Ngôi nhà nhỏ trong Rừng Đại Ngàn (Bộ sách “Ngôi nhà nhỏ”)

Bộ sách Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên

 

Tập 1: Ngôi nhà nhỏ trong Rừng Đại Ngàn
(Little house in the Big Wood)

 Gioi thieu 5

Đây là tập đầu tiên trong bộ sách 9 tập Bộ sách Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (Little house on the prairie), được gọi tắt là Bộ sách Ngôi nhà nhỏ (Little house series). Tác giả là người Mỹ, bà Laura Ingalls Wilder (1867-1957).

Bộ sách này thuật lại những kỷ niệm trong cuộc đời của chính tác giả. Riêng Tập 1 này vẽ ra bức tranh quãng đời của tác giả – tức bé Laura trong câu chuyện – khi lên 4-5 tuổi. Lúc ấy, gia đình bé Laura sống biệt lập trong một ngôi nhà nhỏ được xây bằng gỗ súc. Vì vùng này toàn là rừng hoang vu nên không có tên hành chính. Tác giả gọi vùng này là “Big Woods” (dịch nghĩa là Rừng Lớn); ta có thể đặt một cái tên là Rừng Đại Ngàn. Ngôi nhà nhỏ cách Thị trấn Pepin của Bang Wisconsin khoảng 10 ki-lô-mét.

Bố mẹ bé Laura thuộc lớp người được gọi là “những người khai phá”: họ định cư cách xa làng mạc, thậm chí cách xa họ hàng, kiên trì đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt để tạo dựng cuộc sống theo ý họ muốn. Vì thế mà sau này bé Laura cũng được văn học Mỹ gọi là “cô bé khai phá”.

Mỗi khi đến nơi định cư mới, việc đầu tiên của người khai phá là đẵn gỗ rừng để làm nhà. Dựa trên miêu tả trong Bộ sách Ngôi nhà nhỏ và cách xây dựng thời ấy mà sau này người ta tạo dựng lại “ngôi nhà nhỏ” trên nền cũ của gia đình bố mẹ Laura cho khách tham quan đến chiêm ngưỡng.

Các gia đình khai phá phải lao động cật lực để tự cung tự cấp. Họ trồng các loại ngũ cốc để làm thực phẩm cho gia đình và thức ăn cho gia súc, trồng thêm các loại rau củ trong vườn, nuôi gia súc, gia cầm để lấy thịt, sữa, da, trứng. Họ cũng phải biết cách chế biến thực phẩm: xông khói thịt, làm xúc xích, muối thịt và cá, làm bơ và phô mai từ sữa…

Nhiều gia đình Mỹ lúc đó cũng biết thu hái trong rừng hoặc trồng trong vườn nhà các loại thảo dược để tự chữa bệnh. Họ còn thu nhặt nấm, các loại quả mâm xôi, dâu dại, hạt dẻ hay mật ong… trong rừng để bổ sung cho bữa ăn. Họ còn phải săn thú và đánh bắt cá.

Tóm lại, vào thời này con người chủ yếu dựa vào thiên nhiên để sống và tự bảo vệ đời sống của mình. Họ có thể mang ít da thú, thịt, sữa, trứng, len cừu… đi bán ở thị trấn để đổi lấy dụng cụ, vải vóc, kim chỉ…, nhưng chủ yếu mọi người vẫn tự lao động để đảm bảo cái ăn cái mặc. Do đó, người lớn phải biết làm nhiều việc đa dạng để tự lo cho cuộc sống gia đình.

Lũ trẻ cũng thường phụ giúp bố mẹ những việc nhẹ nhàng. Tuy sống trong khung cảnh đơn sơ mộc mạc nhưng con trẻ không thiếu niềm vui. Chúng có thể chơi với những thứ đơn giản chung quanh mình. Trí tưởng tượng từ đấy mà nẩy nở. Riêng các trẻ gái được mẹ tập làm công việc nhà theo cách “học mà chơi, chơi mà học” để có thể tự phục vụ cho cuộc sống của mình khi lớn lên.

Bush

Sống trong hoang dã, kề cận với gấu, báo và chó sói nên cũng kề cận với nhiều hiểm họa. Vì thế mà bố của Laura muốn con làm quen với hoang dã từ nhỏ, bằng cách đôi khi bế bé Laura đến cửa sổ để nhìn chó sói bên ngoài. Trẻ con được dạy phải biết nghe lời người lớn để tránh hiểm họa, nếu không sẽ phải chịu roi vọt. Đấy là hình thức kỷ luật cần thiết thời bấy giờ để ghép con trẻ vào cuộc sống an toàn.

Tên riêng và từ đặc biệt

(Bổ sung của người dịch)

bánh mỳ lúa mạch đen (nguyên tác: rye’n’injun) – loại bánh mỳ chủ yếu làm bằng bột lúa mạch đen từ hạt lúa mạch đen không xay xát pha với bột ngô, có vị hơi ngọt.

bàn ủi (nguyên tác: flatiron) – vào thời này chỉ là một khối sắt đặc tuy có hình dáng tựa bàn ủi điện, cũng có một tay cầm bằng sắt nhưng được quấn vải để tay người dùng không bị phỏng. Bàn ủi được đặt trên một ngọn lửa cho vừa nóng để sử dụng, khi nguội lại được đặt trên ngọn lửa làm nóng. Trong truyện này, bàn ủi còn có công dụng khác là giúp làm ấm chân khi được đặt dưới sàn xe trượt tuyết, trên những lớp vải dầy.

bò rừng (nguyên tác: buffalo, còn được gọi là bison) – loài thú sống trên cạn lớn nhất ở Bắc Mỹ, (con đực nặng 850-1100 kí-lô-gam và con cái nhỏ hơn), có bướu ở trên và phía trước vai; có bộ lông dầy, dài, mầu nâu sậm; cả con đực và con cái đều có sừng ngắn, nhọn, cong lên phía trên và về phía trước. Trong thời gian diễn ra câu chuyện ở tập sách này, nước Mỹ có hàng chục triệu bò rừng sống trên các vùng thảo nguyên, được con người (đặc biệt là người Da đỏ) khai thác làm nguồn thực phẩm, lông và da.

Muskrat2

chuột xạ (nguyên tác: muskrat) – loài động vật có vú thuộc nhóm gặm nhấm (nhóm của chuột, sóc…), nặng 1-1,5 kg, sống phổ biến trong các vùng rừng Bắc Mỹ, thân dài khoảng 30 cm, có bộ lông dầy, mầu từ nâu đến xám thẫm, bơi lội giỏi, dùng cỏ cây để xây tổ dọc bờ sông, bờ suối.

Da đỏ (nguyên tác: Indian) – còn được gọi là người Mỹ Bản địa (Anh ngữ: Native Americans), chỉ chung những dân tộc đã sinh sống từ lâu ở Châu Mỹ, rất lâu trước khi những người từ Châu Âu đi cư qua Mỹ lập nghiệp (tiếng Việt thường gọi là “người da trắng”) bắt đầu từ cuối thế kỷ Mười Lăm. Vào thời của câu truyện này, nhiều dân tộc người Mỹ Bản địa sinh sống bằng cách săn thú, bắt cá, hái lượm tài nguyên rừng… Nhiều bộ tộc thường không ở hẳn một chỗ mà dời lều trại đi nơi này nơi khác, mỗi nơi ở trong một thời gian ngắn. Từng dân tộc của họ có ngôn ngữ và tập quán khác biệt. Nhà thám hiểm Christopher Columbus (1451-1506) lên tàu định đi khám phá thêm Ấn Độ, khi đến Châu Mỹ lại cho rằng mình đã đến nước Ấn Độ. Vì sự ngộ nhận này mà ông gọi những người Mỹ Bản địa ông gặp là “người Ấn Độ” (tiếng Anh: Indian). Tên Indian tuy do ngộ nhận nhưng vẫn còn được dùng cho đến ngày nay để chỉ người Mỹ Bản địa.[A]

Foster, Stephen (1826-1864): người được xem là cha đẻ của nền âm nhạc Mỹ, tác giả của nhiều ca khúc bình dân được yêu thích và thịnh hành mãi đến bây giờ. Sau hơn 150 năm, nhiều ca khúc của ông được truyền miệng và hát như là dân ca. Oh Susanna là ca khúc nổi tiếng của ông, phổ biến ở nhiều nước, được cho là biểu tượng của dân ca Mỹ. Nếu như hiện giờ, ông có thể đã là triệu phú của Mỹ, nhưng vào thời ông (hai thập kỷ 1850 và 1860), chế độ nhuận bút chưa được thực hiện chặt chẽ. Vì thế, các bài hát của ông được in ấn và trình bày mà ông không nhận được tiền tác quyền. Ông sống trong sự túng thiếu nhiều năm trước khi qua đời.

Dinh-huong-duoi-ruoi

đinh hương (nguyên tác: clove) – tên loài cây miền nhiệt đới và cũng là tên hoa khô của cây này, được dùng làm gia vị thức ăn, bảo quản trái cây… Hoa, lá và vỏ cây đinh hương đều có mùi thơm, riêng nụ hoa thường được thu hoạch rồi được phơi khô trong nắng hay sấy khô.

giạ (nguyên tác: bushel) – trong sách này là đơn vị đo lường ở Mỹ (nên được gọi là “giạ Mỹ” thì đúng hơn), có dung tích khoảng 35 lít, để đong lúa mỳ, bắp, khoai tây… Giạ ở Việt Nam có dung tích bằng khoảng 40 lít, để đong thóc, gạo…

giường gầm (nguyên tác: trundle bed) – loại giường thấp, ban ngày được đẩy vào gầm một giường khác cho đỡ chật chội, ban đêm mới được kéo ra để ngủ.

gỗ súc (nguyên tác: log) – gỗ ở dạng nguyên cả thân hoặc nhánh cây to, vẫn còn vỏ cây, để phân biệt với gỗ xẻ. Khi xây nhà, người ta chọn những thân cây và nhánh cây tương đối thẳng rồi cưa hoặc đẽo thành từ đoạn, và những đoạn này được gọi là súc gỗ.

Godey’s Lady’s Book – có nghĩa “Tạp chí phụ nữ của Godey”, được xuất bản ở Philadelphia trong 48 năm (1830-1878). Tạp chí này được yêu thích bởi việc trình bày trang phục phụ nữ, kể cả mẫu với ni tấc để người đọc tự may, đồng thời có mảng văn học do các nhà văn nổi tiếng đương thời đóng góp cùng mảng âm nhạc và kịch nghệ…

Thimble flower (Gilia capitata)3hoa đê (nguyên tác: thimble flower) – chỉ chung các loại cây thân thảo cho hoa màu lam có cánh chụm lại như hình cái đê, một số loài được trồng làm hoa cảnh.

Jack Băng Giá (nguyên tác: Jack Frost) – nhân vật trong huyền thoại phương Tây, được cho là kẻ gây ra thời tiết băng giá, làm lá cây vàng úa vào mùa thu, hay tạo nên những hoa văn trên khung kính, và đôi lúc tháp tùng Ông già Nô-en vào mùa đông.

jig – điệu khiêu vũ xuất xứ từ Anh quốc vào Thế kỷ Mười Sáu rồi trở thành điệu vũ truyền thống được yêu thích ở Ai-len và Scotland. Điệu jig được khiêu vũ theo tiết tấu âm nhạc vui tươi, sinh động nên các động thái khi khiêu vũ cũng rất sinh động. Những buổi hội hè, họp mặt… của người ở Ai-len và Scotland thường có khiêu vũ theo điệu jig, với tiết tấu thường là của vĩ cầm.

Johnny Reb – do cụm từ “Johnny Rebel”, có nghĩa “người nổi loạn Johnny” để chỉ binh sĩ miền Nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến Bắc-Nam diễn ra trong giai đoạn 1861–1865.

mại châu hay mạy (nguyên tác: hickory) – một số loài cây gỗ to thuộc họ cây óc chó, phổ biến ở các vùng miền đông và miền nam nước Mỹ; ở Việt Nam cũng có vài loài. Mại châu cho quả cứng có nhân ăn được, gỗ có vân đẹp, thường được dùng để đóng đồ nội thất, dụng cụ thể thao…

Meadow buttercup (Ranunculus acris)mao lương (nguyên tác: buttercup) – loại cây thân thảo, mọc nhiều vùng ôn đới, trong mùa xuân nở hoa màu vàng tươi. Thú ăn cỏ ăn phải loại cây này có thể bị ngộ độc.

mâm xôi (nguyên tác: blackberry) – một số loài cây bụi thuộc họ hoa hồng, có quả kép gồm những quả mọng nhỏ dính vào một đế hình chóp, dễ rời ra khi chín. Các loài mâm xôi ở Mỹ thường có quả mầu đen-tím, một loài mâm xôi trong rừng Việt Nam có quả mầu đỏ. Vào thời gian trong truyện, người ta hái mâm xôi dại trong rừng. Hiện nay một số loài mâm xôi được trồng phổ biến.

men dịch vị (nguyên tác: rennet) – là những chất hóa học đặc biệt được gọi là giếu tố (Anh ngữ: enzyme) hiện diện trong dạ dầy của những con vật non còn bú sữa mẹ, vì thế các giếu tố này giúp tiêu hóa sữa. Thời ấy (khi tác giả còn là một cô bé), người ta phải giết một con bê còn bú mẹ để lấy dạ dầy trong đó có các giếu tố giúp lên men sữa và biến sữa thành phô mai. Bây giờ người ta có thể dùng nhiều nguồn men khác để làm phô mai mà không cần phải giết bê.

nước sữa (nguyên tác: whey) – sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất phô mai. Sau khi sữa đông cục lại do quá trình lên men, phần đông cục được chế biến thành phô mai, phần nước trong còn lại được gọi là nước sữa, còn chứa một ít chất đạm.

ong vàng (nguyên tác: yellow jacket) – loại ong thường có hai mầu đen và vàng tương tự như ong vò vẽ ở Việt Nam, nhưng có kích thước cơ thể nhỏ như ong mật. Ong vàng khá phổ biến ở Mỹ nên được dùng làm biểu tượng cho một số trường học ở Mỹ.

óc chó (nguyên tác: walnut) – chỉ chung một họ cây to phổ biến ở vùng ôn đới nhưng cũng hiện diện ở Châu Á nhiệt đới, có loài được trồng ở Việt Nam. Họ cây óc chó cho gỗ đẹp, được ưa thích để đóng đồ nội thất. Một số loại cho nhân ăn ngon nhưng quả thường có vỏ dầy và cứng nên khó thu hoạch nhân.

Phải trái rộng! (nguyên tác: Grand right and left!) – hiệu lệnh trong điệu vũ bốn cặp hình vuông (Anh ngữ: square dance), khi 8 cặp đứng thành 2 vòng tròn. Lúc nghe hiệu lệnh “Phải trái rộng!”, bốn đàn ông đi ngược chiều kim đồng hồ và bốn phụ nữ đi theo chiều kim đồng hồ. Mỗi đàn ông và phụ nữ luân phiên khi gặp nhau thì bắt tay nhau; mỗi người đưa bàn tay trái bắt bàn tay trái của người kia, rồi sau đấy đi tiếp và đưa bàn tay phải bắt bàn tay phải của người kế tiếp. Cuối cùng mỗi đôi nam-nữ lại đối diện với nhau như khi bắt đầu.

Hazelnut

phỉ (nguyên tác: hazel) – chỉ chung một số loài cây nhỏ hoặc cây bụi miền ôn đới, có lá rìa răng cưa. Quả phỉ có vỏ cứng và láng, mầu nâu bóng. Hạt phỉ là món ăn được ưa thích, thường được cho vào sô cô la.

phong hay thích hay tích thụ (nguyên tác: maple) – chỉ chung một số loài cây gỗ phổ biến vùng ôn đới, thường mọc thành rừng thuần chủng, có phiến lá xẻ làm 3 hoặc 5 phiến phụ (được gọi là thùy), vào mùa thu lá đổi mầu thành vàng, cam, đỏ theo nhiều sắc độ khác nhau. Vì thế, rừng phong vào mùa thu có những mầu sắc rất đẹp, đã đi vào thơ văn cổ. Canada dùng hình lá phong mầu đỏ làm biểu tượng trên quốc kỳ Canada. Riêng có một loài phong cho nhựa được thu hoạch để chế biến thành xi rô phong (trông giống mật ong) hoặc đường phong (trông giống đường thẻ).

put-đinh (nguyên tác: pudding) – ở Mỹ, chỉ những loại bánh đa dạng, được làm từ sữa trộn với bơ, bột mỳ hoặc bột bắp…, hoặc trái cây, hoặc trứng, thịt… rồi được nướng hoặc hấp để dùng làm một món mặn ăn chính hoặc món ngọt tráng miệng.

Acorns

quả đầu (nguyên tác: acorn) – loại quả cứng của các loài cây sồi và dẻ, thường gồm một hạt cứng trong lớp vỏ dầy và láng, được bao ở cuống quả bằng một đầu hình chén có vỏ nhăn nheo. Các loại quả đầu là nguồn thức ăn quan trọng cho nhiều loài thú hoang dã như sóc, sóc chuột, nai… và cũng là nguồn thực phẩm được con người ưa thích.

Sa-bát (nguyên tác: Sabbath) – gốc tiếng Do Thái “Shavat” có nghĩa “nghỉ ngơi”, là ngày lễ vào mỗi Thứ Bảy của Do Thái giáo và vài nhánh Ky Tô giáo hoặc ngày Chủ Nhật của phần lớn Ky Tô giáo, theo ý nghĩa Đức Chúa trời nghỉ ngơi sau khi tạo ra thế gian. Trong ngày Sa-bát, tín đồ ngưng mọi công việc trong nhà lẫn ngoài đồng: nấu thức ăn, may vá, cày bừa, gieo trồng và thu hoạch nông sản…

Chipmunk-2

sóc chuột (nguyên tác: chipmunk) – loài động vật có vú thuộc nhóm gặm nhấm, tương tự như sóc nhưng nhỏ hơn, nặng trên dưới 100 gam, có thể dùng hai chân trước để nắm thức ăn (các loại hạt và quả). Thân có những sọc đen và trắng dọc theo lưng, phần lông còn lại có mầu nâu. Khi ra ngoài hang, sóc chuột thường chứa thức ăn kiếm được trong hai túi hai bên má để hai chân trước được rãnh rỗi mà chạy về đến hang; trú ở trong hang suốt mùa đông nhưng có lúc ra ngoài khi trời nắng.

sơn (nguyên tác: sumac) – cây sơn là một số loài cây bụi, thường có lá kép, vào mùa thu nở nhiều hoa nhỏ tạo thành chùm hình nón dài, sau đấy hoa kết quả thường có mầu đỏ sậm, vì thế một số chủng được trồng làm cây cảnh.

sữa bơ (nguyên tác: buttermilk) – trong sách này chỉ sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất bơ từ sữa. Sau khi khuấy sữa, chất béo quánh lại tạo thành bơ, phần còn lại là sữa bơ có hàm lượng đạm cao vì chất béo đã được lấy đi, và có vị chua do quá trình lên men trong sữa.

táo-đinh hương – quả táo chín, bên ngoài vỏ cắm đầy đinh hương, thường được treo trong nhà để tạo mùi thơm ngọt dịu do mùi táo pha trộn với mùi đinh hương.

thường xuân (nguyên tác: ivy) – loại dây leo có phiến lá chia làm ba hoặc năm thùy, được trồng phổ biến làm cây cảnh vùng ôn đới, cho bám vào cột hoặc bao phủ bên ngoài mặt tường.

vải flanen (nguyên tác: flannel) – loại vải dầy, có hai lớp: lớp phía trên có bề mặt mịn nhô lên, che lớp phía dưới là vải dệt với những đường chéo trên bề mặt dưới. Vải flanen thường được dùng để may áo ấm, vải trải giường giữ ấm… Vào thời của Laura, vải flanen được dệt bằng sợi len xe, hiện nay có thể được dệt bằng sợi tổng hợp.

vải trúc bâu (nguyên tác: calico) – xuất xứ từ Thành phố Calicut ở Ấn Độ từ Thế kỷ Mười Một. Đây là loại vải dầy trung bình, có mặt mịn, được dệt bằng sợi bông vải, có thể là trơn mầu trắng hoặc in hoa văn trên một bên, vào Thế kỷ Mười Chín được dùng thông dụng ở Mỹ với hoa văn hai mầu.[B]

Ngôi nhà nhỏ trong Rừng Đại Ngàn

Vào ngày xa xưa, sáu mươi năm trước đây[C], có một cô bé sống trong một ngôi nhà nhỏ mầu xám được xây bằng gỗ súc ở Bang Wisconsin của nước Mỹ. Ngôi nhà nằm giữa một khu rừng bao la mà ta nên đặt cho nó cái tên thích hợp là Rừng Đại Ngàn.

Ngoi nha nho

Chung quanh ngôi nhà đầy những cây cao bóng cả của Rừng Đại Ngàn; xa hơn nữa có thêm những cây to, rồi xa hơn nữa lại là những cây to. Người ta có thể đi về hướng Bắc cả ngày, hoặc cả tuần, thậm chí cả tháng, mà vẫn chỉ thấy toàn cây là cây. Không có nhà cửa nào khác. Không có đường sá. Lại càng không có hàng xóm láng giềng gì cả. Chỉ có cây cối và động vật hoang dã lấy khu rừng làm chốn an cư.

Chó sói sống trong Rừng Đại Ngàn này; cũng có gấu cùng những loài mèo hoang dã to lớn. Chuột xạ, chồn và rái cá sống chung quanh sông suối. Cáo đào hang sống trên những triền đồi, còn hươu nai thì tung tăng khắp cùng.

Về phía đông và phía tây của ngôi nhà gỗ nhỏ bé, dọc dài hàng nhiều cây số chỉ có cây cối, mãi đến tận bìa Rừng Đại Ngàn mới có rải rác vài ngôi nhà xây bằng gỗ súc.

Như những gì cô gái nhỏ có thể nhận ra thì cả vùng này chỉ có duy nhất một ngôi nhà nhỏ trong đó bé đang sống cùng với Bố, Mẹ, Chị Mary và em bé Carrie. Một con đường mòn cho xe goòng chạy phía trước ngôi nhà , ngoằn nghoèo rồi mất hút trong khoảng rừng, nơi có nhiều động vật hoang dã sinh sống, nhưng cô bé không rõ con đường này dẫn đến nơi nào, và cũng không biết con đường chấm dứt ở đâu.

Tên cô bé là Laura. Bé gọi bố ngắn gọn là “Pa” và mẹ là “Ma”. Vào thời ấy và ở nơi này, trẻ con không gọi theo cách trang trọng “Bố” hoặc “Mẹ”, và cũng không gọi “Pa-pa” và “Ma-ma” như bây giờ.

Vào buổi tối, khi Laura nằm thức trên chiếc giường gầm, bé lắng tai nghe nhưng chẳng nghe thấy gì ngoài những tiếng cành lá xào xạc thì thầm với nhau. Đôi lúc, tiếng tru của một con chó sói từ nơi xa vọng đến. Rồi con chó sói tiến đến gần hơn, và lại tru lên.

Âm thanh ấy nghe thật dễ sợ. Laura nghe nói chó sói thích ăn thịt trẻ em. Nhưng bé được an toàn trong bốn bức tường của ngôi nhà gỗ súc vững chắc. Khẩu súng của Bố được treo trên cánh cửa, còn con chó trung thành tên Jack đang nằm canh kế bên.

Bố trấn an: “Laura con, hãy ngủ đi. Jack sẽ không cho sói vào nhà đâu.” Thế là Laura rúc mình dưới lớp chăn, kề bên Chị Mary, và thiếp đi.

Có một đêm, Bố bế bé ra khỏi giường, đi đến cửa sổ để chỉ cho bé xem chó sói. Có hai con sói đang ngồi trước ngôi nhà, và tuy chúng có bộ lông bờm xờm nhưng trông vẫn giống như chó nhà. Chúng hếch mũi nhọn lên vầng trăng tròn sáng, và cất tiếng tru.

Con Jack đi tới lui trước khung cửa ra vào, gầm gừ. Bộ lông trên lưng nó dựng đứng, nó nhe hàm răng sắc nhọn trông dữ dằn về phía hai con chó sói. Hai con sói vẫn tru, nhưng không thể xâm nhập.

Ngôi nhà tạo dựng nên cuộc sống thoải mái. Tầng trên là phòng gác mái rộng, nơi hai bé thoải mái vui đùa khi mưa rơi lộp độp trên mái nhà. Tầng dưới là một phòng ngủ nhỏ, và thêm một phòng rộng. Phòng ngủ có một cửa sổ có thể đóng lại bằng một cánh cửa chớp gỗ. Phòng lớn có hai cửa sổ bằng kính và hai cửa ra vào: một cửa trước và một cửa sau.

Chung quanh ngôi nhà là một hàng rào lan can vặn vẹo nhưng đủ sức ngăn chặn gấu và hươu nai xâm nhập.

Trong sân trước ngôi nhà có hai cây sồi lớn tuyệt đẹp, cành lá xum xuê, mượt mà. Mỗi sáng, ngay sau khi thức dậy Laura đều chạy đến cửa sổ nhìn ra ngoài, và có ngày bé nhìn thấy mỗi cây đều có xác một con nai lủng lẳng trên cành.

Ngày hôm trước, Bố đã bắn được nai. Đến tối Bố trở về khi Laura đã ngủ, rồi Bố treo hai con nai lên cành cây cao để chó sói không ăn được.

Thế là buổi chiều hôm ấy, Bố, Mẹ cùng Laura và chị Mary được ăn món thịt rừng. Mẹ làm món ăn ngon đến nỗi Laura ước gì có thể ăn hết các phần thịt. Nhưng nhà phải ướp muối và hong khói phần thịt còn lại rồi gói ghém kỹ, để dự trữ ăn trong mùa đông.

Vì lẽ mùa đông sắp đến. Ngày đang trở nên ngắn hơn, vào ban đêm sương giá đọng trên lớp kính cửa sổ. Chẳng bao lâu, tuyết sẽ rơi. Rồi thì hầu như toàn bộ ngôi nhà nhỏ sẽ chìm lấp dưới lớp tuyết; hồ nước và sông suối sẽ đóng băng. Bố không chắc sẽ bắn được con thú rừng nào trong mùa đông lạnh giá để nhà có thịt ăn.

Suốt mùa đông, loài gấu sẽ ẩn mình trong hang mà ngủ li bì. Sóc sẽ cuộn mình trong tổ ở bọng cây, quấn đuôi phủ đầy lông kín chung quanh mũi để giữ ấm. Hươu nai và thỏ rừng sẽ nhút nhát và lanh lẹ. Cho dù Bố săn được một con nai thì nó lại gầy nhom chứ không được béo tốt như trong mùa thu.

Có thể Bố phải đi săn một mình suốt ngày giữa tiết trời lạnh giá, trong vùng Rừng Đại Ngàn phủ đầy tuyết, để rồi nhiều đêm trở về nhà mà không mang được gì làm thức ăn cho Mẹ, chị Mary và Laura.

Vì thế mà trước khi mùa đông đến, trong ngôi nhà nhỏ cần phải dự trữ càng nhiều thịt càng tốt.

Bố cẩn thận lột da hai con nai rồi ướp muối thịt và căng hai tấm da, để Bố sẽ làm thành loại da thuộc mềm mại. Rồi ông cắt thịt thành từng miếng, đặt trên một tấm ván và rắc muối lên.

Một đoạn thân cây dài và thật to được dựng đứng ở cuối sân, được cắt ra từ một thân cây rỗng thành một bọng cây. Bố đã đóng những chiếc đinh vào sâu hết cỡ bên trong mỗi đầu bọng cây. Rồi ông dựng đứng bọng cây lên, đặt một tấm mái che nhỏ ở phía trên, và cắt một ô cửa nhỏ ở một bên gần đáy bọng cây. Trên mảnh gỗ được cắt ra, ông gắn một tấm bản lề bằng da, đặt thật khớp để tạo thành một cánh cửa nhỏ, bên ngoài vẫn còn lớp vỏ cây.

Bong cay uop thit

Sau vài ngày ướp muối, Bố xuyên một lỗ ở đầu mỗi miếng thịt và luồn một sợi dây qua. Laura nhìn ông làm việc này, rồi nhìn ông treo thịt lên các cây đinh trong bọng cây.

Bố luồn tay qua ô cửa nhỏ và treo thịt lên những cây đinh, treo cao hết sức cánh tay ông có thể vươn đến. Rồi ông đặt một cây thang dựa vào bọng cây, leo lên đến tận trên cùng, kéo tấm mái che qua một bên rồi luồn tay xuống bên trong để treo thịt lên những cây đinh.

Rồi Bố đặt lại tấm mái che trên đầu bọng cây, leo xuống thang và bảo Laura:

“Con chạy đến vựa củi tìm cho Bố ít miếng dăm gỗ mại châu – chọn mấy miếng còn mới, sạch, mầu trắng.”

Laura nhat dam bao

Thế là Laura chạy đến vựa củi, nhặt lấy những miếng dăm gỗ mại châu còn mới, có mùi thơm dìu dịu, bỏ lên tấm tạp dề bé đang mang.

Bố lấy một ít mảnh vỏ thân cây và rêu khô đốt thành đốm lửa nhỏ rồi cẩn thận đặt vài miếng dăm gỗ lên.

Các miếng dăm gỗ còn tươi không cháy bùng mà cháy âm ỉ, tỏa làn khói dầy vào bên trong bọng cây. Bố đóng lại cánh cửa nhỏ ở phía dưới bọng cây; một ít khói tỏa ra ngoài qua những kẽ nứt chung quanh ô cửa và qua mái che phía trên, nhưng phần lớn khói được giữ lại bên trong.

Bố nói: “Không có gì tốt hơn gỗ mại châu để xông khói cho thịt. Nó sẽ giữ thịt ngon lành dù ta trữ thịt ở bất kỳ nơi nào, trong bất kỳ thời tiết nào.”

Rồi Bố cầm lấy khẩu súng và vác chiếc rựa trên vai, đi ra rừng chặt thêm ít cây.

Mẹ và Laura trông nom lửa khói trong vài ngày. Khi khói không còn tỏa ra qua những kẽ nứt, Laura mang đến một ít dăm gỗ mại châu để Mẹ cho vào đốm lửa phía dưới thịt. Lúc nào cũng có một ít khói vương trên sân nhà, và khi mở cánh cửa phía dưới bọng cây, mùi thơm của thịt xông khói lan tỏa theo.

Cuối cùng, Bố nói thịt đã được xông khói đủ độ. Bố dập tắt lửa, mang tất cả dăm gỗ và thịt ra khỏi bọng cây. Mẹ lấy giấy gói gọn gàng mỗi miếng thịt rồi treo chúng trong phòng gác mái để giữ thịt khô ráo và không bị con vật nào quấy phá.

Một ngày trước khi trời sáng, Bố đánh ngựa và chiếc xe goòng rời khỏi nhà, và đêm đó ông trở về với thùng xe chứa đầy cá, vài con to đến bằng cả thân người Laura. Bố đã đi đến Hồ Pepin để bắt cá bằng lưới.

Mẹ lạng ra những miếng thịt cá trắng như bông, không có xương, cho Chị Mary và Laura dùng. Cả gia đình được dùng món cá tươi ngon. Phần cá tươi còn lại được ướp muối trong những thùng, để dành cho mùa đông.

Bố nuôi một con lợn. Nó đã được thả rông trong Rừng Đại Ngàn, tự kiếm sống bằng cách ăn các loại quả rụng trên mặt đất và cũng ủi đất để ăn rễ cây. Bây giờ Bố bắt nó lại, nhốt vào một chuồng gỗ để vỗ béo. Bố có thể hạ thịt nó ngay khi thời tiết đủ lạnh giúp bảo quản thịt được lâu.

Có một lần, nửa đêm Laura thức dậy vì nghe tiếng lợn kêu eng éc. Bố nhảy ra khỏi giường, giật lấy khẩu súng treo trên tường rồi chạy ra ngoài. Rồi Laura nghe tiếng súng nổ, một phát, hai phát.

Khi trở vào, Bố kể lại chuyện gì đã xảy ra. Bố thấy một con gấu to có bộ lông mầu đen đang đứng bên cạnh chuồng lợn. Con gấu đang thò móng vuốt vào để cố bắt lấy con lợn, trong khi con lợn đang chạy vòng quanh và kêu la eng éc. Bố nhìn thấy quang cảnh dưới ánh sáng của những ngôi sao, và ông nhanh chóng nổ súng. Nhưng vì ánh sáng quá mờ và Bố quá vội vã nên đã bắn hụt. Con gấu chạy vào rừng mà không bị thương tích gì cả.

Laura thấy tiếc vì Bố không hạ được con gấu. Bé rất thích ăn thịt gấu. Bố cũng tiếc nhưng nói:

“Dù sao đi nữa, Bố đã bảo vệ được thịt lợn.”

Các loại hoa mầu trồng ở khu vườn phía sau ngôi nhà tươi tốt suốt mùa hè. Khu vườn nằm kế ngôi nhà nhỏ nên ban ngày hươu nai không dám nhảy qua hàng rào để ăn các loại rau mà chúng ưa thích, còn vào ban đêm đã có chú chó Jack ngăn chặn được chúng. Đôi lúc vào buổi sáng, có những dấu chân móng guốc giữa các luống cà rốt và bắp cải. Nhưng cũng có dấu móng vuốt của Jack ở đây, nên hẳn là nai rừng đã xâm nhập rồi bị Jack xua đuổi ra.

Bây giờ thời tiết trở lạnh về đêm có thể làm hại hoa mầu, thế nên cần phải thu hoạch khoai tây, cà rốt, củ cải đường, củ cải trắng, bắp cải, rồi mang trữ ở tầng hầm.

Củ hành được bện thành từng chuỗi dài, buộc túmở phần cuống, rồi được treo trong phòng gác mái bên cạnh những quả ớt đỏ được cột với nhau bằng chỉ. Bí đỏ và bí xanh được xếp chồng lên nhau thành những đống mầu cam, mầu vàng, mầu lục ở các góc phòng gác mái.

Các thùng cá muối nằm trong gian bếp, còn các khối phô mai mầu vàng được xếp chồng lên nhau trên các giá bếp.

Rồi một ngày, băng Rừng Đại Ngàn, Bác Henry cưỡi ngựa đến. Bác đến để giúp Bố hạ thịt. Con dao mổ thịt to của Mẹ đã được mài sắc, và Bác Henry còn mang theo con dao mổ thịt của Cô Polly.

Bác Henry và Bố đốt một đống lửa, và đặt lên một nồi nước to để đun sôi. Khi nước đang sôi, hai người chuẩn bị hạ thịt con lợn. Thế là Laura chạy lên giường, vùi đầu dưới chiếc gối, lấy tay bịt kín hai tai vì không muốn nghe tiếng con lợn tội nghiệp kêu la eng éc.

Bố trấn an bé: “Laura à, nó không bị đau đâu. Bác và Bố sẽ làm nhanh thôi.” Nhưng bé vẫn không muốn nghe tiếng lợn kêu la.

Sau một phút, bé e dè rút ngón tay ra khỏi một lỗ tai để nghe ngóng. Con lợn đã thôi kêu la. Từ đây trở đi, mỗi Mùa Hạ thịt là một dịp vui thích.

Đấy là một ngày đầy bận rộn, có nhiều thứ đáng xem và khối việc phải làm. Bác Henry và Bố đều cảm thấy vui, và có món sườn lợn cho bữa ăn chiều; Bố lại còn hứa cho Mary và Laura bong bóng lợn và đuôi lợn.

Sau khi đã thọc huyết con lợn, Bác Henry và Bố nhúng xuống nhấc lên con thịt trong nước sôi rồi đặt trên một tấm ván, cạo sạch lông bằng dao mổ thịt. Sau đấy hai người treo con lợn lên một nhánh cây, mổ lấy bộ đồ lòng, rồi cứ để thớt thịt treo như thế cho nguội hẳn.

Sau khi thớt thịt đã nguội, hai người mang xuống cắt thành từng mảnh. Có những miếng thịt đùi, thịt vai, thịt thăn, sườn và thịt bụng. Có tim, gan, lưỡi, và đầu để làm món giò thủ, còn những mảnh thịt vụn thì dùng làm xúc xích.

Thịt được đặt trên một tấm ván, từng miếng đều có muối rải lên trên. Thịt đùi và thịt vai được cho vào vại nước muối để sau đấy xông khói giống như cách xông khói thịt rừng trong bọng cây.

Bố nói: “Không gì ngon bằng thịt đùi lợn xông khói với gỗ mại châu.”

Bong bong lon 2

Bố thổi hơi vào bong bóng lợn làm thành một quả bóng nhỏ mầu trắng, dùng dây cột chặt phần miệng để Mary và Laura làm đồ chơi. Hai chị em ném quả bóng trên không và đấm cho quả bóng bay qua bay lại. Hoặc hai chị em đá cho quả bóng dội lên dội xuống trên mặt đất như chơi bóng đá. Nhưng chiếc đuôi lợn còn mang đến nhiều niềm vui thích hơn nữa.

Bố cẩn thận cạo hết lông trên đuôi lợn, và dùng một chiếc que nhọn chọc vào phần trên chiếc đuôi. Mẹ mở cửa lò nướng, cào than hồng ra ngoài. Rồi Mary và Laura thay phiên nhau cầm chiếc que để nướng đuôi lợn trên than.

Đuôi lợn chín dần, phát tiếng xèo xèo, từng giọt mỡ chảy xuống và cháy bùng trên than. Mẹ rắc lên một ít muối. Bàn tay và khuôn mặt hai bé đều nóng bừng bừng, riêng Laura bị phỏng một ngón tay, nhưng trong cơn phấn khích bé không màng đến: Quả thật là vui khi nướng đuôi lợn đến nỗi khó mà giữ công bằng để thay phiên nhau.

Cuối cùng thì đuôi lợn đã chín. Cả chiếc đuôi đều ửng mầu nâu trông thật hấp dẫn, mùi mới thơm làm sao! Hai bé mang đuôi lợn nướng ra ngoài sân cho nó nguội lại, nhưng không kịp chờ cho nguội hẳn, hai bé đã bắt đầu vừa thưởng thức vừa xuýt xoa vì nóng đến bỏng lưỡi.

Hai bé ăn đến cạn phần thịt, gặm từng vụn nhỏ, rồi cho con Jack phần xương. Đến đây là chấm dứt món đuôi lợn nướng. Phải chờ cho đến năm sau mới được thưởng thức một đuôi lợn khác.

Sau bữa ăn chiều, Bác Henry trở về nhà, còn Bố ra đi làm việc trong Rừng Đại Ngàn. Nhưng đối với Mẹ, Mary và Laura, Mùa Hạ Thịt chỉ mới bắt đầu. Có cả núi việc Mẹ phải làm, và Mary và Laura phụ giúp.

Cả ngày hôm ấy cho đến hôm sau, Mẹ thái nhỏ mỡ lợn rồi cho vào những chiếc nồi to đặt trên lò lửa. Mary và Laura phụ mang củi vào và trông chừng lửa củi. Phải thêm củi để giữ ngọn lửa, nhưng không được làm lửa quá lớn kẻo mỡ lợn sẽ cháy khét. Các nồi sôi âm ỉ, nhưng không được bốc ra khói. Thỉnh thoảng Mẹ hớt ra những tóp mỡ đã chín thành mầu nâu. Mẹ cho các tóp mỡ này vào một tấm vải, xoắn chặt vải cho mỡ nước chảy ra rồi để tóp mỡ qua một bên. Mẹ sẽ cho tóp mỡ này vào bánh mỳ bắp để có thêm hương vị.

Tóp mỡ ăn thật là ngon, nhưng Mary và Laura chỉ được nếm qua một ít. Mẹ bảo tóp mỡ chứa quá nhiều chất béo, không tốt đối với bé gái.

Mẹ cạo rửa cẩn thận đầu lợn, rồi bỏ vào nồi nấu cho đến khi thịt rời ra khỏi xương. Mẹ thái nhỏ các miếng thịt, cho vào một thố gỗ rồi nêm muối và tiêu. Mẹ trộn với nước trong nồi luộc, và đổ ra một cái xoong cho thịt nguội đi. Khi thịt đã nguội và cứng chắc lại, Mẹ thái thành từng lát, thế là có món giò thủ.

Mẹ băm nhỏ những mảnh thịt và mỡ rơi ra từ các miếng lớn, nêm muối và tiêu cùng với rau thơm trồng trong vườn. Mẹ dùng tay trộn đều rồi vò thành viên, đặt vào xoong, để trong nhà kho cho thịt đông lại. Đấy là loại xúc xích viên mà gia đình sẽ dùng trong mùa đông.

Khi công việc của Mùa Hạ thịt đã xong, gia đình có các món xúc xích và giò thủ, một hũ to đựng mỡ nước và một vại chứa thịt lợn muối trong nhà kho, còn trong phòng gác mái treo thịt đùi và thịt vai.

Ngôi nhà nhỏ chất khá đầy các món ăn ngon lành để dự phòng cho mùa đông dài. Gian bếp, nhà kho và tầng hầm đều đầy ắp, phòng gác mái cũng thế.

Bây giờ Mary và Laura phải chơi trong nhà, bởi vì bên ngoài trời trở lạnh. Những chiếc lá vàng đang rơi rụng từ tán cây. Bếp lửa không bao giờ tắt. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, Bố đều gạt tro phủ lên trên than hồng để than cháy âm ỉ cho đến sáng hôm sau.

Tro choi con tre

Phòng gác mái là nơi chơi đùa thú vị cho hai bé. Những quả bí đỏ to, tròn và nhiều sắc mầu đỏ cam khác nhau được dùng làm những chiếc ghế và bàn đẹp đẽ. Những quả ớt đỏ và những củ hành treo lủng lẳng trên đầu. Thịt lợn và thịt rừng được treo trong những lớp giấy gói, còn các bó rau thơm khô để nấu ăn và các loại thảo dược đắng dùng để chữa bệnh thoảng mùi thơm thơm nồng nồng khắp gian phòng.

Những cơn gió lạnh lẽo thường gầm rít bên ngoài với âm thanh nghe quạnh hiu. Nhưng trong phòng gác mái, Mary và Laura chơi trò chơi giả làm nội trợ với các quả bí đỏ và bí xanh; mọi vật đều thân thương và ấm cúng.

Mary to con hơn Laura, và bé có một con búp bê làm bằng vải vụn tên là Nettie. Laura chỉ có một lõi ngô quấn trong một chiếc khăn tay, nhưng đấy là một con búp bê dễ thương. Nó được đặt tên là Susan. Tuy chỉ là một lõi ngô nhưng con búp bê Susan vẫn được thương yêu. Đôi lúc Mary cho phép Laura ôm ấp Nettie, nhưng Laura chỉ làm thế khi Susan không trông thấy kẻo con búp bê này ganh tị.

Buổi tối là khoảng thời gian tuyệt vời. Sau bữa ăn chiều, Bố mang các chiếc bẫy từ nhà kho ra để lau mỡ bên lò sưởi. Bố lau các chiếc bẫy cho sạch bóng, dùng một cọng lông chim thấm mỡ gấu để thoa vào các bản lề và lò xo của chiếc bẫy.

Các chiếc bẫy có kích thước lớn nhỏ khác nhau, loại lớn nhất dùng để bẫy gấu, có hai hàm răng sắc nhọn mà Bố bảo có thể làm gẫy chân người lớn khi hai hàm răng bật mạnh cắn vào chân họ.

Lau chui bay thu

Trong khi thoa mỡ các chiếc bẫy, Bố kể cho Mary và Laura nghe những mẩu chuyện vui hoặc chuyện cổ tích, và sau đấy ông kéo vĩ cầm cho hai bé nghe.

Các cửa sổ và cửa ra vào đều được đóng kín, những khe hở chung quanh các khung cửa sổ đều được bịt kín bằng vải để ngăn gió lạnh bên ngoài thổi vào. Nhưng con mèo tên Susan Đen có thể quanh quẩn đi lại đây đó tùy thích, đêm lẫn ngày, qua khung cửa lật dưới chân cánh cửa ra vào. Con mèo nhanh nhẹn vào ra, thế nên cánh cửa lật không kẹp vào đuôi sau khi nó bước qua.

Một buổi tối, khi Bố đang thoa mỡ bẫy thú, ông nhìn con Susan Đen đi vào và nói:

“Ngày xưa có một người nuôi hai con mèo, một con lớn và một con nhỏ.”

Mary và Laura chạy đến, ngồi tựa vào hai đầu gối Bố, nóng lòng muốn nghe tiếp câu chuyện.

Bố lặp lại: “Ông ấy có hai con mèo, một con lớn và một con nhỏ. Thế là ở cánh cửa ông khoét một lỗ chui lớn cho con mèo lớn, rồi lại khoét một lỗ chui nhỏ cho con mèo nhỏ.”

Bố ngưng lại.

Mary cất tiếng: “Nhưng liệu con mèo nhỏ có thể—”

Laura ngắt ngang: “Bởi vì con mèo lớn không cho nó đi qua lỗ chui to.”

Bố nói: “Laura à, như thế là thiếu lịch sự đấy. Con không nên ngắt lời người khác.”

Bố nói tiếp: “Nhưng Bố biết hai con đều có ý thức hay hơn ông kia khi ông khoét cả hai lỗ.”

Rồi Bố để các chiếc bẫy sang một bên, nhấc cây vĩ cầm khỏi hộp đàn và bắt đầu chơi nhạc. Đấy là thời khắc đẹp đẽ nhất.

Những ngày mùa đông và những đêm mùa đông

Những lọn tuyết đầu tiên đã rơi xuống cùng với không khí giá lạnh. Mỗi buổi sáng, Bố mang khẩu súng cùng các loại bẫy đi suốt ngày trong Rừng Đại Ngàn, đặt bẫy nhỏ dọc bờ suối để mong bắt được chuột xạ và chồn, còn bẫy cỡ trung dùng để bắt cáo và chó sói trong rừng. Bố đặt bẫy to để mong bắt được một con gấu còn béo trước khi nó trốn vào hang sâu để ngủ suốt mùa đông.

Một buổi sáng Bố trở về nhà, thắng ngựa vào chiếc xe trượt tuyết rồi lại vội vã ra đi. Bố đã bắn được một con gấu. Mary và Laura vui mừng nhảy nhót, vỗ tay.

Mary kêu lên: “Chị muốn cái đùi! Chị muốn ăn cái đùi!”

Mary không mường tượng được đùi gấu to thế nào, nên cứ nói như là ăn đùi gà.

Khi Bố trở về, chiếc xe trượt tuyết mang một con gấu và thêm một con lợn. Bố đã đi trong khu rừng với mấy chiếc bẫy trên hai tay và khẩu súng khoác trên vai, rồi tiến đến một cây thông to phủ đầy tuyết. Một con gấu đang nấp sau thân cây.

Ban gau

Con gấu vừa bắt được một con lợn và đang nhấc con lợn lên định đánh chén. Bố kể rằng con gấu đang đứng bằng hai chân sau, giữ lấy con lợn giữa các móng vuốt của hai chân trước trông như đôi bàn tay.

Bố bắn con gấu, và không có cách nào biết được con lợn từ đâu đến hoặc do ai nuôi.

Bố kể: “Thế là Bố chỉ việc mang thịt lợn về nhà.”

Có nhiều thịt tươi sống đủ để gia đình dùng trong một thời gian dài. Thời tiết ngày và đêm đều giá lạnh đến mức thịt lợn chứa trong một cái thùng và thịt gấu treo trong nhà kho ở sân sau đã đông cứng lại.

Khi Mẹ muốn nấu thịt tươi làm bữa ăn chiều, Bố phải dùng rìu để bổ ra một miếng thịt gấu hoặc thịt lợn đông lạnh. Nhưng Mẹ có thể tự lấy xúc xích, thịt heo muối, đùi heo hoặc thịt rừng xông khói trữ trong nhà kho hoặc trên phòng gác mái.

Tuyết vẫn rơi cho đến lúc gió thổi chất thành đụn chung quanh nhà. Vào buổi sáng, các ô cửa sổ phủ đầy băng giá tạo nên những hình thù đẹp đẽ của cỏ cây, hoa lá và những nàng tiên như trong truyện cổ tích.

Mẹ bảo rằng trong khi mọi người đang ngủ say vào buổi tối thì Jack Băng Giá đến để vẽ nên những hình ảnh này. Laura mường tượng ra Jack Băng Giá là một người nhỏ nhắn, phủ đầy tuyết trắng tinh, đội chiếc mũ nhọn, trắng lấp lánh, mang giầy ống làm bằng da nai cũng có mầu trắng và cao đến đầu gối. Chiếc áo choàng và đôi găng liền bốn ngón của ông đều có mầu trắng; ông không quàng khẩu súng sau lưng nhưng trên tay cầm những dụng cụ sắc nhọn và sáng bóng để khắc nên những hình ảnh hoa mỹ.

Mary và Laura được phép dùng cái đê của Mẹ để vạch thành những vòng tròn xinh xắn trên băng giá đóng ở ô cửa kính. Nhưng hai bé không bao giờ làm hỏng những hình ảnh mà Jack Băng Giá đã khắc trong đêm.

Khi hai bé áp miệng phà hơi ra trên mặt kính, băng giá trắng nõn tan chảy thành những giọt lăn dài trên mặt kính. Rồi hai bé có thể nhìn thấy những đụn tuyết bên ngoài ngôi nhà, những cội cây trụi lá và ngả mầu đen xỉn, tạo nên những vệt bóng xanh lam mờ mờ trên nền tuyết trắng.

Mary và Laura phụ giúp Mẹ làm công việc nhà. Mỗi buổi sáng, hai chị em phụ giúp lau tô đĩa. Mary lau được nhiều hơn Laura vì là chị lớn hơn em, nhưng Laura luôn lau chùi cẩn thận cốc và đĩa của riêng mình.

Dep giuong

Sau khi lau và cất tất cả tô đĩa vào chạn, là đến lúc dẹp giường. Mỗi bé đứng ở một bên, kéo tấm trải giường cho thẳng, tấn chặt ở đầu giường và hai bên, rũ sạch các chiếc gối và đặt đúng chỗ. Rồi Mẹ đẩy chiếc giường gầm vào phía dưới chiếc giường to.

Xong xuôi, Mẹ bắt đầu công việc ngày hôm ấy. Mỗi ngày có công việc khác nhau. Mẹ thường bảo:

“Thứ Hai giặt rũ
Thứ Ba ủi đồ
Thứ Tư may vá
Thứ Năm khuấy bơ
Thứ Sáu quét dọn
Thứ Bảy nướng bánh
Chủ Nhật nghỉ ngơi.”

Trong số bảy ngày của tuần lễ, Laura thích nhất là ngày khuấy bơ và nướng bánh.

Vào mùa đông, kem sữa không tươm mầu vàng như trong mùa hè, và bơ khuấy từ kem ấy có mầu trắng, trông không được đẹp lắm. Mẹ thích mọi món bày trên bàn ăn phải trông bắt mắt, nên vào mùa đông Mẹ cho thêm mầu vào bơ.

Sau khi đã cho kem sữa vào thùng khuấy kem dáng cao bằng sành và đặt gần bếp lò để giữ ấm, Mẹ lấy một củ cà rốt vàng cam rửa sạch. Rồi Mẹ bào củ cà rốt trên mặt đáy của một chiếc xoong thiếc cũ, rò rỉ, mà Bố đã dùng đinh đóng nhiều lỗ. Mẹ bào củ cà rốt trên mặt đáy nồi lởm chởm và sắc nhọn cho đến khi tất cả các mảnh cà rốt nhỏ lọt qua các lỗ đinh. Khi Mẹ nhấc chiếc xoong lên, phía dưới là một nắm cà rốt bào mềm mại, tươm nước.

Mẹ cho cà rốt bào vào một chiếc xoong nhỏ đựng sữa trên lò lửa, và khi sữa đã nóng Mẹ rót sữa chứa cà rốt bào vào một túi vải. Rồi Mẹ vắt phần sữa mầu vàng tươi vào thùng khuấy kem. Bây giờ bơ làm ra từ kem này sẽ có mầu vàng.

Mary và Laura được ăn phần cà rốt bào sau khi Mẹ đã vắt sữa. Mary nghĩ mình phải được ăn nhiều hơn vì là chị, còn Laura nghĩ mình phải được ưu tiên vì là em. Nhưng Mẹ bảo phải chia ra hai phần bằng nhau. Cà rốt bào có pha tí sữa tươi thật là ngon.

Khuay bo 2

Khi kem đã sẵn sàng, Mẹ dùng nước sôi rửa sạch cây khuấy kem bằng gỗ, đặt vào thùng khuấy kem, và lấy chiếc nắp bằng gỗ đậy lên. Nắp thùng khuấy kem có một lỗ nhỏ, và Mẹ nắm lấy cây khuấy mà khuấy lên xuống, lên xuống. Đôi lúc Mary có thể khuấy giúp trong khi Mẹ nghỉ mệt, nhưng Laura không làm được vì công việc quá nặng nhọc đối với bé.

Ban đầu, kem còn lỏng và trông bóng láng văng lên quanh cái lỗ nhỏ. Sau một hồi, kem bắt đầu quánh đặc. Rồi Mẹ khuấy chậm lại, và những hạt bơ li ti mầu vàng bắt đầu hiện ra.

Khi Mẹ dở nắp ra, có một khối bơ vàng óng lơ lửng giữa phần sữa bơ. Mẹ dùng chiếc muôi gỗ vớt khối bơ ra, cho vào một thố gỗ rồi rửa qua nhiều lần với nước lạnh, sau đấy dùng muôi đảo khối bơ lên xuống để nước chảy đi hết. Rồi Mẹ rắc muối vào.

Bây giờ là đến phần thú vị nhất của công việc làm bơ: đúc thành thỏi bơ. Trên phần đáy khuôn đúc bằng gỗ là hình ảnh một quả dâu tây với hai chiếc lá dâu.

Mẹ dùng chiếc muôi gỗ múc bơ vào đầy khuôn. Rồi Mẹ lật úp khuôn xuống một chiếc đĩa, và khẽ lắc cái quai của chiếc khuôn. Khối bơ nhỏ, cứng, mầu vàng óng hiện ra, có hình dạng quả dâu tây với hai lá dâu phía trên.

Hai bé Mary và Laura đứng hai bên Mẹ, nín thở chờ đợi giây phút khối bơ vàng óng hình quả dâu tây rơi xuống lòng đĩa. Rồi Mẹ cho mỗi bé uống sữa bơ tươi ngon tuyệt.

Vào những ngày Thứ Bảy là ngày làm bánh mỳ, mỗi bé có một ít bột nhồi để làm thành một chiếc bánh nhỏ. Hai chị em cũng có thể nhận một ít bột làm bánh quy để làm ra những chiếc bánh quy nhỏ, và thậm chí có một lần Laura còn làm được một chiếc bánh nướng trên chiếc xoong nướng của riêng bé.

Sau khi đã xong công việc trong ngày, đôi lúc Mẹ cắt búp bê bằng giấy cho hai chị em. Mẹ lấy giấy trắng dầy cắt thành hình con búp bê, và dùng viết chì để vẽ khuôn mặt. Rồi từ những mảnh giấy mầu, Mẹ cắt thành trang phục, mũ, ruy băng và đăng ten để Mary và Laura có thể chưng diện cho búp bê của mình.

Nhưng thời gian tuyệt vời trong đêm là khi Bố trở về nhà.

Bố trở về nhà sau khi đã nặng nhọc bước trên lớp tuyết trong rừng, với những hạt băng lấm tấm trên bộ ria. Ông treo khẩu súng lên cánh cửa ra vào, tháo chiếc mũ và đôi găng tay ra, và cất tiếng: “Con gái rượu của Bố đâu?”

Con gái rượu là Laura, bởi vì bé còn bé bỏng.

Mary và Laura chạy đến leo lên đầu gối Bố trong khi ông đang làm ấm người bên lò sưởi. Rồi ông lại mặc áo choàng, đội mũ và mang găng tay để làm công việc nhà và mang củi cho lò sưởi.

Đôi lúc, sau khi Bố đi qua nhanh các chỗ đặt bẫy bởi vì tất cả bẫy đều rỗng không, hoặc sau khi bắt được thú nhanh hơn thường lệ, Bố trở về nhà sớm. Thế là Bố có thêm thời gian chơi đùa với hai bé Mary và Laura.

Một trò chơi ba bố con yêu thích có tên là chó dại. Bố luồn các ngón tay vào mái tóc rậm mầu nâu làm cho tóc dựng đứng cả lên. Rồi ông bò bằng hai chân hai tay, gầm gừ đuổi bắt Mary và Laura khắp phòng, cố dồn hai bé vào một góc phòng để hai bé không chạy thoát được.

Hai bé chạy thoăn thoắt tìm cách trốn lánh, nhưng có lúc Bố dồn được cả hai vào thùng củi kế bên lò sưởi. Hai bé không thể nào thoát khỏi Bố.

Tro choi cho dai

Thế là Bố gầm gừ nghe dữ tợn, tóc bù xù trông thật hoang dại, cặp mắt long lanh kinh khiếp như con chó dại thật sự. Mary sợ đến mức co rúm, không chạy được nữa. Nhưng khi Bố tiến đến gần, Laura kêu thét lên, vội nhảy qua thùng củi và kéo Mary chạy theo.

Rồi đột nhiên chẳng có chó dại nào cả. Chỉ có Bố đứng đấy, đôi mắt xanh lam sáng nhìn Laura.

Bố nói với Laura: “Này! Con chỉ là con gái rượu nhỏ, nhưng lạ quá! con mạnh mẽ như dòng ngựa Pháp nhỏ!”

Mẹ nói: “Charles à, anh không nên làm các con hãi sợ. Anh nhìn mắt hai đứa trợn trừng lên kia kìa!”

Bố nhìn hai bé, rồi mang chiếc vĩ cầm xuống. Bố bắt đầu vừa hát vừa kéo đàn.[D]

Chàng Ngố lần đi phố chợ tít xa
Quần sọc vận hoa lá cây cành
Mà sao không thấy buôn bán nơi nao
Phố chợ chật chội làm sao!

Mary và Laura quên bẵng chuyện chó dại.

Chàng ta tìm ra pháo đại gớm ghê
Nòng to tựa chân gốc phong già
Và khi quay súng nhắm bắn nơi nao
Hai con bò quay lao xao

Một khi chàng nã phát đạn bắn đi
Sừng đong thuốc súng nén chặt vào
Ầm vang như khẩu súng của cha tôi
Vang cả đồng hoang xa xôi

Bố đang dậm chân giữ nhịp, và Laura vỗ tay theo nhịp khi Bố hát:

Ta hát lên: chàng Ngố hỡi Ngố!
Cùng hát vang: ngố gì đâu!
Ta hát lên: chàng Ngố hỡi Ngố!
Ngố mà sao nổi tiếng lâu!
[E]

Đơn độc giữa Rừng Đại Ngàn hoang dã, lại thêm băng tuyết, giá lạnh, nhưng ngôi nhà nhỏ xây bằng gỗ súc vẫn ấm cúng, thoải mái và dễ chịu. Bố, Mẹ, Mary, Laura và em bé Carrie đều cảm thấy thoải mái và hạnh phúc sống trong ngôi nhà ấy, đặc biệt là vào buổi tối.

Lửa vẫn cháy sáng trong lò sưởi, cái lạnh lẽo, cái tối tăm và những con thú hoang dã đều bị ngăn chặn bên ngoài, còn con chó vện tên Jack và con mèo tên Susan Đen đang nằm lim dim bên lò sưởi.

Mẹ đang ngồi trên ghế đu, may vá với ngọn đèn dầu đặt trên bàn. Chiếc đèn sáng bóng. Có muối thả vào trong bình dầu của đèn để ngăn dầu phát nổ, và có một ít mẩu vải đỏ giữa các hạt muối để trang trí cho đẹp. Quả thật là đẹp.

Laura say mê chiếc cây đèn, với ống khói thủy tinh thật sạch và bóng, ngọn lửa vàng cháy thật đều, và bình dầu trong suốt phản chiếu ánh đỏ của các mẩu vải. Laura cũng thích ngắm ánh lửa trong lò sưởi luôn bập bùng, lóe lên những tia vàng và đỏ, đôi lúc đổi mầu lục trên gỗ và lập lòe mầu lam trên than đá ánh sắc vàng và đỏ.

Và rồi, Bố kể cho nghe những mẩu chuyện.

Khi Mary và Laura xin Bố kể chuyện, ông đặt hai bé ngồi trên hai đầu gối, dụi bộ râu lên má hai bé đến khi hai bé cất tiếng cười dòn tan. Đôi mắt xanh lam của Bố ánh ngời hạnh phúc.

Một buổi tối, Bố nhìn con mèo Susan Đen đang nằm dài trước lò sưởi, các móng vuốt hết duỗi ra lại co vào, rồi ông hỏi:

“Con báo thuộc họ mèo, hai con có biết không? Nó là một loài mèo to, cao lớn, hoang dã, biết không?”

Laura đáp: “Con không biết.”

Bố nói: “À, đúng thế. Thử tưởng tượng Susan Đen to lớn hơn Jack, và còn dữ tợn hơn Jack khi Jack gầm gừ. Lúc ấy Susan Đen sẽ giống y như con báo[F].”

Bố đặt Mary và Laura ngồi thoải mái hơn trên hai đầu gối rồi nói: “Bố muốn kể cho hai con nghe về chuyện Ông Nội và con báo.”

Laura hỏi: “Ông Nội của Bố hở?”

“Không, Ông Nội của các con. Cha của Bố.”

Laura nói: “À ra thế.” Rồi bé uốn mình dựa vào cánh tay của Bố. Bé biết Ông Nội của mình. Ông sống cách xa họ trong Rừng Đại Ngàn, trong một ngôi nhà gỗ lớn.

Câu chuyện của Ông Nội và con báo

“ Một ngày nọ, Ông Nội của các con đi thị trấn rồi trở về nhà muộn. Khi ông cưỡi ngựa qua Rừng Đại Ngàn thì trời đã tối, tối đến nỗi ông không nhìn thấy rõ con đường mòn. Khi nghe tiếng một con báo gầm lên, ông kinh hãi vì không mang theo súng.”

Laura hỏi: “Con báo gầm như thế nào?”

Bố nói: “Giống đàn bà. Như thế này.” Rồi Bố gầm to một tiếng khiến cho Mary và Laura run rẩy vì sợ.

Mẹ giật nẩy người trên chiếc ghế, nói: “Chao ôi, Charles!”

Nhưng Mary và Laura thích được nhát cho kinh sợ như thế.

Bố kể tiếp:

“ Con ngựa của Ông Nội phi nhanh lên, vì nó cũng sợ. Nhưng nó không thể chạy thoát hẳn. Con báo vẫn bám đuổi trong khu rừng tối tăm. Nó đang đói, và cố chạy cật lực đuổi theo con ngựa lúc ấy cũng đang phi như bay. Có lúc nó gầm bên này con đường, có lúc gầm bên kia con đường, và vẫn luôn đuổi theo sát phía sau.

“ Ông Nội rạp mình trên yên ngựa và thúc ngựa chạy nhanh hơn. Con ngựa cố chạy thật nhanh, nhưng con báo vẫn bám sát phía sau.

“ Rồi Ông Nội thoáng nhìn thấy con báo, khi nó nhảy từ cành cây này sang cành cây khác, gần như ngay trên đầu ông.”

“Đấy là một con báo đen thật to, nó phóng mình qua không trung giống như con Susan Đen đang cố vồ lấy con chuột nhắt. Nó to hơn Susan Đen rất nhiều lần. Nó to đến nỗi nếu nó vồ lấy được Ông Nội thì ắt nó có thể giết ông bằng bộ vuốt khổng lồ và hàm răng sắc nhọn.

“ Trong khi ấy Ông Nội vẫn cưỡi ngựa mà cố chạy thoát, giống như một con chuột nhắt cố chạy thoát khỏi con mèo.”

“ Con báo không còn gầm nữa. Ông Nội không còn thấy nó nữa. Nhưng ông biết nó vẫn đang phóng mình trong khu rừng tối để đuổi theo phía sau. Con ngựa vẫn cố chạy hết sức.

Ong noi va con bao_GR

“ Cuối cùng con ngựa chạy về đến nhà Ông Nội. Ông nhìn thấy con báo đang phóng đến. Ông Nội nhảy xuống khỏi lưng ngựa, chạy qua cánh cửa rồi đóng sập cửa lại. Con báo phóng xuống lưng ngựa, ngay chỗ Ông Nội đã ngồi.

“ Con ngựa hí lên một tiếng kinh hoàng, rồi phóng chạy. Nó chạy vào Rừng Đại Ngàn, trong khi con báo vẫn bám trên lưng nó, lấy móng vuốt cào cấu da thịt nó. Nhưng Ông Nội đã vớ được khẩu súng treo trên tường, bước đến cửa sổ vừa kịp lúc để bắn chết con báo.

“ Ông Nội nói từ ngày ấy trở đi, ông luôn mang theo súng mỗi khi đi vào Rừng Đại Ngàn.”

Trong khi Bố đang kể chuyện, Mary và Laura run rẩy nép sát vào người ông. Hai bé cảm thấy an toàn khi bám vào hai đầu gối Bố, trong khi hai cánh tay khỏe mạnh của ông ôm vòng quanh hai bé.

Hai chị em thích ngồi như thế, trước ánh lửa lò sưởi ấm cúng, với con mèo Susan Đen và con chó Jack trung thành nằm kế bên. Khi có tiếng tru của một con chó sói, Jack ngẩng đầu lên, lông trên lưng nó dựng đứng. Nhưng Mary và Laura không cảm thấy sợ hãi khi nghe tiếng tru cô đơn ấy trong khoảng tối tăm và lạnh lẽo của Rừng Đại Ngàn.

Hai chị em được bao bọc ấm cúng và thoải mái trong ngôi nhà nhỏ làm bằng những súc gỗ, với tuyết phủ chung quanh và gió hú từng hồi tức giận vì không lẻn vào được bên trong ngôi nhà.

Khẩu súng trường

Mỗi buổi tối, trước khi kể chuyện cho hai bé nghe, Bố làm những viên đạn để chuẩn bị cho chuyến đi săn ngày hôm sau.

Sung truong

Mary và Laura phụ giúp Bố. Hai bé mang ra chiếc thìa to có cán dài, một hộp đựng đầy những mảnh chì, và khuôn đúc đạn. Rồi trong khi Bố ngồi xổm trước lò sưởi để làm những viên đạn, hai bé ngồi hai bên ông quan sát.

Đầu tiên, ông nấu chảy các mảnh chì trong chiếc thìa to mà ông đặt trên than hồng. Khi chì đã chảy, Bố cẩn thận đổ chì lỏng qua cái lỗ nhỏ vào khuôn đúc đạn. Bố chờ một phút rồi mở khuôn, và một viên đạn sáng lóng lánh rơi ra trên nền lò sưởi.

Viên đạn vẫn còn rất nóng, nhưng trông hấp dẫn đến nỗi đôi lần Mary và Laura chẳng đặng đừng mà lén lấy tay sờ. Thế là hai bé bị bỏng tay. Nhưng hai bé không bao giờ nói cho Bố biết vì Bố vẫn luôn dặn dò không nên sờ viên đạn mới ra khỏi khuôn. Nếu hai bé bị bỏng tay thì đấy là do lỗi hai bé; đáng lẽ hai bé phải nhớ lời Bố dặn. Thế nên hai bé chỉ dám đưa ngón tay vào miệng ngậm cho đỡ nóng mà chẳng kêu ca, và nhìn Bố làm thêm một số viên đạn mới.

Dung cu do dan

Khi Bố dừng tay thì đã có một dúm những viên đạn sáng ánh trước lò sưởi. Bố chờ cho các viên đạn nguội lại rồi dùng một con dao cạo đi những mảnh chì lồi ra. Bố thu dọn và cất giữ cẩn thận những mảnh chì này để dùng cho dịp khác.

Bố trút các viên đạn đã hoàn tất vào túi đạn. Đấy là một chiếc túi nhỏ mà Mẹ làm từ da một con nai đực mà Bố bắn được.

Sau khi đã xong việc với các viên đạn, Bố lấy khẩu súng trường treo trên tường xuống để lau chùi. Sau một ngày sử dụng ngoài trời tuyết, khẩu súng có thể bị ẩm và bên trong nòng súng bị bẩn do khói thuốc súng.

Thế nên Bố lấy cây thông nòng gắn phía dưới nòng súng, buộc một mảnh vải sạch nơi đầu. Bố dựng báng súng trong một cái xoong đặt trên nền lò sưởi rồi rót nước sôi từ ấm nước vào trong nòng. Bố nhanh chóng đưa cây thông nòng vào và kéo lên kéo xuống, lên xuống, trong khi nước nóng đen lại vì khói thuốc súng trào ra qua một lỗ nhỏ trên đấy có nắp đậy lại khi súng được nạp đạn.

Bố tiếp tục rót thêm nước sôi và thông nòng súng cho đến khi nước trào ra trong hẳn. Thế là nòng súng đã sạch. Phải luôn dùng nước đang sôi, để nòng súng thép được nóng và khô lập tức.

Trong khi nòng súng vẫn còn nóng vì nước sôi, Bố dùng một mảnh vải tẩm mỡ quấn quanh cây thông nòng để lau bên trong nòng súng. Rồi Bố dùng một mảnh vải tẩm mỡ khác lau chùi khắp bên ngoài báng súng cho đến khi mặt gỗ cũng sạch bóng.

Bây giờ Bố sẵn sàng nạp đạn lại khẩu súng; Mary và Laura phải phụ giúp. Trong khi hai bé đứng hai bên, Bố đứng thẳng, giữ khẩu súng thẳng đứng trên báng súng và nói:

“Bây giờ hai con trông chừng Bố, nói cho Bố biết nếu Bố làm sai.”

Thế là hai bé trông chừng cẩn thận, nhưng Bố không bao giờ làm sai.

Pa Laura Mary

Laura trao cho Bố chiếc sừng bò bóng láng chứa đầy thuốc súng. Phần trên chiếc sừng có một cái nắp nhỏ bằng kim loại. Bố đổ thuốc súng đầy cái nắp này và rót xuống nòng súng. Rồi ông lắc nhẹ khẩu súng và gõ vào nòng súng để tất cả thuốc súng rơi xuống đáy.

Bố hỏi: “Hộp đồ vá của Bố đâu?”

Mary trao cho Bố chiếc hộp thiếc nhỏ đựng đầy những mảnh vải thấm mỡ. Bố đặt một mảnh trên họng súng, đặt một viên đạn lên đấy, rồi với cây thông nòng ông đẩy viên đạn và mảnh vải xuống nòng súng.

Rồi Bố khẽ nén viên đạn lên thuốc súng. Khi Bố đẩy cây thông nòng xuống, cây này dội ngược lên, và Bố lại đẩy xuống lần nữa. Bố làm như thế hồi lâu.

Kế tiếp, Bố đặt cây thông nòng vào vị trí của nó dọc nòng súng. Rồi Bố lấy chiếc hộp đựng giấy tẩm thuốc súng trong túi áo, nâng cò súng và chèn một mảnh giấy tẩm thuốc súng sáng trắng qua một cái kim lõm phía dưới cò súng.

Bố cẩn thận và nhẹ nhàng hạ cò súng xuống. Nếu cò súng hạ nhanh – bùm! – súng sẽ nhả đạn.

Bây giờ khẩu súng đã được nạp đạn; Bố đặt nó lên hai móc trên cửa ra vào.

Khi Bố ở nhà, khẩu súng luôn nằm trên hai móc gỗ trên cửa ra vào. Bố đã dùng dao đẽo hai cái móc từ một cành cây xanh rồi đóng vào súc gỗ của cánh cửa. Hai cái móc cong lên phía trên và giữ khẩu súng ở vị trí an toàn.

Khẩu súng luôn được nạp đạn và luôn được treo trên cánh cửa để Bố có thể với lấy dễ dàng và nhanh chóng mỗi khi cần.

Khi đi vào Rừng Đại Ngàn, Bố luôn mang theo túi đạn đầy, còn hộp đồ vá bằng thiếc và hộp đựng giấy tẩm thuốc súng nằm trong túi áo. Chiếc sừng đựng thuốc súng và cái rìu nhỏ treo lủng lẳng ở thắt lưng, và Bố mang khẩu súng đã nạp đạn trên vai.

Bố luôn luôn nạp đạn lại sau khi bắn, vì Bố nói không muốn đối diện nguy cấp với một khẩu súng rỗng.

Sau khi bắn một con thú rừng, Bố phải nạp đạn lại: đong thuốc súng, rót vào nòng và lắc súng cho thuốc súng rơi xuống đáy, đặt mảnh vải và viên đạn vào rồi đẩy xuống nòng súng, rồi đặt một giấy tẩm thuốc súng mới dưới cò súng – xong xuôi rồi mới có thể bắn lần nữa. Khi bắn một con gấu hoặc một con báo, Bố phải hạ cho được con thú bằng phát đạn đầu tiên. Kẻo không, gấu hoặc báo bị thương có thể vồ chết người vì người này không có thời giờ nạp đạn lại.

Nhưng Mary và Laura không bao giờ lo sợ khi Bố đi một mình trong Rừng Đại Ngàn. Hai chị em biết lúc nào Bố cũng có thể hạ được gấu và báo với phát đạn đầu tiên.

Sau khi đã làm ra các viên đạn và nạp lại khẩu súng là đến giờ kể chuyện.

Laura nài nỉ với Bố: “Bố kể lại cho chúng con nghe chuyện Tiếng kêu trong Rừng đi.”

Bố nhíu mày nhìn bé, nói: “Không được! Hai con đâu có muốn nghe về thời gian Bố còn là một chú bé nhỏ thích rong chơi.”

Mary và Laura đồng thanh nói: “Chúng con muốn lắm! Muốn lắm chứ!” Thế là Bố bắt đầu.

Câu chuyện của Bố và tiếng kêu trong rừng

“ Khi còn là một cậu bé không lớn hơn Mary bao nhiêu, mỗi buổi chiều Bố phải đi tìm mấy con bò thả rông trong rừng để lùa về nhà. Ông Nội luôn dặn dò Bố không được la cà dọc đường, mà phải nhanh chóng lùa bò về nhà trước khi trời tối, bởi vì trong rừng có gấu, chó sói và báo.

“ Một ngày nọ, vì ra đi sớm hơn mọi lần nên Bố nghĩ không cần phải vội quay về. Có nhiều thứ để ngắm nhìn trong rừng đến nỗi Bố quên rằng trời sắp tối. Có những con sóc đỏ trên cành cây, những con sóc chuột nhảy nhót giữa tán lá, và những thỏ con chơi đùa trên đồng trống. Hai con biết đấy, thỏ con thích chơi đùa với nhau trước khi chúng đi ngủ.

“ Bố bắt đầu ra vẻ ta đây là chúa tể rừng xanh, đi rình rập thú hoang dã và người Da đỏ. Bố chơi trò mình đang chiến đấu với người Da đỏ, cho đến lúc Bố nhận ra có vẻ như khu rừng đầy những người là người, và rồi đến lúc Bố nghe lũ chim ríu rít chúc nhau: ‘Ngủ ngon’. Con đường mòn đã lờ mờ, còn khu rừng thì tối thẳm.

“ Bố biết mình phải nhanh chóng lùa đàn bò về nhà, kẻo không trời sẽ tối như mực rồi chúng không được an toàn trong chuồng trại. Nhưng Bố không thể tìm ra đàn bò!

“ Bố lắng tai nghe, nhưng không nghe được âm thanh leng keng của những chiếc lục lạc[G] treo trên cổ đàn bò. Bố cất tiếng gọi nhưng không thấy đám bò đi đến.

“ Bố kinh sợ bóng tối và thú dữ, nhưng không dám về nhà một mình gặp Ông Nội mà không có đàn bò. Vì thế mà Bố chạy cùng khắp trong khu rừng, lùng sục và cất tiếng kêu. Cùng lúc ấy, khu rừng tối tăm thêm, có vẻ như rộng mở thêm, và các cội cây cùng lùm bụi trông kỳ dị hẳn đi.

“ Bố không tìm thấy đàn bò ở đâu cả. Bố đi lên các đỉnh đồi, vừa nhìn xuống tìm kiếm vừa gọi, rồi đi xuống các thung lũng tăm tối, cũng vừa nhìn quanh quất vừa gọi. Nhiều lần Bố dừng lại, lắng nghe tiếng lục lạc bò, nhưng chỉ nghe tiếng lá rừng xào xạc.

Chim cu A

“ Rồi Bố nghe một tiếng thở mạnh, tưởng chừng như có một con báo đang núp trong bóng tối ngay phía sau lưng Bố. Nhưng hóa ra chỉ có tiếng thở của riêng mình.

“ Đôi chân trần của Bố đã bị gai góc và rễ cây rừng làm trầy sướt khi Bố chạy xuyên các lùm bụi. Nhưng Bố vẫn tiếp tục tìm kiếm, vẫn tiếp tục kêu lên: ‘Sukey! Sukey!’

“ Bố thu hết hơi kêu to lên: ‘Sukey! Sukey! Sukey!’

“ Rồi ngay phía trên đầu Bố có cái gì đấy cất tiếng: ‘Ai?’

“ Tóc tai Bố dựng đứng cả lên.

“ Tiếng nói lại cất lên: ‘Ai? Ai’? Và thế là Bố chạy bán sống bán chết!

“ Bố quên bẵng đàn bò. Bố chỉ muốn thoát ra khỏi khu rừng để trở về nhà.

“ Cái gì đấy đuổi theo phía sau Bố và lại cất tiếng: ‘A-ai?’

“ Bố chạy hết tốc lực, Bố chạy cho đến khi thở không ra hơi nhưng vẫn muốn cố chạy thêm. Có cái gì đấy tóm lấy chân Bố, thế là Bố ngã lăn ra. Rồi Bố bật dậy và cứ chạy. Ngay cả chó sói chắc không thể đuổi kịp Bố.

Bo lua bo trong rung

“ Cuối cùng thì Bố chạy ra khỏi khu rừng tối tăm, về đến chuồng bò. Có đủ đàn bò ở đấy, đang đợi Bố mở cổng cho chúng đi vào. Bố dắt bọn chúng vào chuồng, rồi chạy về nhà.

“ Ông Nội của các con nhìn lên, hỏi: ‘Này anh trai trẻ, tại sao về muộn thế? Mải mê chơi đùa dọc đường phải không?’

“ Bố nhìn xuống chân mình, và thấy móng một ngón chân cái đã bị sướt mất hẳn. Bố đã quá kinh hãi nên cho đến lúc ấy vẫn không cảm thấy đau.”

Bố luôn ngừng câu chuyện ở đây, chờ cho đến khi Laura hối thúc:

“Bố kể tiếp đi, Bố. Kể tiếp đi.”

Bố kể tiếp:

“ À, rồi sau đấy Ông Nội đi ra ngoài để cắt lấy một cây roi cứng. Rồi ông trở vào vọt roi cho Bố một trận, để từ đấy về sau Bố nhớ lời ông dạy.

Chim cu

“ Một đứa trẻ lên 9 tuổi thì đã đủ lớn để biết vâng lời. Khi Bố dặn hai con điều gì thì có lý do hết, cho nên nếu hai con vâng lời Bố thì sẽ không gặp nguy hiểm.

Nhún mình lên xuống trên đầu gối Bố, Laura nói: “ Vâng, vâng, Bố ạ! Và rồi Ông Nội nói gì?”

“ Ông Nội bảo Bố: ‘Nếu con nghe lời Bố thì con đã không ở trong Rừng Đại Ngàn khi trời tối, và con đã không kinh hãi vì tiếng rít của một con cú.’[H]

 Giáng Sinh

Giáng Sinh sắp đến.

Nem tuyet

Ngôi nhà nhỏ hầu như chìm ngập hẳn trong tuyết. Những đụn tuyết lớn dồn lại sát các khung cửa ra vào lẫn cửa sổ. Buổi sáng khi Bố mở cánh cửa thì đã có một bức tường tuyết cao đến tận đỉnh đầu Laura. Bố dùng xẻng xúc tuyết ra hai bên lối đi trước nhà, rồi xúc tuyết ra hai bên lối đi sau nhà dẫn đến chuồng ngựa và chuồng bò, nơi các con vật được giữ ấm.

Bầu trời trong xanh và chói sáng. Mary và Laura đứng trên ghế gần khung cửa sổ để ngắm nhìn cành lá lấp lánh qua khoảnh rừng tuyết cũng lấp lánh. Tuyết đọng đầy trên những cành trơ trọi sẫm mầu, và lóe sáng dưới ánh mặt trời. Những trụ băng lủng lẳng dưới mái hiên của ngôi nhà, buông dài xuống đến tận đụn tuyết phía dưới, phần phía trên trụ băng to bằng cả cánh tay của Laura. Những trụ băng trông giống như thủy tinh và phản chiếu ra nhiều tia sáng sắc lẻm.

Khi Bố đi từ chuồng gia súc dọc lối mòn, hơi thở của ông lơ lửng trong không khí giống như là sương khói. Khi Bố thở, từng đám mây hơi nước phả ra rồi đông lại thành băng giá trên bộ ria và râu của ông.

Khi bước vào nhà, Bố dậm chân để rũ bỏ tuyết bám vào đôi ủng rồi ôm Laura vào chiếc áo choàng giá lạnh, bộ râu lấm tấm những giọt băng đang tan chảy.

Mỗi tối Bố bận rộn làm việc trên một tấm ván rộng và hai mảnh gỗ nhỏ. Bố dùng dao gọt tấm ván và hai mảnh này, dùng giấy nhám và lòng bàn tay chà láng cho đến khi Laura sờ vào bé cảm thấy mềm mại và mượt mà như tơ.

Rồi với con dao xếp Bố tiếp tục gọt đẽo, cắt những phần rìa của tấm ván rộng thành những đỉnh đồi và tòa tháp, thêm một ngôi sao lớn được khắc ở điểm cao nhất. Bố cắt nhiều lỗ nhỏ qua lớp gỗ, tạo ra hình dạng của những khung cửa sổ, những ngôi sao nhỏ, vầng trăng lưỡi liềm, cùng những đường uốn lượn để trang trí. Chung quanh những hình dạng này, Bố khắc những chiếc lá cây nhỏ, bông hoa, và chim chóc.

Trên một tấm gỗ nhỏ, Bố gọt thành một đường cong xinh xắn, quanh rìa khắc lá cây, bông hoa và ngôi sao, rồi cắt qua lớp gỗ thành vầng trăng lưỡi liềm và vòng xoắn làm hoa văn trang trí.

Chung quanh rìa của tấm gỗ nhỏ nhất, Bố khắc một dây nho đang trổ hoa.

Bố làm ra những mảnh gỗ bào nhỏ xíu, gọt dũa thật chậm rãi và thật tinh tế, tạo ra nhiều hình thể mà Bố nghĩ là xinh xắn.

Cuối cùng, Bố hoàn tất ba tấm gỗ, rồi đến một tối ghép lại với nhau. Khi xong xuôi, tấm lớn là phần hậu cảnh được gọt dũa đẹp đẽ cho một mặt thềm nhẵn hẹp nằm dọc theo phần giữa. Ngôi sao lớn ở ngay trên đỉnh. Tấm gỗ uốn cong đỡ lấy mặt thềm ở dưới, cũng được gọt dũa đẹp đẽ. Còn dây nho thì chạy dọc theo rìa của mặt thềm.

Bố đã làm ra cái giá đỡ ấy để làm quà Giáng Sinh cho Mẹ. Bố cẩn thận treo cái giá dựa theo bức tường gỗ súc giữa các khung cửa sổ, và Mẹ đặt một hình người phụ nữ nhỏ bằng sứ lên trên thềm.

Người phụ nữ nhỏ bằng sứ đội một chiếc mũ bằng sứ, và những lọn tóc quăn bằng sứ quấn quanh cổ. Hình người phụ nữ trông xinh đẹp, đứng trên thềm với hoa lá, chim chóc và trăng sao gọt dũa chung quanh, và một ngôi sao lớn phía trên cao nhất.

Mẹ bận rộn suốt ngày, nấu những món ăn ngon cho lễ Giáng Sinh. Mẹ nướng bánh mỳ bột nở muối, bánh mỳ lúa mạch đen, bánh quy Thụy Điển. Mẹ làm một xoong to đầy đậu bỏ lò, cùng với thịt lợn muối và mật mía. Mẹ cũng nướng những chiếc bánh dấm và bánh táo khô, nướng bánh quy để cho vào đầy các lọ, rồi khi xong xuôi cho Mary và Laura liếm chiếc thìa làm bánh.

2 be lam banh 2

Một buổi sáng, Mẹ đun mật mía cùng với đường cho đến khi thành một thứ xi rô quánh đặc, và Bố mang vào hai chiếc xoong đựng tuyết trắng sạch từ bên ngoài. Mary và Laura mỗi bé có một xoong, rồi Bố và Mẹ chỉ dẫn cho hai bé rót xi rô nâu sẫm thành những dòng nhỏ lên tuyết.

Mật tạo thành những vòng tròn, đường cong và nhiều hình thù uốn lượn khác, và tất cả những hình thù này đông cứng rất nhanh để thành món kẹo. Mary và Laura có thể nếm một mẩu, nhưng phải để dành các mẩu còn lại cho ngày Giáng Sinh.

Phải làm cho xong những công việc ấy bởi vì Dì Eliza, Chú Peter cùng ba đứa con tên Alice, Ella và Peter đang trên đường đến ngôi nhà nhỏ để dự lễ Giáng Sinh.

Họ đến một ngày trước Giáng Sinh. Mary và Laura nghe tiếng leng keng vui tai của những chiếc chuông nhỏ treo trên xe trượt tuyết, mỗi lúc tiếng leng keng càng nghe rõ thêm, rồi chiếc xe trượt tuyết chạy ra khỏi khu rừng và tiến đến cổng nhà. Dì Eliza, Chú Peter cùng các em họ đi trên xe ấy, tất cả được phủ dưới những lớp chăn, áo choàng và những tấm da bò rừng.

Tất cả đều mặc áo choàng dầy cùng với mũ chụp tai, khăn quấn quanh mặt và khăn choàng, đến nỗi họ trông như những cái bọc to, không ra hình thù gì cả.

Khi họ bước vào, ngôi nhà nhỏ chật kín những người là người. Con mèo Susan Đen chạy ra khỏi nhà, nấp trong chuồng gia súc, nhưng con chó Jack chạy nhảy lòng vòng trên tuyết, sủa liên hồi như không bao giờ muốn ngừng. Bây giờ hai bé có các em họ để cùng nhau chơi đùa!

Ngay sau khi Dì Eliza dỡ bỏ mọi lớp trang phục giữ ấm quanh thân người cho ba đứa con, thì Alice, Ella và Peter cùng với Mary và Laura bắt đầu chạy nhảy và la hét. Cuối cùng, Dì Aliza bảo ba trẻ đừng làm ồn ào. Rồi Alice nói với các trẻ kia:

“Em nói cho biết chúng mình phải làm gì. Mình chơi trò tạo hình đi.”

Alice nói chúng cần phải ra bên ngoài, và Mẹ bảo bên ngoài quá lạnh đối với Laura. Nhưng khi Mẹ thấy Laura tỏ vẻ thất vọng, Mẹ bảo bé có thể chơi đùa bên ngoài một chốc. Mẹ cho Laura mặc áo choàng, mang găng tay liền bốn ngón, đội mũ chụp đầu và quấn thêm chiếc khăn quàng cổ, rồi cho phép bé ra ngoài.

Laura chưa bao giờ được vui đến thế. Suốt buổi sáng, bé chơi đùa trên tuyết với Mary, Alice, Ella và Peter, cùng nhau tạo hình. Cách bọn trẻ làm là như thế này:

Mỗi đứa trẻ leo lên một gốc cây còn lại sau khi đốn, rồi tất cả cùng lúc giang rộng hai tay mà ngã úp mặt xuống lớp tuyết xốp và dầy. Rồi tất cả cố đứng dậy mà không làm hỏng dấu vết. Nếu tất cả đều đứng dậy thật khéo thì sẽ có năm dấu vết trên nền tuyết, có hình dạng y như bốn bé gái và một bé trai, có đủ cả hai tay và hai chân. Bọn trẻ gọi các dấu vết này là hình do chúng tạo ra.

Lam hinh tren tuyet

Bọn trẻ mê mải vui chơi cả ngày, nên khi màn đêm buông xuống chúng vẫn còn quá hào hứng đến nỗi khó mà ngủ được. Nhưng chúng phải đi ngủ, kẻo Ông Già Noel sẽ không đến. Thế là mỗi đứa treo chiếc bít tất của mình kế bên lò sưởi, cầu nguyện rồi lên giường. Bốn bé gái Mary, Laura, Alice, và Ella nằm chung trên chiếc giường rộng đặt trên nền nhà.

Bé Peter nằm trên giường gầm. Dì Eliza và Chú Peter sẽ ngủ trên một giường lớn khác, còn Bố và Mẹ sẽ nằm trên giường trong phòng gác mái. Tất cả áo choàng và các tấm chăn đã được mang vào từ chiếc xe trượt tuyết của Chú Peter, thế nên mọi người đều được phủ ấm.

Bố, Mẹ, Dì Eliza và Chú Peter ngồi trò chuyện bên lò sưởi. Ngay khi Laura đang bắt đầu thiu thiu đi vào giấc ngủ, bé nghe Chú Peter nói:

“Khi em phải đi Thành phố Lake, Eliza bị một phen hú hồn. Anh chị còn nhớ con chó tên Prince của em không?”

Laura lập tức tỉnh hẳn. Bé luôn muốn nghe chuyện về những con chó. Bé nằm im thin thít, nhìn ánh lửa lò sưởi lung linh trên các tường gỗ súc, lắng nghe Chú Peter kể chuyện.

Chú kể:

“ Chuyện là thế này: sáng sớm hôm ấy Eliza đi ra suối để lấy một xô nước, con Prince đi theo. Cô ấy vừa đi đến rìa hẻm núi, nơi có đường mòn dẫn xuống con suối, thì bỗng dưng con Prince cắn lấy thân sau váy cô mà kéo lại.

“ Anh chị biết đấy, Prince là một con chó lớn. Eliza la rầy nó, nhưng nó không chịu buông tha, rồi vì nó to và mạnh quá nên cô ấy không thoát ra khỏi nó được. Nó cứ vừa sủa vừa kéo cô ấy trở lại, cho đến lúc nó rứt ra một mảnh váy của cô ấy.”

Dì Eliza nói với Mẹ: “Đấy lại là bộ váy lam để làm mẫu dáng của em.”

Mẹ nói: “Ôi trời!”

Dì Eliza nói: “Con chó cắn rách một mảnh vải lớn ở thân sau chiếc váy. Em điên tiết ước chừng muốn đập cho nó một trận. Nhưng nó vẫn gầm gừ với em.”

Bố hỏi: “Con Prince mà lại gầm gừ với dì sao?”

Dì Eliza đáp: “Đúng thế.”

Chú Peter kể tiếp: “Thế rồi cô ấy muốn đi tiếp về phía con suối. Nhưng con Prince đã nhảy đến trước mặt cô ấy và nhe hai hàm răng ra. Nó chẳng màng gì đến việc cô ấy khuyên giải và la mắng nó, mà cứ nhe răng gầm gừ. Rồi khi cô ấy cố đi ngang qua nó thì nó cứ chặn lại và muốn táp lấy cô. Cô ấy sợ nhũn cả người.”

Mẹ đáp: “Chị nghĩ em sợ là phải!”

Dì Eliza nói: “Nó trông thật hung dữ, em nghĩ nó sắp táp em. Em tin nó có thể cắn em.”

Mẹ nói: “Chị chưa từng nghe có chuyện như thế. Rồi em phải làm sao?”

Dì Eliza đáp: “Em quay trở lại, chạy về đến nhà nơi bọn trẻ ở trong đó, rồi đóng chặt cửa lại.”

Chú Peter nói:

“ Dĩ nhiên là con Prince hung dữ với người lạ. Nhưng nó luôn hiền hòa với Eliza và bọn trẻ nên em thấy hoàn toàn yên tâm mà để mọi người kề cận bên nó. Eliza không thể hiểu được chuyện gì cả.

“ Sau khi cô ấy vào bên trong nhà, nó vẫn đi quanh quẩn bên ngoài mà gầm gừ. Mỗi khi cô ấy mở cánh cửa ra là nó lại nhảy xổ đến và nhe hàm răng ra đe dọa.”

Mẹ hỏi: “Nó đã nổi cơn điên rồi sao?”

Dì Eliza nói: “Em cũng nghĩ thế. Em không biết phải làm gì. Cứ bị giam hãm trong nhà cùng với bọn trẻ chứ không dám đi ra ngoài. Mà nhà thì không còn nước. Thậm chí em không thể lấy tuyết bên ngoài để đun cho tan. Mỗi lần em mở cửa dù chỉ khe khẽ thôi thì con Prince cứ như là muốn cấu xé em thành trăm mảnh.”

Bố hỏi: “Chuyện như thế kéo dài bao lâu?”

Dì Eliza đáp: “Cả ngày, cho đến gần chập tối. Peter đã mang súng đi theo, nếu không chắc em đã bắn nó rồi.”

Chú Peter kể:

“ Đến gần chập tối, nó nằm im trước cửa. Eliza nghĩ nó đã ngủ, nên quyết định thử đi ngang qua nó đến suối để lấy ít nước.

“ Thế là cô ấy mở cánh cửa thật nhẹ nhàng, nhưng nó thức dậy ngay. Khi con chó thấy cô ấy cầm cái xô trên tay, nó đứng dậy và đi phía trước cho đến con suối, y như mọi lần. Khi đến nơi, trên nền tuyết quanh con suối là những dấu chân còn mới của một con báo.”

Dì Eliza nói: “Dấu chân to bằng cả bàn tay của em.”

Chú Peter nói:

“Vâng, đấy là một chú báo to. Em chưa từng thấy dấu chân nào to như thế. Nếu buổi sáng con Prince để cho Eliza đi đến bờ suối thì con báo đã chộp lấy cô ấy rồi. Em quan sát các dấu vết thì nhận ra rằng con báo đã nằm trên cành cây sồi ngả ra con suối, rình rập một con mồi đến uống nước. Nếu Eliza đi đến thì chắc chắn nó sẽ vồ lấy cô ấy ngay.”

“ Màn đêm sắp buông xuống khi Eliza nhìn ra các dấu chân, nên cô ấy vội xách xô nước đi nhanh về. Con Prince đi theo sát phía sau, thỉnh thoảng ngoái nhìn lại phía hẻm núi.”

Dì Eliza nói: “Em cho nó theo em vào trong nhà; mọi người đều ở bên trong với nó mà chờ cho đến khi Peter trở về.”

Bố hỏi Chú Peter: “Chú có hạ được nó không?”

Chú Peter đáp: “Không. Em mang súng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm ra nó. Em thấy có thêm dấu chân. Nó đã đi về hướng bắc, sâu vào trong Rừng Đại Ngàn.”

Mary, Alice, và Ella bây giờ đã tỉnh ngủ hẳn. Laura dúi đầu dưới tấm chăn, thầm thì với Alice: “Kinh quá! Lúc ấy em có sợ không?”

Alice thầm thì rằng mình sợ, nhưng bảo Ella còn sợ hơn. Ella thầm thì trả lời rằng bé không sợ gì cả mấy chuyện như thế.

Alice lại thầm thì: “Đúng rồi, em chỉ mè nheo chuyện em khát nước.”

Bốn trẻ to nhỏ chuyện trò với nhau cho đến lúc Mẹ nói: “Này Charles, có anh kéo đàn thì bọn trẻ mới ngủ được.” Thế là Bố với lấy cây vĩ cầm.

Gian phòng tĩnh lặng, ấm cúng và được lấp đầy ánh lửa lò sưởi. Những cái bóng của Mẹ, của Dì Eliza và của Chú Peter loang rộng lập lờ trên các bức tường trong ánh lửa bập bùng, trong khi cây đàn của Bố vang lên những nốt nhạc vui.

Bố kéo đàn theo tiết tấu của các bản nhạc Money musk [Làng Monymusk], The red Heifer [Con bò lông đỏ], The devil’s dream [Giấc mộng của quỷ], và The Arkansas traveler [Người lữ hành Arkansas].

Rồi Laura chìm dần vào giấc ngủ trong khi Bố hát theo tiếng đàn:

Hỡi người yêu Nelly Grey
chúng bắt em đi mất tăm hơi
Giờ đây anh không trông thấy
em đâu nữa rồi!
[I]

Buổi sáng, mọi người thức dậy hầu như cùng một lúc. Họ nhìn đến những chiếc bít tất, và thấy có món gì đấy bên trong. Ông già Noel đã đến đây. Laura, Alice và Ella trong các bộ áo ngủ bằng vải flanen mầu đỏ cùng Peter trong áo sơ mi ngủ cũng bằng vải flanen mầu đỏ vừa reo lên vừa chạy đến xem Ông già Noel đã mang đến món quà gì.

Trong mỗi chiếc bít tất là một cặp găng tay liền bốn ngón mầu đỏ, có thêm một thỏi kẹo bạc hà dài với những sọc đỏ và trắng, tất cả đều được khắc đẹp đẽ ở mỗi bên.

Bọn trẻ quá vui mừng nên thoạt đầu không biết nói gì, chỉ có những đôi mắt rạng rỡ ngắm nhìn món quà Giáng Sinh dễ thương. Nhưng Laura là người hả hê nhất: bé có thêm một con búp bê làm từ vải vụn.

Đấy là một con búp bê xinh đẹp, có khuôn mặt bằng vải trắng và đôi mắt là hai chiếc cúc đen. Đôi lông mày được vẽ bằng bút chì đen, còn đôi má và đôi môi được tô hồng bằng nước dâu đỏ. Mái tóc là những sợi chỉ thô đen đã được đan rồi tháo ra, tạo thành kiểu dáng tóc quăn.

Con búp bê mang bít tất cao làm bằng vải flanen đỏ, vải đen may thành đôi giầy, còn bộ áo làm bằng vải trúc bâu mầu hồng và xanh lam.

Con búp bê trông xinh xắn đến nỗi Laura không thể thốt nên lời nào. Bé chỉ biết ôm chặt lấy nó mà quên bẵng mọi chuyện khác. Bé không nhận ra mọi người đang nhìn đến mình, cho đến lúc Dì Eliza nói:

“Xem hai con mắt đang tròn xoe kìa!”

Các trẻ gái khác không cảm thấy ganh tị khi Laura đã có găng tay và kẹo lại thêm con búp bê, bởi vì Laura nhỏ nhất trong đám, chỉ lớn hơn em bé Carrie và đứa con nhỏ của Dì Eliza tên là Dolly Varden. Hai em bé này còn quá nhỏ nên chưa biết chơi búp bê, và cũng chưa biết đến Ông già Noel. Hai em bé chỉ biết đưa ngón tay vào miệng nút và quẫy đạp vì không khí rộn ràng chung quanh.

Laura ngồi ôm con búp bê bên thành giường. Bé thích đôi găng tay đỏ và thỏi kẹo, nhưng bé yêu quý con búp bê nhất. Bé đặt tên cho nó là Charlotte.

Qua Noel

Mỗi đứa trẻ xem qua đôi găng tay của trẻ khác rồi mang thử đôi của mình. Peter cắn lấy một mảnh lớn từ thỏi kẹo, nhưng bốn bé gái Mary, Laura, Alice và Ella chỉ mút thỏi kẹo để thưởng thức được lâu hơn.

Chú Peter nói: “Này, này! Không có chiếc bít tất nào chỉ có một cây roi hở? Chao ôi, tất cả các con đều là bé ngoan hay sao?”

Nhưng các trẻ đều tin rằng Ông già Noel không thể nào chỉ cho một cây roi. Vài đứa trẻ khác có thể là thế, nhưng các trẻ này thì không. Đã phải cố gắng lắm để làm bé ngoan mỗi lúc, mỗi ngày, suốt cả năm.

Dì Eliza nói: “Anh Peter à, không nên trêu ghẹo bọn trẻ.”

Mẹ bảo: “Này Laura, con sẽ cho chị em ẵm búp bê của con chứ?” Ý Mẹ muốn nói là: “Con gái nhỏ không được ích kỷ.”

Thế là Laura trao con búp bê xinh xắn cho Mary, rồi Alice ẵm trong một phút, rồi đến phiên Ella. Các bé gái vuốt ve bộ quần áo đẹp đẽ của con búp bê, ngắm nhìn đôi bít tất đỏ bằng vải flanen và đôi giầy, cùng mái tóc uốn quăn. Nhưng Laura cảm thấy vui vì sau cùng Charlotte lại được yên ổn trong vòng tay của mình.

Còn Bố và Chú Peter mỗi người nhận được một đôi găng tay liền bốn ngón mới, ấm áp, được đan với những hình vuông nhỏ mầu đỏ và trắng. Đấy là do bàn tay của Mẹ và Dì Eliza đan.

Dì Eliza đã mang đến cho Mẹ một quả táo đỏ to được cắm đầy đinh hương trên vỏ. Mùi thơm làm sao! Quả táo sẽ giữ tươi được lâu, vì nhiều đinh hương như thế sẽ giúp bảo quản tốt và cho mùi thơm ngọt.

Mẹ tặng cho Dì Eliza một tập nhỏ đựng kim, có những mảnh lụa để bọc lại và vải flanen để cắm kim vào. Vải flanen giúp giữ cho kim may không bị gỉ sét.

Mọi người đều thích thú chiêm ngưỡng cái giá đỡ của Mẹ. Dì Eliza nói rằng dĩ nhiên là Chú Peter cũng làm cho dì một cái giá đỡ, với hoa văn đẽo gọt khác nhau.

Gia dinh

Ông già Noel không tặng người lớn món quà gì cả, nhưng điều này không có nghĩa là người lớn không tốt. Bố và Mẹ đều là người tốt. Bố và Mẹ là người lớn nên không có quà của Ông già Noel, và người lớn phải tặng quà cho nhau.

Rồi thì phải để các món quà qua một bên. Bé Peter đi ra ngoài cùng với Bố và Chú Peter để làm các công việc, Alice và Ella phụ giúp Dì Eliza dọn giường, Mary và Laura sắp đặt bàn ăn, còn Mẹ chuẩn bị món ăn sáng.

Bữa ăn sáng có bánh rán, và Mẹ làm một chiếc bánh rán hình người cho mỗi trẻ. Mẹ gọi từng đứa cầm đĩa đến, đứng gần bếp để quan sát. Mẹ cầm một thìa đựng đầy bơ rót lên hai tay, hai chân và đầu của người bánh rán. Thật là thích thú khi trông thấy Mẹ lật người bánh rán lại, nhẹ nhàng và gọn gàng, trên chảo nóng. Khi bánh đã chín, Mẹ đặt chiếc bánh còn bốc hơi lên đĩa.

Peter ăn ngay phần đầu của người bánh rán. Nhưng bốn bé gái Alice, Ella, Mary và Laura ăn chầm chậm từng mảnh, trước tiên là hai chân và hai tay, chừa lại đầu cho phần cuối.

Hôm nay tiết trời lạnh đến nỗi các bé không thể chơi đùa bên ngoài, nhưng có đôi bít tất mới để chiêm ngưỡng và thỏi kẹo để mút. Bọn trẻ cũng ngồi với nhau để xem những hình vẽ trong quyển Kinh Thánh, và hình vẽ của mọi loại thú và chim chóc trong quyển sách mầu xanh lục của Bố. Laura lúc nào cũng ẵm Charlotte trong vòng tay.

Rồi đến bữa ăn chiều Giáng Sinh. Mary, Laura, Alice, Ella và Peter không nói tiếng nào ở bàn ăn vì biết trẻ con chỉ được người lớn dòm ngó chăm sóc chứ không được nói xen với người lớn. Nhưng chúng không cần lên tiếng yêu cầu tiếp thêm thức ăn. Mẹ và Dì Eliza cứ tiếp đầy đĩa cho các trẻ và muốn chúng ăn các món ngon tùy thích. Dì Eliza bảo: “Mỗi năm chỉ có một kỳ Giáng Sinh.”

Phải dùng bữa chiều Giáng Sinh sớm bởi vì Dì Eliza, Chú Peter và các em họ còn phải quay về nhà qua một chặng đường dài.

Chú Peter nói: “Mấy con ngựa tuy khỏe nhưng khó mà đưa gia đình chúng em về nhà trước khi trời tối.”

Thế là ngay sau khi dùng bữa tối xong, Chú Peter và Bố đi ra ngoài để thắng các con ngựa vào chiếc xe trượt tuyết, trong khi Mẹ và Dì Eliza lo mặc cho bọn trẻ các thứ áo choàng và mũ mãng để chống lạnh.

Họ mang thêm đôi bít tất len dầy chồng lên đôi bít tất và đôi giầy họ đang mang. Họ mang găng tay, áo choàng, mũ trùm đầu và khăn quàng vai, thêm khăn choàng cổ và khăn len dầy che kín cả mặt mũi. Mẹ cho vào túi áo của họ mấy củ khoai tây đã nướng chín để giữ cho ngón tay được ấm. Dì đã nung nóng các bàn ủi trong lò nướng, sẵn sàng để đặt trên xe trượt tuyết. Các tấm chăn và các tấm da bò rừng cũng đã được ủ ấm.

Thế là cả gia đình Chú Peter lên xe trượt tuyết, được giữ ấm cúng, và Bố tấn chung quanh họ tấm chăn cuối cùng.

Mọi người kêu lên “Tạm biệt! Tạm biệt!”, rồi họ ra đi, các con ngựa phi nước kiệu vui vẻ, tiếng chuông vang leng keng.

Chỉ trong chốc lát, tiếng chuông vui nhộn tắt hẳn, thế là Giáng Sinh đã trôi qua. Nhưng một kỳ Giáng Sinh hạnh phúc làm sao!

Những ngày Chủ Nhật

Bây giờ, mùa đông có vẻ như kéo dài lê thê. Mary và Laura bắt đầu cảm thấy chán nản vì bị gò bó trong nhà. Đặc biệt là các ngày Chủ Nhật, khi thời gian trôi qua thật chậm.

Mỗi ngày Chủ Nhật, Mary và Laura được ăn vận thật đẹp với bộ trang phục tốt nhất, thêm dải ruy băng cột trên mái tóc. Hai chị em thật sạch sẽ, bởi vì đã được tắm rửa vào tối Thứ Bảy.

Mùa hè, họ tắm bằng nước suối. Nhưng vào mùa đông, Bố mang tuyết sạch đổ vào chậu rồi đun chảy trên bếp. Kế bên bếp lò ấm áp, phía sau tấm chăn phủ qua hai chiếc ghế, Mẹ tắm rửa cho Laura rồi đến Mary.

Laura được tắm trước bởi vì bé nhỏ hơn Chị Mary. Bé phải đi ngủ sớm tối Thứ Bảy, cùng với con búp bê Charlotte, bởi vì sau khi đã tắm rửa sạch sẽ và mặc vào bộ áo ngủ sạch sẽ, Bố phải tháo nước trong chậu rồi đổ nước đun từ tuyết vào để Mary tắm. Rồi sau khi Mary đã lên giường, Mẹ tắm rửa sau tấm chăn, và đến phiên Bố. Thế là tất cả đều sạch sẽ, để chuẩn bị cho ngày Chủ Nhật.

Vào các ngày Chủ Nhật, Mary và Laura không được phép chơi đùa ồn ào. Mary không thể khâu gì trên tấm chăn bông ghép nhiều mảnh, còn Laura không được phép đan tiếp đôi găng cho em bé Carrie. Hai chị em có thể ngắm nhìn hai con búp bê, nhưng không được làm gì mới. Hai bé không được phép may gì thêm cho hai con búp bê, ngay cả việc dùng kim để ghép thêm vải cũng không được.

Hai chị em phải ngồi im lặng nghe Mẹ kể những mẩu truyện trong Kinh Thánh, hoặc những mẩu truyện về các con sư tử, hổ và gấu trắng trong quyển sách dầy mầu xanh lục của Bố mang tựa Những điều kỳ thú trong thế giới động vật. Hai bé có thể xem các hình vẽ hoặc có thể ôm con búp bê mà trò chuyện tử tế. Nhưng không được làm gì khác.

Laura thích những hình ảnh trong quyển Kinh Thánh dầy, có bìa bằng vải. Thích nhất là tấm hình ông Adam đang đặt tên cho các con vật.

Adam ngồi trên một tảng đá, tất cả các con vật từ nhỏ nhất đến lớn nhất tề tựu chung quanh, nôn nóng muốn biết mỗi con thuộc loại gì. Adam trông thật thoải mái. Ông không cần phải cẩn thận giữ cho quần áo được sạch sẽ, bởi vì ông không mặc quần áo. Ông chỉ khoác một tấm da thú quanh người.

Laura hỏi Mẹ: “Vào ngày Chủ Nhật, ông Adam có mặc quần áo tốt không?”

Mẹ đáp: “Không. Tội nghiệp ông Adam, chỉ có da thú để khoác lên người.”

Ghet Chu Nhat

Laura không thấy tội nghiệp cho ông Adam. Bé ước gì mình chỉ cần khoác da thú.

Một ngày Chủ Nhật nọ, sau bữa ăn chiều Laura không thể chịu đựng được nữa. Bé bắt đầu chơi đùa với con chó Jack, và chỉ sau vài phút bé đã chạy nhảy và la hét. Bố bảo bé ngồi trên ghế mà giữ im lặng, nhưng khi ngồi xuống bé bắt đầu rấm rứt khóc và lấy gót chân đá chiếc ghế.

Laura nói: “Con ghét ngày Chủ Nhật.”

Bố đặt quyển sách ông đang đọc xuống và nghiêm khắc nói: “Laura, con đến đây.”

Laura bước lê hai chân vì biết mình đáng bị đánh đòn. Nhưng khi bé đến bên Bố, ông buồn rầu nhìn bé một lúc, rồi nhấc bé lên ngồi trên hai đầu gối ông mà nựng nịu. Ông đưa tay kia đến đón Mary ngồi cùng, và nói:

“Để Bố kể cho hai con nghe câu chuyện khi Ông Nội còn nhỏ.”

Câu chuyện về chiếc xe trượt tuyết của Ông Nội và con lợn

“ Laura à, khi Ông Nội của con còn nhỏ, Chủ Nhật không bắt đầu vào buổi sáng Chủ Nhật như bây giờ. Nó bắt đầu tối Thứ Bảy. Lúc ấy mọi người phải ngưng lại mọi công việc hay chơi đùa.

“ Trong bữa ăn chiều phải tỏ ra nghiêm trang. Sau bữa ăn chiều, Ông Cố đọc to lên một chương trong Kinh Thánh, trong khi mọi người ngồi ngay ngắn và lặng thinh trên ghế. Rồi tất cả quỳ xuống trong khi Ông Cố đọc một bài cầu nguyện dài. Khi ông nói ‘Amen,’ họ đứng lên, mỗi người nhận lấy một cây nến rồi lên giường. Họ phải đi thẳng đến giường, không được chơi đùa, cười giỡn, thậm chí trò chuyện cũng không được.

“ Sáng Chủ Nhật, mọi người dùng điểm tâm với thức ăn nguội, bởi vì ngày Chủ Nhật không được nấu nướng gì cả. Rồi họ ăn mặc những bộ quần áo đẹp nhất mà đi nhà thờ. Họ chỉ đi bộ, bởi vì thắng yên cương cho ngựa là công việc, mà không được làm công việc gì vào ngày Chủ Nhật.

“ Mọi người phải đi chầm chậm và trang nghiêm, nhìn thẳng về phía trước. Họ không được đùa cợt hoặc cười giỡn, thậm chí mỉm cười nhẹ cũng không được. Ông Nội cùng hai người anh của ông đi trước, rồi đến Ông Cố và Bà Cố đi sau.

“ Trong nhà thờ, Ông Nội cùng hai người anh phải ngồi nghiêm chỉnh trong hai tiếng đồng hồ để nghe bài giảng. Ba người không dám động đậy trên chiếc băng ghế cứng. Ba người không dám đong đưa hai chân. Ba người không dám quay đầu nhìn ra các cửa sổ hoặc bức tường hoặc nhìn lên trần nhà thờ. Ba người phải ngồi tuyệt đối bất động, mắt phải luôn luôn nhìn cha cố giảng đạo.

“ Khi xong lễ nhà thờ, mọi người chầm chậm bước về nhà. Họ có thể trò chuyện trên đường đi, nhưng không được nói lớn tiếng và không bao giờ được cười. Ở nhà họ ăn bữa tối với thức ăn nguội đã được nấu ngày hôm trước. Rồi suốt cả buổi chiều họ phải ngồi thành một hàng trên băng ghế mà nghiên cứu sách giáo lý, cho đến khi màn đêm buông xuống và thế là chấm dứt ngày Chủ Nhật.

“ Thuở ấy, nhà của Ông Nội nằm ở giữa quãng đường dọc triền dốc của một ngọn đồi. Con đường đi từ đỉnh đồi xuống đến chân đồi, ngang qua cổng trước ngôi nhà, và trong mùa đông, con có thể hình dung con đường ấy là chốn tuyệtnhất để đi xe trượt tuyết dọc triền đồi.

“ Có một tuần nọ, Ông Nội cùng hai người anh, Ông James và Ông George, đang đóng một xe trượt tuyết mới. Mỗi khi có thời gian chơi đùa là ba người lo đóng xe trượt tuyết. Đấy là chiếc xe trượt tuyết tốt nhất mà họ từng đóng được, và nó dài đến mức cả ba cậu bé có thể ngồi lên, người này phía sau người kia. Họ dự tính làm xong cho kịp buổi chiều Thứ Bảy trượt tuyết xuống triền đồi. Bởi vì mỗi buổi chiều Thứ Bảy họ có hai hoặc ba tiếng đồng hồ chơi đùa.

“ Nhưng trong tuần lễ ấy, Ông Cố, tức cha của ba người, đang đốn cây trong Rừng Đại Ngàn. Ông Cố đang làm việc cật lực và giữ ba anh con trai cùng làm việc với ông. Sáng sớm họ làm mọi công việc nhà bên ánh sáng đèn lồng, rồi khi mặt trời lên họ làm công việc nặng nhọc trong rừng. Họ làm việc cho đến khi trời tối, và còn nhiều việc khác nữa trong nhà, rồi sau bữa ăn chiều phải đi ngủ sớm để sáng hôm sau phải thức dậy sớm.

“ Cho đến chiều Thứ Bảy, ba cậu con trai mới có thời giờ để đóng tiếp chiếc xe trượt tuyết. Họ cố làm cho nhanh, nhưng mãi đến khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy công việc mới xong.

“ Sau khi mặt trời lặn, họ không thể trượt tuyết xuống triền đồi, cho dù muốn thử một lần vẫn không được phép. Làm như thế là vi phạm lề luật Sa-bát. Thế là ba cậu con trai phải cất xe trượt tuyết vào kho phía sau ngôi nhà, để chờ cho Chủ Nhật qua đi.

“ Ngày hôm sau, suốt hai tiếng đồng hồ dài ở nhà thờ, trong khi phải giữ hai chân không động đậy và mắt phải nhìn cha cố giảng đạo, đầu óc của họ chỉ nghĩ đến chiếc xe trượt tuyết. Sau bữa ăn chiều, Ông Cố ngồi đọc Kinh Thánh, trong khi Ông Nội, Ông James và Ông George ngồi im thin thít trên băng ghế với sách giáo lý. Nhưng ba người chỉ nghĩ đến chiếc xe trượt tuyết.

“ Mặt trời vẫn tỏa sáng, tuyết phẳng phiu và lóng lánh trên con đường; ba người có thể nhìn thấy quang cảnh qua cửa sổ. Đấy là một ngày tuyệt vời để lao xuống triền đồi trên xe trượt tuyết. Ba người nhìn vào sách giáo lý mà tâm trí chỉ nghĩ về chiếc xe, thấy ngày Chủ Nhật kéo dài đằng đẵng.

“ Sau một hồi lâu, ba người nghe tiếng ngáy. Họ nhìn qua Ông Cố và thấy ông đã ngả dựa đầu ra sau trên chiếc ghế, đang ngủ khò.

Tron Ong Co

“ Ông James nhìn qua Ông George, rồi Ông James đứng dậy, rón rén bước ra khỏi phòng rồi đi qua cửa sau. Ông George nhìn qua Ông Nội, rồi Ông George rón rén đi theo Ông James. Ông Nội e dè nhìn qua Ông Cố, nhưng rồi cũng rón rén đi theo Ông George và để Ông Cố ngồi ngáy.

“ Ba người mang chiếc xe trượt tuyết đi lên đỉnh đồi. Họ định chỉ trượt xuống một lần thôi. Rồi họ sẽ mang xe trượt tuyết đi cất, lẻn vào đến băng ghế và sách giáo lý trước khi Ông Cố thức dậy.

“Ông James ngồi phía trước, tiếp theo là Ông George rồi đến Ông Nội bởi vì ông nhỏ nhất. Chiếc xe trượt tuyết bắt đầu trượt xuống, khởi đầu chầm chậm rồi nhanh hơn và nhanh hơn nữa. Nó lướt dài, có lúc bay bổng, dọc theo triền đồi dốc, nhưng ba cậu bé không dám reo hò tiếng nào. Ba cậu con trai phải giữ im lặng mà trượt qua ngôi nhà kẻo đánh thức Ông Cố.

“ Không có âm thanh gì cả, chỉ có ít tiếng lạo xạo của chiếc xe trên mặt tuyết và tiếng gió thổi ngược về phía sau.

“ Rồi thì trong khi chiếc xe trượt tuyết đang lao xuống về phía ngôi nhà, một con lợn đen to chạy ra khỏi khu rừng. Nó đến giữa con đường rồi đứng ở đấy.

“Chiếc xe trượt tuyết đang lao nhanh xuống dốc nên không thể nào dừng được. Nó lao nhanh phía dưới bụng con lợn và nhấc bổng lấy con vật lên. Kêu ‘Éc’ một tiếng, con vật ngồi trên James, và rồi cứ kêu la lên những tiếng dài ‘E-E-Ééc-ééc-ééc! E-E-Ééc-ééc-ééc-ééc!’

“ Chiếc xe lao qua trước ngôi nhà, con lợn ngồi phía trước, ngồi kế theo sau là Ông James, rồi đến Ông George, rồi đến Ông Nội, và ba người thấy Ông Cố đang đứng ở bậc thềm nhìn ra. Ba cậu con trai không thể dừng lại, không thể lẩn trốn, cũng không có thời giờ để nói câu nào. Họ tiếp tục lao xuống triền đồi, con lợn vẫn ngồi trên Ông James mà kêu la eng éc.

Xe truot tuyet va con lon“ Xuống đến chân đồi, chiếc xe trượt tuyết dừng lại. Con lợn nhảy ra khỏi người Ông James rồi chạy vào rừng, vẫn còn kêu la eng éc.

“ Ba cậu con trai chầm chậm và nghiêm trang đi ngược lên triền đồi, rồi mang chiếc xe trượt tuyết đi cất. Họ khẽ khàng đi vào nhà và lặng thinh bước đến chỗ ngồi trên băng ghế. Ông Cố đang đọc Kinh Thánh. Ông ngẩng đầu lên nhìn ba cậu con trai mà không nói lời nào.

“ Rồi Ông Cố tiếp tục đọc Kinh Thánh và ba cậu con trai tiếp tục nghiên cứu giáo lý.

“ Nhưng đến khi mặt trời lặn và ngày Sa-bát qua đi, Ông Cố dẫn ba cậu vào nhà kho để phạt họ bằng roi, bắt đầu là Ông James rồi đến Ông George rồi đến Ông Nội.

“ Mary và Laura à, như hai con biết đấy, hai con có thể thấy khó mà làm bé ngoan, nhưng nên thấy mừng là bây giờ làm bé ngoan còn dễ hơn là thời xưa khi Ông Nội còn nhỏ.”

Laura hỏi: “Các bé gái lúc ấy có phải ngoan như thế không?”

Mẹ trả lời: “Đối với con gái thì khó hơn. Bởi vì lúc nào con gái cũng phải có tư cách như quý cô nhỏ tuổi, chứ không phải chỉ ngày Chủ Nhật. Các bé gái không bao giờ được chơi xe trượt tuyết như con trai. Các bé gái phải ngồi trong nhà lo tập may vá”.

Bố nói: “Bây giờ để Mẹ đưa hai con đi ngủ,” rồi ông mang chiếc đàn từ trong hộp ra.

Mary và Laura nằm trên giường mà nghe các bài thánh ca ngày Chủ Nhật, bởi vì vào ngày Chủ Nhật ngay cả cây đàn cũng không được chơi những bài hát ngày thường.

Bố vừa kéo đàn vừa hát:

Hòn Thiên thu, hãy mở cho tôi Để tôi trú, che chở cho tôi[J]

Rồi ông hát qua bài khác:

Hãy tiến đến tít chân trời nơi xa xăm
Nằm trên hoa lá âm thầm
Người mong ganh đấu chiến thắng lẫy lừng
Chèo qua biển máu lặng câm
[K]

Laura bắt đầu bay bổng theo tiếng đàn, rồi sau đấy bé nghe tiếng động lanh canh, và thấy Mẹ đứng bên bếp lò đang chuẩn bị cho bữa ăn sáng. Buổi sáng Thứ Hai đã đến, và phải trọn một tuần nữa Chủ Nhật mới trở lại.

Sáng hôm ấy, khi Bố bước vào để dùng điểm tâm ông tóm lấy Laura và nói phải đánh bé một trận.

Thoạt đầu, Bố giải thích rằng hôm nay là sinh nhật của bé, thế nên cần phải đánh đòn bé cho bé lớn lên năm kế tiếp. Rồi ông đánh bé thật nhẹ và cẩn thận nên không làm đau bé chút nào cả.

Bố vừa phát vào mông bé chầm chậm vừa đếm: “Một – hai – ba – bốn – năm – sáu,” mỗi phát là một năm tuổi, và phát đánh cuối kêu rõ to để nhờ đấy mà Laura lớn lên. Rồi Bố tặng bé một hình người nhỏ bằng gỗ mà Bố đã gọt từ một khúc cây, để bầu bạn với Charlotte. Mẹ cho bé năm chiếc bánh, mỗi chiếc cho một năm bé sống cùng với Bố và Mẹ. Còn Mary tặng bé một chiếc áo mới cho Charlotte. Mary đã tự may chiếc áo ấy, khi Laura ngỡ là chị đang may đồ chơi khác.

Tối hôm ấy, để làm quà sinh nhật đặc biệt cho Laura, Bố chơi bài Pop! Goes the weasel [Bốp! chồn biến đi rồi].

Pa dan violin

Bố ngồi cùng với Laura và Mary tựa sát đầu gối ông khi ông chơi đàn. Ông nói:

“Xem này. Xem cho kỹ, rồi lần này hai con có thể thấy con chồn nhảy ra.” Rồi Bố hát:

Cần mười xu mà mua ống chỉ tròn
Lại thêm mười xu kim may vá
Tiền để tiêu chỉ có đến thế thôi[L]

Mary và Laura nghiêng người sát hơn, chăm chú nhìn, vì biết sắp đến lúc.

Bốp! (Ngón tay của Bố phát tiếng trên dây đàn)
Chồn biến đi rồi! (tiếng đàn phát ra, rõ ràng là thế.)”

Nhưng Mary và Laura không thấy ngón tay của Bố làm cho dây đàn bật lên.

Hai bé khẩn cầu: “Xin Bố đàn lại, đàn lại đi!”

Đôi mắt xanh lam của Bố sáng lên, Bố cười rạng rỡ rồi lại vừa kéo đàn vừa hát:

Vòng vòng quanh ông thợ sửa đế giầy
Hầu tinh, chồn ta theo đuổi bắt
Rồi thầy tu lại ôm lấy cô nàng
Bốp! Chồn biến đi rồi!

Lúc này hai bé vẫn không thể thấy ngón tay của Bố bật lên dây đàn. Bố ra tay nhanh quá khiến cho hai bé không bắt kịp.

Thế là hai bé cười nắc nẻ mà đi lên giường, nằm nghe Bố tiếp tục đàn và hát:

Ngày xa xưa có một bác Ned già
Và bác đã khuất bóng lâu, từ lâu
Đầu bác trọc hết, không có chút tóc nào
Nơi tóc đáng lý ra phải đen mầu

Bàn tay bác có những móng rất dài
Đôi mắt bác đã không còn tinh
Hàm răng trơ hết không cắn nổi bánh này
Để bánh nguyên, người teo khô ngắm nhìn

Bác quá yếu đến không nhấc nổi cuốc cầy
Đặt xuống cây vĩ với chiếc đàn dây
Việc ngoài nương bác phải đành bỏ hết
Rồi bác buông mình bên mộ chốn này
[M]

Hai con gấu to

Rồi một ngày Bố nói mùa xuân sắp trở lại. Tuyết bắt đầu tan trong Rừng Đại Ngàn. Từng nùi tuyết từ trên các cành cây rơi xuống tạo nên những lỗ nhỏ qua lớp tuyết mềm trên nền đất. Đến giữa trưa, tất cả các thỏi băng to dưới hiên nhà đều rung rẩy và lấp lánh dưới ánh mặt trời, từng giọt nước treo lửng lơ ở mũi của các thỏi băng.

Bố nói ông cần đi thị trấn để bán các bộ da do ông bẫy được thú hoang dã trong mùa đông. Thế là vào một buổi tối ông cột các bộ da thành một bó. Có nhiều bộ da đến nỗi khi Bố cột chặt lại với nhau, ông có một bó to gần bằng thân người ông.

Một buổi sáng sớm, Bố cột bó da trên đôi vai rồi bắt đầu đi bộ đến thị trấn. Phải mang nhiều bộ da nên Bố không thể mang súng theo.

Mẹ lo lắng, nhưng Bố nói vì ông ra đi trước khi trời sáng và bước thật nhanh cả ngày, ông có thể trở về đến nhà trước khi trời tối.

Thị trấn gần nhất vẫn cách xa nhà. Mary và Laura chưa từng trông thấy một thị trấn. Hai bé chưa từng trông thấy một cửa hàng. Thậm chí hai bé còn chưa từng trông thấy hai ngôi nhà liền kề nhau. Nhưng hai bé biết trong một thị trấn có nhiều ngôi nhà, và có một cửa hàng đầy bánh kẹo, vải trúc bâu và những món tuyệt vời khác – phấn thoa người, đạn cho khẩu súng, muối, và đường.

Cả nhà biết Bố sẽ đổi các bộ da với chủ cửa hàng để lấy những món đẹp đẽ từ thị trấn, và suốt ngày họ mong chờ những món quà ông sẽ mang về. Khi mặt trời đã xuống đến ngang đầu các ngọn cây và nước không còn nhỏ giọt từ mũi các thỏi băng, họ bắt đầu bồn chồn trông ngóng Bố.

Mặt trời đã khuất khỏi tầm nhìn, khu rừng đã trở nên tối tăm, nhưng Bố chưa về. Mẹ nấu bữa ăn chiều và bày bàn ăn, nhưng Bố chưa về. Đã đến lúc phải làm các công việc nhà, nhưng Bố vẫn chưa về.

Mẹ bảo Laura có thể đi cùng trong khi bà vắt sữa bò. Laura có thể giúp cầm đèn lồng.

Thế là Laura khoác chiếc áo choàng vào và Mẹ giúp cài các chiếc cúc cho bé. Laura xỏ tay vào đôi găng đỏ đang treo quanh cổ bé bằng một sợi dây cũng mầu đỏ, trong khi Mẹ thắp cây nến trong đèn lồng.

Laura cảm thấy hãnh diện được giúp Mẹ trong việc vắt sữa bò, và bé cầm chiếc đèn lồng rất cẩn thận. Vỏ ngoài chiếc đèn làm bằng thiếc, được cắt ra thành những khe hở để ánh sáng bên trong chiếu ra.

Khi Laura bước theo sau Mẹ trên đường mòn dẫn đến chuồng gia súc, những đốm nhỏ của ánh sáng cây nến nhảy múa chung quanh bé trên nền tuyết. Đêm chưa tối hẳn. Khu rừng thì tối, nhưng có ánh sáng xám chiếu lên con đường mòn phủ tuyết, và trên trời lờ mờ những vì sao. Những vì sao ấy trông không có vẻ gì là ấm cúng và soi rọi như là các tia sáng nhỏ phát ra từ chiếc đèn lồng.

Laura ngạc nhiên thấy hình thù sẫm mầu của Sukey, con bò có bộ lông nâu, đang đứng ở cổng sân chuồng. Mẹ cũng lấy làm ngạc nhiên.

Thời tiết mùa xuân này vẫn còn quá sớm nên chưa thể thả con Sukey ra Rừng Đại Ngàn để ăn cỏ. Nó ở trong chuồng. Nhưng đôi lúc trong những ngày ấm áp, Bố đã để cổng chuồng mở sẵn cho nó đi ra ngoài sân. Bây giờ Mẹ và Laura thấy nó đứng phía sau các chấn song, đang chờ đợi hai người.

Mẹ tiến đến đẩy cánh cổng để mở ra. Nhưng cánh cổng chỉ mở được một ít, bởi vì con Sukey đang đứng chắn ngang.

Me danh con gau

Mẹ gọi: “Sukey, tránh ra!” Bà đưa tay qua cánh cổng và đánh lên vai con Sukey.

Ngay lúc ấy, một tia sáng lập lòe từ chiếc đèn lồng chiếu giữa các chấn song, và Laura nhận ra bộ lông dài, bờm xờm, mầu đen, cùng hai con mắt nhỏ chiếu long lanh.

Sukey có lông mỏng, ngắn, mầu nâu. Sukey có đôi mắt to, hiền hòa.

Mẹ nói: “Laura, đi về nhà.”

Thế là Laura quay mình đi về hướng ngôi nhà. Mẹ đi theo. Khi mới đi vài bước, Mẹ nhấc bổng Laura lên cùng với chiếc đèn, và chạy. Mẹ ôm Laura chạy nhanh vào trong nhà rồi đóng cánh cửa lại.

Laura hỏi: “Mẹ ạ, có phải đấy là con gấu không?”

Mẹ đáp: “Phải. Đấy là con gấu.”

Laura bắt đầu khóc. Cô ôm lấy Mẹ, nức nở: “Mẹ ơi, nó sẽ ăn thịt Sukey chứ?”

Mẹ ôm lấy bé, đáp: “Không. Sukey được an toàn trong chuồng. Laura, con nghĩ xem – mấy súc gỗ to và nặng chắn thành các bức tường của chuồng. Còn cánh cửa thì nặng và chắc chắn nhằm ngăn chặn gấu. Không, con gấu không vào được để ăn thịt Sukey đâu.”

Laura cảm thấy an tâm hơn. Bé hỏi: “Nhưng đáng lẽ nó có thể làm hại mẹ con mình, phải không?”

Mẹ đáp: “Nó đã không làm hại được mẹ con mình. Laura à, con là bé ngoan vì đã làm đúng như lời Mẹ dặn, lại còn làm nhanh nữa mà không hỏi tại sao.”

Mẹ đang run rẩy, nhưng rồi bắt đầu cười khúc khích. Mẹ nói: “Nghĩ mà xem! Mẹ đã đánh một con gấu!”

Rồi Mẹ dọn thức ăn tối trên bàn cho Mary và Laura. Bố vẫn chưa về. Đêm nay Bố không về.

Mary và Laura thay trang phục rồi cầu nguyện và lên giường gầm.

Mẹ ngồi bên chiếc đèn dầu, vá một chiếc áo của Bố. Không có Bố, không khí ngôi nhà có vẻ như lạnh lẽo, im lìm và lạ lẫm.

Laura lắng nghe tiếng gió hú qua Rừng Đại Ngàn. Chung quanh ngôi nhà, gió vẫn hú như thể nó lạc đường trong đêm tối và cảm thấy lạnh. Tiếng gió nghe dễ sợ.

Mẹ đã vá xong chiếc áo. Laura thấy Mẹ chầm chậm và cẩn thận xếp lại chiếc áo, bàn tay vuốt cho thẳng thớm.

Rồi Mẹ làm một việc mà trước đây Mẹ chưa làm bao giờ. Mẹ đi ra cửa, rút dây da kéo then cài cửa vào bên trong qua cái khe trên cánh cửa, để không ai ở bên ngoài vào được trừ khi Mẹ nhấc then cài lên. Mẹ đi đến chiếc giường lớn ẵm em bé Carrie lên, trong khi em vẫn đang say ngủ.

Thấy Mary và Laura vẫn còn thức, Mẹ nói: “Hai con ngủ đi. Mọi việc ổn thôi. Sáng mai Bố sẽ về.”

Rồi Mẹ đi lại chiếc ghế đu, vừa ngồi đung đưa nhè nhẹ vừa ôm bé Carrie trong vòng tay.

Mẹ thức tới khuya để chờ Bố trở về. Mary và Laura cũng muốn thức để chờ, nhưng cuối cùng hai bé thiếp đi.

Bố đã có mặt ở nhà khi hai bé thức dậy vào buổi sáng. Bố mang về kẹo cho Mary và Laura, và hai mảnh vải trúc bâu đẹp đủ may cho mỗi bé một bộ áo. Mảnh vải của Mary có hoa văn mầu xanh lam trên nền trắng, còn mảnh vải của Laura mầu đỏ sậm với một ít chấm nâu-vàng. Mẹ cũng có một mảnh vải trúc bâu cho bộ áo của Mẹ: mầu nâu, với hoa văn lớn mầu trắng khắp cả nền vải.

Tất cả ba mẹ con đều vui mừng vì Bố bán da thú được giá nên có thể mua những món quà đẹp đến thế.

Dấu chân gấu khắp cùng chung quanh chuồng bò, và có những vết móng vuốt cào cấu trên các bức tường. Nhưng Sukey và các con ngựa đều bình yên bên trong.

Cả ngày hôm ấy, mặt trời tỏa sáng, tuyết tan, và những dòng nước nhỏ chảy ra từ các thỏi băng đang mỗi ngày mỗi nhỏ hơn. Trước khi mặt trời lặn, các dấu chân gấu chỉ còn là những vết không còn hình thù rõ rệt trên nền tuyết xốp đẫm nước.

Sau buổi ăn chiều, Bố đặt Mary và Laura trên hai đầu gối và nói muốn kể cho hai bé nghe một câu chuyện mới.

Câu chuyện của Bố và con gấu trên đường

“ Ngày hôm qua khi mang lông thú đi thị trấn, Bố thấy khó mà đi nhanh trên tuyết mềm. Vì thế màphải mất một thời gian dài Bố mới đến được thị trấn, và những người khác có lông thú đã đến trước để bán cho cửa hàng. Chủ cửa hàng rất bận rộn; Bố phải chờ một lúc lâu rồi ông ấy mới xem đến các bộ lông thú của Bố.

“ Rồi Bố và ông ấy mặc cả giá của từng bộ lông, và Bố phải chọn những thứ mình muốn trao đổi với lông thú.

“ Cho nên mãi đến khi mặt trời gần lặn Bố mới có thể lên đường trở về nhà.

“ Bố vội vã đi, nhưng bước chân vẫn nặng nề, rồi Bố mệt mỏi, đến khi màn đêm dần buông xuống thì chưa đi xa được bao nhiêu. Bố đơn độc đi trong Rừng Đại Ngàn mà không mang theo súng.

“ Quãng đường còn lại dài gần mười cây số; Bố cố đi nhanh hết sức có thể. Màn đêm càng tối dần, Bố tiếc mình không mang theo súng bởi vì Bố biết có một vài con gấu đã rời khỏi hang trú ẩn mùa đông. Bận đi buổi sáng, Bố đã thấy dấu chân gấu.

“ Vào mùa này trong năm, lũ gấu đang đói và cáu bẳn; hai con biết đấy, chúng đã ngủ trong hang suốt mùa đông mà không ăn gì cả, nên khi thức dậy chúng gầy đi nhưng lại càng dữ tợn hơn. Bố không muốn đối mặt với một con gấu như thế.

“ Trong bóng tối, Bố gắng sức đi nhanh. Các ngôi sao dần dần chỉ còn le lói sáng. Trong những vùng rừng có cây rậm rạp thì tối đen, còn ở những khoảnh rừng thưa thì Bố mới có thể thấy lờ mờ. Bố chỉ có thể nhận ra phía trước mình một đoạn đường ngắn phủ tuyết, và có thể thấy rừng tối đen ken dầy chung quanh mình. Bố thấy vui khi đi đến một khoảnh rừng thưa nơi có ánh sáng mờ nhạt của những vì sao.

“ Lúc nào Bố cũng cảnh giác nhìn để cố nhận ra gấu. Bố lắng nghe tiếng động khi chúng ngang nhiên đi qua lùm bụi.

“ Rồi Bố đi đến một khoảnh rừng thưa khác, và ở đó, ngay ở giữa con đường Bố đang đi, là một con gấu to có bộ lông đen.

“ Con gấu đang đứng bằng hai chân sau, nhìn thẳng vào Bố. Bố có thể thấy đôi mắt sáng quắc của nó. Bố có thể nhận ra chóp mũi của nó tròn như mũi lợn. Thậm chí Bố có thể thấy một chân của nó giơ móng vuốt, dưới ánh sao.

“ Bố cảm thấy da nổi gai ốc, tóc dựng đứng hết. Bố dừng lại, đứng im. Con gấu không cử động gì cả. Nó chỉ đứng đấy mà nhìn Bố.

“ Bố biết không nên đi vòng qua con gấu. Nó có thể đi theo Bố cho đến khoảnh rừng rậm nơi nó trông thấy Bố rõ hơn là Bố thấy nó. Bố không muốn chiến đấu trong bóng tối với một con gấu đang đói. Ôi, Bố ước gì mang theo khẩu súng!

“ Nếu muốn về đến nhà thì Bố phải đi ngang qua con gấu. Bố nghĩ nếu mình làm cho nó hoảng sợ thì nó có thể tránh khỏi con đường để cho Bố đi qua. Thế là Bố hít một hơi thật sâu và bất ngờ cố sức la hét lớn, vừa chạy ngang qua nó vừa vung vẩy hai cánh tay.

“ Con gấu vẫn không cử động.

“ Nói cho hai con biết, Bố chạy chưa được xa về phía nó! Bố dừng lại rồi nhìn con gấu, và nó đứng đấy nhìn Bố. Rồi Bố lại la thét lên. Nó vẫn đứng đấy. Bố lại vừa la hét vừa vung vẩy cả hai cánh tay nhưng nó vẫn không lùi bước.

“ Nếu Bố cố chạy khỏi nó thì không ổn. Vẫn còn có những con gấu khác trong rừng. Bất kỳ lúc nào Bố cũng có thể gặp phải một con khác. Phải đối phó với con này theo cùng một cách đối phó với con khác. Hơn nữa, Bố đang trên đường trở về nhà với Mẹ và các con. Nếu cố chạy thoát khỏi tất cả thú dữ trong rừng làm Bố hãi sợ thì Bố sẽ chẳng bao giờ về đến nhà được.

Pa danh gau 2

“ Thế là cuối cùng Bố nhìn quanh, nhặt lấy một khúc cây to, một nhánh cây cứng chắc đã gẫy và rơi xuống dưới sức nặng của tuyết trong mùa đông.

“ Bố cầm khúc cây trong hai tay, chạy thẳng đến con gấu ấy. Bố vung khúc cây lên rồi lấy hết sức bình sinh đập mạnh, ‘bang!’ xuống đầu nó.

“ Và rồi nó vẫn đứng đấy, bởi vì nó chỉ là một gốc cây to đã cháy đen!

“ Buổi sáng trên đường đi đến thị trấn, Bố đã đi ngang qua gốc cây ấy. Nó chẳng phải là con gấu gì cả. Bố cứ ngỡ nó là con gấu vì trong đầu Bố chỉ nghĩ đến gấu và e sợ sẽ gặp một con gấu.”

Mary hỏi: “Nó thật sự không phải là con gấu sao?”

“ Không, Mary à, nó chẳng phải là gấu ghiếc gì cả. Bố đã la hét, nhảy múa và vung vẩy hai tay, một mình giữa Rừng Đại Ngàn, cố sức làm cho một gốc cây hoảng sợ!”

Laura nói: “Mẹ và con gặp một con gấu thật nhưng lại không thấy sợ vì nghĩ nó là con Sukey.”

Bố không nói gì, nhưng ông ôm chặt lấy Laura hơn.

Ngồi sát lại gần Bố, Laura nói: “Ôi thôi! Đáng lẽ con gấu ấy đã có thể ăn thịt Mẹ và con rồi! Nhưng Mẹ lại đi thẳng đến đánh nó, thế mà nó chẳng làm gì cả. Tại sao nó chẳng làm gì?”

Bố đáp: “Laura à, Bố đoán nó quá sửng sốt nên chưa kịp làm gì. Khi Mẹ tiến thẳng đến nó và đánh nó thì nó biết Mẹ không sợ nó.”

Laura nói: “À, Bố cũng can đảm đấy chứ. Ngay cả với một gốc cây, Bố nghĩ đấy là một con gấu. Nếu nó đúng là một con gấu thì Bố vẫn đánh trên đầu nó, phải không?”

Bố trả lời: “Phải. Con biết đấy, Bố phải làm thế.”

Rồi Mẹ bảo đã đến giờ đi ngủ. Mẹ giúp Mary và Laura thay vào bộ áo ngủ mầu đỏ và cài các chiếc cúc. Hai bé quỳ xuống bên chiếc giường gầm, đọc kinh cầu nguyện.

Bây giờ con ngả mình nằm ngủ
Cầu xin Thượng Đế gìn giữ linh hồn con
Nếu con phải chết trước khi thức dậy
Con xin giao linh hồn con cho Người

Mẹ hôn hai bé, và tấn tấm chăn quanh người hai bé. Laura và Mary nằm nhìn mái tóc thuôn mượt của Mẹ, nhìn đôi tay Mẹ bận rộn việc vá may bên ánh đèn dầu. Chiếc kim của Mẹ vang tiếng lách cách khi chạm vào cái đê, rồi sợi chỉ luồn soạt soạt qua lớp vải trúc bâu đẹp mà Bố đã đổi được bằng lông thú.

Laura nhìn Bố đang thoa mỡ cho đôi ủng. Bộ ria, mái tóc và bộ râu dài của Bố ánh như tơ dưới ánh sáng đèn dầu, với chiếc áo mầu xám. Bố huýt sáo một giai điệu trong khi làm việc, rồi hát:

Lũ chim muông đồng hòa khúc hoan ca nồng nàn
Hoa sim cùng thường xuân khoe sắc tươi
Ánh hồng bừng chiếu cả núi non ngàn
Là khi tôi tiễn em về xứ Người
[N]

Đấy là một đêm ấm áp. Củi trong bếp lò đã lụi tàn thành than, và Bố không khơi lại cho cháy tiếp. Chung quanh ngôi nhà nhỏ, trong Rừng Đại Ngàn, có những âm thanh lộp độp khe khẽ của tuyết rơi, và dưới mái hiên có những tiếng tí tách của các thỏi băng đang tan chảy.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cây cối sẽ đâm chồi nẩy lộc, tất cả có mầu hồng và vàng và lục nhạt, rồi sẽ có hoa dại và chim chóc xuất hiện trong khu rừng.

Rồi sẽ không còn những câu chuyện kể trong đêm bên ánh lửa, nhưng cả ngày Mary và Laura có thể chạy nhảy chơi đùa quanh cây cối, vì mùa xuân đã đến.

Tuyết đường

Mặt trời chói sáng và thời tiết trở nên ấm áp qua nhiều ngày. Không còn băng giá đóng trên mặt kính vào buổi sáng. Từng thỏi băng dưới hiên nhà rơi suốt ngày, tạo nên những âm thanh lách tách nho nhỏ trên nền tuyết bên dưới. Cây cối rũ bỏ những cành ướt át và đen sạm, để từng đụn tuyết nhỏ rơi xuống.

Khi áp mũi trên khung kính lạnh, Mary và Laura có thể nhìn thấy nước đang nhỏ giọt từ mái hiên và từ những cành cây trơ trụi. Tuyết trông không lóng lánh nữa, mà trở nên mềm mại. Mặt đất lỗ chỗ những vết lõm do tuyết rơi xuống, còn dải tuyết hai bên lối mòn đang teo tóp lại.

Rồi một ngày, Laura nhìn thấy một khoảnh mặt đất lộ ra trong sân vườn. Suốt mấy ngày sau, đất càng lộ ra thêm, và trước khi đêm xuống trở thành một bãi lầy. Chỉ còn băng đóng trên đường mòn cùng những dải tuyết dọc đường mòn, hàng rào và kế đống củi.

Laura hỏi: “Mẹ ạ, con ra chơi bên ngoài được không?”

Mẹ đáp: “Được, Laura à.”

Laura hỏi tiếp: “Con ra bên ngoài chơi bây giờ nhé?”

Mẹ hứa: “Ngày mai con có thể ra chơi.”

Đêm hôm ấy, Laura thức giấc và cảm thấy lạnh. Có vẻ như tấm chăn đắp quá mỏng, nên chóp mũi bé lạnh ngắt. Mẹ đắp thêm cho bé một tấm chăn bông.

Mẹ nói: “Con nằm sát bên chị Mary rồi sẽ thấy ấm.”

Buổi sáng, ngôi nhà ấm lên nhờ bếp lò, nhưng khi nhìn qua khung cửa sổ Laura thấy một lớp tuyết mềm và dầy phủ trên mặt đất. Dọc theo những cành cây, tuyết phủ lên như những phiến lông chim. Tuyết đọng trên hàng rào, trên các cột cánh cổng thành những cuộn tròn tròn.

Từ bên ngoài Bố bước vào, rũ tuyết mềm phủ trên vai và dậm chân rũ tuyết trên đôi giầy.

Bố nói: “Đấy là tuyết đường.”

Laura đưa lưỡi liếm nhanh một ít tuyết trắng trên nếp tay áo của Bố. Không có vị ngọt gì cả, chỉ như là tuyết thông thường. Bé mừng vì không ai trông thấy bé nếm thử tuyết.

Laura hỏi Bố: “Bố ạ, tại sao gọi đấy là tuyết đường?”

Nhưng Bố bảo ông không có thời giờ giải thích. Bố phải đi gấp đến nhà Ông Nội.

Ông Nội sống cách xa trong Rừng Đại Ngàn, nơi cây cối to hơn và rậm rạp hơn. Laura đứng ở cửa sổ nhìn Bố, thân người to cao, nhanh nhẹn và mạnh mẽ, bước đi trên nền tuyết. Bố vác khẩu súng trên vai, chiếc rìu và cái sừng chứa thuốc nổ treo bên hông, đôi ủng to tạo nên những dấu vết lớn trên tuyết mềm. Laura dõi theo cho đến khi Bố khuất bóng trong rừng.

Mãi đến khuya Bố mới về đến nhà. Mẹ đã thắp đèn khi Bố bước vào. Trên một tay của Bố là một gói to, tay kia cầm một chậu to bằng gỗ có nắp đậy.

Bố gọi: “Này, Caroline,” rồi trao cho Mẹ gói và chậu, treo khẩu súng lên khung cửa.

Bố nói: “Nếu rủi gặp một con gấu thì anh phải buông rơi các món rồi mới bắn nó được.” Rồi Bố cười: “Nhưng nếu anh buông rơi gói và chậu thì có lẽ anh lại không nỡ bắn nó. Có lẽ anh chỉ đứng chôn chân mà nhìn nó ăn các món anh đã buông rơi.”

Mẹ mở ra cái gói, trong đó có hai bánh cứng mầu nâu, mỗi bánh lớn bằng một cái xoong sữa. Mẹ mở nắp cái chậu, trong đó chứa đầy một thứ xi rô mầu nâu sẫm.

Bố gọi: “Này, Mary và Laura,” rồi trao cho mỗi bé một cái gói mà ông rút ra từ túi áo.

Hai bé mở lớp gói bằng giấy nâu, mỗi gói có một miếng nhỏ, cứng, mầu nâu.

Bố nói: “Cắn thử xem,” và đôi mắt xanh lam của ông nhấp nháy.

Mỗi bé cắn ra một mảnh nhỏ, cảm nhận vị ngọt. Mảnh cứng tan dần trong miệng. Hương vị ngon hơn bất kỳ loại kẹo Giáng Sinh nào.

Bố nói: “Đấy là đường từ nhựa cây phong.”

Bữa ăn chiều đã sẵn sàng; Mary và Laura đặt những mảnh đường phong bên cạnh chiếc đĩa của mỗi bé, trong khi hai bé ăn xi rô phong với bánh mỳ.

Sau bữa ăn, trong khi ngồi trước lò sưởi, Bố đặt hai bé lên hai đầu gối, kể cho nghe về ngày Bố đi nhà Ông Nội và về tuyết đường.

“ Suốt mùa đông, Ông Nội lo đóng những thùng gỗ và những máng nhỏ. Ông chọn gỗ tuyết tùng và tần bì trắng vì hai loại gỗ này không tạo vị xấu cho xi rô phong.

Dung cu thu nhua

“ Để đóng những chiếc máng, Ông Nội chẻ những que gỗ, chiều dài bằng bàn tay của Bố và chiều ngang bằng hai ngón tay của Bố. Ở gần một đầu, Ông Nội cắt qua phân nửa chiều ngang que gỗ và tách phân nửa ra theo chiều dài. Còn lại ở đầu kia là khúc gỗ dẹt với một phần hình vuông. Rồi Ông Nội dùng mũi khoan để khoan một lỗ theo chiều dài qua phần hình vuông, và dùng một con dao nạo bớt gỗ cho đến lúc nó chỉ là một cái vỏ mỏng chung quanh lỗ tròn. Ở phần dẹt của khúc gỗ, ông dùng dao khoét rỗng thành một cái máng nhỏ.

“ Ông Nội làm mấy chục máng nhỏ như thế, và làm mười thùng gỗ mới. Ông chuẩn bị tất cả để sẵn sàng đợi cho thời tiết trở ấm, khi nhựa bắt đầu lưu thông trong mạch cây cối.

“ Rồi ông đi vào rừng phong, và với một mũi khoan, khoan một lỗ ở mỗi cây phong, đóng đầu tròn của một máng nhỏ vào lỗ ấy, rồi đặt một chậu gỗ tuyết tùng trên mặt đất, ngay dưới đầu dẹt của máng.

Hung mat phong

“ Hai con biết đấy, nhựa giống như là máu của cây cối. Khi thời tiết ấm áp bắt đầu trong mùa xuân, nhựa đi lên từ bộ rễ rồi đi đến búp của từng cành lớn cành nhỏ để nuôi lá non phát triển.

“ Khi nhựa đi qua cái lỗ trong thân cây, nó chảy ra khỏi thân cây, chảy theo cái máng nhỏ rồi xuống thùng gỗ.”

Laura hỏi: “Thế thì cái cây tội nghiệp có bị đau không?”

Bố đáp:

“ Chỉ đau chút ít thôi, giống như khi ngón tay con bị kim đâm và chảy máu chút ít.

Don ganh mang duong 2

“ Mỗi ngày Ông Nội mang đôi ủng, khoác áo choàng dầy, đội mũ lông thú để đi vào rừng còn phủ tuyết mà thu hoạch nhựa phong. Với một thùng to đặt trên chiếc xe trượt tuyết, ông đánh xe từ cây này qua cây khác, trút nhựa phong từ các thùng gỗ nhỏ vào thùng trên xe trượt tuyết. Rồi ông chở nhựa đến một cái nồi sắt to treo giữa hai chạc cây.

“ Ông Nội trút nhựa phong vào cái nồi to. Có một ngọn lửa to phía dưới nồi, và nhựa nóng lên. Ông Nội phải cẩn thận trông chừng: lửa phải đủ lớn để đun sôi nhựa, nhưng không được quá lớn kẻo nhựa trào ra ngoài.

“ Cứ mỗi vài phút cần phải hớt váng ra. Ông Nội dùng một cái gáo to bằng gỗ, có cần dài, để hớt váng. Khi nhựa quá nóng, Ông Nội múc nhựa đầy một gáo, đưa lên cao trong không khí và từ từ rót xuống trở lại. Không khí lạnh làm cho nhựa nguội đi chút ít và giữ cho nhựa sôi chậm lại.

“ Khi nhựa đã sôi vừa đủ, Ông Nội rót xi rô vào các thùng gỗ. Sau đấy, ông đun nhựa cho đến khi nó kết hạt khi ông làm nguội nhựa trong một chiếc đĩa.

2 bo cho mat 2

“ Ngay khi nhựa kết hạt, Ông Nội vội dập ngọn lửa bằng cách cào than củi ra bên ngoài. Rồi phải múc thật nhanh xi rô đã sánh đặc vào các xoong sữa đặt sẵn kế bên. Trong xoong, xi rô đặc lại thành một phiến đường phong cứng, mầu nâu.”

Nau duong 2

Laura hỏi: “Vậy thì vì Ông Nội làm ra đường nên ta gọi nó là tuyết đường phải không?”

Bố đáp: “Không phải. Nó được gọi là tuyết đường bởi vì tuyết rơi vào mùa này trong năm có nghĩa là người ta sẽ thu được nhiều đường. Con biết đấy, giai đoạn trở lạnh ngắn ngủi này cùng với tuyết sẽ làm cho cây cối chậm ra lá, nên người ta thu nhựa cây được lâu hơn.

Rot duong“ Khi thu nhựa được lâu hơn thì Ông Nội có thể làm ra đường phong nhiều đủ để dùng hàng ngày, suốt cả năm. Khi Ông Nội mang lông thú đi bán thì không cần phải đổi lấy nhiều đường ở cửa hàng. Ông chỉ cần đổi lấy ít đường để phòng khi tiếp khách.”

Laura nói: “Hẳn là Ông Nội rất vui khi có tuyết đường.”

Bố trả lời: “Đúng thế, ông rất vui. Ngày Thứ Hai tới, ông sẽ nấu đường nữa, và ông bảo tất cả chúng ta phải đến chơi với ông.”

Đôi mắt Bố nhấp nháy; ông dành tin vui nhất cho phút cuối cùng, và Bố nói với Mẹ:

“Này, Caroline! Sẽ có buổi khiêu vũ đấy!”

Mẹ mỉm cười. Mẹ trông vui hẳn lên, đặt món nữ công đang làm xuống trong giây lát, rồi kêu lên: “Ồ, Charles!”

Rồi Mẹ tiếp tục công việc với món nữ công, nhưng vẫn mỉm cười. Mẹ nói với Bố: “Em sẽ mặc bộ hàng len nhẹ.”

Bộ hàng len nhẹ của Mẹ trông thật đẹp. Bộ áo có mầu rêu, với hoa văn nho nhỏ khắp cùng trông như những quả dâu tây chín. Một thợ may đã may bộ áo này, ở miền Đông, gần quê Mẹ khi Mẹ cưới Bố và đi miền Tây để đến Rừng Đại Ngàn ở Bang Wisconsin. Trước khi cưới Bố, Mẹ ăn mặc rất đẹp và thời trang, và một thợ may đã may các bộ áo cho Mẹ.

Bộ hàng len nhẹ được giữ kín trong gói giấy. Mary và Laura chưa từng thấy Mẹ mặc, chỉ có một lần Mẹ cho hai bé xem. Mẹ cho hai bé mân mê những chiếc cúc đẹp đẽ mầu đỏ sậm, và cho hai bé thấy làm thế nào khâu quanh phiến xương hàm cá voi[O] với hàng trăm mũi chỉ nhỏ ngang dọc.

Nếu Mẹ định mặc bộ áo này thì buổi khiêu vũ hẳn là phải quan trọng. Mary và Laura đều cảm thấy hào hứng. Hai bé nhún nhẩy trên hai đầu gối Bố, hỏi han về buổi khiêu vũ. Cuối cùng, Bố bảo:

“Bây giờ hai con phải đi ngủ! Khi đi đến đấy thì hai con biết ngay thôi mà. Bây giờ Bố phải thay bộ dây đàn mới.”

Hai bé phải rửa bàn tay lấm bẩn và súc miệng còn dính đường. Rồi phải cầu nguyện. Đến lúc Mary và Laura nằm cuộn tròn trên chiếc giường gầm thì Bố vừa đàn hát, vừa chân dậm trên sàn nhà để giữ nhịp:

Đại úy thủy chiến thuộc diện lính kẻng Cho ngựa ăn toàn bắp với đỗ ngon bùi Thường hay hoang phí không màng dè xẻn Sĩ quan nhà ta quen thói bốc trời![P]

Khiêu vũ ở nhà Ông Nội

Buổi sáng Thứ Hai, mọi người đều thức dậy sớm rồi vội vã chuẩn bị đi đến nhà Ông Nội. Bố muốn đi để phụ giúp việc thu hoạch và nấu nhựa phong. Mẹ sẽ giúp Bà Nội và các Cô làm những món ăn ngon để tiếp đãi khách đến dự khiêu vũ.

Cả nhà dùng bữa sáng, rửa tô đĩa rồi dọn dẹp giường dưới ánh đèn dầu. Bố cẩn thận cho cây đàn vào hộp đàn rồi mang cái hộp ra đặt trên chiếc xe trượt tuyết lớn đang chờ sẵn ở cổng.

Khí trời lành lạnh pha sương giá, không gian xám nhạt lúc Mẹ, Mary và Laura được bọc ấm bằng áo choàng với lớp rơm lót giữ ấm trên sàn xe.

Hai con ngựa lúc lắc đầu và nhảy dựng lên, làm cho các chuông treo trên xe trượt tuyết vang tiếng rộn ràng, rồi chiếc xe lướt qua Rừng Đại Ngàn hướng về phía nhà Ông Nội.

Mặt tuyết trên con đường ẩm và trơn nên giúp cho xe trượt nhanh; cây cối hai bên trông có vẻ như chạy vội vã về phía sau.

Sau một lúc, ánh mặt trời chiếu qua khu rừng, không khí trở nên lóng lánh. Những tia nắng dài mầu vàng trải dọc giữa bóng tối của các thân cây, và mặt tuyết nhuốm mầu hồng nhạt. Tất cả các bóng in trên nền tuyết đều trông mỏng manh một mầu lam; mỗi đụn tuyết và mỗi dấu vết nhỏ đều tạo ra bóng.

Bố chỉ cho Laura xem các vết chân thú rừng trên mặt tuyết hai bên đường. Có những vết chân của thỏ nhảy nhót, những vết chân li ti của chuột đồng, và những vết lờ mờ của chim sẻ tuyết. Cũng có những vết chân lớn hơn của chồn cáo trông giống như vết chân chó, và thêm những vết chân hươu nai chạy nhảy.

Khí trời đã dần ấm lên, và Bố nói chẳng bao lâu tuyết sẽ tan.

Có vẻ như họ chưa đi lâu thì đã trông thấy ngôi nhà của Ông Nội, trong khi chuông xe goòng vẫn kêu rộn rã từng hồi. Bà Nội đang đứng chờ ở khung cửa, mỉm cười lên tiếng kêu mọi người đi vào nhà.

Bà Nội cho biết Ông Nội và Chú George đã đi làm việc trong rừng phong. Thế là Bố đi giúp họ, trong khi Mẹ bế em bé Carrie cùng Mary và Laura đi vào nhà Bà Nội, cởi áo choàng ngoài ra.

Laura yêu thích ngôi nhà của Bà Nội, rộng hơn nhiều so với ngôi nhà của bé. Có một gian phòng thật rộng, một phòng nhỏ dành cho Chú George, thêm một phòng của Cô Docia và Cô Ruby. Lại có một gian bếp với bếp lò lớn.

Thật là thích khi chạy dọc cả chiều dài gian phòng lớn, từ lò sưởi lớn ở một đầu cho đến giường của Bà Nội ở đầu kia, dưới cửa sổ. Sàn nhà được làm bằng những tấm gỗ rộng và dầy mà Ông Nội đã dùng rìu đẽo ra từ những súc gỗ. Toàn bộ mặt sàn đều bằng phẳng, được lau chùi sạch sẽ, còn chiếc giường to dưới cửa sổ được lót lông ngỗng mềm mại.

Có vẻ như ngày trôi qua nhanh trong khi Mary và Laura chơi đùa trong gian phòng lớn còn Mẹ phụ giúp Bà Nội và các Cô trong bếp. Cánh đàn ông đã mang theo phần thức ăn cho bữa chiều khi đi vào rừng phong, nên ở nhà không bày thức ăn lên bàn cho bữa chiều mà chỉ dùng bánh mì kẹp thịt rừng nguội và uống sữa. Nhưng Bà Nội làm bánh put-đinh bắp để dùng cho bữa tối.

Bà Nội đứng trước bếp lò, gạn bột bắp qua các ngón tay để cho vào một nồi nước sôi pha muối. Bà dùng một chiếc muỗng gỗ vừa khuấy liên tục nồi nước vừa cho bột bắp vào cho đến khi nồi chứa một khối sánh đặc mầu vàng. Rồi Bà Nội đặt cái nồi phía sau bếp lò để bánh nguội dần.

Mùi bánh thật thơm. Cả ngôi nhà đều có mùi thơm, mùi của gỗ mại châu đang cháy với ánh lửa sáng trong lò sưởi, mùi táo đinh hương đặt kế bên chiếc rổ nữ công của Bà Nội ở trên mặt bàn. Ánh nắng chiếu vào ngôi nhà qua các khe kính của khung cửa sổ; mọi vật đều trông to lên, rộng rãi ra, sạch sẽ.

Gần đến giờ ăn chiều, Ông Nội và Bố từ ngoài rừng trở về. Mỗi người mang trên vai một đòn gánh bằng gỗ mà Ông Nội đã tự làm. Đòn gánh được đẽo để vừa khít phía sau cổ mỗi người, và được khoét lõm vào để khít với hai bên vai. Ở mỗi đầu đòn gánh treo một sợi dây xích với một cái móc, và ở mỗi móc treo một thùng gỗ to chứa đầy xi rô phong nóng.

Ông Nội và Bố đã mang xi rô từ cái nồi lớn trong khu rừng về. Hai người dùng tay giữ thăng bằng cho hai thùng hai bên, nhưng toàn bộ sức nặng từ chiếc đòn gánh đều tựa lên đôi vai.

Bà Nội đã chuẩn bị chỗ để đặt một cái nồi đồng thau thật to lên bếp lửa. Ông Nội và Bố rót xi rô vào nồi đồng thau. Nồi to đến mức nó chứa được xi rô từ bốn thùng to.

Rồi Chú George mang vào một thùng nhỏ hơn chứa xi rô, và trong bữa chiều mọi người dùng món bánh put-đinh cùng với xi rô phong.

Chú George về nhà sau khi đã phục vụ trong quân đội. Chú mặc bộ quân phục mầu lam với những chiếc cúc bằng đồng thau. Chú có đôi mắt xanh lam trông vừa can trường vừa vui vẻ, thân hình chắc nịch, và luôn đi đứng với dáng vẻ hiên ngang.

Trong lúc dùng bánh put-đinh, Laura cứ mải nhìn Chú George, vì trước đấy bé đã nghe Bố nói với Mẹ rằng Chú là người ngang tàng.

“George là người ngang tàng, vì chú ấy đã trở về từ cuộc chiến[Q],” Bố đã nói thế và lắc đầu như thể lấy làm tiếc, nhưng Bố không làm gì được. Khi lên mười bốn tuổi, Chú George bỏ nhà gia nhập quân đội làm lính đánh trống.

Từ trước đến giờ, Laura chưa từng gặp một người ngang tàng. Bé không biết mình có sợ Chú George hay không.

Sau bữa ăn chiều, Chú George đi ra bên ngoài ngôi nhà, cầm lấy cây kèn lính thổi lên những hồi dài vang dội. Tiếng kèn tạo nên âm hưởng nghe thích thú, vang xa khắp cả Rừng Đại Ngàn. Cả khu rừng đều tối thẳm, lặng câm, cây cối đứng im như thể đang lắng nghe. Rồi từ chốn xa xăm nào đấy, âm thanh vọng về, nghe mỏng manh và thanh thoát, giống như một chiếc kèn nhỏ đáp lại tiếng vọng của một chiếc kèn lớn.

Chú George nói: “Nghe này, có hay không?” Laura nhìn Chú George mà không trả lời, và khi Chú ngưng hồi kèn, bé chạy vào trong nhà.

Mẹ và Bà Nội thu dọn và rửa tô đĩa rồi lau quét lò sưởi, trong khi Cô Docia và Cô Ruby trang điểm trong phòng ngủ.

Laura ngồi trên giường của hai Cô nhìn họ chải mái tóc dài rồi cẩn thận vén ra hai bên, bắt đầu từ trán đến gáy rồi vén qua hai bên vành tai. Hai người tết lại thành bím tóc to.

Hai Cô đã rửa tay chân mặt mũi bằng xà phòng ở bồn nước trong gian bếp. Họ dùng xà phòng mua ở cửa hàng, không dùng loại xà phòng mầu nâu sậm, trơn nhớt và mềm mà Bà Nội làm ra để dùng hàng ngày.

Hai Co trang diemHọ chải chuốt bộ tóc một hồi lâu, nâng cây đèn dầu lên để soi bóng mình trong tấm gương treo trên tường nhà gỗ súc. Họ chải phần tóc mỗi bên đầu thật bóng mượt đến độ tóc sáng bóng như tơ dưới ánh đèn. Búi tóc nhỏ ở mỗi bên cũng sáng bóng, phần cuối các lọn tóc được cuộn lại và thắt gút phía sau đầu.

Rồi hai Cô kéo đôi bít tất dài tuyệt đẹp, mà các cô đã đan từ loại sợi bông loại sợi bông mịn thành đăng ten dạng lưới, và mang đôi giầy đẹp nhất. Họ giúp nhau chỉnh lại áo ngực. Cô Docia lấy hết sức kéo những sợi dây cột áo ngực của Cô Ruby, rồi đến phiên Cô Docia níu lấy thanh giường cho Cô Ruby cột áo ngực.

Cô Docia ngừng thở, nói: “Ruby à, em kéo đi! Kéo mạnh đi.” Thế là Cô Ruby trụ vững đôi chân kéo mạnh. Cô Ruby lấy hai bàn tay đo vòng eo mình, rồi cuối cùng thở mạnh: “Chắc em làm như thế là đủ rồi.”

Cô nói: “Caroline từng kể khi hai người mới cưới nhau, Charles có thể ôm trọn vòng eo của cô ấy trong hai bàn tay.”

Caroline là Mẹ của Laura, và bé cảm thấy hãnh diện khi nghe câu nói ấy.

Rồi Cô Docia và Cô Ruby mặc vào váy lót trong bằng vải flanen và váy lót trơn mầu trắng, rồi váy lót ngoài đã hồ cứng, có đăng ten may quanh các đường ren. Rồi họ khoácbên ngoài cùng bộ áo đẹp nhất.

Bộ áo của Cô Docia mầu lam đậm, có hoa văn là những cành cây mang hoa đỏ và lá xanh. Hai tà váy được gài vào nhau ở phía trước bằng những chiếc cúc mầu đen trông thật giống như những quả mâm xôi đến nỗi Laura muốn nếm thử.

Bộ áo của Cô Ruby được may bằng vải trúc bâu mầu rượu vang đỏ, có hoa văn như hình lông chim bay nhẹ khắp nơi, mầu vang đỏ nhạt hơn. Những chiếc cúc có mầu vàng, được khảm hình lâu đài và cây cối.

Cổ áo trắng xinh xắn của Cô Docia được thắt lại phía trước bằng một chiếc kim gài có mặt đá chạm hình đầu một phụ nữ. Nhưng Cô Ruby thắt cổ áo với một cánh hoa hồng làm bằng sáp cứng. Cô đã tự làm ra cánh hoa này trên đầu một cây kim mạng vá đã gẫy ở phần lỗ kim, nên cây kim này không dùng được nữa.

Hai người Cô trông xinh xắn, nhẹ nhàng lượn qua lượn lại gian phòng trong bộ váy rộng, vung tròn. Vòng eo của họ được bó nhỏ lại ở giữa thân người, đôi má ửng hồng và đôi mắt rạng rỡ dưới bộ tóc óng mượt.

Mẹ trông cũng đẹp trong bộ áo hàng len mỏng mầu lục sẫm, với những hoa văn lá cây nhỏ trông giống như những quả dâu tây. Chiếc váy được gấp nếp nhỏ và viền đăng ten, điểm thêm những chiếc nơ làm từ một dải băng mầu lục đậm, được buộc ở cổ bằng một chiếc kim cài bằng vàng. Chiếc kim dẹp, dài và rộng bằng hai ngón tay của Laura, được chạm khắc cả bề mặt, với các đường rìa uốn lượn. Mẹ trông lộng lẫy và quý phái quá, đến nỗi Laura không dám chạm vào người bà.

Khách bắt đầu kéo đến. Có người đi bộ qua khu rừng phủ tuyết, tay cầm đèn lồng, có người đi xe trượt tuyết hoặc xe goòng. Tiếng chuông xe trượt tuyết kêu leng keng không dứt.

Gian phòng rộng đầy những đôi ủng cao và những chiếc váy xòe lượn, và cũng có nhiều em bé nằm sắp thành hàng trên giường của Bà Nội. Chú James và Cô Libby đã đến cùng với đứa con gái nhỏ, cũng có tên là Laura Ingalls. Hai bé Laura cùng tựa vào thành giường nhìn các em bé, và bé Laura kia nói rằng em mình trông xinh hơn em bé Carrie.

Laura nói: “Không phải đâu! Carrie là em bé xinh nhất thế giới!”

Bé Laura kia cãi lại: “Không, không phải.”

“Phải mà!”

“Không, không phải!”

Mẹ lướt đến trong bộ áo hàng len mỏng, nghiêm khắc gọi: “Laura!”

Thế là cả hai bé Laura đều không nói gì nữa.

Chú George đang vừa thổi kèn vang dội trong gian phòng rộng, vừa làm điệu khôi hài và nhảy nhót theo điệu kèn. Rồi Bố nhấc lấy cây đàn ra khỏi chiếc hộp đàn và bắt đầu chơi nhạc. Tất cả các cặp đôi đứng thành hình vuông trên sàn nhà và bắt đầu khiêu vũ khi Bố ra hiệu lệnh.

Bố kêu lên: “Phải trái rộng!” Thế là tất cả các bộ váy bắt đầu bay lượn và tất cả các đôi ủng bắt đầu dẫm nhịp. Hai vòng bạn nhảy đi vòng quanh và vòng quanh, các bộ váy lượn theo một chiều và các đôi ủng nhịp bước theo chiều kia, trong khi các bàn tay đưa lên cao vỗ theo nhịp.

Bố ra hiệu lệnh: “Dìu bạn nhảy!” và “Đàn ông chào phụ nữ bên trái!”

Mỗi người làm theo hiệu lệnh của Bố. Laura nhìn bộ váy của Mẹ xoay tròn, vòng eo nhỏ uốn cong, mái tóc đen tuyền rủ xuống, và bé nghĩ Mẹ là người khiêu vũ đẹp nhất trần đời. Chiếc đàn đang tấu lên khúc nhạc:

Này chàng, chàng ơi hãy đến vui nơi này
   đến vui nơi này, đến vui nơi này
Này chàng, chàng ơi hãy đến vui nơi này
   múa ca dưới ánh trăng to đầy.[R]

Các vòng tròn lớn và các vòng tròn nhỏ lượn vòng và lượn vòng, các bộ váy xoắn xít và các đôi ủng dẫm nhịp, từng cặp bạn nhảy cúi đầu chào nhau, tách ra, đi vòng, rồi lại đối diện với nhau và lại cúi đầu chào nhau.

Bà Nội làm việc một mình trong gian bếp, đang khuấy xi rô sôi sùng sục trong chiếc nồi đồng thau lớn. Bà khuấy theo nhịp điệu của âm nhạc. Bên ngoài cánh cửa sau là một đụn tuyết sạch, và thỉnh thoảng Bà Nội múc đầy một muỗng xi rô trong chiếc nồi rồi rót lên một ít tuyết đựng trên một chiếc đĩa.

Laura lại ngắm nhìn các cặp bạn nhảy. Bây giờ Bố đang đàn bản The Irish Washerwoman [Chị thợ giặt Ai-len]. Bố kêu lên: “Này các cô các bà, Tới đây nhịp mạnh trên chân ngà!”

Laura không thể để đôi chân đứng yên. Chú George nhìn Laura, cười lớn. Rồi chú nắm lấy tay Laura và khiêu vũ với bé ở một góc phòng. Bé mến Chú George.

Mọi người đều cười vang, tụ tập kế bên cánh cửa gian bếp. Họ đang kéo Bà Nội ra khỏi bếp. Bộ áo của Bà Nội trông cũng đẹp, được may bằng vải trúc bâu mầu lam đậm với nhiều hoa văn lá cây mầu mùa thu. Đôi má Bà Nội đỏ hồng vì cười nhiều, nhưng Bà lắc đầu. Tay Bà đang cầm một chiếc muỗng gỗ.

Bà Nội nói: “Tôi không thể bỏ dở xi rô.”

Nhưng Bố đã bắt đầu đàn bản The Arkansas traveler [Người lữ hành Arkansas], và mọi người bắt đầu vỗ tay theo nhịp đàn. Thế là Bà Nội phải cúi đầu chào mọi người và nhảy vài bước một mình. Bà nhảy cũng đẹp như bất cứ ai khác. Tiếng vỗ tay hầu như lấn át hẳn tiếng đàn của Bố.

Thình lình Chú George nhảy lên, hai chân đập vào nhau khi hạ xuống, cúi đầu thấp chào Bà Nội rồi bắt đầu nhảy theo điệu jig sôi động. Bà Nội ném chiếc muỗng cho ai đấy bắt lấy. Bà đặt hai bàn tay lên hai bên hông và đứng đối diện với Chú George, và mọi người đều lên tiếng cổ vũ. Bà Nội bắt đầu điệu vũ jig.

Laura vỗ tay theo điệu nhạc, và tất cả những người khác cũng vỗ tay. Cây đàn tấu vang điệu nhạc như chưa từng tấu vang đến thế. Đôi mắt Bà Nội nhấp nháy, đôi má ửng hồng, đôi gót chân dẫm theo nhịp của đôi giầy Chú George.

Mọi người đều cuồng nhiệt. Chú George vẫn tiếp tục nhảy theo điệu jig và Bà Nội vẫn nhảy đối diện với chú. Cây đàn tấu nhạc liên hồi. Chú George bắt đầu thở mạnh, lau mồ hôi chảy thành dòng trên trán. Bà Nội nheo nheo đôi mắt.

Có người nào đấy kêu lên: “Này George, không thắng được bà đâu!”

Chú George nhảy nhanh hơn, nhanh gấp đôi so với lúc đầu. Thế là Bà Nội cũng nhảy nhanh theo. Mọi người lại cất tiếng cổ vũ. Các bà các cô đều cười và vỗ tay, còn cánh đàn ông thì trêu ghẹo Chú George. Chú không màng tới lời trêu ghẹo, nhưng không còn hơi sức để cười. Chú đang nhảy nhanh theo điệu jig.

Đôi mắt xanh lam của Bố sáng long lanh. Bố đang đứng thẳng dậy, ngắm nhìn Chú George nhảy cùng Bà Nội, và cây vĩ cũng nhảy múa cùng các sợi dây đàn. Laura nhảy lên nhảy xuống, vừa la hét vừa vỗ tay.

Bà Nội vẫn tiếp tục điệu jig. Hai bàn tay bà đặt trên hai bên hông, mặt ngẩng cao, miệng cười tươi. Chú George tiếp tục nhảy, nhưng đôi giầy không còn dẫm nhịp to tiếng như lúc đầu nữa. Đôi gót giầy của Bà Nội vang lên những tiếng lích kích. Một giọt mồ hôi chảy dài trên trán Chú George, rồi lóng lánh trên gò má.

Thình lình Chú George giơ hai cánh tay lên và thở dốc: “Tôi chịu thua!” Rồi chú ngưng ngang điệu vũ.

Mọi người la hét, kêu réo và dậm chân để hoan hô Bà Nội. Bà nhảy thêm đôi ba bước nữa rồi ngưng lại, cười từng hồi giữa nhịp thở dốc. Đôi mắt bà sáng long lanh như đôi mắt Bố khi cười. Chú George cũng cười trong khi lấy tay áo lau mồi hôi trán.

Bỗng dưng Bà Nội không cười nữa. Bà quay người, chạy nhanh vào gian bếp. Cây đàn đã chấm dứt điệu nhạc. Cánh phụ nữ còn đang chuyện trò và cánh đàn ông còn đang trêu ghẹo Chú George, nhưng tất cả đều bất động khi Bà Nội ngưng bặt như thế.

Rồi Bà Nội từ trong bếp bước ra gian phòng lớn, và nói:

“Xi rô đang kết. Mọi người vào tự phục vụ.”

Rồi mọi người lại chuyện trò và cười đùa. Ai nấy chạy vào bếp lấy đĩa, rồi chạy ra ngoài sân cho tuyết vào đĩa. Cánh cửa gian bếp mở rộng và khí lạnh ùa vào.

Bên ngoài sân, các ngôi sao trông như bị đóng băng trên bầu trời; hơi lạnh như thể cấu lấy đôi má và sóng mũi của Laura. Hơi thở của bé bay lên tựa làn khói.

Bé và bé Laura kia, và tất cả các đứa trẻ khác, đều cho tuyết vào đĩa. Rồi cả bọn đi vào gian bếp đã chật ních.

Bà Nội đứng kế bên chiếc nồi đồng thau, dùng một chiếc muỗng gỗ to để múc xi rô vào mỗi đĩa đựng tuyết. Xi rô nguội lại thành một bánh kẹo mềm, và mọi người ăn ngay khi kẹo vừa nguội.

Mọi người ăn tùy thích, bởi vì đường phong không bao giờ làm cho ai đau yếu. Có đầy xi rô trong nồi, tuyết ngoài sân thì càng bao la vô tận. Ngay khi mỗi người ăn xong một đĩa thì lại lấy tuyết cho vào đĩa, rồi Bà Nội lại múc xi rô lần nữa.

Khi mọi người đã ăn chán chê món kẹo đường phong thì chuyển qua dùng các món bánh bí đỏ, bánh dâu, bánh quy và bánh ngọt. Cũng có bánh mỳ ăn với thịt nguội và dưa chua. Ôi trời, dưa mới chua làm sao!

Tiec tai nha Ong Noi

Ai nấy ăn cho đến no nê, rồi lại khiêu vũ. Nhưng Bà Nội phải trông chừng xi rô trong nồi. Nhiều lần Bà múc một ít xi rô ra chiếc đĩa, khuấy đều, lắc đầu rồi trút xi rô trở lại vào nồi.

Gian phòng kia vang vọng tiếng nhạc và tiếng người khiêu vũ.

Cuối cùng, trong khi Bà Nội đang khuấy, xi rô trong nồi kết lại thành những hạt nhỏ trông như cát, Bà Nội kêu lên:

“Nhanh lên, các cháu! Nó kết hạt rồi!”

Mẹ, Cô Docia và Cô Ruby ngưng khiêu vũ, chạy vào bếp. Ba người sắp ra các đĩa to đĩa nhỏ, rồi khi Bà Nội rót xi rô vào các đĩa này thì ba người sắp thêm đĩa ra. Họ xếp các đĩa xi rô qua một bên, để xi rô nguội lại thành đường phong.

Rồi Bà Nội nói:

“Bây giờ mang đĩa nhỏ cho bọn trẻ.”

Mỗi bé trai và bé gái đều có một đĩa nhỏ, hoặc ít nhất một chiếc cốc nhỏ.

Bọn trẻ lo lắng nhìn trong khi Bà Nội múc xi rô vào đĩa. Có lẽ không có đủ cho mọi người. Lúc ấy sẽ có một bé phải tỏ ra rộng lượng và lịch sự.

Nhưng thật ra thì có đủ xi rô cho tất cả các bé. Muỗng cuối cùng vét đáy nồi vừa đủ cho đĩa cuối cùng. Không đứa trẻ nào bị bỏ qua.

Tiếng đàn và các điệu nhảy cứ nối tiếp nhau mãi không ngừng. Hai bé Laura đứng quanh xem các đôi bạn nhảy. Rồi hai bé ngồi xuống ở một góc phòng mà nhìn. Các điệu vũ trông đều đẹp đẽ và các bản nhạc đều vui nhộn, làm cho Laura thấy không bao giờ chán.

Khieu vu o nha Ong Noi

Tất cả các tà váy bay lượn, tất cả các đôi ủng dậm nhịp, và chiếc đàn vẫn tiếp tục tấu lên nhịp điệu rộn ràng.

Rồi Laura thức dậy, thấy mình đang nằm dọc theo đầu cuối chiếc giường của Bà Nội. Trời đã sáng. Bà Nội, Mẹ và bé Carrie đang nằm trên giường. Ông Nội và Bố đang cuộn mình bên lò sưởi mà ngủ. Không thấy Chị Mary đâu; chị ấy ngủ với Cô Docia và Cô Ruby trên giường của hai Cô.

Chẳng bao lâu, mọi người đều thức dậy. Bữa ăn sáng gồm có bánh rán và xi rô phong, rồi Bố dắt các con ngựa và chiếc xe trượt tuyết đến cổng nhà.

Bố đỡ Mẹ và bé Carrie lên chiếc xe trượt tuyết, trong khi Ông Nội nhấc Mary lên còn Chú George nhấc Laura lên rồi ném hai bé vào nệm rơm trên xe. Bố tấn vạt áo chung quanh hai bé, rồi Ông Nội, Bà Nội và Chú George lên tiếng “Tạm biệt! Tạm biệt!” trong khi chiếc xe trượt tuyết lướt vào Rừng Đại Ngàn, đưa gia đình Laura trở về nhà.

Mặt trời đã ấm lên, những mảnh tuyết trộn bùn bắn lên từ móng chân hai con ngựa. Nhìn lại phía sau chiếc xe trượt tuyết, Laura có thể thấy vết móng chân ngựa, mỗi vết hằn sâu vào tuyết đến tận lớp bùn bên dưới.

Bố nói: “Trước khi đêm xuống, chúng ta sẽ thấy tuyết đường lần cuối cùng.”

Đi thị trấn

Khi không còn tuyết đường thì mùa xuân đến. Chim chóc hót vang trong bụi rậm dọc theo những hàng rào xiêu vẹo. Cỏ lại lên mầu xanh, và khu rừng trổ đầy các loài hoa dại. Hoa mao lương, hoa đê và các loài hoa cỏ bé tí xíu hình sao nở rộ khắp nơi.

Ngay khi tiết trời đã ấm, Mary và Laura nài nỉ được chạy nhảy mà không cần mang giầy. Lúc đầu hai bé có thể để chân trần mà chạy chung quanh vựa củi rồi chạy về nhà. Ngày hôm sau hai bé có thể chạy xa hơn, rồi chẳng bao lâu hai đôi giầy được thoa mỡ để cất đi bảo quản và hai bé có thể chạy nhảy chân trần cả ngày.

Mỗi buổi tối, trước khi lên giường hai bé phải rửa chân. Da bàn chân hai bé đổi mầu nâu, và da mặt cũng thế.

Hai bé có hai ngôi nhà trò chơi dưới hai cây sồi to trước sân nhà. Nhà chơi của Mary ở dưới cây sồi của Mary, còn nhà của Laura ở dưới cây sồi của Laura. Tán lá xanh là mái nhà, và qua tán lá hai bé có thể thấy những mảng trời xanh.

Bố lấy vỏ cây dai để làm một xích đu treo lên một nhánh to và thấp trên cây sồi của Laura. Đấy là xích đu của Laura vì nó ở trên cây của bé, nhưng bé không được ích kỷ nên phải để cho chị Mary chơi khi chị muốn.

Mary có một chiếc đĩa nứt để chơi, còn Laura có một chiếc cốc xinh đẹp đã sứt một mảnh lớn. Hai con búp bê Charlotte và Nettie cũng ở trong hai ngôi nhà của hai bé. Mỗi ngày hai chị em hái lá cây làm chiếc mũ mới cho Charlotte và Nettie, làm các chiếc cốc và đĩa nhỏ đặt lên bàn ăn. Một tấm đá xinh xắn và bóng nhẵn giả làm chiếc bàn.

Bây giờ hai con bò, tên Sukey và Rosie, được thả rông trong khu rừng để ăn cỏ và các loại lá mới đâm chồi mọng nước. Còn có hai con bê trong chuồng, và bảy lợn con cùng lợn mẹ trong chuồng lợn.

Trong khoảnh rừng Bố đã phát quang năm trước, bây giờ Bố đang cày lật lên các gốc cây để gieo giống. Có một buổi tối, Bố làm xong công việc ngoài rừng rồi đi vào hỏi Laura: “Con có đoán ra Bố trông thấy gì hôm nay không?”

Laura không đoán được.

Bố nói: “Chuyện là thế này. Sáng nay khi làm việc trên khoảnh rừng phát quang, Bố nhìn lên thấy một con nai đứng ở bìa rừng. Đấy là một con nai mẹ, và chắc con không thể nào đoán được kế bên nó là gì!”

Mary và Laura cùng cất tiếng và vỗ tay: “Một con nai con!”

Bố nói:

“ Đúng. Có một con nai con. Nó trông xinh xắn, bộ lông nâu nhạt trông thật mịn màng, đôi mắt to đen. Móng chân nó thật nhỏ nhắn, không to hơn ngón tay cái của Bố, đùi thon, mõm trông mềm mại.

“ Con nai con chỉ đứng đấy mà nhìn Bố với cặp mắt to, chắc nó đang tự hỏi Bố là ai. Nó không tỏ vẻ sợ hãi gì cả.”

Laura hỏi: “Bố không muốn bắn nai con, phải không?”

Bố đáp: “Đúng thế, không bao giờ! Bố cũng không muốn bắn cha nó, hoặc mẹ nó. Lúc này không nên săn bắn, mà phải đợi cho các con thú còn non lớn lên. Chúng ta đành phải nhịn thịt tươi cho đến mùa thu.”

Bố nói ngay sau khi ngũ cốc mọc lên thì cả gia đình sẽ đi thị trấn. Mary và Laura có thể đi. Bây giờ hai bé đã đủ lớn rồi.

Hai bé đều rất phấn khởi, và ngày hôm sau cố chơi trò đi thị trấn. Hai bé chơi không được hay, bởi vì không biết rõ thị trấn là như thế nào. Hai bé biết có một cửa hàng ở thị trấn, nhưng chưa từng trông thấy một cửa hàng.

Hầu như mỗi ngày sau đấy, hai bé mường tượng Charlotte và Nettie hỏi có thể đi theo được không. Nhưng Mary và Laura lúc nào cũng trả lời: “Không được con yêu ạ, năm nay con không đi được. Có lẽ nếu con ngoan thì năm tới con có thể đi.”

Đến một buổi tối, Bố nói: “Ngày mai chúng ta đi thị trấn.”

Tối hôm ấy, cho dù là ngày giữa tuần, Mẹ tắm rửa cho Mary và Laura thật cẩn thận, rồi làm tóc cho hai bé. Mẹ rẽ tóc thành nhiều cuộn nhỏ, dùng lược ướt chải mỗi cuộn rồi cuốn chặt mỗi cuộn vào một mảnh vải. Hai bé cảm thấy khắp trên đầu có những chỗ phình độn dù xoay trở đầu ra sao trên chiếc gối. Đến buổi sáng, mái tóc hai bé sẽ được uốn quăn.

Hai chị em quá phấn khởi nên không tài nào ngủ ngay được. Mẹ không ngồi may vá như thường lệ. Mẹ đang bận rộn chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho bữa ăn sáng nhanh và soạn ra những đôi bít tất đẹp nhất, những bộ áo đẹp nhất, thêm chiếc áo sơ mi chỉnh tề cho Bố, còn Mẹ sẽ mặc bộ áo vải trúc bâu mầu nâu với hoa tím nhỏ.

Bây giờ ngày trở nên dài hơn. Buổi sáng, Mẹ thổi tắt ngọn đèn dầu trước khi dùng điểm tâm xong. Đấy là một buổi sáng mùa xuân trời đẹp và quang đãng.

Mẹ hối Mary và Laura kết thúc bữa sáng rồi nhanh chóng rửa tô đĩa. Hai bé mang bít tất và giầy vào trong khi Mẹ dọn giường. Rồi Mẹ giúp hai bé mặc bộ áo đẹp nhất – Mary mặc bộ áo vải trúc bâu mầu lam và Laura mặc bộ áo vải trúc bâu mầu đỏ sậm. Mary giúp cài cúc cho Laura phía sau lưng, rồi Mẹ giúp cài cúc cho Mary.

Mẹ tháo ra những mảnh vải trên mái tóc hai bé và chải tóc thành những lọn tròn, uốn cong, phủ xuống hai bên vai. Mẹ chải tóc nhanh đến nỗi những chỗ tóc rối làm đau ghê gớm. Mary có mái tóc vàng kim óng đẹp, nhưng mái tóc của Laura chỉ có mầu nâu xỉn.

Khi đã chải xong các cuộn tóc quăn, Mẹ cột dây mũ dưới cằm mỗi bé. Mẹ thắt cổ áo của mình bằng một chiếc kim vàng, rồi đội chiếc mũ ngoài lên khi Bố đánh xe đến cổng nhà.

Bố đã chải lông cho hai con ngựa đến khi da chúng sáng bóng lên. Bố đã quét dọn sạch sẽ chiếc xe goòng và trải một tấm chăn sạch lên băng ghế. Mẹ bế em bé Carrie ngồi cùng băng ghế với Bố, còn Mary và Laura ngồi trên một tấm ván đặt ngang thùng xe phía sau băng ghế.

Mọi người đều vui khi chiếc xe chạy qua khu rừng mùa xuân. Carrie cười và nhún nhẩy, Mẹ đang mỉm cười, Bố huýt sáo khi giật giây cương điều khiển hai con ngựa. Ánh mặt trời sáng soi và ấm áp trên con đường. Mùi hương ngọt ngào mát mẻ tỏa ra từ khu rừng rậm lá.

Thi tran

Những con thỏ rừng nhẩy nhót trên con đường phía trước, các móng nhỏ chân trước đu đưa xuống, mũi hếch hếch, ánh nắng chiếu qua các vành tai giật giật nhỏng cao. Rồi chúng nhảy biến đi, những cái đuôi trắng nhỏ lấp lóe. Đôi lần Mary và Laura thấy một con nai đứng trong bóng râm giữa cây cối nhìn hai bé với cặp mắt to và đen.

Đường đến thị trấn dài khoảng mười cây số. Thị trấn có tên Pepin, nằm ven bờ Hồ Pepin.

Sau một hồi lâu, Laura bắt đầu thoáng thấy mặt nước xanh lam giữa những hàng cây. Con đường đất cứng đã trở thành cát mềm. Bánh xe goòng chìm ngập dưới lớp cát, khiến cho hai con ngựa phải đổ mồ hôi cố sức kéo xe. Bố thường dừng xe lại cho ngựa nghỉ mỗi lần ít phút.

Rồi thình lình con đường thoát ra khỏi khu rừng, và Laura nhìn thấy hồ nước. Mặt hồ xanh như da trời, trải rộng tít tắp chân trời. Bé không nhìn ra thứ gì khác hơn ngoài mặt nước xanh lam phẳng lặng. Ở phía xa xa trời và nước giáp nhau, và có một đường xanh lam đậm.

Bầu trời lồng lộng phía trên. Laura chưa từng biết rằng bầu trời to rộng đến thế. Bầu không gian chung quanh bé tỏa rộng bao la khiến cho bé cảm thấy mình quá nhỏ. Bé hãi sợ và thấy mừng vì có Bố và Mẹ ở kề bên.

Thình lình ánh nắng nóng chiếu xuống. Mặt trời lên gần đỉnh đầu trên bầu trời rộng mở, còn khu rừng mát mẻ lùi xa dần với bờ hồ. Ngay cả Rừng Đại Ngàn trông có vẻ cũng như thu nhỏ lại dưới khoảng trời bao la.

Bố dừng ngựa, ngoái lại về phía băng sau. Ông lấy cây roi chỉ về phía trước.

Bố nói: “Tới nơi rồi, Mary và Laura! Đấy là Thị trấn Pepin.”

Laura đứng lên trên tấm ván; Bố nắm lấy cánh tay bé cho bé khỏi ngã mà nhìn thị trấn. Khi nhìn ra, bé hầu như ngừng thở. Bây giờ bé mới hiểu được anh Mẽo Ngố đã có ấn tượng ra sao khi anh ta không nhìn thấy thị trấn vì có quá nhiều nhà.

Ngay trên bờ hồ có một tòa nhà lớn. Bố cho biết đấy là cửa hàng. Tòa nhà không phải được dựng từgỗ súc. Nó được xây bằng những tấm ván gỗ rộng, mầu xám, theo chiều thẳng đứng. Bãi cát trải rộng chung quanh tòa nhà.

Phía sau tòa nhà có một khoảnh đất trống, rộng hơn khoảnh rừng ở nhà Bố đã phát quang. Quanh các gốc cây có thêm nhiều ngôi nhà mà Laura không đếm xuể. Các ngôi nhà này cũng không được dựng bằng gỗ súc, mà bằng những tấm ván gỗ rộng, giống như ở cửa hàng.

Laura chưa bao giờ tưởng tượng có nhiều nhà đến thế, và nhà lại san sát nhau như vậy. Dĩ nhiên là các ngôi nhà này nhỏ hơn nhiều so với cửa hàng. Có một ngôi nhà được xây bằng những tấm ván gỗ mới, chưa ngả mầu xám qua thời gian; đấy là mầu vàng của gỗ mới xẻ.

Các ngôi nhà này đều có người ở. Khói tỏa lên từ các ống khói. Dù hôm nay không phải là ngày Thứ Hai, vài phụ nữ đã mang quần áo mới giặt ra phơi trên các lùm bụi và gốc cây gần nhà.

Vài đứa bé trai và gái đang đùa giỡn dưới ánh nắng, trên khoảnh sân giữa cửa hàng và các ngôi nhà. Chúng nhảy từ gốc cây này sang gốc cây kia và la hét ầm ĩ cùng nhau.

Bố nói: “À, Pepin là như thế đấy.”

Laura chỉ gật đầu. Bé cứ nhìn ngắm và ngắm nhìn mà không nói tiếng nào. Sau một lúc, bé ngồi xuống, và hai con ngựa tiếp tục chạy.

Cả nhà xuống xe bên bờ hồ. Bố tháo hai con ngựa ra, cột mỗi con vào một bên xe. Rồi ông dắt tay Mary và Laura, còn Mẹ bế em bé Carrie. Họ bước qua bãi cát sâu để đi đến cửa hàng. Cát ấm lọt qua giầy của Laura.

Có một thềm rộng phía trước cửa hàng, ở một đầu có những bậc thang dẫn lên từ bãi cát. Tim Laura đập nhanh đến nỗi bé có cảm tưởng khó mà bước lên các bậc thang. Toàn thân bé run rẩy.

Đấy là cửa hàng mà Bố đã đến bán lông thú. Khi cả nhà bước vào, người chủ cửa hàng nhận ra Bố. Người chủ từ phía sau quầy bước ra tiếp chuyện với Bố và Mẹ, rồi thì Mary và Laura phải tỏ ra thật lịch sự.

Mary cất tiếng “Chào ông!” nhưng Laura không thể nói được gì.

Chủ cửa hàng nói với Bố và Mẹ: “Ông bà có hai cháu nhỏ xinh lắm,” và ông tỏ ý khen mái tóc quăn, vàng óng của Mary. Nhưng ông không nói gì về Laura, hoặc về mái tóc của bé. Mái tóc xấu xí và có mầu nâu.

Cửa hàng có nhiều món nhìn không chán mắt. Dọc theo một bên là những ngăn kệ chứa đầy vải in và vải trúc bâu. Có những loại đẹp đẽ đủ các mầu hồng, lam, đỏ, nâu và tím. Trên sàn dọc theo bờ tường là những thùng chứa các loại đinh, đạn tròn xám, và những thùng gỗ chứa đầy bánh kẹo. Còn có những bao muối, và những bao đường tinh chế của cửa hàng[S].

Cua hang o thi tran

Ở giữa cửa hàng là một chiếc cày bằng gỗ bóng mượt, với lưỡi cày sáng lấp lánh, lại có những đầu rìu và đầu búa bằng thép, lưỡi cưa, và đủ loại dao – dao đi săn, dao lột da, dao hạ thịt, dao xếp. Có những đôi giầy ống to nhỏ khác nhau, và những đôi giầy cổ thấp cũng to nhỏ khác nhau.

Laura ước chừng mình nhìn ngắm cả tuần vẫn chưa đủ. Bé chưa từng biết có nhiều món như thế trên đời.

Bố và Mẹ mất nhiều thời giờ để mua sắm. Chủ cửa hàng mang xuống hết cuộn này đến cuộn khác các loại vải trúc bâu, trải ra cho Mẹ vuốt ve, nhìn ngắm và hỏi han giá cả. Mary và Laura chỉ nhìn nhưng không được phép sờ đến. Mỗi cuộn vải lại có mầu sắc và hoa văn trông đẹp hơn cuộn vải trước, và có quá nhiều loại! Laura không rõ làm thế nào Mẹ chọn lựa được.

Khi mua cho Bố, Mẹ chọn hai thứ hoa văn vải trúc bâu để may áo sơ mi, và một tấm vải bông dệt chéo để may chiếc áo choàng liền quần. Rồi Mẹ mua vải trắng để may tấm trải giường và quần áo lót.

Bố muốn mua vải trúc bâu để làm tạp dề cho Mẹ, nhưng Mẹ nói:

“Không, Charles à, thật sự em không cần thứ ấy đâu.”

Nhưng Bố cười và bảo Mẹ phải lựa, nếu không Bố sẽ mua hàng nền đỏ với hoa văn to mầu vàng. Mẹ mỉm cười, đôi má ửng hồng. Mẹ lựa hoa văn nụ hồng cùng lá cây trên nền mầu nâu vàng.

Rồi Bố mua một đôi dây đeo quần và một ít thuốc lá để hút ống vố. Mẹ mua thêm nửa cân trà và một gói đường để trữ trong nhà phòng khi có khách. Đấy là loại đường mầu nâu nhạt, khác với đường phong có mầu nâu sậm mà Mẹ dùng hàng ngày.

Sau khi đã kết thúc việc mua sắm, chủ cửa hàng tặng hai chị em bé Mary và Laura mỗi người một thỏi kẹo. Hai bé quá ngạc nhiên và vui mừng đến nỗi chỉ đứng đấy mà nhìn thỏi kẹo. Rồi Mary nhớ ra và nói: “Cảm ơn ông.”

Laura không thể thốt nên lời. Mọi người đang chờ đợi mà bé không cất được tiếng nào.

Mẹ phải nhắc: “Laura à, con phải nói gì?”

Rồi Laura mở miệng, nuốt ực nước bọt và thì thào: “Cảm ơn ông.”

Sau đấy, cả gia đình bước ra khỏi cửa hàng. Hai thỏi kẹo có mầu trắng, dẹp và mỏng, hình quả tim. Có chữ đỏ in trên vỏ kẹo mà Mẹ đọc lên.

Thỏi kẹo của Mary ghi bốn câu thơ:

Nụ hồng sắc đỏ thắm
Hoa tím mầu lam chiều
Đường ngọt ngào thắm đẫm
Ngọt như em yêu kiều

Dòng chữ trên thỏi kẹo của Laura chỉ ghi:

Kẹo ngọt cho người ngọt ngào.[T]

Hai thỏi kẹo có kích thước bằng nhau. Chữ trên thỏi kẹo của Laura lớn hơn chữ trên thỏi kẹo của Mary.

Cả gia đình đi băng qua bãi cát để trở lại xe goòng ở bờ hồ. Bố lấy ra yến mạch ông mang theo phía dưới thùng xe cho ngựa ăn. Mẹ mở hộp picnic.

Mọi người ngồi trên nền cát ấm gần xe goòng, ăn bánh mỳ với bơ, phô mai, trứng luộc và bánh quy. Từng làn sóng trên mặt Hồ Pepin cuộn vào bờ đến tận chân của họ rồi lại rút ra với tiếng vỗ miên man.

Sau khi dùng bữa, Bố trở lại cửa hàng để gặp gỡ một vài người. Mẹ ngồi im lặng ôm bé Carrie cho đến khi bé thiếp ngủ. Nhưng Mary và Laura chạy dọc theo bờ hồ, nhặt lên những viên sỏi đẹp đã được bào mòn bóng nhẵn bởi vô số lớp sóng sóng đánh lên xuống.

Ở Rừng Đại Ngàn không có những viên sỏi như thế.

Khi tìm thấy một viên sỏi đẹp, Laura cho vào trong túi áo, và có quá nhiều sỏi, mỗi viên mới tìm thấy đều đẹp hơn viên trước, đến nỗi Laura cho vào đầy cả túi. Rồi Bố cất tiếng kêu, hai bé chạy trở lại xe goòng, vì hai con ngựa đã được thắng vào xe và đã đến lúc phải về nhà.

Laura cảm thấy vui sướng khi chạy qua bãi cát đến nơi Bố đang đứng, với bao nhiêu viên sỏi đẹp đựng trong túi. Nhưng khi Bố nhấc bé lên xe, một sự cố kinh khủng xảy ra.

Các viên sỏi nặng làm cho túi áo sút ra. Cái túi rơi xuống, và các viên sỏi lăn lóc khắp cùng trên đáy thùng xe.

Laura khóc lên vì bé đã làm rách chiếc áo đẹp nhất của mình.

Mẹ trao bé Carrie cho Bố bế rồi nhanh chóng đến nhìn vết rách. Mẹ nói không hề gì.

Mẹ bảo: “Nín đi, Laura. Mẹ có thể sửa được.” Mẹ chỉ cho Laura thấy chiếc áo không hề bị rách, cả cái túi cũng không rách. Cái túi đã được may vào ve áo và treo phía dưới. Chỉ có đường chỉ may bị sứt ra. Mẹ có thể may lại cái túi trông như mới.

Mẹ bảo: “Laura, con nhặt lên mấy viên sỏi đẹp đi. Lần sau đừng tham lam như thế nữa.”

Thế là Laura nhặt các viên sỏi, cho vào túi, và giữ cái túi trên lòng. Bé không thấy buồn lòng khi Bố cười nhạo bé là cô gái nhỏ tham lam nên đã không tự lượng sức mình.

Đối với Mary thì chuyện như thế không xảy ra. Mary là bé ngoan, luôn giữ cho áo được sạch và chỉnh tề, luôn ứng xử có phép tắc. Mary có mái tóc quăn vàng óng, và thỏi kẹo của bé có ghi bài thơ.

Mary trông rất ngoan và hiền dịu, chỉn chu, sạch sẽ, ngồi trên tấm ván kế bên Laura. Bé Laura nghĩ như thế là không công bằng.

Nhưng hôm ấy là một ngày tuyệt diệu, ngày tuyệt diệu nhất trong đời Laura. Bé nghĩ về hồ nước đẹp, về thị trấn bé đã trông thấy, và về cửa hàng lớn chứa thật nhiều món. Bé cẩn thận giữ lấy các viên sỏi trên lòng, và thỏi kẹo hình quả tim được quấn cẩn thận trong chiếc khăn tay để về nhà mang đi cất và giữ mãi. Thỏi kẹo quá đẹp nên bé không muốn ăn.

Chiếc xe goòng dằn xóc dọc con đường về nhà ngang qua Rừng Đại Ngàn. Mặt trời hạ dần, khu rừng tối lại, nhưng trước khi trời tắt hẳn thì trăng đã lên rồi. Và tất cả đều yên ổn, bởi vì Bố mang theo khẩu súng.

Ánh trăng mờ dịu chiếu qua cành cây kẽ lá, tạo nên những bóng hoa chập chờn tối sáng trên con đường trước mặt. Vó ngựa gõ dồn những âm thanh lóc-ca lóc-cóc nghe vui tai.

Mary và Laura không nói gì vì đã quá mệt mỏi, còn Mẹ ngồi im lìm bế em bé Carrie đang say ngủ. Riêng Bố cất tiếng hát khe khẽ:

Lầu ai đẹp xinh trông sang giàu
   chúng ta vẫn cứ lượn qua
Dù ta cảnh khốn khó eo sèo
   chẳng nơi đâu sánh như nhà. [U]

Mùa hè

Bây giờ là mùa hè, và người ta đi thăm viếng lẫn nhau. Đôi lúc Bác Henry hoặc Chú George hoặc Ông Nội băng qua Rừng Đại Ngàn để đến thăm gia đình Bố. Mẹ ra cửa đón tiếp và hỏi thăm tất cả, rồi nói: “Charles đang làm việc trên khoảnh rừng phát quang.” Rồi Mẹ làm thêm thức ăn, và bữa ăn chiều kéo dài hơn ngày thường. Bố, Mẹ và khách ngồi nói chuyện một lúc trước khi trở lại với công việc.

Đôi lúc Mẹ cho phép Mary và Laura đi qua con đường rồi xuống triền đồi để đến chơi với Bà Peterson. Gia đình Peterson mới dời đến ở nơi đây. Ngôi nhà của họ còn mới, và luôn luôn rất ngăn nắp, bởi vì Bà Peterson không có con gái nhỏ làm bừa bộn. Bà là người Thụy Điển, và bà cho Mary và Laura xem những thứ xinh đẹp mang từ Thụy Điển qua – đăng ten, hàng thêu, và đồ sứ.

Bà Peterson nói tiếng Thụy Điển với hai bé và hai bé nói tiếng Anh với bà, nhưng hai bên hoàn toàn hiểu được nhau. Khi từ biệt, bà thường cho mỗi bé một chiếc bánh quy, và hai bé gặm nhắm chiếc bánh thật chậm rãi trên đường về nhà.

Laura gặm đúng phân nửa chiếc bánh của bé, còn chị Mary gặm đúng phân nửa chiếc bánh của chị, hai bé để dành phần còn lại cho em bé Carrie. Thế là khi hai bé trở về nhà, Carrie có hai miếng một nửa, đấy là nguyên cả một chiếc bánh quy.

Như thế là không ổn. Hai bé muốn chia đều hai chiếc bánh quy với Carrie cho công bằng. Nhưng mà, nếu Mary để dành một nửa chiếc bánh trong khi Laura ăn hết bánh của mình, hoặc nếu Laura để dành một nửa còn Mary ăn hết bánh của chị, thì như thế cũng là không công bằng.

Hai bé không biết làm cách nào. Thế là mỗi bé để dành phân nửa cho em Carrie. Nhưng cả hai bé đều cảm thấy chút gì đó vẫn không công bằng.

Đôi lúc có nhà láng giềng báo trước là gia đình họ sẽ đến chơi. Thế là Mẹ lo lau dọn và nấu nướng thêm, và mở gói đường mua ở cửa hàng. Buổi sáng ngày đã hẹn, một chiếc xe goòng đi đến cổng nhà, rồi có những đứa trẻ lạ mặt cùng chơi đùa.

Khi hai ông bà Huleatt đến, họ dẫn theo Eva và Clarence. Eva là cô bé xinh xắn, với đôi mắt đen và tóc quăn đen. Bé Eva chơi đùa cẩn thận, giữ gìn trang phục được sạch sẽ và thẳng thớm. Mary thích như thế, nhưng Laura thích chơi với Clarence hơn.

Bé trai Clarence có tóc đỏ, mặt có tàn nhang, và lúc nào cũng cười. Trang phục bé mặc cũng đẹp. Clarence mặc bộ quần liền áo mầu lam, những chiếc cúc mạ vàng cài một hàng dài phía trước người, và bé mang đôi giầy có mũi bịt đồng. Các dải đồng vắt ngang các ngón chân trông sáng chói đến nỗi Laura ước gì mình là con trai. Các bé gái không mang giầy có mũi bịt đồng. Laura cùng Clarence chạy nhảy, la hét và leo lên các cây, trong khi Mary cùng Eva đi dạo nghiêm chỉnh và chuyện trò. Mẹ và Bà Huleatt cùng xem tạp chí Godey’s Lady’s Book mà Bà Huleatt mang đến, còn Bố và Ông Huleatt xem qua các con ngựa, mùa màng và hút ống vố.

Có một lần Dì Lotty đến chơi một ngày. Sáng hôm ấy, Laura phải đứng yên một lúc lâu trong khi Mẹ tháo các cuộn tóc của bé ra khỏi các mảnh vải và chải thành những lọn tóc quăn. Mary đã sẵn sàng, ngồi đoan trang trên một chiếc ghế, với mái tóc quăn vàng óng cùng bộ áo mới phẳng lì mầu lam.

Laura yêu thích bộ áo mầu đỏ của mình. Nhưng Mẹ kéo các lọn tóc của bé quá mạnh, và mái tóc của bé mầu nâu thay vì vàng óng, vì thế mà không ai để ý đến. Mọi người chỉ để ý và khen ngợi không tiếc lời mái tóc của Mary.

Cuối cùng, Mẹ nói: “Xong rồi! Tóc con đã quăn đẹp, và Dì Lotty đã đến. Hai con chạy ra đón Dì, hỏi xem Dì thích mái tóc nào, tóc quăn nâu hay tóc quăn vàng.”

Mary và Laura chạy ra khỏi cửa, chạy xuống con đường mòn, vì Dì Lotty đã đi đến cổng nhà. Dì Lotty là phụ nữ cao lớn, cao hơn Mary nhiều. Dì mặc bộ áo đẹp mầu hồng, tay vung vẩy chiếc mũ qua một sợi dây buộc.

Mary hỏi: “Dì Lotty ạ, Dì thích mái tóc nào, tóc quăn nâu hay tóc quăn vàng?” Mẹ đã bảo Mary hỏi câu ấy, và Mary là bé rất ngoan nên đã hỏi đúng như thế.

Laura chờ đợi câu trả lời của Dì Lotty, và cảm thấy khổ sở.

Dì Lotty vừa cười vừa nói: “Dì thấy thích cả hai.” Dì đưa tay nắm lấy Mary và Laura, mỗi bé một bên, và ba dì cháu vừa đi vừa nhảy chân sáo đến khung cửa nơi Mẹ đang đứng đợi.

Ánh mặt trời đang chiếu vào ngôi nhà qua các khung cửa sổ; mọi thứ đều ngăn nắp và đẹp đẽ. Chiếc bàn được phủ bằng vải đỏ, lò nướng được lau chùi thành mầu đen tuyền bóng loáng. Qua cửa phòng ngủ, Laura có thể thấy chiếc giường gầm đã được đẩy vào dưới chiếc giường to. Cửa gian bếp được mở rộng, phô bầy quang cảnh và mùi vị thơm tho của các món ngon trên kệ. Con mèo Susan Đen đã nằm ngủ trên phòng gác mái, bây giờ đang đi xuống, kêu rù rù trong cổ họng.

Tất cả đều dễ chịu; Laura cảm thấy vui vẻ và phấn chấn đến nỗi không ai nghĩ bé sẽ nghịch phá như thế nào buổi tối hôm ấy.

Dì Lotty đã ra về; Mary và Laura cảm thấy mệt mỏi và bực bội. Hai bé đang đi đến đống củi, nhặt dăm gỗ cho đầy một cái xoong để chụm bếp vào sáng hôm sau. Hai bé không thích công việc này chút nào, nhưng mỗi ngày vẫn phải làm. Tối hôm nay, hai bé càng ghét công việc này hơn bao giờ.

Laura nhặt lấy mảnh dăm gỗ to nhất, và Mary nói:

“Chị không màng. Dù sao chăng nữa, Dì Lotty thích tóc của chị nhất. Tóc vàng thì đẹp hơn tóc nâu nhiều.”

Laura cảm thấy nghẹn họng, không nói gì được. Bé biết tóc vàng đẹp hơn tóc nâu. Không nói được tiếng nào, thế là bé lập tức dang tay tát vào mặt Mary.

Rồi bé nghe Bố gọi: “Laura, đến đây.”

Bé đi chầm chậm, vừa đi vừa kéo lê đôi chân. Bố đang ngồi ngay bên trong khung cửa. Bố đã thấy Laura tát Mary.

Bố nói: “Con nên nhớ Bố đã từng bảo hai con gái rằng không được đánh nhau.”

Laura bắt đầu: “Nhưng Mary nói—”

Bố nói: “Việc ấy không liên quan. Con phải nghe lời Bố.”

Rồi Bố cầm lấy sợi dây treo trên tường mà phạt đòn Laura.

Laura ngồi khóc thút thít trên một chiếc ghế ở góc phòng. Khi ngưng khóc, bé vẫn còn hờn dỗi. Bé thấy trên cả thế gian này chỉ còn có một điều làm cho bé vui, đấy là chị Mary phải một mình đi lấy đầy một xoong dăm gỗ.

Cuối cùng, khi trời chuyển tối, Bố cất giọng ngọt ngào gọi: “Laura, con đến đây.” Khi Laura đi đến, Bố đặt bé ngồi trên đầu gối rồi ôm chặt lấy bé. Laura ngồi lên cánh tay của Bố, đầu dụi vào vai Bố, bộ râu Bố cạ lên đôi mắt bé, thế là mọi việc trở lại bình thường.

Laura kể cho Bố nghe chuyện đã xảy ra, và hỏi: “Bố không thích tóc vàng hơn tóc nâu, phải không?”

Đôi mắt xanh của Bố chiếu xuống bé, và Bố đáp: “À, Laura con, tóc của Bố mầu nâu mà.”

Laura đã không nghĩ đến điều này. Tóc của Bố mầu nâu, râu của Bố mầu nâu, và bé nghĩ mầu nâu là mầu đẹp. Bé còn thấy vui vì Mary phải lo đi lấy cho đủ dăm gỗ.

Những buổi tối mùa hè, Bố không kể chuyện hoặc kéo đàn. Ngày mùa hè thì dài, và sau khi làm việc nặng nhọc trên cánh đồng suốt ngày, Bố rất mệt mỏi.

Mẹ cũng bận rộn. Mary và Laura giúp Mẹ nhổ cỏ trong vườn rau, cũng giúp Mẹ cho hai con bê và đàn gà ăn. Hai bé còn lượm trứng, và giúp Mẹ làm phô mai.

Khi cỏ đã mọc cao dầy trong rừng và hai con bò cái đang cho nhiều sữa, thì đến lúc làm phô mai.

Ai đấy phải giết con bê, bởi vì muốn làm phô mai thì cần phải có men dịch vị của bê, tức là phần lót bên trong dạ dày của bê. Con bê cho men dịch vị phải còn non, khi nó chỉ bú sữa chứ chưa ăn gì khác.

Laura e sợ Bố phải giết một trong hai con bê trong chuồng. Hai con vật trông thật dễ thương. Một con có bộ lông nâu-vàng, còn con kia mầu đỏ. Bộ lông chúng rất mềm mại, đôi mắt to trông thật ngơ ngác. Tim Laura đập thình thịch khi Mẹ và Bố bàn với nhau về việc làm phô mai.

Bố sẽ không giết con bê nào cả, bởi vì hai con là bê cái, sau này sẽ cho sữa. Bố đi đến nhà Ông Nội và Bác Henry để bàn bạc việc làm phô mai, rồi Bác Henry nói sẽ giết con bê của mình. Sẽ có đủ men dịch vị để còn chia cho Bà Ngoại, Mẹ, và Cô Polly.

Thế là Bố lại đi đến nhà Bác Henry. Khi trở về, Bố mang theo một miếng dạ dày bê, trông giống như miếng da mềm, mầu trắng-xám, một bề mặt có những lằn gợn và xù xì.

Vào buổi tối khi vắt sữa bò, Mẹ cho sữa vào các xoong. Đến sáng, Mẹ hớt lớp kem ra để sau đấy làm bơ. Khi sữa ban sáng đã nguội, Mẹ trộn sữa này với sữa gạn kem rồi hâm nóng trên bếp.

Mẹ cột miếng dạ dày bê trong một túi vải rồi ngâm trong nước ấm.

Khi sữa đã đủ nóng, Mẹ vắt hết nước từ túi vải rồi rót nước này vào sữa. Mẹ khuấy đều rồi để sữa qua một chỗ ấm gần bếp lò. Trong chốc lát, sữa đông lại thành một khối mềm mại, lắc lư trong nước.

Mẹ dùng một con dao dài để cắt khối này thành những mẩu sữa đông hình khối, rồi để yên cho sữa đông tách ra khỏi nước sữa. Sau đấy, Mẹ cho tất cả lên một mảnh vải, để nước sữa lỏng mầu vàng nhạt chảy xuống qua lớp vải.

Khi không còn nước sữa chảy xuống, Mẹ cho sữa đông vào một cái xoong to rồi nêm muối và đảo trộn đều.

Mary và Laura luôn có mặt kế bên, giúp đỡ Mẹ những việc gì có thể được. Hai bé thích ăn những mảnh sữa đông khi Mẹ nêm muối, nghe tiếng kèn kẹt giữa hai hàm răng.

Dưới cây anh đào ở sân sau, Bố đã chuẩn bị một tấm ván để ép phô mai. Bố khoét hai đường rãnh dọc theo chiều dài của tấm ván, đặt tấm ván lên hai bệ đỡ, một đầu cao hơn đầu kia một chút. Phía dưới đầu thấp là một cái xô rỗng.

Lam pho mat

Mẹ đặt cái vành gỗ lên mặt tấm ván, căng một tấm vải ướt, sạch khắp mặt trong vành, rồi cho vào đầy những mẩu sữa đông đã nêm muối. Mẹ dùng một tấm vải ướt sạch khác phủ phía trên vành gỗ, đặt lên trên một tấm ván tròn, cắt vừa nhỏ để lọt vào bên trong vành. Rồi Mẹ lấy một phiến đá nặng dằn lên phía trên tấm ván tròn.

Cả ngày tấm ván tròn chầm chậm chìm xuống dưới sức nặng của phiến đá, nước sữa được ép ra và chảy xuống theo hai đường rãnh trên tấm ván lót ở dưới rồi chảy vào cái xô.

Sáng hôm sau, Mẹ lấy ra khối phô mai tròn, mầu vàng nhạt, lớn bằng cái xoong sữa. Rồi Mẹ làm thêm sữa đông và lại cho vào cái vành gỗ.

Mỗi buổi sáng, Mẹ lấy phô mai ra khỏi cái vành gỗ rồi gọt cho tròn trịa. Mẹ lấy một mảnh vải may lại để bọc chặt chung quanh, và lấy bơ thoa khắp cùng bề mặt vải. Rồi Mẹ mang phô mai cất trên một ngăn kệ trong gian bếp.

Mỗi ngày Mẹ dùng một tấm vải ướt lau tất cả các khối phô mai, rồi lại lấy bơ thoa khắp bề mặt và đặt các khối phô mai xuống trên bề mặt kia. Sau nhiều ngày, phô mai đã chín, và có một lớp vỏ cứng bao quanh.

Rồi Mẹ dùng giấy gói mỗi khối phô mai và cất giữ trên ngăn kệ cao. Đến lúc này thì không cần làm gì nữa; phô mai đã ăn được.

Mary và Laura thích công việc làm phô mai. Hai bé thích ăn sữa đông và nghe tiếng kèn kẹt giữa hai hàm răng. Hai bé cũng thích ăn những mẩu phô mai vụn sau khi Mẹ gọt khối phô mai to mầu vàng cho tròn trịa trước khi dùng vải bọc chung quanh.

Mẹ chế giễu hai bé về việc ăn phô mai mầu lục.

Mẹ bảo: “Nhiều người nói mặt trăng được tạo từ phô mai mầu lục.”

Đúng là phô mai mới trông giống vầng trăng tròn khi mới mọc lên khỏi ngọn cây. Nhưng phô mai không có mầu lục; nó có mầu vàng giống như mặt trăng.

Mẹ bảo: “Nó có mầu lục, bởi vì nó chưa chín. Khi chín rồi thì nó không còn có mầu lục nữa.”

Laura hỏi: “Có thật là mặt trăng được tạo từ phô mai mầu lục không?”

Mẹ cười, nói: “Mẹ nghĩ người ta nói thế bởi vì mặt trăng trông giống phô mai mầu lục. Nhưng vẻ bề ngoài thường gây nhầm lẫn.” Rồi trong khi lau phô mai và thoa bơ lên bề mặt, Mẹ kể cho Laura nghe về mặt trăng hoang vu, lạnh lẽo, giống như một thế giới nhỏ nhưng không có gì sinh sống được trên đó.

Ngày đầu tiên Mẹ làm phô mai, Laura đã nếm thử nước sữa. Bé nếm mà không nói gì với Mẹ, và khi Mẹ quay lại trông thấy khuôn mặt bé, Mẹ phá lên cười.

Tối hôm ấy, trong khi Mẹ đang rửa tô đĩa còn Mary và Laura giúp lau tô đĩa, Mẹ kể cho Bố nghe rằng Laura đã nếm nước sữa và tỏ ra không thích.

Bố bảo: “Con sẽ không đến nỗi chết đói vì dùng nước sữa của Mẹ, không giống như Già Grimes khi dùng nước sữa của vợ ông ấy.”

Laura xin Bố kể câu chuyện về Già Grimes. Thế là tuy đang mệt nhọc, Bố vẫn nhấc cây đàn ra khỏi chiếc hộp đàn mà chơi nhạc và hát cho Laura nghe:

Già Grimes ra đi đã xa
Lòng ta nhớ Già, bồi hồi thương tiếc
Nhớ xưa mặc bộ mầu tro
Cài khuy trước người, một hàng thật to

Vợ Già gạn sạch hết kem
Còn được chất gì, Già đành phải tém!
Phía Tây một trận cuồng phong
Già teo tóp người, bay về tầng không[V]

Bố nói:

“ Thế đấy! Bà ấy là người bủn xỉn. Nếu bà ấy đừng gạn hết sữa thì còn một ít kem chảy ra theo nước sữa, và đáng lẽ Già Grimes còn có thể cầm cự.

“ Nhưng bà gạn ra hết cả kem, và Già Grimes tội nghiệp ốm teo tóp nên bị gió thổi bay đi. Thế là chết đói luôn.”

Rồi Bố nhìn Mẹ và nói: “Caroline ạ, có em thì không ai bị đói.”

Mẹ bảo: “À, đúng thế. Không ai đói nếu có anh cung cấp cho mẹ con em.”

Bố lấy làm vui. Mọi việc đều thật vui, các cánh cửa ra vào và cửa sổ rộng mở ra buổi chiều mùa hè, tô đĩa phát ra những tiếng lanh canh nghe vui tai khi Mẹ rửa, có Mary và Laura phụ giúp lau khô, còn Bố thì để cây đàn qua một bên, mỉm cười rồi khe khẽ huýt sáo với chính mình.

Sau một lúc, Bố nói: “Caroline à, ngày mai anh đến nhà Bác Henry để mượn cái cuốc xới đất. Mấy gốc cây trên đồng lúa mỳ đã mọc nhánh cao đến thắt lưng. Ta phải luôn chăm lo đến nó, nếu không rừng sẽ lại xâm chiếm cánh đồng.”

Sáng sớm hôm sau, Bố bắt đầu chuyến đi bộ đến nhà Bác Henry. Nhưng chẳng bao lâu sau đấy, Bố vội vã quay về, thắng hai con ngựa vào chiếc xe goòng, ném lên chiếc rìu, hai chậu giặt, chiếc thùng nấu quần áo, cùng tất cả xô và chậu khác có sẵn.

Bố nói: “Caroline à, anh không biết sẽ cần đến tất cả các thứ này hay không, nhưng anh không muốn khi cần món gì lại không có.”

Nhẩy cẫng lên vì hào hứng, Laura hỏi: “Gì thế? Gì thế hở Bố?”

Mẹ bảo: “Bố đã tìm thấy một tổ ong. Có lẽ Bố sẽ mang về cho chúng ta ít mật ong.”

Giữa trưa, Bố đánh xe về đến nhà. Laura đang trông ngóng. Bé chạy đến chiếc xe goòng ngay khi nó dừng ở sân chuồng. Nhưng bé không thể nhìn vào trong thùng xe.

Bố gọi: “Caroline, em ra mang xô mật ong này vào trong, anh bận tháo ngựa ra khỏi xe.”

Mẹ bước đến chiếc xe goòng, tỏ vẻ thất vọng. Mẹ nói:

“Thôi được, Charles à, có một xô mật ong vẫn là đáng kể.” Rồi Mẹ nhìn vào bên trong thùng xe và giơ hai tay lên. Bố cười lớn. Tất cả các xô và chậu đều chứa đầy mật vàng óng. Cả hai chậu giặt quần áo cùng chiếc thùng cũng chứa đầy mật ong.

Bố và Mẹ đi vào đi ra để mang hai chậu, chiếc thùng và các xô chậu vào nhà. Mẹ chất ngăn nắp các món đựng mật ong lên với nhau và lấy vải phủ lên.

Trong bữa ăn chiều, cả nhà tha hồ ăn mật ong ngon ngọt. Bố kể làm thế nào đã tìm ra tổ ong.

“ Bố không mang theo súng bởi vì không định đi săn, và cũng vì bây giờ là mùa hè nên không có mấy mối nguy hiểm. Vào mùa này trong năm, báo và gấu đều mập mạp, nên chúng tỏ ra lười biếng, hiền hòa.

“ Thế là Bố đi theo đường tắt ngang qua rừng, rồi đối mặt với một chú gấu to. Bố đi vòng qua một bụi rậm, thế là trông thấy nó, cách một khoảng chỉ chừng chiều rộng phòng này.

“ Chú gấu nhìn đến Bố, và Bố đoán nó đã thấy Bố không mang súng. Dù sao thì nó không để ý đến Bố nữa.

Con gau va to ong

“ Chú gấu đang đứng bằng hai chân gần một gốc cây; một đàn ong đang bay vù vù chung quanh. Ong không thể nào đốt qua bộ lông dầy của gấu, và nó lấy một tay xua đuổi ong đang bay qua mặt.

“ Bố chỉ đứng đấy mà nhìn chú gấu. Nó chọc tay kia vào một lỗ hổng trên thân cây rồi rút tay ra, tay dính mật chảy ròng ròng. Chú gấu liếm mật ong trên tay rồi lại chọc tay vào để lấy thêm mật ong. Đến lúc này thì Bố đã tìm được một khúc cây. Bố muốn chiếm mật ong cho riêng mình.

“ Thế là Bố gây huyên náo, vừa lấy khúc cây đập liên hồi vào một thân cây vừa la hét ầm ĩ. Vì chú gấu có thân hình mập mạp và đã ăn mật ong no nê nên nó chỉ bỏ hai chân trước xuống rồi phục phịch lẩn đi giữa các cội cây. Bố rượt theo nó một quãng khiến cho nó đi nhanh hơn, xa rời tổ ong, rồi Bố quay lại chiếc xe goòng.”

Laura hỏi Bố làm thế nào lấy mật ong mà không bị ong đốt.

Bố giải thích: “Dễ thôi. Bố dẫn hai con ngựa đứng xa trong rừng để chúng không bị ong đốt, rồi Bố chặt cây xuống và xẻ thân cây ra làm hai.”

“Thế ong không đốt Bố hay sao?”

Bố đáp:

“ Không. Ong không bao giờ đốt Bố.

“ Cả thân cây đều rỗng ruột, từ trên xuống dưới chứa đầy mật. Đàn ong hẳn đã trữ mật ở đây trong nhiều năm. Có một ít mật đã lâu năm và đổi thành mầu sẫm, nhưng Bố nghĩ đã thu được nhiều mật tốt, sạch, đủ cho gia đình ta dùng trong một thời gian dài.”

Laura thấy tội nghiệp cho đàn ong. Bé nói:

“Đàn ong đã làm việc vất vả, thế mà bây giờ bị mất hết mật.”

Nhưng Bố giải thích còn có nhiều mật được chừa lại cho đàn ong, và bên cạnh có một thân cây to khác mà đàn ong có thể dời vào đấy. Bố nói đã đến lúc đàn ong có một ngôi nhà mới, sạch sẽ.

Bọn ong sẽ mang theo mật cũ do Bố chừa lại, làm thành loại mật mới, thơm ngon hơn, và trữ trong ngôi nhà mới. Chúng sẽ thu lượm tất cả mật bị rơi rớt rồi mang về trữ, thế là trước khi mùa đông đến chúng sẽ lại có nhiều mật.

Vụ mùa

Bác Henry và Bố vần công cho nhau. Khi ngũ cốc chín trên cánh đồng, Bác Henry đến để phụ giúp Bố, có thêm Cô Polly cùng với các em họ đến chơi trong một ngày. Sau đấy, đến phiên Bố đi giúp Bác Henry gặt ngũ cốc, còn Mẹ dẫn Mary, Laura và em bé Carrie đến chơi một ngày với Cô Polly.

Mẹ và Cô Polly làm việc trong nhà, tất cả các chị em họ chơi đùa ngoài sân cho đến giờ ăn chiều. Thật là thích khi chơi đùa ở nhà Cô Polly bởi vì các gốc cây rất chắc chắn. Bọn trẻ nhảy từ trên gốc cây này qua gốc cây khác mà ít khi chạm đến mặt đất.

Ngay cả Laura, đứa nhỏ nhất trong bọn trẻ, cũng có thể làm được như thế ở nơi các cây nhỏ nhất mọc gần với nhau. Anh họ Charley, đứa con trai cao lớn, sắp tròn mười một tuổi thìcó thể nhảy từ gốc cây này qua gốc cây trên khắp sân. Cậu có thể nhảy một lần qua hai gốc cây nhỏ, và còn có thể đi trên đầu hàng ràokhông chút sợ hãi.

Bác Henry cùng Bố đi làm ngoài đồng, dùng lưỡi hái gặt yến mạch. Lưỡi hái loại này gồm có một lưỡi thép bén để cắt gié yến mạch; lưỡi thép được cột vào một cái khung gồm những thanh gỗ mỏng để giữ lấy gié. Bác Henry và Bố cầm lưỡi hái qua cái cán dài và cong, vung lưỡi hái vào bụi yến mạch. Khi đã cắt chừng đủ một đống, hai người trút các gié xuống thành đống gọn gàng trên mặt đất.

Công việc thì nặng nhọc, phải đi tới đi lui trên cánh đồng dưới ánh nắng mặt trời oi bức, hai tay luôn vung lưỡi hái nặng chịch để cắt lúa mạch rồi hạ lưỡi hái xuống để chất gié thành từng đống.

Sau khi gặt xong, họ phải quay trở lại khắp cánh đồng. Lần này, hai người cúi xuống mỗi đống gié, bốc từng cụm cọng yến mạch cho đầy nắm tay rồi cột các cọng lại với nhau để làm thành một dây buộc dài. Họ ôm đống gié vào vòng tay, dùng dây buộc thành từng bó gọi là lượm rồi nhét đầu dây buộc vào bên trong.

Sau khi đã cột được bảy lượm, họ cần phải xếp lại chúng thành cụm. Họ dựng năm lượm thẳng đứng, ép chặt vào nhau, đểcác chùm hạt yến mạch hướng lên trên. Rồi họ đặt thêm hai lượm còn lại phía trên những lượm này, tõe các cọng ra làm thành một cái mái nhỏ, che sương giá cho năm lượm phía dưới.

Tất cả các lượm phải được giữ ổn thỏa trong cụm trước khi trời tối, vì nếu để nằm trên mặt đất, sương giá sẽ làm thối hạt yến mạch.

Bác Henry và Bố làm việc rất vất vả do khí trời oi bức, nóng hầm hập, chừngsắp có mưa. Yến mạch đã chín, nếu không gặt và xếp thành cụm trước khi trời đổ mưa thì cả vụ mùa sẽ thất bát. Lúc ấy, đàn ngựa của Bác Henry sẽ bị đói cả mùa đông.

Đến giữa trưa, Bác Henry và Bố vội vã trở về nhà, nuốt vài miếng vội vàng. Bác Henry nói cần Charley phụ giúp.

Khi Bác Henry nói thế, Laura nhìn Bố. Ở nhà, Bố đã nói với Mẹ rằng Bác Henry và Cô Polly làm cho Charley hư người. Khi lên mười một tuổi, Bố đã làm đồng hàng ngày, thậm chí còn theo kịp cả những người khác. Nhưng Charley hiếm khi làm việc gì cả.

Bây giờ Bác Henry nói Charley phải ra đồng làm việc. Cậu có thể giúp được nhiều. Cậu có thể cầm bình đi xuống suối lấy nước khi Bác Henry và Bố khát. Cậu có thể đi lấy phiến đá mài khi cần mài lưỡi hái.

Tất cả bọn trẻ nhìn Charley. Cậu không muốn đi ra đồng làm việc. Cậu muốn chơi đùa ngoài sân. Nhưng dĩ nhiên là cậu không nói ra.

Bác Henry và Bố không nghỉ ngơi gì. Hai người ăn vội vã rồi trở lại ngay với công việc, và Charley đi theo.

Bây giờ Mary là đứa lớn tuổi nhất trong bọn trẻ, và bé muốn chơi thật tĩnh lặng, như cách chơi của một quý cô. Thế là vào buổi chiều bọn trẻ làm nhà chơi trên sân vườn. Các gốc cây giả làm bàn ghế và bếp lò, lá cây làm đĩa, và các cành cây làm con nít.

Trên đường trở về nhà tối hôm ấy, Mary và Laura nghe Bố kể cho Mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra ở cánh đồng.

Thay vì phụ giúp Bác Henry và Bố, Charley lại tìm cách quấy rối. Cậu bé ngáng trở khiến cho hai người không thể vung lưỡi hái gặt yến mạch. Cậu giấu đi phiến đá mài, nên khi cần mài lưỡi hái thì hai người phải cất công tìm kiếm. Phải đợi Bác Henry kêu lên ba lần bốn lượt cậu mới chịu mang bình nước uống đến, và lại còn mặt sưng mày sỉa.

Sau đấy, Charley đi theo sau hai người, nói chuyện này và hỏi chuyện kia. Bố và Bác Henry đang làm việc nặng nhọc nên không chú ý đến cậu, mà đuổi cậu đi nơi khác đểđừng quấy rầy họ nữa.

Nhưng khi nghe Charley thét lên, họ bỏ lưỡi hái xuống,chạy xuyên qua cánh đồng đến chỗ cậu. Chung quanh cánh đồng toàn là rừng, và có rắn trong đồng yến mạch.

Khi họ chạy đến chỗ Charley, không có chuyện gì xảy ra, và cậu phá lên cười. Cậu nói:

“Hai người bị lừa rồi!”

Bố nói nếu như là Bác Henry thì Bố hẳn đã rọt voi cho Charley một trận, ngay lúc ấy và tại chỗ. Nhưng Bác Henry không làm gì cả.

Thế là Bác và Bố uống nước cho đỡ khát rồi trở lại với công việc.

Ba lần Charley kêu thét lên, và ba lần họ chạy nhanh đến, rồi cậu lại cười phá lên. Cậu nghĩ đấy là trò đùa hay. Thế mà Bác Henry vẫn không phạt cậu.

Rồi Charley kêu thét lên lần thứ tư, to tiếng hơn ba lần trước. Bác Henry và Bố nhìn về phía cậu, lúc ấy cậu đang nhảy nhót và vẫn còn la hét. Hai người nghĩ khôngcó chuyện gì với cậu, và vì đã bị gạt nhiều lần nên họ tiếp tục làm việc.

Charley vẫn tiếp tục la hét, nghe đinh tai nhức óc thêm. Bố không nói gì, nhưng Bác Henry nói: “Cứ để mặc cho nó la.” Thế là họtiếp tục làm việc và để mặc cho cậu la.

Cậu vẫn nhảy nhót và la hét. Cậu không chịu dừng. Cuối cùng, Bác Henry nói: “Chắc là thật sự có chuyện rồi.” Họ buông lưỡi hái xuống và đi xuyên qua cánh đồng đến chỗ cậu.

Và trong suốt thời gian ấy, Charley nhảy nhót trên một tổ ong vàng!

Đàn ong vàng sống trong một cái tổ dưới mặt đất, và Charley đã vô ý dẫm lên. Thế là tất cả các con ong trong bộ cánh mầu vàng tươi vần vũ bay lên tấn công với các vòi mầu đỏ chói phóng nọc độc, làm cho Charley đau đớn đến mức không chạy thoát được.

Cậu nhảy lên nhảy xuống và hàng trăm con ong xông vào đốt khắp thân người cậu. Chúng đốt trên mặt, hai bàn tay, cổ và mũi; chúng bò lên hai ống quần rồi đốt, bò xuống phía sau cổ mà châm ngòi. Cậu càng nhảy nhót và la hét, đàn ong càng đốt tợn.

Bác Henry và Bố nắm lấy hai cánh tay Charley kéo cậu chạy xa khỏi tổ ong. Họ cởi bỏ bộ quần áo dính đầy ong vàng của Charley toàn thân cậu sưng vù các vết đốt. Họ giết các con ong vẫn còn đang hăng tấn công tới tấp vào cậu, rũ sạch lũ ong còn bám vào quần áo, cho Charley mặc lại rồi bảo cậu đi về nhà.

Mary và Laura cùng các em họ đang lặng lẽ chơi ngoài sân vườn thì nghe tiếng khóc bù lu bù loa vang dậy. Charly vừa khóc than vừa chạy vào, mặt mũi sưng húp đến nỗi nước mắt như không còn đường mà chảy ra khỏi đôi mắt.

Hai bàn tay cậu sưng vù, cổ cũng sưng to, đôi má phồng đỏ lên. Các ngón tay đều sưng và cứng đơ. Nhiều vết lõm nhỏ, chai cứng, mầu trắng nổi khắp khuôn mặt và cổ.

Mẹ và Cô Polly chạy ra khỏi nhà, hỏi cậu xem có chuyện gì. Charley chỉ khóc ầm lên. Mẹ nói đấy là do ong vàng đốt. Mẹ cầm một cái xoong chạy ra vườn lấy đất cho vào đầy xoong, trong khi Cô Polly đưa Charley vào nhà, cởi bỏ quần áo cậu ra.

Họ cho nước vào xoong đất để quậy thành bùn sệt, rồi quết bùn này lên khắp người Charley. Họ quấn cậu trong một tấm ga cũ rồi đặt cậu lên giường. Hai mắt cậu sưng húp bịt kín lại, còn cái mũi phù lên trông thật kỳ dị. Mẹ và Cô Polly lấy bùn đắp lên khuôn mặt cậu và dùng vải bó lại để giữ bùn đắp trên người. Chỉ có chóp mũi và miệng của cậu là còn lộ ra ngoài.

Charley dap bun

Cô Polly sắc một ít thảo dược để chữa sốt. Mary và Laura cùng hai đứa em họ đứng quanh một hồi lâu nhìn cậu.

Đến tối hôm ấy, Bác Henry và Bố mới từ ngoài đồng trở về nhà. Tất cả yến mạch đã được trữ trong các cụm, bây giờ dù có mưa vẫn không gây hại gì.

Bố không thể ở lại ăn tối; ông phải về nhà ngay để vắt sữa bò. Hai con bò cái ở nhà đang chờ vắt sữa, nếu không được vắt sữa kịp lúc thì bò sẽ cho sữa ít đi. Bố nhanh chóng thắng ngựa rồi cả gia đình bước lên xe goòng.

Bố rất mệt nhọc và hai cánh tay đau nhức nên không thể cầm cương được tốt, nhưng hai con ngựa biết đường trở về nhà. Mẹ bế em bé Carrie ngồi kế bên Bố, còn Mary và Laura ngồi trên tấm ván phía sau. Chính vào lúc ấy mà hai bé nghe Bố kể về chuyện của Charley.

Mary và Laura cảm thấy kinh hoàng. Hai chị em cũng thường ương bướng, nhưng hai bé không thể tưởng tượng có người ngang bướng đến mức như Charley. Cậu không chịu phụ giúp gì để cất giữ yến mạch trước mùa mưa. Cậu không nhanh chóng đáp lời khi cha cậu gọi đến. Cậu đã tìm mọi cách phá đámkhi Bác Henry và Bố đang làm việc vất vả.

Rồi Bố nhắc đến chuyện tổ ong vàng, ông nói:

“Kể cũng đáng cho thằng nhỏ dối trá ấy.”

Đêm hôm ấy, khi nằm trên giường gầm, nghe những giọt mưa rơi lộp độp trên nóc nhà và chảy tí tách xuống mái hiên, Laura nghĩ đến những gì Bố đã kể.

Bé nghĩ về việc đàn ong đã đốt Charley. Bé cũng thấy đáng cho Charley, bởi vì cậu đã quá hư thân mất nết. Và đàn ong có quyền đốt cậu, vì cậu đã dẫm lên ngôi nhà của chúng.

Nhưng Laura không hiểu tại sao Bố gọi Charley là dối trá. Bé không hiểu được dối trá ra sao khi cậu không nói lời nào.

Cỗ máy kỳ diệu

Ngày hôm sau, Bố cắt đi phần chùm hạt của vài bó gié yến mạch, rồi mang phần rơm sạch mầu vàng nhạt đến cho Mẹ. Bà ngâm các cọng rơm này vào một bồn nước để rơm được mềm. Rồi Mẹ ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh bồn ngâm để bện rơm.

Mẹ lấy một ít cọng rơm, cột các phần cuối với nhau, rồi bắt đầu bện. Các cọng rơm dài ngắn không đều, thế nên khi đến cuối cọng rơm, Mẹ lại lấy một cọng rơm dài trong bồn nước để nối vào, rồi tiếp tục bện.

Mẹ để phần đầu của dây bện nhúng vào bồn nước, tiếp tục bện cho đến khi dây bện dài chừng vài mét. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi là Mẹ lại bện rơm.

Mẹ dùng bảy cọng rơm nhỏ nhất để bện thành một sợi dây nhỏ và hẹp. Mẹ dùng chín cọng rơm lớn hơn để bện thành một sợi rộng hơn, và thắt nút dọc theo rìa. Và từ những cọng rơm lớn nhất, Mẹ bện thành sợi dây rộng bản nhất.

Sau khi đã bện đủ các dây, Mẹ luồn một sợi chỉ trắng dai chắc qua một cây kim, rồi từ đầu của một sợi dây bện Mẹ may vòng quanh, vừa may vừa giữ sợi dây để nó nằm ngang sau khi may. Từ đấy tạo ra một tấm thảm rơm nhỏ, và Mẹ nói đấy là phần chóp của một chiếc mũ.

Rồi Mẹ giữ chặt sợi dây bện ở một đầu, tiếp tục may vòng quanh. Sợi dây bện thu vào, tạo ra thành bên của chóp mũ. Khi chóp mũ đã đủ cao, Mẹ lại thả lỏng sợi dây bện khi tiếp tục may vòng quanh, sợi dây bện nằm ngang và tạo thành vành mũ.

Khi vành mũ đã đủ rộng, Mẹ cắt sợi dây bện, nhanh chóng may đầu cuối để dây bện không bị tuột ra.

Mẹ dùng những sợi dây bện nhỏ nhất để may mũ cho Mary và Laura. Để may mũ cho Bố và cho Mẹ thì dùng những sợi bện rộng, được thắt nút. Đấy là chiếc mũ ngày Chủ Nhật cho Bố. Rồi Mẹ làm cho Bố hai chiếc mũ đội ngày thường bằng những sợi dây bện thô hơn, to hơn.

Mỗi khi làm xong một chiếc mũ, Mẹ đặt trên một tấm ván để chiếc mũ khô đi, và Mẹ cũng tạo dáng cho mũ để khi mũ khô sẽ có hình dáng như Mẹ mong muốn.

Mẹ có thể làm ra những chiếc mũ đẹp. Laura thích nhìn Mẹ làm, rồi học được cách bện những cọng rơm và làm thành một chiếc mũ nhỏ cho búp bê Charlotte.

Ngày đang ngắn lại và đêm đang trở lạnh hơn. Có một đêm, Jack Băng Giá đi qua, và đến sáng sớm có những mầu sáng đây đó giữa tán lá xanh của Rừng Đại Ngàn. Rồi tất cả lá cây không còn mầu xanh nữa. Lá đổi thành mầu vàng hoặc đỏ tươi hoặc đỏ tía hoặc nâu.

Dọc theo hàng rào, cây sơn giương lên những chùy mang quả mọng đỏ sậm bên trên những cánh lá đỏ tươi. Quả đầu rơi rụng từ những cây sồi, mà Mary cùng Laura đi nhặt để làm chén và đĩa sồi cho nhà chơi. Những quả óc chó và mại châu rơi trên mặt đất trong Rừng Đại Ngàn, làm cho các con sóc bận rộn khắp cùng để nhặt và mang về dự trữ trong bọng cây cho mùa đông.

Mary và Laura cùng Mẹ đi nhặt các loại quả óc chó, mại châu và hạt dẻ. Họ phơi chúng khô giòn dưới ánh nắng, đập vỡ lớp vỏ bên ngoài rồi lấy hạt trữ ở phòng gác mái để dùng trong mùa đông.

Quả là vui thích khi đi nhặt các quả óc chó lớn và tròn cùng các quả phỉ nhỏ mọc thành từng chùm trong lùm bụi. Vỏ ngoài mềm của quả óc chó chứa chất nhựa mầu nâu làm đen da tay, nhưng khi Laura dùng răng cắn vỏ quả thì nhận ra nhân có mùi thơm và vị cũng ngon.

Mọi người đều tất bật, bởi vì phải thu hoạch và cất giữ các loại rau củ. Mary và Laura phụ giúp nhặt khoai tây sau khi Bố đào lên, nhổ các củ cà rốt dài mầu vàng và các củ dền tròn mầu tím, lại còn phụ giúp Mẹ nấu bí đỏ để làm bánh bí.

Mẹ dùng dao mổ thịt cắt một quả bí đỏ to làm hai. Mẹ cạo rửa hạt bên trong rồi cắt bí thành từng miếng dài, chừa lại phần vỏ. Laura giúp cắt bí ra thành những miếng vuông.

Mẹ trút những miếng bí vuông vào một nồi sắt lớn đặt trên bếp lửa, cho ít nước vào, rồi trông chừng cả ngày khi bí dần dầnchín mềm. Phải nấu đến khi tất cả phần nước cạn hết nhưng không được làm bí khét.

Bây giờ phần thịt quả bí trong nồi là một khối sền sệt, có mầu sẫm, tỏa mùi thơm. Nó không sôi mạnh như nước, mà chỉ liu riu với những bong bóng nổi lên từ phía dưới rồi thình lình vỡ ra, tạo thành những lỗ hổng được lấp đầy lại nhanh chóng. Mỗi khi có một bong bóng vỡ ra thì có mùi thơm ngào ngạt của bí đỏ tỏa lên.

Laura ngồi trên một chiếc ghế để trông chừng nồi bí cho Mẹ, cầm muôi gỗ để khuấy. Bé cầm cái muôi bằng cả hai tay để khuấy cẩn thận, bởi vì nếu bí khét thì sẽ không có món bánh bí mà ăn.

Trong bữa ăn chiều, gia đình có món bí đỏ hầm ăn với bánh mỳ. Bí được múc ra cho vào đĩa, và có thể dùng con dao để tô trét thành hình thù xinh xắn, lại có mầu đẹp. Mẹ không bao giờ cho phép các bé nghịch thức ăn ở bàn; mọi người phải ngồi tử tế, và phải ăn hết các món đặt trên đĩa của mình. Nhưng Mẹ đặc biệt khuyến khích các bé tạo những hình thù đẹp đẽ, mầu nâu trên đĩa trước khi các bé ăn hết món bí hầm.

Những lúc khác, Mẹ nấu loại bí đỏ có vỏ cứng đến nỗi phải dùng chiếc rìu của Bố để bổ quả bí ra. Khi nấu bí này trong nồi, Laura thích phết bơ vào phần thịt bí mềm bên trong vỏ rồi dùng muỗng múc ra ăn.

Bây giờ, trong bữa ăn chiều gia đình dùng bắp bóc vỏ trộn với sữa. Món này cũng ngon, ngon đến nỗi khi Mẹ bắt đầu lo việc lột vỏ bắp là bé đã bồn chồn chờ đợi. Phải mất hai đến ba ngày mới xong việc bóc vỏ bắp.

Ngày đầu tiên, Mẹ thu dọn sạch tất cả tro trong bếp lò. Rồi Mẹ đốt một ít gỗ cứng sạch, sáng, và cho tro vào một chiếc túi vải nhỏ.

Tối hôm ấy, Bố mang về bắp còn nguyên trái với những hạt mập mạp. Ông lẩy hạt bắp – róc vỏ ngoài ở đầu hạt bắp. Rồi ông róc phần hạt còn lại vào đầy một xoong.

Sáng sớm hôm sau, Mẹ cho hạt bắp và túi vải đựng tro vào một nồi sắt to. Mẹ đổ nước vào nồi, rồi nấu trong một thời gian dài. Cuối cùng, các hạt bắp bắt đầu phồng to, phồng to hơn và to hơn nữa cho đến khi lớp vỏ nứt rồi tróc ra.

Khi tất cả hạt bắp đã tróc lớp vỏ, Mẹ xách cái nồi ra ngoài. Mẹ đổ đầy nước lạnh lấy từ suối vào một chậu giặt sạch, rồi dìm bắp từ cái nồi vào trong chậu.

Mẹ xắn hai tay áo vải trúc bâu lên khỏi cùi tay, rồi quỳ bên cái chậu. Mẹ dùng hai bàn tay vò và chà xát bắp cho đến khi lớp vỏ rời ra và nổi lên mặt nước.

Mẹ thường xuyên tháo nước ra rồi lại đổ thêm từng xô nước suối vào. Mẹ tiếp tục vò và chà xát bắp giữa hai bàn tay cho đến khi lớp vỏ rời ra, lại tiếp tục thay nước, cho đến khi tất cả phần vỏ rời ra và được tháo theo nước ra ngoài.

Khi ngồi vò và chà xát bắp, trông Mẹ thật đẹp, với hai cánh tay trần trắng nõn mượt mà, đôi má hồng hào, mái tóc đen lángvà óng ả. Mẹ không bao giờ làm vấy bẩn giọt nước nào lên bộ áo đẹp.

Khi đã xong xuôi, Mẹ cho tất cả phần bắp trắng tinh đã bóc vỏ vào một hũ lớn đặt trên ngăn kệ ở gian bếp. Cuối cùng, gia đình đã có bắp bóc vỏ để dùng bữa tối với sữa.

Đôi lúc gia đình dùng bắp bóc vỏ với xi rô phong, và đôi lúc Mẹ rang bắp trong mỡ lợn. Nhưng Laura thích nhất là dùng bắp với sữa.

Mùa hè có thật nhiều thú vui. Có thật nhiều việc phải làm, nhiều món ngon để thưởng thức, nhiều thứ mới lạ để nhìn ngắm. Từ sáng đến tối Laura cứ chạy tíu tít và nói ríu rít như con sóc.

Một buổi sáng đầy sương giá, một cỗ máy xuất hiện bên đường. Có bốn con ngựa kéo cỗ máy, và hai người ngồi trên cỗ máy ấy. Đàn ngựa đang kéo cỗ máy ra đồng, nơi Ông Nội, Bác Henry, Bố và ông Peterson đang chất gié lúa mỳ.

Thêm hai người nữa lái một cỗ máy khác, nhỏ hơn.

Bố cho Mẹ biết máy đập lúa mỳ đã đến; rồi ông vội vã đi ra đồng để cùng làm việc với mọi người. Mary và Laura xin phép Mẹ, rồi chạy theo Bố. Hai bé có thể đứng xem, nhưng không được làm cản trở công việc.

Bác Henry phi ngựa đến và cột ngựa vào một gốc cây. Rồi Bác và Bố buộc tất cả tám con ngựa vào cỗ máy nhỏ. Hai người buộc từng đôi ngựa vào một cần dài nối ra từ phần giữa cỗ máy. Một cần sắt dài nằm trên mặt đất, nối từ cỗ máy này đến cỗ máy to.

Sau khi nghe Mary và Laura hỏi han, Bố cho biết cỗ máy to được gọi là máy tuốt lúa, cái cần được gọi là cần quay, còn cỗ máy nhỏ được gọi là sức ngựa. Tám con ngựa được buộc vào để vận hành cỗ máy, thế nên đấy là cỗ máy tám sức ngựa.

Một người ngồi trên nóc của sức ngựa, và khi mọi việc đã sẵn sàng ông cất tiếng ra hiệu, và đàn ngựa bắt đầu di chuyển. Chúng đi chung quanh ông thành vòng tròn, mỗi đôi ngựa kéo một cái cần dài mà chúng được buộc vào, và đi theo đôi ngựa phía trước. Khi đi vòng quanh như thế, chúng bước cẩn thận qua cái cần quay, và cần này quay tròn trên mặt đất.

8 ngua

Sức ngựa kéo làm cho cần quay tiếp tục quay, và khởi động máy tuốt lúa lúc ấy được đặt bên cạnh đống gié lúa mỳ.

Tất cả chuyển động của máy móc tạo nên âm thanh lộc cộc lạch cạch vang dội. Mary và Laura đứng ở rìa cánh đồng, nắm chặt lấy tay nhau, tròn xoe mắt ngắm nhìn. Hai bé chưa từng thấy cỗ máy như thế. Hai bé cũng chưa từng nghe âm thanh lạ lùng đến thế.

Bác Henry và Bố đứng trên đống gié lúa mỳ, cầm cây chĩa tung các bó gié lên một tấm ván. Một người đứng bên tấm ván này cắt dây cột các bó gié và tuần tự đẩy từng bó gié vào một cái khe ở đầu máy tuốt.

Cái khe trông giống miệng của máy tuốt, có những răng dài bằng sắt. Các răng này đang nhai các bó gié, rồi máy tuốt nuốt lấy. Rơm được thổi ra ở đầu kia của máy tuốt, và các hạt lúa mỳ rơi qua một bên.

Hai người khác làm việc tất bật, đạp rơm để chất lên thành một đống. Một người nữa cũng tất bật đóng bao các hạt lúa mỳ tuôn ra. Hạt rơi qua ống máng rồi đổ vào một thùng có dung tích khoảng nửa giạ, và vừa khi thùng này đầy, người kia đẩy thùng rỗng vào thay thế rồi trút thùng đầy hạt vào một cái bao. Ông vừa có đủ thời gian để kịp đẩy thùng rỗng thế vào dưới ống máng trước khi thùng kia đầy tràn.

Mọi người đều làm việc cật lực, nhưng cỗ máy vẫn làm việc kịp theo họ. Mary và Laura cảm thấy hào hứng đến mức tưởng như ngừng thở. Hai bé nắm chặt tay nhau, chăm chú nhìn.

Tám con ngựa vẫn liên tục đi vòng quanh,vòng quanh. Người ngồi trên nóc của sức ngựa cầm sợi roi và hét lên hiệu lệnh theo tên từng con ngựa: “John, tiến lên! Không được chểnh mảng!” Tiếng roi quật Chát! “Billy! Cẩn thận! Từ từ! Không đi nhanh quá!”

Máy tuốt nuốt lấy những gié lúa mỳ, những cọng rơm vàng được thổi ra thành một đám mây vàng, hạt lúa mỳ vàng chảy ra từ ống máng, và ai nấy đều tất bật. Bác Henry và Bố cật lực tung nhanh các bó gié lên. Trấu và bụi bay mù mịt khắp cùng.

Mary và Laura ngắm nhìn thỏa thuê rồi chạy về phụ giúp Mẹ chuẩn bị bữa ăn chiều cho các ông.

Một nồi to đựng bắp cải và thịt đang sôi trên bếp; một xoong to đựng đậu và bánh bắp ở trong lò nướng. Mary và Laura bày tô đĩa lên bàn ăn cho nhóm tuốt lúa. Hai chị em đặt bánh mỳ nướng với muối để ăn cùng bơ, những tô đựng các món bí đỏ hầm, bánh bí, bánh dâu khô, bánh quy, phô mai, mật ong, và những bình sữa.

Rồi Mẹ mang ra khoai tây luộc, món cải hầm thịt, đậu bỏ lò, bánh bắp nóng sốt, bí đỏ bỏ lò. Mẹ cũng rót trà ra cốc.

Laura vẫn luôn tự hỏi tại sao bánh mỳ làm bằng bột bắp lại kêu là johnny cake – bánh bắp. Nó không phải là bánh.[W] Mẹ không rõ. Có lẽ là do binh sĩ miền Bắc gọi đấy là johnny cake bởi vì binh sĩ miền Nam thích ăn loại bánh mỳ này. Họ thường gọi binh sĩ miền Nam là Johnny Reb. Có lẽ họ gọi đấy là “bánh miền Nam” chỉ để vui đùa.

Mẹ đã nghe có người nói rằng phải gọi là journey cake – bánh đi đường. Mẹ không chắc. Đấy không phải là loại bánh mỳ thích hợp để mang đi đường.

Đến giữa trưa, nhóm tuốt lúa trở về bàn ăn đã đầy ắp các món. Nhưng không có món nào thừa, bởi vì họ đã làm việc mệt nhọc và đang đói cồn cào.

Đến xế chiều, hai cỗ máy đã tuốt lúa xong xuôi, và người chủ lái hai cỗ máy rời đi qua Rừng Đại Ngàn, mang theo vài bao lúa mỳ là phần trả công cho họ. Người chủ đang đi đến địa điểm kế tiếp, nơi có người láng giềng đã chất sẵn các cụm lúa mỳ và muốn thuê máy để tuốt gié cho họ.

Tối hôm ấy, Bố rất mệt nhưng cảm thấy vui. Bố nói với Mẹ:

“ Nếu không có hai cỗ máy ấy thì Henry, Paterson và Bố mỗi người phải làm việc trong vài tuần lễ để tuốt cho hết số lúa ấy. Mà lại tuốt không được nhiều lúa mỳ và không được sạch như thế.

“ Cỗ máy ấy quả là sáng chế vĩ đại! Người bảo thủ có thể làm theo cách cổ xưa nếu muốn, nhưng anh cổ vũ sự tiến bộ. Chúng ta đang sống trong thời đại tuyệt vời. Chừng nào mà anh còn trồng lúa mỳ thì anh sẽ thuê máy như thế mà tuốt lúa, nếu có một máy ở đâu đó gần đây.”

Hôm ấy Bố quá mệt nên tối đó không thể trò chuyện với Laura, nhưng bé cảm thấy hãnh diện về ông. Chính Bố là người đã tập họp những người khác để gặt lúa mỳ rồi thuê máy tuốt, và cỗ máy ấy thật là kỳ diệu. Mọi người đều thấy vui vì đã thuê được cỗ máy ấy.

Con nai trong rừng

Cỏ đã khô héo; phải dắt bò từ trong rừng về để cho chúng ăn no đủ trong chuồng. Khi những cơn mưa lạnh bắt đầu thì tất cả lá rừng sáng màu biến thành nâu xỉn.

Không còn chơi đùa được nữa dưới các cội cây. Nhưng khi trời mưa thì có Bố trong nhà, và ông lại bắt đầu kéo đàn sau bữa ăn chiều.

Rồi các cơn mưa chấm dứt. Tiết trời trở lạnh hơn. Vào các buổi sáng sớm, mọi vật đều lóng lánh dưới lớp sương giá. Ngày đang trở nên ngắn hơn; cần có một ít lửa đốt liên tục trong bếp lò để giữ cho ngôi nhà được ấm. Mùa đông đang đến gần.

Một lần nữa, phòng gác mái và tầng hầm lại chất đầy những thức ăn ngon lành; Mary và Laura đã bắt đầu may tấm chăn bông chắp nhiều mảnh vải vụn với nhau. Mọi thứ đang bắt đầu thân thương và ấm cúng trở lại.

Một buổi tối sau khi đã xong công việc nhà, Bố nói ăn chiều xong sẽ đi đến điểm nai liếm để rình bắn một con nai. Từ mùa xuân, trong nhà không còn thịt tươi, nhưng bây giờ nai con đã lớn nên Bố sẽ đi săn trở lại.

Bố đã tạo ra điểm nai liếm ở một khoảnh rừng thưa có những cội cây chung quanh, nơi Bố sẽ ẩn nấp để rình. Điểm nai liếm là nơi mà nai đến để tìm muối. Khi tìm ra nơi có muối, bọn nai tìm đến để liếm muối, vì thế nơi này được gọi là điểm nai liếm. Bố đã tạo ra điểm này bằng cách rắc muối khắp trên mặt đất ở đây.

Sau bữa ăn chiều, Bố lấy cây súng đi vào rừng, thế là Mary và Laura đi ngủ mà không có chuyện kể hay âm nhạc.

Ngay khi thức dậy sáng hôm sau, hai bé chạy đến cửa sổ nhìn ra ngoài, nhưng không thấy nai treo trên cây. Chưa bao giờ Bố đi săn nai mà không mang về con nai nào. Mary và Laura không biết tại sao.

Bố bận bịu suốt ngày, lo gom lá vàng và rơm để tấn bên ngoài tường nhà và chuồng trại rồi lấy đá chặn lên để giữ ấm cho bên trong. Cả ngày thời tiết đã lạnh hơn, và tối hôm ấy nhà lại đốt lò sưởi, đóng chặt các cánh cửa sổ và bịt các khe hở để chuẩn bị cho mùa đông.

Sau bữa ăn tối, Bố nâng Laura lên cho ngồi trên đầu gối, trong khi Mary ngồi trên chiếc ghế nhỏ kế bên. Và Bố nói:

“ Bây giờ Bố sẽ kể cho hai con nghe tại sao hôm nay hai con không có thịt tươi để ăn.

Bo leo tren cay

“ Khi ra đến điểm nai liếm, Bố leo lên một cây sồi to. Bố tìm chỗ trên một nhánh cây để ngồi thoải mái quan sát điểm nai liếm. Bố rình ở khoảng cách gần để bắn được bất kỳ con thú nào đến, và đã lên đạn cho khẩu súng đặt sẵn sàng trên đầu gối.

“ Bố ngồi ở đấy, chờ trăng lên soi sáng khu rừng.

“ Cả ngày hôm trước Bố bửa củi nên có phần mệt mỏi, và có lẽ Bố đã ngủ gục, vì Bố nhận ra lúc mình mở hai mắt.

“ Vầng trăng tròn lớn vừa lên khỏi chân trời, mà Bố có thể nhận ra giữa những nhánh cây trơ trọi. Và ngay dưới ánh trăng, Bố thấy một con nai đang đứng. Nó ngẩng đầu lên như đang nghe ngóng. Bộ sừng lớn chia nhánh chĩa lên cao khỏi đầu. Bộ lông nó đen sẫm lại nổi bật dưới ánh trăng.

“ Bố có vị trí thật tốt để bắn. Nhưng con vật đẹp quá, nó trông mạnh mẽ, tự do và hoang dại, đến nỗi Bố không muốn bắn. Bố chỉ ngồi đấy mà ngắm nó, cho đến lúc nó đi khuất dần vào khu rừng tăm tối.

“ Rồi Bố nhớ lại rằng Mẹ và các con gái nhỏ của Bố đang chờ Bố mang thịt tươi về. Thế là Bố quyết chí lần kế tiếp sẽ nổ súng.

“ Sau một lúc, có một con gấu to đi phục phịch vào khoảnh rừng thưa. Do suốt mùa hè đã ăn nhiều loại dâu rừng, rễ củ và sâu bọ nên nó to béo gần bằng hai con gấu bình thường. Khi đi qua khoảnh rừng thưa dưới ánh trăng, đầu nó lắc qua lắc lại, cho đến lúc nó đi đến một khúc cây mục. Nó đã đánh hơi được, và nghe ngóng. Rồi nó giơ móng vuốt để cào cho khúc cây vỡ ra, đánh hơi giữa các mảnh gỗ vỡ, và ăn những con đuông béo ngậy trắng tinh.

“ Rồi nó đứng lên trên hai chân sau, không hề động đậy, nhìn chung quanh. Có vẻ như nó đoán ra có chuyện chẳng lành. Nó đang cố quan sát hoặc đánh hơi xem là chuyện gì.

“ Nó đang ở vị trí rất tốt cho Bố bắn, nhưng Bố chỉ muốn quan sát nó, trong khu rừng thật yên bình dưới ánh trăng, đến nỗi Bố quên bẵng cây súng. Thậm chí Bố còn không nghĩ đến việc bắn nó, cho đến khi nó phục phịch đi trở lại trong rừng.

“ Bố nghĩ thầm: ‘Thế này là không ổn. Cứ như vậy thì chẳng bao giờ có thịt ăn.’

“ Bố lại yên vị trên cành cây và chờ đợi. Lần này Bố nhất quyết bắn cho được con thú khác mà Bố gặp.

“ Vầng trăng đang lên cao thêm, soi sáng cả khoảnh rừng thưa. Chung quanh là bóng tối giữa những cội cây.

“ Sau một lúc lâu, một con nai cái và con nai non gần một tuổi của nó từ trong bóng tối bước ra. Cả hai con vật xinh xắn đều không có vẻ gì là sợ hãi. Chúng đi đến chỗ Bố đã rải muối, và liếm một ít.

“ Rồi hai mẹ con nai ngẩng đầu lên và nhìn nhau. Nai con bước đến đứng kế bên nai mẹ. Chúng đứng bên nhau nhìn quanh khu rừng và nhìn ánh trăng. Đôi mắt của chúng long lanh, hiền hòa.

“ Bố chỉ ngồi đấy mà nhìn ngắm chúng cho đến khi chúng bước đi giữa những mảng bóng tối rải trong rừng. Rồi Bố leo xuống và trở về nhà.”

Laura thầm thì vào tai Bố: “Con vui vì Bố không bắn chúng!”

Mary nói: “Chúng ta có thể ăn bánh mỳ với bơ.”

Bố nhấc bổng Mary lên khỏi chiếc ghế và ôm lấy hai bé.

Bố nói: “Hai con thật ngoan. Đến giờ ngủ rồi. Đi đi, để Bố lấy đàn ra.”

Sau khi Mary và Laura đã cầu nguyện và được tấn dưới lớp chăn trên giường gầm, Bố ngồi bên lò sưởi với cây đàn. Mẹ đã thổi tắt ngọn đèn vì không cần nhiều ánh sáng. Ở phía bên kia lò sưởi, Mẹ đong đưa nhè nhẹ trên ghế đu, chiếc kim đan lóe sáng tới lui trên chiếc bít tất Mẹ đang đan.

Những buổi tối dài của mùa đông và âm nhạc đã trở lại.

Chiếc đàn của Bố thổn thức theo giọng Bố ngân nga:

Ôi em yêu dấu
Cớ sao em không nhìn tôi?
Một mình từ nơi xa tít xa
Cây đàn thân ái vẫn đeo bên người.
[X]

Rồi Bố lại đàn bản nhạc nói về Già Grimes. Nhưng Bố không hát theo ca từ mà Bố đã hát khi Mẹ đang làm phô mai. Ca từ lần này khác hẳn:

Ngày xa xưa ai có quên? hoặc ai vẫn bền một dạ ghi nhớ? Có chăng ai quên ngày xưa? hoặc ai vẫn hằng tựa cửa chờ mong?[Y]

Khi tiếng đàn dừng lại, Laura hỏi nhỏ: “Bố ơi, ngày xa xưa là ngày nào vậy?”

Bố đáp: “Laura à, đấy là những ngày từ thuở rất xa xôi. Bây giờ con ngủ đi.”

Nhưng Laura vẫn thao thức một lúc nữa, lắng nghe tiếng đàn vĩ cầm ngọt dịu của Bố và tiếng gió cô đơn thổi qua Rừng Đại Ngàn. Bé nhìn Bố đang ngồi trên băng ghế gần lò sưởi, ánh lửa bập bùng soi rọi mái tóc nâu cùng bộ ria và phản chiếu lấp lóe trên mặt gỗ cây đàn mầu bánh mật. Bé lại nhìn qua Mẹ đang ngồi vừa đan bít tất vừa đong đưa tới lui.

Bé tự nhủ: “Đây là khoảnh khắc của bây giờ.”

Bé thấy ấm áp tràn ngập bởi ngôi nhà thân thương, Bố và Mẹ, ánh lửa lò sưởi và tiếng đàn – tất cả đều đang là cái bây giờ. Bé nghĩ mình sẽ không bao giờ quên, bởi vì tất cả bây giờ đang là bây giờ, thì hiện tại. Không bao giờ là ngày xa xưa.

– HẾT TẬP 1 –

Chú thích

[A] Để thể hiện văn phong nguyên tác, bản dịch này dùng từ thông dụng “Da đỏ” tuy rằng hiện nay cụm từ “người Mỹ Bản địa” thể hiện đúng bản chất hơn.

[B] Từ “vải trúc bâu” được dùng ở đây để dịch từ “calico” theo một số từ điển hiện hành, nhưng vải trúc bâu cổ truyền của Việt Nam thường có mầu trắng trơn, không in hoa văn cầu kỳ như vải calico gốc Ấn Độ.

[C] Nguyên tác The little house in the Big Woods được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1932, vì thế câu chuyện này bắt đầu vào năm 1872.

[D] Đây là ca khúc Yankee Doodle [Mẽo Ngố].

[E] Trong sách này, đoạn ca từ in chữ nghiêng chỉ điệp khúc của bài hát.

[F] Ở đây, Bố của Laura muốn lồng vào kiến thức về sinh học . Con mèo, con báo, cũng như hổ và sư tử… đều thuộc họ mèo tuy màu lông và kích thước cơ thể khác nhau.

[G] Lục lạc: hình dáng như cái chuông nhưng nhỏ, người ta thường đeo vào cổ gia súc để dễ tìm kiếm chúng.

[H] Vài loài cú (ở Việt Nam cũng có) cất tiếng kêu trầm “hù”. Trong tiếng Anh, Bố của Laura nghe như là câu hỏi “Who?”, có nghĩa “Ai?” Cậu bé 9 tuổi hãi sợ vì câu hỏi phát ra theo giọng trầm không giống tiếng người, có lúc lặp lại “hù hù” nghe như “Ai? Ai?” và có lúc kéo dài “A-ai?” nghe thật kinh rợn!

[I] Đây là ca khúc Darling Nelly Gray [Người yêu dấu Nelly Gray].

[J] Đây là ca khúc Rock of Ages [Hòn Thiên thu]

[K] Đây là ca khúc Am I a soldier of the Cross? [Có phải tôi là chiến sĩ của Thánh giá?]

[L] Đây là ca khúc Pop! Goes the weasel [Bốp! chồn biến đi rồi].

[M] Đây là ca khúc Old Uncle Ned [Bác Ned già].

[N] Đây là ca khúc Kitty Wells [Nàng Kitty Wells].

[O] Vào thời này, áo trong của phụ nữ thường có một khung làm bằng những phiến xương cá voi để nâng áo lên thành hình dạng mong muốn. Gỗ hoặc kim loại có thể được dùng thay cho xương cá voi. Ngày nay nhựa cứng thường được dùng.

[P] Đây là ca khúc Captain Jinks [Đại úy Jinks].

[Q] Cuộc chiến tức là cuộc nội chiến giữa hai miền Bắc và Nam nước Mỹ, diễn ra trong giai đoạn 1861–1865, tức chấm dứt khoảng 6 năm trước câu chuyện này.

[R] Đây là ca khúc Buffalo Gals [Những chàng trai Buffalo].

[S] Đường của cửa hàng: loại đường đã được tinh lọc thêm, có mầu nâu nhạt, vị đỡ chua so với loại đường các gia đình tự làm ra, có mầu nâu sậm.

[T] Cách chơi chữ trong tiếng Anh, nguyên văn: “Sweets for the sweet”. Tĩnh từ “sweet” có nghĩa là ngọt, từ đó có danh từ số nhiều “sweets” có nghĩa là kẹo, và danh từ số ít “the sweet” có nghĩa là người yêu quý.

[U] Đây là ca khúc Home, sweet home [Tổ ấm ngọt ngào].

[V] Đây là ca khúc Old Grimes [Già Grimes].

[W] Người Mỹ gọi bánh mỳ làm bằng bột bắp là “johnny-cake” trong khi đáng lẽ phải gọi bánh mỳ là “bread”. Laura thắc mắc vì trong tiếng Anh “cake” thường chỉ các loại bánh ngọt còn “bread” chỉ các loại bánh mỳ, không như tiếng Việt gọi cả hai nhóm là “bánh”.

[X] Đây là ca khúc Oh Susanna! [Ôi em yêu dấu!].

[Y] Đây là ca khúc Auld lang syne [Bài ca giã từ].

LAURA INGALLS WILDER
chào đời năm 1867 trong một ngôi nhà nhỏ được xây bằng gỗ súc. Khi còn là một cô bé nhỏ, Laura cùng gia đình di chuyển khắp vùng Trung-Tây nước Mỹ trên một cỗ xe goòng có mui. Sau đó, Laura cùng người chồng tên Almanzo Wilder và con gái tên Rose di chuyển đến Mansfield, Bang Missouri, cũng trên một cỗ xe goòng có mui. Ở đây, tin rằng điều quan trọng là cần xem lại quá khứ để định hình cho tương lai, Laura viết kể lại thời thơ ấu của mình lớn lên giữa những vùng đất hoang vu của nước Mỹ mà gia đình bà phải khai phá.

GARTH WILLIAMS
chuẩn bị công việc minh họa bằng cách đến nhà Laura Ingalls Wilder ở Missouri để nghe kể về cuộc đời bà, rồi đi thăm khắp vùng đất nơi các ngôi nhà nhỏ ngày xưa hiện diện. Sau đó, ông vẽ nên những bức minh họa lớn nhỏ cho Tập sách Ngôi nhà nhỏ. Công trình đầy nét quyến rũ của ông khiến cho Laura nhận xét rằng bà cùng những người thân trong gia đình mình đã sống lại những quãng đời ấy trong các bức vẽ này.

Diệp Minh Tâm tổng hợp & dịch

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *