Nghĩ về việc dịch thuật văn học nước ngoài

Tôi đã dịch một số sách và sau đó được biết qua vài nhận xét về bản dịch của mình, nên có vài giải trình trong bài viết này.

Một trang blog có lời phê phán khá nặng nề về việc dịch thuật quyển sách No country for old men của nhà văn Cormac McCarthy, tựa đề theo Việt văn là Không chốn nương thân. Lời phê phán ghi đại ý việc dịch thuật là tệ hại, nhất là ở ngay phần đầu bản dịch.

Phần đầu của bản dịch là:
Tôi đã đưa một tên trai trẻ vào phòng hơi ngạt ở Huntsville. Chỉ một người duy nhất là tên trai trẻ ấy. Việc tôi bắt giữ và khai báo. Tôi đi lên đấy, và đến gặp tên trai trẻ hai hoặc ba lần. Ba lần.

Nguyên tác là:
I sent one boy to the gaschamber at Huntsville. One and only one. My arrest and my testimony. I went up there and visited with him two or three times. Three times.

Rải rác toàn cuốn truyện là những câu như thế. Đúng thật là văn chương lủng củng, câu cú cụt lủn, chẳng suôn sẻ gì cả! Học sinh ta trong trường cấp ba mà làm văn như thế thì e rằng sẽ bị thầy, cô giáo trách mắng thậm tệ!

Nhưng đó chính là văn phong của tác giả, thể hiện lời tự sự của một nhân vật trong truyện: viên cảnh sát trưởng một hạt ở Bang Texas, nơi người ta không ăn nói văn vẻ như dân New York, lấy ví dụ là thế. Mà đó lại là một cảnh sát trưởng đang khắc khoải, pha nản chí, bất mãn vì công việc của mình. Thế nên lời ăn tiếng nói chẳng chải chuốt gì cả. Trong bối cảnh này, cách tự sự như thế lại là phù hợp.

Mà đấy là tôi dịch ra văn phong bớt lủng củng rồi. Ví dụ như câu cực kỳ cục lủn: One and only one; dịch đúng ra là Một và chỉ một, tôi dịch ra câu dài hơn: Chỉ một người duy nhất là tên trai trẻ ấy.

Trong một trang blog khác, câu nói của anh Darcy trong tác phẩm Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) là: She is tolerable, but not handsome enought to tempt me, mà tôi dịch là: “Cô ta trông được, nhưng không đến mức xinh để lôi cuốn tớ”, được sửa lại là: “Nàng xinh đấy, nhưng chưa đủ để cua tớ” – ngụ ý cách dịch này hay hơn.

Dĩ nhiên là mỗi người có cách dịch riêng. Về phần mình, tôi cảm nhận “tolerable” có nghĩa “tàm tạm”, chứ chưa đến mức khen là “xinh”. Từ “cua” có vẻ như là tiếng lóng, trong ngữ cảnh xuề xòa của văn nói Việt đương đại. Ngược lại, các nhân vật trong truyện Jane Austen sử dụng ngôn từ trang trọng, văn vẻ – có thể nói là cổ kính. Thế nên trong khi dịch truyện Jane Austen tôi vẫn nhủ trong đầu đây là ngôn ngữ trong xã hội Vương quốc Anh vào thế kỷ 18, và bản dịch của tôi thể hiện không khí, văn phong đó.

Tôi cũng được biết qua phê phán về việc dùng “cô”, “anh”… trước tên người trong bản dịch, cho rằng đó không phải là cách nói của người Việt. Chủ định của tôi không phải là chuyển thể thành cách nói của người Việt đương đại, mà duy trì cách nói của người Anh thế kỷ 19 trong nguyên bản. Người Anh-Mỹ bây giờ có thể không gọi “Miss” hoặc “Mr” trước tên (ví dụ như họ chỉ gọi “Elizabeth”), mà họ gọi “Miss” trước họ (như: Miss Bennet) hoặc cả họ và tên (như: Miss Bennet Elizabeth). Nhưng trong tác phẩm của Jane Austen, các nhân vật gọi tên lẫn nhau thường theo cách trang trọng hơn. Đặc biệt là đối với phụ nữ: cánh đàn ông – thậm chí nhà quý tộc lớn tuổi mà mọi người phải gọi là “Sir” – vẫn gọi các cô gái trẻ bắt đầu bằng “Miss”. Như trong tác phẩm Sense and sensibility (Lý trí và tình cảm), các anh thanh niên và các ông bà lớn tuổi vẫn gọi nhân vật trẻ tuổi Marianne (tên chứ không phải họ) là “Miss Marianne”.

Giữ các từ “cô”, “anh”… là nhằm giữ không khí của văn phong cổ điển. Thêm một ví dụ: trong truyện Kiêu hãnh và Định kiến, người quản gia của anh Darcy biết được Elizabeth quen biết với anh Darcy nên tỏ ý kính trọng, gọi cô bằng từ “young lady”. Không thể dịch cách nói trân trọng này thành “cô gái trẻ” như kiểu đương đại, mà phải dùng từ cổ là “tiểu thư”.

Chính bản thân một số người Anh-Mỹ với Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ cũng nói họ thấy văn phong Jane Austen là khó đọc! Nhưng đó là sắc thái đặc thù trong văn chương mà người đọc cần chấp nhận. Jane Austen viết vừa dài dòng phức tạp, một đoạn vừa khá cô động đoạn khác trong cách hành văn của thế kỷ 18, đầy ẩn ý, phần sau lại kết nối ngắn gọn với phần trước, mà người đọc cần theo dõi sát sao mới nhận ra ý nghĩa ẩn chứa bên trong. Đọc lướt nhanh thì dễ cảm thấy từ ngữ, câu cú của Jane Austen là khó hiểu. Người đọc cần chậm rãi vừa đọc vừa suy ngẫm mới nhận ra uẩn khúc trong tâm tư các nhân vật, ý châm biếm của tác giả, v.v… Khi đọc đi đọc lại, dần dà người đọc sẽ nhận ra sự đa dạng của từ ngữ và văn phong, cũng đa dạng như màu da, bản tính, cách hành xử… của con người.

Cũng nhằm thể hiện sắc thái cổ điển trong trang phục, nội thất, cử chỉ… mà một số sách kinh điển kèm theo hình vẽ minh họa chứ không thay đổi văn phong. Dịch giả lấy làm cảm kích khi NXB đồng ý đưa các hình vẽ minh họa này vào bản dịch.

Minh hoa J Austen 2

Một số nhà văn Anh/Mỹ viết lại các tác phẩm của Alexander Dumas, père, Jane Austen, Shakespeare… theo văn phong đương đại, nhưng đó là vì ngay cả người Anh/Mỹ vẫn cảm thấy khó tiếp thu các loại văn phong cổ này. Thế nên cần có bản viết lại cho dễ hiểu nhằm mang các tác phẩm kinh điển đó đến gần quần chúng, chủ yếu là giúp họ nắm bắt nội dung chứ không nhất thiết cho thấy cái hồn đích thực của văn học cổ điển.

Thêm nữa, một số sách truyện kinh điển được viết lại bằng từ ngữ dễ hiểu, có sách viết theo 1.000 từ thông dụng nhất, có sách viết theo các cấp độ khó dần: 2.000 từ thông dụng nhất, 3.000 từ, 4.000 từ và 5.000 từ, nhằm giúp người đang học Anh văn có sách đọc vừa đỡ khó khăn vừa thưởng thức nội dung, và chỉ nội dung mà thôi.

Văn phong là một sắc thái văn học đặc thù của mỗi tác giả, mà tôi chủ định duy trì văn phong tương tự trong bản dịch Việt văn. Tôi không muốn chuyển thể qua Việt văn cho thật dễ hiểu, hoặc sửa văn phạm của tác giả, hoặc chỉnh lại theo cách nói đương đại của người Việt. Làm thế thì đơn giản quá! Nhưng làm thế thì qua bản dịch Cormac McCarthy không còn là Cormac McCarthy, Jane Austen không còn là Jane Austen, và O. Henry cũng không còn là O. Henry – là những tác giả tôi đã dịch. Làm thế là kể lại những tình tiết trong truyện theo cách kể truyện của người Việt thời đương đại; cái hồn của tác giả nguyên bản đã biến mất! Hơn nữa, tôi không muốn chuyển những từ ngữ lạ lẫm trong văn học thành từ ngữ thông dụng đời thường. Như thế sẽ làm cho tiếng Việt nghèo nàn đi: dần dà có xu hướng sử dụng quanh đi quẩn lại từ ngữ thông dụng, trong khi tiếng Việt ta rất phong phú.

Tóm lại, mỗi tác giả có văn phong, từ ngữ, cú pháp riêng mà tôi không có chủ định “đánh đồng” để chuyển tất cả qua Việt văn đương đại. Tôi vẫn muốn duy trì cung cách của từng tác giả: trang trọng, cổ kính như Jane Austen, hài hước bỗ bã như O. Henry, trầm lắng như Steff Penney, cụt lủn như Cormac McCarthy…

Thiết tưởng người đọc cần trải lòng ra để ghi nhận, thưởng thức từng sắc thái văn học của từng tác giả. Ban đầu có thể có khó chịu vì cách diễn đạt, nhưng khó chịu sẽ chuyển biến thành thích thú. Ban đầu có thể thấy khó hiểu vì ngôn từ, nhưng dần dà sẽ thấy hay hay! Bạn đọc không nên nôn nóng chỉ theo dõi những tình tiết trong câu chuyện, mà còn nên suy ngẫm về tâm tư của từng nhân vật, sự phân tích bối cảnh kinh tế–xã hội, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc, v.v…

Diệp Minh Tâm

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *