Douglas MacArthur (1880-1964) là Thống tướng Lục quân của Hoa Kỳ và Thống tướng của Quân đội Philippines, người được trao tặng Huân chương Danh dự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Ông chiến đấu trong 3 cuộc chiến lớn: Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Ông là Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ trong suốt thập niên 1930 và sau đó làm Tư lệnh Tối cao Tây-Nam Thái Bình Dương, đóng một vai trò quan trọng trên mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II trên cương vị này.
Sau khi thay mặt cho Đồng Minh chính thức chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông được cử giám sát cuộc chiếm đóng Nhật Bản từ 1945 đến 1951 và được trao toàn quyền để định hình một nước Nhật thời hậu chiến. Trong khi người Nhật e sợ Mỹ xúc phạm Hoàng đế Nhật (phía Đồng minh có nhiều lời kêu gọi phải truy tố Hoàng đế) và hành động trả thù thiếu công bằng, thì những việc này không xảy ra. Ông tổ chức cứu tế dân Nhật đang đối mặt với nạn đói, khéo léo hướng dẫn Nhật Bản cải tổ cơ cấu lập pháp và hành pháp, cải cách ruộng đất, tái thiết nước Nhật, và lập quan hệ thân hữu với đối phương cũ. Ông được công nhận vì những đóng góp cho những thay đổi dân chủ sâu rộng của đất nước này, ví dụ: lần đầu tiên phụ nữ Nhật được đi bầu. Người Nhật rất biết ơn ông, thậm chí nhiều gia đình Nhật lập bàn thờ để thờ ông.
Khi quân Bắc Triều Tiên tràn xuống tấn công Nam Triều Tiên năm 1950, ông được cử làm Tư lệnh lực lượng Liên Hiệp Quốc gồm quân của 16 nước để bảo vệ Nam Triều Tiên.
Sau khi Trung quốc xua quân tràn xuống Nam Triều Tiên, MacArthur tổ chức phản công và đẩy lùi quân Trung quốc. Trong khi MacArthur đề xuất đánh tràn qua bên kia bên giới, phá hủy những an toàn khu của quân Bắc Triều Tiên trên đất Trung quốc và mang về chiến thắng, thì Tổng thống Mỹ Truman muốn giới hạn cuộc chiến trên lãnh thổ Triều Tiên vì e sợ Liên Xô nhảy vào vòng chiến và cũng vì muốn đi đến đàm phán.
MacArthur vẫn thúc giục Truman nghe theo quan điểm của mình. Ngày 11 tháng 4 năm 1951, sau khi MacArthur bày tỏ bất đồng ý kiến về cách thức tiến hành cuộc chiến, Truman cách chức vị tướng. Hành động này khiến cho uy tín của Truman giảm sút nghiêm trọng, và có thời điểm ông là Tổng thống Mỹ có tỷ lệ ủng hộ của người dân thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Sau khi trở về nước, MacArthur được Quốc hội Mỹ mời đến phát biểu ngày 19 tháng 4 năm 1951. Khi ông sắp được giới thiệu chính thức lên bục phát biểu, các đại biểu Quốc hội vỗ tay nồng nhiệt. Bài diễn văn của ông bị ngắt quãng nhiều lần do những tràng vỗ tay và tiếng huýt sáo kéo dài.
Là một vị tướng cấp cao trong Quân đội Mỹ, lẽ tự nhiên là MacArthur có tư tưởng chống Cộng. Riêng bài diễn văn này của ông đề cập đến sự đe dọa toàn cầu của chủ nghĩa Cộng sản. Phải chăng lý thuyết về domino của Mỹ bắt nguồn từ đây, không lâu sau Thế chiến II? Ông cũng phân tích vị thế địa-chiến lược của Thái Bình Dương, và phải chăng không khác gì mấy so với bây giờ khi Mỹ chuyển một phần lực lượng từ Châu Âu qua Thái Bình Dương?
Lời kết thúc “Chiến binh già không bao giờ chết; họ chỉ mờ dần” sau này trở thành nổi tiếng và bất tử.
Bài diễn văn này được đánh giá như sau:
- Một trong 100 bài diễn văn chính trị quan trọng nhất của nước Mỹ trong Thế kỷ 20 (trang mạng AmericanRhetoric).
- Một trong 35 bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử (trang mạng The Art of Manliness).
Diễn văn Giã biệt
Tôi đứng trên bục này với một cảm nghĩ khiêm cung sâu sắc và hãnh diện lớn lao – khiêm cung vì được nối gót theo sau những công trình sư Mỹ vĩ đại của lịch sử chúng ta đã từng đứng ở đây trước tôi, hãnh diện do sự suy ngẫm rằng diễn đàn của sự tranh luận lập pháp này thể hiện tự do nhân loại trong thể thức thuần khiết nhất đã từng được thiết lập nên. [vỗ tay] Những ao ước và khát vọng và niềm tin của toàn nhân loại được quy tụ ở đây. Tôi đứng ở đây không phải để cổ vũ cho bất kỳ động cơ thuộc đảng phái nào, bởi vì các vấn đề là cốt lõi và vượt quá phạm trù của sự xem xét trong từng đảng. Cần phải giải quyết những vấn đề này trong kế hoạch cao nhất vì lợi ích quốc gia nếu muốn minh chứng tiến trình của chúng ta là đúng đắn và nếu muốn bảo vệ tương lai của chúng ta. Vì thế, tôi tin quý vị sẽ tỏ ra công tâm mà tiếp nhận những gì tôi nói như chỉ là quan điểm của một người Mỹ.
Tôi phát biểu trước quý vị mà không có một chút nào hiềm thù lẫn cay đắng trong ánh chạng vạng đang dần tắt của cuộc đời, chỉ với một mục đích trong tâm tưởng: nhằm phục vụ đất nước tôi. [vỗ tay] Các vấn đề thuộc quy mô toàn cầu và đan kết với nhau đến nỗi nếu xem xét những vấn nạn của một lĩnh vực mà quên đi những vấn nạn của một lĩnh vực khác, thì sẽ mang đến điều bất hạnh cho toàn cảnh. Trong khi Châu Á thường được xem là cửa ngõ đến Châu Âu, nói Châu Âu là cửa ngõ đến Châu Á thì cũng đúng, và ảnh hưởng rộng lớn của vùng này không thể tránh tác động lên vùng kia. Có những người cho rằng chúng ta không đủ mạnh để bảo vệ cả hai mặt, rằng chúng ta không thể phân chia nỗ lực. Tôi thấy luận cứ đó không gì khác hơn là tư tưởng chủ bại. [vỗ tay] Nếu một kẻ thù tiềm tàng có thể chia lực lượng ra làm hai mặt, thì chúng ta có nghĩa vụ phải đáp trả nỗ lực của họ. Mối đe dọa của Cộng sản có tính toàn cầu. Khi họ tiến công thắng lợi ở một khu vực, họ đe dọa sự sụp đổ ở tất cả các khu vực khác. Chúng ta không thể xoa dịu hoặc đầu hàng chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Á mà không cùng lúc làm phương hại đến những nỗ lực của chúng ta nhằm ngăn chặn họ ở Châu Âu. [vỗ tay]
Ngoài việc vạch ra những khía cạnh tổng quan này, tôi giới hạn sự thảo luận của mình trong những lĩnh vực tổng thể của Châu Á. Trước khi có thể đánh giá một cách khách quan tình hình hiện tại ở đó, ta nên hiểu đôi điều về quá khứ của Châu Á và những thay đổi có tính cách mạng vốn đánh dấu tiến trình cuối cùng của họ cho đến bây giờ. Bị khai thác từ lâu bởi những cái gọi là thế lực thuộc địa, ít có cơ hội đạt công bằng xã hội, phẩm giá cá nhân, hoặc mức sống cao hơn như hệ thống hành chính cao quý của chúng ta ở Philippines hướng dẫn, các dân tộc của Châu Á đã thấy họ vừa vuột qua cơ hội trong cuộc chiến nhằm tháo bỏ xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, và bây giờ họ thấy sắp có cơ hội mới, một phẩm giá và quyền tự trọng về tự do chính trị mà trước đó họ chưa nhận ra.
Quy tụ phân nửa dân số và 60 phần trăm tài nguyên thiên nhiên của địa cầu, các dân tộc này nhanh chóng củng cố một thế lực mới – cả duy tâm và duy vật – qua đó nâng cao mức sống và dựng nên những thiết kế cho tiến bộ hiện đại được thích ứng với những môi trường văn hóa đặc thù của họ. Dù cho người ta có gắn kết với ý niệm thực dân hóa hay không, đây là hướng đi của sự phát triển ở Châu Á và nó không thể bị ngăn chặn. Đấy là hệ quả tất yếu cho việc chuyển dịch những biên cương kinh tế của thế giới vì trung tâm của các sự vụ thế giới quay về nơi nó bắt đầu.
Trong tình hình này, điều thiết yếu là đất nước chúng ta định hướng những chính sách của ta cho hòa hợp với điều kiện cách mạng cơ bản này, hơn là theo đuổi một con đường mù quáng đối với thực tế rằng bây giờ thời đại thực dân đã qua và các dân tộc Châu Á thèm muốn quyền được định hình vận mệnh của họ. Cái mà họ tìm kiếm bây giờ là sự hướng dẫn, thông hiểu và hỗ trợ thân thiện – không phải là chỉ đạo hống hách – [vỗ tay] và phẩm giá của công bằng chứ không phải nỗi nhục của tính độc đoán. Mức sống của họ, vốn thấp một cách thảm não, bây giờ lại càng thấp hơn trong cảnh hoang tàn do chiến tranh để lại.
Các ý thức hệ của thế giới đóng góp vai trò nhỏ bé trong lối suy nghĩ Châu Á và không được thông hiểu lắm. Cái mà các dân tộc phấn đấu để hướng tới là cơ hội có một ít thức ăn để cho vào dạ dày, một ít vải để phủ tấm lưng, một nóc nhà nhỏ che trên đầu, và việc thực hiện sự thôi thúc quốc gia chủ nghĩa bình thường cho tự do chính trị. Những điều kiện chính trị-xã hội này có ảnh hưởng gián tiếp đến nền an ninh của chúng ta, nhưng tạo cơ sở cho việc kế hoạch hóa đương thời cần phải được xem xét cẩn thận nếu chúng ta muốn tránh cái bẫy của ảo tưởng.
Những thay đổi trong tiềm năng chiến lược của Thái Bình Dương qua tiến trình của cuộc chiến vừa rồi mới có ảnh hưởng trực tiếp và tức thời đến an ninh quốc gia của chúng ta. Trước đó, biên cương chiến lược phía tây của Hoa Kỳ nằm ở đường ven biển Châu Mỹ, kéo dài đến Những địa điểm nhô ra phía ngoài qua các hòn đảo Hawaii, Midway, và Guam đến Philippines. Những phần nhô ra đó cho thấy không phải nằm trên theo tuyến tiền tiêu có thực lực, mà là tuyến đường của sự yếu mềm mà dọc theo đó địch có thể tấn công, và họ đã tấn công.
Thái Bình Dương có thể là một vùng tiến quân cho bất kỳ lực lượng thù địch nào có ý đồ đánh tới các vùng đất biên thùy. Chiến thắng của ta trong cuộc chiến Thái Bình Dương thay đổi tất cả điều này. Biên cương chiến lược của ta lúc ấy chuyển dịch để bao trùm toàn bộ Thái Bình Dương, vốn trở thành một hào nước để bảo vệ chúng ta chừng nào mà ta còn trấn giữ nó. Đúng thật là nó giữ vai trò như là tấm khiên che chở cho cả Châu Mỹ và tất cả vùng đất tự do của khu vực Thái Bình Dương. Chúng ta kiểm soát nó cho đến các bờ biển Châu Á bằng một chuỗi những đảo kéo dài thành một đường vòng cung từ Quần đảo Aleutians đến Quần đảo Mariannas hiện do ta và các đồng minh tự do của ta trấn giữ. Từ chuỗi đảo này, bằng lực lượng hải quân và không quân chúng ta có thể khống chế tất cả các cảng biển Châu Á từ Vladivostok đến Singapore và ngăn chặn bất kỳ sự di chuyển thù nghịch nào đi vào Thái Bình Dương.
Bất kỳ cuộc tấn công nào xuất phát từ Châu Á phải là nỗ lực đổ bộ. Bất kỳ lực lượng đổ bộ nào muốn thành công thì phải kiểm soát cho được các tuyến hải hành và không lưu phía trên các tuyến này. Với uy thế áp đảo của hải quân và không quân cùng những lực lượng trên bộ khiêm tốn để bảo vệ các căn cứ, bất kỳ cuộc tấn công nào từ Châu Á lục địa hướng đến ta hoặc các đồng minh của trên vùng Thái Bình Dương sẽ thất bại.
Trong những điều kiện như thế, Thái Bình Dương không còn thể hiện những tuyến tiếp cận gây đe dọa của kẻ xâm lăng. Thay vào đó, nó tạo sắc thái hữu nghị của một cái hồ yên bình. Tuyến phòng vệ của chúng ta là một tuyến thiên nhiên chỉ cần đến nỗ lực và chi phí quân sự tối thiểu để duy trì. Nó không đặt ra viễn cảnh tấn công ai, và cũng không tạo ra những pháo đài thiết yếu cho các cuộc hành quân tấn công, nhưng nếu được duy trì một cách thích nghi, nó sẽ là tuyến phòng vệ bất bại chống lại sự hiếu chiến. Việc trấn giữ tuyến phòng vệ ven bờ ở Tây Thái Bình Dương hoàn toàn tùy thuộc vào việc trấn giữ mọi mảnh ghép, bởi vì nếu một lực lượng thù nghịch chọc thủng được một phần đáng kể của tuyến phòng vệ này thì những đoạn còn lại sẽ dễ suy yếu trước sức tấn công quyết liệt.
Đây là tính toán quân sự sơ lược mà tôi chưa thấy nhà lãnh đạo quân sự nào bác bỏ. [vỗ tay] Với lý do này, trong quá khứ vì thấy đó là một vấn đề quân sự có tính cấp bách nên tôi mạnh mẽ đề xuất là không bao giờ được để cho Đài Loan rơi vào vòng kiểm soát của Cộng sản. [vỗ tay] Nếu xảy ra chuyện này, nó sẽ đe dọa tự do của Philippines và sự mất còn của Nhật Bản, rồi có thể thúc ép biên cương phía tây của chúng ta lùi về phía ven bờ của California, Oregon and Washington. [vỗ tay]
Để thấu hiểu những thay đổi xảy ra ở Trung Hoa lục địa, người ta cần tìm hiểu những thay đổi trong tính chất và văn hóa của Trung Hoa qua 50 năm trở lại đây. Cho đến 50 năm trước, Trung Hoa có tính không đồng nhất, phân thành những vùng chống đối lẫn nhau. Xu hướng gây chiến hầu như không có, vì họ vẫn còn tuân theo tư tưởng Khổng Tử trong nền văn hóa ôn hòa. Đến đầu thế kỷ [20], dưới chế độ của Chang Tso-Lin (Trương Tác Lâm[1]), những nỗ lực hướng đến sự đồng nhất cho kết quả là bắt đầu sự thôi thúc chủ nghĩa quốc gia. Việc này được Tưởng Giới Thạch theo đuổi và ông này thành công hơn, nhưng chính quyền hiện tại còn tạo kết quả lớn lao nhất, đến mức hiện giờ nó mang tính chất của một chủ nghĩa quốc gia đồng nhất có xu hướng ngày càng chiếm ưu thế, hiếu chiến.
Vì thế, qua 50 năm người Trung Hoa trở nên quân sự hóa trong những ý niệm và lý tưởng của họ. Bây giờ họ thể hiện là những chiến binh xuất sắc, có nhân viên và cấp chỉ huy có năng lực. Điều này sản sinh một cường quốc mới và có ưu thế mà vì những mục đích riêng họ kết thành đồng minh với Liên Xô nhưng trong đó các ý niệm và phương pháp của họ có tính chất đế quốc một cách hung hãn.
Trong cấu trúc Trung Hoa ít có khái niệm về ý thức hệ theo cách này hoặc cách khác. Mức sống quá thấp và tích lũy vốn quá tiêu tán bởi chiến tranh đến nỗi quần chúng cảm thấy tuyệt vọng và sốt sắng đi theo bất kỳ giới lãnh đạo nào hứa hẹn giảm bớt các nỗi ngặt nghèo ở cục bộ.
Từ lúc đầu tôi đã tin rằng sự hỗ trợ của Trung Hoa cho Bắc Triều Tiên là vượt trội. Hiện giờ, những lợi ích của họ đi song song với những lợi ích của Liên Xô. Nhưng tôi tin rằng tính hung hăng – gần đây được thể hiện không những ở Triều Tiên mà còn ở cả Đông Dương, Tibet, và có khả năng hướng đến miền Nam – phản ảnh cùng một lòng khát khao bành trướng quyền lực vốn đã thúc đẩy các nhà chinh phục từ thuở xa xưa. [vỗ tay]
Từ khi chiến tranh kết thúc, người Nhật trải qua cuộc cải tổ lớn lao nhất trong lịch sử hiện đại. Với ý chí đáng khen, lòng hiếu học và khả năng thông hiểu đáng kể, từ đống tro tàn của chiến tranh họ xây dựng nên ở Nhật một tòa công thự dành cho uy quyền tối cao của tự do cá nhân và phẩm giá con người, và trong tiến trình kế tiếp họ tạo ra một chính phủ thực sự đại diện cho dân, gắn bó với sự thăng tiến của đạo đức chính trị, tự do kinh tế, và công lý xã hội. [vỗ tay]
Xét về chính trị, kinh tế và xã hội, Nhật Bản hiện đi trước nhiều quốc gia tự do trên thế giới và sẽ không làm mất đi lần nữa sự tín nhiệm rộng rãi. Người ta có thể dựa vào họ để gây ảnh hưởng có lợi sâu xa qua tiến trình các sự kiện ở Châu Á. Điều này được minh chứng bằng cách thức cao thượng trong đó nhân dân Nhật Bản đối mặt với thách thức gần đây của chiến tranh, bất ổn và hoang mang bao trùm họ từ bên ngoài và kềm chế được chủ nghĩa cộng sản bên trong biên cương của họ mà không hề làm chậm lại tiến bộ. Tôi điều tất cả bốn sư đoàn chiếm đóng của ta mà không hề cảm thấy lo lắng về hậu quả của khoảng trống quyền lực đối với Nhật Bản. Các kết quả minh chứng cho sự tin tưởng của tôi. [vỗ tay] Không có quốc gia nào thanh bình, có trật tự và siêng năng như Nhật Bản, và cũng không có quốc gia nào có hy vọng cao hơn về việc đóng góp xây dựng trong tương lai cho sự thăng tiến của nhân loại. [vỗ tay]
Về đồng minh trước đây, Philippines, chúng ta có thể tự tin mà trông chờ họ chấn chỉnh tình hình bất ổn, để rồi một quốc gia mạnh mẽ sẽ vươn lên trong sự tàn phá khủng khiếp do chiến tranh. Chúng ta phải kiên nhẫn, có lòng cảm thông và đừng bao giờ làm cho họ thất vọng – vì khi ta cần họ thì họ không làm cho ta thất vọng. [vỗ tay] Vốn là một quốc gia theo Thiên chúa giáo, Philippines là thành trì vững chắc của Thiên chúa giáo ở vùng Viễn Đông, và khả năng trong sự lãnh đạo về đạo đức là không giới hạn.
Về Đài Loan, chính phủ này có cơ hội bác bỏ bằng hành động bất kỳ lời đồn đại có ác ý nào vốn đã làm suy yếu sức mạnh lãnh đạo trên Trung Hoa lục địa. [vỗ tay] Người Đài Loan có một chính quyền công bằng và được khai sáng do các tổ chức của chính phủ chiếm đa số. Về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, có vẻ như họ đang tiến theo xu hướng lành mạnh và xây dựng.
Tiếp theo tường trình ngắn gọn về những vùng chung quanh, bây giờ tôi chuyển qua cuộc xung đột Triều Tiên. Trong khi tôi không tham khảo trước khi có quyết định của Tổng thống để can thiệp trong sự hỗ trợ Cộng hòa Hàn quốc, quyết định ấy dựa trên lập trường quân sự cho thấy là một quyết định đúng [vỗ tay], vì lẽ chúng tôi – như tôi đã nói – chứng tỏ nó đúng: đẩy lùi kẻ xâm lăng và gây thiệt hại nặng cho lực lượng của họ. Khi chiến thắng của chúng ta là toàn vẹn và các mục tiêu đang ở trong tầm tay, thì Trung Hoa Đỏ can thiệp với các lực lượng trên bộ có quân số vượt trội.
Việc này tạo ra một cuộc chiến mới và một tình hình hoàn toàn mới, một tình hình không được cân nhắc khi lực lượng của ta được điều để chống lại kẻ xâm lăng Bắc Triều Tiên. Tình hình này đòi hỏi những quyết định mới trong lĩnh vực ngoại giao để cho phép sự điều chỉnh thiết thực về chiến lược quân sự.
Những quyết định như thế chưa được đưa ra. [vỗ tay]
Trong khi không ai điên gì mà cổ vũ điều các lực lượng trên bộ của ta xâm nhập vào Trung Hoa lục địa và vì thế việc này chưa bao giờ được nghĩ tới, tình hình mới cấp thiết đòi hỏi phải rà soát lại mạnh mẽ kế hoạch chiến lược nếu mục đích chính trị là đánh bại kẻ thù mới như ta đã đánh bại kẻ thù cũ. [vỗ tay]
Ngoài nhu cầu quân sự, theo như tôi thấy, để vô hiệu hóa sự che chở trong an toàn khu cho kẻ thù ở phía bắc sông Yalu, tôi thấy theo yêu cầu về mặt quân sự, cần thực hiện những việc sau: thứ nhất, tăng cường sự phong tỏa kinh tế của chúng ta chống lại Trung Hoa; thứ hai, phong tỏa hải quân dọc theo bờ biển Trung Hoa; thứ ba, dỡ bỏ hạn chế thám thính trên không ở vùng duyên hải của Trung Hoa và ở Mãn Châu [vỗ tay]; thứ tư, dỡ bỏ hạn chế đối với các lực lượng của Cộng hòa Trung hoa trên Đài Loan, với hỗ trợ hậu cần đóng góp vào các cuộc hành quân có hiệu quả chống lại kẻ thù chung. [vỗ tay]
Đối lại những quan điểm này, tất cả được thiết kế một cách chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ các lực lượng của ta được điều đến Nam Triều Tiên và chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt và giảm thương vong cho Hoa Kỳ và đồng minh, tôi đã bị phê phán nặng nề bởi những nhóm không chuyên môn, chủ yếu là ở nước ngoài, cho dù tôi hiểu rằng theo khía cạnh quân sự những quan điểm trên đã nhận được đồng ý từ hầu hết tất cả các nhà lãnh đạo quân sự liên quan đến chiến dịch Triều Tiên, kể cả Bộ Tham mưu Liên quân. [vỗ tay và huýt sáo]
Tôi yêu cầu tăng viện nhưng được thông báo là không có sẵn tăng viện. Tôi vạch rõ rằng nếu không cho phép tiêu diệt những căn cứ của quân địch phía bắc Sông Yalu, nếu không cho phép sử dụng Lực lượng Trung Hoa thân thiện gồm 600.000 người ở Đài Loan, nếu không cho phép phong tỏa bờ biển Trung Hoa để ngăn Trung Hoa Đỏ nhận viện trợ từ bên ngoài, thì không thể có chiến thắng quân sự.
Chúng ta có thể trấn giữ Nam Triều Tiên bằng cách điều động liên tục ở những nơi mà những lợi thế hậu cần của ta cân bằng với những bất lợi hậu cần của kẻ địch, nhưng cùng lắm chúng ta chỉ có thể hy vọng là một chiến dịch thiếu dứt khoát khiến cho lực lượng của ta bị tiêu hao khủng khiếp và liên tục nếu địch sử dụng toàn lực quân sự. Tôi đã liên tục yêu cầu những quyết định chính trị mới thiết yếu cho một giải pháp.
Có những nỗ lực nhằm bóp méo quan điểm của tôi. Thật ra, có ý kiến cho rằng tôi là kẻ hiếu chiến. Sự thật không hề là như thế. [vỗ tay] Tôi hiểu biết chiến tranh so với một ít người còn sống có hiểu biết [vỗ tay], và đối với tôi không có gì kinh tởm hơn. Đã từ lâu tôi cổ vũ phải xóa bỏ hoàn toàn chiến tranh, vì mức độ tàn phá cho cả bạn lẫn thù khiến cho nó trở thành một công cụ vô dụng để dàn xếp các tranh chấp quốc tế. [vỗ tay] […]
Nhưng một khi ta bị gây chiến thì không có cách nào khác hơn là sử dụng mọi phương tiện sẵn có để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Mục tiêu chính yếu của chiến tranh là chiến thắng, không phải là do dự kéo dài. [vỗ tay]
Trong chiến tranh, không có gì thay thế được chiến thắng. [vỗ tay]
Có một số người, vì những lý do khác nhau, muốn xoa dịu Trung Hoa Đỏ. Họ mù quáng đối với bài học hiển nhiên của lịch sử, bởi vì lịch sử nhấn mạnh rất đúng rằng sự xoa dịu chỉ mang đến thêm chiến tranh và thêm đổ máu. Không có trường hợp nào cho thấy cứu cánh ấy biện minh cho phương tiện ấy, nhưng cho thấy xoa dịu chỉ mang đến hòa bình giả tạo. Giống như việc tống tiền, nó tạo cơ sở cho những yêu sách mới và càng ngày càng lớn hơn cho đến khi, cũng giống như tống tiền, vũ lực là chọn lựa duy nhất.
Binh sĩ của tôi hỏi tôi: “Tại sao lại trao cho quân địch trên chiến trường những lợi thế quân sự?” Tôi không thể trả lời. [vỗ tay]
Một số người có thể nói: Để tránh cuộc xung đột lan rộng thành một cuộc chiến toàn diện với Trung Hoa; những người khác thì nói để tránh sự can thiệp của Liên Xô. Lời giải thích nào cũng không vững chắc, bởi vì Trung Hoa đã huy động sức mạnh tối đa có thể được, và Liên Xô sẽ không nhất thiết có hành động chống lại động thái của ta. Giống như rắn hổ mang, bất kỳ địch thủ mới này có thể mổ mỗi khi họ cảm thấy cán cân quân sự nghiêng về phía họ trên cơ sở toàn cầu.
Thảm kịch ở Triều Tiên được nâng cao thêm qua sự kiện là hoạt động quân sự bị gò bó trong những hạn chế về lãnh thổ. Điều này khiến cho quốc gia ấy, là mục tiêu bảo vệ của ta, chịu tác động tồi tệ của các cuộc oanh kích tổng lực của hải quân và không quân trong khi các an toàn khu của địch được bảo vệ hoàn toàn trước các cuộc tấn công và tàn phá như thế.
Cho đến giờ, trong số các quốc gia trên thế giới, Triều Tiên là nước duy nhất chịu rủi ro toàn bộ chống lại chủ nghĩa cộng sản. [vỗ tay] Lời cuối cùng của họ nói với tôi là: “Đừng nhấn chìm Thái Bình Dương.” [vỗ tay]
Tôi vừa rời xa các anh con trai đang chiến đấu của quý vị. Họ vượt qua mọi thử thách ở đó, và tôi có thể báo cáo với quý vị mà không chút đắn đo rằng họ đã tỏ ra tuyệt vời về mọi mặt. [vỗ tay]
Nỗ lực không ngừng nghỉ của tôi là bảo tồn họ và chấm dứt cuộc xung đột tàn bạo này trong danh dự, với thời gian ít nhất và tổn thất nhân mạng tối thiểu. Cảnh đổ máu lan rộng làm cho tôi khổ sở và âu lo sâu sắc.
Những con người dũng cảm ấy sẽ ngự trị trong tâm tư tôi và trong những lời cầu nguyện của tôi, mãi mãi. [vỗ tay]
Tôi sắp kết thúc 52 năm nghĩa vụ quân sự. [vỗ tay] Khi tôi qua nhập Quân đội, còn trước khi bước sang thế kỷ này, mọi hy vọng và giấc mơ thời trai trẻ của tôi được đáp ứng. Thế giới đã quay nhiều lần kể từ khi tôi thốt lên lời tuyên thệ ở [Học viện Võ bị] West Point, kể từ khi hy vọng cùng những giấc mơ đã tan biến, nhưng tôi vẫn còn nhớ điệp khúc của một trong những bài ba-lát[2] được ưa chuộng nhất trong trại lính thời ấy, tuyên bố một cách hãnh diện rằng “chiến binh già không bao giờ chết; họ chỉ mờ dần”.
Giống như chiến binh già trong bài ba-lát ấy, bây giờ tôi kết thúc binh nghiệp và chỉ mờ dần, một chiến binh già vốn đã nỗ lực làm tròn nghĩa vụ mà Thượng Đế đã soi rọi ánh sáng cho ông ta.
Giã biệt. [cử tọa đứng dậy vỗ tay, reo hò và huýt sáo kéo dài]
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình – YouTube: http://www.youtube.com/watch?v=Tuagi9kZe8A
Chú thích:
[1] Trương Tác Lâm (1875-1928): nhà lãnh đạo quân sự của Trung Hoa, chiếm lấy Mãn Châu rồi trở thành nhà quân phiệt của Mãn Châu từ 1916 đến 1928.
[2] Ba-lát: bài hát giàu tình cảm, với nhiều đoạn ngắn có âm điệu giống nhau. Ví dụ, ác bài Biết đâu nguồn cội và Níu tay nghìn trùng của Trịnh Công Sơn có thể được xem là những bài ba-lát.
[…] “Chiến binh già không bao giờ chết” – Douglas MacArthur – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/15/old-soldiers-never-die-douglas-macarthur/ […]