Lần đầu tiên cô nữ sinh Malala Yousafzai (1997- ), người Pakistan, được công chúng biết đến là vào năm 2009, sau khi cô viết blog với bút danh Gul Makai cho hãng BBC kể về cuộc sống dưới chế độ Taliban và quan điểm của cô về việc giáo dục cho nữ giới. Vào thời gian này, quân Taliban đang kiểm soát nơi sinh sống của cô (Thung lũng Swat thuộc miền bắc Pakistan), cấm đoán việc giáo dục cho nữ giới, phá hủy nhiều trường học dành riêng cho nữ. Sau bài viết blog ấy, Malala bắt đầu được báo chí và truyền hình phỏng vấn, và được nhiều người biết đến quan điểm của cô cổ vũ cho việc giáo dục nữ giới. Cô cũng kể lại việc một số học trò nữ bỏ học vì e sợ Taliban, số còn lại không dám mặc đồng phục của trường khi đi học để tránh bị chú ý.
Ngày 9 tháng 10 năm 2012, hai tay súng Taliban chặn chiếc xe buýt chở Malala từ trường về nhà, xả súng bắn vào cô. Sau cuộc cứu cấp và giải phẫu ban đầu, Malala được chuyển đến một bệnh viện ở Anh để được tiếp tục điều trị. Vụ ám sát làm dấy lên làn sóng phẫn nộ nhiều nơi đối với Taliban và sự ủng hộ đối với Malala.
Malala được vinh danh như sau:
* Giải thưởng Hòa bình Quốc gia của Pakistan năm 2012 – sau đó được đổi tên thành Giải thường Hòa bình Malala Quốc gia.
* Một trong số 100 người tạo ảnh hưởng mạnh nhất trên thế giới năm 2013 (Tuần báo TIME).
* Giải thưởng Sakharov năm 2013 về tự do ngôn luận.
* Malala nhận Giải Nobel Hòa bình (chia giải với Kailash Satyarthi người Ấn Độ). Ở tuổi 17, cô là người trẻ nhất trong lịch sử nhận Giải Nobel thuộc bất kỳ lĩnh vực nào.
Malala được cho là người khơi gợi mối quan tâm toàn cầu đối với việc cho trẻ em đi học. Đúng vào sinh nhật tròn 16 tuổi, ngày 12 tháng 7 năm 2013 – mà Liên Hiệp Quốc gọi là “Ngày Malala” – cô được mời phát biểu ở trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, trong một Đại hội đồng giới Trẻ (Youth Assembly). Đây là lần đầu tiên cô phát biểu trước công chúng trở lại sau khi bị Taliban bắn trọng thương. Cử tọa cũng bao gồm khoảng 500 thanh thiếu niên nam nữ trong độ tuổi 12-25 đến từ khắp nơi trên thế giới. Bài phát biểu được vỗ tay hoan hô nhiều lần khi Malala nhấn mạnh yêu cầu cho trẻ gái được đi học, trong bối cảnh một phần tư phụ nữ trẻ trên thế giới, khoảng 1 tỉ người, chưa học hết cấp cơ sở.
Phát biểu trước Liên Hiệp Quốc
Vinh danh Thượng Đế, Đấng Nhân từ nhất, Đấng Khoan dung nhất,
Kính thưa Ngài Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon,
Kính thưa Ngài Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Vuk Jeremic,
Kính thưa Ngài Đặc sứ Giáo dục Toàn cầu Liên Hiệp Quốc Gordon Brown,
Thưa anh chị em quý mến,
Ngày hôm nay, sau một thời gian dài tôi có vinh dự được phát biểu trở lại. Được hiện diện ở đây cùng với những nhân vật danh giá như thế này là thời khắc tốt đẹp nhất trong đời tôi. Và cũng là một vinh dự cho tôi ngày hôm nay khi tôi đang mang khăn choàng đầu [lấy tay sờ mép khăn choàng] của Bà Benazir Bhutto[1] quá cố.

Tôi không biết phải bắt đầu bài phát biểu của mình ra sao. Tôi không biết mọi người đang trông chờ tôi sẽ nói những gì. Nhưng trước nhất, tôi xin tạ ơn Thượng Đế vì nhờ Người mà tất cả chúng ta đều bình đẳng, và xin cảm ơn tất cả những ai đã cầu nguyện cho tôi được chóng bình phục và bắt đầu cuộc sống mới. Tôi không thể tin được người ta đã tỏ lòng thương đối với tôi như thế nào. Tôi đã nhận được hàng nghìn tấm thiệp chúc và quà tặng từ khắp nơi trên thế giới. Tôi xin cảm ơn tất cả những người ấy. Tôi cảm ơn những trẻ em đã có ngôn từ chân chất động viên tôi. Tôi xin cảm ơn những người lớn với lời cầu nguyện tạo thêm nghị lực cho tôi. Tôi muốn cảm ơn các điều dưỡng, bác sĩ và toàn thể nhân viên các bệnh viện ở Pakistan, Vương quốc Anh và các Tiểu Vương quốc Á Rập Thống nhất đã giúp tôi được bình phục và lấy lại sức lực.
Tôi ủng hộ hoàn toàn Ngài Ban Ki-moon, Tổng Thư ký, trong Sáng kiến Thứ Nhất của ông ấy về Giáo dục Toàn cầu, công lao của Ngài Đặc sứ Giáo dục Toàn cầu Liên Hiệp Quốc Gordon Brown, và Ngài Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Vuk Jeremic. Tôi cảm tạ các vị về sự lãnh đạo mà các vị vẫn tiếp tục thực hiện. Ba người vẫn tiếp tục là niềm hứng khởi cho tất cả chúng ta hành động.
Thưa anh chị em quý mến,
Hãy nhớ đến một điều: Ngày Malala không phải là ngày của tôi. Hôm nay là ngày của tất cả phụ nữ, tất cả con trai và tất cả con gái – những người đã cất lên tiếng nói cho quyền của mình. Có hàng trăm người hoạt động về nhân quyền và các nhà công tác xã hội không chỉ đang cất tiếng nói cho quyền của mình, mà họ còn đang tranh đấu nhằm đạt đến những mục tiêu về hòa bình, giáo dục và bình đẳng. Hàng nghìn người đã bị các kẻ khủng bố giết chết và hàng triệu người đã bị thương. Tôi chỉ là [lắc đầu] một người trong số đó.
Thế là tôi đứng đây… Thế là tôi đứng đây, một đứa con gái trong số nhiều con gái khác. Tôi phát biểu không phải cho tôi, mà cho những người có tiếng nói không được nghe đến. Những người đã chiến đấu cho quyền của họ. Quyền được sống trong an bình. Quyền được đối xử bằng phẩm giá. Quyền được hưởng bình đẳng về cơ hội. Quyền được đi học.
Thưa các bạn,
Vào ngày 9 tháng 10 năm 2012, người Taliban bắn trúng màng tang bên trái của tôi. Họ cũng bắn các bạn tôi. Họ đã nghĩ rằng các viên đạn sẽ làm cho chúng tôi phải câm nín. Nhưng họ đã thất bại. Từ sự câm nín đó, hàng nghìn tiếng nói đã cất lên. Những người khủng bố đã nghĩ họ sẽ thay đổi đích nhắm của chúng tôi và chặn đứng những kỳ vọng của chúng tôi, nhưng không có gì thay đổi trong cuộc đời của tôi ngoại trừ điều này: Sự yếu mềm, sợ hãi và tuyệt vọng đã chấm dứt. Nghị lực, sức mạnh và lòng dũng cảm khởi sinh. [vỗ tay] Tôi vẫn là Malala. Những kỳ vọng của tôi vẫn là như xưa. Những hy vọng của tôi vẫn là như xưa. Và những ước mơ của tôi vẫn là như xưa.
Thưa các anh chị, tôi không chống lại ai cả. Tôi đến đây không phải để nói ra ý trả thù cá nhân chống lại người Taliban hoặc bất kỳ nhóm khủng bố này. Tôi đến đây để phát biểu cho quyền được giáo dục của tất cả trẻ em. [vỗ tay] Tôi muốn có nền giáo dục cho các con trai và con gái của người Taliban, của tất cả những kẻ khủng bố và người cực đoan.
Thậm chí tôi còn không oán ghét tay súng Taliban đã bắn tôi. Cho dù có một khẩu súng trong tay tôi và anh ta đứng trước mặt tôi, tôi sẽ không bắn anh ta. Đấy là lòng trắc ẩn mà tôi đã học từ Muhammad – Đấng Tiên tri nhân từ – , Chúa Giê-su và Đức Phật Thích ca. Đấy là di sản của sự thay đổi mà tôi thừa hưởng từ Martin Luther King, Nelson Mandela và Muhammad Ali Jinnah. [vỗ tay] Đấy là triết lý bất bạo động mà tôi đã lĩnh hội từ Gandhi, Bacha Khan và Mẹ Teresa. Và đấy là lòng bao dung mà tôi đã học từ cha tôi và từ mẹ tôi. [vỗ tay] Đấy là những gì tâm hồn tôi bảo tôi: hãy tỏ ra an bình và thương yêu mọi người.
Thưa các anh chị quý mến,
Khi thấy bóng tối, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng. Khi bị buộc phải câm nín, chúng ta nhận ra nhận ra tầm quan trọng của tiếng nói. Theo cùng cách ấy, vào thời gian chúng tôi sống ở Swat, miền bắc Pakistan, khi trông thấy súng, chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của bút giấy.
Câu nói hiền triết tỏ ra rất đúng: “Ngòi bút mạnh hơn lưỡi gươm”. Những kẻ cực đoan đã từng e sợ và vẫn còn e sợ giấy bút. Sức mạnh của nền giáo dục làm cho họ e sợ. Họ kiêng dè phụ nữ. Sức mạnh của tiếng nói phụ nữ làm cho họ e sợ. Đấy là lý do tại sao họ giết 14 học sinh vô tội trong cuộc tấn công gần đây ở Quetta. Đấy là lý do tại sao họ giết các cô giáo và nhân viên phòng chống bệnh bại liệt ở Tỉnh Khyber Pukhtoon Khwa[2]. Đấy là lý do tại sao hằng ngày họ tàn phá trường học. Bởi vì họ đã e sợ và vẫn còn e sợ sự thay đổi, e sợ sự bình đẳng mà chúng ta sẽ thiết lập trong xã hội của chúng ta.
Tôi nhớ có một cậu con trai trong trường học của tôi, được một ký giả hỏi: “Tại sao Taliban chống lại nền giáo dục?” Cậu ấy trả lời thật đơn giản. Chỉ vào một quyển sách của mình, cậu ấy đáp: “Người Taliban không đọc được trong quyển sách này viết những gì”. Họ nghĩ rằng Thượng Đế là một thể bảo thủ nhỏ nhoi lùa con gái xuống địa ngục chỉ vì cái tội đã đi học. Các kẻ khủng bố ấy đang lạm dụng danh nghĩa của xã hội Hồi giáo và Pashtun[3] để mưu cầu lợi ích cho riêng họ. [vỗ tay]
Pakistan là quốc gia dân chủ, yêu hòa bình. Người Pashtun muốn con gái và con trai của họ được đi học. Hồi giáo là một tôn giáo của hòa bình, nhân văn và tình huynh đệ. Hồi giáo dạy rằng cho trẻ đi học không những là quyền, mà còn là bổn phận và trách nhiệm.
Thưa Ngài Tổng Thư ký,
Giáo dục cần có hòa bình. Ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Pakistan và Afghanistan, chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh và xung đột ngăn chặn trẻ em đến trường. Chúng tôi thật sự chán ngán những cuộc chiến này. Phụ nữ và trẻ em trên nhiều phần đất của thế giới đang chịu đau khổ theo nhiều cách khác nhau. Ở Ấn Độ, trẻ em ngây thơ và nghèo khó là nạn nhân của việc buôn bán trẻ em. Trải qua nhiều thập kỷ, người dân Afghanistan đang chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan. Trẻ em gái phải làm lao động việc nhà nặng nhọc, và bị ép buộc lấy chồng ở tuổi rất trẻ. Cả nam và nữ đều đối diện với những vấn nạn chính của nghèo đói, thất học, bất công, chủ nghĩa kỳ thị và bị tước mất những quyền cơ bản.
Thưa các anh chị em,
Ngày hôm nay, tôi đặt trọng tâm vào quyền của phụ nữ và giáo dục cho trẻ gái bởi vì họ là những người chịu đau khổ nhiều nhất. Đã có lúc các nhà hoạt động nữ yêu cầu đàn ông đứng lên tranh đấu cho họ. Nhưng đến lúc này, chính chúng ta phải làm việc đó. [vỗ tay và tiếng cổ vũ] Ý tôi không muốn nói đàn ông đừng lên tiếng tranh đấu cho quyền của phụ nữ nữa, mà tôi có ý đặt trọng tâm vào việc phụ nữ tỏ ra độc lập và tranh đấu cho chính mình.
Thế thì, thưa các anh chị em, bây giờ là lúc chúng ta phải lên tiếng.
Vì thế, ngày hôm nay chúng ta kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới thay đổi những chính sách chiến lược của họ nhằm hướng về hòa bình và thịnh vượng.
Chúng ta kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới có biện pháp bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Bất kỳ biện pháp nào chống lại quyền của phụ nữ đều không được chấp nhận. [vỗ tay]
Chúng ta kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới đảm bảo nền giáo dục miễn phí, bắt buộc trên toàn thế giới cho tất cả trẻ em. [vỗ tay]
Chúng ta kêu gọi tất cả các chính phủ chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhằm bảo vệ trẻ em tránh bạo lực và làm hại.
Chúng ta kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ sự mở rộng những cơ hội giáo dục cho trẻ gái ở các nước đang phát triển.
Chúng ta kêu gọi tất cả các cộng đồng tỏ ra khoan dung, chối bỏ định kiến dựa trên giai cấp, tín điều, giáo phái, màu da, tôn giáo, cương lĩnh, nhằm đảm bảo tự do và bình đẳng cho phụ nữ hầu họ có thể thăng tiến. Tất cả chúng ta không thể thành công khi nửa số người trong chúng ta bị kiềm nén.
Chúng ta kêu gọi các chị em trên toàn thế giới hãy tỏ ra dũng cảm, nhằm tập trung nghị lực mà phát huy mọi tiềm năng.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đòi hỏi trường học và nền giáo dục cho tương lai tươi sáng của tất cả trẻ em. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình cho tới đích nhắm là hòa bình và giáo dục. Không ai có thể ngăn chặn chúng ta. Chúng ta sẽ cất tiếng nói cho quyền của chúng ta và chúng ta sẽ mang đến thay đổi do tiếng nói của chúng ta. Chúng ta tin tưởng nơi quyền lực và sức mạnh của ngôn từ chúng ta. Ngôn từ chúng ta có thể thay đổi cả thế giới bởi vì chúng ta hợp sức với nhau, đoàn kết lại vì sự nghiệp giáo dục. Nếu chúng ta muốn đạt đến mục đích thì phải tự trang bị với vũ khí của tri thức, phải tự che chắn bằng sự kết đoàn và kề vai sát cánh bên nhau.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta không nên quên rằng hàng triệu trẻ em không được đi đến trường. Chúng ta không nên quên rằng các anh chị em của chúng ta đang mong chờ một tương lai tươi sáng, an bình.
Vì thế, chúng ta hãy phát động một cuộc đấu tranh quang vinh chống lại thất học, nghèo đói và chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta hãy cầm lấy giấy bút, đó là những vũ khí mạnh mẽ nhất.
Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục phải đi đầu.
Xin cảm ơn. [cử tọa đứng dậy vỗ tay & lên tiếng cổ vũ]
Diệp Minh Tâm dịch từ bản ghi hình YouTube – http://www.youtube.com/watch?v=KtprX8i2k-Q
Chú thích
[1] Benazir Bhutto: Thủ tướng Pakistan trong các giai đoạn 1988-1990) và (1993-1996).
[2] Khyber Pukhtoon Khwa: một trong 4 tỉnh của Pakistan, ở miền tây-bắc nước này.
[3] Pashtun: dân tộc chính yếu của Afghanistan, cũng được gọi là dân tộc Afghan. Cả Taliban lẫn người theo chính phủ Afghanistan hiện nay đa phần là người Pashtun, và người Pashtun cũng là một dân tộc quan trọng ở Pakistan.
[…] “Giáo dục phải đi đầu” – Malala Yousafzai – https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/04/09/phat-bieu-truoc-lien-hiep-quoc-malala-yousafzai/ […]