Tôi chọn 50 truyện ngắn của O. Henry để dịch, sau đó có người hỏi tôi những truyện nào tôi ưa thích nhất. Tôi bình chọn các truyện sau.
After twenty years (Sau hai mươi năm)
Một trong những truyện lấy bối cảnh Thành phố New York (nơi O. Henry sống tám năm cuối đời ông) được ưa thích nhất. Câu chuyện của hai người bạn thân, khác nhau về chí hướng, người muốn đi miền Viễn Tây để lập nghiệp nói về người ở lại:
… anh ta có phần lù khù, tuy là một con người rất tốt. Tôi thì phải tranh đấu với những đầu óc bén nhọn nhất để dành phần cho mình. Sống ở New York làm con người cùn nhụt đi. Cần phải có miền Viễn Tây để mài giũa nên con người.
A chaparral prince (Hoàng tử đồng xanh)
Chuyện phiêu lưu vùng Viễn Tây thời ấy, vừa hoang sơ, ngang tàng, mà cũng có khí phách anh hùng – pha trộn tai ương và phúc lành, lục lâm và hiệp sĩ. Câu chuyện bắt đầu sống động với cảnh:
Khi họ đến khu rừng sồi, cách trạm Ballinger tám dặm, thình lình có ánh chớp, tiếng súng và tiếng roi quật vun vút như thể từ một bộ lạc dân da đỏ. Một đám người ngựa phóng đến, bao quanh xe chở thư. Một tên đứng tựa vào bánh xe trước, chĩa khẩu súng lục vào anh đánh xe, ra lệnh dừng lại. Mấy tên khác nắm lấy dây cương của hai con Donder và Blitzen.
Fritz gầm lên chát chúa:
– Muốn làm loạn hả? Buông tay ra khỏi mấy con lừa. Chúng tôi là xe thư Hiệp Chủng Quốc!
Một giọng nói u uẩn kéo dài:
– Nhanh lên, anh người Đức. Anh không biết anh đang bị trấn lột hay sao? Kéo lừa lại, leo ra khỏi xe.
Christmas by injunction (Giáng sinh do sai khiến)
Thêm một câu chuyện Giáng sinh hay của O. Henry. Các nhân vật chính trong truyện cùng nhau thực hiện một âm mưu mà họ không ngại gì nói thẳng ra:
Chúng tôi muốn bắt cóc con nít theo cách từ tốn.
Cuối cùng, đối tượng duy nhất mà họ thành công trong âm mưu bắt cóc này là
một thằng lỏi khoảng mười tuổi, người gầy còm, mặt hằm hằm, đang hút một điếu thuốc.
The church with an overshot-wheel (Ngôi giáo đường với cối xay nước)
Cô bạn của người dịch nhận xét “giống như truyện cổ tích”. Người dịch rất thích truyện này, nhưng không hiểu sao truyện này ít được phổ biến trên các trang web. Cốt chuyện dễ thương, và là một trong số ít truyện của O. Henry thể hiện văn tài tả cảnh tuyệt vời. Ví dụ:
Ông chủ cối xay đi chầm chậm dọc con đường dốc ngoằn nghoèo. Cây cối mọc sát nhau hai bên lề đường, phủ bóng tối trên bước ông đi, với chiếc mũ trên tay. Mấy con sóc nhẩy nhót vui đùa trên hàng rào cũ kỹ bên phải ông. Vài con chim cút đang kêu họp bầy trong đống rạ lúa mỳ. Mặt trời đã xuống thấp, tỏa những tia sáng vàng vọt lên khe núi mở ra hướng tây… Cái cối xay cũ chạy bằng sức nước đã bị dây thường xuân che phủ một nửa, bắt lấy vài mảng nắng ấm áp chiếu xuống qua cành cây kẽ lá. Ngôi nhà gỗ phía bên kia đường vẫn còn đấy, nhưng chắc chắn sẽ đổ sụp trước luồng gió thổi từ núi rừng trong mùa đông tới. Dây bìm bìm bò dọc ngang cùng khắp trên khung nhà, và cánh cửa treo lơ lửng trên một bản lề.
The cop and the anthem (Tên cớm và âm điệu giáo đường)
Một trong những truyện nổi tiếng nhất của O. Henry, được chuyển thể qua phim ảnh và trên sân khấu, kể cả sân khấu Việt Nam. Nhân vật chính là Soapy, vô gia cư, vô nghề nghiệp:
Vầng trăng đang ở trên cao, vằng vặc, êm đềm; xe cộ và người qua lại thưa thớt; chim sẻ ríu rít điệu ngái ngủ dưới mái giáo đường – trong một khoảnh khắc, khung cảnh như là sân vườn sau của một nhà thờ miền quê. Và âm điệu giáo đường đổ khuôn bê tông Soapy lên bức rào sắt, vì anh đã quen thuộc với nó trong những ngày cuộc đời anh còn có những thứ như tình mẹ và hoa hồng và cao vọng và bạn bè, cùng tư tưởng và cổ áo chỉnh tề.
Friends in San Rosario (Bạn hữu ở San Rosario)
Như tựa đề cho thấy, đây là một câu chuyện về tình bạn. Phần lớn câu chuyện là lời tự sự của một ông già miền Tây ở Hoa Kỳ, với phần kết luận cho người nghe có tuổi nhỏ hơn ông nhiều:
Anh con trai à, có rất nhiều chuyện trong vùng đồng nội, trên đồng cỏ, trên những vực núi, mà anh không thể hiểu được. Nhưng tôi muốn cám ơn anh đã lắng nghe câu chuyện chán ngắt của một ông già lắm lời. Dân già Texas tụi tôi khoái kể lể mấy cuộc phiêu lưu và các bạn hữu, và người nhà của tụi tôi đã từ lâu biết bỏ chạy khi tụi tôi bắt đầu với câu “Ngày xửa ngày xưa”, nên tụi tôi đành phải tóm lấy người lạ đi đến gần cổng nhà mình.
The furnished room (Căn phòng đủ tiện nghi)
Truyện được những nhà phê bình nghiêm khắc xem là một trong những truyện nghiêm túc, có giá trị văn học nhất của O. Henry. Tác giả mô tả:
Căn phòng đủ tiện nghi nội thất tiếp đón người khách mới nhất với tia sáng đầu tiên của lòng hiếu khách giả tạo, một thái độ chào đón tất bật, hốc hác, máy móc như là nụ cười đặc biệt của một ả giang hồ. Sự thoải mái hiện đại đến từ ánh sáng phản chiếu từ đồ nội thất rã mục, tấm nệm thêu xơ xác của cái phô-tơi và hai chiếc ghế, tấm gương soi toàn thân rẻ tiền đặt giữa hai cửa sổ, từ một hai khung ảnh sỗ sàng và khung giường bằng đồng đặt ở góc phòng.
Georgia’s Ruling (Phán quyết của Georgia)
Cả trăm năm trước, nước Mỹ rộng bao la vẫn có cơn “sốt đất” tạo ra nhiều vấn đề cho các sở địa chính, nhưng ở đây nằm trong bối cảnh khác: tình cha con mở rộng ra tình người. Ý tình thắm thiết nhưng ngôn từ cô đọng. Câu chuyện bắt đầu từ một ý muốn của trẻ thơ:
Một ngày, trong khi nằm với cơn sốt cháy tươi hồng trên đôi má, thình lình cô bé nói:
– Ba à, con ước con có thể làm gì đấy cho các trẻ khác.
Ông Giám đốc hỏi:
– Con muốn làm gì hở cưng? Chiêu đãi họ một bữa à?
– Con không có ý như thế. Ý con là những trẻ nghèo không có nhà ở, không được yêu thương chăm sóc như con. Ba ơi, con muốn nói cho ba nghe.
– Gì thế, cưng của ba?
– Nếu con không khỏi bệnh, con sẽ nhường ba cho họ – không phải cho hẳn ba, nhưng để cho mượn, vì ba phải đến với má và con khi ba chết. Nếu ba có thời giờ, ba có thể làm việc gì đấy không để giúp những trẻ nghèo, nếu con yêu cầu, hở ba?
The gift of the Magi (Món quà của các nhà thông thái)
Một trong các truyện của O. Henry được người đọc phương Tây yêu thích nhất, cũng có thể được xem là một trong những truyện ngắn về Giáng Sinh hay nhất mọi thời đại. Tác giả đúc kết:
Tôi đã kể lại, một cách què quặt, cho bạn câu chuyện trầm lặng về hai đứa trẻ ngu si trong căn phòng cho thuê đã hy sinh cho nhau một cách ngốc nghếch, để rồi mất đi những vật quý báu nhất. Nhưng trong lời cuối cho sự khôn ngoan của thời buổi này, tôi xin nói rằng trong số tất cả những người tặng quà, hai người này là thông thái nhất.
The green door (Cánh cửa mầu lục)
Tác giả giống như thiên về tư cách nhà hoạt động xã hội (social activist) qua truyện này. Tóm tắt:
Đấy là hoàn cảnh thường gặp như hàng nghìn trường hợp khác… – hoàn cảnh của một cô gái làm chân bán hàng nhận đồng lương tồi tệ, đồng lương càng bị hụt đi do những món tiền “phạt” để cửa hiệu có thêm lợi nhuận; hoàn cảnh của đau yếu khiến ngày công bị cắt; hoàn cảnh của việc mất chỗ làm, mất đi hy vọng…
The last leaf (Chiếc lá cuối cùng)
Truyện ngắn nổi tiếng được biết đến nhiều nhất của tác giả, được đưa vào sách giáo khoa của nhiều nước để giới thiệu văn học nước ngoài. Nhân vật chính là Johnsy, đang bị bệnh và nghĩ mình sẽ không qua khỏi:
Nỗi cô đơn cùng cực nhất trên thế gian là một linh hồn chuẩn bị tiếp tục cho cuộc hành trình bí ẩn, xa thẳm. Điều mộng tưởng dường như ám ảnh cô mạnh mẽ hơn khi những sợi dây nối buộc cô với tình bạn và với trần thế đã dần bị lơi lỏng.
The marionettes (Con người hai mặt)
Bộ khung của truyện ngắn này là:
… câu chuyện về ảo ảnh, ngang tàng, đại họa, tàn nhẫn, và tự trọng… quang cảnh một ngôi nhà lý tưởng tận miền Nam xa xôi; một cuộc hôn nhân với hối tiếc nhanh chóng; một mùa trong năm trôi qua không hề có hạnh phúc mà chỉ đầy những bê tha và hành hạ; và, cuối cùng, khoản tiền do di chúc để lại nhưng bị tên chồng với lòng dạ lang sói thu giữ và tiêu phí trong hai tháng vắng mặt khỏi nhà; rồi đến một đêm khuya hắn lết về say khướt. Chen vào đấy là tình thương giản đơn, chịu đựng, thuần khiết của bà quản gia già người da đen, luôn luôn theo chân cô chủ không sờn bước để cùng nhau chịu đựng mọi nỗi niềm cho đến lúc cuối.
The reformation of Calliope (Đứa con lạc loài)
Câu chuyện hiếm hoi của O. Henry về tình mẹ, của một bà mẹ quê mùa:
Bà có thói quen thường thấy ở tuổi già – nói nhiều về những điều nhân đức… Bàn tay may găng đen của người phụ nữ nhẹ nhàng vuốt trên ngực anh chàng mà bà đang khẩn thiết khuyên bảo. Gương mặt nhăn nheo của bà đầy vẻ nghiêm chỉnh và chân thành. Trong bộ áo đen cũ kỹ và chiếc mũ kiểu cổ, bà ngồi, kề bên đoạn cuối một cuộc đời dài, đúc kết kinh nghiệm của trần thế.
A retrieved reformation (Một cuộc đổi đời)
Truyện rút tư liệu từ thời gian O. Henry ngồi tù, có ý kiến cho là dựa trên chuyện có thật.
Hãy đọc thư của nhân vật chính kể cho người bạn về cuộc đổi đời của mình:
Mình đang sống đời lương thiện, trong hai tuần nữa mình sẽ cưới một người con gái tuyệt vời nhất thế gian. Mình sẽ chỉ có một cách sống Billy à – sống chân chất. Mình sẽ không chôm chỉa của ai một đô nào nữa. Sau khi thành hôn, mình sẽ bán tất cả tài sản rồi đi về miền Tây, nơi mình sẽ không có cơ nguy bị đòi các món nợ ân oán giang hồ. Nói cho bạn biết, cô nàng là một thiên thần. Cô tin tưởng nơi mình, và mình sẽ không làm thêm một chuyện gì lôi thôi nữa.
The dream (Giấc mộng)
Đây là truyện cuối cùng của O. Henry. Tạp chí văn chương Cosmopolitan Magazine đã đặt hàng tác giả viết truyện này, nhưng sau khi nhà văn qua đời (tháng 6 năm 1910), tập bản thảo dang dở được tìm thấy trên bàn làm việc đầy bụi bặm của nhà văn. Truyện ngắn dang dở được ra mắt trên tạp chí Cosmopolitan Magazine tháng 9 năm 1910. Giữa câu văn bỏ lửng, bàn tay của Thần Chết cắt đứt ý tưởng trong truyện ngắn cuối cùng của O. Henry. Ông đã dự định viết một truyện khác với những truyện trước, khởi đầu cho một loạt truyện theo văn phong ông chưa từng viết trước đấy. Ông nói:
Tôi muốn chứng tỏ với công chúng rằng tôi có thể viết gì đấy một cách mới lạ – ý tôi nói là mới lạ đối với tôi, một truyện không có tiếng lóng, một cốt truyện đầy kịch tính chân chất theo cách thức sẽ gần gũi hơn với ý tưởng của tôi về cách viết truyện thật sự.
Nhưng O. Henry không thể theo đuổi ý nguyện mới của mình.
Cũng còn nữa, nhưng người dịch để tùy bạn đọc tự khám phá: At arms with Morpheus (Qua cơn mê), The buyer from Cactus City (Khách ở sa mạc lên), Hearts and crosses (Những quả tim và chữ thập), His courier (Liên lạc viên của chàng), Springtime à la carte (Xuân về trên thực đơn)…
Bản dịch
Những trích đoạn trên được rút từ quyển Tinh hoa truyện ngắn O. Henry, gồm 50 truyện do Diệp Minh Tâm dịch, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2003 và được tái bản nhiều lần. Những tựa truyện bằng Việt ngữ là do người dịch đặt trong quyển sách nói trên.
Diệp Minh Tâm