Trẻ em
Trẻ em vẫn thường hiện ra dễ thương trong ảnh. Còn trẻ em mũi dãi lòng thòng thì sao? Vẫn dễ thương như thường!

Một số ảnh tiếp theo mà không cần lời bàn.









Hội họa
Ở đây là sự kết hợp giữa hội họa và nhiếp ảnh. Nếu không thể đi đến các bảo tàng hoặc di tích, đình chùa… để thưởng ngoạn tác phẩm nguyên bản, ta đành phải xem qua ảnh chụp vậy. Dưới đây là một số tác phẩm tôi cảm nhận được. Quá ít, bởi vì trình độ thưởng thức hội họa của tôi không cao!
Bức họa dưới đây có tên Bal du moulin de la Galette, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của trường phái ấn tượng. Bức họa miêu tả một buổi chiều chủ nhật điển hình ở quán Moulin de la Galette, khu phố Montmartre, Paris. Bức họa này ngày nay được trưng bày tại Bảo tàng Orsay ở Paris.

Một niềm thương mến khó tả của tôi đối với bức tranh dưới đây. Được công nhận là Bảo vật quốc gia, bức tranh được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật, Hà Nội.

Ảnh dưới đây chụp bức tranh Van Gogh vẽ tặng em trai, để mừng anh này vừa có con trai. Bức họa được lưu giữ ở Bảo tàng Van Gogh.

Bức họa dưới đây mang tựa đề Le Bassin aux Nymphéas et le Pont Japonais của nhà danh họa người Pháp. Đúng như tựa đề, bức họa thể hiện một góc vườn của tác giả ở Giverny (một xã ở miền Bắc nước Pháp), có hồ hoa súng và cầu kiểu Nhật. Monet từng chia sẻ: “Tôi say mê làm việc trong khu vườn của mình với tình yêu ngập tràn. Điều tôi cần nhất luôn luôn là những bông hoa xinh đẹp. Trái tim của tôi đã mãi mãi dành trọn cho Giverny rồi”. Bức họa được lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật của Đại học Princeton.

Ngày nay, khu vườn của Monet đã trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng, thu hút hơn 500.000 khách viếng thăm mỗi năm. Xem ảnh thật dưới đây.
Dưới đây là ảnh chụp một bức họa to tát về nội dung lẫn kích thước (6.21 m x 9.79 m), mà tôi phải xoay ngang để tránh sự hạn chế về chiều ngang của trang blog này. Bức họa thể hiện lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế của Napoléon I ở Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 02-12-1804. Napoléon tự đội đế miện với sự chứng kiến của Giáo hoàng Pius VII. Tác phẩm được trưng bày ở Bảo tàng Louvre, Paris. (Tôi có diễm phúc được thật sự chiêm ngưỡng bức họa này cùng với lời dẫn giải của một chị hướng dẫn viên người Việt. Người như chị phải có kiến thức thích hợp để được Bảo tàng Louvres cấp phép làm việc ở đây.)

Ngày 23/1/1698, Sa hoàng Pyotr (sau này được phong là Pyotr Đại đế) của Nga đi đến Điện Kensington – lúc bấy giờ là nơi cư ngụ và làm việc của hoàng gia Anh – để mở đầu chuyến viếng thăm chính thức Vương quốc Anh. Trong buổi diện kiến, Vua William III nước Anh thuyết phục Pyotr cho phép Sir Godfrey Kneller vẽ chân dung của ông. Người đương thời cho rằng người trong tranh rất giống với nhân vật thật. Hiện nay, bức chân dung của Sa hoàng Pyotr vẫn được treo trong phòng tranh của Điện Kensington.

Bức họa dưới đây thể hiện rõ nét khung cảnh hàng đêm, nơi người ta có thể thư giãn với thức uống hoặc ngay cả bữa ăn nhẹ. Bức họa biểu hiệu tâm tư của tác giả khi ông viết cho em gái: “ban đêm thì sống động và nhiều sắc màu hơn ban ngày.”

Quán café sau này được mang tên Van Gogh. Xem ảnh thật dưới đây.
Tác phẩm dưới đây mang tên The birth of Venus, là tranh thuốc màu keo trên gỗ, thể hiện Nữ thần Venus xuất hiện từ biển cả. Phần độc đáo của tác phẩm là gương mặt xinh đẹp của Nữ thần Venus và tư thái e thẹn. Bức họa được đặt ở Uffizi Gallery, Florence.

Thêm một bức tranh to tát (6.77 m x 9.9 m) ở Bảo tàng Louvre. Bức tranh sơn dầu thể hiện cảnh trong Kinh Thánh, khi Jesus làm phép biến nước lã thành rượu vang.

Đến đây, tôi muốn giới thiệu trước về họa sĩ. Ngày xưa, họa sĩ Bé Ký thường đi dọc theo những con đường ở trung tâm Saigon để vẽ tranh và bán tranh cho khách qua lại… Đặc biệt, trong số khách hàng mua tranh còn có những người nước ngoài, vì muốn mang về nước thứ gì đó đậm chất Việt Nam. Hóa ra tranh của cô là một “đại sứ lưu động”, tỏa ra thế giới để giới thiệu những hoạt cảnh của một đất nước khi đó hãy còn là một “ẩn số” đối với người phương Tây. Sau này Bé Ký còn được triển lãm tranh ở Viện Smithsonian. Tranh của Bé Ký thuộc loại “carricature” hay còn có tên “sketching”. Đó là những bức ký họa, tốc họa, hoạt họa hay phác họa, mô tả cuộc sống đời thường, đúng theo phong cách của một họa sĩ dân gian. Chỉ qua vài nét phác thảo, tranh của Bé Ký tạo nét độc đáo, tạo ra sự sảng khoái làm cho giới thưởng ngoạn cảm thấy thích thú.
Mời bạn xem qua 4 tranh của Bé Ký dưới đây.




Đến đây là qua một hình thức hội họa khác. Tôi cũng muốn tìm kiếm tranh minh họa cho những tác phẩm văn học mà mình yêu thích. Việc tìm hiểu ngành nghệ thuật này tạo nhiều thú vị, bởi vì qua tranh minh họa thể hiện biểu cảm, khung cảnh, trang phục… cái hồn của cốt truyện mới ngấm sâu vào trong tim ta. Dưới đây là một vài tranh như thế.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, câu chuyện kết nghĩa vườn đào là quá nổi tiếng, và một bức minh họa được trình bày dưới đây.

Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng Tào Tháo mời Lưu Bị đến tiểu đình uống rượu, rồi mây mù mịt, quân hầu trỏ lên trời bẩm: “Có vòi rồng lấy nước.” Từ việc này, hai người luận anh hùng. Chợt có hai người tay cầm bảo kiếm, xông vào tận vườn sau, đến thẳng tận trước đình, lính canh ngăn lại không được. Tháo trông ra thì là Quan Vũ và Trương Phi.

Thêm hình minh họa, một bức tranh tường, cho một mưu mẹo thần sầu của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Dưới đây là cảnh Lưu Bị phó thác con côi cho Khổng Minh.
Truyện Hồng Lâu Mộng cũng có nhiều tranh minh họa. Dưới đây là cảnh Vườn Đại Quan, được xây một cách hoành tráng để đón Nguyên phi về thăm nhà, nhưng Nguyên phi nói: “Xa hoa quá!”

Bức vẽ dưới đây tả cảnh Giả Ngọc mới đến phủ Vinh Quốc lần đầu, Giả Mẫu ôm cháu vào lòng, kêu lên “Ruột thịt của ta đây”, rồi khóc nức nở.
Nhân vật Tần Khả Khanh – xinh đẹp và được mệnh danh là kẻ lẳng lơ trong mộng – có minh họa rõ nét. Bằng ngòi bút, Tào Tuyết Cần vẽ nên phòng ngủ của Tần Khả Khanh có đủ hương và sắc, đầy những chi tiết gợi cảm. Tranh minh họa cũng toát ra ý này.

Trong số tranh minh họa cho các nhân vật, tôi thích nhất tranh miêu tả Phượng Thư, có biệt hiệu Phượng Ớt. Đây là một người đẹp thuộc hàng nhất trong Hồng Lâu Mộng, lại giỏi quán xuyến thay mặt Giả Mẫu. Cô này có thói trên đội dưới đạp, hết lòng phục vụ kẻ trên, bắt nạt người dưới, ung dung ở giữa thu lợi.

Dưới đây là bức tranh tường ở Cung điện mùa hè (Di Hòa viên), Bắc Kinh. Bức tranh minh họa cảnh mẹ của Nhạc Phi xăm bốn chữ tinh trung báo quốc trên lưng ông.

Dưới đây là bức tranh tường trong một đền thờ của Nhạc Phi ở Hàng Châu, minh họa cảnh Chu Đồng dạy Nhạc Phi bắn cung.

Truyện Kiêu hãnh và Định kiến (nguyên tác: Pride and Prejudice) kể về cuộc đối đầu giữa cô Elizabeth Bennet có tính cứng cỏi, và anh Fitzwilliam Darcy kiêu hãnh về giai cấp cùng định kiến về vị thế thấp kém của gia đình Elizabet. Cùng lúc, cô Elizabeth cũng kiêu hãnh vì lòng tự trọng của mình và có định kiến với cung cách trưởng giả của Darcy. Trong một buổi khiêu vũ, Ngài William muốn giới thiệu cho hai người khiêu vũ với nhau.

Phu nhân Catherine de Bourgh nhất quyết muốn ngăn chặn cuộc hôn nhân giữa cháu trai bà Darcy và Elizabeth. Bà tìm đến nhà Elizabeth, đanh thép nói với cô: “Này cô Bennet, tôi muốn có câu trả lời thỏa đáng. Có phải nó, cháu trai tôi, đã ngỏ lời muốn kết hôn với cô không?”

Trong truyện Lý trí và Tình cảm (nguyên tác: Sense and Sensibility), Elinor bất ngờ chạm trán với Willoughby, người đã làm cho em gái cô đau khổ cùng cực. Bắt đầu thối lui với ánh mắt kinh hãi khi vừa trông thấy anh, Elinor tuân theo sự thôi thúc đầu tiên của con tim bằng cách lập tức bước rời khỏi gian phòng. Tay cô vừa chạm đến chốt cửa rồi ngưng lại, vì anh đã vội vã tiến đến, qua giọng như thể ra lệnh thay vì khẩn cầu: “Cô Daswood, chỉ nửa giờ… chỉ mười phút… tôi xin cô nán lại.”

Trở lại với hội họa Việt Nam, dưới đây là những bức tranh đáng chú ý.
Trong phiên đấu giá Christie’s HongKong cuối tháng 5/2018, xét toàn phiên, mức dự kiến 358.561 đến 486.618 USD cho bức Người bán ốc (mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 88cm x 65,5cm, 1929) của Nguyễn Phan Chánh. (1892-1984) ưu trội hơn các danh họa trong khu vực Đông Nam Á như José Joya, Vicente Silva Manansala, Fernando Cueto Amorsolo, Hendra Gunawan, Affandi, Georgette Chen, Cheong Soo Pieng, Chen Wen Hsi…, thậm chí không còn khoảng cách với Hàn Quốc, nhưng còn cách khá xa Trung Quốc, Nhật Bản. Giá bán: 6,7 triệu HKD (gần 20 tỉ đồng, khoảng 854,000 USD).

Trong phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại tại Christie’s Hong Kong tối 25/5/2019, bức Young Cowherds in Tonkinese Landscape (Mục đồng Bắc kỳ, sơn mài, 80cm x 151cm, khoảng 1938) của Phạm Hậu (1903-1995) bán được 3.725.000 HKD, tương đương hơn 11 tỷ đồng, khoảng 475,000 USD. Bức này có giá ước đoán từ 1.000.000 đến 1.600.000 HKD, tăng hơn 230% giá trần.

Bài này vẫn còn mở, sẽ được bổ sung khi có thêm ảnh được yêu thích trong cùng thể tài.
Sưu tập: Diệp Minh Tâm — Cập nhật tháng 5/2019