các bệnh viện tại Thái Lan đã áp dụng phổ biến phương pháp này thì mới thấy ta tụt hậu quá xa so với các nước trong vùng, tuy rằng “chậm còn hơn không” nhưng không nên dùng ngôn từ khoa trương để lấy đó làm điều hãnh diện.
Tóm lại, người viết tin rằng tài trí Việt Nam không thiếu. Chỉ cần có thêm chút định hướng, bỏ thêm chút công sức, thì kiến thức và thông tin đem đến cho khán-thính giả của báo đài sẽ được chuẩn xác, bổ ích hơn, thực tiễn với bối cảnh Việt Nam hơn. Trong số khán-thính giả có tầng lớp học sinh, sinh viên xem truyền thông là phương tiện mở mang kiến thức ngoài lớp học. Mang thông tin sai lệch, thiếu chính xác đến tầng lớp này là điều không nên chút nào. Hơn nữa, ta cần nâng cao trình độ ngành truyền thông nước nhà qua những bài nghiên cứu, tổng hợp, kết tinh tri thức toàn cầu và tri thức của ta, thay vì chỉ dịch thuật từng bài báo của nước ngoài mang đến tri thức manh mún.
Diệp Minh Tâm. Cập nhật: 18-Nov-2018.