Lần đầu tiên tôi giao bản thảo của mình dịch truyện O. Henry cho một nhà xuất bản (NXB) vào hàng nổi tiếng. Anh nhân viên NXB xem nhanh qua bản thảo, rồi phê phán một câu trong bản dịch của tôi nói về phản ứng của một nhân vật nữ: “cô… trở thành băng tuyết” mà bảo dịch như thế là không ổn; phải dịch đại loại như “cô… lạnh lùng như băng tuyết” thì mới đúng. Nhưng tôi dịch đúng theo cách viết của O. Henry mà! Chính tác giả viết như thế thì tôi nghĩ nên tôn trọng cách viết của tác giả nguyên bản. Nhưng rồi tôi đành phải chữa lại theo cách viết cho đúng, dù tôi chẳng tâm phục khẩu phục biên tập tí nào cả!
Lần khác, cũng từ bản dịch truyện O. Henry, có câu miêu tả hành động “Cô người mẫu sáng giá nhanh nhẹn bay ra bay vào phòng thay áo, mỗi lần mặc một kiểu áo mới…”, một biên tập có ý sửa chữ “bay” thành “lượn”. Theo lôgíc của biên tập thì con người không thể bay được, đúng quá! Đây không phải là bài viết khoa học, mà là tác phẩm văn học, lại là văn học của O. Henry! Nhưng tôi đành phải theo lôgíc của biên tập để quyển sách dễ được in ấn!
Lại một lần khác, O. Henry không viết “ngày sinh” mà “đêm sinh”, và đến phiên một biên tập khác phê phán. Nhưng rõ ràng O. Henry có chủ ý tạo ra từ mới “birthnight” mà! Đến đây thì tôi phải bảo lưu cho bằng được! Đó là nét tráy khoáy pha hài hước của O. Henry.
Cũng may là biên tập không bắt bẻ lỗi ngữ pháp trong câu O. Henry miêu tả một nhân vật: “… sạch sẽ, trầm lặng, tỉnh táo, lễ độ, ăn mặc trắng muốt, đúng giờ, đáng tin cậy, trẻ trung, có trách nhiệm, và thu tiền chúng tôi.” Ai cũng biết khi kể ra một loạt những đặc tính như thế thì phải dùng tất cả hoặc là tĩnh từ hoặc là động từ hoặc là danh từ nối với nhau. Đằng này O. Henry viết ra một loạt tĩnh từ, rồi ghép với từ “và”, tiếp theo đó là một động từ và một mệnh đề. Học sinh ở Anh hoặc Mỹ từ cấp 2, cấp 3 viết như thế thì bị thầy cô giáo chỉnh ngay, còn cứ ngoan cố lần sau viết như thế nữa thì dễ bị trừ điểm! O. Henry hẳn biết rõ cách viết là không đúng Anh văn, nhưng ông cứ phóng bút như thế!
Nhiều lần tôi phải cất công giải thích, vừa bào chữa cho O. Henry mà cũng bào chữa cho mình: cần tôn trọng văn phong của nguyên tác, nhất là của một tác giả muốn thể hiện sự trào lộng, oái oăm. Cho đến lúc tôi tìm được một bài viết về văn phong O. Henry để từ đó tôi đưa vào phần giới thiệu quyển sách truyện ngắn O. Henry (tái bản): “Một nhà phê bình người Mỹ nhận xét nửa nghiêm túc nửa khôi hài là không phải O. Henry viết Anh ngữ!”
Tôi vẫn thường dặn dò NXB là nếu muốn sửa gì thì nên tham khảo với tôi. Ấy thế mà trong truyện ngắn cuối cùng của cuộc đời O. Henry có câu cuối:
Có khoảng hai mươi người trong phòng hành quyết, gồm những quản giáo trại giam, ký giả báo chí và người dự khán đã thành công
Biên tập của một kỳ tái bản bèn thêm vào dấu chấm câu ở câu cuối này mà không màng đọc câu kế tiếp của người chắp bút cho tác giả:
[bắt đầu trích đoạn]
Đến đây, giữa câu văn bỏ lửng, bàn tay của Thần Chết cắt đứt ý tưởng trong truyện ngắn cuối cùng của O. Henry.
[hết trích đoạn]
Đã nói rõ là “giữa câu văn bỏ lửng” (thành công làm gì?, trong việc gì?) thì chấm câu là sao?
Kỳ tái bản kế tiếp, tôi phải dặn dò kỹ hơn thì may quá, biên tập không thêm dấu chấm câu!
Nhưng trong kỳ này, họ thêm hai dấu gạch ngang trong câu dưới đây:
Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences) của Hoa Kỳ thiết lập −“Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry” − (O. Henry Memorial Awards)
Hai dấu gạch ngang mà biên tập thêm vào như thế là hoàn toàn sai về ngữ pháp!
Một số truyện của O. Henry đưa ra hai nhóm nhân vật: một nhóm thuộc miền Bắc nước Mỹ, ăn nói thanh lịch, đúng văn phạm; nhóm kia thuộc miền Nam nước Mỹ, từ ngữ chân chất, cách phát âm lạ lùng, văn phạm sai bét. Thế nên khi dịch, tôi mường tượng một bên như là người Hà Nội ăn nói thanh lịch, bên kia như là dân Nam Bộ chất phác, phát âm nhiều từ ngữ không đúng chuẩn.
Lấy ví dụ, một cậu bé trong một truyện nói với cô gái: “If yer don’t know de guy, and he’s tryin’ to do de Johnny act, say de word, and I’ll call a cop …” Tôi thêm gạch dưới để chỉ những từ được phát âm không đúng cách (khiến cho tác giả nguyên tác phải viết sai theo!), và chữ đậm để chỉ tiếng lóng.
Tôi dịch là: “Nếu cô hổng quen ổng, nếu ổng muốn quậy, chỉ cần một tiếng, tui đi kêu cớm …” Thế mà biên tập lại sửa thành: “Nếu cô không quen ông, nếu ông muốn quậy.., chỉ cần một tiếng, tôi đi kêu cảnh sát …”
Tương tự, câu của O. Henry: “She says she caught yer dead to rights…”, tôi dịch là “Cổ nói cổ bắt ông ràng ràng…” Thế mà biên tập lại sửa thành: “Cô nói cô bắt ông ràng ràng…” Từ Nam Bộ “cổ” nếu muốn sửa theo từ chuẩn thì phải là “cô ấy”, chứ không thể là “cô” được! May mà biên tập không sửa “ràng ràng” thành “rõ ràng”.
Trong một truyện khác, tác giả nguyên bản miêu tả một gia nhân người miền Nam (tác giả ghi rõ như thế: người miền Nam) ăn nói lộn xộn, phát âm sai chuẩn: “Denfo’ God’s sake come and see Mister Chandler, suh. He done had a fit or sump’n. He layin’ jist like he wuz dead. Miss Amy sont me to git a doctor.” (Từ gạch dưới là cách phát âm sai.)
Tôi dịch câu nói trên theo cách chân chất của Nam Bộ: “Vậy mời ông bác sĩ làm ơn vô thăm bịnh cho ông Chandler. Ổng bị lên cơn đau tim hay là cái gì đó. Ổng nằm như chết. Cô Amy biểu tui đi tìm bác sĩ…” Thế mà biên tập cứ sửa các từ Nam Bộ mà thành “Vậy mời ông bác sĩ làm ơn vô thăm bệnh cho ông Chandler. Ông bị lên cơn đau tim hay là cái gì đó. Ông nằm như chết. Cô Amy bảo tôi đi tìm bác sĩ…” Một lần nữa, từ Nam Bộ “ổng” nếu muốn sửa theo từ chuẩn thì phải là “ông ấy”, chứ không thể là “ông” được!
Ôi thôi, cứ sửa cho chỉn chu rồi lại chẳng chỉn chu gì cả! Và cứ nhất mực dùng từ chỉn chu thì còn gì là tính hài hước trong văn phong O. Henry nữa!
Xuyên suốt quyển sách, cứ thế mà biên tập sửa “mầy” (trong cách xưng hô “mầy tao”) thành “mày”, hoặc “bịnh” sửa thành “bệnh”, v.v…
Khi dịch văn O. Henry, tôi sử dụng cách nói chân chất của người Nam Bộ tương tự như trong văn của Nguyễn Ngọc Tư, mà tôi dịch như thế từ lần ra mắt đầu tiên bản dịch O. Henry năm 2000 trước khi tôi đọc văn Nguyễn Ngọc Tư. Thế mà mười năm sau, biên tập bản dịch lại làm mất đi giá trị văn học như thế! Tất cả chỉ là do tính thiên kiến hẹp hòi, cổ hủ, thiếu nhận thức về cái hồn của văn học, chỉ muốn áp đặt mà biên tập theo ý riêng của mình!
Có thêm cách biên tập mà tôi không thể đồng ý được. Tôi dịch cách đi đứng của một bé gái gần 4 tuổi là “bước đi lẫm chẫm”, nhưng biên tập đổi thành “bước đi lẫm rẫm”. Tại sao thế? “lẫm chẫm” có trong từ điển Lạc Việt mà!
Tóm lại, người dịch rất lấy làm tiếc – và đau khổ! − mà thấy biên tập chỉ biết sửa và sửa đến tan nát bản dịch mà không màng tham khảo với người dịch, không màng biết đến cách dùng từ ngữ như thế diễn tả giá trị ra sao!!! Biên tập không màng suy nghĩ tìm hiểu tại sao trong cùng một truyện ngắn, một người ăn nói văn vẻ thanh lịch, trau chuốt, còn người kia ăn nói bỗ bã, lộn xộn, dùng tiếng lóng… Rồi cứ thế mà đánh đồng ngôn ngữ cho giống nhau, không còn giữ được cái hồn của tác phẩm!
Ôi biên tập! Ước gì họ có trình độ khá hơn!!!
Một trường hợp bị ném đá
Tôi bị một độc giả ném đá sau khi đọc bản dịch quyển sách No country for old men(tựa đề bản dịch: “Không chốn nương than”)
Câu dịch thuật của tôi là:
Tôi đã đưa một tên trai trẻ vào phòng hơi ngạt ở Huntsville. Chỉ một người duy nhất là tên trai trẻ ấy. Việc tôi bắt giữ và khai báo. Tôi đi lên đấy, và đến gặp tên trai trẻ hai hoặc ba lần. Ba lần.
Nguyên tác là:
I sent one boy to the gaschamber at Huntsville. One and only one. My arrest and my testimony. I went up there and visited with him two or three times. Three times.
Chỉ vì văn phong nguyên bản lủng củng, có câu có động từ mà không có chủ từ, hoặc câu cú cụt lủn, nhưng đó là văn phong của tác giả hoặc cách nói của nhân vật trong truyện mà văn phong trong bản dịch cũng thể hiện như thế. Đó cũng là một sắc thái văn học đặc thù của mỗi tác giả.
Nếu chuyển thể ra tiếng Việt cho trau chuốt hoa mỹ, đúng văn phạm, đúng cách nói của người Việt thì ta sẽ không nhận ra đâu là Cormac McCarthy, đâu là Jane Austen hoặc đâu là O. Henry – là những tác giả tôi đã dịch. Người thì viết cụt lủn, người dài dòng; người thì viết ngôn từ hoa mỹ, người dùng nhiều tiếng lóng; có nhân vật ăn nói lịch sự trau chuốt, có người như dùi đục chấm mắm cáy… Chính bản thân người Anh-Mỹ với Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ cũng nói họ thấy văn phong Jane Austen khó đọc!
Độc giả cần trải lòng ra để ghi nhận, thưởng thức từng sắc thái văn học của từng tác giả, chứ không nên chỉ theo dõi cốt chuyện. Dần dà, các bạn sẽ nhận ra sự đa dạng của từ ngữ và văn phong, cũng đa dạng như màu da, bản tính, cách hành xử… của con người. Ví dụ, khi bàn về các món ăn trên thế giới, nếu ta nói món này dở và món kia ngon là ta theo một khía cạnh, còn nếu nói về sự khác biệt giữa các hương vị thì lại là khía cạnh khác. Mở rộng thêm, nếu nói về đặc tính văn hóa hoặc nhân chủng học trong các món ăn thì lại là cảm nhận khác.
Một trường hợp biên tập tự chuyên thêm ý lăng mạ
Tôi dịch quyển The rise and fall of the Third Reich (tựa theo Việt văn: Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba) với tất cả cố gắng theo đúng tinh thần của tác giả. Đến khi in ra, tôi thấy tất cả đoạn nói về Hitler và người Đức được gọi bằng đại từ “ông ta”, trong khi các nhân vật bên phía Đồng Minh được gọi bằng đại từ “ông”. Nhân viên biên tập cứ thấy tên người Đức là sửa “ông” thành “ông ta” xuyên suốt cả quyển sách! Ý nghĩa là rõ ràng: lăng mạ người Đức, và tôn vinh các nhân vật Đồng Minh.
Tôi tiếp xúc với NXB tỏ ý phản đối đã sửa chữa bản thảo mà không hỏi ý kiến của tôi, và được nghe nói đại ý là do ý kiến bên ngoài NXB. Tôi không rõ việc này có đúng không, hay là do một người biên tập trong NXB tự chuyên sửa chữa bản thảo mà không thông qua ý kiến của ai, để rồi NXB phải tìm cách đổ lỗi cho bên ngoài (?).
Nói chung, tôi phản bác những luận cứ và lý do mà NXB đưa ra. Rồi tôi gửi fax liên tiếp 2 lần cho NXB (để phòng hờ 1 bản fax không được gửi chỉn chu thì còn có bản thứ hai), với phần chính yếu như sau.
Tôi đã lắng nghe những luận cứ từ các nhân viên của NXB và của GS. Tôi cũng đã soát xét toàn bộ sự việc và đã suy đi nghĩ lại rất kỹ. Từ đó, tôi có lời khẩn thiết trình bày như sau.
Khi dịch một quyển sách, tôi đã xem xét không những ý nghĩa của nội dung và từ ngữ, mà còn tìm cách cảm nhận tinh thần, văn phong của tác giả nguyên bản, và cố gắng thể hiện tinh thần, văn phong đó. Như thế, tinh thần và văn phong không phải là của tôi, mà là do tôi cố gắng truyền đạt từ tác giả đến cho người đọc.
Tác giả nguyên bản đã có tinh thần khoa học nghiên cứu rất nghiêm túc khi đưa ra một sử liệu nhằm thể hiện những sự kiện. Qua những sự kiện đó, tùy người đọc rút ra kết luận cho riêng mình. Tác giả cũng có ít nhận xét, nhưng dựa trên sự kiện và lập luận. Tác giả trình bày những thái độ, hành động của các nhân vật liên quan, từ đó đưa ra kết luận cho riêng mình: thái độ, hành động nào là đáng khen hoặc đáng chê. Dù khen hay chê, tác giả không sử dụng ngôn từ lăng mạ ai hoặc tâng bốc ai. Tự những thái độ, hành động đó và những hệ lụy tiếp theo đủ nói lên tất cả, không cần phải lăng mạ ai hoặc tâng bốc ai.
Chắc chắn tác giả nguyên bản không ưa thích gì Hitler, nhưng tác giả không có ngôn từ nào có ý lăng mạ Hitler. Vì thế, tôi muốn thể hiện đúng đắn tinh thần đó. Cá nhân tôi không hề muốn ủng hộ – ngay cả biện hộ – cho Hitler. Nhưng tôi vẫn muốn sử dụng văn phong dịch thuật đúng như văn phong của tác giả, còn chủ kiến của riêng tôi thì không nên đưa vào bản dịch.
Tôi vẫn cho rằng đánh đồng những người Đức bằng từ “ông ta” và toàn bộ những người Anh, Mỹ, Nga… bằng từ “ông” là không đúng như tinh thần và văn phong của tác giả nguyên bản.
Tôi vẫn cho rằng biên dịch như thế là không hay, là không đúng, là làm sai lạc một cách tồi tệ tinh thần của quyển sách. Việc này chẳng đem lại lợi ích gì cả. Quyển sách này không phải là tài liệu dùng để tuyên truyền, học tập hoặc phê phán. Nó đơn thuần là tư liệu khoa học lịch sử.
Tôi vẫn cho rằng ta cần có tinh thần phóng khoáng trong vận hội mới của đất nước đang hội nhập, đang đi ra biển lớn. Không nên e ngại bị chê bai là “ba phải” hoặc “thiếu chính kiến” khi có tinh thần phóng khoáng. Tôi chỉ muốn thể hiện trung thực văn phong và tinh thần của tác giả nguyên bản đến cho người đọc. Việc biểu lộ chính kiến không phải là mục đích của bản dịch.
Tôi vẫn cho rằng ý kiến của mình đúng, mà tôi khẩn thiết yêu cầu xem xét, vì NXB, vì người đọc Việt Nam. Với tất cả lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp của mình, tôi sẽ không chấp nhận việc tái bản quyển sách mà không làm đúng theo điều khoản hợp đồng, như Mục 3.1.
Một phần của Mục 3.1 của biên bản dịch sách ghi: “mọi chỉnh sửa của biên tập đều phải được nhất trí với dịch giả”.
Lần in thứ nhất lỡ rồi, không sửa chữa gì được. Tôi không muốn làm căng quá, nên đưa ra giải pháp dung hòa: chỉ ở những đoạn kể hành động tàn ác của Hitler và các nhân vật Quốc Xã cấp cao mới giữ lại tiếng lăng mạ “ông ta”, còn lại phải sửa theo bản thảo ban đầu.
NXB đã thuận theo ý kiến của tôi trong lần in thứ hai của bản dịch này.
Tản mạn
Đến đây, tôi nhớ có lần ở giữa thập kỷ 1930, tôi cho một bài giảng trong một buổi đào tạo mà học viên đều đã tốt nghiệp đại học, tuổi từ “hăm” và “băm” đến tứ tuần. Tôi dùng từ “nguyên ủy”, và có người hỏi “nguyên ủy” là gì. Tôi hỏi lớp học có ai biết nghĩa của từ này thì giải thích hộ tôi; không ai nói được. Tôi hỏi tiếp đã có ai nghe nói đến từ này chưa; không ai đáp có. Một người còn nói từ này không hề có trong tiếng Việt! Tôi ngạc nhiên quá, tự hỏi chẳng lẽ mình “sáng tạo” ra từ này? Tôi hẳn đã nghe hoặc đọc từ này ở đâu đó chứ!
Trong một trường hợp, tôi dùng từ “sự sản”, và biên tập yêu cầu tôi đổi là “tài sản”. Tôi cố thuyết phục, rồi cuối cùng phải nói nếu đổi như thế thì tôi không đồng ý cho in. Tôi hơi chột dạ bởi vì đã bỏ ra nhiều công sức cho bản dịch, chỉ e NXB khư khư giữ ý kiến của họ mà bỏ qua luôn việc in ấn. May là cuối cùng biên tập đồng ý giữ “sự sản”.
Hơn 10 năm sau bản in đầu, một bài đăng về 200 năm “Kiêu hãnh và định kiến”, có đoạn giải thích thay cho tôi:
“Sự sản” là từ trong bản dịch tiếng Việt của tác phẩm văn học cổ điển Anh nổi tiếng thế giới Kiêu hãnh và định kiến (Pride and Prejudice) của Jane Austen, thể hiện ngôn ngữ cổ của cuốn sách.
Cũng vị biên tập trên góp ý là không nên dùng từ địa phương, bởi vì vị này sống ở Hà Nội, ăn nói theo cách văn vẻ thanh lịch, trong khi từ cách nói chân chất của người miền Nam nước Mỹ tôi dịch ra theo cách nói của người Nam Bộ. Ví dụ, người thanh lịch nói “bệnh” thì cách nói chân chất là “bịnh”.
Tôi không thể đồng ý cách chuyển tất tần tật những từ ngữ “địa phương” thành từ ngữ “trung ương”. Cứ như thế thì vốn từ ngữ phong phú của ta sẽ nghèo nàn đi.
Một trường hợp khác, tôi được nghe ý kiến thay vì dùng từ “đông miên”, nên dùng “giấc ngủ mùa đông”. Tôi không muốn đổi vì biết rõ – mà người góp ý cũng đồng ý – rằng trong những ngữ cảnh ấy người đọc vẫn hiểu được. Tôi không muốn làm nghèo nàn tiếng Việt để chuyển những từ lạ lẫm thành từ quen thuộc. Nếu ai cũng làm như thế thì dần dà tiếng Việt sẽ quá nghèo nàn, chỉ còn có một số ít từ ngữ dùng đi dùng lại. Mà tiếng Việt ta rất phong phú, tại sao lại làm cho nó nghèo đi?
Tản mạn thêm một chút, lúc trước có nhiều người trong Nam nhận xét sao mà từ “tốt” hay được dùng tràn lan: lao động tốt, dạy tốt, học tốt, sản xuất tốt… Làm việc gì cũng là tốt, không có cách diễn tả khác cụ thể hơn, rõ nghĩa hơn hay sao? Hóa ra muốn dùng cách diễn tả cho dễ hiểu, nhưng rốt cuộc chẳng dễ hiểu gì cả. Nó cứ như là cách nói tự động, mở miệng ra là nói như thế, không suy nghĩ cho khúc chiết.
Cũng vì muốn cho thấy quyển sách dịch có tinh thần mới, tựa sách là lạ nghe hấp dẫn (tôi muốn làm marketing dùm NXB mà!) tôi đề nghị tựa sách là “Tinh hoa truyện ngắn O. Henry”. Biên tập không chịu, cho rằng từ “tinh hoa” có ý chủ quan, nên dùng từ ngữ quen thuộc là “Tuyển tập”. Tôi nghĩ việc chọn ra truyện ngắn nào cần dịch tự nó đã có ý chủ quan rồi. Từ “tuyển tập” cũng có ý chủ quan trong việc tuyển chọn. Tựa sách “Truyện ngắn xuất sắc” hoặc “Truyện ngắn hay” cũng là do ý chủ quan thôi, chắc chắn sẽ có người đọc nêu ra một truyện không phải là xuất sắc, không phải là hay. Tựa sách “Tinh hoa” bị phản đối chỉ vì nó mới mẻ quá, trong khi NXB chỉ muốn đi theo lối mòn. Mãi mấy năm sau, khi sắp tái bản sách tôi nêu lại ý kiến lúc trước thì “Tinh hoa” mới được chấp nhận.
Tóm lại, khi dịch văn học nước ngoài, tôi không muốn bị gò bó trong một số từ ngữ quen thuộc hạn hẹp. Có thể khi gặp những từ lạ lẫm, người đọc sẽ phải dừng lại một chút, một chút thôi, vì trong ngữ cảnh đó họ sẽ nhận ra ý nghĩ của từ ngữ lạ lẫm ấy. Bù lại, họ có dịp tiếp nhận tính phong phú, đa dạng của Việt ngữ. Rồi dần dà, trong cách nói và viết, họ sẽ thể hiện được tính phong phú này. Để tránh kiểu nói cái gì cũng tốt, hành động gì cũng tốt!…
Diệp Minh Tâm