- Chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright, 1903
- Ảnh cuối cùng của con tàu Titanic, 1912
- Hội nghị Solvay: bức ảnh thông minh nhất từng được chụp, 1927
- Vụ hỏa hoạn ở tòa nhà Nghị viện Đức, 1933
- Bà mẹ di cư, 1936
- Jesse Owens giành huy chương vàng ở Đức, 1936
- Thảm họa Hindenburg, 1937
- Hitler ở Paris, 1940
- Nhật tấn công Trân Châu Cảng
- Hitler tuyên chiến với Mỹ, 1941
- Hội nghị Thượng đỉnh Teheran, 1943
- Cuộc đổ bộ Normandie, 1944
- The Face in the Surf (Robert Capa)
- Hội nghị Potsdam, 1945
- Giương cờ trên Iwo Jima, 1945
- Giương cờ trên tòa nhà Quốc hội Đức, 1945
- Thành phố Dresden hoang tàn, 1945
- Bom nguyên tử ở Hiroshima, 1945
- Nụ hôn, 1945
- Ký kết Văn kiện Đầu hàng, 1945
- Buổi hội kiến đầu tiên giữa Nhật hoàng và MacArthur, 1945
- Hình ảnh tướng Giáp xuất hiện lần đầu ở phương Tây
- Gandhi và bánh xe se chỉ, 1946
- Tòa án Nuremberg, 1946-1949
- Einstein thè lưỡi, 1951
- Che Guevara, 1960
- Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, 1963
- John Fitzgerald Kennedy Jr. chào vĩnh biệt, 1963
- O du kích nhỏ, 21/9/1965
- Thái độ tôn vinh nhân quyền, 16/10/1968
- Trái Đất mọc từ Mặt Trăng, 24-Dec-1968
- Xử tử Đại úy biệt động, 1968
- Con người trên Mặt Trăng, 1969
- Em bé napalm, 1972
- Niềm vui vỡ òa, 1973
- Tháo chạy khỏi Sài Gòn, 30/4/1975
- Em bé đang chết đói và nhà truyền giáo, 1980
- John Lennon ký tặng người sẽ ám sát mình, 1980
- Bàn thắng qua Bàn tay của Chúa, 1986
- Chàng trai trẻ đáp xuống Quảng trường Đỏ, 1987
- Người chặn xe tăng, 1989
- Bức tường Berlin sụp đổ, 1989
- Kền kền chờ đợi, 1993
- Những cột trụ của tạo hóa, 1995
- Bé Baylee trong vụ nổ bom Oklahoma, 1995
- Máy tính hạ nhà vô địch thế giới cờ vua, 1997
- 99 cent, 1999
- Tổng thống Bush được thông báo về thảm kịch 11-9, 2001
- Chính phủ Mỹ theo dõi cuộc đột kích, 2011
- Em bé Syria trôi giạt trên bờ biển, 2015
Mở đầu
Chúng ta thường nghe câu nói một bức ảnh tương đương với hàng nghìn câu chữ. Chúng ta xem một bức ảnh và có thể dấy lên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Một số bức ảnh thể hiện bước ngoặt của lịch sử như bức ảnh Trái Đất mọc từ Mặt Trăng, có bức ảnh nhắc nhở ta những thảm kịch của trẻ em như Kim Phúc và Baylee hoặc em bé vô danh bên con kền kền, có bức ảnh làm biểu trưng cho một thời kỳ kinh tế–xã hội như Bà mẹ di cư trong thời Đại Suy thoái, có bức ảnh thể hiện góc nhìn lạ kỳ và mới mẻ như bức 99 cent, có bức ảnh thể hiện chất con người thú vị ngoài những nét thông thường hằng ngày như ảnh Einstein thè lưỡi, v.v.
Xem ảnh rồi, có cảm xúc tương đương hàng nghìn câu chữ rồi, ta cần nghĩ đến câu nói của một trong những nhiếp ảnh gia trong bài này: Nhiều khi bức ảnh chỉ nói lên một nửa sự thật. Ta cần biết qua nửa sự thật kia để có cái nhìn thấu đáo hơn về tính nhân văn, để hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội, để phán xét có chừng mực hơn, hoặc để cảm thông thêm… Như là ảnh Kền kền chờ đợi: tuy khổ đau đó nhưng có những xoa dịu chung quanh mà ảnh không thể hiện, như ảnh Niềm vui vỡ òa: tuy vui đó nhưng buồn khổ theo sau mà ảnh không kể ra được.
Bài này đưa đến những câu chuyện nằm phía sau một số bức ảnh nổi tiếng nhằm kể thêm những nửa sự thật kia.
Chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright, 1903
Anh em nhà Wright là hai anh em người Mỹ gồm Orville Wright (1871-1948) và Wilbur Wright (1867-1912), là những người đầu tiên thử nghiệm thành công cho máy bay bay được.
Chuyến bay đầu tiên trong lịch sử nhân loại được thực hiện vào ngày 17 tháng 12 năm 1903 tại đồi Kill Devil, Kitty Hawk, bang Bắc Carolina, Mỹ. Mỗi anh em thực hiện hai chuyến bay vào ngày hôm đó. Lần bay đầu tiên, do Orville thực hiện kéo dài 12 giây và bay được khoảng 36.5 mét (120 ft). Lần bay cuối cùng, do Wilbur thực hiện kéo dài 59 giây và bay được 296 mét. Chiếc máy bay lúc đó được gọi là Flyer I. Nó có sải cánh khoảng 12 mét và nặng khoảng hơn 300 kg, với động cơ xăng 12 mã lực. Hiện nay nó đang được đặt tại Viện bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Hoa Kỳ tại Washington, D. C.
Ảnh: Chuyến bay đầu tiên của con người với một cỗ máy có động cơ, có thể điều khiển được và bay liên tục: bay được 36m trong 12 giây, 17/12/1903. Orville Wright nằm ở khu vực điều khiển, nằm sấp trên phần cánh dưới với hông ở khu vực cần gạc để điều khiển cánh. Wilbur Wright chạy bên cạnh để giúp cân bằng máy bay, trong ảnh ông vừa thả tay khi nửa cánh bên phải bị lên cao. Đường băng, bệ đỡ cánh, hộp dây, và các vật dụng khác cần thiết để chuẩn bị cho chuyến bay thử còn nằm lại phía sau máy bay. Orville Wright thiết lập sẵn máy ảnh và John T. Daniels bóp bầu cao su, nhả màn trập.
Tuy chiếc máy bay chưa thể tự cất cánh mà phải nhờ một thiết bị phóng bằng vật nặng cho thả rơi và khi cất cánh, hạ cánh phải lựa theo chiều gió, nhưng sự kiện này gây ra được tiếng vang dư luận rất lớn. Thiên tài của hai anh em nhà Wright biến giấc mơ từ ngàn xưa của loài người thành sự thật.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_em_nh%C3%A0_Wright https://rarehistoricalphotos.com/first-flight-wright-brothers/
Bức ảnh cuối cùng của con tàu Titanic, 1912
Bức ảnh dưới đây được chụp ngày 12/4/1912. Ba ngày sau, con tàu Titanic chìm.
Theo tạp chí Time, người chụp bức ảnh này là Francis Browne, Mục sư dòng Tên. Ông này đi chặng đầu trên tàu Titanic, từ Southampton (Anh quốc) đến Cobh (Ireland), lúc đó được gọi là Queenstown. Ông phải rời tàu ở Cobh bởi vì cha bề trên ra lệnh ông quay về lập tức thay vì tiếp tục chuyến đi trên tàu Titanic.
https://rarehistoricalphotos.com/last-photo-titanic-1912/
Hội nghị Solvay: bức ảnh thông minh nhất từng được chụp, 1927
Hội nghị Solvay (Solvay Conference) là một hội nghị khoa học quốc tế về Vật lý và Hóa học được tổ chức tại Bruxelles, Bỉ. Tiếp nối thành công của hội nghị vật lý Solvay 1911, hội nghị khoa học đầu tiên có tầm cỡ quốc tế, nhà hóa học và công nghiệp người Bỉ Ernest Solvay từ năm 1912 tài trợ cho việc tổ chức các hội nghị khoa học tương tự, nơi tập trung những nhà khoa học hàng đầu thế giới để thảo luận về những vấn đề đáng quan tâm nhất của hai lĩnh vực Hóa học và Vật lý.
Hội nghị Solvay nổi tiếng nhất trước Thế chiến thứ hai là hội nghị vật lý lần 5, được tổ chức tháng 10 năm 1927, có chủ đề “Electron và photon“. Hội nghị này và tập trung hầu như toàn bộ các nhà vật lý tiên phong thời bấy giờ trên các lĩnh vực vật lý lý thuyết, cơ lượng tử và vật lý hạt nhân. Cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Albert Einstein – cha đẻ của thuyết tương đối – và Niels Bohr – người mở đường cho cơ lượng tử về Nguyên lý bất định của Werner Heisenberg – được bắt đầu tại chính hội nghị này. Trong số 29 nhà khoa học được mời tham gia Hội nghị Solvay lần 5, có tới 17 người đã hoặc sẽ giành giải Nobel (riêng Marie Curie được trao hai lần), bao gồm cả hai người được trao giải Nobel Vật lý năm 1927 là A.H. Compton và C.T.R. Wilson.
Trên đây là bức ảnh nguyên thủy. Dưới đây là bức ảnh được tô màu bằng Photoshop.
Ảnh: Hội nghị Solvey 1927 (ảnh trắng-đen được tô màu sau này)
Hàng đứng từ trái qua: Auguste Piccard, Émile Henriot, Paul Ehrenfest, Édouard Herzen, Théophile de Donder, Erwin Schrödinger, JE Verschaffelt, Wolfgang Pauli, Werner Heisenberg, Ralph Fowler, Léon Brillouin.
Hàng ngồi sau từ trái qua: Peter Debye, Martin Knudsen, William Lawrence Bragg, Hendrik Anthony Kramers, Paul Dirac, Arthur Compton, Louis de Broglie, Max Born, Niels Bohr.
Hàng ngồi trước trái qua: Irving Langmuir, Max Planck, Marie Curie, Hendrik Lorentz, Albert Einstein, Paul Langevin, Charles-Eugène Guye, CTR Wilson, Owen Richardson.
Vài nhân vật có tiếng tăm nhất:
Auguste Piccard (hàng đứng, vị trí 1, tính từ trái qua phải): cha đẻ của chiếc tàu lặn bathyscaphe ra đời vào năm 1948. Đây là loại tàu đầu tiên cho phép con người đi xuống đáy biển mà không cần cáp nối.
Émile Henriot (hàng đứng, vị trí 2, tính từ trái qua phải): nhân vật tiên phong về kính hiển vi điện tử, đồng thời là người phát hiện phóng xạ tự nhiên của Kali và Rubidium.
Paul Ehrenfest (hàng đứng, vị trí 3, tính từ trái qua phải): một trong những nhà khoa học tiên phong về lý thuyết lượng tử. Không những vậy, nhà vật lý học thiên tài này còn được biết đến thông qua định lý Ehrenfest thần thánh.
Edouard Herzen (hàng đứng, vị trí thứ 4, tính từ trái qua phải): Cùng với Marie Curie và Albert Einstein, ông là một trong 7 bộ óc tài năng tham dự cả 2 kỳ hội nghị 1911 và 1927. Nhân vật tầm cỡ này đóng góp rất lớn trong tiến trình phát triển của lĩnh vực hóa học và vật lý ở thế kỷ 20.
Théophile de Donder (hàng đứng, vị trí 5, tính từ trái qua phải): người đặt nền tảng cho nhiệt động học và có công lớn trong việc phát triển vật lý hiện đại ở Bỉ. Dưới sự dẫn dắt của ông, Iiya Prigogine hoàn thành luận án tiến sĩ, tiếp tục phát triển các nghiên cứu của thầy, trở thành nhân vật lừng lẫy trong giai đoạn mở đường cho các nghiên cứu về quá trình không thuận nghịch của nhiệt động học.
Erwin Schrödinger (hàng đứng, vị trí 6, tính từ trái qua phải): đóng góp rất lớn cho nền tảng lý thuyết cơ học lượng tử, và lúc nào cũng chống lại luận giải Copenhagen về những vấn đề liên quan đến bản chất của nó. Có một thí nghiệm chỉ diễn ra trong trí tưởng tượng mà người ta vẫn gọi là con mèo của Schrödinger. Ông sử dụng nó để tranh luận với Einstein về các vấn đề liên quan cách hiểu Copenhagen đối với lĩnh vực cơ học lượng tử.
Wolfgang Pauli (hàng đứng, vị trí 8, tính từ trái qua phải): thời trai trẻ được coi là thần đồng trong cả hai lĩnh vực toán học và vật lý. Con đường phía trước lại càng trở nên thênh thang vô ngần bởi thiên tài Einstein coi Wolfgang như lực lượng kế thừa, phát triển những gì mình gầy dựng. Ông tìm ra spin eclectron, nguyên lý loại trừ và là giáo sư danh tiếng khi tuổi đời mới đôi mươi.
Werner Heisenberg (hàng đứng, vị trí 9, tính từ trái qua phải): một trong những nhà khoa học khơi mào thuyết cơ học lượng tử, nhận giải Nobel vật lý 1932.
Ralph Howard Fowler (hàng đứng, vị trí 10, tính từ trái qua phải): ủy viên hội Royal Society kể từ năm 1925. Ba hội viên Chandrasekhar, Dirac, Mott nhận giải Nobel đều từng làm việc dưới sự giám sát của ông. Quả là một ông thầy vĩ đại!
Paul Dirac (hàng giữa, vị trí 5, tính từ trái qua phải): nhà vật lý lý thuyết người Anh. Một trong những khám phá quan trọng của ông là phương trình Dirac. Phương trình này miêu tả dáng điệu của các fermion, từ đó dẫn đến tiên đoán về sự tồn tại của phản vật chất. Ông cùng Erwin Schrödinger nhận giải Nobel vật lý năm 1933.
Max Born (hàng giữa, vị trí 8, tính từ trái qua phải): nhà vật lý và một nhà toán học người Đức. Ông được trao giải Nobel Vật lý vào năm 1954.
Niels Bohr (hàng giữa, vị trí 8, tính từ trái qua phải): nhà vật lý học người Đan Mạch với những đóng góp nền tảng về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai, nhờ đó mà ông nhận Giải Nobel Vật lý năm 1922.
Irving Langmuir (hàng trước, vị trí 1, tính từ trái qua phải): nhà hóa học và vật lý học Hoa Kỳ, được trao Giải Nobel hóa học năm 1932 cho đóng góp của ông đối với hóa học bề mặt.
Max Planck (hàng trước, vị trí 2, tính từ trái qua phải): nhà vật lý người Đức, được xem là người sáng lập cơ học lượng tử và do đó là một trong những nhà vật lý quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông nhận giải Nobel vật lý năm 1918.
Marie Curie (hàng trước, vị trí 3, tính từ trái qua phải): Trong bức ảnh thông minh nhất được chụp vào năm 1927 tại hội nghị Solvay, chỉ mỗi bà là nữ. Bộ óc thiên tài đến từ Ba Lan nhận hai giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau: hóa học và vật lý. Cho đến ngày nay, trên thế giới, chỉ 2 người có được vinh dự này. Người còn lại chính là Linus Pauling. Với những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, sau khi mất bà được an táng tại điện Panthéon (Paris, Pháp).
Albert Einstein (hàng trước, vị trí 5, tính từ trái qua phải): cha đẻ thuyết tương đối nổi tiếng. Đưa ra công thức E=mc2 lừng danh vào năm 26 tuổi, 6 năm sau trưng bày thuyết tương đối tổng quát. Vào năm 43 tuổi, ông nhận giải Nobel. Được đề nghị chức vụ tổng thống Israel nhưng ông từ chối.
Trong các kỳ hội nghị khoa học quốc tế về vật lý và hóa học, chẳng còn tìm đâu ra bức ảnh thứ hai được nữa, kể cả ở những sự kiện khác. Chính vì lý do đó, nó trở thành bức ảnh đáng giá bậc nhất lịch sử nhân loại.
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_ngh%E1%BB%8B_Solvay
Vụ hỏa hoạn ở tòa nhà Nghị viện Đức, 1933
Chưa đầy một tháng sau khi Hitler nắm chức Thủ tướng Đức, vào buổi tối 27 tháng 2 năm 1933, Tòa nhà Nghị viện Đức bị cháy.
Có lẽ chẳng bao giờ người ta biết được tất cả sự thật về vụ cháy tòa nhà Nghị viện. Hầu như tất cả những người biết về vụ này giờ đã chết, phần lớn bị Hitler hạ sát trong những tháng kế tiếp. Ngay cả Tòa án Nuremberg vẫn không thể vén hoàn toàn bức màn bí ẩn. Tuy nhiên, có đủ chứng cứ hợp lý cho thấy rõ chính Quốc xã đã lên kế hoạch và tạo ra đám cháy nhằm phục vụ mưu đồ chính trị của họ.
Có một đường hầm để chứa hệ thống sưởi trung tâm chạy từ Dinh Chủ tịch Nghị viện đến tòa nhà Nghị viện. Chính qua đường hầm này mà Karl Ernst dẫn một toán S.A. đi đến tòa nhà Nghị viện. Ở đây, họ tưới xăng và hóa chất tự cháy rồi chạy trở về nơi xuất phát. Cùng lúc này, một đảng viên Cộng sản khù khờ người Hà Lan tên Marinus van der Lubbe lẻn vào tòa nhà rộng lớn, tối tăm rồi tự tay nhóm lên vài đốm lửa nhỏ. Con người ngốc nghếch thích trò điên rồ với lửa này là món quà trời cho của Quốc xã. Vài ngày trước, binh sĩ S.A. tóm được anh ta sau khi nghe anh khoe khoang trong một quán rượu rằng đã đốt vài tòa nhà Chính phủ và kế tiếp sẽ đốt tòa nhà Nghị viện.
Thế là có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Quốc xã tìm ra được kẻ tội phạm Cộng sản loạn trí dự tính làm đúng việc mà chính họ cũng quyết tâm làm. Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng có chứng cứ. Ý tưởng gây đám cháy hầu như chắc chắn xuất phát từ Goebbels và Goering.
Chỉ huy trưởng Mật vụ Rudolf Diels viết ra trong một tờ cung khai rằng “Goering biết chính xác đám cháy bộc phát như thế nào” và ra lệnh cho anh ta “trước khi đám cháy xảy ra, phải chuẩn bị một danh sách những người sẽ bắt giữ lập tức”.
Tướng Franz Halder, Tham mưu trưởng Lục quân trong thời gian đầu của Thế chiến II, khai trước Tòa án Nuremberg về một trường hợp Goering đã khoe về thành tích của mình:
Trong bữa ăn trưa nhân sinh nhật của Lãnh tụ năm 1942, câu chuyện chuyển qua đề tài tòa nhà Nghị viện và giá trị nghệ thuật của nó. Khi Goering chen vào câu chuyện, chính tai tôi nghe ông ấy nói lớn: “Người duy nhất thật sự biết về Nghị viện là tôi, bởi vì chính tôi đã đốt cháy nó!”
Nhưng khi được lấy khẩu cung và khi ra trước phiên tòa Nuremberg, Goering đều nhất mực phủ nhận việc can dự vào vụ cháy tòa nhà Nghị viện.
Có vẻ như van der Lubbe bị Quốc xã lừa gạt. Anh ta được khuyến khích đốt tòa nhà Nghị viện. Nhưng công việc chính yếu là do đội S.A. thực hiện, mà dĩ nhiên anh không hề biết. Thật vậy, phiên tòa tiếp theo ở Leipzig xác định là Lubbe không có phương tiện để gây cháy tòa nhà rộng lớn như thế một cách nhanh chóng như thế. Chỉ hai phút rưỡi sau khi anh đột nhập vào, khu tiền sảnh trung tâm đã bốc cháy dữ dội. Anh chỉ có một chiếc áo để làm mồi lửa. Theo lời khai của chuyên gia trong phiên tòa, những đám lửa chính cần đến một lượng lớn xăng và hóa chất mới bùng lên được. Hiển nhiên là một người duy nhất không thể mang vào lượng lớn xăng và hóa chất như thế, và cũng không thể đốt nhiều đám lửa ở nhiều nơi như thế trong một thời gian ngắn như thế.
Một ngày sau vụ cháy, 28 tháng 2, Hitler yêu cầu Tổng thống ký nghị định “Về việc Bảo vệ Nhân dân và Nhà nước” đình chỉ bảy đoạn trong Hiến pháp đảm bảo quyền tự do cá nhân. Được mô tả là “biện pháp phòng vệ chống lại những hành động bạo lực của Cộng sản phương hại đến đất nước”. Nghị định này mang nội dung:
Hạn chế tự do cá nhân, quyền tự do phát biểu ý kiến, kể cả quyền tự do báo chí; quyền tụ tập và lập hiệp hội; và những vi phạm tính riêng tư của thư tín, điện tín, điện thoại, giấy phép lục soát nhà, lệnh tịch thu cũng như hạn chế về tài sản, cũng được cho phép vượt quá những quy định khác.
Thêm nữa, Nghị định còn cho phép Chính phủ Đế quốc thực thi mọi quyền hạn của các bang khi cần thiết, và áp dụng hình phạt tử hình cho một số tội danh, kể cả tội “làm mất trật tự trị an một cách nghiêm trọng” do người mang vũ khí.
Ảnh: Tòa nhà Nghị viện Đức trong những ngày tươi sáng
Thế là Hitler có thể bịt miệng đối thủ một cách hợp pháp và bắt giữ họ tùy ý, bằng cách mang hiểm họa Cộng sản ra hù dọa, gây sợ hãi cho hàng triệu người giới trung lưu và nông dân. Khoảng 10.000 đảng viên Cộng sản và nhiều nhà lãnh đạo Dân chủ Xã hội cùng cánh tự do bị bắt giữ, kể cả đại biểu Nghị viện có quyền miễn tố theo luật định. Đây là kinh nghiệm đầu tiên của người Đức về chế độ khủng bố của Quốc xã do Chính phủ hậu thuẫn. Binh sĩ S.A. đi trên xe tải gầm rú quanh đường phố trên mọi miền của Đức, xông vào nhà riêng, bố ráp nạn nhân và đưa họ vào doanh trại của S.A., rồi tra tấn đánh đập họ. Báo chí và những cuộc hội họp của Cộng sản bị đàn áp, báo của Đảng Dân chủ Xã hội và cánh tự do bị đình chỉ, những buổi hội họp của các đảng theo cánh dân chủ bị cấm hoặc giải tán. Chỉ có Quốc xã và đồng minh của họ theo cánh Quốc gia được phép vận động bầu cử suôn sẻ.
Tòa nhà Nghị viện chỉ được sửa chữa một phần trong giai đoạn 1961-1963, và được sửa chữa hoàn toàn trong giai đoạn 1995-1999.
https://www.ushmm.org/wlc/en/article.php?ModuleId=10007657 https://www.smithsonianmag.com/history/true-story-reichstag-fire-and-nazis-rise-power-180962240/
Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba – Lịch sử Đức Quốc xã, Diệp Minh Tâm dịch The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany, by William L. Shirer, 1961, renewed 1989.
Bà mẹ tị nạn, 1936
Dorothea Lange là phóng viên ảnh người Mỹ được biết đến với những bức ảnh trong thời kỳ Đại Suy thoái. Trong một chuyến tác nghiệp đầu năm 1936, nhiếp ảnh gia Dorothea Lange đi qua một trại tạm cư ở Nipomo (California). Có ít nhất 2.500 nông dân và gia đình của họ đang ở đó, cận kề với cái đói. Cánh đồng đậu họ định thu hoạch đã bị một trận mưa đá phá hoại.
Trong số những người tị nạn, nhiếp ảnh gia trông thấy một người phụ nữ và những đứa trẻ đang ngồi trong một túp lều dựng trên bùn. Lange tiến lại gần họ và bấm liền 6 tấm ảnh. Đó là khoảng khắc khiến cả nhiếp ảnh gia và nhân vật, bà Florence Owens Thompson, trở nên nổi tiếng thế giới, dù rằng khoảng 40 năm sau, người ta mới biết danh tính nhân vật được coi là biểu tượng của thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930.
Bức Migrant mother (Bà mẹ tị nạn) của Dorothea Lange là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất lịch sử. Bên cạnh công việc tìm kiếm tài liệu về cuộc Đại Suy thoái, bà còn làm việc không biết mệt mỏi để chụp ảnh các nhà tù trong những năm đầu thập niên 40.
Điều bạn học được từ Dorothea Lange: Mỗi nhiếp ảnh gia chọn cho mình một cách riêng để thực hiện những ý tưởng trong đầu mình. Nhiếp ảnh gia bậc thầy như Dorothea thì dành toàn bộ thời gian và năng lực để nắm bắt một cách đầy đủ và sâu sắc một nhân vật hoặc một chủ đề nào đó trước khi chuyển sang dự án nhiếp ảnh tiếp theo. Dorothea nói “Hãy chọn một chủ đề và khai thác nó triệt để… chủ thể bạn chọn phải có thứ gì đó bạn thực sự yêu hoặc vô cùng ghét.”
Có thể sau đó còn rất nhiều bức chân dung thể hiện rất nhiều tầng cảm xúc ra đời, nhưng bức ảnh này nằm ở phần ấn tượng đầu tiên về khắc họa chân dung: người mẹ và đàn con bơ vơ vì mất chồng, mất cha.
Chồng bà Florence vừa chết vì bệnh lao, để lại 7 đứa con thơ. Vẻ mặt của người đàn bà và những cái đầu gục xuống bờ vai gây nên cảm xúc lớn lao và cũng trở thành món hàng để ngã giá trên bàn cờ chính trị nước Mỹ khi ấy. Cho dù sau đó được giúp đỡ nhưng bà mẹ và 7 đứa con cũng ra đi khỏi trại tị nạn, và phải đến 40 năm sau mới chịu xuất hiện lại trên báo chí.
http://shop.photozone.com.vn/nhiep-anh-gia-noi-tieng-va-nhung-dieu-hoc-duoc-tu-ho/ http://hopa.vn/12-bc-nh-lam-thay-i-b-mt-th-gii/
Jesse Owens giành 4 huy chương vàng ở Đức, 1936
Jesse Owens đứng bên đường chạy ở Ann Arbor (Michigan), cạnh anh là huấn luyện viên Larry Snyder không ngừng lắc đầu. “Chẳng đáng phải liều, Jesse”, ông cố can học trò của mình. Nhưng ông biết vẫn vô ích, Owens không phải là trẻ con với tuổi 21, mặt khác thì đó cũng là tuổi có thể nháy mắt biến một vận động viên lực lưỡng thành con bệnh vĩnh viễn.
Đó là lúc Owens cột lại giày để chạy khởi động. Snyder cố vớt vát lần nữa: “Nếu cậu thấy khó thì thôi.”
Nhiều tháng trước, hai thầy trò không có mục đích nào khác là đổ mồ hôi cho ngày trọng đại hôm đó, ngày 23-5-1935, cuộc thi điền kinh lớn nhất giữa các trường đại học Mỹ thuộc khu vực Midwest ở Ann Arbor.
Owens là chủ bài trong đội mình, ít nhất là trước khi anh đùa nghịch với mấy bạn cùng lớp và ngã lộn cầu thang. Xương thì lành lặn, nhưng những cơn đau lưng không chịu thuyên giảm. Anh rơi nước mắt khi khẩn khoản xin huấn luyện viên tham dự ít nhất một môn – chạy 100 yard (91,44m) – “nếu không ổn thì tôi nghỉ ngay”.
45 phút sau Owens rời sân vận động với 6 kỷ lục thế giới: 3 kỷ lục nhảy xa, 1 kỷ lục 220 yard và 1 kỷ lục 220 yard vượt chướng ngại vật.
Trước Owens chưa từng có ai lập được thành tích lịch sử như vậy, nhưng báo chí Mỹ vô cùng dè dặt với thông tin. Năm 1935 vẫn nằm trong thời kỳ mà một người Mỹ da màu không có quyền được đứng trong hào quang, ngay cả ở các tiểu bang miền Bắc vốn được tiếng là cởi mở hơn.
Tên tuổi Jessi Owens chỉ nổi như cồn vào một năm sau, khi anh sang Đức và làm Hitler bẽ mặt.
Sau cuộc thi ở Ann Arbor, Owens nghiễm nhiên vào danh sách tham dự Thế vận hội, nhưng Mỹ đang dự tính tẩy chay Olympics Berlin sau khi chế độ Đức quốc xã có những biểu hiện kỳ thị Do Thái đầu tiên.
Đội Mỹ tham gia 1936 té ra nhờ Avery Brundage, một viên chức cao cấp trong Uỷ ban Thế vận hội Mỹ, vốn có cảm tình với Hitler. Đa số trong giới vận động viên không thích tẩy chay, một phần vì họ đã tốn công luyện tập, nhưng chủ yếu các vận động viên da màu coi thái độ tẩy chay là đạo đức giả, vì ở thời điểm đó Mỹ kỳ thị chủng tộc một cách tệ hại hơn cả Hitler chống Do Thái.
Thoạt tiên, Owens ở phe chống Berlin, nhưng huấn luyện viên Snyder đưa ra luận cứ áp đảo: một huy chương cho người da màu sẽ là đòn giáng vào hệ tư tưởng “siêu nhiên tóc vàng mắt xanh” của Đức.
Phần còn lại của câu chuyện có hậu ấy khá đơn giản, Owens chiến thắng ở 4 môn liền: 100m, 200m, nhảy xa và 4x100m chạy tiếp sức. Môn cuối cùng thực ra không có tên anh, nhưng viên chức Brundage tin vào linh cảm và cử Owens cùng đồng đội Metcalfe (cũng là người da màu) lên đường chạy, thay cho hai vận động viên gốc Do Thái. Cho đến nay chưa ai dập được tin đồn là Đức Quốc xã gây áp lực với Brundage, vì thà để người da màu chiến thắng còn hơn người Do Thái!? Nhưng kết quả thú vị là thành tích này phá hỏng bộ máy tuyên truyền của Adolf Hitler nhằm tôn vinh sự ưu việt của người Aryan da trắng.
Hitler tiếp các vận động viên có huy chương nhưng không hề nói một câu với Owens, tuy Berlin đối với anh vẫn là một trải nghiệm tích cực. Khác với ở Mỹ nơi sinh viên da màu không được vào ký túc xá trong khuôn viên, tại Berlin anh ở cùng các đồng đội da trắng, và ra phố là anh được người ta xúm lại xin chữ ký.
Trước khi về quê, Ủy ban Thế vận hội Mỹ tổ chức một cuộc tiếp thị tưng bừng ở Châu Âu, song trước khi đến Thụy Điển, Owens cáo mệt và cùng Snyder bỏ đoàn lên đường về Mỹ bằng tàu thủy. Hành vi phá hợp đồng đó chấm dứt cuộc đời thể thao đầy hứa hẹn của Owens. Các huy chương vàng trở nên vô giá trị, ngay cả tổng thống Franklin D. Roosevelt cũng không tiếp các vận động viên da màu ở Nhà Trắng.
Owens kiếm ăn bằng các đủ nghề như chạy thi với… ngựa, mở một tiệm giặt là v.v., và dành thì giờ huấn luyện trẻ em nghèo.
Vinh quang muộn mằn đến với anh vào năm 1976, bốn năm trước khi qua đời vì ung thư phổi: Tổng thống Gerald Ford trao tặng anh huân chương dân sự cao quý nhất nước Mỹ là Presidential Medal of Freedom (Huân chương Tổng thống cho Tự do).
Đó là lần đầu và lần duy nhất anh được bước chân vào Nhà Trắng.
Thảm họa Hindenburg, 1937
Vào Thế kỷ 19, một kỹ sư, một nhà phát minh người Đức có tên là Zeppelin chế tạo ra khinh khí cầu khung cứng, được sử dụng vào việc chuyên chở hành khách cũng như trong quân sự. So sánh với những loại khinh khí cầu khác, khí cầu khung cứng của Zeppelin thành công đến nỗi ngày nay khái niệm Zeppelin thường được dùng đồng nghĩa cho khí cầu khung cứng hay cho tất cả các loại khinh khí cầu nói chung. Còn nước Đức trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trên lĩnh vực này. Song cũng chính quốc gia này lại gặp thảm kịch về khinh khí cầu dưới thời Đức quốc xã – Thảm họa Hindenburg (tên của Tổng thống nước Đức thời Hitler làm thủ tướng).
Với một kích thước khổng lồ chứa tới 20.000 m3 khí và chiều dài 245 m, Hindenburg đã nhiều lần vượt Đại Tây Dương nối nước Đức với Hoa Kỳ. Khí cầu Hindenburg xuất phát từ Frankfurt vào chiều ngày 3 tháng 5 để bắt đầu cho một chuỗi 10 chuyến đi liên tiếp giữa châu Âu và Mỹ trong năm thứ 2 và chương trình hoạt động chính thức. Con tàu mất khá nhiều giờ để qua Boston vào sáng ngày mùng 6, cuối cùng nó tới được Lakehurst sau vài tiếng muộn hơn lịch trình do ảnh hưởng của một cơn bão. Thấy rõ điều kiện thời tiết tồi tệ, cơ trưởng Max Pruss buộc phải vòng qua Manhattan và việc này khiến một đám đông hiếu kỳ đổ ra đường để chiêm ngưỡng con tàu khổng lồ.
Sau khi đi tới vùng an toàn hơn vào khoảng 4 giờ chiều, Max Pruss lái con tàu một vòng quanh New Jersey để hành khách có thể nhìn thấy thành phố từ trên cao trong khi họ chờ đợi thời tiết có những biến chuyển tốt hơn. Tới khoảng 6h22′, cơn bão tan và con tàu thẳng hướng tới Lakehurst sau gần nửa ngày trễ hơn so với lịch trình.
Tầm 7h chiều theo giờ địa phương, ở độ cao khoảng 200m, Hindenburg bắt đầu hạ cánh xuống trạm bay Lakehurst Naval. Họ buộc phải hạ cánh cao, hay còn gọi là flying moor, bởi con tàu sẽ thả dây và rọc từ trên cao xuống để sau đó móc vào cột mốc kéo. Cách hạ cánh này tiết kiệm được một lượng lớn nhân công, song lại tốn nhiều thời gian hơn bình thường.
Khi còn cách mặt đất khoảng 200feet (khoảng 60m), khinh khí cầu bỗng nhiên bốc cháy dữ dội từ phía đuôi. Khi ấy là khoảng 7h25. Lửa lan thẳng tới đầu tàu một cách nhanh chóng do khí hydro nổ. Vì đuôi tàu bốc cháy, tàu mất cân bằng và đâm xuống đất. Mọi người đứng gần đó bỏ chạy tán loạn.
Trong số 97 người có mặt trên tàu gồm 36 hành khách và 61 người trong phi hành đoàn thì có 35 người thiệt mạng, ngoài ra còn có một người nữa chết khi con tàu lao xuống đất. Tấn khảm kịch đánh tan biểu tượng hãnh diện một thời của Đức Quốc xã, dấy lên nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc.
Tính đến trước khi thảm họa xảy ra, Hindenburg đã thực hiện thành công 17 chuyến đi vượt Đại Tây Dương, vận chuyển hơn 2.600 hành khách và đạt vận tốc 135km/h.
Thảm họa này là chủ đề chính của rất nhiều trang báo, ảnh, và cũng đem đến tên tuổi cho nhà báo Herbert Morrison, người tường thuật toàn bộ vụ tai nạn vào lúc đó và đoạn thu âm trở nên nổi tiếng vào buổi sáng phát thanh ngày hôm sau. Thảm họa này làm tiêu tan niềm tin của công chúng với những chiếc khinh khí cầu khổng lồ, và chính thức đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên hàng không khinh khí cầu.
Đến năm 2013, nguyên nhân của vụ tai nạn mới được công bố chính thức. Các nhà khoa học Mỹ cho rằng vật liệu phủ bên ngoài tích tụ tĩnh điện quá cao từ những đám mây chứa tĩnh điện, dẫn đến cháy, nổ.
http://genk.vn/kham-pha/ngay-6-5-tham-hoa-khi-cau-hindenburg-va-nguyen-nhan-khong-co-loi-giai-2015050610324852.chn
https://thethaovanhoa.vn/the-gioi/tham-hoa-hindenburg-80-nam-nhin-lai-n20170506133033921.htm
Hitler ở Paris, 1940
Một ngày sau khi Đức và Pháp ký hiệp định đình chiến, Adolf Hitler ăn mừng chiến thắng quân Pháp bằng một chuyến đi đến Paris.
Trong chuyến thăm đầu tiên và duy nhất của mình đến Paris, Hitler đến thăm lăng mộ của Napoléon. “Đây là khoảnh khắc vĩ đại nhất và đẹp nhất của cuộc đời tôi,” ông ta nói khi rời khỏi khu lăng mộ. Người ta nhiều lần so sánh Hitler với Napoléon: Cả hai đều là người nước ngoài đối với đất nước mà họ cai trị (Napoléon là người gốc Ý, Hitler là người gốc Áo); cả hai đều lên kế hoạch xâm lược Nga trong khi chuẩn bị xâm lược nước Anh; cả hai chiếm được thành phố Vilna của Nga vào ngày 24/6; cả hai đều có khả năng ghi nhớ hình ảnh rất tốt; và cả hai đều cao chưa tới 1,75m, bên cạnh những sự trùng hợp khác nữa.
Để tỏ lòng tôn kính vị hoàng đế Pháp, Hitler ra lệnh đưa hài cốt của con trai Napoleon từ Vienna chuyển về chôn cất bên cạnh cha mình.
Nhưng bản chất Hitler là Hitler, ông ta xuất hiện không chỉ để trố mắt chiêm ngưỡng những địa điểm du lịch như vậy. Ông ta ra lệnh phá hủy hai tượng đài kỷ niệm Thế chiến I: tượng đài Tướng Charles Mangin, một anh hùng trong cuộc chiến của Pháp, và tượng đài Edith Cavell, một y tá người Anh bị xử bắn bởi quân Đức vì giúp quân Đồng Minh thoát khỏi thành phố Brussels bị Đức chiếm đóng. Hitler không hề muốn những minh chứng hiện hữu gợi nhắc lại chiến bại của Đức trong quá khứ.
Ảnh: Bên tay trái là Albert Speer, Bộ trưởng Vũ trang và Kiến trúc sư trưởng; bên tay phải là Arno Breker, giáo sư môn nghệ thuật thị giác ở Berlin và cũng là nhà điêu khắc được Hitler quý mến.
Hitler vẫn còn nhắc nhiều tới Paris những tháng sau đó. Ông ta rất ấn tượng về thành phố này và ra lệnh cho vị kiến trúc sư và cũng là người bạn thân Albert Speer hồi sinh các kế hoạch tiến hành một chương trình xây dựng lớn nhằm dựng lên các tòa nhà công cộng mới ở Berlin, một nỗ lực để “tiêu diệt” Paris, không phải bằng bom mà bằng các kiến trúc đẹp hơn. “Paris chẳng phải đẹp quá sao?” Hitler hỏi Speer. “Nhưng Berlin phải đẹp hơn nhiều. Khi chúng ta hoàn thành xây dựng Berlin, Paris sẽ chỉ còn là cái bóng mà thôi.”
http://nghiencuuquocte.org/2016/06/23/hitler-thi-sat-paris/ https://rarehistoricalphotos.com/hitler-in-paris-1940/
Nhật tấn công Trân Châu Cảng
Trận tấn công Trân Châu Cảng (hay Chiến dịch Hawaii theo cách gọi của Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản) là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với không lực và hải quân Mỹ.
Đòn tấn công được trù tính sẽ vô hiệu hóa Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nhờ đó bảo vệ cho kế hoạch xâm lược Nhật Bản nhắm đến Malaya và Đông Ấn thuộc Hà Lan, nơi người Nhật đang tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thiên nhiên như dầu mỏ và cao su, trong khi Nhật đang bị Mỹ cấm vận.
Ảnh: Cảnh tượng cuộc tấn công Trân Châu cảng từ góc nhìn của một phi công trên máy bay Nhật vào lúc 7:55 giờ ngày 7 tháng 12. Vụ nổ ở giữa bức ảnh là do một quả ngư lôi đánh trúng thiết giáp hạm USS West Virginia. Có thể thấy 2 chiếc máy bay Nhật ở phía trên trung tâm và góc trên bên phải.
Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản. 2.402 binh sĩ và thường dân Mỹ chết. Cuộc tấn công đánh chìm 5 thiết giáp hạm Hoa Kỳ (2 chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng cho 3 chiếc khác. Máy bay Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại 2 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là tử trận và 1.282 người khác bị thương. Trong số 402 máy bay Mỹ có mặt tại Hawaii, 188 chiếc bị phá hủy và 159 chiếc bị hư hỏng, 155 trong số đó đậu trên mặt đất.
Về phía Nhật, chỉ có 55 phi công và 9 thủy thủ tàu ngầm tử trận, 29 máy bay và 5 tàu ngầm bỏ túi bị mất. Trong các cuộc diễn tập trước đó, Nhật đặt ra tình huống có hai hàng không mẫu hạm Nhật bị đánh chìm.
Riêng thiết giáp hạm Arizona bị ngư lôi đánh hụt, một trái bom của Nhật chui vào ống khói xuống bên dưới nổ ngay ở hầm chứa đạn. Chiếc tàu phát nổ long trời lở đất với một cột khói và lửa cao 300m rồi gãy làm đôi trong 9 phút. Cả hai phần tàu chúi xuống biển rồi từ từ chìm dần làm 1.102 người chết theo tàu.
Diễn tiến trước đó
Bộ tham mưu hải quân Nhật đã nghiên cứu một cách sâu sắc sự kiện Anh Quốc tấn công hạm đội Ý tại cảng Taranto vào năm 1940. Sự kiện này được tận dụng triệt để nhằm lên kế hoạch cho cuộc tấn công vào căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng, ví dụ như việc chế tạo loại ngư lôi cho vùng nước cạn.
Hạm đội Nhật tham gia cuộc tấn công gồm 6 hàng không mẫu hạm, được hộ tống bởi 2 thiết giáp hạm nhanh, 1 tàu tuần dương hạng nặng, 9 tàu khu trục, 1 tàu tuần dương hạng nặng làm soái hạm và một số tàu ngầm.
Để bảo đảm bí mật, hạm đội Nhật dưới quyền Phó Đô đốc Nagumo Chūichi giữ im lặng vô tuyến và được lệnh đánh chìm mọi tàu bè của các nước trung lập mà họ gặp. Nếu gặp tàu Mỹ trước ngày 6 tháng 12 thì hủy bỏ cuộc hành quân, quay trở về. Trong khi đó, mỗi ngày hạm đội đều nhận được những tin tức tình báo về tình hình Trân Châu Cảng và những chỉ thị cần thiết của Tư lệnh chiến dịch do đô đốc Isoroku Yamamoto phát đi từ hạm đội Liên hợp đang thả neo trong vịnh Hashirajima thuộc biển Nội Hải (Nhật Bản). Những tin tình báo ấy do tòa Tổng lãnh sự Nhật ở Honolulu điện về cho đô dốc Yamamoto theo những giờ quy định.
Về phía Hoa Kỳ, ngày 26 tháng 11, vài giờ sau khi hạm đội Nhật rời khỏi căn cứ Hitokapu, trung tá Wilfred Holmes, người chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động của các chiến hạm Nhật đã mật báo về phòng tình báo hải quân Trân Châu Cảng rằng 6 tàu sân bay Nhật “vẫn còn ở trong nước”. Nhưng kể từ lúc đó, ông hoàn toàn bị mất dấu vết của chúng, và các ngày sau đó đều báo cáo rằng “không có tin tức gì”. Bằng giọng khôi hài, đô đốc Kimmel đã trách trưởng phòng tình báo của ông là trung tá Eward Layton:”Anh nghĩ sao, nếu như trong giờ phút này chúng xuất hiện ngay trên trước Đồi kim cương, còn anh thì không biết gì về chúng?” Tuy vậy, Kimmel vẫn không có biện pháp nào để đề phòng các tàu sân bay mất tích này.
Cuộc tấn công là một sự kiện lớn trong Thế chiến 2. Nó diễn ra trước khi có bất cứ một lời tuyên chiến chính thức nào được đưa ra, cả trước khi phần cuối cùng trong một thông điệp gồm 14 phần được chuyển hoàn tất đến Bộ Ngoại giao ở Washington, D.C. Tòa Đại sứ Nhật Bản ở Washington được chỉ thị phải chuyển giao thông điệp này ngay trước thời điểm trù định cho cuộc tấn công ở Hawaii. Cuộc tấn công, và đặc biệt là bản chất “bất ngờ” của nó, là hai nhân tố khiến cho công chúng Hoa Kỳ thay đổi quan điểm từ những người theo chủ nghĩa biệt lập (isolationism) như vào những năm giữa thập niên 1930 quay sang ủng hộ việc Hoa Kỳ tham chiến.
Cuộc tấn công Trân Châu Cảng đạt thành công lớn cho Nhật vì những yếu tố sau:
- Thượng tướng (3 sao) Short Walter Short, Tư lệnh Lục quân tại Hawaii, đã yêu cầu bổ sung phương tiện phòng thủ nhưng không được đáp ứng.
- Đô đốc (4 sao) đặc cách Husband E. Kimmel, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Kimmel cho rằng mình không nhận được báo cáo giải mã những liên lạc vô tuyến của Nhật cho biết Nhật sẽ bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng.
- Trên đảo có nhiều người gốc Nhật sinh sống, nên Tướng Short lo ngại máy bay Mỹ ở các sân bay bị phá hoại. Ông ra lệnh bố trí máy bay thành từng nhóm cánh sát cánh và thẳng hàng với nhau trên những bãi đậu hoàn toàn trống trải, điều kiện lý tưởng cho máy bay Nhật gây thiệt hại nặng. Các thủy phi cơ tại căn cứ Kaneohe của hải quân cũng xếp hàng bên nhau thẳng tắp. Kết quả là trên tất cả các sân bay, chỉ có 10 máy bay Mỹ cất cánh. Trong trận không chiến không cân sức trên bầu trời Oahu sáng hôm đó, các máy bay này hạ được 11 máy bay Nhật – một thiệt hại quá nhỏ so với dự kiến của Nhật.
- Đô đốc Yamamoto ban đầu đã quy định rằng cuộc tấn công chỉ được thực hiện 30 phút sau khi Nhật Bản thông báo cho Hoa Kỳ rằng họ muốn chấm dứt các cuộc đàm phán về hòa bình. Bằng cách này, người Nhật duy trì các quy ước về chiến tranh trong khi vẫn đạt được yếu tố bất ngờ. Cho dù có những dự định như thế, cuộc tấn công đã được khởi sự trước khi bản công hàm dài 5.000 từ này được chuyển giao. Tokyo truyền bức thông điệp đến Tòa đại sứ Nhật Bản (chia thành hai phần), mà cuối cùng thời gian truyền quá lâu: nhân viên cấp cao Nhật đánh máy bản công hàm bằng 1 ngón tay! Cuộc tấn công Trân Châu Cảng đã bắt đầu một tiếng đồng hồ trước khi Đại sứ Nhật Kichisaburō Nomura trao bản công hàm cho Ngoại trưởng MỹCordell Hull.
- Nhiều giờ trước, chuyên viên Mỹ đã giải mã và dịch xong phần lớn bức công hàm ám chỉ Nhật sẽ tấn công. Họ báo cáo cho cấp trên và cấp trên báo cáo cho tướng Marshall nhưng ông này đã đi cưỡi ngựa do đó là sáng Chủ Nhật. Washington gửi điện cấp báo cho Trân Châu Cảng nhưng tín hiệu vô tuyến quá yếu. Vì thế, bức điện được chuyển qua đường bưu điện thông thường, khi đến được Trân Châu Cảng thì cuộc tấn công của Nhật đã khởi sự.
- Đêm trước cuộc tấn công, một tàu chiến của Mỹ phát hiện một tàu ngầm Nhật xâm nhập gần Trân Châu Cảng, nên hạm trưởng ra lệnh thả mìn nổ sâu và báo cáo về căn cứ. Vị sĩ quan trực không nghe theo lời khuyên của người nhận tin báo là phát hành báo động, nhưng lại yêu cầu chờ xác nhận.
- Nhật đã khôn ngoan chọn khởi phát tấn công vào sáng ngày Chủ Nhật đầu tháng, khi lính Mỹ dậy muộn sau buổi tối Thứ Bảy chè chén và khiêu vũ nhờ tiền lương mới nhận.
- Khi đợt máy bay tấn công thứ nhất tiến đến gần Oʻahu, một trạm radar của Lục quân Hoa Kỳ đặt tại Opana Point gần mũi cực Bắc của hòn đảo (một vị trí chưa đưa vào hoạt động, đang trong giai đoạn huấn luyện được vài tháng) phát hiện ra chúng và báo cáo về Trung tâm Thông tin vừa được đưa vào vận hành một phần. Viên sĩ quan chưa được huấn luyện, Trung úy Kermit A. Tyler, đoán chừng rằng đó là do sự có mặt của sáu chiếc máy bay ném bom B-17 đang được dự định sẽ bay đến nên ông phớt lờ tầm quan trọng của báo cáo.
Tuy nhiên, phía Mỹ may mắn do trước đó 3 hàng không mẫu hạm Mỹ ở Trân Châu Cảng nhận lệnh ra khơi làm công tác hải vận, vì thế thoát khỏi cuộc tấn công.
Diễn tiến tiếp theo
Cuộc tấn công đáng lẽ gây thiệt hại lâu dài hơn nếu Nagumo cho phép mở đợt oanh kích thứ ba nhằm vào các mục tiêu trọng yếu như công xưởng hải quân, ụ tàu, kho nhiên liệu, kho đạn dược và thủy lôi, căn cứ tàu ngầm, bộ chỉ huy hải quân (cũng là nơi đặt cơ sở quân báo). Nếu các vị trí này bị thiệt hại thì hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ sẽ cần thời gian dài hơn mới hồi phục được. Có ba yếu tố chính khiến cho Nagumo ra lệnh cho hạm đội rút lui sau 2 đợt oanh kích:
- Các hàng không mẫu hạm Mỹ hiện chưa rõ đang ở đâu có thể đánh trả hạm đội Nhật.
- Hạm đội Nhật đang ở sát giới hạn của khả năng tiếp nhiên liệu và các tàu nhiên liệu đã được lệnh quay về.
- Hỏa lực phòng không của Mỹ trong đợt oanh kích thứ hai mạnh hẳn lên, và sẽ còn mạnh hơn nữa nếu có đợt oanh kích thứ ba.
Yamamoto sau đó lấy làm tiếc cho quyết định rút lui của Nagumo và thẳng thừng cho rằng đó là một sai lầm lớn khi không tung ra đợt oanh kích thứ ba.
Sau trận Trân Châu Cảng, cả hai tướng Kimmel và Short đều mất chức tư lệnh. Cuộc điều tra sau đó cho thấy họ đã “xao nhãng nhiệm vụ” khi “không hội ý và hợp tác”. Nhưng với Thế chiến 2 đang diễn ra ác liệt, không ai trong số họ phải ra trình diện tòa án quân sự. Một số người còn cho rằng hai ông chỉ là vật tế thần để che đậy những thiếu sót của các cấp chỉ huy của họ ở Washington. Kimmel than phiền mình không nhận được đầy đủ thông tin, và việc này được Edwin T. Layton, chỉ huy quân báo vùng Thái Bình Dương, xác nhận
Nhật Bản đã không đưa ra một lời tuyên chiến chính thức nào trước khi thình lình tấn công Trân Châu Cảng, trong khi hai quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn còn đang trong giai đoạn đàm phán hoà bình, vì thế cuộc tấn công bất ngờ này bị dư luận quốc tế xem là đánh lén (sneak attack), và Tổng thống Franklin D. Roosevelt tuyên bố rằng ngày 7 tháng 12 năm 1941 “sẽ sống mãi trong sự bỉ ổi” (“A date which will live in infamy”).
Ảnh: Đài Tưởng niệm Arizona được xây phía trên xác thiết giáp hạm Arizona. Trong số tổn thất nhân mạng về phía Hoa Kỳ, gần một nửa là do vụ nổ hầm đạn của chiếc tàu này.
Sau này nổi lên cáo buộc cho rằng một số thành viên trong nội các của Roosevelt đã biết trước về cuộc tấn công và đã lờ đi nhằm tranh thủ sự ủng hộ của công chúng và Quốc hội để Hoa Kỳ có thể tham chiến.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Tr%C3%A2n_Ch%C3%A2u_C%E1%BA%A3ng
https://thanhnien.vn/the-gioi/giai-ma-that-bai-cua-my-tai-tran-chau-cang-770958.html
Hitler tuyên chiến với Mỹ, 1941
Trận không kích của Nhật xuống Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng ngày Chủ Nhật, 7 tháng 12 năm 1941 khiến cho cả Đức và Mỹ hoàn toàn bất ngờ. Trong một thời gian nhiều người tin rằng Hitler đã biết trước chính xác giờ của cuộc tấn công, nhưng người ta không thể tìm ra một mẩu chứng cứ nào trong tài liệu mật của Đức xác minh điều đó.
Ngày 8 tháng 12, Hitler ra lệnh Hải quân Đức tấn công tàu Mỹ bất kỳ nơi nào và bất kỳ lúc nào, nhưng vẫn còn dùng dằng trong việc tuyên chiến. Cùng lúc ở Tokyo, Ngoại trưởng Togo của Nhật nói với Đại sứ Ott của Đức: “Bây giờ Chính phủ Nhật chờ mong Đức sẽ nhanh chóng tuyên chiến với Hoa Kỳ.” Chính phủ Mỹ cũng chờ đợi việc này. Họ bị áp lực để đề nghị Quốc hội tuyên chiến với Đức và Ý sau khi đã tuyên chiến với Nhật. Nhưng chính phủ Mỹ quyết định chờ đợi. Trận tấn công Trân Châu Cảng giúp giải tỏa trách nhiệm biện minh nếu Mỹ muốn đánh Nhật. Nếu Hitler tuyên chiến trước thì Mỹ sẽ không cần viện lý lẽ biện minh khi muốn đánh Đức.
Thật ra vào lúc này Tổng thống Roosevelt có thể khó thuyết phục Quốc hội tuyên chiến với Đức. Dường như trong cả hai Viện ở Quốc hội, cũng như trong Lục quân và Hải quân, có ý kiến mạnh mẽ rằng nên tập trung nỗ lực để đánh bại Nhật và không nên cùng lúc thêm gánh nặng là giao tranh với Đức.
Trong lúc ấy, Hitler quá chán ngán với những lời lẽ Roosevelt chỉ trích ông ta và Quốc xã, và càng ngày ông càng đánh giá thấp tiềm lực của Hoa Kỳ, điều này sẽ dẫn đến hậu quả cực kỳ tai hại và lâu dài.
Đồng thời, Hitler đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của Nhật. Có vẻ như ông tin rằng một khi người Nhật – với lực lượng Hải quân mà ông tin là mạnh nhất thế giới – đã đánh bại Anh và Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, họ có thể quay sang Liên Xô và giúp ông ta hoàn tất cuộc thôn tính lớn lao nhất ở phía Đông. Vài tháng sau, Hitler nói ra điều này với thuộc hạ, rằng ông nghĩ việc Nhật tham chiến có lợi lớn cho Đức.
Hơn nữa, Hitler còn ngưỡng mộ cuộc không kích bất ngờ và mãnh liệt xuống hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng, vì ông từng áp dụng nhiều lần yếu tố bất ngờ và cảm thấy hãnh diện về điều đó. Thế là Hitler phạm phải một trong những sai lầm tệ hại nhất trong cuộc chiến: Tuyên chiến với Mỹ. Trong suốt cuộc chiến, Hitler chỉ tuyên chiến chính thức một lần, với cường quốc mạnh nhất thế giới.
Hitler đã quyết định việc tuyên chiến từ ngày 9 tháng 12 sau khi trở về Berlin từ tổng hành dinh ở mặt trận Liên Xô. Có vẻ như ông ta cần thêm hai ngày không phải để suy nghĩ lại, mà là để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng bài diễn văn đọc trước Nghị viện hầu gây ấn tượng thích hợp đối với người dân Đức vốn còn có những hồi tưởng về vai trò quyết định của Mỹ trong Thế chiến I mà Hitler biết khá rõ.
Bài diễn văn của Hitler đọc trước những đại biểu bù nhìn của Nghị viện ngày 11 tháng 12 nhằm biện luận cho việc tuyên chiến với Hoa Kỳ chủ yếu là dành cho việc công kích cá nhân Franklin D. Roosevelt, tố cáo vị Tổng thống gây chiến nhằm che đậy thất bại của mình và gào thét rằng “chỉ duy nhất con người này”, được những nhà triệu phú và người Do Thái ủng hộ, “chịu trách nhiệm cho Thế chiến II”. Hitler giận dữ trút ra mọi bất mãn đang chất chứa đối với người ngăn chặn ông ta thống trị thế giới, người liên tục mắng nhiếc ông ta, người viện trợ ồ ạt cho Anh vào lúc có vẻ như đảo quốc này sụp đổ.
Phần cuối của bài diễn văn tuyên chiến:
Dân tộc Đức không cần sự bố thí của ông Roosevelt hoặc của ông Churchill, lại càng không phải của ông Eden. Họ chỉ đòi hỏi quyền con người! Họ sẽ được đảm bảo quyền này để sống ngay cả nếu cả nghìn Churchill và Roosevelt cùng âm mưu với nhau chống lại…
Vì thế tôi đã thu xếp để giao trả hộ chiếu cho Đại biện Lâm thời Mỹ…
Ít lâu sau, lúc 2 giờ 30 chiều cùng ngày 11 tháng 12 năm 1941, với thái độ lạnh như băng, Ribbentrop tiếp kiến Leland Morris, Đại biện Lâm thời Mỹ tại Berlin, và trong khi để cho ông này đứng, đọc lên bản tuyên chiến của Đức, trao cho ông văn bản rồi lạnh lùng chấm dứt buổi tiếp kiến.
Động thái sau cùng của những biến cố trong ngày là Đức, Nhật và Ý ký một hiệp định ba bên tuyên bố “quyết tâm không gì lay chuyển sẽ không hạ vũ khí cho đến khi cuộc chiến chung chống Hợp Chúng Quốc và Anh đi đến thành công” và không tìm kiếm hòa bình riêng rẽ.
Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba – Lịch sử Đức Quốc xã, Diệp Minh Tâm dịch The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany, by William L. Shirer, 1961, renewed 1989
https://rarehistoricalphotos.com/adolf-hitler-declaration-war-usa-1941/
Hội nghị Thượng đỉnh Teheran, 1943
Hội nghị Tehran là một cuộc hội đàm giữa 3 nhà lãnh đạo Iosif Vissarionovich Stalin, Franklin D. Roosevelt và Winston Churchill từ ngày 28 tháng 11 đến 1 tháng 12 năm 1943 tại Tehran, Iran. Đây là hội nghị bàn về Chiến tranh thế giới thứ hai đầu tiên giữa Tam cường (Liên bang Xô Viết, Mỹ và Anh) có sự góp mặt của Stalin, Roosevelt và Churchill.
Đây là hội nghị kế tục Hội nghị Cairo và được nối tiếp bởi Hội nghị Yalta và Hội nghị Potsdam. Chủ đề bàn thảo chính của hội nghị Tehran là việc mở mặt trận thứ hai ở Đông Âu. Ngoài ra, một nghị định thư riêng rẽ cam kết rằng ba cường quốc sẽ công nhận độc lập của Iran.
Quan trọng nhất, hội nghị được tổ chức nhằm lên kế hoạch cuối cùng cho cuộc chiến chống lại Phát xít Đức và đồng minh.
Ảnh – Từ trái qua phải: Tổng bí thư đảng Cộng sản liên bang Xô Viết Iosif Vissarionovich Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, và Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Những kết luận chính
- Các bên đạt được thỏa thuận về việc lực lượng kháng chiến của Nam Tư sẽ được cung cấp các công cụ thiết yếu và những chiến dịch biệt kích.
- Các bên nhất trí rằng sẽ là cần thiết nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến về phe Đồng Minh trước cuối năm.
- Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến, Liên bang Xô Viết có nhiệm vụ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
- Bản ghi nhớ ngày 30 tháng 11 nêu rõ chiến dịch “Bá Vương” sẽ được tiến hành vào tháng 3 năm 1944, kết hợp với một chiến dịch ở miền nam nước Pháp.
- Các bên nhất trí lực lượng quân đội của ba cường quốc nên giữ một mối liên hệ chặt chẽ hơn.
- Anh và Mỹ hứa với Stalin rằng họ sẽ gửi quân tới mặt trận Tây Âu và được nhất trí sẽ đến vào mùa thu năm 1944.
- Với sự cương quyết của Stalin, biên giới Ba Lan thời hậu chiến sẽ được quyết định dọc theo Đường Oder-Neisse và đường Curzon.
- Một tổ chức Liên hợp quốc được nhất trí thành lập
- Liên bang Xô Viết đồng ý sẽ tuyên chiến với Nhật Bản một khi Đức bị đánh bại.
Có một chi tiết thú vị là Stalin đề nghị xử tử 50.000–100.000 sĩ quan và quan chức Đức nhằm ngăn chặn Đức khơi dậy một cuộc chiến khác. Roosevelt nghĩ rằng Stalin nói đùa nên ông cũng nói đùa theo: “Có lẽ 49.000 người là đủ.” Nhưng Churchill lại tỏ ra giận dữ và lên tiếng phản đối “việc tàn sát không thương tiếc những sĩ quan chiến đấu vì đất nước của họ.” Ông đề xuất chỉ xét xử những tội phạm chiến tranh dựa theo Hồ sơ Moskva mà ông đóng góp việc soạn thảo. Ông tức giận đến nỗi bỏ ra ngoài phòng họp. Stalin mời ông quay lại, nói rằng mình chỉ nói đùa. Churchill lấy làm vui khi thấy Stalin nhượng bộ, nhưng vẫn nghĩ Stalin đưa ra ý tưởng đó để thăm dò.
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_ngh%E1%BB%8B_Tehran https://learning.blogs.nytimes.com/2011/11/28/nov-28-1943-allied-leaders-meet-at-tehran-conference/
Cuộc đổ bộ Normandie, 1944
Ngay từ tháng 5/1944, Quân đội Đức đoán Đồng Minh sẽ đổ bộ lên đất Pháp nhưng không thể xác định thời gian và địa điểm. Họ nhận thấy trong tháng này có 18 ngày với những điều kiện trời tiết, sóng biển và thủy triều đều thuận lợi, nhưng Đại tướng Eisenhower (Tổng Tư lệnh Quân đội Đồng Minh trên chiến trường Châu Âu) không lợi dụng những cơ hội này. Vào ngày 30 tháng 5, Thống chế Rundstedt (Tổng Tư lệnh Mặt trận miền Tây) báo cáo với Hitler rằng không thấy dấu hiệu cho biết sẽ có cuộc đổ bộ trong tương lai gần. Ngày 4 tháng 6, bộ phận khí tượng của Không quân Đức ở Paris cho biết vì lý do thời tiết, trong nửa tháng sắp tới Đồng Minh sẽ không hành động.
Tin tức khác không có nhiều: Không quân Đức bị ngăn chặn bay thám thính trên các cảng biển miền Nam nước Anh nơi binh sĩ dưới quyền Eisenhower đang tấp nập chuẩn bị xuống tàu, còn Hải quân Đức đã rút tất cả tàu do thám về vì biển động. Dựa trên thông tin hạn chế, ngày 5 tháng 6 Thống chế Rommel (Tư lệnh Tập đoàn quân B) báo cáo với Rundstedt rằng trước mắt sẽ không có việc đổ bộ, rồi trở về nhà riêng ở Herrlingen thăm gia đình và hẹn hôm sau đến thảo luận với Hitler ở Berchtesgaden.
Theo Tướng Tham mưu trưởng Speidel dưới quyền Rundstedt nhớ lại, 5 tháng 6 là “một ngày yên ả”. Xem dường không có lý do nào ngăn trở Rommel thảnh thơi trở về thăm nhà. Điệp viên Đức vẫn báo cáo Đồng Minh sắp đổ bộ – lần này là giữa ngày 6 tháng 6 và ngày 16 tháng 6 – nhưng từ tháng 4 đã có hàng trăm báo cáo như thế mà không ai xem là quan trọng. Cũng vì thế, vào ngày 6 tháng 6 Tướng Friesrich Dollmann, tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Bảy (thuộc Tập đoàn quân B dưới quyền Rommel) ở Normandie, ra lệnh giảm tình trạng báo động và triệu tập sĩ quan cấp cao đến dự cuộc tập trận trên bản đồ ở Rennes, cách Normandie khoảng 200 kí-lô-mét về phía nam.
Phía Đức vừa hoàn toàn không biết gì về thời điểm đổ bộ, vừa không rõ sẽ diễn ra ở đâu. Rundstedt và Rommel đều đoán chắc cuộc đổ bộ sẽ diễn ra ở Pas-de-Calais, nơi Biển Manche thu hẹp nhất. Nơi đây, họ tập trung lực lượng mạnh nhất, Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm (thuộc Tập đoàn quân B dưới quyền Rommel) đã được tăng viện 10-15 sư đoàn trong mùa xuân. Nhưng vào cuối tháng 3, trực giác kỳ lạ của Hitler khiến cho ông nghĩ mũi nhọn của cuộc đổ bộ sẽ là ở Normandie, và trong vài tuần tiếp theo ông ra lệnh củng cố đáng kể vùng nằm giữa Sông Seine và Sông Loire. Ông luôn cảnh báo với các tướng lĩnh: “Hãy trông chừng Normandie.”
Tuy thế, phần lớn lực lượng của Đức – kể cả bộ binh và thiết giáp – đều trấn giữ ở phía bắc Sông Seine, giữa Le Havre và Dunkirk. Rundstedt và các tướng lĩnh dưới quyền vẫn trông chừng Pas-de-Calais hơn là Normandie. Họ càng thêm tin tưởng do một số động thái đánh lạc hướng của Anh-Mỹ khiến họ nghĩ mình đã tính toán đúng.
Thế là, ngày 5 tháng 6 trôi qua trong yên bình theo như những gì người Đức nhận thấy. Có vài cuộc không kích mạnh của Anh-Mỹ nhắm đến những mục tiêu của Đức: kho tàng, đài radar, dàn phóng V-1, vị trí truyền tin và vận tải, nhưng trong những tuần qua mỗi ngày đêm đều có không kích như thế, và bây giờ không mạnh hơn.
Khi màn đêm buông xuống, tổng hành dinh của Rundstedt nhận tin báo là đài BBC ở London đang phát sóng với thời lượng lớn một cách bất thường những bản tin bằng mật mã cho quân kháng chiến Pháp, và những đài radar của Đức giữa Cherbourg và Le Havre đang bị nhiễu sóng. Lúc 10 giờ tối, Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm nghe được một thông báo bằng mật mã mà họ nghĩ có nghĩa là cuộc đổ bộ sắp bắt đầu. Lệnh báo động được phát ra cho đại quân đoàn này, nhưng Rundstedt nghĩ không cần thiết phải báo động Đại Quân đoàn Thứ Bảy giữa Caen và Cherbourg, khu vực mà vài nghìn chiếc tàu Đồng Minh đang tiến đến.
Sổ ghi điện thoại của Đại Quân đoàn Thứ Bảy bị tịch thu nguyên vẹn vào tháng 8 năm 1944 cung cấp tư liệu quý giá về những gì xảy ra với quân Đức vào ngày Đồng Minh đổ bộ lên Normandie và những trận đánh tiếp theo đó.
Mãi đến 1 giờ 11 rạng sáng 6 tháng 6 năm 1944, Đại Quân đoàn Thứ Bảy mới nhận ra những gì đang xảy ra, trong khi tư lệnh đại quân đoàn này vẫn còn đi tập trận trên bản đồ ở Rennes. Hai sư đoàn không vận Mỹ và một sư đoàn không vận Anh nhảy xuống giữa vùng đóng quân của Đại Quân đoàn Thứ Bảy. Lệnh báo động toàn diện được phát ra lúc 1 giờ 30 sáng.
Bốn mươi lăm phút sau, Trung tướng Tham mưu trưởng Max Pemsel của Đại Quân đoàn Thứ Bảy gọi điện đến Tướng Speidel tại tổng hành dinh của Rommel cho biết đấy có vẻ như là “cuộc hành quân trên diện rộng”. Speidel không tin nhưng vẫn báo cáo cho Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây Rundstedt, và ông này cũng nghi ngờ. Cả hai tướng đều tin rằng việc thả quân dù chỉ là chiến thuật của Đồng Minh nhằm đánh lạc hướng để thật sự đổ bộ quanh Pas-de-Calais.
Lúc 2 giờ 40 sáng, Pemsel được báo rằng Rundstedt “không xem đó là cuộc hành quân lớn”.
Mãi cho đến rạng sáng 6 tháng 6, khi một hạm đội Đồng Minh khổng lồ gồm 5.000 tàu đủ loại đổ quân lên bãi biển Normandie giữa hai con sông Vire và Orne từng đơn vị lớn dưới sự yểm trợ dữ dội của đại pháo từ tàu chiến, Rundstedt vẫn chưa tin đó là cuộc tấn công chính của Đồng Minh. Speidel cho biết chỉ đến xế trưa thì sự việc mới rõ ràng.
Speidel gọi điện cho Rommel ở nhà ông này lúc 6 giờ sáng. Vị Thống chế vội vàng trở lại bằng ô tô mà không đi gặp Hitler, nhưng đến xế chiều ông mới về đến tổng hành dinh Tập đoàn quân B. (Vì lẽ Đồng Minh chiếm ưu thế trên không, Hitler cấm sĩ quan cao cấp đi máy bay.)
Cùng lúc, Speidel, Rundstedt và tham mưu trưởng của ông này, Tướng Blumentritt, gọi điện về Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực Đức lúc này đang đóng tại Berchtesgaden. Do một chỉ thị ngu xuẩn của Hitler, ngay cả Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây cũng phải xin phép ông khi muốn điều động các sư đoàn thiết giáp. Khi ba vị tướng hoảng hốt gọi đến vào buổi sáng ngày 6 tháng 6 xin phép điều hai sư đoàn thiết giáp đến Normandie, Jodl (Tham mưu trưởng Hành quân của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực) trả lời rằng Hitler muốn trước hết chờ xem tình hình như thế nào đã. Rồi sau đó, Lãnh tụ đi ngủ. Từ lúc ấy cho đến 3 giờ chiều, tuy các tướng gọi về tới tấp, không ai ở tổng hành dinh dám làm phiền ông.
Khi Hitler thức dậy, tin xấu đưa về khiến cho ông hành động. Ông cho phép sử dụng Sư đoàn Lehr Thiết giáp và Sư đoàn 12 Thiết giáp S.S. ở Normandie. Đã quá muộn! Ông cũng ban hành một chỉ thị nổi tiếng, được lưu giữ trong hồ sơ của Đại Quân đoàn Thứ Bảy:
16 giờ 55, 6 tháng 6, 1944
Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Tây khẳng định ý muốn của Bộ Chỉ huy Tối cao là tiêu diệt địch quân ở đầu cầu vào buổi tối 6 tháng 6, vì nguy cơ có thêm quân đổ bộ và nhảy dù để hỗ trợ… Phải quét sạch bờ biển vào hạn cuối là đêm nay.
Trong không khí núi rừng âm u tại Berchtesgaden, nơi Hitler đang chỉ đạo trận chiến quan trọng nhất cho đến lúc này, chỉ thị lạ lùng trên có vẻ nghiêm túc, được cả Jodl và Keitel đồng tình. Vì lẽ, trong nhiều tháng Hitler vẫn nói vận mệnh của Đức sẽ được quyết định ở phía Tây. Dường như ngay cả Rommel cũng xem đó là nghiêm túc, vì ông lập tức truyền đạt chỉ thị trên qua điện thoại, rồi ra lệnh cho tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Năm mở cuộc phản công bằng Sư đoàn 21 Thiết giáp – là đơn vị thiết giáp duy nhất trong vùng – “ngay lập tức dù có tăng viện hay không”.
Sư đoàn này đã làm việc ấy mà không đợi lệnh của Rommel. Khi Rommel gọi đến, Tướng Pemsel trả lời về chỉ thị “quét sạch, hạn cuối là đêm nay” của Hitler, không phải một, mà là ba đầu cầu. Ông nói: “Việc này là không khả thi.” Vào lúc này, quân Mỹ đã lập được hai đầu cầu trên bãi biển, quân Anh có đầu cầu thứ ba, và họ đã xâm nhập vào đất liền được 3 đến 10 kí-lô-mét.
Ảnh: Bãi Omaha ngày 09-6-1944, cho thấy quy mô của cuộc đổ bộ. Tướng Eisenhower cho biết ông thích bức ảnh này nhất trong số các ảnh của cuộc đổ bộ.
Trong ngày thứ nhất của cuộc đổ bộ, ước tính thương vong của Đức là 4.000-9.000 người. Phía Đồng Minh bị thương vong ít nhất 10.000, trong số đó có 4.414 người tử trận.
The Face in the Surf (Robert Capa)
Robert Capa là nhà nhiếp ảnh duy nhất đi theo đợt đổ bộ đầu tiên ở Bãi Omaha, và nhiều người nói không cần thiết ông phải đi. Nhưng nhờ đó mà ông được chứng kiến chiến trận diễn ra khốc liệt nhất trong 6 bãi đổ bộ, và ghi được nhiều ảnh cận cảnh. Sau 1 tiếng rưỡi tác nghiệp trên Bãi Omaha giữa những lằn đạn chi chít của Đức và những xác người của lính Đồng minh, anh mang các cuộn phim về Anh quốc. Cùng lúc các cuộn phim về đến tòa soạn tạp chí Life ở London, khoảng 9 giờ tối ngày 7/6, một ngày sau cuộc đổ bộ, thì Capa quay trở lại Normandie để tiếp tục tác nghiệp.
Biên tập ảnh Morris của tạp chí Life yêu cầu rửa ảnh gấp, khiến cho một kỹ thuật viên phòng tối vì hấp tấp mà phạm lỗi tai hại. Cánh cửa của ô hơ âm bản đóng kín, ngăn luồng khí điều hòa khiến cho thuốc ảnh bị tan chảy, phá hỏng các âm bản. Họ chỉ vớt vát được 11 trong số 106 âm bản 35 mm, nhưng ảnh đều bị nhòe. Sáng hôm sau, các ảnh này được truyền qua Đại Tây Dương rồi được in trên số báo Life ngày 19/6. Ảnh bị nhòe được cho là do sai sót trong phòng tối, do tay Capa bị run, và cũng do độ trung thực của nhiếp ảnh chiến trường.
Bức ảnh dưới đây mang tựa The Face in the Surf, có nghĩa “Khuôn mặt trong nước triều”, được biết đến nhiều nhất. Hóa ra trong cái rủi có cái may: sự cố trong phòng tối tạo hiệu ứng để chỉ có khuôn mặt người lính là còn rõ nét, chung quanh đều mờ nhòe giống như ấn tượng về chiến tranh khốc liệt khi lần đầu tiên ta đối mặt.

Những bức ảnh của Capa tạo cảm hứng cho đạo diễn Steven Spielberg khi ông thực hiện phim Saving Private Ryan. Ông kể: “Tôi làm mọi cách có thể được nhằm thể hiện ngày 6 tháng 6 năm 1944 giống như ảnh của Bob Capa.”
Câu chuyện cuối cùng
Năm 1954, Robert Capa được điều đến Việt Nam làm nhiếp ảnh gia chiến trường trong cuộc xung đột giữa Việt Minh và Pháp. Chiếc Jeep đưa ông đến một khu vực nguy hiểm đang còn tiếng súng nổ nhưng ông lại xuống xe, đi bộ về phía trước để săn ảnh. Ông đạp phải một quả mìn rồi qua đời ở tuổi 41.
Dưới đây là bức ảnh cuối cùng của Robert Capa. Ông chết cùng ngày chụp bức ảnh này.

https://en.wikipedia.org/wiki/The_Magnificent_Eleven
http://100photos.time.com/photos/robert-capa-d-day
https://rarehistoricalphotos.com/colossal-scale-d-day-1944/
https://miepvonsydow.wordpress.com/2014/01/03/the-last-image-taken-by-famed-war-photographer-robert-capa-with-his-nikon-camera-before-he-stepped-on-a-landmine-and-died-later-in-the-day-25-may-1954/
Hội nghị Potsdam, 1945
Ngày 17-7-1945, hội nghị của các nước chiến thắng thuộc phe Đồng Minh được triệu tập ở Potsdam, ngoại ô thành phố Berlin, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và lãnh tụ Xô-viết Joseph Stalin.
Các vấn đề trước mắt mà ba nguyên thủ Tam Hùng cùng đội ngũ của họ phải giải quyết là chính quyền của một nước Đức thất trận; biên giới hậu chiến của Ba Lan; sự chiếm đóng quân sự ở Áo; “vị trí” của Liên Xô ở Đông Âu; các khoản bồi thường chiến tranh; và cuộc chiến đang tiếp diễn ở Thái Bình Dương.
Ảnh – Ngồi (từ trái): Clement Attlee, Harry S. Truman, Joseph Stalin, và phía sau: Thủy sư Đô đốc William Daniel Leahy (Chánh văn phòng của Truman), Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin, Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes, và Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov.
Bất đồng giữa các quốc gia nổ ra gần như ngay lập tức, đặc biệt là với việc Liên Xô đòi hỏi mở rộng biên giới phía Tây của Ba Lan vào sâu trong lãnh thổ Đức, cho Ba Lan một vùng chiếm đóng. Tuy nhiên, bốn vùng chiếm đóng được phân chia trong Hội nghị Yalta vào cuối tháng 2 cuối cùng được thỏa thuận, được lập ra ở cả Đức và Áo và do Hoa Kỳ, Anh, Pháp, và Liên Xô kiểm soát.
Một hội đồng gồm đại diện của bốn cường quốc cũng được thành lập để quyết định số phận của các quốc gia Đức và Áo. Hội đồng này theo đuổi nguyên tắc “5D”: phi quân sự hóa (demilitarisation); phi quốc xã hóa (denazification); phi tập trung hóa (decentralisation); phi công nghiệp hóa (deindustrialisation); và dân chủ hóa (democratisation). Hội nghị cũng đồng ý đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, bất chấp lời cảnh báo của Nhật hoàng rằng một đề nghị như vậy chắc chắn sẽ bị từ chối.
Không giống như các hội nghị Đồng Minh trước đây, Hội nghị Potsdam được đánh dấu bằng sự ngờ vực và phòng vệ của các nước tham gia. Khi chiến tranh đã qua đi ở phương Tây, các quốc gia bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới lợi ích lâu dài của mình so với các nước đối tác. Riêng Winston Churchill rất nghi ngờ nghị trình của Stalin hướng đến vai trò của Liên Xô ở Đông Âu. Stalin từ chối đàm phán về tương lai của các quốc gia Đông Âu mà hiện các lực lượng Liên Xô đang chiếm đóng.
Khi Churchill được thông báo rằng cuộc bầu cử ở Anh Quốc đã lật đổ quyền lực của Đảng Bảo thủ và lãnh đạo Công đảng Clement Attlee được bầu làm thủ tướng, ông trở lại London. Với việc Churchill rời bỏ những cuộc đàm phán cuối cùng của Hội nghị, Bức Màn Sắt bắt đầu phủ lên trên khắp Đông Âu.
http://nghiencuuquocte.org/2015/07/17/khai-mac-hoi-nghi-potsdam/
Giương cờ trên Iwo Jima, 1945
Ngày 20/2/1945, 3 sư đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mỹ bắt đầu đổ bộ lên đảo Iwo Jima. Trận đánh tạo nên một bức ảnh giương ngọn cờ, là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất Thế chiến 2. Thật ra, có 2 lần 2 lá cờ khác nhau được giương lên trên Iwo Jima. Do việc này mà có lắm chuyện lùm xùm! Cả 2 lần giương cờ đều được chụp ảnh, nhưng bức ảnh nổi tiếng thể hiện việc giương lá cờ thứ hai.
Giương lá cờ thứ nhất
Ngày 23/2/1945, Trung tá Chandler Johnson, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28, Sư đoàn 5 TQLC Mỹ, ra lệnh tấn công và chiếm đóng Núi Suribachi, một núi lửa đã tắt ở cực nam đảo Iwo Jima. Chiếm được núi này tạo vị thế quan sát rộng lớn quang cảnh bên dưới. Trung úy Schrier tình nguyện dẫn một trung đội 40 người làm việc này. Y sĩ Hải quân John Bradley cũng đi theo. Một Trung sĩ TQLC có tên Louis Lowery – phóng viên nhiếp ảnh cho tập san Leatherneck Magazine – xin phép đi theo để săn hình. Johnson trao một lá cờ nhỏ (1,4 x o,7 m) và bảo Schrier: “Nếu anh lên được đến đỉnh, dựng nó lên.”
Lúc 10 giờ sáng, Trung đội lên đến miệng núi lửa. Lúc 10 giờ 20, họ đẩy cột cờ đứng thẳng trong ngọn gió, lá cờ nước ngoài đầu tiên bay trên đất Nhật trong Thế chiến 2. Lou Lowery chụp liên tiếp nhiều bức ảnh để ghi lại trình tự công việc. Khi lá cờ nhỏ bay phất phới, lính bộ binh reo hò và huýt sáo, còn hạm đội ngoài khơi mở còi hú.
Đến đây là câu chuyện của lá cờ thứ hai.
Giương lá cờ thứ hai
Trong đêm trước, Bộ trưởng Hải quân James Forrestal đã quyết định muốn đi lên đảo và chứng kiến giai đoạn cuối của trận đánh chiếm Núi Suribachi. Bây giờ, ông đi lên bờ cùng với Thượng tướng Holland M. Smith, chỉ huy toàn lực lượng đánh Iwo Jima. Khi nhìn lên lá cờ, Forrestal bị cuốn vào không khí cuồng nhiệt trong khoảnh khắc này, đến nỗi ông nảy sinh ý muốn giữ lá cờ Suribachi làm vật kỷ niệm.
Tin tức về ý muốn này không hợp với Trung tá Chandler Johnson, người có tính nóng nảy. Khi nhận được tin này, vị Trung tá nhổ nước bọt: “Cóc cần biết!” Đối với cá nhân ông, lá cờ thuộc về Tiểu đoàn 2 dưới quyền ông. Thế là ông quyết định thu giữ lại lá cờ này càng sớm càng tốt, và phái Trung úy Ted Tuttle đi ra bãi biển để tìm một lá cờ thay thế. Rồi như chợt nảy thêm ý nghĩ, ông nói với theo Tuttle: “Và phải tìm một lá cờ lớn hơn.”
Trong khi Trung úy Tuttle đang tìm lá cờ để thay thế, Chandler Johnson đi đến quyết định là Trung úy Schrier đang đóng quân trên Núi Suribachi có thể sử dụng một đường dây điện thoại nối với căn cứ ở chân núi thay cho điện thoại vô tuyến dã chiến của ông lúc này đã yếu pin. Johnson yêu cầu một toán quân đi đặt đường dây điện thoại. Trung sĩ Mike Strank, Hạ sĩ Harlon H. Block, Binh nhất Franklin R. Sousley Ira và Binh nhất Ira H. Hayes được lệnh đi làm nhiệm vụ này.
Tuttle mang về một lá cờ lớn (2,4 x 1,4 mét). Chandler Johnson trao lá cờ này cho Binh nhất Rene A. Gagnon, liên lạc viên. Lệnh của Johnson là treo lá cờ lớn này lên và giữ lá cờ nhỏ cho ông.”
5 chàng trai đi lên đỉnh núi: Michael, Harlon, Franklin và Ira, thêm Rene mang bộ pin điện đàm và lá cờ lớn. Cùng lúc, Rosenthal đang săn tin về cuộc đổ bộ cho hãng tin Associated Press. Ông đi lên đỉnh Núi Suribachi cùng với hai lính TQLC cũng là phóng viên nhiếp ảnh chiến trường: Binh nhì Bob Campbell tác nghiệp với một chiếc máy ảnh, và Trung sĩ Bill Genaust có một máy quay phim màu.
Khoảng giữa trưa, đội của Mike và 3 phóng viên lên đến đỉnh núi. Đội của Mike 5 người cùng với John Bradley (đã giương lá cờ thứ nhất, bây giờ được nhận lầm là người giương lá cờ thứ hai) hạ cột cờ thứ nhất xuống rồi dựng cột cờ thay thế lên. Chiếc máy quay phim của Genaust thu hình được tất cả diễn tiến. Joe Rosenthal giơ máy ảnh lên, chụp được một tấm. Không một ai chú ý hoặc reo hò khi lá cờ thứ hai được giương lên.
Một lúc lâu sau khi giương lá cờ thứ hai, Rosenthal gọi lính TQLC đến đứng quanh cột cờ cho ông chụp một bức ảnh theo kiểu “gung-ho”. Trung úy Schrier tập họp một nhóm 17 lính TQLC hãnh diện đứng dưới lá cờ, giơ tay lên, vung lên vũ khí và nón sắt. Joe Rosenthal cảm thấy hài lòng về bức ảnh được dàn dựng này mà ông tin chắc đáng được chọn để lên báo ở quê nhà.
Đêm hôm ấy, cuộn phim do Rosenthal chụp ngày 23/2 được máy bay mang về Guam để tráng và rửa. John Bodkin, Biên tập ảnh của hãng AP ở Guam, nhặt ra bức ảnh của lá cờ “thay thế”. Ông nhìn vào bức ảnh. Ông thốt lên mà không chủ định nói với ai: “Đây là một bức ảnh cho mọi thời đại!” Rồi không để mất một giây nào, ông truyền bức ảnh qua sóng vô tuyến về văn phòng trung ương hãng AP ở Thành phố New York lúc 7 giờ sáng, giờ địa phương. Bức ảnh được phát tán rộng rãi chỉ 17 giờ rưỡi sau khi Rosenthal bấm máy – một tốc độ kỷ lục thời bấy giờ.
Chẳng bao lâu, tòa soạn các báo khắp nước Mỹ nhận được bức ảnh của hãng AP. Chủ biên các nhật báo, đã quen với việc điểm qua vô số hình ảnh chiến trận, ban đầu liếc qua bức ảnh một cách ơ hờ, rồi trở nên kinh ngạc. Họ thét lên: “Ảnh chủ đạo, trang 1, phía trên nếp gấp.”
Sáng hôm sau, Chủ Nhật, 25/2, hàng triệu người Mỹ cảm thấy sững sờ tương tự bởi hình ảnh giương ngọn cờ. Tác động của bức ảnh lan truyền như làn sóng. Cùng chiều Chủ Nhật ấy, một nhà báo chuyên mục cho tờ The New York Times viết một bài về “bức ảnh đẹp nhất trong cuộc chiến.”
Bức ảnh không thiếu tranh cãi.
Bởi vì những bức ảnh của hãng AP do phóng viên dân sự Rosenthal được chuyển đi nhanh hơn những bức ảnh quân sự của anh lính TQLC Lowery, chỉ có một vụ giương lá cờ được thể hiện trên các tờ báo ở quê nhà. Đó là vụ giương lá cờ thứ hai. Người ta ít nói đến việc đó là lá cờ thay thế bởi vì đấy là sự kiện không quan trọng. Vì thế, độc giả ở quê nhà cho rằng chỉ có một sự kiện giương lá cờ: Hình ảnh mà họ nhìn thấy trên trang đầu của các tờ báo.

Khi Joe Rosenthal trở về Guam, một phóng viên hỏi: “Anh có dàn dựng nó không?” Nghĩ rằng anh kia nói về bức ảnh chụp 18 người mà ông dàn dựng với lính TQLC giơ tay và reo hò, Rosenthal đáp: “Đương nhiên rồi”. Vì việc này mà tin tức lan truyền rằng Rosenthal đã dàn dựng bức ảnh nổi tiếng kia. Rosenthal cố gắng giải thích mãi hàng mấy thập kỷ sau.
Trong vài ngày kế tiếp, ba lính TQLC trong bức ảnh nổi tiếng tử trận: Michael Strank, Harlon Block (cho đến tháng 1/1947 bị nhận lầm là Trung sĩ Hank Hansen), và Franklin Sousley. Ba người sống sót suốt cuộc chiến là: Rene Gagnon, Ira Hayes, và Harold Schultz (cho đến tháng 6/2016 bị nhận lầm là John Bradley). Cả hai người bị nhận lầm đã giúp giương lá cờ thứ nhất nhưng không tham gia vào việc giương lá cờ thứ hai dù lúc đó còn hiện diện trên đỉnh núi.
Cảm hứng từ bức ảnh
Tổng thống Franklin D. Roosevelt, trước khi qua đời hai tuần sau đó, ban hành một chỉ thị mật cho Tổng hành dinh TQLC trên vùng Thái Bình Dương: Điều về nước lập tức bằng máy bay sáu người đã thật sự xuất hiện trong bức ảnh Rosenthal ghi cảnh giương ngọn cờ trên núi Suribachi. Ba người còn sống Gagnon, Ira, và Bradley cùng với bức ảnh nổi tiếng được yêu cầu tham gia cuộc Du hành Trái phiếu với chỉ tiêu 14 tỉ USD. Tổng thống tiếp nhiệm Truman đón họ ở Tòa Bạch Ốc và chụp ảnh cùng họ bên bức ảnh phóng lớn được tô màu. Cuộc du hành đi qua 33 thành phố, thu được gần gấp đôi so với chỉ tiêu: 26,3 tỉ USD, gần bằng phân nửa tổng ngân sách Chính phủ Hoa Kỳ trong năm 1946 là 56 tỉ USD.
Bức ảnh vẫn tiếp tục tạo nguồn cảm hứng.
Một con tem kỷ niệm Iwo Jima được phát hành, là con tem đầu tiên in hình nhân vật còn sống – các tổng thống Mỹ được in ảnh trên tem chỉ sau khi qua đời. Theo thời gian, 150 triệu con tem được in, đạt kỷ lục con tem được bán chạy nhất cho đến thời bấy giờ.
Felix de Weldon tạc một bức tượng của 6 chàng trai giương ngọn cờ để đặt trên một đài tưởng niệm. Bức tượng vươn cao hơn 30 mét và nặng trên 100 tấn. Ba người giương ngọn cờ sống sót cùng gia quyến được mời đến dự lễ khánh thành đài tưởng niệm ngày 10/11/1954 – cũng là ngày thành lập binh chủng TQLC. Họ được chụp ảnh cùng Phó Tổng thống Nixon – được đăng trên tờ The New York Times. Đấy là hình ảnh cuối cùng của ba người trong cùng một bức ảnh.
Cuốn phim Sands of Iwo Jima với vai chính do John Wayne đóng có đoạn thể hiện việc giương lá cờ. Cả ba người còn sống cũng xuất hiện trong phim: John Bradley (được xác nhận lầm), Ira Hayes, và Rene Gagnon. Theo ý muốn của John Wayne, dấu chân của ông in trước Rạp Chiếu bóng Grauman ở Hollywood in xuống nền xi măng pha cát đen lấy từ Iwo Jima.
Năm 2000, James Bradley, con trai của John Bradley cho xuất bản quyển sách Flags of our fathers kể lại câu chuyện liên quan đến việc giương lá cờ nổi tiếng. Quyển sách được chuyển thể thành phim cùng tên do Clint Eastwood làm đạo diễn. Đây là lần thứ tư câu chuyện giương lá cờ được thể hiện trên màn bạc.
Xác nhận lại
Vào tháng 6/2016, một cuộc điều tra của TQLC Mỹ phát hiện Harold Schultz, thay vì John Bradley, là một trong 6 người giương ngọn cờ thứ hai. Có sự nhầm lẫn mà không cố ý bởi vì có lẽ John Bradley nghĩ bức ảnh nổi tiếng của Joe Rosenthal thể hiện việc giương lá cờ thứ nhất mà ông tham gia.
Ngọn cờ của cha (2008), Nhà xuất bản Tri thức, Diệp Minh Tâm dịch Flags of our fathers (2000), James Bradley & Ron Powers https://en.wikipedia.org/wiki/Raising_the_Flag_on_Iwo_Jima https://www.nytimes.com/2016/05/04/us/iwo-jima-marines-bradley.html https://www.nytimes.com/2016/06/24/us/politics/marines-iwo-jima-flag-photo-mistaken-identity.html
Giương cờ trên tòa nhà Quốc hội Đức, 1945
Ngày 22/6/1941, Đức điều đội quân khổng lồ với hơn 5,5 triệu lính và sĩ quan, gần 4.300 xe tăng và 5.000 máy bay chiến đấu, cùng nhiều loại phương tiện chiến tranh khác ào ạt tấn công Liên Xô. Đức chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng nhằm bao vây và tiêu diệt các lực lượng chủ chốt của Hồng quân Liên Xô trước khi mùa đông đến.
Mùa hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô liên tiếp mở các đợt tấn công dồn dập trên mặt trận phía Đông và đánh tan các đơn vị chiến lược của Đức, giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên Xô và khôi phục đường biên giới.
Trong khi đó, quân đội Mỹ và Anh mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu, cho quân đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiếp tục di chuyển về hướng Tây, giải phóng Romania, Bulgaria, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư, Na Uy… và tiến đến biên giới nước Đức.
Ngày 30/4/1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô bay phấp phới trên nóc Tòa nhà Quốc hội Đức.
Tại Rudnian – quê hương của Anh hùng Liên Xô Mikhail Egorov, người có vinh dự giương cao lá cờ Xôviết trên tòa nhà Quốc hội Đức – người dân vẫn hết sức quý trọng gìn giữ những kỷ niệm liên quan tới nhân vật lịch sử này.
Trở về sau chiến tranh, Mikhail Egorov có một cuộc sống rất bình dị tại quê nhà. Ông vào làm việc điều khiển một chiếc máy đóng hộp sữa đặc tại một nhà máy sữa. Chiếc máy này vẫn được gìn giữ với một tấm biển đề: “Tại vị trí này, Anh hùng Liên Xô M.A.Egorov đã từng làm việc”.
Còn ngay trong hành lang của nhà máy vẫn treo những tấm biển lớn kể về cuộc đời chiến đấu của Egorov. Tất nhiên, chặng đường chiến đấu của Anh hùng Egorov không chỉ giới hạn trong cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Đức.
Có lần Tổng bí thư Khrutsev mời Mikhail Egorov và Meliton Kantaria (người có vinh dự cùng Egorov giương cao lá cờ chiến thắng) cùng tới gặp gỡ nhân dịp lễ kỷ niệm tại Moskva.
http://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/Nguoi-cam-co-chien-thang-tren-noc-nha-quoc-hoi-Duc-287858/
http://100photos.time.com/photos/yevgeny-khaldei-raising-flag-over-Reichstag
Thành phố Dresden hoang tàn, 1945
Thành phố Dresden bị không kích 7 lần từ năm 1944 đến năm 1945. Riêng từ ngày 13 đến ngày 15/2/1945, hơn 1.200 máy bay Anh-Mỹ ném gần 4.000 tấn bom có sức công phá mạnh và bom gây cháy, phá hủy 90% trung thâm thành phố Dresden và khiến thành phố chìm trong bão lửa. Vụ ném bom vào Dresden phá hủy hầu như tất cả trung tâm cổ kính của thành phố trong ba đợt tấn công. Đó là một hành động mang tính hủy diệt.
Chiến dịch gây tranh cãi bởi thực tế khi đó, Thế chiến II đang ở giai đoạn cuối. Người ta vẫn đặt câu hỏi việc tàn phá thành phố như vậy có cần thiết hay không, hoặc có nên liệt hành động đó vào tội ác chiến tranh.
Ủy ban Sử gia Dresden trong một báo cáo chính thức vào năm 2010 kết luận có 25.000 thương vong, trong khi các nhóm cánh hữu vẫn tiếp tục giữ quan điểm số người chết lên đến 500.000 người.
Quân Đồng minh cho rằng Dresden là trung tâm chỉ huy trọng yếu của Đức nên họ đã ra tay. Mỹ và Anh mô tả chiến dịch ném bom hủy diệt Dresden là hợp pháp với mục tiêu là các cơ sở công nghiệp và quân sự. Thế nhưng, đây là hành động hủy diệt có chủ ý không thể biện minh, khi phần lớn những người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
https://baomoi.com/chum-anh-my-anh-nem-bom-huy-diet-thanh-pho-dresden/c/22216155.epi
https://news.zing.vn/thanh-pho-duc-truoc-va-sau-tran-bom-khien-25000-nguoi-chet-post536622.html
Bom nguyên tử ở Hiroshima, 1945
Theo lệnh của Tổng thống Harry S Truman, lúc 8h15 (giờ Hiroshima) ngày 6/8/1945, máy bay B-29 “Enola Gay” của quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử “Little Boy” xuống trung tâm thành phố Hiroshima. Quả bom chứa khoảng 60 kg Uranium 235 và đương lượng 13 kiloton phát nổ cách mặt đất khoảng 600 m. Ngay lập tức, nó giết chết ít nhất 90.000 người. 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại.
Quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” có chiều dài 3 m, đường kính 71 cm và khối lượng 4.000 kg. Sức công phá của nó tương đương 13 đến 16 nghìn tấn thuốc nổ TNT.
Chuẩn bị cho quá trình này, Mỹ đưa bom nguyên tử tới căn cứ không quân ở đảo Tinian thuộc quần đảo Northern Mariana, phía nam Nhật Bản, trước khi chất lên máy bay ném bom chiến lược để thực hiện nhiệm vụ tấn công. Ngay khi đưa tới đảo Tinian, việc kiểm tra được tiến hành kỹ lưỡng nhằm đảm bảo những quả bom sẽ hoạt động khi chúng được thả xuống.
Nhật Bản hàng năm tưởng niệm hơn 140.000 người thiệt mạng trong vụ ném bom. Nhưng trên thực tế, con số nạn nhân lớn hơn rất nhiều, do rất nhiều người còn sống nhưng bị nhiễm xạ.
Một trong những tòa nhà không bị đổ sụp là Genbaku Dome của Phòng Thương mại Hiroshima, nằm gần trung tâm nổ bom. Hiện nay tòa nhà này được gìn giữ như là nhà kỷ niệm hòa bình và được UNESCO công nhận là di sản thế giới,
https://baomoi.com/hinh-anh-lich-su-ve-vu-my-nem-bom-nguyen-tu-xuong-nhat-ban/c/22939529.epi
https://www.livescience.com/45509-hiroshima-nagasaki-atomic-bomb.html
Nụ hôn, 1945
The kiss (Nụ hôn) ngày VJ ở Quảng trường Thời đại là một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của Thế chiến II. Bức ảnh được chụp vào ngày 14/8/1945, khi Friedman, đang trong bộ đồng phục y tá, bị một thủy thủ ghì xuống và hôn ở Quảng trường Thời Đại. Friedman thực tế là trợ lý cho một nha sĩ.
Bức ảnh đăng trên tạp chí Life ghi lại được khoảnh khắc hân hoan ở Mỹ trong Ngày chiến thắng quân Nhật (ngày VJ) và đánh dấu Thế chiến II kết thúc.
Thủy thủ trong bức ảnh được cho là George Mendonsa, người lúc đó nghỉ phép sau hai năm phục vụ cho hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Ông đã cùng với bạn gái uống rượu khi hàng nghìn người đổ xô đến Quảng trường Thời Đại để ăn mừng.
“Tôi thấy cô y tá này xuất hiện. Chiến tranh đã kết thúc. Hứng khởi trước tin tức này cộng với men say nên khi thấy cô y tá, tôi ôm choàng lấy cô”.
Greta Friedman không biết đến bức ảnh cho đến thập niên 1960. Mặc dù gương mặt của bà bị cánh tay trái của thủy thủ che khuất, Friedman vẫn nhận ra mái tóc và trang phục của cô ngay lập tức. Nhiếp ảnh gia Eisenstaedt không ghi chú tên, vì vậy, nhiều người khác tự nhận mình là người trong ảnh, đáng chú ý là một giáo viên mầm non tên là Edith Shain, qua đời năm 2010.
Năm 2012, trong cuốn sách có nhan đề: Kissing sailor: The mystery behind the photo that ended WWII, hai tác giả Lawrence Verria và George Galdorisi khẳng định rằng họ xác minh được các chi tiết chứng minh Friedman và Mendonsa chính là “nữ y tá” và thủy thủ trong bức ảnh nổi tiếng.
Friedman chỉ mới 21 tuổi vào lúc đó. Cô làm việc cho một phòng khám nha khoa và vào thời điểm bức ảnh được chụp, cô đang trong giờ nghỉ trưa.
Nụ hôn đó không hề lãng mạn, Friedman cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2005 cho Dự án Lịch sử Cựu chiến binh của Thư viện Quốc hội Mỹ. “Tôi đi thẳng đến Quảng trường Thời đại, nơi tôi thấy một bảng hiệu có dòng chữ chạy quanh: VJ Day!, VJ Day!”, Friedman kể lại.
“Đột nhiên, một thủy thủ ôm choàng lấy tôi. Nó không giống như một nụ hôn. Nó giống một hành động hân hoan vì anh ấy sẽ không phải quay trở lại Thái Bình Dương. Lý do anh ấy ôm chầm lấy người mặc đồ y tá là vì anh ấy biết ơn những y tá chăm sóc cho quân nhân bị thương”, Friedman giải thích.
Friedman (nhũ danh là Greta Zimmer) sinh ngày 5/6/1924 tại thành phố Wiener Neustadt, Áo. Khi Thế chiến II sắp nổ ra, cha mẹ của Friedman là ông Max Zimmer và bà Ida Zimmer gửi cô và hai chị em gái đến Mỹ, một người khác được đưa sang Palestine. Ông bà Zimmer được cho là đã chết trong cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã.
Friedman đến New York vào năm 1956 và kết hôn với Mischa Friedman, một nhà khoa học làm việc cho lục quân Mỹ. Sau đó, gia đình bà dọn đến sống ở bang Maryland. Từng học ở Viện Công nghệ Thời trang New York nên bà thiết kế áo quần búp bê cho ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em. Năm 1981, bà lấy bằng nghệ thuật ở Đại học Hood ở Frederick, bang Maryland. Bà cũng vẽ tranh và làm công việc khôi phục sách.
Nói về sự nổi tiếng của mình, bà cho biết: “Danh tiếng thuộc về nhiếp ảnh gia. Ông ấy đã cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật. Tôi chỉ tình cờ có mặt ở đó”.
Trong một cuốn sách phát hành năm 1985, nhiếp ảnh gia Eisenstaedt giải thích rằng màu trắng sáng của bộ đồng phục y tá của Greta Friedman đối lập với màu áo sẫm của thủy thủ là điều thôi thúc ông chụp bức ảnh. “Nếu cô ấy mặc trang phục màu sẫm, tôi chắc chắn sẽ không chụp bức ảnh này”, Eisenstaedt khẳng định.
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nu-y-ta-trong-nu-hon-bieu-tuong-the-chien-ii-3467079.html
https://www.cbsnews.com/news/science-debunks-wwii-kiss-photo-couples-claim-to-fame/
Ký kết Văn kiện Đầu hàng, 1945
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 diễn ra lễ ký kết Văn kiện Đầu hàng của Nhật Bản trên boong chiếc thiết giáp hạm USS Missouri trong Vịnh Tokyo.
Buổi lễ kéo dài 23 phút và được phát đi toàn thế giới, do Thống tướng Hoa Kỳ Douglas MacArthur chủ trì.
Khai mạc buổi lễ, Thống tướng MacArthur phát biểu:
… Chúng ta gặp nhau ở đây, đại diện cho đa số con người trên trái đất, cũng không phải trong tinh thần nghi kỵ, ác tâm, hoặc hận thù. Thay vào đó, những người trong chúng ta, kể cả người chiến thắng và người chiến bại, hãy vươn đến phẩm giá cao hơn vốn tự nó thích hợp với những mục tiêu thiêng liêng mà chúng ta sẽ phục vụ, bằng cách cởi mở đưa tất cả con người của chúng ta tuân thủ trung thực với sự cảm thông được chính thức công nhận ở đây.
Hy vọng tha thiết của tôi – và thật ra là hy vọng của cả nhân loại – là từ cơ hội long trọng này, một thế giới tốt đẹp hơn sẽ khởi sinh từ xương trắng máu đào của quá khứ…
Sau đó Thống tướng MacArthur mời các đại diện ký vào văn kiện đầu hàng.
Người ký vào văn kiện đầu tiên là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mamoru Shigemitsu, “Theo mệnh lệnh và nhân danh Hoàng đế và Chính phủ Nhật Bản”. Tướng Yoshijirō Umezu, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội là người tiếp theo ký vào văn kiện, “Theo mệnh lệnh và nhân danh Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Hoàng gia Nhật Bản”.
Kế tiếp, Thống tướng Hoa Kỳ Douglas MacArthur, Tư lệnh Tối cao Tổng lực lượng Đồng Minh trong Vùng Tây Nam Thái Bình Dương, nhân danh lực lượng Đồng Minh chấp nhận sự đầu hàng và ký vào văn kiện với vai trò là Tổng tư lệnh Tối cao.
Sau MacArthur, lần lượt các đại diện sau ký vào văn kiện đầu hàng thay mặt cho các bên:
- Thủy sư Đô đốc Chester W. Nimitz đại diện cho Hoa Kỳ
- Tướng Xu Yongchang đại diện cho Trung Quốc
- Đô đốc Bruce Fraster, đại diện cho Vương quốc Anh
- Trung tướng Kuzma Derevyanko đại diện cho Liên Xô
- Tướng Thomas Blamey
- Đại tá Lawrence Moore Cosgrave, đại diện cho Canada
- Tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque, đại diện cho Pháp
- Đại uý Conrad Emil Lambett Helfrich, đại diện cho Hà Lan
- Phó Nguyên soái Leonard Monk Isitt, đại diện cho New Zealand.
Ảnh: các máy bay F4U Corsair và F6F Hellcat của Không lực Mỹ bay theo đội hình phía trên thiết giáp hạm Missouri trong lễ ký kết Văn kiện Đầu hàng.
Ngày 6 tháng Chín, Đại tá Bernard Theilen mang văn kiện và một bản tuyên bố hoàng đế tới Washington, D.C. và trình những giấy tờ trên cho Tổng thống Harry S. Truman trong một buổi lễ chính thức tại Nhà Trắng trong ngày hôm sau. Tài liệu sau đó được trưng bày tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia.
Bút viết
Là những nhân chứng, tướng Mỹ Jonathan M. Wainright, người đã đầu hàng ở Philippines, và trung tướng Anh Arthur Percival, người đã đầu hàng ở Singapore nhận được 2 trong số 6 chiếc bút được dùng để ký văn kiện. Một chiếc khác thuộc về Học viện Quân sự West Point Hoa Kỳ, và một chiếc khác thuộc về sĩ quan tùy viên của MacArthur. Tất cả những chiếc bút được sử dụng bởi MacArthur đều có màu đen, trừ chiếc cuối cùng có màu đỏ mận sau này thuộc về vợ ông. Một bản copy của chiếc bút và văn kiện đầu hàng được chứa trong một chiếc hòm trên thiết giáp hạm Missouri để đánh dấu nơi ký kết văn kiện quan trọng này.
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_ki%E1%BB%87n_%C4%91%E1%BA%A7u_h%C3%A0ng_c%E1%BB%A7a_Nh%E1%BA%ADt_B%E1%BA%A3n https://rarehistoricalphotos.com/the-fall-of-imperial-japan-in-pictures-1945/ https://www.archivesfoundation.org/documents/japanese-instrument-surrender-1945/
Buổi hội kiến đầu tiên giữa Nhật hoàng và MacArthur, 1945
Sau khi Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng trong chiến tranh Thái Bình Dương, Thống tướng Mỹ Douglas MacArthur được cử giữ trách nhiệm cao nhất trong việc giải trừ binh bị, diệt trừ chủ nghĩa phong kiến quân phiệt, Nhật cải tổ hệ thống chính trị và kinh tế nhằm xây dựng lại nước Nhật sau chiến tranh. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1952, Douglas MacArthur giúp người Nhật giũ sạch quá khứ tội phạm chiến tranh, vươn mình đứng dậy thành một cường quốc trở lại nhưng với hệ thống mới, tinh thần mới.
Đóng góp của MacArthur đối với nước Nhật lớn tới mức ông là người nước ngoài duy nhất được xếp vào danh sách Mười hai người tạo dựng nước Nhật (The twelve men who made Japan) trong cuốn sách cùng tên của Sakaiya Taichi xuất bản năm 2003 tại Tokyo. MacArthur đem lại cho người Nhật những thứ họ chưa từng biết đến: chế độ chính trị dân chủ, bình đẳng nam nữ, tự do ngôn luận…
Nguyên do chủ chốt cho sự thành công kể trên là vì MacArthur chủ trương duy trì địa vị của Nhật hoàng và tranh thủ sự cộng tác của ông này. Có lẽ mọi việc bắt đầu từ buổi hội kiến đầu tiên giữa Hirohoto và MacArthur ngày 27-9-1945.
Trong cuốn tự truyện Reminiscences (Những hồi tưởng) của mình, Douglas MacArthur viết như sau.
“ Không lâu sau khi đến Tokyo, những người trong bộ tham mưu thúc giục tôi triệu Nhật hoàng đến tổng hành dinh của tôi để biểu lộ quyền lực. Tôi bỏ qua những lời đề nghị của họ. Tôi giải thích: ‘Làm như thế là hành động xúc phạm tình cảm của người dân Nhật vốn xem Nhật hoàng là con cháu của Thái Dương thần nữ và biến Nhật hoàng thành người tuẫn đạo trong mắt họ. Không, tôi sẽ đợi rồi từ từ Nhật hoàng sẽ tự đến gặp tôi. Trong trường hợp này, đức tính kiên nhẫn của người Phương Đông sẽ phục vụ tốt nhất mục đích của chúng ta hơn sự vội vàng của người Phương Tây.’
“ Quả nhiên chẳng bao lâu sau Nhật hoàng yêu cầu cuộc hội kiến. Mặc áo ghi lê và quần kẻ sọc, đội mũ cao, đi trên chiếc Daimler với quan tổng thị vệ triều đình ngồi đối diện ở ghế phụ, Nhật hoàng Hirohito đến tòa đại sứ. Ngay từ đầu cuộc chiếm đóng, tôi đã chỉ thị không nên đối xử bất kính với ông. Phải dành cho ông tất cả những nghi thức danh dự thích hợp với một bậc quân vương. Tôi tiếp đón ông chân tình, và kể lại dịp tôi được cha ông đón tiếp vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Nhật.
“ Vẻ hồi hộp và căng thẳng của Nhật hoàng trong suốt mấy tháng qua hiện ra rõ ràng. Tôi yêu cầu mọi người đi ra ngoài chỉ trừ người thông dịch cho ông, rồi hai chúng tôi ngồi xuống trước lò sưởi ở cuối phòng tiếp khách dài. Tôi mời ông thuốc lá Mỹ, ông cầm lấy một điếu và cảm ơn. Khi tôi châm thuốc lá cho ông, tôi nhận thấy hai tay ông đang run run. Vì sợ hãi hay tủi nhục?
“ Tôi cố gắng hết sức mình để tạo cho ông sự thoải mái và tự nhiên, nhưng tôi biết niềm đau tủi nhục ở ông ắt hẳn sâu thẳm và khủng khiếp biết chừng nào. Lòng tôi bừng lên một cảm giác khó chịu là chỉ ít phút nữa thôi, người đàn ông ngồi trước mặt tôi, người đã từng đứng đầu một quốc gia thù địch với đất nước tôi, có thể sẽ kể lể ra những lý do để khẩn cầu tôi đừng truy tố ông như một tội phạm chiến tranh.
“ Trước đấy nhiều đồng minh, đặc biệt người Nga và người Anh, đã lên tiếng mạnh mẽ đòi đặt Nhật hoàng vào loại tội phạm ấy. Quả thật, tên của Nhật hoàng đứng đầu danh sách những tội phạm chiến tranh mà họ đề nghị đem ra xét xử đầu tiên. Nhận thức những hậu quả bi kịch sẽ theo sau hành động bất công như thế, tôi cực lực chống lại những ý định ấy.
“ Khi Washington dường như nghiêng về quan điểm của người Anh, tôi đề nghị rằng, tôi sẽ cần thêm ít nhất một triệu quân tiếp viện nữa nếu họ làm như thế vì tôi tin là nếu Nhật hoàng bị buộc tội, và có lẽ bị treo cổ như tội phạm chiến tranh, chính quyền quân sự phải được thiết lập trên toàn cõi Nhật Bản, một cuộc chiến tranh du kích có lẽ sẽ bùng phát.
“ Tên của Nhật hoàng sau đó bị gạch ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh. Nhưng ông không hề biết gì về những điều này.
“ Cũng cần phải giải thích thêm rằng, sau chiến tranh, có 23 quan chức và tướng lĩnh Nhật trong hàng ngũ lãnh đạo bị đem ra tòa xử về tội ác chiến tranh. Trong số 23 người này, có 7 người – gồm Thủ tướng Nhật thời chiến tranh là Hideki Tojo – bị xử tử. Có người lập luận: những tướng lĩnh, viên chức chính quyền bị xem là tội phạm chiến tranh và bị trừng phạt chẳng qua là họ nghe theo lệnh Nhật hoàng. Nếu đem trị tội những người thi hành lệnh mà lại không trừng phạt người ra lệnh, tức là Nhật hoàng, thì việc trừng phạt những người kia là hành động vô giá trị.
“ Nhưng là người được toàn dân Nhật tôn kính, Nhật hoàng phải được tại vị để làm biểu tượng đoàn kết dân Nhật và đem lại ổn định về chính trị. Nếu Nhật hoàng bị hạ bệ thì khi người lãnh đạo tối cao không còn, mọi người sẽ quay ra tranh giành quyền lực, chống đối nhau. Như thế, một đất nước đã điêu tàn giờ lại lâm vào cảnh xâu xé nội bộ.
“ Nhưng mối lo sợ của tôi không có căn cứ. Nhật Hoàng nói với tôi như thế này: ‘Tướng quân MacArthur, khi tiến hành chiến tranh tôi là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định chính trị và quân sự và mọi hành động của nhân dân tôi. Tôi đến đây gặp ông để chịu sự phán xét của các cường quốc mà ông đại diện’.
“ Khi ấy, lòng tôi chợt dâng trào thứ cảm xúc thật khó tả. Thái độ can đảm gánh vác trách nhiệm này – đồng nghĩa với cái chết – khiến tôi xúc động cả cõi lòng. Ông là hoàng đế cha truyền con nối, là bậc quân vương tôn kính của toàn thể dân chúng Nhật Bản, là người có thể thốt ra một lời là hàng ngàn, hàng triệu thanh niên đi theo lý tưởng… Nhưng trong khoảnh khắc ấy, tôi biết tôi đang đối diện với Đệ nhất Quân tử Nhật Bản đích thực.
“ Sau lần ấy Nhật hoàng đến thăm tôi thường xuyên. Chúng tôi bàn về hầu hết các vấn đề quốc tế. Tôi luôn luôn giải thích kỹ càng những lý do quan trọng nhất về chính sách chiếm đóng. Tôi nhận thấy ông hiểu biết uyên thâm về khái niệm dân chủ hơn hầu hết những người Nhật tôi có dịp trò chuyện. Ông đóng vai trò rất lớn trong sự hồi sinh tinh thần của Nhật Bản, sự hợp tác trung thành và ảnh hưởng của ông tác động rất nhiều đến sự thành công của công cuộc chiếm đóng…”
http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Vi-tri-dac-biet-cua-danh-tuong-My-tren-dat-nuoc-Mat-troi-moc-460931/
http://nghiencuuquocte.org/2018/04/02/macarthur-nguoi-mo-cua-nuoc-nhat-lan-thu-hai/
Hình ảnh tướng Giáp xuất hiện lần đầu ở phương Tây
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện lần đầu trên sách báo phương Tây có lẽ là tấm ảnh dưới đây. Điều đặc biệt là tấm ảnh còn có một số nhân vật lịch sử phía Pháp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời ấy chưa có quân hàm, mặc thường phục, đội mũ phớt cố hữu, cùng với Tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque (1902-1947) kế bên chào quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; lá cờ cũng mới được chính thức công bố trước đó.
Đó là sự kiện hai vị lãnh đạo quân đội cùng đi duyệt binh tại Hà Nội ngày 22 tháng 3-1946, trước những đơn vị Pháp vừa mới trở lại, và Việt Nam vừa mới thành lập. Tướng Leclerc từng là tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp trong Chiến tranh Đông Dương, 1945-1946. Năm 1952, chính phủ Pháp truy phong cho ông cấp bậc Thống chế.
Trong hình, phía sau ông Giáp là Jean Sainteny (mặc âu phục trắng), Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Bắc Bộ. Sainteny kể lại:
“Cuộc duyệt binh có sự tham dự của tiểu đoàn Việt Nam đầu tiên, gồm hầu hết là cựu binh sĩ khố đỏ, hàng ngũ chỉnh tề. Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, đi cạnh Leclerc (…) ; quốc thiều Việt–Pháp trổi lên và quan khách đứng nghiêm trước đài tử sĩ Việt–Pháp. Giáp nghiêm nghị và tươi cười, mũ phớt chụp xuống tận tai, chào với nắm tay.”
Sainteny (1907-1978) là chính khách có uy tín. Đầu năm 1946, ông được cử làm Đại diện, thay mặt Pháp trong cuộc đàm phán Pháp–Việt và cùng với Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh ký tên vào bản Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, mở đầu mối quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng Hòa Pháp. Khi Chiến tranh Đông Dương kết thúc, để nối lại quan hệ hữu nghị hai bên nên Sainteny được chính phủ Pháp trọng dụng. Ngày 15 tháng 8 năm 1954, ông lại được Thủ tướng Pháp Mendes France bổ nhiệm vào chức vụ Đại diện Pháp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1954-1958. Ngày 6 tháng 10, ông được nâng lên chức vụ “Tổng đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Ngày 8 tháng 10, ông đến Hà Nội và chứng kiến cuộc tiếp quản thủ đô của quân Việt Minh. Sau đó tới năm 1966 ông là Đặc phái viên của Tổng thống De Gaulle tại Miền Bắc. Ngày 8 tháng 9 năm 1969, Sainteny là người Đại diện cho Cộng hòa Pháp đến Hà Nội dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là một nhân chứng đặc biệt của quan hệ Pháp–Việt trong Chiến tranh Đông Dương, Sainteny viết 2 hồi ký quan trọng về mối quan hệ này:
- Histoire d’une paix manquée, Indochine 1945-1947 (có nghĩa: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ), Amiot Dumont, Paris 1953
- Face à Hô Chi Minh (có nghĩa: Đối diện với Hồ Chí Minh), Seghers, Paris 1970.
Trong hình, bên cạnh Sainteny là tướng Raoul Salan (1899-1984), thời ấy là thiếu tướng Tư lệnh quân lực Pháp tại Bắc Bộ, có nói thêm: “Tiểu đoàn Việt Minh có lúc ngừng bước, dập nhịp để hát vang một đoạn ca giải phóng, rất gây ấn tượng”, như theo cuốn Mémoire (Hồi ức) của tướng Raoul Salan, xuất bản năm 1971.
Tướng Salan lăn lộn trên chiến trường Đông Dương từ 1924 ở cấp bậc trung úy, lên đến Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, 1952-1953. Trong Hồi Ức I (viết đến thời kỳ năm 1946), ông nói nhiều đến những cố gắng thương thảo giữa hai bên Việt Pháp vào năm 1946 với nhiều cảm tình và kỷ niệm tốt đẹp với tướng Giáp. Một ví dụ là chuyện hai bên đang hội họp căng thẳng thì cận vệ vào báo tin vợ ông sinh con gái; tướng Giáp chúc mừng và mấy hôm sau gửi tặng vợ ông một bức bình phong sơn mài rất đẹp tả cảnh nông thôn miền Bắc. Chuyện nhỏ thôi, nhưng ngày nay đọc lại vẫn cảm động.
Hồi Ức II (1946-1954) kể lại chi li cuộc chiến tranh Việt Pháp, khách đối tác trở thành địch thủ, khi thắng khi thua, nhưng lời lẽ lúc nào cũng tao nhã. Khi Salan qua đời, 1985, tướng Giáp có gửi người viếng tang và phân ưu. Một cử chỉ đẹp về nghĩa tử nghĩa tận cho dù với một quân thù cũ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45425163
Gandhi và bánh xe se chỉ, 1946
Chưa từng nhận bất kỳ giải Nobel nào nhưng Mahatma Gandhi (1869-1948) vẫn được đánh giá là một trong những nhân vật gây ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Tạp chí Time xếp ông chỉ đứng sau Albert Einstein. Gandhi vang danh khắp thế giới sau khi giành được nền độc lập cho Ấn Độ từ tay thực dân Anh chỉ bằng nguyên tắc “bất bạo động”.
Nguyên tắc này được ông gọi là “Chấp trì chân lý”, phản đối tất cả các hình thức bạo lực, khủng bố, chỉ theo đuổi những tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Ông nói: “Người chấp trì chân lý không làm tổn thương đối thủ. Ông ta không tìm cách huỷ diệt người ấy. Một người chấp trì chân lí không bao giờ dùng súng. Không có lòng sân ác hoặc bất cứ tâm bất thiện nào khác khi ứng dụng chấp trì chân lí”. Người Ấn Độ trân trọng gọi ông với danh xưng “Mahatma”, nghĩa là “Linh hồn lớn”, “Đại nhân”.
Tuy nhiên, điều khiến hậu thế ngưỡng vọng Gandhi chính là lối sống giản dị đến mức khổ hạnh. Ông ăn chay, tuyệt dục, ăn mặc giản tiện nhất có thể. Ông và các môn đệ tự se chỉ, dệt vải, may quần áo. Người ta cũng thường thấy Gandhi xuất hiện trong một bộ quần áo hết sức sơ sài, đôi khi chỉ quấn một chiếc khăn choàng, đôi khi cởi trần.
Bức ảnh do Margaret Bourke-White chụp sau khi thư ký của ông, Pyarelal Nayyar, khuyên cô nên học cách se chỉ trước khi chụp ảnh Gandhi.
Bức ảnh không được in trong bài báo như tác giả đã dịnh, nhưng 2 năm sau, sau khi Gandhi bị ám sát bức ảnh được in trong trang ai điếu ông. Chẳng bao lâu bức ảnh trở nên phổ biến thành biểu tượng cho cuộc đời tranh đấu bất bạo động của Gandhi.
https://mb.dkn.tv/van-hoa/danh-mat-mot-chiec-dep-mahatma-gandhi-da-xu-tri-ra-sao.html
http://100photos.time.com/photos/margaret-bourke-white-gandhi-spinning-wheel
Tòa án Nuremberg, 1946-1949
Tòa án Nuremberg là một loạt những phiên tòa quân sự do lực lượng Đồng minh tổ chức sau Thế chiến thứ Hai, họp ở Thành phố Nuremberg của Đức để xét xử cá nhân và tổ chức của chế độ Đức Quốc xã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Địa điểm Thành phố Nuremberg có ý nghĩa đặc biệt vì đây là nơi khởi sinh phong trào Quốc xã, kế tiếp là nơi Quốc xã thường tổ chức những buổi đại hội đảng lớn lao.
Sử gia William L. Shirer tham dự một số phiên tòa và viết tường thuật như sau về số phận của những cấp lãnh đạo Đức Quốc xã.
“ Himmler (Thống chế, Chỉ huy trưởng Lực lượng S.S. và Cảnh sát Bộ trưởng Nội vụ) lang thang trong vùng Flensburg, rồi đến ngày 21 tháng 5 đi cùng 11 sĩ quan S.S. để vượt qua phòng tuyến Anh-Mỹ, trở về sinh quán Bavaria. Ông ta đã cạo bộ râu, bịt một tấm vải đen lên mắt trái và bận bộ quân phục của binh nhì lục quân. Một chốt kiểm soát của Anh chặn họ lại. Ông ta khai ra thân phận của mình, rồi bị lột quần áo và buộc phải mặc quân phục Anh hầu tránh khả năng ông giấu thuốc độc. Nhưng việc kiểm tra không cẩn thận. Himmler giấu một ống potassium cyanide trong hốc nướu miệng. Ngày 23 tháng 5, một sĩ quan quân báo Anh đến và ra lệnh cho nhân viên quân y kiểm tra miệng của Himmler, ông này cắn vỡ ống thuốc độc và chết trong vòng 12 phút. Nỗ lực cứu sống ông không thành công.
“ Những thủ hạ còn lại của Hitler sống được lâu hơn một chút. Tôi đi đến Nuremberg để xem họ. Tôi thường ngắm nhìn họ trong giai đoạn vinh quang và quyền lực ở những buổi mít-tinh đảng hằng năm tại thành phố này. Họ thay đổi hẳn khi ngồi trong khu vực bị cáo ở Tòa án Quân sự Quốc tế. Mặc quần áo xộc xệch, ngồi sụp trên ghế và cựa quậy một cách bứt rứt. Họ không còn giống như những nhà lãnh đạo kiêu ngạo của thời trước. Họ giống như một đám hỗn tạp những con người xoàng xĩnh. Khó mà hiểu được rằng những người như thế, trong lần cuối bạn trông thấy họ, đã vung quyền lực khủng khiếp như thế, rằng những người như họ lại có thể chinh phục được một đất nước lớn lao và phần lớn Châu Âu.
“ Hai mươi mốt người của bọn họ ngồi trong khu vực bị can (TS. Robert Ley cũng là bị can, nhưng đã treo cổ tự tử trong phòng giam trước khi phiên xử diễn ra.).
“ Goering (Thống chế Đế chế, Tư lệnh Không quân), sút mất 20 kg so với lần cuối tôi trông thấy ông, trong bộ đồng phục Không quân bạc màu không có quân phù, tỏ rõ sự hài lòng vì được ngồi ở vị trí số Một – cách công nhận vị thế của ông trong thứ bậc của Quốc xã khi mà Hitler đã chết.
“ Có Rudolf Hess (Phó Lãnh tụ Đảng Quốc xã), là nhân vật số Ba trước khi lái máy bay bỏ trốn sang Anh quốc, khuôn mặt bây giờ tiều tụy, đôi mắt thất thần nhìn mông lung vào khoảng không, giả vờ mất trí nhớ nhưng mọi người thấy rõ là ông cực kỳ thất vọng.
“ Ribbentrop (Đại tướng S.S., Bộ trưởng Ngoại giao), cuối cùng mất đi vẻ kiêu căng và hợm hĩnh, bây giờ xanh xao, gầy còm và chịu khuất phục.
“ Có Keitel (Thống chế Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực), bây giờ không còn vẻ tự mãn như xưa.
“ Rosenberg (Bộ trưởng Lãnh thổ phía Đông), “triết gia” mù mờ của đảng, dường như rốt cuộc thức tỉnh mà nhìn vào thực tế nhờ những sự kiện đã mang ông đến đây.
“ Julius Streicher (chủ bút tờ báo của Quốc xã Der Sturmer), thực hiện nhiệm vụ thủ tiêu người Do Thái, có mặt ở đây. Kẻ bạo hành và làm phim ảnh khiêu dâm, mà có lần tôi thấy đi nghênh ngang trên đường phố ở một thị trấn cổ, vung vẩy cái roi, bây giờ đã tàn tạ. Hói đầu, lụ khụ như một ông già, ông đổ mồ hôi đầm đìa, trừng trừng nhìn các thẩm phán mà tin rằng họ đều là người Do Thái – một lính canh nói với tôi như thế.
“ Có Fritz Sauckel (Xứ ủy Thüringen, Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Cơ quan Sử dung Lao động), chủ nhân ông của lao động nô lệ trong Đế chế Thứ Ba, với đôi mắt híp khiến ông trông giống như một con nhím. Ông có vẻ lo lắng, nghiêng bên này, ngả bên kia.
“ Ngồi bên cạnh ông là Baldur von Schirach (thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Hitler và kế tiếp là Xứ ủy Vienna), mang nhiều máu Mỹ hơn là Đức, trông giống như một sinh viên đại học đã bị tống khỏi trường vì trò rồ dại và giờ biết ăn năn.
“ Có Walther Funk (Bộ trưởng Kinh tế), kẻ bất tài với đôi mắt trông gian xảo, đã tiếp nhiệm Schacht làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đức.
“ Và có cả TS. Schacht, người đã trải qua những tháng cuối cùng của Đế chế Thứ Ba khi nhân vật mà ông có thời tôn thờ – Hitler – đưa ông vào trại tập trung, e sợ một ngày sẽ bị xử tử, nhưng bây giờ tỏ ra căm phẫn vì thấy Đồng Minh lại đem chính mình ra xét xử như là tội phạm chiến tranh.
“ Neurath, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Hitler, một người Đức thuộc lớp người cũ, không đủ nhận thức và lòng chính trực, xem dường hoàn toàn thất vọng.
“ Speer (Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang) thì không thế, ông gây được ấn tượng tốt với tính thẳng thắn, suốt các phiên xử luôn ăn nói một cách thành thực, không hề muốn né tránh trách nhiệm và lỗi lầm của mình.
“ Seyss-Inquart, người Áo phản quốc, cũng có mặt trong khu vực bị cáo.
“ Còn có Đại tướng cấp Cao Jodl (Tham mưu trưởng Hành quân, Bộ Chỉ huy Tối cao QUân lực) và hai Thủy sư Đô đốc Raeder (Tư lệnh Hải quân trước Doenitz) và Doenitz (Tư lệnh Hải quân sau Raeder, được Hitler trước khi tự sát chỉ định làm Tổng thong kiêm Tư lệnh Tối cao Quân lực).
“ Có Kaltenbrunner (Đại tướng S.S.), người kế nhiệm khát máu của Heydrich, khi đứng trước vành móng ngựa phủ nhận tất cả tội ác.
“ Hans Frank (Toàn quyền Ba Lan) thì thú nhận một phần tội ác, cuối cùng tỏ ra ăn năn và, theo lời ông, sau khi đã tìm lại được Thượng Đế, ông xin được thứ lỗi.
“ Có Frick (Bảo quốc Bohemia và Moravia), khi ở bên bờ vực của cái chết, vẫn tỏ ra nhạt nhẽo như khi còn sống.
“ Cuối cùng là Hans Fritzsche, người chuyên đọc bình luận trên sóng phát thanh vì có giọng nói giống Goebbels, được Goebbels cử làm nhân viên của Bộ Thông tin và Tuyên truyền. Không ai trong phòng xử, kể cả Fritzsche, biết tại sao ông bị mang ra đây – ông chỉ là một nhân viên cấp thấp. Có lẽ vì ông là cái bóng của Goebbels, và sau cùng được tha bổng.
“ Schacht (Quốc vụ khanh) và Papen (Phó Thủ tướng rồi Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ) cũng được tha bổng. Nhưng ba người được tha bổng ở đây lại nhận án tù nặng của Tòa án Bài trừ Quốc xã của Cộng hòa Liên bang Đức, tuy rốt cuộc họ chỉ ngồi tù trong thời gian rất ngắn.
“ Bảy bị cáo nhận án tù ở Nuremberg: Hess, Raeder và Funk nhận án chung thân, Speer và Schirach 20 năm, Neurath 15 năm, Doenitz 10 năm. Những người còn lại bị án tử hình.
“ Lúc 1 giờ 17 sáng ngày 16 tháng 10 năm 1946, Ribbentrop bước lên giá treo cổ trong nhà tù Nuremberg, tiếp theo sau là Keitel, Kaltenbrunner, Rosenberg, Frank, Frick, Streicher, Seyss-Inquart, Sauckel, và Jodl.
“ Nhưng Goering thì không. Ông này đánh lừa được thủ tục treo cổ. Hai tiếng đồng hồ trước khi đến lượt, Goering nuốt thuốc độc trước đó đã được lén đưa vào nhà tù. Giống như Lãnh tụ Adolf Hitler và địch thủ Heinrich Himmler ở vị trí tiếp nhiệm, vào phút cuối của cuộc đời ông thành công trong việc chọn cách thức từ giã cõi đời – cõi đời mà cả ba người đều để lại những hệ lụy khủng khiếp.”
Tòa án Quân sự Quốc tế, 1945-1946
Những phiên tòa đầu tiên do Tòa án Quân sự Quốc tế (International Military Tribunal – IMT) triệu tập để xét xử 24 nhân vật quan trọng cùng 6 tổ chức của Đức Quốc xã. Mỗi nước Đồng minh Anh, Pháp, Liên-Xô và Hoa Kỳ được cử một chánh án chính, một chánh án dự khuyết và các công tố viên.
Có 12 án tử hình, 3 án tù chung thân, 4 án tù 10-20 năm, 3 người được tha bổng, 1 người được miễn xử vì thiếu sức khỏe, 1 người tự tử trước khi xét xử. Án tử hình được thi hành bằng cách treo cổ thay vì xử bắn để tỏ rõ hành vi là tội ác, không phải là hành động theo nhiệm vụ trong cuộc chiến.
Tòa án Quân sự Nürnberg, 1946-1949
Kế tiếp là 12 phiên tòa do Tòa án Quân sự Nürnberg (Nürnberg Military Tribunal – NMT) do Hoa Kỳ chủ trì xét xử 185 nhân vật lãnh đạo quân sự, chính trị và kinh tế của Đức Quốc xã bị cáo buộc tội ác trong chiến tranh. Kết quả là 24 án tử hình (11 giảm còn tù chung thân), 20 án tù chung thân, 98 án tù có thời hạn, 35 tha bổng. Có bốn người không bị xét xử vì lý do sức khỏe, và 4 người tự tử trong khi đang bị xét xử.
Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba – Lịch sử Đức Quốc xã, Diệp Minh Tâm dịch The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany, by William L. Shirer, 1961, renewed 1989.
http://wiki.edu.vn/wiki/index.php?title=T%C3%B2a_%C3%A1n_N%C3%BCrnberg https://www.history.com/topics/world-war-ii/nuremberg-trials
Einstein thè lưỡi, 1951
Bức ảnh nhà bác học Albert Einstein thè lưỡi rất hài hước gây không ít sự tò mò với nhiều người. Sự thật về câu chuyện đằng sau bức ảnh này cũng rất thú vị và thay đổi nhận thức của mọi người về thiên tài Einstein.
Thời điểm bức ảnh này được chụp vào đúng nhân dịp sinh nhật thứ 72 của Einstein – 14/03/1951. Nhiếp ảnh gia may mắn thực hiện bức ảnh mang giá trị của khoảnh khắc này là Arthur Sasse.
Hôm ấy, trường đại học Princeton tổ chức tiệc kỷ niệm cho Albert Einstein và ông đã bị rất nhiều phóng viên “bao vây” bên ngoài sau khi kết thúc bữa tiệc. Sasse đã đợi từ đầu cho đến lúc có thể tiếp cận với Einstein, dù khi đó ông đã lên ô tô và khéo léo ngồi giữa vợ chồng Tiến sĩ Aydelotte. Saase bám theo cửa xe, nói theo: “Khoan đã, thưa giáo sư. Chẳng lẽ vào ngày sinh mà ông không cười được một cái để chụp ảnh hay sao?”.
Einstein không đáp một lời nào với anh phóng viên mà chỉ thè lưỡi rất nhanh và quay mặt đi. Không ai nghĩ rằng Sass có thể chụp kịp phản ứng hài hước mang tính bộc phát đó của Einstein. Đến khi về toà soạn, Sasse cho mọi người xem bức ảnh và tất cả ngồi lại để thảo luận nghiêm túc rằng có nên đưa nó lên mặt báo hay không. Họ quyết định đăng lên tờ International News Photos Network và may mắn kết quả rất thuận lợi.
Về phần Einstein, chính ông cũng tỏ ra thích thú với tác phẩm mang tính khoảnh khắc này và cho rằng đây là bức ảnh chụp ông thành công nhất. Bức ảnh gốc được công bố có cả vợ chồng Tiến sĩ Aydelotte. Một chuyện thú vị hơn nữa là ông cắt riêng phần ảnh có mặt mình và dán vào bưu thiếp chúc mừng năm mới gửi đến những người bạn của ông.
Vào ngày 19/6/2009, bức ảnh gốc có chữ ký của Albert Einstein được bán đấu giá 74.324 USD và giữ kỷ lục đắt giá nhất trong các bức ảnh của ông từng bán ra. Mặt sau của bức ảnh có lời đề tặng nhà báo Howard K. Smith.
Cũng từ khi bức ảnh được công bố rộng rãi, công chúng khám phá được một khía cạnh khác của nhà khoa học vĩ đại Einstein. Đó là hình ảnh một vị giáo sư có tính hài hước với mái tóc xoăn dài, ria mép rậm rạp và áo khoác da giản dị. Bức ảnh này của Arthur Sasse làm thay đổi nhận thức của công chúng về Einstein và các nhà khoa học nói chung. Nó phá vỡ khuôn mẫu thường thấy ở những người làm nghiên cứu khoa học, đến lúc công chúng thấy rằng họ cũng là con người bình thường, thân thiện và vui tính.
Là người sở hữu cú bấm máy để đời, Arthur Sasse đã định một bài học nằm lòng cho các nhiếp ảnh gia thực thụ, đó là phải biết chờ đợi những khoảnh khắc đáng giá. Bức ảnh của Einstein không qua chỉnh sửa và là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Arthur Sasse.
https://www.techsignin.com/cuoc-song/buc-anh-albert-einstein-the-luoi/ https://rarehistoricalphotos.com/albert-einstein-tongue-1951/
Che Guevara, 1960
Ngày 4-3-1960, hai tiếng nổ gây chấn động bến cảng La Havane làm khoảng 80 công nhân bốc vác bị chết và 200 người khác bị thương. Sáng hôm sau, trong đám tang của các nạn nhân, trong một bài diễn văn nảy lửa, Fidel Castro tố giác CIA, Mỹ là thủ phạm. (Mỹ phủ nhận.) Khi đó Che Guevara xuất hiện thoáng qua trên lễ đài. Chỉ có mấy giây nhưng nó trở thành bất tử, bởi bức ảnh Che được lưu hành khắp thế giới.
Alberto Korda là đặc phái viên của nhật báo Revolucion, tác nghiệp ở Cuba. Ông giải thích trong quyển sách mang tựa đề Cuba qua ảnh của Korda (tác giả Christophe Loviny):
“ Tôi chụp một loạt ảnh của Fidel và những người đứng gần ông bằng ống kính máy ảnh Leica 90mm. Bất ngờ Che xuất hiện trong ống ngắm chiếc máy ảnh Leica của tôi. Do phản xạ, tôi bấm máy hai lần: một bức nằm ngang, một bức thẳng đứng.
“ Không có đủ thời gian để bấm đến lần thứ ba. Trở về phòng rửa ảnh, tôi muốn lấy bức nằm ngang. Nhưng có cái đầu của ai đó che khuất vai của Che ở phía trên. Phải nhanh chóng giao ảnh cho tòa soạn. Tôi đành đóng khung bức ảnh thẳng đứng lại, dù rằng nó hơi bị mờ…”
Tổng biên tập không chọn bức ảnh của Che, mà là Fidel. Chỉ một năm sau, tháng 4-1961, tờ báo mới công bố chân dung của Che lần đầu tiên, nhằm giới thiệu khi ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng công nghiệp.
Bức ảnh chân dung của nhà cách mạng Che Guevara có tên Guerrillero Heroico, nghĩa là du kích anh hùng. Tác phẩm chụp năm 1960 của Alberto Korda về sau trở thành một trong những biểu tượng của giới trẻ khắp thế giới và là một trong những bức ảnh được in nhiều nhất hành tinh.
Tạp chí Time bình chọn Che Guevara là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất Thế kỷ, còn Trường Mỹ thuật Maryland xem bức ảnh Guerrillero Heroico, là “bức ảnh danh tiếng nhất thế giới”.
http://techland.com.vn/tin-tuc/goc-tu-van/su-that-ve-tac-gia-buc-anh-che-guevara-1241dn.html
http://100photos.time.com/photos/alberto-korda-guerillero-heroico
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, 1963
Trong một đất nước mà đa số người dân theo đạo Phật, tổng thống Ngô Đình Diệm lại thi hành một chính sách thiên vị Công giáo và kì thị Phật giáo. Sự dồn nén cuối cùng bùng phát vào ngày lễ Phật đản năm 1963 ở Huế. Bức xúc với lệnh cấm treo cờ Phật giáo vài ngày trước đó, giới Phật tử tổ chức các cuộc diễu hành và biểu tình. Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào buổi tối, khi ai đó nổ súng vào đám đông Phật tử tụ tập tại đài phát thanh làm chết 8 người, chính thức châm ngòi cho cuộc khủng hoảng Phật giáo vô tiền khoáng hậu tại miền Nam.
Sau đó hơn 1 tháng, một hôm cánh phóng viên Mỹ được mớm rằng có “chuyện gì đó quan trọng” sẽ xảy ra sáng hôm sau trước tòa Đại sứ Campuchia tại Sài Gòn. Tuy nhiên, do có quá nhiều sự kiện trong thời gian này không có nhiều người lưu tâm vì thế rất ít nhà báo có mặt để chứng kiến sự kiện quan trọng ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, ngày 11/6/1963, một đoàn diễu hành gồm khoảng 350 tăng ni xuất phát từ một ngôi chùa, dương cao các biểu ngữ yêu cầu chấm dứt kì thị Phật giáo. Tới ngã tư Lê Văn Duyệt–Phan Đình Phùng (nay là Cách Mạng Tháng 8–Nguyễn Đình Chiểu), trước Đại sứ quán Kam Pu Chia (này là trụ sở UBND Quận 3)., đoàn người dừng lại, xếp thành vòng tròn nhiều lớp. Hòa thượng Thích Quảng Đức bước ra khỏi chiếc xe Austin màu xanh cùng 2 nhà sư trẻ. Một trong số họ trải tấm nệm ra mặt đường vào giữa vòng tròn, người còn lại lấy can xăng từ trong xe ra. Hòa thượng ngồi xuống theo tư thế kiết già điềm nhiên trên tấm nệm. Nhà sư trẻ trút can xăng lên đầu và cơ thể ông. Đám đông phía sau có người xô đẩy nhưng bị cản lại. Hòa thượng bắt đầu niệm phật, tay lần tràng hạt. Lửa được châm và ngay lập tức bùng lên ngùn ngụt bao phủ hoàn toàn thân thể nhà sư. Cả những người xô đẩy và người cản đều ngừng lại lặng nhìn. Giây phút trĩu nặng.
Ảnh: chụp bởi Malcolm Browne, trưởng văn phòng của hãng tin Associated Press
Ai châm lửa? Theo chính tác giả bức ảnh kể trên tờ Time thì hòa thượng Thích Quảng Đức tự tay bật diêm châm lửa. Nhưng hình ảnh video, dù hơi mờ, lại cho thấy có vẻ như lửa được người khác châm từ xa, cháy dọc theo vết xăng, và bùng lên khi vừa chạm đến nhà sư.
Gương mặt điềm tĩnh của hòa thượng cũng được ghi lại trong một đoạn video.
Khi nhìn thấy bức ảnh về vụ tự thiêu, Tổng thống John F. Kennedy được cho là đã thốt lên “Chúa ơi! Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử lại gây ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như ảnh này”.
Cùng có mặt tại hiện trường lúc đó với Browne là David Halberstam, phóng viên của tờ The New York Times. Halberstam chia sẻ giải thưởng Pulitzer với Browne nhờ bài viết về sự kiện này.
“Lửa bốc lên từ cơ thể của một con người, thân thể ông ấy từ từ khô quắt và teo lại, đầu ông ấy cháy và đen thui. Không khí đầy mùi thịt người cháy. Cơ thể con người cháy mới nhanh làm sao. Phía sau, tôi có thể nghe thấy tiếng khóc tấm tức của những người Việt. Tôi quá sốc tới mức không khóc nổi, quá bối rối để nghĩ tới chuyện ghi chú hay phỏng vấn ai, quá bàng hoàng không nghĩ nổi điều gì… Khi bốc cháy, cơ thể ông ấy vẫn lặng phắc, cũng không phát ra một tiếng kêu, trái hẳn với những người đang khóc rấm rứt xung quanh”.
Do lo sợ lễ tang nhà sư sẽ là một màn diễu hành lớn nên chính quyền tìm mọi cách trì hoãn. Vì thế, phải một tuần sau đó, thi thể hòa thượng mới được đưa đi hỏa táng. Điều đáng nói là sau khi thiêu, trong đống tro tàn vẫn còn lại 1 khối rắn chắc (xá lợi) được cho là trái tim của ngài. Vì điều này, ông được suy tôn thành Bồ tát, và khiến cho vụ tự thiêu càng trở nên linh thiêng. Trái tim bất diệt ấy sau vài lần đốt đi đốt lại còn lại to hơn hạt mít một chút, màu nâu đen, hiện đang được gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (theo lời kể của hòa thượng Thích Giác Toàn, dù khi gửi ông cũng chỉ nhìn thấy hộp bên ngoài chứ chưa tận mắt nhìn thấy trái tim bên trong).
Sau vụ tự thiêu, chính quyền gần như ngay lập tức đồng ý đáp ứng về cơ bản 5 yêu cầu của Phật giáo và 2 bên cùng đưa ra bản thông cáo chung. Nhưng điều này chẳng được dư luận chú ý như nó đáng phải có, vì khi đó truyền thông chỉ tập trung vào cái không khí rầm rập về tình hình diễn biến liên quan đến lễ tang. Lẽ ra người ta nên để lễ tang diễn ra sớm, sau đó công bố thỏa thuận sau thì hơn. Trong thời gian sau đó, những nghi kỵ ngờ vực lẫn nhau giữa các bên, cộng với sự thiếu nhất quán trong nội bộ chính quyền, khiến bản thông cáo rất được kỳ vọng đó lại không được thực hiện đáng kể. Ông Ngô Đình Nhu, em trai ông Diệm, thì cho lực lượng cảnh sát đặc biệt liên tiếp trấn áp đập phá các chùa chiền, bắt bớ “bọn tăng ni làm loạn”. Vợ ông, bà Trần Lệ Xuân, vẫn không ngừng đổ thêm dầu vào lửa bằng những phát biểu ngoa ngoắt và thách thức, không ngần ngại gọi các vụ tự thiêu là những “màn nướng sư” và sẽ “rất vui lòng cung cấp xăng”. Thêm những lần tự thiêu và tự chặt tay. Liên tục những cuộc biểu tình và tuyệt thực của các tăng ni Phật tử và những người ủng hộ phong trào. Người Mỹ bắt đầu mất kiên nhẫn. Họ yêu cầu tổng thống Diệm loại bỏ ngay vợ chồng ông bà Nhu khỏi sân khấu chính trị, nhưng không được đáp ứng.
Rồi chuyện gì đến cũng đến. Ngày 1/11/1963, gần 6 tháng kể từ ngày cuộc khủng hoảng bắt đầu, một cuộc đảo chính quân sự nổ ra với sự bật đèn xanh từ phía Mỹ. Anh em họ Ngô bị bắt và giết chết một cách dã man một ngày sau đó, bất chấp việc trước đó hội đồng tướng lĩnh đã tuyên bố sẽ cho họ ra nước ngoài sống lưu vong. Người em út, “lãnh chúa miền trung” Ngô Đình Cẩn cũng bị bắt và xử tử không lâu sau đó. Bà Nhu đang công cán tại Mỹ vào thời gian diễn ra cuộc đảo chính, sau này sống lưu vong tại Pháp cho đến khi qua đời vào năm 2011.
Nhìn lại sự việc, có lẽ vợ chồng Ngô Đình Nhu đã thâu tóm quá nhiều quyền lực và say mê đến mức không biết điểm dừng. Nhu cũng biết về âm mưu đảo chính, nhưng lại không nắm được những ai đứng đằng sau. Vì vậy, ông ra tay đạo diễn một cuộc “đảo chính giả” để bẫy đối phương, thậm chí còn được cho là bao gồm cả việc ám sát Đại sứ Mỹ, song lại sai lầm khi tin tưởng sử dụng một vị tướng 2 mang. Khi cuộc đảo-chính-thực xảy ra, ban đầu ông Nhu còn tưởng đó chính là cuộc đảo chính giả của mình! Về phần mình, tổng thống Diệm trên thực tế có lẽ cũng có thiện chí hòa giải. Người ta kể ông đã sốc và trở nên lầm lì một cách bất thường từ ngày vụ tự thiêu xảy ra, lẩm bẩm “việc gì rồi thu xếp, có gì mà phải làm như vậy”. Tuy vậy, ông đã quá lưỡng lự, không có chính kiến rõ rệt, để mặc ông bà Nhu hoành hành.
Malcolm Browne là phóng viên nước ngoài duy nhất chụp được các bức ảnh về vụ tự thiêu. Ray Herndon, phóng viên của hãng thông tấn UPI đối thủ truyền kiếp của AP, đã quên mang theo máy ảnh hôm đó và vì thế bị lãnh đạo quở trách nặng lời. Bức ảnh hòa thượng tự thiêu đem lại cho Malcolm Browne giải Ảnh Báo chí của năm. Tuy nhiên giải Pulitzer danh giá năm đó lại rơi vào tay một bức ảnh liên quan đến vụ ám sát tổng thống Mỹ John F. Kennedy, diễn ra đúng 20 ngày sau cái chết của Ngô tổng thống. Quả là một năm hãi hùng của các vị tổng thống!
Năm sau thì Malcolm Browne rốt cuộc đạt giải Pulitzer cùng nhà báo David Halberstam của tờ The New York Times, nhưng không phải cho các bức ảnh, mà cho các bài phóng sự về Việt Nam của hai ông. Malcolm Browne mất năm 2012 ở tuổi 81.
http://www.mangcut.vn/4-buc-anh/1.html
https://rarehistoricalphotos.com/the-burning-monk-1963/
John Fitzgerald Kennedy Jr. chào vĩnh biệt, 1963
John Fitzgerald Kennedy, Jr. hoặc John-John là luật sư, nhà báo và nhà xuất bản người Mỹ. Ông là con trai của Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John F. Kennedy và Jacqueline Bouvier Kennedy.
Chào đời chưa đầy một tháng sau khi người cha đắc cử tổng thống, John F. Kennedy, Jr. được công luận quan tâm từ khi còn là một trẻ sơ sinh. John dành ba năm đầu đời sống trong Toà Bạch Ốc.
Ngày 22 tháng 11 năm 1963, cha của John, Jr. bị ám sát. Ngay trong sinh nhật lần thứ ba của mình, cậu bé đứng nghiêm chào theo quân cách chiếc quan tài phủ quốc kỳ của vị tổng thống thứ 35 của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Gương mặt trẻ thơ với đôi mắt thiên thần dõi theo hình hài người cha đang trở về với cát bụi đất trở thành hình mẫu biểu trưng cho lòng thương cảm trong suốt thập niên 1960.
https://vi.wikipedia.org/wiki/John_F._Kennedy,_Jr.
https://rarehistoricalphotos.com/john-kennedy-salute-1963/
O du kích nhỏ, 21/9/1965
Sáng ngày 20/9/1965, cầu Đà Lề ở Hương Khê, Hà Tĩnh, là mục tiêu của máy bay Mỹ. Khoảng 11 giờ trưa, hàng chục chiếc máy bay từ hướng Đông đổ nhào bắn phá. Một chiếc F105 bị trúng đạn, bốc cháy. Có một phi công nhảy dù.
Ba chiếc trực thăng của Mỹ đến giải cứu. Pháo bộ binh của Bắc Việt bắn hạ một chiếc, ba viên phi công bung dù thoát thân. Biết được bốn phi công Mỹ đang ẩn nấp trong rừng, dân quân xã Hương Lộc được điều động, phối hợp với bộ đội lùng bắt họ. Mới tham gia thanh niên xung phong được hai tháng, cô Nguyễn Thị Kim Lai tay bóp cò chưa vững, lại cầm khẩu AK, cùng với mọi người truy lùng phi công Mỹ giữa đại ngàn rừng Trường Sơn.
Hơn 5 giờ chiều, trời nhá nhem tối, khi phát hiện trong một hốc đá có tiếng động, cô Lai tiến lại gần. Thấy một viên phi công đang ngồi co ro, chưa nhìn được mặt, cô Lai bắn ba phát súng chỉ thiên. Viên phi công đó giơ hai tay xin đầu hàng. Nghe được tiếng súng, mọi người chạy đến, trói tay viên phi công cao lớn. Thấy Lai là người nhỏ nhất trong tiểu đội thanh niên xung phong xã, và là người phát hiện viên phi công, mọi người nói: “Để o Lai giải viên phi công này, xem o có to bằng cái đùi của nó không”, o Lai kể lại.
Sáng hôm đó, William Andrew Robinson là một nhân viên trên một máy bay trực thăng HH-43 Huskie đang giải cứu phi công của một chiếc máy bay F-105 Thunderchief bị bắn rụng, thì trực thăng của ông cũng bị bắn hạ xuống Hương Khê – Hà Tĩnh.
Ngày đó cô Nguyễn Thị Kim Lai 17 tuổi, trú ở xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh, chỉ cao 1,47 m, nặng 37 kg trong khi Robinson 22 tuổi cao tới 2,2 m và nặng 125 kg. Hình ảnh đó được nhiếp ảnh gia Phan Thoan (nguyên phóng viên Báo Hà Tĩnh) ghi lại.
Không lâu sau, o Lai đi học lớp y tá, rồi xung phong vào mặt trận B5, miền Tây Quảng Trị. Còn Ariam Robinson được chuyển ra Hà Nội.
Ông Robinson bị giam giữ tổng cộng 2.703 ngày, và mãi đến ngày 12/2/1973 mới được thả về nước. Ông là tù binh bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Năm 1967, bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam. Con tem này được gửi đi 167 nước, gồm cả Mỹ.
Ký ức về buổi sáng bắt phi công Mỹ
O du kích Nguyễn Thị Kim Lai ngày xưa giờ đã 70 tuổi, sống cùng con cháu tại ngôi nhà cấp bốn trong hẻm ở đường Xuân Diệu, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh). Là con út trong gia đình có 4 anh em ở xã Phú Phong (Hương Khê), năm 1965 khi học hết lớp 7, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, thiếu nữ Lai vào đội dân quân tự vệ của xã, tham gia trực chiến, đào hầm.
“Tất cả mọi người đều mang theo một ba lô, cây gậy, không ai nề hà khổ sở”, bà nhớ lại. Hà Tĩnh thời điểm đó liên tục bị máy bay Mỹ thả bom, gầm rú ngày đêm, nhiều tuyến đường huyết mạch qua đây bị chia cắt, làng mạc tiêu điều.
Sáng 20/9/1965, hàng chục máy bay Mỹ thả bom xuống cây cầu thuộc xã Lộc Yên, một chiếc bị trúng đạn bốc cháy, phi công nhảy dù xuống vùng núi Hương Khê. Nhận tín hiệu ứng cứu, ba trực thăng của Mỹ đến yểm trợ, song một chiếc bị quân dân Hà Tĩnh bắn hạ, bốc cháy. Ba phi công tiếp tục bung dù xuống núi.
Bà Lai kể, 9h hôm sau, khi đang cùng dân quân tìm kiếm phi công Mỹ tại cánh rừng ở xã Hương Trà, bà phát hiện ở hốc đá cách mình khoảng vài mét có tiếng động. Tiến lại gần, bà thấy một phi công đang ngồi co ro, vẻ sợ hãi. Sau ba phát súng chỉ thiên của nữ du kích, anh ta giơ tay đầu hàng.
Nghe tiếng súng, mọi người chạy đến khống chế, trói tay phi công. Vài ngày sau, những phi công còn lại cũng bị bắt.
“Lúc ấy tôi cao 1,5m, nặng 37kg. William Andrew Robinson cao 2,2m, nặng 120kg. Tôi là người phát hiện đầu tiên, cũng nhỏ nhất trong tiểu đội, nên mọi người đã để tôi cầm súng giải phi công Mỹ về huyện. Trên đường về, nhà báo Phan Thoan chụp lại khoảnh khắc này”, bà Lai nhớ lại.
“Nổi tiếng” nhờ tem thư
Sau sự kiện bắt sống phi công Mỹ, bà Lai chuyển vào chiến đấu ở Quảng Trị. Năm 1968, trong giờ nghỉ giải lao, người anh cùng tham gia chiến đấu đưa cho bà xem một tem thư. Nhận ra cô du kích trong tem là mình, bà Lai thốt lên “Ảnh này chụp em, anh đừng nói ra nhé, họ cười” và cất đi làm kỷ niệm.
Trong những lần trả lời truyền thông, nhà báo Phan Thoan kể, ngày đó ông là phóng viên chiến trường, được giao nhiệm vụ bám sát địa bàn huyện Hương Khê. Khi nhận tin dân quân bắt được giặc lái Mỹ, ông đạp xe hơn 10km, tới chụp bức ảnh trên. Bức ảnh sau đó được đăng trên nhiều tờ báo trong nước và quốc tế.
Ngày bức ảnh lên tem, bà Lai thành nổi tiếng. Nhiều đoàn công tác tìm tới nơi bà đang phục vụ chiến đấu để trò chuyện, phỏng vấn lấy tư liệu. Một số nhà báo nước ngoài do không tìm được bà Lai, cho rằng bức ảnh bị dàn dựng. Sau này khi có đài quốc tế làm phim về bà, họ mới tin.
Hai chuyện đời
Sau thời gian dài công tác trong quân ngũ, bà Lai đi học nghề y tá, năm 1977 về làm ở Viện Đông Y Hà Tĩnh, lập gia đình, sinh hai gái, một trai. Phi công William Andrew Robinson bị bắt làm tù binh, giam giữ 2.703 ngày, đến tháng 12/1973 được trả về nước.
Cựu nữ du kích cho hay, năm 1995, qua bức ảnh, cố đạo diễn Lê Mạnh Thích của Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đến gặp, ngỏ ý muốn bà hợp tác làm bộ phim Cuộc hội ngộ sau 30 năm, do hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) tài trợ. Phim có phân cảnh bà và Robinson gặp lại nhau. Bà Lai nhận lời.
Cuộc hội ngộ năm 1995
Vài tháng sau khi bấm máy, sáng một ngày tháng 9/1995, đang bế cháu ngồi chơi bên nhà hàng xóm, bà nghe tiếng gọi: “Bà Lai ơi, về đi, có người nước ngoài tới hỏi thăm”. Tất tả đi về, bà thấy người đàn ông cao lớn đứng ở cổng, sau phút định thần, bà thốt lên: “Anh Andrew Robinson”.
“Lúc gặp tôi, câu đầu tiên ông ấy nói là: ‘Cô vẫn chẳng lớn được bao nhiêu!’ Thật ra, lúc đó tôi nặng 43 kg nhưng ông ấy đã tăng lên 150 kg,” bà Lai cười, kể lại.
Sau những cái ôm mừng gặp mặt, cả bà Lai và Robinson chia sẻ, từ giây phút giáp mặt năm 1965, họ đã nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại. Trong câu chào hỏi đầu tiên, Robinson cười nói: “Cô cũng không lớn hơn hồi đó bao nhiêu”. Bà Lai đáp: “Này, vẫn trẻ khỏe như xưa nhỉ”.
Cuộc trùng phùng trong thời bình giữa 2 người đã từng đứng ở hai đầu chiến tuyến sẵn sàng xả súng vào nhau hóa ra cũng nhẹ nhõm như nụ cười họ dành cho nhau. “Lúc đó, Robinson mới cưới vợ, tôi cũng có chồng con, cuộc sống đã yên ổn. Quá khứ dù như thế nào thì vẫn mãi là quá khứ. Chúng tôi gặp lại nhau, nhắc lại chuyện xưa như những người đã quen thuộc và xem ngày tháng cũ là kỷ niệm”, bà Lai hồn hậu nói.
Bà Lai tâm sự với Robinson, từ khi “nổi tiếng bất đắc dĩ”, cuộc sống ít nhiều thay đổi. Ngày chồng đem lòng thầm thương trộm nhớ bà, sau này khi đã kết hôn, ông thường nói “ngày xưa tán cho hay, không nghĩ bà sẽ đồng ý, bởi bà quá nổi tiếng sợ không thích tôi”. Hai người sống hạnh phúc, con cái trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định. Năm 2008, chồng bà Lai mất.
Hồi tưởng lại những ngày tháng thời chiến, bà kể: ”Lúc ấy tôi mới vào dân quân, còn chưa thạo súng đạn nên hoàn toàn có thể bị viên phi công Mỹ bắn hạ. Thế nhưng, William Andrew Robinson đã không ra tay. Sau này gặp lại Robinson, tôi mới biết rằng lúc đó, ông không bóp cò vì nhìn thấy tôi, ông nhớ đến đứa em gái nhỏ ở quê nhà”. Sự lựa chọn của Robinson đã làm thay đổi cả hai cuộc đời.
“Nếu lúc ấy Robinson bắn tôi, tôi đã không còn sống đến hôm nay và có thể ngay sau đó, ông cũng bị quân ta tiêu diệt”, bà Lai cho biết.
Robinson kể, giai đoạn bị bắt ở Việt Nam thật khó khăn, có quá nhiều thứ ông không thể nhớ hết. Song khoảnh khắc được chuyển về một ngôi làng nhỏ ở Hương Khê, mọi người ân cần đưa thức ăn, đồ uống khiến ông rất cảm động.
“Tôi thật may mắn. Nếu như ngày đó, một trong hai người chĩa súng bắn về phía bên kia, tôi và bà sẽ không có ngày hôm nay”, ông Robinson nói với bà Lai trong cuộc gặp 23 năm trước.
Thấy bà Lai giới thiệu gia đình hạnh phúc, Robinson có chút ngậm ngùi. Do người vợ đầu qua đời vì ung thư, Robinson cưới vợ hai. Cả hai lần kết hôn, ông đều không có con. Ông xem hai con gái của người vợ sau như con đẻ.
“Ngày trở lại Mỹ, Robinson bị thất nghiệp sáu năm, sống trong căn nhà tập thể của hội cựu chiến binh. Ông ấy làm nghề sửa ôtô, vợ chồng phải chi tiêu tằn tiện để nuôi các con khôn lớn. Bên cạnh dáng người to cao của ông ấy là một ánh mắt sâu thẳm, khuôn mặt đượm buồn”, bà Lai kể.
Lần chia tay 23 năm trước, bà Lai tặng vợ Robinson một chiếc nón làm kỷ niệm, nhắn nhủ nếu có duyên sẽ có thêm một lần tái ngộ tại Việt Nam. Nay bà Lai tuổi đã thất thập, song vẫn muốn gặp lại người lính Mỹ năm xưa, muốn xem ông ấy già đến đâu, cuộc sống có gì thay đổi.
“Khi tâm sự về nỗi khổ, sự mất mát của chiến tranh, Robinson nói: ‘Chúng ta cùng cầu mong để không có bức ảnh này lần thứ hai’. Tôi đáp: ‘Tôi cũng vậy, không muốn thấy cảnh bom đạn, gia đình phải ly tán’,” bà Lai nhớ lại khoảnh khắc đối đáp cuối cùng với Robinson.
Hiện nay, William Andrew Robinson đang sống Florida, Mỹ. Nữ dân quân Nguyễn Thị Kim Lai giờ thành bà nội/ngoại hiện sống tại xã Hương Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/o-du-kich-nho-chuyen-doi-sau-buc-anh-3742326.html http://baoquocte.vn/dang-sau-buc-anh-noi-tieng-7836.html http://thoibao.today/paper/cuoc-hoi-ngo-sau-30-nam-giua-nu-dan-quan-va-nguoi-tu-binh-my-dac-biet-2527931
Thái độ tôn vinh nhân quyền, 16/10/1968
Trong bức ảnh này, hai vận động viên chạy nước rút của Mỹ Tommie Smith và John Carlos thể hiện thái độ tôn vinh nhân quyền. Tommy nhận huy vàng sau khi về nhất và lập kỷ lục thế giới mới ở cuộc đua 200 m tại Thế vận hội ở Mexico, còn Peter Norman của Úc về nhì và John Carlos về ba.
Sự kiện diễn ra trong nghi thức trao huy chương. Hai vận động viên người Mỹ không mang giày nhưng mang bít tất đen nhằm thể hiện cảnh nghèo khó của người da màu, riêng Smith quấn một chiếc khăn màu đen quanh cổ để thể hiện niềm hãnh diện của người da màu. Carlos để mở khóa kéo của áo khoác, tượng trưng cho sự đoàn kết với giai cấp công nhân ở Mỹ. Cả ba đều mang huy hiệu OPHR (Olympic Project for Human Rights – Dự án Olympic về Nhân quyền).
Ngay khi quốc thiều Mỹ vang lên, Smith và Carlos cúi gằm mặt, giơ một bàn tay mang găng đen lên cao và giữ tư thế này cho đến khi bản quốc thiều chấm dứt.
Smith sau này cho biết thái độ của hai vận động viên Mỹ thể hiện tôn vinh nhân quyền chứ không phải tôn vinh sức mạnh da màu (Black power salute) như một số cơ quan truyền thông đặt tên.
Diễn tiến tiếp theo
Smith và Carlos bị trục xuất khỏi làng Thế vận và bị loại khỏi đội vận động viên của Mỹ. Họ cũng nhận một số đe dọa về tính mạng.
Peter Norman trở về Úc và nhận nhiều chỉ trích, nhưng anh vẫn khăng khăng bày tỏ sự ủng hộ đối với người da màu. Carlos bày tỏ sự cảm thông trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu cả ba chúng tôi bị đánh đập thì Peter sẽ đối mặt với cả nước và gánh chịu một mình.” Carlos cho biết Norman cảm thấy “bị tổn thương không nguôi”.
Norman bị loại khỏi đoàn vận động viên Úc ở Thế vận hội Munich 1972 cho dù anh có thành tích đạt tiêu chuẩn tham dự.
Khi Peter qua đời vào tháng 10/2006 do bệnh tim, hưởng thọ 64 tuổi, Carlos và Smith đến lễ tang để tham gia khiêng quan tài của anh.
Dần dà, thái độ của dư luận đối với ba người tỏ ra thuận lợi. Đại học Bang San Jose, nơi Smith và Carlos từng theo học, dựng một tượng của hai người.
Năm 2012, Úc chính thức xin lỗi Norman, và một dân biểu phát biểu ở nghị trường rằng “thái độ của Norman thể hiện sự anh hùng và tính nhân văn nhằm thăng tiến ý thức về tình trạng bất công trong chủng tộc.”
https://en.wikipedia.org/wiki/1968_Olympics_Black_Power_salute https://www.thestar.com/news/insight/2016/08/07/the-forgotten-story-behind-the-black-power-photo-from-1968-olympics.html
Trái Đất mọc từ Mặt Trăng, 24-Dec-1968
Tất cả những gì bạn đã được học, nhìn thấy, hay trải nghiệm từ NASA đều là kết quả của giáo dục và tiếp cận công chúng. Bức ảnh dưới đây là gì?
Vào tháng 12/1968, ba phi hành gia trên tàu Apollo 8 của Mỹ trở thành những người đầu tiên chiêm ngưỡng cảnh tượng Trái Đất mọc lên từ đường chân trời của một thiên thể khác trong vũ trụ – đó là Mặt Trăng.
Bức ảnh được biết đến với cái tên Earthrise (Trái Đất mọc). Được chụp bởi phi hành gia Bill Anders của tàu Apollo 8, nó cho chúng ta thấy Trái Đất đặc biệt, quý giá và nhỏ bé, mong manh như thế nào. Anders, người chụp bức ảnh, từng nói: “Chúng tôi đã đi cả chặng đường dài để khám phá Mặt Trăng, và điều quan trọng nhất mà chúng tôi khám phá được chính là Trái Đất”.
Khi Sơ Mary Jucunda viết thư gửi tới NASA nhằm bảo họ ngưng lãng phí tiền của để khám phá vũ trụ khi trên Trái Đất còn quá nhiều người phải sống khổ cực, phó Giám đốc khoa học của NASA tại thời điểm đó, hồi âm một bức thư dài, kèm theo bức ảnh trên. Trong thư có viết:
“ Bức ảnh tôi đính kèm với lá thư này cho thấy một khung cảnh của Trái Đất chúng ta nhìn từ tàu Apollo 8 khi nó quay quanh Mặt Trăng vào Giáng sinh năm 1968. Trong số tất cả những kết quả tuyệt vời của chương trình này cho đến nay, bức ảnh này có lẽ là thứ quan trọng nhất. Nó khiến chúng ta mở rộng tầm mắt, thấy được Trái Đất là một nơi vô cùng đẹp đẽ và đặc biệt ở giữa khoảng không vô tận, và không còn nơi nào khác để chúng ta sinh sống ngoài lớp bề mặt mỏng của hành tinh chúng ta, bao quanh bởi sự trống rỗng của không gian. Chưa bao giờ có nhiều người đến như vậy nhận ra được thế giới của chúng ta giới hạn đến nhường nào, và sẽ thật nguy hiểm nếu như chúng ta làm xáo trộn sự cân bằng sinh thái của nó.
“ Kể từ khi hình ảnh này được công bố, tiếng nói đã trở nên lớn hơn, vang vọng hơn, cảnh báo về những vấn đề nghiêm trọng mà con người phải đối mặt trong thời đại của chúng ta: ô nhiễm, đói nghèo, đô thị hóa, sản xuất lương thực, quản lý nước, bùng nổ dân số. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta bắt đầu nhìn thấy những nhiệm vụ lớn lao đang chờ đón ở phía trước, thời điểm mà kỷ nguyên vũ trụ đã cho chúng ta thấy những cái nhìn đầu tiên về hành tinh của chúng ta.
“ May mắn thay, kỷ nguyên vũ trụ không chỉ đưa ra tấm gương để chúng ta nhìn lại chính mình, mà còn mang lại những công nghệ, thách thức, mục tiêu và thậm chí là cả sự lạc quan để tấn công những nhiệm vụ ấy một cách tràn đầy tự tin. Tôi tin rằng, những gì chúng ta có được từ chương trình không gian của chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những ý tưởng của Albert Schweitzer khi ông nói: ‘Tôi nhìn vào tương lai với sự quan ngại, nhưng có cả sự hi vọng nữa’.”
Giống như hàng triệu người khác, Jucunda bị tác động. Nhờ bức ảnh này, chúng ta có thể tự tin trả lời câu hỏi vì sao đầu tư vào khoa học lại quan trọng đến như vậy, dù vẫn còn rất nhiều người đang phải sống khổ cực trên thế giới. Đó là để các thế hệ tương lai không bao giờ phải trải qua những khổ cực, những đau khổ mà chúng ta đang phải chịu đựng ở thời điểm hiện tại nữa.
Apollo 8 là tàu vũ trụ có người lái đầu tiên vòng quanh Mặt Trăng. Phi hành đoàn gồm Frank Borman, James Lovell, William Anders. Cả ba người đều nhận định rằng, trong chuyến bay ấy, Trái Đất là thứ quan trọng nhất mà họ phát hiện.
Xem video của NASA: https://news.zing.vn/ngam-canh-trai-dat-moc-tu-mat-trang-post379448.html
Xử tử Đại úy biệt động, 1968
Trong cuốn sách The Vietnam War: A documentary reader do tác giả Edward Miller biên soạn, ấn hành năm 2016, có đề cập khá chi tiết việc Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu một chiến sĩ biệt động trên phố Sài Gòn.
Đoạn tư liệu mô tả cuộc hành quyết như sau:
“ 01-2-1968 là ngày thứ 2 diễn ra chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Vào buổi sáng hôm ấy, nhiếp ảnh gia của Associated Press (AP) Eddie Adams tới Chợ Lớn để kiểm tra các báo cáo về vụ đụng độ giữa lính Việt Nam Cộng hòa và các chiến sĩ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
“ Không lâu sau khi đến hiện trường gần khu vực Chùa Ấn Quang, Chợ Lớn, Adams thấy một nhóm lính Việt Nam Cộng hòa đang áp tải một tù binh người Việt bị còng tay dưới lòng đường. Adams bắt đầu chụp ảnh. Khi Adams đang chụp ảnh, một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa xuất hiện, tiếp cận người tù binh và rút ra khẩu súng ngắn.
“ Adams khi đó không biết viên sĩ quan kia là ai và cho rằng ông ta chỉ muốn đe dọa người tù binh, điều mà phóng viên ảnh của AP chứng kiến rất nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, viên sĩ quan chĩa thẳng súng vào đầu người tù binh, nổ một phát đạn và giết anh ta ngay tại chỗ.
“ Rất tình cờ, Adams bấm nút chụp ảnh đúng lúc viên sĩ quan bóp cò. Bức ảnh cho thấy sự lạnh lùng của viên sĩ quan cũng như khuôn mặt nhăn nhó của người tù binh khi cái chết ập đến.
“ Khi người tù binh đổ rạp xuống đường, viên sĩ quan quay lại rồi nói bằng tiếng Anh với Adams: ‘Người này giết rất nhiều lính của chúng tôi cũng như nhiều người của các anh’. Sau đó viên sĩ quan thản nhiên quay người bỏ đi.
“ Người nổ súng là Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Tổng nha Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa. Người đàn ông bị giết là Đại úy Biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp).
“ Sau khi tấm ảnh gây choáng váng của Adams xuất hiện ở các tờ báo trên toàn thế giới, Nguyễn Ngọc Loan và những người ủng hộ ông này cố gắng bào chữa cho vụ xử tử này, khẳng định Nguyễn Văn Lém là sát thủ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và đã hạ sát nhiều sĩ quan cảnh sát Việt Nam Cộng hòa cũng như gia đình họ.
“ Thế nhưng không một ai, kể cả tướng Loan, có thể đưa ra bằng chứng cho thấy Nguyễn Văn Lém hạ sát một người nào cụ thể.”
Diễn tiến theo sau
Vào trưa 29/4/1975, tướng Loan và gia đình leo lên được một vận tải cơ C-130 và tới Utapao (Thái Lan).
Năm 1976, hai dân biểu của đảng Dân chủ Mỹ là bà Elizabeth Holtzman và ông Harold Sawer thay mặt “người đàn ông bị Loan hạ sát trên đường phố” kiện Loan như một tội phạm chiến tranh và yêu cầu trục xuất Loan ra khỏi nước Mỹ. Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ cũng đồng quan điểm, yêu cầu trục xuất Loan về Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin cho rằng vì Mỹ không muốn khơi lại vết nhơ họ từng can dự nên đích thân Tổng Thống Jimmy Carter can thiệp và quyết định cho phép Loan được ở lại định cư. Gia đình Loan đến lập nghiệp ở thành phố Springfield, Tiểu bang Virginia (Mỹ) và mở một tiệm bán pizza mang tên Pháp là “Les Trois Continents” (có nghĩa: Ba Lục địa).
Đến năm 1991, nhiều người dân địa phương phát hiện ra Loan là người bắn vào đầu tù binh bị trói trong bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn” nên họ phản đối Loan bằng cách đi vòng quanh khu đó và hò hét ầm ĩ. Thậm chí, có người còn vào nhà vệ sinh của tiệm và viết lên tường câu “We know who you are” (Chúng tôi biết ông là ai).
Bức ảnh gây chấn động tâm lý “dội ngược” lại Eddie Adams. Khi thấy tướng Loan bị kỳ thị xua đuổi và cuộc đời lao dốc vì tấm ảnh, Adams bắt đầu trở nên dằn vặt. Adams đến quán Pizza của tướng Loan để xin lỗi, và tướng Loan trả lời đại ý “Tôi làm việc của tôi, ông chỉ làm việc của ông thôi, nếu không phải ông thì hẳn cũng có người khác chụp thôi”. Nhưng điều đó cũng không giúp được gì mà còn làm Adams mặc cảm tội lỗi hơn.
“2 người bị giết trong bức ảnh đó… Tướng Loan giết người tù binh bằng súng, còn tôi giết ông ta bằng máy ảnh”, Adams than thở trên tờ Time. “Những bức ảnh tĩnh vẫn là thứ vũ khí đáng sợ nhất… Nhưng nhiều khi, nó chỉ nói lên một nửa sự thật”.
Adams cho rằng nửa sự thật còn lại mà người xem không thấy được là những gì người tù binh đã làm trước khi bị bắt (được phía VNCH và một số nhà báo nước ngoài cho là giết nhiều người một cách dã man) và sự tàn khốc của chiến tranh nói chung từ cả 2 phía. Những tình huống như vậy vẫn thường xảy ra, chỉ có điều có bị ghi hình lại hay không mà thôi. Adams cho rằng cần phải đặt mình vào vị trí tướng Loan mới hiểu tại sao ông đã làm vậy.
Khi tướng Loan mất, Adams gửi hoa viếng, gọi ông là anh hùng.
Diễn tiến gần đây
Đại tá Nguyễn Từ Huấn, thuộc Hải quân Hoa Kỳ, vào ngày 10/10/2019 được chính thức thăng lên phó đề đốc (rear admiral). Ông Nguyễn Từ Huấn là vị tướng gốc Việt đầu tiên trong Hải quân Hoa Kỳ.
Ông Huấn xác nhận bố ông là Trung tá Nguyễn Tuấn (được truy thăng đại tá) thuộc binh chủng Thiết giáp của VNCH, mẹ ông tên Từ Thị Như Tùng. Cả bố mẹ và 5 anh em của ông Tuấn (có tin cho rằng gồm cả bà mẹ 80 tuổi của ông Tuấn) bị sát hại trong Trại Phù Đổng trong biến cố Tết Mậu Thân 1968. Bố ông bị chặt đầu, mẹ ông và sáu anh em ông kể cả em trai 2 tuổi bị bắn bằng tiểu liên, chỉ có ông may mắn thoát chết tuy bị thương nặng. Lúc đó ông được 10 tuổi.
Đại úy Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp hay Lê Công Nà – bị cho là chỉ huy vụ thảm sát đó và nhiều vụ thảm sát khác ở Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân. Chuyện kể rằng trước đó Nguyễn Văn Lém đòi hỏi ông Tuấn chỉ dẫn cách sử dụng xe tăng của Binh chủng Thiết giáp VNCH còn lại trong trại, nhưng ông Tuấn từ chối.
https://vtc.vn/so-phan-sat-nhan-nguyen-ngoc-loan-ra-sao-sau-khi-hanh-quyet-chien-sy-biet-dong-tren-pho-sai-gon-d379402.html
https://vtc.vn/buc-anh-gay-soc-hanh-quyet-tai-sai-gon-sat-nhan-nguyen-ngoc-loan-nhan-gi-cho-vo-chien-sy-biet-dong-bi-ban-d366213.html
http://www.mangcut.vn/4-buc-anh/2.html
https://www.voatiengviet.com/a/sau-51-nam-dua-tre-mo-coi-thanh-cong/4950276.html
https://nghiepdoanbaochi.org/2019/06/07/nguyen-tu-huan-em-be-thoat-khoi-sat-thu-bay-lop-sap-tro-thanh-pho-de-doc-hai-quan-hoa-ky/
Con người trên Mặt Trăng, 1969
Vào ngày 20-7-1969, phi hành đoàn sứ mệnh Apollo 11 đặt chân lên Mặt Trăng, chính thức đánh dấu lần đầu tiên con người chinh phục một thiên thể khác bên ngoài Trái Đất.
Sứ mệnh Apollo 11 được lên ý tưởng từ lời kêu gọi của Tổng thống John Kennedy trong một phiên họp của Quốc hội vào ngày 25-5-1961. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đang trong giai đoạn chiến tranh lạnh với Liên Xô, cả hai cường quốc chạy đua với nhau về nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ vũ trụ. Tổng thống Mỹ mong muốn thực hiện một chuyến đi đưa con người lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn.
Sự kiện Apollo 11 đổ bộ lên Mặt Trăng được hơn 600 triệu người theo dõi trên khắp thế giới qua sóng truyền hình trực tiếp, trong đó có miền nam Việt Nam. Ngày 16-7-1969, Apollo 11 được phóng lên vũ trụ bởi tên lửa đẩy Saturn V từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, đưa ba phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin cùng Michael Collins đến nơi thực hiện giấc mơ chinh phục Mặt Trăng.
Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên bề mặt của Mặt Trăng. Trong những bước đi đầu tiên, ông nói lên câu nói bất hủ: “That’s one small step for a man, one giant leap for mankind.” (Đó là một bước chân nhỏ của một người, nhưng là một bước tiến lớn của nhân loại).
Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng 19 phút sau đó. Ông không phiền hà vì mình là người thứ hai trên Mặt Trăng, bởi ông đi vào lịch sử bằng cách khác. Do Armstrong cầm chiếc máy ảnh Hasselblad, ông này chụp tất cả các bức ảnh – có nghĩa là người duy nhất có ảnh truyền về Trái Đất một cách rõ nét lại là người thứ hai. Armstrong chỉ được phản chiếu trên mặt kính mũ bảo vệ của Aldrin.
Bức ảnh không có chủ ý phô trương người anh hùng lại là bức ảnh có ý nghĩa nhất: Hình ảnh đầu tiên về sự hiện diện của con người trên Mặt Trăng.
http://100photos.time.com/photos/neil-armstrong-nasa-man-on-moon
Em bé napalm, 1972
Sự kiện diễn ra vào tháng 6/1972, tại một ngôi làng nhỏ ở Trảng Bàng, Tây Ninh, cách Sài Gòn 40 cây số về phía Tây Bắc. Đây là ngôi làng chiến lược nơi con đường huyết mạch nối Sài Gòn và Phnom Penh chạy qua, vì thế là địa điểm tranh giành quyền kiểm soát ác liệt giữa quân lực VNCH và quân Giải phóng. Ba ngày trước, gia đình cô bé Kim Phúc đã đến lánh tại một thánh thất Cao Đài để tránh các cuộc giao tranh khốc liệt.
Hôm đó, ngày 8/6, khi nghe tiếng máy bay của VNCH gầm rú trên bầu trời, sợ rằng ngôi thánh thất sẽ bị đánh bom, Kim Phúc cùng những người ẩn náu trong đó vội bỏ chạy ra ngoài. Vừa lúc đó, một máy bay sà xuống thả 4 trái bom Napalm vào đám người đang bỏ chạy. Lửa bùng lên ở khắp nơi. Hai em bé tử nạn. Những đứa trẻ còn lại, đau đớn vì bom cháy, vừa chạy vừa kêu khóc dọc theo quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22) về phía Sài Gòn.
Lúc đó, một số phóng viên báo và truyền hình nước ngoài cùng có mặt và tác nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có một bức ảnh được lựa chọn để đi vào lịch sử. Bức ảnh của Nick Út, phóng viên chiến trường khi đó mới 21 tuổi, sau này trở thành một trong những bức ảnh chiến tranh có sức ảnh hưởng nhất thế kỉ 20.
Trong ảnh Em bé napalm, cô bé Kim Phúc cùng một số trẻ em Việt Nam vừa khóc vừa chạy sau khi bom napalm dội xuống. Kim Phúc là cô bé trần truồng chạy giữa bức ảnh. Sức nóng khủng khiếp của bom Napal đã khiến cô bé phải xé sạch phần quần áo còn lại cho đỡ nóng, vừa chạy vừa la “nóng quá! nóng quá!”. Bên trái là người anh trai của Phúc, bị mất một mắt trong vụ này. Xung quanh là các anh chị em họ hàng. Những người lính VNCH đi lững thững phía sau. Cách đó không xa chỉ thấy bom đạn mịt mùng.
Napalm là thứ bom độc ác. Khi nổ, chất lỏng dạng gel bắn ra, bám chặt và đốt cháy bất cứ thứ gì nó dính vào, với sức nóng khủng khiếp từ 800~1200 độ C (để tiện so sánh, nước sôi ở 100 độ còn dầu ăn sôi ở khoảng 300 độ C). Những người chứng kiến kể lại khi đó từng mảng da của Phúc bị tróc ra. Các phóng viên cho cô uống nước và dùng một số chai nước khác đổ lên người. Sau đó, Nick Út đưa bọn trẻ đến một bệnh viện ở Củ Chi. “Chắc em chết mất”, Phúc lặp đi lặp lại với anh trai. Cô bé ngất đi dọc đường.
Sức ảnh hưởng của bức ảnh
Ban đầu, hãng thông tấn AP, nơi Nick Út làm việc, ngần ngại phát hành bức ảnh, vì hình cô bé khỏa thân. Nhưng Horst Faas, người đứng đầu bộ phận biên tập ảnh, nhìn ra tầm quan trọng của bức ảnh và kiên quyết phát hành nó. Ngay sau đó, bức ảnh lên trang nhất The New York Times và nhiều tờ báo khắp thế giới, tạo ra một cơn sóng thần mới. Nó ngay lập tức trở thành biểu tượng cho phong trào phản chiến và thúc đẩy Mỹ gấp rút điều đình để rút quân. Chín tháng sau, hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ rút toàn bộ khỏi miền Nam Việt Nam, mà hệ quả không thể tránh khỏi là sự sụp đổ của Sài Gòn 2 năm sau đó.
Khi nhìn thấy bức ảnh, tổng tống Nixon không tin nó là ảnh thực và hỏi “Liệu có phải nó đã được cắt ghép”. “Có thể” – người cố vấn của ông trả lời. Trên thực tế, các bức ảnh và thước phim thực địa đã chứng mình đây hoàn toàn là bức ảnh thật.
Khó có thể kết luận việc Mỹ rút quân là hoàn toàn do những bức ảnh, nhưng không thể phủ nhận sức ép to lớn của các bức ảnh này gây ra chính trong lòng nước Mỹ. Cho tới nay, nhiều cựu chiến binh Mỹ vẫn biện minh họ không phải thua trong các cánh rừng rậm Đông Nam Á, mà thua ở chính quê nhà.
Anh trai của Nick Út cũng là một phóng viên hãng thông tấn AP đã chết trên chiến trường. Nick Út kể lại “Anh trai tôi nhiều năm trước luôn nói ‘Anh muốn chấm dứt cuộc chiến này, anh ghét chiến tranh. Một ngày anh mong em sẽ chụp được một bức ảnh để chấm dứt cuộc chiến’. Khi tôi chụp được tấm ảnh Kim Phúc chạy, tấm ảnh đó đã chấm dứt cuộc chiến”.
Cuộc đời Kim Phúc
Với vết bỏng độ 3 bao phủ hơn nửa cơ thể, chỉ có may mắn mới giúp cô bé sống sót. Sau 14 tháng chữa trị với 17 cuộc phẫu thuật, cô bé được ra viện và trở về ngôi làng nhỏ. Cũng may là Kim Phúc không bị bỏng ở mặt, nên khi mặc quần áo vào thì không ai nhìn thấy. Dẫu vậy, cô bé vẫn mang trong mình nỗi mặc cảm xấu xí tật nguyền. Thêm vào đó là các vết bỏng vẫn liên tục đau nhức hành hạ, và những chấn động tâm thần vẫn không ngừng dày vò, tác động đến tâm lý cô bé mới hơn 10 tuổi. Nhưng rồi cuộc sống cứ thế trôi. Những năm tháng nằm viện khiến cô bé mơ ước thành bác sỹ. Sau này, cô thi đậu vào một trường y và chuyển vào học ở TP HCM.
Năm 1982, cô cải đạo từ Cao Đài sang Công giáo. Sau này kể lại, Kim Phúc cho rằng đó là một ngả rẽ quan trọng của đời mình. Chúa dạy cô cách tha thứ và rời bỏ hận thù, bài học khó nhất mà cô dần dần học được.
Nhưng cuộc đời không để cho cô sống bình lặng như thế. Cùng năm đó, một kí giả người Đức qua Việt Nam để tìm kiếm “cô bé trong bức hình”. Ông đã tìm thấy và viết một bài báo về cô. Cũng từ đó, các cơ quan báo đài trong nước bắt đầu tìm đến Kim Phúc. Cô trở thành biểu tượng tuyên truyền về “tội ác Đế quốc Mỹ”. Liên tục các buổi phỏng vấn, phóng sự, quay phim tài liệu làm cô gái quá chán ngán. Cô phải nghỉ học.
Năm 1986, Kim Phúc được cử đi học dược ở Cuba. Tại đây cô gặp du học sinh Bùi Duy Toàn. Năm 1992, họ làm đám cưới, rồi xin nhập cư vào Canada. Với sự giúp đỡ của người dân bản địa, đôi vợ chồng trẻ dần ổn định cuộc sống.
Năm 1996, vào Ngày cựu chiến binh, cô được mời đến nói chuyện trước hàng nghìn cựu chiến binh Mỹ tại Bức tường tưởng niệm Chiến tranh Việt nam, Washington DC. Tại đây, cô kể lại câu chuyện đời mình, kể về những trải nghiệm, và bày tỏ mong muốn khép lại quá khứ để cùng xây dựng một tương lai hòa bình. Sau đó, cô thành lập Quỹ Kim với mục tiêu giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của các cuộc xung đột. “Cô bé trong bức ảnh” – cuốn tiểu sử về Kim Phúc của Denise Chong viết năm 1999 – được lựa chọn vào vòng trong một giải thưởng văn học ở Canada.
Ai đã ra lệnh ném bom? Cũng trong Ngày cựu chiến binh 1996 hôm đó, một cựu chiến binh Mỹ, ông John Plummer, xin gặp Kim Phúc, tự thú trong nước mắt rằng mình chính là người đã ra lệnh cho các phi công VNCH ném bom, đồng thời xin được tha thứ. Điều này đã làm bùng lên cơn giận của nhiều cựu chiến binh Mỹ khác, vốn luôn cho rằng trận chiến hôm đó là giữa những người Việt Nam, Mỹ không liên quan gì. Họ khẳng định Plummer khi đó chỉ là một sĩ quan cấp thấp, hoàn toàn không có quyền ra lệnh những việc như thế. Sau đó, Plummer làm rõ rằng việc của ông khi đó là chuyển tiếp các thông tin từ một cố vấn Mỹ tại chiến trường tới một quan chức Mỹ khác, vị quan chức này chuyển thông tin tới quan chức VNCH, còn việc quyết định thả bom là của VNCH. Và rằng việc ông cảm thấy tội lỗi và xin tha thứ là sự thật chứ không phải “diễn” để nổi tiếng.
Trong ấn bản của New Statesman, nhiếp ảnh gia Nick Ut trò chuyện với độc giả về bức ảnh và tình bạn với Kim Phúc, người vẫn hay gọi ông là “ông già” hay “chú”. Kim Phúc hiện là công dân Canada, là người mẹ, và Đại sứ Thiện chí của Liên Hiệp Quốc.
Bà từng đọc một bài luận dài trên kênh phát thanh quốc gia ở đây vào năm 2008 có tên Đường dài tới sự tha thứ: “Tha thứ giúp tôi quên đi lòng thù hận. Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể và mỗi ngày vẫn đau đớn vô cùng song trái tim tôi đã được thanh tịnh. Bom napalm công phá mạnh mẽ song lòng tin, sự tha thứ và tình yêu còn lớn hơn thế. Chúng ta sẽ chẳng có chiến tranh nếu mọi người đều có thể học cách sống với tình yêu chân thành, hy vọng và sự tha thứ”.
Nick Ut nghỉ hưu từ tháng 3/2017 sau khi làm việc cho Associated Press trong 51 năm.
Ảnh tin tức ấn tượng nhất 50 năm
Vào tháng 10/2019, bức ảnh Em bé Napalm đứng đầu trong cuộc bình chọn ảnh tin tức ấn tượng nhất 50 năm của kênh truyền hình History. Cuộc bình chọn được kênh History tổ chức nhân dịp ra mắt series chương trình “Những bức ảnh làm thay đổi thế giới”, và cũng là để thăm dò phản ứng của khán giả khi xem những bức ảnh này.
http://www.mangcut.vn/4-buc-anh/3.html
https://www.nbcnews.com/news/asian-america/nick-ut-photographer-behind-napalm-girl-picture-announces-march-retirement-n636086
Niềm vui vỡ òa, 1973
Sau khi ký kết Hiệp định Paris tháng 1/1973, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam đồng thời với chiến dịch trao trả các tù binh Mỹ. Từ tháng 2/1973, Mỹ tổ chức chiến dịch “Về nhà”, điều 54 chuyến bay tới Hà Nội để đưa công dân về nước.
Tấm ảnh Niềm vui vỡ òa (Burst of joy) được Slava “Sal” Veder, phóng viên ảnh hãng AP, chụp ngày 13/3/1973. Trong ảnh, trung tá Robert L. Stirm đoàn tụ với gia đình tại căn cứ không quân Travis, hạt Solano, bang California, Mỹ. “Bạn có thể cảm thấy sinh lực và cảm xúc dâng trào trong tấm ảnh”, Veder nói. Hôm đó có 20 tù binh trở về, và khoảng 400 người thân ra đón. Veder nhanh tay bấm máy và chọn 6 tấm đem rửa. Ông chọn ra tấm thích nhất, đặt tên là Niềm vui vỡ òa rồi gửi tới tòa soạn AP.
Trung tâm của bức ảnh là cô bé Lorrie, 15 tuổi, con gái của Stirm, dang rộng vòng tay, khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, đón bố trở về. Phía sau là những thành viên khác trong gia đình, hân hoan chào đón. “Tôi chỉ muốn đến chỗ bố nhanh nhất có thể. Chúng tôi không ngờ có ngày bố được về nhà. Giây phút đó, những lời nguyện cầu của chúng tôi đã trở thành sự thật,” Lorrie nhớ lại.
Còn trung tá Stirm, đứng quay lưng lại ống kính, như một hình ảnh vô danh, đại diện cho tất cả binh lính Mỹ được trở về quê hương. Tấm hình đem lại giải Pulitzer, giải thưởng danh giá của Mỹ trong lĩnh vực báo chí và văn học, cho Veder năm 1974.
Stirm sinh năm 1933 tại San Francisco, California, năm 1954 gia nhập Không quân Mỹ. Tháng 10/1967, trong chiến dịch ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất của Mỹ, máy bay Stirm điều khiển bị bắn rơi ở gần một cầu đường sắt phía đông Hà Nội, gần ga Yên Viên. Stirm bị bắt. Trong thời gian ở trại giam Hỏa Lò, ông và John McCain, người hiện tại là thượng nghị sĩ Mỹ, ở chung phòng.
Hơn 40 năm sau khi gia đình Stirm đoàn tụ, Niềm vui vỡ òa vẫn tiếp tục xuất hiện trong vô số sách báo, tuyển tập và triển lãm. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui đoàn tụ, còn ẩn chứa nỗi buồn ly tán. Ba ngày trước khi trở về căn cứ Travis, Stirm nhận được thư vợ, nói bà muốn ly hôn. Stirm và vợ, bà Loretta, kết hôn năm 1955 và có 4 người con. Một năm sau khi về nước, hai người ly hôn. Bà Loretta được quyền nuôi hai đứa con nhỏ, ngôi nhà, xe ô tô, 40% lương hưu tương lai của chồng. Ngoài ra, vợ ông đã tiêu hết 140.000 USD trợ cấp của chồng trong 5 năm ông là tù binh, và chỉ trả lại 1.500 USD tiền chi cho chuyến du lịch với người đàn ông khác.
Stirm kiện vợ ra tòa nhưng thất bại. Ông phải trả bà 300 USD mỗi tháng trợ cấp nuôi con. Vợ ông tái hôn năm 1974 và chuyển đến Texas sống. Còn ông phải sống với mẹ ở San Francisco và chăm sóc hai con lớn.
Stirm giải ngũ năm 1977 với quân hàm đại tá và chuyển sang làm phi công cho một công ty tư nhân, ông tái hôn rồi lại ly hôn. Năm 2005, ở tuổi 72 tuổi, Stirm nghỉ hưu và chuyển đến sống ở thành phố Foster, California.
https://baomoi.com/chuyen-buon-phia-sau-2-buc-anh-noi-tieng-ve-chien-tranh-viet-nam/c/16433440.epi
https://rarehistoricalphotos.com/burst-joy/
Tháo chạy khỏi Sài Gòn, 30/4/1975
Sài Gòn những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Gần 15 vạn quân giải phóng từ khắp các ngả đường đang rầm rập áp sát thành phố.
Trước đó, Mỹ đã bắt đầu di tản dần công dân nước mình ra khỏi Sài Gòn. Tuy nhiên, khi quân giải phóng đã ngấp nghé ngoài cửa, vẫn còn hàng ngàn người Mỹ kẹt lại trong thành phố. Đấy là còn chưa kể gia đình, vợ con, và cả bồ bịch ở Việt Nam của họ. Rồi đám đồng minh của Mỹ, cả cánh phóng viên. Còn rất nhiều người Việt làm việc cho Mỹ hoặc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), và cả những kẻ mua giấy tờ để được ra đi. Nếu di tản hết thì phải lên đến cả trăm ngàn con người.
Sáng sớm ngày 29/4, đích thân đại sứ Mỹ ra sân bay giữa tiếng nổ ùng oàng của của đạn pháo để chắc chắn rằng không thể di tản bằng đường hàng không được nữa. Tới 10h48, khi không còn có thể chần chừ thêm được nữa, ông liên lạc về Mỹ xin khởi động Chiến dịch Gió lốc. Chỉ 3 phút sau, đề nghị nhanh chóng được chấp thuận. Giai điệu bài hát White Christmas vang lên trên sóng phát thanh. Cuộc di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử loài người chính thức bắt đầu.
Thế nhưng, chẳng mấy chốc, mọi việc trở nên hỗn loạn. Số người muốn di tản quá nhiều, đến mức mà các chuyến xe bus và trực thăng chỉ như muối bỏ biển. Cái “hiệu lệnh bí mật” là bài hát White Chrismas kia được rỉ tai nhau đến mức dường như cả thành phố đều biết. Người ta đổ dồn đến các điểm chờ xe bus, các tòa nhà cao tầng nơi có điểm đỗ trực thăng, các bến tàu trên sông Sài Gòn, và đặc biệt là bủa vây tòa đại sứ, hòng mong chen lấn được một chỗ để ra đi.
Trên các nóc nhà
Air America, hãng hàng không dân sự thuộc sở hữu bí mật của CIA, được giao nhiệm vụ đón người di tản tụ tập trên các nóc nhà khắp thành phố. Phi công Tony Coalson vẫn còn nhớ như in: “Có quá nhiều nóc nhà và chúng tôi thực sự không biết cái nào ra cái nào. Chúng tôi chỉ còn biết chọn bừa 1 cái và đáp xuống.”
Nhiều quan chức và sĩ quan của VNCH, dù liên lạc và được trưởng chi nhánh CIA Tom Polgar tìm cách bố trí, cũng không thể chen chân giữa biển người bao quanh tòa đại sứ Mỹ. Trong số đó có cả phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn và con trai ông – một bác sỹ nhi khoa trẻ tuổi. Sau một hồi lòng vòng vô vọng giữa các điểm tập kết đông đặc, liên tục khản cổ gọi điện cho các nhân viên CIA, cuối cùng ông được chỉ điểm đến tòa nhà Pittman, số 22 Gia Long, nơi trước đó không được dự kiến là điểm đỗ trực thăng. Phi công Bob Caron của Air America được giao nhiệm vụ đi đón “ngài phó thủ tướng và gia đình”. Khi hạ cánh xuống nóc thang máy tòa nhà 6 tầng này, vẫn giữ quạt quay để trực thăng không đè nặng xuống nền vốn không được thiết kế để chịu lực lớn, nhìn qua cửa máy bay viên phi công la lên khi thấy phải đến 50 người đang leo lên thang. “Sao cái ông phó thủ tướng này có cái gia đình khủng vậy?!”
Ảnh: Đám đông tranh nhau lên trực thăng trên nóc tòa nhà Pittman, số 22 Gia Long, nơi trước đó không được dự kiến là điểm đỗ trực thăng.
Không ai trong số những người trên nóc tòa nhà Pittman hôm đó biết mình là nhân vật của một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất thời đại.
Phóng viên ảnh người Hà Lan Hubert Van Es, tác giả bức ảnh, hồi tường trên tờ The New York Times:
“ Vào khoảng 2:30 chiều, khi tôi đang làm việc trong phòng tối, đột nhiên nghe Bert Okuley hét lên ‘Van Es, ra đây mau, có chiếc trực thăng trên nóc nhà kia!’ Tôi vớ vội chiếc máy ảnh và cái ống kính dài nhất trong phòng – nó chỉ là cái ống kính 300mm nhưng không còn cái nào hơn – và nhào ra ban công.
“ Nhìn sang tòa nhà Pittman, có khoảng 20 đến 30 người trên nóc đang trèo thang về phía chiếc trực thăng Huey của Air America. Ở phía trên, một người Mỹ trong bộ đồ dân sự, kéo từng người lên và đẩy họ vào trong trực thăng. Tất nhiên, không có cách nào nhồi nhét hết từng ấy người, vì thế máy bay cất cánh với khoảng 12 hoặc 14 người trên boong (số chỗ quy định của loại máy bay này chỉ là 8). Những người còn lại trên nóc đợi thêm hàng tiếng, hy vọng có chuyến trực thăng khác tới. Nhưng chẳng còn chuyến nào.”
Người đứng trên nóc và kéo những người khác lên là nhân viên CIA Oren B. Harnage. Do đây là trực thăng “đi đón gia đình phó thủ tướng” nên mới có người hỗ trợ như vậy. Rất nhiều phi công khác trong cái ngày lịch sử đó phải bay mà không có cả lái phụ. Việc “đón khách” khi đó thật không dễ dàng, vì họ không được rời buồng lái. Phi công Coalson, người đã bay một mình liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ hôm đó kể lại “bạn phải để ý cánh quạt phía sau, phòng trường hợp có ai đó không biết chẳng may đi vào”. Khó nhất là khi cất cánh, vì luồng người vẫn trèo lên trực thằng không ngừng nghỉ. “Bạn phải bay lên thật từ từ chậm rãi, và dòng người sẽ nhận ra và tự ngắt”.
Cũng có những người vẫn cố bám lấy càng máy bay dù biết nó đang cất cánh, và phi công chỉ còn cách lắc trực thăng cho đến khi họ buông ra.
Cứ như vậy, các phi công bay đi bay lại liên tục không nghỉ trong tình trạng đói mệt và căng thẳng tột cùng.
Trời tối dần, bắt đầu có mưa và sấm chớp, tầm nhìn giảm, các nóc nhà thì tối thui. Ở phía dưới, thỉnh thoảng súng lại nổ đì đùng.
Tới 9 giờ tối thì các chuyến bay đón người từ các nóc nhà dừng lại. Từ sau đó, việc di tản chỉ còn tập trung ở tòa đại sứ, nằm cách tòa nhà Pittman vài khu phố.
Tuy nhiên, không ai biết phó thủ tưởng Trần Văn Đôn có mặt đúng trên chuyến bay trong ảnh hay không. Theo các câu chuyện về điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người đã giúp trùm mật vụ Sài Gòn Trần Kim Tuyến di tản cũng ở tòa nhà Pittman cùng chuyến trực thăng với ông Đôn, thì có vẻ chuyến đó vào lúc chập tối. Trong khi bức ảnh nổi tiếng lại được tác giả kể là chụp vào 2h30 chiều (và theo ông đó là chuyến cuối cùng ở tòa Pittman). Thực ra, theo tài liệu của Air America, còn 2 chuyến cuối của phi công R.W. Hitchman thực hiện vào chập tối, ở tòa nhà gần tòa đại sứ, có lẽ chính là tòa Pittman. Có thể, ông Đôn đã lỡ chuyến bay hồi chiều và đã lên chuyến chập tối đó.
Trong một thời gian dài, tác giả bức ảnh Hubert van Es luôn bứt rứt và tìm cách cải chính thông tin về tấm hình. Ông khẳng định đã đặt tiêu đề rất rõ ràng là chụp ở nóc “một tòa nhà trong thành phố” nhưng các báo đều cố tình sửa thành “những người Mỹ chen nhau lên chuyến bay cuối cùng trên nóc Tòa Đại Sứ để rời khỏi Việt Nam”. Sự thực thì đó không phải là tòa đại sứ mà là tòa nhà Pittman ở số 22 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), nơi ở của phó chi nhánh CIA. Những người chen lên máy bay cũng phần lớn là người Việt. Còn chuyến trực thăng cuối cùng rời tòa đại sứ những 17 tiếng sau đó.
Dù sao thì điều đó cũng không quá quan trọng, có lẽ số phận của bức ảnh là được lựa chọn để trở thành biểu tượng. Ngày nay, mỗi khi Mỹ phải rút quân khỏi đâu đó, như Iraq chẳng hạn, các tờ báo châm biếm lại vẽ lại bức ảnh này với những bình luận đầy mỉa mai.
Hubert Van Es mất năm 2009 tại Hồng Kông. Khi đó ông 67 tuổi.
http://www.mangcut.vn/4-buc-anh/4.html
Em bé đang chết đói và nhà truyền giáo, 1980
Đôi khi nhiếp ảnh gia chỉ cần một bức ảnh làm thay đổi cả cuộc đời: một khoảnh khắc bắt kịp đủ để đưa tên tuổi của họ lên tầm thế giới. Tuy nhiên, đôi khi để có một tác phẩm ghi dấu ấn lịch sử, nhiếp ảnh gia phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều, thậm chí là cả những cái chết treo lơ lửng trên đầu hoặc cả phần đời còn lại sống trong dằn vặt.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện khác nhau nhưng nhiều nhiếp ảnh gia đều có chung một kết cục với tác phẩm để đời của mình. Mike Wells, nhiếp ảnh gia người Anh, không phải là ngoại lệ khi ông phải sống cả phần đời còn lại trong xấu hổ sau bức ảnh bàn tay em bé Uganda trong tay một người da trắng được giải thưởng ảnh báo chí thế giới.
Tháng 4 năm 1980, nhiếp ảnh gia Mike Wells đến Uganda đúng vào thời điểm nạn đói đang hoành hành tại quốc gia này. Uganda được coi là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nơi nền văn minh hiện đại vẫn chưa chạm ngõ cuộc sống người dân. Chắc chắn không một người dân Uganda nào có thể quên được nạn đói năm 1980 khi hơn 21% dân số nước này chết vì đói và đến 60% trẻ sơ sinh tử vong. Đây được đánh giá là nạn đói thảm khốc nhất trong lịch sử.
Mike Wells chụp được bức hình để đời, đưa tên tuổi của ông đến tầm cỡ thế giới. Bức ảnh mô tả bàn tay của một nhà truyền giáo da trắng khỏe mạnh đang nắm lấy tay một em bé da màu gầy trơ xương vì nạn đói. Hai con người với đôi bàn tay thể hiện sự đối lập giữa cuộc sống phương Tây và các nước nghèo châu Phi. Tuy nhiên, đằng sau những lời chỉ trích, xót thương cho đứa bé là tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa người với người mà không mấy ai nhận ra.
Khi trở về Anh, Mike Wells gửi bức ảnh cho nhà xuất bản. Tuy nhiên, trong 5 tháng bức ảnh của ông vẫn không được đưa ra công chúng mà thay vào đó, nhà xuất bản gửi bức ảnh của ông đến một cuộc thi. Tác phẩm của ông sau đó nhận giải World Press Photo of the Year (Ảnh Báo chí Thế giới của Năm) với nhiều lời tán dương về thông điệp của bức ảnh.
Nhưng chính từ sau cuộc thi đó, cuộc đời Mike Wells có những thay đổi, cả tiêu cực và tích cực. Ông luôn cảm thấy xấu hổ và dằn vặt vì chưa bao giờ có ý định đem bức ảnh về một em nhỏ sắp chết đói đi thi và giành giải thưởng. Mike từng muốn trở lại Uganda để tìm em bé kia nhưng không có bất cứ thông tin gì.
Bên cạnh những lời tán dương, ông cũng nhận được nhiều lời chỉ trích từ người xem ảnh: Tại sao ông có thể nhẫn tâm chụp bức ảnh của một đứa trẻ đang chết đói như vậy? Một thời gian dài, ông không cầm máy lại cũng như không chụp ảnh về những đứa trẻ đang chết đói. Giải thưởng không mang lại niềm vui cho ông mà trái lại khiến tâm trạng của Mike đi xuống.
John Lennon ký tặng người sẽ ám sát mình, 1980
Vụ mưu sát John Lennon, người thủ lĩnh và là nhà sáng lập ban nhạc nổi tiếng The Beatles, là một trong những vụ ám sát chấn động thế giới. Vụ việc xảy ra vào tối ngày 8/12/1980 khi John và vợ, Yoko Ono, vừa bước xuống ô tô thì bị Mark David Chapman bắn chết ngay trên đường phố New York.
Đầu buổi chiều ngày 8/12/1980, Chapman đến tòa nhà căn hộ The Dakota của hai vợ chồng John Lennon. Lúc 17 giờ 05, Lennon cùng Ono ra khỏi The Dakota. Thấy John, Mark David Chapman tiến sát tới để xin chữ ký và muốn được chụp ảnh cùng. John nhiệt tình đồng ý và còn hỏi “Chỉ vậy thôi sao?” và Chapman mỉm cười. Paul Goresh, một fan hâm mộ cũng đến gặp John lúc đó, và ghi lại bức ảnh nổi tiếng chụp lại khoảnh khắc ấy. Việc quá dễ tiếp cận John Lennon khiến Mark Chapman quyết định thực hiện vụ ám sát khi John trở lại The Dakota.
Ảnh: Đây là hình ảnh cuối cùng của John Lennon, lúc đang ký tặng Mark David Chapman mà không hề ngờ rằng đây chính là kẻ chỉ vài tiếng đồng hồ sau bắn chết mình.
Tối ngày ấy, mưa không to song rả rích. Ánh đèn từ trong nhà John lọt qua của sổ trở lên mờ nhạt dưới trời mưa. Lúc này, truyền hình đang phát cảnh lúc chiều phỏng vấn Lennon do Đài truyền hình San Fancisco thực hiện, anh đang mỉm cười nói với khán giả:
“Chúng ta hãy cùng nhau cảm ơn một điều rằng tất cả chúng ta đã vượt qua được những năm tháng khó khăn của sự phân hoá trên toàn cầu, sống qua cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ bê bối Watergate cùng biết bao những biến động khác nữa. Chúng ta đã từng là những người nổi danh vào những thập niên 60 nhưng thế giới nay đã hoàn toàn khác. Nó đã thay đổi. Phía trước tôi là một tương lai chưa biết rồi sẽ ra sao nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn luôn còn đây, chừng nào còn có cuộc sống và hy vọng”.
Sau cả ngày làm việc và thu âm, John và Ono rời phòng thu lúc trời đã tối để về nhà trên một chiếc xe hòm đen qua khu Manhattan về tòa nhà The Dakota. Xe dừng lại bên lề đường lúc 22 giờ 49. John bước ra khỏi xe và tiến vào cổng trước Yoko. Khi anh bước vào lối cổng vòm dẫn tới cửa trước, anh nghe một giọng nói vang lên từ trong bóng tối cách anh vài thước. Giọng nói hỏi: “Ông Lennon?” John quay lại và Mark Chapman bắn 5 phát đạn từ khẩu P38 vào lưng và hông của anh trong tầm bắn rất gần. Một viên đạn trúng cửa sổ của tòa nhà, còn 4 viên còn lại găm thẳng vào người John. Lúc đó là 22 giờ 50 ngày 8 tháng 12 năm 1980.
John lảo đảo bước lên 6 bậc thềm, tới lối vào và chúi qua khung cửa, ngã vật xuống sàn ngay trong lối vào. Yoko gào lên và chạy tới chỗ anh, quát tháo tay gác cổng đang bàng hoàng, bảo ông ta gọi xe cấp cứu. Chapman điềm tĩnh vứt khẩu súng xuống đất và lạnh lùng theo dõi Yoko đang lay gọi John và kêu cứu.
“Ngươi có biết mình đã làm gì không?” người gác cổng của The Dakota thét lên.
“Tôi vừa bắn John Lennon”, Chapman đáp lại một cách thản nhiên.
Người thường trực ngay lập tức quay số điện thoại gọi cảnh sát và nhanh chân đá tung khẩu súng của Chapman đang nằm dưới đất ra xa. Lúc gục xuống, trên tay John vẫn là bản thu âm Walking in Thin Ice của Yoko Ono.
Hai phút sau, một xe cảnh sát tới và hai cảnh sát dí Chapman vào tường, vài thước cách chỗ John đang nằm trên vũng máu. Nhận thấy không thể chờ xe cứu thương, một trong các sĩ quan cảnh sát chở John bằng xe tuần tra và phóng tới bệnh viện gần nhất, Bệnh viện St. Luke’s-Roosevelt trên đường 58th. Tổ cấp cứu của bệnh viện đã được báo trước bằng một cú truyền tin vô tuyến từ xe cảnh sát. Hơn 20 bác sĩ và y tá chiến đấu để cứu John nhưng đến 23 giờ 15, John chết vì mất máu khi tới bệnh viện.
Vụ ám sát này cho đến nay vẫn khiến những người hâm mộ thủ lĩnh nhóm nhạc lừng danh Beatles cảm thấy vô cùng đau buồn.
https://thegioitre.vn/su-that-khung-khiep-dang-sau-nhung-buc-anh-binh-thuong-9080.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1m_s%C3%A1t_John_Lennon
Bàn thắng qua Bàn tay của Chúa, 1986
Bốn năm trước trận túc cầu, Anh quốc và Argentina lâm vào cuộc chiến cay đắng qua việc giành chủ quyền quần đảo Falkland (còn được gọi là Malvinas), với phần thắng nghiêng về Anh.
Anh quốc và Argentina gặp lại nhau ngày 22-6-1986 trong trận tứ kết vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới. Phút thứ 51, lúc tỉ số đang là 0-0, từ một pha phá bóng của một cầu thủ Anh, Diego Maradona băng lên tranh bóng với thủ môn Peter Shilton, do chiều cao hạn chế hơn nên anh quyết định dùng tay đập bóng vào lưới trước sự sững sờ của toàn bộ hơn 114.000 khán giả và thậm chí cả đồng đội. Không ngờ trọng tài lại công nhận bàn thắng trên. Ngay lập tức các cầu thủ đội tuyển Anh chạy lại bao vây trọng tài và phản ứng quyết liệt, nhưng không có kết quả.
Trong buổi họp báo sau trận đấu, khi được phóng viên hỏi về bàn về bàn thắng của mình, Maradona thốt ra một câu nói rất nổi tiếng: “Bàn thắng được ghi một phần bằng cái đầu của Maradona và một phần bằng bàn tay của Chúa”.
Kết thúc trận đấu, đội tuyển Argentina chiến thắng với tỉ số 2-1 và Maradona ghi cả 2 bàn thắng – gây thêm nỗi chua cay cho người Anh.
Cũng sau trận đấu, Maradona nói: “Cho dù trước trận đấu chúng tôi đã nói rằng bóng đá không liên quan gì đến cuộc chiến Malvinas, chúng tôi biết họ đã giết nhiều chàng trai ở đó, giống như là bắn chim vậy. Còn bây giờ là sự phục thù.”
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A0n_tay_c%E1%BB%A7a_ch%C3%BAa_(b%C3%B3ng_%C4%91%C3%A1) https://rarehistoricalphotos.com/hand-of-god-maradona-1986/
Chàng trai trẻ đáp xuống Quảng trường Đỏ, 1987
Hệ thống phòng không Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh được khẳng định là vững chắc nhất thế giới. Vậy mà một vụ hy hữu xảy ra khi Mathias Rust, phi công nghiệp dư người Đức 19 tuổi, xuyên thủng được hệ thống kiểm soát này để đáp xuống Quảng trường Đỏ, ngày 28-5-1987.
Số là vào lúc 13h cùng ngày Mathias Rust điều khiển chiếc máy bay thể thao hạng nhẹ Cessna-172B Skyhawk cất cánh từ sân bay Helsinki của Phần Lan.
Tới 14h10, Sở chỉ huy phòng không Liên Xô ở Moskva nhận được tin một chiếc máy bay xâm phạm không phận Liên Xô. Tuy nhiên, đến 15 phút sau, Sở chỉ huy này vẫn chưa đưa ra quyết định xử lý chiếc máy bay như thế nào mặc dù lực lượng phòng không Moskva đã được lệnh vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1.
17h40, khi chiếc máy bay lạ chỉ còn cách Moskva 100 km, sĩ quan phụ trách mảng chiến dịch của lực lượng phòng không Liên Xô Gromi cấp báo lên Trung tâm chỉ huy Phòng không–Không quân. Tuy nhiên, nhân viên trực ban không báo cáo cho Tư lệnh Phòng không–Không quân Koldulov và cũng không đưa ra bất cứ lệnh nào.
Sau khi hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ, Rust còn kịp ký tặng cho những người hiếu kỳ, một lúc sau mới bị câu lưu.
Lúc mạnh nhất, Liên Xô từng có hơn 10.000 đài radar, trên 4000 máy bay đánh chặn cùng mạng tên lửa phòng không dày đặc, họ đã từng bắn rụng máy bay do thám U-2 hiện đại của Mỹ. Thế nên người ta không hiểu nổi tại sao một lực lượng kiểm soát vùng trời năm 1982, tại Viễn Đông đã “rắn mặt” bắn rơi chiếc máy bay 007 của Hàn Quốc khi nó bay vào không phận Liên Xô, mà lại để lọt một chiếc máy bay tư nhân của một chàng thanh niên trẻ tuổi đáp xuống gần vị trí đầu não của quốc gia!
Kết cục vụ này, 309 sĩ quan quân đội trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Sokolov và Tư lệnh Phòng không-Không quân Koldulov mất chức. Nặng nhất là Thượng tá Karpes, Sư đoàn trưởng sư đoàn Phòng không–Không quân biên giới của Liên Xô và thiếu tá Chenukh (viên trợ lý Sư đoàn trưởng), còn bị truy tố ra tòa án binh nhận mức án là 5 năm tù giam.
Trả lời phỏng vấn, Mathias Rust cho biết cậu ta làm như thế là chỉ nhằm bắc một chiếc cầu nối giữa hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa.
http://soha.vn/quan-su/cau-nhoc-dap-xuong-quang-truong-do-309-si-quan-lien-xo-mat-chuc-2015112716244235.htm
https://rarehistoricalphotos.com/mathias-rust-moscow-1987/
Video và phỏng vấn: https://www.youtube.com/watch?v=Wue02Y0lS38; https://www.youtube.com/watch?v=Q2xpQFEcumE
Người chặn xe tăng, 1989
Hồ Diệu Bang, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một nhà cải cách theo đường lối tự do, nhưng bị buộc phải từ chức vì đi ngược lại những đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc cải cách kinh tế và chính trị thời bấy giờ.
Sau cái chết của ông, dân chúng xuống đường nhân tang lễ ông để tụ tập diễu hành và biểu tình chống lại tham nhũng, đòi hỏi tự do báo chí, tự do ngôn luận và tái lập quyền kiểm soát của công nhân đối với ngành kinh doanh.
Khi các cuộc biểu tình phát triển, các nhà chức trách dao động qua lại giữa các chiến thuật hòa giải và kiên định, phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong lãnh đạo Đảng. Vào tháng 5, một cuộc tuyệt thực do học sinh sinh viên lãnh đạo nhận được ủng hộ cho những người biểu tình trên khắp đất nước, và các cuộc biểu tình lan rộng đến khoảng 400 thành phố.
Cuối cùng, lãnh tụ tối cao của Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và những nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng các cuộc biểu tình là một mối đe dọa chính trị và quyết định sử dụng vũ lực. Các nhà chức trách của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố thiết quân luật vào ngày 20 tháng 5 năm 1989, và huy động tới 300.000 quân tới Bắc Kinh. Vì lo ngại cuộc khủng hoảng lan rộng sẽ đẩy Trung Quốc đến bờ vực sụp đổ (điều tương tự diễn ra ở một số nước Đông Âu trong cùng năm đó), mà chính phủ Trung Quốc quyết định huy động lực lượng đập tan cuộc biểu tình.
Người chặn xe tăng (tiếng Anh: Tank man) là một biệt danh được biết đến trên khắp thế giới vì người này được quay phim và chụp hình trong khi đang đứng chặn một đoàn xe tăng gồm ít nhất là 17 chiếc trong sự kiện Thiên An Môn tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đoạn phim ghi lại cho thấy cảnh người lính lái chiếc xe tăng dẫn đầu tìm cách đi vòng qua người đàn ông này nhưng không thể làm được. Ngày nay, hình ảnh này được sử dụng như một biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ.
Sự kiện diễn ra vào ngày 5 tháng 6 năm 1989 trên đại lộ lớn Trường An, cách quảng trường Thiên An Môn, ngay trước Tử Cấm Thành chỉ khoảng một phút đi bộ. Đó là ngày thứ hai của đợt trấn áp đầy bạo lực của chính quyền Trung Quốc đối với những người biểu tình. Người đàn ông này đứng một mình ngay giữa đại lộ lớn để chặn những chiếc xe tăng đang tiến lại gần. Theo như trong bức ảnh thì anh ta đang mang hai túi xách, mỗi vai một cái. Khi những chiếc xe tăng dừng lại thì anh ta ra dấu cho những chiếc xe tăng này quay đầu lại. Trong khi đó chiếc xe tăng dẫn đầu lại tìm cách đi vòng qua người đàn ông này để tránh anh ta và tiếp tục tiến tới. Đáp lại, người đàn ông di chuyển qua lại theo chiều ngang của đại lộ để tiếp tục chặn đoàn xe này. Sau khi chặn đứng đoàn xe, anh ta leo lên chiếc tăng đầu tiên và trao đổi với người lái.
Những điều thuật lại cuộc trao đổi này không được nhất quán: “Tại sao các anh lại đến đây? Thành phố này trở thành một đống hỗn loạn là do lỗi các anh”, “Quay đầu xe lại và ngừng ngay việc giết chết nhân dân của mình đi” và “Ra khỏi đây đi”. Những đoạn băng video cho thấy những người chứng kiến cảnh này sau đó đưa người đàn ông ra khỏi con đường rồi anh ta bị cuốn vào đám đông, còn những chiếc xe tăng lại tiếp tục tiến tới. Nhiều người nghi ngờ rằng những người đưa người đàn ông này ra khỏi đại lộ là cảnh sát mặc thường phục. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được khẳng định. Một tờ báo của Anh nói rằng người đàn ông này đã bị tử hình vài ngày sau sự kiện này. Và điều này cũng chưa có cơ sở để khẳng định.
Tuy hình ảnh người vô danh đứng chắn hàng xe tăng trở thành biểu tượng của sự kiện Quảng trường Thiên An Môn 1989 trên toàn thế giới, nó hầu như không được người Trung Quốc biết đến. Bức ảnh về sự phản kháng trên mạng bị chặn bởi Dự án Giáp vàng, dự án kiểm duyệt và giám sát qua hệ thống tường lửa internet do Bộ Công an trực thuộc chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành.
Tháng 4 năm 1998, tạp chí Time xếp người biểu tình vô danh này vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Năm 2004, một trong những bức ảnh chụp cảnh chắn xe tăng được xếp vào danh sách “100 bức ảnh làm thay đổi thế giới” của tạp chí Life.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_bi%E1%BB%83u_t%C3%ACnh_v%C3%B4_danh
https://rarehistoricalphotos.com/tiananmen-square-protests-in-pictures/
Bức tường Berlin sụp đổ, 1989
Từ năm 1961 đến 1989, Bức tường Berlin chia đôi thủ đô Berlin thành hai phần: Đông Berlin (CHDC Đức, tức Đông Đức) và Tây Berlin (do đồng minh và CHLB Đức kiểm soát), và là biểu tượng đỉnh điểm của tình trạng căng thẳng thời chiến tranh lạnh, trong khi bị người dân Cộng hoà Liên bang Đức gọi là “Bức tường ô nhục”.
Hơn 3 triệu người Đông Đức đã đào thoát qua Tây Đức từ năm 1945 đến 1961, gần bằng 1/5 dân số của toàn Đông Đức, chủ yếu là những người trẻ nhất, năng động nhất và có trình độ giáo dục tốt nhất. Trong khi đó, khoảng 50.000 người đi qua phần Tây Berlin làm việc mỗi ngày, nhận được mức lương nhiều hơn nhưng lại sống nhờ vào trợ cấp phúc lợi của Đông Đức. Lực lượng Đông Đức đã bắt đầu siết chặt biện pháp canh phòng dọc theo Bức tường Berlin.
Ước tính có đến 10.000 người lên kế hoạch đào tẩu qua Bức tường Berlin, và có đến phân nửa thành công.
Ngày 12.6.1987, khi thăm Tây Berlin kỷ niệm 750 năm thành lập Berlin, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đọc diễn văn tại cổng Brandenburg, kêu gọi Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev “Hãy hạ sập bức tường đi”.
Bức tường sụp đổ trong đêm thứ Năm ngày 9 tháng 11, rạng sáng ngày thứ Sáu ngày 10 tháng 11 năm 1989, sau hơn 28 năm. Dẫn đến việc mở cửa bức tường về một mặt là các cuộc biểu tình tuần hành rộng lớn và yêu cầu tự do đi lại trong Đông Đức trước kia, về mặt khác là việc “bỏ trốn Cộng hòa” (Republikflucht) liên tục của một số lớn người dân từ Đông Đức sang Tây Đức đi vòng qua nước ngoài như Hungary, hay trực tiếp từ Tiệp Khắc, hoặc qua các đại sứ quán Đức tại các thủ đô của các quốc gia ở Đông Âu.
Trên đài phát thanh Berlin, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm bí thư Thành uỷ Đông Berlin là ông Guenther Schabowski vào lúc 19 giờ tối 9.11.1989 tuyên bố rằng người Đông Đức được phép đi qua lãnh thổ Tây Đức, và quyết định này có hiệu lực tức thời, thay vì hiệu lực vào 4 giờ sáng ngày 10.11.1989. Thế là làn sóng người từ cả hai phía ập đến Bức tường Berlin, khiến một đoạn ở đây sụp đổ. Còn lính gác thì cũng bất ngờ vì không nhận được chỉ thị gì, nhưng sau đó hầu hết các chốt gác đều mở để dân Đông Đức thoải mái sang Tây Berlin.
Ảnh: Ngày 11.11.1989, người dân Tây Berlin chứng kiến cảnh lính biên phòng Đông Đức đập một đoạn bức tường để tạo lối đi mới nối hai phần của Berlin, gần Potsdamerplatz.
https://tinnong.thanhnien.vn/x-file/25-nam-buc-tuong-berlin-sup-do-nhung-dieu-chua-biet-3589.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%A9c_t%C6%B0%E1%BB%9Dng_Berlin
Kền kền chờ đợi, 1993
Nạn đói ở châu Phi luôn là nỗi ám ảnh với toàn nhân loại, và có một bức ảnh gần như lột tả được hết những đau đớn đó chính là bức Kền kền chờ đợi của nhiếp ảnh gia Kevin Carter, chụp tại Sudan vào tháng 3/1993. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc em bé đói khát đang lê lết trên nền đất và đằng sau là con kền kền đang chực chờ em gục xuống để xông lên… rỉa xác.
Ngay sau khi được đăng tải trên báo The New York Times vào ngày 26-3-1993, bức ảnh gây chấn động toàn thế giới. Sau đó một năm, Kevin Carter vinh dự nhận được giải thưởng nhiếp ảnh Pulitzer danh giá. Tuy nhiên, hệ quả của thành công đó lại khiến cho một bi kịch đáng thương xảy đến bất ngờ.
Nhờ giải thưởng Pulitzer, Kevin có những giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời đồng thời trở thành thượng khách của tất cả những nơi ông đặt chân tới ở thành phố New York (Mỹ). Từ các nhà hàng, các tờ báo lớn tới khách qua đường đều muốn kết giao, phỏng vấn, mời làm việc và xin chữ ký của Kevin Carter.
Tuy nhiên, khi bức ảnh Kền kền chờ đợi trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới cũng là lúc có vô số lời chỉ trích dội về tác giả. Tất cả các ý kiến phản bác, kể cả những người bạn của Kevin đều tự hỏi tại sao anh lại chỉ chụp ảnh thay vì giúp đỡ em bé ấy. Kevin tất nhiên sau đó đã phải chịu đựng chuỗi áp lực không thể gồng mình lên nổi.
Đỉnh điểm của bi kịch cuộc đời tìm đến Kevin chỉ 3 tháng sau khi nhận giải: anh tự sát bằng độc khí carbon monoxide trên một chiếc xe hơi đỏ đậu kề một con sông nhỏ ở tuổi 33. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng để lại lời nhắn trên băng ghế xe: “Tôi thực sự xin lỗi. Những đau đớn của cuộc sống đã đè nén tới mức mà niềm vui không còn có thể tồn tại”.
Trước đó, Kevin đã sống những ngày cuối cùng trong mặc cảm tội lỗi và căn bệnh trầm cảm. Nợ nần chồng chất, chia tay mối quan hệ tình cảm đã nhiều năm gắn bó, bị bỏ lại cùng với đứa con gái 6 tuổi, lại thêm một sai lầm khủng khiếp khi ông để quên 16 cuộn phim dành cho tạp chí Time trên máy bay.
Chỉ đến khi cái chết tìm đến Kevin, cả nhân loại mới lao vào tìm hiểu chuyện gì đã thực sự xảy ra sau cú bấm máy ấy. Phóng viên Alberto Rojas đến từ Tây Ban Nha tìm gặp một nhiếp ảnh gia tên là Arenzana cũng có mặt ở trại tị nạn ở Sudan vào năm 1993. Ông này cũng chụp một bức ảnh tương tự như của Kevin, và trong đó, người ta nhìn thấy không gian xung quanh không chỉ có em bé và con kền kền mà cách đó chỉ vài mét là trung tâm chăm sóc, nhân viên y tế và cha của đứa bé.
Rojas sau đó gặp được cha của đứa trẻ trong bức ảnh của Kevin Carter và biết được rằng đứa bé thực sự đã sống sót sau nạn đói nhưng lại chết 14 năm sau đó vì một cơn sốt rét. Như vậy, cậu bé không hề bị cơn đói giết chết để trở thành bữa ăn cho con kền kền phía sau như những gì mà độc giả và dư luận tưởng tượng. Tuy nhiên, Kevin Carter không còn sống để nhận được tin đó.
Ít ai biết được rằng, trước đó, Kevin Carter luôn thú nhận rằng mình không thích bức ảnh này và cả những bức ảnh trong lúc loạn lạc mà anh từng chụp được. Và cái trạng thái trầm uất để rồi cuối cùng phải tìm đến cái chết là do tác động của một chuỗi những bi kịch mà đỉnh điểm chính là con kền kền và em bé kia.
Kevin sinh ra ở Cộng hòa Nam Phi, nơi nạn phân biệt chủng tộc đã đẩy những người da màu vào hoàn cảnh khốn cùng. Anh đã từng nhắc đến quê hương của mình như một nơi khô cằn, ảm đạm, lạnh lẽo, chết chóc, và đầy những ký ức tồi tệ. Anh trở thành nhiếp ảnh gia như một sứ mệnh dám dấn thân vào những khu vực đang xảy ra xung đột, không ngần ngại đối mặt với nguy hiểm để cho cả thế giới thấy được sự thật tàn khốc của chiến tranh và bạo lực.
Nhưng chính điều đó lại để lại trong lòng người nhiếp ảnh nhiều ký ức kinh hoàng. Một người bạn của anh cho biết Kevin luôn cảm thấy tội lỗi khi không thể cứu giúp những người khốn cùng, trong khi ông phải chụp ảnh họ, mà họ thì đang bị giết hại. Việc lặp lại những thao tác và cảm xúc ấy hàng ngày khiến cho Kevin rơi vào trạng thái trầm cảm nặng và buộc phải tìm đến cocaine và ma túy.
Như vậy, Kevin không hề dửng dưng, lãnh đạm, và vô cảm khi chụp bức ảnh con kền kền và em bé giống như những lời kết tội, thậm chí, có những giọt nước mắt đã rơi. Anh ghi lại trong nhật ký của mình rằng hy vọng bức ảnh sẽ khiến sự nhạy cảm của bản thân mỗi người được nâng cao hơn và không bao giờ được coi thường mọi thứ xung quanh.
Thực tế, nếu nhiếp ảnh gia không nhanh chóng ghi lại hình ảnh này, sẽ chẳng bao giờ nhân loại biết tới một thực tế kinh hoàng của sự đói khát, tuyệt vọng ở lục địa đen. Nhưng vinh quang của giải thưởng Pulitzer khiến một nhiếp ảnh gia tài năng phải tự tìm đến cái chết. Và người ta đã ví truyền thông giống như một con kền kền đang chờ đợi để rỉa xác Kevin Carter, một đứa trẻ cô đơn, thực sự cô đơn trên thế giới.
Những cột trụ của tạo hóa, 1995
Nhiều tinh vân nhìn thấy được, cả ở trong thiên hà của chúng ta và xa hơn nữa, đều là những vùng hình thành sao, nơi mà các phân tử khí lạnh hợp lại dưới ảnh hưởng của lực hấp dẫn để hình thành các ngôi sao mới. Trong năm 1995, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có thể nhìn sâu vào trong lòng một khu vực như vậy, Eagle Nebula (Tinh vân Đại Bàng), và khám phá các cột khí giữa những vì sao. Những cột khí này (dài 5 năm ánh sáng, tức 48 nghìn tỷ km) chứa những vì sao ở dạng nguyên thủy đang trong quá trình hình thành, bay hơi ở cả bên trong và bên ngoài, nhờ vào ánh sáng cực tím phát ra từ những vì sao nóng, trẻ mới được tạo ra.
Nói cách khác, Những cột trụ của tạo hóa (Pillars of Creation) cũng đồng thời là những cột trụ của sự hủy diệt. Tia hồng ngoại và tia X cho chúng ta thấy được bên trong của các vì sao, còn phiên bản được cập nhật với độ phân giải cao hơn 20 năm sau cho phép chúng ta nhìn thấy quá trình bay hơi dưới dạng slow-motion và những thay đổi diễn ra bên trong các cột trụ. Trong vài trăm nghìn đến vài triệu năm, chúng sẽ bay hơi hoàn toàn.
Chỉ một bức ảnh phát hiện những điều mà hàng nghìn buổi hội thảo về thiên văn học vẫn không tìm ra được.
http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2300303/5-buc-anh-da-thay-doi-ca-the-gioi-cua-nasa
http://100photos.time.com/photos/nasa-pillars-of-creation
Bé Baylee trong vụ nổ bom Oklahoma, 1995
Sáng 19/4/1995 tại thành phố Oklahoma là một buổi sáng mùa xuân tươi đẹp và ngập tràn ánh nắng. Một chiếc xe bán tải màu vàng của hãng Ryder đang di chuyển chậm trên những con phố trung tâm của Oklahoma. 9 giờ sáng, chiếc xe đi tới khu vực để xe bên ngoài tòa nhà liên bang P. Murrah Alfred, tài xế bước xuống và đi bộ rất đỗi bình thường.
Nhưng chỉ vài phút sau đó, lúc 9 giờ 2 phút, một cảnh tượng kinh hoàng xảy ra khi chiếc xe bán tải phát nổ. Sức công phá của nó khiến 1/3 tòa nhà P. Murrah Alfred 7 tầng bị vỡ ra từng mảnh. Kính, bê tông và sắt thép rơi xuống như mưa. Trong đống đổ nát cháy âm ỉ, rất nhiều người đã chết hoặc bị thương. Khoảng 2.500 kg thuốc nổ chất trong chiếc xe bán tải làm sụp đổ tòa nhà Alfred P. Murrah, là nơi làm việc của khoảng 550 nhân viên của các cơ quan có liên hệ đến bảo hiểm xã hội, rượu, thuốc lá và vũ khí, bài trừ ma túy, tuyển quân, và cũng có một nhà giữ trẻ.
Ảnh: nhân viên cứu hỏa Chris Fields đang bế em bé 1 tuổi đẫm máu Baylee Almon ít lâu trước khi bé chết, được xem là hình ảnh về một trong những thảm kịch bi đát nhất của Mỹ. Tác giả bức ảnh là Charles Porter của hang tin Independent.
Bốn ngày sau vụ nổ, Tổng thống Bill Clinton cùng bà vợ Hillary tham dự lễ tưởng niệm ở Thành phố Oklahoma. Qua giọng nói trầm buồn và sự hùng biện có chừng mực, ông nói “có một việc chúng ta còn nợ những người đã hy sinh, đó là nghĩa vụ trục xuất ra khỏi con người chúng ta những thế lực đen tối đã gây nên tội ác này”.
http://www.dailymail.co.uk/news/article-3037939/EXCLUSIVE-gets-harder-year-worst-20-years-Oklahoma-City-bombing-mother-lifeless-little-girl-photo-day-daughter-turned-21.html
http://americanrhetoric.com/speeches/wjcoklahomabombingspeech.htm
Máy tính hạ nhà vô địch thế giới cờ vua, 1997
Vào ngày 11 tháng 5 năm 1997, siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh bại đại kiện tướng cờ vua người Nga, Garry Kimovich Kasparov. Ông được xem là kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử với hệ số ELO 2851, được xếp hạng cao nhất trong khoảng 20 năm từ năm 1985 đến năm 2005, và là nhà vô địch cờ vua thế giới không thể đánh bại từ 1985 đến 1993.
Trước đó vào năm 1996 siêu máy tính Deep Blue được thử sức với Kasparov. Chiếc máy tính đã thắng được ván đầu tiên, tuy nhiên sau đó Kasparov chiến thắng chung cuộc.
Đến năm 1997, công ty IBM cùng với bản nâng cấp mới của Deep Blue quyết tâm đánh bại Kasparov một lần nữa. Họ tung ra phiên bản phần mềm mới đã được cải tiến nhiều cùng với hệ siêu phần cứng gồm nhiều bộ vi xử lý chạy song song, tính toán được 200 triệu nước cờ mỗi giây. Chuyên gia cờ vua người Mỹ Joel Benjamin là người phân tích và cố vấn các nước đi khai cuộc cho Deep Blue.
Quyết tâm của IBM ở chỗ Deep Blue được thiết kế chuyên để “đấu với Kasparov”, tất cả những nước đi khai cuộc mà Kasaprov đã từng sử dụng đều được cài trong từ điển của máy. Và lần này họ thành công: trong trận đấu 6 ván Deep Blue hạ Kasparov với tỷ số 3,5-2,5. Tại ván đấu cuối cùng, Deep Blue phát hiện sai lầm của Kasparov từ nước đi khai cuộc và quyết định thí quân phá vỡ thế trận của Kasparov ngay từ đầu ván cờ khiến chung cuộc Kasparov phải đầu hàng sớm.
Trận đấu năm 1997 được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu người. Theo thỏa thuận, khi thắng Kasparov, nhóm sáng lập Deep Blue nhận được 700.000 USD, còn Kasparov nhận được 400.000 USD. Riêng IBM tìm kiếm thêm lợi nhuận thông qua quảng cáo đạt 50 triệu USD.
Ảnh: Deep Blue, ở Bảo tàng Lịch sử Máy tính
Cách thức đánh cờ của con người và máy tính là hoàn toàn khác nhau. Con người lựa chọn nước cờ của mình sau khi đánh giá một số lượng tối thiểu những phương án mà anh ta cho là hợp lý nhất. Còn máy tính không có khả năng trực giác đó, nó lần lượt xét duyệt một cách máy móc tất cả mọi phương án có thể đi được trên bàn cờ, rồi bằng phương pháp loại trừ, chọn ra phương án nó cho là tốt nhất. Mà số lượng phương án thì vô cùng lớn.
Trước một thế cờ, ví dụ, với 30 nước có thể đi được hợp luật, con người lựa chọn theo kinh nghiệm và trực giác vài phương án anh ta cho là hợp lý nhất, tính toán diễn biến của nó sau 5-6 nước hoặc dài hơn tuỳ theo trình độ, rồi quyết định nước đi. Máy tính thì khác, nó lần lượt xét duyệt diễn biến có thể của cả 30 phương án, kể cả những nước “ngớ ngẩn” nhất, cho đến hết ván cờ. Ví dụ sau mỗi nước cờ có thể có 30 nước đáp lại của đối phương, thì máy phải tính số nước cờ sau một nước là 30×30=900. Nếu mỗi phương án được tính trước với độ dài chỉ 5 nước thôi, thì số nước cờ đã là 3010 = 590.490 tỉ. Mà mỗi phương án tính đến khi phân định thắng thua của ván cờ thì có thể dài trung bình 20-40 nước(!). Vì vậy, đây là cuộc đụng độ giữa một bên là trực giác kỳ diệu của con người với bên kia là tốc độ tính toán siêu phàm của máy tính (xét duyệt hàng trăm triệu nước cờ trong một giây).
http://genk.vn/kham-pha/ngay-11-5-dai-kien-tuong-co-vua-kasparov-bi-sieu-may-tinh-deep-blue-danh-bai-20150511112556774.chn
https://rarehistoricalphotos.com/kasparov-deep-blue-1997/
99 cent, 1999
Bạn có thể mua gì với 99 cent? Một bản nhạc trên itunes, một phần mềm cho chiếc ipad mới cứng, một đôi tất, một quyển sổ hay đơn giản chỉ là một chiếc kẹo? Đôi lúc người ta cảm thấy kinh ngạc với những gì có thể mua được với chưa đầy 1 đô la. Nhưng bức ảnh chụp các sản phẩm giá 99 cent thì lại rất đắt!
Nhiếp ảnh gia Andreas Gursky sinh năm 1955 tại thành phố Liepzig của Đức. Cha mẹ ông đều là những nhiếp ảnh gia thương mại thành công, nhưng Gursky không muốn đi theo một cách dập khuôn con đường của cha mẹ mình. Ông luôn tự thôi thúc bản thân đi tìm những điều mới, những điều đặc biệt, nhưng có lẽ từ “đặc biệt” không đủ để miêu tả những tác phẩm của ông.
Rồi bức ảnh 99 cent ra đời. Chủ thể của bức ảnh là một siêu thị nào đó nằm dọc đại lộ Santa Monica ở Los Angeles. Một đêm, Gursky lái xe ngang qua và nắm bắt được khung cảnh đặc sắc này: “Cửa hàng đó thật tuyệt vời. Bạn có thể thấy nó từ trên đường bởi nó có những ô cửa kính khổng lồ và tôi ngay lập tức bị hút hồn bởi cảnh tượng đó”.
Bức ảnh chụp lại phía trong của một siêu thị to đang giảm giá. Đập vào mắt, bạn có thể thấy, rất, rất nhiều những dãy giá đựng bánh kẹo, đồ ăn, thức uống rực rỡ được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng. Những dãy hàng trông như một biển màu sắc, dễ làm choáng ngợp người xem. Hình ảnh phản chiếu của chúng sáng lên trên nóc của tòa nhà. Chỉ có một vài người trong cửa hàng lúc đó, họ lạc lõng, đơn độc, như chìm nghỉm giữa những hòn đảo khổng lồ của hàng hóa. Ở phía xa nổi bật là những tấm biển quảng cáo giảm giá ghi 99 cent.
Có thể dễ nhận thấy sự thiếu vắng đám đông, hoặc sự vắng vẻ của cửa hàng này, là chủ đề chính của bức ảnh. Con người bỗng chốc trở nên cô độc, nhỏ bé giữa núi hàng hóa đầy màu sắc, những kệ dãy được sắp xếp ngăn nắp, hàng hàng lớp lớp trải dài như vô tận. Con người như biến mất, tan rã, bởi chính những gì mình đã tạo ra, và tạo ra để phục vụ cho bản thân chúng ta. Bức ảnh 99 cent bỗng chốc biến thành một con quái vật khổng lồ.
Thông điệp của bức ảnh rất rõ ràng: sự tràn lan vô độ của hàng hóa, của tiêu dùng trong thế giới hiện đại. Trong mắt của một số người, tiêu dùng là biểu tượng của văn minh, của tiến bộ, của sự phát triển. Sản xuất hàng hóa đồng nghĩa với việc cung cấp công ăn việc làm và thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng ngày một lớn của xã hội. Nhưng dường như sự bùng nổ của xã hội ngày nay đã làm “nóng” quá trình đó, đẩy nó vượt qua ngưỡng “đủ”, trở nên “dư thừa”. Con người, cả người bán lẫn kẻ mua, bị cuốn vào cái vòng xoáy điên rồ đó, bị choáng ngợp và bị cô lập. Chúng ta đang sống trong xã hội vật chất mà sự giao tiếp căn bản, truyền thống bị xem nhẹ, thay vào đó chúng ta nói chuyện với nhau bằng hàng hóa hay những cỗ máy.
Bức ảnh 99 cent được mua với giá kỷ lục 2,3 triệu USD trong một buổi bán đấu giá những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Điều đó khiến ta nhận ra rằng trong thế giới hiện đại, khi mọi rào cản đã bị phá vỡ, biên giới giữa những môn nghệ thuật cũng trở nên mong manh hoặc thậm chí không hề tồn tại. 99 cent thời hiện đại có thể rất nhỏ bé, nhưng khi vượt ra khỏi mọi khuôn khổ nó cũng có thể trở nên to lớn, kỳ vĩ.
http://cinvea.com/post/735521718/99-cent-thoi-hien-dai http://100photos.time.com/photos/andreas-gursky-99-cent
Tổng thống Bush được thông báo về thảm kịch 11-9, 2001
Ngày 11/9/2001, khi hàng triệu người bàng hoàng chứng kiến cảnh hai chiếc máy bay lao vào tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, Tổng thống George W. Bush đang dự giờ học của lớp CE1, trường Tiểu học Emma E. Booker ở Sarasota, bang Florida.
Trước đó, sau vụ tấn công của chiếc máy bay thứ nhất, ông Bush đã nhận được tin báo. Tuy nhiên, ông không hề nghĩ đó là một vụ khủng bố. Ông nói với National Geographic: “Tôi nhận được tin rằng một máy bay va chạm với tòa tháp. Tôi nghĩ đó là do lỗi con người, thời tiết xấu hoặc phi công gặp sự cố gì đó”.
15 phút sau khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp đôi, Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew Card thông báo đến ông Bush “nước Mỹ đang bị tấn công”. Lúc đó, các em học sinh lớp CE1 bắt đầu đọc truyện ngắn The Pet Goat. Các em chỉ mới 7 tuổi nhưng vẫn có thể nhận ra sự rối bời trên gương mặt của tổng thống, người đang cầm trên tay sách giáo khoa tiểu học và nghe các em đọc truyện.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, ông Bush hướng sự quan tâm về phía bọn trẻ. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ không thể để cho những đứa trẻ này phải thất vọng”, tổng thống Mỹ viết trong hồi ký.
https://news.zing.vn/tong-thong-bush-da-lam-gi-trong-ngay-1192001-post680082.html
Chính phủ Mỹ theo dõi cuộc đột kích, 2011
Osama bin Laden, người sáng lập tổ chức al-Qaeda và chủ mưu các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, bị lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ giết chết bằng các phát súng bắn vào đầu và ngực ngày 2 tháng 5 năm 2011, lúc 01:00 sáng giờ địa phương Pakistan trong một cuộc đột kích.
Vào thời điểm này, cách đó 11.000 km, tại Phòng Tình hình của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ Obama và nhóm cố vấn thân cận ngồi theo dõi trực tiếp cuộc tập kích. Ảnh do Pete Souza chụp.
Phát biểu tại Nhà Trắng cùng ngày, ông Obama nói: “Đêm nay, tôi có thể thông báo với người dân Mỹ và với thế giới rằng Mỹ đã tiến hành một chiến dịch và qua đó tiêu diệt được Osama bin Laden, thủ lĩnh Al-Qaeda, kẻ khủng bố chịu trách nhiệm về cái chết của hàng nghìn người vô tội, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em”.
Em bé Syria trôi giạt trên bờ biển, 2015
Bức ảnh một em bé chết trên bờ biển tại Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cả thế giới bàng hoàng, giật mình nhìn lại, chuyện gì đang xảy ra ở vùng biên giới Châu Âu suốt thời gian qua? Liệu đó có phải chỉ là vấn đề của một vài quốc gia ngày ngày phải đối mặt với hàng chục nghìn người tị nạn cố gắng tiến vào Châu Âu, hay đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mang tính toàn cầu?
Em bé xấu số đó là Aylan Kurdi, 3 tuổi, đến từ thị trấn Kobahi phía bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang là điểm nóng chiến tranh giữa IS và lực lượng người Kurd. Em nằm trên bãi biển, tay xuôi theo thân, úp mặt xuống cát. Nhìn Aylan giống như một thiên thần nhỏ đang say ngủ. Nhưng thiên thần nhỏ này không bao giờ thức giấc.
Aylan, bố mẹ, anh trai lên 2 chiếc thuyền cùng 19 người khác rời bỏ quê hương Syria đi tìm một miền đất mới, nơi không còn chiến tranh, không phải đối diện với bom đạn mỗi ngày. Gia đình Aylan muốn tới đảo Kos, Hi Lạp. Nhưng cuộc đời không chiều ý họ, chiếc thuyền quá tải chìm khi đang trên đường thoát khỏi Syria, kéo theo tính mạng của 12 người trên ấy, trong đó có Aylan, anh trai Galip 5 tuổi, cả hai đều không được mặc áo phao, mẹ Rihan 35 tuổi, tổng cộng 5 đứa trẻ – tất cả đều được tìm thấy tại bãi biển khu nghỉ dưỡng Bodrum nổi tiếng.
Trong mắt nhiều người dân châu Âu và cả Bắc Mỹ, cuộc khủng hoảng người nhập cư tại châu Âu vào thời điểm trước bức ảnh “thi thể em bé Syria bên bờ biển” vẫn chỉ dừng lại ở những con số, báo cáo, những bộ ảnh chụp cuộc sống nghèo nàn của họ trong các trại tị nạn, hay đơn thuần chỉ là các cuộc tranh cãi chính sách ở tầm nguyên thủ quốc gia.
Nhưng khi tấm hình chụp thi thể nhỏ bé của Aylan, 3 tuổi, nằm úp mặt xuống bờ biển, tay buông xuôi và chân vẫn đeo đôi giày nhỏ được đăng tải trên một số trang báo, nó lập tức khiến dư luận rúng động. Cái chết của em đã khiến người ta dần mường tượng ra số phận của những người liều mình bỏ quê hương để thoát khỏi súng đạn. Người lớn bắt đầu hối hận và cả giận dữ, họ nhận ra rằng sự thờ ơ của họ đã giết chết Aylan, và đã đến lúc họ phải hành động.
Hàng loạt các chiến dịch kêu gọi mở cửa cho người nhập cư đã được tiến hành. Chiến dịch “Chào đón người di cư” (Refugees Welcome) thậm chí còn lập hẳn một trang web chuyên nghiệp nhằm giúp người Châu Âu có thể đăng ký “nhận” người di cư từ Bắc Phi đến lưu trú tạm trong nhà mình.
Dư luận cũng kêu gọi lãnh đạo những quốc gia nằm dọc hành trình tị nạn như Hungary, Áo, Đức, và đặc biệt là Anh, nước bảo thủ trong vấn đề này, phải có trách nhiệm đạo đức khi giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Chính quyền Hungary, sau khi ngăn cản dòng người vượt biên vào nước này, đã phải chuyển sang cung cấp xe bus cho hàng ngàn người di cư Bắc Phi để sang Áo. Một số người dân ở khu vực biên giới thậm chí còn lập những lán phân phát thực phẩm và đồ uống để giúp đỡ họ trong hành trình di chuyển.
Chính phủ Đức cam kết sẽ hỗ trợ những nạn nhân của cuộc chiến Syria đi tìm vùng đất mới an toàn hơn ở Châu Âu.
Phía Áo và Đức cũng tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư, chuẩn bị sẵn xe và tàu để đưa họ đến được Munich (Đức). Tại nhiều ga đến, họ thậm chí còn được đón tiếp trong các tràng pháo tay của người dân địa phương chào mừng họ đến với Đức.
Trong khi đó, chính quyền thủ tướng David Cameron của Anh đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ phía dư luận. Một ngày sau khi bức ảnh Aylan được đăng tải và lan truyền, ông Cameron đã phát biểu ông “thấy xúc động mạnh mẽ” khi nhìn thấy hình ảnh đau lòng này, và cam kết Anh sẽ “làm nhiều hơn” để hỗ trợ cuộc khủng hoảng di dân này. Nhưng công chúng nước này vẫn không hài lòng với những lời nói suông, và tiếp tục yêu cầu chính phủ phải có hành động cụ thể. Những chính trị gia hoặc nhân vật nổi tiếng phản đối việc mở cửa cho người di cư cũng trở thành mục tiêu công kích và chỉ trích của báo chí.
Cuối cùng, thủ tướng Cameron công bố kế hoạch cung cấp chỗ ở cho “hàng ngàn người di cư”, đồng thời sẽ gửi gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 100 triệu bảng Anh đến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon.
Hiện nay dòng người di cư đã đặt chân đến Munich, trong sự chào đón của người dân bản xứ. Chính phủ các quốc gia châu Âu cũng đang bắt tay vào việc lên kế hoạch dài hạn để giải quyết công ăn việc làm cho nhóm người này khi đến với vùng đất mới. Cuộc khủng hoảng người di cư có lẽ sẽ vẫn là bài toán khó cho nhiều nước, nhưng với tình hình hiện nay, người ta hy vọng ít nhất nhân loại sẽ không còn phải chứng kiến những bi kịch như của gia đình cậu bé Aylan Kurdi lặp lại trong tương lai.
http://afamily.vn/the-gioi-thay-doi-sau-buc-hinh-cai-chet-cua-cau-be-syria-20150906095827260.chn
Tổng hợp: Diệp Minh Tâm – tháng 2/2019
Bài viết tuyệt vời, chắc tác giả mất nhiều công sức sưu tầm lắm!!!
Công sức biên tập của tác giả thật đáng khâm phục ạ