Albert Einstein (1879-1955), nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức và Thụy Sĩ, được xem là nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại vì là người tạo ra hai cuộc cách mạng lớn của Thế kỷ 20 về thế giới quan qua hiệu ứng quang điện và Lý thuyết Tương đối. Ông là Giáo sư Đặc cách của trường Đại học Zürich ở Thụy Sĩ, Giáo sư Vật lý Lý thuyết của Đại học Đường thuộc Đức tại Prague ở Tiệp Khắc, Giáo sư Thực thụ của Đại học Bách Khoa Zürich, Viện sĩ Viện Hàn lâm Berlin…
Năm 1905, Einstein, lúc đó mới 26 tuổi, công bố Lý thuyết Tương đối Hẹp. Ông mô tả một cách nhất quán những sự kiện vật lý trong những khung quy chiếu quán tính khác nhau mà không cần phải đặt ra giả thiết về bản chất của vật chất hoặc bức xạ hoặc về mối tương tác của chúng. Rất ít người đương thời hiểu được luận cứ khoa học của ông. Nhưng Einstein tạo nên cuộc cách mạng lớn của Thế kỷ 20 vì đã thay đổi hẳn quan niệm về thời gian và không gian.
Đến năm 1916, Einstein công bố Lý thuyết Tương đối Rộng, theo đó những tương tác của các vật thể – mà trước giờ được cho là do các nguồn lực hấp dẫn – được lý giải là ảnh hưởng của các vật thể trên hình học của không gian–thời gian. Dựa trên Lý thuyết Tương đối Rộng, ông giải thích được những biến thiên – mà trước giờ không ai giải thích được – về chuyển động theo quỹ đạo của các hành tinh.
Năm 1921, Einstein được trao Giải Nobel về Vật lý cho phát kiến về hiệu ứng quang điện, không phải cho Lý thuyết Tương đối. Trong thập niên 1920, ông sống trong hoàn cảnh bị kìm kẹp bởi chủ nghĩa bài Do Thái của Đức quốc xã.
Ông sang Mỹ năm 1933 và làm việc cho đến cuối đời tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton.
Các trang mạng Biography Online, List Dose và Listverse xếp ông vào một trong 10 nhà khoa học hàng đầu trong lịch sử nhân loại.
Năm 2000, Tuần báo TIME chọn ông là nhân vật của Thế kỷ 20.
Năm 2012, Tuần báoTIME chọn ông là một trong 100 nhân vật của mọi thời đại.
Dưới đây là bài diễn văn của Albert Einstein đọc ngày 15 tháng 10 năm 1931 tại Đại học Bang New York ở Thành phố Albany, nhân lễ kỷ niệm ba trăm năm giáo dục bậc cao ở Mỹ.
Diễn văn tại Đại học Bang New York
Ngày lễ kỷ niệm thường là để hồi tưởng, đặc biệt là hồi tưởng về kỷ niệm của những người xuất chúng đã đóng góp vào sự phát triển đời sống văn hóa. Đúng thật là chúng ta không nên quên tiến hành buổi lễ trong không khí thân mật như thế này đối với những người tiền nhiệm của chúng ta, đặc biệt khi hoài niệm như thế về phần đời quá khứ tốt đẹp nhất là việc thích đáng để nêu bật nỗ lực kiên cường. Nhưng đáng lẽ lễ kỷ niệm này phải được tiến hành bởi lớp người trẻ đã gắn bó với đất nước này và quen thuộc với quá khứ, thay vì là một người lang bạt đây đó và thu thập kinh nghiệm qua nhiều loại xứ sở như tôi. Vì thế, tôi không còn gì nhiều để phát biểu ngoài việc bàn về những vấn đề đã từng gắn liền và sẽ luôn gắn liền với giáo dục chứ không phụ thuộc vào không gian và thời gian.
Tôi không dám cho rằng mình là người có thẩm quyền về đề tài giáo dục, đặc biệt là vì qua các thời đại những người thông minh và có thiện chí đã làm việc trong những vấn đề giáo dục và chắc chắn hết lần này đến lần khác họ đã nêu ra quan điểm một cách rõ ràng về những đề tài này. Còn tôi, một kẻ ngoại đạo trong ngành giáo dục, sẽ phải dựa vào nguồn nào để thu can đảm nói lên ý kiến của mình mà chẳng có cơ sở gì ngoại trừ kinh nghiệm cá nhân và niềm tin nơi bản thân? Nếu đó thực sự là một đề tài khoa học thì khi xem xét như thể người ta hẳn sẽ im lặng. Tuy nhiên, với những sự vụ của nhân loại thì lại là khác. Ở đây, kiến thức về chân lý là chưa đủ; trái lại kiến thức ấy phải được liên tục cập nhật bằng nỗ lực, kẻo không nó sẽ mất đi. Kiến thức tương tự một bức tượng bằng cẩm thạch trong sa mạc và liên tục bị cát chảy đe dọa chôn vùi. Những bàn tay chăm sóc phải luôn làm việc, hầu bức tượng cẩm thạch ấy tiếp tục tỏa sáng dưới ánh mặt trời. Tôi thấy mình cũng góp một bàn tay trong việc ấy.
Nhà trường luôn là phương tiện quan trọng nhất để gìn giữ giá trị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ sau. Ngày nay, việc này còn được nâng tầm cao hơn, bởi vì trong sự phát triển đời sống kinh tế hiện đại, vai trò của gia đình trong việc giữ gìn truyền thống và giáo dục đã yếu đi. Vì vậy mà sự tiếp nối và giá trị của loài người còn tùy thuộc vào nhà trường nhiều hơn là trước đây. Đôi lúc người ta xem nhà trường đơn giản chỉ là một công cụ truyền tải một lượng kiến thức nào đó cho thế hệ trẻ. Nhưng điều này không đúng. Kiến thức là phần khô cứng, còn nhà trường là phần sinh động. Nhà trường phải giúp phát triển trong từng cá nhân của lớp trẻ những phẩm chất và năng lực có giá trị cho an sinh cộng đồng. Nhưng việc này không có nghĩa xóa bỏ tính cá nhân để rồi cá nhân chỉ là một công cụ của cộng đồng, giống như con ong cái kiến. Bởi lẽ một cộng đồng gồm những cá nhân được tiêu chuẩn hóa mà thiếu vắng tính độc đáo cá nhân và mục đích cá nhân sẽ là một cộng đồng nghèo nàn thiếu khả năng phát triển. Trái lại, mục tiêu phải là đào tạo những cá nhân có khả năng suy nghĩ và hành động độc lập, những người xem việc phục vụ cộng đồng là lẽ sống cao nhất đời họ.
Làm thế nào chúng ta đạt được lý tưởng ấy? Liệu có thể đạt được bằng cách rao giảng đạo đức? Không thể được. Ngôn từ vẫn mãi là âm thanh rỗng tuếch, và lời lẽ đầu môi chót lưỡi về lý tưởng đồng hành trên con đường dẫn đến diệt vong. Nhưng nhân cách không hình thành từ những gì được nghe và nói, mà từ lao động và hành động. Vì thế mà phương pháp giáo dục quan trọng nhất luôn phải là thúc đẩy học trò thực sự làm được việc. Cách này được áp dụng từ việc dạy trẻ em sơ cấp viết chữ cho đến luận văn tốt nghiệp của tiến sĩ, cũng như việc học thuộc lòng một bài thơ, viết một bài luận, diễn giải và dịch một bài văn, giải một bài toán, hoặc tập luyện một môn thể thao.
Nhưng phía sau mỗi thành tựu là một động cơ làm nền tảng, và đến phiên động cơ ấy được tăng cường và nuôi dưỡng bởi việc hoàn tất nhiệm vụ. Ở đây có những khác biệt to lớn, có tầm quan trọng nhất đối với giá trị giáo dục của nhà trường. Cùng một công việc có thể do sợ hãi và cưỡng bách, do ham muốn uy quyền và danh hiệu, hoặc do khao khát chân lý và tri thức, và vì thế là do tính hiếu kỳ thiên bẩm mà mọi đứa trẻ lành mạnh đều có, nhưng thường sớm lụi tàn. Ảnh hưởng của giáo dục đối với học sinh bởi một thành tựu của cùng một công việc có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào lý do sợ bị tổn thương lòng khao khát ích kỷ, hoặc lòng ham muốn có niềm vui và tự mãn từ công việc đó. Ai cũng nhìn nhận rằng việc quản trị nhà trường và cung cách của giáo viên gây ảnh hưởng đến việc hun đúc nền tảng tâm lý của học sinh.
Đối với tôi, có vẻ như điều tệ hại nhất là nhà trường chủ yếu áp dụng những phương pháp dựa trên sợ hãi, cưỡng bách, và uy quyền giả tạo. Cách thức như thế sẽ hủy hoại những cảm nghĩ lành mạnh, tính trung thực và sự tự tin nơi học sinh. Nó tạo ra đối tượng chỉ biết phục tùng. Không khó gì mà giữ nhà trường tránh khỏi những điều xấu xa tệ hại nhất. Giáo viên cần áp dụng càng ít càng tốt các biện pháp cưỡng bách, hầu học sinh chỉ biết tôn trọng giáo viên qua phẩm chất nhân cách và tri thức của người thầy.
Động cơ được nêu ra kế tiếp là tham vọng, hoặc nói một cách nhẹ nhàng, là nỗi khao khát được nhìn nhận và quan tâm, vốn nằm trong bản chất con người. Thiếu sự kích thích tinh thần này thì không thể nào có sự cộng tác giữa con người; nỗi khao khát được nhìn nhận chắc chắn là một trong những sức mạnh ràng buộc quan trọng nhất của xã hội. Trong những cảm nghĩ phức tạp này, các sức mạnh xây dựng và phá hủy luôn hiện diện bên nhau. Nỗi khao khát được nhìn nhận và quan tâm là một động cơ lành mạnh, nhưng khao khát được nhìn nhận là giỏi hơn, mạnh hơn hoặc thông minh hơn người khác dễ dẫn đến tâm lý vị kỷ thái quá, và điều này có thể làm tổn thương cá nhân và cộng đồng. Vì thế, nhà trường và giáo viên phải dè chừng mà tránh phương pháp dễ tạo ra tham vọng cá nhân, nhằm khuyến khích học sinh chuyên cần làm việc.
Nhiều người nhắc đến lý thuyết của Darwin về cuộc đấu tranh sinh tồn và chọn lọc thiên nhiên nhằm khuyến khích tính cạnh tranh. Theo cách này, một số người cố chứng minh mà thiếu tính khoa học về sự cần thiết phải có cuộc đấu tranh kinh tế hủy hoại qua việc cạnh tranh giữa các cá nhân. Nhưng điều này là không đúng, bởi vì sức mạnh con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn dựa vào sự kiện anh là một sinh vật sống hợp quần. Chỉ có một ít chiến đấu giữa các con kiến trong tổ là cần thiết cho sự sống tồn, và đó cũng là trường hợp của những cá nhân trong một cộng đồng nhân loại. Do vậy, ta phải dè chừng mà chống lại lời thuyết giảng cho rằng thành công của giới trẻ là đích nhắm của cuộc đời. Vì lẽ, người thành công là người tiếp nhận được nhiều từ người khác, thường là nhiều hơn so với những gì anh ta cống hiến cho người khác. Tuy vậy, giá trị của một người phải tùy thuộc vào những gì anh ta cống hiến chứ không phải những gì anh ta tiếp nhận.
Động cơ quan trọng nhất trong trường học và trường đời là niềm vui trong công việc, niềm vui trong những thành quả của công việc, và nhận thức về giá trị của thành quả đối với cộng đồng. Tôi thấy việc khơi dậy và củng cố các sức mạnh tâm lý trong giới trẻ là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà trường. Chỉ nền tảng tâm lý như thế đủ để dẫn đến khát vọng giành lấy tài sản quý báu nhất của con người, đó là tri thức và kỹ năng thẩm mỹ. Chắc chắn là việc đánh thức sức mạnh tâm lý thì không dễ dàng như việc cưỡng ép, hoặc như việc đánh thức tham vọng cá nhân, nhưng có giá trị hơn.
Vấn đề là phát triển xu hướng giống như trẻ em nhằm công nhận và hướng dẫn trẻ học qua những ngành quan trọng cho xã hội; chính là nền giáo dục đó dựa trên khát vọng thành công và được nhìn nhận. Nếu nhà trường thành công theo quan điểm như thế, thì họ sẽ được mọi thế hệ học sinh tôn trọng và nhiệm vụ mà nhà trường giao phó sẽ được xem như là món quà. Tôi biết có những đứa trẻ thích thời gian đi đến trường hơn là kỳ nghỉ hè. Trường học như thế đòi hỏi giáo viên phải giống như nghệ sĩ trong môn dạy của mình. Có thể làm gì để tạo tinh thần này trong nhà trường? Có một biện pháp chung mà cũng có thể dành cho mỗi cá nhân. Nhưng có vài điều kiện mà ta có thể đáp ứng được. Trước nhất, giáo viên phải trưởng thành trong loại trường học như thế. Thứ hai, giáo viên phải được tự do chọn lựa tài liệu và nội dung giảng dạy. Vì lẽ niềm vui khi định hình công việc của họ sẽ bị dập tắt khi có cưỡng bách và áp lực từ bên ngoài. Nếu quý vị đã theo dõi luồng suy tư của tôi đến điểm này thì hẳn quý vị có một điều băn khoăn. Tôi đã nói nhiều về loại tinh thần nào cần được truyền đạt cho giới trẻ, theo thiển kiến của tôi. Nhưng tôi chưa nói gì về sự lựa chọn các môn dạy, hoặc phương pháp sư phạm. Liệu nên chú trọng ngữ văn hay khoa học?
Với câu hỏi đó, tôi xin trả lời: theo ý tôi tất cả việc này có tầm quan trọng thứ yếu. Nếu một người trẻ được huấn luyện để phát triển cơ bắp và sự chịu đựng thể chất, thì sau đó anh ta sẽ thích hợp cho công việc thể chất. Tương tự đối với việc đào tạo về tinh thần và về kỹ năng trí tuệ cùng chân tay. Vì thế, trí khôn không sai lầm khi định nghĩa giáo dục theo cách này: “Giáo dục là những gì còn lại sau khi người ta quên mọi thứ khác đã học ở trường.” Vì lý do này mà tôi không muốn phải chọn theo bên nào trong cuộc tranh luận giữa những người theo giáo dục ngữ văn-lịch sử và giáo dục khoa học thiên nhiên.
Mặt khác, tôi muốn phản đối ý tưởng cho rằng trường học phải giảng dạy trực tiếp kiến thức đặc biệt ấy và những thành tựu mà người ta phải sử dụng trực tiếp sau này trong đời. Cuộc sống có những đòi hỏi quá đa dạng nên không thể nào có đào tạo chuyên môn như thế ở trường học. Ngoài ra, đối với tôi, đối xử với cá nhân như một công cụ vô tri là điều đáng chê trách. Trường học phải luôn đặt mục tiêu là đào tạo học sinh ra trường thành một nhân cách hài hòa, không phải thành một chuyên viên. Tôi nghĩ, theo vài ý nghĩa nào đó điều này là đúng đối với các trường kỹ thuật, nơi người học sẽ chuyên tâm vào một nghề cụ thể. Việc phát triển kỹ năng tổng quát về suy nghĩ và xét đoán độc lập phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là việc tiếp thu kiến thức đặc biệt. Nếu một người nắm vững những điều cơ bản trong môn học của anh ta, thì chắc chắn anh ta sẽ tìm được con đường đi cho mình, và thêm nữa, sẽ có thể thích ứng tốt hơn với tiến bộ và những thay đổi so với người được đào tạo với kiến thức chi tiết.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng những gì được nói ra ở đây theo cách thức có phần cụ thể chỉ là ý kiến cá nhân vốn dựa trên kinh nghiệm bản thân của một người như là một sinh viên và một giáo viên.
Diệp Minh Tâm dịch từ bản Anh văn: Saski Education – http://www.sakshieducation.com/(S(13gzvgvinkf3qn45bd3ypo45))/ENGGGStory.aspx?nid=46062&cid=12&sid=128&chid=0&tid=0
[…] “Nhân cách không hình thành từ những gì được nghe và nói” – Albert Einstein – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/23/nhan-cach-khong-hinh-thanh-tu-nhung-gi-duoc-nghe-va-noi… […]